Giải mã thế giới ảo trong liêu trai chí dị dưới góc nhìn của huyền thoại học

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Hoàng Thị Thùy Dương GIẢI MÃ THẾ GIỚI ẢO TRONG LIÊU TRAI CHÍ DỊ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA HUYỀN THOẠI HỌC Chuyên ngành: Văn học nước ngoài Mã số: 60 22 30 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TRẦN XUÂN ĐỀ Thành phố Hồ Chí Minh - 2010 LỜI CẢM ƠN Trong quá trình học tập tại Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ những tấm lòng mà tôi trân trọng tri ân: Tôi x

pdf98 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2446 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Giải mã thế giới ảo trong liêu trai chí dị dưới góc nhìn của huyền thoại học, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
in gửi lòng biết ơn sâu sắc đến PGS. Trần Xuân Đề, giảng viên trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, người hướng dẫn luận văn. Xin chân thành cảm ơn quý thầy cô khoa ngữ văn trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, phòng Khoa học công nghệ và Sau đại học đã tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã tạo điều kiện và động viên tôi trong thời gian vừa qua. Người viết luận văn Hoàng Thị Thùy Dương MỞ ĐẦU 1.Lí do chọn đề tài Hiếu kỳ dường như là nét tính cách có ở mọi con người trên thế giới rộng lớn này. Không dừng lại ở đó, con người còn có hứng thú đặc biệt với những gì được xem là ảo – giống như thật nhưng không hề có thật. Cho dù đến ngày hôm nay khi khoa học đã rất phát triển, chúng ta vẫn chưa bao giờ thỏa mãn với tất cả những gì khoa học đã soi sáng, bằng chứng là những điều hư ảo, mộng ảo… luôn được tìm kiếm, đón nhận và thưởng thức với thái độ vô cùng thích thú. Trong mỗi con người hôm nay, dù đã cách xa thời nguyên thủy – thời của thần thoại với khoảng cách thời gian được tính bằng đơn vị nghìn năm thì trong tư duy, dù đã phôi phai theo thời gian vẫn in rõ dấu vết của sự tưởng tượng và niềm tin về sự kỳ diệu của thế giới. Mối liên hệ về tư duy của loài người từ thuở ấu thơ đến mãi về sau tuy không có hình hài cụ thể nhưng vô cùng chặt chẽ, hơn nữa cái ảo bản thân nó tuy không có thật nhưng xét cho cùng những đặc điểm riêng biệt của nó thì không phải hoàn toàn hư ảo cho nên con người luôn luôn có hứng thú đặc biệt với đối tượng này, ngay cả trong thời hiện đại. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của các nhà nghiên cứu Jean Chevalier, Alain Gheerbrant đã xác định: “Nếu phương Đông thường được đối lập với phương Tây như là tính duy tinh thần đối lập với chủ nghĩa vật chất, đức hiền minh với sự huyên náo, cuộc sống chiêm nghiệm với cuộc sống hoạt động, siêu hình học với tâm lý học – hoặc với logic học – thì đó là do những khuynh hướng sâu sắc và rất hiện thực…” [13, tr.310]. Như vậy, mặc cho “việc Tây hóa từng bước của các giới thượng lưu phương Đông” [13, tr.310], con người phương Đông nói chung vẫn giữ đặc trưng riêng của mình bằng tính hướng nội – hướng vào bên trong, vào thế giới tinh thần của bản thân mình. Chính vì thế, con người phương Đông cũng tìm kiếm, đón nhận và am hiểu những gì ảo diệu trong cuộc sống này không chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng cả trái tim. Trung Hoa là một đất nước có lịch sử lâu đời nhất không chỉ ở phương Đông mà còn là một trong những cái nôi của văn hóa thế giới. Tiêu biểu cho tinh thần của thế giới, đặc biệt là tinh thần phương Đông, từ xưa cho đến tận ngày hôm nay, đất nước này luôn hiếu sử, hiếu sự trên cơ sở sử và sự phải có yếu tố ảo dù ít dù nhiều để thỏa mãn sự hiếu kỳ. Các yếu tố ảo đã trở thành một phạm trù thẩm mỹ của văn hóa Trung Hoa. Văn học dù chỉ là bộ phận của văn hóa nhưng là một trong những nơi lưu giữ nhiều và tập trung nhất các yếu tố ảo qua lăng kính nhìn nhận của con người cho nên sự kỳ ảo từ xưa đến nay đã làm nên một sắc thái độc đáo của văn học Trung Quốc. Mặc dù đặc trưng đời sống dân tộc và sự tồn tại của đạo Nho khiến cho kho tàng thần thoại của đất nước này thu thập rất ít nhưng bù đắp lại cái ảo đã tạo nên một dòng chảy bền bỉ, lâu dài xuyên suốt lịch sử văn học Trung Hoa. Ở Trung Hoa, văn học có sử dụng các yếu tố ảo ra đời từ rất sớm, thành một dòng riêng khơi nguồn từ những tình cảm lãng mạn trong các câu chuyện thần thoại thời thượng cổ, được bồi đắp bởi truyền kỳ Đường, thoại bản thời Tống – Nguyên, đặc biệt là dòng văn học mộng ảo đời Minh – Thanh… và hiện những năm gần đây xuất hiện hàng loạt những tác phẩm kỳ ảo gây tiếng vang trên cả thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, dù Trung Hoa có cả kho tàng tác phẩm văn học có yếu tố ảo thì nhắc đến thế giới kỳ ảo của văn chương vẫn gợi lên trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc nhất với tiểu thuyết Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh thuộc văn học Minh – Thanh “Các tác giả truyện thần quái Trung Quốc kể có đến hàng trăm người nhưng miêu tả sâu sắc đến chỗ vi diệu, truyện hay, sống động thì chỉ có một họ Bồ mà thôi” [24, tr.10]. Các yếu tố ảo trong tiểu thuyết Liêu trai chí dị đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho người đọc “chuyện hồ quỷ chiếm quá nửa, minh bạch là câu chuyện bịa đặt, mà cái hay cứ hay” [45, tr.6]. Có điều Liêu trai chí dị luôn khiến người đọc say mê nhưng không phải là dễ hiểu khi tiếp cận những yếu tố kỳ bí trong một tác phẩm văn học cổ điển. Giải mã thế giới ảo của tác phẩm này tìm ra cái ma lực hấp dẫn người đọc luôn là thách thức đối với những ai tâm đắc. Nghiên cứu văn học trong mấy chục năm qua đã chứng kiến sự lớn mạnh của huyền thoại học – ngành khoa học nghiên cứu về huyền thoại đặc biệt là huyền thoại trong các tác phẩm văn học. Điều này đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của việc nghiên cứu tác phẩm văn học bởi vì văn học và huyền thoại vừa có quan hệ nguồn gốc lại vừa có quan hệ qua lại với nhau. Tác phẩm văn học sử dụng, sáng tạo rất nhiều yếu tố ảo và xét cho cùng chúng có nguồn gốc từ tư duy huyền thoại từ thời nguyên thủy – một kiểu tư duy vẫn tồn tại cùng lịch sử phát triển của loài người. Giờ đây, các tác phẩm có bàn tay gia công, sáng tạo của nhà văn còn sử dụng các yếu tố ảo của huyền thoại nhằm mục đích nâng cao hiệu quả nghệ thuật. Lý thuyết của huyền thoại học không chỉ tìm hiểu các dạng thức huyền thoại trong văn học mà còn chỉ ra nguồn gốc cũng như mục đích sử dụng của nó. Một tác phẩm văn học có giá trị luôn đòi hỏi sự tìm hiểu dưới nhiều góc độ để nó luôn bộc lộ những ý nghĩa mới mẻ. Liêu trai chí dị xưa nay thường được nghiên cứu dưới góc độ xã hội học, thi pháp học… Thử giải mã tuyệt tác văn học này dưới góc nhìn của khoa học về huyền thoại sẽ thấy cái hay của tác phẩm hiện lên với nhiều chiều kích. Thế giới ảo được tạo nên từ sự kế thừa tư duy huyền thoại – tài sản chung của cả nhân loại, từ đặc tính dân tộc nhưng cũng từ bàn tay, khối óc nhào nặn, sáng tạo của nhà văn Bồ Tùng Linh vì những mục tiêu nghệ thuật của mình. Đó là lí do người viết chọn đề tài “Giải mã thế giới ảo trong Liêu trai chí dị dưới góc nhìn của huyền thoại học”. 2. Lịch sử vấn đề Liêu trai chí dị thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Trước kia, các nhà Nho chính thống cho rằng Liêu trai chí dị chủ yếu viết về hồ ly, những chuyện quỷ quái hoang đường và nói nhiều về tình yêu trai gái nên họ xếp tác phẩm vào loại sách hoang đường và dâm loạn. Tuy nhiên, các ý kiến không ủng hộ tác phẩm chiếm một tỉ lệ vô cùng ít ỏi. Càng về sau, các nhà nghiên cứu có cái nhìn xác đáng hơn rất nhiều đối với Liêu trai. Về tiểu thuyết Liêu trai chí dị của nhà văn Bồ Tùng Linh cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách chi tiết toàn bộ giá trị của tác phẩm. Các nhà nghiên cứu thường đặt sự đánh giá về Liêu trai chí dị bên cạnh sự đánh giá về các tác phẩm khác của Trung Hoa trong khuôn khổ một giáo trình hoặc chỉ tìm hiểu một khía cạnh, một vấn đề của tác phẩm trong khuôn khổ một bài báo, một bài viết thuộc tập hợp các bài nghiên cứu của cùng một tác giả. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tuy phạm vi đánh giá của các nhà nghiên cứu đối với Liêu trai như thế nào thì sự đánh giá đó hết sức sâu sắc và xác đáng, các ý kiến hầu như chỉ để bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đều khẳng định giá trị của tác phẩm là xây dựng được nhiều yếu tố ảo phát huy được hết sức mạnh của mình. Nhà nghiên cứu Trần Xuân Đề trong cuốn Lịch sử văn học Trung Quốc khẳng định Bồ Tùng Linh có “một phong cách nghệ thuật huyền ảo” [21, tr.210]. Giá trị của Liêu trai được tạo nên nhờ tác giả đã xây dựng được một bức tranh vừa thực vừa ảo: “Trong văn học Trung Hoa nửa cuối thế kỷ XVII – nửa đầu thế kỷ XVIII, Bồ Tùng Linh (1640 – 1715) là một cây bút đoản thiên văn xuôi vĩ đại. Với gần 500 truyện ngắn truyền kỳ xen lẫn chí quái tập hợp trong bộ Liêu trai chí dị, ông đã dựng lên cả một thế giới nghệ thuật kỳ ảo muôn hình muôn vẻ, làm say mê biết bao thế hệ bạn đọc trong hơn 300 năm qua, bắt người ta phải nghiền ngẫm khám phá không biết chán bức tranh thực - ảo đầy bí ẩn của ông…” [14, tr.28]. Nhiều người bình đã thể hiện ấn tượng sâu sắc với Bồ Tùng Linh – người đã đưa rất nhiều yếu tố ma mị vào tác phẩm của mình “tài không được như Can Bảo, thường thích việc sưu thần, tính giống như Hàng Châu, ưa nghe nói chuyện quỷ” [58, tr.272 ]. Số lượng các truyện ngắn tập hợp trong tiểu thuyết Liêu trai chí dị chính xác là 431, 445, 491, 505… thì vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy số lượng truyện ngắn rất nhiều nhưng sợi dây duy nhất liên kết chúng thành một tiểu thuyết lại dễ dàng được mọi người đồng tình: “Toàn bộ gồm 431 truyện ngắn, đại đa số là chuyện hồ ma, quỷ mị” [39, tr.245]. Theo hai dịch giả Nguyễn Chí Viễn và Trần Văn Từ, Liêu trai “Phần lớn là truyện kể những cuộc tình duyên kỳ ngộ giữa người và hồ ly hoặc ma quỷ” [44, tr.7], có một số truyện không có nội dung trên thì cũng kể về các sự việc huyền bí như chuyện hiển linh của thần thánh, Phật, tiên hoặc tục lạ của loài thú, phép thuật của cao tăng, mánh khóe gian manh của cường đạo, các vật lạ trên đời như đá quý, cỏ lạ, hoa yêu… Cũng không ngoài mục đích khẳng định sự tồn tại một cách vô cùng hấp dẫn của rất nhiều yếu tố ảo trong tiểu thuyết Liêu trai chí dị, nhà nghiên cứu Lê Nguyên Cẩn nhận định “Với Liêu trai chí dị, Bồ Tùng Linh trở thành đại diện tiêu biểu của văn học kỳ ảo Trung Hoa và thế giới” [11, tr.232]. Tất cả các nhận dịnh trên đây đều khẳng định sự tồn tại của thế giới ảo trong Liêu trai chí dị và tạo một tiền đề cơ bản để người viết triển khai các ý kiến của mình. Sau khi nhận định chung về tiểu thuyết Liêu trai chí dị, thông thường các nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu từng khía cạnh của tác phẩm và dĩ nhiên, các yếu tố ảo luôn được chú ý đặc biệt. Thông thường, tác phẩm sẽ được đánh giá theo quan điểm xã hội học. Đây là một hướng nghiên cứu tồn tại khá lâu trong lịch sử nghiên cứu văn học nói chung và Liêu trai chí dị nói riêng. Các công trình, bài viết chủ yếu được tiến hành theo quan điểm giai cấp, quan điểm xã hội để đánh giá nội dung tư tưởng, ý nghĩa xã hội của tác phẩm. Đối với tiểu thuyết Liêu trai chí dị, các yếu tố ảo được xem xét kết hợp với cái thực để làm nổi bật chức năng xã hội của tác phẩm. Tản Đà khi dịch Liêu trai đã có những cảm nhận riêng của mình bày tỏ sự hứng thú đối với tác phẩm nói chung và dành nhiều câu chữ trong lời bình ngắn gọn để bày tỏ sự đánh giá cao Liêu trai ở khả năng phản ánh hiện thực cuộc sống:“Cái hay của Liêu trai chí dị là nghìn vạn cảnh trạng ở nhân gian đều thu vào phiến ảnh rất nhỏ bé, mà cảnh nào tình ấy, nhận cho kỹ sẽ thấy rất rõ ràng” [45, tr. 5]. Lời giới thiệu của một bản dịch Liêu trai chí dị cho rằng hai câu thơ trong truyện Khảo thành hoàng gói gọn triết lý của cả bộ tiểu thuyết Liêu trai. Hai câu thơ đó như sau: “Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thưởng / Vô tâm vi ác, tuy ác bất phạt” [44, tr.8]. Và dĩ nhiên, theo các dịch giả này, các yếu tố ảo đã làm nên giá trị to lớn của tác phẩm bởi vì “tác giả mượn chuyện ma quỷ, hồ ly để gián tiếp lên án các hành vi bỉ ổi của người đời và luôn thể răn đe người đọc phải tránh tà tâm mới khỏi mắc phải” [44, tr.8]. Bên cạnh các dịch giả, các nhà nghiên cứu dường như cũng rất chú trọng mặt nội dung tư tưởng, ý nghĩa xã hội của tác phẩm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi đã tìm hiểu sâu sắc về nhà văn Bồ Tùng Linh, đặc biệt là tư tưởng. Ông cho rằng tư tưởng của tác giả này là cả một khối phức tạp chứ không thuần nhất, vừa có trong mình nhân tố phi Nho, lại vừa là một đại biểu trung thành của Nho giáo, vừa biết nhập cuộc khẳng định cuộc sống trần thế, lại vừa rất tin vào thuyết luân hồi nhà Phật, cũng không ít cảm tình với phép thuật trường sinh của giới đạo sĩ. Từ nhận định Bồ Tùng Linh đã thể hiện sự mâu thuẫn tư tưởng trong tác phẩm, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi đã khẳng định giá trị của Liêu trai chí dị như sau: “Sức mạnh của Liêu trai chí dị chủ yếu là ở chỗ, nó là sản phẩm của trí tưởng tượng của Bồ Tùng Linh nhưng lại không tách rời nền tảng hiện thực của thời đại tác giả” [14, tr.32]. Nội dung của Liêu trai chí dị thường được chia làm ba chủ đề chính: thứ nhất, “vạch trần chế độ chính trị đen tối tham quan ô lại, đả kích các tham quan ô lại, cường hào ác bá, bênh vực những người lương thiện bị oan ức, bị chà đạp, bị bức hại” [62, tr.212]; thứ hai, “đề cập đến tệ hại của chế độ khoa cử, nó đã đầu độc không biết bao nhiêu người, làm cho họ vì công danh mà mê muội, mất hết cả sự phán đoán sáng suốt” [62, tr.214]; thứ ba là “đề tài tình yêu và hôn nhân”, “coi tình yêu say đắm là chính đáng, tác giả nhiệt tình ca ngợi những người đang yêu, dựng dậy những hình tượng rạng rỡ, mạnh mẽ và trong sáng của nam nữ thanh niên trong đời sống yêu đương” [62, tr.218]. Nhà nghiên cứu Trần Xuân Đề trong cuốn sách Lịch sử văn học Trung Quốc cũng nhấn mạnh giá trị nội dung của Liêu trai, cho rằng bộ tiểu thuyết này có ba nội dung chính: tố cáo tội ác của giai cấp thống trị, ca ngợi phẩm chất của những người bị áp bức đặc biệt là những người phụ nữ và không chỉ là sự đấu tranh cho tình yêu lứa đôi, cuối cùng là nội dung tố cáo chế độ khoa cử. Cuốn sách Lịch sử văn học Trung Quốc (Nhà xuất bản Giáo dục, 1997) của Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc bên cạnh sự đánh giá ngắn gọn về một vài đặc điểm nghệ thuật đã tập trung đánh giá về ba nội dung chính của Liêu trai chí dị và chứng minh một cách vô cùng thuyết phục rằng các nội dung của bộ tiểu thuyết này đều phản ánh một cách vô cùng chân thực thực trạng xã hội đương thời. Có nhà nghiên cứu khác đã nhận định khái quát “những tác phẩm chiếm địa vị chủ đạo trong bộ Liêu trai chí dị là phê phán xã hội hiện thực và ảo tưởng về một cuộc sống tốt đẹp. Đó là điều làm cho mọi người yêu thích bộ sách này” [34, tr.60] và đã viết về cuộc đời, tư tưởng phức tạp của Bồ Tùng Linh, phân tích tường tận các nội dung chính của tác phẩm trước khi điểm qua một vài đặc sắc nghệ thuật về ngôn ngữ kể chuyện, về sự kế thừa chí quái và truyền kỳ… Một số dẫn chứng trên đây đã cho thấy các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu Liêu trai chí dị thường chú ý nội dung hơn là nghệ thuật, thường đánh giá cái ảo bằng thước đo chức năng xã hội. Tất nhiên, nhận xét trên chỉ là tương đối, tất cả các bài viết, công trình nghiên cứu, các cuốn sách có phân tích về Liêu trai chí dị không ít thì nhiều cũng đề cập và có khi phân tích giá trị nghệ thuật của bộ tiểu thuyết này. Bởi vì nghệ thuật của Liêu trai rất thống nhất, độc đáo và có hiệu quả rất cao, là kiểu mẫu, có sự định hướng đối với các tác phẩm văn học Trung Hoa sau này và cả đối với văn học nước khác. Nhà nghiên cứu Trần Lê Bảo trên tạp chí Văn hóa dân gian (số 1 năm 2000) đã gọi các tác phẩm Trung Hoa thuộc trào lưu quay về với quá khứ, quay về cội nguồn thần thoại là Liêu trai hiện đại, kể cả một số tác phẩm của văn học đương đại Việt Nam. Nhà văn Lỗ Tấn đã nhận định về sự kế thừa một cách đầy sáng tạo mới lạ của Bồ Tùng Linh đối với dòng văn học sử dụng các yếu tố ảo vốn xuyên suốt lịch sử văn học Trung Quốc: “dùng phương pháp truyền kỳ để viết theo lối chí quái, tình tiết biến ảo như bày ra trước mắt thật. Lại có khi đổi điệu thay dây, thuật hành vi lạ, tả người đặc kỳ hiếm thấy, ra cõi mộng ảo, vào thế gian tình cờ có thuật chuyện vặt thì cũng giản dị trong sáng, cho nên tai mắt độc giả cũng thấy mới và hay” [58, tr.273], “các sách chí quái cuối đời Minh đại để đều sơ lược lại lắm điều hoang đường quái đản, không ra tình người. Chỉ một mình Liêu trai chí dị là tường tận mà lại bình thường, khiến cho yêu hoa tinh cáo đều giống người ta, hiền hòa, giản dị dễ thân, quên mình là giống khác” [58, tr.273]. Tuy nhiên, dường như càng về sau, đặc biệt đến những năm gần đây, các nhà nghiên cứu mới tiếp cận Liêu trai chí dị từ chính những yếu tố cấu thành đặc trưng nghệ thuật của tiểu thuyết này, cũng như lý giải phần nào sức hấp dẫn ma mị của tác phẩm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi đã xác định điểm quy chiếu của tiểu thuyết này là nhân vật thư sinh trong hệ thống nhân vật đa dạng của tác phẩm, phân tích ba điểm trong sự tổ chức về nghệ thuật của tiểu thuyết này: nghệ thuật dựng truyện, miêu tả tâm lý, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật, trong đó “đóng góp có ý nghĩa sáng tạo của Bồ Tùng Linh vào quá trình phát triển của tư duy tiểu thuyết là việc xây dựng tâm lý nhân vật” [14, tr.34]. Một thời gian sau, có nhà nghiên cứu khác lại khẳng định và chứng minh nhân vật mỹ nữ (hầu hết là nhân vật ảo) là điểm quy chiếu mới của hệ thống nhân vật trong Liêu trai chí dị. Ông không nhìn nhận nhân vật mỹ nữ trong quan hệ với thư sinh mà nhìn nhận mỹ nữ như một phương tiện nghệ thuật, một biểu tượng nhân dục đời thường. Con đường tiếp cận này rất phù hợp với Liêu trai chí dị vì tác phẩm này có đặc trưng nghệ thuật là sử dụng yếu tố kỳ ảo như một phương tiện nghệ thuật trong xây dựng nhân vật nói riêng và xây dựng tác phẩm nói chung “Xét hệ quy chiếu này không theo cấu trúc tầng bậc của hệ quy chiếu thư sinh. Mỹ nữ được xem như một biểu tượng của nhân dục, điều này phù hợp với đặc trưng nghệ thuật của Liêu trai: Sử dụng cái kỳ ảo như một phương tiện nghệ thuật tạo “nét nhòe” trong xây dựng nhân vật” [32, tr.51], “nói chuyện Liêu trai trước hết là người đọc nghĩ chuyện gái trai, chuyện mỹ nữ, hồ ly. Đó là tác động khách quan ban đầu khó phủ nhận” [32, tr.51]. Trong thế giới kỳ ảo của Liêu trai, có lẽ các nhân vật ma, hồ ly được nhà văn xây dựng thành công nhất. Ma là “dạng yếu tố kỳ ảo mang tính phổ quát toàn nhân loại” [11, tr.232] mà cái kỳ ảo là “một phạm trù tư duy nghệ thuật – nó còn là một cách nhận diện con người và cuộc đời” [11, tr.232]. Như vậy, nghệ thuật xây dựng nhân vật mà ở đây nhân vật kỳ ảo giữ vai trò quan trọng nhất đã quyết định nghệ thuật xây dựng truyện theo hình tượng kỳ ảo. Nhìn chung ý kiến bàn về nghệ thuật của Liêu trai chí dị chủ yếu xoay quanh nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nhân vật. Bên cạnh đó, có một vài ý kiến bàn về các thành tố khác của nghệ thuật như không gian, thời gian… dù rằng rất ít ỏi. Không gian ảo trong Liêu trai chí dị là một sáng tạo của Bồ Tùng Linh “ông đã dùng thế giới quỷ như một tấm gương ảo để mọi người, với mọi trình độ khác nhau, quan niệm sống khác nhau, tư duy thẩm mỹ không đồng nhất đều có thể tìm thấy hình bóng, tiếng vang chân thực của thế giới hiện thực gần gũi với mình” [14, tr.20]. Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Cẩn trong bài viết bàn về ma trong Liêu trai cũng dành vài dòng ngắn gọn cho không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật của tác phẩm này. Theo ông, không gian của tiểu thuyết này “Làm ra vẻ giống thật mà lại hoàn toàn là ảo, làm ra vẻ có địa điểm cụ thể mà lại không cụ thể chính là thủ pháp căng rộng kích thước không gian, đẩy nó tới mức phi không gian theo kiểu thi pháp cổ tích” [11, tr.235]. Đối với thời gian trong Liêu trai, nhà nghiên cứu này cho rằng “Thời gian nghệ thuật, ở đây được tạo ra nhờ có thủ pháp cô đúc hãm chậm, đẩy nhanh và đảo ngược thời gian” [11, tr.236]. Nói chung, sự nghiên cứu về nghệ thuật của Liêu trai chí dị trong các bài viết, các cuốn sách còn rất chung chung hoặc riêng lẻ từng mặt không được sự ưu ái như nội dung của tác phẩm, dù rằng sự phân biệt nội dung và nghệ thuật là điều hết sức khó khăn và chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu xoáy sâu vào thế giới nghệ thuật của Liêu trai chí dị như luận văn Cái kỳ trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, luận án Thế giới nghệ thuật trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh của tác giả Trần Văn Trọng. Có điều, các công trình này dù có cái nhìn bao quát về cái kỳ, về thế giới nghệ thuật bao gồm cả cái kỳ lẫn cái bất kỳ đi nữa thì cũng chưa tìm đến một cách tương đối đầy đủ cội nguồn của các yếu tố ảo cũng như nghệ thuật sử dụng nó – những yếu tố bắt nguồn từ huyền thoại – đầy mới mẻ, sắc sảo trong Liêu trai. Trên hành trình đi tìm nguồn gốc của các yếu tố ảo trong Liêu trai chí dị cũng như cách thức chuyển hóa huyền thoại vào trong tiểu thuyết này, chúng tôi bắt gặp không ít ý kiến khẳng định các yếu tố ảo trong Liêu trai có nguồn gốc lâu đời và là sự kế thừa qua các thời kỳ văn học. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc sâu xa như thế nào và nhà văn Bồ Tùng Linh đã phải sáng tạo ra sao để gia tài các yếu tố huyền thoại ấy có tính thời sự sâu sắc thì vẫn chưa có ý kiến lý giải một cách đầy đủ. Hầu hết các nhà nghiên cứu khẳng định Liêu trai chí dị ra đời từ sự kế thừa các tác phẩm văn học trước đó, kể cả thần thoại và nhận định nhà văn Bồ Tùng Linh sử dụng các yếu tố ảo để phản ánh hiện thực xã hội, tránh búa rìu của lễ giáo đối với nhân vật, tác phẩm và chính bản thân mình. Lỗ Tấn đã đặt Liêu trai chí dị trong hệ thống tiểu thuyết chí quái, chí dị mô phỏng thời Tấn Đường của đời Thanh để khảo sát và phân tích diễn biến của thể loại để cuối cùng rút ra nhận định tuy Liêu trai có sự kế thừa sâu sắc nhưng đã có sự vượt trội so với các tác phẩm cùng loại hình trước đó: “Liêu trai chí dị tuy cũng có sách cùng loại đương thời, không ngoài những chuyện đời xưa nói về thần tiên, ma quái, yêu tinh song mô tả cũng khác, thứ lớp rõ ràng, dùng phương pháp truyền kỳ mà viết theo lối chí quái, tình tiết biến ảo như bày ra trước mắt thật” [58, tr.273]. Các tác giả của Lịch sử văn học Trung Quốc cũng nhận định: “Bộ Liêu trai chí dị rõ ràng chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết chí quái đời Ngụy Tấn và chuyện truyền kỳ đời Đường nhưng cách viết thì lại có nhiều chỗ phát triển và sáng tạo” [57, tr.609]. Riêng đối với nhân vật hồ ly – loại nhân vật ảo chiếm tỉ lệ cao trong hệ thống nhân vật của Liêu trai chí dị, có nhà nghiên cứu đã viết đôi dòng hé lộ nguồn gốc: “Những câu chuyện về hồ tinh, có nguồn gốc từ lâu trong tiểu thuyết cổ của Trung Quốc nhưng riêng Bồ Tùng Linh đặc biệt có chú ý và có sở trường về loại này” [34, tr.608], “chỉ khi nào người phụ nữ đó được miêu tả là một loại “hồ tinh” do thoát ra ngoài kết cấu cố hữu của xã hội mới không thể dùng chuẩn mực của lễ giáo để đánh giá họ” [34, tr.608]. Ở Việt Nam, cách đây khá lâu nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Khánh khẳng định Liêu trai chí dị là thành quả của sự kế thừa và sáng tạo “tác giả đã để đến hai mươi bốn năm sưu tập trong dân gian, trong các sách chí quái đời Lục triều, truyền kỳ đời Đường, Tống rồi viết lại và đẽo gọt rất công phu mới hoàn thành” [39, tr.245]. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là nhà nghiên cứu này giải thích một phần thế giới ảo trong Liêu trai dưới góc nhìn phân tâm học “Thực ra Liêu trai chẳng có sức mạnh huyền bí gì cả nhưng Liêu trai đã nói lên được vấn đề mà mọi người thường – dù nam hay nữ - đều phải nghĩ tới: vấn đề sinh lý” [39, tr.247]. Ông cho rằng Liêu trai chí dị đấu tranh chống lại quan niệm trọng nam khinh nữ - một biểu hiện của lễ giáo phong kiến vô cùng giả dối, bất công, Liêu trai là tiếng nói khẳng định bản năng sinh lý của mọi người đều phải được phát triển công bằng và tình yêu phải tự do, chân thành, không phân biệt đẳng cấp và nên dẫn tới hôn nhân. Cho dù trong bài viết về Liêu trai chí dị, nhà nghiên cứu này dùng lối viết hết sức dân dã, tự nhiên nhưng ông đã có những nhận định rất sắc sảo mà chắc hẳn sẽ có rất nhiều người đồng tình: “Nếu để ý đọc kỹ những truyện của Bồ Tùng Linh, chúng ta thấy tác giả viết Liêu trai chí dị không phải vì mục đích khêu gợi dục tính. Tác giả có những dụng ý rất trong sạch mặc dù đã viết về những vấn đề bị coi là không trong sạch” [39, tr.251]. Nói chung, nguồn gốc xa xưa của Liêu trai chí dị được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình “Do tiếp thu truyền thống của chí quái và truyền kỳ, Liêu trai khai thác toàn bộ chuyện lạ (chí dị) đặc biệt là chuyện chung sống giữa người và hồ ly. Sự tưởng tượng huyền diệu của tác giả tạo nên màu sắc kỳ ảo của Liêu trai” [60, tr.221]. Sự biến hóa thực - ảo, ảo mà lại gần gũi thân thiết trong tiểu thuyết này “bắt nguồn từ việc quan sát cuộc sống, nhận thức hiện thực sâu sắc và thấu đáo của tác giả. Mặt khác còn do khuynh hướng lãng mạn tích cực của tác phẩm. Cũng giống như thần thoại, yêu quái ở đây đã giúp con người chiến thắng thiên tai nhân họa” [60, tr.221]. Qua đây, có thể thấy rằng sự tìm hiểu về thế giới ảo trong tác phẩm văn học về nguồn gốc cũng như về sự sáng tạo của nhà văn Bồ Tùng Linh khi chuyển hóa huyền thoại để xây dựng một thế giới ảo trong tác phẩm mới chỉ được các nhà nghiên cứu hé lộ đôi chút. Như vậy, thế giới ảo trong Liêu trai chí dị vẫn còn là một khoảng trống rất lớn đối với huyền thoại học – một ngành nghiên cứu dành cho những tác phẩm văn học mang màu sắc huyền thoại như Liêu trai. Huyền thoại học không chỉ nghiên cứu sự hiện hữu của thế giới ảo trong tác phẩm mà còn tìm hiểu nguồn gốc sinh thành của nó, không chỉ nghiên cứu về giá trị nghệ thuật của thế giới ảo mà còn khám phá cả giá trị nội dung, để từ đó có thể hiểu Liêu trai chí dị một cách sâu sắc hơn. 3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1 Đối tượng nghiên cứu Luận văn nghiên cứu thế giới ảo trong Liêu trai chí dị nên đối tượng nghiên cứu của luận văn là tất cả các yếu tố thuộc về “Thế giới ảo trong Liêu trai chí dị”. 3.2 Phạm vi nghiên cứu Một tác phẩm văn học hiện lên như một chỉnh thể với vô số các yếu tố đan kết chặt chẽ với nhau. Người viết chỉ tìm hiểu các yếu tố ảo trong Liêu trai chí dị được thể hiện ở các bình diện chính trong tác phẩm là cốt truyện, nhân vật, không gian và thời gian. Huyền thoại như một kiểu nói mơ hồ, đa nghĩa mà nghĩa nào cũng có mặt lâu đời trong văn chương. Ở đây, chúng tôi xác định cách hiểu về huyền thoại theo quan niệm của nhà nghiên cứu người Nga Meletinsky được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình. Trước hết, huyền thoại (myth) là “những truyện kể thiêng liêng, giải thích thế giới và con người đã hình thành và có được dạng tồn tại hiện nay như thế nào” [40, tr.3]. Bên cạnh đó, “huyền thoại (mythology) còn được dùng để chỉ tổng thể các câu chuyện như thế, đồng thời cũng được dùng để chỉ hệ thống quan niệm hoang đường về thế giới” [40, tr.4]. Hiện nay có rất nhiều tuyển tập Liêu trai chí dị được dịch và xuất bản. Năm 1949, tuyển tập Liêu trai chí dị do Nguyễn Văn Thi dịch và xuất bản ở Hà Nội. Năm 1989, tuyển tập Liêu trai chí dị xuất bản với lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi. Năm 1995, Liêu trai chí dị xuất bản với lời bình của Tản Đà và lời bạt của Chu Văn. Năm 1996, Liêu trai chí dị được hai dịch giả Nguyễn Chí Viễn và Trần Văn Từ xem là dịch trọn bộ với 445 truyện. Văn bản chính mà người viết khảo sát là tiểu thuyết Liêu trai chí dị trọn bộ ba tập do dịch giả Nguyễn Chí Viễn và Trần Văn Từ dịch (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2007). 4. Phương pháp nghiên cứu -Phê bình huyền thoại là phương pháp chủ đạo. Cơ sở phương pháp luận của phê bình huyền thoại là quan niệm cho rằng huyền thoại là nhân tố quyết định để hiểu toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật của nhân loại “Việc nhấn mạnh tính phổ quát của huyền thoại trong toàn bộ hoạt động sáng tạo văn chương là một đặc điểm khu biệt cơ bản của phê bình huyền thoại” [15, tr.67]. Phương pháp này sử dụng các lý thuyết của huyền thoại học để phân tích yếu tố huyền thoại trong tác phẩm văn học, từ đó có sự đánh giá, định hướng cho sự sử dụng, sáng tạo huyền thoại. Hiện nay, phê bình huyền thoại là một phương pháp nghiên cứu khá mới mẻ trên thế giới, đang từng bước xác lập nội hàm khái niệm. Tuy mới mẻ nhưng ngành nghiên cứu này đã tỏ ra rất hữu hiệu khi đưa các yếu tố ảo trong tác phẩm văn học về với cội nguồn của nó là huyền thoại. -Phương pháp so sánh: so sánh giữa các yếu tố ảo trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh và các yếu tố ảo trong thần thoại Trung Hoa nói riêng, thần thoại thế giới nói chung cũng như một số tác phẩm được gọi là huyền thoại hiện đại trên thế giới để thấy sự tương đồng và khác biệt. -Phương pháp lịch sử, văn hóa học : đặt tác phẩm nói chung, các yếu tố của thế giới ảo nói riêng vào trong bối cảnh ra đời của Liêu trai chí dị. Ngoài ra, người viết còn sử dụng một số phương pháp khác như phương pháp phân tích: phân tích các yếu tố ảo có trong tác phẩm; phương pháp tổng hợp: đưa ra cái nhìn tổng thể về các yếu tố ảo; phương pháp thống kê: khảo sát một số yếu tố ảo chiếm số lượng như thế nào trong tác phẩm. 5. Đóng góp của luận văn Huyền thoại là một phương pháp sáng tác hiện đại. Ở châu Mỹ La Tinh, ở châu Âu thế kỷ XX, độc giả đã chứng kiến một loạt hiện tượng văn chương kỳ ảo. Ở Trung Hoa, văn học kỳ ảo đã có từ rất sớm, đã trở thành một dòng chảy xuyên suốt lịch sử văn học đất nước này. Tuy nhiên, yếu tố huyền thoại luôn có tính tượng trưng như những ký hiệu đã được mã hóa. Chính vì vậy, mục đích của luận văn là giải mã những yếu tố ảo trong Liêu trai chí dị, chỉ ra nguồn gốc hình thành của chúng bằng cách khảo sát những yếu tố ảo trong tác phẩm, xác định hình thái và chức năng của yếu tố ảo khi còn ở thi pháp huyền thoại, phân tích sự chuyển đổi, chức năng của yếu tố thi pháp huyền thoại thành yếu tố thi pháp tác phẩm văn học. Từ các bước trên có thể thiết lập mối quan hệ của tác phẩm với tư duy huyền thoại thể hiện điển hình trong thần thoại của Trung Hoa và của cả nhân loại cũng như sự sáng tạo của tác giả khi sử dụng các yếu tố huyền thoại. 6. Kết cấu của luận văn Ngoài hai phần mở đầu và kết luận, nội dung luận văn được sắp xếp thành ba chương. CHƯƠNG 1: THẾ GIỚI ẢO – ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA HUYỀN THOẠI HỌC 1.1 Huyền thoại học 1.2 Thế giới ảo 1.3 Thế giới ảo trong tác phẩm văn học CHƯƠNG 2: THẾ GIỚI ẢO THỂ HIỆN QUA CỐT TRUYỆN VÀ NHÂN VẬT TRONG LIÊU TRAI CHÍ DỊ 2.1 Thế giới ảo thể hiện qua cốt truyện trong Liêu trai chí dị 2.1.1 Truyện bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh trong tư duy huyền thoại 2.1.2 Truyện là chuỗi các sự kiện kỳ ảo 2.2 T._.hế giới ảo thể hiện qua nhân vật trong Liêu trai chí dị 2.2.1 Hệ thống nhân vật kỳ ảo 2.2.2 Quan hệ kỳ ảo giữa các nhân vật CHƯƠNG 3: THẾ GIỚI ẢO THỂ HIỆN QUA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN TRONG LIÊU TRAI CHÍ DỊ 3.1 Thế giới ảo thể hiện qua không gian trong Liêu trai chí dị 3.1.1 Âm phủ 3.1.2 Những cảnh giới kỳ ảo chốn trần gian 3.2 Thế giới ảo thể hiện qua thời gian trong Liêu trai chí dị 3.2.1 Đêm 3.2.2 Thời gian luân hồi nghiệp báo 7.Chỉ dẫn chú thích -Khi chú thích, số trước là số ký hiệu tác phẩm trích dẫn, số sau là số trang trích dẫn. Ví dụ: [45, tr.30] Số 45: là số ký hiệu tác phẩm trích dẫn: Bồ Tùng Linh (2008), Liêu trai chí dị, Nhà xuất bản Văn học Số 30: là số trang trích dẫn. -CD (chuyển dẫn) là ký hiệu trích dẫn lại từ một tài liệu khác. Ví dụ: [CD,1, tr.30] -Đối với các tài liệu mạng sử dụng trong luận văn này, chỉ có một số duy nhất là số ký hiệu tài liệu trích dẫn. Ví dụ: [73] CHƯƠNG 1: THẾ GIỚI ẢO - ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA HUYỀN THOẠI HỌC Mỗi ngành khoa học đều có những đối tượng nghiên cứu riêng. Đối với huyền thoại học, đối tượng nghiên cứu là thế giới ảo bởi vì thế giới ảo bao gồm các yếu tố của huyền thoại hoặc sinh ra từ huyền thoại. Huyền thoại và văn học có nhiều sự tương đồng nên chúng không chỉ có quan hệ nguồn gốc mà còn có quan hệ qua lại với nhau. Đối với tác phẩm văn học có sử dụng yếu tố ảo, góc nhìn của huyền thoại học sẽ soi chiếu cả sự hiện hữu của các yếu tố ảo lẫn cội nguồn của nó, sẽ lý giải cái hay của tác phẩm không chỉ ở bề rộng mà còn ở bề sâu. Huyền thoại học luôn tỏ rõ ưu thế của mình đối với những tác phẩm văn học mà cái hay của chúng tạo nên ít nhiều bởi sự đóng góp của các yếu tố ảo. 1.1 Huyền thoại học Xung quanh thuật ngữ huyền thoại có rất nhiều quan niệm khác nhau. “M.I.Sakhnôvich – nhà nghiên cứu người Nga từng tổng kết có đến hơn 500 định nghĩa, giới thuyết về huyền thoại (1971)” [43, tr.34]. Ngày nay đối với những gì được khâm phục, sùng bái thậm chí đối với những gì không thể tin được… người ta cũng gọi là huyền thoại. Dĩ nhiên nghiên cứu khoa học không dung nạp nghĩa hàng ngày của thuật ngữ này. Trong nghiên cứu về huyền thoại hiện nay, người ta sử dụng cả hai thuật ngữ thần thoại và huyền thoại có khi chỉ cùng một đối tượng. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hai thuật ngữ này sẽ xác định được sự phân biệt khá rõ ràng. Thần thoại là “truyện kể dân gian về các vị thần và các nhân vật anh hùng thần hóa, phản ánh quan niệm ngây thơ của người thời cổ về các hiện tượng tự nhiên và khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp” [70, tr.925]. Như vậy, thần thoại là một thuật ngữ chỉ tất cả các câu chuyện xoay quanh một hình tượng là các vị thần mà các vị thần này sinh ra từ sự nhân cách hóa chính bản thân con người. Tuy nhiên, trong các câu chuyện mà chúng ta xác định là thần thoại không phải bao giờ cũng có thần, có khi đó chỉ là những câu chuyện giải thích nguồn gốc các yếu tố tự nhiên và văn hóa không hề có sự xuất hiện của thần linh. Thuật ngữ huyền thoại ra đời sau thuật ngữ thần thoại đã dung chứa nghĩa rộng lớn hơn. Huyền thoại là thần thoại và còn bao quát cả những câu chuyện kỳ lạ, huyền hoặc nói chung. Huyền thoại là “câu chuyện huyền hoặc, kỳ lạ, hoàn toàn do tưởng tượng; thần thoại” [70, tr.471]. Bên cạnh đó, sản phẩm tinh thần của con người thời nguyên thủy không phải lúc nào cũng được tập trung trong các câu chuyện gọi là thần thoại, nó còn tồn tại bằng các quan niệm hoang đường về thế giới rải rác trong tôn giáo, tín ngưỡng, ma thuật, các tác phẩm văn học… đòi hỏi một thuật ngữ có khả năng bao quát hơn. Hơn nữa, các sản phẩm tinh thần của con người nguyên thủy thường sinh ra từ một dạng tư duy đặc biệt: tư duy huyền thoại. Tuy thời kỳ hoàng kim của dạng tư duy này không còn nữa nhưng sự sống của nó vẫn còn kéo dài đến tận ngày hôm nay. Thế kỷ XIX trên thế giới diễn ra sự giải huyền thoại với sự tham gia mạnh mẽ của khoa học thì đến thế kỷ XX lại xuất hiện sự tái huyền thoại hóa – quay về với huyền thoại. Huyền thoại hóa đã sử dụng các hình tượng và cốt truyện của huyền thoại cổ xưa, sáng tạo nên những huyền thoại hiện đại mang đậm dấu ấn cá nhân… Dĩ nhiên, đối với những sản phẩm tinh thần hiện đại này chỉ có thể được gọi tên là huyền thoại chứ không thể là thần thoại. Nhà nghiên cứu Meletinsky đã định nghĩa huyền thoại như sau: “Huyền thoại là một hiện tượng trung tâm trong lịch sử văn hóa, đồng thời là một phương tiện cổ xưa để nhận thức thực tại, là mô hình của mọi hệ tư tưởng, là cái nôi nguyên hợp của các loại hình văn hóa khác nhau - văn học, nghệ thuật, tôn giáo và ở mức độ nào đó, cả triết học, thậm chí cả khoa học” [49, tr.XIV]. Như vậy, thuật ngữ huyền thoại bao quát hơn, là một phương tiện cổ xưa để nhận thức thực tại nên dần dần thường được sử dụng thay thế cho thuật ngữ thần thoại. Huyền thoại trước hết là những truyện kể giải thích nguồn gốc của thế giới bao gồm cả sự hình thành thiên nhiên, con người và văn hóa. Dĩ nhiên huyền thoại còn bao gồm cả các quan niệm hoang đường về thế giới nằm rải rác trong văn hóa của các tộc người bởi vì huyền thoại ra đời từ thời nguyên thủy, huyền thoại có sự pha trộn các yếu tố của tôn giáo, triết học, khoa học, nghệ thuật, cho tới hiện nay các quan niệm hoang đường của huyền thoại không phải lúc nào cũng tập trung trong các truyện kể mà nhiều khi tồn tại riêng lẻ, rải rác trong quan niệm của nhân dân, trong tôn giáo, văn học nghệ thuật… Điều đáng nói ở đây là huyền thoại ra đời từ thời nguyên thủy, khi con người vô cùng sợ hãi trước tự nhiên, đã dựa vào bản thân mình để giải thích tự nhiên và thế giới. Họ đã tạo ra những yếu tố không có thật bằng sự tưởng tượng vô cùng phong phú và niềm tin tuyệt đối chân thành. Sau này, khi khoa học đã phát triển, sự tưởng tượng của con người trong huyền thoại nguyên thủy sẽ theo loài người trên suốt cuộc hành trình của mình để giữ gìn, sáng tạo ra huyền thoại, tất nhiên không phải lúc nào cũng chứa đựng niềm tin thơ ngây, hồn nhiên như thuở ấu thơ của nhân loại. Huyền thoại học (mythology) là ngành khoa học nghiên cứu về huyền thoại. Huyền thoại học có cội nguồn từ sự tìm hiểu của khoa dân tộc học đối với những tài liệu huyền thoại của các dân tộc trên thế giới. Từ đó, trường phái nhân loại học ra đời vào nửa sau thế kỷ XIX đã có những đóng góp sâu sắc đối với việc nghiên cứu huyền thoại mà tiêu biểu là công trình Văn hóa nguyên thủy của Tylor. Sang thế kỷ XX, khoa nhân loại học ra đời với đại diện tiêu biểu là nhà nghiên cứu người Nga Meletinsky đã cùng với các khoa học xã hội và nhân văn khác cùng nghiên cứu huyền thoại đã tạo nên sự bùng nổ các trường phái và lý thuyết: trường phái nghi lễ và trường phái chức năng, trường phái xã hội học Pháp, lý thuyết biểu trưng về huyền thoại, lý thuyết phân tâm học, lý thuyết cấu trúc… Trải qua quá trình phát triển bền bỉ, huyền thoại học đã có những đóng góp lớn lao cho hiểu biết của con người về huyền thoại. Các nhà nghiên cứu về huyền thoại đã tìm hiểu văn hóa các dân tộc phát triển và cả những cộng đồng người còn lạc hậu để tìm bản chất của huyền thoại. Giữa huyền thoại và văn học có mối liên quan đặc biệt vì đều “tái hiện những quan niệm chung nhất trong một hình thức cụ thể - cảm tính” [40, tr.5] nên huyền thoại và văn học không chỉ có quan hệ nguồn gốc mà còn có quan hệ qua lại với nhau trong các giai đoạn phát triển sau này. Nhà nghiên cứu người Canada N.Frye đã có khuynh hướng đem văn học và huyền thoại hòa quyện với nhau: “Ông hướng việc tìm kiếm căn rễ của sáng tác văn học vào các mô hình nghi lễ - huyền thoại, hơn nữa ông cho rằng văn học không chỉ có cái căn rễ mà còn có cái bản chất bên trong, cái cơ sở của trí tưởng tượng nghệ thuật trong nghi lễ - huyền thoại” [40, tr.14]. Trong huyền thoại học có một bộ phận vô cùng quan trọng là phê bình huyền thoại với đặc điểm khu biệt là “nhấn mạnh tính phổ quát của huyền thoại trong toàn bộ hoạt động sáng tạo văn chương” [15, tr.67]. Phê bình huyền thoại vốn được xem là gồm hai nhánh: phê bình nghi lễ xuất phát từ tài liệu nghiên cứu của nhà dân tộc học người Anh Frazer và phê bình cổ mẫu bắt nguồn từ những công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học Thụy Sĩ C.Jung nhưng nhìn chung vẫn là “sự hội tụ của nhiều phương pháp và hình thức tra cứu về những mối quan hệ phức tạp giữa văn học với huyền thoại” [15, tr.66]. Phê bình huyền thoại dù mới mẻ đã có đóng góp sâu sắc trong việc tìm hiểu các tác phẩm có sử dụng huyền thoại. Thông thường, các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu huyền thoại trong tác phẩm văn học thường phân tích sự chuyển hóa của huyền thoại trong tác phẩm, đôi khi nằm ở bề sâu rất khó nhận thấy. Vì huyền thoại sinh ra từ trí tưởng tượng của con người thời nguyên thủy nên đối tượng nghiên cứu của khoa học về huyền thoại là các yếu tố ảo. Huyền thoại học sẽ đưa các yếu tố này về với cội nguồn tư duy nguyên thủy của nó đồng thời tìm hiểu ý nghĩa sự chuyển hóa của nó trong tác phẩm văn học. Đối với các tác phẩm văn học có sử dụng các yếu tố huyền thoại, huyền thoại học đã thể hiện ưu thế đặc biệt khi tìm hiểu các yếu tố huyền thoại trong tác phẩm so với các ngành khoa học khác như xã hội học, thi pháp học… vì nó quan tâm đến cả hai bình diện giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của các yếu tố ảo này nói riêng, tác phẩm văn học nói chung, tìm về với cội nguồn cái nhìn huyền thoại của nhà văn để có thể tìm hiểu tác phẩm ở bề sâu của nó. Các nhà huyền thoại học không chỉ dựa vào các tác phẩm nổi tiếng toàn thế giới như sử thi I-li-at và Ô-đi-xê của Hi Lạp, sử thi Ma-ha-bha-ra-ta và Ra-ma-ya-na của Ấn Độ… tìm ra huyền thoại mà còn đến nhiều vùng đất được xem là hoang dã trên thế giới để tìm hiểu văn hóa của người bản địa mong tìm được những huyền thoại còn lưu giữ từ thời nguyên thủy xa xôi. Tuy nhiên, cho dù tìm hiểu bằng cách nào, các nhà nghiên cứu chỉ đến được với huyền thoại thông qua cái ảo. Các yếu tố ảo có từ thời nguyên thủy tất nhiên là huyền thoại nhưng các yếu tố ảo ra đời sau này cũng xuất phát từ sự kế thừa tư duy huyền thoại của người nguyên thủy và cũng từ sự tưởng tượng, hư cấu có thể có sự tự giác hoặc không. Tìm hiểu các yếu tố ảo ra đời sau thời nguyên thủy vẫn sẽ tìm thấy cốt lõi huyền thoại bên trong và còn thấy được sự khác biệt, sáng tạo của người thời sau trong sự kế thừa của mình. Các yếu tố ảo là đối tượng nghiên cứu một cách trực tiếp của huyền thoại học. 1.2 Thế giới ảo Ảo theo Từ điển tiếng Việt có nghĩa “Giống như thật nhưng không có thật” [70, tr.8]. Như vậy, ảo là phạm trù đối lập với thực. Vì thực có nghĩa là “có thật, có thể nhận biết trực tiếp bằng các giác quan” [70, tr.973] nên có thể định nghĩa ảo không phải là những gì tồn tại một cách khách quan, không thể thông qua các tác động có tính vật chất để kiểm chứng sự tồn tại của nó. Bản thân định nghĩa về ảo, thực đã cho thấy không thể coi phạm trù ảo, thực tồn tại độc lập riêng biệt mà phải luôn dùng cái này mới xác định được bản chất của cái kia. Ảo là ảo trong mối quan hệ với thực và thực là thực trong sự đối sánh với ảo. Bản chất của thế giới hoàn toàn không phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu mà trái lại rất phức tạp, đa dạng, nhiều chiều luôn có sự chuyển hóa thách thức khả năng nhận thức, lĩnh hội của con người mọi thời đại. Hơn nữa, thực - ảo không phải là cái gì tồn tại khách quan mà nó được phân biệt trên cơ sở nhận thức mang đầy dấu ấn chủ quan của con người. Vì thế, sự xác định ranh giới giữa thực và ảo là một việc làm cực kì khó khăn và không có tính chất tuyệt đối hoàn toàn. Khi đặt phạm trù ảo trong thế đối lập với phạm trù thực người ta thường có xu hướng đơn giản hóa cái ảo, chỉ cho rằng ảo có nét nghĩa không có thật, không thực. Vì thế, nhiều khi ảo được đồng nhất với hư nghĩa là “không có, là giả, trái với thực” [70, tr.472]. Thật ra, nghĩa của ảo và hư không hoàn toàn trùng khít nhau bởi chúng tuy cùng chỉ các yếu tố giống như thật, là giả, không có thật nhưng nét nghĩa đầu tiên phải nói đến của hư là không có rồi mới đến là giả chứ không như ảo với nét nghĩa đầu tiên khẳng định sự tồn tại của chúng là giống như thật nhưng không phải thật. So với hư, ảo gần gũi hơn với thực. Có thể mượn hai tiểu thuyết của văn học Trung Quốc để minh chứng cho sự khác nhau của hai khái niệm hư, ảo. Trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng, tư tưởng quan trọng nhất mà tác giả dày công hun đúc để chuyển tới độc giả gói gọn trong bốn chữ nhân sinh như mộng, chỉ ra cái quy luật cuộc đời mà rất ít con người trần tục dễ dàng thấy được: cái có là cái từ không mà ra rồi sau đó lại trở về không (hữu hoàn vô). Đó là điều không một ai có thể cưỡng lại được, người ta chỉ khác nhau ở chỗ có nhận thức được nó hay không mà thôi. Tác giả muốn gửi đến người đọc quan niệm về cái hư của cuộc đời nên các nhà nghiên cứu luôn cất công tìm hiểu yếu tố hư trong trục thực - hư của Hồng lâu mộng. Trong khi đó, tiểu thuyết Liêu trai chí dị chủ yếu được nghiên cứu theo trục thực - ảo bởi vì mặc dù tác giả sử dụng rất nhiều yếu tố ảo nhưng trong một yếu tố ảo lại chứa đựng không ít đặc tính của yếu tố thực, dùng cái ảo giống như thật để kín đáo bày tỏ suy nghĩ, thái độ, tình cảm với cái thực. Không chỉ bộc lộ sự khu biệt trong so sánh với cái hư, cái ảo còn luôn giữ vững nét nghĩa giống như thật nhưng không có thật trong sự kết hợp với nhiều từ khác nó. Ảo kết hợp với các từ có nét nghĩa tương đối cụ thể như thuật thành ảo thuật: “thuật dựa vào động tác nhanh và khéo léo làm biến hóa các đồ vật, các hiện tượng, khiến người xem tưởng như có phép lạ” [70, tr.8], như ảnh tạo thành ảo ảnh: “hình ảnh giống như thật nhưng không có thật” [70, tr.8]. Nhờ nét nghĩa của các từ kết hợp với ảo như trên, nghĩa của các từ mới thể hiện mối quan hệ gần gũi với cái thực. Bên cạnh đó, khi kết hợp với các từ có nét nghĩa trừu tượng hơn các từ trên như kỳ, huyền, mộng, hóa, tưởng, hư tạo nên các từ mới nghiêng về nét nghĩa không có thật mà chỉ có trong sự tưởng tượng của con người như kỳ tạo thành từ kỳ ảo: “kỳ lạ, tựa như không có thật mà chỉ có trong tưởng tượng” [70, tr.518], như huyền tạo thành huyền ảo: “có vẻ vừa như thực vừa như hư, thường tạo vẻ đẹp kì lạ và bí ẩn” [70, tr.470], như mộng ảo (ảo mộng): “điều ước viển vông, không thực tế” [70, tr.8], ảo hóa: “làm biến hóa có thành không, không thành có, làm cho trở thành hư ảo, không thật” [70, tr.8], ảo tưởng : “ý nghĩ hoặc điều mơ tưởng viển vông, không thực tế, không thực hiện được” [70, tr.8], ảo vọng: “hi vọng, mong ước viển vông, không thực tế”, hư ảo: “chỉ có trong tưởng tượng, hoàn toàn không có thật” [70, tr.8]… Như vậy cho dù ảo có thể kết hợp với rất nhiều từ khác nhau thì từ ngữ mới vẫn giữ được một cách tương đối các nét nghĩa cơ bản của ảo. Vì thế, các từ ngữ trên được xem như là sự thể hiện rõ hơn của cái ảo chứ không có sự khác biệt với ảo. Những gì được gọi là kì ảo, mộng ảo, ảo hóa, ảo tưởng, ảo vọng, ảo thuật, ảo ảnh, huyền ảo, hư ảo… thì trước tiên đều là những yếu tố ảo. Những từ ngữ chứa ảo như trên còn gợi cho chúng ta liên tưởng đến những từ có chữ huyền. Huyền vốn có nghĩa như sau: “I.Than đá màu đen nhánh, do than cây biến thành, dùng làm đồ trang sức. II.Có màu đen như hạt huyền” [70, tr.470]. Tuy nhiên, khi kết hợp với các từ khác, dường như huyền được đẩy về nét nghĩa mờ tối nên các từ như huyền bí, huyền diệu, huyền hoặc… đều chỉ những yếu tố bí ẩn, khó có thể hiểu biết và giải thích một cách thấu đáo. Huyền bí: “có vẻ vừa như thực vừa như hư, thường tạo nên vẻ đẹp kì lạ và bí ẩn” [70, tr.470], huyền diệu: “có cái gì đó kỳ lạ, cao sâu, tác động mạnh đến tâm hồn mà con người không hiểu biết hết được” [70, tr.470], huyền hoặc: “I.Có tính chất không có thật, mang vẻ huyền bí. II.Làm cho tin một cách mê muội vào những điều không có thật” [70, tr.470,471]. Như vậy, các từ trên đều chỉ những yếu tố không tồn tại một cách khách quan, không thể thông qua các tác động vật chất để kiểm chứng sự tồn tại của nó, vượt qua sự hiểu biết của con người. Và như thế, các từ trên cũng chính là sự thể hiện của cái ảo. Ngoài ra còn có một số từ ngữ khác như huyễn hoặc: “Làm cho mất sáng suốt, lầm lẫn, tin vào những điều không có thật hoặc có tính chất mê tín” [70, tr.471], huyễn tưởng: “Tưởng tượng ra và tin vào những điều không có thật hoặc không có cơ sở thực tế” [70, tr.471] cũng đều có thể xếp vào quỹ đạo của cái ảo. Như vậy, có thể nói rằng ảo là một phạm trù có sức bao quát khá rộng lớn. Ảo chỉ tất cả các yếu tố không có thật và chỉ có thể được sinh ra do sự tưởng tượng của con người xuất phát từ những nhu cầu khác nhau. Ảo là tất cả các yếu tố thuộc huyền thoại, là những yếu tố thuộc các câu chuyện kể về các vị thần, các nhân vật được sùng bái tham gia vào quá trình tạo lập các nhân tố của thế giới, là những quan niệm hoang đường về thế giới nằm rải rác trong văn hóa. Ảo còn bao gồm tất cả các yếu tố là sản phẩm của cái nhìn huyền thoại của con người về thế giới như sự sáng tạo những yếu tố hoang đường, sự sắp xếp những yếu tố hiện thực theo một tổ chức vượt ra ngoài sự chân thực của lịch sử. Các yếu tố ảo có từ thời nguyên thủy tất nhiên là huyền thoại nhưng các yếu tố ảo ra đời sau này cũng xuất phát từ sự kế thừa tư duy huyền thoại của người nguyên thủy và cũng từ sự tưởng tượng, hư cấu có thể có sự tự giác hoặc không. Tìm hiểu các yếu tố ảo ra đời sau thời nguyên thủy vẫn sẽ tìm thấy cốt lõi huyền thoại bên trong và còn thấy được sự sáng tạo, sự khác biệt của người thời sau trong sự kế thừa của mình. Nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu nhận định: “Tính chất thơ ca sâu sắc khiến huyền thoại cổ đại trở thành chất liệu quý giá cho văn học, nghệ thuật từ bao đời. Không ít các văn nhân, nghệ sĩ trên thế giới xưa nay đã khai thác đề tài từ kho tàng hầu như không bao giờ cạn kiệt ấy. Tính chất thơ ca của thần thoại còn là nguyên nhân khiến về sau nhiều văn nghệ sĩ đã sáng tác theo dáng dấp huyền thoại xưa, với những yếu tố hoang đường kỳ ảo, tuy hoàn cảnh lịch sử sản sinh ra nó đã lùi xa vào dĩ vãng” [9, tr.375]. Vì các yếu tố ảo chính là huyền thoại hoặc sinh ra từ di sản huyền thoại nên chúng là đối tượng nghiên cứu của huyền thoại học. Từ thế giới có nhiều cách hiểu nhưng ở đây chúng tôi chọn cách hiểu như sau: “Khu vực, lĩnh vực của đời sống, của các sự vật, hiện tượng có những đặc trưng chung nào đó, phân biệt với các khu vực, lĩnh vực khác” [70, tr.934]. Thế giới ảo là tập hợp các yếu tố ảo tức là tập hợp các yếu tố giống như thật nhưng không có thật, sinh ra từ sự tưởng tượng của con người. Trong thế giới ảo rộng lớn này có vô số thế giới ảo với phạm vi nhỏ hơn, có thể trong một tác phẩm văn học, trong một nghi lễ, trong một tôn giáo… Và dĩ nhiên, thế giới ảo luôn luôn là đối tượng nghiên cứu của khoa học về huyền thoại. 2.3 Thế giới ảo trong tác phẩm văn học Thời kì nguyên thủy (man dã) đã trôi qua rất lâu, thời kì thịnh vượng nhất của huyền thoại không còn nữa nhưng huyền thoại vẫn có thể được bảo tồn lâu dài trong nhận thức của nhân dân và các hình thái ý thức xã hội khác như triết học, khoa học… đặc biệt là tôn giáo và văn học nghệ thuật. Vì sao như vậy? Sở dĩ đặc trưng của tư duy huyền thoại thể hiện mạnh mẽ trong tôn giáo vì huyền thoại là tôn giáo đầu tiên của nhân loại - tôn giáo là hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở niềm tin và sự sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên định đoạt tất cả, con người phải phục tùng và tôn thờ. Sau này, tôn giáo có nhiều thay đổi nhưng vẫn được hình thành dựa trên yếu tố quan trọng nhất là niềm tin “Tôn giáo là hệ thống những quan niệm tín ngưỡng một hay những vị thần linh nào đó và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy” [70, tr.1011]. Tôn giáo dần trở thành đạo – những tổ chức tôn giáo. Văn học và huyền thoại mặc dù có khác nhau nhưng cũng có không ít sự tương đồng. Các nhà nghiên cứu đã xác định “Điều làm cho huyền thoại và văn học nghệ thuật có mối quan hệ đặc biệt khăng khít không phải chỉ có trong cội nguồn mà cả trong các giai đoạn phát triển sau này là ở chỗ huyền thoại có một thuộc tính quan trọng là sự tái hiện những quan niệm chung nhất trong một hình thức cụ thể - cảm tính. Thuộc tính đó của huyền thoại cũng chính là bản thân thuộc tính của văn học nghệ thuật tức là cái mà ta vẫn gọi là tính hình tượng đặc trưng cho nghệ thuật và cái được nghệ thuật kế thừa từ chính huyền thoại” [40, tr.5]. Chính vì vậy, các yếu tố ảo trong tác phẩm văn học là đối tượng nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm của huyền thoại học. Vì văn học và huyền thoại không chỉ có quan hệ nguồn gốc mà còn có nhiều sự tương đồng, huyền thoại thâm nhập rất mạnh mẽ vào các tác phẩm văn học cho nên khái niệm thi pháp mà nghiên cứu văn học vẫn dùng để nói về những thủ pháp nghệ thuật, những phương tiện diễn đạt, phong cách… cũng có thể được dùng để nói về những vấn đề tương tự trong nghiên cứu về huyền thoại. Tuy nhiên, việc xác định và miêu tả các yếu tố thi pháp huyền thoại không thể rập khuôn theo việc xác định và miêu tả các yếu tố của thi pháp văn học. Nhà nghiên cứu Meletinsky đã xác định thi pháp huyền thoại rất hiệu quả được nhiều người đồng tình “đề tài - cốt truyện huyền thoại (các chủ đề suy nguyên luận, các đề tài về sự sáng tạo văn hóa và các kiểu dạng mô hình hóa thế giới, về lịch tiết và các mô hình lặp lại nguyên mẫu…), việc xác định và miêu tả nhân vật (các nhân vật bậc tiên tổ, đấng sáng tạo, anh hùng văn hóa, các hình tượng nhân vật sinh đôi, nhân vật bịp bợm - khôn ranh…), việc xác định và miêu tả thời gian (thời gian của giấc mơ, thời gian khởi nguyên, quan hệ giữa thời gian thiêng liêng và thời gian phàm tục…)” [40, tr.13]. Mọi yếu tố ảo đều có nguồn gốc từ huyền thoại. Muốn tìm hiểu huyền thoại trong văn học phải tìm hiểu thế giới ảo - tập hợp tất cả các yếu tố ảo trong các tác phẩm văn học. Hệ thống tác phẩm văn học vô cùng đồ sộ mà cái ảo trong tác phẩm không phải lúc nào cũng dễ hiểu - chúng luôn đòi hỏi sự giải mã của tất cả những ai đam mê. Vì thế, thông thường người ta chọn lựa đối tượng nghiên cứu là thế giới ảo trong từng tác phẩm văn học hoặc thậm chí chỉ tìm hiểu một phần của thế giới ảo đó như tìm hiểu về cốt truyện, nhân vật hay không gian, thời gian… của tác phẩm. Thế giới ảo trong tác phẩm văn học thể hiện rất phong phú, đa dạng không chỉ ở từng tác phẩm mà còn ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Xung quanh khái niệm văn học kỳ ảo có nhiều ý kiến không đồng nhất. Có người xem nó là một khuynh hướng văn học ra đời vào thế kỉ XVIII và kết thúc vào thế kỉ XIX. Có người xem nó là một thể loại tập hợp các tác phẩm có lẽ chỉ có trong văn học viết, với ý thức của nhà văn muốn xây dựng cái kì ảo, muốn người đọc phải lựa chọn một trong hai “hoặc đây chỉ là ảo ảnh của giác quan, một sản phẩm của trí tưởng tượng và những quy luật của thế giới này vẫn vậy, hoặc quả thật sự kiện đã diễn ra, nó là bộ phận của toàn bộ thực tế nhưng bây giờ thực tế ấy lại được điều hành bởi những quy luật mà chúng ta không biết. Hoặc yêu quái là một ảo tưởng, một sinh thể tưởng tượng, hoặc nó tồn tại thực sự, như một sinh thể sống khác: với hạn chế là hiếm khi gặp nó. Cái kì ảo chiếm lĩnh thời gian của sự mơ hồ ấy: tới khi chọn lấy một trong hai giải đáp, ta đã rời bỏ cái kì ảo để đi vào một thể loại cận kề, cái lạ hoặc cái thần tiên” [63, tr.34]. Tuy nhiên, xác định cái kỳ ảo trong tác phẩm văn học để xác định tác phẩm có thuộc văn học kỳ ảo hay không theo cách làm trên của nhà nghiên cứu Todorov là một điều vô cùng khó khăn, đầy tính chủ quan. Chúng tôi đồng ý với quan niệm văn học kỳ ảo là một khái niệm để chỉ tất cả các sáng tác văn học có yếu tố ảo chi phối cả nội dung và nghệ thuật. Và dĩ nhiên, nhắc đến văn học sử dụng yếu tố ảo thì phải kể đến các tác phẩm thuộc thể loại văn học dân gian khi trình độ hiểu biết khoa học của con người còn hạn chế và văn học thế kỉ XX với con người sau bao nhiêu thành tựu khoa học lại quay về với huyền thoại vô cùng mạnh mẽ với những tên tuổi nhà văn như Kafka, Jame Joyce, Th.Mann… và các nhà văn của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo mà ông vua của chủ nghĩa này là Marquez. Thế giới ảo thể hiện nhiều nhất là trong một số thể loại văn học dân gian như thần thoại, sử thi, truyện cổ tích, truyền thuyết. Thần thoại là “truyện kể dân gian về các vị thần và các nhân vật anh hùng thần hóa, phản ánh quan niệm ngây thơ của người thời cổ về các hiện tượng tự nhiên và khát vọng của con người về một đời sống tốt đẹp” [70, tr.925]. Thần thoại rõ ràng ra đời từ thời nguyên thủy, con người cảm thấy sợ hãi trước tự nhiên và cho rằng có các lực lượng siêu nhiên chi phối cả thế giới. Họ dùng hiểu biết về bản thân mình để gán cho tự nhiên và cả các lực lượng siêu nhiên. Người nguyên thủy sáng tạo ra thần thoại bằng nghệ thuật không tự giác, bằng niềm tin tuyệt đối vào các lực lượng siêu nhiên và sự tưởng tượng không bến bờ. Sử thi là “tác phẩm lớn thuộc loại văn tự sự, miêu tả sự nghiệp của những người anh hùng và các sự kiện lịch sử lớn” [70, tr.877]. Sử thi không nói về sự sáng lập thế giới như thần thoại mà nói về buổi bình minh của lịch sử dân tộc, về sự xây dựng các tổ chức nhà nước cổ đại nhưng sử thi vẫn lộng lẫy hào quang của tưởng tượng dành để xây dựng các nhân vật chính, các sự kiện… Tuy nhiên, thế giới ảo trong sử thi không phải lúc nào cũng được xem là hư cấu như truyện cổ tích. Sử thi gần gũi với thần thoại ở đặc điểm thế giới ảo giành được niềm tin của con người thậm chí là sự ngưỡng mộ đến sùng kính của con người dành cho các nhân vật chính. Khác với sử thi, truyện cổ tích là “Truyện cổ dân gian phản ánh cuộc đấu tranh trong xã hội, thể hiện tình cảm, đạo đức, mơ ước của nhân dân, về hình thức thường mang nhiều yếu tố thần kỳ, tượng trưng và ước lệ” [70, tr.1054]. Truyện cổ tích ra đi từ thần thoại đó là điều chắc chắn nhưng thế giới ảo trong truyện cổ tích không phải chịu sự thống trị của vũ trụ thời khai thiên lập địa như thần thoại mà chịu sự thống trị của xã hội. Truyện cổ tích nói chung vẫn có cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian của thần thoại nhưng nằm ở bề sâu. Tìm hiểu truyện cổ tích, người đọc cảm nhận tác giả dân gian của thể loại này đã suy giảm lòng tin vào tính chân thực của các lực lượng trong thần thoại, đã thay thế các nhân vật thần bằng những con người bình thường… Truyện cổ tích cũng thể hiện sự tưởng tượng phong phú của con người khi kế thừa thần thoại và sáng tạo thế giới ảo cho riêng mình nhưng ở đây là sự tưởng tượng có ý thức cho nên truyện cổ tích được xem có tính chất văn học nghệ thuật nhiều hơn. Truyền thuyết là “truyện dân gian truyền miệng về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử, thường mang nhiều yếu tố thần kỳ” [70, tr.1053]. Truyền thuyết đã phản ánh lịch sử một cách vô cùng độc đáo, không giống với các văn bản lịch sử, đó là kể về các sự kiện, nhân vật lịch sử theo xu hướng lý tưởng hóa, nhuốm màu sắc thần kỳ. Thần thoại, truyện cổ tích, sử thi, truyền thuyết là các thể loại của văn học dân gian thể hiện nhiều nhất các yếu tố ảo. Có thể khái quát thế giới ảo trong các thể loại này thể hiện ở nội dung kỳ ảo được phản ánh nhiều trong tác phẩm văn học mà khoa học đã chứng minh chúng không thể xảy ra hay tồn tại. Điều này có nguyên nhân từ trình độ nhận thức còn hạn chế của con người cổ xưa. Sau này, văn học nghệ thuật vẫn mãi mãi kế thừa tư duy huyền thoại và còn sử dụng, tái tạo, sáng tạo dựa vào những hình tượng, mô tip trong văn học truyền thống để qua cái ảo diễn đạt cái thực, qua cái phi thường thể hiện cái bình thường… để văn học chứa đựng sự đa nghĩa, tầm khái quát. Huyền thoại trở thành một phương thức nghệ thuật hữu hiệu trong sáng tác văn học. Văn học viết tùy từng thời kỳ lịch sử, tùy đặc tính từng dân tộc mà có thái độ, sự kế thừa và sáng tạo khác nhau đối với cái ảo đã có từ thời kỳ nguyên thủy của lịch sử loài người. Bên cạnh thời kỳ nguyên thủy được xem là thời kỳ hoàng kim của huyền thoại thì thế kỷ XX cũng được các nhà huyền thoại học quan tâm không kém vì huyền thoại hóa là xu thế quan trọng nhất của văn học thế kỷ XX. Sự chú ý đến thần thoại trong toàn bộ văn học thế kỷ XX bộc lộ ở ba dạng cơ bản: “Một là sự tăng cường sử dụng các hình tượng và cốt truyện của thần thoại, do vậy mà xuất hiện rất nhiều những sự cách điệu hóa, dị bản hóa trên các đề tài đã từng có trong các thiên thần thoại, các nghi lễ và nghệ thuật cổ đại. Sự xuất hiện trên diễn đàn văn hóa thế giới của các nền nghệ thuật các dân tộc ngoài châu Âu đã mở rộng đáng kể phạm vi các hệ thần thoại được các nghệ sĩ châu Âu quan tâm. Hai là xuất hiện tâm thế sáng tạo nên những huyền thoại in đậm dấu ấn tác giả. Các đại diện thời đầu của nghệ thuật huyền thoại hóa, ví dụ các nhà tượng trưng chủ nghĩa, đã tìm đặc trưng của cái nhìn nghệ thuật ở tính huyền thoại cố ý của nó, ở sự từ bỏ kinh nghiệm đời thường, từ bỏ tính xác định về thời gian và địa lý. Khách thể bề sâu của sự huyền thoại hóa không chỉ là những “đề tài vĩnh cửu” (tình yêu, cái chết, cái tôi cô đơn…) mà còn là những xung đột của chính thực tại đương thời: thế giới đô thị hóa xa lạ với cá nhân và môi trường đồ vật và máy móc bao quanh nó hoặc vương quốc trì đọng tỉnh lẻ mãi mãi bất động”, “Ba là sáng tác những tác phẩm tiêu biểu như tiểu thuyết – huyền thoại (roman-mythe) và các loại tương tự: “kịch – huyền thoại”, “trường ca – huyền thoại…” [3, tr.159,160] Các đại diện lớn nhất của tiểu thuyết huyền thoại thế kỷ XX được nhiều nhà nghiên cứu cùng đồng tình đề cập là Kafka, Yoyce, Th.Mann. Honoré de Balzac – bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực đã từng tuyên bố muốn là người thư ký trung thành của thời đại thế nhưng trong bộ Tấn trò đời đồ sộ của mình, để phản ánh bản chất hiện thực xã hội sâu sắc hơn, Balzac đã không ngần ngại sử dụng yếu tố kỳ ảo, hoang đường. Yếu tố kỳ ảo ở tác phẩm của Balzac không phải là ít và trong chừng mực nào đó nó cũng có kh._. phải chết đi, phải hóa thân sang kiếp khác, phải đợi chờ mười, hai mươi năm sau mới được trao thân hạnh phúc” [32, tr.52]. Trong truyện Liên Hương, nàng ma họ Lý hằng đêm đến tình tự cùng Tang sinh vì “hai con ma gặp nhau, tịnh không có chi vui sướng. Nếu được vui sướng, thì dưới suối vàng há phải thiếu hạng trai tráng ư?” [45, tr.418]. Sau này nàng Lý bị bệnh chết, lòng đầy buồn tủi “cứ theo luồng gió trôi nổi, trông thấy người nào cũng đầy lòng thèm muốn, ao ước làm sao mình được sống làm người như họ” [45, tr.424] và sau này đã nhập vào xác Yến Nhi để hồi sinh. Cũng trong truyện này, nàng hồ ly Liên Hương cũng mượn bóng đêm đến tình tự cùng người tri âm tri kỷ, sau khi chết, tái sinh làm người đã 15 năm vẫn quay về nhà cũ nối tiếp cuộc tình hạnh phúc cùng Tang sinh. Tinh cá Bạch Thu Luyện trong truyện ngắn cùng tên dưới ánh trăng đã si mê tiếng ngâm thơ của Mộ sinh đến bỏ cả ăn ngủ, chỉ muốn kết bạn trăm năm với người trần. Hằng đêm, nàng tinh cá này lại tìm đến với người yêu. Cha của Mộ sinh ngăn cản dữ dội, nàng vẫn quyết tâm làm đẹp lòng cha để lấy Mộ sinh dù cho Long Quân nghe đồn nàng xinh đẹp quyết đón nàng về long cung làm phi tần. Đêm đã giúp cho các mỹ nhân kỳ ảo thỏa mãn khát vọng yêu đương của chính mình cho dù nguồn gốc xuất thân của các mỹ nhân này không giống nhau. Khát vọng yêu đương của lực lượng siêu nhiên đôi khi còn làm hại đến con người trần tục. Trong truyện Cổ nhi, hai hồ ly đực đêm đêm đến mê hoặc đàn bà, cuối cùng đã bị tiêu diệt để đền tội. Trong truyện Thân thị, con gái nhà phú hộ đêm đêm thường bị tinh rùa đến bắt phải làm vợ hắn. Một hôm, vào lúc gà gáy sáng, người đàn ông do rùa biến thành vừa vượt tường ra đã bị phục đánh, hiện nguyên hình là một con rùa lớn. Xét cho cùng, lực lượng siêu nhiên trong Liêu trai chí dị đầy phức tạp. Có kẻ dùng màn đêm để phù trợ cho con người trần tục, để chia sẻ những tình cảm cao đẹp của mình nhưng cũng có khi màn đêm bị kẻ xấu lợi dụng để làm hại người khác chỉ để thỏa mãn dục vọng cá nhân. Lực lượng siêu nhiên xâm nhập thế giới trần tục vào lúc đêm về còn để tìm kiếm tình bạn tri âm tri kỷ. Lục phán quan “mặt xanh, râu đỏ, mặt mũi rất dữ tợn” [44, tr.116] ở điện Thập Vương đêm đêm vẫn đến uống rượu cùng Chu Nhĩ Đán. Sau này, Lục còn đổi cho Chu trái tim thông tuệ, thay cho vợ Chu khuôn mặt đẹp (truyện Lục phán quan). Đối với khoa học ngày nay, những việc làm của Lục đều có cơ sở khoa học, không phải là điều vượt quá tầm tay nhưng ở thời đại của nhà văn Bồ Tùng Linh, việc miêu tả những việc làm trên thể hiện trí tưởng tượng mang tính tiên đoán sâu sắc. Trong truyện Tửu bằng, Cố Xa một đêm uống rượu ngủ say lúc nào không hay, nửa đêm thức giấc thấy tựa như có người nằm cạnh mình, đưa tay rờ thì thấy mướt mượt như con mèo nhưng lớn hơn. Cố Xa cười bảo “Đây là bạn rượu của ta” [44, tr.192] rồi lấy áo đắp cho. Một lát sau chồn cựa mình, hóa ngay thành một chàng trai nho nhã. Sau này, hồ ly không chỉ là bạn rượu mà còn giúp Cố Xa làm giàu, chỉ đến khi chàng mất thì hồ ly mới bỏ đi. Hóa ra, nhân vật ảo cũng khát khao tình cảm như con người, chỉ có điều phải mượn bóng đêm để che đi hình tích mới có thể dễ dàng tận hưởng cuộc sống nơi trần thế. Xét cho cùng, khát vọng của các nhân vật ảo cũng chính là khát vọng của con người trần tục. Trong Liêu trai chí dị, nhân vật ảo cũng mang những nét bản chất của nhân vật thực và nhân vật thực cũng không phải hoàn toàn vắng bóng các đặc tính của nhân vật ảo. Cho dù xây dựng nhân vật nào, xét đến cùng nhà văn Bồ Tùng Linh cũng muốn viết về con người, cũng muốn sử dụng bóng đêm làm nhòe nhân vật, để biến ước mơ, khát vọng chính đáng của con người đặc biệt là tình yêu lứa đôi trở thành hiện thực mà không bị xã hội trừng phạt khắc nghiệt. Như vậy, thời gian đêm trong huyền thoại đã có sự chuyển hóa trong tác phẩm văn học và sự chuyển hóa này còn thể hiện ở các dạng thời gian khác. 3.2.2 Thời gian luân hồi nghiệp báo Luân hồi là “chết ở kiếp này rồi lại sinh ra ở kiếp khác, cứ quay vòng mãi mãi như vậy” [70, tr.590]. Nghiệp báo (quả báo) là “sự đáp lại điều ác hay điều thiện đã làm ở kiếp trước bằng điều ác hay điều thiện trong kiếp sau” [70, tr.797]. Như vậy, con người vẽ nên vận mệnh cho mình. Thời gian như một năng lượng vũ trụ đóng vai trò lực vận hành như thời gian huyền thoại. Trong tiểu thuyết Liêu trai chí dị của nhà văn Bồ Tùng Linh, dòng thời gian của quan niệm luân hồi nghiệp báo thể hiện trong rất nhiều câu chuyện. Trong Liêu trai, sự luân hồi thể hiện ở chỗ con người luôn luôn tái sinh. Sự tái sinh này chủ yếu là các nhân vật có thể kết thúc kiếp sống của mình, chuyển sang kiếp sống khác với một thân xác mới. Truyện Tam sinh kể về hai nhân vật chính là ông mỗ ở Hồ Nam và Hưng Vu Đường. Ở kiếp đầu tiên mà ông mỗ còn nhớ được thì ông làm lệnh doãn chấm thi đã đánh trượt danh sĩ họ Hưng. Hưng kiện lên Diêm Vương, ông bị phạt làm dân thường còn Hưng Vu Đường làm quan. Khi giáp mặt nhau ông là giặc, Hưng vì thù hằn ở kiếp trước mà thẳng tay giết nên Diêm Vương phạt cả hai người kiếp sau biến thành chó. Dù đã đầu thai nhưng cả hai vẫn mang oán thù nên giết nhau. Cuối cùng, Diêm Vương phải cho cả hai đầu thai thành bố vợ và con rể để hóa giải mối thù. Trong truyện Tục hoàng lương, ông cử họ Tăng mơ mình làm tể tướng gây ra nhiều tội ác nên bị chặt đầu, phải bị đày đọa cả kiếp sau để trả giá cho tội ác của mình ở kiếp trước. Linh hồn ông cử họ Tăng tái sinh thành một đứa con gái nhà ăn mày không một ngày nào được ăn no, mặc ấm, năm 14 tuổi đã bị bán làm nàng hầu cho một ông tú, vợ lớn của ông tú quá độc ác vu cho nàng tội giết chồng nên nàng bị quan xử lăng trì (lóc từng miếng thịt). Một giấc mơ mà gói gọn cả mấy kiếp. Bên cạnh việc đầu thai, sự luân hồi còn được thể hiện theo hướng nhập hồn sống lại trong một thân xác khác. Trong truyện Tiểu Tạ, nàng ma Thu Dung sau khi nuốt là bùa đạo sĩ cho đã có thể nhập hồn vào con gái họ Hác vừa chết, sống cuộc đời như bất cứ con người trần tục nào. Nói chung, Liêu trai quan niệm cuộc đời mỗi nhân vật đều nằm trong vòng luân hồi của chính mình tuy nhiên rất hiếm người có thể nhớ được sự chuyển kiếp. Sự luân hồi trong Liêu trai chí dị thường có sự can thiệp của các lực lượng siêu nhiên nhưng thực sự vận hành chúng lại chính là thời gian vì quá trình luân hồi thường đi cùng với nghiệp báo. Con người không được chọn lựa kiếp mà mình sẽ tái sinh bởi vì kiếp sau phụ thuộc tất cả vào những gì con người đã làm được hay gây ra ở kiếp trước “Thế giới âm phủ dựa vào biểu hiện của con người lúc còn sống để xác định địa vị, thọ yểu. Các vị quan liêm chính có thể luân hồi đến kiếp sau để định số (đầu thai, xác định số kiếp mới), cũng có khi ở lại địa ngục âm phủ đảm nhiệm chức vụ”, “kẻ xấu sau khi kinh qua những ngục hình nơi âm phủ đều bị đày ngược lên nhân thế làm lừa ngựa, làm heo chó (lục súc) phục vụ cho con người” [72, tr.46]. Trong truyện Tam sinh có chàng Lưu Hiếu liêm nhớ được kiếp đầu tiên của mình là một vị quan có làm nhiều chuyện bất chính nên sau khi chết bị Diêm Vương cho đầu thai làm ngựa. Vì kiếp ngựa quá khổ sở nên Lưu nhịn ăn ba ngày rồi chết. Diêm Vương lại trách tội trốn tránh, sai lột da rồi phạt bắt làm chó. Lưu lại cố tình cắn chủ nhân, muốn sớm bị đánh chết để thoát kiếp chó. Xuống âm phủ, Lưu bị phạt tội ngông cuồng, bị bắt đầu thai làm rắn. Lần này, Lưu cố tìm một cách chết cho lương thiện là bò qua giữa đường cho xe vô tình cán phải. Cho đến tận lúc này, mọi tội lỗi của Lưu mới được xóa sạch để có thể đầu thai làm người. Các nhân vật trong Liêu trai luôn phải chịu trách nhiệm với tất cả những gì mình đã gây ra ở kiếp trước. Nhiều thần thoại để lại cho thấy con người từ thời nguyên thủy đã có ước muốn trường sinh như thần thoại về người và rắn. Sau này Đạo giáo đã nhấn mạnh ước muốn trường sinh của con người. Quan niệm luân hồi cũng có nguồn gốc từ thời nguyên thủy sau này mới được Phật giáo nhấn mạnh. Người nguyên thủy xuất phát từ quá trình quan sát cây cối chết lại nảy mầm thành cây mới đã cho rằng con người cũng như cây có thể chết ở kiếp này rồi lại sinh ra ở kiếp khác. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến các mô tip hiến tế và tái sinh của huyền thoại. Trong đó, con người đã dâng thực phẩm để tái hồi sức lực mà thần thánh đã phân tán vào quá trình sáng tạo và duy trì sự sống muôn loài trong vũ trụ. Nhờ được phục hồi năng lực, thần thánh có thể tiếp tục sáng tạo và duy trì sự sống. Sự hi sinh sự sống của một cá thể là để chuyển vận không ngừng dòng chảy của sự sống trong vũ trụ. Người nguyên thủy không phân biệt các phạm trù nguyên nhân và khởi đầu. Họ cho rằng khởi đầu chính là nguyên nhân chứ không hề cho rằng khởi đầu chỉ là cái có trước. Chính vì vậy, họ quan niệm cái có trước chính là nguyên nhân của cái có sau, sẽ quy định bản chất của cái có sau. Huyền thoại giải thích trạng thái của thế giới hiện nay bằng những câu chuyện xa xưa. Nhà nghiên cứu Meletinsky đã nhận định “Đặc điểm quan trọng nhất của huyền thoại, đặc biệt là của huyền thoại nguyên thủy, nằm trong việc quy bản chất của sự vật vào khởi nguồn của chúng: giải thích kết cấu của sự vật cũng có nghĩa là kể xem sự vật được tạo ra như thế nào; mô tả thế giới xung quanh cũng chính là nói về lịch sử sáng tạo ban đầu của nó” [49, tr.224]. Như vậy, thời gian trong quan niệm luân hồi nghiệp báo đã gặp gỡ với thời gian huyền thoại. Dĩ nhiên, sự gặp gỡ này không phải ở nhiệm vụ giải thích con người, tự nhiên và văn hóa hiện nay một lần duy nhất bằng các câu chuyện xa xưa vì thời gian này không phải là thời gian khởi nguyên. Sự gặp nhau này ở cội nguồn sâu xa của quan niệm luân hồi nghiệp báo chỉ là con người mãi sau thời nguyên thủy rất lâu cũng không phân biệt nguyên nhân và khởi đầu. Cái thiện, cái ác của con người đã làm trong kiếp này sẽ được đáp lại đúng như thế trong kiếp sau của người đó. Như vậy, kiếp trước tiềm ẩn nguyên nhân, có thể giải thích cho những gì con người được hưởng ở kiếp sau chứ không đơn giản là khởi đầu, là cái có trước đối với kiếp sau. Như vậy, con người đã vẽ nên số mệnh của mình từ kiếp trước và thời gian chỉ việc đóng vai trò vận hành mà thôi. Thời gian luân hồi nghiệp báo trong Liêu trai chí dị là sự thừa hưởng cái nhìn huyền thoại về thế giới, là sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa Trung Hoa nói chung, với nhà văn Bồ Tùng Linh nói riêng. Tuy nhiên, thời gian luân hồi nghiệp báo trong Liêu trai còn mang những nhiệm vụ mới mẻ gắn liền với hiện thực xã hội và tâm tình của tác giả. Nhà văn Bồ Tùng Linh mang cốt cách nhà Nho cho nên trong tiểu thuyết Liêu trai không ít lần ông đã cổ vũ cho những trang nam tử lấy công danh sự nghiệp làm trọng và cũng không ít lần có cái nhìn đầy khắt khe đối với những người phụ nữ chồng chết lại không chịu thủ tiết. Tuy nhiên, những giáo lý nhà nho đầy minh bạch không thể giúp ông lý giải được những bất công, ngang trái đầy uẩn khúc của cuộc đời, chẳng hạn như “Ở cường quyền này, nguyên không có gì là phân minh hắc bạch. Huống chi quan lại ngày nay phân nửa là cường khấu…” [44, tr.68] cho nên nhà văn họ Bồ tìm đến với triết lý Phật giáo, với cái nhìn huyền thoại về thế giới. Trong truyện Tư văn lang, Vương sinh giỏi văn đi thi bị đánh trượt trong khi Dư Hàng dốt nát lại đậu cao. Hóa ra, người giỏi hơn tất cả quan chấm thi vì trước khi họ thi đã biết được tài nghệ từng người lại là một ông sư bị tạo vật ghen ghét làm cho bị mù. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy! Kiếp trước, ông sư mù này là một danh gia, vì vứt bỏ giấy chữ quá nhiều nên bị phạt mù mắt. Ông muốn tự chữa bệnh khổ cho người để chuộc lỗi trước kia nên mới hay đi lang thang ở phố chợ. Trong truyện Chung sinh, thư sinh Chung Khánh Dư kiếp trước là đạo sĩ vì lấy đá ném chó, lỡ xéo làm chết một con chẫu chàng. Con chẫu chàng ấy đã đầu thai làm con lừa nhưng chàng thư sinh kiếp này số phận vẫn quy định đậu cao nhưng không thọ, phải chịu cảnh bất đắc kỳ tử. Vì chàng có hiếu nên sau này mới hóa giải được nghiệp báo kiếp trước. Dòng thời gian luân hồi nghiệp báo đã giúp tác giả lý giải, xoa dịu nỗi đau khi chứng kiến sự bất công, ngang trái của cuộc đời. Thời gian luân hồi nghiệp báo còn được sử dụng giúp các nhân vật ảo có được thân xác con người trần tục để hưởng trọn vẹn hạnh phúc chốn trần gian. Trong truyện Lỗ Công nữ, cô con gái của Lỗ Công sau khi chết vẫn hằng đêm đến tình tự cùng thư sinh Trương Ư Đán. Cô gái nhờ Trương tụng kinh Kim cương để năm năm sau được đầu thai vào nhà Lư bộ hộ ở Hà Bắc. Nàng hẹn 15 năm sau nối tiếp cuộc tình với Trương Ư Đán, cho dù chàng nhiều tuổi đã yên bề gia thất cũng sẽ làm nữ tì để báo đáp tình duyên. Trong truyện Liên Hương, nàng hồ ly Liên Hương bị bệnh chết, đã hẹn trước 14 năm sau sẽ lại trở về làm vợ Tang sinh. Quả đúng như vậy, Liên Hương đầu thai làm con gái nhà nghèo, 14 năm sau tự tìm đến nối tiếp mối duyên còn dang dở ở kiếp trước. Tình yêu trong Liêu trai rất táo bạo nhưng cũng vô cùng thủy chung, bền bỉ vượt qua sự hữu hạn của một kiếp người. Thời gian luân hồi nghiệp báo đã thể hiện thái độ đồng tình, bênh vực của nhà văn đối với dạng tình cảm cao quý này. Nhà văn Bồ Tùng Linh thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo khi ông sử dụng thời gian luân hồi nghiệp báo để khuyến thiện trừng ác. Ông đã sử dụng thời gian luân hồi nghiệp báo với năng lực tự vận hành của nó để thực hiện chức năng như giáo lý nhà Phật khuyến thiện trừng ác để răn đe con người, đặc biệt là răn đe đối với những kẻ đang gây ra cái ác đầy rẫy trong xã hội. Mỗi tội ác cho dù là vô tình hay hữu ý cũng gieo quả xấu cho con người trong kiếp sau cho nên con người luôn phải giữ mình. Trong truyện Chân Hậu, một bà lão mù dắt một con chó vàng đi ăn xin trước cửa nhà, gõ phách mà hát bài hát dân ca. Trần Tư Hương vừa xuất hiện, con chó đã chồm cắn. Thì ra con chó là kiếp sau của Tào Tháo còn cô gái họ Trần chính là mỹ nhân ở đài Đồng Tước xưa. Nay cô gái kết duyên với thư sinh Trần Trung Kham làm cho Tào Tháo không khỏi ghen tức muốn trả thù. Bị đầu thai thành súc vật là cái giá mà Tào Tháo phải trả cho những việc làm gian ác kiếp trước. Trong truyện Giang Thành, nàng dâu Giang Thành vô cùng hung dữ với chồng, không sợ cả cha mẹ chồng. Trong giấc mơ, một cụ bà đã lý giải cho bà mẹ biết vì sao Giang Thành lại hung hãn như thế: “Đó là nhân quả kiếp trước để lại, Giang Thành kiếp trước nguyên là Tinh Nghiệp hòa thượng có nuôi con chuột trường sinh. Còn công tử nhà bà tiền kiếp là học trò, một hôm đến chơi chùa, vô ý đạp chết con chuột ấy. Vì thế kiếp này phải chịu ác báo về phía Giang Thành, chừng trả hết nợ mới yên, chứ không lấy sức gì xoay đổi đặng” [45, tr.71]. Việc mẹ chồng niệm kinh giúp cho Giang Thành sớm tỉnh ngộ cho thấy tác động của con người có thể đẩy nhanh việc cảm hóa kiếp người chứ không thay đổi hoàn toàn được. Có khi, những người trong gia đình, họ hàng, tổ tiên cũng có thể tích đức cho con cháu. Thế hệ trước không chỉ là quá khứ mà còn góp phần tạo lập nên số phận cho thế hệ sau. Thời gian luân hồi nghiệp báo không khỏi làm người đọc không liên tưởng đến một tiểu thuyết khác cùng thời với Liêu trai chí dị. Trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng của nhà văn Tào Tuyết Cần, dạng thời gian này cũng tham gia vận hành tác phẩm. Đó là cây Giáng Châu vốn được Thần Anh hằng ngày chăm tưới, khi theo hòn đá xuống trần đã quyết lấy nước mắt một đời của mình đền ơn cho ân nhân. Vì thế, Lâm Đại Ngọc vốn là cây Giáng Châu suốt cả một đời yêu thương Giả Bảo Ngọc nhưng đành để tình yêu trôi qua trong nước mắt mà uất hận đến chết. Như vậy, tác giả cũng có thể dùng dạng thời gian này để làm cái cớ trong khi xây dựng tác phẩm, để phủ một lớp màn lộng lẫy mà huyền bí lên nội dung tác phẩm để tránh cho nó vượt khỏi sự đánh giá khắc nghiệt của định kiến xã hội mà lại tăng thêm phần hấp dẫn, độc đáo. Thời gian đêm và thời gian luân hồi nghiệp báo bước ra từ thời gian của huyền thoại để thực hiện những nhiệm vụ mới mẻ của tác phẩm văn học. Thời gian đêm giúp con người bộc lộ và thỏa mãn những khát vọng chính đáng của mình mà không lo sợ sự trừng phạt. Thời gian luân hồi nghiệp báo cũng mang nhiệm vụ khuyến thiện trừng ác khi quan niệm mỗi sự vật có linh tính luôn có sự chuyển kiếp và kiếp sau luôn phụ thuộc vào sự tích lũy điều thiện, điều ác ở kiếp trước. Kết hợp với không gian âm phủ, những cảnh giới kỳ ảo chốn trần gian; không gian và thời gian trong Liêu trai đã có khả năng tái hiện không gian và thời gian huyền thoại đầy bí ẩn vẫn nằm sâu trong tiềm thức của con người thời hiện đại nhưng cũng đã có sự chuyển hóa để phản ánh những vấn đề xã hội mang tính thời sự trong một lớp vỏ nghệ thuật vô cùng huyền ảo. Liêu trai chí dị là sự kế thừa sâu sắc cái nhìn huyền thoại về thế giới thể hiện ở cốt truyện, nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật. Các yếu tố huyền thoại khi bước vào tác phẩm đã được cấp thêm những ý nghĩa mới để hòa nhập một cách nhuần nhuyễn với các yếu tố khác của văn học thời cận đại. Nhà văn Bồ Tùng Linh đã mượn quá khứ để nói về hiện tại, làm cho Liêu trai chí dị phản ánh những vấn đề, quan niệm rất mới mẻ nhưng lại thấm đẫm không khí cổ xưa, câu chuyện được kể trở nên lung linh, đa nghĩa hơn bao giờ hết. Huyền thoại có sức sống mãnh liệt đối với tất cả các dân tộc trên thế giới nên những gì Liêu trai chứa đựng không chỉ dành cho cá nhân mà còn dành cho cả nhân loại. KẾT LUẬN Tiểu thuyết Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh là đỉnh cao của tiểu thuyết truyền kỳ - một thể loại xuyên suốt lịch sử phát triển lâu dài của văn học Trung Quốc. Vì nó là đỉnh cao của tiểu thuyết truyền kỳ nên sợi dây liên kết giữa rất nhiều các đoản thiên để hình thành nên tiểu thuyết chính là cái kỳ. Cái kỳ cả về trong tư duy lẫn trong cách viết sẽ tạo nên một thế giới ảo trong từng truyện ngắn cũng như trong cả bộ tiểu thuyết này. Vì nhà văn sử dụng rất nhiều yếu tố ảo trong tác phẩm nên mảnh đất Liêu trai chí dị vẫn còn đầy bí ẩn, đòi hỏi phải được khai phá tiếp. Với khoa học về huyền thoại được hình thành trong những năm gần đây, chúng tôi muốn chọn một con đường, một phương pháp mới để tiếp cận thế giới nghệ thuật của Liêu trai chí dị. Dùng một số nghiên cứu của các nhà khoa học về huyền thoại soi chiếu vào tác phẩm sẽ thấy cái đẹp của Liêu trai hiện lên với nhiều chiều kích. Trên thế giới này không hề có một tác phẩm nào ra đời từ hư vô. Một tuyệt tác như Liêu trai chí dị đã ra đời dựa trên sự kế thừa sâu sắc tư duy huyền thoại của con người nguyên thủy, từ các thể loại văn học trước như chí quái, chí dị, truyền kỳ. Văn học và huyền thoại có mối quan hệ khăng khít không chỉ ở trong nguồn cội mà trong cả quá trình phát triển sau này. Tuy nhiên, sáng tạo, sử dụng và chuyển hóa các huyền thoại như thế nào khi đưa chúng vào tác phẩm văn học phụ thuộc vào cái nhìn huyền thoại của nhà văn về thế giới, vào tài năng, cá tính của nhà văn. Với Liêu trai, Bồ Tùng Linh đã chọn lọc, chuyển hóa công phu những gì đi ra từ truyền thống để cấp cho các yếu tố ảo trong tác phẩm những ý nghĩa mới mang hơi thở của cuộc sống thời cận đại của Trung Hoa và thể hiện sự tiến bộ trong nghệ thuật phản ánh cuộc sống. Thế giới ảo trong Liêu trai chí dị phải luôn được xem xét trong mối quan hệ với cái thực vì nhà văn đã đan cài hai yếu tố thực - ảo vô cùng khăng khít, thậm chí trong thực có ảo, trong ảo có thực để phản ánh hiện thực qua một cái nhìn vô cùng huyền ảo, lung linh. Thế giới ảo thể hiện trong mọi thành tố nghệ thuật của tác phẩm, cho dù ở đâu cũng tìm thấy sự kế thừa và sáng tạo. Về cốt truyện, nhà văn Bồ Tùng Linh đã xây dựng cốt truyện theo các hình tượng nhân vật kỳ ảo. Bên cạnh đó còn sử dụng rất nhiều mô típ người đội lốt vật, vật đội lốt người rất phổ biến trong thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích. Nhà văn Bồ Tùng Linh trên cơ sở kế thừa đã đan cài hai mặt thực - ảo khi xây dựng cốt truyện cũng như khi chuyển hóa các mô tip nên dù xây dựng cốt truyện theo hình tượng nhân vật kỳ ảo hay sử dụng các mô tip kỳ ảo đã có từ lâu đời thì mục đích nhà văn hướng tới không phải là sự hoang đường, kỳ bí mà chính là hiện thực trong một hình thức lung linh, huyền ảo. Trong Liêu trai chí dị, nhà văn Bồ Tùng Linh đã xây dựng hệ thống nhân vật rất đa dạng. Các nhân vật này chủ yếu được sinh ra từ quan niệm vạn vật hữu linh trong tư duy huyền thoại nhưng không còn cách biệt với thế giới loài người khi được nhà văn phả vào đó tình cảm, khát vọng của con người trần thế. Quan hệ giữa các nhân vật rất kỳ ảo bởi đó là quan hệ tình ái giữa người và vật hết sức phóng túng, táo bạo. Nhà văn đã đưa các nhân vật cùng quan hệ giữa họ về với quan niệm của con người cổ xưa để cảnh báo rằng con người hiện tại đã đánh mất bản chất nguyên sơ của chính mình. Mặc dù đã cách xa thời nguyên thủy khoảng thời gian tính bằng ngàn năm, con người vẫn cảm thấy có một sức mạnh ẩn trong những cảnh giới chốn trần thế là nơi các lực lượng siêu nhiên có thể xâm nhập vào cõi trần, là nơi có khả năng làm cầu nối giữa các cõi, đặc biệt là cõi âm. Nhà văn đã miêu tả chốn âm phủ là tấm gương soi của cuộc đời trần thế vốn nhiều bất công, miêu tả những không gian thiêng chốn trần thế nhưng sau đó có thể làm cho nó mất thiêng để thỏa mãn ước mơ của con người. Đối với thời gian trong Liêu trai chí dị xuất hiện nhiều nhất là thời gian đêm là khoảng thời gian các lực lượng siêu nhiên xâm nhập vào thế giới loài người. Nhà văn đã cấp cho nó một ý nghĩa mới khi miêu tả lực lượng siêu nhiên không phải hiện ra để sáng tạo mà hiện ra để giúp con người thỏa mãn ước mơ đồng thời thỏa mãn ước mơ của chính mình. Bên cạnh đó, Liêu trai có thời gian luân hồi nghiệp báo là dạng thời gian tự vận hành. Dạng thời gian này xuất phát từ sự không phân biệt các phạm trù khởi đầu – nguyên nhân trong tư duy huyền thoại, được sử dụng với mục đích chính là khuyến thiện trừng ác. Như vậy, thế giới ảo trong Liêu trai chí dị thể hiện ở rất nhiều phương diện của tác phẩm: cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian… Cho dù ở đâu, các yếu tố ảo này cũng là kết quả của sự kế thừa tư duy huyền thoại từ thời nguyên thủy, các tác phẩm văn học dân gian và chí quái, chí nhân, truyền kỳ đã có trước Liêu trai. Xuất phát từ mục đích phản ánh xã hội một cách mạnh mẽ mà kín đáo bằng một hình thức lung linh, mới mẻ, Bồ Tùng Linh đã chọn lọc, chuyển hóa sâu sắc các yếu tố từ huyền thoại, cấp cho nó những ý nghĩa mới để nó có thể phát huy hết tác dụng trong tác phẩm của mình. Thế giới ảo làm nên sự hấp dẫn một cách vô cùng bí ẩn của Liêu trai chí dị dưới những nghiên cứu của các nhà khoa học về huyền thoại thực chất là kết quả của sự kế thừa và sáng tạo… TÀI LIỆU THAM KHẢO I.TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT 1. Aristotle (2007), Nghệ thuật thy ca, Nhà xuất bản Lao động 2. Lại Nguyên Ân (1992), “Thần thoại, văn học, văn học huyền thoại”, Tạp chí văn học, số 3 3. Lại Nguyên Ân (1999), 150 Thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội 4. Phạm Thuỷ Ba dịch (1988), Ramayana (3 tập), Nhà xuất bản Văn học 5. Trịnh Ân Ba, Trịnh Thu Lôi (2002), Văn học Trung Quốc, Nhà xuất bản Thế giới 6. Bakhtin, M. (2006), Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và phục hưng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội 7. Banzắc, Ô. (1985), Miếng da lừa, Nhà xuất bản Văn học 8. Trần Lê Bảo (2000), “Ảnh hưởng của thần thoại đối với tiểu thuyết Trung Quốc”, Tạp chí văn hóa dân gian, số 1 9. Barthes, R. (2008), Những huyền thoại, Nhà xuất bản Tri thức 10. Tào Tuyết Cần (1999), Hồng lâu mộng, Nhà xuất bản Văn học 11. Lê Nguyên Cẩn (1999), Cái kỳ ảo trong tác phẩm của Balzac, Nhà xuất bản Giáo dục 12. Phạm Tú Châu (1992), “Việc nghiên cứu ảnh hưởng Phật giáo và Đạo giáo trong mấy bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc”, Tạp chí văn học, số 4 13. Chevalier, J. – Gheerbrant, A. (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nhà xuất bản Đà Nẵng 14. Nguyễn Huệ Chi (1999), “Một vài phương diện tư tưởng và nghệ thuật của Bồ Tùng Linh trong Liêu trai chí dị”, Tạp chí văn học, số 5 15. Đào Ngọc Chương (2009), Phê bình huyền thoại, Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 16. Thiều Chửu (2002), Hán Việt tự điển, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh 17. Lê Anh Dũng (2000), Giải mã truyện Tây du, Nhà xuất bản Trẻ 18. Vương Kiến Duy, Dịch Học Kim (2004), Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc, Nhà xuất bản Thế giới 19. Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân (2005), Văn học phương Tây, Nhà xuất bản Giáo dục 20. Trần Xuân Đề (2000), Tác giả, tác phẩm văn học phương Đông (Trung Quốc), Nhà xuất bản Giáo dục 21. Trần Xuân Đề (2003), Lịch sử văn học Trung Quốc, Nhà xuất bản Giáo dục 22. Cao Huy Đỉnh, Phạm Thuỷ Ba dịch (1979), Mahabharata, Nhà xuất bản Khoa học xã hội 23. Phan Quang Định biên dịch (1995), Giải mã các giấc mộng qua ánh sáng phân tâm học, Nhà xuất bản Trẻ 24. Lâm Ngữ Đường (1999), Truyện truyền kỳ Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin 25. Eliade, M. (2005), “Cái thiêng và cái phàm”, Tạp chí văn học nước ngoài, số 1 26. Eliade, M. (2005), “Cái thiêng và cái phàm”, Tạp chí văn học nước ngoài, số 2 27. Frazer, J. G. (2007), Cành vàng bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin 28. Võ Hồng Hà (2002), Yếu tố “kỳ” trong Tây du ký, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Đại học sư phạm Hà Nội 29. Nguyễn Thị Bích Hải (2009), Đến với tác phẩm văn chương phương Đông (Trung Quốc – Nhật Bản - Ấn Độ), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 30. Đào Thị Thu Hằng (2007), Văn hóa Nhật Bản và Yasunary Kawabata, Nhà xuất bản Giáo dục 31. Phan Thu Hiền (1999), Sử thi Ấn Độ, tập I Mahabharata, Nhà xuất bản Giáo dục 32. Lê Từ Hiển (1993), “Nhân vật mỹ nữ - điểm quy chiếu mới của hệ thống nhân vật trong Liêu trai chí dị”, Tạp chí văn học, số 1. 33. Lưu Hiệp (2007), Văn tâm điêu long, Nhà xuất bản Lao động 34. Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh (2000), Văn học sử Trung Quốc, Nhà xuất bản Phụ nữ 35. Cù Hựu, Nguyễn Dữ (1999), Tiễn đăng tân thoại, Truyền kì mạn lục, Nhà xuất bản Văn học 36. Jung, C. G. (2007), Thăm dò tiềm thức, Nhà xuất bản Tri thức 37. Kapka, F. (1989), Vụ án hóa thân, Nhà xuất bản Văn học 38. Đinh Gia Khánh (2008), Thần thoại Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin 39. Nguyễn Huy Khánh (1991), Khảo luận tiểu thuyết Trung Hoa, Nhà xuất bản Văn học 40. Khoa Ngữ văn và báo chí trường ĐHKHXHNV(2007), Huyền thoại và văn học, Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 41. Nguyễn Văn Khỏa (1978), Anh hùng ca của Hô – me – rơ, Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp 42. Đàm Gia Kiện (1993), Lịch sử văn hóa Trung Quốc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội 43. Nguyễn Trường Lịch (1997), “Huyền thoại và sức sống của huyền thoại trong văn chương xưa và nay”, Tạp chí văn học, số 5 44. Bồ Tùng Linh (2007), Liêu trai chí dị 3 tập, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin 45. Bồ Tùng Linh (2008), Liêu trai chí dị, Nhà xuất bản Văn học 46. Lisevich, I.S. (1993), Tư tưởng văn học Trung Quốc cổ xưa, Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh 47. Ludwig, T. M. (2000), Những con đường tâm linh phương Đông, Nhà xuất bản Văn hóa – thông tin 48. Phương Lựu (1997), Lí luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục 49. Meletinxky, E.M. (2004), Thi pháp của huyền thoại, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội 50. Phan Thị Miến dịch (1997), Iliat và Ôđixê, Nhà xuất bản Văn học 51. Phạm Xuân Nguyên (2001), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản Văn hóa – thông tin 52. Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn lục, Nhà xuất bản Văn học 53. Osho (2009), Minh triết tình yêu và siêu thức, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc 54. Phan Quang (2008), Sử thi huyền thoại Đông Tây, Nhà xuất bản Văn học 55. Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Nguyễn Dữ (2006), Lĩnh Nam chích quái, Truyền kì mạn lục, Nhà xuất bản Kim Đồng 56. Riftin (2002), Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc, Nhà xuất bản Thuận Hóa 57. Sở nghiên cứu văn học thuộc viện khoa học xã hội Trung Quốc (1997), Lịch sử văn học Trung Quốc tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục 58. Lỗ Tấn (2002), Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội 59. Khâu Chấn Thanh (1994), Lý luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Nhà xuất bản Giáo dục 60. Lương Duy Thứ (1995), Để hiểu tám bộ tiểu thuyết cổ Trung Quốc, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau 61. Lương Duy Thứ, Phan Nhật Chiêu, Phan Thu Hiền (1998), Đại cương văn hóa phương Đông, Nhà xuất bản Giáo dục 62. Lương Duy Thứ (2000), Bài giảng văn học Trung Quốc, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội 63. Todorov, T. (2007), Dẫn luận về văn chương kì ảo, Nhà xuất bản Đại học sư phạm 64. Trần Văn Trọng (2008), Thế giới nghệ thuật trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Đại học sư phạm Hà Nội 65. Lưu Đức Trung (2004), Văn học Ấn Độ, Nhà xuất bản Giáo dục 66. Tylor, E.B. (2000), Văn hóa nguyên thủy, Tạp chí văn hóa nghệ thuật Hà Nội 67. Đinh Phan Cẩm Vân (2000), “Cái kỳ trong tiểu thuyết truyền kỳ”, Tạp chí văn học, số 10 68. Lê Trí Viễn chủ biên (2002), Văn học trung đại Việt Nam, Ban ấn bản trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh 69. Viện khoa học xã hội Trung Quốc (1997), Lịch sử văn học Trung Quốc, Nhà xuất bản Giáo dục 70. Viện ngôn ngữ học (2004), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng II.TÀI LIỆU TIẾNG TRUNG QUỐC 71. 马瑞芳(著)(2002,神鬼狐妖的世界:聊斋人物论, 中华华局。 Mã Thụy Phương (viết) (2002), Thần quỷ hồ yêu đích thế giới:Liêu trai nhân vật luận, Trung Hoa thư cục. 72. 马瑞芳(著)(2007,狐妖与人间:解读奇华: 聊斋志异,当代中国出版社。 Mã Thụy Phương (viết) (2007), Thần yêu dữ nhân gian: giải độc kỳ thư Liêu trai chí dị, Đương thời Trung Quốc xuất bản xã III.TÀI LIỆU MẠNG 73. 74. 75. cua-toi/40170855/105/ 76. 77. tran%20thi.pdf 78. PHỤ LỤC Chân dung nhà văn Bồ Tùng Linh Một cảnh trong phim Liêu trai chí dị Phim Họa bì chuyển thể từ truyện ngắn Họa bì trong Liêu trai chí dị Hồ ly bỏ con ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA5282.pdf
Tài liệu liên quan