BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Phạm Thị Minh Tuyến
Chuyên ngành : Lý luận văn học
Mã số : 60 22 32
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. NGUYỄN HOÀI THANH
Thành phố Hồ Chí Minh - 2009
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin chân thành bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc tới Tiến sĩ
Nguyễn Hoài Thanh, người đã tận tình hướng dẫn tôi trong quá trình nghiên cứu và
hoàn thành luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự nhiệt tình giảng dạy
100 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1944 | Lượt tải: 3
Tóm tắt tài liệu Đề tài Phong tục Việt Nam trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
của các thầy cô giáo cũng
như sự giúp đỡ, tạo điều kiện của phòng Khoa học công nghệ và Sau đại học,
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh để tôi có thể hoàn thành khóa
học, hoàn thành luận văn tốt nghiệp.
Tôi cũng xin chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những người thân trong
gia đình, bạn bè đã động viên giúp đỡ tôi vượt mọi khó khăn hoàn thành khóa học
và luận văn.
Tác giả luận văn
Phạm Thị Minh Tuyến
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Năm 1990, khi trả lời những câu hỏi xung quanh vấn đề về Tự lực văn đoàn, nhà thơ Lưu Trọng
Lư đã khẳng định: “Điều tôi muốn lưu ý là phải tìm ở họ cái gì của Việt Nam”.
Tự lực văn đoàn là tên gọi của một nhóm các nhà văn, nhà thơ xuất hiện trên văn đàn Việt Nam
từ năm 1932. Tính đến nay đã được trên bảy thập niên, vậy mà cái tên Tự lực văn đoàn với những sáng
tác văn chương của họ vẫn luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Số lượng công trình
nghiên cứu, bài tham luận về Tự lực văn đoàn có thể nói là vô cùng phong phú. Cụ thể hơn, nhóm văn
đoàn này đã được nghiên cứu, tìm hiểu dưới nhiều góc độ như: chính trị - xã hội, tôn giáo, phương
pháp sáng tác, thi pháp học, dân tộc học, văn hóa học … Nội dung phong tục trong tiểu thuyết Tự lực
văn đoàn cũng đã được ít nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Tuy nhiên, cho đến nay nội dung này vẫn
chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, chưa được lý giải và phân tích cặn kẽ, và đặc biệt là ít được
tiếp cận dưới góc độ văn hóa học. Hơn nữa, trong những năm gần đây, vấn đề giữ gìn và phát huy bản
sắc văn hóa dân tộc, hướng đến mục tiêu “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản
sắc dân tộc” cũng là lý do thúc đẩy chúng tôi thực hiện luận văn: “Đề tài phong tục Việt Nam trong
tiểu thuyết Tự lực văn đoàn”. Với đề tài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ có điều kiện đi sâu tìm hiểu
những vấn đề phong tục trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn để có thể hiểu thêm về con người, xã hội
Việt Nam vào những năm 1930 – 1945, thời kì bắt đầu của quá trình mở rộng giao lưu với phương
Tây, để nhận ra đâu là những truyền thống tốt đẹp của cha ông mà hôm nay chúng ta cần giữ gìn và
phát huy, đâu là những hủ tục lạc hậu cần phải xóa bỏ. Thực hiện đề tài này, chúng tôi rất muốn được
góp thêm ít sức mình vào công cuộc “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” qua việc kiếm tìm
“cái gì của Việt Nam” trong thành tựu tiểu thuyết của các nhà văn Tự lực văn đoàn.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Về lịch sử quá trình nghiên cứu tiểu thuyết Tự lực văn đoàn dưới góc độ văn hóa, xã hội và
phong tục, ta có thể phân chia thành ba thời kì:
Thời kì trước 1945:
Năm 1939, trong cuốn Dưới mắt tôi của Trương Chính, các tác phẩm Đoạn tuyệt, Lạnh lùng,
Tối tăm của Nhất Linh; Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Trống mái, Gia đình của Khái Hưng …
đều đã được tác giả công trình nghiên cứu xem xét dưới quan điểm đạo đức xã hội. Cụ thể, sau khi
phân tích nội dung tác phẩm Đoạn tuyệt, Trương Chính kết luận: “Ngoài những hạt bụi ấy, Đoạn tuyệt
là một kiệt tác trong văn học Việt Nam hiện đại. Vì Đoạn tuyệt không chỉ có một giá trị xã hội. Nó còn
có một giá trị tâm lý không ai chối cãi được” 26, tr. 302. Hay mở đầu bài nghiên cứu tiểu thuyết
Lạnh lùng, ông viết: “Lạnh lùng là mũi tên độc thứ hai ông Nhất Linh bắn vào đích ông nhắm: Khổng
giáo” 26, tr. 303. Về các sáng tác của Khái Hưng, nhà nghiên cứu Trương Chính cũng đã ghi nhận sự
đóng góp của nó về mặt chống lại chế độ đại gia đình: “Nửa chừng xuân là cuốn truyện ghi sự phấn
đấu giữa cá nhân và chế độ ấy. Tác giả biện luận cho quan điểm nhân sinh mới và công bố sự bất hợp
thời của những tập quán do nền luân lý cổ truyền tạo ra” 26, tr. 313.
Đến năm 1941, trong công trình nghiên cứu Ba mươi năm văn học, Mộc Khuê bàn về tiểu
thuyết quốc ngữ Việt Nam. Nhà nghiên cứu này đã chia tiểu thuyết thành chín loại. Sau đó, ông lần
lượt đi vào từng loại và giới thiệu những nhà văn cùng với một vài tác phẩm tiêu biểu. Đến loại tiểu
thuyết phong tục, ông cho rằng: “Phong tục tiểu thuyết về miền thượng du Bắc Kỳ của Lan Khai
(Tiếng gọi của rừng thẳm, Suối đàn, Truyện lạ đường rừng), về miền sơn cước Trung Kỳ của Lưu
Trọng Lư (Khói lam chiều, Chiếc cáng xanh) của Trần Tiêu (Con trâu, Chồng con) và nhứt là quyển
Lều chõng cự đại của Ngô Tất Tố” 57, tr. 51. Như vậy, ngay từ năm 1941, nhà nghiên cứu Mộc Khuê
đã công nhận có sự tồn tại của thể tài tiểu thuyết phong tục. Và trong số những tiểu thuyết thuộc nhóm
Tự lực văn đoàn, ông xếp Con trâu và Chồng con của Trần Tiêu vào loại tiểu thuyết phong tục viết về
một vùng miền của đất nước.
Trong cùng năm này, cuốn Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm ra đời cũng đã
công nhận: “công việc của Tự lực văn đoàn đã có ảnh hưởng về đường xã hội và đường văn học” 34,
tr. 21. Theo Dương Quảng Hàm, phong tục tập quán thời xưa vừa có mặt hay, mặt không hay. Tác
phẩm của các nhà văn Tự lực văn đoàn có quan tâm phản ánh phong tục tập quán nhưng chưa thật xác
đáng. Như tục đàn bà góa phải thủ tiết thờ chồng trong tiểu thuyết Lạnh lùng của Nhất Linh chẳng hạn.
Nhà văn chỉ chủ yếu tập trung làm rõ những ràng buộc khắt khe đối với người phụ nữ mà chưa đề cập
đến ý nghĩa cao đẹp của tục lệ. Dù vậy nhưng nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm vẫn dành
nhiều lời khen tặng cho nhóm văn Tự lực văn đoàn và đánh giá rất cao chủ trương cải cách xã hội của
họ.
Năm 1942, Vũ Ngọc Phan cho ra mắt công trình Nhà văn hiện đại. Nhà nghiên cứu công trình
này cho rằng tiểu thuyết Việt Nam có mười loại tất cả. Riêng trong nhóm Tự lực văn đoàn, theo Vũ
Ngọc Phan, có đến bốn nhà tiểu thuyết. Hai nhà văn Khái Hưng và Trần Tiêu được ông xếp vào những
nhà tiểu thuyết phong tục; Nhất Linh là nhà tiểu thuyết luận đề, còn Thạch Lam là nhà tiểu thuyết tình
cảm. Đặc biệt, khi đi vào giới thiệu từng nhà văn, Vũ Ngọc Phan đã chọn lọc được những tác phẩm
tiêu biểu và đưa ra nhiều đánh giá rất cụ thể. Về tác phẩm Thừa tự của Khái Hưng, ông kết luận rằng:
“Rút cuộc ta thấy gì? Sự thiết lập ấy trong gia đình và xã hội Việt Nam, nếu xét đến nguồn gốc, cũng
đã là vô lý lắm rồi, không đợi đến khi nó biến tính như ngày nay. Ngày nay người lợi dụng nó coi nó
như một miếng mồi. Một miếng mồi đáng đem ra để nhử, một miếng mồi đáng thèm thuồng, mà người
ta tưởng như không có sự xấu xa và nhục nhã. Chả có trong xã hội Việt Nam lại có những cuộc tranh
luận, những cuộc âm mưu về thừa tự. Thật khốn nạn! Tất cả cái khốn nạn ấy, ta đã thấy trong những
hành động của mấy nhân vật của Khái Hưng một tiểu thuyết gia tả phong tục rất là sâu sắc” 83, tr.
764 -765. Đến sáng tác của Trần Tiêu, Vũ Ngọc Phan khẳng định: “Tuy là tả dân tình, phong tục làng
Cầm, nhưng Con Trâu thật là một cuốn tả sự sống và tính tình phong tục của người dân quê miền
Bắc” 83, tr. 784.
Từ 1945 đến 1986:
Năm 1948, trong bản báo cáo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai đồng chí Trường Chinh
đã đề cập đến vấn đề phản ánh phong tục của các nhà văn Tự lực văn đoàn: “Sau cơn khủng bố trắng
1930 – 1931, một sự buồn rầu, u uất tràn ngập tâm hồn nhân dân Việt Nam. Văn chương lãng mạn của
Tự lực văn đoàn đã ra đời. Giai cấp tư sản dân tộc không dám đấu tranh bằng chính trị và quân sự
chống đế quốc nữa, bèn chuyển ra đấu tranh bằng văn hóa chống phong kiến quan liêu (các báo
Phong hóa, Ngày nay, tủ sách Tự lực văn đoàn). Dù sao hoạt động của nhóm Tự lực cũng đã góp phần
đẩy phong trào văn nghệ nước ta tiến lên một bước” 32, tr. 54-55]. Tiếp theo đó, đến năm 1957, tại
Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 bàn về công tác phê bình văn học, Trường Chinh một lần nữa đã
nhấn mạnh: “Đối với trào lưu văn nghệ lãng mạn, chúng ta không nên mạt sát, vơ đũa cả nắm, mà cần
đi vào phân tích những dòng tiến bộ trong những thời kì khác nhau (…) chúng ta cần hết sức cố gắng
tìm hiểu mọi nhân tố yêu nước và tiến bộ trong những tác phẩm lãng mạn trước đây”. Bởi “Việc uốn
nắn lại những thái độ hẹp hòi, máy móc đối với những giá trị văn nghệ cũ không những có tác dụng
sửa chữa những bất công đối với nhiều tác phẩm mà còn có tác dụng mở rộng con đường sáng tác cho
văn nghệ hiện thời” [32, tr. 241-241].
Đến năm 1958, Nguyễn Văn Xung với Bình giảng về Tự lực văn đoàn do Tân Việt xuất bản
cũng ghi nhận sự đóng góp của Tự lực văn đoàn trên cả hai phương diện. Ông khẳng định các nhà văn
Tự lực văn đoàn chính “là những người đầu tiên biết sử dụng một lối văn sáng sủa, thích hợp để diễn
đạt những tư tưởng và tình cảm của thời đại, Tự lực văn đoàn đã được sự đón tiếp nồng nhiệt của
thanh niên nam nữ đương thời. Về hình thức họ là những nhà văn giá trị vào bậc nhất hành văn trong
sáng, bình dị, đanh thép hay bóng bẩy. Về nội dung, họ biết mô tả những hoài bão, nguyện vọng,
những thắc mắc lo âu, những nỗi niềm vui sướng hay sầu thảm của cả một thế hệ; thanh niên, học
sinh, tiểu tư sản, trí thức là những độc giả trung thành của họ” [117, tr. 11]. Các nhà văn Tự lực văn
đoàn một mặt đả phá những cái lỗi thời, phản tiến bộ, nhất là chế độ đại gia đình; một mặt họ kêu gọi
dân chúng sống một đời sống mới, tự do tự lập. Theo nhận định của nhà nghiên cứu này thì nhóm Tự
lực văn đoàn với “Những tư tưởng mà họ truyền bá được hoan nghênh như một làn gió mới và gây
nhiều ảnh hưởng” [117, tr. 11].
Năm 1961, cuốn Tiểu thuyết Việt Nam thế hệ 1932 – 1945 của Thanh Lãng chia tiểu thuyết Việt
Nam những năm 1932 ra làm tám ý hướng: đấu tranh, tình cảm, thi vị, truyền kỳ, hồi ký, hài hước,
phong tục, tả thực. Theo đó, Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo là ba nhà văn có tác phẩm thuộc ý
hướng đấu tranh. Cụ thể, đó là các tác phẩm như Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng: “Nhưng
trọng tâm của cuộc đấu tranh tư tưởng trong giai đoạn thứ nhất này là đánh vào chế độ đại gia đình.
Hai chiến sĩ chỉ huy tác chiến là Nhất Linh và Khái Hưng” [59, tr. 97]. Mặc dù thừa nhận Nhất Linh,
Khái Hưng và Hoàng Đạo cũng có viết những tác phẩm thuộc ý hướng tình cảm như Nắng thu, Đôi
bạn, Bướm trắng, Gia đình, … “Với Nắng thu, Nhất Linh tả mối tình hồn nhiên, lãng mạn, trong sạch,
đau đớn của một sinh viên trí thức đối với một thiếu nữ câm nhưng thông minh và nhan sắc” [59, tr.
112] nhưng Thanh Lãng cho rằng ở những nhà văn này chủ trương chống Nho giáo rõ ràng hơn, quyết
liệt hơn: “Tất cả cái khác, cái mới quyết liệt, cái mới phũ phàng của Tự lực văn đoàn là ở chỗ ấy” [60,
tr. 29].
Năm 1972, trong Lịch sử văn học Việt Nam giản ước tân biên do nhà xuất bản Phạm Thế ấn
hành, Phạm Thế Ngũ sau khi điểm qua nội dung các tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam
… cũng đã đánh giá rất cao về phương diện tư tưởng, văn học của cả nhóm Tự lực văn đoàn: “Về
đường tư tưởng, chủ trương duy tân và cấp tiến họ đưa ra tác động như một cơn lốc thổi vào cái xã hội
trì trệ trước 1932”, “Tuy nhiên về đường văn học, đứng trên lập trường văn học sử, không ai có thể
chối cãi vai tuồng xây dựng, những tiến bộ quan trọng mà họ đã thực hiện cho văn quốc ngữ” [77, tr.
440], [77, tr. 442].
Trở lên là tình hình nghiên cứu đánh giá về những đóng góp của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn về
mặt phản ánh văn hóa phong tục ở cả hai miền Nam Bắc từ 1945 đến 1986. Nhìn chung, vị trí, vai trò
của những tiểu thuyết có nội dung phong tục của nhóm văn này đều được các nhà nghiên cứu công
nhận. Chỉ có điều do tình hình văn hóa xã hội lúc này nên trong giới nghiên cứu chưa có người đi sâu
khai thác những đóng góp ấy một cách cụ thể. Họ còn chú ý nhiều và đánh giá cao về khả năng sáng
tạo nghệ thuật của nhóm văn này như: Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Văn Xung, Thế Phong, Dương Nghiễm
Mậu, …; về nhân cách nhà văn như: Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hạnh, Trương Bảo Sơn, Tường Hùng,
Trần Khánh Triệu, Nguyễn Văn Trung …; phương pháp sáng tác và các khía cạnh khác nữa …
Từ năm 1986 đến nay:
Năm 1986, sự định hướng mới của Đảng đối với hoạt động tư tưởng văn hóa văn nghệ nước nhà
đã đem đến một sự thay đổi lớn trong giới lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Tinh thần “nhìn nhận
lại” dấy lên thành một phong trào. Các nhà văn Tự lực văn đoàn và văn chương của họ có thể nói là
một trong số những hiện tượng được nhiều nhà nghiên cứu “nhìn nhận lại” nhất:
Ngày 27 – 5 – 1989, tại Hà Nội, cuộc Hội thảo quy mô lớn do khoa Ngữ văn trường Đại học
Tổng hợp phối hợp với nhà xuất bản Đại học tổ chức để bàn về văn chương Tự lực văn đoàn đã thu hút
được đông đảo nhiều thế hệ nhà nghiên cứu lý luận phê bình, các nhà thơ nhà văn tài năng và tâm
huyết. Nhiều bài tham luận được đưa ra với tinh thần khách quan, khoa học cao. Trong Hội nghị, nhà
văn hóa Hoàng Xuân Hãn cho rằng: “nhóm Tự lực văn đoàn không phải là nhóm duy nhất nhưng là
nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại” [26, tr. 380]. Nhà văn
Huy Cận lại nhấn mạnh tính dân tộc của lời văn trong các sáng tác của Tự lực văn đoàn: “Một đóng
góp quan trọng của Tự lực văn đoàn là ở tiếng nói và câu văn dân tộc” [26, tr. 420]…
Đến năm 1990, Phan Cự Đệ, trong chuyên luận Tự lực văn đoàn – con người và văn chương,
cho rằng: “Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã có công lớn trong việc đổi mới nền văn học vào những năm
30 của thế kỷ, đổi mới từ quan niệm xã hội cho đến việc đẩy nhanh các thể loại văn học trên con
đường hiện đại hóa, làm cho ngôn ngữ trở nên trong sáng và giàu có hơn” [21, tr. 37].
Đặc biệt, năm 1995, Trần Đình Hượu với bài viết Tự lực văn đoàn, nhìn từ góc độ tính liên tục
của lịch sử, qua bước ngoặt hiện đại hóa trong lịch sử văn học phương Đông in trong cuốn Nho giáo
và văn học Việt Nam trung cận đại khẳng định: “Tự lực văn đoàn đô thị hóa, Âu hóa có mới mẻ, xa lạ
nhưng không phải không dân tộc. Cái đẹp trong văn chương Tự lực văn đoàn là Việt Nam chứ không
phải Tàu, không phải Tây”, và “Tự lực văn đoàn là một hiện tượng phải nhìn – hay phải nhìn thêm –
theo cách khác như vậy. Nhìn thêm từ một góc độ khác chắc chắn ta sẽ hiểu hiện tượng rõ hơn” [26, tr.
578], [26, tr. 579].
Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam 1930 – 1945 của Nguyễn Đăng Mạnh tái bản năm 1999,
trong phần viết về Tự lực văn đoàn, có đoạn đã nhận xét thêm: “nói chung đề tài là chuyện tình yêu,
chủ đề là ca ngợi tư tưởng, văn hóa, văn minh phương Tây, đấu tranh cho chủ nghĩa cá nhân, cho tình
yêu và hôn nhân tự do, chống lễ giáo phong kiến, đề cao lối sinh hoạt của phương Tây hiện đại, cổ vũ
phong trào Âu hóa từ tư tưởng, văn chương nghệ thuật, (…) Họ cũng có tinh thần dân tộc, dân chủ,
cũng tỏ ra biết thương xót người nghèo khổ” [71, tr. 52-53].
Đến Tự lực văn đoàn trào lưu – tác giả của Hà Minh Đức vừa mới được nhà xuất bản Giáo dục
giới thiệu tháng 5/2007 – một công trình nghiên cứu mới nhất về Tự lực văn đoàn – ngoài phần Khảo
luận chung về Tự lực văn đoàn, phần phân tích một số tác phẩm tiêu biểu, tác giả cuốn sách đã tập hợp
được một cách có chọn lọc những bài nghiên cứu Tự lực văn đoàn về nhiều khía cạnh khác nhau từ
trước đến nay. Liên quan đến nội dung phong tục có bài của Vũ Ngọc Phan, Trương Chính, Phạm Thế
Ngũ, Bạch Năng Thi, Nguyễn Hoành Khung, Vũ Đức Phúc, Lê Thị Đức Hạnh, …..
Ngoài những cây bút lý luận phê bình cũ, từ thập niên 90 đến nay, nghiên cứu về Tự lực văn
đoàn ta còn phải kể đến khá nhiều gương mặt mới như Nguyễn Hữu Hiếu, Lê Thị Dục Tú, Phạm
Thanh Hùng, Trịnh Hồ Khoa, Phạm Thị Thu Hương, Đặng Ngọc Hùng, Cao Thị Ngọc Hà, Huỳnh Thị
Hoa, …. Tất cả đã tạo được một không khí sôi nổi, khách quan, và khoa học nhằm đưa đến những nhận
định công bằng, thấu đáo khi đánh giá về vai trò, vị trí của nhóm văn này trong nền văn học dân tộc.
Tóm lại, qua quá trình tìm hiểu lịch sử nghiên cứu văn chương Tự lực văn đoàn dưới góc độ văn
hóa xã hội và phong tục, chúng tôi nhận thấy rằng: từ trước cho đến nay, Tự lực văn đoàn là nhóm văn
duy nhất có sáng tác gây được nhiều sự chú ý trong công chúng. Và mặc dù các nhà nghiên cứu văn
học nước ta đã tiếp cận sáng tác của họ từ rất nhiều hướng khác nhau: quan điểm lịch sử (Phong Lê,
Trần Đình Hượu), phương pháp sáng tác (Hà Minh Đức, Lê Đình Kỵ), chức năng (Trương Chính, Lại
Nguyên Ân), thể loại (Phong Lê, Vu Gia), thi pháp (Đỗ Đức Hiểu, Lê Thị Dục Tú, Trịnh Hồ Khoa), …
và Tự lực văn đoàn với những đóng góp cho nền văn hóa, phong tục nước nhà cũng là một vấn đề đã
được các nhà nghiên cứu ghi nhận. Tuy nhiên, sự phân tích và lí giải vấn đề vẫn chưa thật thỏa đáng.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Phong tục không phải là đề tài xuyên suốt trong tất cả các tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Nội
dung này chỉ tập trung ở một số sáng tác của ba nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng và đặc biệt là Trần
Tiêu. Do đó, đối tượng khảo sát của luận văn không phải là toàn bộ tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn.
Chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu những tác phẩm mà trong đó tác giả có ít nhiều đề cập đến các vấn
đề về phong tục Việt Nam. Trên cơ sở phân tích những tác phẩm này, luận văn đi đến một cái nhìn cụ
thể và hệ thống về các vấn đề phong tục trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Tuy nhiên, cũng phải nói
rằng xung quanh vấn đề Tự lực văn đoàn, từ trước đến nay, ý kiến của các nhà nghiên cứu vẫn chưa có
sự thống nhất. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi có tiếp thu một cách chọn lọc thành quả trong các
công trình nghiên cứu của lớp người đi trước để có thể đi sâu vào những nội dung mà nhiệm vụ của đề
tài luận văn đặt ra.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài này, chúng tôi đã vận dụng kết hợp một số phương pháp:
- Phương pháp phân loại và hệ thống: Hoạt động của Tự lực văn đoàn trên văn đàn kéo dài trong
khoảng mười năm nhưng số lượng tác phẩm mà họ để lại có thể nói là khá lớn. Riêng mảng tiểu thuyết,
Tự lực văn đoàn đã cho ra đời hơn hai mươi tác phẩm. Vì vậy, phương pháp phân loại là phương pháp
được chúng tôi sử dụng đầu tiên. Phương pháp này giúp chúng tôi phân loại được tiểu thuyết phong tục
với các tiểu thuyết khác. Đồng thời, cũng nhờ nó, chúng tôi xác định được đặc điểm chung và riêng về
nội dung và hình thức của những tác phẩm thuộc thể tài này. Do đó, có thể khẳng định rằng, phân loại
và hệ thống là hai phương pháp nghiên cứu được chúng tôi sử dụng xuyên suốt.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp: Khi đi vào từng sáng tác, chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp
phân tích để tìm hiểu tác phẩm được cụ thể trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Và sau đó,
phương pháp tổng hợp sẽ được dùng để khái quát lại vấn đề.
- Phương pháp so sánh: Đây là phương pháp không thể thiếu được trong bất kì một công trình nghiên
cứu khoa học nào. Ở đây, so sánh giúp chúng tôi nhận ra điểm tương đồng và khác biệt giữa các nhà
văn trong nhóm Tự lực văn đoàn, giữa các sáng tác phong tục của Tự lực văn đoàn với các sáng tác
phong tục của các tác giả khác.
- Phương pháp tiếp cận văn học dưới góc độ văn hóa học, dân tộc học: “văn hóa là không gian,
bầu không khí để trên đó cây văn học nảy nở”, trong quá trình nghiên cứu tiểu thuyết của Tự lực văn
đoàn, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng xuyên suốt phương pháp tiếp cận văn hóa học, dân tộc đã giúp
chúng tôi tìm hiểu rõ về vai vai trò sáng tạo những mô hình văn hóa, cũng như những phê phán có tính
văn hóa trong những tiểu thuyết của các nhà văn Tự lực văn đoàn. Đồng thời, phương pháp tiếp cận
này cũng đã giúp ích rất nhiều trong việc xác định những điểm mới của văn hóa được phản ánh trong
văn học ở từng thời kì.
5. Đóng góp của luận văn
Đề tài phong tục Việt Nam trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn được chúng tôi thực hiện nhằm
khảo sát bức tranh phong tục trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Trên cơ sở đó luận văn sẽ cho thấy
rõ những thành tựu của văn đoàn này trong việc phản ánh hiện thực đời sống xã hội, những đóng góp
qua cái nhìn tiến bộ đậm chất nhân văn và cả những quan điểm còn lệch lạc về vấn đề phong tục qua
cái nhìn nghệ thuật của các tác giả. Ngoài ra, người làm luận văn còn có mong muốn tìm ra những nét
đặc sắc riêng của các tác giả trong nghệ thuật miêu tả phong tục Việt Nam để thấy rõ những giá trị
thẩm mĩ của phong tục Việt Nam được khắc họa, lưu giữ bằng nghệ thuật ngôn từ. Luận văn vì vậy có
thể sẽ góp phần để hiểu thêm về những tinh hoa đẹp đẽ của bản sắc dân tộc. Điều này cũng đồng nghĩa
với việc giúp cho quá trình giảng dạy về những đóng góp của văn chương Tự lực văn đoàn đối với việc
giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong nhà trường phổ thông đi vào chiều sâu.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu (12 trang), kết luận (3 trang) và thư mục tài liệu tham khảo (7 trang), luận
văn có ba chương chính:
- Chương 1: Khái quát về tiểu thuyết phong tục trong văn học Việt Nam những năm 1930 –
1945
- Chương 2: Bức tranh phong tục trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn
- Chương 3: Nghệ thuật miêu tả phong tục trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn.
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ TIỂU THUYẾT PHONG TỤC
TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1930 – 1945
1.1. Khái niệm Phong tục và Tiểu thuyết phong tục
1.1.1. Khái niệm Phong tục
Khi nói đến nền văn hóa của một quốc gia, một dân tộc, người ta thường hay nói đến phong tục
tập quán. Phong tục tập quán là một phạm trù dùng để chỉ tổng thể những thói quen trong cuộc sống
hàng ngày mang những nét đặc trưng riêng của một địa phương, một dân tộc hoặc một đất nước. Đây
là những thói quen được hình thành do tính đặc thù của điều kiện địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa, …
Trong cuộc sống hàng ngày, phong tục gần gũi với tất cả mọi người. Phong tục chi phối hầu khắp các
lĩnh vực hoạt động như lao động, sinh hoạt, tín ngưỡng. Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê biên
soạn, ở mục từ “phong tục”, tác giả định nghĩa: đây là “thói quen, tục lệ đã ăn sâu vào đời sống xã hội
được mọi người công nhận và làm theo” [84, tr. 783].
Có thể chưa biết đến luật pháp nhưng con người đã biết đến phong tục. Nhờ được hình thành có
hệ thống nên từ gia đình đến làng xã, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi dường
như đâu đâu con người cũng chủ yếu hành xử dựa trên phong tục. Tuy nhiên, phong tục không phải là
những điều bất biến. Khi vừa mới hình thành, trong phong tục chưa có sự phân định tốt xấu. Nhưng
qua thời gian, các điều kiện sống cũng như tâm lý tính cách con người có sự thay đổi, và cùng với quá
trình giao lưu văn hóa giữa các nước trên thế giới, con người đã nhận ra những gì là hủ tục, những gì là
thuần phong mỹ tục. Phong tục vì vậy luôn được con người bổ sung thêm những điều mới, và xóa bỏ
những điều cũ, lỗi thời. Hay nói khác hơn, phong tục vừa có tính ổn định bền vững vừa có khả năng
biến đổi. Phong tục sinh ra do nhu cầu cuộc sống, phát triển và định hình theo sự định hình của xã hội.
Có phong tục thuộc về một đất nước. Có phong tục thuộc về một dân tộc. Và cũng có phong tục thuộc
về một vùng, miền.
1.1.2. Khái niệm Tiểu thuyết phong tục
“Tiểu thuyết phong tục” không phải là một cụm từ mới đối với những nhà lý luận văn học trên
thế giới cũng như ở Việt Nam. Có rất nhiều bài viết lớn hoặc nhỏ đã nhắc đến cụm từ này, xem nó là
một thuật ngữ dùng để gọi tên một thể tài văn học. Tuy nhiên, cho đến nay bản thân cụm từ “Tiểu
thuyết phong tục” vẫn chưa được hiểu thật thống nhất. Mỗi nhà nghiên cứu với quan điểm và cách đặt
vấn đề riêng đã có những kiến giải khác nhau xung quanh khái niệm này. Thật khó để tập trung đầy đủ
nhưng chúng tôi sẽ cố gắng chọn lựa một số ý kiến tiêu biểu bàn về cụm từ này trên thế giới và ở Việt
Nam rồi trên cơ sở đó xác định những đặc điểm cơ bản của thể tài tiểu thuyết này.
Từ khoảng thế kỷ thứ XVIII, cụm từ “Tiểu thuyết phong tục” (novel of manners, roman de
moeurs) đã được các nhà nghiên cứu văn học thế giới đề cập đến với tư cách là một thể tài văn học.
Người quan tâm đề tài, người quan tâm hình thức, người quan tâm cả nội dung lẫn hình thức nhưng về
cơ bản tất cả họ đều đã đưa ra cách hiểu của mình về thế nào là một tiểu thuyết phong tục.
M. H. Abrams trong Từ điển thuật ngữ Văn học, định nghĩa tiểu thuyết phong tục là tiểu thuyết
nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục và những thói quen, tập tục của một cộng đồng văn hóa nào đó.
Còn R. Harris, ông chú thích, trong tiểu thuyết Tu viện Northanger của Jane Austen, tiểu thuyết
phong tục khảo sát tỉ mỉ thái độ cư xử, tư cách đạo đức xã hội có chuẩn mực hoặc không chuẩn mực.
Tiếp tục sau đó, khi phân loại tiểu thuyết, nhà nghiên cứu văn học này đã đưa ra cách hiểu cặn kẽ hơn:
Đây là loại tiểu thuyết tập trung mô tả một cách chi tiết những phong tục tập quán của một nhóm xã
hội đặc biệt. Những phong tục này thường thực hiện chức năng kiểm soát và điều khiển hành vi ứng xử
của các nhân vật.
Trang web cũng đã đề cập đến nhiệm vụ của nhà
viết tiểu thuyết phong tục. Đó là những người có khả năng truyền đạt lại cho hậu thế những cách thức
ứng xử xã hội thời anh ta sống.
Hai nhà nghiên cứu văn học Dorothy Brewster và John Burrell trong tiểu luận Tiểu thuyết hiện
đại trình bày rõ ràng quan điểm của mình về thế nào là một tiểu thuyết phong tục: “Tiểu thuyết phong
tục là truyện của những cá nhân được coi như là những giá trị tinh thần, mô tả trong sự tiếp xúc với
nhau và với xã hội. Sự mô tả này đôi khi châm biếm, đôi khi hài hước, nhưng luôn luôn đạo đức” [25,
tr. 11].
Hay trong Sổ tay Văn học, Harmon William và Hugh Holman nhấn mạnh đây là một loại tiểu
thuyết mà ở đó phong tục, tập quán, tục lệ và thói quen của một tầng lớp xã hội nhất định có vai trò
quyết định. Trong một tiểu thuyết phong tục đích thực, tập tục của một nhóm người đặc biệt được mô
tả một cách chi tiết, với sự chính xác cao. Phong tục ấy trở nên có quyền lực điều khiển nhân vật. Tuy
không bắt buộc nhưng tiểu thuyết phong tục thường có tính chất trào phúng.
Tóm lại, khi bàn đến thể tài tiểu thuyết phong tục, các nhà nghiên cứu văn học trên thế giới,
người thì quan tâm về đề tài, người quan tâm về nội dung và hình thức, hay tác dụng nghệ thuật của thể
tài, … nhưng nhìn chung, xung quanh những ý kiến của họ ta có thể nhận ra rằng họ đã xem đây là
thuật ngữ dùng để gọi tên một thể tài văn học. Thể tài văn học này chủ yếu lấy những vấn đề liên quan
đến phong tục tập quán trong xã hội làm nội dung phản ánh. Đó có thể là tập tục của một nhóm người,
hay một dân tộc tồn tại trong một thời đại nhất định. Về phương pháp sáng tác, những người viết tiểu
thuyết phong tục thường sáng tác theo phương pháp hiện thực chủ nghĩa. Những sáng tác này do đó có
thể tái hiện đầy đủ về cách thức sinh hoạt của con người trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Người đọc
tiểu thuyết phong tục vì vậy dễ dàng rút ra được nhiều bài học ứng xử quý báu cho cuộc sống của
mình.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, tiểu thuyết phong tục đã có mặt trên văn đàn văn học Việt
Nam. Vì vậy, trong một số sách lý luận văn học, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã nhắc đến cụm
từ “tiểu thuyết phong tục” và xem đây là một thể tài. Tuy nhiên, cách hiểu về thể tài văn học này đến
nay vẫn chưa được thống nhất.
Khảo về tiểu thuyết của Phạm Quỳnh do Nam phong tùng thư xuất bản năm 1929 chia tiểu
thuyết ra ba loại: tiểu thuyết ngôn tình, tiểu thuyết tả thực và tiểu thuyết truyền kì. Sau đó, ông đồng
nhất tiểu thuyết tả thực với tiểu thuyết phong tục: “Tiểu thuyết tả thực – Loại này tiếng Tây gọi là tiểu
thuyết về phong tục (romans de moeurs), nghĩa là cốt tả cái tình trạng trong xã hội theo như thói ăn
cách ở của người đời, thứ nhất là người đương thời; cho nên cũng có thể gọi là tiểu thuyết tả thực
được, vì cứ theo như cái cảnh thực ở trước mắt mà diễn tả ấy thường thường bao giờ cũng có ý bao
biếm, ý khuyên răn ở đó, dẫu nhà làm sách không rặp tâm khen chê răn dạy gì ai, mà cái ý khuyên răn
bao biếm bao giờ cũng có ngụ ở trong” [89, tr. 152]. Cách hiểu này của Phạm Quỳnh đã vô tình quy
các thể tài tiểu thuyết có khuynh hướng tả thực như tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tâm lý, … đều là
tiểu thuyết phong tục. Chúng tôi nghĩ rằng không hoàn toàn như vậy. Nội dung của tiểu thuyết phong
tục yêu cầu phải có tính hiện thực nhưng không phải vì vậy mà chúng ta có thể xem mọi tác
phẩm có khuynh hướng tả thực cũng đều là tiểu thuyết phong tục.
Năm 1941, trong công trình nghiên cứu Ba mươi năm văn học, Mộc Khuê khi bàn về tiểu thuyết
quốc ngữ Việt Nam lại chia tiểu thuyết thành chín loại. Lần lượt đi vào từng loại với những nhà văn và
tác phẩm tiêu biểu, đến loại tiểu thuyết phong tục, ông viết: “Phong tục tiểu thuyết về miền thượng du
Bắc Kỳ của Lan Khai (Tiếng gọi của rừng thẳm, Suối đàn, Truyện lạ đường rừng), về miền sơn cước
Trung Kỳ của Lưu Trọng Lư (Khói lam chiều, Chiếc cáng xanh) của Trần Tiêu (Con trâu, Chồng con)
và nhứt là quyển Lều chõng cự đại của Ngô Tất Tố” [57, tr. 51]. Như vậy, theo cách phân chia của
Mộc Khuê, Trần Tiêu với tác phẩm Con trâu và Chồng con đã được xếp vào loại tiểu thuyết phong tục
của một vùng miền.
Đến năm 1942, Nhà văn hiện đại – quyển bốn của Vũ Ngọc Phan lại chia tiểu thuyết ra mười
loại: phong tục, luận đề, luân lý, truyền kỳ, phóng sự, hoạt kê, tả chân, xã hội, tình cảm và trinh thám.
Ở mỗi loại, Vũ Ngọc Phan cũng chọn dẫn ra vài tác giả, tác phẩm tiêu biểu để phân tích. Và các sáng
tác của Khái Hưng, Trần Tiêu, Mạnh Phú Tư, Bùi Hiển và Thiết Can đã được nhà nghiên cứu chọn lựa
làm dẫn chứng minh họa cho thể tài tiểu thuyết phong tục: “Nếu đọc những tác phẩm của ông (Khái
Hưng – PTMT) từ Hồn bướm mơ tiên cho đến những tập gần đây nhất của ông, như Hạnh, người ta
thấy ông mới đầu chú trọng vào lý tưởng, rồi dần dần ông lưu tâm đến thực tế và viết rặt những tiểu
thuyết tả thực về phong tục, lấy sự chân xác làm điều cốt yếu (…) Những tiểu thuyết ấy đều là những
bài học rất hay cho những người bảo thủ thái quá” [83, tr. 780], hay “Ông (Trần Tiêu – PTMT) là một
nhà tiểu thuyết chuyên viết về dân quê. Người ta tưởng ông viết riêng về cách sinh hoạt, về sự sống của
người Việt Nam ở nơi đồng ruộng, nhưng đọc kỹ những tiểu thuyết của ông, người ta mới thấy ông
chuyên chú vào phong tục của người dân quê nhiều hơn là cuộc sống nghèo nàn và không tổ chức của
họ. Tiểu thuyết của ông thuộc vào loại tiểu thuyết ph._.ong tục thôn quê nhiều hơn là thuộc vào loại tiểu
thuyết xã hội” [83, tr. 782].
Qua nội dung của những nhận định trên, ta có thể nói rằng tuy tác giả công trình Ba mươi năm
văn học cũng như Nhà văn hiện đại không trực tiếp xác lập lý thuyết bàn về tiểu thuyết phong tục
nhưng việc phân loại cùng những ý kiến đánh giá của hai ông dành cho từng tác phẩm đã ít nhiều giúp
chúng ta xác định về mặt nội dung của thể tài tiểu thuyết phong tục. Tiểu thuyết phong tục đó là
những tiểu thuyết viết về nếp sống đặc trưng của một loại người, một vùng miền.
Sau Vũ Ngọc Phan là Bạch Năng Thi. Trong bài Khái Hưng, Bạch Năng Thi viết: “Phong trào
bình dân, cái thị hiếu của độc giả có thay đổi, sự tấn công của văn phái hiện thực chủ nghĩa và của
những người tiến bộ ủng hộ chủ nghĩa hiện thực và đả kích chủ nghĩa lãng mạn, làm cho Khái Hưng ít
nhiều phải thay đổi đề tài và cách sáng tác (…) và nhất là đi sâu hơn nữa vào loại tiểu thuyết phong
tục là loại tiểu thuyết đòi hỏi phải miêu tả con người và sự việc có thực trong đời sống (Gia đình, Thừa
tự, Thoát ly, Băn khoăn). Khi sáng tác tiểu thuyết phong tục, nhà văn không thể rời bỏ xu hướng lãng
mạn cố hữu của mình, nhưng yếu tố hiện thực có tăng lên trong tác phẩm”. Không dừng ở đó, đến bài
Khái Hưng – từ tiểu thuyết lý tưởng, phong tục đến tiểu thuyết tâm lý, ông khẳng định: “Thừa tự cũng
như Gia đình là tiêu biểu cho loại tiểu thuyết phong tục. Loại tiểu thuyết này chưa có nhiều ở nước ta
vì người viết phải am hiểu tường tận phong tục trong nước, phải chú ý tới các phong tục ấy để quan
sát; một chuyện về phong tục lại dễ khô khan, tẻ nhạt, không hấp dẫn đối với một số lớn độc giả. Tuy
nhiên, ta thấy Khái Hưng vẫn giữ vững giá trị của mình trong loại tiểu thuyết này” [40, tr. 32-33], [40,
tr. 51].
Đến năm 1962, Thanh Lãng có bài viết Tiểu thuyết Việt Nam thế hệ 1932 – 1945 in trên tạp chí
Đại học số 2,3 một lần nữa trở lại công việc phân loại tiểu thuyết. Tiểu thuyết thế hệ 32 được Thanh
Lãng chia làm tám ý hướng. Phong tục được xem là một trong số tám ý hướng đó. Ông viết: “Đã hẳn
việc mô tả phong tục có liên hệ đến tâm lý vì nó cũng nhằm khảo xét những trạng thái tâm hồn, những
tình cảm, những mối đam mê, những kỳ chứng (manies). Cái khác nhau chỉ là ở đây khảo xét các trạng
thái tâm hồn công cộng, giống nhau của cả một đoàn thể đông đúc. Theo nguyên tắc, việc khảo xét tâm
lý sở dĩ gây được hứng thú là khi tâm lý đó càng có bản sắc đặc biệt, khác những tâm lý khác. Ngược
lại, việc mô tả phong tục cốt ý làm cho người ta nhận được những nét tâm lý mô tả cái gì là của chung
nhiều người, của một đoàn thể” [59, tr. 73 – 74]. Sau đó, dựa vào hai quan niệm – quan niệm cổ điển
và quan niệm tâm lý tập thể về ý hướng phong tục trong sáng tác văn học, tác giả khẳng định: “Như
vậy, Việt Nam chúng ta, cho đến 1945, chưa có tiểu thuyết phong tục theo quan niệm mới mà chỉ có
tiểu thuyết phong tục theo quan niệm cổ điển mà thôi. Khuynh hướng phong tục cổ điển này thường
được gọi là khuynh hướng xã hội” [59, tr. 75].
Tiếp tục phát triển quan điểm này, năm 1965, Nguyễn Văn Trung, dựa vào quan niệm của nhà
văn muốn thể hiện trong tác phẩm đã chia tiểu thuyết thành ba nhóm quan niệm: nhóm quan niệm tiểu
thuyết là một quang cảnh, nhóm quan niệm tiểu thuyết là một ý thức và nhóm quan niệm tiểu thuyết là
một phản tiểu thuyết. Cách chia này của ông đã xếp những tác phẩm mô tả phong tục vào nhóm quan
niệm tiểu thuyết là một phong cảnh: “Tiểu thuyết của nhóm trong quan niệm I (nhóm quan niệm tiểu
thuyết là một quang cảnh – P.T.M.T) phân chia ở trên để nhằm mô tả tâm lý, phong tục, xã hội; nói
cách khác, nhằm trình bày một tính tình, một mẫu người hay một tình cảnh” [95, tr. 206].
Tóm lại, đến nay trong các từ điển tiếng Việt, từ điển Văn học và từ điển thuật ngữ Văn học của
ta vẫn chưa có mục từ “tiểu thuyết phong tục”. Tiểu thuyết phong tục trước nay chỉ đơn thuần được
các nhà nghiên cứu văn học hiểu là những tác phẩm có nội dung phản ánh chân thật phong tục
của địa phương, đất nước. Giá trị của nó chủ yếu là cung cấp cho người đọc những vấn đề về
phong tục tập quán.
So với các thể loại văn học như sử thi, thơ, trường ca, … tiểu thuyết là một thể loại xuất hiện
muộn hơn rất nhiều và là một thể loại có nhiều sự thay đổi nhất từ trước đến nay. Trên thế giới cũng
như ở Việt Nam, tiểu thuyết gây được nhiều sự chú ý của các nhà nghiên cứu văn học. Riêng về cách
phân loại tiểu thuyết cũng có vô số ý kiến khác nhau. Người phân loại theo trào lưu sáng tác, người
theo thi pháp thể loại, người lại dựa vào sự kết hợp giữa thể loại tiểu thuyết với các loại hình văn học
khác, … Thể tài tiểu thuyết phong tục là một trong số những thể tài tiểu thuyết được xác định dựa trên
cách phân chia chủ yếu theo hệ đề tài. Ở đây chúng tôi không tham vọng xác lập một định nghĩa “tiểu
thuyết phong tục”. Tuy vậy, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của lớp người đi trước cùng với quá trình nghiên
cứu những tiểu thuyết phong tục, chúng tôi có thể nêu khái quát một số đặc điểm của tiểu thuyết phong
tục ở Việt Nam.
Trước tiên, tiểu thuyết phong tục là loại tiểu thuyết có nội dung phản ánh xoay quanh những vấn
đề đã trở thành lề thói. Những lề thói này là những lề thói tiêu biểu của một nhóm người trong một địa
phương, một dân tộc hoặc cả một đất nước. Đó có thể là thói quen xấu hoặc tốt, tiến bộ hoặc phản tiến
bộ, … Điều quan trọng ở đây là để sáng tác được một tiểu thuyết phong tục, nhà văn phải am hiểu
tường tận phong tục tập quán của dân tộc mình và có khả năng “tái hiện” hiện thực sao cho trung thực,
phong phú sinh động nhưng vẫn đảm bảo tác phẩm được ra đời không phải là bản sao từ cuộc sống. Vì
mục đích của nhà viết tiểu thuyết phong tục là giúp người đọc nhận ra những gì là thuần phong mỹ tục
cần giữ gìn và những gì là hủ tục lạc hậu phải xóa bỏ. Nhân vật trong tiểu thuyết phong tục thường
được nhà văn chú ý khai thác trong mối quan hệ ứng xử giữa cũ và mới, đại diện cho một lớp người,
do đó sẽ mang một quan điểm xã hội nhất định. Đọc tiểu thuyết phong tục vì vậy chúng tôi nhận thấy
rằng tác phẩm dù có hay không có những đoạn bình luận trữ tình thì thái độ của nhà văn vẫn hiện rất
rõ.
Tóm lại, đối với người viết tiểu thuyết, tiểu thuyết phong tục là một thể tài vừa dễ vừa khó. Dễ
vì nguồn đề tài phong phú, gần gũi. Khó vì phong tục là những vấn đề phổ biến hàng ngày trong xã hội
đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Nhà văn muốn viết một tiểu thuyết phong tục hay cần phải tìm
được cách thể hiện vấn đề sao cho mới mẻ để người xem không nhàm chán mà vẫn đảm bảo phản ánh
được nếp nghĩ nếp sống của thời đại. Còn xét về những đóng góp đối với nước nhà, tiểu thuyết phong
tục chính là một trong những thể tài văn học góp phần rất lớn cho công cuộc đấu tranh chống cái xấu
phát huy cái tốt, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Ở nước ta, giai đoạn 1930 – 1945 được xem là
giai đoạn phát triển nhất của thể tài này.
1.2. Tiểu thuyết phong tục trong văn học Việt Nam 1930 - 1945
Sau mười thế kỷ ròng rã chịu sự ràng buộc của thi pháp văn học trung đại, đến đầu thế kỷ XX,
các nhà văn Việt Nam đã chuyển mình bước sang sáng tác theo hệ thống thi pháp mới – thi pháp văn
học hiện đại. Bước chuyển này dù ban đầu có gây nhiều bở ngỡ, tranh cãi, xung đột nhưng nhờ đó mà
bộ mặt văn học Việt Nam được thay đổi toàn diện từ lý luận nghiên cứu, phê bình đến phương pháp
sáng tác, tiếp nhận văn học, ... Nhất là vào những năm 1930, nhiều cây bút trẻ mới xuất hiện đã khẳng
định được phong cách. Thể loại sáng tác đa dạng. Số lượng lẫn chất lượng tác phẩm tăng vượt bậc.
Năm 1942, Vũ Ngọc Phan khi nhìn lại giai đoạn văn học này đã phải thảng thốt: “Ở nước ta, một năm
đã có thể kể như 30 năm của người”.
Mặc dù không thể lý giải tất cả bằng hoàn cảnh lịch sử nhưng những hiểu biết sơ bộ về xã hội
Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 là cần thiết cho việc tìm hiểu văn học Việt Nam 1930 – 1945 nói
chung và tiểu thuyết phong tục nói riêng.
1.2.1. Hoàn cảnh ra đời
Như trên đã nói, ở Việt Nam tiểu thuyết phong tục bắt đầu xuất hiện trên văn đàn từ những năm
hai mươi của thế kỷ XX. Tuy nhiên chỉ đến những năm ba mươi của thế kỉ này thì thể tài tiểu thuyết
phong tục mới thật sự phát triển. Hoàn cảnh lịch sử tuy không phải là nhân tố duy nhất tác động đến
việc sáng tạo nghệ thuật của nhà văn – một tác phẩm văn học ra đời luôn là kết quả của sự kết hợp giữa
điều kiện khách quan xã hội và chủ quan người nghệ sĩ – nhưng so với các thể tài văn học khác thì thể
tài tiểu thuyết phong tục là một trong những thể tài chịu sự chi phối từ những điều kiện lịch sử - xã hội
nhiều nhất.
Đầu thế kỷ XX, do hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn (1929 – 1933), (1935 – 1937) cùng với
khả năng bùng nổ chiến tranh thế giới lần hai, chính sách cai trị của thực dân Pháp đối với các nước
thuộc địa Đông Dương thật sự trở nên khốc liệt. Chúng ra sức vơ vét, bốc lột về sức người, sức của
nhằm bù đắp những tổn thất của chính quốc. Ở Việt Nam, chúng cố tình duy trì nền tảng phong kiến
vốn đã lỗi thời để thuận lợi cho việc thực thi chế độ cai trị. Vì vậy, trong xã hội Việt Nam lúc này có sự
pha tạp nhiều luồng tư tưởng: phương Đông cổ và phương Tây hiện đại. Sự phân tầng xã hội cũng
đang diễn ra mạnh mẽ. Nho giáo không còn chiếm vị trí thượng phong như trước kia mà bên cạnh nó
còn có tư tưởng tự do, dân chủ phương Tây. Tầng lớp tiểu tư sản trí thức chính là tầng lớp thích nghi
nhanh chóng nhất, và là tầng lớp chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất trước những sự thay đổi này. Không
những thế họ còn nhận ra sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, giữa phong
tục Việt Nam và lối sống Pháp.
Lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của người Việt như những mạch ngầm, bền bỉ chảy
suốt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong những năm 1930 này, thực dân Pháp dùng nhiều chiêu bài
văn hóa hòng mị dân nhưng chúng không ngờ rằng việc làm của chúng lại giúp cho thanh niên Việt
Nam, nhất là những người yêu nước, nhận thức tốt hơn về dân tộc mình, và càng dấy lên trong họ tình
cảm yêu mến đối với quê hương. Họ càng thương hơn đất nước nhỏ bé với những con người có tính
cách hiền hòa. Bằng cách này cách khác, những con người Việt Nam yêu nước đã thể hiện quyết tâm
phục hưng văn hóa dân tộc, bảo tồn “quốc hồn quốc túy” của dân tộc. Những lời kêu gọi “khai dân trí,
chấn dân khí, hậu dân sinh” vang lên và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt ở khắp nơi. Có thể nói,
chính những phong trào này đã tạo nhiều thuận lợi cho cả một thế hệ nhà văn yêu nước trở về với cội
nguồn bằng việc bắt tay vào sáng tác những tiểu thuyết viết về phong tục tập quán của nước nhà.
Nhưng tất cả những điều nói trên mới chỉ là tiền đề ban đầu. Tiền đề có ý nghĩa quyết định về
mặt chính trị - xã hội đối với sự ra đời của tiểu thuyết phong tục trong những năm 1930 – 1945 theo
chúng tôi đó là cuộc sống của những người dân Việt Nam lúc này. Được sự bảo hộ của Pháp, ai giàu
càng giàu, và càng được ăn trên ngồi trốc. Trong khi ấy, người nghèo, người cùng đinh lại càng nghèo
và cùng đinh hơn. Ở chốn thành thị, tiền bạc, địa vị được người ta đặt lên hàng đầu. Người người đua
chen nhau để có thể tồn tại. Vì vậy, kẻ khôn lanh thì được phong lưu, kẻ khờ dại phải chịu lao đao.
Không chỉ diễn ra ở thành thị, ít lâu sau, lối sống ấy còn tràn về những vùng nông thôn làm đảo lộn
cuộc sống chân chất bấy lâu của những con người sống sau lũy tre rặng dừa. Bên cạnh đó, lệ làng trước
đây không quá khe khắt thì nay lại trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân nghèo. Các cuộc mua danh
bán tước diễn ra một cách thường xuyên, công khai. Người ta tranh nhau một chỗ đứng, chỗ ngồi giữa
chốn đình trung. Những buổi cúng tế của làng của xã cũng đã mất dần vẻ trang nghiêm và ý nghĩa
thiêng liêng. Nó diễn ra một cách qua quýt chỉ cốt để người làng này phô trương sự giàu có của làng
mình với người làng khác …Tóm lại, cuộc sống người dân Việt Nam vào những năm 1930 – 1945 có
thể nói là bi thảm hơn lúc nào hết.
Như vậy, ý thức xã hội, phong trào dân tộc, hiện thực đời sống người dân, tất cả cùng một lúc tác
động mạnh đến sự ra đời của tiểu tuyết phong tục. Không có chúng có lẽ không có sự ra đời của tiểu
thuyết phong tục. Tuy vậy, song song những yếu tố ấy, sự góp mặt của các yếu tố ngôn ngữ, thể loại,
quan niệm về mục đích sáng tác hay còn gọi là những tiền đề văn học cũng có một ý nghĩa không nhỏ.
Chữ quốc ngữ mặc dù đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XIX nhưng có thể nói mãi đến những năm ba
mươi của thế kỉ XX loại chữ viết này mới được phổ biến rộng rãi trong đại bộ phận người dân. Bên
cạnh đó, thì việc ngành in ấn và xuất bản ra đời trong thời kì này đã góp phần tạo nên nhiều thuận lợi
để nhiều tác phẩm văn học hay của phương Tây đến được với đông đảo người Việt. Thay vì trước kia
chỉ đọc thơ của Lí Bạch, Đỗ Phủ, tiểu thuyết chương hồi của La Quán Trung, Tào Tuyết Cần thì nay
người ta bắt đầu đọc thơ của Musset, Vigny, Lamáctin, đọc tiểu thuyết của Huygô, Balzắc và phát hiện
ra sự gần gũi giữa những tác phẩm văn học này với những thứ trong đời sống thường ngày. Nhiều nhà
văn nước ta đã tập thể hiện theo câu văn của các nhà văn Pháp, Nga nhưng ban đầu gần như chỉ là sự
dịch lại bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, dần dần câu văn xuôi tiếng Việt cũng đã trở nên gần gũi với ngôn
ngữ đời sống hàng ngày của người Việt hơn, mềm mại và uyển chuyển hơn.
Trong những năm 1930, bên cạnh sự phát triển của câu văn xuôi tiếng Việt thì việc xác lập quan
niệm về thể loại tiểu thuyết theo quan niệm phương Tây trong giới nghiên cứu, sáng tác văn học Việt
Nam cũng là một trong những tiền đề cho sự hình thành tiểu thuyết phong tục. Trong Phê bình và cảo
luận, Thiếu Sơn đã khẳng định: “cái tiểu thuyết nó được ta đọc tới cũng phải tả sự thật, cho sự thật
phá ra cái tư tưởng cao thâm mà nảy ra những cảm giác về nhân sinh, nhân loại (…) Tả đủ sự thực,
tức là cách vật trí tri. Ta có thể coi đấy mà biết rõ được nhân tình thế thái, gần ra thì ở cái xã hội của
ta, xa ra thì ở cái phong tục của xứ người, mà cốt nhất là biết rõ được cái bản sắc của nhân loại” [80,
tr. 62-63], hay trên báo Ngày nay số ra ngày 23/9/1939, Khái Hưng cũng cho rằng: “Tiểu thuyết phải
gần đời, phải là đời với những lúc sướng lúc khổ, phải có những cái nhỏ nhen, tầm thường, cao thượng
của đời, phải có những cái đáng thương, những cái buồn cười, những cái bực tức” [80, tr. 76], nhà thơ
Lưu Trọng Lư lại muốn tiểu thuyết là “một cuộc đời với tất cả những điều vụn vặt, những sự phiền
toái, với tất cả những sự lộn xộn của nó” [80, tr. 95-99] … Tất cả đã có ý nghĩa định hướng cho những
người cầm bút lúc này. Đa số các nhà văn đều xác định mục đích viết tiểu thuyết là để “chỉ rõ những
sự nào mà đoàn thể ta nên bắt chước, những đoạn nào mà đồng bào ta nên xa chừa”, là “muốn tập rèn
cái nết tốt cho đoàn thể quốc dân, cho đoàn thể quốc dân mình biết cái luân lí Việt Nam là tốt đẹp, cái
phong hóa ở nước mình là hoàn hảo, kẻo để bấy lâu nay, hạng nam giới nữ giới nước ta, hễ có mùi
Tây học thì đem lòng chê bai khinh rẻ nền luân lý và phong hóa nước mình” (Dẫn theo Nguyễn Kim
Anh (chủ biên), Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nhà xuất bản Đại học quốc gia thành
phố Hồ Chí Minh, tr. 73-74). Do đó, có thể nói ở Việt Nam những tiểu thuyết ra đời vào thời kì đầu thế
kỉ XX tuy còn mang tính chất giáo huấn luân lí nhưng xét ở một góc độ nào đấy những tiểu thuyết này
vẫn được xem như là sự chuẩn bị về đề tài cho sự ra đời của những tiểu thuyết phong tục giai đoạn
1930 – 1945.
Mặc dù vậy, điều kiện gần gũi hơn đối với sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết phong tục
Việt Nam phải kể đến sự có mặt của tiểu thuyết Pháp lúc bấy giờ. Đặc biệt là sáng tác của hai nhà văn
Huygô và Balzắc – hai nhà văn có nhiều sáng tác viết về phong tục. Ngoài ra, cuộc thi viết tiểu thuyết
do tờ báo Nông cổ mín đàm phát động: “Trong cuộc đời phải đem hết các việc quan hôn, tang chế,
thầy thuốc, thầy chùa, thầy pháp vân vân. Tốt khen, xấu chê. Phải có cang thường, luân lý, nhơn
duyên, thiện ác” [80, tr. 24] cũng đã tác động nhiều đến cách nghĩ, cách viết của nhà văn. Tóm lại,
trong lịch sử văn học Việt Nam tuy đây không phải là lần đầu tiên vấn đề về phong tục tập quán, văn
hóa nước nhà được các nhà văn quan tâm nhưng dường như đây chính là lần đầu tiên nó được nhiều
người quan tâm hơn hết.
Trở lên chúng ta có thể thấy rằng sự có mặt và phát triển của thể tài tiểu thuyết phong tục ở Việt
Nam những năm 1930 – 1945 là một điều tất yếu và đã được chuẩn bị kĩ càng từ trước. Đến đây, chúng
tôi sẽ chuyển sang trình bày một cái nhìn toàn cảnh, khái quát làm tiền đề đi vào tìm hiểu đề tài phong
tục Việt Nam trong sáng tác của các nhà văn Tự lực văn đoàn.
1.2.2. Diện mạo của tiểu thuyết phong tục 1930 – 1945
Đầu thế kỷ XX một số tiểu thuyết viết về đề tài phong tục bắt đầu xuất hiện trên văn đàn văn
học Việt Nam. Tuy nhiên, ban đầu những tác phẩm mới chỉ là cho thấy niềm trăn trở của nhà văn về sự
đổi thay của phong tục, văn hóa xã hội nước nhà như: Ai làm được (1912), Tiền bạc bạc tiền của Hồ
Biểu Chánh, Hiếu nghĩa vẹn hai (1923) của Phạm Minh Kiên, Tài mạng tương đố (1927) của Nguyễn
Chánh Sắt, … Lúc này trước sức cám dỗ mạnh mẽ của tiền tài danh vọng, lối sống đạo đức tốt đẹp bấy
lâu có nguy cơ bị con người đánh mất. Người viết tiểu thuyết thông qua tác phẩm đã lên tiếng cảnh báo
về tình trạng băng hoại của xã hội. Nhưng đến những năm 1930 – 1945, thì nội dung của tiểu thuyết
phong tục không chỉ dừng ở các vấn đề phong hóa. Đề tài phong tục đã được mở rộng từ gia đình ra
ngoài thôn xã, từ một cá nhân ra đến toàn thể cộng đồng, từ trẻ nhỏ đến người già, từ thành thị đến
nông thôn, từ người giàu đến người nghèo … Tình yêu nam nữ, tình chồng vợ, vợ cả vợ lẽ, con dâu -
gia đình chồng, cân đai áo mão, lệ khao vọng, mua nhiêu mua xã, đầu óc mê tín dị đoan, … là những
vấn đề được đa số nhà văn quan tâm. Và số lượng tiểu thuyết viết về phong tục ra đời nhiều trong giai
đoạn này cũng đã góp phần tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về văn hóa xã hội Việt Nam những năm
1930 – 1945.
Về đội ngũ sáng tác, bên cạnh những cây bút trẻ mới xuất hiện thì nhiều cây bút trước đây
chuyên viết về luân lý, ái tình, … nay cũng chuyển sang khai thác mảnh đất phong tục. Các nhà văn dù
sở trường thiên về hiện thực (Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Mạnh Phú Tư …), hay lãng mạn (Nhất
Linh, Khái Hưng, …), trong giai đoạn 1930 – 1945 đều có tác phẩm viết về phong tục. Số lượng tác
giả, tác phẩm thuộc thể tài tiểu thuyết phong tục ra đời tăng một cách đáng kể: Gia đình (1936), Thừa
tự (1938) của Khái Hưng, Con trâu (1938), Chồng con (1941) của Trần Tiêu, Cái thủ lợn (1939), Nợ
nần (1940) của Nguyễn Công Hoan, Dã tràng (1939) của Thiết Can, Lều chõng (1939), Tắt đèn (1939)
của Ngô Tất Tố, Làm lẽ (1939), Gây dựng (1941), Sống nhờ (1942), Nhạt tình (1942) của Mạnh Phú
Tư, Đứa con (1941) của Đỗ Đức Thu, Thằng cu So (1941) của Nguyễn Đức Quỳnh, Quê người (1941)
của Tô Hoài, Dưới đồng sâu (1942) của Phi Vân, Một chuỗi cười (1940), Khao (1945) của Đồ Phồn,
Bút nghiên (1942), Nhà nho (1943) của Chu Thiên …
Cụ thể hơn, năm 1933, Khái Hưng mới xuất hiện trong làng văn nhưng ông lại là nhà văn được
Vũ Ngọc Phan nhắc đến trước tiên trong danh mục các nhà tiểu thuyết phong tục. Số lượng tác phẩm
viết về đề tài phong tục của nhà văn này tuy không nhiều nhưng theo Vũ Ngọc Phan đây “là loại ông
có nhiều đặc sắc nhất” [85, tr. 756]. Nửa chừng xuân (1934), Gia đình (1936), Thoát ly (1937) được
xem là những tác phẩm tiêu biểu cho thái độ chiêm nghiệm của nhà văn về các vấn đề phong tục.
Trong tác phẩm của mình, Khái Hưng tập trung phản ánh một cách cụ thể các quan niệm về hôn nhân
gia đình, tư tưởng năm thê bảy thiếp, trọng nam khinh nữ, … đang tồn tại trong xã hội Việt Nam
những năm 1930. Tiểu thuyết phong tục của ông do đó có thể nói là đã phản ánh được hàng loạt mâu
thuẫn đang xảy ra giữa hai thế hệ cũ – mới cùng sự chi phối của phong tục trong cuộc sống hàng ngày
của con người.
Cùng chung hệ đề tài với Khái Hưng, năm 1940 - 1942 các tiểu thuyết Làm lẽ, Nhạt tình được
Mạnh Phú Tư cho ra đời đã miêu tả kiếp chồng chung của những người phụ nữ Việt Nam. Hai trường
hợp làm lẽ của người phụ nữ được Mạnh Phú Tư miêu tả trong Làm lẽ và Nhạt tình tuy có khác nhau,
một bên người vợ lẽ bị đối xử như tôi tớ, một bên lại được yêu thương chìu chuộng, nhưng qua tác
phẩm của ông chúng ta nhận thấy rằng tình yêu không chấp nhận bất cứ sự sẻ chia nào. Cả hai tiểu
thuyết của Mạnh Phú Tư đều đã có chung một kết cục là cảnh gia đình tan nát, hạnh phúc vợ chồng
không trọn vẹn. Tuy cách miêu tả của nhà văn còn đôi chỗ dễ dãi nhưng điều đáng quý là ông đã giúp
người đọc thấy được điều tệ hại của tục đa thê đang gây ra đối với mỗi gia đình người Việt.
Ở một tiểu thuyết khác – tiểu thuyết Gây dựng, Mạnh Phú Tư lại viết về bà Cang. Người mẹ này
rất yêu những đứa con của mình. Bà luôn muốn gây dựng cho con một mái ấm gia đình. Dù đã hết sức
cân nhắc khi lựa chọn người để dựng vợ gả chồng cho con nhưng chọn người này xong bà lại so sánh
hơn kém với người khác để rồi lại không vừa ý. Con bà lại là những đứa chỉ biết sống theo ý mẹ nên bà
Cang mặc sức bảo chúng cư xử theo những điều bà sắp đặt sẵn. Bà Cang không phải không biết việc
làm của bà đã gây đau khổ cho bao người xung quanh. Lương tâm bà cũng có lúc dằn xé nhưng lòng
ích kỉ của một người mẹ lại lớn hơn. Với giọng văn khi hài hước, khi đau đớn, chua cay, lúc lại đầy
thương cảm, ngòi bút của Mạnh Phú Tư đã ghi lại chân thật hình ảnh của một người mẹ suốt đời chỉ
biết đến hạnh phúc của con mình để rồi thành ra người độc đoán, tàn nhẫn. Vậy là nhà nghiên cứu Vũ
Ngọc Phan đã dựa trên nội dung phản ánh của tiểu thuyết Mạnh Phú Tư, để có thể đi đến nhận định
rằng: “Điều rõ rệt nhất là hết thảy tiểu thuyết của ông (Mạnh Phú Tư – P.T.M.T) đều là tiểu thuyết
phong tục và có tính chất Việt Nam đặc biệt” [83, tr. 805].
Còn Nguyễn Công Hoan, nhà văn này bước vào nghề văn từ những năm hai mươi của thế kỉ
trước. Ban đầu ông thử bút với thể truyện ngắn như Báo hiếu trả nghĩa cha, Báo hiếu trả nghĩa mẹ,
Tinh thần thể dục, Đồng hào có ma, Kép Tư Bền, Cụ Chánh bá mất giày, … Bước sang giai đoạn 1930
– 1945, nhà văn này lại lấn sang cả thể tiểu thuyết viết về mảng đề tài phong tục. Nguyễn Công Hoan
đã cho ra đời đều đặn các tác phẩm như: Cô giáo Minh (1935), Lá ngọc cành vàng (1935), Cái thủ lợn
(1939), Nợ nần (1940). Tuy nhiên, do là cây bút sở trường về truyện ngắn nên lúc vừa đến với mảnh
đất mới này, Nguyễn Công Hoan có phần chưa thành thạo. Tìm hiểu Cô giáo Minh, người đọc cảm
thấy mỏi mệt với lối sống theo kiểu đối phó của nhân vật trung tâm. Sang Lá ngọc cành vàng nhà văn
lại mang đến cho người đọc cảm giác nặng nề với những lời giáo huấn về đạo lý của ông Phủ, cách
hành xử yếu ớt trước tính cách gia trưởng của ông Than, và đặc biệt là không khí buồn bã tẻ nhạt bao
quanh cuộc đời cô Nga. Thế nhưng, đến Cái thủ lợn, Nguyễn Công Hoan đã dẫn người đọc tham dự
vào những buổi tiệc khao vọng náo nhiệt, những cuộc đấu lý gay cấn, căng thẳng ở đình làng. Nhà văn
không còn ép mình giúp nhân vật tìm cách giải quyết những vấn đề do nhân vật tự tạo ra.
Trong khi ấy thì Ngô Tất Tố viết Tắt đèn (1939) và Việc làng (1940) cố gắng ghi lại hình ảnh
của cả một thời đại. Trong Tắt đèn, nhà văn điểm mặt từ anh mõ, tên lính lệ, đến bác xã, bác lý, quan
huyện; từ dân đen mê muội đến bọn giàu có keo kiệt, tàn ác … Nói chung, tác phẩm là hình ảnh về cả
một xã hội nông thôn Việt Nam. Một xã hội đang chìm trong đêm tối. Đến Lều chõng, ông lại tái hiện
được một sự thật nhố nhăng về chế độ khoa cử. Còn Chu Thiên với tiểu thuyết Nhà Nho đã khắc họa
được chân thật hình ảnh của cả thế hệ nhà nho. Đó là những con người coi tình bằng hữu nặng như tình
anh em, đạo thầy trò sâu thẳm như đạo cha con …
Như vậy, có thể nói, sự góp mặt đông đủ của các cây bút hiện thực và lãng mạn là một trong
những điều kiện giúp cho tiểu thuyết phong tục Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 có được nội dung
phong phú và sâu sắc. Các nhà văn lúc này đã nhìn nhận về phong tục trong nhiều mối quan hệ hơn so
với giai đoạn mới xuất hiện: quan hệ giữa thuần phong mỹ tục và nét đẹp trong đời sống sinh hoạt
(Con trâu, Nhà Nho), mỹ tục với vấn đề đạo đức con người (Nửa chừng xuân, Chồng con), hủ tục với
hạnh phúc cá nhân (Lạnh lùng, Làm lẽ), hủ tục và sự tha hóa con người (Khao, Cái thủ lợn), hủ tục và
sự nhân danh của con người (Thừa tự), … Không những thế, trong lịch trình tiến triển từ 1930 đến
1945, các nhà văn của chúng ta đã đi từ tác phong của một nhà luân lý, nhà đạo đức, nhà chính trị, nhà
xã hội sang một nhà tiểu thuyết phong tục thuần túy. Thái độ sáng tác cũng chuyển từ chủ quan sang
khách quan nghiêm khắc, vô tư. Nghệ thuật thể hiện trong những tiểu thuyết thuộc thể tài này vì vậy
cũng trở nên đa dạng hơn. Có nhà văn đặt thẳng vấn đề ngay từ tên tác phẩm như Khao, Thừa tự, Làm
lẽ. Có nhà văn lại dùng hình tượng như Cái thủ lợn, Con trâu. Có tác phẩm kết thúc vấn đề theo chủ
quan như Đoạn tuyệt, Gia đình. Và cũng có tác phẩm lại tuân thủ theo logích đời sống như Nhạt tình,
Lều chõng. Cảm hứng phong tục, tóm lại, là cảm hứng chung của cả hai trào lưu văn học lãng mạn và
hiện thực.
Như vậy, ở Việt Nam những tác phẩm chính thức được gọi là tiểu thuyết phong tục chỉ đến giai
đoạn 1930 – 1945 mới thật sự ra đời. Trong lịch sử văn học Việt Nam, đây là một giai đoạn văn học có
hàng loạt nhà văn từ thế hệ cũ cho đến thế hệ mới, từ lãng mạn cho đến hiện thực đều dành sự quan
tâm đến vấn đề phong tục tập quán, văn hóa nước nhà. Thể tài tiểu thuyết phong tục do đó có thể nói
đã đạt thành tựu trên cả hai phương diện số lượng lẫn chất lượng tác phẩm. Nội dung phong tục không
còn gói gọn trong chuyện về tình yêu nam nữ như Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), hay Nho phong (Nhất
Linh). Từ những vấn đề trong gia đình – Gia đình (Khái Hưng) đến vấn đề ở thôn xã – Con trâu,
Chồng con (Trần Tiêu), từ người nghèo – Cái thủ lợn (Nguyễn Công Hoan) đến người giàu – Lá ngọc
cành vàng (Nguyễn Công Hoan), nào quan hệ cha con – Nửa chừng xuân (Khái Hưng), quan hệ vợ
chồng – Lạnh lùng, Đoạn tuyệt (Nhất Linh), vợ cả vợ lẽ - Thoát ly (Khái Hưng), Làm lẽ (Mạnh Phú
Tư), nạn khoa trường – Lều chõng (Ngô Tất Tố), … đều được các nhà văn phản ánh với cảm hứng phê
phán mạnh mẽ. Bằng nhiều kiểu cười, Nguyễn Công Hoan, Đồ Phồn đã phơi bày ra giữa thanh thiên
bạch nhật tính chất giết người không dao của lệ khao vọng ở vùng nông thôn Bắc bộ Việt Nam, bộ mặt
thật của chức tiên chỉ làng, Phi Vân lại chỉ ra sự mê muội trước những phép thuật của những người dân
quê, … Dường như các nhà sáng tác tiểu thuyết phong tục trong giai đoạn 1930 – 1945 đang làm một
cuộc thanh lọc những sinh hoạt đời thường của con người. Có tác phẩm ngợi ca đức hạnh cao quý của
người phụ nữ Việt Nam – bà lý Bổng (Chồng con), nét đẹp văn hóa làng xã trong ngày tết cổ truyền
của dân tộc – làng Cầm (Con trâu), … Có một số tác phẩm lại đấu tranh nhằm loại trừ những biểu hiện
lỗi thời lạc hậu như lối sống gia trưởng độc đoán – ông Phủ (Lá ngọc cành vàng), ích kỷ - bà Cang
(Gây dựng), nhẫn nhục – bà Sinh (Nhạt tình), … Chỉ riêng khi đứng trước những biểu hiện thuộc về
đời sống tinh thần, thái độ nhà văn có phần dè dặt hơn. Đa số các tác phẩm khi đề cập đến những vấn
đề này thường dừng ở cảm hứng “tái hiện” như ở tiểu thuyết Con trâu, Chồng con chẳng hạn.
Ở một khía cạnh khác, người nghiên cứu tiểu thuyết phong tục giai đoạn 1930 -1945 cũng đã
thừa nhận rằng nhân vật trong những tiểu thuyết phong tục giai đoạn này chủ yếu được tập trung miêu
tả kỹ lưỡng về lời nói và hành động trong mối quan hệ với hiện thực xung quanh. Từ đầu đến cuối tiểu
thuyết Con trâu, Trần Tiêu không để bác xã Chính có một không gian suy nghĩ riêng. Chưa có chức,
bác đầu tắt mặt tối ngoài ruộng kiếm miếng cơm manh áo. Đến khi mua được chức xã, bác xã Chính lại
bận bịu hơn. Lo xong việc đồng án, bác phải lo đến việc thôn việc làng. Nhà văn cũng không khai thác
những diễn biến phức tạp trong đời sống nội tâm của nhân vật mà chỉ thông qua việc miêu tả những
cuộc tiếp xúc giữa các kiểu nhân vật mới – cũ để trình bày hiện thực dưới nhiều góc độ, trong nhiều
mối quan hệ mà thôi.
Tóm lại, tiểu thuyết phong tục ở Việt Nam ra đời không phải là hiện tượng tự phát mà được
chuẩn bị từ khá lâu. Buổi đầu của nó là những tác phẩm phản ánh tâm lý xã hội. Sau đó, hoàn cảnh
nhiều biến động của xã hội đầu thế kỷ XX, nội dung của cuộc thi tiểu thuyết do báo Nông cổ mín đàm
phát động ngày 23/06/1906 đã tạo thuận lợi cho sự hình thành thể tài tiểu thuyết viết về phong tục. Rồi
cùng với thời gian, với những đổi thay của cuộc sống thể tài tiểu thuyết phong tục dần dần được định
hình. Và cho đến những năm 1930 -1945, nó đã là một trong những thể tài phát triển của văn học Việt
Nam. Những tác phẩm thuộc thể tài này góp phần làm nên một bức tranh phong tục Việt trong một thời
kì lịch sử thật đầy đủ và sinh động. Đồng thời, những thành tựu về nghệ thuật thể hiện của nó cũng đã
khẳng định thêm một bước tiến cho nền văn học hiện đại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong những năm 1930 -1945, tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết phong tục nói
riêng vẫn còn là một thể văn rất mới. Việc có ít nhiều hạn chế trong khi xây dựng cốt truyện, nhân vật,
… cũng là điều dễ chấp nhận. Nhà tiểu thuyết phong tục vì tập trung tái hiện hiện thực đã lơ là trong
việc kiến thiết các yếu tố. Tác phẩm thường có cốt truyện lỏng lẻo, rời rạc. Nhân vật kém đa dạng và
thiếu cá tính do đó dễ trở nên mờ nhạt. Điều đáng quý ở đây là khi mới xuất hiện tiểu thuyết phong tục
Việt Nam chỉ đề cập đến các vấn đề phong tục trong phạm vi gia đình nhưng sau đó thể tài này đã mở
rộng đề tài khảo sát sang cả phong tục xã hội, phong tục tôn giáo. Không gian phong tục do đó cũng
được mở rộng từ gia đình ra làng xã, từ nông thôn đến thành thị. Các vấn đề phong tục được._.ng điệu câu văn trong đoạn trên
thật linh họat nhịp nhàng. Lúc trầm lúc bổng, lúc trữ tình lúc lại như đang lập luận với ai. Nhung day
dứt hay chính Nhất Linh đang day dứt để rồi đi đến lý luận bảo vệ Nhung “có gì mà”, “vả lại”? Có lẽ
là cả hai?! Nhung day dứt vì nàng không muốn sống lừa dối mà lại phải lừa dối. Còn Nhất Linh, ông
càng day dứt hơn. Ông yêu thương Nhung nhưng không làm gì được cho nàng. Ông đành phải chứng
kiến nàng trong tình trạng bị lương tâm dằn xé với một tấm lòng cảm thông sâu sắc.
Có thể là lời lẽ tha thiết, chan chứa yêu thương; có thể xen kẻ giữa lý luận và trữ tình để bảo vệ
nhân vật nhưng chủ âm của giọng điệu cảm thông chia sẻ trong tác phẩm của các nhà văn lãng mạn
vẫn là những thanh âm trong trẻo, nhẹ nhàng. Điều này khác so với giọng cảm thông của những nhà
văn hiện thực:
Hạnh buông màn nằm thao thức nghe ngóng từng tiếng động nhỏ ngoài cửa. Chợt có cơn gió
nổi lên lao xao ngoài vườn chuối. Một con đom đóm bay tọt qua lỗ cửa vào trong nhà lượn đi lượn lại
rồi đậu ngay vào màn Hạnh. Hạnh kéo khăn trùm kín đầu. Hạnh không rõ đom đóm bay vào nhà là
lành hay dữ? Ý nghĩ về con đom đóm cứ ám ảnh mãi trong giấc ngủ chập chờn [52, tr. 282].
Cũng là chia sẻ nhưng hãy đọc to đoạn văn trên, chúng ta sẽ nhận ra rằng nó không có được âm
điệu nhẹ nhàng, trữ tình, man mác thấm sâu lòng người như lời sẻ chia, như lời bầu bạn. So với các nhà
văn lãng mạn, giọng cảm thông của các nhà văn hiện thực thường biểu hiện ra bằng những âm trầm và
đục. Nhà văn viết từng câu rất ngắn, nhịp văn rất chậm rãi.
Bên cạnh giọng cảm thông chia sẻ, trong khi trình bày bức tranh phong tục, ta thấy ở các nhà
văn Tự lực văn đoàn còn nổi lên rất rõ giọng lên án, phê phán. Đây là giọng điệu thường gặp nhất khi
nội dung phản ánh của tác phẩm xoay quanh lối sống cổ hủ, lợi dụng vào phong tục để trục lợi cho bản
thân. Trong sáng tác của mình, các nhà văn Tự lực văn đoàn không sử dụng những thanh âm cao,
không đả kích hay chê bai như những nhà tiểu thuyết xã hội. Vì nếu như thế “chất phong tục” của tác
phẩm sẽ bị phá vỡ. Muốn tố cáo lên án, người kể chuyện trong tiểu thuyết phong tục thường dùng đến
một cách kể từ tốn rồi xen vào đấy các câu phân tích bình phẩm, các câu văn tả. Từ ngữ được lựa chọn
đồng thời cũng phải có tính hình tượng cao.
Những câu chuyện của bọn này có phần quan hệ trịnh trọng hơn. Họ tiếc thời xưa, phàn nàn
thời buổi dở dang này. Họ nói: thời họ còn làm việc làng có nhiều mỹ tục. Thí dụ như đời bố mà không
bầu xã, bầu nhiêu thì con dẫu có thiên ức vạn lai cũng chẳng cất đầu lên được. “Thời nay thì úi chao!
Động có của là lý nọ khán kia rối xòe, chẳng cần đếm xĩa đến dòng dõi ông cha. Con thằng bạch đinh
mà có tiền, cũng có thể nhảy lên làm ông lý. Như - đến đây các cụ hạ giọng nói rất khẽ - lão cán Cẩn
với con hắn. Rồi chẳng khỏi đến cháu chắt hắn. Thế mà khi xưa ông cha chẳng bầu bán gì cả, suốt đời
chỉ đi gồng đi gánh, chẳng hơn gì thằng mõ!”.
Thực ra thì các cụ ghen tị mà nói thế thôi, chứ thời nay cũng không khác xưa mấy. Cán Cẩn và
con hắn ngóc đầu lên được cũng vì các cụ, vì các cụ muốn có tiền bỏ túi lại muốn có cổ, có phần. Vả
lại tuy hắn, con hắn có ngôi thứ hẳn hoi, các cụ vẫn rẻ rúng, vẫn xúm lại mà bắt nạt.
Những câu chuyện đương nồng nàn từ trên chí dưới bỗng im bặt và mặt ông nào ông nấy bỗng
hiện vẻ nghiêm trang và bước đi của ông đại bỗng trở lại chậm chạp, trịnh trọng, dõng dạc như lúc
mới ở đình bước ra [103, tr. 622].
Đoạn văn của Trần Tiêu thuật lại diễn biến trên đường đi từ đình làng đến nhà ông thủ chỉ.
Đoạn văn dẫu chỉ ghi chép lại những câu chuyện được nói giữa đường nhưng nội dung những câu
chuyện là việc làng việc giáp. Hơn nữa, những nhân vật góp chuyện lại là các cụ có vai vế cả, sao Trần
Tiêu lại sử dụng nhiều từ ngữ lạ lùng thế? Nào “cất đầu”, “động có của là lý nọ, khán kia”, “rối xòe”,
“đếm xỉa”, “nhảy lên”, “bầu bán”, “ghen tị”, “ngóc đầu”, “xúm nhau” rồi “dẫu có cũng chẳng”,
“đương bỗng” … kết hợp với câu văn phân tích “ thực ra thì … bắt nạt”. Tất cả được nhà văn sắp xếp
đâu vào đấy để thành một đội quân từ ngữ. Và thế là cả một sự thật không ra gì của bộ máy lý dịch ở
nông thôn xưa và nay, và cả tính ngấm ngầm đố kỵ ghen ghét nhưng chỉ giỏi nói sau lưng của các cụ
“đến đây các cụ hạ giọng, nói rất khẽ” đều không thể che đậy được nữa.
So với giọng lên án của Trần Tiêu, giọng lên án của Nhất Linh có phần “đanh thép” hơn:
Chính bà mẹ chồng đã giết chết cháu bà mà không biết. Bà còn đổ lỗi cho thị Loan cái tội giết
con! Đến nay, bà đổ cho thị Loan cái tội giết chồng, nhưng bà có biết đâu, con bà chết là lỗi ở bà, lỗi
ở luân lý trái mùa và quá ư nghiêm ngặt kia. Người có tội chính là bà mẹ chồng thị Loan và cái luân lý
cổ hủ kia. Nhưng nếu vượt lên trên và nghĩ rộng ra, không kể đến cá nhân nữa, thì bao nhiêu những
việc xảy ra không phải lỗi ở người nào cả, mà là lỗi ở sự xung đột hiện thời đương khốc liệt của hai
cái mới, cũ [101, tr. 110].
Nhà văn đã lên án quá khéo léo. Ông mượn lời trạng sư để tố cáo cái chế độ nô lệ đang tồn tại
trong mỗi gia đình người Việt. Câu văn được tổ chức chặt chẽ, rõ ràng dễ hiểu. Lập luận sắc bén. Thái
độ người phát ngôn có sự phân định yêu ghét rạch ròi, công kích trực diện vào đối tượng: “chính là”,
“không phải”. Tác phẩm đã có sức phê phán tố cáo mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có lẽ đây lại
chính là một trong những nguyên nhân để Vũ Ngọc Phan xếp tiểu thuyết của Nhất Linh vào loại tiểu
thuyết luận đề: “Có mấy tập tiểu thuyết của ông (Nhất Linh – PTMT) là những truyện dựng theo một
luận đề. Đọc những truyện ấy người ta có cái cảm tưởng: xấu xa như thế này đây và cần phải sửa đổi
như thế này” [26, tr. 273].
Đa số các nhà văn khi viết về hủ tục, đặc biệt là những hủ tục thuộc về đời sống tâm linh, còn
thường hay dùng đến giọng điệu hoạt kê. So với giọng lên án, giọng hoạt kê có khả năng làm cho vấn
đề giảm bớt tính căng thẳng, tác giả tránh được phần nào những “va chạm” không cần thiết. Hay nói
theo cách của M. M. Bakhtin trong công trình nghiên cứu về Sáng tác của Francois Rabelais và nền
văn hóa dân gian trung cổ và phục hưng thì giọng điệu hoạt kê được sử dụng trong tiểu thuyết phong
tục là nhằm để “giải thiêng”:
Xã Chính đánh một hồi ba tiếng. Dứt tiếng thứ ba, tám anh ghé vai, nhắc bổng kiệu lên rất đều
đặn, ngay ngắn vì các anh khiêng kiệu nhiều lần nên đã thạo lắm. Trống cà rùng, trống cái, trống con,
bát âm nổi dịp. Rồi tiếng loa giục, tiếng tù và inh ỏi.
Nhưng kiệu ngài đến cổng liền dừng lại không chịu nhúc nhích. Ông lý Hiểu tạm lĩnh chức đại
bái và các cụ xúm lại khấn khứa mãi, ngài nể lời mới chịu đi cho. Đi được mươi bước, ngài bắt đầu
bay, bay mãi. Các cụ xoắn tay áo thụng lên tận khuỷu, chạy theo kiểu đàn vịt, hai dãi mũ bay tỏa ra
đằng sau như đôi cương ngựa. Xã Chính quên cả lùi chạy bán sống bán chết, đứt cả guốc mà không
dám trở lại nhặt.
Ngài bay thẳng vào đình thôn hạ, đứng lại hồi lâu ở sân đình cho các kỳ hào “văn vũ” đến lễ
khấn đầu, rồi ngài lại bay vào đình thôn Thượng, thôn Tiền. Khác các thánh, ngài bay cả vào thôn
Trung. Rồi ngài xoay, ngài lùi, ngài phi. Mỗi lần ngài làm dữ quá, các cụ lại phải xúm lại cầu khấn”
[103, tr. 668].
Cũng cờ, cũng trống, cũng kiệu, cũng khăn đóng áo dài đón rước đức ông nhưng trước mắt
người đọc không phải khung cảnh của một nghi thức lễ. Tất cả hình ảnh ở đây hiện ra như “một hoạt
cảnh”. Kiệu thì được “nhắc bổng”, lúc “không chịu nhúc nhích” lúc lại “bay, bay mãi”. Hết “xoay” rồi
lại “lùi”, lại “phi”. Chưa đủ. Còn thêm hình ảnh của các cụ với áo thụng, tay xoắn đến tận khuỷu lúp
xúp chạy theo. Xã Chính đứt cả guốc mà không dám quay nhặt … Trần Tiêu đã có mặt trong buổi lễ
cầu đảo. Nhưng vị trí quan sát của nhà văn không giống với dân làng. Ông chếch điểm này nhìn một
chút, dịch sang điểm kia vài phân. Tức thì hình ảnh buổi lễ trở nên hết sức ngộ nghĩnh. Ông đã phá tan
làn sương huyền ảo vẫn bao bọc bấy lâu và mọi thứ tưởng như rất trang nghiêm kia nay đã được miêu
tả lại với một thái độ hài hước và dí dỏm. Nhưng các cụ không ai có thể bắt bẻ ông. Phê phán như nhà
văn quả thật là rất khôn ngoan và khéo léo. Nụ cười của ông không phải là nụ cười của một người dễ
dãi vui tính hay thâm độc bí hiểm. Cũng như Hồ Xuân Hương, tiếng cười của Trần Tiêu là tiếng cười
đầy tính chất “canavan” – tiếng cười giải thiêng, tiếng cười kéo xuống.
Ngoài phương thức canavan hóa của Trần Tiêu, trong tác phẩm của hai nhà tiểu thuyết Nhất
Linh và Khái Hưng, giọng điệu hoạt kê còn được vang lên từ những tình tiết bất ngờ, thú vị. Người đọc
Thừa tự (Khái Hưng) vốn đã biết bà ba là người có tính keo kiệt và đầy mưu mô ngay từ đầu. Nhưng
cũng không thể ngờ rằng vì không thể để mất món hồi môn cho con gái, bà có thể giả vờ khóc chồng.
Bà khóc lóc, và kể lể nhiều quá đến ngất xỉu. Thế là Cúc và Phan không thể vào lạy bà. Bà không nhận
lễ được tức bà cũng không mừng con được. Tài sản kếch sù của bà đã không phải hao mòn vì con. Vậy
mà mỉa mai thay khi chứng kiến cảnh ấy ai nấy đều nghĩ thật lòng bà ba đang thương nhớ đến người
quá cố!
So với những tiểu thuyết phong tục của các nhà văn khác, nhìn chung giọng điệu hoạt kê của
tiểu thuyết Nhất Linh, Khái Hưng và Trần Tiêu không mang âm vang ầm ĩ, không gây ồn ào náo nhiệt.
Nó không phải là tiếng cười trào lộng như tiếng cười của Nguyễn Công Hoan trong Cái thủ lợn:
Tức thì năm khách ăn, cùng một lượt, chấm đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ vào nước đựng
trong chậu thau đầu bé và nông như chiếc đĩa tây, để cọ vào nhau và quệt lên hai mép nhờn bóng. Họ
rửa xong, người rút vuông vải bằng màu nước dưa giắt ở thắt lưng, người kéo thứ khăn dự khuyết là
vạt áo để chùi mồm. Người không có gì lau thì dùng luật khoa học, bắt tạo hóa phải hầu. Nghĩa là sức
nóng của trời dần dần hút hết nước đi [46, tr. 453].
Hay sảng khoái như tiếng cười họ Vũ:
Cả gia đình ấy đã nhao lên mỗi người một cách, đi gọi từ ông lang băm Tây cho tới ông lang
băm Đông, già và trẻ, để thực hành đúng cái lý thuyết “nhiều thầy thối ma”. Ông cụ già chết, danh dự
của Xuân lại càng tô thêm, vì cái lẽ rất chính đáng là luôn ba hôm nó đã trốn một chỗ nào không ai
biết (…) thiếu thầy đốc tờ Xuân là thiếu tất cả, những ông thầy thuốc chính hiệu đã thất bại hoàn toàn
(…) trong lúc gia đình nhốn nháo, thằng bồi tiêm đã điếm được đúng một nghìn tám trăm bảy mươi
hai câu gắt “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! [11, tr. 179].
Tiếng cười trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn mang một thanh âm lắng đọng, xoáy sâu vào lòng
người. Đó là một tiếng cười đầy ý vị.
Vào thời điểm thể tiểu thuyết vừa mới xuất hiện, để có được một lối diễn đạt gần gũi với lời ăn
tiếng nói hàng ngày đã là cả một một vấn đề. Thế mà tiểu thuyết của các nhà văn Tự lực văn đoàn
ngoài cách diễn đạt tự nhiên còn phong phú về giọng điệu. Mặc dù họ chưa thể tiến đến một tiểu thuyết
“đa thanh” theo quan điểm của Bakhtin nhưng ta vẫn thấy đâu đó trong những tác phẩm của các nhà
văn này có sự thay đổi của nhiều giọng điệu khác nhau. Giọng điệu nhân vật rồi giọng điệu người kể
chuyện; giọng lên án rồi giọng cảm thông chia sẻ, giọng hài hước. Tất cả đều được thể hiện thật linh
hoạt, nhịp nhàng, đầy hấp dẫn và lôi cuốn. Tự lực văn đoàn do đó đã rất xứng đáng với đánh giá khi
được các nhà nghiên cứu, là nhóm văn mở ra một thời đại tiểu thuyết mới ở Việt Nam.
* *
*
Mặc dù với người nghệ sĩ, sáng tạo là để thể hiện một cách nhìn một cách cảm thụ, một thái độ,
một lời đề nghị về cuộc sống. Nhưng trên thực tế, đúng Gi. P. Xactrơ đã có lần nói: “Và một khi tác
phẩm đã hoàn thành, điều làm người đọc chú ý đầu tiên vẫn là cái hình thức mà người ta giả vờ khinh
miệt, cái hình thức mà ý nghĩa của nó người ta không phải lúc nào cũng nói được một cách chính xác
nhưng lại tạo cho người đọc thế giới riêng của tác phẩm” [29, tr. 185]. Trong nghệ thuật, người ta
không chỉ cần tư tưởng mà cần cả hình thức. Một tác phẩm chứa đựng tư tưởng lớn lao nhưng hình
thức thể hiện qua loa đại khái sẽ không thể xem là một tác phẩm có giá trị văn học mà chỉ là một bài
thuyết giáo về tư tưởng. Nội dung tư tưởng phải được chuyển hóa bằng hình tượng nghệ thuật, tình
huống, chi tiết và hiện thực hóa bằng ngôn từ. Nhìn lại quá trình sáng tác của các nhà văn Nhất Linh,
Khái Hưng và Trần Tiêu, chúng ta thấy những hình thức nghệ thuật của họ vừa đảm bảo phù hợp với
yêu cầu thể tài, vừa lại thể hiện được dấu ấn sáng tạo riêng. Thế giới họ tạo dựng vì vậy là một thế giới
cụ thể về những cảnh đời, những kiểu người, thế giới của âm thanh, màu sắc, đường nét và hình khối –
một thế giới không thể bị hòa tan vào đại dương của những sáng tác cùng thời.
KẾT LUẬN
Tiểu thuyết phong tục là một thể tài văn học, có nội dung phản ánh xoay quanh những vấn đề
phong tục. Thể tài này xuất hiện và phát triển ở phương Tây từ thế kỷ XVIII, XIX. Sang đầu thế kỷ
XX, nó được du nhập vào Việt Nam. Trong những năm đầu mới đến với mảnh đất giàu truyền thống
thơ ca này, tiểu thuyết phong tục phải bước những bước đi chập chững. Nhưng ba mươi năm sau, tức
từ năm 1930 – 1945, thể tài tiểu thuyết này bắt đầu được phát triển rầm rộ từ Nam chí Bắc. Bất kể là
nhà văn theo khuynh hướng hiện thực hay lãng mạn, mỗi người đều cho ra đời ít nhất một tác phẩm có
nội dung xoay quanh một vấn đề phong tục tập quán nào đó của nước nhà.
Có phong tục miền ngược, có phong tục miền xuôi, có phong tục ở thành thị, cũng có phong tục
nông thôn, phong tục của người Kinh và phong tục của các dân tộc anh em nhưng tất cả những phong
tục này khi đi vào tiểu thuyết đều được quy thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các sáng tác ca
ngợi thuần phong mỹ tục, nhóm thứ hai là nhóm tác phẩm có nội dung phê phán các hủ tục lạc hậu.
Tuy nhiên, với những tiểu thuyết phong tục của Tự lực văn đoàn, chúng ta không thể xếp riêng vào
nhóm nào. Tác phẩm của họ thường phản ánh cả hai – hủ tục và mỹ tục. Trong cùng một tác phẩm, các
nhà văn phong tục Tự lực văn đoàn vừa phê phán lên án lề thói sinh hoạt của lớp người này, vừa bênh
vực cổ vũ cho hành vi, cách ứng xử của những người kia. Qua những tiểu thuyết phong tục của mình,
họ muốn người đọc nhận ra được tính chất cổ hủ, lạc hậu, phi nhân tính của chế độ đại gia đình và sự
lên ngôi của cái mới tiến bộ hơn, văn minh hơn.
Bên cạnh thái độ quan tâm, giải phóng tự do cho mỗi cá nhân, các nhà văn Tự lực văn đoàn
cũng hết sức để ý đến nề nếp sinh hoạt của cộng đồng. Những trang viết về cuộc sống ở nông thôn của
Trần Tiêu đã cố gắng khai thác những phong tục tạo nên sắc thái văn hóa tinh thần của con người ở
đồng bằng Bắc bộ nói riêng và những phong tục có tác động đến tư tưởng và hành động của dân quê
nói chung. Trong chừng mực nhất định nào đó, nhà văn cũng đã cho thấy rõ nguyên nhân sâu xa vì đâu
người nhà quê quanh năm đầu tắt mặt tối mà đói nghèo thì vẫn đói nghèo.
Bên cạnh đó, những tiểu thuyết Tự lực văn đoàn do vừa phản ánh vừa định hướng phong tục
nên hệ thống nhân vật trong tác phẩm của họ bao giờ cũng được chia thành hai tuyến. Tuyến nhân vật
đại diện cho thế lực kìm hãm bảo thủ, chuẩn đắc với tập tục cũ, lạc hậu đặt bên cạnh tuyến nhân vật đại
diện cho thế hệ mới giàu ước mơ và hoài bão. Người kể chuyện lại không đứng từ xa hay tiến đến đồng
hóa với nhân vật mà dừng ở vị trí “tiệm cận”. Với điểm dừng này, nhà văn đã vừa đảm bảo được tính
khách quan vừa đạt đến chiều sâu của sự phản ánh. Ba kiểu không gian – thời gian được họ lựa chọn
cũng là những kiểu không – thời gian có tính phong tục cao nhất: không – thời gian lễ hội, không –
thời gian gia đình và không – thời gian làng xã. Ngoài ra, từ ngữ lại rất giàu màu sắc địa phương, gần
gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Và giọng điệu câu văn linh hoạt cũng là một trong những phương
diện cho thấy bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật văn chương Tự lực văn đoàn.
Tóm lại, nhóm Tự lực văn đoàn là nhóm văn xuất hiện trên văn đàn Việt Nam vào thập kỷ 30
của thế kỷ XX, có mục đích, tôn chỉ sáng tác rõ ràng. Đây là một nhóm tập hợp được nhiều cây bút vừa
trẻ vừa có trình độ. Văn chương Tự lực văn đoàn nhìn chung cũng vướng phải một vài hạn chế. Trong
quá trình sáng tác, đôi khi tính luận đề còn rõ nét, nhân vật xây dựng chưa thật điển hình, hay có lúc
dùng những từ ngữ kiểu cách. Nhưng tất cả những điều này so với những gì họ làm được là không
đáng kể. Chỉ xét riêng mảng tiểu thuyết viết về phong tục, họ đã công khai bày tỏ mối quan tâm và
lòng mong ước trước những vấn đề của hiện thực đời sống xã hội những năm 1930 – 1945. Nhìn vào
nội dung được họ nêu lên, những ai có quan tâm đến xã hội và văn học đều nhận thấy đồng thời với
tinh thần cải cách để theo mới, ở đó còn có một sự kế thừa, tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống
vốn có của dân tộc và những điều này đều rất phù hợp với bối cảnh phát triển chung của xã hội lúc bấy
giờ. Nhiều vấn đề họ đặt ra cho đến hôm nay vẫn còn giá trị. Do đó, cuối cùng, tôi muốn mượn lời
nhận xét của một nhà nghiên cứu mà bản thân rất tâm đắc để kết luận về họ:
“Các nhà văn trên (Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, Lan Khai, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất
Tố, Tô Hoài – PTMT) chỉ cốt tả cái chân tướng của sự vật, tuy có những đối tượng khác nhau nhưng
đều chung một khuynh hướng tả thực. Còn một nhóm văn gia khác cũng tả thực (phong tục, hoạt động
xã hội) nhưng vì đã có sẵn định kiến, nên chú trọng đặc biệt một khía cạnh của xã hội chứ không nhìn
toàn thể như nhóm trước. Dùng những kỹ thuật văn chương sắc bén, họ vạch cho độc giả thấy rõ
nguyên nhân từng tệ đoan trong xã hội, có khi quan niệm được trình bày rõ ràng trong các tiểu thuyết
luận đề, có khi luận đề ẩn hẳn vào trong truyện, nhà văn để cho độc giả tự hiểu thấu qua lời tả. Nhân
sự xung đột giữa cũ mới, các nhà văn – đa số đều là Tây học – không ngần ngại thiên hẳn về phái mới.
Trong các văn gia khuynh hướng cải tạo xã hội, nhóm có chương trình nhất định, có những văn phẩm
có giá trị, đáng tiêu biểu hơn cả là Tự lực văn đoàn” [24, tr. 32].
Rõ ràng tác phẩm văn học không chỉ là một sự bày tỏ, một nỗi cảm thông. Qua tác phẩm, nhà
văn phải mang lại cho bạn đọc đương thời chút gì đó băn khoăn, xao xuyến. Từ những băn khoăn, xao
xuyến đó, bạn đọc sẽ soát lại bản thân, liên hệ qua cuộc sống của những người quen biết, những việc
xảy ra thường ngày được nghe tận tai, thấy tận mắt mà rút ra cho mình cái gì đó để sống có ý nghĩa
hơn. Phong tục chính là một nét của văn hóa. Với một tiểu thuyết phong tục hay, ngoài những điều này
chúng ta còn được hưởng cái sướng của một người làm công tác sưu tầm văn hóa nước nhà. Đóng góp
của tiểu thuyết phong tục của các nhà văn Tự lực văn đoàn là vừa lưu giữ vừa góp phần định hướng
văn hóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân (1986), “Thử nhìn lại văn xuôi mười năm qua”, Tạp chí văn học (1), tr. 14 - 25.
2. Lại Nguyên Ân (1998), Đọc lại người trước, đọc lại người xưa, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
3. Lại Nguyên Ân (2003), Sống với văn học cùng thời, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
4. Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
5. Toan Ánh (1963), “Nhà văn Nhất Linh”, Tạp chí Lành mạnh (83), tr. 1 - 10.
6. Toan Ánh (2005), Phong tục thờ cúng trong gia đình, Nxb Thanh niên, Tp.HCM.
7. Phan Kế Bính (2004), Việt Nam phong tục, Nxb Thanh niên, Tp. HCM.
8. Hồ Biểu Chánh (2005), Tại tôi, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
9. Đỗ Hữu Châu (1999), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
10. Trương Chính (1988), “Vấn đề đánh giá Tự lực văn đoàn”, Tạp chí văn học (3-4), tr. 21 - 30.
11. Nguyễn Đình Chú, Trần Hữu Tá (Chủ biên) (2005), Văn học 11, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
12. Huy Cờ (1998), Phố làng, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
13. Nguyễn Đức Đàn (1958), Mấy ý kiến về Nhất Linh và Khái Hưng – hai nhà văn tiêu biểu của Tự
lực văn đoàn, Nghiên cứu Văn – Sử - Địa (1954 – 1959), Hà Nội.
14. Nguyễn Đức Đàn (1963), “Nhất Linh trên bước đường sáng tác hiện nay”, Tạp chí văn học (1), tr.
61 - 68.
15. Nguyễn Văn Dân (1997), “Dấu ấn phương Tây trong văn học Việt Nam hiện đại vài nhận xét
tổng quan”, Tạp chí văn học (2).
16. Vũ Thị Khánh Dần (1997), “Nhìn nhận về tiểu thuyết của Nhất Linh hơn nửa thế kỉ qua”, Tạp chí
văn học (3), tr. 81 - 86.
17. Chu Xuân Diên (2002), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
18. Đặng Anh Đào (1994), “Tính chất hiện đại của tiểu thuyết”, Tạp chí văn học (2), tr. 17 - 19.
19. Đặng Anh Đào (1994), “Văn học Pháp và sự gặp gỡ với văn học Việt Nam 1930 – 1945”, Tạp chí
văn học (7), tr. 1 - 5.
20. Phan Cự Đệ (1990), Tự lực văn đoàn con người và văn chương, Nxb Văn học, Hà Nội.
21. Phan Cự Đệ (2001), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
22. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác (2001), Văn học Việt Nam (1900– 1945), Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
23. Nguyễn Đăng Điệp (Giới thiệu và tuyển chọn), (2004), Trần Đình Sử tuyển tập – tập 1, Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
24. Nguyễn Đồng (1958),“Tự lực văn đoàn”, Tạp chí Bách khoa (25–26),tr.30-40.
25. Dorothy Brewster, John Burrell (2003), Tiểu thuyết hiện đại (Dương Thanh Bình dịch), Nxb Lao
động, Hà Nội.
26. Hà Minh Đức (2007), Tự lực văn đoàn - trào lưu - tác giả, Nxb Giáo dục, Huế.
27. Lê Tiến Dũng (2003), Giáo trình lý luận văn học (phần tác phẩm văn học), Nxb Đại học quốc gia
Tp.HCM.
28. G.N. Pôxpêlôp (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học – tập 1 (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê
Ngọc Trà dịch), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
29. Gi. P. Xactrơ (1999), Văn học là gì, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
30. Vu Gia (1995), Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
31. Vu Gia (2006), Trần Tiêu – Nhà văn độc đáo của Tự lực văn đoàn, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
32. Chu Giang (Biên soạn) (1997), Tuyển tập Trường Chinh - Về văn hóa và nghệ thuật, tập 1, Nxb
Văn học, Hà Nội.
33. Gulaiep N.A (1982), Lí luận văn học, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
34. Dương Quảng Hàm (1960), Việt Nam văn học sử yếu, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn.
35. Lê Bá Hán (chủ biên) (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
36. Lê Thị Đức Hạnh (1970), “Vấn đề nông dân và cuộc sống nông thôn trong truyện của Nguyễn
Công Hoan trước cách mạng”, Tạp chí văn học (6), tr.45 - 54.
37. Lê Thị Đức Hạnh (1998), “Trần Tiêu và cuộc sống của người nông dân trước cách mạng”, Tạp
chí văn học (2), tr. 11 - 18.
38. Lê Thị Đức Hạnh (1999), Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
39. Nguyễn Văn Hạnh (2004), Chuyện văn chuyện đời, Nxb Giáo dục.
40. Hồ Sĩ Hiệp (sưu tầm và biên soạn) (1997), Khái Hưng, Thạch Lam, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM.
41. Lê Cẩm Hoa (biên soạn) (2000), Nhất Linh con người và tác phẩm, Nxb Văn học, Hà Nội.
42. Nguyễn Công Hoan (1935), Kép Tư Bền, Nhà in Tân Dân.
43. Nguyễn Công Hoan (1997), Cô giáo Minh, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM.
44. Nguyễn Công Hoan (1997), Lá ngọc cành vàng, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM.
45. Nguyễn Công Hoan (1999), Nợ nần, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM.
46. Nguyễn Công Hoan (2002), Cái thủ lợn (in trong Tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan), Nxb Thanh
niên, Hà Nội.
47. Khái Hưng – Nhất Linh (1995), Gánh hàng hoa, Nxb Văn học, Hà Nội.
48. Khái Hưng (1994), Hồn bướm mơ tiên, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM.
49. Khái Hưng (1995), Trống mái, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM.
50. Khái Hưng (1999), Gia đình, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM.
51. Khái Hưng (2006), Nửa chừng xuân, Nxb Hội nhà văn.
52. Dương Hướng (1991), Bến không chồng, Nxb Hội nhà văn.
53. Mai Hương (Tuyển chọn) (2000), Nhất Linh cây bút trụ cột của Tự lực văn đoàn, Nxb Văn hóa
thông tin, Hà Nội.
54. Mai Hương (Tuyển chọn) (2000), Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb Văn hóa
thông tin, Hà Nội.
55. Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
56. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo (2005), Từ điển Việt Nam văn hóa tín ngưỡng phong tục, Nxb
Văn hóa thông tin, Hà Nội.
57. Mộc Khuê (1941), Ba mươi năm văn học, Nxb Tân Việt, Sài Gòn.
58. Đinh Trọng Lạc (2002), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục,Hà Nội.
59. Thanh Lãng (1961), Tiểu thuyết Việt Nam thế hệ 32 – 45, Nxb Đại học.
60. Thanh Lãng (1965 – 1966), Phê bình văn học thế hệ 32 – 45 - Giảng khoa chứng chỉ văn chương
quốc âm, Đại học văn khoa Sài Gòn.
61. Thanh Lãng (1967), Bảng lược đồ văn học Việt Nam (quyển hạ), Nxb Trình bày, Sài Gòn.
62. Phong Lê (1996), “Tố Tâm với nền tiểu thuyết mới và với giòng văn xuôi lãng mạn Việt Nam”,
Tạp chí văn học (8).
63. Phong Lê (1997), Văn học Việt Nam trên hành trình của thế kỷ XX, Nxb Đại học quốc gia Hà
Nội.
64. Nhất Linh (1996), Nắng thu, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM.
65. Nhất Linh (1999), Lạnh lùng, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM.
66. Phương Lựu (Chủ biên) (1998), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
67. Trường Lưu (1999), Văn học trong hành trình văn hóa, Viện Văn hóa, Nxb Văn hóa thông tin.
68. M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển dịch), Bộ Văn hóa
thông tin và thể thao - Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
69. M. Bakhtin (1998), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
70. M. M. Bakhtin (2006), Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và phục
hưng, Nxb KHXH, Hà Nội.
71. Nguyễn Đăng Mạnh (2000), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam 1930 – 1945, Nxb Đại học quốc
gia, Hà Nội.
72. Tú Mỡ (1988), “Trong bếp núc của Tự lực văn đoàn”, Tạp chí văn học (5+6).
73. Bùi Xuân Mỹ (2007), Lễ tục trong gia đình người Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
74. Phương Ngân (Tuyển chọn) (2000), Khái Hưng – nhà tiểu thuyết xuất sắc của Tự lực văn đoàn,
Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
75. Nhân Nghĩa (1941), “Chồng con”, Tạp chí Tri Tân (1941 – 1945) tập 8, tr.525- 529.
76. Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học.
77. Phạm Thế Ngũ (1998), Lịch sử văn học Việt Nam giản ước tân biên, Nxb Đồng Tháp, Đồng
Tháp.
78. Vũ Đức Nguyên (1993), Lỡ thì, Nxb Lao động, Hà Nội.
79. Phùng Quý Nhâm (2003), Văn học và văn hóa – từ một góc nhìn, Nxb Văn học và Trung tâm
nghiên cứu Quốc học, Tp.HCM.
80. Vương Trí Nhàn (2003), Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX
đến 1945, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
81. Oh Eun Chol (2000), “Vấn đề gia đình trong tiểu thuyết gia đình của Khái Hưng (Việt Nam) và
tiểu thuyết Ba thế hệ của Yom Sông Sop (Hàn Quốc)”, Tạp chí văn học (11), tr. 69 - 74.
82. Hoàng Ngọc Phách (1988), Tố Tâm, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.
83. Vũ Ngọc Phan (1942), Nhà văn hiện đại, Tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội.
84. Hoàng Phê (Chủ biên) (2005), Từ điển Tiếng việt, Nxb Đà Nẵng, Hà Nội.
85. Đồ Phồn (1988), Khao, Nxb Văn học, Hà Nội.
86. Vũ Đức Phúc (1963), “Mấy nhận xét về quá trình phát triển của các khuynh hướng thuộc trào lưu
văn học lãng mạn 1930 – 1945”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (3), tr. 12 - 19.
87. Vũ Đức Phúc (1976), “Trào lưu hiện thực chủ nghĩa trong văn học Việt Nam từ 1930 – 1945”,
Tạp chí văn học (5), tr. 58 - 73.
88. Vũ Đức Phúc, Nguyễn Đức Đàn (1964), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930 – 1945, Nxb Văn
học, Hà Nội.
89. Phạm Quỳnh (1929), Khảo về tiểu thuyết, Nxb Nam phong tùng thư, Hà Nội.
90. Vũ Tiến Quỳnh (1991), Khái Hưng – Thạch Lam – Hồ Biểu Chánh – tuyển chọn và trích dẫn
những bài phê bình bình luận văn học của các nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam và thế giới,
Nxb Tổng hợp Khánh Hòa, Khánh Hòa.
91. Trần Đình Sử (1998), “Vai trò sáng tạo văn hóa của văn học”, Tạp chí văn học (6).
92. Trần Đình Sử (2004), Tự sự học – một số vấn đề và lịch sử, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
93. Doãn Quốc Sỹ (1961), “Nửa chừng xuân”, Luận đàm bộ 1 (5), tr. 707 - 718.
94. Đào Thản (1994), “Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong văn xuôi”, Tạp chí văn học
(2).
95. Bùi Việt Thắng (Biên soạn) (2000), Bàn về tiểu thuyết, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
96. Trần Khánh Thành (Tuyển chọn) (2004), Hà Minh Đức tuyển tập – tập 2, Nxb Giáo dục.
97. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
98. Ngô Văn Thư (2006), Bàn về tiểu thuyết Khái Hưng, Nxb Thế giới, Hà Nội.
99. Phan Trọng Thưởng (2000), “Cuối thế kỉ nhìn lại việc nghiên cứu, đánh giá văn chương Tự lực
văn đoàn”, Tạp chí văn học (2), tr. 51 - 64.
100. Phan Trọng Thưởng (chủ biên) (2005), Lý luận và phê bình văn học, đổi mới và phát triển, Nxb
Khoa học xã hội.
101. Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ (Tuyển chọn và giới thiệu), (2001), Văn chương Tự lực văn
đoàn, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
102. Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ (Tuyển chọn và giới thiệu), (2001), Văn chương Tự lực văn
đoàn, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
103. Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ (Tuyển chọn và giới thiệu), (2001), Văn chương Tự lực văn
đoàn, tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
104. Tổ bộ môn văn học trường Đại học sư phạm Hà Nội (1978), Lịch sử văn học Việt Nam 1930 –
1945, tập 5, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
105. Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ, Tp. HCM.
106. Lê Ngọc Trà (2002), Thách thức của sáng tạo, thách thức của văn hóa, Nxb Thanh niên, Tp.
HCM.
107. Nguyễn Trác – Đái Xuân Ninh (1989), Về Tự lực văn đoàn, Nxb Tp.HCM.
108. Hoàng Trinh (1965), “Con người bình thường, cuộc sống bình thường trong văn học”, Tạp chí
văn học (1), tr. 8 - 17.
109. Nguyễn Khắc Trường (1999), Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nxb Văn nghệ Tp.HCM
110. Lê Thị Dục Tú (1997), Quan niệm về con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Nxb KHXH,
Hà Nội.
111. Mạnh Phú Tư (1983), Sống nhờ, Nxb Văn học, Hà Nội.
112. Mạnh Phú Tư, (2000), Gây dựng, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM.
113. Mạnh Phú Tư, (2002), Nhạt tình, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM.
114. Phi Vân (2002), Dân quê, Nxb Văn nghệ Tp.HCM.
115. Vũ Thanh Việt (Tuyển chọn và biên soạn) (2002), Nguyễn Công Hoan cây bút hiện thực xuất sắc,
Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
116. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc.
117. Nguyễn Văn Xung (1958), Bình giảng về Tự lực văn đoàn: Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo,
Thạch Lam, Thế Lữ, Nxb Tân Việt, Sài Gòn.
118.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA7413.pdf