mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Một trong những thành tựu đó là sự đổi mới nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Đi lên CNXH từ một nước còn lạc hậu về kinh tế, tất yếu phải thực hiện sự quá độ gián tiếp. Để thực hiện sự quá độ gián tiếp đó, đòi hỏi chúng ta phải ra sức tìm tòi và sử dụng đúng đắn những hình thức kinh tế trung gian, tìm ra những "chiếc cầu nhỏ" xuyên qua chủ n
178 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1927 | Lượt tải: 5
Tóm tắt tài liệu KHÂU TRUNG GIAN TRONG SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ Ý NGHĨA PHƯƠNG PHÁP LUẬN CỦA NÓ ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH ĐỔỈ MỚI KINH TẾ Ở Việt Nam HIỆN NAY, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ghĩa tư bản nhà nước để tiến lên CNXH. Do đó, cần thiết phải tìm hiểu và nghiên cứu khâu trung gian trong sự phát triển xã hội với tính cách là cơ sở lý luận cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế quá độ. Nhưng, như Lênin đã nói, đó cũng là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp.
Trong những năm vừa qua, nhiều nhà khoa học thông qua nhiều đề tài, chương trình khoa học khác nhau đã tập trung nghiên cứu vấn đề trên đây và đã đạt được những kết quả nhất định. Việc vận dụng những kết quả nghiên cứu đó vào thực tiễn đã góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, không phải mọi vấn đề có liên quan tới việc nắm vững và sử dụng những hình thức trung gian trong quá trình đổi mới kinh tế hiện nay đều đã được giải quyết. Thực tiễn công cuộc đổi mới - nhất là đổi mới kinh tế ở nước ta trong những năm gần đây, những biểu hiện "tả" và "hữu" khuynh do nhận thức và vận dụng không đúng lý luận về khâu trung gian vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục. Cho nên, việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu vấn đề khâu trung gian và vận dụng nó một cách có hiệu quả vào quá trình đổi mới kinh tế ở nước ta vẫn là một đòi hỏi bức thiết cả từ phương diện lý luận lẫn phương diện thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu
Trong những năm gần đây đã có một số công trình nghiên cứu, trong và ngoài nước đã đề cập tới một số khía cạnh của vấn đề trên. Chẳng hạn: "Vấn đề nhảy vọt và khâu trung gian trong quy luật chuyển hóa về số lượng thành chất lượng và ngược lại" của Giáo sư Hồ Văn Thông [88]; "Lịch sử và lôgíc" của Giáo sư Lê Hữu Nghĩa [69]; "Vai trò của khâu trung gian trong bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta" của Giáo sư Nguyễn Ngọc Long [50]; "Vấn đề nhảy vọt trong sự phát triển xã hội và ý nghĩa phương pháp luận của nó đối với sự nghiệp xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ ở nước ta" của Phó tiến sĩ Cao Văn Thanh [85]; "V.I. Lênin bàn về những khâu trung gian, các bước và các hình thức quá độ" của Phó tiến sĩ Vũ Văn Thuấn [90]; "Các hình thức kinh tế quá độ" của Hồng Giao [25]... V.E.Kozlôpxki (Liên Xô): Phép biện chứng của sự quá độ từ CNTB lên CNXH [33]; A.Liu-bi-nin (Liên Xô): Tính tất yếu và những kiểu của các hình thức quá độ [47]...
Những công trình nói trên đã ít nhiều đề cập đến bản chất, vai trò, tính tất yếu của khâu trung gian với tính cách là một yếu tố quan trọng của phép biện chứng duy vật, phản ánh một trạng thái tồn tại khách quan của sự chuyển hóa từ chất cũ sang chất mới trong quá trình nhảy vọt của sự vật. Đặc biệt, nhiều tác giả đã chỉ ra ý nghĩa lý luận và phương pháp luận của khâu trung gian trong hoạt động thực tiễn cách mạng.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu toàn diện lý luận về khâu trung gian trong sự vận động, phát triển nói chung cũng như trong quá trình vận động từ hình thái kinh tế - xã hội này lên hình thái kinh tế - xã hội khác nói riêng; cũng chưa có công trình nào đi sâu làm rõ vai trò và ý nghĩa của nó đối với việc giải quyết những vấn đề kinh tế đang được đặt ra trong công cuộc đổi mới ở nước ta. Vì vậy, tác giả đi vào nghiên cứu vấn đề khâu trung gian trong sự phát triển xã hội và ý nghĩa phương pháp luận của nó đối với sự nghiệp đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay với mong muốn có những đóng góp nhất định về phương diện lý luận, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới ở nước ta vì mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
Mục đích của luận án là:
Trên cơ sở làm sáng tỏ bản chất và vai trò của khâu trung gian trong sự phát triển xã hội nhất là trong thời kỳ quá độ lên CNXH, đề xuất một số vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận trong việc nhận thức và sử dụng khâu trung gian đối với sự nghiệp đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay.
Để thực hiện mục đích trên, nhiệm vụ của luận án là:
- Làm rõ bản chất, đặc điểm, vai trò của khâu trung gian trong quá trình vận động và phát triển nói chung, sự thể hiện của chúng trong quá trình chuyển hóa từ hình thái kinh tế - xã hội này lên hình thái kinh tế - xã hội khác nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
- Luận chứng sự cần thiết phải vận dụng các hình thức kinh tế trung gian trong quá trình đổi mới kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên CNXH; làm rõ tính trung gian của một số hình thức kinh tế; những thành tựu và hạn chế của việc vận dụng chúng trong quá trình đổi mới vừa qua và những vấn đề đặt ra hiện nay.
- Phân tích những điều kiện khách quan và chủ quan để đảm bảo định hướng XHCN trong quá trình nhận thức và vận dụng những hình thức kinh tế trung gian nhằm tiếp tục thực hiện quá trình đổi mới ở nước ta.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Luận án được thực hiện trên cơ sở vận dụng tổng hợp lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng ta qua các văn kiện, các tác phẩm, các công trình nghiên cứu của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ngoài ra chúng tôi cũng kế thừa thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Trong luận án, tác giả sử dụng tổng hợp các phương pháp, nhưng chủ yếu là các phương pháp: lôgíc và lịch sử, phân tích và tổng hợp, phương pháp tiếp cận hệ thống để nghiên cứu và trình bày.
5. đóng góp mới của luận án
- Luận án đã lý giải tương đối có hệ thống về bản chất, vai trò của khâu trung gian trong sự phát triển nói chung, sự phát triển xã hội nói riêng; chỉ rõ vai trò của một số khâu trung gian trong những bước quá độ từ hình thái kinh tế - xã hội này lên hình thái kinh tế - xã hội khác, nhất là đối với bước quá độ từ CNTB lên CNXH; qua đó vạch ra ý nghĩa phương pháp luận đối với việc nhận thức và vận dụng những hình thức kinh tế trung gian trong quá trình đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay.
- Luận án cũng đề xuất một số phương hướng và giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả, đảm bảo định hướng XHCN trong quá trình sử dụng những hình thức kinh tế trung gian trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay.
6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Luận án góp phần làm sáng tỏ nội dung vai trò của vấn đề khâu trung gian trong phép biện chứng duy vật và ý nghĩa phương pháp luận của nó đối với quá trình đổi mới kinh tế ở nước ta. Do vậy, kết quả của luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, giảng dạy triết học, kinh tế học trong các trường đại học, cao đẳng và trường Đảng các cấp.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm có 3 chương, 6 tiết.
Chương 1
khâu trung gian với tính cách là trạng thái tồn tại của sự vật trong quá trình chuyển hóa về chất
1.1. Vấn đề khâu trung gian trong phép biện chứng duy vật
Về phương diện lý luận, trong sách báo, khâu trung gian thường được đề cập đến từ những góc độ khác nhau. Theo nghĩa chung nhất, khâu trung gian là "mắt khâu" tất yếu của sự liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng hay các quá trình, các giai đoạn phát triển khác nhau của sự vật, hiện tượng. Mỗi sự vật, hiện tượng đều có liên hệ với sự vật, hiện tượng khác thông qua một sự vật, hiện tượng "ở giữa", làm "cầu nối" để "môi giới" chúng với nhau. Theo ý nghĩa đó, bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng là "mắt khâu" trung gian cho các sự vật, hiện tượng khác kề cận với nó để chúng liên hệ, tác động qua lại với nhau.
Theo nghĩa hẹp hơn, khâu trung gian (tiếng Nga là , tiếng Anh là Intermediary Stage) được xét đến như một trạng thái "đặc biệt" nằm trong quá trình chuyển hóa từ sự vật này thành sự vật khác. Mỗi một sự vật, hiện tượng đều có quá trình phát sinh, phát triển và mất đi theo qui luật; sự mất đi của sự vật cũ và sự ra đời của sự vật mới không phải chỉ là sự gián đoạn, mà còn là sự chuyển hóa liên tục từ sự vật này thành sự vật khác. Do vậy, trong sự quá độ từ chất cũ sang chất mới có tồn tại trạng thái "đặc biệt", được gọi là khâu trung gian. Nó là một vấn đề quan trọng trong phép biện chứng duy vật, có nhiều ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với chúng ta ngày nay.
1.1.1. Khái niệm khâu trung gian
Là một nhà biện chứng kiệt xuất trước Mác, nhà triết học duy tâm vĩ đại người Đức G.V.Ph. Hêghen (1770 - 1831) đã vạch ra "một cách bao quát và có ý thức những hình thái vận động chung của phép biện chứng" [59, 35]. Ông cho rằng, sự thay thế, sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khái niệm, sự chuyển hóa của khái niệm này sang một khái niệm khác, trong sự thay thế, sự vận động vĩnh viễn của những khái niệm đều phải trải qua sự "trung gian hóa", rằng "Các dạng khác nhau của tồn tại đòi hỏi những dạng trung gian hóa của chính chúng hoặc chứa đựng trong bản thân chúng những dạng ấy" [39, 157].
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác không chỉ cải tạo phép biện chứng duy tâm của Hêghen, kế thừa "hạt nhân" hợp lý của nó, mà còn dựa trên những thành tựu của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để đi đến những quan niệm đúng đắn hơn về bản chất, vai trò của khâu trung gian đối với sự phát triển của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy của con người. Ăngghen viết: "Phép biện chứng thừa nhận, trong những trường hợp cần thiết, là bên cạnh cái "hoặc là... hoặc là" "thì có cả cái "cả cái này lẫn cái kia" nữa, và "thực hiện sự môi giới giữa các mặt đối lập" [57, 696].
Từ những quan điểm trên, bước đầu cho thấy, vấn đề khâu trung gian có liên quan mật thiết với sự quá độ từ sự vật này thành sự vật khác. Nói cách khác, khâu trung gian được đề cập ở đây - và cũng là vấn đề được các nhà kinh điển chú ý nhiều - không phải là khâu trung gian bất kỳ, mà là khâu trung gian gắn liền với sự quá độ từ chất này sang chất khác. Vì vậy, để hiểu đúng bản chất khâu trung gian, phải xuất phát từ những đặc điểm trong sự biến đổi trong kết cấu của sự vật.
Như chúng ta đã biết, mỗi sự vật, hiện tượng là một hệ thống có cấu trúc phức tạp, bao gồm các mặt, các yếu tố có liên hệ, tác động qua lại với nhau, tạo nên một chỉnh thể thống nhất. ở đó, mỗi mặt, mỗi yếu tố tồn tại đều có tính bền vững, có vai trò độc lập tương đối với nhau và với toàn bộ hệ thống. Cho nên, chúng có khả năng chế ước đối với sự phá hủy sự vật cũ và sự hình thành sự vật mới, làm cho quá trình chuyển hóa từ sự vật cũ sang sự vật mới không thể diễn ra một cách đột ngột, mà là một quá trình có khởi đầu và có kết thúc trong không gian và thời gian xác định [85]. Đây là quá trình diễn ra phổ biến với bất kỳ một hình thức vận động nào, cho dù đó là những vật vô cùng bé, thời gian tồn tại vô cùng ngắn đến một phần triệu giây như các hạt cơ bản, thì về nguyên tắc, đều trải qua một quá trình vận động để sự vật cũ từng bước mất đi, sự vật mới từng bước ra đời và phát triển.
Bất cứ một sự quá độ nào từ chất cũ sang chất mới cũng đều là một chuỗi liên tiếp những phủ định của phủ định, đều diễn ra hai quá trình biến đổi ngược chiều nhau; là quá trình tan rã cái cũ và quá trình ra đời cái mới mà kết quả cuối cùng là sự vật mới ra đời thay thế sự vật cũ. Chẳng hạn, đối với sự chuyển hóa của các sự vật đơn giản như hiện tượng nước ở trạng thái rắn chuyển thành nước ở trạng thái lỏng. Sự biến đổi về chất với tính cách là trạng thái tồn tại của nước được biểu thị trước hết bằng quãng đường dịch chuyển của phân tử nước, và được xác định một lượng đặc trưng là g. Đối với nước ở trạng thái rắn, phân tử nước có vị trí cố định (ứng với g = 0), còn ở trạng thái lỏng, phân tử nước dịch chuyển trong cả khối nước (ứng với g > 0). Quá trình nước chuyển từ trạng thái rắn sang trạng thái lỏng, quãng đường dịch chuyển biến thiên từ giá trị 0 đến g. Đối với sự vật phức tạp hơn, như trong lĩnh vực xã hội chẳng hạn, sự quá độ từ chất này sang chất khác được đặc trưng bởi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và mức độ xã hội hóa của nền sản xuất; mức độ tăng trưởng kinh tế; sự gia tăng chất lượng cuộc sống...[11].
Mỗi một sự vật là một kết cấu gồm nhiều thành phần, trong đó, các mặt, các bộ phận cấu thành có liên hệ với nhau ít nhiều bền vững, song chúng có vai trò, vị trí không như nhau. Có những mặt, những bộ phận giữ vai trò thứ yếu, không cơ bản; ngược lại, có bộ phận, có những mặt lại giữ vai trò chi phối, ảnh hưởng quyết định trực tiếp đến quá trình phát sinh, phát triển của sự vật. Cho nên, sự biến đổi xảy ra ở những mặt, những bộ phận này sẽ gây ảnh hưởng lan tỏa đến những mặt, những bộ phận khác, chi phối khuynh hướng vận động của toàn bộ hệ thống. Điều này cũng có nghĩa là, khi hoàn thành sự chuyển hóa sẽ có sự đổi mới toàn diện ở cấp độ bản chất; nhưng xét về trình độ, vị trí của sự thay đổi, thì những thay đổi chất ở cấp độ toàn thể chỉ được thực hiện thông qua sự thay đổi ở cấp độ bộ phận. Chẳng hạn, sự biến đổi của cơ cấu kinh tế - xã hội trong thời kỳ quá độ diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau, song những biến đổi trong lĩnh vực kinh tế sẽ có vai trò quyết định sự biến đổi các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, nhân tố kinh tế được hình thành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khuynh hướng phát triển chung của xã hội.
Kết quả của bất cứ quá trình thay đổi chất nào cũng là cái mới ra đời, thay thế cái cũ; nhưng, ở mỗi giai đoạn cụ thể, khuynh hướng biến đổi của sự vật sẽ trở nên rất phức tạp, có cả khuynh hướng phát triển đi lên, có cả khuynh hướng thoái bộ, thụt lùi. Khoa học gọi đây là hiện tượng "thăng giáng quá độ" [11]. Lý do của sự thăng giáng quá độ, một mặt, do cái mới còn đang "thoát thai" dần khỏi cái cũ, còn rất non yếu, ngược lại cái cũ, lúc đầu còn rất mạnh, cản trở sự phát triển của cái mới, khiến cho cái mới chưa khẳng định được mình ngay lập tức trong quá trình phát triển. Mặt khác, như chúng ta biết, một hệ thống không thể vận hành khép kín, mà chỉ là một bộ phận của hệ thống lớn hơn bao trùm lên nó. Trong sự quá độ sang chất mới, những biến đổi bên trong kết cấu hệ thống làm cho sự vật trở nên rất nhạy cảm đối với những tác động từ bên ngoài. Mức độ nhạy cảm ở đây lớn hơn, bất thường hơn so với mức nhạy cảm bình thường. Điều này làm cho vận động của sự vật trong quá trình biến đổi chất trở nên phức tạp hơn.
Như vậy, sự quá độ từ chất cũ sang chất mới là một quá trình đấu tranh và chuyển hóa phức tạp giữa cái cũ và cái mới, diễn ra bên trong kết cấu của sự vật, làm cho cái cũ bị loại bỏ từng bước và cái mới ra đời sau những biến đổi quanh co, trắc trở. Chính điều đó qui định vai trò, vị trí của khâu trung gian với tính cách là trạng thái tồn tại tất yếu của sự vật trong sự quá độ từ chất này sang chất khác.
Khâu trung gian có những đặc trưng cơ bản sau đây:
Một là, trong khâu trung gian, sự vật trong trạng thái "vừa có cái này, vừa có cái kia". Nghĩa là, về kết cấu trong sự vật có sự tồn tại đan xen những mặt, những yếu tố, những bộ phận khác nhau, thậm chí đối lập với nhau của cả sự vật cũ và sự vật mới. ở đây, sự vật cũ chưa mất đi hoàn toàn, còn sự vật mới đang thoát dần ra khỏi sự vật cũ. Chúng liên kết với nhau, thâm nhập vào nhau, đấu tranh và chuyển hóa sang chất mới.
Trong quá trình tiến hóa của các giống loài, có nhiều loài mang đặc điểm của khâu trung gian. Chẳng hạn, quá trình tiến hóa từ bò sát đến lớp chim đã xuất hiện một loài động vật trung gian là loài chim cổ (chim hóa thạch). Chim cổ vừa mang đặc điểm của bò sát: đuôi dài (20 đốt), hàm có răng, chi trước có 3 ngón, có móng lớn, sống leo trèo; đồng thời, nó vừa mang đặc điểm của chim như: mình có lông vũ bao phủ, chi sau 4 ngón... Quá trình tiến hóa từ bò sát thành chim diễn ra hàng triệu năm, dưới ảnh hưởng của điều kiện sống, những bộ phận cơ thể mang đặc điểm của bò sát biến đổi dần về cấu trúc và chức năng thành những bộ phận mang đặc điểm của loài chim: vảy sừng thành lông vũ, chi trước thành cánh... Trong "Biện chứng của tự nhiên", Ăngghen đã nhận xét: trong quá trình tiến hóa giống loài, ranh giới giữa động vật và thực vật, giữa các loài động vật với nhau là hoàn toàn không rõ ràng. Khoa học đã tìm thấy những loài là khâu trung gian giữa động vật không có xương sống và động vật có xương sống, giữa loài cá và lưỡng thể, nghĩa là chúng vừa mang đặc điểm của loài này, vừa mang đặc điểm của loài khác [57, 696]. Hoặc, một hiện tượng khác, chẳng hạn, hiện tượng "chết lâm sàng" trong sinh học. Đó là trạng thái "vừa chết, vừa sống". Trong cơ thể lúc này, tim, phổi ngừng hoạt động, vỏ não bị ức chế, nhưng các bộ phận khác như tóc vẫn mọc, ruột vẫn co bóp. Thời kỳ này kéo dài khoảng 10 phút, sau đó mới chuyển sang trạng thái chết hoàn toàn - chết sinh học [1, 41].
Hai là, trong khâu trung gian, các yếu tố của chất mới và chất cũ mặc dù tồn tại đan xen, kết hợp với nhau trong một chỉnh thể, nhưng sự đấu tranh giữa các mặt đối lập, giữa cái mới và cái cũ vẫn còn gay gắt. Bởi vì, cái mới đang "thoát ra" dần từ cái cũ, nên lúc đầu còn nhỏ bé và non yếu; ngược lại, cái cũ lúc đầu còn rất mạnh, nên còn cản trở sự ra đời và phát triển của cái mới. Hơn nữa, trong lúc cái mới vừa nảy sinh thì cái cũ, trong một thời gian nào đó, còn mạnh hơn cái mới, cản trở sự phát triển của cái mới. Sự đấu tranh giữa cái mới và cái cũ trong trạng thái "đặc biệt" ấy làm cho cái mới ra đời và chiến thắng cái cũ rất khó khăn. Do đó, khuynh hướng phát triển của sự vật ở khâu trung gian là rất phức tạp, có cả sự thụt lùi, thoái bộ, lẫn sự phát triển tiến lên. Mặc dù ở khâu trung gian, khuynh hướng vận động của sự vật còn chưa ổn định, còn "chòng chành, nghiêng ngả", nhưng mang trong mình tất yếu "thép" của quy luật khách quan nên cuối cùng cái mới sẽ chiến thắng cái cũ. Chẳng hạn, cuộc cách mạng tư sản Anh, lần đầu thắng lợi vào năm 1649, sau đó đổ vỡ và phải làm lại vào năm 1688 - 1689, nhưng lại tiếp tục thất bại, mãi đến 1832 (nghĩa là sau 143 năm) mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Cuộc cách mạng tư sản Pháp cũng có tình hình tương tự, lần đầu thắng lợi vào năm 1789, nhưng sau đó lại diễn ra cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt giữa giai cấp phong kiến phản động và giai cấp tư sản đang lên, cho mãi tới 82 năm sau, vào năm 1871 mới giành được thắng lợi triệt để. Điều đó nói lên, trong các cuộc cách mạng ấy, cái mới tiêu biểu cho xu thế cách mạng, xu hướng tiến lên, cho dù phải trải qua những khó khăn, thử thách, song nhất định nó sẽ chiến thắng và trở thành vô địch.
Ba là, trong khâu trung gian có sự thống nhất giữa sự định hướng và sự định hình. Do mang bản chất của cái tất yếu, cái mới bao giờ cũng thể hiện ra như là nhân tố định hướng cho sự phát triển của sự vật ở khâu trung gian. Nhân tố định hướng thể hiện ở những mặt, những bộ phận đại diện cho xu hướng phát triển của sự vật, có tác động ảnh hưởng "lan tỏa", chi phối sự biến đổi các bộ phận khác. Chẳng hạn, trong quá trình hình thành và phát triển các hình thái kinh tế - xã hội, nhân tố định hướng tiêu biểu cho xu thế tất yếu của lịch sử là phương thức sản xuất đang lên. Phương thức sản xuất này sẽ tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của các phương thức sản xuất khác theo định hướng mà nó chủ đạo. Đồng thời, sự chuyển từ sự vật này sang sự vật khác là quá trình phá hủy hệ thống - cấu trúc cũ, xác lập hệ thống - cấu trúc mới, sự vật mới từng bước được định hình. Do đó định hình là một quá trình thông qua việc xác lập, sự khẳng định từng bước cái mới, trong đó mỗi một khâu trung gian là hình thức, một nấc thang của sự định hình - nghĩa là bản thân nó cũng là một định hình, là cụ thể hóa từng bước định hướng. Sự định hình trước tạo tiền đề cho sự định hình sau, để từng bước cho cái mới ra đời hoàn toàn. Nói cách khác, quá trình định hình là quá trình cái mới ngày càng khẳng định trong cuộc sống, bước đầu là những yếu tố, những bộ phận tiêu biểu cho xu thế phát triển tất yếu của cái mới, về sau trở thành hệ thống chỉnh thể - khẳng định nó là nó.
Cái mới không chỉ là nhân tố định hướng cho sự phát triển của sự vật mà còn là tác nhân cải tạo cái cũ để hình thành cái mới. Nếu ở khâu trung gian, sự vật mới chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện thì không có nghĩa chúng chưa có tính quy định nào của chất mới, mà chính ở đây, sự vật đã được định hình từng bước, thông qua sự phủ định và giải quyết mâu thuẫn.
Từ những đặc trưng chủ yếu trên đây, khâu trung gian có thể được hiểu là một trạng thái tồn tại tất yếu của sự vật trong quá trình chuyển hóa từ chất cũ sang chất mới; trong đó, chất cũ và chất mới đan xen, thâm nhập vào nhau, đấu tranh với nhau, thông qua đó cái cũ bị lọc bỏ và chuyển hóa thành cái mới.
Để hiểu rõ hơn thực chất của khái niệm khâu trung gian, cần xét mối tương quan giữa nó với khái niệm quá độ.
Theo Từ điển tiếng Việt (xuất bản năm 1997) "quá độ" là một sự chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác trong quá trình vận động của sự vật. Theo một định nghĩa khác, quá độ là "khái niệm diễn đạt quá trình vận động của sự vật không phải trong điều kiện chất thuần túy (hiểu theo nghĩa tương đối) mà trong điều kiện đan xen giữa hai chất. Bản chất của nó là sự kết hợp giữa một chất đang tiêu vong, đang chuyển hóa và chất mới đang ra đời trên cơ sở kế thừa những yếu tố chất cũ..." [85, 19].
Theo chúng tôi, cả hai định nghĩa trên có những điểm hợp lý, đều xem quá độ là một quá trình vận động của sự vật trong điều kiện đặc biệt để chuyển hóa từ chất này sang chất khác. Song, hạn chế của định nghĩa thứ hai là chưa phân biệt rõ được nội hàm khái niệm quá độ với khái niệm khâu trung gian. Chúng tôi cho rằng, khái niệm quá độ phản ánh một quá trình vận động từ chất cũ sang chất mới của sự vật, ở đó, chất cũ từng bước bị phá hủy và chuyển hóa thành chất mới. Sự quá độ như vậy bao giờ cũng diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định, đó là thời kỳ quá độ. Trong lĩnh vực xã hội, thời kỳ quá độ là một thời kỳ lịch sử diễn ra những biến đổi về chất của xã hội [99].
Liên quan đến khái niệm quá độ còn có khái niệm "hình thức quá độ". Một số tác giả coi hình thức quá độ là khái niệm phản ánh một quá trình khách quan của sự thay thế một sự vật, hiện tượng này bằng một sự vật, hiện tượng khác [47]. Nhưng khái niệm này không phải đơn giản chỉ biểu đạt một quá trình vận động cụ thể từ chất này sang chất khác, mà còn phản ánh một trạng thái chuyển hóa từ sự vật cũ sang sự vật mới. Chúng có sự kết hợp một chất đang tiêu vong nhưng chưa bị tiêu diệt hẳn và một chất mới đang phát sinh, nghĩa là về bản chất nó mang đặc điểm của khâu trung gian. Về phương diện này, giữa " hình thức quá độ" và " hình thức trung gian" là những khái niệm gần gũi nhau, cho nên, trong sách báo đôi khi người ta thường đồng nhất chúng với nhau.
Sự phân tích trên đây cho thấy, khâu trung gian và quá độ là những khái niệm có quan hệ mật thiết, "họ hàng" với nhau, nhưng không phải là những khái niệm đồng nhất. Chúng có vai trò nhất định trong cùng một quá trình vận động và phát triển của sự vật. Nếu " khâu trung gian" là khái niệm dùng để chỉ một trạng thái đặc biệt trong quá trình chuyển hóa chất này thành chất khác, thì quá độ là khái niệm dùng để chỉ bản thân quá trình ấy. Khái niệm quá độ nhấn mạnh sự chuyển hóa từ cái này sang cái khác, khái niệm khâu trung gian nhấn mạnh đến trạng thái sự vật nằm ở khâu nối liền giữa cái này với cái kia, trong sự liên hệ và chuyển hóa giữa chúng, nó vừa mang đặc trưng của cái này, vừa mang đặc trưng của cái kia. Cho nên, "khâu trung gian" mang tính tĩnh tại hơn, "quá độ" mang tính động hơn. Sự tồn tại của khâu trung gian là điều kiện cần thiết cho sự quá độ từ chất này sang chất khác. Nói cách khác, sự quá độ từ chất này sang chất khác phải được thực hiện bằng khâu trung gian, thông qua khâu trung gian.
Do vậy, trong hoạt động thực tiễn, để tạo ra những biến đổi về chất của bất kỳ một sự vật, hiện tượng hay quá trình khách quan nào, đều cần phải tuân thủ việc thực hiện những bước quá độ, vận dụng những khâu trung gian cần thiết. Việc nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, bỏ qua những khâu trung gian, những bước quá độ trong quá trình biến đổi chất của sự vật, hiện tượng sẽ là vi phạm quy luật khách quan của sự phát triển và, tất nhiên, điều đó không mang lại được những kết quả như mong muốn.
Tuy nhiên, để có thể hiểu rõ hơn thực chất vấn đề khâu trung gian trong sự phát triển, không thể không tìm hiểu vai trò của nó trong quá trình phát triển, đặc biệt là gắn với những quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật.
1.1.2. Vai trò của khâu trung gian trong sự phát triển
Vấn đề khâu trung gian là một trong những nội dung quan trọng của phép biện chứng duy vật; nó liên quan mật thiết với các qui luật cơ bản và các phạm trù của phép biện chứng duy vật, mà trước hết là phạm trù nhảy vọt.
Phép biện chứng duy vật đã vạch ra rằng, chất và lượng là hai mặt không thể tách rời của một sự vật. Sự thay đổi về lượng đến điểm nút sẽ có sự nhảy vọt về chất của sự vật. Bước nhảy vọt như vậy, dù diễn ra dưới hình thức nào (bằng con đường biến đổi dần dần chất cũ để thay thế dần dần bằng chất mới, hay nhảy vọt đột biến làm biến đổi sự vật một cách nhanh chóng) đều là quá trình chuyển hóa phức tạp, diễn ra những biến đổi sâu sắc trong hệ thống cấu trúc của sự vật, có khởi đầu và có kết thúc trong thời gian.
Nhảy vọt là một giai đoạn đặc biệt trong quá trình phát triển của sự vật, ở đó "chất cũ bị phá vỡ nhưng chưa hoàn toàn mất đi và chất mới đang hình thành nhưng chưa trọn vẹn". Nhảy vọt, như vậy, "không phải là quá trình vứt bỏ giản đơn cái này để có cái kia" [88] mà chính là một quá trình chuyển hóa nội tại giữa chất và lượng, giữa chất cũ và chất mới. Cho nên, nhảy vọt bao giờ cũng gắn liền với khâu trung gian.
Trước đây, có quan điểm đồng nhất khâu trung gian với hình thức nhảy vọt dần dần. Quan điểm đó cho rằng: "Khâu trung gian là quá trình nhảy vọt cách mạng, nhưng không phải là nhảy vọt lập tức, mà là nhảy vọt dần dần, từng bước, từ thấp đến cao, là sự biến đổi liên tục chất lượng cũ, theo thời gian" [76, 105]. Trước kia, do trình độ khoa học còn bị hạn chế, chưa có điều kiện tiếp cận những quá trình nhảy vọt mà biến đổi dường như diễn ra tức thời, nên nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, một số hiện tượng chuyển hóa như từ nước đá thành nước lỏng, từ "sống thành chết" là sự nhảy vọt ngay lập tức và không trải qua một bước quá độ, một khâu trung gian nào cả. Thực ra không phải như vậy.
Mặc dù giữa nhảy vọt và khâu trung gian có quan hệ mật thiết với nhau, song lại có vai trò không giống nhau đối với quá trình thay đổi chất của sự vật. Nhảy vọt là quá trình tất yếu để chuyển hóa chất cũ thành chất mới, trên cơ sở đã tích lũy đủ lượng. Nhảy vọt là sự đứt đoạn trong quá trình vận động liên tục của sự vật. Còn khâu trung gian với tính cách là trạng thái tồn tại của sự vật đang trong quá trình nhảy vọt lại là điều kiện tất yếu để cho sự nhảy vọt được thực hiện. Cho nên, nếu nhảy vọt diễn ra mà không trải qua khâu trung gian thì sự nhảy vọt như vậy chỉ còn là một "phép lạ".
Đối với những người siêu hình, do chỗ, hoặc là họ tuyệt đối hóa những biến đổi về lượng, tính chất tiệm tiến, hoặc tuyệt đối hóa những biến đổi về chất, sự gián đoạn trong sự phát triển, nên tất nhiên họ sẽ không hiểu và không bao giờ thừa nhận sự tồn tại khách quan cũng như vai trò của khâu trung gian trong sự phát triển, trong những bước nhảy vọt cách mạng, do đó, họ càng không có khả năng vận dụng chúng vào trong hoạt động thực tiễn cụ thể.
Trên quan điểm duy vật biện chứng, chúng ta còn thấy tính chất phong phú, đa dạng của những khâu trung gian trong quá trình thực hiện bước nhảy vọt từ chất này sang chất khác. Bởi vì:
Thứ nhất, sự vật không phải chỉ có một chất, mà có vô vàn chất, tương ứng với tính nhiều chất của sự vật sẽ có nhiều quá trình lượng - chất khác nhau. Do đó, quá trình phát triển các sự vật sẽ diễn ra những bước nhảy vọt khác nhau: Có bước nhảy vọt lớn (tương ứng với chất lớn, toàn thể) và có những bước nhảy vọt nhỏ (tương ứng với chất nhỏ, bộ phận). Vì vậy, quá trình phát triển từ chất này sang chất khác sẽ phải thông qua nhiều khâu trung gian khác nhau.
Thứ hai, nhảy vọt là một quá trình, điều đó có nghĩa là chúng sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn quá độ, những nấc thang phát triển khác nhau; tuy nhiên việc trải qua những nấc thang nào, điều đó tùy thuộc bản chất, điều kiện cụ thể của mỗi sự vật. Về nguyên tắc, giữa sự vật mới và sự vật cũ càng khác xa nhau về trình độ phát triển thì càng phải trải qua nhiều giai đoạn quá độ và phải thông qua nhiều khâu trung gian khác nhau để chuyển tiếp. Trong hoạt động sống hàng ngày, có thể chúng ta nhận thức được hay chưa nhận thức được, vận dụng được hay chưa vận dụng được những khâu trung gian thì điều đó cũng không quan trọng lắm, song, đối với sự nhảy vọt trong những lĩnh vực như cách mạng xã hội hoặc như trong thế giới vi mô, thì việc nhận thức và vận dụng khâu trung gian lại trở nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Khâu trung gian không chỉ có vai trò trong sự nhảy vọt từ chất này sang chất khác, mà còn đóng vai trò không thể thiếu được trong quá trình giải quyết mâu thuẫn của các sự vật, hiện tượng.
Mỗi một sự vật, hiện tượng là một thể thống nhất biện chứng của các mặt đối lập; trong đó, chúng vừa nương tựa, vừa gắn bó với nhau, giả định lẫn nhau, mặt này lấy mặt kia làm điều kiện tồn tại cho mình, đồng thời, vừa triển khai theo hướng ngược chiều nhau, đấu tranh gạt bỏ lẫn nhau. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập sẽ dẫn đến chỗ mâu thuẫn được giải quyết, sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời. Cơ sở khách quan cho sự tồn tại của khâu trung gian được qui định ngay trong sự tác động, chuyển hóa và giải quyết mâu thuẫn.
Xuất phát từ lập trường duy tâm khách quan, Hêghen đã trình bày một cách sinh động phép biện chứng của quá trình phát sinh, phát triển và giải quyết mâu thuẫn của "ý niệm" qua ba giai đoạn phát triển: Trong "Bút kỹ triết học" Lênin khái quát: Đồng nhất - khác nhau - mâu thuẫn [39, 142]. ở giai đoạn mâu thuẫn, các mặt đối lập ở tình trạng loại trừ nhau đến mức gay gắt cần phải được giải quyết. Hình thức lôgíc của sự giải quyết này là phạm trù căn cứ, nghĩa là mâu thuẫn được giải quyết trong căn cứ (một cách giải quyết duy tâm theo quan điểm của Hêghen). "Căn cứ" chứa đựng cả sự đồng nhất, cả sự khác biệt, là sự "điều hòa", sự "dung hợp" mâu thuẫn [78]. Cải tạo, kế thừa và phát triển phép biện chứng về mâu thuẫn của Hêghen trên lập trường duy vật, trong bộ "Tư bản", Mác đã vạch ra quá trình phát sinh, phát triển và giải quyết mâu._. thuẫn trong quá trình vận động của sản xuất hàng hóa trong CNTB. Từ công thức T - H - T', Mác cho rằng: "Sự phát triển của hàng hóa không xóa bỏ được các mâu thuẫn đó nhưng lại tạo ra một hình thái trong đó các mâu thuẫn ấy có thể vận động được. Nói chung, đó là phương pháp giải quyết các mâu thuẫn hiện thực. Chẳng hạn, đây là một mâu thuẫn: một vật thể không ngừng rơi vào một vật thể khác và đồng thời cũng lại không ngừng tránh xa vật đó. Hình bầu dục là một trong những hình thái vận động nhờ nó mà mâu thuẫn ấy đồng thời vừa được thực hiện lại vừa được giải quyết" [59, 160]. Theo Mác thì sự "dung hợp" chính là một hình thức giải quyết mâu thuẫn hiện thực, nhưng lại được Hêghen diễn đạt dưới hình thức lôgíc là hợp đề với tính cách là sự tổng hợp của chính đề và phản đề.
Trong tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên", khi nghiên cứu những hình thức vận động trong tự nhiên (chẳng hạn, sự tiến hóa của các giống loài sinh vật), Ăngghen đã cho rằng: "Tất cả các mặt đối lập đều thông qua những khâu trung gian mà chuyển hóa lẫn nhau" và "thực hiện sự môi giới giữa các mặt đối lập " [57, 696].
Đặc điểm của quá trình giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt đối lập khi mâu thuẫn đã trở nên chín muồi là ở chỗ có "sự chuyển hóa cuối cùng của chúng từ mặt đối lập này thành mặt đối lập kia" [57, 694]. Nhưng, để có thể thực hiện được sự chuyển hóa "từ mặt đối lập này thành mặt đối lập kia", các mặt đối lập lại không thể tồn tại tách rời nhau, mà phải "dung hợp" với nhau trong những hình thức nhất định. Có thể coi khâu trung gian là những trạng thái mang mâu thuẫn, trong đó, sự dung hợp của các mặt đối lập là những tiền đề, những điều kiện khách quan để các mặt đối lập đấu tranh với nhau, thực hiện "môi giới" cho sự chuyển hóa giữa chúng. Về vấn đề này, trong "Bút ký triết học", Lênin viết: "Phép biện chứng là học thuyết vạch ra rằng những mặt đối lập làm thế nào mà có thể và thường là (trở thành) đồng nhất, - trong những điều kiện nào chúng là đồng nhất, bằng cách chuyển hóa lẫn nhau" [39, 116].
Vì vậy, nếu sự chuyển hóa của các mặt đối lập là phương thức để giải quyết mâu thuẫn của sự vật, thì khâu trung gian đóng vai trò là những điều kiện tất yếu để giải quyết mâu thuẫn.
Quan điểm siêu hình thường tuyệt đối hóa sự đối lập giữa các mặt, các khuynh hướng bên trong của các sự vật mà không thấy rằng, sự tác động qua lại của các vật thể tự nhiên, cả thể vô cơ và thể hữu cơ, đều bào hàm cả sự hài hòa lẫn xung đột, cả sự đấu tranh lẫn sự hợp tác. Do vậy, trong khi tiến hành giải quyết mâu thuẫn, họ mưu toan muốn "thoát khỏi" tình trạng mâu thuẫn bằng cách can thiệp tiêu cực, vứt bỏ giản đơn một trong các mặt đối lập của mâu thuẫn, trong khi lại xem mặt kia như một chỉnh thể "phi" mâu thuẫn. Nghĩa là, với việc tự đề ra cho mình vấn đề tự loại bỏ mặt xấu, người ta đã chặn đứng sự vận động biện chứng rồi. Chủ nghĩa duy vật biện chứng không những đã vạch ra nguồn gốc, động lực của sự phát triển, mà còn vạch ra được tính quy luật trong quá trình giải quyết mâu thuẫn. Khi vạch ra cơ sở lý luận và phương pháp luận giải quyết mâu thuẫn trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Lênin cho rằng, cần phải học ở chủ nghĩa Mác cách "làm thế nào và khi nào có thể và cần phải thống nhất các mặt đối lập" và "trong thực tiễn chúng ta đã nhiều lần thống nhất các mặt đối lập" [43, 259]. Có thể coi vấn đề chủ nghĩa tư bản nhà nước như một mẫu mực của Lênin về sự nhận thức và vận dụng khâu trung gian để thực hiện sự kết hợp, sự liên hợp giữa nhà nước Xô viết, nền chuyên chính vô sản với chủ nghĩa tư bản [44, 268], để giải quyết mâu thuẫn cơ bản của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ.
Quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng còn thừa nhận sự vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan là một quá trình liên tục những sự phủ định của phủ định. Trong quá trình đó, khâu trung gian cũng có vai trò và vị trí khách quan, tất yếu của nó.
Sự phủ định, theo quan điểm biện chứng không phải là sự xóa bỏ giản đơn cái này để có cái khác. Sự phủ định như vậy có sự liên hệ, có sự chuyển hóa lẫn nhau giữa cái cũ và cái mới; cái mới ra đời không phải từ hư vô, mà trên cơ sở kế thừa, lọc bỏ cái cũ để phát triển; còn cái cũ không phải biến mất một cách ngẫu nhiên, không để lại "vết tích" nào trong quá trình phát triển. Cho nên, khâu trung gian sẽ đóng vai trò là "mắt khâu" tất yếu trong quá trình phủ định của phủ định. ở đây, cái cũ và cái mới - cái khẳng định và cái phủ định nối tiếp, làm thành vòng khâu của những "liên hệ", những "vòng khâu của sự phát triển".
Sự phủ định của phủ định là quá trình thay đổi chất cũ bằng chất mới, sự thay đổi ấy tất yếu phải thông qua những khâu trung gian. Trong quá trình phủ định của phủ định, sự phủ định lần thứ nhất sẽ tạo ra khâu trung gian giữa cái khẳng định với cái phủ định của phủ định. Bởi vì, về bản chất, cái phủ định lần thứ nhất vừa có những yếu tố của cái phủ định của phủ định dưới dạng những mầm mống, cái đang phát triển, đồng thời còn có cả những yếu tố cái cũ, cái bị phủ định đang bị lọc bỏ, đang bị mất đi; thông qua đó, chúng chuyển hóa cho nhau, để sự vật mới thay thế sự vật cũ. Theo Hêghen, sự phủ định biện chứng "là một sự vận động thông qua những vòng khâu khác nhau, là sự trung gian tuyệt đối với bản thân nó" [39, 142].
Trong bộ "Tư bản", khi phân tích nền sản xuất hàng hóa TBCN, Mác chỉ ra sự vận động của nền sản xuất này theo công thức T - H - T'. Đó là quá trình phủ định của phủ định, đồng thời cũng là quá trình được thực hiện thông qua khâu trung gian. Trong công thức trên, tư bản ban đầu T phải chuyển thành hàng hóa H dưới hình thức những yếu tố của sản xuất (tư liệu sản xuất, sức lao động) - tức là thực hiện sự phủ định T. Tiếp theo là sự phủ định của T' đối với H để trở về trạng thái ban đầu trong lưu thông, nhưng ở trình độ cao hơn. Trong quá trình này, H sẽ là khâu trung gian trong sự chuyển hóa từ T đến T'.
Như vậy, phủ định của phủ định là quá trình thông qua khâu trung gian để thực hiện sự tổng hợp cả cái khẳng định và cái phủ định, để kế thừa và lọc bỏ cái cũ. Lênin viết: "Đối với luận đề "thứ hai", luận đề phủ định, thì "vòng khâu biện chứng" đòi hỏi chúng ta phải chỉ ra "tính thống nhất" nghĩa là mối liên hệ của cái phủ định và cái khẳng định, sự tìm thấy cái khẳng định ấy trong cái phủ định. Từ khẳng định đến phủ định, - từ sự phủ định đến "sự thống nhất" với cái bị khẳng định, - không có cái đó, phép biện chứng trở thành một sự phủ định sạch trơn, một trò chơi hay là chủ nghĩa hoài nghi" [39, 246].
Sự phân tích trên đây cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa các khái niệm " khâu trung gian", " nhảy vọt", "giải quyết mâu thuẫn" và "phủ định biện chứng", từ đó làm sáng tỏ hơn bản chất của khâu trung gian. Đồng thời nó cũng khẳng định vai trò tất yếu của khâu trung gian trong sự chuyển hóa từ sự vật, hiện tượng này đến sự vật, hiện tượng khác; trong sự nhảy vọt; trong giải quyết mâu thuẫn và phủ định biện chứng. Chính điều đó làm cho các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đặc biệt chú ý đến vấn đề sử dụng lý luận về khâu trung gian vào việc phát triển và hoàn thiện thế giới quan duy vật biện chứng vào thực tiễn cải tạo thế giới hiện thực.
Trong khi nghiên cứu giới tự nhiên, việc xác định vai trò của khâu trung gian đã góp phần định hướng cho các ngành khoa học đi sâu vào nghiên cứu các đối tượng có tính chất "trung gian" giáp ranh giữa các hình thức vận động, từ đó, làm cho nhận thức loài người về giới tự nhiên ngày càng sâu sắc hơn và đem lại những thành tựu to lớn hơn cho khoa học và đời sống. Ăngghen cho rằng: "Chính đó là nơi người ta phải chờ đợi những thành quả to lớn nhất" [57, 799].
Trong việc xây dựng quan điểm duy vật về lịch sử, mà cốt lõi là lý luận hình thái kinh tế - xã hội, Mác đã vận dụng triệt để lý luận về khâu trung gian để giải thích sự phát triển của xã hội loài người như một quá trình lịch sử - tự nhiên. Do vậy, những quan niệm duy vật lịch sử trở nên có sức sống lâu bền và có ý nghĩa to lớn đối với sự nhận thức về cải tạo thế giới hiện thực của con người.
1. 2. Khâu trung gian trong sự phát triển xã hội
1.2.1. Đặc điểm của khâu trung gian trong sự phát triển xã hội
Theo quan điểm mác-xít, xã hội là bộ phận đặc thù của thế giới khách quan, vừa có sự thống nhất với thế giới tự nhiên, vừa có sự khác biệt với thế giới đó. Vì vậy, khâu trung gian trong sự phát triển xã hội là bộ phận đặc thù của khâu trung gian trong sự phát triển của thế giới nói chung. Việc làm rõ những hình thức và đặc điểm của khâu trung gian trong quá trình phát triển xã hội giúp chúng ta nhận thức đúng đắn quá trình phát triển xã hội, xác định rõ nội dung, tính chất, hình thức biểu hiện và khuynh hướng vận động của những hình thức trung gian để vận dụng có hiệu quả trong quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
Có thể nói, lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác là cơ sở lý luận và phương pháp luận để nhận thức bản chất của lịch sử xã hội một cách khoa học nhất. Đồng thời, nó còn là công cụ để phân tích sự thay đổi của các thời đại lịch sử khác nhau, từ đó, để chúng ta xác định đúng những hình thức và đặc điểm của những khâu trung gian trong tiến trình phát triển của lịch sử xã hội.
Chủ nghĩa Mác đã vạch ra rằng, sự phát triển của lịch sử xã hội loài người vừa có sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội, đồng thời, lại vừa có sự phát triển liên tục giữa các hình thái kinh tế - xã hội ấy. Sự chuyển hóa từ hình thái này lên hình thái khác của lịch sử là một quá trình thống nhất giữa tính liên tục và tính gián đoạn. Đó là quá trình được thực hiện thông qua những khâu trung gian. Vì vậy, Mác viết: "Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên" [59, 21].
Thừa nhận quá trình phát triển tự nhiên của lịch sử là thừa nhận lịch sử xã hội phải trải qua những nấc thang lịch sử khác nhau, trong mỗi nấc thang ấy có sự hình thành, phát triển đi lên và có sự suy tàn, vận động đi xuống. Sự nối tiếp, liên tục giữa giai đoạn suy tàn của nấc thang cũ và giai đoạn hình thành của nấc thang mới được thực hiện bằng mắt khâu trung gian - đó là thời kỳ quá độ giữa các nấc thang phát triển. Dấu hiệu đặc trưng của xã hội ở thời kỳ quá độ là một hệ thống chưa ổn định, sự cùng tồn tại đan xen của các nhân tố tiêu biểu cho cả cái mới và cái cũ [71].
Về mặt kinh tế, xã hội ở nấc thang phát triển hoàn chỉnh, chín muồi được đặc trưng bởi một kết cấu kinh tế - xã hội tương đối thuần nhất, với sự tồn tại của phương thức sản xuất đặc trưng cho chế độ kinh tế - xã hội (trong một số trường hợp còn có các phương thức sản xuất tàn dư và phương thức sản xuất mầm mống, trong đó, phương thức sản xuất đặc trưng giữ vai trò thống trị đối với toàn bộ nền kinh tế). Ngược lại, ở thời kỳ quá độ, do đang thoát thai từ xã hội cũ, nên kết cấu kinh tế - xã hội của nó chưa thuần nhất, bên cạnh phương thức sản xuất mới đang hình thành, vẫn còn tồn tại các phương thức sản xuất cũ tàn dư. Tương ứng với kết cấu kinh tế - xã hội của thời kỳ quá độ sẽ là một kết cấu chính trị - xã hội mang tính chất trung gian, trong đó các giai cấp, các lực lượng xã hội có lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập với nhau cùng tồn tại, vì vậy những mâu thuẫn xã hội diễn ra gay gắt hơn. Trong lĩnh vực ý thức xã hội, những yếu tố tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống... tiêu biểu cho xã hội cũ đang suy tàn và tiêu biểu cho xã hội mới đang phát triển cũng đan xen tồn tại, tác động đến của đời sống tinh thần xã hội. Mặt khác, do tính độc lập tương đối của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội, những biến đổi của các yếu tố tinh thần xã hội cũ diễn ra chậm chạp làm cho chúng tồn tại dai dẳng hơn, thậm chí mãi tới khi bước quá độ về chính trị, kinh tế đã kết thúc. Đúng như Mác đã viết: "Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống" [55, 145].
Khái quát lại, đặc điểm của thời kỳ quá độ là kết cấu của đời sống xã hội không thuần nhất, có sự đan xen, thâm nhập và đấu tranh với nhau giữa các nhân tố xã hội cũ và mới, do đó, những mâu thuẫn xã hội diễn ra gay gắt. Trong thời kỳ quá độ, sự phát triển của những nhân tố, những trật tự cũ còn cản trở sự ra đời của cái mới, đôi khi còn lấn át cái mới, đẩy cái mới vào tình trạng thụt lùi tạm thời, thậm chí phải làm đi làm lại nhiều lần. Lênin cho rằng, đó là tình trạng có những mảnh vụn của trật tự cũ đôi khi chất đống lại một cách nhanh chóng, trong khi đó, những mầm mống của cái mới có khi lại phát triển chậm chạp và không phải bao giờ cũng thấy rõ ngay được [42, 252]. Vì vậy, thời kỳ quá độ là thời kỳ có những cải biến cách mạng dưới những hình thức đặc thù "đặc biệt", và phải trải qua thời kỳ đau đớn, khó khăn, phức tạp kéo dài. Nói cách khác, thời kỳ quá độ, về bản chất, là hình thức phát triển đặc thù, đặc trưng cho tình trạng trung gian, giao thời trong quá trình chuyển từ nấc thang này lên nấc thang khác của lịch sử xã hội. Đó là thời kỳ của những chuyển biến cách mạng cải tạo căn bản đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Mặt khác, xã hội là một cơ thể sống động, bao gồm nhiều yếu tố, nhiều mặt, nhiều lĩnh vực có liên hệ với nhau trong một chỉnh thể và biến đổi không ngừng. Cho nên, sự thay đổi của mỗi yếu tố, mỗi mặt, từng lĩnh vực cụ thể trong cả hệ thống xã hội cũng được thực hiện thông qua những hình thức đặc thù có tính chất trung gian. Trên lĩnh vực kinh tế, sự thay đổi các quan hệ kinh tế được thực hiện trong những hình thức kinh tế trung gian, kết hợp những quan hệ cũ và mới, để vừa phát triển lực lượng sản xuất, vừa tạo điều kiện cho quan hệ sản xuất mới thay thế dần quan hệ sản xuất cũ, lạc hậu. Trong lĩnh vực chính trị - xã hội, khâu trung gian biểu hiện là những hình thức tổ chức chính trị - xã hội, các thiết chế chính trị, các hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Những hình thức ấy là thể hiện những mâu thuẫn và các hình thức giải quyết mâu thuẫn giữa các các giai cấp, các tầng lớp tiêu biểu cho xã hội cũ với các giai cấp, các tầng lớp tiêu biểu cho xã hội mới đang từng bước nắm địa vị thống trị xã hội. Trong lĩnh vực ý thức xã hội, sự biến đổi của những quan hệ tinh thần và các hình thái ý thức, tư tưởng cũng không có những biến đổi đột ngột, mà bao giờ cũng được thực hiện thông qua những khâu trung gian. Hình thức biểu hiện của chúng bao gồm: hệ thống pháp quyền, các qui phạm đạo đức, các thiết chế văn hóa, lối sống... trong đó, những yếu tố của đời sống tinh thần xã hội cũ và mới quyện chặt với nhau.
Sự phân tích trên cho thấy, khâu trung gian biểu hiện trong sự phát triển xã hội tồn tại với những hình thức đa dạng, nhiều mặt, nhiều cấp độ khác nhau. Trên bình diện kết cấu của toàn bộ hệ thống xã hội, thời kỳ quá độ từ hình thái kinh tế - xã hội này lên hình thái kinh tế - xã hội khác là một khâu trung gian. Lịch sử xã hội loài người đã trải qua bốn hình thái kinh tế - xã hội: Cộng sản nguyên thủy, Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư bản chủ nghĩa và ngày nay đang quá độ lên hình thái kinh tế - xã hội Cộng sản chủ nghĩa. Như thế, lịch sử xã hội đã trải qua bốn khâu trung gian khác nhau, chúng có những đặc trưng riêng do những đặc điểm lịch sử cụ thể của các hình thái kinh tế - xã hội quy định. Thời kỳ quá độ là quá trình cải biến cách mạng lâu dài, do đó, phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ thấp lên cao. Mỗi giai đoạn lại có đặc điểm thể hiện tính chất trung gian khác nhau, nhưng theo xu hướng giảm dần sự khác biệt và tính chất phức tạp, hướng tới sự thuần nhất về cấu trúc, hoàn thiện về hệ thống và sự phát triển ổn định, vững chắc hơn. Mặt khác, lịch sử xã hội không chỉ có những bước chuyển tuần tự qua từng nấc thang phát triển, mà đôi khi, trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, lại có những bước "bỏ qua" một số nấc thang phát triển để tiến lên. Trong trường hợp đó, thời kỳ quá độ không chỉ kéo dài hơn, mà còn đặc biệt phức tạp, do kết cấu xã hội mang nhiều yếu tố hơn, không những của xã hội xuất phát, xã hội hướng tới mà cả của xã hội bỏ qua. Về nguyên tắc, xã hội càng cách xa nhau về trình độ phát triển, thì nội dung, tính chất của các khâu trung gian càng phức tạp, hình thức càng đa dạng, vai trò càng quan trọng hơn. Xét sự biến đổi về chất trên từng mặt, từng lĩnh vực trong xã hội của thời kỳ quá độ, chúng ta thấy rằng, sự thay đổi về chất ở từng mặt, từng lĩnh vực đó cũng được thể hiện và được thực hiện thông qua những khâu trung gian với những hình thức biểu hiện khác nhau. Nếu hình dung mỗi thời đại lịch sử quá độ như một "cây cầu" nối tiếp từ nấc thang này lên nấc thang khác, thì "cây cầu" ấy phải bao gồm nhiều tuyến và nhiều nhịp cầu khác nhau để thực hiện sự chuyển tiếp.
Khâu trung gian trong sự phát triển xã hội mặc dù hết sức đa dạng, phong phú và phức tạp, nhưng chúng đều có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, trong lĩnh vực xã hội, khâu trung gian là kết quả hoạt động có ý thức của con người, biểu hiện mối quan hệ giữa con người với nhau trong quá trình hoạt động của họ. Sự khác nhau cơ bản giữa tự nhiên và xã hội là ở chỗ, xã hội là sản phẩm của sự tác động lẫn nhau giữa những con người. Trong xã hội, nhân tố hoạt động là con người có ý thức, có ý chí theo đuổi những mục đích của mình. Cho nên, sự khác nhau giữa tự nhiên và xã hội là sự khác nhau về chất. Nói đến "chất" xã hội là nói đến "tính khách quan của những mối quan hệ của con người, thông qua các hoạt động của con người với môi trường xã hội, các quan hệ của con người trong lĩnh vực vật chất, quan hệ của con người trong lĩnh vực tinh thần, quan hệ giữa cá nhân với nhau và quan hệ giữa cá nhân với xã hội" [31, 48]. Sự thay đổi chất trong xã hội chính là thay đổi tính chất các mối quan hệ xã hội nói trên. Trong tự nhiên, khâu trung gian được thực hiện bởi những nhân tố vô ý thức, còn trong lĩnh vực xã hội, con người với ý thức của mình là nhân tố nội tại của khâu trung gian. Khâu trung gian trong sự phát triển xã hội là sự thống nhất giữa điều kiện, khuynh hướng phát triển khách quan của xã hội với nhân tố chủ quan. Trong đó, nhân tố chủ quan có vai trò tạo điều kiện cho sự chín muồi của những mâu thuẫn và sự giải quyết chúng, quy định phương hướng, phương thức giải quyết mâu thuẫn; quy định phương thức, phương hướng của các bước nhảy vọt trên cơ sở tạo ra những điều kiện khách quan cho sự tích lũy không ngừng về lượng; đồng thời, nhân tố chủ quan quy định phương thức lọc bỏ, kế thừa cái cũ để phát triển cái mới trong quá trình phủ định biện chứng. Nói cách khác, hoạt động của con người tham gia vào cơ chế chuyển hóa về chất trong xã hội. Cho nên, nhân tố chủ quan đóng vai trò là nhân tố định hướng và định hình của những khâu trung gian trong sự phát triển xã hội.
Đặc điểm trên cho thấy, trong khi tiến hành những cải biến cách mạng không chỉ đòi hỏi phải nhận thức và vận dụng đúng đắn những quy luật của hiện thực khách quan, mà còn phải biết phát huy vai trò nhân tố chủ quan, chủ động, tự giác vận dụng những khâu trung gian, các bước quá độ để rút ngắn thời kỳ "đau đẻ" kéo dài. Mác viết: "Một xã hội, ngay cả khi đã phát hiện được quy luật tự nhiên của sự vận động của nó... cũng không thể nào nhảy qua các giai đoạn phát triển tự nhiên hay dùng sắc lệnh để xóa bỏ những giai đoạn đó. Nhưng nó có thể rút ngắn - làm dịu bớt được những cơn đau đẻ "[59, 21].
Có thể coi đây là đặc điểm của sự phát triển xã hội nói chung, nhưng nó còn khẳng định một trong những đặc trưng bản chất nhất của khâu trung gian trong sự phát triển xã hội, nói lên sự khác nhau căn bản về chất giữa khâu trung gian trong tự nhiên và khâu trung gian trong xã hội.
Thứ hai, về mặt kết cấu, khâu trung gian trong xã hội là những hình thức đặc biệt của sự phát triển xã hội, đặc trưng cho thời kỳ diễn ra những thay đổi dẫn tới phá vỡ hệ thống các yếu tố, các quan hệ xã hội cũ, thiết lập hệ thống mới, trong đó, cái mới và cái cũ kết hợp với nhau, thúc đẩy sự tiêu vong của những yếu tố, những quan hệ xã hội cũ và sự ra đời của những yếu tố, các quan hệ xã hội mới, đảm bảo tính liên tục trong sự phát triển xã hội. Sự phát triển xã hội được thực hiện thông qua những hình thức nhất định. Trong điều kiện chín muồi, hoàn thiện của nó, mỗi hình thức của sự phát triển xã hội được đặc trưng bởi một kết cấu các quan hệ xã hội có cùng bản chất, còn trong sự biến đổi từ nấc thang (hay trình độ) này lên nấc thang (hay trình độ) khác, kết cấu của những hình thức phát triển xã hội lại bao gồm những quan hệ xã hội không cùng bản chất, trong đó, những quan hệ xã hội cũ đang chuyển hóa từng bước sang quan hệ xã hội mới.
Quy luật khách quan của lịch sử được biểu hiện cụ thể, nhiều vẻ trong các hình thức phát triển xã hội [69, 89], thông qua những mối quan hệ xã hội cụ thể. Khác với các hình thức phát triển xã hội trong những giai đoạn phát triển chín muồi, những hình thức phát triển xã hội trong những bước quá độ lại có sự tác động đồng thời của các quy luật thuộc cả xã hội cũ đang mất đi và thuộc cả xã hội mới đang hình thành. Tuy nhiên, sự biểu hiện và vai trò của những quy luật thuộc xã hội cũ không còn như trước, sự tác động của quy luật thuộc xã hội mới cũng không hoàn toàn như trong xã hội tương lai, khi xã hội đó đã được xây dựng xong. Chính vì vậy, việc nhận thức những quy luật xã hội ở khâu trung gian là hết sức khó khăn, nhưng lại có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng, nó định hướng hoạt động của con người trong việc phối hợp, vận dụng một cách tổng hợp các qui luật nhằm hạn chế vai trò của quy luật thuộc xã hội cũ, phát huy vai trò của quy luật thuộc xã hội mới để thúc đẩy xã hội phát triển đúng hướng.
Sự tồn tại của cả những yếu tố, những quan hệ xã hội cũ và mới trong những khâu trung gian là nguyên nhân của tình trạng mâu thuẫn trở nên nhiều hơn, đa dạng, phức tạp và phát triển gay gắt hơn. Vì vậy, nhận thức được khâu trung gian còn là điều kiện để có biện pháp giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn đang trở nên chín muồi. Lênin viết: "Tình trạng các mâu thuẫn trở nên gay gắt là động lực mạnh nhất của thời kỳ lịch sử quá độ" [38, 535].
Sự hiện hữu của một kết cấu xã hội đan xen giữa cái cũ và cái mới, sự chi phối của những quy luật mang bản chất xã hội khác nhau, tình trạng mâu thuẫn trở nên đa dạng, phức tạp và gay gắt là nguyên nhân của trạng thái chưa ổn định, thiếu vững chắc trong kết cấu, trong khuynh hướng vận động và phát triển của khâu trung gian. Vì vậy, khâu trung gian trong xã hội luôn tiềm tàng những khuynh hướng vận động, phát triển khác nhau. ở đây, nhân tố chủ quan lại càng có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn khả năng và phương án phát triển khác nhau, thúc đẩy hay rút ngắn tiến trình quá độ so với tiến trình lịch sử "tự nhiên" tự phát. Hơn bất cứ đâu, vai trò "bà đỡ" của nhân tố chính trị, những chủ trương, chính sách có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình quá độ.
Điều đó cũng cho thấy, mức độ ảnh hưởng rất cao của nhân tố chủ quan (không chỉ sự đúng đắn mà cả những sai lầm trong nhận thức và vận dụng) đối với sự hình thành, vận động của khâu trung gian trong quá trình phát triển của xã hội. Do đó, một mặt phải chú trọng đến việc bồi dưỡng và phát huy vai trò các nhân tố chủ quan, mặt khác, phải hết sức tránh những sai lầm chủ quan trong khi tiến hành những cải tạo cách mạng.
Như vậy, tính chất bất ổn, thiếu vững chắc của khâu trung gian trong sự phát triển xã hội không gạt bỏ xu hướng phát triển tất yếu của nó là hướng tới khẳng định một chất - lượng mới, xác lập một hệ thống mới thay thế hệ thống cũ đã lồi thời. Điều đó làm cho quá trình biến đổi, phát triển đi lên của xã hội trở nên không thể đảo ngược được.
Tóm lại, trong lĩnh vực xã hội, khâu trung gian là trạng thái tồn tại đặc trưng cho thời kỳ diễn ra những cải biến có tính chất cách mạng trong sự phát triển xã hội, trong đó, những yếu tố, những quan hệ xã hội cũ và mới đan xen, thâm nhập vào nhau, đấu tranh và chuyển hóa cho nhau, tạo điều kiện cho kết cấu xã hội cũ từng bước bị tiêu vong và chuyển sang kết cấu xã hội mới.
Bản chất, vai trò của khâu trung gian trong sự phát triển xã hội sẽ được làm sáng tỏ hơn, khi nghiên cứu những hình thức đa dạng của chúng trong các giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội .
1.2.2. Khâu trung gian trong những thời kỳ quá độ trước hình thái kinh tế - xã hội Cộng sản chủ nghĩa
Như chúng ta biết, lịch sử loài người bắt đầu từ xã hội cộng sản nguyên thủy. Bước nhảy vọt đầu tiên về mặt hình thái mà loài người đạt được là từ xã hội cộng sản nguyên thủy lên chế độ chiếm hữu nô lệ. Theo Ăngghen, đó là bước chuyển từ thời đại dã man sang thời đại văn minh [58, 53]. Những tài liệu lịch sử, những tư tưởng của các nhà kinh điển cho thấy, sự quá độ từ hình thái kinh tế - xã hội cộng sản nguyên thủy lên những hình thái kinh tế - xã hội cao hơn diễn ra vô cùng chậm chạp và lâu dài tới hàng ngàn năm lịch sử, trải qua nhiều hình thức tổ chức xã hội mang tính chất trung gian, quá độ khác nhau, song chủ yếu nhất, nổi bật nhất là hình thức tổ chức xã hội công xã nông thôn.
Đặc trưng của công xã nông thôn là một hình thức tổ chức xã hội dựa trên nền tảng chế độ sở hữu "hỗn hợp" về tư liệu sản xuất, vừa có yếu tố sở hữu cộng đồng (công xã), vừa có yếu tố sở hữu tư nhân thuộc về cá nhân các thành viên công xã. Về bản chất đây là hai kiểu sở hữu đối lập nhau, nhưng lại gắn bó với nhau một cách hữu cơ trong một chế độ kinh tế, trong đó, chúng vừa kết hợp với nhau, vừa đấu tranh loại trừ nhau. Mác viết: "ở các dân tộc cổ đại... người ta thấy tồn tại hình thức sở hữu chứa đựng sự đối lập giữa sở hữu ruộng đất của nhà nước và sở hữu ruộng đất của tư nhân, như vậy là loại sở hữu thứ hai thể hiện qua trung gian là loại sở hữu thứ nhất hay là bản thân sở hữu ruộng đất của nhà nước tồn tại dưới hình thức hai mặt này" [62, 765-766].
Về mặt xã hội, trong công xã có sự phân hóa xã hội thành những tầng lớp khác nhau, có địa vị kinh tế - xã hội khác nhau, đối lập và đấu tranh với nhau. Đó là tầng lớp những cá nhân có đặc quyền, đặc lợi gắn với bộ máy tự quản công xã và những thành viên công xã. Như vậy, những mầm mống đầu tiên của chế độ tư hữu và sự phân chia giai cấp xuất hiện từ chính công xã thị tộc cổ xưa, một tổ chức xã hội điển hình của hình thái xã hội công xã nguyên thủy. Sự phát triển lâu dài nền sản xuất của xã hội công xã nguyên thủy cũng tạo ra được của cải ngày càng dồi dào hơn, không chỉ đủ tiêu dùng mà còn có phần dư thừa đem trao đổi với các cộng đồng thị tộc khác, và do có sự trao đổi mà xuất hiện những yếu tố của sản xuất hàng hóa. Mặc dù sản xuất hàng hóa bước đầu còn giản đơn, nhưng nó đã tác động sâu sắc đến đời sống xã hội. Sự phân công lại lao động và sản xuất xã hội làm cho xã hội ngày càng có sự biến đổi về chất. Những mâu thuẫn cũng bắt đầu nảy sinh trong lòng xã hội, thể hiện ở chỗ, sản xuất hàng hóa phát triển làm cho vai trò của cá nhân ngày càng tăng lên, đồng thời lại làm cho vai trò của công xã không chỉ giảm đi, mà còn cản trở tinh thần tích cực sáng tạo của các thành viên công xã. Do đó, quan hệ giữa các thành viên công xã theo lối làm chung, ăn chung không còn thích hợp với nền sản xuất ngày càng phát triển và ngày càng đòi hỏi sự ra đời các hình thức quan hệ xã hội phù hợp với sức sản xuất mới đang phát triển để thay thế hình thức quan hệ xã hội cũ. Mác cho rằng: "Bản thân trao đổi là một trong những phương tiện chủ yếu của quá trình biệt lập ấy của các cá nhân. Trao đổi làm cho sự tồn tại của bầy trở thành không cần thiết và làm tan rã hình thức tồn tại ấy" [62, 791].
Những mâu thuẫn ngày càng gay gắt và ngày càng có tác động làm tan rã công xã thị tộc. Tuy nhiên, sự phát triển chậm chạp của lực lượng sản xuất và cuộc đấu tranh giữa những lực lượng xã hội, đại diện cho những lợi ích đối lập nhau đã không thể nào làm cho hình thức tổ chức công xã thị tộc biến đổi và mất đi lập tức, mà được thực hiện "từng bước" chậm chạp, dưới hình thức xã hội "trung gian" là công xã nông thôn. Trong công xã nông thôn có sự tồn tại "song trùng" của cả sở hữu công xã và sở hữu tư nhân. Lúc đầu, sở hữu tư nhân do sở hữu công xã quy định, song càng phát triển về sau, sở hữu của công xã chỉ còn là cái "bổ sung" cho sở hữu tư nhân, nó tồn tại trong những cơ sở kinh tế phục vụ mục đích chung (như cơ sở thủy lợi, hay ruộng đất công...). Sở hữu tư nhân dần dần giữ vai trò nền tảng của chế độ công xã. Đồng thời, một bộ phận thành viên "tích cực" có đặc quyền đã chiếm hữu những tài sản công cộng như: tư liệu sản xuất hay một bộ phận tù binh chiến tranh làm của riêng, còn các thành viên bình thường của công xã trở thành kẻ phụ thuộc. Xã hội đã có sự phân chia thành giai cấp thống trị và bị trị. Đến đây, công xã thị tộc tan rã hoàn toàn và bắt đầu chế độ xã hội mới - chế độ chiếm hữu nô lệ. Mác viết: "Chế độ nô lệ... là kết quả tất yếu và triệt để của chế độ sở hữu dựa trên chế độ công xã và dựa trên lao động trong điều kiện chế độ ấy" [62, 790].
Chế độ chiếm hữu nô lệ ra đời ở Tây Âu đánh dấu bước nhảy vọt căn bản từ hình thái xã hội đầu tiên lên hình thái xã hội thứ hai, từ tình trạng dã man lên tình trạng văn minh. ở đây có thể coi sự tồn tại và phát triển của công xã nông thôn về bản chất là hình thức xã hội mang tính chất trung gian, quá độ. Đó chính là điều mà Ăngghen yêu cầu phải làm rõ được bước quá độ từ thời đại dã man sang thời đại văn minh, từ hình thức thứ nhất sang hình thức thứ hai.
Cũng xuất phát từ hình thái xã hội đầu tiên này, trong những điều kiện lịch sử đặc thù, chế độ công xã nguyên thủy còn phát triển lên những hình thái kinh tế - xã hội cao hơn bằng một "nhánh" khác so với quá trình diễn ra ở Tây Âu, Mác gọi đó là "hình thức châu á" diễn ra tương đối phổ biến ở châu á và một số nước ở châu Phi, châu Mỹ. Về bản chất của nó, Mác viết: "Dưới hình thức châu á (ít ra cũng là hình thức chiếm ưu thế) không có sự tồn tại của sở hữu của từng cá nhân riêng lẻ, mà chỉ có sự chiếm giữ của cá nhân ấy; người sở hữu thực thụ, thật sự - đó là công xã; do vậy, sở hữu tồn tại chỉ với tư cách là sở hữu chung đối với ruộng đất" [62, 765]. Mác còn cho rằng, chính việc cá nhân không thể trở thành chủ sở hữu hoàn toàn về tư liệu sản xuất, cho nên không tạo ra sự đối lập gay gắt giữa công xã với các thành viên của nó, đồng thời sự kết hợp nông nghiệp và thủ công nghiệp trong công xã là điều kiện đảm bảo cho công xã duy trì sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trong phạm vi công xã, là tiền đề cho sự tồn tại lâu._.sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; tạo ra những cơ chế quản lý và phân phối dựa trên việc phát huy quyền làm chủ của người lao động; kết hợp hài hòa về lợi ích giữa những người tham gia sản xuất, kinh doanh; là tạo ra động lực bên trong thúc đẩy sản xuất phát triển. Đây là biện pháp rất quan trọng để đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp.
- Chuyển sang các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác đối với các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không có lãi hoặc thua lỗ kéo dài, các xí nghiệp vừa và nhỏ thuộc các lĩnh vực kinh tế không có tính chất "huyết mạch". Nhà nước nhượng lại quyền sở hữu các loại doanh nghiệp nói trên bằng các biện pháp như cho thuê, bán, khoán cho cá nhân hay tập thể, vừa thu hồi vốn, vừa giảm bớt gánh nặng bù lỗ cho ngân sách nhà nước. Thực hiện giải pháp này cần chú ý đến vấn đề việc làm cho người lao động và các chính sách xã hội, bỏ mặc cho người lao động tự "xoay xở" lấy cuộc sống của mình là trái với chính sách của Đảng và nhà nước.
- Tập trung năng lực sản xuất, công nghệ, kỹ thuật hiện đại hình thành các tập đoàn kinh tế lớn có sức cạnh tranh mạnh để chi phối và dẫn dắt các thành phần kinh tế tư nhân và tư bản nhà nước lên CNXH. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh "sống còn" không chỉ đối với thị trường trong nước và cả thị trường thế giới, phải đối mặt không chỉ các doanh nghiệp riêng lẻ mà còn là các tập đoàn kinh tế hùng mạnh, các công ty xuyên quốc gia đầy thế lực. Đây là giải pháp cơ bản lâu dài phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế đang ngày càng xã hội hóa cao. Do đó, việc tiến hành tổ chức lại một số doanh nghiệp nhà nước thành các tổng công ty theo Quyết định 90 và 91 của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương rất đúng đắn. Tuy nhiên, cần tránh khuynh hướng "tập trung hóa" một cách quan liêu, hình thức, chủ yếu dựa trên sự kết hợp về số lượng, thiên về nâng quy mô sản xuất mà không chú ý việc tổ chức lại, để tạo ra động lực bên trong thật sự làm thay đổi chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.
- Kinh tế nhà nước cần chủ động, tăng cường sự liên doanh, hợp tác của nó với các thành phần kinh tế khác. Thực hiện vai trò điều tiết, định hướng của kinh tế nhà nước đối với các thành phần kinh tế trung gian là nhằm thúc đẩy quá trình xã hội hóa nền kinh tế, từng bước tập trung tư liệu sản xuất vào tay nhà nước, hướng tới xác lập phương thức sản xuất mới XHCN. Cho nên, kinh tế nhà nước cần chủ động, tăng cường liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác bằng nhiều hình thức, nâng dần tỷ trọng kinh tế của nhà nước trong các doanh nghiệp tư bản nhà nước và kinh tế hợp tác, để tăng khả năng khống chế và chi phối đối với quan hệ sản xuất của chúng, qua đó làm cho quan hệ sản xuất mới ngày càng chiếm ưu thế. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đối với các hình thức kinh tế trung gian chỉ có thể được thực hiện khi những yếu tố của quan hệ sản xuất mới XHCN thâm nhập vào kết cấu quan hệ sản xuất của các thành phần kinh tế để chi phối sự phát triển của chúng.
- Đổi mới đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp nhà nước. Đội ngũ này hầu hết được đào tạo, trưởng thành trước thời kỳ đổi mới song chưa được đào tạo lại một cách toàn diện, cho nên đang tỏ ra khó khăn lúng túng trong trong điều kiện cơ chế thị trường có sự cạnh tranh gay gắt. Một bộ phận cán bộ quản lý kinh tế đã thoái hóa biến chất về đạo đức lối sống, tiếp tay cho buôn lậu, tham nhũng, đồng lõa với bọn làm ăn bất chính chiếm đoạt tài sản của nhà nước. Sự yếu kém và thoái hóa của một bộ phận cán bộ quản lý kinh tế là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước giảm sút. Vì thế, đổi mới đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế trong các doanh nghiệp nhà nước, tư bản nhà nước và kinh tế hợp tác là yêu cầu vừa cấp bách, vừa cơ bản. Để thực hiện đổi mới đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế hiện nay, theo chúng tôi cần phải áp dụng các biện pháp chủ yếu sau đây:
Đối với những cán bộ yếu năng lực cho đào tạo lại hoặc chuyển sang công tác khác. Loại cán bộ thoái hóa biến chất phải kiên quyết đào thải khỏi nhiệm vụ quản lý, tránh tình trạng cán bộ thiếu năng lực, kém phẩm chất trong lãnh đạo ở một đơn vị, một xí nghiệp lại được cất nhắc lên một cương vị lãnh đạo cao hơn. Thường xuyên đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, chú trọng việc tự đào tạo thông qua tự học, tự rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn.
Không đề bạt, bố trí loại cán bộ không chịu học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, luật pháp và ngoại ngữ; có cơ chế cụ thể trong việc tuyển lựa và sử dụng cán bộ. Không đề bạt cất nhắc loại cán bộ không được đào tạo đúng chuyên môn, đào tạo không cơ bản.
Có tiêu chí đánh giá cụ thể giúp cho việc đánh giá năng lực và phẩm chất cán bộ một cách chính xác: Đối với người lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong một thời gian nào đó kiên quyết không sử dụng. Nếu làm thất thoát tài sản nhà nước tùy tính chất và hậu quả phải kiên quyết bắt đền bù và truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.
Khắc phục tình trạng mất dân chủ trong việc đề bạt cán bộ quản lý, loại trừ những tiêu cực trong công tác cán bộ và bổ nhiệm cán bộ. Phải kết hợp giữa quyết định của cơ quan nhà nước với quyền bầu cử dân chủ của người lao động trong việc đề bạt cán bộ.
Với đặc thù và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, nên cần phải coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lý luận nhằm bồi dưỡng năng lực, lý tưởng, đạo đức cách mạng, lòng trung thành với Đảng, với CNXH. Hiện nay có một bộ phận cán bộ quản lý kinh tế đang trở nên thờ ơ với chính trị, xa rời mục tiêu lý tưởng trong hoạt động kinh tế hoặc ngược lại quá đề cao mục tiêu chính trị, thiếu quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Cho nên, thực hiện việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ phải gắn liền với việc giáo dục lý tưởng đạo đức cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là đối với cán bộ tham gia vào các tổ chức kinh tế liên doanh, hợp tác với nước ngoài.
3.2.5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hình thức kinh tế trung gian
Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và đối với các hình thức kinh tế trung gian nói riêng trước hết thể hiện ở sự định hướng chính trị. Đảng phải vạch ra được đường lối chiến lược, những chủ trương chính sách thúc đẩy nền kinh tế phát triển có hiệu quả, đúng định hướng XHCN. Thường xuyên nâng cao trình độ trí tuệ và khả năng tổ chức thực tiễn cho cán bộ, đảng viên để vận dụng đúng đắn những quy luật khách quan; tiến hành tổng kết thực tiễn, sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH, về con đường đi lên CNXH trong điều kiện nền kinh tế thị trường; cũng như phương hướng sử dụng và phát huy các thành phần kinh tế.
Đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của nền kinh tế và đối với các hình thức kinh tế trung gian nói riêng, không chỉ thể hiện trong việc xác định đường lối chủ trương chính sách lớn, mang tính định hướng, mà còn ở chỗ, phải xác lập, củng cố và tăng cường thường xuyên vai trò lãnh đạo của Đảng trong các tổ chức kinh tế trung gian. Vấn đề xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng trong các đơn vị kinh tế thuộc tất cả các thành phần kinh tế nhằm thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp bách hiện nay. Một số người cho rằng, Đảng lãnh đạo các thành phần kinh tế chủ yếu bằng chủ trương chính sách, đề ra các chính sách, và lãnh đạo nhà nước, thực hiện chủ trương đường lối chứ không nhất thiết phải có các tổ chức cơ sở đảng trong các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế trung gian. Quan điểm đó là không đúng. Phải thừa nhận việc phát triển và tổ chức hoạt động đối với các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp tư bản tư nhân, tư bản nhà nước và các tổ chức kinh tế hợp tác là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp. Song không phải vì thế mà buông lỏng hay bỏ trống sự lãnh đạo của Đảng. Thực tế cho thấy, những khó khăn yếu kém của các đơn vị kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế hợp tác đều có liên quan trực tiếp đến sự yếu kém của các tổ chức đảng, sự buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng ở những cơ sở nêu trên. Vì vậy, để định hướng XHCN trong các đơn đơn vị kinh tế đòi hỏi phải thiết lập các tổ chức đảng ở đây, đồng thời phải tìm ra phương thức lãnh đạo thiết thực và có hiệu quả. Một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu là Đảng phải lãnh đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp và các thành viên được nhà nước cử tham gia quản lý kinh tế hợp tác và kinh tế TBCN.
Đảng phải nắm vững công tác cán bộ. Sự lãnh đạo kinh tế của Đảng chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi có đội ngũ đảng viên gương mẫu, luôn biết làm giấu trí tuệ của mình bằng những hiểu biết cần thiết. Trong thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới, Lênin đặc biệt nhấn mạnh vai trò ngày càng to lớn của Đảng trong việc lãnh đạo công cuộc xây dựng nền kinh tế nước Nga, chỉ ra sự cần thiết phải bố trí lại lực lượng của cán bộ đảng, cử một bộ phận ưu tú trong lực lượng ấy sang làm công tác kinh tế. Đồng thời, Người đòi hỏi các tổ chức đảng phải chú ý đến các vấn đề kinh tế, phát triển sản xuất và kêu gọi những người cộng sản phải học cách quản lý [45, 268]. Đối với nước ta hiện nay, vấn đề cán bộ trong lãnh đạo kinh tế càng trở nên đặc biệt quan trọng. Sự thành công trong lãnh đạo không chỉ phụ thuộc vào đường lối, chủ trương, chính sách đúng mà còn phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, chính sách ấy. Cả hai mặt đều cần đến đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.
Hiện nay, có thể nói, chúng ta chưa có được một đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu quản lý nền kinh tế trong điều kiện cơ chế thị trường theo định hướng XHCN, nhất là đội ngũ tham gia quản lý các doanh nghiệp kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế hợp tác. Vì vậy, Đảng phải coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ kinh tế có phẩm chất tốt, có năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn ngang tầm nhiệm vụ, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hình thức kinh tế quá độ, đảm bảo cho chúng phát triển đúng định hướng XHCN. Trong NEP, Lênin đã từng nói rằng đề đạt được mục tiêu cách mạng, Đảng không phải chỉ ra những chỉ thị, những sắc lệnh mà điều quan trọng là phải có một số nhân viên có phẩm chất cao, không khác gì những nhân viên kiểu mẫu giỏi nhất Tây Âu.
Trong điều kiện cơ chế thị trường, mở cửa với bên ngoài, cán bộ, đảng viên hàng ngày hàng giờ chịu sự tác động của những nhân tố rất phức tạp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu sự tu dưỡng bản thân, phai nhạt về lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, tham nhũng, quan liêu, sa đọa về lối sống đạo đức [19, 136-137], trong đó nạn tham nhũng được coi là nguy cơ lớn với chế độ. Tình trạng thoái hóa, biến chất nói trên tập trung ở bộ phận cán bộ, đảng viên lãnh đạo quản lý kinh tế đặc biệt là những cán bộ tham gia trong các doanh nghiệp tư bản nhà nước. Những khuyết điểm trên, nếu không được khắc phục kịp thời, chẳng những chủ trương chính sách của Đảng dù có đúng đắn cũng trở nên ít hiệu quả, quần chúng nhân dân sẽ mất niềm tin với Đảng, với chế độ XHCN, mà còn làm cho chính bản thân Đảng trở nên bị thoái hóa, không còn khả năng lãnh đạo cách mạng. Vì vậy, cần thường xuyên đấu tranh chống những thoái hóa trong Đảng bằng những biện pháp mạnh mẽ và có hiệu quả làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu cho Đảng. Tổ chức và thực hiện có hiệu quả thiết chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo cho nhân dân quyền kiểm tra, giám sát đối với tổ chức và cá nhân người lãnh đạo, đặc biệt đối với tổ chức và cá nhân trực tiếp tham gia quản lý tài sản của nhà nước và những cán bộ được giao nhiệm vụ tham gia quản lý trong các tổ chức kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế hợp tác...
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả thường xuyên cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy Đảng và nhà nước theo tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu (khóa VIII) của Ban chấp hành trung ương Đảng là điều kiện then chốt để nâng cao vai trò, sức chiến đấu của Đảng trong việc vận dụng có hiệu quả các hình thức kinh tế trung gian, vì mục tiêu lý tưởng XHCN.
Kết luận chương 3
Nhận thức và vận dụng các hình thức kinh tế trung gian là nhằm từng bước đưa nền kinh tế lên CNXH, nhưng về bản chất khách quan của chúng có sự đan xen giữa các yếu tố khác nhau, nên các hình thức đó dễ chòng chành, nghiêng ngả, đòi hỏi phải có sự tác động định hướng, và chủ thể sự định hướng này không ai khác là Đảng cộng sản và Nhà nước XHCN thực sự của dân, vì dân, do dân. Mặt khác, để đảm bảo hiện thực hóa vai trò của các hình thức kinh tế trung gian trong quá trình phát triển nền kinh tế nước ta theo định hướng XHCN, đòi hỏi phải đa dạng hóa các hình thức kinh tế để giải phóng và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, song phải đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Nói cách khác, để giữ vững nội dung định hướng XHCN trong quá trình sử dụng những hình thức kinh tế trung gian là phải có sự tác động định hướng và định hình có hiệu quả của cả nhân tố chính trị lẫn nhân tố kinh tế, thông qua vai trò của kinh tế nhà nước. Tuyệt đối hóa bất kỳ nhân tố nào trong hai nhân tố đó đều không đúng.
Vì vậy, thực hiện tốt những giải pháp thường xuyên củng cố, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, sự quản lý có hiệu quả của nhà nước xã hội chủ nghĩa, củng cố và đổi mới vai trò của kinh tế nhà nước là điều kiện then chốt nhất đảm bảo thực hiện thành công các hình thức kinh tế trung gian đưa nền kinh tế nước ta phát triển vững chắc lên CNXH.
kết luận
Với kết quả trên đây, luận án góp phần làm sáng tỏ một số phương diện quan trọng về khâu trung gian trong sự phát triển xã hội và sự vận dụng chúng để thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế nước ta hiện nay. Từ đó, có thể khái quát nội dung luận án trên những mặt cơ bản sau đây:
1. Khâu trung gian là trạng thái tồn tại tất yếu của sự vật trong quá trình chuyển hóa từ chất này sang chất khác; trong đó, chất cũ và chất mới đan xen, đấu tranh và chuyển hóa cho nhau, tạo điều kiện cho chất mới ra đời. Khâu trung gian gắn liền với nhảy vọt, với sự quá độ từ chất cũ sang chất mới. Vì vậy, sự nhảy vọt, sự quá độ dù diễn ra dưới bất kỳ hình thức nào cũng được thực hiện bằng khâu trung gian, thông qua khâu trung gian. Mặt khác, khâu trung gian còn có vai trò tất yếu trong quá trình giải quyết mâu thuẫn và thực hiện sự phủ định biện chứng đối với quá trình phát triển của các sự vật, hiện tượng. Từ đó có thể khẳng định rằng: khâu trung gian là một khái niệm nằm trong hệ thống các khái niệm, phạm trù, qui luật của phép biện chứng duy vật. Cho nên, việc nắm vững lý luận khâu trung gian đem lại nhận thức sâu sắc hơn, cụ thể hơn sự liên hệ, sự vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng và các quá trình trong thế giới.
2. Trong sự phát triển xã hội, khâu trung gian là trạng thái đặc trưng cho thời kỳ diễn ra sự biến đổi về chất, được biểu hiện thông qua những hình thức phát triển xã hội, trong đó những yếu tố, những mối quan hệ xã hội cũ và mới đan xen thâm nhập vào nhau, trước khi xã hội mới hình thành về cơ bản. Thời kỳ quá độ từ hình thái kinh tế - xã hội này lên hình thái kinh tế - xã hội khác trong lịch sử về bản chất mang tính trung gian; đồng thời trên từng mặt, từng lĩnh vực, từng quá trình của sự phát triển xã hội đều có những khâu trung gian để thực hiện sự biến đổi. Giữa các xã hội càng khác xa nhau về trình độ phát triển, thì càng có nhiều bước quá độ và càng phải qua nhiều khâu trung gian để tiến hành các cuộc cải tạo cách mạng.
Khâu trung gian trong sự phát triển xã hội biểu hiện mối quan hệ giữa con người với nhau trong quá trình hoạt động; là kết quả hoạt động có ý thức của con người. Khâu trung gian là điều kiện tất yếu trong hoạt động cải tạo thế giới của con người. Vì vậy, mọi cuộc cách mạng xã hội đều phải vận dụng khâu trung gian. Đó chính là sự thể hiện qui luật phát triển tự nhiên của lịch sử. Sự biểu hiện và vai trò của những khâu trung gian trong những bước quá độ "đặc biệt" - bỏ qua một số chế độ xã hội trong lịch sử - cho chúng ta những gợi ý có giá trị để suy nghĩ về con đường và giải pháp để tiến lên CNXH ở Việt Nam. Chẳng hạn, vai trò của công xã nông thôn và điền trang thái ấp đối với việc làm giảm sự căng thẳng xã hội trong quá trình chuyển từ sở hữu công xã sang tư hữu; vai trò của chủ nghĩa tư bản nhà nước, kinh tế hợp tác trong việc chuyển nền kinh tế lạc hậu lên CNXH.
3- Một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước ta vào những năm 80 của thế kỷ này là sự nóng vội, muốn thực hiện kiểu quá độ trực tiếp, trong khi về khách quan phải thực hiện kiểu quá độ gián tiếp. Từ đó cho thấy, nước ta bỏ qua chế độ TBCN để đi lên CNXH không có nghĩa là bỏ qua tất cả những gì mà CNTB đã tạo ra, cũng như tất cả những gì mà các xã hội cũ để lại, mà phải tìm ra những hình thức trung gian nhằm kết hợp những yếu tố còn hợp lý của chúng với CNXH, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Quá trình đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay, thực chất là quá trình chuyển sang bước quá độ gián tiếp; là sự thực hiện những hình thức trung gian: từ nền kinh tế công hữu thuần nhất chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần; từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu chuyển sang cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước; từ cơ cấu kinh tế - kỹ thuật lạc hậu, đóng cửa chuyển sang nền kinh tế hiện đại, mở cửa... Những thành tựu mà nền kinh tế nước ta đạt được chứng tỏ việc nhận thức và vận dụng các hình thức kinh tế trung gian của Đảng ta là đúng đắn.
4- Việc phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đòi hỏi phải vận dụng các hình thức kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế nhà nước để từng bước đưa các thành phần kinh tế tư nhân lên CNXH. Vận dụng các hình thức kinh tế trung gian trong điều kiện đất nước và quốc tế có sự phát triển mới, cho nên tính đa dạng của các hình thức kinh tế trung gian ngày càng tăng lên; sự thâm nhập lẫn nhau giữa chúng ngày càng đậm nét, vai trò của những hình thức trung gian cũng khác nhau. Điều đó đòi hỏi phải không ngừng tìm tòi, lựa chọn và sử dụng một cách năng động, có hiệu quả các hình thức kinh tế trung gian, phù hợp với mỗi thời kỳ, mỗi lĩnh vực cụ thể của đất nước; tận dụng mọi điều kiện, phát huy mọi khả năng và sức mạnh để đưa nền kinh tế lên CNXH.
5- Khi vận dụng các hình thức kinh tế trung gian nhằm chuyển nền kinh tế nước ta lên CNXH, điều quan trọng là các hình thức kinh tế trung gian phải được định hướng đúng và phải được đảm bảo bằng những điều kiện khách quan và chủ quan nhất định. Trước hết, phải có phương hướng và những giải pháp hữu hiệu phát huy vai trò nhân tố chủ quan, thể hiện trước hết ở sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, sự quản lý của Nhà nước, phát huy được ý thức tự giác, tự chủ, vai trò làm chủ của nhân dân lao động. Xây dựng và phát huy vai trò của kinh tế nhà nước để từng bước hình thành quan hệ sản xuất mới, tiến bộ, đồng thời dẫn dắt các thành phần kinh tế khác phát triển theo định hướng XHCN.
danh mục tài liệu tham khảo
Vũ Triệu An, Đại cương sinh lý học, Nxb Y học, H, 1978.
Ban kinh tế Trung ương Đảng, Báo cáo tổng kết tình hình phát triển kinh tế hợp tác và thực hiện linh minh công - nông về kinh tế, Hà Nội, 7/1997.
Ban kinh tế thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nghiên cứu vận dụng các hình thức kinh tế tư bản nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1997.
Hoàng Chí Bảo, Về mối quan hệ giữa đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa với định hình xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 24/1998, 24-28.
Nguyễn Đức Bình, Làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 6/1997, 3-8.
Quang Cận, "Phê phán cương lĩnh Gô-ta" và quan niệm của Mác về CNXH trong sự phân biệt với CNTB và CSCN, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 1/1997, 32-35.
Nguyễn Trọng Chuẩn (chủ biên), Những quan điểm cơ bản của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ, Nxb CTQG, H, 1997.
Nguyễn Trọng Chuẩn, Từ lý thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác, xác định cách đi của chúng ta hiện nay. (Trong cuốn về sự phát triển của xã hội ta hiện nay), Nxb KHXH, H 1991, 9-17.
Phạm Văn Chúc, Sự phát triển của Lênin về lý luận cải biến cách mạng trong TKQĐ lên CNXH, Tạp chí Cộng sản, số 8/1996, 26-30.
Trần Văn Chử, Liên doanh với nước ngoài - Những vấn đề nảy sinh và các giải pháp khắc phục, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 6/1998, 33-34.
Vũ Đình Cự, Nguồn lực trí tuệ và sức mạnh đột phá, Tạp chí Cộng sản số 4/1997, 20-21
Lương Văn Cừ, Tính đa dạng, sự liên kết và tính đan xen của các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, Tạp chí Triết học, số 6/1996, 32-35.
Ngô Thành Dương, Một số khía cạnh về phép biện chứng duy vật, Nxb SGK Mác - Lênin, H, 1974.
Đặng Đức Đạm (chủ biên), Đổi mới kinh tế Việt Nam - thực trạng và triển vọng, Nxb Tài chính, H, 1997.
Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, H, 1977.
Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, H, 1987.
Đảng cộng sản Việt Nam, Cương Lĩnh xây dựng đất nước trong TKQĐ lên CNXH, Nxb Sự thật, H, 1991.
Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa VI, tháng 3/1989.
Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Nxb CTQG, H, 1996.
Nguyễn Văn Đặng, Một số vấn đề về kinh tế hợp tác, Tạp chí Cộng sản, số 9/1996, 27-31.
Lê Cao Đoàn, Hình thành hệ thống quan hệ sản xuất cần thiết cho sự phát triển kinh tế và quá độ lên CNXH ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Số 227 (4/11997), 18-23.
Trần Đức, Con đường phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở nước ta, Tạp chí Cộng sản, số 9/1996, tr 36-38.
Phạm Văn Đức, Tư tưởng của Lênin về sự cần thiết của việc thực hiện các bước trung gian quá độ ở các nước tiểu nông, Tạp chí Triết học, số 2/1995, 19-23.
Nguyễn Tĩnh Gia (chủ biên), Xu hướng biến động của nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, Nxb CTQG, H, 1998.
Hồng Giao, Các hình thức kinh tế quá độ, Nxb Sự thật, H, 1987.
Glê-déc-man. G.E, Các quy luật phát triển xã hội - tính chất và sự vận dụng, Nxb SGK Mác - Lênin, H, 1982.
Trần Ngọc Hiên, Chính sách kinh tế mới của Lênin và vận dụng vào điều kiện nước ta, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1988.
Trần Ngọc Hiên, Nhạy cảm với cái mới, không khoan nhượng với cái lỗi thời - một đặc trưng của tư duy biện chứng trong lĩnh vực kinh tế, Tạp chí Nghiên cứu, số 1/1987, 58-63.
Nguyễn Khắc Hiền, Kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa có đối lập nhau không?, Tạp chí Cộng sản, số 4/1996, 12-15.
Dương Phú Hiệp, Về đặc điểm của sự quá độ lên CNXH ở nước ta, Tạp chí Triết học, số 1/1990, 13-15.
Kha-rin (Iu. A), Các phạm trù của phép biện chứng xã hội, Nxb Min-xcơ, 1978 (tài liệu dịch của Vụ tư liệu, Trường Đảng cao cấp Nguyễn ái Quốc dịch, Thư mục RN8- I5), Chương 2.
Nguyễn Đình Kháng và Vũ Văn Phúc (Đồng chủ biên), Những nhận thức kinh tế - chính trị trong giai đoạn đổi mới ở Việt Nam, Nxb CTQG, H, 1998.
Kozlopxki. V.E, Phép biện chứng của sự quá độ từ CNTB lên CNXH, Nxb KHXH, H, 1976.
Đặng Xuân Kỳ, Vững bước đi lên con đường CNXH, Tạp chí Cộng sản, số 4/1996, 3-6.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 3, Nxb Tiến bộ, M, 1976.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 15, Nxb Tiến bộ, M, 1974.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 26, Nxb Tiến bộ, M, 1979.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 27, Nxb Tiến bộ, M, 1979.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, M, 1981.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 30, Nxb Tiến bộ, M, 1981.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ, M, 1976.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ, M, 1977.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 42, Nxb Tiến bộ, M, 1979.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ, M, 1978.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ, M, 1978.
V.I. Lênin, Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, M, 1978.
A. Liu-bi-nin, Tính tất yếu và những kiểu của các hình thức quá độ, Tạp chí "Khoa học kỹ thuật" số 7/1980, (15 trang đánh máy, bản dịch của trường Nguyễn ái Quốc Trung ương, thư mục 81-3854. Thư viện Học viện CTQG Hồ Chí Minh), 1-15.
Lịch sử phép biện chứng, Phép biện chứng cổ điển Đức, tập 3, Nxb CTQG, H, 1998.
Lịch sử phép biện chứng, Phép biện chứng mác-xít, Tập 4, Nxb CTQG, H, 1998.
Nguyễn Ngọc Long. Vai trò của các "khâu trung gian" trong bước quá độ lên CNXH ở nước ta, Tạp chí Cộng sản, số 6/1990, 22-26.
Nguyễn Ngọc Long, Chính sách kinh tế - công cụ của đảng cầm quyền, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 233/1997, 11-14.
Lý luận về hợp tác hóa - kinh nghiệm lịch sử và sự vận dụng ở nước ta, Nxb Sự thật, H, 1990.
Luật hợp tác xã, Nxb CTQG, H, 1996.
C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H, 1993.
C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H, 1993.
C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 19, Nxb CTQG, H, 1995.
C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H, 1994.
C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 21, Nxb, CTQG, H, 1995.
C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 23, Nxb CTQG, H, 1993.
C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 25, phần I, Nxb CTQG, H, 1995.
C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, H, 1999.
C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 46, phần I, Nxb CTQG, H, 1998.
Nguyễn Mại, Đầu tư nước ngoài 1988 - 1997 - đánh giá tổng quát, Tạp chí Cộng sản số 2/1998, 22-28.
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 1995
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H, 1996.
Phạm Văn Minh, Vì sao một số liên doanh làm ăn thua lỗ, Tạp chí Cộng sản số 15/1998, 25-27.
Đỗ Mười, Bài học từ sự kiện Thái Bình, Tạp chí Cộng sản số 4/1999, 11-16.
Nguyễn Văn Nam, Phát triển kinh tế theo con đường XHCN ở nước ta, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 5/1992, 32-35.
Lê Hữu Nghĩa, Lịch sử và lôgíc, Nxb SGK Mác - Lênin, H, 1987.
Lê Hữu Nghĩa, Về thực chất con đường đi lên CNXH ở nước ta, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 5/1992, 20-23.
Hoàng Xuân Nghĩa, Nền kinh tế quá độ, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 248/1999 và số 249/1999, 6-13.
Vũ Hữu Ngoạn, Khổng Doãn Hợi, Mấy vấn đề về chủ nghĩa tư bản nhà nước, Nxb CTQG, H, 1993.
Lê Khả Phiêu, Học tập và rèn luyện tư tưởng đạo đức cách mạng, thực hiện thắng lợi công cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng, Báo Nhân Dân ngày19/5/1999.
Phạm Ngọc Quang, Thử vận dụng lý luận về mâu thuẫn vào thời kỳ quá độ ở nước ta, Nxb Sự thật, H, 1991.
Nguyễn Xuân Quang, Vận dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước để phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, Luận án PTS khoa học kinh tế, H, 1997.
Quán triệt nghị quyết đại hội lần thứ V của Đảng vào nghiên cứu và giảng dạy triết học, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lênin, H, 1984.
Nguyễn Duy Quý (chủ biên), Những vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb CTQG, H, 1998.
Rô-den-tan. M, Học thuyết của Hêghen về các mâu thuẫn biện chứng và chủ nghĩa Mác, Tạp chí "Những vấn đề triết học" (Liên Xô), số 8, 1974 (Bản dịch Hoàng Liên và Lê Hữu Tầng).
Rô-den-tan. M, Lý luận biện chứng về sự phát triển. Bước chuyển từ sự biến đổi về lượng đến sự biến đổi về chất. (chương III cuốn: Những vấn đề phép biện chứng trong bộ tư bản của Mác), Nxb Sự thật, H, 1962, 131-191.
Tô Huy Rứa, Con đường tiến lên CNXH "xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước" ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số1/1996, 30-34.
Lê Thanh Sinh, Góp phần tìm hiểu những tư tưởng cơ bản của V.I. Lênin trong chính sách kinh tế mới, Luận án tiến sĩ Triết học, Viện Triết học, 1999.
Sua-rơ. E.B, Phép biện chứng mác-xít bàn về sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các mặt đối lập, Tạp chí Khoa học triết học (Liên Xô), số 1/1960, (Bản dịch Ngô Mạnh Trung, Viện Triết học).
Văn Tạo, Phương thức sản xuất châu á, lý luận Mác - Lênin và thực tiễn Việt Nam, Nxb KHXH, H, 1996.
Lê Hữu Tầng, Xây dựng CNXH ở Việt Nam - Vấn đề nguồn gốc và động lực, Nxb KHXH, H, 1991.
Cao Văn Thanh, Vấn đề nhảy vọt trong sự phát triển xã hội và ý nghĩa phương pháp luận của nó đối với việc xây dựng CNXH ở nước ta, Luận án PTS triết học, Thư viện Học viện CTQG Hồ Chí Minh.
Nguyễn Khắc Thân, Chủ nghĩa tư bản đương đại - mâu thuẫn và vấn đề, Nxb CTQG, H, 1996.
Đoàn Quang Thọ, Bàn về cái cốt lõi của quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, Tạp chí Kinh tế và phát triển, số 11/1986, 35-38.
Hồ Văn Thông, Vấn đề nhảy vọt và khâu trung gian trong quá trình chuyển hóa về số lượng thành chất lượng và ngược lại, Tạp chí Triết học, số 4/1980, 52-66.
Hồ Văn Thông, Những quy luật xã hội và những quan điểm chỉ đạo xây dựng CNXH ở nước ta, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1989.
Vũ Văn Thuấn, V.I. Lênin bàn về những khâu trung gian, các bước và các hình thức quá độ, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 1/1990, 33-35.
Đặng Hữu Toàn, Những thay đổi căn bản trong quan niệm của Lênin về nền kinh tế tiểu nông ở thời kỳ quá độ, Tạp chí Triết học, số 2/1995, 22-27.
Lê Xuân Trinh, Đầu tư nước ngoài với phát triển khu công nghiệp, Tạp chí Cộng sản, số 1/1998, 15-18.
Nguyễn Phú Trọng, Những bài học của 10 năm đổi mới, Tạp chí Cộng sản, số 16/1996, 3-9.
Nguyễn Chơn Trung, Khu chế xuất Tân Thuận - Mô hình kinh tế mới đầu tiên ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 7/1998, 29-31.
Trần Xuân Trường, Định hướng XHCN ở Việt Nam - một số vấn đề cấp bách, Nxb CTQG, H, 1996.
Đào Duy Tùng, Quá trình hình thành con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb CTQG, H, 1994.
Lê Xuân Tùng, Chế độ kinh tế HTX. Quá trình diễn biến và kết quả, Báo Nhân Dân, ngày 17, 18, tháng 8/1998, 1-2.
Đỗ Thế Tùng, Cách mạng tháng Mười và con đường tiến lên CNXH, không qua chế độ TBCN, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 11/1997, 14-15.
Đỗ Tư, Về thời kỳ quá độ, Tạp chí Thông tin lý luận, số 3/1991, 2-4.
Trịnh Đình Từ, Công ty cổ phần tư bản ngày nay: Đặc trưng, bản chất và sự vận dụng dưới ánh sáng tư tưởng của C.Mác, Tạp chí Cộng sản, số 19/1998, 26-28.
USTian. Y, Học thuyết Keynes về nền kinh tế thị trường có điều khiển, Tạp chí NCKT số 231/1997, 33-39.
Vũ Văn Viên, Về khả năng không qua một hình thái kinh tế - xã hội (Trong cuốn về sự phát triển của xã hội ta hiện nay), Nxb KHXH, H, 1991.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA2488.DOC