Golfing với việc thu hút khách du lịch tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh

Phần mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Du lịch – ngành công nghiệp “không khói”, ngành xuất khẩu tại chỗ, ngày nay đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của nhiều quốc gia và được coi là một trong những ngành kinh tế hàng đầu của nền kinh tế thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), hoạt động du lịch ngày càng có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu. ở Việt Nam, nhận thấy vai trò to lớn của du lịch đối với

doc143 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1309 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Golfing với việc thu hút khách du lịch tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nền kinh tế – xã hội của đất nước Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Đảng và Nhà nước cũng đã xác định “Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn” [11]. Là một quốc gia có nhiều tài nguyên du lịch phong phú với chính sách ngoại giao, kinh tế rộng mở, linh hoạt, đa phương hoá, đa dạng hoá, hơn nữa lại đã trở thành một thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và được hưởng Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Hợp chủng quốc Hoa kỳ [01], Việt Nam có nhiều thuận lợi để trở thành một quốc gia có ngành du lịch phát triển hàng đầu trong khu vực. Trong 10 năm qua lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trung bình thêm hơn 20% mỗi năm, năm 1996 đón tiếp 1,6 triệu lượt khách quốc tế và 2006 là 3,6 triệu lượt, thu nhập xã hội từ du lịch tăng trung bình thêm khoảng 40% một năm, năm 1996 doanh thu đạt khoảng trên 600 triệu USD và năm 2006 là khoảng 3,2 tỷ USD [42]. So với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Singapore…có số lượng khách quốc tế đến trên 10 triệu lượt khách quốc tế năm và doanh thu từ du lịch lên tới hàng chục tỷ USD [35] thì du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Nguyên nhân cơ bản về sự hạn chế này là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đất nước còn yếu kém, sản phẩm du lịch của Việt Nam vẫn nghèo nàn, đơn điệu, tính đa dạng chưa cao, ít có sự lựa chọn cho khách du lịch nước ngoài. Mặt khác, mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam được xác định còn thiên về số lượng khách chưa chú ý tới chất lượng của nguồn khách. Có thể thấy rõ điều này qua sự so sánh sau: năm 2004 Newzealand đón 2,4 triệu khách du lịch quốc tế, thu nhập 4,8 tỷ USD trong khi cùng năm đó Việt Nam đón 2,97 triệu khách quốc tế nhưng chỉ đạt thu nhập khoảng 1,8 - 2 tỷ USD; năm 2005 ấn Độ đón 3,5 triệu khách quốc tế đạt thu nhập 5,8 tỷ USD, Việt Nam năm 2005 đón gần 3,47 triệu khách quốc tế mà thu nhập chỉ khoảng 2,2 tỷ USD [23]. Chất lượng nguồn khách du lịch đang là vấn đề rất quan trọng đặt ra đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Để thu hút được nhóm khách có khả năng chi trả cao cần phải có các sản phẩm du lịch cao cấp. Với tư cách là một ngành kinh tế, sản phẩm du lịch là yếu tố rất quan trọng quyết định hiệu quả kinh doanh du lịch. Một sản phẩm du lịch tốt, có chất lượng và phù hợp với nhu cầu của khách sẽ có khả năng bán với giá cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Việc thiếu các sản phẩm du lịch cao cấp cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng hạn chế hiệu quả kinh doanh của du lịch Việt Nam. Golfing được coi là một sản phẩm du lịch mới ở Việt Nam nằm trong loại hình du lịch thể thao – giải trí, một công cụ thu hút khách du lịch có khả năng chi trả cao. Theo kết quả điều tra chi tiêu của khách du lịch do Tổng cục Du lịch Việt Nam tiến hành vào năm 2004 thì thời gian lưu lại bình quân của một lượt khách du lịch quốc tế đi bằng đường hàng không và theo tour là 7,7 ngày và chi tiêu bình quân của một lượt khách quốc tế đó đạt 672,7 USD (87,4 USD/ngày); nếu khách quốc tế tự sắp xếp chuyến đi là 18,2 ngày và chi tiêu bình quân một lượt là 1.341,3 USD (73,8 USD/ngày) [41]. Như vậy nếu tính bình quân cả hai nhóm khách du lịch quốc tế trên thì chi tiêu cho một ngày của một khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2004 là 80,6 USD. Trong khi đó chi tiêu cho một ngày chơi golf của khách du lịch golf đã là khoảng 100 USD/người chưa kể đến chi phí lưu trú, ăn uống buổi tối, vui chơi – giải trí, các dịch vụ thể thao đi kèm, thưởng thức văn hoá - nghệ thuật, mua sắm đồ lưu niệm …[53]. Hơn nữa, golfing là một hoạt động hướng con người tới các yếu tố của thiên nhiên và vì thế nó cũng phù hợp với xu thế du lịch sinh thái của nhiều khách du lịch hiện nay trên thế giới [34]. Tuy có những đặc điểm có lợi cho việc phát triển du lịch như vậy nhưng cho đến nay golfing vẫn được xem là một lĩnh vực còn mới, chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống ở Việt Nam, cho nên tác giả đã chọn đề tài “Golfing với việc thu hút khách du lịch tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh” làm luận văn thạc sỹ. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Hiện nay các tài liệu về golfing cả ở trong nước cũng như trên thế giới không nhiều và chủ yếu chỉ đề cập đến nó dưới góc độ là một môn thể thao đơn thuần hay chỉ là một sở thích. Vì vậy các tài liệu đó đa phần thuộc dạng sách, tạp chí chỉ dẫn hay cẩm nang (guide book, magazine, hand book) nhằm giới thiệu lịch sử, sự phát triển của golfing, hướng dẫn các kỹ năng cụ thể, các dụng cụ chơi, giới thiệu các sân golf hiện có cũng như các giải thi đấu. Việc nghiên cứu xem xét golfing dưới góc độ là một sản phẩm du lịch, hơn thế - một sản phẩm du lịch cao cấp thuộc loại hình du lịch thể thao – giải trí chưa sâu sắc, không có tính liên kết với các sản phẩm du lịch khác. Từ đó dẫn tới việc tổ chức khai thác golfing như một sản phẩm du lịch còn chưa linh hoạt và đa dạng không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách và hệ quả là hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao. 3. Mục đích nghiên cứu của đề tài Mục đích của đề tài là nghiên cứu, đánh giá hiện trạng golfing tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động đó trên cả hai phương diện cung và cầu, dưới góc độ như là một sản phẩm du lịch cao cấp của loại hình du lịch thể thao – giải trí. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp trong việc tổ chức, khai thác hoạt động này một cách hợp lý, tạo được hiệu quả cao nhất trong kinh doanh du lịch tại hai sân golf này nói riêng cũng như đưa ra một số định hướng và giải pháp cho việc phát triển golfing ở Việt Nam. 4. Nhiệm vụ của đề tàI Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, đề tài cần giải quyết những nhiệm vụ chính sau: Hệ thống hoá những vấn đề cơ bản về golfing bao gồm khái niệm, lịch sử hình thành và phát triển ở Việt Nam và trên thế giới cũng như đặc điểm của nó. Phân tích vai trò, ý nghĩa của golfing đối với hoạt động kinh doanh du lịch ở một số quốc gia và Việt Nam và từ đó có những so sánh, đánh giá. Xác định tiềm năng của golfing ở Việt Nam. Nghiên cứu đánh giá các điều kịên nhân tố ảnh hưởng đến golfing tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh từ đó chỉ ra những tồn tại cần giải quyết. Đề xuất một số giải pháp, cách thức tổ chức khai thác golfing tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh. Đề xuất một số định hướng và giải pháp phát triển golfing ở Việt Nam. 5. Khách thể, đối tượng và phạm vi nghiên cứu * Khách thể nghiên cứu : Golfing * Đối tượng nghiên cứu : Golfing với tư cách là một sản phẩm du lịch cao cấp thuộc loại hình du lịch thể thao – giải trí trong việc thu hút khách du lịch * Phạm vi nghiên cứu: Nội dung: Luận văn nghiên cứu về golfing và những điều kiện, yếu tố có ảnh hưởng đến hoạt động này trong việc thu hút khách du lịch. Không gian: Đề tài tập trung nghiên cứu golfing ở hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh cũng như các nhân tố có ảnh hưởng tới hoạt động này ở khu vực Bắc Bộ. Thời gian: Số liệu, tài liệu thu thập và thực trạng được xem xét trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay. 6. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp phân tích hệ thống Phương pháp này được sử dụng nhằm làm rõ cơ chế hoạt động bên trong của hệ thống trong mối quan hệ tác động qua lại giữa các yếu tố (khách du lịch golf, tài nguyên du lịch golf, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch golf …), cũng như hoạt động bên ngoài và tác động qua lại của nó tới môi trường xung quanh (nền kinh tế-xã hội, môi trường tự nhiên, văn hoá, xã hội, những tiến bộ khoa học kỹ thuật…) Phương pháp nghiên cứu thực địa Phương pháp này giúp luận văn thu thập được những số liệu thực tế đáng tin cậy về lượng khách, cơ cấu khách, về những nhu cầu, sở thích và những dịch vụ mà khách quan tâm … cũng như có được các thông tin khách quan, chính xác về cung golfing tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh. Phương pháp thu thập và xử lý tư liệu Luận văn đã tiến hành thu thập thông tin, tư liệu từ nhiều lĩnh vực, nhiều nguồn khác nhau có liên quan hoặc tác động tới golfing, sau đó xử lý để có được lượng thông tin nhanh, phong phú, đa dạng và bao quát đầy đủ về mọi mặt tự nhiên, kinh tế, xã hội liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu và lấy đó làm cơ sở để đưa ra những đánh giá và kết luận cần thiết. Phương pháp điều tra xã hội học Do nguồn khách du lịch golf gồm nhiều đối tượng có đặc điểm khác nhau về nơi cư trú, nghề nghiệp, lứa tuổi …do đó sở thích du lịch của họ cũng khác nhau. Để nắm bắt được những nhu cầu sở thích đó, hoạt động phỏng vấn trực tiếp qua phiếu điều tra được thực hiện. Trong quá trình thực hiện luận văn, tác giả đã tiến hành gửi 160 phiếu điều tra tới những khách du lịch golf tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh thông qua văn phòng của hai sân này. Kết quả thu về được 152 phiếu hợp lệ để tiến hành xử lý. Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia Phương pháp này giúp luận văn có được các thông tin một cách chính xác, mang tính hệ thống cũng như các nhận định về quy luật phát triển của golfing từ những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tác giả đã tiến hành phỏng vấn các cán bộ, nhân viên của Văn phòng Câu lạc bộ golf Hà Nội, Văn phòng Tạp chí golf Việt Nam, Văn phòng các sân golf Đồng Mô và Chí Linh. Kết quả của việc lấy ý kiến chuyên gia này sẽ giúp luận văn đưa ra các định hướng phát triển của golfing. 7. Đóng góp của luận văn Hệ thống hoá các vấn đề cơ bản liên quan đến golfing và các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội có ảnh hưởng tới hoạt động này. Từ đó, luận văn đã tổng hợp được những kiến thức khái quát về golfing, đồng thời phân tích vai trò của các điều kiện và nhân tố có ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động này ở Việt Nam. Trên cơ sở so sánh, đánh giá golfing của một số quốc gia trong khu vực với hoạt động này ở Việt Nam, đề tài đã đưa ra được bức tranh toàn cảnh về thực trạng golfing ở Việt Nam và tiềm năng phát triển hoạt động này gắn với du lịch dựa trên việc hệ thống hoá được nguồn tài nguyên và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho golfing ở Việt Nam. Nghiên cứu, đánh giá các nhân tố phát sinh nhu cầu về golfing của khách du lịch, khả năng, điều kiện cung ứng sản phẩm của hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh, khả năng kết hợp giữa golfing với các sản phẩm du lịch khác, cơ cấu nguồn khách và nhu cầu, sở thích của khách từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp tổ chức, khai thác hoạt động này một cách hiệu quả ở hai sân golf này cũng như đề xuất một số định hướng và giải pháp nhằm phát triển golfing trên quy mô quốc gia. 8. Bố cục của luận văn Ngoài các phần mở đầu, mục lục, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, phần nội dung nghiên cứu của luận văn được kết cấu thành ba chương: Chương 1: Golfing và vai trò của nó trong du lịch Chương 2: Golfing trong việc thu hút khách du lịch ở sân golf Đồng Mô và sân golf Chí Linh Chương 3: Một số giải pháp phát triển golfing để thu hút khách du lịch 9. Lời cám ơn Trong quá trình thực hiện luận văn thạc sỹ khoa học du lịch với đề tài: “Golfing với việc thu hút khách du lịch tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh”, tác giả đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, tư vấn của nhiều cá nhân và tổ chức. Tác giả trước hết xin gửi lời cám ơn trân trọng tới Thầy giáo – TS. Trịnh Xuân Dũng; cùng với các Thầy giáo, Cô giáo của khoa Du lịch học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có những chỉ bảo, định hướng nghiên cứu đúng đắn cho đề tài luận văn. Tác giả cũng xin gửi lời cám ơn chân thành tới các anh, chị là cán bộ nhân viên của Văn phòng Tạp chí golf Việt Nam và Văn phòng hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh đã tạo điều kiện cung cấp các thông tin, tư liệu có giá trị về golfing tại hai sân golf này cũng như các thông tin khác về golfing giúp cho tác giả có thể hoàn thành được luận văn của mình. Đồng thời, tác giả cũng xin gửi lời cám ơn đến các đồng nghiệp đã có những tư vấn, giúp đỡ quý giá đối với luận văn. Tác giả cũng bày tỏ sự biết ơn đến gia đình và bạn bè đã giúp đỡ động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tác giả hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học của mình. Với tinh thần hết sức cầu thị và mong muốn được tiếp tục nghiên cứu khoa học sâu hơn nữa, tác giả thực sự mong đợi những ý kiến đóng góp từ các Thầy, Cô giáo, các chuyên gia, bạn bè và những người quan tâm cho luận văn để tác giả có thể có những công trình nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh hơn trong các lần tiếp theo. Một lần nữa tác giả xin chân thành cám ơn! Hà Nội, tháng 08/2007 Tác giả Thẩm Quốc Chính Chương 1: Golfing và vai trò của nó trong du lịch 1.1. Những vấn đề cơ bản về golfing Lịch sử hình thành golfing Mặc dù golfing hiện nay được nhiều người trên thế giới tham gia, đặc biệt ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhưng môn thể thao này có nguồn gốc từ đâu vẫn còn là điều bí ẩn. Chưa ai có thể đưa ra bằng chứng xác đáng về nguồn gốc của golf cũng như ai là người vung lên cú phát bóng (swing) đầu tiên. Theo như định nghĩa trong cuốn từ điển tiếng Anh Oxford thì “Golf là một môn chơi đã xuất hiện từ khá lâu, trong đó một quả bóng cứng nhỏ được đánh đi bằng nhiều cây gậy vào một loạt những lỗ hình trụ nhỏ dưới đất được đặt cách nhau thông thường khoảng 100 yard (1 yard tương đương 0,9 m) hoặc nhiều hơn với số cú đánh ít nhất có thể” [54]. Golf có một lịch sử phát triển lâu đời và có nhiều nước trên thế giới nhận là quê hương của thú chơi này. Một số người tin rằng golf khởi nguồn từ nước Anh dựa trên những mảng tranh kính cửa sổ nhà thờ mô tả nhiều người đang vung gậy. Một số khác lại phát hiện những minh họa cho thấy các phụ nữ Nhật Bản đang chơi một trò chơi trong nhà với gậy giống như gậy golf ngày nay. Italia và Pháp cũng là những nước cho rằng xuất sứ của golf từ nước họ. Nhưng đa số bằng chứng lại liên quan đến Hà Lan và Scotland. Nhà nghiên cứu lịch sử người Hà Lan Van Hengel chứng minh rằng golf có xuất sứ ở nước này với tên gọi khởi thuỷ là Kolf [56]. Môn chơi từng diễn ra trên sân 4 lỗ, cách nhau khoảng 1000m. Bằng chứng là có một bức tranh cổ Hà Lan mô tả trò chơi này trên băng tại thành phố và cả vùng nông thôn. Giải thích tại sao golf lại phổ biến ở Scotland, Van Hengel [56] cho rằng chính những thuỷ thủ Hà Lan trên những chiếc tàu buôn đã mang theo những cây gậy golf tới Leith vào khoảng thế kỷ thứ XIV và phổ biến trò chơi này ở Scotland. Giả thiết này được nhiều người ủng hộ vì có bằng chứng cho thấy những quả bóng golf đầu tiên làm bằng da và nhồi lông đã được xuất từ Hà Lan sang Scotland vào thế kỷ XVI. Tuy nhiên tranh luận vẫn không phân thắng bại vì 3 thế kỷ sau khi người Anh đánh bóng vào lỗ, người Hà Lan vẫn còn đánh bóng vào các mục tiêu nổi. Nhiều người thiên về giả thiết cho rằng golf bắt nguồn từ Scotland trên dải đất gần bờ Nam Firth of Forth từ Leith đến Dunbar, nhưng các bằng chứng cho giả thiết này không rõ ràng. Năm 1452, có tài liệu cho thấy một quả bóng golf được bán ở Scotland với giá 10 shiling [28]. Bằng chứng là sắc lệnh ngày 6/3/1457 dưới triều vua James II và nhắc lại năm 1491 cấm các công dân Scotland chơi bóng đá và chơi golf với lý do ảnh hưởng đến việc luyện tập quân sự chống lại sự xâm lăng của Anh. Điều này chứng tỏ golf đã là môn thể thao được nhiều người tham gia rộng rãi ở Scotland. Mười năm sau, lệnh cấm bị bãi bỏ, vua David I đã ra sắc lệnh thiết lập một mẫu sử dụng đất cho phép phát triển môn golf lần đầu tiên tại St. Andrews. Năm 1552 Tổng giám mục Hamilton đã xác nhận quyền của tất cả mọi người được sử dụng những vùng đất ven biển để chơi golf. Từ đó, golf được truyền sang Anh và Pháp, đặc biệt phổ biến trong các đám cưới và tiệc của các gia đình hoàng gia. Một giả thuyết khác do Water Simpson đưa ra năm 1886 [28]. Ông cho rằng một người chăn cừu khi trông coi đàn gia súc gặm cỏ đã tình cờ lấy gậy hất các hòn sỏi lên phía trước để giải trí. Một viên sỏi rơi vào hang thỏ, thích thú anh ta lại tiếp tục chơi và nhiều người chăn cừu khác đã bắt chước. Dù đúng hay không, câu chuyện này cũng có vài khía cạnh đáng tin cậy. Bởi ai cũng có một thích thú tự nhiên khi dùng gậy vụt một quả bóng hay một hòn đá. Cái gậy của người chăn cừu đã biến thành gậy golf và quả bóng bằng lông đã được thay thế cho hòn sỏi và quả bóng bằng gỗ. Có lẽ golf đã phát triển từ đó. Giữa thế kỷ XV đến hết thế kỷ XVI, golf đã nhanh chóng phát triển ra khắp Scotland, trở thành môn thể thao quốc gia gần như cùng thời với bóng đá. Người ta cho rằng chính người Scotland đã hoàn thiện môn chơi này trước khi phần còn lại của thế giới biết đến nó và vì thế vài thế kỷ sau, môn chơi này đã có nhiều thay đổi, đặc biệt về số lượng người chơi, luật chơi và độ dài của sân. Năm 1850, golf được phục hồi và trở thành môn thể thao giải trí số một tại Scotland, từ đó nó được phổ biến rộng rãi ở Anh và Châu Âu cũng như sang nhiều nước khác trên thế giới [28]. Hiện nay có rất nhiều các giải thi đấu golf khác nhau được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các giải thi đấu này được chia thành hai hệ thống là hệ thống các giải thi đấu chuyên nghiệp mà trong đó tiêu biểu nhất là bốn giải đấu danh giá: The Open (Anh), The US Open (Hoa Kỳ), The Masters (Hoa Kỳ), The USPGA (Hoa Kỳ) và hệ thống các giải thi đấu không chuyên có thể được tổ chức bởi một câu lạc bộ golf nào đó nhằm mục đích giao lưu, giải trí, kết hợp kinh doanh hay do một doanh nghiệp tổ chức nhằm quảng cáo cho sản phẩm của doanh nghiệp đó. Sự khác biệt của giải đấu golf chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp là phần thưởng của giải đấu golf không chuyên nghiệp không được phép vượt quá 500 bảng Anh [25]. Hiện nay khu vực có số lượng người chơi golf nhiều nhất là Bắc Mỹ chiếm 58% tổng số người chơi golf trên thế giới, thứ hai là châu á chiếm 24%, châu Âu đứng thứ ba với 12% trong đó một nửa là từ Anh và Ai Len, tiếp theo lần lượt là các khu vực châu Đại Dương, Nam Mỹ và Nam Phi với các tỷ lệ tương ứng là 3%, 2% và 1% [68]. Khu vực Bắc Mỹ cũng là nơi có số lượng sân golf nhiều nhất thế giới chiếm 59% tổng số sân golf thế giới. Mặc dù có số lượng người chơi golf thứ ba thế giới nhưng châu Âu lại có số lượng sân golf nhiều thứ hai trên thế giới chiếm 19%. Số lượng sân golf ở châu á chiếm 12%, còn lại 10% số sân golf thế giới phân bố ở các châu và khu vực còn lại [60]. Đặc điểm của golfing Golfing – một hoạt động thể thao mang tính sinh thái Khác với đa số các môn thể thao khác, golfing diễn ra trong một không gian rộng ngoài trời có sự tiếp xúc lớn với các yếu tố thiên nhiên như đồi núi, rừng cây xanh, cỏ, hồ nước, không khí thoáng đãng trong lành, ánh sáng nhiều và đặc biệt là sự tĩnh lặng không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của các khu đô thị. Một sân golf tiêu chuẩn gồm 18 lỗ được xây dựng trên một diện tích rộng với địa hình đa dạng và đẹp có diện tích tối thiểu là 100 hecta thường gần những nơi có cảnh quan đẹp như các bãi biển, ven sông hay các vùng đồi núi. Mặt khác đất làm sân golf là đất khô cằn không trồng trọt được, thường là đất đồi, đất trung du, đất bạc màu bởi cỏ của sân golf là loại cỏ đặc biệt nó chỉ mọc được khi dưới nó là một lớp cát dày 30cm [44]. Nhưng khi các vùng đất bạc màu được cải tạo làm sân golf thì lại trở thành một địa điểm hấp dẫn, đẹp về cảnh quan, trong lành về môi trường. Chiều dài một sân golf tiêu chuẩn 18 lỗ lên đến 6 km, sau mỗi cú đánh người chơi phải đi bộ hàng trăm mét giữa một môi trường trong lành, thoáng đãng, phong cảnh hữu tình. Điều này giúp làm thư giãn tinh thần cũng như tăng cường sức khỏe thể chất cho người chơi. Chính vì đặc điểm này mà golf được coi là sự kết của các yếu tố Green (màu xanh của cây), Oxygen (không khí trong lành), Landscape (phong cảnh đẹp), Friendship (tình hữu nghị) [19]. Golfing – một phương tiện của ngoại giao, hội nhập quốc tế và kinh doanh Trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế, golf là một môn thể thao lý tưởng đóng vai trò cầu nối hiệu quả cho sự hợp tác giữa các quốc gia. Đặc biệt trong hoạt động ngoại giao ở một số khu vực như ASEAN, Bắc Mỹ… golfing được coi là một phương tiện giải quyết công việc, nó là một phần không thể thiếu trong chương trình các cuộc họp từ hội nghị chuyên viên cao cấp đến hội nghị Bộ trưởng, hội nghị cấp cao đều có buổi chơi golf. Golfing thực sự được coi là một yêu cầu của công tác ngoại giao [49]. Golf không đơn giản chỉ là một thú chơi thuần tuý, nó còn được coi là một công cụ xúc tiến kinh doanh rất hiệu quả. Giới doanh nhân coi sân chơi này là cơ hội tốt để giao lưu và tìm kiếm đối tác làm ăn. Nếu “yếu tố quan hệ” vẫn được coi là quan trọng hàng đầu trong kinh doanh thì golfing chính là một công cụ đặc biệt cho việc phát triển yếu tố đặc biệt đó vì vậy khi đạt được mục tiêu kinh doanh với đối tác trên sân golf người ta nói rằng đã dành thắng lợi ở “lỗ golf thứ 19” [48]. Không giống với các môn thể thao khác như: bóng đá, tennis…mục tiêu luôn đánh bại đối thủ, nhưng với golfing không có đối thủ mà là chiến thắng chính mình. Mục tiêu là chinh phục một quả bóng và lỗ golf hoặc chính sân golf. Do đặc điểm này mà những người chơi golf gần gũi nhau hơn vì tất cả cùng hướng vào một mục tiêu chung. Không khí trong lành và thoải mái trên sân golf làm tâm hồn ai cũng phấn chấn, vui vẻ vì thế mọi việc đều trở nên dễ giải quyết và các hợp đồng có giá trị lớn nhỏ khác nhau đã được ký kết tại đây. Hơn nữa không môn thể thao nào lại có cơ hội được dành 4 đến 5 tiếng đồng hồ vừa chơi vừa trao đổi với đối tác trong bầu không khí cởi mở, thân mật và không gian thơ mộng như trên sân golf. Thông qua cách chơi golf còn có thể đoán biết được tính cách và độ tin cậy của đối tác trong kinh doanh một cách tinh tế. Theo một công trình nghiên cứu, 50% các giao dịch kinh doanh là trên sân golf, 99% trong tổng số 500 chủ tịch tập đoàn giàu có nhất tại Hoa Kỳ coi golfing là một công cụ kinh doanh có hiệu quả [48]. ở đâu có thương mại phát triển ở đó có golfing, có lẽ vì thế mà golfing phát triển rất mạnh tại các cường quốc thương mại. Golfing – một hoạt động thể thao có chi phí cao Đặc thù của golfing là yêu cầu rất cao về điều kiện vật chất như xây dựng sân golf rất cầu kỳ, các cơ sở hạ tầng phục vụ gồm có khu nhà nghỉ ngơi, giải trí, ăn uống, khu hướng dẫn chơi và cho thuê dụng cụ… đều có chất lượng rất cao, đúng tiêu chuẩn cho nên vốn đầu tư cho mỗi sân lên đến hàng chục triệu USD [20]. Mặt khác để duy tu bảo dưỡng cho một sân golf tiêu chuẩn như vậy thì số tiền bỏ ra cũng không nhỏ. Câu lạc bộ chơi golf ra đời là tập hợp những người được coi là “đã khá thành đạt”. Với những người mới tập chơi golf, thời gian tập cũng tối thiểu là 3 tháng và phải trả 150 USD tiền phí cho 13 bài học. Mặt khác còn phải trả 400 USD cho tiền thuê sân bãi để tập, 10 USD để thuê 3 cây gậy, đến những bài học cao hơn phải trả tiền cho việc thuê 6 cây gậy… và tiền cứ tăng lên cho tới khi thành thạo. Người chơi còn phải tốn thêm khoảng 30 USD tiền ăn, nước uống, tiền thưởng cho người đi theo phục vụ nhặt bóng (caddie). Như vậy tính tổng chi phí chỉ cho việc tập đánh golf cũng đã lên tới hàng ngàn USD [16]. Để trở thành hội viên của một câu lạc bộ golf cần phải có thẻ hội viên (Membership Card). ở Nhật Bản để có được thẻ hội viên người chơi phải chịu chi phí lên đến vài trăm ngàn USD thậm chí lên đến hàng triệu USD, còn ở Việt Nam để có được thẻ này ở các sân golf cũng phải trả từ 20.000 USD trở lên, chưa kể một khoản lệ phí dành cho việc bảo trì sân khoảng 300 – 800 USD/năm. Người không có thẻ hội viên, mỗi lần chơi phải trả khoảng hơn 100 USD/người chơi cho vòng chơi 18 lỗ kéo dài khoảng 4-5 tiếng đồng hồ. Hơn nữa để chơi golf, người chơi còn phải có các dụng cụ chơi bao gồm một bộ gậy 14 chiếc, bóng, găng tay, cọc đặt bóng (tee), giầy, túi đựng gậy golf. Một bộ dụng cụ chơi golf như vậy có giá trung bình hơn 2.000 USD [08]. Do chi phí cao như vậy nên golfing được coi là môn chơi của tầng lớp thượng lưu, những người thành đạt trong kinh doanh. Việc sở hữu một tấm thẻ hội viên câu lạc bộ golf có giá trị chuyển nhượng hàng chục ngàn đô la Mỹ là biểu hiện của đẳng cấp xã hội mới, là điều kiện để mỗi người tạo thêm cho mình cơ hội gặp gỡ, giao lưu và cùng thăng tiến trong xã hội. Golfing – môn thể thao mang phong cách tinh tế Ngay từ thời xa xưa trong lịch sử golf đã được coi là một môn thể thao mang tính “quý tộc”, thường được chơi phổ biến trong đám cưới, tiệc của các gia đình hoàng gia. Đặc tính của golfing chính là sự thư thái, thanh lịch và tao nhã. Trong golfing sự thắng thua giữa những người chơi không phải là điều quan trọng nhất mà phong cách nhân văn, cao thượng, quý phái, bản lĩnh cũng như sự tôn trọng và quan tâm tới mọi người chung quanh của người chơi mới là yếu tố cốt lõi của môn chơi này. Golf là môn thể thao không có sự đối kháng, môn chơi mà mọi người đều chiến thắng, chiến thắng chính mình. Luật chơi được tuyệt đối tôn trọng, sự trung thực luôn là niềm vinh dự và sự hài lòng của mọi người khi đến với môn chơi. Người chơi tự giám sát chính mình, không có trọng tài đi cùng và tự giác thông báo kết quả chơi cho Ban tổ chức. Chính vì vậy khác với nhiều môn thể thao, golfing đòi hỏi nghiêm ngặt mỗi người chơi phải có một hiểu biết cần thiết về luật chơi, cách thức ứng xử, cách ăn mặc khi ra sân bởi đây là môn chơi liên quan đến nhiều người, chỉ có kiến thức, hiểu biết và thái độ đúng đắn trên sân mới mang lại cho mỗi người chơi sự hài lòng và thoải mái thực sự. Những người chơi golf thường là những người có địa vị cao, có uy tín, trình độ học vấn và được tôn trọng trong xã hội, ví dụ như các chính khách, các nhà ngoại giao, các quan chức cao cấp… . Golfing ở một số quốc gia trong khu vực Golfing ở Trung Quốc Sự phát triển của golfing ở Trung Quốc mới diễn ra trong khoảng hơn hai thập kỷ qua bắt đầu từ năm 1984 khi mà sân golf đầu tiên được xây dựng. Tuy nhiên theo Hiệp hội golf Trung Quốc thì trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây là một giai đoạn bùng nổ thực sự của hoạt động này. Nếu như năm 1995 cả Trung Quốc mới có 10 sân golf đạt tiêu chuẩn và khoảng 1000 người chơi golf thì hiện nay số lượng sân golf tại đây là hơn 340 sân với hơn 1 triệu người chơi và khoảng 102 câu lạc bộ golf trên khắp đất nước [60]. Chính vì vậy Trung Quốc đã trở thành quốc gia có golfing phát triển nhanh ở vị trí thứ năm trên toàn thế giới và vị trí thứ hai ở Châu á. Vị trí này hoàn toàn có thể thay đổi khi Trung Quốc đã có 1000 dự án xây dựng thêm các sân golf mới trong vòng một thập kỷ nữa. Doanh thu từ du lịch golf của Trung Quốc năm 1999 là 576,44 triệu USD và đến năm 2006 là 5,4 tỷ USD [60], bằng khoảng 15,9% tổng doanh thu từ du lịch quốc tế đến Trung Quốc năm 2006 (doanh thu du lịch quốc tế vào Trung Quốc năm 2006 là 33,9 tỷ USD) [67]. Khách du lịch golf tại Trung Quốc chủ yếu là người nước ngoài và đến từ các quốc gia có vốn đầu tư lớn vào Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu … Các sân golf ở Trung Quốc thường được xây dựng ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… và đặc biệt tập trung nhiều tại các tỉnh ven biển Đông-Nam của đất nước nơi có các điều kiện thuận lợi về khí hậu cũng như địa hình cho golfing phát triển. Điển hình nhất là Câu lạc bộ golf Mission Hills đã được công nhận là câu lạc bộ golf lớn nhất thế giới với 180 lỗ golf và được ghi danh trong cuốn sách các kỷ lục thế giới Guinness (Guinness World Records). Câu lạc bộ golf Mission Hills có vị trí tại tỉnh Quảng Đông, bao gồm 10 sân golf được thiết kế, xây dựng hết sức độc đáo với những vẻ đẹp khác nhau bởi các kiến trúc sư sân golf hàng đầu và các tay golf chuyên nghiệp trên thế giới. Sân golf này được coi là khu du lịch có thứ hạng 4A (tiêu chuẩn cao nhất cho chất lượng khu du lịch) ở Trung Quốc và trong cuộc bình chọn mang tên “100 sân golf tốt nhất bạn phải chơi” mới đây được tổ chức bởi tạp chí Golf Thế Giới bằng tiếng Anh nó đã được xếp hạng thứ 17. Golfing ở Nhật Bản Golfing bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào cuối thời kỳ Minh Trị (1868-1912). Một thương gia buôn chè người Anh đã thành lập câu lạc bộ golf đầu tiên ở Nhật Bản tại Kobe vào năm 1903. Golfing đã mau chóng trở thành một hoạt động thể thao ưa chuộng của giới thượng lưu Nhật Bản. Hiệp hội golf Nhật Bản được thành lập vào năm 1924, đến năm 1937 toàn Nhật Bản đã có 70 sân golf. Vào giữa thời gian từ 1960 đến 1964 khi Thủ tướng Nhật Bản Ikeda công bố mục tiêu quốc gia nhằm tăng gấp đôi thu nhập quốc dân của Nhật Bản thì hệ quả đã làm tăng số lượng các sân golf ở Nhật Bản từ 195 lên 424. Sự bùng nổ sân golf lần thứ hai diễn ra vào khoảng năm 1972 khi những chính sách quốc nội của Thủ tướng Tanaka là đầu tư những khoản tiền lớn từ thuế thu cho các công trình công cộng chủ đạo như đường cao tốc, các dự án ngăn lũ. Số lượng sân golf đã tăng lên hơn 1000 trong thời gian này. Tại Nhật Bản golfing được coi là một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong các quan hệ kinh doanh thương mại. Nó là một phần của văn hoá công ty và là biểu trưng cho sự quản lý và kinh doanh thành đạt trong trong giới doanh nhân Nhật Bản. Hiện nay Nhật Bản là quốc gia có số lượng người chơi golf lớn nhất châu á và lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ với hơn 13 triệu người chiếm hơn 10% dân số [68], có khoảng hơn 2300 sân golf đang hoạt động, 330 sân golf đang được xây dựng và cùng với 1000 sân golf khác đang được lên kế hoạch xây dựng trong tương lai. Chi phí cho golfing ở Nhật Bản cũng thuộc loại đắt nhất trên thế giới. Để có được thẻ hội viên trong các câu lạc bộ ở đây phải mất từ 100 triệu yên cho đến 400 triệu yên (830.000 USD – 3.330.000 USD). Doanh thu từ golfing của Nhật Bản năm 2006 đạt 8,7 tỷ USD [60], vượt trên cả doanh thu từ du lịch quốc tế đến Nhật Bản năm 2006 (doanh thu du lịch quốc tế đến Nhật Bản năm 2006 là 8,5 tỷ USD) [67]. Khách du lịch golf ở Nhật Bản chủ yếu là người trong nước, khách du lịch golf nước ngoài chiếm tỷ lệ ít hơn do chi phí chơi golf tại Nhật Bản cao và khí hậu thường không thuận lợi cho việc chơi golf. Cũng chính vì chi phí chơi golf cao tại Nhật Bản, nên nhiều người Nhật Bản đã chọn cách đi ra nước ngoài để chơi golf, nơi có chi phí rẻ hơn so với trong nước. Một số nơi mà người Nhật Bản hay tới chơi golf như Australia, Hoa Kỳ (Hawaii, California…) và đặc biệt là khu vực ASEAN. Golfing ở Hàn Quốc Sân golf đầu tiên được xây dựng ở Hàn Quốc vào năm 1931 là sân golf Seoul Country Club. Vào khoảng thời gian những năm 1950 thì Hàn Quốc mới bắt đầu hội nhập với golfing thế giới thông qua các giải đấu của Canada Cup. ở Hàn Quốc golfing được coi là một sở ._.thích của tầng lớp thượng lưu và là biểu tượng cho vị thế xã hội do vậy môn thể thao này đã xâm nhập vào quốc gia này một cách nhanh chóng. Các sân golf ở Hàn Quốc được xây dựng ngày càng nhiều, số lượng sân golf hiện nay vào khoảng hơn 200 sân. Chi phí cho một vòng chơi golf 18 lỗ vào ngày thường trong tuần là 250 USD/người và vào ngày cuối tuần là 350 USD/người [60]. Các sân golf ở Hàn Quốc cũng được coi là có chất lượng hàng đầu châu á vì thế Hàn Quốc đang nổi lên như một điểm đến chơi golf nổi tiếng thế giới thu hút các giải đấu golf quốc tế có uy tín. Năm 2004 doanh thu từ golfing của Hàn Quốc đạt 2,7 tỷ USD, năm 2006 đã đạt 3,1 tỷ USD tăng 14,8% so với năm 2004 [60]. So với doanh thu từ du lịch quốc tế đến Hàn Quốc năm 2006, doanh thu từ golfing của nước này bằng khoảng 58,4% (doanh thu du lịch quốc tế đến Hàn Quốc năm 2006 là 5,3 tỷ USD) [67]. Khách du lịch golf tại Hàn Quốc chủ yếu là khách trong nước, ngoài ra còn có một số lượng khách du lịch golf đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… Golfing ở Thái Lan Golf là một trong những môn thể thao phổ biến nhất ở Thái Lan được du nhập vào quốc gia này cách đây gần một thế kỷ và nhanh chóng được đón nhận bởi tầng lớp thượng lưu như một trào lưu mốt. Sân golf đầu tiên được xây dựng ở Thái Lan vào những năm 1920 là sân golf Hoàng gia Hua Hin. Khi ấy sân golf này chỉ dành cho Nhà vua, những thành viên Hoàng gia và quý tộc Thái Lan. Sự phổ biến của golfing tăng lên một cách mạnh mẽ sau khi Thái Lan tổ chức thành công giải golf quốc tế đầu tiên (World Cup) vào năm 1975. Số lượng các sân golf đã tăng lên nhanh chóng vào hai thập niên sau đó cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế Thái Lan. Hiện nay Thái Lan có khoảng 300 sân golf, trong vài năm tới con số này sẽ thay đổi nhanh chóng khi các sân golf mới đang được xây dựng hoàn thành. Ngay tại thủ đô Bangkok cũng tập trung đến 40 sân golf với các cấp độ khác nhau cả ở bên trong khu đô thị và vùng ngoại ô. Golfing gắn liền với hoạt động du lịch ở Thái Lan. Phần lớn các sân golf tập trung tại các điểm du lịch nổi tiếng. Những sân golf ở Thái Lan đều được thiết kế bởi các nhà thiết kế sân golf danh tiếng thế giới với chất lượng cơ sở vật chất và hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế do đó Thái Lan liên tục được Hiệp hội Đại lý Lữ hành golf thế giới tôn vinh là “Điểm đến du lịch golf tốt nhất”. Năm 2000 du lịch Thái Lan đã đón 300.000 du khách golf quốc tế. Số lượng du khách golf tại Thái Lan năm 2000 đã tăng thêm 50% so với năm 1999 và đã đem về 270 triệu USD cho nền kinh tế nước này [66]. ít nhất 400.000 khách du lịch golf quốc tế đã đến Thái Lan trong hai năm 1998 và 1999, trong đó phần lớn từ các quốc gia như Nhật Bản, Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc [48]. Doanh thu từ golfing năm 2006 của Thái Lan là 720 triệu USD [60], bằng khoảng 5,8% doanh thu từ du lịch quốc tế đến Thái Lan năm 2006 (doanh thu du lịch quốc tế đến Thái Lan năm 2006 là 12,4 tỷ USD) [67]. Sau khi giải golf quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Thái Lan năm 1975, golfing đã trở thành một nguồn thu nhập quan trọng của nền kinh tế Thái Lan và nó cũng được công nhận là một tài nguyên du lịch chủ yếu của quốc gia này. Cơ quan du lịch Thái Lan (TAT – Tourism Authority of Thailand) cũng thừa nhận những đóng góp có ý nghĩa to lớn được tạo ra do việc đi tiên phong của golfing Thái Lan đã thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của ngành du lịch. Với một cấp độ vượt trội trong việc cung cấp các dịch vụ hoàn hảo và mức phí chơi golf cạnh tranh nhất thế giới, các sân golf ở Thái Lan ngày càng hấp dẫn nhiều khách du lịch golf quốc tế. Điều này đã làm cho Thái Lan được biết đến như là thủ đô golf của châu á. Golfing ở Malaysia Malaysia đang nhanh chóng nổi lên như một thiên đường golfing mới nhất tại khu vực Đông Nam á. Khách du lịch biết đến quốc gia này thông qua các chuyến du lịch của sự kết hợp giữa tham quan nghỉ dưỡng với hoạt động lý thú của môn thể thao golf. Hiện nay Malaysia có trên 200 sân golf được thiết kế hết sức đa dạng ở nhiều vị trí khác nhau có thể trên các quả đồi, ven bờ biển hay các nông trường chè. Cho dù các sân golf được xây dựng ở đâu thì cũng đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi sân golf đều thể hiện một phong cách độc đáo làm nổi bật không gian tự nhiên xung quanh. Hai trong số các sân golf đó là sân golf Mines Resort Golf and Country Club và Saujana Golf and Country Club đều được thiết kế xây dựng ở vùng nông thôn và cung cấp các dịch vụ rất sang trọng hoàn hảo cho các nhu cầu đa dạng của khách du lịch golf. Malaysia là một trong số ít các điểm đến ở khu vực Đông Nam á có golfing mà nhiều người có thể tiếp cận được, không giống như Trung Quốc hay Nhật Bản nơi có chi phí chơi golf thường rất cao và chỉ dành cho những người có địa vị trong xã hội hoặc những người thành đạt trong kinh doanh. Tuy nhiên doanh thu từ golfing của Malaysia năm 2006 đã đạt là 540 triệu USD [60], bằng khoảng 5,6% doanh thu từ du lịch quốc tế đến của Malaysia (doanh thu du lịch quốc tế đến của Malaysia năm 2006 là 9,6 tỷ USD) [67]. Lượng khách du lịch golf tới Malaysia từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu… khá lớn. Golfing ở Singapore Sự du nhập của golfing vào Singapore được đánh dấu bằng việc thành lập câu lạc bộ golf đầu tiên, câu lạc bộ golf “The Singapore Island Country Club”, vào năm 1891. Mặc dù là một trong những quốc gia nhỏ nhất ở châu á nhưng Singapore lại có tiềm năng lớn về golfing. Không có nước nào trên thế giới có mật độ sân golf trên một km2 lớn bằng Singapore. Diện tích của Singapore chỉ khoảng 700 km2 bằng một nửa diện tích thành phố Đà Nẵng của Việt Nam tuy nhiên số lượng sân golf hiện nay ở đây lên đến 30 sân. Doanh thu từ golfing năm 2006 của Singapore đạt 112 triệu USD [60], bằng khoảng 1,5% doanh thu từ du lịch quốc tế đến của Singapore năm 2006 (doanh thu du lịch quốc tế đến của Singapore năm 2006 là 7,1 tỷ USD) [67]. Singapore là một điểm đến du lịch golf của nhiều du khách quốc tế do khí hậu tại đây hầu như nắng ấm quanh năm. Các sân golf của Singapore đều đạt đẳng cấp quốc tế với những bãi cỏ xanh mướt và hệ thống phương tiện kỹ thuật hiện đại. Phần lớn các sân golf ở Singapore đều có các quy định chặt chẽ về trang phục của người chơi golf như áo phông phải có cổ, quân âu hay quần soóc và giày dành riêng cho đánh golf. 1.3. Vai trò của golfing đối với du lịch 1.3.1. Vai trò của golfing nói chung 1.3.1.1. Đối với kinh tế Trên thế giới, golfing đã được coi là một ngành công nghiệp do tính phổ biến toàn cầu của nó với ít nhất 75 triệu người đam mê và hơn 40.000 sân golf ở trên 119 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. ở Hoa Kỳ có khoảng 16.000 sân golf, Anh là 2.500, úc là 1.500 … [33]. Golfing giúp đem lại doanh thu lớn cho xã hội do chi phí cho dịch vụ golfing cao, không những thế các dịch vụ đi kèm với dịch vụ golfing cũng đều là các dịch vụ cao cấp. Doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp golf thế giới lên đến con số 60 tỷ USD, ngang với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhiều quốc gia đang phát triển. Riêng tại Hoa Kỳ ngành công nghiệp này đem lại món lợi tới 18 tỷ USD mỗi năm, với khoảng 37 triệu người Hoa Kỳ tham gia [60]. Năm 2006 gần 650 nghìn người Hàn Quốc du lịch ra nước ngoài chơi golf và chi gần 1,2 tỷ USD cho các chuyến đi đó. Con số này tương đương với việc xuất khẩu 110.000 chiếc xe hơi do vậy chính phủ Hàn Quốc muốn xây dựng thêm các sân golf ở các khu vực đất đai bạc màu không khai thác được nông nghiệp để hạn chế bớt việc chơi golf ở nước ngoài của người dân và phát triển ngành giải trí, du lịch dịch vụ vốn chiếm 57% GDP của nước này hàng năm [18]. Golfing giúp phát triển ngành tài chính – ngân hàng và hoạt động thương mại - đầu tư. Hầu hết những khách chơi golf đều là những người trong giới doanh nhân như chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và quản lý doanh nghiệp … . Golfing là phương tiện làm việc, phương tiện thu hút đầu tư, là môi trường lý tưởng cho các hoạt động giao dịch kinh doanh qua đó các nhà đầu tư sẽ có cơ hội tốt trong việc nhận biết được môi trường đầu tư tại nơi họ đến chơi golf và quyết định đầu tư cho công việc kinh doanh của họ ở đây. Việc phát triển golfing có ý nghĩa lớn về kinh tế, vì việc xây dựng các sân golf sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước. Việc cho thuê đất và tiền thuế thu được từ việc kinh doanh sân golf cũng đóng góp không nhỏ cho ngân sách của địa phương có sân golf. Golfing phát triển kéo theo sự phát triển của các ngành nghề có liên quan khác trong nền kinh tế như: xây dựng, nông nghiệp, văn hoá, thủ công nghiệp, công nghiệp (nặng, nhẹ, thực phẩm…), thông tin – viễn thông…vv do việc cung ứng sản phẩm với số lượng nhiều và chất lượng cao của các ngành nghề này cho golfing. 1.3.1.2. Đối với xã hội Golfing giúp giải quyết vấn đề về việc làm cho người dân ở địa phương. Một sân golf 18 lỗ có thể thu hút từ 300 đến 500 người làm với thu nhập khá. Hiện nay golfing ở Việt Nam đã giúp giải quyết việc làm cho 16.000 lao động tại các địa phương [31]. Golfing là công cụ để xoá đói giảm nghèo cho dân cư ở những vùng đất đai cằn cỗi không thể phát triển nông, lâm, ngư nghiệp được. Nó tạo ra thu nhập cao cho người dân địa phương thông qua làm dịch vụ cho việc chơi golf cũng như chăm sóc và bảo vệ sân golf …Tại các sân golf ở Việt Nam mức lương trung bình của một người nhặt bóng golf (caddie) từ 1,2 – 1,5 triệu đồng, ngoài ra còn có tiền thưởng (tip) của khách chơi golf cho việc phục vụ một vòng chơi golf 18 lỗ tối thiểu là 100.000 đồng và có thể lên tới 1 triệu đồng [17]. Chính vì vậy đã có quan điểm cho rằng phục vụ trên sân golf là một hình thức làm nông nghiệp tiên tiến [13]. Golfing còn là một hoạt động có lợi cho sức khoẻ của con người thích hợp mọi lứa tuổi cả với thiếu niên 8-10 tuổi cho đến người già 80-90 tuổi, có tác dụng chữa được một số bệnh về xương khớp, giúp tinh thần con người thư giãn, hồi phục sức khoẻ nhanh vì golfing diễn ra trong một không gian rộng và trong lành. Golfing là biểu tượng song hành cùng với hoạt động chính trị, ngoại giao, thương mại – tài chính cho nên quốc gia nào có golfing phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc quốc gia đó có vị thế và ảnh hưởng mạnh mẽ trên trường quốc tế. Golfing có thể được coi là một phương tiện hiệu quả trong việc marketing một quốc gia. Golfing còn là một phương tiện thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hoá xã hội, các mối quan hệ hữu nghị trong nước cũng như quốc tế, giúp cho các cộng đồng người hiểu nhau hơn, quảng bá cho hình ảnh con người và đất nước. Mặt khác golfing còn là một hoạt động giúp phát triển tính cách con người theo hướng tích cực. Tất cả các đức tính được đòi hỏi khi tham gia vào golfing như tính tự tin, sự quyết đoán, tính kiên trì, tôn trọng người khác, sự khéo léo, tư duy chiến lược và đặc biệt là tính trung thực, tự giác và độc lập cao đều là những đức tính rất cần thiết của con người trong một xã hội phát triển văn minh. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em chơi golf sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm hơn. Đơn giản bởi cơ cấu và luật chơi của môn golf. Học các quy tắc và sự tự giác từ sớm sẽ vô cùng có lợi cho việc phát triển của một đứa trẻ. Golfing giúp hoàn thiện bản thân, mở rộng quan hệ xã hội [02]. 1.3.1.3. Đối với môi trường sinh thái Các sân golf được xây dựng đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cho con người. Từ những vùng đất trống đồi trọc, bãi cát, đất cằn cỗi đã trở nên một thảm cỏ xanh với những hồ nước, cây cối xanh tươi góp phần vào việc cân bằng và cải tạo môi trường sinh thái tự nhiên. Đảm bảo cho con người sinh sống tại đây được hưởng không khí trong lành, không gian yên tĩnh và cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời. Đối với những người chơi golf, đây không chỉ là nơi quan hệ làm ăn mà còn là nơi nghỉ dưỡng hưởng thụ những phẩm vật của tự nhiên ban tặng. Chính những sân golf này đã góp phần không nhỏ cho việc bảo vệ môi trường sinh thái, cân bằng lại những gì mà con người đã lấy đi của tự nhiên qua đó giúp bảo vệ trái đất chung của mọi người. 1.3.2. Vai trò của golfing đối với du lịch Trên thế giới hiện nay có khoảng 75 triệu người tham gia vào golfing, tuy nhiên số lượng người chơi golf chuyên nghiệp chỉ chiếm không tới 0,5% số lượng người chơi [33]. Như vậy golfing thực sự là một môn chơi có sự tham gia lớn nhất của những người không chuyên. Và chính những người chơi golf không chuyên lại là lượng khách du lịch tiềm năng của loại hình du lịch thể thao – giải trí. Mục đích chuyến đi của họ là nhằm thư giãn, hồi phục sức khoẻ và giải trí thông qua việc tham gia vào golfing tại các sân golf của điểm đến du lịch. Đặc điểm của nhóm du khách này là có khả năng chi trả rất cao vì họ đều là những người thành đạt trong kinh doanh, các quan chức hay những người có nguồn tài chính dồi dào vì thế có thể tạo ra sự vượt trội trong doanh thu của ngành du lịch địa phương. Loại hình du lịch thể thao – giải trí là loại hình du lịch mà sản phẩm của nó chính là các hoạt động thể thao nhằm đáp ứng các nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng của khách du lịch. Golfing là một sản phẩm du lịch có nhiều lợi thế hơn so với các hoạt động thể thao khác. Thứ nhất, nó tạo ra loại hình du lịch cao cấp qua đó đem lại doanh thu cao cho du lịch của địa phương. Thứ hai, nó là hoạt động thể thao nhẹ nhàng, thanh nhã, không có tính đối kháng, không đòi hỏi chặt chẽ các điều kiện về thể lực, tuổi tác hay giới tính như một số hình thức du lịch thể thao khác (trekking, kayaking, lướt sóng, dù bay, môtô nước, lặn biển, leo núi, nhảy dù …) do vậy mọi đối tượng khách du lịch đều có thể tham gia. Thứ ba nó là hình thức du lịch đáp ứng nhu cầu giải trí – nghỉ dưỡng, mà nhu cầu này chiếm một tỷ lệ lớn khoảng 60%-70% các chuyến đi của khách du lịch [67]. Và cuối cùng nó còn đáp ứng nhu cầu thể hiện mình trong xã hội, một nhu cầu ngày càng được đòi hỏi trong hoạt động du lịch hiện đại. Khách du lịch golf đều là những người được coi là có đẳng cấp trong xã hội, có thể là có vị trí trong xã hội hoặc là những người thành đạt trong kinh doanh. Mặt khác, việc xây dựng các sân golf sẽ tạo ra những điểm du lịch mới với cảnh quan đẹp, tăng tính hấp dẫn của khu du lịch hiện có, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch mới như giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái… Golfing góp phần phát triển loại hình du lịch MICE (Meeting-Incentive-Conference-Event) và loại hình du lịch thể thao – giải trí – nghỉ dưỡng cao cấp. Các hội nghị khu vực và quốc tế thường có việc chơi golf trong chương trình. Golfing cũng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận cho việc tiêu dùng các sản phẩm du lịch và hàng hoá khác trong khu vực. Thông qua golfing, điểm du lịch sẽ được quảng bá rộng rãi làm tăng số lượng du khách tới điểm du lịch. Chương 2 Golfing trong việc thu hút khách du lịch ở sân golf Đồng Mô và sân golf Chí Linh Golfing ở Việt Nam Sự hình thành và phát triển golfing ở Việt Nam 2.1.1.1. Lịch sử hình thành phát triển Nếu như cách đây khoảng 15 năm, chơi tennis được coi là một hoạt động thể thao “quý tộc” và báo hiệu một trào lưu phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam thì nay một môn thể thao khác lặp lại lịch sử đó chính là golf. Cho đến nay, golf vẫn còn là một môn chơi xa lạ đối với đại đa số người dân Việt Nam. Tuy nhiên sẽ là một sự ngạc nhiên lớn khi biết rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam á đi tiên phong trong việc xây dựng sân golf. Theo trang tin điện tử của tỉnh Lâm Đồng [63] vào năm 1922, Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã cho xây dựng sân golf đầu tiên ở Việt Nam trên 3 ngọn đồi nhìn xuống hồ Xuân Hương tại Đà Lạt, vùng đất vào thời đó được mệnh danh là “Hoàng triều cương thổ” (đất của nhà vua). Diện tích toàn khu vực “Đồi Cù” chiếm khoảng 65 héc ta nhưng công trình chỉ được thiết kế dưới dạng sân golf 9 lỗ. Đây là nơi giải trí cho giới thượng lưu và các quan chức thuộc địa, chính vua Bảo Đại cũng thường chơi ở sân golf này. Vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945 và cũng từ đó, một trong những sân golf đầu tiên của vùng Đông Nam á bị bỏ hoang để trở thành Đồi Cù theo tên gọi quen thuộc của người dân Đà Lạt. Phải đợi đến cuối thập niên 1950, sân golf mới từng bước được phục hồi với lòng nhiệt thành của một số người dân địa phương, trong đó công đầu thuộc về bác sỹ Đào Huy Hách, một người mê đánh golf từ năm 1956. Với sự hợp tác của các hội viên Câu lạc bộ golf Sài Gòn thuộc sân golf Gò Vấp, bác sỹ Đào Huy Hách và nhóm bạn tâm huyết đã thành công trong việc phục hồi sân golf, một công trình kéo dài gần 15 năm. Việc đầu tiên là làm sao xác định được những vết tích của sân golf ngày xưa đã bị cỏ dại che lấp từ năm 1945. Theo lời bác sỹ Hách, ngoài sự hướng dẫn của một nhân viên lượm bóng (caddie) từ thời Bảo Đại, ông còn phải sử dụng cả ảnh viễn thám của Nha Địa dư Đà Lạt (tương đương với sở Tài nguyên và Môi trường hiện nay) để từng bước khôi phục sân golf bằng máy cắt cỏ. Lỗ golf đầu tiên trên sân được phục hồi năm 1959 và ngay sau đó lỗ golf thứ hai cũng được định hình. Cả hai lỗ được giới “ghiền” golf lúc đó ở Sài Gòn và Đà Lạt dùng làm sân tập và mãi đến năm 1965 mới hoàn toàn phục hồi được 9 lỗ golf nguyên thuỷ. Thiếu loại cỏ đặc biệt, sân golf đã được thay thế bằng cát trộn với dầu nhớt để tạo hình cho các đường bóng (fairway). Vào thập niên 60s của thế kỷ trước, Câu lạc bộ golf Đà Lạt đã được hình thành với khoảng 40 hội viên, đa số là các nhà ngoại giao, các chuyên gia Nhật Bản sang giúp xây dựng thuỷ điện Đa Nhim và một số viên chức dân sự Hoa Kỳ [63]. Trong khoảng thời gian dài chừng 20 năm từ 1975 đến 1994, golfing một lần nữa lại bị lãng quên. Hai sân golf duy nhất đều ở phía nam của Việt Nam là sân golf Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) và sân golf Đà Lạt (Lâm Đồng) trở nên hoang vắng. Vào năm 1990, thực hiện chính sách mở cửa và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Đảng và Chính phủ nước ta đã có chủ trương cho liên doanh hợp tác, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sân golf với mục đích tạo nơi giải trí thể thao lành mạnh trước hết là cho người nước ngoài làm việc và sinh sống ở Việt Nam và sau đó dần dần cho người Việt Nam theo mức thu nhập và yêu cầu sinh hoạt thể thao của mọi thành phần. Nhờ chính sách trên mà golfing đã có cơ hội quay trở lại Việt Nam, đánh dấu bằng việc năm 1991 hai dự án sân golf bao gồm dự án đầu tư cải tạo sân golf Đà Lạt thành sân golf 18 lỗ và dự án xây dựng khu vui chơi, giải trí, du lịch và sân golf Fairy Land trị giá 97 triệu USD tại Vũng Tàu được cấp phép. Lần đầu tiên tại Miền Bắc, một sân golf tiêu chuẩn quốc tế được khai trương vào tháng 8 năm 1993. Đó là sân golf 18 lỗ King’s Valley - Đồng Mô (Hà Tây) [08]. Hiện nay golfing tại Việt nam đã có một bước phát triển đáng kể cả về lượng và chất. Tính đến tháng 8/2007, cả nước đã có 14 dự án đầu tư sân golf với tổng số vốn hơn 400 triệu USD đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn có khoảng gần 30 dự án đầu tư xây dựng sân golf đang được thực hiện sẽ góp phần đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam [06]. Số lượng người chơi golf ở Việt Nam cũng tăng theo cấp số nhân, nếu như vào năm 1996 số lượng người chơi golf còn chưa đến con số 70 bao gồm cả caddie (người nhặt bóng) thì nay cả nước có hơn 5.000 hội viên chính thức kể cả người nước ngoài và người Việt Nam [13]. Cơ cấu hội viên chơi golf nhanh chóng thay đổi, cho đến năm 2002 số hội viên người nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam vẫn chiếm đa số khoảng 82% còn số hội viên quốc tịch Việt Nam chỉ khoảng 18% thì đến năm 2005 theo ông Henrik J. Andersen, Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam, cơ cấu hội viên chơi golf quốc tịch Việt Nam đã chiếm hơn 50% ở một số sân golf. Nhiều câu lạc bộ golf được thành lập, phát triển và số lượng cũng như trình độ các giải đấu golf ngày càng tăng lên. Tất cả những điều này đã là minh chứng cho ý kiến cho rằng thời của golf ở Việt Nam đang đến. 2.1.1.2. Hệ thống các sân golf ở Việt Nam a. Hệ thống các sân golf đang hoạt động Trong 14 sân golf đang hoạt động tại Việt Nam có thể thấy sự tập trung rõ rệt chỉ ở hai đầu đất nước, nơi có hai trung tâm kinh tế lớn là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, (Bảng 2.1). Bảng 2.1. Hệ thống các sân golf đang hoạt động ở Việt Nam TT Tên sân golf Địa điểm Quy mô (số lỗ) Đặc điểm Đơn vị và vốn đầu tư 1. Sân golf Đồng Mô (King’s Island Golf Club) Ba Vì, Hà Tây (40 km phía Tây Hà Nội) 36 Nằm trên một hòn đảo, bên cạnh rừng quốc gia Ba Vì Công ty TNHH Ngân Anh Vốn đầu tư 18,2 triệu USD 2. Sân golf Chí Linh (Chi Linh Star Golf Club) Huyện Chí Linh, Hải Dương (65 km Đông Bắc Hà Nội) 36 Tại khu vực có nhiều đồi núi tự nhiên Cty Đầu tư xây dựng và bất động sản Ngôi sao Chí Linh Vốn đầu tư 23,6 triệu USD 3. Sân golf Tam Đảo Tam Đảo, Vĩnh Phúc (45 km Tây Bắc sân bay Nội Bài) 18 Bên cạnh rừng quốc gia Tam Đảo Công ty cổ phần đầu tư Tam Đảo, Vốn đầu tư 30,4 triệu USD 4. Sân golf Hà Nội (Hanoi Golf Club) Sóc Sơn, Hà Nội (17 km từ trung tâm) 18 Nằm trên khu vực có nhiều đồi, rừng, hồ tự nhiên Cty cổ phần sân golf Hà Nội Vốn đầu tư 26 triệu USD 5. Sân golf Long Sơn (Phoenix Golf Course) Lương Sơn, Hoà Bình (60 km Tây Bắc Hà Nội) 54 Trong khu vực có nhiều núi đá vôi, đầm hồ nước Cty East Asia Air Express (Hàn Quốc) Vốn đầu tư 20 triệu USD 6. Sân golf Đồng Nai (Bochang Golf Resort) Đồng Nai (50 km từ TP. HCM) 27 Trong khu vực có nhiều hồ đầm tự nhiên và các gò đồi Cty Bochang Dona Tourist Vốn đầu tư 28 triệu USD 7. Sân golf Đà Lạt (Dalat Palace Golf Club) Đà Lạt (4 h đi ôtô từ TP.HCM) 18 Nằm trên cao nguyên Đà Lạt, khí hậu mát, rừng thường xanh Cty Danao International Holding Vốn đầu tư 22 triệu USD 8. Sân golf Long Thành (Long Thanh Golf Club) Long Thành, Đồng Nai (60 km từ TP.HCM) 36 Được bao bọc xung quanh 2/3 bởi sông Đồng Nai Cty Cổ phần may và xây dựng Huy Hoàng Vốn đầu tư 12,4 triệu USD 9. Sân golf Vũng Tàu (Paradise Golf Club and Beach) Bãi sau, TP. Vũng Tàu (100km từ TP.HCM) 27 Ven biển, có nhiều cồn cát tự nhiên, rừng cây Cty Vũng Tàu – Paradise Vốn đầu tư 97 triệu USD 10. Sân golf Sài Gòn (Vietnam Golf and Country Club) Quận 9, TP.HCM 36 Nằm ở khu vực có nhiều hồ, đầm tự nhiên, rừng cây bao bọc Cty Du lịch Sài Gòn Vốn đầu tư 60 triệu USD 11. Sân golf Phan Thiết (Ocean Dunes Golf Club) Phan Thiết, Bình Thuận (200 km từ TP.HCM) 18 Vị trí sát biển với những doi cát, đụn cát tự nhiên, nhiều ánh nắng và gió Cty Danao International Holding Vốn đầu tư 31,5 triệu USD 12. Sân golf Sông Bé (Song Be Golf Resort) Thuận An, Bình Dương (22 km từ TP.HCM) 18 Địa hình tự nhiên đẹp nhiều đồi, hồ nước và rừng cây Cty cổ phần đầu tư xây dựng golf Sông Bé Vốn đầu tư 28 triệu USD 13. Sân golf Đầm Vạc (Dam Vac Golf Course) Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (65 km từ TP Hà Nội) 18 Ven đầm Vạc lớn, khí hậu mát, rừng cây tự nhiên Cty Cổ phần và Phát triển Đô thị Vốn đầu tư 25,6 triệu USD 14. Sân golf Vân Trì (Van Tri Golf Club) Đông Anh, (30 km từ trung tâm TP. Hà Nội) 18 Ven đầm Vân Trì, rừng cây trồng diện tích lớn Cty TNHH Deaha Vốn đầu tư 26,8 triệu USD (Nguồn: Văn phòng Tạp chí Golf Việt Nam, 8/2007) b. Các dự án sân golf đang được đầu tư xây dựng Hiện có khoảng 26 dự án sân golf đang và sẽ được đầu tư xây dựng ở Việt Nam. Trong các dự án này có thể thấy ngoài việc tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các sân golf mới ở hai khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam do có nhu cầu golfing lớn, còn có sự đầu tư xây dựng các sân golf ở các trung tâm, khu du lịch nổi tiếng tại các tỉnh Miền Trung nơi có các điều kiện tự nhiên thuận lợi cho golfing. Mặt khác trong các dự án đầu tư xây dựng các sân golf mới này, lượng vốn đầu tư hoặc 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài đều từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có golfing phát triển và có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Macao, Hongkong…(Bảng 2.2). Như vậy trong thời gian tới xu hướng phát triển của lĩnh vực du lịch và dịch vụ tại Việt Nam là rất có triển vọng. Bảng 2.2. Các dự án sân golf mới tại Việt Nam TT Tên sân golf Địa điểm Quy mô (số lỗ) Đơn vị và vốn đầu tư 1. Sân golf Sea-Links Phan Thiết Phan Thiết, Bình Thuận 18 Cty Xây lắp Rạng Đông Vốn đầu tư 24 triệu USD 2. Sân golf hồ tuyền lâm Cạnh hồ Tuyền Lâm, cách trung tâm TP. Đà Lạt 5 km về phía Nam 36 Tập đoàn KGIM (Hàn Quốc) Vốn đầu tư 95 triệu USD 3. Sân golf Đa Phước Hải Châu, Đà Nẵng 18 Cty Phát triển P&D (Singapore) Vốn đầu tư 65 triệu USD 4. Sân golf đảo Tản Vân Biên Hoà, Đồng Nai 18 Một cty của Hàn Quốc Vốn đầu tư 10 triệu USD 5. Sân golf Sky Lake (Sky Lake Golf and Resort Club) Chương Mỹ, Hà Tây 36 Tập đoàn DK Enc (Hàn Quốc) Vốn đầu tư 22 triệu USD 6. Sân golf Long Biên Long Biên, Hà Nội 36 Tập đoàn Vincom Vốn đầu tư 125 triệu USD 7. Sân golf Đồ Sơn Đồ Sơn, Hải Phòng 18 Một cty của Đài Loan Vốn đầu tư 15 triệu USD 8. Sân golf Tây Ninh Thuộc tỉnh Tây Ninh trên đường biên giới Việt Nam – Campuchia 9 Cty CVI Resort Ltd. Malaysia Vốn đầu tư 100 triệu USD 9. Sân golf Huế Hương Thuỷ, TP. Huế 18 Một cty của Hàn Quốc Vốn đầu tư 18 triệu USD 10. Sân golf hồ Đạ Ròn Đơn Dương, Lâm Đồng, cách TP. Đà Lạt 18 km 18 Cty Acteam International Cooperation (Macao) Vốn đầu tư 20 triệu USD 11. Sân golf hồ Yên Thắng Cạnh hồ Yên Thắng, Tam Điệp, Ninh Bình 54 Cty INCONESS Vốn đầu tư 100 triệu USD 12. Sân golf Thanh Trì Thanh Trì, Hà Nội 18 Tập đoàn CKS (Hàn Quốc) Vốn đầu tư 250 triệu USD 13. Sân golf Sóc Sơn Sóc Sơn, Hà Nội 18 Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) Vốn đầu tư 250 triệu USD 14. Sân golf Thuỷ Nguyên Thuỷ Nguyên, Hải Phòng 27 Cty Mibaek Industrial (Hàn Quốc Vốn đầu tư 17,3 triệu USD 15. Sân golf Hoà Hải Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng 36 Tập đoàn VinaCapital Vốn đầu tư 150 triệu USD 16. Sân golf đêm TP.Hồ Chí Minh TP.Hồ Chí Minh 36 Cty Ba Son Vốn đầu tư 17 triệu USD 17. Sân golf đêm Hà Nội TP. Hà Nội 27 Cty Ba Son Vốn đầu tư 13 triệu USD 18. Sân golf Bắc Ninh Thị xã Bắc Ninh 36 Cty Ba Son Vốn đầu tư 15 triệu USD 19. Sân golf Bà Nà Bà Nà, Đà Nẵng 18 Cty Lado Filter Engineering Vốn đầu tư 12 triệu USD 20. Sân golf Củ Chi Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh 36 Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) Vốn đầu tư 42,6 triệu USD 21. Sân golf Long Phước Long Phước, TP.HCM cách trung tâm TP 20 km 27 Tập đoàn Kumho Asiana Vốn đầu tư 150 triệu USD 22. Sân golf Đại Lải (Flamingo Đai Lai) Cạnh hồ Đại Lải, Vĩnh Phúc 18 Cty Đầu tư xây dựng và Bất động sản Ngôi Sao Chí Linh Vốn đầu tư 12 triệu USD 23. Sân golf Tuần Châu Đảo Tuần Châu, Hạ Long, Quảng Ninh 36 Tập đoàn liên doanh “Ha Long Bay Group” Vốn đầu tư 450 triệu USD 24. Sân golf Nam Hải Nam Hải, Quảng Nam 18 Tập đoàn Indochina- Capital Vốn đầu tư 48 triệu USD 25. Sân golf Nha Trang Nha Trang, Khánh Hoà 36 Tập đoàn Vinashin – Habubank Vốn đầu tư 127 triệu USD 26. Một sân golf mới của liên doanh King’s Valley và Hanwha Tỉnh Hà Tây 36 Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) Vốn đầu tư 150 triệu USD (Nguồn: Văn phòng Tạp chí Golf Việt Nam, 8/2007) 2.1.1.3. Một số giải thi đấu golf ở Việt Nam từ 2004 cho đến nay a. Các giải thi đấu golf chuyên nghiệp Do golfing chỉ mới được hình thành và bắt đầu có được sự quan tâm của một số ít người có khả năng trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây cho nên tại Việt Nam không có nhiều giải thi đấu golf chuyên nghiệp. Hiện nay chỉ có một giải thi đấu golf mang tính chất chuyên nghiệp duy nhất đó là giải thi đấu golf Carlsberg Việt Nam (Carlsberg Masters Viet Nam) lần đầu tiên được tổ chức trên sân golf Chí Linh năm 2004. Giải thi đấu golf này nằm trong hệ thống các giải thi đấu golf chuyên nghiệp của cơ quan chuyên tổ chức các giải thi đấu golf chuyên nghiệp ở châu á (Asian Tour). Hiện nay giải thi đấu golf chuyên nghiệp Carlsberg vẫn được tổ chức hàng năm trên sân golf Chí Linh. - Giải golf chuyên nghiệp Carlsberg (Carlsberg Masters Viet Nam) 2004 - Giải golf chuyên nghiệp Carlsberg (Carlsberg Masters Viet Nam) 2005 - Giải golf chuyên nghiệp Carlsberg (Carlsberg Masters Viet Nam) 2006 b. Các giải thi đấu golf không chuyên nghiệp Phần lớn các giải thi đấu golf ở Việt Nam đều mang tính không chuyên nghiệp. Các giải thi đấu này thường do một tổ chức hay một công ty tổ chức nhằm mục đích ngoại giao, giao dịch kinh tế – thương mại hay quảng cáo cho thương hiệu sản phẩm của công ty đó. Dưới đây là một số các giải thi đấu golf không chuyên nghiệp (Hộp 2.1.). Hộp 2.1. Một số giải thi đấu golf không chuyên nghiệp tại Việt Nam - Giải golf Johnnie Walker (Johnnie Walker Classic) - Giải golf Mercedes (Mercedes Trophy) - Vietcombank Cup - Giải golf Kinh Đô (Kinh Do Golf Tournament) - FPT Cup - Viet Nam – Britain Friendship Cup - Hải Dương Open Cup - Sắc hoa xuân Đà Lạt - Giải tạp chí golf Việt Nam - Giải golf BMW Việt Nam (BMW Vietnam Classic) - Giải golf vô địch quốc gia (Viet Nam National Championship) - Giải Câu lạc bộ golf Hà Nội (Ha Noi Golf Club Tournament) - Giải golf VCCI - Giải VTC Invitational - Him Lam Invitational - APEC Việt Nam 2006 - Việt Nam Airlines Golf Tournament (Nguồn: Việt Nam Golf Magazine) Đặc điểm của golfing ở Việt Nam 2.1.2.1. Điều kiện tự nhiên của Việt Nam Ba phần tư diện tích đất liền của Việt Nam là đồi và núi, nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Độ cao địa hình dưới 1000m (so với mực nước biển) chiếm tới 85% [05]. Đặc điểm về điều kiện tự nhiên này rất phù hợp cho việc xây dựng các sân golf bởi các sân golf khi thiết kế thường có mặt sân mấp mô đa dạng theo kiểu các gò, đồi, hố trũng, hồ nước…. Hơn nữa kết cấu đất ở các vùng đồi núi thường rắn đặc thuận lợi cho mặt sân golf đòi hỏi phải vững chắc không bị lún. Các đặc điểm đa dạng về cấu trúc địa hình biển và hải đảo, đồng bằng, đồi núi và cao nguyên đã tạo cho lãnh thổ Việt Nam sự đa dạng, phong phú về cảnh quan và các hệ sinh thái có giá trị như các hệ sinh thái biển đảo, hệ sinh thái sông hồ, hệ sinh thái rừng núi, hang động… giúp tạo ra những môi trường không gian thoáng đãng, cảnh quan đẹp cần thiết xung quanh các sân golf vì đặc thù của golfing là một hoạt động thể thao giải trí, thư giãn. Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài đứng thứ 27 trong tổng số 156 quốc gia có biển trên thế giới với nhiều vịnh, bãi biển nổi tiếng thế giới (Hạ._.ấu golf chuyên nghiệp thuộc hệ thống giải thi đấu golf châu á Asian Tour. Mỗi năm Asian Tour tổ chức trung bình khoảng 25 giải đấu với tổng giải thưởng lên đến 30 triệu USD [58]. Ngoài số lượng người thi đấu golf mỗi giải khoảng 200 người, số lượng các khán giả đến xem các giải thi đấu golf trong một năm cũng lên tới hàng chục nghìn người. Việc Hiệp hội golf Việt Nam tham gia vào các tổ chức golf quốc tế cũng giúp nâng cao vị thế và hình ảnh của golfing Việt Nam nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung từ đó tạo ra sức hấp dẫn đối với khách du lịch nước ngoài. Mặt khác sự liên hệ của golfing Việt Nam với các tổ chức golf quốc tế còn giúp tiêu chuẩn hoá và hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển golfing. 3.3.2. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài Trong năm 2006, Việt Nam ghi nhận một kỷ lục mới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 10,2 tỷ USD. Việc thu hút được vốn đầu tư nước ngoài lớn đã tạo điều kiện cho golfing ở Việt Nam phát triển do phần lớn khách du lịch golf, khoảng 80% [72], tới các sân golf đều là khách nước ngoài và họ phần lớn đến từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy lớn và văn phòng đại diện tại các địa phương của Việt Nam. Mặt khác trong tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam thì tỷ lệ vốn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, thể thao, giải trí như các khách sạn lớn, các khu nghỉ cao cấp (resort), sân golf, nhà hàng… ngày càng tăng. Do vậy cần tiếp tục có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ du lịch – khách sạn, thể thao – giải trí. 3.3.3. Tiếp tục có các chính sách thuận lợi cho hoạt động du lịch vào Việt Nam Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch trong việc nhập cảnh vào Việt Nam du lịch, nhất là các khách du lịch từ các quốc gia, vùng lãnh thổ được coi là các thị trường gửi khách du lịch golfing lớn tới Việt Nam bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Đài Loan… . Ví dụ như có thể kéo dài thời gian được miễn thị thực vào Việt Nam đối với khách du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc từ 15 ngày hiện nay lên 30 ngày. Có thể xem xét việc miễn thị thực có thời hạn nhất định đối với Hongkong, Đài Loan cũng như một số quốc gia có golfing phát triển ở châu Âu như Anh, Xcốt Len, Ai Len, Pháp … Tạo thuận lợi cho hình thức du lịch caraval vào Việt Nam theo con đường xuyên á phát triển, vì khách du lịch caraval cũng là nhóm khách có khả năng chi trả cao, thích đến những nơi có phong cảnh đẹp và sử dụng các dịch vụ lưu trú, thể thao, giải trí – nghỉ dưỡng cao cấp. Phát triển thêm nhiều cửa khẩu đường bộ và đường biển trở thành các cửa khẩu quốc tế, tạo điều kiện làm visa nhanh tại các cửa khẩu quốc tế để khách du lịch có thể dễ dàng vào Việt Nam. Chú trọng tới việc phát triển hình thức du lịch tàu biển vì đây cũng là nhóm khách du lịch khả năng chi trả cao. Chi tiêu bình quân khách/ngày đối với hình thức du lịch tàu biển gấp 4 lần so với chi tiêu bình quân khách/ngày của du lịch thông thường [69]. Nhóm khách này cũng thường tham gia vào các hoạt động giải trí cao cấp. Đẩy mạnh việc phát triển các hãng hàng không giá rẻ hoạt động ở Việt Nam nhất là từ các quốc gia trong khu vực như ASEAN, Đông – Bắc á, úc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch golf ở các quốc gia trong khu vực này đến Việt Nam chơi golf đông hơn. 3.3.4. Tổ chức các giải thi đấu golf chuyên nghiệp quốc gia và quốc tế Hiệp hội golf Việt Nam cần tiến hành tổ chức các giải thi đấu golf chuyên nghiệp quốc gia như: giải thi đấu golf vô địch quốc gia và các giải thi đấu golf chuyên nghiệp quốc tế. Việc tiến hành tổ chức các giải thi đấu có thể được chia ra các hạng hay các thể thức thi đấu khác nhau. Khi các giải thi đấu golf chuyên nghiệp được tổ chức không những thu hút được các tay thi đấu golf chuyên nghiệp khắp nơi, đông đảo khán giả ham thích golf mà còn tạo ra các phong trào chơi golf ở Việt Nam. Các giải thi đấu golf chuyên nghiệp còn là một hình thức quảng cáo cho golfing cũng như các sân golf ở Việt Nam. Chính vì những lý do như vậy sẽ làm cho golfing ở Việt Nam phát triển. 3.3.5. Tích cực đăng cai, tổ chức các sự kiện quốc tế lớn Các sự kiện quốc tế lớn về chính trị – ngoại giao hay kinh tế – thương mại - đầu tư được tổ chức ở Việt Nam như Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác á-Âu ASEM, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu á - Thái Bình Dương APEC… đều được coi là các hình thức du lịch MICE hết sức tiềm năng cho việc phát triển golfing ở Việt Nam, vì các hội nghị chính trị – ngoại giao và kinh tế – thương mại - đầu tư này luôn cần tới golfing và golfing được coi như một phần tạo nên sự thành công của các hội nghị. Do vậy trong thời gian tới Việt Nam cần tích cực tăng cường đăng cai, tổ chức các sự kiện chính trị – ngoại giao, kinh tế – thương mại - đầu tư quốc tế lớn trong khu vực và trên thế giới. 3.3.6. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá Hoạt động quảng bá về golfing ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nhiều khách du lịch golf không biết ở Việt Nam có những sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế và nằm trong nhóm 50 sân golf đẹp nhất châu á như sân golf Chí Linh, Đồng Mô hay Đà Lạt… Chính vì vậy để golfing Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng của nó cần thiết phải tiến hành hoạt động xúc tiến quảng bá. Thông qua các hoạt động ngoại giao, kinh tế của Nhà Nước hay các kênh thông tin của Chính Phủ để tiến hành quảng bá golfing Việt Nam. Lồng ghép golfing Việt Nam trong các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam được thực hiện bởi Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Cụ thể là các ấn phẩm in ấn sách, tạp chí, đĩa CD-ROM, roadshow, liên hoan du lịch… Tăng cường quảng bá golfing Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng như vô tuyến truyền hình, tạp chí golf, internet…. Tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá golfing Việt Nam thông qua việc liên kết với các hãng hàng không quốc gia và quốc tế. Hiệp hội golf Việt Nam cũng cần đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc quảng bá cho golfing Việt Nam. Ví dụ có thể thông qua các giải thi đấu golf giao hữu giữa Việt Nam với các quốc gia khác, quảng bá golfing Việt Nam trong các tổ chức golf quốc tế … Tham gia hội nghị hội thảo về golfing trên thế giới. 3.3.7. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho golfing Việt Nam Vấn đề nguồn nhân lực cho golfing ở Việt Nam cũng cần phải được quan tâm đúng mức vì như đã đề cập golfing là một hoạt động thể thao – giải trí cao cấp, tinh tế thường thu hút khách chơi là những người thành đạt trong kinh doanh, có trình độ, uy tín, địa vị xã cao hội cao. Để tạo ra các dịch vụ golfing có chất lượng tốt, một vấn đề hết sức quan trọng đó chính là vấn đề con người. Đội ngũ nhân viên phục vụ golfing cần có trình độ nghiệp vụ chuyên nghiệp, có khả năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài, khả năng nắm bắt tâm lý khách, trình độ hiểu biết chung về xã hội tốt và quan trọng hơn cả đó là thái độ, cách thức ứng xử với khách du lịch. Căn cứ vào tốc độ phát triển của golfing Việt Nam cần lập kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho golfing Việt Nam Tổ chức các khoá đào tạo nghiệp vụ golf với sự chỉ dẫn của các chuyên gia nước ngoài theo đúng tiêu chuẩn của các tổ chức golf quốc tế. Thường xuyên có các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đảm bảo cho chất lượng nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên phục vụ luôn ổn định. Có thể kết hợp với các trường dạy nghề chuyên nghiệp ở các địa phương để tổ chức các lớp nghiệp vụ golf cho lao động địa phương làm việc trong các sân golf. Kết luận Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, cũng như hình ảnh và vị thế ngày càng lên cao trên trường quốc tế, Việt Nam đang và sẽ trở thành một địa điểm có hoạt động chính trị - ngoại giao, kinh tế với nhịp độ sôi động hơn bao giờ hết trong khu vực. Điều này dẫn tới có những sự thay đổi đáng kể trong xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam. Thay vì chỉ chú trọng tới số lượng khách du lịch trong xu hướng phát triển những năm trước đây, hiện nay xu hướng phát triển là quan tâm đến chất lượng khách du lịch với các loại hình du lịch cao cấp, trong đó hình thức du lịch golf mới xuất hiện ở Việt Nam đã đáp ứng đúng xu hướng này. Trong thời gian tới nhu cầu về du lịch golf sẽ tăng lên nhanh chóng ở Việt Nam, tuy nhiên việc nghiên cứu về hình thức du lịch này hầu như chưa được đề cập do vậy việc thực hiện đề tài luận văn “Golfing với việc thu hút khách du lịch tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh” sẽ phần nào có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển hình thức du lịch golf tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành, luận văn đã đạt được những kết quả sau đây: 1. Trình bày tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của golfing trên thế giới cũng như các đặc điểm nổi bật của hoạt động này. Khái lược về sự hình thành và phát triển của golfing tại một số quốc gia trong khu vực ASEAN và Đông – Bắc á để từ đó đưa ra các so sánh và nhận định, đánh giá đối với sự phát triển golfing ở Việt Nam. 2. Nêu lên ý nghĩa của golfing đối với các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, môi trường và đặc biệt đối với du lịch. 3. Trình bày sự hình thành và phát triển của golfing ở Việt Nam. Hệ thống hoá các sân golf đang hoạt động cũng như các dự án sân golf mới đang được tiến hành và các đặc điểm của các sân golf này. Căn cứ vào sự tăng lên nhanh chóng của số lượng cũng như chất lượng các dự án sân golf mới và những phân tích về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của golfing, luận văn đã đưa ra dự báo thời kỳ bùng nổ về golfing ở Việt Nam đang đến gần. Golfing sẽ trở thành một ngành công nghiệp và đóng góp một tỷ lệ đáng kể cho GDP Việt Nam tương tự như đã diễn ra ở một số quốc gia trong khu vực. Golfing phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của một xu thế du lịch mới, đó là xu thế du lịch cao cấp ở Việt Nam. 4. Phân tích các đặc điểm có liên quan đến sự phát triển của golfing ở Việt Nam. Tiến hành phân tích hai trường hợp cụ thể là sân golf Đồng Mô và sân golf Chí Linh ở các khía cạnh bao gồm đặc điểm riêng, hiện trạng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện trạng cơ cấu tổ chức quản lý, hiện trạng hoạt động kinh doanh của hai sân golf này. Từ các phân tích cụ thể trên đưa ra các nhận xét đánh giá về tình hình golfing ở hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung. Qua các phân tích cũng thấy được tiềm năng về golfing tại Việt Nam cũng như hai trường hợp cụ thể là sân golf Đồng Mô và Chí Linh là rất lớn. Tuy nhiên do chưa có sự quan tâm nhìn nhận đúng mức cho nên hiệu quả về kinh tế cũng như xã hội từ golfing ở Việt Nam còn hạn chế. 5. Để góp phần kiểm chứng các nhận định và tăng tính thực tiễn, trong khuôn khổ của luận văn đã tiến hành điều tra xã hội học về nhu cầu golfing tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh. Với 152 phiếu điều tra thu về, luận văn đã cơ bản làm rõ được các vấn đề sau: - Nhu cầu về các dịch vụ bổ sung đi kèm với dịch vụ golfing như lưu trú, ăn uống, giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng… Cụ thể nhu cầu lưu trú của khách du lịch golf tại hai sân golf này chỉ chiếm từ 8 – 10% lượng khách do các chuyến đi phần lớn diễn ra trong ngày, tuy nhiên các nhu cầu về ăn trưa, thể thao, nghỉ dưỡng lại có nhu cầu cao. - Tỷ lệ khách du lịch golf quốc tế và Việt Nam. Lượng khách du lịch golf quốc tế vẫn chiếm khoảng 80%, trong đó đặc biệt hai nhóm khách Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm trên 65% tổng số khách du lịch golf. - Tỷ lệ khách du lịch golf đi theo tour du lịch và tự tổ chức chuyến đi. Trong đó khoảng 94% lượng khách tự tổ chức chuyến đi của mình. - Tần suất đến sân golf của các hội viên ở hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh phần lớn là 1lần/tuần. - Sơ bộ tính được doanh thu của sân golf Đồng Mô từng năm trong giai đoạn 2001 – 2006. Doanh thu của sân golf Chí Linh từng năm, giai đoạn 2004 – 2006. Từ doanh thu sơ bộ của hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh năm 2006 đã ước lượng được doanh thu của golfing Việt Nam năm 2006. - Một số những hạn chế của hai sân Đồng Mô và Chí Linh. 6. Từ các phân tích ở trên cùng với những số liệu điều tra xã hội học, luận văn đã đưa ra các định hướng cho việc phát triển golfing ở Việt Nam cũng như một số giải pháp phát triển golfing tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Tác giả hy vọng những nghiên cứu và nhận định của luận văn sẽ là kiến thức tham khảo có ích cho việc tổ chức, khai thác golfing tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh nói riêng cũng như đối với việc phát triển golfing ở Việt Nam nói chung. Những nghiên cứu về golfing đối với việc thu hút khách du lịch tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh đóng vai trò là một nghiên cứu trường hợp, làm nền tảng cho việc nghiên cứu hình thức du lịch golf trên phạm vi rộng hơn cũng như nghiên cứu loại hình du lịch thể thao – giải trí - nghỉ dưỡng của tác giả sau này. TàI liệu tham khảo và trích dẫn Tài liệu tiếng Việt [01] Hoàng Tuấn Anh, Du lịch Việt Nam hội nhập và phát triển, Du lịch, số 6-7-8-9/2007. [02] Robert Bicknell, Vì thế hệ tương lai, Tạp chí golf Việt Nam, 5-6/2006. [03] Nguyễn Bình, Hà Tây: Môi trường cải thiện – thu hút đầu tư khởi sắc, Thời báo Kinh tế Việt Nam, 17/3/2007. [04] Thanh Bình, Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch, Du lịch Việt Nam, 5/2007. [05] Vũ Thế Bình (Chủ biên), Non nước Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1998. [06] Bùng nổ đầu tư sân golf, Thời báo kinh tế Việt Nam, 8/6/2007. [07] Chris Canty, Việt Nam sẽ gây ngạc nhiên bởi một phong cách golf chuyên nghiệp, Phỏng vấn Giám đốc Điều hành sân golf Chí Linh, Tạp chí golf Việt Nam, 9-10/2005. [08] Nguyễn Ngọc Chính, Golf – môn chơi thời thượng, Lâm Đồng, 22/5/2006. [09] Chính Phủ, Nghị Quyết 03/2007/NQ – CP, 2007. [10] Huy Cường, Thành lập Hiệp hội golf Việt Nam, Nhân dân, 17/8/2007. [11] Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001. [12] Ngọc Đình, Sea Links Phan Thiết – Sân chơi mới, Tạp chí golf Việt Nam, 5-6/2006. [13] Golf có thể góp phần đa dạng hoá các loại hình du lịch của Việt Nam, Phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Tạp chí golf Việt Nam, 7-8/2005. [14] Minh Hạnh, Du lịch caravan động lực phát triển cho du lịch Miền Trung Tây Nguyên, Du lịch Việt Nam, 4/2007. [15] Vân Hiếu, Hấp dẫn sân golf quốc tế Đồng Mô, báo Hà Tây 3/1/2005. [16] Nguyễn Hoa, Golf – môn thể thao từ quý tộc đến kinh doanh, Công nghiệp tiếp thị, 7/2006. [17] Trần Hùng, Một thoáng caddie Việt, Đầu tư, 22/03/2007. [18] Mai Huy, Hàn Quốc xây dựng sân golf để thúc đẩy kinh tế, Tuổi Trẻ, 31/07/2007. [19] Thanh Hương, Hướng tới một tương lai golf chuyên nghiệp, Tạp chí golf Việt Nam, 11-12/2005. [20] Thanh Hường, Đầu tư golf thời điểm vàng, Tạp chí golf Việt Nam, 9-10/2005. [21] Lý Minh Khải, Đặc điểm và sự biến động cơ cấu du khách quốc tế, Du lịch Việt Nam, 3/2006. [22] Lý Minh Khải, Đặc điểm và sự biến động cơ cấu du khách trong nước, Du lịch Việt Nam, 8/2006. [23] Phạm Hữu Minh, Đổi mới cơ chế xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam, Du lịch Việt Nam, 3/2007. [24] Đinh Trung Kiên, Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch sinh thái, Du lịch Việt Nam, 12/2006. [25] Grant Moir, Quy chế golf nghiệp dư, Tạp chí golf Việt Nam, 9-10/2005. [26] Một nhiệm kỳ của tăng trưởng và hội nhập mạnh mẽ, Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ 11 – Quốc hội khoá XI của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thanh Niên, 21/3/2007. [27] Minh Nam, Hơn 50 tỷ USD chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam, Thanh Niên, 4/9/2007. [28] Nguồn gốc thú vị về golf, Tạp chí golf Việt Nam, 7-8/2005. [29] Niên giám thống kê 2005, NXB Thống kê, Hà Nội, 2006. [30] Niên giám thống kê 2006, NXB Thống kê, Hà Nội, 2007. [31] Vũ Phong, Hiệp hội golf Việt Nam hội nhập quốc tế, Kinh tế và Đô thị, 22/08/2007. [32] Hà Phương, Chính sách mới của Việt Nam về đầu tư nước ngoài, Du lịch Việt Nam, 11/2005. [33] Gordon G. Simmonds, Thư chúc mừng Tạp chí golf Việt Nam, Tạp chí golf Việt Nam, 7-8/2005. [34] Trần Đức Thanh, Nhập môn khoa học du lịch, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, 1999. [35] Lưu Kiếm Thanh, Hình thức du lịch và đa dạng hoá sản phẩm du lịch, Du lịch Việt Nam, 12/2006. [36] Quốc Thịnh, Phát triển du lịch Hà Tây trong thế đứng du lịch Hà Nội, báo Hà Tây, 22/9/2006. [37] Thông tấn xã Việt Nam, 2007. [38] Thông tấn xã Việt Nam, Hà Nội liên tục là thành phố hấp dẫn nhất châu á, 27/3/2007. [39] Thông tấn xã Việt Nam, Thủ tướng ban hành quy chế miễn thị thực cho Việt kiều, 18/8/2007. [40] Thông tấn xã Việt Nam, Việt Nam nằm trong 10 điểm đến lớn nhất năm 2007, 27/3/2007. [41] Tổng cục Du lịch Việt Nam, Báo cáo tổng kết Chương trình hành động quốc gia về du lịch 2000 – 2005, 2/2006. [42] Tổng cục Du lịch Việt Nam, Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch năm 2006, 2/2007. [43] Tổng cục Du lịch Việt Nam, Chương trình hành động Quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 – 2010, 4/2006. [44] Phạm văn Uyển (Biên dịch), Kiến thức thể thao, NXB Kim Đồng, 2002. [45] Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư Nhật Bản, Phỏng vấn Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori, Thời báo Kinh tế Việt Nam, 27/2/2007. [46] Việt Nam – Thị trường mới nổi của du lịch MICE, Du lịch Việt Nam, 11/2006. [47] Khánh Vũ, Golf: Ngành công nghiệp sớm nhất trên đất Thái !, Tạp chí golf Việt Nam, 9-10/2005. [48] Minh Vũ, Lỗ golf thứ 19, Tạp chí golf Việt Nam, 7-8/2005. [49] Vân Yến – Thanh Hường, Golf – một phương tiện hội nhập hiệu quả, Tạp chí golf Việt Nam, 7-8/2005. [50] Văn phòng Chính Phủ, Báo cáo tổng kết Chính Phủ năm 2006, 2/2007. [51] Văn phòng sân golf Chí Linh (Phỏng vấn trực tiếp), 2007. [52] Văn phòng sân golf Đồng Mô (Phỏng vấn trực tiếp), 2007. [53] Văn phòng Tạp chí golf Việt Nam (Phỏng vấn trực tiếp), 2007. Tài liệu tiếng nước ngoài [54] David McCormick – Ed. Charles McGrath, The ultimate golf book: A history and a celebration of the world’s greatest game, Houghton Mifflin, New York, 2002. [55] Susan Comolli Davis, Golf, Ragged Moutain Press, New York, 2001. [56] Arnaud Massy, Le Golf, Préf de M.Pierre Deschamps, Paris, 1911. [57] Dave Thomas, Modern golf, Gerald Duckworth and Co. Ltd., London, 1967. Trang web [58] www.asiantour.com [59] www.chinhphu.vn [60] www.golf-research-group.com [61] www.haiduong.gov.vn [62] www.hatay.gov.vn [63] www.lamdong.gov.vn [64] www.mpi.gov.vn [65] sport.acomm.vn [66] www.tfrc.co.th [67] www.unwto.com [68] www.visitscotland.org [69] www.vietnamtourism.com [70] www.vietnamnet.vn [71] www.worldbank.org Phụ lục Phụ lục 1. gợi ý Một số tour du lịch golf ở khu vực phía Bắc 1. Tour du lịch golf thuần tuý Tour 1. Hà Nội - Đồng Mô - Chí Linh - Hà Nội (2 ngày/ 1 đêm) Ngày 1: 9h sáng khởi hành từ Hà Nội đi sân golf Đồng Mô (Hà Tây). 10h30 đến nơi nghỉ ngơi, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. Sử dụng một số dịch vụ nghỉ dưỡng gồm sauna, jacuzzi, bơi … . ăn tối, nghỉ khách sạn tại Đồng Mô. Ngày 2: Ăn sáng, 8h khởi hành từ Đồng Mô đi sân golf Chí Linh. 10h30 đến nơi, nghỉ ngơi, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. 18h lên xe về Hà Nội. 20h xe về đến Hà Nội kết thúc tour du lịch. Tour 2. Hà Nội - Chí Linh - Tam Đảo - Đồng Mô - Hà Nội (3 ngày/ 2 đêm) Ngày 1: 8h khởi hành đi sân golf Chí Linh. 10h30 đến nơi nghỉ ngơi, bơi hoặc tennis, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. Sử dụng dịch vụ sauna, jacuzzi. ăn tối, nghỉ tại khách sạn ở Chí Linh. Ngày 2: Ăn sáng, 8h khởi hành đi sân golf Tam Đảo. 11h đến nơi nghỉ ngơi, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. Sử dụng dịch vụ sauna, jacuzzi, bơi, tennis. ăn tối, nghỉ tại khu resort Tam Đảo. Ngày 3: Ăn sáng, 8h khởi hành đi sân golf Đồng Mô. 10h đến nơi nghỉ ngơi, tham quan, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. 18h lên xe về Hà Nội. 19h30 xe về đến Hà Nội kết thúc tour du lịch. Tour 3. Hà Nội - Tam Đảo - Đồng Mô - Lương Sơn - Hà Nội (3 ngày/ 2 đêm) Ngày 1: 8h khởi hành đi sân golf Tam Đảo. 11h đến nơi nghỉ ngơi, tham quan, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. Sử dụng dịch vụ sauna, jacuzzi, bơi. ăn tối, nghỉ tại resort Tam Đảo. Ngày 2: Ăn sáng, 8h khởi hành đi sân golf Đồng Mô. 9h30 đến nơi nghỉ ngơi, bơi hoặc tennis, tham quan, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. Sử dụng dịch vụ sauna, jacuzzi. ăn tối, nghỉ tại khách sạn ở Đồng Mô. Ngày 3: Ăn sáng, 8h khởi hành đi sân golf Lương Sơn (Hoà Bình). 9h30 đến nơi nghỉ ngơi, bơi hoặc tennis, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. 18h lên xe ôtô về Hà Nội. 20h xe về đến Hà Nội, kết thúc tour du lịch. Tour 4. (Tour du lịch tàu biển – golf) Hạ Long - Chí Linh - Đồng Mô - Hà Nội - Hạ Long (2 ngày/ 1 đêm) Ngày 1: 9h lên bến, đi xe ôtô đến sân golf Chí Linh. 10h đến nơi nghỉ ngơi, tham quan, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. Sử dụng dịch vụ sauna, jacuzzi, bơi. ăn tối, nghỉ tại khách sạn ở Chí Linh. Ngày 2: Ăn sáng, 8h khởi hành đi sân golf Đồng Mô. 10h đến nơi nghỉ ngơi, tham quan, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 16h30. 17h lên xe ôtô về Hà Nội. 18h15 về đến Hà Nội, lên trực thăng (Dịch vụ bay Miền Bắc) đi Hạ Long. 18h30 đến Hạ Long, tiễn khách lên tầu du lịch kết thúc tour du lịch. 2. Tour du lịch golf kết hợp Tour 1. Hà Nội - Chí Linh - Hạ Long - Hà Nội (2 ngày/ 1 đêm) Ngày 1: 8h khởi hành đi sân golf Chí Linh. 10h đến nơi nghỉ ngơi, bơi hoặc tennis, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. Sử dụng dịch vụ sauna, jacuzzi. ăn tối, nghỉ tại khách sạn Nacimex Hải Dương. Ngày 2: Ăn sáng, 8h khởi hành đi vịnh Hạ Long. 9h đến nơi, xuống tàu thăm vịnh (tuyến 6 tiếng), ăn trưa trên tàu. 15h lên bờ đi ôtô về Hà Nội. 18h về đến Hà Nội. Kết thúc tour du lịch. Tour 2. Hà Nội - Đồng Mô - Hà Nội (2 ngày/ 1 đêm) Ngày 1: 8h khởi hành đi sân golf Đồng Mô. 9h30 đến nơi nghỉ ngơi, bơi hoặc tennis, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. Sử dụng dịch vụ sauna, jacuzzi. ăn tối, nghỉ tại khách sạn ở Đồng Mô. Ngày 2: Nhiều lựa chọn (option) * Option 1. Ăn sáng, 8h thăm quan một số kiến trúc cổ Chùa Tây Phương, Đình Tây Đằng, Thành cổ Sơn Tây. Ăn trưa. Buổi chiều thăm quan tìm hiểu làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng lụa Vạn Phúc. Lên xe về Hà Nội. 17h30 về đến Hà Nội kết thúc tour du lịch. * Option 2. Ăn sáng, 8h lên xe đi du lịch sinh thái, tham quan khám phá rừng quốc gia Ba Vì cả ngày. Ăn trưa trong rừng (mang theo thực phẩm). 15h30 lên xe về Hà Nội. 17h về đến Hà Nội, kết thúc tour du lịch. * Option 3. Ăn sáng, 8h lên xe ôtô đi tham quan khám phá khu du lịch sinh thái Khoang Xanh – Suối Tiên. Ăn trưa. Chiều tham quan khu sinh thái Thác Đa. 16h lên xe về Hà Nội. 17h30 về đến Hà Nội, kết thúc tour du lịch. Tour 3. Hà Nội - Lương Sơn (Hoà Bình) - Hà Nội (2 ngày/ 1 đêm) Ngày 1: 8h khởi hành đi sân golf Lương Sơn. 9h30 đến nơi nghỉ ngơi, bơi hoặc tennis, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. Sử dụng dịch vụ sauna, jacuzzi. ăn tối, nghỉ tại khách sạn ở Lương Sơn. Ngày 2 : Nhiều lựa chọn (option) * Option 1. Ăn sáng, 8h lên xe đi tham quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, nước khoáng nóng Kim Bôi, Hoà Bình. Ăn trưa tại Kim Bôi. Buổi chiều, sử dụng các dịch vụ tennis, bơi, sauna, jacuzzi, vật lý trị liệu.. 16h lên xe về Hà Nội. 17h30 về đến Hà Nội kết thúc tour du lịch. * Option 2. Ăn sáng, 8h lên xe ôtô đi du lịch sinh thái Bản Lác, Mai Châu, Hoà Bình, tìm hiểu phong tục tập quán người Thái Mai Châu. Ăn trưa tại Bản Lác. Chiều khám phá khu sinh thái Mai Châu. 15h30 lên xe về Hà Nội. 17h về đến Hà Nội, kết thúc tour du lịch. Tour 4. (Tour du lịch tàu biển – golf) Hạ Long - Chí Linh - Hà Nội - Hạ Long (3 ngày/ 2 đêm) Ngày 1: 9h rời tàu đi tham quan vịnh Hạ Long (tuyến 6 tiếng), ăn trưa trên tàu. 15h lên bờ nhận phòng khách sạn tại Hạ Long, nghỉ ngơi, tự do mua sắm. 18h ăn tối. 20h xem nhạc nước tại đảo Tuần Châu. Nghỉ ngơi tại Hạ Long. Ngày 2: Ăn sáng, 8h khởi hành đi sân golf Chí Linh. 9h tới nơi, nghỉ ngơi, bơi hoặc tennis, ăn uống. 12h30 ra sân chơi golf đến 17h30. Sử dụng dịch vụ sauna, jacuzzi. ăn tối, nghỉ tại khách sạn Nacimex Hải Dương. Ngày 3: Ăn sáng, 8h xe khởi hành đi Hà Nội. 9h30 tới nơi tham quan Bảo tàng Dân tộc học. ăn trưa, buổi chiều thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tham quan phố cổ Hà Nội bằng xích lô Sofitel, mua sắm. 17h về Hạ Long bằng trực thăng (Dịch vụ bay Miền Bắc). 17h15 về đến Hạ Long. Tiễn khách lên tàu du lịch, kết thúc tour du lịch. Phụ lục 2. Mẫu phiếu đIều tra Phiếu điều tra Questionnaire Để nghiên cứu thực trạng golfing tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh, chúng tôi tiến hành điều tra xã hội học thông qua phiếu điều tra. Những thông tin có được thông qua phiếu điều tra này chỉ nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Sau khi được sử dụng các thông tin sẽ được giữ kín. Xin Quý vị vui lòng trả lời những câu hỏi dưới đây: In order to research the actual golfing situation at Dong Mo and Chi Linh golf course, we do a survey through this questionnaire. All the information gained will be used for the researching purpose only and be kept confidential. Please, answer all the questions below: Quý vị là khách hàng của sân golf nào ? Of which golf course are you a client ? a. Đồng Mô b. Chí Linh 2. Quý vị là người nước nào ? What is your nationality ? Việt Nam b. Nhật Bản c. Hàn Quốc d. Đài Loan e. Khác Vietnamese Japanese Korean Taiwanese Other         ………… 3. Quý vị thường sử dụng thêm các dịch vụ nào sau đây khi tới sân golf ? What are the additional services you usually use when you go to golf course ? a. Lưu trú d. Tennis Accommodation   Tennis   b. ăn uống e. Tập đánh bóng Food & Drink   Driving range   c. Bể bơi f. Sauna - Jacuzzi Swimming Pool   Sauna – Jacuzzi   g. Khác Other ……………………………………………………………………. 4. Quý vị thường tự tổ chức chuyến đi chơi golf của mình hay đi theo một tour du lịch do một công ty lữ hành tổ chức ? Do you have your golf tour organized by yourself or by a travel company ? a. Tự tổ chức b. Đi theo tour du lịch by myself by a travel company 5. Quý vị có thường xuyên tới sân golf không (dành cho hội viên câu lạc bộ) ? How often do you go to golf course (for golf club member only) ? a. Hai lần/tuần b. Một lần/tuần Twice a week   Once a week   c. Hai lần/tháng d. Một lần/tháng Twice a month   Once a month   e. Khác Other …………………………………………………………………….. 6. Độ dài khoảng cách từ nơi lưu trú thường xuyên của quý vị tới sân golf là bao nhiêu ? How far is it from your permanent residence to the golf course ? a. Trong phạm vi 50 – 100 km b. Trong phạm vi 101 – 150 km In the scale 50 – 100 km In the scale 101 – 150 km c. Trong phạm vi 151 – 200 km d. Trên 200 km In the scale 151 – 200 km Above 200 km 7. Quý vị có thường rủ thêm người thân hay bạn bè cùng tới sân golf không ? Do you usually go with your relatives or friends to golf course ? a. Có b. Không Yes   No   Nếu có, là bao nhiêu người ? If yes, How many individual ? a. Dưới 3 người b. 3 – 5 người Less than 3 3 – 5 c. 6 – 8 người d. Khác 6 – 8 Other   ………… Nếu Quý vị không cảm thấy phiền lòng xin hãy cho chúng tôi biết Quý danh và tên công ty của Quý vị. Leaving your full name and your company name and address completely depends on you. But it will be very useful for us in researching golf demand and giving better services. Họ và tên Name in full ………………………………………………………………… Tên và địa chỉ công ty Company’s name and address………………………………………………. ………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………. Xin chân thành cám ơn Quý vị ! Thank you very much ! Phụ lục 3. Bảng giá dịch vụ golfing của sân golf Đồng Mô và sân golf chí linh (2007) 1. Bảng giá dịch vụ golfing của sân golf Đồng Mô Phí thẻ hội viên - Cho người nước ngoài: 39.000 USD/thẻ - Cho người Việt Nam: 36.000 USD/thẻ Phí chơi golf cho khách du lịch (vãng lai) - Ngày thường: 70 USD/khách - Ngày cuối tuần hoặc ngày lễ: 100 USD/khách c. Phí thuê gậy chơi golf: 35 USD/bộ gậy/18 lỗ d. Phí thuê giầy chơi golf: 10 USD/đôi/18 lỗ e. Phí thuê nhân viên nhặt bóng và ghi điểm - Đối với Hội viên: 15 USD/18 lỗ - Đối với khách du lịch (vãng lai) 20 USD/18 lỗ f. Phí thuê xe golf - 4 chỗ: 35 USD/xe - 2 chỗ: 25 USD/xe g. Phí bảo dưỡng sân hàng năm 700 USD/năm (chỉ đối với Hội viên Câu lạc bộ) (Nguồn: Văn phòng sân golf Đồng Mô) 2. Bảng giá dịch vụ golfing của sân golf Chí Linh Phí thẻ hội viên - Cho người nước ngoài: 24.000 USD/thẻ - Cho người Việt Nam: 24.000 USD/thẻ Phí chơi golf cho khách du lịch (vãng lai) - Ngày thường: 70 USD/khách - Ngày cuối tuần hoặc ngày lễ: 90 USD/khách c. Phí thuê gậy chơi golf: 35 USD/bộ gậy/18 lỗ d. Phí thuê giầy chơi golf: 10 USD/đôi/18 lỗ e. Phí thuê nhân viên nhặt bóng và ghi điểm (caddie) - Đối với Hội viên: 10 USD/18 lỗ - Đối với khách du lịch (vãng lai) 15 USD/18 lỗ f. Phí thuê xe golf - 4 chỗ: 35 USD/xe - 2 chỗ: 25 USD/xe g. Phí bảo dưỡng sân hàng năm 500 USD/năm (chỉ đối với Hội viên Câu lạc bộ) (Nguồn: Văn phòng sân golf Chí Linh) phụ lục 4. số liệu chi tiết về khách quốc tế vào Việt nam giai đoạn 2001 - 2006 (Đơn vị tính: nghìn lượt) 2001 2002 2003 2004 2005 2006 Tổng số 2.330,8 2.628,2 2.429,6 2.927,8 3.467,7 3.583,4 So sánh (năm trước = 100%) 108,9 112,7 92,4 120,5 118,4 103,0 1. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam theo một số thị trường Trung Quốc 675,8 723,4 693,0 778,4 752,5 516,2 Mỹ 230,4 259,9 218,8 272,4 333,5 385,6 Nhật Bản 205,1 279,8 209,6 267,2 320,6 383,8 Đài Loan (TQ) 199,6 211,1 208,1 256,9 286,3 274,6 Pháp 99,7 111,5 86,8 104,0 126,4 132,3 Thái Lan 31,6 41,0 40,1 53,7 84,1 123,8 Anh 64,7 69,7 63,3 71,0 80,8 84,2 2. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam theo phương tiện vận chuyển Hàng không 1.294,5 1.540,3 1394,8 1.821,5 2.335,2 2.702,4 Đường biển 284,7 309,1 241,5 263,3 200,5 224,0 Đường bộ 754,6 778,8 793,3 842,9 941,8 656,9 3. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam theo mục đích chuyến đi Du lịch thuần tuý 1.222,1 1.462,0 1.238,5 1.583,9 2.041,5 2.068,8 Thương mại 401,1 445,9 468,4 521,6 493,3 575,8 Thăm thân 390,4 425,4 392,2 467,4 505,3 560,9 Mục đích khác 317,2 294,9 330,5 354,8 427,5 377,8 (Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam, 2007) ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLA2851.DOC
Tài liệu liên quan