Dịch vụ Du lịch ở Thành phố Đà Nẵng

Tài liệu Dịch vụ Du lịch ở Thành phố Đà Nẵng: ... Ebook Dịch vụ Du lịch ở Thành phố Đà Nẵng

doc112 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1639 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Dịch vụ Du lịch ở Thành phố Đà Nẵng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, trong đó chỉ rõ: Phát triển mạnh du lịch và các dịch vụ mà thành phố có thế mạnh, làm tiền đề chuyển nền kinh tế thành phố từ cơ cấu “Công nghiệp - Dịch vụ -Nông nghiệp” sang cơ cấu “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp" sau năm 2010. Phấn đấu đến năm 2010 đón 2 triệu lượt du khách, trong đó có 800.000 lượt khách quốc tế và 1,2 triệu khách nội địa. Đồng thời, Bộ Chính trị (khoá IX) cũng đã ra Nghị Quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thực hiện các Nghị quyết nêu trên, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Thành phố chính thức trở thành Đô thị loại I trực thuộc Trung ương, ngành du lịch đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội Đà Nẵng. Đà Nẵng nằm ở trung lộ của cả nước, với trên 30km bờ biển xanh, sạch, đẹp được xếp vào Top 1 trong số 06 bãi biển đẹp nhất hành tinh; có sân bay, cảng biển quốc tế và những điều kiện hết sức thuận lợi về giao thông đường sắt, đường bộ, là trung điểm của 05 Di sản văn hoá trong số 6 di sản văn hoá thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận là Cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, Động Phong Nha, phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn - trung điểm của “Hành trình Di sản” của du lịch Việt Nam. Trong phạm vi khu vực và thế giới, Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng của miền Tây và các nước vùng Đông Bắc Á. Vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi của tự nhiên giúp cho Đà Nẵng có điều kiện phát triển các ngành kinh tế một cách nhanh chóng và bền vững, trong đó có ngành du lịch. Trong điều kiện chuyển đổi hoạt động kinh doanh dịch vụ theo hướng xã hội hoá mạnh mẽ và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành du lịch nước ta nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn. Ngành dịch vụ du lịch còn non trẻ, mới được chuyển sang từ hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị đối ngoại là chủ yếu, tính chuyên nghiệp trong nghiệp vụ còn thấp, cơ sở đào tạo chuyên ngành còn thiếu và yếu, cơ sở vật chất phục vụ lưu trú và vận chuyển của đại bộ phận các đơn vị kinh doanh du lịch chủ yếu trên địa bàn tuy có vị trí lợi thế, nhưng đang xuống cấp trầm trọng. Hoạt động lữ hành chủ yếu là trạm trung chuyển; làm lại tour cho các hãng lớn tại hai đầu và phần lớn ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Tính liên kết du lịch vùng miền yếu... Do vậy, có thể nói trong thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng đã phải đương đầu với rất nhiều thử thách và sẽ còn phải nỗ lực rất lớn để khai thác hết tiềm năng, lợi thế so sánh của mình trong khu vực và trong cả nước thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XIX. Chính vì những lý do trên, học viên chọn đề tài “Dịch vụ Du lịch ở Thành phố Đà Nẵng” làm luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Kinh tế chính trị, nhằm góp một phần phục vụ công tác chỉ đạo hoạt động thực tiễn đối với quản lý ngành du lịch, hướng tới đảm nhiệm nhiệm vụ của ngành “công nghiệp không khói” trong xu thế phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế của thành phố Đà Nẵng. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Về du lịch nói chung và của từng địa phương đã có một số đề tài, như: - Trần Quốc Nhật (1996), Phát triển du lịch ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện CTQG Hồ Chí Minh. - Dương Thế Vinh (1996), Khai thác tiềm năng phát triển du lịch Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện CTQG Hồ Chí Minh. - Nguyễn Thị Hoá (1997), Kinh tế du lịch Thừa Thiên -Huế, tiềm năng và phương hướng phát triển, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện CTQG Hồ Chí Minh. - Hoàng Đức Cường (1999), Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Nghệ An, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện CTQG HCM. - Dụng Văn Duy (2004), Du lịch trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình thuận, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện CTQG Hồ Chí Minh. - Nguyễn Thị Hồng Lâm (2005), Kinh tế du lịch ở tỉnh Thanh Hoá -Thực trạng và giải pháp phát triển, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện CTQG Hồ Chí Minh... Cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu liên quan đến dịch vụ du lịch ở thành phố Đà Nẵng một cách toàn diện về lý luận và thực tiễn dưới góc độ khoa học kinh tế chính trị. Vì vậy, sự lựa chọn đề tài "Dịch vụ du lịch tại Thành phố Đà Nẵng" là cần thiết và không trùng lặp với các công trình khoa học đã được công bố. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài 3.1. Mục đích: Trên cơ sở lý luận về dịch vụ du lịch, luận văn phân tích, đánh giá thực trạng dịch vụ du lịch Đà Nẵng và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển dịch vụ du lịch ở thành phố Đà Nẵng, trong thời gian từ nay đến năm 2020. 3.2. Nhiệm vụ: Luận văn có các nhiệm vụ sau: - Làm rõ một số cơ sở lý luận và thực tiễn về dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng. - Đánh giá thực trạng dịch vụ du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn 2001 đến 2005 và những vấn đề đặt ra cần giải quyết. - Phương hướng và giải pháp phát triển dịch vụ du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới. 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu: Dịch vụ du lịch Đà Nẵng trong thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương đến nay. 4.2. Thời gian: Từ 2001 đến 2005. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 5.1. Cơ sở lý luận: Vận dụng lý luận kinh tế chính trị của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố Đà Nẵng vào phát triển dịch vụ du lịch. Đồng thời, kế thừa những kết quả nghiên cứu về lĩnh vực dịch vụ du lịch của các nhà khoa học có liên quan đến đề tài. 5.2. Phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu của chủ nghĩa duy vật biện chứng, kết hợp lôgíc với lịch sử, thống kê, tổng hợp và phân tích, so sánh... để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu. 6. Những đóng góp về khoa học và thực tiễn của luận văn - Góp phần chứng minh sự cần thiết khách quan và vai trò của phát triển dịch vụ du lịch ở thành phố Đà Nẵng. - Đề xuất những giải pháp để phát triển dịch vụ du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn 2006-2020. - Góp vào danh mục tài liệu tham khảo phục vụ công tác chỉ đạo thực tiễn và giảng dạy, học tập ở các cơ sở đào tạo của địa phương. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm có 3 chương, 7 tiết. Chương 1: VAI TRÒ VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA DỊCH VỤ DU LỊCH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 1.1. VAI TRÒ CỦA DỊCH VỤ DU LỊCH TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 1.1.1. Khái niệm và đặc điểm của dịch vụ du lịch Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, đặc biệt là từ 1950 - khi nền kinh tế thế giới được khôi phục và phát triển, thu nhập bình quân đầu người trên thế giới tăng không ngừng, đã làm cho nhu cầu giao lưu tham quan học tập, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí... cũng không ngừng tăng lên. Nhất là trong thời đại ngày nay, khi nhịp sống đại công nghiệp đưa con người vào những vòng xoáy hối hả của những toan tính bận rộn, thì nhu cầu được nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn kết hợp với giao lưu quốc tế của cộng đồng càng trở nên bức thiết. Và nhờ đó, một số nước đã coi du lịch là một ngành kinh tế chủ lực tạo nguồn thu nhập đáng kể cho ngân sách, như Thái Lan, Trung Quốc, Tây Ban Nha... Từ đó nhiều nước đề ra những quốc sách hữu hiệu cho đầu tư và phát triển dịch vụ du lịch. Khi điều kiện kinh tế chưa phát triển, người ta coi du lịch như một hiện tượng xã hội mang tính nhân văn nhằm làm phong phú thêm nhận thức con người và dịch vụ du lịch là thoả mãn nhu cầu cho tầng lớp trên của xã hội kiếm được tiền ở một nơi và đi tiêu tiền ở một nơi khác. Điều kiện kinh tế phát triển hơn, người ta nhận thức được du lịch không còn là một hiện tượng xã hội đơn thuần mà còn là một hoạt động kinh tế, trong đó những hoạt động dịch vụ phối hợp với nhau nhằm thoả mãn nhu cầu của con người. Khi kinh doanh du lịch phát triển, trở thành một hệ thống mang tính tổng hợp trên phạm vi vùng miền không chỉ của một quốc gia thì người ta coi du lịch là một ngành công nghiệp với toàn bộ các hoạt động mà mục tiêu là kết hợp giá trị của các tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn với các dịch vụ, hàng hoá để tạo ra sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách. Pháp lệnh Du lịch (2/1999) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam quy định: Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định [39]. Có thể hiểu, du lịch là một phạm trù kép; một mặt có ý nghĩa thông thường là sự di chuyển của con người với mục đích nghỉ ngơi giải trí, nhưng mặt khác nó bao hàm hệ quả kinh tế tự thân khi những dịch vụ hỗ trợ và cung ứng nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần cho du khách, trong sự di chuyển đó. Với quan niệm trên, sản phẩm du lịch cũng mang những nét đặc trưng cơ bản không như các sản phẩm vật chất thuần tuý khác. Theo Từ điển du lịch (Tiếng Đức, Nxb Kinh tế Berlinh, 1984) định nghĩa: "Sản phẩm du lịch là sự kết hợp những dịch vụ và phương tiện vật chất trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch nhằm cung cấp cho du khách một khoảng thời gian thú vị, một kinh nghiệm du lịch trọn vẹn và sự hài lòng" [35]. Theo nghĩa hẹp, thì sản phẩm du lịch là những gì du khách bỏ tiền ra mua lẻ hoặc trọn gói trong chuyến đi của mình. Còn theo nghĩa rộng, đó là tổng hợp những sản phẩm vô hình và hữu hình do con người và thiên nhiên tạo ra, có khả năng thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần cho du khách về nghỉ ngơi, giải trí và những hoạt động có ích khác. Theo Từ điển du lịch, lữ hành, lưu trú và ăn uống, (Tiếng Anh, Nxb Butterworth Heinemann 1993) thì: Dịch vụ du lịch là kết quả của các hoạt động kinh tế được thể hiện trong sản phẩm vô hình (phân biệt với hàng hoá vật chất) như lưu trú, vận chuyển, dịch vụ tài chính, thông tin liên lạc, y tế và các dịch vụ cá nhân khác [36]. Theo điều 4, chương I Luật Du lịch Việt Nam “Dịch vụ du lịch là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và các dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch” [28, tr.2]. Tác giả luận văn tán thành với khái niệm này về dịch vụ du lịch. Dịch vụ du lịch có những đặc điểm chung của dịch vụ: là kết quả mang lại nhờ các hoạt động tương tác giữa những tổ chức cung ứng và khách hàng và thông qua việc đáp ứng nhu cầu khách hàng đó mang lại lợi ích cho tổ chức cung ứng dịch vụ đó. Ngoài ra, dịch vụ du lịch còn có các đặc điểm mang tính đặc thù: Thứ nhất: Tính phi vật thể - đây là đặc điểm quan trọng nhất của dịch vụ du lịch. Người sử dụng dịch vụ không thể tiêu dùng trực tiếp dịch vụ đó trước khi mua nó, nói cách khác quá trình sản xuất ra dịch vụ cũng gắn liền với quá trình tiêu thụ nó. Dịch vụ đồng hành với sản phẩm vật chất nhưng nó lại tồn tại dưới dạng phi vật chất nên người sử dụng chỉ có thể đánh giá được chất lượng của dịch vụ khi trực tiếp sử dụng nó. Đặc điểm quan trọng này buộc các nhà cung cấp phải có trách nhiệm trong việc tạo dựng thương hiệu thông qua cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, chân thực và khách quan về những tiện ích và ưu việt của dịch vụ đối với du khách để họ thực sự yên tâm và hài lòng về quyết định mua sản phẩm dịch vụ. Về phía du khách: phải thận trọng và cần có sự nhìn nhận, lựa chọn nhà cung cấp căn cứ trên uy tín thương hiệu, quảng cáo sản phẩm và tham khảo thêm những người đã sử dụng dịch vụ trước khi quyết định mua dịch vụ cho mình. Thứ hai: Tính đồng thời trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dịch vụ. Khác với các hàng hoá thông thường có quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra ở từng thời gian và địa điểm khác nhau, dịch vụ du lịch được sản xuất và tiêu dùng thường diễn ra cùng lúc. Chính đặc điểm này quy định tính thời vụ trong loại hình kinh doanh du lịch và nó làm cho công tác dự báo của ngành du lịch thực sự trở thành một khoa học giúp các nhà hoạch định chiến lược nắm được cung - cầu trên thị trường mà có hướng đầu tư phù hợp. Trên thực tế có nhiều bất cập xảy đến trong quá trình quản lý và kinh doanh du lịch, nguyên nhân sâu xa chính vì chưa nắm thấu đáo tính chất đặc thù này. Thứ ba: Khách hàng là một bộ phận của cả quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tính đặc thù này được quy định bởi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dịch vụ diễn ra trong một thời gian và không gian nhất định nên không tạo ra khoảng cách giữa người tiêu dùng và người sản xuất dịch vụ. Nói cách khác, người tiêu dùng không chỉ hưởng thụ một cách thụ động sản phẩm dịch vụ được cung ứng, mà họ còn trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất thông qua việc phản hồi của họ với nhà cung cấp về chất lượng và mức độ hoàn thiện của sản phẩm. Thậm chí bằng kinh nghiệm và trình độ cảm nhận của mình, du khách còn là người trực tiếp sáng tạo ra các sản phẩm dịch vụ giúp cho nhà cung cấp tạo ra những sản phẩm nhằm thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Thứ tư: Quyền sở hữu không được chuyển giao khi mua và bán. Đây là một đặc thù riêng có của loại hình sản phẩm dịch vụ khi đem trao đổi trên thị trường. Vì là sản phẩm không thể di chuyển trong không gian, là sản phẩm phi vật thể và có tính đồng nhất trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nên khách hàng chỉ đang mua quyền sử dụng sản phẩm chứ không hề mua được quyền sở hữu sản phẩm dịch vụ đó. Khi quyền sử dụng của du khách không còn thì cũng là lúc nhà cung cấp toàn quyền sở hữu đối với sản phẩm dịch vụ đó. Sản phẩm du lịch gồm: Dịch vụ du lịch và giá trị tài nguyên thiên nhiên Dịch vụ du lịch gồm: - Dịch vụ vận chuyển, nhằm đưa du khách từ nơi cư trú đến các điểm du lịch, từ các điểm du lịch này đến điểm du lịch khác hoặc trong phạm vi một điểm du lịch nào đó, bằng phương tiện nhất định. - Dịch vụ lưu trú, ăn uống bao gồm các dịch vụ phục vụ du khách nghỉ ngơi, thư giãn và lấy lại sức khoẻ trong hành trình du lịch của mình thông qua hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng... nơi khách dừng chân. - Dịch vụ vui chơi giải trí: là loại hình giúp du khách đạt được sự thoả mãn cao trong mỗi chuyến đi. Bởi vậy, nên thời gian của du khách phần lớn được các nhà tổ chức chuyên nghiệp hướng đến là đưa khách tham quan các khu du lịch, các khu di tích, xem văn nghệ... thậm chí đến các sòng bạc, các bar café, sàn nhảy... Kinh tế càng phát triển thì nhu cầu được thoả mãn về tinh thần càng lấn át nhu cầu mang tính vật chất thuần tuý, do đó, nhu cầu đi du lịch ngày càng có xu hướng tăng cao trong cộng đồng dân cư. Nắm được điều này, các nhà kinh doanh du lịch càng nghiên cứu đầu tư vào dịch vụ giải trí sẽ càng thu được lợi nhuận cao. Thái Lan, Trung Quốc, Tây Ban Nha... là những quốc gia có kinh nghiệm và nhạy bén trong việc tập trung đầu tư cho dịch vụ này nên chỉ trong vòng vài thập niên đã nhanh chóng thu hút được tỉ lệ lớn khách du lịch đến từ các nước và nhờ đó đã đóng góp được một phần đáng kể ngoại tệ cho phát triển kinh tế đất nước. Ví dụ: Thái Lan năm 2004 đón 11,6 triệu khách du lịch quốc tế, thu ngoại tệ đạt 9,6 tỷ USD. Khách du lịch nội địa đạt 74,8 triệu lượt khách, tạo thu nội tệ xấp xỉ 8 tỷ USD. Du lịch đóng góp cho GDP năm 2005 gần 15%. Ngoài ra, hoạt động du lịch đã tạo ra trên 1,3 triệu việc làm gián tiếp và trực tiếp cho xã hội [32]. Hoặc Trung Quốc: hiện nay là quốc gia có thu nhập từ du lịch quốc tế lớn nhất thế giới. Năm 2004, Trung Quốc đón 41,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế (nếu tính cả khách tham quan du lịch trong ngày là 109 triệu lượt), thu nhập ngoại tệ từ du lịch đạt 25,7 tỷ USD. Khách du lịch nội địa đạt 1,1 tỷ lượt khách, tạo thu nội địa tương đương 65,7 tỷ USD. Du lịch tạo ra 38,93 triệu việc làm gián tiếp và trực tiếp cho xã hội [32]. Cả hai cường quốc trên đều có ưu việt nổi trội trong hoạt động du lịch và có nhiều kinh nghiệm phát triển kinh doanh du lịch. Hai nước này đều luôn coi du lịch là quốc sách và có nhiều biện pháp nhằm tạo ra chiến lược sản phẩm du lịch tốt, trong đó coi trọng việc đầu tư đồng bộ các loại hình dịch vụ giải trí cho du khách. - Dịch vụ mua sắm: thực tế đây cũng là hình thức giải trí không thể thiếu trong một chuyến đi du lịch của du khách, được thực hiện thông qua các siêu thị, cửa hàng, làng nghề truyền thống, hàng mỹ nghệ, tạp hoá, vải lụa... - Dịch vụ trung gian và bổ sung khác: y tế, công nghệ thông tin, Internet, sửa chữa... tuy phụ trợ nhưng loại hình dịch vụ này cũng góp phần làm thoả mãn chuyến đi của du khách và tham gia vào việc tạo nên một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nơi khách dừng chân. Ngoài ra, sản phẩm du lịch còn bao gồm cả giá trị tài nguyên thiên nhiên - một bộ phận cấu thành quan trọng, nó đòi hỏi các nhà chuyên môn trong quản lý và điều hành phải biết phối hợp và điều tiết quá trình cung ứng sản phẩm du lịch một cách khoa học thực sự, mới đem lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời thoả mãn được nhu cầu của du khách. Trong nền kinh tế hiện đại, tỉ trọng các ngành dịch vụ có xu hướng ngày càng tăng, ở các nước tiên tiến có khi lên đến 75%, ở Việt Nam chiếm khoảng 40%. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X đã chỉ rõ “Cơ cấu ngành trong GDP năm 2010: Khu vực nông nghiệp khoảng 15-16%, công nghiệp -xây dựng 43-44%, dịch vụ 40-41%” [15, tr.188]. 1.1.2. Những nhân tố tác động đến sự phát triển dịch vụ du lịch ở thành phố Đà Nẵng Phát triển dịch vụ du lịch ở thành phố Đà Nẵng là một tất yếu khách quan, bởi Đà Nẵng hội tụ đủ những điều kiện, khả năng, thế mạnh là những nhân tố tác động đến sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này, như: 1.1.2.1. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch Thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên: 1256,5km2. Dân số 781.023 người (2005) với các quận: Hải Châu,Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và các huyện Hoà Vang, huyện đảo Hoàng Sa. Đà Nẵng nằm ở trung lộ của cả nước, phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây tiếp giáp với các huyện Đại Lộc, Điện Bàn thuộc tỉnh Quảng Nam. Là thành phố có địa hình khá đa dạng, phía Bắc là đèo Hải Vân hùng vĩ, vùng núi cao phía Tây Bắc Đà Nẵng thuộc huyện Hoà Vang có núi Mang với độ cao 1708m và ngọn Bà Nà có độ cao 1487m so mặt biển. Phía Đông là bán đảo Sơn Trà hoang sơ và chuỗi các bãi tắm trải dài từ bản đảo Sơn Trà đến biển Non Nước. Phía Nam có danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ngoài khơi là quần đảo Hoàng Sa có tiềm năng lớn về thuỷ sản. Thành phố Đà Nẵng được hình thành từ năm 1306 nhưng trải qua những thăng trầm của lịch sử mãi tới năm 1836 Đà Nẵng mới thực sự thay thế Hội An trở thành một trung tâm thương mại, chính trị, văn hoá và là nơi giao tiếp với phương Tây của xứ Đàng Trong. Khi đó nơi đây là hải cảng quan trọng, là một trung tâm kinh tế của nước Việt xưa bởi vị trí địa lý đã gắn Đà Nẵng không chỉ trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà còn là nơi giao thương của Cao Miên và Lào với Việt Nam. Đà Nẵng có Cảng Tiên Sa hay còn gọi là Cảng Sâu và 09 cầu cảng quốc tế dọc theo sông Hàn. Sân bay quốc tế Đà Nẵng được hiện đại hoá, trong nhiều năm qua thực sự đã tạo cho Đà Nẵng thành một điểm đến quan trọng với các chuyến bay xuyên Việt và những đường bay trực tiếp quốc tế như Đà Nẵng - Băng Cốc, Đà Nẵng - Hồng Kông, Đà Nẵng - Xiêm Riệp, Đà Nẵng - Singapore... Thành phố Đà Nẵng nằm trên trục giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nối khu vực Đà Nẵng với cả nước hết sức thuận tiện. 1.1.2.2. Tiềm năng, thế mạnh của Đà Nẵng Đến với Đà Nẵng, du khách sẽ có dịp tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà... và thoả thích bơi lội trên các bãi biển trải dài hàng chục km, được coi là một trong 6 bãi biển sạch đẹp nhất của hành tinh. Đà Nẵng còn là trung điểm của “Hành trình Di sản Văn hoá thế giới”, chỉ trong bán kính chưa đầy 200 km, bạn đã có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 05 Di sản Văn hoá thế giới: Thánh địa Mỹ Sơn, Phố Cổ Hội An, Cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế và Di tích Động Phong Nha. Có thể nói, tiềm năng du lịch của Đà Nẵng là hết sức phong phú và to lớn. Trong những năm qua, nhất là từ khi Đà Nẵng trở thành Đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, nơi đây được coi là điểm phát triển năng động với tốc độ cao trong khu vực, có cơ sở hạ tầng hoàn hảo, cơ chế đầu tư thông thoáng và hệ thống dịch vụ phụ trợ của du lịch ngày càng được cải thiện, phù hợp với một đô thị phát triển theo hướng hiện đại. 1.1.2.3. Các điều kiện kinh tế - xã hội khác: cũng là một ưu việt của Đà Nẵng khi định hướng phát triển dịch vụ du lịch: Về dân số: Thành phố Đà Nẵng có gần 790.000 người và hơn 130.000 sinh viên học sinh đang theo học tại các trường Đại học, Cao Đẳng và dạy nghề trên địa bàn, ngoài ra phải kể đến trên 40.000 sinh viên, học sinh tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng và dạy nghề ra trường hàng năm, đó là nguồn lao động dồi dào cho các điểm dịch vụ được mở ra nếu có chính sách thu hút tốt. Bảng 1.1: Dân số, lao động, xã hội Đơn vị tính: người Năm 2000 2002 2003 2004 2005 Dsố (31/12/05) 722.826 747.607 757.270 771.828 790.191 Nguồn LĐ 413.900 432.600 438.962 451.663 487.096 LLg lao động 330.827 348.997 355.820 370.978 386.457 Trong đó: Công nhân KT 36.000 60.000 66.667 79.760 97.000 Trung học 15.000 20.000 23.333 26.154 29.027 Cao đẳng, ĐH 29.700 40.000 42.667 41.179 56.048 Khác 250.127 228.997 223.153 223.885 204.412 Nguồn: Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005. Theo cơ cấu dân số thống kê trên, số dân trong độ tuổi lao động rất cao, chiếm tỉ lệ bình quân trên 60%, trong đó lao động có đào tạo ở các cấp (trừ học sinh, sinh viên đang trên lớp học) thì lực lượng lao động có thể huy động được chiếm gần 80% và đây là tiềm năng cho các ngành dịch vụ mới mở ra khi có nhu cầu cao về lao động. Điều đáng quan tâm nữa đó là vấn đề môi trường du lịch. Trong nhiều năm qua, nhất là từ khi thành phố được tách ra thành đơn vị hành chính từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có nhiều động thái tích cực nhằm cải thiện môi trường, cảnh quan và tập trung hết tâm sức cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng nếp sống văn hoá trong mỗi tổ dân phố đến cộng đồng dân cư, xây dựng “Thành phố 5 không” và “3 có” với những tiêu chí đầy tính nhân văn... Đó cũng là yếu tố tạo ra động lực, thúc đẩy và tao điều kiện cho các ngành dịch vụ phát triển, trong đó có dịch vụ du lịch. 1.1.2.4. Về tài nguyên du lịch nhân văn Đà Nẵng không chỉ là vùng đất được tiếp quản nền văn hoá Đại Việt từ phương Bắc xuống và giao thoa với văn hoá Chămpa phương Nam độc đáo từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI... mà Đà Nẵng còn là “nơi tiếp nhận và nhào nặn các luồng văn hoá để làm giàu thêm vốn văn hoá dân tộc” [25, tr.7]. Đây là một kho tàng đồ sộ chưa được khai thác nhiều cho hoạt động du lịch. 1.1.3. Vai trò của dịch vụ du lịch thể hiện trong việc hình thành cơ cấu kinh tế "Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp” của thành phố Đà Nẵng 1.1.3.1. Dịch vụ du lịch phát triển kéo theo sự phát triển của nhiều ngành kinh tế trên địa bàn góp phần hình thành cơ cấu kinh tế: “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp” Ngành du lịch có tác động rất tích cực đến kinh tế thành phố và của từng vùng thông qua việc tiêu dùng của khách du lịch. Thông qua tiêu dùng, du lịch tác động mạnh đến lĩnh vực lưu thông phân phối sản phẩm hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong vùng, nhờ đó có tác động sâu sắc đến những lĩnh vực khác khác của quá trình tái sản xuất xã hội. Đồng thời, khách du lịch là người nước ngoài hay trong nước đến, với số lượng tiền tệ tiêu dùng đem theo tất yếu sẽ làm cho cán cân thanh toán tại địa phương có sự đổi thay. Và nhờ đó góp phần làm sống động kinh tế vùng du lịch. Mặt khác, thông qua lĩnh vực lưu thông mà du lịch có ảnh hướng tích cực đến sự phát triển của những ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Khách du lịch luôn đòi hỏi hàng hóa được phục vụ với chất lượng cao, chủng loại phong phú và hình thức, mẫu mã đẹp. Như vậy, chính du khách đã giúp phần định hướng cho sản phẩm được sản xuất ra không chỉ bảo đảm về chất lượng, chủng loại mà còn cả hình thức, bao bì, nhãn mác... Từ đó khuyến khích chuyên môn hóa ngày càng sâu sắc và rộng rãi trong các ngành kinh tế của thành phố. Ảnh hưởng của du khách đối với các ngành: viễn thông, ngân hàng, thương mại, xây dựng, văn hóa... cũng hết sức to lớn, nhất là trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế... Bởi chúng ta biết rằng trong số hàng triệu du khách đã đến với Đà Nẵng trong nhiều năm qua, ngoài đối tượng du lịch thuần túy còn có rất đông khách công vụ và thương gia đến tìm kiếm cơ hội làm ăn. Đối tượng này có nhu cầu đặc biệt cao về công nghệ thông tin, các điều kiện và phương tiện thanh toán hiện đại cũng như kết cấu hạ tầng thuận lợi. Việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên vào phục vụ du khách đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ và từ đó cũng kích thích phát triển tương ứng các ngành kinh tế có liên quan khác của thành phố. Bảng 1.2: Chỉ số phát triển tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng(từ 2000-2005) (Năm trước 100, theo giá so sánh năm 1994) Đơn vị tính: % Năm 2000 2002 2003 2004 2005 Tổng số 109,88 112,56 112,62 113,20 113,91 Trong đó: 1. NLTS 102,69 104,33 105,52 104,76 104,86 2. CN, XD 110,82 118,44 121,74 120,32 117,58 3. Dịch vụ 110,37 108,98 105,50 107,09 110,94 Dịch vụ du lịch 104,33 110,36 95,91 107,09 112,88 Nguồn: Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005. 1.1.3.2. Dịch vụ du lịch góp phần làm tăng thu nhập quốc dân, cải thiện đời sống nhân dân vùng du lịch Cũng như các ngành kinh tế khác, dịch vụ du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện cho một số ngành kinh tế phát triển theo; như việc hình thành các làng nghề tại các khu, điểm mà du khách thường xuyên tới: Làng đá Non Nước, làng nghề tơ tằm Duy Xuyên, gốm sứ Thăng Bình... Ngoài ra còn các khu ẩm thực, các trung tâm thương mại, phố Đêm... cũng được phát triển. Có thể nói du lịch là ngành “xuất khẩu tại chỗ” nhờ chính nguồn thu nhập ngoại tệ trực tiếp do nó mang lại cho thành phố và sản phẩm xuất khẩu đó mang tính đặc thù không thể xuất theo cái cách thông thường mà trực tiếp được chuyển tới người tiêu dùng dưới dạng vật thể (thông qua mua sắm, ăn uống, vui chơi...) hoặc phi vật thể (thưởng thức một chương trình múa rối nước, ca nhạc dân tộc...). Tính đặc thù đó chính là yếu tố giúp cho việc “xuất khẩu" của du lịch giảm thiểu các khoản chi phí tốn kém do vận chuyển, kho bãi... như các thương vụ xuất khẩu thông thường khác. Ở một góc độ mang tính độc quyền, có thể nói trong nền kinh tế thị trường hiện đại, du lịch là ngành “xuất khẩu” có cái đặc quyền mà nhiều ngành kinh tế khác không có được; đó là việc tổ chức bán cái mà mình có và thu lợi nhuận cao từ người tiêu dùng là du khách. Trong khi các ngành chỉ bán được cái mà thị trường cần. Và nhờ đó ngành dịch vụ du lịch góp phần tăng sản phẩm xã hội, nâng cao thu nhập cho cư dân trong vùng. Bảng 1.3: Tổng mức bán hàng hoá và dịch vụ tại Đà Nẵng Đơn vị tính: Tỷ VND Năm 2000 2002 2003 2004 2005 Tổng mức 18.531 20.419 22.912 26.461 32.235 Trong đó: Tổng mức bán lẻ 4.678 5.416 6.530 7.032 9.555 Dịch vụ du lịch 1.349 1.720 1.214 910 1.384 Nguồn: Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005. Từ biểu trên cho thấy nguồn thu từ các dịch vụ du lịch mang lại đóng góp một phần không nhỏ vào tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tại Đà Nẵng và điều đó cũng làm cho hoạt động kinh doanh du lịch thêm sôi động. Việc phát triển du lịch còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhân dân, giúp chuyển đổi nghề nghiệp từng bước cho lực lượng lao động nông nghiệp chuyển sang lao động có tay nghề, được đào tạo gắn với tính chuyên nghiệp cao, trong lĩnh vực hoạt động mới - ngành công nghiệp không khói. 1.1.3.3. Dịch vụ du lịch phát triển đóng góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hoá, xã hội, cải thiện bộ mặt đô thị Đà Nẵng Đây là kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng mà hoạt động dịch vụ du lịch mang lại. Thông qua du lịch, con người mở mang kiến thức, được giao lưu với các nền văn minh từ nhiều quốc gia, tăng thêm sự hiểu biết và mở ra những mối quan hệ đoàn kết mang tính quốc tế. Du lịch còn là phương tiện giáo dục lòng yêu đất nước, giữ gìn và nâng cao truyền thống dân tộc. Thông qua các chuyến đi tham quan, nghỉ mát, vãn cảnh giúp con người có điều kiện chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan, tìm hiểu lịch sử văn hoá dân tộc để từ đó thêm yêu hơn đất nước mình. Hoạt động du lịch con người sẽ có thêm động lực mới trong học tập, rèn luyện và xác định mục tiêu cho cuộc sống. Cũng nhờ sự giao lưu mà mỗi người tự nhận thức được giá trị vật thể và phi vật thể trong nền văn hoá dân tộc mình để từ đó có suy nghĩ đóng góp vào việc khai thác một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đất nước, đồng thời cũng gìn giữ, tôn tạo bản sắc văn hoá dân tộc mình. Du lịch còn được coi là sứ giả của hoà bình và tình hữu nghị bởi nhờ các chuyến giao lưu quốc tế, các quốc gia dân tộc sẽ xích lại gần nhau hơn nhờ sự hiểu biết và học hỏi được ở nhau, từ đó tăng cường thêm mối quan hệ và tình đoàn kết quốc tế của các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Và cũng từ đó góp phần cùng nhau tôn tạo bản sắc văn hoá của từng dân tộc và những di sản văn hoá chung của toàn nhân loại. Với ý nghĩa đó, du lịch Đà Nẵng được coi là có lợi thế đặc biệt bởi nằm ở trung điểm của các Di sản văn hoá thế giới tại miền Trung, điều này đã và sẽ tiếp tục mang lại cho Đà Nẵng sự khởi sắc trong hoạt động khai thác du lịch với hiệu quả ngày càng tăng trong thòi gian tới. 1.1.4. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và Thành phố Đà Nẵng về phát triển du lịch dịch vụ Nghị Quyết số 33-NQ/TW Bộ Chính trị (khoá IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã chỉ ra nhiệm vụ của Đà Nẵng từ nay đến năm 2010: Xây dựng Thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ, là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế... Và trong đó phải tập trung nhiệm vụ: Đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của đất nước, là đầu mối trung chuyển, quá cảnh và giao lưu hàng hoá - dịch vụ của miền Trung - Tây Nguyên [3]. Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng đã đề ra chương._. trình hành động, trong đó nêu rõ những định hướng và mục tiêu cụ thể cho ngành du lịch thành phố: Phát triển mạnh du lịch và các dịch vụ mà thành phố có thế mạnh, làm tiền đề chuyển nền kinh tế thành phố từ cơ cấu “Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp” sang cơ cấu "Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp” sau năm 2010. Phấn đấu đến năm 2010 đón 2 triệu lượt du khách, trong đó có 800.000 lượt khách quốc tế và 1,2 triệu khách nội địa, tốc độ tăng bình quân 15-17%/năm. Cơ sở vật chất đồng bộ với hơn 10.000 phòng. Tổng doanh thu 1.500 tỷ đồng, tốc độ tăng doanh thu bình quân 13-14%/năm [7]. Những chủ trương nhất quán và đồng bộ trên thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đối với sự phát triển du lịch trên địa bàn. Điều đó đã tạo nên một sự chuyển biến trong nhận thức xã hội về vai trò, vị thế của ngành du lịch với các ngành kinh tế khác. Đồng thời, cũng tạo nên động lực cho sự phát triển của du lịch trong những thập niên của thế kỷ XXI ở thành phố Đà Nẵng. Pháp lệnh Du lịch 1999 và Luật Du lịch được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội nước CHXHCNVN khoá 11 (ngày 14-06-2004) đã khẳng định tính pháp lý của sự nghiệp phát triển du lịch: “Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hoá sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...” [39]. 1.2. ĐẶC ĐIỂM VÀ CÁC LOẠI HÌNH DỊCH VỤ DU LỊCH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 1.2.1. Đặc điểm của dịch vụ du lịch ở thành phố Đà Nẵng Ngành du lịch cũng mang những đặc điểm chung như mọi ngành kinh tế khác, tuy nhiên do là ngành kinh tế đặc thù nên du lịch có những nét đặc điểm riêng, cụ thể: 1.2.1.1. Tính nhạy cảm Do sản phẩm của ngành mang tính tổng hợp cao nên so với các ngành khác du lịch thể hiện tính chất này rõ hơn. Một chương trình du lịch được nhà cung cấp chào bán khi thực hiện phải đảm bảo sự chính xác về thời gian, không gian và cả tính khoa học, giáo dục... để du khách có thể hài lòng về nơi ăn nghỉ, các chương trình vui chơi giải trí, mua sắm và cảm nhận được nhiều điều thú vị trong chuyến đi đó. Một sáng kiến nhỏ bất ngờ của hướng dẫn viên có thể làm tăng hiệu quả chuyến đi nhờ ấn tượng tốt, và ngược lại chỉ một thay đổi nhiều khi không phải do nhà cung cấp chính mà lỗi từ các chương trình phụ khác (như việc hoãn huỷ chuyến bay của Hàng không...) khiến cho cảm nhận về chuyến du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp. Những biến động chính trị, kinh tế, xã hội khác cũng là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến hiệu quả hoạt động của du lịch, như đại dịch SARS, dịch cúm gia cầm, chiến tranh hoặc tình hình an ninh chính trị mất ổn định... Trong những năm qua Đà Nẵng được coi là điểm đến lý tưởng cho du khách nhờ sự nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, chủ động phòng chống các dịch bệnh trong gia súc gia cầm... Đặc biệt là chủ động xây dựng chương trình “5 không” trong toàn thành phố (không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng, không có tội phạm giết người để cướp của, không có người thất nghiệp) hướng tới môi trường đô thị trong sạch và thuần khiết nhằm thu hút du khách đến với Đà Nẵng. 1.2.1.2. Tính thời vụ Do chịu ảnh hưởng của các yếu tố địa lý tự nhiên khắc nghiệt và thất thường, nên hoạt động kinh doanh du lịch ở Đà Nẵng mang tính thời vụ rõ rệt. Về mùa hè (từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm) hầu hết các nhà nghỉ và khách sạn đều không còn phòng, các dịch vụ trên bãi biển sôi động và náo nhiệt, và ngược lại trong mùa mưa hoạt động của ngành chỉ tập trung cho khách công vụ, hội nghị... Tính chất này được xác định đúng sẽ giúp các nhà quản lý tạo định hướng đầu tư, thời điểm kinh doanh và loại hình cần đầu tư cho du lịch, đồng thời cũng lập kế hoạch hoạt động và tổ chúc đào tạo hoặc bố trí nghỉ ngơi cho lao động phục vụ trong ngành, nhằm thu lợi nhuận tối đa. Còn với du khách, sẽ giúp cho việc lựa chọn chương trình du lịch phù hợp với điều kiện thời gian, sức khoẻ, kể cả tài chính... một cách tối ưu. Trên thực tế, khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch là một vấn đề rất khó và có xu hướng ngày càng phức tạp do sự phụ thuộc các điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu nơi du khách chọn đến. Điều này đòi hỏi nhà quản lý phải có kiến thức tổng hợp để cố gắng giảm thiểu những khó khăn do tính chất này gây ra, nhằm tận dụng công suất trang thiết bị và nhân lực cùng những chi phí thường xuyên phải trả và đạt được hiệu quả hoạt động kinh doanh. 1.2.1.3. Tính tổng hợp Xuất phát từ nhu cầu mang tính tổng hợp cao của du khách mà hoạt động của dịch vụ du lịch mang tính chất này. Có thể nói không có ngành nào thể hiện đặc điểm tổng hợp rõ nét như du lịch bởi mỗi một nhu cầu của du khách đều trở thành một công đoạn trong chuỗi các dịch vụ mà ngành phải cung ứng; như ăn uống, mua sắm, đi lại tham quan, lưu trú... và người làm du lịch phải cung cấp một cách đầy đủ trung thực và chính xác các thông tin về nhà hàng, các trung tâm thương mại, siêu thị, phương tiện giao thông, bản đồ các điểm tham quan, khí hậu thời tiết, lộ trình đường đi, hệ thống khách sạn phù hợp với du khách... 1.2.1.4. Tính đa ngành Ngoài những yêu cầu tối thiểu trên cho một chuyến đi, du khách còn đòi hỏi phải có những dịch vụ không thể thiếu khác như: hệ thống thanh toán từ dịch vụ của ngành tài chính ngân hàng, hải quan cửa khẩu, sân bay, bưu điện...Tất thảy đều phải được hoạt động một cách đồng bộ và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hướng tới việc thoả mãn nhu cầu cho du khách. Đồng thời du khách sẽ mất đi cảm giác an tâm khi thiếu sự trợ giúp của các ngành kinh tế - xã hội khác như bảo hiểm, y tế, giao thông, công an, môi trường... tại nơi sẽ đến tham quan, du lịch. Trong những năm qua, đặc biệt trong vài năm trở lại đây, các ngành dịch vụ hỗ trợ này của Đà Nẵng đã có những tiến bộ vượt bậc so với trước. Điều đó tạo sự đổi mới cho bộ mặt đô thị của thành phố nhưng đồng thời cũng giúp thỏa mãn nhu cầu được phục vụ một cách chu đáo nhất của du khách. Cũng chính những nhu cầu cần được đáp ứng đó của du khách lại có hiệu quả như một động lực thúc đẩy sự phát triển đối với các ngành kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế... ở địa phương phát triển. Đặc điểm tổng hợp và đa ngành trên đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng không chỉ giữa các khách sạn, nhà hàng, các xí nghiệp vận chuyển đưa đón khách... trong nội bộ ngành du lịch mà còn đòi hỏi sự liên kết cao trong khối các ngành có liên quan. Và trên hết là sự điều phối của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Mọi tính toán lợi ích cục bộ hoặc sự phối hợp không đồng bộ trong mỗi khâu dịch vụ đều liên quan mật thiết đến tính hiệu quả của không chỉ riêng ngành du lịch mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả chung về nhiều mặt cho kinh tế - xã hội của địa phương. 1.2.1.5. Tính liên vùng Đặc điểm này biểu hiện ở việc thông tuyến du lịch với một quần thể các điểm du lịch trong khu vực, mà Đà Nẵng có ưu thế nổi trội so với các vùng miền khác. Là trung lộ của cả nước đồng thời là trung điểm của hành trình Di sản văn hoá với 05 Di sản trong số 06 di sản của cả nước đã được UNESCO công nhận, du khách chọn điểm đến của mình là Đà Nẵng và từ đó chỉ cần với một quỹ thời gian khiêm tốn là có thể đặt chân tới một cụm các danh thắng nổi tiếng nhất đặc trưng cho văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi điểm lại có những nét văn hoá độc đáo riêng, nên hiểu dược đặc điểm liên vùng sẽ giúp cho các nhà làm du lịch gắn kết lợi thế của mình với các tuyến điểm toàn khu vực, tạo ra một chuỗi khép kín các dịch vụ liên hoàn sẽ mang lại hiệu quả cao cho chính mỗi hoạt động du lịch cục bộ. Và ngược lại nếu không gắn kết được lợi ích chung thì khó có thể phát triển du lịch từng địa phương và toàn khu vực. Ngoài ra, dịch vụ du lịch còn mang đặc điểm đa dạng bởi tính chất đa thành phần của du khách quy định. Nhiều dịch vụ mới ra đời gắn với việc đáp ứng nhu cầu phong phú và đa dạng của du khách. Việc nắm bắt nhằm khai thác hợp lý loại nhu cầu này sẽ tạo cơ hội cho ngành tăng thêm hiệu quả hoạt động của mình. Mặt khác, du khách đa phần là những người đi thụ hưởng các sản phẩm du lịch, tức đi tiêu tiền chứ không vì mục đích kiếm tiền, nên khả năng chi trả cho các dịch vụ là lợi thế nếu ngành du lịch mở ra nhiều dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và giúp cho du khách có nhiều cơ hội tận hưởng các tài nguyên du lịch của thành phố. Tóm lại: Có thể khẳng định du lịch ngày càng trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong số các ngành kinh tế - xã hội của không chỉ một quốc gia, dân tộc mà ngay cả với một vùng đất giàu tiềm năng như Đà Nẵng. Xác dịnh rõ vai trò, vị trí, tầm quan trong của phát triển dịch vụ du lịch không những có ý nghĩa trong việc phát huy tiềm năng lợi thế cúa vùng đất này, mà quan trọng hơn cả đó chính là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng Đà Nẵng trở thành trong những trung tâm du lịch dịch vụ lớn của cả nước. 1.2.2. Các loại hình dịch vụ du lịch ở Thành phố Đà Nẵng Qua thực tế hoạt động của ngành trong nhiều năm, cho thấy rằng loại hình dịch vụ ở Đà Nẵng phát sinh chủ yếu tuỳ thuộc ở nhu cầu khách đến từ các loại hình du lịch như tham quan du lịch, hội họp, học tập, nghỉ dưỡng, hoạt động thể thao, chữa bệnh, sinh thái... Tuy nhiên, có thể tựu trung lại ở các loại hình dịch vụ chủ yếu sau: 1.2.2.1. Dịch vụ vận chuyển, đưa đón khách Đó là hệ thống các dịch vụ nhằm mục đích đưa đón khách từ sân bay, bến cảng hay đang lưu trú ở một địa phương khác có nhu cầu đến tham quan du lịch hoặc hội họp, học tập... ở Đà Nẵng. Hoặc đưa khách từ nơi cư trú đến một điểm du lịch hay một số điểm du lịch trong hay ngoài thành phố. Để thực hiện dịch vụ này, Đà Nẵng có hệ thống các xí nghiệp vận chuyển thuộc các công ty du lịch dịch vụ của Tổng cục du lịch Việt Nam và của Thành phố cùng với đội ngũ hùng hậu các công ty, chi nhánh công ty du lịch Saigontourist, Vietravel, Furama Resort... và các hãng xe chuyên nghiệp như: Mai Linh, Sông Hàn, Hương Lúa, Airport... với trên 500 xe các loại. Di chuyển trên sông Hàn hiện tại có Tàu du lịch sông Hàn có sức chứa trên 300 thực khách/chuyến (ngày 02 chuyến). Ngoài ra, còn có các loại hình phục vụ khác như cano trên biển, lướt sóng... 1.2.2.2. Dịch vụ lưu trú, ăn uống Là những dịch vụ bảo đảm cho du khách nghỉ ngơi, ăn uống trong quá trình thực hiện chuyến du lịch. Hiện tại ở Đà Nẵng có trên 90 nhà nghỉ, khách sạn. Cùng lúc có thể đón trên 5000 khách với tổng số 2800 phòng nghỉ (trong đó có trên 500 phòng đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế từ 3-5 sao). Hệ thống nhà hàng ở Đà Nẵng cũng tương đối phát triển trong một vài năm trở lại đây, nhất là các nhà hàng được trang bị đảm bảo các tiêu chuẩn đón khách quốc tế và do nhu cầu thực khách không chỉ dừng ở ăn ngon, ăn no mà còn phải mang đậm nét văn hoá trong ẩm thực. Các phố Đêm, chợ Đêm, nhà hàng tự chọn, tự phục vụ... cũng đã mọc lên nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực đa dạng và phong phú của du khách trong và ngoài thành phố. 1.2.2.3. Dịch vụ vui chơi giải trí Bao gồm toàn bộ các hoạt động dịch vụ nhằm giúp du khách đạt đến sự cảm thụ cao nhất trong chuyến đi. Có thể là tham quan bảo tàng, vãn cảnh, thăm các khu di tích, đền chùa miếu mạo, xem văn nghệ dân gian, thăm làng nghề truyền thống, coi hát bội, leo núi Ngũ Hành Sơn ngắm biển, thậm chí mua sắm quà cho người thân từ hệ thống các chợ quê, siêu thị,... làm tăng thêm sự phong phú trong chuyến du lịch, đồng thời cũng hiểu thêm mảnh đất, nét văn hoá và con người xứ Quảng. Sẽ là vô cùng thiếu nếu trong một chương trình du lịch chào mời khách không có các hoạt động của dịch vụ này và sự thành công của các chương trình chào bán cho du khách đạt được hay không cũng chính nhờ yếu tố quan trọng này. 1.2.2.4. Dịch vụ trung gian và dịch vụ bổ sung Gồm hàng loạt các dịch vụ riêng lẻ nhưng được tổ chức và cung cấp cho nhu cầu cần thiết cho một chuyến đi của du khách, như thông tin liên lạc, viễn thông quốc tế. dịch vụ đổi tiền, thanh toán qua thẻ, bảo hiểm, y tế... Đây là những dịch vụ được khách hết sức quan tâm và thực tế những năm qua, cùng với sự nỗ lực của ngành du lịch, trên địa bàn thành phố đã tích cực đầu tư và đổi mới về chất hoạt động các dịch vụ bổ sung, nhờ đó tạo thêm sự hấp dẫn cho du khách đến đồng thời góp phần cải thiện bộ mặt đô thị Đà Nẵng. 1.3. KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ THÀNH PHỐ VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ DU LỊCH 1.3.1. Kinh nghiệm của thành phố Hồ chí Minh Thành phố Hồ chí Minh có tổng diện tích 2.095 km2 (chiếm 0,67% diện tích tự nhiên của cả nước) và dân số 6.117.500 người (chiếm 7,5% dân số cả nước) nhưng với thế mạnh và tiềm năng kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm tới 18% tổng sản phẩm quốc dân, 15,9% thu nhập quốc dân, 29% sản lượng công nghiệp và 29,3% doanh số bán ra của cả nước. Là thành phố Hồ Chí Minh mang nhiều ưu việt về vị trí địa lý nên có sức thu hút lớn đối với du khách đến từ nhiều vùng miền của đất nước, đồng thời đây còn là nơi trung chuyển tiếp nhận và đưa đón du khách đến mọi miền của đất nước, với đặc điểm kinh tế văn hoá, cơ sở hạ tầng phát triển hàng đầu cả nước, dân cư đông đúc trong đó người Kinh và người Hoa qua bao đời đã hình thành nên cộng đồng đa tôn giáo và có sự giao thoa về văn hoá sâu sắc thể hiện ở phong tục, tập quán, sự tồn tại của hàng ngàn di tích, các lễ hội được tổ chức quanh năm. Từ năm 2002, du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển tương đối mạnh, khách quốc tế đến thành phố đạt 1.430.000 người, tăng 12,3% so với năm 2001. Số khách sạn trong thành phố, nhất là các khách sạn đạt tiêu chuẩn chất lượng từ 3 đến 5 sao, có công suất sử dụng buồng phòng rất cao. Năm 2003 do ảnh hưởng của dịch bệnh SARS nên lượng khách đến có giảm, chỉ đạt 1.302.000 lượt. Năm 2004, lượng du khách quốc tế đến với thành phố lại tăng, đạt 1.580.000, tăng 21% so với năm 2003. Theo thống kê toàn ngành du lịch trong tổng lượng du khách đến với Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh giữ vị trí số 1 về khả năng thu hút khách. Tính riêng giai đoạn từ 2001 đến 2004 tỉ trọng đạt được là trên 50% so với khách được toàn ngành du lịch đưa đón [32]. Theo thống kê mới nhất từ Tổng Cục Du lịch Việt Nam, tính đến 9 tháng đầu năm 2006, cả nước đón hơn 2.683.096 lượt khách du lịch quốc tế, riêng thành phố Hồ Chí Minh đã đón được 1.670.000 lượt, chiếm 62,3% tổng lượng khách vào cả nước [32]. Con số thống kê trên đã chứng tỏ sự năng động và biết tập trung mọi nguồn lực cho phát triển các dịch vụ du lịch nhằm tạo sức hút đối với du khách của ngành du lịch thành phố. Các nhà nghiên cứu về phát triển kinh tế du lịch thành phố trong nhiều năm đã tổng kết kinh nghiệm trong công tác này, như sau: Thứ nhất: Tranh thủ mọi cơ hội, tập trung sức và lực cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm tạo mọi thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố: từ sân bay Tân Sơn Nhất, đến Bến Cảng Nhà Rồng, các trục lộ giao thông, đường sắt, đường thuỷ, đường bộ... Tuy thực tế còn nhiều bất cập nhưng trong những năm qua tiềm năng về cảng biển, sân bay, các đầu mối giao thông nối thành phố Hồ Chí Minh với cả nước và quốc tế đã được lãnh đạo các cấp giành ưu tiên quan tâm; từ khâu lập quy hoạch đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là chỉnh trang môi trường cảnh quan du lịch, tạo thêm nhiều điểm du lịch sinh thái, các khu, điểm du lịch... tăng sức hút của du khách ra ngoại ô thành phố và các vùng phụ cận, tránh ô nhiễm và những “Hội chứng" khác do cuộc sống đô thị gây ra. Thứ hai: Tôn tạo, phát triển tài nguyên du lịch và các loại hình dịch vụ du lịch. Trong đó một mặt chú trọng đến nguồn tài nguyên du lịch nhân văn như tổ chức tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng Dinh Thống Nhất, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Địa đạo Bến Dược - Củ Chi... kết hợp với việc mua sắm và giải trí ở các khu vực trung tâm và trong toàn thành phố. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ cộng đồng dân cư từ các miền, nhất là dân cư vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên có lợi thế về văn hoá truyền thống đặc thù: từ lối sống, phong tục, tín ngưỡng, ẩm thực... điều đó đang trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn đối với du khách. Mặt khác, chú trọng đến việc phục vụ nhu cầu thiết yếu trong một chuyến du lịch của du khách là mua sắm để phát triển dịch vụ kinh doanh hàng hoá, đặc biệt là hàng lưu niệm. Mua sắm là một trong những loại hình du khách hướng đến và việc thoả mãn nhu cầu mua sắm là dịch vụ không chỉ độc quyền của ngành thương mại mà còn là cơ hội kinh doanh mang lại lợi nhuận cao cho ngành du lịch. Hàng lưu niệm là loại hàng hoá du lịch đặc thù ở các khu, điểm du lịch bởi nó ghi lại dấu ấn những chuyến đi, những nơi đến của du khách. Vì vậy, tại mỗi khách sạn hay các điểm tham quan du lịch trên toàn thành phố đều tổ chức các gian hàng lưu niệm phục vụ khách 24/24. Thậm chí có những con phố hoạt động dịch vụ này được chuyên nghiệp hoá cao như: Gỗ sứ gốm Trần Hưng Đạo B, Tượng đá Nguyễn Thị Minh Khai, Sơn mài gỗ mỹ nghệ Việt Nam Lê Thánh Tôn... Một loại hình dịch vụ khác cũng được đặc biệt quan tâm, đó là dịch vụ vận chuyển. Cùng với sự tăng trưởng của khách du lịch từ mọi miền tập trung về thành phố, các phương tiện vận chuyển phục vụ khách ở các công ty vận chuyển chuyên nghiệp, các công ty du lịch, các khách sạn, các cơ quan đoàn thể... đều được huy động một cách tối đa và tuỳ vào nhu cầu khách mà có số lượng đầu xe tương ứng kịp thời cung ứng. Hiện tại, toàn thành phố có trên 1500 phương tiện hoạt động dịch vụ vận chuyển và trên 30 tàu thuyền chuyên chở khách du lịch. Vui chơi giải trí là một trong những loại hình không thể thiếu trong một chương trình du lịch, nó đóng vai trò quyết định trong việc lưu giữ du khách lâu hay mau ở tại địa phương. Các nhà hoạt động du lịch thành phố nắm được sự thiết yếu này và trong điều kiện ngân sách cho loại hình này không có thể đủ để đầu tư và phát triển nên những năm qua, thành phố đã đề ra nhiều cơ chế chính sách phù hợp để xã hội hoá trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và tổ chức khai thác. Nhờ đó có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân đã bỏ vốn hoặc liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng các khu, điểm du lịch giải trí trong và ngoài thành phố. Tính đến 2005, toàn thành phố đã có trên 50 vũ trường, 85 điểm Karaoke, 40 sân khấu ca nhạc, 60 quầy rượu, 55 phòng xông hơi, 16 hồ bơi, 07 sân Tennit, 01 sân golf, 01 trường đua chó và những khu du lịch sinh thái nổi tiếng như Công viên Văn hoá Đầm Sen, Suối Tiên, Khu du lịch Thanh Đa Bình Quới... Ngoài ra, thành phố rất chú trọng đến phát triển các loại hình như du lịch sông nước nhằm khai thác đặc thù của miền Tây Nam Bộ. Hoặc tổ chức cho du khách vãn cảnh đêm trên sông Bạch Đằng bằng hệ thống các phương tiện vận chuyển của đội tàu Mỹ Cảnh, Bến Nghé, tàu du lịch Sài Gòn... Ngân sách thành phố tập trung đầu tư tôn tạo các di tích, địa danh văn hoá lịch sử nổi tiếng như Bảo tàng thành phố, Bến Nhà Rồng, Khu Địa đạo Củ Chi, Chợ Bến Thành, Chùa Vĩnh Nghiêm, Dinh Độc Lập... Mạnh dạn thực hiện chủ trương mở cửa đón du khách tham quan các di tích lịch sử mang tính quốc gia như Dinh Độc Lập... và thực tế đã mang lại hiệu quả cao về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội cho thành phố. Trong những năm gần đây, thành phố liên tục tổ chức thành công loại hình du lịch lễ hội nhờ sự chuẩn bị đầu tư kỹ về nội dung và hình thức. Đối với loại hình này chuẩn bị càng kỹ về nội dung thì ý nghĩa nhân văn càng sâu sắc và phong phú về hình thức thì càng thu hút được du khách. Do đó, các lễ hội lớn được thành phố tập trung đầu tư đã mang lại hiệu quả cao như Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ Nguyên Tiêu của người Hoa, đặc biệt có Lễ hội Gặp gỡ Đất Phương Nam, Lễ hội Trái cây Nam Bộ đã thực sự trở thành điểm đến với thành phố hàng năm của hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Thứ ba: Tích cực khơi dậy và nuôi dưỡng các nguồn thu từ dịch vụ thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Tính đến 2005, toàn ngành có khoảng 150.000 lao động trực tiếp, 330.000 lao động gián tiếp (trong đó phục vụ khách sạn: 65,7%, lữ hành 24%, giải trí 9%). Thành phố đã tập trung phát triển các cơ sở chuyên nghiệp đào tạo cán bộ làm công tác du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tranh thủ nguồn lực từ “Chương trình phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2001-2010”, đầu tư cho công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ làm công tác du lịch song song với các công tác quy hoạch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và bồi dưỡng tài nguyên du lịch khác. Thứ tư: Về xúc tiến quảng bá du lịch. Đây là một công tác hết sức quan trọng phải thường xuyên được thực hiện ở mọi cơ hội có thể, nó giúp quảng bá hình ảnh và xác lập vị thế của du lịch thành phố nhiều năm qua. Sở du lịch đã xây dựng và ấn hành các tài liệu như: Niên giám du lịch, Sách ảnh đẹp thành phố HCM, Cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch thành phố, tập gấp chuyên đề nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, Website du lịch thành phố HCM... Thứ năm: Tăng cường các biện pháp nhằm tổ chức quản lý hoạt động có hiệu quả kinh doanh du lịch, đặc biệt là trong chỉ đạo định hướng hoạt động của ngành. UBND Thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí cho hoạt đọng của ngành; hoạt động của Ban chỉ đạo du lịch Thành phố có nề nếp và hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra được nhiều biện pháp nhằm thu hút du khách, trong đó tập trung vào việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp du lịch xứng với tầm vóc "Con chim đầu đàn" của ngành du lịch VN trong nhiều năm qua. 1.3.2. Kinh nghiệm của thành phố Hải Phòng Là một thành phố nằm trong vùng Duyên hải của đồng bằng Bắc bộ, có vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuỷ bộ, đường hàng không thuận lợi cho giao lưu kinh tế trong và ngoài nước tương tự như thành phố Đà Nẵng của miền Trung, đồng thời lại là thành phố kết nghĩa với Đà Nẵng từ nhiều năm nay, Hải Phòng cũng đang được xây dựng để trở thành một trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của khu vực miền Bắc Việt Nam. Và trong định hướng phát triển du lịch miền Bắc, Tổng cục Du lịch coi đây là một Trung tâm du lịch trong khu vực tăng trưởng: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thiên nhiên và lịch sử văn hoá dân tộc cũng tạo cho Hải Phòng có những lợi thế so với các điểm du lịch trong vùng. Tài nguyên du lịch tự nhiên của Hải phòng tập trung chủ yếu trên bãi biển Đồ Sơn và khu Quần đảo Cát Bà. Trong thời gian qua, khu nghỉ mát Đồ Sơn không ngừng được cải tạo và nâng cấp để trở thành một Trung tâm du lịch và giải trí quốc tế với các thắng cảnh nổi tiếng như: đảo Cô Tiên, nhà nghỉ Vạn Hoa, rừng thông... Khu quần đảo đá vôi nằm trong vịnh Bái Tử Long có diện tích trên 200 km2 đã được Chính phủ cho phép lập Vườn quốc gia với tên gọi: Vườn quốc gia Cát Bà, có cảnh quan và hệ sinh thái: rừng, biển, hang động thiên nhiên, suối nước nóng... khá hấp dẫn được coi là một tiềm năng du lịch hàng đầu của khu vực Bắc Bộ, và hiện nay đã trở thành Vườn quốc gia thứ 1000 của thế giới được công nhận. Tài nguyên du lịch nhân văn của Hải Phòng cũng rất phong phú với nhiều Di tích được xếp hạng như: Di tích lịch sử và danh thắng Tràng Kênh, khu di chỉ Cái Bèo - Việt Khê, di tích khảo cổ văn hoá Đông Sơn, di tích kinh đô Triều Mạc - Kiến Thuỵ... và hàng trăm đền chùa miếu mạo. Ngoài ra, nhắc đến Hải Phòng mọi du khách nhất là khách nội địa đều không thể không nhắc đến các làng nghề nổi tiếng như: Làng nghề thuốc lá Vĩnh Bảo, Làng nghề sơn mài Đông Minh. Từ khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện chiến lược kinh tế mở, du lịch Hải Phòng phát triển nhanh chóng. Đặc biệt trong giai đoạn từ 2000 tới 2005, tốc độ tăng trưởng khách tăng lên rõ rệt, nhất là khách du lịch quốc tế; theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của du lịch Hải Phòng đạt con số bình quân năm là 29,2%, từ 363.000 lượt khách đón năm 2003 tăng lên 442.000 lượt trong năm 2004, ngày lưu trú bình quân của một du khách cũng tăng từ 1,6 đến 1,8 ngày/khách. Trong đó khách quốc tế đến từ các nước đa số được nối tour từ Hà Nội và các tỉnh phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh, còn chủ yếu khách từ Trung Quốc qua Hải Phòng do chính các công ty lữ hành tại đây thực hiện. Ngoài ra, hàng năm Hải Phòng cũng đón một lượng khách nội địa rất lớn; từ con số khách nội địa năm 1994 chỉ là 324.500 lượt, đến năm 2004 Hải Phòng đã trực tiếp đón gần 1.677.000 lượt khách du lịch nội địa. Nhờ đó đã đạt được doanh thu chuyên ngành khá cao; năm 2004 đạt 1.226,9 tỷ VND vượt 17,6% so với năm 2003 [32]. Để đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, thời gian qua ngành du lịch Hải Phòng phải vượt qua rất nhiều khó khăn từ công tác lập quy hoạch, định hướng phát triển, xây dựng chiến lược đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch... Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp, với chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là việc kêu gọi đầu tư trong nước, du lịch Hải Phòng đã bước đầu thu được những thành công. Thứ nhất: ngành đã quan tâm đầu tư cho các cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh dịch vụ từ nhiều nguồn vốn huy động được trong xã hội và từ nước ngoài, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của mọi đối tượng khách. Trong đó tập trung xây dựng các khu điểm tham quan nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hệ thống nhà hàng, cảng biển, kết hợp với việc bảo vệ và phát huy giá trị các điểm du lịch sinh thái trong vùng. Thứ hai: thường xuyên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xúc tiến quảng bá du lịch thông qua việc tham gia và phối hợp tổ chức các hội chợ xúc tiến du lịch do ngành tại địa phương hoặc Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức. Trong đó có thể nói sự phối hợp quảng bá mang tính liên vùng đã thực sự giúp cho du lịch Hải Phòng trở thành trung tâm trong tuyến du lịch Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long, từ đó phát triển được cả thị trường khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh. Mặt khác, nhờ phát huy tốt nội lực của các doanh nghiệp do ngành quản lý trong việc nắm bắt các cơ hội về thị trường, khách hàng, nhất là tranh thủ nguồn khách du lịch Trung Quốc được vào Việt Nam bằng giấy thông hành... mà Hải Phòng đạt tốc độ tăng trưởng cao về du lịch. Ngoài ra, các giải pháp lớn về nguồn lực như: Chú trọng quy hoạch và kiện toàn đội ngũ cán bộ, thường xuyên quan tâm đến công tác đổi mới tổ chức bộ máy trong ngành, thực hiện đào tạo và tổ chức đào tạo lại tay nghề và quản lý cho đội ngũ cán bộ công nhân viên làm công tác du lịch, đặc biệt chú trọng đào tạo kiến thức ngoại ngữ, văn hoá, lịch sử... đã tạo hiệu quả tổng hợp giúp cho du lịch Hải Phòng có những đột phá trong sự phát triển và đóng góp ngày càng cao vào GDP toàn thành phố. Chương 2 THỰC TRẠNG DỊCH VỤ DU LỊCH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG NĂM NĂM QUA (2001-2005) 2.1. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ DU LỊCH TẠI ĐÀ NẴNG TRONG NĂM NĂM QUA 2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng 2.1.1.1. Đặc điểm tự nhiên Đà Nẵng toạ lạc trên kinh tuyến 108”, vĩ tuyến 16-17”30, trên bờ biển miền Trung Việt Nam. Phía Bắc giáp Thừa Thiên - Huế mà đèo Hải Vân là nơi phân chia ranh giới. Từ đèo Hải Vân tiến vào Nam ven theo bờ vịnh về hướng đông bắc, Đà Nẵng hình thành và mở rộng bên bờ vịnh và con sông Hàn chạy suốt đến sông Cổ Cò (nay đã bị bồi lấp), là một vùng đất nằm ven sông và bờ biển nên trước đây 2/3 diện tích đất là cát. Phía Đông Bắc, ngay bờ biển là ngọn núi Sơn Trà, độ cao khoảng 700m, rộng gần 4.600m2. Núi Sơn Trà được nối với đất liền tại chân núi phía Tây bằng một bãi cát trắng dài tạo thành bán đảo Tiên Sa, dân địa phương quen gọi là bãi cát Sơn Trà. Đà Nẵng được coi là hải cảng quan trong nhờ vào con vịnh. Bởi chính Vịnh Đà Nẵng đã tạo nên vóc dáng giao lưu về hàng hải của cả miền Trung Việt Nam. Vịnh Đà Nẵng khá rộng, sâu và kín gió, rất thuận tiện cho tàu bè ra vào tránh gió bão khi ngang qua miền Trung. Phần Cực Bắc của Đà Nẵng là chân đèo Hải Vân. Nằm về hướng Bắc và Đông bắc của Đà Nẵng là Trà Sơn cùng với Hải Vân và các núi Thông Sơn (Hòn Hành), hòn Mỏ Diều, núi Cổ Ngựa và đảo Ngự Hải tạo thành vùng hải cảng quan trọng, đầu mối giao thương nhộn nhịp và phát triển vững bền của kinh tế Đà Nẵng. Sông ngòi của Đà Nẵng xuất phát từ con sông Thu Bồn của Quảng Nam, khi chảy đến huyện Điện Bàn thì chia ra hai nhánh, một nhánh chảy ra cửa Đại Chiêm ở Hội An, một nhánh chảy về sông Vĩnh Điện rồi ngược dòng về hướng Bắc đổ về sông Cẩm Lệ. Sông Cẩm Lệ lại chia thành hai nhánh là sông Hàn và sông Cổ Cò đổ ra cửa biển Đà Nẵng. Trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí" của quốc sử quán triều Nguyễn đã mô tả Đà Nẵng như sau: Ở phía Bắc huyện Hoà Vang, có tên là Vũng Đà Nẵng, phía Tây có núi Sơn Trà, phía Bắc có ải Hải Vân, phía Tây là Tấn Cu Đê, chu vi dài rộng ước 29 dặm, phía Đông Nam là vũng Sơn Trà, là vũng biển lớn, nước sâu lại rộng, ngoài có các núi ngăn che, không có ba đào dữ dội nên những ghe tàu qua lại gặp gió lớn hay đậu nghỉ ở nơi đây [1, tr.47]. Chính nhờ có vị trí dư thuận lợi như thế nên Đà Nẵng trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với khách tham quan du lịch khiến cho ngành du lịch có điều kiện phát triển. Về khí hậu: Từ Hải Vân trở vào Nam là phạm vi của đới rừng á xích đạo Đà Nẵng không có mùa khô rõ rệt do tác dụng của bức chắn là khối núi Bắc Kontum, nên tuy trong mùa gió đông bắc nhưng lượng mưa vẫn còn đáng kể. Đà Nẵng cũng không có mùa Đông vì nhiệt độ trung bình các tháng đều trên 200C. Trong 04 tháng đầu năm khí trời dịu mát và khô ráo. Từ tháng tư đến tháng chín nắng nóng nhưng đặc biệt mùa nắng lại không phải là mùa mưa vì có dải Trường Sơn chắn gió mùa Tây Nam từ Vịnh Bengale thổi tới. Mưa lạnh bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài rả rích, sau đó giảm dần về cuối năm, kết thúc vào tháng Giêng. Bảng 2.1: Tổng lượng mưa các tháng trong các năm (2001-2005) Đơn vị tính: mm Năm/tháng 2001 2002 2003 2004 2005 Cả năm 2750,8 2865,3 1747,5 1375,1 1870,9 Tháng 1 44,5 32,7 22,0 87,9 36,0 Tháng 2 40,7 30,6 20,2 6,9 5,8 Tháng 3 92,5 37,0 37,6 9,5 36,4 Tháng 4 - 133,0 17,8 12,8 12,0 Tháng 5 272,8 385,0 110,3 43,7 20,2 Tháng 6 208,1 104,3 95,7 154,3 22,0 Tháng 7 36,1 30,2 12,7 244,1 136,3 Tháng 8 512,1 375,8 85,7 69,1 209,8 Tháng 9 107,9 526,9 478,0 128,6 236,0 Tháng 10 728,4 527,4 412,6 266,1 510,1._. tôn vinh các làng nghề truyền thống của địa phương, tạo sự giao lưu và gây ấn tượng về đất nước, con người miền Trung với du khách nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan học hỏi và khám phá của du khách. - Tạo cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển các dịch vụ mà Đà Nẵng có thế mạnh nhất là ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí về đêm, du lịch công vụ, hội nghị hội thảo cấp quốc gia và khu vực... nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách. - Tập trung sức lực và trí tuệ tập thể của các ngành chức năng trong toàn thành phố để quy hoạch cho được Khu phố đi bộ, các chợ Đêm, các Trung tâm mua sắm, khu bán hàng lưu niệm, khu giải trí hiện đại với quy mô lớn và các nhà hàng ăn uống với chất lượng cao ngay tại trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách đến với thành phố có thể hưởng thụ các dịch vụ mà không mất nhiều thời gian, đồng thời cũng tạo cho khu phố này một bộ mặt đô thị buôn bán sầm uất và văn minh hiện đại. 3.2.3. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường, quảng bá du lịch Đà Nẵng Bước vào những năm đầu hoạt động trong nền kinh tế thị trường, du lịch cũng như nhiều ngành kinh tế khác đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác này. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập hiện nay và nhất là khi chúng ta đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thì việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến các hoạt động quảng bá chiến lược để tìm kiếm và khai thác khách càng là vấn đề cần thiết và cấp bách. Trước hết, cần đề ra được các chiến lược và giải pháp thiết thực cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển thị trường du lịch Đà Nẵng theo kịp với thị trường khu vực và trong nước. Rồi từ đó lần ra thị trường quốc tế. Phải đi từng bước như vậy bởi khả năng vốn cho công tác này không có, nhân lực cũng thiếu và kinh nghiệm còn mỏng. Trên cơ sở phân tích thị trường trong nước và dự báo xu hướng khách đến từ các nước thông qua công tác dự báo của ngành để có chính sách thích ứng và một chiến lược quảng bá phù hợp với từng thị trường, phát huy lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng để có các giải pháp khả thi, tránh lãng phí và tốn kém trong công tác xúc tiến. Cụ thể: - Xây dựng chiến lược xúc tiến du lịch Đà Nẵng trong những năm đến, trong đó trọng tâm là tổ chức quảng bá mạnh mẽ bãi biển Đà Nẵng nhằm tạo dựng hình ảnh của 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh (do Tạp chí Du lịch quốc tế Forber bình chọn). Song song với đó là việc xây dựng chính sách thị trường tốt, trong đó phải phân loại thị trường theo khu vực, xác định thị trường chính yếu, thị trường mục tiêu và thị trường tiềm năng để có sự đầu tư thoả đáng cho các dịch vụ cung cấp theo đặc điểm tâm lý, thị hiếu của du khách. Cần hết sức quan tâm đến thị trường khách du lịch nội địa bởi thực tế trong những năm qua Đà Nẵng đã đón một lượng khách nội địa rất lớn đến tham quan du lịch và trong tương lai sẽ đón khoảng 1,2 triệu này vào năm 2010, gần gấp rưỡi dân số thành phố hiện nay. Và nhu cầu của đối tượng này cũng như khả năng thanh toán cho các tiện nghi và chất lượng phục vụ không kém khách du lịch quốc tế. - Xây dựng kế hoạch duy trì, phát triển các tuyến đường bay quốc tế hiện có và xúc tiến các đường bay quốc tế mới từ các nước Nhật, Trung Quốc trực tiếp đến Đà Nẵng. - Đẩy mạnh xúc tiến du lịch đường biển, đưa Cảng Đà Nẵng trở thành điểm đến thường xuyên của các hãng tàu du lịch quốc tế, đẩy mạnh các tour du lịch đường bộ đến Đà Nẵng qua tuyến hành lang Đông - Tây. - Triển khai các chương trình quảng bá du lịch Đà Nẵng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến hành xuất bản các ấn phẩm, tập gấp, trang Website, phim du lịch, tạp chí du lịch, quầy thông tin du lịch về lịch sử văn hoá, di tích, danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc, các làng nghề, lễ hội... Trong đó đặc biệt chú trọng việc lồng ghép các chương trình tuyên truyền quảng bá du lịch với giáo dục du lịch toàn dân, bằng nhiều hình thức phong phú và sự kết hợp chặt chẽ với các thành viên trong hệ thống chính trị, mà trước hết là trong toàn Đảng bộ, trong các cơ quan quản lý nhà nước, trong đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp... làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về du lịch trong cộng đồng. Cần tuyên truyền quảng cáo hình ảnh sản phẩm du lịch một cách cụ thể để có tác dụng kích thích trực tiếp vào lợi ích của du khách, mặt khác cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cư dân thành phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, có ý thức giữ gìn môi trường cảnh quan các khu điểm du lịch... gắn với đó là lợi ích trực tiếp của mỗi người dân trên địa bàn có những hoạt động dịch vụ sầm uất, như cách mà Hội An (Quảng Nam) đã làm. - Xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến khai thác thị trường nhằm thu hút nguồn khách trực tiếp, đặc biệt là các khách đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật và các thị trường truyền thống như Pháp, Châu Âu, Mỹ... Đây là một công tác không đơn giản bởi lâu nay Đà Nẵng chỉ đóng vai trò một trung gian chuyển khách của hai đầu, do hạn chế về nhiều mặt mà trong đó chủ yếu hai yếu tố tài chính và con người cho xúc tiến tìm nguồn khách trực tiếp là hết sức mỏng và yếu, kể cả tìm nguồn khách du lịch nội địa. Vậy để làm được điều này cần phải có sự đầu tư trước hết là từ phía nhà nước, mà ở đây là chính quyền Thành phố Đà Nẵng và Tổng cục Du lịch Việt Nam, phục vụ cho chương trình xây dựng du lịch trở thành mũi nhọn của kinh tế thành phố và vai trò động lực cho sự phát triển. Không thể có chương trình kinh tế khả thi nếu nó không được nuôi dưỡng bằng nguồn kinh phí nhất định. Đặc biệt là đối với hoạt động quảng bá du lịch. Bên cạnh sự động viên tinh thần, những nhà hoạt động du lịch rất cần sự hỗ trợ vật chất cần thiết cho công tác xúc tiến giới thiệu du lịch thành phố tới thị trường nguồn khách. Ngoài ra, việc hỗ trợ thông qua các Hội chợ thương mại, các hoạt động của những đoàn công tác từ thành phố Đà Nẵng ra các tỉnh bạn hoặc đến các nước... cũng hết sức cần thiết tác động tới thị trường khách cho du lịch. - Nâng cao nhận thức trong các ngành các cấp về vai trò động lực trong nền kinh tế của phát triển du lịch là điều hết sức cần thiết nhằm phối hợp sức mạnh và lợi thế của mọi lực lượng làm thông tin đối ngoại cho ngành du lịch, mặt khác tranh thủ sự giao lưu hợp tác quốc tế của các ngành để tuyên truyền quảng bá về đất nước, con người và những tiềm năng du lịch của thành phố Đà Nẵng. - Ngoài ra việc thành phố thiết lập đại diện ở các thành phố lớn như Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số nước như Nhật Bản... trong thời gian qua cũng là điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến các hoạt động quảng bá về du lịch Đà Nẵng, mà các doanh nghiệp cần tranh thủ nắm bắt cơ hội đó để tìm kiếm lợi thế phát triển cho chính mình. - Tính liên kết vùng miền cũng đóng vai trò rất quan trọng cho hoạt động này, và càng có nhiều lợi ích về kinh tế khi chúng ta chưa đủ sức vươn ra tìm kiếm khách trực tiếp. Ngành du lịch Đà Nẵng cần phối hợp với du lịch Huế, Quảng Nam tham gia các đoàn dự hội chợ quốc tế thông qua việc chung nhau tổ chức gian hàng “Hành trình di sản” ở Đức, Pháp... hoặc tham gia đứng chung trong gian hàng của Vietnamtourist được tổ chức thường niên ở các sân chơi du lịch quốc tế. - Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động xúc tiến du lịch. Đây là một trong những giải pháp có ý nghĩa chiến lược đối với du lịch, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) và xu thế hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Sự phát triển của nền kinh tế tri thức và của công nghệ thông tin cho phép chúng ta thiết lập hệ thống dữ liệu chuyên ngành không chỉ trong nước mà với toàn cầu. Thông qua những thông tin du lịch thường xuyên cập nhật trên mạng, các cơ sở kinh doanh có thể thực hiện việc trao đổi và quảng bá về sản phẩm du lịch cần chào bán cho khách hàng và ngược lại khách hàng có thể đưa ra những yêu cầu về dịch vụ chất lượng cao với giá cả cạnh tranh. Do vậy, trước hết ngành du lịch và sau đó là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hoặc thành phố giúp đầu tư vào các hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ thông tin, vào việc áp dụng hệ thống quản lý dịch vụ theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế... Đồng thời, tranh thủ mọi cơ hội để nhận được sự hỗ trợ về trang thiết bị kỹ thuật, kinh nghiệm của mọi cơ quan tổ chức và cá nhân... áp dụng vào công tác quản lý và hoạt động của ngành du lịch. - Xây dựng nhiều điểm thông tin du lịch cho du khách trên địa bàn thành phố, chú trọng đầu tư cho các chương trình phát sóng về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mở chuyên mục thường xuyên phát sóng giới thiệu về du lịch Đà Nẵng trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hoạt động và mở rộng mạng lưới phát hành của Tạp chí du lịch và Bản tin nhanh du lịch Đà Nẵng, do Sở Du lịch quản lý. - Nắm bắt kịp thời các sự kiện văn hóa, lịch sử và các sự kiện có liên quan đến các thị trường khách trọng điểm để tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến các hoạt động phù hợp, đồng thời cũng nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các sự kiện của đội ngũ làm công tác này trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức các Lễ hội mang tính đặc trưng cho Đà Nẵng: như Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Quan Thế Âm, Lễ hội các đình làng truyền thống... các sự kiện mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm, sự kiện hình thành núi Ngũ Hành, Bãi tắm Tiên sa... để từ đó gắn kết với việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, các hoạt động văn hóa thể thao, các Gala ẩm thực... nhằm giới thiệu quảng bá cho du khách về thế mạnh của du lịch Đà Nẵng. Trong điều kiện chưa đủ lực để tự đứng ra tổ chức các sự kiện, ngành nên phối hợp với các ngành kinh tế khác tổ chức giới thiệu về du lịch thông qua hoạt động xúc tiến của các Hội chợ thương mại, các Hội nghị hội thảo chuyên ngành kế hoạch, công nghiệp, thủy sản, văn hóa... trên địa bàn. - Tiếp tục nâng cao không ngừng chất lượng và ổn định giá cả dịch vụ trong phục vụ và chào bán các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch.Căn cứ tiêu chuẩn định mức thống nhất trong toàn ngành do Tổng cục Du lịch ấn hành, hàng năm Sở du lịch Đà Nẵng cần phối hợp với một số ngành chức năng có liên quan tiến hành phân loại định hạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, và cho thực hiện khung giá nhất định theo tiêu chuẩn được xác định. Giá này được cơ sở kinh doanh niêm yết công khai tại quầy thu ngân và được thông tin rộng rãi trên trang Webside của toàn ngành và đồng thời ngành phải có những biện pháp chế tài việc cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ các cơ sở kinh doanh cùng địa bàn hoặc ép giá dịch vụ làm thiệt hại đến khách hàng. Đây là việc làm mà nhiều năm nay ngành chưa triển khai được, thị trường giá cả dịch vụ bị thả nổi ngoài tầm kiểm soát của quản lý nhà nước nên một mặt hạn chế chức năng hoạt động của chính cơ quan quản lý, đồng thời gây thiệt hại làm ảnh hưởng lớn đến nguồn khách và giảm sút nguồn thu của ngành du lịch. 3.2.4. Bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch, cải thiện môi trường tự nhiên xã hội, bảo đảm phát triển du lịch phát triển mạnh và bền vững - Trước hết cần xây dựng phương án bảo đảm môi trường du lịch bằng các biện pháp kiên quyết và triệt để, thông qua việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, khai thác và sử dụng hợp lý có hiệu quả các tài nguyên du lịch vật thể và phi vật thể trên địa bàn thành phố. - Đánh giá toàn diện và khách quan tiềm năng tài nguyên và môi trường du lịch (cả tự nhiên và xã hội) để xây dựng hệ thống quản lý nguồn tài nguyên đó. Thường xuyên theo dõi các biến động và đặc biệt là tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất và môi trường cảnh quan ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh du lịch, để có giải pháp kịp thời xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng cùng xử lý. - Tăng cường các biện pháp quản lý môi trường kinh doanh dịch vụ trọng điểm, chống tệ nạn xã hội thâm nhập vào hoạt động du lịch, chú trọng công tác kiểm tra việc xử lý chất thải của các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn và nhà hàng ăn uống, cắt tóc, gội đầu, masage, các khu du lịch Bà Nà, Suối Lương, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà...; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, khách du lịch và cơ quan quản lý du lịch cùng cộng đồng xã hội tham gia bảo vệ, gìn giữ và làm sạch môi trường du lịch. Đồng thời, kết hợp việc lồng ghép các chương trình giáo dục ý thức cộng đồng trong phòng chống các tệ nạn xã hội, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường cảnh quan, trong đó có môi trường cảnh quan phục vụ du khách, cho mọi thành viên trong cộng đồng dân cư thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, theo quy hoạch và kế hoạch, bảo đảm hài hoà giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Bảo vệ và tôn tạo các tài nguyên du lịch, đồng thời vẫn quan tâm đúng mức đến việc bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và an toàn tuyệt đối về tình mạng và tài sản cho du khách. 3.2.5. Công tác tổ chức cán bộ, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch và hợp tác, liên kết trong hoạt động du lịch - Tiếp tục hoàn chỉnh công tác quy hoạch cán bộ. Việc bổ nhiệm, đề bạt và đào tạo cán bộ làm du lịch phải dựa trên năng lực, tâm huyết với nghề du lịch. Hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch (hướng dẫn viên, quản trị nhà hàng, khách sạn...). Tổ chức trang thông tin về nhu cầu lao động cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tổ chức giao lưu giữa các chủ doanh nghiệp du lịch với học sinh sinh viên các trường có khoa đào tạo nghề du lịch như: ngoại ngữ, văn hóa, lịch sử, kinh tế và du lịch... thông qua đó tạo cơ hội việc làm cho lực lượng đã qua đào tạo. Đồng thời, doanh nghiệp có thể đặt hàng cho các cơ sở có chức năng giáo dục đào tạo về số lượng và chất lượng đội ngũ làm du lịch trong tương lai, tạo ra mối quan hệ giữa doanh nghiệp - nhà trường và lao động, hướng đến việc kế hoạch đào tạo sát đúng với nhu cầu thực tiễn hơn. - Tổ chức việc đào tạo lại đội ngũ lao động thông qua việc tiến hành các hội thi nghiệp vụ như thi đầu bếp giỏi, thi nhân viên phục vụ nhà hàng, thi kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho đội ngũ tiếp tân và thi kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, sự hiểu biết về văn hóa, địa lý và các tuyến điểm du lịch, tìm hiểu thị trường... của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Để từ đó tìm ra những nhân tố tích cực có khả năng thực sự phục vụ lâu dài cho ngành đồng thời tạo ra đội ngũ chuyên viên giỏi kế cận cho các thế hệ đàn anh trong các lĩnh vực hoạt động của ngành. - Liên kết với các trường dạy nghề du lịch ở Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo nghề và gửi đi đào tạo nghể ở các nước nhằm bồi dưỡng tay nghề và nghiệp vụ cho lực lượng lao động trong ngành. Đồng thời, do tính chất và đặc điểm nghiệp vụ và công việc dịch vụ phục vụ nên cần đa dạng hóa công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức; có thể đào tạo tại chỗ, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn hoặc dài hạn, đào tạo trong và ngoài nước... Đặc biệt, trong xu thế hiện nay khuyến khích xã hội hóa công tác đào tạo tay nghề là một giải pháp rất cần thiết cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Nó tạo khả năng giải bài toán về lãng phí trong công tác này đối với chủ doanh nghiệp và người được đào tạo, và tạo ra sự thích ứng cao với thị trường việc làm cho người trong độ tuổi lao động. - Triển khai xây dựng trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng nhằm đạt mục tiêu chuyên nghiệp hoá nguồn nhân lực du lịch thành phố, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng và miền Trung trong tương lai, bằng nguồn vốn ngân sách hoặc nguồn vốn đầu tư của các nước có ngành công nghiệp du lịch phát triển. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ có cơ hội vừa tranh thủ được nguồn đầu tư nước ngoài vừa tạo điều kiện cho công tác đào tạo nghề một cách bài bản theo đúng chuẩn mực quốc tế, hạn chế được những vướng mắc hiện nay của chính các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ chuyên ngành trong khối các trường dạy nghề du lịch ở hai miền. - Coi trọng công tác hợp tác quốc tế, tranh thủ thêm các nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng hoạt động tư vấn phát triển du lịch. Hiện nay trong hệ thống giáo dục của ta, kể cả chuyên ngành du lịch, cũng chưa coi công tác tư vấn phát triển du lịch như một bộ môn chính, mặc dù đối với ngành đây là việc làm trước tiên hết sức cần thiết và quan trọng, nó giúp định hướng phát triển và quy hoạch lâu dài cho một vùng, miền du lịch, giúp cho việc bảo tồn và khai thác, sử dụng có hiệu quả các tài nguyên du lịch. Lĩnh vực này trên thế giới thường tập trung các chuyên gia đầu ngành nhiều kinh nghiệm và đã được đào tạo chuyên sâu cả về lý luận và thực tiễn tham gia. Tuy nhiên, ở ta công tác này thực sự chưa được coi trọng và vì vậy rất nhiều quy hoạch không mang tính khả thi, gây nên sự lãng phí rất lớn cả về tiền của và công sức của nhà nước. - Tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các chuyên gia, các nhà quản lý đang làm việc trong các công ty liên doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố nhằm trao đổi những kiến thức thực tế, kỹ năng, kinh nghiệm trong nghề và thông qua đó giúp cho đội ngũ những người làm công tác quản lý và kinh doanh du lịch cập nhật thông tin, tự rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho chính mình. - Khuyến khích các doanh nghiệp có chính sách ưu đãi và thu hút nhân tài cho doanh nghiệp mình thông qua cạnh tranh lành mạnh, tạo dựng thương hiệu và đặc biệt là có chính sách tiền lương thỏa đáng cho người lao động, Hiện nay tại Đà Nẵng có điều kiện làm việc này bởi 100% doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn đã hoàn thành việc chuyển đổi tổ chức hoạt động theo hướng cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân hoặc Công ty Trách nhiệm hữu hạn 01 thành viên, Công ty liên doanh nước ngoài... 3.2.6. Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với ngành du lịch - Trước hết là cần đổi mới trong công tác xây dựng quy hoạch du lịch, coi trọng việc khuyến khích các nhà đầu tư triển khai dự án theo quy hoạch đã được duyệt, cơ chế chính sách thật sự thông thoáng song song với các biện pháp chế tài ràng buộc chặt chẽ, không để tình trạng chiếm đất chờ bán dự án mà không thực sự muốn đầu tư như hiện nay. - Đổi mới và cải tiến mạnh mẽ hơn các thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế, nhất là các giấy tờ mang hàng hóa tiểu thủ công mỹ nghệ qua cảng, sân bay. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế cần sửa đổi gấp mà chỉ trừ các loại hàng quốc cấm. - Tăng cường thông tin du lịch trên các nhà ga, sân bay, cảng biển và tạo điều kiện hỗ trợ tài chính để duy trì các hoạt động trên có hiệu quả trong thời gian dài. Thống nhất các biển báo chỉ dẫn đường phố, nơi dành cho người đi bộ, hệ thống đèn báo hiệu tại các trục đường giao thông trong thành phố, nơi công cộng... tiện cho du khách trong chương trình tham quan. - Nêu cao vai trò quản lý ngành trong hoạt động kiểm tra giám sát các cơ sở kinh doanh thông qua việc quản lý giá, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra việc bảo đảm môi trường kinh doanh, chống cạnh tranh không lành mạnh giữa các khu, điểm, cơ sở dịch vụ. Góp phần trực tiếp giải quyết những chồng chéo trong thực hiện chỉ đạo quản lý, tổ chức và bảo vệ môi trường du lịch của các ngành, các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố, tránh những phiền hà và tạo bầu không khí trong lành và an tâm cho các chủ doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ trên địa bàn. - Phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho khách thông qua hoạt động của các ngành chức năng như: y tế, công an và lực lượng dân phòng của từng địa bàn hoạt động với cơ sở kinh doanh dịch vụ. Thực hiện nghiêm túc quy định bắt buộc mua bảo hiểm đối với khách du lịch của các hãng lữ hành và một số đơn vị dịch vụ chuyên vận chuyển khách du lịch. - Tích cực và chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp khi gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh mùa bão lũ, thiên tai như cơn bão số 6 hoặc trước đại dịch cúm gia cầm... thông qua việc miễn giảm thuế, giãn nợ vay ngân hàng, hỗ trợ vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh thông qua hình thức bảo lãnh cho vay có thời hạn một số vốn nhất định hoặc bằng nhiều hình thức khác, tạo sự gắn kết trong cộng đồng doanh nghiệp vì sự phát triển dịch vụ trên địa bàn, đồng thời cũng tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh sớm tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương về du lịch. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Trong xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới năng động và cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn định về chính trị xã hội, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chung, thì việc du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng đã khẳng định sức thu hút mạnh mẽ và đầy thuyết phục của thị trường dịch vụ nhiều tiềm năng nhưng cũng đặc biệt an toàn cho du khách của Việt Nam, trong đó có thành phố Đà Nẵng, trung điểm của 5 trên 6 Di sản văn hóa thế giới đã được tổ chức UNESCO công nhận ở nước ta. Việc xác định một cách khách quan, khoa học về lợi thế so sánh và tiềm năng của du lịch Đà Nẵng cùng những khó khăn thách thức sau thời điểm hội nhập WTO có ý nghĩa hết sức quan trọng; nó giúp cho công tác quy hoạch và định hướng phát triển du lịch phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc: phát triển đồng bộ và bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế gắn với chính trị, xã hội và môi trường, phát triển có trọng tâm trọng điểm theo kế hoạch và định hướng vào việc tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Để làm tốt công tác đó, phải dựa trên cơ sở đánh giá hết sức khách quan về thực trạng hoạt động và những bước phát triển thiếu tính đồng bộ và bền vững, nếu không nói là sự tụt hậu của du lịch Đà Nẵng trong những năm qua so với khu vực và hai thành phố lớn của đất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để từ đó có sự nghiên cứu một cách toàn diện về bức tranh du lịch thành phố Đà Nẵng trong tương lai, xuất phát từ định hướng chiến lược phát triển du lịch vùng miền do Tổng cục Du lịch Việt Nam đề ra và đặc biệt là yêu cầu nhiệm vụ phát triển dịch vụ du lịch trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa 2006-2020 được xác định trong Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị. Cần tạo ra sự đột phá trong phát triển du lịch Đà Nẵng mà trước hết phải bắt đầu từ nhận thức và quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân thành phố, tiếp đó là phải đổi mới thực sự hệ thống cơ chế chính sách mang tính ưu việt và đồng bộ cho đầu tư phát triển, cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch, cho công tác đào tạo nguồn nhân lực và nhiều công tác khác, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy du lịch phát triển. Chúng ta đã nói nhiều về quan điểm và cũng rất dễ thống nhất với nhau về quan điểm phải phát triển ngành du lịch, nhưng còn thiếu sót nhiều trong việc định ra cơ chế chính sách mang tính cụ thể và đột phá cho sự phát triển đó. Và trong đó không thể không nhắc đến vai trò cực kỳ quan trọng và quyết định đối với mọi thành công là con người - vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển. Cần có những con người thực sự tâm huyết, có bản lĩnh, có trình độ nghiệp vụ, có đầy đủ năng lực, phẩm chất chính trị và có quyết tâm cao đưa ngành du lịch Đà Nẵng vươn lên trước mọi khó khăn thử thách, để phát triển xứng với tầm vóc, tiềm năng và lợi thế, xứng đáng là Trung tâm du lịch của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước trong thập kỷ tới. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ Đối với thành phố Đà Nẵng: - Nhằm tạo cơ sở cho hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện cho được chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm tới theo hướng du lịch, dịch vụ - thương mại - công nghiệp - nông nghiệp, cần thực hiện một số chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao với quy mô lớn, như các khu du lịch đạt tiêu chuẩn 5 sao, các Trung tâm dịch vụ mua sắm lớn, các Khu vui chơi giải trí hiện đại tầm cỡ khu vực, các dự án sân golf... - Thực hiện chủ trương tăng quy mô đầu tư cho du lịch hàng năm, trong đó ưu tiên cho công tác xúc tiến tuyên truyền quảng bá du lịch, cho công tác nghiên cứu nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới mang tính chủ lực và đặc thù, và cho công tác quy hoạch đào tạo cán bộ làm công tác du lịch. - Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động du lịch, quan tâm tạo điều kiện trong chỉ đạo sát sao nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và đoàn thể vì một môi trường kinh doanh lành mạnh và an toàn, tránh những chồng chéo và gây phiền hà không đáng có cho các cơ sở kinh doanh phục vụ và cho du khách. Đối với ngành: - Cần tích cực và chủ động nghiên cứu đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo các biện pháp quản lý có hiệu quả hoạt động của ngành, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cao nhất. Trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch và định hướng phát triển cho du lịch Đà Nẵng, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền Trung và thành phố Đà Nẵng đã được các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước phê duyệt. - Quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho kinh doanh du lịch, cho công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch, cả thị trường nội địa và quốc tế, mà trước mắt là thị trường khách nội địa. - Thực sự cầu thị trong việc tạo dựng mối liên kết vùng miền đối với hoạt động kinh doanh du lịch khu vực để cùng nhau phát triển một cách bền vững, đặc biệt là thông qua đó tận dụng ưu thế là trung điểm của các di sản văn hóa thế giới tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tìm kiếm các cơ hội đầu tư và quảng bá cho du lịch Đà Nẵng. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Lê Duy Anh - Lê Hoàng Vinh (2002), Lược sử Đà Nẵng 700 năm (1306-2006), Nxb Đà Nẵng. Nguyễn Thái Bình (2003), "Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", Tạp chí Du lịch Việt Nam, (2), tr. 64. Bộ Chính trị (2003), Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 16/10/2006 (khoá IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nguyễn Mạnh Cầm (2002), "Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", Tạp chí Du lịch Việt Nam, (2), tr.2. Cục Thống kê Đà Nẵng (2006), Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005. Lý Phương Duyên (2003), "Vai trò chính sách thuế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam", Tạp chí Thuế Nhà nước, (10), tr. 9-11. Đảng Bộ Thành phố Đà Nẵng (3/2006), Nghị Quyết Đại hội lần thứ XIX. Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (4/2006), Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khoá VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm khoá IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đai biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Hội. Nguyễn Văn Đính (2003), "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch chủ động hội nhập kinh tế quốc tế", Tạp chí Du lịch Việt Nam, (2), tr.2. Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hoà (2004), Giáo trình kinh tế du lịch, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội. Nguyễn Hồng Giáp (2002), Kinh tế du lịch, Nxb Trẻ, Hà Nội. Phạm Quang Huy (2004), "Du lịch Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế", Tạp chí Du lịch Việt Nam, (2), tr. 75. Quang Lân (2002), "Du lịch Hà Nội: Tiềm năng và giải pháp để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", Tạp chí khoa học Chính trị, tr.28-32. Nguyễn Quang Lân (2003), "Khai thác triệt để điều kiện thuận lợi phát triển du lịch", Tạp chí Du lịch Việt Nam, (1), tr.8. Đồng Ngọc Minh và Vương Lôi Đình (2000), Kinh tế du lịch và du lịch học, Nxb Trẻ, Hà Nội. Nguyễn Thị Thuý Minh (2001), Hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn thủ đô Hà Nội: Thực trạng và giải pháp, LVCN-1442 chuyên ngành Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Vũ Nam và Phạm Hồng Long (2005), "Xúc tiến du lịch Việt Nam nhìn từ góc độ quản lý nhà nước", Tạp chí quản lý Nhà nước, (2), tr. 15-19. Nguyên Ngọc (2004), Tìm hiểu con người xứ Quảng, Ban Tuyên Giáo Quảng Nam. Trần Nhạn (1996), Du lịch và kinh doanh du lịch, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. Trần Nhoãn (2002), "Về hiệu quả kinh tế xã hội của xã hội hoá văn hoá qua hoạt động du lịch", Tạp chí văn hoá nghệ thuật, (4), tr, 13 - 15. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ VII (2005), Luật Du lịch. Doãn Quang Thiện (1993), Đổi mới cơ chế quản lý ngành du lịch nước ta trong giai đoạn hiện nay, Luận án phó tiến sĩ khoa học kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ (2005), Quyết định 194/2005/QĐ-TTg ngày 04 tháng 08 năm 2005 về việc phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 153/TTg về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam. Tin từ Tổng cục Du lịch Việt Nam và các Sở du lịch Khánh Hoà, Quảng Nam, Đà Nẵng, thành phố HCM... Tổng Cục Du lịch Việt Nam và Quỹ phát triển bền vững Tây Ban Nha (2003), Dự án: xây dựng năng lực cho phát triển du lịch ở Việt Nam. Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2005), Một số vấn đề kinh tế xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Từ điển du lịch (1984), tiếng Đức, Nxb Kinh tế, Berlin. Từ điển du lịch, lữ hành, lưu trú và ăn uống (1993), Tiếng Anh, Nxb Butterworth Heinemann. Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2004), Quyết định số 109/2004/QĐ-UB ngày 22/6/2004 của UBND thành phố Đà Nẵng v/v phê duyệt chương trình hành động thực hiện NQ 33 của Bộ Chính trị. Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2006), Báo cáo số 63/BC-UBND ngày 24/6/2006) tổng kết tình hình triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2001-2005. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (1999), Pháp lệnh Du lịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Dương Thế Vinh (1996), Khai thác tiềm năng phát triển du lịch Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, Luận văn thạc sĩ Khoa học kinh tế, mã số 5.02.05, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLA2705.doc
Tài liệu liên quan