Hoàn thiện phương thức chuyển tiền trong thanh toán quốc tế tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam

Trường đại học ngoại thương Khoa kinh tế ngoại thương ²²²²²²² khóa luận tốt nghiệp đề tàI: thực trạng và một số giảI pháp hoàn thiện phương thức chuyển tiền trong thanh toán quốc tế tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Giáo viên hướng dẫn : ths. đặng thị nhàn Sinh viên thực hiện : nguyễn hạc thanh hương Lớp : a3 - k37 Hà nội - 2002 Mục lục Trang Mục lục Lời mở đầu Chương I: Lý luận chung về thanh toán quốc tế 1 và phương thức thanh toán chuyển tiền.

doc107 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1358 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Hoàn thiện phương thức chuyển tiền trong thanh toán quốc tế tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tổng quan về thanh toán quốc tế. 1 Khái niệm và cơ sở hình thành thanh toán quốc tế. 1 Vai trò của thanh toán quốc tế. 3 Vai trò của thanh toán quốc tế trong hoạt động kinh doanh đối ngoại. 3 Vai trò của thanh toán quốc tế trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. 4 Các phương thức thanh toán quốc tế. 6 Nhóm các phương thức thanh toán không phụ thuộc chứng từ. 6 Nhóm các phương thức thanh toán phụ thuộc chứng từ. 7 Rủi ro trong thanh toán quốc tế. 8 Khái quát về rủi ro trong thanh toán quốc tế. 8 Phân loại rủi ro trong thanh toán quốc tế. 9 Phương thức thanh toán chuyển tiền trong thanh toán quốc tế. 11 Khái niệm. 11 Các bên liên quan. 12 Quy trình nghiệp vụ. 15 Trường hợp áp dụng. 16 Rủi ro của phương thức chuyển tiền trong thanh toán quốc tế. 17 Chương II: Thực trạng công tác thanh toán quốc tế bằng phương thức 21 chuyển tiền tại NHNo VN. Giới thiệu chung về NHNo VN. 21 1. Quá trình hình thành và phát triển. 21 2. Tình hình hoạt động kinh doanh của NHNo VN. 26 2.1. Nguồn vốn. 28 2.2. Hoạt động tín dụng. 29 2.3. Công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán. 30 2.4. Hoạt động kinh doanh đối ngoại. 31 2.5. Kết quả hoạt động kinh doanh. 35 Thực trạng sử dụng nghiệp vụ chuyển tiền trong 36 thanh toán quốc tế tại NHNo VN. 1. Mô hình hoạt động thanh toán quốc tế trong hệ thống NHNo VN. 36 1.1. Trách nhiệm và quyền hạn của Sở giao dịch. 36 1.2. Trách nhiệm và quyền hạn của Chi nhánh. 37 1.3. Cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân sự phục vụ nghiệp vụ chuyển tiền. 37 Quy trình nghiệp vụ chuyển tiền trong thanh toán quốc tế của NHNo VN. 38 Quy trình nghiệp vụ chuyển tiền đi. 39 2.2. Quy trình nghiệp vụ chuyển tiền đến. 44 Tình hình áp dụng nghiệp vụ chuyển tiền tại NHNo VN. 46 3.1. Doanh số chuyển tiền. 46 3.2. Cơ cấu chuyển tiền. 50 Chương 3: Một số giải pháp hoàn thiện nghiệp vụ chuyển tiền trong 56 thanh toán quốc tế tại NHNo VN. Đánh giá tình hình áp dụng phương thức chuyển tiền trong 56 thanh toán quốc tế tại NHNo VN. Những thành tựu đạt được. 56 Một số rủi ro và nguyên nhân phát sinh rủi ro trong thanh toán chuyển tiền. 57 Những rủi ro thường gặp trong thanh toán chuyển tiền. 57 Nguyên nhân phát sinh rủi ro. 64 Bài học kinh nghiệm trong xử lý rủi ro. 65 Chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh đối ngoại của NHNo VN. 67 Chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh đối ngoại của NHNo VN. 67 Mục tiêu. 67 Định hướng. 67 Thế mạnh, thế yếu, cơ hội, thách thức. 69 3. Xu hướng sử dụng phương thức chuyển tiền trong tương lai. 72 Một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện nghiệp vụ chuyển tiền 73 trong thanh toán quốc tế. Nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ. 73 Hoàn hiện các ứng dụng công nghệ. 76 Mở rộng quan hệ ngân hàng đại lý. 80 Quản trị rủi ro trong thanh toán chuyển tiền. 82 Giải pháp cụ thể về kỹ thuật nghiệp vụ. 83 Phát triển dịch vụ tư vấn về thanh toán quốc tế. 84 Xây dựng nguồn vốn ngoại tệ dồi dào. 85 IV. Một số kiến nghị đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. 86 Kết luận Tài liệu tham khảo Phụ lục Lời nói đầu Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế trong hoạt động ngân hàng đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành ngân hàng Việt Nam. Thời cơ tiếp cận công nghệ hiện đại, học tập kinh nghiệm quản lý của các nước có trình độ phát triển cao, trao đổi hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Thách thức là ngành ngân hàng phải tham gia vào một sân chơi bình đẳng trong khi trình độ của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn thấp. Nhất là trong lĩnh vực thanh toán quốc tế, một hoạt động phức tạp, đa dạng mà các ngân hàng Việt Nam còn quá ít kinh nghiệm thực tiễn. Cạnh tranh ngân hàng ngày càng quyết liệt. Bất kỳ một sơ suất nào trong xử lý nghiệp vụ của ngân hàng đều có thể dẫn đến rủi ro, mất tiền, mất uy tín trong thanh toán. Vì vậy, các nhà quản lý ngân hàng luôn phải quan tâm nghiên cứu để tìm ra các giải pháp nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong thanh toán quốc tế tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Một trong những nghiệp vụ đang được thực hiện rất thường xuyên tại các ngân hàng thương mại là nghiệp vụ chuyển tiền. Đây là một phương thức thanh toán quốc tế riêng biệt nhưng đồng thời cũng là khâu cuối cùng của tất cả các phương thức thanh toán quốc tế khác. Nó liên quan đến những khoản tiền chuyển đi và đến giữa khách hàng trong nước và nước ngoài. Với vai trò là một trong bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn tại Việt Nam, mỗi năm có đến hàng nghìn tỷ đồng được chuyển qua hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NHNo VN). Mặc dù trong những năm qua, NHNo VN đã không ngừng đổi mới và nâng cao quy trình nghiệp vụ chuyển tiền để phục vụ khách hàng được tốt hơn, nhưng do trình độ công nghệ, trình độ nhân viên và cán bộ quản lý còn nhiều bất cập, lại đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nên trong quá trình thanh toán chuyển tiền tại NHNo VN, về chủ quan và khách quan vẫn còn tồn tại những vướng mắc dẫn đến rủi ro cho cả khách hàng và Ngân hàng. Xuất phát từ thực tế đó, em đã chọn đề tài "Thực trạng và một số giải pháp hoàn thiện phương thức chuyển tiền trong thanh toán quốc tế tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam" làm nội dung nghiên cứu của khóa luận tốt nghiệp. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Hoạt động chuyển tiền trong thanh toán quốc tế tại NHNo VN. Mục đích của đề tài: Trên cở sở nghiên cứu thực tế tình hình thanh toán quốc tế bằng phương thức chuyển tiền tại NHNo VN để phân tích những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình thực hiện nhằm đề ra những giải pháp khắc phục rủi ro, hoàn thiện nghiệp vụ chuyển tiền tại NHNo VN. Phương pháp nghiên cứu: Là phương pháp đi từ cái chung đến cái riêng, nghiên cứu, thống kê, phân tích và tổng hợp các nguồn tài liệu, hoạt động thực tiễn của NHNo VN cùng kiến thức đã được trang bị trong nhà trường để đề tài vừa có tính chuyên đề vừa có tính xác thực, hữu ích và khả thi. Kết cấu của khóa luận: Gồm 3 chương: Chương I: Lý luận chung về thanh toán quốc tế và phương thức thanh toán chuyển tiền. Chương II: Thực trạng công tác thanh toán quốc tế bằng phương thức chuyển tiền tại NHNo VN. Chương III: Một số giải pháp nhằm hoàn thiện nghiệp vụ chuyển tiền trong thanh toán quốc tế tại NHNo VN. Với thời gian nghiên cứu thực hiện đề tài và trình độ hạn chế, khóa luận tốt nghiệp này không tránh khỏi còn nhiều thiếu sót, khiếm khuyết. Tác giả rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy, cô giáo và các bạn sinh viên để có điều kiện hoàn thiện kiến thức của mình. Nhân dịp này tôi xin bày tỏ lời cám ơn tới các thầy, cô giáo trường đại học Ngoại Thương, đặc biệt là cô Đặng Thị Nhàn, người đã nhiệt tình trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ tôi những gợi ý bổ ích để tôi có thể hoàn thành khóa luận này. Chương I lý luận chung về thanh toán quốc tế và phương thức thanh toán chuyển tiền Tổng quan về thanh toán quốc tế. Khái niệm và cơ sở hình thành thanh toán quốc tế. Lịch sử và thực tiễn phát triển kinh tế thế giới đã chứng minh rằng kinh tế của một quốc gia không thể phát triển với một chính sách “đóng cửa”, chỉ trông vào tích lũy và trao đổi trong phạm vi nước đó mà phải biết phát huy mặt mạnh trong nước, tận dụng khả năng có lợi từ bên ngoài, biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong hợp tác kinh tế, giao lưu buôn bán, nghĩa là phải có giao dịch và quan hệ với nước khác. Mối quan hệ kinh tế lẫn nhau giữa các nước chính là tổng thể các mối quan hệ kinh tế đối ngoại giữa các quốc gia. Mối quan hệ này bao gồm nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, hợp tác khoa học kỹ thuật… trong đó quan hệ về kinh tế chiếm vị trí quan trọng, nó là cơ sở cho các mối quan hệ quốc tế khác. Quá trình tiến hành các hoạt động này đều liên quan tới tài chính, tất yếu làm nảy sinh những nhu cầu chi trả, thanh toán giữa các chủ thể ở các quốc gia khác nhau. Từ đó cũng làm xuất hiện nhu cầu thực hiện các hoạt động thanh toán quốc tế. Thanh toán quốc tế là việc thực hiện các nghĩa vụ chi trả về tiền tệ phát sinh trên cơ sở các hoạt động kinh tế và phi kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân nước này với các tổ chức, cá nhân nước khác, hay giữa các quốc gia, chính phủ với các tổ chức quốc tế, thông qua quan hệ giữa các ngân hàng của các nước liên quan. Hiểu theo nghĩa rộng, khi có sự di chuyển các yếu tố đầu vào như nhập khẩu, nhận đầu tư của nước ngoài, nhận các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, dịch vụ thu ngoại tệ, nhận tín dụng của nước ngoài và các yếu tố đầu ra như xuất khẩu, đầu tư ra nước ngoài hoặc cho vay, trả vốn và lãi cho nước ngoài… của một nước sẽ có sự di chuyển ngược lại của các hướng tiền tệ. Việc thanh toán các hướng tiền tệ như vậy giữa người cư trú và những người phi cư trú mà kết quả của nó sẽ làm tăng hoặc giảm dự trữ ngoại tệ của một nước thì được coi là hoạt động thanh toán quốc tế. Khác với thanh toán nội địa, thanh toán quốc tế thường gắn với việc trao đổi đồng tiền của nước này sang đồng tiền của một nước khác. Đồng tiền thanh toán phải là ngoại tệ đối với ít nhất một bên. Đồng tiền trong thanh toán quốc tế có thể tồn tại dưới dạng tiền mặt hoặc tiền tín dụng nhưng hiện nay phần lớn các giao dịch chi trả đều được thực hiện thông qua các lệnh chuyển tiền bằng điện tín, bằng thư hoặc qua các ủy nhiệm thu, chi hộ và các phương tiện thanh toán như hối phiếu, séc… Dưới giác độ kinh tế, các quan hệ quốc tế được phân chia thành hai loại: quan hệ mậu dịch và quan hệ phi mậu dịch. Do đó thanh toán quốc tế cũng bao gồm hai loại: Thanh toán mậu dịch và thanh toán phi mậu dịch. Thanh toán phi mậu dịch là quan hệ thanh toán không liên quan đến hàng hóa cũng như việc cung ứng lao vụ, nó không mang tính chất thương mại. Đó là những khoản thanh toán liên quan đến chi phí của các cơ quan ngoại giao, ngoại thương ở nước sở tại; các chi phí về vận chuyển, đi lại của các đoàn khách nhà nước, các tổ chức, cá nhân; các nguồn tiền, quà biếu, trợ cấp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân trong nước và ngược lại… Thanh toán mậu dịch là quan hệ thanh toán dựa trên cở sở trao đổi hàng hóa và các dịch vụ thương mại theo giá cả quốc tế. Về cơ bản, thanh toán quốc tế phát sinh trên cở sở hoạt động thương mại quốc tế, nó phản ánh sự vận động có tính chất độc lập tương đối của giá trị trong quá trình chu chuyển hàng hóa và tư bản giữa các quốc gia. Như vậy, nếu khâu thanh toán quốc tế được thực hiện nhanh chóng, an toàn và chính xác thì nó đã trực tiếp tác động vào việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn, giảm bớt và khắc phục những rủi ro liên quan tới sự biến động của tiền tệ, tới khả năng thanh toán của con nợ, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng hoạt động ngoại thương của mỗi nước. Do đó, thanh toán quốc tế trở thành một yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả của hoạt động kinh tế đối ngoại, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại thương. Vai trò của thanh toán quốc tế. Vai trò của thanh toán quốc tế trong hoạt động kinh tế đối ngoại. Vị trí và tầm quan trọng của hoạt động thanh toán quốc tế ngày càng được khẳng định trong hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mỗi quốc gia đều đặt hoạt động kinh tế đối ngoại ở vị trí hàng đầu, coi hoạt động kinh tế đối ngoại là con đường tất yếu trong chiến lược phát triển kinh tế nước mình. Thanh toán quốc tế là khâu then chốt cuối cùng để khép kín một chu trình mua bán hàng hóa hay trao đổi dịch vụ. Nhờ có hoạt động thanh toán quốc tế mà các khoản tín dụng, đầu tư, mọi giao dịch đối ngoại mới có thể thực hiện được. Việc tổ chức thanh toán được tiến hành nhanh chóng, an toàn và chính xác là đảm bảo giải quyết được mối quan hệ lưu thông hàng hóa – tiền tệ giữa các bên giao dịch. Về mặt kinh doanh, thanh toán thể hiện chất lượng của kinh doanh, nói lên hiệu quả kinh tế về tài chính trong hoạt động của các doanh nghiệp. Trong điều kiện tiền tệ thường xuyên biến động, khả năng thanh toán của con nợ bấp bênh, rủi ro trong việc thực hiện hợp đồng mua bán ngày càng cao, vị trí và vai trò của hoạt động thanh toán quốc tế càng vì thế mà được khẳng định hơn. Thanh toán quốc tế không những tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao tốc độ chu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, làm cho các hợp đồng ngoại thương được thực hiện an toàn, giảm bớt chi phí kinh doanh do không phải thanh toán tiền mặt mà còn tạo uy tín thanh toán giữa các bên, góp phần mở rộng các phương thức hợp tác giữa các nước, tạo cơ sở cho mối quan hệ làm ăn lâu dài. Không những thế, hoạt động thanh toán quốc tế qua hệ thống ngân hàng còn giúp cho chúng ta thu phí dịch vụ nhằm cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Như vậy, có thể nói, thương mại quốc tế có được mở rộng hay không một phần nhờ vào hoạt động thanh toán quốc tế có được thực hiện tốt hay không. Tóm lại, thanh toán quốc tế trong hoạt động thương mại nói riêng và kinh tế đối ngoại nói chung có một vị trí đặc biệt quan trọng. Nó là một mắt xích không thể thiếu trong toàn bộ sợi dây chuyển kể từ khi chuẩn bị đầu vào cho sản xuất cho đến khi thu được tiền về. Thanh toán quốc tế là một ngành dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh tế đối ngoại, nó góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy ngoại thương phát triển và là yếu tố quan trọng để đánh giá quan hệ kinh tế quốc tế đối với sự phát triển của một quốc gia. Nhận thức được vai trò quan trọng của thanh toán quốc tế, Chính phủ ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề này, tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán quốc tế được mở rộng, tiến hành nhanh chóng, thuận lợi bằng việc cải cách hệ thống ngân hàng vì ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống thanh toán: cung cấp các dịch vụ bù trừ và tổ chức phục vụ thanh toán quốc tế. Vai trò của thanh toán quốc tế đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại. Thanh toán quốc tế là chức năng ngân hàng quốc tế của ngân hàng thương mại. Trong các lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng, chức năng thanh toán quốc tế ra đời từ tương đối sớm. Nó được hình thành và phát triển trên cơ sở phát triển các quan hệ kinh tế đối ngoại của một nước và ngân hàng thương mại được nhà nước giao độc quyền làm công tác thanh toán này. Hoạt động thương mại cần đến sự can thiệp, trợ giúp về kỹ thuật và tài chính của ngân hàng. Ngân hàng thương mại đứng ra với vai trò trung gian thanh toán trong các quan hệ kinh tế đối ngoại. Bằng uy tín của mình, khả năng tài chính, các phương tiện kỹ thuật và những kinh nghiệm trong nghiệp vụ, ngân hàng giúp cho quá trình thanh toán của khách hàng được tiến hành an toàn, nhanh chóng, tiện lợi. Ngân hàng tư vấn, bảo vệ quyền lợi của khách hàng và trong trường hợp cần thiết còn có thể là nhà tài trợ cho khách hàng trong quá trình thanh toán. Vì vậy, ngân hàng thương mại có thể góp phần giảm thiểu rủi ro cho hoạt động thanh toán quốc tế, tạo tâm lý an tâm, tin tưởng cho các bên trong các giao dịch với nước ngoài. Thực hiện chức năng thanh toán quốc tế do Nhà nước giao cho, ngân hàng cũng đồng thời thực hiện luôn chức năng trực tiếp quản lý ngoại hối và giám sát tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo đúng chính sách kinh tế đối ngoại mà Nhà nước đã đề ra. Về phía ngân hàng, thanh toán quốc tế là một loại hình hoạt động đem lại thu nhập đáng kể trên cơ sở thu phí thanh toán. Hơn nữa, so với các lĩnh vực kinh doanh khác của ngân hàng, thanh toán quốc tế được xem là tương đối an toàn mà lại không phải bỏ vốn vì ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian. Ngoài chức năng là một lĩnh vực kinh doanh độc lập, thanh toán quốc tế còn bổ sung, hỗ trợ cho các hoạt động khác của ngân hàng và đồng thời tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động. Thanh toán quốc tế là khâu cuối cùng của hoạt động kinh doanh tiền tệ, tài trợ xuất nhập khẩu và các dịch vụ ngân hàng quốc tế khác. Thông qua hoạt động thanh toán quốc tế, ngân hàng có được những quan hệ đại lý với ngân hàng và đối tác nước ngoài. Việc thiết lập mạng lưới ngân hàng đại lý giúp cho ngân hàng giảm bớt việc thanh toán vòng vèo qua trung gian và có thể sử dụng nhiều loại ngoại tệ khác nhau. Không những thế, hoạt động thanh toán quốc tế còn làm góp phần tăng nguồn vốn lưu động trong kinh doanh cho ngân hàng thông qua việc lợi dụng khoản ngoại tệ của ngân hàng nước ngoài mở tại tài khoản ngân hàng mình hay những khoản ký quỹ của khách hàng. Vì vậy, hoạt động thanh toán quốc tế được mở rộng và đạt hiệu quả cao sẽ góp phận mở rộng thị trường, tăng cường các mối quan hệ và nâng cao uy tín cho ngân hàng trong hệ thống ngân hàng quốc tế. Trên cở sở đó nó góp phần giúp ngân hàng nhận được nguồn vốn tài trợ, những khoản vay ưu đãi hay đầu tư tín dụng từ thị trường tài chính thế giới. Như vậy có thể thấy, thanh toán quốc tế có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của ngân hàng thương mại. Lượng thanh toán qua ngân hàng càng lớn chứng tỏ ngân hàng hoạt động càng mạnh, có hiệu quả và có uy tín. Nó vừa là một yếu tố giúp ngân hàng nâng cao hiệu quả vừa có thể được coi là một chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Các phương thức thanh toán quốc tế. Phương thức thanh toán là cách thức người hưởng lợi đòi tiền người trả tiền và người trả tiền trả tiền cho người hưởng lợi. Trong thanh toán quốc tế có nhiều phương thức thanh toán khác nhau. Mỗi phương thức đều có ưu điểm và nhược điểm, thể hiện thành mâu thuẫn quyền lợi giữa người thanh toán và người được thanh toán. Khi lựa chọn phương thức thanh toán, người ta phải tùy thuộc vào quan hệ giữa người hưởng lợi và người trả tiền, khả năng tài chính của người trả tiền và đặc điểm của đối tượng làm phát sinh nhu cầu thanh toán, nhưng xét cho cùng việc sử dụng phương thức nào cũng phải xuất phát từ yêu cầu của người hưởng lợi là thu tiền nhanh, đầy đủ, đúng và từ yêu cầu của người trả tiền là nhận được hàng hóa, dịch vụ đúng số lượng, chất lượng và đúng hạn. Các phương thức thanh toán quốc tế được chia thành hai nhóm: Nhóm các phương thức thanh toán không phụ thuộc chứng từ: Người ta còn gọi đây là nhóm các phương thức thanh toán thực giao thực thanh vì chúng không đòi hỏi phải có chứng từ làm căn cứ để đòi tiền và trả tiền giữa các bên, do đó chúng chỉ thường được sử dụng khi các bên tin tưởng lẫn nhau, ở gần nhau, giá trị của khoản tiền thanh toán không lớn hoặc sử dụng trong thanh toán phi mậu dịch. Các phương thức thanh toán thuộc nhóm này bao gồm: Phương thức chuyển tiền: là phương thức mà trong đó khách hàng (người trả tiền) yêu cầu ngân hàng của mình chuyển một số tiền nhất định cho một người khác (người hưởng lợi) ở một địa điểm nhất định bằng phương tiện chuyển tiền do khách hàng yêu cầu. Phương thức ghi sổ: là phương thức thanh toán trong đó người bán sau khi đã hoàn thành giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ cho người mua sẽ mở một quyển sổ hoặc một tài khoản trên đó ghi nợ người mua theo từng chuyến giao hàng còn người mua theo định kỳ (tháng, quý, năm) sẽ quyết toán quyển sổ đó. Phương thức thanh toán bằng thư bảo đảm của ngân hàng: là phương thức thanh toán trong đó ngân hàng của người nhập khẩu theo yêu cầu của người nhập khẩu sẽ phát hành cho người xuất khẩu một bức thư bảo đảm sau khi hàng hóa đến một địa điểm quy định sẽ trả tiền hàng cho người xuất khẩu. Nhóm các phương thức thanh toán phụ thuộc chứng từ. Các phương thức thanh toán này đòi hỏi phải có chứng từ làm căn cứ để thanh toán. Chính vì vậy mà phạm vi sử dụng của chúng rộng hơn và mức độ an toàn cao hơn so với nhóm các phương thức thanh toán trên. Các phương thanh toán thuộc nhóm này bao gồm: Phương thức nhờ thu: là phương thức thanh toán trong đó các ngân hàng tiếp nhận các chứng từ theo đúng các chỉ thị để nhận được việc thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán của khách hàng hoặc giao các chứng từ cho khách hàng theo các chỉ thị đã nhận được. Phương thức tín dụng chứng từ: là một sự thỏa thuận bằng văn bản trong đó một ngân hàng (ngân hàng mở thư tín dụng) theo yêu cầu của khách hàng (người yêu cầu mở thư tín dụng) hoặc nhân danh chính mình sẽ phát hành một bức thư cam kết trả tiền cho người hưởng lợi hoặc chấp nhận các hối phiếu do người hưởng lợi ký phát khi người hưởng lợi xuất trình được các chứng từ phù hợp với các điều kiện đặt ra trong bức thư đó. Phương thức thư ủy thác mua: là phương thức thanh toán mà ngân hàng của người nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của người xuất khẩu phát hành một thư ủy thác mua cam kết sẽ mua lại các hối phiếu của người xuất khẩu với điều kiện người xuất khẩu xuất trình một bộ chứng từ phù hợp với điều kiện của thư ủy thác. Trong thực tế thanh toán quốc tế tại các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay, người ta thường chỉ sử dụng ba phương thức thanh toán: phổ biến nhất là tín dụng chứng từ, sau là đến chuyển tiền và một số lượng nhỏ các giao dịch sử dụng phương thức nhờ thu vì đây là ba phương thức thanh toán có nhiều ưu điểm và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như hoạt động thanh toán quốc tế ở Việt Nam. Rủi ro trong thanh toán quốc tế. Khái quát về rủi ro trong thanh toán quốc tế. Rủi ro là điều không tốt lành xảy ra một cách bất ngờ, không lường trước được. Trong cuộc sống hàng ngày, rủi ro được xem như một sự việc đem đến sự nguy hiểm, thất bại và tổn hại cho con người. Trong kinh doanh, rủi ro gây tổn thất, mất mát về tài sản, lợi nhuận của nhà kinh doanh. Hoạt động ngân hàng là một lĩnh vực phức tạp, luôn luôn biến động và mức độ rủi ro cao. Rủi ro trong hoạt động ngân hàng có thể gây ra những mất mát, thiệt hại cho thu nhập, tài sản của cả khách hàng và ngân hàng. Khác với thanh toán nội địa, thanh toán quốc tế liên quan đến việc luân chuyển những nguồn vốn lớn từ nước này sang nước khác, đến việc chuyển đổi giữa các đồng tiền của các quốc gia, nên thường phức tạp hơn và nguy cơ rủi ro cao hơn nhiều do sự biến động của tiền tệ, sự khác biệt về ngôn ngữ, tập quán, do vị trí địa lý của các bên cách xa nhau làm hạn chế khả năng kiểm soát toàn bộ quá trình từ lưu thông đến thanh toán… Rủi ro trong thanh toán quốc tế là sự thiệt hại, mất mát xảy ra cho các bên liên quan khi một quy trình thanh toán bị vi phạm, hay do chính những đặc trưng của hoạt động này gây ra. Rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế có thể xảy ra đối với tất cả các bên liên quan: Đối với người mua: Đã thanh toán tiền nhưng không nhận được hàng hoặc phải nhận hàng không đúng quy cách, số lượng, chất lượng… Đối với người bán: Đã giao hàng nhưng không thu được tiền hay thu hồi tiền chậm. Đối với các ngân hàng liên quan: Do trình độ năng lực hạn chế, sai sót trong nghiệp vụ hoặc do nguời mua, người bán thiếu trung thực, hoặc do biến động tỷ giá… Phân loại rủi ro trong thanh toán quốc tế. Tùy theo căn cứ phân loại khác nhau, rủi ro có thể được phân chia theo phạm vi hoạt động, theo nguồn gốc, theo bản chất tác động hay tính chất tác động. Căn cứ theo phạm vi hoạt động: Rủi ro được chia thành hai loại là rủi ro trong nước và rủi ro ngoài nước. Rủi ro trong nước là những rủi ro phát sinh trong nội địa khi thực hiện các công việc như: thu mua, chế biến, vận chuyển, tập kết hàng, làm thủ tục xuất nhập khẩu, làm các thủ tục thanh toán… Rủi ro ngoài nước là rủi ro trong quá trình luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, những trục trặc trong thanh toán tiền phát sinh từ nước ngoài. Căn cứ theo nguồn gốc: Rủi ro được chia thành bốn loại: Rủi ro do thiên nhiên, môi trường sống. Rủi ro do bất ổn về chính trị, văn hóa, xã hội như: Chiến tranh, nội chiến, đảo chính, đình công, sự thay đổi chính sách của Nhà nước… Rủi ro do các yếu tố kinh tế như: lạm phát, biến động tỷ giá hối đoái, lãi suất… Rủi ro do thay đổi về nhận thức, thói quen của con người như mode, sự ưa thích… Căn cứ theo bản chất tác động: Rủi ro được chia làm hai loại là rủi ro khách quan và rủi ro chủ quan. Rủi ro khách quan là những rủi ro xảy ra ngoài dự đoán và tầm kiểm soát của con người. Loại rủi ro này thường do các điều kiện thiên nhiên và môi trường sống gây ra. Rủi ro chủ quan là những rủi ro do chính con người tạo ra, đó là những rủi ro do sự lừa đảo hoặc do sự thiếu năng lực của con người. Căn cứ theo tính chất tác động: Rủi ro được chia làm hai loại là rủi ro trực tiếp và rủi ro gián tiếp. Rủi ro trực tiếp là những rủi ro mà các bên chủ thể phải chịu khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Rủi ro gián tiếp là những rủi ro ảnh hưởng đến các chủ thể qua các mối quan hệ dây chuyền. Nói tóm lại, dù là do nguyên nhân gì thì rủi ro vẫn luôn song hành như một yếu tố của thanh toán quốc tế. Vì vậy, các nhà quản lý ngân hàng luôn phải tìm mọi biện pháp để dự đoán, phòng ngừa và hạn chế rủi ro như phân tích và quản trị rủi ro, thực hiện các nghiệp vụ đảm bảo, bảo lãnh ngân hàng, hoạt động tín dụng của các tổ chức tiền tệ, tài chính quốc tế… để hỗ trợ cho hoạt động thanh toán quốc tế nhằm đạt hiệu quả cao trong kinh doanh cũng như nâng cao uy tín của mình. phương thức thanh toán chuyển tiền trong thanh toán quốc tế. Khái niệm. Phương thức chuyển tiền là phương thức thanh toán trong đó khách hàng (người trả tiền) yêu cầu ngân hàng của mình chuyển một số tiền nhất định cho một người khác (người hưởng lợi) ở một địa điểm nhất định bằng một phương tiện chuyển tiền do khách hàng yêu cầu. Đây là phương thức thanh toán đơn giản nhất và xuất hiện sớm nhất trong lịch sử các phương thức thanh toán. Thanh toán chuyển tiền là phương thức thanh toán trực tiếp giữa người chuyển tiền và người nhận tiền. Ngân hàng khi thực hiện việc chuyển tiền và trả tiền chỉ đóng vai trò trung gian thanh toán theo sự ủy nhiệm của khách hàng mà không bị ràng buộc gì đối với cả hai bên. Nếu căn cứ vào phương tiện chuyển tiền thì có hai hình thức chuyển tiền: Chuyển tiền bằng thư (Mail Transfer – M/T): là việc ngân hàng theo yêu cầu của khách hàng (người chuyển tiền) lập lệnh chuyển tiền bằng thư để gửi cho người hưởng lợi. Hình thức chuyển tiền này có ưu điểm là chi phí thấp những tốc độ chậm và độ an toàn thấp vì thư được gửi qua đường bưu điện nên hiện này người ta gần như không sử dụng hình thức này trong thanh toán quốc tế. Chuyển tiền bằng điện (Telegaphic Transfer – T/T): là việc ngân hàng theo yêu cầu của khách hàng lập lệnh chuyển tiền bằng điện để gửi cho người hưởng lợi. Điện chuyển tiền có thể được thực hiện thông qua truyền tin Telex hoặc qua hệ thống SWIFT. Hình thức chuyển tiền này tuy chi phí cao hơn chuyển tiền bằng thư nhưng có ưu điểm là tốc độ nhanh và độ an toàn cao. Các bên liên quan. Người yêu cầu chuyển tiền: Người yêu cầu chuyển tiền là các cá nhân, tổ chức, Nhà nước có nhu cầu chuyển tiền từ trong nước ra nước ngoài và ngược lại. Tùy theo mục đích của hoạt động chuyển tiền, người chuyển tiền có thể là: Trong hoạt động tín dụng: Người yêu cầu chuyển tiền là chủ nợ vào thời điểm cấp tín dụng, là con nợ vào thời điểm trả tín dụng. Trong hoạt động đầu tư: Người yêu cầu chuyển tiền có thể là nhà đầu tư chuyển tiền vào nước nhận đầu tư hoặc là đơn vị nhận đầu tư chuyển tiền trả lãi. Trong hoạt động kiều hối: người yêu cầu chuyển tiền là kiều bào chuyển tiền về nước. Trong ngoại thương: người chuyển tiền là nhà nhập khẩu. Trong chuyển tiền liên ngân hàng: người chuyển tiền là ngân hàng điều chuyển vốn giữa các chi nhánh của một ngân hàng hoặc giữa các ngân hàng với nhau. Người hưởng lợi (người nhận tiền): Trong chuyển tiền quốc tế, người hưởng lợi có thể là bất cứ cá nhân, tổ chức nào được người yêu cầu chuyển tiền chỉ định, đó có thể là chủ nợ, con nợ (đối với hoạt động tín dụng); nhà đầu tư hoặc đơn vị tiếp nhận vốn đầu tư (đối với hoạt động đầu tư); người nhận tiền kiều hối; người xuất khẩu (đối với hoạt động ngoại thương); hoặc là ngân hàng (đối với hoạt động chuyển tiền liên ngân hàng). Ngân hàng: Các ngân hàng có thể tham gia vào nghiệp vụ chuyển tiền với hai vai trò: Vai trò trung gian và thu phí dịch vụ. Ngân hàng là chủ thể chuyển tiền hoặc nhận tiền để phục vụ cho nhu cầu chuyển tiền của bản thân mình. Phải có ít nhất hai ngân hàng tham gia vào quy trình của nghiệp vụ chuyển tiền là ngân hàng đại diện cho người chuyển tiền (gọi là ngân hàng chuyển tiền) và ngân hàng đại diện cho người hưởng lợi (gọi là ngân hàng đại lý). Để có thể thực hiện được việc chuyển tiền, giữa các ngân hàng này phải có quan hệ đại lý với nhau. Có hai loại quan hệ đại lý: Ngân hàng đại lý tài khoản: là ngân hàng mà ngân hàng chuyển tiền có tài khoản tiền gửi tại đó. Các tài khoản này được gọi là tài khoản NOSTRO và VOSTRO. Tài khoản NOSTRO: là tài khoản ngoại tệ của ngân hàng nước mình để tại ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng đại lý giữ tài khoản NOSTRO thường là ngân hàng của nước có đồng tiền đó là bản tệ. Ví dụ: tài khoản NOSTRO của ngân hàng Việt Nam bằng USD để tại một số ngân hàng ở Mỹ. Tài khoản VOSTRO: là tài khoản bằng đồng nội tệ của ngân hàng nước ngoài để tại nước mình. Ví dụ: đối với một ngân hàng Việt Nam, tài khoản VOSTRO là tài khoản VND của ngân hàng Mỹ để tại ngân hàng Việt Nam. Trong quá trình chuyển tiền quốc tế, việc hạch toán trên tài khoản NOSTRO hay VOSTRO là tùy thuộc vào đồng tiền thanh toán là nội tệ hay ngoại tệ. Nếu khách hàng muốn chuyển nội tệ ra nước ngoài thì hạch toán Có vào tài khoản VOSTRO của ngân hàng đại lý tại ngân hàng chuyển tiền. Nếu khách hàng muốn chuyển ngoại tệ ra nước ngoài thì hạch toán Nợ vào tài khoản NOSTRO của ngân hàng chuyển tiền tại ngân hàng đại lý. Ngân hàng đại lý giao dịch: Ngân hàng chuyển tiền không có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng này mà chỉ thông qua các ngân hàng đại lý giao dịch để thuận lợi trong việc trao đổi thư từ điện tín và giao dịch với khách hàng. Có bao nhiêu ngân hàng tham gia vào quy trình chuyển tiền phụ thuộc vào mạng lưới ngân hàng đại lý của ngân hàng chuyển tiền và sự lựa chọn ngân hàng đại lý trả tiền của thanh toán viên. Nếu tại nước người hưởng lợi có ngân hàng đại lý tài khoản của ngân hàng chuyển tiền thì chỉ cần hai ngân hàng tham gia vào quy trình nghiệp vụ chuyển tiền là ngân hàng chuyển tiền và ngân hàng đại lý tài khoản của nó tại nước người hưởng lợi. Nếu tại nước người hưởng lợi không có ngân hàng đại lý tài khoản của ngân hàng chuyển tiền thì phải có ít nhất là ba ngân hàng tham gia vào quy trình chuyển tiền là ngân hàng chuyển tiền, ngân hàng đại lý tài khoản của nó và ngân hàng đại lý giao dịch của nó tại nước người hưởng lợi. Quy trình nghiệp vụ. NH đại lý NH chuyển tiền Người chuyển tiền Người hưở._.ng lợi 1 2 3 4 Giao dịch thương mại: Sau khi thỏa thuận đi đến ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương, người xuất khẩu thực hiện việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho người nhập khẩu, đồng thời chuyển giao bộ chứng từ hàng hóa cho người nhập khẩu. Người chuyển tiền viết lệnh chuyển tiền gửi đến ngân hàng phục vụ mình. Trong trường hợp người chuyển tiền là người nhập khẩu thì phải kiểm tra hàng hóa và bộ chứng từ hàng hóa trước khi lập lệnh yêu cầu ngân hàng chuyển tiền. Ngân hàng tiến hành kiểm tra lệnh chuyển tiền và tài khoản của người chuyển tiền, nếu hợp lệ và đủ khả năng thanh toán thì ngân hàng thực hiện lệnh chuyển tiền đối ngoại qua ngân hàng đại lý của mình tại nước người hưởng lợi. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, lệnh này có thể bằng thư hoặc bằng điện. Đồng thời, ngân hàng chuyển tiền ghi Nợ tài khoản của người chuyển tiền tại ngân hàng mình. Ngân hàng đại lý chuyển trả tiền cho người hưởng lợi bằng cách báo Có tài khoản của người hưởng lợi. Lưu ý: - Bước (1) chỉ áp dụng trong trường hợp thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu. Nếu ngân hàng chuyển tiền để phục vụ yêu cầu của chính mình thì chỉ cần thực hiện bước (3). Trường hợp áp dụng Chuyển tiền là phương thức thanh toán đơn giản nhất, nội dung của phương thức này là người chuyển tiền thông qua ngân hàng chuyển tiền cho người hưởng lợi. Phương thức chuyển tiền được áp dụng trong cả thanh toán mậu dịch và thanh toán phi mậu dịch. Chuyển tiền để thanh toán mậu dịch bao gồm chuyển tiền thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu, chuyển tiền trong tín dụng, chuyển tiền trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, điều chuyển vốn giữa các tổ chức tài chính… Chuyển tiền trong ngoại thương có thể được thực hiện trước lúc giao hàng (người mua ứng trước cho người bán), ngay lúc giao hàng hoặc sau lúc giao hàng. Chuyển tiền để thanh toán phi mậu dịch bao gồm chuyển tiền trong hoạt động đầu tư, chuyển trả các khoản chi phí, chuyển tiền kiều hối và các trường hợp khác theo yêu cầu của khách hàng. Sử dụng phương thức thanh toán này có ưu điểm là thủ tục thanh toán đơn giản, thời gian thực hiện nhanh và chi phí thường không lớn. Tuy nhiên như đã nói ở trên, chuyển tiền là phương thức thuộc nhóm thanh toán không kèm chứng từ nên mức độ rủi ro cho người hưởng lợi cao do việc thanh toán có được thực hiện hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người chuyển tiền. Vì vậy, phương thức này phù hợp nhất khi hai bên có đã có quan hệ hợp tác lâu dài, có sự tín nhiệm lẫn nhau và ngân hàng tham gia thanh toán là ngân hàng có uy tín cao, khả năng thanh toán tốt. Phương thức chuyển tiền hiện nay được áp dụng khá rộng rãi ở các nước phát triển do những ưu điểm của nó. Nếu chỉ tính riêng thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu thì tỷ trọng của phương thức chuyển tiền đạt gần 30% giá trị thanh toán. Còn nếu tính trên giá trị thanh toán quốc tế nói chung, phương thức chuyển tiền chiếm đến hơn 70%. ở nước ta, chuyển tiền ít được sử dụng trong thanh toán ngoại thương, chỉ khoảng 10% giá trị thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu và thường tập trung ở một số ngân hàng thương mại có uy tín trên thị trường quốc tế; khi thanh toán những hợp đồng có giá trị nhỏ hoặc kết hợp với các phương thức thanh toán khác trong những hợp đồng có điều kiện thanh toán hỗn hợp bằng nhiều phương thức khác nhau; khi trả tiền ứng trước, tiền thừa, tiền bồi thường và những chi phí mậu dịch liên quan đến xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, phương thức này lại được áp dụng rất phổ biến trong các trường hợp thanh toán phi mậu dịch như chuyển tiền kiều hối, chuyển tiền đầu tư, viện trợ, thanh toán các khoản phí… Ngoài những trường hợp trên với vai trò là một phương thức thanh toán độc lập, chuyển tiền còn là bước cuối cùng của tất cả phương thức thanh toán quốc tế khác và là khâu không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh đối ngoại của ngân hàng. Vì vậy nếu xét theo nghĩa rộng là chuyển tiền trong thanh toán quốc tế thì đây là nghiệp vụ được áp dụng rộng rãi nhất vì bản chất của thanh toán quốc tế chính là chuyển tiền. Rủi ro của phương thức chuyển tiền trong thanh toán quốc tế. Mỗi phương thức thanh toán đều có những ưu, nhược điểm nhất định và các nhược điểm là mầm mống của rủi ro. Như đã phân tích ở trên, chuyển tiền là một phương thức thanh toán đơn giản, trong đó ngân hàng chỉ tham gia với vai trò trung gian mà không có một sự ràng buộc nào. Chính vì vậy mà rủi ro đối với các bên thanh toán cao, đặc biệt là trong thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhìn chung, việc sử dụng phương thức chuyển tiền trong thanh toán quốc tế thường gặp những rủi ro sau: Rủi ro đối với người bán và người mua trong thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu. Đối với người bán: Hàng đã giao nhưng người mua chậm thanh toán hoặc không thanh toán do gặp khó khăn về tài chính hoặc cố ý chây ỳ trong việc thanh toán. Người mua từ chối nhận hàng khi giá cả thị trường có xu hướng giảm, do đó sẽ không thực hiện việc thanh toán. Đối với người mua: nếu người mua sử dụng phương thức chuyển tiền để mua hàng theo hình thức trả tiền trước khi nhận hàng thì có thể gặp nhiều rủi ro. Người bán thiếu uy tín, giao hàng không đúng số lượng, chất lượng theo hợp đồng. Người bán chậm giao hàng, chiếm dụng vốn của người mua. Người bán không giao hàng do bị phá sản hoặc hủy hợp đồng khi giá cả thị trường có xu hướng tăng. Rủi ro trong các nghiệp vụ thanh toán khác. Thanh toán nhầm người hưởng do sơ suất của ngân hàng, do sự thiếu cẩn thận của người chuyển tiền hoặc do sự gian lận của người nhận tiền. Thanh toán hai lần cho cùng một lệnh chuyển tiền do lỗi của máy móc hoặc của thanh toán viên. Điện thanh toán của ngân hàng không chính xác tên, địa chỉ người hưởng hoặc sai số tài khoản dẫn đến phải tra soát nhiều lần hoặc không thanh toán được. Thanh toán chậm do có sự sai sót của máy móc, nhân viên thực hiện hoặc do sự khác biệt về thời gian. Ngân hàng trả tiền thanh toán cho người hưởng sau khi ngân hàng chuyển tiền đã có lệnh hủy điện chuyển tiền. Các rủi ro này có thể gây thiệt hại cho người chuyển tiền, người hưởng lợi hoặc cho cả hai bên. Nếu ngân hàng sử dụng phương thức thanh toán này trong hoạt động kinh doanh của chính mình thì họ cũng phải chịu những rủi ro như một khách hàng. Còn trong trường hợp ngân hàng đứng ra với vai trò là một trung gian thì những rủi ro của khách hàng có thể dẫn tới việc mất uy tín và ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng, do đó cũng có thể coi đó chính là rủi ro của ngân hàng. Kết luận: Sự ra đời và phát triển của nền sản xuất và trao đổi hàng hóa trên thế giới gắn liền với sự ra đời và phát triển của tiền tệ và lưu thông tiền tệ. Việc xuất hiện đồng tiền trong lưu thông và trao đổi hàng hóa đã tạo tiền đề và thúc đẩy mậu dịch quốc tế phát triển. Cùng với các mối quan hệ kinh tế đối ngoại ngày càng đa dạng và phong phú, hoạt động thanh toán quốc tế cũng ngày càng trở nên cần thiết và thường xuyên hơn. Bằng các nghiệp vụ của mình, ngân hàng trở thành cầu nối giữa hai bên mua bán cách xa nhau để khép kín chu trình mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Khối lượng giao dịch quốc tế lớn và khoảng cách giữa các đối tác làm phát sinh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và ngân hàng đứng ra với vai trò trung gian chuyển tiền cho các bên, thực hiện về mặt kỹ thuật những nghiệp vụ chu chuyển tiền với nước ngoài, đảm nhận rủi ro gắn liền với hoạt động ấy. Sự phát triển của công nghệ điện tử đã tạo một bước đột phá trong thanh toán quốc tế, góp phần hoàn thiện quy trình nghiệp vụ của các phương thức thanh toán, hạn chế rủi ro đối với tất cả các bên tham gia vào quá trình thanh toán. Những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX đã chứng kiến việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ tự động trong quá trình thanh toán và hạch toán với sự ra đời của hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng bằng đồng dollar Mỹ CHIPS (clearing house interbank payment system), hệ thống thanh toán bù trừ bằng đồng bảng Anh CHAP, rồi mạng tài chính viễn thông liên ngân hàng toàn cầu SWIFT (society for world wide interbank financial telecommunication)… Những hệ thống điện tử này cho phép các ngân hàng thực hiện việc chuyển tiền và các điện thanh toán một cách nhanh chóng, chính xác, an toàn nhờ vào các mẫu điện thống nhất và mã điện mật. Mặc dù phải đến đầu những năm 90 mới bắt đầu triển khai các nghiệp vụ kinh doanh đối ngoại nhưng các ngân hàng thương mại nước ta lại có lợi thế là có thể ứng dụng ngay những thành tựu công nghệ hiện đại đã được các ngân hàng khác trên thế giới đi trước nghiên cứu và thử nghiệm. Trong nửa đầu của thập kỷ 90, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã từng bước ứng dụng công nghệ ngân hàng điện tử vào quy trình thanh toán quốc tế và đến năm 1995 đã tham gia vào mạng SWIFT. Đến nay, có thể nói phần lớn các ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam, mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là một ví dụ, đã có thể đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của khách hàng thuộc mọi thành phần kinh tế trong hoạt động thanh toán quốc tế phù hợp với tiêu chuẩn ngân hàng hiện đại. Hiện nay, một trong những nghiệp vụ ngân hàng tại nước ta đã được cải thiện rất nhiều nhờ vào việc ứng dụng công nghệ hiện đại là chuyển tiền quốc tế. Trong chương II tiếp theo đây chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu về thực trạng hoạt động cụ thể của nghiệp vụ này tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Chương II thực trạng công tác thanh toán quốc tế bằng phương thức chuyển tiền tại NHNo Việt Nam. giới thiệu chung về ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Quá trình hình thành và phát triển. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (viết tắt là NHNo VN) là một ngân hàng thương mại quốc doanh còn non trẻ. Kể từ khi thành lập đến nay, NHNo VN mới trải qua 14 năm xây dựng và phát triển. Song trong 14 năm ấy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với sự cố gắng nỗ lực không ngừng, NHNo VN đã vươn lên thành một trong những Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam. NHNo VN được thành lập ngày 7 tháng 1 năm 1988 theo Nghị định 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), từ một số Vụ, Phòng của Ngân hàng Trung ương, và các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Tỉnh, Thành phố cùng toàn bộ các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước huyện. Trước khi mang tên gọi chính thức là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (tên giao dịch quốc tế là Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development (VBARD)) như ngày nay, NHNo VN đã trải qua hai lần đổi tên. Khi mới thành lập, NHNo VN mang tên là Ngân hàng Phát triển Nông thôn Việt Nam. Hai năm sau, theo Quyết định số 400/CT ngày 14 tháng 11 năm 1990 của Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, Ngân hàng Phát triển Nông thôn Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Tiếp đó, theo quyết định số 280/QĐ-NH ngày 15 tháng 10 năm 1996 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục được đổi tên thành Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Tuy được thành lập từ năm 1988, song phải đến ngày 22 tháng 11 năm 1997, NHNo VN mới có Điều lệ tổ chức và hoạt động chính thức do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn. Theo điều lệ, NHNo VN là một ngân hàng thương mại của Nhà nước, một doanh nghiệp nhà nước dạng đặc biệt, tổ chức theo mô hình Tổng Công ty Nhà nước, chịu sự quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan trực thuộc Chính phủ; hoạt động theo Luật Ngân hàng và Tổ chức Tín dụng Việt Nam; có tư cách pháp nhân, có quyền tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn; thời hạn hoạt động là 99 năm. NHNo VN do Hội đồng Quản trị gồm 6 thành viên quản lý và ban giám đốc gồm 6 thành viên điều hành, trong đó 4 người đồng thời là thành viên hội đồng quản trị. Mô hình cơ cấu quản lý và điều hành của NHNo VN. Hội đồng quản trị Tổng giám đốc Các phó Tổng giám đốc Hệ thống ban Chuyên môn nghiệp vụ Bộ máy giúp việc HĐQT Ban kiểm soát Kế toán trưởng Hệ thống kiểm soát nội bộ Sở giao dịch Văn phòng đại diện Chi nhánh Đơn vị sự nghiệp Công ty trực thuộc Quỹ tiết kiệm Phòng giao dịch Quỹ tiết kiệm Phòng giao dịch Chi nhánh NHNo VN có trụ sở chính tại Hà Nội, 2 văn phòng đại diện Miền Nam và Miền Trung, có mạng lưới rộng khắp từ trung ương đến các huyện, xã với 1.562 chi nhánh. Ngoài ra, Ngân hàng còn có 5 công ty trực thuộc là: Công ty Quản lý nợ và Khai thác Tài sản (AMC), Công ty Cho thuê Tài chính, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ, Công ty Chứng khoán và Công ty Vàng bạc đá quý. NHNo VN cũng tham gia liên doanh liên kết với một số tổ chức tài chính, ngân hàng trong nước và nước ngoài như Ngân hàng liên doanh Việt–Thái Vinasiam, NHTMCP Quốc tế…và góp vốn với một số tổ chức kinh tế Việt Nam. NHNo VN hiện có tổng số 24.440 nhân viên trên toàn hệ thống với 37% là cán bộ tín dụng, 17% là cán bộ kế toán và thanh toán, còn lại là cán bộ quản lý và các lĩnh vực khác. So với các ngân hàng thương mại khác, NHNo có đội ngũ cán bộ đông đảo nhất, được đào tạo có bài bản, hệ thống và có khả năng cung cấp các dịch vụ ngân hàng với chất lượng cao. Với chức năng kinh doanh đa năng, NHNo VN chủ yếu thực hiện kinh doanh trên các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và các dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng trong và ngoài nước; đầu tư các dự án phát triển kinh tế-xã hội, ủy thác tín dụng đầu tư cho Chính phủ, các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài, mà trước hết là trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong điều kiện Việt Nam là một nước nông nghiệp đang phát triển với hơn 80% dân số sống ở nông thôn, đến nay, có thể nói, NHNo VN đã và đang là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất, chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường nông thôn Việt Nam, giữ vai trò chủ đạo và chủ lực trong đầu tư vốn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. NHNo VN đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, lấy nông thôn làm thị trường, lấy hộ nông dân làm đối tượng phục vụ chính. Ngoài việc coi trọng đầu tư nông nghiệp, NHNo VN còn phát triển kinh doanh đa năng, từng bước đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng, mở rộng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng đầu tư đối với các ngành kinh tế khác nhằm phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Chuyển từ đầu tư theo đối tượng sang đầu tư theo dự án kinh tế, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo mô hình khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, thu mua, thanh toán và xuất khẩu đối với ngành hàng, vùng, tiểu vùng kinh tế. Bên cạnh kinh doanh thương mại, NHNo VN còn thực hiện các chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ như: chương trình cho vay mía đường, chương trình làm nhà trên cọc, điện, giao thông, nước sạch khu vực nông thôn… Nếu như trước đây, Ngân hàng chỉ thực hiện đơn thuần nghiệp vụ tín dụng nông thôn thì từ năm 1991, NHNo VN đã bắt đầu triển khai các nghiệp vụ kinh doanh đối ngoại như: thanh toán quốc tế, tài trợ xuất nhập khẩu, bảo lãnh và tái bảo lãnh, mua bán ngoại tệ, kiều hối, thanh toán biên giới, giải ngân cho các dự án ủy thác đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế và nước ngoài và được các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB… đánh giá cao. Hệ thống công nghệ thông tin đã được hiện đại hóa phục vụ quản trị kinh doanh với hệ thống máy vi tính được kết nối mạng trên diện rộng từ trụ sở chính đến chi nhánh, thực hiện chuyển tiền điện tử, dịch vụ thanh toán thẻ tín dụng quốc tế, thẻ rút tiền tự động ATM, tham gia thanh toán quốc tế qua mạng SWIFT… Cho đến nay, NHNo VN đã có một số lượng bạn hàng và khách hàng lớn gồm 8 triệu hộ sản xuất, 1.760 doanh nghiệp Nhà nước, 5.750 doanh nghiệp vừa và nhỏ; quan hệ tín dụng với 22 ngân hàng ở nước ngoài, 25 chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam; thiết lập quan hệ đại lý với 850 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; là thành viên Hiệp hội Tín dụng Châu á - Thái Bình Dương (APRACA) và Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp Quốc tế (CICA). Trong những năm qua, từ một ngân hàng non yếu về nhiều mặt, có những thời điểm đứng bên bờ vực phá sản, song dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, sự lãnh đạo đúng đắn của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, bằng sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, NHNo VN đã vượt qua thăng trầm để vươn lên kinh doanh có lãi. Năm 1993 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển củaNHNo VN. Sau suốt 6 năm hoạt động, đây là năm đầu tiên Ngân hàng bắt đầu kinh doanh có lãi, chấm dứt thời kỳ thua lỗ. Cũng kể từ năm 1993 đến nay, NHNo VN là ngân hàng Việt Nam đầu tiên liên tục được thực hiện kiểm toán quốc tế bởi Công ty Kiểm toán Quốc tế Price Water House Cooper và được xác nhận là tổ chức ngân hàng lành mạnh, đủ tin cậy. Tình hình hoạt động kinh doanh của NHNo VN. Trong những năm qua, nền kinh tế và hoạt động tài chính ngân hàng có những thuận lợi cơ bản. Đường lối đổi mới và các chính sách kinh tế của Đảng, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi và môi trường pháp lý ổn định hơn cho hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn gay gắt. Tình hình kinh tế và thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động. Diễn biến thất thường của thời tiết qua các năm, hạn hán, thiên tai, bão lụt xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại không nhỏ. Trong bối cảnh đó, NHNo VN đã đề ra phương châm: “vừa mở rộng, tăng trưởng cho vay, vừa củng cố chất lượng và an toàn tín dụng”; cung ứng vốn theo quan hệ cung cầu vốn trên thị trường thông qua cơ chế lãi suất thực dương, thực hiện cơ chế khoán tài chính đến từng chi nhánh thành viên, công ty trực thuộc và đến người lao động; thực hiện chính sách đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng vốn; hướng đầu tư vào những vùng trọng điểm có tỷ suất nông sản hàng hóa cao; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp; phát triển các ngành nghề, tạo công ăn việc làm nhằm tăng thu nhập và ổn định đời sống; tập trung cho vay các chương trình, dự án, khép kín chu trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Ngoài việc coi trọng đầu tư nông nghiệp, NHNo VN còn mở rộng đầu tư đối với các ngành kinh tế khác nhằm phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. NHNo VN có các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đa dạng. Ngoài hai nghiệp vu truyền thống là huy động vốn và cho vay, NHNo VN còn chú trọng phát triển các loại hình, tiện ích ngân hàng khác, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hiện nay đã cung ứng 20/33 sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại bao gồm: Huy động vốn bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ với nhiều hình thức như gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán, phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi… Đầu tư vốn tín dụng bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ: cho vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và chiết khấu các loại giấy tờ, chứng từ có giá, cho vay tài trợ theo chương trình, dự án, cho vay đồng tài trợ với các ngân hàng thương mại bạn, cho vay tài trợ xuất nhập khẩu, cho vay dài hạn các dự án lớn, cho vay khép kín các chu trình sản xuất-lưu thông, cho vay các chương trình chỉ định của Chính phủ… Thanh toán bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ: thanh toán chuyển tiền điện tử trong cả nước, thanh toán quốc tế qua mạng SWIFT, Telex, thanh toán biên giới… Bảo lãnh bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ: bảo lãnh, tái bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh đấu thầu, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh cho các doanh nghiệp, tổ chức tài chính tín dụng trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Kinh doanh tiền tệ tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối ngoại: Tiếp nhận và triển khai các dự án ủy thác vốn, dự án tài trợ kỹ thuật, dự án làm dịch vụ giải ngân, dự án ủy nhiệm cho các chi nhánh thực hiện, dự án nâng cao năng lực. Đầu tư dưới hình thức hùn vốn, liên doanh, mua cổ phần, mua tài sản và các hình thức đầu tư khác với các doanh nghiệp và tổ chức tài chính tín dụng. Cầm cố tài sản. Kinh doanh, xuất nhập khẩu mỹ nghệ, vàng bạc, kim khí quý, đá quý. Làm đại lý cho các tổ chức tài chính tín dụng trong và ngoài nước. Dịch vụ cho thuê tài chính: nhập khẩu máy móc thiết bị, tư vấn, nhận bảo lãnh về những hoạt động dịch vụ có liên quan đến nghiệp vụ cho thuê tài chính. Kinh doanh chứng khoán, làm môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư vốn của khách hàng, tư vấn chứng khoán, lưu ký và đăng ký chứng khoán. Cung ứng các dịch vụ: Bảo hiểm, quản lý nợ và khai thác tài sản, cho thuê két sắt, cất giữ bảo quản chứng khoán, giấy tờ có giá bằng tiền và các tài sản quý, chi trả tiền lương cho các tổ chức, doanh nghiệp, chi trả kiều hối, ngân hàng tại gia… Cung ứng các dịch vụ rút tiền tự động ATM, thanh toán thẻ tín dụng quốc tế… Cung ứng các dịch vụ đào tạo cho các tổ chức và cá nhân: giảng dạy, học tập, tham quan, khảo sát, nghiên cứu khoa học… Hiện nay, NHNo VN đang nỗ lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng phù hợp với tiến trình hội nhập, phấn đấu trở thành ngân hàng tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế, đa dạng hóa hoạt động, đi đầu về ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại nhằm cung cấp dịch vụ ngân hàng có chất lượng cao cho mọi thành phần kinh tế. Cùng quá trình đổi mới của đất nước, hoạt động của NHNo VN đã đạt được những thành tựu nhất định trên nhiều lĩnh vực. 2.1. Nguồn vốn. NHNo VN thực hiện chiến lược huy động vốn với trọng tâm: huy động tối đa nguồn vốn trong nước theo phương châm “Đi vay để cho vay”, “Có huy động thêm vốn mới tăng dư nợ”. Các hình thức huy động bước đầu đa dạng hơn, việc mở rộng thị trường, thị phần đã được coi trọng. Đồng thời đẩy mạnh quan hệ đối ngoại nhằm tranh thủ nguồn vốn ủy thác đầu tư của nước ngoài; nâng cao tỷ trọng vốn trung, dài hạn trong cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng vốn cho nhu cầu phát triển kinh tế, nâng cao tỷ trọng nguồn vốn lãi suất thấp, đảm bảo có lãi trong kinh doanh. NHNo VN hàng năm có thể chủ động về nguồn vốn. Kể từ khi thành lập, Ngân hàng luôn đạt tốc độ tăng trưởng nguồn vốn với tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 30%/năm. Nếu tổng nguồn vốn năm 1990 chỉ là 1.500 tỷ đồng thì hiện nay tăng lên 83.226 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động đạt 66.850 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 87,3% trong tổng số nguồn vốn. Hình 2.1: Tổng nguồn vốn Đơn vị: Nghìn tỷ đồng Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2001 của NHNo VN. 2.2. Hoạt động tín dụng. NHNo VN đã có sự chuyển dịch căn bản từ cho vay doanh nghiệp nhà nước vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 sang cho vay hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ là chủ yếu. Bên cạnh đối tượng khách hàng truyền thống là hộ sản xuất, NHNo VN chú trọng đa dạng hóa các đối tượng đầu tư như cho vay tiêu dùng, cho vay cơ sở hạ tầng, cho vay ngành nghề nông thôn. Mở rộng quan hệ với các ngân hàng thương mại, các Tổng công ty lớn để tham gia cho vay đồng tài trợ, đồng bảo lãnh, nhằm mở rộng tín dụng, phân tán rủi ro, đồng thời tăng thêm sức mạnh của NHNo VN, phấn đấu giữ vững là ngân hàng lớn trong hệ thống các ngân hàng hiện nay cũng như sau này. Hình 2.2: Tổng Dư nợ Đơn vị: Nghìn tỷ đồng Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2001 của NHNo VN. Tốc độ tăng dư nợ khá nhanh, bình quân 27%/năm, đáp ứng cơ bản vốn cho nông nghiệp, nông dân và mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cơ cấu đầu tư được điều chỉnh cho phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Tổng dư nợ cho vay tăng nhanh từ 1.200 tỷ đồng năm 1988 lên 3.680 tỷ đồng năm 1991 và hiện nay đạt 74.873 tỷ đồng, trong đó cho vay các doanh nghiệp Nhà nước tăng 10,2% chiếm tỷ trọng 21,4% trong tổng dư nợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 70,7% chiếm 8,2%, hộ sản xuất tăng 11,8% chiếm tỷ trọng 70,4%. Nợ quá hạn duy trì ở mức thấp 0,9% tổng dư nợ. 2.3. Công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán. NHNo VN luôn chú trọng tới việc áp dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng. Một trong những cuộc cách mạng công nghệ đầu tiên được NHNo VN đưa vào ứng dụng trong thanh toán là việc xây dựng mạng thanh toán nội bộ (LAN). Tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn hệ thống NHNo VN đều được trang bị vi tính và nối mạng. Do vậy, công tác thanh toán luôn được thực hiện nhanh chóng, an toàn, hiện đại. Hiện tại, NHNo VN đã áp dụng hệ thống chuyển tiền điện tử ngoại tỉnh và triển khai chương trình chuyển tiền điện tử nội tỉnh đến tất cả các đơn vị thành viên trực thuộc. NHNo VN cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tham gia mạng thanh toán SWIFT. Điều này cho phép rút ngắn thời gian giao dịch, đảm bảo các giao dịch được thực hiện chính xác, tức thời và nâng cao hình ảnh, uy tín của NHNo VN trước khách hàng. Hiện nay, NHNo VN đang triển khai dự án ngân hàng bán lẻ trên toàn hệ thống với trọng tâm tăng độ an toàn về dữ liệu, đổi mới quy trình giao dịch như giao dịch một cửa, gửi tiền một nơi, rút tiền nhiều nơi… Ngoài ra, NHNo VN còn đang thực hiện dự án thanh toán Nội bộ Ngân hàng và Kế toán Khách hàng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Khi kết thúc dự án này, NHNo sẽ có được một hệ thống thanh toán thuận tiện, chính xác, an toàn, cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm và dịch vụ, là ngân hàng có hệ thống thanh toán hiện đại nhất tại Việt Nam, ngang tầm với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực. 2.4. Hoạt động kinh doanh đối ngoại. Hoạt động kinh doanh đối ngoại của NHNo VN bắt đầu triển khai từ năm 1991. Sau gần 10 năm hoạt động, đặc biệt từ năm 1995 đến nay, NHNo VN đã đạt được nhiều kết quả khả quan: các nghiệp vụ kinh doanh đối ngoại, tín dụng xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ, thanh toán biên giới… tăng trưởng ổn định, vững chắc và được các tổ chức tài chính nước ngoài như ADB, WB… đánh giá cao. Huy động ngoại tệ. Từ 1998 đến nay, thực hiện phương châm tự huy động vốn, NHNo VN đã hạn chế tối đa vốn vay thương mại từ các ngân hàng nước ngoài với lãi suất cao thay bằng tạo lập nguồn vốn ngoại tệ với lãi suất thấp hơn từ việc huy động tiết kiệm của các tổ chức kinh tế và dân cư. Đến năm 2001, nguồn vốn huy động ngoại tệ tăng hơn 8 lần so với năm 1995, trong đó nguồn huy động có kỳ hạn để đầu tư các dự án trung, dài hạn chiếm 85%, nguồn vay Ngân hàng Nhà nước giảm 2,6 lần, trong khi nguồn tài trợ ủy thác đầu tư của các tổ chức quốc tế tăng gấp đôi. Bảng 2.1: Nguồn vốn ngoại tệ giai đoạn 1995-2001 (tỷ VNĐ) Tiêu chí 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 Huy động ngoại tệ Có kỳ hạn Không kỳ hạn 319,26 189,97 129,29 324,67 159,12 165,56 789,12 466,51 331,61 1.677,48 1.408,26 268,22 2.055,93 1.747,98 307,95 2.554,08 1.519,76 982,60 2.624.31 1.614,25 1.010,06 Vay NHNN Ngắn hạn Trung, dài hạn 223,25 0 223,25 192,64 192,64 107,44 107,44 83,62 0 83,62 84,43 0 84,43 85,57 0 85,57 86,03 0 86,03 3. Vay các TCTD 605,97 1.309,76 992,61 715,10 95,65 78,64 77,54 4. Vốn tàI trợ UTĐT 602,51 1.169,38 1.711,64 2,868,01 1.164,12 1.205,02 1.287,15 Nguồn: Đề án chiến lược mở rộng kinh doanh đối ngoại của NHNo VN giai đoạn 2001-2005 Cho vay ngoại tệ. Bảng 2. 2: Cho vay ngoại tệ giai đoạn 1995-2001 (tỷ VND) Chỉ tiêu 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 Ngắn hạn Trung hạn Dài hạn 816,0 575,1 521,6 927,00 1.371,00 58,61 1.252,2 749,25 916,05 879,6 546,15 926,25 749,25 1.033,5 840,9 579,15 741,3 568,35 601.24 814.47 528.32 Tổng số 1.912,54 3.177,00 2.917,50 2.352,00 2.652,00 1.888,80 1.944,03 Nguồn: Đề án chiến lược mở rộng kinh doanh đối ngoại của NHNo VN giai đoạn 2001-2005 Bảo lãnh và mở L/C trả chậm. Bảng 2.3: Doanh số bảo lãnh giai đoạn 1996-2001 (USD) Năm Doanh số % tăng, giảm so với năm trước 1996 52 362 200 1997 38 364 300 -26% 1998 19 224 000 -49% 1999 4 777 600 -75% 2000 9 424 700 +97% 2001 3 160 000 -66% Nguồn: Đề án chiến lược mở rộng kinh doanh đối ngoại của NHNo VN giai đoạn 2001- 2005 Thanh toán xuất nhập khẩu. Mạng lưới TTQT ngày càng được mở rộng. Đến nay đã có 55 chi nhánh đăng ký tham gia, trong đó 48 chi nhánh đã trực tiếp tham gia TTQT. Chất lượng TTQT ngày càng được nâng cao, đảm bảo an toàn. Khả năng cạnh tranh của NHNo VN so với các NHTM khác đã tăng lên. Hình 2.3: Thị phần TTQT của các NHTM đến năm 2001 (%) Nguồn: Đề án chiến lược mở rộng kinh doanh đối ngoại của NHNo VN giai đoạn 2001- 2005 Hoạt động TTQT tăng trưởng mạnh qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 40%. Nhưng riêng năm 2001, do những biến động về tỷ giá, sự mất cân đối quá lớn giữa hàng xuất và hàng nhập dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc đảm bảo nguồn ngoại tệ cho thanh toán, sự bất ổn định của một số thị trường trong khu vực và thế giới, doanh số TTQT chỉ đạt 1928 triệu USD, giảm 30% so với năm 2000. Bảng 2.4: Doanh số TTQT giai đoạn 1996-2001(Triệu USD). Năm Tiêu chí 1996 1997 1998 1999 2000 2001 L/C hàng xuất 231,62 389,16 368,29 285,82 72,98 65,99 L/C hàng nhập 228,36 582,11 1.088,75 2.110,9 2.420,11 1.387,18 Chuyển tiền 226,14 281,10 250,78 289,75 354,24 474,51 Tổng số 685,12 1.252,37 1.707,83 2.868,56 2.847,32 1.927,68 Nguồn: Đề án chiến lược mở rộng kinh doanh đối ngoại của NHNo VN giai đoạn 2001- 2005. Kinh doanh ngoại tệ. Hoạt động mua bán ngoại tệ trong hệ thống NHNo VN tăng trưởng mạnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ 1996 – 2001 đạt 49,7%, riêng năm 1999 tăng 150% so với năm 1998. Tổng doanh thu mua bán ngoại tệ năm 2001 đạt 4.215 triệu USD, tăng 10% so với năm 2000. Thanh toán biên giới. Từ tháng 12/1996, NHNo VN thực hiện thí điểm thanh toán biên giới với Trung Quốc, đến nay hoạt động này đã có bước tăng trưởng nhanh và an toàn, bước đầu tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Doanh số thanh toán biên giới đạt mức tăng trưởng bình quân 84% mỗi năm. Gần đây, NHNo VN đã ký thỏa thuận thanh toán với Ngân hàng Lào Mày và chuẩn bị mở rộng hoạt động thanh toán biên giới tại cửa khẩu Lao Bảo. Sắp tới, NHNo VN sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động thanh toán biên giới với Cămpuchia. Kiều hối và các dịch vụ khác. Từ khi triển khai thực hiện QĐ 170/1999/QĐ-TTg của Chính phủ khuyến khích người Việt Nam gửi tiền về nước, số chi nhánh triển khai dịch vụ này tăng nhanh và đạt kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng bình quân qua các năm là 26,5%. Đến cuối năm 2001, doanh số thu kiều hối đạt 9,8 triệu USD, tăng 62% so với năm 2000, trong khi doanh số chi đạt 5,1 triệu USD, tăng 4% so với năm 2000. Ngoài ra, NHNo VN cũng đã mở rộng một số dịch vụ, sản phẩm mới như: dịch vụ chuyển tiền với Ngân hàng á châu (ACB), ._.ó công suất lớn, tốc độ xử lý cao và chính xác. Những giải pháp công nghệ mới phải được triển khai tại trung tâm điều hành trước tiên, sau đó sẽ áp dụng mô hình triển khai thí điểm và chỉ thực hiện triển khai đại trà khi việc triển khai thí điểm cho thấy hiệu quả và lợi ích. Đảm bảo thiết lập, bắt buộc tuân thủ và cập nhật thường xuyên các tiêu chuẩn cho trang thiết bị, hệ điều hành, môi trường cơ sở dữ liệu, các mạng truyền thông; trong đó bao gồm cả các tiêu chuẩn cho việc mua sắm thiết bị. Lựa chọn nhà cung cấp thiết bị hàng đầu không chỉ về chất lượng thiết bị mà cả về dịch vụ hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật. Từng bước thay thế việc xử lý, lưu trữ dữ liệu, chứng từ theo phương pháp thủ công bằng phương pháp tự động để tiết kiệm không gian, thời gian và nâng cao độ an toàn, chính xác. Các thông tin nên được cơ cấu lại một cách logic và hệ thống, cho phép người sử dụng có thể tìm thấy trên mạng điện tử. Cải tiến khả năng liên lạc giữa tất cả các chi nhánh, văn phòng cấp tỉnh, văn phòng giao dịch bằng một hệ thống truyền thông điện tử, giảm thiểu việc giao dịch qua giấy tờ như hiện nay. Luôn có các biện pháp phòng ngừa rủi ro kỹ thuật và giải pháp khắc phục sự cố. Tập huấn cho nhân viên nắm vững vai trò và những việc họ cần thực hiện khi rủi ro kỹ thuật xảy ra. Nhân viên và cán bộ quản lý phải thường xuyên được đào tạo và cập nhật về các công nghệ mũi nhọn để am hiểu tường tận và hoàn toàn làm chủ các công nghệ và công cụ được sự dụng tại Ngân hàng, đảm bảo trình độ cán bộ phát triển phù hợp với năng lực của công nghệ. Đối với bộ phận chuyển tiền: Mỗi nhân viên chuyển tiền tại trụ sở và chi nhánh cấp tỉnh nên được trang bị một máy vi tính để chủ động trong giao dịch. Nối mạng giữa phòng thanh toán quốc tế và phòng kế toán để thuận tiện cho việc cập nhật số liệu. Có phần mềm theo dõi hoạt động chuyển tiền, hiện đại hóa khâu tạo lập điện thanh toán và lập báo cáo hàng tháng. Cải tiến và hoàn thiện hiệu quả sử dụng mạng thanh toán SWIFT. Phát triển và nâng cao mạng lưới thanh toán SWIFT để kết nối vững chắc với mạng quốc tế. NHNo VN cần làm tốt phương án tham gia theo các mục tiêu chung của tổ chức SWIFT để thống nhất với tất cả các ngân hàng khác. Trang bị cho mỗi chi nhánh làm thanh toán quốc tế một máy vi tính có cài đặt phần mềm SWIFT-in và được nối với Sở giao dịch NHNo VN. Có mã SWIFT nội bộ riêng cho các chi nhánh để việc nhận điện được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Từng bước chuẩn hóa việc luân chuyển thông tin, chứng từ và thanh toán giữa Sở giao dịch NHNo VN với các ngân hàng khác và trong nội bộ hệ thống NHNo VN theo các tiêu chuẩn định dạng của SWIFT. Giảm bớt việc sử dụng Telex trong chuyển tiền, thay vào đó là việc áp dụng tối đa các tiện ích của SWIFT, kể cả đối với việc luân chuyển điện chuyển tiền trong nội bộ NHNo VN và báo Có - Nợ để đảm bảo độ an toàn, chính xác và nhanh chóng. Thường xuyên cập nhật các tài liệu hướng dẫn của Tổ chức SWIFT và phổ biến tới tận từng chi nhánh thực hiện thanh toán quốc tế để đảm bảo tất cả các nhân viên thanh toán đều phải thông hiểu các quy định này. Tổ chức bộ phận thanh toán quốc tế nói chung và bộ phận thực hiện nghiệp vụ chuyển tiền nói riêng theo kinh nghiệm của các ngân hàng thương mại quốc tế, có sự sửa đổi cho phù hợp với điều kiện của từng chi nhánh, đáp ứng yêu cầu về quản trị và bảo quản hệ thống SWIFT. Không ngừng trang bị kiến thức cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác chuyển tiền về hoạt động và các yêu cầu của mạng SWIFT qua các cuộc hội thảo, học tập kinh nghiệm từ các ngân hàng bạn, các chuyên gia ngân hàng nước ngoài. Triển khai hệ thống kế toán khách hàng và hệ thống thanh toán liên ngân hàng. NHNo VN có mạng lưới chi nhánh lớn nhưng hiện tại mạng lưới này chưa đem lại ích lợi cho khách hàng. Khách hàng chỉ có thể giao dịch thông qua chi nhánh chính của họ mà thôi. Một hệ thống kế toán khách hàng và hệ thống thanh toán liên ngân hàng mới sẽ cho phép khách hàng giao dịch ngay tại những chi nhánh mà khách hàng không để tài khoản nhờ vào khả năng xử lý trực tuyến của các chi nhánh. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho khách hàng trong việc sự dụng phương thức chuyển tiền qua ngân hàng. Hơn nữa, hệ thống thanh toán liên chi nhánh ngân hàng hiện nay phần lớn vẫn dựa trên giấy tờ. Có 350 chi nhánh có thể truy cập vào hệ thống thanh toán liên chi nhánh ngân hàng nhưng thực tế người ta vẫn lập biên lai bằng giấy tờ cho mục đích đối chiếu ở các chi nhánh nhận lẫn chi nhánh gửi. Nếu hệ thống kế toán khách hàng mới được cài đặt thành công và hiệu quả như một hệ thống trực tuyến thì khi đó nhu cầu thanh toán giữa các chi nhánh sẽ không còn, các chi nhánh sẽ có khả năng ghi Có bất cứ tài khoản nào tại bất kỳ chi nhánh nào một cách trực tiếp và ngay lập tức. Việc này vừa làm giảm bớt thời gian, vừa giảm thiểu được rủi ro do luân chuyển điện chuyển tiền giữa các chi nhánh. Tuy nhiên, do sức ép chi phí nên có thể hiểu rằng hệ thống mới này sẽ chỉ được cài đặt đầu tiên trong các khu vực thành thị. Đối với các chi nhánh ở khu vực nông thôn có thể sẽ đòi hỏi thêm vài năm trước khi cơ sở hạ tầng thông tin và chi phí kết hợp cho phép cài đặt hệ thống kế toán khách hàng và thanh toán liên chi nhánh ngân hàng. Để thực hiện việc triển khai các công nghệ thanh toán là một quá trình phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí cho Ngân hàng. Vì vậy cần lập một kế hoạch chi tiết về thời gian biểu, phạm vi áp dụng, huy động các nguồn lực để quá trình triển khai công nghệ không bị chệch hướng, thiếu tập trung, bị trì hoãn và làm tốn chi phí. Ngoài ra còn phải có sự năng động của ban lãnh đạo ngân hàng, mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị công nghệ hiện đại và các phần mềm ứng dụng chương trình thanh toán, kế toán. Trong số các ngân hàng thương mại Việt Nam, NHNo VN là ngân hàng hàng đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động kinh doanh của mình, được tài trợ bởi vốn vay Ngân hàng Thế giới, NHNo VN đã và đang tổ chức đấu thầu lắp đặt thiết bị công nghệ mới. Khi giải pháp này được thực hiện sẽ mang lại cho Ngân hàng nhiều lợi ích như: giảm được nhân lực thực hiện nghiệp vụ, tiết kiệm được thời gian giao dịch, đảm bảo an toàn trong giao dịch và trong thanh toán cũng như nâng cao hiệu quả trong thanh toán quốc tế nói riêng và hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung. Mở rộng quan hệ ngân hàng đại lý. Trong thanh toán chuyển tiền, ngân hàng đại lý là một yếu tố không thể thiếu trong quy trình nghiệp vụ. Hiện nay, NHNo VN có quan hệ đại lý với 850 ngân hàng nước ngoài nhưng không nhiều trong số đó là các ngân hàng đại lý tài khoản trực tiếp. Hơn nữa, sản phẩm xuất nhập khẩu của các khách hàng của NHNo VN lại rất phong phú, đến và đi nhiều khu vực trên thế giới, không phải ở đâu NHNo VN cũng có ngân hàng đại lý nên nhiều khi phải thanh toán vong vo qua nhiều ngân hàng trung gian. Một mạng lưới ngân hàng đại lý rộng có thể giúp cho khách hàng của NHNo VN tiết kiệm chi phí chuyển tiền vì lệnh chuyển tiền qua mỗi ngân hàng đại lý đều phải chịu một khoản phí nhất định, càng ít ngân hàng trung gian thì phí càng thấp. Ngoài ra có thể thấy, nếu lệnh chuyển tiền được chuyển trực tiếp, không phải thông qua nhiều khâu trung gian thì mức độ rủi ro cũng sẽ ít hơn. Hơn nữa, trong trường hợp gặp rủi ro cần tra soát với ngân hàng nước ngoài, nếu quy trình thanh toán đó phải qua nhiều ngân hàng thì quá trình tra soát rất lâu, gây phiền hà cho khách hàng phải chờ đợi. Thông thường những lệnh chuyển tiền được thanh toán ghi Nợ, Có tại cùng ngân hàng mà cả NHNo VN và ngân hàng nhận điện cùng có quan hệ tài khoản thì khách hàng chỉ phải chịu một khoản phí thấp. Trong thực tế cũng có trường hợp nhân viên thanh toán không lựa chọn được ngân hàng đại lý chuyển tiền phù hợp nên dẫn tới hiện tượng phải chuyển điện vòng qua nhiều ngân hàng trung gian. Để khắc phục hiện tượng này, cán bộ thanh toán phải thường xuyên đối chiếu danh sách các ngân hàng đại lý của NHNo VN và ngân hàng đại lý của ngân hàng nước ngoài để tìm ra những ngân hàng thích hợp với từng thị trường mà lựa chọn ngân hàng thanh toán cho phù hợp. Với đà phát triển của nền kinh tế nước ta và của NHNo VN, trong thời gian tới, NHNo VN cần tiếp tục duy trì, củng cố và từng bước mở rộng mạng lưới ngân hàng đại lý phù hợp với tốc độ và khối lượng giao dịch. Trong đó cần đặc biệt chú trọng đến những trung tâm tài chính thế giới và những thị trường mà các khách hàng của NHNo VN có nhiều giao dịch như Mỹ, EU, Nga, Trung Quốc, Hongkong, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra cũng cần quan tâm đến các ngân hàng tại khu vực Trung Đông, Châu Phi, nơi ngày càng nhập khẩu nhiều các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Tiến hành đánh giá, phân loại các ngân hàng đại lý để có chính sách quan hệ phù hợp. Tổ chức mạng lưới thông tin đối ngoại nhanh nhạy, thông suốt, thường xuyên tổ chức, đúc kết kinh nghiệm trong quan hệ đối ngoại để hạn chế rủi ro trong thanh toán. Thiết lập quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế. Xây dựng và phát triển mối quan hệ chặt chẽ với ngân hàng các nước ASEAN, ngân hàng các nước láng giềng, đặc biệt là với Trung Quốc. NHNo VN cần tổ chức một phòng chuyên làm đầu mối để trao đổi thông tin hai chiều, tìm hiểu và khai thác quan hệ đại lý với các ngân hàng trên thế giới. Đây được coi là một nghiệp vụ quan trọng được các ngân hàng trên thế giới cũng như các ngân hàng thương mại Việt Nam rất coi trọng. Quản trị rủi ro trong chuyển tiền. Rủi ro trong hoạt động chuyển tiền được xếp vào loại rủi ro hoạt động bao gồm các lỗi xử lý nghiệp vụ, gian lận liên quan đến việc xử lý nghiệp vụ, thiếu hoạt động kiểm soát quá trình xử lý nghiệp vụ hoặc do lỗi của hệ thống thông tin. Hiện nay, trách nhiệm kiểm soát thường nhật đối với các rủi ro này được giao cho giám đốc các đơn vị kinh doanh của NHNo VN mà không có sự phối hợp đồng bộ. Một số thủ tục kiểm soát hoạt động có tồn tại nhưng lại không đồng bộ trong toàn ngân hàng và chưa có kế hoạch đối phó với các tình huống bất ngờ để khắc phục tai họa. Những rủi ro xảy ra cũng chưa được đúc kết thành kinh nghiệm học tập chung cho toàn bộ ngân hàng. Để cải tiến việc quản lý rủi ro trong hoạt động chuyển tiền, NHNo VN nên tiến hành một số việc sau: Đẩy mạnh hoạt động kiểm soát rủi ro thông qua việc thiết lập một khung quản lý hoạt động rõ ràng; Tổ chức lại các kênh báo cáo cho Phòng Kiểm toán Nội bộ để báo cáo lên Tổng giám đốc và rút các nhân viên kiểm toán nội bộ khỏi các chi nhánh; Các vấn đề liên quan đến việc rửa tiền, đạo đức của cán bộ chuyển tiền nên giao cho Phòng Kiểm toán nội bộ của NHNo VN điều tra, xử lý; Điều chỉnh các chính sách và thủ tục kiểm toán nội bộ, điều tra các rủi ro dù có được yêu cầu hay không. Chuẩn hóa các thủ tục hoạt động trên toàn ngân hàng, thực hiện trao trách nhiệm cho một Phòng Tổ chức Phương pháp; Một nhóm quản lý rủi ro sẽ chịu trách nhiệm đưa ra các chính sách quản lý rủi ro của ngân hàng và đảm bảo rằng kế hoạch quản lý rủi ro được áp dụng thông qua việc đưa ra các thủ tục kiểm soát đúng đắn. Chức năng hàng ngày của nhóm kiểm soát rủi ro sẽ được cụ thể hóa và sẽ bao gồm: Sưu tập và báo cáo về tình hình rủi ro. Kiểm tra tính tuân thủ đối với các nhân viên thực hiện. Ngoài ra để hỗ trợ cho công tác quản trị rủi ro trong chuyển tiền, NHNo VN cần chú trọng việc tạo ra một hệ thống thông tin quản lý có khả năng kiểm soát và quản lý hoạt động và các rủi ro trong kinh doanh. Trong tương lai, NHNo VN cần thường xuyên lập các báo cáo sau: Báo cáo về thanh toán liên chi nhánh ngân hàng. Báo cáo về thanh toán liên ngân hàng. Khối lượng giao dịch. Mức tăng trưởng kinh doanh và thay đổi về công nghệ thông tin. Báo cáo góp ý kiến của khách hàng. Báo cáo về phản ứng của khách hàng đối với dịch vụ chuyển tiền. Phí và hoa hồng thu được. Báo cáo đối chiếu giữa thông báo ngân hàng và sổ sách kế toán. Báo cáo về lỗi trong xử lý giao dịch được chia theo từng loại lỗi. Báo cáo về các trường hợp gian lận. Báo cáo về rủi ro đối với hoạt động chuyển tiền và xác định mức độ thiệt hại có thể. Báo cáo về sự tuân thủ các quy định nội bộ và bên ngoài về quản lý rủi ro. Kế hoạch dự phòng cho các sự cố bất thường. Giải pháp cụ thể về nghiệp vụ. Xuất phát từ những lỗi thực tế thường làm phát sinh rủi ro trong nghiệp vụ chuyển tiền tại NHNo VN, các nhân viên thanh toán chuyển tiền cần chú ý các trường hợp sau: Trong thanh toán chuyển tiền đi, cần kiểm tra xác định chính xác địa chỉ của ngân hàng nhận tiền. Việc làm này sẽ giúp tránh được tình trạng ngân hàng nước ngoài không thực hiện được lệnh, gây ra hiện tượng lệnh thanh toán bị chạy vòng vo qua nhiều ngân hàng mà vẫn không thực hiện được rồi trở về người ra lệnh. Để làm được điều này, NHNo VN phải thông qua các ngân hàng đại lý của mình ở nước ngoài, tra cứu từ điển các ngân hàng thế giới (Almanac) để nắm bắt thông tin về các ngân hàng mới, lựa chọn ngân hàng thanh toán phù hợp để thực hiện được nhanh chóng và chính xác yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, trong thanh toán quốc tế không nên sử dụng điện telex, tận dụng tối đa chương trình SWIFT, các chuẩn mực của mẫu điện SWIFT và các code SWIFT để hạn chế tối đa sự hiểu lầm do bất đồng ngôn ngữ gây ra. Trong thanh toán chuyển tiền đến cần thận trọng trong xác định người hưởng. Đôi khi vẫn còn xảy ra việc trùng tên hoặc không xác định được địa chỉ người hưởng. Nếu trong trường hợp này mà gặp các đối tượng gian lận, cố tình lợi dụng sự trùng hợp này để đến ngân hàng lĩnh tiền thì sẽ gây ra tranh chấp, kiện tụng, thiệt hại cho cả người hưởng lợi chính đáng và uy tín của ngân hàng. Để phòng tránh những tổn thất không nên có như thời gian qua, cán bộ thanh toán cần quan tâm và thận trọng hơn trong việc đối chiếu xác nhận người hưởng, cần tìm hiểu để biết tên các xã, huyện, thị trong địa bàn hoạt động của mình, phối hợp với cán bộ địa phương trong việc xác định nhân thân người hưởng, quan sát thái độ của người đến ngân hàng lĩnh tiền… Điều này không những giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng mà còn tạo được sự hiểu biết của ngân hàng đối với khách hàng trong khu vực hoạt động của mình. 6. Phát triển dịch vụ tư vấn về thanh toán quốc tế. Trong tình hình thực tế hiện nay, đa số được nhà kinh doanh xuất nhập khẩu còn thiếu kinh nghiệm trong thương lượng ký kết hợp đồng ngoại thương, nhất là các doanh nghiệp tư nhân mới bước chân vào thương trường quốc tế, thiếu trình độ chuyên môn về thanh toán quốc tế, non yếu về trình độ ngoại ngữ, không am hiểu về điều kiện thương mại quốc tế, thường dẫn đến kết quả là phát sinh tranh chấp, kiện tụng và kinh doanh kém hiệu quả. NHNo VN lại có một bộ phận khách hàng nông thôn mới tham gia xuất nhập khẩu nên càng thường xuyên gặp phải vấn đề này. Chính vì thế mà công tác tư vấn của ngân hàng rất quan trọng. Ngân hàng có thể tư vấn cho khách hàng những điều khoản cần ràng buộc trong hợp đồng, lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán phù hợp, cảnh báo cho khách hàng những trường hợp có thể dẫn đến rủi ro trong thanh toán quốc tế, các bài học kinh nghiệm giúp khách hàng của mình nắm vững hơn về thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam. Ngoài ra với kinh nghiệm trong việc tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả trong và ngoài nước, NHNo VN sẽ là một kênh thông tin tốt cho khách hàng về tình hình thị trường cũng như các thông tin về đối tác kinh doanh. NHNo VN sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro và cung cấp sự trợ giúp quan trọng cho các khách hàng nông dân nếu như ngân hàng có thể truy cập vào hệ thống thông tin thị trường tốt hơn. Với dịch vụ tư vấn càng phát triển, ngân hàng sẽ tạo được niềm tin với khách hàng, sẽ thu hút ngày càng nhiều khách hàng mới đến với ngân hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. 7. Xây dựng nguồn vốn ngoại tệ dồi dào để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho các doanh nghiệp. Do chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp chỉ được giữ một lượng ngoại tệ nhất định nên khi có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài, phần lớn các doanh nghiệp đều phải làm hợp đồng mua ngoại tệ hoặc vay tín dụng của ngân hàng. NHNo VN đã tích cực tranh thủ mọi nguồn vốn ngoại tệ để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán cho khách hàng. Tuy nhiên, do sự mất cân đối quá lớn giữa hàng xuất và hàng nhập như hiện nay, có những trường hợp NHNo VN vẫn gặp tình trạng khó khăn trong việc đảm bảo nguồn ngoài tệ cho thanh toán. Trong điều kiện hiện nay, NHNo VN cần nỗ lực tạo ra ngoại tệ từ mọi nguồn trong nước để khắc phục khó khăn này bằng cách phát triển các bàn thu đổi ngoại tệ ở nhiều địa điểm để tạo thuận lợi cho khách hàng; huy động vốn ngoại tệ từ mọi thành phần kinh tế và dân cư với nhiều hình thức như tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán, phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn và phương thức thanh toán linh hoạt; áp dụng các chính sách ưu đãi như tài trợ xuất khẩu với lãi suất thấp để thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu và thanh toán hàng xuất qua NHNo VN… Bên cạnh đó, NHNo VN cũng cần chú trọng tranh thủ tối đa nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài như: huy động ngoại tệ từ các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế, trong trường hợp khẩn cấp có thể vay thương mại từ các ngân hàng nước ngoài với lãi suất cao; tận dụng nguồn ngoại tệ ở các tài khoản tiền gửi của các ngân hàng nước ngoài đặt tại NHNo VN; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế để được đứng ra tiếp nhận và quản lý các dự án tài trợ của nước ngoài… Để làm được những điều này thì việc quan trọng nhất đối với NHNo VN là phải tạo được một uy tín tốt trên thị trường tài chính thế giới. Tăng cường hoạt động kinh doanh ngoại tệ để hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, khai thác tốt các nguồn bán ra trên thị trường, áp dụng nhiều hình thức giao dịch mua bán ngoại tệ khác nhau như giao ngay, kỳ hạn, giao dịch tương lai, hoán đổi, giao dịch lựa chọn… Một số kiến nghị đối doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trong thực tế, rủi ro của phương thức chuyển tiền phần lớn đều phát sinh từ phía khách hàng. Không ít doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả nặng nề do không chú ý đến việc phòng ngừa các rủi ro, nhiều doanh nghiệp đã xuất hàng đi rồi nhưng không thu được tiền, nhiều doanh nghiệp đã chuyển tiền thanh toán hàng nhập khẩu nhưng hàng nhận được không đảm bảo chất lượng, thời hạn, thậm chí không nhận được hàng. Trong thanh toán quốc tế, ngân hàng có nỗ lực đến đâu mà bản thân khách hàng còn yếu kém về nghiệp vụ, không thực hiện đúng quy trình thanh toán hoặc thiếu thiện trí trong kinh doanh thì những rủi ro của phương thức chuyển tiền vẫn tồn tại và khách hàng sẽ là người gánh chịu trước tiên. Vậy sau đây là một số kiến nghị đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi lựa chọn phương thức chuyển tiền trong thanh toán: Thận trọng khi lựa chọn đối tác. Đây là việc làm đầu tiên và hết sức quan trọng trong kinh doanh xuất nhập khẩu. Khoảng cách về địa lý, văn hóa, phong tục tập quán của mỗi nước trên thế giới đều khác nhau nên việc lựa chọn một đối tác kinh doanh vượt ra khỏi biên giới quốc gia là rất khó khăn, nhất là trong vai trò là nhà nhập khẩu với điều kiện thanh toán trước, doanh nghiệp đã giao cho khách hàng một giá trị tài sản lớn mà vật bảo đảm duy nhất là uy tín của bạn hàng. Vì vậy, phương thức chuyển tiền chỉ nên áp dụng đối với khách hàng có đủ độ tin cậy, ở những nước có ít rủi ro, khách hàng có chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch ở Việt Nam và hạn chế việc mua bán qua trung gian. Phương thức thanh toán trước 100% trị giá hợp đồng chỉ nên áp dụng khi đối tác là bạn hàng truyền thống lâu năm, tin tưởng lẫn nhau và rất có uy tín trong kinh doanh. Đối với các hợp đồng thanh toán trước một phần tiền hàng, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ thông tin về lịch sử của khách hàng, đặc biệt là tình hình tài chính và uy tín trên thương trường. Việc tìm hiểu thông tin không chỉ được thực hiện với các khách hàng mới mà còn phải thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của các khách hàng quen biết. Thông tin về đối tác nước ngoài có thể lấy được thông qua các bạn hàng cũ trong và ngoài nước, thu thập thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, qua ngân hàng, cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, mạng Internet và khi cần thiết có thể mua thông tin từ cơ quan cung cấp thông tin độc lập. Nâng cao trình độ nghiệp vụ ngoại thương và nghiệp vụ thanh toán quốc tế. Luôn cập nhật các thông tin về tình hình kinh tế, thị trường, các chính sách, quy định của về hoạt động xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế và quản lý ngoại hối của Việt Nam cũng như nước đối tác. Nâng cao trình độ đàm phán ký kết hợp đồng ngoại thương, đảm bảo hợp đồng được ký kết chặt chẽ, không có những điểm bất lợi cho mình, tránh tạo ra sơ hở để bên đối tác lợi dụng. Nắm được kiến thức về thanh toán quốc tế để lựa chọn được phương thức thanh toán tối ưu, không bị khách hàng gian lận trong thanh toán hay do lỗi của mình mà dẫn đến những rủi ro trong thanh toán. Một điều phiền hà mà một số doanh nghiệp gây ra cho cán bộ thanh toán ngân hàng là họ cẩu thả trong việc điền vào các mẫu lệnh chuyển tiền, trong việc lập hồ sơ chứng từ, sắp xếp lộn xộn, không khoa học khiến cho cán bộ thanh toán phải mất nhiều thời gian kiểm tra và liên hệ với khách hàng để hoàn chỉnh hồ sơ, khó theo dõi và phát hiện sai sót. Đồng thời việc này cũng làm cho doanh nghiệp đôi khi phải chịu thêm các khoản chi phí để điều chỉnh, ngừng hoặc hủy lệnh chuyển tiền. Coi trọng uy tín trong kinh doanh. Những rủi ro trong hoạt động chuyển tiền không chỉ từ phía các đối tác nước ngoài gây ra cho doanh nghiệp Việt Nam mà hiện nay tại Việt Nam cũng có rất nhiều doanh nghiệp còn làm ăn theo kiểu chộp giật, thiếu đạo đức, gây thiệt hại cho bạn hàng nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhận thấy rằng, trong điều kiện thị trường cạnh tranh như hiện nay, tìm được bạn hàng xuất khẩu hay nhập khẩu đều không phải dễ, nhất là trong điều kiện nhiều hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam còn chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải giữ uy tín cho mình trong việc giao hàng cũng như thanh toán, tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, không vì cái lợi trước mặt mà bỏ quên lợi ích lâu dài của chính doanh nghiệp mình và của cả đất nước. Kết luận Hoạt động ngoại thương nói riêng và kinh tế đối ngoại nói chung ngày càng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược đổi mới và phát triển toàn diện nền kinh tế xã hội của nớc ta. Sự phát triển của các mối quan hệ kinh tế quốc tế đòi hỏi hoạt động thanh toán quốc tế cũng phải không ngừng được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày một đa dạng và phong phú hơn. Như một mắt xích không thể thiếu trong sợi dây chuyền của hoạt động kinh tế đối ngoại, chuyển tiền là phương thức thanh toán quốc tế quốc tế ra đời từ rất sớm, là khâu kết thúc của của bất kỳ hoạt động thanh toán nào để khép kín một chu trình giao dịch mua bán hàng hóa hay dịch vụ. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển về mọi mặt của NHNo VN, nghiệp vụ chuyển tiền quốc tế tại Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đáp ứng được hầu hết mọi yêu cầu thanh toán của khách hàng và đóng góp tích cực vào những thành tựu trong hoạt động kinh doanh đối ngoại của Ngân hàng. Tuy nhiên, do những hạn chế về nhiều mặt từ cả phía khách hàng và Ngân hàng nên trong quá trình tiến hành nghiệp vụ chuyển tiền cũng còn để xảy ra một số tồn tại. Vì vậy, sau khi nghiên cứu thực trạng áp dụng phương thức thanh toán chuyển tiền tại NHNo VN, kết hợp với những kiến thức lý luận về thanh toán quốc tế nói chung và phương thức thanh toán chuyển tiền nói riêng, em đã mạnh dạn kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện nghiệp vụ thanh toán này với mong muốn rằng nó sẽ thực sự trở thành một công cụ đắc lực hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh đối ngoại của NHNo VN trong thời gian tới, đồng thời giảm bớt đợc những rủi ro có thể xảy ra đối với các bên liên quan khi sử dụng phương thức chuyển tiền trong thanh toán. Tài liệu tham khảo PGS. Đinh Xuân Trình - Giáo trình thanh toán quốc tế trong ngoại thương - Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1998. PGS. Đinh Xuân Trình - Sổ tay thanh toán quốc tế trong ngoại thương - Trường đại học Ngoại thương, năm1992. PGS.TS. Lê Văn Tư, Lê Tùng Vân - Tín dụng tài trợ xuất-nhập khẩu, thanh toán quốc tế và kinh doanh ngoại tệ - Nhà xuất bản Thống kê, năm1999. PGS.TS. Lê Văn Tư, Lê Tùng Vân, Lê Nam Hải - Ngân hàng thương mại - Nhà xuất bản Thống kê, năm 2000. TS. Đỗ Linh Hiệp, TS. Ngô Hướng, CN. Hồ Trung Bửu - Thanh toán quốc tế, tài trợ ngoại thương và kinh doanh ngoại hối - Nhà xuất bản Thống kê, năm 1999. Hoàng Kim - Tiền tệ, ngân hàng và thị trường tài chính - Nhà xuất bản Tài chính, năm 2001. David Cox - Nghiệp vụ ngân hàng hiện đại - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 1997. Goh Tianwah (TS. Trần Xuân Oánh giới thiệu) - Xuất khẩu, Nhập khẩu và Ngân hàng - Nhà xuất bản Thống kê, năm 1994. Tạp chí ngân hàng - số tháng 7/2002, 11/2002. Báo cáo thường niên 1998,1999, 2000, 2001 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Báo cáo tổng kết công tác kinh doanh đối ngoại và thanh toán quốc tế năm 1998,1999,2000,2001 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Giới thiệu tổng quan về hoạt động của NHNo VN - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Quá trình hình thành và phát triển các nghiệp vụ kinh doanh đối ngoại trong hệ thống NHNo VN - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Việt Nam. Đề án chiến lược mở rộng kinh doanh đối ngoại của NHNo VN (2000-2005) - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Diễn văn của Tổng Giám đốc NHNo VN Lê Văn Sở tại lễ khai mạc hội nghị CICA 12/11/2001 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Dự án tăng cường Quản trị doanh nghiệp tại NHNo VN (TA Số 3227-Vie) - Ngân hàng phát triển Châu á. Phụ lục 1: Lệnh chuyển tiền. Lệnh chuyển tiền Payment order Kính gửi: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, ……. To : Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development, …….. Với trách nhiệm thuộc về phần mình, chúng tôi đề nghị Quí Ngân hàng ghi nợ tài khoản của chúng tôi để phát hành lệnh chi sau đây: Please, on our behalf, debit our account with your bank to issue the following payment order: bằng telex by telex bằng thư by mail bằng séc by cheque 37a: Ngày giá trị: Value date Ngoại tệ, số tiền bằng số Currency, amount in figures Số tiền bằng chữ: Amount in words 50: Người ra lệnh: Ordering customer Tên - Name: Địa chỉ - Address: Tài khoản số: Account No: 56a: Ngân hàng trung gian: Intermediary bank: 57: Ngân hàng người hưởng: Beneficiary's bank: 59: Người hưởng: Beneficiary Tên - Name: Địa chỉ - Address: Tài khoản số: Account No: 70: Nội dung thanh toán: Details of payment: 71a: Phí ở Việt Nam do Charges in Việtnam for Phí ngoài Việt Nam do Charges outside Việtnam for Chúng tôi chịu Ourselves Chúng tôi chịu Ourselves Người hưởng chịu Beneficiary Người hưởng chịu Beneficiary Chúng tôi cam kết lệnh chuyển tiền này tuân thủ mọi quy định hiện hành về quản lý Ngoại thương và Ngoại hối của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. We assure that this payment order abides by the prevailing regulations of Foreign Trade and Foreign currency control of the S.R.V. Ngày - Date Tháng - Month Năm - Year Kế toán trưởng Dấu và chữ ký của chủ tài khoản Chief Accountant Stamp and signature of Account holder Phụ lục 2: Điện chuyển tiền soạn theo mẫu SWIFT MT100 Customer transfer qua ngân hàng đại lý Standard Chartered Bank. Application Date : 08/20/01 Txn. Reference : cnhcm-01081775ct Value Date : 08/20/01 Amount : usd 22,200.00 Debit Account : 3582099940001 Agribank h.o Branch : uscash By Order Of : trang nong seeds co.,ltd 60a la quang sung str. dist.6, hochiminh city, vietnam Beneficiary Institution : bangkok bank.rama 2 branch, thailand Beneficiary Customer : metro seed agricultural co.,ltd - Benefiaciary Account : 228-0-44537-6 Details of Payment : payment of contract no.81/nk-2001 dd 02/08/01 Charges: : Beneficiary Phụ lục 3: Thông báo tình trạng lệnh chuyển tiền. Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh: Số: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ……., ngày….tháng….năm Thông báo Kính gửi: Ông (bà) Chúng tôi đã nhận được lệnh chuyển tiền của Ngân hàng………………….. số tiền …………….. chuyển về cho Ông (Bà). Tuy nhiên, lệnh chuyển tiền trên chưa đủ điều kiện để trả tiền, chúng tôi đã gửi điện tra soát tới Ngân hàng chuyển tiền và đang chờ chỉ thị của họ. Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng và tạo điều kiện cho Ngân hàng trả được tiền, chúng tôi xin thông báo để Ông (Bà) biết và kính mời Ông (Bà) tới trụ sở của chúng tôi để phối hợp giải quyết. Trường hợp không thể đến ngân hàng, Ông (Bà) có thể liên hệ với chúng tôi (bằng điện thoại hoặc bằng thư) để được hướng dẫn cụ thể. Địa chỉ liên hệ: Số điện thoại: Giờ làm việc: Chi nhánh ngân hàng NHNo VN Giám đốc Phụ lục 4: Giấy báo lĩnh tiền. Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh: Số: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ……., ngày….tháng….năm Giấy báo lĩnh tiền Kính gửi: Ông (bà) Chúng tôi đã nhận được lệnh chuyển tiền của Ngân hàng……………………… số tiền …………….. chuyển về cho Ông (Bà). Cùng ngày chúng tôi đã chuyển số tiền: Sau khi đã trừ phí ngân hàng: Vào tài khoản chờ chi trả. Vậy chúng tôi xin thông báo để Ông (Bà) biết và kính mời Ông (Bà) tới Trụ sở của chúng tôi tại ……………………….để nhận tiền. Khi đi Ông (Bà) cần mang theo các giấy tờ sau đây để xuất trình tại ngân hàng làm thủ tục nhận tiền: q Giấy báo lĩnh tiền q Chứng minh thư nhân dân q Chứng minh thư quân nhân, công an nhân dân q Hộ chiếu q Thư từ liên quan nhận được từ người gửi tiền (nếu có) q Giấy tờ bổ xung (nếu phát sinh theo quy định tại mặt sau của giấy báo) Trường hợp không thể đến ngân hàng để nhận tiền, Ông (Bà) có thể liên hệ với chúng tôi (bằng điện thoại hoặc bằng thư) để được hướng dẫn cụ thể. Địa chỉ liên hệ: Số điện thoại: Giờ làm việc: Chi nhánh ngân hàng NHNo VN Giám đốc ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docKhoa luan-Nguyen Hac Thanh Huong-A3 K37.doc
Tài liệu liên quan