MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Cùng với việc mở rộng và đa dạng hóa các quan hệ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ chính sách kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm vừa qua, FDI ngày càng được thừa nhận như là một giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển nội sinh của nền kinh tế đất nước.
Trong quá trình đó, pháp luật về FDI có vai trò hết sức quan trọng. Pháp luật về FDI là công cụ quản lý hữ
204 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1704 | Lượt tải: 5
Tóm tắt tài liệu Hoàn thiện pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong xu hướng nhất thể hóa pháp luật về đầu tư ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
u hiệu và khoa học của Nhà nước nhằm định hướng cho các hoạt động đầu tư nước ngoài, là "vũ khí" cạnh tranh sắc bén với các nước trong khu vực trong thu hút đầu tư; đồng thời là hàng rào pháp lý để ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động này, giữ ổn định và cân đối cho các hoạt động đầu tư trong xã hội. Hơn thế nữa, pháp luật về FDI còn thúc đẩy sự hoàn thiện của cả hệ thống pháp luật.
Trong khi ở nhiều nước trên thế giới chỉ tồn tại một khung pháp luật về đầu tư áp dụng chung cho mọi đối tượng, thì ở Việt Nam, ngay từ khi văn bản pháp luật đầu tiên về FDI ra đời cho đến nay, hệ thống các quy phạm pháp luật về FDI vẫn đang tồn tại với tính chất là một khung pháp luật tương đối độc lập bên cạnh khung pháp luật về đầu tư trong nước. Sự tồn tại của hai khung pháp luật về đầu tư đã làm cho các chủ thể kinh doanh chưa được bình đẳng thực sự về mặt kinh tế bởi các chính sánh và biện pháp khuyến khích, bảo hộ đầu tư hay hạn chế đầu tư được áp dụng rất khác nhau đối với các chủ thể đầu tư.
Hệ thống các văn bản pháp luật về FDI ở Việt Nam hiện nay có đến hàng trăm văn bản quy định về nhiều vấn đề khác nhau và liên tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong hơn 14 năm qua, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội ban hành ngày 29 tháng 12 năm 1987. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của việc phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, với tính chất là một bộ phận trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, pháp luật về FDI cũng còn nhiều vấn đề bất cập, cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
So với pháp luật về FDI thì hệ thống các văn bản pháp luật về đầu tư trong nước còn đồ sộ hơn nhiều, với hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật, trong đó không ít những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập với sự vận động của cơ chế kinh tế mới, chưa bị bãi bỏ hoặc chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung. Một số lĩnh vực hoạt động của cơ chế kinh tế thị trường còn trống vắng sự điều chỉnh của pháp luật.
Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước bước sang một giai đoạn mới của công cuộc đổi mới và phát triển theo định hướng của Đảng và Nhà nước ta là "phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và thế giới", với những cơ hội và thách thức mới trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế thì hệ thống các văn bản pháp luật về đầu tư nói chung đang đứng trước những đòi hỏi bức xúc cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm xác lập quyền bình đẳng thực sự cho các chủ thể kinh doanh, góp phần tạo thế cạnh tranh thắng lợi với các nước khu vực trong thu hút FDI, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hoạt động đầu tư trong nước.
Từ những lý do trên đây, việc nghiên cứu vấn đề hoàn thiện pháp luật về FDI đặt trong xu hướng và yêu cầu nhất thể hóa pháp luật về đầu tư ở Việt Nam đang được đặt ra có tính bức xúc cả về lý luận và thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu
Tại nước ta trong những năm gần đây, chủ đề nghiên cứu về khung pháp luật và cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, hoàn thiện pháp luật điều chỉnh các hoạt động đầu tư nước ngoài đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà luật học, kinh tế học. Ở mức độ và phạm vi khác nhau, đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố như: Giáo trình Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Kinh tế của Khoa Luật Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình đầu tư nước ngoài của Đại học Ngoại thương; Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một số nước Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993; các bài: Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, của GS.TS Nguyễn Mại, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 6, 1993; Pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam - Quá khứ, hiện tại và tương lai của TS. Hoàng Phước Hiệp, Thông tin khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, 1997; Khu vực thương mại và đầu tư tự do ASEAN của TS. Vũ Đức Long, Tạp chí Luật học, số 4, 2002; Cơ sở khoa học của việc hoàn thiện khung pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam, Luận án Phó Tiến sĩ của Lê Mạnh Tuấn, 1996; Cơ chế điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Luận án Phó Tiến sĩ của Hoàng Phước Hiệp, 1996; Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - sự ra đời, quá trình phát triển và hoàn thiện, Luận án Tiến sĩ của Đỗ Nhất Hoàng, 2002. Nhiều công trình nghiên cứu khác cũng đề cập ở mức độ khác nhau những nội dung về pháp luật đầu tư nói chung và pháp luật FDI nói riêng như các công trình nghiên cứu của các tác giả: PGS.TS Nguyễn Bích Đạt, PGS.TS Lê Hồng Hạnh, TS. Nguyễn Bá Diến, TS. Vũ Huy Hoàng, TS. Vũ Chí Lộc, TS. Võ Đại Lược... Một số dự án hợp tác quốc tế có nội dung liên quan như: Dự án VIE/94/003 "Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật tại Việt Nam" do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ; Dự án VIE/95/015 "Tăng cường sự hội nhập của Việt Nam với ASEAN" do UNDP tài trợ, với chuyên đề "Môi trường đầu tư nước ngoài ở Việt Nam - con đường đi tới khu đầu tư ASEAN (AIA)" do nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Tác giả luận án có một số bài viết được công bố và đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ Luật học có nội dung liên quan đến pháp luật về FDI.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đây đã đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều nội dung về hoàn thiện pháp luật về FDI ở những mức độ và phạm vi khác nhau, tương ứng với những khoảng thời gian nhất định, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, việc nghiên cứu có hệ thống và tương đối đầy đủ về cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề hoàn thiện pháp luật về FDI tại Việt Nam trong xu hướng và nhu cầu của việc xây dựng một hệ thống pháp luật đầu tư thống nhất áp dụng chung cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đến nay vẫn chưa có công trình nào đề cập.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích của luận án là nghiên cứu vấn đề hoàn thiện pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong xu hướng và nhu cầu nhất thể hóa pháp luật về đầu tư ở Việt Nam, đề xuất các giải pháp cụ thể về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư và tiến tới nhất thể hóa pháp luật về đầu tư ở Việt Nam.
Với mục đích như trên, các nhiệm vụ mà luận án phải giải quyết là:
- Nghiên cứu, làm rõ một số khái niệm, quá trình hình thành và nội dung từng bước hoàn thiện pháp luật về FDI ở Việt Nam, với tính chất là một bộ phận trong hệ thống pháp luật, trong mối quan hệ tác động với các yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, trong sự tương tác với hệ thống pháp luật về đầu tư trong nước;
- Nghiên cứu các quy định cùng loại trong pháp luật một số nước để rút ra những kinh nghiệm có thể vận dụng vào việc hoàn thiện pháp luật đầu tư ở Việt Nam;
- Từ việc nghiên cứu trên đây rút ra những đặc điểm đặc thù của pháp luật về FDI của Việt Nam và chứng minh xu hướng xích lại gần nhau giữa pháp luật về đầu tư nước ngoài và pháp luật về đầu tư trong nước ở Việt Nam trong những năm qua;
- Xác lập cơ sở lý luận và đề xuất những kiến nghị cụ thể về việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về FDI theo xu hướng nhất thể hóa pháp luật về đầu tư trong mối quan hệ với các cơ chế chính sách có liên quan với biện pháp và bước đi cụ thể, nhằm phúc đáp những đòi hỏi của thực tiễn cả về trước mắt và lâu dài.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu của luận án là: 1) Hệ thống các văn bản pháp luật thực định về đầu tư nước ngoài của Nhà nước ta trong mối liên hệ với pháp luật thực định về đầu tư trong nước và các điều kiện về chính trị, kinh tế xã hội của đất nước và thực tiễn quốc tế; 2) Thực tiễn công tác thi hành pháp luật đầu tư nước ngoài và tình hình hợp tác đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam; 3) Pháp luật thực định về đầu tư nước ngoài của một số nước và những điều ước quốc tế có liên quan.
Nội dung nghiên cứu mà luận án đề cập là rất rộng và phức tạp, liên quan đến nhiều chuyên ngành như Lý luận Nhà nước và pháp luật, Luật Kinh tế, Luật Hành chính, Tư pháp quốc tế, Kinh tế học... Phạm vi nghiên cứu của luận án này chỉ tập trung sâu vào một nội dung thuộc chuyên ngành Luật Kinh tế, đó là vấn đề hoàn thiện pháp luật đầu tư trực tiếp nước ngoài theo xu hướng nhất thể hoá pháp luật về đầu tư ở Việt Nam trong mối quan hệ giữa Nhà nước với các chủ thể đầu tư để xác lập và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Đối với một số nội dung cụ thể có liên quan đến các chuyên ngành khác, luận án chỉ đề cập ở một mức độ nhất định, trong mối quan hệ cần thiết nhằm tạo lập cơ sở lý luận có tính hệ thống cho việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận của luận án là: 1) Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước pháp luật; 2) Hệ thống các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới. Đó là các quan điểm, chủ trương trong lĩnh vực xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt là các quan điểm "mở cửa" và "kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại" trong hợp tác đầu tư với nước ngoài, cũng như các quan điểm về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa;
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận án là phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, nghiên cứu lý luận kết hợp với thực tiễn. Luận án cũng sử dụng phương pháp luật học so sánh để phân tích và so sánh tổng hợp một một số khía cạnh trong pháp luật về FDI của Việt Nam với một số quy định cùng loại trong pháp luật của một số nước khu vực để từ đó đưa ra các kiến nghị có sức thuyết phục về lý luận và thực tiễn trong việc vận dụng kinh nghiệm nước ngoài vào việc hoàn thiện pháp luật về đầu tư của Việt Nam.
6. Những đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án là công trình nghiên cứu đầu tiên thuộc chuyên ngành Luật Kinh tế có nội dung về hoàn thiện pháp luật về FDI đặt trong sự tương tác của cả hệ thống pháp luật để chứng minh xu hướng và nhu cầu nhất thể hóa pháp luật về đầu tư ở Việt Nam; làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc nhất thể hóa pháp luật đầu tư ở Việt Nam.
Luận án xem xét các vấn đề pháp luật về FDI trong mối liên hệ biện chứng giữa các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật... Chính vì vậy, các nhận định trong luận án chứa đựng những thể hiện mới về cách tiếp cận toàn diện khi nghiên cứu vấn đề nhất thể hóa pháp luật về đầu tư.
Luận án phân tích, đánh giá một cách tương đối đầy đủ về những nhân tố ảnh hưởng đến sự ra đời, phát triển và nội dung của pháp luật về FDI ở Việt Nam; khái quát hóa về mặt lý luận các đặc điểm của pháp luật về FDI ở Việt Nam.
Luận án thể hiện nội dung nghiên cứu về mặt lịch sử và thực tiễn các quy phạm pháp luật về đầu tư, qua đó chứng minh tính độc lập tương đối của pháp luật về FDI, xu hướng vận động, xích lại gần nhau giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; khẳng định nhu cầu tất yếu của việc nhất thể hóa pháp luật đầu tư ở Việt Nam.
Từ những kết quả nghiên cứu trên đây, luận án xác lập cơ sở lý luận và thực tiễn cùng những kiến nghị cụ thể cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về FDI nói riêng theo xu hướng nhất thể hóa pháp luật về đầu tư nước ngoài với pháp luật về đầu tư trong nước, xây dựng mặt bằng pháp luật chung cho các hoạt động đầu tư ở Việt Nam.
Luận án có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm sáng tỏ về mặt lý luận và thực tiễn của sự hình thành, quá trình vận động và không ngừng hoàn thiện của pháp luật về FDI; làm rõ cơ sở lý luận và chứng minh xu hướng nhất thể pháp luật về đầu tư, đồng thời xác định những nguyên tắc và giải pháp mang tính chất định hướng cho việc tiếp tục thực hiện quá trình nhất thể hóa này. Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu hệ thống pháp luật thực định về đầu tư nước ngoài, trong công tác xây dựng pháp luật, trong quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài hay trong công tác giảng dạy các môn khoa học pháp lý như Luật kinh tế, Lý luận nhà nước và pháp luật, Luật so sánh...
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 3 chương, 10 mục.
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀ PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
1.1. KHÁI NIỆM VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
1.1.1. Khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài
Cùng với việc mở rộng và đa dạng hóa các quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng trong toàn bộ chính sách kinh tế đối ngoại của Nhà nước ta. Trong những năm vừa qua, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ra đời và thực hiện, đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng được thừa nhận như là một giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển nội sinh của nền kinh tế đất nước.
Về mặt kinh tế, FDI là một hình thức đầu tư quốc tế được đặc trưng bởi quá trình di chuyển tư bản từ nước này sang nước khác. Mặc dù còn nhiều khác biệt về quan niệm nhưng nhìn chung ở các nước thì FDI được hiểu như là một hoạt động kinh doanh mà ở đó có sự tách biệt ở tầm vĩ mô về mặt chủ thể nhưng lại có sự kết hợp ở tầm vi mô trong việc sử dụng vốn và quản lý đối tượng đầu tư. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đầu tư trực tiếp nước ngoài được định nghĩa là: "Một khoản đầu tư với những quan hệ lâu dài, theo đó, một tổ chức trong một nền kinh tế (nhà đầu tư trực tiếp) muốn kinh doanh với một tổ chức trong một nền kinh tế khác. Mục đích của nhà đầu tư trực tiếp là muốn có nhiều ảnh hưởng trong việc quản lý doanh nghiệp đặt tại nền kinh tế khác đó" [105]. Như vậy, FDI bao giờ cũng là một dạng quan hệ kinh tế có nhân tố nước ngoài (chủ đầu tư, vốn đầu tư và địa điểm đầu tư từ các quốc gia khác nhau). Nhân tố nước ngoài ở đây không chỉ thể hiện ở sự khác biệt về quốc tịch hoặc về lãnh thổ cư trú thường xuyên của các bên tham gia vào quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài mà còn thể hiện ở việc di chuyển tư bản trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt ra ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia. Việc di chuyển tư bản này là nhằm phục vụ mục đích kinh doanh tại nước tiếp nhận đầu tư mà việc kinh doanh đó do chính các chủ đầu tư nước ngoài thực hiện hoặc kết hợp với chủ đầu tư của nước tiếp nhận đầu tư thực hiện. Từ đó, có thể rút ra hai đặc điểm cơ bản của FDI là:
- Có sự dịch chuyển tư bản trong phạm vi quốc tế;
- Chủ đầu tư (pháp nhân, thể nhân) trực tiếp tham gia vào hoạt động sử dụng vốn và quản lý đối tượng đầu tư.
Hiện nay quá trình đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn ra tại hầu hết các nước trên thế giới. Về mặt pháp lý, khái niệm về FDI đã trở thành một khái niệm phổ biến được ghi nhận trong các đạo luật, đó là Luật khuyến khích đầu tư (ở Thái Lan), Luật khuyến khích đầu tư áp dụng cho từng ngành (ở Hàn Quốc) hoặc Luật riêng về đầu tư trực tiếp nước ngoài (ở Indonesia, Việt Nam)...
Theo Luật Đầu tư của Indonesia thì: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là nhằm mục đích thực hiện kinh doanh tại Indonesia, với nhận thức rằng người chủ sở hữu vốn phải trực tiếp gánh chịu rủi ro của đầu tư. Do đó, cần phải chỉ ra khả năng vốn nước ngoài được sử dụng trong một doanh nghiệp hoặc được sử dụng trong một doanh nghiệp có hợp tác với vốn trong nước. Vốn nước ngoài không chỉ là ngoại tệ mà bao gồm cả các tài sản cố định cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp ở Indonesia, phát minh sáng chế thuộc sở hữu của tổ chức, người nước ngoài được sử dụng vào doanh nghiệp ở Indonesia, và lợi nhuận lẽ ra được chuyển ra nước ngoài nhưng lại được sử dụng ở Indonesia [100].
Trong quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài, đối với nước xuất khẩu tư bản, đầu tư trực tiếp nước ngoài được xem như việc di chuyển tư bản ra nước ngoài nhằm thiết lập ở đó những hoạt động kinh doanh nhất định để thu lợi nhuận; còn đối với nước tiếp nhận đầu tư nó lại là việc tiếp nhận vốn của người nước ngoài để cho phép chủ đầu tư nước ngoài tổ chức các hoạt động kinh doanh theo những hình thức mà pháp luật quy định. Điều đó cho thấy, dù nhìn nhận dưới góc độ nào FDI cũng đều là hoạt động kinh doanh quốc tế dựa trên cơ sở của quá trình di chuyển tư bản giữa các quốc gia, chủ yếu do các pháp nhân và thể nhân thực hiện theo những hình thức nhất định mà qua đó chủ đầu tư trực tiếp tham gia vào quá trình đầu tư.
Ở Việt Nam, văn bản pháp lý đầu tiên về đầu tư trực tiếp nước ngoài là Điều lệ về đầu tư của nước ngoài tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành kèm theo Nghị định số 115/CP ngày 18/4/1977. Điều lệ này không nêu định nghĩa cụ thể FDI nhưng trong tư tưởng của các quy phạm thì khái niệm FDI cũng cơ bản giống như khái niệm được ghi nhận sau này trong các Luật Đầu tư như sau: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp thuận để hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hoặc thành lập doanh nghiệp liên doanh, hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. (khoản 3, Điều 2, Luật Đầu tư 1987; khoản 1, Điều 2, Luật Đầu tư 1996).
Như vậy, về mặt pháp lý, khái niệm FDI được đề cập trong luật của các quốc gia chỉ giới hạn phạm vi nhìn nhận về FDI dưới con mắt của nước tiếp nhận đầu tư. Khái niệm này không bao gồm hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài, cũng không bao gồm các quan hệ thương mại thông thường.
Tuy nhiên, một điều cần chú ý khi nghiên cứu là, khái niệm đầu tư trực tiếp theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với giới hạn như trên khác với khái niệm đầu tư nước ngoài trong các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với các nước. Theo các Hiệp định này, thuật ngữ "đầu tư nước ngoài" được sử dụng để chỉ các loại tài sản mà các nhà đầu tư của nước ký kết này dùng để đầu tư vào nước ký kết hữu quan kia. Khái niệm đó cũng được sử dụng để chỉ các giá trị tài sản của các nhà đầu tư của các nước hữu quan. Danh mục các tài sản và giá trị tài sản được gọi là "đầu tư" đó rất rộng, từ những cái rất cụ thể như "cổ phần", "bản quyền", các "động sản", "bất động sản" đến những cái rất trừu tượng như "yêu sách về tiền được sử dụng để tạo ra các giá trị kinh tế", "yêu sách về dịch vụ có giá trị kinh tế" hoặc "địa nhượng theo công pháp" [10]. Nội dung khuyến khích và bảo hộ đầu tư trong các Hiệp định này bao gồm việc khuyến khích và bảo hộ đầu tư đối với cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.
1.1.2. Đầu tư nước ngoài dưới góc độ so sánh
Để làm rõ hơn khái niệm FDI, việc so sánh FDI với đầu tư gián tiếp nước ngoài, các quan hệ thương mại có nhân tố nước ngoài và đầu tư trong nước là hết sức cần thiết.
1.1.2.1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp nước ngoài
Để phân biệt FDI và đầu tư gián tiếp nước ngoài, trước hết cần nghiên cứu tổng quát về các nguồn tài chính nước ngoài du nhập vào một nước.
Dòng vốn tư bản nước ngoài du nhập vào một nước bằng hai kênh: 1) kênh nhà nước có tên gọi là Tài chính phát triển chính thức (Official Development Finance - ODF); 2) kênh tư nhân có tên gọi là các nguồn tư "nhân (Total Private Flows - TPF). Kênh nhà nước còn gọi là kênh chính thức hoặc kênh công quản (Official). Hình thức chủ yếu của kênh nhà nước là hỗ trợ hay viện trợ phát triển chính thức (Official Development Assistance - ODA) gồm viện trợ cho không (Official Grants) và cho vay dài hạn với lãi suất thấp có tên gọi là cho vay ưu đãi chính thức (Official Concessional Loans). Ngoài ra, còn có hình thức cho vay dài hạn thông thường có tên gọi là cho vay không ưu đãi chính thức (Official Nonconcessional Loans). Hình thức chủ yếu của kênh tư nhân là đầu tư trực tiếp của nước ngoài (Foreign Direct Investment - FDI) và đầu tư gián tiếp bằng đóng góp vốn cổ phần (đầu tư chứng khoán lãi không cố định - Porfolio Equity Flows) cùng các nguồn vay tư nhân. Các nguồn vay tư nhân gồm vay ngân hàng thương mại (Commercial Bank) với lãi suất trên thị trường, vay dưới hình thức phát hành trái phiếu (Bond Debt Flows) và các nguồn tư nhân khác. Hình thức đầu tư chứng khoán lãi không cố định (Porfolio Equity Flows) và vay dưới hình thức trái phiếu (Bond Debt Flows) hợp thành hình thức đầu tư chứng khoán nói chung (Porfolio Investment).
(1)- Phân biệt Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Sự khác biệt về chủ thể đầu tư được thể hiện ở chỗ, trong đầu tư gián tiếp (dưới hình thức ODA), chủ thể chủ yếu là các quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế. Trong khi đó, chủ thể chủ yếu thực hiện các hoạt động đầu tư trực tiếp là thể nhân và các pháp nhân.
Về nguồn vốn, trong FDI, vốn đầu tư bao gồm tiền mặt, sở hữu công nghiệp và các tài sản khác được nước nhận đầu tư chấp nhận. Khác với nguồn FDI, các loại nguồn ODA bao gồm: a) hỗ trợ tài chính: Cung cấp tiền ở dạng cho không hay cho vay lãi suất thấp. Khi hỗ trợ tài chính ở dạng song phương thì nó có thể bị ràng buộc với việc phải mua hàng ở nước tài trợ; b) Hỗ trợ kỹ thuật: Cung cấp cố vấn và những chuyên gia kỹ thuật mà nước tiếp nhận đang thiếu (nhưng cũng quy ra tiền thông qua lương và các khoản thù lao trả cho các cố vấn, chuyên gia đó); hỗ trợ bằng hiện vật dưới dạng hàng hóa như tư liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm v.v...
Về mục đích, quan hệ FDI là quan hệ kinh doanh theo cơ chế thị trường, có mục đích kinh doanh. Vì vậy, lợi nhuận là mục tiêu cao nhất và cuối cùng của các chủ đầu tư. Còn trong đầu tư gián tiếp dưới hình thức ODA, kinh doanh và lợi nhuận không phải là mục tiêu trực tiếp của chủ đầu tư bởi quan hệ này không phải là quan hệ kinh doanh một cách thuần túy. Mục đích ODA có thể là: a) Tính đoàn kết quốc tế như quyết định của Liên Hợp Quốc là các nước giàu phải dành 0,7% GDP cho viện trợ cho các nước nghèo; b) Lợi ích thương mại: Các nước tài trợ muốn dùng viện trợ như một biện pháp để tăng cường xuất khẩu sang các nước đang phát triển và có thể áp dụng các ràng buộc thương mại đối với phần viện trợ của họ; c) Lợi ích chính trị: Các nước tài trợ muốn khuyến khích Chính phủ các nước tiếp nhận viện trợ thay đổi chính sách của họ về khía cạnh nào đó, ví dụ như: Thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chống tham nhũng; các yêu cầu liên quan tới nhân quyền, dân chủ và vai trò của khu vực nhà nước...
Thực ra, cần thấy rằng ODA không phải là sự chuyển giao đơn thuần và những nhà tài trợ không hoàn toàn "vô tư". Trong nhiều trường hợp, nước nhận ODA phải tăng cường nhập khẩu các hàng hóa và dịch vụ của nước tài trợ và mở cửa ưu đãi cho các công ty của những nước này chiếm các hợp đồng béo bở trong các dự án có nhận vốn ODA. Đó là lý do khiến nhiều nhà kinh tế ví von ODA như là mũi khoan của một nước giàu, có thể xuyên thủng bức tường bảo hộ mậu dịch của một nước khác [89].
Về tính chất, vì quan hệ FDI là quan hệ có mục đích kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận nên nó chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế trong nền kinh tế thị trường, ít chịu ảnh hưởng bởi các quan hệ chính trị. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc các chủ đầu tư nước ngoài đưa vốn vào nước tiếp nhận đầu tư để kinh doanh. Vì vậy, FDI không thể biến nước tiếp nhận đầu tư thành con nợ của nước có tư bản xuất khẩu qua đầu tư trực tiếp. Còn đối với đầu tư gián tiếp ODA thì sao ? Quan hệ đầu tư gián tiếp này là quan hệ mang màu sắc chính trị, bị ảnh hưởng bởi quan hệ giữa các quốc gia với nhau và với các tổ chức tài chính quốc tế, ít chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế. Trong đầu tư gián tiếp, viện trợ không hoàn lại không phải là phổ biến mà phổ biến là quan hệ cho vay ưu đãi. Như vậy, đầu tư gián tiếp biến nước tiếp nhận đầu tư thành con nợ của nước hay tổ chức quốc tế đã xuất khẩu tư bản qua các quan hệ đầu tư gián tiếp. Hơn nữa, nước tiếp nhận đầu tư gián tiếp không chỉ bị biến thành con nợ mà còn phải bảo đảm một số điều kiện khác mang tính chính trị như phải bảo đảm tốc độ tăng trưởng, ổn định tỷ lệ lạm phát, cân bằng cán cân thanh toán, phải giảm chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước, phải có dự án đầu tư cụ thể... thì mới được tiếp nhận vốn đầu tư với hình thức chủ yếu là vay vốn tín dụng ưu đãi. Về vấn đề này, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 3/1996 đã đề cập:
Bên cạnh những thuận lợi to lớn ở trong nước và quốc tế đối với việc thu hút và sử dụng ODA, chúng ta còn nhiều khó khăn và thách thức. ODA trên thế giới là nguồn vốn có hạn, lại có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước đang phát triển. ODA và chính trị đi liền với nhau, các nước cung cấp ODA thường hay gắn các điều kiện để mưu tìm lợi ích kinh tế hoặc chính trị. Phần lớn ODA là vốn vay, tuy có phần ưu đãi song phải trả nợ, nếu không tính toán đúng đắn sẽ có nguy cơ mắc phải nợ nần [3].
Báo Asahi Shibun, ngày 13/6/1996 của Nhật Bản cũng đã coi "ODA là vũ khí ngoại giao quan trọng nhất của Nhật Bản" [76].
(2)- Phân biệt FDI với đầu tư gián tiếp nước ngoài của pháp nhân, thể nhân: Pháp nhân, thể nhân khi tiến hành đầu tư với mục đích tìm kiếm lợi nhuận tại một quốc gia khác, họ trở thành nhà đầu tư nước ngoài. Hình thức đầu tư mà họ có thể lựa chọn là đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp.
Các hình thức đầu tư này, tuy có điểm giống nhau về chủ thể đầu tư và mục đích kinh doanh nhưng khác nhau về bản chất và nội dung quản lý vốn, đối tượng đầu tư, thủ tục tiến hành và nguồn luật điều chỉnh.
Về bản chất, trong đầu tư trực tiếp, chủ thể đầu tư và vốn đầu tư luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Các nhà đầu tư trực tiếp quản lý vốn đầu tư của mình, trực tiếp điều hành hoặc tham gia điều hành dự án đầu tư, thu lợi nhuận và trực tiếp gánh chịu rủi ro từ hoạt động đầu tư. Trong đầu tư gián tiếp, các nhà đầu tư thực hiện đầu tư thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp ở nước nhận đầu tư hoặc cho các doanh nghiệp ở nước nhận đầu tư vay vốn tín dụng. Việc thu lợi nhuận được thực hiện qua qua lãi cổ tức hoặc lãi suất thỏa thuận. Các chủ đầu tư gián tiếp nước ngoài không trực tiếp điều hành quản lý hoạt động kinh doanh của dự án họ bỏ vốn đầu tư. Các doanh nghiệp tiếp nhận vốn đầu tư có toàn quyền chủ động sử dụng và quản lý vốn đầu tư theo mục đích của dự án đầu tư.
Trong đầu tư trực tiếp, vốn đầu tư có thể bằng tiền, tài sản khác hoặc bằng công nghệ. Vì vậy, thông qua FDI, nước chủ nhà có thể tiếp nhận được công nghệ tiên tiến và học hỏi được kinh nghiệm quản lý do nhà đầu tư nước ngoài đưa vào. Đối với đầu tư gián tiếp, vốn chỉ có thể là tiền, không thể là hiện vật hoặc công nghệ. Vì vậy, doanh nghiệp nhận vốn không thể tiếp nhận công nghệ hiện đại trực tiếp từ việc tiếp nhận vốn đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ở nước ta, nguồn luật điều chỉnh hoạt động FDI là Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản có liên quan. Nguồn luật điều chỉnh hoạt động đầu tư gián tiếp là một số văn bản khác, thích ứng với từng trường hợp như: các quy định về bán cổ phiếu, trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và các văn bản có liên quan, các quy định về vay vốn tín dụng nước ngoài trong các Luật về doanh nghiệp, Luật về ngân hàng...
Độ an toàn về kinh tế cho nước tiếp nhận đầu tư cũng thể hiện sự khác biệt lớn giữa hai hình thức đầu tư nói trên. Đầu tư gián tiếp của thể nhân, pháp nhân nước ngoài tuy có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nước nhận đầu tư nhưng lại biến nước nhận đầu tư thành con nợ. Đa số nguồn vốn này là cổ phiếu, trái phiếu được chuyển nhượng dễ dàng qua thị trường chứng khoán. Vì vậy, rất dễ xảy ra tình trạng rút vốn ồ ạt mà nước nhận đầu tư không kiểm soát nổi. Tình hình này sẽ gây tác động xấu đối với nền kinh tế. Ngược lại, FDI không có các đặc điểm như vậy nên việc tiếp nhận FDI có độ an toàn về kinh tế cao hơn cho nước tiếp nhận đầu tư. Báo cáo về "Triển vọng phát triển châu Á" (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tháng 4 năm 2001 đã phân tích lý do của dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thế giới gồm cổ phiếu, trái phiếu và các quỹ đầu tư khác (gồm cả vay tín dụng ngân hàng) đã: "tăng lên khi các thị trường được nới lỏng kiểm soát và các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội tìm kiếm nhiều lợi nhuận". Cùng với sự rút vốn ồ ạt ra khỏi các thị trường kém hấp dẫn, các hoạt động đầu tư gián tiếp này "suy yếu dần sau cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mê-hi-cô năm 1995" và "sụp đổ hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á vào năm 1997-1998". Vào thời điểm này, nguồn vốn đầu tư gián tiếp đã giảm đến 87% so với đỉnh cao năm 1996, làm cho nền tài chính của nhiều nước càng nhấn sâu vào khủng hoảng. Trong khi đó "đầu tư trực tiếp nước ngoài tỏ ra ổn định hơn nhiều so với dòng vốn đầu tư gián tiếp trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á. Hơn nữa có một nhận thức rõ ràng rằng nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài không thể dễ dàng tháo gỡ máy móc ra khỏi nhà máy khi họ mất niềm tin và muốn rút lui" [66, tr. 2; 33].
1.1.2.2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư trong nước
Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, dù xét dưới giác độ đều là đầu tư trực tiếp, không có sự tách rời quyền quản lý của chủ đầu tư và vốn đầu tư nhưng cũng có nhiều sự khác nhau do bản chất về vốn và tính chất của chủ đầu tư quy định.
Về hình thức biểu hiện, sự khác biệt chủ yếu thể hiện qua chủ thể đầu tư, nguồn gốc vốn đầu tư và hình thức đầu tư. Trong FDI, bắt buộc phải có sự hiện diện của các nhân tố nước ngoài, đó là vốn đầu tư và quốc tịch của chủ thể đầu tư. Ngược lại, đối với đầu tư trong nước, pháp luật không có đòi hỏi mang tính bắt buộc này.
Về các hình thức đầu tư theo các quy định của pháp luật Việt Nam, đầu tư nước ngoài được thực hiện dưới các hình thức: doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh; còn đầu tư trong nước được thực hiện theo các hình thức: doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân...
Pháp luật Việt Nam có nhiều quy định về thủ tục và điều kiện đầu tư, sự khuyến khích hay hạn chế đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài khác với đầu tư trong nước. Ngược lại, ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển, chế độ đối xử đối với các nhà đầu tư trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng trên một mặt bằng pháp lý chung.
1.1.2.3. Đầu tư trực tiếp nước ngoài với các quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài
Các quan hệ này đều là quan hệ kinh tế có yếu tố nước ngoài. Các yếu tố nước ngoài được thể hiện qua chủ thể, hàng hóa, tiền tệ._., nơi thực hiện quan hệ.
Các quan hệ hợp đồng trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh...) có nhiều điểm khác biệt nếu so sánh với các quan hệ thương mại hàng hóa như quan hệ thông qua các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, gia công hàng hóa, chuyển giao công nghệ...
Bản chất của FDI là việc di chuyển tư bản từ nước này sang nước khác để kinh doanh và chủ đầu tư không bị tách rời khỏi vốn đầu tư như trên đã phân tích. Quan hệ hợp đồng trong đầu tư trực tiếp là quan hệ hợp tác nhằm thực hiện một dự án đầu tư, không phản ánh trực tiếp sự ngang giá về hàng - tiền. Các quan hệ này chịu sự điều chỉnh của pháp luật về FDI và có thời hạn kéo dài theo thời hạn của dự án đầu tư. Còn các quan hệ thương mại là các quan hệ trao đổi hàng - tiền giữa các chủ thể trong từng vụ việc cụ thể, theo nguyên tắc ngang giá (tính chất có đền bù); dù có sự chuyển dịch hàng - tiền quan biên giới, từ nước này qua nước khác nhưng không kéo theo sự quản lý của chủ sở hữu. Sự chuyển giao quyền quản lý và trách nhiệm gánh chịu rủi ro giữa chủ thể này với chủ thể khác ở các quốc gia khác nhau trong quan hệ thương mại hàng hóa đi liền với đối tượng chuyển giao. Các quan hệ này chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thương mại.
1.1.3. Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài
Thực tiễn thế giới cũng như ở Việt Nam đã phản ánh rằng FDI có vai trò hết sức to lớn đối với nước tiếp nhận đầu tư, đặc biệt những nước đang phát triển. Đây là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng và thông thường, nó luôn được đề cập trong các công trình nghiên cứu về FDI. Vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, khai thác tài nguyên, hợp lý hóa cơ cấu kinh tế để phát triển đất nước, tạo công ăn việc làm là nhu cầu và nguyện vọng của bất cứ quốc gia nào. Đối với những nước nghèo, chậm phát triển nó lại càng là mơ ước mà khó có thể tự mình thực hiện. Trong thực tế nhiều năm qua, FDI đã giúp cho các nước nghèo thực hiện dần những nguyện vọng đó của mình. Vì vai trò quan trọng của FDI nên ngày nay kể cả các nước phát triển và đang phát triển đều đang ra sức cạnh tranh để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài đem lại cho nước chủ nhà nhiều mối lợi. Thể hiện rõ ràng nhất là việc chuyển giao vốn, công nghệ hiện đại và kỹ năng quản lý nếu không có FDI sẽ không có được hoặc có với giá rất đắt... Đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia sản xuất để xuất khẩu giúp nước chủ nhà có thể tiếp cận được với thị trường nước ngoài [46, tr. 32].
Có nhiều công trình nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài đề cập đến vai trò của FDI với mức độ khác nhau. Theo chúng tôi, các vai trò sau đây của FDI là đặc biệt đáng ghi nhận.
1.1.3.1. Bổ sung vốn cho nền kinh tế
Trước hết, FDI đóng vai trò là một nguồn cung cấp vốn lớn, góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn đầu tư - một căn bệnh kinh niên và phổ biến của bất kỳ quốc gia chậm phát triển nào. Ở Indonesia, sau khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1967, FDI đã cung cấp một lượng vốn bình quân trong 27 năm (1967 - 1994) là 1,15 tỷ USD. Ở Philippines, FDI đã cung cấp 170 triệu USD năm 1987 và tăng gấp 16 lần vào năm 1994 (2,66 tỷ USD). Trong những năm Philippines đang trên đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao họ vẫn cho rằng nếu sử dụng vốn nước ngoài hợp lý thì có thể khuyến khích được tính hiệu quả của nền kinh tế và từ năm 1991 Philippines không còn coi đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế nội địa là "chủ nghĩa đế quốc kinh tế" nữa, mà coi đó là "sự cần thiết và bây giờ phải mở cửa" [97]. Ở Trung Quốc, FDI đã cung cấp cho đất nước rộng lớn này 87 tỷ USD vốn thực hiện trong 15 năm 1979 đến năm 1994 và hàng trăm tỷ USD từ năm 1995 đến năm 2001... Một nước phát triển cao như Mỹ với tổng GNP là 7.233 tỷ USD (1995) và tổng vốn đầu tư là 1.029 tỷ USD (1995), FDI cũng làm tăng thêm nguồn sinh khí mới cho thị trường đầu tư của Mỹ. Đối với các nước đang rất thiếu vốn để công nghiệp hóa như Việt Nam thì FDI càng có tầm quan trọng hơn. Vốn FDI được sử dụng sẽ có tác động thúc đẩy các đồng vốn khác trong nước hoạt động (một số nhà kinh tế đã tính rằng 1 đồng vốn FDI đã làm cho 4 đồng vốn trong nước hoạt động theo) [60]. Lý do là, các nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta phải sử dụng đường sá, cầu cống, bến cảng, đất đai, nhà ở, bệnh viện, trường học... của ta và họ phải trả phí dịch vụ cho các hoạt động đó, và như vậy đã làm cho các đồng vốn bỏ vào các lĩnh vực trên hoạt động náo nhiệt hơn. Một vùng đất hoang không có giá trị nay được chủ đầu tư sử dụng, lập tức có giá trị hàng triệu USD. Một kết quả nghiên cứu khác ở Singapore cũng cho thấy rằng vốn đầu tư nước ngoài tăng bao nhiêu thì đầu tư trong nước cũng tăng bấy nhiêu tại nước chủ nhà [103].
Ở Việt Nam, tính đến hết năm 1995, vốn FDI đã được thu hút với mức vốn đăng ký là 19,353 tỷ USD, mức vốn thực hiện khoảng 30% (bình quân gần 1 tỷ USD/năm trong giai đoạn 1988 - 1996). Tốc độ thu hút vốn FDI ở Việt Nam từ 1988 - 1995 tăng bình quân 50%/năm [4]. Trong giai đoạn 1996 - 2000:
Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục gia tăng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không kể phần góp vốn trong nước) đạt khoảng 10 tỷ USD gấp 1,5 lần so với 5 năm trước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và bổ sung đạt 24,6 tỷ USD, tăng so với thời kỳ trước 34% [26, tr.238].
Theo đánh giá của Vụ Quản lý dự án thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, "tỷ trọng nguồn vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng từ 25,75% thời kỳ 1991-1995 lên khoảng 30% trong những năm 1996-2000" [32]. Năm 2001, vốn thực hiện đạt 2,2 tỷ USD, vốn đăng ký mới và bổ sung thêm đạt 2,8 tỷ USD [17, tr. 7]. Dự kiến vốn FDI được thực hiện trong kế hoạch 5 năm 2000-2005 khoảng 9 - 10 tỷ USD, bao gồm vốn các dự án đã được cấp phép chưa được thực hiện của các năm trước; vốn thực hiện các dự án cấp phép mới và vốn bổ sung các dự án đã thực hiện [26, tr. 269].
Những con số nêu trên cho thấy FDI có vai trò rất quan trọng trong việc trực tiếp bổ sung vốn, đồng thời kích thích việc tăng đầu tư nội địa cho sự nghiệp phát triển kinh tế của mỗi nước.
1.1.3.2. Cung cấp công nghệ mới cho sự phát triển
Bên cạnh vai trò cung cấp vốn, FDI mang lại cho nước tiếp nhận đầu tư những kỹ thuật công nghệ tiên tiến, góp phần phát triển lực lượng sản xuất, cơ cấu lại nền kinh tế... Thực tế cho thấy rằng, kỹ thuật và công nghệ nước ngoài đã giúp cho Malaysia thực hiện thành công chiến lược "công nghiệp hóa thay thế hàng nhập khẩu" và chiến lược "hướng về xuất khẩu". Từ chỗ cơ cấu kinh tế lạc hậu, kỹ thuật thủ công, phân tán, lực lượng sản xuất kém phát triển, đến giữa những năm 1980, Malayxia đã là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về găng tay cao su, thứ hai thế giới về chất bán dẫn và tinh thể sơ đồ tích phân và thứ ba thế giới về máy điều hòa nhiệt độ [29, tr. 20]. Rõ ràng là, chỉ có đầu tư nước ngoài với trình độ kỹ thuật cao phương pháp sản xuất tiên tiến và khả năng thâm nhập thị trường thế giới của các công ty xuyên quốc gia mới tạo được thành công nói trên.
Cũng phải kể đến một xu hướng nữa trong FDI là trong nhiều trường hợp, các nước phát triển còn mang vào các nước chậm phát triển những công nghệ tiến tiến hơn ngay cả so với nước mình. Ví dụ ở Nhật Bản, do đồng Yên tăng giá nên ngày càng nhiều các công ty của Nhật Bản mang những công nghệ tiến tiến nhất ra nước ngoài để sản xuất hàng hóa rồi nhập khẩu trở lại Nhật Bản nhằm thu lợi nhuận cao. Đã có thời kỳ các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản ở Malaixia và Philippines chiếm giữ gần 60% kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản của những nước này (năm 1987).
Ở Việt Nam, qua FDI chúng ta đã tiếp nhận được một số thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong nhiều ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng như: thông tin viễn thông, thăm dò dầu khí, công nghiệp điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, hóa chất, công nghệ sinh học... phần lớn các thiết bị đưa vào nước ta thuộc loại trung bình của thế giới và tiên tiến hơn những thiết bị ta đã có.
1.1.3.3. Đào tạo nguồn nhân lực
Đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò như là một hình thức đào tạo giúp nước tiếp nhận đầu tư kiến thức sử dụng công nghệ hiện đại và học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước ngoài trong sản xuất kinh doanh, nâng dần trình độ sản xuất kinh doanh của đất nước, hòa nhập vào phân công lao động quốc tế. Trong một thời gian dài của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, các giám đốc sản xuất kinh doanh của Việt Nam thường chỉ làm theo kế hoạch và sự bao cấp của Nhà nước, tính năng động sáng tạo bị hạn chế. Khi bước sang cơ chế thị trường, không ít người tỏ ra lúng túng, bất cập với công tác quản lý mới và rất cần nâng cao trình độ v.v... Việc cùng làm, cùng chịu trách nhiệm với các nhà quản lý nước ngoài trong các dự án đầu tư để học hỏi kinh nghiệm của họ là một con đường đào tạo ngắn và có hiệu quả. Qua hơn 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kinh nghiệm quản lý kinh doanh của Việt Nam tuy đã có nhiều tiến bộ song "nói chung vẫn còn nhiều hạn chế" [60]. Các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn ở Việt Nam sẽ đưa các chuyên gia quản lý vào áp dụng chế độ quản lý doanh nghiệp hiện đại, có hiệu quả vào nước ta. Các nhà doanh nghiệp nước ta sẽ có cơ hội học tập và phát triển.
Hơn thế nữa, FDI cũng góp phần đào tạo một đội ngũ công nhân có trình độ kỹ thuật cao cho đất nước, hạn chế tình trạng thất nghiệp, nâng cao mức thu nhập cho người lao động. Trung Quốc và các nước ASEAN đều có chính sách khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài có sử dụng nhiều lao động. Ở Việt Nam, trong giai đoạn 1996 - 2000 "Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút trên 35 vạn lao động trực tiếp" [17, tr. 239]. Ngoài ra, FDI còn gián tiếp tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục vạn lao động làm việc trong các ngành xây dựng, thương mại và dịch vụ liên quan [6]. Một kết quả nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra rằng, cứ mỗi việc làm do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra thì ít nhất có 1,6 việc làm được tạo ra trong các khu vực khác nhau của nền kinh tế [99].
Tiền lương của người lao động, về cơ bản được giải quyết phù hợp với quy định, cao hơn mức lương của người lao động cùng loại trong nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Thu nhập bình quân một lao động của năm 1996 là 136 USD/tháng, trong đó thu nhập của người Việt Nam là 94 USD/ tháng (riêng ngành dầu khí 692 USD/tháng, các ngành khác phổ biến trong khoảng 55 đến 80 USD/tháng, thấp nhất dưới 35 USD/tháng). Thu nhập của lao động người Việt Nam tăng bình quân 5,8%/năm,
1.1.3.4. Góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu
Trong thời đại ngày nay, nước ta cũng như các nước trên thế giới đều có nhu cầu mở rộng thị trường cả trong nước và nước ngoài. Thị trường nội địa của nước ta tuy không lớn nhưng phần lớn số hàng nhập khẩu là hàng trong nước chưa sản xuất được. Đó là cơ sở chủ yếu thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Như vậy, thị phần họ nhằm là thị phần hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu của Việt Nam, trước hết là những mặt hàng nhập khẩu mà Việt Nam chưa thể sản xuất được.
Việc mở rộng thị phần của Việt Nam ở nước ngoài còn có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều nhưng năng lực tiếp thị ngoài nước, trình độ công nghệ và quản lý của nhiều doanh nghiệp đầu tư trong nước rất hạn chế. Trong vấn đề này, các công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sẽ có ưu thế hơn bởi họ am hiểu thị trường thế giới, có các cơ sở tiếp thị ở các thị trường quan trọng. Với sức mạnh về công nghệ và vốn, cùng với việc sử dụng lợi thế về lao động, địa lý và tài nguyên của Việt Nam, họ có khả năng vượt trội hơn tất cả các công ty nội địa Việt Nam trong việc mở rộng thị trường bên ngoài, cạnh tranh với các công ty xuyên quốc gia để xuất khẩu. Với việc họ trở thành pháp nhân Việt Nam xuất hiện trên thương trường thế giới như trên thì khả năng mở rộng thị trường nước ngoài của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn nhiều. Kinh nghiệm của Malayxia cho thấy, nếu không có các công ty xuyên quốc gia nước ngoài thì nước này khó có thể mở rộng xuất khẩu như hiện nay.
Ở Việt Nam, giá trị xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm một phần đáng kể trong số kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước: Năm 1994 chiếm 27,1%; 1995 chiếm 24,7%; 1996 chiếm 24,5% tổng kim ngạch XK cả nước; năm 2001,"nếu kể cả dầu khí thì các doanh nghiệp FDI hiện đóng góp đến gần một nửa trị giá xuất khẩu của nền kinh tế" [72, tr. 7].
1.1.3.5. Góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, năm 1994 tổng số nộp ngân sách là 621 triệu USD, năm 1995: 738 triệu USD, năm 1996 là 980 triệu USD, tăng bình quân 25,6%/năm. Trong đó, ngành dầu khí chiếm từ 56% đến 60 %, công nghệ chế biến chiếm từ 30% đến 32%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra những sản phẩm, những ngành kinh tế cá biệt mới có kỹ thuật công nghệ cao như: Khai thác dầu khí, lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất một số mặt hàng điện tử gia dụng và thiết bị điện tử chính xác, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào một số lĩnh vực của ngành trồng trọt, chế biến mía đường, cao su... và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong nền kinh tế nước ta. Thể hiện đậm nét nhất là ngành công nghiệp. Vốn đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp năm 1995 chiếm 25,04% giá trị sản xuất, năm 1996 là 26,73% và 1997 là 28,55%. Theo niên giám thống kê năm 1996, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có mặt ở 24 ngành công nghiệp, từ lĩnh vực khai thác đến chế biến, từ sản xuất thực phẩm, đồ uống đến những ngành công nghiệp nhẹ, điện và điện tử... Năm 1996, ở một số ngành sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã vượt cả khu vực ngoài quốc doanh về giá trị sản xuất như sản xuất radio, ti vi, thiết bị truyền thông, sản xuất sửa chữa xe có động cơ, sản xuất sửa chữa vận tải thủy...
Sơ bộ tính toán kết quả sản xuất của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 6,58% GDP của năm 1995, 7,27% GDP của năm 1996, 7,48% GDP của năm 1997 [30], 11,75% của năm 1999 [32] và 13,3% của năm 2000 [15, tr. 16]. Những ngành kinh tế có tỷ trọng đầu tư trực tiếp của nước ngoài cao như: Công nghiệp, vận tải, thông tin liên lạc, khách sạn nhà hàng, kinh doanh bất động sản và hoạt động tư vấn, là những ngành có tốc độ phát triển cao nhất và vốn đầu tư nước ngoài có tác dụng quyết định.
Một công trình nghiên cứu của Công ty tư vấn đầu tư nước ngoài (FIAS) đã đưa ra nhận xét:
Trong thời gian 4 năm 1994-1997, dòng vốn FDI vào Việt Nam trung bình hơn 2,2 tỷ USD một năm thực sự là nhiều và là một con số lớn so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam. Tại năm đỉnh điểm thu hút FDI, dòng vốn này chiếm tới hơn 11 % GDP, còn tỷ lệ trung bình trong giai đoạn 1994-1997 là 9 % GDP. Con số này không chỉ cao hơn các nước láng giềng nổi tiếng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài như Trung Quốc, Indonesia, Malayxia, Philippine, Thái Lan... mà Việt Nam còn đứng thứ nhất trong số các nước đang phát triển và các nước đang trong giai đoạn chuyển tiếp, nếu không tính đến các nước có dân số nhỏ hơn một triệu người [28, tr. 11].
Tóm lại, đầu tư trực tiếp nước ngoài đem lại những tác động tích cực và lâu dài cho nền kinh tế. Xuất phát từ việc FDI có vai trò quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước mà người Malaixia đã nhận xét rằng: trong một chừng mực nhất định FDI từ chỗ là "nhân tố bên ngoài" chuyển thành "nhân tố bên trong" quyết định phần lớn tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu, tốc độ và phương hướng phát triển của ngành công nghiệp Malaysia. Còn theo Tạp chí Kinh tế Viễn Đông thì sau khi có chính sách mở cửa và Luật Đầu tư nước ngoài, nền kinh tế của Indonesia được coi như "người khổng lồ của Đông Nam Á đang ngủ đã tỉnh dậy trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh" [101, tr. 41].
Ở Việt Nam FDI trong những năm qua đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, khai thác tài nguyên, tạo việc làm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ có hàm lượng kỹ thuật cao, đẩy mạnh xuất khẩu, đưa nước ta vào phân công lao động quốc tế, tạo hình ảnh mới và vị thế mới với uy tín ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế. Một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy rằng: "Ở Việt Nam, sự tăng trưởng thu nhập quốc dân mạnh, luồng FDI đổ vào nhiều và xuất khẩu mạnh là những cái liên quan chặt chẽ với nhau" [106]. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đánh giá, trong giai đoạn 1996-2000:
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội... tỷ lệ vốn FDI thu hút vào lĩnh vực sản xuất vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế tăng từ 62% năm 1995 lên 85% vào năm 2000..., góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý và mở rộng thị trường [17, tr. 239].
1.2. KHÁI NIỆM VỀ PHÁP LUẬT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
1.2.1. Khái niệm pháp luật đầu tư trực tiếp nước ngoài
Như đã phân tích trong mục 1.1.1, trong pháp luật của các nước, khái niệm FDI được thể hiện dưới sự nhìn nhận bằng con mắt của nước tiếp nhận đầu tư. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài phát sinh từ các quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài, các quan hệ này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của các nước tiếp nhận đầu tư. Vì vậy, nước tiếp nhận đầu tư đã xác định hành lang pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho sự phát sinh, phát triển, vận động của các quan hệ này theo mục tiêu và ý chí của mình. Tổng thể các quy phạm pháp luật nói trên hợp thành pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nói cách khác, pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận để điều chỉnh những quan hệ phát sinh trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây chính là khái niệm pháp luật về FDI phù hợp với bất cứ nước tiếp nhận đầu tư nào. Nội dung khái niệm này không chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Trong một chừng mực nào đó, khái niệm pháp luật về FDI cũng có nghĩa như khái niệm "khung pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài", dùng để chỉ một hệ thống bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật thực định, điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội. Tuy nhiên, thuật ngữ khung pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài còn được hiểu theo một phạm vi rộng lớn hơn, chỉ một trật tự pháp luật tương ứng với một trật tự kinh tế - xã hội bao gồm cả những nguyên tắc và những định hướng cơ bản được thể chế hóa. Về khái niệm khung pháp luật, PGS.TS Lê Hồng Hạnh đã viết:
Nếu xét theo quan điểm hệ thống và nhìn nhận trên phương diện tổng quát thì khung pháp luật một mặt là sản phẩm tất yếu của sự phát triển các quan hệ kinh tế với tư cách là đối tượng phản ánh, thể hiện cái "cơ cấu bên trong" của hệ thống pháp luật trực tiếp liên quan đến toàn bộ quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội. Mặt khác, bản thân nội hàm của khung pháp luật còn chứa đựng những định hướng được "Nhà nước hóa" thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, theo đó pháp luật tác động lên các quan hệ kinh tế với tư cách là công cụ quản lý [36].
Như vậy, với nghĩa hẹp hơn, khái niệm pháp luật về FDI là một khái niệm cụ thể, là "linh hồn" và nội dung chủ yếu của khung pháp luật về FDI.
Các quy phạm pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài nằm trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau trong hệ thống các văn bản pháp luật của Nhà nước, trước hết là Hiến pháp, rồi đến các đạo luật và Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ, Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các văn bản quy phạm liên tịch theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Cho đến nay, Nhà nước ta đã ban hành trên 100 văn bản trực tiếp và có liên quan đến lĩnh vực này. Trong hệ thống đó, các quy phạm pháp luật về FDI được thể hiện tập trung nhất trong Luật Đầu tư nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngoài ra, một bộ phận của khung pháp luật về FDI còn nằm trong các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia [83, tr. 19], như: Công ước về Tổ chức bảo đảm đầu tư đa biên (Multilateral Investment Guarantee Agency - MIGA) tháng 9 năm 1985, Việt Nam tham gia năm 1993; 41 Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư [16, tr. 12], trên 30 Hiệp định tránh đánh thuế trùng, mà Việt Nam đã ký kết song phương với các nước; Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ; Hiệp định về khu vực đầu tư ASEAN (AIA),... Nhiều quy định trong các hiệp định này có nội dung liên quan đến việc điều chỉnh các quan hệ đầu tư trực tiếp, được coi là các quy phạm do Nhà nước thừa nhận và là nguồn của pháp luật về đầu tư nước ngoài.
Các quan hệ pháp luật chủ yếu do pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài điều chỉnh bao gồm:
- Quan hệ giữa Nhà nước mà đại diện là các cơ quan có thẩm quyền với nhà đầu tư nước ngoài trong việc cho phép đầu tư và quản lý các mặt hoạt động liên quan đến thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam;
- Quan hệ hợp tác kinh doanh, liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước;
- Quan hệ giữa các doanh nghiệp có vốn FDI với Nhà nước Việt Nam thông qua các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hoạt động của dự án đầu tư và quản lý dự án đầu tư.
Cũng cần lưu ý rằng, không phải trong mọi trường hợp (mọi dự án) FDI cũng xuất hiện cả ba loại quan hệ trên đây. Ví dụ: Trong dự án đầu tư dưới hình thức 100% vốn nước ngoài thì không có sự xuất hiện các quan hệ hợp tác kinh doanh hay liên doanh.
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 29/12/1987 và đã qua bốn lần sửa đổi, bổ sung (Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ngày 30/6/90, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ngày 23/12/92, Luật Đầu tư nước ngoài, ngày 12/11/1996 (sửa đổi, bổ sung trên cơ sở ba Luật Đầu tư nước ngoài đã có trước) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ngày 9/6/2000). Các luật này cùng với hàng trăm văn bản pháp lý khác đã tạo nên một hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam. Hệ thống này luôn vận động và không ngừng được hoàn thiện, kịp thời phúc đáp sự đòi hỏi của thực tiễn vận động của các quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu cũng như đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài thì hệ thống này có nhiều ưu điểm: thông thoáng và cởi mở, khá phù hợp với pháp luật quốc tế và hấp dẫn các nhà đầu tư... Tuy nhiên, nó cũng còn nhiều điểm hạn chế, bất cập với sự phát triển kinh tế xã hội trong cơ chế đổi mới. Trong việc khu vực hóa và quốc tế hóa quan hệ đầu tư trực tiếp cũng như trước yêu cầu cấp bách của hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống này cần được tiếp tục bổ sung hoàn thiện.
1.2.2. Vị trí, vai trò của pháp luật đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hệ thống pháp luật Việt Nam
1.2.2.1. Thừa nhận, định hướng và thúc đẩy các hoạt động đầu tư nước ngoài
Pháp luật ra đời là do đòi hỏi khách quan của việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Đặc điểm của chính các quan hệ xã hội quy định tính chất của các quy phạm pháp luật. Pháp luật về FDI cũng vậy, nó được ra đời là do yêu cầu của việc điều chỉnh các quan hệ xã hội - các quan hệ kinh tế về chuyển dịch tư bản trong phạm vi quốc tế mà trong đó các chủ sở hữu về vốn nắm giữ luôn quyền quản lý kinh doanh. Nói cách khác, pháp luật về đầu tư nước ngoài ra đời là do đòi hỏi của chính các quan hệ về đầu tư nước ngoài. Đến lượt mình, pháp luật về đầu tư nước ngoài tác động trở lại làm cho các quan hệ đầu tư nước ngoài phát sinh, phát triển theo chiều hướng phù hợp với ý chí của nhà nước. Tuy nhiên, không thể coi pháp luật về FDI là nguyên nhân hay động lực của đầu tư nước ngoài. Pháp luật không sáng tạo ra hoạt động đầu tư nước ngoài mà chỉ là sự thừa nhận một thực tế đã trở thành phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thực tiễn cho thấy rằng, quá trình di chuyển tư bản này có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của nhiều quốc gia. Nhưng, chắc chắn rằng quá trình đầu tư nước ngoài không thể diễn ra một cách chính thức và rộng rãi khi mà pháp luật chưa chính thức thừa nhận nó.
Vai trò của pháp luật đầu tư nước ngoài trong việc thúc đẩy sự phát triển và định hướng cho các hoạt động đầu tư nước ngoài là không thể phủ nhận. Đặc điểm của các quan hệ xã hội quyết định tính chất điều chỉnh của pháp luật nhưng giá trị xã hội và vai trò của pháp luật nằm ngay trong nội dung của chính nó. Nhờ sự thừa nhận chính thức của pháp luật mà các quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài phát sinh và cũng bằng chính các quy định về hình thức đầu tư, biện pháp bảo đảm, biện pháp khuyến khích, biện pháp hạn chế... mà pháp luật đầu tư trực tiếp nước ngoài định hướng được sự phát triển của các quan hệ đầu tư nước ngoài. Pháp luật về FDI là một bộ phận quan trọng trong môi trường đầu tư và phản ánh độ hấp dẫn của môi trường đầu tư. Vai trò này được thể hiện ở mức độ nào là tùy thuộc vào chính nội dung của các quy phạm pháp luật về FDI, bởi vì "tính hiệu lực của pháp luật thể hiện ngay chính trong các tế bào của nó, tức là hệ thống các quy phạm pháp luật" [35].
1.2.2.2. Là "vũ khí" cạnh tranh quốc tế trong phát triển kinh tế
Do có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài nên pháp luật về đầu tư nước ngoài là "vũ khí cạnh tranh sắc bén" của mỗi nước trong việc cạnh tranh nhằm thu hút FDI. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, môi trường đầu tư ở các nước luôn được cải thiện. Sự chênh lệch khá xa về nhu cầu và khả năng cung cấp vốn đầu tư trực tiếp càng làm cho cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp thêm gay gắt. Hầu hết các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực đều đang ra sức sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật để hấp dẫn các nhà đầu nước ngoài hơn. Nhờ cải thiện tích cực môi trường đầu tư, thu hút FDI mà nền kinh tế Thái Lan đã nhanh chóng đi vào thế ổn định. Tại Indonesia, vốn FDI được thu hút năm 1988 tăng 298% so với năm 1984 là nhờ sửa đổi Luật Đầu tư năm 1967 liên tục vào các năm 1985, 1986 và 1987. Ở Việt Nam, năm 1995 đã thu hút được 7.457 triệu USD (vốn đăng ký của các dự án mới và vốn bổ sung của các dự án cũ) so với năm 1988 chỉ có 366 triệu USD, tăng gấp hơn 20 lần. Đây cũng là kết quả của việc hai lần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nước ngoài và việc hoàn thiện các chính sách pháp luật có liên quan cùng với việc cải thiện các yếu tố khác của môi trường đầu tư. Chính vì vậy, pháp luật về FDI luôn được đặt trong quá trình vận động, hoàn thiện nhằm thực hiện tốt vai trò là "vũ khí cạnh tranh sắc bén" của mỗi nước trong thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế.
1.2.2.3. Là công cụ quản lý của Nhà nước
Từ phương diện quản lý nhà nước, pháp luật về đầu tư trực tiếp của nước ngoài được xem như một công cụ hữu hiệu nhất của Nhà nước trong việc quản lý các hoạt động đầu tư nhằm khai thác vai trò tích cực và hạn chế những tiêu cực của quá trình di chuyển tư bản này. Bởi quan hệ về đầu tư trực tiếp nước ngoài là quan hệ hoàn toàn mang bản chất kinh tế thị trường cho nên nó không tránh khỏi những "tật" cố hữu của bất cứ hoạt động thị trường nào như tính tự phát, chạy theo lợi nhuận tối đa, không chú ý tới lợi ích xã hội, không chú ý việc bảo vệ môi trường... Vì vậy, pháp luật về FDI phải đóng vai trò thực sự là một công cụ quản lý hữu hiệu và khoa học của Nhà nước nhằm định hướng, giới hạn "hành lang" cho các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát huy mặt tích cực của hoạt động hợp tác đầu tư; đồng thời thiết lập "hàng rào pháp lý" để ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực của chính các hoạt động này, giữ ổn định và cân đối cho các hoạt động đầu tư trong xã hội.
1.2.2.4. Góp phần thúc đẩy sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật
Nếu FDI là hoạt động kinh tế có vai trò thúc đẩy sự phát triển nội sinh của nền kinh tế đất nước thì pháp luật về FDI là một bộ phận pháp luật cũng có vai trò tác động làm phát sinh nhu cầu nội sinh của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, Luật Đầu tư năm 1987 là một trong những văn bản pháp lý có hiệu lực cao, là một trong những đạo luật đầu tiên về lĩnh vực kinh tế của Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới. Luật Đầu tư năm 1987 có tính "đột phá", trở thành "đòn bẩy" góp phần tạo lập, thúc đẩy và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật trong cơ chế thị trường Việt Nam. Luật này ra đời trong điều kiện Hiến pháp năm 1980 đang có hiệu lực. Trong khi, Hiến pháp 1980 khẳng định:
Nhà nước tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, hướng dẫn, sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động... những cơ sở kinh tế của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản đều bị quốc hữu hóa không bồi thường [38]
Luật Đầu năm 1987 lại khuyến khích tư bản nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và cho phép các doanh nghiệp nhà nước được phép hợp tác đầu tư với nước ngoài, hình thành nên một loại hình tư bản nhà nước... Đã có tài liệu bình luận rằng: "Đây là một sự thụt lùi đáng kể về quan hệ sản xuất" [29]. Tuy nhiên, theo quan điểm biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, pháp luật thuộc về kiến trúc thượng tầng, là một bộ phận của ý thức xã hội, đôi khi vượt trước tồn tại xã hội và có vai trò mở đường. Luật Đầu tư năm 1987 có vai trò đúng như vậy. Thực tế chỉ rõ rằng, sự ra đời của Luật Đầu tư năm 1987 thúc đẩy sự ra đời của một hệ thống hàng trăm văn bản pháp luật về đầu tư nước ngoài. Hệ thống này lại trở thành đối trọng để thúc đẩy tính cân đối của hệ thống pháp luật về đầu tư trong nước với sự ra đời của nhiều loại hình doanh nghiệp mới được ghi nhận trong Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân (1991); sự hình thành các biện pháp khuyến khích và bảo đảm đầu tư trong Luật Khuyến khích đầu tư tro._. cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Về công tác quy hoạch đầu tư nước ngoài: Cần có sự quy hoạch rõ ràng, ổn định, đồng bộ với các chính sách và biện pháp bảo đảm thực hiện để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng lựa chọn cơ hội đầu tư và yên tâm đầu tư. Trong vận động, xúc tiến đầu tư nước ngoài, cần sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp và coi trọng việc lựa chọn đối tác đầu tư theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa nhưng có tập trung. Điểm tập trung xúc tiến vận động đầu tư là những quốc gia có vốn dự trữ lớn, có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài, có công nghệ cao; đồng thời, chúng ta có thể thu hút các nhà đầu tư từ Đài Loan, các nước ASEAN có thế mạnh trong việc đầu tư các dự án quy mô vừa và nhỏ thuộc các ngành công nghiệp nhẹ, chế biến nông - lâm - thủy sản, các ngành sử dụng nhiều lao động.
Ổn định chính sách và luật pháp luôn là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt. Thu hút vốn FDI là vấn đề chiến lược, lâu dài đối với Việt Nam. Do đó, chính sách và luật pháp phải ổn định. Kinh nghiệm của nhiều nước là cần phải đề cao nguyên tắc chỉ thay đổi chính sách khi có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và nhằm thu hút hơn nữa nguồn đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích đặc biệt.
Trong công tác quản lý nhà nước, các nước trong khu vực đều có một cơ quan đầu mối đủ mạnh, có khả năng điều phối các ngành chức năng từ khi cấp giấy phép đến khi triển khai dự án đầu tư; quy định rõ quy trình giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư theo hướng một cửa, ban hành sách (cẩm nang) hướng dẫn đầu tư, thực hiện tư vấn đầu tư miễn phí... Việt Nam cần nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm này.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển có vị trí ngày càng quan trọng. Kinh nghiệm của Malayxia cho thấy: "Ưu thế về giá hạ của tài nguyên và sức lao động không thể giữ được lâu dài, vì thế cần phải tăng cường giáo dục và nghiên cứu khoa học, nâng cao tố chất nguồn nhân lực quốc dân" [33, tr. 76]. Trong giai đoạn hiện nay, nước ta cần đặc biệt coi trọng công tác này. Do đó, cần đào tạo, quy hoạch cán bộ làm công tác đầu tư nước ngoài; đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề để cung cấp lực lượng lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ nguồn kinh phí ngân sách kết hợp với sự hỗ trợ của doanh nghiệp.
Để tạo sự đồng bộ về cơ sở pháp lý cho môi trường kinh doanh cũng cần sớm ban hành các luật về kinh doanh bất động sản, về cạnh tranh và chống độc quyền...
Bên cạnh đó, cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực của đất nước, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và lao động, tranh thủ được các ưu đãi của các nước trong khu vực đầu tư ASEAN dành cho Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ mà Đại hội Đảng IX đã đề ra là: "Tạo ra khuôn khổ pháp lý nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư ra nước ngoài để phát huy lợi thế so sánh của đất nước" [26, tr. 321].
3.2.2. Giải pháp chiến lược
Mục tiêu của giải pháp chiến lược, có tính chất cơ bản, lâu dài của việc hoàn thiện pháp luật về FDI chính là đạt được sự nhất thể hóa pháp luật về đầu tư ở nước ta, không còn sự phân biệt đối xử giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.
Việt Nam là một trong số ít nước ban hành Luật Đầu tư nước ngoài và duy trì hai hệ thống luật khác biệt áp dụng cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài về thủ tục và điều kiện đầu tư. Xét về lâu dài, cần phải từng bước giảm dần sự khác biệt và tiến tới thống nhất về hình thức, thủ tục và điều kiện đầu tư giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với thông lệ quốc tế [62].
Vấn đề đặt ra là, về lâu dài, Nhà nước ta cần nhất thể hóa pháp luật về đầu tư như thế nào?
Tại Tờ trình về Chương trình của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa IX), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị: "Sửa đổi bổ sung Luật Doanh nghiệp (quy định một mặt bằng pháp lý cho việc tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế), hoàn thành vào tháng 3 năm 2004; sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (không quy định về việc tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), hoàn thành vào tháng 3 năm 2004..." [9]. Theo phương án này, có thể suy ra rằng, các quy định về tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không còn nằm trong Luật Đầu tư nước ngoài. Luật này được sửa đổi sẽ còn lại các nội dung về nguyên tắc, phạm vi, thời hạn đầu tư, bảo đảm và khuyến khích đầu tư, quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài. Luật Doanh nghiệp sẽ có các quy định về tổ chức và hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cũng có ý kiến cho rằng, để thống nhất pháp luật về FDI với pháp luật về đầu tư trong nước trong giai đoạn hiện nay thì vấn đề chủ yếu chỉ là sửa một số luật thuế để có sự áp dụng chung về thuế đối với các hoạt động đầu tư ở Việt Nam.
Theo chúng tôi, để thống nhất sự điều chỉnh của pháp luật đối với cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không chỉ đơn giản là thống nhất sự điều chỉnh của các sắc thuế mà còn rất nhiều nội dung khác cần đề cập như tự do hóa phạm vi, lĩnh vực đầu tư; vấn đề thời hạn và thủ tục đầu tư, hình thức tổ chức doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể đầu tư, bảo đảm và khuyến khích đầu tư, quan hệ giữa đầu tư và thương mại...
Qua những nội dung đã phân tích trong luận án, cho thấy việc nhất thể hóa pháp luật về đầu tư ở Việt Nam là một quá trình. Quá trình này, không phải là đến nay mới được nói đến mà thực chất nó đã và đang diễn ra từ mức độ thấp đến mức độ cao hơn trong những năm gần đây với những bằng chứng rất cụ thể. Theo chúng tôi, về lâu dài (có thể là sau 5 năm đến 10 năm tới), việc nhất thể hóa pháp luật về đầu tư ở nước ta phải đạt tới một mức độ cao hơn nữa và cơ bản hơn, đó là nhất thể hóa trong các đạo luật. Từ những nghiên cứu bước đầu, xin đề xuất việc xây dựng pháp luật như sau:
1)- Cần xây dựng Luật Khuyến khích đầu tư (mới), trong đó xác định các nội dung khuyến khích đầu tư, chế độ và phạm vi khuyến khích đầu tư... áp dụng chung cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, bất kể là khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước, dù là hình thức doanh nghiệp nào, là hoạt động đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp nếu thuộc diện khuyến khích đầu tư đều áp dụng các quy định của đạo luật này. Nói cách khác là, khuyến khích đầu tư không phân biệt nguồn đầu tư, chủ thể đầu tư và hình thức đầu tư mà khuyến khích trên cơ sở tính chất kinh tế - xã hội của dự án đầu tư. Với những nội dung trong phạm vi như vậy, luật này có thể được xây dựng dựa trên Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, một phần của Luật Đầu tư nước ngoài hiện nay (phần bảo đảm đầu tư và khuyến khích đầu tư), các quy định về chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi và khuyến khích đầu tư trong một số luật và văn bản dưới luật khác, đồng thời bổ sung thêm một số quy định cần thiết;
2)- Xây dựng Luật doanh nghiệp (mới), áp dụng chung cho mọi loại hình doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài như phương hướng mà Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đã chỉ rõ: "Tiến tới xây dựng một luật áp dụng thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau thuộc các thành phần kinh tế" [25, tr. 320]. Trong Luật này, theo chúng tôi, cần xác định rõ các hình thức tổ chức doanh nghiệp, đặc điểm, chế độ trách nhiệm, phạm vi hoạt động, thủ tục thành lập, cơ chế tổ chức quản lý nội bộ doanh nghiệp, quyền hạn và nghĩa vụ của doanh nghiệp, nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; đồng thời xác định rõ phạm vi của nguyên tắc đối xử quốc gia.... Với những nội dung và phạm vi điều chỉnh như vậy, Luật này có thể được xây dựng trên cơ sở Luật Doanh nghiệp hiện hành, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã, một phần của Luật Đầu tư nước ngoài (phần các hình thức đầu tư), có bổ sung thêm các quy định cần thiết.
3)- Thống nhất các quy định về thuế theo định hướng của Đại hội Đảng IX, là: "Tiếp tục cải cách hệ thống thuế phù hợp với tình hình đất nước và các cam kết quốc tế; đơn giản hóa các sắc thuế; từng bước áp dụng hệ thống thuế thống nhất, không phân biệt đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài" [23, tr. 103]. Theo chúng tôi, để có một hệ thống thuế áp dụng chung cho cả đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các các luật thuế, cụ thể là:
+ Thuế Thu nhập doanh nghiệp, cần sửa theo hướng chỉ áp dụng một mức thuế suất chung cho cả đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước (Ngân hàng Thế giới - WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong các điều kiện về cho vay hỗ trợ phát triển cũng yêu cầu Việt Nam cam kết về việc này trước tháng 9 năm 2002). Hiện nay, mức phổ thông, doanh nghiệp trong nước phải nộp thuế thu nhập ở mức 32%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp ở mức 25% nhưng phải nộp thêm thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Đề nghị bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và áp dụng một mức thuế thu nhập doanh nghiệp chung khoảng từ 25-28%.
+ Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện nay bất hợp lý, nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã đề cập vấn đề này từ lâu. Nhà nước ta cũng đã sửa đổi bổ sung thuế này nhiều lần nhưng vẫn chưa phù hợp với thế giới và các nước trong khu vực. Đề nghị, sửa Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện nay thành Pháp lệnh Thuế thu nhập cá nhân, quy định các mức thuế suất áp dụng chung cho cả người Việt Nam và người nước ngoài. Việc quy định cụ thể loại thuế này cũng cần tính đến sự tương đương với các nước trong khu vực;
+ Thuế giá trị gia tăng (VAT) hiện nay đang tồn tại 4 mức thuế suất, cần rút xuống 1 hoặc 2 mức thuế suất tương tự như các nước.
4)- Cần bảo đảm sự bình đẳng trong các chi phí về đầu tư thông qua việc tạo sự thống nhất về các loại giá và phí (đầu vào) áp dụng cho các doanh nghiệp, không phân biệt đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài như: giá điện, giá nước, giá bưu chính viễn thông, giá vé máy bay các tuyến nội địa, phí cảng biển, phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng...
5)- Thống nhất về mặt pháp lý trong một số công tác khác liên quan đến hoạt động đầu tư như vấn đề thống kê, kế toán, hải quan, bảo hiểm, giải quyết tranh chấp...
Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 của Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Đại hội Đảng IX đã đưa ra định hướng "Xây dựng một số luật mới như: Luật Doanh nghiệp trên cơ sở thống nhất Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Doanh nghiệp hiện hành; Luật Đầu tư trên cơ sở thống nhất Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước" [25, tr. 329]. Theo chúng tôi, đây là những tư tưởng định hướng quan trọng, cần được nghiên cứu, cụ thể hóa về mặt lập pháp. Các kiến nghị trên đây, có thể mới chỉ là nêu lên những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trong các công trình khoa học pháp lý cũng như trong công tác xây dựng pháp luật.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Pháp luật về FDI của Việt Nam dù liên tục có sự phát triển, hoàn thiện trong nhiều năm qua, nhưng hiện nay, vẫn đang đứng trước những yêu cầu và đòi hỏi bức xúc của việc tiếp tục phát triển và hoàn thiện theo xu hướng nhất thể hóa pháp luật đầu tư. Những lý do chính của việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài trực tiếp ở Việt Nam gồm: Những đòi hỏi bức xúc phải khắc phục các hạn chế của pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; tăng cường hiệu quả các định chế pháp lý nhằm hạn chế tác động tiêu cực của FDI; những cơ hội, thách thức và đòi hỏi của hội nhập kinh tế thế giới và khu vực với những cam kết quốc tế cụ thể cần phải nội luật hóa.
Nhất thể hóa pháp luật về đầu tư là một quá trình. Đó là quá trình hoàn thiện pháp luật từ mức độ thấp đến mức độ cao theo đòi hỏi của thực tiễn. Nhìn dưới một góc độ khác, nhất thể hóa pháp luật về đầu tư lại là mục tiêu, là cái đích của việc hoàn thiện pháp luật về đầu tư. Cả hai khía cạnh đó, đặt ra yêu cầu của việc xác định các giải pháp trước mắt và lâu dài của việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về FDI theo xu hướng nhất thể hóa pháp luật về đầu tư.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu vấn đề hoàn thiện pháp luật về FDI trong xu hướng nhất thể hóa pháp luật về đầu tư ở Việt Nam có thể rút ra một số kết luận sau:
1- Pháp luật về FDI ở Việt Nam vừa là một bộ phận pháp luật ra đời sau vừa tồn tại với tính chất là một hệ thống nhỏ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Tuy vậy, pháp luật về FDI ở Việt Nam có quy mô khá đồ sộ và có vai trò rất to lớn trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, cả về kinh tế - xã hội và quan hệ quốc tế. Sự ra đời và tác động của pháp luật về FDI góp phần thúc đẩy sự hoàn thiện của pháp luật đầu tư nói riêng và cả hệ thống pháp luật nói chung.
2- Về nội dung, giữa pháp luật đầu tư nước ngoài và pháp luật đầu tư trong nước vừa có sự tương đồng, vừa có sự khác biệt. Sự khác biệt này bắt nguồn từ chủ quyền về mặt kinh tế của Nhà nước, từ tính đặc thù của nền kinh tế và các thành phần kinh tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, cần được xác định rõ để có biện pháp xử lý thích hợp khi nghiên cứu việc thống nhất về mặt pháp luật giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài cả về mặt nội dung và phạm vi. Trong sự khác biệt đó, có những sự khác nhau thuộc về bản chất, chưa thể đi đến thống nhất được, cũng có những sự khác nhau thuộc về các quy định mang tính hình thức, do lịch sử để lại, từng bước đã và đang có xu hướng thống nhất. Thực tế đó phản ánh quá trình hoàn thiện pháp luật về đầu tư ở nước ta theo xu hướng nhất thể hóa pháp luật về đầu tư.
3- Hoàn thiện pháp luật là mục tiêu lý tưởng nhằm đạt được một hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn yêu cầu của các quan hệ xã hội, phúc đáp được những đòi hỏi của xã hội. Thực tiễn luôn luôn vận động và thay đổi. Vì vậy, vấn đề hoàn thiện pháp luật trên thực tế diễn ra là một quá trình liên tục, "tiệm cận" với các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Việc hoàn thiện pháp luật về FDI nói riêng và pháp luật về đầu tư nói chung ở nước ta trong những năm qua đã diễn ra đúng như vậy.
Công tác hoàn thiện pháp luật về FDI cũng chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được đặt trong tổng thể các biện pháp khác có liên quan về chính trị - kinh tế và xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về đầu tư luôn luôn phải đi liền với các công tác khác như công tác quy hoạch kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, đào tạo cán bộ, tuyên truyền pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước...
4- Nhất thể hóa pháp luật về đầu tư là thống nhất sự điều chỉnh của pháp luật đối với các hoạt động đầu tư, không phải là sự thống nhất về mặt hình thức pháp lý của các văn bản pháp luật. Vì vậy, đó là sự thống nhất trong đa dạng, là xây dựng một mặt bằng pháp lý chung, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cơ hội bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể đầu tư khác nhau trong nền kinh tế, không có sự phân biệt đối xử giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Việc nhất thể hóa pháp luật về đầu tư tại Việt Nam diễn ra bởi các lý do chính sau: Thứ nhất là, yêu cầu về bảo đảm quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh của các chủ thể; thứ hai là, yêu cầu về bảo đảm sự phù hợp với xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế; thứ ba là, yêu cầu về bảo đảm sự thống nhất của pháp luật mà biểu hiện cụ thể của nó là tính đồng bộ, tính phù hợp và tính toàn diện, không có sự khác biệt và mâu thuẫn nhau giữa các bộ phận pháp luật điều chỉnh những hành vi tương tự; thứ tư là, xu hướng nhất thể hoá pháp luật đầu tư ở nước ta đã và đang diễn ra trong hơn 15 năm qua.
Để nhất thể hóa pháp luật về đầu tư, cần phải có sự vận động của cả hai bộ phận pháp luật về đầu tư là pháp luật về đầu tư nước ngoài và pháp luật về đầu tư trong nước. Thực chất là phải làm cho hai bộ phận này của pháp luật đầu tư cùng tiến tới một mặt bằng pháp lý chung. Với ý nghĩa như vậy, nhất thể hóa pháp luật về đầu tư thuộc nội dung của việc hoàn thiện pháp luật về đầu tư và cũng là mục tiêu của việc hoàn thiện pháp luật về đầu tư, là một quá trình phát sinh từ đòi hỏi của thực tiễn và diễn ra liên tục từ mức độ thấp đến mức độ cao hơn, theo sự vận động của các quan hệ kinh tế - xã hội, phù hợp với ý chí của Nhà nước.
5- Giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật về FDI theo hướng nhất thể hóa pháp luật về đầu tư cần phải được thực hiện từng bước. Giải pháp trước mắt là tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật đối với đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở một số khía cạnh pháp lý cụ thể trên nguyên tắc tiếp tục giảm dần khoảng cách giữa pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài với hoạt động đầu tư trong nước. Phương hướng thống nhất pháp luật về đầu tư trong tương lai sẽ là xây dựng một mặt bằng pháp luật đầu tư chung trên cơ sở nhất thể hóa hai bộ phận pháp luật đầu tư hiện hành trong những đạo luật áp dụng chung cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, mà ở đó các nguyên tắc pháp lý, cơ chế, chính sách, điều kiện và thủ tục đầu tư... đều không có sự phân biệt trong áp dụng.
Trong khuôn khổ luận án, giải pháp lâu dài của việc nhất thể hóa pháp luật về đầu tư mới chỉ được trình bày ở mức chứng minh xu hướng khách quan, nêu ra phương hướng chung, tuy có sự tổng quát nhưng chưa phân tích sâu vào các nội dung cụ thể. Tác giả hy vọng rằng, những vấn đề này sẽ được nghiên cứu sâu hơn trong các công trình nghiên cứu tiếp theo.
NHỮNG CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁNĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ
Nguyễn Khắc Định (1993), "Những vấn đề pháp lý cơ bản trong Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", Tài liệu tập huấn nghiệp vụ thanh tra tài chính, tr. 75-90
Nguyễn Khắc Định (1995), "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua nghiên cứu Luật Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam", Luật học, (2), tr. 34-39; 43.
Nguyễn Khắc Định (1996), "Tìm hiểu pháp luật về kinh tế tư nhân", Luật học, (1), tr. 39-45.
Nguyễn Khắc Định (1996), "Khái niệm, vai trò, vị trí của đầu tư trực tiếp nước ngoài và pháp luật đầu tư trực tiếp nước ngoài", Luật học, (4), tr. 11-18.
Nguyễn Khắc Định (1999), "Pháp luật hiện hành về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam, hướng hoàn thiện nhằm đáp ứng các thỏa thuận ASEAN", Bài viết tham gia Dự án Vie-98-001 của Bộ Tư pháp: "Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam - giai đoạn 2".
Nguyễn Khắc Định (2000), "Địa vị pháp lý của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài", Chương VI, Giáo trình Luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Nguyễn Khắc Định (2001), "Về phương hướng hoàn thiện các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam", Luật học, (4), tr. 54-62.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Việt Nam (1997), Các văn bản pháp quy về quản lý khu công nghiệp, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1996), Báo cáo về thu hút và sử dụng vốn ODA, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1996) Báo cáo tổng kết Đầu tư trực tiếp nước ngoài 1988 - 1996, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1996), Tài liệu tham khảo về luật pháp và chính sách của các nước đối với đầu tư nước ngoài, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1996) Báo cáo về tình hình thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1999), Tài liệu tham khảo về tình hình và các quy định về đầu tư nước ngoài của các nước trong khu vực, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2000), Kinh tế và Dự báo, (7)(327), Hà Nội, tr. 9.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2002), Tờ trình Chính phủ về Chương trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX)", trang 3, 4 Phụ lục 1 văn bản 3112/BKH-QLKT, 20/5.
Bộ Ngoại giao (1994), Một số hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tài liệu số 48/LPQT ngày 21/5.
Bộ Tài chính (2000), Thông tin Tài chính, (22), tr. 19.
Bộ Thương mại (2001), Thương mại, ngày 27 tháng 4.
Nguyễn Mạnh Cầm (2002), Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế tại Hội nghị toàn quốc về hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội 6-7/5.
Diệu Chi (2002), Thời báo Tài chính Việt Nam, (48), ngày 22/4, trang web Bộ Tài chính, CPnet.
Chính phủ (2001), Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, số 1041/CP-KTTH, ngày 14/11/2001.
Chính phủ (2001), Báo cáo về Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, tài liệu trình Quốc hội số 1025/CP-QHQT, ngày 12/11.
Chính phủ (2002), Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ 1997 - 2002, tài liệu trình Quốc hội ngày 15/3.
GS.TS David O.Dapice, Đại học Harvard (2000), Các lựa chọn và cơ hội - các con đường đã mở ra trước Việt Nam, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Phạm Ngọc Dũng (2001), "Quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài", Nghiên cứu kinh tế, (273), tr. 9-10.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), "Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI", Tài liệu của Văn phòng Trung ương Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1994), Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, Tài liệu của Văn phòng Trung ương Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), "Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng", Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010", Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), "Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005", Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, cơ sở pháp lý - hiện trạng - cơ hội và triển vọng (1994), Nxb Thế giới, Hà Nội.
Điều lệ về đầu tư của nước ngoài tại nước CHXHCN Việt Nam (1977), Nghị định số 139/HĐBT.
TS. Đỗ Đức Định (1993), Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một số nước Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
TS. Nguyễn Ngọc Đức (1998), Nguồn lực tài chính và công nghệ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, Đề tài nhánh thuộc đề tài KHXH-02-03, Hà Nội 1997-1998.
Nguyễn Hà (2002), "Đầu tư nước ngoài liệu có khả quan", Thời báo Tài chính Việt Nam, (44), ngày 12/4.
TS. Lưu Tiền Hải (2000), "Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài", Con số và Sự kiện, (6), trang web TCTK, CPnet.
Bắc Hải (2002), "Nhật Bản đánh giá môi trường đầu tư", Thời báo Kinh tế, (88), ngày 24 tháng 7.
Trần Thanh Hải (2002), "Hỏi đáp về WTO", Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
TS. Lê Hồng Hạnh (1991), "Kinh tế thị trường và sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật kinh tế", Nhà nước và Pháp luật, (4).
TS. Lê Hồng Hạnh (1992), Khung pháp luật - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học của Bộ Tư pháp.
PGS.TS Hoàng Văn Hảo (1992), "Vấn đề giải quyết đúng đắn giữa dân chủ và pháp luật trong quá trình đổi mới ở nước ta", Nhà nước và pháp luật, (2), Viện Nhà nước Pháp luật, Hà Nội.
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (1980), các Điều 18, 25 và 26.
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (1992), các Điều 22, 23 và 25.
TS. Hoàng Phước Hiệp (1997), "Pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam - Quá khứ, hiện tại và tương lai", Thông tin khoa học pháp lý, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
TS. Hoàng Phước Hiệp (1997), "Một số nội dung chủ yếu của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996", Thông tin khoa học pháp lý, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa kỳ về quan hệ thương mại (2000), Phụ lục H.
Thượng Tiền Hồng (1996), "Những bài học về phát triển kinh tế của Malaixia", Nghiên cứu kinh tế, (243), tr. 76.
(2002), 16/8.
TS. Dương Đăng Huệ (1992), "Một vài biện pháp pháp lý nhằm cải thiện thực trạng pháp luật kinh tế ở nước ta hiện nay", Nhà nước và Ppháp luật, (4), Hà Nội.
TS. Kee Cheok Cheong, Viện Phát triển Ngân hàng Thế giới (1996), Tài liệu đào tạo về quản lý kinh tế - học trình 9: Đầu tư nước ngoài, Nxb Hà Nội.
Phan Văn Khải (2002), Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị của Chính phủ với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về triển khai nhiệm vụ năm 2002, Hà Nội.
TS. Hoàng Thế Liên và Th.S Bùi Ngọc Cường (2001), "Những vấn đề lý luận cơ bản về Luật Kinh tế Việt Nam", Giáo trình Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.
TS. Vũ Đức Long (2002), "Khu vực thương mại tự do và đầu tư ASEAN", Luật học, (4), tr. 33.
TS. Nguyễn Đình Lộc (2002), Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Hội nghị toàn quốc về hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội, 6-7/5.
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987, 1996), Điều 1.
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987), Lời mở đầu.
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1996), Điều 60.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1992).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (2000).
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí (2000), Điều 33.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế lợi tức (1993).
Luật Thuế Lợi tức (1990).
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (1998).
TS. Võ Đại Lược (1997), "Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Những vấn đề kinh tế thế giới, (3), Hà Nội.
C. Mác - Ph. Ăngghen (1980), Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Mại (1993), "Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài", Nghiên cứu kinh tế, (6).
Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
"Một số vấn đề về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam" (1997), Thương mại, (20).
Thành Nam (2002), "Mua công ty giá bao nhiêu", Thời báo Kinh tế Sài Gòn, (21), ngày 15/6, tr. 18.
Ngân hàng Phát triển châu Á (2001), Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2001.
Ngân hàng Thế giới - WB (2000), Báo cáo tài chính phát triển toàn cầu năm 2000, tr. 12.
Nghị định số 139/HĐBT (1988), Hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Nghị định số 24/2000/NĐ-CP (2000), Hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các điều từ 45 đến 48.
Hồng Phúc (2002), "Việt Nam đang tự đánh mất FDI", Interrnet:
Sắc lệnh số 47/SL, ngày 10/10/1945.
TSKH. Nguyễn Quang Thái (2002), "Đầu tư và hiệu quả đầu tư những năm 1995-2001", Nghiên cứu kinh tế, (286), tr. 7.
Anh Thi (1997), "Quản lý tài chính khu vực đầu tư nước ngoài: đầu vào - đầu ra, lối nào cũng hổng", Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 23/7.
TS. Trần Văn Thọ, Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo (2002), "Làm gì trước thách thức và thời cơ mới", Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 15/6.
TS. Trần Văn Thọ (2002), "Làm gì trước thách thức và thời cơ mới", Thời báo Kinh tế Sài Gòn, (21), Thành phố Hồ Chí Minh.
Thông tấn xã Việt Nam (1996), Tin tham khảo Chủ nhật, (31), 4/8.
Thông tấn xã Việt Nam (2002), Bản tin nhanh buổi chiều, (099), ngày 9/4.
ThS. Đỗ Thị Thủy (1998), "Đầu tư trực tiếp nước ngoài - tính hai mặt của một vấn đề", Nghiên cứu kinh tế, (236), tr. 6.
Phạm Anh Thư (2002), Thời báo Tài chính Việt Nam, (12), ngày 29/1/2002, trang web Bộ Tài chính, CPnet.
Chu Thượng (2002), "Sự kiện và bình luận", Lao động (124), 17/5, tr.1.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2002), Lao động, (100), 23/4, tr. 2.
Trần Quốc Trung và Nguyễn Linh Chi (2002), "Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tình hình và triển vọng", Nghiên cứu kinh tế, (283), tr. 58.
Lê Mạnh Tuấn (1996), Cơ sở khoa học của việc hoàn thiện khung pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam, Luận án Phó tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
TSKH Trần Nguyễn Tuyên (2002), "Thực trạng và những giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế", Nghiên cứu kinh tế, (287), tr. 12.
TS. Lương Văn Tự (2002), Bài phát biểu của Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tại Hội nghị toàn quốc về hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội ngày 6-7 tháng 5.
Ủy ban APEC về đầu tư và thương mại (1996), Hướng dẫn về cơ cấu đầu tư của các nền kinh tế thành viên của APEC, Ban Thư ký APEC xuất bản lần thứ 3, Singapore.
Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (1995), Các văn bản pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Hà Nội.
Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế (2002), Báo cáo phân tích chương trình nghị sự đàm phán mới của WTO, Hà Nội, tháng 1/2002.
Danh Văn (1997), "ODA cơ hội và thách thức", Báo Doanh nghiệp, (26), từ 25/6 đến 1/7.
Văn phòng Chính phủ, Công báo điện tử trên mạng CPnet (Congbao on PB1/VPCP/CP1/VN).
Văn phòng Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (1991), Các văn bản pháp luật về đầu tư nước ngoài (2 tập), Hà Nội.
Nguyễn Vân (2002), Thời báo Tài chính Việt Nam, (5), ngày 11/1, trang web Bộ Tài chính, CPnet.
Viện Kinh tế (2001), Nghiên cứu kinh tế, (275), Hà Nội, tr 68-72.
Viện Nghiên cứu Tài chính (2001), Tài chính, (4), Hà Nội, tr. 18-19.
Viện Ngôn ngữ học (2000), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học.
Việt Nam và các Tổ chức kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
TIẾNG ANH
Asia Week (1991), 6/9.
Adrew Evans Per Falk (1991), Law and Integration, Nostedts, Stockholm, P.96.
Dupuy, C. and J, Savary (1993), Les Effets Indirect des Enterprises Multinationales Sur I'Emploi des Pays d'Accueil, ILO, Multinational Enterprises Programe, Working Paper No. 72, Geneva.
Eludication of Law No. 1 0f 1967 Concerning Foreign Investment in "Investment Law and Regulation", Jakarta, Indonesia.
Far Eastern Economic Review (1989), April, P-41
Foreign Investment Advisory Service-FIAS (1999), Vietnam Attracting More and Better Foreign Direct Investment, Vietnam. P.11.
Fry, Maxwell (1993), Foreign Direct Investment in South East Asia: Diffirential Impacts, Institute of SouthEast Asian Studies, Singapore.
Institute of Asian (1996), Current Vietnamese Economic, Manila.
International Moneytery Fund (1993), Balance of Payment Manual - Fifth Edition, Washington, DC.
International Moneytery Fund (1999), Vietnam: Selected Isues, Report No. 99/55, Washington, DC.
UNCTAD (2000), World Investment Report 2000.
West Publishing Co., (1990), Black's Law Dictionary, USA.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA2723.DOC