Luận án Cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ĐẶNG THỊ THU TRANG CẢM NHẬN HẠNH PHÚC CỦA VỢ CHỒNG TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÂM LÝ HỌC HÀ NỘI – 2021 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ĐẶNG THỊ THU TRANG CẢM NHẬN HẠNH PHÚC CỦA VỢ CHỒNG TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN Ngành: Tâm lý học Mã số: 9.31.04.01 LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÂM LÝ HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phan Thị Mai Hương HÀ NỘI – 2021

pdf260 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 418 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Luận án Cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI CAM ĐOAN Tôi cam đoan rằng, luận án tiến sĩ “Cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân” là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Dữ liệu nghiên cứu định lượng và định tính được thu thập, xử lý một cách trung thực, đảm bảo tính bảo mật và quyền được thông tin của người tham gia nghiên cứu. Các dẫn chứng và kết quả từ những nghiên cứu khác để so sánh, phân tích đều được chỉ rõ nguồn trích dẫn. Kết quả trong phần nghiên cứu chính thức chưa được công bố trong bất kì công trình nghiên cứu nào từ trước đến nay. Hà Nội, ngày tháng năm 2021 Tác giả luận án Đặng Thị Thu Trang LỜI CẢM ƠN Từ những ngày bắt đầu đặt tên đề tài cho đến khi cuốn luận án được thành hình hài, tôi luôn có Cô cùng đồng hành – Người Thầy của tôi PGS.TS. Phan Thị Mai Hương. Với tất cả lòng biết ơn, sự tôn trọng và lòng kính mến dành cho Cô, tôi muốn gửi tới Cô lời cảm ơn chân thành và sâu sắc. Cô – một người làm khoa học nhiệt tâm đã giúp cho tôi có được tư duy khoa học và minh bạch trong việc làm nghiên cứu nói chung cũng như trong việc thực hiện luận án này. Cô không chỉ là người truyền tri thức, mà hơn hết còn là người truyền cảm hứng và động lực để tôi mong muốn, tìm kiếm những ý tưởng thú vị cho đề tài và nỗ lực hoàn thành chúng. Và vô cùng cảm ơn Cô, bởi không chỉ là một người Thầy, Cô còn là người đồng hành như một người bạn lớn, đã giúp tôi thêm lạc quan để vượt qua những thách thức, khó khăn và hoàn thành kế hoạch. Lời cảm ơn sâu sắc của tôi cũng xin được gửi tới các nhà khoa học: GS.TS. Vũ Dũng, GS.TS. Nguyễn Hữu Thụ, PGS.TS. Lã Thị Thu Thuỷ, PGS.TS. Trương Thị Khánh Hà, PGS.TS. Lê Văn Hảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn, PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Lan, PGS.TS. Trần Thu Hương. Nhờ có sự góp ý của các Thầy Cô trong quá trình từ việc xây dựng và bảo vệ đề cương cho đến vòng bảo vệ cơ sở mà nghiên cứu của tôi được thể hiện một cách khoa học, chặt chẽ và thuyết phục hơn. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn vô cùng đến PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Thầy đã cho tôi những buổi học thú vị về xử lý số liệu trên phần mềm SPSS. Và hơn cả, Thầy và Cô Phan Thị Mai Hương đã tạo điều kiện để tôi có được bộ số liệu định lượng vô cùng giá trị. Tôi xin cảm ơn Khoa Tâm lý – Giáo dục, đặc biệt cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Lan và TS. Vũ Thu Trang. Cô và Chị đã luôn nhắc nhở, động viên tôi trong quá trình học tập và sẵn sàng hỗ trợ tôi trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục hành chính phục vụ cho bảo vệ luận án này. Tôi xin cảm ơn những người bạn, người đồng nghiệp: TS. Đỗ Thị Lệ Hằng, Phạm Phương Thảo và những người bạn, đồng nghiệp khác. Họ không chỉ lắng nghe những chia sẻ của tôi về nghiên cứu của đề tài, mà còn cho tôi những cổ vũ tinh thần. Cuối cùng, lòng biết ơn lớn nhất tôi dành cho gia đình mình: Bố, Mẹ, Em Gái, người Chồng của tôi và Cây – chàng trai của mẹ. Dù không trực tiếp giúp tôi hình thành lên những luận điểm lý luận hay nghiên cứu thực tiễn của đề tài nhưng họ là những người đồng hành vĩ đại, luôn sát cạnh, luôn hiện diện trong mọi khoảnh khắc dù là lúc vui hay lúc khó khăn, thất bại. Nhờ có họ, tôi thêm mạnh mẽ, thêm vững vàng. Xin vô cùng biết ơn! Hà Nội, ngày .. tháng . năm 2021 Tác giả luận án Đặng Thị Thu Trang MỤC LỤC MỞ ĐẦU ............................................................................................................... 1 Chương 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC CỦA VỢ CHỒNG TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN ........................ 8 1.1. Nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân .......................................... 8 1.1.1. Các nghiên cứu về hạnh phúc hôn nhân đa chiều cạnh ......................... 8 1.1.2. Các nghiên cứu hạnh phúc hôn nhân một chiều cạnh ......................... 10 1.1.3. Cảm nhận về mức độ hạnh phúc hôn nhân .......................................... 12 1.2. Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ... 13 1.2.1. Đặc điểm nhân khẩu – xã hội của cá nhân và đặc điểm cuộc hôn nhân đối với cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ................................................. 14 1.2.2. Hoạt động chung giữa vợ và chồng trong gia đình và cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ....................................................................................... 19 1.2.3. Mối quan hệ giữa yếu tố tâm lý trong đời sống vợ chồng và cảm nhận hạnh phúc hôn nhân .............................................................................. 21 Tiểu kết chương 1 ............................................................................................... 27 Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC CỦA VỢ CHỒNG TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN .................................................. 28 2.1. Các luận điểm về cảm nhận hạnh phúc .................................................... 28 2.1.1. Các quan điểm về hạnh phúc ............................................................... 28 2.1.2. Một số bàn luận về hai trường phái tiếp cận chủ quan và tiếp cận khách quan trong nghiên cứu hạnh phúc ....................................................... 31 2.2. Các luận điểm lý thuyết về cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân .............................................................................................. 35 2.2.1. Khái niệm cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân .. 35 2.2.2. Cấu trúc của hạnh phúc hôn nhân ........................................................ 40 2.3. Luận điểm về các yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân .... 51 2.3.1. Ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân .... 52 2.3.2. Ảnh hưởng của yếu tố hoạt động chung của vợ chồng trong gia đình đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ........................................................ 59 Tiểu kết chương 2 ............................................................................................... 66 Chương 3: TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ....................... 67 3.1. Thiết kế và tổ chức nghiên cứu .................................................................. 67 3.1.1. Thiết kế nghiên cứu ............................................................................. 67 3.1.2. Tổ chức nghiên cứu ............................................................................. 67 3.2. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................ 71 3.2.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu ......................................................... 71 3.2.2. Phương pháp chuyên gia ...................................................................... 72 3.2.3. Phương pháp phỏng vấn sâu ................................................................ 72 3.2.4. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi ................................................... 72 3.2.5. Phương pháp phân tích dữ liệu ............................................................ 78 Tiểu kết chương 3 ............................................................................................... 82 Chương 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN VỀ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC CỦA VỢ CHỒNG TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN ........ 83 4.1. Thực trạng cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân .. 83 4.1.1. Mức độ cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân .... 83 4.1.2. Trải nghiệm các sự kiện hạnh phúc và không hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân ................................................................................................ 86 4.1.3. Trải nghiệm cảm xúc của người vợ/chồng trong đời sống hôn nhân và mối quan hệ của nó với cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ........................... 91 4.2. Sự ảnh hưởng của các nhóm yếu tố đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân .... 96 4.2.1. Sự ảnh hưởng của nhóm yếu tố đặc điểm nhân khẩu – xã hội cá nhân và đặc điểm cuộc hôn nhân đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân .......... 96 4.2.2. Sự ảnh hưởng của nhóm yếu tố hoạt động chung của vợ chồng trong gia đình đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ...................................... 103 4.2.3. Sự ảnh hưởng của nhóm yếu tố tâm lý đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ....................................................................................................... 108 4.2.4. Khả năng dự báo của kết hợp các nhóm yếu tố đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân .............................................................................................. 115 4.3. Vai trò trung gian của các yếu tố tâm lý trong mối quan hệ cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ............................................................................... 123 4.3.1. Vai trò trung gian của yếu tố tình cảm trong tác động của tình dục đến hạnh phúc hôn nhân .............................................................................. 124 4.3.2. Vai trò trung gian của yếu tố tình dục trong tác động của tình cảm đến hạnh phúc hôn nhân .............................................................................. 125 4.3.3. Vai trò trung gian của yếu tố tình cảm trong tác động của tương tác đến hạnh phúc hôn nhân .............................................................................. 127 4.3.4. Vai trò trung gian của yếu tố tương tác trong tác động của tình cảm đến hạnh phúc hôn nhân .............................................................................. 128 4.3.5. Vai trò trung gian của yếu tố tình dục trong tác động của tương tác đến hạnh phúc hôn nhân .............................................................................. 129 4.3.6. Vai trò trung gian của yếu tố tương tác trong tác động của tình dục đến hạnh phúc hôn nhân .............................................................................. 130 4.4. Mô hình hạnh phúc hôn nhân ở các đối tượng khác nhau .................... 132 4.4.1. Mô hình hạnh phúc trong hôn nhân của nam và nữ .......................... 133 4.4.2. Mô hình hạnh phúc hôn nhân của các nhóm tuổi .............................. 134 4.4.3. Mô hình hạnh phúc hôn nhân của các nhóm mức sống gia đình khác nhau ..................................................................................................... 136 4.4.4. Mô hình hạnh phúc hôn nhân của các nhóm có độ dài hôn nhân khác nhau ..................................................................................................... 138 Tiểu kết chương 4 ............................................................................................. 141 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ......................................................................... 143 DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ ................................................ 151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................ 152 DANH MỤC BẢNG Bảng 3.1: Số lượng khách thể theo địa bàn nghiên cứu ............................................ 68 Bảng 3.2: Đặc điểm tôn giáo theo địa bàn nghiên cứu ............................................. 68 Bảng 3.3: Đặc điểm mẫu nghiên cứu định lượng ..................................................... 68 Bảng 3.4: Độ hiệu lực cấu trúc và độ tin cậy của các thang đo ................................ 75 Bảng 3.5: Thông số thống kê của các thang đo ........................................................ 77 Bảng 3.6: Các chỉ số của thang đo và ý nghĩa của điểm số ...................................... 79 Bảng 4.1: Các thông số thống kê của thang đo hạnh phúc hôn nhân theo thang đo một mục .............................................................................................. 83 Bảng 4.2: Các thông số thống kê của thang đo hạnh phúc hôn nhân theo thang đo đa mục ................................................................................................. 85 Bảng 4.3. Các sự kiện khiến người vợ/chồng trải nghiệm hạnh phúc trong đời sống hôn nhân .......................................................................................... 89 Bảng 4.4: Những lĩnh vực hay khiến phiền lòng nhất trong cuộc sống vợ chồng ........................................................................................................ 90 Bảng 4.5: Sự khác biệt về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân theo trải nghiệm cảm xúc âm tính ....................................................................................... 93 Bảng 4.6: Sự khác biệt về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân theo trải nghiệm cảm xúc dương tính ................................................................................. 93 Bảng 4.7: Sự khác biệt giữa nhóm hạnh phúc và không hạnh phúc về số lượng và mức độ xuất hiện cảm xúc .................................................................. 95 Bảng 4.8. Sự khác biệt về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân theo một số đặc điểm nhân khẩu – xã hội .......................................................................... 97 Bảng 4.9. Sự khác biệt về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân theo các đặc điểm của mối quan hệ và gia đình .................................................................... 98 Bảng 4.10. Mô hình hồi quy tuyến tính các biến số đặc điểm nhân khẩu – xã hội và đặc điểm cuộc hôn nhân dự báo cho cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ................................................................................................. 100 Bảng 4.11. Sự khác biệt về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân theo sự tương đồng/khác biệt giữa vợ chồng trong thực hiện chức năng gia đình ....... 104 Bảng 4.12. Sự khác biệt về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân theo biến số hoạt động giải trí giữa vợ và chồng ............................................................... 105 Bảng 4.13. Mô hình hồi quy tuyến tính các biến số thuộc về hoạt động chung của vợ chồng trong gia đình dự báo cho cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ........................................................................................................ 106 Bảng 4.14: Sự khác biệt giữa nhóm hạnh phúc và nhóm không hạnh phúc về sự thể hiện các yếu tố trong đời sống tâm lý vợ chồng ......................... 110 Bảng 4.15: Mô hình hồi quy tuyến tính của nhóm yếu tố tâm lý dự báo cho cảm nhận hạnh phúc hôn nhân .............................................................. 111 Bảng 4.16. Mô hình hồi quy tuyến tính của ba nhóm yếu tố dự báo cho cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ...................................................................... 115 Bảng 4.17: Mô hình có khả năng dự báo tốt nhất cho hạnh phúc hôn nhân ........... 118 Bảng 4.18: Các yếu tố để có đời sống hôn nhân hạnh phúc ................................... 120 Bảng 4.19: Các hệ số tác động của mô hình biến trung gian là tình cảm ............... 124 Bảng 4.20: Các hệ số tác động của mô hình biến trung gian là tình dục ................ 125 Bảng 4.21: Các hệ số tác động của mô hình biến trung gian là tình cảm ............... 127 Bảng 4.22: Các hệ số tác động của mô hình biến trung gian là tương tác .............. 128 Bảng 4.23: Các hệ số tác động của mô hình biến trung gian là tình dục ................ 130 Bảng 4.24: Các hệ số tác động của mô hình biến trung gian là tương tác .............. 131 Bảng 4.25: Mô hình hạnh phúc hôn nhân theo biến số giới tính ............................ 133 Bảng 4.26: Mô hình hạnh phúc hôn nhân theo biến số độ tuổi .............................. 135 Bảng 4.27: Mô hình hạnh phúc hôn nhân theo biến số điều kiện sống gia đình .... 137 Bảng 4.28: Mô hình hạnh phúc hôn nhân theo độ dài hôn nhân ............................ 138 DANH MỤC BIỂU ĐỒ, SƠ ĐỒ Biểu đồ 4.1: Phân bố điểm cảm nhận hạnh phúc hôn nhân theo thang đo một mục ...... 83 Biểu đồ 4.2: Phân bố điểm cảm nhận hạnh phúc hôn nhân theo thang đo đa mục ... 85 Biểu đồ 4.3: Những trải nghiệm khiến vợ/ chồng cảm thấy hạnh phúc ................... 87 DANH MỤC HÌNH, HỘP Hình 4.1: Tương quan giữa cảm nhận hạnh phúc và sự hài lòng về các lĩnh vực trong đời sống hôn nhân ............................................................................... 88 Hình 4.2: Mối tương quan giữa mức độ cảm nhận hạnh phúc hôn nhân và những khía cạnh tâm lý trong đời sống vợ chồng ...................................... 109 Hình 4.3: Tương quan giữa 3 yếu tố trong đời sống tâm lý giữa vợ và chồng ....... 123 Hình 4.4: Tác động của yếu tố tình dục đến hạnh phúc hôn nhân qua trung gian tình cảm .............................................................................................. 126 Hình 4.5: Tác động của tình cảm đến hạnh phúc hôn nhân qua trung gian tình dục .... 126 Hình 4.6: Tác động của yếu tố tương tác đến hạnh phúc hôn nhân qua trung gian tình cảm .............................................................................................. 129 Hình 4.7: Tác động của yếu tố tình cảm đến hạnh phúc hôn nhân qua trung gian tương tác ............................................................................................. 129 Hình 4.8: Tác động của yếu tố tương tác đến hạnh phúc hôn nhân qua trung gian tình dục ............................................................................................... 132 Hình 4.9: Tác động của yếu tố tình dục đến hạnh phúc hôn nhân qua trung gian tương tác ............................................................................................. 132 Hộp 1: Nội dung các câu chuyện hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân ............... 121 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Ở mọi nền văn hoá, kết hôn là một trong những việc quan trọng mà phần lớn người trưởng thành cần làm. Và việc có được đời sống hôn nhân hạnh phúc trở thành một trong những lựa chọn mục tiêu đầu tiên của mỗi người. Giá trị tích cực mà cuộc hôn nhân tốt đẹp mang lại được xác định thống nhất qua hàng thế kỉ bởi nhiều tác giả. Nó không chỉ mang lại những phúc lợi về sức khoẻ thể chất (Rosen-Grandon, Myers, và Hattie, 2004) [168] mà còn là nguồn lực hỗ trợ quan trọng để có đời sống tinh thần lành mạnh (Woods, Priest, Signs, và Maier, 2018; Lawrence, Rogers, Zajacova và Wadsworth, 2018) [127], [212]. Không những thế, hôn nhân hạnh phúc còn làm nên giá trị mỗi cá nhân, giúp họ nhận thức về ý nghĩa và bản sắc của chính mình trong cuộc sống (Rosen-Grandon và cộng sự, 2004). Hôn nhân hạnh phúc không chỉ có ý nghĩa với cá nhân trải nghiệm trực tiếp nó (người vợ và người chồng) mà còn chi phối tới bầu không khí của gia đình. Crosbie-Burnett (1984) [46] cho biết, mối quan hệ hôn nhân là mối quan hệ trung tâm và căn bản của các mối quan hệ gia đình và hạnh phúc hôn nhân như là chìa khoá cho một gia đình hạnh phúc. Đồng thời cũng là nguồn lực tình cảm và phương tiện hỗ trợ quan trọng trong suốt thời kì trưởng thành của đứa trẻ (Sweeney và Replogle, 2002) [191]. Hơn nữa, lối sống của gia đình gốc sẽ truyền cho thế hệ tiếp theo (Kerr và Bowen, 1988) [119], do đó quan hệ hôn nhân của đứa trẻ trong tương lai rất có thể bị chi phối bởi chất lượng mối quan hệ hiện tại của cha mẹ chúng. Quan hệ hôn nhân thể hiện sự biến đổi năng động, bởi chúng bị chi phối bởi đa dạng các yếu tố từ chính người trong cuộc như cách ứng xử, tương tác giữa vợ chồng đến các yếu tố ngoài cuộc hôn nhân như nghề nghiệp, kinh tế, sự xuất hiện của những đứa con và điều đó khiến chất lượng của mối quan hệ càng khó kiểm soát hơn cả. Bên cạnh đó, những biến đổi trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay mang đến những biến đổi mạnh mẽ trong gia đình mà thể hiện rõ thông qua vai trò của người vợ, người chồng trong việc thực hiện chức năng gia đình. Và liệu những biến đổi này có ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ hôn nhân. Vấn đề này được tìm hiểu nhiều từ góc độ xã hội học, kinh tế học, văn hoá học. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tài, chưa được nhiều sự quan tâm dưới góc độ tâm lý học. 1 Về mặt thực tế, tình trạng ly hôn ở Việt Nam đáng báo động. Theo số liệu thống kê sơ bộ gần đây nhất của Tổng cục Thống kê [15] cho thấy số vụ ly hôn đã được xét xử trên cả nước năm 2018 là 28.076 vụ. Như vậy trong năm 2018, trung bình một ngày có 77 vụ ly hôn, chưa kể những cặp vợ chồng đang trong giai đoạn đệ trình ly hôn hay những cặp đôi hằng ngày phải đối diện nhau trong sự bất hoà, xung đột Sự tan rã của vợ chồng không chỉ để lại hệ quả tiêu cực cho chính họ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và những hệ luỵ kéo theo cho xã hội. Do đó, giảm thiểu ly hôn thông qua việc thúc đẩy các cặp vợ chồng chung sống hạnh phúc là một biện pháp trực tiếp, hữu ích. Vì vậy, việc hiểu về những yếu tố tác động tới hạnh phúc hôn nhân là gợi ý hữu ích giúp tăng cường hạnh phúc trong đời sống vợ chồng. Xuất phát từ tầm quan trọng của cuộc sống hôn nhân hạnh phúc cùng với tình hình thực tế về vấn đề hôn nhân ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy hạnh phúc hôn nhân là lĩnh vực có ý nghĩa và đáng được quan tâm. Chủ đề này tuy đã được nghiên cứu ở Việt Nam, nhưng vẫn tồn tại những khoảng trống về mặt lý luận và thực tiễn. Với mong muốn hệ thống hoá cơ sở lý luận về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân. Đồng thời tìm hiểu tình hình thực tiễn về chủ đề này, mà trọng tâm hơn cả là khám phá những yếu tố tác động đến cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng. Qua đó, góp phần đưa ra những gợi ý hữu ích nhằm giúp cặp đôi chung sống hạnh phúc. Do đó, chúng tôi thực hiện đề tài “Cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân”. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến nó, qua đó đề xuất một số kiến nghị giúp vợ và chồng chung sống hạnh phúc. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu: Nghiên cứu lý luận: Tổng quan các nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và các yếu tố ảnh hưởng Xây dựng khung lý luận về cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ cảm nhận hạnh phúc hôn nhân. Nghiên cứu thực tiễn: Tìm hiểu thực trạng cảm nhận hạnh phúc hôn nhân. Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân 2 Đề xuất một số kiến nghị hướng đến xây dựng đời sống hôn nhân của vợ chồng được hạnh phúc hơn. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu: Mức độ cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân. 3.2. Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện trong một số phạm vi được giới hạn như sau: - Phạm vi về nội dung nghiên cứu: + Hạnh phúc là khái niệm đa chiều và không có sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, chúng tôi tìm hiểu hạnh phúc hôn nhân từ tiếp cận chủ quan, tức là từ cảm nhận, đánh giá của chủ thể về hôn nhân của mình. + Hạnh phúc hôn nhân có thể chịu tác động của rất nhiều yếu tố. Trong nghiên cứu này, chúng tôi giới hạn ở 3 nhóm yếu tố là: đặc điểm nhân khẩu – xã hội cá nhân và cuộc hôn nhân (Giới tính, tuổi, trình độ học vấn, tôn giáo, số lượng con, độ dài hôn nhân, mức sống gia đình và tương đồng thu nhập vợ chồng); nhóm yếu tố hoạt động chung của vợ chồng trong gia đình (Phân công lao động trong và ngoài gia đình, quyền ra quyết định trong gia đình, hoạt động giải trí vợ chồng cùng nhau tham gia và thời gian dành riêng cho nhau); nhóm yếu tố tâm lý (đời sống tình cảm, sự hài lòng tình dục và sự thể hiện tương tác). Bởi đây là các yếu tố được xác định có liên quan mật thiết với cảm nhận hạnh phúc hôn nhân trong các nghiên cứu nước ngoài nhưng còn ít được tìm hiểu trên các mẫu khách thể khác nhau ở Việt Nam. - Phạm vi khách thể và địa bàn nghiên cứu: + Nghiên cứu trên khách thể là những người vợ hoặc người chồng đang trong hôn nhân mà không thực hiện nghiên cứu trên cặp đôi. + Nghiên cứu được thực hiện ở các địa bàn thuộc Đà Nẵng, Nam Định và Đăk Lăk, nơi có thể đáp ứng được những yêu cầu về đặc điểm nhân khẩu xã hội đa dạng của khách thể nghiên cứu. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Quan điểm phương pháp luận Nghiên cứu được thực hiện dựa trên một số nguyên tắc phương pháp luận trong nghiên cứu tâm lý học như sau: 3 Nguyên tắc hoạt động: Hiện tượng tâm lý của con người nảy sinh trong quá trình tham gia các hoạt động. Như vậy, cảm nhận hạnh phúc về cuộc sống hôn nhân của người vợ/chồng được nảy sinh trong quá trình họ hoạt động chung, cùng thực hiện các chức năng gia đình. Nguyên tắc hệ thống: Hệ thống là một tổng thể phức hợp gồm nhiều bộ phận và các bộ phần này có mối liên quan, gắn kết và tác động qua lại lẫn nhau. Do đó, sự biến động của một bộ phận không chỉ là sự thay đổi ở chính nó mà còn tác động và ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Nguyên tắc hệ thống nhìn nhận hiện tượng tâm lý của con người được đặt trong một hệ thống và nó chịu sự chi phối và tác động qua lại của đa dạng các yếu tố trong hệ thống đó. Do đó, nghiên cứu xem xét cảm nhận hạnh phúc hôn nhân của vợ/chồng dưới tác động của hệ thống các yếu tố bên trong và bên ngoài cuộc hôn nhân. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Hướng tiếp cận trong khái niệm và đo lường: Hạnh phúc hôn nhân có thể được xác định dưới tiếp cận chủ quan hoặc khách quan, theo cấu trúc đơn hoặc đa chiều kích. Trong nghiên cứu này, hạnh phúc hôn nhân được nhìn nhận dưới tiếp cận chủ quan, với cấu trúc đơn – có hai chiều hướng dương tính và âm tính tương ứng với hai xu hướng là cảm thấy không hạnh phúc và cảm thấy rất hạnh phúc trong hôn nhân. Với hướng tiếp cận này, cảm nhận hạnh phúc hôn nhân được đo lường bởi thang đo một mục (single-item) với 11 bậc từ 0 đến 10, trong đó mức 0 là không hạnh phúc và 10 là rất hạnh phúc. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng: Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Được sử dụng nhằm hệ thống cơ sở lý luận nghiên cứu của đề tài. Phương pháp chuyên gia: Giúp đưa ra những gợi ý để hình thành ý tưởng nghiên cứu; hệ thống hoá khung nghiên cứu lý luận và thực tiễn. Phương pháp phỏng vấn sâu: Được sử dụng để thu thập các thông tin minh chứng cho kết quả nghiên cứu định lượng. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi: Được tiến hành nhằm tìm hiểu thực tiễn vấn đề nghiên cứu. Đề tài sử dụng kết hợp điều tra bằng bảng hỏi đóng – phục vụ thu thập dữ liệu định lượng và bảng hỏi với câu hỏi mở - phục vụ thu thập dữ liệu định tính. Trong đó dữ liệu định lượng được ưu tiên sử dụng. 4 Phương pháp phân tích dữ liệu: Dữ liệu định lượng được xử lý bằng các phép phân tích thống kê toán học, thực hiện trên phần mềm SPSS 23.0. Xử lý dữ liệu định tính với sự hỗ trợ của phần mềm Excel. 4.3. Giả thuyết nghiên cứu  Về thực trạng cảm nhận hạnh phúc hôn nhân: - H1: Nhìn chung, mọi người có xu hướng cảm thấy khá hạnh phúc trong đời sống hôn nhân. - H2: Trải nghiệm hạnh phúc hay bất hạnh trong hôn nhân đều liên quan đến các sự kiện tinh thần. - H3: Các cảm xúc trải nghiệm trong đời sống hôn nhân là đa dạng, trong đó trải nghiệm cảm xúc dương tính nhiều hơn âm tính. Các cuộc hôn nhân hạnh phúc liên quan đến trải nghiệm cảm xúc dương tính, và những cuộc hôn nhân bất hạnh liên quan đến trải nghiệm cảm xúc âm tính.  Về yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân: - H4: Cảm nhận hạnh phúc hôn nhân bị ảnh hưởng bởi cả 3 nhóm yếu tố, trong đó nhóm yếu tố tâm lý có vai trò quan trọng hơn đối với hạnh phúc hôn nhân. - H5: Từng yếu tố tâm lý (tình cảm, hài lòng tình dục, tương tác) có thể tác động đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân thông qua hai yếu tố còn lại. Cụ thể:  H5.1: Tình cảm là biến số trung gian trong tác động của hài lòng tình dục đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân.  H5.2: Tình cảm là biến số trung gian trong tác động của tương tác đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân.  H5.3: Tương tác là biến số trung gian trong tác động của hài lòng tình dục đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân.  H5.4: Tương tác là biến số trung gian trong tác động của tình cảm đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân.  H5.5: Hài lòng tình dục là biến số trung gian trong tác động của tương tác đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân.  H5.6: Hài lòng tình dục là biến số trung gian trong tác động của tình cảm đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân - H6: Mô hình cảm nhận hạnh phúc hôn nhân ở mỗi đối tượng khách thể (về giới tính, nhóm tuổi, điều kiện sống và độ dài hôn nhân) là đa dạng về khả năng tác động của các yếu tố. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý luôn đóng vai trò nổi bật ở mỗi mô hình. 5 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án 5.1. Đóng góp về mặt lý luận Luận án hệ thống hoá các luận điểm trong nghiên cứu về hạnh phúc hôn nhân dựa trên việc tổng hợp cơ sở lý luận và các nghiên cứu trên thế giới. Trong đó, việc hệ thống hoá và làm sáng tỏ hai trường phái tiếp cận chủ quan và khách quan trong nghiên cứu hạnh phúc và hạnh phúc hôn nhân là một đóng góp có giá trị về mặt lý luận của nghiên cứu này. 5.2. Đóng góp về mặt thực tiễn Cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân là chủ đề chưa được nhiều nghiên cứu thực hiện tại Việt Nam. Do đó, hệ thống cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu thực tiễn có thể trở thành nguồn tham khảo cho những nghiên cứu cùng chủ đề sau này. Quá trình nghiên cứu thực tiễn của đề tài đòi hỏi sử dụng và thích ứng thang đo tự xây dựng dựa trên việc tham khảo và kế thừa những thang đo nước ngoài. Do đó, công cụ được sử dụng trong đề tài có thể giá trị đối với những nghiên cứu quan tâm tới mối quan hệ cặp đôi nói chung và hạnh phúc hôn nhân nói riêng. Bên cạnh đó, một bộ công cụ có đặc tính đo lường phù hợp với khách thể là người vợ/chồng Việt Nam đã được bước đầu minh chứng qua nhóm khách thể của luận án. Dữ liệu nghiên cứu định lượng đã chứng minh ảnh hưởng của một số yếu tố đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân. Đây là cơ sở để so sánh với các nghiên cứu trong và ngoài nước đã thực hiện trước đó, đồng thời bổ sung thêm bằng chứng để đối chiếu cho các nghiên cứu sẽ được thực hiệ...a lao động một cách công bằng làm suy giảm cảm nhận hạnh phúc hôn nhân và gắn liền với sự hài lòng hôn nhân thấp. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, vấn đề phân chia lao động việc nhà tác động đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân của người vợ nhiều hơn người chồng. Sự nhận thức về công bằng hay bất công trong phân chia lao động việc nhà ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc hôn nhân, điều này đặc biệt xảy ra ở người vợ (Dillaway và Broman, 2001) [54]. Ủng hộ cho kết quả này, Oshio, Nozaki và Kobayashi (2013) [150] đã phát hiện rằng người vợ ít hài lòng với cuộc hôn nhân hơn người chồng bởi vì họ phải làm việc nhà nhiều hơn. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Minh Hà 19 (2017) [3] cho thấy sự bất bình đẳng giữa vợ chồng trong thực hiện việc nhà càng cao thì sự hài lòng hôn nhân của người vợ càng giảm.  Tham gia công việc kiếm thu nhập và cảm nhận hạnh phúc hôn nhân Mối quan hệ này đặc biệt được bàn tới nhiều dưới góc độ người vợ tham gia thị trường lao động. Việc phụ nữ tham gia kiếm thu nhập đã thay đổi vị trí và vai trò của người vợ trong gia đình. Do đó, tình trạng thu nhập của người vợ có ảnh hưởng như thế nào đến hạnh phúc hôn nhân là vấn đề được nhiều sự quan tâm. Các nghiên cứu cũng cho thấy tính đa dạng trong các phát hiện. Thu nhập của người vợ không ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân: Rogers (1999) [164] tìm thấy sự gia tăng thu nhập của người vợ không ảnh hưởng đến nhận thức của người chồng hay người vợ về sự bất hoà hôn nhân. Hơn nữa, tác giả phát hiện ra rằng sự gia tăng bất hoà trong hôn nhân làm tăng khả năng các bà vợ không có việc làm sẽ tham gia vào lực lượng lao động. Thu nhập của người vợ tác động tiêu cực đến hạnh phúc hôn nhân: Các nghiên cứu của Kalmijn, Loeve và Manting (2007), Rogers (2004) [109], [165] cho thấy việc gia tăng tỉ lệ thu nhập của người vợ trong hộ gia đình làm suy giảm hạnh phúc hôn nhân và gia tăng nguy cơ ly hôn. Tuy nhiên khi nhu cầu tài chính là vấn đề cần thiết thì mối quan hệ này không còn đúng (Furdyna, Tucker, và James, 2008) [67]. Một số nghiên cứu lại cho thấy tác động tích cực đến hạnh phúc hôn nhân khi người vợ tham gia vào việc kiếm thu nhập cho gia đình (Rogers và Deboer, 2001; Sayer và Bianchi, 2000) [167], [173]. Tuy nhiên cảm nhận hạnh phúc hôn nhân của người chồng thấp đi đáng kể khi tỉ lệ thu nhập của người vợ đóng góp vào gia đình tăng lên. Nhưng nó không ảnh hưởng gì đến nguy cơ ly hôn mà ngược lại, gia tăng thu nhập của người vợ có thể gián tiếp làm giảm nguy cơ ly hôn bởi việc tăng cảm nhận hạnh phúc hôn nhân của người phụ nữ (Rogers và Deboer, 2001) [167]. Một bộ phận nghiên cứu khác cho rằng sự gia tăng thu nhập của người vợ góp phần thiết lập và củng cố sự bình đẳng giữa vợ và chồng, thúc đẩy sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau và sự tương tác hôn nhân hiệu quả hơn (dẫn theo Rogers và DeBoer, 2001) [167]. Thêm vào đó, sự đóng góp của thu nhập người vợ có thể cải thiện chất lượng hôn nhân bởi chia sẻ gánh nặng về mặt kinh tế giúp vợ và chồng có nhiều thời gian cho nhau hơn (Voydanoff, 1990) [202]. 20 Một số nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa thu nhập và hạnh phúc hôn nhân bị điều tiết bởi yếu tố thứ ba như nghiên cứu của Zhang và Tsang (2013) [219] cho thấy phụ nữ có xu hướng ít hạnh phúc hơn khi người chồng có thu nhập thấp hơn họ, nhưng mối quan hệ này không còn có ý nghĩa nếu người vợ đó có tình yêu dành cho chồng theo nghĩa quan tâm thực sự về hạnh phúc của anh ấy và sẵn sàng hi sinh vì anh ấy. 1.2.3. Mối quan hệ giữa yếu tố tâm lý trong đời sống vợ chồng và cảm nhận hạnh phúc hôn nhân  Sự thể hiện tình cảm vợ chồng và cảm nhận hạnh phúc hôn nhân Tổng hợp tài liệu cho thấy, hầu hết các nghiên cứu đều có những phát hiện đồng nhất về vai trò tích cực của tình cảm đối với đời sống hôn nhân. Sự đồng nhất này thể hiện theo thời gian và cả ở các nền văn hoá đa dạng. Trong những năm của thế kỉ 20, các nghiên cứu đã xác nhận mối quan hệ tích cực giữa tình cảm với kết quả của mối quan hệ. Nghiên cứu chiều dọc của Carstensen, Gottman, và Levenson (1995) [40] đã chứng minh bộc lộ tình cảm tích cực là đặc điểm của những vợ chồng hạnh phúc và ổn định, trong khi sự thể hiện tình cảm tiêu cực là đặc trưng của những cuộc hôn nhân bất hạnh. Plechaty, Courturiers, Cote và Roy (1996) [154] cũng xác nhận sự gần gũi, thân mật và tình cảm hay không là điều khiến hầu hết các cặp đôi cảm thấy hài lòng hay không hài lòng với mối quan hệ của họ. Nghiên cứu khả năng dự báo của yếu tố tình cảm đến kết quả mối quan hệ sau này đã cho thấy thiếu hụt sự gắn bó trong tình cảm trong giai đoạn tiền hôn nhân là biến số dự báo quan trọng cho việc suy giảm sự hài lòng hôn nhân sau này (Smith, Vivian và O'Leary, 1990) [184]. Tương tự, nghiên cứu của Pasch và Bradbury (1998) [151] cũng đã chứng minh những hành vi mang tính quan tâm, hỗ trợ sẽ dự đoán kết quả tích cực cho mối quan hệ hôn nhân hai năm sau đó, và những cặp đôi thể hiện kĩ năng kém trong việc hỗ trợ và giải quyết vấn đề có nguy cơ bị rối loạn chức năng hôn nhân sau này. Mối quan hệ này vẫn không đổi trong những năm của thế kỉ 21. Các nghiên cứu đều cho thấy sự gắn bó, thể hiện tình cảm, sự thân mật/ gần gũi là những yếu tố làm tăng cường hạnh phúc và sự bền vững trong hôn nhân (Adigeb và Mbua, 2015; Rosen- Grandon và cộng sự, 2004; Wilmoth, Blaney và Smith, 2015) [19], [168], [211]. 21 Waters (2014) [180] cho thấy sự thể hiện tình cảm làm tăng hạnh phúc hôn nhân và giảm nguy cơ ly hôn. Waldinger, Schulz, Hauser, Allen và Crowell (2004) [203] cũng cho thấy sự đồng cảm và sự thể hiện tình cảm lớn hơn dự đoán cho sự ổn định hôn nhân cao hơn. Gần đây, nghiên cứu của Schoenfeld, Loving, Pope, Huston, và Štulhofer (2016) [176] cũng ủng hộ cho quan điểm này với phát hiện rằng, việc cảm nhận được tình cảm từ người bạn đời sẽ khiến hôn nhân hạnh phúc hơn. Trong khi việc tiếp nhận những tình cảm tiêu cực hoặc thiếu vắng sự ủng hộ và chia sẻ là những điều khiến một người cảm thấy ít hạnh phúc với cuộc hôn nhân của họ (Johnson và cộng sự, 2005) [105]. Hay Mondor, McDuff, Lussier, và Wright (2011) [142] cho thấy việc tránh né sự ràng buộc hay không gắn bó với nhau là đặc điểm của những cặp vợ chồng có nhiều căng thẳng. Tầm quan trọng của yếu tố tình cảm cũng đã được xác nhận trong nghiên cứu của Kim (2013) [123], tác giả cho thấy, so với các yếu tố như sự hài lòng tình dục, sự giao tiếp tình dục (sexual communication) thì sự thân mật/tình cảm là yếu tố dự báo tốt nhất để có cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Đỗ Thị Lệ Hằng, Phan Thị Mai Hương, Đặng Thị Thu Trang và Phạm Phương Thảo (2018) [4] về mối quan hệ giữa sự thể hiện tình cảm vợ chồng và sự hài lòng hôn nhân cũng cho thấy khả năng dự báo tích cực cho sự hài lòng hôn nhân, đặc biệt sự thể hiện tình cảm thông qua việc thể hiện sự gắn bó và chia sẻ tình cảm có ý nghĩa quan trọng với cuộc hôn nhân hơn là sự thể hiện tình cảm bằng các cử chỉ, hành động thân mật như ôm, hôn. Tương đồng với phát hiện trên, nghiên cứu của Lê Việt Nga (2014) [14] cũng chỉ ra rằng lòng trung thuỷ, sự quan tâm là hai trong số những yếu tố quan trọng đối với mối quan hệ vợ chồng.  Tương tác vợ chồng và cảm nhận hạnh phúc hôn nhân Tương tác giữa vợ và chồng là yếu tố được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu bởi tầm quan trọng của nó đối với một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Minh chứng cho điều này, nghiên cứu của Robinson và Blanton (1993) [157] trên những cặp vợ chồng đã kết hôn trung bình 40 năm, các cặp đôi này đã xác định sự giao tiếp, chia sẻ và tương hỗ lẫn nhau là một trong những đặc điểm chính của cuộc hôn nhân hạnh phúc. Các nghiên cứu về khả năng dự báo của sự tương tác đối với chất lượng hôn nhân cho những kết quả khá đồng nhất theo thời gian. Các nghiên cứu ở thập niên 90 22 trở về trước đều cho thấy mối quan hệ tích cực giữa chúng. Nghiên cứu của Donnely (1993) [56] thực hiện phỏng vấn trên một mẫu lớn (6.029 người) cho thấy, những hoạt động trải nghiệm và chia sẻ trong hôn nhân có tương quan nghịch với khả năng ly hôn và tần suất quan hệ tình dục thấp, nói cách khác, một cuộc hôn nhân kém hạnh phúc và có nguy cơ ly hôn cao khi các cặp đôi ít hoạt động chia sẻ, ít tương tác với nhau. Miller (1976) [141] đã tìm thấy sự tác động mạnh mẽ của tương tác lên sự hài lòng hôn nhân sau khi kiểm soát một số yếu tố như số con, tầng lớp xã hội, độ dài hôn nhân. Bên cạnh đó, những tương tác tiêu cực dự đoán cho một mối quan hệ suy giảm chất lượng. Nghiên cứu của Markman (1981) [137] cho thấy sự rối loạn trong tương tác ở những cặp đôi trong giai đoạn tiền hôn nhân hoặc mới kết hôn có thể dự đoán sự phát triển mối quan hệ căng thẳng cho cuộc hôn nhân sau này, hơn nữa một khi đã hình thành các mô hình tương tác hoạt động không đúng cách (mang tính tiêu cực) thì rất khó sửa đổi và rõ ràng điều này sẽ kìm hãm một mối quan hệ lành mạnh. Gottman và Krokoff (1989) [82] cũng đã chứng minh một số mô hình tương tác tiêu cực như sự bất đồng hay những trao đổi mang tính tức giận thường được coi là có hại cho hôn nhân, đặc biệt ba mô hình tương tác mang tính phòng thủ, không nhượng bộ và rút lui khỏi sự tương tác được xác định là nguy hại và khiến chất lượng hôn nhân suy giảm theo thời gian. Trong vòng thập niên gần đây thì mối quan hệ này vẫn được chứng minh là đúng. Nghiên cứu của Armenta-Hurtarte, Sánchez-Aragón (2014) [26] càng khẳng định vai trò của yếu tố này, khi sự tương tác không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân của chính khách thể nghiên cứu mà còn ảnh hưởng đến sự hài lòng hôn nhân ở người bạn đời. Các nghiên cứu khác cũng tìm thấy mối quan hệ tích cực. Adigeb và Mbua, (2015); Schmitt, Kliegel và Shapiro (2007) [19], [175] cho thấy sự tương tác giữa các cặp đôi thông qua trò chuyện, chia sẻ cùng nhau, dành thời gian cho nhau để cùng tham gia các hoạt động là một trong những yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hạnh phúc hôn nhân. Xung đột và cách thức giải quyết xung đột cũng được xem là một trong những biểu hiện tương tác giữa vợ và chồng. Các kết quả nghiên cứu đều thống nhất cách giải quyết tích cực, hợp tác có tương quan thuận với sự hài lòng về mối quan hệ. Trong khi 23 việc sử dụng cách thức giải quyết xung đột cạnh tranh, đối đầu khiến chất lượng hôn nhân suy giảm (Greeff và De Bruyne, 2000; Cramer, 1999) [84], [45]. Ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về khả năng tác động của tương tác vợ chồng đến hạnh phúc hôn nhân. Tương đồng với chủ đề này, có nghiên cứu của Đặng Thị Thu Trang, Phan Thị Mai Hương, Đỗ Thị Lệ Hằng và Phạm Phương Thảo (2018) [16] về mối quan hệ giữa tương tác và sự hài lòng hôn nhân, nghiên cứu cho thấy tương tác tích cực có quan hệ tích cực với sự hài lòng hôn nhân chung và sự hài lòng về các khía cạnh trong đời sống hôn nhân. Trong khi tương tác tiêu cực có dự báo tiêu cực cho các biến số này. Nghiên cứu của Lê Thị Thanh Hương (2018) [7] cũng cho thấy, sự chia sẻ - hỗ trợ lẫn nhau giữa vợ và chồng giúp tăng cường hạnh phúc hôn nhân trong khi những tương tác mang tính bất đồng, mâu thuẫn làm suy giảm hạnh phúc mối quan hệ. Như vậy các nghiên cứu khá đồng nhất trong các phát hiện về mối quan hệ giữa yếu tố tương tác và hạnh phúc hôn nhân. Ở Việt Nam, chủ đề này chưa có nhiều nghiên cứu thực hiện. Do đó, tìm hiểu về mối quan hệ này trong văn hoá Việt Nam sẽ là một khoảng trống thú vị để khám phá.  Yếu tố tình dục và cảm nhận hạnh phúc hôn nhân Khi xem xét sự ảnh hưởng của yếu tố tình dục đến đời sống hôn nhân, nhìn chung các tác giả đều cho thấy những phát hiện khá thống nhất về giá trị tích cực của đời sống tình dục tốt đẹp đến hạnh phúc hôn nhân như Adigeb và Mbua (2015); Schoenfeld và cs. (2017); Tayebe và cs. (2014) [19], [176] [193]. Một số nghiên cứu thể hiện cụ thể như sau. Nghiên cứu theo chiều dọc của McNulty, Wenner, và Fisher (2016) [139] cho thấy, sự hài lòng hôn nhân và sự thoả mãn tình dục đều giảm dần theo thời gian, tuy nhiên mối quan hệ tích cực giữa chúng theo thời gian thì không đổi. Các nhà nghiên cứu khác cũng cho thấy, sự gia tăng hài lòng trong đời sống tình dục dẫn đến tăng cường sự hài lòng hôn nhân (Rahmani, Khoei và Gholi, 2009; Ziaei và cộng sự, 2014) [156], [220]. Và mối quan hệ tích cực này đúng ở cả người vợ và người chồng (Nezhad và Goodarzi, 2011) [145]. Trong nền văn hoá phương Đông, một số nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng tích cực của mối quan hệ giữa hai biến số này. Nghiên cứu của Kim (2013) [123] thực 24 hiện trên nhóm khách thể là phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi trung niên cũng đã khẳng định, sự thoả mãn tình dục là một trong những yếu tố giúp tăng cường sự hài lòng hôn nhân. Tại Trung Quốc, nghiên cứu theo chiều dọc của Cao, Zhou, Fine, Li, và Fang (2019) [39] đã cho thấy, sự thoả mãn tình dục trước đó của người chồng sẽ dự đoán sự hài lòng hôn nhân sau này của họ. Trong khi đối với người vợ, sự hài lòng hôn nhân trước đó của người vợ lại dự báo cho sự hài lòng tình dục của họ sau này. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng không đổi, nghiên cứu của Bùi Vân Anh (2008); Nguyễn Hà Đông (2010); Lê Thị Thanh Hương, Trần Anh Châu và Lâm Thanh Bình (2017) [1], [2], [9] cho thấy đời sống tình dục tốt đẹp là điều tăng cường hạnh phúc hôn nhân. Bên cạnh những nghiên cứu mối quan hệ trực tiếp giữa tình dục và hạnh phúc hôn nhân, các nghiên cứu gián tiếp về mối quan hệ này cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Shakerian, Nazari, Masoomi, Ebrahimi, và Danai (2014); Yeh, Lorenz, Wickrama, Conger, và Elder (2006) [181], [214] đã tìm thấy tác động gián tiếp của hài lòng tình dục đến sự ổn định hôn nhân thông qua việc tăng cường chất lượng cuộc sống hôn nhân và giảm các vấn đề về mối quan hệ vợ chồng. Một số nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những cặp đôi hài lòng với cuộc hôn nhân cho thấy nhu cầu quan hệ tình dục cao hơn và mức độ thỏa mãn cũng cao hơn so với những cặp đôi ít/ không hài lòng với hôn nhân. Họ cũng thể hiện sự đồng thuận, sự gắn kết, hài lòng và tình cảm nhiều hơn một cách đáng kể (Carvalho và Nobre, 2011) [41]. Phải chăng đây là một mối quan hệ hai chiều, những ứng xử tích cực giữa vợ và chồng khiến họ có nhu cầu quan hệ cao hơn, và thỏa mãn hơn, ngược lại sự thỏa mãn trong quan hệ tình dục khiến các cặp đôi thể hiện nhiều hành vi, ứng xử tích cực với nhau hơn. Như vậy, mối quan hệ giữa đời sống tình dục và hành vi, ứng xử của vợ chồng đối với nhau là một vấn đề khá thú vị để xem xét. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại cho thấy yếu tố tình dục không phải là điều quá quan trọng đối với mối quan hệ lãng mạn. Nghiên cứu của Hinchliff, và Gott (2004) [96] từ 69 cuộc phỏng vấn sâu đã cho thấy vai trò của tình dục có thể suy giảm theo thời gian. Nghiên cứu của Litzinger và Gordon (2005) [130] cho rằng, nếu các cặp đôi thành công trong việc giao tiếp và tương tác thì sự hài lòng tình dục không có ý nghĩa tác động đến sự hài lòng hôn nhân. Tuy nhiên nghiên cứu cũng cho thấy rằng, nếu các cặp đôi gặp khó khăn trong giao tiếp, nhưng lại có trải nghiệm tình dục tốt thì điều này có thể bù đắp một phần cho tác động tiêu cực của 25 giao tiếp kém đối với hạnh phúc hôn nhân. Hay phát hiện của Schoenfeld và cộng sự (2017) [176] sau khi tìm hiểu khả năng dự đoán của tần suất quan hệ tình dục, sự hài lòng với quan hệ tình dục và ứng xử giữa vợ chồng đến sự hài lòng hôn nhân, tác giả đã đưa ra khẳng định, khi nói đến sự hài lòng hôn nhân, một đời sống tình dục được thỏa mãn, một mối quan hệ ấm áp, thân mật giữa các cá nhân dường như quan trọng hơn là tần suất quan hệ tình dục ít hay nhiều. Nghiên cứu của Nezhad và Goodarzi (2011) [145] cũng đã cho thấy, sự thân mật về mặt tình cảm cao sẽ làm giảm bớt những tác động tiêu cực lên hạnh phúc hôn nhân do sự thiếu thoả mãn trong đời sống tình dục gây ra. Ủng hộ cho quan điểm này, nghiên cứu của Fallah, Naz, Ozgoli, Mẻhabi, Farnam, và Bakhtyari (2018) [59] đã kết luận, mối quan hệ giữa sự hài lòng tình dục và sự hài lòng hôn nhân suy giảm theo các giai đoạn gia đình. Và điều này cho thấy rằng dường như xuyên suốt mối quan hệ vợ chồng, để có được hạnh phúc thì còn có những yếu tố khác quan trọng hơn sự hài lòng tình dục. Qua kết quả tổng quan các nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân cho thấy những khoảng trống trong nghiên cứu như sau: Thứ nhất: Tình hình nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân trên mẫu khách thể Việt Nam chưa nhiều. Đã có các nghiên cứu có liên quan đến mối quan hệ hôn nhân được đề cập đến như sự hài lòng hôn nhân, tình cảm trong quan hệ vợ chồng, tình dục và sự tương tác. Tuy nhiên những nghiên cứu tìm hiểu khả năng tác động của hệ thống các yếu tố tâm lý, yếu tố hoạt động chung của vợ chồng, yếu tố nhân khẩu và đặc điểm cuộc hôn nhân thì chưa có nhiều. Bên cạnh đó, chưa có nghiên cứu thực hiện mối quan hệ trung gian giữa các yếu tố tâm lý (tình cảm, tình dục, tương tác) trong khả năng tác động đến hạnh phúc hôn nhân. Thứ hai: Các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy những xu hướng tác động đa dạng của một số biến số đến hạnh phúc hôn nhân. Bên cạnh đó, các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện ở các nước phương Tây, một số nước tương đồng văn hoá như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã tiến hành nghiên cứu về chủ đề này, tuy nhiên những riêng biệt trong nền văn hoá của mỗi quốc gia là điều rõ ràng. Như vậy có thể nói, tại Việt Nam nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân còn khoảng trống. Với các lý do trên, nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân trên mẫu người vợ/chồng Việt Nam được đề tài thực hiện nhằm khám phá tình trạng mối quan hệ và quan trọng hơn là xác định các yếu tố có khả năng tăng cường một đời sống hôn nhân tốt đẹp. 26 Tiểu kết chương 1 Nghiên cứu về mối quan hệ hôn nhân nói chung và hạnh phúc hôn nhân nói riêng được dành nhiều sự quan tâm bởi các nhà khoa học trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam chủ đề này mới được quan tâm trong những năm gần đây. Tổng quan nghiên cứu về lĩnh vực này bàn đến một số vấn đề được tóm lược như sau: Thứ nhất: Tổng quan các nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc hôn nhân cho thấy có hai xu hướng trong xác định cấu trúc hạnh phúc hôn nhân. Đó là: hạnh phúc hôn nhân đa chiều cạnh (đa thành phần) và hạnh phúc hôn nhân một chiều cạnh (đơn thành phần). Các bàn luận về tính thống nhất, tính đa dạng và mối tương quan giữa hai xu hướng cấu trúc hạnh phúc hôn nhân đã được đề cập. Bên cạnh đó, tổng quan các nghiên cứu cho thấy con người có xu hướng khá hạnh phúc về mối quan hệ hôn nhân của họ. Thứ hai: Yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân được nghiên cứu tập trung tổng quan ở ba nhóm yếu tố chính là: (1) Nhóm yếu tố đặc điểm nhân khẩu – xã hội của cá nhân và đặc điểm cuộc hôn nhân. (2) Nhóm yếu tố hoạt động chung của vợ chồng trong gia đình như phân công lao động làm việc nhà, thực hiện lao động kiếm thu nhập lo cho kinh tế gia đình. (3) Nhóm yếu tố tâm lý đề cập đến đời sống tâm lý diễn ra giữa vợ và chồng như đời sống tình cảm, đời sống tình dục, sự thể hiện tương tác/ứng xử giữa vợ và chồng. Tổng quan cho thấy, nhìn chung khả năng tác động của nhóm yếu tố đặc điểm nhân khẩu-xã hội cá nhân và đặc điểm cuộc hôn nhân, và nhóm yếu tố hoạt động chung của vợ chồng trong gia đình đối với cảm nhận hạnh phúc hôn nhân là đa dạng trong các nghiên cứu khác nhau với các đặc điểm mẫu khác nhau. Tuy nhiên, đối với nhóm yếu tố tâm lý, khả năng tác động của chúng đến hạnh phúc hôn nhân khá ổn định qua các nghiên cứu và thời gian nghiên cứu. 27 Chương 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC CỦA VỢ CHỒNG TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN 2.1. Các luận điểm về cảm nhận hạnh phúc 2.1.1. Các quan điểm về hạnh phúc Khái niệm hạnh phúc được bắt nguồn đầu tiên từ triết học. Sau đó, tâm lý học là ngành đi sâu nghiên cứu về hạnh phúc từ góc độ thực nghiệm, cố gắng đo lường khái niệm này bằng các thang đo định lượng. Nhìn chung, khái niệm hạnh phúc chưa có sự thống nhất giữa các nhà khoa học bởi nó được nhìn nhận từ những quan điểm tiếp cận khác nhau. Tổng hợp lại, Haybron (2008; 2011) [88], [89] chỉ ra 2 trường phái quan niệm về hạnh phúc là hạnh phúc chủ quan (hay còn gọi là hạnh phúc thụ hưởng) và hạnh phúc khách quan (hay còn gọi là hạnh phúc hưng thịnh/ hạnh phúc giá trị). 2.1.1.1. Quan điểm hạnh phúc dưới tiếp cận chủ quan Dưới góc nhìn triết học, tiếp cận chủ quan coi hạnh phúc là một trạng thái tâm trí, nó thể hiện những cảm xúc và thái độ tích cực đối với cuộc sống nói chung hay các khía cạnh trong cuộc sống nói riêng. Cụ thể, tiếp cận hạnh phúc theo trường phái này cho rằng hạnh phúc là việc đạt được sự hài lòng/ thoả mãn và tránh những trải nghiệm mang lại cảm giác đau khổ. Như vậy, đánh giá hạnh phúc theo tiếp cận chủ quan sẽ dựa trên trạng thái chủ quan của con người, tức hạnh phúc sẽ là cảm nhận và đánh giá riêng của mỗi cá nhân (Haybron, 2008; Haybron, 2011) [88], [89]. Từ góc nhìn tâm lý học, tiếp cận chủ quan nhấn mạnh đến tính cá nhân, tính chủ quan của hạnh phúc và tin rằng cá nhân người mà đang trải nghiệm cuộc sống cũng chính là người thẩm định tốt nhất cho hạnh phúc của chính họ. Quan điểm này giống với lý thuyết hạnh phúc thụ hưởng (hạnh phúc chủ quan) từ góc nhìn của triết học - coi hạnh phúc dựa trên trạng thái chủ quan của con người. Trong lĩnh vực tâm lý học, Diener E. là một trong những đại diện nổi bật của hướng tiếp cận hạnh phúc chủ quan. Ông dùng khái niệm cảm nhận hạnh phúc chủ quan (subjective well-being) thay cho khái niệm hạnh phúc bởi nó khá mơ hồ. Theo ông, cảm nhận hạnh phúc chủ quan là đánh giá chủ quan của một cá nhân về tổng thể cuộc sống của họ, sự hiện diện của những cảm xúc dễ chịu và sự không hiện diện một cách tương đối các cảm xúc khó chịu (Diener, 1984) [50]. Khái niệm này được thao 28 tác hóa rõ hơn trong mô hình cảm nhận hạnh phúc chủ quan của ông và các đồng nghiệp (Diener, Scollon và Lucas, 2009) [52]. Theo đó, hạnh phúc là đánh giá chủ quan của cá nhân về cuộc sống của mình, bao gồm trong đó sự hiện diện của các cảm xúc tích cực, ít cảm xúc tiêu cực và có sự hài lòng với cuộc sống nói chung cũng như sự hài lòng về các khía cạnh trong cuộc sống như công việc, sức khoẻ, mối quan hệ nói riêng. Diener, Emmons, Larsen và Griffin (1985) [51] bàn rằng, việc một cá nhân đánh giá sự hài lòng về cuộc sống phải dựa trên cảm nhận chủ quan và tiêu chí của chính họ. Nói cách khác, sự hài lòng được đánh giá dựa trên việc cá nhân so sánh giữa những gì họ trải nghiệm ở cuộc sống thực tại với tiêu chuẩn mà họ đặt ra, vì thế nó hoàn toàn mang tính cá nhân, tính chủ quan. Như vậy, việc cá nhân hài lòng hay không hài lòng dựa trên các chuẩn mực giá trị do họ đặt ra chứ không phải dựa trên những giá trị họ có. Ví dụ như, cá nhân có thể cùng chia sẻ một hệ giá trị (như sức khoẻ, tiền bạc, danh vọng, tình yêu) nhưng chuẩn mực hay tiêu chí của mỗi người về giá trị đó lại khác nhau. Theo Diener và cộng sự (2009) [52], các yếu tố như sức khoẻ, điều kiện sống tiện nghi, đức hạnh hay sự giàu có được xem là những yếu tố có tiềm năng ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc chủ quan của một người thay vì được coi là một phần cấu tạo nên hạnh phúc. Tương tự như vậy, đặc điểm nhân cách, nguồn lực vật chất và mối quan hệ xã hội được xem là một trong những yếu tố quyết định quan trọng cho hạnh phúc chủ quan, thay vì coi chính nó là hạnh phúc (Tov và Diener, 2009) [194]. 2.1.1.2. Quan điểm hạnh phúc dưới tiếp cận khách quan Từ góc nhìn triết học, tiếp cận khách quan coi hạnh phúc là việc đạt được giá trị trong cuộc sống. Một cá nhân hạnh phúc khi họ có cuộc sống phát triển tốt đẹp, lành mạnh và có giá trị. Trường phái tiếp cận này nhấn mạnh quá trình sống tốt và các khía cạnh của hoạt động tâm lý tích cực, nó nằm ngoài giới hạn của việc con người có những cảm nhận/ cảm xúc hoặc sự đánh giá tích cực. Ví dụ, tiếp cận này sẽ không nhìn nhận hạnh phúc là khi họ hài lòng và cảm thấy vui với cuộc sống mà là khi cá nhân đó có một cuộc sống ý nghĩa và đức hạnh (tức làm những điều tốt đẹp) (Haybron, 2008; Haybron, 2011) [88]. [89]. 29 Từ góc nhìn tâm lý học, hạnh phúc dưới tiếp cận khách quan còn được gọi là hạnh phúc giá trị. Tiền đề của cách tiếp cận này cho rằng con người có những nhu cầu hoặc phẩm chất nhất định cần thiết cho sự trưởng thành và phát triển về mặt tâm lý. Việc đáp ứng được những nhu cầu này cho phép con người chạm đến tiềm năng của họ (Ryan và Deci, 2001) [159]. Ryff (1989) [170] với khái niệm về hạnh phúc tâm lý là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận này. Dựa trên lý thuyết của Erikson, Jung, Maslow và Rogers, Ryff đã đưa ra 6 thành phần của hạnh phúc gồm: 1 - tự chủ trong cuộc sống: là việc sống với niềm tin của chính mình, 2 - có mối quan hệ tích cực: đề cập đến sự kết nối sâu sắc với những người quan trọng và có ý nghĩa, 3 – làm chủ môi trường sống: là khả năng quản lý được hoàn cảnh sống của cá nhân, 4 – tự chấp nhận: đề cập đến sự nhận thức/ thấu hiểu và chấp nhận những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân cũng như của một người nào đó, 5 – sống có mục đích: đề cập đến việc một người cảm thấy cuộc sống của họ được dẫn dắt bởi những mục đích và ý nghĩa, 6 – phát triển cá nhân: đề cập đến việc một người được sử dụng tiềm năng của mình. Bà cho rằng việc một người thực hiện tốt 6 khía cạnh này, là người thực hiện tốt các chức năng trong cuộc sống, tức là người sống tốt và sống hạnh phúc (Ryff, 1989, 2014; Ryff và Singer, 2006) [170], [171], [172]. Cùng với tiếp cận này, Deci và Ryan (2008); Ryan và Deci (2002) [49], [160] đã đề xuất mô hình hạnh phúc dựa trên lý thuyết tự quyết định (The Self-Determination Theory – SDT). Lý thuyết tự quyết thể hiện xu hướng theo đuổi sự mới lạ, sự thách thức, khám phá, học hỏi, phát triển và trưởng thành. Tất cả những điều này chính là thứ trọng yếu đối với hạnh phúc giá trị - hạnh phúc theo tiếp cận khách quan. Ryan, Huta, và Deci (2008) [162] đã đưa ra mô hình chính thức về hạnh phúc khách quan dựa trên thuyết tự quyết gồm 4 thành phần chính: 1 – theo đuổi những mục tiêu và giá trị nội sinh hơn là những giá trị ngoại sinh (pursuing intrinsic, rather than extrinsic, goals and values); 2 – hành xử theo cách tự chủ và tự nguyện thay vì kiểm soát (behaving in an autonomous and volitional, rather than controlled, manner); 3 – chú ý và hành động với sự nhận thức sâu sắc (being mindful and acting with awareness) và 4 – những cách hành động để làm thoả mãn nhu cầu (behaving in need satisfying ways). 30 2.1.1.3. Quan điểm hạnh phúc tích hợp tiếp cận chủ quan và khách quan Bên cạnh đó, có những mô hình hạnh phúc là sự kết hợp giữa hạnh phúc thụ hưởng và hạnh phúc giá trị - tức mô hình hạnh phúc được nhìn nhận bằng cả hai hướng tiếp cận chủ quan và khách quan. Keyes (2002) [121] đã đưa ra thuật ngữ thịnh vượng (Flourishing) để mô tả hạnh phúc được đặc trưng của cả hạnh phúc thụ hưởng và hạnh phúc giá trị. Điển hình của sự kết hợp này có mô hình hạnh phúc thịnh vượng của Seligman được gọi là PERMA (dẫn theo Van Zyl, 2013) [199] gồm 5 thành phần. (P) – Cảm xúc tích cực (Positive emotion); (E) Sự cam kết (Engagement); (R) Mối quan hệ tích cực (positive Relationship); (M) Ý nghĩa cuộc sống (Meaning); (A) Thành tích (Achievement). Như vậy, nếu như dưới tiếp cận chủ quan, hạnh phúc đề cập đến việc con người “cảm thấy tốt như thế nào” thì với tiếp cận khách quan, hạnh phúc đề cập đến việc con người “làm những điều tốt đẹp như thế nào”. Hay nói cách khác, để biết xem một người có hạnh phúc hay không, tiếp cận chủ quan sẽ xem xét “cảm nhận hạnh phúc” trong cuộc sống của một cá nhân, còn tiếp cận khách quan sẽ xem xét “cách sống” của họ. Bên cạnh đó, dưới quan điểm của tiếp cận chủ quan, các yếu tố thuộc về nguồn lực bên ngoài (như điều kiện sống, mối quan hệ xã hội) và yếu tố thuộc về nguồn lực bản thân (như sức khoẻ và sự đức hạnh) được nhìn nhận như là yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc của một người. Trong khi dưới tiếp cận khách quan, những yếu tố trên được nhìn nhận là những thành phần cấu thành nên hạnh phúc, hay chính là hạnh phúc. 2.1.2. Một số bàn luận về hai trường phái tiếp cận chủ quan và tiếp cận khách quan trong nghiên cứu hạnh phúc Hạnh phúc nên được xác định dựa trên hướng tiếp cận nào là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Những bàn luận và so sánh giữa hai trường phái tiếp cận được bàn tới bởi nhiều nhà triết học và tâm lý học. Dưới đây, là ba luận điểm được nghiên cứu bàn luận về hai hướng tiếp cận này gồm: (1) Mối liên hệ giữa hai quan điểm tiếp cận; (2) Tính thống nhất về mặt khái niệm hạnh phúc của hai trường phái tiếp cận; và (3) Cách nhìn nhận về vị trí giữa chúng trong nghiên cứu (xác định vai trò biến phụ thuộc và biến độc lập trong nghiên cứu). Những bàn luận này là cơ sở để nghiên cứu lựa chọn hướng 31 tiếp cận chủ quan trong nghiên cứu cảm nhận hạnh phúc của vợ chồng trong đời sống hôn nhân, đồng thời góp phần lý giải cho sự lựa chọn đó.  Thứ nhất: Mối liên hệ giữa hai quan điểm tiếp cận chủ quan và khách quan về hạnh phúc Sự nỗ lực để phân định rõ ràng giữa hạnh phúc chủ quan và hạnh phúc khách quan đã được chứng minh là thách thức không chỉ đối với các nhà triết học mà còn đối với những nhà tâm lý học với các nghiên cứu dựa trên thực chứng. Các nhà triết học cho rằng, ở một mức độ nào đó thì hạnh phúc chủ quan và hạnh phúc khách quan chồng chéo nhau. Có thể dễ hình dung ra rằng một người cảm thấy hạnh phúc chủ quan (hạnh phúc thụ hưởng) trong khi họ không có một cuộc sống đức hạnh và ý nghĩa. Tương tự như vậy, một người sống ý nghĩa và đức hạnh (hạnh phúc khách quan/ hưng thịnh) nhưng chưa hẳn sẽ luôn có những trải nghiệm cảm xúc tích cực cao. Bên cạnh đó, hạnh phúc chủ quan và hạnh phúc khách quan cũng có mối liên quan lẫn nhau ở một mức độ nhất định. Epicurus – một nhà...*************************************************************** OUTCOME VARIABLE: tuongtac Model Summary R R-sq MSE F df1 df2 p .6465 .4180 .3203 519.8953 1.0000 724.0000 .0000 Model coeff se t p LLCI ULCI constant 1.2636 .1245 10.1482 .0000 1.0191 1.5080 tinhcam .6796 .0298 22.8012 .0000 .6211 .7381 ************************************************************************** OUTCOME VARIABLE: P2_chung Model Summary R R-sq MSE F df1 df2 p .5825 .3394 1.2925 185.6916 2.0000 723.0000 .0000 Model coeff se t p LLCI ULCI constant 2.6429 .2673 9.8865 .0000 2.1181 3.1677 tinhcam .5631 .0785 7.1743 .0000 .4090 .7171 tuongtac .6725 .0747 9.0075 .0000 .5259 .8190 ************************** TOTAL EFFECT MODEL **************************** OUTCOME VARIABLE: P2_chung Model Summary R R-sq MSE F df1 df2 p .5150 .2652 1.4356 261.3241 1.0000 724.0000 .0000 Model coeff se t p LLCI ULCI constant 3.4926 .2636 13.2495 .0000 2.9751 4.0101 231 tinhcam 1.0201 .0631 16.1655 .0000 .8962 1.1440 ************** TOTAL, DIRECT, AND INDIRECT EFFECTS OF X ON Y ************** Total effect of X on Y Effect se t p LLCI ULCI 1.0201 .0631 16.1655 .0000 .8962 1.1440 Direct effect of X on Y Effect se t p LLCI ULCI .5631 .0785 7.1743 .0000 .4090 .7171 Indirect effect(s) of X on Y: Effect BootSE BootLLCI BootULCI tuongtac .4570 .0686 .3260 .5961 Normal theory test for indirect effect(s): Effect se Z p tuongtac .4570 .0546 8.3705 .0000 *********************** ANALYSIS NOTES AND ERRORS ************************ Level of confidence for all confidence intervals in output: 95.0000 Number of bootstrap samples for percentile bootstrap confidence intervals: 5000 ------ END MATRIX ----- 3. Mối quan hệ trung gian giữa cặp yếu tố tương tác và tình dục trong tác động đến cảm nhận hạnh phúc hôn nhân + Xem xét khi biến trung gian là yếu tố tương tác Run MATRIX procedure: **************** PROCESS Procedure for SPSS Version 3.2 ****************** Written by Andrew F. Hayes, Ph.D. www.afhayes.com Documentation available in Hayes (2018). www.guilford.com/p/hayes3 ************************************************************************** Model : 4 Y : P2_chung X : tinhduc M : tuongtac 232 Sample Size: 724 Custom Seed: 31216 ************************************************************************** OUTCOME VARIABLE: tuongtac Model Summary R R-sq MSE F df1 df2 p .4833 .2336 .4214 220.0116 1.0000 722.0000 .0000 Model coeff se t p LLCI ULCI constant 2.2728 .1231 18.4686 .0000 2.0312 2.5144 tinhduc .4282 .0289 14.8328 .0000 .3715 .4849 ************************************************************************** OUTCOME VARIABLE: P2_chung Model Summary R R-sq MSE F df1 df2 p .5559 .3090 1.3550 161.2380 2.0000 721.0000 .0000 Model coeff se t p LLCI ULCI constant 3.0619 .2678 11.4354 .0000 2.5362 3.5876 tinhduc .2480 .0591 4.1939 .0000 .1319 .3640 tuongtac .8849 .0667 13.2597 .0000 .7538 1.0159 ************************** TOTAL EFFECT MODEL **************************** OUTCOME VARIABLE: P2_chung Model Summary R R-sq MSE F df1 df2 p .3749 .1405 1.6831 118.0675 1.0000 722.0000 .0000 Model coeff se t p LLCI ULCI constant 5.0730 .2459 20.6277 .0000 4.5902 5.5558 tinhduc .6268 .0577 10.8659 .0000 .5136 .7401 ************** TOTAL, DIRECT, AND INDIRECT EFFECTS OF X ON Y ************** 233 Total effect of X on Y Effect se t p LLCI ULCI .6268 .0577 10.8659 .0000 .5136 .7401 Direct effect of X on Y Effect se t p LLCI ULCI .2480 .0591 4.1939 .0000 .1319 .3640 Indirect effect(s) of X on Y: Effect BootSE BootLLCI BootULCI tuongtac .3789 .0463 .2911 .4717 Normal theory test for indirect effect(s): Effect se Z p tuongtac .3789 .0384 9.8731 .0000 *********************** ANALYSIS NOTES AND ERRORS ************************ Level of confidence for all confidence intervals in output: 95.0000 Number of bootstrap samples for percentile bootstrap confidence intervals: 5000 ------ END MATRIX ----- + Xem xét khi biến trung gian là yếu tố tình dục Run MATRIX procedure: **************** PROCESS Procedure for SPSS Version 3.2 ****************** Written by Andrew F. Hayes, Ph.D. www.afhayes.com Documentation available in Hayes (2018). www.guilford.com/p/hayes3 ************************************************************************** Model : 4 Y : P2_chung X : tuongtac M : tinhduc Sample Size: 724 Custom Seed: 31216 234 ************************************************************************** OUTCOME VARIABLE: tinhduc Model Summary R R-sq MSE F df1 df2 p .4833 .2336 .5369 220.0116 1.0000 722.0000 .0000 Model coeff se t p LLCI ULCI constant 1.9642 .1519 12.9345 .0000 1.6661 2.2624 tuongtac .5455 .0368 14.8328 .0000 .4733 .6177 ************************************************************************** OUTCOME VARIABLE: P2_chung Model Summary R R-sq MSE F df1 df2 p .5559 .3090 1.3550 161.2380 2.0000 721.0000 .0000 Model coeff se t p LLCI ULCI constant 3.0619 .2678 11.4354 .0000 2.5362 3.5876 tuongtac .8849 .0667 13.2597 .0000 .7538 1.0159 tinhduc .2480 .0591 4.1939 .0000 .1319 .3640 ************************** TOTAL EFFECT MODEL **************************** OUTCOME VARIABLE: P2_chung Model Summary R R-sq MSE F df1 df2 p .5405 .2922 1.3862 298.0388 1.0000 722.0000 .0000 Model coeff se t p LLCI ULCI constant 3.5490 .2440 14.5440 .0000 3.0699 4.0281 tuongtac 1.0201 .0591 17.2638 .0000 .9041 1.1361 ************** TOTAL, DIRECT, AND INDIRECT EFFECTS OF X ON Y ************** Total effect of X on Y Effect se t p LLCI ULCI 1.0201 .0591 17.2638 .0000 .9041 1.1361 Direct effect of X on Y Effect se t p LLCI ULCI 235 .8849 .0667 13.2597 .0000 .7538 1.0159 Indirect effect(s) of X on Y: Effect BootSE BootLLCI BootULCI tinhduc .1353 .0413 .0636 .2233 Normal theory test for indirect effect(s): Effect se Z p tinhduc .1353 .0336 4.0273 .0001 *********************** ANALYSIS NOTES AND ERRORS ************************ Level of confidence for all confidence intervals in output: 95.0000 Number of bootstrap samples for percentile bootstrap confidence intervals: 5000 ------ END MATRIX ----- Output số liệu mục 4.5. So sánh các mô hình hôn nhân hạnh phúc ở các đối tượng khác nhau 1. Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nam và nữ + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nam Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .572a .327 .300 1.017 1.848 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 113.302 9 12.589 12.163 .000b Residual 232.885 225 1.035 Total 346.187 234 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam Coefficientsa Unstandardized Standardized Coefficients Coefficients t Sig. Collinearity Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 236 1 (Constant) 3.190 .560 5.700 .000 i3ck chong noi tro .380 .364 .063 1.043 .298 .815 1.227 i3vo vo noi tro -.002 .199 -.001 -.009 .993 .646 1.547 i4ck chong thu .019 .167 .008 .114 .910 .644 1.552 nhap i4vo vo noi thu -.128 .246 -.034 -.522 .602 .717 1.394 nhap i5ck chong quyet -.185 .147 -.071 -1.257 .210 .944 1.059 dinh i5vo vo quyet dinh -.239 .321 -.047 -.744 .457 .765 1.308 tinhcam yeu to .504 .136 .273 3.706 .000 .549 1.821 tinh cam tinhduc yeu to tinh .142 .099 .091 1.435 .153 .747 1.338 duc tuongtac yeu to .481 .134 .272 3.590 .000 .522 1.915 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nữ Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .592a .350 .337 1.176 1.804 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 336.087 9 37.343 26.999 .000b Residual 623.792 451 1.383 Total 959.879 460 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam Coefficientsa Unstandardized Standardized Collinearity Coefficients Coefficients t Sig. Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 2.708 .423 6.408 .000 i3ck chong noi tro -.467 .290 -.079 -1.611 .108 .606 1.649 i3vo vo noi tro .013 .194 .003 .069 .945 .584 1.713 i4ck chong thu -.058 .136 -.019 -.424 .672 .696 1.436 nhap 237 i4vo vo noi thu -.054 .209 -.012 -.259 .796 .701 1.427 nhap i5ck chong quyet -.233 .124 -.074 -1.873 .062 .931 1.074 dinh i5vo vo quyet dinh -.630 .186 -.136 -3.388 .001 .897 1.115 tinhcam yeu to .524 .104 .252 5.020 .000 .574 1.743 tinh cam tinhduc yeu to tinh .163 .077 .096 2.111 .035 .698 1.433 duc tuongtac yeu to .575 .099 .292 5.831 .000 .573 1.744 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? 2. Mô hình hạnh phúc hôn nhân của các nhóm tuổi + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nhóm dưới 35 tuổi Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .663a .440 .409 1.030 1.703 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i4ck chong thu nhap, i5ck chong quyet dinh, i3ck chong noi tro, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 138.021 9 15.336 14.467 .000b Residual 175.973 166 1.060 Total 313.994 175 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i4ck chong thu nhap, i5ck chong quyet dinh, i3ck chong noi tro, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam Coefficientsa Unstandardized Standardized Coefficients Coefficients t Sig. Collinearity Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 2.581 .617 4.183 .000 i3ck chong noi tro -.457 .509 -.067 -.897 .371 .608 1.644 i3vo vo noi tro .066 .282 .018 .233 .816 .565 1.770 i4ck chong thu -.208 .236 -.070 -.881 .380 .540 1.852 nhap i4vo vo noi thu .099 .355 .021 .280 .780 .579 1.727 nhap i5ck chong quyet -.321 .176 -.110 -1.824 .070 .937 1.068 dinh i5vo vo quyet dinh -.639 .290 -.138 -2.203 .029 .865 1.156 238 tinhcam yeu to .618 .166 .298 3.716 .000 .525 1.906 tinh cam tinhduc yeu to tinh .148 .122 .091 1.215 .226 .599 1.669 duc tuongtac yeu to .563 .157 .297 3.576 .000 .491 2.038 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nhóm từ 35 – 50 tuổi Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .565a .319 .305 1.145 1.865 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i5ck chong quyet dinh, i3ck chong noi tro, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 260.010 9 28.890 22.045 .000b Residual 554.350 423 1.311 Total 814.360 432 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i5ck chong quyet dinh, i3ck chong noi tro, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam Coefficientsa Unstandardized Standardized Collinearity Coefficients Coefficients t Sig. Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 2.841 .444 6.403 .000 i3ck chong noi tro -.347 .304 -.056 -1.144 .253 .681 1.469 i3vo vo noi tro .184 .191 .049 .965 .335 .626 1.598 i4ck chong thu .061 .134 .022 .458 .647 .707 1.415 nhap i4vo vo noi thu .035 .207 .008 .170 .865 .714 1.401 nhap i5ck chong quyet -.152 .123 -.052 -1.237 .217 .927 1.078 dinh i5vo vo quyet dinh -.620 .217 -.123 -2.865 .004 .869 1.151 tinhcam yeu to .248 .107 .126 2.327 .020 .547 1.828 tinh cam tinhduc yeu to tinh .315 .083 .184 3.817 .000 .694 1.441 duc tuongtac yeu to .581 .102 .313 5.719 .000 .539 1.856 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? 239 + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nhóm trên 50 tuổi Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .755a .570 .520 .980 1.847 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i4vo vo noi thu nhap, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhcam yeu to tinh cam, i3vo vo noi tro b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 99.143 9 11.016 11.466 .000b Residual 74.937 78 .961 Total 174.080 87 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i4vo vo noi thu nhap, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhcam yeu to tinh cam, i3vo vo noi tro Coefficientsa Unstandardized Standardized Coefficients Coefficients t Sig. Collinearity Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 1.867 .852 2.191 .031 i3ck chong noi tro .227 .389 .051 .583 .561 .715 1.398 i3vo vo noi tro -.240 .278 -.082 -.863 .391 .618 1.618 i4ck chong thu -.298 .245 -.104 -1.213 .229 .750 1.333 nhap i4vo vo noi thu -.672 .326 -.175 -2.066 .042 .770 1.298 nhap i5ck chong quyet .018 .261 .005 .069 .945 .913 1.096 dinh i5vo vo quyet dinh .138 .343 .035 .401 .689 .739 1.354 tinhcam yeu to 1.284 .180 .619 7.118 .000 .731 1.368 tinh cam tinhduc yeu to tinh -.153 .123 -.100 -1.238 .219 .850 1.177 duc tuongtac yeu to .421 .185 .197 2.277 .026 .734 1.362 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? 240 3. Mô hình hạnh phúc hôn nhân của các nhóm mức sống gia đình + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nhóm gia đình rất khá giả Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .477a .227 .105 1.150 2.141 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i5vo vo quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i3vo vo noi tro, i4vo vo noi thu nhap, tinhcam yeu to tinh cam, tinhduc yeu to tinh duc b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 22.190 9 2.466 1.863 .076b Residual 75.422 57 1.323 Total 97.612 66 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i5vo vo quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i3vo vo noi tro, i4vo vo noi thu nhap, tinhcam yeu to tinh cam, tinhduc yeu to tinh duc Coefficientsa Unstandardized Standardized Coefficients Coefficients t Sig. Collinearity Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 4.081 1.449 2.817 .007 i3ck chong noi tro .108 1.238 .011 .087 .931 .877 1.141 i3vo vo noi tro .179 .450 .053 .398 .692 .770 1.299 i4ck chong thu -.334 .350 -.134 -.956 .343 .691 1.448 nhap i4vo vo noi thu -.541 .641 -.118 -.844 .402 .696 1.436 nhap i5ck chong quyet -.277 .304 -.111 -.911 .366 .916 1.092 dinh i5vo vo quyet dinh -.571 .897 -.081 -.637 .527 .848 1.180 tinhcam yeu to .532 .379 .222 1.404 .166 .540 1.852 tinh cam tinhduc yeu to tinh .124 .287 .075 .433 .667 .453 2.207 duc tuongtac yeu to .348 .289 .187 1.202 .234 .562 1.781 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? 241 + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nhóm gia đình khá giả Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .639a .408 .376 1.034 2.043 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i5vo vo quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i3vo vo noi tro, i4vo vo noi thu nhap, tinhcam yeu to tinh cam b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 120.278 9 13.364 12.507 .000b Residual 174.173 163 1.069 Total 294.451 172 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i5vo vo quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i3vo vo noi tro, i4vo vo noi thu nhap, tinhcam yeu to tinh cam Coefficientsa Unstandardized Standardized Coefficients Coefficients t Sig. Collinearity Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 2.601 .650 4.000 .000 i3ck chong noi tro .107 .493 .015 .216 .829 .758 1.318 i3vo vo noi tro .171 .267 .046 .639 .524 .700 1.428 i4ck chong thu .091 .200 .034 .453 .651 .636 1.571 nhap i4vo vo noi thu -.071 .273 -.020 -.261 .794 .647 1.546 nhap i5ck chong quyet -.498 .184 -.172 -2.698 .008 .894 1.118 dinh i5vo vo quyet dinh -.170 .291 -.037 -.585 .559 .921 1.085 tinhcam yeu to .535 .168 .274 3.191 .002 .491 2.039 tinh cam tinhduc yeu to tinh .081 .128 .046 .634 .527 .682 1.467 duc tuongtac yeu to .647 .155 .355 4.164 .000 .500 1.999 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? 242 + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nhóm gia đình bình thường Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .543a .294 .276 1.164 1.767 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3vo vo noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4vo vo noi thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4ck chong thu nhap, i3ck chong noi tro, tinhcam yeu to tinh cam b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 190.936 9 21.215 15.667 .000b Residual 457.684 338 1.354 Total 648.621 347 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3vo vo noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4vo vo noi thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4ck chong thu nhap, i3ck chong noi tro, tinhcam yeu to tinh cam Coefficientsa Unstandardized Standardized Coefficients Coefficients t Sig. Collinearity Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 3.068 .505 6.079 .000 i3ck chong noi tro -.109 .315 -.020 -.348 .728 .636 1.573 i3vo vo noi tro -.129 .210 -.038 -.615 .539 .561 1.784 i4ck chong thu -.005 .156 -.002 -.032 .975 .676 1.480 nhap i4vo vo noi thu .023 .259 .005 .087 .931 .736 1.359 nhap i5ck chong quyet -.113 .140 -.038 -.810 .419 .935 1.069 dinh i5vo vo quyet dinh -.700 .241 -.142 -2.900 .004 .875 1.143 tinhcam yeu to .463 .117 .233 3.969 .000 .608 1.644 tinh cam tinhduc yeu to tinh .321 .095 .183 3.375 .001 .714 1.401 duc tuongtac yeu to .376 .116 .189 3.244 .001 .616 1.623 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? 243 + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nhóm gia đình khó khăn Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .675a .455 .402 1.126 1.746 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3vo vo noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4vo vo noi thu nhap, tinhduc yeu to tinh duc, i5vo vo quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i3ck chong noi tro, tinhcam yeu to tinh cam b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 98.497 9 10.944 8.632 .000b Residual 117.911 93 1.268 Total 216.408 102 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3vo vo noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4vo vo noi thu nhap, tinhduc yeu to tinh duc, i5vo vo quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i3ck chong noi tro, tinhcam yeu to tinh cam Coefficientsa Unstandardized Standardized Collinearity Coefficients Coefficients t Sig. Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 2.439 .831 2.934 .004 i3ck chong noi tro -.627 .517 -.122 -1.213 .228 .578 1.730 i3vo vo noi tro .249 .365 .069 .683 .496 .569 1.757 i4ck chong thu -.016 .279 -.005 -.056 .955 .655 1.528 nhap i4vo vo noi thu -.132 .402 -.034 -.329 .743 .554 1.806 nhap i5ck chong quyet -.095 .268 -.029 -.355 .724 .849 1.178 dinh i5vo vo quyet dinh -.410 .374 -.105 -1.096 .276 .639 1.566 tinhcam yeu to .332 .222 .160 1.493 .139 .513 1.950 tinh cam tinhduc yeu to tinh .030 .133 .020 .227 .821 .770 1.298 duc tuongtac yeu to .898 .206 .490 4.359 .000 .463 2.159 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? 4. Mô hình hạnh phúc hôn nhân của các nhóm độ dài hôn nhân + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nhóm từ 0 – 10 năm Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 244 1 .661a .437 .396 1.094 1.626 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i5ck chong quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i3ck chong noi tro, i5vo vo quyet dinh, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhduc yeu to tinh duc, tinhcam yeu to tinh cam b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 115.117 9 12.791 10.685 .000b Residual 148.435 124 1.197 Total 263.552 133 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i5ck chong quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i3ck chong noi tro, i5vo vo quyet dinh, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhduc yeu to tinh duc, tinhcam yeu to tinh cam Coefficientsa Unstandardized Standardized Coefficients Coefficients t Sig. Collinearity Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 2.909 .718 4.053 .000 i3ck chong noi tro .109 .662 .013 .164 .870 .704 1.420 i3vo vo noi tro .186 .332 .048 .561 .576 .614 1.628 i4ck chong thu -.321 .277 -.106 -1.161 .248 .542 1.846 nhap i4vo vo noi thu -.113 .381 -.025 -.296 .768 .620 1.612 nhap i5ck chong quyet .032 .223 .010 .145 .885 .931 1.074 dinh i5vo vo quyet dinh -.742 .315 -.171 -2.356 .020 .857 1.166 tinhcam yeu to .440 .202 .221 2.179 .031 .441 2.269 tinh cam tinhduc yeu to tinh .135 .159 .077 .849 .397 .558 1.793 duc tuongtac yeu to .627 .185 .360 3.397 .001 .404 2.475 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nhóm từ 11 – 20 năm Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .596a .355 .338 1.102 1.856 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? 245 ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 228.505 9 25.389 20.917 .000b Residual 415.120 342 1.214 Total 643.625 351 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i4vo vo noi thu nhap, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam Coefficientsa Unstandardized Standardized Coefficients Coefficients t Sig. Collinearity Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 2.951 .464 6.366 .000 i3ck chong noi tro -.620 .330 -.106 -1.877 .061 .590 1.694 i3vo vo noi tro .092 .218 .024 .421 .674 .587 1.705 i4ck chong thu .176 .145 .063 1.216 .225 .708 1.413 nhap i4vo vo noi thu .128 .232 .030 .550 .583 .649 1.541 nhap i5ck chong quyet -.251 .131 -.086 -1.920 .056 .931 1.074 dinh i5vo vo quyet dinh -.547 .222 -.118 -2.466 .014 .825 1.212 tinhcam yeu to .339 .118 .171 2.867 .004 .531 1.882 tinh cam tinhduc yeu to tinh .175 .092 .103 1.908 .057 .646 1.547 duc tuongtac yeu to .637 .108 .345 5.899 .000 .550 1.818 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nhóm từ 21 – 30 năm Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .548a .300 .260 1.194 1.853 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4vo vo noi thu nhap, tinhduc yeu to tinh duc, tinhcam yeu to tinh cam, i3vo vo noi tro b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 95.279 9 10.587 7.430 .000b Residual 222.269 156 1.425 Total 317.548 165 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? 246 b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i4ck chong thu nhap, i5vo vo quyet dinh, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i4vo vo noi thu nhap, tinhduc yeu to tinh duc, tinhcam yeu to tinh cam, i3vo vo noi tro Coefficientsa Unstandardized Standardized Coefficients Coefficients t Sig. Collinearity Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 1 (Constant) 2.148 .798 2.690 .008 i3ck chong noi tro -.138 .466 -.023 -.297 .767 .772 1.296 i3vo vo noi tro .071 .283 .021 .251 .802 .620 1.613 i4ck chong thu -.125 .231 -.045 -.542 .589 .647 1.545 nhap i4vo vo noi thu -.091 .348 -.020 -.260 .795 .770 1.298 nhap i5ck chong quyet -.276 .214 -.091 -1.291 .199 .902 1.108 dinh i5vo vo quyet dinh .018 .386 .003 .047 .963 .930 1.075 tinhcam yeu to .594 .167 .287 3.563 .000 .691 1.447 tinh cam tinhduc yeu to tinh .352 .130 .207 2.710 .007 .766 1.305 duc tuongtac yeu to .400 .179 .187 2.240 .027 .643 1.555 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? + Mô hình hạnh phúc hôn nhân của nhóm trên 30 năm Model Summaryb Model R R Square Adjusted R Square Std. Error of the Estimate Durbin-Watson 1 .780a .608 .508 .828 1.910 a. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i4ck chong thu nhap, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam, i4vo vo noi thu nhap b. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? ANOVAa Model Sum of Squares df Mean Square F Sig. 1 Regression 37.228 9 4.136 6.039 .000b Residual 23.972 35 .685 Total 61.200 44 a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? b. Predictors: (Constant), tuongtac yeu to tuong tac, i4ck chong thu nhap, i3ck chong noi tro, i5ck chong quyet dinh, i5vo vo quyet dinh, tinhduc yeu to tinh duc, i3vo vo noi tro, tinhcam yeu to tinh cam, i4vo vo noi thu nhap Coefficientsa Unstandardized Standardized Collinearity Coefficients Coefficients t Sig. Statistics Model B Std. Error Beta Tolerance VIF 247 1 (Constant) 3.909 1.068 3.661 .001 i3ck chong noi tro .670 .433 .195 1.549 .130 .703 1.421 i3vo vo noi tro .177 .330 .074 .536 .595 .582 1.718 i4ck chong thu -.427 .290 -.181 -1.471 .150 .742 1.348 nhap i4vo vo noi thu -.765 .451 -.238 -1.695 .099 .569 1.756 nhap i5ck chong quyet -.468 .281 -.189 -1.665 .105 .868 1.152 dinh i5vo vo quyet dinh -.472 .613 -.115 -.769 .447 .500 2.002 tinhcam yeu to 1.064 .245 .607 4.342 .000 .572 1.748 tinh cam tinhduc yeu to tinh -.026 .126 -.025 -.210 .835 .793 1.261 duc tuongtac yeu to .100 .282 .049 .356 .724 .599 1.669 tuong tac a. Dependent Variable: P2_chung Ông /Bà cảm thấy hạnh phúc ko? 248

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfluan_an_cam_nhan_hanh_phuc_cua_vo_chong_trong_doi_song_hon_n.pdf
  • jpgScan0058.JPG
  • jpgScan0059.JPG
  • jpgScan0060.JPG
  • jpgScan0061.JPG
  • pdfTrichyeu_DangThiThuTrang.pdf
  • pdfTT DangThiThuTrang.pdf
  • pdfTT Eng DangThiThuTrang.pdf
Tài liệu liên quan