GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở Việt Nam

Mở đầu 1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Việt Nam đã làm cho các quan hệ kinh tế trở nên sôi động, đa dạng và phức tạp. Cũng vì vậy mà tranh chấp kinh tế (TCKT) phát sinh ngày một nhiều hơn, đa dạng về chủng loại và phức tạp về nội dung. Các TCKT phát sinh đòi hỏi phải được giải quyết thỏa đáng bằng một phương thức thích hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận l

doc224 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2548 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ợi, lành mạnh. Xuất phát từ tầm quan trọng của việc giải quyết TCKT mà pháp luật về giải quyết TCKT luôn được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng của pháp luật kinh tế. Quá trình đổi mới toàn diện đất nước với trọng tâm là cải cách kinh tế, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tác động sâu sắc đến hệ thống pháp luật kinh tế nói chung và pháp luật về giải quyết TCKT nói riêng. Trong điều kiện kinh tế thị trường, việc giải quyết TCKT phải chính xác, nhanh chóng, dân chủ, công bằng và hiệu quả. Yêu cầu đổi mới pháp luật về giải quyết TCKT ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là khi công cuộc cải cách kinh tế ở nước ta đang đi vào cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Phúc đáp các yêu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác giải quyết TCKT, cơ chế giải quyết TCKT mới đã được thiết lập với sự đa dạng về phương thức giải quyết, đơn giản, linh hoạt về thủ tục áp dụng. Bên cạnh các phương thức giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận tự nguyện của các bên là thương lượng và trung gian hòa giải thì các tranh chấp kinh tế còn có thể được giải quyết theo thủ tục tư pháp hoặc trọng tài (phi Chính phủ). Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giải quyết TCKT, hàng loạt văn bản pháp luật đã được ban hành như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (LTCTAND) năm 1993, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994, Nghị định số 116/CP về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế năm 1994, Quyết định số 240/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam năm 1993... Trong gần 10 năm qua, hoạt động giải quyết TCKT đã thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ, tạo sự tin tưởng, yên tâm đầu tư của các chủ thể kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển các quan hệ kinh tế của cơ chế thị trường, bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có những chuyển biến sâu sắc với "chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" [21, tr. 86] và từng bước chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới thì hoạt động giải quyết TCKT ngày càng bộc lộ nhiều bất cập: Quan niệm về TCKT không rõ ràng và thiếu nhất quán; thủ tục giải quyết tranh chấp kinh tế còn phức tạp và thường bị kéo dài, phán quyết nhiều khi không chính xác; khả năng thi hành kết quả giải quyết tranh chấp trong thực tế rất hạn chế. Hậu quả là quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp không được bảo vệ triệt để, ý thức tôn trọng pháp luật của các chủ thể kinh doanh không được đề cao, nhiều lực cản đối với việc hoàn thiện môi trường kinh doanh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đã xuất hiện. Đại hội Đảng lần thứ IX đã đặt ra yêu cầu "đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật hiện hành phù hợp với yêu cầu thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế" [21, tr. 329]. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2/12/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới cũng đề ra yêu cầu cấp bách là "xây dựng cơ chế để nâng cao hiệu quả của các hình thức giải quyết tranh chấp như hòa giải, trọng tài, nhằm góp phần xử lý đúng và nhanh chóng những mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân và giảm nhẹ công việc cho tòa án và cơ quan nhà nước khác" [1]. Thực tế đó đặt ra nhu cầu phải nghiên cứu làm rõ các khía cạnh pháp lý của TCKT và giải quyết TCKT; đánh giá thực trạng áp dụng các phương thức giải quyết TCKT trong thời gian qua để tìm ra nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết TCKT từ đó đưa ra hướng khắc phục. Đây chính là lý do để nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài "Giải quyết tranh chấp kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam" làm luận án tiến sĩ luật học của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Các vấn đề liên quan đến TCKT và giải quyết TCKT luôn thu hút được sự quan tâm không chỉ của giới kinh doanh mà còn của giới nghiên cứu. Bởi vậy đã có nhiều công trình nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau về các khía cạnh pháp lý của TCKT và giải quyết TCKT. Từ những năm 90, để chuẩn bị cho thành lập TKT nhiều đề tài nghiên cứu về mô hình tổ chức TKT và tố tụng kinh tế đã được thực hiện như chuyên đề "Tòa án kinh tế" của Bộ Tư pháp, đề tài "Mô hình tổ chức giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" của Trọng tài kinh tế Nhà nước, Dự án VIE/94/003 "Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam" của Bộ Tư pháp có phần nghiên cứu pháp luật về giải quyết TCKT; Đề tài khoa học cấp bộ của Bộ Tư pháp "Các phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam hiện nay" (1999), Đề tài khoa học cấp bộ do Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) chủ trì năm 2001 "Tính đặc thù trong thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, lao động - Những vấn đề lý luận và thực tiễn". Bên cạnh đó còn một số luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ cũng đề cập đến các nội dung nhất định của việc giải quyết TCKT như luận án tiến sĩ luật học của Nguyễn Trung Tín "Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các quyết định của trọng tài kinh tế", của Phan Thị Hương Thủy "Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài". Ngoài ra, còn có nhiều bài viết đề cập đến các vấn đề của TCKT và giải quyết TCKT như các bài "Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế bằng Tòa án và Trọng tài" của GS.TSKH Đào Trí úc, "Kinh tế thị trường và sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật kinh tế" của PGS.TS Lê Hồng Hạnh, "Tòa Kinh tế thuộc hệ thống Tòa án nhân dân - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" của TS. Nguyễn Văn Dũng, "Về mối quan hệ giữa tố tụng dân sự và tố tụng kinh tế" của TS. Phạm Duy Nghĩa, "Trọng tài kinh tế, cơ quan tài phán mới trong kinh doanh ở nước ta" của TS. Dương Đăng Huệ, "Về mô hình tổ chức Tòa án kinh tế ở Việt Nam" của PGS.TS. Hoàng Thế Liên, "Về cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay" của PGS.TS Phạm Hữu Nghị, "Pháp luật tố tụng và các hình thức tố tụng kinh tế" của PGS.TS Nguyễn Như Phát, "Hòa giải, thương lượng trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế" của TS. Trần Đình Hảo, "Tổ chức giải quyết tranh chấp kinh tế ở một số nước ASEAN và một số bài học kinh nghiệm" của TS. Nguyễn Am Hiểu, "Việc tiếp nhận Luật Mẫu của UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế ở một số nước và việc xây dựng Dự thảo pháp lệnh trọng tài của Việt Nam" của TS. Dương Thanh Mai, "Tăng cường vai trò của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp kinh tế" của TS. Phan Chí Hiếu... Trong những mức độ nhất định, các công trình nói trên mới đề cập một cách riêng biệt về từng phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế chứ chưa đặt vấn đề nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện về TCKT và giải quyết TCKT dưới sự tác động của kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế cũng như mối liên hệ giữa các phương thức giải quyết TCKT với nhau. Luận án là công trình khoa học đầu tiên ở cấp độ luận án tiến sĩ nghiên cứu một cách tổng thể và toàn diện về giải quyết TCKT trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, đánh giá sự chi phối của cơ chế kinh tế thị trường đến quan niệm về TCKT và giải quyết TCKT, chỉ ra các đặc thù của từng phương thức giải quyết tranh chấp và mối liên hệ giữa chúng, đánh giá hoạt động giải quyết TCKT trong thời gian qua và đưa ra phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết TCKT. 3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ của luận án Luận án có mục đích làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về TCKT và giải quyết TCKT; đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật về giải quyết TCKT ở nước ta trong thời gian qua; đưa ra những phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết TCKT. Với những mục đích nghiên cứu như vậy, luận án phải giải quyết các nhiệm vụ sau: - Làm rõ bản chất pháp lý của TCKT và giải quyết TCKT; đánh giá tác động của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN ở Việt Nam tới quan niệm về TCKT và cơ chế giải quyết TCKT; chỉ ra các ưu điểm và nhược điểm của từng phương thức giải quyết tranh chấp TCKT cũng như mối liên hệ giữa chúng với nhau. - Đánh giá thực trạng giải quyết TCKT ở nước ta trong thời gian qua từ đó chỉ rõ các bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành về tổ chức và hoạt động của từng phương thức giải quyết TCKT. - Khẳng định sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về giải quyết TCKT đồng thời đưa ra phương hướng và các giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết TCKT để nâng cao hiệu quả của từng phương thức giải quyết TCKT với trọng tâm là thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa các phương thức nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đối với việc giải quyết TCKT. 4. Phạm vi nghiên cứu của luận án Cơ chế giải quyết TCKT bao gồm rất nhiều nội dung hợp thành. Nhưng trong khuôn khổ luận án tiến sĩ luật học, luận án chỉ tập trung nghiên cứu làm rõ các khía cạnh pháp lý về TCKT và giải quyết TCKT với nội dung trọng tâm là đánh giá thực trạng pháp luật hiện hành về tổ chức và hoạt động của từng phương thức giải quyết TCKT trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giải quyết TCKT ở nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng của tòa án và trọng tài đối với việc giải quyết TCKT trong điều kiện thực tế Việt Nam, luận án tập trung nghiên cứu sâu pháp luật về giải quyết TCKT theo thủ tục tư pháp và thủ tục trọng tài. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Luận án vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để luận giải mối quan hệ giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở, mối quan hệ giữa kinh tế và pháp luật, vai trò của pháp luật trong việc điều chỉnh quan hệ phát sinh từ hoạt động giải quyết tranh chấp. Trên cơ sở các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đường lối đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN luận án đã đề xuất phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết TCKT. Để giải quyết những vấn đề đặt ra, luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể, như: phân tích, tổng hợp, so sánh, hệ thống hóa, khảo sát thực tiễn. Phương pháp so sánh luật học được sử dụng để tham khảo kinh nghiệm giải quyết TCKT ở nước ngoài. Phương pháp khảo sát thực tiễn, thăm dò ý kiến chuyên gia được sử dụng để đánh giá thực trạng giải quyết TCKT ở nước ta thời gian qua. Luận án sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, khái quát hóa để làm rõ các quy định của pháp luật hiện hành về TCKT, chỉ ra các bất cập của pháp luật và đề xuất giải pháp khắc phục. 6. ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án Luận án là một công trình khoa học trình bày một cách toàn diện và chuyên sâu về TCKT và giải quyết TCKT trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Với việc làm rõ bản chất của TCKT và các phương thức giải quyết dưới sự tác động của cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, luận án đã góp phần phát triển lý luận về TCKT và giải quyết TCKT. Những kết quả nghiên cứu của luận án giúp cho các nhà kinh doanh lựa chọn áp dụng phương thức giải quyết TCKT phù hợp với mình; các nhà hoạch định chính sách và các nhà xây dựng pháp luật ý tưởng liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế giải quyết TCKT. Luận án còn chứa đựng nhiều thông tin với giá trị tham khảo cao đối với các thẩm phán, trọng tài viên, hòa giải viên và những người học tập, giảng dạy, nghiên cứu pháp luật. 7. Những đóng góp mới của luận án Luận án có những đóng góp mới sau đây: - Luận án đã làm rõ được cơ sở lý luận về TCKT và giải quyết TCKT: Xây dựng được khái niệm khoa học về TCKT, đánh giá được tác động của cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đến quan niệm về TCKT, vai trò của từng phương thức giải quyết TCKT và quan hệ nội tại giữa các phương thức với nhau. - Thông qua các ví dụ thực tiễn, luận án đã đánh giá một cách toàn diện thực trạng giải quyết TCKT qua các phương thức thương lượng, trung gian hòa giải, tòa án và trọng tài; chỉ ra các bất cập trong pháp luật về giải quyết TCKT và phân tích nguyên nhân của những bất cập đó. - Trên cơ sở các quan điểm, phương hướng hoàn thiện cơ chế giải quyết TCKT, luận án đã đề xuất nhiều kiến nghị mới mẻ nhằm hoàn thiện pháp luật về giải quyết TCKT ở nước ta. 8. Kết cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án gồm 3 chương, 9 mục. Chương 1 Những vấn đề lý luận về tranh chấp kinh tế và giải quyết tranh chấp kinh tế trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam 1.1. tranh chấp kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam 1.1.1. Khái niệm và đặc điểm của tranh chấp kinh tế TCKT là một hệ quả của quá trình vận động các nguồn lực phục vụ cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân dưới sự tác động của quy luật giá trị, quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh. Một xã hội có nền kinh tế càng phát triển thì TCKT càng xảy ra nhiều, càng phức tạp về tính chất và đa dạng về nội dung. Mục đích hàng đầu của các chủ thể khi tham gia các quan hệ kinh tế là tìm kiếm lợi nhuận tối đa và xuất phát từ lợi ích cá biệt của mỗi chủ thể kinh tế mà các xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể đó là điều khó tránh khỏi. Các Mác đã từng nói: Lợi ích thúc đẩy lịch sử các dân tộc. Về khía cạnh kinh tế, quy luật giá trị (lợi ích) là động lực lớn nhất chi phối TCKT. TCKT là một khái niệm mang nội hàm kinh tế - pháp lý. Trong mỗi chế độ xã hội, dưới từng thể chế kinh tế, thậm chí trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội cụ thể, khái niệm TCKT có thể mang những nội hàm riêng biệt. Nói một cách khác, khái niệm TCKT mang trong mình những dấu ấn đặc trưng của cơ chế kinh tế và điều kiện cơ sở vật chất của một xã hội, một Nhà nước nhất định. Việc xây dựng khái niệm TCKT và làm rõ nội hàm của nó sẽ giúp chúng ta thấy được bản chất pháp lý của TCKT, từ đó tìm ra biện pháp hữu hiệu để giải quyết chúng một cách nhanh chóng, chính xác và đúng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, bảo đảm trật tự kinh doanh và kỷ cương xã hội. Tranh chấp, hiểu theo nghĩa khái quát nhất là những xung đột, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi chúng tham gia vào các quan hệ pháp luật. Các tranh chấp trong xã hội rất phong phú và đa dạng. Chúng phát sinh trong nhiều lĩnh vực, giữa các loại chủ thể, từ những lý do khác nhau và vì những mục đích không giống nhau. Để đáp ứng một nhu cầu nào đó mà người ta có thể dựa trên một căn cứ riêng để phân loại tranh chấp. Căn cứ vào nội dung cụ thể của tranh chấp mà chia thành tranh chấp hợp đồng, tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp chứng khoán... Căn cứ vào tính chất của các quan hệ pháp luật làm phát sinh tranh chấp, người ta có thể chia thành tranh chấp dân sự, TCKT (kinh doanh), tranh chấp lao động, tranh chấp hành chính. Các quốc gia trên thế giới có những quan niệm rất khác nhau về tranh chấp nói chung và tranh chấp phát sinh từ các hoạt động kinh doanh nói riêng. Không phải quốc gia nào cũng có sự phân biệt tranh chấp kinh doanh (TCKT theo cách gọi của Việt Nam) với tranh chấp dân sự. Các nước theo truyền thống luật Anh - Mỹ như: Anh, Mỹ, úc và các nước chịu ảnh hưởng của truyền thống luật này không phân biệt lĩnh vực kinh doanh (với mục đích tìm kiếm lợi nhuận) và lĩnh vực dân sự (mục đích tiêu dùng). Trong pháp luật của các nước này không tồn tại các khái niệm thương nhân (thương gia), hành vi thương mại hay giao dịch thương mại. Điều này dẫn đến hệ quả là các nước này không phân biệt tranh chấp kinh doanh (những tranh chấp phát sinh từ các hoạt động kinh doanh của các công ty hoặc liên quan mật thiết tới chúng) với các tranh chấp phát sinh từ các hoạt động dân sự. Mọi tranh chấp dù phát sinh từ hoạt động kinh doanh hay hoạt động dân sự đều được giải quyết bằng phương thức giống nhau. Nói như vậy không có nghĩa là các quốc gia này không tồn tại những thiết chế riêng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Ví dụ: Vương quốc Anh có tòa án giải quyết những khiếu nại về hạn chế quyền tự do kinh doanh; Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có tòa án giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ thương mại quốc tế [70, tr. 583]. Trong tòa án dân sự thẩm quyền chung của Nhật Bản có những Ban riêng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh hoặc các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh được phân cho thẩm phán nào có nhiều kiến thức kinh doanh và kinh nghiệm trong việc giải quyết các tranh chấp loại này. Các nước theo truyền thống luật Châu Âu lục địa như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và các nước chịu ảnh hưởng của truyền thống luật này phân biệt hoạt động kinh doanh với hoạt động dân sự và thừa nhận sự tồn tại của pháp luật thương mại bên cạnh pháp luật dân sự. Pháp luật của các nước này có khái niệm thương nhân (thương gia) và hành vi thương mại với việc đưa ra các tiêu chí khá cụ thể để phân biệt thương nhân với người không phải là thương nhân; hành vi thương mại với hành vi dân sự. Sự phân biệt này dẫn đến hệ quả là: (i) đối với hành vi thương mại sẽ ưu tiên áp dụng luật thương mại; những gì luật thương mại không quy định thì áp dụng luật dân sự và (ii) những tranh chấp phát sinh từ hành vi thương mại có thể được giải quyết bằng các phương thức riêng như trọng tài thương mại và tòa án thương mại. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý của các nước này không có khái niệm tranh chấp thương mại. Người ta chỉ căn cứ vào thẩm quyền tài phán của các thiết chế giải quyết tranh chấp thương mại mà nhận diện một số tranh chấp được coi là tranh chấp thương mại mà thôi. Có thể đơn cử một vài trường hợp: * Cộng hòa Pháp: Căn cứ vào các quy định về thẩm quyền của Tòa án thương mại của Pháp thì các tranh chấp sau đây được coi là tranh chấp thương mại: (i) Tranh chấp liên quan đến những hành vi thương mại của bất kỳ cá nhân hoặc pháp nhân nào. Các hành vi thương mại được liệt kê tại Điều 632 đoạn 2 Bộ luật Thương mại của Cộng hòa Pháp, bao gồm: + Mọi việc mua động sản để bán lại kiếm lời; + Mọi việc mua bất động sản để bán lại hoặc mua để xây dựng lại thành một hay nhiều nhà rồi bán lại; + Các hoạt động sản xuất, chuyên chở, những hãng thầu cung cấp vật liệu, những hãng bán đấu giá công khai; + Các hoạt động hối đoái, ngân hàng, giao dịch chứng khoán, bảo hiểm; + Các hoạt động trung gian, đại diện, đại lý thương mại; + Khai thác hầm mỏ và nguyên liệu; + Giải trí công cộng: nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc... (ii) Các tranh chấp liên quan đến những cam kết và giao dịch giữa các thương nhân. Đây có thể là các tranh chấp phát sinh từ các hành vi thương mại bản chất hoặc hành vi thương mại phụ thuộc trong hợp đồng hoặc là việc vi phạm pháp luật. Thậm chí, các tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng mua hàng phục vụ cho sinh hoạt cá nhân của thương nhân cũng được coi là tranh chấp thương mại. (iii) Các tranh chấp giữa các thành viên của một công ty kinh doanh với nhau hoặc với công ty. (iv) Các tranh chấp có liên quan đến hối phiếu hay tranh chấp liên quan đến lệnh phiếu trong đó có chữ ký của ít nhất một thương nhân. (v) Các tranh chấp liên quan đến thanh toán tư pháp hoặc thanh lý tài sản xảy ra sau khi đình chỉ thanh toán; bán hoặc thế chấp cơ sở kinh doanh hoặc các tranh chấp liên quan đến việc ghi chép vào sổ đăng ký thương mại. (vi) Những vụ kiện người giúp việc cho thương nhân về những hành vi liên quan đến thương mại. Như vậy, Pháp đã dựa vào các hành vi thương mại để phân biệt tranh chấp thương mại với tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh tiêu chí khách thể Pháp còn sử dụng tiêu chí chủ thể để không bỏ sót các tranh chấp mang tính thương mại. Theo quy định này thì tất cả các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh giữa các thương nhân với nhau đều được coi là tranh chấp thương mại [27]. * Cộng hòa Liên bang Đức: Theo Điều 95 Luật Tổ chức tòa án của Cộng hòa Liên bang Đức thì các tranh chấp thương mại bao gồm: (i) Các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch thương mại của các thương nhân. (ii) Các tranh chấp phát sinh từ hối phiếu theo Luật về hối phiếu hoặc từ một trong số các loại chứng từ quy định tại Điều 363 Bộ luật Thương mại. (iii) Các tranh chấp liên quan đến séc theo Luật về séc. (iv) Các tranh chấp phát sinh từ quan hệ thành viên của công ty thương mại với nhau hoặc thành viên với công ty liên quan đến hoạt động của công ty, kể cả khi công ty còn tồn tại hay đã giải thể; tranh chấp giữa người quản lý công ty với công ty hoặc với thành viên công ty. (v) Các tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật liên quan đến việc sử dụng tên thương mại; nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp; (vi) Các tranh chấp liên quan đến việc sử dụng một cơ sở kinh doanh; (vii) Các tranh chấp liên quan đến hàng hải, đặc biệt là các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh vận chuyển, các dịch vụ lai dắt, cứu hộ, tai nạn hàng hải... (viii) Các tranh chấp liên quan đến Luật chống cạnh tranh không lành mạnh; (ix) Các tranh chấp liên quan đến chứng khoán... * Liên bang Nga: Bộ luật tố tụng tòa án trọng tài của Liên bang Nga quan niệm TCKT (]imlmkhvepihe pnmoz) theo nghĩa rất rộng, gồm: - Các tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hành chính và các quan hệ pháp luật khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh giữa các pháp nhân, cá nhân thực hiện các hoạt động kinh doanh mà không thành lập một pháp nhân; giữa Liên bang Nga và các chủ thể liên bang và giữa các chủ thể liên bang với nhau; - Các tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh giữa các chủ thể; - Các tranh chấp về quyền sở hữu; - Các tranh chấp về bồi thường thiệt hại; - Các tranh chấp về uy tín kinh doanh; - Các tranh chấp về đăng ký kinh doanh; về thành lập, tổ chức lại các pháp nhân kinh tế; - Các tranh chấp liên quan đến các quyết định xử phạt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các chủ thể kinh doanh... * Tổ chức WTO và Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế cũng đưa ra khái niệm "thương mại" với nội hàm rất rộng liên quan đến tất cả các quan hệ mang bản chất thương mại, dù phát sinh từ hợp đồng hoặc không từ hợp đồng như: Mọi giao dịch thương mại về việc cung cấp hay trao đổi hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận về phân phối, đại diện thương mại; hóa đơn chứng từ; bán, cho thuê, xây dựng nhà máy; các dịch vụ tư vấn; đề án thiết kế tổng hợp, giấy phép, đầu tư, cấp chi phí, giao dịch ngân hàng, bảo hiểm, các thỏa thuận về khai thác hay chuyển nhượng, hợp tác giữa các xí nghiệp và các hình thức về hợp tác công nghiệp hay thương mại, vận chuyển hàng hóa hay hành khách bằng đường không, đường biển, đường sắt hay đường bộ (Điều 1 Luật Mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế). Xuất phát từ điều này mà tranh chấp thương mại cũng được hiểu theo nghĩa rộng, gồm toàn bộ các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch thương mại. Đó có thể là tranh chấp hợp đồng; tranh chấp liên quan đến phát hành, lưu trữ, kinh doanh chứng khoán; các tranh chấp liên quan đến thương phiếu; tranh chấp liên quan đến mua, bán, cho thuê, kinh doanh doanh nghiệp; tranh chấp liên quan đến sở hữu công nghiệp (vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí mật thương mại...); tranh chấp hàng hải, giao nhận kho vận, bảo hiểm hàng hải; tranh chấp liên quan đến mua, bán công nợ; tranh chấp trong việc chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh; tranh chấp liên quan đến bán đấu giá, đấu thầu v.v... Như vậy, các nước trên thế giới không có quan niệm thống nhất về tranh chấp kinh doanh. Có rất nhiều nước không phân biệt tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động dân sự. Bên cạnh đó, một số quốc gia khác phân biệt tranh chấp kinh doanh với tranh chấp dân sự bằng cách quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp loại này cho các cơ quan tài phán là Tòa án Thương mại hay Trọng tài Thương mại. Các quốc gia này đều quan niệm tranh chấp kinh doanh theo nghĩa rộng, gồm toàn bộ các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh giữa các chủ thể khi chúng tiến hành các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận. ở nước ta, quan niệm về TCKT có những điểm khác nhau qua mỗi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung, nền kinh tế được quản lý bằng mệnh lệnh hành chính là chủ yếu, với hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh từ trên giao xuống. Nhà nước can thiệp khá sâu vào hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh tế. Sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai đều do Nhà nước quyết định. Nhà nước vừa hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô vừa trực tiếp chỉ đạo các đơn vị kinh tế cơ sở thực hiện các kế hoạch kinh doanh cụ thể. Đặc điểm nổi bật của cơ chế kinh tế này là vai trò tuyệt đối của Nhà nước, trong đó có các Bộ, Tổng cục, ủy ban nhân dân, các cơ sở chuyên môn… là chủ thể chi phối các quan hệ kinh tế. Các chủ thể kinh doanh khá đơn điệu về hình thức tổ chức pháp lý, hầu hết là các xí nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã. Để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch do Nhà nước giao, các đơn vị kinh tế cơ sở cần phải ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, HĐKT trong thời kỳ này không chỉ là một hình thức pháp lý để triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế mà còn được sử dụng như một công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước. Ký kết và thực hiện HĐKT là một kỷ luật bắt buộc chứ không xuất phát từ lợi ích kinh tế cụ thể của các đơn vị kinh tế. Bởi vậy, các chủ thể tham gia ký kết HĐKT không quan tâm nhiều đến việc hợp đồng có được thực hiện đầy đủ hay không, vì thực hiện hay không thực hiện cũng không ảnh hưởng đến "túi tiền của họ, đằng nào Nhà nước cũng bao cấp" [57, tr. 17]. Trách nhiệm thực hiện hợp đồng giữa các bên tham gia quan hệ với nhau không được coi trọng bằng trách nhiệm của các bên đối với cơ quan chủ quản của mình. Điều đó có nghĩa là trách nhiệm phát sinh do vi phạm HĐKT nhẹ về yếu tố tài sản (vật chất) mà nặng về tính chất hành chính [37, tr. 16]. Nghiên cứu lịch sử phát triển của pháp luật về HĐKT và pháp luật về giải quyết tranh chấp HĐKT, chúng ta thấy: Trước khi ban hành Bản điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh kèm Nghị định số 735/TTg ở nước ta không có sự phân biệt HĐKT với hợp đồng dân sự; bởi vậy cũng không có sự phân biệt giữa TCKT với các loại tranh chấp mang tính chất tài sản khác. Các tranh chấp mang yếu tố tài sản được giải quyết theo một thủ tục chung tại tòa án. Cùng với sự ra đời của Bản điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh đã xuất hiện khái niệm "hợp đồng kinh doanh". Lẽ đương nhiên, tranh chấp phát sinh từ việc ký kết và thực hiện loại hợp đồng này được gọi là tranh chấp kinh doanh. Các tranh chấp kinh doanh chủ yếu được giải quyết bởi một số cơ quan hành pháp. Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp kinh doanh theo sự khởi tố của các cơ quan đăng ký kinh doanh trong một số trường hợp cần thiết. Ngày 4/1/1960, Nhà nước ta ban hành Bản điều lệ tạm thời về HĐKT kèm Nghị định số 04/TTg. Thuật ngữ "hợp đồng kinh tế" ra đời và chính thức được sử dụng trong các văn bản pháp luật sau đó như: Nghị định số 54/CP ngày 10/3/1975 ban hành Điều lệ về chế độ HĐKT; Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989. Cùng với khái niệm HĐKT, khái niệm tranh chấp kinh doanh cũng được thay thế bằng khái niệm TCKT, mà thực chất là tranh chấp HĐKT. Các tranh chấp loại này được giải quyết bằng trọng tài kinh tế, với tư cách là một cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các quan hệ kinh tế vốn dĩ khá đơn giản về nội dung và thành phần chủ thể, lại được điều hành thống nhất bởi Nhà nước, nên các TCKT xuất hiện không nhiều và chủ yếu là các tranh chấp phát sinh từ HĐKT được ký kết giữa các đơn vị kinh tế XHCN với nhau để triển khai các kế hoạch kinh doanh đã được Nhà nước phê duyệt từ trước. Từ năm 1986, nước ta khởi động quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải xóa bỏ chế độ độc tôn của một hình thức sở hữu, tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển các thành phần kinh tế. Trong nền kinh tế đang chuyển đổi xuất hiện ngày càng nhiều các chủ thể kinh doanh. Bên cạnh các chủ thể kinh doanh truyền thống là doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã còn xuất hiện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài), doanh nghiệp tư nhân, các loại hình công ty và hộ kinh doanh cá thể. Các quan hệ kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều với hình thức ngày càng phong phú và tính chất ngày càng phức tạp. Bên cạnh các quan hệ kinh tế phát sinh từ hợp đồng còn có các quan hệ kinh tế xuất hiện từ hoạt động đầu tư vốn vào kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập công ty hay việc sở hữu cổ phiếu, trái phiếu do công ty phát hành. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, Nhà nước không can thiệp trực tiếp và sâu vào hoạt động kinh doanh hợp pháp của các chủ thể kinh tế. Bằng các chính sách và pháp luật, Nhà nước tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh để các quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp được xây dựng và thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tự do, bình đẳng, cùng có lợi và tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình. Việc thiết lập hay không thiết lập quan hệ kinh tế hoàn toàn xuất phát từ kế hoạch kinh doanh cụ thể của từng đơn vị và vì lợi ích cá biệt của chúng. Kinh doanh đúng pháp luật để đạt lợi nhuận tối đa là mục tiêu tối thượng của các doanh nghiệp. Tình hình đó làm phát sinh rất nhiều tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia các quan hệ kinh tế. Điều đó đồng thời đặt ra nhu cầu phải mở rộng nội hàm của khái niệm TCKT. Mặc dù các TCKT đã xuất hiện từ lâu trong đời sống kinh tế và pháp lý của nước ta, nhưng khái niệm loại tranh chấp này chưa được sử dụng một cách thống nhất; nội hàm của khái niệm cũng chưa được xác định chính xác. Trong từng ngữ cảnh cụ thể, để chỉ các xung đột về lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân khi họ tham gia các quan hệ kinh tế, người ta đang sử dụng những thuật ngữ khác nhau như: TCKT, tranh chấp kinh doanh, tranh chấp thương mại. Khi đề cập tới khái niệm TCKT, tranh._. chấp kinh doanh, Giáo trình Luật Kinh tế của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội viết: Các tranh chấp kinh tế trong kinh doanh trong phạm vi nhất định có sự khác biệt với tranh chấp kinh tế. Khái niệm kinh tế cũng như "quan hệ kinh tế" thông thường được hiểu rộng hơn khái niệm "kinh doanh" với "quan hệ kinh doanh". Trong kinh tế có sự bao hàm cả yếu tố quản lý và yếu tố chính trị - xã hội khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, kinh doanh chỉ là một hoạt động mang tính nghề nghiệp như sản xuất, buôn bán, dịch vụ... gắn với mục đích lợi nhuận. Do tính chất của quan hệ kinh doanh như vậy, việc giải quyết trong kinh doanh cũng mang những đặc thù nhất định so với giải quyết tranh chấp kinh tế nói chung [58, tr. 307-364]. Theo quan niệm này thì rõ ràng khái niệm TCKT mang nội hàm rộng hơn khái niệm tranh chấp kinh doanh. Cuốn "Tìm hiểu luật kinh tế Việt Nam" sử dụng thuật ngữ "tranh chấp kinh tế", "tranh chấp kinh doanh" hầu như không có sự phân biệt [101, tr. 187-194]. Trong cuốn sách "Hợp đồng kinh tế và vấn đề giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay" các tác giả cho rằng: "Từ trước đến nay, nói đến tranh chấp kinh tế thì thường chỉ nghĩ đến tranh chấp về vi phạm hợp đồng kinh tế" [62, tr. 51]. Gần như tương đồng với quan điểm này một số tác giả cho rằng "về mặt lý thuyết sẽ là khó xác định được bản chất của tranh chấp kinh tế nếu thiếu một khái niệm chính xác về hợp đồng kinh tế, bởi vì hầu hết các tranh chấp kinh tế đều phát sinh từ việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng kinh tế" [61, tr. 35]. Khi Luật Thương mại ra đời và có hiệu lực pháp luật (từ 01/01/1998) thì trong pháp luật thực định của nước ta còn xuất hiện thêm khái niệm tranh chấp thương mại. Nhiều người cho rằng đã xuất hiện thêm một loại tranh chấp mới, tồn tại độc lập bên cạnh TCKT và tranh chấp dân sự là tranh chấp thương mại. Về mối tương quan giữa "tranh chấp kinh tế" và "tranh chấp thương mại" có quan điểm cho rằng: Tranh chấp thương mại là một dạng của TCKT bởi chúng đều phát sinh từ hoạt động kinh doanh và có quan hệ mật thiết với hoạt động này. Theo Điều 238 Luật Thương mại thì tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại, tức là sự thỏa thuận giữa thương nhân với thương nhân, thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại và xúc tiến thương mại. Nói đến hợp đồng trong hoạt động thương mại là nói đến những hợp đồng riêng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, cũng giống như khi ta nói đến hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng (hợp đồng xây dựng), hợp đồng trong lĩnh vực vận chuyển (hợp đồng vận chuyển), hợp đồng trong lĩnh vực bảo hiểm (hợp đồng bảo hiểm), hợp đồng trong lĩnh vực tín dụng (hợp đồng tín dụng)... Khi thỏa mãn các điều kiện về chủ thể, mục đích và hình thức hợp đồng theo quy định hiện hành thì hợp đồng trong hoạt động thương mại mang tính chất của HĐKT. Ví dụ: các hợp đồng trong hoạt động thương mại được ký kết bằng văn bản giữa các thương nhân, trong đó ít nhất một bên là pháp nhân, để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Các trường hợp khác, hợp đồng trong hoạt động thương mại mang tính chất của hợp đồng dân sự. Ví dụ: Những hợp đồng trong hoạt động thương mại được ký kết giữa các thương nhân không có tư cách pháp nhân; giữa thương nhân với công dân hay những hợp đồng không được thể hiện dưới hình thức văn bản. Như vậy, tranh chấp thương mại, xét về tính chất là tranh chấp hợp đồng; xét về nội dung là tranh chấp phát sinh từ các hoạt động kinh doanh thương mại như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại hay các hoạt động xúc tiến thương mại; xét về chủ thể là tranh chấp giữa thương nhân (một loại chủ thể kinh doanh thực hiện các hoạt động thương mại một cách độc lập và thường xuyên) với thương nhân, thương nhân với các bên có quan hệ với thương nhân trên cơ sở hợp đồng. Từ sự phân tích nói trên, chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng tranh chấp thương mại thực chất là một dạng của TCKT theo cách hiểu về TCKT như hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không phải mọi tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án Việt Nam đều được giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế. Chỉ những tranh chấp thương mại nào đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 12 và Điều 87 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế mới được tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế. Khái niệm TCKT còn có thể được tiếp cận dưới góc độ pháp luật tố tụng. Trong nhiều trường hợp thì pháp luật tố tụng đã mở ra cách tiếp cận dễ hơn với khái niệm "tranh chấp kinh tế" [26, tr. 48]. Với cách tiếp cận này, TCKT được hiểu là các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tài phán như tòa án và trọng tài. Pháp luật tố tụng chỉ ra một số nhóm tranh chấp mang tính chất kinh tế được giải quyết theo thủ tục tư pháp (Tòa án) và theo thủ tục trọng tài. Việc xem xét các TCKT nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài (phi Chính phủ) hoặc được tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế cần xem xét đến các văn bản về tố tụng kinh tế hiện hành như: PLTTGQCVAKT (1994), Nghị định số 116/CP về tổ chức và hoạt động của trọng tài kinh tế (1994), Quyết định số 204/TTg ngày 28/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Điều lệ của TTTTQTVN (VIAC), Quyết định số 114/TTg ngày 16/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng thẩm quyền cho TTTTQTVN. Theo Điều 12 PLTTGQCVAKT thì các tranh chấp sau đây được coi là TCKT và được tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế: 1. Các tranh chấp về HĐKT giữa pháp nhân với pháp nhân, giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh; 2. Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa thành viên của công ty với nhau liên quan đến thành lập, hoạt động, giải thể công ty; 3. Các tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu; 4. Các TCKT khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, theo Điều 87 PLTTGQCVAKT thì Tòa án Việt Nam có thể giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế các TCKT tại Việt Nam, nếu một hoặc các bên là cá nhân, pháp nhân nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác. Các tranh chấp này có thể là tranh chấp hợp đồng, tranh chấp trong nội bộ công ty hoặc tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu. Như vậy, theo quy định của PLTTGQCVAKT thì TCKT được hiểu theo nghĩa rất hẹp. Điều này dẫn tới hậu quả là chỉ có một số ít các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân được tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế. Nhiều loại tranh chấp tuy phát sinh trực tiếp từ hoạt động kinh doanh và thuần túy mang tính chất kinh doanh nhưng không được giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế như: - Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng được ký kết giữa các chủ thể kinh doanh không có tư cách pháp nhân để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh đó. Ví dụ: hợp đồng ký giữa hai doanh nghiệp tư nhân với nhau để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của các bên. - Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng kinh tế ký giữa pháp nhân với những người làm công tác khoa học - kỹ thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân cá thể. - Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng trong hoạt động kinh doanh nhưng không được xác lập dưới hình thức văn bản. - Một số tranh chấp liên quan mật thiết đến việc thành lập, tổ chức quản lý và tổ chức hoạt động của các loại hình công ty. Ví dụ: các tranh chấp giữa công ty hay thành viên công ty với người quản lý điều hành công ty mà người này không phải là thành viên công ty. Theo Điều 1 Nghị định số 116/CP về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế thì Trọng tài kinh tế (phi Chính phủ) có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về HĐKT; tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty; các tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu. Thông tư số 02/PLDSKT ngày 03/01/1995 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điểm của Nghị định số 116/CP còn "mạnh dạn" mở rộng thẩm quyền giải quyết của trọng tài kinh tế sang cả những tranh chấp hợp đồng phục vụ cho hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau hoặc với cá nhân kinh doanh (mục I Thông tư số 02/PLDSKT). Quyết định số 204/TTg ngày 28/4/1993 và Quyết định số 114/TTg ngày 16/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ quy định chưa rõ ràng về thẩm quyền giải quyết các TCKT của TTTTQTVN. Theo các văn bản này thì TTTTQTVN có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ kinh tế, nếu trước hay sau khi xảy ra tranh chấp, các bên đương sự thỏa thuận đưa vụ việc ra TTTTQTVN, hoặc nếu có một điều ước quốc tế ràng buộc các bên phải đưa tranh chấp ra TTTTQTVN. Như vậy, nếu tiếp cận dưới giác độ pháp luật tố tụng thì TCKT được hiểu theo nghĩa quá hẹp, không bao quát hết các tranh chấp đã và sẽ phát sinh trong quá trình đổi mới quản lý kinh tế ở Việt Nam. Điều này dẫn tới các hậu quả sau: Một là: Rất nhiều loại tranh chấp phát sinh từ quan hệ kinh doanh nhưng không được coi là TCKT và không được giải quyết bằng thiết chế tài phán kinh doanh là những thiết chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, nhanh chóng, chính xác và điều này dẫn đến lợi ích của các bên tranh chấp không được bảo đảm triệt để. Hai là: Không có điều kiện để mở rộng thẩm quyền giải quyết các TCKT của các cơ quan tài phán. Hiện nay đã xuất hiện nhiều tranh chấp từ hoạt động kinh doanh nhưng chưa biết sẽ được giải quyết theo cơ chế nào? Ví dụ: Một công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên thuê giám đốc điều hành công ty. Người này không phải là thành viên công ty. Trong quá trình quản lý hoạt động kinh doanh của công ty, giám đốc làm thuê gây thiệt hại về tài sản cho công ty và công ty có nhu cầu kiện giám đốc. Tranh chấp này có được coi là TCKT hay không? Có được giải quyết tại các cơ quan tài phán kinh doanh hay không? Các tranh chấp liên quan đến quyền tự do kinh doanh, đến cạnh tranh không lành mạnh hay độc quyền cũng chưa rõ sẽ được giải quyết ở đâu. Thứ ba: Có nguy cơ tạo ra những rào cản đối với quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, trong bối cảnh pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, pháp luật quốc tế và tập quán thương mại quốc tế đều quan niệm TCKT theo nghĩa rộng. Để hạn chế những bất cập kể trên, chúng tôi thấy rằng cần phải tiếp cận khái niệm TCKT dưới giác độ khoa học và khái niệm TCKT phải được hiểu theo nghĩa rộng. Theo nghĩa này, TCKT là những mâu thuẫn hay bất đồng liên quan đến quyền và lợi ích kinh tế của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các quan hệ kinh tế. Từ khái niệm đó chúng ta thấy TCKT có các dấu hiệu pháp lý cơ bản sau đây: Thứ nhất: TCKT phát sinh trực tiếp từ các quan hệ kinh tế và có liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh. Quan hệ kinh tế là những quan hệ được thiết lập giữa các chủ thể kinh doanh hoặc giữa các bên có liên quan trong quá trình các chủ thể kinh doanh tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình. Kinh doanh hiện nay được hiểu với nội hàm rất rộng, bao gồm toàn bộ các hoạt động từ đầu tư vốn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Đây là những quan hệ có tính chất tài sản với mục đích phục vụ kinh doanh, thu lợi nhuận. Đó có thể là hoạt động đầu tư vốn (góp vốn vào công ty hay mua cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác); hoạt động sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội hay hoạt động mua bán, trao đổi và cung ứng các loại dịch vụ. So với hoạt động dân sự thì các hoạt động kinh doanh mang nhiều đặc thù: mục đích của việc thực hiện các hoạt động kinh doanh là lợi nhuận; chủ thể thực hiện các hoạt động kinh doanh là tổ chức, cá nhân thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định và được Nhà nước thừa nhận là chủ thể kinh doanh; các hoạt động kinh doanh thường gắn liền với việc dịch chuyển những giá trị tài sản lớn. Chính đặc thù này làm cho TCKT hoàn toàn khác với tranh chấp dân sự, ngay cả đối với các tranh chấp mang yếu tố tài sản. Trong khi các TCKT phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh khi chúng tiến hành các hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận thì các tranh chấp dân sự thường chỉ phát sinh giữa các tổ chức, cá nhân không có tư cách chủ thể kinh doanh khi chúng tham gia quan hệ nhằm đáp ứng nhu cầu nào đó mang tính sinh hoạt, tiêu dùng. Việc thiết lập các quan hệ kinh doanh đòi hỏi phải nhanh chóng, đơn giản, linh hoạt. Bởi vậy, việc giải quyết tranh chấp từ các quan hệ này cũng phải mềm dẻo, nhanh chóng, dứt điểm để hạn chế đến mức tối đa sự gián đoạn trong quá trình kinh doanh. Vì lý do này mà các TCKT phải được giải quyết bằng một cơ chế riêng so với việc giải quyết tranh chấp dân sự thông thường. Thứ hai: Việc giải quyết các TCKT luôn thuộc quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp. Như phần trên đã trình bày, các TCKT phát sinh từ các quan hệ kinh doanh. Các quan hệ kinh doanh được thiết lập giữa các chủ thể ở vị trí pháp lý hoàn toàn độc lập và bình đẳng với nhau. Đây là quan hệ theo chiều ngang và mang yếu tố tài sản. Quan hệ kinh doanh được thiết lập giữa các chủ thể trên nguyên tắc tự nguyện, tự do ý chí. Chính bởi lẽ đó mà khi tranh chấp phát sinh, các bên cũng được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến việc giải quyết chúng. Các bên được tự thỏa thuận với nhau để lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp; được tự quyết định về nội dung tranh chấp; được tự thương lượng, hòa giải với nhau ngay cả khi đã đưa tranh chấp ra cho một cơ quan tài phán giải quyết. Chính đặc điểm này của TCKT quyết định tính đa dạng của các phương thức giải quyết tranh chấp và nguyên tắc cơ bản nhất để giải quyết TCKT là nguyên tắc bình đẳng, thỏa thuận. Thứ ba: TCKT là những tranh chấp mang yếu tố tài sản và thường gắn liền với giá trị tài sản lớn. TCKT phản ánh các xung đột về mặt lợi ích kinh tế của các bên có liên quan trong một quan hệ kinh tế nhất định. yếu tố vật chất và lợi ích kinh tế của nội dung TCKT là một đặc điểm riêng để phân biệt với các loại tranh chấp khác trong đời sống xã hội. Yếu tố tài sản được quy định bởi tính chất, mục đích của các quan hệ kinh tế trong xã hội. Giá trị vật chất (tài sản) của các TCKT được các bên liên quan đưa ra yêu cầu các bên đối tác phải bồi hoàn, khắc phục bằng những số liệu cụ thể (mức tiền bồi hoàn) số lượng, chất lượng tài sản, hàng hóa cụ thể. Trong cơ chế thị trường, nhiều TCKT liên quan đến giá trị tài sản lớn, hoặc liên quan đến trách nhiệm của nhiều chủ thể. Việc giải quyết thỏa đáng tranh chấp có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình hoạt động kinh tế của các bên liên quan và đời sống kinh tế nói chung. Xuất phát từ đặc điểm này của TCKT, đòi hỏi cơ chế giải quyết chúng phải nhanh gọn, hiệu quả và bảo vệ một cách kịp thời quyền lợi kinh tế của các bên. Dựa vào giá trị TCKT, các nhà làm luật đánh giá mức độ nghiêm trọng và tính chất phức tạp của tranh chấp. Đây cũng là một trong những căn cứ xác định thẩm quyền của cơ quan giải quyết đối với chúng. Ví dụ: TAND cấp huyện chỉ được thụ lý xét xử những tranh chấp HĐKT có giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng (Điều 13 PLTTGQCVAKT). Những tranh chấp có giá trị kinh tế lớn thường có tính chất phức tạp và hậu quả của việc giải quyết chúng có những ảnh hưởng to lớn, thậm chí có tính chất quyết định đến sự tồn tại và phá sản của một doanh nghiệp, do vậy nó phải được giải quyết bởi một đội ngũ thẩm phán kinh tế có trình độ và kinh nghiệm cao. Giá trị vật chất của TCKT còn là căn cứ để các cơ quan giải quyết TCKT tính mức lệ phí và các chi phí các bên theo kiện phải gánh chịu tùy mức độ lỗi. Thứ tư: Các TCKT nếu không được giải quyết triệt để dễ gây ra hậu quả có tính chất dây chuyền. Bản chất của TCKT là sự xung đột về lợi ích kinh tế phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên thị trường. TCKT có thể phát sinh trong một công đoạn nào đó của chu trình kinh doanh, thường có mối quan hệ hữu cơ với công đoạn khác. Môi trường phát sinh TCKT là môi trường của các hoạt động kinh doanh với tính chất vô cùng phong phú và đa dạng phụ thuộc lẫn nhau. Quan hệ kinh doanh này có thể vừa là kết quả, vừa là tiền đề của một quan hệ kinh doanh khác. Ví dụ: một tranh chấp phát sinh trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa (dưa hấu chẳng hạn) không chỉ gây thiệt hại cho bên thuê vận chuyển (người mua thu gom của nông dân) và bên vận chuyển, mà còn gây khó khăn cho người sản xuất (giá bán của người nông dân có thể giảm, ứ đọng sản phẩm) và người tiêu dùng (sự tăng giá cục bộ của dưa hấu ở một thị trường nhất định). Mặt khác, tham gia vào chu trình kinh doanh có thể có rất nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau. Bởi vậy, khi TCKT phát sinh không được giải quyết kịp thời có thể làm đình đốn các hoạt động kinh doanh khác và tác động xấu đến lợi ích của nhiều đối tượng. Đặc thù này của TCKT dẫn đến một đòi hỏi tất yếu là phải giải quyết TCKT một cách triệt để, chính xác và hiệu quả để các bên liên quan có thể nhanh chóng khắc phục hậu quả phát sinh từ tranh chấp. Thứ năm: Các bên có TCKT thường là các chủ thể kinh doanh. Thông thường, các bên trong TCKT là các tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận quyền kinh doanh. Bằng việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Nhà nước công nhận các tổ chức, cá nhân này đã hội đủ các điều kiện kinh tế và pháp lý để tiến hành một loại hoạt động khá phức tạp trong xã hội là hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận. Chủ thể của TCKT thường là những người có trình độ hiểu biết nhất định, thậm chí "tạo thành một giai tầng xã hội riêng, có nhu cầu thể hiện riêng trước xã hội, Nhà nước và pháp luật... Họ có "luật chơi" và quy tắc xử sự riêng" [94, tr. 26]. Các chủ thể này hoàn toàn ý thức được những quyền và lợi ích hợp pháp nào của mình bị xâm hại và có khả năng tự bảo vệ cao. Họ lại thông hiểu pháp luật và tập quán kinh doanh đồng thời rất coi trọng "chữ tín" trong kinh doanh và có ý thức duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa các bên. Chính đặc điểm này cho phép các bên tranh chấp sử dụng hiệu quả các phương thức giải quyết tranh chấp theo con đường "hòa bình" là thương lượng và trung gian hòa giải. 1.1.2. Phân loại tranh chấp kinh tế Phân loại TCKT là việc xếp các TCKT có quan hệ gần gũi với nhau thành từng nhóm, mỗi nhóm được đặc trưng bởi một hoặc một số dấu hiệu pháp lý nào đó. Việc phân loại TCKT không chỉ có ý nghĩa về khoa học mà còn có ý nghĩa sâu sắc về thực tiễn. Phân loại chính xác các TCKT tạo những thuận lợi nhất định cho việc nghiên cứu để chỉ ra bản chất của các loại TCKT, từ đó có định hướng cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải quyết chúng. Xây dựng những tiêu chí nhất định theo các phương pháp khoa học trong việc phân loại TCKT có thể giúp cho hoạt động giải quyết TCKT được tiến hành nhanh chóng, chính xác, tôn trọng sự thật khách quan. Lợi ích dễ nhận thấy của việc phân loại TCKT là tạo điều kiện lựa chọn phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp, xác định chính xác thẩm quyền giải quyết tranh chấp của cơ quan tài phán và thủ tục áp dụng để giải quyết TCKT. Mặt khác, việc phân loại các TCKT theo những mục đích, yêu cầu nhất định giúp cho các nhà làm luật, các nhà quản lý có những thông tin cần thiết cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật hay điều chỉnh chính sách quản lý kinh tế. Có thể dựa trên nhiều căn cứ khác nhau để phân loại TCKT: (i) Căn cứ vào giá trị tranh chấp Hầu hết các TCKT đều có nguyên nhân xuất phát bên trong là sự xung đột về quyền lợi kinh tế với những tính chất, mức độ khác nhau giữa các bên tranh chấp. Do vậy, việc lấy tiêu chí giá trị của TCKT làm căn cứ phân loại các tranh chấp có những ý nghĩa nhất định. Giá trị vật chất của các tranh chấp cụ thể ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế (biểu hiện bằng con số tiền cụ thể) là lớn hay nhỏ (nghiêm trọng, ít nghiêm trọng), thông thường còn là sự ẩn chứa bên trong tính chất phức tạp của vụ TCKT đó. Với thực tiễn Việt Nam, việc phân loại TCKT theo giá trị tranh chấp chỉ có ý nghĩa đối với các tranh chấp HĐKT không có nhân tố nước ngoài và khi tranh chấp đó được giải quyết tại tòa án. Phân loại TCKT theo giá trị có ý nghĩa trong việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tòa án các cấp. Theo Điều 13 PLTTGQCVAKT thì những tranh chấp HĐKT có giá trị dưới 50 triệu đồng và không có nhân tố nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tòa án cấp huyện. Các TCKT còn lại sẽ được giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tại tòa án cấp tỉnh. ở một số nước trên thế giới cũng có sự phân loại các TCKT (thương mại) theo tiêu chí giá trị của tranh chấp. Đây cũng là căn cứ để xác định thẩm quyền vụ việc của cơ quan tài phán cũng như thủ tục tố tụng nhất định. Tại Đức, những tranh chấp thương mại có giá trị trên 5.000 DM sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa thương mại, còn những tranh chấp có giá trị dưới 5.000 DM sẽ được xét xử bởi tòa án cấp quận theo tố tụng dân sự chung. Tại Pháp, những tranh chấp thương mại có giá trị từ 13.000 FFr trở xuống sẽ do Tòa Thương mại xét xử theo thủ tục sơ chung thẩm. Tại Singapore, các tranh chấp có giá trị dưới 10.000 USD Singapore sẽ xét xử tại 56 tòa án khu vực [135]. Tại Mỹ, theo quy tắc trọng tài thương mại của Hiệp hội trọng tài Mỹ (AAA) những tranh chấp giải quyết trên cơ sở các tài liệu là những tranh chấp có giá trị dưới 10.000 USD, còn theo thủ tục chung lựa chọn cho tranh chấp có quy mô lớn và phức tạp là những đơn kiện tranh chấp có giá trị công khai thấp nhất từ 1 triệu USD trở lên, không tính lãi và chi phí trọng tài [51]. (ii) Căn cứ vào nội dung và tính chất của tranh chấp kinh tế Dựa vào nội dung và tính chất của TCKT có thể chia TCKT thành: (1) Tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh (HĐKT ); (2) Tranh chấp trong nội bộ công ty; (3) Tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu và (4) Các TCKT khác. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, các TCKT chủ yếu liên quan đến HĐKT và được giải quyết bởi Trọng tài kinh tế nhà nước. Thực tiễn giải quyết TCKT hiện nay ở nước ta đang đứng trước một vấn đề phức tạp là xác định ranh giới để phân biệt giữa HĐKT và hợp đồng dân sự. Hậu quả pháp lý của việc phân biệt giữa hai loại hợp đồng này có thể dẫn đến thẩm quyền giải quyết khác nhau khi tranh chấp phát sinh. Trước thực tiễn sinh động của các quan hệ kinh tế hiện nay, các quy định của pháp luật hiện hành về HĐKT và các căn cứ pháp lý để phân biệt HĐKT (mục đích, hình thức, chủ thể) đã tỏ ra bất cập. Mặt khác, pháp luật hiện nay còn để ngỏ khả năng áp dụng các quy định có liên quan của Bộ luật dân sự vào việc điều chỉnh các quan hệ kinh tế, trong trường hợp pháp luật về HĐKT không có quy định cụ thể. Hiện nay, tuyệt đại đa số các TCKT được giải quyết tại các cơ quan tài phán như tòa án và trọng tài là tranh chấp HĐKT. Số lượng tranh chấp công ty, tranh chấp chứng khoán chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể. Theo số liệu thống kê, trong số các tranh chấp HĐKT (án kiện HĐKT) tại tòa án thì tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa có số lượng nhiều nhất: 247 vụ/636 vụ trong năm 1997; 395 vụ/1261 vụ trong năm 1998. Tiếp đến là các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng: 198 vụ/636 vụ trong năm 1997; 262 vụ/1261 vụ/ trong năm 1998. Chiếm các vị trí tiếp theo là tranh chấp hợp đồng xây dựng và hợp đồng bảo hiểm [138, tr. 66-67]. Ngoài tranh chấp HĐKT còn có các tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty, giữa các thành viên công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty. Công ty và thành viên công ty là những chủ thể độc lập. Thành viên công ty là những người góp vốn vào công ty và là người sở hữu một phần (trường hợp công ty nhiều thành viên) hoặc toàn bộ (trường hợp công ty TNHH một thành viên) công ty. Quan hệ sở hữu này là cơ sở để phát sinh TCKT. Đây là các tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên công ty đối với công ty TNHH (thông thường tài sản góp vốn là tiền mặt, hiện vật hoặc bản quyền sở hữu công nghiệp); về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với công ty cổ phần; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về yêu cầu công ty đòi các khoản nợ của công ty, thanh lý các hợp đồng mà công ty đã ký kết khi giải thể công ty hay tranh chấp về các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty. Ngoài ra, đó còn là các tranh chấp về việc chuyển nhượng phần góp vốn vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên của công ty, về việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên, cổ phiếu có ghi tên, về mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần v.v... (iii) Căn cứ vào nhân tố nước ngoài trong tranh chấp kinh tế Dựa vào yếu tố quốc tịch của các bên tranh chấp có thể chia thành TCKT có nhân tố nước ngoài và TCKT không có nhân tố nước ngoài. Cách phân loại này đặc biệt có ý nghĩa khi tranh chấp là tranh chấp HĐKT và được giải quyết bằng thủ tục tư pháp. Hầu hết các TCKT có yếu tố nước ngoài đều được giải quyết tại TAND cấp tỉnh. Các tranh chấp "có yếu tố nước ngoài" là một vấn đề được đề cập đến trong nhiều các văn bản khác nhau của pháp luật hiện hành, trong đó có Bộ luật Dân sự cũng như các văn bản pháp luật về HĐKT và giải quyết TCKT. Phạm vi tranh chấp có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật tố tụng kinh tế có phần hẹp hơn so với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài theo quy định của Bộ luật Dân sự. Theo Pháp lệnh TTGQCVAKT thì nhân tố nước ngoài trong TCKT chỉ dừng lại ở yếu tố chủ thể của tranh chấp. Cụ thể, Điều 87 của Pháp lệnh này quan niệm TCKT có nhân tố nước ngoài là tranh chấp mà một hoặc các bên tranh chấp là các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đến Công văn số 11/KHXX ngày 23/01/1996 của TAND tối cao thì các tranh chấp HĐKT có nhân tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo thủ tục tố tụng kinh tế khi ít nhất một bên tranh chấp là pháp nhân Việt Nam. Các TCKT có nhân tố nước ngoài có thể là tranh chấp hợp đồng, tranh chấp công ty hay tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu. Các TCKT có nhân tố nước ngoài, không phân biệt giá trị tranh chấp, luôn thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tòa án cấp tỉnh. 1.2. Giải quyết tranh chấp kinh tế và những phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế 1.2.1. Bản chất của việc giải quyết tranh chấp kinh tế Theo Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ "giải quyết" được hiểu là "làm cho không còn thành vấn đề nữa" [108, tr. 338]. Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất thì giải quyết TCKT là tổng hợp những cách thức, biện pháp được áp dụng để loại bỏ các mâu thuẫn, bất đồng về lợi ích kinh tế phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình chúng tham gia vào các quan hệ kinh tế. Hoạt động giải quyết TCKT mang những đặc thù sau: - Chủ thể của hoạt động giải quyết TCKT là các bên tranh chấp và các cơ quan tài phán có thẩm quyền. Khi TCKT phát sinh, các bên tranh chấp có thể tự thỏa thuận với nhau thông qua các hình thức thương lượng, hòa giải để loại bỏ những mâu thuẫn, bất đồng giữa họ. Trong trường hợp này hoàn toàn không có sự tham gia của người thứ ba hay của cơ quan tài phán vào việc giải quyết tranh chấp. Trong những trường hợp các bên tranh chấp không thể tự thương lượng với nhau được thì họ có thể nhờ người thứ ba, giữ vai trò của người trung gian hỗ trợ. Đó là cá nhân, cơ quan được các bên yêu cầu đứng ra giải quyết TCKT của họ. Đó là các chuyên gia, luật sư, trọng tài viên được các bên mời tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp, hoặc là tòa án, Trung tâm trọng tài thụ lý giải quyết các TCKT. Trong trường hợp này, chủ thể của hoạt động giải quyết tranh chấp, bên cạnh các bên tranh chấp, còn là người trung gian hòa giải hoặc tòa án, trọng tài có thẩm quyền. - Khách thể của việc giải quyết TCKT là các quan hệ pháp luật đang tranh chấp. Đối tượng của hoạt động giải quyết tranh chấp chính là bản thân tranh chấp đã phát sinh giữa các bên. Căn cứ vào sự thỏa thuận của mình mà các bên tranh chấp tìm một giải pháp thích hợp để loại bỏ tranh chấp hoặc căn cứ vào các quy định pháp luật và các tình tiết khách quan của tranh chấp, tòa án hoặc Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết giải quyết vụ việc. Như vậy, giải quyết TCKT là việc các bên tranh chấp thông qua các hình thức, thủ tục thích hợp tiến hành giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, bất đồng về lợi ích kinh tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Quan niệm về giải quyết TCKT được hiểu với những nội dung khác nhau trong từng thời kỳ. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, việc giải quyết TCKT được thực hiện chủ yếu thông qua Trọng tài kinh tế. Trọng tài kinh tế là cơ quan nhà nước, được thành lập với hai chức năng chủ yếu: (i) giải quyết tranh chấp HĐKT và (ii) thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với công tác HĐKT. Như vậy, Trọng tài kinh tế Nhà nước vừa là cơ quan xét xử lại vừa là cơ quan quản lý nhà nước. Các TCKT có yếu tố nước ngoài (tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán ngoại thương, thuê tàu, vận chuyển hàng quốc tế, đại lý tàu biển, cứu hộ, bảo hiểm hàng hóa...) được giải quyết tại Hội đồng Trọng tài Ngoại thương hoặc Hội đồng Trọng tài Hàng hải bên cạnh Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Hoạt động giải quyết TCKT, mà thực chất là hoạt động giải quyết các tranh chấp HĐKT trong cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung mang tính chất kiểm tra, xem xét và giải quyết các vi phạm trong công tác HĐKT hơn là tính chất tài phán. Việc giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm HĐKT chủ yếu nhằm điều hòa những mâu thuẫn về lợi ích cục bộ của các đơn vị kinh tế XHCN trên cơ sở lấy lợi ích nhà nước làm tiêu chuẩn để xem xét [62, tr. 51]. Việc thực hiện các phán quyết, quyết định của cơ quan tài phán cũng mang nặng tính khuyến nghị chứ ít phản ánh tính cưỡng chế. Trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường tại Việt Nam hiện nay, Nhà nước đang từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải quyết TCKT phù hợp với đòi hỏi khách quan của quá trình chuyển đổi nền kinh tế, đem lại tính công bằng, hiệu quả kinh tế và góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương của xã hội, làm lành mạnh các quan hệ kinh tế. Quan niệm về giải quyết TCKT hiện nay ở nước ta đã có những thay đổi căn bản. Nhà nước đã từng bước thể chế hóa việc giải quyết TCKT nhằm bảo đảm tối đa quyề._.n kinh tế thị trường ở Việt Nam", Nhà nước và pháp luật, (11), tr. 29-37. danh mục tài liệu tham khảo Ban chấp hành Trung ương Đảng (2002), Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Ban chỉ đạo liên ngành hoạt động đánh giá nhu cầu phát triển toàn diện hệ thống pháp luật Việt Nam (2002), Báo cáo tổng thể về đánh giá nhu cầu phát triển toàn diện hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010. Ban soạn thảo Pháp lệnh Trọng tài của Hội luật gia Việt Nam (2000), Dự thảo 8, 9/2002. Bản quy tắc trọng tài UNCITRAL, (được UNCITRAL thông qua ngày 28/4/1976 và Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 15/12/1976). Béctơ răng Môtô - Đoàn Luật sư Tòa thượng thẩm Pari (1995), "Thủ tục tố tụng và phán quyết trọng tài", Trọng tài quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Đức Bình (2002), "Toàn cầu hóa kinh tế và tác động trên các mặt chính trị ý thức hệ", Báo Nhân dân, số ra ngày 17/10. Bộ luật tố tụng dân sự Pháp, tập IV - Trọng tài, (Bản dịch của Ban soạn thảo pháp lệnh trọng tài thương mại). Bộ Tư pháp (1993), Tờ trình Chính phủ về dự án tổ chức Tòa án kinh tế và dự án Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Hà Nội, (1085/TP). Bộ Tư pháp (1995), Thông tư 02/PLDSKT ngày 3/1/1995 hướng dẫn thi hành một số điểm của Nghị định 116/CP ngày 5/9/1994 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của Trọng tài kinh tế. Bộ Tư pháp (10/2000), Tài liệu Hội thảo Những thách thức về phương diện pháp lý trước quá trình toàn cầu hóa, Hà Nội. Bộ Tư pháp (2001), Dự án Pháp lệnh Luật sư. Bộ Tư pháp (2002), Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2002 và phương hướng công tác năm 2003. Công ước về việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến đầu tư giữa các nhà nước và kiều dân các nước khác (1965), Washington, Chương 3, tiết 1, 2, 3. Hà Hùng Cường (1995), "Giải quyết tranh chấp kinh tế và việc tham gia Công ước Niu Óc 1958", Tài liệu Hội thảo Trọng tài quốc tế. Hà Hùng Cường (2002), "Thực trạng pháp luật kinh tế và định hướng hoàn thiện", Kỷ yếu Hội thảo Định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính và ngân sách, Hà Nội. Mai Ngọc Cường (2001), Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2001), Thư chào mừng tại Đại hội Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhiệm kỳ III (2002-2005). Phạm Đỗ Chí, Trần Nam Bình (2002), Đánh thức con rồng ngủ quên Kinh tế Việt Nam đi vào thế kỷ XXI, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm kinh tế Châu á - Thái Bình Dương, Thời báo kinh tế. Đảng Cộng sản Việt Nam (1995), Văn kiện Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 BCHTƯ khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Didie Xcoocnicki (1995), Trọng tài quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Lê Đăng Doanh, Phan Đăng Tuất (2002), Tham luận tại Hội thảo Doanh nhân Việt Nam trong công cuộc đổi mới, Hà Nội. Nguyễn Tấn Dũng (2002), "Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa", Báo Nhân dân, số ra ngày 25/9/2002. Dự án VIE/94/003 (1998), Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam, Kỷ yếu tập IV, Hà Nội. Francis Lemeunier (1992), Nguyên lý và thực hành Luật thương mại, Luật kinh doanh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Gabriele Crespi Reghizzi (2000), "Trung gian hòa giải - Hòa giải ở Châu Âu như là sự lựa chọn thay thế cho các quyết định giải quyết tranh chấp của tòa án", Giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Giải quyết tranh chấp kinh tế có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam (2000), Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Hà Nội. Trần Đình Hảo (2000), "Hòa giải, thương lượng trong việc giải quyết tranh chấp kinh tế", Nhà nước và pháp luật, (1), tr. 32. Lê Hồng Hạnh (1991), "Kinh tế thị trường và sự cần thiết hoàn thiện pháp luật kinh tế", Nhà nước và pháp luật, (4). Lê Hồng Hạnh (chủ biên) (2002), Những nền tảng pháp lý cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Dự án TA 2853 VIE, Hà Nội. Hồ Chí Minh Toàn tập (2000), Tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Phan Trung Hoài (1997), "Điều bất cập trong xây dựng và thực thi pháp luật liên quan đến kinh doanh", Báo Kinh doanh và pháp luật, (40). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2000), Giáo trình lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đào Văn Hội (1996), "Những bất cập trong quản lý và hoạt động tố tụng của các Trung tâm trọng tài kinh tế", Kiểm sát, (12). Đào Văn Hội (1999), Giải quyết tranh chấp kinh tế bằng Tòa án, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đào Văn Hội (2000), "Bạn sẽ làm gì khi có tranh chấp kinh tế", Đặc san Pháp luật cuối tháng, (11), tr. 3-4. Đào Văn Hội (Thủy Tiên) (2000), "Giải quyết tranh chấp kinh tế nhìn từ nước Mỹ", Đặc san Pháp luật cuối tháng, (11), tr. 5. Đào Văn Hội (2001), "Cần khắc phục tình trạng dùng pháp luật hình sự để giải quyết tranh chấp kinh tế", Dân chủ và pháp luật, (11). Đào Văn Hội (2002), "Giải quyết tranh chấp kinh tế bằng trọng tài và những vấn đề đặt ra", Dân chủ và pháp luật, (5). Đào Văn Hội (2002), "Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam", Dân chủ và pháp luật, (7), tr.13. Hội luật gia Việt Nam (2001), Bản thuyết trình dự án Pháp lệnh Trọng tài thương mại. Hội luật gia Việt Nam (2002), Tờ trình dự thảo pháp lệnh trọng tài thương mại. Dương Văn Hậu (1999), Trọng tài thương mại Việt Nam trong tiến trình đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Dương Văn Hậu (2000), "Bàn về điều kiện và tiêu chuẩn trọng tài viên", Luật học, (2). Đinh Ngọc Hiện (1999), "Giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án Việt Nam", Chuyên đề các phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Thông tin khoa học pháp lý (5). Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980, 1992) và Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 (2002), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao. Hiệp hội trọng tài Mỹ (2000), Các thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại sửa đổi và có hiệu lực từ 1/9/2000. Dương Đăng Huệ (1996), "Cơ sở khoa học và thực tiễn của việc xây dựng pháp luật thương mại - kinh tế ở nước ta", Nhà nước và pháp luật, (11). Dương Đăng Huệ (1998), "Trọng tài phi Chính phủ ở Việt Nam - Thực trạng và những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nó", Thông tin khoa học pháp lý, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp. Dương Đăng Huệ (1999), "Những nguyên nhân làm hạn chế tác dụng của trọng tài kinh tế và những giải pháp khắc phục", Nhà nước và pháp luật, (7). Dương Đăng Huệ (2002), "Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo Định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế, tài chính, ngân sách, Hà Nội. Trần Hữu Huỳnh (2001), "Các hình thức tổ chức trọng tài với việc xây dựng Pháp lệnh Trọng tài Việt Nam", Nhà nước và pháp luật, (2), tr. 48-49, 53-55. Nguyễn Thị Khế (1996), "Các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường ở nước ta", Nhà nước và pháp luật, (9), tr. 17. Khoa Luật - Đại học Tổng hợp Hà Nội (1993), Giáo trình Luật Kinh tế. Khoa Quản lý kinh tế - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1999), Kết quả điều tra về thị trường và kinh doanh. Trần Đức Lương (2002), "Đẩy mạnh cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Tạp chí Cộng sản, (10), tr. 9. Lê Song Lại, Phan Tôn Việt Anh (1996), "Pháp luật Việt Nam và vấn đề giải quyết tranh chấp kinh tế có yếu tố nước ngoài", Nhà nước và pháp luật, (9), tr. 35. Hoàng Thế Liên, Phạm Hữu Nghị, Trần Hữu Huỳnh (1993), Hợp đồng kinh tế và vấn đề giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Dương Thị Liễu (2001), Tác động của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan đối với quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Văn Long (2002), "Hội nhập kinh tế quốc tế và một số phương hướng hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo về định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính và ngân sách. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, (1987), Nxb Pháp lý, Hà Nội. Luật lệ Trọng tài thương mại - kinh tế các nước và quốc tế (1993), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tập 1-2-3. Luật Mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế, (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 11/12/1985). Luật Trọng tài Bra-xin 1996, (Bản dịch của Ban soạn thảo Pháp lệnh Trọng tài thương mại). Luật Trọng tài Trung Hoa năm 1994, (Bản dịch của Ban soạn thảo pháp lệnh trọng tài thương mại). M. A. Baxleacova (1995), Từ điển Pháp lý diễn giải dành cho nhà kinh doanh, Bản tiếng Nga, tái bản lần thứ 6, Nxb Tài chính và thống kê, Matxcơva. Dương Thanh Mai (1997), "Mối quan hệ giữa Tòa án và Trọng tài trong việc bảo đảm hiệu quả của giải quyết tranh chấp kinh tế bằng trọng tài", Đề tài tiềm năng, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Hà Nội. Dương Thanh Mai (1998), "Việc tiếp nhận Luật Mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế ở một số nước và việc xây dựng Dự thảo pháp lệnh trọng tài của Việt Nam", Nhà nước và pháp luật, (8,9), tr. 4-5, 111-113. Dương Thanh Mai (1999), "Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Việt Nam", Chuyên đề các phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Thông tin khoa học pháp lý, (5), tr. 7. Nguyễn Minh Mẫn (1994), "Về khung pháp luật kinh tế trong nền kinh tế thị trường ở nước ta", Nhà nước và pháp luật, (1). Ngô Quang Minh (2001), Kinh tế nhà nước và quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.40-46. Phạm Minh (2001), Luật Thương mại quốc tế, Nxb Thống kê, Hà Nội. Phạm Minh (2001), Pháp luật kinh doanh theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Nxb Thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Montesquieu (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Đoàn Năng (1998), "Một số ý kiến về thực trạng và phương hướng hoàn thiện pháp luật trọng tài kinh tế ở nước ta", Luật học, (1). Đỗ Thị Ngọc (2000), "Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội. Nghị định 116/CP ngày 5/9/1994 về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế. Nghị định số 17/HĐBT ngày 16/1/1990 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Phạm Hữu Nghị (1999), "Về cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay", Nhà nước và pháp luật, (12), tr. 16. Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi và bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 ngày 25/12/2001. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba BCHTƯ Đảng khóa IX (2001) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu doanh nghiệp nhà nước, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Phạm Duy Nghĩa (2000), "Về mối quan hệ giữa tố tụng dân sự và tố tụng kinh tế", Hội thảo Tư pháp dân sự, Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật (9). Phạm Duy Nghĩa (2000), "Pháp luật thương mại Việt Nam trước thách thức của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế", Nhà nước và pháp luật, (6). Phạm Duy Nghĩa (6/2001), "Chuyên đề hình sự hóa giao dịch dân sự kinh tế - Quan niệm, biểu hiện và một số giải pháp khắc phục", Đề tài Các giải pháp chống hình sự hóa các giao dịch dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp, Hà Nội. Vũ Hữu Ngoạn (2001), Tìm hiểu đường lối kinh tế trong Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.66. Phan Thảo Nguyên (2000), Cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức thương mại thế giới WTO, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội. P. A. Samuelson, William D. Nordhous (1997), Kinh tế học, tập 1-2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989, Nxb Pháp lý, Hà Nội. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế ngày 6/3/1994. Nguyễn Như Phát (2001), "Pháp luật tố tụng và các hình thức tố tụng kinh tế", Nhà nước và pháp luật, (11), tr. 26, 30, 34. Philip Phu Sa (1995), Trọng tài quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Quy chế tố tụng trong nước của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Điều 16. Nguyễn Văn Quyền, Ngô Minh Tuấn (2001), "Đổi mới pháp luật giải quyết tranh chấp kinh tế thương mại", Nghiên cứu lập pháp (8), tr. 16, 20. Quyết định 114/TTg ngày 16/2/1996 về việc mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Quyết định 204/TTg ngày 28/4/1993 về tổ chức Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Quyết định số 252-PTM/TT ngày 1/8/1996 của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban hành Quy tắc Đạo đức trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Tìm hiểu Luật Kinh tế (1997), Nxb Thống kê. Hà Huy Thành (2002), Thành phần kinh tế cá thể tiểu chủ và tư bản tư nhân - Lý luận và chính sách, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Hoàng Ngọc Thành (2001), "Vấn đề công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài", Tòa án nhân dân, (5). Hoàng Ngọc Thiết (2002), Tranh chấp từ hợp đồng xuất nhập khẩu - án lệ trọng tài và kinh nghiệm, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Thomas L.Brewer (1997), "Thủ tục giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, một cơ chế đang phát triển nhằm phục vụ đầu tư trực tiếp nước ngoài", Hội thảo về Luật Kinh tế quốc tế của Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội. Nguyễn Thị Thuận (1996), Trọng tài phi Chính phủ - Cơ quan giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội. Trần Đông Tùng (1996), "Cưỡng chế thi hành quyết định của trọng tài nhìn từ góc độ so sánh pháp luật", Dân chủ và pháp luật (3), tr. 27. Từ điển Tiếng Việt (2001), Nxb Đà Nẵng. Trường Đại học Luật Hà Nội (1994), Giáo trình Luật Kinh tế, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Trường Đại học Luật Hà Nội (1996), Giáo trình Luật Kinh tế, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Trường Đại học Luật Hà Nội (1999), Từ điển Giải thích thuật ngữ luật học (Luật Tố tụng dân sự), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Trường Đại học Luật Hà Nội (2000), Giáo trình Luật thương mại quốc tế, Nxb Công an nhân dân. Trường Đại học Luật Hà Nội (2001), Giáo trình Luật kinh tế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Trung tâm Trọng tài kinh tế Cần Thơ (2002), Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động. Trung tâm Trọng tài kinh tế Hà Nội (HEAC) (2002), Báo cáo tình hình hoạt động từ khi thành lập đến nay. Trung tâm Trọng tài kinh tế Sài Gòn (2002), Báo cáo tình hình hoạt động từ khi thành lập đến nay. Trung tâm Trọng tài kinh tế Thăng Long (ECOARCEN) (2002), Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động. Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (2001). Báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ II (1998-2001) và phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ III (2002-2005). Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (2002), Năm mươi phán quyết trọng tài chọn lọc, Hà Nội. Tòa án nhân dân tối cao (1994), Báo cáo tổng kết công tác tòa án năm 1994 và phương hướng công tác năm 1995. Tòa án nhân dân tối cao (1995), Báo cáo tổng kết công tác tòa án năm 1995 và phương hướng công tác năm 1996. Tòa án nhân dân tối cao (1996), Báo cáo tổng kết công tác tòa án năm 1996 và phương hướng công tác năm 1997. Tòa án nhân dân tối cao (1997), Báo cáo tổng kết công tác tòa án năm 1997 và phương hướng công tác năm 1998. Tòa án nhân dân tối cao (1998), Báo cáo tổng kết công tác tòa án năm 1998 và phương hướng công tác năm 1999. Tòa án nhân dân tối cao (1999), Báo cáo tổng kết công tác tòa án năm 1999 và phương hướng công tác năm 2000. Tòa án nhân dân tối cao (2000), Báo cáo tổng kết công tác tòa án năm 2000 và phương hướng công tác năm 2001. Tòa án nhân dân tối cao (2001), Báo cáo tổng kết công tác tòa án năm 2001 và phương hướng công tác năm 2002. Tòa án nhân dân tối cao (2002), Báo cáo của Chánh án TANDTC tại kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XI tháng 11/2002. Phạm Anh Tuấn (1999), Giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án nhân dân qua thực tế tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội. Bùi Thị Thanh Tuyết (1998), Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế bằng trọng tài, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội. Nguyễn Trung Tín (2002), "Về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài theo Công ước Niu Óc năm 1958", Nhà nước và pháp luật, (5). Đào Trí úc (1997), Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. UNDP-MPI/DSI (2001), Việt Nam hướng tới 2010, Tuyển tập Báo cáo phối hợp nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. ủy ban kinh tế ngân sách Quốc hội khóa X (2002), Kỷ yếu Hội thảo Định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính và ngân sách. Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (1992), Chuyên đề Tòa án kinh tế, Thông tin khoa học pháp lý, (9). Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (1996), Chuyên đề Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và pháp luật Việt Nam, Thông tin khoa học pháp lý. Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (1999), Chuyên đề các phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam, Thông tin khoa học pháp lý, (5). Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (2000), Chuyên đề nghiên cứu so sánh pháp luật về hợp đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thông tin khoa học pháp lý, Hà Nội, tr.66-67. Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (2002), Chuyên đề Vấn đề công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài, Thông tin khoa học pháp lý, (2). Viện Nghiên cứu và phổ biến bách khoa toàn thư (1998), Đại từ điển Kinh tế thị trường, Hà Nội. Vụ Pháp luật Kinh tế - Dân sự Bộ Tư pháp (1998), Báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Nghị định 116/CP về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế. trang web courts.state.ny.us e.courts.state.ny.us washington post.com ksgnotes.harvard.edu rferl.org strana.ru smi.ru itog.ru Phụ Lục Phụ lục 1 Bảng kết quả khảo sát ý kiến của chuyên gia tại thành phố Hồ chí minh Chương trình khảo sát ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp do tác giả luận án tự tiến hành thực hiện dưới sự giúp đỡ của cơ quan Báo Pháp luật - Bộ Tư pháp (Tính theo tỷ lệ %) Có 44 chuyên gia được hỏi và trả lời Chúng tôi thống kê thông tin về chuyên gia như sau: Tổng chuyên gia: 44 % Học hàm / vị Chuyên ngành Cơ cấu: 100 PGS 6 Kinh tế 20 * ĐHKtế, Luật, N.Thương 18 40,909 TS 12 Luật 20 * Đoàn luật sư: 15 34,091 ThS 16 0/ xác định 4 * Cơ quan, viện, sở... 11 25 CN. 15 1. Theo chuyên gia, khi có tranh chấp kinh tế phát sinh, các doanh nghiệp sẵn sàng a. Chi ngoài sổ sách miễn sao được việc 45,5 b. Thường không kiện cáo ra tòa 54,6 c. "Nhờ" lực lượng công an, kiểm sát giải quyết hộ nhẹ nhàng 20,5 d. Không trả lời 0 2. Theo chuyên gia, nguyên nhân làm phát sinh các tranh chấp về hợp đồng kinh tế là a. Do đối tác có mưu mô lừa đảo 20,5 b. Do biến động khách quan của thị trường 47,7 c. Do sai trong quy trình, nội dung về giao kết thực hiện HĐKT 77,3 d. Không trả lời 0 3. Theo chuyên gia, việc giải quyết các tranh chấp tại tòa án đang tồn tại những hạn chế gì? a. Thủ tục phức tạp, kéo dài 75,0 b. Tốn kém, không hiệu quả 20,5 c. ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp 15,9 d. Những lý do khác 27,27 e. Không trả lời 0 4. Hệ thống tài phán kinh tế Việt Nam hiện chưa đủ năng lực giải quyết tranh chấp kinh tế phát sinh giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế? a. Đủ năng lực 2,27 b. Chưa đủ năng lực 97,73 c. Không trả lời 0 danh sách chuyên gia đề xuất ý kiến cho chương trình (Từ 4/3/2000 đến 20/4/2000 tại TP HCM) Số TT Tên chuyên gia Nơi công tác Chức vụ Học hàm /Học vị 1 Trần Văn Cử Cục thuế TP HCM Phó cục trưởng CN. 2 Trần Thị Lệ Nga Cục thuế TP HCM T. Phòng N. vụ CN. 3 Trần Quang Hùng ĐH Kinh tế TP HCM Giảng viên ThS. 4 Trần Ngọc Thơ ĐH Kinh tế TP HCM P.T. khoa TCDN-KDTT TS. 5 Đào Công Tiến ĐH Kinh tế TP HCM CB n/c GĐ Cesais PGS. 6 Võ Thị Quý ĐH Kinh tế TP HCM Giảng viên ThS. 7 Lê Văn Hưng ĐH Kinh tế TP HCM Tr. Ban luật kinh tế ThS. 8 Trần Hải Hiệp ĐH Kinh tế TP HCM P.T. Khoa TCNN ThS. 9 Lê Thị Tuyết Mai ĐH Kinh tế TP HCM P. Ban luật kinh tế CN. 10 Phan Thị Hạ Nguyên ĐH Kinh tế TP HCM P.T. Khoa K.tế c.trị ThS. 11 Dương Thị Bình Minh ĐH Kinh tế TP HCM T. Khoa TCNN PGS.TS. 12 Võ Thanh Thu ĐH Kinh tế TP HCM Giảng viên PGS.TS. 13 Nguyễn Trọng Hoài ĐH Kinh tế TP HCM Giảng viên ThS. 14 Hồ Viết Tiến ĐH Kinh tế TP HCM Cán bộ nghiên cứu ThS. 15 Nguyễn Quốc Tế ĐH Kinh tế TP HCM TP. QLKH&HTQT PGS.TS. 16 Nguyễn Ngọc Lâm ĐH Luật TP HCM P. Khoa luật quốc tế ThS. 17 Nguyễn T. Ngọc Lâm ĐH Luật TP HCM Giảng viên TS. 18 Nguyễn Duy Hưng ĐH Luật TP HCM Giảng viên TS. 19 Hoàng Văn Châu ĐH Ngoại thương GĐ cơ sở II PGS.TS. 20 Nguyễn Như Tiến ĐH Ngoại thương Giảng viên TS. 21 Hồ Quang Nghĩa Đoàn LS TP-TTKT S.Gòn L.sư - trọng tài k.tế CN. 22 Bạch Chơn Hy Đoàn luật sư TP HCM T. Văn phòng luật sư CB. 23 Triệu Quốc Mạnh Đoàn luật sư TP HCM T. Văn phòng luật sư CN. 24 Phạm Thị Ngọt Đoàn luật sư TP HCM T. Văn phòng luật sư CN. 25 Phạm Thành Công Đoàn luật sư TP HCM T. Văn phòng luật sư CN. 26 Nguyễn Mạnh Bách Đoàn luật sư TP HCM T. Văn phòng luật sư TS L.khoa 27 Trương Thị Hòa Đoàn luật sư TP HCM T. Văn phòng luật sư ThS. 28 Nguyễn Thanh Minh Đoàn luật sư TP HCM T. Văn phòng luật sư ThS. 29 Phạm Quốc Hưng Đoàn luật sư TP HCM Luật sư ThS. 30 Nguyễn Thị Chinh Đoàn luật sư TP HCM T. Văn phòng luật sư CN. 31 Trịnh Đình Ban Đoàn luật sư TP HCM GĐ C.ty VietLaw CN. 32 Ngô Văn Tấn Đoàn luật sư TP HCM T. Văn phòng luật sư CN. 33 Đỗ Hữu Hào Đoàn luật sư TP HCM Luật sư CN. 34 Bùi Quang Nghiêm Đoàn luật sư TP HCM Luật sư CN. 35 Trần Thị Bông Đoàn luật sư TP HCM T. Văn phòng luật sư CN. 36 Phan Đức Dũng P.Viện n/c t.chính TP Chuyên viên ThS. 37 Nguyễn Ngọc Thanh P.Viện n/c t.chính TP Phân viện trưởng TS. 38 Trần Đình Phú Sở KHCN&MT TPHCM Phó GĐ sở ThS. 39 Nguyễn Đức Thành đoàn TP HCM Chuyên viên kinh tế CN. 40 Nguyễn Kim Định TTNC KTPT ĐH k.tế Giảng viên ThS. 41 Nguyễn Đăng Hưng TTNC ứng dụng KHKT GĐ TS. 42 Nguyễn Đăng Hưng Viện kinh tế TP HCM T.Phòng CS&CCQL ThS. 43 Nguyễn Thị Cành Viện kinh tế TP HCM Trưởng phòng PGS.TS. 44 Phạm Xuân ái Viện kinh tế TP HCM Phó viện trưởng ThS. Phụ lục 2 Bảng kết quả khảo sát ý kiến doanh nghiệp (Tính theo tỷ lệ %) Có 83 doanh nghiệp được hỏi và trả lời 1. Hệ thống tài phán kinh tế Việt Nam (Tòa Kinh tế, Trọng tài Kinh tế...) đã tạo sự an tâm cho doanh nghiệp khi giải quyết các tranh chấp cho doanh nghiệp? (Số doanh nghiệp được hỏi là: 51) a. Đã an tâm 15,69 b. Chưa an tâm 84,31 c. Không trả lời 0 2. Để dễ giải quyết các công việc liên quan đến pháp luật, quý doanh nghiệp sẽ: (Số doanh nghiệp được hỏi là: 83) a. Thuê tư vấn 45,78 b. Dùng luật gia trong doanh nghiệp 16,87 c. Tự giải quyết 37,35 d. Không trả lời 0 3. Khi có tranh chấp kinh tế xảy ra, quý doanh nghiệp chọn phương thức nào để giải quyết? (Số doanh nghiệp được hỏi là: 83) a. Tòa án 16,87 b. Trung tâm trọng tài kinh tế 16,87 c. Bằng hành chính 2,4 d. Hòa giải, thương lượng với sự giúp đỡ của luật sư 57,83 e. Nhờ "can thiệp giúp" của các lực lượng bảo vệ pháp luật 14,45 f. Không trả lời 0 4. Yêu cầu đặt ra của quý doanh nghiệp khi tiến hành giải quyết tranh chấp là gì? (Số doanh nghiệp được hỏi là: 83) a. Giải quyết đúng pháp luật 57,83 b. Không tốn kém tiền và thời gian 34,94 c. Chỉ cần khôi phục lại quyền và lợi ích chính đáng 22,89 d. Không trả lời 2,4 5. Đâu là các nguyên nhân làm phát sinh các tranh chấp về hợp đồng kinh tế? (Số doanh nghiệp được hỏi là: 83) a. Do đối tác có mưu mô lừa đảo 14,46 b. Do các biến động khách quan 54,22 c. Do sai trong quy trình, nội dung về giao kết thực hiện HĐKT 43,37 d. Không trả lời 4,82 6. Theo doanh nghiệp, việc giải quyết các tranh chấp tại tòa án đang tồn tại những hạn chế gì? (Số doanh nghiệp được hỏi là: 83) a. Thủ tục phức tạp, kéo dài 69,88 b. Tốn kém, không hiệu quả 33,73 c. ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp 20,48 d. Những lý do khác 15,66 e. Không trả lời 4,82 7. Việc giải quyết các tranh chấp kinh tế bằng trọng tài đang tồn tại những hạn chế gì? (Số doanh nghiệp được hỏi là: 83) a. Thiếu tính khả thi 46,99 b. Không đảm bảo sự khách quan 20,48 c. Tốn kém tiền, thời gian 22,89 d. Các hạn chế khác 8,43 e. Không trả lời 6,02 8. Hệ thống tài phán kinh tế Việt Nam hiện chưa đủ năng lực giải quyết tranh chấp kinh tế phát sinh giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế? (Số doanh nghiệp được hỏi là: 63) a. Đủ năng lực 9,52 b. Không đủ năng lực 82,54 c. Không trả lời 7,93 danh sách doanh nghiệp đề xuất ý kiến cho bảng câu hỏi (Từ 4/3/2000 đến 20/4/2000, tại TP HCM) Có 83 doanh nghiệp cộng tác đề xuất ý kiến, đạt tiêu chuẩn chất lượng, thời gian, hình thức. Trong đó có 20 doanh nghiệp bằng Email TT Tên chuyên gia Chức vụ Doanh nghiệp Học vị 1 Đăng Tư Ký Chủ cơ sở CS. thuộc da Đặng Tư Ký 2 Phan Thị Ba Lê Chủ DN DNTN Chí Thành CN. 3 Vũ Văn Chầm Chủ DN Vina Giày 4 Vũ Công Hòa Chủ nhiệm HTX B.bì &C.khí Nam Phương 5 Phạm Tấn Hùng Chủ nhiệm HTX may lá Bình Hòa 6 Nguyễn Khanh Tuyên Cố vấn GĐ Vietravel ThS. 7 Lê Anh Tuấn CTHĐQT Công ty TNHH TM Hoàng Lê CN. 8 Lê Hồng Phương CTHĐQT Công ty TNHH Phong Vũ CN. 9 Bạch Đình Khoa GĐ Everich LTD. CN. 10 Cao Ngọc Đức GĐ Nhà máy đá Granite Tín Nghĩa CN. 11 Dương Công Trình GĐ Nhà máy chế biến gỗ An Bình CN. 12 Dương Văn Sáng GĐ Công ty TNHH Sao Mai 13 Huỳnh Quang Cường GĐ Công ty TNHH Trịnh Hào 12-Dec 14 Lâm Tấn Hiền GĐ NSP Co. LTD 15 Lạc Minh Đăng GĐ Công ty TNHH Kiện Năng CN. 16 Lê Minh GĐ Công ty TNHH Lê Minh 17 Lê Phương Vũ GĐ C.ty TNHHXD&TM Cao Minh KTsư 18 Lệ Thanh Liêm GĐ Minh Nam CN. 19 Lê Thành Dũng GĐ Công ty TNHH Hòa Thịnh CN. 20 Nguyễn Lê Hoài Nam GĐ C.ty TNHH Giao nhận & TM T-N ThS. 21 Nguyễn Minh Hạnh GĐ Viễn thông Sơn Hải T/cấp 22 Nguyễn Ngọc Hưng GĐ C.ty TNHH Tuyền Hưng 23 Nguyễn Thanh Minh GĐ C.ty TNHH Vita Company CN. 24 Nguyễn Hữu Thạnh GĐ C.ty TNHH Nông dược Điện Bàn CN. 25 Ngô Đa Lộc GĐ Doanh nghiệp Rạng Đông 26 Ngô Phước Hậu GĐ Công ty XNK An Giang CN. 27 Nguyễn Phước ái Huy GĐ Công ty TNHH Viễn Cảnh CN. 28 Nguyễn Thế Bình GĐ Công ty cho thuê tài chính CN. 29 Nguyễn Thế Khải GĐ Công ty TNHH Hoàn Mỹ 30 Nguyễn Chí Trung GĐ Công ty Giày Gia Định 31 Nguyễn Đôn GĐ Sơn mài Trường Kỹ CN. 32 Nguyễn Tấn Tài GĐ Công ty may Nhật Hưng 33 Nguyễn Văn Liễu GĐ N.máy c.biến NS-C.ty Tín Nghĩa CN. 34 Nguyễn Văn Đực GĐ C.ty TNHH VTĐS Việt Phước 35 Nguyễn Vĩnh Thiện GĐ Hãng phim trẻ, TT băng nhạc ThS. 36 Phạm Hoài Nhân GĐ Trung tâm vi tính Đồng Nai CN. 37 Phạm Mỹ GĐ Công ty TNHH Cường Thạch 38 Phan Thị Hoa GĐ Công ty TNHH Phương Nam CN. 39 Trần Đình Phúc GĐ Công ty Phước Thịnh CN. 40 Trương Thị Hà Thúy GĐ Công ty TNHH Nhất Nam CN. 41 Văn Hùng GĐ Công ty TNHH Đại Phong 42 Võ Văn Bon GĐ Công ty rau quả Tiền Giang 43 Nguyễn Thanh Tùng GĐ KD STD CN. 44 Nguyễn T. T. Thanh GĐ T.chính C.ty liên doanh Coat Phong Phú ThS. 45 Hoàng Thanh Bình GĐ XN XNXD 2 KSXD 46 Hồ Việt Hà KT trưởng C.ty TNHH Rim Tech VietNam CN. 47 Nguyễn Văn Rở KT trưởng Sài Gòn tốc hành du lịch CN. 48 Nguyễn Hồng Nhung PGĐ C.ty TNHH TM&Giao thông CN. 49 Nguyễn Hồng Sơn PGĐ Nguyên Phương CN. 50 Nguyễn Tấn Triệu PGĐ Công ty gạch Đức Tâm CN. 51 Đinh Việt Hào PGĐ Học viện CN B.chính V.thông TS. 52 Phạm Bích Thi PGĐ Công ty in Kinh tế CN. 53 Nguyễn Bảo Sơn Phó PKH Vitexco CN. 54 Phú Văn Đài Phó TGD Công ty dệt Việt Thắng CN. 55 Nguyễn Thị Tú Hoàng P Q. đốc C.ty CP bánh kẹo Biên Hòa CN. 56 Nguyễn Văn Trị PTXND C.ty XNK Phú Yên (TP HCM) 57 Hồ Mạnh Hiền TGĐ Công ty len Việt Nam CN. 58 Lê Quang Anh TLGĐ Nam Hải Long CN. 59 Lưu Thanh Khiết TLGĐ Thuận Phương CN. 60 Sâm Nguyên TLGĐ Công ty TNHH Kim Phong 61 Trịnh Thái sơn TLGĐ VNPackink CN. 62 Đoàn Khánh Diễm Tổ trưởng Công ty in Kinh tế CN. 63 Bùi Viễn Phương TP Công ty XNK vật tư thiết bị in CN. 64 Lê Lan Chi TP Công ty Kỹ nghệ que hàn CN. 65 Nguyễn Văn Sơn TP Công ty lương thực TP HCM TS k.tế 66 Tô Lê TP Trang trí nội thất Tao Đàn 67 Trần Đức Sinh TP C.ty vận tải thủy bộ Nhà Rồng CN. 68 Trịnh Đức Khang TP Công ty dệt may Sài Gòn CN. 69 Võ Quang Tuyến TP Công ty Hài Hòa 70 Võ Thị Ngọc Hoa TP Công ty XNK Khánh Hội CN. 71 Đặng Quốc Hưng TP Công ty Taxi Mai Linh CN. 72 Nguyễn Công Thiện TP HC Công ty XD Kiến Trung AA CN. 73 Ngô Văn Quang TP HC Vinasiam CN. 74 Nguyễn Quang Minh TP KD Công ty TNHH Vinam CN. 75 Chu Đức Khang T. Cảng C.ty CP đại lý LH vận chuyển CN. 76 Chu Kim Tuyến T. BPTCHC Chi nhánh C.ty XNK tổng hợp 1 CN. 77 Lê Phước Đường Trợ lý GĐ Công ty nhựa Rạng Đông CN. 78 Mỹ Hạnh Trợ lý GĐ Digitals CN. 79 Nguyễn Trung Thành Trợ lý GĐ C.ty TNHH Nam Long Hải CN. 80 Phạm Hữu Lễ Trợ lý GĐ Công ty TNHH TM Việt Hưng CN. 81 Phạm Văn Hiến Minh Trợ lý GĐ Công ty TNHH Thuận Thiên CN. 82 Trần Kim Yến Trợ lý GĐ Công ty TNHH THD CN. 83 Võ Hồng Linh TTký HĐQT Hội da giày TP HCM CN. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLA2649.DOC
Tài liệu liên quan