BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HỒ CHÍ MINH
Lê Thị Thúy Hằng
Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số : 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
Thành phố Hồ Chí Minh – 2010
LỜI CẢM ƠN
Trước hết tôi xin gửi lời tri ân chân thành nhất đến PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, người đã
dành nhiều thời gian và tâm huyết, nhiệt tình hướng dẫn tôi thực hiện luận văn này. Qua quá trình
làm việc với cô, tôi học được nhiều
122 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1632 | Lượt tải: 4
Tóm tắt tài liệu Khảo sát sự nghiệp phê bình văn học của Vương Trí Nhàn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
bài học về cách làm việc khoa học, cẩn thận, chính xác.
Tiếp theo, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thầy cô giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại
học Sư phạm TP.HCM, những người đã truyền đạt cho tôi kiến thức quý báu trong suốt quá trình
học tập.
Đồng thời tôi xin cám ơn phòng Khoa học công nghệ và Sau đại học trường Đại học Sư phạm
TP.HCM đã tạo điều kiện cho tôi hoàn thành khóa học.
Đặc biệt tôi chân thành cảm ơn nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, người đã sẵn lòng
dành thời gian để trả lời những câu hỏi phỏng vấn của tôi.
Tôi cũng xin cám ơn cơ quan công tác đã giúp đỡ tôi trong việc học tập.
Lời cuối cùng tôi hết sức cám ơn gia đình, người thân và bạn bè đã luôn động viên, giúp đỡ tôi
trong việc thực hiện luận văn.
Trân trọng kính chào
Tác giả luận văn
Lê Thị Thúy Hằng
MỞ ĐẦU
1.Lý do chọn đề tài
1.1.Vai trò của phê bình trong đời sống văn học rất quan trọng. Phê bình là “ý thức triết học”
(Biêlinski) của chính nền văn học. Hoạt động phê bình thể hiện khả năng tự ý thức của đời sống văn
học. Đó là dấu hiệu trưởng thành của đời sống văn học và là điều kiện không thể thiếu của một nền
văn học hiện đại: “Phê bình trở thành người bạn đường thường xuyên của văn học và không thể
tưởng tượng được văn học mà lại thiếu phê bình” (Pospelov ). Trong đó nhà phê bình giữ một vị trí
to lớn. Họ là một người đọc chuyên nghiệp có thể phát huy ảnh hưởng ngay cả trong quá trình sáng
tác của nhà văn. Khi giới thiệu, giải thích tác phẩm, chính nhà phê bình đã tiếp tục công việc của
nhà văn, truyền bá tư tưởng cảm xúc của tác giả theo cách riêng. Bằng cách đó, phê bình tác động
lại sáng tác, gợi ý hay nêu vấn đề, kích thích sự tìm tòi của nghệ sĩ. Qua phê bình văn học, nhà văn
có thể tự điều chỉnh mình trong lĩnh vực sáng tác.
Phê bình văn học cũng có tiếng nói tác động đến sự phổ biến tác phẩm và thị hiếu của người
đọc. Nó giải thích, hướng dẫn để người đọc hiểu được cái hay, cái dở của tác phẩm, giúp họ hiểu
đúng chiều sâu tư tưởng của tác phẩm. Từ đó phê bình góp phần cải tạo hoặc nâng cao thị hiếu thẩm
mỹ của công chúng, đánh thức cảm xúc về cái đẹp và tinh thần sáng tạo nơi người đọc.
1.2.Ở nước ta, cho dù nền văn học dân tộc vốn hình thành, phát triển từ sớm nhưng phê bình
văn học với tư cách là một thể loại, một nghề chuyên môn thì lại ra đời khá muộn. Mãi đấn những
năm ba mươi, bốn mươi của thế kỉ XX, mới xuất hiện một số tác phẩm của một số nhà phê bình ,
nhà nghiên cứu chuyên nghiệp như “Phê bình và cảo luận” (1933) của Thiếu Sơn, “Thi nhân Việt
Nam” (1941) của Hoài Thanh- Hoài Chân, “Việt Nam văn học sử yếu” (1941) của Dương Quảng
Hàm, “Nhà văn hiện đại” (1942) của Vũ Ngọc Phan,… Từ năm 1945 đến nay, dù đội ngũ phê bình
đông đảo hơn nhưng lực lượng phê bình chuyên nghiệp rất ít ỏi, các nhà phê bình thực sự có uy tín
được giới sáng tác và công chúng thừa nhận lại càng hiếm hoi. Trong số đó, có thể nói Vương Trí
Nhàn là nhà phê bình chuyên tâm với nghề. Từ khi xuất hiện trên văn đàn đến nay, đã hơn 43 năm,
Vương Trí Nhàn luôn dành nhiều tâm sức, thời gian, viết nhiều có hệ thống và để lại nhiều tác phẩm
xuất sắc trong lĩnh vực phê bình, nghiên cứu văn học. Ông đã tạo được một phong cách riêng, như
Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “Trong số những cây bút phê bình lý luận Việt Nam hiện đại, Vương Trí
Nhàn là một người từ mấy chục năm nay đã tạo được một giọng điệu riêng khó lẫn. Ông không phải
là người tiếp cận thật sâu một vấn đề gì đó và triển khai nó đến tận cùng, mà thường vấn đề gì cũng
lướt qua một cách nhẹ nhàng, nhưng lại có những nhận xét khá thâm thúy”[7]. Tìm hiểu, nghiên
cứu phê bình của Vương Trí Nhàn một cách toàn diện, nhất định chúng ta sẽ rút ra những bài học bổ
ích, những kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển của nền phê bình văn học hôm nay.
1.3.Những trang viết của Vương Trí Nhàn gắn bó chặt chẽ với văn học Việt Nam từ trung đại
đến hiện đại. Ông đã đi sâu tìm hiểu những khuôn mặt lớn của văn học quá khứ đến những hiện
tượng đáng chú ý của văn học đương thời. Qua những trang phê bình của ông, bức tranh văn học
Việt Nam ở các thời kì hiện lên thật sống động, chân thực. Khảo sát sự nghiệp phê bình văn học của
Vương Trí Nhàn, chúng ta sẽ có điều kiện hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn toàn cảnh và động thái của
văn học Việt Nam.
1.4.Hơn nữa, lâu nay, sáng tác thường được ưu tiên nghiên cứu hơn phê bình. Đã đến lúc cần
có một sự quan tâm thích đáng về lĩnh vực này. Chọn đề tài “Khảo sát sự nghiệp phê bình văn học
của Vương Trí Nhàn”, chúng tôi muốn góp phần mang lại sự công bằng cho phê bình văn học. Mặt
khác, giảng dạy và học tập văn chương trong nhà trường phổ thông tuy có những nét đặc thù, riêng
biệt nhưng nhìn ở một phương diện nào đấy, nó cũng chính là một cách đưa văn học trở về với công
chúng. Những tập sách giới thiệu, phê bình văn học đầy sức hấp dẫn của Vương Trí Nhàn vừa là
một kho kiến thức, tư liệu văn học đồ sộ, vừa là những bài học có ý nghĩa cho những ai muốn thực
sự đi vào con đường học tập, giảng dạy, nghiên cứu văn học.
2.Lịch sử vấn đề
Những bài nghiên cứu đầu tiên của Vương Trí Nhàn được đăng báo Văn nghệ năm 1965.
Nhưng đến đầu những năm chín mươi, nhà phê bình này mới được đánh giá cao. Những bài viết về
Vương Trí Nhàn chủ yếu đăng trên các báo, các trang web trên mạng.
Năm 1993, tập chân dung và phiếm luận Những kiếp hoa dại (NXB Hội Nhà văn) ra đời,
được đông đảo các nhà phê bình và bạn đọc đã đón nhận nó. Trên báo Nhân dân chủ nhật ra ngày
8/5/1993, Nguyễn Văn Thành, trong bài “Từ người đến văn” đã cho rằng: “Những kiếp hoa dại
không đi vào phân tích những tác phẩm văn học cụ thể mà thường xuất phát từ hiểu biết con người
nhà văn, kết hợp với ấn tượng khi tiếp xúc với tác phẩm của họ để “tưởng tượng”, suy nghiệm ra
những liên hệ giữa tác giả và tác phẩm”[108]. Bài viết đã phân tích một số nét đặc sắc về cách viết
chân dung của Vương Trí Nhàn và đưa ra những dẫn chứng cụ thể.
Các tác giả khác cũng chỉ ra phong cách phê bình của Vương Trí Nhàn. Ngô Thế Oanh nhận
xét: “Nhưng có lẽ đến “Những kiếp hoa dại Vương Trí Nhàn mới cho ta thấy hết phong cách viết
chân dung của anh. Viết từ sở trường của một nhà phê bình văn học. Nghĩa là luôn luôn nhìn văn
học trong dòng chảy của những biến động. Chỉ viết những gì đặt ra từ những yêu cầu, đòi hỏi của
văn học đương đại”[92]. Cách viết của Vương Trí Nhàn hết sức phong phú, hấp dẫn: “Khi mực
thước trân trọng, khi suồng sã thân mật, anh kéo ta đi cùng với anh qua những tưởng tượng đôi khi
thật phóng túng nhưng bao giờ cũng thú vị. Ta có thể không đồng ý với anh, có thể trao đổi lại,
tranh luận... nhưng bao giờ anh cũng giữ được cái duyên cho ngòi bút của mình”(Bài “Sự tận tâm
nghề nghiệp”, Báo Phụ nữ TP.HCM 30/7/1994) [92]
Gần với ý kiến của Ngô Thế Oanh, trên Tạp chí Văn học năm 1995, qua bài viết “Phác họa
Vương Trí Nhàn từ “Những kiếp hoa dại”, Chu Văn Sơn nhận định: “Có lẽ Vương Trí Nhàn hợp
với chất giọng có vẻ nghịch lý này: Lịch lãm mà suồng sã…Tỏ ra là một cung cách lịch lãm về kiến
văn, sành sõi trong thưởng ngoạn, Vương Trí Nhàn đã đem đến cho Những kiếp hoa dại một vẻ
trang trọng mà thân mật, tinh tế mà bình dị” [101, tr.52]. Còn nhà phê bình Thiếu Mai trong tập
sách Hái giữa đôi bờ thì phát biểu: “Điều dễ nhận thấy trước hết, cũng là điều đáng quý qua những
trang phê bình của Vương Trí Nhàn là một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước cái đẹp của nghệ thuật
văn chương cũng như cái đẹp và những nỗi đau trong cuộc đời. Cây bút phê bình này khát khao "tự
đào luyện thành một trí thức chân chính, điều ấy càng ngày càng hiện lên như một mơ ước". Anh
chịu khó học hỏi, tích luỹ thường xuyên cho mình một thứ vốn liếng cơ bản về mọi mặt. Mặt khác
anh có ý thức thu nhặt, lượm lặt các câu chuyện dưới dạng chuyện phiếm, tiếu lâm trong cuộc sống,
cũng như quanh cuộc trò chuyện, tâm sự lúc trà dư tửu hậu của các văn nhân thi sĩ [61, tr. 146).
Hai bai viết của Chu Văn Sơn và Thiếu Mai đã phân tích từ giá trị của tác phẩm đến quan niệm, tư
tưởng, phương pháp giọng điệu phê bình của Vương Trí Nhàn một cách cụ thể, chi tiết.
Trong lời tựa Những kiếp hoa dại, khi tác phẩm này được tái bản năm 2001, Văn Tâm cũng
có những lời ngợi ca: “Trí tuệ và cả trái tim mẫn nhuệ của tác giả đặc biệt thể hiện ở chỗ: khi khái
quát hoặc phân tích những đối tượng nghiên cứu phê bình văn học, đã thường xuyên phát hiện được
nhiều điều mới lạ, thậm chí rất mới mẻ- dẫu rằng mấy đối tượng ấy của khoa họa văn học đã bao
lần hiện diện trước mắt những cây bút nghiên cứu phê bình văn học khác” [72, tr.5-6]
Cánh bướm và đoá hướng dương xuất bản năm 1999 và tái bản ngay năm năm sau với tên là
Nghiệp văn đã được giới phê bình nồng nhiệt đón nhận.
Trên báo Lao động ra ngày 31/7/1999, Lưu Khánh Thơ” viết:"Với Cánh bướm và đoá hướng
dương, Vương Trí Nhàn đã tạo được cho mình một phong cách và giọng điệu riêng, là điều ít được
gắn cho một cây bút phê bình…Các chân dung văn học của Vương Trí Nhàn không phải là những
bộ mặt tinh thần đầy đủ, hoàn chỉnh của nhân vật đó, mà phần lớn chỉ là những nét phác họa, ấn
tượng và đậm nét. Viết về ai anh cũng cố gắng nắm bắt và chỉ ra cái "thần" của riêng người đó, ghi
nhận cái độc đáo có một không hai mà chỉ riêng họ mới có” [111]
Còn Nguyễn Văn Thành trong bài “Cánh bướm và đoá hướng dương” (Phụ san Việt Nam
quân đội (25/6/1999) thì cho rằng: “Vương Trí Nhàn cảm nhận văn chương thường ưa thích vận
dụng so sánh, liên tưởng nhà văn này tới nhà văn khác, từ chuyện văn chương tới chuyện làm ăn,
sinh hoạt nhằm cụ thể hóa sự lý giải của mình”[109]
Với “Một người trong số… ít người…”(Báo Văn nghệ TP.HCM số 26 (bộ mới) ngày
22/7/1999), Nguyễn Đình Chính cũng chỉ ra nét độc đáo trong cách viết của Vương Trí Nhàn:"Ngày
xưa... Vương Trí Nhàn là một cây bút viết phê bình tiểu luận văn học khá bài bản, kinh viện. Nhưng
bây giờ, khoảng 10 năm đổ về đây Vương Trí Nhàn được biết đến như một nhà báo viết bình luận
văn học sắc sảo, hóm hỉnh không thiếu sự sòng phẳng, cay nghiệt, cồm cộm” và “Điều cuối cùng
mà tôi muốn nói khi đọc “Cánh bướm và đoá hướng dương” là cái công trạng “báo chí hóa” cách
viết phê bình tiểu luận văn nghệ của ông Vương Trí Nhàn. Cách viết này nó tốc độ, nó ngắn gọn,
đầy ắp thông tin cụ thể, ít lý luận con cà con kê, ít định kiến và nhiều dân chủ tạo ra sự hấp dẫn và
mối giao lưu với đông đảo người đọc”[13]
Nhà phê bình Xuân Sách thì chú ý cách thức làm việc của Vương Trí Nhàn: “Với lao động
cần mẫn, học hỏi thể nghiệm, với vẻ nhút nhát khiêm nhường, nhưng Vương Trí Nhàn luôn trăn trở
tìm cho mình một cách viết, một cách nghĩ và trau dối bản lĩnh của người cầm bút. Có lúc đúng, lúc
sai nhưng Vương Trí Nhàn luôn kiên trì tin tưởng và theo đuổi con đường mong đạt tới sự thiêng
liêng của nghệ thuật chân chính. Vương Trí Nhàn đã tạo cho mình một khuôn mặt riêng đặc sắc”
[100]
Nhìn chung, qua hai tập sách trên, các nhà phê bình và độc giả đánh giá cao những đóng góp
của Vương Trí Nhàn. Trịnh Bá Đĩnh trong bài “Ba kiểu nhà phê bình hiện đại” (trang web
talawas.com) xếp Vương Trí Nhàn vào mẫu nhà bình giải văn học: “Trong số các nhà phê bình nửa
cuối thế kỉ theo tôi Vương Trí Nhàn và Nguyễn Đăng Mạnh cũng thuộc mẫu nhà bình giải văn học.
Vương Trí Nhàn khi viết lời tự thú đã nói: “Tôi thấy mình thuộc một dạng phê bình cổ hơn” (so với
phê bình phân tâm, phê bình cấu trúc, phê bình kí hiệu học) tức là phê bình dựa hẳn vào cảm nghĩ
cá nhân và đặt phê bình vào khu vực của văn chương trước tiên, sau mới là của khoa học”. Dựa
hẳn vào cảm nghĩ cá nhân là dựa hẳn vào thị hiếu và trải nghiệm riêng, quan niệm này ăn khớp với
thực tiễn phê bình nhà văn và tác phẩm của ngòi bút Vương Trí Nhàn. Còn việc coi phê bình cũng
thuộc khu vực của văn chương và là một thể loại tương đương với các thể loại văn học khác thì ta
đã từng thấy ở các nhà phê bình “vị nghệ thuật”[25]. Nguyễn Huệ Chi thì cho rằng “Trong số
những cây bút phê bình lý luận văn học hiện đại, Vương Trí Nhàn là một người từ mấy chục năm
nay đã tạo được một giọng điệu riêng khó lẫn. Ông không phải là người tiếp cận thật sâu một vấn
đề gì đó và triển khai nó đến tận cùng, mà thường vấn đề gì cũng lướt qua một cách nhẹ nhàng,
nhưng lại có những nhận xét khá thâm thúy”(11/4/2006) [7].
Năm 2003, tác phẩm Cây bút đời người của Vương Trí Nhàn đạt giải B Hội Nhà văn Việt
Nam và đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau.
Phạm Khải có bài “Đời thường hóa, hay tầm thường hóa?” để trao đổi với Vương Trí Nhàn.
Phạm Khải cho rằng: “Viết về cái tốt để mọi người noi theo, thấy yêu cuộc đời hơn. Viết về cái xấu
để mọi người cảnh giác, tránh xa. Nhưng với trường hợp đối tượng phản ánh là các nhà văn nổi
tiếng đã quá cố, câu hỏi đặt ra là: Viết về cái xấu của họ để làm gì? Để giúp độc giả nhận ra “chân
tướng” của họ ư? Để độc giả bớt yêu tác phẩm của họ hơn? Vả chăng, những điều gọi là xấu ấy ai
kiểm chứng? Chưa nói điều anh cho là xấu chắc gì đã xấu?” [45]
Một số bài viết gần đây của Vương Trí Nhàn được đăng trên mạng cũng gây nhiều phản ứng
khác nhau trong giới phê bình. Như về bài “Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải” (trên các trang
web nguoibanduong.net, viet-studies.info, talawas.org), Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “Bài anh Vương
Trí Nhàn sắc sảo quá nhưng như một số bạn bè trao đổi với nhau, cũng khí cay nghiệt quá” [12].
Và mới đây nhất là bài viết “Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần” (trên trang web
hoinhavanvietnam.vn) làm cho dư luận xôn xao. Nhiều ý kiến đồng tình, nhưng ý kiến phản bác
cũng không ít, tiêu biểu là hai ý kiến của Phạm Khải và Phan Thị Vàng Anh được đăng tải khá
nhiều trên các trang web. Phạm Khải nhận định: “…với một người từng viết nhiều về Tô Hoài, và
viết với thái độ thành kính như Vương Trí Nhàn trước đây, có nên chăng tung ra với mật độ khá dày
những lời (cả của mình lẫn của đồng nghiệp) có tính thóa mạ bậc đàn anh một cách thoải mái, vô
tư đến vậy?”(Bài “Ngạc nhiên và thất vọng”, phongdiep.net). Còn nhà văn Phan Thị Vàng Anh
trong bài “Nỗi hận của kẻ ở gần” (trang web phongdiep.net, vanchinh.net) thì nhận xét khá gay
gắt: “Nghĩ mà buồn cười. Ông Vương Trí Nhàn lấy tên bài là “ở một khoảng cách gần”, nhưng
những lời nói không hay về nhà văn Tô Hoài thì ông toàn nghe qua người này người nọ, tự ông
hoàn toàn không có kiểm chứng, thậm chí bằng một phương thức đơn giản nhất là hỏi lại nhà văn
xem có đúng thế không”. Cả hai tác giả đều không đồng tình với cách viết của Vương Trí Nhàn.
Tóm lại, từ tình hình nghiên cứu vấn đề như trên, có thể thấy rằng, những trang viết của
Vương Trí Nhàn thường được văn giới quan tâm. Tuy nhiên các bài viết trên chỉ đề cập một vài nét
về đóng góp của Vương Trí Nhàn chứ chưa phải là một chuyên luận nghiên cứu một cách hệ thống,
toàn diện những đóng góp của ông qua các tác phẩm phê bình. Vì vậy, luận văn này sẽ cố gắng tiếp
cận đầy đủ tư liệu của Vương Trí Nhàn và phân tích, lý giải một cách hệ thống để đưa ra một cái
nhìn tổng quan, toàn cảnh về sự nghiệp phê bình văn học của một nhà phê bình có thể nói là rất
chuyên tâm với nghề.
3.Mục tiêu nghiên cứu
Khảo sát toàn bộ sự nghiệp phê bình văn học của Vương Trí Nhàn, luận văn hướng đến các
mục tiêu sau:
-Tìm hiểu quan niệm về văn học và phê bình văn học của Vương Trí Nhàn, coi đây là cơ sở
nhận thức luận tạo nên phương pháp phê bình của ông.
-Đánh giá thành tựu trong lĩnh vực phê bình, nghiên cứu văn học của Vương Trí Nhàn qua
từng chặng đường. Đồng thời điểm lại những tác phẩm, công trình tiêu biểu, những mảng đề tài nổi
bật gắn với tiến trình phát triển của nền văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại.
-Tiến hành so sánh Vương Trí Nhàn với một số nhà phê bình văn học tiêu biểu cùng thời
nhằm bước đầu phát hiện những nét nổi bật trong phong cách phê bình của Vương Trí Nhàn. Từ đó
khẳng định vị trí và đóng góp lớn lao của ông trong lĩnh vực phê bình nói riêng và đời sống văn học
nói chung.
4.Đối tượng nghiên cứu
4.1.Đối tượng nghiên cứu của luận văn là toàn bộ tác phẩm phê bình của Vương Trí Nhàn,
gồm:
- Bước đầu đến với văn học (NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1986)
- Những kiếp hoa dại (NXB Văn nghệ, TP.HCM, 2001)
- Nghiệp văn (NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001)
- Buồn vui đời viết (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000)
- Chuyện cũ văn chương (NXB Văn học, Hà Nội, 2001)
- Cây bút đời người (NXB Trẻ, TP.HCM, 2002) – giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội và Hội nhà
văn Việt Nam
- Ngoài trời lại có trời (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003)
- Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, từ đầu thế kỷ cho tới 1945 (
NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, 2005)
4.2. Ngoài ra luận văn còn khảo sát so sánh các công trình phê bình có liên quan đến Vương
Trí Nhàn, cùng những sáng tác mà Vương Trí Nhàn đề cập trong trang viết của mình.
4.3. Cuối cùng, việc tham khảo một số tài liệu lý luận về phê bình văn học sẽ giúp cho người
viết có những căn cứ lý thuyết để tiến hành nghiên cứu đề tài.
5.Phương pháp nghiên cứu: Xuất phát từ đối tượng nghiên cứu và tính chất của đề tài, trong quá
trình thực hiện luận văn, chúng tôi vận dụng đồng thời những phương pháp cơ bản sau đây:
5.1.Phương pháp tập hợp, thống kê, phân loại:
Sự nghiệp phê bình nghiên cứu văn học của Vương Trí Nhàn hết sức phong phú, đa dạng.
Phương pháp tập hợp, thống kê, phân loại sẽ giúp cho việc sưu tập, sắp xếp các tác phẩm phê bình
nghiên cứu của Vương Trí Nhàn theo trật tự thời gian và phân loại theo từng thể tài, từng vấn đề cần
giải quyết để tăng cường chính xác trong nghiên cứu.
5.2.Phương pháp hệ thống:
Người viết sẽ tập hợp sắp xếp lại những ý kiến của Vương Trí Nhàn theo các quan niệm phù
hợp với yêu cầu của luận văn.
5.3.Phương pháp so sánh: gồm có hai cách so sánh nhau:
-Đồng đại: so sánh các quan niệm, nội dung trang viết, phương pháp và phong cách phê bình
văn học của Vương Trí Nhàn với các nhà nghiên cứu khác cùng thời với ông.
-Lịch đại: đối chiếu với những quan niệm, nội dung trang viết, phương pháp và phong cách
phê bình văn học của các tác giả trước đó và sau này, từ đó thấy được những nét đặc sắc trong phê
bình văn học của Vương Trí Nhàn.
5.4.Phương pháp lịch sử:
Người viết sẽ đặt hệ thống quan niệm và những nét chính của phê bình văn học của Vương Trí
Nhàn vào dòng chảy của văn học nước nhà và văn học các nước khác có ảnh hưởng đến văn học
Việt Nam.
Ngoài ra luận văn còn sử dụng các phương pháp như phân tích, liệt kê,… để hỗ trợ thêm cho
công việc nghiên cứu.
6.Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
6.1. Ý nghĩa khoa học:
- Với đề tài này, trước hết, luận văn sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin xác thực và hệ
thống về Vương Trí Nhàn. Thứ đến, là góp phần bổ sung vào việc nghiên cứu đời sống phê bình văn
học Việt Nam và sau cùng là góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa phê bình và sáng tác.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn:
-Qua việc khảo sát về sự nghiệp phê bình văn học của Vương Trí Nhàn, chúng ta có thể thấy
được những vấn đề có ý nghĩa đổi mới đối với phê bình văn học hiện nay. Từ đó góp phần quan
trọng vào việc học tập, giảng dạy văn học trong nhà trường phổ thông.
7.Giới thiệu sơ lược cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu (2 trang), Kết luận (2 trang), Tài liệu tham khảo (127 đề mục), luận văn
gồm có các chương, mục chính như sau:
Chương 1: Vương Trí Nhàn, quá trình hoạt động và quan niệm văn học (23 trang)
1.1.Vương Trí Nhàn, quá trình hoạt động văn học
1.1.1.Đôi nét về tiểu sử
1.1.2.Hơn 40 năm làm phê bình văn học
1.1.3.Qua tiếp nhận của đồng nghiệp
1.2.Quan niệm về văn học và phê bình văn học
1.2.1.Quan niệm về văn học
1.2.2.Quan niệm về phê bình văn học
Chương 2: Vương Trí Nhàn với văn chương Việt Nam và thế giới
( 60 trang)
2.1.Tìm lại những mùa quá khứ
2.1.1.Những giá trị cổ điển
2.1.2. Những giá trị của buổi giao thời
2.2.Đứng giữa dòng
2.2.1.Dòng thơ ca
2.2.2.Dòng văn xuôi
2.3.Nhìn ra thế giới
2.3.1.Phê bình văn học Nga- Xô viết
2.3.2. Phê bình văn học phương Tây
Chương 3: Vương Trí Nhàn, phương pháp và phong cách phê bình văn học (35 trang)
3.1.Một sự dung hợp nhiều phương pháp
3.1.1.Phác họa những chân dung văn học
3.1.2.Bình và giảng
3.1.3.Cái nhìn đa chiều
3.2.Phong cách phê bình nghệ thuật hay phong cách phê bình báo chí
3.2.1.Những trang văn giàu tính nghệ thuật
3.2.2.Những trang viết giàu chất thông tin
Chương 1
VƯƠNG TRÍ NHÀN, QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG
VÀ QUAN NIỆM VĂN HỌC
1.1.Vương Trí Nhàn- Quá trình hoạt động văn học
1.1.1 Đôi nét về tiểu sử
Vương Trí Nhàn sinh ngày 15 – 11 – 1942 tại Hà Nội. Quê quán ông ở xã Đông Hồ, huyện
Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nơi ông sinh ra và lớn lên là một vùng đất có nhiều truyền thống văn
hóa và văn học.
Vương Trí Nhàn học khoa văn Đại học Sư Phạm Hà Nội, hệ 3 năm, cùng thế hệ với Ma Văn
Kháng, Lâm Quang Ngọc, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật… Sau khi tốt
nghiệp ông vào quân đội thuộc Quân khu Tây Bắc, đóng ở Sơn La. Trong quân đội, ông có nhiệm
vụ chính là dạy học và về sau làm báo. Từ tháng 3 năm 1965, ông bắt đầu có bài viết đăng trên Văn
nghệ, Văn nghệ quân đội. Từ năm 1985 trở đi, bài của ông còn xuất hiện trên các tạp chí Thể thao
văn hóa, Tuổi trẻ chủ nhật, Kiến thức ngày nay và Tạp chí Văn học.
Đầu năm 1968, Vương Trí Nhàn chuyển về công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội. Tới đầu
năm 1979 nhà phê bình sang công tác ở Nhà xuất bản Hội nhà văn. Việc này có ảnh hưởng quyết
định đến những tác giả, những đề tài mà ông quan tâm cũng như ảnh hưởng tới cách viết của ông.
Năm 1977, ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.
Bắt đầu học tiếng Nga từ đầu thập niên 1970, Vương Trí Nhàn có một số bài dịch về một số
tác phẩm văn học và biên soạn một tập sách mang tên Sổ tay truyện ngắn dựa vào tài liệu tiếng
Nga.
Lúc đầu ông chỉ tập trung về mảng văn học đương đại. Đến đầu thập niên 1980, ông quan
tâm tới văn học sử, nhất là giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Tới đầu thập niên 1990, trước các hiện
tượng văn học quen thuộc, ông lại muốn ngả sang cách tiếp cận văn hóa học. Ông học thêm về lịch
sử, dân tộc học, xã hội học. Hiện nay ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu về các hiện tượng văn
hóa.
Tóm lại, hơn 30 năm, Vương Trí Nhàn đã có một quá trình liên tục tự học hỏi, làm mới
phong cách của mình.
1.1.2 Hơn 40 năm làm phê bình văn học
Về sự nghiệp phê bình văn học, lúc đầu ông chỉ tập trung về mảng văn học đương đại. Trong
tập phê bình – tiểu luận Bước đầu đến với văn học (NXB Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam,
1986), tác giả đã nêu cảm nhận của mình về một số nhà văn hiện đại như Chính Hữu, Phạm Tiến
Duật, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nam Cao... Ở mỗi tác giả, ông chọn ra những câu thơ tiêu
biểu, những truyện ngắn, bút kí để phân tích một số nét đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật và
đánh giá về những đóng góp của họ đối với văn học và cuộc sống hiện nay. Đặc biệt, Vương Trí
Nhàn cũng viết về các bài phê bình. Bước đầu đến với văn học cũng nêu lên một số suy nghĩ của
tác giả về nhà văn, bạn đọc, về các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn.
Thứ hai là tác phẩm Cánh bướm và đóa hướng dương, viết về chân dung các nhà văn dưới
nhiều lát cắt khác nhau, bằng những trải nghiệm của mình, theo cách riêng của mình. Tập sách phác
họa chân dung 39 nhà văn từ cổ điển tới hiện đại. Với các nhà văn cổ điển hay các nhà văn đã qua
đời từ lâu mà ông chưa có dịp tiếp xúc, Vương Trí Nhàn dành nhiều công sức khảo cứu và khái quát
phong cách của từng người: Tản Đà “tự nhiên, thành thực cùng một chút say sưa”, Ngô Tất Tố
“nhà nho thức thời, ngòi bút tình cảm”, Phan Khôi “hình ảnh còn lại”, Thạch Lam “về với cội
nguồn từ văn hóa”, Vũ Trọng Phụng “say mê và tâm huyết”, Hồ Dzếnh “người lữ hành đơn độc
trong nữa thế kỉ văn học”, Hàn Mặc Tử “hồn thơ siêu thoát”…Nhưng có lẽ đều đặn và sinh động
hơn cả là những trang viết về những đời văn kéo dài suốt hai nửa thế kỉ: Nguyễn Tuân, Xuân Diệu,
Tô Hoài, Nguyên Hồng, Tế Hanh, Thanh Tịnh,… và gần với chúng ta hơn: Nguyễn Khải, Nguyễn
Minh Châu,… Không chỉ qua tác phẩm mà còn qua chính cuộc đời của họ, Vương Trí Nhàn đã khắc
họa rõ nét những chân dung tác giả trong nền văn học nước nhà.
Thứ ba là tập phiếm luận Buồn vui đời viết (NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2000), tập hợp
những bài viết các mục sổ tay văn nghệ, tạp ghi, phiếm luận,… của tác giả trên các tờ báo. Với lối
trò chuyện thân mật, từ kinh nghiệm của một người trong cuộc, Vương Trí Nhàn đã phác họa lại đời
sống văn học với một ít ngóc ngách cụ thể của nó. Qua tập sách, tác giả đã đưa ra những ý kiến của
mình về phê bình văn học như bài “Phê bình trong cơ chế tự thỏa mãn”, “Làng văn có gì vui”,
“Trả giá ắt là đau đớn”, … về nhà văn như các bài “Bao giờ có mặt hàng riêng”, “Nhớ lại một
cuộc phiêu lưu có hậu”, …, về tác phẩm văn học và bạn đọc như bài “Ai biết hỏi ai”, “Còn phải
tính tới bạn đọc nữa chứ”,… Ở các bài viết khác ông phản ánh tình hình văn học hiện tại với một
số khía cạnh như: số phận của tác phẩm, những chuyện riêng của giới văn nghệ sĩ, những mặt trái
trong nghề cầm bút, những yêu cầu của thời đại đối với văn học.
Thứ tư là tập chân dung và phiếm luận Những kiếp hoa dại (NXB Hội nhà văn, Hà Nội,
2001). Với cách viết ngắn gọn, sinh động, Vương Trí Nhàn đã đề cập nhiều vấn đề của văn học Việt
Nam từ cận đại tới ngày nay và một số tác giả của văn học nước ngoài. Những tác giả của văn học
trung đại cuối thế kỉ XIX như Nguyễn Gia Thiều, Tú Xương, Hồ Xuân Hương đã được ông trình
bày một cách rõ ràng, đặc biệt ông tưởng tượng ra cuộc phỏng vấn của mình với Tú Xương và Hồ
Xuân Hương. Với văn học hiện đại, Vương Trí Nhàn cũng đi sâu tìm hiểu một số tên tuổi được xem
như tiêu biểu của mỗi giai đoạn văn học: Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyễn
Tuân, Vũ Bằng, Xuân Quỳnh, Nguyễn Huy Thiệp,… Với những trải nghiệm trong cuộc sống và
năng lực của bản thân, Vương Trí Nhàn đã khái quát được phong cách của mỗi tài năng trong nền
văn học. Ông cũng đã phân tích những con đường sáng tạo riêng của những tác giả và có những
phát hiện phong phú. Những phần sau của Những kiếp hoa dại Vương Trí Nhàn nêu lên một số vấn
đề trong đời sống văn học và những suy nghĩ, trăn trở của ông về văn học cũng như công tác phê
bình.
Thứ năm là tập chân dung văn học Cây bút đời người (NXB Trẻ, TP.HCM, 2002). Đây là
tập sách đạt giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội và Hội nhà văn Việt Nam năm 2003. Trong suốt cuộc
đời làm nghề, tác giả có điều kiện sống gần gũi với các nhà văn nhà thơ, ở cùng cơ quan, hàng ngày
trò chuyện với họ, cùng họ bàn bạc về công việc văn chương cũng như việc đời. Bên cạnh các tác
phẩm, mỗi nhà văn nhà thơ có một cuộc sống riêng với những nét tính cách độc đáo khác nhau.
Trong khi một số nhà phê bình có xu thế lý tưởng hóa những người viết văn, xem họ là những cây
bút tâm huyết thì Vương Trí Nhàn cho rằng những người viết văn cũng bình thường như bao người
khác, họ có cả những chỗ tầm thường lẫn chỗ cao quý, trừ một số tài năng sáng chói. Mỗi con người
đều có một số phận riêng, một tính cách riêng. Ngoài những tài năng sáng chói nổi bật trên nền văn
học nước nhà, tác giả còn tìm hiểu cuộc đời của những nhà văn không mấy nổi tiếng, phát hiện ra
những nét riêng, cách phấn đấu riêng và bi kịch riêng của đời họ. Trong tập sách này, ông tìm hiểu
về cuộc đời Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ với những bi kịch trong cuộc sống, từ đó giúp người
đọc có cái nhìn cảm thông, đồng cảm với những nỗi niềm trong tác phẩm của hai nhà thơ. Bên cạnh
đó, Cây bút, đời người còn đề cập đến hình ảnh của một số tác giả khác như Nghiêm Đa Văn,
Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thanh Tịnh,… đặc biệt trong đó tác giả còn tìm hiểu những nhà
phê bình Nhị Ca, Xuân Diệu. Chân dung các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình hiện lên thật đầy đặn và
sinh động. Có những người Vương Trí Nhàn đã từng trình bày qua các tác phẩm trước, ở đây vẫn
được tiếp tục trình bày một cách cụ thể, đầy đủ và đồng thời ông còn đưa ra những cách giải thích
mới về họ. Quả thật qua những trang sách về văn học đương đại này, độc giả có thể có thêm nhiều
bài học bổ ích trong việc tìm hiểu về tác giả và tác phẩm.
Tập tiểu luận, phê bình cuối cùng về mảng văn học trong nước là Nhà văn tiền chiến và quá
trình hiện đại hóa văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho tới năm 1945 (NXB Đại học quốc gia,
Hà Nội, 2005). Việc tìm hiểu và đánh giá văn học Việt Nam giai đoạn này có thể tiến hành theo
nhiều hướng. Trong tập sách, tác giả đã xem xét văn học lúc này như hình ảnh của một sự chuyển
biến mạnh mẽ mang ý nghĩa đặc biệt. Nền văn học bấy giờ phát triển theo xu hướng hội nhập với
văn học thế giới và đây là một giai đoạn đẹp đẽ, đáng ghi nhớ trong đời sống tinh thần của dân tộc.
Phần đầu tập sách là những bài trình bày các vấn đề mang tính chất lý luận như giới thuyết về khái
niệm hiện đại, sự phát triển của các thể văn xuôi như phóng sự, tùy bút. Sau đó Vương Trí Nhàn đi
vào các tác giả cụ thể như Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Khái Hưng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Thạch
Lam, Nam Cao,… Một số cây bút đã trở thành đối tượng miêu tả và đánh giá của nhiều công trình
nghiên cứu. Ở đây Vương Trí Nhàn “tìm cách chỉ ra cách làm văn học của họ, cách tồn tại của họ
trong văn học cũng như ý nghĩa xã hội mà người ta rút ra từ sự tồn tại này” [74, tr 8]. Đối với một
số trường hợp, ông còn “đi vào cách viết của họ, những đóng góp của họ về mặt hình thức thể loại,
nó cũng là phương diện cho thấy tinh thần hiện đại đã thấp sâu vào trong mỗi nhà văn và chuyển
thành những giá trị nghệ thuật mới mẻ” [74, tr 9].
Mảng văn học nước ngoài cũng là một nội dung nghiên cứu trong các tập sách của Vương
Trí Nhàn. Tập tiểu luận, phê bình Ngoài trời lại có trời (NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2003) tập hợp
chân dung của một số tác giả Nga như Dostoievski, Tchékhov, Meyerhold, tác giả Pháp như
Ehrenbourg, tác giả Mỹ như Hemingway, J. Baldwin, tác giả Anh như Maugham,… Những bài viết
gợi ra nhiều vấn đề về con người và văn học. Ẩn đằng sau nhiều bài viế._.t về văn học nước ngoài vẫn
là những thao thức về đời sống văn học Việt Nam từ những năm 1980 đến nay, như sự cấp thiết
phải thoát khỏi việc sa lầy vào chủ nghĩa quan liêu, làm sao để văn học trở thành chính mình, thành
một tiếng nói trung thực, có ích,…
Nhìn chung, những tác phẩm phê bình văn học của Vương Trí Nhàn đã phản ánh một cách
chân thực, sinh động quá trình phát triển của nền văn học và sự đa dạng của nó.
1.1.3 Qua tiếp nhận của đồng nghiệp
Về ý thức học hỏi của Vương Trí Nhàn, nhiều nhà phê bình đã đề cập đến. Nhà phê bình
Thiếu Mai phát biểu qua tập sách Hái giữa đôi bờ “Cây bút phê bình này khát khao "tự đào luyện
thành một trí thức chân chính, điều ấy càng ngày càng hiện lên như một mơ ước". Anh chịu khó học
hỏi, tích luỹ thường xuyên cho mình một thứ vốn liếng cơ bản về mọi mặt. Mặt khác anh có ý thức
thu nhặt, lượm lặt các câu chuyện dưới dạng chuyện phiếm, tiếu lâm trong cuộc sống, cũng như
quanh cuộc trò chuyện, tâm sự lúc trà dư tửu hậu của các văn nhân thi sĩ [61, tr146]. Trong bài viết
“Đọc Cánh bướm và đoá hướng dương” (trên trang web vuongdangbi.blogspot.com) nhà phê bình
Xuân Sách nêu lên cách thức làm việc của Vương Trí Nhàn: “Với lao động cần mẫn, học hỏi thể
nghiệm, với vẻ nhút nhát khiêm nhường, nhưng Vương Trí Nhàn luôn trăn trở tìm cho mình một
cách viết, một cách nghĩ và trau dồi bản lĩnh của người cầm bút. Có lúc đúng, lúc sai nhưng Vương
Trí Nhàn luôn kiên trì tin tưởng và theo đuổi con đường mong đạt tới sự thiêng liêng của nghệ thuật
chân chính. Vương Trí Nhàn đã tạo cho mình một khuôn mặt riêng đặc sắc” [100]. Vương Trí Nhàn
là một người luôn có tinh thần học hỏi, ông tích lũy kiến thức về cuộc sống theo nhiều cách khác
nhau. Với chỗ đứng của một người trong giới, ông càng có điều kiện thu nhận những câu chuyện
liên quan tới các nhà văn. Mặt khác, ông luôn trăn trở tìm ra một cách viết riêng, thể hiện bản lĩnh,
cá tính của mình. Ở đây ý kiến của các nhà phê bình về Vương Trí Nhàn cho thấy quan niệm về phê
bình của ông đã được thực hiện một cách đúng đắn.
Cách thức phê bình của Vương Trí Nhàn cũng được nhiều nhà phê bình khác quan tâm tìm
hiểu. Nguyên Trường trên trang web Báo eVan ngày 21/12/2006 thì nhận thấy: “Những trang viết
của Vương Trí Nhàn không bao giờ tẻ nhạt. Ông viết về chân dung các nhà văn dưới nhiều lát cắt
khác nhau, bằng những trải nghiệm của mình, theo cách riêng của mình” [123]. Và trên báo Lao
động ra ngày 31/7/1999, Lưu Khánh Thơ trong bài “Cánh bướm và đoá hướng dương”đưa ra ý
kiến:" Các chân dung văn học của Vương Trí Nhàn không phải là những bộ mặt tinh thần đầy đủ,
hoàn chỉnh của nhân vật đó, mà phần lớn chỉ là những nét phác hoạ, ấn tượng và đậm nét. Viết về
ai anh cũng cố gắng nắm bắt và chỉ ra cái "thần" của riêng người đó, ghi nhận cái độc đáo có một
không hai mà chỉ riêng họ mới có” [111]. Như vậy do tựa hẳn vào cảm nghĩ cá nhân nên Vương Trí
Nhàn có cách tiếp cận vấn đề riêng. Đặc biệt, những trang viết về chân dung nhà văn của ông khá
sâu sắc và độc đáo. Nhiều nhà phê bình đã đồng tình về cách thức phê bình này của Vương Trí
Nhàn và đánh giá ông rất cao.
Cuối cùng, về phong cách và giọng điệu phê phê bình của Vương Trí Nhàn, Ngô Thế Oanh
nhận xét: “Khi mực thước trân trọng, khi suồng sã thân mật, anh kéo ta đi cùng với anh qua những
tưởng tượng đôi khi thật phóng túng nhưng bao giờ cũng thú vị. Ta có thể không đồng ý với anh, có
thể trao đổi lại, tranh luận... nhưng bao giờ anh cũng giữ được cái duyên cho ngòi bút của
mình”(Bài “Sự tận tâm nghề nghiệp”, Báo Phụ nữ TP.HCM 30/7/1994) [92]. Hay một ý kiến khác
của Vũ Mạnh Tần đã khái quát được cách viết của Vương Trí Nhàn: “…là cách viết đa âm, nhiều
giọng điệu khác nhau. Nhiều bài viết mang phong cách báo chí, ngắn gọn, chính luận, có tính thời
sự”(Bài “Có một cách nhìn trong giọng bình văn”, Báo Hà Nội mới, thứ bảy 25-12-1993) [106]
Giọng điệu của Vương Trí Nhàn là giọng điệu của một người trong cuộc, kiến thức uyên bác,
nắm chắc những điều mình viết. Xuất phát từ chỗ đứng của một người trong giới, ông có cách nói
thân mật, tinh tế về những người bạn văn của mình. Điều này tạo nên một giọng điệu riêng khó lẫn
trong giới phê bình hiện nay. Ngoài ra giọng điệu lịch lãm, suồng sã cũng thể hiện phong cách phê
bình báo chí. Đây là một cách viết mới trong văn phê bình thời bấy giờ. Cách viết này tạo không khí
tranh luận dân chủ giữa nhà phê bình- nhà văn- bạn đọc, giúp cho văn phê bình lối cuốn hấp dẫn,
tránh dài dòng tẻ nhạt. Về biện pháp nghệ thuật, Vương Trí Nhàn thường sử dụng biện pháp so
sánh: : “Vương Trí Nhàn cảm nhận văn chương thường ưa thích vận dụng so sánh, liên tưởng nhà
văn này tới nhà văn khác, từ chuyện văn chương tới chuyện làm ăn, sinh hoạt nhằm cụ thể hóa sự lý
giải của mình”(Nguyễn Văn Thành, “Cánh bướm và đoá hướng dương”,Phụ san Việt Nam quân
đội (25/6/1999), [109]. Đây cũng là một biện pháp nghệ thuật được nhiều nhà phê bình vận dụng.
Nhìn chung, các nhà văn, nhà phê bình đã đánh giá cao Vương Trí Nhàn và tác phẩm phê bình
của ông. Các ý kiến bổ sung cho nhau, khá thống nhất. Những đóng góp của Vương Trí Nhàn về
phương pháp và phong cách phê bình đã được nhiều người thừa nhận.
Tuy nhiên cách viết chân dung của Vương Trí Nhàn cũng gây ra một số ý kiến tranh cãi trong
giới phê bình, sáng tác. Như gần đây, các bài viết “Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải” (trên các
trang web nguoibanduong.net. viet-studies.info, talawas.org), “Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách
gần” (trên trang web hoinhavanvietnam.vn) đã gây ra nhiều ý kiến, có những người phản bác như
Nguyễn Huệ Chi, Phạm Khải, Phan Thị Vàng Anh (như phần Lịch sử vấn đề mà luận văn đã trình
bày). Điểm chung của các ý kiến này là đều phê phán về việc Vương Trí Nhàn viết về mặt xấu của
các nhà văn. Như vậy những bài viết gần đây của Vương Trí Nhàn đã gây ra những mâu thuẫn, va
chạm trong giới nhà văn, nhà phê bình. Những sự kiện này cũng phản ánh đời sống văn học hiện
nay- luôn vận động với nhiều biểu hiện phong phú, phức tạp. Đồng thời do sự phát triển của công
nghệ thông tin với các hình thức báo mạng, những sự kiện văn học được nhiều độc giả quan tâm và
bàn luận.
Tóm lại qua tiếp nhận của đồng nghiệp, hình ảnh nhà phê bình Vương Trí Nhàn hiện ra là một
người ham học hỏi, tìm tòi, khao khát trở thành nhà phê bình chân chính. Ông cũng được ngợi ca là
nhà phê bình có phong cách riêng độc đáo. Điều này hết sức đúng đắn và đã được chứng minh qua
những trang văn phê bình của ông.
1.2. Quan niệm về văn học và phê bình văn học
Quan niệm là sự hình dung trước của con người về một công việc nào đó, hoặc nói rộng hơn
là về một vấn đề, một đối tượng khách quan, một sự kiện nào đó. Quan niệm vừa là sự nhận thức
đồng thời cũng là một hoạt động nhận thức biểu hiện năng lực tư duy của chủ thể sáng tạo. Quan
niệm có thể được bổ sung điều chỉnh, thậm chí có khi phải thay đổi do hoàn cảnh cụ thể trong quá
trình tiếp xúc với đối tượng, nhưng nó chính là cơ sở nhận thức luận có ý nghĩa quyết định thái độ
ứng xử và phương pháp tiến hành công việc nhằm đạt tới mục đích.
Trong các tập sách của mình, bên cạnh các bài phê bình – tiểu luận về các tác giả, Vương Trí
Nhàn đã đưa ra một hệ thống những quan niệm về một số vấn đề lý luận văn học và phê bình văn
học. Ông ý thức sâu sắc vai trò của tư tưởng, quan niệm trong quá trình lao động văn chương. Trong
khi đi sâu vào chân dung của các tác giả, Vương Trí Nhàn cũng đề cập đến vấn đề này. Ví dụ như,
nhận xét về tác phẩm của Nam Cao, Vương Trí Nhàn cho rằng: “Ẩn đằng sau cái việc làm kia, cố
nhiên tác giả đã phải bắt đầu với một quan niệm không phải là ai cũng dễ dàng chấp nhận được:
quan niệm rằng nghề viết cũng là một công việc như mọi nghề nghiệp khác” [ 75, tr81]. Hoặc khi
tìm hiểu về Xuân Diệu ông lại phát biểu ý kiến: “Hóa ra, lại cái phương châm cũ của Xuân Diệu:
Không sĩ diện. Mạnh dạn hút lấy tinh hoa của người khác” [70, tr285].
1.2.1. Quan niệm về văn học
1.2.1.1. Quan niệm về nhà văn và bạn đọc
1.2.1.1.1. Quan niệm về nhà văn
Là một nhà phê bình văn học, Vương Trí Nhàn quan tâm đến những khía cạnh của hoạt động
sáng tác. Trong Bước đầu đến với văn học ông đã nêu một số ý kiến về người cầm bút. Công việc
của người mới cầm bút cũng đầy rẫy những khó khăn gian khổ như mọi ngành nghề khác: “Đường
đi nước bước của một người mới cầm bút cũng bao gồm mọi chặng như một người thợ mới học
việc, một cán bộ khoa học trẻ trong những bước đầu” [75, tr104]. Người cầm bút nều có những
năng khiếu bẩm sinh thì hết sức may mắn. Nhưng nếu năng khiếu ấy không được rèn luyện thì nhà
văn không thể đạt được thành công. Quá trình rèn luyện phải được bắt đầu một cách tỉ mỉ, cẩn thận.
Người mới cầm bút phải chăm chút cho công việc của mình như những người làm những ngành
nghề khác trong buổi ban đầu. Và những công việc này “đòi hỏi phải thật hết lòng, thật tự nguyện,
không ai bảo mà tự mình buộc mình làm, lăn vào làm, say sưa, mê mải” [75, tr105]. Người cầm bút
phải đến với văn chương bằng tất cả tấm lòng của mình, vì một tình yêu say mê đối với văn chương
chứ không vì một mục đích nào khác. Trong Những kiếp hoa dại, Vương Trí Nhàn cho rằng để
đánh giá nền văn học của một nước thì “xem cách đào tạo những cây bút tiêu biểu sống cả đời bằng
nghề viết và trình độ những cây bút tiêu biểu đó so với các thời đại trước và so với trình độ ở các
nước khác” [72, tr182]. Như vậy, theo Vương Trí Nhàn nhà văn phải là người có cái tâm với nghề
và có quá trình rèn luyện trong một thời gian dài. Ở phần này ông đặc biệt nhấn mạnh: “… nhà văn
là kẻ đời đời khởi nghiệp, cuộc đời người viết chỉ có nghĩa ở chỗ luôn luôn là những cuộc làm lại từ
đầu” [ 72, tr182- 183]. Nhà văn phải luôn cố gắng, tận tụy trong từng tác phẩm, luôn tự làm mới
mình, chinh phục độc giả,… Có như thế, tác phẩm của anh ta mới có chất lượng và tồn tại với thời
gian. Còn nếu nhà văn chủ quan, ỷ lại, không phấn đấu, nhiệt tình với công việc thì tên tuổi của anh
sẽ mất dần đi trong đời sống văn học. George Sand cũng từng lí giải: “Nghệ thuật không phải là
một năng khiếu có thể phát triển mà không cần mở rộng kiến thức về mọi mặt. Cần phải sống, phải
tìm tòi, phải xào nấu lại rất nhiều, phải yêu rất nhiều và chịu nhiều đau khổ, đồng thời không ngừng
kiên trì làm việc” [107, tr121].
Đối với người cầm bút, Vương Trí Nhàn đặt ra một số yêu cầu. Ngoài sự nhạy cảm, tinh tế là
“một đặc điểm nghề nghiệp, một thứ tính trời cho, nhiều khì không hề có ý thức, có gắng gượng”
[72, tr106], ông còn cho rằng người cầm bút phải có một sự từng trải, một sự lịch lãm, và quá trình
làm việc nghiêm túc. Nhà văn phải có vốn sống phong phú, kinh nghiệm về cuộc đời và nếu anh ta
được sống trong những thời đại có nhiều biến động thì anh ta càng tích lũy được nhiều vốn sống:
“Thật đáng ao ước nếu anh luôn luôn được sống giũa những cơn xoáy của thời đại, nếu mọi thăng
trầm của cá nhân anh luôn luôn ăn khớp với mọi biến động của lịch sử, của nhân dân. Ấy là một
may mắn không cùng” [75, tr107]. Chính thực tế phong phú này sẽ là nguồn cảm hứng, chất liệu để
nhà văn sáng tạo. Lấy ví dụ cụ thể từ trong lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX, nhiều nhà văn, nhà thơ
như Puskin, Lecmôntôp, L. Tônxtôi đã tham gia vào cuộc đấu tranh chống chế độ nông nô đến mức
phải chịu khổ sai, tù đày, thậm chí hi sinh. Còn ở nước ta những nhà văn, nhà thơ trong những giai
đoạn đấu tranh của dân tộc cũng đi sâu vào cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân. Bên
cạnh đó, bản thân cuộc sống tuổi thơ của nhà văn cũng là một nguồn tư liệu quý giá để nhà văn
tham khảo. Từ đó, nhà văn tìm thấy mối liên hệ giữa cá nhân mình và mọi người: “mỗi cá nhân vẫn
có một khía cạnh điển hình của nó. Phân tích mọi người, mỗi người cũng tự phân tích mình luôn
thể. Bí mật của nghề văn là biến cho được cái riêng tư đó thành cái chung mọi người” [75, tr107].
Thông qua tác phẩm, nhà văn nói lên tâm trạng, suy nghĩ của mình đồng thời nói hộ tâm trạng, suy
nghĩ của mọi người. Cái hay của nhà văn là đọc tác phẩm, độc giả thấy hình ảnh bản thân mình
trong đó và nhận ra ở nhà văn một sự đồng điệu. Ngoài ra, vốn văn hóa của nhà văn có thể tạo dựng
nên bằng cách đọc sách: “Đọc sách là cách nhờ người khác gọi lên trong mình những gì sẵn có.
Đọc sách để vượt lên trên thời gian và tuổi tác, để có thể xuất phát ngay từ chỗ mọi người đã đến,
rồi đây dù mình chỉ nhích thêm một tí thì cũng vẫn là đóng góp của mình” [75, tr108]. Việc đọc
sách giúp cho nhà văn có thể làm chủ kho tàng văn học nghệ thuật của dân tộc và nhân loại cũng
như có kiến thức rộng rãi về nhiều mặt. Đó chính là phương châm mà người xưa từng truyền lại:
“Độc thư phá vạn quyển. Dụng bút như hữu thần” (Đỗ Phủ). Theo Vương Trí Nhàn, ý nghĩa của
việc đọc sách còn là giúp nhà văn nắm bắt những vốn văn hóa của thời đại mình đang sống để có
thể hòa nhập vào dòng chảy của thời đại. Đọc sách còn giúp nhà văn biết được những giá trị văn
học, văn hóa qua các tác phẩm vừa xuất bản, từ đó rút ra cho mình những kinh nghiệm riêng trong
quá trình sáng tác. Nhà văn đọc nhiều tác phẩm đương thời để thấy được đóng góp của mọi người.
Đến khi sáng tác tác phẩm, nhà văn sẽ có một hướng đi riêng để có thể có những đóng góp riêng của
mình đối với nền văn học hiện tại. Đối với Vương Trí Nhàn, những công việc để tích lũy vốn sống
phải: “xen kẽ vào nhau, xuyên thấm lẫn nhau, theo hàng ngàn kiểu, với hàng ngàn đường dây, ăn
nổi ăn chìm, không phải bao giờ cũng tách bạch được rõ ràng, có khi tưởng như không sao hiểu nổi
[75, tr108]. Như vậy quá trình tích lũy vốn sống là một quá trình lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi sự
tận tâm, kiên trì.
Con đường sáng tạo của nhà văn cũng là một hoạt động phong phú đa dạng không giống ai.
Mỗi nhà văn có những thói quen, những đặc điểm tâm lí khác nhau. Đứng trước những hướng đi,
việc chọn ra một hướng đi riêng cho mình đối với những người mới cầm bút là một việc khó khăn:
“Lúc đó, người viết như phải phân thân. Vừa làm tất cả công việc như mọi người, vừa phải tách ra
suy xét, tự mình xét mình, rồi tìm cách phô diễn, trao đổi [75, tr109]. Người viết phải tự nhận thức
quan niệm sống của mình, mặt mạnh mặt yếu của mình để tìm ra một con đường phù hợp. Và bằng
vốn sống, văn hóa của mình, người viết sẽ nhận ra nhiều điều quý giá: “Qua cuộc đời mình, từng
trải của mình mà nói những người khác. Từ một chi tiết bình thường đến những quan niệm lớn lao,
biết thứ gì là không cần cho mỗi người viết, biết thứ gì là không thể không mang vào trang sách nếu
mình đã nhập vào nó, đã chiếu rọi cho nó một thứ ánh sáng [ 75, tr109].
Giữa những người cầm bút, tuy mỗi người có một hướng đi riêng, một phong cách riêng
nhưng họ có mối quan hệ với nhau một cách chặt chẽ. Trước hết, nhiều phong cách khác nhau bổ
sung cho nhau: “Cũng giống như mọi nghề mọi ngành, ở đây có đủ bộ, đủ kiểu, đủ phong cách.
Những tính cách khác nhau bổ sung cho nhau” [75, tr111]. Việc trao đổi, trò chuyện với nhau giúp
các nhà văn rút ra kinh nghiệm cho bản thân: “Thường xuyên hơn, kỹ lưỡng hơn là những tâm sự,
những bàn bạc về cuộc đời, những ý nghĩ sau một chuyến đi, một ít điều thu hoạch được qua một
quyển sách. Thảng hoặc có đọc nhau và trực tiếp trao đổi về nhau thì những nhận xét cũng kín đáo
hơn, sắc nhọn hơn” [75, tr111]. Sau những lần trò chuyện, “ít tranh luận, gặp nhau để nghiền ngẫm
những ý nghĩ là chính” [75, tr112] các nhà văn, nhất là những người mới cầm bút tìm thấy cho mình
nhiều bài học. Họ cảm thấy “vừa có phần tự tin hơn, thấy mình hòa hợp trong những băn khoăn lo
lắng của bạn bè. Vừa thêm phần lo lắng cho việc viết, thấy mình phải cố gắng để xứng đáng với mọi
người” [75, tr112]. Như vậy việc tiếp xúc, trao đổi lẫn nhau hết sức bổ ích đối với những người cầm
bút, khiến họ nhận thức được vai trò, giá trị của mình và có thêm động lực để làm việc. Sự tin
tưởng, yêu mến của mọi người thôi thúc họ phải không ngừng nỗ lực để sáng tạo nên những tác
phẩm chất lượng. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa những người cầm bút còn là mối quan hệ với lớp
người đi trước: “Một mối quan hệ khác tính chất tình cảm sâu sắc trong mỗi lớp người mới viết còn
là những trao đi đổi lại với lớp người đi trước” [75, tr112] Lớp người đi trước ở đây thường là
những người nổi tiếng, có một vị trí nhất định trong nền văn học bấy giờ. Tên tuổi của họ đã in sâu
vào tâm trí thế hệ trẻ ngay từ khi thế hệ này vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ có thể được coi
như những người thầy, một số ngời trong lớp nhà văn trẻ còn chưa biết mặt họ: “Chúng tôi tự nhận
là những học trò, dù học trò không bao giờ biết mặt thầy cả”. [75, tr113]. Những bậc tiền bối đã
giúp đỡ những người mới cầm bút một cách nhiệt tình, chu đáo: “Các anh phân tích cặn kẽ và đầy
sức thuyết phục về từng bước đi, từng thành công và thất bại của chúng tôi. Ngược trở lại, chúng tôi
cũng sớm nhìn các anh như những người có thể tin cậy được để tâm sự, để nhờ trả lời cho bao
nhiêu khúc mắc trong lòng về cuộc đời nghề nghiệp” [75, tr113]. Đối với những người cầm bút,
việc học hỏi những người đi trước cũng là một cách thức để trau dồi và tích lũy kinh nghiệm, để tìm
tòi những con đường sáng tạo cho riêng mình. Gorki cũng đã từng khuyên các nhà văn trẻ: “Các
bạn hãy học viết ở tất cả các nhà văn có phong cách điêu luyện, nhưng các bạn hãy tìm lấy nốt
nhạc và lời ca của mình”. [127, tr135].
Như vậy có thể thấy qua quan niệm về nhà văn, Vương Trí Nhàn đã thể hiện khát khao tự
đào luyện mình thành một trí thức chân chính. Đối với ông, nhà văn phải làm việc hết mình, luôn cố
gắng tìm tòi, học hỏi để khẳng định bản sắc.
1.2.1.1.2 Quan niệm về bạn đọc
Nhà văn sáng tạo ra tác phẩm và tác phẩm đó được bạn đọc tiếp nhận. Bạn đọc cũng có một
vai trò quan trọng đối với quá trình sáng tác. Vương Trí Nhàn có kể lại việc trong thời gian công tác
ở chiến trường, trong những lúc rảnh rang ông trò chuyện với các chiến sĩ. Những người lính thì
“hỏi han về nhà văn này nhà văn khác, dường như đó là những người anh thân từ lâu, dù chưa bao
giờ anh gặp. Anh thăm dò thêm một vài chuyện nghe được về giới văn nghệ” [75, tr118]. Sự yêu
thích sách, quan tâm tới đời sống văn học của bạn đọc tác động không nhỏ đối với người viết:
“Những lần trò chuyện như vậy bao giờ cũng mang lại cho cả hai bên những niềm vui, nó cũng
chính là sự tiếp xúc thường xuyên của người đọc đối với những người viết” [75, tr118].
Người đọc đông đảo nhất trong số lượng công chúng của thị trường văn học là người đọc phổ
thông, bình thường. Trong các thành phần đa dạng của công chúng văn học, bao giờ cũng hiện hữu
loại người đọc tích cực, có trình độ cao. Đó là những người có hiểu biết về văn học và luôn bày tỏ
sự cảm thông, chia sẽ nỗi lo âu và niềm khát vọng sáng tạo của tác giả. Theo Vương Trí Nhàn thì
“Rất nhiều người viết đã nói về những ngạc nhiên trước trình độ hiểu biết và tấm lòng ưu ái văn
học khá sâu sắc ở những người đọc mới” [75, tr119]. Những người đọc này chính là nguồn động
viên khuyến khích, là nguồn cảm hứng đối với tác giả. Hơn nữa họ thúc đẩy người viết có những
khám phá riêng, tích cực đóng góp vào nền văn học.
Trong việc quan tâm đến đời sống văn học, người đọc chú ý nhất đến những tác phẩm văn
học hiện tại: “Nhưng có lẽ điều người đọc quan tâm nhất phải là những tác phẩm văn học hiện nay,
những tác phẩm hàng ngày hàng giờ ra đời, đi theo mọi chặng đường gian lao, có khi đến với người
lính ngay ở tuyến trước” [75, tr120]. Người đọc hiểu rõ những tác phẩm theo sát thời sự đó ảnh
hưởng trực tiếp đến đời sống của họ, giúp họ nắm bắt tình hình xã hội đương thời. Đặc biệt đối với
Vương Trí Nhàn, khi ông tham gia kháng chiến và bắt đầu cầm bút, bạn đọc – những người lính có
ý nghĩa rất quan trọng đối với ông và các nhà văn. Những người lính này hiểu rõ vị trí của mình
trong văn học bấy giờ và ý thức được cuộc sống của họ là một thực tế lớn lao để nhà văn phản ánh.
Vì thế họ phát huy vai trò bạn đọc của mình: “Anh không bằng lòng chỉ là một người đọc thụ động.
Hơn thế nữa, anh còn muốn là một người kiểm tra những điều nói tới trong văn chương. Chính đây
là chỗ xuất phát quan trọng, mà cũng là chỗ khác nhau rõ rệt giữa người đọc hiện nay và những
người đọc trước kia. [75, tr120]. Người đọc không chỉ tiếp nhận tác phẩm để thưởng thức, hiểu rõ
tâm tư tình cảm của nhà văn cũng như các vấn đề của cuộc sống mà còn xem xét lại tác phẩm để
biết nó có phản ánh đúng hiện thực hay không. Qua đó ta thấy người đọc hiện nay đóng vai trò chủ
động và tích cực hơn so với người đọc trước kia. Như vậy nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã nhận
thức rất rõ vai trò của bạn đọc – những người lính, ông rút ra một nhận xét: “Một nhận thức quan
trọng đã ăn sâu vào suy nghĩ của người đọc kia. Các anh nắm được sức mạnh lợi hại của văn nghệ.
Các anh dành cho người viết một lòng tin thật sự và mong đợi ở văn nghệ khá nhiều” [75, tr121].
Một lớp người đọc giàu hiểu biết, giàu niềm tin vào nhà văn và nền văn học như thế sẽ góp phần
làm cho văn học phát triển. Những nhà văn chân chính, có lương tâm hẳn sẽ cố gắng không ngừng
để sáng tạo các tác phẩm đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Theo Vương Trí Nhàn, đối với bạn đọc – những người lính bấy giờ, văn học có một sự tác
động lớn lao, văn học trở thành vũ khí tuyên truyền cách mạng, góp phần cổ vũ cho công cuộc
kháng chiến của dân tộc. Những tác phẩm văn học thúc giục người lính lên đường chiến đấu: “Đó
là vai trò đặc biệt của nền văn học trong bốn mươi năm cách mạng, kể cả những tác phẩm mới viết
trong những năm chống Mỹ gần đây” [75, tr122]. Và người đọc ngày càng có tình cảm gắn bó với
người viết: “Càng ngày các anh càng có những chỗ thông cảm với người viết, dần dần nắm chắc
tiếng nói riêng của nghệ thuật, thấu hiểu cho những vui buồn của một người trong nghề” [75,
tr122]. Với tình cảm thân thiết này, người đọc phản ánh, trao đổi ý kiến với người viết. Tác phẩm
văn học nhận được tiếng vọng và sự cộng hưởng của độc giả. Một bài văn, bài thơ khi ra đời, đều
nhận ngay được sự khen chê của công chúng: “Kịp đến khi đôi bên thân thiết như bạn bè, người
chiến sĩ sẽ nhờ người viết trao đổi thêm ý nọ ý kia, và ngược trở lại, mạnh dạn nói thêm ý kiến của
mình về các tác phẩm” [75, tr122].
Vương Trí Nhàn đặc biệt nhấn mạnh rằng đối với người mới cầm bút, việc thiết lập được mối
quan hệ giữa họ với người đọc rất quan trọng: “Kỳ thực sự tìm hiểu và lắng nghe người đọc vốn là
một công việc thường xuyên, chi phối rất nhiều tình cảm mỗi người viết, nó cũng là một đảm bảo
đầu tiên đối với công việc cầm bút” [75, tr124]. Ông chỉ rõ thị hiếu của người đọc cũng giữ vai trò
rất lớn đối với việc sáng tác tác phẩm, người mới cầm bút nên tìm hiểu các đối tượng người đọc
trong thời đại của mình: “Tôi cho rằng trước hết phải đặt người đọc hiện nay vào chính cương vị xã
hội của họ. Đó là tất cả những người bình thường. Những cán bộ, những chiến sĩ, người kỹ sư và
người bán hàng… Với những công việc, những lo toan thiết thực của họ” [75, tr124]. Từ đó người
viết tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của họ, “khẩu vị văn học” của họ. “Khẩu vị văn học” này sẽ
không ngừng thay đổi theo thời gian: “Mỗi bài một ít, dần dà, người đọc sẽ lấy ở từng người viết, ở
tất cả những người viết một lối nhìn, một cách nghĩ, từ đó sinh ra những đòi hỏi mới, những mong
mỏi mới” [75, tr125]. Và như vậy nó thúc đẩy người viết phải tiếp tục sáng tạo để đáp ứng thị hiếu
của người đọc. Qua đó ta thấy Vương Trí Nhàn hết sức đề cao bạn đọc và đề ra yêu cầu cao đối với
việc tạo nên mối quan hệ người đọc- người mới cầm bút.
Nhìn chung, những quan niệm về nhà văn và bạn đọc của Vương Trí Nhàn được trình bày
một cách chặt chẽ, hệ thống trong những câu chuyện về những người chiến sĩ. Với cách viết nhẹ
nhàng ông đã đưa ra cách nhìn riêng của mình đối với một số vấn đề lý luận văn học.
1.2.1.2. Quan niệm về các thể loại văn học
Trong các tập sách của Vương Trí Nhàn, có những bài viết về các thể loại văn học như
truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, kí,… Về thể loại truyện ngắn, ông có hẳn một tập Sổ tay truyện
ngắn gồm các ý kiến của một số nhà văn nước ngoài và Việt Nam về truyện ngắn cũng như ý kiến
riêng của ông. Về thể loại tiểu thuyết, tập sách Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt
Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 do Vương Trí Nhàn sưu tầm biên soạn đã tập hợp các ý kiến
của các nhà văn về tiểu thuyết. Bên cạnh đó, ông còn có những bài viết trình bày một cách cụ thể về
hai loại truyện ngắn và tiểu thuyết, chủ yếu trong tập sách Bước đầu đến với văn học. Các thể loại
khác chỉ được trình bày trong một vài ý kiến nhỏ khi nghiên cứu về sự phát triển của chúng. Như
vậy có thể nói tiểu thuyết và truyện ngắn là hai thể loại tiêu biểu nhất trong các trang viết về thể loại
văn học của Vương Trí Nhàn.
1.2.1.2.1. Quan niệm về tiểu thuyết
Tiểu thuyết là “hình thức tự sự cỡ lớn đặc biệt phổ biến trong thời cận đại và hiện đại. Với
những giới hạn rộng lớn trong hình thức trần thuật, tiểu thuyết có thể chứa đựng lịch sử của nhiều
cuộc đời, những bức tranh phong tục đạo đức xã hội, miêu tả cụ thể các điều kiện sinh hoạt giai
cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng” [60, tr387]. Nhân vật tiểu thuyết là một loại nhân vật đặc
biệt, khác hẳn với nhân vật sử thi, nhân vật kịch. Trong các bài viết của mình, Vương Trí Nhàn chủ
yếu trình bày quan niệm về nhân vật tiểu thuyết. Ông cho rằng: “Một số tính cách trong các tiểu
thuyết của ta hiện nay mặc dù đã được những tay nghề thành thạo miêu tả, khá tinh tế, hấp dẫn,
nhưng sao vẫn cứ như đứa trẻ đứng trước người lớn. Ít nhiều “họ” còn thiếu sinh sắc” [75, tr142].
Sau đó ông đưa ra lý do để lý giải vấn đề này. Đặc điểm của các thể loại văn học nói chung và tiểu
thuyết nói riêng là: “Về đại thể, thế giới trong tác phẩm là một thế giới dễ hiểu hơn so với cuộc đời
thực. Cuộc sống bao giờ cũng phức tạp, nó triển khai vô tận trong không gian và nối tiếp thường
xuyên trong thời gian. Người nghệ sĩ mang lại cho nó một sự hạn chế, ít thì một vài câu thơ, cùng
lắm độ nghìn trang tiểu thuyết. Trong một khung cảnh nhất định, nhân vật văn học phức tạp nhất
cũng bị thu hẹp, bị cắt xén” [75, tr142]. Như vậy hiện thực đời sống và nhân vật trong tác phẩm bao
giờ cũng bị giới hạn hơn so với thực tế. Tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt của cuộc sống, phản
ánh cuộc sống ở một khía cạnh nào đó. Nhân vật trong tác phẩm là phương tiện cơ bản để nhà văn
khái quát cuộc sống hiện thực một cách hình tượng. Vì vậy hình ảnh nhân vật cũng chỉ phản ánh
một phần nào đó của hình ảnh con người trong cuộc sống. Tiếp theo Vương Trí Nhàn rút ra ý kiến:
“Nhân vật không hiện lên được, bởi nó chưa có cái động cơ thúc đẩy mọi hành động cử chỉ, quy
định mọi mặt tính cách, cũng tức là chưa có bộ mặt thật. Và vì lý do ở đây, như chúng ta đều biết,
trong một số trường hợp, là do người viết còn dừng lại ở những biểu hiện thuộc về bề nổi của nhân
vật” [75, tr142-143]. Theo ý kiến của nhà phê bình này nhân vật không hiện lên sinh động được vì
nhà văn mới chỉ miêu tả ở những biểu hiện bề ngoài như tiểu sử, nghề nghiệp, hành động, … chưa
đi sâu tìm hiểu thế giới bên trong phong phú của nhân vật. Vì lẽ đó, tiểu thuyết phải khắc họa được
hoàn cảnh, cuộc đời, số phận của nhân vật, đặc biệt là sự phát triển tính cách của nhân vật: “Có
điều, nói tới số phận, cái chính vẫn là xem xem có phải tác phẩm đã tìm thấy quy luật phát triển của
nhân vật, chỉ rõ nhân vật trong nhiều bình diện tính cách của nó” [75, tr143]. Tính cách theo ý
nghĩa chung nhất, là sự thể hiện các phẩm chất xã hội lịch sử của con người qua các đặc điểm cá
nhân, gắn liền với phẩm chất tâm sinh lý của họ. Điều quan trọng đối với nhà văn là phải nắm được
mối liên hệ bên trong của tính cách: “Thực chất của số phận là mối liên hệ bên trong của tính cách,
cái thần của tính cách, do hoàn cảnh quy định. Khi đã nắm được cái đó rồi, thì dựng lại một quảng
đời ngắn, hay đi vào nhân vật từ bé đến lớn, là chuyện tùy ý, đằng nào cũng được” [75, tr144]. Tính
cách và hoàn cảnh có mối liên hệ mật thiết với nhau, không thể tách rời. Những điều kiện kinh tế,
chính trị, văn hóa,… của gia đình, địa phương, xã hội, thời đại; những địa điểm hoạt động cụ thể
của nhân vật; những mối quan hệ cụ thể của nhân vật với mọi người, với cuộc sống,… đều tác động
đến sự hình thành tính cách của nhân vật. Trong khi thể hiện tính cách của nhân vật, nhà văn có thể
chú ý tới những thời điểm ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của nhân vật: “Thời gian chỉ có khoảnh khắc,
mà mức độ biến đổi trong con người mình rất lớn, vượt xa hàng tháng hàng năm trì trệ. Đó là
những giây phút số phận, có thể là đất triển khai văn học, đôi khi là điều kiện để có thể có những
tác phẩm có sức bao quát lớn” [75, tr144].
Khuynh hướng của tiểu thuyết là sinh động, chân thực, gần gũi với đời sống. Nhân vật tiểu
thuyết phản chiếu hình ảnh của đời sống nên nó cũng phải chân thực. Vương Trí Nhàn cho rằng:
“Nhà văn chỉ có thể trở nên chân thực khi để cho nhân vật của mình đóng được những vai khác
nhau, mà vẫn chỉ rõ đó là một con người thống nhất” [75, tr146]. Nhân vật trong tiểu thuyết có thể
được xây dựng từ những nguyên mẫu của đời sống kết hợp với sự hư cấu sáng tạo riêng của nhà
văn. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội , cũng như hình ảnh của con người trong
cuộc sống, nhân vật được khai thác theo nhiều khía cạnh khác nhau, đóng những vai khác nhau
trong những mối quan hệ với mọi người. Thông qua sự va chạm, cọ xát với những tính cách khác,
tính cách nhân vật càng được thể hiện rõ. Khi nhân vật được khai thác ở nhiều bình diện thì nhân
vật càng đạt đến sự chân thực và điều này làm nên giá trị của nhân vật: “Khi ấy nhân vật sẽ luôn
luôn hiện ra nhiều vẻ, khiến người theo dõi phải chú ý” [ 75, tr146]. Lúc ấy nhân vật trở nên lôi
cuốn, hấp dẫn, gây được nhiều hứng thú cho người đọc. Người đọc hồi hộp theo dõi sự biến động
trong tính cách của nhân vật và ngạc nhiên khi khám phá những điều ._.ng nhờ . Mà tự nó bài phê bình viết hay đã là một giá trị.
Tôi không dám nói là tôi đã đạt được cái chuẩn này. Nhưng tôi hướng tới nó.
Nếu đôi khi người ta có nói tới sự thành công, tôi hiểu đó là vì tôi cũng có được một số người
đọc; có những bài viết của tôi viết từ năm mười năm trước, đọc lại người ta vẫn thấy nó có liên quan
tới ngày hôm nay.
Sau khi đọc bài viết của tôi về Xuân Diệu ( in trong Cây bút đời người ), một độc giả cao tuổi
nói với tôi” Khối quan chức cỡ kha khá sống như kiểu Xuân Diệu mà cậu mô tả”. Những lời khen
loại này làm tôi sung sướng vô kể.
Bí quyết của tôi ư? Tôi cho rằng đó là nhờ tôi biết đặt văn học ta nói chung phê bình ta nói
riêng trong cái mạch của văn chương nói chung theo cả hai trục là trục dọc lịch sử và trục ngang
thờì đại.
Văn học ta cũng đã và đang phát triển theo những quy luật chi phối sự phát triển các nền văn
học khác. Hiện nay ở ta phê bình chỉ là một thứ phụ tùng tô điểm cho sáng tác, nhưng ở các nền văn
học hiện đại, phê bình là một thứ tự ý thức của văn học. Vậy ta phải học cách viết của họ -- xin tạm
tóm tắt nhận thức chi phối tôi là vậy.
Lúc bắt đầu về làm báo và coi hoạt động là nghề chính của mình, cũng là lúc tôi để hết sức lực
học ngoại ngữ ( dù chỉ để đọc sách ). Ngay khi chưa nắm chắc tiếng Nga tôi đã tìm đọc không chỉ
tiểu thuyết, thơ mà cả báo chí xô viết và các bài phê bình in trên các tờ Văn học, Thế giới mới,
Những vấn đề văn học …
Tôi coi việc tìm hiểu văn học nước ngoài là yếu tố sống còn có tác động sâu sắc tới việc nghiên
cứu văn học VN của mình.
Kết quả cụ thể là tôi thường loay hoay tìm cách viết một thứ phê bình không phải như ở chung
quanh tôi, các đồng nghiệp đang viết. Mà có hơi hướng thứ phê bình tôi đọc được ở nước Nga xô
viết hồi ấy. Trong chừng mực nào đó, còn có thể nói ở đây bóng dáng của thứ phê bình ở các nước
phương Tây mà các nhà phê bình nghiên cứu Nga giới thiệu cho độc giả nước họ.
Xin nhắc lại là không phải cái gì tôi muốn là đã tự khắc làm được; trên con đường mà tôi xác
định phải đi, tôi chỉ bước được một khoảng ngắn; nhưng tôi có thể yên tâm mà nói là đã đi tìm và có
vẻ như đã bước được vào con đường đúng.
Vậy thì bài học tôi rút ra cho mình là người làm phê bình nói riêng người làm văn học nói chung
không dễ dãi trông chung quanh, không lấy việc bắt chước những bậc đàn anh làm mục đích. Mà
phải nhìn rộng ra các nền văn học khác. Trong điều kiện thời tôi trẻ, khi xã hội VN tách mình ra
khỏi thế giới, tôi vẫn tìm cách để hội nhập với thế giới. Nay thuận lợi hơn, các bạn trẻ nên khai thác
ưu thế này triệt để.
8/ Những kiến thức ở đại học có giúp ông ít nhiều? Khi viết phê bình, ông có thường tham
cứu lý luận văn học?
Việc học đại học là rất cần, nhưng chỉ là cơ sở. Tôi cho rằng người sinh viên sau khi ra trường
phải học thêm nhiều, phải vượt lên, phải phủ định ( theo nghĩa triết học) những gì đã học. Nếu quan
niệm có sự giúp của mấy năm đại học thì là giúp ở vai trò kích thích đó.
Còn tham cứu lý luận ư, tham cứu nhiều chứ. Nhưng tôi làm theo cách của tôi là tìm cách
đọc bản gốc, hoặc bản đã dịch ra tiếng nước ngoài khác, chứ không qua môi giới là các “nhà lý
luận” VN. Trong một bài viết có in lại trong tập Phê bình & tiểu luận mới đây (2009), tôi đã nhắc
lại nhận xét của các học giả đi trước là ở ta có cây bút nghiên cứu lý luận nào đâu, ông cha ta không
có truyền thống làm lý luận và đến thời nay cũng vậy. Nhìn mấy nhà tự xưng là thạo về lý luận,
thấy thực ra họ chỉ làm việc chuyển tải kiến thức nước ngoài, ai giỏi thì học được cái hay, ai thô
thiển dung tục thì khuân về một đống lù lù đấy, rồi hô lên là mình mới là người đi tiên phong trong
việc mang các lý luận này vào VN. Để làm bằng cấp rồi đi dạy kiếm sống thì thôi cũng vui lòng ủng
hộ nhau, chứ đâu đã gọi là nghiên cứu với lý luận theo đúng nghĩa.
Tại sao đã khá nhiều người thử áp dụng các thứ lý luận mới nhất vào việc nghiên cứu văn học
VN, mà không mấy ai thành công ? Trong nhiều lý do, có lý do sau: tầm của chúng ta thường thấp,
khả năng bao quát hạn chế.
Cần nhớ rằng phải mọi lý luận đều xuất phát từ một cái nền văn học sử nào đó. Người ta không
thể hiểu lý luận về tiểu thuyết phương Tây, nếu không đọc qua để bao quát mọi chặng đường tiểu
thuyết và có cách cảm thụ riêng với những cuốn tiểu thuyết cơ bản từ Don Kihote, Đỏ và đen tới Đi
tìm thời gian đã mất, Ông già và biển cả...
Về phần mình khi nghiên cứu về truyện ngắn, tôi đọc kỹ hai loại sách 1/ bản thân tác phẩm của
các bậc thầy truyện ngắn từ G. Maupassant, A. Tchekhov, tới A. Moravia, S. Maugham. 2/ các
công trình nghiên cứu khảo về truyện ngắn của các bậc thầy này. Thú thực là nhiều khi tôi lại hiểu
một vấn đề lý luận toát ra từ các công trình văn học sử rõ hơn là khi đọc lý luận chay.
Với quan niệm như vậy, thì việc tham cứu lý luận là bắt buộc với mọi người viết phê bình. Tôi
thường vẫn tiếc là chưa đọc được nhiều.
Chưa áp dụng thành công thì phải học thêm chứ không phải quay về bình tán hoặc khoe mẽ với
nhau, như bây giờ nhiều người yên tâm làm.
Tôi cũng từng được nghe mấy nhà phê bình “ cây da cây đề” tuyên bố là chỉ cần cảm thụ. Đó
là quyền của các vị ấy, và ai thích theo là quyền của họ. Tôi theo con đường khác. Dù tôi khi viết
không dẫn ra, nhưng trong đầu, các kiến thức về phương pháp xu hướng vẫn đứng đó như những
điểm đối chiếu, và trong thực tế là tôi học theo những gì tôi tin tưởng. Việc tìm hiểu lý thuyết không
hại mà còn kích thích thêm sự cảm thụ của tôi.
Trong số những cuốn sách gây ấn tượng nhất cho tôi trong mấy năm gần đây ( tính từ 2000 )
có cuốn Dẫn giải ý tưởng văn chương của tác giả Henri Benac, Nguyễn Thế Công dịch NXB Giáo
dục 2008.
Đây là một thứ từ điển phổ thông trình bày các khái niệm văn học được sử dụng ở phương Tây.
Giá kể được biết nó từ sớm có lẽ hồi trẻ, tôi đã có thể làm việc tốt hơn.
Sau hết, tôi muốn nói thêm hai điều : một là phải học tập lý luận văn học đồng thời với tìm
hiểu học hỏi các môn khoa học xã hội khác như lịch sử, triết học, xã hội học, tâm lý học, văn hóa
học và cả khoa học tự nhiên như vật lý học, sinh học… nữa. Nếu không đọc rộng ra, thì người ta sẽ
không bao giờ hiểu được lý luận văn học. Hai là xét ở trình độ phát triển thì cái mà chúng ta cần
học hỏi cho nhuần nhuyễn là các thứ lý luận đã thành cổ điển. Chứ còn những thứ thật mới thật tân
thời chỉ đúng cho những nền văn học đã phát triển hoàn chỉnh, cố mang về gán ghép cho văn học ta
chỉ là làm trò nhận vơ học đòi, không bao giờ giúp cho ta hiểu về ta được.
9/ Ông có quan tâm đến kỹ thuật viết?
Quan tâm nhiều chứ. Từ kỹ thuật viết câu dùng chữ đến kỹ thuật theo đuổi một bài viết dài.
So với kỹ thuật viết truyện viết bút ký ký sự, thì kỹ thuật trong việc viết phê bình có những điểm
chung lại có những điểm riêng. Đó là loại kỹ thuật phối hợp cả thể tùy bút (essai ) lẫn thể tiểu luận (
etude).
Có một thứ thuộc loại quan trọng nhất với người viết phê bình là kỹ thuật viết văn xuôi. Tôi
học những kỹ thuật này qua việc đọc các công trình của các bậc thầy phê bình.
Ở trên tôi đã dẫn ra nhận xét là cách viết phê bình của tôi gần với cách viết loại bài của các
nhà sáng tác. Thật ra thì đấy không phải ngẫu nhiên mà là một việc tôi làm có ý thức.
Chẳng hạn với tôi, Xuân Diệu không chỉ là nhà thơ mà còn là nhà văn xuôi độc đáo, bao gồm
cả hai thể bút ký và tiểu luận tôi nói ở trên. Một vài phương diện văn xuôi tiếng Việt được ông khai
thác đến cùng. Bài Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ ( đọc tập thơ Từ ấy của Tố Hữu) viết 1961 là mẫu
mực của việc tiếp cận tác phẩm, đặt tác phẩm trong văn mạch thời đại.
Còn bài Đọc lại Nguyễn Du trong Thi hào dân tộc Nguyễn Du thì lại là một mẫu mực của việc
thay đổi cách viết đã quá quen để sử dụng một hình thức rất tự do. Đầu đuôi là như thế này. Chung
quanh Nguyễn Du trước sau Xuân Diệu viết nhiều bài khác nhau. Nhưng còn nhiều tài liệu ông đã
chuẩn bị mà không biết dùng vào đâu. Thế là ông chọn hình thức “nghĩ gì viết nấy”. Tự ông thú
nhận “ Bài viết này tôi phải chia làm các đoạn nhỏ với những tên đoạn chỉ vì không viết cho liền
được một mạch bài có bố cục lô-gích đầu cuối giữa hẳn hoi đành mượn lối viết của nhà văn
Nguyễn Tuân : Tản mạn chung quanh một áng Kiều” ( Xem Xuân Diệu. Thi hào dân tộc Nguyễn
Du, Nxb Văn học 1966, tr 120) . Sinh thời, khi nghe tôi thán phục cách viết của bài Đọc lại Nguyễn
Du này, Xuân Diệu bảo “ Cậu cũng biết thế cơ à?! Tinh đấy.”
Chúng ta đang nói về kỹ thuật dựng bài, tìm thể loại và giọng điệu cho bài. Tôi cho là cách tổ
chức nên bài phê bình người ta dạy trong các trường đại học và các lớp viết văn ở ta quá đơn điệu
và tẻ nhạt. Tôi không muốn đi theo lối mòn đó.
Với những bài mà tôi cho là mẫu mực, tôi để công tìm hiểu cả cái cách mà tác giả khai phá cho
mình cốt tìm ra cái hình thức ấy.
Tôi rất thích cái cách Gorki viết từng đoạn về L.N. Tolssoi trong phần chân dung Tolsoi của
ông.
Tôi đã học chính cách viết của Xuân Diệu trong hai cảm nhận về cái chết của Tản Đà để viết
nên bài Khả năng tỏa sáng viết khi chính Xuân Diệu qua đời. Bản thân ý niệm ánh sáng, tỏa sáng
cũng là thấm vào tôi từ Xuân Diệu.
Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài ông tường thuật Đại hội Văn nghệ lần thứ nhất ở Việt Bắc
1948 ( có in lại trong Mài sắt nên kim,1977), để cố hiểu làm thế nào mà một bài báo thời sự mang
tính chất tường thuật có thể có giá trị lâu dài.
Trong khi rèn cho mình kỹ thuật viết văn xuôi tiếng Việt, tôi học ở Xuân Diệu từ cách tạo
những giọng khác nhau trong một văn bản, tới cách dùng dấu chấm phẩy. Trong những trường hợp
thành công, văn xuôi Xuân Diệu đầy nhạc điệu mà lại không rơi vào biền ngẫu. Nếu chỉ lấy một ví
dụ thôi, tôi sẽ kể bài Tố Hữu với chúng tôi ( cũng lại về Tố Hữu) viết tháng giêng 1975 và có in
trong Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy. Đôi khi bốc lên một chút, tôi muốn bảo bài này
đáng xếp vào những áng văn xuôi tiếng Việt hay nhất mà tôi biết.
Toàn tập Xuân Diệu do NXB Văn học làm năm 2001 gồm sáu tập, thì thơ chỉ chiếm một còn
năm tập kia là văn xuôi. Rất nhiều bài trong đó như được ông kéo dài ra làm nôm na đi để thích
hợp với đại chúng trong nước, nên đọc rất mệt. Nhưng một bài như bài Tố Hữu với chúng tôi được
viết cho độc giả phương Tây thì đạt đến cái trình độ cô đọng mà chúng ta quen với văn xuôi Xuân
Diệu trước 1945.
10/ Có tác phẩm/ tác giả/ vấn đề văn học nào mà ông chú ý, nhưng chưa viết được?
Tôi là loại khổ vì quá nhiều ý định mà lại không có khả năng thực hiện. Ấy là không kể với tất
cả những gì đã viết ra, về sau đọc lại, tôi luôn luôn cảm thấy có thể viết tiếp và viết khác.
Ví dụ vào những ngày này (3-2010 ), tôi thấy những cách tân trong thơ Trần Dần đang được bàn
đến một cách nghiêm túc, tôi cũng có một số ý muốn viết. Tôi đã từng theo dõi các vấn đề này và từ
1995, trong một cuộc hội thảo đã có tham luận mang tên Số phận những tìm tòi hình thức trong thơ
Việt Nam từ sau 1945 ( trường hợp Nguyễn Đình Thi.) Nay có viết về Trần Dần là có sẵn sự chuẩn
bị chứ không phải thấy mọi người chú ý thì nhẩy bổ vào.
Song, lại có nhiều việc cần kíp hơn thu hút, nên đành chịu.
Chưa kịp viết một hai vấn đề tâm đắc, nhưng tôi có một niềm tin, những gì mình đã nghĩ kỹ,
không nói lần này thì nói lần khác. Phê bình không chỉ là thứ hàng tươi sống mà còn là thứ hàng
khô. Các ý tưởng sâu sắc mãi mãi sống động. Không việc gì phải vội công bố những suy nghĩ dang
dở.
11/ Thời gian trung bình dành cho một bài viết của ông là bao lâu?
Cũng tùy, tôi chỉ có niềm tin, cái gì mà mình viết nhanh, đó là những cái mình đã chuẩn bị kỹ.
Bởi vậy, khi nào thấy viết khó là tôi bỏ luôn, quay ra nghĩ lại và tìm thêm tài liệu đã, rồi tới lúc thấy
rằng “không chừng bài này có thể viết nhanh” thì mới vào cuộc thật sự. Bài nào mà càng viết càng
thấy hào hứng tôi mới tin là được.
Có một kinh nghiệm tôi rút ra cho mình như sau. Thường tôi khổ tâm vì thấy mình đọc được ít
quá, viết chậm quá, so với các đồng nghiệp nước ngoài thì chẳng những về chất mà về lượng mình
cũng kém xa. Nóng ruột, hay đúng hơn là lúc điên lên, tôi tự thả cho ngòi bút của mình viết liều viết
vội. Chết một nỗi là sau đọc lại thấy tất cả những thứ viết nhanh ấy đều đáng vứt đi. Hóa ra tạng
của mình là viết ít và viết từ từ, chứ không thể viết nhanh như mọi người được, nên quay trở về theo
lối cũ, thôi số phận đã vậy.
12/ Ông thích nhất tác phẩm nào của mình? Tại sao? Có tác phẩm nào ông muốn quên đi?
Khi Cây bút đời người được in ra và có dư luận, tôi nghĩ thế là mình có thể chết được rồi. Còn
các cuốn khác, nếu bảo thích thì tôi vẫn thích, vẫn ao ước có ai in lại cho mình… nhưng không cuốn
nào gợi cảm giác như sau Cây bút đời người.
Tại sao tôi nói thế. Vì, như một bạn đọc của tôi phát hiện, trong cuốn sách này tôi không chỉ
phác họa chân dung người khác mà còn cho thấy chính mình. Tức là một thứ chân dung tự họa. Ôi
ai mà chả mong như thế.
Còn tác phẩm muốn quên đi ? Đó là cuốn Bước đầu đến với văn học in ra năm 1986. Tập sách
chỉ là một tập hợp rời rạc các bài tôi viết trong những năm từ 1967 đến 1985. Không phải chỉ riêng
các bài tôi in trong Bước đầu đến với văn học mà tất cả những gì tôi viết trong thời gian từ 1965 –
khi tôi viết về tập Sức mới—đến trước 1986 đều mang lại cho tôi một cảm giác dang dở, bỏ thì
thương vương thì tội. Hai chục năm ấy là thời gian tôi học việc thì đúng hơn. Tôi chưa định hình nổi
một quan niệm về văn học cũng như chưa có nổi một tiếng nói riêng. Lúc dựng cuốn đó tôi còn quá
non nớt trong nghề soạn sách và chưa hình dung được bản thân mình.
13/ Những kỷ niệm vui và buồn trong đời phê bình của ông? Nghề phê bình dễ tạo ra
những va chạm. Ông có e ngại khi viết không?
Viết phê bình là có quan hệ ngay tới các đồng nghiệp. Nên vui có buồn có. Không chỉ ở VN
mà ở thế giới đều thế, bản thân tôi như trên đã nói tới giờ phút này có thể viết hẳn một cuốn sách
mang tên đại lọai Đời tôi trong phê bình văn học, hoặc Hồi ký phê bình. Nhưng chắc là chả bao giờ
tôi có thời giờ để viết nó. Vậy xin tạm kể một ít kỷ niệm sâu sắc nhất và thường trở đi trở lại trong
tâm trí.
Kỷ niệm vui thì như thế này. Cuối 1967, đầu 1968( tôi quên ngày ), Đại hội văn nghệ toàn quốc
( chung cả các hội văn, họa nhạc, kịch) được tổ chức. Tôi nhớ lúc ấy Hà Nội đang còn trong tầm uy
hiếp của bom đạn, nhưng không hiểu sao, hình như là đúng là vào dịp Tết ngừng bắn, nên vẫn làm
đàng hoàng lắm. Khai mạc bế mạc ở Nhà hát lớn, và chiêu đãi ở nhà hàng Phú Gia.
Tôi lúc đó mới viết, trên giấy tờ là quân số ở một đơn vị pháo binh , chưa về VNQĐ, nhưng có
may mắn được Phòng văn nghệ quân đội của nhà thơ Chính Hữu cử đi, coi là một đại biểu chính
thức dự đại hội. Hôm chiêu đãi tôi ngồi cùng bàn với họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhà thơ Tế Hanh.
Lần đầu gặp Tế Hanh, tôi được nghe tác giả Nhớ con sông quê hương hỏi rất chân tình, bằng lối
nói thủ thỉ thường có ở ông:
-- Vương Trí Nhàn này, ông làm phê bình, vậy ông thử cắt nghĩa xem tại sao có những tập thơ mình
bỏ công làm vài năm mà vẫn không xong, chính mình không hài lòng, lại có những tập chỉ làm có
vài tuần lại đứng được. Thuộc trường hợp thứ nhất là tập Tiếng sóng. Còn thuộc trường hợp thứ hai
là hai tâp Nghẹn ngào trước 1945 và Gửi miền Bắc 1957. Mình cũng không cắt nghĩa được!
Tôi nhớ mãi câu chuyện này cả Tế Hanh. Qua ông, tôi hiểu thế nào là một nghệ sĩ chân chính.
Đó là những người luôn luôn băn khoăn về chính mình, luôn luôn mang mình ra đặt câu hỏi.
Về quan hệ cá nhân, tôi có cảm tưởng như vậy là tôi được tin cậy, mà lại một nhà thơ tiền
chiến tin cậy, tôi phải cố cho xứng. Nhưng đáng nói hơn là qua đây tôi hiểu một khía cạnh nghề
nghiệp của người làm phê bình văn học: đó là người bạn đường của sáng tác cùng với người sáng
tác cắt nghĩa mọi vấn đề đặt ra trong hành nghề.
Thế còn những kỷ niệm buồn? Một dịp khác tôi sẽ nói cụ thể, ở đây chỉ nói cảm giác chung.
Như trên đã nhấn mạnh, tôi viết phê bình xuất phát từ nhu cầu bản thân. Do muốn hiểu thêm
sáng tác của người đương thời mà viết. Đúng hơn, do muốn qua các hiện tượng cụ thể đi tới chỗ
hiểu thêm văn học mà viết. Nghĩa là tôi viết vì bản thân chứ không phải vì người khác. Bởi vậy, tôi
chỉ chọn viết về những tác phẩm theo tôi là có vấn đề với nghĩa nó có những khía cạnh mà tôi quan
tâm. Tôi không bao giờ viết về những tác phẩm dở, càng không bao giờ viết về những tác giả nhạt
nhẽo. Thành ra không có va chạm vặt.
Nhưng sự tình là thế này: thường ngay trong một tác giả mà tôi cho là đáng viết cũng có mặt
hay chen lẫn mặt dở, và đôi khi tính theo thời gian thì tác phẩm trước hay mà tác phẩm sau dở. Tôi
buộc phải viết theo sự thay đổi trong cách hiểu của mình. Thế là sinh ra va chạm.
Tôi nhớ có một họa sĩ đã tâm sự thế này ” Mỗi lần vẽ được một chân dung tạm gọi là thành
công tôi đều mất bạn”.
Đối với những sự va chạm do người ta cố ý không hiểu mình, thì tôi lắng nghe và chờ đợi chứ
không tranh luận lại ngay. Kinh nghiệm của tôi là một thời gian sau, những cái đúng của mình thì
người ta cũng hiểu ra.
Nhưng dẫu sao sau sự va chạm, tình cảm hồn nhiên ban đầu không còn. Đây là tình hình đã
xẩy ra với cả hai người thầy và người bạn có tác động lớn đến cuộc đời làm nghề của tôi là Nguyễn
Khải và Nguyễn Minh Châu. Chỗ chung của mối quan hệ tôi với hai nhà văn này là ban đầu các ông
rất quý tôi chia sẻ với tôi nhiều điều, về sau thì ngán tôi và không còn trò chuyện tâm sự với tôi như
những năm mới quen nữa.
Mỗi lần nghĩ tới tôi đều chạnh buồn. Nhưng sự phát triển của tôi hình như không phải do tôi
muốn mà do cuộc đời này xui khiến, tôi sống mãi trong cái bóng của các bậc thầy cũ sao tiện!
14/ Tác phẩm văn học nào gợi cho ông nhiều hứng thú nhất?
Cái gì hay tôi đều thích, thành thử với tôi không có cái nào là nhất. Tôi tự thấy phần lớn
những gì mà thiên hạ thích thì mình cũng thích, chỉ có điều phải cố để viết về tác phẩm đó một cách
nào đó, như là một cách phát hiện mới về tác phẩm đó.
15/ Nhà văn nào tạo được ấn tượng lớn nhất đối với ông?
Cũng tùy từng thời kỳ mà nói ai để lại ấn tượng nhiều nhất hoặc nói cách khác ai có mặt trong suy
nghĩ của tôi nhiều nhất.
Khi mới vào nghề, tức lúc tôi ở Văn Nghệ quân đội thì Nguyễn Khải Nguyễn Minh Châu là
chân trời của tôi hình mẫu văn học lý tưởng mà tôi lúc đó quan niệm được. Lúc sang Hội nhà văn
thì vai trò đó thuộc về Tô Hoài. Ông là cuốn từ điển về văn học là điểm đối chiếu để tôi nhìn rộng
ra những người khác.
So với ba ông nói trên, tôi đứng cách Xuân Diệu một khoảng xa hơn và cũng không bao giờ có
thể nói chuyện với tác giả Thơ thơ một cách thân tình. Tuy vậy, một vài năm gần đây khi tôi tìm
cách tính xem ai đã ảnh hưởng đến cách viết cách học hỏi và quan niệm văn chương của mình thì ,
như trong đoạn trả lời cho một câu hỏi ở trên, tôi luôn luôn trở về với Xuân Diệu. Xuân Diệu là
một trong số ít nhà văn VN viết có lý luận vừa viết vừa tìm cách khai phá ý nghĩa lý luận trong
sáng tác của mình cũng như của các đồng nghiệp. Tôi còn muốn viết tiếp về ông, với dụng ý từ ông
thấy cả văn học VN thế kỷ XX.
Đấy, khi cần nói tới người tôi chịu ơn, người thường xuyên trở lại trong đầu óc tôi, lúc này đây
tôi đang nghĩ như vậy. Tuy nhiên với một đời làm nghề khá tạp như tôi thì lại có thể nói là người để
lại ấn tượng nhiều lắm, cả người sống lẫn người chết, cả người tôi đã gặp lẫn người tôi chưa gặp bao
giờ. Có người ấn tượng về tác phẩm, có người ấn tượng về con người và cách sống. Các ghi chép có
tính chất chân dung của tôi đánh dấu những phút ấn tượng trong tôi hiện hình.
Ở ta hay có lối coi Xuân Diệu là của nhà phê bình này, Nguyễn Minh Châu là của nhà phê bình
kia, và Nguyễn Huy Thiệp là của một người khác nữa. Tôi không phản đối. Nhưng tôi cho rằng vẫn
có một Xuân Diệu, Nguyễn Minh Châu Nguyễn Huy Thiệp và suốt cả từ Vũ Trọng Phụng, Thạch
Lam, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Khải …của riêng tôi. Với mỗi nhà phê bình thực thụ, các nhà văn
lớn luôn hiện ra với khuôn mặt mới. Các khuôn mặt này các chân dung này không loại trừ nhau, mà
cùng làm giàu cho sự hiểu biết và yêu mến của bạn đọc .
Sau hết có một ghi chú tôi muốn nói thêm. Thường thì chất lượng sáng tác của nhà văn tỷ lệ
thuận với sự hấp dẫn của mà con người của nhà văn đó để lại trong tôi. Nhưng nên nhớ là có những
người sống rất thú vị mà không tự ý thức được hết, không mang hết được từng trải vào tác phẩm.
Họ là những kẻ thất bại rất đáng kính trọng. Mặt khác, trong đời sống cũng vậy mà trong văn
chương cũng vậy, cái gây hứng thú cho ta, nhiều khi không phải là cái tuyệt với chói sáng mà nhiều
khi lại là một cái gì mờ mờ tôi tối trắng lẫn với đen, hay lẫn với dở. Theo nghĩa này, tôi đã quan tâm
theo đuổi phân tích cuộc đời cách sống của ba nhà văn Nhị Ca, Xuân Sách và Nghiêm Đa Văn và có
được mấy phác họa chân dung mà tôi ưng ý.
16/ Trong tập Cây bút- đời người, khi khắc họa về các nhà văn, ông đã miêu tả một số thói
xấu của họ. Cách làm này sẽ khiến người đọc thấy nhà văn cũng là những con người bình
thường, có mặt tốt, mặt xấu nhưng mặt khác cũng làm cho người đọc cảm thấy thất vọng về
những tác giả nổi tiếng mà họ rất ngưỡng mộ. Ông nghĩ sao về việc này?
Tôi cho rằng thời mà độc giả coi nhà văn nhà thơ như ông thần ông thánh ban phát dạy bảo họ
đã qua rồi. Nếu là những độc giả có trình độ thì ngay khi đọc tác phẩm và tiểu sử tác giả, họ đã có
những thất vọng về nhiều nhà văn nhà thơ mà họ đọc, chứ đâu phải nhờ tôi gợi ý rồi họ mới thất
vọng.
Nhưng thất vọng về một người đâu có nghĩa là sẽ không quan hệ với người đó nữa. Ngoài đời
là vậy mà trong văn chương cũng vậy.
Tôi có cảm tưởng sau khi đọc một số bài tôi viết về một nhà văn ( chỉ kể những trường hợp
tôi viết thành công ), bạn đọc sẽ yêu thêm nhà văn nhà thơ đó, yêu những mặt tốt và xót xa thông
cảm với những hạn chế của tác giả, từ đó có thể suy nghĩ sâu sắc thêm về cuộc đời này. Đấy cũng
chính là mục đích tôi hướng tới.
Sau đây là một ví dụ: Khi bài viết về Xuân Diệu ( sau in vào Cây bút đời người) in ra, có
nhiều người coi tôi là lật đổ thần tượng, láo, đả Xuân Diệu quá mạnh, thậm chí có người còn bảo tôi
tàn nhẫn, người ta đã chết còn lật quan tài người ta lên mà nói. Nhưng cũng có người hiểu khác.
Đây là một đoạn nhà báo Minh Thi viết trên báo Lao động 20-6-2002
Những trang sách của Vương Trí Nhàn về một số nhà văn ngùi lên những sự thương xót, những quý
mến cùng sự chân thành bộc lộ suy nghĩ của mình. Tác giả đặt họ vào đời thường, đặt họ trong
dòng chảy hiện thực và văn chương mà vẽ lại chân dung tính cách của họ. Thấu đáo, nhưng không
tọc mạch; cách nói sâu tuy còn vẫn hơi đi vòng, cách nhìn của Vương Trí Nhàn đối với một số
gương mặt tiêu biểu của văn học đương đại không xét nét, bắt bẻ, mà là một sự đánh giá khe khắt
và đòi hỏi ở một mức cho phép. Có lẽ như thế đã là thú vị rồi.
Tôi biết ơn những sự chia sẻ như vậy. Đọc xong, tôi tự nhủ: cứ chân thành mà viết rồi dư luận sẽ
hiểu ra cho mình.
17/ Khi nghiên cứu về các tác giả cổ điển, ông chỉ tìm hiểu các tác giả Nguyễn Gia Thiều, Tú
Xương, Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ. Lý do ông chọn các tác giả
này? Vì sao ông không tìm hiểu thêm về các tác giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu…?
Người ta hay nói khi phê bình cần khách quan. Tôi lại cho rằng phê bình mang đậm chất chủ
quan của người viết. Nhà phê bình không phải là cái cân, mang ra cân tác giả tác phẩm nào cũng
cho kết quả chính xác. Mà chúng tôi cũng có quyền có thiên kiến, có sở thích riêng. Không phải tất
cả những cái gì tôi thích mới hay, mà tôi không thích tức là dở. Không… Không phải thế. Cái tôi
không thích và không viết vẫn có thể rất hay, và đã có những nhà phê bình khác viết về nó. Tôi chỉ
thích và viết những cái mà bên cạnh việc giới thiệu cái hay của chính đối tượng, tác giả và tác phẩm
đó còn giúp tôi bộc lộ được suy nghĩ hiểu biết của chính tôi. Với văn học hiện đại cũng vậy mà văn
học cổ điển cũng vậy. Sở dĩ tôi viết về Nguyễn Gia Thiều vì bắt gặp ở Cung oán ngâm khúc một
chất ba-rốc rất lạ, ít thấy ở văn học VN. Trong khi những người khác lưu ý chất dân gian của
Nguyễn Du thì tôi đặc biệt thích ở ông cái chất của một ngòi bút trí thức: đơn độc, đau đớn vì
những vấn đề siêu hình và cảm giác bất lực. Với Nguyễn Công Trứ, tôi bắt gặp tính chất phân thân
đầy mâu thuẫn của con người hiện đại, trong ông tôi nhận cả hình ảnh một con người trò chơi mà
giá kể có điều kiện tôi còn phải quay lại nữa. Đấy đại khái là thế. Trên nét lớn có thể nói tôi thường
quan tâm tới khía cạnh nhân văn trong con người cũng như sáng tác của một tác giả cả đương thời
lẫn cổ điển.
18/ Khi phê bình về các nhà thơ, ông dành nhiều trang viết của mình cho các nhà thơ của
phong trào Thơ mới. Nhận xét của ông về phong trào này và ý nghĩa của nó trong đời sống văn
học hiện nay?
Nói gọn lại một câu là đến nay chúng ta chưa ra thoát khỏi Thơ mới, chưa đi xa hơn thành tựu của
các bậc thầy Thơ mới bao nhiêu.
Nhưng để chứng minh cho nhận xét cảm tính này, còn phải làm việc nhiều, tôi hiện không đủ sức.
19/ Với Xuân Diệu, ông chỉ chú ý về phần phê bình.Tại sao?
Không đúng đâu. Cuối năm 2007, tại cuộc hội thảo nhân 90 năm sinh Xuân Diệu, tôi đã có một
tham luận nhìn nhận chung đóng góp của tác giả với Thơ mới. Trước đó, tôi có một bài viết về thơ
tình về con người riêng tư trong thơ XD sau 1945.
20/ Trong 3 giai đoạn văn học: 1900-1945, 1945-1985, 1985-nay, ông nghĩ là giai đoạn nào,
văn học, nói chung, và phê bình văn học, nói riêng, phát triển thuận lợi nhất?
Xin được miễn trả lời đầy đủ câu hỏi này vì đặt ra một vấn đề quá lớn. Tôi chỉ muốn nói ở
giai đoạn phát triển như hiện nay văn học VN đang rất cần phê bình. Tại sao?
Vì đến nay –đầu thế kỷ XXI, văn học ta vẫn còn là một nền văn học tự phát mà chưa tự ý
thức được chính xác về mình—cái phần tự ý thức đó chính là do phê bình đảm nhiệm.
Ở những nền văn học hiện đại, giữa phê bình và sáng tác có một sự cân đối trên mọi
phương diện: trên số lượng tác giả; trên số lượng tác phẩm đã in ra; trong sự quan tâm và kính trọng
của độc giả cũng như sự quan tâm và kính trọng lẫn nhau của hai lớp người đó. Lưu ý là tôi nói sự
cân đối trong tương quan, chứ không phải một sự ngang bằng số học. Nhưng, một cách tuyệt đối,
tôi vẫn tin là ở những nền văn học phát triẻn đúng chuẩn mực, phê bình được chú ý hơn ở ta, thu hút
được nhiều tài năng hơn do đó có đóng góp vào việc xây dựng văn học ngày một tích cực hơn.
Bớt số lượng người sáng tác kém cỏi đi, thêm người tự nguyện đi vào phê bình – tức là tăng
cường chất nghiên cứu cho một nền văn học. Làm thế, các nhà sáng tác còn lại sẽ có điều kiện để
sáng tác tốt hơn.
Người ta hay nói sáng tác hiện nay chỉ có nền mà không có đỉnh. Bởi nay là lúc bản năng đã bị
khai thác cạn kiệt và cái cứu vãn chúng ta là lý trí là hiểu biết – với từng người cũng vậy mà với cả
nền văn học cũng vậy -- nên có thể nói đầu tư cho phê bình là phương sách duy nhất để đưa một
nền văn học tới những đỉnh cao mới.
Có một lý do khiến cho điều này khó thực hiện: khi ấy một số người yêu văn học phải chấp
nhận hy sinh cái riêng vì cái chung, có thể đi làm những việc nào đó như biên tập biên sọan, dịch
sách và viết phê bình, để đưa trình độ cả nền văn học tiến lên. Còn nhà sáng tác phải hiểu rằng trong
thành tựu của mình có phần đóng góp của người khác. Cả công chúng cũng cần phải học để biết trân
trọng những người sống trong bóng tối.
Còn lâu lắm, ở ta mới hình thành một sự phân công khôn ngoan và những mối quan hệ hợp lý
như vậy.
21/ Hiện nay có rất ít bài phê bình viết về các tác phẩm của các nhà văn trẻ đương thời. Vậy
phê bình phải làm thế nào để góp phần vào sự phát triển của văn học trẻ hiện nay?
Dở dĩ tôi không bị thu hút bởi sáng tác của các bạn trẻ hiện nay, lý do vì bản thân đã quá bận
không có thời gian để tìm hiểu các sáng tác đó. Tự thấy ở độ tuổi của mình, cách tốt nhất là lo làm
nốt một ít việc đang làm dở.
Cũng nên nói thêm là sở dĩ từ mươi mười lăm năm nay, tôi sớm chọn con đường trên, một
phần là vì thấy nhiều nhà văn trẻ có lối nghĩ rất lạ. Họ hiểu phê bình chỉ là nói đến từng người trong
họ. Những vấn đề chung của văn học bị họ xem thường. Họ không muốn hiểu những gì ngoài họ,
không muốn hiểu quá khứ. Nhiều người quá thực dụng.
Có vẻ như họ hay nghĩ thế hệ trước chẳng ra gì và hết thời rồi, nay đến lượt họ. Vâng tôi
cũng nhận là nhiều người đi trước bọn tôi “chẳng là cái đinh gì”, do gặp thời mà có tên có tuổi.
Nhưng sao các bạn trẻ không nghĩ tới những mục tiêu to lớn hơn so với những nhân vật kỳ vĩ hơn.
Thời đại bây giờ mở ra rộng rãi lắm mà cũng yêu cầu cao lắm.
Tôi trông chờ ở những người trẻ có khát vọng lớn. Đó mới là cái đích của sự phát triển văn học
trẻ.
Thật là nhầm khi nghĩ rằng chỉ những ai có viết về văn học trẻ mới là người quan tâm đến họ.
Chính là khi viết về sáng tác của các thế hệ trước, các nhà phê bình lớp tuổi cao niên cũng đang tìm
cách đóng góp cho lớp trẻ đấy chứ! Cũng như khi tôi viết một số bài về văn học nước ngoài ( trong
một số bài giới thiệu đặt ở đầu những cuốn sách dịch), đâu tôi có nghĩ là có lúc nó đến tay nhà văn
nước ngoài -- đối tượng mà tôi “ phê bình”, mà chính ra tôi xuất phát từ văn học VN mà viết, đối
tượng chinh phục của tôi là các nhà văn trong nước.
22/ Theo ông, độc giả hiện nay có vai trò như thế nào đối với nhà phê bình? Và trách nhiệm
của nhà phê bình hiện nay đối với độc giả?
Khi viết cố nhiên tôi cũng nghĩ đến độc giả. Đó là một loại độc giả lý tưởng. Họ có những
quan tâm tương tự như những quan tâm của chính tôi. Họ rất hiểu biết nên rất khó tính. Tôi chỉ
chinh phục được họ nếu viết thật tốt.
Loại độc giả này hiện nay rất ít. Nhưng những mầm mống của họ thì bao giờ cũng còn. Thành
thử tôi cho rằng công việc của nhà phê bình lại bao gồm cả việc đánh thức cái phần thường bị quên
lãng đó trong lòng độc giả thông thường.
(Thực hiện tháng 3/2010)
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA5313.pdf