BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------------------------
DƯ THỐNG NHẤT
DUNG LƯỢNG TRÍ NHỚ CỦA HỌC SINH LỚP 6, 7
Ở MỘT SỐ TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
TỈNH KIÊN GIANG
Chuyên ngành: TÂM LÝ HỌC
Mã số: 60 31 80
LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. TRẦN THỊ THU MAI
Thành phố Hồ Chí Minh - 2007
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả nghiên cứu trong luận văn là trun
120 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1513 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Dung lượng trí nhớ của HS lớp 6,7 ở một số trường trung học cơ sở tỉnh Kiên Giang, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
g thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ
công trình nào khác.
Tác giả luận văn
Dư Thống Nhất
CÁC CHỮ VIẾT TẮT
1. DLTN: Dung lượng trí nhớ
2. ĐTB: Điểm trung bình
3. NĐC: Nhóm đối chứng
4. NTN: Nhóm thử nghiệm
5. PT: Phổ thông
6. THCS: Trung học cơ sở
7. SD: Độ lệch chuẩn (Standarizied Deviation)
8. TB: Trung bình
9. K: Khá
10. G: Giỏi
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
Trang
Bảng 3.1. Phân bố học sinh khách thể nghiên cứu trên toàn mẫu điều
tra thực trạng ………………………………………………… 46
Bảng 3.2. Mức độ nhớ từ của học sinh lớp 6, 7 (đầu cấp THCS) trên
toàn mẫu điều tra thực trạng ………………………………… 47
Bảng 3.3. Phân loại học sinh theo khả năng nhớ từ của mẫu điều tra thực
trạng …………………………………………………………. 47
Bảng 3.4. Khả năng nhớ từ theo lớp của mẫu điều tra thực trạng ………. 49
Bảng 3.5. Các lỗi ghi nhớ từ của học sinh theo mẫu điều tra thực trạng ... 49
Bảng 3.6. Mức độ nhớ số của học sinh lớp 6, 7 (đầu cấp THCS) trên toàn
mẫu điều tra thực trạng ……………………………………... 51
Bảng 3.7. Phân loại học sinh theo khả năng nhớ số của mẫu điều tra thực
trạng ………………………………………………………….. 51
Bảng 3.8. Khả năng nhớ số theo lớp của mẫu điều tra thực trạng ………. 53
Bảng 3.9. Mức độ nhớ hình của học sinh lớp 6, 7 (đầu cấp THCS) trên toàn
mẫu điều tra thực trạng ……………………………...……… 54
Bảng 3.10. Phân loại học sinh theo khả năng nhớ hình của mẫu điều tra
thực trạng …………………………………………………… 54
Bảng 3.11. Khả năng nhớ hình theo lớp của mẫu điều tra thực trạng …... 56
Bảng 3.12. Các lỗi ghi nhớ hình của học sinh theo mẫu điều tra thực trạng . 56
Bảng 3.13. Kết quả nhớ từ sau khi củng cố của học sinh theo lớp và tổng
mẫu điều tra thực trạng ……………………………………... 58
Bảng 3.14. Kết quả nhớ từ sau khi củng cố của học sinh Kinh và Khmer .. 59
Bảng 3.15. Kết quả nhớ từ sau khi củng cố của học sinh theo học lực …. 60
Bảng 3.16. Kết quả nhớ số sau khi củng cố của học sinh theo lớp và tổng
mẫu điều tra thực trạng ……………………………………... 61
Bảng 3.17. Kết quả nhớ số sau khi củng cố của học sinh Kinh và Khmer .. 62
Bảng 3.18. Kết quả nhớ số sau khi củng cố của học sinh theo học lực …. 64
Bảng 3.19. Kết quả nhớ hình sau khi củng cố của học sinh theo lớp và
tổng mẫu điều tra thực trạng ………………………………... 65
Bảng 3.20. Kết quả nhớ hình sau khi củng cố của học sinh Kinh và Khmer 66
Bảng 3.21. Kết quả nhớ hình sau khi củng cố của học sinh theo học lực . 66
Bảng 3.22. Số học sinh không nhớ đủ 5 hình sau các lần củng cố …….... 67
Bảng 3.23. Hệ số tương quan giữa khả năng nhớ số, nhờ từ và nhớ hình
của mẫu nghiên cứu thực trạng ……………………………... 68
Bảng 3.24. Kiểu nhân cách của mẫu điều tra thực trạng ………………... 69
Bảng 3.25. Kiểm nghiệm Kolmogorov-Smirnov đối với câu 9 và câu 13,
câu 17 và câu 19 ……………………………………………. 70
Bảng 3.26. Phân bố học sinh của mẫu điều tra thực trạng theo trường và
kết quả học tập học kỳ I, năm học 2006-2007 ……………… 71
Bảng 3.27. Hệ số tương quan giữa khả năng nhớ từ, số, hình và điểm trắc
nghiệm kiểu nhân cách của mẫu nghiên cứu thực trạng ……. 71
Bảng 3.28. Thống kê mô tả và kiểm nghiệm T về khả năng nhớ từ, nhớ số
và nhớ hình theo dân tộc của mẫu nghiên cứu thực trạng ….. 72
Bảng 3.29. Thống kê mô tả và kiểm nghiệm T về khả năng nhớ từ, nhớ số
và nhớ hình theo lớp của mẫu nghiên cứu thực trạng ………. 73
Bảng 3.30. Thống kê mô tả và kiểm nghiệm T về khả năng nhớ từ, nhớ số
và nhớ hình theo giới tính của mẫu nghiên cứu thực trạng … 74
Bảng 3.31. Thống kê mô tả và kiểm nghiệm T về khả năng nhớ từ, số và
hình theo địa điểm học tập của mẫu nghiên cứu thực trạng… 75
Bảng 3.32. Thống kê mô tả về khả năng nhớ từ, nhớ số và nhớ hình theo
học lực của mẫu nghiên cứu thực trạng …………………….. 75
Bảng 3.33. Kiểm nghiệm ANOVA và F về khả năng nhớ từ, nhớ số và
nhớ hình theo học lực của mẫu nghiên cứu thực trạng ……... 76
Bảng 3.34. Hậu kiểm Tukey HSD so sánh mức độ nhớ từ, nhớ số và nhớ
hình theo học lực của mẫu nghiên cứu thực trạng ………….. 77
Bảng 3.35. Thống kê mô tả và kiểm nghiệm T mức độ nhớ từ, số trước
khi thử nghiệm của nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm … 79
Bảng 3.36. Kết quả điểm số nhớ từ, nhớ số trước khi thử nghiệm của
nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm ……………………… 79
Bảng 3.37. Kết quả thống kê mô tả mức độ nhớ từ, nhớ số sau khi thử
nghiệm của nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm ………… 80
Bảng 3.38. Kiểm nghiệm T về khả năng nhớ từ, nhớ số của nhóm
đối chứng và nhóm thử nghiệm …………………………….. 81
Bảng 3.39. Kiểm nghiệm Wilcoxon cặp ghép với thứ hạng ghi dấu về khả
năng nhớ từ, số của nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm … 81
Bảng 3.40. Kết quả điểm số nhớ từ, nhớ số sau khi thử nghiệm của
nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm ……………………… 82
DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ - ĐỒ THỊ
Biểu đồ 3.1. Phân loại học sinh theo khả năng nhớ từ ………………….. 48
Biểu đồ 3.2. Phân loại học sinh theo khả năng nhớ số ………………….. 52
Biểu đồ 3.3. Phân loại học sinh theo khả năng nhớ hình .………………. 55
Biểu đồ 3.4. So sánh mức độ nhớ từ, nhớ số trước khi thử nghiệm giữa
nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm ……………………... 79
Biểu đồ 3.5. So sánh mức độ nhớ từ, nhớ số sau khi thử nghiệm giữa
nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm ……………………... 83
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Trí nhớ có vai trò quan trọng đối với nhận thức của con người cũng như đối
với khả năng học tập của học sinh. Không có khả năng ghi nhớ, con người không thể
hoạt động một cách bình thường. Nhờ tích lũy được nhiều tri thức, kinh nghiệm và
vận dụng chúng vào cuộc sống mà con người không ngừng cải tạo tự nhiên và xã hội
nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của bản thân. I.M. Xêtrênốp cho rằng trí
nhớ là “điều kiện cơ bản của cuộc sống tâm lí” là “cơ sở của sự phát triển tâm lí”,
“nếu không có trí nhớ thì các cảm giác, tri giác của chúng ta sẽ biến mất không để lại
dấu vết gì và do đó đẩy con người ta vĩnh viễn ở vào trạng thái của trẻ sơ sinh” [15,
tr.133]. Theo ông, không có trí nhớ thì không có kinh nghiệm, không có bất cứ một
hoạt động có ý nghĩa nào. Sự phát triển của trí nhớ như một trong những nhân tố
trọng yếu ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức và hoạt động của con người, “trí nhớ là
một điều kiện quan trọng để quá trình nhận thức lí tính diễn ra và làm cho quá trình
này đạt được kết quả hợp lí” [76, tr.106]. Do đó, khi nghiên cứu phải chú ý đến dung
lượng trí nhớ (DLTN) thể hiện ở khả năng ghi nhớ, giữ gìn và tái hiện lại số lượng
thông tin khi tiếp nhận chúng. “Chỉ số khối lượng ghi nhớ còn quan trọng ở chỗ nó là
cơ sở để phát triển các quá trình tâm lí nhận thức phức tạp khác (như tư duy)” [33,
tr.3].
1.2. Xuất phát từ nguyên tắc phương pháp luận về sự thống nhất giữa nhận thức
và hoạt động của con người thì, toàn bộ các phẩm chất tâm lí và nhân cách trong đó
có trí nhớ của cá nhân được hình thành, phát triển và biểu hiện thông qua hoạt động
của họ. Ở lứa tuổi học sinh trung học cơ sở (THCS), hoạt động học tập và lĩnh hội tri
thức là một trong những hoạt động chủ đạo. Chất lượng học tập của các em trong giai
đoạn này phần lớn phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ, gìn giữ và tái hiện tri thức tiếp
thu được. Nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động trí nhớ của học sinh THCS có sự tiến
bộ trong việc ghi nhớ tài liệu trừu tượng, các em học được cách ghi nhớ phù hợp với
nội dung, tính chất của tài liệu học tập do tiếp xúc với nhiều môn học và nhiều tri
thức phong phú đa dạng. Tuy nhiên, các hình thức ghi nhớ của học sinh phát triển đầy
đủ ở các mức độ khác nhau, đặc biệt đối với học sinh lớp 6, 7 (đầu cấp THCS), khi có
sự tác động củng cố tài liệu học tập.
1.3. Tìm hiểu khả năng phát triển trí nhớ của học sinh nói chung, DLTN và
những biến đổi của DLTN ở học sinh THCS nói riêng là một trong những nhiệm vụ
nghiên cứu của khoa học tâm lí-giáo dục hiện nay, vì nó là những vấn đề có liên quan
mật thiết và trực tiếp đến hiệu quả hoạt động dạy học.
1.4. Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (trên 200,000
người), xếp thứ 3 về số lượng so với cả nước (sau hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng)
[63, tr.6]. Do đó, nghiên cứu DLTN cho phép phát hiện khả năng thu nhận thông tin
cũng như nắm bắt những điều kiện tâm lí thuận lợi hoặc cản trở đến quá trình ghi nhớ
không chỉ đối với học sinh dân tộc Kinh mà còn học sinh dân tộc Khmer. Vì vậy, việc
khám phá và nắm bắt các quy luật trí nhớ đang diễn ra ở học sinh sẽ giúp cho các nhà
sư phạm có cơ sở để phát triển tốt trí nhớ của các em, góp phần nâng cao chất lượng
dạy học trong việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học ở cấp THCS
hiện nay.
1.5. Nghiên cứu DLTN của học sinh THCS còn là một vấn đề có ý nghĩa ở các
mặt sau:
- Về lý luận: góp phần làm sáng tỏ các đặc điểm về trí nhớ của học sinh THCS.
- Về thực tiễn: qua điều tra thực trạng và nguyên nhân cũng như thử nghiệm tác
động trong dạy học, góp phần hình thành và nâng cao khả năng ghi nhớ của học sinh.
Từ những lí do nêu trên chúng tôi thực hiện đề tài “Dung luợng trí nhớ của học
sinh lớp 6, 7 ở một số trường trung học cơ sở tỉnh Kiên Giang”.
2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Tìm hiểu dung lượng trí nhớ của học sinh lớp 6 và lớp 7 ở một số trường trung
học cơ sở tỉnh Kiên Giang và biến đổi của nó khi có tác động củng cố tài liệu. Từ đó
đề xuất một số biện pháp nâng cao khả năng ghi nhớ ở học sinh đầu cấp trung học cơ
sở.
3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Dung lượng trí nhớ của học sinh đầu cấp trung học cơ sở.
3.2. Khách thể nghiên cứu
- Khách thể nghiên cứu thực trạng là 370 học sinh lớp 6 và lớp 7 học tại bốn
trường trung học cơ sở tỉnh Kiên Giang.
+ Trường THCS Hùng Vương: 127 học sinh (lớp 6: 70 học sinh, lớp 7: 57 học
sinh).
+ Trường THCS Long Thạnh: 77 học sinh (lớp 6: 39 học sinh, lớp 7: 38 học
sinh).
+ Trường phổ thông dân tộc nội trú Hà Tiên: 78 học sinh (lớp 6: 37 học sinh, lớp
7: 41 học sinh).
+ Trường phổ thông dân tộc nội trú Giồng Riềng: 88 học sinh (lớp 6: 42 học
sinh, lớp 7: 46 học sinh).
- Khách thể nghiên cứu thử nghiệm là 60 học sinh lớp 6 (nhóm đối chứng: 30 và
nhóm thử nghiệm: 30) học tại trường THCS Long Thạnh.
4. GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU
4.1. Dung lượng trí nhớ của học sinh có những biến đổi chưa phù hợp với tác
động củng cố tài liệu ghi nhớ.
4.2. Dung lượng trí nhớ của học sinh phụ thuộc vào dân tộc, lứa tuổi, năng lực
học tập, kiểu nhân cách, điạ điểm học tập.
4.3. Có thể nâng cao khả năng ghi nhớ của học sinh bằng cách dạy học theo
nhóm.
5. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
5.1. Hệ thống hóa một số vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài: Trí nhớ, dung
lượng trí nhớ, tác động củng cố v.v…
5.2. Điều tra thực trạng số lượng và chất lượng về dung lượng trí nhớ, tác động
của các bài tập củng cố đến dung lượng trí nhớ của học sinh lớp 6, 7 ở một số trường
trung học cơ sở tỉnh Kiên Giang.
5.3. Tiến hành thử nghiệm một số biện pháp nhằm nâng cao khả năng ghi nhớ ở
học sinh đầu cấp trung học cơ sở tỉnh Kiên Giang.
6. GIỚI HẠN NGHIÊN CỨU
6.1. Giới hạn về nội dung nghiên cứu
Trong đề tài này, chúng tôi chỉ nghiên cứu thực trạng của dung lượng trí nhớ
(khả năng nhớ từ, nhớ số, nhớ hình) và những biến đổi của dung lượng trí nhớ khi có
tác động củng cố tài liệu liên quan mật thiết và trực tiếp đến việc học tập của học sinh
đầu cấp trung học cơ sở tỉnh Kiên Giang.
6.2. Giới hạn về khách thể nghiên cứu
Khách thể nghiên cứu được tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên ở 370 học sinh dân
tộc Kinh và Khmer đang học lớp 6 và lớp 7.
6.3. Giới hạn về không gian nghiên cứu
Số liệu được thu thập tại 4 trường trung học cơ sở nội và ngoại thành, thành phố
Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
7. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
7.1. Những cơ sở phương pháp luận nghiên cứu
Việc nghiên cứu được tiến hành theo các quan điểm và cách tiếp cận như sau:
7.1.1. Quan điểm hoạt động
Nghiên cứu dung lượng trí nhớ trong điều kiện dạy học thường ngày.
7.1.2. Quan điểm hệ thống - cấu trúc
Xét đối tượng nghiên cứu trong mối quan hệ về nhiều mặt: các yếu tố ảnh hưởng
đến dung lượng trí nhớ của học sinh lớp 6 và lớp 7, giữa các yếu tố chủ quan (kết quả
học tập, kiểu nhân cách, giới tính, lứa tuổi) và khách quan (địa điểm học tập) trực tiếp
chi phối việc dạy và học.
7.1.3. Cách tiếp cận của thuyết xử lý thông tin
Dung lượng trí nhớ được nghiên cứu trên cơ sở tiếp nhận và xử lý thông tin.
7.2. Những phương pháp nghiên cứu cụ thể
7.2.1. Phương pháp phân tích văn bản, tài liệu
Khái quát hóa một số vấn đề lý luận cơ bản, tham khảo các công trình nghiên
cứu có liên quan đến đề tài. Phân tích một số văn bản nhằm tìm hiểu thêm vấn đề
nghiên cứu và rút kinh nghiệm.
7.2.2. Phương pháp bài tập trắc nghiệm
Tiến hành soạn các bài tập nhớ từ theo phương pháp của A.R. Luria, các bài tập
nhớ số theo phương pháp của A.P. Nhechaiep và các bài tập nhớ hình theo phương
pháp của T.D. Martxinkovxkaia.
Phương pháp bài tập trắc nghiệm là phương pháp nghiên cứu chủ yếu của luận
văn.
7.2.3. Phương pháp trắc nghiệm
Tiến hành trắc nghiệm kiểu nhân cách của học sinh lớp 6, 7 bằng trắc nghiệm về
kiểu nhân cách của H.J. Eysenck.
7.2.4. Phương pháp tác động thử nghiệm
Thử nghiệm phương pháp học tập theo nhóm nhằm nâng cao khả năng ghi nhớ ở
học sinh đầu cấp trung học cơ sở.
7.2.5. Phương pháp thống kê toán học
Dùng các công thức thống kê để phân tích và xử lý số liệu điều tra nhằm định
lượng và định tính các kết quả nghiên cứu của đề tài.
8. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
- Đây là một trong những công trình luận văn thạc sĩ đầu tiên về dung lượng trí
nhớ và biến đổi của dung lượng trí nhớ khi có tác động củng cố tài liệu ở học sinh
đầu cấp trung học cơ sở của nước ta.
- Luận văn góp phần làm sáng tỏ các đặc điểm về trí nhớ của học sinh trung
học cơ sở.
- Kết quả thử nghiệm tác động trong dạy học, góp phần hình thành và nâng cao
khả năng ghi nhớ của học sinh.
9. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN
Luận văn gồm: phần mở đầu, nội dung nghiên cứu, kết luận, kiến nghị và phụ
lục.
- Mở đầu: khái quát những vấn đề chung.
- Nội dung nghiên cứu:
Chương 1: Cơ sở lí luận: sơ lược lịch sử nghiên cứu vấn đề, các khái
niệm cơ bản của luận văn.
Chương 2: Nội dung, phương pháp và tổ chức nghiên cứu.
Chương 3: Kết quả nghiên cứu.
- Kết luận và kiến nghị.
- Tài liệu tham khảo.
- Phụ lục.
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Lược sử nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Lược sử nghiên cứu vấn đề ở nước ngoài
Từ khi tâm lí học tách khỏi triết học và trở thành một khoa học độc lập, trí nhớ
được coi như một trong những vấn đề quan trọng của đời sống tâm lí con người. Trí
nhớ được quan tâm nghiên cứu trên nhiều bình diện:
1.1.1.1. Dưới góc độ sinh lí học thần kinh
Theo luận điểm của R. Simon và E.W. Gehring thì trí nhớ, hay “năng lực gìn
giữ các dấu vết”, là một “thuộc tính chung của vật chất” [32, tr.397]. Những khám
phá quan trọng của sinh lí học thần kinh hiện đại đã làm rõ được một vài cơ chế thầm
kín về sinh lí học thần kinh của trí nhớ: “tham gia vào việc gìn giữ các dấu vết của
hưng phấn… không chỉ của tế bào thần kinh mà của cả các glia xung quanh nó nữa”
[32, tr.400].
Theo học thuyết định khu các chức năng tâm lí thần kinh cao cấp trên vỏ não
linh hoạt và có hệ thống của A.R. Luria, trí nhớ cũng diễn ra nhờ hoạt động điều
khiển của vỏ não theo nguyên tắc hệ thống và linh hoạt. Để một quá trình trí nhớ diễn
ra thì nhiều vùng khác nhau trên vỏ não cùng tham gia điều khiển, hoạt động [33,
tr.46-47].
1.1.1.2. Trên bình diện tâm lí học
Có rất nhiều luận điểm khác nhau về trí nhớ [11, tr.15]:
Những người theo thuyết liên tưởng như D.S. Miller (1806-1873), A. Ben
(1818-1903), H. Spencer (1820-1903) xem liên tưởng là nguyên tắc quan trọng nhất
của sự hình thành trí nhớ nói riêng và các hiện tượng tâm lí nói chung. Theo quan
điểm này, sự xuất hiện hình ảnh tâm lí trong vỏ não bao giờ cũng diễn ra đồng thời
(hoặc kế tiếp nhau) với một hiện tượng tâm lí khác. Đóng góp quan trọng nhất của
các nhà tâm lí học liên tưởng là họ đã đề cập đến vai trò của chú ý có chủ định và của
ý chí như là điều kiện để ghi nhớ.
Trong công trình nghiên cứu của H. Ebbinghaus (1885) về sự khác biệt ở hai
nhóm người học thuộc lòng máy móc và học hiểu thấu ý nghĩa, trí nhớ đã trở thành
đối tượng thực nghiệm. Nhóm các nhà nghiên cứu này còn chứng minh rằng sự giống
nhau (similarity), tương phản (contrast), sự tiếp giáp về không gian và thời gian
(cotiquity) và sự liên kết chặt chẽ (coherency) sẽ làm tăng khả năng ghi nhớ.
Theo các nhà tâm lí học hình thái (gestalt), việc tổ chức tài liệu để nhớ có ý
nghĩa trong quá trình ghi nhớ. Họ xem ghi nhớ là sự tạo “dấu vết” trong vỏ não, nó
phụ thuộc vào việc tổ chức tài liệu khi tri giác, và khả năng cấu trúc hóa của tài liệu.
Keller đã làm thực nghiệm với tài liệu cần nhớ. Nếu trẻ em được xếp các đối tượng
gần nhau và giống nhau thì chúng nhớ tốt hơn các đối tượng khác. Ông cho trẻ em
nhớ các từ, số, hình được nhóm thành các cặp đồng loại và khác loại. Trong tất cả các
trường hợp, các thành phần đồng loại giống nhau đã được trẻ ghi nhớ tốt hơn là khác
loại. Mặt khác, theo các nhà tâm lí học hình thái, mỗi đối tượng đều có một cấu trúc
thống nhất của các yếu tố. Đó là cơ sở để tạo nên trong vỏ não một cấu trúc tương tự
của những dấu vết, và do đó, trí nhớ được hình thành.
Đối với các nhà phân tâm học, trí nhớ hiện ra dưới hình thức không chủ định là
chính. Yếu tố thúc đẩy con người ghi nhớ chính là sự say mê. Đại diện của thuyết
phân tâm học, S. Freud cho rằng khoái cảm và say mê làm cho người lớn nhớ tốt hơn.
Các nhà tâm lí học hành vi như B.F. Skinner đã đề cập đến vai trò của sự củng
cố (reinforcement) và nhắc lại các tài liệu (kích thích) trong quá trình nhớ. Trong tâm
lí học hành vi, vấn đề học tập chiếm vị trí trung tâm, và sự giải thích không giống
nhau về quá trình học tập đã dẫn đến các quan niệm khác nhau về trí nhớ.
Một hướng khác trong nghiên cứu tâm lí học là nhấn mạnh mặt tích cực của
hoạt động nhận thức. W. Wundt đã đưa ra khái niệm “tổng giác” và vai trò của tư duy
trong các chức năng tâm lí. Trong trí nhớ, các tác giả bắt đầu nhấn mạnh sự phụ
thuộc của trí nhớ vào tính tích cực của tri giác, chú ý, ý định và nhất là tính tích cực
của tư duy trong ghi nhớ. Tính có chủ định của trí nhớ còn phụ thuộc vào sự nổ lực
của ý chí.
Theo các nhà tâm lí học Mác xít A.N. Lêônchiép, A.A. Xmianôp, P.I.
Dintrencô, Z.M. Istômina, M.N. Sacdakốp: hoạt động của con người quyết định sự
hình thành tất cả các quá trình tâm lí, trong đó có trí nhớ. Theo đó, quá trình ghi nhớ,
gìn giữ và tái hiện được quy định bởi vị trí của tài liệu đối với hoạt động của cá nhân,
những quá trình đó có hiệu quả nhất khi tài liệu trở thành mục đích của hành động.
Đặc biệt, sự ghi nhớ - giai đoạn đầu tiên của quá trình ghi nhớ, không xảy ra trong
“nháy mắt”, mà nó là kết quả của hoạt động tích cực nhất định của con người với nội
dung tài liệu cần nhớ. Như vậy, sự hình thành những mối quan hệ giữa các biểu
tượng hay không, không chỉ được quy định bởi bản thân tính chất của tài liệu cần ghi
nhớ, mà trước hết còn phụ thuộc vào việc cá nhân làm gì với tài liệu ấy và vào đặc
điểm của hoạt động.
1.1.2. Lược sử nghiên cứu vấn đề ở Việt Nam
Năm 1962-1963, Tổ Tâm lí học thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội gồm
các tác giả Phạm Minh Hạc, Đặng Xuân Hoài, Lê Văn Hồng, Bùi Đình Mỹ, Nguyễn
Đức Anh… đã tiến hành một số thực nghiệm để tìm hiểu chỉ số trí nhớ ở học sinh
Việt Nam. Kết quả ghi nhớ máy móc của học sinh từ lớp 3 đến lớp 8 về khối lượng
ghi nhớ từ, số ở trường Yên Hòa, huyện Từ Liêm, Hà Nội không khác về chỉ số trí
nhớ so với học sinh các nước khác. Ở đây cũng thu được con số thần kỳ 7±2 do
Miller phát hiện ra [20, tr.19, 27-28]. Kết quả thực nghiệm cũng cho thấy một số khác
biệt trong trí nhớ ngôn ngữ giữa học sinh Việt Nam và học sinh cùng tuổi, cùng lớp ở
các nước khác. Những khác biệt ấy được quy định bởi đặc điểm của hệ thống ngôn
ngữ [20, tr.19].
Phạm Minh Hạc (1970), Trần Trọng Thủy, Võ Minh Chí (1995) nghiên cứu về
các hoạt động trí nhớ của những người trên phạm vi bán cầu đại não bị tổn thương và
những trẻ em chậm phát triển các vùng chức năng đã đưa ra kết luận, khi vùng thái
dương (diện 22 Brocman) có “sự cố” thì khối lượng ghi nhớ của con người sẽ bị thu
hẹp lại [33, tr.47].
Trần Trọng Thủy, Trần Thị Qua (1975) tìm hiểu độ nhanh, độ bền của trí nhớ
học sinh cấp II.
Phạm Ngọc Uyển (1979) tìm thấy sự tương quan về độ nhanh và độ bền của trí
nhớ học sinh cấp III [78].
Trương Thị Bảy (1981) tìm thấy mối tương quan giữa độ nhanh và độ bền của
trí nhớ ở học sinh cấp I. Trí nhớ này tùy thuộc vào hoạt động của trẻ, phụ thuộc vào
đối tượng ghi nhớ, vào mục đích của vấn đề ghi nhớ. Trí nhớ của trẻ phụ thuộc vào
đặc điểm của bản thân chủ thể: giới tính, lứa tuổi, trình độ học lực [1].
Đỗ Tấn Chi (1981) khi nghiên cứu về độ nhanh và độ bền của trí nhớ học sinh
cấp II cũng tìm thấy sự tương quan có ý nghĩa giữa độ nhanh và độ bền của trí nhớ
[3].
Lưu – Ô Y Nôm (1981) bước đầu nghiên cứu mối tương quan giữa ghi nhớ máy
móc và ghi nhớ có ý nghĩa của giáo sinh trường Sư phạm Mẫu Giáo [45].
Kết quả nghiên cứu của Lê Khanh và Lê Xuân Tiến (1983) về “phát triển trí
nhớ của học sinh trong những điều kiện khác nhau của dạy học” cho thấy: trí nhớ
lôgíc phát triển mạnh ở học sinh học theo nguyên tắc từ cái chung đến cái riêng, từ
trừu tượng đến cụ thể, sử dụng phương pháp học tập quan sát, thực nghiệm, mô hình
hoá... để tự chiếm lĩnh tri thức dưới sự điều khiển của giáo viên, và trí nhớ máy móc
phát triển mạnh đối với học sinh học tập theo cách dạy đọc chép, thông báo, minh
hoạ, giảng giải. Các tác giả đã thực nghiệm cách dạy học mới đồng thời ở ba môn
toán, sinh vật và mĩ thuật cho học sinh lớp 6H trường trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên –
Hà Nội với kết quả thu được về khả năng ghi nhớ dãy số bằng cách phân loại ở mức
khái quát cao của học sinh lớp thực nghiệm đạt 61,7%, còn lớp đối chứng chỉ chiếm
33%. Trong khi đó, chỉ có 8,6% số học sinh lớp thực nghiệm nhớ dãy số bằng cách
học thuộc lòng máy móc từng số hạn, thấp hơn hai lần so với lớp đối chứng là 18,4%.
Kết quả trên chứng tỏ bản thân cách dạy học có tác dụng rèn luyện trí nhớ học sinh
phù hợp với những đặc điểm của nó và ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển các
chức năng tâm lí đặc biệt là trí nhớ của học sinh [27].
Nguyễn Ngọc Thanh (1991) khi nghiên cứu “về việc phát triển trí nhớ học sinh
cấp II” đã nhận thấy khả năng ghi nhớ của học sinh lớp 6 và lớp 7 trường trung học
cơ sở Hoàn Kiếm – Hà Nội là bình thường, khối lượng ghi nhớ trung bình của các em
về từ là 5,2, về số là 8,0 và về hình là 3,0. Đồng thời, kết quả cũng cho thấy trí nhớ
của học sinh có thể thay đổi trong những điều kiện dạy học khác nhau, so với kết quả
nghi nhớ trước buổi học tính theo các giá trị trung bình và tỉ lệ phần trăm thì về cuối
hoặc sau buổi học, khả năng ghi nhớ giảm 2% về từ, 6% về số và hình [62].
Nguyễn Thị Ánh Mai (1998), khi tìm hiểu trí nhớ học sinh tiểu học tỉnh Sóc
Trăng dưới góc độ tâm lí thần kinh, đã nhận thấy khối lượng ghi nhớ có chủ định các
dạng tài liệu (từ ngữ, hình vẽ) khác nhau ở học sinh cuối bậc tiểu học các trường
huyện, thị xã Sóc Trăng là còn rất thấp: học sinh lớp 4 có khối lượng ghi nhớ trung
bình về từ ngữ là 3,7, về hình vẽ là 2,05, học sinh lớp 5 có khối lượng ghi nhớ trung
bình về từ ngữ là 4,1, về hình vẽ là 2,28. Như vậy, khối lượng ghi nhớ có chủ định
của học sinh cuối bậc tiểu học dao động xung quanh ngưỡng dưới chuẩn về khối
lượng ghi nhớ ở người trưởng thành (7±2). Tuy nhiên khối lượng ghi nhớ vẫn có
chiều hướng phát triển theo lứa tuổi: học sinh khối lớp 5 có khối lượng ghi nhớ tốt
hơn so với học sinh khối lớp 4 trong tỉnh [33].
Nghiên cứu của Lê Thị Minh Hà (2002) về “những điều kiện tâm lí của việc tổ
chức trò chơi học tập nhằm nâng cao trí nhớ có chủ định của trẻ 5-6 tuổi” cho thấy,
khi tổ chức trò chơi học tập phải vận dụng tổ hợp cả ba điều kiện tâm lí: tính mục
đích và tâm thế; mục đích, sự cố gắng và khả năng tự kiểm tra; mục đích và cách thức
nhớ thì sẽ nâng cao được trí nhớ có chủ định của trẻ 5-6 tuổi [12].
Kết quả nghiên cứu về “một số đặc điểm trí nhớ thị giác ngắn hạn của học sinh
tiểu học thị xã Yên Bái” của Đậu Khắc Tịnh và Nguyễn Văn Huy (2003), (2004) cho
thấy: khả năng trí nhớ thị giác ngắn hạn của học sinh tiểu học đo trước và sau buổi
học đối với các dãy số xếp theo quy tắc cao hơn so với dãy số xếp ngẫu nhiên, khả
năng nhớ dãy số kép thấp hơn dãy số đơn. Đồng thời, kết quả cũng cho thấy khả năng
trí nhớ thị giác ngắn hạn của học sinh lớp 5 tốt hơn lớp 3 và học sinh lớp 3 tốt hơn
lớp 2. Như vậy, khả năng trí nhớ thị giác ngắn hạn có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi
ở học sinh tiểu học. Ngoài ra, có thể thấy, ở lứa tuổi tiểu học, khả năng ghi nhớ máy
móc của học sinh nữ có xu hướng tốt hơn học sinh nam [68], [69].
Nghiên cứu của Trần Thị Thu Mai (2004) về “dung lượng trí nhớ làm việc và
khả năng đọc hiểu của học sinh tiểu học thành phố Hồ Chí Minh” cho thấy, khả năng
ghi nhớ trung bình về từ của học sinh tiểu học là 4,7, mức gần ngưỡng chuẩn của
người trưởng thành (7±2), mức độ nhớ trung bình về câu văn là 2,8 câu, thể hiện khả
năng xử lí thông tin, giữ gìn thông tin chưa cao và khả năng đọc hiểu của học sinh
tiểu học chưa đồng đều. Có sự tương quan một cách có ý nghĩa giữa khả năng nhớ từ,
nhớ câu văn và đọc hiểu của học sinh tiểu học. Ngoài ra, tác giả cũng tìm thấy mối
liên hệ giữa DLTN làm việc và khả năng đọc hiểu của học sinh tiểu học phụ thuộc
vào kiểu nhân cách, địa điểm học tập, lứa tuổi và năng lực học tập của học sinh [38].
Tóm lại, trí nhớ và sự phát triển trí nhớ của học sinh đã được tìm hiểu nhiều
nhưng việc nghiên cứu DLTN của học sinh lớp 6 và lớp 7 tại Kiên Giang trong điều
kiện củng cố tài liệu cho đến nay chưa có công trình nào đề cập đến. Điều này thôi
thúc chúng tôi nghiên cứu nhằm vạch ra bức tranh về mức độ trí nhớ của học sinh lớp
6, 7 để rút ra các kết luận sư phạm thỏa đáng góp phần làm tăng DLTN học sinh đầu
cấp trung học cơ sở nói riêng, học sinh phổ thông nói chung.
1.2. Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu
1.2.1. Một số khái niệm liên quan đến đề tài
1.2.2.1. Khái niệm trí nhớ
Trí nhớ là một quá trình tâm lí phản ánh những kinh nghiệm của cá nhân dưới
hình thức biểu tượng, bao gồm sự ghi nhớ, gìn giữ và tái hiện sau đó ở trong óc cái
mà con người đã cảm giác, tri giác, rung động, hành động hay suy nghĩ trước đây [17,
tr.172].
1.2.2.2. Khái niệm dung lượng trí nhớ
Dung lượng trí nhớ là phạm vi, mức độ hay đơn vị thông tin được ghi nhớ lại
vào một thời điểm nào đó [38, tr.40].
1.2.2.3. Tác động củng cố
Là hình thức nâng cao hiệu quả ghi nhớ bằng cách cho tác nhân kích thích tác
động lặp đi lặp lại nhiều lần lên chủ thể ghi nhớ.
1.2.2. Phân loại trí nhớ
Khi phân loại trí nhớ người ta thường xuất phát từ những tiêu chí sau [17,
tr.176-179]:
1.2.2.1. Theo nguồn gốc hình thành
Trí nhớ giống loài: là loại trí nhớ được hình thành trong quá trình phát triển
chủng loại, di truyền từ đời này sang đời khác, mang tính chung cho cả giống và loài.
Nó được biểu hiện dưới hình thức bản năng, phản xạ không điều kiện.
Trí nhớ cá thể: loại trí nhớ này được hình thành trong quá trình phát triển cá
thể, mang tính chất đặc trưng cho từng cá thể. Ở động vật, loại trí nhớ này được biểu
hiện bằng những kĩ xảo, những phản xạ có điều kiện. Ở người, trí nhớ cá thể được
biểu hiện ở vốn kinh nghiệm phong phú của từng cá nhân.
1.2.2.2. Theo nội dung được phản ánh trong trí nhớ
Trí nhớ vận động: là loại trí nhớ phản ánh những quá trình vận động, ít nhiều mang
tính chất phức hợp. Trí nhớ vận động có vai trò quan trọng trong việc hình thành kĩ xảo
trong lao động chân tay.
Trí nhớ xúc cảm: Đây là loại trí nhớ về những xúc cảm, tình cảm đã diễn ra trong
hoạt động trước đây. Những xúc cảm, tình cảm đó trở thành một loại tính hiệu đặc biệt,
thúc đẩy hoặc kìm hãm hành động của con người. Trí nhớ xúc cảm là yếu tố quan trọng
giúp cá nhân cảm nhận được các giá trị thẩm mỹ cũng như khả năng đồng cảm với người
khác.
Trí nhớ hình ảnh: là loại trí nhớ đối với một ấn tượng mạnh thuộc về một cơ quan
cảm giác. Dưạ vào các cơ quan cảm giác tham gia vào ghi nhớ và nhớ lại, trí nhớ hình ảnh
được chia thành trí nhớ nghe, trí nhớ nhìn…
Trí nhớ từ ngữ - lôgíc: là loại trí nhớ phản ánh những ý nghĩ, tư tưởng của con
người. Loại trí nhớ này giữ vai trò chủ đạo của con người trong cuộc sống và giữ vai trò
chính trong sự lĩnh hội tri thức.
1.2.2.3. Theo mục đích của hoạt động
Trí nhớ không chủ định: là loại trí nhớ không đặt ra mục đích chuyên biệt để ghi
nhớ, xuất hiện cùng với sự phát sinh cá thể. Trong cuộc sống, chúng ta ghi nhớ nhiều sự
kiện một cách không chủ định nhưng vẫn thu thập được nhiều kinh nghiệm sống có giá trị.
Trí nhớ có chủ định: là loại trí nhớ gắn liền với mục đích xác định đặt ra từ trước để
ghi nhớ, gìn giữ và tái hiện điều gì đó. Loại trí nhớ này xuất hiện sau trí nhớ không chủ
định nhưng ngày càng tham gia nhiều hơn vào quá trình tiếp thu tri thức. Trong hoạt động,
trí nhớ có chủ định luôn giữa vai trò quan trọng và con người thường dùng những biện
pháp có tính chất kĩ thuật để ghi nhớ.
1.2.2.4. Theo thời gian củng cố và gìn giữ
Dựa vào thời gian gìn giữ tài liệu, các nhà tâm lí học đã phân biệt trí nhớ ngắn hạn
và trí nhớ dài hạn.
Trí nhớ ngắn hạn: là trí nhớ ở ngay sau giai đoạn vừa ghi nhớ diễn ra. Đó là giai
đoạn đầu khi dấu vết do sự ghi nhớ mang lại mới được hình thành, chưa được củng cố
vững chắc. Giai đoạn này có vai trò quan trọng trong quá trình tiếp thu kinh nghiệm và
được xem như là một giai đoạn đặc biệt của ghi nhớ, gìn giữ và tái hiện thông tin. Trong
trí nhớ ngắn hạn, sự tái hiện diễn ra ngay lập tức sau vài giây tri giác tài liệu. Chức năng
của trí nhớ ngắn hạn là chuyển thông tin vào trí nhớ dài hạn khi thông tin được nhẩm lại
hay chi tiế._.t hoá.
Trí nhớ dài hạn: là sự gìn giữ một tài liệu lâu dài trong trí nhớ sau khi đã thường
xuyên nhắc lại và tái hiện nó. Quá trình trọn vẹn của trí nhớ dài hạn bắt đầu từ trong trí
nhớ ngắn hạn bằng cách củng cố dấu vết mới được hình thành. Chức năng của trí nhớ
dài hạn là lưu trữ toàn bộ kiến thức, năng lực và kinh nghiệm của cá nhân làm nguyên
liệu để mỗi người khai thác, sử dụng khi thực hiện một hành động nào đó.
1.2.3. Các quá trình cơ bản của trí nhớ
Theo các tác giả Phạm Minh Hạc, Phạm Hoàng Gia, Trần Trọng Thuỷ, Nguyễn
Quang Uẩn thì trí nhớ của con người bao gồm các quá trình cơ bản như: ghi nhớ, gìn
giữ, tái hiện và quên [17, tr.179-184]. Mỗi quá trình riêng lẽ này đều có một vị trí và
chức năng nhất định nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau do hoạt động của cá
nhân quy định.
1.2.3.1. Quá trình ghi nhớ
Ghi nhớ là quá trình hình thành dấu vết, “ấn tượng” của đối tượng mà con người
đang tri giác trên vỏ não, đồng thời cũng là quá trình hình thành mối quan hệ giữa tài
liệu mới với tài liệu cũ đã có, cũng như mối liên hệ giữa các bộ phận của bản thân tài
liệu với nhau.
Hiệu quả của việc ghi nhớ không chỉ phụ thuộc vào nội dung, tính chất của tài liệu
cần nhớ mà còn phụ thuộc vào hứng thú, xúc cảm, động cơ, mục đích và phương pháp
ghi nhớ của cá nhân với tài liệu đó.
Dựa vào mục đích và phương pháp ghi nhớ mà quá trình ghi nhớ được chia
thành các loại sau:
- Ghi nhớ không chủ định
Là loại ghi nhớ không có mục đích đặt ra từ trước, không đòi hỏi sự nổ lực ý
chí mà tài liệu được ghi nhớ một cách tự nhiên. Hiệu quả của ghi nhớ không chủ định
thường gắn liền với nhu cầu, hứng thú và xúc cảm mạnh mẽ của cá nhân, phụ thuộc
vào sự hấp dẫn bởi tính chất bề ngoài của đối tượng ghi nhớ như hình dáng, màu sắc,
âm thanh, mùi vị, sự di động và những đặc điểm khác của đối tượng.
Trong dạy học, ghi nhớ không chủ định có thể giúp học sinh thu thập nhiều
kinh nghiệm sống có giá trị mà không đòi hỏi một sự nổ lực đặc biệt nào, vì vậy cần
tạo được ở học sinh động cơ học tập đúng đắn và hứng thú sâu sắc với môn học sẽ
giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ tài liệu một cách không chủ định và việc học sẽ trở nên
nhẹ nhàng, hấp dẫn. Ghi nhớ không chủ định sẽ đạt hiệu quả khi nội dung tài liệu ghi
nhớ có khả năng tạo ra ở học sinh một sự tập trung chú ý cao độ hay một xúc cảm
mạnh mẽ.
- Ghi nhớ có chủ định
Là loại ghi nhớ theo một mục đích đã định từ trước, nó đòi hỏi sự nổ lực ý chí
cũng như lựa chọn các thủ thuật và phương pháp ghi nhớ xác định. Hiệu quả của ghi
nhớ có chủ định phụ thuộc chủ yếu vào động cơ, mục đích và việc cá nhân sử dụng
phương pháp ghi nhớ phù hợp.
Trong dạy học và giáo dục, ghi nhớ có chủ định đóng vai trò quan trọng trong
việc giúp học sinh tiếp thu tri thức khoa học một cách có hệ thống và lôgíc. Nếu được
hướng dẫn biết cách lựa chọn những hình thức ghi nhớ hợp lí cũng như xác định rõ
ràng mục đích và nội dung ghi nhớ sẽ giúp học sinh ghi nhớ tài liệu được dễ dàng,
bền vững và nhiều hơn.
Ghi nhớ có chủ định được thực hiện bằng hai phương pháp: ghi nhớ máy móc
và ghi nhớ có ý nghĩa.
+ Ghi nhớ máy móc
Là loại ghi nhớ dựa trên sự lặp đi lặp lại tài liệu một cách đơn giản, tạo ra mối
liên hệ bề ngoài của tài liệu mà không thấu hiểu được nội dung tài liệu. Ghi nhớ máy
móc phụ thuộc vào khả năng nhận thức, vào động cơ và mục đích ghi nhớ của cá
nhân. Ghi nhớ máy móc xuất hiện khi cá nhân không hiểu hay không chịu tìm hiểu ý
nghĩa của tài liệu. Ngoài ra, khi tài liệu ghi nhớ không có nội dung khái quát, các
phần của tài liệu rời rạc không có mối quan hệ hữu cơ với nhau hay do yêu cầu của
công việc cần phải trả lời chính xác (như số điện thoại, số tài khoảng ngân hàng, ngày
tháng năm sinh…) mà ghi nhớ máy móc trở nên hữu ích.
+ Ghi nhớ có ý nghĩa
Là loại ghi nhớ dựa trên sự thông hiểu nội dung của tài liệu, nắm bắt được mối
liên hệ lôgíc giữa các bộ phận của tài liệu. Ghi nhớ có ý nghĩa là loại ghi nhớ diễn ra
chủ yếu đối với hoạt động trí tuệ, nó tiêu hao nhiều năng lượng thần kinh do sự nổ
lực của tư duy, sự tập trung chú ý nhưng tốn ít thời gian hơn ghi nhớ máy móc mà tài
liệu lại được thông hiểu một cách sâu sắc. Quá trình ghi nhớ có ý nghĩa có thể diễn ra
theo các bước sau: bước một: hiểu ý nghĩa chung, bước hai: phân tích nội dung, bước
ba: rút ra ý nghĩa chính, bước bốn: khái quát chung và bước năm: thuộc lòng nội
dung đã tóm tắt.
Trong thực tiễn, ghi nhớ máy móc và ghi nhớ có ý nghĩa luôn gắn chặt và bổ
sung cho nhau giúp con người ghi nhớ tốt. Vì vậy, trong học tập, cần hướng dẫn học
sinh biết kết hợp chặt chẽ cả hai cách ghi nhớ trên nhằm đem lại hiệu quả cao trong
việc lĩnh hội tri thức.
Ngoài ra, ghi nhớ có chủ định còn được thực hiện bằng cách học thuộc lòng và
sử dụng thuật nhớ.
+ Học thuộc lòng
Là sự kết hợp ghi nhớ có ý nghĩa với ghi nhớ máy móc dựa trên sự thông hiểu
nội dung tài liệu. Thực tế cho thấy, học thuộc lòng rất hữu ích với các định nghĩa,
định luật, các bài khóa, các từ nước ngoài hay giáo án v.v…
+ Thuật nhớ
Là một dạng ghi nhớ có chủ định bằng cách tự tạo ra những mối liên hệ bề
ngoài, giả tạo, có vận dụng sự liên tưởng để ghi nhớ.
Nhiều nghiên cứu thực nghiệm về trí nhớ đã chỉ ra rằng chất lượng và hiệu quả
của ghi nhớ có chủ định phụ thuộc vào các yếu tố sau:
+ xác định mục đích ghi nhớ
+ xác định nội dung trọng tâm vấn đề cần ghi nhớ
+ lựa chọn biện pháp, thủ thuật ghi nhớ (cách tổ chức, sắp xếp, phân loại tài
liệu cần ghi nhớ, các thao tác, sự kiểm tra, thời gian tương ứng với khái niệm cần ghi
nhớ…)
+ sự nỗ lực, tích cực và độc lập của cá nhân trong việc ghi nhớ tài liệu.
Ngoài ra còn có sự tham gia của quá trình nhận thức (như cảm giác, tri giác, tư
duy, tưởng tượng) và các quá trình tâm lí khác như hứng thú, xúc cảm, ý chí v.v… góp
phần làm tăng hiệu quả và chất lượng của ghi nhớ có chủ định.
Trong quá trình phát sinh chủng loại thì ghi nhớ không chủ định bao giờ cũng
xuất hiện trước ghi nhớ có chủ định. Đối với học sinh trung học cơ sở thì ghi nhớ có
chủ định dần chiếm ưu thế, vì vậy, học sinh cần được hướng dẫn biết cách kết hợp
hai cách ghi nhớ không chủ định và có chủ định nhằm đem lại hiệu quả học tập cao
nhất.
1.2.3.2. Quá trình gìn giữ
Là quá trình củng cố vững chắc những dấu vết đã được hình thành trên vỏ não.
Có hai hình thức gìn giữ: tiêu cực và tích cực. Gìn giữ tiêu cực là gìn giữ dựa trên sự
tri giác lại tài liệu nhiều lần một cách đơn giản, còn gìn giữ tích cực là sự gìn giữ
được thực hiện bằng cách nhớ lại trong óc tài liệu đã ghi nhớ mà không cần tri giác
lại nó. Trong hoạt động học tập của học sinh, quá trình gìn giữ được thể hiện qua việc
ôn tập thường xuyên và vận dụng những tri thức đã thu được vào quá trình ghi nhớ
những tri thức mới.
1.2.3.3. Quá trình tái hiện
Tái hiện là quá trình làm sống lại trong ý thức những nội dung đã ghi nhớ trước
đây. Căn cứ vào tính chất và mức độ của quá trình tái hiện mà chúng thường được
chia thành ba loại: nhận lại, nhớ lại và hồi tưởng.
* Nhận lại
Là sự nhớ lại một đối tượng nào đó trong điều kiện tri giác lại đối tượng đó.
Nhận lại là khâu tái hiện đơn giản. Tính chính xác và tốc độ nhận lại ở mỗi cá nhân là
khác nhau phụ thuộc vào độ bền vững của trí nhớ và sự đổi khác của đối tượng hiện
đang tri giác so với trí nhớ trước kia về chúng. Khi đối tượng cũ và mới có sự tương
đồng và dấu vết ghi nhớ trước đây là bền vững thì sự nhận lại diễn ra nhanh chóng.
Ngược lại, nếu hình ảnh ghi nhớ trước đây và đối tượng hiện đang tri giác có sự đổi
khác nhiều thì quá trình nhận lại sẽ mất nhiều thời gian và tâm trí.
* Nhớ lại
Là quá trình làm sống lại những hình ảnh đã được ghi nhớ trước đây mà không
cần dựa vào sự tri giác lại nó. Nhớ lại là một quá trình phức tạp mang tính tích cực và
sáng tạo đòi hỏi tập trung nhiều năng lực tinh thần. Kết quả của quá trình nhớ lại phụ
thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng ghi nhớ, biện pháp ghi nhớ và gìn giữ tài liệu
trong óc mỗi người. Thông thường, người nào ghi nhớ và gìn giữ tốt sẽ nhớ lại tốt vì
sự ghi nhớ đa phần chịu ảnh hưởng bởi động cơ, xúc cảm và hứng thú của cá nhân.
* Hồi tưởng
Hồi tưởng là hình thức tái hiện tích cực đòi hỏi sự nổ lực rất nhiều của trí tuệ.
Kết quả của hồi tưởng phụ thuộc vào việc cá nhân ý thức rõ ràng, chính xác nội dung
của nhiệm vụ tái hiện đến mức nào. Trong hồi tưởng, những ấn tượng cũ không được
tái hiện một cách máy móc mà nó được tổ chức sắp xếp lại, gắn với những sự kiện
mới làm cho cá nhân ý thức được đối tượng tái hiện một cách sâu sắc.
1.2.3.4. Sự quên
Là không làm sống lại được nội dung đã ghi nhớ trước đây vào thời điểm cần
thiết.
Quên có nhiều mức độ khác nhau: quên toàn bộ (không nhớ lại và không nhận
lại được) hay quên một phần (không nhớ lại nhưng nhận lại được). Tuy nhiên, theo
Penfield “không có sự quên hoàn toàn tuyệt đối, chỉ có điều cá nhân không làm sống
lại được điều đã ghi nhớ trước đây khi cần thiết mà thôi, vì trên vỏ não vẫn để lại
những dấu vết nhất định” [77, tr.101]. Vào một thời điểm khác nó có thể được nhớ
lại, hiện tượng này lí giải tại sao đột nhiên cá nhân nhớ lại điều mà trước đó họ đã
hoàn toàn quên.
Sự quên của con người diễn ra theo quy luật: những gì không được sử dụng
thường xuyên, ít liên quan đến cuộc sống hàng ngày hoặc không phù hợp với nhu
cầu, hứng thú và sở thích của cá nhân thì mức độ quên càng nhanh. Bằng thực
nghiệm, H. Ebbinghaus (1885) và nhiều tác giả khác đã chứng minh rằng “ngay sau
lần thứ nhất tiếp xúc với tài liệu, tốc độ quên xảy ra rất nhanh rồi sau đó chậm dần”
[76, tr.117]. Trong dạy học, cần chú ý đến quy luật này nhằm giúp học sinh chống lại
sự quên.
Tóm lại, quên là một cơ chế tất yếu và là một hiện tượng hữu ích trong hoạt động
bình thường của trí nhớ nhằm giúp cá nhân tiếp nhận được những tri thức mới. Theo
Páplốp “quên là phản ánh bình thường của cơ thể, nhằm đảm bảo giữa hai quá trình
hưng phấn và ức chế của vỏ não” [33, 33]. Sự quên diễn ra nhanh hay chậm không chỉ
phụ thuộc vào thời gian mà còn phụ thuộc vào mức ý nghĩa của nội dung tài liệu ấy đối
với hoạt động của cá nhân như thế nào.
1.2.4. Đặc điểm trí nhớ của học sinh trung học cơ sở
Trí nhớ của con người được hình thành trong hoạt động và do hoạt động quy
định. Vì vậy, nội dung và đặc điểm của trí nhớ cũng thay đổi theo sự biến đổi của
nhân cách trong từng giai đoạn phát triển. Ở lứa tuổi thiếu niên, trí nhớ có những đặc
điểm cơ bản sau:
Khả năng ghi nhớ có chủ định của học sinh THCS có sự phát triển đáng kể,
cách thức ghi nhớ được cải tiến, hiệu quả và khối lượng ghi nhớ được tăng lên rõ rệt
so với học sinh tiểu học. Thực nghiệm của tổ tâm lí trường Đại học sư phạm Hà Nội
đã chứng tỏ rằng: “Khi cùng ghi nhớ một tài liệu cụ thể học sinh lớp 6 hơn học sinh
lớp 4 là 1,6 lần nhưng đối với tài liệu trừu tượng thì hơn 2,8 lần” [10, tr.53].
Để ghi nhớ những tài liệu phức tạp các em đã có kỹ năng sắp xếp nội dung bài
theo trình tự lôgíc, chia bài ra thành nhiều đoạn có ý nghĩa, hệ thống hóa các đoạn ấy
và xây dựng được những mối liên hệ giữa các phần của bài. Tính hệ thống trong việc
lĩnh hội tri thức tăng lên nhờ việc thiết lập những mối liên tưởng ngày càng phức tạp
và sâu sắc.
Theo Iu.A. Xamarin và các cộng sự cho thấy: giai đoạn đầu trong quá trình
hình thành tính hệ thống kiến thức của thiếu niên là giai đoạn liên tưởng cục bộ. Đặc
điểm của giai đoạn này là sự hình thành những liên tưởng riêng lẻ, không nằm trong
hệ thống chung của kiến thức mà là những khâu trong kiến thức. Giai đoạn thứ hai là
sự hình thành những liên tưởng có tính chất hệ thống nhưng mang tính bộ phận. Đó là
những hiểu biết bộ phận về sự vật và hiện tượng, những kiến thức này vẫn còn tách
rời nhau. Giai đoạn thứ ba là sự hình thành những liên tưởng trong nội bộ hệ thống,
phản ánh những kiến thức trong phạm vi một bộ môn, giúp học sinh phân loại những
hiện tượng đã học theo dấu hiệu thời gian, theo các tương quan không gian và các
quan hệ nhân quả. Nhờ những liên tưởng này học sinh xây dựng được những mối liên
hệ giữa những lĩnh vực tri thức khác nhau của các môn học, hiểu được những tính
chất chung, thống nhất giữa các kiến thức khoa học khác nhau và đó chính là cơ sở
của thế giới quan [10, tr.52].
Cùng với sự tiến bộ của trí tuệ, hoạt động trí nhớ của học sinh THCS cũng
đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, vai trò của ghi nhớ có ý nghĩa và ghi nhớ từ
ngữ lôgíc ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động và nhận thức. Các em có
khả năng điều khiển và điều chỉnh trí nhớ của mình một cách có chủ định, biết tổ
chức việc ghi nhớ có ý nghĩa bằng cách sử dụng sơ đồ lôgíc và dựa vào các điểm tựa
để ghi nhớ.
Theo A.V. Petrovski, hoạt động trí nhớ của học THCS có sự phát triển hơn học
sinh tiểu học ở những đặc điểm sau:
+ Tăng thêm vốn thủ thuật ghi nhớ gián tiếp và số lượng những trường hợp sử
dụng chúng
+ Số lượng học sinh biết áp dụng những thủ thuật đó nhiều hơn
+ Việc áp dụng những thủ thuật ghi nhớ ngày càng có ý thức, có chủ định và
có mục đích. Có sự phụ thuộc trực tiếp giữa việc sử dụng những thủ thuật ghi nhớ,
mức độ nắm vững những thủ thuật đó với hiệu quả ghi nhớ và tái hiện [49, tr.176].
Do yêu cầu ngày càng cao của nhà trường về tính độc lập trong học tập cũng như
sự mở rộng nguồn thu nhận thông tin, học sinh THCS tích cực tìm kiếm những phương
pháp ghi nhớ có hiệu quả để làm giàu trí nhớ bản thân và hình thành cho mình một phong
cách học tập nhất định. Điều này làm cho cách thức ghi nhớ của học sinh ngày càng đa
dạng và phong phú. Các em biết chọn cách ghi nhớ thích hợp tùy theo yêu cầu và tính chất
của nội dung tài liệu học tập.
Đối với học sinh đầu cấp THCS, các em bước đầu học được cách sử dụng các
thao tác như so sánh, phân loại, hệ thống hóa để ghi nhớ và tái hiện tài liệu theo cách
hiểu của mình. Điều này hình thành ở học sinh khả năng phân tích, tổng hợp, liên
tưởng phức tạp hơn so với cấp học trước. Trí nhớ của học sinh đầu cấp THCS dần
tăng cường tính chất chủ định, có tổ chức, tiến bộ hơn trong việc ghi nhớ tài liệu trừu
tượng, ghi nhớ máy móc ngày càng nhường chỗ cho ghi nhớ lôgíc và ghi nhớ ý nghĩa.
Hiệu quả của việc ghi nhớ có chủ định do mức độ tích cực hoạt động trí tuệ của
học sinh quyết định. Nhiều công trình thực nghiệm đã chỉ ra rằng, sự phát triển trí
nhớ của học sinh gắn liền với sự phát triển tư duy của các em. Ngoài ra, trí nhớ của
học sinh cũng phụ thuộc vào nội dung tài liệu ghi nhớ, đặc điểm của hoạt động và
mức độ nắm vững phương pháp, cách thức thích hợp để ghi nhớ. “Nếu hoạt động học
tập của học sinh được tổ chức theo con đường khái quát hoá nội dung thì cả tư duy lí
luận lẫn trí nhớ lôgíc đều được hình thành và phát triển ngay ở học sinh đầu tuổi học”
[15, tr.143].
Theo A.V. Petrovski, giữa hai nhóm học sinh ghi nhớ tốt và ghi nhớ kém có sự
khác biệt về tính chất của hoạt động trí nhớ. “Những học sinh lớp V thuộc nhóm ghi
nhớ tốt không những sử dụng rộng rãi những thủ thuật thuần tuý bề ngoài, mà còn
dùng một vài cách gián tiếp để học thuộc (liên tưởng, tách ra các điểm tựa, chia thành
nhóm theo ý nghĩa). Nét đặc trưng đối với học sinh VIII là nhóm này sử dụng có ý
thức, có ý định những thủ thuật gián tiếp ngay trong quá trình ghi nhớ và cũng tìm
những thủ thuật đặc thù cho từng loại tài liệu. Sự phân tích nội dung tài liệu, sự phân
tích nét độc đáo và lôgíc bên trong của nó bắt đầu giữ vị trí trung tâm. Đối với những
em này thì nét đặc trưng là tính linh hoạt trong việc lựa chọn những cách học thuộc,
những em khác ưa thích một cách thức nào đó, còn một vài em thì cố gắng sắp xếp
theo trật tự và chế biến một cách lôgíc bất kỳ tài liệu nào” [49, tr.176].
Tuy nhiên, trí nhớ của học sinh đầu cấp THCS đang trong giai đoạn hoàn thiện
nên không tránh khỏi một số biểu hiện sai lầm cần được uốn nắn trong quá trình ghi
nhớ tài liệu. Vì ngại lập dàn bài, tìm ý chính nên một số em có xu hướng đối với bất
kỳ loại bài nào cũng học thuộc lòng cho nhanh. Ngược lại, khi cần học thuộc lòng thì
các em lo ngại, coi thường việc ghi nhớ chính xác và có quan niệm cho học thuộc
lòng là học vẹt. Điều này đem lại kết quả không tốt cho sự phát triển trí nhớ của các
em theo hướng trí tuệ hoá và ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập. “Những học
sinh lớp V thuộc loại ghi nhớ kém không biết tập trung sự nỗ lực của mình vào công
việc, chúng tiêu cực (bị động) về mặt trí tuệ, còn hoạt động trí nhớ của học sinh lớp
VIII thuộc nhóm này có tính định hình và tính trì trệ, những phương thức chế biến tài
liệu nghèo nàn, đơn điệu và không đặc thù. Nét tiêu biểu đối với chúng là biện pháp
“nhồi nhét” tư duy tựa hồ như không tham gia vào ghi nhớ” [49, tr.176]. Các em cần
sự hướng dẫn thiết lập mối liên hệ về hệ thống kiến thức giữa các môn học, vận dụng
cả hai cách ghi nhớ máy móc và ghi nhớ có ý nghĩa một cách hợp lí, theo yêu cầu và
tính chất của từng loại nội dung tài liệu để hiệu quả học tập được nâng cao hơn.
1.2.5. Vài nét về đồng bào và học sinh dân tộc Khmer ở Kiên Giang
1.2.5.1. Đặc điểm đời sống văn hoá xã hội đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang
Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của tổ quốc với diện tích tự nhiên là
6.222 km2, rộng nhất các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ
18 so với 64 tỉnh thành trong cả nước. Kiên Giang có 14 huyện thị với tổng dân số
năm 2003 là 1,611,746 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 12,26%
(tập trung chủ yếu ở 3 huyện Gò Quao, Châu Thành, Giồng Riềng) cùng sinh sống
với cộng đồng người Kinh (84,54%), người Hoa (2,9%) và các dân tộc khác ( 0,3%)
[63, tr.1,35], [21, 1].
Đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa
nước, cư trú phân tán rải rác ở các phum sóc, ở vùng sâu, ven biên giới và thường tập
trung ở dọc các kênh rạch. Người dân Khmer tôn sùng đạo Phật nên thường cho con
vào chùa tu để thể hiện sự coi trọng chùa chiền, quý trọng sư sãi, ngoài ra còn học
văn hoá và đạo lý làm người. “Họ quan niệm rằng chỉ có con đường đi tu mới thành
người, trình độ mới được nâng lên, mới có đủ cơ sở để lý giải những vấn đề phức tạp
của cuộc sống, mới thắng được những đau khổ ở đời làm cho tâm con người có được
sự tĩnh tại, thông minh sáng suốt để quyết đoán công việc” [44, 27]. Có thể nói, ở đâu
có phum sóc là ở đó có chùa Khmer (toàn tỉnh có 72 ngôi chùa Khmer) và chùa cũng
là tụ điểm văn hoá, giáo dục của đồng bào dân tộc Khmer.
Cũng như các dân tộc anh em khác, đồng bào Khmer có truyền thống đoàn kết,
lao động cần cù không ngại gian khổ, là những người “rất tôn trọng đạo lý, chân
thành với bạn bè, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, ngay thẳng, thật thà, bộc lộ rõ quan
điểm nhận thức của mình với mọi người” [44, tr.27]. Tuy nhiên tính tình thường ít
nói, ít quan tâm đến sự biến đổi của xã hội và không vừa lòng với sự dối trá, những
điều trái với đạo lý làm người. Trong cuộc sống, hầu như họ ít nghĩ tới việc tích lũy
mà thường làm ngày nào ăn ngày đó theo lối tư duy tự cấp tự túc, mang đậm tính
nhận thức “trời kêu ai nấy dạ”, ít quan tâm đến việc học tập của con cái.
Nhìn chung, đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang gặp nhiều khó khăn trong
sản xuất và đời sống hàng ngày, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân
trí và trẻ em đúng tuổi đến trường còn hạn chế, tình trạng cúng lễ tốn kém, tỷ lệ mù
chữ và tỷ lệ sinh nở cao vẫn khá phổ biến.
1.2.5.2. Đặc điểm tình hình phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc Khmer
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế của Kiên Giang, đời
sống của đồng bào dân tộc Khmer từng bước được cải thiện. Đặc biệt là sau khi Chỉ
thị 68/CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ra đời đã tạo được
một sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức lẫn hành động đối với cấp ủy và
chính quyền địa phương các cấp. Nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ đối với đồng bào
dân tộc nói chung, đồng bào Khmer nói riêng, đã được cụ thể hoá, đặc biệt là trong
lĩnh vực giáo dục đào tạo, ngân sách đầu tư cho phát triển giáo dục vùng dân tộc đều
tăng hàng năm. Năm học 2001-2002, ngân sách đầu tư cho giáo dục vùng đồng bào
dân tộc là 5.660.000.000 đồng, trong đó kinh phí chi thường xuyên là 4.312.000.000
đồng, chi phí mua sách giáo khoa trang bị cho học sinh các xã 135 và học sinh người
dân tộc là 1.348.000.000 đồng, đến năm học 2005-2006, ngân sách đầu tư cho giáo
dục vùng đồng bào dân tộc là 9.137.000.000 đồng, trong đó kinh phí chi thường
xuyên là 6.417.000.000 đồng, chi phí mua sách giáo khoa trang bị cho học sinh các
xã 135 và học sinh người dân tộc là 2.720.000.000 đồng tăng 61,43% [22, tr.51].
Những năm gần đây, số học sinh dân tộc được huy động đến trường ở các cấp
học, ngành học đều tăng. Đối với học sinh THCS dân tộc Khmer tăng đáng kể: năm
học 2001-2002 là 8.977 học sinh, năm học 2002-2003 là 11.027 học sinh, năm học
2003-2004 là 12.947 học sinh, năm học 2004-2005 là 13.994 học sinh và năm học
2005-2006 là 13.952 học sinh. Lượng học sinh theo học các trường trung học chuyên
nghiệp, cao đẳng, đại học cũng có đà tiến bộ, công tác đào tạo nghề, xoá mù chữ và
phổ cập giáo dục được đẩy mạnh. Đội ngũ giáo viên người dân tộc Khmer tiếp tục
được đào tạo và chuẩn hóa với số lượng ngày càng nhiều từ 214 giáo viên năm học
2001-2002 lên 707 giáo viên năm học 2005-2006, trong đó số giáo viên trực tiếp
giảng dạy cấp THCS là 179 người [22, tr.51]. Ngoài ra, các huyện có đông đồng bào
dân tộc sinh sống hàng năm đều huy động nhiều nguồn lực khác nhau để đầu tư về cơ
sở vật chất trường lớp nhằm thoả mãn nhu cầu học tập của con em mình.
Hiện nay, toàn tỉnh có bốn trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, thị (toạ
lạc tại huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành, thị xã Hà Tiên nơi có đông đồng
bào dân tộc Khmer sinh sống) và một trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh. Hàng
năm các trường đều có tổ chức tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo,
ngoài dạy chuyên môn theo quy định của ngành, các trường còn dạy chữ Khmer cho
các em. Hệ thống các trường dân tộc nội trú từ tỉnh đến huyện vừa đáp ứng nguyện
vọng học tập vừa tạo điều kiện hỗ trợ cho học sinh được giáo dục trong môi trường
tốt hơn đảm bảo cho việc phát huy truyền thống bản sắc văn hoá cộng đồng người
dân tộc. Trường cũng là nơi đào tạo cán bộ nguồn để phục vụ phát triển đất nước nói
chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Ngân sách đầu tư cho các trường dân
tộc nội trú tăng hàng năm từ 1.217.000.000 đồng năm 2001 lên 1.278.000.000 đồng
năm 2002 và năm 2003 là 2.807.000.000 đồng. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất,
mua sắm trang thiết bị tạo điều kiện tốt nhất về nơi ăn chốn ở cho tập thể giáo viên và
học sinh trường dân tộc nội trú, chất lượng học tập của học sinh từng bước được nâng
lên, số lượng học sinh được xét tuyển vào các trường phổ thông dân tộc nội trú tương
đối ổn định hàng năm [42, tr.32].
1.2.5.3. Đặc điểm học sinh Khmer ở các trường phổ thông dân tộc nội trú Kiên
Giang.
Theo Trịnh Tiến Thu thì học sinh Khmer ở các trường phổ thông dân tộc nội
trú có một số đặc điểm cơ bản sau [63, tr. 36-37]:
* Những biểu hiện khi mới vào trường
Học sinh được tuyển chọn vào các trường phổ thông dân tộc nội trú đều là con
em đồng bào dân tộc Khmer hầu hết sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng văn hoá chậm
phát triển cho nên:
Đa số học sinh quen sống tự do, chưa vào nề nếp, khuôn khổ, không quen với
cuộc sống tập thể.
Các em còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi phong tục tập quán địa phương.
Thói quen ngại lao động trí óc vẫn khá phổ biến ở nhiều học sinh.
Mặt khác, do có sự khác biệt về mặt văn hoá, ngôn ngữ, lại học chung trường
phổ thông với học sinh tiểu học người Kinh nên khả năng nhận thức của học sinh
Khmer có đôi chút chậm chạp dẫn đến việc tiếp thu kiến thức không thật tốt, chất
lượng học tập chưa cao.
Ngoài ra, những biểu hiện bỡ ngỡ, lúng túng về nhiều mặt khi mới vào trường
phổ thông dân tộc nội trú có ảnh hưởng rất nhiều đến động lực học tập của từng em
cũng như chất lượng dạy học của nhà trường.
* Những biểu hiện trong quá trình học tập.
Do được tuyển chọn trực tiếp từ các địa phương, không qua thi tuyển, nên chất
lượng đầu vào của học sinh phần lớn đều dưới trung bình.
Các em thường thụ động, suy nghĩ giản đơn, khả năng tiếp thu chậm nhất là về
khoa học tự nhiên.
Khả năng cảm thụ về tự nhiên và xã hội hạn hẹp, mức độ sử dụng ngôn ngữ
nói và viết còn hạn chế, thiếu linh hoạt (do giáo viên chủ yếu là người kinh) nên ảnh
hưởng không ít đến việc tiếp nhận kiến thức trong các bộ môn xã hội, nhân văn, trong
mối quan hệ giao tiếp tập thể và đời sống cộng đồng.
Việc giáo dục nhận thức trong học tập, nề nếp sinh hoạt, lối sống con người
mới còn gặp nhiều khó khăn do học sinh chịu nhiều ảnh hưởng bởi phong tục tập
quán của đồng bào dân tộc mình.
Học sinh thường thiếu tính tự lực trong học tập mà chủ yếu ghi nhận máy móc,
mang nặng tính khuôn mẫu. Rất ít học sinh có khả năng tự tìm hiểu và xây dựng
phương pháp học tập hiệu quả mang tính chủ động và sáng tạo.
Trí nhớ của học sinh đa phần thiếu tính bền vững, học tuần trước thì tuần sau
quên, thậm chí có nhiều em quên ngay sau một ngày học, nếu nhớ được thì cũng mơ
hồ, thiếu chính xác đôi khi nhầm lẫn.
Nhiều học sinh thể hiện tính tuỳ tiện thích là nghỉ học mà không cần xin phép
giáo viên và nếu có xin phép thì thường cũng không nêu ra được lý do chính đáng.
Hơn nữa, phụ huynh c`ác em ít quan tâm đến việc quản lý và học tập của con cái mà
chủ yếu trông chờ vào sự dạy dỗ của giáo viên, nhà trường nên đã tạo không ít khó
khăn trong việc duy trì sĩ số học sinh và xây dựng động cơ học tập bền vững cho các
em.
1.2.6. Phương pháp dạy học phát huy tính chủ động trong học tập hợp tác
(Cooperative Learning) theo nhóm [38, tr.71-76]
Dạy học theo kiểu hợp tác theo nhóm là biện pháp trong thử nghiệm nhằm
năng cao khả năng ghi nhớ của học sinh trung học cơ sở.
1.2.6.1. Khái niệm “học tập hợp tác” (Cooperative Learning)
Học tập hợp tác là một phương pháp học tập mà theo đó, học sinh trong nhóm
trao đổi, giúp đỡ, và hợp tác với nhau trong học tập. Học sinh trao đổi ý tưởng, kiến
thức và cách học với các thành viên trong nhóm. Những học sinh có khả năng cao hơn
giúp đỡ những học sinh yếu hơn trong học tập. Các thành viên của nhóm tham gia tích
cực và hợp tác với nhau để lĩnh hội những kĩ năng mới. Trong không khí học tập
nhóm, người học không chỉ có trách nhiệm với việc học của mình mà cón có trách
nhiệm với việc học của người khác.
Việc tổ chức lớp học học tập hợp tác phải tuân theo một số nguyên tắc sau:
- Lớp học được chia ra thành từng nhóm nhỏ, thường từ 2-6 học sinh. Mỗi nhóm
được hình thành từ những học sinh có năng lực học tập với một vài em có thành tích
học tập trung bình và thấp.
- Các thành viên của nhóm làm việc vì thành tích chung của nhóm.
- Thông thường các bài tập của nhóm được chia ra cho các thành viên. Mỗi thành
viên có trách nhiệm tìm lời giải thích. Thành tích của mỗi cá nhân được xem như
thành tích chung của nhóm.
- Các thành viên trong nhóm ủng hộ, chấp nhận và tin tưởng lẫn nhau. Họ quan tâm
đến sự đóng góp và hành vi của các thành viên trong nhóm như là của chính họ và
học cách nhận biết và làm việc với sức lực và khả năng của mỗi thành viên của nhóm.
- Các thành viên của nhóm giúp đỡ, trao đổi và hợp tác với nhau trong quá trình học
tập. Những học sinh có thành tích cao động viên những học sinh có thành tích ít hơn
cố gắng hết sức để đạt thành tích trong khi đối với chúng việc học tập quả là khó
khăn và được nhân biết qua sự tham gia đóng góp của chúng.
1.2.6.2. Hiệu quả và biện pháp học tập hợp tác
Học tập hợp tác có thể sử dụng trong việc học tập tất cả các môn học và tất cả
các cấp lớp học. Đặc biệt nó có hiệu quả đối với những bộ môn mà học sinh cần phải
học và phát triển những năng lực và phẩm chất sau:
- Những kĩ năng giải quyết vấn đề. Thông qua làm việc và cùng nhau giải quyết vấn
đề, các học sinh đã đạt được những kĩ năng giải quyết vấn đề và có thể sử dụng trong
cuộc sống hàng ngày của chúng.
- Đạt được những mục đích học tập. Giáo viên có thể phân cho các em học sinh khá,
trung bình và kém cùng nhau lĩnh hội những khái niệm chính của những chủ đề đặc
biệt của môn học. Các em kém sẽ có cơ hội nắm vững được chủ đề trước khi chuyển
sang chủ đề tiếp theo.
- Tư duy khác nhau. Khi các thành viên của nhóm được phân công trách nhiệm,
chúng tự do đề nghị hoặc đưa ra các cách giải quyết hoặc trả lời vấn đề cần thiết giải
quyết. Và trong bầu không khí trường học các học sinh sẽ cảm thất tự do nêu ra và
trao đổi những ý tưởng.
- Nơi mà bài tập có tính chất tổng hợp. Các học sinh có đủ thời gian để chọn lọc các
bài tập với các bạn học của chúng, và chúng có thể phân chia các bài tập cho các
thành viên của nhóm dựa trên khả năng của mỗi cá nhân.
- Nơi mà chất lượng của việc thực hiện là quan trọng. Từ khi mỗi thành viên làm việc
vì mục đích thành tích của cả nhóm, các thành viên của nhóm sẽ ảnh hưởng lẫn nhau
để làm tăng lên đến tột độ khả năng đóng góp cho mục đích của nhóm và vì vậy nâng
cao chất lượng của việc thực hiện của các thành viên.
- Dân chủ trong lớp học. Các thành viên trong lớp học nhóm sẽ học cách làm việc và
nương tựa vào nhau, chúng tôn trọng và tuân theo các luật lệ của nhóm. Vì vậy nó
làm cho việc tổ chức lớp học được dễ dàng hơn.
- Phát triển những kĩ năng xã hội. Các thành viên của lớp học nhóm sẽ phát triển kĩ
năng xã hội. Chúng thực hành những kĩ năng giao tiếp, trao đổi, chấp nhận, ủng hộ
và hợp tác.
- Ý thức trách nhiệm với nhau. Các thành viên của nhóm phải làm việc với nhau
vì thành tích, mục đích của nhóm. Sự thiếu đóng góp của một thành viên sẽ gây ảnh hưởng
xấu đến thành tích chung của nhóm. Mỗi thành viên được giao trách nhiệm.
- Nơi mà cần giảm bớt sự cạnh tranh và tăng cường sự hợp tác. Các thành viên của._. t 68 3.97 .753 65 3.95 .837 133 3.96 .792
Nội. t 71 4.04 .901 41 4.29 .642 112 4.13 .822 2 Ngoại. t 52 4.00 .594 48 3.79 .988 100 3.90 .810
Nội. t 47 3.83 .842 25 4.28 .737 72 3.99 .831 3 Ngoại. t 43 4.09 .684 38 4.03 .788 81 4.06 .731
Nội. t 36 3.92 .692 16 4.63 .619 52 4.13 .742 4 Ngoại. t 31 4.13 .670 28 3.93 .604 59 4.03 .642
4.2. Các bảng số liệu kết quả thử nghiệm tác động
Bảng 4.2.1. Kiểm nghiệm Wilcoxon cặp ghép với thứ hạng ghi dấu (Wilcoxon
signed ranks test) về khả năng nhớ từ và nhớ số của nhóm đối chứng và nhóm
thử nghiệm.
N Điểm trung bình thứ hạng
Tổng số của
thứ hạng
Thứ hạng có tần
số ít nhất 3(a) 9.33 28.00
Thứ hạng có tần
số nhiều nhất 16(b) 10.13 162.00
Thứ hạng có tần
số bằng nhau 11(c)
Nhớ từ NĐC
- Nhớ từ
NTN
Tổng cộng 30
Thứ hạng có tần
số ít nhất 6(d) 8.00 48.00
Thứ hạng có tần
số nhiều nhất 15(e) 12.20 183.00
Thứ hạng có tần
số bằng nhau 9(f)
Nhớ số NĐC
- Nhớ số
NTN
Tổng cộng 30
a Tu NTN < Tu NDC
b Tu NTN > Tu NDC
c Tu NTN = Tu NDC
d So NTN < So NDC
e So NTN > So NDC
f So NTN = So NDC
Bảng 4.2.2. So sánh khả năng nhớ từ, nhớ số của nhóm đối chứng và nhóm thử
nghiệm trước và sau khi thử nghiệm.
Thống kê mô tả Kiểm nghiệm T Nhóm Biến số N ĐTB SD t df P
Trước TN 30 5.93 1.081 Nhớ
từ Sau TN 30 6.00 1.050 -.242 58 .809
Trước TN 30 5.27 .944
Đối
chứng Nhớ
số Sau TN 30 5.33 1.093 -.253 58 .801
Trước TN 30 5.97 .928 Nhớ
từ Sau TN 30 6.67 1.398 -2.285 58 .026
Trước TN 30 5.30 1.236
Thử
nghiệm Nhớ
số Sau TN 30 6.07 1.552 -2.116 58 .039
Phụ lục 5: CÁC GIÁO ÁN DẠY THỬ NGHIỆM
5.1. Giáo án môn toán
Giáo án 1
PHÉP CỘNG PHÂN SỐ
(Tuần 25, tiết 79)
I. Mục tiêu
- Học sinh hiểu và áp dụng được quy tắc cộng hai phân số cùng mẫu và không cùng
mẫu.
- Có kỹ năng cộng phân số đúng và nhanh
- Nâng cao khả năng khái quát hóa của học sinh trong việc giải các bài tập cụ thể
II. Chuẩn bị
- Giáo viên: Bảng phụ, bảng nhóm
- Học sinh: Chuẩn bị theo dặn dò ở tiết trước
III. Tiến trình dạy học
Hoạt động của giáo viên Hoạt động của học sinh
HĐ1: Kiểm tra bài cũ
Giáo viên nêu câu hỏi:
- Nêu quy tắc so sánh hai phân số
không cùng mẫu?
GV sử dụng bảng phụ
- So sánh các phân số sau:
a.
3
2 và
5
3
b.
17
5− và
7
2
- Yêu cầu học sinh khác nhận xét
- GV: Nhận xét đánh giá
- GV: Yêu cầu học sinh nhắc lại quy
tắc cộng hai phân số đã học ở tiểu
học (GV: ghi dạng tổng quát phát
biểu của học sinh ở góc bảng)
m
ba
m
b
m
a +=+ (a, b, m ∈ N; m ≠ 0)
Học sinh trả lời:
- Nêu quy tắc so sánh hai phân số
(trang 23, SGK)
a.
15
10
3
2 =
15
9
5
3 =
Vậy
5
3
3
2 > do (
15
9
15
10 > )
b. Ta có:
0
17
5 <−
0
7
2 >
Vậy
7
2
17
5 <−
- HS: Nhắc lại quy tắc:
+ Muốn cộng hai phân số cùng mẫu,
ta cộng các tử, giữ nguyên mẫu.
+ Muốn cộng hai phân số khác mẫu,
ta viết hai phân số có cùng mẫu rồi
cộng tử, giữa nguyên mẫu
bd
bcad
bd
bc
bd
ad
d
c
b
a +=+=+
(a, b, c, d ∈ N; b, d ≠ 0)
- GV: Quy tắc trên vẫn đúng đối với
phép cộng phân số có tử và mẫu là
các số nguyên. Đó là nội dung bài
học hôm nay.
HĐ2: Cộng hai phân số cùng mẫu
- Yêu cầu học sinh xem các ví dụ
(trang 25 SGK) và trả lời các câu hỏi:
+ Muốn cộng hai phân số có cùng
mẫu dương (mẫu là số nguyên
dương) ta làm như thế nào?
+ Đối với phân số có mẫu là số
nguyên âm, ta làm như thế nào?
+ Áp dụng: Cộng các phân số:
a.
8
5
8
3 +
b.
7
4
7
1 −+
c.
25
18
25
7 −+−
- Nhận xét bài làm của HS
- GV: Yêu cầu học sinh phát biểu
quy tắc cộng hai phân số cùng mẫu
- GV: Nhắc lại và yêu cầu HS áp dụng
làm bài ?1c và ?2 (trang 25 SGK)
- Nêu nhận xét về các phân số ở
?1c?
- GV: Ta nên làm thế nào trước khi
khi thực hiện phép cộng?
- Trước khi thực hiện phép tính ta
cần chú ý điều gì?
- Cho học sinh làm ?2 (trang 25
SGK)
- HS:
+ Muốn cộng hai phân số có cùng
mẫu dương, ta cộng hai tử số với
nhau và giữa nguyên mẫu số.
+ Viết phân số đó dưới dạng phân số
bằng nó và có mẫu dương.
- HS: Làm bài:
a. 1
8
8
8
53
8
5
8
3 ==+=+
b.
7
3
7
)4(1
7
4
7
1 −=−+=−+
c. =−+−=−+− 25
18
25
7
25
18
25
7
1
25
25
25
)18()7( −=−=−+−=
- Phát biểu quy tắc cộng hai phân số
cùng mẫu (trang 25 SGk)
- HS: Cả hai phân số ở ?1c đều chưa
tối giản
- HS: Ta rút gọn về các phân số tối
giản
?1 c.
21
14
18
6 −+
3
1
3
)2(1
3
2
3
1 −=−+=−+=
- Chú ý: Xem các phân số đã tối giản
chưa. Nếu chưa ta nên rút gọn rồi
mới thực hiện phép tính.
?2: Vì mọi số nguyên đều viết được
dưới dạng phân số có mẫu bằng 1.
Ví dụ: -3 + 5 = 2
1
2
1
53
1
5
1
3 ==+−=+−
- GV: Tổng kết quy tắc
HĐ3: Cộng 2 phân số không cùng
mẫu
- GV: Hỏi
- Muốn cộng hai phân số không
cùng mẫu ta làm như thế nào?
- Nêu các bước quy đồng mẫu số
- Cho học sinh làm ví dụ:
7
3
5
2 −+
-Yêu cầu học sinh phát biểu quy tắc
cộng hai phân số không cùng mẫu
- GV: Nhắc lại quy tắc và yêu cầu
HS áp dụng làm bài ?3 (trang 26
SGK)
- Nhận xét và sửa sai
HĐ4: Vận dụng, củng cố
- GV: Yêu cầu vài học sinh nhắc lại
quy tắc cộng hai phân số cùng mẫu
và không cùng mẫu.
- Áp dụng làm bài 42.b, d; 43.d
(trang 26 SGK). (Gọi HS lên bảng)
- Yêu cầu HS khác nhận xét
- GV: Nhận xét và sửa sai
m
ba
m
b
m
a +=+ (a, b, m ∈ N; m ≠ 0)
- HS: Trả lời:
- Quy đồng mẫu số
- Nêu 3 bước quy đồng mẫu số
- Làm ví dụ:
7
3
5
2 −+ BCNN (5, 7) = 35
35
1
35
)15(14
35
15
35
14 −=−+=−+=
- Phát biểu quy tắc (trang 26 SGK)
- Áp dụng làm bài ?3
a.
15
4
3
2 +− BCNN (3, 15) = 15
5
2
15
6
15
410
15
4
15
10 −=−=+=+−=
b.
10
9
15
11
10
9
15
11 −+=−+ BCNN (15, 10)
= 30
6
1
30
5
30
)27(22
30
27
30
22 −=−=−+=−+=
c.
1
3
7
13
7
1 +−=+− BCNN (7, 1) = 7
7
20
7
21)1(
7
21
7
1 =+−=+−=
- HS: Nhắc lại quy tắc
- HS: Lên bảng thực hiện:
b.
3
2
6
4
6
)5(1
6
5
6
1 −=−=−+=−+
d. =−+=−+=−+ 9
2
5
4
18
4
5
4
18
4
5
4
45
26
45
)10(36
45
10
45
36 =−+=−+=
Bài 43. d.
=−+−=−+−=−+
−
7
5
4
3
21
15
24
18
21
15
24
18
- Sử dụng bảng nhóm, yêu cầu học
sinh hoạt động nhóm làm bài 44
(trang 26 SGK)
- Yêu cầu các nhóm trình bày, nhận
xét và sửa sai.
- GV: Trong các bài tập đã làm, các
câu nào có dạng thức giống nhau?
* Hướng dẫn về nhà:
- Học thuộc lòng các quy tắc cộng
phân số
- Chú ý rút gọn phân số (nếu có thể)
trước khi cộng các kết quả.
- Làm bài tập 43, 45, 46
- Xem trước bài 8 (trang 27 SGK)
28
41
28
)20()21(
28
20
23
21 −=−+−=−+−=
- HS: Giải bài tập theo nhóm
a.
7
3
7
4 +− -1
b.
22
3
22
15 −+−
11
8−
c.
5
3
5
1
3
2 −+
d.
4
3
6
1 −+
7
4
14
1 −+
- HS: Trả lời
=
<
>
<
Giáo án 2
TÍNH CHẤT CƠ BẢN CỦA PHÉP CỘNG PHÂN SỐ
(Tuần 25, tiết 81)
I. Mục tiêu
- Học sinh biết các tính chất cơ bản của phép cộng phân số: giao hoán, kết hợp, cộng
với số 0.
- Có kỹ năng vận dụng các tính chất trên để tính được hợp lí, nhất là khi cộng nhiều
phân số.
- Có ý thức quan sát đặc điểm các phân số để vận dụng các tính chất cơ bản của phép
cộng phân số trong việc giải các bài tập cụ thể
II. Chuẩn bị
- Giáo viên chuẩn bị các tấm bìa (hình 8 trang 28 SGK), 2 bảng phụ để chơi “trò chơi
ghép hình”
- Học sinh: Chuẩn bị bảng nhóm, bút viết bảng, mang 4 phần của tấm bìa được cắt ra
như hình 8, bán kính 10cm theo dặn dò ở tiết trước.
III. Tiến trình dạy học
Hoạt động của giáo viên Hoạt động của học sinh
HĐ1: Kiểm tra bài cũ
Giáo viên nêu câu hỏi:
- Hãy nêu các tính chất của phép
cộng số nguyên? Nêu dạng tổng
quát?
- Thực hiện phép tính:
a.
5
3
3
2 −+ và
3
2
5
3 +−
b.
4
3)
2
1
3
1( +−+ và )
4
3
2
1(
3
1 +−+
c. 0
5
2 +−
và rút ra nhận xét
Học sinh trả lời:
- Phép cộng số nguyên có tính chất:
+ Giao hoán: abba +=+
+ Kết hợp: )()( cbacba =+=++
+ Cộng với số 0: aaa =+=+ 00
+ Cộng với số đối: 0)( =−+ aa
- HS1:
a.
15
1
15
)9(10
15
9
15
10
5
3
3
2 =−+=−+=−+
15
1
15
10)9(
15
10
15
9
3
2
5
3 =+−++−=+−
- HS2:
b. =+−=+−+=+−+
4
3
6
1
4
3)
6
3
6
2(
4
3)
2
1
3
1(
12
7
12
9)2(
12
9
12
2 =+−=+−=
)
4
3)2((
3
1)
4
3
4
2(
3
1)
4
3
2
1(
3
1 +−+=+−+=+−+
12
7
12
34
12
3
12
4
4
1
3
1 =+=+=+=
- HS3:
c.
5
2
5
0)2(
5
0
5
20
5
2 −=+−=+−=+−
- Yêu cầu HS khác nhận xét bài bạn
- GV nhận xét, bổ sung
HĐ2: Các tính chất của phép cộng
- Qua các ví dụ và tính chất cơ bản
của phép cộng số nguyên vừa được
phát biểu, hãy cho biết các tính chất
cơ bản của phép của phép cộng
phân số?
- GV: Treo bảng phụ “các tính chất”
a. Tính chất giao hoán:
b
a
d
c
d
c
b
a +=+
b. Tính chất kết hợp:
)()(
q
p
d
c
b
a
q
p
d
c
b
a +=++
c. Cộng với số 0:
b
a
b
a
b
a =+=+ 00
- GV: Yêu cầu học sinh lấy ví dụ
cho từng tính chất của phép cộng.
- GV: Tổng của nhiều phân số có
tính giao hoán và kết hợp hay
không?
HĐ3: Áp dụng
- GV: Đưa lên bảng bảng phụ ví dụ
ở trang 27 SGK:
- Tính tổng:
7
5
5
3
4
1
7
2
4
3 ++−++−=A
- Yêu cầu HS nêu từng buớc tính
của bài làm
- GV: Vậy tính chất cơ bản của
phép cộng phân số giúp ta điều gì?
- GV: Yêu cầu học sinh tính nhanh
phân số:
23
8
19
4
17
15
23
15
17
2 ++−++−=B
- HS: Phép cộng có tính chất:
+ Tính chất giao hoán
+ Tính chất kết hợp
+ Cộng với số 0
- HS: Lấy ví dụ:
a.
2
1
3
2
3
2
2
1 −+=+−
b. )
3
1
3
2(
2
1
3
1)
3
2
2
1( ++−=++−
c.
7
500
7
5 +=+
- HS: Tổng của nhiều phân số cũng
có tính giao hoán và kết hợp.
- HS: Áp dụng tính tổng
5
3
7
5
7
2
4
1
4
3 +++−+−=A (Đổi các phân
số do đó đã thực hiện tính chất giao
hoán)
5
3)
7
5
7
2()
4
1
4
3( +++−+−=A (Nhóm các
phân số có cùng mẫu, vì vậy đã th75c
hiện tính kết hợp)
5
3
5
30
5
31)1(
5
3
7
7
4
4 =+=++−=++−=A
(Cuối cùng là cộng với số 0)
- HS: Khi cộng nhiều phân số ta có
thể đổi chỗ hoặc nhóm các phân số
lại theo bất cứ cách nào sao cho việc
tính toán được thuận tiện.
- HS1
23
8
19
4
17
15
23
15
17
2 ++−++−=B
30
5
6
2
21
3
2
1 −+−++−=C
- GV: Trước tiên ta phải làm gì khi
phân số có mẫu giống nhau?
- Ta phải đưa biểu thức C về dạng gì
trước khi tính? Đối với những phân
số có mẫu không giống nhau ta làm
thế nào?
- GV: Đưa ra 8 tấm bìa cắt như hình
8 (Bài 48, trang 28 SGK).
- Tổ chức cho hoc sinh thi “ghép
hình” nhanh theo 2 đội, mỗi đội 4
người thỏa mãn yêu cầu của đề bài:
a.
4
1 hình tròn
b.
2
1 hình tròn
c.
12
7 hình tròn
d.
3
2 hình tròn
Mỗi câu đúng sẽ được 1 phần quà,
và đội nào có thời gian thực hiện
nhanh hơn sẽ được 2 phần quà.
(Mỗi học sinh khi lên mang theo 4
phần của tấm bìa được cắt ra từ hình
tròn có bán kính 10cm)
- Yêu cầu học sinh khác nhận xét
- GV: Nhận xét, đáng giá
HĐ4: Củng cố
- Yêu cầu học sinh phát biểu lại các
tính chất cơ bản của phép cộng phân
- HS: Phải đổi chỗ và nhóm lại các
phân số có mẫu giống nhau
19
4
23
8
23
15
17
15
17
2 +++−+−=B
19
4)
23
8
23
15()
17
15
17
2( +++−+−=B
19
41)1( ++−=B =>
19
4
19
40 =+=B
- HS2:
30
5
6
2
21
3
2
1 −+−++−=C
- Ta đưa về phân số tối giản, sau đó
đổi chỗ và nhóm những phân số mà
mẫu của phân số này là bội của phân
số kia
6
1
3
1
7
1
2
1 −+−++−=C
7
1)
6
1
3
1
2
1( +−+−+−=C
7
1)1( +−=C =>
7
6
7
1
7
7 −=+−=C
- HS: Chơi ghép hình
a.
4
1
12
2
12
1 =+
b.
12
4
12
2
12
1
12
1
12
5 +==+
c.
12
7
12
4
12
2
12
1
12
2
12
5 =++=+
d.
3
2
12
2
12
1
12
5 =++
- HS: nhắc lại các tính chất của phép
cộng phân số
số
- GV: Yêu cầu HS hoạt động theo
nhóm làm bài tập 51 trang 29 SGK.
Sử dụng bảng nhóm
Tìm 5 cách chọn 3 trong 7 số
sau để khi cộng lại được tổng là 0.
6
1− ,
3
1− ,
2
1− , 0 ,
2
1 ,
3
1 ,
6
1
- Yêu cầu các nhóm trình bày, nhận
xét và sửa sai cho nhau
- GV: Yêu cầu HS hoạt động theo
nhóm làm bài tập 50 trang 29 SGK.
Sử dụng bảng nhóm
5
3− +
2
1 =
+ + +
4
1− +
6
5− =
= = =
+ =
HĐ5: Hướng dẫn về nhà
- Học thuộc các tính chất vận dụng
vào bài tập để tính nhanh
- Làm bài tập 47, 49, 52 (SGK,
trang 28, 29 ).
- Hoạt động nhóm
Đọc kĩ đề bài và tìm cách giải
a. 0
6
1
3
1
2
1 =++− ; b. 0
6
10
6
1 =++−
c. 0
2
10
2
1 =++− ; d. 0
3
10
3
1 =−++
e. 0
6
1
3
1
2
1 =−+−+
- Hoạt động nhóm
Tìm cách giải
5
3− +
2
1 =
10
1−
+ + +
4
1− +
6
5− =
12
13−
= = =
20
17− +
3
1− =
60
71−
Giáo án 3
PHÉP TRỪ PHÂN SỐ
(Tuần 26, tiết 83)
I. Mục tiêu
- Học sinh hiểu được thế nào là hai số đối nhau.
- Vận dụng được quy tắc trừ phân số
- Có kỹ năng tìm số đối của một số và kỹ năng thực hiện phép trừ phân số
- Hiểu rõ mối quan hệ giữa phép cộng và phép trừ phân số
- Nâng cao khả năng khái quát hóa của học sinh trong việc giải các bài tập cụ thể
II. Chuẩn bị
- Giáo viên: Bảng phụ, bảng nhóm
- Học sinh: Chuẩn bị theo dặn dò ở tiết trước
III. Tiến trình dạy học
Hoạt động của giáo viên Hoạt động của học sinh
HĐ 1: Kiểm tra bài cũ
- GV: Yêu cầu HS phát biểu quy tắc
cộng hai phân số (cùng và khác mẫu)?
- GV: Sử dụng bảng phụ
- Áp dụng quy tắc, hãy tính:
a. =−+
5
3
5
3
b. =+− 3
2
3
2
c. =−+ 36
9
21
7
- Gọi HS khác nhận xét
- GV: Nhận xét, đánh giá
- GV: Nêu quy tắc:
a-b = a + (-b); a, b ∈ Z
- Yêu cầu HS nêu ví dụ?
- Quy tắc trên có được áp dụng với
phép trừ hai phân số hay không? Đó
chính là nội dung của bài học hôm
nay.
HĐ2: Số đối
- GV: Ta có 0
5
3
5
3 =−+
Ta nói
5
3− là đối số của
5
3
-Yêu cầu HS quan sát câu a, b trên
- Phát biểu quy tắc (trang 26 SGK)
- HS: Thực hiện phép cộng:
a. 0
5
0
5
)3(3
5
3
5
3
5
3
5
3 ==−+=−+=−+
b. 0
3
2)2(
3
2
3
2
3
2
3
2 =+−=+−=+−
c. =−+=−+=−+ 4
1
3
1
36
9
21
7
36
9
21
7
12
1
12
)3(4
12
3
12
4 =−+=−+=
- HS: Nhận xét
- HS: 14 - 27 = 14 + (-27)
bảng phụ và giới thiệu hai số đối
nhau.
- Tương tự, yêu cầu học sinh hoàn
thành ?2 (trang 32, SGK)
- Thế nào là hai số đối nhau?
- Nêu ký hiệu số đối của phân số
b
a ?
- Tìm số đối của phân số
b
a
−
- Hãy sao sánh:
b
a− ;
b
a
− ; b
a−
- Áp dụng: Tìm số đối của:
9
2 ,
7
4− và
5
8
−
- Yêu cầu học sinh khác nhận xét
- GV: Nhận xét, đánh giá
- Khi nào thì hai số được gọi là đối
nhau?
- Yêu cầu học sinh nhắc lại ý nghĩa
của số đối trên trục số.
HĐ 3: Phép trừ phân số
- Cho học sinh hoạt động theo nhóm
làm ?3 (trang 32, SGK)
- Yêu cầu nhóm khác nhận xét
- Nhận xét bài của các nhóm.
- Qua ?3 yêu cầu học sinh rút ra quy
tắc phép trừ phân số.
- Sử dụng bảng phụ đưa quy tắc lên
- HS: Cũng vậy, ta nói:
3
2 là số đối của phân số
3
2
− ; 3
2
− là số
đối của phân số
3
2 ; hai phân số
3
2
− và
3
2 là hai số đối nhau.
- HS: Nêu định nghĩa (trang 32 SGK)
- Ký hiệu số đối của phân số
b
a là
b
a− .
- Số đối của phân số
b
a
− là b
a .
(vì 0=+−=+−=+− b
aa
b
a
b
a
b
a
b
a )
b
a
b
a
b
a −=−=−
- Áp dụng tìm:
+ Số đối của
9
2 là
9
2− .
+ Số đối của
7
4− là
7
4+ .
+ Số đối của
5
8
5
8 −=− là 5
8 .
- HS: Hai số đối nhau nếu tổng của
chúng bằng 0.
- Trên trục số, hai số đối nhau nằm về
hai phía của điểm 0 và cách đều 0.
- Hoạt động nhóm làm ?3
+
9
1
9
2
9
3
9
2
3
1 =−=−
+ =−+=−+=−+
9
2
9
3
9
2
3
1)
9
2(
3
1
9
1
9
)2(3 =−+= . Vậy )
9
2(
3
1
9
2
3
1 −+=− .
- HS: Phát biểu quy tắc phép trừ phân
số (trang 32, SGK)
bảng. Cho vi dụ.
- Áp dụng tính:
a. )
4
1(
7
2 −−
b. )
4
1(
28
15 −+
- Ta có:
28
15)
4
1(
7
2 =−− mà
7
2)
4
1(
28
15 =−+ . Vậy hiệu của hai phân
số
d
c
b
a − là một số như thế nào?
- GV: Phép trừ và phép cộng phân
số là bài toán khác nhau như thế
nào?
- Cho học sinh làm ?4 (trang 33
SGK)
-GV: Yêu cầu học sinh khác nhận xét
- GV: nhận xét và sửa sai
HĐ4: Vận dụng - Củng cố -
Hướng dẫn về nhà
- Thế nào là hai số đối nhau?
- Quy tắc trừ phân số?
- Cho học sinh họt động nhó làm bài
59 (trang 33, SGK)
- Yêu cầu các nhận xét cho nhau
- GV: Nhận xét bài làm của các
nhóm
- HS: Tính
a.
28
15
28
7
28
8
4
1
7
2)
4
1(
7
2 =+=+=−−
b.
7
2
28
8
28
)7(15
28
7
28
15)
4
1(
28
15 ==−+=−+=−+
- HS: Hiệu
d
c
b
a − là một số mà cộng
với
d
c thì được
b
a .
- HS: Phép trừ phân số là bài toán
ngược của phép cộng phân số
a.
10
11
10
5
10
6
2
1
5
3
2
1
5
3 =+=+=−−
b.
21
22
21
7
21
15
3
1
7
5
3
1
7
5 −=−+−=−+−=−−
c.
20
7
20
15
20
8
4
3
5
2
4
3
5
2 =+−=+−=−−−
d.
6
31
6
1
6
30
6
1
1
5
6
15 −=−+−=−+−=−−
- Là hai số có tổng bằng 0.
- Nhắc lại quy tắc (trang 33, SGK)
- Hoạt động nhóm làm bài 59.
a.
8
3
8
4
8
1
2
1
8
1
2
1
8
1 −=−+=−+=−
b.
12
1
12
12111
12
11)1(
12
11 =+−=+−=−−−
c.
30
7
30
25
30
18
6
5
5
3
6
5
5
3 −=−+=−+=−
d.
240
31
240
16
240
15
15
1
16
1
15
1
16
1 −=−+−=−+−=−−
e.
72
43
72
21
72
22
24
7
36
11
24
7
36
11 =+=+=−−
g.
36
5
36
15
36
20
12
5
9
5
12
5
9
5 −=+−=+−=−−−
- HS: Làm bài 60 (trang 33, SGK)
- Hướng dẫn học sinh làm bài 60
(trang 33, SGK)
* Hướng dẫn về nhà:
- Nắm vững định nghĩa hai số đối
nhau và quy tắc phép trừ phân số
- Làm bài tập 58, 61, 62 (SGK, trang
33, 34)
- Chuẩn bị cho tiết sau
a.
2
1
4
3 =−x
=>
4
5
4
3
4
2
4
3
2
1 =+=+=x
b.
3
1
12
7
6
5 −+=−− x
12
3
12
4
12
7
6
5 =−+=−− x
x=−−
12
3
6
5
x=−+−
12
3
12
10
x=−
12
13 .
Hay
12
13−=x .
5.2. Giáo án môn ngữ văn
Giáo án 1
Bài 24
LƯỢM (Tố hữu)
(Tuần 25, tiết 99, 100)
I. Mục tiêu cần đạt
Giúp học sinh:
- Cảm nhận được vẽ đẹp hồn nhiên, vui tươi, trong sáng của hình ảnh Lượm, ý nghĩa
cao cả trong sự hy sinh của nhân vật.
- Nắm được thể thơ 4 chữ, nghệ thuật tả và kể trong bài thơ có yếu tố tự sự.
II. Chuẩn bị
- Giáo viên: Sách giáo khoa, sách giáo viên, giáo án, ảnh, tư liệu về Tố Hữu…
- Học sinh: Vở soạn, vở ghi, sách giáo khoa…
III. Các bước lên lớp
1. Ổn định lớp
2. Kiểm tra bài cũ
- Đọc thuộc lòng 5 khổ thơ đầu của bài thơ “Đêm nay bác không ngủ”. Em xúc
động hơn cả trước câu thơ, đoạn thơ nào ? Vì sao?
- Hình tượng Bác Hồ được thể hiện qua cái nhìn của anh đội viên như thế nào?
3. Bài mới
Hoạt động của thầy HĐ của HS Nội dung
- Hướng dẫn cách đọc cho
học sinh
- Gọi học sinh đọc bài thơ
- Gọi học sinh đọc chú thích
để biết đôi nét về tác giả,
thành phần.
- Gọi học sinh đọc phần chú
thích từ.
- Chốt lại 1 số ý cơ bản để
học sinh nắm.
- Bài thơ này thuộc thể thơ
gì?
- Bài thơ thuộc thể loại gì?
- Giảng thêm: Bài thơ giống
như “ĐNBKN" ngôi kể thứ
3 nhưng khác ở chỗ bài
“Lượm” tác giả vừa là
người kể chuyện vừa là
nhân vật trực tiếp liên quan
đến nhân vật chính.
- Đọc
- Đọc chú thích
- Đọc chú thích
-Trả lời
- Trả lời
- Nghe giảng,
ghi nhớ
I. Đọc – chú thích
1. Đọc
(Sgk, trang 72-75)
2. Chú thích
a. Tác giả-tác phẩm
(Sgk)
b. Từ khó
(Sgk)
II. Tìm hiểu chung bài thơ
1. Thể thơ: 4 tiếng nhịp 2/2
2. Thể loại: Thơ tự sự
3. Bố cục: 3 đoạn
- Bài thơ có thể chia làm
mấy đoạn? Nội dung chính
của mỗi đoạn?
- Chốt lại ý chính.
- Yêu cầu học sinh ghi vào
vở.
- Cho học sinh phân tích bài
thơ theo bố cục.
- Gọi học sinh đọc lại đoạn
1
- Hình ảnh Lượm trong 5
khổ thơ đầu được miêu tả
sinh động và rõ nét qua
những chi tiết nghệ thuật.
- Trang phục của Lượm như
thế nào?
- Trang phục của Lượm
giống trang phục của ai?
- Vì sao Lượm lại có trang
phục này?
- Dáng điệu của Lượm ra
sao?
- Cử chỉ của Lượm ra sao?
- Lời nói của Lượm như thế
nào?
- Em thích nhất là chi tiết
nào? Vì sao?
- Em có nhận xét gì về nghệ
thuật miêu tả nhân vật
- Suy nghĩ, trả
lời
- Nghe, ghi nhớ
- Ghi bài
- Đọc
- Trả lời
- Giống trang
phục của các
chiến sĩ vệ quốc
thời kháng chiến
chống pháp
- Vì Lượm là
chiến sĩ thật sự
- Cái chân…
nghênh
- Mồm huýt sáo
vang, như con
chim chích, cười
híp mí.
- Cháu đi… ở
nhà
- Cười híp mí,
má đỏ, như con
chim chích nhảy
trên đường vàng
vì Lượm hồn
nhiên, đáng yêu,
gần gủi với em.
+ Quan sát trực
tiếp
- Đoạn 1: Từ đầu … xa dần
Nhớ lại cuộc gặp gỡ tình cờ
giữa nhà thơ và Lượm.
- Đoạn 2: Tiếp theo… giữa
đồng
Câu chuyện về chuyến đi
liên lạc cuối cùng và sự hy
sinh của Lượm.
- Đoạn 3: Phần còn lại
Hình ảnh Lượm vẫn sống
mãi.
III. Đọc-Hiểu văn bản
(Phân tích)
1. Hình ảnh Lượm trong
lần gặp gỡ tình cờ với nhà
thơ.
- Trang phục: Cái xắc xinh
xinh, Calô đội lệch
→ Trang phục của chiến sĩ
vệ quốc thời kháng chiến
chống thực dân pháp.
- Dáng điệu: Nhỏ bé, nhanh
nhẹn và tinh nghịch
- Cử chỉ: Nhanh nhẹn, hồn
nhiên, yêu đời.
- Lời nói: Tự nhiên, chân
thật
Lượm?
- Những lời thơ miêu tả
Lượm như thế đã làm nổi rõ
hình ảnh 1 chú bé với
những điểm nào?
- Gọi học sinh đọc đoạn 2.
- Câu chuyện được kể lại
qua lời của tác giả với
những cảm xúc đau xót, tiếc
thương, tự hào.
- Khi 2 chú cháu chia tay
nhau 1 thời gian thì người
chú nhận được tin gì?
- Khi hay tin Lượm hy sinh
tác giả có cảm xúc như thế
nào?
- Câu thơ bị ngắt thành 2
dòng đều đó có ý nghĩa gì?
- Nhà thơ hình dung ra sự
hy sinh của Lượm như thế
nào?
- Lần hy sinh này Lượm
làm nhiệm vụ gì? Làm như
thế nào?
- Câu thơ thôi rồi Lượm ơi.
Cho thấy tác giả có cảm xúc
gì trước sự hy sinh của
Lượm?
- Bình luận: Tác giả tưởng
như phải chứng kiến cái
giây phút đau đớn ấy nên
không kiềm lòng được lại
thốt lên lời đau đớn: “Thôi
rồi, Lượm ơi” Chú bé đã hy
+ Dùng nhiều từ
láy
+ Hình ảnh so
sánh
- Hồn nhiên,
nhanh nhẹn, yêu
đời.
- Đọc
- Tin Lượm hy
sinh
- Đau đớn thốt
lên:
Ra thế
Lượm ơi!
Lượm ơi, còn
không?
- Sự đau sót đột
ngột như 1 tiếng
nất nghẹn của
nhà thơ.
- Vụt… Lượm
ơi!
- Trả lời
- Nghẹn ngào,
đau xót
- Nghe, ghi nhớ
→ Lượm là 1 em bé liên lạc
hồn nhiên, vui tươi, say mê
tham gia công tác kháng chiến
thật đáng mến, đáng yêu
2. Hình ảnh Lượm trong
chuyến đi liên lạc cuối
cùng.
- Khi nghe tin Lượm hy sinh
tác giả vô cùng đau đớn.
- Nhà thơ hình dung ra sự hy
sinh của Lượm khi Lượm
đang làm nhiệm vụ 1 cách
nhanh nhẹn, hăng hái….
- Tác giả đau xót trước sự hy
sinh của Lượm
→ Tác giả tả sự hy sinh của
Lượm với những xúc động,
đau xót, tiếc thương và thân
trọng
sinh dũng cảm giữa tuổi
thiếu niên hồn nhiên.
Nhưng nhà thơ không dừng
lâu ở nỗi đau xót. Ông cảm
nhận được sự hy sinh của
Lượm có 1 vẽ thiên liên,
cao cả như 1 thiên thần nhỏ
bé yên nghĩ giữa cánh đồng
quê hương.
- Gọi học sinh đọc đoạn cuối
- Những lời thơ cuối cùng
lập lại những lời thơ mở đầu
miêu tả hình ảnh Lượm hồn
nhiên, nhanh nhẹn, đầy sức
sống đều đó có ý nghĩa gì
trong việc biểu hiện cảm
nghĩ của nhà thơ?
- Binh luận: Thể hiện như
thế nào của nhà thơ về sự
bất chợt của con người như
Lượm.
- Yêu cầu HS khác đọc lại
- Cảm nhận chung về hình
ảnh Lượm, nêu giá trị nội
dung và nghệ thuật của bài
thơ?
- Gọi học sinh đọc ghi nhớ
(Sgk, trang 77)
- Yêu cầu học sinh về học
thuộc lòng đoạn thơ.
- Hướng dẫn học sinh viết
đoạn văn.
- Đọc
- Lượm vẫn sống
mãi
- Nghe, ghi nhớ
- Nghe và nhớ
- Khắc hoạ hình
ảnh cao đẹp của
1 em bé liên lạc,
biểu hiện tính
chất mến thương
của tác giả, ước
vọng hoà bình
của trẻ
- Đọc
- Đọc
- Viết văn bản
3. Hình ảnh Lượm vẫn
sống mãi.
- Tái hiện hình ảnh Lượm
nhanh nhẹn, vui tươi, hồn nhiên
→ Lượm sống mãi trong
tâm trí nhà thơ; Lượm còn
mãi với cuộc đời.
IV. Tổng kết
Ghi nhớ
(Sgk, trang 77)
V. Luyện tập
Phần 1, 2 sgk trang 77
4. Củng cố
- GV gọi học sinh nhắc lại nội dung bài vừa tìm hiểu.
- GV dựa vào phần ghi nhớ nhắc lại nhiều ý chính bài học để học sinh nắm.
5. Dặn dò
- Học bài, làm phần luyện tập
- Chuẩn bị bài “Hoán dụ”.
Giáo án 2: Bài 25
Cô Tô (Nguyễn Tuân)
(Tuần 26, tiết 103, 104)
I. Mục tiêu cần đạt
Giúp học sinh:
- Cảm nhận được vẻ đẹp sinh động, trong sáng của những bức tranh thiên nhiên và
đời sống con người ở vùng đảo Cô Tô được miêu tả trong bài văn.
- Thấy được nghệ thuật miêu tả và tài năng sử dụng ngôn ngữ điêu huyện của tác giả.
II.Chuẩn bị
- Giáo viên: Sách giáo khoa, sách giáo viên, giáo án, tranh ảnh (nếu có)….
- Học sinh: Vở soạn, vở ghi, sách giáo khoa…
III. Các bước lên lớp
1. Ổn định lớp
2. Kiểm tra bài cũ
- Đọc thuộc lòng đoạn thơ “Một hôm…. đến hết bài thơ.
- Nêu giá trị về nội dung và nghệ thuật của bài thơ?
3. Bài mới.
Hoạt động của thầy HĐ của HS Nội dung
- Đọc chú thích * (Sgk,
trang 90)
- Nêu tóm tắt về tác giả tác
phẩm.
- Chốt lại những ý chính về
tác giả, tác phẩm.
- Hướng dẫn cách đọc cho
học sinh
- Gọi học sinh đọc văn bản.
- Gọi học sinh đọc chú thích
giải nghĩa từ.
- Giảng thêm 1 số từ ngữ
khi cần giải nghĩa.
- Bài văn có thể chia làm
mấy đoạn? Nội dung chính
của mỗi đoạn là gì?
- Chốt lại cho học sinh ghi
vào vở.
- Cảnh Cô Tô sau cơn bảo
hiện lên qua các chi tiết
- Đọc
- Trả lời
- Nghe, ghi nhớ
- Đọc
- Nghe và ghi nhớ
- Nghe, ghi nhớ
- Chia làm 3 đoạn
- Ghi vào vở
- Trong trẻo, sáng
sủa cây thêm xanh
I. Tác giả - tác phẩm
(Sgk, trang 90)
II. Tìm hiểu chung
1. Đọc
(Sgk, trang 88-89)
2. Từ khó
Chú thích
(Sgk, trang 90)
3. Bố cục: 3 đoạn
- Đoạn 1: Từ đầu….ở
đây. Quang cảnh Cô
Tô sau cơn bảo.
- Đoạn 2: Tiếp theo…
cánh. Cảnh mặt trời
mọc trên đảo Cô Tô.
- Đoạn 3: Phần còn lại.
Cảnh sinh hoạt của con
người trên đảo.
III.Tìm hiểu văn bản
1. Quang cảnh Cô Tô
sau cơn bão
nào?
- Lời văn miêu tả có gì đặc
sắc về cách dùng từ?
- Cát vàng giòn hơn tác giả
sử dụng biện pháp nghệ
thuật nào?
- Em cảm nhận được Cô Tô
là 1 quang cảnh ntn?
- Tác giả có cảm nghĩ gì khi
ngắm toàn cảnh Cô Tô?
- Tác giả có tình cảm như
thế nào đối với thiên nhiên
đẹp?
- Chốt lại ý chính cho học
sinh nắm.
- Hãy tìm những chi tiết
miêu tả biển đảo Cô Tô
trước, trong và sau khi mặt
trời mọc?
- Em có nhận xét về nghệ
thuật miêu tả của tác giả
trong các chi tiết trên?
- Cái cách đón nhận mặt trời
mọc của tác giả diễn ra ntn?
Có gì độc đáo trong cách
đón nhận này?
- Qua đó cho thấy tác giả có
tình cảm ntn đối với TN?
- Nhà văn chọn điểm không
gian nào để miêu tả cảnh Cô
Tô? Vì sao?
- Cảnh sinh hoạt và lao
mượt, nước biển
lam biếc đậm đà,
cát vàng giòn hơn,
cá nặng lưới
- Dùng nhiều tính từ
- Ẩn dụ chuyển đổi
cảm giác
- Tự bộc lộ cảm
nhận.
- “Càng thấy…..
đây”
- Tác giả thấy Cô Tô
gần gủi như quê
hương mình sẵn sàng
yêu mến, gắn bó
thiên nhiên đất nước.
- Nghe, ghi nhớ
- Tìm, trả lời
+ Chân trời….minh
+ Tròn trĩnh… bình
minh
+ Vài chiếc….cánh
- Dùng hình ảnh so
sánh tài quan sát,
tưởng tượng.
- Dậy từ canh tư, ra
sân đầu mũi đảo
ngồi rình.
- Công phu và trân
trọng
- Yêu mến thiên
nhiên.
- Cái giếng nước-sự
sống sau 1 ngày lao
động.
- Khẩn trương, tấp
Bầu trời tươi sáng,
trong trẻo, cây thêm
xanh mượt, nước biển
lam biếc, cát vàng giòn
hơn, cá nhiều hơn…
→ Dùng các tình từ
gợi tả màu sắc vừa tinh
tế vừa gợi cảm
→ Cô Tô là một bức
tranh phong cảnh biển
đảo trong sáng phóng
khoáng, lộng lẫy.
2. Cảnh mặt trời mọc
trên biển đảo Cô Tô
- Cảnh mặt trời mọc
trên biển là một bức
tranh tuyệt đẹp rực rỡ
tráng lệ.
- Dùng nhiều hình ảnh
so sánh thể hiện tài
quan sát, tưởng tượng
của tác giả.
- Tạo được bức tranh
cực kỳ rực rỡ.
→ Tác giả là người
yêu mến thiên nhiên.
3. Cảnh sinh hoạt của
con người trên đảo
Cô Tô.
động trên đảo diễn ra ntn?
Thể hiện qua các chi tiết
nào?
- Tại sao tác giả nhận thấy
cảnh sinh hoạt giếng đảo
“Vui như 1 cái bền”?
- Hình ảnh anh hùng Châu
Hòa Mãn gánh nước và Châu
Hòa Mãn địu con gợi cho em
cảm nghĩ gì về cuộc sống của
mình nơi đảo Cô Tô?
- Tác giả có tình cảm ntn
đối với người sống ở đây?
- Chốt lại nội dung
- Bài văn cho em hiểu gì về
Cô Tô?
- Bài văn thấm đượm cảm
xúc của tác giả ntn?
- Giá trị về nghệ thuật của
bài văn Cô Tô.
- Gọi học sinh đọc ghi nhớ
(Sgk, trang 91)
- Chốt lại
- Gọi học sinh đọc lại bài.
- Gọi học sinh đọc bài tập.
- GV: Hướng dẫn học sinh
làm luyện tập.
nập, thanh bình
“cái giếng...và múc”
“đoàn thuyền… về”
- Tác giả cảm thấy
được niềm vui và sự
thân tình ở chính
nơi này.
- Cuộc sống thanh
bình.
- Chân thành và
thân thiện
- Nghe, ghi nhớ
- Vẽ đẹp độc đáo
của cuộc sống thiên
nhiên và con người
nơi đảo Cô Tô.
- Tình yêu sâu sắc
giành cho thiên
nhiên và sự sống
con người.
- Trả lời: Ngôn ngữ
tinh tế, hình ảnh so
sánh…..
- Đọc
- Nghe, ghi nhớ
- Nghe, ghi nhớ
- Đọc
- Viết đoạn văn
- Cảnh sinh hoạt nơi
đây diễn ra tấp nập
đông vui thân tình →
tác giả cảm thấy được
niềm vui và sự thân
tình ở chính nơi đây.
- Cuộc sống ấm êm,
hạnh phúc trong sự
giãn dị, thanh bình và
lao động.
→ Tác giả luôn có tình
cảm chân thành, thân
thiện với con người và
cuộc sống nơi đây.
IV. Tổng kết
- Nội dung.
- Nghệ thuật
- Ghi nhớ (Sgk, trang
91)
V. Luyện tập
1, 2 (Sgk, trang 91)
4. Củng cố
- Giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh trả lời để củng cố bài
+ Qua bài này các em cần nắm các nội dung nào?
+ Văn Nguyễn Tuân bồi đắp thêm tình cảm nào trong em?
- Học sinh: Trả lời.
- Giáo viên: Chốt lại.
5. Dặn dò
- Về học bài
- Làm phần luyện tập
- Chuẩn bị bài mới “Cây tre Việt Nam”.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA7026.pdf