Luận án Con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc của Malaya từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1957

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI -------------------------------- LÝ TƯỜNG VÂN CON ĐƯỜNG ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA MALAYA TỪ CUỐI THẾ KỈ XIX ĐẾN NĂM 1957 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÀNH LỊCH SỬ VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI -------------------------------- LÝ TƯỜNG VÂN CON ĐƯỜNG ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA MALAYA TỪ CUỐI THẾ KỈ XIX ĐẾN NĂM 1957 Chuyên ngành: Lịch sử Thế giới cận đại và hiện đại Mã số: 62.

doc233 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 15/01/2022 | Lượt xem: 341 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Luận án Con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc của Malaya từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1957, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
22.50.05 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÀNH LỊCH SỬ Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TSKH. Trần Khánh 2. TS. Vũ Công Quý Lời cam đoan Tôi xin cam đoan: Luận án này là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả và số liệu được nêu trong luận án là trung thực. Những kết luận của Luận án chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả Luận án Lý Tường Vân Lời cảm ơn Tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS. TSKH. Trần Khánh, TS. Vũ Công Quý - hai người thầy trực tiếp hướng dẫn tôi thực hiện Luận án và GS. Vũ Dương Ninh - người thầy không chỉ ủng hộ ý tưởng khoa học của tôi ngay từ những ngày đầu tôi lựa chọn đề tài này mà còn chia sẻ với tôi các tư liệu nghiên cứu liên quan đến Luận án, cùng nhiều thầy cô giáo khác đã cho tôi những góp ý quí báu về chuyên môn. Chân thành cảm ơn các thầy cô giáo, bạn bè đồng nghiệp ở Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Khoa Sử học - Học viện Khoa học Xã hội đã quan tâm, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình tôi học tập và nghiên cứu. Tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Viện Nghiên cứu Châu Á (Asia Research Institute) - Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore) đã cho tôi cơ hội được đến học tập và nghiên cứu tại Singapore và Malaysia. Tại hai đất nước này, những cơ quan tôi đến làm việc như Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Institute of Southeast Asian Studies), Lưu trữ Quốc gia Singapore (National Archives of Singapore), Thư viện Quốc gia Singapore, Thư viện Đại học Quốc gia Singapore và Lưu trữ Quốc gia Malaysia (Arkib Negara - National Archives of Malaysia) đã luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi, giúp tôi hoàn thành bản Luận án này. Quĩ Sumitomo là nơi tôi được hợp tác trong các năm 2011-2012, không chỉ cho phép tôi được trao đổi về chuyên môn khi thực hiện Đề tài “The Japanese occupation of Malaya (1941-1945) and its impact on the development of Malay political consciousness” mà nguồn tài trợ của Quĩ đã cho tôi điều kiện tài chính để tôi có thể thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu thực địa của mình tại Malaysia và Singapore. Tôi gửi tới gia đình và bạn bè lời biết ơn sâu sắc nhất về mọi sự cảm thông, sẻ chia và khích lệ. Xin chân thành cảm ơn! MỤC LỤC Trang DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT i DANH MỤC BẢN ĐỒ VÀ BẢNG BIỂU ii MỞ ĐẦU ....... 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ .. Tình hình nghiên cứu ở trong nước .. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài .. Nhận xét 10 10 14 25 Chương 2: MALAYA DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH THỰC DÂN CỦA ANH (CUỐI THẾ KỈ XIX - ĐẦU THẾ KỈ XX) 27 2.1. Từ Vương quốc Hồi giáo Malacca đến thuộc địa Malaya của Anh ... 27 2.1.1. Hồi quốc Malacca và những thế kỉ đầu tiếp xúc với phương Tây (1400-1786)... 27 2.1.2. Malaya trở thành thuộc địa của Anh (1786-1914) ............... 31 2.1.2.1. Thành lập Khu định cư Eo biển (Straits Settlements) 32 2.1.2.2. Quá trình mở rộng can thiệp vào các tiểu quốc Malay và củng cố chế độ cai trị ở Malaya .. 33 2.2. Tác động của chính sách thực dân của Anh ở Malaya. 40 2.2.1. Biến đổi cơ cấu kinh tế với vai trò chủ thể của ngoại kiều .. 40 2.2.2. Hình thành xã hội đa tộc người và các nguyên nhân mâu thuẫn tộc người 43 2.2.3. Sự phát triển của đội ngũ trí thức người Malay . 47 2.2.4. Sự phát triển của báo chí bản địa .. 53 Tiểu kết chương 2 . 56 Chương 3: PHONG TRÀO DÂN TỘC CỦA NGƯỜI MALAY TRONG NHỮNG NĂM GIỮA HAI CUỘC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI 58 3.1. Những yếu tố tác động 59 3.2. Phong trào cải cách dưới sự dẫn đường của đội ngũ trí thức tôn giáo .. 64 3.3. Nhóm trí thức chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Anh và phong trào đấu tranh vì “Quyền đặc biệt” của người Malay ... ... 69 3.4. Phong trào dân tộc dưới sự lãnh đạo của nhóm trí thức cấp tiến .. 75 Tiểu kết chương 3 83 Chương 4: CON ĐƯỜNG ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA MALAYA (TỪ SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI II ĐẾN NĂM 1957) 85 4.1. Tác động của giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng Malaya (1942-1945) .. 85 4.1.1. Tầm quan trọng của Malaya trong chiến lược Đại Đông Á của Nhật Bản . 85 4.1.2. Chính sách Quân sự hóa và Nhật Bản hóa xã hội Malaya ....... 86 4.1.2.1. Chính sách Quân sự hóa xã hội Malaya .. 86 4.1.2.2. Nhật Bản hóa xã hội Malaya thông qua các chính sách văn hóa, giáo dục .. 88 4.1.3. Sự chuyển biến ý thức chính trị của người Malay . 90 4.2. Malaya ngay sau Chiến tranh thế giới II: Chính sách của Anh và tình trạng phân cực của nền chính trị Malaya ....... 96 4.2.1. Bối cảnh quốc tế thời hậu chiến ... 96 4.2.2. Từ “Liên hiệp Malaya” đến “Liên bang Malaya” và vai trò của Tổ chức Dân tộc Thống nhất Malay ........ 97 4.2.3. Đảng Cộng sản Malaya và “Tình trạng Khẩn cấp” .. 107 4.2.4. Đảng Dân tộc Malay và sự kết thúc lý tưởng “Indonesia Raya” ....... 110 4.3. Đảng Liên minh đấu tranh giành độc lập dân tộc 115 4.3.1. Quan điểm mới trong chính sách thuộc địa Malaya của chính quyền Anh từ cuối thập niên 1940 ................................. 115 4.3.2. Từ những thử nghiệm với ý tưởng “phi cộng đồng” đến sự hình thành Liên minh UMNO - MCA - MIC .. 119 4.3.2.1. Cuộc thử nghiệm trên quan điểm của người Anh với “Ủy ban Liên lạc các cộng đồng” ........... 121 4.3.2.2. Cuộc thử nghiệm trên quan điểm của người Malay với “Tổ chức Dân tộc thống nhất Malay” và “Đảng Malaya Độc lập” ............... 122 4.3.2.3. Hình thành Liên minh UMNO - MCA - MIC ................................. 123 4.3.3. Đảng Liên minh đàm phán độc lập ... 130 4.4. Một số nhận xét .. 137 4.4.1. Về phhía thực dân Anh . 137 4.4.2. Về phía người Malay/Malaya. 138 4.4.3. Về sự lựa chọn khác nhau các con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc 140 KẾT LUẬN ............................................................................................................... 146 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ .................................... 152 TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................... 153 PHỤ LỤC ................................................................................................................. 167 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT API - Angkatan Pemuda Insaf (Youth for Justice Corps) Đội quân thanh niên vì công lý BMA - British Military Administration Chính quyền quân sự Anh CLC - Communities Liaison Committee Ủy ban Liên lạc các cộng đồng EIC - British East India Company Công ty Đông Ấn Anh FMS (Federation of Malay States) Liên bang các bang Malay HĐLPLB Hội đồng Lập pháp Liên bang IMP - Independence of Malaya Party Đảng Malaya Độc lập KMM - Kesatuan Malayu Muda (The Union of Malay Youths) Liên hiệp Thanh niên Malay KMS - Kesatuan Melayu Singapura Hiệp hội người Malay Singapore KMT - Koumintang Malaya Quốc Dân Đảng (Malaya) MCA - Malayan Chinese Association) Hiệp hội người Hoa Malaya MCP - Malayan Communist Party Đảng Cộng sản Malaya MIC - Malayan Indian Congress Đại hội Ấn kiều Malaya MMA - Malayan Military Administration Chính quyền quân sự Malaya MNP - Malay National Party Đảng Dân tộc Malay MPAJA - Malayan People’s Anti-Japanese Army Quân đội nhân dân Malaya kháng Nhật NAM – National Archives of Malaya Lưu trữ Quốc gia Malaya NAS - National Archives of Singapore Lưu trữ Quốc gia Singapore PETA - Pembela Tanahair (Defenders of the Motherland) Đội quân bảo vệ đất mẹ PNI - Parti Nasional Indonesia Đảng Dân tộc Indonesia SITC - Sultan Idris Training College Trường Cao đẳng Sư phạm Sultan Idris SS - Straits Settlements Khu định cư Eo biển UMNO - United Malays National Organization Tổ chức Dân tộc Thống nhất Malay UMS - Un-Federated Malay States Các bang Malay ngoài Liên bang VOC - Vereenigde Oostindische Compagnie Công ty Đông Ấn Hà Lan DANH MỤC BẢN ĐỒ VÀ BẢNG BIỂU Trang Bản đồ Liên bang Malaysia ngày nay iii Bản đồ Malaya thời kì thuộc Anh iv Eo Malacca trên tuyến đường buôn bán Quốc tế 168 Quá trình bành trướng thuộc địa của Anh ở bán đảo Malaya (1786 - 1914) 169 Bảng 2.1: Số liệu Người Hoa ở Malaya 170 Bảng 2.2: Dân số Malaya thuộc Anh năm 1931 171 Bảng 2.3: Tương quan dân số giữa các cộng đồng tộc người ở UMS 172 Bảng 2.4: Tỉ lệ người Malay và người Hoa, người Ấn ở UMS (%) 172 Bảng 2.5: Số liệu phản ánh tình hình kinh tế ở các bang UMS 173 Bảng 2.6: Số lượng trường Malay ở Liên bang các bang Malay (1901 - 1931) 173 Bảng 2.7: Tổng số học sinh được tuyển vào các trường Anh ở FMS 174 Bản đồ Liên bang Malaysia ngày nay Bản đồ Malaya thời kì thuộc Anh MỞ ĐẦU Lý do chọn đề tài Quá trình lịch sử của Malaya/Malaysia dường như chịu ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý mạnh hơn bất cứ yếu tố nào khác, đặc biệt dưới thời kì cận đại của lịch sử thế giới. Với eo Malacca giữ vị trí địa chiến lược trên con đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, vương quốc Malacca nhanh chóng được hình thành và phát triển thành một trung tâm thương mại xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới với các nguồn thương phẩm đặc biệt hấp dẫn. Tuy nhiên, chính sự hấp dẫn đó lại là lý do khiến cho bán đảo Malaya được ví như một “cánh cửa quay” “revolving door” - từ dùng của Henri P. Frei trong “Malaya in World War II - The Revolving Door of Colonialism” của những cuộc “đến” rồi “đi” của nhiều thực dân trong suốt hơn 4 thế kỉ. Có thể so sánh điều này với một số quốc gia khu vực: Trong khi Inđônêsia chỉ là thuộc địa của Hà Lan, Đông Dương luôn là thuộc địa của Pháp, Mianma và Ấn Độ là các thuộc địa của Anh trong nhiều thế kỉ, Philippin trở thành thuộc địa của Mĩ cho đến khi độc lập hoàn toàn sau 300 năm dưới ách thống trị của Tây Ban Nha, thì trường hợp Malaya có thể được xem như là một ngoại lệ. Bồ Đào Nha là thực dân châu Âu đầu tiên bước vào “cánh cửa” này vào năm 1511, cai trị Malacca trong suốt 130 năm. Hà Lan thay thế Bồ Đào Nha ở Malacca từ năm 1641. Năm 1795, nhân cơ hội được tạm quyền sở hữu Malacca, Anh đã tiến lên loại bỏ hoàn toàn quyền lực Hà Lan ra khỏi bán đảo. Hiệp ước Anh - Hà Lan năm 1824 phân “thế giới Malay” ra thành Inđônêsia thuộc Hà Lan và bán đảo Malaya thuộc Anh. Hơn 130 năm tiếp theo, Malaya tồn tại dưới cái tên “Malaya thuộc Anh” - “British Malaya”. Nhận thức đầu tiên về Malaysia là nhận thức như thế về lịch sử đầy biến động của vùng bán đảo ở thời kì cận đại, nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu đất nước này từ năm 2002, tôi lại lựa chọn những vấn đề hiện đại: cho Luận văn Thạc sĩ là Chính sách Kinh tế mới và vấn đề hòa hợp dân tộc ở Malaysia (1971-1990), cho hai đề tài nghiên cứu khoa học (cấp Trường là Vấn đề Hồi giáo trong chính sách dân tộc của Malaysia (1957-2000) và cấp Đại học Quốc gia vẫn với vấn đề nghiên cứu trên nhưng thời gian nghiên cứu được kéo dài từ 1957 đến 2010). Mặc dù luôn nhận được sự đánh giá cao đối với các kết quả nghiên cứu nhưng bản thân tôi vẫn chưa thực sự thỏa mãn bởi cảm giác chưa đi đến tận cùng của vấn đề khi giải quyết mối liên hệ giữa xã hội Malaysia hiện đại với xã hội Malaya truyền thống, di sản từ quá khứ, nhất là quá khứ thuộc địa đã tác động ở mức độ nào đối với xã hội đương đại Malaysia. Chính Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad trong The Malay Dilemma (tạm dịch là Thế tiến thoái lương nan của người Malay) được xuất bản ngay sau cuộc xung đột giữa hai dân tộc Malay - Hoa lớn nhất trong lịch sử Malaysia tháng 5/1969, ông đã đổ lỗi cho các chính sách thực dân của Anh trong thời kì thuộc địa là căn nguyên của tình trạng xã hội hiện tại của Malaysia. Đó là lý do ban đầu nhất đưa tôi ngược trở lại tiến trình lịch sử của Malaysia, lựa chọn giai đoạn “thuộc Anh” của Malaysia làm vấn đề nghiên cứu cho Luận án Tiến sĩ của mình. Mặt khác, trong các nội dung của giai đoạn thuộc địa, tôi lại lựa chọn vấn đề con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc - một vấn đề bấy lâu nay không dễ lý giải ngay cả với chính người Malaya và do đó vấn đề này ở Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng với bản chất của nó mà thường bị gộp vào với các phong trào có nhiều điểm tương đồng. Hơn thế, “Ý chí luận” một thời khiến chúng ta máy móc khi cho rằng các dân tộc thuộc địa chỉ có thể giành độc lập thực sự khi nó thông qua con đường đấu tranh bạo lực do giai cấp vô sản lãnh đạo. Sẽ bị cho là không triệt để hoặc tiếp tục phụ thuộc vào chủ nghĩa tư bản nếu phong trào dân tộc diễn ra dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản và đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Nay, quan điểm của chúng ta đang ngày càng khách quan hơn. Trên cơ sở đó, phải thừa nhận rằng giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với bối cảnh Việt Nam từ đầu thế kỉ XX, nhưng đó không phải là con đường chung cho tất cả các dân tộc thuộc địa. Con đường đi đến độc lập của Malaya như đã được thừa nhận bấy lâu nay là con đường dân chủ tư sản, con đường đấu tranh ôn hòa. Nhưng đó mới chỉ là xét về hình thức, xét về mặt bản chất, xã hội Malaya có rất nhiều lý do chi phối quá trình lựa chọn và tiến hành con đường đấu tranh của mình nhưng lại chưa được làm sáng tỏ. Bởi vậy, vấn đề này nên được nghiên cứu, lý giải. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu Trong bối cảnh cả nhân loại tiến bộ đang lấy thập kỉ 2011-2020 là thập kỉ quốc tế thứ ba loại trừ chủ nghĩa thực dân Khóa họp này thông qua 12 Nghị quyết về Phi thực dân hóa, kêu gọi các nước thành viên Liên Hợp Quốc tăng cường các biện pháp tập thể, thúc đẩy các bên có liên quan nỗ lực hành động để kết thúc tiến trình phi thực dân hoá đối với các vùng lãnh thổ còn lại trên thế giới hiện vẫn là thuộc địa hay nằm dưới quyền ủy trị của các nước khác. Như vậy, dù đã qua hơn hai thập kỉ quốc tế nỗ lực thực hiện phi thực dân hóa nhưng tiến trình xem ra vẫn rất trì trệ nếu so sánh với khoảng thời gian gần 5 thập kỉ trước (từ năm 1961 đến năm 2009) với khoảng 750 triệu người trên 80 vùng lãnh thổ một thời là thuộc địa đã giành được độc lập, được hưởng các quyền tự do và tự quyết chính đáng. Theo www.vietnamplus.vn/Home/LHQ-thong-qua-12-nghi-quyet-ve-chu-nghia-thuc-dan/201010/64078.vnplus và www.vietnamplus.vn/Home/Can-ket-thuc-nhanh-qua-trinh-phi-thuc-dan-hoa/200910/20057.vnplus theo tuyên bố của Ủy ban Chính trị và Phi thực dân hóa tại phiên họp thứ 65 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2010, đứng từ góc độ lịch sử có thể nhận thấy tầm quan trọng của việc đặt lại những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa thực dân, quá trình thực dân hóa, phi thực dân hóa, hay vấn đề đấu tranh giành độc lập dân tộc - những vấn đề tưởng như là rất cũ nhưng đến nay vẫn có tính thời sự và ý nghĩa khoa học. Cũng khoảng năm 2007, 2008 Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trong chương trình biên soạn bộ Lịch sử Đông Nam Á đã triển khai Đề tài “Đông Nam Á trong thời kì thuộc địa và phong trào đấu tranh giành độc lập (từ cuối thế kỉ XVI đến năm 1945)”. Nhìn chung, các tác giả và các nhà thẩm định đề tài đều có chung một nhận định: thời kỳ thuộc địa của Đông Nam Á là thời kì hết sức quan trọng trong toàn bộ tiến trình lịch sử khu vực bởi nó không chỉ gắn với các mối quan hệ quốc tế trong quá khứ, hiện tại và tương lai mà nó còn gắn với nhiều vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn, thậm chí tác động và chi phối trực tiếp đến đặc điểm và khuynh hướng phát triển của từng quốc gia trong khu vực. Hơn nữa, trong thời kì thuộc địa của Đông Nam Á, Malaya lại được coi là một trường hợp khá đặc biệt bởi vì người ta vẫn thường cho rằng, trước Chiến tranh thế giới II “người Malay là tộc người ít quan tâm đến chính trị nhất trong số các tộc người ở Đông Nam Á”. [34, tr.1182] Ở Malaya hoàn toàn không có khái niệm “người Malaya” mà chỉ có “người Malay”, “người Hoa” và “người Ấn Độ”, ngay bản thân “người Malay” cũng không thể tồn tại với tư cách là một cộng đồng thống nhất, do đó cũng không tồn tại khái niệm “quốc gia Malaya” mà chỉ có các tiểu quốc của người Malay (sau này là các bang Malay), mà nếu có (vào cuối thập niên 1930) thì nó cũng chỉ được hiểu là “quốc gia của người Malay”. Tình hình đó đưa đến một cảm quan chung là “chẳng có gì thực sự đáng chú ý xảy ra ở Malaya cho đến tận năm 1945” hay phong trào dân tộc của người Malay trước Chiến tranh thế giới II “mới chỉ ở giai đoạn phôi thai”. [172, tr.xvi] Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một năm sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc, người ta lại thấy “Anh đang phải đối mặt với sức mạnh đoàn kết toàn diện chưa từng thấy của người Malay”. [87, tr.18-19] Lại tiếp tục được coi là đặc biệt nếu so sánh với một số thuộc địa khác ở Đông Nam Á. Trong công trình chuyên khảo A Modern History of Southeast Asia: Decolinization, Nationalism and Separatism, Clive Christie chỉ ra rằng, trong số các quốc gia Đông Nam Á lục địa, 3 nước chủ yếu Thái Lan, Mianma, Việt Nam ngay từ thời kì tiền thuộc địa mặc dù đều chịu ảnh hưởng văn hóa và tôn giáo từ bên ngoài nhưng cả ba đều có ý thức độc lập mãnh liệt. Mianma và Việt Nam cùng được thừa hưởng một quốc gia hùng mạnh và một bản sắc dân tộc, tôn giáo rõ ràng - những yếu tố cần thiết để tạo nên nền tảng cho các phong trào dân tộc hiện đại hình thành ở Mianma và Việt Nam vào đầu thế kỉ XX. [87, tr.7] Tuy nhiên, cả hai nước này - một là thuộc địa của Anh, một là thuộc địa của Pháp - đều phải tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, thậm chí với Việt Nam là rất lâu dài và gian khổ mới có thể tiến đến nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Ở vùng Đông Nam Á hải đảo, ý thức độc lập dân tộc của Inđônêsia đã xuất hiện ngay từ thập niên đầu tiên của thế kỉ XX và luôn là mục tiêu cao nhất của tất cả các phong trào dù dưới ảnh hưởng của trào lưu vô sản hay dân chủ tư sản. Mặc dù vậy, Inđônêsia vẫn phải trải qua một chặng đường dài gần nửa thế kỉ mới đạt được nền độc lập. Với trường hợp Malaya, tính đến thời điểm ngay sau Chiến tranh thế giới II kết thúc, độc lập dân tộc chưa bao giờ là mối quan tâm sâu sắc của người bản địa Malay dù dưới sự thống trị của bất kì thực dân nào - Bồ Đào Nha, Hà Lan hay Anh (ngoại trừ tư tưởng cấp tiến của nhóm trí thức bình dân Malay từ cuối những năm 1930). Vậy mà, “Quá trình tiến đến độc lập của Liên bang Malaya chưa kể đến những tiến bộ kinh tế sau đó, là nhanh nhất so với bất cứ lãnh thổ phụ thuộc nào ở thời kì hậu chiến” [34, tr.1247]. Thực tế đó khiến người ta phải kinh ngạc “Tại sao người Malay có thể giành được độc lập nhanh đến như vậy” vào năm 1957? [163, tr.133-134] Cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra với cá nhân tôi: Có phải Malaya đã có được nền độc lập từ con số 0: không khát vọng độc lập, không đoàn kết lực lượng dân tộc, nghĩa là nền độc lập của Malaya năm 1957 đơn giản chỉ là sự “trao trả” của thực dân Anh như bấy lâu nay nó vẫn được thừa nhận? Hoặc đã có một “phép màu” chuyển biến chỉ diễn ra trong vòng 12 năm? Hay Malaya phải trải qua một chặng đường chuyển biến dài hơn thế nhưng lại không dễ quan sát hoặc chưa quan sát được?... Việc nghiên cứu, phân tích để làm sáng tỏ những vấn đề vừa nêu bằng hiện thực của lịch sử xã hội Malaya sẽ làm nên ý nghĩa khoa học của đề tài Luận án. Cũng quan trọng không kém khi chúng tôi quyết định chọn đề tài “Con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc của Malaya từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1957” vì thực tế ở Việt Nam cho đến nay còn rất thiếu vắng những công trình nghiên cứu về Malaysia nói chung, càng thiếu vắng những nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề liên quan đến lịch sử chính trị của Malaysia. Chúng tôi hy vọng đề tài này sẽ bù đắp phần nào khoảng trống nghiên cứu đó. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu về con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc của Malaya, chúng tôi mong muốn đưa đến nhận thức toàn diện hơn về một nội dung trọng tâm của thời kì có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử của mỗi quốc gia-dân tộc cũng như của cả khu vực. Bằng cách tiếp cận lịch sử và xã hội học lịch sử, chúng tôi muốn làm sáng tỏ quá trình định hình một con đường trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Malaya. Đề tài luận giải con đường mà Malaya đã lựa chọn là con đường không hoàn toàn dựa trên một học thuyết chính trị quốc tế cụ thể nào mà được căn cứ trên các đặc tính quốc gia, dân tộc, tôn giáo của đất nước Malaya. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu trường hợp Malaya, đề tài muốn góp thêm vào sự đa dạng các con đường đi đến độc lập dân tộc của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc ở khu vực và trên thế giới. 3.2. Đối tượng nghiên cứu Trong trường hợp Malaya, để lý giải con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc rất cần phải xem xét những yếu tố chi phối tình cảm dân tộc, sự hình thành, phát triển của ý thức quốc gia-dân tộc không chỉ của các cộng đồng nhập cư mà của cả người bản địa Malay, do đó cũng chi phối sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc Malay/Malaya và đương nhiên chi phối sự lựa chọn hay cách thức tiến hành con đường đấu tranh giành độc lập ở đất nước này. Các yếu tố đó gồm đặc tính đa cộng đồng (cộng đồng bản địa và các cộng đồng nhập cư), sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa cộng đồng, yếu tố đa đảng phái chính trị và đặc tính tâm lý dân tộc-tôn giáo của người Malay Hồi giáo. - Về sử dụng thuật ngữ: Luận án sử dụng “Malaya” hay “Malaysia” trong phần Mở đầu và Tổng quan theo đúng tên gọi của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử để tiện cho việc theo dõi. Trong phần nội dung, Luận án sử dụng “Malaya” là tên gọi của đất nước trong suốt thời kì thuộc Anh. Thuật ngữ “người Malay” chỉ cộng đồng người Malay bản địa để phân biệt với hai cộng đồng nhập cư là “người Hoa” và “người Ấn Độ”. Luận án sử dụng thuật ngữ “người Malaya” với nghĩa bao gồm toàn bộ người dân sinh sống ở đất nước Malaya. 3.3. Phạm vi nghiên cứu Về không gian: “Malaya thuộc Anh” có giới hạn địa lý là toàn bộ phần phía Tây của lãnh thổ Malaysia ngày nay. Về thời gian: Khung thời gian nghiên cứu của đề tài Luận án là từ cuối thế kỉ XIX - khi thực dân Anh hoàn thành về cơ bản quá trình bành trướng thuộc địa ở bán đảo Malaya đến năm 1957 là năm Malaya tuyên bố độc lập. Về phạm vi vấn đề nghiên cứu: Đề tài phân tích quá trình định hình một con đường đấu tranh giành độc lập của Malaya thông qua sự vận động, phát triển của các yếu tố đặc thù trong xã hội Malaya như đã nêu ở trên, qua đó chỉ ra khả năng tối ưu của con đường được lựa chọn trong việc đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của đất nước Malaya và của hoàn cảnh lịch sử. Trong quá trình đó, một số vấn đề và nội dung có liên quan được đặt trong mối liên hệ với Inđônêsia - quốc gia trong cùng “thế giới Malay”, “thế giới Hồi giáo” và có nhiều tác động trực tiếp với Malaya. Vấn đề so sánh giữa các con đường đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa đòi hỏi phải hết sức thận trọng vì như học giả D.G. Hall trong phần nghiên cứu về phong trào dân tộc ở Đông Nam Á đã cho rằng “khó có thể so sánh giữa các phong trào khác nhau và khái quát hóa sẽ rất nguy hiểm” [34, tr.1043]. Chúng tôi cũng cho rằng không đơn giản chỉ là trả lời các câu hỏi chủ nghĩa thực dân là ai, chính sách cai trị như thế nào, trên cơ sở đó các dân tộc thuộc địa đã lựa chọn con đường đấu tranh ra sao, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các lực lượng dân tộc, sự chi phối của các yếu tố tộc người, truyền thống lịch sử-văn hóa, tôn giáo cũng là những lý do quan trọng góp phần vào sự định hình con đường đấu tranh và cách thức tiến hành con đường đấu tranh giành độc lập. Bởi vậy trong khuôn khổ của Luận án này, chúng tôi bước đầu phân tích những yếu tố trên đối với sự lựa chọn khác nhau các con đường đấu tranh giành độc lập của một số trường hợp rất điển hình chứ chưa phải là tất cả. Những nghiên cứu toàn diện hơn đối với vấn đề này chắc chắn sẽ là hướng nghiên cứu trong tương lai của tác giả Luận án. Phương pháp nghiên cứu Trước hết, phương pháp nghiên cứu tư liệu là phương pháp không thể thiếu trong nghiên cứu lịch sử. Phương pháp này được triển khai để thu thập và xử lý nguồn tài liệu lưu trữ, phân tích các tài liệu tham khảo liên quan đến đề tài Luận án. Thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa tài liệu, các bước phân tích tài liệu được tiến hành để nhận diện quan điểm của người nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, nội dung vấn đề nghiên cứu (đã nghiên cứu đến đâu, đâu là “khoảng trống” cần được nghiên cứu thêm). Thứ hai, vì đây là một đề tài lịch sử nên phương pháp lịch sử được tôn trọng và được sử dụng để phân tích mối liên hệ giữa các sự kiện lịch sử (cả đồng đại và lịch đại). Nghiên cứu và luận giải các vấn đề thông qua các sự kiện cụ thể trong quá trình lịch sử cũng đòi hỏi phải tuân theo trật tự logic chặt chẽ và mang tính liên kết. Để hỗ trợ cho việc phân tích các nội dung nghiên cứu, chúng tôi có sử dụng một số phương pháp bổ trợ như phương pháp thống kê, so sánh. Ngoài ra, phương pháp nghiên cứu liên ngành dân tộc học và xã hội học văn hóa cũng được sử dụng trong một số phân tích về chính sách cách ly tộc người, tình trạng tộc người, mâu thuẫn tộc người hay chủ nghĩa cộng đồng ở Malaya. Thứ ba, để nghiên cứu con đường đấu tranh giành độc lập của Malaya, chúng tôi không thể không dựa trên cách tiếp cận hệ thống bởi phải đặt Malaya trong bối cảnh chung khu vực và quốc tế, phải đặt Malaya trong “thế giới Malay”, “thế giới Hồi giáo”, lại vừa phải xem xét đối tượng này trong “chính nó” chúng tôi mới có điều kiện để nhận diện và phân tích mọi khía cạnh của vấn đề nghiên cứu và trả lời các câu hỏi nghiên cứu đã nêu. Như thế, phương pháp cấu trúc cũng được vận dụng trong nghiên cứu đề tài Luận án. 5. Nguồn tài liệu Nguồn tài liệu gốc chúng tôi tiếp cận và khai thác từ các cơ quan Lưu trữ quốc gia của Malaysia và Singapo. Đó là những tài liệu chính thức được công bố bởi Bộ Thuộc địa, Bộ Quốc phòng, Chính quyền Hoàng gia Anh, bên cạnh đó là những tài liệu được công bố bởi chính quyền Liên hiệp Malaya (1946-1948), và chính quyền Liên bang Malaya (1948-1957). Nguồn tài liệu này gồm các báo cáo (Official Report), các kế hoạch/dự thảo kế hoạch (Proposal), dự luật (Bill), bài phát biểu (Speech) hoặc điện tín (Telegram), tài liệu về các cá nhân và các tổ chức chính trị (Papers). Chúng tôi cũng sử dụng những tư liệu lưu trữ được xuất bản dưới dạng Documentary Collection. Qua đó, tác giả có điều kiện được tham khảo khối tài liệu lưu trữ của Lưu trữ Quốc gia Anh trong Bitish documents on the end of Empire: Malaya [173] do A.J. Stockwell tập hợp và biên soạn. Ngoài nguồn tài liệu lưu trữ, các tài liệu khác được sử dụng trong Luận án gồm các sách chuyên khảo, chuyên luận, luận án tiến sĩ, các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành ở hai khối ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sử dụng một số tờ báo bằng tiếng Anh ở Malaya như Malay Mail, Straits Times và Syonan Sinbun. 6. Đóng góp của đề tài Luận án Luận án phân tích sự chuyển biến ý thức chính trị của người Malay qua các lần tác động (lần thứ nhất của chính sách thực dân của Anh và lần thứ hai của giai đoạn chiếm đóng của phát xít Nhật), đồng thời làm rõ sự phát triển của nội dung dân tộc chủ nghĩa trong các phong trào dân tộc của người Malay ở giai đoạn trước và sau Chiến tranh thế giới II. Phân tích quá trình phát triển ý thức quốc gia-dân tộc Malaya trong bối cảnh chịu sự chi phối sâu sắc của chủ nghĩa cộng đồng, qua đó làm rõ vai trò chính trị của các Đảng cộng đồng của người Malay và người Hoa trong trạng thái phân cực của nền chính trị Malaya. Sự phát triển ý thức quốc gia-dân tộc Malaya chính là nền tảng của sự hợp tác giữa các Đảng cộng đồng và giữa quần chúng của các cộng đồng. Đó cũng đồng thời quá trình định hình dần một con đường trong cuộc đấu tranh giành độc lập của người Malaya. Phân tích con đường hướng đến nền độc lập của Malaya sau Chiến tranh thế giới II luôn được đặt trong các mối quan hệ: ở cấp độ quốc tế là cục diện 2 cực và chiến tranh lạnh; ở cấp độ quốc gia là sự suy giảm vị thế quốc tế của Anh và những điều chỉnh chính sách để thích nghi với những chuyển biến mới ở thuộc địa Malaya; ở cấp độ địa phương (bản thân thuộc địa) là sự trưởng thành vượt bậc về chính trị của người Malaya được đánh dấu bằng sự ra đời của Đảng Liên minh với UMNO làm nòng cốt và sự đóng góp rất có ý nghĩa của hai Đảng thành viên (của cộng đồng người Hoa là Hiệp hội người Hoa Malaya - MCA và của cộng đồng người Ấn Độ là Đại hội Ấn kiều Malaya - MIC). Khẳng định con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc mà Malaya là con đường không hoàn toàn dựa trên một học thuyết chính trị quốc tế cụ thể nào mà căn cứ trên các đặc tính quốc gia, dân tộc, tôn giáo của đất nước Malaya. Nền độc lập của Malaya do đó không phải là “món quà” do thực dân Anh trao tặng như nó vẫn thường được hiểu mà là thành quả đầy ý nghĩa của sự đoàn kết, thống nhất giữa các đảng phái chính trị và giữa các cộng đồng dân tộc ở Malaya. 7. Bố cục của Luận án Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Luận án gồm 4 chương chính: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu vấn đề. Qua việc hệ thống hóa tư liệu nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước liên quan đến đề tài Luận án, chúng tôi tiến hành phân tích, đánh giá tư liệu trên các phương diện về cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, những giá trị tham khảo đối với đề tài Luận án, khoảng trống trong các nghiên cứu trên cơ sở đó xây dựng những luận cứ chặt chẽ cho việc đi sâu phân tích những vấn đề nghiên cứu mà Luận án đặt ra. Chương 2. Malaya dưới tác động của chính sách thực dân của Anh (cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX). Bắt đầu với phần 2.1. “Từ Vương quốc Hồi giáo Malacca đến thuộc địa Malaya của Anh”, chúng tôi làm rõ: sự khởi đầu vững chắc của Malaya từ thời vương quốc Malacca và những thế kỉ đầu tiếp xúc với thực dân phương Tây, quá trình can thiệp, mở rộng can thiệp, tiến đến xác lập chế độ cai trị của Anh ở Malaya. Phần 2.2. “Tác động của chính sách thực dân của Anh ở Malaya” phân tích bốn tác động mà chúng tôi cho là có mối liên quan trực tiếp nhất đến sự hình thành và phát triển của phong trào dân tộc của người Malay cũng như liên quan tới quá trình lựa chọn con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc của Malaya. Bốn tác động đó gồm: biến đổi cơ cấu kinh tế với vai trò chủ thể của ngoại kiều, hình thành xã hội đa tộc người và các nguyên nhân mâu thuẫn tộc người, sự phát triển của đội ngũ trí thức người Malay và báo chí bản địa. Chương 3. Phong trào dân tộc của người Malay trong những năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới: phân tích các nhân tố khách quan và chủ quan tác động tới phong trào dân tộc của ... độ tác động của Nhật Bản đối với các quốc gia này như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào tiền đề kinh tế, xã hội, đặc biệt là mức độ phát triển chính trị dưới các tác động trước đó của chính sách cai trị thuộc địa của mỗi thực dân. Bằng cách tiếp cận này chúng tôi có điều kiện để phân tích những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, thậm chí có những tác động hoàn toàn nằm ngoài chủ ý của Nhật Bản, tương tự như thế là cách thức tiếp nhận tác động và sự chuyển biến ý thức chính trị từ phía người bản địa Malay. Nhiều chuyên luận đã giúp chúng tôi làm sáng tỏ vấn đề của Malaya theo hướng tiếp cận trên. Trước hết phải kể đến hai Luận án Tiến sĩ, của Byungkuh Soh “From Parochial to National Outlook: Malay society in transition, 1920-1948” [71] và của Halinah Bamadhaj “The Impact of Japanese Occupation of Malaya on Malay Society and Politics (1941-1945)” [104]. Nếu Byungkuh Soh nhìn sự chuyển biến xã hội Malay từ năm 1920 dưới tác động của Anh đến năm 1948 sau những tác động của Nhật Bản thì Halinah Bamadhaj lại phân tích sự chuyển biến xã hội và nền chính trị Malaya ngay trong những năm chiến tranh. Giáo sư ngành Malaya học ở Đại học Sains Malay - Cheah Boon Kheng - người có rất nhiều công trình, bài viết về Malay liên quan đến giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng. Các tài liệu từ [75] đến [82] đã nêu bật hai vấn đề: thứ nhất là sự xung đột tộc người Malay-Hoa do các chính sách của Nhật Bản đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ vốn đã phức tạp từ thời thuộc Anh, ông cũng phân tích quan hệ trong thời kì hậu chiến giữa các lực lượng: Đảng Cộng sản Malaya với thành viên chủ yếu là người Hoa với các Đảng cộng đồng của người Malay và Chính quyền quân sự Anh; thứ hai là vấn đề các tổ chức cánh tả ở Malaya giai đoạn hậu chiến, trong đó ông rất quan tâm đến bộ phận trí thức được đào tạo bởi nền giáo dục bản địa, tư tưởng và hoạt động của họ được phản ánh qua cuộc đấu tranh vì nền độc lập của Malaya trong Đại Inđônêsia. Các chính sách quân sự hóa hay chính sách văn hóa của Nhật Bản ở Malaya được Lebra Joyce phản ánh trong Japanese - trained Army in Southeast Asia [121], hay Japanese Cultural policies in Southeast Asia during World War II của Grant K. Goodman [101]. Dưới góc nhìn của một người Nhật, loạt 4 bài viết của Yoji Akashi (từ tài liệu số [189] đến [192]) cung cấp nhiều thông tin về các chính sách văn hóa, giáo dục và chính sách tôn giáo được chính quyền quân sự Nhật Bản triển khai ở Malaya trong thời gian chiếm đóng. Rất có giá trị đối với nghiên cứu của chúng tôi là những tư liệu gốc được các tác giả sử dụng trong các nghiên cứu trên mà chúng tôi chưa có điều kiện được tiếp cận. Công trình Sources of Japanese Tradition [162] của Ryusaku Tsunoda tập hợp một số tư liệu liên quan đến chính sách của Nhật ở Đông Nam Á nói chung và ở Malaya nói riêng đã được chúng tôi khai thác. Toàn bộ chính sách của Anh đối với thuộc địa Malaya từ sau năm 1945 có mối liên quan chặt chẽ đến những tác động của tình hình khu vực và quốc tế bị chi phối bởi cục diện hai cực của chiến tranh lạnh, sự vươn lên mạnh mẽ của các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của các thuộc địa trong khu vực. Ở bên trong thuộc địa Malaya là sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức chính trị của các cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người Malay bản địa, đã đưa đến cục diện phân cực nền chính trị Malaya với biểu hiện là sự cạnh tranh quyết liệt vai trò chính trị của các Đảng cộng đồng: của người Hoa là Đảng Cộng sản Malaya cùng lực lượng Quân đội nhân dân Malaya kháng Nhật, của người Malay là Đảng Dân tộc Malay với đội quân chính trị là Đội quân Thanh niên vì công lý và Tổ chức Dân tộc Thống nhất Malay (UMNO), cũng không thể không kể đến sự xuất hiện của các tổ chức/đảng phi cộng đồng như Ủy ban Liên lạc các cộng đồng (CLC) hay Đảng Malaya độc lập. Những nghiên cứu về chính sách đối ngoại nói chung và chính sách đối với thuộc địa Malaya nói riêng giai đoạn sau Chiến tranh thế giới II tiêu biểu có The Foreign policy of the British Labour Government, 1945-1951 của Fitzsimon M.A. [97], Colonial issues in British politics, 1945-1961 của David Goldsworthy [90], Defence and Decolonization in Southeast Asia của Karl Hack [112] hay Luận án Tiến sĩ ngành Chính trị học của Archana Pathak British Foreign Policy towards Malaysia, 1957-1967 [66] A.J. Stockwell được đánh giá là nhà nghiên cứu hàng đầu về tiến trình phi thực dân hóa của Anh ở Đông Nam Á, ông cũng là chuyên gia về lịch sử Malaya/Malaysia. Phải kể đến công trình Malaya, Bitish documents on the end of Empire [173] gồm 3 tập, là công trình tập hợp các tư liệu liên quan đến các sự kiện kể từ khi Singapo thất thủ năm 1942 đến khi Malaya giành được độc lập năm 1957. Công trình rất có ý nghĩa bởi sự cung cấp những tài liệu lưu trữ đã được phép xuất bản của Anh; British policy and Malay politics during the Malayan Union experiment, 1942-1948 [172] được xuất bản từ Luận án Tiến sĩ của ông năm 1973 “The Development of Malay: Politics during the course of the Malay Union experiment, 1942-1948” là một đóng góp quan trọng trong nghiên cứu giai đoạn quyết định của nền chính trị Malaya. Cũng liên quan đến giai đoạn 1942-1948 của Malaya còn có công trình The Malayan Union của Allen Jame de V. [58] và công trình tương đối dày dặn hơn được xuất bản sau gần 2 thập kỉ của Albert Lau, The Malayan Union controversy, 1942-1948 [55]. Các công trình này đề cập đến Liên hiệp Malay như là một cải cách về hành chính và hiến pháp đối với Malaya ngay sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng chỉ 2 năm sau, người Anh đã buộc phải thay thế Liên hiệp Malaya bằng Liên bang Malaya trước những phản ứng quyết liệt của người Malay. Với các tác giả, sự xuất hiện của UMNO được xem là một biểu hiện phát triển chính trị của người Malay bản địa trong giai đoạn hậu chiến. Đặc biệt với A.J. Stockwell thì sự phát triển chính trị của giới trí thức quý tộc chịu ảnh hưởng nền giáo dục Anh trong những năm 1946-1948 với mục tiêu “Tự trị” đã hơn hẳn so với giai đoạn trước chiến tranh khi họ chỉ quan tâm đến đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người Malay mà thôi. Bị thất bại trong kế hoạch Liên hiệp, chính quyền Anh vẫn không từ bỏ các chiến lược của mình đối với Malaya vì tầm quan trọng về kinh tế và chính trị của Malaya, vì ảnh hưởng của Anh ở châu Á và vì sự phục hồi của nước Anh ở chính quốc. Anh phải thích ứng bằng sự điều chỉnh chính sách trong giai đoạn 1948-1951 để tiến đến “chiều hướng mới” trong những năm 1952-1957. Nhưng kể từ khi bị thất bại trong kế hoạch Liên hiệp, các chính sách/chiến lược của Anh đối với Malaya ngày càng bị phụ thuộc vào những chuyển biến chính trị mạnh mẽ ở Malaya. Tình trạng phân cực trong nền chính trị Malaya ngày càng phức tạp bởi sự nổi dậy của cộng sản với mục tiêu lật đổ sự thống trị của thực dân Anh và kiểm soát Malaya đã đưa đến Tình trạng Khẩn cấp: Anthony Short với “Nationalism and Emergency in Malaya” [63] và The communist insurrection in Malaya, 1948-1960 [64], Ching O.H. với Chinese politics in Malaysia, 1942-1955: The dynamics of British policy [86], Hanrahan Gene với The Communist struggle in Malaya [106] đã phản ánh cuộc đấu tranh chống thực dân Anh của người Hoa cộng sản và những phản ứng về chính sách cũng như những hoạt động kiên quyết chống trả của chính quyền Anh từ năm 1948. Sự nổi dậy của cộng sản đã nhân lên những khó khăn của chính quyền Anh song lại mở ra cơ hội để người Malay khẳng định mình. Đó là những vấn đề tiếp tục được phản ánh trong một số công trình và bài viết như: From Malayan Union to Singapore separation: Political unifiacation in the Malayan region, 1945-1965 [135], “The British and Malayan Nationalism, 1946-1957” [146], Federalism of Malaya 1945-1963: A study of federal problems in a plural society [169], The end of Empire and the making of Malaya [105] Qua những tư liệu này rất dễ nhận ra một điểm chung là quá trình đi đến độc lập dân tộc của Malaya hầu như chỉ được đề cập từ sau năm 1945, thậm chí chỉ từ sau khi Đảng Liên minh được thành lập. Trên một khía cạnh nào đó, nền độc lập của Malaya lại chỉ được xem là kết quả của tiến trình phi thực dân hóa trên thế giới. Bản thân Tunku Abdul Rahman - Chủ tịch Tổ chức Dân tộc Thống nhất Malay (UMNO), người trực tiếp dẫn dắt cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cho Malaya trong những năm 1950 qua hai công trình Political awakening [182] và The Alliance road to independence [181] cũng cơ bản phản ánh con đường đi đến độc lập của Malaya chỉ từ sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc. Political awakening đã phản ánh những nỗ lực thống nhất của người Malay kể từ sau khi chấm dứt sự chiếm đóng của Nhật Bản, đặc biệt với sự ra đời của UMNO và cuộc đấu tranh giành độc lập dưới sự lãnh đạo của tổ chức này. Đó là chủ đề xuyên suốt của 23 bài báo của ông từng được in trên tờ The Star (một tờ báo hàng ngày bằng tiếng Anh ở Malaya). Tương tự như thế là sự tập hợp 26 bài phát biểu của ông từ 1955 đến 1957 trong The Alliance road to independence được chia thành các vấn đề gồm: “Phát triển kinh tế”, “Cộng sản”, “Thống nhất dân tộc, Văn hóa và ngôn ngữ tiếng Malay”, “Đàm phán độc lập” và “Con đường phía trước”. Với ý nghĩa đó, chúng tôi cũng coi những bài báo, bài phát biểu của Tunku Abdul Rahman như những tư liệu gốc rất có giá trị. Tuy nhiên, như đã nêu trong mục đích nghiên cứu của đề tài là tìm hiểu quá trình định hình một con đường trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Malaya nên những tư liệu chỉ mang tính mô tả quá trình đấu tranh từ sau năm 1945 đến năm 1957 chưa thể đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của chúng tôi. Vì vậy, những tư liệu chúng tôi hệ thống hóa ở phần trên sẽ giúp chúng tôi có được cái nhìn toàn diện theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu vấn đề nghiên cứu đặt ra. Mặt khác, khi nghiên cứu về sự định hình con đường đấu tranh của Malaya, chúng tôi buộc phải có những hiểu biết về con người Malay, đặc tính xã hội Malay/Malaya với sự chi phối của tôn giáo Đạo Hồi, tính chất đa cộng đồng và chủ nghĩa cộng đồng Không hiểu biết tốt những vấn đề đó, chúng tôi khó có thể lý giải được những nguyên nhân bên trong của sự định hình con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc của Malaya. Ở khía cạnh này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến khối tư liệu gồm một số công trình tiêu biểu như The Malay sultanate of Malacca: a study of various aspects of Malacca in the 15th and 16th centuries in Malaysian history của Muhammad Yosoff Hashim, 1992 [138] cung cấp những hiểu biết về Đạo Hồi, hệ thống chính trị, luật pháp, và các vấn đề văn hóa-xã hội của vương quốc Hồi giáo Malacca. Những phân tích của Hashim hết sức mới mẻ và thú vị về vị trí của Malacca trong lịch sử Malaysia nói riêng và lịch sử Đông Nam Á nói chung. "Islam, society and political behavior: Some comparative implications of the Malay case" của Kessler A. [119] và “History of identity, an identity of a history: the idea and practise of ‘Malay identity’ in Malaysia reconsidered” của Shamsul, A.B., 2004 [166] trên một khía cạnh nào đó cùng chia sẻ những quan điểm về mối liên hệ giữa tôn giáo với văn hóa dân tộc, tôn giáo với chính trị, góp phần tạo nên những “đặc tính Malay”. Thực tế là, từ sau cuộc khủng hoảng sắc tộc Malay-Hoa (tháng 5/1969) ở Malaysia đã chứng kiến sự gia tăng đột biến của tư tưởng “Malay trung tâm” - “Malay-centric” của các nhà sử học Malaysia, tập trung nhấn mạnh đặc tính lịch sử và văn hóa Malay trước các nhóm cộng đồng dân tộc khác trong nước. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều công trình, bài viết nhìn nhận lại một cách khách quan về cái gọi là “đặc tính Malay” trong xã hội Malaya/Malaysia. Cũng trên tinh thần đó, năm 1996 Cheah Boon Kheng có bài “Writing indigenous history in Malaysia. A survey on approaches and problems, Crossroad: An interdisciplinary Journal of Southeast Asian Studies, Vol.10, No.2, 1996, tr.33-81. Trên một khía cạnh khác, trong bối cảnh khá đặc biệt của xã hội Malaya đa nguyên (đa dân tộc, đa văn hóa), sự gia tăng chủ nghĩa cộng đồng và sự chi phối của nó đối với nền chính trị Malaya thực sự là một trở ngại lớn trên con đường tiến tới độc lập của Malaya. Từ những nghiên cứu của Cheah Boon Kheng “Sino-Malay Conflicts in Malaya, 1945-1946: Communist vendetta and Islamic resistance”, The masked comrades: A study of the Communist United Front in Malaya 1945-1948 về “mối thù truyền kiếp” (vendetta) trong quan hệ tộc người Malay-Hoa đã dẫn đến tình trạng xung đột thậm chí là xung đột vũ trang giữa hai cộng đồng này. Đến Malaysia, the making of a nation (History of Nation-building Series) [80] và Communalism and the political process in Malaya [154], cả Cheah và K.J. Ratnam đều cùng chia sẻ một nhận định: đối với người Malay, người Hoa đồng nghĩa với cộng sản và ngược lại cộng sản cũng chính là người Hoa, đó là lý do lớn nhất cản trở sự hợp tác giữa các cộng đồng trong suốt quá trình lịch sử. Thậm chí qua những nghiên cứu chuyên sâu về mối quan hệ giữa người Anh với các nhà cai trị truyền thống người Malay như Rulers and Residents: Influence and power in the Malay states, 1870-1920 của Gullick J. M [103], British relations with the Malay rulers from decentralization to Malayan independent, 1930-1957 của Simon C. Smith [170] đã phân tích vai trò của các Quốc vương Malay đối với thần dân của họ là toàn bộ cộng đồng người Malay theo Hồi giáo trên mọi khía cạnh tôn giáo, xã hội và chính trị. Chính ý thức đó đã dẫn dắt người Anh liên minh với các nhà cai trị truyền thống kể từ khi “chế độ Công sứ” (Resident system) được thiết lập cho đến khi chuyển giao quyền lực cho người Malay. Đây lại là một gợi ý rất thú vị đối với ý tưởng nghiên cứu của chúng tôi. Nói chung những tư liệu vừa nêu giúp chúng tôi xây dựng thêm những luận cứ để chứng minh cho một trong những luận điểm được đưa ra: con đường đấu tranh giành độc lập mà Malaya đã thực hiện là con đường không hoàn toàn dựa trên một học thuyết chính trị quốc tế cụ thể nào mà căn cứ trên các đặc tính quốc gia, dân tộc, tôn giáo của đất nước Malaya. Cuối cùng, không thể không nhắc đến những công trình thông sử về đất nước Malaya/Malaysia như Malaysia của Norton Ginsburg và Chester F. Roberts [145], A History of modern Malaya của K.G. Tregonning [179], History of Malaya của Kennedy J. [113] hay Malaysia của Gullick J. M [102] và một công trình được đánh giá là hay nhất trong giới thiệu thông sử về đất nước Malaya kể từ khi công trình được xuất bản cho đến nay, A History of Malaysia của hai học giả Barbara Watson Andaya và Leonard Y. Andaya [67]. Những công trình viết chung về Đông Nam Á cũng rất có giá trị tham khảo đối với đề tài này bởi như trên đã nói, giá trị của chúng chính là ở chỗ cung cấp một bức tranh toàn cảnh theo “lát cắt dọc” của thời gian và “lát cắt ngang” của vấn đề nghiên cứu trên bình diện khu vực. Công trình A History of South East Asia của D. G. E. Hall (được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1955) là công trình đi tiên phong trong ý tưởng coi Đông Nam Á là một khu vực lịch sử. Một số công trình khác theo hướng đó cũng được chúng tôi quan tâm khảo cứu như In search of Southeast Asia - A modern history của Chandler P. David, David Joel Steinberg, Alexander Woodside [74], A modern History of Southeast Asia: Decolonization, Nationalism and Separatism của Clive J. Christie [87], hay Nationalism in Southeast Asia của Nicholas Tarling [142]. Nhận xét: Được ví như một “cánh cửa quay” của những cuộc “đến” và “đi” của nhiều thực dân Âu, Á như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Nhật Bản nên mặc nhiên là, Malaya đã sớm đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều quốc gia và vẫn luôn là đối tượng nghiên cứu đấy sức hấp dẫn của giới học giả thế giới từ khoảng những năm 1940. Muộn hơn một chút, trong những năm 1950, 1960, giới học giả khu vực bắt đầu quan tâm nghiên cứu Malaya/Malaysia. Đối với giới học giả là người bản địa Malaya/Malaysia thì những năm 1960, 1970 mới thực sự là thời điểm bùng nổ các nghiên cứu về mọi khía cạnh của đất nước. Trên cơ sở đa dạng lĩnh vực nghiên cứu, phạm vi chuyên môn, mục đích nghiên cứu, đa dạng về phương pháp tiếp cận cũng như cách thức luận giải vấn đề, thành quả nghiên cứu của các thế hệ học giả đi trước đã cung cấp những tri thức vô giá đối với chúng tôi trong quá trình khảo cứu tư liệu để triển khai đề tài nghiên cứu này. Khác với những tư liệu được viết bởi các nhà nghiên cứu đồng thời là nhà cai trị còn mang nặng quan điểm thực dân, quan điểm “châu Âu trung tâm” như đã chỉ ra ở trên, các công trình chuyên khảo, chuyên luận, luận văn, luận án, các bài nghiên cứu của các học giả, các chuyên gia nghiên cứu về Malaya/Malaysia ngày càng đánh giá khách quan và công bằng hơn trước các sự thực lịch sử. Nhưng, xét trên một ý nghĩa nào đó, khối tư liệu của các thế hệ các nhà cai trị đồng thời là nhà nghiên cứu Malaya có thể coi như những “tư liệu gốc” bởi với chức trách, nhiệm vụ của những người trực tiếp soạn thảo, hoặc triển khai các chính sách của chính quyền Anh, những ghi chép, bình luận của họ cũng có giá tham khảo nhất định đối với đề tài Luận án. Qua sự khảo cứu và hệ thống hóa tư liệu liên quan đến đề tài luận án có thể thấy tư liệu rất tản mạn trên nhiều khía cạnh: lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, đến các khía cạnh văn hóa, tôn giáo, tộc người. Những tài liệu đề cập đến quá trình đi đến độc lập của Malaya lại hầu như chỉ mang tính chất mô tả diễn biến từ sau Chiến tranh thế giới II, thậm chí sau khi xuất hiện Đảng Liên minh đến năm 1957. Trên cơ sở của vấn đề nghiên cứu được xác định, ‘bức tranh đa chiều’ nói trên cho phép chúng tôi quan sát vấn đề nghiên cứu theo cả chiều rộng lẫn chiều chiều sâu, đưa lại cho chúng tôi khả năng phân tích toàn diện vấn đề nghiên cứu, luận giải có tính hệ thống về quá trình định hình và lựa chọn một con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc của Malaya. Những công trình chúng tôi nêu ra trong chương Tổng quan này là những công trình tra cứu quan trọng nhất đối với đề tài Luận án và nhiều khi có tính chất đại diện về trường phái nghiên cứu, quan điểm nghiên cứu hay nội dung vấn đề nghiên cứu Vì vậy, danh mục đầy đủ các tài liệu tham khảo chắc chắn sẽ dài hơn. Chương 2 MALAYA DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH THỰC DÂN CỦA ANH CUỐI THẾ KỈ XIX - ĐẦU THẾ KỈ XX 2.1. TỪ VƯƠNG QUỐC HỒI GIÁO MALACCA ĐẾN THUỘC ĐỊA MALAYA CỦA ANH Hồi quốc Malacca và những thế kỉ đầu tiếp xúc với phương Tây (1400-1786) Thành phố Malacca được thành lập vào khoảng năm 1400, gắn với tên tuổi của một hoàng tử Hindu giáo người Sumatra là Paramesvara khi ông quyết định chọn Malacca làm nơi định cư. Chỉ sau mấy thập kỉ, Malacca đã nhanh chóng trở thành một hải cảng thương mại quan trọng, thậm chí được coi là một trong những cảng thị quốc tế sầm uất nhất của châu Á. Sự hưng thịnh đó trước hết là do vị trí địa-chiến lược của eo Malacca trên con đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Phụ lục tr.168: Bản đồ Eo Malacca trên tuyến đường buôn bán quốc tế Bên cạnh đó, các học giả cũng xem xét sự kết nối trực tiếp với huyền thoại Srivijaya - một thể chế biển từng một thời hưng thịnh không chỉ trên phương diện kinh tế, chính trị mà cả trên phương diện văn hóa đã tạo cho Malacca những nền tảng vững chắc để phát triển. [67, tr.34, 54-55] Mặt khác, do nhận thức được nhiều lợi ích của việc tiếp nhận tôn giáo Đạo Hồi đối với sự phát triển của vương quốc, Paramesvara đã quyết định cải sang Đạo Hồi. Gia nhập vào thế giới Hồi giáo khiến cho vương quốc cảng này có thêm cơ hội tham gia vào guồng máy buôn bán quốc tế. Nhờ đó Malacca đã đạt tới vị trí có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống thương mại ở khu vực và trên thế giới. Nếu Hồi giáo thúc đẩy mở rộng mạnh mẽ các hoạt động trao đổi buôn bán thì chính các hoạt động trao đổi buôn bán lại gia tăng sự lan nhanh của Đạo Hồi trên bán đảo. Đạo Hồi nhanh chóng thâm nhập vào các tầng lớp xã hội khác nhau và ngày càng có vai trò to lớn trong đời sống tinh thần và vật chất của người Malay. Từ các nhà lãnh đạo đến thường dân Malay đều dễ dàng tiếp nhận tôn giáo mới mà không thấy có bất cứ sự xáo trộn xã hội nào. Thậm chí, truyền thống văn hóa Malay được làm giàu thêm bởi những yếu tố văn hóa Hồi giáo. Nền chính trị vốn đang hỗn tạp, dưới ảnh hưởng của Hồi giáo đã đưa đến môi trường thống nhất. Quan trọng hơn cả là khái niệm vương quyền truyền thống của người Malay vẫn được duy trì thậm chí phát triển mạnh thêm trên cơ sở của niềm tin Hồi giáo. Từ trước khi Hồi giáo đến, các vương công Malay (Raja) đã hợp pháp hóa vương quyền của mình bằng niềm tin của người theo Hindu giáo vào sự cai trị thần thánh vì họ chính là hiện thân của Thần thánh. Các vương công vốn đã là những người rất chuyên quyền, độc đoán, là người không phải chịu trách nhiệm trước bất kì ai, giờ đây với sự hiện diện của Đạo Hồi, họ lại có thêm nhiều quyền năng siêu nhiên và được coi là người có sức mạnh đặc biệt. Các nhà cai trị lúc này đều mang tước hiệu Sultan của người Ả rập tức Hồi vương hay các Quốc vương Hồi giáo. Họ tự cho mình là “sứ giả của Thánh Allah”, là “cái bóng của Thượng đế trên trái đất” và tự đặt mình vào vị trí là người bảo vệ tôn giáo của người Malay. Quốc vương đã chiếm lĩnh vị trí trung tâm trong xã hội Malay. Ông chính là hình ảnh thu nhỏ của cộng đồng và của đất nước. Một người bình thường không thể có tính đồng nhất như vậy. Về phía thần dân, bên cạnh tinh thần phục tùng vốn có, họ còn phải có nghĩa vụ trung thành với Quốc vương như trung thành với Thánh Allah và nhà tiên tri Mohammad. Lời nói của Quốc vương là luật pháp. Mọi điều Quốc vương làm đều tuyệt đối đúng. Mọi hành động chống lại Quốc vương đều bị coi là hành động phản bội, hành động nghịch đạo nhất vì nó cũng có nghĩa là chống lại Đấng Tối cao. Thần dân Malay cũng có nghĩa vụ phải trung thành với cộng đồng và với (sultanate) tiểu quốc nơi họ sinh sống. Qua khảo cứu nguồn sử liệu gốc bằng tiếng Malay rất có giá trị là Sejarah Melayu (Truyện sử Malay), B.W. Andaya và L.Y. Adaya đã chỉ ra chủ đề chế ngự trong Truyện sử Malay là lòng trung thành tuyệt đối với các Quốc vương và nó được chấp nhận như là luật tục của người Malay. Sự phục từng mọi ý chí của Quốc vương là một nét văn hóa quan trọng nhất của người Malay từ trong lịch sử. Những yếu tố này trong hệ thống chính quyền truyền thống của người Malay được phản ánh như sau: Một mặt, “Nếu bất cứ nhà cai trị nào tự đặt mình hơn hẳn thần dân của ông ta thì đó là dấu hiệu cho thấy vương quốc của ông ta sẽ bị hủy hoại bởi Thượng đế toàn năng. Nhưng, Thượng đế Toàn năng cũng buộc các thần dân Malay không bao giờ được phép bất trung hay phản bội các nhà cai trị của họ ngay cả khi họ bị đối xử bất công và độc ác như thế nào.” [67, tr.44-45] Mặt khác, dù là người nắm quyền lực thế tục tối cao, Quốc vương Malay vẫn luôn ý thức về vai trò của thần dân: “Vua là cây, dân là rễ, sẽ không có cây nếu như không có rễ, vì thế sẽ không có nhà lãnh đạo nếu như không có thần dân”. [67, tr.48] Hay vai trò của tập thể lãnh đạo trong việc cai trị vương quốc cũng rất quan trọng bởi “Không một nhà cai trị nào có thể đạt được sự công bằng cho dù ông ta có thông minh và hiểu biết đến mức nào nếu không tham vấn những người dưới quyền của ông ta, vì các nhà cai trị được ví như lửa và đội ngũ cận thần của họ được ví như củi, lửa cần có củi để cháy”. [67, tr.46] Như vậy, Quốc vương - người nắm giữ cả vương quyền lẫn thần quyền trở thành người có vai trò thống trị tối cao, các quan cận thần hỗ trợ Quốc vương quản lý vương quốc, thần dân sống dưới sự bảo trợ của Quốc vương và nhà nước giữ lòng trung thành tuyệt đối với Quốc vương - tất cả tạo thành một tổng thể có mối liên hệ chặt chẽ, vận hành hệ thống chính trị ở vương quốc Malacca. [67, 44-50] [47, tr.33-48] Malacca ngày càng gia nhập sâu rộng vào thế giới Hồi giáo, đặc biệt là dưới triều đại của Quốc vương Muzaffar Shah (1445-1459) và Quốc vương Mansur Shar (1459-1477). Tính thống nhất của Đạo Hồi và các nguyên tắc “bình đẳng với mọi tín đồ trước Thượng đế” hay “tất cả các tín đồ Hồi giáo đều là anh em” đem lại cho người Malay tinh thần gắn kết cộng đồng trong vương quốc Malacca. Về điều này, Andaya nhận xét: tuy là tôn giáo có nguồn gốc từ bán đảo Ả rập, nhưng khi xâm nhập vào xã hội Malaya, Hồi giáo nhanh chóng trở thành tôn giáo dân tộc của cộng đồng người Malay. Tôn giáo mới này gắn bó chặt chẽ với xã hội của người Malay đến nỗi khi một người trở thành tín đồ Hồi giáo (Muslim) thì được gọi là “masuk Malay” cũng có nghĩa là họ “trở thành người Malay”, đồng nghĩa với việc người đó đã “gia nhập vào gia đình Malay” của vương quốc [67, tr.55]. Tất cả những truyền thống này ở Malacca đã được mở rộng ra toàn bán đảo cùng với sự bành trướng thế lực của vương quốc. Trong quá trình khẳng định ưu thế của một quốc gia mạnh về quân sự, chính trị, giàu có về kinh tế cùng với một nền văn hóa Malay vô cùng phong phú, Malacca đã đóng vai trò là trung tâm truyền bá Đạo Hồi ở Đông Nam Á. Cho dù trước đó đã có một vài cảng thị ở Bắc Sumatra như Perlak, Pasai hay Pedir từ cuối thế kỉ XIII đầu thế kỉ XIV đã cải theo Hồi giáo, nhưng chỉ đến sự cải giáo của Malacca mới thực sự đẩy mạnh việc Hồi giáo hóa toàn bán đảo và vùng quần đảo. Một mặt, triều đại Malacca coi Đạo Hồi là một công cụ chính trị giúp họ tạo dựng một cộng đồng Hồi giáo rộng lớn, thông qua đó thực hiện ý đồ bành trướng lãnh thổ và truyền bá nền văn hóa Malay của mình. Quốc vương Malacca tuyên bố giúp đỡ các tiểu quốc đấu tranh thoát khỏi sự kiểm soát của vương quốc Majapahit với điều kiện là các tiểu quốc đó phải cải theo Hồi giáo. Mặt khác, các tiểu quốc cũng coi sự lớn mạnh của Malacca như một chỗ dựa về kinh tế, chính trị và quân sự, do đó họ lần lượt chấp nhận tôn giáo của kẻ mạnh nhất, có uy tín nhất và có nền văn hóa năng động nhất. Bằng con đường giao thương, đạo Hồi từ Malacca đã đến Pahang rồi xuống vùng phía Nam của bán đảo và quần đảo Riau; Đạo Hồi cũng đến các tiểu quốc ở bờ Đông của bán đảo gồm Trenganu, Kelantan, Pattani; Các cảng thị miền duyên hải phía Bắc như Demak, Tuban, Madina, Surabaja sau khi đi vào quỹ đạo buôn bán với Malacca cũng dần dần trở thành các tiểu quốc Hồi giáo; Các cảng thị ở phía bắc Java cũng tiếp nhận Hồi giáo thông qua mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Malacca với khu vực này; Brunei đã bắt đầu chấp nhận đạo Hồi và trở thành quốc gia Hồi giáo đầu tiên xuất hiện ở Borneo. Malacca vươn lên đến đỉnh cao của sự thịnh vượng và uy tín dưới triều đại của Quốc vương Mahmud Shah (1488-1511). Như vậy, vào cuối thế kỉ XV đầu thế kỉ XVI, Malacca không những là một thế lực chính trị hàng đầu, một trung tâm thương mại quốc tế quan trọng bậc nhất ở Đông Nam Á mà còn là “một tiêu điểm hùng mạnh bành trướng Đạo Hồi” [35, tr.434]. Ở đỉnh cao sức mạnh của mình, vương quốc Malacca đã thống lĩnh toàn bộ vùng eo biển Malacca và cả bán đảo Malaya, ít nhất tới Kedah ở phía bắc (bên bờ Tây) và tới Ligor (bên bờ Đông), những lãnh thổ trước đây thuộc quyền thống trị của đế chế Srivijaya. [145, tr.26] Cũng chính trong quá trình truyền bá Đạo Hồi ở thế kỉ XV, nền văn hóa Malay đã lan tỏa đến các cư dân trên quần đảo Malaya - Inđônêsia trong đó một bằng chứng rõ nét nhất về ảnh hưởng của Malacca là việc sử dụng rộng rãi tiếng Malay như là một ngôn ngữ chung của các vương triều từ Acheh ở phía Tây tới Ternate ở phía Đông. Ở thời kì Malacca, tính hấp dẫn của nền văn hóa Malay còn được cộng hưởng do sự kết hợp với các lý tưởng và các giá trị văn hóa của Đạo Hồi. [67, tr.51-55] Có thể nói, trước khi có những ảnh hưởng đầu tiên của người châu Âu, với vị trí và vai trò của một trung tâm thương mại, tôn giáo và văn hóa lớn trong khu vực, Malacca đã tạo lập một sự khởi đầu hoàn hảo cho quá trình lịch sử của Malaya về sau. [138; tr.xv-xviii ] Trong thời kì quá độ từ chủ nghĩa phong kiến sang chủ nghĩa tư bản ở châu Âu, sự phát triển sức sản xuất, kinh tế hàng hóa, tiền tệ đã dẫn đến nhu cầu về hàng hóa xa xỉ của phương Đông. Những thành tựu của hàng hải và công cuộc phát kiến địa lý đã tạo điều kiện để “chủ nghĩa tư bản thương nghiệp” hay “chủ nghĩa tư bản trọng thương” thực hiện những “cuộc săn đuổi của cải vô cùng rộng lớn” đồng thời tiến hành công cuộc bành trướng thương mại, khám phá và chinh phục các vùng đất mới. [39, tr.42-43] Sang đầu thời kì cận đại, cùng với sự xác lập chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân cũng xuất hiện như một xu thế phát triển của các quốc gia châu Âu. Trong bối cảnh đó, Bồ Đào Nha với các tiềm lực vượt trội đã trở thành quốc gia thực dân xâm nhập vào châu Á và Đông Nam Á sớm nhất. Song song với động cơ kinh tế của việc tìm những con đường buôn bán mới, Bồ Đào Nha cũng mang theo cả những động cơ chính trị (liên quan đến việc mở rộng lãnh thổ thực dân ở hải ngoại), và động cơ tôn giáo (với sứ mệnh bành trướng đạo Cơ Đốc ra bên ngoài châu Âu). Malacca - cửa ngõ then chốt ra vào vùng biển Đông Nam Á - được Bồ Đào Nha coi là địa bàn chiến lược quan trọng nhất cả về quân sự, chính trị lẫn kinh tế. Năm 1511, quân đội của Bồ Đào Nha đã đánh chiếm Malacca. Tuy nhiên, dưới sự kiểm soát không triệt để của Bồ Đào Nha, sự thịnh vượng của Malacca suy yếu dần đã kích thích các thành phố cảng đua nhau nổi dậy giành vị trí thương mại của Malacca, mạnh mẽ nhất là hai tiểu quốc Acheh và Johore. Những cuộc giao tranh ác liệt giữa ba thế lực: Bồ Đào Nha, Acheh và Johore [132, tr.10-15] đã ảnh hưởng rất lớn đến các bước tiến thương mại của Bồ Đào Nha trong khu vực. Mặt khác, Đạo Hồi vẫn tiếp tục được truyền bá trong suốt thời gian này là một bằng chứng cho thấy các kế hoạch truyền giáo của người Bồ Đào Nha cũng bị thất bại nghiêm trọng. Theo Hall thì việc truyền bá đạo Hồi ở quần đảo Inđônêsia được thúc đẩy mạnh mẽ nhất kể từ khi người Bồ Đào Nha xuất hiện ở Ấn Độ Dương. [34, tr.332-333] Andaya cũng đưa ra dẫn chứng cho rằng những năm 1514-1521 là giai đoạn Hồi giáo hóa mạnh mẽ nhất của vương quốc Brunei. [67, tr.58] Từ giữa thế kỉ XVI trở đi, sau khi bị sáp nhập vào đế chế Tây Ban Nha, sức mạnh của Bồ Đào Nha bị suy giảm mạnh. Sang đầu thế kỷ XVII là sự trỗi dậy và cạnh tranh mạnh mẽ của Hà Lan. Công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oostindische Compagnie - VOC) được thành lập năm 1602 để sẵn sàng cho những hoạt động thương mại ở phương Đông. Mặc dù Batavia (Jakarta) mới được coi là trung tâm thương mại dựa trên việc kiểm soát hoàn toàn vùng biển, nhưng để thực hiện mục tiêu thống trị mậu dịch trong khu vực, Hà Lan không thể bỏ qua Malacca vì vị trí chiến lược của nó ở vùng eo biển. Chiế...derated Malay States and Unfederated Malay States. She ruled the Straits Settlement as her territory and Federated Malay States and Unfederated Malay States as her protectorates. The difference between the above is not so clear but it seems to be a difference of the level of protection so that in recent times Malaya has not been really independent. According to the above condition, it is difficult to grant independence to Malaya by repealing the present military government. Therefore, in conclusion, the only alternative methods which can be adopted are as follows: (a). To incorporate the four provinces Kelantan, Trengganu, Kedah and Perlis into Thailand and the rest into China. (b). Rule through the creation of a political organization with the cooperation of the Chinese, the main race in Malaya, and Malays. (For instance, like Sino-Malay Mixed Administration) (c). To make Malaya a state of Federated Indonesia. Nguồn: Microfilm No.16-30 in Nishijima Collection, Waseda University, Tokyo. Translated by Mr. Shun Ikeda of Japanese Department, A.N.U [Dẫn theo 81, tr.302-303] British Military Administration, Malaya Proclamation No. 1 A PROCLAMATION TO ESTABLISH A MILITARY ADMINISTRATION WHEREAS by reason of military necessity and for the prevention and suppression of disorder and the maintainance of public safety it is necessary to place the territories of the Settlements of Singapore, Penang and Malacca, all islands and places forming part thereof and all British waters adjacent thereto, and the Malay States of Perak, Selangor, Negri Sembilan, Pahang, Johore, Kedah, Kelantan, Trengganu and Perlis, all islands forming part of such States and territorial waters thereof (hereinafter called Malaya) under military administration, NOW, THEREFORE, I, Admiral Lord Louis Mountbatten, Knight Grand Cross of the Royal Victorian Order, Knight Commander of the Most Honourable Order of the Bath, Companion of the Distinguished Service Order, Personal Aide de Campto His Majesty the King, Honorary Lieutenant General and Air Marshal, Supreme Allied Commander South East Asia, HEREBY PROCLAIM AS FOLLOWS: ESTABLISHMENT OF A MILITARY ADMINISTRATION A Military Administration to be called the British Military Administration is hereby established throughout such areas of Malaya as are at any given time under the control of Forces under my command and shall continue only so long as I consider it to be require by military necessity. ASSUMPTION OF POWERS AND JURISDICTION I hereby assume for myelf and my successors full judical, egislative, executive and administrative powers and responsibilities and conclusive jurisdiction over all persons and property throughout such areas of Malaya as are at any given time under the control of Forces under my command. DELEGATION Subject always to any orders and directions which I may issue from time to time, I delegate to the General Officer Commanding Military Forces, Malaya, all the powers, responsibilities and jurisdiction assumed by me, and such General Officer Commanding is authorized to delegate such powers, responsibilities and jurisdiction as he may deem necessary to any Officer under his command and to empower such officer further to delegate any of such powers, responsibilities and jurisdiction. ORDERS TO BE OBEYED All persons will obey promptly all orders given by me or under authority and must refrain from all acts which impede the Forces under my command or are helpful to the enemy, from all acts of violence, and from all act calculated to disturb public order in any way. EXISTING LAWS TO BE RESPECTED (1) Subject to the provisions of any Proclamation of the British Military Administration and in so far as military exigencies permit all laws and customs existing immediately prior to the Japanese occupation will be respected: Provided that such of existing laws as the Chief Civil Affairs Officer considers it is practicable from time to time to administer during the period of military administration will be administerd. All rights and properties will be respectd: Provided that rights and properties acquired during the Japanese occupation may be subject to investigation and to such action as justice requires (2) With regard to paragraph (a) of sub-section (1), the inhabitants of the said territories are advised to consult the nearest Civil Affairs Officer if in doubt as to whether any existing law is being administerd. SUSPENSION OF COURTS All Courts and tribunals, other than military courts established under my authority, are hereby suspended and deprived of all authority and jurisdiction until authorised by me to re-open. REVOCATION OF JAPANESE MILITARY ADMINISTRATION PROCLAMATIONS It is hereby declared that all Proclamations and legislative enactments of whatever kind issued by or under the authority of the Japanese Military Administration shall cease to have any effect. SHORT TITLE This Proclamation may be cited as the Military Administration Proclamation. Signed at this day of , 194 . Supreme Allied Commander South East Asia. Nguồn: National Archives of Singapore, Box NA.893. Federation of Malaya Agreement, 1957 Agreement dated the 5th day of August, 1957, and made between Sir Charles MacGillivray, G.C.M.G, M.B.E., on behalf of Her Majesty on the one part, ad His Highness Tunku Ismail inbni Sultan Ibrahim, D.K., S.P.M.J., K.B.E., C.M.G, the Regent of Johore, on behalf of His Highness Sultan Ibrahim ibni Sultan Abu Bakar, D.K., S.P.M.J., K.B.E. (Mil), G.B.E., G.C.O.C (I) Sultan of the State and Territory of Johore, His Highness Abu Bakar Riayatuddin al Muadzam Shah ibni Almarhum Almutasism Billah Sultan Abdullah G.C.M.G., Sultan of the State of Pahang His Highness Tuanku Abdul Rahman Mohamed Almarhum Tuanku Muhammad, G.C.M.G, the Yang di-Pertuan Besar of the State of Negri Sembilan, Dato Kiana Petra Mohammed Kassim bin Dato Nika Haji Abdul Rashid, Undang of Sungei Ujong, Dato Mendika Mentri Akhirzaman Shah-maruddin bin Abulrahman, Undang of Jelebu, Dato Johan Pahlawan Lala Perkasa Setiawan Abdul Manap bin Tolok, Undang of Johol, Dato Lela Mahraja Haji Ipap bin Abdullah, Undang of Rembau, and Tengku Syed Idrus bin Tengku Seed Mohammad, Tengku Besar of Tampin, the Rulling Chiefs of the State of Negri Sembilan, His Highness Hisamuddin Alam Shah ibni Almarhum Sultan Alaiddin Sulaiman Shah, K.C.M.G., Sultan of the State of Selangor, His Highness Tunku Badlishah ibni Almarhum Sultan Abdul Hamid Halismshah, K.C.M.G., K.B.E., Sultan of the State of Kedah, His Highness Syed Putra ibini Almarhum Syed Hassan Jamalullil, K.C.M.G., the Raja of Perlis, His Highness Tengku Ibrahim ibni Almarhum Sultan Mohamed IV, D.K.,S.P.M.K.,S.J.M.K.D.K (Johore), K.C.M.G., Sultan Ismail Nasiruddin Shah ibni Al-Marhum Sultan Zainal Abidin, K.C.M.G., Sultan of the State of Trengganu and His Highness Paduka Sri Sultan Yussuf’Izzuddin Shah ibni Almarhum Sultan Abdul Jalil Radziallah Hu-‘An-Hu, K.C.M.G., O.B.E., Sultan of the State of Perak, of the other part, for Themselves and Their Successors: Whereas by the Federation of Malaya Agreement, 1948, provision was made for the establishment of a Federation of Malaya comprising the Malay States of Johore, Pahang, Negri Sembilan, Selangor, Kedah, Perlis, Kelantan, Trengganu and Perak, and the Settlements of Penang and Malacca: And whereas the Federation of Malaya Agreement, 1948, has the force of law in the territories of the said Federation: And whereas there now subsist between Her Majesty and each of Their Highness the Ruler of the said Malay States (in the case of Negri Sembilan between Her Majesty and His Highness the Yang di- Pertuan Besar and the Ruling Chiefs) divers Agreements relating to the government of the several States of Their Highness: And whereas it has been represented to Her Majesty and His Highness and the Ruling Chiefs of Negri Sembilan that fresh arrangements should be made for the peace, order and good government of the territories within the said Federation; and Her Majesty and His Highness and the said Ruling Chiefs have agreed that the said Federation should become an independent country within the Commonwealth with the Constitution hereinafter provided for: And whereas by the Federation of Malaya Independent Act, 1957, the approval of the Parliament of the United Kingdom was given to the conclusion of such Agreement as it herein contained: Now, therefore, it is agree and declared as follows: Citation 1. This Agreement may be cite as the Federation of Malaya Agreement, 1957. Construction 2. In this Agreement, unless the context otherwise requires- “the existing Federation” means the Federation of Malaya establishment by the Federation of Malaya Agreement, 1948; “Federal Ordinance” means an Ordinance of the Legislature of the existing Federation; “Their Highness the Rulers” means the persons who are for the time being the Sultan of the State and Territory of Johore, the Sultan of the State of Pahang, the Yang di- Pertuan Besar of the State of Negri Sembilan, the Sultan of the State of Kedah, the Raja of the State of Perlis, the Sultan of the State of Kelantan, the Sultan of the State of Tengganu, and the Sultan of the State of Perak; “the Malay States” means the States of Johore, Pahang, Negri Sembilan, Selangor, Kedah, Perlis, Kalantan, Trengganu and Perak, and all dependencies, islands and places which, immediately before the thirty- first day of August, nineteen hundred and fifty-seven , are administered as part thereof, and the territorial waters adjacent thereto; “the Settlement of Penang” and “the Settlement of Malacca” included all islands and places which, immediately before the thirty- first day of August, nineteen hundred and fifty-seven , are administered as part of those Settlements, and the Territorial waters adjacent thereto; “the Settlement” means the Settlement of Penang and the Settlement of Malacca. Establishment of new Federation Constitution 3. As from the thirty- first day of August, nineteen hundred and fifty-seven, the Malay States and the Settlements shall be formed into a new Federation of States by the name of Persekutuan Tanah Malayu, or in English, the Federation of Malaya, under the Federal Constitution Agreement; and the First Schedule to this Agreement; and thereupon the said Settlement shall cease to form part of Her Majesty’s domination and Her Majesty shall cease to exercise nay sovereignty over them, and all power and jurisdiction of Her Majesty or of the Parliament of the United Kingdom on or in respect of the Settlement or the Malay States of the Federation as a whole come to an end. Constitutions of Penang and Malacca 4. The Constitution set out on the Second and Third Schedules to this Agreement shall be the Constitutions of Penang and Malacca respectively as States of the new Federation. Revocation of previous Agreements 5. Subject to the provisions of the said Federal Constitution and to the Fourth Schedule to this Agreement, the Federation of Malaya Agreement, 1948, and all other agreements subsisting between Her Majesty and the other parties to this Agreement or any of them immediately before the said the thirty- first day of August shall be revoked as from that day, but nothing in this Clause shall affect any provision in any agreement by which provision any disposition of territory was made. Approval of this Agreement by Legislatures 6. The foregoing provisions of this Agreement are conditional upon the approval of the said Federal Constitution by Federal Ordinance and by an Enactment of each of the Malay States. Languages of the Agreement 7. This Agreement shall be expressed in both the English and the Malay languages; but for the purposes of interpretation, regard shall be had only to the English version. In witness whereof Sir Charles MacGillivray, G.C.M.G, M.B.E., her hereunto set his hand and seal on behalf of Her Majesty; and Their Highnesses the Rulers of the States of Pahang, Negri Sembilan, Selangor, Kedah, Perlis, Kelantan, Trengganu and Perak and the Sembilan and His Highness Tunku Ismail Ibni Sultan of Ibrahim, D.K., S.P.M.J., S.P.M.K., K.B.E., C.M.G., the Regent of Johore on behalf of His Highness the Sultan of the States and Territory of Johore, have hereunto set their hands and seals. DONE the 5th day of August, 1957, corresponding to the 9th day of Muharram, 1377. Signature and seal of D.C MACGILLIVRAY for and on behalf of Her Majesty Witness DAVID WATHERSTON Signature and seal of ISMAIL- Regent of Johore, for and on behalf of His Highness Witness WAN IDRIS ABDULLAH BIN MOHAMED Signature and seal of ABU BAKAR BIN ABDULLAH (in javi script) Sultan of Pahang Witness T. AHMAD SHAD ABDULLAH Signature and seal of ABDUL RAHMAN Yang di- Pertuan Besar of Negri Sembilan Witness SHAMSUDIN BIN NAIN T. MUNAWIR Signature and seal of M.KASSIM Undang of Sungei Ujong Witness SYED JUNIT BIN HAMZAH Signature and seal of SHAMARUDDIN Undang of Jelebu Witness D.M. OTHMAN Signature and seal of ABDUL MANAP Undang of Johol Witness ABULD GHANI BIN CHE MEK Signature and seal of D.H. IPAP Undang of Rembau Witness AB.AZIZ BIN HUSSIN Signature and seal of SYED IDRUS Tengku Besar of Tampin Witness PENGHULU MOHAMMED JANI (in jawi script) Signature and seal of ALAM SHAD (in jawi script) Sultan of Selangor Witness ALBUL JAMIL A. HAMID RAJA MOHAMED Signature and seal of BADLISHAH Sultan of Kedah Witness ABDUL HALIM SHAH (in jawi script) ISMAIL BIN YAHAYA (in jawi script) Signature and seal of S. PUTRA JUMALULLAIL Raja of Perlis Witness H.M. RAZALLI HAJI AHMAD W. AHMAD Signature and seal of IBRAHIM Sultan of Kelantan Witness H.ZAINAL (in jawi script) S.A. RAHMAN Signature and seal of ISMAIL Sultan of Trengganu Witness WAN ABDULLAH WOK Signature and seal of RAJA YUSSUF Sultan of Perak Witness R.I. ISKANDAR SHAH HAJI WAN HAMARUDIN DATO HAJI MOHAMED ESAH Nguồn: [1, Volume II, tr.251-256] Malayan Document of September 1957 Arrangements for the Employment of Overseas Commonwealth Forces in Emergency Operations in the Federation of Malaya after Independence At Malayan Constitutional Conference held in London in January and February 1956, Her Majesty Government in the United Kingdom undertook, if requested by the Government of the Federation of Malaya, to continue after independence to make their forces in Malaya available to take part in the campaign against the Communist terrorists. 2. The Government of the Federation of Malaya is determined that there shall be no relaxation in the conduct of the Emergency campaign, and it has now requested Her Majesty’s Government in the United Kingdom and also Her Majesty’s Government in Australia and New Zealand to continue to make their forces available for use in Emergency operations. On their side, Her Majesty’s Government in the United Kingdom have reaffirmed in Australia and New Zealand have expressed their willingness to afford the Government of the Federation of Malaya the assistance which it have request to such an extent as they may each at any time consider practicable in the light of their total commitments. 3. Discussions have taken place with a view to ensuring that there is the fullest continuity in the Emergency campaign and to determine the extent of the assistance to be sought from the Overseas Commonwealth Forces and the organization and structure of command under which that assistance is to be given, and these discussions have resulted in understandings being reached between the four Governments about the principles that will govern the employment of Overseas Commonwealth Forces in support of the Government of the Federation of Malaya in its campaign against the Communist terrorists after independence. These principles are as follows: (a) Emergency operations will be controlled b the Emergency Operations Council of the Government of the Federation of Malaya. (b) Her Majesty Government in the United Kingdom shall make available to the exclusive service of the Government of the Federation of Malaya an officer of the rank of the Lieutenant- General to be the Federation of Malaya’s Director of Emergency Operations (c) The Federation of Malaya’ Director of Emergency Operations shall not have command of Overseas Commonwealth Forces, but the Commanders of these Overseas Commonwealth Forces engaged on Emergency Operations (the General Officer Commanding Overseas Commonwealth Lands Forces, the Air Officer Commanding Overseas Commonwealth Air Forces and, if need be, the Flag Officer, Malayan Area) shall be operate these forces under his general directions; (d) The Overseas Commonwealth Force Commanders listed in (c) above shall remain responsible to their national authorities for the exercise of their commands; (e) Overseas Commonwealth Forces shall be made available only in response to a request by the Government of the Federation of Malaya; (f) Overseas Commonwealth Forces will be used only if, in the view of the Emergency Operations Council, suitable Federation Forces are not available; (g) Overseas Commonwealth Forces shall so far as is possible be employed on direct operations against the Communist terrorists in such areas as may from time to time be specified by the Emergency Operations Council, although they would not be debarred from undertaking other essential duties connected with the prosecution of the campaign against the terrorists in accordance with the policy laid down the Emergency Operations Council; (h) Overseas Commonwealth Forces shall not be employed on operations of a type of which their national authorities may disapprove, or which, in the opinion of those authorities, are militarily unsound; (i) The General Officer Commanding Overseas Commonwealth Lands Forces, the Air Officer Commanding Overseas Commonwealth Air Forces, and, if need be, the Flag Officer Malayan Area, shall be members of the Emergency Operations Council and shall have of appeal to their national authorities; (j) The Federation Government shall provide the Overseas Commonwealth Forces with any facilities which it may be agreed they require over and above those to be made available under the Defense Agreement; (k) Legal provision shall be made by the Federation Government to ensure that Overseas Commonwealth Forces employed on Emergency Operations are fully protected in respect of their acts in support of the Government of the Federation of Malaya. 4. In accordance with paragraph 3 (f) and (g) above the Emergency Operations Council has recommended that the assistance of Overseas Commonwealth Lands Forces shall in the first instance be sought for operations against the terrorists in Johore, Perak and Kedah. The Overseas Commonwealth Forces will continue to support operations throughout the Federation. 5. Within the Overseas Commonwealth Forces, the Commanders of the Australian and New Zealand elements will continue as hitherto to enjoy the right of direct appeal to and communication with their respective national authorities. 6. As regard legal protection for members of the Overseas Commonwealth Forces employed in Emergency Operations, the Government of the Federation of Malaya have stated that it has no present intention of amending or allowing the lapse of the Emergency Regulations now in force in so far as they affect the powers and legal protection of military forces employed on Emergency Operations. These regulations while constituting the necessary legal basis for the conduct of Emergency Operations, will also afford members, of the Overseas Commonwealth Forces all necessary legal protection and it has been accepted that no fresh legislation will be needed on this subject, on the understanding that, if at any time the Federation of Malaya should contemplate amending any provision in the Emergency Regulations from which the military forces employed in Emergency Operations derive their powers and legal protection, the Government of the Federation of Malaya will inform Her Majesty’s Government in the United Kingdom in advance and afford them and Her Majesty’s Government in Australian and New Zealand an adequate opportunity to comment. 7. Apart from the arrangement described above for the Overseas Commonwealth Forces assisting the Government of the Federation of Malaya in its campaign against the territories the Government of the Federation will rely upon its own Security Forces the discharge of its responsibility for the maintenance of Law and Order. 8. As in the case of the Overseas Commonwealth Forces, the Federation of Malaya’s Director of Emergency Operations will not have command of any of the forces of the Federation of Malaya but the General Officer Commanding, Federation Army, and the Commissioner of Police will operate such of their forces as are at any time employed on Emergency Operations under his general directions. The General Officer Commanding, Federation Army, and The Commissioner of Police will also be members of the Emergency Operations Council. 9. The Prime Minister in Chairman of the Emergency Operations with the Minister of Defense as Deputy Chairman. The Council is thus composed as follows: - Chair man: Prime Minister, Federation of Malaya; Deputy Chairman: Minister for Defense and Internal Security Federation of Malaya; Certain other Ministers of Government of the Federation of Malaya; Secretary for Defense and Internal Security Federation of Malaya; General Officer Commanding, Federation Army; Commissioner of Police, Federation of Malaya; General Officer Commanding Overseas Commonwealth Lands Forces; Air Officer Commanding Overseas Commonwealth Air Forces, and if need be/ The Flag Officer, Malayan Area. 10. The purpose of these arrangement is, on the one hand, to give affective recognition to the fact that the conduct of Emergency Operations is now the exclusive responsibility of the Government of the Federation of Malaya, and, on the other hand, to safeguard the position and interests of Her Majesty’s Government of the Federation of Malaya in its prosecution of the campaign against the Communist terrorists. Nguồn: [1, Volume II, tr.260-263] Malayan Treaty of 12 October 1957 Agreement with Britain on External Defense and Mutual Assistance Whereas the Federation of Malaya is fully self- governing and independence within the Commonwealth; And whereas the Government of the Federation of Malaya and the Government of the United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland recognize that it is in their common interest to preserve peace and to provide for their mutual defense; And whereas the Government of the Federation of Malaya has now assumed responsibility for the external defense of its territory; Now therefore the Government of the Federation of Malaya and the Government of the United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland have agreed as follows: Article 1 The Government of the United Kingdom undertake to afford to the Government of the Federation of Malaya such assistance as the Government of the Federation of Malaya may require for the external defense of its territory. Article ii: The Government of the United Kingdom will furnish the Government of the Federation of Malaya with assistance of the kind referred to in Annex 1 of this Agreement, as may from time to time be agreed between the two governments for the training and development of the armed forces of the Federation. Article iii: The Government of the Federation of Malaya will afford to the Government of the United Kingdom the right to maintain in the Federation such naval land and air forces including a Commonwealth Strategic Reserve as are agreed between the two Government to be necessary for the purpose of Article i of this Agreement and for the fulfillment of Commonwealth and international obligations. It is agreed that the forces referred to in this Article may be accompanied by authorized service organizations, and civilian components (of such size as may be agreed between the two Governments to be necessary) and dependants. Article iv: The Government of the Federation of Malaya agrees that the Government of the United Kingdom may for the purposes of this Agreement have, maintain and use bases and facilities in the Federation in accordance with the provisions of Annexes 2 and 4 of this Agreement and may establish, maintain and use such additional bases and facilities as may from time to time be agreed between the two Governments. The Government of the United Kingdom shall at the request of the Government of the Federation of Malaya vacate any base or part thereof; in such event the Government of the Federation of Malaya shall provide at its expense agreed alternative accommodation and facilities. Article v: The conditions contained in Annex 3 of this Agreement shall apply to the forces, the authorized service organizations, the civilian components and the dependants referred to in Article iii while in the territory of the Federation of Malaya in pursuance of this Agreement. Article vi: In the event of the threat of armed attack against any of the territories of forces of the Federation of Malaya or any of territories of protectorates of the United Kingdom in the Far East or any of the forces of the United Kingdom within those territories or protectorates or within the Federation of Malaya, or other threat to the preservation of peace in the Far East, the Governments of the Federation of Malaya and of the United Kingdom will consult together on the measures to be taken jointly or separately to ensure the fullest co-operation between them for the purpose of meeting the situation effectively. Article vii: In the event of an armed attack against any of the territories or forces of the Federation of Malaya of any of any of territories of protectorates of the United Kingdom in the Far East or any of the forces of the United Kingdom within any of those territories or protectorates or within the Federation of Malaya, the Governments of the Federation of Malaya and of the United Kingdom undertake to co-operate with each other and will take such action as each considers necessary for the purpose of meeting the situation effectively. Article viii: In the event of a threat to the preservation of peace or the outbreak of hostilities elsewhere than in the area covered by Article vi and vii the Government of the United Kingdom shall obtain the prior agreement of the Governments of the Federation of Malaya before committing United Kingdom forces to active operations involving the use of bases in the Federation of Malaya; but this shall not affect the right of the Government of the United Kingdom to withdraw forces from the Federation of Malaya. Article ix: The Government of the United Kingdom will consult the Governments of the Federation of Malaya when major changes in the character of development of the forces maintain in the Federation as provided for in accordance with Article iii are contemplated. Article x: The Governments of the Federation of Malaya and the Government of the United Kingdom will afford each other an adequate opportunity for comment upon any major administrative of legislative proposals which may affect the operation of this Agreement. Article xi: For the purposes of this Agreement, unless the context otherwise requires: “bases” means areas in the Federation made available by the Governments of the Federation of Malaya to the Government of the United Kingdom for the purpose of this Agreement and includes the immovable property and installations situated thereon or constructed therein; “force” means anybody, contingent or detachment of any naval, land or air forces, or of any such forces, including a Commonwealth Strategic Reserve when in the territory of the Federation pursuant to this Agreement but shall not include any forces of the Federation of Malaya: “the Federation” means the Federation of Malaya; “Service authorities” means the authorities of a force who are empowered by the law of the country to which the force belongs to exercise command or jurisdiction over members of a force or civilian components of dependents. “Federation authorities” means the authority or authorities from time to time authorized or designated by the Government of the Federation of Malaya for the purpose of exercising the powers in relation to which the expression is used; “civilian component” means the civilian personnel accompanying a force, who are employed in the service of a force of by an authorized service organization accompanying a force, and who are not stateless persons, nor nationals of, nor ordinarily resident in, the Federation; “authorized service organization” means a body organized for the benefit of, or to serve the welfare of, a force or civilian component or dependent; “dependant” means a person not ordinarily resident in the Federation who is spouse of a member of a force or civilian component or who is wholly or mainly maintain or charge or care, or who forms part of his family; “service vehicles” means vehicles, including hired vehicles, which are exclusively in the service of a force or authorized service organization; The expression “of a force” used in relation to “vessels” or “aircraft” includes vessels and aircraft on charter for the service of a force. Article xii: This Agreement shall come into force on the date of signature. In witness whereof the undersigned, being duly authorized thereto by their respective Government, have signed this Agreement. Done at Kuala Lumpur in duplicate, this 12th day of October, 1957. For the Government of the United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland. Signature of G.W.TORY For the Government of the Federation of Malaya Signature of TUNKU ABDUL RAHMAN PUTRA Nguồn: [1, Volume II, tr.264-268] Bản Tuyên ngôn Độc lập của Malaya Tunku Abdul Rahman tuyên bố nền Độc lập của Malaya sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_con_duong_dau_tranh_gianh_doc_lap_dan_toc_cua_malaya.doc
  • doc2. Tom tat Luan An. Tieng Viet.doc
  • doc3. Tom tat Luan An. Tieng Anh.doc
  • doc4. Thong tin Luan an. Tieng Viet.doc
  • doc5. Thong tinLuan An. Tieng Anh.doc
Tài liệu liên quan