BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
DƯƠNG LỆ THỦY
ĐẶC ĐIỂM TRƯỜNG CA
THANH THẢO
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh- 2011
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
DƯƠNG LỆ THỦY
ĐẶC ĐIỂM TRƯỜNG CA
THANH THẢO
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS. TS. PHÙNG QUÝ NHÂM
Thành phố Hồ Chí Minh- 2011
DẪN NHẬP
1.Lí do chọn đề tài
Trên thế giới nà
102 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2742 | Lượt tải: 2
Tóm tắt tài liệu Đặc điểm trường ca Thanh Thảo, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
y, chắc chắn không có dân tộc nào mà trong những trang sử hiện đại lại luôn
khét mùi thuốc súng như dân tộc Việt Nam. Cũng không có dân tộc nào mà trong kí ức của nhiều
thế hệ liền nhau lại phải chịu cảnh chia lìa, li tán vì bom đạn như Tổ quốc ta. Những mất mát để đổi
lấy hai chữ Hòa Bình thật không có sách vở nào kể cho hết. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
và đế quốc Mỹ mãi mãi còn hằn sâu trong tâm thức của những người con mang dòng máu Việt.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vang vọng về nó còn vẹn nguyên trong nhiều trang viết của
những nghệ sĩ- chiến sĩ. Với sự nhạy cảm vốn có của lực lượng cầm bút, lại đã từng chứng kiến biến
cố vĩ đại của lịch sử dân tộc, mỗi tác phẩm ra đời trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại đã
phản ánh nhiều mặt cả về thực tế lẫn nhận thức về dân tộc và nhân dân trong cơn bão táp cách mạng
để rồi viết nên những trăn trở, suy tư và tiếng nói trách nhiệm với mỗi vấn đề quá khứ và hiện tại để
xây đắp tương lai tốt đẹp hơn.
Văn học Việt Nam hiện đại ghi nhận sự đóng góp tích cực của nhiều thể loại. Tận dụng những
ưu thế của mình, mỗi thể loại đều đã có những tên tuổi được khẳng định trên văn đàn và trong lòng
bạn đọc. Trường ca hiện đại cũng không nằm ngoài sự nỗ lực đó. Với dung lượng khá đồ sộ cùng sự
đa dạng về cấu trúc, trường ca hiện đại có khả năng truyền chở những nội dung hoành tráng và cảm
hứng mãnh liệt mà vẫn đậm chất trữ tình, giàu triết lí nên đã được nhiều nhà thơ lựa chọn thử sức.
Nếu như trong chiến tranh ta biết đến những cây bút trường ca có vai trò mở đường như Tố Hữu, Lê
Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm…, thì giờ đây, trong nền văn học hậu chiến lại ghi nhận nhiều nhà
thơ viết trường ca có tuổi đời còn khá trẻ như Hữu Thỉnh, Thu Bồn, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu,
Trần Mạnh Hảo… Lực lượng sáng tác này đã có công tiếp tục đắp xây những giá trị của một thể
loại còn khá mới mẻ trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Lấy trường ca và những vấn đề liên quan
làm đối tượng nghiên cứu đến nay thiết nghĩ còn cần thiết. Tìm hiểu đề tài này là cần thiết để tiếp
tục nhận thức về một vấn đề của văn học hiện đại.
Nhắc đến những nhà thơ viết trường ca thành công trong thời kì hậu chiến đến nay phải kể đến
Thanh Thảo- người đã từng được nhận xét là “ông vua của trường ca”. Thanh Thảo bắt đầu có
trường ca từ năm 1977 và đến năm 2009 với trường ca Metro đã ra mắt bạn đọc chín bản trường ca
hoàn chỉnh, giờ đây vẫn còn nhiều hứa hẹn. Là một cây bút viết trường ca đã được thời gian và bạn
đọc khẳng định, tác phẩm của ông ở thể loại này rất đáng được nghiên cứu một cách có hệ thống.
Mặt khác, tìm hiểu trường ca Thanh Thảo để thấy được một hồn thơ biết sống và nghĩ nghiêm túc
với lịch sử, với thời cuộc và với nhân cách làm người.
Ngày nay, trong chương trình đào tạo môn Ngữ văn, nhiều trường ca đã được đưa vào để giáo
viên, sinh viên, học sinh nghiên cứu, giảng dạy, học tập. Tìm hiểu “Đặc điểm trường ca Thanh
Thảo” sẽ góp phần đưa một cái nhìn tổng quát về thế giới nghệ thuật trường ca Thanh Thảo, có ích
cho việc tham khảo giảng dạy và học tập ở trường phổ thông và các trường chuyên nghiệp.
Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài “ Đặc điểm trường ca Thanh Thảo” để
nghiên cứu trên cơ sở tiếp thu những đóng góp có liên quan đến đề tài của các nhà nghiên cứu đi
trước. Từ đó có cái nhìn toàn vẹn hơn về một cây bút đã khẳng định được tên tuổi của mình trên văn
đàn hiện đại.
2.Mục đích nghiên cứu
Trong sự cố gắng nghiên cứu về “Đặc điểm trường ca Thanh Thảo”, mục đích của chúng tôi ở
đề tài này là nhằm nêu lên một số đặc điểm nổi bật nhất trong trường ca của ông để thấy được
những đóng góp riêng của tác giả trong một thể loại còn là một thách thức với nhiều người cầm bút
mà không phải ai cũng dám đặt chân vào.
3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng
Với mục đích khoa học đã đề ra, luận văn này chỉ tập trung xem xét và làm sáng tỏ những vấn
đề cơ bản có liên quan đến đề tài: “Đặc điểm trường ca Thanh Thảo”, cụ thể là ở các khía cạnh
cảm hứng sáng tác, nhân vật trung tâm, đặc sắc nghệ thuật (ở phương diện kết cấu, hình ảnh biểu
tượng, giọng điệu) để phần nào thấy được cá tính nghệ thuật của một cây bút viết trường ca hiện đại.
3.2. Phạm vi
Với đề tài này, chúng tôi nhận thức được rằng, sẽ không có tham vọng để đi vào tìm hiểu kĩ
càng và đầy đủ tất cả các đặc điểm của trường ca Thanh Thảo, điều đó có thể đem lại cái nhìn đầy
đủ nhưng quá đi vào chi tiết tỉ mỉ e rằng sẽ không tránh khỏi sự chẻ nhỏ đối tượng nghiên cứu, khó
đem lại cái nhìn khái quát cho một vấn đề chung, bởi vậy, trên cơ sở nghiên cứu các sáng tác trường
ca của Thanh Thảo từ năm 1977 đến năm 2009 gồm các trường ca sau đây:
Những người đi tới biển
Trẻ con ở Sơn Mỹ
Những nghĩa sĩ Cần Giuộc
Bùng nổ của mùa xuân
Đêm trên cát
Khối vuông Rubich
Trò chuyện với nhân vật của mình
Cỏ vẫn mọc
Metro
luận văn chỉ đi vào tìm hiểu một vài đặc điểm tiêu biểu trong trường ca Thanh Thảo như đã nêu ở
phần đối tượng nghiên cứu.
4.Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Thanh Thảo là một cây bút viết trường ca dài hơi ngay từ sau kháng chiến chống Mỹ đến tận
những năm gần đây. Trong tương lai, nhà thơ vẫn đang khẳng định là cây bút có nhiều triển vọng.
Cho đến nay, “hiện tượng Thanh Thảo” cũng đã gây sự chú ý cho các nhà nghiên cứu ở một số
phương diện. Vì thế, luận văn mong muốn góp thêm một ý kiến nhỏ trong việc tìm hiểu thế giới
nghệ thuật trường ca Thanh Thảo. Trên cơ sở kết quả đạt được của quá trình nghiên cứu, chúng tôi
mong sẽ cung cấp cho các vị đồng nghiệp, sinh viên, học sinh và những người quan tâm có thêm tài
liệu tham khảo, có cái nhìn tổng hợp về những giá trị của trường ca Thanh Thảo, phục vụ công việc
giảng dạy và học tập.
5.Lịch sử vấn đề
Xuất hiện chậm hơn so với thế giới, ở nước ta, mãi tới thập niên 30 của thế kỉ XX trường ca
hiện đại mới có mặt. Dù thế nhưng phải đến những năm 80 cùng thế kỉ, thể loại trường ca mới được
các nhà nghiên cứu quan tâm bàn đến. Đến nay có thể chia những công trình, bài nghiên cứu về
trường ca thành hai nhóm. Nhóm nghiên cứu về thể loại và nhóm nghiên cứu về tác giả- tác phẩm
trường ca. Cụ thể là:
Nhóm nghiên cứu chung về thể loại:
Đề cập đầu tiên về thể loại trường ca hiện đại là nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân từ năm 1975.
Với bài viết “Mấy suy nghĩ về thể loại trường ca”[1] ông đã đề nghị cách gọi cho những tác phẩm
thơ dài là "trường ca". Năm 1980 tạp chí Văn nghệ Quân đội đã mở mục “Về thể loại trường ca” đã
thu hút nhiều ý kiến trao đổi với các bài: “Trường ca – cảm hứng, bản lĩnh, sức vóc của người
viết”[81] của Nguyễn Trọng Tạo, “Về mấy đặc điểm của trường ca”[115] của Vương Trọng, “Vài ý
nghĩ nhỏ”[28] của Trần Mạnh Hảo, “Trường ca và người viết trường ca”[13] của Phạm Ngọc Cảnh,
“Trường ca, một kiến trúc tổng hợp của thơ ca”[10] của Thu Bồn, “Vài suy nghĩ về thể loại trường
ca”[104] của Hữu Thỉnh. Năm 1981, trên tạp chí này cũng đăng một số ý kiến về trường ca: Từ Sơn
với bài “Về khái niệm trường ca”[71], Lại Nguyên Ân với ý kiến “Bàn góp về trường ca”[3], Hoài
Thanh có bài “Thơ và chuyện trong thơ”[87], Trần Ngọc Vượng “Về thể loại trường ca và tính
chất của nó”[119], Hồng Diệu với “Thêm vài ý nghĩ”[17]. Có thể nói trong hai năm này, khái niệm
trường ca đã gây sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhưng các bài viết phần lớn mới chỉ quan tâm
tranh luận về vấn đề tên gọi thể loại và phân biệt nó với truyện thơ .
Tiếp sau các ý kiến đó, năm 1982 trên Tạp chí văn học, Mã Giang Lân có bài “Trường ca, vấn
đề thể loại”[45], Vũ Đức Phúc với “Chung quanh vấn đề trường ca”[67], Lại Nguyên Ân tiếp ý
kiến qua bài “Thể trường ca trong thơ gần đây”[4]. Đỗ Văn Khang đã lấy ý kiến của Hê-ghen làm
cơ sở lí luận cho mình khi bàn về trường ca hiện đại Việt Nam qua bài “Từ ý kiến về trường ca sử
thi của Hê-ghen đến “trường ca” hiện đại ở ta”[44]. Năm 1983 Phạm Huy Thông, trong bản báo
cáo khoa học về "Trường ca"[105] trong đó đề cao độ dài trường ca cho việc truyền chở cảm xúc
nhà thơ. Năm1984, Hoàng Ngọc Hiến đã nêu những nhận định về đặc trưng thể loại trường ca của
Biêlinxki trong bài viết “Về đặc trưng của trường ca”[30] trong đó khẳng định vấn đề trung tâm
của thi pháp trường ca là "nội dung lớn và dung lượng lớn”, “tương quan giữa nguyên tắc trữ tình và
nguyên tắc tự sự", "trong trường ca hiện đại, xu thế trữ tình lấn át tự sự". Năm 1988 Mã Giang Lân
viết tiếp bài “Thử phân định giữa ranh giới trường ca và thơ dài”[46] nêu lên những điểm giống
và khác nhau giữa hai thể loại vốn có điểm giao thoa này; trong đó ông chỉ ra sự phân biệt chủ yếu
kết cấu và nhân vật. Như vậy, từ năm 1982 đến năm 1988, các nhà nghiên cứu bước đầu đã thuyết
phục giới chuyên môn ở một số vấn đề thi pháp trường ca như yếu tố nội dung, nhân vật, cảm xúc;
khẳng định giá trị của các sáng tác trong đời sống văn học đương thời (Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh
Xuân, Anh Ngọc, Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh...).
Đến năm 1999 trong cuốn “Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt Nam” [78], Vũ Văn Sỹ đã dành
cả một chương để bàn về trường ca ở nội dung “Trường ca, sự mở rộng chức năng yếu tố tự sự
trong thơ trữ tình”. Tác giả đã có những đóng góp nhất định trong sự lí giải quá trình mở rộng chức
năng của trường ca hiện đại; sự phân loại nhân vật trường ca theo các tiêu chí hình thức và nội dung
khác nhau đem lại cái nhìn tổng quát về lí luận ở thể loại trong nền văn học hiện đại nước ta. Năm
2002, Đào Thị Bình có bài “Góp phần tìm hiểu trường ca viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước”[8]. Đây là một bài viết có những ý kiến sắc sảo, tổng kết về trường ca kháng chiến chống
Mỹ. Đến năm 2008 với bài nghiên cứu “Trường ca với tư cách là một thể loại mới”[16], tác giả
Nguyễn Văn Dân nhận định trường ca Việt hiện đại có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1932-
1975 là giai đoạn ra đời của trường ca, nó vẫn mang nặng tính sử thi của anh hùng ca. Giai đoạn sau
1975 xuất hiện xu hướng thiên về tính trữ tình, mang đậm dấu ấn cái tôi cá nhân. Tác giả nhận xét
về đặc trưng của trường ca Việt Nam hiện đại “1Tlà sự nổi trội của tính trữ tình so với tính tự sự,
nhưng tính tự sự vẫn không mất hẳn, mà nó vẫn tồn tại như một khung quy chiếu cần thiết để làm nên
“1T3tầm cỡ nội dung hoành tráng1T3” mang tính sử thi cho một tác phẩm được gọi là trường ca.”
Đến nay, nhiều luận văn, luận án ở các trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành tiếp tục
đi sâu hơn trong việc làm rõ đặc trưng thi pháp thể loại. Nhìn chung, lịch sử vấn đề thể loại không
phải hoàn toàn thống nhất các ý kiến nhưng đã đưa được những vấn đề gây tranh luận để hiểu rõ
hơn về thể loại. Các bài viết này vẫn còn là những gợi ý nền tảng cho việc nghiên cứu về trường ca
nói chung và trường ca Thanh Thảo nói riêng.
Nhóm nghiên cứu về tác giả Thanh Thảo
Thanh Thảo có trường ca ra mắt bạn đọc lần đầu vào năm 1977 với tác phẩm Những người đi
tới biển. Từ đó đến nay, nhà thơ vẫn không ngừng cho ra đời những bản trường ca có giá trị nghệ
thuật. Tác phẩm của ông đã có sự thu hút quan tâm của các nhà nghiên cứu.
Năm 1980, Thiếu Mai có bài đăng trên Tạp chí Văn học (số 2), với nhan đề “Thanh Thảo, thơ
và trường ca” đã đưa ra những nhận định về một cây bút còn rất trẻ. Tác giả đã cho rằng: “Ngòi bút
Thanh Thảo tinh tế mà thanh thoát, phong phú mà nhẹ nhõm (…) lời thơ đẹp, không dễ dãi, buông
thả (…) bao giờ cũng vượt qua những hiện tượng bên ngoài, để tìm đến cái bản chất đích thực, cái
lõi của sự vật” [54, tr.153]. Tác giả nhận thấy rằng: “Thơ Thanh Thảo có dáng riêng. Đọc anh, dù
một lần, thấy ngay dáng ấy (…) Thơ Thanh Thảo là nhà thơ của tâm hồn giàu suy tưởng, giàu trí
tuệ (…) đầy đặn cả hai mặt cảm xúc và suy nghĩ”[54, tr.152]. Ở phần sau của bài viết, tác giả dành
nhiều trang để khái quát những giá trị của trường ca Những người đi tới biển. Những nghiên cứu
của Thiếu Mai giúp người đi sau có những gợi ý trong việc đi vào tìm hiểu kết cấu và giọng điệu
của trường ca Thanh Thảo.
Nguyễn Đức Quyền từ năm 1980 trong tập tiểu luận Những vẻ đẹp thơ (năm 2002 tái bản lần
thứ nhất trong cuốn Nét đẹp thơ) đã có những nét phác họa về thơ Thanh Thảo: “Thơ chống Mỹ đến
Thanh Thảo đã lắng vào chiều sâu. Cái xô bồ của chiến tranh, cái tàn bạo của giặc Mỹ, cái gian
khổ của người lính được Thanh Thảo nhìn với cái nhìn trầm tĩnh lạ thường” [69, tr.172]. “Thơ
Thanh Thảo không dừng lại ở những nét hiện thực dù là những nét hiện thực phong phú, kì thú hơn
bất cứ nhà thơ nào viết về chiến tranh mà anh dẫn người đọc đến những suy tưởng, đến chiều sâu
triết lí” [69, tr.172]
Cùng năm đó, Lại Nguyên Ân trong Dấu chân những người lính trẻ và thơ Thanh Thảo đã
đưa ra ý kiến nhận xét về hình ảnh người lính trong thơ Thanh Thảo: “Thanh Thảo đã tìm được khá
nhiều cung bậc, nhiều sắc thái tô đậm nét vô danh, bình thường ở những người lính cùng thế hệ.
Nhưng nét vô danh, bình thường này được nhấn đi nhấn lại nhiều lần đến thế thì quả không phải là
sự vô tình; nó như báo trước một thầm thì gì nữa, một xác nhận về đặc điểm thế hệ, hơn nữa, một
thứ “tuyên ngôn” [4, tr.49]. Ở góc độ khái quát, tác giả bài viết cũng nhận định: “Thơ anh đậm sắc
thái bi hùng, trữ tình trong thơ anh không tách biệt mà hòa hợp ở mức khá cao với tính sử thi” [4,
tr.55].
Trần Đình Sử và Trần Đăng Xuyền trong bài Suy nghĩ mới về nhân dân trong Những ngọn
sóng mặt trời của Thanh Thảo năm 1982 nhận xét: “Thể loại trường ca nở rộ trong thời gian vừa
qua là một đóng góp quan trọng của “những cây bút trẻ xuất hiện trong thời chống Mỹ” trong đó
“Thanh Thảo là một trong những tác giả tiêu biểu” [74, tr.252]. “Những tập thơ của Thanh Thảo
đã góp phần làm sâu sắc thêm quan niệm nghệ thuật về nhân dân trong văn học” [74, tr.252- 253]
Đến năm 1985, trên Tạp chí Văn học số 5-6, Bích Thu cũng có bài viết về Thanh Thảo: Thanh
Thảo, một gương mặt tiêu biểu trong thơ từ sau 1975. Bài viết đánh giá: Thơ anh “là tiếng nói
thâm trầm, thấm thía về hiện thực chiến tranh, về trách nhiệm và số phận của thế hệ mình trước Tổ
quốc, nhân dân”, “đi sâu phát hiện khám phá ra chân dung tinh thần của một thế hệ người lính
trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt mà hào hùng của dân tộc” [110, tr.67] . Nhận xét về trường ca
của ông, tác giả bài viết cho rằng: “mỗi trường ca đều lí giải được những vấn đề sinh tử của một
giai đoạn lịch sử đã qua đồng thời đặt được những vấn đề sinh tử trong một giai đoạn lịch sử đã
qua đồng thời đặt được những vấn đề gắn với đời sống hôm nay” [110, tr.70-71]. “Tác phẩm hấp
dẫn người đọc ở ý tứ sâu xa và ở cấu trúc trữ tình- triết lí rất mực tâm trạng” [110, tr.70]. Tác giả
bài viết khẳng định: “Thanh Thảo…xứng đáng là một gương mặt thơ tiêu biểu”. Những nhận xét
của Bích Thu giúp chúng tôi có cái nhìn chung về thơ và trường ca Thanh Thảo.
Năm 1990, Đông Hải với Khối vuông rubich và hình tượng tư duy thơ của Thanh Thảo nhận
định: “Thi sĩ là người xác lập những vòng tròn chuyển động bằng hình tượng tư duy muôn màu,
muôn vẻ. Và Thanh Thảo đã thành công qua khả năng tạo nên những“vòng quay” sáng tạo bằng
một cấu trúc thơ mới mẻ, đa dạng để tự khẳng định mình, khẳng định cuộc sống” [26, tr.102-105]
Ở Văn chương, cảm và luận (1998), Nguyễn Trọng Tạo cho rằng: “Thanh Thảo là nhà thơ trẻ
đã tạo được sự ứng xử đúng mực sau “mối tình đầu” của thơ chống Mỹ. Thơ Thanh Thảo không
lạnh, thậm chí nóng bỏng, là giọt cồn ở nồng độ cao. Thơ anh là “những tia chớp từ trời cao làm
hiện lung linh tất cả sự vật chung quanh ta” [83, tr.75]
Nguyễn Thụy Kha nhận xét trường ca viết về chiến tranh của Thanh Thảo: “Với cảm hứng giao
hưởng khoáng đạt, Thanh Thảo đã vẫy vùng ở thể loại đầy tính phức điệu này để viết nên sự thật về
cuộc chiến tranh” [43, tr.78]. “Viết về những khúc ca lính Việt, Thanh Thảo đã “thực sự cắm được
cái mốc trên chặng đường tìm kiếm đầy gian truân này” [43, tr.78]
Tác giả Bùi Công Hùng trong Sự cách tân thơ văn Việt Nam hiện đại (2000) đã nhận xét về
“tính giao hưởng, tính phức điệu” trong thơ Thanh Thảo. Ông cho rằng: “Thanh Thảo trong Những
người đi tới biển bằng tính giao hưởng, phức điệu đã bộc lộ sự sung sức của tâm hồn, của kĩ năng
thơ trên nhiều bậc thang khác nhau của sự biểu hiện, đồng thời nêu bật sự phong phú, đa dạng
trong nội tâm, trong đời sống của con người Việt Nam hiện đại” [42, tr.92]
Với bài nghiên cứu “Trường hợp Thanh Thảo” của tác giả Chu Văn Sơn được in trong “Văn
học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy” (Nxb Giáo dục, 2006) đã có công
đưa ra những luận điểm rất thuyết phục khi bàn về các sáng tác của Thanh Thảo. Ở phần nhận định
về nội dung, tác giả cho rằng tác phẩm của nhà thơ này “Lấp lánh chất người”. Thanh Thảo hay viết
về “những nghĩa quân, những ngọn nghĩa kì, những nhà thơ tiết nghĩa”. Về nghệ thuật, Chu Văn
Sơn cô đọng trong phạm trù “lửa và nước” trong cách triển khai chủ đề của Thanh Thảo… Về cấu
trúc, nhà thơ thường xây dựng cấu trúc tác phẩm một cách hỗn loạn xung quanh trục trật tự theo
kiểu “rubich- thơ” hoặc “giao hưởng thơ”. Bài viết này có cái nhìn độc đáo về tác phẩm của Thanh
Thảo, gợi ý cho hướng nghiên cứu phục vụ đề tài.
Trong cuốn Trò chuyện với 100 nhà văn (2006), nhận xét về thơ Thanh Thảo như sau: “Thơ
Thanh Thảo gần như dành cho người đọc, người xem hơn là cho người nghe” [63, tr.350] “Thơ
Thanh Thảo thật tới mức khô quánh và dữ dội, có khi khách quan tới mức lạnh lùng (….), đọc thơ
Thanh Thảo như đứng trước tháp Chàm” [63, tr.350]
Đến năm 2007, Nguyễn Việt Chiến trong Thanh Thảo còn những bài thơ lẻ đã ghi nhận
đóng góp của Thanh Thảo: “Thanh Thảo vẫn là một tài năng thơ đích thực với một trái tim luôn
nồng nhiệt, chân thành và bất bình trước mọi trả giá, bất công và bạo lực” [14, tr.75]. Nhận xét về
những cách tân nghệ thuật như sau: “Ông là một tài năng không chịu đựng nỗi những con đường
mòn cũ, quen thuộc trong thi ca. Bởi tính năng sáng tạo của con người thơ ông luôn bật lên những ý
tưởng, những khao khát khám phá” [14, tr.81]
Nguyễn Đỗ trong lời giới thiệu tập thơ song ngữ Việt- Anh Thanh Thảo 123 (2007) nhận xét
thơ anh là “tiếng nói đại diện cho cả một thế hệ nhận thức được sớm tính đa mặt (polyhedral) của
chiến tranh, cụ thể là chiến tranh chống Mỹ, tiếng nói đa thanh (polyphonic) của số phận con người
trong bất kì cuộc chiến nào.” [100, tr.7]
Nguyễn Trọng Tạo đến năm 2009 một lần nữa nhận xét: “Thanh Thảo là một tài thơ của thế
hệ tôi. Anh sớm thoát khỏi giọng điệu tiền chiến và tự thoát khỏi giọng thơ chống Mỹ của chính
mình để tìm đến một tư duy cách tân với bút pháp đồng hiện của tiểu thuyết hay giao hưởng phương
Tây mà rõ nhất là Khối vuông rubich giữa những năm 80 của thế kỉ trước”[63, tr.384] “càng đi vào
cách tân, thơ anh càng mất dần đi những ấm nồng cảm xúc, thậm chí đôi khi có cảm giác lạnh.
Nhưng cũng có thể cảm giác lạnh ấy là cảm giác lạnh của giọt cồn 90 độ rơi vào da thịt” [63,
tr.384]
Như vậy, các bài nghiên cứu đã khảo sát ở trên đã đề cập ít nhiều ở cả hai phương diện nội
dung và nghệ thuật trong thơ và trường ca Thanh Thảo. Khía cạnh nội dung, các tác giả đều ghi
nhận đóng góp đặc sắc của nhà thơ khi góp tiếng nói thâm trầm về chân dung thế hệ. Góc độ nghệ
thuật gây chú ý là một hồn thơ giàu suy tưởng, trí tuệ. Trên hết, Thanh Thảo luôn khát khao khám
phá, tìm tòi để cách tân trong sáng tác của mình. Tuy nhiên, các bài viết đều đưa ra nhận xét trên
căn cứ khảo sát một hoặc một số trường ca. Trường ca Thanh Thảo đến nay đã có 9 bản hoàn chỉnh
đã là một khẳng định cho sự nghiệp trường ca dài hơi của ông. Nghiên cứu Đặc điểm trường ca
Thanh Thảo là việc làm cần thiết mong góp phần đem lại cái nhìn toàn cảnh và khu biệt về những
sáng tác trường ca của một cây bút đã có nhiều đóng góp.
6. Phương pháp nghiên cứu
Với đề tài này, chúng tôi có những hướng tiếp cận tư liệu để triển khai như sau:
Trước hết, tìm đọc tất cả các trường ca của Thanh Thảo cho đến nay
Thứ hai, tìm các bài viết, các công trình nghiên cứu bàn về thể loại trường ca nói chung và
trường ca Thanh Thảo nói riêng; các bài viết của chính tác giả thổ lộ xung quanh việc sáng tác
trường ca của mình.
Thứ ba, khảo sát từng trường ca để khái quát những đặc điểm tiêu biểu.
Thứ tư, phân tích những đặc điểm được nhận định qua khảo sát.
Thứ năm, so sánh với một số tác giả viết cùng thể loại, cùng thời.
Phương pháp nghiên cứu: Trong quá trình thực hiện luận văn này, chúng tôi sử dụng chủ yếu
các phương pháp sau:
Phương pháp loại hình: Đây là phương pháp cần thiết khi căn cứ vào đặc trưng thể loại để tìm
hiểu trường ca Thanh Thảo, nhất là khi tác giả và tác phẩm có vị trí nhất định trong giai đoạn thể
loại được xác lập chính thức trong nền văn học nước nhà.
Phương pháp so sánh: Là phương pháp không thể thiếu để chúng tôi làm rõ nét đặc sắc của
trường ca Thanh Thảo và những đóng góp tích cực về thể loại của nhà thơ.
Phương pháp lịch sử: Để tìm hiểu sự vận động, thay đổi của trường ca Thanh Thảo.
Bên cạnh đó, phương pháp thống kê cũng được sử dụng để đưa ra những số liệu minh họa, tạo
sức thuyết phục cho các luận điểm được đưa ra.
7. Cấu trúc của luận văn
Luận văn của chúng tôi ngoài phần dẫn nhập và kết luận gồm có ba chương:
Chương 1: Cảm hứng trung tâm trong trường ca Thanh Thảo
Chương 2: Hình tượng nhân vật trung tâm trong trường ca Thanh Thảo
Chương 3: Đặc sắc nghệ thuật trong trường ca Thanh Thảo
Chương 1: CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO TRONG TRƯỜNG CA THANH THẢO
Người xưa quan niệm làm thơ phải xuất phát từ hứng. Nguyễn Quýnh cho rằng: “Người như
sông biển, chữ như nước, hứng thì như gió. Gió thổi tới sông biển cho nên nước lay động làm thành
gợn, thành sóng, thành ba đào… người làm thơ không thể không có gió vậy… hứng đến khiến người
ta bật ra thơ” [60, tr.103]. Cảm hứng là một trong những nội dung quan trọng khi nghiên cứu tác
phẩm văn học. Trong các sáng tác, nó được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau nhưng ta thường chỉ
gặp sự biểu hiện rõ nét cảm hứng ở những tác giả thực sự có tài năng.
Thanh Thảo là một nhà thơ có tài. Trong các sáng tác trường ca của ông ta nhận thấy có hai dòng
cảm hứng trung tâm là cảm hứng sử thi và cảm hứng đời tư thế sự.
1.1.Cảm hứng sử thi trong trường ca Thanh Thảo
Cảm hứng được người sáng tác hiểu như sau: “Sự thực mà nói cảm hứng chính là thời điểm mà
sức sống bên trong đã tích tụ ấp ủ lên men sáng tạo thời điểm mà ngọn lửa kì diệu của thơ ca bùng
cháy. Không có cảm hứng thì ngòi bút không trơn mực” [106, tr.49].
Có thể nói, cảm hứng sử thi là một vấn đề trung tâm của văn học kháng chiến chống Mỹ,
thậm chí có nhà nghiên cứu còn cho rằng đó là một đặc điểm của phong cách thời đại chống Mỹ
(Nguyễn Khắc Sính). Điều này không phải không có lí khi thực tế cuộc chiến đấu đòi hỏi các văn
nghệ sĩ phải phản ánh cho được không khí thời đại mà quan trọng hơn là từ đó các tác phẩm có
động lực như “hồi kèn xung trận” đoàn kết toàn dân tộc một lòng đấu tranh vì độc lập.
Các tác phẩm sử thi cổ đại mà xa xưa nhất là Iliat, Ôđixê của người Hy Lạp cổ hay sử thi
Đăm San của dân tộc Êđê có kết hợp với các hình thức diễn xướng thì mục đích để thuật lại những
sự kiện quan trọng của quá khứ liên quan đến vận mệnh cộng đồng, dân tộc, thể hiện niềm tự hào và
là bài học cho thế hệ sau. Bởi thế ý thức cộng đồng rất được đề cao. Khi đó, quan điểm cá nhân
đồng nhất với quan điểm nhân dân “không tách mình ra ngoài sự kiện đó” (theo cách nói của
Bêlinxki).
Cảm hứng sử thi (ở tầm bao quát) trước đến nay được các nhà nghiên cứu đồng tình ở đặc
điểm lớn là: Tác phẩm sử thi thường không quan tâm đến những vấn đề của đời sống cá nhân, riêng
tư hay sinh hoạt thế sự; mà chủ yếu hướng vào những vấn đề hệ trọng của dân tộc và thời đại, vận
mệnh đất nước và nhân dân. Nhiều tác phẩm đã trực tiếp thể hiện hình ảnh nhân dân trong quá trình
thức tỉnh cách mạng và hình ảnh cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại. Nhân vật trung tâm là những con
người sử thi tiêu biểu cho khát vọng và ý chí chiến đấu, quyết thắng của cả dân tộc, tiêu biểu cho
chủ nghĩa anh hùng thời đại. Nhân vật được xây dựng theo bút pháp lý tưởng hoá của sử thi: những
anh hùng mang tầm vóc sử thi đại diện cho cả cộng đồng. E.G.Ruđneva khi căn cứ vào tính chất và
đặc trưng của nó thì gọi là cảm hứng anh hùng, theo ông, nó “biểu hiện xu hướng của nghệ sĩ muốn
thể hiện cái cao cả của con người làm nên chiến công vì sự nghiệp chung, muốn khẳng định tính
cách của con người đó trong ý thức xã hội, khẳng định cái đạo đức sẵn sàng lập chiến công.” [65,
tr.151].
Sự nghiệp sáng tác trường ca của Thanh Thảo đến nay đã ra mắt chín bản trường ca (mới đây
tác giả mới cho in toàn tập). Trường ca của ông đều sáng tác khi đất nước đã thống nhất nhưng qua
quá trình tìm hiểu chúng tôi vẫn khẳng định rằng, cảm hứng sử thi vẫn là một dấu ấn đậm nét trong
các sáng tác của ông.
1.1.1. Cảm hứng về lịch sử
Có thể thấy rằng, cảm hứng sử thi trong văn học trước 1975, đặc biệt ở giai đoạn kháng
chiến chống Mỹ được thể hiện khá đậm nét. Thực tế lịch sử lúc đó đã hình thành một nền văn học
“sử thi hóa” hết sức khỏe khoắn. Đó là nền văn học phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu: “Hoàn
cảnh lịch sử, cuộc sống, tâm lí tinh thần, tư tưởng thời đại chi phối một cách chặt chẽ, chi tiết, chi
phối đến từng con chữ của người nghệ sĩ” [118, tr.128]. Nền văn học đó không phải của những số
phận cá nhân mà là tiếng nói của cả một cộng đồng dân tộc trước thử thách quyết liệt: Tổ quốc còn
hay mất. Đây là văn học của sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng. Nhân
vật trung tâm là những con người gắn bó số phận mình với số phận đất nước và kết tinh những
phẩm chất cao quý của cộng đồng. Người cầm bút nhân danh cộng đồng mà ngưỡng mộ, ngợi ca
người anh hùng với những chiến công chói lọi. Khuynh hướng sử thi gắn liền với cảm hứng lãng
mạn. Trong mất mát, gian khổ, tâm hồn con người vẫn luôn hướng về lí tưởng, tương lai với sự lạc
quan, tin tưởng:
Xuân ơi xuân em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội
(Tố Hữu- Bài ca mùa xuân năm 1961)
Cảm hứng lãng mạn không chỉ sôi nổi trong thơ mà còn cả trong văn xuôi. Từ tiểu thuyết,
truyện ngắn đến bút kí, tuỳ bút đến kịch bản sân khấu đều rất giàu chất thơ. Hướng vận động của cốt
truyện, số phận nhân vật, dòng cảm nghĩ của tác giả hầu như đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian
khổ đến niềm vui, từ hiện tại đến tương lai đầy hứa hẹn. Ở thể loại văn xuôi, những tác phẩm tiêu
biểu là Xung kích, Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), tập truyện Tây bắc (Tô Hoài), Đất nước đứng lên,
Rừng xà nu (Nguyên Ngọc- Nguyễn Trung Thành), Người mẹ cầm súng, Những đứa con trong gia
đình (Nguyễn Thi), Họ sống và chiến đấu (Nguyễn Khải)… Các nhà thơ tiêu biểu cho đặc trưng
này là Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh
Xuân… Hình tượng thơ luôn mang tầm khái quát, thể hiện sức mạnh của nhân dân, niềm tin vào
cách mạng, vào ngày toàn thắng của dân tộc. Vì thế, hình tượng Tổ Quốc, người anh hùng được
ngợi ca giòn giã:
Thơ ta ơi! hãy cất cao tiếng hót
Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta!
(Tố Hữu- Mùa thu mới)
Đất nước
Của những dòng sông
Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn
(Nam Hà- Chúng con chiến đấu)
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng
(Lê Anh Xuân- Dáng đứng Việt Nam)
Cho nên, đúng như tác giả Trước đèn… thơ nhận xét: “toàn bộ thơ chống Mỹ là khúc hát
“giọng cao”, trong đó mỗi con người và giọng điệu riêng tư của họ hòa trung trong khúc hát
“giọng cao” của thời đại” [56, tr.31].
Tuy vậy, cảm hứng sử thi không có nghĩa là cái nhìn ở mọi tác giả hay tác phẩm đều “là dàn
hợp xướng” giống nhau; trái lại mỗi cây bút có tài đều đánh dấu một diện mạo riêng trong sáng tác
của mình. Thanh Thảo là một cây bút thơ như vậy, đặc biệt ở thể loại trường ca.
Trước tiên, phải khẳng định rằng trường ca hiện đại là một kiểu tác phẩm trữ tình dành nhiều
ưu thế khi tác giả muốn thể hiện cảm hứng sử thi. Dung lượng đồ sộ của nó trong việc không hạn
chế số lượng câu thơ, không quy định chặt chẽ thể thơ “Trường ca- một kiến trúc tổng hợp của thơ
ca” (Thu Bồn) đã là một lựa chọn lí tưởng để nhà thơ tha hồ đào sâu từ cảm hứng về lịch sử.
Tiếp xúc với hệ thống trường ca Thanh Thảo, điều chúng tôi nhận thấy trước tiên ở nhà thơ
là khả năng khái quát sự kiện đã ghi dấu trong hành trình lịch sử giữ nước của dân tộc ta.
Nếu như trong kháng chiến chống Mỹ “xu hướng gắn bó với các sự kiện lịch sử, những chiến
công oanh liệt của quân và dân ta, những gương anh hùng dũng cảm trong chiến tranh… yêu cầu
phản ảnh chân thật, hùng hồn những biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến
tranh…, đã làm hình thành một nền văn học “sử thi hóa” hết sức khỏe khoắn, lạc quan, đầy tính
lãng mạn cách mạng, luôn luôn có xu hướng vươn đến những tầm khái quát kì vĩ” [56, tr.12] thì thời
gian hòa bình đủ để nhà thơ bình tâm nhìn lại lịch sử. Vì thế, cảm hứng sử thi tuy vẫn hiện diện như
một quán tính của nền văn học sau 75 nhưng đã có những sắc thái khác. Với Thanh Thảo, trên con
đường thơ của mình, ông vẫn ngưỡng vọng về quá khứ oai hùng của dân tộc vừa tự hào, vừa nhận
thức. Trong toàn bộ sáng tác trường ca của ông đến nay có tới năm tác phẩm lấy cảm hứng trực tiếp
từ sự kiện lịch sử của dân tộc. Đó là hành trình thế hệ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở trường ca
Những người đi tới biển; là sự kiện Mỹ Lai được biết đến trong vụ tàn sát đẫm máu, vô nhân đạo
của kẻ thù với 504 thường dân vô tội vào ngày 16 tháng 3 năm 1968 trong Trẻ con ở Sơn Mỹ; là
cuộc khởi nghĩa Ba Tơ của người tù căng an trí trong kháng chiến chống Pháp 1945 trong Bùng nổ
của mùa xuân; là cuộc khởi nghĩa của những nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc đứng lên chống Pháp
trong Những nghĩa sĩ Cần Giuộc. Tất cả đều là những sự kiện viết nên những trang sử vừa đau
thương, vừa oai hùng của dân tộc ta._. trong công cuộc đấu tranh gìn giữ quê hương xứ sở. Những sự
kiện lịch sử đó cũng là điểm tựa để chủ thể trữ tình khơi nguồn cảm hứng cho những bản trường ca
vừa giàu tình cảm, vừa đậm chất trí tuệ của nhà thơ.
Hoàn thành sau ngày toàn thắng chưa được bao lâu (năm 1977) nhưng trường ca Những
người đi tới biển đã đúc kết cả một cuộc chiến tranh 30 năm dài đằng đẵng của dân tộc để tới ngày
“đi tới biển”. Với kết cấu ba chương gồm mười hai khúc và một phần vĩ thanh, bản trường ca là
niềm tự hào và cũng những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về con đường đi đến chiến thắng của
dân tộc. Ở trường ca này, cảm xúc của nhà thơ song hành với con đường gian lao mà đầy bi tráng
của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ta bắt gặp trong bản trường ca dài ngót 1250 câu
này nhiều hình ảnh, nhiều cảnh sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ, của những số phận cá nhân
trong đời sống chiến đấu chống kẻ thù xâm lược là đế quốc Mỹ. Qua đây, người đọc thế hệ đương
thời có dịp nhận thức lại quá khứ, còn người đọc thế hệ sau hiểu rõ hơn tâm hồn, suy nghĩ của nhân
dân ta trong những ngày tháng đầy bi tráng.
Viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, trường ca Thu Bồn tái hiện không khí gay gắt, ngùn
ngụt lửa chiến tranh:
Mây đen đè nặng trăng không sáng
Loang lổ trời đêm máu tím bầm
Rặng núi nặng nề ôm mây ngủ
Nghe vẳng phương xa tiếng sấm gầm
(Thu Bồn- Bài ca chim Chơ rao)
Sự ác liệt của cuộc chiến không được Thanh Thảo mô tả trực tiếp như vậy mà chủ yếu được
khắc họa qua đời sống chiến đấu của các chiến sĩ. Trường Sơn hùng vĩ nhưng là những nhọc nhằn
khôn cùng với người ra trận. Không phải “đường ra trận mùa này đẹp lắm” mà là:
Trường Sơn thác bay trong mây
đá tai mèo xô ngang ngực
(Những người đi tới biển)
Nếu Trần Mạnh Hảo vẫn nhìn đoàn quân ra trận với niềm tự hào xen chút lãng mạn:
Thế hệ chúng con đi như gió thổi
Áo quân phục xanh đồng sắc với chân trời
thì Thanh Thảo lại nhìn cuộc chiến bằng con mắt “thư kí thời đại”. Đường ra chiến trường ngoài
phút giây sống chết với kẻ thù còn là điều kiện chiến đấu khắc nghiệt mà người lính thường xuyên
phải đối mặt. Đó là mùa mưa dữ dội của Trường Sơn, là đàn vắt xanh đói máu, là lưng gùi nặng trĩu
bấm chặt bàn chân:
Năm ấy mùa mưa rừng đưa lưng chịu cả bầu trời
đàn vắt xanh chuyển lào xào sau lá
chúng tôi gùi thâu đêm
chân dép đạp lối mòn vệt lân tinh mờ nhạt
(Những người đi tới biển)
Bằng sự trải nghiệm nghiêm túc, Thanh Thảo viết những câu thơ đậm chất hiện thực:
Hùng ơi tao đã qua đây
dòng thư ai khắc bằng mũi dao găm
…
hàng chục vạn bức thư như thế
cây Trường Sơn giấu trong từng thớ gỗ
những bức thư truyền qua tháng qua năm
là thông điệp của một thời gian khổ
(Những người đi tới biển)
Với chi tiết có một không hai từ “hàng chục vạn bức thư” đặc biệt khắc trên thân cây dọc con
đường Trường Sơn huyền thoại đủ hiểu rằng dân tộc ta đã phải cam lòng đưa hàng vạn người con ra
mặt trận mà không ít trong số đó đã dừng lại “mãi mãi tuổi hai mươi” ở nơi rừng thiêng nước độc:
Ngày dân tộc tụ về đường số Một
lòng không nguôi thương những cánh rừng này
nơi hàng vạn đứa con nằm lưng đèo cuối dốc
dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây
(Những người đi tới biển)
Thanh Thảo nhìn vào cuộc chiến ở khía cạnh hiện thực trần trụi, khốc liệt. Ngòi bút nhà thơ
không lảng tránh mà trái lại, là sự đối mặt, nhưng nhờ đó người đọc cảm nhận chân thực sự ác liệt
và tàn khốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Cảm hứng về cuộc chiến tranh chống Mỹ được Thanh Thảo tiếp tục trở lại trong trường ca
Trẻ con ở Sơn Mỹ hoàn thành năm 1978. Tác phẩm là kết quả sau hơn một tháng tác giả đi thực tế
sống cùng bà con Sơn Mỹ và hai năm nghiền ngẫm để cho ra đời tác phẩm. Ở trường ca này, nhà
thơ không tái hiện quá khứ đau thương, hiện thực tội ác để nuôi chí căm thù. Bằng tâm thế của một
người con quê hương Quảng Ngãi, Thanh Thảo sống nỗi đau thảm sát, đau nỗi đau mất mát của
người còn sống, và trên hết là sự thấu hiểu cuộc sống của những người dân bước ra khỏi cuộc chiến
với vô cùng đau thương và nghèo khó nhưng những con người khắc khổ ấy vẫn nhìn quá khứ tàn
khốc bằng cái nhìn hàn gắn của hy vọng và tương lai. Tiêu đề Trẻ con ở Sơn Mỹ là một ẩn dụ giàu ý
nghĩa: cuộc sống từ mảnh đất máu sẽ bắt đầu từ những đứa trẻ và vì thế hệ trẻ:
Và trẻ thơ cười khóc
và trẻ thơ chạy chơi
hát đồng ca trong lớp
hát đơn ca ngoài đời
bên máu người ngã xuống
nở căng những vồng khoai
(Trẻ con ở Sơn Mỹ)
Công việc đầu tiên của người lính trở về sau cuộc chiến là vun xới một màu xanh, màu xanh
của hoà bình, bình yên và hy vọng:
Anh sẽ bắt đầu trở lại
trồng một cây dương non
gỡ hết mìn dưới nền nhà mình
đời sống cứ trào lên phía trước
anh sẽ nhớ sẽ quên
như mọi người trong cuộc
(Trẻ con ở Sơn Mỹ)
Nếu tình yêu quê hương thường xuất phát từ những ấn tượng tốt đẹp thì tình thương quê lại
bắt nguồn từ những gian khổ, thiệt thòi mà quê hương phải chịu. Thanh Thảo rưng rưng cảm động
hiểu ra tấm lòng đáng quý ấy của những người con Sơn Mỹ:
Múc từng gầu nước tưới mạ khô
những giếng sâu lắm phen chừng muốn cạn
tôi mới hiểu vì sao lúa chín
vì sao những bầy chim không bỏ được nơi này
(Trẻ con ở Sơn Mỹ)
Suy cho cùng, con người ta trải qua bao gian khó, đau khổ, hy sinh cũng vì bình yên cuộc
sống, vì hoà bình chứ không phải để ôm ấp đau thương, nuôi lòng thù hận. Khai thác cảm hứng từ
lịch sử nhưng không hề xa vời với tâm tư con người, trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ của Thanh Thảo
xứng đáng được xếp vào những trường ca hay của văn học Việt Nam hiện đại.
Chính Thanh Thảo đã có lần nói: “Thể loại anh hùng ca thường gắn với những thời điểm
trọng đại của lịch sử, nó trước tiên là kết quả của sự lựa chọn tư tưởng của nhà thơ, nó luôn cực
đoan trong sự khách quan, nó là lịch sử được hát lên, là văn xuôi được trào lên như phun thạch núi
lửa.” [99, tr.82]. Tiếng hát ấy tiếp tục được Thanh Thảo cất lên trong trường ca Những nghĩa sĩ Cần
Giuộc (1980), Bùng nổ mùa xuân (1982) viết về cuộc kháng chiến chống Pháp. Cùng với Trẻ con ở
Sơn Mỹ, bộ ba trường ca này in chung với tên gọi Những ngọn sóng mặt trời đã vinh dự nhận giải
thưởng thơ của Ban Văn học quốc phòng- Hội nhà văn Việt Nam 1995.
Nội dung bao trùm của hai tác phẩm là sự lí giải ngọn nguồn đi đến chiến thắng của dân tộc
trong việc khẳng định sức mạnh quần chúng nhân dân. Trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc thấm
đẫm chất sử thi về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân ta trong ngày đầu chống Pháp. Không khí
ngày đầu bọn thực dân xâm lược bờ cõi được Thanh Thảo tái hiện bằng những câu thơ đầy hình ảnh
sống động:
Những nòng đại bác đen ngòm há hoác
chĩa thẳng vào thịt da ta
những gã Tây dương trên boong tàu nhốn nháo
...
bùm! bùm! bùm! bùm!
nơi tàu sắt khạc vào những quả đạn sắt đầu tiên
(Những nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Thờ ơ với vận nước, triều đình bạc nhược vẫn ung dung hưởng thụ những xa hoa vật chất đối lập
với đời sống lầm than trăm họ:
Vua rung đùi uống rượu bình thơ
gạo lên giá mùa màng thất bát
trăm họ đói bỏ quê nhà lưu lạc
những lăng tẩm phô trương sự bất tử ngu đần
(Những nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Trong tình cảnh đó, những người nông dân đã tự nguyện đứng lên đánh giặc:
Thôi triều đình đừng lén lút thưởng ban
không ai tặng huân chương cho cây bình bát
nước có giặc thì ta đánh giặc
cần chi phải lắm lời
(Những nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Không cần thứ lí thuyết cao siêu, không biết đến định nghĩa lí tưởng; chân lí của người nông dân
chân chân đất vô cùng giản dị: “nước có giặc thì ta đánh giặc”. Suy nghĩ ấy mộc mạc, chân thật mà
cao quý như chính tâm hồn muôn đời của người nông dân Việt Nam.
Nếu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu tạc vào văn học một tượng đài bất
hủ về người nông dân thì trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc của Thanh Thảo đã thấu hiểu tận
cùng tâm hồn họ, ghi nhận công lao mở đất, khai mở trang đầu trong cuốn sử hiện đại chống thực
dân đế quốc.
Ở Bùng nổ của mùa xuân cảm hứng lịch sử gắn liền với cuộc nổi dậy của những người tù
căng an trí Ba Tơ Quảng ngãi- quê hương của chính nhà thơ. Lần đầu tiên, ngay tại nhà tù giặc, lá
cờ Việt Minh được phất cao trong sự run sợ của kẻ thù. Bản trường ca với cấu trúc giao hưởng trọn
vẹn đã khái quát lịch sử yêu nước từ những ngày đầu gian khó để tìm đến cách mạng, nung nấu ý
chí cho đến ngày thành sức mạnh bùng nổ:
Mắt ta khô vì lửa
tay ta hừng lên vì gió
ngực ta rung mối hận truyền đời
đánh thằng Tây
(Bùng nổ của mùa xuân)
Nguyễn Văn Dân đã nhận xét có lí rằng: ngoài sự thôi thúc của nhận thức sáng tạo của nhà
thơ thì “trường ca ra đời là do yêu cầu của lịch sử” và “lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc đã
thôi thúc sự ra đời của một loạt trường ca sau 1975” [Đối thoại về trường ca Việt Nam hiện đại,
nguồn vanhocquenha.vn]. Quả vậy, cảm hứng về lịch sử là hạt giống mà Thanh Thảo lựa chọn để
gieo vãi trên cánh đồng trường ca bất tận của mình mà trái chín thu đuợc là tư tưỏng về nhân dân
mang chiều sâu ý nghĩa của nhà thơ.
1.1.2. Tư tưởng nhân dân
Trường ca là thể loại giúp nhà thơ thể hiện tình cảm lớn lao trước hiện thực cách mạng của
dân tộc và thời đại. Với cảm hứng sử thi, nhà thơ ưa suy ngẫm như Thanh Thảo lại tìm về tư tưởng
nhân dân.
Tư tưởng nghệ thuật là tứ thơ lớn của trường ca: “Tư tưởng trong trường ca là một hệ thống
nhận thức, bao quát một khu vực lớn trong ý thức của người viết trước cuộc sống... Tư tưởng bao
giờ cũng là kết quả của những quan sát, những chiêm nghiệm kết hợp với những suy tưởng” [57,
tr.121]. Như vậy, tư tưởng trong trường ca được biểu hiện thành một hệ thống các quan điểm của
nhà thơ về một khái niệm có nội hàm rộng. Muốn vậy nó phải xuất phát từ tình cảm nồng nhiệt, từ
sự nghiền ngẫm chín muồi của nhà thơ. Xác định được tư tưởng nghệ thuật giúp người viết lựa chọn
kết cấu, ngôn ngữ, biểu tượng và giọng điệu phù hợp. Tư tưởng cũng thể hiện tài năng người làm
thơ: “Cảm xúc từ trái tim- Tư tưởng sáng trong đầu” (Nguyễn Đức Mậu)
Trong lí tưởng của người Hy Lạp cổ đại, chưa xuất hiện tư tưởng về nhân vật quần chúng.
Nhân vật Uylitxơ trong trường ca sử thi Iliat và Ô-đi-xê của Hômerơ chỉ là hình ảnh lí tưởng về
người anh hùng trong mơ ước của nhân dân. Nhân vật lí tưởng ấy được tưới lên một thứ nước thánh
(Uylitxơ trí tuệ "sánh với thần linh", dũng cảm, mưu trí, có nghị lực phi thường, giàu lòng yêu
thương, độ lượng, thủy chung...) làm cho lung linh nhưng lại xa vời, thiếu chân thực. Đó là những
nhân vật "ngoại hiện"- tức là có sự thống nhất giữa bản chất thật và sự biểu hiện ra bên ngoài, như
Bakhtin nhận xét: "Ở con người ấy chẳng có gì phải tìm tòi, ức đoán, không thể lột mặt nạ nó" [ 7,
tr.68].
Trong nền văn học hiện đại nước ta, đặc biệt là văn học cách mạng, tư tưởng nhân dân không
mới. Tuy nhiên, tư tưởng ấy đã được nội cảm qua đường kênh người nghệ sĩ mà mỗi nghệ sĩ là môt
vũ trụ riêng. Nhân dân trong thơ Tố Hữu là hình ảnh người dân công tải đạn, anh bộ đội, mẹ Suốt,
vị lãnh tụ kính yêu. Trong văn xuôi Nguyên Ngọc là những cá nhân ưu tú của đất Tây Nguyên khoẻ
khoắn từ thể chất đến tinh thần dẫn dắt cộng đồng đến với cách mạng... Ở thể loại trường ca hiện
đại, Nguyễn Khoa Điềm trong Mặt đường khát vọng tìm về với nguồn mạch văn hoá dân tộc để
khẳng định “Đất nước này là đất nước của nhân dân”
Tư tưởng về nhân dân trong trường ca Thanh Thảo trước hết thể hiện qua hệ thống nhân vật
phong phú trải dài theo lịch sử dân tộc. Họ là những nông dân nghèo tứ xứ phiêu dạt xuống vùng
đất phía nam khẩn hoang, là những anh hùng vị nghĩa như Nguyễn Trung Trực, Trương Định, là
nhà thơ tiết nghĩa Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, là người du kích Ba Tơ, là chiến sĩ cách mạng
tù đầy, là người mẹ, người chị, người em, đồng đội trong kháng chiến, là thế hệ thanh niên giàu
nhiệt huyết trong kháng chiến chống Mỹ, những người được gọi tên và những người vô danh, những
người còn sống, người đã khuất...
Trong cái nhìn của Thanh Thảo, nhân dân là những con người bình dị trong cuộc sống đời
thường, cuộc sống hoà hợp với tự nhiên:
Họ sống lẫn mặt trời bóng tối
cảm hết các mùa thay đổi trên da
qua dòng sông nghe giọng nói rừng già
trông sắc mây tính ngày mưa nắng
(Những nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Nếu tầng lớp vua quan tham vọng xa hoa ngay cả khi đã chết qua những lăng tẩm kiên cố thì
trong suy nghĩ người dân bình thường, cả lúc từ giã cõi trần cũng hết lòng nghĩ cho người còn sống:
Người già chết lại về gò núi ở
Để đất bằng cho con cháu sinh sôi
(Trẻ con ở Sơn Mỹ)
Hình ảnh nhân dân hiện thân ngay trong hành động dũng cảm của những em nhỏ:
Em bé này đã che đạn cho tôi
từ buổi sáng tôi chưa về Sơn Mỹ
em bé này đã che đạn cho anh
dẫu suốt đời chỉ một lần anh cầu mong che chở
(Trẻ con ở Sơn Mỹ)
Nhà thơ hiểu rằng, không ai khác, chính nhân dân là ngọn nguồn sức mạnh. Những ngày đầu
chứng kiến cảnh giặc Pháp đổ bộ thay vì chuẩn bị đối phó với giặc, người đứng đầu là vua lại "rung
đùi uống rượu làm thơ", tự ru ngủ mình trong lí lẽ "giang san ta bền vững tựa vạc đồng", cách đối
phó với giặc chỉ là sự thỏa hiệp ngu ngốc và bất lực:
Thôi các khanh hãy cho trẫm yên
hãy làm văn tế cho kẻ đã bỏ mình
hãy phát chẩn cho vợ con họ
(Những nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Khi Tổ quốc nguy nan, chỉ có những người dân ngày thường hiền lành chất phác, những con
người đa số không được áp chế những "lớp từ chương xác ướp", những người "đã sống mỗi ngày
vài bữa cơm không no đủ" lại là người hiểu rõ phải làm gì. Chính họ dám đứng lên đầu tiên cầm vũ
khí thô sơ đánh giặc từ những ngày đầu Pháp đổ bộ xâm phạm bờ cõi:
Nếu không có các anh
rút lưỡi dao phay trong bếp nhà mình
chặt ngọn tầm vông trong vườn nhà mình
lao thẳng vào chúng nó
...
Nếu không có các anh
ngã xuống như muôn ngàn đợt sóng
dải đất này sẽ trôi dạt về đâu?
(Những nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Tư tưởng về nhân dân giúp Thanh Thảo hiểu rằng, sức mạnh nhân dân là sức mạnh tiềm ẩn,
quật cường, sức mạnh của ý chí xoá sổ ý đồ huỷ diệt của quân thù bằng bom đạn tối tân:
Chúng nó làm sao giết được
những hạt thóc vùi trong đất
lại hiện lên giữa những lưỡi cuốc cùn
trên lượn sóng phù sa mới đắp
trong ngọn gió cuối mùa cay nghiệt
cần vọt kêu kẽo kẹt suốt đêm dài
(Trẻ con ở Sơn Mỹ)
Bằng hình ảnh sóng giàu sắc độ biểu trưng, tác giả khẳng định sức mạnh muôn đời của nhân dân ta:
Những cuộc đời như sóng
lớp lớp lặng chìm lớp lớp trào lên
(Những người đi tới biển)
Đồng tình với Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo cũng đặt niềm tin vào sức mạnh kiên cường
của nhân dân:
Nhân dân sống nhân dân làm lụng
Áo vá vai lòng thơm thảo lành nguyên
Nhân dân căm hờn như núi dựng chông
Nhân dân yêu thương đồng dâng gạo trắng
Bom đạn từ trời cao ném xuống
Nhân dân từ ruột đất trồi lên
(Con đường của những vì sao- Nguyễn Trọng Tạo)
Tìm về nguồn mạch truyền thống anh hùng của nhân dân cũng chính là đã giúp cho thế hệ
thanh niên chống Mỹ nhận ra con đường đi đúng đắn của mình, đó là con đường hòa vào biển lớn
nhân dân, đúng như Bùi Công Hùng nhận xét: "Chính những chiêm nghiệm bên trong này làm nên
sự tổng kết bề sâu về lịch sử, về qua trình nhận thức của cả một thế hệ, một thời đại" [40, tr.125]
Trường ca Những người đi tới biển tổng kết hành trình dài của dân tộc đi đến thắng lợi cũng
là hành trình tư tưởng của cái tôi thế hệ tự nguyện lên đường cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc.
Vẫn biết rằng cuộc đời mỗi con người là quý giá nhưng Tổ quốc thiêng liêng đã qua bao thế hệ nhân
dân gìn giữ thì không có lí gì lại từ bỏ để mặc cho đế quốc giày xéo nên con đường đúng là con
đường ra đi:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươI thì còn chi cho Tổ quốc?
(Những người đi tới biển)
Đằng sau lời bộc bạch chân thành ấy là tấm lòng yêu nước tha thiết, sự trưởng thành vững
vàng trong suy nghĩ của một thế hệ thanh niên đã góp phần làm nên những trang sử vàng của thời
đại. Đi suốt chặng đường chống Mỹ của dân tộc, bằng trái tim nhạy cảm, nhà thơ nhận ra tầng sâu
triết lí về nhân dân:
Và cứ thế nhân dân thường ít nói
như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời
và cứ thế nhân dân cao vòi vọi
hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời
(Những người đi tới biển)
Tư tưởng về nhân dân với Thanh Thảo không cao siêu xa lạ mà gần gũi từ những gì ta đã biết
và vẫn thấy:
Khi các thần tiên đã an nghỉ tận trời
nhân dân tôi khởi lên tự phù sa vất vả
tự điệu múa hồn nhiên trên vách đá
người mang gươm đi mở nước đến bây giờ
(Những người đi tới biển)
Nếu cái tôi trong thơ Mới buồn u trong cuộc đời thực, quẩn quanh tìm lối thoát nhưng không
biết ra đường nào, đành tìm cách thoát tục vào cõi mộng, cõi say, lên cung trăng hay quá bước tận
cõi thiên thai mà vẫn cô đơn hoang lạnh thì cái tôi trữ tình trong trường ca Thanh Thảo đã tìm ra lẽ
sống cho cuộc đời mình:
Chưa dò tới khoảng sâu đời bạn
mỗi đời riêng suối chảy lẻ dòng
nếu không tụ lại thành sông lớn
thì bao giờ thấy biển mênh mông
(Bùng nổ của mùa xuân)
Hoà mình vào nhân dân, đem cuộc đời mình thực hiện lí tưởng của nhân dân chính là khi cái
tôi nhà thơ tìm thấy chân trời rộng mở. Nhà thơ nguyện như hạt muối nhỏ nhoi mang trong mình vị
mặn mòi biển cả nhân dân- đó là niềm hạnh phúc:
Cho tới khi tôi hoà nhập cùng người...
khi đó tôi thành hạt muối nhỏ nhoi
đọng mặt trời tan trong nước
đi lại dễ dàng giữa hai bờ sống chết
lấp lánh lặng im ca hát mặn mòi
(Những nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Nhân dân chính là nơi cái tôi trữ tình luôn tìm thấy cho mình những giá trị cuộc sống, là
niềm an ủi tâm hồn nhà thơ:
Tôi đã thấy
trong tia chớp
vẻ rạng rỡ tình yêu
trong mắt nhìn sâu thẳm tựa mùa thu
ánh dịu dàng làm ta muốn khóc
đi mãi suốt đời mà không sao hiểu hết
sau mỗi khúc quanh lại gặp con đường
(Bùng nổ của mùa xuân)
Tư tưởng về nhân dân, không đóng khung trong ý nghĩa đã được khám phá, với Thanh Thảo,
tìm về nhân dân sẽ vẫn còn là mục đích cuộc đời và nghệ thuật của mình vì đúng như nhà thơ thổ lộ:
Những người tôi quen biết
những người tôi chưa một lần gặp mặt
mỗi cuộc đời như quyển sách mở ra
không tài nào ta đọc xong trang chót
(Những người đi tới biển)
Như vậy, cảm hứng sử thi trong trường ca Thanh Thảo được viết nên từ sự trải nghiệm thực
tế và những suy tư đầy chất trí tuệ. Tầm vóc anh hùng của dân tộc được nhận ra không phải một
chiều phiến diện của cảm xúc lãng mạn cách mạng mà ở cái nhìn chiều sâu biện chứng, đúng như
nhận xét: “Những trường ca thành công nhất là những trường ca thể hiện sinh động hiện thực- lịch
sử và hiện thực- tâm trạng, giàu kịch tính nội tại, đạt đến những suy tư sâu sắc về Tổ quốc và Nhân
dân” [40, tr.125]
1.2. Cảm hứng đời tư, thế sự trong trường ca Thanh Thảo
Văn học nghệ thuật luôn đòi hỏi sự làm mới chính mình. Một tác giả dù gặt hái thành công
bao nhiêu với đứa con tinh thần cũng không nên đi mãi vào con đường mòn do mình tạo ra. Vì vậy,
tìm tòi, sáng tạo để tự đổi mới là một yêu cầu luôn đặt ra với mỗi nghệ sĩ: "Văn chương suy cho
cùng là việc tạo ra bản sắc độc đáo của từng ngòi bút, tiếng nói riêng độc đáo của từng nghệ sĩ"
[56, tr.28-29].
Trên hành trình thơ ca của mình, Thanh Thảo không dừng lại ở cảm hứng sử thi. Tiếp tục
gieo mùa gặt mới còn là cảm hứng đời tư, thế sự với các trường ca được sáng tác ở thời gian sau
này.
Suy cho cùng, tác phẩm ra đời cũng nhằm hướng đến một đối tượng độc giả cụ thể. Sự thay
đổi vừa để phù hợp với yêu cầu nội tại bản thân tác giả nhưng đồng thời cũng để đáp ứng nhu cầu
nhận thức, thẩm mỹ của thời kì mới. Nhiều nhà nghiên cứu thường nhắc đến giọng điệu nhất quán
"sử thi hóa" trong những tác phẩm văn học trước 75; thậm chí sau này còn có ý "chê" là không thật
với tâm tư, tình cảm con người; có phần phủ nhận giá trị hoặc có chăng chỉ công nhận chút ít thành
tựu văn học sử thi mà không nghĩ rằng, có những lúc con người ta cần khiêm nhường cái tôi để
nâng cái ta lên, đến lúc đó văn học mới đạt được mục đích vì con người.
Ai cũng biết rằng, một dân tộc vừa đi qua hai cuộc kháng chiến kéo dài thì thời gian sau ngày
giải phóng để hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục những ngang trái vô lí trong đời sống xã
hội ở giai đoạn cái cũ chưa hẳn bị loại bỏ, cái mới chưa kịp định hình thật là những chuỗi ngày đầy
khó khăn. Thơ ca lại càng nhạy cảm với những vấn đề xã hội đó. Vì thế, xu hướng đời thường thế
sự là một đặc điểm của văn học nước nhà sau 75: "Không còn chỉ tập trung ca ngợi cuộc chiến đấu
của dân tộc vừa qua, nhà thơ suy ngẫm về cuộc sống thường nhật đầy lo toan, khó khăn với một nội
tâm đầy băn khoăn, chen lẫn ánh sáng và bóng tối, "chập chờn bất định" giữa hiện tại và tương
lai…" [56, tr.26]. Có thể nói, cảm hứng thế sự xuất hiện rõ rệt trong thơ từ nửa đầu thập niên 80 của
thế kỉ XX như một cơn giông lớn tích tụ nhiều trăn trở, u uất cho cơn bão Đổi Mới, thực sự "cởi
trói" cho văn học sau Đại hội Đảng lần thứ VI. Tuy vậy, nhắc đến trường ca với ưu thế ở dung
lượng lớn thì các tác giả ít bắt đầu bằng cảm hứng thế sự. Ở Thanh Thảo lại khác, sự hấp dẫn người
đọc còn ở những trường với cảm hứng đời tư, thế sự lấp lánh chất trí tuệ của ông.
1.2.1.Cảm hứng đời tư- Nỗi ám ảnh đời lính và sự suy tư của nhà thơ
“Nhà thơ không thể giấu mình, trong thơ anh ta phải đối diện với chính bản thân” [70, tr.71].
In dấu trong trường ca Thanh Thảo còn là một Thanh Thảo từng khoác trên mình màu xanh áo lính
và Thanh Thảo nhà thơ.
Ở trường ca hiện đại thường thiên về yếu tố trữ tình hơn tự sự, Thanh Thảo cũng vậy, yếu tố
trữ tình được nhà thơ đắc dụng trong việc bày tỏ cái tôi cá nhân. Từ trường ca đầu Những người đi
tới biển đến trường ca mới xuất bản năm 2009 Metro, ta thấy, chưa bao giờ nhà thơ nguôi ngoai về
một thời từng là lính. Với ông đó là một quãng đời đầy gian khổ nhưng vô cùng giá trị để rồi sau
này, trong cuộc sống hiện đại với nhiều xô bồ được- mất, nhà thơ lại hoài niệm về nó như là một
chỗ dựa tinh thần, một niềm an ủi.
Đọc trường ca Khối vuông ru bích không hiểu sao cứ khiến ta hình dung ra một cách tượng
hình hình ảnh một người đàn ông ngồi trong căn phòng trống không, mắt nhìn chăm chú vào khối
vuông ru bích không ngừng được xoay đi, xoay lại trên tay. Từ khối vuông đa màu sắc ấy, kí ức anh
hiện về những mảng không liền mạch. Những ô màu sáng và tối đan xen nhau, cả những màu âm u
và huyền bí… từ quá khứ chinh chiến. Màu sáng lóe lên khi nghĩ về một anh họa sĩ chưa kịp biết tên
cho nhóm sốt rét nhà thơ mấy lạng đường, để rồi; "Mười hai năm sau, thìa đường anh cho vẫn ngọt
trong cổ tôi". Làn gió mát lành thổi qua kí ức khi nghĩ tới một anh y tá Hải Ba khiêm nhường như
con gái, là người đầu tiên tác giả chép tặng thơ, và cũng là người đầu tiên tin vào khả năng làm thơ
của tác giả. Chưa kịp định hình lâu, thoáng màu xám lại hiện ra qua hình ảnh một tay trạm trưởng
hách dịch; một tay dẫn quân thúc những người lính đang sốt rét vật vã phải vượt trạm; một người
đồng đội ích kỉ: "Có anh chàng tên là Sanh, ngoài bốn mươi tuổi, chuyên ngủ khi mọi người dọn
bãi, lấy nước, nấu cơm… chuyên xơi của người khác. Cho đến điểm tập kết, khi chúng tôi cạn sạch
lương thảo thì anh vẫn trữ trong bòng hơn nửa kí bột ngọt, mấy kí đường. Sau đó chừng nửa năm,
anh ta đi chiêu hồi." (Khối vuông ru bích). Thì ra là vậy, giọng thơ lạnh như không nhưng sao chua
chát. Không phải ai cứ khoác trên người màu xanh áo lính thì đều là "đồng chí", trong trường hợp
này, sự ích kỉ cá nhân đã chiến thắng. Những câu thơ văn xuôi không cầu kì nhưng Thanh Thảo đã
dựng được đầy đủ tính cách của một bộ phận con người ở thời nào cũng có mà không kém hoàn
chỉnh như một nhân vật điển hình trong tiểu thuyết. Nhân vật trữ tình trong trường ca nhận ra rằng:
"Với tôi, thử thách ác liệt nhất trên Trường Sơn không phải là bom đạn hay sốt rét mà là ý nghĩ: ở
đây, chính nơi này sao vẫn còn người ác?" (Khối vuông ru bích). Sự đối lập ô màu trở nên gay gắt
khi vòng xoáy ý nghĩ chợt bừng lên khi nghĩ về một người lính bị tâm thần gặp ai cũng ôm chầm
vui vẻ tay bắt mặt mừng, tỏ ý sẵn sàng chữa hộ súng, để nhân vật trữ tình ngộ ra rằng: "Những
người tốt, dù lúc bị điên, hoàn toàn không làm chủ được mình, vẫn còn những biểu hiện của lòng
tốt. Nó là cái gì sâu xa, dai dẳng hơn ta tưởng" (Khối vuông ru bích). Màu nào khó phai trong kí ức
khi chủ thể trữ tình nghĩ tới những đồng đội vô danh nhưng sự hy sinh thầm lặng của họ làm ta rưng
rưng hiểu ra giá trị hồn thiêng Tổ quốc: "Tôi xoay những ô vuông. Bài hát "Những người bạn chết".
Tấm tăng xám quấn thân hình bạn. Không một chút lễ nghi. Đất bên bạn nằm bên ngoài biên giới.
Một lần nữa, đất rơi xuống. Không phải đất, mà là Tổ quốc, lặng lẽ phủ lên thi hài người lính trẻ".
(Khối vuông ru bích).
Bắt đầu khởi hành vào 21 giờ ngày 11 tháng 4 năm 2009 và kết thúc lúc 16 giờ 50 ngày 16
tháng 4 năm 2009, trường ca Metro là hành trình xuyên thấu kí ức của nhà thơ. Cuộc hành trình chỉ
diễn ra trong 6 ngày nhưng đó là sự dồn nén cao độ, thổn thức như một sự trả nợ với quá khứ
Trường Sơn, với bạn bè, đồng đội.
Người lính tuổi 20 năm nào giờ đây tóc đã phai màu ở cái tuổi 63 nhưng kí ức Thanh Thảo
chưa bao giờ nguội lạnh về một con đường đã trở thành biểu tượng cho sự kiên trì, bền bỉ của dân
tộc một thời- đường Trường Sơn. Với cá nhân nhà thơ, con đường gắn với những ám ảnh về sự vất
vả: "ba tháng trên Trường Sơn mới được húp bát canh rau muống đã đời". Nỗi cực nhọc luôn đè
nặng người chiến sĩ ngay cả trong giấc ngủ:
Nhiều đêm nằm mơ vã mồ hôi
thấy trước mặt mình núi dựng đứng
(Metro)
Dường như, những ám ảnh không chỉ chịu nằm yên ở tầng tiềm thức, thời gian càng trôi xa,
nó lại càng chui sâu, lặn mãi vào vô thức, dồn nén, tích tụ không tài nào bứt bỏ đi được nên cứ trở đi
trở về thành ám ảnh. Sự hy sinh của đồng đội luôn là ám ảnh nặng nề nhất. Một thoáng rùng mình
xót xa trước sự thật chỉ người trong cuộc mới cảm nhận hết:
Có sự yên lặng tuyệt đối nào bằng những ngôi mộ giữa Trường Sơn
năm mươi năm một trăm năm và hơn thế
những người lính mười tám tuổi
nằm giữa những khu rừng triệu năm
những khu rừng biệt tăm
không cuộc tìm kiếm nào tới được
(Metro)
Có lẽ, chết là hết. Nhưng niềm day dứt nghĩa tình này của Thanh Thảo thức tỉnh chúng ta giữa hai
bờ nhớ và quên. Cuộc sống thực dụng có ai còn nhớ những con người hy- sinh- thầm- lặng như thế?
Ta chợt nhìn lại, thấy mình nhiều lúc nhớ những điều lẽ ra phải quên và vô tâm quên những điều lẽ
ra không- đuợc- phép- quên.
Hành trình Metro đưa nhà thơ đến ga nào mà sự cô đơn lại ùa về cựa quậy. Cái tôi trữ tình
dường như đã thoát xác khỏi đời thực để phiêu du như linh hồn một người lính tử trận hiện về đầy
hoang lạnh trong nỗi ám ảnh Trường Sơn:
Mẹ ơi trong những giấc mơ mẹ thấy con về
nhưng giấc mơ là nỗi cô đơn tột đỉnh của con người
nơi thác bay trong mây
mây bay trong người người bay trong sương giá
trên đầu con lá lá lá
duới chân con đá đá đá
(Metro)
Những danh từ lặp lại và nguyên âm a ở cuối câu thơ tạo thành độ vang, lúc thật lúc ảo như âm
thanh gì dội vào miền kí ức mà không sao nắm bắt được. Cũng có khi người lính Hồ Thành Công đã
trải lòng hộ những người đồng đội đã hy sinh. Phút chốc, tác giả nghĩ về Trường Sơn như một sự
day dứt:
Anh khôn như rận
Sao anh làm thơ
Trường Sơn ngẩn ngơ
Nhớ người ngơ ngẩn
Bao nhiêu lận đận
Chỉ là đá đùa
Bao nhiêu được thua
Bây giờ mây trắng
Bao nhiêu bắng nhắng
Là để sống còn
Nghìn chuyện tiếu lâm
Đổi nghìn con dốc
(Metro)
Nhưng Trường Sơn trong trường ca Thanh Thảo không chỉ là chiến trường theo đúng nghĩa
của nó mà còn là trường đời giúp nhà thơ trưởng thành:
Mẹ sinh con
Trường Sơn sinh lần nữa
nếu không có gần bốn tháng sống dở chết dở
con đâu được như bây giờ
(Metro)
Sau này, chính nhà thơ đã thổ lộ cùng bạn đọc báo Văn nghệ Quân đội: “Bây giờ, tôi đã có
thể nói lời cảm ơn với những gì mình phải chịu đựng trong chiến tranh kể cả những bầm dập mà
người ta đã gây ra cho mình do vô tình hay cố ý. Vì nếu không có những thử thách, những trải
nghiệm ấy, tôi không được là mình như hôm nay” [Thanh Thảo (2000) “Cái vầng sáng” bồn chồn
thương nhớ đó..., Văn nghệ quân đội (52), tr. 7]
Những giá trị của cuộc sống hôm nay được người lính nghiệm ra từ những ngày đạn bom
thiếu thốn:
Thực ra không có chiếc giường nào dễ ngủ hơn chiếc- giường- đất lán hầm
sau một chặng hành quân
và những người giàu nhất thế giới hôm nay
chỉ thèm được ăn một bát canh rau rừng không thịt không bột ngọt
chúng tôi từng ăn
(Metro)
Sự trải nghiệm của nhà thơ sau tất cả những gì gian khổ và chịu đựng cũng vỡ ra một điều
đáng tự hào của cá nhân và thế hệ mà không phải người trong cuộc nào cũng biết:
Tôi được gì không? Chẳng được gì
hàng triệu người đi qua con đường này cũng thế
có những cái mất là được
có nhiều cái được mất nhiều hơn
(Metro)
Có lẽ không phải luận bàn ta cũng hiểu “cái được”, “cái mất” ở đây là gì. Hoà mình vào cuộc
trường chinh vệ quốc, cá nhân nhà thơ được trả bằng cái nhìn tỉnh, đúng. “Cái được” của Tổ Quốc
đổi bằng bao nhiêu “cái mất” của hàng triệu tuổi xanh khi cuộc đời mãi mãi dừng lại ở tuổi đôi
mươi.
Chuyến Metro- một phương tiện thời hiện đại nhưng lại lôi tuột nhà thơ về những ga xép kí
ức. Hành trình của Metro giúp nhà thơ trải lòng, hoá giải những ẩn ức tâm sự không thể phai nhòa.
Những sân ga đi qua- những số phận, con người chợt hiện ra rồi lại nhanh chóng vụt mất khi con tàu
kí ức sầm sập lao đi. Tất cả như bị đứt gãy nhưng mạch ngầm là số phận dân tộc hiện lên qua cuộc
đời mỗi cá nhân. Cái hay của trường ca Thanh Thảo đích thị là ở đây- sự đảo ngược với cái nhìn
truyền thống- thông qua số phận cá nhân để thấy bóng dáng lịch sử. Có như vậy cái nhìn mới thật
chân thực và tỉnh táo, mới đậm giá trị nhận thức.
Đó là những sự thật không nên nói ra vào thời đó, nhưng dù có cố nghĩ khác, nó vẫn là sự
thật- một sự thật thảng thố._.biểu cho ý chí và
khát vọng toàn dân tộc. Nói đến giọng điệu sử thi tác giả Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Ở thể loại
sử thi, giọng điệu chính là giọng ngợi ca”. Nhưng đến Thanh Thảo giọng sử thi không giữ nguyên
đặc điểm của nó như các sáng tác có cùng cảm hứng. Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: trước Thanh
Thảo “giọng thơ trẻ ồn ào như mạch thác phía đầu nguồn, thì đến Thanh Thảo dòng thơ lại lắng
dấu trong nó một sức chảy ngầm của quãng cuối dòng sông”. Đúng như vậy, cũng là giọng sử thi
nhưng trong trường ca của ông lại là giọng sử thi trầm tĩnh đầy trải nghiệm:
Ai đã viết Trường Sơn hùng tráng
tôi muốn viết Trường Sơn im lặng
(Một trăm mảnh gỗ vuông)
Một trong những yếu tố làm nên vĩ đại của chiến thắng chính là sự hy sinh. Để kháng chiến
đi đến ngày thắng lợi dân tộc ta phải đánh đổi bằng bao nhiêu xương máu của nhân dân. Thế nên,
các nghệ sĩ thường thể hiện sự mất mát này như là một phương tiện để nói tầm vóc dân tộc. Thanh
Thảo cũng vậy. Chỉ có điều, sự trải nghiệm và một tâm hồn giàu tình yêu thương với đồng đội đã
khiến ngòi bút nhà thơ không thể không run lên khi viết về hy sinh- cho dù đó là những cái chết vì
mục đích cao cả. Điều này làm nên giọng điệu sử thi trầm tĩnh trong các trường ca của ông: “Trong
những tác phẩm của Thanh Thảo, người đọc nhận thấy lúc nào anh cũng muốn nói lên được những
suy nghĩ tận cùng nhất của mình bằng một giọng lắng lại, trầm tư.”[110, tr.72]
Là người trong cuộc trực tiếp cầm súng chiến đấu, hơn ai hết, nhà thơ có những trải nghiệm
mà “chỉ người trải nghiệm mới hiểu được”. Cái nhìn nhân vật trữ tình không phải là cái nhìn của
người ngoài cuộc để lên giọng, mà chính là cái nhìn của một chiến sĩ viết nên những câu thơ được
hiểu thấm máu đồng đội, mặn vị mồ hôi, nóng hổi giọt nước mắt.
Cảm hứng sử thi trong trường ca Thu Bồn thường lấp lánh hào quang vĩ đại qua giọng sử thi
lãng mạn. Đọc trường ca Thu Bồn khiến ta tự hào và ngưỡng mộ về người anh hùng thời đại, ngay
cả khi nói đến hy sinh thì cũng trong tư thế hiên ngang rực chói: “Trên nương sáng nay lúa vừa
ngậm sữa/ Chúng đem Hùng, Rin trói chặt vào cây/ Ôi hai con chim ưng trong bão tố/ Đầu sắp rơi
đôi cánh vẫn tung bay” (Bài ca chim chơrao). Đối với Thanh Thảo, cái chết của đồng đội luôn khiến
ông trăn trở. Niềm trăn trở đã trở thành ám ảnh chưa bao giờ được giải thoát trong trường ca của
ông. Ám ảnh có khi từ cái chết của người bạn nghệ sĩ:
Người nghệ sĩ đã nằm lại bên con rạch gần cửa sông
vào một đêm bọn bảo an giăng mìn clâymo phục kích
ai từng trải những năm ấy đều hẳn biết
ta phải trả giá thế nào cho một bài ca
(Những người đi tới biển)
Bằng những trải nghiệm, Thanh Thảo hiểu sâu sắc những nhọc nhằn, hy sinh của người nghệ
sĩ góp sức cho kháng chiến. Những điều giản đơn trong một hoàn cảnh khác có khi phải đánh đổi
bằng sự ra đi vĩnh viễn của người đồng đội.
Không “vút cao trong tiếng nói hào hùng” (Lại Nguyên Ân), hiện thực tàn khốc của chiến
tranh được nhà thơ ghi lại bằng những câu thơ rưng rưng cảm xúc:
Những năm
chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách
những năm
một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời
rồi tới lúc chúng con thay áo khác
nhưng khi cởi ra
con không còn gì thay được
(Những người đi tới biển)
Chi tiết “chiếc áo ngắn” không chỉ là cảm giác xót xa cho sinh mạng người lính tuổi đời có khi còn
ngắn hơn tuổi một chiếc áo mà còn là suy tư về số phận người chiến sĩ khi đất nước đã “súng gươm
vứt bỏ”.
Ngày hội chiến thắng của dân tộc không được khắc họa như “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ
bùn đứng dậy sáng lòa” mà Thanh Thảo lại ngậm ngùi trước những đồng đội mãi mãi không đi tới
ngày vui:
Ngày dân tộc tụ về đường số Một
lòng không nguôi thương những cánh rừng này
nơi hàng vạn đứa con nằm lưng đèo cuối dốc
dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây
nếu một ngày ta dựng những hàng bia
xin hãy đề “nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ
(Những người đi tới biển)
Ba mươi năm chiến đấu với biết bao thiếu thốn, gian khổ, hy sinh và rất nhiều mất mát... đổ
xuống dân tộc mới tới ngày toàn thắng, Thanh Thảo không ồn ào phấn chấn cùng cờ hoa mà viết
những câu thơ lắng đọng cảm xúc:
Bây giờ, họ ở đâu?
buổi sáng 30 tháng 4
những ai không còn đến được
buổi sáng 15 tháng 5 trên quảng trường xanh biếc
Sài Gòn chuyển rào rào muôn đợt lá me non
ngày chúng ta toàn thắng
đâu những người tôi thân thiết tận tâm can
(Những người đi tới biển)
Không thể không thấy niềm vui, tự hào về ngày tới đích của dân tộc nhưng niềm vui ấy được
ẩn sau những giọt nước mắt nghẹn ngào vì bao nhiêu đồng đội đã nằm xuống. Câu hỏi “Bây giờ họ
ở đâu?” buông rơi giữa ngày toàn thắng càng thấm thía giá trị độc lập. Ngót 35 năm sau sau ngày
giải phóng, nhà thơ vẫn không nguôi ám ảnh dai dẳng về những ngôi mộ giữa đại ngàn trong trường
ca Metro:
Có sự lặng yên tuyệt đối nào bằng những ngôi mộ giữa Trường Sơn
năm mươi năm một trăm năm và hơn thế
những người lính mười tám tuổi
nằm giữa những khu rừng triệu năm
những khu rừng biệt tăm
không cuộc tìm kiếm nào tới được
(Metro)
Những câu thơ tự do không đi vào khắc hoạ khoảnh khắc ra đi của người lính mà chất nặng ưu tư về
sự lặng yên quên lãng đáng sợ từ một người lính may mắn trở về từ khói lửa.
Sự hy sinh của đồng đội trở đi trở lại trong trường ca Thanh Thảo ở nhiều góc độ chân xác-
rất thực và xuyên suốt. Có thể có người cho rằng lối viết này “tỉnh quá”. Tỉnh nhưng thật- sự thật
khi nhận thức về cuộc chiến tranh bi hùng đậm cảm hứng sử thi hiện đại: “Sự vĩ đại của dân tộc
không chỉ được đo bằng các chiến công mà còn được đo bằng những nỗi đau thầm lặng” [20, tr.46].
Ngoài ra, giọng điệu sử thi trầm tĩnh còn thể hiện ở những câu thơ chiêm nghiệm đầy logic lí
tính của Thanh Thảo. Nói về sự lựa chọn lí tưởng thế hệ thanh niên đánh Mỹ nhà thơ đã viết:
Người ta không thể chọn để được sinh ra
nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy
(Những người đi tới biển)
Lí giải rõ hơn, Thanh Thảo đã viết trong bài thơ Thử nói về hạnh phúc:
Chúng tôi không muốn chết vì hư danh
không thể chết vì tiền bạc
chúng tôi xa lạ với những tin tưởng điên cuồng
những liều thân vô ích
đất nước đẹp mênh mang
đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
chỉ riêng với Người chúng tôi dám chết!
(Thử nói về hạnh phúc)
Rõ ràng, sự hiến thân của thế hệ người lính trong trường ca Thanh Thảo không xuất phát từ
tính nông nổi tuổi trẻ mà nó đã được ý thức trên cơ sở nhận thức rõ con đường chính nghĩa nên đi
của những người trẻ tuổi, tự nguyện cống hiến dù nhìn thấy hết gian khổ hy sinh có thể xảy đến bất
cứ lúc nào. Đó là cái nhìn trầm tĩnh trí tuệ.
Viết về tâm tư thế hệ mình, trường ca Thanh Thảo không lên gân bằng những lời tuyên bố ồn
ào mà chỉ lặng lẽ bày tỏ, lặng lẽ trần lòng nhưng nó thể hiện lòng quyết tâm, ý chí dám đối đầu với
kẻ thù vì sứ mệnh hòa bình dân tộc. Nhờ đó mà chân dung tinh thần cả một thế hệ hiện lên rõ nét.
Có được cái nhìn trầm tĩnh trước lịch sử dân tộc chắc chắn phải xuất phát từ một cái nhìn có
chiều sâu trí tuệ như Thanh Thảo. Khẳng định điều này còn căn cứ trên giọng điệu triết lí suy ngẫm
rất phổ biến trong trường ca của ông.
3.3.2. Giọng điệu triết lí suy ngẫm
Lamactin nói: “Thơ ca phải thầm kín, có cá tính, suy tư và nghiêm trang”. Giọng điệu triết lí,
suy ngẫm xuyên suốt toàn bộ sáng tác Thanh Thảo từ những trường ca viết về chiến tranh hay
những trường ca đậm màu sắc thế sự. Chất triết lí thể hiện suy nghiệm của nhà thơ khi nhận thức
một vấn đề cuộc sống: “Thơ Thanh Thảo có khả năng gợi dậy những suy nghĩ của người đọc bởi vì
thơ ấy là thơ của một tâm hồn giàu suy tưởng, giàu trí tuệ” [35, tr.152]
Trong trường ca ông, ta thường bắt gặp những dòng thơ trữ tình ngoại đề đầy ngẫu hứng,
suy nghiệm những bài học của cuộc đời:
Anh đừng trách mùa đông khắc nghiệt
khi cúc vàng lặng lẽ
đừng nghĩ nước chảy xuôi là buông trôi tất cả
mỗi dòng sông đều vật vã đến bạc đầu
(Những nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Trong sự nhận thức về nhân dân, với nhà thơ, nhân dân mãi mãi đem lại những điều mới mẻ,
những khám phá vô tận không bao giờ hiểu hết bằng cách so sánh đầy bất ngờ:
Những người tôi quen biết
những người tôi chưa một lần gặp mặt
mỗi cuộc đời như quyển sách mở ra
không tài nào ta đọc xong trang chót
(Những người đi tới biển)
Nét đặc sắc trong trường ca Thanh Thảo là ở mỗi tác phẩm người đọc có thể tìm thấy nhiều
hơn ý nghĩa ngoài chủ đề chính: “Thơ Thanh Thảo có chiều sâu... bao giờ cũng vượt ra những hiện
tượng bên ngoài, để tìm đến cái bản chất đích thực, cái lõi của sự vật” [35, tr.153]. Nhà thơ luôn để
người đọc bình đẳng với người sáng tác để đối thoại và ngẫm suy. Hành trình “về với biển” không
dừng lại ở đó mà mở ra một trang mới cho dân tộc. Những câu thơ kết thúc trường ca đầu tay Thanh
Thảo vẫn luôn buộc người đọc trăn trở:
Những dòng sông băng qua những vết thương
về với biển đâu phải tìm yên nghỉ
tới cửa sông là bắt đầu sóng gió
những cây giá xoay trần ngâm nước giữ phù sa
(Những người đi tới biển)
Niềm băn khoăn của nhà thơ sau ngày toàn thắng đánh động những ai còn bị ru ngủ trong hào quang
chiến thắng. Quý hơn, đây lại là lời thơ từ một người lính.
Cùng nói về ý chí quyết tâm thế hệ nhưng ta nhận thấy ở Trần Mạnh Hảo là một giọng thơ
say sưa giãi bầy khác với giọng triết lí suy ngẫm súc tích của Thanh Thảo:
Ta vẫn sống vì ta còn mặt đất
Ta vẫn sống vì ta còn mặt trời
Ta là cỏ, xin suốt đời làm cỏ
Chồi ta non như ngọn lửa em
Lòng đất Củ Chi ta không thể ngủ
Ta nằm nghe nhựa đất ứa dồn
(Mặt trời trong lòng đất- Trần Mạnh Hảo)
và:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi còn chi Tổ quốc?
(Những người đi tới biển)
Những câu thơ viết về chiến tranh nhưng Thanh Thảo đã nhắc nhở người đang sống bằng thái cực
“không còn” và “còn”:
Sẽ nhắc lại bao điều
ta hay nói cùng nhau sau này sau chiến tranh
những chuyện đừng ai cho là nhỏ nhặt
bây giờ không còn anh
mỗi chúng tôi còn một cuộc đời
(Những người đi tới biển)
Những câu thơ Thanh Thảo luôn vượt ra ngoài dao động ngôn từ để đạt đến “chức năng siêu
ngôn ngữ của thi ca” (Jacobson). Nếu không hiểu tấm lòng nhà thơ dành cho Cao Bá Quát hẳn
không tiếp nhận đúng hai câu thơ đầy hàm ý này:
Sau mùa đông là mùa xuân
sau cái chết một bắt đầu khác nữa
(Đêm trên cát)
Đông qua xuân đến là quy luật tất yếu của con tạo xoay vần. Cái chết không chấm hết cuộc đời
người anh hùng họ Cao mà tiếp nối “một bắt đầu khác nữa”. Sự bắt đầu này có thể là sự thức tỉnh,
sự dấn thân, sự thấu hiểu... chí khí của một nhân cách đáng trọng Cao Bá Quát.
Dùng hình thức thơ văn xuôi với ưu thế: “Câu thơ dài rộng chứa chất nhiều tâm sự, có khi
bộc bạch những trải nghiệm cá nhân, có lúc trầm tư suy nghĩ hoặc triết luận về thế sự” [48, tr.27],
Thanh Thảo sử dụng thể thơ này vào việc diễn tả nội tâm sâu sắc. Điều này cũng làm nên giọng điệu
triết lí suy ngẫm trong trường ca ông.
Khi triết lí về tình yêu thương, nhà thơ nhận ra nghịch lí chua chát ở đời:
“Tôi xoay những ô vuông. Thì ra, yêu thương cha mẹ, vợ con, bạn bè, hàng xóm... lắm khi là
một gánh nặng cực nhọc phiền toái thực sự, trong lúc yêu thương toàn nhân loại là một gánh nặng
tưởng tượng thiệt dễ chịu, nó lâng lâng trong ta cái cảm giác luôn thấy mình tốt, thấy mình cần
thiết cho tất cả mọi người.
Mà lưng mình nhẹ không!”
(Khối vuông rubích)
Lời bộc lộ này khiến ta phải giật mình, hình như thấy bóng mình thoáng qua đâu đó như vậy.
Đôi khi thói ích kỉ khiến ta tự nguỵ biện và thiên vị cho thứ tình yêu thương chỉ tồn tại “trên lí
thuyết” ấy mà cố tình không muốn nhìn thấy màu sắc thói đạo đức giả của nó. Vậy tình yêu thương
phải bắt đầu từ người thân cạnh ta rồi hãy nói đến thứ tình yêu khác lớn lao hơn.
Quan điểm về lòng tốt được nhà thơ đặt trong sự liên tưởng với hành động con trẻ: “Anh đã
quan sát một cháu nhỏ khi đưa cho bạn chiếc kẹo, mặt nó bỗng sáng lên hớn hở. Vì nó là trẻ con,
nên hành động của nó chưa được tính là xuất phát từ lòng tốt. Nhưng nó cần quái gì! Miễn nó và
bạn nó cùng ăn kẹo, cùng cười vui” (Khối vuông rubích). Thanh Thảo muốn nói rằng, lòng tốt trước
tiên phải xuất phát từ sự vô tư. Khi ấy, con người ta sẽ tìm thấy được niềm vui đích thực. Mở rộng
biên độ về phạm trù đạo đức này, nhà thơ nghĩ về một người lính bị tâm thần mà vẫn còn nhiệt tình
giúp đỡ đồng đội, nhà thơ suy ngẫm về lòng tốt của con người: “Những người tốt, dù lúc bị điên,
hoàn toàn không làm chủ được mình, vẫn còn những biểu hiện của lòng tốt. Nó là cái gì sâu xa, dai
dẳng hơn ta tưởng” (Khối vuông ru bích) . Vậy ra, lòng tốt là bản chất của con người, nó rất khó
mất đi.
Nghệ thuật xây dựng kết cấu, hình ảnh biểu tượng và giọng điệu là những phương diện đặc
sắc trong trường ca Thanh Thảo. Nhờ đó, mỗi tác phẩm luôn tạo thành một chỉnh thể toàn vẹn cùng
thống nhất ở ý đồ tư tưởng nghệ thuật của nhà thơ. Mặt khác, ba phương diện nghệ thuật này cũng
đem lại những đóng góp mới mẻ cho thể loại trường ca của nền văn học Việt Nam hiện đại.
KẾT LUẬN
Trong nền văn học hiện đại nước ta, trường ca là thể loại được xác lập chính thức vào những
năm 70 và nở rộ trong thập niên 80 của thế kỉ XX. Đầu quân vào lực lượng sáng tác trường ca Việt
Nam hiện đại có một số lượng hùng hậu các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
như Nguyễn Khoa Điềm, Anh Ngọc, Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Trần
Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, Thi Hoàng... Chính họ đã đem lại sự trải nghiệm mới về những vấn
đề lịch sử, nhân sinh trong một hình thức văn học còn mới mẻ với bạn đọc nước nhà.
Thanh Thảo là một trong số ít nhà thơ có sự nghiệp sáng tác trường ca dài hơi. Tác phẩm
gồm: Những người đi tới biển (1977), Đêm trên cát (1983), Khối vuông rubich (1985), Những ngọn
sóng mặt trời (gồm 3 trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bùng nổ của mùa xuân, Trẻ con ở Sơn
Mỹ) (1985), Trò chuyện với nhân vật của mình (2002), Metro (2009). Sáng tác của ông là những
đóng góp quan trọng cho sự phát triển thể loại cả ở nội dung và hình thức.
Trước hết, cảm hứng trung tâm trong trường ca Thanh Thảo là cảm hứng sử thi và cảm hứng
đời tư, thế sự. Cảm hứng về lịch sử và tư tưởng về nhân dân là hai điểm tựa cho cảm hứng sử thi.
Ông tiếp cận quan điểm này ở góc độ nhận thức hơn là sự biểu hiện. Cảm hứng đời tư, thế sự là nỗi
ám ảnh của một hồn thơ từng đi qua chiến tranh với tư cách người trong cuộc; là những trăn trở về
nghệ thuật và bộn bề suy ngẫm trước những đổi thay chuyện thế sự. Ở dòng cảm hứng thứ hai,
trường ca Thanh Thảo mang đặc điểm khác hẳn với dáng vẻ trường ca đương thời.
Về hệ thống nhân vật trong các tác phẩm trường ca Thanh Thảo ta thấy hiện lên ba hình
tượng chính: Hình tượng người lính, hình tượng người nghĩa sĩ và hình tượng người mẹ. Hình tượng
người lính một mặt giúp nhà thơ thể hiện cảm hứng, mặt khác là nhu cầu tự biểu hiện cái tôi thế hệ
từ những trải nghiệm được nhận thức. Nhân vật người nghĩa sĩ là “biệt nhãn” Thanh Thảo ngưỡng
vọng bản chất những con người khí khái, thẳng thắn, dám sống hết mình trong mọi hoàn cảnh là “vẻ
đẹp nhân cách cuốn hút hồn thơ Thanh Thảo”. Hình tượng người mẹ giúp nhà thơ bộc lộ cảm xúc
trữ tình đằm lắng mà rộng sâu vừa chung lại vừa riêng trong thơ ông.
Cuối cùng, trên phương diện nghệ thuật, trường ca Thanh Thảo có đóng góp đặc sắc ở ba
điểm chính:
Nghệ thuật xây dựng kết cấu với những tìm tòi đổi mới liên tục qua mỗi tác phẩm trong đó
có những kiểu độc đáo có thể coi là mẫu mực minh chứng cho lí thuyết thể loại. Nếu Khối vuông
rubich hấp dẫn người đọc ở kiểu kết cấu mở thì Trò chuyện với nhân vật của mình lại mới lạ ở kiểu
kết cấu "quan hệ bổ sung đồng đẳng" giữa nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu vây quanh là những nhân
vật của mình cùng đàm luận về nhân sinh quan và đạo đức, trong khi đó Trẻ con ở Sơn Mỹ lại dùng
kết cấu đối lập để triển khai chủ đề tư tưởng của tác giả... Dựng thành công kết cấu đặc sắc đã tạo
thành "chất kết dính" cho sự thống nhất chủ đề tư tưởng trong mỗi tác phẩm trường ca của ông.
Tác giả lựa chọn sóng, đất, cỏ, lửa để xây dựng thành hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh
nhân dân, ý chí và sức mạnh cái tôi thế hệ. Sự sáng tạo và sử dụng thành công các biểu tượng này
chứng tỏ nhà thơ có nhận thức sâu sắc về nhân dân, về sứ mệnh lịch sử của những người lính trẻ
cùng thế hệ ở thời điểm lịch sử trọng đại của đất nước.
Tạo dấu ấn riêng trong trường ca Thanh Thảo là hai giọng điệu chủ âm: giọng sử thi trầm
tĩnh đầy trải nghiệm và giọng triết lí suy ngẫm. Giọng sử thi trầm tĩnh có được xuất phát từ cái nhìn
của tác giả là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu vệ quốc. Giọng triết lí suy ngẫm là suy tư của
nhà thơ về nhân tình thế thái, những trăn trở đầy trách nhiệm của một con người hiểu sâu sắc giá trị
cuộc sống.
Đi vào đặc điểm trường ca Thanh Thảo ta nhận thấy dù viết về đề tài chung hay riêng, nhà
thơ đã in được dấu chân mình trên con đường văn học đương đại. Đặc biệt là những câu thơ thực
hiện “trách nhiệm tinh thần đẹp đẽ” với đồng đội như Boey Kim Cheng nhận xét: “Thơ ông là bằng
chứng, cung cấp bằng chứng cho nỗi đau của những người không thể lên tiếng thể hiện nỗi đau của
họ. Đó là thi ca về sự tồn tại, thứ thi ca có thể giành lại ý thức về cái đẹp trong những trải nghiệm
hoang sơ và khủng khiếp nhất. Và như thế, Thanh Thảo là một nhà thơ cần thiết cho Việt Nam và
cho thời đại chúng ta.” [Boey Kim Cheng, Thanh Thảo chống lại ngày quên lãng, Lương Lê Giang
dịch]. Đó là một hồn thơ luôn dằn vặt, luôn tự vấn để rung lên tiếng chuông thức tỉnh chiều sâu
nhân bản trong mỗi con người chúng ta.
Thanh Thảo từng tâm sự: “Tôi chưa bao giờ ước thay đổi quá khứ, dù quá khứ có tồi tệ với
tôi tới đâu. Đơn giản, vì có ước cũng không thay đổi được cái đã xảy ra rồi. Hãy ước, hoặc tốt hơn
hết, hãy góp tay để cái hiện tại trở nên khá hơn, còn tương lai có thể gần với mơ ước của mình hơn”
[69, tr.408]. Một tấm lòng như thế chắc chắn sẽ vẫn mãi cháy hết mình cho đời và cho nghệ thuật.
Hạn chế ít ỏi trong sáng tác trường ca của Thanh Thảo là sự lạm dụng hơi quá đà ưu thế thể
loại khiến có đôi chỗ sa đà dài dòng trong việc kiểm soát cảm xúc như ở chương 1 trường ca Bùng
nổ của mùa xuân. Và có ít chỗ cảm xúc bị gượng ép khiến câu thơ “hơi thô” chẳng hạn đoạn: “Mẹ
quét lá thấy dấu con trên đất/ ngày con đi chân cứng đá mềm/ con đã trải đá mềm rồi mẹ ạ/ và đá
cũng cứng hơn con tưởng rất nhiều” (Những người đi tới biển).
Dù đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ khoa học đặt ra cho đề tài nhưng do sự hạn chế về năng
lực của người thực hiện nên đề tài còn nhiều thiếu sót. Dù sao tiếp cận đề tài Đặc điểm trường ca
Thanh Thảo sẽ gợi ý cho hướng nghiên cứu về những đóng góp của Thanh Thảo trong thể loại
trường ca hiện đại.
Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều ý kiến đóng góp và công trình nghiên cứu về thể loại
trường ca nói chung và trường ca Thanh Thảo nói riêng để đề tài nghiên cứu của chúng tôi được
hoàn thiện hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân (1975), "Mấy suy nghĩ về thể loại trường ca", Tạp chí Văn học (4).
2. Lại Nguyên Ân (1980), "Vấn đề thể loại sử thi của văn học hiện đại (Qua một số ý kiến của giới
nghiên cứu Liên Xô)", Tạp chí Văn học (1).
3. Lại Nguyên Ân (1981), "Bàn góp về trường ca", Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1).
4. Lại Nguyên Ân (1984), Văn học và phê bình, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
5. Lại Nguyên Ân (1986), "Văn học Việt Nam từ sau cách mạng Tháng Tám một nền sử thi hiện
đại", Tạp chí Văn nghệ (5).
6. Mai Bá Ấn (2008), "Trường ca Thu Bồn- Cấu trúc và thể loại", Tạp chí Nghiên cứu Văn học
(2).
7. Batkhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
8. Đào Thị Bình (2002), "Góp phần tìm hiểu trường ca viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước", Tạp chí Giáo dục (26).
9. Thu Bồn (1977), Bazan khát, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
10. Thu Bồn (1980), "Trường ca, một kiến trúc tổng hợp của thơ ca", Tạp chí Văn nghệ Quân đội
(11).
11. Thu Bồn (2000), "Bài ca chim Chơ rao", Tuyển tập trường ca Thu Bồn, Nxb Văn nghệ Tp Hồ
Chí Minh.
12. Thu Bồn (2003), "Oran bảy sáu ngọn", Thu Bồn- thơ và trường ca, Nxb Đà Nẵng.
13. Phạm Ngọc Cảnh (1980), "Trường ca và người viết trường ca", Tạp chí Văn nghệ Quân đội
(11).
14. Nguyễn Việt Chiến (2007), "Thanh Thảo còn những bài thơ lẻ", Tạp chí Sông Trà (20).
15. Nguyễn Xuân Cổn (2005), Đặc điểm trường ca Thu Bồn, Luận văn thạc sĩ, Thư viện ĐHSP TP
Hồ Chí Minh.
16. Nguyễn Văn Dân (2008), "Trường ca với tư cách là một thể loại mới", Tạp chí Sông Hương
(230).
17. Hồng Diệu (1981), "Thêm vài suy nghĩ", Tạp chí Văn nghệ Quân đội (5).
18. Hữu Đạt (2000), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
19. Nguyễn Đăng Điệp (1994), "Giọng điệu thơ trữ tình", Tạp chí Văn học (1).
20. Nguyễn Đăng Điệp (2003), "Những chuyển động của thơ Việt Nam đương đại", Tạp chí Văn
học (6).
21. Hà Minh Đức (1981), "Về trường ca", Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1-2).
22. Hà Minh Đức (1982), C.Mac- Ph.Ăng-ghen- V.I. Lê-nin và một số vấn đề lí luận văn nghệ,
Nxb Sự Thật, Hà Nội.
23. Hà Minh Đức (Chủ biên) (2001), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội .
24. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (2006), Thơ ca Việt Nam: hình thức và thể loại, Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội.
25. Đông Hải (1988), "Hình tượng thơ ca và cảm xúc thẩm mĩ", Tạp chí Văn học (1).
26. Đông Hải (1990), "Khối vuông rubich và hình tượng tư duy thơ Thanh Thảo", Tạp chí Văn
nghệ Quảng Ngãi xuân Kỷ Mão.
27. Nguyễn Văn Hạnh (1998), "Suy nghĩ về thơ Việt Nam từ sau 1975", Tạp chí Văn học (9).
28. Trần Mạnh Hảo (1980), "Vài ý nghĩ nhỏ", Tạp chí Văn nghệ Quân đội (11).
29. Trần Mạnh Hảo (1981), Mặt trời trong lòng đất, Nxb Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh.
30. Hoàng Ngọc Hiến (1984), "Về đặc trưng của trường ca", Tạp chí Văn học (3).
31. Hoàng Ngọc Hiến (1987), "Lời nói đầu",Trường ca Maiakôpxki, Nxb Văn học, Hà Nội.
32. Hoàng Ngọc Hiến (1999), Năm bài giảng về thể loại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
33. Lưu Hiệp (2007), Văn tâm điêu long , Nxb Lao động, Hà Nội.
34. Ngọc Thiên Hoa (2008), "Bản trường ca khai mở một hướng đi", Tạp chí Nghiên cứu Văn học
(2).
35. Viện Văn học (2000), Tuyển tập 40 năm tạp chí Văn học, Tập 3, Nxb TP Hồ Chí Minh.
36. Phạm Hổ (1981), "Người lính trong “trường ca sư đoàn”", báo Văn nghệ.
37. Bùi Công Hùng (1985), "Nhạc điệu thơ Việt Nam hiện đại trong 40 năm qua", Tạp chí Văn
học (5-6).
38. Bùi Công Hùng (1985), "Những đặc trưng cơ bản của thơ Việt Nam hiện đại 1945-1985", Tạp
chí Văn học (1).
39. Bùi Công Hùng (1986), "Hình tượng thơ", Tạp chí Văn học (4).
40. Bùi Công Hùng (1995), Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1945 đến nay,
Luận án tiến sĩ, Viện Văn học, Hà Nội.
41. Bùi Công Hùng (2000), Tiếp cận nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
42. Bùi Công Hùng (2001), Sự cách tân thơ văn Việt Nam hiện đại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà
Nội.
43. Nguyễn Thụy Kha (1999), Thanh Thảo, người lính, những khúc ca lính Việt - Lời quê góp
nhặt, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội .
44. Đỗ Văn Khang (1982), "Từ ý kiến về trường ca sử thi của Hê-ghen đến “trường ca” hiện đại ở
ta", Tạp chí Văn học (6).
45. Mã Giang Lân (1982), "Trường ca, vấn đề thể loại", Tạp chí Văn học (6).
46. Mã Giang Lân (1988), "Thử phân dịnh ranh giới giữa trường ca và thơ dài", Tạp chí Văn học
(5-6).
47. Mã Giang Lân (2000), Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
48. Mã Giang Lân (2003), "Sự biến đổi thể loại trong thơ Việt Nam thế kỉ XX", Tạp chí Văn học
(9).
49. Phong Lê (Chủ biên) (1979), Văn học Việt Nam chống Mĩ cứu nước, Nxb Khoa học Xã hội,
Hà Nội .
50. Phong Lê (Chủ biên) (1984), Nhà thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
51. Nguyễn Văn Long (2002), Văn học Việt Nam trong thời đại mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
52. Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Long (2007), Lịch sử văn học Việt Nam, tập III, Nxb Đại
học Sư phạm Hà Nội.
53. Phương Lựu chủ biên (1997), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
54. Thiếu Mai (1980), "Thanh Thảo- thơ và trường ca", Tạp chí Văn học (2).
55. Nguyễn Đức Mậu (1980), Trường ca sư đoàn, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
56. Lê Thành Nghị (2005), Trước đèn… thơ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
57. Anh Ngọc (1988), "Hãy đưa tôi một tư tưởng", Văn nghệ quân đội (12).
58. Phùng Quý Nhâm (1991), Thẩm định văn học, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
59. Phùng Quý Nhâm (2003), Văn hóa và văn học từ một góc nhìn, Nxb Văn học, Hà Nội.
60. Nhiều tác giả (1981), Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
61. Nhiều tác giả (2000), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
62. Nhiều tác giả (2002), Thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Lao động, Hà Nội.
63. Nhiều tác giả (2006), Trò chuyện với 100 nhà văn, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
64. Lê Lưu Oanh (2006), Văn học và các loại hình nghệ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
65. G.N.Pôxpêlôp (Chủ biên) (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội .
66. Ngô Văn Phú (2004), "Chất lính và hồn quê trong thơ Hữu Thỉnh", Báo Văn nghệ Trẻ (9).
67. Vũ Đức Phúc (1976), "Chung quanh vấn đề trường ca", Tạp chí Văn học (5).
68. Huỳnh Như Phương (1994), Những tín hiệu mới, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
69. Nguyễn Đức Quyền (2002), Nét đẹp thơ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
70. Marcel Reich- Ranicky (2003), "Một lời biện hộ cho thơ", Tạp chí Văn học (3).
71. Từ Sơn (1981), "Về khái niệm trường ca", Tạp chí Văn nghệ quân đội (1).
72. Trần Đình Sử (1986), "Nhà thơ Việt Nam hiện đại và mấy vấn đề nghiên cứu cá tính sáng tạo
trong thơ", Tạp chí Văn học (1).
73. Trần Đình Sử (chủ biên) (2001), Văn học và thời gian, Nxb Văn học, Hà Nội.
74. Trần Đình Sử (2003), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Văn học, Hà Nội.
75. Trần Đình Sử (2004), Tự sự học- Một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb Đại học Sư phạm Hà
Nội.
76. Vũ Văn Sỹ (1995), "Thơ 1975-1995, sự biến đổi của thể loại", Tạp chí Văn học (4).
77. Vũ Văn Sỹ (1997), "Yếu tố tự sự trong thơ trữ tình", Tạp chí Văn học (1).
78. Vũ Văn Sỹ (1999), Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt Nam (1945-1995): Sự mở rộng chức
năng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
79. Vũ Văn Sỹ (2003), Thời nở rộ trường ca, một hiện tượng sáng tạo thể loại, Tạp chí Văn nghệ.
80. Vũ Văn Sỹ (2005), Mạch thơ trong nguồn thế kỉ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
81. Nguyễn Trọng Tạo (1980), "Trường ca, bản lĩnh, cảm hứng, sức vóc của người viết", Tạp chí
Văn nghệ Quân đội (11).
82. Nguyễn Trọng Tạo (1981), Con đường của những vì sao, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
83. Nguyễn Trọng Tạo (1998), Văn chương, cảm và luận, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
84. Nguyễn Thị Liên Tâm (2002), Đặc điểm trường ca viết về đề tài chiến tranh thời chống Mỹ,
Luận văn thạc sĩ, Thư viện ĐHSP TP Hồ Chí Minh.
85. Nguyễn Thị Liên Tâm (2008), Trường ca thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam,
Luận án tiến sĩ, Thư viện ĐHSP TP Hồ Chí Minh.
86. Nguyễn Thị Liên Tâm (2008), Hình tượng phụ nữ Việt Nam trong trường ca thời chống Mỹ,
Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (3).
87. Hoài Thanh (1981), "Thơ và chuyện trong thơ", Tạp chí Văn nghệ Quân đội (5).
88. Hoài Chân, Hoài Thanh (2003), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
89. Ngô Thảo (2003), Văn học về người lính, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
90. Thanh Thảo (1977), 1TNhững người đi tới biển1T, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
91. Thanh Thảo (1982), "Những nghĩa sĩ Cần Giuộc", 1TNhững1T 1Tngọn sóng mặt trời, 1T Nxb Quân đội
Nhân dân, Hà Nội.
92. Thanh Thảo (1985), Đêm trên cát, 1TKhối vuông rubich1T, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
93. Thanh Thảo (1985), 1TKhối vuông rubich1T, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
94. Thanh Thảo (1995), "Biển đã ở trong tôi", Văn nghệ (17).
95. Thanh Thảo (1997), 1T rẻ con ở Sơn Mỹ1T, Nxb Văn học, Hà Nội.
96. Thanh Thảo (2000), 1TBùng nổ của mùa xuân, 1TSở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi.
97. Thanh Thảo (2002), 1T rò chuyện với nhân vật của mình, 1TNxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
98. Thanh Thảo (2002), Cỏ vẫn mọc, 1T rò chuyện với nhân vật của mình, 1TNxb Quân đội nhân dân,
Hà Nội.
99. Thanh Thảo (2004), Mãi mãi là bí mật, Nxb Lao Động, Hà Nội.
100. Thanh Thảo (2007), 1 2 3, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
101. Thanh Thảo (2008), "Tôi viết trường ca Đêm trên cát", Tuổi trẻ ngày 02/10.
102. Thanh Thảo (2009), Metro, Nxb Văn học, Hà Nội.
103. NguyễnVăn Long, Lã Nhâm Thìn (đồng Chủ biên) (2006), Văn học Việt Nam sau 1975 những
vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
104. Hữu Thỉnh (1980), "Vài suy nghĩ về thể loại trường ca", Tạp chí Văn nghệ Quân đội (12).
105. Phạm Huy Thông (1983), "Trường ca", Tạp chí Văn học (1).
106. Hoàng Trung Thông (1986), "Cảm hứng và cảm xúc trong thơ", Tạp chí Văn học (1).
107. Lưu Khánh Thơ (2006), Thơ văn xuôi trong sự vận động của thể loại thơ sau 1975, Tạp chí
Nghiên cứu Văn học (5-6).
108. Lưu Khánh Thơ (2010), "Đôi nét về trường ca", Văn nghệ Quân đội ngày 22/05.
109. Bích Thu (1984), Nhà thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
110. Bích Thu (1985), "Thanh Thảo -một gương mặt tiêu biểu trong thơ sau 1975", Tạp chí Văn học
(5-6).
111. Lưu Trung Thủy (2008), Đặc điểm nghệ thuật thể loại trường ca giai đoạn 1975-1985, Thư
viện ĐH KHXH và NV TP Hồ Chí Minh.
112. Lê Ngọc Trà (1998), Lý luận văn học, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
113. Lê Ngọc Trà (2002), "Văn học Việt Nam những năm đầu đổi mới", Tạp chí Nghiên cứu Văn
học (2).
114. Lê Quang Trang (1986), "Thơ 1985, nhìn lại", Tạp chí Văn học (1).
115. Vương Trọng (1980), "Về mấy đặc điểm của trường ca", Tạp chí Văn nghệ Quân đội (11).
116. Nguyễn Đức Tùng (2009), Thơ đến từ đâu, Nxb Lao Động, Hà Nội.
117. Đào Thị Khánh Vân (2009), Trường ca Thanh Thảo, Luận văn thạc sỹ văn học, Đại học Sư
phạm Thái Nguyên.
118. Bằng Việt (1998), "Vì sao Lorca hấp dẫn tôi", Tạp chí Văn học (11).
119. Trần Ngọc Vương (1981), "Thể loại trường ca và tính chất của nó", Tạp chí Văn học (1).
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA5778.pdf