Tài liệu Khảo sát tư tưởng mỹ học và văn học của Phạm Quỳnh: ... Ebook Khảo sát tư tưởng mỹ học và văn học của Phạm Quỳnh
125 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1663 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Khảo sát tư tưởng mỹ học và văn học của Phạm Quỳnh, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
————————————
NGUYỄN THANH TÙNG
LUẬN VĂN THẠC SỸ NGỮ VĂN
Chuyên nghành: Lý luận văn học
Mã số: 60 22 32
Người hướng dãn khoa học:
PHÓ GIÁO SƯ – TIẾN SỸ PHÙNG QUÝ NHÂM
Thành phố Hồ Chí Minh tháng 9 năm 2010
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, dưới sự hướng dẫn khoa
học của Phó giáo sư – Tiến sỹ Phùng Quý Nhâm.
Những luận điểm khoa học trong luận văn này là kết quả do chúng tôi nghiên cứu, bảo
đảm tính trung thực và chưa từng được ai giải quyết trong bất kỳ công trình khoa học nào
khác.
Tác giả luận văn
Nguyễn Thanh Tùng
LỜI TRI ÂN
Luận văn này là kết quả quá trình học tập, nghiên cứu suốt ba năm trong chương trình
đào tạo Thạc sỹ, dưới sự truyền dạy, hướng dẫn nhiệt tình, nghiêm túc và khoa học của tập
thể thầy cô là các Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sỹ đáng kính của Trường Đại học sư phạm
thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Văn
Hiến, Trung tâm nghiên cứu quốc học, Viện nghiên cứu giáo dục và Viện nghiên cứu văn
học. Vì thế, trước tiên, tôi xin kính gửi đến quí thầy cô lời tri ân sâu sắc về những tri thức và
tình cảm mà quý thầy cô đã dành cho tôi trong thời gian qua!
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Phó giáo sư – Tiến sỹ Phùng Quý
Nhâm, một nhà giáo mẫu mực trong nhân cách; tận tâm trong giảng dạy và nghiêm túc,
khách quan trong khoa học, người đã tận tình hướng dẫn tôi thực hiện và hoàn thành luận
văn này!
Nhân đây, tôi cũng xin gửi đến vợ, con, bạn bè và những đồng nghiệp thân thiết của
tôi – những người đã động viên, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi, trong thời gian
học tập và thực hiện công trình khoa học đầu tiên của mình – lời cảm ơn chân thành, thắm
thiết!
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 9 năm 2010.
Nguyễn Thanh Tùng
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI.
Văn hóa Việt Nam nói chung và văn học Việt Nam nói riêng, trong tiến trình lịch sử
của mình đã có những cuộc tiếp xúc, ảnh hưởng lớn, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với văn
hóa, văn học nước ngoài. Trong quá trình tiếp xúc ấy, văn hóa - văn học Việt Nam đã tiếp
thu, chắt lọc tinh hoa của nhân loại để tự làm phong phú và tạo nên bản sắc riêng của dân
tộc.
Trong suốt hành trình dài hơn mười thế kỷ phát triển của văn hóa – văn học Việt Nam,
phải kể đến hai cuộc tiếp xúc lớn, với những ảnh hưởng vô cùng quan trọng:
- Một của văn hóa phương Đông, mà chủ yếu là văn hóa Trung Hoa, từ thế kỷ XIX trở
về trước.
- Và một của văn hóa phương Tây, mà chủ yếu là của văn hóa Pháp từ nửa cuối thế kỷ
XIX đến những năm đầu thế kỷ XX.
Đặc biệt, cuộc tiếp xúc sau đã tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ, đưa nền văn hóa
– văn học Việt Nam chuyển mình từ một một nền văn hóa – văn học thuộc phạm trù văn hóa
phương Đông cổ truyền, sang một nền văn hóa – văn học hiện đại chịu sự ảnh hưởng của tư
tưởng văn hóa phương Tây.
Trong công cuộc tiếp thu những kinh nghiệm và thành tựu của văn hóa – văn học
phương Tây để hiện đại hóa nền văn hóa – văn học Việt Nam ở chặng đường những năm
cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, công đầu thuộc về những tên tuổi lớn như Pétrus Trương
Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục,
Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn…Đó là người thuộc lớp trí thức Tây học đầu tiên của Việt
Nam, với tinh thần cầu thị, với tư tưởng tiến bộ và đặc biệt là với nhiệt tình yêu nước và ý
thức dân tộc, đã tự nguyện làm người đi tiên phong trong công cuộc tiếp thu, truyền bá
những tư tưởng văn hóa – văn học tiên tiến của phương Tây, góp phần không ít vào công
cuộc chấn hưng, hiện đại hóa văn hóa – văn học dân tộc.
Một trong những nhân vật xứng đáng được lịch sử văn học Việt Nam ghi công đầu
trong công cuộc chấn hưng, hiện đại nói trên đó là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn, nhà giáo,
học giả Phạm Quỳnh. Trần Văn Chánh, trong Lời giới thiệu Phạm Quỳnh và Thượng Chi văn
tập vào tháng 7 năm 2005, đã viết về trường hợp Phạm Quỳnh như sau:
“Trong lịch sử văn học Việt Nam thời kỳ cận – hiện đại, Phạm Quỳnh có lẽ là một
trong những nhân vật nổi bật nhưng lại có vẻ gây nên nhiều cuộc tranh luận với
những ý kiến đánh giá khác nhau nhất. Nói như vậy, dù tán thành hay phản đối,
hoặc giữ thái độ chiết trung, mặc nhiên mọi người đã thừa nhận vai trò không thể
xem thường của của nhân vật này trong bối cảnh lịch sử văn hóa cụ thể nhất định”
[3, 9].
Bằng tài năng và sở học uyên bác, bằng sự kiên trì và cẩn trọng trong khoa học và đặc
biệt là bằng tình yêu tha thiết với văn hóa, văn học nước nhà, Phạm Quỳnh đã đóng góp một
sự nghiệp trước tác khá đồ sộ. Tạp chí Nam Phong, trong mười bảy năm tồn tại, ấn hành
được 210 số, riêng Phạm Quỳnh đã đóng góp có tới chục ngàn trang viết, trải rộng ra trên
hầu khắp mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, triết học, giáo dục đến văn chương,
ngôn ngữ, …Với sự đóng góp lớn lao ấy, Phạm Quỳnh xứng đáng được thừa nhận là một
trong những người có công lớn trong thời kỳ đầu xây dựng và phát triển của nền báo chí và
văn học quốc ngữ nước nhà. Đặc biệt, với tư cách là một nhà văn, một nhà biên khảo, Phạm
Quỳnh là người đầu tiên cung cấp cho người đọc những khái niệm bước đầu về mỹ học nói
chung cũng như về thơ, về tiểu thuyết… nói riêng.
Ngay trước năm 1945, tên tuổi của Phạm Quỳnh đã được nhắc đến một cách trang
trọng trong một số công trình nghiên cứu có giá trị như Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn,
Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan…Ở
miền Nam trước năm 1975, trong một số sách văn học sử tiêu biểu của các tác giả như Thanh
Lãng, Phạm Thế Ngũ…Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong cũng được giới thiệu khá chi tiết
qua hàng trăm trang sách với tất cả mọi khía cạnh phức tạp của vấn đề. Năm 1963, cũng ở
miền Nam, diễn ra cuộc tranh luận với tên gọi Vụ án truyện Kiều hết sức kịch liệt và kéo dài,
mà giáo sư Nguyễn Văn Trung đã tập hợp lại thành một “hồ sơ”.
Tuy nhiên trong suốt một thời gian khá dài, vì những lý do khác nhau, vấn đề Phạm
Quỳnh vẫn chưa thật sự được tìm hiểu, nghiên cứu một cách đầy đủ, đúng mức, xứng tầm
với sự đóng góp của ông đối với nền văn học nước nhà. Thời gian gần đây, tư tưởng đổi mới
tư duy do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận thức và
đánh giá lại một cách khách quan hơn đối với một số vấn đề trong lịch sử văn hóa - văn học
nước nhà. Phạm Quỳnh và sự nghiệp của ông đã được đặt ra và đánh giá lại trong tình hình
chung ấy.
Trong điều kiện như vậy, việc nghiên cứu để có cái nhìn toàn diện, khách quan và
khoa học về sự nghiệp văn hóa – văn học của Phạm Quỳnh cũng như những đóng góp của
ông đối với văn hóa – văn học Việt Nam là điều hết sức cần thiết. Đó cũng là lý do mà chúng
tôi chọn đề tài: KHẢO SÁT TƯ TƯỞNG MỸ HỌC VÀ VĂN HỌC CỦA PHẠM QUỲNH
làm đối tượng nghiên cứu khoa học để thực hiện luận văn.
Nghiên cứu về Phạm Quỳnh và sự nghiệp của ông là một vấn đề hết sức khó khăn và
phức tạp. Bởi lẽ như trên đã nói, sự nghiệp văn hóa - văn học của Phạm Quỳnh khá đồ sộ,
trải rộng ra trên hầu khắp mọi lĩnh vực. Dẫu có nhiều tham vọng, nhưng vì nhiều lý do,
người viết chỉ có thể tiến hành nghiên cứu một khía cạnh nhỏ trong sự nghiệp của Phạm
Quỳnh như đã xác định ở trên, với mong muốn góp thêm tiếng nói vào việc nghiên cứu sự
nghiệp của học giả này.
2. MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU.
2.1. Mục đích nghiên cứu
Đề tài được thực hiện với mục đích khảo sát tư tưởng mỹ học và văn học của Phạm
Quỳnh nhằm tìm hiểu một cách có hệ thống các quan niệm về mỹ học cũng như văn học
được thể hiện trong các tác phẩm của ông. Trên cơ sở đó, đánh giá một cách đúng đắn và
khách quan những đóng góp về tư tưởng mỹ học và văn học của Phạm Quỳnh.
2.2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Sự nghiệp khoa học của Phạm Quỳnh, như đã giới thiệu một cách khái quát ở trên, rất
đồ sộ, trải rộng ra trên nhiều lĩnh vực. Trong khuôn khổ của luận văn này, chúng tôi chỉ giới
hạn qua việc tập trung khảo sát tư tưởng mỹ học và văn học của Phạm Quỳnh thể hiện qua
các bài viết, công trình mà tác giả đã công bố. Khi khảo sát tư tưởng mỹ học và văn học của
Phạm Quỳnh, luận văn chủ yếu tập trung tìm hiểu những quan niệm về mũ học và văn học
của ông.
3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.
Mục đích nghiên cứu của đề tài là khảo sát tư tưởng mỹ học và văn học của học giả –
nhà văn Phạm Quỳnh, với tư cách là một trong số những người đi tiên phong trong giai đoạn
đầu của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả luận
văn sẽ nêu ý kiến đánh giá về những đóng góp của Phạm Quỳnh đối với văn hóa – văn học
nước nhà, chủ yều ở giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX.
Trong quá trình nghiên cứu và xử lý các yêu cầu khoa học do đề tài đặt ra, chúng tôi
chủ yếu sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp thống kê, là phương pháp vay mượn từ một ngành khoa học chuyên
biệt của toán học – ngành thống kê học, được chúng tôi sử dụng như một công cụ hỗ trợ
cho việc thu thập, tổ chức và phân tích các tài liệu, ý kiến có liên quan đến việc tìm hiểu các
quan niệm về mỹ học và văn học của học giả Phạm Quỳnh được thể hiện một cách khá rải
rác và tản mạn trên các số báo của tạp chí Nam Phong. Qua đó, chúng tôi mong có thể rút ra
những kết luận khách quan về tư tưởng mỹ học và văn học của học giả này.
- Phương pháp so sánh được sử dụng để làm rõ những nét tương đồng cũng như dị biệt
về nội dung và hình thức giữa văn học Trung đại và hiện đại; làm rõ được sự khác biệt của
tình hình báo chí trước và từ khi Nam Phong tạp chí ra đời để làm rõ được vai trò của Phạm
Quỳnh và Nam Phong đối với tiến trình phát triển của văn học và báo chí trong thời kỳ đầu.
Mặt khác, nó cũng được sử dụng để nghiên cứu tác giả Phạm Quỳnh trong mối tương quan
với các tác giả cùng thời để qua đó có đánh giá một cách đúng đắn, khách quan về những
đóng góp của Phạm Quỳnh đối với mỹ học và văn học của dân tộc.
- Phương pháp hệ thống được dùng để hệ thống hóa các công trình trước tác của Phạm
Quỳnh, từ đó có những đánh giá, kết luận về đóng góp của Phạm Quỳnh trong một bối cảnh
đặc biệt của lịch sử văn hóa dân tộc.
Ngoài ra chúng tôi đồng thời sử dụng các thao tác quen thuộc như liệt kê, phân tích,
tổng hợp v.v…
4. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI.
4.1. Ý nghĩa khoa học.
Đề tài góp một số ý kiến đánh giá về tư tưởng mỹ học và văn học của học giả – nhà
văn Phạm Quỳnh, bao gồm cả ưu điểm cũng như hạn chế. Những ý kiến mà tác giả thực hiện
đề tài đề xuất, nếu được thẩm định là khách quan và có giá trị, thì sẽ là một đóng góp vào nỗ
lực chung nghiên cứu sự nghiệp khoa học của Phạm Quỳnh, ghi nhận vai trò của học giả –
nhà văn này đối với giai đoạn phát triển đặc biệt của văn hóa – văn học Việt Nam những
năm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.
4.2. Ý nghĩa thực tiễn.
Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp thêm một cái nhìn hệ thống về tư tưởng mỹ học và
văn học của Phạm Quỳnh; những đóng góp cũng như hạn chế của ông trong các lĩnh vực
này. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu này cũng có thể được sử dụng ở cấp học trung học phổ
thông và đại học như một tài liệu tham khảo bổ ích, phục vụ cho giảng dạy và học tập văn
học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX.
5. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ.
Vấn đề Phạm Quỳnh và sự nghiệp của ông đã được các nhà nghiên cứu quan tâm ngay
từ khi ông còn sống.
Trong tác phẩm Phê bình và cảo luận, xuất bản năm 1933, tác phẩm được xem như
một trong những công trình lý luận phê bình hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam, Thiếu
Sơn đã có những nhận định hết sức xác đáng và toàn diện cả về tư tưởng chính trị cũng như
về sự nghiệp văn hóa của Phạm Quỳnh. Đánh giá những đóng góp của Phạm Quỳnh về văn
hóa, ở phần thứ nhất, mục Phê bình nhân vật của tác phẩm này, Thiếu Sơn viết:
“… những công trình về văn học, triết học của Âu châu và nhất là của nước Pháp,
ông diễn dịch ra quốc văn rất nhiều, mà dịch thật đúng, thật hay, vừa biết tôn
trọng cái nguyên ý của tác giả lại vừa lựa theo cái giọng điệu của quốc văn.
Bởi mưu cái công cuộc mới mẻ đó, mà cái tiếng nói bản quốc còn nghèo nàn túng
thiếu quá, nên ông lại phải lo tài bồi cho quốc văn, mượn những danh từ triết học
khoa học của tiếng Tàu, tiếng Nhật cho nhập tịch vào quốc ngữ để có thể diễn
thuật được những cái mà tiếng Nôm ta không đủ để gọi ra…(…)
Cái công phu trứ tác của ông, ích cho quốc dân không phải là nhỏ mà ảnh hưởng
đối với nhân chúng cũng thiệt là sâu. (…)
Cái cây bút quốc văn của ông Phạm Quỳnh nó đã ảnh hưởng đến thế mà cái cây
bút Pháp văn của ông nó cũng danh giá lắm thay (.…)
Mà đọc văn ông, tất cũng có thể biết thêm được cái tinh thần bổn sắc của nước
Việt Nam nó cũng không đến nỗi hèn kém gì.” [18, 59; 60].
Theo đánh giá của Thiếu Sơn trên đây, thì đóng góp của Phạm Quỳnh đối với văn hóa
nước nhà quả là không nhỏ. Sự đóng góp ấy trải rộng ra trên nhiều lĩnh vực: Ngôn ngữ, trước
tác, học thuật …
Về sự nghiệp chính trị của Phạm Quỳnh, ông Thiếu Sơn cũng có những nhận xét khá
khách quan và xác đáng. Theo ông, việc Phạm Quỳnh tham gia làm chính trị, nhằm thực hiện
cái ước muốn về chủ trương lập hiến của mình, cho dù “Cái chương trình lập hiến của ông
nó cũng có giá trị lắm chớ!” [19, 61], là không phù hợp với hoàn cảnh của đất nước lúc bấy
giờ. Đây là điều đáng tiếc, nếu không nói là sai lầm. Bản thân Phạm Quỳnh cũng chịu không
ít hệ lụy từ hành động chính trị đó của mình. Tuy nhiên, động cơ, mục đích của hành động ấy
cũng không ngoài tấm lòng thiết tha với đất nước, với dân tộc. Chiêu tuyết cho Phạm Quỳnh,
Thiếu Sơn viết: “Căn cứ vào cái quan niệm riêng của ông, ông khởi thảo ra một cái chương
trình Lập hiến mà cho rằng nếu thiệt hành ra thì sẽ thỏa mãn được cái tư tưởng quốc gia của
dân tộc An Nam và định yên được thời cục” [18, 61].
Năm 1941, trong Việt Nam văn học sử yếu, phần chương trình dành cho Năm thứ ba,
ban Trung học Việt Nam, Dương Quảng Hàm đã viết hẳn một chương về Phạm Quỳnh với
kết luận rất xác đáng về những đóng góp của học giả – nhà văn này đối với nền quốc văn
như sau:
“Ông Vĩnh có công diễn dịch những tiểu thuyết và kịch bản của Âu Tây và phát
biểu những cái hay trong tiếng Nam ra; Ông Quỳnh thì có công dịch thuật các học
thuyết tư tưởng của Thái Tây và luyện cho tiếng Nam có thể diễn đạt được các ý
tưởng mới. Đối với nền văn hóa cũ của nước ta thì ông Vĩnh hay khảo cứu những
phong tục tín ngưỡng của dân chúng, mà ông Quỳnh thường nghiên cứu đến chế
độ, văn chương của tiền nhân. Văn ông Vĩnh có tính cách giản dị của một nhà văn
bình dân, văn ông Quỳnh có tính cách trang nghiêm của một học giả. Tuy văn
nghiệp của mỗi người có tính cách riêng, nhưng hai ông đều có công với việc
thành lập quốc văn vậy.” [8, 403].
Năm 1942, khi xuất bản bộ sách Nhà văn hiện đại, ở phần Các nhà văn đi tiên phong,
nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Ngọc Phan đã dành hơn ba mươi trang sách viết về
Phạm Quỳnh cùng những đánh giá khá trọng thị đối với các công trình khảo cứu, dịch thuật,
du ký và bình luận của ông:
“Ông là người viết nhiều nhất trong tạp chí Nam Phong(…) [16, 73]. Nhưng một
điều mà người đọc nhận thấy trước nhất trong những bài biên tập và trước thuật
của ông là ông không cẩu thả(…) [16, 75]. Phạm Quỳnh là một nhà văn có thể bàn
luận một cách vững vàng và sáng suốt bất cứ về một vấn đề gì, từ thơ văn cho đến
triết lý, đạo giáo cho đến chính trị, xã hội, không một vấn đề nào là ông không
tham khảo tường tận trước khi đem bàn trên mặt giấy. Trong lịch sử văn học hiện
đại, người ta sẽ không thể nào quên được tạp chí Nam Phong, vì nếu ai đọc toàn
bộ tập tạp chí này, cũng phải nhận là rất đầy đủ, có thể giúp cho người học giả
một phần to tát trong việc soạn một bộ bách khoa toàn thư bằng quốc văn” [16,
109].
Ở miền Nam, trước năm 1975, tên tuổi và sự nghiệp của Phạm Quỳnh cũng đã được
nhiều nhà khoa học quan tâm tìm hiểu. Kết quả nghiên cứu về Phạm Quỳnh được công bố
qua một số công trình tiêu biểu như: các bộ sách văn học sử của các tác giả Thanh Lãng,
Phạm Thế Ngũ…; như: Văn học Việt Nam dẫn luận (Introduction à la litérature
Vietnamiene) của Maurice Durant và Nguyễn Trần Huân (Maison neulve et la rose, Paris,
1969); như: Bài học Phạm Quỳnh của Thiếu Sơn, Chủ đích Nam Phong, Trường hợp Phạm
Quỳnh, Vụ án truyện Kiều của Nguyễn Văn Trung…
Đặc biệt, trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (tập III, phần văn học hiện đại),
tác giả Phạm Thế Ngũ đã dành hẳn một chương (Chương III) với hơn một trăm hai mươi
trang sách để nghiên cứu một cách hết sức tỉ mỉ, nghiêm túc, khách quan về cuộc đời, sự
nghiệp cũng như những đóng góp của Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí đối với văn hóa,
văn học dân tộc, mà ta có thể tách ra như một công trình khoa học độc lập.
Trong mục bàn về Tư tưởng bảo thủ của Phạm Quỳnh, tác giả nêu nhận định:
“Như vậy, việc ý thức cái cốt cách, cái cá tính, cái bản ngã của mình để mà bảo
vệ, mà tài bồi thật là tối cần. Nó chỉ có thể có với dân tộc nào hoặc với những ai
quay về mình còn thấy cái gì cho là đáng quý đáng yêu, nghĩa là còn có tinh thần
bảo thủ. Không có nó, người ta sẽ trôi dạt đến chỗ bơ vơ mất gốc. Có nó, người ta
có thể chống chọi lại mọi mưu mô quyến rũ từ ngoài, mọi mặc cảm tự ti từ mình.
Vấn đề đặt ra cho cả dân tộc cũng như cho mỗi cá nhân [14, 145].
Tuy bàn về “tư tưởng bảo thủ” của Phạm Quỳnh nhưng cách viết như trên của Phạm
Thế Ngũ chính là đã công tâm nhận ra cái ưu điểm của Phạm Quỳnh trong việc tiếp thụ và
vận dụng kinh nghiệm văn hóa Thái Tây vào việc xây dựng văn hóa nước nhà.
Kết thúc mục nghiên cứu về Chủ nghĩa quốc gia của Phạm Quỳnh, tác giả cũng có
những ý kiến hết sức khách quan và công tâm:
“Ngày nay chúng ta có nghiên cứu Phạm Quỳnh là nghiên cứu nhà báo và nhà
văn của tạp chí Nam Phong, con người cùng tư tưởng trước 1932, con người tốt
đẹp đã đóng một vai trò tương đối tiến bộ trong một giai đoạn lịch sử chánh trị và
nhất là đã dày công xây đắp cho nền học và nền văn mới” [14, 170].
Ở miền Bắc, từ sau năm 1945 đến năm 1975, vấn đề Phạm Quỳnh là một vấn đề hết
sức nhạy cảm. Trong suốt thời gian này, hầu như không có một công trình nào nghiên cứu
một cách đầy đủ, khách quan về Phạm Quỳnh cũng như những đóng góp của ông đối với văn
hóa và văn học nước nhà.
Học giả Đặng Thai Mai, một người có uy vọng lớn trong giới nghiên cứu văn học ở
miền Bắc lúc bấy giờ, trong sách Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (xuất bản năm
1961), thủy chung vẫn đánh giá Phạm Quỳnh chỉ là một tên tay sai, bồi bút phục vụ cho mưu
đồ xâm lăng, đồng hóa của thực dân Pháp đối với dân tộc ta. Ông cả quyết khẳng định:
“Phạm Quỳnh đã đọc khá nhiều sách, đã viết về rất nhiều vấn đề. Nhưng y chưa
hề nghiên cứu về một vấn đề gì. Và về mọi mặt, chỗ “độc đáo” của y là điểm lạc
hậu của bọn học giả phản động Pháp! Cảm tưởng cuối cùng của người đọc Nam
Phong, nếu họ chịu khó suy nghĩ, thì Phạm Quỳnh là một người đã đọc khá nhiều
sách và đã đem học thức ra bán rẻ cho bọn thống trị; là một nhà “học giả” có đủ
chữ Hán và tiếng Việt để bịp người Tây; và cũng có đủ chữ Tây để lòe người An
Nam” [10, 124].
Sau những nhận định có tính chất phán quyết chung thẩm của Đặng Thai Mai thì vấn
đề Phạm Quỳnh hầu như không có ai bàn đến hoặc có thì cũng chẳng nói khác hơn (ngoại trừ
duy nhất ý kiến của nhà văn Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi, NXB Văn học.
Hà Nội 1971)1. Đây có lẽ cũng là hiện tượng có thể giải thích được trong một giai đoạn đặc
biệt của lịch sử!
1 Nhà văn Nguyễn Công Hoan cho biết, Phạm Quỳnh là “người có chính kiến”; là người chủ trương thuyết lập hiến, rằng “người
Pháp nên thi hành đúng Hiệp ước 1884 nghĩa là chỉ đóng vai trò bảo hộ, còn công việc trong nước thì để vua quan người Nam tự
đảm nhiệm lấy. Bấy giờ, Phạm Quỳnh vào Huế làm quan không phải vì danh. Quốc dân biết tên Phạm Quỳnh hơn nhiều Thượng
thư Nam triều. Mà cũng chẳng phải vì lợi. Đơn cử làm chủ bút Nam phong, Phạm Quỳnh được cấp 600 đồng một tháng. Món này
to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan chỉ để lấy danh nghĩa Chính phủ Nam triều đòi Pháp trở lại Hiệp ước 1884.
Vậy là một người yêu nước như Phạm Quỳnh sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua là một việc miễn cưỡng trái với
ý mình để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn chứ thực lòng một người dân mất nước ai không đau đớn, ai không
khóc thầm”.
Cho đến gần đây, trong không khí đổi mới và dân chủ của đời sống văn hóa tư tưởng,
với sự nhận thức trầm tĩnh, khách quan hơn về các vấn đề thuộc quá khứ lịch sử, Phạm
Quỳnh và văn nghiệp của ông mới được nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn
học quan tâm trở lại.
Năm 2000, tên của Phạm Quỳnh chính thức được nêu lên thành mục trong quyển Từ
điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nhà xuất bản giáo dục.
Năm 2004, Từ điển văn học, bộ mới (Nhà xuất bản Thế giới, tháng 10/ 2004) đã bổ
sung mục Phạm Quỳnh, do Nguyễn Huệ Chi viết, dài đến ba trang. Trong đó, công lao của
ông đối với văn học nước nhà đã được đánh giá một cách khách quan và thừa nhận một cách
trang trọng. Kết luận về Phạm Quỳnh, tác giả Nguyễn Huệ Chi có đoạn viết: “Là người biên
khảo, lần đầu tiên Phạm Quỳnh cung cấp cho người đọc những khái niệm bước đầu về mỹ
học nói chung cũng như về thơ, về tiểu thuyết…nói riêng” [9, 1366].
Ngoài những công trình có tính chất quy mô như trên, từ những năm 2000 đến nay tạp
chí Nghiên cứu văn học lần lượt đăng tải nhiều bài nghiên cứu sâu sắc và nghiêm túc về
Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí: “Báo chí và văn chương qua một trường hợp: Nam
Phong tạp chí” (Nguyễn Đình Chú, Trịnh Vĩnh Long – Số 2, 2005), “ Về thuật ngữ tiểu
thuyết trên tạp chí Nam Phong” (Nguyễn Đức Thuận – Số 2, 2005), “Vai trò của trí thức
trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX” (Vương Trí Nhàn
– Số 7, 2005), “Tình hình nghiên cứu phần văn trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934) từ
1975 đến nay” (Nguyễn Đức Thuận – Số 5, 2006), “Thượng Chi bàn về tiểu thuyết trên tạp
chí Nam Phong” (Nguyễn Đình Chú – Số 4, 2007), “Thể tài du ký trên tạp chí Nam Phong”
(Nguyễn Hữu Sơn – Số 4, 2007) …
Ý thức sâu sắc về giá trị di sản tinh thần quý báu của cha ông và với niềm kính trọng
một bậc thức giả, chúng tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về vấn đề Phạm Quỳnh. Chúng
tôi lấy làm băn khoăn khi nhận thấy rằng, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào
nghiên cứu một cách đầy đủ và hệ thống về tư tưởng mỹ học và văn học của Phạm Quỳnh
cũng như những đóng góp và hạn chế của những tư tưởng đó đối với văn hóa – văn học Việt
Nam trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử văn hóa – văn học của dân tộc. Thảng hoặc,
những vấn đề này cũng được nhắc đến trong một số công trình nghiên cứu của nhiều nhà
nghiên cứu uy tín nhưng để có một sự xem xét, nghiên cứu một cách hệ thống, kỹ lưỡng thì,
như đã nói ở trên, cho đến nay vẫn còn là vấn đề bỏ ngõ.
Đề tài Khảo sát tư tưởng mỹ học và văn học của Phạm Quỳnh có lẽ là một vấn đề vẫn
mang tính nhạy cảm. Trở ngại không nhỏ đối với người thực hiện luận văn là nguồn tài liệu
tham khảo có giá trị điểm tựa hết sức hạn chế, chúng tôi hầu như phải tự mình giải quyết tất
cả các nội dung khoa học mà không được kế thừa nhiều thành quả của những nhà nghiên cứu
đi trước.
6.CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN.
Ngoài mở đầu và kết luận, luận văn gòm ba chương:
Chương 1: Vai trò của Phạm Quỳnh đối với báo chí và văn học những năm đầu thế kỷ
XX.
Chương 2: Quan niệm về mỹ học của Phạm Quỳnh.
Chương 3: Quan niệm về văn học của Phạm Quỳnh.
CHƯƠNG 1.
VAI TRÒ CỦA PHẠM QUỲNH ĐỐI VỚI BÁO CHÍ VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM
NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX.
1.1. Tình hình báo chí Việt Nam trước khi Nam Phong tạp chí ra đời.
Mầm mống báo chí đã có ở nước ta từ lâu, thể hiện dưới nhiều hình thức hết sức đa
dạng, phong phú. Đó là những câu vè lưu truyền trong dân gian, những lời rao của mõ làng,
những cuộc “giảng thập điều” trong trong sinh hoạt làng xã… cho đến những hình thức
“thông tin chính thức” của nhà nước phong kiến bằng cách yết bảng văn ở Quảng Văn Đình
thời Lê Thánh Tông hay Quảng Minh Đình thời Nguyễn Gia Long…
Nói về nguồn gốc báo chí, trong bài Nước ta xưa có được tự do ngôn luận không?
đăng trên tạp chí Tri Tân, số 206 (04/ 10/ 1945), Ứng Hòe Nguyễn văn Tố cho biết:
“Khâm định Việt sử (quyển 14, tờ 15a) chép lại rằng: “Nguyên trước, những
chiếu, lệnh của nhà vua, lâm thời bộ đem yết bảng, đến năm Tân Hợi (1491), vua
Lê Thánh Tông cho dựng một cái đình ở ngoài cửa Đại Hưng (tức cửa Nam thành
Thăng Long) để làm nơi niêm yết những phép tắc trị dân, đặt tên là Quảng Văn
Đình… Ba chữ “Quảng Văn Đình” nghĩa là một cơ sở để thu nhặt giấy tờ ở các
nơi. Đến đời Gia Long (1802 – 1819), làm đình ở phường Nam Hưng (tức Cửa
Nam bây giờ), trên có đặt tên là Quảng Minh Đình… cũng để dán những huấn
lệnh của nhà vua. Cạnh đó có hai tòa nhà ngói ở cửa Đông Nam gọi là Hiệp Nghị
đường (Nhà để họp bàn), phàm dân gian có việc gì uất ức, cho đến bày tỏ, cho nên
các đình, ở mé ngoài miếu thờ Thành Hoàng vừa là nơi để tụ họp khi tế lễ, lúc
hương ẩm, vừa để dán những huấn lệnh của nhà vua, cứ ngày Một và Rằm các
huynh thứ trong làng ra đọc những huấn lệnh và giảng nghĩa cho dân gian nghe,
thường gọi là giảng thập điều”.
Như vậy cái đình tức là báo chí, có định lệ mồng Một và Rằm tức là nhật
báo hoặc tuần báo…Báo chí tức là những tờ huấn lệnh dán ở đình làng tựa như tờ
Acta diurna của người La Mã đời xưa” [Dẫn theo Đỗ Quang Hưng 37, 8; 9].
Cách cắt nghĩa độc đáo trên của Ứng Hòe cho ta ý niệm về một “hình thức báo chí”
trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Tuy nhiên, theo đúng nghĩa hiện đại, báo chí Việt Nam chỉ
thực sự xuất hiện cùng với sự thiết lập chế độ thuộc địa của Thực dân Pháp trên đất nước ta.
Báo chí ở Việt Nam ra đời đầu tiên và trước hết là nhằm phục vụ cho mưu đồ xâm
lăng và thống trị của thực dân Pháp về nhiều phương diện, đặc biệt là phương diện chính trị
và văn hóa. Ngay từ khi chiếm được Nam Kỳ, vào năm 1861, thực dân Pháp đã cho xuất bản
tờ công báo đầu tiên phục vụ cho công cuộc viễn chính của chúng ở xứ này. Đó là tờ Bulletin
officiel de l'Expédition de la Cochinchine (Kỷ yếu công vụ cuộc viễn chinh xứ Nam Kỳ) mà
nội dung của nó là những nghị định, công văn, đạo luật, các chỉ thị, các bài diễn văn… phát
ra từ soái phủ Nam Kỳ. Tờ báo được lưu hành và sử dụng như một phương tiện thông tin và
thống nhất chỉ đạo cho cuộc đánh chiếm và cai trị của Pháp ở Nam Kỳ. Nó đặt nền móng cho
các tờ công báo chính thức về sau này của chính quyền thực dân.
Cùng với tiến trình đánh chiếm và áp đặt chế độ cai trị của thực dân Pháp lên các vùng
đất của Việt Nam, hàng loạt tờ báo, tạp chí bằng tiếng Pháp của chính quyền thực dân đã nối
tiếp nhau ra đời: Le Courrier de Saigon (Tin Sài Gòn) ấn hành số đầu tiên vào ngày 01/ 01/
1864, đến năm 1879 đổi thành Journal Officiel la Cochinchine (Công báo xứ Nam Kỳ), và
cuối cùng, năm 1889, mang tên Journal Officiel de l'Indochine (Công báo Đông Dương);
những bản Niên giám (An nuaire) được xuất bản hàng năm, từ năm 1865; Bulletin Officiel du
protectorat de l'Annam et du Tonkin (Kỷ yếu công vụ của nền bảo hộ xứ Trung và Bắc kỳ)
ấn hành vào năm 1883, đến năm 1886 đổi thành Moniteur du Protectorat de l'Annam et du
Tonkin; L'Avenir du Tonkin (Tương lai xứ Bắc Kỳ - 1884); Bulletin du comité agricole et
industriel de la Cochinchine (Kỷ yếu của Ủy ban canh nông và kỹ nghệ xứ Nam Kỳ - 1869 –
1881); Bulletin de la Societé Etudes Indochinoise (Kỷ yếu của Hội nghiên cứu Đông Dương
– 1883); Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương – 1892)…
Ngoài những tờ công báo của chính quyền thực dân, hàng loạt các tờ báo tư nhân bằng
tiếng Pháp cũng thi nhau ra đời. Tính từ sau 1861 cho đến đầu thế kỷ XX, ta thấy số lượng
các tờ báo bằng tiếng Pháp này chiếm một số lượng đáng kể ở cả Bắc và Nam Kỳ.
Ở Nam Kỳ (chủ yếu tập trung ở Sài Gòn) có các tờ báo sau đây: Independance de
Saigon (Sài Gòn độc lập – 1870), L'Ere nouvelle (Nhật tân báo – 1879), Journal de Saigon
(Nhật báo Sài Gòn – 1880), Le Mékong (Mê Kông – 1883), Le Saigonais (Người Sài Gòn –
1883), L'Indochine (Đông Dương – 1884), Unité Indochinoise (Đông Dương thống nhất –
1884), La Trompette (Kèn đồng – 1884), L'Extrême Orent (Viễn Đông – 1887),
L'Independant (Tự lập – 1888), Le Courier Saigonais (Tin Sài Gòn – 1889), Saigon
Respublicain (Sài Gòn cộng hòa – 1888), Petites affiches (Rao vặt – 1888), Le
Cochinchinois (Dân Nam Kỳ - 1888), Le progres de Saigon (Sài Gòn tiến bộ - 1889), …
Ở Bắc Kỳ, dòng báo chữ Pháp có phần ít ỏi hơn. Cuối thế kỷ XIX, ngoài tờ báo
L'Avernir du Tonkin (Tương lai xứ Bắc Kỳ) còn có các tờ Le Courier d'Haiphong (Tin tức
Hải Phòng - 1886), L'Indépendance Tonkinoise (Xứ Bắc Kỳ tự lập - 1889), L'escho du
Tonkin (Tiếng vang Bắc Kỳ - 1896), Le France d'Asie (Pháp – Á, 1893), Le gazette
d'Haiphong (Báo Hải Phòng, 1895)…
Có một thực tế là từ năm 1861, sau sự ra đời của tờ báo Bulletin officiel de
l'Expédition de la Cochinchine (Kỷ yếu công vụ cuộc viễn chinh xứ Nam Kỳ) tuy hàng loạt
tờ báo bằng tiếng Pháp đã xuất hiện trên khắp cõi Việt Nam với số lượng khá lớn nhưng chủ
yếu chúng chỉ dành cho độc giả Pháp, chủ yếu là giới quân sự và dân sự trong bộ máy chính
quyền thuộc địa mà rất ít người Việt sử dụng được.
Như đã nói ở trên, báo chí ở Việt Nam ra đời trước hết là nhằm phục vụ cho mưu đồ
xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp. Sau Hòa ước 1862, về cơ bản thực dân Pháp đã
hoàn tất việc xâm chiếm và thiết lập chế độ cai trị ở ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Nhận thấy
đã đến lúc cần phải truyền bá học thuật và tư tưởng văn hóa Pháp vào Việt nam, nhất là tạo
cho việc đưa chữ Quốc Ngữ vào quĩ đạo xâm lăng văn hóa, đánh bại chữ Nho và văn hóa
phương Đông, đầu năm 1865 Soái phủ Nam Kỳ đã quyết định cho xuất bản tờ báo tiếng Việt
đầu tiên ở nước ta, tờ Gia Định báo. Có thể nói đây là tờ báo mở đầu cho nền báo chí Việt
Nam.
Nhận thức được sức mạnh lớn lao của công cụ báo chí trong tiến trình xâm lăng, đô hộ
và đồng hóa, nhưng đồng thời thực dân Pháp cũng ý thức một cách sâu sắc “tác hại” ghê
gớm của nó đối với an nguy của nền đô hộ của chúng ở Việt Nam. Vì vậy mà trong suốt hơn
80 năm cai trị, thực dân Pháp đã thực hiện một chế độ báo chí hết sức khắt khe và không
đồng nhất ở cả ba kỳ trên đất nước ta. Ngay cả ở Nam Kỳ, sau các hiệp ước Harmand (1883)
và Patenôtre._. (1884) đã thực sự trở thành xứ thuộc địa trực trị của Pháp ở Đông Dương, lẽ ra
phải được hưởng những điều khoản của Luật thừa nhận tự do báo chí ngày 29 tháng 7 năm
1881 ( Loi du 29 Juiller 1881, sur la liberté de la presse) của Pháp, nhưng thực tế thì hoàn
toàn ngược lại. Về phạm vi điều chỉnh, điều 10, đạo luật nói trên cho phép áp dụng tại chính
quốc cũng như tại Algérie và các xứ thuộc địa khác. Về đối tượng áp dụng, các điều 5, 6, 7
của đạo luật này quy định: dù báo chí xuất bản bằng tiếng Pháp hay tiếng bản xứ đều tự do,
muốn ra báo không cần phải có một điều kiện nào ngoài việc viên quản lý phải có quốc tịch
Pháp, đã là thành viên và có đăng ký thủ tục với Sở Biện lý. Tuy nhiên sớm nhận thấy chỗ
“sơ hở chết người” này, một mặt, thực dân Pháp vẫn cho phép báo chí bằng tiếng Pháp được
tự do xuất bản, mặt khác, chúng ban hành sắc lệnh ngày 30 tháng 12 năm 1898, buộc tất cả
các báo tiếng Việt, chữ Hán và các tiếng khác phải có giấy phép trước khi xuất bản. Tất
nhiên là đối với Trung Kỳ và Bắc Kỳ thì việc xuất bản báo chí lại càng phức tạp và gắt gao
hơn. Và một điều mỉa mai là hầu như đa số các tờ báo tiếng Việt, lúc đầu đều do người Pháp
đứng tên: Gia Định báo (1865) với E. Poteau, Đồng Văn nhật báo (1893) với F. H.
Schneider, Nông Cổ Mín Đàm (1901) với Cavanaggio…
Do chính sách báo chí bất bình đẳng cùng với chế độ kiểm duyệt gắt gao như vậy nên
từ năm 1865, kể từ thời điểm Gia Định Báo ra đời, cho đến đầu thế kỷ XX (năm 1900), thời
gian ngót ngét gần nửa thế kỷ nhưng ở Việt Nam chỉ lác đác dăm bảy tờ báo lớn nhỏ, kể cả
viết bằng chữ Hán: Gia Định báo (1865), Phan Yên báo (1868), Nhựt Trình Nam Kỳ (1883),
Thông loại Khóa Trình (1888), Đại Nam Đồng Văn nhật báo (1893)…trong số này, có
những tờ phải sớm đình bản vì có hơi hướng yêu nước như trường hợp Phan Yên báo chẳng
hạn. Sang đến đầu thế kỷ XX, do áp lực của phong trào yêu nước ngày một phát triển, đặc
biệt là các phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, cùng với tình hình thế
giới có nhiều biến động, thực dân Pháp có nới lỏng chính sách báo chí đôi chút. Chính điều
này đã tạo điều kiện cho nhiều tờ báo ra đời, góp phần vào sự phát triển của báo chí Việt
Nam cũng như sự phát triển của chữ quốc ngữ và văn học. Tính từ thời điểm đầu thế kỷ XX
đến năm 1917, khi Nam Phong tạp chí ra đời, số lượng các tờ báo bằng tiếng Việt so với giai
đoạn trước đó đã có sự gia tăng đáng kể. Chỉ trong 17 năm, số lượng các tờ báo đã gấp ba lần
so với nửa thế kỷ trước đó. Với sự ra đời nhanh chóng như vậy trong một hoàn cảnh lịch sử
đặc biệt của văn hóa và xã hội nước nhà, có thể nói báo chí trong thời kỳ này đã đóng vai trò
“bà đỡ mát tay” cho sự sinh thành, phát triển của văn học quốc ngữ và đã góp phần hình
thành nên đời sống văn học hiện đại. Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân
biên, khi nghiên cứu về văn học giai đoạn 1907 – 1932, đã coi “vai trò tiên phong của báo
chí” là một trong năm “yếu tính” của văn học. Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn học Việt
Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của báo chí khi nói đến “văn học thế hệ
1913” và dành hẳn một chương cho Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh với hai tờ Đông
Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí, hai nhà văn – nhà báo và hai tờ báo theo ông là tiêu
biểu đương thời. Bùi Đức Tịnh trong Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới,
Bằng Giang trong Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930 cũng cho báo chí là một “bộ
môn tiên phong của nền văn học mới”
Tuy nhiên, khảo sát chung các tờ báo ra đời trong giai đoạn từ năm 1900 đến năm
1917, trừ Đông Dương tạp chí và Trung Bắc tân văn, ta thấy chúng vẫn còn nhiều hạn chế so
với báo chí phương Tây cả về ngôn ngữ, nội dung, đề tài, phạm vi phản ánh. Hầu hết các báo
đều ở dạng sơ khai, chưa thật đúng với nghĩa một tờ báo hiện đại. Sở dĩ có hiện tượng trên là
do sự chi phối của những nguyên nhân mà nhà chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng đã phân tích khá
khái quát trên tờ Tiếng Dân do ông làm chủ bút:
- Thiếu tài liệu cho Bộ biên tập làm việc: Tài liệu là yếu tố quan trọng cho bất cứ
tờ báo nào. Muốn viết bài xã luận hay một bài báo đều cần nhiều tài liệu. Riêng tờ
Tiếng Dân thì tài liệu thiếu thốn quá nhiều.
- Đường giao thông khó khăn: Muốn được độc giả chú ý, tờ báo cần có tin tức
hằng ngày. Phương tiện giao thông ở xứ ta còn yếu kém, muốn đi từ Nam ra Bắc,
phải tốn 5, 7 ngày, vùng thôn quê, vùng sơn cước lại là nơi khó tới lui. Như vậy
làm sao thu thập tin tức?
- Nạn mù chữ: Báo sống nhờ độc giả. Ở Trung Kỳ, ngoại trừ thành thị, chỉ có 10
phần trăm dân chúng ở thôn quê biết đọc. Bởi vậy người ta đọc báo rất ít.
- Sự yếu kém về kỹ nghệ và thương mại: Báo phát triển mạnh khi giới doanh
thương chú ý đến nó. Giới doanh thương cần quảng cáo hàng hóa trên báo và họ
cần giúp đỡ cho tờ báo được sống. Ở xứ ta, thương mại và kỹ nghệ hầu như không
có vậy thì tờ báo làm sao đứng vững lâu dài nếu thiếu người chịu đăng quảng cáo.
- Hiện tượng tâm lý: Ở những nước tiên tiến, báo chí được phồn thịnh nhờ tất cả
mọi người đọc báo, từ kẻ doanh nghiệp đến người lao động, từ văn sỹ đến chính trị
gia. Báo chí nhờ đó mà trở thành một lực lượng đáng kể. Nhưng ở xứ ta, thấy ít
nói đến báo chí và thích đọc báo. Không được dư luận công chúng biết đến thì báo
khó mà sống dai được [Dẫn theo Đỗ Quang Hưng 37, 220].
Nhưng Huỳnh thúc Kháng cũng chỉ mới phân tích đến những nguyên nhân kinh tế, xã
hội mà chưa đề cập đến một nguyên nhân hết sức quan trọng, kìm hãm sự phát triển của báo
chí trong giai đoạn này đó là chính sách báo chí hà khắc cùng với một chế độ kiểm duyệt vô
cùng gắt gao của thực dân Pháp. Tất cả những nguyên nhân trên đã kìm hãm sự phát triển
của báo chí Việt Nam trong thời kỳ này.
Tóm lại, cho đến đầu thế kỷ XX báo chí vẫn là một cái gì đó chưa được biết đến một
cách rộng rãi trong đời sống Việt Nam. Do ảnh hưởng của phong trào yêu nước cùng với
nhiệt tình, tâm huyết của những nhà trí thức nặng lòng với dân tộc, báo chí Việt Nam từ sau
năm 1900 trở đi đã có phần khởi sắc nhưng phải đợi đến khi Đông Dương tạp chí (1913) và
Trung Bắc tân văn (1915) ra đời thì báo chí Việt Nam mới bước sang một kỷ nguyên mới.
Và đến năm 1917, với sự ra đời của Nam Phong tạp chí thì báo chí Việt Nam mới thực sự
trưởng thành vượt bậc.
1.2. Vai trò của Phạm Quỳnh đối với báo chí.
Bàn về những điều kiện cho sự phát triển của tư tưởng, học thuật, ngôn ngữ và văn
học hiện đại những năm đầu thế kỷ XX, không thể không nhắc đến vai trò vô cùng quan
trọng, có tính tiên phong của báo chí. Mà nói đến báo chí, thì không thể không nhắc đến
những tên tuổi lớn, có ảnh hưởng đến sự phát triển của nó trong những bước phát triển đầu
tiên của buổi sơ khai như Pestrus Trương Vĩnh Ký với Gia Định báo; Diệp Văn Cương với
Phan Yên báo; Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Đồng Trụ, Lê Văn
Trung, Nguyễn Chánh Sắt…với Nông Cổ Mín Đàm; Nguyễn Văn Vĩnh và một số cây bút
của phong trào Đông kinh nghĩa thục với Đăng Cổ tùng báo…Một trong số những nhân vật
có công rất lớn đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam trong giai đoạn mở đầu này, nhất
thiết phải nói đến là nhà báo Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong tạp chí.
Nói đến Phạm Quỳnh là nói đến một trong những trường hợp đặc biệt của văn hóa
Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đó là một trong “những người khổng lồ”1 cách đây hơn một thế
kỷ mà tài năng, trí tuệ thể hiện một cách rờ rỡ trên mọi lĩnh vực văn hóa. Nhà nghiên cứu
phê bình văn học Vũ Ngọc Phan, trong tác phẩm Nhà văn hiện đại (Quyển 1, phần III), khi
bàn về Phạm Quỳnh, đã có những nhận xét khá xác đáng về sự uyên bác và nghiêm túc, cẩn
trọng của nhân vật này như sau: “Phạm Quỳnh là một nhà văn có thể bàn luận một cách
vững vàng và sáng suốt bất cứ về một vấn đề gì, từ thơ văn cho đến triết lý, đạo giáo cho đến
chính trị, xã hội, không một vấn đề nào là ông không tham khảo tường tận trước khi đem bàn
lên mặt giấy” [16, 109].
Nói Phạm Quỳnh là một trong những trường hợp đặc biệt là vì ngoài những uẩn khúc
của cuộc đời đã gây nên không ít những cuộc tranh luận với lắm nhận định, đánh giá khen
chê từ bảy thập kỷ qua, sự nghiệp văn hóa của ông cũng hết sức đồ sộ, thể hiện ở tất cả mọi
lĩnh vực. Ở Phạm Quỳnh là sự tổng hòa của những nhân tố đáng khâm phục: một học giả
uyên bác, một nhà văn hóa lớn, một nhà văn tâm huyết và một nhà báo có tài. Khác với
Nguyễn Văn Vĩnh, khởi đầu sự nghiệp văn hóa là một nhà văn, báo chí là lĩnh vực mà Phạm
1 Chữ dùng của Nguyên Ngọc
Quỳnh tiếp xúc trước nhất, và cũng ở lĩnh vực này, tinh hoa của con người học giả, con
người văn hóa, con người nhà văn của ông được phát tiết. Sự nghiệp báo chí của Phạm
Quỳnh bắt đầu từ rất sớm. Ngay từ khi Nam Phong tạp chí chưa ra đời, ông đã là một nhà
báo chuyên nghiệp. Năm 1913, khi mới ngoài hai mươi tuổi, Phạm Quỳnh đã là một trong
những thành viên của Ban biên tập, gồm nhiều cây bút tên tuổi của tờ Đông Dương tạp chí
như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính…do
Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Với Đông Dương tạp chí, Phạm Quỳnh đã nổi danh là nhà
báo sâu sắc, độc đáo, uyên thâm qua những bài dịch thuật văn học và tư tưởng mà ông gửi
đăng trên báo này. Và năm 1917, khi Nam Phong tạp chí ra đời, ông trực tiếp làm tổng biên
tập và là cây bút chủ lực với hàng ngàn trang viết trên tất cả mọi lĩnh vực trong suốt thời gian
tồn tại của tờ báo cho đến khi nó đình bản vào năm 1934. Với Nam Phong tạp thí, Phạm
Quỳnh là linh hồn của tờ báo và cũng trên mặt báo này toàn bộ sự nghiệp văn hóa của Phạm
Quỳnh được thể hiện. Vì vậy mà khi nói đến Nam Phong tạp chí tức là nói đến Phạm Quỳnh
và ngược lại. Có thể nói ngay rằng Phạm Quỳnh là một nhà báo lớn, có những đóng góp vô
cùng quan trọng cho sự phát triển của báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Nếu chia tiến trình phát triển của báo chí Việt Nam từ năm 1865 (thời điểm ra đời
của tờ báo tiếng Việt đầu tiên: Gia Định báo) đến năm 1945 ra làm bốn giai đoạn (1865 –
1907; 1907 – 1918; 1918 – 1930; 1930 – 1945) thì từ năm 1865 đến năm 1907 là giai đoạn
hình thành, báo chí vẫn còn mang tính sơ khai; giai đoạn từ 1907 đến năm 1918, báo chí Việt
Nam đã có sự trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Trong số hơn ba mươi tờ báo xuất
bản trong giai đoạn này thì Đông Dương tạp chí được xem là tờ báo mở ra một kỷ nguyên
mới và Nam Phong tạp chí là sự trưởng thành vượt bậc tạo nên sự phát triển mạnh mẽ, rầm
rộ của báo chí Việt Nam ở các giai đoạn sau. Có được thành tích ấy là sự đóng góp tài năng
tâm huyết của những cây bút xuất sắc, đặc biệt trong đó có Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm
Quỳnh.
Với Đăng Cổ tùng báo và đặc biệt là Đông Dương tạp chí, Nguyễn Văn Vĩnh được
xem là người đóng vai trò tiên phong cho nền báo chí Việt Nam hiện đại thì với Nam Phong
tạp chí, Phạm Quỳnh là người có công đối với sự hoàn thiện và phát triển vượt bậc của thể
loại báo chí. Ở giai đoạn đầu, báo chí ra đời mục đích chủ yếu là thông báo những tin tức
trong các địa phương và ban bố những mệnh lệnh, chỉ thị của chính quyền thực dân. Một số
tờ báo cũng có các mục về văn học với một vài bản dịch tiểu thuyết Trung Hoa ra tiếng Việt,
nhưng nhìn chung nội dung của báo còn nghèo nàn, ngôn ngữ còn hạn chế, cách đưa tin còn
vụng về, chưa đảm bảo được tính ngắn gọn, chính xác…Đến Nam Phong, dưới sự điều hành
và tác nghiệp của Phạm Quỳnh, báo chí đã mang một diện mạo mới.
Ra đời trong bối cảnh đặc biệt của tình hình lịch sử, chính trị, xã hội và văn hóa Việt
Nam lúc bấy giờ, Nam Phong tạp chí xác định rất rõ ràng và thiết thực tôn chỉ của mình qua
Mấy nhời nói đầu của ông chủ bút Phạm Quỳnh, đăng trong số ra đầu tiên vào tháng Bảy
năm 1917 là “đem sức nhỏ, tài mọn mà giúp cho sự học trong nước”. Cụ thể đó là:
1/ Dùng chữ quốc ngữ để diễn tả, giải thích các tư tưởng, học thuật Âu - Á để
mang những kiến thức này đến cho người không biết tiếng Pháp hoặc chữ Nho.
2/ Nâng cao trình độ chữ quốc ngữ thành một nền ngôn ngữ so sánh được với
tiếng Pháp và chữ Nho.
Với việc xác định rõ ràng tôn chỉ, mục đích như vậy, Phạm Quỳnh đã chỉ ra những đặc
trưng cơ bản, mang tính lý luận của thể loại báo chí, đó là chức năng thông tin, tuyên truyền
và giáo dục.
Về nội dung của tờ báo, Phạm Quỳnh và nhóm biên tập Nam Phong, gồm nhiều cây
bút nổi tiếng như Phan Khôi, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến, Trần
Văn Ngoạn, Thân Trọng Huề, Trần Mỹ, Hoàng Yến, Tản Đà, Dương Bá Trạc, Hoàng Tích
Chu, Nguyễn Mạnh Bổng…đã đề ra các nội dung cơ bản mà Phạm Quỳnh đã xác định trong
bài Mấy nhời nói đầu, được Phạm Thế Ngũ tóm lược như sau:
1/ Mục luận thuyết: Bàn chung những vấn đề có liên hệ đến thời thế, nhất là
những vấn đề có liên hệ đến riêng dân ta, để cho độc giả trong nước có một quan
niệm minh chính về các vấn đề đó.
2/ Mục văn học bình luận: Gồm những khoa văn chương lịch sử, đại để những
môn tổng danh gọi là văn học. Bàn rộng những sách hay dù cũ dù mới, thâu thập
những ý kiến tư tưởng mới hay danh tiếng.
3/ Mục triết học bình luận: Nghiên cứu các lý thuyết tư tưởng đời xưa đời nay, so
sánh tư tưởng Âu Tây với Á Đông ta để giúp cho sự đề xướng một tư trào riêng
cho nước ta. Tôn chỉ là giúp cho quốc dân về trí thức và đạo đức.
4/ Mục khoa học bình luận: Không chuyên luận về từng khoa một nhưng chỉ trình
bày những vấn đề đại cương, những nguyên lý, lịch sử tiến hành của khoa học.
5/ Mục văn uyển: Sưu tầm những thi ca cũ bằng chữ Hán, chữ Nôm, đồng thời
đăng tải những bài thơ mới đủ các loại: Đường thi, phú, ca trù, văn tế, kinh sách,
lục bát trường thiên.
6/ Mục tạp trở: Gồm có những bài nho nhỏ, những câu chuyện vụn vặt không
thuộc vào những loại trên, những bài giới thiệu sách mới, những bài danh ngôn
trích lục các sách, những tin tức về học giới.
7/ Mục thời đàm: Bàn về thời sự các việc lớn trong cũng như ngoài nước, luôn
luôn giữ một thái độ bình tĩnh mà thuật những việc đó, mưu toan ích lợi cho dân
ta.
8/ Mục tiểu thuyết: Dịch những bộ tiểu thuyết hay ở Pháp văn ra, cần nhất là
những cuốn có văn chương hay, nghĩa lý cao, kết cấu khéo, làm mẫu mực cho tiểu
thuyết ta sau này.
So với Đông Dương tạp chí, nội dung của Nam Phong tạp chí phong phú hơn nhiều.
Các bài biên tập, khảo cứu vừa sâu, vừa rộng. Với chủ trương dung hòa Đông – Tây, vừa
thâu thái những tinh thần tiến bộ của tư tưởng Thái – Tây, vừa bảo tồn cổ học và quốc túy,
Nam Phong đã tạo được đất đứng cho cả những cây bút xuất thân Nho học. Đặc biệt, Nam
Phong rất chú trọng thơ ca. Tạp chí đăng tải rất nhiều thơ ca kim cổ, góp phần tạo nên một
phong trào thơ ca sôi nổi lúc bấy giờ.
Với những nội dung phong phú như vậy, rõ ràng thông qua Nam Phong, Ban biên tập
của tờ báo, mà chủ yếu là Phạm Quỳnh, đã góp phần vô cùng to lớn trong việc hoàn thiện và
phát triển báo chí Việt Nam, đưa báo chí Việt Nam mau chóng vươn lên trình độ hiện đại,
đúng với đặc trưng của thể loại.
Hầu hết các mảng nội dung của báo Nam Phong, đặc biệt là trong thời gian làm chủ
bút, Phạm Quỳnh đều tham gia tác nghiệp. Ông viết rất nhiều và đều đặn trên các số báo với
khối lượng rất lớn những bài từ dịch thuật, khảo cứu, luận thuyết, đến ký sự, đoản thiên…
Nam Phong tạp chí là một tờ báo lớn, mặc dù hình thức chân phương, thường in với
khổ lớn, đậm đặc những chữ theo hai cột dài, trên dưới trăm trang, không kể phần chữ Hán
và chữ Pháp, với những nội dung phong phú, gồm nhiều mục như đã nói ở trên, nó vẫn có
sức hấp dẫn đối với độc giả thời bấy giờ vì bài vở được kén chọn kỹ càng và còn vì độ sâu tri
thức của các bài viết. Với phong cách của một tạp chí có tính bách khoa toàn thư như vậy
Nam Phong đã để lại một kho tư liệu quý mà đầu thập kỷ bốn mươi Tạp chí Tri Tân đã tính
đến chuyện làm thư mục về nó. Ngay cả Dương Quảng Hàm, khi soạn bộ sách Việt Nam văn
học sử yếu, hầu như cũng dựa vào tư liệu lấy từ Nam Phong tạp chí là chủ yếu. Đó là những
đóng góp quý báu của Phạm Quỳnh và Nam Phong đối với báo chí nói riêng, cũng như đối
với văn hóa nước nhà vậy!
Một đóng góp quan trọng nữa của Phạm Quỳnh và báo Nam Phong đối với báo chí
Việt Nam đó là về mặt ngôn ngữ báo chí và cách thức biên tập, đưa tin. Ngôn ngữ báo chí
đến thời Nam Phong đã đạt đến sự trong sáng, rõ ràng về mặt từ ngữ; khúc chiết, mạch lạc về
cách hành văn. Cách đưa tin cũng ngắn gọn, chính xác và hấp dẫn, thể hiện qua những bài
biên tập kỹ càng và sâu sắc của Phạm Quỳnh và Ban biên tập.
Tiếp nối sự nghiệp truyền bá chữ quốc ngữ của thế hệ trí thức đi trước như Pétrus
Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của và sau này là của Nguyễn Văn Vĩnh và các chí sỹ
trong phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Phạm Quỳnh và báo Nam Phong đã kiên
trì nghiên cứu, cải tạo câu văn quốc ngữ, khiến nó có khả năng diễn đạt một cách trong sáng,
rõ ràng mọi khái niệm thâm thúy của tư tưởng triết học kim cổ đông tây thông qua việc tổ
chức biên dịch, giới thiệu các tư tưởng ấy trên mặt báo. Những cố gắng ấy của Phạm Quỳnh
và Nam Phong đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển ngôn ngữ tiếng Việt nói chung
và ngôn ngữ báo chí, nói riêng. Ngay trong những số đầu của Nam Phong, Phạm Quỳnh đã
nêu vấn đề Văn quốc ngữ (Số 2 – Năm 1917) làm mục tiêu để xây dựng và phát triển tờ báo:
“Vấn đề quan trọng nhất trong nước ta ngày nay là vấn đề văn quốc ngữ, vấn đề
ấy có giải quyết được thì sự học mới có thể tấn tới, dân trí mới có thể mở mang,
cuộc tiến hóa sau này mới có thể mong mỏi được. Đến ngày chữ quốc ngữ dùng
làm quốc văn được thì người nước Nam mới có thể thâu thái các khoa học mới, mà
gây thành nền học thích hợp với trình độ, với tính cách dân ta. Đến ngày ấy thì
người nước ta mới phát biểu được tinh thần cốt cách của mình, tinh thần cốt cách
ấy hiện nay còn mập mờ phảng phất như ảnh không hình vậy. Nói rút lại quốc ngữ
có phát đạt thì nền quốc học mới gây dựng được, quốc dân ta mới không đến nổi
chung kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy” [3, 58].
Không chỉ nêu lên tầm quan trọng của văn quốc ngữ đối với nền học của nước nhà,
trong bài viết này Phạm Quỳnh cũng đã chỉ ra những giải pháp cụ thể để phát triển văn quốc
ngữ cũng như trách nhiệm của các trí thức Tây học và Nho học đối với việc phát triển ấy.
Đánh giá về công lao của Phạm Quỳnh và báo Nam Phong đối với nền quốc văn của nước
nhà, Vũ Ngọc Phan đã viết trong Nhà văn hiện đại (Tập 1, quyển nhất, phần Các nhà văn hồi
mới có chữ quốc ngữ) như sau:
“Đến cái công của Phạm Quỳnh đối với quốc văn thì ai cũng phải nhận là một
công lớn như công của Nguyễn Văn Vĩnh vậy.
Trong mười sáu năm chủ trương Nam Phong tạp chí, ông đã xây đắp cho nền
móng quốc văn được vững vàng bằng những bài bình luận và khảo cứu rất công
phu mà từ Bắc chí Nam người thức giả đều phải lưu tâm đến. Nhiều người thanh
niên trí thức đã có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong tạp chí để bồi bổ
cho cái học còn khuyết điểm của mình. Thậm chí có người đã lấy Nam Phong làm
sách học mà cũng thâu thái được tạm đủ tư tưởng học thuật Đông Tây. Muốn hiểu
được những vấn đề về đạo giáo, muốn biết văn học sử cùng học thuật tư tưởng
nước Tàu, nước Nhật, nước Pháp, muốn đọc thi ca Việt Nam từ thời Lý, Trần cho
đến ngày nay, muốn biết thêm lịch sử nước Nam, tiểu sử của các đấng danh nhân
nước nhà, muốn am hiểu các vấn đề chính trị xã hội Âu Tây và cả những học
thuyết của mấy nhà hiền triết cổ La – Hy, chỉ đọc kỹ Nam Phong là có thể hiểu biết
được. Một người chỉ biết đọc quốc ngữ mà có khiếu thông minh có thể dùng Nam
Phong tạp chí để mở mang học thức của mình. Nam Phong tạp chí sinh sau Đông
Dương tạp chí bốn năm, nhưng sống lâu hơn và ở vào một thời thích hợp hơn nên
ảnh hưởng về đường văn chương đối với quốc dân Việt Nam đã to tát hơn nhiều
[16, 108; 109].
Một đóng góp khác cũng không kém phần quan trọng của Phạm Quỳnh đối với phong
trào báo chí Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn từ thập kỷ 20 đến những năm của thập kỷ
30, đó là thông qua báo Nam Phong, ông đã khơi ngòi cho những cuộc tranh luận hết sức sôi
nổi và rất có ý nghĩa về tư tưởng cũng như học thuật trên báo chí như cuộc tranh luận về
Truyện Kiều, cuộc tranh luận về quốc học…Thông qua những cuộc tranh luận như vậy, rõ
ràng không khí sinh hoạt báo chí đã trở nên sôi động chứ không tĩnh lặng, buồn tẻ như giai
đoạn đầu.
Ở giai đoạn đầu của lịch sử phát triển báo chí Việt Nam, ta dễ thấy là lực lượng độc
giả còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung vào thành phần trí thức và các viên chức của chính
quyền thực dân. Đây là hiện tượng không khó lý giải ở một xã hội kém phát triển như nước
ta thời bấy giờ. Những nguyên nhân chủ yếu đưa đến hạn chế về lực lượng độc giả trong giai
đoạn đầu của báo chí Việt Nam có thể kể đến đó là: sự yếu kém về kinh tế; sự lạc hậu về cơ
sở hạ tầng, trong đó có sự hạn chế về giao thông, về kỹ thuật in ấn; tâm lý, thói quen của
công chúng độc giả và đặc biệt là nạn mù chữ. Số lượng người biết chữ quốc ngữ ngày càng
gia tăng là nhân tố khách quan, nhưng chính nội dung hấp dẫn và cách hành văn sáng sủa của
các bài viết đăng trên Nam Phong tạp chí lại là nhân tố “nội lực” mà Phạm Quỳnh và báo
Nam Phong đã phát huy tác dụng thay đổi thói quen, tâm lý của công chúng, thu hút sự chú ý
của công chúng đối với báo chí và qua đó, góp phần không nhỏ trong việc phát triển lực
lượng độc giả không phải chỉ cho Nam Phong Tạp Chí nói riêng, mà còn cả cho báo chí Việt
Nam lúc bấy giờ.
Đối với việc rèn luyện đội ngũ nhà báo, bằng vào việc nêu ra những vấn đề về vai trò,
trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo cũng như chức năng, tác dụng của báo chí đối với
đời sống xã hội, chính Phạm Quỳnh là người sớm có ý thức xây dựng cơ sở lý luận nghiệp
vụ báo chí để làm cẩm nang cho những người hành nghề. Trong bài Nghĩa vụ làm báo, đăng
trên Nam Phong tạp chí, số 6 năm 1917, sau khi trích dịch nguyên văn bài diễn thuyết của
ông toàn quyền Albert Sarraut đọc tại Hội các báo quán Nam Kỳ vào tháng 10 năm 1917,
Phạm Quỳnh đã bàn luận một cách hết sức cặn kẽ, với những ý kiến vô cùng sâu sắc về sức
mạnh, tác dụng của báo chí và thiên chức, nghĩa vụ của người làm báo. Theo Phạm Quỳnh
thì nghề làm báo chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội, và nhà báo là người có
thế lực rất lớn, thế lực ấy có thể “chuyển dịch được lòng người, thay thế được cục diện, rèn
đúc uốn nắn được cái vật vô hình, vô trạng gọi là “dư luận” vậy” [4, 66]. Sở dĩ nhà báo có
được uy quyền, sức mạnh như vậy là bởi “nhà báo vừa tiêu biểu mà vừa tạo thành ra dư
luận trong một nước”, [4, 66] mà dư luận ấy chính là sức mạnh của quần chúng nhân dân.
Uy quyền của nhà báo là ở chỗ tiêu biểu cho sức mạnh ấy, phát ngôn và điều tiết cho sức
mạnh ấy. Và cái công cụ để thực hiện uy quyền của nhà báo chính là báo chí, bởi vì “ai nói
đến báo là nói đến dư luận, ai hỏi đến dư luận là tìm đến báo, báo với dư luận, dư luận với
báo là lần lót, là hình ảnh cho nhau, là tinh thần và hình thức của nhau vậy.” [4, 66]. Theo
Phạm Quỳnh, để thực hiện sứ mạng lớn lao của mình, nhà báo cần phải thực hiện tốt những
nhiệm vụ cơ bản sau:
- Xác định rõ ràng tư tưởng, lập trường chính trị.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch rõ ràng cho việc tác nghiệp.
- Nhà báo phải là người trung gian, là chiếc cầu nối giữa chính quyền và nhân dân;
giữa nhà nước và xã hội.
- Nhà báo không chỉ là người phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị trong hiện tại mà
cả trong tương lai.
Kết luận về tác dụng của báo chí và vai trò của nhà báo đối với vận mệnh của đất
nước, Phạm Quỳnh viết:
“Nước Nam ta sau này hay hay dở, các nhà báo cũng có phần vào đấy. Nếu biết
khéo dùng cái động lực là tờ báo ngọn bút kia, mà gây thành một dư luận sáng
suốt khôn ngoan, thông hiểu tình thế, giúp được cho cái công tiến hóa về chính trị
của quốc dân, thì mới thực là xứng đáng với lương tâm cùng thiên chức của nhà
nghề vậy”. [3, 70].
Đánh giá về vai trò của thế khai phá và đặt nền móng báo chí hiện đại Việt Nam
những năm đầu thế kỷ XX, từ những trình bày ở trên có thể rút ra nhận định: Nếu Nguyễn
Văn Vĩnh được xem là nhà báo tiên phong “mở lối cho nghề xuất bản và phong trào ngôn
luận quốc văn của người mình” [16, 106] thì Phạm Quỳnh là người có công lớn trong việc
phát triển báo chí Việt Nam hiện đại. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, ông đã có những
đóng góp quan trọng cho báo chí nước nhà cả về mặt lý luận và thực tiễn.
1.3. Tình hình văn học ba mươi năm đầu thế kỷ XX.
Trước khi bị người Pháp xâm lược và đô hộ thì Việt Nam đã là một quốc gia có nền văn
học phát triển với bản sắc độc đáo gắn với bề dày hàng ngàn năm văn hiến của lịch sử dân
tộc.
Văn học viết Việt Nam chính thức ra đời từ thế kỷ X cùng với nền độc lập, tự chủ của
dân tộc và từ đó trở thành một bộ phận quan trọng, không thể thiếu của nền văn hóa dân tộc.
Trong tiến trình ngót mười thế kỷ xây dựng và phát triển, văn học viết Việt Nam, một mặt
chủ động tiếp thu một cách có chọn lọc những yếu tố ngoại lai, mặt khác kế thừa những
thành quả của văn hóa, văn học dân gian dân tộc, đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, kết tinh
trong sáng tác của những tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,
Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương,…
Tuy đã đạt được những thành tựu lớn về nhiều phương diện, nhưng cho đến cuối thế kỷ
XIX, nhìn chung văn học viết Việt Nam vẫn như một dòng sông nhỏ hiền hòa, êm trôi giữa
đôi bờ của vùng đất văn hóa Trung đại phương đông, phong kiến, cổ truyền, chở nặng trong
mình những hạt phù sa của tư tưởng văn hóa ấy và vẫn còn quẩn quanh trong vùng châu thổ
già cỗi này mà chưa vươn mình ra biển lớn của văn học thế giới; nó vẫn nằm trong quĩ đạo
của văn hóa – văn học khu vực Đông Á, mà Trung Hoa là nền văn hóa – văn học hạt nhân.
Nói một cách cụ thể, đó vẫn là một nền văn học chịu ảnh hưởng và sự chi phối sâu sắc của
văn học và văn hóa phương Đông, mà chủ yếu là của Trung Hoa, về nhiều phương diện: tư
tưởng học thuật, quan niệm văn học, hệ thống thi pháp, thể loại, ngôn ngữ, chữ viết,… Chính
sự chi phối và ảnh hưởng ấy mà trên đại thể, văn học Việt Nam thời Trung đại có những đặc
điểm nổi bật sau đây:
Về phương diện nội dung tư tưởng, văn học Trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu
sắc các hệ tư tưởng Phật giáo, Lão giáo, và đặc biệt là Nho giáo.
Yêu nước trong văn học Trung đại Việt Nam luôn gắn liền với tư tưởng trung quân, ở
những thời đoạn giai cấp phong kiến có vai trò tích cực xứng đáng đại diện cho bản lĩnh và
quyền lợi dân tộc đã đành, đến khi chế độ phong kiến suy thoái, giai cấp phong kiến đã trắng
trợn bộc lộ sự phản động, quay lưng lại với dân tộc, thì trong sáng tác của các nhà nho, tư
tưởng ấy vẫn ngự trị, dù cho các tác giả có giả tưởng chuyển hướng lý tưởng vào một vị
minh quân nào đi chăng nữa. Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi khăng khăng giữ tấm lòng “Trung
lẫn hiếu, mài chẳng khuyết nhuộm chẳng đen”. Đến cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Đình Chiểu
vẫn viết Lục Vân Tiên với tuyên ngôn:
“Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”
(Lục Vân Tiên)
Ngay cả khi triều đình Tự Đức quay lưng lại với dân chúng, nhẫn tâm bán rẻ Nam Kỳ
cho thực dân Pháp thì trong sáng tác của nhà thơ được xem là lá cờ đầu của dòng văn học
yêu nước chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX vẫn thấy xuất hiện những dòng thơ,
những câu văn cảm động đến tuyệt vọng về tư tưởng trung quân:
“Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền
công đó”
(Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc)
Hay:
“Bao giờ thánh đế ân soi thấu
Một trận mưa nhuần rửa núi sông”
(Xúc cảnh)
Nhân đạo cũng là một nội dung lớn của văn học Trung đại Việt Nam. Đó là tình cảm
tự nhiên, thiết tha trân trọng những giá trị nhân sinh, chân thành xúc cảm trước sự vui buồn
của con người, căm phẫn những thế lực gian tà chà đạp quyền lợi nhân dân và tổ quốc.
Những tình cảm đó tùy hoàn cảnh lịch sử – xã hội và tùy vào từng tác giả mà có sắc thái
khác nhau ở mỗi tác phẩm nhưng, hoặc nhạt hoặc đậm, có chịu ảnh hưởng tư tưởng từ bi bác
ái của Phật giáo hoặc là tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo.
Về phương diện hình thức, văn học viết Trung đại Việt Nam là một nền văn học song
ngữ, một bộ phận viết bằng chữ Hán và một bộ phận viết bằng chữ Nôm. Buổi đầu xây dựng
nền văn học viết nước nhà, do chưa có văn tự riêng nên cha ông ta lâm thời buộc phải vay
mượn chữ Hán để sáng tác. Bộ phận văn học chữ Hán vì vậy ra đời trước. Đã vay mượn chữ
Hán thì buộc phải vay mượn luôn cả hệ thống kinh nghiệm văn học do các thế hệ thi văn
nhân Trung Hoa đúc rút qua thực tiễn hàng ngàn năm sáng tác, bao gồm từ quan niệm văn
học, loại thể, cho đến thủ pháp nghệ thuật và nguồn thi văn liệu,… Tuy vay mượn văn tự và
thi pháp Trung Hoa nhưng suốt trong quá trình sáng tác, mỗi một tác giả đều luôn có ý thức
Việt hóa sáng tác của mình để tác phẩm là của dân tộc. Đến thế kỷ XIII, chữ Nôm bắt đầu
được sử dụng để sáng tác và dưới thời Trần căn bản chỉ mới ở mức độ ứng dụng kinh
nghiệm đúc rút được từ sáng tác văn thơ chữ Hán vào sáng tác thơ văn chữ Nôm. Sau nhiều
thế kỷ bền bĩ nỗ lực, đến thế kỷ XVIII, XIX các tác giả mới có điều kiện vận dụng một cách
trực tiếp và rộng rãi kinh nghiệm văn học dân gian dân tộc vào sáng tác văn học chữ Nôm,
đưa văn học tiếng Việt phát triển đạt được nhiều thành tựu rực rỡ.
Một đặc điểm quan trọng nữa về mặt hình thức của văn học Việt Nam Trung đại đó là
tính quy phạm khá rõ rệt. Tính quy phạm thể hiện trước hết ở quan điểm nghệ thuật coi trọng
mục đích giáo huấn của văn chương, xem văn chương là công cụ chuyển tải đạo lý, là
phương tiện phục vụ cho việc “sửa sang việc đời”. Quan niệm “Văn dĩ tải đạo” (Văn để chở
đạo) và “Thi ngôn chí” (Thơ nói chí) có địa vị thống soái, chi phối quá trình văn học từ
sáng tác đến tiếp nhận. Chúng ta dễ dàng nhận thấy quan niệm ấy được phát biểu công khai
qua sáng tác của nhiều tác giả:
“Đao bút phải dùng tài đã vẹn,
Chỉ thư nấy chép việc càng chuyên.
Vệ Nam mãi mãi ra t._.
nhiều khi chỉ viết hai, ba hoặc bốn hồi. Trong hồi lại phân ra cảnh. Cảnh trong mỗi hồi thì
không có qui định cụ thể. Riêng trong bố cục của lối kịch cổ, ngay ở cảnh thứ nhất phải có
một đoạn “giải đề” (protaste) do một vai quan trọng nói rõ đại ý của vở kịch bằng lời lẽ
trang nghiêm. Đầu mỗi vở kịch cổ cũng có một đoạn “khai mào” (prologue) do tác giả đọc ở
sân khấu trước khi diễn kịch. Nội dung của đoạn này thường là tóm lược nội dung, xuất xứ
câu chuyện trong kịch, hoặc là lời cảm ơn, lời than vãn hay tán dương công đức…
Cốt yếu nhất trong kịch là “thắt nút” (noeud dramatique), tức là việc giấu tất cả những
khó khăn, trở ngại vào một chỗ rồi gỡ ra dần dần. Thắt nút cần phải chặt để khi gỡ mới tạo
được sự thú vị, nhưng cũng không nên quá rắc rối. “Gỡ nút” (dénouement) cần phải tự
nhiên, bất ngờ và có ngụ ý. Gỡ nút có nhiều cách: “gỡ bằng lối nhận ra nhau” (dénouement
par reconnais-sance), là cách mà lúc thắt nút, các nhân vật chưa nhận ra nhau thì đến khi gỡ
nút các nhân vật đã nhận được nhau; “gỡ bằng sự biến cách” (dénouement par révolution) là
cách gỡ nút mà nhân vật chính gặp một sự kiện bất ngờ, làm thay đổi cả cục diện. Nếu sự đột
biến là điều hay thì gọi là “hảo biến” (Péripétie), là điều không hay thì gọi là “tai biến”
(catastrophe).
3.3.2.3. Lập từ, hay cách diễn đạt (élocution).
Ngôn ngữ chủ yếu trong kịch là ngôn ngữ đối thoại (dialogue) và độc thoại
(monologue). Đối thoại là lời đối đáp giữa các nhân vật. Lời đối thoại phải tự nhiên, liên tục,
sinh động và không quá dài dòng, rườm rà. Khi nhân vật nói một mình nhằm bộc lộ tâm tư,
suy nghĩ thì đó là độc thoại; thường thì lời độc thoại cần ngắn gọn, trừ khi cần thể hiện tâm
tư trong trạng thái bối rối, xung đột dữ dội. Lời văn trong kịch phải tự nhiên như lời nói
chuyện nhưng phải có ý nghĩa. Giọng điệu phải phải phù hợp với tính cách của từng nhân
vật. Khác với tiểu thuyết, tác giả hoàn toàn không xuất hiện trong kịch.
Lối văn trong hài kịch có thể viết là văn vần hoặc văn xuôi, nhưng thường là văn xuôi.
Còn bi kịch buộc phải viết bằng văn vần, vì chỉ có văn vần mới có thể bày tỏ được cái vẻ
trang nghiêm trịnh trọng của những tình cảm bi tráng. Tuy nhiên trong thời hiện đại, kịch
thường có sự kết hợp của cả hai lối bi kịch và hài kịch gọi là “bi hí kịch” (tragi-comédie)
hay “kịch” (drame). Lối kịch mới này thường viết bằng văn xuôi hơn là văn vần.
3.3.2.4. Bi kịch và hài kịch.
Trước khi bàn về bi kịch và hài kịch, Phạm Quỳnh tiến hành phân biệt cái bi với cái
hài trên các phương diện mục đích, phạm vi và tác dụng của chúng. Theo ông, mục đích của
cái bi là khiến cho người ta ngưỡng mộ, cảm phục trước những cái cao cả đồng thời ghê sợ,
căm ghét những cái xấu xa, độc ác. Mục đích của cái hài là nhằm sửa chữa những thói hư, tật
xấu trong xã hội. Phạm vi phản ánh của bi là những cái cao cả hoặc những tội ác, tai nạn lớn
thường chỉ có trong lịch sử, truyền thuyết. Phạm vi phản ánh của cái hài là những cái xấu xa,
đáng cười trong đời sống xã hội. Cái bi làm cho người ta khiếp sợ hoặc cảm phục; cái hài
khiến người ta buồn cười mà xấu hổ. Căn cứ trên việc lựa chọn cái bi hay cái hài làm đối
tượng phản ánh mà chia ra thành bi kịch hay hài kịch.
Bi kịch là thể loại kịch diễn tả cái gì lớn lao, ghê gớm khiến người ta khiếp sợ hoặc
cảm phục. Muốn tạo ra cái cảm giác bi tráng trong bi kịch không nhất thiết dùng cái chết mà
cốt yếu phải đặt nhân vật chính vào những cảnh ngộ nguy hiểm cho sinh mệnh hay danh dự.
Tức là tình huống xung đột, mâu thuẫn dữ dội giữa sự sống và cái chết, giữa danh dự và thấp
hèn.
Hài kịch là thể loại kịch diễn tả những cái đáng buồn cười trong đời sống, như những
khiếm khuyết về đạo đức, những sai lệch về hành vi, thái độ, những cử chỉ trái với lẽ tự
nhiên v.v…nhằm thông qua tiếng cười mà sửa chữa, cải tạo. Để tạo ra tiếng cười, cái đáng
cười cần phải được phóng đại và đặt trong sự đối lập, mâu thuẫn giữa các đối tượng. Ví dụ
kẻ keo kiệt đối với người hoang phí, kẻ dối trá đối với người thật thà… Cái cười rất đa dạng,
các sách phương Tây chia cái cười làm ba loại: Thượng lưu hí (“comique noble” ou “haut
comique”) là cái cười đối với những cái xấu xa của kẻ giàu sang, quyền quý; cách châm
biếm thường kín đáo, giọng cười cũng thanh tao. Trung lưu hí (comique bourgeois) là cái
cười đối với thói hợm hĩnh, tham lam, giả dối của tầng lớp trung lưu trong xã hội. Hạ lưu hí
(bas comique) là cái cười đối với những thói tục tằn, hủ lậu của giới bình dân. Chi tiết hơn,
người ta còn chia hài kịch ra năm tiểu loại:
- Hí kịch bày việc (comédie d’intrigue) là hài kịch sắp đặt những cái đáng cười một
cách hỗn loạn, khiến người xem không thể nhận ra, tiếng cười chỉ bật ra khi gỡ nút;
- Hí kịch tả người (comédie de caratère) là cách đặt nhân vật chính vào vào một thói
xấu nào đó rồi diễn cho lộ cái xấu ấy ra để gây cười;
- Hí kịch tạp (comédie mixte) là vừa bày việc vừa bày người, đem đối lập người này
với người kia, việc này với việc khác, qua đó tạo nên tiếng cười;
- Hí kịch có múa (comédie ballet) là loại hài kịch sau mỗi hồi lại có múa hát;
- Hí kịch pha trò (farce) là lối pha trò cho người không có học, thường diễn nơi chợ
búa ở nhà quê.
Đối với loại hình kịch, tuy không có nhiều bài biên khảo hoặc biên dịch như đối với
những thể loại văn học khác, nhưng Phạm Quỳnh là người đầu tiên cung cấp một cách có hệ
thống những kiến thức mang tính lý luận hết sức chặt chẽ về một loại hình nghệ thuật hoàn
toàn mới mẻ đối với Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Vào thời điểm Phạm Quỳnh
viết bài Khảo về diễn kịch, lý luận và sáng tác kịch hiện đại đã rất phát triển ở phương Tây
nhưng với nước ta nó vẫn còn là một loại hình văn học hết sức mới lạ, chỉ mới được tiếp thu
và thể nghiệm. Những lý thuyết về thể loại kịch mà Phạm Quỳnh giới thiệu là kết quả mà
ông tiếp thu từ thành tựu lý luận và sáng tác của phương Tây, mà chủ yếu là của Pháp. Trong
hệ thống lý luận ấy có những điểm chưa hợp lý, hoặc không còn phù hợp với lý luận kịch
hiện đại. Chẳng hạn như về cách phân loại kịch, tác giả chưa đưa ra những tiêu chí phân loại
một cách cụ thể. Về đặc trưng của kịch, hệ thống lý thuyết mà Phạm Quỳnh cung cấp chưa
làm rõ được sự khác nhau giữa kịch và tự sự. Cả hai loại hình nghệ thuật này đều phản ánh
cuộc sống thông qua những sự kiện và nhân vật, nhưng kịch tính là đặc điểm nổi bật của
kịch: “Kịch tính là trạng thái căng thẳng đặc biệt của mâu thuẫn, xung đột được tạo ra bởi
những hành động thể hiện các khuynh hướng tính cách và ý chí tự do của con người” [45,
333]. Cách trình bày của Phạm Quỳnh về cốt truyện kịch vẫn còn mang tính chất giản lược,
chưa thực sự giúp người đọc phân biệt sự khác nhau giữa cốt truyện của tự sự với cốt truyện
kịch. Tự sự, đặc biệt là tiểu thuyết, cho phép xây dựng những cốt truyện phân tầng, đa tuyến,
gồm nhiều truyện nhỏ trong một truyện lớn. Trong khi đó, cốt truyện của kịch thường đơn
tuyến, thể hiện tính tập trung cao độ. Về ngôn ngữ kịch, tác giả chưa chỉ ra chức năng của
nó, cũng như chưa làm rõ ngoài đối thoại và độc thoại, ngôn ngữ kịch còn một hình thức lời
thoại nữa là bàng thoại – lời nhân vật nói với khán giả – cũng thường được sử dụng. Cùng
với hành động, lời thoại cũng là phương tiện chủ yếu thể hiện tính cách của nhân vật trong
kịch. Về mặt chức năng của kịch, cũng như đối với văn học, Phạm Quỳnh luôn nhất quán với
quan niệm nghệ thuật phải gắn với đạo đức. Chức năng giáo dục là tiêu chí hàng đầu trong
việc tiếp thu, thẩm định văn học của tác giả. Có lẽ vì vậy, khảo về thể loại này tác giả chỉ chú
ý cung cấp những kiến thức của lý luận kịch cổ điển và đã lưu ý các nhà soạn kịch trong
nước:
“Nước ta ngày nay, nhất thiết mọi đường, còn kém châu Âu xa lắm; như về đường
văn học, ta còn đương ở về thời kỳ văn chương còn phải phụ thuộc với luân lý,
chưa đến thời kỳ văn chương đã khuynh hướng về mỹ thuật, ta có muốn bắt chước
Âu châu là còn phải bắt chước Âu châu vào mấy trăm năm trước, nếu đã vội vàng
vượt trình độ mà mô phỏng ngay những lối tiểu thuyết cùng diễn kịch tối tân bây
giờ, thời không khéo ra đến sai lầm hết cả, và không khỏi mang tiếng là làm những
văn chương tổn hại đạo đức, bại hoại phong tục vậy” [3, 1012; 1013].
Mặc dù biên khảo của Phạm Quỳnh về kịch có một số hạn chế như đã trình bày ở trên
nhưng vẫn có thể khẳng định: Đối với thể loại kịch, Phạm Quỳnh là người có đóng góp bước
đầu hết sức quan trọng về mặt lý luận, giúp cho sự tiếp thu, vận dụng và phát triển một loại
hình nghệ thuật mới, làm phong phú cho nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại nói chung, cho
văn học Việt Nam hiện đại, nói riêng.
3.4. Quan niệm về lý luận phê bình văn học.
Trong cấu trúc của đời sống văn học, lý luận phê bình đóng vai trò hướng đạo cho các
hoạt động sáng tác và tiếp nhận. Ở phương diện này, trong giai đoạn giao thời của văn học
Việt Nam, Phạm Quỳnh được xem là “một đạo sư văn nghệ mới”1.
1 Chữ dùng của Phạm Thế Ngũ.
Phạm Quỳnh là một trong những người sớm ý thức một cách sâu sắc vai trò của lý
luận phê bình đối với sự phát triển của văn học. Chính vì vậy mà lý luận phê bình, chiếm
một bộ phận lớn trong hoạt động văn học của ông. Phạm Thế Ngũ, trong Việt Nam văn học
sử giản ước tân biên, đã chia tác phẩm lý luận phê bình văn học của Phạm Quỳnh ra làm ba
loại:
- Phê bình các tác phẩm văn học cổ của dân tộc;
- Giới thiệu, phê bình các tác phẩm mới xuất bản của các tác giả trong nước;
- Dịch và giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của các tác giả phương Tây.
Còn một hoạt động nữa, rất quan trọng trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học của
Phạm Quỳnh mà Phạm Thế Ngũ chưa đề cập đến đó là việc ông giới thiệu, cung cấp những
lý thuyết, khái niệm, thuật ngữ văn học hết sức mới mẻ từ văn học – khoa học phương Tây,
giúp cho các nhà văn và học giả nước nhà có được một số vốn thuật ngữ công cụ thiết yếu
trong lĩnh vực lý luận – phê bình.
Khảo sát các công trình lý luận, phê bình văn học của Phạm Quỳnh, trước hết chúng
ta nhận thấy tác giả đã có những quan niệm đúng đắn và nhất quán về vai trò chức năng cũng
như ảnh hưởng của hoạt động lý luận phê bình đối với văn học. Xuất phát từ mục đích xây
dựng và phát triển nền văn mới trên cơ sở tiếp thu những tri thức văn học hiện đại của
phương Tây, đồng thời bảo tồn, kế thừa những thành tựu xuất sắc của văn học dân tộc, Phạm
Quỳnh chủ trương lý luận phê bình phải làm nhiệm vụ đánh giá, sửa chữa, uốn nắn, khuyến
khích và hướng đạo cho văn học.
Không bằng lòng với lối phê bình văn học theo kiểu tán dương, “điểm nhãn” của lý
luận phê bình cũ, Phạm Quỳnh chủ trương cần phải dùng phương pháp phê bình khảo cứu
của văn học phương Tây mới có thể tìm hiểu và đánh giá được những giá trị đặc sắc của tác
phẩm văn học. Trong nhận thức của ông, nhiệm vụ của lý luận phê bình trước hết là nghiên
cứu, tìm hiểu, đánh giá một cách đầy đủ và đúng đắn những giá trị đặc sắc của tác phẩm văn
học. Điều ấy chỉ có thể thực hiện được với phương pháp của lý luận phê bình Phương Tây.
Với nhận thức như vậy nên ông đi tiên phong vận dụng phương pháp nghiên cứu văn học
của phương Tây vào việc phê bình các tác phẩm văn học cổ Việt Nam. Trong bài nghiên cứu
về Truyện Kiều, năm 1919, Phạm Quỳnh nói rõ là “không thể lấy cái tỉ lệ thường của văn
chương Nôm mà xét được. Phải dùng phép phê bình khảo cứu của văn học Thái Tây mới
mong phát biểu được cái đặc sắc, bày tỏ được cái giá trị của một nền tuyệt tác trong quốc
văn Việt Nam ta” [3, 551]. Nghiên cứu về Tục ngữ ca dao, Phạm Quỳnh cũng áp dụng triệt
để phương pháp nghiên cứu phê bình của văn học phương Tây như vậy.
Đối với các tác phẩm văn học mới trong nước, quan điểm của Phạm Quỳnh là đánh
giá một cách đúng mức những tiến bộ, những thành tựu ban đầu của các tác giả nhằm
khuyến khích, đồng thời chỉ ra những hạn chế nhằm uốn nắn sửa chữa. Với quan niệm như
vậy nên trong tất cả các bài phê bình của Phạm Quỳnh ta luôn bắt gặp một thái độ chừng
mực, lịch sự. Chỗ khen, ông khen một cách nhiệt tình, sôi nổi; chỗ chê, ông chê một cách
nhẹ nhàng, lịch sự. Chẳng hạn như đối với các tác phẩm Khối tình con, Giấc mộng con của
Tản Đà, Một tấm lòng của Đoàn Như Khuê, Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn…
Không chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá, sửa chữa, uốn nắn, khuyến khích cho
văn học phát triển, Phạm Quỳnh còn rất chú trọng đến nhiệm vụ của lý luận phê bình phải
cung cấp cho văn học những “cái thuật”, tức hệ thống lý thuyết, bao gồm những thuật ngữ,
khái niệm thể loại, phương pháp sáng tác,… tức hướng đạo cho hoạt động sáng tác văn học.
Phạm Quỳnh là người đã giới thiệu và cung cấp cho văn học Việt Nam những lý thuyết và khái
niệm cơ bản về nhiều thể loại văn học. Trong các bài biên khảo về các thể loại kịch, tiểu
thuyết, tác giả không chỉ giới thiệu nguồn gốc ra đời, vai trò xã hội, chức năng nghệ thuật của
các thể loại mà còn đi sâu vào những vấn đề “kỹ thuật” thuộc về đặc trưng thể loại. Chẳng hạn
khi bàn về diễn kịch, bên cạnh việc trình bày về nguồn gốc, ý nghĩa của kịch, Phạm Quỳnh giới
thiệu khá kỹ lưỡng những yếu tố cốt yếu của việc soạn kịch:
- Sáng ý (invention) với các khái niệm về “vai chính” (rôle principal), “vai phụ” (rôle
secondaire); về “luật tam duy nhất” (règle des trois unités) với những gia giảm của luật này
trong lịch sử diễn kịch.
- Bố cục (disposition) với các khái niệm về “hồi” (actes) và “cảnh” (scènes); về những
yêu cầu trong từng phần “giải đề” (protaste) – “thắt nút” (noeud dramatique) – “cởi nút”
(dénouement); về “đối thoại” (dialogue), “độc thoại” (monologue)…
- Lập từ (elocution): viết bằng thơ hay văn xuôi.
Đối với thể loại tiểu thuyết, cũng thực hiện theo cách như vậy, Phạm Quỳnh đi sâu giới
thiệu về kết cấu, cách phô diễn, lối kể và tả v.v…trong tiểu thuyết.
Ở phương diện lý luận văn học, Phạm Quỳnh cũng thường đề cập đến chức năng cũng
như tính khuynh hướng của sáng tác văn học. Một trong những chức năng văn học mà Phạm
Quỳnh luôn đề cao là văn học phải gắn liền với việc giáo dục phong hóa, đạo đức. Lý luận về
chức năng giáo dục của văn học mà Phạm Quỳnh đề cao đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến các nhà
văn cùng thời. Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ đã nói đến ảnh
hưởng này qua hai trường hợp tiêu biểu là Hoàng Ngọc Phách với tiểu thuyết Tố Tâm và
Nguyễn Trọng Thuật với tiểu thuyết Quả dưa đỏ.
Khuynh hướng sáng tác mà Phạm Quỳnh luôn nhấn mạnh là tôn trọng cái thực. Thực
trong văn xuôi nghệ thuật, đó là sự miêu tả cụ thể, sinh động những chi tiết nhằm tái hiện sự vật
như nó vốn có trong đời sống, khác với lối tả công thức, phác họa trong văn học truyền thống.
Với thơ, thực là sự tự do thể hiện cảm xúc, không bị hạn chế, gò bó bởi những qui định nghiêm
ngặt của niêm luật, công thức. Trong kịch, thực ấy “là phải mô phỏng cho hệt như sự thực ở
đời. Người ta xem diễn kịch sở dĩ có hứng thú là thấy việc bày ra hiển nhiên như thực; như vậy
thời việc phải cho hợp với lẽ thường ở đời” [3, 1005].
Tóm lại, ở địa hạt này, có thể nói Phạm Quỳnh là một nhà lý luận phê bình xuất sắc của
văn học Việt Nam trong buổi giao thời. Với những quan niệm tích cực về vai trò, chức năng của
lý luận phê bình như đã phân tích ở trên, Phạm Quỳnh đã có những đóng góp giá trị cho lý luận
và thực tiễn sáng tác cũng như tiếp nhận thưởng thức văn học trong thời kỳ đầu.
Tiểu kết.
Với tư cách là một nhà văn, Phạm Quỳnh đã thể hiện một quan niệm khá toàn diện,
nhất quán và tiến bộ về văn học nghệ thuật.
Điểm bao quát nhất trong quan niệm về văn học của Phạm Quỳnh mà ta rất dễ dàng
nhận thấy là thâu thái những tiến bộ của phương Tây đem dung hòa với tinh hoa của dân tộc
để tạo ra một nền văn học mới cho đất nước. Trên tinh thần tiến bộ đó, tác giả thực sự đã có
nhiều đóng góp cho văn học dân tộc. Trước hết là bằng hoạt động nghiên cứu, dịch thuật,
biên khảo, tác giả đã cung cấp cho văn học Việt Nam những tri thức mang tính lý luận hết
sức quí giá về thể loại văn học, đặc biệt là những thể loại còn hết sức mới mẻ đối với văn
học hiện đại Việt Nam trong buổi đầu hình thành và phát triển. Với tư cách một nhà phê bình
lý luận văn học, Phạm Quỳnh là người đầu tiên áp dụng thành tựu lý luận phê bình văn học
phương Tây hiện đại vào nghiên cứu các tác phẩm văn học dân tộc. Với quan điểm xây dựng
và phát triển nền văn mới, hoạt động phê bình của Phạm Quỳnh chủ yếu là nhằm uốn nắn,
sửa chữa, khuyến khích và hướng đạo cho văn học, đặc biệt là đối với các sáng tác mới,
mang tính thể nghiệm của các tác giả trong nước. Không chỉ nghiên cứu, dịch thuật và biên
khảo, Phạm Quỳnh còn tham gia hoạt động sáng tác. Với những thiên du ký đăng trên Nam
Phong tạp chí, Phạm Quỳnh đã mở đường cho một thể tài văn học mới, cũng như khơi nguồn
cho một phong trào viết du ký khá rầm rộ thời bấy giờ.
Điểm hạn chế của Phạm Quỳnh trong quan niệm về văn học là luôn gắn chức năng
giáo dục với văn học, quá coi trọng nội dung, tư tưởng của văn học hơn là hình thức nghệ
thuật của nó. Mặc dù vậy, với văn học Việt Nam trong giai đoạn đầu của tiến trình hiện đại
hóa, công lao của Phạm Quỳnh là đáng được trân trọng ghi nhận
KẾT LUẬN
Trong bối cảnh đặc biệt của lịch sử văn hóa, chính trị Việt Nam những năm đầu thế kỷ
XX, với vai trò là một nhà báo, một nhà văn trong lớp người đi tiên phong, bằng tài năng, sở
học và nhiệt huyết của mình Phạm Quỳnh đã có những đóng góp đáng kể, nếu không nói là
rất lớn, đối sự hình thành và phát triển của nền báo chí, văn học và mỹ học Việt Nam hiện
đại.
Ở lĩnh vực báo chí, với vai trò là một nhà báo, một chủ bút của một tờ tạp chí lớn, có
uy tín, Phạm Quỳnh với sự cộng tác đắc lực của những cây bút tên tuổi, đã có những đóng
góp quan trọng cả về mặt hoạt động thực tiễn lẫn về phương diện lý luận, góp phần hoàn
thiện và phát triển nền báo chí ở Việt Nam cả về số lượng và chất lượng. Lợi dụng sự đỡ đầu
của chính quyền thực dân, Phạm Quỳnh và các cộng sự của ông đã biến tờ báo thành cơ quan
truyền bá những tư tưởng học thuật của phương Tây trong nỗ lực xây dựng, chấn hưng văn
hóa nước nhà và sự thực đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho văn hóa Việt Nam
những năm đầu thế kỷ XX.
Về mục đích của báo chí, thông qua việc chủ trương tờ báo của mình, Phạm Quỳnh đã
xác định những đặc trưng cơ bản, mang tính lý luận cho báo chí, đó là chức năng thông tin,
tuyên truyền và giáo dục. Về nội dung của báo chí, chính sự phong phú, đa dạng của các
mục, các bài trên Nam Phong, Phạm Quỳnh đã góp phần vô cùng to lớn trong việc hoàn
thiện và phát triển báo chí Việt Nam từ hình thức sơ khai, đơn giản lên trình độ hiện đại,
đúng với đặc trưng về nội dung của thể loại này. Một đóng góp quan trọng nữa của Phạm
Quỳnh và báo Nam Phong đối với báo chí Việt Nam đó là về mặt ngôn ngữ báo chí và cách
thức biên tập, đưa tin. Tiếp nối sự nghiệp truyền bá chữ quốc ngữ của thế hệ trí thức đi trước,
Phạm Quỳnh và báo Nam Phong đã kiên trì nghiên cứu, cải tạo câu văn quốc ngữ, khiến nó
có khả năng diễn đạt một cách trong sáng, rõ ràng mọi khái niệm thâm thúy của tư tưởng
triết học kim cổ đông tây thông qua việc tổ chức biên dịch, giới thiệu các tư tưởng ấy trên
mặt báo. Những cố gắng ấy của Phạm Quỳnh và Nam Phong, đã góp phần không nhỏ trong
việc phát triển ngôn ngữ tiếng Việt , nói chung và ngôn ngữ báo chí, nói riêng. Qua những
bài viết được biên tập kỹ càng, với nội dung phong phú, cùng với những cuộc tranh luận
công khai về văn học, văn hóa trên mặt báo, thu hút sự quan tâm của công chúng độc giả,
Phạm Quỳnh và Nam Phong đã góp phần tạo nên không khí sôi nổi cho đời sống ngôn luận
thời bấy giờ cũng như phát triển lực lượng độc giả cho báo chí Việt Nam. Về phương diện lý
luận, chính Phạm Quỳnh là người đầu tiên cung cấp cho khoa lý luận báo chí Việt Nam
những ý kiến quí giá về ý nghĩa của báo chí, cũng như vai trò, nhiệm vụ của người làm báo.
Ở lĩnh vực văn học, công lao lớn nhất của Phạm Quỳnh cần được lịch sử ghi nhận là
nỗ lực xây dựng và phát triển nền văn mới. Trên báo Nam Phong của mình, ông đã mở nhiều
chuyên mục văn học, tạo điều kiện bảo tồn và phục hồi những giá trị văn học cũ; tiếp thu cái
hay, cái đẹp về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm văn học nước ngoài cũng
như khuyến khích phát triển các thể loại văn học mới.
Bằng thực tiễn hoạt động lý luận phê bình của mình cũng như thông qua những cuộc
tranh luận văn học với các học giả khác trên báo chí, Phạm Quỳnh chính là người mở đường
cho ngành lý luận phê bình phát triển. Quan niệm về mục đích và phương pháp lý luận phê
bình văn học của Phạm Quỳnh là một quan niệm hết sức tiến bộ, có ảnh hưởng sâu sắc
không chỉ đối với các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học đương thời mà cả với nền
nghiên cứu lý luận phê bình hiện nay của Việt Nam. Trong giai đoạn đầu của quá trình hiện
đại hóa văn học, với quan niệm tiến bộ và thực tiễn lý luận phê bình của mình, Phạm Quỳnh
đã có nhiều đóng góp cho việc phục hồi, đánh giá đúng đắn những giá trị của văn học cổ
truyền cũng như định hướng và khuyến khích sự phát triển của văn học mới.
Ở lĩnh vực dịch thuật, cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh là một dịch giả lớn
của giai đoạn văn học giao thời. Với quan điểm thâu thái tư tưởng học thuật tiến bộ của văn
minh Đông – Tây bồi bổ cho nền học nước nhà và phát triển ngôn ngữ dân tộc, Phạm Quỳnh
đã có nhiều công trình dịch thuật giá trị. Và qua hoạt động dịch thuật ấy, ông đã đóng góp
cho nền dịch thuật Việt Nam những kinh nghiệm và mẫu mực về phương pháp dịch thuật
cũng như phát động nên một phong trào dịch thuật sôi nổi và rầm rộ trong văn học nước nhà
những năm đầu thế kỷ XX.
Đối với sự bồi bổ, phát triển hoàn thiện chữ quốc ngữ và câu văn quốc ngữ, Phạm
Quỳnh là một trong những người ghi công đầu. Chính ông, bằng nỗ lực hô hào, kêu gọi, đề
ra những biện pháp cụ thể và trực tiếp tham gia cải tiến câu văn quốc ngữ thông qua các bài
diễn thuyết, dịch thuật, biên khảo của mình, đã đưa chữ quốc ngữ từ giai đoạn ấu trĩ sang giai
đoạn trưởng thành. Câu văn quốc ngữ đến thời Phạm Quỳnh đã đạt đến sự hoàn thiện, đủ sức
diễn đạt một cách trong sáng, rõ ràng mọi khái niệm thâm thúy của các tư tưởng triết học
kim cổ đông tây cũng như biểu hiện một cách tinh tế và sâu sắc những tư tưởng, tình cảm
sâu kín của con người.
Về mặt thể loại, bằng hoạt động dịch thuật, khảo cứu và sáng tác, Phạm Quỳnh là
người mở đường cho thể tài du ký và là người đầu tiên cung cấp những tri thức mang tính lý
luận về các thể loại văn học mới như tiểu thuyết, thơ, kịch, góp phần hình thành và phát triển
các thể loại này.
Kế thừa quan niệm “Văn dĩ tải đạo” của văn học truyền thống trên cơ sở tiếp thu
những tư tưởng tiến bộ của văn học phương Tây, Phạm Quỳnh đặc biệt coi trong nội dung tư
tưởng của văn học, với sự nhấn mạnh chức năng giáo dục của nó. Nhưng mặt khác ông cũng
tha thiết kêu gọi sự phá vỡ những khuôn mẫu, qui phạm cứng nhắc của văn học cổ truyền;
đổi mới, cách tân về hình thức nghệ thuật.
Đối với khoa mỹ học, Phạm Quỳnh là người đã đề xuất những quan niệm mới mẻ, tiến
bộ về nghệ thuật, về cái đẹp, đồng thời cung cấp, xây dụng những khái niệm, thuật ngữ công
cụ cơ bản cho lĩnh vực khoa học này của nước nhà trong buổi đầu chập chững. Về tư tưởng,
qua những luận giải của Phạm Quỳnh, ta thấy rằng quan niệm thẩm mỹ của ông chịu sự ảnh
hưởng rất sâu sắc của tư tưởng thẩm mỹ phương Đông, đó là nghệ thuật phải gắn với đạo
đức, cái đẹp phải gắn với cái thiện.
Đối với cái đẹp – một phạm trù cơ bản của mỹ học – Phạm Quỳnh chủ yếu bàn luận
dưới góc nhìn bản thể, tức chỉ xem xét cái đẹp ở phương diện khách quan của nó, mà dường
như chưa chú ý đến cái đẹp trong sự tồn tại của quan hệ khách thể – chủ thể. Và cũng vì vậy
mà ta thấy ông chưa chú trọng bàn luận đến cái đẹp trong nghệ thuật.
Tuy nhiên, với tình hình văn hóa, văn học Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX,
như đã phân tích ở trên, gạt qua những hạn chế tất yếu về tư tưởng, cái công của Phạm
Quỳnh đối với văn hóa, văn học nước nhà là rất lớn, cần phải được ghi nhận một cách công
bằng và xứng đáng.
Vấn đề về Phạm Quỳnh là một vấn đề phức tạp. Tiềm năng nghiên cứu vẫn còn rất
phong phú. Những gì mà luận văn chúng tôi thực hiện chỉ là kết quả khiêm tốn bước đầu.
Bởi cho dù với tham vọng muốn tìm hiểu một cách đầy đủ hơn, nhưng do nhiều nguyên
nhân, bước đầu chúng tôi chỉ có thể tiến hành nghiên cứu một vài khía cạnh nhỏ trong sự
nghiệp đồ sộ của bậc trí giả này. Mong rằng kết quả nghiên cứu của luận văn, về mặt khoa
học, ít nhiều cũng góp một tiếng vào nỗ lực chung nghiên cứu về hiện tượng Phạm Quỳnh -
một trong những con người đặc biệt trong bối cảnh của lịch sử văn hóa, văn học Việt Nam
giai đoạn giao thời nửa đầu thế kỷ XX.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Tác phẩm của Phạm Quỳnh và báo Nam Phong.
1. Phạm Quỳnh (2003), Luận giải văn học và triết học, Nxb. Văn hóa thông tin và Trung
tâm văn hóa Đông Tây, Hà Nội.
2. Phạm Quỳnh (2004), Pháp du hành trình nhật ký, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.
3. Phạm Quỳnh (2006), Thượng Chi văn tập, Nxb. Văn học, Hà Nội.
4. Phạm Quỳnh (2007), Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian từ
năm 1922 đến năm 1933, Nxb. Tri thức và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây,
Hà Nội.
5. Tạp chí Nam Phong.
B. Tài liệu nghiên cứu về Phạm Quỳnh và báo Nam Phong.
6. Nguyễn Đình Chú, Trịnh Vĩnh Long (2005), “Báo chí và văn chương
qua một trường hợp: Nam Phong tạp chí”, Tạp chí Nghiên cứu văn học
(Số2).
7. Nguyễn Đình Chú (2007), “Thượng Chi bàn về tiểu thuyết trên tạp chí
Nam Phong”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (số 4).
8. Dương Quảng Hàm, (1943), Việt Nam văn học sử yếu, Bộ quốc gia giáo dục tái bản
1956, Nxb. Trung Việt, Sài Gòn.
9. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (2004),
Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb. Thế giới, Hà Nội.
10. Đặng Thai Mai (1974), Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, (bản in lần thứ
ba), Hà Nội.
11. Maurice Durant và Nguyễn Trần Huân (1969), Văn học Việt Nam dẫn
luận (Introduction à la litératureVietnamienne), Maison neulve et la rose, Paris.
12. Nguyên Ngọc (2008), “Sự công bằng lịch sử được trả lại”, Bằng đôi chân trần, Nxb.
Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
13. Nguyên Ngọc (2008), “Cách đây một thế kỷ, những người khổng lồ”, Bằng đôi chân
trần, Nxb. Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
14. Phạm Thế Ngũ, (1965) Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (T3), Nxb. Quốc học
tùng thư, Sài Gòn.
15. Vương Trí Nhàn (2005), “Vai trò của trí thức trong quá trình tiếp nhận văn hoá
phương Tây ở VN đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (Số 7).
16. Vũ Ngọc Phan (1989), Nhà văn hiện đại (tập 1), Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội.
17. Nguyễn Hữu Sơn (2007), “Thể tài du ký trên tạp chí Nam Phong”, Tạp chí Ngiên cứu
văn học (Số 4).
18. Thiếu Sơn (1933), Phê bình và Cảo luận: Phê bình nhân vật, Hà Nội.
19. Thiếu Sơn (trước 1973), Bài học Phạm Quỳnh, Tiểu luận.
20. Nguyễn Ngọc Thiện (2005), “Thăng trầm trong thức nhận văn nghiệp học giả Phạm
Quỳnh”, Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam.
21. Nguyễn Đức Thuận (2005), “Về thuật ngữ tiểu thuyết trên Nam Phong tạp chí”, Tạp
chí Nghiên cứu văn học (Số 2).
22. Nguyễn Đức Thuận (2006), “Tình hình nghiên cứu phần văn trên Nam Phong tạp chí
(1917 – 1934) từ 1975 đến nay”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (Số 5).
23. Đỗ Lai Thúy (2006), “Đọc lại tạp chí Nam Phong và Phạm Quỳnh”, Tạp chí Tia sáng
(Số 12).
24. Trần Văn Toàn (2008), “Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại
đầu thế kỷ XX”,
25. Trần Văn Toàn (2008), Lý luận phê bình văn học của Phạm Quỳnh,
26. Nguyễn Văn Trung, (1975), Chủ đích Nam Phong, Nxb. Nam Sơn, Sài Gòn.
27. Nguyễn Văn Trung (1973 - 1975), Trường hợp Phạm Quỳnh, Nxb. Nam Sơn, Sài
Gòn.
28. Nguyễn Văn Trung (1973 - 1975), Vụ án Truyện Kiều, Nxb. Nam Sơn, Sài Gòn.
C. Các tài liệu khác .
29. Aristote (2007), Nghệ thuật thi ca, Nxb. Lao động.
30. M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch),
Trường viết văn Nguyễn Du, Hà nội.
31. Nguyễn Văn Dân (1999), Nghiên cứu văn học – Lý luận và ứng dụng, Nxb. Giáo dục,
Hà Nội.
32. Nguyễn Văn Dân (2004), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb. Khoa học xã
hội, Hà Nội.
33. Đại học khoa học xã hội và nhân văn (2004), Giáo trình mỹ học đại
cương, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
34. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1995), Lý luận văn học – Vấn đề và suy nghĩ,
Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
35. Hégel (2005), Mỹ học, Nxb. Văn học, Hà Nội.
36. Đào Duy Hiệp (2008), Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
37. Đỗ Quang Hưng (2001), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 – 1945, Nxb. Đại học quốc
gia, Hà Nội.
38. Denis huisman (2004), Mỹ học, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
39. Immanuel Kant (2007), Phê phán năng lực phán đoán, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
40. Mã Giang Lân (2005), Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông
tin, Hà Nội.
41. Phương Lựu (1997), Tiếp nhận văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
42. Phương Lựu (2005), Lý luận văn học cổ điển phương Đông (Tuyển tập, tập 1), Nxb.
Giáo dục, Hà Nội.
43. Phương Lựu (2005), Lý luận văn học hiện đại phương Tây, (Tuyển tập, tập 2), Nxb.
Giáo dục, Hà Nội.
44. Phương Lựu (2005), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Đại học sư phạm,
Hà Nội.
45. Phương Lựu, Trần Đình Sử (2008), Giáo trình Lý luận văn học (tập 2), Nxb. Đại học
sư phạm, Hà Nội.
46. M. F. Ốp-xi-an-nhi-cốp (2001), Mỹ học cơ bản và nâng cao, Nxb. Văn hóa thông tin,
Hà Nội.
47. Nguyễn Hữu Sơn (2000), Điểm tựa phê bình văn học, Nxb Lao động, Hà Nội.
48. Chu Quang Tiềm (1991), Tâm lý mỹ học hiện đại, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
49. Chu Quang Tiềm (2005), Tâm lý văn nghệ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội.
50. Lê Ngọc Trà (2007), Văn chương thẩm mỹ và văn hóa, Nxb. Giáo dục tại Tp. Hồ Chí
Minh.
51. Trang Tử (1965), Nam hoa kinh, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn.
52. Huỳnh Vân (1990), Văn học và hiện thực, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA5515.pdf