BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
__________________
Hồ Kim Phụng
Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số : 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS. NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
Thành phố Hồ Chí Minh - 2009
LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn Trường Đại học Sư phạm Thành phố
Hồ Chí Minh, Phòng Khoa học và Đào tạo Sau đại học, Quý Thầy Cô ở Khoa Văn
trường Đại học Sư phạm và trường Đại học Khoa học và Xã hội
179 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2345 | Lượt tải: 2
Tóm tắt tài liệu Đặc trưng truyện ngắn Lý Lan, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nhân văn thành
phố Hồ Chí Minh, đã giảng dạy chúng tôi trong suốt ba năm học cao học tại trường;
Ban giám hiệu và Quý Thầy Cô ở Tổ Văn Trường THPT Trần Phú, đã tạo điều kiện
thuận lợi cho tôi trong công tác để tôi có thể theo học chương trình sau đại học.
Xin cám ơn PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân vì Cô đã hướng dẫn tôi thực
hiện đề tài này. Cô đã giúp tôi tiếp cận đề tài và triển khai luận văn với một tinh
thần cởi mở và luôn khuyến khích tôi thể hiện ý kiến cá nhân. Cô cũng dành thời
gian đọc và sửa chữa luận văn của tôi.
Đặc biệt, tôi xin cám ơn nhà văn Lý Lan đã trả lời phỏng vấn, nhiệt tình cung
cấp cho tôi tài liệu và hình ảnh có liên quan đến đề tài.
Xin cám ơn gia đình đã hết sức tận tụy giúp đỡ tôi và hỗ trợ tôi trong quá
trình tôi thực hiện luận văn.
Cuối cùng, cho tôi được nói lời tri ân tất cả.
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Truyện ngắn
Là một thể loại tự sự, truyện ngắn có những đặc trưng riêng về tính chất, về
dung lượng so với các thể loại khác. Truyện ngắn ra đời gắn chặt với hoạt động báo
chí nên dễ phổ biến đến người đọc. Với hình thức ngắn gọn, cơ động, truyện ngắn
phù hợp việc đáp ứng nhu cầu của độc giả trong thời đại công nghiệp. Là “một lát
cắt của đời sống”, như giọt nước nhỏ dung chứa cả đại dương, những truyện ngắn
hay dễ để lại nhiều dư âm, ám ảnh trong lòng người đọc. Gần như nhà văn nào cũng
ít nhiều thử mình qua truyện ngắn. Truyện ngắn Việt Nam đã trải qua một lịch sử
trên một thế kỷ và có nhiều thành tựu nhất định, đã trở thành món ăn tinh thần
không thể thiếu của công chúng Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn văn học
đương đại.
1.2. Trong truyện ngắn Việt Nam, truyện ngắn của các nhà văn nữ là một
bộ phận rất đáng chú ý. Có thể nói, trong giai đoạn văn học đương đại, các nhà văn
nữ có phần lấn át nam giới trên phương diện truyện ngắn. Xã hội càng cởi mở,
người nữ càng có cơ hội bộc lộ khả năng suy nghĩ và diễn đạt bằng văn bản. Tiếp
nhận cái mới nhanh nhạy, táo bạo trong cách viết, không ngừng đi về phía trước,
nhiều nhà văn nữ đã làm nên sự kiện: Dương Thu Hương, Lê Minh Khuê,Võ Thị
Hảo, Phạm Thị Hoài, Ngô Thị Kim Cúc,Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Minh Ngọc,
Phan Thị Vàng Anh… trong đó, Lý Lan là trường hợp tỏ rõ khả năng chuyên
nghiệp, và là người viết truyện ngắn mang đậm bản sắc phương Nam.
Từ năm 2003, tác phẩm của Lý Lan được đưa vào giảng dạy ở trường trung
học cơ sở trong chương trình ngữ văn lớp 7 với tản văn “Cổng trường mở ra”.
1.3. Có thể nghiên cứu truyện ngắn trên nhiều phương diện, ở đây với đề tài
Đặc trưng truyện ngắn Lý Lan, chúng tôi tiếp cận thể loại trong phạm vi một tác
giả và tập trung vào phương diện đặc trưng. Có thể nói, nội hàm của khái niệm đặc
trưng ở đây gần với khái niệm phong cách (style). Chúng tôi nghiên cứu phong cách
tác giả qua một thể loại cụ thể là truyện ngắn.
Việc nghiên cứu này đáp ứng nhu cầu trang bị những kiến thức về thể loại,
phong cách tác giả, vốn cần thiết cho công việc giảng dạy ở nhà trường phổ thông
của chúng tôi, đồng thời giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về tính chất của đời sống văn
học và văn hóa Việt Nam đương đại, đặc biệt là văn học và văn hóa Nam Bộ.
1.4. Trên góc độ một công tình chuyên khảo hay một luận văn, đây là một
đề tài mới, hoàn toàn chưa có ai thực hiện. Chúng tôi nhận thấy, hiện nay những bài
nghiên cứu, phê bình về tác giả này chưa nhiều, chỉ có một số bài giới thiệu sách
trên báo, chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên biệt về truyện ngắn Lý
Lan. Tìm đến văn xuôi Lý Lan, nhất là qua truyện ngắn của bà, tôi phần nào cảm
nhận được sâu sắc hơn những tâm tình của người phụ nữ, của tuổi trẻ miền
Nam…và hiểu thêm văn học miền Nam và những giá trị văn hóa Nam Bộ hiện đại
vẫn luân chảy, tiếp nối trong sáng tác của bà. Hơn nữa, là giáo viên giảng dạy ở
trường phổ thông, việc tìm hiểu truyện ngắn Lý Lan đối với tôi có một ý nghĩa thiết
thực là qua đó, tôi đã được trang bị thêm những kiến thức cần thiết và bổ ích cho
việc giảng dạy truyện ngắn nói chung và các tác phẩm của nhà văn này nói riêng.
Những nguyên nhân trên là động lực khiến tôi muốn đi sâu vào nghiên cứu
những truyện ngắn của Lý Lan, cũng như muốn khẳng định sự đóng góp của bà cho
văn học Nam Bộ hiện đại nói riêng và văn học Việt Nam đương đại nói chung qua
đề tài Đặc trưng truyện ngắn Lý Lan.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Nhà văn Lý Lan viết nhiều thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, tiểu
luận phê bình…nhưng gắn bó lâu dài và làm nên tên tuổi Lý Lan chính là ở thể
tài truyện ngắn. Trọng tâm khảo sát của luận văn là toàn bộ truyện ngắn của
Lý Lan, tính đến thời điểm hiện nay (10 - 2009) gồm 102 truyện ngắn, tập trung
trong các tập truyện đã xuất bản như: Cỏ hát, Chút lãng mạn trong mưa,
Truyện Nguyễn Hải Chí, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Lý Lan (in chung), Chiêm
bao thấy núi, Đất khách, Dị mộng, Quá chén, Người đàn bà kể chuyện, Hồi
xuân và các truyện ngắn đăng trên báo: Chàng nghệ sĩ, Sau buổi họp, Cái trở
mình trong đêm về sáng, Trích sổ chủ nhiệm, Một năm, Cha, con, thầy và trò;
Nắng buổi sáng, Đêm sao, Điện thoại, Đi du lịch, Đau tim.
Ngoài ra, chúng tôi tiếp cận thêm tác phẩm thuộc thể loại khác của Lý Lan:
Một góc phố Tàu (tuyển tập truyện và ký)
Chân dung người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh (chân dung văn học)
Lệ Mai (tiểu thuyết)
Khi nhà văn khóc (chân dung văn học)
Dặm đường lang thang (ký)
Sài Gòn – Chợ Lớn rong chơi (ký)
Miên man tùy bút (tùy bút)
Bày tỏ tình yêu (tùy bút)
Tiểu thuyết đàn bà (tiểu thuyết)
Là mình (Thơ)
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tìm hiểu các tài liệu lý thuyết về truyện ngắn và
đọc một số truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam cùng thời có ít nhiều liên quan
với Lý Lan như Lưu Thị Lương, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trần
Thùy Mai, Dạ Ngân, Lê Minh Khuê,…để so sánh nhằm rút ra đặc trưng của truyện
ngắn Lý Lan.
3. Lịch sử vấn đề
Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt về truyện ngắn Lý
Lan ngoài những bài giới thiệu thay cho lời tựa các tập truyện ngắn, những bài
điểm sách, những bài phỏng vấn đăng rải rác trên các báo. Cụ thể là:
Trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 253, ra ngày 3-12-1982,
Nguyễn Thu Hương có bài “Đọc “Bụi phấn” nghĩ về những nhà giáo trẻ”. Tác giả
bài báo đã đề cập một truyện ngắn của Lý Lan viết về đề tài nhà giáo: “Trong
“Trích sổ chủ nhiệm”, Lý Lan đã phê phán cái quan niệm lỗi thời chỉ cần biết “lên
lớp là đủ”, cũng như thái độ “khéo léo che đậy khuyết điểm, thổi phồng thành tích”
còn hậu quả như thế nào thì mặc kệ. Nhà trường xã hội chủ nghĩa không thể chấp
nhận những quan điểm, thái độ như vậy. Người thầy giáo muốn làm tốt nhiệm vụ
“trồng người”, ngoài những giờ lên lớp ra, còn cần “phải đi sát từng em, phải cẩn
thận trong mỗi lời nói, hành động của mình”, phải hướng dẫn cho các em trở nên
những con người có những phẩm chất đạo đức trong sáng, những tình cảm cao
thượng, biết “phân biệt sự giả dối, lừa bịp là sai và dám đấu tranh cho điều mình
tin là đúng”.
Trên báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, số 24, ra ngày 15- 06 -1985,
Nguyễn Thị Thanh Xuân có bài viết: “Về những cây bút nữ thành phố Hồ Chí
Minh”. Đặt Lý Lan bên cạnh nhưng cây bút nữ trẻ của thành phố, Nguyễn Thị
Thanh Xuân đã nhận xét: “Lý Lan là cây bút sớm được dư luận chú ý. Với cách viết
giản dị mà linh hoạt, đậm đà chất Nam Bộ, Lý Lan thể hiện phong cách của mình
ngay từ tác phẩm đầu tay” [115, tr. 203].
Cũng trong năm 1985, trong tập tiểu luận và phê bình “Những trang viết,
những nhịp cầu”, Nxb Mũi Cà Mau, Nguyễn Thị Thanh Xuân có bài “Truyện ngắn
viết về cuộc sống và con người thành phố Hồ Chí Minh (1975-1985)”. Trong bài
này, bên cạnh nói về những ưu điểm về nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn
thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Thanh Xuân còn nhận định về những hạn chế
của truyện ngắn giai đoạn này “…Một vài truyện trong khi khắc họa tính cách nhân
vật chỉ mới dừng lại ở một vài hiện tượng không cơ bản và vội vàng kết luận nên
sức thuyết phục của chủ đề cũng giảm đi nhiều (Qua đèo của Lý Lan)” [115, tr.217]
Năm 1994, cũng trên báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, ra ngày 18-08-
1994, Nguyễn Thị Thanh Xuân có bài phê bình“Hai cây bút nữ một tập truyện”, về
tập truyện ngắn Cỏ hát ( in chung của Lý Lan, Trần Thùy Mai). Bên cạnh giới thiệu
với độc giả cây bút trẻ Lý Lan đầy tiềm năng, bài viết còn ghi nhận ba phương diện
trong truyện ngắn Lý Lan: Thứ nhất là Cảm hứng nghệ thuật: “Cảm hứng chủ đạo
bao trùm lên toàn bộ truyện ngắn Lý Lan là từ chỗ đứng hôm nay, tìm hiểu về cuộc
chiến đấu vĩ đại đã qua của nhân dân ta với lòng biết ơn sâu sắc”; thứ hai là Nhân
vật: “Nổi lên trong truyện ngắn Lý Lan là bóng dáng của những cô gái, những
người phụ nữ lặng lẽ âm thầm đóng góp phần mình vào công cuộc xây dựng đất
nước sau hòa bình”, thứ ba là Phong cách “Trong những trang viết của cây bút
mới vào nghề như Lý Lan, chúng ta bắt gặp đây đó hình ảnh tác giả: Lý Lan đang
trong giai đoạn tự ngắm mình” [115, tr.197-198]. Về sau các bài viết này được đưa
vào tập tiểu luận và phê bình “Tiếng vọng những mùa qua”.
Năm 2001, Nhà xuất bản Hội nhà văn Hà Nội cho ra mắt độc giả quyển sách
“Một góc phố Tàu” do Vương Trí Nhàn tuyển chọn và viết phần giới thiệu. Đây là
bài viết công phu, mang những nhận định tổng quát nhất về văn xuôi Lý Lan (về
sau in lại trong tập phê bình “Cánh bướm và đóa hướng dương”) với những điểm
đáng chú ý: Trước hết là về Phong cách văn xuôi Lý Lan: “chính là nằm trong cái
mạch của văn xuôi Nam Bộ. Cây bút này đã tiếp nhận một cách hồn nhiên kinh
nghiệm của người đi trước, để rồi, trong hoàn cảnh của mình, them vào đó những
sắc thái mới, làm nên một giọng điệu mới… là một tiếng nói điềm đạm, không làm
điệu làm ồn, tự tin ở sự tồn tại của mình, do đó là một tiếng nói dễ gần, dễ thông
cảm…chị đã viết được đều, viết nhanh, viết khỏe, có thể tin là trước mắt chúng ta,
một phong cách đã hình thành, một mạch văn đã khơi nguồn và đang chảy xiết, chứ
không phải một sự “viết cho vui”hoặc ghe qua nghê nghiệp chốc lát rồi lại bỏ”.
[89, tr.12].
Về nhân vật, Vương Trí Nhàn đã chỉ ra: “Ngoài những ông già tốt bụng,
những em nhỏ dễ thương…có một loại nhân vật thường trở đi trở lại trong văn xuôi
Lý Lan , đó là những cô gái trẻ…Họ giữ được nhẫn nại và chịu đựng. Họ giữ được
bình tĩnh để lắng nghe và phân tích đời sống” [89, tr.8-9].
.
Về nghệ thuật, Vương Trí Nhàn đã nhận định: “trên một số phương diện
văn xuôi Lý Lan đã có được dáng vẻ hiện đại. Chất hiện đại này trước tiên bắt
nguồn ở một cảm giác tự do và sự âm thầm tìm kiếm không chịu bó mình trong
những khuôn khổ có sẵn. Khi chuyển thành hình thức, chất hiện đại này bộc lộ rõ
nhất qua lối tự sự đứt nối, bột phác, mà người ta tìm thấy trong một số thiên truyện
như Dị mộng, Những viên sỏi cầm chơi, Biển trong mưa, Công tử vườn…”[89,
tr.12-13].
Ngoài ra, Vương Trí Nhàn có một nhận định rất đáng chú ý về một mảng đề
tài nổi bật trong văn xuôi Lý Lan: “Riêng với Lý Lan, do hoàn cảnh riêng là lớn lên
ở một miền đất mà người Hoa sinh sống tập trung, chị lại có dịp nói kỹ về sinh hoạt
của cộng đồng này, từ chuyện làm ăn, một tiệm chạp phô, tiệm nước, tới việc viết
chữ ghi lại bút tích ngày xuân…với những con người bảo ban nhau làm ăn, những
con người nghèo nghèo, tội tội, đang vật lộn kiếm sống và tìm cách thích nghi với
mảnh đất mới” [89, tr.15].
Năm 2002, Nhà xuất bản Văn học ra mắt độc giả “Truyện ngắn bốn cây bút
nữ” do Bùi Việt Thắng tuyển chọn và giới thiệu. Trong bài viết “Tứ tử trình làng”,
Bùi Việt Thắng phác vẽ đôi nét về cây bút truyện ngắn Lý Lan: “Lý Lan thuộc số
không nhiều những nhà văn tạo nên được nhữn đối thoại hay trong truyện ngắn”.
Ông cũng nhận xét về nghệ thuật: “Truyện ngắn Lý Lan vừa như cái gì liên tục mà
đứt đoạn, mơ hồ mà rõ ràng – có thể đó là lối viết dựa vào dòng ý thức. Lý Lan
không quá chuyên chú, miêu tả chính xác các hiện tượng đời sống mà thường cố
gắng “ướm” mình vào nhân vật và hay “giả sử” để xử sự trong mọi trường hợp”.
Năm 1991, Nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh in tập truyện ngắn
“Chiêm bao thấy núi” của Lý Lan với “Lời giới thiệu” của nhà văn Sơn Nam. Ông
ghi nhận: “Cảm tưởng của tôi khi đọc Lý Lan là cảm tưởng khi ngắm xem những
tranh thủy mặc và những bức sơn mài mới lạ. Chập chờn nhưng rõ nét, đơn giản
nhưng phức tạp, làm nét đơn sơ nhưng không bừa bãi”. Ngoài ra, Sơn Nam còn
nhận xét về nhân vật trong truyện ngắn Lý Lan “Tôi thấy bóng dáng những người
thường dân ngồi ăn bữa cơm trưa bên lề đường hoặc dừng chân, uống ly nước mía,
ăn trái ổi, trái mận. Cái tươi trẻ, cái bình dân và dân chủ và sự ranh mãnh của
những cô gái trẻ Sài Gòn xưa và nay. Nhất là có phẩm cách”. [85, tr.4].
Năm 1999, báo Sài Gòn giải phóng thứ bảy, số 444 (14-08-1999) đăng
truyện ngắn Núi không của Lý Lan cũng với lời giới thiệu của Phan Thị Vàng Anh.
Phan Thị Vàng Anh nhận xét về tập truyện Dị mộng của Lý Lan như sau: “14
truyện viết trong khoảng hai năm,… chị đã làm được cái việc rất khó trong viết lách
là “làm mới mình”, làm được một cuộc “cách mạng” nho nhỏ với mình”
Trên báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày 25/04/2000, ở mục “Đọc sách”,
Thanh Nguyên có bài “Quá chén và những tâm cảnh”. Thanh Nguyên đã nhận xét
về nội dung tập truyện “Quá chén” của Lý Lan: “Là những tâm cảnh với mối giằng
xé nội tâm giữa “điều muốn làm”và điều “được phép làm” của từng con người,
từng nhân vật mang tính chất mô tả hiệu ứng của thời đương đại…của hội chứng đô
thị hóa,…và phát hiện ra những bi kịch nhiều màn về sự không hoàn thiện của con
người và cuộc sống”. Tác giả bài báo cũng nhận xét: “Truyện ngắn mới của chị
đầy ắp thông tin mang nội dung cảnh báo thú vị, được kể một cách lững thững mà
nghe khúc chiết, hóm hỉnh lại có vị chua cay”.
Cùng năm 2000, Báo Thanh niên số 69/2000 trong mục “Đọc sách”, có bài
“Góp nhặt những nỗi buồn” của Ngô Thị Kim Cúc. Tác giả bài báo đã nhận xét
về tập truyện ngắn Quá chén của Lý Lan: “Chỉ trong 114 trang sách, cuộc sống
thành thị hiện lên một cách sống động với bao nhiêu loại người cùng tâm trạng, số
phận của họ. Bằng những câu văn ngắn không chút cầu kỳ, bằng kết cấu truyện
giản dị nhưng hiện đại, Lý Lan làm chủ ngòi bút của mình một cách bản lĩnh”.
Năm 2002, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt bạn đọc công
trình “Thơ văn nữ Nam Bộ thế kỉ XX” do nhóm nghiên cứu Nguyễn Kim Anh,
Vũ Ngọc, Hà Thanh Vân và Hoàng Tùng sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu. Người
biên soạn công trình này đã nhận xét: Lý Lan “viết nhiều về người Hoa, về con
cháu của một dân tộc đã sinh sống gắn bó , hòa nhập với mảnh đất này từ bao đời
nay …nhưng không thấy hiển hiển nỗi niềm xa xứ, nỗi sầu mênh mang của một
người xa lạ, “thiếu quê hương”(chữ dùng của Nguyễn Tuân), hay u trầm, huyền bí,
mà chỉ thấy vẻ hiền lành, đơn sơ, mộc mạc của một cộng đồng người giàu đức tính
chia sẻ và cảm thông.” Trong phần giới thiệu, các nhà soạn sách cũng khái quát về
phong cách Lý Lan: “không chủ tâm đi tìm một sự “lạ hóa”trong cả nội dung và
hình thức tác phẩm của mình. Chị viết dung dị, không gọt giũa , không trau chuốt,
không cầu kì chữ nghĩa. Đọc văn chị, chúng ta có cảm tưởng như xem một người
cầm bút thờ ơ ghi lại những mẩu chuyện đời. Nhưng đằng sau vẻ thờ ơ ấy là một sự
sắc sảo, thông minh thầm lặng, phải chăng đó là phong cách viết riêng có của Lý
Lan, khiến cho đọc giả không dễ lẫn lộn chị với những giọng văn khác”[4, tr.686].
Năm 2006, Nhà xuất bản Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh in lại tập truyện
ngắn Chiêm bao thấy núi của Lý Lan bằng song ngữ Pháp Việt, vẫn giữ lời giới
thiệu của Sơn Nam như khi tập truyện này in lần đầu tiên năm 1991 và thêm vào bài
giới thiệu của dịch giả Marina Prevot. Theo Marina Prevot nhận định: “Không có
những mánh khoé, tình tiết éo le vì vậy mà 10 câu chuyện thành ra nhẹ nhàng trong
đó các nhân vật có vẻ như cam chiụ số phận, các lời đối thoaị bị chia cắt bởi các
khoảng lặng như diễn đạt những rạn nứt bên trong những nhân vật đánh mất
phương hướng. Chính bởi sự giữ gìn ý tứ, sự kiềm lòng, kiềm lời của họ mà những
câu chuyện rất giản đơn này khiến chúng ta nhận ra một mặt khác cuả xã hội Việt
Nam đang rùng rùng chuyển mình” [102, tr.13].
Trên mạng internet tại trang: www.vietnamlit.org.com, LiLy Chiu thực
hiện phỏng vấn trực tiếp và viết bài giới thiệu về văn phong và các sáng tác của Lý
Lan với ba truyện ngắn cụ thể: Con ma, Chị ấy lấy chồng chưa?, Tai nạn.
Về các công trình nghiên cứu chuyên sâu, chúng tôi nhận thấy có một số
nhận định, đánh giá có liên quan đến truyện ngắn Lý Lan:
Năm 2002, Hồ Thị Liễu thực hiện luận văn thạc sĩ với đề tài: “Khảo sát
truyện ngắn của các nhà văn nữ từ 1986 đến 1996” tại trường Đại Học Khoa Học
Xã Hội Và Nhân Văn. Luận văn cung cấp một cái nhìn hệ thống về truyện ngắn nữ
Việt Nam 10 năm thời kì đổi mới, bước đầu đưa ra những nhận định về nội dung,
nghệ thuật và đóng góp của các nhà văn nữ. Trong luận văn có đề cập đến truyện
ngắn Lý Lan. Đặc biệt tác giả luận văn có phân tích truyện ngắn Diễn viên hạng ba
khi đề cập đến đề tài gia đình trong truyện ngắn nữ giai đoạn 1986- 1996 như sau:
“Tình cảm cha con có thể dung đồng tiền mua được. Người bố của những đứa con
trong Diễn viên hạng ba của Lý Lan là một trường hợp như thế…”.
Năm 2003, cũng tại trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Thành
phố Hồ Chí Minh, Hoàng Thị Hồng Hà thực hiện luận án tiến sĩ với đề tài: “Những
đặc điểm của văn xuôi nghệ thuật những năm 80 – đầu những năm 90”. Khi
trình bày về những đổi mới trong kết cấu cốt truyện của văn xuôi Việt Nam giai
đoạn 1980 -1990, Hoàng Thị Hồng Hà có sử dụng truyện ngắn Ngựa ô của Lý Lan
để làm dẫn chứng minh họa.
Năm 2007, trong luận văn thạc sĩ bảo vệ tại trường Đại học Sư phạm thành
phố Hồ Chí Minh nghiên cứu về đề tài: “Người phụ nữ hiện đại trong sáng tác
của các cây bút nữ, Trần Thùy An có đề cập đến một số mặt sau trong truyện ngắn
của Lý Lan: Về điểm nhìn trần thuật, nghệ thuật xây dựng đối thoại và hình ảnh
người phụ nữ hiện đại qua hai truyện ngắn Tai nạn, Mẹ và con trong luận văn.
Năm 2008, Kênh VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam phát sóng vào sáng
Chủ nhật ngày 9/3/2008 trong chương trình Văn hóa, sự kiện và nhân vật, phóng
viên Mỹ Linh đã thực hiện phỏng vấn Lý Lan. Trong chương trình này, người đọc
được gặp gỡ Lý Lan tâm sự về một điều có liên quan đến sáng tác như thế giới nhân
vật, đề tài sáng tác…
Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy một số bài phỏng vấn trên truyền hình và trên
các báo, viết về sáng tác của Lý Lan nhưng tập trung ở các mảng kí, tiểu thuyết và
dịch thuật tập truyện Harry Potter. Nhưng các bài báo đó không phù hợp với phạm
vi nghiên cứu của đề tài nên chúng tôi không trích dẫn ở đây.
Tóm lại, trên đây chúng tôi đã điểm lại những nội dung chính của lịch sử
nghiên cứu vấn đề về Truyện ngắn của Lý Lan. Từ đó có thể thấy rằng, những
nghiên cứu về sự nghiệp văn học của Lý Lan, nhất là truyện ngắn trong suốt mấy
chục năm qua vẫn còn rất ít, đa số chỉ dừng lại ở những bài báo lẻ, những bài giới
thiệu thay cho lời tựa hoặc một vài nhận xét chung, chưa có một công trình nào
nghiên cứu công phu và toàn diện. Do đó, chúng tôi ghi nhận, tham khảo và học hỏi
những ý kiến trên, đồng thời bổ sung và đi đến hoàn thiện đề tài Đặc trưng truyện
ngắn Lý Lan.
4. Đóng góp của luận văn
- Qua luận văn, trước hết, chúng tôi cố gắng trong khả năng giới hạn của
mình, giới thiệu những quan niệm về đặc trưng truyện ngắn.
- Qua việc tập hợp những truyện ngắn của Lý Lan in trên các sách báo, chúng
tôi cung cấp những thông tin về tác giả và tái hiện lại quá trình sáng tác của nhà văn
Lý Lan.
- Luận văn đi vào xác định những đặc trưng truyện ngắn Lý Lan về hai mặt
nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu hiện, từ đó đưa ra những nhận định và lý giải
truyện ngắn Lý Lan.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn chủ yếu sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp so sánh: là phương pháp chính, so sánh sáng tác truyện ngắn
của Lý Lan trong từng giai đoạn, so sánh truyện ngắn Lý Lan với các sáng tác của
các nhà văn nữ cùng thời và các cây bút truyện ngắn Việt Nam đương đại khác,
nhằm rút ra đặc trưng truyện ngắn Lý Lan.
Phương pháp nghiên cứu thi pháp học: giúp chúng tôi khảo sát sâu văn
bản truyện ngắn của Lý Lan, nhằm rút ra những đặc trưng nghệ thuật truyện ngắn
Lý Lan.
Phương pháp tiếp cận văn bản trên góc độ xã hội - văn hóa: Chúng tôi
đặt văn học trong mối tương quan với các yếu tố xã hội, văn hóa. Muốn tìm hiểu nội
dung của truyện ngắn Lý Lan, chúng tôi không thể không đối chiếu văn học trong
bức tranh đời sống xã hội và văn hóa Nam Bộ nhằm lý giải đặc trưng truyện ngắn
Lý Lan.
Phương pháp phỏng vấn trực tiếp: kết hợp phỏng vấn trực tiếp với những
điều Lý Lan trả lời phỏng vấn trên các Báo, Đài truyền hình, chúng tôi tìm hiểu
thêm về cuộc đời, tư tưởng và quan niệm sáng tác của nhà văn.
Phương pháp phân tích - tổng hợp: giúp chúng tôi tiếp cận, khảo sát trực
tiếp văn bản để từ đó đưa ra những luận điểm khái quát của luận văn.
6. Cấu trúc của luận văn
Luận văn gồm có 176 trang. Ngoài phần Mở đầu (11 trang) , Kết luận (2 trang) và
Tài liệu tham khảo (6 trang), kèm theo phần Phụ lục (9 trang), phần nội dung chính
của luận văn (148 trang) gồm có ba chương như sau:
Chương 1: Truyện ngắn và hoạt động văn chương của Lý Lan
Trong chương này, chúng tôi giới thuyết và khái quát đặc trưng truyện ngắn, giới
thiệu về hoạt động văn chương của Lý Lan.
Chương 2: Con người trong truyện ngắn Lý Lan
Từ nhân vật, chúng tôi tiếp cận nội dung truyện ngắn Lý Lan.
Chương 3: Truyện ngắn Lý Lan: những đặc trưng về nghệ thuật
Riêng chương cuối, chúng tôi đi vào làm rõ những nét đặc trưng về nghệ thuật của
truyện ngắn Lý Lan.
Chương 1
TRUYỆN NGẮN VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN CHƯƠNG
CỦA LÝ LAN
1.1. Truyện ngắn
1.1.1. Khái niệm
Trước khi nghiên cứu truyện ngắn Lý Lan, chúng tôi muốn giới thuyết qua
về thể loại, cụ thể là xác định khái niệm và đặc trưng của truyện ngắn, bởi vì việc
xác định ranh giới của truyện ngắn so với các thể loại tự sự khác là điều rất cần
thiết.
Dù xuất hiện muộn và chưa có một hệ thống lý luận riêng như tiểu thuyết,
truyện ngắn cũng đã được đề cập nhiều trong các sách văn học trên thế giới cũng
như tại Việt Nam.
Theo định nghĩa trong từ điển nước ngoài (Encyclopedia Britannica):
“Truyện ngắn thuộc nhóm tác phẩm hư cấu và thường được viết bằng văn xuôi
dạng trần thuật (Brief fictional prose narrative). Phương thức này có xu hướng đi
vào trọng tâm rõ nét hơn các dạng hư cấu khác như tiểu thuyết ngắn (theo khái
niệm của thế kỷ XX và XXI), tiểu thuyết hay sách.
Truyện ngắn có nguồn gốc từ truyền thuyết và giai thoại truyền miệng, với
tình huống truyện được phác thảo và đi vào trọng tâm nhanh chóng. Do sự phát
triển đáng kể của tiểu thuyết thực tế, các truyện ngắn thu hẹp lại giống như một hồi,
ví dụ tiêu biểu nhất là các câu chuyện như của E.T.A. Hoffmann…
Truyện ngắn có khuynh hướng ít phức tạp hơn tiểu thuyết dài. Thông thường
truyện ngắn chỉ tập trung vào một biến cố, cốt truyện đơn giản, bối cảnh đơn giản,
số lượng nhân vật ít, trong khoảng thời gian ngắn.
Ở dạng hư cấu dài hơn, các câu chuyện có khuynh hướng chứa đựng các yếu
tố kịch nghệ: sự phơi bày (giới thiệu bối cảnh, tình huống và nhân vật chính), sự
phức tạp (sự việc dẫn đến xung đột); hành động trỗi dậy, khủng hoảng (thời điểm
quyết định của nhân vật chính và vai trò của anh ta trong mạch diễn biến); đỉnh
điểm (là thời điểm cao trào trong quá trình xung đột); giải pháp (thời điểm xung
đột được giải quyết), và bài học luân lý.
Tuỳ theo độ dài mà truyện ngắn có thể theo hoặc không theo mô hình này.
Một số truyện hoàn toàn bỏ qua khuôn mẫu… Ví dụ các truyện ngắn hiện đại đôi
khi chỉ có sự phơi bày. Điển hình hơn nữa là sự mở đầu bất ngờ với câu chuyện bắt
đầu từ phần giữa của hành động (in medias res). Cũng như các truyện dài, các
truyện ngắn đều có cao trào, khủng hoảng, hoặc bước ngoặt. Tuy nhiên, phần kết
của nhiều truyện ngắn thường bất ngờ, bỏ ngỏ và có thể không có bài học luân lý
hay thực tiễn. Cũng như các hình thức nghệ thuật khác, đặc điểm chính xác của
truyện ngắn thay đổi theo từng tác giả.
Khi truyện ngắn có khuynh hướng truyền tải các bài học đạo đức, nó rơi vào
thể loại phụ gọi là Parables (ngụ ngôn) hoặc (Fables). Dạng truyện này được các
lãnh tụ tinh thần hay tôn giáo sử dụng để truyền cảm hứng, khai sáng, giải trí và
giáo dục cho môn đồ”. [13, Hồ Kim Phụng dịch].
Từ điển thuật ngữ văn học thì cho rằng: “Khác với tiểu thuyết, là thể loại
chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn
thường hướng đến việc khắc họa một hình tượng, phát hiện một nét bản chất trong
quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người” [29, tr.371].
Theo các nhà biên soạn sách “Lí luận Văn học”, là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ,
“Truyện ngắn đích thực xuất hiện tương đối muộn trong lịch sử văn học. Tác giả
truyện ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất
trong quan hệ con người hay đời sống tâm hồn con người” [79, tr.397]. Theo cách
tìm hiểu dựa trên mối tương quan giữa truyện ngắn và tiểu thuyết thì truyện ngắn
mang tính đơn nhất trong việc xây dựng tình huống truyện, nhân vật và chủ đề. Nội
dung phản ánh của truyện ngắn chỉ nên là một vấn đề của đời sống, của con người,
không nên ôm đồm nhiều chủ đề như tiểu thuyết. Do đó, người viết cần tạo cho mỗi
truyện ngắn một độ căng nhất định, còn độc giả thì đọc truyện ngắn theo cách đọc
liền một mạch không nghỉ cho đến khi kết thúc. Điều này được nhà văn Trung Mỹ,
Juan Bosch khẳng định: “Truyện ngắn là sự trình bày một sự kiện nào đó đáng chú
ý. Cố nhiên, sự kiện chỉ có thể quan trọng tới mức nào đó nhưng nó cần được độc
giả tin cậy” và “Nghệ thuật viết truyện ngắn nằm ở chỗ biết nhìn ra một sự kiện, cả
quyết đi thẳng tới nó, không dừng lại ở những chi tiết người viết bắt gặp giữa
đường. Tất cả các chi tiết phù trợ đó phải phục tùng cho sự kiện trung tâm” [88,
tr.116].
Truyện ngắn thế giới phong phú và đa dạng. Các nhà văn từng sáng tác
truyện ngắn đã có những suy nghĩ về truyện ngắn khác nhau. Đáng chú ý là lời bàn
luận của Konstantin Paustovski: “Truyện ngắn là một truyện viết ngắn gọn, trong
đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì bình thường, và cái gì bình thường
hiện ra như một cái gì không bình thường” [88, tr.129]. Cách hiểu này có sự gặp gỡ
với ý kiến của nhà văn Mỹ, Truman Capote về truyện ngắn: “Đó là một tác phẩm
nghệ thuật có bề sâu nhưng lại không được dài” [88, tr.108]. Xuất phát từ dung
lượng tác phẩm, cả hai cây đại thụ truyện ngắn thế giới đều khẳng định truyện ngắn
phải ngắn gọn, hơn thế nữa, truyện ngắn phải là thứ để kể và để nghe. Đọc truyện
ngắn là được tiếp xúc với một vấn đề của đời sống con người thông qua lăng kính
của người kể chuyện. Điều này chứng tỏ truyện ngắn ra đời trong tình huống mà
nhà văn đã hội tụ được sức sáng tạo dồi dào, chín tới và có nhu cầu chia sẻ điều tâm
huyết của mình với độc giả, nghĩa là điều nhà văn muốn nói phải thành một câu
chuyện, phải đem lại một hiệu quả, một ấn tượng cho người đọc bằng dụng công kỹ
thuật viết, bằng trí tưởng tượng của nhà văn ít nhiều dựa trên cái cái gốc rễ của đời
sống con người.
Một truyện ngắn hay có thể ví như “Một thứ quả có nhiều vỏ, luôn làm cho
đứa trẻ háu ăn bị “nhỡ tàu”. Mỗi lần bóc ra một lớp vỏ, người đọc thở phào thế là
xong mọi chuyện, chắc là không phải chờ đợi gì nữa, thì một lớp vỏ khác lại hiện
ra” [88, tr.117]. Cũng chính Juan Bosch nêu lên đặc trưng ngắn gọn là quy luật của
việc cấu tạo tác phẩm: “Truyện ngắn đóng vai trò như vai trò của hổ báo trong đại
gia đình các loài vật. Ở loài thú dữ này, không được có chút mỡ thừa dính vào mọi
cơ bắp, nếu không chúng không thể săn mồi được”. Những ý nghĩ về truyện ngắn
như vậy được Nguyễn Minh Châu tán đồng khá hình tượng: “Truyện ngắn như mặt
cắt giữa một thân cây cổ thụ, chỉ liếc qua những đường vân trên thân gỗ tròn tròn
kia, dù sao trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời thảo mộc”[14, tr.45]. Từ đó, chúng ta
nhận thấy vấn đề sáng tạo truyện ngắn và vai trò của nhà văn. Truyện ngắn đòi hỏi
ở người viết cách tổ chức tác phẩm hết sức nghiêm nhặt, tuân thủ theo dung lượng
tác phẩm quy định. Tiểu thuyết mô tả cả cuộc đời con người nên nhà văn có thể viết
dài, kể nhiều đoạn phụ, còn với truyện ngắn thì nhà văn phải lao động cật lực ngay
từ câu mở đầu và có một kế hoạch tính toán kỹ lưỡng, sát sao từ việc lựa chọn cốt
truyện, chi tiết, miêu tả nhân vật, sự kiện, giọng điệu kể chuyện sao cho đạt được
hiệu quả cao nhất về nghệ thuật và tư tưởng. Trong cách hiểu truyện ngắn này,
chúng ta cũng nhận thấy khả năng lớn lao có thể nói là vô tận của truyện ngắn khi
nó đem lại cho người đọc sự liên tưởng lớn hơn số lượng câu chữ hạn hẹp. Đọc
truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, chúng ta không chỉ dừng lại ở cái khoảnh
khắc ngày tàn và đêm tối ở phố huyện, ở tâm trạng hai đứa trẻ mà là cả niềm hoài
vọng của đời người. Đâu chỉ có một chuyến tàu đêm cụ thể qua phố huyện, chuyến
tàu trong truyện ngắn này còn là niềm mong đợi của mỗi con người trên thế gian
cho hành trình sống của mình.
Với khả năng lớn lao và nhiều triển vọng như thế, truyện ngắn đã mở rộng
giới hạn của nó. Truyện ngắn ngày nay không còn bó buộc vào khuôn mẫu gò bó
nào: “Đây là một thể tài hết sức năng động, phản ứng rất nhanh, dễ điều chỉnh, và
mau thu được kết quả. Đó là một thứ ruồi dấm, trong đó, có thể dễ dàng theo dõi
các quy luật sáng tạo của nhà văn, cũng là theo dõi việc giải quyết những vấn đề
được đề cập tới” (Kuranôp) [88, tr.144]. Hiện nay có truyện ngắn gần với thơ,
truyện ngắn rất ngắn, truyện ngắn gần với kịch, truyện ngắn tiểu thuyết hóa…Tính
nhanh nhạy và thích ứng cơ động của truyện ngắn đã đưa truyện ngắn đi xa._. hơn sự
mong đợi của nhiều người. Những truyện ngắn giàu chất thơ đem đến cho văn xuôi
sự nồng ấm, mềm mại hơn. Những truyện ngắn giàu kịch tính giúp truyện ngắn sắc
nhọn hơn khi phản ánh các vấn đề xã hội, hoặc loại truyện ngắn rất ngắn thì thật sự
phù hợp với đời sống hiện đại mà vẫn chuyên chở được tâm tư tình cảm con người
ở nhiều góc độ khác nhau.
Qua việc tìm hiểu một số quan niệm về truyện ngắn của các nhà văn trong
và ngoài nước, chúng ta nhận thấy truyện ngắn là một thể tài mà “hình thức nhỏ”
nhưng “không có nghĩa là nội dung không lớn lao” [88, tr.124]. Được sinh ra từ
những câu chuyện kể hằng ngày rất tự nhiên, truyện ngắn hình thành và phát triển
vượt bậc với sức mạnh dẻo dai phi thường qua sự sáng tạo của nhiều thế hệ nhà văn.
Đến nay truyện ngắn đã khẳng định vị trí của mình trong hệ thống thể loại tự sự của
văn học thế giới. Những khái niệm về truyện ngắn như trên đã phần nào giúp chúng
ta đi vào tìm hiểu đặc trưng truyện ngắn.
1.1.2. Đặc trưng
1.1.2.1 Đặc trưng cơ bản nhất của truyện ngắn chính là tính chất ngắn gọn,
cô đúc bắt nguồn từ dung lượng của tác phẩm. Trong mối tương quan với truyện
vừa, tiểu thuyết, truyện ngắn nổi bật lên ở dung lượng “ngắn”. Ngay bản thân thuật
ngữ “truyện ngắn” trong tiếng Việt đã nói rõ điều này. Tác phẩm truyện ngắn phải
có sự quy định về khối lượng câu chữ “ngắn” trong nội dung phải có “truyện”.
Nhà văn Antônôp cho rằng:“Chính việc truyện ngắn phải ngắn khiến cho nó tự
phân biệt một cách dứt khoát và rành rọt bên cạnh truyện vừa và tiểu thuyết” [88,
tr.179]. Nhà văn Tô Hoài cũng cho rằng “Truyện ngắn chính là cưa lấy một khúc
của đời sống” [88, 9]. Như vậy, dung lượng “ngắn” vừa là khối lượng câu chữ vừa
là nội dung phản ánh của truyện ngắn, đồng thời còn là quy tắc sáng tạo của nhà
văn. Đọc một truyện ngắn, độc giả phải khám phá được ít nhất một vấn đề về cuộc
sống, về nhân sinh, được bồi đắp thêm mỹ cảm cho tâm hồn. Tuy nhiên, cụ thể
“ngắn” như thế nào vẫn còn là vấn đề để mở, chưa ai đưa ra được giới hạn nhất định
cho độ dài của truyện ngắn. Theo nhận định của các nhà lý luận nước ngoài thì
“Xác định chính xác ranh giới giữa truyện ngắn và truyện dài là một vấn đề phức
tạp. Theo định nghĩa cổ điển truyện ngắn là truyện có thể đọc chỉ trong chốc lát,
một điểm được nhấn mạnh trong tác phẩm của Edgar Allan Poe's "The Philosophy
of Composition" (1846). Một số định nghĩa khác quy định số lượng từ ngữ tối đa là
khoảng 7000 đến 9000. Ta có thể tham khảo định nghĩa của hiệp hội Science
Fiction and Fantasy Writers of America trong phần hướng dẫn nộp bài dự thi giải
thưởng Nebula Awards đối với truyện ngắn thể loại khoa học viễn tưởng là số
lượng từ ít hơn 7500. Hiện nay định nghĩa truyện ngắn được dùng cho các tác
phẩm không dài quá 20,000 từ và không ngắn hơn 1000 từ. Các truyện ngắn hơn
1000 từ được gọi là “tiểu thuyết cực ngắn” hoặc “truyện rất ngắn” (flash fiction)
[13, Hồ Kim Phụng dịch].
Cô gọn trong truyện ngắn, cũng theo Antônốp, dung lượng truyện ngắn cổ
điển sẽ từ bảy, tám trang đánh máy. Thực tế sáng tác lại khác, ý kiến của Lê Huy
Bắc đáng để suy ngẫm: “Dung lượng truyện ngắn kéo dài từ vài chục chữ đến
20.000 chữ” [8, tr.28].
Như vậy, thể tài này không quy định nghiêm ngặt khối lượng chữ viết.
Truyện ngắn vẫn có độ co giản hợp lý, tùy theo nội dung tác giả chuyển tải sẽ có
hình thức phù hợp. Nhà văn William Saroyan cho rằng “Truyện ngắn đó là một cái
gì không cùng”, nghĩa là trong sự quy định của dung lượng, nhà văn có thể xoay sở
nhiều cách viết, có thể nói về mọi vấn đề của cuộc sống con người.
Phẩm chất “ngắn” của thể tài này gắn chặt với phương diện tồn tại của nó
là báo chí. Là thể tài “đích thực xuất hiện muộn trong lịch sử văn học” [79, tr.397],
cho nên mảnh đất báo chí phù hợp để truyện ngắn nảy lộc đâm chồi. Ở Mỹ, người ta
gọi đây là một “thể tài dân tộc”, vì phần lớn các tờ báo ở Mỹ đều có in truyện ngắn.
Tại Việt Nam, đa số các cây bút viết truyện ngắn như Nam Cao, Nguyễn Công
Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Quang Sáng, Lý Lan …đều có tác phẩm được in trên báo
trước, về sau mới tập hợp thành tập để xuất bản. Trong khuôn khổ quy định của các
cột báo, mỗi truyện ngắn chỉ được phép tồn tại theo khối lượng chữ nhất định.
Ngoài ra, người đọc báo cũng cần quan tâm nhiều đến thời gian. Để làm rõ điều
này, ý kiến của S. Maugham, nhà văn hiện đại người Anh lại rất gần gũi với ý kiến
E. Poe, nhà văn Mỹ, ở chỗ: “Truyện ngắn là một tác phẩm tùy dài ngắn, người ta
có thể đọc được trong mười phút hay một giờ, trong đó mọi việc chỉ liên quan đến
một đối tượng hay một trường hợp duy nhất, được xác định rõ ràng. Hoặc như mọi
chuyện có liên quan tới một loạt trường hợp khác nhau nữa, tất cả phải được phối
hợp lại trong một hình thức trọn vẹn. Truyện ngắn cần phải viết sao để người ta
không thể bổ sung thêm vào đó chút gì, cũng không thể rút ra bớt chút gì hết” [88,
tr.182]. Như vậy, thời gian cho phép là từ dăm bảy phút cho đến hơn một giờ đồng
hồ để có thể đọc một truyện ngắn là hoàn toàn phù hợp với phần đông công chúng
hiện đại. Xuất phát từ thực tế đời sống với gánh nặng công việc dồn dập, quĩ thời
gian hạn hẹp, nhu cầu thẩm mỹ của phần lớn độc giả hiện đại đã thúc đẩy truyện
ngắn trở thành thể văn được độc giả ưa chuộng hơn cả.
Chính dung lượng nhỏ đã đem lại cho tác phẩm truyện ngắn tính hàm súc
và cô đọng. Truyện ngắn do đó thu dần khoảng cách để đến với thơ. Nhà văn Ái
Nhĩ Lan, Frank O’Connor rất ưa thích sáng tạo truyện ngắn vì cho rằng thể tài này
rất gần với thơ trữ tình. Nhà văn Kuranôp cũng tán đồng với ý kiến đó: “Việc xích
lại gần với thơ làm cho văn xuôi trở nên sâu sắc hơn, vừa dễ hiểu hơn, thứ dòng
chảy ngầm này cần cho mọi truyện ngắn…có thể ngắn gọn mà vẫn súc tích” [88,
tr.145]. Ma Văn Kháng khẳng định cái đức tính phải có của truyện ngắn là giàu chất
thơ, thứ “chất thơ chân thật” làm nên những truyện ngắn “có cái gì hơi hơi bay
một tí, không nên mơ màng quá mà trần trụi quá cũng không ổn” [88, tr.68]. Nhà
văn Vũ Thị Thường cũng nhìn nhận sáng tác truyện ngắn còn yêu cầu nhà văn nuôi
cảm xúc trong sáng tạo, điều mà tiểu thuyết không thể có được suốt chặng đường
dài từ lúc phôi thai cho đến đủ hình hài tác phẩm.
Ngắn gọn, cô đúc, truyện ngắn yêu cầu nhà văn nắm chắc kỹ thuật của thể
loại qua những đặc trưng nghệ thuật biểu hiện riêng biệt như: tình huống truyện,
nhân vật, chi tiết nghệ thuật, kết cấu, lời văn nghệ thuật…
1.1.2.2 Đặc trưng thứ hai của truyện ngắn chính là tính nhất quán ở các
phương thức biểu hiện: tình huống truyện, nhân vật, giọng điệu, ngôn ngữ… Nếu
như tiểu thuyết mang tính tổng hợp thì truyện ngắn bộc lộ rõ nhất khuynh hướng
khắc họa “tính chất đơn nhất…về mặt chọn tình thế… giọng điệu…nhân vật…”.
[108, tr.379]. Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương đã tổng luận như sau: “Có thể so
sánh việc đọc tiểu thuyết với một cuộc đi dạo xuyên qua những địa điểm khác nhau
và giả định có một lần âm thầm quay lại; còn đọc truyện ngắn thì giống như leo lên
một ngọn đồi để thưởng lãm toàn cảnh thiên nhiên từ một độ cao”[101, tr.73]. Sự
so sánh hình tượng này giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn khi tìm hiểu những
biểu hiện nghệ thuật của truyện ngắn.
Cốt truyện là thành phần quan trọng, cốt yếu của tự sự, đặt biệt có vai trò
quan trọng trong truyện ngắn. S. Maugham đã từng cho rằng: “Nhà văn sống bằng
cốt truyện, y như họa sĩ sống bằng màu và bút vẽ vậy” [26, tr.16]. Điều này chứng
tỏ cốt truyện là nơi thử thách sự sáng tạo của nhà văn. Với chức năng chính là bộc
lộ các mâu thuẫn quan trọng trong đời sống, cốt truyện của truyện ngắn có thể được
khai thác từ các sự kiện có thật trong đời sống, từ các tác phẩm văn học, từ kinh
nghiệm sống của bản thân tác giả hoặc tưởng tượng hoàn toàn nhưng đều được nhào
nặn qua sự hư cấu nghệ thuật của nhà văn. Việc sáng tạo ra cốt truyện từ những sự
kiện trong đời sống của nhà văn khiến họ ngang hàng với công việc của những
người thợ làm ra ngọc quý.
Theo các nhà văn viết truyện ngắn, truyện ngắn thường có hai loại cốt
truyện là “cốt truyện sắc nhọn” và “cốt truyện tâm tình”. Truyện ngắn có “cốt
truyện sắc nhọn” là loại truyện mà nhà văn sáng tạo ra các cốt truyện li kì, hấp dẫn.
Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp…là những tác giả
thành công về loại truyện kể về một trường hợp đặc biệt nào đó. Truyện ngắn có
“cốt truyện tâm tình” là loại truyện mà dường như không chuyện gì xảy ra, hoặc chỉ
kể về những sự kiện đơn giản, bình thường, không có mâu thuẫn gì đáng kể.
Paustovski, Thạch Lam, Nguyễn Thành Long, Đỗ Chu…là những nhà văn thành
công với loại truyện dường như chẳng có chuyện gì xảy ra quan trọng mà người đọc
vẫn thấy thích thú. Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam là một tác phẩm
có cấu trúc phi cốt truyện, vì trong đó các sự vật, hiện tượng chỉ được liệt kê, sắp
xếp nhưng không có sự vận động, chuyển hóa nào. Nhà văn đã khai thác nét biến cố
tâm lý là lòng trắc ẩn, thương người của hai đứa trẻ để làm nét thi pháp cốt truyện.
So với tiểu thuyết, “cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một
thời gian, không gian hạn chế, chức năng của nó nói chung là nhận ra một điều gì
đó sâu sắc về cuộc đời, về tình người” [29, tr.371]. Nếu như tiểu thuyết cho phép
nhà văn tái hiện, xây dựng nhiều mâu thuẫn, nhiều xung đột trong cuộc sống với các
chiều kích không gian và thời gian mở rộng thì truyện ngắn lại tập trung vào một
khoảnh khắc trong cuộc đời nhân vật. Do đó, việc sáng tạo truyện ngắn yêu cầu nhà
văn phải tìm ra được một tình huống truyện.
Tình huống truyện là thời điểm một sự việc, một sự kiện xảy ra đối với
nhân vật, đưa nhân vật vào tình thế phải đầu đầu, phải bộc lộ tích cách và hành
động, tức là vấn đề chính của truyện ngắn được mở ra. Với mỗi truyện ngắn, cơ bản
nhất là người viết phải tìm ra, phải sáng tạo cho được một tình huống truyện, cái mà
các nhà nghiên cứu, các nhà văn nước ta gọi là “cái moment”, “cái tình thế”, “tình
huống” hay “cái phút chốc”. Nhà văn phải tạo ra tình huống sao cho “châu tuần lại
những con người vốn cách xa nhau, cho họ tham gia vào chủ đề giữa họ với nhau,
sẽ nảy ra tính cách của họ” [88, tr.52]. Vì vậy, nhân vật thường được đặt trong tình
huống đối diện với hoàn cảnh hoặc đối diện với chính mình. Nói như Nguyên Ngọc,
mỗi truyện ngắn phải “điểm huyệt hiện thực” bằng cách “mỗi truyện ngắn bao giờ
cũng được xây dựng trên một tình huống và khai thác tình huống đó” [108, tr.365].
Nhà văn xây dựng truyện ngắn thường trên cơ sở khai thác một mối xung đột, một
mâu thuẫn, một tan vỡ, một sai lầm hay một tương phản để tìm ra cái khoảnh khắc
giá trị cho truyện ngắn của mình. Truyện ngắn Cần Giuộc của Lý Lan đã tạo ra một
tình huống truyện độc đáo. Nhà văn triển khai câu chuyện từ một chuyến xe đò về
Cần Giuộc của một cô giáo trẻ vừa ra trường, đi nhận nhiệm sở lần đầu tiên. Trên
chuyến xe này, cô chứng kiến bao mảnh đời khác nhau, cách cư xử của con người
với nhau, từ đó mà cô gái nhận thức được cuộc sống quanh mình. Tương tự, truyện
ngắn Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai, Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp,
Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu…đều là những “mặt cắt của dòng
đời” mà mỗi nhà văn đã sáng tạo ra để góp một tiếng nói riêng của mình về cuộc
đời, về tình người.
Trong xây dựng truyện ngắn, việc tìm ra cốt truyện và tình huống truyện
chiếm hơn một nửa giá trị của truyện nhưng nhà văn còn đặc biệt chú ý đến hai yếu
tố quan trọng nữa là chi tiết và kết cấu tác phẩm.
Chi tiết chiếm dung lượng lớn trong truyện ngắn, vì nó sẽ góp phần cụ thể
hoá cảnh trí, không khí, tính cách, hành động và tâm tư nhân vật. Tiểu thuyết trong
giới hạn rộng rãi của nó có thể chứa đựng nhiều cuộc đời, chứa đựng những suy tư
của nhân vật về thế giới, về đời người, về toàn bộ sự tồn tại của con người. Còn
truyện ngắn thì không phải như vậy. Chính dung lượng ngắn đã buộc nhà văn khi
sáng tác phải tránh lối kể chuyện vòng vo, tránh những câu, những đoạn kể cho trôi
câu chuyện. Truyện ngắn luôn đòi hỏi nhà văn phải không ngừng sáng tạo trong
việc quan sát, tìm tòi, chọn lựa và xây dựng chi tiết nghệ thuật. Nhà văn Nguyễn
Công Hoan nhấn mạnh: “Cũng như muốn cái lò xo bật cao, ta phải dùng sức mạnh
ấn cái cần xuống, rồi hãy buông ra. Cho nên, muốm triển khai một ý, một vấn đề thì
tôi tìm những chi tiết để ấn cái lò xo tình cảm của độc giả xuống mạnh, rồi để cái lò
xo bật cao. Ở đây kinh nghiệm càng cho thấy rằng phải đặt được ý, được vấn đề thì
mới chọn đúng chi tiết cần thiết, không tham lam, không lông bông. Bố trí không
chặt, truyện ngắn không viết được ngắn” [108, tr.305-306]. Như vậy, chi tiết là nội
dung của truyện ngắn. Chính chi tiết sẽ cụ thể cho chủ đề chung mà tác giả muốn
diễn đạt. Nhà văn cần phải làm chủ ngòi bút của mình một cách thận trọng để tránh
đi trật hướng chủ đề đã chọn. Nhà văn chọn chi tiết nào thì chi tiết đó phải mang lại
ý nghĩa gì đối với sự phát triển của hành động trong truyện, tức là hướng đến cái
chủ đề mình đã định hướng. Nhà văn Vũ Thị Thường thì khẳng định vai trò của chi
tiết trong việc xây dựng nhân vật truyện ngắn như sau: “Truyện ngắn sống bằng
nhân vật, chi tiết chỉ có ý nghĩa khi góp phần tạo nên nhân vật” [88, tr.35]. Như
vậy, chi tiết vừa là phương tiện cho nhà văn khắc họa nhân vật vừa góp phần thể
hiện chủ đề, tư tưởng của truyện ngắn: “Trong truyện ngắn chính những chi tiết
sắc, đắt đến sợ như vậy làm nên cái ta vẫn thường quen gọi là nội dung hay tư
tưởng của truyện” .
Việc sử dụng chi tiết trong tác phẩm truyện ngắn còn thể hiện tài năng của
tác giả. A. Tsekhov đã khẳng định: “Trong việc miêu tả thiên nhiên, cần biết chọn
lấy những chi tiết có vẻ bé nhỏ, nhưng gộp chúng nó lại sao cho sau khi đọc, có thể
hình dung ra cả bức tranh” [88, tr.79]. Sự chọn lọc chi tiết trong truyện ngắn là rất
cần thiết, nếu nhà văn sử dụng quá nhiều chi tiết thì truyện ngắn sẽ ôm đồm, chồng
chất, ngược lại, thiếu chi tiết thì truyện ngắn khó thành công. Chi tiết hình thành do
quá trình tích lũy của nhà văn trong cuộc sống. Họ cần có khả năng quan sát hiện
thực sâu sắc, tích lũy chi tiết, thậm chí ghi chép cẩn thận để khi nguồn cảm hứng
hình thành, khi nhà văn có nhu cầu sáng tác thì chi tiết đời sống mới có khả năng trở
thành chi tiết nghệ thuật. Quả đúng là với truyện ngắn, “những bậc thầy truyện
ngắn bao giờ cũng là những bậc thầy về chi tiết” [88, tr.73].
Sức hấp dẫn của truyện ngắn chính một phần là ở các chi tiết, đặc biệt là các
chi tiết điển hình sâu sắc trong truyện ngắn có vai trò quan trọng như mạch máu
nuôi cơ thể con người. Ấn tượng mà mỗi truyện ngắn đem lại chính là độc giả phát
hiện ra các chi tiết thú vị. Trên thực tế, có thể độc giả quên tên một truyện ngắn
nhưng họ vẫn có thể kể lại truyện ngắn đó qua các chi tiết tiêu biểu và ấn tượng.
Trong truyện ngắn Một bữa no của Nam Cao, chi tiết bà lão nghèo vì quá đói khổ
đã cố ăn những hạt cơm còn sót lại trong nồi để rồi thổ tả mà chết, để lại những ấn
tượng lâu bền và giàu sức ảm ảnh trong lòng độc giả. Chi tiết quan huyện “ăn bẩn”
hai đồng hào lẻ của người dân nghèo đi kiện ngay tại chốn công đường trong truyện
ngắn Đồng hào có ma của Nguyễn Công Hoan đã để lại những dư vị ngậm ngùi
trong tâm hồn người đọc về thân phận người nông dân nghèo nước ta trước Cách
mạng.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã từng định nghĩa “Truyện ngắn không phải
là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết” [88, tr.15]. Truyện ngắn có
thể thiếu một cốt truyện tiêu biểu nhưng bắt buộc phải có chi tiết, bởi lẽ “Truyện
ngắn không thể nghèo chi tiết. Nó sẽ như nước lã” (Nguyên Ngọc)[109, tr.370].
Chẳng hạn, khi chọn chi tiết giấc mơ thấy núi của cô gái trong truyện ngắn Chiêm
bao thấy núi, Lý Lan không đơn thuần là đưa một thông tin về tín ngưỡng vào
truyện, nhà văn còn định hướng chủ đề tác phẩm: có những giai đoạn trong cuộc
sống, người ta không định hướng được cuộc đời mình, suy nghĩ của mình nên đôi
khi người ta phó thác cho những điều huyền hoặc. Cô gái đi tìm câu trả lời cho giấc
mơ thấy núi này, chính là hướng đến việc cô giải bày thái độ của mình về sự vô tâm
của những người bạn thân trước cái chết của một người bạn gái khác.
Nhà văn khi sáng tạo truyện ngắn cũng rất chú ý đến cách tổ chức tác phẩm.
Kết cấu truyện ngắn do đó cũng đa dạng và phong phú như chính cuộc sống muôn
màu trong thực tế. Truyện ngắn có thể được kết cấu xâu chuỗi theo trình tự thời
gian hoặc theo hành động sự kiện, kết cấu tâm lý, kết cấu lắp ghép hoặc kết cấu
đồng hiện. Nhìn chung thì các thủ pháp kết cấu trong truyện ngắn thể hiện cá tính
sáng tạo của nhà văn và quyết định sự thành công của truyện ngắn.
Trong cách xây dựng truyện ngắn, nhà văn cũng tập trung chú ý đến phần
mở đầu và đoạn kết của truyện, bởi vì truyện ngắn đòi hỏi “không có cái gì được
thừa cũng y như trên một boong tàu quân sự, ở đó tất cả phải đâu vào đấy”
(A.Tsekhov) [88, tr.80]. Có vô số cách mở đầu truyện ngắn. Nhưng quan trọng là
câu mở đầu phải “là một thứ âm chuẩn” giúp cho việc tạo nên âm hưởng chung cho
toàn bộ truyện ngắn. Nhà văn một khi đã tìm ra được cách vào truyện tức là họ đã
tìm ra cách dẫn câu chuyện đó theo một nhịp điệu riêng. Vì hướng tới hiệu quả tác
động duy nhất, truyện ngắn cũng cần phải xây dựng một đoạn kết độc đáo và ấn
tượng. Cách chấm dứt câu chuyện của mỗi nhà văn sẽ thể hiện tài năng sáng tạo của
họ. Trước đây, truyện ngắn thường kết thúc bằng một kết cục có hậu, giải quyết
hoàn toàn các vấn đề. Truyện ngắn hiện đại thường chọn loại kết thúc mở, cũng có
thể gọi là kết thúc không có hậu. Câu chuyện dừng lại nhưng vấn đề, sự kiện, nhân
vật do nhà văn nêu ra vẫn ám ảnh, day dứt người đọc. Nhà văn không phải là người
hướng dẫn, “răn dạy” bạn đọc mà họ chỉ gợi ra vấn đề bằng cách kể câu chuyện đó,
còn người đọc thì tiếp nhận câu chuyện như một cuộc đối thoại ngầm về cuộc sống
đang từng ngày biến động không ngừng. Tạ Duy Anh cho nhân vật của những
truyện ngắn Bước qua lời nguyền, Vòng trầm luân trần gian nổi loạn, Nguyễn
Minh Châu để Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát và Chiếc thuyền ngoài xa kết thúc
khi nhân vật đang trong quá trình đi vào tìm hiểu hành trình sống của mình. Truyện
ngắn cũng có thể kết thúc bằng cách đưa ra nhiều kiểu kết thúc để hướng độc giả tự
do chọn lựa, do vậy họ cũng đồng sáng tạo như trường hợp Vàng lửa, Trương Chi
của Nguyễn Huy Thiệp, Một chuyện cổ điển của Phạm Thị Hoài…
Ngoài ra, sức mạnh của truyện ngắn còn do nhân vật và ngôn ngữ truyện
ngắn đem lại. Nhân vật chiếm một vị trí đáng kể trong truyện ngắn. Nhân vật do
nhà văn tạo ra nhưng nó có một đời sống riêng trong tác phẩm văn học. Khi sáng
tác truyện ngắn cũng là lúc nhà văn tái hiện lại sự sống. Bất cứ chủ đề nào, tư tưởng
nào đều được nhân vật thể hiện qua tâm trạng, hành động. Nhân vật có thể là người
thật hoặc nhân vật sáng tạo hoàn toàn. Với truyện ngắn, nhân vật có thể là đồ vật
như chiếc quan tài trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Công Hoan, có thể là
con vật như con voi trong truyện ngắn Chú voi con của R.Kipling…nhưng phần lớn
nhân vật trong truyện ngắn là con người. Con người trong truyện ngắn vì vậy có thể
đông, nhưng thông thường, mỗi truyện ngắn chỉ nên khắc họa một vài chân dung,
tính cách là đã đạt yêu cầu. Nếu “nhân vật chính của tiểu thuyết thường là một thế
giới, thì nhân vật truyện ngắn thường là một mảnh nhỏ của thế giới. Nhân vật
truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội
hoặc trạng thái tồn tại của con người” [79, tr.73]. Đây cũng là điểm phân biệt giữa
truyện ngắn và các thể tài tự sự khác. Dù không trọn vẹn một cuộc đời nhưng qua
vài cảnh đời, những chốc lát trong cuộc đời nhân vật thì nhà văn vẫn đủ sức lôi
cuốn bạn đọc cùng suy ngẫm về cuộc đời.
Mỗi truyện ngắn là một công trình sáng tạo của nhà văn mà ngôn ngữ là một
trong các nhân tố đặc trưng tạo thành tác phẩm. Sự tổ chức truyện ngắn còn phụ
thuộc vào nghệ thuật sử dụng ngôn từ nghệ thuật của tác giả. Sergei Vovonin, nhà
văn Liên Xô hiện đại, đã nhận định về ngôn ngữ truyện ngắn “thứ ngôn ngữ cô
đọng, chính xác, trong sáng và vang lên theo cách của mình. Chính thứ ngôn ngữ
này truyền đạt tư tưởng, xây dựng tính cách, khiến cho truyện ngắn tràn đầy nhạc
điệu” [88, tr.168]. Cùng quan điểm như thế, nhà văn Paustovski đưa ra một số “quy
tắc vàng” để nhắc nhở người viết văn cần lưu ý khi sáng tạo là ngôn ngữ truyện
ngắn không chỉ kể chuyện ngắn gọn, khắc họa nhân vật, chủ đề mà còn phải tạo cho
nó cái nhịp điệu riêng thể hiện cá tính tác giả. Như vậy, chúng ta có thể hiểu ngôn
ngữ truyện ngắn là ngôn ngữ được ý thức cao độ. Trong chuẩn mực ngắn gọn, cô
đúc của mình, truyện ngắn buộc nhà văn phải cẩn trọng trong việc sử dụng câu chữ.
Nhà văn Ma Văn Kháng nói về những kinh nghiệm viết văn như sau: “Với người
viết truyện ngắn, cái khó bắt đầu ngay ở chữ dùng…Câu trong truyện ngắn cũng
phải cân nhắc lắm” [88, tr.69]. Đây là điều mà hầu như các nhà văn nước ngoài và
Việt Nam đều thống nhất với nhau rằng sáng tác truyện ngắn là một công việc gặp
nhiều khó khăn. Trên mảnh đất truyện ngắn này, mỗi nhà văn phải là một người làm
vườn cần mẫn và say mê sáng tạo câu chữ, phải lao tâm khổ tứ không ngừng như
A.Fadeev đã từng nói là truyện ngắn “đòi hỏi lao động công phu về mặt ngôn ngữ
của nhà văn” [88, tr.126]. Mỗi nhà văn viết truyện ngắn phải tốn nhiều công sức gọt
giũa, chọn lọc lời văn nghệ thuật gồm ngôn ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ
nhân vật và giọng điệu của truyện. Họ phải tuân thủ những yêu cầu về việc sử dụng
ngôn ngữ chung và đạt yêu cầu cao về cá tính sáng tạo như bảo đảm tính chính xác
ý nghĩa của từ ngữ, xây dựng đối thoại đa dạng nhưng sâu sắc, hình thành giọng
điệu kể chuyện riêng biệt để ngôn ngữ truyện ngắn giản dị, chính xác và tươi tắn.
Mỗi nhà văn không chỉ luyện viết ngắn gọn mà còn phải can đảm cắt xén tác phẩm,
thường xuyên sửa chữa và kiểm tra, rà soát lại truyện ngắn của mình như cách mà
Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan đã làm với truyện ngắn của các ông. Quả thật, “truyện
ngắn là một trường học tốt nhất đối với nhà văn” [88, tr.121], ít nhất là về mặt
luyện văn. Đỗ Chu cho rằng: “Cái thú của người viết truyện ngắn là phải chăm sóc
từng chữ. Câu chữ phải trở nên có nhung có tuyết. Kể cả khi làm ra vẻ trần trụi, thì
đó cũng là sự trần trụi được chọn lọc, mà không được xác vờ như khố tả” [88,
tr.73]. Chính sự “trau chuốt kỹ càng” của tác giả mà người đọc truyện ngắn có thể
cảm nhận được cả cái nhịp điệu riêng của truyện ngắn mình thưởng thức. Vì đọc
một truyện ngắn, độc giả đâu chỉ đơn thuần là giải trí, họ đọc văn và vừa đọc vừa
ngẫm nghĩ. Một truyện ngắn hay không phải chỉ đạt được ngôn ngữ ngắn gọn, súc
tích, giàu dư âm trong lòng độc giả “tuyệt vời” mà còn phải đạt sự giản dị để mọi
người hiểu. Nhà văn William Faulner đã yêu cầu: “Nhà văn phải sử dụng ngôn ngữ
sao cho mọi người có thể tiếp nhận được, và trong những gì anh viết ra, mỗi lời
vang lên một ý nghĩa đặc biệt mà mọi người có thể đồng tình” [88, tr.102]. Như
vậy, ngôn ngữ truyện ngắn đặt ra yêu cầu hết sức quan trọng là nhà văn phải không
ngừng trau dồi vốn ngôn ngữ chung của dân tộc mình mà còn phải tích lũy vốn sống
và không ngừng học hỏi, tìm hiểu và sáng tạo để đem lại cho truyện ngắn thứ ngôn
ngữ riêng cô gọn và điêu luyện nhất.
1.1.2.3. Tính hiệu quả cao làm nên đặc trưng thứ ba của truyện ngắn. Nhà
nghiên cứu V. Parrington đưa ra luận điểm: “Truyện ngắn thường được coi là thể
tài trong đó thể hiện rõ ràng nhất tinh thần dân tộc Mỹ tức ý hướng sùng bái hiệu
quả, cố hết sức loại bỏ những gì dư thừa và một nỗi khao khát thường xuyên là đi
tìm một thứ kỹ thuật sao cho đáng gọi là hoàn thiện” [88, tr.190]. Trong nhận định
này, tác giả nhấn mạnh hiệu quả tác động của truyện ngắn ảnh hưởng đến cả hai
phía người sáng tác và người tiếp nhận. Đối với người tiếp nhận, tiềm lực tác động
của truyện ngắn là tạo ra một “sức nổ rất lớn” [88, tr.73]. Việc đọc truyện ngắn
đem lại cho độc giả sự thỏa mãn trí óc, sự hưng phấn tinh thần bằng những nụ cười
rạng rỡ hoặc những dòng nước mắt ứa trào. Việc sáng tạo truyện ngắn cũng đặt ra
một yêu cầu cao đối với nhà văn là mỗi truyện ngắn bắt buộc phải để lại một ấn
tượng. Truyện ngắn nào không để lại dư vị gì trong lòng bạn đọc thì xem như hỏng
hoàn toàn. Đối với nhà văn, truyện ngắn còn là cả một thách thức nghề nghiệp. Đa
số các nhà văn khi chia sẻ kinh nghiệm viết truyện ngắn của mình đều có chung một
nhận xét là viết truyện ngắn rất khó. Mỗi người cầm bút đến với thể tài này đều hiểu
phải dành phần công phu lao động rất lớn trong quá trình sáng tác. Họ muốn tung
hoành ngòi bút của mình thì họ cần có vốn sống, vốn chữ nghĩa và cả vốn văn hóa
nữa. Nhà văn người Anh, S.Maugham cho rằng trong khối lượng khoảng 12.000
chữ, bản thân ông phải “xoay xỏa vã mồ hôi” để có thể phát triển chủ đề truyện,
viết một cách ngắn gọn để tác phẩm đạt được cốt cách nghệ thuật. Cùng với ý nghĩ
này, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan đều công nhận việc viết truyện ngắn là công việc
của một người làm vườn. Trên số lượng hạn định chữ viết, bất cứ nhà văn nào cũng
phải biết tỉa tót truyện ngắn của mình. Đỗ Chu khẳng định: “Nhà văn phải chăm sóc
tới từng chữ”. Người viết truyện ngắn hơn ai hết đều phải hiểu: “Tinh thần của thời
đại đòi hỏi nghệ thuật những hình thức thể hiện càng cô đặc” [12, tr.21], nghĩa là
nhà văn phải gia công sáng tạo tình huống, chi tiết, ngôn ngữ giọng điệu …trong sự
hạn hẹp câu chữ cho phép. Truyện ngắn đem lại cho bản thân người cầm viết niềm
say mê vô tận trong việc khám phá nghệ thuật. Viết truyện ngắn “là mặc cái áo dạ
hội sặc sỡ và ấn tượng” (Lý Lan) [98], mà áo dạ hội thì không thể chỉ có một cái
duy nhất. Vì vậy, sức hấp dẫn của truyện ngắn là chính bản thân nó thay đổi không
ngừng về các phương thức thể hiện. Không biết bao người đã chọn truyện ngắn để
thử sức viết, để luyện văn, thậm chí là một niềm yêu thích sáng tạo lâu dài như A.
Tsekhov…đều chú ý đến tính hiệu quả của truyện ngắn. Suy cho cùng, tính hiệu quả
của truyện ngắn là bản thân mỗi truyện ngắn phải làm nên giá trị văn học. Đọc
truyện ngắn không đơn thuần là biết sự việc gì xảy ra mà là sự khám phá vô tận về
đời sống con người, sự học hỏi làm giàu thêm cho tâm hồn con người. Quả đúng
như Vương Trí Nhàn đã nêu ra: “Cái đặc điểm duy nhất cũng rõ nhất của truyện
ngắn là nằm trong chính sự ngắn gọn của nó, với điều kiện là sự ngắn gọn này đủ
tạo nên một hiệu quả nhất định”[109, tr.388]. Vì vậy, mỗi truyện ngắn hay phải
đọng lại những âm vang sâu lắng trong lòng người đọc.
1.1.2.4. Rõ ràng, chính truyện ngắn đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao cho
người thưởng thức và cả người sáng tác do xuất phát từ một phẩm chất không kém
phần quan trọng là tính năng động kịp thời trước các vấn đề thời sự của nó. Nhà
văn người Nhật, Kôbô Abê trong một cuộc đối thoại văn chương đã cho rằng: “Tính
kịp thời là một đặc điểm đáng ngạc nhiên của truyện ngắn” [88, tr.114]. Vì sáng tạo
truyện ngắn, các nhà văn có cái lợi lớn là “nó cho phép hôm nay người ta viết ngay
về những sự kiện hôm qua”. Sự nghiêm nhặt về dung lượng “ngắn”, nội dung có thể
bé nhỏ hơn so với nội dung phản ánh của tiểu thuyết đã cho phép những vấn đề của
hiện thực dễ dàng đi vào truyện ngắn. Do đó, truyện ngắn ngày càng chiếm lĩnh vị
trí cao trên văn đàn văn học hiện đại thế giới và Việt Nam. Truyện ngắn cơ động và
linh hoạt, bắt nhạy hiện thực ở những khía cạnh sắc nét và điển hình nên rất phù
hợp với những đổi thay không ngừng của cuộc sống hiện đại. Truyện ngắn có thuận
lợi trong việc nắm bắt và thể hiện những khía cạnh nổi bật của một hiện thực xã hội
mới đang không ngừng vận động chuyển biến. Truyện ngắn có mặt ngay buổi đầu
của các nền văn học mới phát triển. Ngay những ngày đầu kháng chiến chống Pháp,
văn học ở miền Bắc nước ta đã có những truyện ngắn hay của Kim Lân, Trần Đăng,
Nam Cao…phản ánh cuộc sống, xã hội và con người miền Bắc trong đấu tranh và
xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiện thực cuộc chiến đấu và sinh hoạt của con người
miền Nam chống Mỹ ngồn ngộn hiện lên trong truyện ngắn của Anh Đức, Phan Tứ,
Nguyễn Thi… Hiện thực ở miền Nam sau giải phóng từ sự chuyển biến của con
người cũ ở vùng đất mới cho đến mọi vấn đề của cuộc sống bề bộn, ăm ắp những lo
toan đã hiện lên sâu sắc trong truyện ngắn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn
Thảo, Đinh Quang Nhã, Dương Thu Hương, Lý Lan…Bất cứ nhà văn nào khi chọn
truyện ngắn đều chú ý phẩm chất thời sự này. Vì truyện ngắn là sự chọn lựa phù
hợp nhất giúp họ bày tỏ những trăn trở, suy tư của mình “Truyện ngắn rất thích hợp
để giúp nhà văn tìm hiểu những vấn đề mới đặt ra trong đời sống…Truyện ngắn
phải đả động đến điều mọi người suy nghĩ trong ngày hôm nay” (Nguyên Ngọc)
[88, tr.30].
Có thể nói, truyện ngắn là một hình thức nghệ thuật biểu hiện cuộc sống
hiện đại phù hợp nhất. Truyện ngắn ngày càng trở nên hấp dẫn người đọc và không
kém phần thu hút người viết vì khả năng co giản và thay đổi không ngừng của thể
loại. Dó đó, truyện ngắn có sức mạnh nội tại lớn lao như William Boyd đã khẳng
định: “Mỗi truyện ngắn hay như một viên pomivitamin”, vì nó không khác gì “một
thứ thực phẩm cô đặc, bổ dưỡng cho mỹ cảm, có hiệu quả trông thấy và tác động
nhanh đến không ngờ” [12, tr.23].
Trong việc tìm hiểu truyện ngắn, chúng tôi đi vào một trường hợp cụ thể là
tìm hiểu đặc trưng truyện ngắn Lý Lan.
1.2. Lý Lan - Con người và hoạt động văn chương
1.2.1. Con người
Nhà văn Lý Lan sinh ngày 16 tháng 7 năm 1957 tại quê mẹ, làng Bình
Nhâm, huyện Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Hiện nay, bà đang sinh sống cùng
người bạn đời của mình, Mart Steward, một giáo sư sử học người Mỹ, tại vùng
Bellingham, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.
Tám năm đầu đời, Lý Lan sống cùng gia đình tại làng Bình Nhâm. Vùng
đất Lái Thiêu quê mẹ với những vườn cây ăn tr._.
ngữ và cách nói của người phụ nữ miền Nam
“Chị thấy nó giống chồng chị không?”
Nhàn ngắm kỹ đứa bé vô tư nhận xét:
“Con nít nhỏ quá khó nói giống ai, nhưng môi, mũi, chân mày thì quả là
giống anh Tuấn”.
“Con của ảnh mà”.
…
“Vậy sao?”
Người đàn bà bật khóc:
“Hồi đó ảnh đục tường qua với tôi. Tại chồng tôi có mèo, có khi đi vắng hai
ba đêm. Ảnh nói ảnh cũng không hạnh phúc với chị. Rồi ảnh nói chị đòi dọn nhà đi.
Rồi sau khi tôi li dị, ảnh nói chị không chịu li dị. Tôi cũng cam làm bé. Bây giờ vỡ
ra là ảnh đang bao một con khác”.
Ngoài ra, ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Lý Lan còn được cá thể hóa,
phù hợp với từng loại người, được thể hiện ở nhiều nhân vật khác nhau. Ngôn ngữ
của cậu Tư Hiệp (Chim nhạn) lúc nào cũng lên giọng của kẻ bề trên, bộc lộ bản
chất của một nhà giàu tỉnh lẻ học đòi làm sang. Ngôn ngữ của trẻ em trong sáng,
hồn nhiên (Mùa lá chín, Trăm con hạc trắng, Tóc tiên). Ngôn ngữ của Charles
Huỳnh (Diễn viên hạng ba) lịch sự, khách khí dài dòng và rào trước đón sau, phù
hợp với sự tính toán, sắp đặt của một người giàu có, vốn trưởng thành ở nước ngoài
muốn mướn một diễn viên chăm sóc cho cha mình ở quê nhà. Ngược lại, lời lẽ đối
đáp của Vương Chí (Diễn viên hạng ba) lại bộc lộ bản chất của một kẻ cơ hội,
tranh thủ thời cơ. Ngôn ngữ của Biên (Phượng) bộc lộ tâm trạng vừa lo lắng cho
vợ, vừa hoang mang chống chếnh, cần một người để tâm sự, để lấy lại cân bằng
trong cuộc sống. Ông già (Cần Giuộc) nói năng lảm nhảm, không ra đầu ra đuôi,
không rõ phàn nàn hay lẩm bẩm lại mang cả giọng giễu cợt phù hợp với một người
trí thức lớn tuổi đang lạc lõng trước sự đổi thay của cuộc sống.
Tóm lại, ngôn ngữ truyện ngắn sinh động, vừa tiếp thu vốn ngôn ngữ
truyền thống của dân tộc vừa rất hiện đại, giàu cá tính, mang đậm phong vị
Nam Bộ… là những đặc điểm tạo nên sức thu hút bạn đọc lâu bền của truyện ngắn
Lý Lan.
KẾT LUẬN
1. Hoạt động văn chương của Lý Lan đa dạng và phong phú. Với hơn ba
mươi năm theo đuổi nghiệp văn, Lý Lan đã dành phần lớn tâm huyết của mình cho
truyện ngắn. Có thể nói, Lý Lan là một trường hợp chuyên nghiệp, một người viết
truyện ngắn mang đậm bản sắc phương Nam.
2. Về phương diện nội dung, truyện ngắn Lý Lan qua các thời kì đều mang
đậm dấu ấn của thời đại. Mảnh đất và con người Nam Bộ thời hiện đại là nguồn
cảm hứng mãnh liệt chi phối ngòi bút truyện ngắn Lý Lan. Nét riêng của truyện
ngắn Lý Lan là nhà văn luôn thể hiện cuộc sống và con người ở những điều bình
thường, thậm chí là nhỏ, sâu kín trong tâm hồn con người, đặc biệt là người phụ nữ.
Do vậy, đó là những trang truyện ngắn thấm đẫm tinh thần nhân bản. Bà đã cặm
cụi, âm thầm ghi nhận và thể hiện chân dung của thanh niên miền Nam sau ngày đất
nước giải phóng, chân dung những người phụ nữ hiện đại trong hành trình đi tìm và
khám phá chính bản thân mình trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Sống hòa
nhập giữa những người bình dân, Lý Lan có điều kiện quan sát cuộc sống thường
nhật của họ và nhận ra vẻ đẹp tâm hồn cao quý của họ qua chân dung người già và
trẻ em, chân dung người Hoa hội nhập cùng thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh từ
sau chiến tranh cho đến đổi mới với những xáo trộn và đổi thay từng ngày.
3. Về phương diện nghệ thuật, có thể nói, Lý Lan đã khẳng định được
phong cách riêng của mình trong truyện ngắn bằng những đóng góp đáng kể. Trước
hết là ở nghệ thuật xây dựng cốt truyện. Cốt truyện tuy đơn giản nhưng chi tiết chọn
lọc và hấp dẫn, giàu chất đời thường. Bà có những sáng tạo trong việc xây dựng kết
cấu truyện ngắn, tình huống độc đáo, tính cách nhân vật rõ nét và sinh động. Ngôn
ngữ truyện ngắn sinh động, giàu cá tính và đậm đà phong vị Nam Bộ. Đặc biệt,
truyện ngắn Lý Lan cũng thể hiện dấu vết tự truyện khá rõ nét.
4. Trong dòng chảy của văn học Nam Bộ đương đại, Lý Lan có một chỗ
đứng khiêm nhường nhưng chắc chắn. Truyện ngắn của Lý Lan chứa đựng những
thông điệp về văn hóa, thời đại, tư tưởng nữ quyền sâu sắc. Trong những nỗ lực
nhằm tự đổi mới chính mình, nhà văn đã không ngừng sáng tạo truyện ngắn ngày
một chuyên nghiệp, đậm đà bản sắc riêng từ đề tài sáng tác, nội dung phản ánh cho
đến những đổi mới kỹ thuật viết. Đó cũng là những cống hiến đáng ghi nhận của bà
đối với thể tài truyện ngắn nói riêng và nền văn học hiện đại nói chung.
Lý Lan từng tâm sự: “Cái duy nhất mà nghề viết có thể lấy đi ở một người
phụ nữ là sự im lặng. Khi phụ nữ mất đi sự im lặng, cam chịu nhẫn nhịn, họ sẽ thay
đổi thế gian này”. Hơn ba mươi năm cầm bút, trên lĩnh vực văn xuôi nói chung và
truyện ngắn nói riêng, Lý Lan đã làm được một điều đáng ghi nhận là: truyện ngắn
của bà đã phản ánh chân thật chân dung con người bình dân Nam Bộ.Đó còn là
những trang văn ăm ắp những trăn trở, suy tư của nhà văn về cuộc sống, tuổi trẻ và
thời đại, về nhân sinh, về văn hóa dân tộc, đặc biệt là công cuộc đấu tranh không
ngừng cho bình đẳng giới là những giá trị quý báu mà nhà văn đã đem lại cho độc
giả yêu quý của mình.
Lý Lan không chỉ thành công về truyện ngắn, mà còn đạt những giải thưởng
văn học khác. Phong cách nghệ thuật Lý Lan đã và đang phát triển, hứa hẹn những
tìm tòi và đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam đương đại. Nhà văn đang
trên đường đi tới “có thể tin là trước mắt chúng ta, một phong cách đã hình
thành, một mạch văn đã khơi nguồn và đang chảy xiết” [88, tr12] để góp phần
đưa văn học nước nhà hòa mình vào văn học thế giới.
5. Đọc văn Lý Lan dễ nhận thấy bà là người lịch duyệt, từng trải và có vốn
văn hóa sâu rộng nhưng văn phong giản dị, trong sáng với lối đặt câu, dùng từ
chuẩn xác và giàu sức biểu cảm. Thiết nghĩ, trong tình trạng hiện nay không ít
những nhà văn còn cẩu thả tùy tiện trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt thì
những trang văn trong sáng của Lý Lan nên đưa vào nhà trường để các em có cơ hội
tiếp cận những tác phẩm đương đại mới mẻ và trong sáng.
Công trình tuy còn nhiều hạn chế và khiếm khuyết nhưng chúng tôi hy vọng
luận văn góp một phần nhỏ bé trong việc tìm hiểu hoạt động văn chương của Lý
Lan, một trong những cây bút nữ tiêu biểu của văn học phía Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Ái (1994), Từ điển phương ngữ Nam Bộ, Nxb T.p Hồ Chí Minh.
2. Trần Thùy An (2007), “Người phụ nữ hiện đại trong sáng tác của các cây bút
nữ”, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm, T.p Hồ Chí Minh
3. Nguyễn Kim Anh, Vũ Ngọc, Hà Thanh Vân, Hoàng Tùng (2001), Thơ văn nữ
Nam Bộ thế kỷ XX, Nxb T.p Hồ Chí Minh.
4. Phan Thị Vàng Anh (1995), Hội chợ, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh.
5. Phan Thị Vàng Anh (1999), “Lời giới thiệu truyện ngắn Lý Lan”, Sài Gòn giải
phóng thứ bảy, số 444, ra ngày 14-08- 1999.
6. Phan Thị Vàng Anh (1995), Khi người ta trẻ, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh.
7. Lê Huy Bắc (2004), Truyện ngắn, lý luận, tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
8. Lê Huy Bắc (1998), “Giọng và giọng điệu trong văn xuôi Việt Nam hiện đại”,
Tạp chí văn học, (Số 9).
9. M. Bakhtin (1992), (Phạm Vĩnh Cư dịch), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết,Nxb
Bộ văn hóa thông tin và thể thao - Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
10. Simone De Beauvoir (1996), (Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch),
Giới nữ, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội.
11. Ngọc Bích (2007), “Ước mơ lớn của Lý Lan”, Báo Tuổi trẻ, 20-04-2007
12. William Boyd (2005), (Ngọc Phương dịch), “Mỗi truyện ngắn như một viên
Polivitamin”, Báo Văn nghệ , ( Số 4 ). 22/01/2005.
13. Encyclopedia Britannica, Brief fictional prose narrative,
ồ
Kim Phụng dịch)
14. Nguyễn Minh Châu (1994), Trang giấy trước đèn, Nxb Khoa học Xã hội, Hà
Nội.
15. Lily Chiu, “Phỏng vấn và giới thiệu ba truyện ngắn: Tai nạn, Con ma, Chị ấy
lấy chồng chưa của Lý Lan”, www.vietnamlit.org.com
16. Ngô Thị Kim Cúc (1994), Những người uống trà, Nxb Trẻ, Tp.HCM.
17. Ngô Thị Kim Cúc (1996),Thảm cỏ trên trời, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
18. Ngô Thị Kim Cúc (2000), “Góp nhặt những nỗi buồn”, BáoThanh niên, (69).
19. Nguyễn Văn Dân (2006), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội.
20. Nguyễn Văn Dân (viết chung, sưu tập chuyên đề), (2001), Văn học so sánh- lý
luận và ứng dụng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
21. Đỗ Duy, “Nhà văn Lý Lan, Văn chương còn “chơi” được”, Thể thao và văn
hóa cuối tuần, tr. 39.
22. Trùng Dương (1969), Cơn hồng thủy và bông hoa quỳ, Nxb Trình Bầy, Sài
Gòn.
23. Hồ Dzếnh (1990), Chân trời cũ, Nxb An Giang.
24. Đặng Anh Đào (2001), Tài năng và người thưởng thức, NxbVăn nghệ, T.p Hồ
Chí Minh.
25. Phan Cự Đệ (2007), (chủ biên), Truyện ngắn Việt Nam lịch sử - Thi pháp -
Chân dung, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
26. Trần Thanh Địch (1988), Tìm hiểu truyện ngắn, Nxb Tác phẩm mới, Hội nhà
văn Việt Nam.
27. Hoàng Thị Hồng Hà (2003), “Những đặc điểm nghệ thuật của văn xuôi Việt
Nam cuối những năm 1980 đầu những năm 1990”, Luận án tiến sĩ,
Trường Đại học Khoa Học Xã Hội – Nhân Văn, T.p HCM.
28. Thúy Hà (2001), “Nhà văn Lý Lan: Viết một cách có trách nhiệm vì những
độc giả tin cậy mình”, Báo Đại Đoàn Kết, số, ra ngày 11-02-2001, tr16.
29. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), (2006), Từ điển
thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
30. Nguyễn Văn Hạnh (1995), Huỳnh Như Phương, Lý luận văn học - vấn đề và
suy nghĩ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
31. Hoàng Ngọc Hiến (1998), Năm bài giảng về thể loại: kí, bi kịch, anh hùng ca,
trường ca và tiểu thuyết, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
32. Đỗ Đức Hiểu (1993), Đổi mới phê bình văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà
Nội.
33. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
34. Đỗ Đức Hiểu (2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới.
35. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
36. Trang Thế Hy (2006), Truyện ngắn Trang Thế Hy, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
37. Đỗ Đức Hiểu, (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
38. Phạm Thị Hoài, (1989), Mê lộ, Nxb Tổng hợp Phú Khánh.
39. Túy Hồng (1964), Thở dài, Thời mới xuất bản, Sài Gòn.
40. Dương Thu Hương (1981), Những bông bần ly, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
41. Nguyễn Thu Hương (1982), “Đọc “Bụi phấn” nghĩ về những nhà giáo trẻ”,
Văn nghệ TP.HCM, (53).
42. Lê Thị Hường (1995), “Những đặc điểm cơ bản của truyện ngắn Việt Nam giai
đoạn 1975-1995”, Luận án phó tiến sĩ khoa học ngữ văn; Trường Đại
Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Hà Nội.
43. Lê Minh Khuê (1994), Truyện ngắn Lê Minh Khuê, Nxb Văn học
44. M.B. Khrapchenko (1979), (Lê Sơn, Nguyễn Văn Minh dịch), Cá tính sáng
tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, Nxb Tác phẩm mới, Hà
Nội.
45. Milan Kundra (1998), (Nguyên Ngọc dịch), Nghệ thuật tiểu thuyết, Nxb Đà
Nẵng.
46. Đinh Trọng Lạc (chủ biên), Phong cách học Tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
47. Lý Lan (2002), Ba người và ba con vật, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
48. Lý Lan (2009), Bày tỏ tình yêu, Nxb Văn nghệ, T.p Hồ Chí Minh.
49. Lý Lan (1996), Bí mật của tôi và thằn lằn đen, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh
50. Lý Lan (1983), Cỏ hát, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
51. Lý Lan (1994), Chân dung người Hoa, Nxb Văn hóa, Hà Nội
52. Lý Lan (1991), Chiêm bao thấy núi, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh
53. Lý Lan (1987), Chút lãng mạn trong mưa, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh.
54. Lý Lan (1999), Dặm đường lang thang, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh.
55. Lý Lan (2000), Dị mộng, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh.
56. Lý Lan (1995), Đất khách, Nxb Văn nghệ , T.p Hồ Chí Minh.
57. Lý Lan (2009), Hồi xuân, Nxb Văn nghệ , T.p Hồ Chí Minh
58. Lý Lan (1991), Hội lồng đèn, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
59. Lý Lan (1999), Khi nhà văn khóc, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh.
60. Lý Lan (2005), Là mình, NxbVăn nghệ, T.p Hồ Chí Minh.
61. Lý Lan (1998), Lệ Mai, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh
62. Lý Lan (2007), Lý Lan tám Harry Potter, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh.
63. Lý Lan (1997), “Làm sao viết văn”, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Mục
Hoa Hàm tiếu, số 12 , năm 1997, tr.11.
64. Lý Lan (2008), Miên man tùy bút, Nxb Văn nghệ, T.p Hồ Chí Minh.
65. Lý Lan ( 1993), Mưa chuồn chuồn, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
66. Lý Lan (1984), Ngôi nhà trong cỏ, Nxb Văn nghệ, T.p Hồ Chí Minh
67. Lý Lan (1986), Nơi bình yên chim hót, Nxb Cà Mau.
68. Lý Lan (2006), Người đàn bà kể chuyện, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh.
69. Lý Lan (1992), Những người lớn, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
70. Lý Lan (2001), Một góc phố Tàu, Nxb Văn học ,Hà Nội.
71. Lý Lan (2001), Quán bạn, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh.
72. Lý Lan (2000), Quá chén, NxbVăn nghệ, T.p Hồ Chí Minh.
73. Lý Lan (1998), Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí
Minh.
74. Lý Lan (2008), Tiểu thuyết đàn bà, NxbVăn nghệ T.p Hồ Chí Minh.
75. Lý Lan (1992), Truyện Lý Lan, Nguyễn Hải Chí, Nguyễn Thị Minh Ngọc,
NxbVăn nghệ T.p Hồ Chí Minh.
76. Trần Thị Ngọc Lan, (1995), Phương ngữ Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà
Nội.
77. Hồ Thị Liễu (2002), “Khảo sát truyện ngắn của các nhà văn nữ từ 1986 đến
1996”, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân
Văn, Tp.HCM.
78. Mỹ Linh (2008), “Phỏng vấn Lý Lan”, Văn hóa, sự kiện và nhân vật, VTV3
Đài truyền hình Việt Nam, tháng 3 năm 2008.
79. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa,
Thành Thế Thái Bình (2004), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
80. Lưu Thị Lương (1996), Lương hoa, Nxb Trẻ, Tp. HCM.
81. Thiên Lương (1997), “Nhà văn Lý Lan: Tôi chỉ muốn mở một cánh cửa”, Báo
Người lao động, 17-05-1997.
82. Trần Thùy Mai (2003), Biển đời người, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
83. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà
văn, Nxb Văn học ,Hà Nội.
84. Sơn Nam (2005), Đất Gia Định, Bến Nghé xưa, và người Sài Gòn, Nxb Trẻ,
T.p Hồ Chí Minh.
85. Sơn Nam (2006), “Lời giới thiệu”, Chiêm bao thấy núi, Nxb Giáo dục,
TP.HCM.
86. Sơn Nam, (2005), Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh.
87. An-tô-nôp (1960), (Bùi Hiển dịch), Viết truyện ngắn, Nxb Văn học, Hà Nội.
88. Vương Trí Nhàn (1998), Sổ tay truyện ngắn, NxbVăn nghệ, Tp.HCM.
89. Vương Trí Nhàn (2001), “Lời giới thiệu”, Một góc phố Tàu, Nxb Hội nhà văn,
Hà Nội.
90. Vương Trí Nhàn (2006), Cánh bướm và đóa hướng dương, Nxb Phụ nữ, Hà
Nội.
91. Hoàng Nhân (2009), “Tôi không muốn cưa sừng để "ve vãn" độc giả trẻ”, Thể
thao và Văn hóa, www.vietkieu.biz
92. Dạ Ngân (1995), Dạ Ngân – Truyện ngắn chọn lọc, Nxb Văn học, Hà Nội.
93. Dạ Ngân (1993), Quãng đời ấm áp, Nxb Phụ nữ.
94. Nguyễn Thị Minh Ngọc, (1994), Ngọn nến bên kia gương, Nxb Trẻ, T.p Hồ
Chí Minh.
95. Nguyễn Thị Minh Ngọc, (1996), Cạn duyên, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội
96. Thanh Nguyên (2000), “Quá chén và những tâm cảnh”, Báo Sài Gòn giải
phóng, 25- 04- 2000, tr.5.
97. G.N. Pôpêlốp, (chủ biên), (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
98. Hoàng Phê (1998), (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Nxb Đà
Nẵng.
99. Hồ Kim Phụng (người thực hiện luận văn), “Trò chuyện cùng nhà văn Lý
Lan”, tháng 3 năm 2008, Phụ lục của luận văn.
100. Huỳnh Như Phương (1994), Những tín hiệu mới, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
101. Huỳnh Như Phương, Trường phái hình thức Nga và văn xuôi tự sự, Tự sự học,
Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
102. Phạm Viêm Phương (dịch và chú giải), (2004), Truyện ngắn phân tích,
NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh.
103. Marina Prevot (2006), “Lời giới thiệu”, Chiêm bao thấy núi, Nxb Giáo dục,
TP.HCM.
104. Minh Quân (1974), Những ngày cạn sữa, Nxb Trí Đăng, Sài Gòn.
105. Trần Đình Sử, (2000), (chủ biên), Tự sự học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
106. Đào Thản (1994), “Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong văn
xuôi”, Tạp chí ngôn ngữ, Hà Nội, (số 2).
107. Minh Thi, phỏng vấn Lý Lan, Lao động chủ nhật, ra ngày 24.11.1996, số 126.
108. Bùi Việt Thắng, (1990), Bình luận truyện ngắn, Nxb Văn học ,Hà Nội.
109. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể
loại, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
110. Bùi Việt Thắng (2002), “Tứ tử trình làng”, Truyện ngắn bốn cây bút nữ, Nhà
xuất bản Văn học, Hà Nội.
111. Minh Thi (1996), "Phỏng vấn Lý Lan", Lao động chủ nhật, ra ngày
24.11.1996, (số 126).
112. Lê Ngọc Trà (2005), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh.
113. Thanh Vân (2001), “Dịch giả Lý Lan “Hạnh phúc nhất là được trở về nhà”,
www.evan.com.vn.
114. Nguyễn Thị Thụy Vũ (1967), Mèo đêm, Kim Chi xuất bản, Sài Gòn.
115. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2004), Tiếng vọng những mùa qua, Nxb Trẻ, T.p Hồ
Chí Minh.
Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo một số bài phỏng vấn trên truyền hình và
trên các báo, trên mạng internet viết về sáng tác của Lý Lan nhưng tập trung ở các
mảng kí, tiểu thuyết và dịch thuật tập truyện Harry Potter.
TRÒ CHUYỆN CÙNG NHÀ VĂN LÝ LAN
Khi thực hiện đề tài này, tôi không có điều kiện gặp gỡ nhà văn Lý Lan vì
chị hiện đang sống tại Mỹ. Tôi thường xuyên liên lạc với chị bằng thư điện tử. Đầu
năm Mậu Tý, nhà văn Lý Lan đã ở lại Việt Nam trong sáu tháng. Một buổi sáng
tháng ba đẹp trời, tôi đã có dịp trò chuyện cùng nhà văn. Trước đó, tôi đã gửi trước
câu hỏi cho chị, thật bất ngờ chị hẹn tôi 8 giờ sáng nhưng ngay từ 7 giờ chị đã trả
lời sẵn một số câu hỏi của tôi trên máy tính. Tiếp tôi tại căn hộ trên lầu ba của
chung cư 295 Nguyễn Tri Phương, Lý Lan vui lòng trả lời hơn 40 câu hỏi của tôi
đến tận 10 giờ sáng. Ngoài ra, chị còn tặng tôi cuốn sách mới “Tiểu thuyết đàn bà”
của chị vừa được in để chuẩn bị ra mắt độc giả trong hội sách thành phố ngày
10/03/2008. Trong buổi gặp gỡ thân mật này, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn một
số vấn đề chính như sau:
NTHLV: Điều gì thôi thúc Chị đi vào con đường văn chương?
NV Lý Lan: Chẳng gì cả, hoàn toàn ngẫu nhiên.
NTHLV: Xin chị cho biết tác phẩm đầu tay của chị? Tác phẩm được in báo đầu
tiên?
NV Lý Lan: “Chàng Nghệ sĩ” trên báo Tuổi Trẻ năm 1978.
NTHLV: Thời gian thử bút của Chị là bao lâu? Và có thử viết nhiều thể loại
khác nhau?
NV Lý Lan: Không rõ, hình như không có thử bút, viết ra cái đầu tiên là được xuất
bản. Khi bắt đầu viết, tôi không bận tâm thể loại. Bây giờ nhìn lại, tôi
thấy mình đã viết thơ, truyện ngắn, tùy bút, ký sự, kịch bản phim,
truyện vừa, truyện dài, tiểu thuyết, nghiên cứu, phê bình.
NTHLV: Chị đã đến với tản văn như thế nào? Chị có chọn cho mình một phong
cách viết tản văn không?
NV Lý Lan: Tôi không “đến” với tản văn. Tôi viết, và người ta gọi cái đó là “tản
văn”, “tạp văn”, “tùy bút” … gọi sao cũng được. Tôi chỉ “tùy bút” mà
viết ra quan sát, cảm xúc, suy nghĩ. Ai có thể chọn được phong cách?
Phong cách tự hình thành thôi.
NTHLV: Rất nhiều người đọc yêu thích giọng điệu văn xuôi Lý Lan ở tản văn,
hơn cả truyện ngắn, chị thấy thế nào?
NV Lý Lan: Tôi cám ơn những bạn đọc đó.
NTHLV: Phải chăng với tản văn, chị thể hiện ung dung hơn thế mạnh của
mình: vốn văn hóa, khả năng ghi nhận đời sống, giọng điệu riêng và
các suy tưởng bất ngờ?
NV Lý Lan: Cám ơn Phụng về nhận xét này.
NTHLV: Trong hoạt động văn chương của mình, chị có làm thơ và thơ của chị
có lẽ bộc lộ một Lý Lan rõ nét hơn trong truyện ngắn. Chị đến với thơ
như thế nào?
NV Lý Lan: Tôi cũng không đến với thơ. Tôi làm thơ khi điều muốn thể hiện bật ra
thành thơ.
NTHLV: Vì sao chị khởi nghiệp bằng truyện ngắn? Chị quan niệm gì về truyện
ngắn?
NV Lý Lan: Khi viết “Chàng Nghệ Sĩ” tôi chỉ định kể lại câu chuyện mình đi lao
động ở biên giới, trong quá trình viết câu chuyện được dặm thêm
những chi tiết hư cấu và biến thành một truyện ngắn. Tôi cho là viết
truyện ngắn cũng như mặc một cái áo đẹp đi dạ hội. Truyện ngắn phải
thực sự mới lạ, khác với những gì mình đã viết trước đó cả trong đề
tài và cách thể hiện.
NTHLV: Kiến thức từ nhà trường hay sách vở về văn học nói chung và truyện
ngắn nói riêng có ý nghĩa như thế nào với Chị?
NV Lý Lan: Quan trọng. Đó là nền tảng cho cách viết và sử dụng ngôn ngữ.
NTHLV: Việc đọc sách và dạy học có vai trò gì trong đời văn của Chị?
NV Lý Lan: Đọc sách là hoạt động thường xuyên, là một nhu cầu hàng ngày, từ
khi tôi biết đọc đến bây giờ, và có lẽ đến khi chết. Việc dạy học trước
đây là một hoạt động mưu sinh và một lý tưởng “truyền bá tri thức”
mà tôi đeo đuổi thời trẻ. Về sau , buồn về nền giáo dục nước nhà tôi
nghỉ dạy, nhưng có lẽ sắp tới tôi sẽ trở lại công việc mà tôi cho là rất
quan trọng trong xã hội.
NTHLV: Chị nghĩ là mình chịu ảnh hưởng ai / cái gì nhiều nhất?
NV Lý Lan: Tôi không rõ lắm, chắc là tất cả những ai tôi từng gặp từng đọc đều có
ảnh hưởng ở mức độ nào đó, tích cực hoặc tiêu cực.
NTHLV: Thường chị viết một truyện ngắn như thế nào?
NV Lý Lan: Nghĩ thấu đáo rồi viết ra một mạch, nếu đọc lại hài lòng thì coi như
xong, nếu không thì bỏ.
NTHLV: Khi viết truyện ngắn, chị thường dồn sức (hoặc có thiên hướng đầu
tư) vào phương diện nào (cốt truyện, tình huống, ngôn ngữ, hay chất
văn…)? Tại sao?
NV Lý Lan: Bắt đầu phải có được giọng văn phù hợp với ý đồ kể chuyện. Vì cái
hồn của chuyện bị ảnh hưởng rất nhiều bởi giọng kể chuyện
NTHLV: Chị thường viết hồn nhiên hay viết kỹ thuật?
NV Lý Lan: Kỹ thuật cao mới đạt được giọng kể hồn nhiên.
NTHLV: Một truyện ngắn hay, theo chị?
NV Lý Lan: Giống một cái áo dạ hội đẹp, gây được ấn tượng và nổi bật trong đám
đông.
NTHLV: Trong số tác phẩm của mình, Chị hài lòng truyện ngắn nào nhất? Tại
sao?
NV Lý Lan: Con Ma. Vì tôi tự thấy nó hay.
NTHLV: Sức mạnh của truyện ngắn, theo Chị, là ở đâu?
NV Lý Lan: Ý đồ của người viết (hay chủ đề của câu chuyện).
NTHLV: Truyện ngắn của chị có sự phát triển theo thời gian và càng ngày
càng hiện đại hơn, sắc sảo hơn và mất dần chất trữ tình so với những
sáng tác ban đầu, chị có thấy thế không?
NV Lý Lan: Tôi không để ý. Có thể, vì tôi mỗi ngày một già hơn?
NTHLV: Có thể nói là truyện ngắn của Chị đã đi từ chất trữ tình sang chất
hiện thực và chất trí tuệ được chăng?
NV Lý Lan: Rất có thể.
NTHLV: Trong sáng tác của chị, những nhân vật đàn ông dường như thường
không nổi bật? Tại sao? Chị có dự định tiếp tục với những nhân vật
nữ trẻ tuổi của đời sống đương đại hôm nay không?
NV Lý Lan: Tôi không dụng ý kể chuyện đàn ông. Nhân vật nữ là đối tượng
nghiên cứu và chủ thể sáng tạo của tôi.
NTHLV: Chị có thể nói thêm về đề tài người Hoa rất độc đáo trong các sáng
tác của chị không, kể cả về người Việt sống ở nước ngoài và cả những
dự định sắp đến?
NV Lý Lan: Tôi đang có tham vọng viết một bộ sách về hành trình người Hoa trên
đất Việt – đây là một kế hoạch lâu dài, tôi đã bắt đầu 18 năm trước và
sẽ kéo dài đến hết đời tôi.
NTHLV: Khi viết, chị có chú ý đến phong cách vùng miền?
NV Lý Lan: Có. Tôi không cố tình tạo phong cách hay cố ý dùng phương ngữ,
nhưng khi tôi viết về vùng đất nông thôn hay đô thị miền Nam, thì
phong cách tự hình thành từ những nét đặc sắc của miền Nam.
NTHLV: Nếu có nhận xét: qua truyện ngắn của chị có thể đoán chị là một
người phụ nữ độc lập, tự chủ, kiệm lời nhưng sâu sắc, có đúng không?
Chị nghĩ sao về điều này?
NV Lý Lan: Đó là hình ảnh Lý Lan qua các sáng tác văn học. Con người văn
chương chỉ là một phần của con người thực.
NTHLV: Nhìn chung trong truyện ngắn của chị, chị đã bộc lộ xu hướng văn
học nữ quyền trong cả bút pháp lẫn nội dung, chị có chủ ý về điều này
không?
NV Lý Lan: Tôi có ý thức về nữ quyền khi sáng tác, nhứt là trong khoảng 10 năm
sau này.
NTHLV: Chị nghĩ gì về xu hướng sex trong văn học nữ?
Sex là một khái niệm được hiểu khác nhau trong những xã hội khác
nhau, và “xu hướng sex” trong văn học ở Việt Nam vẫn chưa rõ nét.
Tôi nghĩ đề tài dục tính trong văn học nữ ở Việt Nam chưa được khai
thác đúng đắn. Một phần do quan niệm xã hội, còn việc dịch tác phẩm
có đề cập đến dục tính là do nhà xuất bản kinh doanh. Và tôi nghĩ nên
nhìn nhận vấn đề này đơn giản, người đàn ông có thể kể về việc rượu
chè, thậm chí ăn chơi, chửi thề… thì người phụ nữ cũng có quyền nói
về dục tính bình thường như thế. Không có gì là quan trọng.
NTHLV: Có lẽ chị không chú ý lắm điều này trong truyện ngắn của mình?
Tôi không quan tâm đến sex bằng những vấn đề khác trong cuộc sống.
NTHLV: Một vài truyện ngắn của chị có bóng hình và kỉ niệm liên quan đến
cuộc đời chị nhưng vẫn nhận ra một cá tính sáng tạo độc đáo? Chị có
xử lý thế nào mối tươg quan giữa nguyên mẫu và hư cấu trong những
tác phẩm đó?
NV Lý Lan: Người viết luôn luôn thể hiện bản thân mình trong sáng tác, dù có ý
thức hay một cách vô thức, nhưng đó là một cái-tôi-tác-giả. Mối liên
quan giữa nguyên mẫu và hư cấu là vấn đề kỹ thuật.
NTHLV: Ngay trong sáng tác của mình, chị luôn có một thái độ bình thản
trước mọi sự đổi thay và luôn giữ được bản sắc riêng, có bao giờ chị
nghĩ mình cần thay đổi, “làm mới mình” hơn trong tác phẩm không?
NV Lý Lan: Tôi không chủ trương tự làm mới hay có nhu cầu tìm tòi thay đổi
trong viết lác. Bản thân tôi sống đến ngần này tuổi tôi thấy mình có
thay đổi trong cách nhìn, cách nghĩ, cách sống, nhưng bản chất, tính
cách con người mình vẫn vậy. Nếu trong những gì tôi viết ra có thay
đổi theo thời gian thì có lẽ điều đó phản ánh sự thay đổi trong cách
sống cách nghĩ cách nhìn, và tôi hy vọng “bản chất” của tôi vẫn còn
trong trang viết của tôi.
NTHLV: Đa số nhiều nhà văn viết truyện ngắn nhưng truyện ngắn không phải
là đích họ muốn tới. Ý kiến của chị thế nào? Trong tương lai, chị sẽ
phát triển truyện ngắn hay chú tâm hơn tiểu thuyết?
NV Lý Lan: Như tôi đã nói ở trên, điều tôi muốn viết tự chọn hình thức thể hiện,
cái gì bật ra là thơ thì là thơ, cái gì ngắn gọn thì thành truyện ngắn, cái
gì cần dài hơi thì thành truyện dài hay tiểu thuyết.
NTHLV: Chị là một nhà văn chuyên nghiệp, có phong cách riêng độc đáo,
nhưng tác phẩm của Chị không tạo nên sự kiện, (như sách Chị dịch)
và chưa được các nhà phê bình viết nhiều như lẽ ra phải có, chị nghĩ
gì về điều này ?
NV Lý Lan: Không sao cả.
NTHLV: Theo chị đâu là những thuận lợi và khó khăn nào của một nhà văn
Việt Nam sống ở nước ngoài?
NV Lý Lan: Thuận lợi hay khó khăn tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng người - đối
với tôi ở đâu tôi cũng làm việc được.
NTHLV: Thời gian học tại đại học Iowa đã ảnh hưởng đến Chị ra sao?
NV Lý Lan: Đối với tôi, chuyến tham gia chương trình viết văn tại đại học Iowa
chính là lúc tôi được trao chìa khóa để tiếp tục đi tìm hiểu và khám
phá ra bản đồ bí ẩn của văn chương.
NTHLV: Vấn đề chị quan tâm nhất hiện nay trong văn học nói chung và truyện
ngắn nói riêng?
NV Lý Lan: Tạo được giá trị lâu dài cho tác phẩm văn học trong một thị trường
tiêu thụ “nhanh”
NTHLV: Cho đến hôm nay là hơn ba mươi năm cầm bút, chị suy nghĩ gì về
nghề văn?
NV Lý Lan: Đó là một nghề bình thường, có người làm tốt, có người không, nên
có sản phẩm tốt có sản phẩm không.
NTHLV: Là một người viết văn tự do, không thuộc hội nhà văn nào, chị thấy có
những thuận lợi và khó khăn gì không?
NV Lý Lan: Nhà văn cần có độc lập về tư tưởng và tài chánh để sáng tác, có thể
cần hổ trợ của đồng nghiệp. Nếu hội nhà văn đáp ứng được các yêu
cầu đó thì sẽ là một thuận lợi, nếu không thì sẽ trở thành trở ngại cho
nhà văn.
NTHLV: Từ những trải nghiệm của riêng mình, Chị có thể chia sẻ chút ít về
những thuận lợi/ khó khăn trong môi trường hiện tại, của người viết
văn, của người cầm bút là phụ nữ, của nhà văn là người Việt Nam?
NV Lý Lan: Trở ngại của người viết là phụ nữ trong xã hội VN là ý thức nữ quyền
chưa rõ, chưa rộng. Nhà văn là người Việt Nam hiện nay có trở ngại
là sáng tác trong sự “quản lý văn hoá văn nghệ”.
NTHLV: Chị nghĩ gì về truyện ngắn hiện đại và hậu hiện đại?
Tôi cho rằng ở Việt Nam không có hiện đại và hậu hiện đại trong văn
học, mà phải dùng khái niệm đương đại. Ở VN, chúng ta từng có văn
học thực dân và văn hậu thực dân, xét cho cùng thì Thơ Mới, Tụ Lực
Văn Đoàn, ngay cả phê bình của Hoài Thanh chẳng hạn đều chịu ảnh
hưởng của Pháp nặng nề một cách ý thức và vô thức, sau này tại miền
Nam, có văn học hậu thực dân tức là các nhà văn ý thức về văn hóa
dân tộc, cố gắng viết để chống lại ảnh hưởng của văn học Pháp. Ở
nước ta, do ảnh hưởng của chính trị, hai miền Nam Bắc có một
khoảng thời gian dài văn học khác trào lưu nhưng về sau thì thống
nhất. Chúng ta chỉ có văn học dân tộc, văn học đương đại thôi,
không nên ngộ nhận về điều này. Còn thì hiện nay trên thế giới khái
niệm văn học hiện đại (modern) chính là nền văn học đế quốc tư bản,
chẳng hạn nền văn học hiện đại này nặng về nam tính, đề cao người
đàn ông da trắng trong thế giới kỹ thuật hiện đại, xem mọi thứ trong
thế giới này đều to lớn… Còn văn học hậu hiện đại tức là ra đời sau,
là tương lai so với văn học hiện đại, chẳng hạn sáng tác của Lessing,
thế giới được nhìn từ những điều bé nhỏ, từ góc nhìn của người đàn bà
da đen, từ người đàn ông da vàng, từ đứa bé con lai… Do đó, tôi nghĩ
điều này chưa được các nhà văn ý thức nhiều trong sáng tác.
NTHLV: Tham gia chương trình viết văn ở Mỹ, Chị có thu nhận được điều gì
mới mẻ cho mình không?
NV Lý Lan: Chương trình này làm cho tôi vỡ ra nhiều ngộ nhận về kiến thức, ngôn
ngữ, văn hóa và văn học.
NTHLV: Vì sao chị quyết định nghỉ dạy học?
NV Lý Lan: Bản thân tôi đặt quá nhiều kì vọng vào thiên chức nhà giáo, một khi
điều đó không còn là lý tưởng của mình, chỉ đeo đuổi để kiếm tiền thì
tôi nghỉ dạy.
NTHLV: Chị có thể nói thêm về công việc dịch thuật và phổ biến văn chương
Việt Nam mà chị đã, đang và sẽ làm không?
NV Lý Lan: Tôi sẽ tiếp tục dịch.
NTHLV: Nếu một người muốn đi vào con đường viết văn cần xin lời khuyên
của Chị, chị sẽ khuyên gì?
NV Lý Lan: Cứ viết, nhưng đừng kỳ vọng gì ở văn chương cả.
NTHLV: Chị dự đoán gì về tương lai văn chương Việt Nam?
NV Lý Lan: Không dám. Điều này thật to tát.
NTHLV: Hiện nay thời gian phân bố cho việc viết lách của Chị ra sao?
NV Lý Lan: Tôi dành toàn thời gian cho đọc và viết.
Xin cám ơn chị về buổi trò chuyện thú vị này.
PHỤ LỤC
Nhà văn Lý Lan trong buổi giới thiệu sách : “Tiểu Thuyết Đàn Bà” tháng 3/2008
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA7513.pdf