Diện mạo văn hóa - Xã hội của vùng đất Bến Tre trong các thế kỷ XVII - XX

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH -------------------------- NGÔ VĂN ĐỨC DIỆN MẠO VĂN HÓA - XÃ HỘI CỦA VÙNG ĐẤT BẾN TRE TRONG CÁC THẾ KỶ XVII - XX LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ Thành phố Hồ Chí Minh - 2008 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH -------------------------- NGÔ VĂN ĐỨC DIỆN MẠO VĂN HÓA - XÃ HỘI CỦA VÙNG ĐẤT BẾN TRE TRONG CÁC THẾ KỶ XVII - XX Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 60 22 54 LUẬN VĂN THẠC

pdf210 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1703 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Diện mạo văn hóa - Xã hội của vùng đất Bến Tre trong các thế kỷ XVII - XX, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SĨ LỊCH SỬ NGƯỜI HƯỚNG DẨN KHOA HỌC TS. TRẦN THỊ THANH THANH Thành phố Hồ Chí Minh - 2008 MỤC LỤC trang Mục lục MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 Chương 1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN CỦA VÙNG ĐẤT BẾN TRE .........................9 1.1. Vị trí địa lý ...............................................................................................9 1.2. Quá trình kiến tạo, bồi đắp vùng đất Bến Tre ........................................10 1.3. Địa hình ..................................................................................................11 1.4. Thổ nhưỡng ............................................................................................14 1.5. Khí hậu ...................................................................................................17 1.6. Sông ngòi ...............................................................................................19 1.7. Thủy văn ................................................................................................21 1.8. Thực vật .................................................................................................23 1.9. Động vật .................................................................................................27 Chương 2. DIỆN MẠO VĂN HÓA – XÃ HỘI CỦA VÙNG ĐẤT BẾN TRE TRONG CÁC THẾ KỶ XVII – XX .................................................33 2.1. Đời sống xã hội ......................................................................................33 2.2. Đời sống vật chất ...................................................................................45 2.2.1. Sinh hoạt kinh tế ......................................................................45 2.2.2. Cách ăn uống, trang phục, nhà ở, đường sá và phương tiện đi lại ..............................................................................66 2.3. Đời sống tinh thần .................................................................................86 2. 3.1. Phong tục tập quán ..................................................................86 2.3.2. Tín ngưỡng – Tôn giáo ............................................................94 2.3.3. Giáo dục ................................................................................113 2.3.4. Văn học ..................................................................................121 Chương 3. CON NGƯỜI BẾN TRE ......................................................................138 3.1. Con người Bến Tre trong đấu tranh với thiên nhiên ............................138 3.2. Đấu tranh với xã hội .............................................................................147 3.3. Đặc điểm tính cách của con người Bến Tre .........................................168 KẾT LUẬN ............................................................................................................176 TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................188 PHỤ LỤC ...............................................................................................................195 MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Từ lâu, Bến Tre được nhiều người biết đến không chỉ với cái tên “xứ dừa”, mà còn là vùng đất anh hùng, nơi tôi may mắn được sinh ra và lớn lên. Tôi nhận thức được rằng, việc tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề về lịch sử của vùng đất này là trách nhiệm của bản thân. Bến Tre là một bộ phận của vùng đất Nam Bộ. Nam Bộ là vùng đất mới, vùng đất có nhiều đóng góp quan trọng đối với lịch sử dân tộc trên nhiều phương diện, trong đó có phương diện văn hóa. Sống trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, tự nhiên khác nhau, cư dân mỗi vùng, miền, mỗi địa phương có những biểu hiện đặc thù về phẩm chất, tính cách, có cả những mặt tích cực và hạn chế. Nghiên cứu những nét đặc thù về văn hóa, những truyền thống, phẩm chất, tính cách tốt đẹp của con người Bến Tre để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt yếu kém, hạn chế ở hiện tại và tương lai là việc làm hết sức cần thiết. Trong bài viết “Nghiên cứu lịch sử địa phương ở Nam Bộ” in trong tập sách Nam Bộ đất và người, Tiến sĩ Lê Hữu Phước cho rằng: “trong nhiều công trình lịch sử địa phương đã có (kể cả những tập địa chí), trong khi phần lịch sử đấu tranh được khắc họa đậm nét, thì những nội dung về lịch sử xây dựng, kinh tế – văn hóa – xã hội lại chưa được thể hiện tương xứng” [57, tr.145]. Tìm hiểu những vấn đề về văn hóa – xã hội của vùng đất Nam Bộ nói chung, từng địa phương trong vùng đất Nam Bộ nói riêng vẫn đang là vấn đề đặt ra đối với người nghiên cứu lịch sử. Với những lý do như trên, tôi chọn đề tài nghiên cứu của luận văn là “Diện mạo văn hóa – xã hội của vùng đất Bến Tre trong các thế kỷ XVII – XX”. Việc nghiên cứu đề tài còn có ý nghĩa góp thêm cơ sở khoa học để lãnh đạo Tỉnh hoạch định chính sách văn hóa – xã hội cho tỉnh nhà, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, không chỉ ở cấp vĩ mô, toàn quốc mà cụ thể ở cấp vùng, cấp địa phương. Chúng ta biết rằng, tình yêu đất nước bắt nguồn từ tình yêu quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó với cuộc đời của mỗi con người ngay từ thời thơ ấu. Trang bị tri thức lịch sử địa phương để qua đó bồi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ, vì thế, hết sức cần thiết. Qua nghiên cứu đề tài, tôi hy vọng sẽ mở rộng hiểu biết của mình về lịch sử địa phương, sử dụng kết quả nghiên cứu phục vụ cho việc giảng dạy lịch sử địa phương cho học sinh. Việc nghiên cứu diện mạo văn hóa – xã hội của vùng đất Bến Tre, ở một mức độ nhất định, còn là việc làm nhằm góp thêm tư liệu để nghiên cứu diện mạo văn hóa – xã hội vùng đất Nam Bộ. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU “Diện mạo văn hóa – xã hội” được hiểu là bức tranh văn hóa – xã hội được phản ánh qua tư liệu lịch sử. Văn hóa là hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần mà con người đã sáng tạo ra trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên và xã hội. Văn hóa là một mảng của đời sống xã hội, gắn bó hữu cơ với tổ chức cuộc sống của cộng đồng cư dân. Văn hoá vừa là sản phẩm mà một cộng đồng dân cư tạo ra, vừa là nhân tố tác động đến hoạt động của cộng đồng dân cư. Vùng đất Bến Tre là một bộ phận của Nam Bộ, mà Nam Bộ là một phần không thể tách rời của Việt Nam. Lịch sử khai phá, xây dựng và phát triển của vùng đất Bến Tre với những diễn biến phức tạp về chính trị, xã hội, văn hóa nằm trong bối cảnh chung của vùng đất Nam Bộ và chịu chung sự chi phối của bối cảnh cả nước. Do vậy, nghiên cứu diện mạo văn hóa – xã hội Bến Tre từ thế kỉ XVII – XX không thể tách rời diện mạo văn hóa – xã hội Nam Bộ cũng như diện mạo văn hóa – xã hội Việt Nam trong giai đoạn này. Trên quan điểm như thế, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn được xác định là: - Những yếu tố tác động đến diện mạo văn hóa và mối quan hệ giữa các yếu tố đó như: điều kiện tự nhiên, cư dân, con người trong đấu tranh với thiên nhiên, trong đấu tranh xã hội, … tại vùng đất Bến Tre vào các thế kỉ XVII - XX, trong bối cảnh của khu vực Nam Bộ và cả nước. - Những mảng, những lĩnh vực cụ thể của đời sống vật chất, đời sống tinh thần, đời sống xã hội của cư dân sống trên vùng đất Bến Tre. - Không gian nghiên cứu diện mạo văn hóa – xã hội là vùng đất Bến Tre, bao gồm cả những nơi trước đây không thuộc Bến Tre, nhưng hiện nay nằm trong địa phận Bến Tre. Thời gian nghiên cứu được xác định trong khoảng các thế kỷ XVII – XX, tức là từ khi có người Việt, người Hoa đến khai phá vùng đất Bến Tre cho đến thời điểm kết thúc một kỷ nguyên (năm 2000), mở ra một kỷ nguyên mới. 3. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ Các công trình sưu tầm, nghiên cứu về diện mạo văn hóa - xã hội của Bến Tre, có ba dạng: thứ nhất là những công trình có đề cập hoặc ít, hoặc nhiều tới Bến Tre trong đồng bằng sông Cửu Long; thứ hai là các công trình chung về tỉnh, trong đó có đề cập phần nào về diện mạo văn hóa – xã hội; thứ ba là những công trình nghiên cứu một mảng nào đó của diện mạo văn hóa – xã hội vùng đất Bến Tre. Ở dạng thứ nhất, có các công trình tiêu biểu, nghiên cứu về những vấn đề có liên quan đến văn hóa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre (những yếu tố tác động đến văn hóa, những vấn đề về văn hóa – xã hội): - Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn được viết khoảng năm 1776, khi ông giữ chức Hiệp trấn tham vấn quân cơ ở Thuận Hóa. Đây là tập bút ký, cung cấp nhiều sử liệu quý về vùng đất phương nam như cảnh quan, tài nguyên, dân cư, chế độ ruộng đất, thuế khóa, binh chế… Từ thế kỷ XVIII trở về trước, vùng đất Bến Tre được đề cập trong Phủ biên tạp lục với tên gọi chung là vùng sông Tiền. - Tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết dưới thời vua Gia Long đề cập đến nhiều mặt như vị trí, giới hạn, tên các phủ, huyện, tổng, xã, thôn, phong tục, tín ngưỡng, quần áo, nhà cửa, hội hè,… của vùng đất Gia Định nói chung, trong đó có Bến Tre. - Nhà văn Sơn Nam nghiên cứu Nam Bộ dưới nhiều góc độ, như tên gọi của các công trình nghiên cứu: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đất Gia Định xưa, Nói về miền Nam - Cá tính miền Nam – Thuần phong mỹ tục Việt Nam, Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa và Văn minh miệt vườn. - Toan Ánh trong các công trình nghiên cứu về Nếp cũ – Con người Việt Nam, Tín ngưỡng Việt Nam, khi đề cập đến diện mạo một số mặt văn hóa cả nước nói chung, Nam Bộ nói riêng, tác giả có đề cập đến một số hiện tượng văn hóa Bến Tre. Sau năm 1975, nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ, trong đó có văn hóa Bến Tre, tiêu biểu như: Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường với Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội xuất bản năm 1990; Huỳnh Lứa với Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Nxb Khoa học xã hội xuất bản năm 2000; Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh với Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội xuất bản năm 1992; Hồ Bá Thâm -Văn hóa Nam Bộ vấn đề và phát triển, Nxb Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2003; Nguyễn Phương Thảo với Huyền thoại miệt vườn, Nxb Văn hóa Thông tin xuất bản 1994, Văn hóa dân gian Nam Bộ những phác thảo, Nxb Giáo dục xuất bản năm 1994; Trần Hồng Liên với Phật giáo ở Nam Bộ từ thế kỉ 17 đến 1945, Nxb TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 1996; Viện tôn giáo với công trình Bước đầu tìm hiểu Đạo Cao Đài (công trình của nhiều tác giả, Nxb Khoa học xã hội xuất bản năm 1995); Lê Anh Dũng với công trình Lịch sử Đạo Cao đài thời kỳ tiềm ẩn 1920 – 1926, Nxb Thuận Hóa xuất bản năm 1996… Ở dạng thứ hai, diện mạo văn hóa – xã hội của Bến Tre được đề cập phần nào đó trong các công trình nghiên cứu nhiều mặt về tỉnh, tiêu biểu là: - Cuốn Monographie de la province de Bến Tre (Địa phương chí tỉnh Bến Tre) do người Pháp công bố năm 1930, trình bày khá hệ thống về vị trí địa lý, tự nhiên, sông ngòi, khí hậu, thủy lợi, tình hình kinh tế, cây trồng… nhưng nhìn chung còn sơ lược. - Tác giả Huỳnh Minh, trong nhiều sách khảo cứu các tỉnh, thành ở Nam Bộ được xuất bản vào những năm 60, đã đề cập vùng đất Bến Tre trong “Vĩnh Long xưa”, “Định Tường xưa”, “Kiến Hòa (Bến Tre) xưa”. Các tập sách này đã phác họa vùng đất Bến Tre qua một số chi tiết về lịch sử, địa lý, nhân vật, giai thoại, huyền thoại, di tích, thắng cảnh, cây dừa, địa danh năm xưa… - Trong công trình nghiên cứu Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam từ năm 1757 đến 1945 của tác giả Nguyễn Duy Oanh, Phủ Quốc Vụ Khanh Sài Gòn xuất bản năm 1971, tuy nội dung còn sơ lược, nhưng có thể tìm được những tư liệu về vùng đất Bến Tre trên các lĩnh vực địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, việc tổ chức hành chính của chính quyền họ Nguyễn và thực dân Pháp, một số phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, một số nhân vật lịch sử. - Ba Tri đất và người của nhiều tác giả, Ban chấp hành Đảng bộ Ba Tri xuất bản năm 1984, ngoài phần tư liệu về một số nhân vật lịch sử tiêu biểu gắn bó với Ba Tri, một số địa danh từng có những chiến công oanh liệt của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một số ngành nghề truyền thống, công trình còn đề cập một số di tích văn hóa của Ba Tri, về hát sắc bùa Phú Lễ… - Bình Đại địa chí của Huỳnh Văn Tháp, Phan Ngọc Đằng chủ biên, Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại xuất bản năm 1987, cung cấp nhiều tư liệu ở nhiều lĩnh vực như địa lý, lịch sử, dân cư, kinh tế, văn hóa, giáo dục… của cù lao An Hóa nói chung, huyện Bình Đại nói riêng trong các thế kỷ XVII – XX. - Địa chí Bến Tre, do Thạch Phương, Đoàn Tứ chủ biên, cùng nhiều cộng tác viên trong các ngành khoa học khác nhau, do Nxb Khoa học xã hội xuất bản năm 2001 là công trình nghiên cứu tỉ mỉ, công phu, đề cập đến nhiều mặt về tự nhiên, dân cư, lịch sử đấu tranh cách mạng, văn hóa, giáo dục,… của vùng đất Bến Tre từ thế kỷ XVII – XX. Ở dạng thứ ba, những công trình sưu tầm nghiên cứu chuyên sâu, đề cập đến một số lĩnh vực văn hóa của Bến Tre như: Dân ca Bến Tre (Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Ty Văn hóa thông tin Bến Tre xuất bản 1981); Văn học dân gian Bến Tre (Nguyễn Phương Thảo, Nxb Khoa học xã hội xuất bản năm 1988); Hát sắc bùa Phú Lễ Ba Tri – Bến Tre ( Huỳnh Ngọc Trảng, Nxb TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 1992); Tuyển tập văn học chữ viết Bến Tre (Nguyễn Phương Thảo – Nguyễn Nhị Hà sưu tầm, tuyển chọn, Nxb Khoa học xã hội xuất bản năm 1996); Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre (Nguyễn Chí Bền, Nxb Khoa học xã hội xuất bản năm 1997); Tang lễ người già ( của tác giả Lư Văn Hội, Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bến Tre xuất bản năm 2002)… Nhìn chung, công trình nghiên cứu về vùng đất Bến Tre có khá nhiều. Mỗi công trình nghiên cứu đề cập một hoặc một số vấn đề có liên quan đến diện mạo văn hóa – xã hội của vùng đất này. Hiện chưa có công trình nào đề cập đầy đủ và có hệ thống về diện mạo văn hóa – xã hội vùng đất này qua các thời kỳ từ thế XVII – XX. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 4.1. Phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic: - Luận văn thuộc chuyên ngành khoa học lịch sử, do vậy, chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử làm phương pháp chủ đạo trong quá trình nghiên cứu. Bức tranh văn hóa – xã hội được miêu tả dưới góc độ lịch sử, trong bối cảnh, không gian và thời gian cụ thể. - Phác họa bức tranh nghĩa là phải miêu tả, nhưng không chỉ dừng lại ở đó mà các sự kiện, hiện tượng, vấn đề đặt ra và giải quyết ở luận văn còn được phân tích, khái quát, nhận định, xem xét trong các mối liên hệ nhân quả, xem xét tính kế thừa, phát triển, mối liên hệ quá khứ - hiện tại- tương lai… Nói cách khác, người viết còn kết hợp giữa phương pháp lịch sử và phương pháp logic trong quá trình nghiên cứu luận văn. 4.2. Phương pháp tiếp cận hệ thống: - Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng không tồn tại riêng lẻ mà nó luôn nằm trong một hệ thống và chịu sự tác động, chi phối bởi các sự vật, hiện tượng khác. Diện mạo văn hóa – xã hội của Bến Tre trong các thế kỉ XVII – XX được xem như một bộ phận diện mạo của khu vực Nam Bộ và của cả nước vào khoảng thời gian này. - Các yếu tố, các lĩnh vực cụ thể của văn hóa được xem xét trong cùng một hệ thống, chịu chung tác động của những điều kiện, hoàn cảnh tự nhiên, lịch sử. - Với cách tiếp cận hệ thống, các yếu tố, các lĩnh vực cụ thể của văn hóa còn được xem xét trong mối quan hệ tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. 4.3. Phương pháp liên ngành: Xã hội loài người là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Trong nghiên cứu lịch sử, việc sử dụng tài liệu, kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học có liên quan là rất cần thiết, giúp cho việc miêu tả, khôi phục đối tượng nghiên cứu được rõ ràng, làm cơ sở cho việc vững chắc cho việc giải thích, so sánh, đối chiếu các nguồn tư liệu khác nhau. Trong quá trình thực hiện luận văn, người viết sử dụng những thành tựu, kết quả nghiên cứu ở một số ngành có liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài như: khảo cổ học, địa lý học, văn học, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, tôn giáo,… để so sánh, đối chiếu, miêu tả, dựng lại bức tranh văn hóa – xã hội của vùng đất Bến Tre trong các thế kỉ XVII – XX. 4.4. Phương pháp khảo sát điền dã: Tư liệu khảo sát điền dã cung cấp cho nhà nghiên cứu những hình ảnh, những câu chuyện, những hoạt động thực tế, sinh động. Đây là một trong những nguồn tư liệu quý giá trong công tác nghiên cứu lịch sử. Trong quá trình nghiên cứu đề tài, người viết đã trực tiếp khảo sát, tiếp xúc với các di tích, hiện vật lịch sử, văn hóa; phỏng vấn những người am hiểu những vấn đề có liên quan đến đề tài nhằm thu thập thêm thông tin, tư liệu, làm cơ sở để so sánh, đối chiếu với tư liệu thành văn, góp phần miêu tả bức tranh văn hóa - xã hội. 4.5. Phương pháp so sánh: - Việc sử dụng phương pháp so sánh trong nghiên cứu lịch sử là rất cần thiết, nhằm tìm ra sự giống nhau, khác nhau, nét chung, nét riêng, mối quan hệ nhân quả, sự kế thừa, phát triển của các sự kiện, hiện tượng. Trong quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi đã sử dụng phương pháp so sánh lịch đại để tìm ra sự giống nhau, khác nhau, kế thừa, phát triển theo thời gian của các yếu tố, hiện tượng văn hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sử dụng phương pháp so sánh đồng đại để nhận diện sự giống nhau, khác nhau, những điểm chung, những nét đặc thù của diện mạo văn hóa – xã hội Bến Tre với khu vực Nam Bộ và cả nước trong từng thời điểm, giai đoạn. 5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN Thông qua việc chọn lọc và phân tích tư liệu lịch sử, luận văn dựng lại bức tranh toàn cảnh về văn hóa-xã hội của Bến Tre qua các thời kì, trong các thế kỉ XVII-XX. Luận văn cung cấp thêm những thông tin về diễn trình văn hóa-xã hội của địa phương nhằm bổ sung tư liệu về vùng đất này, làm cơ sở cho việc biên soạn, giảng dạy lịch sử địa phương nhằm bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy những thành quả, truyền thống mà các thế hệ cha anh đã xây dựng. Ở một mức độ nhất định, luận văn còn góp thêm cơ sở khoa học để lãnh đạo Tỉnh hoạch định chính sách văn hóa-xã hội của tỉnh nhà. 6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN Về cấu trúc, ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn được chia thành 3 chương. Chương I: Điều kiện tự nhiên của vùng đất Bến Tre Chương II: Diện mạo văn hóa – xã hội của vùng đất Bến Tre trong các thế kỉ XVII- XX Chương 3: Con người Bến Tre Chương 1 ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN CỦA VÙNG ĐẤT BẾN TRE 1.1. Vị trí địa lý Bến Tre hiện nay là 1 trong 13 tỉnh nằm ở đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất Bến Tre được hợp thành bởi ba cù lao lớn là: cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh, do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long: sông Mỹ Tho, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên bồi tụ qua nhiều thế kỉ. Nhìn trên bản đồ, vùng Bến Tre có hình chiếc quạt, đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, các sông lớn giống như nan quạt xòe ra phía Biển Đông. Diện tích tự nhiên của Bến Tre là 2.315,01km2. Phía Bắc, Bến Tre giáp tỉnh Tiền Giang, ranh giới chung là sông Mỹ Tho; phía Tây và Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, ranh giới chung là sông Cổ Chiên; phía Đông giáp Biển Đông, bờ biển dài 65km. Về tọa độ địa lý, điểm cực nam của Bến Tre nằm trên vĩ độ 9048’ bắc, thuộc huyện Thạnh Phú; cực Bắc nằm trên vĩ độ 10020’ bắc, thuộc huyện Châu Thành; điểm cực đông nằm trên kinh độ 106048’ đông, thuộc huyện Bình Đại; điểm cực Tây nằm trên kinh độ 105057’ đông, thuộc huyện Chợ Lách. Đường bộ đi từ thị xã Bến Tre đến thành phố Hồ Chí Minh (qua Tiền Giang và Long An) dài 86km. Quốc lộ 60 từ phà Rạch Miễu, qua thị xã Bến Tre, phà Hàm Luông, thị trấn Mỏ Cày, đến phà Cổ Chiên dài 35,39km. Quốc lộ 57 nối với quốc lộ 60 ở thị trấn Mỏ Cày, qua Chợ Lách, sang Vĩnh Long, đoạn trên đất Bến Tre dài 40,65km. Bến Tre có 6 tỉnh lộ. Tỉnh lộ 882 nối quốc lộ 60 từ ngã ba chợ Xếp đến quốc lộ 57, dài 10 km. Tỉnh lộ 883, từ ngã tư huyện Châu Thành đến Thới Thuận, Bình Đại, dài 58,33km. Tỉnh lộ 883B từ ngã ba Đê Đông đến bờ biển xã Thừa Đức dài 8,1km. Tỉnh lộ 884 từ ngã ba Tân Thành đến bến phà Tân Phú dài 24,45km. Tỉnh lộ 885 từ Thị xã đến Tiệm Tôm, Ba Tri dài 45,5km. Tỉnh lộ 886 từ ngã tư Phú Khương đến ngã ba Phú Hưng, tiếp giáp với đường tỉnh 885, dài 5,3km. Tỉnh lộ 887 từ Thị xã đến ngã ba Sơn Đốc, dài 23,57km. Tỉnh lộ 888 từ ngã ba Thom, Mỏ Cày đến Khâu Băng, Thạnh Phú, dài 51,62km. Trước đây, từ ba cù lao của Bến Tre, có thể đến miền Đông, miền Tây Nam Bộ bằng ghe thuyền đi sông, có thể xuống vùng Cà Mau, ra miền Trung bằng ghe thuyền đi biển. Ngược lại từ miền Trung vào, miền Đông xuống, miền Tây lên, người ta cũng có thể sử dụng những phương tiện tương tự như vậy. Từ khi có tàu thủy, ghe máy, sự giao lưu càng thuận tiện, tấp nập hơn. Đặc điểm địa lý này đã tác động đến nhiều mặt đến suốt quá trình hình thành, phát triển Bến Tre. 1.2. Quá trình kiến tạo, bồi đắp vùng đất Bến Tre Về lịch sử phát triển địa chất, theo kết quả nghiên cứu của ngành địa chất học[66, tr.187], vùng đất Bến Tre được hình thành ở giai đoạn sau cùng của sự bồi tụ đồng bằng sông Cửu Long, gắn liền với quá trình phân nhánh của sông Cửu Long. Đầu thời kỳ cận sinh, cách nay 70 triệu năm, một cuộc biển tràn nhỏ đã dìm phần cực nam của Bến Tre xuống dưới nước mặn, cùng lúc với khu vực Trà Vinh và Vĩnh Long. Vào thời điểm cách nay khoảng 40 triệu năm, biển rút ra, để lại trầm tích đất liền thô hạt. Đây là trầm tích chứa nước ngọt đầu tiên, nằm ở độ sâu trên 500m, bên dưới khu vực thị xã Bến Tre. Thời tân sinh cách nay 30 triệu năm, một cuộc biển tràn làm ngập toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó, biển lùi ra chút ít, nhưng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trừ An Giang (nhờ móng đá Bảy Núi khá cao), vẫn còn chìm trong biển nước. Tiếp theo, biển lùi thật nhanh, để lại trầm tích đất liền chứa nước lợ. Cách nay khoảng 8 triệu năm, một lần nữa biển lại tràn, lấp gần trọn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đưa nước mặn đột nhập phù sa nước lợ trước đó, làm cho cả vùng đồng bằng bị mặn. Cuộc biển tràn lần này chấm dứt cách nay khoảng 3 – 4 triệu năm. Riêng khu vực Ba Tri, cách nay khoảng một triệu năm lại còn một cuộc biển tràn cục bộ. Đất Bến Tre chỉ mới xuất hiện trên mực nước biển từ khoảng 4.500 năm trở lại đây. Theo tài liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, khoảng 4.500 năm – 5.000 năm cách đây, có một cồn sông khá lớn xuất hiện ở phía dưới khu vực Chợ Lách hiện tại. Sau đó, một số giồng cát được hình thành ở phía đầu cồn, dấu vết ngày nay hiện còn ở phía nam Chợ Lách. Một cù lao lớn thứ hai xuất hiện ở khu vực Châu Thành, tạo nên một cửa sông mới, đó là cửa sông Mỹ Tho. Cùng lúc đó, sông Ba Lai, sông Hàm Luông được hình thành. Các con sông này lấn biển và bồi đất rất nhanh chóng, tạo nên các giồng cát nằm sát nhau. Trước kia, Bến Tre vốn là những cù lao được hình thành riêng lẻ do phù sa của sông Tiền lắng đọng. Những nhánh sông chia cắt các cù lao cũng bị phù sa dần dần lắp nghẽn. Các cù lao dần dần được chắp lại với nhau, tạo nên Bến Tre như hiện tại. Trên địa bàn Bến Tre, dấu tích của những dòng sông cổ bị lấp vẫn còn ở nhiều nơi như Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Thạnh Phú. Đó là những dải đất phèn, những vùng đất thấp với nhiều hợp chất hữu cơ, đặc biệt là những dòng nước ngọt ngầm sâu hàng chục mét. Thực trạng sông Ba Lai hiện nay đang tái lập hình ảnh của các dòng sông cổ bị lấp. Sự bồi tích nhanh của sông Mỹ Tho làm cho sông Ba Lai bị nghẽn ở đầu phía trên. Do vậy, lòng sông đã bị xóa hẳn ở đoạn qua huyện Châu Thành, gần xóa ở đoạn qua huyện Giồng Trôm, sắp sửa bị xóa ở huyện Bình Đại. Xu thế bồi tụ vùng cửa sông ven biển ở Bến Tre vẫn đang tiếp diễn. 1.3. Địa hình Bến Tre thấp và bằng phẳng, độ cao trung bình từ 1 – 2m so với mực nước biển, có hướng thấp dần từ Tây Bắc đến Đông Nam. Phần đất cao thuộc khu vực Chợ Lách, Châu Thành, nằm ở phía bắc và tây bắc thị xã Bến Tre. Đây là khu vực của cồn sông cổ bị lũ hàng năm mang phù sa phủ lấp. Ngoài ra, ở các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, rải rác trên bề mặt địa hình còn có các giồng cát. Giồng là kết quả tác động của dòng sông và sóng biển. Các giồng có dạng vòng cung hay rẻ quạt, cao từ 3 - 5m, chạy dài từ 5 – 7km theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, song song với đường bờ biển. Ở các khu vực này, nhiều địa danh mang từ giồng ở phía trước, như Giồng Trôm, Giồng Tre, Giồng Chuối… Giồng là đất lý tưởng cho cây dừa phát triển. Ngay cả những giồng mới ven biển, dừa cũng mọc được nhờ có lớp cát dày, độ thoát nước cao, không có phèn. Đất giồng là cát pha, nên không co rút, dễ nén, độ thoát nước cao, thích hợp cho việc xây dựng các công trình bán kiên cố. Giồng cổ là nền móng tốt cho nhà nhiều tầng, sân bay. Có nơi, giồng chuyển thành bưng, có đất cát pha sét. Đất này có thể được dùng làm gạch ép. Giữa hai giồng thường là một vùng trũng, được gọi là phẳng giữa giồng. Những phẳng giữa giồng rộng trên 1000m bắt đầu có tầng sinh phèn ở độ sâu 0,5 – 1m, bên dưới lớp phù sa mới nhất. Nếu đào bới ở những nơi này sẽ làm dậy phèn lên. Phẳng giữa giồng là nơi thích hợp cho các loại cây trồng như lúa, mía, hoa màu, với điều kiện phải có nước tưới, vì những khu vực này thường bị nhiễm phèn. Khi làm công tác thủy lợi, cần tránh việc làm dậy phèn ở sâu bên dưới. Ngoài đất giồng, đê tự nhiên hay đê sông cũng là phần đất cao. Đê thành lập vào mùa lũ, khi nước sông dâng lên cao, tràn qua hai bên bờ. Vật liệu thô, theo dòng nước trôi lơ lửng trên mặt nước, cũng tràn vào hai bên bờ. Năm này sang năm khác, vật liệu thô kế tiếp nhau lắng xuống, tạo ra bờ đê cao hơn đất liền bên trong. Đê tự nhiên là nơi cao ráo, có nhiều điểm nổi bật về nông nghiệp so với các loại đất khác ở các trũng. Mỗi năm, đê được bồi thêm phù sa mới, mang độ phì cao cho đất. Đất đê giữ độ ẩm tốt vào mùa nắng. Sau đất giồng, đê tự nhiên là nền móng tốt hơn hết so với các đơn vị bồi tích khác. Đất ở đê rất phù hợp cho việc sử dụng làm đất thổ cư, trồng cây ăn trái. Phía sau đê sông là khu đất thấp hơn, được gọi là bưng sau đê. Đất của bưng sau đê không có phèn. Nếu có phèn là do thảm thực vật úng thối tại chỗ tạo nên, với tổng lượng lưu huỳnh không quá 1%. Loại phèn nước ngọt này, nói chung, không gây hại đến cây trồng. Bưng sau đê ở Bến Tre thường phủ lên cồn sông cổ, đất ẩm, không phèn, nên bưng sau đê rất thích hợp đối với cây lúa, rau màu và cây dừa. Đây là một loại đất nông nghiệp khá tốt, song diện tích không lớn so với các loại đất khác. Trầm tích do lũ đưa về, gồm cát lơ lửng trong lòng nước và sạn sỏi chạy dài trên đáy sông. Chúng tích tụ lại thành lượn, gọi là lượn cát sông. Ban đầu lượn cát nằm dưới mặt nước, về sau nhô dần lên khỏi mặt nước và có thực vật phủ lên, trở thành cồn sông hoặc cù lao. Dọc các sông lớn còn có rất nhiều cù lao (cồn), được hình thành. Trên sông Mỹ Tho có Cồn Phụng, Cồn Tàu. Sông Hàm Luông có Cồn Ốc, Cồn Linh. Sông Cổ Chiên có Cồn Phú Đa, Cồn Dung… Đối với nông nghiệp, cù lao hay cồn sông có giá trị kinh tế khá cao. Đất cồn không có phèn, thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Phần đất thấp, từ 1 – 1,5m, gồm có 2 dạng. Trước hết, đó là khu vực các lòng máng của các lòng sông cổ và mới, đã bị lấp hoàn toàn hoặc một phần bởi trầm tích lũ, cụ thể là các khu vực như Phước An, Phước Tú (Châu Thành), Phong Phú, Phú Hòa (Giồng Trôm). Dạng thứ hai là những vũng mặn cổ, hiện cũng đã được lấp đầy từng phần như xóm chợ cũ, Mỹ Hòa (Ba Tri), Bình Quới (Giồng Trôm). Phần đất trũng thật thấp ở khu vực ven biển, có độ cao không quá 0,5m. Phần đất này luôn luôn ngập dưới mực triều trung bình, bao gồm những đầm mặn và bãi thủy triều. Đất đầm mặn có nhiều ở Bình Đại, trở nên ít dần ở Ba Tri và Thạnh Phú. Bãi thủy triều có địa mạo bằng phẳng. Tuy vậy, mặt trên của bãi thủy triều bao giờ cũng có dấu vết của dòng nước và sóng. Bãi thủy triều gồm có hai loại. Loại thứ nhất là bãi cát thủy triều, nằm ở những nơi có sóng gió to. Loại thứ hai nằm ở những nơi khuất sóng, trong vũng kín hoặc nửa kín, bao gồm bùn pha sét và chất hữu cơ, nên được gọi là bãi bùn thủy triều. Bãi cát thủy triều có thể sử dụng làm bãi tắm phục vụ khách du lịch. Bãi bùn thuỷ triều, đến nay vẫn chưa thấy có công dụng gì đáng kể. Bãi thủy triều được bồi tích liên tục. Các tác giả quyển Địa chí Bến Tre (2001) cho biết, trong 21 năm, từ 1968 – 1989, tổng diện tích bồi tụ của Bến Tre là 61, 170 km2. Trong đó, huyện Bình Đại chiếm 19,807 km2, Ba Tri chiếm 16,989 km2, Thạnh Phú chiếm 24,373 km2. Tốc độ bồi tụ bình quân mỗi năm là 2,33 km2[18, tr.168-169]. Bãi thủy triều thuộc môi trường nửa nước nửa khô. Mỗi ngày, bãi bị ngập hai lần và bị phơi khô hai lần. Ở khu vực gần cửa sông, bãi thủy triều là môi trường sống thuận lợi của hàu, ngao, sò huyết. Nhiều nơi, người ta đã phát hiện được những đống vỏ lớn, nhân dân gọi đó là những mỏ hào, mỏ ngao, mỏ sò huyết. Ở Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đều có lác đác những đống vỏ như vậy. Bờ biển Bến Tre chủ yếu là những bãi bồi rộng. Khi triều rút, bãi bồi trải rộng ra phía biển hàng ngàn mét, rất thuận lợi cho việc nuôi thủy sản nước mặn như nghêu, sò. Chất trầm tích ở bãi thủy triều chứa các loại vi sinh vật khá phong phú, là nguồn thức ăn cho các vật nuôi, đặc biệt là tôm. Địa hình vùng đất Bến Tre khá đa dạng, bị chia cắt bởi sông ngòi, kênh rạch, địa hình tương đối bằng phẳng, có những khu vực tương đối cao, như các giồng đất và đê tự nhiên, có những vùng đất thấp như bưng, trũng, bãi bồi. Những khu đất cao là nơi thuận tiện cho cư trú trong buổi đầu khai phá, để rồi, từ những khu đất cao này, các thế hệ lưu dân đã mở rộng diện tích khai phá xuống các vùng bưng, trũng. 1.4. Thổ nhưỡng Đất đai ở Bến Tre là sản phẩm của quá trình bồi tụ phù ._.sa của đồng bằng sông Cửu Long. Do có lịch sử canh tác lâu đời, đất đai ở đây đã trải qua những biến chuyển quan trọng. Nhiều vùng đất mặn, đất phèn đã được ngọt hóa. Việc đào mương, lên liếp đã làm thay đổi gần một nửa diện tích đất đai trong tỉnh. Đất ở vùng Bến Tre gồm 4 nhóm chính: đất phù sa, đất mặn, đất phèn và đất giồng cát. Đất phù sa chiếm 66.471 ha (26,9% diện tích đất toàn tỉnh), phân bố chủ yếu ở khu vực tây bắc của tỉnh như Chợ Lách, Châu Thành, bắc Giồng Trôm và bắc Mỏ Cày. Loại đất này thích hợp cho việc phát triển nghề làm vườn, trồng cây ăn trái. Đất phù sa ở Bến Tre được hình thành từ trầm tích của các lòng sông cổ. Đây là những nơi quần cư sớm trong lịch sử khai thác đất Bến Tre. Các tầng đất sâu trên 50cm đã qua thời gian canh tác dài, bị thoái hóa nghiêm trọng, biểu hiện ở sự chai cứng trong các tầng đất. Nhóm đất phù sa ở Bến Tre có độ phì vào loại thấp, nguồn đạm tốt nhưng nguồn dự trữ lân không đủ. Một số nơi, đất đang có biểu hiện suy thoái, trong quá trình khai thác cần lưu ý đến việc bảo dưỡng. Đất mặn chiếm diện tích 96.730ha (43,22% diện tích toàn tỉnh) phân bố chủ yếu ở các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Nhóm đất này được hình thành từ trầm tích hỗn hợp sông, biển, mang dấu ấn của tác động biển trong thành phần của đất. Loại đất mặn ít và trung bình phân bố ở địa hình từ 0,8 – 1,2m, cách xa biển và sông lớn. Loại đất này được canh tác khá lâu đời, mùa khô bị bỏ trống, chế độ bốc hơi mạnh, nên đất bị kết vón ở độ sâu 80 – 100cm. Loại đất mặn nhiều phân bố ở địa hình thấp hơn. Triều cường tràn lên làm cho tầng đất mặt có độ mặn cao rất khó rửa nhanh vào đầu mùa mưa. Loại đất mặn nhiều thường xuyên dưới rừng ngập mặn, phân bố ở khu vực ven biển Bến Tre, dưới các thảm rừng mắm, sú, vẹt. Loại đất này bị ngập thường xuyên do thủy triều, đất có độ mặn rất cao, không thuận lợi cho các loại cây trồng nông nghiệp. Nhìn chung, nhóm đất mặn không thuận lợi cho việc trồng trọt, song không có nghĩa là không thể khai thác được. Đối với loại đất mặn ít, chỉ nhiễm mặn trên bề mặt, có thể cải tạo để trồng lúa, mía, dừa… Loại nhiễm mặn thường xuyên (ven biển) thích hợp với các loại cây ngập mặn, có thể khai thác để trồng rừng, kết hợp nuôi thủy sản. Đất phèn chiếm diện tích 15.127 ha (6,741% diện tích toàn tỉnh), phân bố rải rác ở từ vùng ngọt, vùng lợ đến vùng mặn, cụ thể là ở những nơi có địa hình thấp, khó tiêu nước. Hầu hết đất phèn ở Bến Tre có tầng phèn sâu trên 50 cm, nên chưa phải là loại đất hoàn toàn hạn chế đối với sự sinh trưởng của cây lúa. Ở Bến Tre, các vùng đất phèn đều phát sinh từ nguồn gốc bưng, trũng hoặc sông cổ. Do quá trình bồi tụ của các dòng sông, các lớp đất phèn được phủ lên mặt bởi lớp trầm tích sông. Bằng các biện pháp đào mương, lên liếp, xẻ kênh, lập vườn, người dân đã làm cho các khu vực đất phèn trở nên thoáng khí và khô ráo. Tuy nhiên, ở một số nơi thuộc vùng lợ và vùng mặn (khu vực Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, trong mùa khô, sự xâm nhập mặn vào đất phèn làm cho đất vừa phèn, vừa mặn nên cây trồng rất khó sinh trưởng). Nói chung, đất phèn ở Bến Tre có thể tận dụng để canh tác lúa, nhưng năng suất thường không cao. Đất cát, chủ yếu là đất giồng, chiếm 14.248ha (6,44% diện tích toàn tỉnh). Loại đất này được hình thành bởi tác động của dòng sông và sóng biển trong quá trình lấn biển của vùng cửa sông. Dưới tác động của khí hậu và của con người qua hàng trăm năm, những giồng đất được hình thành sớm không còn tơi xốp như những giồng hình thành sau ở khu vực Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Ở những nơi không có cây che phủ, đất rất dễ bị thoát nước, tầng mặt thường rất khô. Loại đất này ít cua ở tầng mặt, nghèo hữu cơ, độ phì thấp, thiếu đạm nghiêm trọng. Do đất cát giồng có khả năng giữ nước và giữ phân kém, nên chủ yếu được sử dụng làm đất cư trú kết hợp với trồng rau màu và cây lâu năm. Kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường từ 1990 – 2000 cho thấy, mặc dù đất đai ở Bến Tre có độ phì tiềm tàng đáng kể, nhưng mức độ sử dụng cho cây trồng còn hạn chế, do có sự hiện diện của nhiều chất đối kháng ở mức độ cao. Loại bỏ các yếu tố đối kháng này bằng các biện pháp canh tác hợp lý, chất lượng và năng suất cây trồng sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, ở một số khu vực, do sử dụng các biện pháp canh tác không hợp lý nên dẫn đến tình trạng đất bị thoái hóa, năng suất cây trồng bị giảm sút hoặc không tăng. Đất đai ở đây vốn rất nghèo lân, lượng đạm dễ tiêu và không hẳn dồi dào, việc thâm canh cây lúa đã làm cho đất mất dần những chất dinh dưỡng chủ yếu. Việc sử dụng hoàn toàn phân vô cơ và tập quán đốt rơm rạ đã làm cho đất mất dần sự tơi xốp và thiếu lượng hữu cơ cần thiết của quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng. Ở những khu vực đất bị nhiễm mặn, mỗi năm chỉ gieo trồng được một vụ lúa vào mùa mưa, bỏ hóa ở mùa khô, không có thảm thực vật che phủ. Ở các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, rừng ven biển bị khai hoang để trồng lúa, đất mất thảm thực vật che phủ, bị bốc mặn nghiêm trọng trong mùa khô, bị nứt nẻ và chuyển biến theo chiều hướng xấu. Hạn chế lớn nhất đối với đất đai ở đây là gần 50% diện tích tự nhiên là đất mặn, đất phèn. Việc khai thác đòi hỏi con người phải có biện pháp thích hợp để khắc phục những hạn chế. Để sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, vấn đề đặt ra là việc khai thác phải đi đôi với việc bồi dưỡng và cải tạo đất theo quan điểm phát triển nông nghiệp toàn diện để vừa khai thác có hiệu quả, vừa bảo vệ được môi trường tự nhiên. 1.5. Khí hậu Bến Tre nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, với nhiệt độ cao, ít biến đổi trong năm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 260 C - 270C, không có tháng nào nhiệt độ trung bình dưới 200 C. Do nằm ở vĩ độ thấp nên Bến Tre tiếp nhận ánh nắng dồi dào, độ dài ban ngày lớn, bức xạ và nhiệt độ cao, thích hợp cho sự phát triển của cây trồng. Mùa khô, số giờ nắng trung bình mỗi ngày từ 8 – 9 giờ. Mùa mưa, mỗi ngày nắng khoảng 5 – 7 giờ. Trong mùa mưa, gió thịnh hành là gió tây nam đến tây tây nam, tốc độ trung bình cấp 3 – cấp 4. Từ tháng 5 – tháng 11, gió chuyển tiếp yếu, gồm có cả gió đông bắc đến gió đông nam, tốc độ trung bình ở khoảng cấp 2. Từ tháng 12 đến tháng 4, đây là thời kỳ khô hạn, Bến Tre chịu ảnh hưởng của gió chướng. Đây là loại gió có hướng đông bắc đến đông nam, gây trở ngại cho trồng trọt, nhất là các huyện ven biển. Gió chướng thổi mạnh sẽ đẩy nước biển chảy ngược vào các sông lớn, tràn vào hệ thống kênh rạch, làm nhiễm mặn đồng ruộng. Bọt nước biển được gió đưa vào bám các mầm non, làm hạn chế sự phát triển của cây lúa và nhiều loại hoa màu khác. Nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm, Bến Tre có một mùa mưa, từ tháng 5 – tháng 11 và một mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.250 mm – 1.500 mm. Ở vùng ven biển, lượng mưa thấp hơn các khu vực khác. Lượng mưa tại khu vực thị xã Bến Tre nhiều hơn cả. Nhờ hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nên độ ẩm trong không khí tương đối cao. Trong mùa khô, độ ẩm trung bình từ 83 – 90%. Độ ẩm nhỏ nhất thường xảy ra vào tháng 12 và tháng 1, từ 40 – 50%. Bến Tre tiếp giáp với Biển Đông, nhưng ít chịu ảnh hưởng của bão, vì bão thường xảy ra từ 150 bắc trở lên. Tuy vậy, cũng có một đôi lần Bến Tre bị bão gây thiệt hại khá nặng. Nguyễn Duy Oanh ghi trong Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam: “Bão năm Giáp Thìn (1904) có ảnh hưởng lớn đến sông ngòi ở Bến Tre. Những bãi cát trước năm 1904 bao quanh vàm rạch Băng Cung (cù lao Minh), sau trận bão, làm bít gần trọn vẹn vàm sông này. Vì thế, nước ngọt chảy vào rạch Băng Cung không được nhiều. Nước biển dồn lên làm cho cả vùng gồm Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Thạnh phải thất mùa. Chánh quyền địa phương từ năm 1938 đến năm 1941, phải đắp đập ngang sông Băng Cung phía gần biển tại vàm rỗng để ngăn nước mặn. Hơn 14.000 mẫu ruộng nhờ đó mà cày cấy được”[62, tr.29]. Năm 1997, tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 5. Bão số 5 với gió mạnh đã đẩy nước biển dâng lên tràn vào ruộng đồng, gây thiệt hại cho mùa màng và ghe tàu đánh cá trên 300 tỷ đồng. Hậu quả của bão còn ảnh hưởng đến vụ sau, vì đất bị nhiễm mặn. Bến Tre nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với hai mùa mưa nắng rõ rệt, thời tiết nhìn chung thuận lợi, ít có những diễn biến bất thường. Khí hậu Bến Tre phù hợp với nhiều loại cây trồng. Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thuận lợi cho sự quang hợp, phát triển của cây trồng, vật nuôi. Ngoài những thuận lợi như thế, khí hậu Bến Tre cũng chứa đựng những khó khăn. Do nóng ẩm nên nạn sâu bệnh, dịch bệnh, nấm mốc phát sinh, phát triển quanh năm. Vào mùa gió chướng, nước biển thường xâm nhập sâu vào đất liền, nhất là những năm nước ở thượng nguồn đổ về yếu, làm cho một số vùng bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Đây là trở ngại lớn trong nông nghiệp. 1.6. Sông ngòi Sông Tiền, trước khi đổ ra biển Đông, đã tách thành bốn nhánh như hình nan quạt, ôm gọn ba dải cù lao Bến Tre. Đó là các sông Mỹ Tho, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên. Sông Mỹ Tho là tên của một nhánh sông Tiền bắt đầu từ cù lao Minh, ngang Vĩnh Long đến Cửa Đại. Sông Mỹ Tho chảy theo chiều dọc của tỉnh, dài 90 km, là ranh giới tự nhiên giữa Bến Tre và Tiền Giang. Lòng sông sâu, càng ra biển càng rộng, trung bình từ 1.500 đến 2000 m. Tàu có trọng tải 500 tấn có thể đi từ Cửa Đại đến tận Phnom Penh của Campuchia. Trên sông có nhiều cồn lớn như cồn Thới Sơn, cồn Rồng, cồn Phụng, cồn Tàu. Đây là những địa điểm thuận lợi cho việc khai thác dịch vụ du lịch sinh thái. Sông Ba Lai có chiều dài 55 km, nằm trọn vẹn trong vùng đất Bến Tre. Trước kia, sông sâu và rộng, từ đầu thế kỷ XX, do phù sa từ thượng nguồn đổ về, sông bị cạn dần. Dưới đáy sông có nhiều cồn ngầm, vào mùa gió chướng, mặt sông thường có sóng lớn, nước xoáy, rất nguy hiểm cho tàu thuyền đi lại. Giữa năm 2000, tỉnh tiến hành xây dựng cống đập, ngăn dòng Ba Lai nhằm ngọt hóa phần đất phía bắc Bến Tre. Sông Hàm Luông là ranh giới tự nhiên giữa hai cù lao Bảo và cù lao Minh. Sông dài 70 km, sâu từ 12-15 m, rộng trung bình từ 1.200 – 1.500 m, gần cửa biển rộng hơn 3000 m. So với các sông khác của tỉnh, sông Hàm Luông có lưu lượng nước dồi dào nhất. Trên sông, có nhiều cù lao, cồn đất như cù lao Tiên Long, cù lao Thanh Tân, cù lao Ốc, cù lao Lá, cồn Đất, cồn Lợi… Sông Cổ Chiên dài khoảng 80 km, là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Bến Tre và hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Sông Cổ Chiên mang đặc điểm tương tự như sông Mỹ Tho. Trên sông này, có nhiều cù lao và cồn như cù lao Nai, cồn Chen, cồn Dung, cồn Lớn. Ngoài bốn sông lớn, Bến Tre còn có một mạng lưới dày đặc các sông nhỏ, rạch, kênh đào chằng chịt nối liền nhau. Dọc theo các sông chính, khoảng 1 – 2 km là có một con rạch hoặc con kênh. Sông Bến Tre dài khoảng 30 km, một nhánh nối với kênh Chẹt Sậy, qua sông Ba Lai, một nhánh qua thị xã Bến Tre, đổ ra sông Hàm Luông. Rạch Cái Mơn dài 11 km, chảy qua vùng cây trái nổi tiếng của Chợ Lách, đổ ra sông Hàm Luông. Kênh Mỏ Cày – Thom, dài 15 km, tạo ra đường lưu thông giữa sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông. Rạch Băng Cung, như một cánh cung, dài 23 km, chảy từ Đại Điền, Mỹ Hưng, An Thạnh đến Giao Thạnh, đổ ra sông Hàm Luông. Rạch Ba Tri dài 8 km, chảy từ Phú Lễ, Phú Ngãi qua thị trấn Ba Tri, đổ ra sông Hàm Luông, vừa có giá trị giao thông, vừa có giá trị tưới tiêu quan trọng cho các cảnh đồng của huyện Ba Tri. Kênh Đồng Xuân dài 11 km, nối rạch Ba Tri với rạch Tân Xuân, được đào từ năm 1888 đến 1890. Kênh Chẹt Sậy – An Hóa được đào năm 1878, dài 6 km, nối sông Bến Tre với sông Ba Lai… Hàng năm, sông Tiền đổ ra biển khoảng 286 tỷ m3 nước. Các con sông chảy qua địa bàn Bến Tre được hưởng một lượng cát bùn khoảng 25 triệu tấn mỗi năm. Cát bùn là nguồn phân bón thiên nhiên, một phần bồi đắp cho đất đai thêm màu mỡ, một phần đổ ra các cửa sông, lắng đọng tạo thành bãi bồi. Dưới lòng các sông lớn ở Bến Tre có nhiều mỏ cát, đây là nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho việc san lấp mặt bằng, cải tạo vườn tạp thấp, trong gia cố, xây dựng đường giao thông, nhà cửa. Cát dưới lòng sông tập trung ở phía thượng nguồn của các sông lớn chảy qua địa bàn Bến Tre, với một số mỏ lớn như: Phú Túc – Phú Đức, Phước Thạnh (Châu Thành), Sơn Phú (Giồng Trôm), Cồn Phụng (Chợ Lách). Ngoài các mỏ cát này, dưới lòng các đoạn sông còn có một lượng cát khá lớn dùng cho san lấp, có thể liên tục được bổ sung sau khai thác. Về độ sâu của đáy sông ở các cửa sông lớn, cụ thể Cửa Đại sâu từ 5 – 9m, cửa Hàm Luông, sâu từ 6 –7m, cửa Cổ Chiên sâu từ 7 –8m, cửa Ba Lai sâu từ 5 – 7m. Với độ sâu như vậy, vùng cửa sông Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên tương đối thuận lợi cho việc xây dựng cảng cá. Sông rạch giữ một vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân Bến Tre. Sông đã chuyên chở phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp cho vùng đất, cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và nông nghiệp, cung cấp thức ăn giàu đạm như tôm, cá, cua, ốc. Sông rạch góp phần làm đẹp cảnh quan, điều hòa khí hậu của vùng đất cù lao. Vùng sông nước như Bến Tre, ven đôi bờ sông là những xóm làng đông đúc dân cư, những vườn cây ăn trái, những bến sông, bến phà, chợ búa tấp nập thuyền bè. Sông rạch tạo nên mạng lưới giao thông thủy thuận tiện, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa. 1.7. Thủy văn Sông ở Bến Tre không những tiếp nhận nguồn nước từ Biển Hồ đổ về, mà hàng ngày, hàng giờ còn tiếp nhận nguồn nước biển do thủy triều đẩy vào. Vùng biển Bến Tre thuộc khu vực bán nhật triều không đều. Mỗi ngày đều có 2 lần nước lên, 2 lần nước xuống. Chênh lệch giữa đỉnh triều và chân triều ở những ngày triều lớn có thể từ 2,5 – 3,5m. Những ngày triều kém, chênh lệch giữa đỉnh triều và chân triều khoảng 1m. Trong mỗi chu kỳ nửa tháng, bắt đầu 1,2 ngày triều kém, sau đó là triều cường, cuối chu kỳ lại có 1,2 ngày triều kém. Kỳ nước cường diễn ra ở đầu tháng âm lịch và ngày rằm. Tốc độ trung bình của sóng triều truyền vào sông khoảng 30km/giờ đối với các sông lớn. Đối với những sông nhỏ hoặc mạng lưới kênh rạch, sự truyền triều diễn ra phức tạp hơn. Ở đây còn có sự giao thoa sóng triều trên những con sông có sự truyền triều từ hai phía. Sự truyền triều vào trong sông vừa có những tác dụng tích cực, đồng thời cũng mang lại những tác hại không nhỏ. Ở những vùng xa cửa sông, thủy triều trong ngày có tác dụng rất lớn trong việc thau chua rửa mặn. Khi triều dâng, mực nước ngọt trong sông được đẩy lên cao, nhờ vậy người ta có thể lợi dụng để lấy nước vào trong đồng ruộng. Khi triều rút, mực nước xuống thấp, người ta có thể xả nước, thau chua từ ruộng ra sông. Trong giao thông vận tải, người ta có thể lợi dụng dòng chảy hai chiều của sông rạch để đưa tàu thuyền có trọng tải lớn đi lại, tiết kiệm được nhiên liệu. Tuy nhiên, ở những ngày lũ lớn, nếu gặp kỳ triều cường, nước dâng cao sẽ gây ra tình trạng ngập lụt. Nghiêm trọng hơn, chính thủy triều đã dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn ở Bến Tre. Bến Tre có địa hình chủ yếu nằm dưới mực nước biển trung bình. Các con sông chịu tác động của chế độ thủy triều biển Đông. Nhiều sông và kênh rạch có độ rộng khá lớn, nên nước sông bị nhiễm mặn nghiêm trọng vào mùa khô, mặn xâm nhập gần như hầu khắp diện tích trong tỉnh, gây nên tình trạng thiếu nước ngọt gay gắt. Sự dao động của mặn phụ tuộc sự dao động của thủy triều và lượng nước ngọt từ thượng nguồn đổ về. Mùa lũ, lượng nước ngọt càng lớn, mặn càng bị đẩy ra xa. Tuy vậy, vùng giáp biển, độ mặn luôn lớn hơn 2‰. Theo kết quả quan trắc của Trạm khí tượng thủy văn tỉnh từ 1982 – 1993 [66, tr.171-172]: Độ mặn trên 4‰ gây ảnh hưởng cho cây trồng xuất hiện từ tháng 1 đến tháng 4, ở 2/3 diện tích của tỉnh (trừ khu vực An Hóa, thị xã Bến Tre về phía thượng nguồn). Đường đẳng mặn 4‰ ở tháng 12, xuất hiện cách bờ biển Ba Tri 9km, qua các xã Lộc Thuận (huyện Bình Đại), Hưng Nhượng (huyện Giồng Trôm), Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú); vào tháng 2, cách bờ biển Ba Tri 37km qua các xã Giao Hòa (Châu Thành), Phú Hưng (Thị Xã), Thuận Điền (huyện Giồng Trôm), Thành Thới (huyện Mỏ Cày). Đường đẳng mặn 6‰ vào tháng 12 xuất hiện cách huyện Ba Tri 6km, qua các xã Bình Thới (huyện Bình Đại), Mỹ Nhơn (huyện Ba Tri). Đường đẳng mặn tiến dần về phía thị xã Bến Tre, cách bờ biển Ba Tri 23km vào tháng 4, qua các xã Vang Quới (huyện Bình Đại), Tân Hào (huyện Giồng Trôm), Hương Mỹ (huyện Mỏ Cày). Đường đẳng mặn 15‰ vào tháng 7 xuất hiện cách bờ biển Ba Tri 2km qua các xã Thạnh Trị (huyện Bình Đại), Tân Xuân (huyện Ba Tri), An Qui (huyện Thạnh Phú) tiến dần về thị xã Bến Tre, cách bờ biển Ba Tri 17km vào tháng 4 qua các xã Lộc Thuận (huyện Bình Đại), Bình Thành (huyện Giồng Trôm), Quới Điền (huyện Thạnh Phú). Đường đẳng mặn 20‰ cách bờ biển Ba Tri 5km vào tháng 4. Trong những năm gần đây, do thâm canh tăng vụ ở thượng nguồn làm giảm lượng nước đổ về phía biển, nên xu hướng mặn ngày càng xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Sông Ba Lai có độ dài xâm nhập mặn lớn nhất, do sông này đang ở giai đoạn chết dần, không đẩy mặn ra xa được, lượng nước từ thượng nguồn đổ về lại quá nhỏ. Sông Hàm Luông có độ dài xâm nhập mặn nhỏ nhất, do cửa sông và suốt dọc chiều dài sông có nhiều bãi bồi, vào mùa cạn lưu lượng nước lớn nhất so với các sông lớn khác ở Bến Tre. Kênh rạch không có nước ngọt từ thượng nguồn về, nên thủy triều dồn vào, mặn ngấm vào trong đất, tích tụ ngày một nhiều. Vì vậy, cùng khoảng cách với cửa sông, độ mặn trong kênh rạch bao giờ cũng lớn hơn trong sông. Việc xâm nhập mặn vào đất liền ở Bến Tre đã chia vùng đất này thành 3 vùng sinh thái. Vùng nước ngọt chiếm khoảng 37% diện tích tự nhiên, bao gồm huyện Chợ Lách, Châu Thành, một phần huyện Mỏ Cày, thị xã Bến Tre, với đặc điểm là mùa khô không bị mặn, hoặc độ mặn thấp hơn 2‰. Vùng nước lợ chiếm khoảng 27% diện tích tự nhiên, bao gồm các huyện Giồng Trôm, một phần Mỏ Cày, Bình Đại, thị xã Bến Tre, với đặc điểm là mùa khô nước sông bị nhiễm mặn từ 2‰ - 8‰ trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 5. Vùng nước mặn chiếm 36% diện tích tự nhiên, bao gồm huyện Thạnh Phú, phần lớn huyện Bình Đại, Ba Tri, với đặc điểm bị nhiễm mặn hơn 5 tháng, độ mặn từ 10‰ – hơn 25‰. Chất lượng nước tưới có ý nghĩa sống còn đối với cây trồng. Do vậy, vấn đề mặn ở Bến Tre cần phải được quan tâm nghiên cứu, để nắm bắt quy luật diễn biến của mặn, từ đó mà bố trí cây trồng, thời vụ cho hợp lý. 1.8. Thực vật Vùng đất Bến Tre, cũng như nhiều nơi ở Nam Bộ, trước khi lưu dân người Việt, người Hoa đến khai phá, vẫn còn là một vùng rừng rậm, hoang vu. Năm 1296, Châu Đạt Quan – sứ thần nhà Nguyên khi đi thuyền từ biển vào sông Tiền để lên Kinh đô Angkor của Vương quốc Chân Lạp đã mô tả tình trạng hoang vu của vùng đất này trong quyển Chân Lạp phong thổ ký như sau: “Những cửa rộng của con sông lớn chạy dài hàng trăm lí, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú sum xuê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Vào nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bỏ hoang, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy trong vùng này. Tiếp đó nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm lí” [68, tr. 80]. Mãi đến những thập niên cuối thế kỉ XVIII, như Lê Quý Đôn viết trong Phủ biên tạp lục: “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu, toàn là rừng rậm hàng mấy nghìn dặm”[21, tr.345]. Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí, phần sản vật chí: “loài tre rất nhiều, không thể chép ra hết được… các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường sản xuất thứ tre tầm vông, chu vi thân cây 3, 4 tấc, bền đặc, nhẹ thẳng, dùng làm cán giáo, trấn khác không có” [22, tr.165]. Gỗ sao “to đến 4,5 vầng ôm, cao đến 100 thước, thớ gỗ chắc mịn, đóng thuyền làm nhà là gỗ tốt nhất” [22, tr.162]. Cây dầu dùng làm thuyền ghe, đồ dùng. “Người ta thường đục ở gần gốc cây 2, 3 lỗ, lấy lửa đốt vào lỗ ấy thì chảy nhựa ra thành dầu, cứ lỗ đục mà lấy thìa múc, chảy mãi không hết. Dùng để sơn thuyền, thắp đèn, lợi rất nhiều [22, tr.163]. “Lại có thứ dừa nước không có cành cội, bắt đầu đâm ra ở trong lùm, mầm nhọn, dần dần nở to, xin xít lá xanh, cuống dài thành tầu, hình như đuôi phượng, trùng điệp mọc nối nhau dần dần thành bụi, cao hơn một trượng. Lấy tầu nhỏ bổ làm đôi, để cả lá phơi khô, dùng để lợp nhà, tầu to thì cắt là rời ra, đan thành tấm lá, cũng để lợp nhà, che thóc gạo, vỏ ngoài tầu có thể dùng làm lõi xâu tiền” [22, tr.165]. Trịnh Hoài Đức ghi trong Gia Định thành thông chí: “cây dừa, chỗ đất nước ngọt hay mặn đều trồng được cả. Quả dừa non hay già, đều ăn được. Cùi già nấu dầu, dùng để xức tóc, nấu món ăn, đốt đèn đều dùng được cả. Xe vỏ dừa chắp thừng, dây chão, dây thuyền; sọ dừa chạm bịt làm chén bát, bình, hồ, cưa ra làm môi, gáo. Có thứ sọ nhỏ như quả trứng gà, hơi dẹp dùng làm bình đeo thuốc súng, chén nhỏ uống nước, người đời quý trọng.” [22, tr.165]. Khi lưu dân đến khai phá, họ đã chặt cây phá từng để làm nhà cửa, lập vườn, lấy đất canh tác. Dân số ngày càng gia tăng thì diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Bom đạn, chất độc hóa học trong chiến tranh cũng là nhân tố làm thảm thực vật ở Bến Tre bị tàn phá. Hoạt động của con người trong hàng trăm năm qua đã làm cho thảm thực vật ở vùng đất này bị thay đổi rất nhiều. Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, thảm thực vật nguyên thủy được thay bằng những cảnh quan nhân tạo. Trên các giồng cát, trước đây cũng có những khu rừng với cây thân gỗ cao, có cây cao đến 20m, thuộc họ sao dầu, họ trôm xen lẫn một số cây là vết tích của rừng ngập mặn như các loại tra, tra lâm vồ, cui, mù u, nhàu, mướp xác. Vì đây là khu vực tương đối cao, có nước ngầm ngọt nên thường được lưu dân chọn để cất nhà, xây dựng thôn ấp. Do vậy, rừng cây ở khu vực giồng cát bị chặt phá sớm nhất. Hiện nay, trong khuôn viên các đình chùa, còn lại vài cây gỗ lớn, đây là vết tích của những khu rừng rậm ngày xưa. Vùng nước lợ trong nội địa có các loại cây như quao nước, tra, bình bát, dứa gai, trâm gối, trâm sẻ. Ngoài ra còn có các loài dây leo như mây nước, bòng bong, dây vác, dây mủ, dây choại… Khu vực có nước ngọt quanh năm có các loài cây thân gỗ như cà na, chiếc, gáo, trâm bầu, bằng lăng nước. Dưới nước có các loại như lau sậy, dây lùng, lục bình, tâm bức, môn nước… Ở vùng bưng trũng, xa sông rạch hoặc xen kẽ giữa các giồng cát ven biển, thường bị ngập nước do lũ hoặc thuỷ triều, dừa nước là loài cây chiếm ưu thế. Vùng ven biển có các khu rừng ngập mặn. Kiểu rừng này có cây thân gỗ thấp, cao khoảng 8 –15 m, chỉ có một tầng cây. Cây ở rừng ngập mặn có các loại mắm trắng, bần đắng, đước, vẹt, dà, sú, chà là, mắm lưỡi đồng. Những khu vực trũng, sâu trong nội địa, nơi nước sông nước mưa hòa với nước biển làm cho độ mặn thấp, thường có các khu rừng lá, chiếm ưu thế là lá dừa nước, xen vào đó là những bụi bần chua, bên dưới là cóc kèn, ô rô, mái dầm… Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái đặc sắc ở vùng cửa sông, ven biển, mang lại nhiều giá trị cho đời sống của cư dân. Rừng cung cấp cho nhân dân địa phương nhiều loại sản phẩm có giá trị như: gỗ, củi, than, lá dừa nước (để lợp nhà), các loại thuỷ sản, hải sản (cá, tôm, cua, nghêu, sò huyết…). Cây ở rừng ngập mặn hình thành những “đê” tự nhiên góp phần giảm nhẹ hoạt động của sóng biển, gió chướng, hạn chế tác hại của quá trình xói lở bờ biển. Trên những khu vực bùn lỏng mới bồi, các loài cây như bần, mắm, với hệ thống rễ thở có tác dụng tích đọng phù sa, cố định bãi bồi góp phần tăng nhanh diện tích đất bồi của tỉnh. Rừng ngập mặn còn có tác dụng như một hệ thống lọc sạch nước khổng lồ thông qua quá trình hấp thu, chuyển hoá chất trong nước đã lọc sạch những chất gây ô nhiễm môi trường từ phía đại dương vào đất liền hoặc trong đất liền thải ra biển, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển. Các khu rừng này còn là nơi cư trú, sinh sản, phát triển, cung cấp thức ăn cho các loài thủy sản ven biển. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, các cành lá khô rụng được vi sinh vật phân huỷ thành mùn bã hữu cơ, kết hợp với mùn bã hữu cơ trong nước đưa từ sông ra, cùng với các phiêu sinh vật, động vật… làm nguồn thức ăn dồi dào cho ấu trùng tôm, cá… Nhiều loài thuỷ sản (như tôm càng xanh) sống ở môi trường nước ngọt, lợ nhưng sinh sản trong môi trường rừng ngập mặn; các loài tôm biển (như tôm thẻ, tôm sú…) sinh sản ở vùng biển nhưng tôm con thường di cư vào rừng ngập mặn để sinh sống, kiếm ăn, đến thời kỳ sinh sản, tôm lại đi ngược ra biển. Các vùng bãi bồi rừng ngập mặn còn là nơi cư trú của các loài sò huyết, cua,… Rừng ngập mặn còn là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài chim, thú rừng. Thảm thực vật ở Bến Tre có công dụng và lợi ích rất lớn, rất đa dạng đối với cuộc sống người dân nơi đây. Rừng ở Bến Tre, ngoài việc che phủ và bảo vệ đất, điều hòa khí hậu, là nơi cư trú của nhiều loài thú, còn là nguồn cung cấp tài nguyên rất quý cho đời sống nhân dân. Các loại gỗ như sao, dầu, xà cừ, tràm, đước, vẹt, tre, bạch đàn, dừa nước… là vật liệu làm nhà cửa và các vật dụng sinh hoạt như bàn, ghế, tủ, giường, ghe. Lá dừa nước, tre, trúc, sậy, xơ dừa, gáo dừa, mây… là nguồn nguyên liệu của nhiều nghề thủ công. Lá mắm, lá so đũa là nguồn thức ăn cho gia súc. Cây lứt, nhàu, bạc hà, cỏ tranh, cỏ xước, mù u, hà thủ ô… là những loại dược liệu đông y thông dụng. Bông súng, ngó sen, bông điên điển, bông lục bình, rau nhút, rau đắng… là nguồn thực phẩm, góp phần làm cho bữa ăn của người dân thêm phong phú. Chất tananh trích từ vỏ cây dà, đước, vẹt của rừng ngập mặn là nguyên liệu cho công nghiệp. Nước ngọt lấy từ buồng dừa nước có thể chế biến thành nước giải khát lên men, hoặc cất thành cồn. Gỗ bạch đàn, bần, lau, sậy, tre, rơm, rạ là nguyên liệu làm bột giấy. Đối với vùng ven biển, rừng ngập mặn có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, gia tăng nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Buổi đầu khai phá, rừng rậm hoang vu là trở ngại lớn đối với lưu dân. Rừng hoang là môi trường sống của thú dữ. Chặt phá rừng để làm nơi cư trú, canh tác không phải là việc làm đơn giản, mà đòi con người phải có ý chí, nghị lực. Tuy vậy, như đã phân tích, rừng và thảm thực vật nói chung đã mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống của con người ở vùng đất Bến Tre. Do vậy, tỉnh cần phải có kế hoạch nghiên cứu để khôi phục, bảo vệ và khai thác thảm thực vật một cách hợp lý. 1.9. Động vật Trước khi lưu dân đến khai phá, vùng đất Bến Tre phần lớn là rừng rậm, trong đó ngoài cây gỗ đủ loại, còn có nhiều loại thú rừng to lớn như voi, tê giác, trâu rừng, hổ cùng với nhiều loại thú nhỏ như khỉ, cáo, sóc, chuột… Nói về trấn Vĩnh Thanh xưa, Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: “… nhiều cá sấu, cọp dữ nhưng dân ở đây quen nên không sợ hãi, dù trẻ con, đàn bà có thể cầm cái liềm cắt cỏ, cái hái cắt lúa mà bắt con cọp được”…, “sông Tiên Thủy có cá sấu to 5 ôm, dài 6 trượng, thường đón người đi qua, quật ngã người cầm chèo, hoặc làm ụp thuyền để bắt người mà ăn” [22, tr.151]. Có không ít giai thoại ở Bến Tre kể về cá sấu, cọp. Nhiều địa danh còn tồn tại đến ngày nay như Rạch Mây, Giồng Hổ, Giồng Heo, Sân Trâu, Cái Trăn, Cái Cấm… chắc chắn có liên quan đến tình trạng hoang sơ thuở xa xưa của vùng đất này. Quá trình khai phá đã biến những khu rừng hoang thành đồng ruộng, đất thổ cư với những làng xóm, thị trấn, thị xã đông đúc, theo đó, những loài thú lớn cũng đã dần dần biến mất, chỉ còn lại những loài thú nhỏ. Loài thú nhỏ có số lượng nhiều nhất là nhóm chuột, với nhiều loại như chuột cơm, chuột ét, chuột xạ, chuột nhắt, chuột cống… Chuột gây ra nhiều tai họa đối với nhà nông và các kho tàng. Ngoài việc phá hoại lúa, khoai, ngô, sắn, chuột còn đục khoét dừa để ăn cơm dừa và uống nước dừa. Ngoài nhóm chuột, nhóm dơi cũng chiếm số lượng khá lớn, với nhiều loại như dơi muỗi, dơi quạ, dơi sen. Dơi muỗi là động vật có ích. Nhóm dơi ăn trái là mối lo đối với những người làm vườn. Chúng hoạt động ban đêm, rất nhạy bén với mùi trái già, trái chín, chúng thường ăn trái cây trước thời điểm thu hoạch, từ chuối, xoài, mận đến mãng cầu, ổi, nhãn… Rái cá cũng là loại động vật có mặt ở nhiều vùng trên đất Bến Tre. Sông, rạch, đầm, bàu, với tôm, cua, cá, ốc là nơi ẩn trú và cung cấp thức ăn vô tận cho chúng. Là động vật hoạt động về đêm, với tài bơi lội giỏi, rái cá luôn là mối lo của những người nuôi tôm cá. Một tác hại khác cũng đáng quan tâm là việc đào hang làm nơi ẩn nấp, sinh sống của rái cá, đã làm sụp lở những bờ đập, bờ kênh, bờ mương. Ở vùng đất giồng, người ta thường gặp các loại chồn, cáo các loại bò sát như kỳ đà, kỳ nhông, tắc kè, tắc ké, rắn roi, rắn rồng. Nhóm rắn không độc sống dưới nước có rắn nước, rắn bông súng, rắn ri cá, nguồn thức ăn của chúng là cá và ếch nhái. Nhóm rắn độc gồm có rắn hổ, rắn mái gầm, rắn cạp nong, rắn lục. Số lượng các con vật này giảm dần khi các cồn đất, bãi, bụi rậm được khai phá thành đất nông nghiệp. Vùng đất Bến Tre, với đặc điểm đa dạng của cảnh quan, hầu như có mặt đầy đủ các loài chim ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhóm chim sống gần người có các loại như chim sẻ, chích chòe, chào mào, chim sâu, sáo… Có thể gặp chúng ở khắp nơi trên đồng ruộng, trong vườn cây. Chúng săn bắt côn trùng, sâu bọ phá hoại mùa màng, cây xanh, ăn các loại hạt cỏ dại. Nổi bật nhất là các nhóm chim sống ven bờ nước. Diện tích bãi triều rộng, đặc biệt ở vùng cửa sông là môi trường sống lý tưởng cho các loài chim này. Những nơi như Vàm Hồ, cồn Đất, cồn Nhàn là nơi quy tụ nhiều loại chim về trú ngụ, ước tính có khoảng 30 ._.n nhiên vùng đất cù lao, đặc biệt là môi trường sinh thái sông nước. Môi trường thiên nhiên sông nước Bến Tre tác động và ghi dấu khá rõ nét trên bức tranh sinh hoạt vật chất và tinh thần của người dân Bến Tre. Sông rạch như những mạch máu len lỏi khắp cơ thể của vùng đất Bến Tre, mang chất dinh dưỡng về cho đất nuôi cây trồng, mang nguồn thực phẩm tôm cá về cho con người, giúp con người đi lại, giao lưu kinh tế, văn hoá. Văn hoá Bến Tre là sản phẩm của cuộc đấu tranh của cư dân nơi đây đối với thiên nhiên sông nước, là quá trình cư dân Bến Tre thích nghi, tận dụng, khai thác, chinh phục các dòng sông. Cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với sông nước. Quá trình ấy đã để lại nhiều sản phẩm văn hoá. Trong sinh hoạt kinh tế, tận dụng dòng chảy của các con sông theo chế độ thuỷ triều cư dân Bến Tre đã nạo vét hệ thống kênh mương để thau chua, rửa mặn cho đồng ruộng. Người ta đã sáng tạo ra cách “đào mương lên liếp” để khắc phục tình trạng đất ngập nước, đưa phù sa vào mương vườn để bồi đắp cho cây. Từ đó, một ngành kinh tế mới đã xuất hiện đó là nghề làm vườn. Nghề làm vườn phát triển đã kéo theo sự ra đời của nghề sản xuất cây giống phục vụ cho nó. Để khai thác nguồn tôm cá dồi dào mà sông nước Bến Tre mang lại, cư dân nơi đây có nghề khai thác cá đồng, bưng, rạch, nghề đánh bắt cá biển. Nghề đóng ghe cũng đã ra đời để cung cấp phương tiện đi lại, đánh bắt cá của cư dân. Việc ăn ở, đi lại của người dân cũng gắn liền với sông nước. Cơ cấu bữa ăn vẫn theo công thức cổ truyền “cơm – rau – cá”, song bữa ăn của người dân Bến Tre mang đậm dấu ấn của thiên nhiên sông nước với khá nhiều tôm cá và trái cây miệt vườn. Dừa có mặt ở nhiều món ăn và là loại nước uống đặc trưng của vùng đất Bến Tre. Nhà cửa được dựng lên dọc các bờ sông, các tuyến kênh, thuận tiện cho việc đi lại, làm ăn và có thể đón gió mát từ sông, kênh. Sông rạch là môi trường sống của một bộ phận khá đông dân cư. Buôn bán trên sông, sống lênh đênh trên sông, chợ được họp theo con nước. Thiên nhiên của vùng sông nước Bến Tre là nguồn cảm hứng, tạo nên những nét đặc trưng cho những sáng tác văn học dân gian. Các sáng tác dân gian Bến Tre đã bổ sung cho bức tranh thiên nhiên Việt Nam những hình ảnh của vùng đồng bằng với những dòng sông cuộn chảy, những con rạch đôi bờ xanh ngát, những rừng dừa nước, rừng bần, cây trái miệt vườn… Cũng từ các sáng tác ấy, hiện lên phẩm chất và bản lĩnh của con người Bến Tre với những đức tính của người miền Nam như cương trực, nghĩa khí, phóng khoáng, chân chất, ngang tàng. Bức tranh văn hoá – xã hội Bến Tre phản ánh cách thức tổ chức cuộc sống của cộng đồng cư dân Bến Tre trong môi trường thiên nhiên sông nước. Văn hoá Bến Tre mang sắc thái của một vùng văn hoá sông nước. Nhìn từ trên cao, bức tranh văn hoá Bến Tre hiện ra những vườn cây trái, nhà cửa, chợ búa ven sông, ven rạch; theo con nước lớn ròng, ghe thuyền đi lại, chở đầy ắp cây trái miệt vườn, thóc lúa, vật liệu, buôn bán tấp nập trên sông; có cầu khỉ bắt qua mương; có những đoàn thuyền đánh cá nối đuôi nhau ra khơi; có mái chèo khua nhẹ đưa thuyền trôi lững lờ theo dòng nước dưới ánh trăng, xa xa văng vẳng mấy câu hò… Đất Bến Tre là vùng đất cù lao ba bề sông biển, bị cách bức với các vùng lân cận. Nói đến vùng đất cù lao, người ta thường nhấn mạnh đến tính chất bảo thủ, trì trệ, chậm thay đổi. Song, chính vì sống ở vùng đất cù lao nên con người nơi đây không thể ỷ lại, trông chờ mà phải luôn có tâm thế phải tự lực vươn lên. Tự lực tự cường là một trong những đặc tính nổi bật của con người Bến Tre. Bên cạnh tinh thần tự lực, con người nơi đây cũng luôn có ý thức học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm từ nơi khác để làm giàu cho quê hương mình, bởi lẽ nếu đóng cửa, không giao lưu học hỏi cũng đồng nghĩa với việc đào sâu ranh giới ngăn cách. Ý thức được giá trị của việc học, sau một khoảng thời gian ổn định cuộc sống, lưu dân đã quan tâm đến việc giáo dục cho con em mình. Bến Tre cách xa Gia Định, đi lại khó khăn, nhưng việc học ở đây phát triển khá sớm. Đến khi thực dân Pháp xâm lược, trên 2 cù lao Bảo và Minh, trong số 152 thôn có đến 70 trường dạy chữ Hán. Đất Bến Tre là nơi sản sinh những con người hiếu học, thông minh, có trình độ học vấn uyên thâm như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký. Qua các thời kỳ, sự nghiệp giáo dục ở Bến Tre đã đào tạo được nhiều lớp nhân tài, là những cán bộ lãnh đạo, những chiến sĩ cách mạng, đã cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước. Bức tranh văn hoá Bến Tre ghi dấu khá rõ nét đặc điểm của cộng đồng dân cư và hiện thực xã hội trên vùng đất này. Chủ nhân của văn hoá Bến Tre là những con người Việt Nam từ nhiều nơi hội tụ về vùng đất Bến Tre, mang trong mình dòng máu Việt Nam và những giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam. Đến vùng đất mới, không gian sống có thay đổi song họ vẫn là cư dân nông nghiệp, vẫn với những nghề nghiệp quen thuộc. Điều kiện sống, sinh hoạt kinh tế vẫn mang những nét giống với quê cũ. Do vậy, hầu hết phong tục tập quán, tín ngưỡng cổ truyền đều được duy trì. Đời sống tâm linh của người dân gắn với loại hình sinh hoạt kinh tế và vẫn mang những nét chung với cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ. Với cư dân nông nghiệp tâm linh của họ gửi gắm vào vị thần ngự trị ở đình làng; sinh hoạt văn hoá tiêu biểu tập trung ở lễ hội kỳ yên. Cư dân miệt biển tin tưởng và cầu mong sự phò trợ của vị thần ở ngoài khơi xa; sinh hoạt văn hoá tiêu biểu của họ tập trung ở lễ hội Nghinh Ông. Mặt khác, văn hoá là sản phẩm của một cộng đồng dân cư, nên những đặc điểm của cộng đồng dân cư chi phối rất lớn đến diện mạo văn hoá. Cộng đồng dân cư ở vùng đất Bến Tre có một số đặc điểm riêng, không giống với cộng động dân cư vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, nên diện mạo văn hoá ở Bến Tre cũng có những nét đặc trưng. Cộng đồng dân cư ở Bến Tre ngoài người Việt chiếm đa số còn có người Hoa và người Khơme bản địa. Quá trình cộng cư giữa các tộc người này đã tạo ra sự giao tiếp văn hoá trên nhiều lĩnh vực. Trong hoạt động nông nghiệp, người Việt đã học hỏi kỹ thuật làm nông của người Khơme trong việc dùng chiếc phảng để phát cỏ, chọn giống, dùng nọc cấy, dùng vòng hái để thu hoạch. Để khai thác có hiệu quả nguồn lợi thuỷ sản phong phú do sông nước Bến Tre mang lại, bên cạnh các dụng cụ đánh bắt truyền thống như chài, lưới, đóng đáy, người Việt còn học cách đánh bắt của người Khơme trong việc sử dụng cái lọp, cây xà búp, cách xom rắn, bắt lươn… Người Khơme dùng đơn vị đo diện tích đất là công (bằng một mẫu của người việt), người Việt cũng tiếp thu cách gọi này. Nóp dùng để ngủ, cà ràn để nấu nướng vốn là của người Khơme, người Việt cũng đã tiếp thu, sử dụng cho nhu cầu của mình. Trong ăn uống, nhiều món ăn vốn có nguồn gốc từ người Khơme, người Hoa, người Ấn Độ… đã trở thành món ăn phổ biến của các tộc người trên đất Bến Tre. Tập quán sử dụng nước cốt dừa trong chế biến các món ăn vốn xuất phát từ người Khơme đã trở thành tập quán chung của cả người Việt và người Hoa. Trầu cau của người Việt được xem là lễ vật không thể thiếu trong lễ cưới của cả người Hoa và người Khơme. Về trang phục, bộ quần áo bà ba, chiếc nón lá không chỉ là trang phục hàng ngày của người Việt mà cả người Khơme và người Hoa cũng sử dụng phổ biến. Khăn rằn, vốn là khăn “krama” của người Khơme, đã được người Việt, người Hoa sử dụng rất phổ biến. Về nhà ở, cả người Việt, người Hoa, người Khơme đều sử dụng lá dừa nước để lợp nhà, làm vách nhà. Kỹ thuật chằm lá có nguồn gốc từ người Khơme đã được người Việt và người Hoa tiếp thu. Trong đời sống tâm linh, cả người Việt, người Hoa, người Khơme đều có tín ngưỡng thờ mẫu. Trong quá trình cộng cư, các tộc người đã tiếp nhận tín ngưỡng, đối tượng thờ cúng của nhau trên cơ sở niềm tin “hữu cấu tất ứng”. Tục thờ bà Thiên Y Ana (Chúa Ngọc) hay bà Chúa Xứ vốn xuất phát từ người Chăm, tục thờ bà Thiên Hậu của người Hoa đã trở thành tín ngưỡng chung của các tộc người ở Bến Tre. Cộng đồng dân cư ở Bến Tre có tuổi đời còn khá trẻ. Thời gian định cư của các dòng họ ở vùng đất này chỉ trên dưới mười thế hệ. Quan hệ dòng họ không chặt chẽ như cộng đồng dân cư ở Bắc Bộ, Trung Bộ. Với người Bến Tre, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn được bảo tồn và phát huy, song trong thờ cúng tổ tiên, ở Bến Tre không có các dạng thức như nhà thờ tổ, giỗ tổ như ở miền Bắc. Làng ở Bến Tre là làng khai phá, có tuổi đời còn non trẻ. Do vậy, huyền thoại, lý lịch của vị thành hoàng bổn cảnh được thờ ở đình làng chưa được dày dặn như các vị thành hoàng của các làng ở miền Bắc. Mối quan hệ gắn bó giữa người với người trong cùng một làng không bị quan hệ dòng họ chi phối mà chỉ dựa trên cơ sở nghĩa tình của những người đồng cảnh khổ. Rời quê cũ đến với vùng đất mới, sự chi phối của lễ giáo phong kiến đối với người dân không còn nặng nề như nơi quê cũ. Tính dân chủ, bình đẳng trong quan hệ xã hội rất được coi trọng. Tinh thần bình đẳng còn thể hiện cả trong đời sống tâm linh. Đình làng không chỉ thờ cúng thành hoàng mà còn là nơi thờ nhiều vị thần gắn bó với đời sống tâm linh của người dân. Lưu dân đến vùng đất Bến Tre đa số là những người nông dân nghèo khổ, lâm vào cảnh đường cùng, buộc phải rời bỏ quê hương bản quán ra đi tìm đất sống. Đến vùng đất mới, người nông dân đã hao tốn không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để biến vùng đất hoang sơ thành ruộng vườn tươi tốt. Tuy nhiên, thành quả khai phá của họ dần dần lại bị bọn địa chủ, cường hào chiếm đoạt. Cuộc sống của họ càng cơ cực hơn khi thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ đến xâm lược. Ba thế kỉ khai phá, đời sống của người nông dân luôn trong cảnh bấp bênh, luôn phải ưu tiên hàng đầu cho cái ăn, cái mặc. Sống ngày nay nhưng chưa biết cuộc sống ngày mai như thế nào. Thực tế cuộc sống bấp bênh, còn đầy rẫy những khó khăn đã tác động đến tâm lý, lối sống của người dân. Nhà cửa của họ vì thế được xây cất rất giản đơn, kiểu “nhà đạp”, “nhà đá”. Không sống nổi nơi này thì phá bỏ nhà đi nơi khác. Sự giản đơn còn thể hiện trong trang phục. Người ta không chú ý lắm đến việc ăn mặc sang trọng. Khi đi ra đồng, lúc ở nhà hoặc đi đám tiệc, nông dân vẫn quen dùng bộ trang phục quần áo bà ba giản đơn. Cuộc sống khó khăn, vốn chữ nghĩa ít, không quan tâm nhiều đến lễ giáo phong kiến, do vậy tập tục, nghi lễ thường được tổ chức giản đơn. Trong giao tiếp, người dân Bến Tre rất thẳng thắn, bộc trực, ít văn chương rào đón. Sự bấp bênh, bế tắc trong cuộc sống, chán nản trong tư tưởng, trong đấu tranh cũng chính là nguyên nhân đưa đến tình trạng dân cư nặng đầu óc mê tín dị đoan. Đó chính là cơ sở cho sự ra đời và tồn tại nhiều tôn giáo trên địa bàn Bến Tre. Ngoài các tôn giáo có từ lâu đời, theo bước chân của những người đi mở đất như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, còn có sự hiện diện của các tôn giáo mới nảy sinh trên đất Nam Bộ đầu thế kỉ XX như đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo, đạo Dừa. Để có thể biến vùng đất hoang sơ thành ruộng vườn xanh tốt, cư dân đã phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Do vậy người ta rất quý trọng thành quả lao động của mình. Con Bến Tre đã từng không ngại gian lao, không hề lùi bước trước những trở ngại của thiên nhiên, cho nên họ cũng không bao giờ chịu khuất phục trước cảnh áp bức, bất công trong xã hội. Ký ức của người dân nơi đây còn lưu lại khá nhiều câu chuyện về những nông dân dám dùng dao chém chết địa chủ vì không chịu nổi cảnh bị áp bức, đè nén. Đối với giặc ngoại xâm, chí căm thù, lòng yêu nước càng thể hiện cao độ. Chiến tranh gây ra không biết bao nhiêu đau thương, tang tóc, tàn phá nặng nề vùng đất Bến Tre, song nó cũng đã thử thách và chứng minh bản lĩnh của những con người vùng đất cù lao. Bến Tre đã mở đường Hồ Chí Minh trên biển, làm đầu cầu tiếp nhận vũ khí từ Bắc vào Nam, gần như tay không nổi lên “Đồng khởi”, đấu tranh chính trị bằng “đội quân tóc dài”… Có thể nói, truyền thống yêu nước, bất khuất là một trong những đặc tính nổi bật của con người Bến Tre. Mảnh đất Bến Tre giàu truyền thống yêu nước đã cống hiến cho đất nước 14 vị tướng, trong đó có vị nữ tướng nổi tiếng Nguyễn Thị Định. Tinh thần đấu tranh bất khuất trước kẻ thù, truyền thống yêu nước của những con người trên vùng đất này đã ươm mầm và là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của những áng thơ bất hủ của những nhà thơ yêu nước nổi tiếng như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị. Truyền thống yêu nước của con người nơi đây còn tác động đến cả thái độ của các tôn giáo. Đại đa số tín đồ các tôn giáo ở Bến Tre đều gắn bó mật thiết với cách mạng. Thánh thất, nhà thờ, chùa chiền từng là nơi che chở cho các chiến sĩ cách mạng. Khi Tổ quốc cần, chức sắc tôn giáo sẵn sàng cống hiến ruộng đất, tài sản và cả những người con yêu quý của mình cho cách mạng. 3. Những vấn đề đặt ra đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống ở Bến Tre Văn hoá vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, là tiền đề cho sự đi lên con đường giàu mạnh của xứ dừa. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của Bến Tre là nhiệm vụ bức thiết của lãnh đạo và mỗi người dân Bến Tre. Lịch sử ba trăm năm khai phá vùng đất đã hun đúc những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Bến Tre. Đó là truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, lòng hào hiệp, mến khách, trọng nghĩa trọng tình, tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái… Nhờ những giá trị tinh thần đó, cư dân Bến Tre đã chiến thắng biết bao thử thách khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và xã hội để xây dựng và phát triển quê hương Bến Tre. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, trước hết là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá đó. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động lớn đến đời sống của người dân, dẫn đến những hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng. Một bộ phận dân cư Bến Tre, trong đó có lớp trẻ, thiếu hiểu biết về lịch sử, truyền thống của địa phương, không phân biệt tốt xấu, mang tâm lý sùng ngoại một cách mù quáng. Thực tế ấy dễ dẫn đến tình trạng xói mòn những nền tảng văn hoá, tạo điều kiện cho sự xâm nhập của những sản phẩm văn hoá độc hại, ngoại lai. Do tác động của điều kiện tự nhiên, xã hội nên đại bộ phận dân cư đã đơn giản hoá trong sinh hoạt vật chất. Sự đơn giản, xuề xoà trong sinh hoạt đã trở thành tâm lý khá phổ biến của một bộ phận dân cư. Nhà ở của người dân nhìn chung đa số còn thô sơ, dễ bị sập khi có bão. Quần áo tuy phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng nhìn chung còn đơn điệu. Cuộc sống bấp bênh, sinh hoạt văn hoá ở nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân, lúc nông nhàn một bộ phận nông dân thường tìm thú vui với rượu chè, cờ bạc… Đó là những vấn đề cần lưu ý giải quyết nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân trong công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn. Văn hoá là một bộ phận của đời sống xã hội, phản ánh và chịu sự tác động của những điều kiện xã hội. Hiện thực xã hội nào sẽ sinh ra sản phẩm văn hoá ấy. Sức sống của các hiện tượng văn hoá có cơ sở tồn tại từ hiện thực xã hội. Xây dựng và phát triển văn hoá phải đi liền với cải tạo điều kiện xã hội. Trong bảo tồn và phát triển văn hoá, cần tôn trọng quy luật khách quan trong sự vận động và phát triển của văn hoá, không nên dùng biện pháp cưỡng bức. Giữ gìn và phát huy không có nghĩa là phục cổ. Truyền thống được hình thành từ lâu đời và có tính chất trường tồn, song văn hoá lại luôn được bổ sung, phát triển trong những điều kiện mới. Do vậy, việc kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống phải đi liền với sự điều chỉnh, thích nghi với thực tế cuộc sống. Cho đến nay, các công trình nghiên cứu về các vấn đề có liên quan đến diện mạo văn hoá – xã hội Bến Tre còn quá ít. Để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện, để có thể chọn lọc, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của Bến Tre, thiết nghĩ, trước tiên cần phải quan tâm đến việc tìm hiểu, nghiên cứu mảng đề tài này. Trên cơ sở những thành quả nghiên cứu, cần xác định cụ thể những giá trị tích cực cần phát huy, những hạn chế cần khắc phục; đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống văn hoá địa phương cho mọi tầng lớp nhân dân. Thời gian đã và đang tàn phá nhiều giá trị văn hoá. Các di tích lịch sử, văn hoá cần phải được quan tâm bảo quản, tôn tạo đúng mức để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, góp phần giáo dục truyền thống văn hoá của địa phương cho nhân dân. Con đường phát triển đi lên của Bến Tre còn không ít chông gai, trở lực. Bến Tre bị ngăn cách với các vùng lân cận bởi những con sông lớn, địa hình bị chia cắt bởi sông rạch chằng chịt, giao lưu đường bộ gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng của tỉnh còn rất yếu kém. Đó là những nguyên nhân làm cho nhà đầu tư ngán ngại. Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy, nguồn gốc của sự giàu có không chỉ có tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, vốn, kỹ thuật mà còn có nhân tố không kém phần quan trọng và quyết định đó là nguồn nhân lực, là tiềm năng sáng tạo của con người. Tiềm năng này nằm trong văn hoá, trong trí tuệ, đạo đức, lối sống, ý chí, nghị lực của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Để có nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, lãnh đạo địa phương cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời cũng cần có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài. Đi đôi với tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương đầu tư kinh phí, cơ sở hạ tầng, cần phát huy tinh thần tự lực, khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có của địa phương. Cần động viên các tầng lớp nhân dân mang tinh thần “Đồng khởi” năm xưa vào sự nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế, phát triển văn hoá, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Xưa kia, yêu nước là tham gia chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Ngày nay, yêu nước là ý chí đưa quê hương, đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đối diện với thiên nhiên đầy hiểm nguy, gian khó ở buổi đầu khai phá, người dân Bến Tre chẳng những không chùng bước, mà còn tỏ rõ bản lĩnh, nghị lực, khả năng thích nghi, tinh thần tự lực tự cường. Trong đấu tranh chống áp bức bất công, chống giặc ngoại xâm, người Bến Tre cũng tỏ ra gan góc, anh dũng, bất khuất. Trước muôn ngàn khó khăn, người Bến Tre vẫn bám trụ, thể hiện bản lĩnh và sức sống trên vùng đất này. Những truyền thống mà các bậc tiền nhân gầy dựng chắc chắn sẽ là hành trang quý giá, là động lực giúp thế hệ những người đang sống trên mảnh đất này vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa xứ dừa ngày càng phát triển. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Duy Anh (2003), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 2. Toan Ánh (2003), Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua nếp cũ gia đình, Nxb Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 3. Toan Ánh (2005), Nếp cũ – Con người Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 4. Toan Ánh (2005), Tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 5. Toan Ánh (2005), Phong tục thờ cúng trong gia đình, nơi công cộng Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Thành phố Hồ Chí Minh. 6. Toan Ánh (1998), Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua tết lễ hội hè, Nxb Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 7. Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh Bến Tre (2003), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre 1930 – 2000 (2003), Nxb Chính trị quốc gia, Bến Tre. 8. Nguyễn Chí Bền (1996), Tuyển tập văn học chữ viết Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 9. Nguyễn Chí Bền (1997), Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 10. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (1990), Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 11. Phan Kế Bính (2004), Việt Nam phong tục, Nxb TP. Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 12. Lư Xuân Chí (2005), Bến Tre bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, Bảo tàng tỉnh Bến Tre. 13. Cục thống kê Bến Tre (2004), Niên giám thống kê 2003, Bến Tre. 14. PGS. PTS. Nguyễn Đăng Dung (1997), Tổ chức chính quyền nhà nước ở địa phương (lịch sử và hiện tại), Nxb Đồng Nai. 15. Lê Anh Dũng (1996), Lịch sử Đạo Cao đài thời kỳ tiềm ẩn 1920 – 1926, Nxb Thuận Hóa, Huế. 16. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn (Vĩnh Long – Bến Tre – Trà Vinh), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 17. Nguyễn Đình Đầu (1994), Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục Tỉnh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 18. Nguyễn Đình Đầu (1999), Việt Nam quốc hiệu và cương vực qua các thời đại, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 19. Nguyễn Đình Đầu(1999), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn quan lập ấp ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 20. Trần Bạch Đằng(1986), Đồng bằng sông Cửu Long 40 năm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 21. Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 22. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Nxb Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh. 23. Phan Lữ Hoàng Hà (2002), Bên vườn xưa lặng lẽ (Tập Phóng sự và Bút ký), Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, Bến Tre. 24. Bùi Thị Thu Hà (2002), “Đồng bằng sông Cửu Long thế kỷ XVII – XIX với sự ra đời các tôn giáo địa phương vào thế kỷ XIX”, in trong Kỷ yếu hội thảo Nam bộ và Nam Trung bộ - Những vấn đề lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 249-254. 25. Trần Thị Mỹ Hạnh (2002) “Công cuộc khai phá vùng đất vĩnh long các thế kỷ XVII, XVIII, XIX và bản sắc văn hóa Vĩnh Long nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung”, in trong Kỷ yếu hội thảo Nam bộ và Nam Trung bộ - Những vấn đề lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 91-102. 26. Nguyễn Hữu Hiếu (2004), Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 27. Phong Hiền (1984), Chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ ở miền Nam Việt Nam (khía cạnh văn hóa và tư tưởng) 1954 – 1975, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội. 28. Nguyễn Phi Hoanh (1984), Mỹ thuật Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 29. Phan Văn Hoàng (2001), Cao Triều Phát – Nghĩa khí Nam Bộ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.. 30. Học viện hành chính quốc gia (2005), Lịch sử hành chính nhà nước Việt Nam, Nxb Giáo dục. 31. Lư Văn Hội (2002), Tang lễ người già, Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bến Tre, Bến Tre. 32. Hội thánh dưới quyền ủng hộ của Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương (1958), Tiểu sử Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương (1881 – 1951), Bến Tre. 33. Hội thánh Cao đài Ban chỉnh đạo (2005), Kỷ yếu 80 năm khai đạo Cao đài, Bến Tre. 34. Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (2002), Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam Bộ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 35. Trầm Hương (2002), Đêm trắng của Đức Giáo tông, Nxb Công an nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh. 36. Huy Khanh (2003), Đất cù lao, Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, Bến Tre. 37. Phan Khoang (1996), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh. 38. Phan Thị Minh Lễ – Chương Thâu (2005), Thơ văn Phan Thanh Giản, Nxb Hội nhà văn. 39. Huỳnh Lứa (1987), Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 40. Huỳnh Lứa (2000), Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Nxb Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh. 41. Trần Thị Thu Lương (1994), Chế độ sở hữu và canh tác ruộng đất ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 42. Đỗ Vạn Lý (1989), Tìm hiểu Đạo Cao đài, Q1, California – USA. 43. Huỳnh Minh (2001), Kiến Hòa (Bến Tre) xưa, Nxb Thanh niên, Bến Tre. 44. Huỳnh Minh (2001), Định Tường (Mỹ Tho) xưa, Nxb Thanh niên, Bến Tre. 45. Huỳnh Minh (2002), Vĩnh Long xưa, Nxb Thanh niên, Bến Tre. 46. Monographie de la province de Ben Tre 1930, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bến Tre dịch, 1978. 47. Sơn Nam (2005), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 48. Sơn Nam (2004), Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 49. Sơn Nam (2005), Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa và Văn minh miệt vườn, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 50. Sơn Nam (2005), Nói về miền Nam - Cá tính miền Nam – Thuần phong mỹ tục Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 51. Đào Thị Nhan (2005), Vùng đất Bến Tre trong các thế kỉ XVII – XIX (Luận văn thạc sĩ), Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 52. Nhiều tác giả (1975), Về văn hóa văn nghệ, Nxb Tiền phong, Thành phố Hồ Chí Minh. 53. Nhiều tác giả (1984), Ba Tri đất và người, Ban chấp hành Đảng bộ Ba Tri xuất bản, Bến Tre. 54. Nhiều tác giả (1998), Đại cương lịch sử Việt Nam, 3 tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 55. Nhiều tác giả (1984), Mấy đặc điểm văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Văn hóa. 56. Nhiều tác giả (2002), Thế kỉ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, Tạp chí Xưa và nay – Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 57. Nhiều tác giả (2003), Nam bộ đất và người, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 58. Nhiều tác giả (2003), Nam bộ xưa và nay, Nxb Thành phố HCM - Tạp chí xưa và nay. 59. Nhiều tác giả (2005), Tuyển tập thơ Bến Tre (1945 – 2005), Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, Bến Tre. 60. Nhiều tác giả (1996), Tuyển tập văn học chữ viết Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 61. Nhiều tác giả (1994), Làm đẹp cuộc đời – Huỳnh Tấn Phát con người và sự nghiệp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 62. Nguyễn Duy Oanh (1971), Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam từ năm 1957 đến 1945, Tủ sách Sử học Phủ quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn. 63. Nguyễn Duy Oanh (1994), Quân dân Nam kỳ chống pháp trên mặt trận quân sự và văn chương (1859 –1885), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 64. Ngô Minh Oanh (2002), “Bối cảnh của quá trình mở đất về phía Nam của người Việt thế kỷ XVII, XVIII”, in trong Kỷ yếu hội thảo Nam bộ và Nam Trung bộ - Những vấn đề lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 165-168. 65. Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 66. Thạch Phương, Đoàn Tứ (chủ biên) (2001), Địa chí Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 67. Châu Đạt Quan (1973), Chân Lạp phong thổ ký, Lê Hương dịch, Nxb Kỷ nguyên mới, Sài Gòn. 68. Nguyễn Phan Quang (2002), Vịêt Nam thế kỷ XIX (1802 –1884), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 69. Ngô Huy Quỳnh (1986), Kiến trúc Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 70. Trần Thị Thanh Thanh (2002), “Nhìn lại việc khai phá của người Vịêt trên đất Gia Định thế kỷ XVII –XIX” in trong Kỷ yếu hội thảo Nam bộ và Nam Trung bộ - Những vấn đề lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 135-139. 71. Nguyễn Phương Thảo, Hoàng Thị Bạch Liên (1988), Văn học dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 72. Nguyễn Phương Thảo (1994), Văn hóa dân gian Nam Bộ những phác thảo, Nxb Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh. 73. Hồ Bá Thâm (2003), Văn hóa Nam Bộ vấn đề và phát triển, NXB Văn hóa Thông tin, Thành phố Hồ Chí Minh. 74. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Thành Phố Hồ Chí Minh. 75. Đặng Thu (1994), Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, Phụ san Nghiên cứu lịch sử , Hà Nội. 76. Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Quảng Tuân (1986), Phan Văn Trị cuộc đời và tác phẩm, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, Thành Phố Hồ Chí Minh. 77. Huỳnh Ngọc Trảng (1992), Hát sắc bùa Phú Lễ (Ba Tri – Bến Tre), Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, Thành Phố Hồ Chí Minh. 78. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hóa thông tin. 79. Tsai Maw Kuey (1968), Người Hoa ở miền Nam Việt Nam, Thư viện quốc gia, Pari. 80. Nguyễn Thị Thanh Xuân (chủ biên) (1987), Sài Gòn – Gia Định qua thơ văn xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 81. Nguyễn Thanh Xuân (2003), “Tìm hiểu các cuộc vận động thống nhất Đạo Cao đài trước năm 1975”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 2), tr. 48-56. 82. Nguyễn Thanh Xuân (2005), Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo. 83. Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại (1987), Bình Đại địa chí, Bến Tre. 84. GS. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) (1995), Bước đầu tìm hiểu Đạo Cao Đài, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 85. Đặng Nghiêm Vạn (2001), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 86. Viện sử học (1978), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 87. Lư Nhất Vũ – Lê Giang (1983), Tìm hiểu Dân ca Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 88. Lư Nhất Vũ, Lê Giang (1981), Dân ca Bến Tre, Ty Văn hóa Thông tin Bến Tre xuất bản, Bến Tre. PHỤ LỤC Tổng Tân An năm 1779. Nguồn: [62, tr.76] Huyện Tân An năm 1808. Nguồn: [62, tr.78] N G U ỒN : [ 62 , t r.1 44 ] N G U ỒN : [ 66 , t r.5 1] N G U ỒN : [ 62 , t r.1 44 ] N G U ỒN : [ 66 , t r.2 5] Sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng - Ảnh: Lư Hội Sản xuất bánh phồng Sơn Đốc - Ảnh: Thanh Vũ Nhà cổ Đại Điền (Thạnh Phú) - Ảnh: Ngô Văn Đức Chùa Tuyên Linh (Mỏ Cày) - Ảnh: Ngô Văn Đức Tòa Thánh Cao Đài Ban Chỉnh (Thị xã Bến Tre) - Ảnh: Ngô Văn Đức Tòa Thánh Cao Đài Tiên Thiên (Châu Thành) - Ảnh: Ngô Văn Đức Khu di tích Đồng khởi (Mỏ Cày) - Ảnh: Ngô Văn Đức Mộ và Đền thờ Võ Trường Toản (Ba Tri) - Ảnh: Ngô Văn Đức Mộ và Đền thờ Phan Thanh Giản (Ba Tri) - Ảnh: Ngô Văn Đức Lăng Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri) - Ảnh: Ngô Văn Đức Đền thờ Nguyễn Ngọc Thăng (Giồng Trôm) - Ảnh: Ngô Văn Đức Đình Phú Lễ (Ba Tri) - Ảnh: Lư Hội Lễ hội Nghinh Ông (Xã Bình Thắng - Huyện Bình Đại) - Ảnh: Lư Hội ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7628.pdf
Tài liệu liên quan