ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
NGUỒN NHÂN LỰC THƯ VIỆN - THÔNG TIN
TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA HÀ NỘI
NCS. Nguyễn Văn Thiên
Phó trưởng Khoa Thư viện - Thông tin (Phụ trách Khoa)
Trường Đại học Văn hoá Hà Nội
Tóm tắt:
Khoa Thư viện - Thông tin Trường Đại học Văn hóa Hà Nội gần đây đã triển khai
đánh giá, cải tiến chương trình đào tạo với mục tiêu xây dựng được một chương trình
đào tạo nguồn nhân lực thư viện thông tin học hiện đại theo mô hình các trường đ
10 trang |
Chia sẻ: huongnhu95 | Lượt xem: 481 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Đổi mới chương trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thư viện-Thông tin tại trường đại học văn hóa Hà Nội, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ại học
tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, góp phần đẩy nhanh quá trình đổi mới về nội
dung chương trình, phương pháp giảng dạy và quy trình đào tạo đại học. Bài viết này
phân tích sự cần thiết phải đổi mới chương trình đào tạo ngành thư viện thông tin đồng
thời trình bày thực tiễn đổi mới nội dung chương trình đào tạo ngành thư viện thông tin
tại Khoa Thư viện - Thông tin Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Đặt vấn đề
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu của xã
hội, trong những năm gần đây hoạt động đào tạo nguồn nhân lực thư viện thông tin phát
triển một cách mạnh mẽ ở Việt Nam. Tính đến năm 2010, có trên 50 cơ sở trong cả nước
tham gia đào tạo nguồn nhân lực thư viện thông tin từ bậc cao đẳng trở lên. Trong đó có
9 cơ sở đào tạo cán bộ thư viện từ trình độ đại học, 3 cơ sở đào tạo từ trình độ thạc sĩ, 1
cơ sở đào tạo cả 4 bậc từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ. Trường Đại học Văn hoá
Hà Nội là đơn vị đào tạo duy nhất có đủ 4 bậc đào tạo từ cao đẳng đến tiến sĩ. Sự gia tăng
mạnh mẽ của các cơ sở đào tạo và sự đa dạng hoá các cấp bậc đào tạo đã tạo ra một
nguồn nhân lực đông đảo cán bộ có trình độ về thư viện thông tin phục vụ nhu cầu xã hội.
Tuy vậy, nguồn nhân lực được gia tăng về số lượng này đã đáp ứng được nhu cầu của xã
hội hay chưa, điều đó phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đào tạo của các cơ sở. Có nhiều
yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo trong đó chương trình đào tạo là yếu tố then
chốt mang tính quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu và chất lượng đào tạo của
mỗi cơ sở. Xét điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay và những tính chất đặc thù của ngành
có thể nhận thấy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực thư viện thông tin cần thiết phải có sự
đổi mới trong chương trình đào tạo.
Sự cấp thiết phải đổi mới chương trình đào tạo ngành thư viện thông tin
Có nhiều lý do dẫn tới sự cấp thiết phải đổi mới chương trình đào tạo ngành thư viện
thông tin trong đó tập trung ở những nguyên nhân chính sau:
+ Chất lượng đào tạo của nền giáo dục Việt Nam.
Thực trạng chung của nền giáo dục Việt Nam hiện nay bên cạnh những thành tựu đã
đạt được còn khá nhiều bất cập, trong đó tồn tại lớn nhất tập trung vào chất lượng đào tạo
chưa cao. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo
dục và đào tạo đã bày tỏ quan điểm của mình về thực trạng này, đồng thời chỉ ra khá
nhiều nguyên nhân dẫn tới sự bất cập giữa qui mô đào tạo và chất lượng đào tạo. Trong
đó các nguyên nhân chính tập trung vào sự yếu kém, bất hợp lý trong: chương trình đào
tạo, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giáo viên giảng dạy, tài liệu học tập, giáo trình.
Thực tế này cũng được Đại hội Đảng lần thứ 11 nhận định một cách khách quan và nêu
rõ chiến lược đổi mới toàn diện phát triển giáo dục đào tạo trong văn kiện đại hội, trong
đó đề cao việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo: "Đổi mới căn bản, toàn diện nền
giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội
nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và
cán bộ quản lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi
trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập
nghiệp.... Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các
cấp, bậc học."
+ Bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay
Ngành thư viện và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực thư viện thông tin Việt Nam hiện
nay đang nằm trong một bối cảnh rất đặc biệt. Sau 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới,
mở cửa và hội nhập quốc tế chúng ta đang dần tiếp cận với xã hội thông tin và nền kinh
tế tri thức. Thông tin đã và đang giữ vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực hoạt động của
đời sống xã hội, nó quyết định tới sự sinh tồn và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Bất
cứ quốc gia nào, dân tộc nào, một tổ chức nào hay một cá nhân nào nắm bắt được thông
tin chính xác, đầy đủ và nhanh chóng sẽ là một lợi thế cho quá trình phát triển bền vững
của mình. Chức năng chính của hoạt động thư viện thông tin được thể hiện thông qua
việc: lựa chọn, thu thập, tổ chức và phân phối thông tin nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu
thông tin cho cộng đồng, vì vậy vai trò của các thư viện ngày càng quan trọng trong bối
cảnh hiện nay. Trong xã hội thông tin với nền kinh tế tri thức các cơ quan thư viện thông
tin không đơn thuần là nơi tàng trữ và phục vụ tài liệu mà là nơi quản trị thông tin và tiến
tới là nơi quản trị tri thức. Bối cảnh này đã làm thay đổi quan niệm về nghề thư viện,
đồng thời tác động trực tiếp đến hoạt động đào tạo nguồn nhân lực thư viện thông tin.
+ Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin
Có thể nhận thấy trong mấy thập niên gần đây khoa học và công nghệ trong đó chủ
yếu là công nghệ thông tin có những bước phát triển rất nhanh chóng. Sự phát triển này
đã tác động sâu sắc đến hoạt động thư viện. Từ những năm cuối của thế kỷ XX, nhìn tổng
thể trên thế giới, ngành thư viện thông tin là một trong những ngành được thừa hưởng
nhiều nhất những thành tựu phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông
mang lại. Chính sự phát triển của khoa học công nghệ này đã làm thay đổi căn bản hoạt
động của ngành thư viện. Nghị quyết Chính phủ 49/CP kí ngày 04/08/1993 đưa ra khái
niệm công nghệ thông tin như sau: "Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp
khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại - chủ yếu là kĩ thuật máy tính và
viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông
tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội".
Liên hệ với thực chất những hoạt động chính của cơ quan thư viện thông tin bao gồm
những mảng công việc liên quan tới: thu thập, tổ chức và phân phối thông tin. Trong thư
viện truyền thống tất cả các công việc đó do con người tiến hành một cách thủ công. Khi
máy tính điện tử và các công nghệ ra đời, các công việc đó được thực hiện chủ yếu bằng
máy tính. Như vậy chúng ta có thể nhận thấy có một sự giao thoa rất lớn giữa công nghệ
thông tin và hoạt động thư viện thông tin.
Công nghệ thông tin và truyền thông đã đưa môi trường điện tử và số vào hoạt động
thư viện làm thay đổi cách thức thông tin được tạo ra, cách thức tổ chức và phân phối
thông tin. Bên cạnh các vật mang tin truyền thống như tài liệu sách báo là sự xuất hiện
của các loại hình tài liệu điện tử, tài liệu dạng số, tài liệu trực tuyến với rất nhiều tính
năng ưu điểm vượt trội. Dưới sự tác động của công nghệ thông tin và truyền thông công
tác xử lý thông tin trong hoạt động thư viện cũng có những thay đổi rất lớn. Hoạt động
này được thực hiện theo hướng tự động hóa, chuẩn hóa và liên kết chia sẻ. Phần lớn các
khâu công việc liên quan đến xử lý thông tin trong thư viện được thực hiện bằng máy tính
điện tử với phần mềm chuyên dụng cho hoạt động thư viện. Các sản phẩm và dịch vụ thư
viện thông tin cũng có biến đổi rất lớn cả về số lượng và chất lượng. Các dịch vụ đều
hướng tới người dùng tin theo hướng mở, tiện ích, thân thiện. Công nghệ thông tin đã làm
thay đổi căn bản mọi họat động của ngành thư viện thông tin. Với sự ứng dụng của công
nghệ thông tin nhiều loại hình thư viện mới đã xuất hiện: thư viện số, thư viện tự động
hoá, thư viện ảo... Tất cả những thay đổi này đòi hỏi các cơ sở đào tạo về thư viện thông
tin phải có sự thay đổi cơ bản trong chương trình đào tạo của mình có như vậy nguồn
nhân lực được đào tạo ra mới có thể thích ứng với điều kiện thực tế của ngành hiện nay
và tương lai.
Thực tiễn đổi mới chương trình đào tạo tại Khoa Thư viện - Thông tin Trường
Đại học Văn Hoá Hà Nội
Khoa Thư viện - Thông tin Trường Đại học Văn hoá Hà Nội là một khoa có bề dầy 50
năm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực thư viện thông tin và là cơ sở đào tạo lâu đời
nhất, nơi đào tạo được nhiều cán bộ thư viện thông tin nhất trong cả nước. Tính đến nay,
Khoa đã đào tạo được 39 khoá đại học hệ chính quy với gần 4.000 sinh viên tốt nghiệp.
Hệ đại học vừa học vừa làm cũng được triển khai đào tạo rộng khắp trong cả nước và đã
đào tạo được trên 4.000 sinh viên. Trong những năm gần đây, để đa dạng hoá các loại
hình đào tạo, các cấp bậc đào tạo, Khoa đã mở thêm hệ Cao đẳng chính quy 3 năm và hệ
đào tạo chính quy liên thông Cao đẳng - Đại học 1,5 năm. Những sinh viên tốt nghiệp từ
Khoa đã được xã hội đón nhận trở thành các cán bộ thư viện hiện đang công tác trong
mọi loại hình thư viện, cơ quan thông tin trong cả nước. Họ đã và đang từng ngày từng
giờ đóng góp vào việc phục vụ người đọc và người dùng tin, đem tri thức đến với mọi
người nhằm thúc đẩy nhanh công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đội ngũ này đã
cống hiến công sức và trí tuệ góp phần vào mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực,
bồi dưỡng nhân tài cho xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và
bảo tồn, phát triển chấn hưng nền văn hóa nước nhà.
Để đạt được những thành tích trên là một sự nỗ lực rất lớn suốt nửa thế kỷ qua của
nhiều thế hệ thầy và trò Khoa Thư viện - Thông tin Trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Tuy
vậy, với bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức và đặc biệt là sự tác
động mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong đó công nghệ thông tin và truyền thông là
then chốt đã tạo ra những khó khăn, bất cập cho hoạt động đào tạo của Khoa. Để đáp ứng
tốt hơn, nhanh hơn các yêu cầu của sự phát triển và những đòi hỏi của thị trường, trong
nhiều năm qua Trường Đại học Văn hoá Hà Nội nói chung Khoa Thư viện - Thông tin
nói riêng đã xác định cần phải có sự đổi mới về nhiều mặt trong đó đặc biệt chú trọng đến
việc đổi mới chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tiên
tiến, chuẩn hóa quốc tế. Chỉ như vậy nguồn nhân lực khoa đào tạo ra mới đáp ứng được
nhu cầu thực tế của xã hội.
Tính từ năm 2002 đến nay Khoa đã tiến hành điều chỉnh chương trình đào tạo 03 lần
theo hướng giảm tải thời lượng các môn học cũ không còn đáp ứng nhu cầu thực tế của
điều kiện Việt Nam, tham khảo các chương trình đào tạo của các quốc gia phát triển để
cập nhật kịp thời các môn học mới.
Chương trình đào tạo được ban hành năm 2002 cho ngành thư viện thông tin, trình độ
đại học có khối lượng kiến thức được thiết kế gồm 210 đơn vị học trình (đvht) trong đó:
- Kiến thức giáo dục đại cương 90 đvht;
- Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 120 đvht.
Việc xây dựng và ban hành chương trình đào tạo năm 2002 được sự chỉ đạo trực tiếp
tiếp từ Bộ Văn hoá thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Bộ Giáo dục
và Đào tạo. Chương trình được Hội đồng nhóm ngành văn hoá nghệ thuật của Trường
Đại học Văn hoá Hà Nội và Hội đồng chương trình ngành Thư viện đã triển khai biên
soạn. Cơ cấu thành phần các môn học có rất nhiều thay đổi so với chương trình trước đó
được ban hành vào năm 1992. Nhiều môn học mới về lĩnh vực công nghệ thông tin được
đưa vào giảng dạy cả ở phần kiến thức bắt buộc cũng như tự chọn. Ví dụ: Nhập môn
công nghệ thông tin, Mạng thông tin máy tính, Thư viện điện tử... Đây là những bước đi
rất căn bản của Khoa trong việc xây dựng chương trình bởi ở giai đoạn đó thực tiễn hoạt
động thư viện trong nước và khu vực có rất nhiều chuyển biến.
Tuy nhiên, trong những năm đầu của thế kỷ 21 công nghệ thông tin có những sự phát
triển vượt bậc, sự bùng nổ của thông tin số toàn cầu, sự phổ cập của máy tính cá nhân và
sự có mặt của Internet ở khắp mọi nơi. Bên cạnh công nghệ thông tin nhiều công nghệ
khác đã được nghiên cứu ứng dụng vào hoạt động thư viện ở các nước tiên tiến. Nhiều
qui trình công việc trong thư viện đã có sự thay đổi căn bản theo hướng tự động hoá.
Thực tế đó đòi hỏi Khoa Thư viện - Thông tin một lần nữa cần có sự điều chỉnh chương
trình đào tạo nhằm bổ sung những môn học mới đáp ứng nhu cầu của ngành ở hiện tại và
tương lai. Chương trình đào tạo đại học ngành thư viện thông tin được hội đồng các nhà
khoa học của Khoa tiếp tục điều chỉnh và ban hành vào năm 2007. Chương trình ban
hành lần này về cơ bản kế thừa từ chương trình năm 2002, về thời lượng không có sự
thay đổi tuy nhiên nhiều môn học mới đã được bổ sung, tiêu biểu phải kể đến như:
* Đại cương về công nghệ thông tin và truyền thông: nhằm cung cấp cho sinh viên
nnững kiến thức căn bản về cấu trúc mày tính, căn bản về mạng máy tính, mạng internet,
những ứng dụng của công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện.
* Thiết kế và quản trị Website: nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về
cấu trúc trang web và qui trình thiết kế trang web, có khả năng sử dụng các phần mềm
thiết kế web , nắm được cách thiết kế website cho thư viện và cơ quan thông tin.
* Phần mềm tích hợp quản trị thư viện: nhằm cung cấp cho sinh viên các kiến thức căn
bản về hệ quản trị thư viện tích hợp, các phân hệ chính của phần mềm thư viện hợp hỗ trợ
cho việc tự động hoá các khâu công việc trong một thư viện, cơ quan thông tin.
* Tiêu chuẩn hoá hoạt động thư viện thông tin: nhằm trang bị cho học viên những kiến
thức và kỹ năng cần thiết về tổ chức, thực hiện việc xây dựng và áp dụng các TCVN; áp
dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài trong dây chuyền hoạt động thư viện
thông tin. Bên cạnh đó nhiều môn tự chọn, các chuyên đề mới cũng được đưa vào giảng
dạy cho sinh viên.
Năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư số 14/2010.TT-BDDĐT về việc
ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, đại học. Theo thông tư
này mã ngành thư viện thông tin trước đây được tách thành hai ngành là: Khoa học thư
viện và Thông tin học. Đây cũng là giai đoạn lãnh đạo Trường Đại học Văn hoá Hà Nội
chủ trương từng bước thực hiện việc chuyển đổi phương thức đào tạo từ đào tạo niên chế
sang đào tạo tín chỉ. Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Giám hiệu, Khoa Thư viện -
Thông tin lại tiến hành đổi mới chương trình đào tạo theo phương thức đào tạo tín chỉ.
Việc đổi mới và xây dựng chương trình lần này được tiến hành đồng bộ cho cả hai ngành:
Khoa học Thư viện và Thông tin học. Đồng thời đây cũng là giai đoạn Khoa tiến hành
sửa đổi, xây dựng chương trình đào tạo cho cả 03 trình độ: Đại học, Cao đẳng, Liên
thông cao đẳng - đại học. Đây là đợt đổi mới chương trình lớn nhất, căn bản nhất với mục
tiêu: Xây dựng chương trình đào tạo ngành Khoa học Thư viện và Thông tin học tin
mang tính khoa học, hiện đại phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tương thích với trình độ
phát triển của khu vực. Để có thể xây dựng được các chương trình đào tạo trên với chất
lượng tốt nhất, Hội đồng xây dựng chương trình của Khoa đã tổ chức nhiều cuộc hội
thảo, toạ đàm khoa học với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học thuộc
lĩnh vực thư viện thông tin trong nuớc và quốc tế, các giám đốc, cán bộ quản lý của
những thư viện trung tâm thông tin lớn trong nước nơi đang sử dụng trực tiếp nguồn nhân
lực do khoa đào tạo. Hội đồng xây dựng chương trình cũng tham khảo trực tiếp chương
trình đào tạo thư viện thông tin của một số trường thuộc các quốc gia trên thế giới và
trong khu vực như Anh, Mỹ, New Zealand, Thái lan, Singapore... Đến cuối năm 2010 các
chương trình đã được phê duyệt và chính thức áp dụng.
So với các chương trình đã được ban hành trước đây, chương trình đào tạo 2010 có
nhiều thay đổi. Trước hết việc tiến hành xây dựng 03 chương trình ở các trình độ khác
nhau vào một thời điểm đã tạo nên một sự thống nhất xuyên suốt giữa các chương trình
đào tạo về thời lượng cũng như nội dung giảng dạy của từng môn học tránh được sự thiếu
sót hay trùng lặp giữa các chương trình.
Chương trình đào tạo trình độ đại học được thiết kế gồm 132 tín chỉ tương đương với
198 đvht theo đúng qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đó:
* Kiến thức giáo dục đại cương 48 tín chỉ.
* Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 84 tín chỉ.
Chương trình mới đã đảm bảo tính cập nhật những kiến thức mới, cơ bản hiện đại; phù
hợp với thực tế điều kiện Việt Nam. Nhiều môn học đã chú trọng rèn luyện kỹ năng và
phát triển tư duy sáng tạo cho sinh viên. Từ việc tham khảo chương trình đào tạo của một
số quốc gia trên thế giới và trong khu vực một số môn học mới được bổ sung cập nhật
như:
* Kiến thức thông tin.
* Thiết kế và quản trị cơ sở dữ liệu.
* Tự động hoá hoạt động thư viện thông tin.
* Marketing trong hoạt động thư viện thông tin.
* Sở hữu trí tuệ.
* Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin.
* Mạng máy tính và an toàn thông tin.
* Các nguyên lý của hệ thống thông tin.
* Xây dựng và quản lý dự án.
* Quan hệ công chúng và tổ chức sự kiện.
* Thiết kế kiến trúc thư viện và trung tâm thông tin.
Trong những môn học được bổ sung lần này, một số môn được phát triển từ những
môn của chương trình cũ có cập nhật các kiến thức mới cho phù hợp với bối cảnh hiện
nay và tương lai. Một số môn được thiết kế mới, đối với những môn được thiết kế mới,
Hội đồng khoa học đã mời các chuyên gia đầu ngành của từng lĩnh vực trong việc cộng
tác xây dựng đề cương và bài giảng. Đặc biệt là trong 2 năm 2011, 2012 được sự phê
duyệt của Bộ Văn hoá Thể Thao và Du lịch, Khoa Thư viện - Thông tin Trường Đại học
Văn hoá Hà Nội đang tích cực triển khai dự án về đổi mới chương trình, nội dung và
phương pháp giảng dạy ngành thư viện thông tin bậc đại học và cao đẳng. Với các nội
dung được phê duyệt trong dự án này nhiều bài giảng sẽ được giảng viên của Khoa xây
dựng với sự hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thư viện thông tin đến
từ các trường Simmons - Mỹ, Victoria - New Zealand... Bên cạnh việc tư vấn xây dựng bài
giảng các chuyên gia này sẽ tập huấn cho giảng viên của Khoa các phương pháp giảng dạy
mới, tích cực nhằm phát triển tư duy sáng tạo cho người học, tăng cường trang bị cho
người học kĩ năng mềm.
Kết luận
Trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư cho
giáo dục, coi giáo dục đào tạo là quốc sách. Đầu tư cho giáo dục đào tạo cũng có nghĩa là
đầu tư cho sự phát triển bền vững, nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,
nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược. Đây chính là yếu tố then
chốt, mang tính quyết định đưa đất nước ta đi lên. Trải qua nửa thế kỉ đào tạo nguồn nhân
lực thư viện – thông tin cho đất nước, Khoa Thư viện - Thông tin Trường Đại học Văn
hóa Hà Nội không khỏi tự hào về những thành tích đã đạt được. Với sự nỗ lực không
ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và lòng nhiệt huyết của nhiều thế hệ
giảng viên trong Khoa, chúng tôi tin tưởng rằng nguồn nhân lực cán bộ thư viện thông tin
do Khoa đào tạo ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Đặng Quốc Bảo. Một số vấn đề về quản lý giáo dục và lý luận dạy học đại học, Bộ
Giáo dục và đào tạo, 2008.
2. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Dang/20113/70447.vgp.
3. Chương trình đào tạo đại học ngành Thư viện - Thông tin. Trường Đại học Văn
hoá Hà Nội, 2007.
4. Chương trình đào tạo đại học ngành Khoa học Thư viện. Trường Đại học Văn hoá
Hà Nội, 2010.
5. Chương trình đào tạo đại học ngành Thông tin học. Trường Đại học Văn hoá Hà
Nội, 2010.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- doi_moi_chuong_trinh_nham_nang_cao_chat_luong_dao_tao_nguon.pdf