Hiện trạng sản xuất và môi trường làng nghề cơ khí Phùng Xá, tỉnh Hà Tây. Đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Mở đầu Trong những năm gần đây, làng nghề nông thôn Việt Nam đã phát triển rất nhanh và đóng góp một phần quan trọng vào việc giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn, góp phần ổn định kinh tế–xã hội và là tiền đề cho sự công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Theo số liệu điều tra của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, hiện nay Việt Nam có khoảng 1450 làng nghề được phân bố ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, trong đó phía Bắc chiếm hơn 50%, các tỉnh miền

doc73 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2473 | Lượt tải: 4download
Tóm tắt tài liệu Hiện trạng sản xuất và môi trường làng nghề cơ khí Phùng Xá, tỉnh Hà Tây. Đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Trung chiếm khoảng 20%, các tỉnh miền Nam chiếm khoảng 30% tổng số làng nghề. Hoạt động của các làng nghề đã tạo ra nhiều loại sản phẩm từ đơn giản như những vật dụng gia đình đến những mặt hàng cao cấp như các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sơn mài, gốm sứ, đúc tượng, chạm khắc, thêu ren… mang lại thu nhập, tạo công ăn việc làm cho trên 2,2 triệu lao động ở nông thôn. Việc phát triển làng nghề đã đem lại hiệu quả kinh tế–xã hội, bên cạnh đó đã có những tác động tiêu cực đến môi trường sống, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ cộng đồng. Do trình độ công nghệ thấp, chậm được đổi mới; cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kém; trình độ quản lý còn hạn chế… đã làm cho môi trường ở hầu hết các làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng. Theo tiêu chí về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp–tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tây, hiện nay Hà Tây có 120 làng nghề được phân bố ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh với các nhóm ngành như: dệt may–hàng tiêu dùng (29 làng); chế biến lương thực–thực phẩm (17 làng); thủ công mỹ nghệ–chế biến lâm sản (65 làng); cơ khí-điện (9 làng). Nhiều làng nghề đã phát triển với những sản phẩm nổi tiếng như: tơ Đốc Tín, lụa Hà Đông, nón lá làng Chuông, giày Phú Yên, điêu khắc Thanh Thuỷ, giang đan Phú Vinh, sơn mài Chuyên Mỹ, cày bừa Phùng Xá…được người ta biết đến từ lâu đời nay. Với nhiều loại hình sản phẩm phong phú đa dạng, hình thức tổ chức linh hoạt, các làng nghề nông thôn Hà Tây đã tạo ra một lượng lớn hàng hoá, giải quyết công ăn việc làm cho trên 107 ngàn lao động và mang lại thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/lao động/năm, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cùng với sự phát triển đó là tình trạng chất lượng môi trường bị suy giảm nặng nề. Môi trường nước, môi trườngkhông khí, môi trường đất bị ô nhiễm do nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại… gây ra ngày càng trầm trọng, đặc biệt nước thải từ các nhóm ngành nghề chế biến nông sản thực phẩm, dệt nhuộm, tái chế chất thải với lưu lượng lớn, hàm lượng chất hữu cơ, độ màu, kim loại nặng, SS…cao. Chỉ tính riêng làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu–Hoài Đức, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 7.500 m3 nước thải, 60 tấn chất thải rắn và hàng ngàn mét khối khí thải [13]. Làng nghề cơ kim khí là một trong những loại làng nghề phát triển mạnh trong những năm gần đây ở tỉnh Hà Tây, được phân bố ở thị xã Hà Đông, huyện Thạch Thất, huyện Thanh Oai, huyện Thường Tín. Một mặt, việc phát triển của các làng nghề cơ kim khí này đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hơn 7 ngàn lao động ở Hà Tây. Mặt khác, hoạt động của các làng nghề này trung bình mỗi ngày đã thải ra môi trường một lượng lớn chất thải: 26–30 tấn chất thải rắn, 10 000–12 000 m3 nước thải, 900–1000 m3 khí thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tới sức khoẻ của nhân dân. Làng nghề Phùng Xá, huyện Thạch Thất là một trong những làng nghề cơ khí phát triển nhất của tỉnh Hà Tây. Với nhiều hoạt động sản xuất như tái chế sắt thép, cán, kéo, đột dập… đã tạo ra nhiều sản phẩm như cuốc xẻng, cày bừa, bản lề, đinh ghim, sắt thép xây dựng…đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho phần lớn người dân trong làng. Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch, trình độ công nghệ còn thấp, người lao động chưa được đào tạo đầy đủ. Nước thải từ quá trình mạ kẽm, cán kéo sắt thép; khí thải từ các lò nung, nấu kim loại và hơi hoá chất; chất thải rắn từ sinh hoạt và sản xuất thải ra ngày một nhiều. Ước tính mỗi ngày làng nghề Phùng Xá thải ra khoảng 5000 m3 nước thải các loại, 13 tấn chất thải rắn và khoảng 450 m3 khí thải. Nếu không có các giải pháp kịp thời và thích hợp, điều đó sẽ tác động không chỉ tới sự phát triển chung của làng nghề mà còn gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và phát triển bền vững. Đề tài “Hiện trạng sản xuất và môi trường làng nghề cơ khí Phùng Xá, tỉnh Hà Tây. Đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường” được thực hiện nhằm đưa ra một số giải pháp khả thi cho làng nghề Phùng Xá, góp phần bảo vệ môi trường làng nghề bền vững. Chương I hiện trạng sản xuất và môi trường làng nghề tỉnh hà tây I.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tỉnh Hà Tây. I.1.1. Điều kiện tự nhiên: I.1.1.1. Vị trí địa lý. Hà Tây là một tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, là tỉnh liền kề với thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên về phía Đông, phía Tây giáp với tỉnh Hoà Bình, phía Bắc giáp với tỉnh Vĩnh Phúc, phía Nam giáp với tỉnh Hà Nam. - Điểm cực Bắc thuộc xã Tân Đức, huyện Ba Vì ở toạ độ 20018’ vĩ độ Bắc và 105o22’ kinh độ Đông. - Điểm cực Nam thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức ở toạ độ 20o33’ vĩ độ Bắc và 105o47’ kinh độ Đông. - Điểm cực Tây thuộc xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì ở toạ độ 21o10’ vĩ độ Bắc và 105o17’ kinh độ Đông. - Điểm cực Đông thuộc xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên ở toạ độ 20o42’vĩ độ Bắc và 106o00’ kinh độ Đông [8]. I.1.1.2. Đặc điểm địa hình: Theo số liệu của Tổng cục thống kê Hà Tây năm 2002, diện tích tự nhiên của tỉnh Hà Tây là 2.192,9 km2 gồm các loại được đưa ra ở bảng I.1. Địa hình Hà Tây có thể chia thành hai vùng khác nhau khá rõ rệt là vùng đồng bằng nằm ở phía Đông và vùng đồi núi nằm dọc địa giới phía Tây của tỉnh. Hà Tây có hệ thống đường bộ như các quốc lộ 1, 6, 21, 32; hệ thống đường sông như sông Hồng, sông Đà, sông Nhuệ, sông Đáy…và đường sắt tạo giao thông khá thuận tiện với các tỉnh vùng Việt Bắc, Tây Bắc, vùng ven biển, các tỉnh miền Trung, miền Nam và quốc tế. Với số dân trên 2,38 triệu người, trong đó lực lượng lao động hơn 1 triệu người ở 325 xã, phường, thị trấn với tổng số 1460 thôn (làng), Hà Tây là tỉnh có nhiều tiềm năng về nguồn nhân lực, đất đai và tài nguyên để phát triển CN–TTCN và các ngành kinh tế khác. Bảng I.1:Phân loại đất theo tính chất sử dụng [8]. TT Hạng mục Diện tích, ha Tỷ lệ, % 1 Đất nông nghiệp 117 309 53,6 2 Đất lâm nghiệp 15 221 6,9 3 Đất không có rừng cây 3 336 1,5 4 Ao, hồ, đầm 8 772 4,0 5 Sông, suối 11 186 5,1 6 Thổ cư, làng mạc 12 773 5,8 7 Đường giao thông 10 282 4,7 8 Đất chuyên dùng khác 29 026 13,2 9 Đất chưa sử dụng 11 309 5,2 Tổng cộng 219 295 100 I.1.1.3. Khí hậu và thời tiết: Khí hậu Hà Tây mang đặc tính của khí hậu miền Bắc Việt Nam, với đặc điểm là khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh. Khí hậu chịu sự chi phối của chế độ bức xạ mặt trời và chịu tác động mạnh mẽ của hoàn lưu gió mùa. Mặt khác, Hà Tây nằm ở sườn Đông của phần Nam dãy Hoàng Liên Sơn nên khí hậu ở đây ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa đông Bắc. Khí hậu Hà Tây phân hoá thành hai mùa rõ rệt: mùa nóng và mưa, mùa lạnh khô hanh vào đầu mùa và mưa phùn ẩm ướt vào cuối mùa. Do địa hình tương đối đồng nhất nên khí hậu Hà Tây ít có sự phân hoá theo không gian, chỉ có ở vùng núi, khí hậu mới phân hoá theo độ cao rõ rệt. Bức xạ tổng cộng hàng năm dao động từ 121-123 kcal/cm2/năm. Vào mùa đông, gió thổi theo các hướng chính là Bắc và Đông Bắc. Vào mùa hạ gió lại thổi chủ yếu theo các hướng Đông Nam và Nam. Đại bộ phận lãnh thổ của tỉnh có nền nhiệt cao, nhiệt độ trung bình năm lớn hơn 230C (dao động từ 23,1– 23,3 oC), đạt và vượt tiêu chuẩn nhiệt của vùng nhiệt đới. Lượng mưa dao động từ 1500–2000 mm/năm, thuộc loại mưa vừa, số ngày mưa trong năm dao động từ 90 đến 150 ngày. Độ ẩm trung bình năm khá cao, từ 83- 85%. I.1.2. Điều kiện kinh tế-xã hội: Trong những năm qua, Hà Tây đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế–xã hội để thoát khỏi tình trạng thuần nông. Mặc dù nông nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng có xu hướng giảm dần; trong khi đó, các khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân hàng năm 7,3%, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch, trong đó về sản xuất công nghiệp-xây dựng từ 25,3% (năm 1995), tăng lên 30,5% (năm 2000), sản xuất CN–TTCN có nhiều cố gắng giữ được nhịp độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất CN–TTCN tăng bình quân hàng năm là 16%. Năm 2000 công nghiệp đạt giá trị 2.997 tỷ đồng, trong đó khu vực ngoài quốc doanh đạt 1.610 tỷ đồng (chiếm 54%). Về nông nghiệp: Nền nông nghiệp của tỉnh hiện nay sử dụng 65,56% lực lượng lao động xã hội và đóng góp 43,03% trong toàn bộ GDP của tỉnh. Tuy diện tích tự nhiên lớn nhất đồng bằng sông Hồng, nhưng quỹ đất của tỉnh không nhiều (bình quân đất nông nghiệp trên đầu người chỉ đạt 527m2). Về công nghiệp: Công nghiệp là ngành sản xuất cơ bản trong nền kinh tế. Đến nay, công nghiệp bao gồm cả tiểu thủ công nghiệp đang sử dụng 15,03% lực lượng lao động xã hội (kể cả xây dựng) và đóng góp 28,61% tổng giá trị sản phẩm của tỉnh (GDP). Công nghiệp của tỉnh phát triển khá nhanh và vững chắc. Trong những năm trở lại đây (1990–2000) giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 10,98%/năm. Về dịch vụ: Dịch vụ cũng là một ngành kinh tế quan trọng, bao gồm các ngành giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, thương mại và dịch vụ…Hiện nay các ngành dịch vụ sử dụng 19,41% lực lượng lao động xã hội và đóng góp 28,36% GDP của tỉnh. I.2. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề Hà Tây. Nghề thủ công phát triển đã hình thành những làng nghề và số làng nghề ngày càng đông thêm. Đặc biệt là từ khi có chủ trương khôi phục phát triển nghề thủ công, nhân cấy nghề mới thì làng nghề trong tỉnh phát triển mạnh. Tính đến nay Hà Tây đã có 120 làng nghề đạt tiêu chuẩn quy định của tỉnh (xem phụ lục I). Phần lớn số huyện, thị xã đã phát triển được làng có nghề và làng nghề đạt tiêu chuẩn. Những huyện đã phát triển được nhiều làng nghề đạt tiêu chuẩn là Phú Xuyên (24 làng), Thường Tín (26 làng), Thanh Oai (16 làng), Hoài Đức (10 làng). Trong quá trình đổi mới, các loại hình doanh nghiệp như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã công nghiệp, xây dựng, tổ hợp sản xuất cùng với kinh tế hộ gia đình phát triển khá mạnh ngay trong làng nghề. Đến nay toàn tỉnh có hơn 80 công ty trách nhiệm hữu hạn, 35 doanh nghiệp tư nhân, 6 hợp tác xã công nghiệp, xây dựng, 100 tổ sản xuất và hơn 150 nghìn hộ gia đình tham gia làm nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong các làng nghề là hạt nhân trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm theo mẫu mã mới, góp phần xây dựng phát triển ngành nghề, làng nghề. Ngành nghề và làng nghề ở tỉnh Hà Tây rất đa dạng, phong phú. Làng nghề phần lớn là những làng có nghề cổ truyền được khôi phục, duy trì. Làng nghề mới hình thành phát triển là do tìm được nghề phù hợp với địa phương, sản phẩm phù hợp với thị trường, có kỹ thuật, kỹ năng tinh xảo. Hoạt động trong làng nghề chủ yếu là các hộ gia đình, là thành viên của các loại hình doanh nghiệp sản xuất trên diện rộng khắp cả làng, có nơi cả xã và phát triển rộng thành cả một vùng. Trong 5 năm 1996-2000, dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ, các làng nghề đã dần thích nghi với điều kiện kinh tế thị trường Thành tựu phát triển kinh tế của tỉnh có sự đóng góp rất lớn của làng nghề, làng có nghề, với nhiều loại hình sản xuất CN–TTCN, công tác nhân cấy nghề mới được chú trọng và phát triển có hiệu quả. Các chính sách của nhà nước, của tỉnh nhằm khuyến khích hỗ trợ đối với nghề truyền thống được ban hành, thực thi, là những nhân tố thúc đẩy cho các làng nghề thủ công phục hồi phát triển như các nghề dệt, cơ kim khí, thêu ren, sơn mài, khảm trai, điêu khắc, đồ mộc,…đã gắn với các địa danh nổi tiếng như lụa Vạn Phúc, cơ kim khí Phùng Xá, rèn Đa Sĩ… Những làng nghề đã khôi phục và phát triển mạnh như mây tre giang đan (Chương Mỹ), cỏ tế, sơn khảm (Phú Xuyên), điêu khắc, thêu (Thường Tín), dệt (Hà Đông)...[1] Theo số liệu điều tra tổng hợp liên ngành Công nghiệp–Kế hoạch đầu tư–Tài chính–Vật giá thì kết quả khôi phục phát triển làng nghề tính đến 31/12/2000 như sau:[12] - Năm 1996 toàn tỉnh có 839 làng có nghề, trong đó có 88 làng đạt tiêu chuẩn là làng nghề công nghiệp–tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Hà Tây. - Đến năm 2000 đã phát triển 972 làng có nghề, chiếm 66% tổng số làng trong tỉnh, trong đó có 120 làng nghề đạt tiêu chuẩn quy định của tỉnh. Việc khôi phục làng nghề cũ, duy trì và phát triển làng nghề mới trong những năm qua tuy có phát triển khá mạnh song vẫn chưa đồng đều được thể hiện bởi những điểm sau đây: - Sản xuất ngành nghề ở một số địa phương còn mang tính tự phát; hầu hết các làng nghề chưa được quy hoạch, mặt bằng sản xuất còn chật hẹp. - Nguồn nguyên liệu còn khó khăn, mẫu mã sản phẩm chưa được cải tiến, chưa có sản phẩm mũi nhọn, nhất là hàng xuất khẩu. - Thiết bị công nghệ còn lạc hậu nên năng xuất, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh thấp, tính chuyên môn hoá, hợp tác hoá chưa cao. - An toàn lao động chưa được đảm bảo, ô nhiễm môi trường còn nặng, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, nhất là điện, đường giao thông. - Vốn đầu tư còn hạn chế, công tác lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và quản lý Nhà nước đối với ngành nghề chưa được coi trọng đúng mức, sự quản lý của các cấp, các ngành và cơ sở còn những mặt yếu. I.2.1. Giá trị sản xuất. Hoạt động sản xuất trong làng nghề chủ yếu là các hộ gia đình, là thành viên của các loại hình doanh nghiệp sản xuất trên diện rộng khắp cả làng. Theo [7], tình hình hoạt động các làng nghề Hà Tây được tổng hợp đánh giá cụ thể trên biểu đồ hình I.1: Giá trị sản xuất của 88 làng nghề trong năm 1996 là 717,2 tỷ đồng, trong đó sản xuất công nghiệp 448,2 tỷ đồng chiếm 62,6%; kinh doanh dịch vụ 90,1 tỷ đồng chiếm 12,6%; nông nghiệp 177,9 tỷ đồng chiếm 24,8%. Đến năm 2000, giá trị sản xuất của 120 làng nghề là 1.045,8 tỷ đồng (tăng 45,8% so với năm 1996), trong đó sản xuất CN–TTCN là 653,6 tỷ đồng chiếm 62,5% (tăng 46%); về kinh doanh dịch vụ 141,4 tỷ đồng (tăng 57%); sản xuất nông nghiệp 250,8 tỷ đồng (tăng 40,5%) . Hình I.1: Giá trị hoạt động của làng nghề Hà Tây. Tính đến nay, các ngành hàng đã được phục hồi phát triển mạnh như ngành hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan phát triển ở 48 làng nghề đạt giá trị 108,8 tỷ đồng; ngành dệt may 14 làng đạt 201,3 tỷ đồng; ngành chế biến lương thực, thực phẩm 15 làng đạt 178,1 tỷ đồng. Những làng nghề đạt giá trị sản xuất CN–TTCN cao trong năm 2000 là: - Từ 20 tỷ đồng đến 35 tỷ đồng có 7 làng nghề (mộc Tràng Sơn, cơ khí Phùng Xá, làng mộc Hữu Bằng…). - Từ 35 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng có 2 làng nghề (làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Cát Quế, Minh Khai). - Từ 50 tỷ đồng trở lên có 2 làng nghề (làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu, dệt La Phù). - Đặc biệt làng nghề La Phù (Hoài Đức) đạt gần 195 tỷ đồng với nhiều hoạt động phong phú, đều khắp và sôi nổi. I.2.2. Số hộ, số lao động tham gia hoạt động làng nghề, thu nhập trong các làng nghề [1, 5]: Theo báo cáo tổng kết hoạt động làng nghề CN–TTCN tỉnh Hà Tây thời kì 1996-2000 thì năm 1996, tổng số hộ tham gia làm nghề CN–TTCN là 33 ngàn hộ chiếm 66%, hộ làm dịch vụ 4 ngàn hộ chiếm 7,8%, hộ làm nông nghiệp thuần nông là 14,5 ngàn hộ chiếm 28,2%. Đến năm 2000, đã có tổng số hộ làm nghề CN–TTCN là 44,2 ngàn hộ chiếm 64,3%, hộ làm dịch vụ 12,6 ngàn hộ chiếm 9,5%, hộ làm nông nghiệp thuần nông 17,9 ngàn hộ chiếm 28,2%. Địa phương có nhiều hộ làm nghề CN–TTCN là huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức…nhiều làng đã trở thành trung tâm của cả một vùng rộng lớn, thu hút số đông hộ gia đình làm nghề. Tổng số lao động tham gia sản xuất trong các làng nghề năm 1996 là 110,9 ngàn người, trong đó lao động CN–TTCN là 76,4 ngàn người chiếm 61,2%. Đến năm 2000, số lao động tham gia sản xuất làng nghề lên tới 161,2 ngàn người, trong đó lao động CN–TTCN là 107 ngàn người chiếm 66,4%. Thu nhập bình quân 1 lao động trong làng nghề năm 1996 theo ngành nghề CN–TTCN đạt 3,2 triệu đồng/năm, kinh doanh dịch vụ 2,9 triệu đồng/năm, làm nông nghiệp thuần nông 1,6 triệu đồng/năm. Đến năm 2000, thu nhập bình quân một lao động trong làng nghề theo ngành nghề CN–TTCN đã tăng lên 4 triệu đồng/năm, kinh doanh dịch vụ 3,4 triệu đồng/năm, làm nông nghiệp thuần nông 1,6 triệu đồng/năm. I.2.3. Vốn và công nghệ trong các làng nghề [1, 13]: Công nghệ sản xuất trong các làng nghề chủ yếu là thủ công, đã có một số làng và một số ngành nghề đã có những công đoạn đã được cơ khí hoá, có làng đã mua sắm nhiều máy móc chuyên dùng, đi vào chuyên môn hoá như Phùng Xá, sản xuất nha ở Minh Dương (thuộc Minh Khai), mộc Tràng Sơn, một số công nghệ bước đầu đã có đổi mới. Năm 1996 các làng nghề đã tự đầu tư 346 tỷ đồng để khôi phục phát triển sản xuất, trong đó vốn cố định 207,6 tỷ đồng chiếm 60%. Vốn lưu động là 138 tỷ đồng chiếm 40%. Đến năm 2000, các làng nghề đã đầu tư là 458 tỷ đồng (tăng 112 tỷ đồng), trong đó vốn cố định 297 tỷ đồng chiếm 65% (tăng 90 tỷ đồng), vốn lưu động là 138 tỷ đồng chiếm 35% (tăng 22,8 tỷ đồng). I.2.4. Vấn đề sử dụng nguyên, nhiên liệu: Nguyên liệu của các làng nghề đa dạng và tuỳ thuộc vào từng loại công nghệ sản xuất. Điều cần quan tâm hiện nay là một số nguồn nguyên liệu đang dần cạn kiệt, đặc biệt là nguyên liệu gỗ, da động vật... Đối với các hộ kinh doanh nhiều ngành, tính linh hoạt cao thì khi nguyên liệu khan hiếm cho sản phẩm này họ có thể chuyển sang kinh doanh sản phẩm khác, còn đối với hộ sản xuất truyền thống thì đây là điều họ lo lắng trong tương lai. Thiếu nguyên liệu dẫn đến tình trạng tăng giá nguyên liệu và thay đổi chất lượng nguyên liệu. Điều đó gây bất lợi cho người sản xuất, đặc biệt đối với hộ sản xuất nhỏ. Bảng I.3: Nguyên liệu chính của một số làng nghề Hà Tây [7]. TT Làng nghề Nguyên liệu Đơn vị Lượng 1 Nông sản thực phẩm Dương Liễu Dong củ, sắn củ Tấn/năm 550.000 2 Mộc Chàng Sơn Gỗ các loại m3/năm 40.000 3 Mây tre đan Phú Nghĩa Mây, tre, nứa Tấn/năm 45.000 4 Cơ kim khí Phùng Xá Sắt thép phế liệu Tấn/năm 60.000 Về nhiên liệu, hầu hết các làng nghề Hà Tây đang sử dụng nhiên liệu chính là than, củi. Ước tính trung bình mỗi năm, làng nghề Hà Tây sử dụng khoảng 150 ngàn tấn than các loại. Bên cạnh than, hoạt động của các làng nghề còn sử dụng một số nhiên liệu phụ là dầu, gas.. I.2.5. Sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Sản phẩm của làng nghề Hà Tây được hình thành theo các ngành hàng, chủ yếu là ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống. Nhiều sản phẩm của các làng nghề như mây tre đan, thêu ren, thảm len, dệt lụa tơ tằm, đan tơ lưới, điêu khắc, sơn mài, khảm trai mỹ nghệ, chế biến nông lâm sản, cơ kim khí, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng…sản xuất ngày một tăng, góp phần phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt là một số sản phẩm như dệt may, khảm trai mỹ nghệ, điêu khắc, sơn mài, mây tre đan đã được xuất khẩu đến các nước vùng Đông Âu, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…Tính đến năm 2000, giá trị xuất khẩu khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, trong đó sản phẩm làng nghề Hà Tây đã đạt 189 tỷ đồng, những huyện có sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị cao như Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Chương Mỹ. Sản phẩm ở làng nghề còn đa dạng các chủng loại được phát triển trong cùng một làng. Bảng I.4: Sản phẩm của một số làng nghề Hà Tây [7]. TT Làng nghề Sản phẩm Đơn vị Sản lượng 1 Nông sản thực phẩm Dương Liễu Tinh bột, miến dong, mạch nha Tấn/năm 260.300 2 Mộc Chàng Sơn Giường tủ, bàn ghế Chiếc/năm 300.000 3 Dệt lụa Vạn Phúc Vải lụa tơ tằm m/năm 466.000 4 Mây tre đan Phú Nghĩa Lãng, làn, đĩa mây Sản phẩm/năm 10 triệu 5 Giày da Phú Yên Giày da, mũ giày Đôi/năm 320.000 Vấn đề thị trường và tiêu thụ sản phẩm đang là yếu tố cần quan tâm đặc biệt, liên quan đến sự tồn tại và phát triển của làng nghề. Thực tế một số sản phẩm của làng nghề tiêu thụ còn chậm, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, ví dụ như các mặt hàng: giày da, nón lá, tăm hương… Nhìn chung, sản xuất kinh doanh của các làng nghề hiện nay vẫn là hình thức tự tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm là chính hoặc muốn tiêu thụ được sản phẩm còn phải qua nhiều khâu trung gian dẫn tới việc làm giảm thu nhập của người lao động trực tiếp trong làng nghề. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, cần có sự hỗ trợ của các ngành, các cấp từ Trung ương, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. I.2.6. Hướng phát triển của làng nghề tỉnh Hà Tây. Sản xuất CN–TTCN và làng nghề có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy nhiệm vụ sản xuất CN–TTCN tỉnh Hà Tây trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21 ngày càng được quan tâm đúng mức và có biện pháp tích cực khuyến khích nhà nhà, làng làng tham gia sản xuất CN–TTCN. Để thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tây lần thứ IX, với những điều kiện đã có và những nhân tố mới xuất hiện, những mục tiêu chủ yếu phấn đấu đến năm 2005 là [7]: - Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt 7 – 8%. - Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng 3 – 4%. - Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng bình quân hàng năm tăng 12%. - Giá trị dịch vụ, du lịch tăng 8 – 9%. - Tổng kinh ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15%/năm. - Cơ cấu công nghiệp xây dựng trong GDP đến năm 2005 đạt 35%. - Phát triển và nhân rộng các làng nghề đến năm 2005 đạt 80% số làng trong tỉnh có nghề, trong đó có 150 làng đạt tiêu chí làng nghề Hà Tây. I.3. Hiện trạng môi trường và quản lý môi trường làng nghề Hà Tây. Hiện nay các làng nghề tỉnh Hà Tây đang trong giai đoạn phát triển mạnh, người dân đã đầu tư vốn vào sản xuất. Sự phát triển này một mặt góp phần tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt khác làm tăng chất thải ra môi trường. Hầu hết chất thải không được thu gom, xử lí mà đổ trực tiếp vào ao, hồ xung quanh người dân ở. Sự đan xen các cơ sở hoạt động sản xuất nhỏ với các gia đình dân cư nông thôn tuy chỉ gây ô nhiễm cục bộ, quy mô không lớn nhưng vì phân bố rải rác nên có thể tác hại trên diện rộng [13]. Tại các làng nghề Hà Tây đã xuất hiện các dạng ô nhiễm môi trường. Không khí bị ô nhiễm về nhiệt, tiếng ồn, hơi độc, bụi khói…gây ra các loại bệnh về hô hấp, viêm xoang, bụi phổi sillic và 90% số lao động thường xuyên trong các làng nghề sản xuất các loại sản phẩm công nghiệp bị mắc bệnh; không gian thì ngày càng thu hẹp vì bị chiếm dụng để xây dựng các cơ sở sản xuất, để chứa nguyên liệu, chất đốt, sản phẩm và chất thải đủ các loại. Đất và nước mặt đang bị chất thải rắn và nước thải xâm hại ở hầu hết các làng nghề. Nước ngầm ở nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề về mặt sinh học và hoá học. Một số làng trước đây đã xây dựng hệ thống cống rãnh thì nay mất tác dụng do bị chất thải rắn lấp, gây ngập úng sau mỗi trận mưa. Nước thải không được xử lý chứa các hoá chất vô cơ, hữu cơ độc hại từ các làng nghề đổ trực tiếp vào hệ thống cống đã xuống cấp để chảy ra mương thoát hoặc đổ trực tiếp ra ao, hồ và khu vực lân cận gây ô nhiễm môi trường và các bệnh về tiêu hoá, gây mất cân bằng sinh thái. Chính vì vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải làng nghề Hà Tây đã và đang trở thành vấn đề bức bách cần được quan tâm giải quyết. I.3.1. Môi trường nước: Ngày nay, nhu cầu về sử dụng nước ở các làng nghề Hà Tây ngày càng lớn, cho nên lượng nước thải được thải ra môi trường ngày càng nhiều và mức độ ô nhiễm ngày càng tăng. Tuỳ theo đặc điểm sản xuất của mỗi làng nghề mà nước thải mỗi làng có những đặc trưng riêng. - Các làng nghề dệt nhuộm, mây tre đan (Vạn Phúc, Phú Nghĩa, Hoàng Dương, Lam Điền…): nước thải phát sinh chủ yếu ở các khâu như nấu giặt, tẩy, nhuộm…có độ màu, hàm lượng COD, BOD, TS cao và chứa nhiều hoá chất độc hại… - Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm (Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai…): phần lớn các công đoạn đều có nước thải đặc biệt là các khâu như rửa, lọc tách bã, lắng…Đặc điểm của nước thải loại này là có hàm lượng chất hữu cơ rất cao, BOD, COD, SS thường vượt TCCP nhiều lần. Ô nhiễm do các chất hữu cơ thường ở các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm và sản xuất chế biến gỗ, mây tre đan bởi nước thải của làng nghề này thường có hàm lượng chất hữu cơ rất cao, dễ bị phân huỷ. Nước thải không được xử lý chảy trực tiếp vào cống rãnh, ao hồ, hàm lượng chất hữu cơ trong nước thải rất lớn vượt quá khả năng phân huỷ, đồng hoá của các vi sinh vật cũng như các loài động, thực vật thuỷ sinh gây hiện tượng phú dưỡng. Ô nhiễm môi trường nước đã tác động xấu đến các thuỷ vực. Chỉ riêng làng chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu–Hoài Đức thải ra hơn 7 nghìn m3 nước thải/ngày đêm, các chỉ tiêu COD, BOD, SS đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân [15]. - Các làng nghề tái chế, mạ kim loại (Phùng Xá, Đa Sỹ, Liễu Nội, Dụ Tiền…): Tuy lượng nước thải không lớn nhưng lại có tính độc hại rất cao, đặc biệt là nước thải mạ điện có đặc điểm là độ pH dao động lớn, chứa kim loại nặng và nhiều hoá chất… Ô nhiễm nguồn nước do tác nhân là các hợp chất vô cơ độc hại như acid, xút, các muối kim loại nặng… thường thấy ở các làng nghề cơ khí, mạ, đúc, tẩy nhuộm. Đây là những chât thải nguy hại, không những gây tác động trực tiếp tới các nguồn nước mặt mà còn ảnh hưởng tới các nguồn nước ngầm, gây nhiều bệnh hiểm nghèo cho nhân dân làng nghề. Kết quả khảo sát môi trường nước một số làng nghề Hà Tây được trình bày trong bảng I.5 cho thấy hoạt động của làng nghề Hà Tây đã làm ô nhiễm nguồn nước, phần lớn các chỉ tiêu đều vượt so với tiêu chuẩn cho phép nhiều lần như BOD, COD, SS, Coliform, đặc biệt là hai làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu–Hoài Đức và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc–Hà Đông. I.3.2. Môi trường không khí: Môi trường không khí được đặc biệt quan tâm ở các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, sơn mài… Ví dụ như làng nghề sơn mài Duyên Thái, do quá trình sử dụng than, dầu với số lượng lớn đã tạo ra các khí như SO2, CO2, CO, NOx, ngoài ra còn do sử dụng các hoá chất bay hơi như HCl, H2SO4, alđêhyt, axêtôn… Ô nhiễm môi trường không khí do tác nhân bụi thường thấy ở hầu hết các làng nghề ở các mức độ khác nhau. Làng nghề cơ khí, dệt, sản xuất đồ mộc có hàm lượng bụi cao nhất. Ví dụ ở làng nghề mộc Chàng Sơn-Thạch Thất có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3 –5 lần [4]. Ô nhiễm môi trường do tiếng ồn tập trung ở một số làng nghề như cơ kim khí, mộc, dệt nhuộm. Các thiết bị gây ồn là máy cưa, máy bào, máy cán sắt, máy đột dập, máy dệt…Kết quả đo tiếng ồn ở các làng nghề cơ kim khí tỉnh Hà Tây đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,2–1,5 lần. Hiện nay, hầu hết các làng nghề Hà Tây đều chưa có một biện pháp nào để giảm thiểu lượng khí thải dù là đơn giản nhất. Các loại khí này hầu hết chưa được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường xung quanh gây biến đổi thành phần môi trường không khí của làng nghề. Vấn đề ô nhiễm khí tại các làng nghề Hà Tây ngày càng trở nên trầm trọng, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của nhân dân. Kết quả khảo sát môi trường không khí một số làng nghề tỉnh Hà Tây được trình bày trong bảng I.6 cho thấy phần lớn các làng nghề đã có nồng độ CO và tiếng ồn vượt tiêu chuẩn cho phép. Các thông số khác đều thấp hơn tiêu chuẩn cho phép nhưng có nồng độ tương đối cao như bụi, NO2. Điều đó chứng tỏ hoạt động của làng nghề Hà Tây đã và đang làm giảm chất lượng môi trường không khí xung quanh. I.3.3. Chất thải rắn: Hoạt động của các làng nghề tỉnh Hà Tây đã phát thải ra môi trường hàng nghìn tấn chất thải rắn mỗi ngày. Lượng chất thải rắn này hầu như không được thu gom và đổ bừa bãi ra rệ đường, bờ sông, ao, hồ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cảnh quan làng nghề, làm ô nhiễm môi trường đất, nước mặt và nước ngầm… Bảng I.7: Ước tính lượng chất trải rắn tại một số làng nghề tỉnh Hà Tây. TT Làng nghề khảo sát Thành phần chủ yếu Tải lượng (tấn/năm) 1 Nông sản thực phẩm Dương Liễu – Hoài Đức Bã sắn, rong; Xỉ than; Rác sinh hoạt 21657 2 Dệt lụa Vạn Phúc – Hà Đông Xỉ than; Rác sinh hoạt 750 3 Mây tre đan Phú Nghĩa – Chương Mỹ Xỉ than; Đầu mẩu tre, nứa; Rác sinh hoạt 1250 4 Sơn mài Duyên Thái – Thường Tín Xỉ than; Rác sinh hoạt 1460 5 Mộc Chàng Sơn – Thạch Thất Xỉ than; Cám cưa; Rác sinh hoạt 2620 Ô nhiễm môi trường bởi nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại ở làng nghề Hà Tây đang ngày càng trầm trọng. Tỷ lệ mắc bệnh ở các làng nghề thường cao hơn so với các địa phương không có nghề, đặc biệt là các bệnh da liễu, bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt…Tỷ lệ mắc bệnh của nhân dân các địa phương được đưa ra trong bảng I.8. Hiện nay các cơ chế chính sách về công tác quản lý môi trường nói chung, cho những vùng làng nghề nông thôn nói riêng chưa có nhiều hoặc chưa được cụ thể hoá. Do đó nhiều người có tư tưởng cho rằng việc quản lý môi trường nông thôn chưa phải là vấn đề cấp bách cần đặt ra. Lực lượng tổ chức thực hiện việc quản lý môi trường ở cơ sở còn quá thiếu. Tại các huyện chỉ có một người làm công tác kiêm nhiệm công việc quản lý môi trường. Người này, có huyện là cán bộ trong phòng thi đua, có huyện là cán bộ trong phòng kế hoạch… họ không được hưởng thù lao trong công tác kiêm nhiệm. Đến xã thì hoàn toàn không có người nào chuyên làm công việc quản lý môi trường. Cho nên việc tổ chức chỉ đạo và đặc biệt là thực hiện công việc quản lý môi trường gặp nhiều khó khăn [10]. I.4. Hiện trạng sản xuất và môi trường các làng nghề cơ kim khí -tỉnh Hà Tây. I.4.1. Đặc điểm về các làng nghề cơ kim khí ở tỉnh Hà Tây. Tính đến năm 2000, Hà Tây có 8 làng nghề cơ kim khí được phân bố ở các huyện như: làng nghề cơ kim khí nông cụ Vĩnh Lộc–xã Phùng Xá–huyện Thạch Thất; làng nghề rèn Đa Sỹ–xã Kiến Hưng–thị xã Hà Đông; làng nghề kim khí Rùa Thượng, kim khí thôn Gia Vĩnh, kim khí thôn Rùa Hạ, kim khí thôn Dụ Tiền, kim khí thôn Từ Am–xã Thanh Thuỳ–huyện Thanh Oai; làng nghề kim khí thôn Liễu Nội–xã Khánh Hà–huyện Thường Tín. Sản phẩm của các làng nghề cơ kim khí Hà Tây được thể hiện ở bảng I.9. Bảng I.9: Ước tính sản phẩm của một số làng nghề kim khí tỉnh Hà Tây TT Làng nghề Sản Phẩm Đơn vị Sản lượng 1 Phùng Xá Đinh, bản lề, dây thép, cửa hoa, cửa sếp, thép xây dựng Tấn/năm 50.000 2 Đa Sĩ Dao, kéo các loại Sản phẩm/năm Trên 6 triệu 3 Liễu Nội Quang sắt, lò so, chân chống xe đạp, xe máy, khoá dây… Sản phẩm/năm 1,8 triệu 4 Rùa Hạ Bản lề, cửa hoa, cửa sếp, phụ tùng xe đạp, đồ điện… Tấn/năm 11.000 5 Rùa Thượng Đinh, bản lề, đồ điện, chi tiết xe đạp, xe máy… Tấn/năm 4.800 Làng rèn Đa Sỹ có nghề rèn truyền thống đã hình thành và phát triển hàng trăm năm nay. Trước năm 1996, cả làng chỉ có hơn 300 lò rèn, sản lượng trung bình/năm làm ra chỉ hơn 2 triệu sản phẩm. Những sả._.n phẩm này được một số gia đình khá giả làm nhiệm vụ thu gom và tiêu thụ khắp cả nước. Đến năm 2000, số lò rèn trong thôn đã phát triển lên hơn 500 lò, đa số các lò đã đưa máy móc vào sản xuất, nâng sản lượng năm 2000 đạt trên 6 triệu sản phẩm. Nhờ vậy, đời sống nhân dân đã được cải thiện, sản phẩm làm ra tạo được uy tín rộng khắp cả nước. Làng nghề kim khí Rùa Thượng trước đây sản phẩm chủ yếu là đinh, bản lề, yên xe đạp. Đến nay với quy mô sản xuất lớn hơn, làng nghề đã có nhiều thay đổi. Một số hộ đã đầu tư máy công cụ, máy đột dập trăm tấn tạo dây chuyền sản xuất khép kín làm phong phú thêm các mặt hàng. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, còn có các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật liệu đồ điện, các chi tiết xe đạp, xe máy với hàng ngàn mẫu mã đa dạng, phong phú, thích ứng với thị trường trong nước. Làng nghề kim khí thôn Gia Vĩnh, từ những sản phẩm đơn giản như đinh bản lề…đến nay bằng sự cần cù sáng tạo của người dân, cộng với sự đầu tư một số máy móc cho sản xuất nên sản phẩm làm ra đã rất đa dạng, thu hút hơn 70%số lao động trong thôn. Bằng sự phấn đấu của mình, sản phẩm kim khí truyền thống của Gia Vĩnh đã được tiêu thụ rộng rãi trên khắp cả nước. Làng nghề kim khí thôn Rùa Hạ, với hơn 80% số hộ sản xuất, quy mô sản xuất thành nhà xưởng, các dây chuyền sản xuất khép kín, làng nghề ngày càng phát triển. Sản phẩm rất đa dạng gồm: bản lề, cửa hoa, cửa xếp, phụ tùng xe đạp, đồ điện gia dụng …có chất lượng cao, thích ứng với thị trường trong nước. Làng nghề kim khí thôn Dụ Tiền, từ chỗ công nghệ thủ công, nay đã được cơ khí hoá, điện khí hoá. Sản phẩm làm ra với nhiều mẫu mã phong phú, chất lượng ổn định như các chi tiết xe đạp, xe máy, vật liệu xây dựng, vật liệu đồ điện… được thị trường trong nước ưa chuộng, đã giải quyết công ăn việc làm cho phần đông lao động trong thôn. Làng nghề kim khí thôn Từ Am, bằng sức sống của mình, đến nay, nghề truyền thống đã giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động trong thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo, xoá tệ nạn xã hội. Điều đáng nói là quy mô sản xuất gia đình được nâng thành từng cơ sở sản xuất có từ 5 đến 30 lao động, với sự đầu tư trang thiết bị sản xuất tiên tiến, đã tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao: vật liệu điện, chi tiết xe đạp, xe máy… thích ứng với thị trường trong nước. Làng nghề kim khí thôn Liễu Nội, hiện nay sản phẩm chủ yếu là lò so chân trống xe máy, xe đạp, lò so để làm xương ghế. Nhiều gia đình đã bắt đầu sản xuất một số chi tiết phụ của xe máy, xe đạp, khoá dây…Nghề cơ khí ở đây chủ yếu vẫn làm thủ công, trang bị máy móc còn rất ít. Làng nghề cơ kim khí Phùng Xá: Đây là làng nghề cơ kim khí lớn nhất tỉnh Hà Tây. Nghề có từ lâu đời nhưng trước đây chỉ dừng ở việc sản xuất cày bừa, cuốc, xẻng. Sau này đã phát triển sản xuất xe cải tiến, bản lề, cửa xếp, xiên hoa. Mấy năm trở lại đây, làng nghề nấu thép, cán thép, làm ống nước và còn có tới gần 40 bể mạ, nghĩa là khép kín dây chuyền sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối. Người ta thu mua phế liệu không phải chỉ là sắt thép vụn, mà cả téc xăng cũ, bánh xích xe tăng về tái chế, nấu luyện lại. Điều đó chứng tỏ trang thiết bị máy móc, công nghệ ở đây đã được công nghiệp hoá rất nhiều so với các làng nghề cơ khí khác. Hiện tại làng nghề Phùng Xá đang phát triển và dự định quy hoạch thành cụm công nghiệp [1, 5]. Sự phát triển làng nghề cơ kim khí tỉnh Hà Tây đã có nhiều bước tiến về công nghệ cũng như sản phẩm. Tuy nhiên, hoạt động của làng nghề cơ khí Hà Tây còn tồn tại những bất cập sau: - Công nghệ sản xuất lạc hậu; điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ lao động và mặt bằng dân trí thấp; những hạn chế về khả năng đầu tư, điều kiện cạnh tranh trên thị trường…làm tăng mức phát thải, lãng phí vật tư và ô nhiễm môi trường. - Lực lượng lao động thủ công còn chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động ở các làng nghề, điều đó làm tăng áp lực về dân số ở khu vực làng nghề, tác động đến môi trường kinh tế, xã hội. - Những hạn chế trong công tác quản lý, ý thức và trách nhiệm cộng đồng đã cản trở việc thực hiện các biện pháp quản lý và bảo vệ môi trường ở các làng nghề. Thêm vào đó chúng ta chưa có biện pháp quản lý và xử lý môi trường hiệu quả, nhất là các làng nghề sản xuất vật liệu kim loại. - Máy móc thiết bị sử dụng trong các làng nghề phần lớn là loại cũ, mua từ Trung Quốc hoặc mua thanh lý từ các nhà máy của Việt Nam, một số là sản phẩm tự tạo. Các thiết bị này lạc hậu, chắp vá, năng suất thấp và mức độ gây ô nhiễm môi trường cao. Tình hình hoạt động của các làng nghề cơ kim khí tỉnh Hà Tây được đưa ra ở bảng I.10. I.4.2. Vấn đề môi trường trong các làng nghề cơ kim khí. Tác động đến môi trường đất, nước, không khí: Môi trường đất chịu tác động của các chất độc hại từ các nguồn thải đổ bừa bãi và nước mưa bị nhiễm bẩn ngấm xuống. Dải đất phía sau các hộ sản xuất đều bị bỏ hoang do ô nhiễm. Ước tính trong khoảng 5 đến 7 năm tới, diện tích đất canh tác và mặt nước liền kề các hộ sản xuất sẽ bị san lấp hoàn toàn hoặc không sử dụng được. Nước thải, nước mưa mang theo các chất độc hại làm ô nhiễm hệ thống nước mặt, nước ngầm. Môi trường không khí tại khu vực làng nghề bị ô nhiễm nặng do bụi và khí thải, tiếng ồn, nhiệt độ cao từ các lò đúc, cán thép, máy cắt cóc, dập đinh, xưởng mạ và hoạt động giao thông vận tải. Do hạn chế về vốn và kỹ thuật, ở các làng nghề cơ kim khí hiện nay chưa xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, khói bụi độc hại. Khu vực sản xuất thiếu sự quy hoạch tổng thể. ở một số làng nghề cơ kim khí đã có sự báo động xuống cấp và nạn ô nhiễm môi trường hết sức nặng nề. Hầu hết các cơ sở sản xuất chỉ lo sản xuất kinh doanh, không chăm lo đến bảo vệ môi trường sinh thái. Nhiều nơi quy mô đã vượt quá sự chịu đựng của môi trường. Những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khoẻ cộng đồng đang trở thành những vấn đề bức xúc ở các khu vực này. Các hoạt động sản xuất của làng nghề đã làm ô nhiễm và thay đổi hoàn toàn môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực. Vật tư, sản phẩm và các loại chất thải đổ xung quanh nơi sản xuất và cả trên đường giao thông; các nhà ở và xưởng sản xuất xen nhau, bụi, mức ồn cao và liên tục…, đã tạo nên một khung cảnh hỗn loạn và ô nhiễm. Môi trường lao động: An toàn và sức khoẻ của người lao động trong làng nghề không được đảm bảo. Số giờ làm việc liên tục trung bình mỗi ngày 10–12 giờ trong điều kiện diện tích làm việc chật hẹp, mức ô nhiễm cao. Trong các nhà xưởng không có sự chuẩn bị nào cho an toàn cháy nổ, mặc dù trong các làng đều tiềm tàng những nguy cơ gây cháy nổ do điện, lò, hoá chất…Trong các nhà mạ kẽm, các loại hoá chất độc hại như axit, muối gốc xyanua, muối kim loại không được bảo quản đúng quy định. Hầu hết công nhân làm việc trong điều kiện thiếu hiểu biết về nghề nghiệp và an toàn lao động; không có trang bị bảo hộ lao động, do đó sức khoẻ suy giảm nhanh, tai nạn lao động xảy ra hàng ngày. ở các lò nấu thép, xưởng mạ, sau thời gian làm việc lâu nhất là 5 năm, người lao động buộc phải bỏ việc vì không đủ sức khoẻ. Tác động tới sức khoẻ cộng đồng: Tất cả các yếu tố trên tác động trực tiếp và thường xuyên tới người lao động và dân cư trong làng nghề. Các bệnh thần kinh, đường hô hấp, ngoài da, khô mắt, điếc… chiếm tỷ lệ trên 60% tổng số dân cư trong khu vực làng nghề. Đặc biệt là tỷ lệ mắc bệnh trên ở nhóm người tham gia sản xuất và không tham gia sản xuất tương đương nhau. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do khu sản xuất vẫn đan xen lẫn với khu dân cư, hoạt động sản xuất thường trong khuôn viên hộ gia đình nên khả năng tiếp xúc với các chất thải của người tham gia sản xuất và người không tham gia sản xuất là tương đương nhau. Chương II : Một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với ngành nghề cơ kim khí. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề nói chung và làng nghề cơ kim khí nói riêng, cần thực hiện tốt việc quản lý và bảo vệ môi trường. Các địa phương có làng nghề cần sớm tiến hành các biện pháp về quản lý và kỹ thuật cụ thể, phù hợp với quy mô và khả năng của mình. Sau đây, là một số biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề sản xuất cơ kim khí : II.1. Biện pháp quản lý: II.1.1. Thu gom rác thải. Mỗi một xã có làng nghề sản xuất cơ khí nên thành lập một bộ phận, tổ vệ sinh môi trường được trang bị xe trở rác, dụng cụ lao động,…Công việc của là thu gom, chở rác thải ra bãi rác của xã và nạo vét cống thoát nước . Việc trả lương cho đội ngũ này được thu từ đóng góp của các hộ dân. Ví dụ như: 5000 đồng/tháng đối với hộ không sản xuất và 25000 đồng/tháng đối với các hộ sản xuất. II.1.2. Bố trí bãi rác hợp vệ sinh: Trong điều kiện hiện tại của địa phương, các loại rác thải sinh hoạt và sản xuất được thải bừa bãi ra môi trường như đường đi, bờ ao, mương…Vì vậy giải pháp trước mắt đối với vấn đề này là lưạ chọn, bố trí một bãi đổ rác hợp vệ sinh. Bãi rác được chọn nên là khu đất có khả năng canh tác kém, cách xa khu dân cư, cuối hướng gió chủ đạo thổi vào làng và có diện tích hợp lý đáp ứng được quy mô của làng nghề… II.1.3. Vệ sinh hệ thống thoát nước. Hệ thống thoát nước tại các làng nghề cơ khí hiện nay thường có đặc điểm là các cống rãnh hở, nhiều khi còn chưa được bê tông hoá. Do đó để hệ thống thoát nước hoạt động tốt, lâu dài cần có hình thức vệ sinh thường xuyên. Bùn thải được đưa đến một khu xử lý riêng của bãi rác. Hệ thống mương rãnh nên tốt nhất là có nắp đậy và được cải tạo nâng cấp định kỳ. II.1.4. Thành lập bộ phân chuyên trách về môi trường. Trong làng nghề, cần có bộ phận chuyên trách về môi trường và an toàn lao động nhằm giám sát và quản lý chất lượng môi trường. Các địa phương cần đưa ra các quy định về quản lý bảo vệ môi trường, các cán bộ kỹ thuật chuyên trách về môi trường sẽ giúp các cấp quản lý nắm vững tình hình thực hiện các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường và xử lý chất thải. Chính quyền địa phương cần phối hợp thực hiện với các cơ quan chức năng về quản lý môi trường của tỉnh. Cần xây dựng phương án kiểm tra chất lượng môi trường làng nghề một cách hệ thống và duy trì đều đặn. II.1.5. Lập quỹ bảo vệ môi trường. Để thực hiện những biện pháp khắc phục các tác động tiêu cực của các hoạt động sản xuất đến môi trường, cần có kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường. Hơn nữa, việc này còn có tác động đến ý thức người sản xuất đề bảo vệ môi trường một cách thường xuyên. Ngân sách này có thể thu từ các hộ sản xuất tuỳ theo mức độ sản xuất của mỗi hộ. Tuy nhiên, do đây chỉ là sản xuất nhỏ nên số kinh phí này cần được hỗ trợ của nhà nước cũng như các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Ngân sách với các nguồn kinh phí chủ yếu là: chi phí cho trồng cây xanh và bảo vệ môi trường, chi phí cho việc vệ sinh môi trường làng nghề, chi phí cho việc kiểm tra giám sát chất lượng môi trường làng nghề, chi phí cho việc mời tư vấn phổ biến các biện pháp cải thiện môi trường, phát triển sản xuất, nâng cao nhận thức môi trường,… II.1.6. Giáo dục môi trường. Giáo dục môi trường là tạo nên trong nhân dân ý thức quan tâm đến môi trường. Với nhân thức và trách nhiệm của mình góp phần vào bảo vệ và cải thiện môi trường. Giáo dục môi trường bao gồm các mục tiêu sau: - Giúp người dân có ý thức về môi trường và các vấn đề liên quan, có thái độ bảo vệ lợi ích môi trường để họ tham gia tích cực vào giữ gìn vệ sinh môi trường. - Trang bị cho người dân những kiến thức về môi trường và những vấn đề giải pháp có liên quan, giúp họ có những trách nhiệm và thói quen cần thiết để có các giải pháp giải quyết vấn đề môi trường mà họ gặp. II.1.7. Giải pháp quy hoạch. Một đề án quy hoạch phát triển đúng đắn sẽ mở ra khả năng phát triển một cách hài hoà của làng nghề, bên cạnh đó còn góp phần cải thiện chất lượng môi trường cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nói chung và quản lý môi trường nói riêng. Một vài điểm cần lưu ý trong quy hoạch và lựa chọn địa điểm đặt khu sản xuất và bãi rác: - Nên bố trí các cụm sản xuất tập trung, tránh tình trạng phân tán gây khó khăn cho việc thu gom và xử lý chất thải, cũng như để tạo sự thuận tiện trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. - Do đặc điểm sản xuất của ngành gia công cơ khí tại các làng nghề là phát sinh nhiều khí thải độc hại, nên trong đề án quy hoạch tổng thể cần thiết phải chú ý dến các đặc điểm về đặc trưng khí hậu, hướng gió chủ đạo…Nơi được chọn nên là cuối hướng gió hoặc tránh được những hướng gió chủ đạo Đông Nam, Đông Bắc thổi vào làng. - Các địa phương có làng nghề cần có phương án tách khu sản xuất ra khỏi khu dân cư, quy hoạch xây dựng hợp lý điểm công nghiệp làng nghề mới và có kế hoạch quản lý môi trường cụ thể. - Nơi được chọn phải là khu vực có hiệu quả canh tác kém và cách xa khu dân cư. - Nơi được chọn phải thuận lợi cho việc giao thông và giao lưu buôn bán. Hạ tầng cơ sở như đường xá, điện, nước, nhà xưởng ngay từ đầu cần phải được xây dựng và trang bị hợp lý II.2. Biện pháp kỹ thuật. II.2.1. Các giải pháp mang tính phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm. Đây là những giải pháp mang tính chủ động phòng ngừa theo hướng sản xuất sạch hơn để tiết kiệm, giảm định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu và năng lượng, giảm phát thải các chất ô nhiễm ngay từ đầu nguồn. Các giải pháp mang tính phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm có thể bao gồm: - Hoàn chỉnh các dây chuyền sản xuất cơ khí, xác định nguồn phát sinh chất thải và nguyên nhân. - Tăng cường bảo ôn các thiết bị và định mức sử dụng hợp lý nguyên nhiên liệu… - Thay đổi nhiên liệu: sử dụng loại than có hàm lương lưu huỳnh thấp, sử dụng dầu DO thay cho than nhằm giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường… - Cải tiến công nghệ: sửa chữa và thay mới các chi tiết, thiết bị đã cũ và lạc hậu nhằm giảm tiêu hao năng lượng, chi phí sản xuất cũng như giảm phát sinh các chất ô nhiễm… II.2.2. Các giải pháp xử lý chất thải. Đây là những giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm ra môi trường xung quanh thông qua các hệ thống thu gom và xử lý nước thải, khí thải cũng như quản lý chất thải rắn. Các hệ thống này chủ yếu phải đạt yêu cầu nhỏ gọn, phù hợp với quy mô sản xuất và diện tích chật hẹp của làng nghề, không làm phát sinh chất thải mới…Các giải pháp có thể bao gồm: [15] - Đối với các lò đúc, cán, ủ kim loại: + Xây dựng hệ thống xử lý bụi và khí SO2 bằng tháp rửa, dùng dung dịch nước vôi. + Quy định các bãi tập kết xỉ than, xỉ kim loại để sử dụng làm vật liệu san nền. - Nước thải sản xuất của các làng nghề cơ khí thường chứa các kim loại nặng như Zn, Ni, Cu, Fe, Pb, Cr…với hàm lượng cao. Chúng có thể được xử lý bằng các phương pháp kết tủa, điện hoá, hấp phụ, trao đổi ion, trích ly hoá học và phương pháp sinh học. Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm, tuy nhiên đối với các làng nghề này thì xử lý nước thải bằng phương pháp kết tủa là thích hợp hơn cả, vì nó có chi phí thấp và vận hành hệ thống đơn giản, phù hợp với khả năng kinh tế còn rất hạn hẹp của làng nghề. Nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là tạo ra chất ô nhiễm thứ cấp bùn thải lớn. - Các thùng chứa axit, hoá chất mạ phải được bảo quản đúng quy định (có nắp kín, có nhãn ghi tên hoá chất rõ ràng); cặn mạ kẽm phải được chôn lấp theo đúng quy định đối với chất thải độc hại. - Bố trí tập trung các hộ có máy cắt kim loại vào một khu cách xa các khu khác để giảm tiếng ồn cho xung quanh; đặt các quạt thông gió tại các vị trí công nhân đổ khuôn, nấu thép, các lò ủ thép, máy cắt kim loại, các xưởng mạ kẽm; trang bị bảo hộ lao động cần thiết và thích hợp cho công nhân ở từng khâu sản xuất. Ngoài ra, cần nâng cấp và thường xuyên tu sửa các đoạn đường vận chuyển. Tổ chức phun nước chống bụi nhiều lần trong ngày. Đình chỉ hoạt động của các phương tiện vận chuyển có chất lượng quá kém. Các cơ sở sản xuất phải xây dựng mái che và bờ ngăn nước cho các bãi chứa nguyên vật liệu, sản phẩm để giảm tối thiểu lượng nước mưa chảy tràn qua.  Chương III Hiện trạng sản xuất và môi trường làng nghề cơ kim khí phùng xá III.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội xã Phùng Xá. Xã Phùng Xá thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 25 km về phía Tây. - Phía Bắc giáp với xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất - Phía Nam giáp với xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai. - Phía Đông giáp với xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai. - Phía Tây giáp với xã Bình Phú, huyện Thạch Thất Với diện tích đất tự nhiên 440 ha, bao gồm hai thôn là thôn Vĩnh Lộc và thôn Bùng, trong đó có 304 ha đất canh tác nông nghiệp. Phùng Xá là một vùng đất trũng và bằng phẳng nên hệ thống ao, hồ khá dày đặc được phân bố tương đối đều trong xã. Phía Tây địa phận xã có sông Đồng Mô chảy qua cung cấp toàn bộ nước tưới tiêu nông nghiệp cho toàn bộ xã. Phùng Xá là một vùng đất cổ, đất chật người đông, hiện nay dân số trong xã là 9491 khẩu. Người dân sống ở đây thường có quan hệ huyết thống, quan hệ làng xóm láng giềng rất thân mật. Các công trình hạ tầng như điện đường, trường trạm đã được xây dựng theo hướng kiên cố hoá. Trường học các cấp I và II đủ cho học sinh học một ca, nhà trẻ mẫu giáo, trạm y tế, nhà văn hoá được xây dựng khang trang. Hệ thống đường làng, ngõ xóm hầu hết đã được mở rộng, được lát gạch và bê tông hoá nên rất thuận tiện cho giao thông vận chuyển nguyên vật liệu và đi lại của người dân. Tám trạm điện trong đó có một trạm điện tư nhân, với tổng công suất 2450 KVA, đã đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong xã [9]. Xuất phát từ nơi có ruộng đất ít, người dân Phùng Xá đã duy trì và phát triển ngành nghề sản xuất cơ kim khí và nghề mộc tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập cho người dân. Nhờ đó mà đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao, không còn hộ nào ở nhà tranh, nhiều ngôi nhà cao tầng đua nhau mọc lên, số hộ giàu và khá tăng lên và không còn hộ đói. Hiện nay, xã có 2202 hộ, trong đó số hộ sản xuất CN–TTCN là 1747 chiếm tỷ lệ 79%; tổng số lao động là 4151 người, trong đó số lao động tham gia sản xuất CN–TTCN là 3672 người chiếm tỷ lệ 88%; tổng giá trị sản xuất là 45,5 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất CN–TTCN là 35 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 77%; thu nhập bình quân là 2,54 triệu đồng/người/năm [5]. TT Danh mục Đơn vị Năm 1999 Năm 2000 Năm 2001 1 Dân số Người 9206 9341 9491 2 Số hộ Hộ 2032 2112 2202 3 Số hộ sản xuất CN-TTCN Hộ 1401 1504 1747 4 Số lao động Người 3745 3929 4151 5 Số lao động sản xuất CN-TTCN Người 2917 3205 3672 6 Tổng giá trị sản xuất Tỷ đồng 31 38 45,5 7 Giá trị sản xuất CN-TTCN Tỷ đồng 25,5 29 35 8 Thu nhập bình quân đầu người/năm Triệu đồng 2,2 2,34 2,54 Bảng III.1: Tình hình kinh tế-xã hội xã Phùng Xá Hàng năm vào các dịp lễ tết, hội làng được tổ chức do ban lễ hội của làng dưới sự lãnh đạo của ủy ban nhân dân xã và sự tham gia của các đoàn thể, các tổ chức và toàn thể nhân dân trong làng. Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, thành kính, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, đồng thời tổ chức những hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao vui tươi lành mạnh như: đánh cờ, vật cổ truyền, thổi cơm thi…[1]. III.2. Sự phát triển của làng nghề Phùng Xá Tương truyền rằng từ xa xưa, cụ Trạng Bùng-Phùng Khắc Khoan sau khi đi sứ nước tàu về đã hướng dẫn lại cho người dân thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá huyện Thạch Thất nghề cơ khí, sản xuất cày, bừa, cuốc, xẻng. Tại đây đã có nhà thờ phường bừa mà trước đây vào dịp tết Âm lịch người dân ở đây vẫn tổ chức hôị thi cày, bừa để chọn ra người giỏi nhất làng. Sinh hoạt của phường bừa được duy trì hàng năm, tại đó người ta có tổ chức lễ hội, ôn lại lịch sử nghề truyền thống của làng. Nghề sản xuất cày bừa ở đây ngày càng thịnh đạt phát triển khắp làng, với thêm nhiều mặt hàng thông dụng như bản lề, cửa xếp, cửa hoa, sắt cây, ống nước … được nhân dân cả nước biết đến. Vào thời kỳ trước những năm 1957-1958, nghề cơ kim khí ở làng không được phát huy buộc người dân Phùng Xá đua nhau đi khắp nơi mở xưởng cơ khí làm ăn xa quê để kiếm sống. Vào những năm 1970, kinh tế hợp tác xã phát triển, nghề kim khí lại lên ngôi. Trước đó, nông dân Phùng Xá vẫn phải nhập sắt, gang, răng bừa từ nơi khác đưa về. Thời gian này, cày bừa Phùng Xá bán rất chạy, sản phẩm của làng nghề đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước để phục vụ sản xuất. Từ những năm 1980, cơ chế thị trường mở ra hướng làm ăn mới cho dân làng Phùng Xá. Một số lò nấu thép, đúc gang, cán kéo sắt thép đã ra đời để sản xuất dụng cụ cày bừa như lưỡi cày, răng bừa. Phùng Xá đã sản xuất thêm được loại máy tuốt lúa với ưu điểm nhẹ, dễ mang vác lại ít tiếng ồn được cả nước biết tiếng. Những sản phẩm có tiếng càng thôi thúc người dân làng Phùng Xá vươn xa hơn, tìm tòi ra những sản phẩm mới. Từ năm 1994 cả làng nghề Phùng Xá thêm sôi động hẳn lên khi người dân bắt đầu tiếp thu công nghệ mới, mạnh dạn đầu tư vào xây dựng lò nấu sắt. Người dân Phùng Xá đua nhau đi mua gom sắt vụn phế liệu về bán cân cho các chủ xưởng. Lò nấu sắt hoạt động hàng ngày tiêu thụ khoảng 55 tấn sắt thép phế liệu mà vẫn chưa hết công suất hoạt động. Phùng Xá đã vinh dự đón nguyên Tổng Bí Thư Đảng Lê Khả Phiêu và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và nhà nước đến thăm, động viên khích lệ ngành nghề phát triển. Số liệu thống kê cho thấy hiện nay Phùng Xá có tới 641 hộ trở thành ông chủ làm ăn lớn thuê thêm lao động hợp đồng. Sản phẩm ở đây rất đa dạng: sắt cây, bản lề, cửa xếp, xẻng, cuốc, sắt thép xây dựng... Nhiều hộ có vốn lớn đã đầu tư mua các loại máy móc, thiết bị hiện đại về mở xưởng như một cơ sở sản xuất của doanh nghiệp nhà nước. Trước yêu cầu của thị trường, ở Phùng Xá đã có tới 40 lò mạ kim loại được trang bị máy móc kỹ thuật công nghệ vào loại tiên tiến. Nghề cơ khí ở đây đang phát triển với tốc độ chưa từng có, những mặt hàng tưởng như tư nhân không bao giờ làm được thì giờ đây đã sản xuất được và còn phong phú, đa dạng hơn nhiều. Các chủ hộ lớn đã tập trung vốn mở mang nhà xưởng, mua máy móc phương tiện phục vụ cho sản xuất. Nhiều hộ có vốn lớn, có điều kiện đầu tư hàng tỉ đồng đứng ra nhập cả lô tôn lá, tôn tấm, tôn cuốn từ nước ngoài về cung cấp cho các hộ ở xã. Khác với nhiều làng nghề khác, ở Phùng Xá, nghề kim cơ khí duy trì, phát triển quanh năm, không phân biệt mùa vụ, tất cả mặt bằng đều sử dụng phục vụ cho sản xuất. Do nhu cầu công việc sử dụng nhiều lao động nên hiện nay làng nghề Phùng Xá đã thu hút nhiều lao động ở các làng xã khác đến làm thuê. Tiềm lực kinh tế của các hộ ở đây khá mạnh, chỉ cần tham gia các công việc bình thường, bình quân một hộ cũng phải đầu tư từ 25 - 30 triệu mới mở được nghề. Những hộ này phải trang bị nhiều loại máy móc, dụng cụ như máy cán kéo, máy dập, máy cắt… Ngành nghề phát triển, sản phẩm của Phùng Xá có tiếng về bảo đảm chất lượng nên có mặt trên thị trường cả nước. ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, người Phùng Xá đã mở cửa hàng đại lý bán hàng cơ kim khí của mình làm ra. Nhờ phát huy được nghề của cha ông mà kinh tế của Phùng Xá phát triển, đời sống thu nhập của người nông dân ngày một nâng cao. Năm 2001, Phùng Xá đạt tổng giá trị 46 tỷ đồng, trong đó thu từ ngành nghề chiếm 72%, bình quân một lao động khoảng 5 triệu đồng/năm, là xã giàu có của Hà Tây nhờ phát triển ngành nghề [5, 9]. III.3. Hiện trạng sản xuất và môi trường làng nghề cơ khí Phùng Xá. III.3.1. Hiện trạng sản xuất. Làng nghề cơ kim khí Phùng Xá-Thạch Thất đã hình thành những tổ hợp về gia công cơ khí, đúc cán thép nguyên liệu. Tái chế kim loại là một trong những nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, có đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của làng nghề và nâng cao mức sống của người dân. Quá trình sản xuất và phát triển của làng nghề cơ kim khí Phùng Xá đều mang tính kế thừa qua các thế hệ. Sự phân công lao động trong làng nghề là sự kết hợp giữa từng người trong hộ gia đình và các mối quan hệ họ hàng, làng xóm. Hiện nay trình độ tay nghề và công nghệ sản xuất của nhiều chủ hộ đã được nâng cao, có hộ đã sản xuất được cả máy đột dập cung cấp cho các hộ trong làng. Một số công đoạn khó đòi hỏi kỹ thuật cao, vậy mà người dân Phùng Xá vẫn làm được. Đó chính là truyền thống của một làng nghề. Tuy nhiên, về khả năng kinh tế của làng, nhiều hộ còn yếu ít vốn nên chưa sử dụng được các công nghệ mới, công nghệ sản xuất lạc hậu ở đa số các công đoạn, máy móc thiết bị chắp vá, cũ, tự chế tạo lắp ghép hoặc phần lớn đã quá hạn sử dụng hoặc hết khấu hao từ các nhà máy, xí nghiệp cũ thải ra nên hiệu quả không cao ngoại trừ một vài doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư. Lao động phần nhiều vẫn còn mang tính thủ công, chủ yếu vẫn là dùng sức người cho nên công việc đòi hỏi lao động phải có sức khoẻ, vì vậy lực lượng lao động chính trong làng nghề chủ yếu là thanh niên. Trình độ văn hoá của người lao động trong làng nghề còn thấp nên hạn chế khả năng xây dựng kế hoạch cũng như quản lý, khả năng kiểm soát thị trường, tiếp thu cái mới…nên năng suất, chất lượng thấp, dễ bị rủi ro, lãng phí [7]. III.3.1.1. Nguyên, nhiên liệu, hoá chất sử dụng trong làng nghề. Ước tính lượng nguyên, nhiên liệu và hoá chất được sử dụng tại làng nghề Phùng Xá thể hiện qua bảng III.2. - Nguyên vật liệu: Sắt thép phế liệu như vỏ ô tô, vỏ tàu biển cũ, các phế liệu từ các vật gia dụng và các phương tiện sản xuất, máy móc cũ đã bị thải loại. Các phế liệu này được phân thành 3 loại chính sau[3, 7]: + Thép phế liệu có kích thước lớn được đưa đến bãi tập trung và được cắt bằng hơi tới kích thước 3–5 cm chiều ngang rồi đưa vào máy cán. + Thép phế liệu có kích thước trung bình được đưa qua lò nung để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cán được dễ dàng. + Thép phế liệu nhỏ được đưa vào lò luyện thép. Ngoài ra, trong hoạt động của làng nghề còn sử dụng một lượng lớn sắt thép nguyên liệu là tôn được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ước tính hàng năm làng nghề Phùng Xá sử dụng khoảng 20.000 tấn sắt thép nguyên liệu. - Nhiên liệu: Than (than cục và than cám), than củi, dầu dùng để cung cấp cho các lò nung. Ước tính trung bình mỗi năm làng nghề sử dụng khoảng 10.000 tấn than và khoảng 825 tấn dầu. - Năng lượng: Điện năng dùng để cung cấp cho các lò nấu kim loại và cho sinh hoạt được cung cấp từ các trạm điện trong xã. - Hoá chất: Dung dịch mạ kẽm: Kẽm oxit (ZnO), kẽm xianua Zn(CN)2, natri xianua (NaCN), natri sunfua (Na2S), chất hoạt động bề mặt, chất tạo bóng; dung dịch H2SO4, HCl, NaOH … Ngoài ra trung bình mỗi ngày làng nghề còn sử dụng một lượng nước đáng kể (khoảng 900m3) để làm nguội các sản phẩm sau cán, nước làm mát thiết bị và rửa thiết bị. Bảng III.2: Nguyên, nhiên liệu, hoá chất của làng nghề Phùng Xá. TT Nguyên, nhiên liệu, hoá chất Đơn vị Lượng Ghi chú 1 Thép phế liệu tấn/ngày 100 – 120 Thu mua 2 Thép nguyên liệu tấn/ngày 50 – 60 Nhập từ Trung Quốc 3 Than các loại tấn/ngày 25 – 30 Quảng Ninh 4 Dầu tấn/ngày 2,5 5 Điện năng KWh/ngày 7000 – 8000 6 Hoá chất các loại kg/ngày 350 – 400 Trung quốc, Nhật 7 - Nước cho sản xuất - Nước sinh hoạt m3/ngày 1000 – 1200 3700 – 4000 Lấy từ giếng khoan, giếng khơi III.3.1.2. Sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Một số sản phẩm chính của làng nghề Phùng Xá được thể hiện trong bảng III.3. Sản phẩm của làng nghề bao gồm thép xây dựng, thép dây, thép tấm, đinh gim, bản lề, chốt cửa, cửa hoa, cửa xếp…Riêng các loại sản phẩm như dây thép, bản lề, ke, chốt, sau khi định hình xong được đưa qua bể mạ để mạ chống gỉ và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Ước tính hàng năm làng nghề sản xuất ra khoảng 50.000 tấn sản phẩm. Nhiều sản phẩm của làng nghề không những được tiêu thụ tại các tỉnh trong cả nước mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan… như: dây thép, thép xây dựng, bản lề. Bảng III.3: Một số sản phẩm chính của làng nghề Phùng Xá. TT Sản phẩm Đơn vị Sản lượng Ghi chú 1 Bản lề Bộ/năm 1,2 triệu Xuất khẩu 15% 2 Cuốc, xẻng Bộ/năm 7.000 3 Răng bừa Bộ/năm 5.000 4 Dây thép Tấn/năm 350 Xuất khẩu 8 – 15% 5 Sắt thép xây dựng Tấn/năm 20.000 Xuất khẩu 15 – 20% III.3.1.3. Các loại hình sản xuất tại làng nghề Phùng Xá. Hoạt động sản xuất của làng nghề Phùng Xá có thể được chia làm các loại hình sản xuất chính như sau: 1. Gia công kim loại: Phân loại Bụi, rỉ sắt, tiếng ồn Điện năng Sắt phế liệu Nấu Bụi CO, CO2, SO2, NOx, nhiệt, ồn, hơi kim loại Than, điện năng Bán thành phẩm Nước thải chứa dầu Dầu Cán, kéo Thép cuộn Thép tròn xây dựng Thép dẹt, tấm Than, dầu Bụi, CO, SO2, NOx, Nhiệt, ồn, nước thải Gia công sơ bộ Bụi, tiếng ồn Dây chuyền công nghệ gia công kim loại kèm dòng thải được đưa ra ở hình III.1. Hình III.1: Dây chuyền công nghệ gia công kim loại kèm dòng thải. Quá trình sản xuất bao gồm các công đoạn chính như sau: + Phân loại: Sắt phế liệu sau thu mua, được phân loại theo các kích thước khác nhau. Quá trình này được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công. + Gia công sơ bộ: Sau quá trình phân loại, các phế liệu có kích thước lớn được cắt bằng hơi thành kích thước nhỏ hơn, tạo điều kiện cho quá trình nấu. + Nấu: Là quá trình sắt thép phế liệu được nung ở nhiệt độ cao đến nóng chảy bằng điện năng rồi được rót vào khuôn tạo nên những thanh thép. + Cán, kéo: Là quá trình sắt thanh được nung nóng đỏ rồi đưa vào máy cán, máy kéo tạo thành thép dạng dẹt, tấm , thép tròn, cuộn… 2. Sản xuất đinh, dây thép: Dây chuyền công nghệ sản xuất đinh, dây thép kèm dòng thải được đưa ra ở hình III.2. Quá trình sản xuất đinh Quá trình sản xuất đinh bao gồm các công đoạn sau: + Rút dây: Thép cuộn được nung nóng đỏ rồi đưa vào máy rút dây tạo nên các loại dây có đường kính khác nhau. + Đột dập: Là quá trình dây thép được đưa vào máy dập đinh tạo ra sản phẩm cuối cùng là đinh các loại. Nước thải chứa axit, kiềm, Fe2+ Thép cuộn Rút dây Tiếng ồn ủ Dập đinh Tẩy rỉ ồn Làm sạch Axit H2SO4, NaOH Bụi ôxit sắt Nước Mạ kẽm Sản phẩm (dây thép) Sản phẩm (đinh) Nhiệt Dung dịch mạ kẽm Nước thải có chứa Zn2+, Fe2+, xianua Hình III.2: Dây chuyền công nghệ sản xuất đinh, dây thép kèm dòng thải. Quá trình sản xuất dây thép: Quá trình sản xuất dây thép bao gồm các công đoạn sau: + Rút dây: Quá trình này giống như quá trình rút dây trong sản xuất đinh. + ủ: Sau quá trình rút dây, dây thép có nhiệt độ cao, người ta tiến hành ủ để hạ nhiệt độ một cách từ từ. + Tẩy rỉ: Là quá trình loại bỏ rỉ sắt bằng axit H2SO4, NaOH. + Làm sạch: Sau quá trình tẩy rỉ, dây thép lại được là._.pháp kiên quyết, cứng rắn hơn đối với các cơ sở sản xuất, hộ gia đình có ý thức kém, chậm trễ hoặc cố tình không chịu nộp phí vệ sinh hoặc đổ rác bừa bãi. Về phương tiện làm việc và bảo hộ lao động: Uỷ ban nhân dân xã Phùng Xá ban đầu đã hỗ trợ cho những người thu gom rác các phương tiện lao động và bảo hộ lao động bao gồm: xe trở rác, cuốc xẻng, cào, quần áo, găng tay, khẩu trang, ủng, mũ…Các phương tiện và bảo hộ lao động cần được thay định kỳ và trang bị thêm. Về phí vệ sinh: Lương trả cho những người thu gom rác mỗi tháng là 450.000 đồng/người được lấy từ phí vệ sinh. Bên cạnh đó số lượng lao động từ nơi khác đến làm việc thường xuyên tại làng nghề là khá lớn. Số lao động này cũng tạo ra một lượng rác thải đáng kể mà lại không phải đóng phí vệ sinh. Điều bất hợp lý này vừa làm giảm quỹ vệ sinh của làng nghề lại không kích thích được việc nâng cao ý thức trách nhiệm của các lao động ngoài trong việc bảo vệ môi trường tại địa phương. Vì vậy việc thu phí vệ sinh của cả các lao động ngoài thôn nên được áp dụng cho cả những lao động vãng lai này. Chọn địa điểm và vấn đề giữ gìn vệ sinh bãi rác: Hiện nay Xã Phùng Xá đã có một địa điểm đổ rác là một bãi đất chũng rộng khoảng 200m2 ở phía gần giáp danh với xã Hữu Bằng, trước mắt đã giải quyết được vấn đề tập trung rác vào một chỗ. Tuy nhiên, làng chưa có biện pháp xử lý nào cho các chất thải rắn này ngoài việc san ủi khi đầy và được thực hiện không thường xuyên. Vào mùa hè từ bãi rác bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu. Làng Phùng Xá cần có những biện pháp ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực này như: rắc vôi bột lên những lớp rác đã được tập trung để ngăn chặn các côn trùng, ruồi nhặng và chuột, và định kỳ san ủi và lấp lớp phủ lên những ô rác đã được chôn. Trong kế hoạch 5 năm tới, làng nghề Phùng Xá thật sự cần xây dựng một bãi chôn lấp hợo vệ sinh. IV.1.1.2. Hệ thống thoát nước thải. Hệ thống thoát nước của xã Phùng Xá hiện nay có đặc điểm là các cống rãnh hở, phân bố cùng với đường làng, đường liên thôn và cả nước thải sản xuất lẫn nước thải sinh hoạt đều được thoát chung bởi hệ thống cống này. Thêm vào đó, Phùng Xá vẫn còn khoảng 600 m cống rãnh chưa được xây dựng. Do đó, làng nghề Phùng Xá cần tiếp tục hoàn thành, cải tạo và nâng cấp chất lượng hệ thống thoát nước của làng và tiến tới cần phải phân luồng nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt riêng để dễ quản lý và có những biện pháp xử lý thích hợp. Hệ thống thoát nước cũng cần được nạo vét vệ sinh thường xuyên, có định kỳ và bùn thải được đưa đến khu riêng của bãi rác. Hệ thống mương rãnh thoát nước tốt nhất là có nắp đậy và phải có hố ga để tránh hiện tượng ứ đọng nước do rác thải, cát bụi xả vào rãnh thoát nước nhằm đáp ứng được quy mô phát triển của làng nghề. IV.1.2. Thành lập bộ phận chuyên trách về môi trường. Bộ phận chuyên trách về môi trường này có thể bao gồm: - Trưởng thôn và các cán bộ lãnh đạo cấp thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường trên địa bàn thôn. - Cán bộ chuyên môn về môi trường phụ trách và theo dõi về vệ sinh môi trường, giúp trưởng thôn trong việc quản lý tại thôn. Trong làng nghề cần có cán bộ kỹ thuật về an toàn lao động, giám sát và quản lý chất lượng môi trường. Các cán bộ kỹ thuật chuyên trách về môi trường sẽ giúp các cấp quản lý nắm vững tình hình thực hiện các vấn đề có liên quan đến môi trường nhằm kịp thời đưa ra những giải pháp mỗi khi có sự cố trong sản xuất ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Để đảm bảo cho các hoạt động của làng nghề được bình thường, đồng thời khống chế các tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh, làng nghề cần có chương trình giám sát chất lượng môi trường, phối hợp thực hiện với các cơ quan chức năng quản lý môi trường. Cần xây dựng phương án kiểm tra chất lượng môi trường làng nghề một cách hệ thống và duy trì đều đặn. IV.1.3. Giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức của người dân. Giáo dục môi trường là biện pháp quan trọng để nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động để bảo vệ môi trường. Đặc biệt là đối với làng nghề, cần phải có biện pháp giáo dục môi trường một cách thường xuyên đối với toàn bộ làng nghề, từ các cán bộ địa phương tới những người dân cũng như tới các lao động trực tiếp trong làng nghề. Bằng các phương tiện thông tin đại chúng như: loa phóng thanh, pano, áp phích, tờ rơi…,tuyên truyền cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt. Cần giúp cho mọi người nhận thức được rằng môi trường làm việc và môi trường xung quanh cần phải được bảo vệ, trước hết là vì lợi ích của chính họ, sau nữa là vì lợi ích của cộng đồng và các thế hệ tương lai. Nên tổ chức các lớp tập huấn về môi trường để tạo điều kiện cho các cán bộ địa phương và nhân dân trong làng nắm được nội dung cơ bản của luật Bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về môi trường sinh thái, từ đó sẽ tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn trong lao động, trong sản xuất. Cần đôn đốc và bắt buộc những người lao động trực tiếp trong các xưởng thực hiện quy định vệ sinh sạch sẽ nơi sản xuất cũng như môi trường xung quanh nhà xưởng. Đối với môi trường trong làng, cần phải tổ chức định kì các buổi vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nạo vét cống rãnh thoát nước với sự tham gia của toàn bộ nhân dân trong khu vực làng nghề nhằm đảm bảo đường giao thông và môi trường làng nghề được sạch sẽ, thông thoát. Các buổi tổng vệ sinh có thể tổ chức tuần một lần hoặc hai tuần một lần tuỳ theo lượng rác phát sinh và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân cao đến đâu. Các hình thức tuyên truyền: Nhằm nâng cao nhận thức về môi trường cho người dân, xã Phùng Xá nên áp dụng các phương pháp tuyên truyền rộng rãi cho người dân như sau: - Trên các phương tiện thông tin đại chúng như tạp chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình nên có các chương trình về vệ sinh môi trường để giáo dục chung. - Tại các thôn xóm cần có bản tin trên đài địa phương về môi trường (phát trên loa phát thanh vào các buổi sáng hoặc chiều, thời gian từ 7h30–8h30 hoặc từ 16h30–17h30), các bài viết về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới con người, về an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp, phát động các phong trào vệ sinh thôn xóm, các cuộc thi tìm hiểu về luật môi trường và biện pháp bảo vệ môi trường nhân các dịp lễ hội hay nhân ngày môi trường (5/6 ). - Tổ chức các buổi nói chuyện với người dân trong làng nghề vào chủ nhật hàng tuần để cho người lao động hiểu được tầm quan trọng của môi trường đối với chính bản thân mình và xã hội. Một môi trường tốt sẽ dẫn đến sức khoẻ người lao động tốt, năng suất lao động càng cao và người dân có thu nhập ổn định. Ngược lại nếu môi trường bị ô nhiễm thì người dân làng nghề sống tại đó không khoẻ mạnh và sẽ nảy sinh nhiều bệnh tật. Do vậy năng suất làm việc của người lao động không những bị giảm sút mà họ còn phải chi trả nhiều tiền để chữa bệnh, trong đó có thể có cả những căn bệnh nan y như ung thư phổi, ung thư gan, tai biến mạch máu não,…Hậu quả của ô nhiễm môi trường không chỉ để lại cho thế hệ hiện tại mà còn ảnh hưởng rất nặng nề cho các thế hệ tương lai, không chỉ đối với từng người trong gia đình mà cả thôn xóm, nó sẽ làm giảm chất lượng của các điều kiện sống như nguồn nước sinh hoạt, không khí xung quanh,…Các buổi nói chuyện này do trưởng thôn hoặc cán bộ môi trường xã điều hành. - Giáo dục về vấn đề an toàn cá nhân cho người lao động cũng hết sức cần thiết. Hiện nay người dân thường không coi trọng dụng cụ bảo hộ lao động như: quần áo bảo hộ, găng tay cao su, ủng cao su, khẩu trang, chụp bịt tai,..Vì vậy cần phải nhắc nhở mọi người trang bị các thiết bị bảo hộ lao động để tránh hơi, bụi, khí độc hại xâm nhập vào cơ thể. Đội ngũ tuyên truyền: Ngoài các lãnh đạo thôn và cán bộ chuyên trách về môi trường, Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên là hai lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền môi trường. Người phụ nữ sẽ thực hiện tốt việc bảo ban đôn đốc các thành viên trong gia đình mình có ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Đoàn thanh niên trong thôn cũng phải là hạt nhân cho việc tổ chức các chiến dịch, hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và là lực lượng xung kích trong việc tham gia các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp. IV.1.4. Các biện pháp quy hoạch [3, 10, 11]. Đối với cơ sở sản xuất: - Đối với mỗi cơ sở sản xuất, hộ gia đình, quy hoạch lại nhà xưởng để phù hợp với tình hình sản xuất của mỗi cơ sở và mỗi hộ. - Do quá trình sản xuất có nhiều nhân tố bất lợi như nóng và khí độc hại nên việc quy hoạch lại nhà xưởng hợp lý là điều rất cần thiết. - Nhà xưởng cần có chiều cao hợp lý và có bố trí mái để thông thoáng, tạo hiệu quả thông gió tự nhiên tốt, có thể bố trí thêm quạt để thông gió cưỡng bức. - Bố trí khoảng cách sản xuất sao cho thông thoáng, hợp lý. - Với các hộ sản xuất, có thể trồng cây xanh xung quanh khu vực sản xuất vừa tạo bóng mát vừa ngăn cản quá trình phát tán khí vào môi trường không khí, cũng như một số cây xanh có thể hút một số loại khí thải độc hại và giảm phát tán bụi nhằm làm sạch môi trường một cách tự nhiên [11, 18]. Đối với làng nghề: Hiện nay xã Phùng Xá cũng đã có chủ trương quy hoạch cụm công nghiệp cho làng nghề và xác định bãi chôn lấp. Việc này cần thiết phải thực thi sớm. Trong quy hoạch, tính đồng bộ là yếu tố rất quan trọng như quy hoạch phải đồng bộ về cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất, đường giao thông, điện nước, hệ thống thông tin… - Quy hoạch khu vực sản xuất tách khỏi khu dân cư. Đây là biện pháp tích cực mở ra khả năng phát triển một cách hài hoà của làng nghề, bên cạnh đó còn góp phần cải thiện chất lượng môi trường cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công việc quản lý nói chung và quản lý môi trường nói riêng. - Quy hoạch khu sản xuất tập trung hoặc phân cụm các hộ sản xuất: Các cơ sở sản xuất nên được phân chia thành các hộ sản xuất có mức độ ô nhiễm nặng, trung bình và nhẹ nhằm thiết kế một hệ thống xử lý chất thải tập trung. Các hộ có mức độ ô nhiễm nặng hơn nên đặt gần các khu vực xử lý hơn nhằm tránh sự phơi bày các chất ô nhiễm, đặc biệt là nước thải lâu trong môi trường, cũng như hạn chế được những ảnh hưởng của hoá chất lên hệ thống cống rãnh thoát nước thải. - Do đặc điểm sản xuất của ngành gia công và tái chế kim loại tại làng nghề gây ô nhiễm khí nên trong quy hoạch tổng thể cần thiết chú ý tới việc tận dụng các đặc điểm về đặc trưng khí hậu, hướng gió chủ đạo trong năm. - Các thiết kế chi tiết trong quy hoạch cần phải chú trọng đến việc bố trí các công trình cũng như hình dạng và cao độ của các công trình trong cụm làng nghề để đảm bảo cho điều kiện thông thoát gió tự nhiên là tốt nhất đồng thời vẫn thoả mãn các yêu cầu sử dụng đất cho các hoạt động sản xuất [7,15]. IV.2. Các giải pháp về kỹ thuật. IV.2.1. Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề theo định hướng sản xuất sạch hơn [3, 7]. IV.2.1.1. Các giải pháp phòng ngừa giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn. Hầu hết trang thiết bị tại các cơ sở đều là tận dụng lại các máy móc và trang thiết bị đã cũ, lạc hậu. Thêm vào đó người dân chủ yếu làm việc theo phương pháp thủ công. Để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn cần áp dụng các biện pháp sau: - Hoàn chỉnh dây chuyền tái chế kim loại hiện đại. - Xác định các nguồn phát sinh chất thải và những rò rỉ gây ô nhiễm. - Đánh giá nguyên nhân gây lãng phí nguyên vật liệu và đề ra các biện pháp khắc phục. IV.2.1.2. Tăng cường quản lý nội vi. Việc tăng cường quản lý nội vi có thể được thực hiện cụ thể ở việc tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả lượng tiêu hao nguyên liệu, nước, nhiên liệu thông qua sự tăng cường việc quản lý và vận hành của hệ thống cấp nước và các lò đốt: - Mặt bằng sản xuất nên bố trí ở nơi thoáng mát, thông gió tốt. - Cải tạo nhà xưởng thông thoáng có mái che. - Bố trí hợp lý mặt bằng khu vực sản xuất, đảm bảo thuận tiện, hạn chế việc tiếp xúc hơi hoá chất, nhiệt độ cao… - Rà soát lại toàn bộ hệ thống lắp đặt và thay mới các thiết bị đã cũ và hư hỏng trên đường ống như van, khoá… - Đưa ra định mức sử dụng hợp lý nguyên, nhiên liệu để tránh việc thất thoát do sử dụng tuỳ tiện. - Tăng cường việc bảo ôn đối với các lò nung để tránh hiện tượng thất thoát nhiệt. - Lắp đặt các dụng cụ đo nhiệt độ để giúp theo dõi nhiệt độ trong lò nhằm khống chế được chế độ nhiệt tối ưu. - Điều chỉnh lượng không khí cấp vào lò thông qua việc chọn và điều chỉnh các quạt gió để đạt tới sự cháy triệt để của nhiên liệu cũng như giảm thiểu lượng nhiệt thất thoát qua ống khói lò. IV.2.1.3. Chú trọng khâu thu gom và phân loại nguyên liệu. Đây là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm và ô nhiễm môi trường. Đối với khâu thu gom và tiếp nhận sản phẩm thì phải xem xét thành phần: đối với những phế liệu từ chất thải sinh hoạt thì đơn giản hơn, nhưng đối với phế liệu từ ngành công nghiệp thì cần phải xem xét cẩn thận có lẫn các hoá chất độc hại trong thành phần nguyên liệu không để có biện pháp loại trừ… Đối với khâu phân loại thì tăng cường kiểm tra, các phế liệu thu về cần được loại bỏ các hoá chất độc hại vì trong quá trình nấu và tinh luyện sẽ phát sinh các khí độc hại. Việc phân loại là khâu sàng lọc cuối cùng nhằm hạn chế giảm thiểu ô nhiễm môi trường gây ra trong việc tái chế kim loại. IV.2.1.4. Tuần hoàn và tái sử dụng nước thải làm mát. Với nước thải từ quá trình làm nguội sản phẩm nên có biện pháp thu gom và tiến hành giải nhiệt bằng giàn phun rồi cho sử dụng lại. Đối với các cơ sở sản xuất và gia công kim loại thì nước thải từ quá trình làm nguội sản phẩm chiếm một phần lớn trong tổng lượng nước thải và chỉ bị tăng nhiệt độ cũng như có lẫn một lượng nhỏ dầu mỡ. Do hoạt động sản xuất của làng nghề mang tính gián đoạn, cho nên nhiều khi lượng nước thải từ quá trình làm nguội sản phẩm có thể giải nhiệt tự nhiên mà không cần giàn phun. Điều đó sẽ tiết kiệm được một lượng nước đáng kể và cũng giảm lượng nước thải gây ô nhiễm môi trường. IV.2.1.5. Biện pháp tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề đều sử dụng các loại nguyên liệu truyền thống, gây ô nhiễm (CO, SO2, NOx, bụi…) như củi, than các loại. Việc thay đổi sang các loại nhiên liệu cao cấp như than có hàm lượng lưu huỳnh thấp hoặc dầu DO sẽ làm cho chất lượng sản phẩm đảm bảo và tránh được ô nhiễm môi trường cũng như góp phần hạ giá thành sản phẩm. Để tiến hành việc chuyển đổi sang các loại nhiên liệu này, cần thiết phải có sự thay đổi, cải tiến trong kết cấu và vận hành lò đốt. Có thể áp dụng kiểu lò đốt đứng: lò sử dụng nhiên liệu là dầu DO có hàm lượng lưu huỳnh thấp, lò có buồng đốt riêng để quá trình cháy nhiên liệu được triệt để, nhiệt độ cao của ngọn lửa truyền trực tiếp cho kim loại trong phần nồi lò, nguyên liệu trước khi nấu chảy được sấy nóng bằng nhiệt độ cao của khí thải của lò, điều này sẽ làm giảm lượng nhiên liệu tiêu tốn để nấu kim loại , sử dụng mỏ đốt nhiên liệu để đốt cháy kim loại và đạt được hiệu suất cháy cao hơn, lò được xây dựng bằng vật liệu chịu lửa thích hợp nhằm giảm thiểu sự ăn mòn đối với phần lò tiếp xúc với kim loại lỏng, tránh đưa thêm tạp chất vào kim loại nóng chảy, hệ thống thoát khói được thiết kế hợp lý để giảm thiểu mức độ ô nhiễm tại khu vực nấu luyện khói thải sẽ được phát tán vào không khí và nồng độ các chất gây ô nhiễm cục bộ trong khí thải tại khu vực sản xuất sẽ được loại bỏ một phần đáng kể, có thể tự động điều chỉnh được mức nhiệt độ của lò và sự cháy của nhiên liệu một cách dễ dàng. IV.2.1.6. Cải tiến công nghệ . Mục đích của việc cải tiến công nghệ là nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, làm giảm tiêu hao năng lượng, giảm chi phí sản xuất cũng như giảm phát sinh các chất gây ô nhiễm bằng cách có thể bổ sung thêm công đoạn xử lý sơ bộ và thêm chất trợ dung. Việc đó đảm bảo thu hồi kim loại cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm phát sinh hơi và khí độc hại đồng thời giảm được độ bay hơi của các kim loại ở nhiệt độ cao. Tuỳ theo công nghệ và thiết bị mà tỷ lệ bổ sung chất trợ dung là khác nhau và chiếm một lượng 10–15% trọng lượng kim loại lỏng. Lượng trợ dung phải vừa đủ mới đạt hiệu quả mong muốn. Nếu quá ít sẽ không có tác dụng che phủ bề mặt kim loại lỏng và như vậy sẽ không hiệu quả, còn nếu quá nhiều sẽ gây ô nhiễm khí [3]. IV.2.2.Các giải pháp kỹ thuật xử lý ô nhiễm [3, 15, 21]. IV.2.2.1. Biện pháp xử lý nước thải. Loại hình gây ô nhiễm chính trong sản xuất ở làng nghề là nước thải. Do đó cần phải được quan tâm đúng mức, đặc biệt là khi đặt trong hoàn cảnh cơ sở hạ tầng của làng nghề còn hết sức yếu kém. Đặc điểm chính của nước thải làng nghề Phùng Xá là hàm lượng các muối kim loại nặng hoà tan chiếm tỷ lệ cao, độ pH thay đổi rộng từ axit mạnh đến kiềm mạnh. Do đó, trước hết phải tách riêng dòng thải từ cơ sở sản xuất để xử lý riêng, tránh gây ô nhiễm cho các nguồn nước thải khácbằng cách bố trí một bể chứa gần nơi sản xuất để thu gom nước thải. Bể này nên có hai ngăn để tách sạn, rác và bùn trước khi bơm vào hệ thống xử lý [7]. Việc đề ra các sơ đồ công nghệ xử lý nước thải có hiệu quả và mang tính khả thi cao cần phải được đặt ra như những yêu cầu chính để đảm bảo sự thành công trong việc áp dụng chúng vào thực tế sản xuất. Có nhiều phương pháp xử lý nước thải chứa kim loại nhưng dựa vào nồng độ kim loại có trong nước thải mà chọn công nghệ xử lý riêng. 1. Nước thải mạ điện. Đặc điểm chính của nước thải mạ điện (mạ kẽm) ở làng nghề gia công và tái chế kim loại là lượng nước thải không lớn, chỉ khoảng 100m3/ngày, nguồn thải không tập trung và chế độ thải gián đoạn. Nước thải có thành phần gây ô nhiễm chủ yếu là các kim loại Zn, Fe…và có độ pH thấp. Để đạt hiệu quả cao trong việc xử lý cần thiết đầu tiên là phải tiến hành tách các dòng thải từ cơ sở mạ điện để xử lý riêng. Để tách Zn có thể sử dụng sữa vôi hay xút NaOH để trung hoà và phản ứng tạo kết tủa. Sơ đồ xử lý nước thải mạ điện được thể hiện trên hình IV.1. Hình IV.1:  Sơ đồ xử lý nước thải mạ kẽm. Quá trình trung hoà được thể hiện trong bể trung hoà kiểu làm việc gián đoạn theo chu kỳ. Về cấu tạo bể được chế tạo bằng thép CT3 có tráng epoxy hoặc bằng thép không rỉ để chống lại sự ăn mòn của hoá chất có trong nước thải. Có thể kết hợp quá trình trung hoà và lắng tại cùng một bể nhằm đạt hiệu quả về mặt kinh tế. Nước thải sau khi qua song chắn rác được khuấy trộn cùng với hoá chất trong bể trung hoà trong thời gian thích hợp nhằm tạo điều kiện cho các phản ứng xảy ra triệt để. Sau khuấy trộn là quá trình lắng, thời gian lắng phải đủ lớn sao cho có thể tách được tối đa lượng cặn ra khỏi nước thải và cặn lắng sau khi được xả có thể đem chôn lấp đúng nơi quy định của bãi rác. Hoá chất sử dụng để trung hoà là CaO hoạt tính đi từ nguyên liệu chính là vôi tôi có bán trên thị trường (chứa 50% CaO hoạt tính). Sự trung hoà nước thải diễn ra đồng thời với sự lắng xuống của các kết tủa của các ion kim loại. Nước thải sau lắng có pH ổn định và hàm lượng các kim loại cho phép được thải ra môi trường tiếp nhận. 2. Nước thải cán. Với dòng thải này việc xử lý chỉ là tách dầu và chất lơ lửng. Do vậy việc áp dụng các phương pháp xử lý cơ học là dơn giản và kinh tế hơn cả. Sơ đồ hệ thống xử nước thải cán được thể hiện trong sơ đồ hình IV.2. Hình IV.2: Sơ đồ hệ thống xử nước thải cán Nước thải từ quá trình sản xuất được đưa qua song chắn rác (1) để loại bỏ tạp chất thô và rác trong dòng chảy. Tại bể tách dầu (2) do có tỷ trọng nhẹ hơn nên dầu mỡ trong nước thải được tách ra, đồng thời do thời gian lưu tương đối lớn nên các chất lơ lửng có trong nước thải sẽ được lắng và bị giữ lại trong bể. IV.2.2.2. Các biện pháp xử lý khí thải. Nguồn phát thải chủ yếu bao gồm khí thải của lò nấu luyện kim loại, các hơi dung môi và khí từ các quá trình gia công cơ khí khác. Khí thải thường có các đặc điểm là nhiệt độ khá cao, đặc biệt là tại vị trí các lò nấu, khí thải chứa bụi có độ phân tán cao các hơi kim loại và khí độc hại thoát ra từ khâu nấu luyện kim loại. Vì vậy, thiết bị xử lý khí thải phải thường xuyên làm việc liên tục ở nhiệt độ cao, hiệu suất xử lý bụi cao nhưng phải có cấu tạo đơn giản và dễ lắp đặt. Căn cứ vào những yêu cầu trên, cần phải lắp đặt cả hệ thống cyclon tách bụi và bố trí thêm các tháp rửa (tháp hấp thụ) có dung dịch hấp thụ là nước hoặc các dung môi hoá học. Có thể dùng dung dịch Na2S (hoặc K2S ) [7]. Sơ đồ hệ thống xử lý khí thải có hệ thống tách bụi cyclon và tháp hấp thụ được thể hiện trên hình IV.3. Hình IV.3: Sơ đồ hệ thống xử lý khí thải có tách bụi cyclon và tháp hấp thụ Do có áp suất âm tại vị trí các chụp hút, khí thải tại các điểm phát sinh bụi được hút vào cyclon qua hệ thống ống dẫn. Tại đây do tác động của lực ly tâm gây ra do chuyển động xoáy của dòng khí mà các hạt bụi bị văng vào thành thiết bị rồi rơi xuống phía dưới, dòng khí sau khi qua cyclon tiếp tục được đưa qua tháp hấp thụ để loại bỏ các khí độc hại cũng như một phần buị còn sót lại. Dung dịch hấp thụ và khí độc được đưa vào theo nguyên tắc ngược chiều, lớp vật liệu đệm có tác dụng làm tăng diện tích tiếp xúc giữa khí và dung dịch hấp thụ góp phần tăng hiệu quả lý. Bụi lắng trong cyclon cần được định kỳ lấy ra. IV.2.2.3. Các giải pháp giảm thiểu tiếng ồn và nhiệt. Việc sử dụng các máy móc và thiết bị cũ, đã qua sử dụng thường gây nên độ ồn lớn ảnh hưởng đến môi trường sống và làm việc tại làng nghề. Để giảm thiểu tình trạng này trước mắt cần áp dụng một số biện pháp: - Tăng cường việc duy tu và bảo dưỡng thường xuyên đối với máy móc và trang thiết bị. - Lắp đặt các đệm đàn hồi tại các vị trí như chân bệ máy nhằm giảm thiểu tiếng ồn gây ra do va chạm giữa các chi tiết. - Thay mới hoặc sửa chữa các khớp nối tránh tình trạng tiếng ồn phát sinh do các chuyển động lệch tâm. - Cải thiện nhà xưởng, bố trí cửa mái, ống thông hơi và quạt thông gió. kết luận và kiến nghị Quá trình nghiên cứu, thu thập, điều tra hiện trạng sản xuất cũng như hiện trạng môi trường của làng nghề tỉnh Hà Tây nói chung và làng nghề cơ kim khí Phùng Xá nói riêng có thể rút ra một số kết luận sau: 1. Đặc điểm sản xuất của làng nghề Hà Tây: Các hoạt động sản xuất của 120 làng nghề Hà Tây với nhiều loại hình sản xuất tạo ra sản phẩm đa dạng và phong phú đặc biệt là các mặt hàng như nông sản thực phẩm, dệt lụa, mây tre đan, cơ khí, khảm trai sơn mài…đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần vào việc công nghiệp hoá nông thôn, đồng thời cũng góp phần bảo tồn các nghề truyền thống và văn hoá làng xã. Tổng giá trị sản xuất CN–TTCN của làng nghề Hà Tây đạt 653,5 tỷ đồng trong năm 2001, đóng góp khoảng 12% GDP toàn tỉnh. Bên cạnh đó, sự phát triển của làng nghề Hà Tây đã thải ra môi trường một lượng lớn nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại gây ảnh hưởng tới chất lượng môi trường và sức khoẻ cộng đồng. 2. Hiện trạng sản xuất tại làng nghề Phùng Xá: - Do đặc điểm sản xuất của làng nghề là tái chế kim loại, gia công cơ khí, nên hoạt động của làng nghề hàng năm đã tận dụng một lượng đáng kể sắt thép phế liệu (khoảng 40 000 tấn) và gia công được khoảng 20 000 tấn sắt thép nguyên liệu nhập khẩu. - Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng và phong phú về chủng loại và chất lượng như cày bừa, bản lề, đinh, dây thép, ống nước, sắt thép xây dựng…, sản lượng mỗi năm của làng nghề vào khoảng 50 000 tấn sản phẩm các loại. - Hoạt động sản xuất của làng nghề đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hơn 4150 lao động trong xã và nhiều lao động từ nơi khác đến. Thu nhập bình quân trong làng nghề đạt khoảng 5 triệu đồng/ lao động năm. 3. Hiện trạng công nghệ, thiết bị sử dụng tại làng nghề Phùng Xá: - Phần lớn máy móc thiết bị sử dụng tại làng nghề là cũ kỹ, chắp vá; quá trình sản xuất còn đơn giản, thủ công chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cho nên định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu còn cao. Tuy nhiên, một số công đoạn sản xuất, thiết bị đã được đổi mới, hiện đại hoá như các cơ sở lốc cán thép, nấu kim loại (khoảng 15%). - Công nghệ sản xuất của làng tuy đã khép kín nhưng các thiết bị thường chắp vá và không đồng bộ. Hơn nữa, quá trình sản xuất mang tính chất hộ gia đình. Do đó trong quá trình sản xuất đã phát sinh ra những vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động cũng như ảnh hưởng đến môi trường. 4. Hiện trạng môi trường tại làng nghề Phùng Xá: - Môi trường không khí: bị ô nhiễm bởi bụi, khí thải từ các lò nấu, nung kim loại, hơi hoá chất, nhiệt và tiếng ồn. Trung bình mỗi ngày làng nghề thải ra từ 350 đến 400m3 khí thải. - Môi trường nước: bị ô nhiễm bởi nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt, đặc biệt là nước thải từ các cơ sở mạ hàng ngày thải ra từ 100 đến 120m3 nước thải có hàm lượng kim loại nặng rất cao như Zn2+, Fe2+ và nồng độ CN- vượt TCCP từ 60–140 lần. - Môi trường đất: bị ô nhiễm kim loại nặng mà nguyên nhân chủ yếu là do nước thải sản xuất và chất thải rắn. Hàm lượng kim loại nặng trong đất thường cao hơn so với các nơi khác, ví dụ như hàm lượng Fe2+ trong đất ở Phùng Xá cao hơn so với đất ở sông Hồng từ 3,39–6,44 lần, hàm lượng Zn2+ cao hơn 2–3 lần, Pb2+ cao hơn 1,1–2 lần. - Chất thải rắn sinh ra do hoạt động của làng nghề ngày càng nhiều như 2–3 tấn rác thải sinh hoạt, 10–12 tấn xỉ than, 2–3 tấn rỉ sắt mà khả năng thu gom còn rất hạn chế nên đã gây mất cảnh quan môi trường và làm ô nhiễm môi trường. - Môi trường sinh thái đang bị đe doạ do ảnh hưởng của các chất thải làng nghề gây ra. Ô nhiễm môi trường làng nghề đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của nhân dân Phùng Xá. 5. Một số biện pháp được đề xuất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho làng nghề Phùng Xá: Để đảm bảo môi trường làng nghề Phùng Xá, ngăn ngừa và hạn chế các tác động xấu trong quá trình sản xuất cơ khí, trong báo cáo đã đề xuất những biện pháp khả thi có thể áp dụng cho làng nghề. Các giải pháp quản lý bao gồm: - Vệ sinh môi trường như thu gom rác, nâng cấp và vệ sinh hệ thống thoát nước thải. - Thành lập bộ phận chuyên trách về môi trường. - Giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức của người dân. - Quy hoạch đối với cơ sở sản xuất và với làng nghề. Các giải pháp kỹ thuật bao gồm: - Giải pháp phòng ngừa giảm thiểu ô nhiẽm tại nguồn. - Tăng cường quản lý nội vi. - Biện pháp tiết kiệm năng lượng. - Tuần hoàn và tái sử dụng nước. - Chú trọng khâu thu gom và phân loại nguyên liệu. - Cải tiến công nghệ. - Biện pháp xử lý nước thải.  - Biện pháp xử lý khí thải. - Biện pháp thu gom chất thải rắn. - Biện pháp giảm thiểu tiếng ồn. Với mục tiêu phát triển sản xuất đi đôi với việc bảo vệ môi trường, tạo ra sự phát triển bền vững, Nhà nước cần có chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất tại các làng nghề, đồng thời cần phải huy động nội lực của các hộ sản xuất cũng như sự quan tâm của các cấp các ngành để dần dần cải thiện môi trường sống của người dân. Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế–xã hội của đất nước, dân tộc, nhân loại. Môi trường hiện đang bị suy thoái và ô nhiễm nghiêm trọng, nó trở thành một vấn đề có tính chất toàn cầu. Vì vậy bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội và từng cá nhân nhằm bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, đảm bảo quyền con người được sống trong một môi trường trong lành, phục vụ sự phát triển lâu bền của đất nước, góp phần bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu. Tài liệu tham khảo 1. Sở khoa học công nghệ và môi trường Hà Tây. Báo cáo tổng kết hoạt động làng nghề công nghiệp–tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tây thời kỳ 1999-2000. Tháng 3 /2001. 2. Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn. Dự án Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Tây giai đoạn 2000 – 2001. Năm 2000. Tr 3- 41. 3. Cục môi trường. Sổ tay hướng dẫn các giải pháp cải thiện môi trường làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Tháng 12/ 2000. 4. Sở khoa học công nghệ và môi trường Hà Tây. Tham luận về công tác bảo vệ môi trường các huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai Tháng 5/2001. Tr 7 – 18. 5. Sở Công nghiệp tỉnh Hà Tây. Hà Tây – Làng nghề Hà Tây. Năm 2001. 6. Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường. Tuyển tập hội nghị khoa học về tài nguyên và môi trường. Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật 2001. Tr 244-256. 7. Sở Khoa học công nghệ và Môi trường Hà Tây. Báo cáo kết quả thực hiện đề tài khảo sát, quan trắc cập nhật các số liệu hiện trạng môi trường tại một số làng nghề trọng điểm tại Hà Tây năm 2001. 8. Sở Văn hoá thông tin Hà Tây. Địa chí Hà Tây. Năm 1999. Tr 7 – 107. 9. ủy ban nhân dân xã Phùng Xá, huyên Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Báo cáo về thực hiện chương trình phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. 10. Viện Khoa học thuỷ lợi. Tuyển tập kết quả khoa học và công nghệ 1999 –2000. Năm 2001. Tr 67 – 70. 11. Tạp chí Xây dựng số 10 /2001. Làng nghề – Tổng thể khu ở, khu sản xuất của nông thôn Việt Nam thời kì công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Tr17 - 18. 12. Tạp chí Hoạt động khoa học số 11/2001. Phát triển làng nghề và vấn đề bảo vệ môi trường ở Nam Định. Tr 29 – 30. 13. Tạp chí Hoạt động khoa học số 1/2002. Làng nghề nông thôn và vấn đề môi trường. Tr 21 – 23. 14. Tạp chí Hoạt động khoa học số 7/ 2002. Phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu các vấn đề môi trường nông thôn. Tr 15 – 17. 15. Tạp chí Hoạt đông khoa học số 8/ 2002. Môi trường trong các làng nghề vật liệu kim loại. Vấn đề và giải pháp. Tr 21 – 23. 16. Tạp chí Bảo vệ môi trường số 8/2002. Môi trường làng nghề nông thôn, một vấn đề bức bách cầ được quan tâm. Tr 17 – 22. 17. Tạp chí Bảo vệ môi trường số 8/2002. Môi trường làng nghề và vấn đề sức khoẻ cộng đồng. Tr 25 – 28. 18. Tạp chí Xây dựng số 11/2002. Vấn đề quy hoạch xây dựng làng nghề trong soạn thảo quy phạm pháp luật xây dựng. Tr 11 – 14. 19. Tạp chí Hoạt động khoa học số 10/ 2002. Một số vấn đề nảy sinh trong phát triển làng nghề vùng đất Kinh Bắc. Tr 22 – 25. 20. Tạp chí Hoạt động khoa học số 5/2002. Vài ý kiến về môi trường các làng nghề nông thôn. Tr 20 – 21. 21. Nguyễn Thiện Nhân. Sổ tay hướng dẫn xử lý môi trường trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp – Xử lý ô nhiễm ngành mạ điện. Năm 2001. 22. Nguyễn Thị Tâm. Quy hoạch xây dựng và phát triển điểm dân cư nông thôn. Nhà xuất bản Xây Dựng 1997. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docDA0504.DOC
Tài liệu liên quan