Đảng lãnh đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc thời kỳ 1954- 1975

Tài liệu Đảng lãnh đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc thời kỳ 1954- 1975: ... Ebook Đảng lãnh đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc thời kỳ 1954- 1975

doc113 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2029 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Đảng lãnh đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc thời kỳ 1954- 1975, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU Tính cấp thiết của đề tài Chiến tranh là một sự thử thách toàn diện đối với bất cứ một chế độ chính trị xã hội nào, một quốc gia nào, tại thời điểm lịch sử nào trong lịch sử nhân loại. Việt Nam với một vị trí quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị , quân sự, kinh tế và văn hoá trong mối quan hệ giữa các quốc gia trên lục địa châu Á nói chung, vùng Đông Nam Á nói riêng, là địa bàn chiến lược trọng yếu mà bọn xâm lược qua các thời đại đều muốn chiếm lấy để thực hiện mưu đồ thực dân bành trướng của chúng. Do vậy chúng ta phải liên tục cầm súng bảo vệ chủ quyền độc lập quốc gia và lãnh thổ. Trong tiến trình lịch sử ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - cuộc chiến tranh giải phóng, là một trong ba chiến công vĩ đại nhất của Đảng và dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX nhưng cũng là thử thách nghiệt ngã nhất đối với dân tộc ta trong 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng. Để góp phần lý giải những nguyên nhân trọng yếu dẫn tới chiến công vĩ đại ấy, không thể không đề cập tới quá trình giáo dục, tổ chức và tập hợp các lực lượng cách mạng của toàn dân tộc, trong đó chủ yếu là thế hệ thanh niên - lực lượng xung kích, gương mẫu, sáng tạo, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên miền Bắc nói riêng đã đứng dậy đấu tranh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ ấy, thanh niên miền Bắc không phân biệt thành phần, giai cấp, với tất cả tình yêu quê hương đất nước, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã hăng hái, phấn khởi, tình nguyện vào chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia chiến đấu, cùng chung một lý tưởng cách mạng sáng ngời là chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Tinh thần và nhiệt huyết cách mạng của tuổi trẻ đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc vượt qua bao khó khăn thử thách, tiến lên giành thắng lợi. Ở hậu phương, phong trào thi đua với tiền phương mà nòng cốt là thanh niên diễn ra sôi nổi, với tinh thần “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cầy là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ” trở thành chỗ dựa vững chắc cho chiến trường miền Nam, có vai trò quyết định đến thắng lợi của cả nước. Quá khứ hào hùng của các thế hệ đi trước là truyền thống tốt đẹp hướng thế hệ trẻ ngày nay đoàn kết phấn đấu xây dựng đất nước, đi tới tương lai, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn thiết tha của Bác Hồ kính yêu. Để củng cố niềm tin cho đội quân xung kích cách mạng trong giai đoạn đất nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá với nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đồng thời phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mới, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn thì công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên càng có vai trò quan trọng. Hơn lúc nào hết, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một trong những yêu cầu cấp thiết góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Do vậy, đi sâu nghiên cứu tìm hiểu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc thời kỳ 1954- 1975 là việc làm rất cần thiết. Bởi không chỉ nhằm đánh giá những thành công của Đảng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên nói riêng và công tác giáo dục tư tưởng nói chung, mà qua đó rút ra một số kinh nghiệm của Đảng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên có giá trị cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Với lý do đó, tôi đã chọn đề tài: “Đảng lãnh đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc thời kỳ 1954- 1975” làm luận văn tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. 2. Tình hình nghiên cứu Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng. Công tác tư tưởng có vị trí đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ một chế độ chính trị xã hội nào. Vì vậy đã có không ít những tác giả quan tâm và đi sâu nghiên cứu công tác tư tưởng của Đảng qua từng giai đoạn lịch sử : Sơ thảo lược sử công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam 1930 – 2000 (Dự thảo) (2000), Nxb CTQG, Hà Nội; Đào Duy Tùng, (1984), Một số vấn đề về công tác tư tưởng, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội; Hoàng Tùng, (1986), Mấy vấn đề về công tác tư tưởng, Nxb Sách giáo khoa Mác- Lênin, Hà Nội. Ở các tác phẩm này, nhìn chung các tác giả đã bước đầu đưa ra quan niệm về công tác tư tưởng cũng như vị trí của công tác tư tưởng đối với sự nghiệp cách mạng và một số kinh nghiệm trong quá trình hoạt động lãnh đạo công tác tư tưởng của Đảng. Thanh niên với tư cách là lực lượng xung kích đi đầu trong mọi hoạt động của cách mạng, nhất là trong công tác tư tưởng của Đảng đã được nhiều học giả quan tâm như: Lê Duẩn, Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb Thanh niên; Lịch sử Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên; Thanh niên trong sự nghiệp chống Mỹ,cứu nước, Nxb Thanh niên. Các tác phẩm đã đánh giá tổng quát quá trình ra đời, trưởng thành và phát triển của thế hệ thanh niên Việt Nam cũng như những đóng góp của họ đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Đặc biệt với cuốn Thanh niên trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đã tập hợp nhiều bài viết của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Tố Hữu, Song Hào. Trong tác phẩm này, các tác giả bên cạnh việc khẳng định vai trò của thanh niên cũng như quá trình phấn đấu học tập và rèn luyện vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong bài viết của đồng chí Lê Duẩn còn khẳng định vai trò to lớn của lý tưởng cách mạng, coi đó là cội nguồn sức mạnh của thanh niên. Để phát huy vai trò là đội quân xung kích của thanh niên, hoạt động giáo dục tổ chức thanh niên luôn là một trong những nhiệm vụ thường xuyên mà Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội quan tâm, trăn trở làm sao xây dựng cho thanh niên những lý tưởng sống cao đẹp, học tập, lao động và chiến đấu hết mình vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Không ít tác giả bước đầu đã đưa ra cách nhìn nhận và những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục cho thanh niên như: Phạm Văn Đồng (1969), Đào tạo thế hệ trẻ của dân tộc thành những người chiến sỹ cách mạng dũng cảm, thông minh, sáng tạo, Nxb Sự thật, Hà Nội; Quang Vinh (2000), Hồ Chí Minh về giáo dục và tổ chức thanh niên, Nxb Thanh niên, Hà Nội; Nhiều tác giả, (1966), Thanh niên với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Nxb Thanh niên, Hà Nội. Các tác phẩm dù đề cập ở khía cạnh nào cũng đều khẳng định vai trò của thanh niên và tầm quan träng cña viÖc tæ chøc vµ gi¸o dôc thanh niªn. Với Tố Hữu trong bài viết “Lý tưởng cộng sản với thanh niên chúng ta” đã nhấn mạnh vai trò to lớn của lý tưởng đối với mỗi thanh niên và khẳng định: Lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành xương, thành tuỷ trong hàng vạn, hàng triệu quần chúng và lý tưởng cộng sản chỉ thành hình và củng cố trên cơ sở gắn đời mình với Đảng, với cách mạng, với quần chúng công nông. Ngoài ra còn một số bài viết đăng trên báo tạp chí đề cập đến công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên như: Báo chí với việc giáo dục thanh niên cuả tác giả Lưu Văn Kiền đăng trên tạp chí Công tác tư tưởng tháng 10/2003. Nhìn chung, các tác phẩm đã đề cập ít nhiều đến công tác thanh niên nói chung và công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên nói riêng. Những công trình khoa học trên đã cung cấp nhiều tư liệu quý, nhiều định hướng, đánh giá quan trọng để tác giả tham khảo, kế thừa trong quá trình xây dựng bản thảo. Tuy nhiên, đứng ở góc độ chuyên ngành lịch sử Đảng, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống, chi tiết và tổng kết kinh nghiệm của Đảng trong quá trình lãnh đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc thời kỳ 1954- 1975 - một trong những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. 3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích - Khẳng định vai trò của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng đối với thanh niên trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. - Đánh giá những thành công của Đảng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên miền Bắc thời kỳ 1954- 1975. - Rút ra những kinh nghiệm có ý nghĩa lịch sử và thực tiễn góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay. 3.2. Nhiệm vụ - Hệ thống khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò của thanh niên và công tác giáo dục thanh niên thời kỳ 1954 - 1975. - Làm rõ quá trình lãnh đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên miền Bắc thời kỳ 1954- 1975 của Đảng Cộng sản Việt Nam . - Đánh giá kết quả, từ đó rút ra một số kinh nghiệm về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu: - Những quan điểm của Đảng và Bác về thanh niên, vai trò của thanh niên cũng như những chủ trương của Đảng về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên - Quá trình chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc thời kỳ 1954- 1975 của Đảng. 4.2. Phạm vi nghiên cứu - Nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên miền Bắc thời kỳ 1954 -1975 nhằm phát huy cao hơn nữa sức mạnh và nhiệt huyết của tuổi trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành độc lập cho dân tộc, thống nhất nước nhà. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 5.1. Cơ sở lý luận Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thanh niên và công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. 5.2. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu + Luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử, phương pháp logic. Ngoài ra, tác giả đã vận dụng một số phương pháp khác như: phương pháp thống kê kết hợp với phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp. + Nguồn tư liệu luận văn chủ yếu dựa vào các văn kiện, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tài liệu lưu trữ tại Trung ương Đoàn. 6. Đóng góp của luận văn - Luận văn góp phần làm rõ hơn nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong thời kỳ 1954 - 1975. Từ đó, rút ra một số kinh nghiệm của Đảng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc thời kỳ 1954 - 1975 có giá trị lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước. - Khẳng định sự cần thiết và vai trò quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong giai đoạn cách mạng hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn được kết cấu thành 2 chương, 6 tiết. Chương 1 ĐẢNG LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG CHO THANH NIÊN Ở MIỀN BẮC NHỮNG NĂM 1954 - 1965 1.1. Tình hình thanh niên miền Bắc và những yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên sau năm 1954 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Hoà bình lập lại ở Đông Dương, miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân dân phấn khởi ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội với một nền nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, phải đương đầu với muôn vàn khó khăn chồng chất. Sản xuất nhiều ngành bị đình đốn, sa sút nghiêm trọng: 14 vạn ha đất bị bỏ hoang hoá; hơn 10 vạn trâu bò bị giết hại, những công trình thuỷ lợi quan trọng nhất bị tàn phá, gần 10 triệu đồng bào không có nhà ở, việc làm; thương nghiệp bị đình đốn. Chính sách ngu dân của thực dân Pháp đã ảnh hưởng nguy hại đến trình độ văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật… của nhân dân. Nạn đói, thất nghiệp và các tệ nạn xã hội khác phổ biến ở các vùng tạm chiếm cũ. Trong khi đó, các thế lực thù địch tìm mọi âm mưu thâm độc để phá hoại miền Bắc. Bằng mọi thủ đoạn lừa gạt, đe doạ và cưỡng ép những người đã tham gia nguỵ quân, nguỵ quyền, đồng bào theo đạo Thiên chúa, một số người trong giai cấp tư sản, nhân viên và công nhân kỹ thuật di cư vào Nam hòng gây rối loạn xã hội miền Bắc, tạo điều kiện cho bọn nguỵ quân nguỵ quyền ở miền Nam có thêm chỗ dựa về chính trị, xã hội và nguồn dự trữ quân số. Chúng đã cung cấp phương tiện, tiền của cho bọn phản động gây ra những vụ phá rối trật tự trị an ở nhiều nơi như Bùi Chu, Phát Diệm….., xúi giục, khuyến khích bọn phản động, thổ phỉ nổi dậy hoạt động phá hoại ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Tháo dỡ mang đi hoặc phá hoại hàng ngàn tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ sản xuất và hoạt động kinh tế ở miền Bắc trước khi ra khỏi vùng chiếm đóng. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ từng bước phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Chúng dựng lên chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, dìm phong trào cách mạng miền Nam trong biển máu hòng thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước. Biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập một phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam châu Á. Đồng thời, lấy miền Nam làm căn cứ để tiến công miền Bắc - tiền đồn của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á nhằm đè bẹp và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở vùng này, bao vây và uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa. Trên thế giới, chủ nghĩa xã hội hiện thực đang trở thành hệ thống thế giới, từng bước được củng cố phát triển lớn mạnh. Chủ nghĩa xã hội đã tỏ rõ tính ưu việt và ngày càng chinh phục được trái tim của nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn có không ít những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho cách mạng Việt Nam. Mỹ đã thể hiện rõ ý đồ bá chủ thế giới với một chiến lược toàn cầu phản cách mạng hết sức thâm độc, tổ chức và điều hành khối NATO, can thiệp hầu hết vào các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới. Ngăn cản, bao vây, phá hoại phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và điên cuồng chống phá hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ thời điểm này là châu Âu nhưng vì vị trí quan trọng của Việt Nam đối với khu vực Đông Nam Á và vành đai châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược toàn cầu của Mỹ nên những kẻ cầm đầu nước Mỹ đã coi Việt Nam là một mắt xích quan trọng. Trong lúc đó, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã trở thành một lực lượng to lớn làm đối trọng với Mỹ cũng như các thế lực phản động quốc tế. Nhưng đã xuất hiện khuynh hướng thoả hiệp trong nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế sau 1954 đã có những bất đồng về chính trị và tư tưởng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng của nhiều cán bộ đảng viên và nhân dân. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, tư tưởng của thanh niên đã có những tác động không nhỏ. Thanh niên miền Bắc lớn lên trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, hầu hết đã tham gia chiến đấu và trải qua các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước cũng như nhiều phong trào của quần chúng nhân dân. Chính những cuộc vận động đó đã rèn luyện thanh niên ta tinh thần yêu nước chân chính, ngày càng nhận rõ kẻ thù và có lòng căm thù giặc sâu sắc. Từ ngày hoà bình lập lại, đông đảo thanh niên miền Bắc hăng hái phấn khởi tham gia lao động sản xuất trên các công trường, kiến thiết đất nước, thể hiện niềm tin tưởng vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn. Tích cực thi đua sản xuất, tiết kiệm trong các xí nghiệp, trên đồng ruộng nhất là những phong trào vỡ hoang, chống hạn, chống bão lụt. Những ngày lao động kiến thiết đất nước đã bồi dưỡng thêm lòng yêu nước và rèn luyện cho thanh niên tinh thần lao động mới nhất là thanh niên nữ có vai trò rất to lớn trong nhiệm vụ đảm đang sản xuất, công tác ở hậu phương, thay thế và động viên chiến sỹ ở tiền tuyến quyết tâm giết giặc. Thanh niên còn là lực lượng xung kích đảm nhận nhiệm vụ sản xuất và bảo vệ sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong điều kiện chiến trường gay go quyết liệt và khẩn trương nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên miền Bắc với tinh thần yêu nước đã hăng hái tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất, bước đầu xác lập được quan điểm lao động mới, trung thành với chế độ ta, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Từ trong lao động, học tập hay trong chiến đấu, từ xí nghiệp, công nông trường đến hợp tác xã nông nghiệp, đơn vị quân đội và trường học đều tỏ rõ tinh thần hăng hái đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, tích cực chấp hành chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, trước yêu cầu và đòi hỏi của cách mạng với tinh thần ở đâu Đảng cần thanh niên có, cái gì mới thanh niên xung phong đi đầu, thanh niên ta đã lập nhiều thành tích, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cách mạng giao phó. Đây cũng chính là những mặt thể hiện bản chất cách mạng của thanh niên, phẩm chất chính trị tốt đẹp, sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Đảng và Chính phủ, có ý thức bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm căn bản và những tiến bộ mới thì trong tư tưởng thanh niên từ khi hoà bình lập lại đã bộc lộ một số nhược điểm: Tinh thần hy sinh phấn đấu, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, một lòng một dạ phục vụ nhân dân có phần giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật lỏng lẻo hơn. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình miền Bắc sau giải phóng, đặc biệt là sự phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch (cả lực lượng thân Pháp còn lại và lực lượng tay sai của Mỹ) đã tác động tiêu cực đến tư tưởng của thanh niên miền Bắc. Cụ thể: Thanh niên công nhân: Số đông thanh niên công nhân xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau (nông dân, tiểu tư sản, một số lớn là thanh niên xung phong chuyển sang hoặc là bộ đội nhân viên cơ quan chuyển ngành, con em gia đình cán bộ trong đó có khá nhiều thanh niên miền Nam ra Bắc tập kết). Nói chung, phần lớn là những thanh niên tốt, được giáo dục rèn luyện về tinh thần yêu nước, xây dựng niềm tin vào Đảng, cầu tiến bộ, họ là lực lượng mới trẻ và luôn hăng hái đi đầu trong nhiều hoạt động do Đảng phát động. Tuy nhiên, do xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau, chưa được rèn luyện qua chiến đấu, lao động, do vậy, chưa thật gắn bó với nhà máy công trường, chưa nhận thức được địa vị làm chủ và vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, chưa có quan điểm lao động vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật lao động còn thấp. Hơn nữa, trong một thời gian tương đối dài, đời sống thanh niên công nhân còn khó khăn, yêu cầu của thanh niên về cải thiện đời sống, điều kiện làm việc, học tập nghề nghiệp chưa được thực hiện nên thanh niên công nhân chưa yên tâm sản xuất. Thanh niên nông dân: Qua kháng chiến và cải cách ruộng đất thanh niên nông dân đã được giáo dục rèn luyện nhiều về tinh thần yêu nước. Bên cạnh đó, ở nông thôn đang có phong trào cách mạng của nông dân từ làm ăn riêng lẻ tiến lên xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong phương thức sản xuất, lề lối làm việc của nông dân. Nhưng một số thanh niên không nhận thấy nội dung cuộc biến đổi cách mạng ấy vì quá quen và bị trói buộc bởi tư tưởng, tập quán làm ăn cũ cho nên không say sưa, phấn khởi trước phong trào hợp tác hoá. Thanh niên sinh viên một số chưa nhận thấy vinh quang được học tập trở thành người lao động phục vụ nhân dân nên trong phong trào cách mạng của toàn thể nhân dân đang phát triển họ cảm thấy hình như mình bị thiệt thòi nên chưa thật hăng hái, phấn khởi. Trên cơ sở đặc điểm cũng như tình hình tư tưởng thanh niên miền Bắc sau năm 1954, để phát huy những ưu điểm của thanh niên, lấy đó làm cơ sở khắc phục những nhược điểm, đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng trong việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên để họ có định hướng phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng cao đẹp đó. * Yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác giáo dục thanh niên ở miền Bắc 1954- 1965. Xuất phát từ nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước là củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập, dân chủ, bằng phương pháp hoà bình. Căn cứ vào nhiệm vụ đặt ra cho công tác tư tưởng là nâng cao lòng yêu nước kết hợp với tinh thần quốc tế chân chính, bước đầu tuyên truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa, chống tư tưởng đế quốc và phong kiến, bước đầu phê phán tư tưởng tư sản…cũng như tình hình tư tưởng của thanh niên miền Bắc lúc này, một trong những yêu cầu đang đặt ra đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên miền Bắc là: Tiếp tục giáo dục tinh thần lao động dũng cảm quên mình; Giáo dục truyền thống đoàn kết yêu nước và đấu tranh cách mạng gian khổ để nâng cao chí khí phấn đấu và lòng tin tưởng ở chế độ xã hội tốt đẹp mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng; Động viên thanh niên ra sức đoàn kết, phấn đấu vượt mọi khó khăn, phấn khởi thi đua yêu nước, đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm, quyết tâm củng cố miền Bắc về mọi mặt, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và bền bỉ đấu tranh thống nhất nước nhà. Đối với những tầng lớp thanh niên khác nhau, công tác giáo dục có những yêu cầu riêng: - Thanh niên công nhân: Phải giáo dục quan điểm lao động mới, kết hợp nâng cao ý thức giai cấp công nhân, ý thức làm chủ nhà máy, công trường, tinh thần phấn đấu khắc phục gian khổ. Đồng thời kết hợp với cuộc vận động sản xuất tiết kiệm, giáo dục tinh thần giản dị trong sinh hoạt, phòng ngừa ảnh hưởng xấu của tư tưởng tư sản. - Thanh niên nông dân: Đẩy mạnh giáo dục tinh thần làm chủ tập thể trong sản xuất, tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, phấn đấu khắc phục khó khăn để đưa nông thôn tiến dần vào con đường hợp tác hoá, khắc phục tư tưởng muốn làm ăn riêng lẻ, tách rời lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể. - Thanh niên sinh viên: Chủ yếu giáo dục lý tưởng cách mạng thông qua hình thức giáo dục tinh thần, thái độ học tập để phục vụ sản xuất, nhận thức đầy đủ khó khăn, chuẩn bị tinh thần phấn đấu gian khổ xây dựng chủ nghĩa xã hôị. Tóm lại, Sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình cách mạng sâu sắc và triệt để nhất, đồng thời cũng là quá trình hết sức khó khăn, gian khổ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, đứng trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên miền Bắc của Đảng càng có ý nghĩa quan trọng hơn lúc nào hết, đòi hỏi Đảng không ngừng bồi dưỡng đoàn viên thanh niên thành lớp người trẻ tuổi trung thành với Tổ quốc và lý tưởng cộng sản, thấm nhuần tinh thần đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; Xây dựng lớp thanh niên có lý tưởng cách mạng, có giác ngộ giai cấp và lòng yêu nước sâu sắc, gắn bó chặt chẽ với Đảng, có lòng căm thù giặc; Bồi dưỡng đoàn viên thanh niên thành lớp người có tinh thần cách mạng kiên cường, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần làm chủ tập thể, không sợ khó, sợ hy sinh gian khổ, sẵn sàng lao động sản xuất và chiến đấu phục vụ Tổ quốc. Đó là những yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản của công tác giáo dục thanh niên. 1.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thanh niên và công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên 1.2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác giáo dục thanh niên Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của các nhà kinh điển Mác xít. Trong quá trình nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, Mác - Ăngghen đã sớm nhận ra vai trò của thanh niên chính là tương lai của nhân loại. Tương lai của giai cấp công nhân và tương lai của nhân loại hoàn toàn phụ thuộc vào việc giáo dục thế hệ thanh niên. Thanh niên là đội quân xung kích quyết định của đạo quân vô sản quốc tế. Do vậy, công tác giáo dục sẽ giúp thanh niên có khả năng nắm vững nhanh chóng toàn bộ hệ thống sản xuất trong thực tiễn, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân. Đặc biệt, C.Mác - người thầy và vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân đã khẳng định: “Bộ phận giác ngộ nhất của giai cấp công nhân, hiểu rất rõ tương lai của giai cấp công nhân, tức là tương lai của loài người hoàn toàn phụ thuộc vào việc giáo dục thế hệ công nhân đang lớn lên”[54, tr.51]. Lênin, người học trò của Mác sau này cũng đã khẳng định: Thanh niên là người xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Ai nắm được thanh niên người đó là chủ thế giới. Vai trò của thanh niên được thể hiện tập trung, nổi bật nhất trong vấn đề giáo dục đào tạo. Lênin nhấn mạnh sự nghiệp cách mạng là một quá trình lâu dài, nhiều thế hệ nối tiếp nhau hoàn thành, thế hệ cách mạng của người đi trước chỉ là mở đường và hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn đầu. Những thế hệ sau có nhiệm vụ kế tục và hoàn thành tiếp tục sự nghiệp của thế hệ trước. Trong Diễn văn tại Đại hội lần thứ ba của Đoàn thanh niên Cộng sản Nga ngày 2/10/1920, Người chỉ rõ: Theo một ý nghĩa nào đó, có thể nói rằng, nhiệm vụ thực sự sáng tạo ra xã hội cộng sản chính là thanh niên phải đảm nhiệm lấy. Bởi vì, rõ ràng là thế hệ những người lao động được đào tạo trong xã hội tư bản chủ nghĩa, thì giỏi lắm chỉ có thể giải quyết được nhiệm vụ phá huỷ nền móng của chế độ tư bản già cỗi dựa trên bóc lột. Giỏi lắm thì họ cũng chỉ có thể giải quyết được nhiệm vụ xây dựng một cơ chế xã hội có khả năng giúp cho giai cấp vô sản và các giai cấp cần lao giữ lấy chính quyền trong tay và đặt những nền móng vững chắc, trên đó chỉ có những thế hệ khởi công trong những điều kiện mới, trong một hoàn cảnh khi không còn quan hệ bóc lột người nữa, mới có thể xây dựng được [51, tr.229-230]. Trong quá trình đấu tranh cách mạng giành, giữ và củng cố chính quyền, cải tạo xã hội cũ, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, mỗi thế hệ có một sứ mệnh riêng không thể thay thế được. Sứ mệnh lịch sử vinh quang đó - tức là xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, chỉ có thể và do thanh niên đảm nhận. Do vậy, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên cũng chính là nhằm phát huy sức mạnh của thanh niên trong phong trào cách mạng đó. Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của thanh niên trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng góp phần hình thành những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên đối với cách mạng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã thấy rõ đóng góp to lớn của tuổi trẻ Việt Nam đối với sự trường tồn và phát triển của dân tộc, đồng thời khẳng định: Một là: Vận mệnh của dân tộc, sự phát triển của đất nước tuỳ thuộc vào sự giác ngộ cách mạng và trách nhiệm của thanh niên. Thanh niên là lực lượng đông đảo nhất, hùng hậu nhất trong các cuộc chống xâm lăng, là lực lượng gánh vác những công việc nặng nề, khó khăn vất vả nhất trong lao động sản xuất và chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Ngay khi đất nước chìm đắm trong đêm đen nô lệ, Nguyễn Ái Quốc đã có dự báo thiên tài: Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Ra đi tìm đường cứu nước, Người đã mang theo lòng tin sâu sắc vào thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tiếp bước truyền thống cha anh, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi giành độc lập cho dân tộc. Những năm tháng của quãng đời tuổi trẻ, bản thân Người đã học tập, lao động và đấu tranh cùng nhân dân thế giới, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và giành thắng lợi của cách mạng vô sản thế giới. Cũng chính quá trình hoạt động thực tiễn, Người càng thấy tính cấp thiết của việc khơi dậy phong trào cách mạng của thanh niên Việt Nam. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản năm 1925, Người khẳng định: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không dám hồi sinh” [61, tr.133]. Hồ Chí Minh đã nhận thấy vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên Việt Nam đối với vận mệnh của dân tộc. Người cho rằng, thanh niên là lớp người tiêu biểu cho sức sống của dân tộc, thực dân Pháp đang dùng rượu cồn, thuốc phiện và chính sách ngu dân hòng làm u mê, đần độn thế hệ trẻ chính là đang huỷ diệt dần đi sức sống của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, Người kêu gọi: muốn hồi sinh dân tộc trước hết phải hồi sinh thanh niên. Thực hiện tư tưởng đó, tháng 12 năm 1924 khi về đến Quảng Châu, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc ngay với thanh niên yêu nước Việt Nam trong nhóm Tâm tâm xã và thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên - Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, quy tụ tất cả những thanh niên Việt Nam yêu nước đầy nhiệt huyết vào trong một tổ chức, nhằm giác ngộ chủ nghĩa Mác- Lênin, giúp họ hiểu vì sao phải làm cách mạng và làm cách mạng như thế nào. Công lao to lớn của Hội là truyền bá chủ nghĩa Mác - LêNin vào các tầng lớp thanh niên yêu nước. Từ đó với phong trào “vô sản hoá” đưa giai cấp công nhân Việt Nam nhanh chóng phát triển thành một lực lượng chính trị độc lập. Giác ngộ nhiều người yêu nước đi theo đường lối cứu nước đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc, làm phá sản mọi khuynh hướng, tư tưởng của chủ nghĩa cải lương tư sản, đẩy lùi tư tưởng quốc gia dân tộc tư sản của Việt Nam Quốc dân Đảng, đồng thời đưa phong trào cách mạng tiến lên thành một cao trào có tính độc lập rõ rệt. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thanh niên Việt Nam có lý tưởng cách mạng soi đường đã hăng hái tham gia phong trào đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, cùng Đảng và dân tộc làm nên nhiều chiến thắng vĩ đại. Đặc biệt, trong tiến trình phát triển của lịch sử ấy, Hồ Chí Minh đã chỉ ra khả năng cách mạng to lớn của tuổi trẻ cũng như những tiềm năng to lớn của họ trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước nhà. Trong ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã gửi gắm niềm tin tưởng của mình vào thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” [62, tr.33]. Năm 1947, Người khẳng định: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cho tương lai đó. Chứng kiến sự cống hiến và trưởng thành của thế hệ thanh niên Việt Nam, Người thêm tự hào và tin tưởng vào thế hệ trẻ, thấy tương lai của dân tộc vô cùng vững chắc và vẻ vang. Hai là, Thanh niên là lực lượng to lớn, là độ._.i quân xung kích trên mọi mặt trận của cách mạng. Với con mắt tinh tường, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy vị trí vai trò của thanh niên, đó là lực lượng trẻ khoẻ, hăng hái, có lý tưởng, giàu đức hy sinh, sẵn sàng xả thân vì đất nước. Tin tưởng vào lực lượng to lớn và khả năng cách mạng của tuổi trẻ, Hồ Chí Minh đã động viên và giao nhiệm vụ cho thanh niên cả nước đi đầu trong tăng gia sản xuất, xoá nạn mù chữ, thực hành đời sống mới và khẳng định thanh niên là lực lượng chính trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Người nhấn mạnh vai trò xung kích đi đầu của thanh niên trong hành động cách mạng, vai trò đó thể hiện “Việc gì khó có thanh niên, ở đâu khó có thanh niên”. Theo Người, sự nghiệp cách mạng càng phát triển thì càng đòi hỏi thanh niên thực hiện tốt hơn vai trò xung kích của mình trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật. Tại Đại hội toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ II tháng 12 năm 1961, Hồ Chí Minh đã nêu lên một cách cụ thể và hoàn chỉnh quan điểm của Người về vai trò xung kích của thanh niên trong cách mạng. Theo Người: Thanh niên là người tiếp sức mạnh cách mạng cho thế hệ thanh niên lớp trước đồng thời là người dìu dắt, phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai. Thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội…. Thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc. Trong mọi công việc thanh niên luôn thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó, thanh niên làm”. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên, luôn nhìn nhận thanh niên như một chủ thể đang phát triển, đang nhập cuộc và tiếp tục hoàn thiện. Từ vị trí, vai trò của thanh niên, Hồ Chí Minh chỉ ra tầm quan trọng của việc giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thanh niên, phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong mọi thời kỳ cách mạng, đó là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết. Cách mạng là sự nghiệp lâu dài đầy khó khăn, thử thách của nhiều thế hệ. Lịch sử là vô hạn nhưng cuộc đời mỗi người là có hạn, mỗi thế hệ chỉ có thể đi hết một chặng đường trên con đường vạn dặm đã lựa chọn. Hồ Chí Minh thấy rõ khả năng tối đa của thế hệ đi trước có thể làm được cũng như cái giới hạn tự nhiên mà thế hệ đó không thể vượt qua. Vì vậy, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là quy luật của cách mạng, của sự vận động lịch sử. Quan tâm, giáo dục bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau chính là thực hiện quy luật khách quan nhằm đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước không ngừng phát triển. Song, đây là công việc hết sức công phu, bền bỉ cần phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng trong xã hội và phải giáo dục đầy đủ các mặt: đạo đức cách mạng, khoa học kỹ thuật, lao động và sản xuất… Trong quá trình giáo dục và tự giáo dục ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Người khẳng định: Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới. Một ngày nào mà miền Nam ta chưa giải phóng, Tổ quốc ta chưa được thống nhất, nhân dân ta chưa được sung sướng yên vui thì tất cả chúng ta vẫn phải đem hết tinh thần và nghị lực mà phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng hoàn toàn thắng lợi [65, tr. 93]. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là lý tưởng của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước. Riêng đối với thanh niên, lý tưởng ấy gắn bó với thanh niên từng giờ, từng phút. Thật vậy, thanh niên bao giờ cũng sống với ước mơ hoài bão, tha thiết hướng tới cái cao đẹp. Để không ngừng nâng cao lý tưởng cách mạng, Người khẳng định cần giáo dục thanh niên tinh thần: - Phải luôn nâng cao chí khí cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. - Tin tưởng sâu sắc vào trí tuệ của tập thể, của nhân dân, tăng cường đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do. - Luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí xa hoa, thực hành tiết kiệm, tự phê bình và phê bình, nghiêm chỉnh giúp đỡ nhau cùng tiến bộ mãi. - Ra sức học tập nâng cao trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để ngày càng cống hiến nhiều cho Tổ quốc và nhân dân. - Luôn chú ý dìu dắt thiếu niên nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo. Thanh niên chúng ta là thế hệ anh hùng của thời đại anh hùng. Vì vậy, phải không ngừng nâng cao tinh thần cách mạng, sẵn sàng cống hiến hy sinh vì lý tưởng cách mạng cao đẹp mà Đảng và Bác đã lựa chọn. 1.2.2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên * Quan niệm về lý tưởng cách mạng Lý tưởng là mục đích cao đẹp do mỗi người lựa chọn hoặc tự xây dựng nên từ những kiểu mẫu sáng chói trong hiện thực, có tác dụng lôi cuốn toàn bộ cuộc sống của cá nhân vươn tới mục tiêu đó. Lý tưởng chính là cái mà người ta hướng tới, vì lý tưởng cách mạng mà người ta sống, làm việc, học tập, chiến đấu và dưới ánh sáng của nó, người ta hiểu được ý nghĩa của cuộc đời. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng và Bác Hồ đã nhận ra rằng trong sức mạnh của dân tộc, có sức mạnh của thanh niên, thanh niên có mạnh, dân tộc mới mạnh. Nhưng cái gì đã tạo nên sức mạnh dời núi, lấp biển của thanh niên? Đó chính là lý tưởng cách mạng, lý tưởng chiến đấu do Đảng, Bác không ngừng giáo dục và bồi dưỡng cho thanh niên. Thanh niên chúng ta ngày nay đang đứng trước tương lai tốt đẹp với nhiều cơ hội thuận lợi song cũng không ít khó khăn, thách thức. Do vậy, đòi hỏi thanh niên phải không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tình cảm cách mạng, trái tim cần phải có những nhịp đập của giai cấp vô sản, có ý thức sống thì làm cách mạng đến cùng, nếu cần thì phải hy sinh cho xứng đáng. Đấy là điều hạnh phúc lớn cho cuộc đời của mỗi người. Trước sức mạnh to lớn của lý tưởng cách mạng, lý tưởng sống của mỗi người, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này cũng thường xuyên chăm lo đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên - đội xung kích cách mạng. Đồng chí Trường Chinh khẳng định: “Lý tưởng là cái gì cao quý, cái gì tốt đẹp mà mình hằng mơ ước và có thể thực hiện được nhưng phải đấu tranh gian khổ mới có” [75, tr.10]. Lý tưởng chẳng khác nào ngôi sao dẫn đường cho người ta bước tới, chỉ hướng cho người ta hành động. Lý tưởng còn là động lực thúc đẩy, điều khiển toàn bộ hoạt động của con người, thôi thúc nguyện vọng tự trau dồi, tự tu dưỡng. Lý tưởng tạo cho con người ta niềm tin sắt đá ở thắng lợi cuối cùng và một sức mạnh phi thường để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Lý tưởng trở thành niềm tin, một lòng tin khoa học trên cơ sở phát triển của lịch sử xã hội chứ không phải lòng tin mù quáng. Đồng chí Lê Duẩn trong một bài nói chuyện với thanh niên năm 1963 đã chỉ rõ: Trước đây hy sinh chiến đấu cứu nước là anh hùng. Ngày nay, hy sinh phấn đấu để nhân dân ta được ăn no, mặc đủ, có nhà ở, được học hành là sự nghiệp anh hùng. Phấn đấu không mệt mỏi để trong vòng 15, 20 năm nữa biến nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh là sự nghiệp anh hùng, là lý tuởng cách mạng của thanh niên. Để thắp sáng niềm tin, nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ và quyết liệt, Đảng khẳng định: đối với thanh niên việc xác định lý tưởng đúng đắn là vấn đề rất quan trọng. Lý tưởng cách mạng chính là mục tiêu phấn đấu cách mạng. Đảng ta ngay từ khi ra đời đã vạch rõ mục tiêu phấn đấu cuối cùng là thực hiện chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản ở nước ta. Mục tiêu cách mạng ấy của Đảng chính là lý tưởng cách mạng của thanh niên. Đứng trước cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam và âm mưu phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhân dân ta đã khắc sâu lời thề “thà chết không chịu làm nô lệ”, quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập cho dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện lý tưởng thiêng liêng nhất của mình. Quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là mục tiêu phấn đấu trước mắt của Đảng, của dân tộc nói chung và của thế hệ thanh niên Việt Nam nói riêng. Đây là bước quyết định trên con đường đi tới thực hiện lý tưởng vĩ đại. Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, thanh niên đã không ngừng học tập và nhanh chóng xác định: Độc lập và thống nhất Tổ quốc, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là lý tưởng của thanh niên ta. * Quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên miền Bắc 1954 – 1965 Trên cơ sở nhận thức được vị trí, vai trò to lớn của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên đặc biệt là thanh niên miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã kịp thời đề ra đường lối chủ trương giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc. Xuất phát từ nhiệm vụ trọng tâm của miền Bắc lúc này là tiếp quản vùng giải phóng, hoàn thành cải cách ruộng đất, trấn áp bọn phản cách mạng, ra sức khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hoá hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân trong những năm đầu sau giải phóng. Nhiệm vụ lớn đặt ra cho công tác tư tưởng của Đảng là tập trung giữ ổn định tư tưởng trong Đảng và nhân dân, phát động phong trào quần chúng ở các đô thị cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc đấu tranh mới. Song, lúc này đế quốc Mỹ câu kết với thực dân Pháp xuyên tạc những chính sách của Đảng và Chính phủ, chúng tiến hành chiến dịch quy mô lớn, cưỡng ép đồng bào ta ở những vùng sắp giải phóng và một số tỉnh vùng tự do di cư vào Nam. Do vậy, việc tổ chức và giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên miền Bắc đòi hỏi phải đáp ứng được nhiệm vụ, yêu cầu của công tác tư tưởng của Đảng là chống phá âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam. Để làm tròn nhiệm vụ trên, một trong những vấn đề quan trọng là cần tiến hành giáo dục sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về tinh thần trách nhiệm và mục tiêu phấn đấu của mỗi thế hệ người dân Việt Nam. Đặc biệt với thanh niên, đây là lần đầu tiên họ được tiếp cận với chủ nghĩa xã hội, trước kia chủ nghĩa xã hội mới chỉ là định hướng. Vì vậy, trong Nghị quyết về việc đổi tên Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam thành Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam ngày 19/10/1955 của Ban Bí thư đã khẳng định: Cần giáo dục cho thanh niên từ trong thực tế công tác và đấu tranh mà nâng cao trình độ chính trị của thanh niên, làm cho thanh niên có lập trường giai cấp và nhân sinh quan cách mạng đúng đắn, hiểu biết và thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Đảng nhấn mạnh: trong giai đoạn hiện nay, ở miền Bắc cần động viên thanh niên hăng hái tham gia cải cách ruộng đất, tích cực sản xuất, học tập kỹ thuật, phát huy sáng kiến để hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế, củng cố miền Bắc vững chắc, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đây chính là nhiệm vụ của thanh niên trong quá trình phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng chung là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Để kịp thời chỉ đạo công tác giáo dục thanh niên trong tình hình mới, ngày 17/9/1957, Đảng đã ra Chỉ thị số 49 - CT/TW “Về việc tăng cường lãnh đạo công tác thanh vận”. Chỉ thị đã đánh giá cao vai trò của thanh niên: Thanh niên là lực lượng to lớn có khả năng và tinh thần kiên quyết cách mạng, có truyền thống anh dũng; là lớp người đang lớn lên về thể chất, đang phát triển về trí tuệ, giàu tinh thần xung phong, hăng hái, thiết tha với lý tưởng tốt đẹp của Đảng, không sợ khó khăn nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh, phấn đấu vì lý tưởng đó. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thanh niên còn có những nhược điểm như: Giác ngộ giai cấp chưa sâu sắc. Hơn nữa, thanh niên lại là lớp người thiếu từng trải, bồng bột, thiếu thực tế, không bao giờ bằng lòng với hiện tại, thường đề ra nhiều yêu cầu nhưng khi không được thoả mãn thì dễ sinh ra thái độ bất mãn. Do vậy, cần phải giáo dục bồi dưỡng thanh niên để hoàn thành sự nghiệp cách mạng và xây dựng xã hội mới. Đảng cũng khẳng định đây không chỉ là nhiệm vụ của Đoàn thanh niên mà còn là nhiệm vụ của mỗi đảng viên, cán bộ, tất cả các ngành, các cấp. Mục đích của công tác giáo dục thanh niên hiện nay là: - Nâng cao giác ngộ giai cấp, nâng cao trình độ chính trị, phân rõ bạn thù, giáo dục tinh thần yêu nước kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản. - Nâng cao chí khí phấn đấu, bồi dưỡng lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. - Tiếp tục truyền thống khắc phục gian khổ, thật thà chất phác, cần cù lao động, giản dị tiết kiệm. Nhiệm vụ của công tác giáo dục thanh niên Đối với thanh niên công nhân, nông dân: Phải nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, trình độ văn hóa và nghề nghiệp, nâng cao kỷ luật lao động. Đối với thanh niên sinh viên: Kết hợp việc học tập văn hoá với học tập chính trị, giáo dục quan điểm lao động, xác định quan hệ giữa lợi ích dân tộc với lợi ích cá nhân và tập thể, phục tùng sự phân phối phân công công tác của Nhà nước. Phương pháp tiến hành: Dựa vào đặc điểm của lứa tuổi thanh niên Đảng đã đề ra phương pháp thuyết phục, giải thích, khêu gợi tính tự giác và sáng tạo của thanh niên. Sau khi hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế, từ năm 1958 đến năm 1960, miền Bắc bắt tay vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đứng trước nhiệm vụ mới của đất nước, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương khoá 2 tháng 11/1958 đã dành một phần lớn thời gian bàn về việc tăng cường giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho đoàn viên thanh niên. Hội nghị khẳng định: Nhiệm vụ hiện nay của công tác tư tưởng là phải nâng cao ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa và tinh thần yêu nước, nâng cao chí khí đấu tranh không ngừng và tinh thần cảnh giác của toàn thể cán bộ đoàn viên, làm cho mọi người đem hết nhiệt tình cách mạng và sức lao động sáng tạo của mình góp vào cuộc đấu tranh cải tạo xã hội, đẩy mạnh sản xuất, cần kiệm xây dựng nước nhà. Do vậy, đối với công tác giáo dục thanh niên cần phải xác định mục tiêu, lý tưởng trước mắt là: Hăng hái đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, lấy lao động tập thể thay cho lối làm ăn riêng lẻ, lấy quan hệ hợp tác lao động để phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Hăng hái lao động sản xuất và xây dựng, ra sức làm nhiều, nhanh, tốt rẻ đem lại ấm no, có lợi cho nước nhà. Phải cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, ra sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hăng hái vượt trước, xoá bỏ tình trạng thấp kém, lạc hậu, làm cho nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội không ngừng tiến bộ, mỗi người phải là một chiến sỹ. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III năm 1960, Đảng chủ trương cùng với cách mạng xã hội chủ nghĩa về kinh tế, miền Bắc phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng, văn hoá và kỹ thuật. Cuộc cách mạng này là bộ phận khăng khít của cách mạng xã hội chủ nghĩa, những bộ phận ấy phải đồng thời tiến hành và thúc đẩy lẫn nhau. Để thực hiện tốt chủ trương trên, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực tư tưởng văn hoá, đặc biệt đối với công tác giáo dục phải: Phát triển theo quy mô lớn nhằm bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người lao động làm chủ đất nước, có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có văn hoá, kỹ thuật, có sức khoẻ, phục vụ đường lối và nhiệm vụ cách mạng của Đảng. Với thanh niên, lớp người xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẽ xây dựng chủ nghĩa cộng sản phải giáo dục thế hệ trẻ thành những chiến sỹ trung thành với Tổ quốc, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, động viên thanh niên đem hết nhiệt tình của tuổi trẻ tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phương pháp và hình thức giáo dục: Chủ yếu đưa thanh niên vào thực tế đấu tranh cách mạng thông qua cuộc vận động cải tạo xã hội chủ nghĩa và lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội để từ đó thanh niên tìm thấy những hình ảnh tươi đẹp, sinh động nổi bật trong lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, cần phát huy hình thức thi đua xã hội chủ nghĩa, sử dụng hình thức cá nhân điển hình và tổ chức cho thanh niên tự học tập chính trị. Quan điểm giáo dục thanh niên thành những con người mới, xây dựng cho thanh niên thành những người có lý tưởng, có đạo đức, dám hy sinh vì sự nghiệp của cách mạng của Đảng thực sự là ngọn lửa soi đường, có ý nghĩa chỉ đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên miền Bắc đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 1.3. Quá trình chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc (1954 - 1965) 1.3.1. Giáo dục thế giới quan Mác- Lênin, rèn luyện lập trường quan điểm giai cấp công nhân, nâng cao niềm tin vào Đảng, vào sự nghiệp cách mạng cho thanh niên Trên tinh thần xác định cho thanh niên nhận thức về tiền đồ vẻ vang của cách mạng, biết hoà mình vào sự nghiệp rộng lớn của nhân dân, lấy đó làm lý tưởng để phấn đấu, đồng thời hướng tất cả tinh thần và trí tuệ, sức mạnh cho mục tiêu thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Trước mắt, Đảng lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc vững mạnh làm căn cứ địa, hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta đang tiến hành trong điều kiện thuận lợi song cũng không ít những thách thức, khó khăn. Nhiệm vụ của thanh niên miền Bắc một mặt phải cùng nhau hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa các thành phần kinh tế cá thể và tư doanh, một mặt phải tranh thủ thời gian phát triển công nghiệp hiện đại. Cuộc cách mạng đó đang đòi hỏi chúng ta phải có lớp thanh niên là những người công nhân tiên tiến, nông dân tiên tiến, bác sỹ, nhà khoa học và cả một đội quân dũng cảm hy sinh, có lòng yêu nước nồng nàn, biết lao động quên mình để xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa có nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp tiên tiến. Sự nghiệp đó là một việc làm khó khăn, nếu thanh niên không được trang bị thế giới quan khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin - cơ sở vững chắc của lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, có quyết tâm cách mạng thì không làm nên việc gì to lớn. Vì vậy, Đảng đã chỉ đạo cho tất cả các đoàn viên thanh niên phải học lý luận Mác Lênin, tạo cho họ cơ sở để tiếp thu đường lối chính sách của Đảng được sâu sắc, phân rõ ranh giới tư tưởng được tốt và hoạt động thực tiễn một cách tự giác hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn thanh niên đã tổ chức giáo dục một số vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin cho thanh niên, trên cơ sở giúp cho thanh niên hiểu bản chất giai cấp của đường lối chính sách của Đảng cũng như quá trình cách mạng đang diễn ra và hiểu được bản chất giai cấp trong các vấn đề đấu tranh xây dựng tư tưởng. Từ đó, giúp thanh niên xác định được lý tưởng cách mạng để có phương hướng hoạt động đúng đắn, tin tưởng và quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng. Những buổi sinh hoạt chính trị giáo dục về chủ nghĩa cộng sản; về một số vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng Việt Nam; về Đảng, Đoàn đã giúp cho thanh niên nắm vững những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa cộng sản, thấy rõ chủ nghĩa cộng sản là chế độ xã hội tốt đẹp nhất của loài người, là mục đích và lý tưởng cao quý nhất của thanh niên. Thanh niên hiểu rõ sự nghiệp đấu tranh thực hiện chủ nghĩa cộng sản là sự nghiệp đấu tranh quang vinh nhưng lâu dài và gian khổ. Nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa cộng sản một thế hệ không thể làm xong, thế hệ thanh niên có trách nhiệm là người kế tục cha anh đảm đương lấy sự nghiệp vẻ vang đó dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để trang bị cho thanh niên nhận thức rõ hơn về chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng, tại Đại hội thanh niên ngày 17/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: dưới chế độ tư bản, đế quốc và phong kiến, không thể có phong trào thanh niên tốt đẹp. Chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa chúng ta mới huy động được lực lượng và tài năng của thanh niên và biến họ thành con người mới, xây dựng một xã hội mới. Tuy nhiên, ở miền Nam, thanh niên và đồng bào đang phải đấu tranh chống chế độ phản động của Mỹ - Diệm, ở miền Bắc, thanh niên được tự do đem hết tài năng của mình tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do vậy, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên phải học tập phát huy vai trò của mình trên mọi mặt trận học tập, lao động sản xuất và chiến đấu. Trong quá trình học tập lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng nhấn mạnh: muốn làm tròn nhiệm vụ của người chiến sỹ trung thành với lý tưởng cộng sản, mỗi đoàn viên thanh niên phải không ngừng nâng cao, bồi dưỡng ý chí chiến đấu, kiên định lập trường giai cấp công nhân, xác định quyết tâm suốt đời hy sinh phấn đấu cho lý tưởng cách mạng ấy. Hiện nay, do âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, đất nước ta còn bị chia cắt, hai miền tồn tại hai chế độ chính trị xã hội khác nhau. Do đó, chúng ta vừa phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa phải đấu tranh giải phóng miền Nam để thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Hai nhiệm vụ này quan hệ khăng khít với nhau không thể tách rời, cho nên trong bài học giáo dục chính trị cơ bản đầu tiên, Đảng xác định rất rõ lý tưởng của thanh niên hiện nay là “độc lập” thống nhất Tổ quốc, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đồng thời khẳng định: Để thực hiện được lý tưởng đó thanh niên miền Bắc phải không ngừng bồi dưỡng ý chí chiến đấu, kiên định lập trường giai cấp công nhân, xác định quyết tâm suốt đời hy sinh phấn đấu cho lý tưởng cách mạng vĩ đại đúng như đồng chí Lê Duẩn đã nói: Cuộc sống cao quý khi ta sống có lý tưởng và để thực hiện lý tưởng, khi cần có thể xả thân vì sự nghiệp chung của dân tộc của giai cấp. Song, một thực tế đang đặt ra đối với cách mạng Việt Nam là cuộc đấu tranh giai cấp giữa ta và địch ngày càng gay gắt và quyết liệt, cuộc đấu tranh giữa hai con đường trong nội bộ nhân dân cũng là cuộc đấu tranh tư tưởng rất dai dẳng và phức tạp. Chủ nghĩa xét lại cũng đang tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vào quan điểm, đường lối của Đảng ta và các đảng mác xít anh em. Nhân dân ta đang đứng trước cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để thống nhất đất nước. Trong khi đó, thanh niên miền Bắc tuy đã ý thức được bạn, thù nhưng lại thiếu cơ sở thực tế để tiếp thu, thấm nhuần những lý luận cơ bản về lập trường tư tưởng của giai cấp vô sản. Vì vậy, Đảng không ngừng tăng cường rèn luyện, nâng cao lập trường giai cấp công nhân cho thanh niên nhằm giúp cho thanh niên hiểu rõ giai cấp công nhân ngày nay thực sự làm chủ vận mệnh của mình, đang đoàn kết và lãnh đạo nhân dân lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời gây dựng lòng tự hào được chiến đấu cho lý tưởng của giai cấp công nhân của thanh niên. Cùng với việc xây dựng lập trường giai cấp công nhân, Đảng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục để kiên quyết khắc phục tư tưởng tiểu tư sản, chống những ảnh hưởng tư tưởng tư sản, đế quốc, phong kiến dưới mọi biểu hiện như tư tưởng cầu an hưởng lạc, ngại khó, ngại khổ, sợ hy sinh, thắc mắc chế độ đãi ngộ…. Tháng 3/1960, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Trung ương Đoàn đã tiến hành đợt chỉnh huấn chính trị về Nghị quyết 14, 15 của Trung ương Đảng cho toàn thể đoàn viên thanh niên. Qua chỉnh huấn, thanh niên đã bước đầu hiểu về đường lối và nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, phân biệt được bạn, thù, củng cố thêm lập trường giai cấp công nhân, phê phán và khắc phục một phần chủ nghĩa cá nhân, nâng cao ý thức tập thể và tinh thần làm chủ. Về đấu tranh thống nhất nước nhà, thanh niên được học tập sâu hơn, ngày càng tin tưởng vào đường lối và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà của Đảng. Đợt chỉnh huấn đã nhấn mạnh: sự nghiệp cộng sản chủ nghĩa là sự nghiệp vĩ đại nhất song cũng là sự nghiệp gian khổ chưa từng có trong lịch sử. Chúng ta không phải chỉ đánh bại kẻ thù, tiêu diệt chế độ tư bản, đế quốc chủ nghĩa mà đồng thời phải xoá bỏ ảnh hưởng xấu của những yếu tố tiêu cực mà lịch sử để lại. Sự nghiệp cách mạng ở miền Bắc không phải chỉ là đả phá cái cũ mà quan trọng hơn hết là xây dựng cái mới. Đó là sự nghiệp gian khổ và lớn lao, cần thế hệ thanh niên hiến dâng sức lực và trí tuệ của mình. Để củng cố niềm tin cho thanh niên vào con đường cách mạng vô sản, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, lập trường giai cấp công nhân cho thanh niên miền Bắc một cách sinh động, phù hợp với hoàn cảnh đất nước, Đảng không chỉ bó hẹp giáo dục trong những buổi sinh hoạt chính trị mà tiến hành giáo dục thông qua việc đưa thanh niên tham gia thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng vì chính quá trình đấu tranh thực hiện đường lối chính sách là quá trình thực hiện lý tưởng chiến đấu của Đảng và nhân dân ta. Qua quá trình đó, lý tưởng chung của Đảng dần trở thành lý tưởng riêng của mỗi thanh niên một cách thực sự trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau chỉ đạo về việc giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, nâng cao lập trường giai cấp công nhân cho đoàn viên thanh niên, thanh niên ở các tầng lớp khác nhau đã nhanh chóng nhận thức được nhiệm vụ của mình, xây dựng niềm tin vào sự nghiệp cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng lãnh đạo. Niềm tin ấy đã thể hiện trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc ngay từ những năm đầu khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc tạo ra môi trường rộng lớn cho tuổi trẻ cống hiến và trưởng thành. Trong 3 năm khôi phục kinh tế, có 6 vạn thanh niên tình nguyện lên các công trường, hàng chục vạn đoàn viên thanh niên bổ sung vào giai cấp công nhân. Tuổi trẻ cảm nhận sự thay đổi trong đời sống tinh thần của chế độ mới nên tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hoá mới. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên đã tham gia đấu tranh vạch trần âm mưu chống phá cách mạng của nhóm Nhân văn - Giai phẩm góp phần xây dựng đời sống văn hoá mới, xây dựng con người mới. Có thể nói, thắng lợi của công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc chính là nguồn cổ vũ tinh thần lao động cho thanh niên cũng như niềm tin vào sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, vào sự nghiệp cách mạng. Với lý luận khoa học sắc bén của chủ nghĩa Mác- Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng trên lập trường giai cấp công nhân, thanh niên ngày càng tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, vào con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn. 1.3.2. Giáo dục tinh thần thi đua, đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất và học tập, đem hết nhiệt tình phấn đấu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng hoàn toàn, Đảng ta chủ trương tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đường lối đó xác định con đường đi lên của cách mạng cả nước, kết hợp những yêu cầu cơ bản của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, đồng thời đó cũng là mục tiêu phấn đấu trước mắt của thanh niên miền Bắc trên con đường xây dựng lý tưởng cách mạng của mình. Thực hiện đường lối xây dựng và củng cố miền Bắc làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Đảng đã nhanh chóng tổ chức thanh niên tham gia vào phong trào lao động sản xuất, khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, thanh niên đã tích cực tham gia xây dựng miền Bắc ở khắp mọi nơi từ xí nghiệp đến công trường, trường học cơ quan, đơn vị…. Dựa theo kế hoạch của Nhà nước, thanh niên đã đề ra mục tiêu phấn đấu cụ thể: Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, Đảng chỉ đạo đưa thanh niên nông thôn tham gia dỡ bom mìn, khai hoang phục hoá, khôi phục lại nền sản xuất nông nghiệp đã bị chiến tranh tàn phá, ổn định đời sống nhân dân. Đào tạo thanh niên thành những người có trình độ khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp đúng với vị trí của nó. Năm học 1957 - 1958 đã có 443 sinh viên và 1039 học sinh trung cấp nông nghiệp được đào tạo. Trong 3 năm học 1954- 1957 tuổi trẻ các tỉnh miền Bắc đã không tiếc mồ hôi, công sức đóng góp hàng triệu ngày công để sửa chữa, khắc phục, đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp 6 công trình thuỷ nông lớn và hàng chục công trình thuỷ lợi hạng vừa, đáp ứng một phần tưới tiêu cho đồng ruộng. Trên mặt trận sản xuất công nghiệp, Đảng chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương Đoàn phát động phong trào “Lao động kiến thiết Tổ quốc” với ba nội dung: Làm việc đúng giờ Chống tham ô lãng phí - Trau dồi nghề nghiệp nhằm động viên khí thế cách mạng của tuổi trẻ, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh. Cuộc vận động thu hút hàng chục vạn thanh niên tham gia với tinh thần được cống hiến sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhiều hình thức hoạt động giáo dục mang màu sắc thanh niên đã xuất hiện như tổ trau dồi nghề nghiệp, kết nghĩa thợ già thợ trẻ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… Thanh niên nhà máy Nam Định có phong trào đứng thêm máy, phong trào thi đua học tập phương pháp sản xuất Đào Thị Hà cải tiến, hợp lý hoá phương pháp xeo giấy tăng năng suất từ 950 tờ đến 1560 tờ/ 1 ngày. Nhiều thanh niên ở các thành phố, vùng nông thôn đã lên đường cùng với bộ đội, thanh niên xung phong trên các công trường xây dựng tạo cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, để đưa miền ngược tiến kịp miền xuôi, từ năm 1955- 1957, có 36.000 thanh niên tình nguyện lên miền Tây Tổ quốc để xây dựng kinh tế - xã hội. Sự tham gia tích cực và đông đảo của tuổi trẻ vào sự nghiệp khôi phục kinh tế đã góp phần đáng kể đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, làm cho kinh tế quốc doanh phát triển mạnh. Cùng với khôi phục kinh tế, Đảng lãnh đạo thanh niên tích cực đẩy mạnh đợt tuyên truyền vận động nhân dân và thanh niên không mắc._.áng chiến chống Mỹ, cứu nước, lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên miền Bắc nói riêng đã trở thành niềm tin, lẽ sống của nhiều thế hệ thanh niên cách mạng. Lý tưởng ấy đã làm cho thanh niên có niềm tin sắt đá, ý chí kiên định, nghị lực phi thường, những ước mơ và khát vọng lớn lao. Lý tưởng tạo nên động lực sẵn sàng cống hiến tất cả sức mạnh tinh thần và thể chất dồi dào, tiềm năng to lớn của tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng cao cả. Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với quan điểm thanh niên là lớp người ở lứa tuổi say mê khát vọng, lý tưởng cách mạng làm cho họ dám nhìn về phía trước, vững bước tiến đến tương lai, gắn mình vào vận mệnh của dân tộc và đất nước, Đảng đã không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên miền Bắc để khắc phục tình trạng thanh niên sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, không vì lợi ích tập thể và dân tộc. Bằng nhiều hoạt động phong phú, Đảng đã phối hợp với nhiều cơ quan đặc biệt là Đoàn thanh niên tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc, rèn đúc nên những con người cao đẹp và gắn họ thành một khối bền vững để họ có thể hy sinh trọn đời cho cách mạng tuyệt đối trung thành với cách mạng. Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy nhiều phẩm chất cao quý của người cộng sản, phấn đấu suốt đời xả thân vì lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng và dân tộc và cũng chính là lẽ sống của biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam Vì lý tưởng cao đẹp ấy, biết bao chiến sĩ cộng sản, biết bao người con yêu quý của dân tộc đã hy sinh, biết bao thanh niên đã lên đường chiến đấu và giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ. Mỗi phong trào cụ thể của thanh niên ở miền Bắc đều mang đậm tinh thần dân tộc, khí phách của một thế hệ mang trong mình những khát vọng đựơc cống hiến hết mình vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, chúng ta mới có thắng lợi của đại thắng mùa xuân 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ hùng mạnh nhất thế giới một cách oanh liệt và tự hào. Ngày nay, khi chiến tranh đã đi qua, đất nước ta đang từng ngày, từng giờ đổi thay theo sự phát triển đi lên của nhân loại với nhiều thời cơ và thách thức lớn lao, đòi hỏi thanh niên phải tích cực đi đầu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn thử thách. Do vậy, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cao đẹp cho thanh niên - những người chủ tương lai của đất nước càng có ý nghĩa sâu sắc nhằm xây dựng niềm tin cho thanh niên vào con đường cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để đảm đương sứ mệnh của lịch sử giao phó. Để thanh niên ngày nay có thể ngẩng cao đầu mà sống với tình cảm trong sáng, với lý tưởng cao đẹp và giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn ánh hào quang của lòng tin tưởng. Đưa lá cờ bách chiến bách thắng của Đảng và dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng trong chặng đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Ban ChÊp hµnh Trung ­¬ng §¶ng (cïng nhiÒu t¸c gi¶) (1967), Thanh niªn trong sù nghiÖp chèng Mü cøu n­íc, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi. Ban Tuyªn huÊn Trung ­¬ng §oµn, 5 tiªu chuÈn tu d­ìng cña ®oµn viªn thanh niªn lao ®éng, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi. Ban T­ t­ëng V¨n ho¸ -Trung ­¬ng (2000), Mét sè V¨n kiÖn cña §¶ng vÒ c«ng t¸c t­ t­ëng – v¨n ho¸, tËp 1 (1930 – 1986), Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. Ban T­ t­ëng V¨n ho¸ -Trung ­¬ng (2000), 70 n¨m c«ng t¸c t­ t­áng v¨n ho¸ cña §¶ng truyÒn thèng vÎ vang, tr¸ch nhiÖm to lín, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. Lª DuÈn (1984), C¸ch m¹ng x· héi chñ nghÜa ë ViÖt Nam , tËp IV, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. Lª DuÈn (1984), VÒ x©y dùng nÒn v¨n ho¸ míi, con ng­êi míi x· héi chñ nghÜa, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. Lª DuÈn (1986), Néi dung c¬ b¶n cña c¸ch m¹ng x· héi chñ nghÜa ë ViÖt Nam, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. Lª DuÈn, Thanh niªn víi c¸ch m¹ng x· héi chñ nghÜa, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi. §¶ng Lao ®éng ViÖt Nam, NghÞ quyÕt sè 07- NQ/TW “ VÒ viÖc ®Èy m¹nh phong trµo thi ®ua yªu n­íc ®¶m b¶o hoµn thµnh toµn diÖn vµ v­ît møc kÕ ho¹ch nhµ n­íc n¨m 1961 vµ kÕ ho¹ch 5 n¨m lÇn thø nhÊt, Hå s¬ 525, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam (2002), V¨n kiÖn §¶ng Toµn tËp, tËp 21, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam (2002), V¨n kiÖn §¶ng Toµn tËp, tËp 26, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam (2003), V¨n kiÖn §¶ng Toµn tËp, tËp 27, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam (2003), V¨n kiÖn §¶ng Toµn tËp, tËp 28, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam (2004), V¨n kiÖn §¶ng Toµn tËp, tËp 29, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam (2004), V¨n kiÖn §¶ng Toµn tËp, tËp 30, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam (2004), V¨n kiÖn §¶ng Toµn tËp, tËp 31, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam (2004), V¨n kiÖn §¶ng Toµn tËp, tËp 32, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam (2004), V¨n kiÖn §¶ng Toµn tËp, tËp 33, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1957), B¸o c¸o vÒ c«ng t¸c t­ t­ëng cña thanh niªn, Hå s¬ 1141, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam , B¸o c¸o t¹i Héi nghÞ Ban ChÊp hµnh Trung ­¬ng §oµn lÇn thø 8 vÒ c«ng t¸c gi¸o dôc, Hå s¬ 1141, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1959), §Èy m¹nh h¬n n÷a phong trµo c¶i tiÕn kü thuËt, s¸ng kiÕn ph¸t minh trong thanh niªn c«ng nh©n, Hå s¬ 1229, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1960), NghÞ quyÕt Héi nghÞ Tuyªn huÊn thanh niªn toµn miÒn B¾c, Hå s¬ 523, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1960), D­íi ngän cê yªu n­íc vµ chñ nghÜa x· héi ®em hÕt nghÞ lùc vµ trÝ tuÖ cu¶ tuæi trÎ cèng hiÕn cho sù nghiÖp c¸ch m¹ng vÎ vang cña §¶ng vµ cña nh©n d©n, Hå s¬ 523, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1963), ChØ thÞ vÒ viÖc Tæ chøc gi¸o dôc ®oµn viªn vµ thanh niªn tÝch cùc tham gia tuÇn lÔ ®Êu tranh chèng Mü DiÖm ñng hé m¹nh mÏ cuéc ®Êu tranh gi¶i phãng cña ®ång bµo miÒn Nam, Hå s¬ 1163, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1963), Th«ng tri sè 132 vÒ viÖc më ®ît gi¸o dôc vÒ t×nh h×nh miÒn Nam vµ ®Èy m¹nh ®ît häc tËp lao ®éng tiÕt kiÖm v× miÒn Nam ruét thÞt, nh©n dÞp tuÇn lÔ thanh niªn sinh viªn thÕ giíi ®oµn kÕt víi thanh niªn sinh viªn miÒn Nam ViÖt Nam kû niÖm ngµy 20/12 vµ 9/1, Hå s¬ 1163, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1964), B¸o c¸o tæng kÕt tuÇn lÔ ®Êu tranh chèng ®Õ quèc Mü vµ tay sai ®Èy m¹nh s¶n xuÊt vµ c«ng t¸c, ñng hé ®ång bµo miÒn Nam, Hå s¬ 1163, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1965), Giíi thiÖu tËp s¸ch “Tõ tuyÕn ®Çu tæ quèc”, Hå s¬ 1202, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1965), B¸o c¸o tæng kÕt ®ît vËn ®éng ®äc s¸ch “Tõ tuyÕn ®Çu tæ quèc”, Hå s¬ 1202, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1965), Gi­¬ng cao ngän cê quyÕt t©m ®¸nh th¾ng giÆc Mü x©m l­îc, Hå s¬ 573, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1965), NghÞ quyÕt cña Héi nghÞ Ban ChÊp hµnh Trung ­¬ng §oµn TNL§VN lÇn thø 9 vÒ t×nh h×nh nhiÖm vô cña ®oµn viªn thanh niªn trong sù nghiÖp chèng Mü, cøu nuíc, Hå s¬ 559, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1965), NghÞ quyÕt cña Ban Th­êng vô Trung ­¬ng §oµn TNL§VN vÒ c«ng t¸c ®Èy m¹nh s¶n xuÊt vµ tÝch cùc chuÈn bÞ s½n sµng chiÕn ®Êu, Hå s¬ 559, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1966), KÕ ho¹ch tæ chøc ®ît gi¸o dôc Lµm theo lêi B¸c “Kh¾c s©u c¨m thï, ph¸t huy truyÒn thèng quyÕt th¾ng giÆc Mü x©m l­îc”, Hå s¬ 1159, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1969), B¸o c¸o s¬ bé t×nh h×nh thùc hiÖn nghÞ quyÕt 181 cña Ban BÝ th­ trung ­¬ng §¶ng vÒ c«ng t¸c thanh vËn, Hå s¬ 1152, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1969), ChØ thÞ vÒ ®ît sinh ho¹t chÝnh trÞ “Häc tËp vµ lµm theo Di chóc cña Hå Chñ tÞch”, Hå s¬ 1160, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng ViÖt Nam (1970), Th«ng b¸o V/v Tæ chøc cho thanh niªn xem phim trong n¨m 1970, Hå s¬ 1230, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng Hå ChÝ Minh (1971), KÕ ho¹ch Tuyªn truyÒn, gi¸o dôc nghÞ quyÕt 19 cña Ban ChÊp hµnh Trung ­¬ng §¶ng trong ®oµn viªn, Hå s¬ 1150, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng Hå ChÝ Minh (1971), ChØ thÞ v/v TiÕp tôc ®Èy m¹nh viÖc tuyªn truyÒn gi¸o dôc g­¬ng tèt Lª M· L­¬ng, Hå s¬ 1171, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng Hå ChÝ Minh (1973), Ph¸t huy khÝ thÕ “ba s½n sµng” anh dòng lËp c«ng, tranh thñ cèng hiÕn nhiÒu nhÊt cho Tæ quèc vµ chñ nghÜa x· héi (B¸o c¸o t¹i §¹i héi “Ba s½n sµng” toµn miÒn B¾c 5/1973), Hå s¬ 562A, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Lao ®éng Hå ChÝ Minh (1974), KÕ ho¹ch thùc hiÖn nghÞ quyÕt cña Ban Th­êng vô TW §oµn vÒ viÖc chÊp hµnh nghiªm chØnh nghÞ quyÕt sè 228 cña Bé chÝnh trÞ Trung ­¬ng §¶ng, Hå s¬ 1151, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn. §oµn Thanh niªn Céng s¶n Hå ChÝ Minh, Bèn m­¬i n¨m ®Êu tranh c¸ch m¹ng vÎ vang cña §oµn, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi §oµn Thanh niªn Céng s¶n Hå ChÝ Minh (2002), Tæng quan t×nh h×nh thanh niªn, c«ng t¸c ®oµn vµ phong trµo thanh thiÕu nhi, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi. Ph¹m V¨n §ång (1969), §µo t¹o thÕ hÖ trÎ cña d©n téc thµnh nh÷ng ng­êi chiÕn sü c¸ch m¹ng dòng c¶m, th«ng minh, s¸ng t¹o, Nxb Gi¸o dôc, Hµ Néi. Ph¹m V¨n §ång (1979), Sù nghiÖp gi¸o dôc trong chÕ ®é x· héi chñ nghÜa, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. Ph¹m V¨n §ång (1986), MÊy vÊn ®Ò vÒ v¨n ho¸ gi¸o dôc, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. Ph¹m V¨n §ång (1999), MÊy vÊn ®Ò vÒ gi¸o dôc ®µo t¹o, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. Lª Xu©n §ång (1961), Mét vµi vÊn ®Ò vÒ ph­¬ng ph¸p c«ng t¸c cña §oµn thanh niªn, Nxb Thanh niªn, Hµ néi. NguyÔn H÷u §øc (chñ biªn) (2003), Gi¸o dôc, rÌn luyÖn thanh niªn theo t­ t­ëng Hå ChÝ Minh vµ quan ®iÓm cña §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam, Nxb Qu©n ®éi nh©n d©n, Hµ Néi. Héi sinh viªn ViÖt Nam (2003), LÞch sö phong trµo häc sinh, sinh viªn ViÖt Nam vµ Héi sinh viªn ViÖt Nam, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi. Tè H÷u (1970), Bµi nãi chuyÖn t¹i tr­êng NguyÔn ¸i Quèc, L­u tr÷ ViÖn LÞch sö §¶ng. V.I. Lªnin (1977), Toµn tËp, TËp 41, Nxb M¸txc¬va. V.I. Lªnin (1981), Bàn về thanh niên, Nxb Thanh niªn, Hà Néi. V.I. Lªnin (1959), NhiÖm vô cña §oµn thanh niªn, TuyÓn tËp, quyÓn 2, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. Phan Ngäc Liªn (chñ biªn) (2005), HËu ph­¬ng lín, tiÒn tuyÕn lín trong kh¸ng chiÕn chèng Mü, cøu n­íc 1954- 1975, Nxb Tõ ®iÓn B¸ch khoa, Hµ Néi. C.M¸c (1959), Chñ nghÜa M¸c vµ vÊn ®Ò gi¸o dôc, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. C.M¸c vµ Ph.¡ngghen (1978), VÒ thanh niªn, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. Trần Văn Miều (2001), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 70 năm xây dựng và trưởng thành, Nxb Thanh niên, Hà Nội. Hå ChÝ Minh (cïng nhiÒu t¸c gi¶), (1966) Thanh niªn víi chñ nghÜa anh hïng c¸ch m¹ng, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi. Hå ChÝ Minh (1972), Bµn vÒ c«ng t¸c gi¸o dôc, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. Hå ChÝ Minh (1973), VÒ gi¸o dôc thanh niªn Nxb Thanh niªn, Hµ Néi. Hå ChÝ Minh, V× ®éc lËp tù do v× chñ nghÜa x· héi thanh niªn ta h¨ng h¸i tiÕn lªn, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi, Hå ChÝ Minh (2002), Toµn tËp, tËp 2, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. Hå ChÝ Minh (2002), Toµn tËp, tËp 4, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. Hå ChÝ Minh (2002), Toµn tËp, tËp 8, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. Hå ChÝ Minh (2002), Toµn tËp, tËp 10, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. Hå ChÝ Minh (2002), Toµn tËp, tËp 12, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. NguyÔn Träng Phóc (chñ biªn) (2006), C¸c §¹i héi ®¹i biÓu toµn quèc vµ Héi nghÞ Ban ChÊp hµnh Trung ­¬ng §¶ng Céng s¶n ViÖt Nam (1930- 2006), Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. Vò Quang (1968), Gi¸o dôc cho thanh niªn lý t­ëng céng s¶n vµ lËp tr­êng t­ t­ëng, ®¹o ®øc cña giai cÊp c«ng nh©n, Hå s¬ 1197, L­u tr÷ Trung ­¬ng §oµn Vò Quang (1969), Qu¸n triÖt vµ phÊn ®Êu thùc hiÖn NghÞ quyÕt 181 cña Ban BÝ th­ Trung ­¬ng §¶ng vÒ c«ng t¸c vËn ®éng thanh niªn, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi. Vò Quang, L­u Minh Ch©u, T¹ Quang ChiÕn (1969), Bèn bµi gi¸o dôc chÝnh trÞ c¬ b¶n cho ®oµn viªn, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi. NguyÔn ¸i Quèc (1982), §­êng C¸ch mÖnh, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. Thµnh ®oµn Hµ Néi, H·y tiÕp tôc häc tËp NguyÔn V¨n Trçi, kh«ng ngõng n©ng cao nhiÖt t×nh c¸ch m¹ng, gi¸c ngé giai cÊp, ®Èy m¹nh phong trµo thi ®ua “Mçi ng­êi lµm viÖc b»ng hai” ®i vµo bÒ s©u nh»m hoµn thµnh kÕ ho¹ch nhµ n­íc 1964, Hå s¬ 679, L­u tr÷ Trung u¬ng §oµn §µo Duy Tïng (1984), Mét sè vÊn ®Ò vÒ c«ng t¸c t­ t­ëng, Nxb Th«ng tin lý luËn, Hµ Néi. Hoµng Tïng (1986), MÊy vÊn ®Ò vÒ c«ng t¸c t­ t­ëng, Nxb S¸ch gi¸o khoa M¸c – Lªnin, Hµ Néi. V¨n Tïng (chñ biªn) (2000), LÞch sö §oµn TNCS HCM vµ phong trµo thanh niªn ViÖt Nam, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi. Thanh V©n, PhÊn ®Êu cho lý t­ëng c¸ch m¹ng cao ®Ñp, Nxb Thanh niªn, Hµ Néi. ViÖn LÞch sö Qu©n sù (1997), HËu ph­¬ng chiÕn tranh nh©n d©n (1945- 1975), Nxb Qu©n ®éi nh©n d©n, Hµ Néi. Quang Vinh (tuyÓn chän) (2002), Hå ChÝ Minh vÒ gi¸o dôc vµ tæ chøc thanh niªn, Nxb thanh niªn, Hµ Néi. Uû ban khoa häc x· héi, ViÖn sö häc (1985), Søc m¹nh chiÕn th¾ng cña cuéc kh¸ng chiÕn chèng Mü, cøu n­íc, Nxb Khoa häc x· héi, Hµ Néi. ViÖt Nam con sè vµ sù kiÖn 1945- 1989, (1989), Nxb Sù thËt, Hµ Néi. PHỤ LỤC 1 GIÁO DỤC CHO THANH NIÊN LÝ TƯỞNG CỘNG SẢN VÀ LẬP TRƯỜNG TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN ------------------ Vũ Quang Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam Giai cấp công nhân Việt Nam mà Đảng ta là đội tiên phong ra đời là bước ngoặt lịch sử vĩ đại trong phong trào cách mạng Việt Nam. Ba mươi bảy năm qua, giương cao ngọn cờ bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin, phát huy truyền thống anh dũng kiên cường, bất khuất của dân tộc, nêu cao vai trò tiên phong lãnh đạo, tinh thần cách mạng triệt để và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giai cấp công nhân thông qua Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Cách mạng tháng Tám, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cải cách ruộng đất, cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay, giai cấp công nhân ta đang giương cao ngọn cờ dân tộc, dân chủ và ngọn cờ xã hội chủ nghĩa vẻ vang. Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc thống nhất Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế cao cả, giai cấp công nhân đang lãnh đạo toàn dân ta từng bước đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và vai trò tiền phong của giai cấp công nhân có ý nghĩa quyết định cho mọi thắng lợi của chúng ta trước đây, cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay cũng như tiến lên xây dựng chủ nghĩa cộng sản sau này ở nước ta. “Những thành tích to lớn của nhân dân ta từ trước đến nay không thể tách rời sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và sự lãnh đạo theo đường lối giai cấp công nhân của Đảng”. Phong trào thanh niên cách mạng Việt Nam từ Đoàn thanh niên cộng sản năm 1931 trước đây đến Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam ngày nay là phong trào thanh niên do Đảng của giai cấp công nhân tổ chức và lãnh đạo. Sự phát triển và trưởng thành của phong trào thanh niên trong mấy chục năm qua là kết quả của phong trào thanh niên dưới sự lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân. Bài học lịch sử đã chỉ rõ: Thanh niên chỉ có đi theo Đảng, theo giai cấp công nhân thì mới được giải phóng, mới có được lý tưởng vĩ đại để đi đến hạnh phúc và tương lai tươi sáng. Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam thực chất là Đoàn thanh niên cộng sản, là tổ chức cánh tay và đội quân hậu bị trung thành của Đảng. Đoàn thanh niên lao động Việt Nam cùng với Đảng, bộ máy Nhà nước, công đoàn, nông hội, hợp tác xã là thành phần chủ yếu trong hệ thống chuyên chính dân chủ nhân dân…. Đoàn có nhiệm vụ giúp Đảng đem chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa giáo dục cho đông đảo đoàn viên thanh niên. Trong Điều lệ của Đoàn cũng đã ghi rõ: Lý tưởng của Đoàn là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, tư tưởng của Đoàn là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đoàn là trường học cộng sản chủ nghĩa của thanh niên, giúp Đảng đem lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa Mác - Lênin giáo dục cho thanh niên. Nghị quyết 167 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác vận động công nhân và củng cố tổ chức công đoàn trong tình hình mới có ý nghĩa rất quan trọng. Các cấp bộ đoàn cần quán triệt và thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, góp phần tích cực xây dựng giai cấp công nhân và xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh trong tình hình mới. Trước mắt cần làm tốt nhiệm vụ sau đây: - Tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao lý tưởng cộng sản và giác ngộ giai cấp cho mọi tầng lớp thanh niên. Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ: Đoàn thanh niên Lao động có trách nhiệm giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho thanh niên và phải kết hợp với công đoàn trong việc giáo dục ý thức giai cấp công nhân. - Trước hết, cần bồi dưỡng cho thanh niên về lý tưởng cách mạng của giai cấp công nhân. Xây dựng cho thanh niên có lý tưởng cách mạng vững vàng, có giác ngộ sâu sắc về dân tộc và giai cấp, về yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, về ý thức dân tộc và tinh thần quốc tế vô sản. Hiện nay, lý tưởng cụ thể và trước mắt của thanh niên ta là: “Quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đó là mục tiêu trước mắt của Đảng ta, của dân tộc ta và cũng là mục tiêu chiến đấu trước mắt của thanh niên”. Trên cơ sở đó mà nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh gian khổ, sẵn sàng xả thân chiến đấu vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Làm cho mỗi thanh niên chủ động sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu chiến đấu, sản xuất, học tập, đời sống trong tình hình mới với tinh thần “Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”. - Đặc biệt chú ý giáo dục quan điểm lập trường của giai cấp công nhân cho thanh niên nhất là đối với thanh niên công nhân mới. Thông qua giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của giai cấp, học tập tình hình nhiệm vụ và đường lối chính sách của Đảng mà làm cho thanh niên có giác ngộ sâu sắc về ý thức giai cấp. Do đó mà nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận rõ bản chất giai cấp bóc lột và chế độ bóc lột, thấy rõ kẻ thù của dân tộc của giai cấp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong cuộc chiến đấu giữa hai con đường hiện nay. Làm cho thanh niên ta càng thiết tha yêu quý, ra sức bảo vệ và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp. - Giáo dục tinh thần làm chủ tập thể, nâng cao ý thức thái độ làm chủ và bồi dưỡng năng lực làm chủ cho thanh niên là một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Tinh thần làm chủ tập thể của thanh niên phải thể hiện trên các mặt: chính trị, kinh tế, xã hội và đời sống. Thanh niên phải bảo đảm vai trò làm chủ hợp tác xã nông nghiệp. Đoàn viên ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng và cùng với đảng viên phải xứng đáng là hạt nhân vô sản, đại diện cho giai cấp công nhân ở nông thôn phải đi đầu trong việc củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, thúc đẩy cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá đưa nông thôn xã hội chủ nghĩa tiến lên. Thanh niên công nhân phải thực sự làm chủ nhà máy, xí nghiệp công, nông, lâm trường. Đoàn viên thanh niên trong các ngành nghiên cứu khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật trong các trường đại học và chuyên nghiệp phải phấn đấu nâng cao quan điểm lập trường giai cấp công nhân. Ra sức đẩy mạnh sự nghiệp nghiên cứu khoa học kỹ thuật, giảng dạy và học tập theo quan điểm đào tạo của Đảng để trở thành những người cán bộ khoa học kỹ thuật mới của giai cấp công nhân vững về chính trị, giỏi về chuyên môn. Các tầng lớp thanh niên khác phải nâng cao hơn nữa ý thức làm chủ tập thể, phát huy vai trò tích cực, chủ động sáng tạo của mình trên mọi mặt trận công tác. Cần khắc phục tư tưởng cá nhân của những người sản xuất nhỏ như: chọn ngành, chọn nghề, suy tính tủn mủn, lặt vặt, thái độ bàng quan, thiếu quan tâm đến quyền lợi chung, thiếu tích cực đấu tranh với các hiện tượng đầu cơ tích trữ, tham ô lãng phí làm hại lợi ích tập thể… - Giáo dục nâng cao hơn nữa quan điểm, thái độ lao động mới của giai cấp công nhân cho thanh niên. Chúng ta đang trong quá trình cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội nên thanh niên nói chung và thanh niên công nhân nói riêng còn chịu ảnh hưởng của giai cấp xuất thân và của nền kinh tế tiểu sản xuất. Do đó còn tính tự do tản mạn, tuỳ tiện, tác phong lao động lề mề, thiếu khẩn trương, cần phải ra sức khắc phục làm cho mỗi thanh niên đều có quan điểm lao động mới; lao động dũng cảm sáng tạo, lao động có kỷ luật và bảo vệ của công, tác phong lao động khẩn trương chính xác và khoa học. - Quan tâm giáo dục và xây dựng cho thanh niên phẩm chất đạo đức và nếp sống của giai cấp công nhân: đạo đức nếp sống văn minh, tiết kiệm, giản dị, vui tươi, lành mạnh. Trên cơ sở đó mà khắc phục ảnh hưởng của đạo đức và nếp sống cũ còn tồn tại trong một số ít thanh niên, bất kể trong tình hình nào vẫn sống lạc quan, phấn khởi với tư thế của những người chiến thắng. Đoàn thanh niên Lao động trong nhà máy, xí nghiệp, công trường cần kết hợp với công đoàn làm tốt công tác giáo dục công nhân mới. Phải làm cho thanh niên không kể từ thành phần giai cấp nào khi bước vào giai cấp công nhân đều có những chuyển biến nhảy vọt về tư tưởng và giác ngộ giai cấp, thấy tự hào và vinh dự được đứng trong đội ngũ giai cấp công nhân, giai cấp tiền phong lãnh đạo cách mạng. Trước mắt cần tiến hành tốt đợt giáo dục cơ bản cho thanh niên công nhân mới. Mặt khác, cần chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá kỹ thuật, nghề nghiệp, trình độ quản lý cho thanh niên, đáp ứng kịp nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng và bảo đảm đời sống phục vụ cho yêu cầu chiến đấu và chiến thắng hiện nay và chuẩn bị cho những năm sau. Đặc biệt thanh niên công nhân mới hầu hết tuổi còn rất trẻ, lại bỡ ngỡ trước môi trường mới nên Đoàn cùng với công đoàn hướng dẫn tỷ mỉ, cụ thể cho anh chị em những vấn đề trong công tác và cuộc sống hàng ngày như: ăn, mặc, ở, tác phong sinh hoạt… Cần có những hình thức, phương pháp giáo dục thích hợp, hấp dẫn đối với anh chị em. - Thông qua phong trào “Ba sẵn sàng” động viên đoàn viên thanh niên xung kích đi đầu trong chiến đấu, sản xuất, học tập và xây dựng cuộc sống. Trước mắt, cần đẩy mạnh phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1968 về các mặt sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải với tinh thần “tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”. trong việc tổ chức đưa thanh niên vào hành động thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của công đoàn, cần giáo dục cho thanh niên ý thức phấn đấu nhằm đạt năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao. Các cấp bộ Đoàn cần cải tiến lãnh đạo, tích cực bồi dưỡng văn hoá kỹ thuật, quản lý cho thanh niên nhằm phấn đấu cho năng suất lao động cao. Đoàn cần phát huy vai trò tích cực, chủ động đề xuất, kiến nghị và kết hợp chặt chẽ với công đoàn, chuyên môn để tổ chức quản lý kinh tế, quản lý sản xuất, quản lý đời sống tốt. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào thanh niên thi đua xây dựng và phấn đấu trở thành các tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa trong nhà máy, cơ quan, trường học. Phải tích cực đấu tranh chống lãng phí, tham ô, quan liêu, đầu cơ tích trữ, tăng cường quản lý kinh tế, quản lý thị trường và giữ gìn trật tự xã hội. Phải tổ chức tốt phong trào học tập văn hoá kỹ thuật, tổ chức tốt đời sống tập thể vui tươi lành mạnh trong thanh niên. - Tăng cường củng cố Đoàn thanh niên Lao động, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức củng cố tổ chức công đoàn vững mạnh. Đoàn thanh niên là một thành viên trong hệ thống chuyên chính vô sản, là hạt nhân để đoàn kết giáo dục thanh niên, là sợi dây liên hệ quần chúng thanh niên với Đảng, với giai cấp công nhân. Vì vậy, cần quán triệt hơn nữa đường lối giai cấp của Đảng, của giai cấp công nhân trong việc xây dựng củng cố tổ chức Đoàn. Đẩy mạnh phát triển đoàn viên mới trên cơ sở nâng cao chất lượng xây dựng chi, phân đoàn bốn tốt, đào tạo bồi dưỡng cán bộ để củng cố Đoàn vững mạnh về mọi mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Làm tốt công tác giáo dục chính trị và xây dựng tổ chức Đoàn là thiết thực góp phần xây dựng Đảng, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh vì Đoàn là tổ chức cánh tay, đồng thời là lực lượng hậu bị của Đảng, của giai cấp công nhân. Mặt khác, đoàn viên thanh niên trong nhà máy công, nông, lâm trường phải gương mẫu tham gia mọi sinh hoạt và hoạt động của công đoàn. Phấn đấu trở thành đoàn viên công đoàn bốn tốt, thiết thực góp phần vào việc tăng cường và củng cố công đoàn vững mạnh, xứng đáng là tổ chức lớn mạnh, đại diện cho giai cấp công nhân. Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác vận động công nhân và củng cố tổ chức công đoàn trong tình hình mới có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Với tính chất tổ chức và chức năng của mình, Đoàn thanh niên cần quán triệt và thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, ra sức giáo dục đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện, có giác ngộ sâu sắc về lý tưởng cách mạng, quan điểm lập trường và phẩm chất đạo đức của giai cấp công nhân, xứng đáng là thế hệ thanh niên kế tục sự nghiệp của Đảng, của giai cấp công nhân. Đồng thời đưa phong trào thanh niên tiến lên những bước mới dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, của giai cấp công nhân. (Nguồn: Giáo dục cho thanh niên lý tưởng cộng sản và lập trường tư tưởng, đạo đức của giai cấp công nhân, Hồ sơ 1197, Lưu trữ Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tr 10 - 16) PHỤ LỤC 2 DANH SÁCH NHỮNG ĐƠN VỊ ĐƯỢC TẶNG CỜ MANG CHÂN DUNG ANH HÙNG LIỆT SỸ NGUYỄN VĂN TRỖI (Năm 1972) ----------------- Cán bộ đoàn viên thanh niên Liên chi đoàn Đội huấn luyện đoàn 59 Bộ Tư lệnh thủ đô. Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn đại đội 6 trung đoàn X Bộ Tư lệnh quân khu 4 Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn đại đội 13 trung đoàn X Bộ Tư lệnh quân khu 4 Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn 50 tiểu đoàn 13, đoàn X Bộ Tư lệnh quân khu 4 Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn 1 tiểu đoàn 46 Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn đại đội 6 tiểu đoàn 43 Bộ chỉ huy quân sự nghệ An. Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn đại đội 20 Bộ chỉ huy quân sự nghệ An. Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn phân xưởng 2, xưởng 46 Cục hậu cần quân khu 4 Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn 2 quân y viện 41 Cục hậu cần quân khu 4 Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn đại đội 3 tiểu đoàn 25B công binh 7 quân khu 4 Cán bộ đoàn viên thanh niên liên chi đoàn đại đội 1 tiểu đoàn 47 quân khu 4. Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn đại đội 40 tiểu đoàn 10 đoàn 22A quân khu 4. Cán bộ đoàn viên thanh niên liên chi đoàn 71 đoàn 155 tỉnh Hải Hưng quân khu tả ngạn. Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn 3 tiểu đoàn huấn luyện trung đoàn 2 quân khu tả ngạn Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn xưởng Sửa chữa thông tin quân khu tả ngạn. Cán bộ đoàn viên thanh niên liên chi đoàn đại đội 6 tiểu đoàn 2 trung đoàn 335 quân khu Tây Bắc. Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn đại đội 25 trung đoàn 335 quân khu Tây Bắc Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn lái xe 53 binh trạm 13 Cục Vận tải Tổng cục hậu cần Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn lái xe 25 binh trạm 16 Cục vận tải Tổng cục hậu cần Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn 29 công binh, binh trạm 11 Cục Vận tải Tổng cục hậu cần Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn 4 vận tải tiểuđoàn 70 Cục quản lý xe Tổng cục hậu cần. Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn trục bạc 159 Cục quản lý xe Tổng cục hậu cần. Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn 2 binh trạm 171 Cục Xăng dầu Tổng cục hậu cần Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn K6 binh trạm 171 Cục Xăng dầu Tổng cục hậu cần Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn J 112 Cục quản lý xe Tổng cục hậu cần. Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn 2 tiểu đoàn 868 Cục Xăng dầu Tổng cục hậu cần Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn 20 kho 46 Cục quân khí Tổng cục hậu cần. Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn 16A kho 560 Cục Quân khí Tổng cục hậu cần. Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn T1, 832 Cục Quân khí Tổng cục hậu cần. Cán bộ đoàn viên thanh niên liên chi đoàn T 612 Cục Vật tư Tổng cục hậu cần Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn sơn nhựa nhà máy 606 Cục Vật tư Tổng cục hậu cần Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn 2 tổng đội 61 Cục Kiến thiết cơ bản Tổng cục hậu cần Cán bộ đoàn viên thanh niên chi đoàn Khảo sát trận địa Cục Kiến thiết cơ bản Tổng cục hậu cần. Nguồn: Danh sách những người được tặng cờ mang chân dung anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, Hồ sơ 834, Lưu trữ Trung ương Đoàn Thanh niênCộng sản Hồ Chí Minh, tr 13 MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: Đảng lãnh đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc những năm 1954 - 1965 7 1.1. Tình hình thanh niên miền Bắc và những yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên sau năm 1954 7 1.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thanh niên và công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên 13 1.3. Quá trình chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ở miền Bắc (1954 - 1965) 25 Chương 2: Đảng lãnh đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên miền Bắc từ khi cả nước có chiến tranh đến 1975 51 2.1. Đảng nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công tác giáo dục thanh niên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới (1965-1975) 51 2.2. Tổ chức chỉ đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên thực hiện nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 58 2.3. Thành công và một số kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên miền Bắc thời kỳ 1954 - 1975 81 KẾT LUẬN 97 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 99 PHỤ LỤC 106 ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docVH0562.doc
  • docmuc luc.doc
Tài liệu liên quan