BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Trần Thị Thanh Thảo
ĐẶC ĐIỂM CỦA TIÊU ĐỀ VĂN BẢN
TRONG THỂ LOẠI TIN TỨC
Chuyên ngành : Ngôn ngữ học
Mã số : 60 22 01
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. TRỊNH SÂM
Thành phố Hồ Chí Minh – 2009
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu
Hiện nay, báo chí và ngôn ngữ báo chí đóng một vai trò thông tin
quan trọng trong đời sống xã hội. Một trong những yếu tố có tính chất khêu
192 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1807 | Lượt tải: 6
Tóm tắt tài liệu Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
gợi, đánh vào sự chú ý của người đọc, đó là tiêu đề văn bản (TĐVB).
Có khá nhiều cách đặt tiêu đề (TĐ) cho văn bản (VB) báo chí. Tuy
nhiên, lựa chọn cách này hay cách khác lại lệ thuộc vào từng tình huống, hoàn
cảnh giao tiếp cụ thể. Song, dù thế nào thì mỗi TĐ nên vừa nêu được thần thái
của bài viết vừa gợi trí tò mò cho độc giả.
Bộ phận TĐ luôn giữ một vai trò quan trọng trong một VB. Nó là yếu
tố đầu tiên, là cánh cửa để người đọc mở vào VB. Người đọc có lựa chọn VB
này không là nằm ở TĐVB có thu hút, có hấp dẫn hay không. Đối với một
VB tin tức, vai trò của TĐ lại càng đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, từ trước
đến nay, nghiên cứu về đặc điểm của TĐVB báo chí về phương diện ngôn
ngữ và kí hiệu vẫn chưa được quan tâm nhiều.
Xuất phát từ nhiều phương diện khác nhau, luận văn này chọn TĐVB
trong thể loại tin tức làm đối tượng khảo sát.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu về đặc điểm của TĐVB tin tức. Trên cơ sở kế
thừa những nghiên cứu đã có, đồng thời dựa trên những khảo sát TĐ báo chí
(trong đó giới hạn đối tượng ở báo viết, không đề cập đến báo hình, báo nói
và báo điện tử) ở thể loại tin tức (giới hạn như đã nêu ở tên đề tài), luận văn
cố gắng khái quát một số đặc điểm của TĐVB tin tức.
2
2.2. Phạm vi nghiên cứu
TĐ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tiếp nhận bài báo của người
đọc. Bài báo có trở nên thu hút hay gây ấn tượng ban đầu tốt đẹp cho người
đọc hay không được quyết định bởi TĐ bài báo. Do vậy, việc nghiên cứu, tìm
hiểu, khảo sát về các đặc điểm của TĐVB tin tức là công việc có ý nghĩa lý
luận và thực tiễn.
Tuy nhiên, trong phạm vi có thể, luận văn nghiên cứu đặc điểm chung
về báo chí, về TĐVB báo chí, trong đó đi sâu vào đặc điểm TĐ tin tức. Qua
khảo sát 1000 đơn vị TĐVB tin tức điển hình và 1000 đơn vị TĐVB tin tức
không điển hình, nỗ lực mà luận văn hướng tới là nhận diện các đặc điểm về
hình thức, nội dung, ngữ dụng và chức năng giao tiếp của TĐVB tin tức.
3. Lịch sử vấn đề
Những năm gần đây, khi mà báo chí đã phát triển vượt bậc và ngày
càng chứng tỏ được thế mạnh cũng như vị trí, tầm quan trọng đối với đời sống
xã hội thì ngày càng có nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ báo chí nhằm nâng cao
hơn nữa nghiệp vụ báo chí. Có khá nhiều nhà nghiên cứu tiếp cận ngôn ngữ
báo chí từ nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ chuyên môn nghiệp vụ báo
chí, cũng như là bài giảng dành cho sinh viên báo chí, Vũ Quang Hào 2004
(“Ngôn ngữ báo chí”, Nxb ĐHQG Hà Nội) đưa ra nhiều ý kiến rất có giá trị,
nhưng xét về thuần tuý ngôn ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu làm nổi rõ đặc
điểm ngôn ngữ báo chí. Tác giả cùng những sinh viên khoa báo chí như
Nguyễn Đức Thắng 1995 trong luận văn “Tính hấp dẫn của tít báo Việt ngữ”,
Nguyễn Thu Hà 1994 trong luận văn “Về những khiếm khuyết của một số tít
báo… tiếng Việt, theo cách nhìn của ngôn ngữ học”, Nguyễn Thị Mai 1998
trong báo cáo khoa học sinh viên “Về đặc trưng ngôn ngữ của tít báo và
những thủ pháp đặt tít thông thường” đã cho thấy được tầm quan trọng của
ngôn ngữ tít báo. Tuy nhiên những bài viết chỉ tập trung nhiều ở lĩnh vực báo
3
chí. Thuật ngữ tít, theo Vũ Quang Hào 2004, còn được gọi là đầu đề, tiêu đề,
nhan đề… nhưng tác giả đề nghị và chấp nhận dùng thuật ngữ tít. Tác giả cho
rằng đây là một thuật ngữ báo chí, lại vừa một từ nghề nghiệp, được dùng phổ
biến và có tính quốc tế. Ngoài ra, thuật ngữ này có khả năng phái sinh cao,
tiện lợi cho việc gọi tên các khái niệm phái sinh, và tiện lợi cho việc gọi tên
các thao tác xử lý tít.
Nguyễn Tri Niên 2003, cũng xem xét vấn đề này dưới quan điểm của
báo chí học. Tuy nhiên, tác giả này lại có sự phân biệt rạch ròi giữa ngôn ngữ
báo chí và ngôn ngữ (“Ngôn ngữ báo chí”, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, tr.13).
Xuất phát từ bản chất của thông tin báo chí, tác giả đã chỉ ra được ba đặc
điểm của ngôn ngữ báo chí nhưng chưa xuất phát từ bản chất nội tại của ngôn
ngữ. Hoàng Anh 2003, khi khảo sát các đặc điểm của ngôn ngữ báo chí xuất
phát từ góc độ chức năng và nhận định nét đặc trưng bao trùm của ngôn ngữ
báo chí là có tính sự kiện (“Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí”,
Nxb Lao Động). Tuy nhiên, cũng như phần lớn các nhà nghiên cứu dưới quan
điểm của báo chí học, tác giả chưa làm nổi bật được tính chất ngôn ngữ của
báo chí.
Dưới góc độ của một nhà văn, Hà Minh Đức 2000 trong “Cơ sở lý
luận báo chí. Đặc tính chung và phong cách”, (Nxb Đại học Quốc gia Hà
Nội) đã có sự so sánh ngôn ngữ báo chí với ngôn ngữ văn học “Ngôn ngữ báo
chí và ngôn ngữ văn học là những hình thái ngôn ngữ được phổ biến rộng, và
có tính chuẩn mực cao”. Theo tác giả, ngôn ngữ báo chí chủ yếu là ngôn ngữ
chính luận, đảm nhiệm chức năng thông tin. Những vấn đề tác giả đưa ra là
những gợi mở vô cùng bổ ích cho việc nghiên cứu ngôn ngữ báo chí.
Dưới góc độ ngôn ngữ, Trần Thanh Nguyện năm 2004, trong luận văn
thạc sĩ khoa học Ngôn ngữ (Trường Đại học Sư phạm, T.P. Hồ Chí Minh) về
đề tài “Đặc điểm ngôn ngữ của các văn bản báo chí” đã phần nào làm sáng tỏ
4
những đặc điểm ngôn ngữ của báo chí. Nguyễn Đức Dân từ lâu đã quan tâm
đến ngôn ngữ báo chí và có nhiều bài nghiên cứu về vấn đề này. Trong bài
viết “Dấu ngoặc kép trong những đề báo” đăng trên báo Kiến thức ngày nay,
số 218, 1996, tác giả chú ý đến vai trò quan trọng của dấu ngoặc kép trong
những đề báo. Trong một số bài nghiên cứu khác, tác giả xét hàm ý của TĐ
báo chí ở phương diện ngữ dụng, chú ý về mặt sử dụng những TĐ báo chí có
dẫn những lời trong bài hát và tục ngữ, thành ngữ (“Ý tại ngôn ngoại, những
thông tin chìm trong ngôn ngữ báo chí”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, 2004, “Vận
dụng tục ngữ, thành ngữ và danh ngôn trên báo chí”, Tạp chí Ngôn ngữ, số
10, 2004). Trong tác phẩm “Ngôn ngữ báo chí. Những vấn đề cơ bản”(Nxb
Giáo dục, 2007), Nguyễn Đức Dân hệ thống hoá và đề cập đến những vấn đề
cơ bản nhất của ngôn ngữ báo chí. Tác giả đi sâu vào tìm hiểu đặc điểm và
khả năng hoạt động của tiếng Việt trong báo chí, giúp ích cho những người
làm báo phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt một cách hiệu quả nhất trong
lĩnh vực chuyên môn của mình.
Nghiên cứu TĐVB báo chí không thể không đề cập đến ngôn ngữ báo
chí vì TĐ, dù là bộ phận hữu cơ hay độc lập với nội dung văn bản (NDVB)
vẫn phải tuân theo những quy tắc của ngôn ngữ. Đặt TĐ có ý nghĩa rất quan
trọng, quyết định số phận bài báo, cho nên công việc này do những biên tập
viên kinh nghiệm, có nhiệm vụ đặt TĐ sao cho lôi cuốn, thu hút độc giả. Nói
cách khác, TĐ có thể nâng tầm hay hạ thấp giá trị bài báo. Và TĐ hay dở
cũng liên quan đến việc độc giả có quyết định đọc hay không đọc bài báo.
Tuy nhiên, cho đến nay, nghiên cứu về TĐVB báo chí vẫn còn khá ít ỏi vì
lĩnh vực này còn mới mẻ. Có thể kể đến Cao Xuân Hạo 2006 (“Tiếng Việt- Sơ
thảo ngữ pháp chức năng”, Nxb Khoa học xã hội, tr.388) tuy đề cập đến vấn
đề một cách gián tiếp nhưng có một nhận định đáng lưu ý “Xét về chức năng
thông báo, tiêu đề là một thứ chủ đề mà phần thuyết là cả bài văn, bài báo
5
kia”. Bùi Khắc Việt 1978 đã khảo sát TĐVB trong bài “Phong cách ngôn ngữ
trong tên các bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hồ Lê 1982 phân tích
nguyên nhân hấp dẫn trên cứ liệu TĐVB các bài báo của Hồ Chí Minh qua
bài viết “Nhờ đâu những tiêu đề bài viết có sức hấp dẫn” (Ngôn ngữ S.P, số 1
năm 1982). Nguyễn Thị Tuyết Ngân 1992 lại chú ý đến mặt sử dụng TĐVB ở
việc ngắt dòng không đúng chỗ trong việc trình bày mĩ thuật của TĐ trên
trang báo (“Cách ngắt dòng trong việc trình bày đầu đề ở các văn bản”, Ngôn
ngữ và đời sống, 1982). Hoàng Anh trong tác phẩm “Một số vấn đề về sử
dụng ngôn từ trên báo chí” (Nxb Lao Động, 2003) xuất phát từ một góc nhìn
tổng thể về các phương diện ý nghĩa- chức năng, đã thử phân loại TĐ báo chí
thành một số kiểu cơ bản.
Rải rác trên các tạp chí chuyên ngành có các bài nghiên cứu về TĐ
báo chí, nhưng chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu một vài khía cạnh nào đó và
phần lớn đều có sự so sánh với TĐ báo chí nước ngoài như báo tiếng Anh,
Nga. Có thể kể đến bài viết “Một số nhận xét về đặc điểm ngôn ngữ của các
đầu đề trong báo chí tiếng Anh hiện đại” (Tạp chí Ngôn ngữ, số 9+10, 2001)
của Nguyễn Thị Thanh Hương, khảo sát khá khái quát và toàn diện về đặc
điểm ngôn ngữ của các đầu đề trong báo chí tiếng Anh hiện đại. Mặc dù tác
giả khảo sát TĐ báo tiếng Anh, nhưng những vấn đề tác giả đưa ra phần nào
chỉ dẫn cho việc vận dụng vào tiếng Việt. Cũng tác giả này trong bài viết
“Trích dẫn trong báo tiếng Anh”, (Tạp chí Ngôn ngữ, số 14, 2002) đã đề cập
đến một loại TĐ trích dẫn trong báo tiếng Anh. Cùng hướng nghiên cứu về
TĐ trích dẫn, Trần Thanh Nguyên có bài “Về kiểu tiêu đề mô phỏng trên các
văn bản báo chí” (Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 10, 2003) đã nêu vấn đề
này một cách chi tiết và sâu rộng hơn, giúp làm phong phú thêm diện mạo của
TĐVB báo chí. Nguyễn Thị Vân Đông “Đôi điều nên biết về tiêu đề báo chí
tiếng Anh và tiếng Việt”, (Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 11, 2003) tập
6
trung chủ yếu vào một số nét về đặc điểm của TĐ và một số kinh nghiệm viết
TĐ báo của báo chí phương Tây với các dẫn chứng trong báo tiếng Anh và
tiếng Việt. Cũng tác giả này, năm 2005 có bài viết “Tiêu đề báo tiếng Anh và
tiếng Việt dạng ngữ cố định” ( Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 1+2, 2005)
cho rằng việc sử dụng ngữ cố định để đặt TĐ cho các bài báo được các nhà
báo khai thác triệt để nhằm thực hiện một cách có hiệu quả những yêu cầu về
chức năng và đặc điểm của báo chí. Trong một bài báo “Từ trái nghĩa trong
các tiêu đề trên báo chí Nga” (Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, 2007), Vũ Thị Chín
nhận định việc sử dụng từ trái nghĩa là một trong những thủ pháp yêu thích và
được sử dụng rộng rãi trong các TĐ trên báo chí Nga. Trong một bài nghiên
cứu gần đây “Đặc điểm ngôn ngữ báo chí nhìn từ hoạt động báo chí ở thành
phố Hồ Chí Minh” (Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 12, 2008), Trịnh Sâm
đã nêu đặc điểm ngôn ngữ báo chí nhìn từ hoạt động báo chí ở thành phố Hồ
Chí Minh. Điểm mới trong bài nghiên cứu này là tác giả khái quát một số mô
hình VB báo chí dựa vào mô hình kim tự tháp giúp nhận diện thông tin hạt
nhân và thông tin vệ tinh được phân bố trong VB báo chí. Lê Đình 2009 trong
một bài viết góp ý về cách đặt TĐ một số bài báo đã nhấn mạnh mối quan hệ
giữa TĐ với nội dung bài báo là “mối quan hệ giữa phần tóm lược, phần tổng
thể với phần miêu tả và thuyết minh về nó” (“Mèo Trạng Quỳnh ăn rau”
không phải là “Mèo ăn rau” (góp ý với cách đặt tiêu đề một số bài báo)”,
Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 1+2, 2009). Tác giả phê phán sự lẫn lộn
giữa các kiểu định danh xuất hiện khá nhiều trong các TĐ báo, từ đó góp ý về
cách đặt TĐ phản ánh đúng hiện thực khách quan trong phần nội dung bài
báo, tránh làm cho độc giả nhận thức lệch lạc về xã hội.
Nghiên cứu về TĐ báo chí đã ít, nghiên cứu riêng về thể loại tin tức
càng hiếm hoi hơn. Trịnh Sâm trong một công trình nghiên cứu TĐVB tiếng
Việt “Tiêu đề văn bản tiếng Việt” (Nxb Giáo dục, 2000) đã đáp ứng một cách
7
đầy đủ và toàn diện về lĩnh vực TĐVB, trong đó tác giả đã khảo sát khá
phong phú các TĐ của nhiều thể loại thuộc phong cách báo chí. Tuy nhiên, ở
thể loại tin tức, tác giả chỉ dừng lại ở việc khái quát đặc điểm chung của
TĐVB tin tức. Nguyễn Thị Việt Thanh “Về một số hiện tượng ngôn ngữ đặc
trưng của văn bản tin tiếng Việt” đăng trong Ngôn ngữ số 11 năm 2001 có đề
cập đến TĐVB tin. Tuy nhiên ở bài viết của mình, tác giả chỉ xét đầu đề (cách
gọi của tác giả-LV) với tư cách là một bộ phận hữu cơ của VB có quan hệ
nhất định với bộ phận nội dung chính.
Nghiên cứu TĐVB nói chung và TĐVB thể loại tin tức nói riêng có
thể từ nhiều góc độ khác nhau. Trong luận văn này, hướng tiếp cận của chúng
tôi chủ yếu ở phương diện ngôn ngữ học. Tuy nhiên, để có thể nêu một cách
hệ thống, bài bản về đặc điểm của TĐVB trong thể loại tin tức, chúng tôi sẽ
tiếp cận linh hoạt nhiều phương diện có quan hệ giao nhau với ngôn ngữ học
như phương diện xã hội học và kí hiệu học.
4. Phương pháp nghiên cứu và sưu tầm tư liệu
4.1. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn vận dụng một cách linh hoạt nhiều phương pháp khác nhau.
* Phương pháp phân tích ngữ dụng, chú ý đến đặc trưng ngữ cảnh.
* Phương pháp ngữ nghĩa- cú pháp: là phương pháp đặc trưng để
nghiên cứu cấu trúc - chức năng của các quan hệ.
* Phương pháp mô hình hoá: sử dụng phương pháp này dưới dạng các
bảng biểu, sơ đồ nhằm trình bày nội dung một cách giản lược và tiết kiệm.
* Phương pháp thống kê, phân loại: thống kê số lượng TĐVB, phân
loại ngữ liệu theo chủ điểm nghiên cứu. Trong việc khảo sát TĐVB tin tức,
phân loại theo tin tức điển hình và tin tức không điển hình.
Các học giả như Lakoff G. 1986, Brown C.H. 1990, Tversky B. 1990...
đều định nghĩa điển dạng như là “thí dụ đạt nhất của một phạm trù”, “thí dụ
8
nổi bật”, “trường hợp rõ nhất trong các thành viên phạm trù”, “đại diện tiêu
biểu nhất của các vật được bao hàm trong một lớp”, “thành viên trung tâm và
điển hình” [65].
Trong cách gọi khái niệm điển hình, luận văn cũng dựa trên cách hiểu
điển hình là đại diện tiêu biểu nhất của các vật được bao hàm trong một lớp,
là thành viên trung tâm, rõ nhất trong các thành viên phạm trù.
+ Trong nhận thức của chúng tôi, tin tức điển hình là những tin tức đề
cập đến những nội dung thời sự chính trị quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn
trong và ngoài nước.
+ Tin tức không điển hình là những tin không mang tính thời sự chính
trị quan trọng, mà chỉ đề cập đến một lĩnh vực nào đó như tin về an ninh trật
tự, văn hoá- văn nghệ, thể thao, đời sống xã hội trong và ngoài nước.
Từ khái niệm tin tức điển hình, tin tức không điển hình, trong luận
văn này, chúng tôi phân loại các đề tài của bản tin thời sự-chính trị, ngoại
giao, khoa học-kĩ thuật, kinh tế quân sự trong và ngoài nước xếp vào VB tin
điển hình; bản tin an ninh- trật tự, văn hoá- văn nghệ, thể thao, đời sống xã
hội trong và ngoài nước xếp vào VB tin không điển hình.
4.2. Sưu tầm tư liệu
Số lượng TĐVB thu thập bao quát được loại tin tức điển hình và tin
tức không điển hình. Trong đó có quan tâm đến các loại báo tiêu biểu, được
phát hành nhiều nhất ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Luận văn thu thập số lượng lớn các TĐ ở một thời điểm nhất định,
qua so sánh đối chiếu sẽ làm lộ rõ đặc điểm của TĐVB thể loại tin tức trong
phong cách thông tấn báo chí. Người viết cố gắng thu thập TĐVB thuộc nhiều
loại báo khác nhau trong khả năng có thể.
Cách ghi nguồn gốc dữ liệu: ghi TĐVB, tên báo (viết tắt) và thời gian
xuất bản.
9
5. Đóng góp của luận văn
Bản thân người viết luận văn nhận thấy đây là một đề tài rất thú vị và
hữu ích. Đề tài có ý nghĩa sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn.
5.1. Về mặt lý luận, luận văn góp phần nhận diện và làm rõ thêm
những đặc điểm của TĐVB tin tức không những về mặt ngôn ngữ mà còn về
mặt kí hiệu và các thủ pháp trình bày TĐVB.
5.2. Về mặt thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc xây dựng
TĐVB tin tức, hữu ích cho những người làm công tác báo chí trong việc ứng
dụng những đặc điểm của TĐVB tin tức vào nghiệp vụ của mình.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, phần nội dung của luận văn
được cấu trúc thành hai chương:
Chương một: Đặc điểm ngôn ngữ báo chí và TĐVB báo chí.
Chương hai: Đặc điểm của TĐVB tin tức.
10
Chương 1
ĐẶC ÐIỂM NGÔN NGỮ BÁO CHÍ VÀ TIÊU ÐỀ
VĂN BẢN BÁO CHÍ
1.1. Đặc điểm chung của báo chí
Báo chí ra đời do nhu cầu thông tin giao tiếp, giải trí và nhận thức
của con người. Báo chí luôn là một công cụ hoạt động quan trọng của con
người và các giai cấp trong cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ và văn minh của nhân
loại. Tìm hiểu về đặc điểm báo chí sẽ giúp chúng ta nhận diện rõ các cơ chế
hoạt động của báo chí, qua đó khái quát được đặc điểm ngôn ngữ báo chí.
1.1.1. Báo chí - loại hình hoạt động thông tin chính trị-xã hội
Báo chí là một hoạt động đặc thù của xã hội, phản ánh văn hoá,
chính trị của mỗi xã hội hay mỗi quốc gia.
Trong hoạt động báo chí, thông tin là công cụ chủ yếu để nhà báo
thực hiện mục đích của mình. Thông tin trong báo chí vừa có tính xã hội cao
vừa có tính tư tưởng và khuynh hướng rõ rệt. Báo chí là một hoạt động thông
tin đại chúng rộng rãi và năng động nhất đã tạo ra cách tiếp cận đặc thù để
phản ánh hiện thực. Hiện thực được tái hiện trên báo chí phải phản ánh được
một cách trung thực đời sống xã hội, xây dựng thế giới quan khoa học, tâm tư
tình cảm của con người. Báo chí phải mang tính chiến đấu cao vì đó là tiếng
nói của một tổ chức, một cơ quan, một đảng phái có nhiệm vụ tuyên truyền và
tác động đến công chúng theo một mục tiêu nào đó.
1.1.2. Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện chức
năng cơ bản là thông tin và tác động
Với tính chất là những phương tiện truyền thông đại chúng hoạt động
trên quy mô toàn xã hội, báo chí là kênh chủ yếu cung cấp kiến thức thông tin
11
về thế giới xung quanh rộng lớn cho mọi người, là bộ phận không thể thiếu
trong đời sống xã hội.
Báo chí tác động đến độc giả trên nhiều lĩnh vực nhận thức, giáo dục,
thẩm mĩ. Chức năng tác động còn có tác dụng định hướng và hướng dẫn dư
luận.
Tin bài là bộ phận tiêu biểu trong phong cách báo chí. Tin tức mà
báo chí cung cấp phải mang tính thời sự, khách quan và hấp dẫn.
Thời sự là những gì xảy ra hàng ngày (tin tức cập nhật), hàng buổi
(báo buổi sáng, báo buổi chiều,...), hàng giờ (báo điện tử). Sự kiện được thông
tin nhanh, kịp thời (thông tin tức thời càng tốt) được gọi là thời sự. Trong thời
đại đầy ắp thông tin, các sự kiện được đưa tin phải có tính thời sự khẩn trương
(là những vấn đề đang được xã hội quan tâm) mới tạo được thông tin mới mẻ,
thu hút người đọc.
Tính hấp dẫn không chỉ ở sự mới lạ mà còn bởi mức độ liên quan
đến lợi ích, nhu cầu, sở thích của công chúng.
Dựa trên các nguyên tắc sau để xác lập những thông tin quan trọng
(thông tin theo các vòng tròn đồng tâm), trong đó lấy mỗi cá nhân là tâm
điểm:
+ Nguyên tắc quan hệ: TÔI – GIA ĐÌNH – HỌ HÀNG – BÈ BẠN –
NGƯỜI LẠ.
+ Nguyên tắc khoảng cách: TÔI – HÀNG XÓM – LÀNG XÃ –
HUYỆN – TỈNH – TRONG NƯỚC – NGOÀI NƯỚC.
Ngoài ra, tầm quan trọng còn bao gồm tính hiếu kỳ, kích cỡ sự việc,
sự vụ, tính thời gian, nhu cầu của mỗi cá nhân, mỗi thành phần xã hội.
12
1.1.3. Báo chí luôn bám sát sự kiện, phản ánh chính xác sự kiện,
lấy hiện thực khách quan làm đối tượng phản ánh
Chức năng phản ánh đòi hỏi báo chí phải chính xác, trung thực và
hấp dẫn. Tính chất khách quan trong việc thông tin sự kiện, sao cho chính các
sự kiện được thông tin một cách tự nhiên, không cố ý và không hàm chứa ý
kiến chủ quan của một cá nhân hay tập thể nào đó.
Tính chính xác trong thông tin báo chí là bám sát các sự kiện có thực
và phản ánh một cách nguyên dạng, không méo mó.
1.1.4. Báo chí sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện chủ yếu để
chuyển tải thông tin
Ngôn ngữ báo chí phải mang tính chất chuẩn mực, thể hiện trong
cách dùng từ, đặt câu, cách tổ chức VB, văn phong phù hợp với khả năng tiếp
nhận và khả năng giải mã của người thụ ngôn.
Trong báo chí có những nguyên tắc về cách trình bày, cách tổ chức
mà thông qua đó thể hiện được tính khách quan của sự kiện. Cách trình bày
như dùng những câu trích có đóng ngoặc kép (từ lời khách ngôn), sắp xếp cấu
trúc bài viết hoặc cách thức dàn trang giúp độc giả phân biệt lời bình của
người viết với những sự kiện tự thân nó lên tiếng.
Cách tổ chức thường thấy là đưa những sự kiện, những con số được
cung cấp chính thức từ cơ quan chức năng có thẩm quyền, từ các nguồn tin
hợp pháp của chính quyền, thường là các quan chức chính phủ cấp cao và một
số tương đối nhỏ các chuyên gia đáng tin cậy. Từ các nguồn tin này, thông tin
báo chí được chọn lọc và diễn đạt ngắn gọn theo các đặc trưng của ngôn ngữ
báo chí.
Tính định lượng trong các VB báo chí thể hiện ở chỗ chặt chẽ về số
lượng câu, chữ trong một giới hạn diện tích nhất định. Số trang báo có hạn mà
13
thông tin sự kiện thì phong phú, cho nên định lượng về mặt ngôn từ sẽ giúp tờ
báo cung cấp được nhiều thông tin đến độc giả.
1.1.5. Tính tương tác giữa báo chí và công chúng
Càng ngày báo chí càng tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trong đời
sống xã hội. Từ đó, báo chí thu hút sự quan tâm của nhiều giới độc giả. Thông
qua những vấn đề được đăng tải trên báo, những vấn đề mà công chúng và dư
luận quan tâm, báo chí tác động đến nhận thức của độc giả, định hướng dư
luận. Báo chí mở ra nhiều vấn đề kích thích, mời gọi độc giả quan tâm, hưởng
ứng, có thể tham gia các diễn đàn, các bài phản ánh, các chuyên mục bạn đọc
viết.
Có thể nói, đặc điểm này đã nâng vị trí, tầm quan trọng của báo chí
lên một bước cao. Báo chí không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp, đưa tin một
chiều mà còn là “chiếc cầu nối giữa báo chí và dư luận xã hội” [58]. Chính vì
vậy, trong báo chí, tính chất “kiểm thông”, tức chức năng kiểm tra mạch
truyền thông, giữ mối liên hệ và tìm cách thu hút sự chú ý của độc giả là
phương diện ngày càng được nhiều báo quan tâm. Báo chí đã có sự cộng
hưởng từ phía độc giả, từ xã hội. Để duy trì được mạch truyền thông này, báo
chí phải luôn đưa ra những vấn đề thời sự mới mẻ, có tầm tác động rộng lớn,
hay những vấn đề gần gũi, thiết thân của đời sống hàng ngày mới thu hút sự
quan tâm của đông đảo độc giả. Báo chí luôn biết cách không còn đơn thuần
là nơi cung cấp thông tin một cách đơn điệu mà luôn tạo cách thu hút, mời gọi
độc giả. Để thực hiện được điều này, báo chí có nhiều phương thức như cách
đặt TĐ (cách bố trí TĐ chính, TĐ phụ, TĐ bộ phận, cách bố trí không gian
trên tờ báo cho các TĐVB), cách sử dụng ngôn ngữ (theo từng đặc trưng thể
loại), các đoạn trích, đoạn mở đầu được đóng khung, khổ và vị trí của hình
ảnh, cách dàn trang bắt mắt nhấn mạnh chủ đề chính, các mục nằm ở vị trí
quen thuộc dễ tìm kiếm...
14
1.2. Đặc điểm chung của ngôn ngữ báo chí
Từ những đặc điểm chung của báo chí dẫn đến đặc điểm chung của
ngôn ngữ báo chí.
1.2.1. Tính sự kiện
Báo chí với chức năng thông tin, phản ánh hiện thực qua các sự kiện
tồn tại khách quan, do vậy, tính sự kiện là đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ báo
chí.
Tính cụ thể, khách quan và chính xác giúp sự truyền đạt và xử lí
thông tin sự kiện một cách chặt chẽ. Báo chí là loại hình hoạt động thông tin
chính trị-xã hội, luôn bám sát sự kiện, phản ánh chính xác sự kiện. Báo chí
dùng công cụ là ngòi bút để viết đúng sự thật, không những chính xác về nội
dung mà còn về câu, chữ. Tính khách quan làm tăng sự hấp dẫn của bài báo vì
bản thân sự kiện vốn tồn tại khách quan chứ không phải là sự áp đặt chủ quan
của người viết. Thông tin trên báo chí đến trực tiếp với độc giả, càng rõ ràng,
cụ thể càng tốt để người đọc khi tiếp nhận thông tin có thể giải mã ngay, tránh
sử dụng những hình thức ngôn từ, cách diễn đạt khó hiểu.
Để phục vụ yêu cầu truyền tải thông tin đến độc giả một cách hiệu
quả và mau chóng, ngôn ngữ báo chí phải bảo đảm tính ngắn gọn. VB báo chí
sử dụng số lượng từ ở mức thấp nhất mà vẫn nêu được nội dung nhiều nhất,
chọn lọc từ ngữ biểu đạt phong phú nội dung, chọn kiểu câu có kết cấu ngắn
gọn. Cách tổ chức VB hạn chế ở mức thấp nhất về số câu, số chữ, chọn mô
hình cấu tạo phù hợp với cách diễn đạt thông tin. Độc giả sẽ ghi nhớ một câu
gồm nhiều từ ngắn tốt hơn một câu gồm các từ dài.
Ngôn ngữ có tính sự kiện trong báo chí là ngôn ngữ động, chủ yếu sử
dụng nhiều động từ, ít tính từ, danh từ.
15
1.2.2. Tính đại chúng
VB báo chí có số lượng độc giả rộng rãi trong các tầng lớp xã hội, vì
thế tính đại chúng là một trong những đặc điểm của ngôn ngữ báo chí khác
biệt so với các phong cách ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ báo chí hàng ngày
thường xuyên thanh lọc theo tiêu chí tiếp nhận của công chúng, dễ đọc, dễ
hiểu nhưng không đi ngược với chuẩn mực của ngôn ngữ.
Tính đại chúng biểu hiện trong cách dùng từ đơn, phổ thông hơn là từ
ghép, từ vay mượn; dùng từ ngữ dễ hiểu, phổ biến hơn là từ ngữ chuyên môn
sâu, từ ngữ địa phương, tiếng lóng; tránh sử dụng các kiểu câu cầu kỳ, không
phù hợp với yêu cầu ngắn gọn.
Ngôn ngữ báo chí đòi hỏi sự mạch lạc, hướng đến mọi đối tượng độc
giả, thuộc nhiều thế hệ, có trình độ và sở thích khác nhau, cung cấp những gì
độc giả dễ tiếp nhận. Cho nên ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ công luận, là
tiếng nói chung cho cả cộng đồng.
1.2.3. Tính chuẩn mực
Ngôn ngữ báo chí phải là ngôn ngữ chuẩn mực, thống nhất trong toàn
quốc, đòi hỏi cách chọn lọc từ ngữ và câu chữ, cách tổ chức VB đúng yêu cầu
ngữ pháp, cách thể hiện văn phong mang tính chính xác cao, cô đúc và chuẩn
mực, cách trình bày thu hút. Chính đặc điểm này giúp báo chí phổ biến rộng
rãi đến công chúng và công chúng tiếp nhận báo chí dễ dàng hơn.
Tính chuẩn mực trong ngôn ngữ báo chí có tác dụng chuyển tải thông
tin, đạt hiệu quả cao trong giao tiếp và định hướng ngôn ngữ cho đông đảo
công chúng, bạn đọc, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
1.2.4. Chính xác
Chính xác là yếu tố quan trọng đối với bất kỳ bài báo nào. Chính xác
trong nội dung thông tin sẽ giúp người đọc nắm bắt được bản chất của vấn đề-
sự kiện. Chính xác trong cách dùng ngôn ngữ, từ cách viết đúng chính tả,
16
cách dùng từ, dùng câu, cho đến cách dùng câu trích dẫn, và thậm chí ngay cả
cách ngắt dòng trên TĐ cũng phải hợp lí để không mất đi tính chính xác của
nội dung. Tính chính xác sẽ giúp tính chuẩn mực của ngôn ngữ báo chí tồn tại
bền vững.
Bên cạnh đó, tính tương tác giữa báo chí và công chúng ngày càng rõ
nét, thông tin trên báo càng phải đạt yêu cầu cao về độ chính xác, tin cậy, cần
loại bỏ những gì có thể dẫn tới những cách hiểu khác đi, dễ gây ngộ nhận cho
độc giả.
1.2.5. Tính hấp dẫn
Ngôn ngữ được sử dụng trong VB báo chí phải có tính hấp dẫn trong
việc lựa chọn và sử dụng các phương tiện từ vựng, ngữ pháp và cách thức tổ
chức VB sao cho thu hút người đọc, qua đó thực hiện tốt chức năng tác động
và khả năng cạnh tranh thông tin.
1.2.6. Tính thời đại
Ngôn ngữ chịu sự ảnh hưởng và tác động của thời đại nên dù có cơ
cấu nội tại vững chắc ngôn ngữ vẫn có sự biến đổi. Ngôn ngữ báo chí có thể
sử dụng rộng khắp, tần suất cao ở thời điểm, giai đoạn này nhưng thời gian
sau lại đi vào quên lãng. Trong thời đại thông tin, ngôn ngữ báo chí luôn có
hướng hiện đại hoá, thường xuyên tiếp nhận có chọn lọc nhiều vốn từ mới,
mở rộng sự giao lưu với quốc tế nhưng vẫn phải giữ bản sắc dân tộc.
1.3. Đặc điểm ngôn ngữ báo chí
1.3.1. Đặc điểm về ngữ âm và chữ viết
Phương tiện giao tiếp trên báo chủ yếu bằng VB, không thực hiện
bằng ngôn bản, cho nên nếu có một cơ sở chính tả hợp lý và thống nhất, chữ
viết sẽ giúp cho việc giao tiếp được thuận lợi và hiệu quả.
Do ảnh hưởng của thời đại, hiện nay, trên báo chí xuất hiện nhiều từ
ngữ vay mượn tiếng nước ngoài. Đây cũng là một trong những đặc điểm của
17
báo chí, là xu thế chung của toàn xã hội, vấn đề là phải sử dụng những từ ngữ
vay mượn này theo những quy tắc thống nhất trong cách đọc, cách viết, cách
phân giới âm tiết sao cho phù hợp với loại hình ngôn ngữ tiếng Việt.
Viết hoa là một phần của chuẩn chính tả tiếng Việt. Viết hoa tăng
thêm khả năng giá trị khu biệt, tạo ra sự đối lập giữa cách viết chữ thường và
viết chữ hoa thể hiện mặt cú pháp, tu từ, ngữ nghĩa, từ đó nhấn mạnh thông
tin cần truyền tải.
Viết tắt là một dạng trình bày được chấp nhận và thường gặp trong
VB báo chí. Phương thức viết tắt giúp cách trình bày ngắn gọn, tiết kiệm được
không gian trên báo. Thông tin càng nhiều càng phải sử dụng dạng tắt để
lược bỏ những lượng dư không cần thiết. Chính vì vậy, viết tắt cũng cần có
những quy tắc vừa thể hiện tính khách quan, dễ chấp nhận, dễ hiểu vừa thể
hiện sự tiện lợi. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá, báo chí ngày càng
xuất hiện nhiều từ viết tắt tiếng nước ngoài. Dạng viết tắt thuộc lĩnh vực ngôn
ngữ, vì thế sử dụng dạng tắt, nhất là trên báo chí, càng phải cẩn trọng để
không mất đi tính trong sáng của tiếng Việt.
Có thể nói báo chí ngày nay rất quan tâm đến vấn đề kỹ thuật trình
bày. Trình bày không phải chỉ là việc trang trí tờ báo mà còn có hiệu quả
thông tin tác động đến người đọc. Nắm bắt được nhu cầu đó, các báo đều chú
trọng đến khâu khai thác các đặc điểm tu từ của văn tự.
1.3.2. Đặc điểm về từ vựng
Mỗi loại phong cách ngôn ngữ qui định lớp từ vựng riêng. Trong
phong cách ngôn ngữ báo chí, xem xét đặc điểm từ vựng ở khả năng lựa chọn
và sử dụng các lớp từ ngữ. Cách dùng từ, lựa chọn từ ngữ chính xác, trong
sáng, đúng phong cách, đúng quy tắc chính tả tiếng Việt một mặt diễn đạt
chính xác điều cần diễn đạt, mặt khác là cách tôn trọng độc giả.
18
1.3.2.1. Xét về mặt nguồn gốc
VB báo chí, bên cạnh vốn từ ngữ thuần Việt còn tiếp nhận nhiều đơn
vị từ vựng có nguồn gốc từ tiếng Hán và tiếng vay mượn nước ngoài. Tuy
nhiên, mức độ sử dụng mỗi loại khác nhau, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát
triển xã hội- ngôn ngữ, tuỳ vào từng thể loại phản ánh.
Từ cổ ít xuất hiện trên các VB báo chí, càng hiếm xuất hiện trên các
TĐVB tin tức do tính chất lỗi thời, chỉ có giá trị lịch sử, không còn phù hợp
với khả năng tiếp nhận của xã hội ngày nay. Trái lại, cùng với sự vận động
không ngừng của xã hội, lớp từ mới xuất hiện từ nhiều nguồn, phát triển theo
hướng tích cực có, tiêu cực có. Tuy nhiên, trong các VB báo chí có sự sàng
lọc nghiêm ngặt, hầu như chỉ tiếp nhận những từ ngữ tích cực.
1.3.2.2. Xét về mặt phạm vi sử dụng
Phong cách báo chí sử dụng phổ biến lớp từ vựng toàn dân. Lớp từ
vựng này đáp ứng được điều kiện truyền tải thông tin mau chóng, chính xác,
dễ hiểu đến rộng rãi các tầng lớp công chúng ở nhiều địa phương khác nhau.
Đây cũng là lớp từ vựng cơ bản, quan trọng nhất trong tiếng Việt.
Xuất hiện những từ nghề nghiệp, những thuật ngữ thuộc các lĩnh vực
khác nhau trên các bài báo.._. Mức độ nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tờ báo
dành cho đối tượng nào. Trong một chừng mực, các thuật ngữ chuyên môn
hẹp ít được sử dụng trên các VB báo chí, bước đầu chỉ phục vụ trong các
chuyên ngành, nhưng dần dần có xu hướng hoà nhập vào lớp từ vựng toàn
dân, phù hợp với khả năng tiếp nhận của công chúng và ngày càng trở nên
phổ biến, thông dụng.
Lớp từ ngữ chính trị- xã hội phổ biến trên các VB báo chí. Điều này
cũng dễ hiểu vì đặc điểm báo chí là loại hình hoạt động thông tin chính trị- xã
hội. Lớp từ ngữ chính trị- xã hội có khả năng tác động xã hội, thích hợp với
chức năng, nhiệm vụ của báo chí.
19
Trên các VB báo càng ít xuất hiện tiếng lóng và tiếng địa phương do
không đáp ứng được yêu cầu của tính toàn dân.
1.3.2.3. Xét về mặt phong cách
Bảng phân loại các phong cách chức năng trong tiếng Việt:
Phong cách
khoa học
Phong
cách
sinh
hoạt
hàng
ngày
Phong
cách
báo chí
Phong
cách
quảng
cáo
Phong
cách
văn
chương
Phong
cách
chính
luận
Phong
cách
hành
chính
Nghiên
cứu
khoa
học
Phổ
biến
khoa
học
(Giáo trình bài giảng 2007, Trịnh Sâm)
Ngôn ngữ trên báo phải chuẩn, đó là yêu cầu bắt buộc. Chính vì thế
lớp từ ngữ mang phong cách đặc trưng sách vở, là những gì được xã hội chấp
nhận, thông dụng, phổ biến và được đại đa số công chúng tiếp thu dễ dàng.
Ngôn ngữ báo chí cũng sử dụng lớp từ ngữ có màu sắc biểu cảm.
Chính đề tài và thể loại trình bày sẽ quy định lớp từ ngữ mang màu sắc biểu
cảm, giúp diễn đạt thông tin một cách cụ thể, sinh động, tạo ấn tượng thích
thú, dễ tiếp thu đối với người đọc.
Tin trên báo không chỉ là những vấn đề thời sự chính trị nóng hổi
mang màu sắc trang trọng mà còn là thông tin những vấn đề văn hoá, xã hội,
đời sống, an ninh trật tự... cho nên để làm “mềm hoá” thông tin, sử dụng từ
ngữ mang màu sắc biểu cảm là phù hợp với sự nhận thức của người đọc.
1.3.3. Đặc điểm về ngữ pháp
Thông tin trên báo chí thường là những thông tin ngắn gọn, chính xác
cho nên trong báo chí thường gặp loại câu đơn hai thành phần Đề- Thuyết.
20
Câu đơn chỉ có phần Thuyết (thường là được tỉnh lược thành phần Đề để tăng
cường độ tập trung thông tin, gây ấn tượng đối với người đọc) là xu hướng
phổ biến hiện nay ở các TĐVB báo chí. Kiểu câu này đáp ứng được yêu cầu
ngắn gọn tới mức tối đa mà chuyển tải được nhiều nội dung.
Hầu hết câu được dùng trong các VB báo chí là câu tường thuật. Câu
cảm, câu cầu khiến, câu nghi vấn xuất hiện trên báo với số lượng ít.
Việc tổ chức câu theo khuôn mẫu biểu cảm là đặc điểm thường gặp
trong phong cách báo chí. Khuôn biểu cảm có tính năng động cao, như một
mô thức tiện lợi cho người viết tổ chức thông tin và người nhận dễ dàng nắm
bắt thông tin.
1.3.4. Đặc điểm về tổ chức VB
1.3.4.1. Khuôn hình VB
VB báo chí có khuôn hình thông dụng, thường được cấu tạo theo kiểu
gồm có phần TĐ, phần mở đầu, phần thân và phần kết.
TĐ của VB có chức năng đánh dấu đầu vào của VB và nêu nội dung
cô đọng nhất của VB. Bộ phận TĐ giữ vai trò quan trọng trong VB.
Chức năng của phần mở đầu VB là làm rõ nội dung của TĐ và giải
thuyết cho sự phát triển nội dung ở phần thân. Tuy nhiên, ở mỗi thể loại VB
khác nhau cách thức mở đầu cũng khác nhau.
Sa-pô (đề dẫn) (tiếng Pháp là chapeau, tiếng Anh là lead) là phần
đứng giữa TĐ và phần còn lại của VB, đảm nhiệm nhiều chức năng khác
nhau như: hoàn thiện TĐ, nêu chủ đề bài báo, tóm tắt thông tin chủ yếu, giải
thích hoàn cảnh bài báo, tạo sự liền mạch chủ đề nếu bài báo có nhiều kỳ,
thông báo bố cục,... Sa-pô có nhiều dấu hiệu hình thức để phân biệt với phần
VB: kiểu chữ đậm, nghiêng, cỡ chữ to hay nhỏ, được đóng khung hoặc trang
trí khác biệt, được phân đoạn tách biệt với phần VB. Sa-pô là một yếu tố thu
21
hút mắt độc giả, mời đọc bởi việc lựa chọn từ ngữ và cấu trúc câu tạo sức hấp
dẫn người đọc.
Phần thân của VB có chức năng triển khai theo hướng mở rộng hoặc
cụ thể hoá nội dung đã được xác định ở phần trên. Phần thân là phần quan
trọng nhất trong cấu tạo chung của VB.
Phần kết có chức năng khái quát hoá hay tổng kết những thông tin
chính đã được trình bày ở trước.
1.3.4.2. Cấu trúc nội dung VB
Cấu trúc nội dung của một VB bao gồm phần Đề (Theme), phần
Thuyết (Rheme), phần Hoạ đề (Interpretation) được tổ chức theo nhiều mô
hình khác nhau trong các VB báo chí. Cấu trúc diễn dịch có mô hình (T→ R)-
I trình bày nội dung theo hướng những thông tin quan trọng được đặt ở phần
trên VB, xây dựng nên VB chặt chẽ, có tính khoa học và logic. Cấu trúc quy
nạp có mô hình I- (T→ R) trình bày thông tin theo hướng tăng dần thông tin
quan trọng. Cấu trúc móc xích có mô hình T→ I → R được tổ chức trong VB
theo hướng duy trì hoặc phát triển chủ đề. Cấu trúc song song chứa nhiều
thông tin về những sự kiện khác nhau mang giá trị thông báo như nhau, có mô
hình T→ R1. (T) → R2. (T) → R3 hoặc T1→ R1. T2→ R2. T3 → R3. Cấu trúc
tối giản có mô hình T→ R khi cần thông tin nhanh một vấn đề. Cấu trúc trung
tâm có mô hình I – (T→ R) –I (mô hình viên kim cương) trình bày những nội
dung quan trọng được đặt ở giữa VB. Ngoài ra, trong việc tổ chức VB báo chí
còn gặp cấu trúc đồng hồ cát có mô hình T1 → R1. I. T2→ R2 (mô hình đồng
hồ cát), trong đó những chi tiết quan trọng được đặt ở đầu và cuối VB.
22
1.4. Đặc điểm chung của TĐVB báo chí
1.4.1. Những yếu tố quy định đặc điểm của TĐVB báo chí
1.4.1.1. Chức năng
Cuốn Handbook for Journalists of Central and Eastern Europe (Sổ
tay dành cho các nhà báo Đông và Trung Âu) của Malcolin F.Mallette đã chỉ
ra rằng TĐ báo có bốn chức năng:
- Tổng kết thông tin
- Phân định mức độ quan trọng của câu chuyện
- Yếu tố nổi bật trong nhận diện
- Gây cảm tình đối với người xem (giúp họ quyết định trở thành độc
giả).
Chức năng chủ yếu của TĐ là thể hiện được cốt lõi nội dung bài báo
thông qua hình thức hấp dẫn. Chức năng này cho thấy vai trò quan trọng của
TĐ trong việc thu hút sự chú ý vào trang giấy, giúp độc giả lựa chọn bài và
khiến độc giả muốn đọc. Muốn thực hiện được điều đó, TĐ báo thường phải
tuân theo những yêu cầu:
- Truyền đạt được nội dung chính của bài báo
- Ngắn gọn để dễ dàng trang trí và sắp xếp trong khuôn khổ có hạn
của trang báo
- Có tính nghệ thuật cao về mặt ngôn ngữ
- Hấp dẫn, gây sự chú ý và tò mò đối với người đọc.
1.4.1.2. Đặc trưng thể loại
Theo Dương Xuân Sơn (2004), thể loại báo chí có những đặc trưng
riêng và các tiêu chí riêng để phân định thể loại như đối tượng phản ánh trong
từng thể loại, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của tác phẩm báo chí, mức độ
nắm bắt hiện thực, ở các kết luận và khái quát hoá vấn đề cần phản ánh trong
tác phẩm, tính chất của phương tiện phản ánh hiện thực, văn phong, ngôn ngữ
23
cho nên nội dung của những đặc trưng riêng phải được thể hiện cụ thể trong
từng thể loại.
Chính đặc trưng phong cách và thể loại chi phối mặt tổ chức ngôn
ngữ của VB và cả TĐVB.
1.4.1.3. Độc giả
Bài báo được viết ra chủ yếu hướng vào độc giả. Không có độc giả thì
báo chí sẽ không tồn tại. Vì vậy, số lượng độc giả quyết định sự sống còn của
tờ báo. “Độc giả bị lôi cuốn bởi sự hấp dẫn của tờ báo và đặc biệt là bởi đầu
đề bài báo” [39, tr.62]. Do đó, nội dung bài báo, cách trình bày, diễn đạt và
nhất là TĐ bài báo phải phù hợp với tâm lý tiếp nhận của độc giả.
1.4.2. Đặc điểm chung của TĐVB báo chí
1.4.2.1. Thông tin cao
TĐ được xem như là một thông điệp đầu tiên mà bài báo, tác giả gửi
tới cho người đọc, gần như quyết định đến tâm lý của người đọc, liệu họ có
tiếp tục đọc tiếp bài báo hay không.
“ Chức năng cơ bản của tiêu đề là đem lại cho người ta một quan
niệm về thực chất của bài viết” [27]. TĐ phải rõ ràng và dễ hiểu, người đọc
khi tiếp xúc lần đầu có thể hiểu ngay.
“TĐ thực chất là một thứ “nhãn hiệu” của VB” [56, tr.37] có tính chất
đại diện cho VB nhằm để thông tin về nội dung, cho nên TĐ phải chính xác
và mang tính thông tin cao. TĐ thường thể hiện những quan hệ nhất định với
bộ phận nội dung của VB, có tác dụng định hướng cho người đọc, giúp người
đọc thông qua TĐ có thể nắm bắt được nội dung quan trọng nhất của VB.
TĐ khái quát được nội dung hoặc nêu bật được nội dung chính của
bài báo, nhấn mạnh thông tin mới, quan trọng và hấp dẫn để độc giả có thể
lựa chọn ngay khi xem lướt qua tờ báo. TĐ thể hiện được một cách trọn vẹn ý
nghĩa bài báo, nêu được thông tin phù hợp với nội dung bài báo.
24
1.4.2.2. Chuẩn mực
Chuẩn mực được hiểu ở đây là vừa mang yếu tố đại diện vừa mang
yếu tố tiêu biểu. Nếu như ở các phong cách chức năng, ở các thể loại trong
cùng một phong cách chức năng, đặc điểm này thể hiện ở chỗ nó mang dấu ấn
và phong cách của thể loại đó thì ở đây nó phải hoặc là tương ứng với loại
điển hình hoặc không điển hình. Nói rõ hơn, các yếu tố như trang trọng,
nghiêm túc, nén kín đều là thuộc tính điển hình thì các đặc tính đối lập thuộc
về không điển hình.
1.4.2.3. Ngắn gọn
Khuynh hướng chung trong ngôn ngữ báo chí là viết các câu ngày
càng ngắn đi. Tính cô đọng trong các TĐ báo được đẩy tới mức cao nhất. Một
TĐ ngắn chỉ cần độc giả nhìn thoáng qua là đập ngay vào mắt, không phải tốn
nhiều thời gian để dừng lại đọc nữa. “Những công trình nghiên cứu đã chỉ ra
rằng trung bình người ta nhớ được mười hai từ trong mỗi câu.... độc giả
thường nhớ phần nửa đầu của một câu.”[39, tr.46-47]. Như vậy, phần cuối
của một câu dễ bị quên mất. Cho nên một TĐ dài kém lợi thế hơn một TĐ
ngắn gọn, súc tích, dẫn đến nội dung bài báo có thể bị bỏ qua.
Bằng một hình thức cô đúc ngắn gọn nhất, TĐ báo chuyển tải được
một lượng thông tin tối đa. Chính tính chất nhiều ý nghĩa và nói chưa hết lời
của TĐ thu hút độc giả.
1.4.2.4. Hấp dẫn
Tính hấp dẫn thể hiện trong việc thiết kế TĐ ngắn gọn để dễ dàng
trang trí và sắp xếp trong khuôn khổ có hạn của trang báo, có tính nghệ thuật
cao về mặt ngôn ngữ và nội dung có yếu tố khêu gợi, gây sự chú ý và tò mò
đối với người đọc.
TĐ vừa là hình thức vừa là nội dung đầu tiên tiếp cận với độc giả. TĐ
hấp dẫn vì nội dung của sự kiện, vì kết cấu TĐ gây bất ngờ, vì độc giả rút ra
25
được những điều thú vị đằng sau TĐ. TĐ hấp dẫn không chỉ là do các yếu tố
ngôn ngữ mà còn xuất phát từ mĩ cảm toát ra từ cấu trúc TĐ, nó mang tính
văn hoá, xã hội cao, thu hút và kích thích người đọc tiếp tục quan tâm đến nội
dung bài báo.
Có thể nói, một TĐ hấp dẫn luôn gắn liền với số phận của bài báo,
của tác giả.
1.5. Tiểu kết
1.5.1. Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện chức
năng cơ bản là thông tin và tác động và càng ngày càng có vai trò quan trọng
trong đời sống hiện đại.
1.5.2. Đặc điểm chung của ngôn ngữ báo chí là có tính sự kiện, tính
đại chúng, tính chuẩn mực, tính chính xác, tính hấp dẫn, tính thời đại.
1.5.3. Trên cơ sở chính tả hợp lý và thống nhất, chữ viết sẽ giúp cho
việc giao tiếp trên các VB báo chí được thuận lợi và hiệu quả. Từ ngữ sử dụng
phải phù hợp về thể loại, hoàn cảnh, đề tài, phong cách.... Kiểu câu Đề-
Thuyết, câu chỉ có phần Thuyết, câu tường thuật thường gặp trên các VB báo
chí. VB báo chí có khuôn hình thông dụng, có cấu trúc nội dung thường được
tổ chức theo nhiều mô hình khác nhau nhằm phản ánh được nội dung, sự kiện
dưới nhiều góc độ khác nhau.
1.5.4. Bộ phận TĐ giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức VB,
không chỉ có quan hệ về mặt hình thức mà còn chặt chẽ về mặt nội dung.
Những đặc điểm chung của TĐVB báo chí như mang tính thông tin cao,
chuẩn mực, ngắn gọn và hấp dẫn là những yếu tố giúp cho VB báo chí thu hút
sự chú ý, sự lựa chọn của độc giả vào bài báo.
1.5.5. Đặc điểm ngôn ngữ của TĐVB sẽ bị chi phối bởi phong cách
và thể loại mà nó định danh. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ có ý nghĩa tương
đối.
26
Chương 2
ÐẶC ÐIỂM CỦA TIÊU ÐỀ VĂN BẢN TIN TỨC
2.1. Đặc điểm ngôn ngữ của TĐVB báo chí
2.1.1. Các thể loại báo chí
“Thể loại báo chí là hình thức biểu hiện cơ bản, thống nhất và tương
đối ổn định của các bài báo, được phân chia theo phương thức phản ánh hiện
thực, sử dụng ngôn ngữ và các công cụ khác để chuyển tải nội dung mang
tính chính trị - tư tưởng nhất định.” [60, tr.9]
Báo chí có nhiều thể loại khác nhau. Trong luận văn này, TĐVB của
thể loại tin tức là đối tượng khảo sát chính, tuy nhiên để làm rõ hơn đặc điểm
của nó, luận văn sẽ tiến hành so sánh với TĐVB của các thể loại khác trong
cùng phong cách báo chí.
2.1.2. Đặc điểm của TĐVB trong các thể loại báo chí
Khả năng thông tin và tác động ở từng thể loại có nhiều mức độ khác
nhau. Do đó, cách thức tổ chức ngôn ngữ trong từng thể loại cũng mang nhiều
đặc trưng khác nhau.
Tin là thể loại lâu đời nhất của báo, xuất hiện cùng với báo, khi có
báo là có tin.
2.1.2.1. Thể loại tin
Theo một quan niệm phổ biến, kết cấu bản tin gồm:
a. Nguồn tin
b. Thời gian, địa điểm xảy ra sự kiện
c. Người tham gia sự kiện
d. Nội dung hay quá trình diễn ra sự kiện (khái quát)
e. Kết quả hoặc hướng giải quyết
27
f. Thái độ của người viết và người đọc đối với sự kiện (nếu có)
Việc tổ chức kết cấu bản tin như thế nào để đáp ứng yêu cầu nắm bắt
nhanh nhạy thông tin, giúp người đọc lĩnh hội nhanh nhất, ngắn nhất là điều
quan trọng trong bản tin. Vì vậy, việc tập trung thông tin ở vị trí mở đầu giúp
VB triển khai theo hướng diễn dịch, các nội dung được diễn đạt theo mức độ
giảm dần xét về mặt câu chữ.
Do tính chất ngắn gọn nên phần mở đầu của VB tin thường bỏ qua
những thông tin có tính chất “mào đầu” mà đi thẳng vào nội dung chính, đồng
thời phần kết cũng bị lược bỏ để tránh sự dài dòng không cần thiết.
Kết cấu bản tin ngắn gọn, ngôn ngữ có tính khách quan, ít màu sắc
biểu cảm, chức năng thông báo là chính. TĐ trình bày các sự kiện mang tính
thời sự, tính thông tin cao, nêu được cái mới, trọng tâm, ngắn gọn và cụ thể.
Trong bản tin nếu không có TĐ thì yếu tố có chức năng mở đầu VB
được lựa chọn đem lên hàng đầu làm chức năng của một TĐ, gọi là TĐ zéro.
2.1.2.2. Thể loại phóng sự
Thể loại phóng sự là bản tin có tính thời sự cao, phản ánh thông tin sự
kiện chi tiết, đầy đủ và hệ thống. Ngôn ngữ mang tính nghệ thuật- chính luận
cao, sử dụng một số phương tiện biểu đạt, có tính hình tượng, giàu hình ảnh,
sinh động. Bên cạnh đó, ngôn ngữ nhân vật thường được xuất hiện xen kẽ với
“cái tôi” trần thuật của tác giả như là một phương tiện tăng cường tính chân
thực, khách quan.
Thể loại này thường có TĐ phụ chi tiết hoá thông tin, phân chia thành
các chủ đề nhỏ, góp phần tạo nên chủ đề chung cho toàn VB.
TĐ ít nhiều sử dụng yếu tố biểu cảm, biện pháp tu từ vừa hạn chế
được độ dài vừa có tính hình tượng cao.
TĐ thường xuất hiện dưới dạng câu hỏi hoặc những dạng kết cấu có
yếu tố lạ, bất ngờ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu ngắn gọn, súc tích.
28
Kết cấu VB phóng sự báo chí gồm:
a. Tính cấp thiết của sự kiện hay vấn đề được đặt ra.
b. Miêu tả chi tiết (thời gian, địa điểm, diễn biến, kết quả bằng các số
liệu, bằng cứ) của quá trình điều tra
c. Những dự báo về khả năng, kết quả của sự việc
d. Diễn biến tâm trạng của những người có liên quan
e. Quan điểm, tư tưởng, thái độ của người viết
Nhìn từ kết cấu VB, TĐ thể loại phóng sự luôn biểu cảm và sinh động
hơn TĐ của các bản tin. TĐ tin tức chỉ đưa ra những chứng cứ về các vấn đề
hay sự kiện nào đó thì phóng sự phản ánh sâu quá trình diễn biến, có trọng
điểm, có quan điểm của người viết.
2.1.2.3. Thể loại phỏng vấn
Thể loại phỏng vấn cho phép độc giả tường tận sự kiện một cách
trung thực, khách quan thông qua đặc trưng của thể loại ở tính linh hoạt, tính
năng động và tính trực quan. TĐ thường gặp là một câu hỏi hay bộ phận câu
hỏi nêu nội dung cốt yếu của toàn VB. Hoặc TĐ được chọn ra từ một câu hay
một đoạn câu nhấn mạnh được nội dung chủ đề VB từ các câu trả lời của
người được phỏng vấn. Do đó, đây là thể loại có TĐ tương đối dài so với các
TĐ trong các thể loại khác.
Kết cấu của một bài phỏng vấn chính là hệ thống các câu hỏi của
phóng viên và câu trả lời của người được phỏng vấn.
2.1.2.4. Thể loại tiểu phẩm
Thể loại tiểu phẩm có nội dung súc tích, mang tính châm biếm và bắt
kịp những vấn đề thời sự đương thời. Kết cấu của một VB tiểu phẩm thường
gọn nhẹ, đa dạng, không theo khuôn mẫu nhất định, bao gồm một số nội dung
cơ bản sau:
a. Nêu vấn đề bình phẩm
29
b. Những phân tích, đánh giá của người viết (ý châm biếm)
c. Kết luận (lời phê phán, cảnh tỉnh)
Ngôn ngữ được dùng gần với ngôn ngữ văn chương, chứa đựng nhiều
biện pháp tu từ (so sánh, ví von, cường điệu, ẩn dụ, nhân cách hoá...), có tính
châm biếm, hài hước gây nên sự thích thú, hấp dẫn.
TĐ ngắn gọn, thường có trích dẫn được “cải biên” từ các chất liệu ca
dao, dân ca, văn học. TĐ được tạo lập sao cho gây nên các tác động tâm lý
đối với độc giả, chủ yếu khai thác yếu tố hình thức thể hiện nội dung trong
các kết cấu khác thường, bất ngờ.
2.1.2.5. Thể loại bình luận thời sự
Thể loại bình luận thời sự là bài phát biểu chính luận cấp bách, kịp
thời, giải thích và đánh giá các hiện tượng, sự kiện một cách khách quan,
ngắn gọn, chính xác xuất phát từ quan điểm chính trị mà tác giả đưa ra. Cấu
trúc VB đa dạng, không theo một khuôn mẫu nhất định. Ngôn ngữ in đậm
phong cách của người viết, dùng nhiều từ ngữ có sắc thái chính trị, giàu tính
chiến đấu và sức thuyết phục, cấu trúc câu chặt chẽ, vừa khúc triết, rõ ràng lại
vừa có tính biểu cảm. Nó thể hiện quan điểm, cách lý giải sắc sảo của người
viết cũng như của tờ báo trước một vấn đề thời sự của xã hội. Nhìn chung, TĐ
của thể loại bình luận thời sự mang đậm dấu ấn ngôn ngữ của toàn VB và so
với các loại TĐ trong các thể loại khác, nó hoạt động tương đối linh hoạt.
Cần thấy, việc xác định số lượng các thể loại trong phong cách
báo chí hiện nay còn khá nhiều ý kiến trái ngược nhau. Việc chọn các thể
loại: tin tức, phóng sự, phỏng vấn, tiểu phẩm và bình luận thời sự của
chúng tôi cũng chỉ là một trong những ý kiến có thể có. Tuy nhiên, thể
loại tin tức, nhất là tin tức điển hình là thể loại tiêu biểu nhất cho phong
cách báo chí xét trên nhiều phương diện. Do vậy, các kết quả nghiên cứu
được đúc kết ở sau không chỉ bó hẹp trong phạm vi của thể loại này.
30
2.2. Đặc điểm ngôn ngữ tin
2.2.1. Tính chất thông tin sự kiện và thời sự nên đặc điểm ngôn ngữ
của VB tin về nguyên tắc là phải súc tích. Những yếu tố thông tin cụ thể, có
sự chọn lọc, thường theo các thông số 5 Wh+H. Người đọc quan tâm đến bản
tin tức là quan tâm đến những sự kiện có ý nghĩa, do đó yêu cầu thông tin
ngắn gọn, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu giúp người đọc nhận thức được vấn đề
một cách trực tiếp, chính xác. Cũng bởi do yêu cầu của tính thời sự, kết cấu
bản tin ngày nay có xu hướng không có TĐ mà tập hợp nhiều bản tin vào
chung mục như Tin nhanh, Tin giờ chót, Tin vắn... nhằm thông tin sớm nhất
đến người đọc. VB tin không có TĐ đang ngày càng phổ biến vì có những ưu
thế như thông tin nhanh, kịp thời, tiết kiệm (ngắn gọn).
2.2.2. Tính khách quan về nguyên tắc là phải phản ánh chính xác về
mặt hiện tượng, đúng đắn về mặt bản chất, thể hiện sự tôn trọng độc giả. VB
tin phải bám lấy sự kiện và thuật lại một cách hoàn toàn khách quan và vô tư.
Đây là đặc điểm chung của tất cả thể loại báo chí. Thể loại tin tức càng yêu
cầu cao về sự chính xác, tính khách quan, nó phản ánh đúng như hiện thực
khách quan, không thêm thắt những nhận xét, bình luận chủ quan của nhà
báo. Điều này có thể thấy qua cách sử dụng ngôn từ bằng phẳng, rõ ràng,
không có các suy diễn, hay cách sử dụng những tên con người cụ thể, thời
gian, không gian, sự việc, sự kiện cụ thể.
2.2.3. Tính chất “khuôn mẫu” thường thấy trong VB tin, nhất là trong
các câu mở đầu. Giao tiếp báo chí không thể thiếu khuôn mẫu vì nó tiết kiệm
thời gian và công sức cho chủ thể, thích ứng với việc đưa tin cập nhật, tức
thời.
Khuôn mẫu là những công thức ngôn từ có sẵn, được sử dụng lặp đi
lặp lại nhằm tự động hoá quy trình thông tin biểu đạt. Điều này tạo ra thế ổn
31
định dựa vào một số phương thức định danh quen thuộc và bền vững giúp cho
hoạt động giao tiếp trở nên nhanh chóng và thuận tiện. Hãy quan sát:
- Theo...., ngày.... tại.... đã xảy ra....
- Hãng tin.... ngày..... cho biết....
- Từ ngày..... tại....
- Tại.... ngày.....
Hầu hết các VB tin đều được bắt đầu bằng một câu với các thông số 5
Wh + H, nó trả lời cho câu hỏi When? (khi nào?), Where? (ở đâu?), Who?
(ai?), What? (cái gì?), Why? (tại sao?), How? (như thế nào?). Các thông số
này tạo nên tính nhất thể, liên tục và tính mạch lạc cho toàn bộ VB. Đồng
thời, nó còn cung cấp thông tin “nền” cho hầu hết các VB tin, là phần tiêu
điểm cho nội dung thông báo của toàn VB và cũng là hướng triển khai ở phần
tiếp theo.
2.2.4. Phương thức nén kín thông tin trong câu thường gặp ở thể loại
tin.
Yêu cầu ngắn gọn, súc tích “lời ít ý nhiều” nên trong một câu có hiện
tượng nén thông tin của nhiều mệnh đề được rút gọn hoặc hợp nhất nhiều
thông tin phụ để làm nổi bật thông tin chính.
Trong VB tin, phần lớn câu chủ đề nằm ở đầu, cho nên phương thức
nén kín thông tin thể hiện rõ nhất trong những câu đầu tiên. Tại những câu
này, người viết luôn cố gắng nén các thông số về thời gian, địa điểm, chủ thể,
nhân vật, hành động, sự việc.
Phương thức nén kín thông tin cho thấy có sự mở rộng phần Thuyết
qua việc tập hợp trong câu nhiều thành phần đồng loại hoặc khai thác tối đa
tính kế thừa thông báo. Quan sát bước đầu cho thấy, thông tin được gói trọn
liên quan đến một vật quy chiếu nhất định làm cho VB tin cô đúc và ngắn
gọn.
32
Phương thức nén kín thông tin bằng cách rút gọn còn thường thấy
trong việc dùng đến thành phần chêm xen.
2.2.5. Mạch lạc thực chất là “sự nối kết có tính chất hợp lí về mặt
nghĩa và về mặt chức năng” [4, tr.94] cho nên trong quan hệ với VB, mạch lạc
là một yếu tố không thể vắng mặt.
Tuy nhiên, do yêu cầu phải nén kín thông tin nên VB tin ít sử dụng
các phương thức liên kết nối hoặc lặp từ vựng mà chủ yếu là sử dụng phương
thức thế đại từ và trật tự tuyến tính. Và dù mạch lạc hay liên kết đều ít nhiều
lệ thuộc vào vị trí và sự phân bố của câu chủ đề.
2.2.6. Như đã nói, sự phân bố thông tin, các tiêu điểm thông tin lệ
thuộc rất nhiều vào loại VB có hay không có câu chủ đề.
Câu chủ đề mang thông tin trọng yếu nhất, phản ánh nội dung cốt lõi
nhất của đoạn văn, VB. Vị trí của câu chủ đề sẽ quyết định phương thức phát
triển thông tin của VB. Các câu khác đứng quanh chỉ có vai trò giải thuyết nội
dung của nó. Vì thế, trong VB tin, câu chủ đề thường thấy trong mô hình diễn
dịch (mô hình tháp ngược), thích hợp cho việc tiếp nhận thông tin từ phía
người đọc, lợi ích cho công tác biên tập trong bối cảnh xã hội thông tin tràn
ngập hiện nay.
Vai trò của câu chủ đề còn có tác dụng quan trọng trong việc xây
dựng kết cấu các nội dung quan yếu trong một VB. Trong báo chí, dựa trên vị
trí tập trung thông tin quan trọng để xác lập các kiểu mô hình cấu tạo tin.
Quan sát bước đầu, có thể ghi nhận, có nhiều kiểu mô hình cấu tạo cho tác
phẩm báo chí:
Mô hình tháp ngược: thông tin chính nằm đầu và mức độ quan trọng
giảm dần đến phần cuối.
Mô hình tháp xuôi: thông tin quan trọng và hấp dẫn được tăng dần cho
đến phần kết.
33
Mô hình viên kim cương: thông tin chính nằm giữa.
Mô hình đồng hồ cát: phân bố thông tin chính nằm ở phần đầu và
phần cuối.
Cần thấy ở VB không có câu chủ đề vẫn có thể có thông tin chính, có
điều thông tin chính không được tách ra và nêu lên thành một câu đủ rõ mà
được dàn đều ở các câu.
2.2.7. VB tin với dung lượng nhỏ, chủ đề chung thường là chủ đề duy
nhất. Đối với VB có dung lượng chỉ là một câu thì toàn bộ nội dung thông tin,
đề tài-chủ đề được thể hiện trong câu.
2.3. Đặc điểm của TĐVB tin tức
TĐVB tin tức được xem như là một VB con có các yếu tố về nội
dung, hình thức phù hợp với đặc trưng thể loại mà nó định danh.
2.3.1. Đặc điểm hình thức
2.3.1.1. Nhận diện TĐVB tin tức
TĐ là một hệ thống đầy đủ gồm: thượng đề (sur titre), TĐ (titre) và hạ
đề (sous – titre).
Ngày nay, cách phân bố này có phần linh hoạt, ba bộ phận có thể rút
xuống còn hai hoặc một. Bộ phận được giữ lại thường là phần TĐ. Trong luận
văn này, phân loại TĐVB tin tức theo ba dạng sau: TĐ đơn lẻ, TĐ chùm, TĐ
zéro.
Mỗi VB về mặt hình thức thường thấy là tương ứng có một TĐ. Tuy
nhiên, trong phong cách báo chí, có thể xuất hiện VB không có TĐ (TĐ zéro),
hay một VB có thể có nhiều TĐ được sắp xếp ở những vị trí khác nhau.
a. TĐ đơn lẻ
Mỗi VB về mặt hình thức có một TĐ tương ứng. Đây là hình thức
thường thấy trong VB tin tức, là đối tượng khảo sát chính của luận văn.
b. TĐ chùm
34
Bao gồm nhiều TĐ nằm cạnh nhau, có liên quan về mặt ngữ nghĩa,
thường bổ sung minh hoạ cho nhau. Chúng thường được bố trí theo mô hình
kim tự tháp đảo ngược, theo trật tự giảm dần về mặt ý nghĩa.
Theo quan sát bước đầu của chúng tôi, TĐ chùm thường thấy xuất
hiện trong VB tin và VB phóng sự. Tuy nhiên, ở hai loại VB này có sự khác
biệt.
Một VB tin có nhiều TĐ được phân thành TĐ chính, TĐ phụ nhằm hỗ
trợ độc giả nắm bắt những thông tin quan trọng trong VB.
TĐ phụ được đặt sau TĐ chính nhằm nói rõ hơn ý nghĩa của TĐ
chính. TĐ chính nêu nội dung khái quát nhất, chung nhất xét trong quan hệ ý
nghĩa đối với VB. TĐ phụ có nội dung chi tiết hơn, cung cấp thêm thông tin
quan trọng mà TĐ chính chưa nêu hết được.
Ví dụ:
(1) Xét xử đường dây thầu đề quy mô rất lớn tại TP.HCM:
Cầm đầu đường dây là diễn viên điện ảnh Nguyễn Hùng (TĐ chính)
* Diễn viên trẻ Đức Thanh cùng tham gia (TĐ phụ)
* Mỗi ngày các sới bạc thu vào từ 30 đến 40 triệu đồng (TĐ phụ)
(CAND 12.4.2008)
(2) Khai mạc Hội nghị lần thứ Sáu
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X (TĐ chính)
* Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu khai mạc (TĐ phụ)
(NĐBND 15.01.2008)
Cách lập ra TĐ phụ nhằm thu hút sự chú ý của độc giả đồng thời giúp
độc giả nắm bắt những thông tin quan trọng trong VB. Trong trường hợp độc
giả không đọc hết nội dung VB mà chỉ đọc các TĐ phụ cũng có thể nắm khái
quát nội dung VB.
35
VB phóng sự có nhiều TĐ được phân thành TĐ chung, TĐ bộ phận.
Các TĐ này nằm cách xa nhau. Mỗi TĐ bộ phận biểu thị một phần nội dung
của TĐ chung. VB phóng sự có kết cấu tương đối dài, được chia thành nhiều
đoạn nội dung, có tính hoàn chỉnh tương đối, được xem như là một VB con.
Và mỗi đoạn nội dung như vậy có khả năng mang TĐ bộ phận.
c. TĐ zéro
Quan sát của chúng tôi trên báo có những VB tin không có TĐ, còn
gọi là TĐ zéro. TĐ zéro đảm nhiệm hai chức năng: chức năng của một TĐ và
chức năng mở đầu VB. Do đó, TĐ zéro chi phối các hướng triển khai cấu trúc
lô gích ngôn từ theo hướng diễn dịch, các thông tin quan trọng đặt ở đầu VB.
TĐ zéro không gắn liền với ngữ cảnh, tuy vậy, TĐ zéro lại không đảm nhiệm
là một yếu tố độc lập với VB mà nó gắn liền với VB.
Đối với TĐ zéro, những từ đầu tiên là những từ khóa (mang thông tin)
đảm nhiệm chức năng của TĐ, được phân biệt với phần còn lại của VB bằng
co chữ, kiểu chữ, màu sắc riêng. Thông thường, để gây sự chú ý, đầu mỗi tin
vắn được đặt các kí hiệu như gạch ngang ở đầu, dấu hoa thị tròn, tam giác,
hình vuông, hình thoi (*, ....).
Ví dụ:
(3) Công ty điện lực Pháp EDF hôm qua cho biết 100 nhân viên
của nhà máy điện hạt nhân Tricastin bị nhiễm phóng sự rò rỉ từ một lò phản
ứng tại đây (THN 25.7.2008).
Theo đề tài nghiên cứu, luận văn sẽ không đi sâu vào khảo sát TĐ
zéro. Trong chừng mực, chỉ có thể nêu vài vấn đề liên quan để làm sáng tỏ
luận văn.
2.3.1.2. Đặc điểm trình bày
TĐ là nơi người đọc tiếp nhận thông tin sớm nhất và thu hút họ nhất.
Do đó, bất kể yếu tố nào thể hiện trên TĐ đều gây sự chú ý nơi người đọc.
36
Vấn đề trình bày TĐ là yếu tố đập vào mắt họ đầu tiên, “được nhìn trước khi
được đọc” [39, tr.61].
a. Kỹ thuật trình bày TĐVB tin tức
Trong sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, hầu hết các
báo, tạp chí đều khai thác yếu tố kỹ thuật trong việc trình bày TĐVB. Điều
này cho thấy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nội dung còn có sự cải tiến
không ngừng về hình thức. Độc giả ngày nay không chỉ quan tâm đến nội
dung bài báo mà còn thích thú với các bài báo có hình thức trình bày bắt mắt.
Nó thoả mãn thị giác người đọc cũng như thách thức trí óc họ lao động. Vì
vậy cách trình bày hiệu quả sẽ truyền đạt thông tin nhanh nhất đến người đọc,
giúp người đọc nắm chính xác ý đồ của người đưa tin.
Các cách trình bày khác nhau thể hiện tính sáng tạo của mỗi tờ báo,
đem lại cho TĐ báo một diện mạo không thể lẫn lộn với các báo khác, tạo ra
ấn tượng sâu sắc cho người đọc.
Những thông tin quan trọng nhất được đưa vào TĐ, càng đưa nhiều
thông tin vào càng tốt. Để tránh dài dòng khi đưa quá nhiều sự kiện vào TĐ,
xu thế hiện nay thường có nhiều cách giải quyết.
- Viết tắt những từ thông dụng.
- Tách thành TĐ chính, TĐ phụ.
Những TĐ được trình bày ở trang nhất thường được trau chuốt, gây ấn
tượng vì trang này là chỗ thông báo cho bạn đọc những bài đinh, quan trọng
của tờ báo. Người ta sẽ chú ý nhiều hơn đến hình thức, co chữ, kiểu chữ, màu
sắc, vị trí giữa TĐVB với VB và các đề mục cụ thể, cách trình bày TĐ để làm
nổi bật điểm nhấn của TĐ. Trong cách thiết kế TĐ phải phù hợp với mức độ
quan trọng của vấn đề. Bài dài, quan trọng thì TĐ thường lớn, trang trọng hơn
so với những bài không quan trọng.
37
Chữ trên TĐVB được quan tâm, chọn lựa: có kẻ chân hay không kẻ
chân, kiểu chữ, dáng chữ (nghiêng hoặc đứng), co chữ, nét chữ (đậm hoặc
nhạt). TĐ là thành tố quan trọng của tờ báo, trình bày có khi đóng khung hoặc
không.
Ví dụ:
(4) TP Hồ Chí Minh
Khai mạc Trại hè thanh thiếu niên kiều bào và tuổi trẻ thành phố (THN
14.7.2007)
(5) ĐẢNG BỘ XÃ PHƯỚC TRẠCH (GÒ DẦU)
Hội thi báo cáo viên giỏi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh (TN 23.8.2007)
Sắp xếp khéo không gian trong tờ báo thì vị trí các từ ngữ ở._.INH VIÊN
x x
CANADA
RỘNG CỬA
ĐÓN DU
HỌC SINH
VIỆT NAM
x x
HỌC SINH, SINH VIÊN GÓP TIẾNG NÓI XÂY DỰNG VĂN HOÁ
NGƯỜI HÀ NỘI
x x
NHIỀU HOẠT ĐỘNG CỦA TUỔI TRẺ VIỆT NAM
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC
x x
SINH VIÊN TP.HCM ĐÃ CÓ
XE BUÝT MIỄN PHÍ
x x
SINH
VIÊN
VIỆT
NAM SỐ
43
Từ 24/10
đến
31/10/200
7
TUYÊN DƯƠNG ĐIỂN HÌNH
TIÊN TIẾN TRÊN LĨNH VỰC
AN TOÀN GIAO THÔNG
x x
TÀI
NGUYÊN
VÀ MÔI
Đặc xá tha tù trước thời
hạn cho 8.066 người
x x
Nhiều tuýp virút cúm
gia cầm đang lưu hành
ở Việt Nam
x x
Phát hiện mới 343 tấn
rác phế liệu nhập khẩi
trái phép
x x
Quảng Ninh:
Phát hiện vụ buôn bán động vật
hoang dã quý hiếm
x x
Sắp khai trương đường bay
xuyên Đông Dương thứ hai
x x
TRƯỜNG
25/10/200
7
Triển lãm-Hội chợ
"Sách quốc tế Việt Nam 2007"
x x
Chào đón em bé thứ 10
thụ tinh trong ống nghiệm năm 2007
x x
Đồ chơi
an toàn cho bé
còn ít
x x
NGĂN NGỪA VÀ CHẤM DỨT TRỪNG PHẠT THÂN THỂ
VÀ TINH THẦN Ở TRẺ EM
x x
TẠP CHÍ
GIA
ĐÌNH VÀ
TRẺ EM
kì I, tháng
5/2007
Xây dựng một
cộng đồng
không tai nạn
cho trẻ em
x x
TIN HOẠT
ĐỘNG
THỰC TIỄN
LÍ LUẬN
AIPF PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH
“ĐỘI MŨ BẢO HIỂM TOÀN QUỐC”
x x
KỶ NIỆM 60 NĂM
ĐỀ CƯƠNG VĂN HOÁ VIỆT NAM
x x TẠP CHÍ HOẠT
ĐỘNG
KHOA
HỌC
7(530)
/2003
1.27.1.1.1.1.1. P/S VỚI THÁNG HÀNH
ĐỘNG VÌ TRẺ EM
VÀ NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM
x x
2 vụ trộm do trẻ em
phạm pháp
x x
57 suất học bổng cho con
thương binh-liệt sĩ và học sinh
nghèo hiếu học
x x
6 năm tù vì xúi giục người yêu
cướp tài sản của mẹ
x x
Bắt một ổ ghi số đề x x
Hiến máu nhân đạo năm 2007:
7 THÁNG ĐẦU NĂM:
2.371 ĐƠN VỊ MÁU
x x
Choi Ji Woo được hâm mộ nhất tại Nhật x x
Orlando Bloom- gương mặt mới của Shiseido x x
TÂY
NINH
23/8/2007
VĂN HOÁ
NGHỆ
THUẬT
THẾ GIỚI
Scarlett Johansson chi 7 triệu đôla mua nhà x x
Ba xe va chạm, một người lìa đời x Tây Ninh 15/01/200
8 Bị thử nồng độ cồn, đòi “đục” cảnh sát x x
Đoàn uỷ khối Doanh nghiệp:
HUY ĐỘNG HƠN 100 TRIỆU ĐỒNG THỰC HIỆN
HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN VÌ CÔNG ĐỒNG
x x
HỘI BẢO TRỢ NGƯỜI NGHÈO TỈNH TÂY NINH:
Hàng trăm triệu đồng trợ giúp người nghèo
x x
Hướng dẫn việc xoá sổ đăng ký,
thu hồi biển số của xe quá hạn sử dụng
x x
Johnny Deep lần đầu
tiên đoạt giải Quả cầu
vàng
x x
Khai mạc Hội thi “Tiếng hát vành khuyên”
lần thứ VIII năm 2008
x x
CẢI CÁCH
HÀNH
CHÍNH
Khuyến khích giải quyết
thủ tục hành chính qua
mạng Internet
x x
VĂN HOÁ
NGHỆ
THUẬT
THẾ GIỚI
Jessica Jordan Burton
- Hoa hậu Cà phê 2008
x x
Bắt quả tang
một đường dây đánh đề
x x
CÔNG AN HUYỆN DƯƠNG MINH CHÂU:
BẮT GIỮ 2 KẺ BUÔN LẬU XĂNG DẦU
x x
TÂY
NINH
19/7/2008
UBND PHƯỜNG 3 (THỊ XÃ):
Ra mắt Ban bảo vệ dân phố
đầu tiên trong tỉnh
x x
100 phần quà tặng nạn nhân
chất độc da cam
x x
UBND TỈNH KHEN THƯỞNG
CBCS- CÔNG AN TÂY NINH
Tích cực cứu chữa
nạn nhân ngộ độc thực phẩm
x x
CSGT BẮT MỘT VỤ VẬN CHUYỂN ĐỘNG
VẬT HOANG DÃ
x x
BẠN NHẬU... ĐÂM NHAU x x
TÂY
NINH
9.8.2008
ĐÓ ĐÂY
MỘT VỤ CƯỚP
XE TÁO BẠO
x x
9 SINH VIÊN “MÙA HÈ XANH”
ĐƯỢC KẾT NẠP ĐẢNG
x x
Cuối tháng 8.2008
sẽ thông xe cầu Bàu Nâu 1
x x
GẦN 3.000 HỌC SINH CHUẨN BỊ THI
TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG LẦN 2
x x
GÒ DẦU:
100 HỌC SINH NGHÈO ĐƯỢC
TRAO HỌC BỔNG KHUYẾN HỌC
x x
TUYỂN SINH LỚP 10 ĐỢT 2:
Nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu
x x
TÂY
NINH
12.8.2008
VỤ ĐÌNH CÔNG Ở CÔNG TY TNHH VISARIM x x
ORUME
Công nhân đã trở lại làm việc
Chìm ghe, một thanh
niên chết đuối
x x
GÒ DẦU
Tiêu huỷ văn hoá phẩm độc hại
x x
LỌT HẦM NƯỚC THẢI MỘT BÉ TRAI TỬ VONG x x
Tai nạn chết người trên
đường vào chợ Long Hải
(Hoà Thành)
x x
ĐÓ ĐÂY
TNGT Ở XÃ ĐỒNG KHỞI (CHÂU THÀNH):
Một người chết, hai người bị thương
x x
Asian Cup 2007:
Úc thảm bại, Nhật thắng dễ
x x
Asiasoft tổ chức ngày hội cho giới trẻ
tại TP.HCM
x x
Giải xe đạp nữ quốc tế Cúp truyền hình An Giang 2007:
An Giang vẫn bảo vệ được vàng
x x
Hỗ trợ 200 tấn đạm cho thanh niên 5 tỉnh
Tây Nguyên
x x
Khánh Hoà:
Hai bị can được đề nghị chỉ định luật sư
bào chữa từ giai đoạn điều tra
x x
Long An:
1.921 cụ ông, cụ bà từ 90 tuổi trở lên
được trợ cấp hằng tháng
x x
Na Uy – quê hương của triệu phú x x
Quảng Nam
Phát hiện thêm
9 hố chôn 62 hài
cốt liệt sĩ
x x
Quần chúng cung cấp gần 230.000 nguồn tin tội
phạm cho công an phá án
x x
TP Hồ Chí Minh
Khai mạc Trại hè thanh thiếu niên kiều bào và
tuổi trẻ thành phố
x x
TP.HCM
Công bố điểm chuẩn
vào lớp 10
8 trường được phép tuyển bổ sung
Không cho phép chuyển đổi nguyện vọng
x
(x)
(x) x (x
)
(x
)
Thành lập Phòng công chứng số 7 x x
Thi thử TOEFL tại phòng thi thật của ETS x x
THANH
NIÊN
14/7/2007
Thừa Thiên - Huế
200 chiến sĩ tình
nguyện về với đồng bào
A Lưới
x x
Vòng loại Giải U.21 Báo Thanh Niên 2007:
Bình Định đoạt
vé đầu tiên vào chug kết
x x
Babel sẽ đến Liverpool cuối tuần này x x
Diễn biến chặng 5 - Tour de France 2007 x x
Fabregas trung
thành với Arsenal
x x
HLV Mourinho:
“Chelsea mua
Malouda không
phải để thay
Robben”
x x
Pele: Khó khăn đang chờ Becks x x
Serena rút lui khỏi
bán kết Fed Cup
x x
Trên đấu
trường thể
thao
Tevez chính thức
gia nhập M.U
x x
12 gương mặt đề cử Công trẻ TP.HCM x x
2 băng nhóm xã hội đen ở Đà Nẵng ra toà x x
Bắt giam kẻ hành hung
cụ Phạm Thị Nài
x x
Công ty khoá Minh Khai tự làm giả... khoá Minh Khai x x
1.27.1.1.1.2. Chạy bộ cổ vũ Đại hội Thể thao
châu Á
x x
ĐH Tiền Giang đào tạo lao động theo
đơn đặt hàng
x x
Đội MBH giảm được 30% ca chấn thương sọ não x x
Gia hạn giao dịch “giấy trắng”:
Bộ Tư pháp "tuýt còi"
Bộ Tài nguyên - Môi trường
x x
Gió mạnh cấp 7
trên biển Đông
x x
Học sinh đánh trọng thương thầy giáo x x
Khởi tố vụ án mua bán thuốc lắc x x
Phá một đường dây làm bằng
tốt nghiệp THPT giả
x x
Tư vấn trực tuyến lúc 15 giờ chiều 15.1:
1.27.1.2. Chọn ngành nghề dự thi ĐH-CĐ
2008
x x
Vụ sập mỏ đá ở Hoàng Mai (Nghệ An):
7 nạn nhân đã
qua cơn nguy
kịch
x x
Xây dựng "Venice thu nhỏ" trên vịnh Lăng Cô x x
THANH
NIÊN
15/01/200
8
Xét xử vụ nhận hối lộ 71.000 USD
tại Khánh Hoà
x x
ÁN MẠNG TRONG
TIỆC CƯỚI
x x
BẮT THÊM 3 TÊN GIẾT
NGƯỜI
x x
DÙNG ĐIỆN "BẪY"
BẠN CÙNG PHÒNG
x x
GẶP PHẢI "THỨ DỮ" x x
MỘT NỮ QUÁI LỪA
ĐẢO QUA CHAT
x x
1.28.
An ninh -
Trật tự
XE BUÝT CÁN XE GẮN
MÁY
x x
1.29.
Toà Án MUA BÁN HOÁ ĐƠN, 12
BỊ CÁO HẦU TOÀ
x x
TRAO HỌC BỔNG CHO
HỌC SINH VÙNG LŨ
x x
TRAO NHÀ TÌNH
THƯƠNG
x x
1.30. T
ừ thiện-Xã hội
XOÁ NHÀ TẠM CHO
ĐỒNG BÀO NGHÈO
x x
Bắt hai người
làm giả hồ sơ
đưa trẻ sơ sinh
ra nước ngoài
x x
Cuối năm 2010 sẽ
cấp xong “sổ đỏ”
x x
Cứu sống trẻ bị bệnh “tay chân miệng” biến chứng
nguy kịch
x x
Đắk Lắk: Hổ xuất hiện x x
Đoàn thể thao VN
dự Olympic:
Đình Cương
cầm cờ thay
Văn Hùng
x x
Giao lưu trực tuyến trước trận
VN – Olympic Brazil
x x
Moscow đắt đỏ nhất thế giới x x
Một cô giáo bị lũ quét cuốn trôi x x
Mực nước các sông đang lên x x
Quyết liệt phòng chống dịch lợn tai xanh x x
Từ 5.10, đổi số điện thoại toàn quốc x x
Vụ 3 xác chết trong ô tô: nạn nhân chết do ngạt x x
CHÁY NHÀ SÁCH x x
CHÁY XƯỞNG CHẾ
BIẾN ĐỒ GỖ
x x
SINH VIÊN “XỬ” NHAU x x
XE CONTAINER CÁN
CHẾT NGƯỜI
x x
An ninh -
Trật tự
XE KHÁCH LAO XUỐNG RUỘNG x x
CHÓ LÁI XE HƠI x x Lượm lặt
XE CẢNH SÁT BẰNG CẠC-TÔNG x x
THANH
NIÊN
25.7.2008
SHOP văn
nghệ HAI CHÀNG “XÁCH x x
BÚA” ĐI TÂY
NHẠC – THƠ GIAO HOÀ TRONG “TÌNH MẸ” x x
LÃNH ÁN VÌ ĐÒI NỢ
KIỂU XÃ HỘI ĐEN
x x Toà án
Y ÁN 2 KẺ TRỘM
Ở SÂN BAY
x x
Báo tin thời tiết qua
điện thoại di động
x x
Nhật cảnh báo
công dân tại Ấn Độ
x x
Phá băng nhóm trấn lột xe khách
chở bệnh nhân
x x
Sanest Khánh Hoà sẽ có
2 tuyển thủ Indonesia
x x
Thay đổi biển số xe cơ giới,
chứng minh thư, đính chính
hộ khẩu
x x
Thời tiết không thuận lợi
cho quan sát nhật thực
x x
Xét xử vụ xã hội đen thanh toán nhau
tại Đà Nẵng
x x
ẨU ĐẢ BẰNG HUNG KHÍ x x
BẮT HÀNG LOẠT KẺ
CƯỚP TRÊN QUỐC LỘ 1A
x x
KHỞI TỐ 2
NGƯỜI THI
HỘ BẰNG LÁI
XE
x x
Ô TÔ TÔNG TRỤ ĐIỆN x x
TAI NẠN TRÊN CẦU x x
TÀI XẾ TAXI ĐÌNH
CÔNG
x x
An ninh-Trật
tự
XE HƠI BỐC CHÁY x x
LƯỢM LẶT LỜI CẦU HÔN TRÊN 9 TẦNG MÂY x x
CA SĨ- NHẠC SĨ DUY
MẠNH UỶ QUYỀN SỬ DỤNG
TÁC PHẨM
x x
THANH
NIÊN
1.8.2008
SHOP văn
nghệ
NGUYỄN
QUANG SÁNG
QUA THƠ
NGUYỄN DUY
x x
THANH
NIÊN
4.7.2009
An ninh-Trật
tự SANH NGHỀ TỬ
NGHIỆP
x x
NGỰA QUEN
ĐƯỜNG CŨ
x x An ninh-Trật tự
BỎ CỦA
CHẠY LẤY NGƯỜI
x x
THANH
NIÊN
4.8.2009
LƯỢM LẶT Xém “uýnh” nhầm x x
đồng đội
Cá cược tại Olympic x x
Cologne vào vòng hai x x
ĐOÀN BRAZIL
Phải thay hai VĐV
x x
Không bán Newcastle! x x
Lấy dùi cui cảnh sát x x
Mc Donal’s đắt hàng x x
Nam- Bắc
đi riêng rẽ
x x
SANTAFE- REAL MADRID: 1-2
Van der Vaart lập công
x x
Cách trị bệnh của Rooney x x
Saba Wesser yêu Coco x x
1001
CHUYỆN
TÁM
Santarelli bị săn trộm ảnh x x
Aston Villa lập “cú đúp” x x
Barcelona sẽ có Silva x x
Bỏ rơi Trezeguet x x
Chelsea nâng giá Robinho x x
Everton tìm mua tiền vệ x x
Nesta bình phục x x
Quay sang Quaresma x x
Roma nhòm ngó Malouda x x
Stoke City sắp có Zigic x x
TIN 24 GIỜ
Van Bommel giữ băng đội
trưởng Bayern
x x
TIN BÊN
LỀ Các VĐV nên mặc áo xanh lúc thi đấu x x
Các đội U-21 tăng cường
tập luyện
x x
Phúc Hiệp tái phát
chấn thương
x x
VFF kiểm tra doping x x
TIN BÓNG
ĐÁ
Việt Nam đăng cai giải vô địch
bóng đá nữ châu Á
x x
Chủ tịch Benfica bị phạt x x
Jarolim giữ băng đội trưởng x x
Thanh
niên thể
thao
9.8.2008
TIN GIỜ
CHÓT
Tottenham có Cesar Sanchez x x
Nhiều người chết vì tai nạn
giao thông đường bộ nhất
x x
Hàn Quốc: Sân bay tốt nhất thế giới x x TIN VẮN
Singapore: “Công thức” tăng trưởng mới x x
2 bức tranh thời Phục Hưng bán
được 3,4 triệu USD
x x
Guns n’ Roses huỷ lưu diễn Nam Phi x x
Lương Triều Vỹ đóng vai Chu Du x x
THẾ GIỚI
VÀ VIỆT
NAM
28/4 đến
11/5/2007
TIN VĂN
HOÁ
Sản xuất phim vì mê tiểu thuyết x x
BILLIARDS
Chỉ còn hy vọng ở môn
Carom 1 băng
x x
CAMEROON CHỌN HLV MỚI x x
CỜ TƯỚNG
Vũ Quân lại thắng Lý Cẩm Hoan
x x
CỜ VUA
VN Đoạt 1 HCB, 2 HCĐ
x x
Đua thuyền-kết thúc giải vô địch ĐNA 2007
VN đứng đầu Canoeing
x x
EAROBIC GYMNASTIC
VN đoạt 1 HCĐ
x x
FINA WORLD CUP 2007
SCHOEMAN TOẢ SÁNG
x x
FUTSAL
VIỆT NAN – UZBEKISTAN: 1-7
Chênh lệch đẳng cấp
*ĐT nữ VN - nữ Uzbekistan: 4-4
x
(x)
x
Judo-giải quốc tế Kodokan
Việt Nam xếp thứ 7 trong 16
nước tham dự
x x
KẾT QUẢ CHUNG CUỘC TOÀN GIẢI x x
KẾT THÚC MÔN LẶN
VN đoạt 3 HCĐ
x x
PV Ngọc Trường
đoạt giải ảnh quốc tế
x x
Thể hình-giải VĐTG năm 2007
Nguyễn Văn
Lâm (TPHCM)
đoạt HCĐ
x x
TRẬN QUYỀN ANH HẠNG NẶNG IBF
CHRIS BYRD TUNG KHĂN TRẮNG
x x
VL U.16 CHÂU Á, VIỆT NAM – HONG KONG: 0-0
Thêm một trận hoà thất vọng
x x
THỂ
THAO
29/10/200
7
VÒNG LOẠI WORLD CUP 2010
CHÊNH LỆCH ĐẲNG CẤP
x x
Chơi ngông x x
Giải thưởng báo chí x x
HOÀ PHÁT HÀ NỘI TRƯỚC MÙA GIẢI MỚI
Tổng kết mùa giải... cũ
x x
KHÓ KHĂN CỦA HLV RAMOS
Rào cản ngôn ngữ
x x
Không thể nữa x x
Thể thao
ngày nay
29.10.200
7
MARTIN JOL
Sẽ dẫn dắt
tuyển Hà Lan
x x
Richards hưởng
lương kỷ lục
x x
Ứng cử viên
HLV xuất sắc
x x
Juventus muốn Richarlyson x x
Roma cứng rắn x x
Serie A
Săn hàng Brazil x x
BÓNG ĐÁ HÀN QUỐC CHÚ TÂM VÀO CÔNG TÁC ĐÀO TẠO
x x
AFC PHẠT LĐBĐ CAMPUCHIA x x
DIỄN BIẾN VỤ REAL THEO DUỔI NISTELROOY
TRỞ NGẠI CHỈ LÀ GIÁ CẢ
x x
Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV 2006
VTV TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP TOÀN BỘ
x x
GIẢI BÓNG ĐÁ CUP TOTO
TPHCM LẦN THỨ 1
x x
Giải bóng đá vô địch nữ châu Á
THÁI LAN LẠI THUA ĐẬM
x x
J-LEAGUE: GAMBA OSAKA BÁM SÁT KAWASAKI x x
NGUYỄN MẠNH HIẾU GIÀNH
HCĐ GIẢI ĐIỀN KINH TRẺ
CHÂU Á
x x
QUẦN VỢT ĐỒNG ĐỘI HÀ
NỘI TRANH CÚP TOZEN
x x
BÓNG ĐÁ
CHÂU Á CỰU THỦ QUÂN TUYỂN ẤN ĐỘ TỰ TỬ x x
THỂ
THAO
SGGP
21/7/2006
TIN VẮN
THỂ THAO BÁO QĐND TRAO THƯỞNG 4 CHIẾC XE MÁY
TRONG CUỘC THI DỰ
ĐOÁN WORLD CUP 2006
x x
QUẦN VỢT
Federer vô địch tại quê nhà
x x
Đội bowling Malaysia không đạt chỉ
tiêu
x x
ĐT Futsal Việt Nam thắng đậm x x
Thanh An giành thêm 1 HCB cho Việt
Nam
x x
ASIAN
INDOOR
GAMES
2007
Trung Quốc giành HCV thứ hai ở nội
dung bơi
x x
Benzema giá 60 triệu euro! x xLIGA 24 GIỜ QUA
Ronaldinho suýt mất tiền x x
Ballack sẽ trở lại vào cuối năm x x
Kroenke sẵn sàng gia nhập
ban lãnh đạo Arsenal
x x
PREMIER
LEAGUE 24
GIỜ QUA
Pennant chấn thương 10
tuần
x x
KẾT THÚC GIẢI VÔ ĐỊCH JUDO NỘI DUNG
KATA KODOKAN THẾ GIỚI LẦN 1 NĂM 2007
x x
THỂ
THAO
VÀ VĂN
HOÁ
29/10/200
7
TIN THỂ
THAO
XE ĐẠP ĐỊA HÌNH VIỆT NAM GẶP
KHÓ KHĂN TRƯỚC THỀM SEA
x x
GAMES 24
Lũ lại cô lập Cát Tiên x x
Người lao động có thể tái nhập cảnh Đài Loan x x
THỜI
BÁO
KINH TẾ
VIỆT
NAM
27/9/2007
Phát động thoả
ước toàn cầu
về trách nhiệm xã hội
x x
Khu Thương mại hiện đại TDC - Đất Xanh x x
Thái Lan:
Tỷ phú Thaksin ra toà
x x
“Trở thành tỷ phú
chỉ với 1 triệu đồng”
x x
THỜI
BÁO
NGÂN
HÀNG
12/7/2008
Trung Quốc chi 20 tỷ đôla để đảm bảo an ninh Olympic 2008 x x
Cà Mau:
9 căn nhà ở Sông Đốc
bị thiêu rụi
x x
Đà Lạt:
Xây dựng khu du lịch độc đáo bên
thác nước cao nhất Tây Nguyên
x x
Hà Nội:
Phá ổ nhóm trộm 40 xe máy
x x
Hà Nội:
Lập đoàn kiểm tra toàn diện sai phạm toà nhà Parkson
x x
Hội chợ hàng công nghiệp
nông thôn miền Bắc
x x
Huế:
Thêm một khẩu thần công được
phát hiện dưới lòng sông Hương
x x
Kinh doanh dược phẩm tại Hà Nội:
Cứ kiểm tra là thấy sai phạm
x x
Kon Tum:
Xảy ra 5 vụ 13 em học sinh
chết đuối
x x
Quảng Bình:
Phát hiện rìu đá cách đây
khoảng 4.000-5.000 năm
x x
Quảng Trị:
70% người nông thôn
được dùng nước sạch
x x
Sóc Trăng:
Tất cả học sinh Khmer
học 2 thứ tiếng
x x
Sóc Trăng:
Thí sinh dự thi nhiều ở
trường phải đóng góp ít
x x
TIỀN
PHONG
15/7/2008
Thừa Thiên - Huế:
Tiêu thụ tiền giả,
x x
lãnh án 8,5 năm tù giam
Tiền Giang:
Biển báo giao thông mới dựng
đã đổ
x x
TPHCM:
Đề nghị truy tố Hải “Điếu Cày”
ra toà
x x
TPHCM:
Một trẻ bị ngộ độc do uống nhầm thuốc ngừa thai của mẹ
x x
Trà Vinh:
Tạm hoãn phiên toà xét xử
vụ án Nguyễn Đức
x x
Vụ cướp “cạn” tại công trình hầm dẫn
Thủ Thiêm (TPHCM):
Lãnh đạo thành phố “thị sát”
tình hình
x x
Vụ nội soi dạ dày làm một vận động viên cờ vua 7 tuổi tử vong:
Sở Y tế vào cuộc tìm nguyên nhân
* Tử vong từ thuốc gây mê nội soi dạ dày là 1/10.000
x (x) x
Ban hành mẫu chứng nhận
hoàn thành chương trình lớp 10,11
x x
Chưa kịp đổi đầu số điện thoại
của Hà Tây vào ngày 1/8
x x
Không được cắt điện
cả ngày trên một khu vực
x x
Khu vực phía Nam:
Bệnh truyền nhiễm gia tăng
x x
Kiên quyết đóng cửa cơ sở
nước đá và nước đóng bình
không đảm bảo vệ sinh
x x
Lâm Đồng:
Lại đồng loạt tăng giá vé xe buýt
x x
Liên quan đường dây “chạy” thuế ở Đồng Nai:
Khởi tố hai Vụ phó
thuộc Bộ Tài chính
x x
Miền Trung-Tây Nguyên:
“Ông điện lực” mong
khách hàng thông cảm
x x
Nhà máy điện Nhơn Trạch 1
phát điện tổ máy số 2
x x
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân chúc mừng hai học sinh
đoạt HCV Olympic Toán quốc tế
x x
Tăng cường kiểm tra cơ sở
sản xuất bánh trung thu
x x
TIỀN
PHONG
24/7/2008
Thừa Thiên- Huế:
Hai cậu cháu rủ nhau
x x
đi cướp tài sản
TPHCM:
Đạp xe bắt cướp, một nữ
công nhân thiệt mạng
x x
TPHCM:
Đề xuất nhiều giải pháp
“cứu” xe buýt
x x
TPHCM:
Triển lãm kiến trúc nhà ở
“Sắc màu tổ ấm 2008”
x x
Truy tố ca sĩ Trí Hải trong vụ
gây TNGT làm chết hai người
* Trí Hải đã bồi thường cho các nạn nhân
hơn 160 triệu đồng
(x) x x
Từ 26/7, có tàu hoả giá rẻ
Hà Nội- Vinh
x x
Vụ “Người trồng cà phê hoang mang
vì phân bón “dỏm”:
Bắt giám đốc chống người
thi hành công vụ
x x
Vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng ở Gia Lai:
Khởi tố bị can Mai Quý Thọ
x x
Đồng Nai:
Ăng-ten dẫn điện, hai người chết
x x
Hồi âm bài “Giải quyết khiếu nại như... đùa”:
UBND tỉnh Sóc Trăng
ra quyết định sửa sai
x x
Kiên Giang:
Sét đánh làm 3 người thiệt mạng,
8 người bị thương
x x
NHỊP SỐNG
Phao tin nhảm về dịch
heo tai xanh để ép giá
x x
Chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập x x
HỘI KHKT CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM:
Hội Cầu đường Bến Tre được
tặng thưởng Huân chương Lao
động hạng Ba
x x
Kỷ niệm ngày đo lường Việt Nam x x
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ TỔ QUỐC:
Hoà nhạc từ thiện: Cho muôn đời xanh
(Green forever)
x x
Tin
HOẠT
ĐỘNG
CÁC HỘI
KHOA
HỌC &
KỸ
THUẬT
20/1/2007
Tôn vinh 16 nhà khoa học chuyên ngành
cầu đường
x x
TIN TỨC
12/4/2008
TRÀ VINH
Nhiều bệnh nhân bị
“Tào Tháo đuổi”
x
TIN TỨC
22.7.2008
87,5 tỷ đồng bảo tồn văn x x
hoá các dân tộc thiểu số
BẮC BỘ VÀ TRUNG BỘ
Nắng nóng oi bức,
nhiệt độ lên tới
37-390C
*Đóng cửa xả số 3 hồ Hoà
Bình, lũ sông Hồng và Thái
Bình sẽ xuống rất nhanh
x
(x)
x
Bắt khẩn cấp đối tượng
buôn bán ma tuý
x x
CÀ MAU
Lãnh đạo xã tiếp tay
cho cán bộ tham ô tiền
chính sách
x x
Gần 100 lễ hội văn hoá ở
Đắk Lắk được bảo tồn
x x
GIA LAI
Lốc xoáy gây thiệt hại hơn
1 tỷ đồng
x x
GIẢI VÔ ĐỊCH CỜ VUA CÁC NHÓM
TUỔI TRẺ CHÂU Á
Việt Nam giành 1 HCV, 1 HCĐ
x x
HÀ NỘI
Phát hiện vi phạm trong hoạt động kinh doanh của
quán bar D&D
x x
HẢI DƯƠNG
Bệnh lợn tai xanh diễn biến
phức tạp
x x
Liệt sĩ Đỗ Mạnh Cường
được truy tặng Huân
chương Chiến công
x x
Makelele sang PSG x x
Mường Tè (Lai Châu) đã
hết bị cô lập vì mưa lũ
x x
“Nghĩa khí Tây Sơn-
Hội tụ và phát triển”
x x
Nghiện trò chơi trực tuyến- trở thành tội phạm x x
Philíppin điều tra các công ty
xăng dầu
x x
PHILÍPPIN:
Hơn nửa số loài động vật gần như tuyệt chủng
x x
QUẢNG NAM
Lập đường dây nóng phòng,
chống dịch tai xanh
x x
QUẢNG NINH
Truy nã khẩn cấp
x x
một cặp vợ chồng về
hành vi lừa đảo
Sacombank xử lý cán
bộ sai phạm điều chỉnh
lãi suất vượt quy định
x x
THÔNG TIN TIẾP VỀ VỤ DÂN “CẤM
VẬN” XE CHỞ RÁC Ở ĐẮK NÔNG:
Công ty Nghĩa Hà
phải đổ rác tại bãi rác
tập trung
x x
Tiến Minh xếp hạng 21
thế giới
x x
TP HỒ CHÍ MINH:
Hai xe container
đâm chết hai người
x x
TP.HỒ CHÍ MINH
Khởi tố hàng loạt cán bộ liên quan đến sai phạm
tại Công ty Cổ phần dược liệu Trung ương 2
x x
Tra cứu điểm thi
đại học-cao đẳng qua
điện thoại
x x
Việt Nam sẽ dự giải điền
kinh Các ngôi sao
châu Á 2008
x x
VÒNG 9 GIẢI BÓNG ĐÁ NỮ VÔ ĐỊCH
QUỐC GIA 2008:
Than khoáng sản Việt Nam
vươn lên dẫn đầu
x x
Giết người, cướp xe ôm x x TRẬT TỰ AN NINH
Xô xát tại quán nhậu
dẫn đến chết người
x x
Áp dụng mẫu vé xe
khách mới cho các đơn
vị vận tải
x x
Bắt 2 đối tượng cướp tiền tại điểm giao dịch ATM x x
ĐẮK LẮK
Bảo tồn, phục dựng
gần 100 lễ hội
x x
Dân Thuỵ Sĩ bỏ ô tô vì
xăng đắt
x x
Đêm 23/7, miền Bắc
sẽ có mưa, trời
chuyển mát
x x
Dịch bệnh gia súc, gia cầm
vẫn lai rai
x x
TIN TỨC
23.7.2008
ĐTVN/OLYMPIC BRAXIN: x x
VFF bán hơn 37 nghìn vé
Giấc mơ sân cỏ x x
Giao lưu “Thắp sáng ước mơ
tuổi trẻ Việt Nam”
x x
Hội sách cho thiếu
nhi Đất thép Củ Chi
x x
HUYỆN HÒN ĐẤT (KIÊN GIANG)
Sét đánh 3 người chết,
8 người bị thương
x x
Khai thác hay phá
rừng đầu nguồn?
x x
Lập lại trật tự hành
lang ATGT đường sắt
x x
Máy tời rò điện, chết một công nhân x x
Ngô Việt Hà thành công tại giải
quần vợt ITF La Coruna
x x
Nợ tiền cá độ,
bị giam lỏng
x x
OLYMPIC BẮC KINH 2008 - CÒN 16 NGÀY NỮA
Bóng rổ Trung Quốc rơi vào
bảng tử thần
x x
Phát động cuộc thi sáng tác
kịch bản phim môi trường
x x
QUẢNG NAM
Truy quét háng trăm
đối tượng khai thác
vàng trái phép
x x
QUẢNG NGÃI
Đình chỉ việc khai thác
vàng trái phép tại các
huyện Tây Trà, Sơn Hà
x x
TP HỒ CHÍ MINH
Phát hiện ba xác chết
nằm trong xe ô tô
x x
Trung Quốc dành 1 triệu vé xem
Olympic giá rẻ cho học sinh
x x
“Vang mãi khúc
quân hành”
x x
Việt Nam sẽ dự đại hội
các môn thể thao trí tuệ thế giới I
x x
Xử lý 33.500 cơ sở vi phạm quy định ATVSTP x x
YÊN BÁI
Dạy tiếng Mông cho cán bộ
công chức
x x
TRẬT TỰ
AN NINH Dũng cảm truy bắt tội
phạm
x x
Tàng trữ, sử dụng vật
liệu nổ trái phép
x x
BA TRẬN TỨ KẾT ĐẦU TIÊN
CÚP QUỐC GIA 2007:
Đá cho có...
x x
Đụng xe “dây chuyền”, hai người chết x x
Giả danh nhân viên cấp thoát nước để vòi tiền x x
Hà Nội: cưỡng chế nhà 15 tầng xây trái phép x x
HỌC VIỆN HAGL-ARSENAL-JMG:
Thêm 3 thí sinh được chọn
x x
Thành lập thành phố Hà Tĩnh x x
Thời tiết nóng kỷ lục tại Nga x x
Toàn ngành GTVT
đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy
x x
TP.HCM:mưa giảm nhưng lại có triều cường x x
TP.Hồ Chí Minh: cháy nhà máy mực in Dy Khang x x
VN xếp thứ 35/121 về bình yên x x
TUỔI
TRẺ
1/6/2007
VỤ PHÁ NHÀ DÂN TẠI HỒ BA MẪU:
Dương Thị Bích Thuỷ bị phạt
15 tháng tù
x x
Áp thấp nhiệt đới gây
mưa to ở Trung bộ
x x
1.30.1.1.1.1. Bãi bỏ 40 loại phí, lệ phí x x
Cầu Rạch Miễu:
tháng 4-2008 mới hợp long
x x
ĐH Cần Thơ:
Tuyển sinh 35 ngành
sau ĐH
x x
1.30.1.1.1.2. Hà Nội: thưởng tết
cao nhất 30 triệu đồng
x x
Hai nữ nhân viên bưu điện
bị sát hại dã man
x x
Đồng Nai: hai thanh niên chết trên quốc lộ 51 x x
Học sinh đánh thầy giáo bị thương nặng x x
Hơn 90.000 trường hợp bị phạt vì không đội nón
bản hiểm
x x
Làm giả hàng của chính mình từ hàng Trung Quốc x x
Muỗi hoành hành x x
Ngăn chặn sản xuất, buôn bán,
vận chuyển... pháo trái phép
x x
Nhiều ngư dân sẽ đón tết trên biển x x
TUỔI
TRẺ
15/01/200
8
ỔN ĐỊNH GIÁ DỊP TẾT:
Khuyến khích doanh nghiệp
công bố giá bán ổn định
* Xây dựng giải pháp cân đối những mặt hàng
trọng yếu
x x
Tạm ngưng sử dụng văcxin viêm gan
B LG lô 06007 trên toàn quốc
x x
THANH TRA DỰ ÁN THOÁT NƯỚC VỆ SINH ĐÀ NẴNG:
Nhiều khả năng phải tạm dừng
phần thẩm định chất lượng
x x
Thiếu điện nghiêm trọng
đến hết tháng 5
* Mua 3,8 kWh điện của Trung Quốc
x
(x)
x
VỤ BÁC SĨ BỊ TỐ CÁO CHIẾM
DỤNG TIỀN TỶ Ở KIÊN GIANG:
Tạm đình chỉ
công tác bác sĩ
Nguyễn Văn Tạng
x x
Xin phép sản xuất thuốc y học cổ truyền khó quá! x x
Chèo xuồng độc mộc ven biển Tasman x x
Trăn to như cột điện x x
1.30.1.1.2. Đó đây
1.30.1.1.2.1. Xỏ chỉ bằng răng và lưỡi x x
100.000 lao động Việt Nam có thể đến Qatar làm việc x x
CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẠI TIỀN GIANG:
76% lao động
chưa qua đào tạo
x x
Năm 2008: TP.HCM thu hút
270.000 lao động
x x
Lao động -
việc làm
THÀNH ĐOÀN TP.HCM:
Tặng "căn nhà tình bạn"
cho bạn Lê Thanh Trúc
x x
GIẢI BÓNG BÀN CÁC CỰU DANH THỦ:
25 triệu đồng cho
chức vô địch
x x
Mai Tiến Thành
ký hợp đồng với Ninh Bình
x x
THỂ THAO
Yêu cầu BTC trận Hà Nội ACB
– Thanh Hoá giải trình
x x
Hiệu trưởng gặp gỡ và
giao lưu với giảng viên
x x
Phải đa dạng hoá
hình thức học tập
x x
1.30.1.2.
Tin giáo dục
Phó hiệu trưởng bóc đề thi cho con biết trước x x
5 đơn vị của Bộ Y tế nhập thiết bị không rõ nguồn gốc x x
Con phó bí thư huyện
tham gia vụ đánh chết người
x x
CÚP XE ĐẠP TRUYỀN HÌNH TP.HCM 2008:
Tập trung tranh áo vàng
x x
Đề nghị giải quyết xe “quá tải
cầu” qua cầu Tân Thuận
x x
Đề nghị... khiển trách viện trưởng VKSND Cà Mau Trần Công Lộc x x
Đoàn Olympic vật lý VN
đoạt 2 HCV
x x
TUỔI
TRẺ
29/4/2008
GIẢI BÓNG ĐÁ U-19 QUỐC TẾ 2008: x x
Vắng cầu thủ vì bận...
học thi
Giảm 50% số đèn chiếu sáng công cộng x x
Hoà nhạc cùng phim câm Đức x x
HOÀNG ANH TUẤN ĐOẠT HAI HCV CỬ TẠ CHÂU Á:
Bắt đầu chuẩn bị cho Olympic
x x
HỘI THI “ÁNH SÁNG THỜI ĐẠI” LẦN 3:
6 đội tuyển vào chung kết
x x
Hôm nay, khai mạc Tuần lễ
thời trang VN thu đông 2008
x x
Kết thúc cuộc thi
Mastering IT 2008
x x
Kiến nghị thu hồi 645 tỉ đồng tại Tổng cục Hải quan x x
“Lật kèo” mua bán đất,
một giám đốc bị tạm giữ
x x
Phát hành 100 ấn bản đặc biệt
Đặng Thái Sơn- người được Chopin chọn
x x
Rừng California lại cháy x x
Thanh Hoá: hàng
chục nghìn học sinh
chưa được nhận tiền
trợ cấp
x x
Trao giải “Bạn đồng hành quanh tôi”
cho anh Lê Minh Tuấn
x x
VỤ “CHẠY CHỨC” 100 TRIỆU ĐỒNG TẠI CÀ MAU:
Thanh tra Bộ Nội vụ vào cuộc
x x
VỤ XÉT XỬ “TẬP ĐOÀN LỪA ĐẢO” NGUYỄN LÂM THÁI:
Nhiều bị cáo xin được
miễn trách nhiệm hình sự
x x
Bụng cứng như thép x x Đó đây
Đổi logo vì dân x x
193 học sinh dự Hội thi tin học trẻ toàn quốc x x
* Đà Nẵng đón “chàng trai vàng” Huỳnh Minh Toàn x x
ALICIA Keys xin lỗi vì quảng cáo thuốc lá x x
Bắt giữ 10
đối tượng
phe vé trận VN-
Olympic Barazil
x x
Bệnh viện nội tiết T.Ư mở
dịch vụ “chọn thầy thuốc”
x x
BUỔI TẬP ĐẦU TIÊN CỦA TUYỂN VN:
Kết thúc
sớm vì mặt
sân xấu
x x
TUỔI
TRẺ
30.7.2008
Đã xây và
sửa 4.184
x x
căn nhà cho
người nghèo
Đắc Lắc:voi rừng quậy phá,
hổ xuất hiện
x x
Giáng cấp người tố cáo tiêu cực x x
Huế: tu bổ lăng vua Đồng Khánh x x
Khổ sở vì sâu róm x x
Không quan sát được sao băng
do thời tiết xấu
x x
Lại thêm một tai nạn do
công trình không che chắn
x x
Mưa lớn làm sập
nhiều rào chắn “lô cốt”
x x
Người lớn thiếu gương mẫu,
giới trẻ dễ hư hỏng
x
Robbie Keane
“cập bến” Liverpool
x x
Bắt tạm giam bà Nguyễn Huỳnh Thị Mỹ Ngọc x x
Hôm nay, chủ tịch FIFA
Blatter đến VN
x x
Huy động nguồn lực hỗ trợ
nhà ở cho hộ nghèo
x x
IOC bỏ lệnh cấm Iraq x x
Khai mạc hội chợ thời trang VN x x
MÁY BAY CỦA VIETNAM AIRLINES GẶP SỰ CỐ
TẠI NHẬT:
Tất cả hành khách đều an toàn
x x
Miền Bắc chỉ xem được
nhật thực một phần
x x
Phun thuốc diệt sâu róm x x
TUỔI
TRẺ
31.7.2008
Xem xét giảm mức thuế
nhập khẩu giấy in báo
x x
20 thanh niên
tình nguyện
Quảng Nam sang Lào
x x
Chủ tịch FIFA S. Blatter
đến Việt Nam
x x
Đề nghị đẩy mạnh chế tài
vi phạm văn minh đô thị
x x
Điều tra đường dây thao túng
đấu giá đất công
x x
FIFA:Barcelona phải
giải phóng Messi
x x
TUỔI
TRẺ
1.8.2008
MÁY BAY VIETNAM AIRLINES BỊ SỰ CỐ TẠI NHẬT BẢN:
Hiệp hội Hàng không
quốc tế đề nghị điều tra
x x
Người về hưu có giá ở Mỹ x x
Phát hiện mới từ Đồng cỏ của Van Gogh x x
Sẽ kiểm tra giới tính ngiêm ngặt x x
Sẽ thực hiện 3 chương trình
quốc gia trong năm học mới
x x
Thanh niên kiều bào
thăm quê hương
đất thép
x x
THI CÔNG KHÔNG BẢO ĐẢM AN TOÀN:
Một công trình gây nhiều vụ tai nạn
giao thông nghiêm trọng
x x
TRƯỞNG BAN KỶ LUẬT VFF NGUYỄN HẢI
HƯỜNG:
VFF không kỷ luật
thủ môn Đức Hùng
x x
Tử hình kẻ cầm đầu
băng giết người
x x
Tuyển VN: háo hức chờ giờ bóng lăn x x
Vợ ông Thaksin
bị tuyên 3 năm tù
x x
16 doanh nghiệp dược phải dừng sản xuất
vì không đạt tiêu chuẩn
x x
AFF Cup 2008 x x
Bình Thuận có thêm một khu du lịch sinh thái x x
Bộ GD&ĐT gửi công điện khẩn
về kì thi ĐH-CĐ 2008
x x
BỐC THĂM VÒNG LOẠI ASIAN CUP 2011:
VN cùng bảng với Trung Quốc,
Lebanon và Syria
x x
Chủ tịch FIFA và AFC sẽ
đến thăm VN
x x
Cuộc thi ảnh bóng đá
“Vũ điệu sân cỏ”
x x
Đồ Rê Mí 2008 x x
Giải Judo quốc tế
Tp.Hồ Chí Minh
lần thứ 17-2008
x x
Hà Lan:
Cấm hút thuốc lá nơi công cộng
x x x
Hội diễn nghệ thuật
quần chúng lực lượng vũ
trang tỉnh Quảng Ngãi
x x
Hồng Kông:
Triển lãm những hiện vật về loài ngựa
x x
Khánh Hoà:
Khai trương tuyến xe buýt tư nhân
đầu tiên
x x
VĂN
HOÁ
4/7/2008
Na Uy hạn chế khách du lịch x x
tới quần đảo Svalbard tại
Bắc Băng Dương
Nghệ An: 20.169 thí sinh tham gia dự thi x x
Phát động cuộc thi ý tưởng quy hoạch và thiết kế
đô thị khu vực Hồ Gươm
x x
Phú Yên:
Phát hiện tàu đánh cá chứa... đồ cổ
x x
Quỹ Học bổng và Văn hoá
Việt Nam Kumho Asiana tổ
chức Cuộc thi hùng biện
tiếng Hàn Quốc lần thứ 1
x x
Thành phố Đà Nẵng:
Phạt vi phạm hành chính bảo vệ môi trường đối
với 6 doanh nghiệp
x x
Thu phí bảo hiểm qua
mạng lưới bưu cục
x x
TP.HCM: Đào thêm 81 tuyến đường x x
VFF nỗ lực đưa Manchester Utd
đến VN trong hè 2009
x x
Việt Nam giành giải
thưởng lớn tại Cuộc thi
ảnh đen trắng thế giới
lần thứ 29
x x
VN tiếp tục đăng cai
VCK giải VĐ BĐ nữ ĐNÁ
2008
x x
Đã có 485 trẻ em dưới 15 tuổi
nhiễm HIV do lây nhiễm từ mẹ
x x
Hưởng ứng
Tuần lễ quốc gia
không thuốc lá
năm 2005
x x
Kế hoạch tổng kết 12 năm
thực hiện chương trình
phối hợp (1993-2005) giữa
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
với Bộ VHTT và Liên hoan tổ,
đội tuyên truyền văn hoá
lần thứ V/2005
x x
Tổ chức các
hoạt động hưởng ứng
Ngày môi trường
thế giới 5-6-2005
x x
ĐÀ NẴNG
Hội diễn NTQC lần thứ II-2005
x x
XÂY
DỰNG
ĐỜI
SỐNG
VĂN
HOÁ
SỐ 12
6/2005
TIN KHẮP
NƠI
ĐẮC LẮC
Đại hội TDTT lần thứ II năm 2005
x x
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA7404.pdf