Mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong đời sống xã hội, việc công dân đi ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước (xuất cảnh nước mình, nhập cảnh một nước khác và ngược lại) để cư trú, làm ăn sinh sống, buôn bán, đầu tư, công tác, lao động, học tập, du lịch... là một vấn đề bình thường trong quá trình giao lưu giữa các quốc gia và con người trong khu vực hoặc quốc tế. Con người chỉ có thể tiến bộ và phát huy khả năng của mình trên mọi lĩnh vực khi quyền con người nói chung và quyền
204 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 3873 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
xuất cảnh, nhập cảnh được bảo đảm. Như vậy, có thể nói, bảo đảm quyền xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú ngày nay đã trở thành một động lực của sự phát triển xã hội.
ở hầu hết các nước tiến bộ, với tính cách là một bộ phận quan trọng trong hệ thống các quyền tự do cá nhân của con người, quyền đi ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân đều được Hiến pháp ghi nhận và kèm theo là những điều kiện để thực hiện quyền này trên thực tế. ở nước ta, Hiến pháp năm 1992 và những văn bản pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú trong một chừng mực nào đó đã có những quy định cụ thể về quyền xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của công dân. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan và chủ quan, cho nên trong những năm qua, bên cạnh những ưu điểm, pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở nước ta đã và đang bộc lộ những hạn chế nhất định, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước nói chung và hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú nói riêng, từ đó ảnh hưởng xấu tới việc thực hiện những quyền xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của công dân.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Đảng và Nhà nước ta đang chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực thực hiện chủ trương cải cách nền hành chính nhà nước, trong đó trọng tâm là phục vụ con người, vì con người với nhu cầu đòi hỏi ngày càng tăng, trong đó có quyền xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú.
Để công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước, trong đó có cải cách thể chế, thủ tục hành chính nói chung và cải cách thể chế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh nói riêng đạt được kết quả, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, sử dụng đồng bộ các biện pháp, trong đó phải nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Mặt khác, xung quanh những vấn đề lý luận về vị trí, vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, nhất là đối với việc bảo đảm an ninh quốc gia và bảo đảm quyền xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của công dân... còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Vì lý do trên, việc nghiên cứu đề tài: "Hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam" mang tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là vấn đề được các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn quan tâm nghiên cứu. Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu về cơ sở pháp lý của hoạt động quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú được đề cập ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp trong các công trình của các nhà khoa học. Trước hết, có thể kể đến các công trình nghiên cứu khoa học:
"Đổi mới và hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước đối với người nước ngoài ở Việt Nam" Luận án Tiến sĩ luật học của TS. Bùi Quảng Bạ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1996). Luận án có mục đích: góp phần làm sáng tỏ những cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xác định những đặc trưng, vai trò của quản lý nhà nước đối với người nước ngoài. Về lý luận, luận án đã đưa ra và làm rõ thêm một số khái niệm: về người nước ngoài; về quản lý nhà nước về an ninh quốc gia; về cơ chế điều chỉnh pháp luật trong quản lý nhà nước đối với người nước ngoài ở Việt Nam; làm rõ địa vị pháp lý của người nước ngoài và vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước đối với họ ở Việt Nam. Về thực tiễn, luận án đã khái quát sự hình thành và phát triển của pháp luật trong quản lý nhà nước đối với người nước ngoài từ 1945 đến 1996; phân tích tình hình thực tiễn quản lý nhà nước đối với người nước ngoài, tình hình vi phạm pháp luật của người nước ngoài tại Việt Nam và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng trong những năm 90 của thế kỷ XX. Từ đó, đưa ra những định hướng, kiến nghị nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quản lý người nước ngoài; nâng cao ý thức pháp luật; đổi mới bộ máy, cán bộ, cơ chế quản lý nhằm thực hiện quản lý nhà nước có hiệu quả đối với người nước ngoài ở Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XX. Một số kiến nghị có tính khả thi của tác giả về sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đã ban hành khi đó tập trung vào một số điều của Bộ luật hình sự, đặc biệt là kiến nghị: "Cần bổ sung hình phạt trục xuất vào hệ thống hình phạt của Bộ luật hình sự được áp dụng vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung". Về lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, tác giả cũng có kiến nghị: "Về tổng thể, cần nghiên cứu nâng Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam thành một đạo luật".
"Quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài tại Việt Nam" Luận án Tiến sĩ của TS. Ngô Phúc Thịnh (Học viện An ninh nhân dân, Hà Nội, 2002), với mục đích là: đánh giá đúng thực trạng công tác quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài và những hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của người nước ngoài tại Việt Nam; dự báo và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đấu tranh với hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Về lý luận, luận án đã làm rõ thêm khái niệm về người nước ngoài và địa vị pháp lý của họ tại Việt Nam; làm rõ thêm nhận thức quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài; làm rõ đặc trưng, nội dung cơ bản của hoạt động quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài và những yếu tố tác động tới hoạt động quản lý. Về thực tiễn, luận án đã chỉ rõ thực trạng công tác quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài; phân tích và đánh giá khái quát các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của người nước ngoài tại Việt Nam và công tác đấu tranh của cơ quan an ninh; đưa ra dự báo tình hình về âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam nhằm xâm hại an ninh quốc gia. Từ đó đưa ra những giải pháp có tính khả thi nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh trong tình hình mới. Trước sự giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, xu hướng hòa nhập cùng tồn tại và phát triển, tác giả đã kiến nghị về việc "sớm xây dựng luật nhập cư làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết người tị nạn ở Việt Nam và cư trú trái phép".
Những năm gần đây, đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu khoa học tập thể cấp nhà nước và cấp bộ của các nhà khoa học đã đề cập đến quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh và pháp luật trong lĩnh vực này ở nước ta. Đáng chú ý nhất là các công trình dưới đây.
Vụ quản lý khoa học và Công nghệ, Bộ Công an có đề tài nghiên cứu khoa học mã số KHXH 07-08 về "Những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý người nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh trật tự của lực lượng công an nhân dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do GS.TS. Nguyễn Phùng Hồng làm chủ nhiệm (Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2002). Mục tiêu của đề tài là: làm rõ thực trạng công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đối với người nước ngoài và công tác đấu tranh chống tội phạm là người nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian vừa qua; kiến nghị những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với người nước ngoài và công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm là người nước ngoài đến Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh trật tự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Về lý luận, đề tài đã làm rõ những vấn đề chung về quản lý người nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh trật tự ở Việt Nam, trong đó phân tích làm nổi bật được địa vị pháp lý của người nước ngoài tại Việt Nam và những nguyên tắc cơ bản trong công tác quản lý người nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh trật tự ở Việt Nam. Về thực tiễn, luận án đã chỉ rõ thực trạng công tác quản lý người nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh trật tự ở Việt Nam của lực lượng Công an nhân dân; chỉ rõ thực trạng công tác đấu tranh xử lý những vi phạm pháp luật của người nước ngoài ở Việt Nam có liên quan đến an ninh trật tự. Đặc biệt trong đó, đề tài nêu bật thực trạng pháp luật Việt Nam - cơ sở pháp lý để đấu tranh, xử lý những vi phạm pháp luật của người nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó đưa ra những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả quản lý người nước ngoài, bảo đảm an ninh trật tự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt trong đó là: xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý nhà nước đối với người nước ngoài; tăng cường ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp quốc tế; đổi mới công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao có đề tài nghiên cứu khoa học về "Trách nhiệm quốc gia đối với việc nhận trở lại công dân không được nước ngoài cho cư trú" do ThS. Nguyễn Hữu Tráng làm chủ nhiệm (Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 2002). Mục tiêu của đề tài là: phân tích làm rõ cơ sở lý luận của pháp luật và thực tiễn quan hệ quốc tế về quyền của quốc gia không cho phép người nước ngoài cư trú; trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia được yêu cầu tiếp nhận công dân mình bị trục xuất; đánh giá quá trình thực hiện các điều ước quốc tế đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; phân tích các quy định hiện hành và những chủ trương của Đảng và Nhà nước ta với công dân Việt Nam ở nước ngoài. Đề tài đã chỉ rõ việc di cư của người Việt Nam là một thực tế khách quan và là một phần của thực trạng di cư đã và đang diễn ra trên thế giới; từ nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn khách quan các tác giả tham gia đề tài nghiên cứu khoa học nêu trên đã kiến nghị chủ trương, biện pháp liên quan đến việc nhận trở lại công dân trong tình hình cụ thể trong nước và quốc tế hiện nay; kiến nghị sửa đổi một số văn bản pháp luật hiện hành và đề xuất những nội dung cơ bản thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong một thỏa thuận khung để giải quyết vấn đề nhận trở lại công dân không được nước ngoài cho cư trú.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an có đề tài nghiên cứu khoa học về "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài góp phần đảm bảo an ninh quốc gia" do Đại tá Triệu Văn Thế - Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm chủ biên (Bộ Công an, Hà Nội, 2005). Đề tài đã góp phần xây dựng và hoàn thiện các khái niệm: kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; kiểm soát hộ chiếu giấy tờ; kiểm tra nhân sự; giám sát xuất cảnh, nhập cảnh; xác định rõ vai trò, đối tượng, nội dung, phương pháp kiểm soát xuất nhập cảnh; làm rõ những vấn đề có tính quy luật trong hoạt động lợi dụng nhập cảnh, xuất cảnh qua cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác; đánh giá về thực trạng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài từ 1995 đến 2004. Đề tài đã chỉ ra những ưu điểm, những sơ hở thiếu sót và nguyên nhân của chúng. Từ đó, hình thành những giải pháp, kiến nghị có tính khoa học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài; góp phần bảo đảm an ninh quốc gia; góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài nói riêng và kiểm soát xuất nhập cảnh nói chung.
Các công trình nghiên cứu khoa học này, ở những khía cạnh và cấp độ khác nhau, đều đề cập một số vấn đề chung về quản lý nhà nước, mối quan hệ nhà nước - công dân trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, những điều kiện pháp lý bảo đảm quyền của công dân trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, cũng cần kể đến một số luận văn thạc sĩ luật học như: Quản lý nhà nước đối với người nước ngoài tại Việt Nam" (luận văn thạc sĩ luật học của ThS. Nguyễn Xuân Toản - Viện Nhà nước và pháp luật, Hà Nội, 1996), với mục đích: góp phần làm rõ cơ sở lý luận, nội dung pháp lý của quản lý nhà nước đối với người nước ngoài tại Việt Nam, đề xuất những giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với người nước ngoài ở Việt Nam hiện nay". Luận văn đã làm rõ khái niệm người nước ngoài và phân loại người nước ngoài; xác định nội dung pháp lý và đặc thù của quản lý nhà nước đối với người nước ngoài; hệ thống hóa và phân tích pháp luật thực định và thực tiễn về quản lý nhà nước đối với người nước ngoài (trong đó, có một tiết nhỏ đề cập tới quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam); qua đó, đề xuất những biện pháp (bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật; xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với người nước ngoài. "Quản lý nhà nước về an ninh đối với công dân Việt Nam xuất cảnh trong giai đoạn hiện nay" luận văn thạc sĩ luật học của ThS Phạm Ngọc Trung (Học viện An ninh nhân dân, Hà Nội, 1997), với mục đích: phân tích một cách khoa học tình hình quản lý nhà nước đối với người Việt Nam xuất cảnh trong giai đoạn hiện nay để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và những vướng mắc được đặt ra đối với công tác quản lý công dân Việt Nam xuất cảnh, từ đó đề xuất phương pháp đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước đối với người Việt Nam xuất cảnh. Luận văn đã khái quát được vị trí, vai trò của quản lý công dân Việt Nam xuất cảnh trong quản lý nhà nước về an ninh quốc gia; đánh giá được thực trạng quản lý công dân Việt Nam xuất cảnh, âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch và bọn phạm tội khác lợi dụng việc xuất cảnh của công dân để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; dự báo những vấn đề có liên quan đến quản lý công dân Việt Nam xuất cảnh trong thời gian tới; qua đó, đề xuất phương hướng và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công dân Việt Nam xuất cảnh. "Quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo danh nghĩa du lịch" luận văn thạc sĩ luật học của ThS. Nguyễn Văn Minh (Học viện An ninh nhân dân, Hà Nội, 1999), với mục đích: làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo danh nghĩa du lịch, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo danh nghĩa du lịch. Luận văn đã làm rõ những nhận thức cơ bản của quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo đường du lịch; đánh giá được thực trạng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo danh nghĩa du lịch, hoạt động của các thế lực thù địch và tội phạm khác lợi dụng đường nhập cảnh này để hoạt động xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam; đánh giá đúng thực trạng quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo đường du lịch, từ đó chỉ ra được những tồn tại, sơ hở trong quản lý để có hướng đề xuất khắc phục; dự báo về những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo đường du lịch trong thời gian tới; và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, còn có một số công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên Tạp chí Công an nhân dân, số chuyên đề - 10/2004: "Kết quả đổi mới công tác quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới" của Đại tá Triệu Văn Thế - Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh; "Người Việt Nam xuất cảnh - những vấn đề đặt ra đối với công tác an ninh" của ThS. Lê Xuân Viên; " Công tác an ninh tại cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong tình hình hiện nay" của ThS. Trần Quang Tám. Các bài viết đã đề cập ở cấp vĩ mô hoặc chuyên sâu các vấn đề lý luận - thực tiễn của quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú nhằm giữ vững chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Các công trình khoa học nêu trên cho thấy: từ những cấp độ hoạt động quản lý nhà nước khác nhau về chức năng nhiệm vụ, vấn đề quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam đã được đề cập từ nhiều khía cạnh khác nhau trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay; đề cập các vấn đề về lịch sử, khái niệm, phạm trù, nội dung của pháp luật; xác lập quan điểm, nguyên tắc và giải pháp thực hiện cơ chế quản lý nhà nước về an ninh trong lĩnh vực xuất nhập cảnh ở nước ta. Pháp luật nói chung và pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh nói riêng được các tác giả khẳng định là phương tiện pháp lý để Nhà nước thực hiện vai trò quản lý đối với xã hội.
Những đóng góp của các công trình nêu trên là những tìm tòi sáng tạo - những bước tiến quan trọng nhằm giải quyết các vướng mắc về mặt lý luận và thực tiễn của phạm vi lĩnh vực mà các đề tài nghiên cứu, tập trung chủ yếu là: quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài; quản lý nhà nước về an ninh đối với công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh hoặc là đột phá một số điểm, một số khía cạnh trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú. Tuy nhiên, các công trình nói trên còn để lại nhiều khoảng trống và chưa đề cập một cách toàn diện, có hệ thống về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh.
Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài "Hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam" là vấn đề mới không trùng lắp với những đề tài, chuyên đề đã nghiên cứu. Đề tài này mang tính cấp thiết, không những về lý luận, mà còn là đòi hỏi thực tiễn trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú ở nước ta hiện nay.
3. Mục đích và nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận án
Mục đích
Làm sáng tỏ một cách có hệ thống những vấn đề về lý luận và thực tiễn của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, từ đó đề xuất những quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo phương hướng đổi mới và hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của công dân.
Nhiệm vụ
Với mục đích nêu trên, tác giả luận án đề ra các nhiệm vụ sau đây:
- Làm rõ những nhận thức cơ bản về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; về cơ sở khoa học của việc đổi mới và hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam.
- Nghiên cứu vị trí, vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; làm rõ mối quan hệ của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú với các ngành luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
- Đánh giá đúng đắn thực trạng áp dụng pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam, chỉ ra những tồn tại, thiếu sót của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh để có hướng đề xuất giải pháp khắc phục.
- Làm rõ những quan điểm, phương hướng đổi mới và hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam.
- Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, trong đó đề xuất xây dựng một đạo luật xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú để điều chỉnh, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh và quy định về việc cư trú, hòa nhập của công dân cộng đồng cũng như người nước ngoài ở Việt Nam.
Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh.
Phạm vi nghiên cứu
Pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là một hệ thống các quy phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và các quy phạm pháp luật có liên quan. Đó vừa là pháp luật thực định (nội dung), vừa là pháp luật thủ tục (hình thức) nhằm điều chỉnh các quan hệ pháp luật hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh giữa Nhà nước và công dân. Luận án đi sâu nghiên cứu quy định của hiến pháp về quyền tự do đi lại, cư trú của công dân và pháp luật hành chính trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh mà chức năng chủ trì, quản lý chủ yếu thuộc Bộ Công an (cơ quan quản lý chuyên ngành về xuất nhập cảnh).
4. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta về xây dựng nhà nước và pháp luật; đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế trong nền kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; những thành tựu khoa học: triết học, xã hội học, luật học và đặc biệt của khoa học hành chính nhà nước. Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của triết học Mác -Lênin, tác giả sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, hệ thống, so sánh pháp luật, dự báo để nghiên cứu thực tiễn, từ đó rút ra kết luận cần thiết, đưa ra những đánh giá và những luận chứng làm cơ sở kiến nghị đổi mới và hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam.
5. Những đóng góp mới về khoa học của luận án
Đây là luận án tiến sĩ luật học đầu tiên trong khoa học pháp lý Việt Nam nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam. Luận án đã có những đóng góp mới về khoa học như sau:
Một là, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh tại Việt Nam, làm rõ vai trò, đặc điểm của pháp luật đối với việc tăng cường quản lý nhà nước một cách dân chủ đối với hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú; bảo đảm quyền tự do đi lại, cư trú của công dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế; làm rõ mối tương quan giữa pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh với các lĩnh vực điều chỉnh pháp luật khác.
Hai là, làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh tại Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến nay, trong đó đã làm sáng tỏ quá trình vừa kế thừa vừa phát triển liên tục của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh phù hợp với tính chất và nhiệm vụ thực hiện đường lối đối ngoại, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ lịch sử.
Ba là, đã đánh giá đúng thực trạng pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh thời kỳ đổi mới; nêu bật được những thành tựu của sự điều chỉnh pháp luật xuất cảnh, nhập cảnh đối với việc bảo đảm quản lý nhà nước và quyền tự do đi lại, cư trú của công dân trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế; phân tích đánh giá các yếu tố đang chi phối hiệu quả quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, bảo đảm chủ quyền độc lập và an ninh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam và người nước ngoài thực hiện quyền tự do đi lại, cư trú.
Bốn là, xây dựng một hệ thống các quan điểm và phương hướng tạo cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; đề xuất một hệ thống các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, trong đó có kiến nghị xây dựng một đạo luật xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú để điều chỉnh, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh và quy định về việc cư trú, hòa nhập của công dân cộng đồng cũng như người nước ngoài ở Việt Nam.
6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Kết quả nghiên cứu và những kiến nghị của luận án có ý nghĩa đối với việc hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, thông qua kết quả nghiên cứu, tác giả góp thêm tiếng nói vào sự phát triển của lý luận về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú hướng tới phục vụ nhu cầu xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của công dân. Với việc đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, trong đó có kiến nghị xây dựng một đạo luật xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú để điều chỉnh, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh và quy định về việc cư trú, hòa nhập của công dân cộng đồng cũng như người nước ngoài ở Việt Nam, tác giả hy vọng sẽ góp phần bảo đảm phát huy được vai trò của nó trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu, giảng dạy về khoa học pháp lý nói chung, khoa học luật hành chính nói riêng và cho các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án gồm 3 chương, 9 mục.
Chương 1
Những vấn đề lý luận về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh
1.1. Khái niệm, nội dung, đặc trưng cơ bản của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh
1.1.1. Khái niệm pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh
ở nước ta, pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là một bộ phận quan trọng của pháp luật hành chính và hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua vì những lý do khách quan, chủ quan khác nhau mà khái niệm về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh chưa được khoa học pháp lý, các nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện và có hệ thống. Do vậy, đến nay trong khoa học pháp lý ở Việt Nam, vẫn chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất, hoàn chỉnh về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh.
Để làm rõ nội hàm khái niệm về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, chúng ta cần phân tích và đặt nó trong mối quan hệ với pháp luật hành chính.
Theo giáo trình về quản lý hành chính nhà nước của Học viện Hành chính Quốc gia (1996) thì: "Quản lý hành chính nhà nước là dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước với chức năng chấp hành luật và tổ chức thực hiện luật của các cơ quan trong hệ thống hành pháp và hành chính nhà nước (hệ thống Chính phủ và chính quyền địa phương)" [50, tr. 10].
Trong sách tìm hiểu pháp luật về "Luật hành chính Việt Nam" (2005), PGS.TS Phạm Hồng Thái và PGS.TS Đinh Văn Mậu cho rằng:
Quản lý nhà nước là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước với quá trình xã hội và hành vi hoạt động của công dân do các cơ quan hành pháp từ Trung ương đến cơ sở tiến hành để thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước, phát triển các mối quan hệ xã hội, duy trì trật tự an ninh, thỏa mãn những nhu cầu hàng ngày của nhân dân [70, tr. 19].
Từ các quan niệm về quản lý nhà nước nêu trên, chúng ta có thể hiểu: hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh cũng như bất kỳ một dạng quản lý xã hội nào khác, là dạng quản lý công vụ quốc gia của bộ máy nhà nước - là công việc của bộ máy hành pháp. Nó là sự tác động có tổ chức và được điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân do các cơ quan có thẩm quyền trong hệ thống hành pháp từ Trung ương đến cơ sở tiến hành để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước, phát triển các mối quan hệ xã hội, duy trì trật tự an ninh, thỏa mãn nhu cầu tự do cư trú, xuất cảnh, nhập cảnh hàng ngày của công dân.
Với ý nghĩa hành chính là chấp hành (thực thi) pháp luật, Chính phủ và các cơ quan hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh có quyền (lập quy) ban hành các quy tắc và các quyết định hành chính cho phép hoặc cấm đoán một cách áp đặt và buộc đối tượng có liên quan phải chấp hành; có quyền kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xuất nhập cảnh và các quyết định mà nó ban hành; có quyền xử lý các tình huống quản lý bằng biện pháp cưỡng chế đối với các vi phạm hành chính, kể cả trường hợp công dân, tổ chức từ chối thực hiện các nghĩa vụ pháp lý nhằm phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Tuy nhiên, để thực hiện được những quyền hạn trên cần có quy định chung về tổ chức bộ máy và nhân sự thực hiện những hoạt động hành chính có hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, xác lập một trật tự chuẩn mực trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong từng quan hệ pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Với tính "vượt trội" của thiết chế hành chính, chính phủ nắm giữ công quyền hành pháp theo nghĩa cưỡng chế của tổ chức luôn có xu hướng tự định trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật - ưu tiên mở rộng và tăng cường quyền lực không hạn chế nhằm cai quản nhiều hơn là thực hiện nghĩa vụ phục vụ xã hội. Do vậy, cần đặt bộ máy hành pháp nói chung, các cơ quan hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh nói riêng trong sự kiểm soát của các quyền lập pháp, tư pháp và sự tham gia của các tổ chức xã hội, công dân, để tránh xu hướng lạm dụng quyền lực.
Những hoạt động có tính công quyền của hành chính nhà nước phải được kiểm soát, chịu sự ràng buộc bởi pháp luật do quyền lực chung - quyền lực nhà nước ban hành. Hành chính nói chung, hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh nói riêng được toàn quyền hành động quản lý và phục vụ nhưng phải đặt mình trong khuôn khổ pháp luật, tuân thủ pháp luật. Hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh được tự quyết tác động quyền lực vào quyền tự do cư trú, xuất cảnh, nhập cảnh - lợi ích chính đáng của công dân, nhưng phải tôn trọng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Những quyết định hành chính làm tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải bị hủy bỏ và bị truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh là một bộ phận của nền hành chính nhà nước, theo đúng nghĩa là sự quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Nó xuất hiện cùng với thiết chế hành chính nhà nước, quản lý công vụ quốc gia, cụ thể là công việc của bộ máy hành pháp (Chính phủ) thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại của Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Từ lý luận và thực tiễn thực hiện, áp dụng pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam, chúng tôi có thể đưa ra khái niệm pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh như sau: pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là một bộ phận của pháp luật hành chính - hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh những._. quan hệ xã hội phát sinh giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức, công dân và người nước ngoài trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh bao gồm: các quy phạm điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; các quy phạm quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, chế độ công vụ và công chức nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh; sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào tổ chức và hoạt động quản lý hành chính nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, của công dân trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh. Những quy phạm đó hợp thành quy phạm nội dung (quy phạm vật chất).
Để làm sáng tỏ thêm khái niệm về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, trước hết chúng ta cần làm rõ khái niệm "quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh", các đặc điểm và phương diện chủ yếu của quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh.
Qua nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước cho thấy, quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của công dân (bao gồm cả công dân trong nước và người nước ngoài) là một dạng quản lý xã hội, bao hàm cả "quản lý các công việc của Nhà nước" và "quản lý các công việc của xã hội" trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh. Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về xuất cảnh, nhập cảnh nhằm giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia; tạo mọi điều kiện để công dân Việt Nam và người nước ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ theo pháp luật của Việt Nam và pháp luật quốc tế về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú, đồng thời thông qua đó để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của Việt Nam, xâm hại tới an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của Việt Nam.
Trong Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi) quy định những nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là: 1- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 2- Ký kết, tham gia điều ước quốc tế; 3- Thực hiện hoạt động quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú; 4- Thống kê nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; 5- Hợp tác quốc tế về xuất cảnh, nhập cảnh; 6- Giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật. Nghị định số 05/2000/NĐ-CP ngày 03/01/2000 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng chỉ quy định về hộ chiếu, thủ tục cấp hộ chiếu và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan và trách nhiệm của những người được cấp hộ chiếu. Từ những nội dung nêu trên, có thể thấy rằng, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh ở nước ta xuất hiện chủ yếu là hoạt động của cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp, nhưng còn thiếu vắng hoạt động của cơ quan tư pháp (xét xử) khi có hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của công dân (là người Việt Nam và người nước ngoài).
Dưới góc độ khoa học quản lý, "quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh", hiểu theo ý nghĩa trên là một khái niệm rộng bao hàm: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, mà trọng tâm là các hoạt động chấp hành và điều hành hoạt động của các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm trật tự quản lý và quyền công dân trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, chúng tôi thấy quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh được thể hiện trên các phương diện sau:
Một là, quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là một dạng hoạt động mang tính quyền lực đặc biệt, tính tổ chức cao và được điều chỉnh bằng pháp luật theo phương pháp mệnh lệnh và phục tùng
Như các hoạt động quản lý nhà nước nói chung, quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh luôn hướng tới phục vụ mục đích được xây dựng trên quan điểm của Đảng và Nhà nước là: mọi chủ trương, đường lối, hoạt động của Đảng và Nhà nước và toàn xã hội đều nhằm mục đích vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, vì nhân dân là cội nguồn của quyền lực. Vì vậy, hoạt động này mang tính quyền lực đặc biệt của Nhà nước "của dân, do dân và vì dân".
Hoạt động quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh thực chất là sự tác động mang tính tổ chức cao và được điều chỉnh bằng pháp luật. Để quản lý tốt, cần biết tổ chức về mặt thực tiễn các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh. Tính tổ chức cao thể hiện ở hai phương diện: Thứ nhất, đây là hoạt động trực tiếp của các cơ quan nhà nước được giao chức năng nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh. Thứ hai, đây là hoạt động phải được bảo đảm về tổ chức (bộ máy) chuyên trách, mà tổ chức này được hình thành xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước và đòi hỏi phải mang tính khoa học để bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động. Thực tiễn cho thấy, không có tổ chức, thì quản lý sẽ bị lỏng, sơ hở và kém hiệu quả, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng vô chính phủ.
Để quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh có hiệu quả, pháp luật được Nhà nước sử dụng như là một kênh để tổ chức bộ máy và quy định chi tiết các khuôn mẫu xử sự của các cơ quan quản lý cũng như công dân trong mối quan hệ thể hiện quyền và nghĩa vụ giữa Nhà nước và công dân. Trong hoạt động quản lý về xuất cảnh, nhập cảnh các cơ quan nhà nước luôn đụng chạm tới quyền xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của công dân, cho nên phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để đối xử, giải quyết mối quan hệ với công dân. Do vậy, ở lĩnh vực quản lý này mức độ điều chỉnh bằng pháp luật theo phương pháp mệnh lệnh được đặc biệt chú ý và ưu tiên.
Hai là, quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là hình thức quản lý nhà nước vừa mang tính phổ quát vừa mang tính đặc thù thể hiện trên hai phương diện: Thứ nhất, việc đi lại từ trong nước ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước (quyền xuất cảnh, nhập cảnh) để cư trú, sinh sống, giao lưu, học tập, đầu tư, thương mại, du lịch... là một quyền tự do cá nhân của công dân. Các nhà nước trên thế giới không thể không ghi nhận trong Hiến pháp và tạo ra cơ chế pháp lý để bảo đảm thực hiện nó trong đời sống xã hội. Các nhà nước đều thực hiện chức năng quản lý về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú, đồng thời luôn coi việc thực hiện chức năng quản lý trong lĩnh vực này là hoạt động có mục tiêu chiến lược, có chương trình và có kế hoạch để thực hiện mục tiêu nhằm mở rộng dân chủ, thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực; khuyến khích thu hút đầu tư; phát triển kinh tế thương mại và du lịch... Đặc điểm này đòi hỏi hoạt động quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh phải có chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm. Có tiêu chí vừa mang tính định hướng vừa mang tính pháp lệnh và có biện pháp cơ bản để tổ chức thực hiện các tiêu chí đó ở tầm vĩ mô. Vì vậy, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh là một dạng quản lý mang tính phổ quát toàn cầu. Thứ hai, do chứa đựng yếu tố nước ngoài nên hoạt động quản lý này được tiến hành trên phạm vi cả trong nước và ở nước ngoài (nơi có trụ sở cơ quan đại diện Việt Nam), luôn hướng tới bảo đảm các nguyên tắc đối ngoại, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, trong hoạt động quản lý phải có sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong điều hành, phối hợp, huy động lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp để bảo đảm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú được chấp hành nghiêm.
Ba là, quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh có đối tượng quản lý đa dạng, chịu sự điều chỉnh không chỉ bằng hệ thống pháp luật trong nước mà còn chịu sự điều chỉnh bằng cả điều ước quốc tế mà Nhà nước tham gia ký kết hoặc thừa nhận
Trong hoạt động quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, các viên chức hành chính nhà nước phải tuân thủ nghiêm quy chế thực hiện dân chủ trong giải quyết thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú đối với công dân, chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định, quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh có sự cách biệt rõ ràng về mặt xã hội giữa chủ thể quản lý và khách thể quản lý (mang yếu tố nước ngoài).
Xuất phát từ tính đa dạng về mục đích nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam của khách thể quản lý có tác động trực tiếp tới các vấn đề như: nguyên tắc đối ngoại, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Hơn nữa, khách thể bị quản lý này chịu sự điều chỉnh không chỉ bằng hệ thống pháp luật trong nước mà còn chịu sự điều chỉnh bằng cả điều ước quốc tế mà Nhà nước tham gia ký kết hoặc thừa nhận và thực hiện theo nguyên tắc có đi, có lại. Chính đặc trưng này quy định những yêu cầu đòi hỏi những nội dung riêng có của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Phạm vi điều chỉnh của các điều ước quốc tế về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: các ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự; vấn đề ưu đãi cho công dân các bên nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú lẫn nhau trên lãnh thổ mỗi bên; vấn đề tương trợ tư pháp... được xây dựng trên cơ sở có đi, có lại. Trong đó đặc biệt quan trọng là các ưu đãi riêng với nội dung thường không trùng khớp với quy định của pháp luật trong nước. Ví dụ: người nước ngoài nói chung khi nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam phải có thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp, nhưng lại không cần thiết đối với công dân của một nước đã có thỏa thuận với Việt Nam về bãi miễn thị thực cho công dân hai bên nói riêng.
Pháp luật và pháp chế là phương thức hoạt động cơ bản - phương pháp tồn tại chính của Nhà nước. Pháp luật được Nhà nước ban hành và sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Vì vậy, điều chỉnh pháp luật là việc Nhà nước sử dụng pháp luật với tính chất là phương tiện quan trọng để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tác động vào các quan hệ xã hội theo ý chí của mình với tính cách là yếu tố điều chỉnh có tính quy phạm và tính bắt buộc chung. Sự điều chỉnh pháp luật của Nhà nước thông qua hệ thống các phương tiện pháp lý cơ bản mang tính đặc thù, đó là các quy phạm pháp luật, các văn bản áp dụng pháp luật mang tính cá biệt, các quan hệ pháp luật, hành vi thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý. Mức độ và phạm vi điều chỉnh phụ thuộc vào đối tượng điều chỉnh, tức là loại quan hệ xã hội.
Theo quan điểm hệ thống, điều chỉnh pháp luật cũng là một loại hình điều chỉnh xã hội, nhưng trong đó có sự định hướng, tính tổ chức rất chặt chẽ và tính hiệu quả cao. Nhà nước ban hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật để thông qua đó điều chỉnh các quan hệ xã hội theo ý chí của toàn dân mà Nhà nước là người đại diện. Điều chỉnh pháp luật bao gồm: sự tác động có tính pháp lý, bằng tất cả các phương tiện pháp luật vào các quan hệ xã hội; xác lập trên cơ sở pháp luật các quyền và nghĩa vụ của chủ thể các quan hệ xã hội; việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong hoạt động thực tiễn và đời sống hàng ngày.
Sự điều chỉnh của pháp luật nói chung và điều chỉnh của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh nói riêng là sự tác động một cách có tổ chức, mang tính đặc thù lên các quan hệ xã hội với tính cách là yếu tố điều chỉnh mang tính quy phạm và tính bắt buộc chung, nhằm duy trì ổn định, phát triển các quan hệ xã hội theo mục tiêu đã định.
Như vậy, có thể nói: sự điều chỉnh của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là một quá trình thực hiện sự tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú. Nói cách khác, Nhà nước thông qua một hệ thống các phương tiện pháp lý (bao gồm các quy phạm vật chất và quy phạm thủ tục, được thể hiện ở các văn bản quy phạm pháp luật, quyết định áp dụng văn bản pháp luật, quan hệ pháp luật, hành vi thực tế thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý) để thực hiện sự tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và quá trình nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại một quốc gia, trong đó các tổ chức, cá nhân công dân là một bên tham gia, nhằm bảo đảm pháp chế trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh.
Cũng như sự điều chỉnh của các ngành luật khác, quá trình thực hiện sự tác động của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh diễn ra theo trình tự của một quy trình mang tính lôgic và khép kín, có thể chia ra làm bốn giai đoạn: 1- Giai đoạn qui định các quy phạm pháp luật trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú; 2- Giai đoạn thực hiện và áp dụng pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú; 3- Giai đoạn xuất hiện các quan hệ pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; 4- Và cuối cùng là giai đoạn các chủ thể tham gia quan hệ trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Xuất phát từ nội dung, đặc điểm của quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh và sự điều chỉnh của pháp luật như đã nêu trên, chúng ta nhận thấy, pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là một bộ phận của pháp luật hành chính, bao gồm: hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh (các quy phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân một quốc gia; các quy phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại một quốc gia) và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: các quy định của luật hình sự về tội phạm trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú; các quy định về thi hành quyết định (lệnh) trục xuất của Tòa án đối với người nước ngoài; các quy định về miễn trừ lãnh sự ngoại giao; các điều ước quốc tế mà một quốc gia đã ký kết hoặc tham gia.
1.1.2. Nội dung cơ bản của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh
Pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú nhằm giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia; tạo mọi điều kiện để công dân và người nước ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về xuất cảnh, nhập cảnh, đồng thời thông qua nó nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú xâm hại tới an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Lịch sử phát triển của mỗi nhà nước cho thấy, ở bất cứ một giai đoạn nào, quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của Nhà nước, hướng tới phục vụ đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước. Hoạt động này được thực thi bởi các cơ quan trong bộ máy nhà nước (bao gồm cả lập pháp, hành pháp và tư pháp). Chính hoạt động hành chính của các cơ quan này đã phản ánh rõ nét các nội dung, đặc điểm cơ bản của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh.
Những quy phạm quy định tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước (chủ thể quản lý) điều chỉnh (tác động) đến các quan hệ phát sinh trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh (khách thể bị quản lý) cũng như những biến đổi cần thiết trong quá trình vận động của khách thể tạo thành nội dung pháp luật (quy phạm nội dung) trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Vì vậy, chúng ta thấy nội dung pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh được thể hiện tập trung ở mục tiêu và nhiệm vụ của chủ thể quản lý (các cơ quan chức năng - chuyên ngành).
Pháp luật trong quản lý nhà nước là một hệ thống - một chỉnh thể các nhóm quy phạm có quan hệ hữu cơ với nhau. Từ khái niệm pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh đã được trình bày ở phần trên và qua nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước, có thể chỉ ra những nội dung cơ bản của nó gồm hai phần: những quy định chung và những quy định cụ thể.
Phần những quy định chung của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh bao gồm: các quy phạm điều chỉnh các quan hệ có tính chất chung, phát sinh trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh như: các nguyên tắc tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền, truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam; nguyên tắc tôn trọng và ưu tiên áp dụng các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia; nguyên tắc bảo hộ tính mạng, tài sản, quyền và và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân công dân tham gia vào quan hệ phát sinh trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; các quy phạm định nghĩa về các khái niệm cơ bản trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh như: "người nước ngoài", "người nước ngoài thường trú", "người nước ngoài tạm trú", "xuất cảnh", "nhập cảnh", "quá cảnh".
Phần những quy định cụ thể bao gồm: các nhóm quy phạm điều chỉnh hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú. Cụ thể là những quy định về hộ chiếu; thủ tục cấp hộ chiếu; quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú; quy định về người chưa được xuất cảnh, người chưa được nhập cảnh; quy định về trục xuất; quy định về quản lý về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú; những quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quan hệ phát sinh trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; quy định về xử lý vi phạm.
Có thể trình bày khái quát nội dung những quy phạm pháp luật quy định tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú theo trình tự các khâu quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh như sau:
Nội dung của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam bao gồm: các quy định về thẩm quyền và nghĩa vụ thực thi việc xét duyệt, cấp hộ chiếu và kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu. Quy định của pháp luật là cơ sở pháp lý xác định những công dân "chưa được xuất cảnh, nhập cảnh". Qua đây, chủ thể quản lý có điều kiện lưu trữ các thông tin về cá nhân công dân và thực hiện thống kê nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân. Pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh còn quy định trách nhiệm và nghĩa vụ thi hành thủ tục hành chính các tổ chức, cá nhân đại diện của cơ quan chủ quản, đặc biệt là cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ thực thi hành vi thủ tục hành chính ở giai đoạn sau khi công dân xuất cảnh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh và bảo hộ quyền lợi của tổ chức, cá nhân công dân trên lãnh thổ nước sở tại.
Nội dung của pháp luật trong quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài bao gồm: các quy định về thẩm quyền và nghĩa vụ thực thi việc xét duyệt nhân sự nhập cảnh, cấp thị thực (nếu có), kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu; quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đại diện của cơ quan chủ quản, đặc biệt là cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài trong việc thực thi thủ tục hành chính cho việc tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam có thời hạn) và cho việc thường trú (đối với người nước ngoài làm ăn, sinh sống tại Việt Nam - ngoại kiều); quy định về thủ tục xét cấp phép cho ngoại kiều xuất cảnh; gia hạn, bổ sung, sửa đổi thị thực cho người nước ngoài xuất cảnh (đối với những trường hợp cần thiết). Quy định của pháp luật là cơ sở pháp lý xác định những trường hợp người nước ngoài "chưa được nhập cảnh, xuất cảnh"; kiểm tra, kiểm soát xuất cảnh, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, các trường hợp ở lại Việt Nam quá hạn cho phép; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp người nước ngoài vào hoạt động, làm việc không đúng mục đích hoặc lao động trái phép. Qua đây, chủ thể quản lý có điều kiện lưu trữ các thông tin về nhân sự và thực hiện thống kê nhà nước về người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú.
Bên cạnh những quy phạm nội dung còn có các quy phạm hình thức (quy phạm thủ tục), quy định trình tự, thủ tục tiến hành công việc nhằm thực hiện các quy phạm nội dung. "Thủ tục là hình thức sống của đạo luật, và luật vật chất có hình thức thủ tục riêng của nó" [66, tr. 158]. Các quy phạm thủ tục này thực chất là các quy tắc xử sự điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh là một loại hình quy phạm hành chính mang tính công cụ để giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có điều kiện thực hiện chức năng của mình. Vì vậy, có thể gọi đây là quy phạm thủ tục về xuất cảnh, nhập cảnh. Nó bảo đảm cho các quy phạm vật chất của luật hành chính và của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện có hiệu quả; mặt khác, nó mang tính phương tiện giúp công dân, tổ chức thực hiện quyền của mình, tạo điều kiện mở rộng tính pháp chế của nền dân chủ, tính công khai của hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Từ sự phân tích ở trên, có thể thấy thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú là do các cơ quan nhà nước đề ra và công bố để thực thi Hiến pháp và pháp luật, nhằm thực hiện chức năng quản lý của nền hành chính nhà nước và hoàn thành nhiệm vụ của mình do pháp luật quy định; các cơ quan quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú có trách nhiệm tổ chức thực thi thủ tục đó.
Qua nghiên cứu thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, chúng tôi thấy có một số điểm đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú.
Nếu so sánh với thủ tục tư pháp là thủ tục có sự tham gia của cơ quan xét xử (Tòa án nhân dân), thì chỉ có một bộ phận như các thủ tục hành chính quy định về việc giải quyết các tranh chấp là gần với nội dung của thủ tục tư pháp. Ví dụ: thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực xuất nhập cảnh (trừ những khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan xét xử); thủ tục kỷ luật công chức nhà nước vi phạm quy định về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Thứ hai, có thể có một hay nhiều bên tham gia thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Trong quá trình giải quyết công việc, mỗi chủ thể có quyền và nghĩa vụ thực hiện những hành vi nhất định, trong một phạm vi và giai đoạn cụ thể nhất định nhằm góp phần vào quá trình giải quyết công việc. Hành vi của chủ thể ở giai đoạn trước sẽ là tiền đề cho hành vi ở giai đoạn sau. Từ đó, để giải quyết một công việc cụ thể nào đó trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú trong nhiều trường hợp cần thiết phải thiết lập các quan hệ pháp luật về thủ tục. Các quan hệ về thủ tục liên quan đến từng giai đoạn cụ thể hoặc toàn bộ quá trình giải quyết xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú cho công dân.
Ví dụ: do tính chất của một hành vi vi phạm hành chính về xuất cảnh hoặc nhập cảnh mà cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp dưới cần lập biên bản để trình lên cấp trên xử phạt vi phạm hành chính chứ không tự mình ra quyết định xử phạt, vì sẽ vi phạm thẩm quyền hành chính. Trong trường hợp này, thẩm quyền của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp dưới chỉ là lập biên bản và đề nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp trên xử phạt. Việc xử phạt theo mức độ, hình thức nào là thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp trên và cơ quan này cũng chỉ có thể xem xét việc xử phạt hành chính khi đã có hành vi lập biên bản của cơ quan cấp dưới. Những quan hệ có tính ràng buộc như vậy đều được thực hiện theo trình tự mà pháp luật quy định.
Thứ ba, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh là thủ tục hành chính thuộc về thể chế hành chính, nhưng nó liên quan trực tiếp đến bản thân tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú (phương diện chủ thể quản lý trong quan hệ thủ tục hành chính). Ví dụ, quy định của Chính phủ về phân cấp thẩm quyền trong việc giải quyết các nhu cầu đề nghị cấp hộ chiếu xuất cảnh và xin thị thực nhập cảnh từ chỗ tập trung cao ở một số cơ quan đã được phân cấp thẩm quyền cho cấp quản lý thấp hơn, góp phần làm giảm đi nhiều phức tạp và tiết kiệm thời gian cho những người có nhu cầu xuất cảnh hoặc nhập cảnh. Vì vậy, quan niệm đầy đủ và chính xác hơn về thủ tục hành chính nói chung, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh nói riêng là vấn đề vừa thuộc về thể chế, vừa thuộc về tổ chức thực thi pháp luật về xuất nhập cảnh.
Thứ tư, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh là các hành vi thủ tục có tính kế tiếp nhau mà về cơ bản có thể chia thành các giai đoạn sau: 1- Khởi xướng việc xin xuất cảnh, nhập cảnh và gửi cho các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền; 2- Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xem xét và giải quyết vụ việc; 3- Thực hiện quyết định về việc giải quyết xuất cảnh, nhập cảnh; 4- Giải quyết khiếu nại quyết định về xuất cảnh, nhập cảnh.
Toàn bộ các hành vi nêu trên của các bên tham gia đều có mục đích chung là hướng tới thực hiện các quy phạm vật chất của Luật hành chính và các quy phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú hoặc các quy phạm được quy định từ các hiệp định, điều ước quốc tế (khi chủ thể tham gia mang yếu tố nước ngoài) mà các quốc gia đã tham gia ký kết hoặc thừa nhận.
Cơ cấu của thủ tục trong lĩnh vực xuất nhập cảnh gồm các yếu tố được pháp luật quy định về điều kiện (sự kiện pháp lý, giấy tờ), trình tự (thứ tự các bước thực hiện hành vi của các chủ thể tham gia thủ tục), thời hạn và cách thức thực hiện hành vi.
Chế định thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh có thể phân chia thành một số nhóm như sau:
- Nhóm quy định về quy chế ban hành thủ tục hành chính và thẩm quyền của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trong khi tiến hành thủ tục.
- Nhóm quy định việc thông qua quyết định cho từng loại thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, truyền đạt đến người thi hành, việc thực hiện và trình tự khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định.
- Nhóm quy định các bước phải làm theo nội dung từng công việc.
Qua nghiên cứu thủ tục hành chính nói chung, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh nói riêng cho thấy, hoạt động quản lý chứa đựng quy phạm thủ tục hành chính mới tạo thành thủ tục hành chính, còn các hoạt động tổ chức tác nghiệp cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính do các quy định nội bộ điều chỉnh không phải là thủ tục hành chính.
1.1.3. Đặc trưng của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh
Để chỉ ra những đặc trưng của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh chúng ta cần xem xét các phương diện mà nó thể hiện như: các quan hệ xã hội được điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và các quy phạm pháp luật riêng có của nó. Xuất phát từ khái niệm pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh đã được trình bày ở trên và qua nghiên cứu các văn bản pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú hiện hành, có thể rút ra những đặc trưng cơ bản của nó như sau:
Đặc trưng thứ nhất, pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh thể hiện các yêu cầu đòi hỏi của quyền con người và xác định trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Quyền con người trước hết là những quyền do tự nhiên con người vốn có (và chỉ con người mới có). Đó là những khả năng hành động một cách có ý thức, tránh, từ chối hoặc yêu cầu, giành lấy những cái gì đó, nhất là tự bảo vệ. Nhưng bản thân chúng, quyền tự nhiên chưa phải là quyền trong xã hội.
Để đạt được cái gọi là quyền, cần yếu tố thứ hai thiết định, đó là các quy định pháp luật. Các quyền tự nhiên của cá nhân con người khi trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật, nói cách khác được pháp luật ghi nhận, tổ chức, bắt buộc hoặc ngăn cấm thì mới trở thành các quyền trong xã hội. Từ cách quan niệm trên, quyền con người được hiểu là những quyền tự nhiên của con người được pháp luật ghi nhận, điều chỉnh; do con người nắm giữ trong mối quan hệ với Nhà nước và với những cá nhân con người khác.
Như vậy, một mặt con người sinh ra tự nhiên đã có quyền, Nhà nước không thể không ghi nhận. Mặt khác, khi chưa được Nhà nước ghi nhận thì quyền tự nhiên chưa trở thành quyền mà con người giành được với tư cách là một thành viên của xã hội. Điều đó xuất phát từ tính chất phức tạp của sự thống nhất lợi ích mỗi cá nhân với lợi ích chung của cộng đồng.
Chúng ta cần nhận thức rằng, quyền con người là một giá trị chung của nhân loại. Nó vừa mang thuộc tính tự nhiên của con người, vừa mang tính xã hội. Có nghĩa là: quyền con người là một giá trị được xã hội hóa, pháp điển hóa. Nhà nước nơi mà con người đang sống phải có trách nhiệm ghi nhận và bảo đảm quyền con người bằng các quy phạm pháp luật. Mức độ ghi nhận và bảo đảm quyền con người phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà con người đang sống.
Tự do đi lại, cư trú hay còn gọi là tự do di cư - những quyền cơ bản của con người (bao gồm cả tự do đi lại trong một lãnh thổ quốc gia, lẫn đi vào lãnh thổ một quốc gia khác và từ nước khác về nước mình - quyền xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú để làm ăn sinh sống, học tập, thương mại, du lịch…) là vấn đề có tính lịch sử lâu đời cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Mỗi bước phát triển của các quyền này gắn liền với sự phát triển của quyền con người và sự phát triển giao lưu mọi mặt giữa các quốc gia, dân tộc. Ngày nay, trong các quyền con người, quyền tự do đi lại, cư trú của công dân thuộc nhóm các quyền dân sự (quyền tự do cá nhân). Các quyền đó chỉ có thể trở thành quyền cơ bản của công dân khi quốc gia nơi mà con người sinh sống ghi nhận quyền đó trong Hiến pháp và tạo ra một cơ chế pháp lý bảo đảm nó được thực hiện trên thực tế.
Về quyền xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của công dân, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền được thông qua và tuyên bố theo Nghị quyết 217A(III) ngày 10/12/1948 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quy định tại Điều 13, khoản 2: "Mỗi người đều có quyền rời khỏi một nước, kể cả chính nước mình và có quyền trở lại nước mình" [24, tr. 65].
ở nước ta, Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ghi nhận quyền xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của công dân ở Điều 1._.úp các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh được những bất hợp lý của các quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính một cách nhanh chóng. Do đó, bộ máy để thực hiện cơ chế này cần gọn nhẹ, có đủ thẩm quyền và điều kiện để hoạt động. Đặc biệt, cần tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh.
Thứ tư, cần đề cao trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác ban hành và sửa đổi, bổ sung pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ nhằm ban hành kịp thời, đầy đủ, bảo đảm chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Cần phải chấm dứt tình trạng các cơ quan không có thẩm quyền cũng ban hành thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh để "hành" dân; nghiêm khắc xử lý những cơ quan cố tình đề ra thủ tục hành chính trái pháp luật.
Về đội ngũ cán bộ quản lý:
Trong thời kỳ thực hiện chính sách "mở cửa", tăng cường giao lưu, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, lưu lượng công dân xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam ngày càng tăng. Trong khi đó đội ngũ cán bộ thực thi các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh còn hạn chế về chất lượng. Số cán bộ được đào tạo qua lớp quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh bị thiếu hụt (do không có khoa giảng dạy về chuyên ngành này) dẫn đến lúng túng trong giải quyết các thủ tục, không đáp ứng được việc thực cơ chế "một cửa" tiến tới "một dấu", thậm chí còn có những hiện tượng hách dịch, cửa quyền, tiêu cực gây phiền hà cho cá nhân và tổ chức công dân có nhu cầu xuất cảnh, nhập cảnh. Để khắc phục tình trạng này cần có quy định về đào tạo và xây dựng hoàn thiện đội ngũ cán bộ làm công tác trong lĩnh vực này như sau:
Trước hết, cần quy định việc tiến hành đánh giá đội ngũ cán bộ chiến sĩ của lực lượng quản lý xuất nhập cảnh, nhằm xác định chất lượng của toàn lực lượng, trên cơ sở đó quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ cán bộ chiến sĩ của lực lượng quản lý xuất cảnh, nhập cảnh.
Hai là, quy định hệ thống tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ phù hợp với thực tiễn, bảo đảm yêu cầu công tác chuyên môn của từng đối tượng quản lý.
Ba là, quy định việc cơ cấu cán bộ hợp lý gắn với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị của lực lượng quản lý xuất nhập cảnh (từ cơ quan bộ đến công an các địa phương) làm cơ sở cho việc định biên và xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ chiến sĩ.
Bốn là, quy định chế độ tuyển dụng cán bộ chiến sĩ, thực hiện quy chế mới về đánh giá khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ chiến sĩ để nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ; phải có cơ chế thi tuyển bảo đảm tính dân chủ, công khai, chọn đúng người đủ tiêu chuẩn vào lực lượng quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, chú ý bảo đảm tỉ lệ thích đáng đối với cán bộ chiến sĩ nữ.
Năm là, xây dựng quy chế tinh giảm biên chế để thực hiện thường xuyên đưa ra khỏi lực lượng quản lý xuất nhập cảnh những cán bộ chiến sĩ không đủ năng lực trình độ, những người vi phạm đạo đức nghề nghiệp; tạo điều kiện đổi mới trẻ hóa, nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ.
Cuối cùng là, xây dựng và hoàn thiện chế định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến sĩ của lực lượng quản lý xuất nhập cảnh. Đây là việc hết sức quan trọng trong việc tạo ra nhân lực thực thi pháp luật xuất cảnh, nhập cảnh. Cụ thể là: đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến sĩ của lực lượng quản lý xuất nhập cảnh. Xây dựng nội dung chương trình và phương thức đào tạo; chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng hành chính của cán bộ chiến sĩ theo chức trách, nhiệm vụ đang đảm nhận; mỗi loại cán bộ chiến sĩ có nội dung chương trình đào tạo và bồi dưỡng phù hợp. Kết hợp đào tạo chính quy với các hình thức đào tạo không chính quy, đào tạo trong nước và gửi đi đào tạo nước ngoài. Khuyến khích cán bộ chiến sĩ tự học có sự giúp đỡ của ngành, đơn vị.
Tóm lại, để bảo đảm pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh được ban hành và thực hiện tốt, phù hợp với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân mà Đảng và Nhà nước ta đề ra, vấn đề đặt ra không chỉ dừng ở việc xây dựng cho được một hệ thống các văn bản thích hợp, đầy đủ tiêu chuẩn, mà chúng ta còn phải quan tâm cơ chế thực hiện các văn bản pháp luật đó, phải quan tâm tới lực lượng cán bộ thực hiện. Những vấn đề này có mối liên quan với nhau một cách mật thiết. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta quá nhấn mạnh hoặc coi nhẹ một vấn đề nào đó trong những vấn đề nêu trên. Pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh được hoàn thiện mà không có cơ chế thực hiện, không có đủ cán bộ có năng lực triển khai thì đó sẽ chỉ là những dòng chữ chết trên giấy.
3.3.3. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lập pháp về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú
Trong những năm qua, thực hiện hợp tác quốc tế với các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trong khu vực và quốc tế đã đem lại cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam những kết quả đáng kể như: trình độ, phương pháp thực thi các thủ tục hành chính nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú đã được nâng lên một bước; học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia quản lý xuất nhập cảnh các nước trong kiểm tra, phát hiện hộ chiếu giấy tờ giả mạo đã giúp lực lượng quản lý xuất nhập cảnh kịp thời ngăn chặn và triệt phá nhiều ổ nhóm tổ chức đưa người xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú bất hợp pháp, góp phần giữ vững chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tin học hiện đại vào việc thực thi các thủ tục cấp phát hộ chiếu, thị thực của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Quá trình hợp các quốc tế về xuất nhập cảnh của nước ta với các nước thực chất là một quá trình trao đổi thông tin và hỗ trợ các biện pháp trong việc xây dựng và áp dụng luật pháp vào thực tiễn quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú. Qua đó, giúp chúng ta học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật lập pháp về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, phương pháp hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh. Mỗi quốc gia có điều kiện kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội khác nhau nên có sự khác nhau trong việc lập pháp và tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của nước ta cần phải đáp ứng yêu cầu thu hẹp sự khác biệt về môi trường pháp lý trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú với các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Do vậy, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lập pháp về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú vừa là hoạt động thực hiện nội dung quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh vừa là giải pháp nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa các điều ước quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia nói chung và pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh nói riêng, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật; góp phần tạo môi trường pháp lý thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, phát triển đất nước.
kết luận chương 3
Trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là đòi hỏi của nhu cầu khách quan, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, ý thức pháp luật là những điều kiện chi phối, tác động mạnh mẽ trực tiếp tới việc hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Trên cơ sở dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam tại Việt Nam từ nay đến 2010; đồng thời trên cơ sở những đánh giá về thực trạng pháp luật hiện hành trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, tác giả đã khẳng định sự cần thiết phải đổi mới và hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh để điều chỉnh cho phù hợp.
Phương hướng hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là: phải loại bỏ những quy định đang cản trở tiến trình hội nhập và những yêu cầu bảo đảm quyền xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của công dân; có chiến lược, có chủ trương và lộ trình cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh phù hợp với quan hệ điều chỉnh và nhu cầu điều chỉnh trong lĩnh vực này; tạo lập một môi trường pháp lý phù hợp cho sự quản lý trong tình hình mới, từng bước tạo ra những khuôn khổ pháp lý chung cho các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú, phù hợp với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; làm cho pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú tương thích với pháp luật về xuất cảnh, nhập và cư trú của khu vực và các thông lệ quốc tế hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh trên cơ sở lựa chọn, kế thừa các quy phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú có tính ổn định cao, tránh phải sửa đổi, bổ sung nhiều như hiện nay; đồng thời, bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và bảo đảm các nguyên tắc: công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ áp dụng thực hiện. Đây cũng là phương hướng của sự phát triển mà các nước tiên tiến đã phải trải qua và chúng ta cần tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh nói riêng của các nước đó.
kết luận
1. Pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là một bộ phận quan trọng của pháp luật hành chính trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có đối tượng điều chỉnh là nhóm các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam. Pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh có vai trò rất lớn trong việc bảo đảm quyền tự do đi lại, cư trú được ghi nhận trong Hiến pháp 1992; thể chế hóa đường lối, chính sách đối ngoại theo hướng mở rộng, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, phát triển hợp tác đầu tư nước ngoài, thương mại, du lịch… tại Việt Nam; chuyển hóa các quy phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia vào pháp luật quốc gia, tạo môi trường pháp lý ổn định cho việc thiết lập các mối quan hệ hữu nghị với các quốc gia và các dân tộc trên thế giới. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh đã luôn được coi là công cụ để các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng của mình, bảo đảm các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh được thực hiện có hiệu quả, góp phần phục vụ các nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng Việt Nam.
2. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn việc áp dụng thực thi pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở nước ta và một số nước trên thế giới, luận án đã đề cập một cách toàn diện, sâu sắc tới các vấn đề cơ bản có liên quan, đưa ra những kết luận và các luận cứ khoa học được chứng minh bằng nguồn tài liệu phong phú và xác thực. Mặc dù, là kết quả nghiên cứu bước đầu, nhưng luận án đã có những đóng góp mới thiết thực về khoa học cả về lý luận và thực tiễn, góp phần bổ sung, hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Luận án đã đi sâu làm rõ thêm khái niệm, đặc trưng về pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Căn cứ vào nội dung và đặc trưng của quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh để phân tích mối quan hệ mật thiết của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh với các đạo luật, ngành luật có liên quan; và khẳng định vị trí, vai trò của nó như là một "kênh" - phương tiện quan trọng đối với việc quản lý nhà nước có hiệu quả và đối với việc thực hiện quyền tự do cư trú, đi lại của công dân.
3. Với những dữ liệu về pháp luật và áp dụng pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh của một số nước trên thế giới, luận án đã chỉ ra một số nét khác biệt trong bức tranh về thực trạng pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam hiện nay. Qua đó chỉ rõ những mặt bất cập của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh. Đó là: tồn tại ở hình thức là những văn bản dưới luật, sự chồng chéo, không thống nhất, thiếu đồng bộ, rõ ràng tạo nên sự thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, ảnh hưởng tới hiệu quả của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh. Mặc dù đã được bổ sung, sửa đổi, nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của khách quan về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
4. Các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, bao gồm: các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế; ý thức pháp luật đối với hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Xuất phát, từ đòi hỏi của việc điều chỉnh của pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, việc hoàn thiện nó là một nhu cầu có tính khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu mới, tạo môi trường pháp lý ổn định, thông thoáng, thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, đi lại, thu hút và khuyến khích các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch... vào Việt Nam. Việc hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh cần phải quán triệt đường lối, chính sách của Đảng về mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.
5. Phương hướng hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là: 1- Xây dựng chương trình, kế hoạch, trong đó chỉ rõ lộ trình hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; 2- Thực hiện việc triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học để tổng kết lý luận và thực tiễn trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú; đưa ra những dự báo khoa học về sự phát triển của pháp luật trong lĩnh vực này; 3- Tiếp tục rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh; chú trọng việc phân loại và xử lý các văn bản có nội dung trái với Hiến pháp hoặc không còn phù hợp; 4- Tiến tới xây dựng một đạo luật mới về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú để điều chỉnh chung đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam; 5- Bảo đảm tính khoa học, công khai, minh bạch và dân chủ của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; 6- Hoàn thiện mối quan hệ giữa pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú và lĩnh vực khác có liên quan. Điều chỉnh một cách hợp lý một số nội dung liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác hiện đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của công dân, nhằm tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, để quản lý một cách dân chủ đối với các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của công dân.
6. Luận án đã khẳng định tính nhất quán trong việc thực hiện chính sách "mở rộng quan hệ đối ngoại, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình vì lợi ích phát triển của đất nước" của Đảng và Nhà nước. Hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan mang tính cấp thiết; và để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh là rất cần thiết.
Có thể còn những hạn chế và thiếu sót nhất định, song phần nghiên cứu kèm theo các kiến nghị của tác giả nêu trong luận án là những đóng góp nhỏ mang tính sáng kiến pháp luật để giải quyết những tồn tại, nhằm hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh tại Việt Nam.
Những công trình của tác giả liên quan đến luận án đã công bố
Nguyễn Văn Cường (2005), "Về hoạt động kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh ở nước ta hiện nay, Nhà nước và pháp luật, 11(211).
Nguyễn Văn Cường (2006), "Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật trong quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh ở Việt Nam", Nhà nước và pháp luật, 3(215).
Nguyễn Văn Cường (2006), "Tìm hiểu pháp luật về xuất nhập cảnh của một số nước trên thế giới", Nhà nước và pháp luật, 9(221).
Danh mục tài liệu tham khảo
Phạm Minh án (2005), Báo cáo tổng kết chuyên đề "Các phương thức thủ đoạn tổ chức cho người nhập cảnh trái phép và các biện pháp phòng ngừa, phát hiện", Hà Nội.
Bùi Quảng Bạ (1996), Đổi mới và hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước đối với người nước ngoài ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Bộ Công an (1998), Các quy chế thực hiện dân chủ trong lực lượng Công an nhân dân, Hà Nội.
Bộ Công an (2000), Thông tư số 09/2000/TT-BCA hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo Nghị định số 05/2000/NĐ của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Hà Nội.
Bộ Công an (2002), Thông tư số 03/2002/TT-BCA hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành ở nước ngoài theo Nghị định số 05/2000/NĐ của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Hà Nội.
Bộ Công an - Bộ Ngoại giao (2002), Thông tư liên tịch Công an - Ngoại giao số 04/2002/TTLT/BCA-BNG hướng dẫn thi hành Nghị định số 21/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Hà Nội.
Bộ Công an, Tổng cục An ninh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (2003), Biên niên sự kiện lịch sử lực lượng quản lý xuất nhập cảnh (1945 - 2002), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Giáo trình Triết học Mác - Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1994), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1999), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ Ngoại giao (1995), Thông tư số 163/NG-TT ngày 25/5/1995 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/CP về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, Hà Nội.
Bộ Nội vụ (1993), Thông tư số 04/TT-BNV(A18) ngày 27/3/1993 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 04/CP của Chính phủ, Hà Nội.
Bộ Nội vụ (1995), Thông tư số 02/BNV ngày 30/4/1995 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định Nghị định 24/CP về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, Hà Nội.
Bộ Nội vụ (1998), Thông tư số 16/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn cấp giấy thông hành biên giới cho công dân Việt Nam sang Lào, Hà Nội.
Bộ Nội vụ - Bộ Ngoại giao (1990), Thông tư Liên Bộ Nội vụ - Ngoại giao số 09/TTLB về việc cấp giấy tờ cho công dân Việt Nam sang Cămpuchia, Hà Nội.
Bộ Nội vụ - Bộ Ngoại giao (1996), Thông tư liên bộ NV-NG số 03/TTLB hướng dẫn thực hiện Nghị định Nghị định 76/CP về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, Hà Nội.
Bộ Nội vụ - Bộ Ngoại giao (1996), Thông tư liên bộ NV-NG số 03/TTLB hướng dẫn thực hiện Nghị định Nghị định 76/CP về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, Hà Nội.
Bộ Nội vụ - Bộ Ngoại giao (1998), Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT/NV-NG hướng dẫn thực hiện Quyết định 957/1997/QĐ-TTg, Hà Nội.
Bộ Tài chính (2003), Thông tư số 37/2003/TT-BTC quy định chế độ, nộp và quản lý sử dụng lệ phí hộ chiếu, thị thực và giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam, Hà Nội.
Bộ Tư pháp (1957), Tập luật lệ về tư pháp, Hà Nội.
Các quy định pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự (2004), Nxb Tư pháp, Hà Nội.
Các văn kiện quốc tế về quyền con người (1998), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Hồ Ngọc Cẩm (2004), Tìm hiểu về phí và lệ phí hiện hành ở Việt Nam, Nxb Lao động - xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính phủ (1992), Nghị định 12/CP ban hành Quy chế quản lý đoàn của ta ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài vào nước ta, Hà Nội.
Chính phủ (1993), Nghị định số 48/CP về hộ chiếu và thị thực, Hà Nội.
Chính phủ (1993), Nghị định số 04/CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam, Hà Nội.
Chính phủ (1993), Nghị định 17/CP về việc sửa đổi một số điều khoản trong Nghị định số 04/CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam, Hà Nội.
Chính phủ (1995), Nghị định 24/CP về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, Hà Nội.
Chính phủ (1995), Nghị định 76/CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/CP về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, Hà Nội.
Chính phủ (1997), Quyết định 957/1997/QĐ-TTg cải tiến một số thủ tục xuất cảnh và giải quyết vấn đề người Việt Nam xuất cảnh nhưng không về nước đúng hạn, Hà Nội.
Chính phủ (1998), Nghị định 37/1998/NĐ-CP ngày 09/06 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an, Hà Nội.
Chính phủ (2001), Nghị định số 21/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Hà Nội.
Chính phủ (2001), Nghị định số 05/2001/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Hà Nội.
Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao (1994), Các văn bản pháp lý liên quan đến công tác lãnh sự, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Dũng (Biên soạn) (2005), Luật Hải quan năm 2005, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Dũng (Biên soạn) (2005), Tìm hiểu Luật Du lịch năm 2005, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Trần Ngọc Đường (2005), "Xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật - nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân", Nhà nước và pháp luật, 7(195), tr. 3-10.
Nguyễn Duy Gia (1996), Cải cách nền hành chính quốc gia ở nước ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Tô Thị Hà (Biên soạn) (2005), Hỏi đáp những quy định về an ninh quốc gia, Nxb Lao động, Hà Nội.
Hệ thống văn bản pháp luật mới về quản lý tài chính hành chính sự nghiệp (2004), Nxb Lao động - xã hội, Hà Nội.
Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980 và 1992), (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Hình thức của các nhà nước đương đại (2004), Nxb Thế giới, Hà Nội.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1996), Giáo trình về quản lý nhà nước, Tập II, Hà Nội.
Hội đồng Bộ trưởng (1988), Nghị định số 184/HĐBT ban hành Quy chế khu vực biên giới Việt - Trung, Hà Nội.
Hội đồng Bộ trưởng (1990), Nghị định số 427/HĐBT ban hành Quy chế khu vực biên giới Việt - Lào, Hà Nội.
Hội đồng Bộ trưởng (1992), Nghị định số 42/HĐBT ban hành Quy chế khu vực biên giới Việt - Campuchia, Hà Nội.
Hội đồng Bộ trưởng (1992), Nghị định số 289/HĐBT sửa đổi một số điều trong Quy chế khu vực biên giới Việt - Lào, Quy chế khu vực biên giới Việt - Trung, Quy chế khu vực biên giới Việt - Campuchia, Hà Nội.
Hội đồng Bộ trưởng (1990), Nghị định 182/HĐBT quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội.
Mai Hữu Khuê và Bùi Văn Nhơn (1995), Một số vấn đề cải cách thủ tục hành chính, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Hiến Lê - Giản Chi (1994), Hàn Phi Tử, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
Luật biên giới quốc gia (2003), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Luật du lịch (2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Luật hành chính Việt Nam (2005), Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
Luật lệ quản lý người nước ngoài tại Việt Nam (1984), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Luật lệ về quản lý xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh (1984), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
V.I. Lênin (1981), Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, Matxcơva
V.I. Lênin (1981), Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
V.I. Lênin (1981), Toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
V.I. Lênin (1981), Toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
C.Mác - Ph.Ăngghen (1962), Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội.
C.Mác - Ph.Ăngghen (1995), Tuyển tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
C.Mác - Ph.Ăngghen (1995), Tuyển tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
Đinh Văn Mậu và Phạm Hồng Thái (2005) Luật hành chính Việt Nam. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội
Hồ Chí Minh (1990), Về nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb Pháp lý, Hà Nội.
Nguyễn Văn Minh (1999), Quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo danh nghĩa du lịch, Luận văn Thạc sĩ luật học, Học viện An ninh nhân dân, Hà Nội.
Montesquieu (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục và Khoa luật Trờng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội.
Một số quy định đối với người Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh về việc riêng (1988), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Những quy định về bảo vệ an ninh - trật tự trên vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc (1992), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Pháp lệnh Bộ đội biên phòng (1997).
Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (2000).
Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (1995).
Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (2002).
Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân (1987).
Pháp lệnh về hôn nhân gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (1993).
Quốc hội khóa XI, ủy ban Đối ngoại (2005), giới thiệu Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Nxb Lao động, Hà Nội.
Nguyễn Duy Quý (2005), "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn", Tạp chí Cộng sản, (23), tr.32-36.
Phạm Hồng Thái (2005), "Xu hướng dịch chuyển quyền lực trong bộ máy hành chính và vấn đề dân chủ", Nhà nước và pháp luật, 6(206), tr.3-6.
Nguyễn Văn Thâm (Chủ biên) (2002), Thủ tục hành chính - lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Triệu Văn Thế (Chủ biên) (2005), Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, Đề án nghiên cứu khoa học do Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an chủ trì, Hà Nội.
Ngô Phúc Thịnh (2002), Quản lý nhà nước về an ninh đối với người nước ngoài ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp, Luận án Tiến sĩ luật học, Học viện An ninh nhân dân, Hà Nội.
Trần Quang Tiệp (2002), Một số vấn đề về thi hành án hình sự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Tìm hiểu Bộ luật dân sự năm 2005 (2005), Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
Nguyễn Xuân Toản (1996), Quản lý nhà nước đối với người nước ngoài tại Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ luật học, Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, Hà Nội.
Nguyễn Hữu Tráng (Chủ biên) (2002), Tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, Đề án nghiên cứu khoa học do Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao chủ trì, Hà Nội.
Phạm Ngọc Trung (1997), Quản lý nhà nước về an ninh đối với công dân Việt Nam xuất cảnh trong giai đoạn hiện nay, Luận văn Thạc sĩ luật học, Học viện An ninh nhân dân, Hà Nội.
Trường Đại học Luật Hà Nội (2004), Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1994), Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Hà Nội.
Đoàn Trọng Truyến (1999), So sánh hành chính các nước ASEAN, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Từ điển tiếng Việt (1997), Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
Từ điển tiếng Anh - Việt (1994), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
Đào Trí úc (2005), "Mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội dân sự và vấn đề cải cách hành chính", Nhà nước và pháp luật, 4(192), tr.3-10.
Đào Trí úc (2005), "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng - Những thành tựu chủ yếu của 60 năm xây dựng và phát triển", Nhà nước và pháp luật, 9(209), tr.3-15.
Viện Nghiên cứu khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp (1998), Luật Quốc tịch của Việt Nam, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, Một số vấn đề lý luận cơ bản về luật quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật (2000), Tội phạm học Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Võ Khánh Vinh (2005), "Khái quát về hệ thống pháp luật Việt Nam: 60 năm hình thành và phát triển", Nhà nước và pháp luật, 9(209), tr. 50-60.
Nguyễn Văn Yểu (2004), "Hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Tạp chí Cộng sản, (20). tr. 8-13.
tiếng anh
Alien registration law (Law No. 125 of 1952) ((Latest Amendment: Law No. 134 of 1999. Japan).
Basic plan for immigration control. Notification No 319 The Minitry of Justtice 1992. Printed. Published by Japan Immigration association.
Consolidation of the Aliens Act. 421 of June 1994. Denmark.
Immigration control and refugee recognition act (Cabinet order No. 319 of 1951) (Latest Amendment: Law No. 28 of 1996. Japan).
Immigration control and refugee recognition act (Cabinet order No. 319 of 1951) (Latest Amendment: Law No. 135 of 1999. Japan).
Immigration control and refugee recogition act and The Aliens registration (Provisional traslation). Immigration Bureau of Justtice Japan.
Immigration Korea. Immigration Bureau Ministry of Justice Republic of Korea.
Law of The people’s Republic of China on entry and exit of alien. The Immigration Department of Public Security Ministry (compiled). Published by Publishing house of people. Beijing 1994.
Outline of Duties. Narita airport Branch office Tokyo Immigration Bureau, 1997.
Regulation concerning the entry of foreingn nationals into the Kingdom of Norway and their presence in the realm (Immigration regulation). Commencement 1 January. Updated with amendments, most recently bay Royal Decree of 18 December 1992.
Statistics on immigration control. Japan Immigration association. 1996.
Reader’s Digest Know your Right. Published by The Reader’s Digest Association Limited. London - New York- Sydney - Cape Town- Montreal 1997.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA2739.doc