Bộ giáo dục và đào tạo
Trường đại học Nông nghiệp hà nội
---------------
nguyễn hữu đông
Đánh giá việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2001 - 2010
luận văn thạc sĩ nông nghiệp
Chuyên ngành : Quản lý đất đai
Mã số : 60.62.16
Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn quang học
Hà nội – 2008
Lời cam đoan
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và kết quả trình bày trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai côn
124 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 8023 | Lượt tải: 5
Tóm tắt tài liệu Đánh giá việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2001 - 2010, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
g bố trong bất cứ công trình nào khác.
Tôi xin cam đoan rằng mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn này đã được cám ơn và các thông tin trích dẫn trong luận văn đều đã được chỉ rõ nguồn gốc.
Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2008
Người cam đoan
Nguyễn Hữu Đông
Lời cảm ơn
Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến người hướng dẫn khoa học TS. Nguyễn Quang Học, đã tận tình hướng dẫn và đóng góp nhiều ý kiến khoa học trong quá trình nghiên cứu và xây dựng luận văn này.
Tôi xin cảm ơn tập thể giảng viên khoa Tài nguyên và Môi trường, khoa Sau Đại học, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, các cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Bình đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ học tập và nghiên cứu.
Cuối cùng tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè và những người thân đã động viên giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2008
Tác giả luận văn
Nguyễn Hữu Đông
Mục lục
Lời cam đoan i
Lời cảm ơn ii
Mục lục iii
Danh mục các chữ viết tắt v
Danh mục bảng vi
Danh mục biểu đồ viii
Danh mục các chữ viết tắt
FAO
WTO
QHSDĐ
GCNQSDĐ
PNN
BĐĐC
BDHTSDĐ
BDQHSDĐ
DT
ĐC
KH
TT
BTGPMB
UBND
TN&MT
CSD
CNH - HĐH
CN
NN
XDCB
TDTT
Tổ chức nông - lương thế giới
Tổ chức thương mại thế giới
Quy hoạch sử dụng đất
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Phi nông nghiệp
Bản đồ địa chính
Bản đồ hiện trạng sử dụng đất
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất
Diện tích
Điều chỉnh
Kế hoạch
Thứ tự
Bồi thường giải phóng mặt bằng
Uỷ ban nhân dân
Tài nguyên và môi trường
Chưa sử dụng
Công nghiệp hoá - hiện đại hoá
Công nghiệp
Nông nghiệp
Xây dựng cơ bản
Thể dục thể thao
danh mục bảng
STT
Tên bảng
Trang
4.1. Phân loại đất chính huyện Gia Bình 38
4.2. Tổng hợp kết quả thực hiện giao đất, thuê đất vào mục đích phi nông nghiệp đến năm 2007 46
4.3. Kết quả thực hiện đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng 48
4.4. Kết quả thực hiện việc thu hồi đất 49
4.5. Biến động diện tích các loại đất giai đoạn 2000 - 2007 51
4.5a. Biến động diện tích đất nông nghiệp giai đoạn 2000 - 2007 54
4.5b. Biến động đất phi nông nghiệp giai đoạn 2000 - 2007 58
4.5c. Biến động đất chưa sử dụng giai đoạn 2000 - 2007 61
4.6. Diện tích, cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2010 63
4.7. Diện tích, cơ cấu sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2010 64
4.8a. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2007 so với quy hoạch (2001 – 2010) 67
4.8b. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2005 so với kế hoạch (2001 – 2010) 68
4.8c. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch năm 2007 so với thực hiện năm 2005 và kế hoạch đến 2005 69
4.9a. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp năm 2007 so với quy hoạch 72
4.9b. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp năm 2005 73
4.9c. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch đất nông nghiệp năm 2007 so với thực hiện và kế hoạch năm 2005 74
4.10a. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2007 so với với quy hoạch 78
4.10b. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2005 79
4.10c. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2007 so với thực hiện và kế hoạch năm 2005 80
4.11a. Kết quả khai thác đất chưa sử dụng đến năm 2007 so với quy hoạch (giai đoạn 2001– 2010) 82
4.11b. Kết quả khai thác đất chưa sử dụng năm 2005 so với năm 2000 (giai đoạn 2001 – 2010) 82
4.11c. Kết quả khai thác đất chưa sử dụng năm 2007 so với thực hiện và kế hoạch năm 2005 82
4.12. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất năm 2007 so với kế hoạch điều chỉnh (giai đoạn 2006 – 2010) 84
4.13. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp năm 2007 so với kế hoạch điều chỉnh đến năm 2010 86
4.14. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2007 so với kế hoạch điều chỉnh đến năm 2010 87
4.15. Kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chưa sử dụng năm 2007 so với kế hoạch điều chỉnh đến 2010 88
4.16. So sánh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của huyện Gia Bình 93
4.17. Đề xuất chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 so với các phương án quy hoạch đã duyệt 102
Danh mục biểu đồ
STT
Tên biểu đồ
Trang
4.1. Cơ cấu kinh tế của huyện Gia Bình năm 2010 40
4.2. Cơ cấu kinh tế của huyện Gia Bình năm 2007 40
4.3. Biến động cơ cấu kinh tế huyện Gia Bình từ năm 2000 – 2007 .và quy hoạch đến năm 2010 41
4.4a. Cơ cấu sử dụng đất đai năm 2007 của huyện Gia Bình 50
4.4b. Cơ cấu sử dụng đất đai năm 2000 của huyện Gia Bình 51
4.5. Kết quả thực hiện chỉ tiêu đất nông nghiệp năm 2007 so với quy hoạch điều chỉnh đến năm 2010 89
4.6. Kết quả thực hiện chỉ tiêu đất phi nông nghiệp năm 2007 so với quy hoạch điều chỉnh đến năm 2010 90
4.7. Kết quả thực hiện chỉ tiêu đất chưa sử dụng năm 2007 so với quy hoạch điều chỉnh đến năm 2010 91
4.8. Diện tích sử dụng đất chính của các phương án quy hoạch 103
4.9. Cơ cấu sử dụng đất chính của các phương án quy hoạch 103
1. Mở đầu
1.1. Tính cấp thiết của đề tài
Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng của môi trường sống, là địa bàn phân bố dân cư, văn hóa, quốc phòng an ninh, là cơ sở không gian của mọi quá trình sản xuất, vì vậy quy hoạch sử dụng đất là thành phần không thể thiếu được trong hoạch định chiến lược, lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quốc gia [1].
Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 [6] đã nêu: “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả” (Điều 18).
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý Nhà nước về đất đai (Chương II: Quyền của Nhà nước đối với đất đai - Mục 2 - Điều 21 đến Điều 30 Luật Đất đai năm 2003).
Quản lý Nhà nước về đất đai bằng quy hoạch thể hiện vai trò của Nhà nước với chức năng sở hữu nhà nước đối với đất đai. Thông qua quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất, Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai. Vì vậy, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất càng có ý nghĩa to lớn trong điều phối quan hệ cung, cầu đất đai trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới, nhằm sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả hơn và tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá cho đất nước [14].
Huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có diện tích tự nhiên 10.779,81 ha chiếm 13,1% diện tích tự nhiên của tỉnh, huyện có 13 xã và 1 thị trấn. Năm 2000, huyện đã lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001 - 2010, được phê duyệt tại Quyết định 950/QĐ-CT ngày 17/09/2001 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện đã và đang chỉ đạo thực hiện quy hoạch được duyệt. Kết quả thực hiện việc giao đất, thuê đất, thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2001 đến năm 2007 theo quy hoạch được duyệt, tổng số được 149,43 ha đất để sử dụng vào mục đích chuyên dùng và đất ở, so với chỉ tiêu quy hoạch mới đạt 49,34%. Mặt khác, tình hình phát triển kinh tế – xã hội có sự biến động đã kéo theo sự thay đổi về chỉ tiêu đất đai. Thực tế năm 2007, diện tích đất nông nghiệp tăng so với năm đầu kỳ và năm cuối kỳ của quy hoạch được duyệt, ngược lại là đất phi nông nghiệp giảm so với năm đầu kỳ và năm cuối kỳ quy hoạch 2010. Do đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài cần phải xem xét một cách nghiêm túc việc khai thác sử dụng đất theo hướng khoa học, tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả.
Trước thực tế trên, để việc bố trí quy hoạch đáp ứng nhu cầu về đất đai cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả ở hiện tại cũng như lâu dài, đảm bảo sử dụng đất đai khoa học, hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả và bền vững; tạo cơ sở pháp lý để giao đất, thuê đất, thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng qui định của luật và đồng thời cũng là điểm mấu chốt để thực hiện quy hoạch của huyện và của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2010. Chúng tôi, tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2001 - 2010”.
1.2. Mục đích, yêu cầu nghiên cứu
1.2.1. Mục đích
- Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001 - 2010 của huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
- Đề xuất điều chỉnh những bất hợp lý trong quá trình thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
1.2.2. Yêu cầu
- Nghiên cứu phương án quy hoạch sử dụng đất được duyệt thời kỳ 2001 – 2010 và thực tế sử dụng đất đến năm 2007 của huyện Gia Bình.
- Đánh giá chính xác, cụ thể kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt đến năm 2007.
2. Tổng quan về các vấn đề nghiên cứu
2.1. Cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý đất đai
2.1.1. Đất đai và chức năng của đất đai
“Đất đai” về mặt thuật ngữ khoa học có thể hiểu theo nghĩa rộng như sau: “Đất đai là một diện tích cụ thể của bề mặt trái đất, bao gồm tất cả các cấu thành của môi trường sinh thái ngay trên và dưới bề mặt đó như: khí hậu, bề mặt, thổ nhưỡng, dạng địa hình, mặt nước (hồ, sông suối, đầm lầy…), các lớp trầm tích sát bề mặt cùng với nước ngầm và khoáng sản trong lòng đất, tập đoàn động vật và thực vật, trạng thái định cư của con người, những kết quả hoạt động của con người trong quá khứ và hiện tại để lại (san hô, hồ chứa nước hay hệ thống tiêu thoát nước, đường xá, nhà cửa…)” [4].
Theo định nghĩa của FAO [21]: “Đất đai được nhìn nhận là một nhân tố sinh thái, bao gồm tất cả các thuộc tính sinh học và tự nhiên của bề mặt trái đất có ảnh hưởng nhất định đến tiềm năng và hiện trạng sử dụng đất như: khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, thủy văn, thảm thực vật, cỏ dại, động vật tự nhiên, những biến đổi của đất do hoạt động của con người”.
Như vậy, Đất đai là một khoảng không gian có giới hạn, theo chiều thẳng đứng (gồm khí hậu của bầu khí quyển, lớp đất phủ bề mặt, thảm thực vật, động vật, diện tích nước mặt, tài nguyên nước ngầm và khoáng sản trong lòng đất), theo chiều nằm ngang – trên mặt đất (là sự kết hợp giữa thổ nhưỡng, địa hình, thủy văn, thảm thực vật và các thành phần khác) giữ vai trò quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động sản xuất cũng như cuộc sống của xã hội loài người.
Các chức năng của đất đai đối với hoạt động sản xuất và sinh tồn của xã hội loài người được thể hiện theo các mặt sau: sản xuất, môi trường sự sống; cân bằng sinh thái; điều tiết khí hậu; tàng trữ và cung cấp nguồn nước; dự trữ (nguyên liệu và khoáng sản trong lòng đất); kiểm soát ô nhiễm và chất thải; không gian sự sống; bảo tồn – bảo tàng sự sống; phân dị lãnh thổ.
Theo ước tính của FAO [22]: “Chỉ khoảng 30% diện tích đất có mưa (140 triệu km2) có thể canh tác được trên thế giới”. Mặt khác, đất đai còn là tư liệu sản xuất, là đối tượng lao động đặc biệt mà không vật thể tự nhiên nào có được (đó là độ phì của đất). Vì vậy, đất đai là nhân tố vô cùng quan trọng nên việc sử dụng chúng phải phù hợp, mang lại hiệu quả cao.
Theo Đào Châu Thu và Nguyễn Khang [15]: Đất đai là tài nguyên cơ bản cho kiểu sử dụng như: sử dụng trên sơ sở sản xuất trực tiếp và gián tiếp; sử dụng vì mục đích bảo vệ và sử dụng theo các chức năng đặc biệt (đường sá, dân cư, công nghiệp, an dưỡng, du lịch sinh thái, đa dạng sinh học...). Như vậy, sử dụng đất đai là những hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp hoặc các hoạt động khác tạo ra các loại hình sử dụng đất trên mỗi đơn vị bản đồ đất đai.
2.1.2. Những nhân tố ảnh hưởng đến sử dụng đất
- Nhân tố điều kiện tự nhiên
Khi sử dụng đất đai, ngoài bề mặt không gian gồm diện tích trồng trọt, mặt bằng xây dựng... phải quan tâm đến sự phù hợp với điều kiện tự nhiên và sinh thái của đất cũng như các yếu tố bao quanh mặt đất, bao gồm nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa, không khí và các khoáng sản dưới lòng đất. Trong nhân tố điều kiện tự nhiên, khí hậu là yếu tố hạn chế hàng đầu của việc sử dụng đất sau đó là điều kiện đất đai và các nhân tố khác.
Quá trình sử dụng đất đai cần phải chú ý đến các đặc tính và tính chất đất đai để xác định yếu tố hạn chế hay tích cực cho việc sử dụng đất hợp lý. Các đặc tính và tính chất đất đai có thể được chia làm 2 loại [19].
+ Yếu tố khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của con người. Trong hệ sinh thái đồng ruộng, nó cung cấp năng lượng chủ yếu cho quá trình tạo thành chất hữu cơ mang lại năng suất cho cây trồng. Theo Lý Nhạc, Dương Hữu Tuyền, Phùng Đăng Chính [11] thì tổng nhiệt độ cây cần trong một vụ với cây ưa lạnh là 1.5000C - 1.7000C, cây ưa nóng là 2.5000C - 2.6000C, cây trung gian là 1.6000C - 2.0000C. Việc đánh giá sự phân bố của các yếu tố khí hậu và quy luật hoạt động của chúng kết hợp với nghiên cứu phân vùng khí hậu nông nghiệp, xác định hệ thống cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái ở mỗi vùng, tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng tốt nhất nguồn lợi thiên nhiên, đạt năng suất cao, ổn định, hạn chế sự thiệt hại do ngoại cảnh gây ra là một việc làm rất quan trọng
+ Điều kiện đất đai, quá trình vận động của trái đất đã tạo nên sự khác biệt giữa địa hình, địa mạo, độ cao so với mặt nước biển, độ dốc, và hướng dốc, sự bào mòn mặt đất và mức độ xói mòn... dẫn đến sự khác nhau về đất đai và khí hậu làm ảnh hưởng tới sản xuất và phân bố các ngành nông nghiệp. Địa hình và độ dốc ảnh hưởng lớn đến phương thức sử dụng đất nông nghiệp sẽ nảy sinh nhu cầu về thủy lợi hóa và cơ giới hóa. Điều kiện thổ nhưỡng, độ phì, độ dầy tầng đất và tính chất đất có ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng và sinh trưởng của cây trồng. Đối với ngành phi nông nghiệp, địa hình phức tạp sẽ ảnh hưởng tới giá trị công trình, gây khó khăn cho thi công, tốn kém về kinh tế. Mỗi vị trí địa lý có đặc thù điều kiện tự nhiên khác nhau, vì vậy trong thực tiễn sử dụng đất cần phải tuân thủ quy luật tự nhiên, phát huy những lợi thế, khắc phục hạn chế để việc sử dụng đất mang hiệu quả cao nhất.
- Nhân tố kinh tế - xã hội
Các điều kiện kinh tế - xã hội bao gồm chế độ xã hội, thể chế, chính sách môi trường, chính sách đất đai, thực trạng phát triển các ngành, dân số và lao động, sức sản xuất và trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý, các điều kiện về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, điều kiện cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, xây dựng, trình độ dân trí, đời sống văn hóa, xã hội...). Điều kiện kinh tế quyết định đối với việc sử dụng đất đai, các điều kiện tự nhiên là cơ sở để xây dựng phương án sử dụng đất. Phương hướng sử dụng đất được quyết định bởi khả năng của con người và các điều kiện kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật hiện có. Trong mỗi vùng lãnh thổ hoặc mỗi quốc gia, thường có sự khác biệt không nhiều về điều kiện vật chất tự nhiên của đất đai, nhưng với điều kiện kinh tế - xã hội là có khác nhau sẽ quyết định hiệu quả sử dụng đất cũng khác nhau.
Trình độ sử dụng đất phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ là đòn bẩy, là động lực để phát triển nền kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, đất được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng đều dựa trên nguyên tắc hạch toán kinh tế, thông qua việc tính toán hiệu quả kinh doanh sản xuất. Do đó, phải dựa vào quy luật tự nhiên và quy luật kinh tế - xã hội để nghiên cứu, xử lý mối quan hệ giữa các nhân tố tự nhiên, kinh tế - xã hội trong lĩnh vực sử dụng đất đai.
Điều kiện tự nhiên của đất đai chỉ tồn tại khách quan, việc khai thác sử dụng đất đai vẫn do con người quyết định, việc sử dụng đất có hiệu quả phải kết hợp tổng hợp giữa điều kiện tự nhiên, khoa học kỹ thuật và con người mới phát huy mạnh tiềm lực của đất, biến những điều kiện bất lợi thành có lợi cho phát triển kinh tế, từ đó ổn định được cuộc sống của người dân, đảm bảo trật tự xã hội. Như vậy, các điều kiện kinh tế - xã hội tác động rất lớn đến việc sử dụng đất đai, căn cứ vào yêu cầu của thị trường và của xã hội, xác định mục đích sử dụng đất, kết hợp yêu cầu sử dụng đất với lợi thế của tài nguyên đất đai sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
- Nhân tố không gian
Tính chất không gian của đất đai có đặc tính vĩnh cửu, bao gồm: vị trí địa lý, địa hình, địa mạo, diện tích, cố định vị trí khi sử dụng. Đất đai không thể di dời từ nơi này đến nơi khác, phải khai thác tại vị trí cố định của nó, vì vậy không gian là yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định hiệu quả của việc sử dụng đất đai. Với đặc tính này sẽ dẫn đến những lợi thế hoặc khó khăn đối với từng vùng, từng lãnh thổ, hạn chế khả năng mở rộng không gian và chi phối giới hạn thay đổi cơ cấu đất đai.
Theo Đoàn Công Quỳ, Vũ Thị Bình, Nguyễn thị Vòng, Nguyễn Quang Học và Đỗ Thị Tám [13]: “Trên sườn dốc, khi độ dốc tăng lên thì chi phí nhiên liệu tăng lên 1,5% và hiệu quả sử dụng máy móc giảm đi 1%”. Đây là nguyên nhân chủ yếu của sự chênh lệch giữa các vùng miền kinh tế, đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội cũng khác nhau. Tài nguyên đất đai có hạn, giới hạn về không gian, đây là hạn chế lớn nhất đối với việc sử dụng đất, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, kết hợp bảo vệ tài nguyên đất và môi trường ở mọi quốc gia trên thế giới.
2.1.3. Những lợi ích khác nhau về sử dụng đất
Đất đai là điều kiện vật chất chung nhất đối với mọi quá trình sản xuất trong các ngành kinh tế quốc dân và hoạt động của con người; vừa là đối tượng lao động cho môi trường để tác động như xây dựng nhà xưởng, bố trí máy móc...; vừa là phương tiện lao động cho công nhân nơi đứng, dùng để gieo trồng, chăn nuôi... Điều này có nghĩa – thiếu khoảnh đất thì không một ngành nào có thể bắt đầu công việc và hoạt động được; nói khác đi – không có đất sẽ không có sản xuất đối với mọi ngành cũng như không có sự tồn tại của chính con người.
- Đối với việc sử dụng đất trong các ngành nông nghiệp
Đất đai giữ vai trò tích cực trong quá trình hoạt động sản xuất nông nghiệp và quá trình sản xuất nông nghiệp luôn ảnh hưởng đến độ phì và quá trình sinh học tự nhiên của đất. Lợi ích của việc sử dụng đất trong các ngành nông nghiệp rất đa dạng, song có thể chia thành 3 nhóm lợi ích cơ bản sau: làm tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt để thỏa mãn nhu cầu sinh tồn, phát triển của con người; làm cơ sở sản xuất, môi trường hoạt động và đất cung cấp không gian môi trường cảnh quan mỹ học cho việc hưởng thụ tinh thần.
- Đối với việc sử dụng đất trong các ngành phi nông nghiệp
Trong các ngành phi nông nghiệp, đất đai giữ vai trò thụ động, có chức năng là cơ sở không gian và vị trí để hoàn thiện quá trình lao động, là kho tàng dự trữ trong lòng đất (các ngành khai thác khoáng sản). Quá trình sản xuất và sản phẩm được tạo ra không phụ thuộc vào đặc điểm, độ phì nhiêu của đất, chất lượng thảm thực vật và các tính chất tự nhiên của đất.
2.1.4. Sử dụng đất và các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường
Trong thời kỳ điều kiện cuộc sống xã hội phát triển ở mức cao, việc sử dụng đất luôn hướng tới mục tiêu kinh tế, nhằm đạt được lợi nhuận tối đa trên một đơn vị diện tích đất nhất định (xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn...). Bên cạnh đó, một phần diện tích đất không nhỏ được sử dụng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, ăn ở cũng như thoả mãn đời sống tinh thần của con người (xây dựng nhà cửa, hệ thống giao thông, các công trình dịch vụ thể thao, văn hoá xã hội...).
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất, các mục đích sử dụng đất nêu trên luôn nảy sinh mâu thuẫn làm cho mối quan hệ giữa người và đất ngày càng căng thẳng, những sai lầm liên tục của con người trong quá trình sử dụng đất (sai lầm có ý thức hoặc vô thức) dẫn đến huỷ hoại môi trường sinh thái nói chung và môi trường đất nói riêng (các thảm hoạ sinh thái như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xạt lở đất... liên tục xảy ra với quy mô ngày càng lớn và mức độ ngày càng nghiêm trọng), làm cho một số chức năng của đất bị yếu đi. Việc sử dụng đất như một thể thống nhất tạo ra điều kiện để giảm thiếu những xung đột, tạo ra hiệu quả sử dụng cao và liên kết được sự phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ và nâng cao môi trường.
Những xung đột giữa ba lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường rất đa dạng: đất sản xuất nông nghiệp đối lập với quá trình đô thị hoá; phát triển thuỷ lợi với việc phân chia các nguồn tài nguyên nước cho đô thị và phát triển công nghiệp; phát triển kinh tế – xã hội vùng biển với việc bảo vệ hệ sinh thái ven biển; bảo vệ các giá trị sinh thái với nhu cầu về thực phẩm hoặc nông sản khác; các chủ sử dụng đất nhỏ mâu thuẫn với việc canh tác quy mô lớn...
* Sử dụng đất và mục tiêu kinh tế
Đất do tự nhiên sinh ra, xuất hiện trước loài người và tồn tại ngoài ý muốn của con người, như một vật thể lịch sử tự nhiên. Các Mác cho rằng, đất là một phòng thí nghiệm vĩ đại, là kho tàng cung cấp các tư liệu lao động, vật chất, vị trí định cư, nền tảng của tập thể. Mác khẳng định: “Lao động không phải là nguồn duy nhất sinh ra của cải vật chất và giá trị tiêu thụ”. William petti đã nói: “Lao động chỉ là cha của của cải vật chất, còn đất là mẹ”.
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, sự gia tăng nhanh về dân số kéo theo nhu cầu sử dụng đất càng cao, công năng của đất từng bước được mở rộng, sử dụng đất cũng phức tạp hơn. Con người đã áp dụng những tiến bộ của khoa học vào sử dụng đất nhằm khai thác triệt để, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo ra lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuộc sống. Nhưng việc sử dụng đất càng triệt để sẽ đồng nghĩa với việc đất mất dần chất dinh dưỡng, nếu không được bảo vệ, cải tạo, bồi bổ thì đất đai ngày càng suy thoái, thậm chí bị huỷ hoại gây ảnh hưởng không tốt đến việc sử dụng đất trong tương lai. Như vậy, sử dụng đất và các mục tiêu kinh tế có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng đất hợp lý, đảm bảo lợi ích toàn xã hội.
* Sử dụng đất và mục tiêu xã hội
Sử dụng đất liên quan đến nhu cầu thiết yếu của con người sống trên mảnh đất đó, đây là mục tiêu xã hội nhằm tạo ra các điều kiện giúp thoả mãn những nhu cầu sinh sống. Khi xã hội phát triển mạnh, sự gia tăng dân số nhanh đã gây nên áp lực lớn đối với đất đai, nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng để tạo ra cơ sở vật chất công cộng, y tế, giáo dục, việc làm, thu nhập, giải trí... bên cạnh đó còn tạo ra ý thức về công bằng xã hội.
Mâu thuẫn giữa các thế hệ về sử dụng đất cũng là mối quan tâm quan trọng. Những sai lầm của con người trong quá trình đất và khai thác cộng với sự tác động của ngoại cảnh có thể làm huỷ hoại môi trường đất làm cho chức năng của đất bị suy giảm. Đất là điều kiện vật chất cần thiết để các thế hệ tiếp theo tồn tại và sản xuất, do đó công năng của đất cần được nâng cao theo hướng đa dạng, không ngừng bồi dưỡng để truyền lại lâu dài cho các thế hệ mai sau. Vấn đề tổ chức và sử dụng đất theo quan điểm sinh thái và phát triển bền vững ngày càng trở nên quan trọng và mang tính toàn cầu.
* Sử dụng đất và mục tiêu môi trường
Môi trường không chỉ có nghĩa là một hệ thống các chỉ tiêu về hoá học mà bao gồm cả đất, nước, không khí, tài nguyên thiên nhiên có giá trị... vấn đề môi trường là mối quan tâm đặc biệt để phát triển một xã hội bền vững. Mỗi quốc gia trên thế giới đều đưa ra các tiêu chuẩn và mục tiêu về môi trường, bảo vệ môi trường là vấn đề chung của mọi quốc gia. Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường thì nhà nước phải có chính sách hợp lý, đầu tư công nghệ, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường chung cho cộng đồng. Những vấn đề về môi trường có thể giải quyết hiệu quả nếu nó được thực hiện kết hợp với mục tiêu kinh tế và công bằng xã hội.
2.1.5. Chiếm dụng đất đai
Cùng với sự phát triển của xã hội loài người trải qua các thời kỳ khác nhau, kết hợp với sự tăng trưởng dân số và phát triển nhanh chóng của kinh tế, kỹ thuật, văn hoá và khoa học, diện tích đất đai được sử dụng tăng lên nhanh chóng, ý nghĩa kinh tế của đất đai cũng gia tăng, quy mô, phạm vi và chiều sâu của việc sử dụng đất ngày một nâng cao, giá trị của đất đai ngày càng được khẳng định. Song với sự phát triển sử dụng đất, quan hệ giữa người với người trong lĩnh vực sử dụng đất cũng ngày càng trở nên phức tạp. Có rất nhiều mâu thuẫn thực tế và tiềm tàng về đất giữa những người có liên quan đến việc sử dụng đất, một bên là những người sử dụng đất thực tế khác nhau, một bên là những cộng đồng và những người khác có ảnh hưởng đến việc sử dụng đất.
2.1.6. Các xu thế phát triển sử dụng đất
Sử dụng đất là hệ thống các biện pháp nhằm điều hoà mối quan hệ người - đất trong tổ hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác và môi trường. Căn cứ vào nhu cầu của thị trường sẽ phát hiện, quyết định phương hướng chung và mục tiêu sử dụng hợp lý nhất tài nguyên đất, phát huy tối đa công dụng của đất nhằm đạt tới hiệu ích sinh thái, kinh tế và xã hội cao nhất. Vì vậy, việc sử dụng đất thuộc phạm trù hoạt động kinh tế của nhân loại. Trong mỗi phương thức sản xuất cần căn cứ vào thuộc tính tự nhiên của đất đai.
Với ý nghĩa là nhân tố của sức sản xuất, các nhiệm vụ và nội dung sử dụng đất được thể hiện theo bốn mặt sau:
- Sử dụng đất hợp lý về không gian, hình thành hiệu quả kinh tế không gian sử dụng đất;
- Phân phối hợp lý cơ cấu đất đai trên diện tích đất được sử dụng, hình thành cơ cấu kinh tế sử dụng đất;
- Quy mô sử dụng đất cần có sự tập trung thích hợp, hình thành quy mô kinh tế sử dụng đất;
- Giữ mật độ sử dụng đất thích hợp, hình thành việc sử dụng đất một cách kinh tế, tập trung, thâm canh.
Hiện nay, xu thế sử dụng đất được phát triển theo các hướng sau:
* Sử dụng đất phát triển theo chiều rộng và tập trung
Lịch sử phát triển của xã hội loài người chính là lịch sử biến đổi của quá trình sử dụng đất. Khi con người còn sống bằng phương thức săn bắn và hái lượm, chủ yếu dựa vào sự ban phát của tự nhiên, vấn đề sử dụng đất hầu như không tồn tại. Khi xuất hiện ngành trồng trọt với những công cụ sản xuất thô sơ, diện tích đất đai được sử dụng tăng lên nhanh chóng, năng lực sử dụng và ý nghĩa kinh tế của đất đai cũng gia tăng. Tuy nhiên, trình độ sử dụng đất còn rất thấp, phạm vi sử dụng cũng rất hạn chế, mang tính kinh doanh thô, đất khai phá nhiều nhưng thu nhập rất thấp.
Với sự tăng trưởng của dân số và phát triển của kinh tế, kỹ thuật, văn hoá và khoa học, quy mô, phạm vi và chiều sâu của việc sử dụng đất ngày một nâng cao. Yêu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cao, các ngành nghề cũng phát triển theo xu hướng phức tạp và đa dạng dần, phạm vi sử dụng đất càng mở rộng (từ cục bộ một vùng đã phát triển trên phạm vi cả thế giới, thậm chí kể cả những vùng đất trước đây không thể sử dụng được). Cùng với việc phát triển sử dụng đất theo không gian, trình độ tập trung cũng sâu hơn nhiều. Đất canh tác cũng như đất sử dụng theo các mục đích khác đều được phát triển theo hướng kinh doanh tập trung, với diện tích đất ít nhưng hiệu quả sử dụng cao. Để nâng cao sức sản xuất và sức tải của một đơn vị diện tích, đòi hỏi phải liên tục nâng mức đầu tư về vốn và lao động, thường xuyên cải tiến kỹ thuật và công tác quản lý.
* Sử dụng đất phát triển theo hướng phức tạp hoá và chuyên môn hoá
Khoa học kỹ thuật và kinh tế của xã hội phát triển, sử dụng đất từ hình thức quảng canh chuyển sang thâm canh, kéo theo xu thế từng bước phức tạp hoá và chuyên môn hoá cơ cấu sử dụng đất. Khi kinh tế phát triển, nhu cầu của con người về vật chất, văn hoá, tinh thần và môi trường ngày càng cao sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với đất đai. Khi đời sống đã nâng cao, chuyển sang giai đoạn hưởng thụ, vấn đề sử dụng đất ngoài việc sản xuất vật chất thoả mãn được nhu cầu vui chơi, giải trí, văn hoá, thể thao và môi trường trong sạch... đã làm cho cơ cấu sử dụng đất trở nên phức tạp hơn.
Trước đây, việc sử dụng đất rất hạn chế do kinh tế và khoa học kỹ thuật còn ở trình độ thấp, chủ yếu sử dụng bề mặt của đất đai, nông nghiệp độc canh, đất lâm nghiệp, đồng cỏ, mặt nước ít được khai thác, khai thác khoáng sản hạn chế, xây dựng chủ yếu chọn đất bằng. Khi khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển, ngay cả đất xấu cũng được khai thác triệt để, hình thức sử dụng đa dạng, ruộng nước phát triển... đã làm cho nội dung sử dụng đất ngày càng phức tạp hơn theo hướng sử dụng toàn diện, triệt để các chất dinh dưỡng, sức tải, vật chất cấu thành và sản phẩm của đất đai để phục vụ lợi ích con người.
Hiện đại hoá nền kinh tế quốc dân và phát triển kinh tế hàng hoá, dẫn đến sự phân công trong sử dụng đất theo hướng chuyên môn hoá. Do đất đai có đặc tính khu vực rất mạnh, sự sai khác về ưu thế tài nguyên hết sức rõ rệt, phương hướng và biện pháp sử dụng đất của các vùng cũng rất khác nhau. Để sử dụng hợp lý đất đai, đạt được sản lượng và hiệu quả kinh tế cao nhất cần có sự phân công và chuyên môn hoá theo khu vực. Cùng với việc đầu tư, trang bị và ứng dụng các công cụ kỹ thuật, công cụ quản lý hiện đại sẽ nẩy sinh yêu cầu phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn và tập trung, đồng thời cũng hình thành các khu vực chuyên môn hoá sử dụng đất khác nhau về hình thức và quy mô.
* Sử dụng đất phát triển theo hướng xã hội hoá và công hữu hoá
Đất đai là cơ sở vật chất và công cụ để con người sinh sống và xã hội tồn tại. Vì vậy, việc chuyên môn hoá theo yêu cầu xã hội hoá sản xuất phải đáp ứng nhu cầu của xã hội hướng tới lợi ích cộng đồng và tiến bộ xã hội. Ngay cả ở xã hội mà mục tiêu sử dụng đất chủ yếu vì lợi ích của tư nhân, những vùng đất đai hướng sử dụng cộng đồng như: nguồn nước, núi rừng, khoáng sản, sông ngòi... vẫn có những quy định về chính sách thực thi hoặc tiến hành công quản, kinh doanh... của nhà nước nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc tư hữu tạo nên những mâu thuẫn gay gắt của xã hội.
Xã hội hoá sử dụng đất là sản phẩm tất yếu và là yêu cầu khách quan của sự phát triển xã hội hoá sản xuất. Vì vậy, xã hội hoá sử dụng đất và công hữu hoá là xu thế tất yếu. Muốn kinh tế phát triển và thúc đẩy xã hội sản xuất cao hơn, cần phải thực hiện xã hội hoá và công hữu hoá sử dụng đất.
2.2. Quy hoạch sử dụng đất
2.2.1. Khái niệm và đặc điểm quy hoạch sử dụng đất đai
* Khái niệm về quy hoạch sử dụng đất
Về mặt thuật ngữ khoa học, “Quy hoạch” là việc xác định một trật tự nhất định bằng những hoạt động như: phân bố, bố trí, sắp xếp, tổ chức... đất đai là một thành phần lãnh thổ nhất định (vùng đất, khoanh đất, vạt đất, mảnh đất, miếng đất...) có vị trí, hình thể, diện tích với những tính chất tự nhiên hoặc mới tạo thành (đặc tính thổ nhưỡng, đ._.ịa hình, địa chất, thủy văn, chế độ nước, nhiệt độ, ánh sáng, thảm thực vật, các tính chất lý hóa tính...) tạo ra những điều kiện nhất định cho việc sử dụng theo các mục đích khác nhau. Vì vậy, để sử dụng đất cần phải làm quy hoạch, đây là quá trình nghiên cứu, lao động sáng tạo nhằm xác định ý nghĩa mục đích của từng thành phần lãnh thổ và đề xuất một trật tự sử dụng đất nhất định [4].
Quy hoạch sử dụng đất đai là quá trình đánh giá tiềm năng đất và nước một cách có hệ thống phục vụ việc sử dụng đất và kinh tế - xã hội, nhằm lựa chọn ra phương án sử dụng đất tốt nhất. Mục tiêu của quy hoạch sử dụng đất là lựa chọn và đưa phương án đã lựa chọn vào thực tiễn để đáp ứng nhu cầu của con người một cách tốt nhất nhưng vẫn bảo vệ được nguồn tài nguyên cho tương lai. Yêu cầu cấp thiết phải làm quy hoạch là do nhu cầu của con người và điều kiện thực tế sử dụng đất thay đổi nên phải nâng cao kỹ năng quản lý sử dụng đất [23].
Quy hoạch sử dụng đất là một hệ thống các biện pháp quản lý, kĩ thuật và pháp chế của Nhà nước về tổ chức sử dụng đất đầy đủ, hợp lý, có hiệu quả cao thông qua việc phân phối và tái phân phối quỹ đất cả nước, tổ chức sử dụng đất như một tư liệu sản xuất cùng với các tư liệu sản xuất khác gắn liền với đất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường [19].
Bản chất của quy hoạch sử dụng đất là một hiện tượng kinh tế - xã hội thể hiện đồng thời 3 tính chất: kinh tế, kĩ thuật, pháp chế. Trong đó cần hiểu:
- Kinh tế: thể hiện bằng hiệu quả sử dụng đất đai.
- Kĩ thuật: gồm điều tra, khảo sát, xây dựng bản đồ, khoanh định, xử lý dữ liệu, bố trí sử dụng đất.
- Pháp chế: là việc xác nhận tính pháp lý về mục đích và quyền sử dụng đất theo quy hoạch nhằm đảm bảo sử dụng quản lý đất đúng pháp luật.
Công tác quy hoạch sử dụng đất đai cần phải nắm vững hệ thống các biện pháp kinh tế, kĩ thuật, pháp chế của Nhà nước và tổ chức quản lý sử dụng đất đai một cách đầy đủ, hợp lý, khoa học, có hiệu quả cao nhất thông qua việc phân bổ quỹ đất đai và tổ chức sử dụng đất như tư liệu sản xuất... Quy hoạch sử dụng đất đảm bảo các mục tiêu sau:
Tính đầy đủ: mọi loại đất đều được đưa vào sử dụng theo các mục đích nhất định.
Tính hợp lý: đặc điểm tính chất tự nhiên, vị trí, diện tích phù hợp với yêu cầu và mục đích sử dụng.
Tính khoa học: áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Tính hiệu quả: đáp ứng đồng bộ cả 3 lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường.
Như vậy, về thực chất “Quy hoạch sử dụng đất đai” là quá trình hình thành các quyết định nhằm tạo điều kiện đưa đất đai vào sử dụng bền vững để mang lại lợi ích cao nhất, thực hiện đồng thời 2 chức năng: điều chỉnh các mối quan hệ đất đai và tổ chức sử dụng đất như tư liệu sản xuất đặc biệt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của xã hội kết hợp bảo vệ đất và môi trường [12].
Quy hoạch sử dụng đất còn là biện pháp hữu hiệu của nhà nước nhằm tổ chức lại việc sử dụng đất theo đúng mục đích, hạn chế sự chồng chéo gây lãng phí đất đai, tránh tình trạng sử dụng tùy tiện, làm giảm sút nghiêm trọng quỹ đất nông, lâm nghiệp; ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, lấn chiếm, hủy hoại đất, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến những tổn thất về kinh tế, bất ổn về chính trị, quốc phòng an ninh ở từng địa phương [4].
Quy hoạch sử dụng đất đai theo hướng bền vững là một hệ thống các công nghệ, chính sách và hoạt động nhằm liên hợp các nguyên lý kinh tế, xã hội với sự quan tâm về môi trường để đồng thời duy trì nâng cao sức sản xuất của đất, giảm rủi ro trong sản xuất, bảo vệ tiềm năng nguồn lực tự nhiên và ngăn ngừa quá trình thoái hóa môi trường đất, có hiệu quả lâu dài và được xã hội chấp nhận [19].
* Đặc điểm của quy hoạch sử dụng đất đai
- Tính lịch sử - xã hội
Lịch sử phát triển của xã hội chính là lịch sử phát triển của quy hoạch sử dụng đất. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội đều có một phương thức sản xuất của xã hội thể hiện theo 2 mặt: lực lượng sản xuất (là mối quan hệ giữa người với sức hoặc vật tự nhiên trong quá trình sản xuất và quan hệ sản xuất (là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất). Trong quy hoạch sử dụng đất luôn nẩy sinh quan hệ giữa người với đất đai – là sức tự nhiên (như điều tra, đo đạc, khoanh định, thiết kế…) cũng như quan hệ giữa người với người (xác nhận bằng văn bản về sở hữu và quyền sử dụng đất giữa những người chủ đất – GCNQSDĐ). Quy hoạch sử dụng đất thể hiện đồng thời là yếu tố thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, vừa là yếu tố thúc đẩy các mối quan hệ sản xuất, nên nó luôn là một bộ phận của phương thức sản xuất xã hội. Tuy nhiên, trong xã hội có phân chia giai cấp, quy hoạch sử dụng đất mang tính tự phát, hướng tới mục tiêu vì lợi nhuận tối đa và nặng nề về mặt pháp lý (là phương tiện mở rộng, củng cố, bảo vệ quyền tư hữu đất đai: phân chia tập trung đất đai để mua, bán, phát canh thu tô…).
ở nước ta, quy hoạch sử dụng đất phục vụ nhu cầu của người sử dụng đất và quyền lợi của toàn xã hội, góp phần tích cực phát triển quan hệ sản xuất ở nông thôn, nhằm sử dụng bảo vệ đất và nâng cao hiệu quả sản xuất xã hội. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, quy hoạch sử dụng đất góp phần giải quyết các mâu thuẫn của từng lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường nảy sinh trong quá trình sử dụng đất.
- Tính tổng hợp
Trong quy hoạch sử dụng đất đai thường liên quan đến việc sử dụng đất của cả 3 loại đất chính - theo Luật Đất đai năm 2003 [9]: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Tính tổng hợp của quy hoạch sử dụng đất biểu hiện chủ yếu ở 2 mặt: đối tượng của quy hoạch là khai thác, sử dụng, cải tạo, bảo vệ... toàn bộ tài nguyên đất đai cho nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Do đó quy hoạch chịu trách nhiệm tổng hợp toàn bộ nhu cầu sử dụng đất đai, điều hòa các mâu thuẫn về đất đai giữa các ngành, các lĩnh vực, xác định và điều phối các phương hướng, phân bố sử dụng đất phù hợp đảm bảo nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững.
- Tính dài hạn
Căn cứ vào dự báo xu thế biến động dài hạn của những yếu tố kinh tế, xã hội quan trọng (sự thay đổi về nhân khẩu, khoa học kỹ thuật, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp...) từ đó xác định quy hoạch trung và dài hạn về sử dụng đất đai, đề ra những phương hướng, chính sách chiến lược làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm. Quy hoạch sử dụng đất đai dài hạn cần phải điều chỉnh từng bước song song với quá trình phát triển dài hạn kinh tế - xã hội. Thời hạn của quy hoạch sử dụng đất thường từ 10 năm đến 20 năm và có thể lâu hơn.
- Tính chiến lược và chỉ đạo vĩ mô
Quy hoạch sử dụng đất với đặc tính trung bình và dài hạn chỉ dự kiến trước được các xu thế thay đổi phương hướng, mục tiêu, cơ cấu phân bố sử dụng đất. Do đó quy hoạch sử dụng đất mang tính chiến lược, các chỉ tiêu của quy hoạch mang tính chỉ đạo vĩ mô. Với khoảng thời gian dự báo tương đối dài, chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố kinh tế - xã hội biến đổi, nên chỉ tiêu quy hoạch càng khái lược hóa, quy hoạch càng ổn định.
Đối với các ngành, tính phương hướng và khái lược về sử dụng đất thể hiện như sau: mục tiêu, phương hướng và trọng điểm chiến lược của việc sử dụng đất trong vùng; cân đối tổng quát nhu cầu sử dụng đất của các ngành; điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất và phân bố đất đai trong vùng; phân định ranh giới và các hình thức quản lý việc sử dụng đất đai trong vùng; đề xuất các biện pháp, các chính sách để đạt được mục tiêu của phương hướng sử dụng đất.
- Tính chính sách
Xây dựng phương án quy hoạch phải quán triệt các chính sách và quy định có liên quan đến đất đai của Đảng và Nhà nước, đảm bảo mục tiêu phát triển nền kinh tế quốc dân, an toàn lương thực, tuân thủ các quy định, các chỉ tiêu khống chế về dân số, đất đai và môi trường. Quy hoạch sử dụng đất thể hiện rất rõ đặc tính chính trị và chính sách xã hội.
- Tính khả biến
Dưới sự tác động của nhiều nhân tố khó dự đoán trước, theo nhiều phương diện khác nhau, quy hoạch sử dụng đất chỉ là một trong những giải pháp biến đổi hiện trạng sử dụng đất sang trạng thái mới thích hợp hơn cho việc phát triển kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Khi xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, chính sách và tình hình kinh tế thay đổi, các dự kiến của quy hoạch sử dụng đất không còn phù hợp, việc chỉnh sửa bổ sung, hoàn thiện quy hoạch là rất cần thiết, điều này thể hiện tính khả biến của quy hoạch. Quy hoạch sử dụng đất luôn ở trạng thái động, một quá trình lặp lại theo chiều xoắn ốc “quy hoạch - thực hiện - quy hoạch lại hoặc chỉnh lý - tiếp tục thực hiện...” với chất lượng và mức độ phù hợp ngày càng cao.
2.2.2. Các loại hình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai
* Các loại hình quy hoạch sử dụng đất đai
Có nhiều quan điểm khác nhau về cách phân loại quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, mọi quan điểm đều dựa trên những căn cứ hoặc cơ sở chung như sau: nhiệm vụ đặt ra đối với quy hoạch; số lượng và thành phần đối tượng nằm trong quy hoạch; phạm vi lãnh thổ quy hoạch (cấp vị lãnh thổ hành chính) cũng như nội dung và phương pháp quy hoạch. Thông thường hệ thống quy hoạch sử dụng đất được phân loại theo nhiều cấp vị khác nhau (như loại hình, dạng, hình thức quy hoạch…) nhằm giải quyết các nhiệm vụ cụ thể về sử dụng đất đai từ tổng thể đến thiết kế chi tiết.
Đối với Việt Nam, Luật Đất đai 2003 (Điều 25) [9] quy định: Quy hoạch sử dụng đất được tiến hành theo 4 cấp lãnh thổ:
1. Quy hoạch sử dụng đất toàn quốc
2. Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh
3. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện
4. Quy hoạch sử dụng đất chi tiết (cấp xã)
Theo TS. Đoàn Công Quỳ [12]: Đối tượng của quy hoạch sử dụng đất theo lãnh thổ là toàn bộ diện tích tự nhiên trong lãnh thổ. Tuỳ thuộc vào từng cấp lãnh thổ hành chính, quy hoạch sử dụng đất theo lãnh thổ sẽ có nội dung cụ thể, chi tiết khác nhau và được thực hiện theo nguyên tắc: từ trên xuống, từ dưới lên, từ toàn cục đến bộ phận, từ cái chung đến cái riêng, từ vĩ mô đến vi mô, giai đoạn sau chỉnh lý giai đoạn trước.
Quy hoạch sử dụng đất theo lãnh thổ là hệ thống nhiều cấp. Ngoài lợi ích chung của cả nước, của mỗi vùng, mỗi địa phương tự quyết định những lợi ích cục bộ của mình. Vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất, khi xây dựng và triển khai quy hoạch sử dụng đất phải tuân thủ các thể chế hành chính hiện hành của nhà nước. Tuỳ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp, quy hoạch sử dụng đất có nội dung và ý nghĩa khác nhau, tuy nhiên do yêu cầu thực tiễn đôi khi quy hoạch phải thực hiện độc lập, hoặc đồng thời sau đó sẽ chỉnh lý khi quy hoạch các cấp liên quan hoàn thành. Trong một số trường hợp cần thiết (khi có tác động của tính đặc thù khu vực) đôi khi phải xây dựng quy hoạch sử dụng đất cấp trung gian, gọi là quy hoạch đặc thù (quy hoạch sử dụng đất liên tỉnh, liên huyện, vùng trọng điểm quốc gia).
Mục đích chung của quy hoạch sử dụng đất các cấp lãnh thổ hành chính bao gồm: đáp ứng nhu cầu đất đai (tiết kiệm, khoa học, hợp lý và có hiệu quả) cho hiện tại và tương lai để phát triển các ngành kinh tế quốc dân; cụ thể hoá một bước quy hoạch sử dụng đất đai của các ngành và các đơn vị hành chính cấp cao hơn; làm căn cứ, cơ sở để các ngành (cùng cấp) và các đơn vị hành chính cấp dưới triển khai quy hoạch sử dụng đất đai của ngành mình và địa phương mình; làm cơ sở để lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm (căn cứ để giao đất, cấp đất, thu hồi đất theo thẩm quyền được quy định trong Luật Đất đai); phục vụ cho công tác thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai.
Khác với Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 không quy định cụ thể quy hoạch sử dụng đất theo các ngành (nông nghiệp, lâm nghiệp, khu dân cư, đô thị, chuyên dùng). Quy hoạch sử dụng đất của các ngành này đều nằm trong quy hoạch sử dụng đất theo lãnh thổ hành chính. Riêng quy hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh, quốc phòng được quy định cụ thể tại điều 30 của Luật Đất đai 2003 [9] quy định:
- Bộ quốc phòng, Bộ công an tổ chức việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho ngành mình trình Chính phủ phê duyệt.
- Chính phủ quy định cụ thể việc lập, xét duyệt, điều chỉnh, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên có thể hiểu mối quan hệ tương đối chặt chẽ giữa quy hoạch sử dụng đất theo lãnh thổ và quy hoạch sử dụng đất theo ngành. Trước tiên, Nhà nước căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và hệ thống thông tin tư liệu về điều kiện đất đai hiện có để xây dựng quy hoạch tổng thể sử dụng các loại đất. Các ngành chức năng căn cứ vào quy hoạch tổng thể sử dụng các loại đất để xây dựng quy hoạch sử dụng đất cụ thể cho từng ngành phù hợp với yêu cầu và nội dung sử dụng đất của ngành. Như vậy, quy hoạch tổng thể đất đai phải đi trước và có tính định hướng cho quy hoạch sử dụng đất theo ngành. Nói khác đi, quy hoạch ngành là một bộ phận cấu thành trong quy hoạch sử dụng đất theo lãnh thổ.
* Các loại hình kế hoạch sử dụng đất đai
Quy hoạch sử dụng đất được phân kỳ thực hiện theo kế hoạch 5 năm. Kế hoạch sử dụng đất cũng được lập theo cấp lãnh thổ hành chính nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Bao quát được toàn bộ đất đai phục vụ cho nền kinh tế quốc dân.
- Phát triển có kế hoạch tất cả các ngành kinh tế trên một địa bàn nhất định; thiết lập được cơ cấu sử dụng đất hợp lý trên địa bàn cả nước, trong các ngành và trên từng địa bàn lãnh thổ.
- Đạt hiệu quả đồng bộ cả ba lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
Kế hoạch sử dụng đất theo ngành và cả nước phải đảm bảo thực hiện được các mục tiêu vĩ mô (bao quát chung cho toàn xã hội và cả nước) như : an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, công bằng xã hội... Còn kế hoạch theo lãnh thổ hành chính phải cụ thể hoá các mục tiêu vĩ mô, cùng với việc xử lý các mục tiêu cụ thể của địa phương và các vấn đề cụ thể của từng chủ sử dụng đất khác nhau trên địa bàn.
Kế hoạch sử dụng đất phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dựa trên mục đích chung vì lợi ích lâu dài phát triển kinh tế – xã hội nhằm thoả mãn nhu cầu của nhân dân về tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, cần lưu ý điểm khác biệt: kế hoạch sử dụng đất chú trọng phát triển hình thức không gian; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội chú trọng phát triển hình thức thời gian, nhưng nội dung lại được triển khai với hình thức không gian nhất định. Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội là tiền đề của kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất là sự tiếp tục của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm bố trí không gian thống nhất đối với các hạng mục liên quan đến đất đai (xây dựng, khai hoang, chuyển mục đích sử dụng đất...) trong thời kỳ kế hoạch.
Thời hạn lập kế hoạch sử dụng đất thường thống nhất với thời hạn lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các ngành, các cấp lãnh thổ hành chính và được thực hiện trong thời gian 5 năm.
2.2.3. Nhiệm vụ và nội dung quy hoạch sử dụng đất đai
Đối với mỗi quốc gia, cũng như từng vùng trong cả nước (khác nhau về không gian), nhiệm vụ và nội dung quy hoạch sử dụng đất ở các giai đoạn lịch sử khác nhau (về thời gian) là rất khác nhau. Giai đoạn hiện nay, nội dung của quy hoạch sử dụng đất bao gồm:
1. Điều tra, nghiên cứu, phân tích tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và hiện trạng sử dụng đất; đánh giá tiềm năng đất đai;
2. Đề xuất phương hướng, mục tiêu, trọng điểm và các nhiệm vụ cơ bản về sử dụng đất trong kỳ quy hoạch (dựa trên cơ sở dự báo biến động sử dụng đất đai, nhu cầu đất của các ngành kinh tế quốc dân, khả năng đáp ứng về số lượng, chất lượng đất đai);
3. Xác định diện tích các loại đất phân bổ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh (điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất, phân phối hợp lý nguồn tài nguyên đất đai, xử lý, điều hoà nhu cầu sử dụng đất giữa các ngành, đưa ra các chỉ tiêu khống chế – chỉ tiêu khung để quản lý vĩ mô đối với từng loại sử dụng đất - 3 loại đất chính theo quy định của Luật Đất đai năm 2003);
4. Xác định diện tích đất phải thu hồi để thực hiện các công trình dự án;
5. Xác định các biện pháp khai thác, sử dụng, bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường;
6. Giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất;
Như vậy, nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch sử dụng đất đai là: Phân phối hợp lý đất đai cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; hình thành hệ thống cơ cấu sử dụng đất phù hợp với cơ cấu kinh tế; khai thác tiềm năng đất đai và sử dụng đất đúng mục đích; hình thành, phân bổ hợp lý các tổ hợp không gian sử dụng đất nhằm đạt hiệu quả tổng hoà giữa 3 lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cao nhất.
Quy hoạch sử dụng đất là hệ thống quy hoạch nhiều cấp, ngoài lợi ích chung của cả nước, mỗi vùng, mỗi địa phương tự quyết định những lợi ích của mình. Vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất khi xây dựng, triển khai quy hoạch sử dụng đất phải tuân thủ các thể chế hành chính hiện hành của Nhà nước.
Hệ thống quản lý hành chính của nước ta được phân chia thành 4 cấp: toàn quốc (bao gồm cả cấp vùng), cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tuỳ thuộc vào chức năng nhiệm vụ của mỗi cấp, quy hoạch sử dụng đất có nội dung và ý nghĩa khác nhau. Quy hoạch của cấp trên là chỗ dựa cho quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới là phần tiếp theo, cụ thể hoá quy hoạch của cấp trên và là căn cứ điều chỉnh các quy hoạch vĩ mô.
Theo Nguyễn Thị Vòng (2002) [18]: Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được xây dựng trên cơ sở định hướng của quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, nội dung cụ thể là xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sử dụng đất đai; xác định quy mô, cơ cấu và phân bổ sử dụng đất đai các ngành; xác định cơ cấu, phạm vi và phân bổ đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất dùng cho nông lâm nghiệp, đất khu đô thị, khu dân cư nông thôn và nhu cầu đất đai cho các nhiệm vụ đặc biệt.
Quy hoạch sử dụng đất đai cả nước
Quy hoạch tổng thể vùng
Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh
Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện
Quy hoạch sử dụng đất đai cấp xã
Sơ đồ: Quy hoạch sử dụng đất đai cấp huyện trong hệ thốngquy hoạch sử dụng đất đai ở Việt Nam
2.2.4. Những căn cứ pháp lý của quy hoạch sử dụng đất đai
Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ Nông nghiệp – Công nghiệp – Dịch vụ sang Công nghiệp – Dịch vụ – Nông nghiệp đã và đang gây áp lực ngày càng lớn đối với đất đai.
Việc sử dụng hợp lý đất đai liên quan chặt chẽ đến mọi hoạt động của từng ngành và từng lĩnh vực, quyết định đến hiệu quả sản xuất và sự sống còn của từng người dân cũng như vận mệnh của cả Quốc gia. Do đó, Đảng và Nhà nước ta luôn coi đây là vấn đề rất bức xúc, cần được quan tâm hàng đầu.
ý chí của toàn Đảng, toàn dân về vấn đề đất đai đã được thể hiện trong hệ thống các văn bản pháp luật như: Hiến pháp, Luật và các văn bản dưới luật. Những văn bản này tạo cơ sở vững chắc cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giúp giải quyết về mặt nguyên tắc những vấn đề đặt ra:
- Sự cần thiết về mặt pháp lý phải lập quy hoạch sử dụng đất ?
- Trách nhiệm lập quy hoạch sử dụng đất ?
- Thẩm quyền xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ?
* Sự cần thiết về mặt pháp lý phải lập quy hoạch sử dụng đất
Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 [6] đã nêu: “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả” (chương II, điều 18).
- Điều 5 Luật Đất đai năm 2003 [9] nêu rõ:
+ Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
+ Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai.
+ Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua các chính sách tài chính về đất đai.
+ Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
- Điều 6 Luật Đất đai năm 2003, xác định một trong 13 nội dung quản lý Nhà nước về đất đai là quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Như vậy, để sử dụng và quản lý đất đai một cách tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả nhất thiết phải làm quy hoạch.
* Trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai
Điều 25 Luật Đất đai năm 2003 [9] quy định rõ trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo các cấp lãnh thổ hành chính:
- Chính phủ tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước.
- ủy ban nhân dân các cấp (tỉnh, huyện, xã) tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trình (quy hoạch theo lãnh thổ hành chính – trừ trường hợp các đơn vị hành chính cấp dưới thuộc khu vực quy hoạch phát triển đô thị). Trình Hội đồng nhân dân thông qua trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được trình đồng thời với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
* Thẩm quyền xét duyệt quy hoạch
Điều 26 Luật Đất đai năm 2003 [9] quy định thẩm quyền xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai:
- Quốc hội quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của cả nước.
- Chính phủ xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Uỷ ban nhân dân cấp trên xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã không thuộc khu vực quy hoạch phát triển đô thị.
2.3. Tình hình triển khai Quy hoạch sử dụng đất trong nước và thực tiễn công tác quy hoạch sử dụng đất ở nước ngoài
2.3.1. Tình hình triển khai quy hoạch sử dụng đất trong nước
* Thời kỳ trước Luật Đất đai năm 1993
Quy hoạch sử dụng đất đai chưa được coi là công tác của ngành Quản lý đất đai mà chỉ được thực hiện như một phần của quy hoạch phát triển ngành nông - lâm nghiệp. Các phương án phân vùng nông – lâm nghiệp đã đề cập tới phương hướng sử dụng tài nguyên đất trong đó có tính toán đến quỹ đất nông nghiệp, lâm nghiệp và coi đây là phần quan trọng. Tuy nhiên, do còn thiếu các tài liệu điều tra cơ bản và chưa tính được khả năng đầu tư nên tính khả thi của phương án còn thấp.
Từ năm 1981 đến năm 1986 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, hầu hết các quận huyện trong cả nước đã xây dựng quy hoạch tổng thể cấp huyện. Từ năm 1987 đến trước Luật Đất đai năm 1993, công tác quy hoạch sử dụng đất đai đã có cơ sở pháp lý quan trọng, thời kỳ này công cuộc đổi mới nông thôn diễn ra sâu sắc, quy hoạch sử dụng đất đai cấp xã nổi lên như một vấn đề cấp bách về giao đất, cấp đất. Đây là mốc đầu tiên triển khai quy hoạch sử dụng đất đai cấp xã trên phạm vi toàn quốc [16].
* Thời kỳ thực hiện Luật Đất đai từ năm 1993 đến năm 2003
Sau Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1992, Nhà nước ta triển khai công tác nghiên cứu chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội ở hầu hết 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các vùng kinh tế. Đây là mốc bắt đầu của thời kỳ đưa công tác quản lý đất đai vào nề nếp.
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Thông qua quy hoạch sử dụng đất, Nhà nước thực hiện quyền định đoạt về đất đai, nắm được quỹ đất đai đến từng loại, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gắn chuyển mục đích sử dụng đất với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có cơ sở để điều chỉnh chính sách đất đai tại mỗi địa phương, chủ động giành quỹ đất hợp lý cho phát triển các ngành, các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa đảm bảo ổn định các mục tiêu xã hội vừa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từng bước chủ động dành quỹ đất hợp lý cho xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng cho công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Qua công tác quy hoạch sử dụng đất đai, UBND các cấp nắm chắc được quỹ đất đai của địa phương mình, có dự tính được nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước [5].
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được quy định trong Luật Đất đai 1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/NĐ-CP ngày 01/10/2001 quy định nội dung cụ thể về lập và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp địa phương. Từ năm 1994, Chính phủ đã cho triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010. Chính phủ đã chỉ đạo rà soát quy hoạch sử dụng đất đối với tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, đến nay đã hoàn thành trên phạm vi cả nước. Năm 2006, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 57/2006/QH11 về kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) cả nước.
Cùng với quy hoạch sử dụng đất đai cả nước, đến nay đã có 61/64 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất đai đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt [3].
Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được triển khai theo hướng dẫn của Tổng cục địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường). Đến nay có 369 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành quy hoạch sử dụng đất (chiếm 59,1% số đơn vị cấp huyện), quy hoạch sử dụng đất đô thị của hầu hết các tỉnh, thành phố chưa được lập.
Với quy hoạch sử dụng đất cấp xã, cả nước có 3.597 xã, phường, thị trấn của 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành quy hoạch sử dụng đất (chiếm 34,2% tổng số đơn vị cấp xã); 903 xã, phường, thị trấn khác của 25 tỉnh, thành phố đang triển khai (chiếm 8,6% tổng số đơn vị cấp xã).
Theo TS. Nguyễn Đình Bồng [1]: “Quy hoạch sử dụng đất ở nước ta được pháp luật quy định là một trong những nội dung quan trọng của quản lý nhà nước về đất đai. Tổ chức triển khai quy hoạch sử dụng đất ở nước ta trong giai đoạn từ 1994 đến nay đã cơ bản hoàn thành QHSDĐ cả nước, QHSDĐ cấp tỉnh; QHSDĐ đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong quá trình CNH - HĐH đất nước. Tồn tại chủ yếu: QHSDĐ ở nước ta mới thực hiện chủ yếu ở mức độ khái quát, mang tính định hướng (QHSDĐ cả nước, QHSDĐ cấp tỉnh và gần 60% QHSDĐ cấp huyện), còn thiếu quy hoạch chi tiết (QHSDĐ cấp xã mới đạt 34%); về phương pháp và quy trình thực hiện còn nhiều bất cập chưa có quy trình QHSDĐ mang tính đặc thù đối với đô thị; sự phối hợp giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các cấp, quy hoạch các ngành chưa đồng bộ, đặc biệt là quy hoạch đô thị chi tiết. Do những nguyên nhân trên chất lượng và tính hiệu quả QHSDĐ được đánh giá thấp, QHSDĐ “treo” còn tồn tại phổ biến”.
Theo GS.TSKH. Lê Đình Thắng, Th.S. Trần Tú Cường [14]: Quy hoạch sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường ở nước ta, đặc biệt do đất đai đã được tiền tệ hoá và tham gia vào nền sản xuất hàng hoá, khi nước ta đã là thành viên đầy đủ của WTO, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quan hệ đất đai ở nước ta. Vì thế, quy hoạch sử dụng đất phải được xây dựng trên cơ sở định hướng của quy hoạch tổng thể, đồng thời phù hợp với từng đặc điểm riêng của từng địa phương, từng ngành trong từng giai đoạn nhất định, do đó phải xác định chính xác ở tầm vĩ mô. Do là khoa học dự báo, quy hoạch sử dụng đất không phải là dĩ thành bất biến mà có tính đúng sai nhất định, vì thế phải tính toán dự báo cho thời gian dài và phải được phân thành nhiều giai đoạn thực hiện, các phát sinh sai sót phải được điều chỉnh trong quá trình thực hiện kế hoạch sử dụng đất. Kế hoạch sử dụng đất là việc phân đoạn thực hiện quy hoạch sử dụng đất theo từng thời gian, từng thời điểm để định ra được tiến độ, khối lượng, địa điểm cần thực hiện phù hợp với yêu cầu và khả năng vật chất của xã hội. Kế hoạch sử dụng đất cần đảm bảo tính ổn định và tính khả thi cao, vì thế cần phân đoạn thời gian ngắn từ 1 - 3 năm [14].
Theo TS. Nguyễn Quang Học [7]: “Quy hoạch sử dụng đất đã góp phần tăng cường hiệu lực và ngày càng có hiệu quả cao trong quản lý và sử dụng đất, đã phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong quá trình phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá... đã góp phần thay đổi diện mạo vùng nông nghiệp nông thôn, đất đai được sử dụng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Đất ở nông thôn được cải tạo, chỉnh trang phát triển theo hướng đô thị hoá. Đất có mục đích công cộng được quy hoạch đồng bộ với kết cấu hạ tầng phát triển đã góp phần tăng khả năng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân”.
Quy hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là cơ sở để xác định cơ cấu sử dụng đất hợp lý và tiến hành thực hiện các văn bản hiện hành có liên quan đến Luật Đất đai quy định. Những áp lực đối với đất đai như hiện nay cho thấy nguồn tài nguyên đất đai ngày càng khan hiếm và có giới hạn, dân số thế giới gia tăng nhanh, đòi hỏi phải có sự đối chiếu hợp lý giữa các kiểu sử dụng đất đai và loại đất đai để đạt được khả năng tối đa về sản xuất ổn định và an toàn lương thực, đồng thời cũng bảo vệ được vùng đất đai nông nghiệp và môi trường sống. Quy hoạch sử dụng đất đai là nền tảng trong tiến trình này.
* Thời kỳ sau Luật Đất đai năm 2003
Nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới của xã hội nói chung và đòi hỏi về công tác quản lý đất đai nói riêng. Luật Đất đai năm 2003 đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003. Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2004. Khung pháp lý đối với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định rõ. Luật Đất đai 2003, giành cả mục 2 với 10 điều, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP với 29 điều.
Luật Đất đai năm 2003 quy định rõ nội dung việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Đối với kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm và kỳ kế hoạch là 5 năm. Việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất là 5 năm một lần gắn với việc kiểm kê đất đai để phục vụ cho công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tốt hơn. Bản đồ quy hoạch sử dụng đất được lập 10 năm một lần gắn với kỳ quy hoạch sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp xã phải được lập trên nền bản đồ địa chính. Ngoài ra, để cho việc quản lý đất đai được thuận lợi hơn, đất đai được chia thành 3 nhóm đất chính: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 30/2004/TT-._.% diện tích tự nhiên. Quy hoạch điều chỉnh, diện tích đất chưa sử dụng đến năm 2010 đạt 132,9 ha chiếm 1,23% diện tích tự nhiên. Khi điều chỉnh quy hoạch, diện tích đất chưa sử dụng có 154,39 ha, đến năm 2010 đất chưa sử dụng còn 132,9 ha giảm 21,49 ha so với hiện trạng điều chỉnh, như vậy mức độ đầu tư, khai thác, cải tạo đất chưa sử dụng thấp hơn nhiều so với giai đoạn thực hiện trước khi điều chỉnh và so với quy hoạch cũ. Kết quả so sánh được thể hiện cụ thể trong (bảng 4.16) và (phụ biểu 12).
Bảng 4.16. So sánh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của huyện Gia Bình
Thứ tự
Chỉ tiêu
Mã
Quy hoạch 2001 – 2010 chưa ĐC
Cơ cấu (%)
Quy hoạch ĐC đến 2010
Cơ cấu (%)
So sánh
Diện tích (ha)
Tỷ lệ (%)
Tổng diện tích tự nhiên
10779,81
100
10779,81
100
1
Đất nông nghiệp
NNP
6078,87
56,39
6252,74
58,00
-173,87
-2,78
1.1
Đất sản xuất nông nghiệp
SXN
4998,71
46,37
5146,93
47,75
-148,22
-2,88
1.1.1
Đất trồng cây hàng năm
CHN
4866,82
45,15
5089,66
47,21
-222,84
-4,38
1.1.2
Đất trồng cây lâu năm
CLN
131,89
1,22
57,27
0,53
74,62
130,30
1.2
Đất lâm nghiệp
LNP
80,10
0,74
45,60
0,42
34,50
75,66
1.2.1
Đất rừng sản xuất
RSX
80,10
0,74
80,10
1.2.3
Đất rừng đặc dụng
RDD
45,60
0,42
-45,60
-100,00
1.3
Đất nuôi trồng thuỷ sản
NTS
1000,06
9,28
1056,36
9,80
-56,30
-5,33
1.5
Đất nông nghiệp khác
NKH
3,85
0,04
-3,85
-100,00
2
Đất phi nông nghiệp
PNN
4601,61
42,69
4394,17
40,76
207,44
4,72
2.1
Đất ở
OTC
973,31
9,03
1363,59
12,65
-390,28
-28,62
2.1.1
Đất ở tại nông thôn
ONT
965,31
8,95
666,62
6,18
298,69
44,81
2.1.2
Đất ở tại đô thị
ODT
8,00
0,07
696,97
6,47
-688,97
-98,85
2.2
Đất chuyên dùng
CDG
1519,52
14,10
1954,75
18,13
-435,23
-22,27
2.2.1
Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp
CTS
15,80
0,15
16,19
0,15
-0,39
-2,41
2.2.2
Đất quốc phòng, an ninh
CQA
3,90
0,04
3,18
0,03
0,72
22,64
2.2.3
Đất sản xuất, kinh doanh phi NN
CSK
53,56
0,50
379,41
3,52
-325,85
-85,88
2.2.4
Đất có mục đích công cộng
CCC
1446,26
13,42
1555,97
14,43
-109,71
-7,05
2.3
Đất tôn giáo, tín ngưỡng
TTN
8,92
0,08
24,40
0,23
-15,48
-63,44
2.4
Đất nghĩa trang, nghĩa địa
NTD
108,40
1,01
109,48
1,02
-1,08
-0,99
2.5
Đất sông suối và mặt nước CD
SMN
1988,39
18,45
937,86
8,70
1050,53
112,01
2.6
Đất phi nông nghiệp khác
PNK
3,07
0,03
4,09
0,04
-1,02
-24,94
3
Đất chưa sử dụng
CSD
99,33
0,92
132,90
1,23
-33,57
-25,26
3.1
Đất bằng chưa sử dụng
BCS
90,02
0,84
132,06
1,23
-42,04
-31,83
3.2
Đất đồi núi chưa sử dụng
DCS
9,31
0,09
0,84
0,01
8,47
1008,33
4.3.5. Phân tích những vấn đề tồn tại trong việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất từ năm 2000 đến năm 2007
Khi xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất của một đơn vị hành chính cho một giai đoạn nhất định (thường trong vòng 10 năm), ngoài việc phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, tình hình quản lý và hiện trạng sử dụng đất… cần phải nghiên cứu, phân tích thực trạng biến động đất đai giai đoạn trong vòng 5 đến 10 năm; đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tìm ra các nguyên nhân và xu thế biến động đất đai, những vấn đề tồn tại trong sử dụng đất. Từ đó có giải pháp đúng đắn và điều chỉnh kịp thời trong quá trình xây dựng quy hoạch.
Việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất huyện Gia Bình từ năm 2001 đến năm 2007, đã tuân thủ theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 được duyệt, thực hiện đảm bảo phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội, theo kế hoạch hàng năm … tình hình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2001 đến hết năm 2007 là phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cả về quy mô diện tích và địa điểm thực hiện. Cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và nhu cầu sử dụng đất cho các đơn vị, tổ chức kinh tế và đất ở cho nhân dân. Vốn tài nguyên đất đai đã khai thác và được sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả hơn nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn ở huyện Gia Bình.
Tương tự như vậy, phải đặt thời điểm đánh giá việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất huyện Gia Bình trong một giai đoạn nhất định, có liên hệ, so sánh với các giai đoạn trước và sau đó. Quá trình thực hiện quy hoạch sử dụng đất huyện Gia Bình, bên cạnh những kết quả đạt được, đảm bảo đúng tiến độ về mặt thời gian cũng như các nội dung quy hoạch đề ra, còn tồn tại một số vấn đề bất cập, thể hiện ở các khía cạnh sau:
4.3.5.1. Những vấn đề bất hợp lý trong quá trình thực hiện quy hoạch
- Đối với đất nông nghiệp: trong đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất trồng lúa trong thời gian 7 năm giảm 186 ha so với năm 2000, quy hoạch đến năm 2010 diện tích giảm 723,87 ha, như vậy trong 7 năm diện tích thực hiện mới bằng 25% chỉ tiêu đề ra. Đối với diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản năm 2007 tăng 504,66 ha so với năm 2000, quy hoạch đến năm 2010 diện tích tăng 609,41 ha; trong 7 năm qua diện tích thực hiện đạt 82,81% chỉ tiêu quy hoạch đề ra. Nhìn chung, việc sử dụng đất nông nghiệp là phù hợp với kế hoạch phát triển nông nghiệp của huyện, đặc biệt là việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp trên cơ sở đầu tư khai hoang, cải tạo diện tích đất chưa sử dụng, mặt nước hoang hoá để đưa vào các mục đích phù hợp trong nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp mặc dù phải chuyển sang các mục đích đất phi nông nghiệp, song lại được bù đắp lại rất lớn so với phần chuyển sang đất phi nông nghiệp, nên diện tích năm 2007 đạt 6.476,4 ha tăng 297,47 ha. Theo phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, diện tích các loại đất này cần tiếp tục thực hiện theo định hướng quy hoạch, song cần hạn chế việc chuyển đất trồng lúa nước sang nuôi trồng thuỷ sản. Còn đối với chỉ tiêu các loại đất trồng cây hành năm khác, đất cây lâu năm và đất lâm nghiệp cần phải tập trung đầu tư hơn nữa để thực hiện theo quy hoạch.
- Đối với đất phi nông nghiệp: trong đất chuyên dùng và đất ở thực hiện trong 7 năm đã tăng lên 864,54 ha, hơn gấp 3 lần chỉ tiêu. Trong đó: diện tích tăng nhiều là do khai thác đất làm nguyên vật liệu xây dựng, đây là mâu thuẫn lớn trong việc dành đất cho phát triển nông nghiệp. Theo phương án quy hoạch, diện tích loại đất này cần hạn chế tăng và phải giảm dần qua các năm, vì đây là loại hình sử dụng không ổn định, hơn nữa còn tác động xấu đến môi trường sinh thái trên địa bàn huyện cũng như ảnh hưởng đến các vùng lân cận do việc đun đốt lò gạch. Đồng thời phải tập trung đầu tư dành quỹ đất cho phát triển công nghiệp và quỹ đất phục vụ cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm phục vụ tốt các nhu cầu đời sống dân sinh cho nhân dân.
- Đối với đất chưa sử dụng: diện tích loại đất này theo quy luật luôn giảm đi để chuyển sang mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên, đất bằng chưa sử dụng lại tăng lên với diện tích lớn trong những năm qua.
4.3.5.2. Những vấn đề bất cập về chỉ tiêu quy hoạch
- Chỉ tiêu thống kê đất đai: hệ thống chỉ tiêu thống kê đất đai qua các thời kỳ luôn có sự thay đổi, dẫn đến những khó khăn trong quá trình đánh giá việc thực hiện quy hoạch khi phải bóc tách riêng các loại đất.
- Chỉ tiêu đất ở (cả đất ở đô thị và đất ở nông thôn) đều thấp hơn so với nhu cầu thực tế về áp lực dân số của huyện. Trong vòng 7 năm thực hiện quy hoạch, đến năm 2007 diện tích đất ở đã vượt so với quy hoạch năm 2010.
- Chỉ tiêu đất giao thông năm 2010 thấp hơn so với nhu cầu xây dựng công trình giao thông thực tế tại địa phương, cần bám sát quy hoạch sử dụng đất giao thông của tỉnh và huyện.
- Chỉ tiêu đất di tích danh lam thắng cảnh, đất tôn giáo tín ngưỡng đều thấp hơn so với nhu cầu thực tế tại huyện, cần bám sát quy hoạch và các quy định về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng để phù hợp với điều kiện cũng như phong tục tập quán của từng địa phương trong huyện.
- Thiếu tính khả thi vì nhiều dự báo quỹ đất chưa có cơ sở chắc chắn, nhiều chương trình, dự án kinh tế - xã hội đã xét duyệt nhưng không triển khai được vì thiếu vốn, công nghệ…
- Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa khoa học, chưa có các biện pháp cụ thể cũng như các chế tài hành chính cần thiết để đảm bảo tính thực thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thiếu tính đồng bộ trong hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ cấp tỉnh đến cấp xã; đặc biệt kế hoạch sử dụng đất các năm của huyện chưa thể hiện được chỉ tiêu sử dụng đất đến từng xã, từng lĩnh vực.
4.3.5.3. Những vấn đề còn tồn tại
- Phương án quy hoạch sử dụng đất của một huyện thường được xây dựng trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đó. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội luôn biến động do chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, kéo theo sự thay đổi về chỉ tiêu đất đai, dẫn đến sự biến động của phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Nguồn vốn đầu tư cho các dự án: ở một số địa phương, việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng luôn gặp khó khăn do không chủ động được vốn đầu tư, đã làm cho kế hoạch đề ra bị xáo trộn , chậm tiến độ thực hiện và khối lượng công việc.
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2001- 2005) đã phát sinh nhiều tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài huyện có nhu cầu sử dụng đất để phát triển công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, thương mại và dịch vụ… nhưng không đăng ký nhu cầu sử dụng đất khi huyện xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm và 5 năm, vì vậy không có trong các hạng mục công trình sử dụng đất trong kỳ kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó trong quá trình thực hiện huyện đã phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp.
- Thời gian các tổ chức kinh tế lập dự án đầu tư và lập hồ sơ đất đai thực hiện chậm đã làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Một số hạng mục công trình đã có trong chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng cơ quan chủ đầu tư chưa lập xong dự án và hồ sơ đất đai, vì vậy trong năm đó không thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và phải chuyển sang năm sau.
- Tại các khu vực thu hồi nhiều đất, một bộ phận nông dân chưa thích nghi ngay được với việc chuyển đổi nghề sang lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khả năng quản lý kinh tế, tổ chức cuộc sống gia đình hạn chế đã gặp khó khăn khi sử dụng hết nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
- Công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn vướng mắc đã làm chậm tiến độ xây dựng các công trình của các nhà đầu tư. Tuy nhiên một số tổ chức kinh tế sau khi được phê duyệt đất chậm triển khai xây dựng công trình (Công ty cổ phần Việt Mỹ).
4.4. Đề xuất giải pháp thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010
Trên cơ sở đánh giá, phân tích các điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; phân tích tình hình quản lý, sử dụng đất; kết quả thực hiện việc giao đất, thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch; kết quả phân tích về tình hình sử dụng đất từ năm 2000 đến nay so với phương án quy hoạch đã được duyệt… Theo đó, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến năm 2010, năm 2008 năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn (2006 – 2010) của huyện.
Trước thực tế sử dụng đất của các mục đích hiện nay cho thấy cần được điều chỉnh những bất hợp lý của từng ngành sử dụng, cũng như điều chỉnh giữa các mục đích sử dụng và đầu tư khai thác theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đối với đất dành cho phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, đất khu công nghiệp.... cần đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, hạn chế việc mở rộng thêm diện tích. Đất khu dân cư và đất ở vùng nông thôn cần bố trí hợp lý theo hướng đô thị hoá, thuận tiện cho sản xuất, phát huy hiệu quả về kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
Vì vậy, để khẳng định vai trò là công cụ để quản lý đất đai có hiệu quả, tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất huyện Gia Bình đến năm 2010 đã thực hiện được 7 năm, cần phải điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý trong quá trình thực hiện các nội dung của quy hoạch, như vậy hướng điều chỉnh quy hoạch đến năm 2010 của huyện được xác định trên cơ sở kế tiếp và cụ thể hoá kế hoạch sử dụng đất cho các năm còn lại trong kỳ quy hoạch. Do đó, việc đề xuất hướng điều chỉnh quy hoạch phải dựa trên các quan điểm, căn cứ như sau:
* Các quan điểm sử dụng đất
- QHSDĐ huyện Gia Bình phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phải có tầm nhìn dài hạn, lấy hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường là mục tiêu cao nhất, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của huyện.
- QHSDĐ huyện phải gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2010 đã nêu rõ: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá, mở rộng sản xuất công nghiệp, TTCN và du lịch trên địa bàn. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, khoa học - công nghệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân”. Do vậy, quy hoạch sử dụng đất sẽ tạo bước đi hợp lý cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đồng bộ phù hợp với quá trình chuyển dịch lao động, bảo đảm nền kinh tế huyện phát triển bền vững.
- QHSDĐ phải tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển năng lực nội sinh về tài nguyên đất thành nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế của huyện.
- QHSDĐ của huyện phải được đặt trong xu thế hội nhập quốc tế.
- QHSDĐ huyện Gia Bình phải bảo đảm khai thác hợp lý, có hiệu quả và sử dụng tiết kiệm quỹ đất đai.
- QHSDĐ huyện cần tính đến việc chuyển đổi mục đích và điều chỉnh những bất hợp lý trong sử dụng đất.
Chuyển đổi đất đai giữa các mục đích sử dụng đảm bảo hợp lý và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội ngày càng cao hơn là tất yếu khách quan. Trong giai đoạn tới huyện cần phát triển và mở rộng công nghiệp, đất dân cư dịch vụ liền kề các khu công nghiệp và các công trình công cộng khác..., các nhu cầu này cần phải được đáp ứng về đất đai.
- QHSDĐ cần tính đến việc làm giàu đất và bảo vệ môi trường sinh thái.
- QHSDĐ phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ tình trạng tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản hoặc chuyển sang sử dụng vào các mục đích khác không theo quy hoạch.
Trong điều kiện quỹ đất đai, nhất là đất đai có khả năng thích nghi đối với từng mục đích sử dụng có hạn thì việc quản lý và khai thác có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp và sử dụng đất tiết kiệm, đúng mục đích trên cơ sở khoanh định, khoanh vùng các khu vực đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, vùng chuyên canh để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn trong tình hình mới.
* Căn cứ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất
- Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 - 2010 tỉnh Bắc Ninh.
- Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn (2006 - 2010) của huyện Gia Bình.
- Kết quả đánh giá thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt đến năm 2007.
- Hiện trạng sử dụng đất; nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên địa bàn huyện.
4.1.1. Đề xuất hướng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010
* Điều chỉnh các chỉ tiêu đất nông nghiệp
- Đất sản xuất nông nghiệp: đến năm 2010 diện tích 6.651,38 ha chiếm 61,7% diện tích tự nhiên, tăng 472,45 ha so với năm 2000; so với quy hoạch sử dụng đất cũ tăng 572,51 ha, so với quy hoạch điều chỉnh tăng 398,64 ha.
- Đất lâm nghiệp: dự kiến đến năm 2010 diện tích đạt 45,6 ha chiếm 0,42% diện tích tự nhiên, giảm 20,1 ha so với năm 2000; so với quy hoạch cũ giảm 43,07 ha; không tăng giảm so với quy hoạch điều chỉnh.
- Đất nuôi trồng thuỷ sản: dự kiến đến 2010 diện tích đạt 1.039,8 ha chiếm 9,65% diện tích tự nhiên; tăng 649,15 ha so với năm 2000; so với quy hoạch cũ tăng 39,74 ha; so với quy hoạch điều chỉnh giảm 16,56 ha.
- Đất nông nghiệp khác: dự kiến đến năm 2010 diện tích đạt 3,85 ha chiếm 0,04% diện tích tự nhiên; tăng 3,85 ha so với quy hoạch cũ; không tăng giảm so với quy hoạch đã điều chỉnh.
* Điều chỉnh đất phi nông nghiệp
- Đất ở: dự kiến đến năm 2010 diện tích đạt 1348,55 ha chiếm 12,51% diện tích tự nhiên; tăng 428,78 ha so với năm 2000; so với quy hoạch cũ tăng 375,24 ha; so với quy hoạch đã điều chỉnh giảm 15,04 ha.
- Đất chuyên dùng: dự kiến đến 2010 diện tích đạt 1.669,06 ha chiếm 15,48% diện tích tự nhiên; tăng 381,4 ha so với năm 2000; so với quy hoạch cũ tăng 149,54 ha; so với quy hoạch đã điều chỉnh giảm 285,69 ha.
- Đất tôn giáo, tín ngưỡng: dự kiến đến năm 2010 diện tích đạt 24,05 ha chiếm 0,22% diện tích tự nhiên; tăng 15,13 ha so với năm 2000; so với quy hoạch cũ tăng giảm; so với quy hoạch đã điều chỉnh giảm 0,35 ha.
- Đất nghĩa trang, nghĩa địa: dự kiến đến năm 2010 diện tích đạt 98,62 ha chiếm 0,91% diện tích tự nhiên; tăng 0,28 ha so với năm 2000; so với quy hoạch cũ giảm 9,78 ha; so với quy hoạch đã điều chỉnh giảm 10,86 ha.
- Đất sông suối, mặt nước chuyên dùng: dự kiến còn 952,15 ha chiếm 8,83% diện tích tự nhiên; giảm 1.163,65 ha so với năm 2000; so với quy hoạch cũ giảm 1.036,24 ha; so với quy hoạch đã điều chỉnh tăng 14,29 ha.
- Đất phi nông nghiệp khác: dự kiến đến năm 2010 diện tích đạt 3,07 ha chiếm 0,03% diện tích tự nhiên; không tăng giảm so với hiện trạng 2000 và quy hoạch cũ; so với quy hoạch đã điều chỉnh giảm 15,04 ha
* Đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho các mục đích
- Đất bằng chưa sử dụng: dự kiến đến năm 2010 diện tích đạt 32,93 ha chiếm 0,31% diện tích tự nhiên; giảm 108,38 ha so với năm 2000; so với quy hoạch cũ giảm 57,09 ha; so với quy hoạch đã điều chỉnh giảm 99,13 ha.
- Đất đồi núi chưa sử dụng: đến 2010 không còn diện tích loại đất này; so với quy hoạch cũ giảm 9,31ha; so với quy hoạch điều chỉnh giảm 0,84 ha.
Kết quả so sánh diện tích theo các phương án quy hoạch giai đoạn 2001 – 2010 được tổng hợp trong (bảng 4.17; phụ biểu 13; biểu đồ 4.8 và biểu đồ 4.9).
Bảng 4.17. Đề xuất chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 so với các phương án quy hoạch đã duyệt
Thứ tự
Chỉ tiêu
Hiện trạng năm 2000 (ha)
Quy hoạch đến 2010 chưa điều chỉnh (ha)
Quy hoạch điều chỉnh đến 2010 (ha)
Đề xuất điều chỉnh đến 2010 (ha)
So sánh diện tích của phương án đề xuất điều chỉnh 2010
So với năm 2000
So với QH chưa điều chỉnh
So với QH đã điều chỉnh
Diện tích (ha)
Tỷ lệ (%)
Diện tích (ha)
Tỷ lệ (%)
Diện tích (ha)
Tỷ lệ (%)
Tổng diện tích tự nhiên
10779,81
10779,81
10779,81
10779,81
1
Đất nông nghiệp
6178,93
6078,87
6252,74
6651,38
472,45
7,65
572,51
9,42
398,64
6,38
1.1
Đất sản xuất nông nghiệp
5722,58
4998,71
5146,93
5562,13
-160,45
-2,80
563,42
11,27
415,20
8,07
1.2
Đất lâm nghiệp
65,70
80,10
45,60
45,60
-20,10
-30,59
-34,50
-43,07
1.3
Đất nuôi trồng thuỷ sản
390,65
1000,06
1056,36
1039,80
649,15
166,17
39,74
3,97
-16,56
-1,57
1.5
Đất nông nghiệp khác
3,85
3,85
3,85
3,85
2
Đất phi nông nghiệp
4433,56
4601,61
4394,17
4095,50
-338,06
-7,63
-506,11
-11,00
-298,67
-6,80
2.1
Đất ở
919,77
973,31
1363,59
1348,55
428,78
46,62
375,24
38,55
-15,04
-1,10
2.2
Đất chuyên dùng
1287,66
1519,52
1954,75
1669,06
381,40
29,62
149,54
9,84
-285,69
-14,62
2.3
Đất tôn giáo, tín ngưỡng
8,92
8,92
24,40
24,05
15,13
169,62
15,13
169,62
-0,35
-1,43
2.4
Đất nghĩa trang, nghĩa địa
98,34
108,40
109,48
98,62
0,28
0,28
-9,78
-9,02
-10,86
-9,92
2.5
Đất sông suối và mặt nước CD
2115,80
1988,39
937,86
952,15
-1163,65
-55,00
-1036,24
-52,11
14,29
1,52
2.6
Đất phi nông nghiệp khác
3,07
3,07
4,09
3,07
-1,02
-24,94
3
Đất chưa sử dụng
167,32
99,33
132,90
32,93
-134,39
-80,32
-66,40
-66,85
-99,97
-75,22
Biểu đồ 4.8. Diện tích sử dụng đất chính của các phương án quy hoạch
Biểu đồ 4.9. Cơ cấu sử dụng đất chính của các phương án quy hoạch
4.4.2. Các biện pháp, giải pháp thực hiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010
* Các giải pháp về chính sách và quản lý
áp dụng đồng bộ các chính sách về đất đai, cụ thể hoá các điều khoản về luật, các văn bản sau luật cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Chính sách giao đất, quy chủ cụ thể cho từng thửa đất, trên cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng chủ sử dụng, từng thửa đất.
- Thực hiện chuyển đổi việc làm, truyền nghề, nuôi cấy nghề mới cho người lao động ở các vùng mất đất cho phát triển khu công nghiệp.
- Chính sách đầu tư đồng bộ kết hợp với bố trí các điểm dân cư tập trung theo hướng đô thị hoá.
- Khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sử dụng đất nhằm bảo vệ tài nguyên đất bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Tăng cường cơ sở vật chất đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thông tin trên địa bàn huyện.
- Xây dựng tổ chức thực hiện quy hoạch theo đúng chức năng quản lý nhà nước về đất đai và đặc biệt là phải có sự phối hợp, liên kết giữa các ngành, các địa phương và thậm chí là trong nội bộ ngành.
- Công bố rộng rãi các phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất được duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai và kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật đất đai ở cơ sở nhằm nâng cao ý thức sử dụng đất cho đúng mục đích, đúng quy hoạch sử dụng đất được duyệt, ngăn chặn các hiện tượng vi phạm luật đất đai.
- Tăng cường phối kết hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền đối với hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời tạo mối quan hệ gắn bó giữa các doanh nghiệp với chính quyền và nhân dân địa phương.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ đầu tư của các dự án được thuê đất, giao đất, yêu cầu các tổ chức, cá nhân được thuê đất, giao đất thực hiện đúng tiến độ đầu tư đã cam kết trong dự án, kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án chậm đầu tư theo đúng luật đất đai.
- Thực hiện tốt chính sách thu hồi đất, bồi thường đất theo quy định của Luật Đất đai; có chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nhằm giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng kịp tiến độ để đưa công trình vào hoạt động và sử dụng.
- Đẩy mạnh công tác giám sát thực hiện luật bảo vệ môi trường, giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện luật tài nguyên nước khi khai thác sử dụng nước ngầm trong các khu, cụm công nghiệp.
- Tăng cường tổ chức ngành, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và chế độ chính sách cho cán bộ địa chính ở cấp xã, thị trấn.
* Một số giải pháp kỹ thuật
- Đầu tư thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng để bù đắp sản lượng nông sản do một phần đất nông nghiệp chuyển sang sử dụng vào mục đích khác.
- Thực hiện mở rộng diện tích đất nông nghiệp, trong đó xây dựng các công trình thuỷ lợi và cứng hoá hệ thống kênh mương phải coi là giải pháp quan trọng, thực hiện tốt các chương trình, dự án về khai thác đất bằng và mặt nước chưa sử dụng vào sản xuất nông nghiệp.
- Nghiên cứu chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt để thực hiện thành công việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hoá và tăng giá trị sản phẩm trên 1ha canh tác.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục mọi người dân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và bảo vệ môi trường.
5. Kết luận và kiến nghị
5.1. Kết luận
Việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất của huyện đã được 7 năm (từ năm 2001 đến năm 2007) trên cơ sở phương án quy hoạch và kế hoạch điều chỉnh đến năm 2010 đã được duyệt. Từ kết quả phân tích đánh giá việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất của huyện trong giai đoạn vừa qua cho thấy:
1. Về kinh tế - xã hội của huyện đã phát triển với tốc độ khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2007 các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều vượt chỉ tiêu đề ra. Nông nghiệp, nông thôn chuyển hướng đầu tư, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành đạt hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù, diện tích đất nông nghiệp từ năm 2001 - 2007 giảm nên nông nghiệp hàng hóa được ưu tiên phát triển; quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh ở nhiều địa phương; trong cơ cấu có sự chuyển dịch theo hướng trồng trọt giảm, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp tăng; hệ thống kênh mương được cứng hóa; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp được quan tâm; cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh ở nông thôn được đầu tư cải tạo, xây dựng mới. Mặt khác, do được đầu tư khai thác và cải tạo có hiệu quả quỹ đất bằng chưa sử dụng, đất mặt nước hoang hoá đưa vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản nên diện tích đất nông nghiệp tăng để bù đắp phần diện tích phải chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp, đồng thời tạo thêm giá trị kinh tế cho các hộ gia đình làm nông nghiệp.
2. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện đã lập, tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn đã dần đi vào nề nếp, đất đai được sử dụng tiết kiệm, hợp lý hơn, tiềm năng đất đai của huyện được khai thác triệt để và có hiệu quả. Tính đến năm 2007, hầu hết diện tích đã được sử dụng cho các mục đích khác nhau, trong đó diện tích đất đang sử dụng có 10.626,85 ha, chiếm 98,58% diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng còn 152,69 ha, chiếm 1,42% diện tích tự nhiên.
3. Qua phân tích, đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu các loại đất trong kỳ quy hoạch đã phát hiện những bất hợp lý trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất so với chỉ tiêu đề ra. Đất nông nghiệp thực tế năm 2007 đạt 6.476,4 ha chiếm 60,08%, tăng 297,47 ha so với năm 2000 (bình quân hàng năm tăng 42,49 ha), so với quy hoạch vượt 223,66 ha. Đất phi nông nghiệp năm 2007 giảm 309,84 ha so với năm 2000, diện tích đạt 4.123,72 ha; so với quy hoạch giảm 270,45 ha. Đất chưa sử dụng năm 2007 diện tích 179,69 ha, tăng 12,37 ha so với năm 2000, giảm 80,36 ha so với quy hoạch. Việc thực hiện chỉ tiêu đất chuyên dùng theo quy hoạch được duyệt mới tập trung chủ yếu vào các công trình quan trọng như xây dựng hạ tầng giao thông nội thị, công trình trụ sở cơ quan và đất kinh doanh dịch vụ.
4. Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến năm 2010, năm 2008 năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn (2006 – 2010) của huyện. Chúng tôi đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2010:
- Đất nông nghiệp: diện tích đạt 6.651,38 ha chiếm 61,7% diện tích tự nhiên.
- Đất phi nông nghiệp: diện tích đạt 1.348,55 ha chiếm 37,99% diện tích tự nhiên.
- Đất chưa sử dụng: diện tích đạt 32,93 ha chiếm 0,31% diện tích tự nhiên.
5.2. Kiến nghị
Đề nghị huyện Gia Bình điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất không phù hợp với thực tế để làm căn cứ thực hiện quy hoạch cho những năm còn lại, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất điều chỉnh quy hoạch đến năm 2010.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu tiếng Việt
1. Nguyễn Đình Bồng (2006), “Một số vấn đề về quy hoạch sử dụng đất ở nước ta trong giai đoạn hiện nay”, Tài nguyên và môi trường, số 9 (35), tháng 9.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2003), Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật đất đai (1993 - 2003), Hà Nội.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2003), Báo cáo công tác quy hoạch, kế hoạck sử dụng đất đai. Hà Nội.
4. Võ Tử Can (2001), Phương án lập quy hoạch sử dụng đất đai, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
5. Chính phủ (2004), Báo cáo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2005 của cả nước. Hà Nội.
6. Hiến Pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Nguyễn Quang Học (2002), “Những vấn đề về phương pháp luận trong quản lý sử dụng đất bền vững theo quy hoạch sử dụng đất ở vùng núi phía Bắc”, Tạp chí địa chính, (số 9/2000).
8. Nguyễn Quang Học (2006), “Nâng cao hiệu quả quy hoạch sử dụng đất, Tài nguyên và Môi trường, số 11(37), tháng 11.
9. Luật Đất đai năm 2003 (2003). NXB chính trị Quốc gia, Hà Nội.
10. Nghị Quyết số 01/1997/QH9 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua tại kỳ họp thứ 11 về kế hoạch sử dụng đất cả nước năm 2000 và đẩy mạnh công tác quy hoạch sử dụng đất các cấp đến năm 2010.
11. Lý Nhạc, Nguyễn Hữu Tuyền, Phùng Đăng Chính (1987), Giáo trình canh tác học, NXB Nông nghiệp.
12. Đoàn Công Quỳ (2001), Đánh giá đất đai phục vụ quy hoạch sử dụng đất nông – lâm nhiệp huyện Đại Từ – tỉnh Thái Nguyên, Luận án tiến sỹ nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội.
13. Đoàn Công Quỳ, Vũ thị Bình, Nguyễn Thị Vòng, Nguyễn Quang Học và Đỗ Thị Tám (2004), Giáo trình quy hoạch sử dụng đất, NXB Nông nghiệp.
14. Lê Đình Thắng, Trần Tú Cường (2007), “Quy hoạch sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường”, Tài nguyên và Môi trường, số 10 (48), tháng 10.
15. Đào Châu Thu, Nguyễn Khang (1998), Đánh giá đất, NXB Nông nghiệp.
16. Nguyễn Dũng Tiến và các cộng sự (1998), Cơ sở lý luận và thực tiễn của quy hoạch sử dụng đất đai cấp tỉnh, tiếp cận mới về một phương pháp nghiên cứu, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tổng cục, số đăng ký 05-97, Viện Điều tra quy hoạch đất đai, Hà Nội.
17. UBND tỉnh Bắc Ninh (2005), Báo cáo tổng hợp quy hoạch sử dụng đất huyện Gia Bình đến năm 2010. Bắc Ninh.
18. Nguyễn Thị Vòng (2001), Nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ đánh giá hiệu quả sử dụng đất thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tổng cục, Hà Nội.
19. Viện điều tra quy hoạch đất đai, Tổng cục Địa chính (1998), Cơ sở lý luận khoa học của quy hoạch sử dụng đất đai, Hà nội.
Tài liệu tiếng Anh
20. Department of land Administration Kaohsiung city government (December 1993), A briefing on the land consolidation of Kaohsiung municipaliti Tai wan, republic of China.
21. FAO (1993), Guideline for use planning, Rome.
22. Land use Law: verview, http:// www.cornell.edu/wex/index.php/Land use/
23. Land use planning for Berlin. Keeping up with change, Summary 2001, http: //www. Stadtentwicklung.berlin.de/planen/fnp/index en.shtml
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- CHQL002.doc