BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
LÊ THỊ HUYỀN TRÂN
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 60 22 01
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS DƯ NGỌC NGÂN
Thành phố Hồ Chí Minh, 2010
LỜI CẢM ƠN
Luận văn được hoàn thành, ngoài sự nỗ lực học hỏi, nghiên cứu của bản thân, còn nhờ có sự
chỉ bảo, giúp đỡ, động viên tận tình của quý thầy cô, gia đình, bạn bè và các bạn đồng nghiệp.
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và t
154 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 4252 | Lượt tải: 5
Tóm tắt tài liệu Đặc điểm ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên tiếng việt, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ri ân sâu sắc đến PGS-TS Dư Ngọc Ngân, người
đã tận tâm hướng dẫn khoa học, giúp tôi giải quyết các vấn đề trong đề tài, định hướng, gợi mở,
truyền đạt cho tôi những kiến thức vô cùng quý báu.
Tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy, cô trong Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm
TPHCM đã tận tình dìu dắt, truyền dạy kiến thức cho tôi trong suốt thời gian học tập tại trường.
Xin cảm ơn Phòng Sau đại học, Thư viện trường Đại học Sư phạm TPHCM; Thư viện Khoa
học Tổng hợp; Thư viện trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã tạo điều kiện để
tôi hoàn thành và bảo vệ luận văn này.
Xin cảm ơn Ban Giám hiệu, tổ Ngữ văn trường THPT Điểu Cải, huyện Định Quán, tỉnh Đồng
Nai đã tạo mọi thuận lợi trong công tác.
Sau cùng xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã động viên, khích lệ tôi trong suốt quá trình thực hiện
luận văn.
BẢNG TỪ NGỮ VIẾT TẮT
Chủ thể: S1
Đại học Quốc gia: ĐHQG
Động từ biểu thị nội dung mệnh đề: Vp
Động từ ngôn hành: Vnh
Hành động A: A
Hành động tại lời gián tiếp: HĐTLGT
Hành động tại lời trực tiếp HĐTLTT
Hành động tại lời: HĐTL
Nội dung mệnh đề: p
Người đáp lời SP2
Người nghe: H
Người nói: S
Đối thể: S2
Người trao lời: SP1
Nhà xuất bàn : NXB
Noun phrases (cụm danh từ): NP
Sự vật, hiện tượng hoặc sự kiện: X
Tiền giả định: TGĐ
Từ chối gián tiếp: TCGT
Từ chối trực tiếp: TCTT
Verb phrases (cụm động từ): VP
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Ca dao Việt Nam được xem là tấm gương phản ánh trung thực hình ảnh thiên nhiên, đất
nước, con người Việt Nam. Đó là kho tài liệu phong phú về phong tục, tập quán trong các lĩnh vực
đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động. Lời ca dao cũng chính là tình cảm chân thành,
sâu sắc của người bình dân xưa đối với quê hương đất nước, với ông bà cha mẹ, với bạn bè, người
yêu… Cũng chính nhờ vào cách thể hiện tình cảm ý nhị tinh tế và sâu sắc mà ca dao có một sức hấp
dẫn lạ lùng đối với người đọc qua nhiều thế hệ. Đặc sắc nhất là mảng ca dao về tình yêu với lối hát
đối đáp giao duyên thể hiện tình yêu đôi lứa trong lao động, trong hội hè đình đám của các chàng
trai, cô gái. Nội dung của các câu ca dao này phản ánh mọi biểu hiện sắc thái cung bậc tình yêu. Đó
là những tình cảm thắm thiết, những niềm mơ ước, những nỗi nhớ nhung da diết trong hoàn cảnh
may mắn, hạnh phúc hay những cảm xúc, lời than thở, oán trách nảy sinh trước những tình huống
rủi ro, ngang trái đau khổ. Do đó, nghiên cứu ca dao cũng là hành trình tìm hiểu tâm hồn, văn hoá
dân tộc.
Ngôn ngữ là công cụ không thể thiếu trong quá trình giao tiếp của loài người. Con người sử
dụng ngôn ngữ để thể hiện nhận thức về sự vật, hiện tượng và trao đổi tâm tư, tình cảm, nguyện
vọng, vì thế bản sắc dân tộc luôn được thể hiện qua ngôn ngữ. Ca dao, thông qua những tín hiệu
ngôn ngữ, đã thể hiện phong phú và linh hoạt những hình tượng thẩm mỹ văn học, phản ánh mọi
mặt của cuộc sống sinh hoạt, những suy tư và diễn biến tình cảm của con người. Ca dao đối đáp
giao duyên được sản sinh ra từ trong môi trường diễn xướng. Qua những buổi lao động sinh hoạt
văn hóa cộng đồng trên đồng ruộng, bãi lúa, ven sông, những buổi hội làng, các chàng trai cô gái đã
sử dụng các tín hiệu ngôn ngữ thực hiện các cuộc đối thoại bằng những câu thơ, điệu hát như:
Chàng trai bày tỏ tình cảm bằng câu hỏi lịch thiệp, tế nhị:
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá, đan sàng nên chăng?
Cô gái chấp nhận tình cảm của chàng trai bằng lời đáp mang hình thức hỏi:
Đan sàng thiếp cũng xin vân,
Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng?
Hoặc, cô gái từ chối tình cảm và trách chàng trai đã quá vội vàng:
Chàng hỏi thì thiếp xin thưa,
Tre non đủ lá đan chưa được sàng.
Ngoài chợ có thiếu gì giang,
Mà chàng lại nỡ đan sàng tre non.
Nghiên cứu ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp hiện nay đang được các nhà ngôn ngữ học
quan tâm nghiên cứu. Nghiên cứu ca dao từ góc độ dụng học cũng là một hướng nghiên cứu khá
mới mẻ. Hiện nay có rất ít công trình nghiên cứu ca dao theo hướng này. Việc tìm hiểu ngữ dụng
của ca dao đối đáp giao duyên cũng là cách thể hiện sự trân trọng với các giá trị văn hoá cổ truyền
dân tộc, trân trọng cách tư duy, cách biểu hiện tình cảm ý nhị sâu sắc của người dân lao động, bên
cạnh đó là góp một phần đóng góp nhỏ cho khoa học chuyên ngành.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Trước đây, việc tìm hiểu ca dao nói chung và ca dao đối đáp giao duyên nói riêng chỉ tập
trung chủ yếu vào việc sưu tầm ca dao và miêu tả những hình thức sinh hoạt ca hát dân gian. Các
nhà nho biên soạn ca dao với mục đích cung cấp tài liệu cho việc nghiên cứu lịch sử thơ ca dân gian
như Vương Trịnh Duy (1903) soạn Thanh Hoá quan phong; Nguyễn Văn Mại (1914) soạn Việt
Nam phong sử; Vũ Công Thành (1925) soạn Nam âm sự loại…Các nhà trí thức Tây học, với ý thức
giữ gìn di sản văn hoá dân tộc đã quan tâm đến việc sưu tầm, miêu tả ca dao như Nguyễn Văn
Huyên (1934) với công trình có giá trị về mặt phương pháp luận là Hát đối của nam nữ thanh niên
Việt Nam; Nguyễn Văn Ngọc (1928) với Tục ngữ phong dao có giá trị cao về mặt sưu tầm tuyển
chọn; Nguyễn Can Mộng (1936) với Ngạn ngữ phong dao…
Những năm gần đây, việc nghiên cứu ca dao đã có bước phát triển vượt bậc. Các nhà nghiên
cứu đã chú ý đến nhiều lĩnh vực của ca dao như thi pháp, thể thơ, kết cấu, lời, thời gian không gian
nghệ thuật, hình ảnh biểu tượng, đặc điểm ngôn ngữ…, đặc biệt là các biện pháp tu từ ẩn dụ, so
sánh với những hình tượng mang tính biểu trưng như cái cầu, con cò, con bống, hoa mai, hoa
nhài… Nhiều công trình có giá trị ra đời như Tục ngữ ca dao dân ca của Vũ Ngọc Phan; Kho tàng
ca dao người Việt của Vũ Xuân Kính, Phan Đang Nhật (chủ biên); Thi pháp ca dao của Nguyễn
Xuân Kính; Bình giảng ca dao của Hoàng Tiến Tựu; Tục ngữ ca dao Việt Nam của Mã Giang Lân;
Những thế giới nghệ thuật ca dao của Phạm Thu Yến…
Nhìn chung, công trình nghiên cứu ca dao có khá nhiều. Tuy nhiên, phần lớn chỉ nghiên cứu
ca dao ở góc độ văn học còn về góc độ ngôn ngữ học thì còn rất hạn chế. Tuy các công trình nghiên
cứu ca dao nhìn từ góc độ văn học ít nhiều có đề cập đến đặc điểm ngôn ngữ ca dao nhưng chỉ mang
tính khái quát, không đi sâu vào nghiên cứu chuyên biệt.
Tìm hiểu ca dao dưới góc độ ngôn ngữ học, luận văn chỉ tìm thấy có một số bài viết và công
trình nghiên cứu sau:
Bài “Ngôn ngữ ca dao Việt Nam” của Mai Ngọc Chừ, đăng trên tạp chí Văn học số 2,1991.
Bài viết đã có cái nhìn khái quát về ngôn ngữ ca dao. Tác giả cho rằng “Ngôn ngữ ca dao đã kết tụ
những đặc điểm nghệ thuật tuyệt vời nhất của tiếng Việt: nó có cả những đặc điểm tinh tuý của
ngôn ngữ văn học đồng thời nó còn là sự vận dụng linh hoạt, tài tình có hiệu quả của ngôn ngữ
chung, ngôn ngữ hội thoại vào một loại ngôn ngữ truyền miệng. Chính sự kết hợp giữa ngôn ngữ
nói, ngôn ngữ hội thoại với ngôn ngữ văn học tạo nên những đặc điểm riêng biệt độc đáo của ca
dao.”. Cách thức mà ca dao dân ca sử dụng để tạo nên vẻ riêng biệt, độc đáo là sử dụng các biện
pháp tu từ.
Bài “Ngôn ngữ của người Nam Bộ trong ca dao-dân ca”, tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số
6,1999 của Nguyễn Thế Truyền và “Một số đặc điểm ngôn ngữ của ca dao dân ca Nam Bộ”, tạp chí
Ngôn ngữ số 1,1984 của Bùi Mạnh Nhị đã cho người đọc cái nhìn tổng quan về ngôn ngữ ca dao-
dân ca Nam Bộ. Đây có thể xem là những thành tựu ban đầu về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ địa
phương qua ngôn ngữ ca dao.
Trong công trình nghiên cứu Thi pháp ca dao (1993), Nguyễn Xuân Kính dành một phần
nghiên cứu sâu về các từ chỉ tên đất, tên người và cách dùng số từ trong ca dao. Tác giả chỉ ra xu
hướng dân gian và xu hướng thuần Việt trong cách sử dụng lớp từ đó.
Trong bài viết “Bài ca dao Tát nước đầu đình từ góc nhìn ngữ dụng học” đăng trên tạp chí
Ngôn ngữ và đời sống, số 7,2004, Đỗ Thị Kim Liên đã vận dụng lí thuyết hành động ngôn ngữ và lí
thuyết chiếu vật và chỉ xuất để xác định các hành động nói và vai giao tiếp, thời gian và không gian
trong một bài ca dao từ góc độ tiếp cận văn bản.
Lê Đức Luận (2005), trong luận án tiến sĩ ngữ văn với đề tài: Cấu trúc ca dao trữ tình người
Việt, đã vận dụng lí thuyết cấu trúc hệ thống ngôn ngữ, chỉ ra đặc trưng cơ bản về cấu trúc hình thức
và nội dung của hệ thống các cấp độ ngôn ngữ ca dao người Việt.
Hoàng Kim Ngọc (2009) với công trình nghiên cứu So sánh và ẩn dụ trong ca dao trữ tình -
dưới góc nhìn ngôn ngữ - văn hoá học, đã tiếp cận ca dao từ góc nhìn của lí thuyết giao tiếp bằng
ngôn ngữ và phân tích diễn ngôn; xem lối đối đáp giao duyên là một hình thái đặc biệt của giao tiếp
bằng ngôn ngữ, từ đó vận dụng các lí thuyết về so sánh và ẩn dụ của ngôn ngữ học để nghiên cứu ẩn
dụ và so sánh trong ca dao.
Liên quan đến đề tài còn có một số công trình nghiên cứu về lí thuyết ngữ dụng học và ứng
dụng lí thuyết ngữ dụng học vào phân tích hội thoại tiếng Việt:
Trước hết phải kể đến các công trình về ngữ dụng học: “How to do things with words” của
John Austin (1962) với lí thuyết hành động ngôn ngữ đã đi sâu vào nghiên cứu mặt ngữ dụng của
ngôn ngữ một cách có hệ thống. Phát triển lí thuyết hành động nói của Austin, Searle (1969) với
Speech acts, xem hành động nói là đơn vị cơ bản của giao tiếp và tập trung xem xét đến ý nghĩa của
phát ngôn như là các hành động chứa nội dung giao tiếp. Paul Grice (1975), trong Logic and
Conversation, đã đề ra nguyên tắc cộng tác hội thoại và tìm hiểu nghĩa ngôn ngữ trong hội thoại,
đặc biệt là nghĩa hàm ẩn. George Yule (1997), Dụng học- Một số dẫn luận nghiên cứu đã xem ngữ
dụng học tập trung vào nghiên cứu ý nghĩa thuộc về người nói, ý nghĩa của ngữ cảnh, những cách
giúp thông báo được nhiều hơn những gì nói ra bằng lời, thể hiện khoảng cách tương đối.
Ở Việt Nam, ngữ dụng học và dụng học Việt ngữ được quan tâm nghiên cứu từ những năm
80 của thế kỉ XX: Hoàng Phê với công trình Logic ngôn ngữ học (1989), đã tiến hành nghiên cứu
nghĩa ngôn ngữ trên bình diện ngữ dụng, cụ thể là nghĩa của từ và nghĩa của lời trong quá trình giao
tiếp. Tiếp theo là Cao Xuân Hạo với Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng (1991), đã nghiên cứu
về cấu trúc câu trong văn bản và phân loại câu theo lực ngôn trung và nghĩa biểu hiện. Với các công
trình Đại cương ngôn ngữ học- Ngữ dụng học (1993) của Đỗ Hữu Châu và Ngữ dụng học (2001)
của Nguyễn Đức Dân, Dụng học Việt ngữ (2000) của Nguyễn Thiện Giáp, lần đầu tiên các vấn đề
cơ bản của ngữ dụng học như: chiếu vật, chỉ xuất, lí thuyết hành động ngôn ngữ, lí thuyết lập luận,
lí thuyết hội thoại, nghĩa tường minh, hàm ẩn được trình bày một cách có hệ thống trên ngữ liệu
tiếng Việt. Từ đó đến nay, có rất nhiều nhà nghiên cứu Việt ngữ học đã vận dụng các lí thuyết ngữ
dụng học vào tìm hiểu nhiều khía cạnh của tiếng Việt, đã có những thành công như: Hoàng Tuệ
(1991), với bài viết “Hiển ngôn và hàm ngôn”, Lê Đông, Phạm Hùng Việt (1995), với bài viết
“Nhấn mạnh như một hiện tượng ngữ dụng và đặc trưng ngữ nghĩa ngữ dụng của một số trợ từ nhấn
mạnh trong tiếng Việt”; Chu Thị Thanh Tâm (1995), với bài “Sự cộng tác hội thoại để hình thành đề
tài diễn ngôn và các hành vi dẫn nhập đề tài diễn ngôn”, Nguyễn Văn Hiệp (2007), với công trình
Cơ sở phân tích ngữ nghĩa cú pháp …
Cho đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu về ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên
tiếng Việt một cách chuyên biệt. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu vấn đề này. Trong luận văn
của chúng tôi, những công trình nghiên cứu nêu trên sẽ là những cơ sở lí thuyết, lí luận quan trọng.
3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Luận văn tìm hiểu đặc điểm ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên với mong muốn có cái
nhìn đầy đủ hơn về ngữ nghĩa của lời ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt trong hoạt động giao
tiếp; vị trí, chức năng của ca dao trong đời sống văn hoá cộng đồng. Bên cạnh đó, luận văn còn có
thể làm rõ thêm về đặc trưng văn hoá Việt Nam biểu hiện qua lời ca dao. Trong quá trình đối đáp,
lời trao đáp không chỉ nhằm trao đổi thông tin mà còn tạo lập các mối quan hệ tình cảm giữa người
và người, nên luận văn cũng góp phần làm rõ một số khía cạnh của đời sống tâm hồn của người
Việt.
4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Khảo sát vấn đề ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên, luận văn tập trung vào những vấn
đề sau:
Theo quan niệm dụng học thì ngữ nghĩa của phát ngôn là một thể hợp nhất giữa hiệu lực tại
lời và nội dung mệnh đề. Quan niệm truyền thống chỉ quan tâm đến nội dung mệnh đề (nội dung sự
tình). Nghiên cứu ca dao theo hướng ngữ dụng, luận văn sẽ tìm hiểu sâu các hành động ngôn từ dựa
trên sự thống nhất giữa hiệu lực tại lời và nội dung mệnh đề có trong ca dao đối đáp giao duyên
tiếng Việt.
Nghĩa của phát ngôn không chỉ được nói ra nhờ các yếu tố ngôn ngữ mà còn được thể hiện
thông qua ngữ cảnh, ngôn cảnh, các quy tắc điều khiển hành vi ngôn ngữ, điều khiển hội thoại…; do
đó, luận văn đi sâu vào tìm hiểu vấn đề hàm ngôn và các phương thức, phương tiện biểu hiện hàm
ngôn thuộc bình diện dụng học của ca dao đối đáp.
Các ngữ liệu khảo sát là những lời ca dao đối đáp giao duyên nam, nữ người Việt ( lời của cô
gái/chàng trai nói với một hoặc vài chàng trai/cô gái nào đó, lời của đôi bạn đang nói với nhau)
được rút ra từ các công trình sưu tầm và tuyển chọn ca dao của các nhà nghiên cứu văn học dân gian
như: Vũ Ngọc Phan, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào, Vương Trung Hiếu.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN TÀI LIỆU
5.1 Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, ngoài những phương pháp, thủ pháp nghiên cứu khoa học chung, luận
văn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
- Phương pháp phân tích ngữ dụng học: chúng tôi tiến hành phân tích các đơn vị ca dao để
làm rõ hiệu lực tại lời của chúng. Để lí giải được đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ dụng của các đơn vị ca
dao, phương pháp phân tích luôn bám vào các nhân tố ngữ cảnh, văn cảnh như ngữ cảnh tình huống,
ngữ cảnh văn hóa, mục đích giao tiếp…
- Phương pháp miêu tả - phân loại và hệ thống hoá: phương pháp này dùng để xác định tập
hợp các đặc trưng khu biệt của từng hành động ngôn từ và phân chia các hành động ngôn từ thành
từng nhóm, từng tiểu loại.
- Phương pháp thống kê ngôn ngữ học: phương pháp này được sử dụng để xử lí khối ngữ liệu
như: thu thập ngữ liệu, thống kê ngữ liệu, tính tần số để phân loại, xếp hạng, đánh giá.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: luân văn vận dụng những thành tựu của các ngành
khoa học khác như: văn học, văn hóa học, xã hội học, tâm lí học…để tìm hiểu những vấn đề liên
quan đến đề tài.
5.2 Nguồn tư liệu
Nguồn tư liệu về ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt được chọn lọc từ:
Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (1994), Ca dao trữ tình Việt Nam, NXB Giáo dục.
Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị (1984), Ca dao dân ca
Nam Bộ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
Vương Trung Hiếu (2006), Ca dao Việt Nam, ca dao tình yêu, NXB Tổng hợp Đồng Nai.
Vũ Ngọc Phan (2007), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Văn học.
Viện Nghiên cứu văn hóa, Ca dao (quyển 9), NXB KHXH, 2009.
Website: www.e-cadao.com
Luận văn sẽ khảo sát 1514 câu ca dao đối đáp giao duyên lựa chọn từ nguồn trích dẫn trên và
chia thành 2 nhóm: nhóm ca dao có một lượt lời và nhóm có hai lượt lời.
6. GIÁ TRỊ KHOA HỌC VÀ GIÁ TRỊ THỰC TIỄN
- Về lí thuyết
Ngữ dụng học là một lĩnh vực quan trọng của ngôn ngữ học. Tìm hiểu ca dao đối đáp giao
duyên từ góc độ lí thuyết ngữ dụng học sẽ góp thêm một công trình vận dụng ngữ dụng học vào
nghiên cứu ngôn ngữ. Đề tài có thể góp phần làm rõ thêm một số vấn đề về lí thuyết hành động
ngôn từ, lí thuyết hội thoại và hàm ngôn... Ngoài ra, đề tài còn chỉ ra có mối liên hệ giữa ngôn ngữ
và văn hoá, ngôn ngữ và tâm lí…
Thực hiện đề tài người viết mong muốn có sự lí giải xác đáng ngữ nghĩa của lời ca dao đối
đáp giao duyên theo hướng ngữ dụng một cách thuyết phục, góp phần làm sáng rõ giá trị to lớn của
kho tàng ca dao Việt Nam
- Về thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể ứng dụng vào giảng dạy văn học dân gian phần ca dao
cho học sinh phổ thông và là tài liệu tham khảo cho sinh viên ngành ngữ văn.
7. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, luận văn gồm có 3 chương:
Chương 1: Những cơ sở lí thuyết liên quan đến đề tài
Trong chương một, luận văn trình bày khái niệm ca dao đối đáp giao duyên và khái quát các
vấn đề cơ bản của ngữ dụng học như: ngữ cảnh, lí thuyết hành động ngôn từ, lí thuyết hội thoại, lí
thuyết lập luận, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn.
Chương 2: Hành động tại lời trong ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt
Trong chương hai, luận văn đi vào phân tích những đặc điểm cấu trúc hội thoại ngữ cảnh của
ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt và phân loại, miêu tả các nhóm hành động tại lời thường gặp
trong ca dao đối đáp giao duyên như: hành động hỏi, cầu khiến, trần thuật, biểu cảm…
Chương 3: Một số phương thức tạo hàm ngôn trong ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt
Trong chương ba, luận văn sẽ tìm hiểu vấn đề hàm ngôn và miêu tả một số cơ chế tạo hàm
ngôn thường gặp ở ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt.
CHƯƠNG MỘT
NHỮNG CƠ SỞ LÍ THUYẾT
1.1 Khái niệm ca dao và ca dao đối đáp giao duyên
1.1.1 Ca dao
Tên gọi “ca dao” không bắt nguồn từ truyền thống văn học dân gian, mà là do các nhà sưu
tầm và soạn sách thơ ca dân gian mượn từ sách Hán thi. Minh Hiệu cho rằng: “ở nước ta ca dao vốn
là một từ Hán Việt được dùng rất muộn- có thể muộn đến hàng ngàn năm, so với thời gian đã có
những câu ví, câu hát”. [31-7] Về điểm này, trong Văn học dân gian, Đinh Gia Khánh có chú thích
như sau: “Trong Kinh Thi, phần Nguỵ phong, bài Viên hữu đào có câu: “Tâm chi ưu hĩ, ngã ca thả
dao” (lòng ta buồn, ta ca và dao). Sách Mao truyện viết: “Khúc hợp nhạc viết ca, đồ ca viết dao”
(nghĩa là: khúc hát có nhạc đệm theo thì gọi là ca, còn hát trơn thì gọi là dao). Trong sách Cổ dao
ngạn, bài Phàm lệ lại có phân biệt thêm: ca và dao khác nhau ở chỗ dao có thể là lời của nhiều bài
ca.[40-436] Như vậy, có thể nói, từ việc mượn thuật ngữ ta đã mượn luôn cách hiểu về thuật ngữ
như: ca dao là thơ ca dân gian truyền miệng dưới hình thức những câu hát, không theo một điệu
nhất định”1. Tuy nhiên, với các nhà nghiên cứu văn học dân gian, việc định nghĩa thế nào là ca dao
và phân loại các hình thức ca hát sinh hoạt dân gian là vấn đề khó khăn, phức tạp cần phải nghiên
cứu sâu mới có thể làm sáng rõ.
Để xác định khái niệm ca dao, các nhà nghiên cứu văn học dân gian đều đặt ca dao trong mối
quan hệ với dân ca. Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên cho rằng: “Theo cách hiểu thông thường thì
ca dao là lời của các bài hát dân ca đã tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy…hoặc ngược lại, là
những câu thơ có thể bè thành những làn điệu dân ca.” Từ cách hiểu đó, ông khẳng định: “Giữa ca
dao và dân ca như vậy là không có ranh giới rõ rệt. Sự phân biệt giữa ca dao và dân ca chỉ ở chỗ, khi
nói đến ca dao người ta thường nghĩ đến những lời thơ dân gian, còn khi nói đến dân ca người ta
nghĩ đến cả những làn điệu, những thể thức hát nhất định.”; “…Và ca dao trở thành thuật ngữ dùng
để chỉ một thể thơ dân gian… Ca dao có thể là thơ tự sự nhưng đại bộ phận là thơ trữ tình. [40-
436,437] Vũ Ngọc Phan, trong công trình nổi tiếng Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, còn nói rõ hơn
“Theo ý kiến của tôi, ca dao của ta có những câu bốn năm chữ, sáu tám hay hai bẩy sáu tám, đều có
thể ngâm được nguyên câu, không cần tiếng đệm như người ta ngâm thơ vậy. Còn dùng bài ca dao
để hát thì bài ca dao sẽ biến thành dân ca… Vậy ca dao là một loại thơ dân gian”.[66-24] Thống
nhất với những ý kiến trên, Cao Huy Đỉnh viết: “Ngày xưa phần lớn ca dao trữ tình làm ra để hát.
Rồi từ những bài hát có những câu tách ra thành ca dao. Ca dao sinh ra, còn lại, truyền đi và biến
đổi chủ yếu là thông qua sinh hoạt dân ca.”[22-39] Bên cạnh đó, các tác giả còn đặt ca dao trong
1 Hoàng Phê, Từ điển tiếng việt, Nxb Đà Nẵng, 2006
mối quan hệ với tục ngữ, văn vần và thơ nói chung để làm rõ sự khác nhau giữa ca dao và các thể
loại này. Chẳng hạn, Minh Hiệu viết: “Có nhiều bài ca dao mới gần đây, tuy hình thức giống ca dao
cổ truyền, nhưng đó mới chỉ là những câu văn vần chứ chưa thực sự là ca dao” hoặc “Ca dao là thơ
dân gian; thơ để ví von, đối đáp, truyền miệng, khác với thơ của dòng văn học viết.”[31-10-27] Từ
những quan niệm trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: ca dao là một loại thơ dân gian truyền miệng
dưới hình thức là những câu hát.
1.1.2 Ca dao đối đáp giao duyên
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 2006) định nghĩa: giao duyên là động từ chỉ sự trao đổi
tình cảm giữa hai bên trai gái trong ngày hội truyền thống. Đây là một hình thức sinh hoạt dân gian.
Tuy nhiên, để hiểu thế nào là ca dao đối đáp giao duyên, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm ca dao trữ
tình. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng phần lớn ca dao là thơ trữ tình. Trữ tình được hiểu là biểu
hiện nội tâm, cảm xúc của tác giả trước ngoại cảnh. Nguyễn Ngọc Phan viết: “Ca dao xưa có tình và
có cảnh, cảnh tình gắn bó với nhau mật thiết, cảnh sinh tình và tác giả mượn cảnh để nói lên nội tâm
mình.”[65-38]. Ông còn cho rằng muốn hiểu biết về tình cảm của nhân dân Việt Nam tha thiết, sâu
sắc như thế nào thì phải nghiên cứu ca dao Việt Nam. Ca dao Việt Nam là những bài tình tứ. Tình
cảm của người lao động Việt Nam biểu hiện trong ca dao ở nhiều mặt: tình yêu nam nữ, tình yêu gia
đình, yêu làng xóm, yêu đất nước... , nhưng những bài về tình yêu nam nữ là nhiều hơn cả.[66-32]
Và Cao Huy Đỉnh khi nghiên cứu về lối đối đáp trong ca dao trữ tình đã nhận xét: “Ngày xưa phần
lớn ca dao trữ tình làm ra là để hát”. Hát ở đây là hát đối đáp, do các kiểu hát tập thể như ghẹo, ví,
trống quân, quan họ… mà hình thành. “Đối đáp là nói chuyện bằng thơ giữa đôi trai gái, hai họ, hai
phường… Nói chuyện thực sự chứ không chỉ là “thổ lộ tâm tình” theo nghĩa rộng của thơ trữ
tình.”.[22-39] Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên cũng cho rằng: “Trong ca dao trữ tình về tình yêu
nam nữ, chúng ta thấy đa số các câu hát, các bài ca của “chàng trai” và “cô gái” được kết cấu theo
lối đối thoại giữa hai nhân vật ấy…là hình thức trao đổi tình cảm giữa nam và nữ, từ những lời ướm
hỏi nhau rồi thề nguyền gắn bó với nhau, tới những lời than thở, nhớ nhung, trách móc nhau…” [40-
485] Đồng quan điểm với các tác giả trên, Mã Giang Lân khi viết về tính trữ tình của ca dao Việt
Nam cũng nói : “Phong phú nhất, sâu sắc nhất là mảng ca dao về tình yêu nam nữ. Trai gái gặp gỡ
tìm hiểu nhau, thổ lộ tình cảm với nhau trong lao động, hội hè đình đám, vui xuân. Họ có thể thổ lộ
tình cảm với nhau bằng câu ví, bằng hình thức giao duyên trong những cuộc hát đối đáp nam nữ.
Nội dung của những câu ca dao này phản ánh được mọi biểu hiện sắc thái, cung bậc của tình
yêu”.[46-19] Đúc kết từ những nghiên cứu trên, chúng tôi có thể đi đến kết luận: ca dao trữ tình là
lời thơ trữ tình dân gian diễn tả đời sống tình cảm của người dân lao động. Trong ca dao trữ tình có
những bài ca dao diễn tả tình cảm nam nữ, gọi là ca dao giao duyên, và có những bài ca dao diễn tả
những tình cảm khác như bạn bè, vợ chồng, mẹ con, quê hương… Và như vậy, ca dao đối đáp giao
duyên là ca dao trữ tình, được dùng để đối đáp, để nói chuyện về tình duyên giữa nam nữ với nhau.
Biểu hiện của lối đối đáp trong ca dao giao duyên là qua lời ca dao trữ tình thường có bóng
dáng của hai nhân vật (chàng trai-cô gái) đang nói chuyện tâm tình với nhau:
+ Cô gái nói với một hay nhiều chàng trai nào đó:
Ai về cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
+ Chàng trai nói với một cô gái nào đó:
Áo anh rách lỗ bằng sàng
Mẹ anh già yếu, cậy nàng vá may.
+ Đôi nam nữ đang nói với nhau:
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá, đan sàng nên chăng?
- Đan sàng thiếp cũng xin vâng
Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng?
Tóm lại, trong ca dao trữ tình có những bài đối đáp giao duyên và những bài diễn tả tình cảm
khác. Trong đó, những bài đối đáp giao duyên chiếm số lượng nhiều hơn cả.
1.2 Lí thuyết ngữ dụng học
1.2.1 Ngữ dụng học
Miêu tả một ngôn ngữ không thể không tính đến việc con người sử dụng nó trong đời sống
như thế nào. Tuy nhiên, để làm được điều tưởng như đơn giản này không biết bao nhiêu thế hệ các
nhà ngôn ngữ học phải tìm kiếm và trả lời cho câu hỏi về đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học.
Nhìn lại các khuynh hướng nghiên cứu về ngôn ngữ học, từ Ngôn ngữ học đại cương của Leibniz,
Harris, Gébelin, Ngôn ngữ học lịch sử của Humbolt, Schleicher, Ngôn ngữ học cấu trúc của
Bloomfield, Hjelmslev đến Ngôn ngữ học tạo sinh của Chomsky… đều chưa tìm được câu trả lời.
Luận điểm của F.Saussure đã giúp ngôn ngữ học xác lập được đối tượng nghiên cứu của mình và
được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm khai thác vận dụng. Tuy phân biệt và chỉ ra được mối quan hệ
biện chứng giữa ngôn ngữ và lời nói nhưng F. Saussure lại đi đến một khẳng định chưa thật sự
thuyết phục hoàn toàn là chỉ có ngôn ngữ mới là cái đáng quan tâm nghiên cứu và ông chủ trương
nghiên cứu ngôn ngữ “cho nó và vì nó”. Phải đến những năm 30 của thế kỉ XX, khi các lí thuyết về
kí hiệu học phát triển mạnh mẽ và ngữ dụng học ra đời thì vấn đề sử dụng ngôn ngữ mới được giải
quyết thoả đáng. Người ta đánh dấu mốc ra đời ngành ngữ dụng học là năm 1938 với công trình
“Những cơ sở lí thuyết kí hiệu” (The Foundation of Semiotics) của Charles. W.Morris. Kí hiệu học
bao gồm ba bộ phận: kết học (syntax), nghĩa học (semantics) và dụng học (pragmatics). Kết học
nghiên cứu thuộc tính hình thức của các cấu trúc kí hiệu. Nghĩa học nghiên cứu mối quan hệ giữa kí
hiệu với thế giới hiện thưc, nghĩa là giữa kí hiệu và cái được biểu đạt. Dụng học nghiên cứu mối
quan hệ giữa các kí hiệu và sự giải thích chúng, sự giải thích về ý nghĩa mà kí hiệu đã được dùng.
Có thể nói đây là khái niệm đầu tiên về ngữ dụng học. Tuy nhiên, áp dụng mô hình tam phân của
Morris vào hoạt động ngôn ngữ không còn ranh giới rõ ràng. Vì vậy, xuất hiện khuynh hướng
thống hợp ba lĩnh vực trên, nghĩa là trong kết học, nghĩa học có sự chi phối của các quy tắc ngữ
dụng và các quy tắc ngữ dụng phải dựa vào các quy tắc của kết học, nghĩa học mà biểu hiện ra, mà
phát huy tác dụng. Cũng chính vì điều này mà đã có nhiều cách định nghĩa khác nhau về ngữ dụng
học:
“Ngữ dụng học nghiên cứu những quan hệ ngôn ngữ và ngữ cảnh đã được ngữ pháp hoá hoặc
mã hoá trong cấu trúc của ngôn ngữ” [Levinson, 1983-9. dẫn theo 11]. Định nghĩa này cho thấy ngữ
dụng có mối quan hệ với cú pháp.
“Ngữ nghĩa học có đối tượng nghiên cứu là ngữ nghĩa của phát ngôn không thể lí giải được
bằng quan hệ trực tiếp với những điều kiện đúng-sai của câu được nói ra. Nói một cách sơ giản thì:
ngữ dụng học = ngữ nghĩa trừ đi các điều kiện đúng-sai.” [Gazda,1979-12. dẫn theo 7] Rõ ràng
dụng học có quan hệ với nghĩa học.
“Ngữ dụng học nghiên cứu việc dùng ngôn ngữ trong diễn từ và các chỉ hiệu đặc thù trong
ngôn ngữ, những cái làm nên cách thức nói năng”. [A.M.Diller – F.Récanati, 1979. dẫn theo 11]
Định nghĩa này nhấn mạnh sự quan tâm của ngữ dụng là quá trình tạo ra diễn từ và kết quả của
chúng chứ không chỉ là ngôn ngữ. Nói cách khác, một kí hiệu nói chung hay một phát ngôn nói
riêng có thể được giải thích khác nhau tuỳ theo tình huống (ngữ cảnh) của kí hiệu.
“Ngữ dụng học nghiên cứu ý nghĩa của người nói, ý nghĩa của ngữ cảnh, nghiên cứu việc
người ta có thể thông báo nhiều hơn điều được nói như thế nào, nghiên cứu những biểu hiện của
những khoảng cách tương đối.” [G.Yule, 1996. dẫn theo 7] “Ngữ dụng học nghiên cứu sự giao tiếp
bằng ngôn ngữ, nghiên cứu cách dùng ngôn ngữ thực sự trong những ngữ cảnh chuyên biệt”
[Nofsinger,1991.dẫn theo 7] “Ngữ dụng học là ngành nghiên cứu ngôn ngữ từ phía người dùng”
[Kasper,1997]…
Nhìn chung, tất cả các định nghĩa trên cho thấy ngữ dụng nghiên cứu ngữ nghĩa trong mối
quan hệ với ngữ cảnh. Do đó, quan niệm ngữ dụng học nghiên cứu cách ngôn ngữ được dùng như
thế nào và ý nghĩa của nó trong quan hệ giao tiếp trong phạm vi ngữ cảnh là phổ biến nhất.
1.2.2 Ngữ cảnh
Ngữ cảnh là một khái niệm quan trọng trong ngữ dụng học,“là một nhân tố trong việc xác
định nội dung mệnh đề cho hiện dạng của những phát ngôn thành phẩm cụ thể, trong những tình
huống phát ngôn khác nhau.” [38-277] Nói cách khác, ngữ cảnh được hiểu là bối cảnh ngôn ngữ
làm cơ sở cho việc sử dụng từ ngữ và tạo lập lời nói, đồng thời làm căn cứ để hiểu thấu đáo lời nói.
Tuy là nhân tố có mặt trong cuộc giao tiếp nhưng nằm ngoài diễn ngôn. Chẳng hạn, khi phân tích
một phát ngôn rất cần thông tin ngữ cảnh để giải thuyết các từ chỉ xuất như bây giờ, ai, tôi, anh,
này, kia… Để giải thuyết các thành tố này ít nhất cần phải biết ai là người nói, người nghe và không
gian, thời gian tạo ra phát ngôn. Hay, nếu không có tri thức về văn hoá, phong tục của người Việt
thì không thể hiểu được câu ca dao: Anh về cuốc đất trồng cau; Để em trồng ké dây trầu một bên có
nghĩa là cô gái đang bày tỏ ý muốn kết duyên vợ chồng với chàng trai. Yếu tố ngữ cảnh giúp người
nghe giải mã chính xác hàm ý câu nói là: trong văn hoá người Việt, trầu cau là lễ vật dùng để cưới
xin. Hoặc, với câu nói Lúc nãy thằng Nam có đến đây, thông thường thì đây được xem là lời thông
báo: người nói thông báo với người nghe về sự việc một người tên Nam đã đến thăm. Nhưng, nếu
trường hợp người tên Nam là chủ nợ của người nghe đã đến đòi nợ nhiều lần mà người nghe không
có khả năng trả nợ thì đây có thể là lời cảnh báo.
Như vậy, tuỳ vào ngữ cảnh mà câu nói được hiểu theo nghĩa nào, hiệu quả tác động đến
người nghe ra sao, đồng thời ngữ cảnh sẽ quy định giải mã câu nói.
1.2.3 Các vấn đề cơ bản của ngữ dụng học
Ngữ dụng học nghiên cứu nhiều lĩnh vực của việc sử dụng ngôn ngữ trong cuộc sống. F.
Armengaud đã nêu ra những vấn đề chủ yếu mà ngữ dụng học nghiên cứu. Sau đây, luận văn sẽ
trình bày khái quát các vấn đề này.
1.2.3.1 Chiếu vật và chỉ xuất
Chiếu vật (reference) là vấn đề thứ nhất của ngữ dụng học.._. Chiếu vật là sự tương ứng của các
yếu tố ngôn ngữ trong diễn ngôn với sự vật, hiện tượng được nói tới trong một ngữ cảnh nhất định.
Tự bản thân mình, từ ngữ không hề chiếu vật. Chỉ có con người mới thực hiện hành vi chiếu vật.
Bằng hành vi chiếu vật người nói đưa sự vật mình định nói tới vào diễn ngôn của mình bằng các từ
ngữ, bằng câu. Chiếu vật là dấu hiệu đầu tiên thể hiện quan hệ giữa ngữ cảnh với diễn ngôn. Có ba
phương thức dùng để chiếu vật là: dùng tên riêng (Hà Nội, Biên Hoà, Trà, My…); dùng miêu tả xác
định (cái lò gạch bỏ không, com mèo đen nhà ông Năm…); dùng chỉ xuất.
Chỉ xuất (deictic) là phương thức chiếu vật bằng ngôn ngữ dựa trên hành động chỉ trỏ. Tất cả
các ngôn ngữ đều có hệ thống từ chuyên chỉ xuất. Đó là các từ chỉ xuất thuộc các từ ngữ như đại từ
(này, kia, ấy, nọ, đó, đây, mày, tao, hắn…), danh ngữ (hôm nay, bây giờ, năm ngoái, lần sau…)…
Tổ hợp có từ chỉ xuất gọi là một biểu thức chỉ xuất. Ba phạm trù chỉ xuất trong ngôn ngữ là phạm
trù chỉ ngôi (nhân xưng), phạm trù chỉ xuất thời gian, phạm trù chỉ xuất không gian.
1.2.3.2 Lí thuyết hành động ngôn từ
Người xây dựng nền móng cho lí thuyết hành động ngôn từ là nhà triết học, ngôn ngữ học
người Anh J. Austin, với công trình “How to do things with words”. Nội dung chủ yếu của lí thuyết
này là: khi con người nói năng, ngôn ngữ mà họ dùng không chỉ là để thông báo hay miêu tả một cái
gì đó mà còn có thể làm cái gì đó, tức là thực hiện một hành động nào đó. Chẳng hạn, khi bác sĩ nói
với bệnh nhân Anh không được hút thuốc nữa, nghĩa là bác sĩ đang dùng ngôn từ để thực hiện một
hành động ngăn cấm. Do đó, có thể dùng lời nói để trần thuật, cầu xin, đề xuất, ra lệnh, doạ nạt,
khuyên, xin lỗi, cảm ơn, chúc mừng…
J.R.Searle, người phát triển lí thuyết hành động ngôn từ của Austin, cho rằng: Trong bản thân
lời nói đã có nghĩa, cho nên khi xét hành động ngôn từ phải xét trên hai bình diện: ý nghĩa và hành
động.
+Bình diện ý nghĩa: xét lời nói độc lập với ngữ cảnh gọi là ý nghĩa của câu. Ngoài ý nghĩa
của câu, lời nói còn có ý nghĩa khác, đó là ý nghĩa tại lời. Ông cho rằng nghĩa của câu có ảnh hưởng
đến sự hình thành nghĩa của lời. (không tách rời nghĩa miêu tả và nghĩa ngữ dụng)
+Bình diện hành động: khi thực hiện hành động ngôn từ là tuân thủ các quy tắc cấu thành của
hành động tại lời.
Theo J. Austin, hành động ngôn từ có ba loại lớn: hành động tạo lời (locutionary act), hành
động tại lời (illocutionary act) và hành động mượn lời (perlocutionary act).
a. Hành động tạo lời là hành động sử dụng các yếu tố ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, ngữ
pháp tạo ra một phát ngôn hoặc câu miêu tả điều mà người phát ngôn nói. Mỗi hành động tạo lời sẽ
tạo ra một mệnh đề có một ý nghĩa xác định.
b. Hành động tại lời (HĐTL), còn gọi là hành động ở lời, là hành động mà người nói thực
hiện đồng thời với lời nói. Gọi là tại lời vì nó nằm ngay trong hành động tạo lời. HĐTL thực hiện
nhờ hiệu lực giao tiếp của phát ngôn. Hiệu lực ấy được gọi là hiệu lực tại lời của phát ngôn. Hiệu
lực tại lời thuộc về ngôn ngữ, nghĩa là nó gây ra một phản ứng ngôn ngữ tương ứng với nó ở người
nhận. Ví dụ: khi thực hiện hành động tạo lời “Tôi xin lỗi anh” thì đồng thời với việc nói ra câu nói
ấy, người thực hiện hành động tạo lời đã thực hiện HĐTL “xin lỗi” và buộc người tiếp nhận phải có
phản ứng bằng “hành động đáp lại”. Hay khi người nói hỏi người tiếp nhận một điều gì đó thì người
tiếp nhận phải có nhiệm vụ trả lời câu hỏi dù trả lời là biết hay không. Không đáp lại sẽ bị xem là
không lịch sự. HĐTL có thể thay đổi tư cách pháp nhân của người đối thoại. Chúng đặt người nói,
người nghe vào những nghĩa vụ và quyền lợi mới so với tình trạng trước khi thực hiện HĐTL. Khi
thực hiện hành động “hứa” thì người hứa bị ràng buộc vào trách nhiệm thực hiện lời hứa còn người
nghe có quyền chờ đợi và thụ hưởng kết quả của lời hứa. Trong giao tiếp có những hành động thể
hiện ngay trong lời nói như hỏi, chào, ra lệnh, yêu cầu, cam kết, hứa… Đỗ Hữu Châu viết: “hành vi
ở lời là những hành vi người nói thực hiện ngay trong khi nói năng. Hiệu quả của chúng là những
hiệu quả thuộc ngôn ngữ, có nghĩa là chúng gây ra một phản ứng ngôn ngữ tương ứng ở người
nhận”. [7-89]
c. Hành động mượn lời là hành động “mượn” phương tiện ngôn ngữ (phát ngôn) để gây ra
một hiệu quả ngoài ngôn ngữ nào đó ở người nghe. Chẳng hạn, giáo viên có thể dùng một thông báo
“Năm ngoái tỉ lệ đậu tốt nghiệp ở trường ta là 50%”, để gây một tâm lí lo sợ và khích lệ sự cố gắng
ở học sinh. Tuy nhiên, có thể đối với những học sinh không quan tâm đến việc học thì hiệu quả này
không xảy ra. Như vậy, hiệu quả mượn lời rất phân tán, không thể tính toán và không có tính quy
ước.
Thực tế nghiên cứu cho thấy: hành động tạo lời thuộc về nghiên cứu của các chuyên ngành
ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp học; hành động mượn lời không có quy luật nghiên cứu, nên không
chuyên biệt ở một ngành khoa học ngôn ngữ nào; HĐTL là hành động có tính quy ước mà quy tắc
vận hành chúng được mọi người trong cộng đồng tuân theo nên nó là đối tượng mà Ngữ dụng học
quan tâm nghiên cứu. Tác giả Đỗ Hữu Châu chỉ ra rằng “nắm được ngôn ngữ không chỉ có nghĩa là
nắm được âm, từ ngữ, câu v.v… của ngôn ngữ đó mà còn là nắm được các quy tắc điều khiển các
hành vi ở lời trong ngôn ngữ đó, có nghĩa là biết các quy tắc để “hỏi”, “hứa hẹn”, “yêu cầu”,
“mời”v.v… sao cho đúng lúc, đúng chỗ cho thích hợp với ngữ cảnh, với người được hỏi v.v.”.[7-
89] Do vậy, chúng tôi sẽ trình bày những vấn đề liên quan đến HĐTL.
d. Phân loại hành động tại lời: Trước J. Austin, nhà triết học Wittgenstein đã liệt kê hàng loạt
các hành động ngôn từ và gọi nó là các trò chơi ngôn ngữ, đã cho rằng không thể phân loại. Austin
dựa vào những động từ ngôn hành tiếng Anh như: deny, confess, order, forbid, warn, suggest,
promise, vow, apologize, thank… (từ chối, thú tội, ra lệnh, cấm, cảnh báo, đề nghị, hứa, thề, xin lỗi,
cám ơn..), thử nghiệm phân loại nhưng không thành công vì kết quả phân loại chồng chéo lên nhau.
J.R.Searle, trong quá trình nghiên cứu, đã nhận thấy rằng có mối quan hệ gần gũi giữa một số
HĐTL. Chẳng hạn, hành động “hứa” giống với hành động “thề hẹn” hơn hành động “yêu cầu”. Và
ông đã xác lập tiêu chí phân loại, phân lập các hành động ngôn ngữ thành những loại có thể tóm tắt
thành bảng sau:
Tiêu chí phân loại
Các kiểu HĐTL
Đích ở lời
Hướng khớp ghép
giữa hiện thực -lời
Trạng thái tâm lí
được biểu hiện
Tái hiện
(Representative)
Miêu tả X Từ hiện thực tới lời
nói
S tin X xác tín
Điều khiển
(Directive)
H có trách nhiệm
thực hiện X
Từ lời nói tới hiện
thực
S mong muốn X
Cam kết
(Commissive)
S có trách nhiệm
thực hiện X
Từ lời nói tới hiện
thực
S có ý định thực
hiện X
Biểu cảm
(Expressive)
S biểu thị trạng
thái tâm lí phù
hợp X
Không có tiêu chí
thích đáng
Thay đổi tuỳ theo
X
Tuyên bố
(Declaration)
Gây ra sự thay
đổi từ X
Vừa từ lời tới thực
tại và ngược lại
Không có đặc
trưng khái quát
(Ghi chú: X: sự việc; S: người nói; H: người nghe)
Khi nghiên cứu HĐTL, các nhà ngôn ngữ học nhận thấy: một phát ngôn không chỉ có một đích ở lời
mà đại đa số phát ngôn đồng thời thực hiện một số hành động.
Xét các phát ngôn sau:
(1) a. Tiến bộ lắm rồi!
b. Bạn có mang bút chì không?
Phát ngôn 1.a có hình thức là một lời khen. Tuy nhiên, nếu đặt nó trong ngữ cảnh: có một cô
bé là học sinh cấp 2 mà quen bạn trai, bố mẹ cô bé biết được và nói với cô bé như thế, thì phát ngôn
trên không phải là lời khen mà là lời trách mắng. Nhưng nếu đặt trong trường hợp một đứa trẻ đang
luyện viết chữ đẹp, mang tập vừa viết cho cô giáo xem, cô giáo nói “Tiến bộ lắm rồi”, thì phát ngôn
có HĐTL là khen ngợi. Phát ngôn 1.b có hình thức hỏi, song nếu là của cô giáo hỏi học sinh khi
chuẩn bị làm bài trắc nghiệm, thì có hiệu lực hỏi trực tiếp, còn nếu cô giáo hỏi khi học sinh đang
làm bài trắc nghiệm thì có thể không phải để hỏi mà là yêu cầu học sinh dùng bút chì làm bài.
Từ thực tế này, Austin và Searle đã đi đến việc phân loại HĐTL thành hai loại: hành động tại
lời trực tiếp (HĐTLTT) và hành động tại lời gián tiếp (HĐTLGT).
- HĐTLTT là hành động tại lời được chỉ định một cách trực tiếp bằng sự biểu thị của từ ngữ
về ý nghĩa tường minh trên cơ sở một dạng thức ngữ pháp nhất định. Ví dụ: “Mời anh vào nhà”,
hành động mời được nhận diện một cách trực tiếp trên bề mặt câu chữ, hoặc ở 1.a, trường hợp cô
giáo khen học sinh “Tiến bộ lắm rồi!”.
- HĐTLGT được thực hiện khi người giao tiếp sử dụng trên bề mặt HĐTL này nhưng lại
nhằm hiệu lực tại lời của một HĐTL khác. J. Searle định nghĩa: Một HĐTL được thực hiện gián tiếp
qua một HĐTL khác sẽ được gọi là một HĐTLGT.
Ví dụ: (2)
a. Anh đồ ơi hỡi anh đồ
Có cơm ăn tấm trộn ngô thì vào?
b. Anh đã có vợ con rồi
Sao anh còn ước hoa hồi cầm tay?
HĐTLTT trong hai phát ngôn (2) đều là hành động hỏi. Ở (2a), mục đích chính của người
phát ngôn không phải là hỏi mà ngầm thực hiện hành động mời và bày tỏ tình cảm, còn ở phát ngôn
(2b) là thực hiện hành động trách cứ. Các hành động “mời”, “bày tỏ”, “trách cứ” đều được xem là
HĐTLGT. Qua ví dụ cũng cho thấy, một HĐTLTT có thể thể hiện một số HĐTLGT. Ngược lại một
HĐTLGT được thông qua các HĐTLTT khác nhau.
Muốn nhận biết được hiệu lực tại lời của HĐTLGT phải nhận biết hiệu lực tại lời của tất cả
các HĐTL. Hiệu lực tại lời được xác định thông qua biểu thức ngôn hành được đánh dấu bằng các
phương tiện chỉ dẫn hiệu lực tại lời: các kiểu kết cấu, quan hệ giữa các thành tố trong cấu trúc, các
nhân tố ngữ cảnh, các từ ngữ chuyên dùng trong biểu thức ngôn hành. Vấn đề xác định HĐTLGT sẽ
được tiếp tục bàn luận ở chương II.
1.2.3.3 Lí thuyết hội thoại
Các nhà ngữ dụng học đặc biệt quan tâm đến vấn đề hội thoại (conversation) vì hoạt động
giao tiếp phổ biến, cơ bản nhất của con người là hội thoại. Hội thoại “là giao tiếp hai chiều, có sự
tương tác qua lại giữa người nói và người nghe và sự luân phiên lượt lời.”[25-64] Hội thoại gồm có
các dạng cơ bản như: song thoại (dialogue) là một cuộc thoại chỉ gồm có hai nhân vật đối đáp với
nhau; tam thoại (trilogue) là hội thoại có ba người và khi có nhiều người tham gia là đa thoại.
Trong phân tích hội thoại cần xác định rõ những vấn đề cơ bản sau:
a. Cuộc thoại (talk) là một lần trao đổi giữa các cá nhân trong một hoàn cảnh giao tiếp xã
hội nào đó. “Để có một cuộc thoại và chỉ có một cuộc thoại, điều kiện cần và đủ là có một nhóm
nhân vật có thể thay đổi nhưng không đứt quãng, trong một khung thời gian – không gian có thể
thay đổi nhưng không đứt quãng, nói về một vấn đề có thể thay đổi nhưng không đứt quãng.”. [7-
298]
Ví dụ: (3) A – Sao bây giờ mới bảo tôi?
B - Thì anh có để tôi nói đâu.
A - Thạc bị giết bằng gì?
B - Bằng một con dao một lưỡi, thứ dao gấp bỏ túi như vẫn bán ở các cửa
hàng.
A – Đâm ở ngực?
B – Không, ở vai…
(Thế Lữ - Gói thuốc lá)
b. Cấu trúc hội thoại
Trong cuộc thoại, mỗi lần nói của một người là một lượt lời. Lượt lời là đơn vị cơ bản của
hội thoại. Trong một lượt lời có thể gồm một hoặc nhiều phát ngôn với chức năng và mục đích khác
nhau và có liên kết chặt chẽ với nhau. Mỗi lượt lời được xây dựng trên cơ sở những lượt lời trước
đó. Vậy là có sự luân phiên lượt lời và nghĩa là cấu trúc của một cuộc thoại là a1b1a2b2a3b3…Cơ chế
của sự luân phiên lượt lời bị chi phối bởi những quy ước đối với việc trao lời, giành lời, nhường lời,
gối lời… Hai lượt lời có liên quan trực tiếp với nhau và đứng kề nhau làm nên một cặp thoại. Trong
một cặp thoại, lượt lời thứ nhất có chức năng định hướng cho lượt lời thứ hai. Nói cách khác khi nói
một điều, người ta dự đoán, chờ đợi một điều khác sẽ xảy ra; khi thực hiện một hành động ngôn
ngữ, người ta chờ đợi một hành động ngôn ngữ đáp ứng. Nghĩa là có sự tác động của hiệu lực tại lời
của hành động ngôn ngữ ở lượt lời thứ nhất lên lượt lời thứ hai.
Ví dụ: (4)
Con: Hôm nay, mẹ có đi chợ không? (hỏi)
Me: Có. (đáp)
Trường hợp mà lượt trao lời của Sp1 phát ra nhưng không có lượt lời đáp lại của Sp2 thì cuộc
thoại đó khó thành. Bởi lẽ, tất cả các hành động ngôn ngữ đều đòi hỏi sự hồi đáp. Sự hồi đáp có thể
thực hiện bằng lời hoặc phi lời như những tác động vật lí của nhân vật hội thoại: gật đầu, khoát tay,
đi thẳng… Sự hồi đáp bằng các hành động ngôn ngữ tương thích với hành động dẫn nhập (trao lời)
tạo thành những cặp hành động ngôn từ như: hỏi - trả lời; chào – chào; đề nghị - đáp ứng; mệnh
lệnh – tuân theo…Mối quan hệ giữa lượt lời dẫn nhập và hồi đáp trong cặp thoại là mối quan hệ
thống nhất chặt chẽ. Cặp thoại được xem là đơn vị lưỡng thoại tối thiểu, cơ sở của hội thoại.
Mỗi cuộc thoại bao giờ cũng có bắt đầu và kết thúc, chúng làm nên ranh giới của cuộc thoại.
Cuộc thoại có thể chứa nhiều chủ đề. Một chủ đề lại có nhiều vấn đề. Tập hợp các lượt lời trao đổi
về một vấn đề sẽ làm thành một đoạn thoại. Do vậy, cấu trúc hội thoại bao gồm các đơn vị như cuộc
thoại, đoạn thoại, cặp thoại .
c. Nguyên tắc hội thoại
Trong hội thoại có những quy tắc nhất định, tuy không được nói ra thành lời nhưng người
tham gia hội thoại cần phải tuân thủ để quá trình giao tiếp đạt hiệu quả. Hầu hết chúng ta khi giao
tiếp đều có khả năng nhận biết khi nào, chỗ nào, quy tắc nào bị vi phạm.
C.K Orecchioni đã chia quy tắc hội thoại thành ba nhóm:
- Các quy tắc điều hành sự luân phiên lượt lời
- Những quy tắc chi phối cấu trúc của hội thoại
- Những quy tắc chi phối quan hệ liên cá nhân trong hội thoại
Về nguyên tắc hội thoại, có hai luận điểm rất đáng quan tâm đó là nguyên tắc cộng tác hội
thoại (co-operative principle) và nguyên tắc lịch sự (principle of politeness).
Trong một cuộc hội thoại, vấn đề là làm sao để người nghe lĩnh hội được ý của người nói.
P.Grice tin rằng phải có một cơ chế chi phối việc sáng tạo và lĩnh hội những phát ngôn ấy. Đó là cái
được gọi là nguyên tắc hợp tác. Nguyên tắc này được ông phát biểu trong công trình “Logic và sự
hội thoại” (1975) như sau:
Hãy làm cho phần đóng góp của mình ở giai đoạn mà cuộc hội thoại được xem xét đúng như
mục đích hay phương hướng mà cuộc thoại đòi hỏi và mình đã chấp nhận tham gia. [dẫn theo 11 -
130]
Nguyên tắc này được cụ thể hoá thành bốn phương châm cơ bản
- Phương châm về chất (the maxim of quality)
+ Đừng nói những điều mà mình tin là sai.
+ Đừng nói những điều mà mình không có bằng chứng chính xác.
- Phương châm về lượng (the maxim of quantity)
+ Hãy làm cho phần đóng góp của mình có lượng tin đúng như nó được đòi hỏi cho mục đích
của cuộc thoại.
+ Đừng đóng góp lượng tin của mình nhiều hơn điều mà cuộc thoại đòi hỏi.
- Phương châm quan hệ (the maxim of relevance)
Hãy đóng góp những điều có liên quan, nghĩa là hãy nói vào đề.
- Phương châm cách thức (the maxim of manner)
Hãy nói cho rõ ràng, đặc biệt là:
+ Tránh tối nghĩa
+ Tránh mơ hồ
+ Nói ngắn gọn
+ Có trật tự, mạch lạc
Những phương châm này, tuy không nói ra lời nhưng được mọi người thừa nhận trong quá
trình giao tiếp. Việc tuân thủ các phương châm hội thoại chính là thể hiện tinh thần cộng tác hội
thoại. Cuộc thoại nào cũng đòi hỏi phải có sự cộng tác cho dù đó là cuộc cãi lộn, gây sự, chửi bới
nhau. Song trong thực tế, người ta luôn có sự vi phạm các phương châm vừa nêu. Người ta có thể
không tuân thủ các phương châm do thiếu văn hoá giao tiếp; do giữ phép lịch sự; do cố ý để người
nghe hiểu theo hàm ý nào đó…
Lịch sự là một nhân tố có ảnh hưởng to lớn đến các phát ngôn trong quá trình giao tiếp và
hiệu quả giao tiếp. Do vậy, nhiều nhà ngôn ngữ học đã xem lịch sự là một nguyên tắc hội thoại quan
trọng.
Lịch sự, theo quan niệm của các nhà văn hoá, là môt chuẩn mực xã hội, tức là, hành vi xã hội
có lễ độ hay phép xã giao trong phạm vi văn hoá. Trong giao tiếp, con người phải nói năng sao cho
phù hợp với vị thế xã hội, hoàn cảnh giao tiếp. Các nhà nghiên cứu ngữ dụng học nhìn nhận lịch sự
dưới góc độ của sự cộng tác hội thoại, như một phương châm hội thoại, một hành động giữ gìn thể
diện trong hội thoại. Hiện nay, nói đến nguyên tắc lịch sự là nói tới khái niệm “thể diện” và “giữ thể
diện” trong hội thoại. Khái niệm này được Brown và Levinson định nghĩa là: hình ảnh bản thân
trước công chúng của một cá nhân mà mỗi cá nhân muốn mình có được. (“Face” the public self-
image that every number wants to claim for himself). Theo G.Yule: “Bên trong một cuộc tương tác,
lịch sự được định nghĩa như là phương diện dùng để chứng tỏ sự nhận thức được thể diện của
người khác.” [101-119] Còn Nguyễn Thiện Giáp viết: “Thể diện là hình ảnh bản thân trước công
chúng của một cá nhân, nó liên quan đến ý thức xã hội và tình cảm mà mỗi cá nhân có và mong
muốn người khác tri nhận.” [25-104] Theo nghĩa này, lịch sự được hiểu là người nói phải có giải
pháp sử dụng ngôn từ để bảo toàn được thể diện của những người tham gia giao tiếp.
Thể diện (face) được Brown và Levinson phân biệt thành hai phương diện: thể diện âm tính
(negative face) và thể diện dương tính (positive face).
Thể diện dương tính là những điều mà mỗi người muốn mình được khẳng định, được người
khác ưa thích, tôn trọng, tán thưởng, đánh giá cao.
Thể diện âm tính là những điều mà mỗi người muốn mình không bị ai cản trở trong hành
động, muốn được tự do hành động theo cách mình lựa chọn. Vậy là, mỗi người có một không gian
cá nhân, bao gồm cả thể xác và tâm hồn, không ai được xâm phạm như cơ thể, những vật dụng riêng
tư, niềm tin, suy nghĩ, sự yêu thích… Thể diện âm tính tương ứng với thuật ngữ “lãnh địa” của
Goffman.
Như vậy, lịch sự trong hội thoại có thể được hiểu là những phương thức dùng để tỏ ra rằng
thể diện của người đối thoại được mình thừa nhận và tôn trọng.
Trong giao tiếp, nếu một người nói ra cái gì đó có dấu hiệu làm tổn hại về mặt thể diện của
người đối thoại hoặc chính mình thì đó là hành động đe doạ thể diện. Ngược lại, nếu nói thế nào
làm giảm khả năng đe doạ thể diện hoặc đề cao thể diện thì đó là hành động giữ gìn thể diện.
Ví dụ: (5) Quan sát cặp thoại sau:
Chàng trai: Gánh nặng mà đi đường dài,
Để anh gánh đỡ một vai nên chồng.
Cô gái: Gánh nặng thì chị trả công,
Mặt em chẳng đáng làm chồng chị đâu.
Trong câu nói của mình, chàng trai đã đưa ra hai yêu cầu “gánh giúp” và “làm chồng”. Nghĩa
là, chàng trai muốn can thiệp vào sự tự do hành động của cô gái, cho rằng cô gái không có khả năng
thực hiện hành động và thể hiện sự yêu thương đối với cô gái. Như vậy, chàng trai đã đồng thời vừa
thực hiện hành động đe doạ thể diện cô gái vừa giữ gìn thể diện của mình (chàng trai đề cao mình).
Tương tự câu nói của chàng trai, câu trả lời của cô gái là sự từ chối việc “làm chồng” và đề
nghị trả công việc “gánh giúp”, nghĩa là thực hiện hành động đe doạ thể diện chàng trai và khẳng
định thể diện của mình.
Tóm lại, lịch sự trong giao tiếp nghĩa là cách ứng xử bằng ngôn ngữ một cách khéo léo, có
chiến lược nhằm giữ thể diện và tránh đe doạ thể diện của người tham gia giao tiếp và đảm bảo
được tính văn hoá. Quy tắc lịch sự đề cập đến quan hệ liên cá nhân trong hội thoại.
1.2.3.4 Lí thuyết lập luận
Trong đời sống, con người luôn cần tới lập luận để chứng minh, giải thích, bác bỏ một vấn đề
nào đó hoặc thuyết phục người khác tin một điều gì đó. Do đó, ngay từ thời cổ đại, lập luận đã được
các học giả nghiên cứu, xem nó là một lĩnh vực của “thuật hùng biện” - một nghệ thuật nói năng.
Trong những công trình nghiên cứu về lập luận từ trước đến nay, đáng chú ý là công trình của hai
tác giả người Pháp J.Anscombre và O.Ducrot bàn về lí thuyết lập luận trong ngôn ngữ học. Có thể
nói lập luận là một vấn đề quan trọng trong hoạt động giao tiếp.
a. Khái niệm
Lập luận là một hoạt động ngôn từ. Bằng công cụ ngôn ngữ, người nói đưa ra những lí lẽ
nhằm dẫn dắt người nghe đến một hệ thống xác tín nào đó: rút ra một (/một số) kết luận hay chấp
nhận một (/một số) kết luận nào đó. [11 -165] Ta có thể biểu diễn mối quan hệ giữa các phát ngôn
trong lập luận là p (lí lẽ) r (kết luận). Chẳng hạn, Chiếc xe máy này là hàng Trung Quốc đấy (p)
Đừng mua nó (r).
Trong hoạt động ngôn từ, có những biểu thức ngôn ngữ định hướng cho một kết luận nào đó.
Nghĩa là ngoài nghĩa văn bản ngôn ngữ còn có tiềm năng ngữ nghĩa tạo ra chuỗi liên kết trong phát
ngôn.
Ví dụ: (6)
Vợ anh như ngọc như ngà,
Anh còn chẳng chuộng nữa là thân tôi.
Từ câu nói ví dụ (6), ta đi đến lập luận: Vợ anh giàu đẹp như vậy mà anh còn không yêu. Tôi
không bằng vợ anh thì làm sao anh yêu tôi được. Ta có được lập luận này nhờ vào biểu thức ngôn
ngữ “A còn chẳng x nữa là B”. Như vậy, biểu thức trên cho phép ta tạo ra lập luận “A đã chẳng
được x thì B cũng chẳng được x”.
Lập luận còn có thể được định nghĩa là “một hoạt động - một thao tác – ngôn ngữ, qua đó
người nói đưa ra một hay một số phát ngôn làm luận cứ mà cấu trúc ngôn ngữ và nội dung của
chúng đưa người nghe tới những chuỗi liên kết dẫn tới một kết luận nào đó”. [11 – 167]
b. Một số khái niệm quan trọng trong lập luận
b.1) Luận cứ (lí lẽ) là các dữ kiện xuất phát làm căn cứ cho lập luận, từ đó suy ra kết luận.
Luận cứ có thể là một thông tin miêu tả, một định luật, một nguyên tắc ứng xử đời thường…
Ví dụ: (7)
Chiếc xe máy này hàng Trung Quốc đấy (p1) mà hàng Trung Quốc không tốt (p2) Anh
đừng mua nó (r).
Ở ví dụ (7), ta có (p1) là thông tin miêu tả, (p2) là nguyên tắc ứng xử đời thường.
b.2) Tác tử lập luận là những yếu tố tác động vào phát ngôn sẽ tạo ra một định hướng nghĩa
làm thay đổi tiềm năng lập luận của phát ngôn, độc lập với thông tin miêu tả vốn có của phát ngôn.
Ví dụ: (8) ta có thông tin miêu tả:
Chiếc áo này giá hai trăm ngàn đồng.
Nếu ta đưa tác tử những…đấy hoặc chỉ vào thì sẽ có:
(8a) Chiếc áo này giá những hai trăm ngàn đồng đấy.
(8b) Chiếc áo này giá chỉ hai trăm ngàn đồng.
Câu (8a) sẽ định hướng kết luận là “không nên mua”. Do từ “những” thể hiện thái độ đánh
giá của người nói là “cao”, “đắt” và có thể làm luận cứ cho lập luận “không ai muốn mua đắt một
vật gì”. Ngược lại câu 8.b sẽ dẫn đến kết luận “nên mua”.
b.3) Kết tử lập luận là những yếu tố (liên từ, tình thái từ, từ biểu hiện quan hệ mục đích, trạng
từ, trạng ngữ…) tác động vào một hoặc nhiều phát ngôn làm thành một lập luận. Nhờ kết tử mà các
phát ngôn trở thành luận cứ hay kết luận của lập luận.
Ví dụ: (9)
(9a) Chiếc áo này giá chỉ hai trăm ngàn nên tôi mua nó.
(9b) Anh giơ súng bắn và con gấu ngã gục.
(9c) Vì em nhan sắc nên lòng anh thương.
Các từ nên, và, vì..nên trong ví dụ 9 là các kết tử lập luận nối liền luận cứ với kết luận.
Cần lưu ý là có những lập luận vắng kết tử mà luận cứ và kết luận vẫn có thể liên kết với
nhau. Chính quan hệ logic ngữ nghĩa giữa hai câu làm nên liên kết. điều này thể hiện ở cách tổ chức
những hành động ngôn ngữ kèm theo lập luận. Chẳng hạn, Mống đông, vồng tây, chẳng mưa dây
cũng bão giật.
c. Đặc tính của quan hệ lập luận
Trong lập luận có quan hệ giữa luận cứ với luận cứ, giữa luận cứ với lập luận. Quan hệ giữa
các luận cứ có thể là đồng hướng hoặc nghịch hướng với nhau. Quan hệ đồng hướng xảy ra khi các
luận cứ cùng dẫn đến một kết chung. Ngược lại, khi luận cứ này hướng đến kết luận này mà luận cứ
kia lại hướng tới phủ định kết luận trên thì chúng là quan hệ nghịch hướng lập luận. Luận cứ có hiệu
lực lập luận khác nhau. Kết luận trong lập luận sẽ do luận cứ có hiệu lực mạnh nhất quyết định.
Hiệu lực của luận cứ không chỉ phụ thuộc vào nội dung luận cứ mà còn phụ thuộc vào vị trí của
luận cứ trong lập luận.
Ví dụ:
Chiếc xe này rẻ, anh vừa mới lãnh lương mua đi. (đồng hướng)
Chiếc xe này rẻ nhưng anh không có tiền đừng mua. (nghịch hướng)
Anh không có tiền nhưng chiếc xe này rẻ mua đi. (nghịch hướng)
d. Lập luận là một hành động tại lời
O.Ducrot đã khẳng định: lập luận là một HĐTL. Hành động lập luận làm thay đổi tư cách
pháp nhân của người lập luận và người tiếp nhận lập luận. Khi đưa ra một lập luận, người lập luận
phải tin và chịu trách nhiệm về các luận cứ và kết luận mà mình đưa ra. Người tiếp nhận đang ở
trạng thái vô can chờ kết luận. Khi nói ra một phát ngôn, người nói ít khi dừng lại ở mức miêu tả chỉ
để miêu tả mà bao giờ cũng đi đến một cái gì khác nữa, để đi tới một kết luận. Nói ra một phát ngôn
mà không đi tới kết luận sẽ dẫn đến người nói và người tiếp nhận không thoả mãn, có khi không nén
được họ lại đặt ra câu hỏi. Việc đặt câu hỏi như thế khiến cho người nói và người nghe có sự thay
đổi tư cách pháp nhân. Ví dụ trước câu nói của chàng trai trong ca dao:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin.
Cô gái có thể hỏi chàng trai: Anh muốn gì đây? nếu cô ta khó chịu, hay Anh muốn nói gì với
em nè? nếu cô ta có cảm tình. Rõ ràng lập luận có thể gây một phản ứng ngôn ngữ ở người nhận.
1.2.3.5 Nghĩa hiển ngôn và nghĩa hàm ẩn
a. Định nghĩa
Hầu hết các nhà ngôn ngữ học đều cho rằng nghĩa hiển ngôn là nghĩa hiện rõ từ hình thức bề
mặt của phát ngôn, còn nghĩa hàm ẩn là nghĩa không hiện ra ngay trên bề mặt phát ngôn.
P.Grice, nhà nghiên cứu đã xây dựng những cơ sở quan trọng đầu tiên cho việc nghiên cứu
nghĩa hàm ẩn nói: nói một cách hiển ngôn là “nói một điều gì đó”, nói một cách hàm ẩn là “làm cho
ai đó nghĩ đến một điều gì đó” hay “những ý định thông báo cho người đối thoại biết mà vì lí do nào
đó không nói ra một cách tường minh”. Theo đó, ông còn phân biệt hai loại ý nghĩa hàm ẩn là nghĩa
hàm ẩn tự nhiên và nghĩa hàm ẩn không tự nhiên giúp loại bỏ những nghĩa hàm ẩn ngẫu nhiên
không nằm trong ý định của người nói.
Cao xuân Hạo cũng cho rằng: “Mỗi câu nói đều truyền đạt đến người nghe một thông báo
nhất định. Thông báo này gồm hai phần. Phần thứ nhất là những gì người nghe có thể trực tiếp nhận
ra nhờ nghĩa nguyên văn (gồm có nghĩa đen và một số nghĩa bóng quen thuộc) của những từ ngữ có
mặt trong câu và nhờ những mối quan hệ cú pháp giữa những từ ngữ ấy: đó là nghĩa hiển ngôn của
câu nói. Phần thứ hai là những gì không có sẵn trong nghĩa nguyên văn của các từ ngữ và trong
những mối quan hệ cú pháp ấy, nhưng vẫn thấu đến người nghe thông qua một sự suy diễn: đó là
nghĩa hàm ẩn của câu nói.” [29-468]
Đỗ Hữu Châu thì dùng thuật ngữ nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn. Nghĩa tường minh, còn
gọi là hiển ngôn hay nghĩa theo câu chữ của phát ngôn, là ý nghĩa được nói ra trực tiếp nhờ các yếu
tố ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, kết cấu cú pháp. Nghĩa hàm ẩn là các ý nghĩa mà chúng ta phải
dùng thao tác suy ý dựa vào ngữ cảnh, ngôn cảnh và các quy tắc điều hành hành vi ngôn ngữ, điều
khiển lập luận… mới có được. [7-359]
Như vậy, có thể nói nghĩa hàm ẩn là đối tượng nghiên cứu của dụng học. Tuy nhiên, chúng ta
không thể nghiên cứu hết tất cả những nghĩa có được từ thao tác suy ý nên cần phải có sự phân loại.
b. Phân loại ý nghĩa hàm ẩn
P.Grice phân chia các ý nghĩa hàm ẩn thành hai loại: hàm ẩn quy ước và hàm ẩn hội thoại.
Hàm ẩn quy ước là những nghĩa hàm ẩn được diễn đạt bởi các tín hiệu quy ước - tức các yếu
tố thuộc cấu trúc hình thức của ngôn ngữ. Để nắm bắt được, người nghe phải suy ý từ ý nghĩa của
các phương tiện ngôn ngữ này đó chính là các từ, các ngữ hoặc do cấu trúc câu.
Hàm ẩn hội thoại thì không được gợi ra do các yếu tố quy ước mà do cách vận dụng nguyên
tắc cộng tác hội thoại và các phương châm hội thoại. Từ hàm ẩn hội thoại, Grice lại chia thành hai
kiểu: hàm ẩn khái quát và hàm ẩn đặc thù.
Hàm ẩn khái quát là nghĩa hàm ẩn không bị chi phối bởi ngữ cảnh giao tiếp; người nói vẫn
tôn trọng phương châm và các nguyên tắc cộng tác hội thoại.
Hàm ẩn đặc thù là nghĩa hàm ẩn mà người nói cố tình vi phạm một hoặc một số phương
châm hội thoại để tạo ra chúng; người nói buộc người nghe phải vận dụng các thao tác suy ý để đạt
tới một ý nghĩa nào đó.
Kế thừa thành tựu của các nhà ngôn ngữ học, đặc biệt là Grice, Đỗ Hữu Châu đã đưa ra tiêu
chí phân loại và tiến hành phân loại.
Hai tiêu chí phân loại là:
(1)- Bản chất của chúng (ngữ nghĩa hay ngữ dụng)
(2) - Chức năng của chúng trong diễn ngôn (là đối tượng hay không phải đối tượng của diễn
ngôn)
Xét theo (1) nghĩa hàm ẩn được chia thành: ý nghĩa hàm ẩn nghĩa học và ý nghĩa hàm ẩn
dụng học.
Ý nghĩa hàm ẩn nghĩa học là ý nghĩa hàm ẩn có quan hệ với nội dung mệnh đề đó. Ý nghĩa
này chỉ có quan hệ với các nhân tố ngôn ngữ biểu thị nội dung mệnh đề.
Ý nghĩa hàm ẩn ngữ dụng là những ý nghĩa hàm ẩn có quan hệ với các quy tắc ngữ dụng học
như các quy tắc chiếu vật, quy tắc lập luận, các hành vi ngôn ngữ, các quy tắc hội thoại…
Trong số những ý nghĩa hàm ẩn (nghĩa học và dụng học) có thể tách thành hai loại: tiền giả
định và hàm ngôn.
Xét theo (2), tương tự như Grice, ý nghĩa hàm ẩn được phân biệt thành: ý nghĩa hàm ẩn tự
nhiên và ý nghĩa hàm ẩn không tự nhiên. Grice xác định ý nghĩa hàm ẩn không tự nhiên (KTN) là
nó phải nằm trong ý định của người nói và cái ý định đó phải được người nghe nhận biết.
c. Cơ chế tạo ra các nghĩa hàm ẩn
Nghĩa hàm ẩn là các ý nghĩa mà chúng ta phải dùng thao tác suy ý dựa vào các quy tắc ngữ
dụng. Nếu ta áp dụng các quy tắc này chuẩn mực thì chỉ tạo ra nghĩa tường minh. Muốn tạo ra được
nghĩa hàm ẩn, người nói một mặt phải tôn trọng các quy tắc này và giả định người nghe cũng hiểu
chúng. Một mặt lại cố tình vi phạm chúng và giả định rằng người nghe cũng ý thức được chỗ vi
phạm đó.
Ví dụ: (10)
Bao giờ rau diếp làm đình
Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta.
Người nói cố tình vi phạm nguyên tắc cộng tác hội thoại, cụ thể vi phạm phương châm về
chất, để tạo hàm ý.
d. Vấn đề tiền giả định và hàm ngôn (hàm ý)
Theo Cao Xuân Hạo, tiền giả định của một câu nói là một điều gì phải được giả định là đã có
trước khi nói câu đó, vì nếu không có điều này thì không thể nói câu đó được (câu nói đó sẽ trở
thành phi lí hoặc không thể hiểu được). Còn hàm ý là một điều gì đó mà khi nghe câu đó, người
ng._.ây,
Vợ anh còn, con anh có, còn thương gió nhớ mây cái nỗi gì? [3-372]
278. Tay cầm cành bứa lệ ứa hàng hàng,
Thuở xuân xanh sao không gặp,
Đến lúc hoa tàn mới gặp nhau. [1-115]
279. Tay cầm quyển sách bìa xanh,
Xem trong số mệnh, tuổi anh hợp nàng.
Tay cầm quyển sách bìa vàng,
Xem trong số mệnh, tuổi nàng hợp anh. [2-400]
280. Tay em tay bạc tay vàng,
Sao chàng không chuộng, chuộng nàng tay không? [3-375]
281. Tằm ơi say đắm nơi đâu,
Mà tằm bỏ nghĩa cành dâu không nhìn? [2-402]
282. Tham vàng bỏ ngãi anh ơi!
Vàng thì ăn hết ngãi tôi vẫn con. [403]
283. Thân anh như phụng lạc bầy,
Thấy em lẻ bạn anh muốn gầy duyên loan. [1-117]
284. Thân em như đóa hoa rơi,
Phải chăng chàng thật là người yêu hoa? [2-412]
285. Thân em như cái sập vàng,
Chúng anh như mảnh chiếu rách giữa đàng bỏ quên.
Lạy trời cho cả gió lên,
Cho manh chiếu rách trải trên sập vàng. [2-411]
286. Thấy anh em cũng muốn theo,
Em sợ anh nghèo anh bán em đi.
Lấy anh em biết ăn gì,
Lộc sắn thì chát, lộc si thì già.
Lấy anh không cửa không nhà,
Không cha không mẹ biết là cậy ai. [1-118]
287. Thấy em, anh cũng muốn thương,
Nước thì muốn chảy nhưng mương chẳng đào.
Em về lo liệu thế nào,
Để cho nước chảy lọt vào trong mương. [2-419]
288. Thấy anh có một mẹ già,
Muốn vô nuôi dưỡng biết là đặng không? [3-379]
289. Thèm trầu mà chẳng dám xin,
Thương em mà chẳng dám nhìn mặt em. [1-122]
290. Thiếp chờ chàng ba bốn năm ni,
Chờ không thấy bạn thiếp phải ra đi lấy chồng. [2-421]
291. Thiếp gặp chàng vào hội không may,
Vô duyên giặt áo phải ngày trời mưa. [1-123]
292. Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây,
Như con chèo bẻo xa cây măng vòi. [1-124]
293. Thôi đây anh không giận thì đó em cũng chớ hờn,
Kiếp tái sanh sẽ nối phiếm đờn tri âm. [3-384]
294. Thôi thôi đã lỡ nước cờ.
Có thương xin hãy đợi chờ kiếp sau. [3-384]
295. Thuyền đây nhớ bến vô cùng,
Ngặt vì đồn bót ngại ngùng khó qua.
Thuyền đây ý cũng muốn qua,
Thuế má đóng đủ, gẫy cha... cái cột buồm. [1-125]
296. Thuyền rồng bất ngãi bỏ trôi,
Đò ngang có ngãi ta ngồi đò ngang. [1-128]
297. Thuyền sao chẳng bẻ lái cho,
Thuyền còn lơ lửng để chờ đợi ai? [1-128]
298. Thương ai chẳng nói khi đầu,
Để cho thầy mẹ ăn trầu người ta. [2-432]
299. Thương anh lắm lắm nhiều nhiều,
Còn anh thương lại bao nhiêu mặc lòng.[2-434]
300. Thương chi thương cũng uổng công,
Chừng nào thiệt vợ thiệt chồng hãy thương. [3-388]
301. Thương em không lấy được em,
Anh về ở vậy chẳng thèm lấy ai. [2-437]
302. Thương thì mở nắp bưng cơi,
Không thương đặt xuống cho người khác bưng. [2-440]
303. Tôi thương anh Sáu, sợ mất lòng anh Năm,
Thôi thà thương hết đồng tâm hai người. [3-395]
304. Tiếc công anh đóng giá chờ gàu,
Đó đã phụ khó tham giàu thì thôi. [1-129]
305. Trách ai đem khóa rẽ chìa,
Vu oan giá họa mình lìa tôi ra. [3-399]
306. Trách cha trách mẹ em lầm,
Cho nên em phải khóc thầm hôm mai.
Trách chàng chẳng dám trách ai,
Trách chàng chè nụ hoa nhài không thơm. [2-452]
307. Trách lòng em bậu đãi đưa,
Gạt anh dãi nắng dầm mưa nhọc nhằn. [3-400]
308. Trách lòng tham đó bỏ đăng,
Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn. [3-400]
309. Trách người quân tử bạc tình,
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao. [2-455]
310. Trăng lên khỏi núi trăng tròn,
Em bao nhiêu tuổi mà giòn thế em? [1-138]
311. Trăng lên khỏi núi khuất bụi chuối con trăng mờ,
Anh biết em bao nhiêu tuổi mà đợi chờ cho uổng công. [2-466]
312. Trăng thanh nguyệt rạng mái đình,
Chén son chưa cạn sao tình đã quên? [1-138]
313. Trăng lên con nước rong đầy,
Anh đừng đến nữa má rầy khổ em. [1-138]
314. Trầu này têm tối hôm qua,
Giấu cha, giấu mẹ đem ra cho chàng..
Trầu này không phải trầu hàng,
Không bùa, không thuốc, sao chàng không ăn?
Hay là chê khó chê khăn.
Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu.
315. Trèo lên cây khế giữa nửa ngày,
Ai làm chua xót lòng này khế ơi!
Mặt trăng sánh với mặt trời,
Sao hôm sánh với sao mai chằng chằng.
Mình ơi có nhớ ta chăng?
Ta như sao vượt chờ trăng giữa trời. [1-144]
316. Tua rua đã xế ngang đầu,
Em còn ở lại làm giàu cho cha.
Giàu thì chia bảy chia ba,
Phận em là gái được là bao nhiêu? [1-147]
317. Vàng rơi xuống chiếu, sợi chỉ điểu ân tình,
Mình xa tôi tôi nhớ, sao tôi xa mình, mình quên? [3-413]
318. Vợ anh như ngọc như ngà,
Anh còn chẳng chuộng nữa là thân tôi.
Vợ anh như thể đĩa xôi,
Anh còn phụ bạc, nữa tôi cơm đùm. [1-150]
319. Xa xôi chi đó mà lầm,
Phải hương hương bén, phải trầm trầm thơm. [2-512]
320. Xin đừng phụ thiếp làm chi,
Thiếp như cơm nguội đợi đỡ khi đói lòng. [2-514]
B. Ca dao có hai lượt lời
1. Ai về nhắn nhủ ông câu,
Cá ăn thì giật, để lâu mất mồi.
- Mất mồi này ta câu mồi khác,
Cá biển hồ xao xác thiếu chi? [4-203]
2. Anh cầm cổ tay, anh chỉ cổ tay,
Ngày xưa em trắng sao rày em đen?
- Bởi chưng em lấy chồng hèn,
Mò cua bắt ốc em đen thế này. [4-203]
3. Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở,
Anh đến tìm đò thì đò đã sang sông,
Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng.
Em yêu anh như rứa có mặn nồng chi mô?
- Hoa đến kỳ thì hoa phải nở,
Đò đã đầy thì đò phải sang sông,
Đến duyên thì em phải lấy chồng.
Em yêu anh như rứa đó còn mặn nồng thì tùy anh. [web]
4. Anh đồ ơi hỡi anh đồ,
Có cơm ăn tấm trộn ngô thì vào?
- Cơm tấm còn đãi dưới ao,
Ngô thì chưa bẻ anh vào làm chi? [1-12]
5. Anh đi ghe rổi chín chèo,
Bởi anh thua bạc nên nghèo nợ treo.
- Nợ treo mặc kệ nợ treo,
Em bán bánh bèo trả nợ nuôi anh. [1-14]
6. Anh đi lấy vợ cách sông,
Để tôi lấy chồng cách ngõ anh ra.
- Có lấy thì lấy xa xa,
Đừng lấy trước ngõ anh ra anh buồn. [1-15]
7. Anh ngồi bờ cỏ xót xa,
Vô đây em trải chiếu hoa cho ngồi.
- Chiếu hoa để cha mẹ em ngồi,
Phận anh là rể không dám ngồi chiếu hoa.
Tới đây ngồi tạm lá dừa
Chiếu trải mặc chiếu anh chưa dám ngồi. [4-96]
8. Anh như cây gỗ xoan đào.
Em như câu đối dán vào nên chăng?
- Em như cây kiểng trong chùa,
Anh như con bướm, đậu nhờ nên chăng? [4-96]
9. Anh xích lại đây, anh dịch lại đây,
Chiếu hoa em trải, ghế mây anh ngồi.
- Anh xích lại rồi, anh dịch lại rồi,
Chiếu hoa em trải, ghế ngồi anh đâu? [4-99]
10. Anh về chi nữa anh ơi,
Ở đây em dạm một mơi thanh nhàn.
- Anh về chẻ nứa đan sàng,
Bện dây đan võng cho nàng ru con.[1-2]
11. Anh về thắc rế kim cang,
Bán đôi đũa bếp cưới nàng còn dư.
- Anh về bán ruộng cây da,
Bán cặp trâu già, chẳng cưới được em.[1-24]
12. Anh về mua lụa bọc trời,
Mua thuyền chở núi, em thời theo ngay.
- Anh nỏ mua lụa mà mất nhiều tiền,
Anh sai người thổi gió mây lên che trời. [4-98]
13. Anh về xẻ ván cho dày,
Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang.
- Thầy mẹ sang em cũng theo sang.
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo. [1-24] Anh về xẻ ván cho dày,
Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang.
- Thầy mẹ sang em cũng theo sang.
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo. [1-24]
14. Anh về ráng học chữ nhu,
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.
- Anh gắng công anh học, chứ đâu có để bơ thờ,
Ở nhà em gìn giữ, chớ em hững hờ, chắc anh xa. [4-98]
15. Anh về sao được mà về,
Dây giăng tứ phía tính bề ngăn anh.
- Dây giăng mặc kệ dây giăng,
Ông tơ, bà nguyệt, đón ngăn cũng về. [4-98]
16. Anh ra về, em cũng muốn về theo,
Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm.
- Đá dăm anh đã lượm rồi.
Truông kia cát nóng, anh đã bồi đất thêm. [4-97]
17. Anh về anh cạo râu đi,
Mai sau trẻ lại anh thì đến chơi.
- Tức cái phận, giận cái duyên,
Ba cái râu mọc sớm để gái thuyền quyên giày vò. [4-205]
18. Anh về bên ấy mấy đò,
Mấy cầu mấy quán, em cho mượn tiền.
- Anh về bên ấy đàng liền,
Không cầu không quán mượn tiền làm chi? [4-205]
19. Anh về để áo lại đây,
Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng.
- Đêm khuya em tạm đắp mền bông.
Để áo anh mặc, về không mẹ rầy. [1-21]
20. Anh về chẻ lạc bó tro,
Rán sành ra mỡ em cho làm chồng.
- Em về đục núi lòn qua,
Vắt cổ chầy ra nước, thì ta làm chồng. [4-205]
21. Anh về kiếm vảy con cá trê vàng,
Kiếm gan con tép bạc thì nàng theo không.
- Em về tìm vú con công,
Tìm đuôi con cóc, mới hòng theo anh.[3-173]
22. Áo anh rách miếng bên vai,
Cậy nàng vá giúp để mai đi làm.
- Anh về sắm bạc cùng vàng,
Sắm cho đủ lễ đến đây nàng vá cho.[1-25]
16. Áo vá quàng xiên xiên mũi mác
Con gái đất này bạc ác khó ve.
- Nói chi cao cách khó nghe,
Ngọc vàng khó kiếm, củi tre thiếu gì? [4-206]
17. Áo vắt vai đi đâu hăm hở,
Em có chồng rồi mắc cở lêu lêu.
- Áo vắt vai anh đi thăm ruộng,
Anh cũng có vợ rồi chẳng chuộng bậu đâu. [3-176]
18. Ba năm tượng rách còn thờ,
Hường nhan như bậu ngó bề đứng côi.
- Anh đừng nói vậy anh ơi,
Hình dáng khô héo có đôi ba người.[3-178]
19. Bây giờ em mới hỏi anh,
Trầu vàng nhá với cau xanh thế nào?
- Cau xanh nhá với trầu vàng,
Tình anh sánh với duyên nàng đẹp đôi.[2-53]
20. Bây giờ mận mới hỏi đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
- Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào![2-54]
21. Bấy lâu còn lạ chưa quen,
Hỏi hồ đã có hoa sen chua hồ?
- Hồ còn leo lẻo nước trong,
Bấy lâu chỉ dốc một lòng đợi sen! [2-56]
22. Bấy lâu anh mắc công chi,
Để em nhắn gửi thư đi từ về?
- Bấy lâu anh mắc cấy cầy,
Trồng khoai trỉa đỗ, lâu ngày nhớ em. [4-101]
23. Búp sen lai láng giữa hồ,
Anh đưa tay bẻ, sợ trong chùa có sư.
- Có sư thì mặc có sư,
Anh đưa tay ra bẻ, có hư em đền. [4-102]
24. Bửa ni anh mới tới nhà,
Hỏi chàng coi thử ở xa hay gần?
- Trước Lam Thủy, sau Hồng sơn,
Nhà nào đọc sách gảy đờn nhà anh. [4-102]
25. Bướm đeo dưới dạ cây bần,
Anh muốn vào kết nghĩa châu trần nên chăng?
- Em còn bán tín bán nghi,
Chưa đem vào dạ, chưa ghi vào lòng. [4-207]
26. Cách nhau có đó với đây,
Biết là xe mấy lần dây cho liền.
- Xe mãi cũng liền, nối mãi cũng liền,
Chỉ e em có chồng riêng ở nhà. [4-103]
27. Cau già quá lứa bán buôn,
Em già quá lứa có buồn không em?
- Cau già quá lứa bửa phơi,
Em già quá lứa có nơi đợi chờ.[2-75]
28. Cửa nhà gia thế, thế nao?
Răng ở đây anh ở lân la không về?
- Có gà diều mới lượn quanh,
Vì em, anh phải tu hành xóm ni.[1-29]
29. Cha tôi già mẹ tôi yếu, con tôi còn nhỏ xíu mắc nợ tứ giăng,
Muốn mượn anh vô trả thế, sợ anh nói nợ không ăn anh phiền.
- Thương em rồi anh dẹp lấy ưu phiền,
Nợ tào khang nặng nhất, đâu phải vì bạc tiền em ơi! [3-212]
30. Cha mẹ bậu thách cưới một trăm,
Qua đi chín chục thêm trăm đi ngoài.
Cha mẹ bậu thách cưới đôi hoa tai,
Qua ra thợ bạc, đánh hai đôi liền.
- Trăm quan thử hỏi mấy tiền,
Nghìn xưa ai có mua duyên bằng tiền. [4-208]
31. Chiếc tàu Nam Vang chạy ngang Cồn Cát,
Xuồng câu tôm đậu sát nhành da,
Thấy em có chút mẹ già,
Muốn vô hoạn dưỡng biết là đặng không? [3-217]
- Chiếc tàu Nam Vang đậu ngang Cồn Cát,
Xuồng câu tôm dậu sát mé bờ,
Biểu anh cưới vợ đừng chờ,
Em còn ở vậy cha mẹ nhờ đôi năm. [3-217]
32. Chiều chiều bướm đậu vườn hoa,
Có cho bướm đậu hay lùa bướm đi?
- Bướm đậu ai dám lùa đi,
Vườn hoa thêm đẹp, người thì có đôi. [4-109]
33. Chim khôn mắc phải lưới hồng,
Ai mà gỡ được đền công lạng vàng.
- Đền vàng anh chẳng lấy vàng,
Lòng anh chí quyết lấy nàng mà thôi. [4-110]
34. Chờ anh em hết sức chờ,
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông.
- Rau muống trổ bông lên bờ nó trổ.
Ai biểu anh chờ, mà anh giở công ơn? [3-226]
35. Có trầu cho miếng đỏ môi,
Có rượu cho chén thêm tươi má hồng,
- Trầu cũng sẵn đây, thuốc cũng sẵn đây
Nhân duyên chưa định, miếng trầu này chưa trao. [4-210]
36. Cô kia má đỏ hồng hồng,
Dừng tay tôi hỏi có chồng hay chưa?
- Có chồng năm ngoái năm xưa,
Năm nay chồng bỏ như chưa có chồng.[web]
37. Cô kia xách giỏ đi đâu?
Cho tôi gửi trầu cô xách giùm tôi.
- Trầu anh trầu đắng trầu nồng,
Em không dám nhận sợ chồng em ghen. [4-211]
38. Cúc đương xanh sao cúc vội tàn,
Kiểng đương xanh, sao kiểng héo, tôi hỏi nàng tại ai?
- Mắt nhìn luỵ nhỏ hàng hai,
Cúc tàn kiểng héo tại hai đứa mình. [3-241]
39. Dâu cỏ nhỏ lá chàng ơi,
Chàng nên đi chọn những nơi dâu tàu.
- Dâu cỏ nhỏ lá mà xinh,
Dâu tàu to lá mà mình không ưng. [4-115]
40. Dẫu mà không lấy được em,
Anh về đóng cửa, cài rèm đi tu.
- Tu mô cho em tu cùng,
May ra thành Phật thờ chung một chùa. [1-29]
41. Dây rau bấc bò trên ngõ chuối,
Ai đối đặng rồi, giá thú nghênh hôn.
- Con chim huýt cô đậu cửa nhà dì.
Ta đà đối đặng, bạn thì theo không. [1-29]
42. Dưới có đất rộng trên có trời cao,
Tại cha cùng mẹ, chớ em nào phụ anh.
- Thôi đừng tráo trở giấu quanh,
Mắt đà thấy rõ em tham sang giàu. [4-212]
43. Đèn hết dầu đèn tắt,
Nhan hết vị hết thơm,
Anh đừng lên xuống đêm hôm,
Thế gian đàm tiếu, tiếng đồn tội em.
- Thế gian sao khéo lạ kì,
Ta thương, ta tới, mắc gì đón ngăn. [4-117]
44. Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng:
Cau xanh ăn với trầu vàng xứng chăng ?
- Trầu vàng nhá lẫn cau xanh,
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời. [1-33]
45. Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng,
Chạc rơm gánh đá vũng vàng chi không?
- Chạc cày gánh đá vứt đi,
Chạc rơm gánh đá có khi vững bền. [4-118]
46. Đêm trăng thanh, anh mới hỏi nàng:
Tre non đủ lá, đan sàng nên chăng?
- Ðan sàng thiếp cũng xin vâng.
Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng? [1-34]
47. Đến đây hỏi thật chủ nhà,
Vườn hồng nghiêm cấm hay là cho chơi?
- Vườn xuân nghiêm cấm chín từng,
Quan ngang, khách tạm xin đừng có vô. [4-213]
48. Đến đây hỏi bạn một lời,
Đường dây mối chỉ, có người nào chưa?
- Anh hỏi thì em xin thưa,
Gần xa đã có mà chưa vừa lòng. [4-120]
49. Đôi mình mới gặp hôm nay,
Cho hun một chút em Hai đừng phiền.
- Có hun thì hun cho liền,
Đừng có làm bộ láng giềng cười em. [4-125]
50. Đồng nào mà chẳng có chim,
Sao anh vác súng đi tìm non cao?
- Tay anh cầm khẩu súng đạn vàng,
Lăm le muốn bắn, phương hoàng trên cây. [4-126]
51. E khi thắm lạt vàng phai,
Sắc tàn nhị mất anh lại bỏ hoài không thương.
- Anh thề có bóng trăng đây,
Núi kia có lỡ tấm lòng này vẫn nguyên. [4-131]
52. Em đà thuận lấy anh chưa?
Để anh đốn gỗ rừng Nưa làm mhà.
- Có lòng xin giã ơn lòng,
Xa xôi cách lế đèo bòng mần răng? [4-215]
53. Em có chồng rồi em nói rằng chưa
Tội riêng em đó, chẳng lừa được anh.
- Không không chưa có nơi đâu,
Con tằm soan đang đợi nương dâu nhà người. [4-127]
54. Em đây như chiếc chuông vàng
Trên tỉnh Hà Nội ba ngàn quân canh.
- Anh đây là lính xứ Thanh
Ra tỉnh Hà Nội, lên thành thử chuông.[4-128]
55. Em mà không lấy được anh,
Thì em tự vẫn gốc chanh nhà chàng,
- Anh mà không lấy được nàng,
Thì anh tự vẫn giữa gia đàng nhà em. [4-130]
56. Em như bánh lá bóc trần,
Có chi anh phải dò gần hỏi xa.
Nhân duyên bởi tại trăng già,
Có nên thời nói người ta yên lòng.
- Được như lời ấy thì thôi,
Anh về giết lợn đồ xôi cưới liền. [4-130]
57. Em thấy anh em cũng muốn chào,
Sợ anh chồng cũ nó đứng bờ rào hắn trông.
- Hắn trông thì mặc hắn trông,
Đã quyết một lòng ta sẽ lấy nhau. [1-39]
58. Em thương anh cuốn gối cho tròn,
Chờ ba má ngủ em bước lòn cửa sau.
- Anh ơi! Ơn cha em chưa trả, nghĩa mẹ em chưa đền,
Sao anh dám biểu em ôm mền theo anh?[3-278]
59. Em về thưa với mẹ cha,
Có cho em lấy chồng xa quê người?
- Em về hỏi mẹ thầy rồi,
Chồng xa cũng lấy, chồng người cũng đi. [1-42]
60. Em gặp anh sao không hỏi không chào,
Hay em đã có chốn sang giàu hơn anh?
- Tối tăm em biết mít là gai,
Biết quen hay lạ, biết ai mà chào. [4-134]
61. Gặp đây anh hỏi thực nàng,
Tre non đủ lá đan sàng được chăng?
- Chàng hỏi thì thiếp xin thưa,
Tre non đủ lá đan chưa được sàng.
Ngoài chợ có thiếu gì giang,
Mà chàng lại nỡ đan sàng tre non.
Đan sàng có gốc tre già,
Tre non đủ lá được là bao nhiêu. [2-210]
62. Gặp em giữa chốn vườn đào
Kẻ giàu người khó làm sao nên tình?
- Thế gian chuộng của, chuộng tài,
Em đây chuộng nghĩa chẳng nài giàu sang. [4-134]
63. Gặp nhau anh muốn tỏ tường,
Xin nàng cho biết quê hương nơi nào?
- Chàng hỏi em phải nói ra,
Bắc Ninh là tỉnh, huyện nhà không sai.
…… [4-135]
64. Gặp nhau đây đâu phải điều trăng gió,
Xin hỏi một lời đã có chồng chưa?
Xin hỏi cô một lời, cô cứ thật phân qua.
- Quê em đây chính nơi Trang Lãnh,
Thuyên huyên sớm dời nên muộn cảnh chồng con.
Anh cố hỏi nằn, em xin thật phân qua. [4-135]
65. Gánh nặng mà đi đường dài,
Để anh gánh đỡ một vai nên chồng.
- Gánh nặng thì chị trả công,
Mặt em chẳng đáng làm chồng chị đâu.[1-43]
66. Gần nhà mà chẳng sang chơi,
Để em hái ngọn mồng tơi bắc cầu.
- Bắc cầu anh chẳng đi cầu,
Để tốn công thợ để sầu lòng em.[1-43]
67. Gió vàng hiu hắt đêm thanh,
Đường xa, nhà ngái, sao anh vội về?
- Anh về vài bữa anh ra,
Để em với mẹ về nhà ở chung. [4137]
68. Hái dâu ngọn ngắt, ngọn chừa,
Ba cô đã lớn mà chưa có chồng.
- Hái dâu ngọn ngắt, ngọn không,
Lêu lêu mắc cỡ, đã có chồng sạch trơn.[1-55]
69. Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím,
Em đã có chồng em trả yếm lại anh.
- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh,
Yếm em, em mặc, yếm anh sao anh đòi! [2-232]
70. Hoa kia tươi tốt rườm ra,
Tuy rằng tươi tốt nhưng mà ong châm.
- Anh ở trong ấy anh ra,
Cớ sao anh biết vườn hoa chị tàn.
Hoa tàn nhưng nhụy chưa tàn,
Muốn xem chị vén bức màn cho xem. [4-218]
71. Hoa tàn bướm chẳng vãng lai,
Tình nghĩa anh đã phụ trúc mai xá gì?
- Vậy chớ bạn há chẳng xét suy,
Anh vì cha mẹ phải chia li bạn vàng. [4-218]
72. Hỏi anh, anh bảo học trò,
Sao em lại thấy cưỡi bò hôm qua?
- Em ơi, bò ấy bò nhà,
Đứa ở đi khỏi anh ra thăm đồng.
Nếu mai nên vợ, nên chồng,
Anh lại đi học, em trông bò giùm. [3297]
73. Hỏi anh chìa khóa ai cầm,
Giang sơn ai giữ, việc tảo tần ai lo.
- Chìa khóa đã có mẹ anh cầm,
Giang sơn anh giữ, việc tảo tần em lo. [4-138]
74. Hỏi chàng khách lạ đường xa,
Đến đây cân sắc hay là kết duyên?
- Sa chân bước xuống cõi tiên
Trước là cân sắc sau kết duyên Châu Trần. [1-56]
75. Hỏi chàng quê quán nơi đâu
Mà chàng thả lới buông câu chốn này?
- Quê anh ở phủ Hưng Nguyên,
Phù Long là tổng, Liệu Xuyên là làng. [4-139]
76. Hỏi chàng quê quán nơi nao
Sao chàng chẳng biết vườn đào có huê?
- Anh là khách lạ đàng xa,
Biết đây có gái đào hoa tới tìm. [4-140]
77. Hỡi cô bán đèn giấy hồng,
Đèn hồng cô bán má hồng bán không?
- Má hồng phải hỏi song thân,
Em đây chỉ bán cho anh đèn hồng. [web]
78. Hỏi nàng đã có chồng chưa,
Hay là chưa có anh thưa vài lời?
- Cũng chưa lược giắt trâm cài,
Cũng chưa duyên hán phận hài chi mô. [4-140]
79. Hỡi người vác cuốc thăm đồng,
Thăm lúa, thăm mạ, hay lòng thăm ai?
- Anh nay vác cuốc thăm khoai,
Nào ai có dám thăm ai ngoài đồng. [2-249]
80. Hỡi người bạn cũ tri âm,
Đôi ta thương trộm nhớ thầm đã lâu.
- Đôi ta thương trộm nhớ thầm,
Đừng cho người khác biết tri âm người cười. [4-141]
81. Khách tri âm đã tới sân hòe,
Mời ngòi chiếu phượng mà nghe thiếp đàn,
- Chậm chân là kẻ đi sau,
Vườn huê đã chật lấy đâu mà ngồi. [4-142]
82. Khăn lông rút mối, đẹp tợ như rồng,
Muốn mua cho em đội, sợ chồng em ghen.
- Vịt bầu đòi tắm ao sen,
Chồng tôi chưa có, anh ghen nỗi gì. [3-301]
83. Khoan khoan buông áo em ra,
Để em đi bán kẻo hoa em tàn.
- Hoa tàn thì mặc hoa tàn,
Mấy thuở găp nàng nàng biểu buông ra. [2-257]
84. Kìa kìa sao mai đã mọc,
Để anh ra về đi học kẻo trưa.
- Mù sương nhỏ đượm nư mưa,
Xin anh ở lại đến trưa hãy về.[4-144]
85. Lạ lùng bắt gặp chàng đây,
Có mấy câu nầy em đoán chưa ra.
Nếu mà anh giảng cho ra,
Thì em kết nghĩa giao hòa cùng anh.
Cái gì trong trắng ngoài xanh,
Cái gì soi tỏ mặt anh mặt nàng,
Cái gì xanh đỏ trắng tím vàng,
Cái gì ăn phải dạ càng tương tư.
Cái gì năm đợi tháng chờ,
…….?[1-64]
- Lạ lùng bắt gặp nàng đây
Quả bí đao trong trắng ngoài xanh
Gương tàu soi tỏ mặt anh mặt nàng
Chỉ ngủ sắc xanh đỏ trắng tím vàng
Bùa yêu ăn phải dạ càng tương tư
Nhân duyên năm đợi tháng chờ
………..
Anh nay đã giải hết liền,
Vậy anh xin kết nhân duyên cùng nàng. [1-65]
86. Mình về có nhớ ta chăng?
Ta như lạt buộc khăng kgăng nhớ mình.
- Ta về ta cũng nhớ mình,
Nhớ yếm mình mặc nhớ tình mình trao. [4-149]
87. Mình về ngoài ấy mau vô,
Cho anh sắm sửa cau khô để dành.
- Cau khô anh bổ để dành,
Bao giờ cau có trầu xanh mới về. [4-149]
88. Miếng trầu của đáng là bao,
Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng.
- Thưa rằng: bác mẹ em răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người. [4-218]
89. Một cây em bẻ lấy một nhành,
Anh tên chi, thứ mấy cắt nghĩa rành đặng em kêu?
- Cây bần gie con đom đóm đạu cheo lao,
Anh tên tư, thứ tám kêu thế nào thì kêu. [3-321]
90. Một bên quần rộng áo dài,
Một bên cày cấy, lấy khoai đổ bồ?
Hai bên em chuộng bên mô?
- Hai bên em chuộng bên bồ khoai lang. [4-150]
91. Một bên đèn sách văn chương
Một bên chèo đẩy em thương bên nào?
- Chữ nghĩa còn đợi giá cao
Quần nâu áo vải chân sào em thương.[1-78]
92. Mời anh đi quá cổng ngăn,
Em ra đỡ túi, nâng khăn anh vào.
- Anh vào anh cũng muốn vào,
Anh sợ thầy mẹ cây cao lá dài. [4-152]
93. Mời chàng mãi mãi không vào,
Bán mua chi đó, làm cao rứa chàng?
- Lạ lùng đứng chút ngoài sân
Khi mô kết ngãi châu trần sẽ vô. [4-152]
94. Mừng nay phụ mẫu song toàn,
Hỏi thăm anh đã kết nguyền mô chưa?
- Anh đang thanh cảnh một mình,
Chưa hề chung ý chung tình với ai.[4-153]
95. Năm ngoái anh còn kha khá,
Năm nay anh nghèo quá nên đội lá bung vành,
Hỏi cô công cấy bìa xanh,
Có tiền dư cho anh mượn mua chiếc nón lành đội làm duyên?
- Nón anh quai xanh, quai đỏ, đồ bỏ mái hè,
Phận anh đi cấy mướn đòi hoa hoè làm chi? [3-327]
96. Nếp ngâm mà đậu chưa chà,
Lòng em nói rứa, còn mẹ già nói sao?
- Nếp ngâm thì đậu cũng xay,
Lòng em nói rứa mẹ thầy cũng ưng. [4-155]
97. Nếu anh có dạ thương em,
Xin cho sáu lễ mai đem tới nhà.
- Thương nhau đâu quản đường xa,
Anh nguyền trọn dạ đến nhà hỏi thưa. [4-155]
98. Nếu không thệ hải minh san,
Làm sao biết được đá vàng chì thau.
- Ngọc còn ẩn đá
Vàng chẳng lộn than
Em đây là phận hồng nhan
Một lời đã hứa tào khang
Trăm năm ghi tạc nghĩa chàng chàng ơi! [4-155]
99. Nghe em phân như dần khúc ruột
Gần nhau chưa được lại nói cuộc chia xa.
Thế nào cũng ráng chờ qua
Tiền lo không kịp, qua bán nhà cưới em.
- Hỏi thử anh cho biết tình nhơn ngãi
Em đâu có ngại sự đợi chờ
Một lời hứa đạo tóc tơ
Trăm năm cũng chẳng hững hờ dạ riêng. [4-156]
100. Ngó lên mây bạc trời hồng,
Thương em hỏi thật có chồng hay chưa?
- Ngồi thêu bức gấm kim tòng,
Nhiều nơi dàn dạt, trong lòng chưa ưng. [4-158]
101. Nhà anh nhà ngói,
Nhà em nhà lá,
Em đâu dám gá vợ chồng.
Nồi đất mà đậy vung đồng ai coi?
- Nàng nói sao không nghĩ lại coi,
Bình sành người ta còn dùng nắp thiếc,
Sao nàng không xét không soi cho tôi nhờ! [3-339]
102. Nhà em có nén vàng mười,
Còn không, hay đã có người bỏ cân?
- Nhà em thong thả chưa cần,
Làng vàng cao giá có cân thì vào.
Vàng thật, chẳng phải bán rao
Có mua thời vác tiền vào mà mua. [4-160]
103. Nhác trông thấy bóng một người
Răng đen nhưng nhức, miệng cười như hoa.
Hai bên còn cả mẹ cha
Có ai gánh đỡ hay là còn không?
- Đây còn không, đấy cũng còn không
Đây chưa có chồng, đấy chửa lấy ai [1-105]
104. Nước lên lai láng vườn dâu,
Nhà anh ba bảy cha mẹ, biết đâu em chiều?
- Quý hồ anh có lòng yêu,
Ba bảy cha mẹ em chiều cũng xong. [4-166]
105. Phụ mẫu sơ sanh để phụ mẫu định,
Trong việc vợ chồng chờ lệnh mẹ cha.
- Em sợ mẹ cha cũng là sự phải,
Anh không buộc điều phải trái, mà em ngại tấm lòng.
Anh thề chứng có non sông,
Miễn em ừ một tiếng, anh quyết không thay lời. [4-168]
106. Sông sâu nước chảy, con cá cháy giữa dòng,
Thấy anh em lại vừa lòng,
Tuổi em còn nhỏ, anh chờ đôi năm thế nào?
- Em ơi tuổi xuân một thuở hoa đào,
Phải duyên nên chồng vợ, đợi ong bướm ra vào làm chi? [web]
107. Sông sâu cá lội mất tăm,
Chín tháng cũng đợi mười năm cũng chờ.
- Sông sâu cá lặn vào bờ,
Lấy ai thì lấy đợi chờ ta chi. [2-392]
108. Tai nghe em bậu chóng hồi,
Cũng bằng anh uống một nồi nhơn sâm.
- Nhơn sâm mắc lắm anh ôi!
Tiền đâu mà uống một nồi nhơn sâm. [4-224]
109. Tay cầm quyển sách làm chi,
Hỏi thăm chỗ lội đây thì nông sâu?
- Đây em là gái chưa chồng,
Nào em có biết nông sâu thế nào. [2-401]
110. Tay cầm tên bạc ná vàng,
Lăm le muốn bắn phượng hoàng trên cây.
- Tay cầm tên bạc ná vàng,
Anh nhắm sao cho trúng được con phượng hoàng khen cho.[4-176]
111. Thân em như cá lội tranh mồi,
Em tìm nơi sông lớn, vịnh bồi ẩn thân.
- Anh đây như thể lão chài,
Vực sâu anh thả lưới, bãi lài anh buông câu. [4-177]
112. Thân em như thể nước sông,
Tuy là thấy mặt biết lòng cạn sâu.
- Thân anh đây như sợi dây dài,
Lòng sông sâu cạn, anh dò hoài cũng thông. [4-177]
113. Thấy em có chút dung nhan,
Biết bao nhiêu kẻ chận đàng đón truông.
- Mặc ai đón ngõ chận đường
Em đây chỉ biết có thương một người. [3-380]
114. Thấy em có đôi bông nhận hột, cái chột bằng đồng,
Phụ mẫu em sắm hay bên chồng em cho?
- Anh ơi đừng hỏi vòng vo,
Phụ mẫu em sắm chớ bên chồng cho hồi nào. [3-380]
115. Theo anh em cũng muốn theo,
Em sợ anh nghèo anh bán em đi.
- Nghèo thời bán cột bán nhà,
Nào ai có bán vợ theo bao giờ. [1-122]
116. Thiếp như cá ở biển đông,
Chờ khi nước cạn hóa rồng lên mây.
- Phải chi anh có phép thần thông,
Ngăn mây cưỡi gió, bắt rồng cưỡi chơi. [1-123]
117. Thiếu chi củi quế rừng ta,
Kiếm chi củi mục rừng xa đem về?
- Phải duyên túc đế ngoài Huế tôi cũng tầm,
Không phải duyên củi quế dựa thềm tôi cũng nhổ quăng. [3-383]
118. Thiếu chi hoa lý hoa lài
Mà anh đi chuộng hoa khoai cuối mùa?
- Hoa khoai chịu nắng chịu mưa,
Hoa lài hoa lý chưa tra đã rầu. 2-424]
119. Thuyền ai dù ngược dù xuôi,
Có về Nam Định cho tôi về nhờ.
- Sao cô ăn nói ỡm ờ?
Thuyền anh chật mớm, em nhờ làm sao. [1-125]
120. Thương thương, nhớ nhớ, thương thương
Một chiếu đôi giường biết trải nơi nao?
- Có trải thời trải giường cao,
Chớ trải giường thấp chiêm bao mơ màng. [4-186]
121. Tiếc cây nứa tốt có sâu
Tiếc người lịch sự trên đầu có tang.
Tang chồng thì bỏ tang đi,
Tang cha tang mẹ ta thì tang chung.
- Tang cha tang mẹ trên đầu
Lẽ nào em dám bán sầu mua vui [1-129]
122. Tiện đây đưa một miếng trầu,
Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng.
- Trầu này ơn nặng như chì,
Ăn thì đã vậy, lấy gì trả ơn. [4-187]
123. Trai tân đang đứng đang chờ,
Ai bưng mắt em lại, em lại vơ cha dòng?
- Cha dòng áo rách em thương,
Trai tân quần lợt áo lương không dùng. [3-401]
124. Trăm hoa đua nở vườn đào,
Mời chàng nho sĩ bước vào thăm hoa.
- Trăm hoa phong nhụy một lần,
Thung dung rồi sẽ bước dần vào chơi. [4-190]
125. Trăng lên đỉnh núi trăng tà,
Mình yêu ta thực hay là yêu chơi ?
- Trăng lên đỉnh núi trăng ngời
Yêu thời yêu thực, yêu chơi làm gì ? [1-138]
126. Trăng lên khỏi núi trăng tròn,
Em bao nhiêu tuổi mà giòn rứa em?
- Trên đầu lược giắc trâm cài,
Tảo tần khuya sớm chưa ai chung tình. [4-191]
127. Trăng tròn rồi sao lại thưa,
Anh chơi hồi nữa em đưa đoạn đường,
- Quý hồ em có lòng thương
Bắt em đưa đón đoạn đường làm chi! [4-191]
128. Trầu xanh, cau trắng, khay vàng
Cơi trầu bịt bạc, thiếp mời chàng ăn chung.
- Trầu này trầu mẹ trầu cha,
Hay là trầu bạn đưa ta hỡi nàng! [4-191]
129. Trầu vàng còn để trong cơi,
Anh kia đũa mốc chớ chòi mâm son.
- Trầu vàng đâu ở mãi trong cơi,
Sợ mai trầu héo trầu ơi là trâu. [4-228]
130. Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay
- Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi từ ngày còn không.
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra. [web]
131. Trèo lên cây bưởi ngắt ngọn thanh yên,
Duyên em bán mấy, anh kiếm tiền anh mua?
- Duyên em bán thiệt ba trăm,
Anh mua chi nổi mà hỏi thăm cho rộn ràng. [web]
132. Trèo lên cây khế chua le,
Anh muốn cưới vợ kiếm ba ghe tiền đồng.
- Tiền đồng lấy đấu mà đong,
Lấy xe mà chở bằng lòng em chưa? [4-191]
133. Trên trăng dưới nước anh giao ước một lời,
Dẫu trăng mờ nước cạn chẳng đời nào phụ em.
- Trời cao đất rộng, em vọng lời nguyền
Phật trời còn đó em giữ thuyền thuỷ chung. [1-121]
134. Trên rừng ba mươi sáu thứ chim,
Thiếu gì loan phượng đi tìm quạ khoang.
- Quạ khoang có của có công,
Tuy rằng loan phượng nhưng không có gì. [1-120]
135. Trước đây mỗi đứa mỗi nơi,
Bây giờ giáp mặt, hỏi người tính sao?
- Mẹ cha anh chẳng phải giàu,
Thân anh làm mướn, tiền đâu cưới nàng. [4-231]
136. Từ rày anh dặn nàng hay,
Sông sâu chớ lội đò đầy chớ đi.
- Sông sâu ai lội làm chi,
Dò đây ai chở mà đi đò đầy. [4-231]
137. Vắng mình ta ngóng ta trông,
Vắng ta mình chẳng bỏ công đoái hoài.
- Vắng mình ta lại hỏi thăm,
Nào ai bỏ vắng trăm năm mà hờn. [4-196]
138. Vợ anh em chẳng dám bì,
Vợ anh vàng bảy em thì than ba.
Ước gì ta ở một nhà,
Để xem vàng bảy than ba thế nào?
- Vàng bảy anh vứt xuống ao
Than ba anh để võng đào anh đưa.
Dù ai đi sớm về trưa
Anh ngồi nghỉ mát mà đưa võng đào. [2-509]
139. Vườn xuân im ỉm còn gài,
Em mong khiến bẻ cho ai một cành.
- Đã yêu anh bẻ cả cho anh,
Giấu cha giấu mẹ rằng cành hoa rơi. [4-197]
140. Xăm xăm bước tới vườn hoa,
Thấy nàng thục nữ mà ta vội mừng.
- Vườn hoa từ lúc quen mình
Quan san mấy dặm ân tình dài lâu. [4-197]
NGUỒN TƯ LIỆU
1. Ca dao Việt Nam, ca dao tình yêu, Vương Trung Hiếu (2006), NXB Tổng hợp Đồng Nai.
1. Ca dao trữ tình chọn lọc, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (1994), NXB Giáo dục.
3. Ca dao dân ca Nam Bộ, Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị
(1984), NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Ca dao (quyển 9), Viện Nghiên cứu văn hóa, NXB KHXH, 2009.
5. Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam,Vũ Ngọc Phan, NXB Văn học, 2007. (tái bản lần thứ 15)
(web) Website: www.e-cadao.com
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA5101.pdf