Mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi Quốc gia. Nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, gần 80% dân số ở nông thôn. Vì vậy, phát triển nông nghiệp - nông thôn là vấn đề có tầm chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái.
Sau hai mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa rất
76 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1656 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Thái Bình, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
quan trọng, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội; nền kinh tế liên tục phát triển, đạt được mức tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Trong sự chuyển biến tích cực chung đó, có sự chuyển biến rõ nét của nông nghiệp và nông thôn; từ chỗ thiếu lương thực phải nhập khẩu, đến nay nước ta đảm bảo được an toàn, an ninh lương thực, sản phẩm nông nghiệp ngày càng đa dạng và phong phú, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu...
Tuy nhiên trong nông nghiệp - nông thôn nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải được giải quyết. Đó là sản xuất nông nghiệp vẫn còn phân tán, cơ cấu kinh tế nông nghiêp và nông thôn chuyển dịch chậm, chưa theo sát với thị trường. Một bộ phận nông dân đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
Là một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thái Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp cả trồng trọt, chăn nuôi, và hải sản... Song sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Bình vẫn còn mang nặng tính tự cấp, tự túc, chế độ canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún, chưa chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp, đời sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn.
Cùng với công cuộc đổi mới chung của cả nước, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình có những bước phát triển nhất định, đã xây dựng được nhiều vùng chuyên canh, cây cảnh, cây dược liệu, khai thác mặt nước để nuô itrồng thủy, hải sản. Sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn liền với thị trường đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, chưa tạo được sự cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn mang tính tự phát, đôi khi gây ra lãng phí lao động, lãng phí vốn. Từ đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải tìm phương hướng đúng và giải pháp khả thi để tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng,vật nuôi mạnh mẽ hơn.
Vì lý do trên, "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Thái Bình" được chọn làm đề tài luận văn thạc sĩ này.
2. Tình hình nghiên cứu của đề tài
Cho đến nay đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu vấn đề này dưới nhiều góc độ khác nhau, được công bố dưới dạng chuyên đề, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, các kỷ yếu đề tài cấp bộ, các bài viết đăng trên các báo, Tạp chí… ví dụ như:
- Lê Quốc Sử (chủ biên) - Chuyển dịch cơ cấu và xu hướng phát triển của kinh tế nông nghiệp Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ thế kỷ XX đến thế kỷ XXI trong thời đại kinh tế tri thức" NXB Thống kê - 2001.
- Luận án Tiến sĩ - Nguyễn Đăng Bằng - Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn Bắc Trung Bộ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - 2001.
- Luận án Tiến sĩ - Phạm Ngọc Dũng - Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp ở vùng lãnh thổ đồng bằng Sông Hồng - thực trạng và giải pháp - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - 2002.
- Luận văn thạc sĩ - Phí Ngọc Tiếp - Một số vấn đề trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - 1995.
- Nhâm Gia Quân - chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Thái Bình - Tạp chí Cộng sản, 2002.
- Nguyễn Sinh Cúc - chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn sau 2 năm thực hiện nghị quyết TW5- Con số và sự kiện số 6-2004.
- Cùng một số bài viết của các tác giả. PGS. TS Nguyễn Đình Kháng, PGS. TS Vũ Văn Phúc, Tạ Đình Thi, Nguyễn Quang Thái.
Các công trình nghiên cứu nêu trên đã đi sâu phân tích những đặc điểm, vai trò, thực trạng, tính chất của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đề xuất những giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta. Song, có thể nói cho đến nay chưa có công trình khoa học nào đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống về quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Thái Bình.
Vì vậy, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu đã được công bố, luận văn này góp phần làm sáng tỏ hơn quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Thái Bình.
3. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn
* Mục đích:
Từ nghiên cứu lý luận về sự biến đổi cơ cấu kinh tế ngành trong nông nghiệp hàng hóa khảo sát thực trạng biến đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở tỉnh Thái Bình, để đề xuất phương hướng và các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh.
* Nhiệm vụ của luận văn:
Một là, phân tích lý luận về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp
Hai là, khảo sát thực trạng biến đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp của tỉnh Thái Bình, đánh giá những điểm tích cực, những điểm hạn chế của cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiện nay.
Ba là, đề xuất phương hướng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp của tỉnh thời gian tới.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
* Cơ sở lý luận:
Luận văn vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về phát triển nông nghiệp vào tình hình cụ thể của tỉnh Thái Bình.
* Phương pháp nghiên cứu:
Luận văn sử dụng các phương pháp của khoa học kinh tế chính trị Mác-Lênin, đặc biệt coi trọng phương pháp gắn lý luận với thực tiễn, phân tích tổng hợp, thống kê, điều tra, so sánh.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là sự chuyển đổi cơ cấu cây, con chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Bình (từ năm 2000 đến nay).
6. Đóng góp mới về khoa học của luận văn.
Phân tích những xu hướng khách quan của sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa.
- Đánh giá đúng thực trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở tỉnh Thái Bình, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp có tính khả thi nhằm phát huy những lợi thế, tiềm năng của nông nghiệp trong tỉnh.
- Luận văn góp phần luận giải cơ sở khoa học về phát triển nông nghiệp hàng hóa, có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc hoạch định chính sách và chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở tỉnh Thái Bình hiện nay.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương 6 tiết.
Chương 1
Nông nghiệp hàng hóa và sự biến đổi cơ cấu
cây trồng, vật nuôi trong quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa
1.1. Đặc điểm và tính ưu việt của nông nghiệp hàng hóa
1.1.1. Đặc điểm của nông nghiệp hàng hóa
Nền kinh tế nông nghiệp mang tính chất tự cung tự cấp do những đơn vị kinh tế thuần nhất hợp thành, mỗi đơn vị ấy làm đủ mọi công việc kinh tế, từ trồng trọt, chăn nuôi đến tự chế biến những nguyên liệu thành sản phẩm tiêu dùng. V.I.Lênin đã chỉ rõ:
Nhân khẩu của một nước mà kinh tế hàng hóa ít phát triển (hoặc hoàn toàn không phát triển) thì hầu như hoàn toàn chỉ là nhân khẩu nông nghiệp; tuy nhiên điều đó không có nghĩa là dân cư chỉ chuyên làm nghề nông, mà chỉ có nghĩa là dân cư làm nghề nông đã tự mình chế biến lấy nông sản, là trong dân cư đó sự trao đổi và sự phân công hầu như không có [15, tr.25].
Trong nền nông nghiệp ấy những người nông dân phải sống hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài làng xóm của mình. Sản xuất nông nghiệp gắn với chế độ kinh tế dựa trên lao dịch và kinh tế nông dân gia trưởng, đều dựa trên cơ sở kỹ thuật thủ cựu, lạc hậu, năng suất lao động rất thấp.
Dần dần năng suất lao động tăng lên, xuất hiện sản phẩm thừa và do những điều kiện tự nhiên, truyền thống sản xuất khác nhau dẫn tới cần trao đổi những sản phẩm thừa với nhau. Trao đổi tác động trở lại sản xuất, thúc đẩy phân công xã hội và chuyên môn hóa lao động. Do phân công xã hội phát triển, mỗi người lao động chỉ chuyên sản xuất một hoặc vài loại sản phẩm và cung cấp loại sản phẩm đó ra thị trường, đồng thời họ có nhu cầu về những loại sản phẩm khác, gồm cả nhu cầu về những tư liệu sản xuất, nên thúc đẩy lưu thông hàng hóa phát triển và mở rộng thị trường. V.I.Lênin đã nhấn mạnh:
Khái niệm thị trường hoàn toàn không thể tách rời khái niệm phân công lao động xã hội, sự phân công này là cơ sở chung của mọi nền sản xuất hàng hóa. Một động tác đặc biệt nào đó trong quá trình lao động, hôm qua còn là một trong rất nhiều chức năng của cùng một người sản xuất hàng hóa, thì có thể hôm nay đã tách ra khỏi quá trình đó, đứng riêng ra, và chính nhờ vậy mà đem được cái sản phẩm bộ phận của nó ra thị trường làm một hàng hóa độc lập [14, tr. 114-115].
Như vậy, sự phân công xã hội tách nền sản xuất nói chung, nông nghiệp nói riêng, thành những ngành riêng biệt, mỗi ngành đó lại chia thành nhiều ngành nhỏ và phân ngành nhỏ; chúng sản xuất ra, dưới hình thức hàng hóa, những sản phẩm riêng và đem trao đổi với nhau. Phân công lao động xã hội càng sâu rộng thì sự phân chia ngành nghề càng chi tiết. Xu hướng của sự phát triển này là nhằm biến việc sản xuất không những từng sản phẩm riêng, mà cả việc sản xuất từng bộ phận riêng của sản phẩm, thậm chí cả từng thao tác trong việc chế biến sản phẩm, thành một ngành riêng biệt.
Từ những điểm trên đây có thể rút ra đặc điểm cơ bản của kinh tế hàng hóa nói chung và nông nghiệp hàng hóa nói riêng là:
Thứ nhất, hình thành những đơn vị kinh tế không thuần nhất, số lượng những đơn vị kinh tế thực hiện một chức năng kinh tế giống nhau giảm xuống, số lượng những ngành kinh tế riêng biệt tăng lên.
Công nghiệp tách ra khỏi nông nghiệp, sản xuất và trao đổi hàng hóa trở thành phổ biến, các ngành kinh tế mới trong nội bộ nông nghiệp mới có điều kiện phát triển mạnh. Kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, thị trường từng bước được mở rộng đưa đến chỗ ngày càng tăng thêm những ngành công nghiệp riêng biệt tách khỏi nông nghiệp. Xu hướng phát triển này không những biến việc sản xuất mang tính chuyên biệt tạo ra từng sản phẩm riêng, mà còn sản xuất từng bộ phận riêng của sản phẩm, thậm chí cả từng thao tác trong việc chế biến sản phẩm thành một ngành công nghiệp hoặc dịch vụ riêng. Quá trình này cũng diễn ra trong nội bộ ngành nông nghiệp làm nảy sinh những khu vực nông nghiệp chuyên môn hóa, dẫn đến không những diễn ra sự trao đổi sản phẩm nông nghiệp lấy sản phẩm công nghiệp mà còn cả trao đổi giữa các sản phẩm nông nghiệp với nhau nữa.
Thứ hai, sự phân công xã hội ngày càng phát triển, nên lưu thông hàng hóa cũng không ngừng phát triển dẫn đến sự ra đời của thương nghiệp. Lúc đầu thương nghiệp chỉ đón lấy sản phẩm thừa ra, về sau nó tác động vào nền sản xuất, hướng sản xuất vốn nhằm vào nhu cầu tiêu dùng trực tiếp chuyển sang sản xuất nhằm vào thị trường và từng bước sát nhập lưu thông thành một khâu của quá trình tái sản xuất và thị trường ngày càng mở rộng. Sự phát triển của sản xuất hàng hóa sẽ chấm dứt tình trạng phân tán của những đơn vị kinh tế nhỏ (trong kinh tế tự nhiên) và sẽ tập hợp các thị trường nhỏ địa phương thành một thị trường lớn trong toàn quốc và sau đó trên toàn thế giới.
Theo tiến độ đó xu hướng phát triển tất yếu của sản xuất xã hội là kinh tế tự nhiên sẽ chuyển thành kinh tế hàng hóa, các ngành kinh tế chuyên môn hóa gắn bó mật thiết với nhau hơn.
Kinh tế hàng hóa là kiểu tổ chức kinh tế dựa trên cơ sở phân công xã hội, trong đó sản phẩm được làm ra nhằm để trao đổi, hay để bán trên thị trường. Hễ ở đâu và khi nào có phân công xã hội và sản xuất hàng hóa thì ở đó và khi ấy có thị trường. Quy mô của thị trường phù hợp với trình độ chuyên môn hóa của lao động xã hội. Nhưng không phải hễ có thị trường là có kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là trình độ phát triển cao của kinh tế hàng hóa, trong đó toàn bộ hoặc tuyệt đại bộ phận các yếu tố "đầu vào" và "đầu ra" của sản xuất đều thông qua thị trường. So sánh người Phéc-mi-ê tư bản chủ nghĩa và người tiểu nông. Người Phéc-mi-ê bán toàn bộ sản phẩm của mình, và vì vậy trên thị trường phải hoàn lại tất cả các yếu tố sản xuất của anh ta, cho đến cả hạt giống nữa; còn người tiểu nông thì tiêu dùng trực tiếp đại bộ phận sản phẩm của mình, anh ta mua và bán càng ít càng tốt, và trong chừng mực có thể anh ta còn tự chế tạo lấy công cụ lao động, quần áo v.v… [17, tr.176].
Kinh tế hàng hóa thúc đẩy việc tích tụ, tập trung sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất. Thúc đẩy việc không ngừng cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất để vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; vừa giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Sản xuất hàng hóa đòi hỏi phải áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, làm cho năng suất lao động cá nhân và xã hội tăng dần, cải tạo phương pháp, tập quán sản xuất, làm cho sản phẩm làm ra được dồi dào, phong phú và đa dạng. Tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất sẽ thúc đẩy phân công lao động xã hội, phát triển ngành nghề, chuyên môn sản xuất…từ đó thúc đẩy việc trao đổi hàng hóa, mở rộng thị trường.
Kinh tế hàng hóa phát huy tính năng động, sáng tạo của mỗi người lao động, mỗi đơn vị kinh tế; tạo điều kiện cho sự phát triển tự do, toàn diện của cá nhân; tạo ra cơ chế phân bổ và sử dụng các nguồn lực của xã hội. Kinh tế hàng hóa phát triển sẽ thúc đẩy và mở rộng việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương trong cả nước và các quốc gia trên thế giới trên cơ sở tôn trọng, hợp tác lẫn nhau và cùng phát triển.
1.1.2. Tính ưu việt của nông nghiệp hàng hóa
Nông nghiệp hàng hóa (và kinh tế hàng hóa nói chung) có những ưu điểm sau:
Một là, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển nhanh, không ngừng tăng năng suất lao động. Nền nông nghiệp tự nhiên chỉ hướng vào giá trị sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của chính người sản xuất, không có trao đổi sản phẩm, nên thiếu động lực kích thích lực lượng sản xuất phát triển. Trái lại, trong kinh tế hàng hóa, muốn bán được sản phẩm trên thị trường người sản xuất phải quan tâm đến nhu cầu và thị hiếu của người mua, phải ra sức ứng dụng kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa của mình nhằm thu được lợi nhuận siêu ngạch và đứng vững trên thị trường, do đó mà năng suất lao động không ngừng tăng lên, quy mô sản xuất và lưu thông hàng hóa ngày càng mở rộng. So sánh kinh tế tự nhiên với kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa V.I.Lênin đã chỉ rõ:
Quy luật của những phương thức sản xuất trước chủ nghĩa tư bản là tái diễn quá trình sản xuất theo một quy mô như cũ, trên một cơ sở kỹ thuật như cũ; kinh tế diêu dịch của địa chủ, kinh tế tự nhiên của nông dân, sản xuất thủ công của những người làm công nghiệp đều như thế cả. Trái lại, quy luật của sản xuất tư bản chủ nghĩa là không ngừng cải tạo phương thức sản xuất và mở rộng vô hạn độ quy mô sản xuất. Với những phương thức sản xuất cũ thì các đơn vị kinh tế có thể tồn tại hàng thế kỷ mà không hề thay đổi tính chất và phạm vi, không hề vượt ra ngoài giới hạn của lãnh địa địa chủ, của xóm làng hay của cái chợ lân cận nhỏ bé dành cho những thợ thủ công nông thôn và những người tiểu chủ (gọi là thợ thủ công làm ở nhà). Trái lại, xí nghiệp tư bản chủ nghĩa thì tất nhiên là vượt ra ngoài giới hạn của làng xã, của cái chợ địa phương, của từng vùng rồi vượt ra ngoài cả giới hạn quốc gia nữa [15, tr. 62 - 63].
Nông nghiệp hàng hóa phát triển tất yếu sẽ ra đời các trang trại lớn, các vùng chuyên canh sản xuất những khối lượng nông sản hàng hóa lớn, không những đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước mà còn tăng xuất khẩu.
Hai là, nông nghiệp hàng hóa đẩy mạnh quá trình xã hội hóa lực lượng sản xuất. Lao động sản xuất hàng hóa mang tính chất hai mặt: lao động cụ thể và lao động trừu tượng. Lao động cụ thể mang tính chất tư nhân, vì chọn nghề gì, sản xuất mặt hàng gì là quyền của mỗi người lao động, của mỗi đơn vị kinh tế. Nhưng mỗi lao động cụ thể, tư nhân đó lại là một bộ phận của lao động xã hội mà sản phẩm là hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác, chứ không phải đáp ứng nhu cầu của bản thân người sản xuất, tức là đáp ứng nhu cầu xã hội. Sản xuất hàng hóa lôi cuốn những người sản xuất riêng lẻ hay những đơn vị sản xuất tự chủ, độc lập vào một hệ thống phân công xã hội. Chỉ khi bán được hàng hóa thì lao động tư nhân, độc lập mới được xã hội thừa nhận, và mâu thuẫn giữa lao động tư nhân với lao động xã hội mới được giải quyết, sản xuất và lưu thông hàng hóa mới diễn ra trôi chảy.
Tính chất xã hội hóa lao động trong nông nghiệp hàng hóa thể hiện ở chỗ: 1) sản xuất cho mình biến thành sản xuất cho xã hội; 2) thay vào tình trạng phân tán, manh mún trước kia, đã hình thành sự tập trung sản xuất chưa từng thấy, cả trong nông nghiệp và trong công nghiệp; 3) Diễn ra tình trạng lưu động dân cư, chuyển bớt lao động từ trồng cây lương thực sang trồng các cây khác hay sang chăn nuôi, rút bớt lao động trực tiếp làm nông nghiệp sang làm công nghiệp chế biến hay dịch vụ; 4) làm thay đổi bộ mặt tinh thần của dân cư nông thôn, thay đổi ngay cả tính chất của những người sản xuất.
Ba là, nông nghiệp hàng hóa thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung sản xuất, thúc đẩy mở rộng thị trường hàng tiêu dùng, thị trường lao động và thị trường tư liệu sản xuất. Những người làm ăn giỏi sẽ thu được nhiều lợi nhuận cho phép tích tụ vốn, mở rộng quy mô kinh tế hộ gia đình thành kinh tế trang trại chuyên doanh hoặc kinh doanh tổng hợp.
Đồng thời quá trình cạnh tranh dẫn đến tập trung sản xuất, những đơn vị đạt hiệu quả kinh tế cao sẽ tăng quy mô ngày càng lớn, loại bỏ những đơn vị yếu kém, những đơn vị này sẽ bị phá sản, bị những doanh nghiệp thắng cuộc thôn tính hoặc phải liên hiệp với nhau thành những doanh nghiệp lớn để tồn tại và đứng vững trên thị trường. Những người bị phá sản sẽ trở thành người làm thuê, thành người bán sức lao động, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp. Điều quan trọng đối với kinh tế hàng hóa không phải là mức sinh hoạt của người sản xuất mà là khoản thu nhập bằng tiền của họ. Người làm thuê trong nông nghiệp có thể có mức sống thấp hơn trước đây nhưng lại phải dùng tiền công mua tư liệu sinh hoạt nhiều hơn trước, nên lại làm cho thị trường mở rộng hơn. Mặt khác, những người giàu lên, không những tiêu dùng nhiều hơn mà còn phải thuê nhiều công nhân và mua nhiều tư liệu sản xuất hơn, nên mở rộng cả thị trường hàng tiêu dùng, cả thị trường lao động và thị trường tư liệu sản xuất.
Khi kinh tế thị trường phát triển, cạnh tranh gay gắt, thì những đơn vị kinh tế quy mô nhỏ, canh tác trên những mảnh đất nhỏ sẽ bị làm vào tình trạng suy đồi. Các xí nghiệp chế biến nông sản đòi hỏi khối lượng nguyên liệu lớn với chất lượng theo những tiêu chuẩn nhất định và gạt ra khỏi thị trường những người sản xuất nhỏ không đảm bảo được những tiêu chuẩn trên, đồng thời người ta quy định giá nông sản theo chất lượng của nó. Khi nói về các kho chứa ngũ cốc thúc đẩy mạnh mẽ việc sản xuất lúa mì hàng hóa và đẩy nhanh sự phát triển kỹ thuật của nó bằng cách cũng quy định giá cả theo chất lượng, V.I.Lênin viết:
Những chế độ đó đánh vào người sản xuất nhỏ hai vố một lúc. Một là, những cơ quan đó quy định tiêu chuẩn, công nhận chất lượng tốt của lúa mì của những nhà sản xuất lớn và do đó làm cho lúa mì chất lượng kém của nông dân nghèo hoàn toàn bị giảm giá. Hai là, bằng cách tổ chức theo kiểu công nghiệp lớn TBCN việc phân loại và cất chứa ngũ cốc, các chế độ đó giảm bớt chi phí của người sản xuất lớn về ngũ cốc, làm cho người sản xuất lớn bán lúa mì của họ được dễ dàng và đơn giản, và do đó làm cho người sản xuất nhỏ với lối bán lúa mì từng bao, theo lối gia trưởng và thô sơ trên thị trường, phải hoàn toàn chịu lệ thuộc vào bọn cụ lắc và bọn cho vay nặng lãi [15, tr.330].
1.2. Sự biến đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa
1.2.1 Cơ cấu ngành kinh tế
Phân công xã hội dẫn đến phân chia nền sản xuất xã hội thành những ngành lớn như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, mỗi ngành lớn lại chia thành những phân ngành, và mỗi phân ngành lại chia thành những ngành nhỏ hơn. Sản phẩm của các ngành đã được phân chia ra như vậy được trao đổi lẫn cho nhau, không những trao đổi sản phẩm nông nghiệp lấy sản phẩm công nghiệp mà còn trao đổi các sản phẩm nông nghiệp với nhau nên thị trường ngày càng mở rộng. V.I.Lênin đã nhấn mạnh: "Giới hạn phát triển của thị trường trong xã hội tư bản chủ nghĩa là do giới hạn chuyên môn hóa lao động xã hội quyết định. Mà sự chuyên môn hóa đó, xét về bản chất của nó là vô cùng tận, cũng như sự tiến bộ kỹ thuật vậy" [14, tr.115].
Giữa các ngành nói trên có mối quan hệ với nhau hình thành cơ cấu ngành kinh tế. Một nền kinh tế lành mạnh, có nhịp độ tăng trưởng ổn định, phải có một cơ cấu phù hợp. Đó là cơ cấu đảm bảo được sự hài hòa giữa các yếu tố (bộ phận) thành một hệ thống. Mối quan hệ giữa các bộ phận với hệ thống được đo lường bằng tỷ trọng của mỗi bộ phận đó trong từng phân ngành, trong từng ngành hay trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trong nội bộ ngành nông nghiệp gồm có trồng trọt và chăn nuôi, trong trồng trọt lại có trồng cây lương thực, trồng cây công nghiệp, trồng cây ăn quả, trồng rau, trồng hoa, trồng cỏ… Trong trồng cây lương thực có trồng lúa, trồng màu, trong trồng màu lại gồm khoai, ngô, sắn… Trong ngành chăn nuôi cũng phân chia thành chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản v.v… Chăn nuôi gia súc gồm nuôi trâu, nuôi bò, nuôi cừu, nuôi dê… Nuôi bò lại có nuôi bò lấy sữa, nuôi bò lấy thịt…
Để hiểu rõ cơ cấu ngành kinh tế nói chung và cơ cấu ngành trong kinh tế nông nghiệp nói riêng người ta sử dụng nhiều chỉ tiêu đo lường khác nhau, như cơ cấu diện tích các loại cây trồng; cơ cấu về hiện vật và giá trị sản phẩm chủ yếu; cơ cấu lợi nhuận và thu nhập, cơ cấu lao động v.v…
* Cơ cấu cây trồng, vật nuôi:
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi là thành phần các giống và loài cây, con được bố trí theo không gian và thời gian trong một hệ sinh thái nông nghiệp nhằm tận dụng hợp lý các nguồn lợi về tự nhiên, kinh tế xã hội sẵn có của vùng. Cơ cấu cây trồng vật nuôi là bộ phận chủ yếu của cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nó còn là một nội dung chủ yếu của hệ thống canh tác nông nghiệp. Cơ cấu cây trồng còn được hình thành từ nhiều nhóm cây khác nhau như: Nhóm cây lương thực (lúa, hoa màu), cây nông nghiệp ngắn ngày (khoai, lạc, mía, đậu) và cây công nghiệp dài ngày (cao su, điều…). Cơ cấu con vật nuôi được hình thành từ nhiều nhóm con khác nhau như: Đại gia súc (trâu, bò, ngựa), gia súc (lợn, dê), gia cầm, thủy cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) và con đặc sản (tôm, cua, ốc, ếch, ba ba…)
Định nghĩa chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tập trung vào chuyển đổi từ cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị cao hơn, sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. mặc dù cây có giá trị thấp đôi khi được xác định bằng giá trị của nó trên một đơn vị trọng lượng tuy nhiên hợp lý hơn cả có thể xác định đó là những cây trồng mang lại lợi ích kinh tế trên một đơn vị ruộng đất hay lao động cao.
Như vậy, có thể hiểu: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là chuyển từ trạng thái cây trồng, vật nuôi cũ sang trạng thái cây trồng, vật nuôi mới để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, phát triển những cây trồng, vật nuôi có triển vọng về thị trường, có giá trị gia tăng cao.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải gắn liền với thị trường tiêu thụ và chế biến. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được hiểu là sự thay đổi mối quan hệ số lượng vật nuôi, sự thay đổi về diện tích, phần trăm tỷ trọng trong cơ cấu, sự thay đổi về giá trị sản xuất và giá trị gia tăng của toàn ngành dưới sự tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường và con người.
1.2.2. Xu hướng chủ yếu trong chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp
Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất đã thúc đẩy quá trình biến đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ. Sự tăng năng suất lao động trước hết là nông nghiệp đã tạo tiền đề vật chất cho chuyển dịch nông nghiệp thuần nông tự cấp tự túc, năng suất lao động thấp sang nền nông nghiệp năng suất cao. Nó có vai trò quyết định đối với việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Thực chất của nó là phát triển nông nghiệp từ chiều rộng, hiệu quả thấp sang phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, hiệu quả cao. Sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong nông nghiệp diễn ra tùy tình hình cụ thể của từng vùng, từng nước, nhưng theo đà phát triển của nông nghiệp hàng hóa, xu hướng chủ yếu nói chung trong chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế diễn ra như sau:
Thứ nhất, là tỷ trọng lao động và giá trị sản lượng nông nghiệp ngày càng giảm, lao động nông nghiệp được rút bớt để chuyển sang công nghiệp và dịch vụ.
Cơ cấu ngành nông nghiệp biến đổi phải nằm trong xu hướng phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Phân công lao động ở nông thôn diễn ra theo hướng giảm lao động trồng lúa chuyển sang trồng các cây khác và phát triển chăn nuôi, mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, với sự chuyển dịch lao động ra thành thị phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp, thương nghiệp và các ngành dịch vụ khác.
Nếu nông nghiệp không gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ sẽ kém hiệu quả. Thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi dẫn đến tăng sản lượng mà không có công nghiệp chế biến và dịch vụ tiêu thụ hàng hóa thì dẫn đến thua lỗ, hàng nông sản ế thừa, hư hỏng. Phải kết hợp liên hoàn giữa các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ ( trên cả thị trường trong nước và thị trường ngoài nước ) để giảm tỷ lệ hao hụt, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.
Các dịch vụ ở nông thôn như khâu tưới tiêu, khâu làm đất, khâu cung ứng vốn, cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông nghiệp, các dịch vụ cho sinh hoạt như cung cấp hàng tiêu dùng; cũng là nhân tố thúc đẩy chuyển dịch ngành nông nghiệp hợp lý. Sự biến đổi cơ cấu ngành công - nông nghiệp - dịch vụ là xu hướng tất yếu của phân công lao động xã hội, dẫn đến tăng năng suất lao động nông nghiệp, tạo điều kiện rút bớt lao động khỏi lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang công nghiệp và dịch vụ. Đây là một vấn đề cấp thiết và nan giải nhất của nước ta hiện nay. Theo chiến lược phát triển kinh tế 2001 – 2010 thì đến năm 2010 tỷ lệ lao động nông nghiệp ở nước ta phải giảm xuống còn 50% tổng số lao động của cả nước. Song đạt được chỉ tiêu này rất khó. Từ năm 1996 – 2000 tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ giảm được 3% (từ 71,2% xuống còn 68,2%), nên trong 10 năm khó có thể giảm được 18,2%. Điều khó khăn là phần lớn lao động nông nghiệp nước ta là lao động giản đơn, trong khi lao động công nghiệp và dịch vụ lại đòi hỏi lao động có nghề.
Thứ hai, tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt giảm xuống và tỷ trọng giá trị sản phẩm chăn nuôi tăng lên.
Tình trạng độc canh là đặc trưng của nền sản xuất nhỏ, tự cấp, tự túc. Chuyển nền nông nghiệp độc canh sang đa canh, phát triển toàn diện phù hợp với hệ sinh thái, liên kết, bổ sung cho nhau sẽ tạo ra được một nền nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững. Việc hình thành một cơ cấu ngành nông nghiệp hợp lý cho phép khai thác tốt nhất các nguồn lực tạo ra sức bật mới trong nông thôn. Xu hướng chung là phải phát triển cả nông nghiệp (theo nghĩa hẹp), lâm nghiệp, ngư nghiệp; phải phát triển cả trồng trọt và chăn nuôi, đưa chăn nuôi trở thành một ngành sản xuất chính. Sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi phát triển nhanh hơn và tỷ trọng của nó lớn dần lên và đến mức lớn hơn tỷ trọng trồng trọt để đáp ứng nhu cầu ăn ngày càng ngon và đủ dinh dưỡng của con người và cũng tương ứng với nhu cầu ngày càng cao của ngành chăn nuôi về kỹ thuật và vốn đầu tư.
ứng dụng công nghệ sinh học lựa chọn một cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết của từng vùng nhằm đạt được một năng suất, hiệu quả cao nhất trên một đơn vị diện tích.
Thứ ba, tỷ trọng giá trị sản lượng lương thực giảm (nhưng sản lượng tuyệt đối thì tăng lên do năng suất lao động và nâng suất cây trồng tăng cao); tỷ trọng các loại cây công nghiệp và rau quả tăng lên.
Trong xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa nước ta chủ động hội nhập vào các tổ chức kinh tế khu vực và sắp tới sẽ vào WTO, thì hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng sẽ phải cạnh tranh với các nước khác không chỉ trên thị trường ngoài nước mà cả thị trường trong nước. Bởi vậy, phải giảm dần những cây, con cho năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, tăng dần sản lượng cây con có giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ và có sức cạnh tranh mạnh mẽ, xu hướng chung ở nước ta hiện nay là giảm tỷ trọng cây lương thực, tăng giá trị cây thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp; giảm tỷ trọng và giá trị sản phẩm thô, tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm chế biến… trong tổng giá trị sản lượng nông nghiệp. Điều đó cho phép khai thác tiềm năng và lợi thế các vùng khác nhau, kết hợp hợp lý nông – lâm – ngư nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trên cơ sở phát triển cây lương thực, việc sản xuất các loại rau đậu các cấp, cây ăn quả và cây công nghiệp được phát triển trở thành ngành nông nghiệp hàng hóa, trong đó có loại sản phẩm trở thành hàng xuất khẩu quan trọng. Tỷ trọng các ngành đó không ngừng lớn lên, còn tỷ trọng giá trị sản lượng lương thực thì giảm tương ứng.
1.2.3. Những nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu ngành kinh tế trong nông nghiệp
Cơ cấu ngành kinh tế trong nông nghiệp chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, trong đó có những nhân tố chủ yếu sau đây:
Một là, năng suất lao động trong nông nghiệp, nhất là năng suất lao động trong trồng cây lương thực.
Trừ trường hợp đặc biệt có những nước không trồng được cây lương thực mà phải nhập khẩu, còn nói chung, tính quy luật là năng suất lao động nông nghiệp, mà trước hết là năng suất lao động trong trồng cây lương thực phải đạt tới một mức nhất định sao cho người sản xuất trực tiếp có thể thực hiện được lao động thặng dư thì mới có thể rút lao động đi trồng các cây khác, sang chăn nuôi và ra khỏi nông nghiệp. C.Mác đã chỉ rõ:
Suy rộng ra nữa, toàn bộ lao động nông nghiệp - lao động cần thiết và lao động thặng dư - của một bộ phận xã hội phải đủ để sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cần thiết cho toàn thể xã hội và do đó, cho cả những người lao động phi nông nghiệp; do đó, để cho sự phân công lớn giữa những người làm nông nghiệp, và những người làm công nghiệp, cũng như sự phân công giữa những người làm nông nghiệp sản x._.uất lương thực và những người làm nông nghiệp sản xuất nguyên liệu, có thể thực hiện được. Như vậy, mặc dù đối với bản thân những người sản xuất trực tiếp ra lương thực, lao động của họ cũng chia ra thành lao động cần thiết và lao động thặng dư, nhưng đứng trên quan điểm xã hội mà xét, thì lao động của họ là thứ lao động tất yếu, cần thiết để sản xuất ra tư liệu sinh hoạt [18, tr.271].
Năng suất lao động và năng suất cây trồng trong ngành lương thực tăng cao, một mặt, vừa có thể rút bớt lao động từ ngành trồng cây lương thực chuyển sang ngành khác (trồng cây công nghiệp, trồng cây ăn quả, trồng rau, trồng hoa, chăn nuôi…) vừa có thể rút bớt diện tích ruộng đất trồng cây lương thực để tăng thêm diện tích cho các ngành đó, kể cả diện tích trồng cỏ để chăn nuôi. Mặt khác, năng suất lao động và sản lượng của ngành lương thực tăng lên, cung lớn hơn cầu, làm cho giá cả lương thực rẻ, ít lợi nhuận sẽ thúc đẩy người sản xuất lương thực chuyển sang các ngành khác có lợi nhuận cao hơn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong nông nghiệp.
Hai là, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu.
Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là cơ thể sống của cây trồng, vật nuôi, việc sinh trưởng và phát triển của chúng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các yếu tố của tự nhiên tác động. Do vậy cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trước hết là cơ cấu ngành thường xuyên phụ thuộc vào sự tác động của điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu có vị trí đặc biệt quan trọng, chúng vừa mang lại nguồn lợi cho con người, vừa đe dọa gây nên những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Không những độ phì của ruộng đất ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, năng suất lao động mà tính đa dạng về thổ nhưỡng mới là nhân tố quan trọng tác động đến việc bố trí cây trồng, vật nuôi. Khí hậu liên quan đến mùa vụ cũng tạo điều kiện cho việc đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi.
Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tạo tiền đề để hình thành những vùng chuyên canh, những vùng nông nghiệp thương phẩm (chuyên trồng cây lượng thực, chuyên trồng cây công nghiệp, chuyên chăn nuôi gia súc, chuyên nuôi thủy sản v.v..).
Ví dụ, Diện tích đất nông nghiệp Thái Bình hiện có 104,2 nghìn ha, trong đó đất trồng cây hàng năm có 91.424 ha. Do sự bồi tụ phù sa của: hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và sản phẩm cồn cát biển, nên điều kiện thổ nhưỡng của Thái Bình rất đa dạng và phong phú về địa hình và thành phần cơ giới. Toàn tỉnh có trên 15.000ha đất có địa hình cao và vàn cao thuộc nhóm đất cát và cát pha, rất thích hợp với các cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu hàng năm và có khoảng 45.000 ha đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ và thịt trung bình trên địa hình vàn và vàn cao. Đây là ưu thế để có thể đa dạng hóa các lại cây trồng khác nhau [33, tr. 8].
Mỗi một điều kiện tự nhiên cho phép hình thành một cơ cấu sản xuất nhất định. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp chỉ thực sự có hiệu quả khi bố trí hệ thống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Do sự phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi địa phương có cơ cấu kinh tế nông nghiệp khác nhau và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng có nét riêng biệt mang tính đặc thù. Ngày nay trình độ phát triển của khoa học và công nghệ càng cao, một số nhân tố tự nhiên không còn là yếu tố bất biến bởi con người đã tao ra giống cây, giống con mới có năng suất cao và thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu từng vùng. Để có một cơ cấu kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả cao nhất, nhất thiết phải tôn trọng các quy luật phát triển của tự nhiên. Đồng thời khuyến khích sự sáng tạo của con người nhằm tranh thủ tốt nhất tự nhiên để phát triển kinh tế. Vì thế, muốn bố trí cơ cấu kinh tế hợp lý, trước hết phải điều tra, nắm chắc điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của mỗi vùng. Đồng thời, nắm chắc đặc điểm sinh học của từng loại cây trồng, vật nuôi trong sản xuất hoặc dự kiến sản xuất.
Ba là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là giao thông vận tải
Nhờ sự phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông vận tải và thủy lợi… Người ta có thể khai khẩn những vùng đất hoang hóa ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, biến thành những diện tích trồng trọt có tính chất thương phẩm, phát triển những vùng chuyên canh hay những đồng cỏ chăn nuôi mà sản phẩm không những được tiêu thụ trên thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.
Thái Bình được bao bọc bởi các con sông lớn và biển cả, là tỉnh duy nhất không có đồi núi, đất đai màu mỡ phì nhiêu. Trước đây địa phương này được ví như “một ốc đảo” nhưng từ năm 2000 đến nay sau khi quốc lộ 10 và quốc lộ 39 được nâng cấp thì Thái Bình trở thành tỉnh có mạng lưới giao thông thủy bộ khá phát triển. Tuyến quốc lộ 10 đã nối Thái Bình với Nam Định - Ninh Bình, Hải Phòng - Quảng Ninh; tuyến quốc lộ 39 đã nối Thái Bình với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; cảng Diêm Điền được đầu tư trở thành một trong những cảng lớn của quốc gia. Mạng lưới giao thông thuỷ phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu kinh tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa phát triển.
Giao thông vận tải phát triển còn tạo điều kiện cho việc vận chuyển nguyên liệu nông sản về các xí nghiệp chế biến, nhờ đó thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa.
Bốn là, sự phát triển công nghiệp chế biến nông sản
Khi nghiên cứu sự phát triển nông nghiệp thương phẩm ở Nga, V.I.Lênin đã rút ra kết luận:
Sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến nông sản có một ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển nông nghiệp: Một là, nó biểu hiện rõ nông nghiệp đã chuyển biến thành một ngành công nghiệp; Hai là, sự phát triển của việc chế biến về mặt kỹ thuật các nông sản thường gắn liền với sự tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, vì bản thân việc sản xuất nguyên liệu để chế biến thường thường đòi hỏi phải cải tiến nông nghiệp, mặt khác, những phế liệu trong khi chế biến thường đem dùng vào nông nghiệp, làm cho sản lượng nông nghiệp tăng lên và ít ra cũng khôi phục một phần sự thăng bằng và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa nông nghiệp và công nghiệp; sự thăng bằng và sự phụ thuộc bị phá hoại vốn là một trong những mâu thuẫn sâu sắc nhất của chủ nghĩa tư bản [15, tr.353-354].
1.2.4. Một số kinh nghiệm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa ở nước ta
Dựa trên tài liệu của tổng cục thống kê, nghiên cứu thực trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở tỉnh Thái Bình có điều kiện tương đồng với Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên và rút ra một số nhận xét sau:
Một là, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các tỉnh, mặc dù điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội còn có những điểm khác nhau, nhưng cái chung nhất là dựa trên tiềm năng thế mạnh của mình, phát triển theo cơ chế thị trường, mỗi tỉnh từng bước xác định cho mình một cơ cấu kinh tế hợp lý.
Hai là, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi các tỉnh đều xác định ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư, nhằm mang lại hiệu quả cao như Nam Định là trồng trọt, Hải Dương là chăn nuôi, Hưng Yên phát triển cả trồng trọt và chăn nuôi.
Ba là, Tập trung đấu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn nhân lực bằng mọi nguồn vốn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.
Bốn là, Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khi bố trí cơ cấu kinh tế hợp lý luôn chú ý tới các vùng miền lãnh thổ, vùng sâu vùng xa, phù hợp với điều kiện sinh thái thổ nhưỡng của từng vùng.
Năm là, cụ thể hóa các chủ trương chiến lược bằng quy hoạch kế hoạch, chương trình và biện pháp cụ thể, rõ ràng, phối hợp giữa các ngành, địa phương.
Tóm lại, theo đà phát triển lực lượng sản xuất, nông nghiệp mang tính chất tự cung tự cấp tất yếu chuyển lên nông nghiệp hàng hóa do phân công xã hội ngày càng phát triển. Nông nghiệp hàng hóa thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển nhanh hơn, không ngừng tăng năng suất lao động; đẩy mạnh quá trình xã hội hóa sản xuất và tích tụ, tập trung sản xuất, mở rộng thị trường hàng tiêu dùng, thị trường lao động, thị trường tư liệu sản xuất…
Phân công xã hội ngày càng sâu rộng cũng làm biến đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển nền nông nghiệp độc canh thành nền nông nghiệp phát triển toàn diện. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành trong nông nghiệp chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, trong đó có những nhân tố chủ yếu, như tăng năng suất lao động, nhất là năng suất lao động trong trồng cây lương thực; điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và sự phát triển công nghiệp chế biến nông sản.
Chuơng 2
Tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Thái Bình
2.1. Những điều kiện thuận lợi, khó khăn ảnh hưởng tới phát triển nông nghiệp hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Thái Bình
2.1.1. Vị trí địa lý và khí hậu của Thái Bình thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng xa trung tâm thương mại lớn nên khó tiêu thụ nông sản
Thái Bình là một tỉnh đồng bằng ven biển, nằm ở phía nam châu thổ sông Hồng; ở vị trí có tọa độ địa lý: 20017 đến 220 44 vĩ độ bắc và 1060 06 đến 106O 39 kinh độ đông. Phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam, phía Bắc giáp tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng. Thái Bình có địa hình tương đối bằng phẳng, được bao quanh bởi hệ thống sông, khép kín từ Tây sang Đông dài 54km, từ Bắc xuống Nam dài 49km, có gần 50km bờ biển (huyện Thái Thụy 21,52km và huyện Tiền Hải 27,37km).
Địa hình Thái Bình tương đối bằng phẳng, với độ dốc nhỏ hơn 1%, độ cao trung bình từ 1 - 2m so với mặt nước biển và thấp dần từ Bắc xuống Nam. Thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhưng không mấy thuận lợi cho sự phát triển kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường, vì nằm xa các trung tâm công nghiệp - thương mại lớn nên việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tươi sống gặp nhiều khó khăn.
Thái Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23 – 24o C. Số giờ nắng trong năm từ 1600 giờ đến 1800 giờ; lượng mưa trung bình từ 1540mm đến 1900mm/năm, độ ẩm tương đối trung bình nhiều năm từ 85-90%. Nhìn chung, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng, với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới và ôn đới. Điều này cho phép Thái Bình đẩy mạnh sản xuất vụ đông, tạo ra nhiều hàng hóa nông sản, tăng tỷ lệ thời gian được sử dụng ở nông nghiệp.
2.1.2. Đất ở Thái Bình khá tốt nhưng chất lượng không đều và bình quân diện tích trên một nhân khẩu thấp
Đất đai của Thái Bình chủ yếu là đất bồi tụ phù sa của sông Hồng và sông Thái Bình nên khá tốt, độ mùn cao, thuận lợi cho việc phát triển cây lúa nước, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Song chất lượng đất đai không đồng đều; đất ở 2 huyện ven biển bị chua mặn nhiều, đòi hỏi phải lựa chọn giống cây trồng và kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng thì mới cho năng suất và hiệu quả cao. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh năm 2002 là 154,4 nghìn ha, trong đó đất đã khai thác và sử dụng vào sản xuất nông nghiệp chiếm 67,4%; đất lâm nghiệp chiếm 1,6%; đất chuyên dùng chiếm 16,8%; đất ở dân cư chiếm 8,0%, còn lại là đất bãi bồi ven biển, bị ngập mặn, đang được cải tạo sử dụng vào nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất nông nghiệp bình quân nhân khẩu ở nông thôn chỉ có 608,7 m2/người, gần bằng mức bình quân của đồng bằng sông Hồng và thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước (xem bảng 2.1). Cùng với sự gia tăng dân số, phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, diện tích đất nông nghiệp bình quân nhân khẩu ở nông thôn Thái Bình ngày càng giảm.
Bảng 2.1: Diện tích đất nông nghiệp bình quân nhân khẩu ở nông thôn Thái Bình, năm 2002 [29, tr. 43]
Diện tích đất
nông nghiệp
(nghìn ha)
Số nhân khẩu ở nông thôn
(nghìn người)
Đất nông nghiệp/ khẩu nông thôn
(m2/nguời)
Cả nước
9406,8
59705,3
1575,5
Đồng bằng sông Hồng
8552
13756,6
621,7
Thái Bình
- % so với cả nước
- % so với ĐBSH
104,2
1,11
12,18
1718,1
2,88
12,49
608,7
38,64
97,91
2.1.3. Nguồn nước dồi dào và nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng nhưng trữ lượng hải sản thấp
Nguồn nước tương đối dồi dào, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và đời sống nhân dân. Sông Trà Lý vừa là nguồn cung cấp nước và lượng phù sa lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa là đường giao thông thủy rất quan trọng, cho phép Thái Bình phát triển vận tải cả đường sông và đường biển.
Thái Bình có 5 cửa sông lớn đổ ra biển (Văn úc, Diêm Điền, Ba Lạt, Trà Lý, Lân), tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các phương tiện vận tải biển, vận tải pha sông biển, nối liền thị trường Thái Bình với thị trường Trung Quốc, Quảng Ninh và nội địa.
Thái Bình có nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng. Với 10.258 ha mặt nước nội đồng, gần 50 km bờ biển, hàng chục ngàn ha bãi triều ven biển thuận cho phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ và khai thác hải sản. Tuy nhiên, trữ lượng hải sản của Thái Bình không đáng kể, không đủ để đánh bắt công nghiệp, quy mô lớn. “Vùng biển Thái Bình có trữ lượng cá ước khoảng 22 - 25 ngàn tấn, tôm 600 - 1000 tấn và mực khoảng 700 - 800 tấn” [32, tr.8]. Vì vậy, nếu chỉ khai thác tiềm năng hải sản bằng con đường đánh bắt tự nhiên thì kinh tế biển khó có thể phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
2.1.4. Tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp cao và phần lớn là lao động giản đơn
Số lượng lao động ở Thái Bình năm 2005 là 1.014.841 người, trong độ tuổi lao động 933.202, trên độ tuổi lao động 81.639. Số lao động trong ngành nông nghiệp là: 657.948 người chiếm 68%, đại bộ phận lao động của tỉnh làm việc trong ngành nông - lâm nghiệp, sau đó là công nghiệp chế biến, thương nghiệp và xây dựng. Thái Bình có tới 12/19 ngành có tỷ trọng lao động dưới 1%. Đáng chú ý là lao động trong các ngành hoạt động khoa học – công nghệ, kinh doanh tài sản và tư vấn chiếm tỷ trọng rất thấp. Nhìn chung trình độ học vấn của lực lượng lao động ở Thái Bình cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Số người chưa biết chữ chiếm tỷ lệ thấp 0,74%, hơn 2/3 số người trong lực lượng lao động đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Nhưng tỷ lệ lao động đã tốt nghiệp phổ thông trung học trong tổng số lực lượng lao động của tỉnh chỉ đạt 14,32%, thấp nhất khu vực đồng bằng sông Hồng và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Sự chênh lệch về học vấn của lực lượng lao động giữa nông thôn và thành thị ở Thái Bình là rất lớn. ở nông thôn, tỷ lệ lao động không biết chữ còn 0,78%; tỷ lệ đã tốt nghiệp phổ thông trung học chỉ chiếm 11,96% tổng số lực lượng lao động nông thôn.
Tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật ở Thái Bình rất cao, chiếm trên 80%; Tỷ lệ lao động có trình độ từ sơ cấp học nghề trở lên chỉ chiếm từ 11,64% (năm 1995) và tăng lên 18,86% (năm 2005). Trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ từ công nhân kỹ thuật có bằng trở lên chiếm 9%. So với lao động nông thôn, tỷ lệ lao động ở thành thị có trình độ công nhân kỹ thuật gấp 2,9 lần, có trình độ trung học chuyên nghiệp gấp 3,9 lần và trình độ cao đẳng trở lên gấp 17 lần. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động nông thôn quá thấp đang là trở ngại rất lớn cho phát triển kinh tế và quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở tỉnh.
2.1.5. Đường bộ nội tỉnh phát triển khá, nhưng không có đường sắt và cảng biển chỉ đón được tàu nhỏ nên gặp khó khăn về vận tải ra ngoài tỉnh
Ngay từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, Thái Bình đã phát triển mạnh phong trào Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư làm điện, đường, trường, trạm y tế nông thôn. Hệ thống điện được xây dựng từ những năm 1992 đến 1994. Đến cuối năm 1994 đã có 100% số xã, 91,7% số hộ sử dụng điện phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Toàn tỉnh hiện có 10 tuyến đường chính. Trong đó: có 2 tuyến quốc lộ là đường 10 và đường 39 với tổng chiều dài 173 km chạy qua các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Hưng Hà, Thành Phố, Vũ Thư. Đường giao thông trong tỉnh gồm có: đường 39B, 217, 223, 219… với tổng chiều dài 550 km chạy qua các huyện kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy. Các đường khác đều có thể nối tiếp với quốc lộ, khai thông và dễ dàng đi các huyện trong tỉnh.
Cho đến nay, các sông ngăn cách với tỉnh bạn và các huyện trong tỉnh Thái Bình đều được nối liền bởi các cây cầu bê tông cốt sắt chịu lực như cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc đi Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội,… cầu Tân Đệ bắc qua sông Hồng đi Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, cầu Nghìn bắc qua sông Hóa đi Vĩnh Bảo (Hải Phòng), cầu Thái Bình bắc qua sông Trà nối liền với các huyện trong tỉnh.…
Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm được rải đá nhựa hóa hoặc bê tông hóa với tổng chiều dài gần 300 km, thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu hàng hóa, ô tô có thể đến tất cả các trung tâm các xã trong tỉnh. Thái Bình được trung ương đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng, nâng cấp, cải tạo toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn.
Có thể nói hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi như vậy giúp cho Thái Bình không còn là ốc đảo nữa mà là địa bàn trung chuyển, vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, tham quan du lịch, giao lưu kinh tế giữa các tỉnh từ phía Nam và phía Bắc.
Tuy nhiên, nhược điểm của giao thông Thái Bình là không có đường sắt, cảng biển chỉ đón được tầu có trọng tải nhỏ (chỉ đón được loại tàu thuyền dưới 100 tấn), nên khó vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn ra ngoài tỉnh, nhất là hàng xuất khẩu. Thái Bình có gần 50 km bờ biển chạy dọc theo ven biển 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Hiện tại, cảng Diêm Điền được đầu tư xây dựng và đã đi vào hoạt động. Cùng với cầu, cảng Trà Lý sẽ mở ra nhiều triển vọng trong việc phát triển kinh tế biển và giao lưu hàng hóa giữa Thái Bình với các tỉnh bạn hy vọng trong tương lai không xa, Thái Bình sẽ khắc phục được nhược điểm này.
2.1.6. Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình được xây dựng trong nhiều thập kỷ qua nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa
Toàn tỉnh có 1.194 trạm bơm điện, 191 cống dưới đê, 14.221 km kênh mương (trong đó 400 km kênh mương đã được cứng hóa). Hàng năm, hệ thống thủy lợi đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra năng suất cây trồng khá cao và ổn định. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi ở Thái Bình phát triển còn chậm so với các tỉnh trong vùng và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa. Theo kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2001, tỷ lệ diện tích đất đai nông nghiệp được tưới tiêu chủ động ở Thái Bình đạt 73,83%, trong đó tỷ lệ diện tích đất cây hàng năm và đất lúa được tưới tiêu chủ động đểu thấp hơn so với tỷ lệ bình quân của đồng bằng Sông Hồng. Điều này có ảnh hưởng đến tiến độ phát triển sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình.
2.2. Thực trạng tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Thái Bình từ năm 1995-2005
2.2.1. Diện tích trồng lúa giảm, diện tích trồng các cây khác và nuôi thủy sản tăng
Cây lúa vẫn là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đóng góp tích cực vào chương trình an ninh lương thực quốc gia và chương trình xuất khẩu, được tỉnh tập trung chỉ đạo áp dụng các biện pháp thâm canh tiên tiến, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa có năng suất cao, chất lượng khá vào sản xuất. Sản xuất lúa của Thái Bình phát triển liên tục qua nhiều năm một cách vững chắc, ổn định và nổi trội so với các tỉnh trong khu vực và cả nước chủ yếu là do có sự đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng. Vị thế và thực trạng sản xuất lúa ở Thái Bình được xem là một thành công lớn của nông dân trong tỉnh những năm đổi mới, một tỉnh nông nghiệp vốn có truyền thống thâm canh giỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Những thành công của Thái Bình trên mặt trận sản xuất nông nghiệp không những thể hiện rõ ở năng suất và sản lượng lúa tăng, mà quan trọng hơn là ở việc bố trí, sắp xếp, thay đổi cơ cấu diện tích cây trồng, mùa vụ hợp lý.
Bảng 2.2: Sự thay đổi diện tích các loại cây trồng và diện tích nuôi thủy sản [5]; [8].
Năm
Tổng diện tích
Lúa
Hoa màu
Cây ăn quả
Cây công nghiệp
Thuỷ sản
ha
%
ha
%
ha
%
ha
%
ha
%
1995
223066
169485
76,0
30420
13,6
5011
2,2
9028
4,0
9122
4,1
1996
224529
169827
75,6
32223
14,4
5025
2,2
8324
3,7
9130
4,1
1997
223576
170694
76,3
31294
14,0
5040
2,3
7391
3,3
9157
4,1
1998
227286
171675
75,5
33431
14,7
5025
2,2
7620
3,4
9535
4,2
1999
228767
172139
75,2
34849
15,2
5025
2,2
7257
3,2
9497
4,2
2000
226929
173141
76,3
31776
14,0
5275
2,3
7277
3,2
9460
4,2
2001
231862
173338
74,8
36456
15,7
5370
2,3
7067
3,0
9631
4,2
2002
232874
171808
73,8
36435
15,6
7160
3,1
7477
3,2
9994
4,3
2003
231287
170597
73,8
36862
15,9
5481
2,4
7925
3,4
10422
4,5
2004
238926
168555
70,5
44077
18,4
5502
2,3
9960
4,2
10832
4,5
2005
237765
167386
70,4
43121
18,1
5488
2,3
10670
4,5
11.100
4,7
Phân tích cơ cấu diện tích gieo trồng cây hàng năm của toàn tỉnh tại bảng 2.2 ta thấy: Tỷ trọng của diện tích cây lúa trong từng năm đều chiếm lớn nhất so với các lại cây khác, nhưng lại có xu hướng giảm dần ở những năm về sau, cụ thể năm 1995 tỷ trọng về diện tích gieo trồng cây lúa chiếm trong tổng diện tích gieo trồng là 76,0%, năm 1999 là 75,2%, năm 2003 là 73,8% và đến năm 2005 giảm xuống còn 70,4%. Xét về số tuyệt đối thì diện tích gieo trồng cây lúa tăng đều từ năm 1995 - 2005 với tốc độ tăng bình quân là 0,28% nhưng xét về số tương đối thì tỷ trọng có xu hướng giảm dần trong cơ cấu tổng diện tích gieo trồng.
Biểu đồ 2.1:Sự thay đổi diện tích các loại cây trồng và diện tích nuôi thủy sản [5]; [8].
Như vậy, trong nội bộ ngành trồng trọt đã diễn ra sự chuyển dịch cơ cấu, giảm tỷ trọng diện tích trồng lúa, tăng tỷ trọng diện tích trồng các loại cây khác theo hướng đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa. Dưới sự tác động của quy luật cung cầu, quy luật giá trị và các quy luật khác theo cơ chế thị trường, nông nghiệp mang nặng tính tự cấp tự túc (chủ yếu là trồng trọt) của tỉnh chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa, từ sản xuất “để ăn” sang sản xuất “để bán”, phát triển chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.
Tuy cây trồng (ngoài lúa) chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng số diện tích gieo trồng hàng năm, và diện tích trồng lúa chiếm 80%; song giá trị sản xuất (theo giá 1994) của các loại cây trồng này (11 loại cây trồng) năm 2002, đạt 751,5 tỷ đồng, bằng 44,71% giá trị sản xuất trồng lúa (1680,8 tỷ đồng). Nếu tính cả giá trị sản xuất của cây ăn quả có thu hoạch trong năm thì tỷ lệ này bằng 65,96% so với giá trị sản xuất trồng lúa. Tính chung, giá trị sản xuất trồng trọt trên một đơn vị diện tích canh tác cây hàng năm của Thái bình đạt từ 31,65 triệu đồng năm 1995 lên 34,01 triệu đồng vào năm 2001. Trong khi đó, chỉ tiêu này đối với cả nước chỉ có 13,5 triệu - 17,5 triệu đồng, chứng tỏ rằng mức đầu tư thâm canh cây trồng của Thái bình trên 1 đơn vị diện tích cao hơn mức chung của cả nước. Và đến nay năm 2005 trên 1 ha diện tích đất canh tác của Thái bình đã đạt được từ 35 triệu trở lên, đúng mục tiêu mà Nghị quyết 04/NQ-TU của Tỉnh ủy Thái bình đề ra.
Số liệu ở Bảng 2.2 cho thấy, ngoài lúa là chủ yếu Thái bình còn chú trọng đầu tư phát triển các cây trồng khác như hoa màu (ngô, kê, khoai, rau, đậu, cây ăn quả, cây công nghiệp: vừng, đay, cói, mía, lạc, thuốc lào, đậu tương…). Kết quả sản xuất thuộc các loại cây trồng này những năm qua cũng đem lại lợi ích đáng kể làm tăng thêm giá trị trồng trọt, góp phần chuyển đổi tích cực cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp.
Nhóm cây hoa màu và cây công nghiệp diện tích tăng nhanh và giá trị sản xuất chiếm tỷ lệ cao trong ngành trồng trọt, năm 2005 chiếm 22,6% và là nhóm có quy mô lớn thứ 2 trong ngành trồng trọt. Vụ đông có bước phát triển nhanh cả về diện tích và giá trị. Năm 2004 diện tích cây vụ đông toàn tỉnh đạt 32.556 ha; năm 2005 đạt 32.313 ha tăng 8.273 ha (34,4%) so với năm 2000; đạt trên 35% diện tích canh tác. Cơ cấu cây vụ đông chuyển mạnh từ số lượng sang chất lượng và giá trị. Các cây trồng có hiệu quả cao tăng nhanh như: rau quả xuất khẩu, ớt, hành, dưa các loại, cây làm thuốc, bí xanh, khoai tây, đậu tương, ngô,… Cây có hiệu quả thấp như khoai lang có xu hướng giảm. Một số cây vụ đông có hiệu quả cao và có thị trường tiêu thụ dẫn đến hình thành một số vùng cây vụ đông chuyên canh như: Vùng rau xuất khẩu Thái Thụy; vùng ngô, đậu tương Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư; vùng khoai tây Kiến Xương; vùng ớt Quỳnh Phụ; cà chua Vũ Thư… Nhiều cây vụ đông đã đạt giá trị sản lượng 20 – 30 triệu đồng/ha/vụ như: Dưa hấu, dưa chuột, bí xanh, ớt, hành, khoai tây xuất khẩu. Đã có một số xã trong tỉnh và toàn huyện Hưng Hà trồng vụ đông đạt trên 50% diện tích đất canh tác. Năm 2004 giá trị sản xuất cây vụ đông toàn tỉnh đạt 636 tỷ đồng; năm 2005 đạt 662 tỷ đồng, chiếm 21% giá trị sản xuất ngành trồng trọt cả năm; tăng hơn giá trị sản xuất cây vụ đông năm 2000 là 208 tỷ đồng (tương ứng tăng 6,6% giá trị sản xuất ngành trồng trọt), như vậy mặc dù diện tích vụ đông 5 năm (2000 – 2005) giảm 2,9% song giá trị sản xuất vụ đông vẫn tăng là do các cây trồng chủ lực và các loại rau thực phẩm có giá trị cao được mở rộng, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm tăng năng suất và hiệu quả cây vụ đông, biến sản xuất cây vụ đông trở thành vụ sản xuất chính trong nông nghiệp và góp phần quan trọng xây dựng thành công các cánh đồng 50 triệu đồng/ha theo tinh thần chủ trương nghị quyết tỉnh ủy.
Sản xuất cây ngô, cây hoa mầu, rau đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày .v.v.. phần nhiều sử dụng diện tích đất bãi ven sông, xen canh gối vụ, đất chuyên dùng với lượng diện tích không nhỏ, lên tới hàng vạn ha gieo trồng mỗi năm.
Nhóm cây ăn quả được tập trung chỉ đạo gắn với phong trào cải tạo vườn tạp, đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng) giỏi. Tỉnh đã chỉ đạo xuống huyện hướng dẫn nông dân loại bỏ các cây tạp, thay thế bằng các cây ăn quả và các cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao như Nhãn, Vải, Na, Chuối, Cam,…từng bước hình thành vùng sản phẩm hàng hóa lớn để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Bảng 2.2 cũng cho thấy diện tích trồng lúa giảm từ 169.485 ha năm 1995 xuống còn 167.386 ha vào năm 2005, trong khi đó diện tích cây màu, cây ăn quả, cây công nghiệp và đặc biệt diện tích nuôi thủy sản có xu hướng ngày một tăng lên.
Nuôi thủy sản nước ngọt đã có chuyển biến từ “thả cá” sang nuôi cá có đầu tư đã bước đầu phát triển các cơ sở sản xuất giống thủy sản với nhiều loại hình kinh tế. Công tác chuyển đổi từ đất cấy lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện, đã hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung có quy mô khá, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân. Đó là chủ trương đúng đắn và đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Diện tích chuyển đổi từ năm 2001 – 2005 đạt 2.976 ha, gồm 888 ha chuyển sang nuôi nước mặn lợ, 2088 ha chuyển sang nuôi nước ngọt. Hiệu quả chuyển đổi cao, đạt 70 – 80 triệu đồng/ha (cao hơn 6 - 7 lần cây lúa). Hiện nay, ở các huyện đang triển khai thực hiện một số mô hình dự án chuyển đổi sang nuôi thủy sản tập trung với diện tích từ 40 ha trở lên sẽ tạo ra sản lượng hàng hóa lớn và bền vững. Khai thác thủy hải sản phát triển theo hướng tích cực. Đã xuất hiện một số mô hình nuôi tôm sú năng suất cao (6,5 tấn/ha) và đã tích cực đưa vào nuôi một số đối tượng mới có giá trị kinh tế cao như tôm rảo, tôm càng xanh, cua xanh, cá rô phi đơn tính, rô phi hồng, cá tra, cá chép lai 3 mầu, ba ba. Nuôi ngao ở vùng nước mặn đã trở thành 1 nghề sản xuất cho thu nhập cao, ổn định về thị trường tiêu thụ với sản lượng đạt trên 8000 tấn/năm. Hình thức nuôi ngày càng phong phú như nuôi luân canh, xen canh, nuôi vụ hai để tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
Nếu xét về tiềm năng, diện tích đất chưa sử dụng trên địa bàn tỉnh tại thời điểm 01/10/2004 hiện có: 9431,64 ha. Trong đó: Đất sông 3828,99 ha; đất có mặt nước chưa sử dụng 69 ha; đất bằng chưa sử dụng 3228,68 ha, đất chưa sử dụng khác 24,1 ha. Với hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải nếu khai thác tối đa diện tích chưa sử dụng và đất mặt nước chưa sử dụng, cũng chỉ mới đạt 3453 ha, cùng với diện tích rừng trồng và rừng phòng hộ của tỉnh hiện có (2501 ha) thì đến năm 2005, diện tích rừng toàn tỉnh chỉ mới đạt tối đa 2501 ha + 3453 ha = 5954 ha. Do đó, dù muốn hay không sắp tới trong quy hoạch phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh cần phải được rà soát điều chỉnh lại cho sát với tiềm năng và thực tế sản xuất lâm nghiệp của tỉnh trong nhiều năm qua, chỉ có như vậy tính khả thi của quy hoạch sản xuất lâm nghiệp mới có cơ hội biến thành hiện thực. Nhận rõ và ý thức được tầm quan trọng của yếu tố diện tích đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, Thái Bình đã sớm triển khai thực hiện Nghị quyết V (Khóa IX) về việc khuyến khích nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa bằng một quyết định của UBND tỉnh số 18/2002 – QĐ-UB ngày 27/3/2002 về việc ban hành đề án thực hiện dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Quyết định định lại vị trí, kích thước thửa ruộng đã giao ổn định cho hộ gia đình, cá nhân. ở một nghĩa rộng hơn, đó còn là sự sắp xếp, bố trí lại sản xuất cây trồng trong nông nghiệp.
2.2.2. Sản lượng và giá trị sản lượng cây trồng và thủy sản đều tăng lên (xem bảng 2.3)
Bảng 2.3: Sản lượng và giá trị sản lượng cây trồng; thủy sản nước lợ, nước ngọt (chưa kể đánh bắt xa bờ) [5]; [8].
Năm
Tổng sản lượng
(tấn)
Cây trồng
Thủy sản (nước lợ, nước ngọt)
Sản
lượng
(tấn)
Giá trị
(triệu đồng)
Cơ cấu
(%)
Chỉ số phát triển
(%)
Sản
lượng
(tấn)
Cơ
cấu
(%)
Giá trị
(triệu đồng)
Chỉ số phát triển (%)
1995
1417348
1408877
2547644
99,4
105
8471
0,6
84173
-
1996
1568237
1560129
2478354
99,5
97,2
8108
0,5
88625
95.7
1997
1588901
1580192
2519435
99,5
102
8709
0,5
93730
107.4
1998
1667890
1653434
2609639
99,1
104
14456
0,9
120202
100.6
1999
1772584
1756534
2821412
99,1
108
16050
0,9
138733
100.1
2000
1664663
1645646
2789690
98,9
98,8
19017
1,1
182491
100.1
2001
1593984
1571655
2758144
98,6
98,8
22329
1,4
174982
100.1
2002
1662820
1638558
2905753
98,5
1._.hoa học và công nghệ chiếm tỷ trọng từ 0,25% - 0,3% tổng GDP của toàn ngành kinh tế (hiện tại của cả nước tỷ lệ này là 0,5% - 0,6%). Tỉnh cần huy động tối đa sự tham gia của các thành phần kinh tế và các tổ chức khác vào việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp nông thôn. Đổi mới cơ chế quản lý tài chính và nhân sự, tạo điều kiện hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học có đủ năng lực tạo ra những đột phá về khoa học công nghệ. Tăng cường nhập khẩu công nghệ tiến bộ của nước ngoài, nhất là các loại giống mới, công nghệ mới, các máy móc, thiết bị có hiệu suất, chất lượng cao. Vấn đề quan trọng hàng đầu là xây dựng bộ giống có năng suất cao, chất lương tốt, có khả năng chống chịu các đối tượng sâu bệnh, tiếp tục, nâng cao phẩm cấp, chất lượng của các loại giống hiện có, đẩy mạnh chương trình cấp 1 hóa giống lúa trước mắt ở những vùng thâm canh cây lúa, đưa vào sản xuất đại trà các giống mới như HYT83, nếp 87, Hương thơm I, Thiên hương, giống ngô HQ 200, LVL (nếp trang nông, 4 giống khoai tây năng suất và chất lượng cao là Dimant (Hà lan), Solana (Đức) và hàng chục giống cây trồng khác. Mở rộng diện tích sản xuất thâm canh các giống lúa lai như giống lúa lai 1, lai 5, giống thuần Khang Dân, nếp 352, các giống thơm đặc sản...lựa chọn cơ cấu giống phù hợp với từng vùng tạo nên sinh thái cân bằng và bền vững.
Đối với cây công nghiệp và cây ăn quả phải có chủ trương du nhập những giống cây trồng mới cho năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với đều kiện sinh thái, đất đai khí hậu ở Thái Bình. Trước khi sản xuất đại trà phải có quá trình sản xuất thử nghiệm theo mô hình hẹp, diện tích nhỏ.
Củng cố xây dựng hệ thống cung ứng dịch vụ giống cây trồng cho nông dân chặt chẽ từ trên xuống từng cơ sở, các lô giống phải được kiểm tra, kiểm nghiệm chặt chẽ.
Để chăn nuôi trở thành ngành chính phải thực hiện đẩy nhanh chương trình sind hóa đàn bò để thay thế đàn bò giống địa phương, lai tạo nhập nội giống bò sữa. Phát triển mạnh đàn lợn có tỷ lệ nạc cao, tăng cường cơ sở sản xuất lợn giống tốt phục vụ cho yêu cầu phát triển chăn nuôi của tỉnh Thái Bình trong những năm trước mắt và lâu dài. Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nghiên cứu khoa học, như trạm trại giống cây trồng, con vật nuôi sao cho có đủ khả năng và điều kiện giải quyết những vấn đề thực tiễn do sản xuất nông nghiệp đặt ra.
Có chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là người địa phương đang làm việc ở nơi khác.
Đổi mới cơ chế quản lý nhằm phát triển thị trường công nghệ. Coi sản phẩm nghiên cứu về khoa học và công nghệ là loại hàng hóa đặc biệt, đi đôi với phát huy tính tự chủ của các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ; coi trọng nhập khẩu và ứng dụng có hiệu quả công nghệ mới tạo động lực về lợi ích để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ gắn bó với sản xuất kinh doanh hướng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cây trồng và vật nuôi. Tăng cường công tác khuyến nông khuyến ngư để làm tốt nhiệm vụ triển khai việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Cần xác định rõ: Khuyến nông không chỉ là nhiệm vụ riêng của cơ quan khuyến nông mà là nhiệm vụ chung của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể nhân dân từ huyện đến cơ sở trong đó ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giữ vai trò chủ đạo. Do đó, phải tìm và huy động mọi nguồn lực như vốn,cán bộ khoa học công nghệ của các cấp các ngành, các thành phần kinh tế tham gia vào công tác khuyến nông. Bằng nhiều hình thức: qua thông tin đại chúng, tổ chức học tập các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới; tổ chức các lớp tập huấn đầu bờ đối với các mô hình, các loại cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt để người nông dân ngày càng được nâng cao nhận thức, trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp... Công tác khuyến nông còn phải mở rộng nội dung hoạt động như hướng dẫn nông dân biết vay vốn và sử dụng vốn sinh lời, biết tiêu thụ có hiệu quả sản phẩm do mình sản xuất. Tỉnh có chính sách khuyến khích các hộ phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích có nhiều sản phẩm qua chế biến bằng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến... Coi trọng, khuyến khích và sử dụng cán bộ đã qua đào tạo phục vụ nông nghiệp và khoa học công nghệ sản xuất cho người lao động. Đây là việc làm quan trọng và thường xuyên trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Thái Bình.
3.2.2. Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản
Đối với thị trường trong tỉnh, để đảm bảo cân đối được cung cầu và ổn định giá cả lương thực tiêu dùng của nhân dân các vùng khó khăn, tỉnh phải bố trí lượng gạo dự trữ bằng vốn ngân sách với lượng khoảng 3000 – 4000 tấn (dự tính cho 3 – 4 vạn người tiêu dùng trong 1 tháng).
Tổ chức thông suốt và rộng rãi hệ thống điều hòa, lưu thông lương thực thực phẩm giữa các vùng trong tỉnh, bằng cách khuyến khích công ty kinh doanh lương thực và tiểu thương lập mạng lưới đại lý, cửa hàng ở các thôn, xóm, trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mua lương thực, đảm bảo thường xuyên cung cấp đủ lương thực với giá cả ổn định cho lực lượng phi nông nghiệp, những vùng chuyên canh lớn, cây công nghiệp, làm nghề biển và nông dân vùng thiếu lương thực.Và hình thành mạng lưới dịch vụ đáp ứng đầy đủ, nhu cầu ngày càng tăng về thịt, cá, trứng, sữa,…hàng ngày của nhân dân.
Đồng thời phải tìm mọi cách vươn ra thị trường trong nước và ngoài nước, trước hết chú trọng thị trường trong nước bởi vì đó là thị trường bền vững đối với các loại sản phẩm hàng hóa của tỉnh.
Việc vận chuyển hàng hóa từ Thái Bình đến các tỉnh, thành phố trong cả nước bằng đường bộ, đường thủy, hiện nay còn nhiều khó khăn, do vậy, phải chú ý sản xuất các loại sản phẩm có chất lượng cao, ít bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển hoặc tăng chế biến, bảo quản.
Đối với các loại con gia súc, gia cầm, thủy hải sản tươi sống hàng năm Thái Bình bán ra ngoài tỉnh hàng ngàn con, trước khi vận chuyển cần chú ý nâng cao thể trạng con vật, sử dụng phương tiện vận tải thích hợp, chế độ vận chuyển phù hợp để đảm bảo an toàn, tỉnh phải có kế hoạch đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến thực phẩm, sản xuất đồ hộp, nhằm nâng cao giá trị nông sản hàng hóa của tỉnh.
Đối với thị trường nước ngoài: Thái Bình có thể bán các sản phẩm rau, dưa đã qua chế biến, lợn sữa, lợn thịt hàng năm kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 5 triệu USD.
Để tăng thêm các loại sản phẩm này ra thị trường ngoài nước tỉnh cần đầu tư hoặc liên doanh để sản xuất các loại thực phẩm hộp, hoa quả hộp, lựa chọn thị trường phù hợp.
Muốn mở rộng thị trường phải phát triển mạng lưới thông tin, nâng cao trình độ tiếp thị, khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp giao dịch, tiếp xúc thị trường nước ngoài, vừa nâng cao nghiệp vụ giao tiếp kinh doanh, vừa nắm vững thị trường giá cả, để ký kết các hợp đồng kinh tế và hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm hàng hóa.
3.2.3. Thực hiện dồn điền đổi thửa, hợp tác sản xuất, phát triển kinh tế trang trại
Ruộng đất manh mún không thể sản xuất khối lượng hàng hóa lớn, đồng đều về phẩm chất, khó hình thành những vùng chuyên canh. Bởi vậy, Thái Bình đã sớm triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh số 18/2002 – QĐ-UB ngày 27/3/2002 về việc thực hiện dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời sắp xếp, bố trí lại cây trồng.
Kết quả dồn điền đổi thửa là, mỗi hộ không còn quá 3 thửa. Cùng với việc dồn điền đổi thửa, cần phải coi trọng thành lập các tổ hợp tác hay hợp tác xã hoặc khuyến khích tập trung ruộng đất để hình thành trang trại. Trong thời gian tới cần đặc biệt coi trọng phát triển các trang trại có quy mô vừa và nhỏ, triển khai mạnh mẽ, mô hình liên kết xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung hiện đại.
3.2.4. Có chính sách khuyến khích huy động vốn đầu tư vào nông nghiệp
Muốn sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn phải biết khai thác các loại nguồn vốn và sử dụng chúng có hiệu quả gồm vốn trong dân, vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn đầu tư của nước ngoài. Nhu cầu vốn đầu tư cho thủy lợi, giao thông, xây dựng trang trại, mua các loại thiết bị máy móc, giống, vật tư, bảo quản, chế biến sau thu hoạch ngày một tăng. Để đáp ứng nhu cầu về vốn cần nâng cao chất lượng các hoạt động ngân hàng, mở rộng các dịch vụ ngân hàng mới. Các tổ chức tín dụng tích cực huy động vốn, chủ động cùng với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ cá thể tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cho vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt việc cho vay để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và chính sách cho vay đối với hộ nghèo.
Tạo môi trường hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vào nông nghiệp. Dự kiến từ nay đến 2010 cần dành khoảng 200 - 250 tỷ đồng cho đầu tư phát triển có trọng điểm vào các ngành hàng chế biến nông sản thực phẩm, thủy sản, ngành hàng có khả năng nộp ngân sách cho tỉnh. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, ODA viện trợ của nước ngoài sử dụng chủ yếu vào việc nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Cần chuyển mạnh vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước sang tín dụng đầu tư... để kích thích đầu tư, mở rộng diện cho vay đối với các thành phần kinh tế trong những lĩnh vực ưu tiên như nuôi tôm xuất khẩu, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, chế biến nông, lâm thủy sản. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng chủ yếu vào các cơ sở sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, đầu tư vào những khu vực sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... để lợi dụng công nghệ, trình độ quản lý tiếp thị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.
3.2.5. Khuyến khích xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến, chú ý đảm bảo sự đồng bộ giữa các nhà máy, vùng nguyên liệu để tiết kiệm chi phí vận chuyển, giảm tỷ lệ hao hụt
Khi xây dựng nhà máy chế biến cần tính đến khả năng chế biến các sản phẩm khác thời vụ đẻ tận dụng công suất máy. Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, kết hợp chế biến các nông sản thực phẩm khác nhằm tận dụng trang thiết bị, nhân lực, tiết kiệm vốn đầu tư, hạ giá thành sản phẩm. Trong thời gian trước mắt chú trọng việc thực hiện dự án chế biến hải sản xuất khẩu, dự án chế biến rau quả xuất khẩu công suất 10.000 tấn/năm. Nâng cấp các hệ thống chuyên chở và bảo quản, áp dụng các kỹ thuật mới như làm lạnh sơ bộ, vận chuyển có làm lạnh, phòng lạnh, hệ thống bảo quản và chuyên chở có điều hòa.
Để phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh, trước hết cần xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng chăn nuôi tạo nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến. Xây dựng các mô hình chăn nuôi kết hợp xử lý chất thải bằng hệ thống Biôga ở các địa phương; ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ một phần về giống, cơ sở chuồng trại đối với các hộ chuyển đổi phương hướng sản xuất (mức hỗ trợ dự kiến là 30% tiền vốn, giống và xây dựng cơ sở chuồng trại); Phát triển sản xuất thức ăn gia súc bằng nguyên liệu trong nước nhằm giảm giá thành sản phẩm; Tiếp tục đầu tư từ nhà máy chế biến thịt lợn với công nghệ chế biến sâu tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao như thịt hộp, giò, xúc xích... để đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn xuất khẩu. Gắn sản xuất với chế biến bằng việc ký hợp đồng sản xuất giữa cơ sở chế biến với cơ sở chăn nuôi để tạo thị trường ổn định cho người chăn nuôi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra môi trường, vệ sinh thực phẩm và quản lý tốt hơn về thuốc thú y.
3.2.6. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp
Kết cấu hạ tầng vừa tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông; vừa nâng cao mức sống ở nông thôn, làm giảm bớt sự chênh lệch giữa nông thôn với thành thị, tạo điều kiện thuận lợi lưu chuyển hàng hóa giữa các vùng.
Thủy lợi là công tác hàng đầu, cần được đầu tư để phục vụ thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Đối với một tỉnh thuần nông như Thái Bình thì công tác thủy lợi có vị trí hết sức quan trọng không chỉ cho sản xuất nông nghiệp mà cho cả những ngành khác, các lĩnh vực khác. Vì vậy, thủy lợi luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân quan tâm. Trong giai đoạn qua, nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng và hoàn chỉnh, đưa vào khai thác, tăng công suất tưới tiêu lên hơn 15 vạn m3/giờ.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý việc thực hiện quy hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Rà soát bổ sung quy hoạch thủy lợi, có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thủy nông nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp cũng như tạo cơ sở vững chắc cho quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xây dựng hệ thống thủy lợi và công tác tưới tiêu phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra các vùng chuyên canh có khối lượng hàng hóa lớn, tập trung; chủ động việc phòng chống, hạn chế tác hại của thiên nhiên.
Cải tạo, nâng cấp các trạm bơm tiêu: Gồm 14 trạm bơm tiêu qua đê, 18 trạm bơm tiêu nội đồng, xây dựng lại và mở rộng quy mô của các cống dưới đê, nạo vét các sông trục dẫn theo thiết kế 54 tuyến sông, tổng chiều dài là 662,8 km, khối lượng 12 triệu m3.
Đối với các công trình thủy lợi cơ sở: Cải tạo trạm bơm trục ngang thành trục đứng (hiện còn gần 200 trạm), cải tạo các đập điều tiết nước trên sông đáp ứng cho cả nhu cầu nuôi trồng thủy sản, tiếp tục kiên cố hóa kênh mương và xây đắp bờ vùng, các cống điều tiết nước trên mặt ruộng. Nạo vét các sông ngòi tại các địa phương, hạn chế lắp bỏ các sông ngòi nội đồng để mở rộng diện tích.
Đề xuất với nhà nước nghiên cứu xây dựng các công trình lớn như: Các đập mềm trên sông Hóa, sông Trà Lý để dâng nước tự chảy, hạn chế mặn thâm nhập, hạn chế nguồn nước đổ ra biển vào mùa cạn nhưng vẫn thoát được lũ. Trạm bơm đầu mối tiêu nước cho hai hệ thống thủy nông Bắc, Nam của Thái Bình vào những thời điểm thủy triều dâng cao, các cống không có khả năng tự chảy, đồng thời kết hợp bơm nước từ các sông lớn vào trong nội đồng vào lúc nước sông cạn kiệt, làm các đường chạy dưới đê (150 km) để quản lý và bảo vệ đê kết hợp với giao thông nông thôn. Xây dựng những vùng thủy lợi điển hình cho nuôi trồng thủy sản, cho các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn, đưa nhanh các hệ thống thông tin liên lạc, bưu điện, bưu chính viễn thông, vào nông thôn.
- Về giao thông; trước mắt, cần tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng và từng bước nâng cấp những công trình hiện có để khai thác tối đa khả năng hoạt động, phát huy tác dụng của chúng, đồng thời phải quy hoạch, mở rộng và xây dựng mới những đường giao thông thiết yếu nhất theo hướng ưu tiên các công trình trọng điểm đầu mối. Xây dựng đường tới tất cả các huyện lỵ, xã hiện nay chưa có đường ô tô tới. Phối hợp với Bộ giao thông vận tải xây dựng tuyến quốc lộ 10, Quốc lộ 39. Xây dựng các cầu; Diêm Điền, Hiệp, Hồng Quỳnh, Tịnh Xuyên; hoàn thành nâng cấp đường 217, đường từ Vô Hối đi Diêm Điền, đường 39B, đường 222, đường 223, đường đi chùa Keo, một số tuyến đường làng nghề, hạ tầng giao thông thành phố, các thị trấn và nông thôn.
3.2.7. Đẩy nhanh việc đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực có thể nói là khá dồi dào, nhưng trình độ chuyên môn còn thấp, tỷ lệ lao động không được đào tạo nghề ở Thái Bình rất cao, chiếm trên 80%; Tỷ lệ lao động có trình độ từ sơ cấp học nghề trở lên chỉ chiếm từ 11,64% đến 18,86%. Trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ từ công nhân kỹ thuật có bằng trở lên chiếm = 9%. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động của Thái Bình có sự chênh lệch rất lớn giữa thành thị và nông thôn. Đến năm 2003 Thái Bình có tới 93,8% lực lượng lao động ở nông thôn với 70,0% lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chất lượng lao động lại thấp. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động nông thôn quá thấp đang là trở ngại rất lớn cho phát triển kinh tế và quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở tỉnh.
Chính vì lẽ đó mà nâng cao chất lượng nguồn lực trong ngành nông nghiệp Thái Bình hiện nay là yêu cầu cấp bách, tạo điều kiện cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Trước hết cần có chính sách thỏa đáng để bồi dưỡng, đào tạo lại và hỗ trợ sử dụng thật tốt nguồn nhân lực hiện có, tổ chức đào tạo lại cho cán bộ kỹ thuật trung tuổi bằng các hình thức bồi dưỡng ngắn hạn, tập huấn theo chuyên ngành ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, cập nhật các thông tin khoa học. Đồng thời, phấn đấu đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn cho lao động nông nghiệp bằng nhiều hình thức.
Mặt khác, Thái Bình cần thực hiện một số chính sách thông thoáng hơn nhằm thu hút nhân tài, kể cả ký hợp đồng nghiên cứu những vấn đề lớn, bức xúc mang lại hiệu quả cao cho xã hội. Tạo mọi thuận lợi cho con em Thái Bình ở các trường Đại học sau khi tốt nghiệp đạt loại khá trở lên ra trường trở về xây dựng quê hương.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Thái Bình cần đưa trí thức về nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, mỗi xã có ít nhất 1 kỹ sư nông nghiệp làm nòng cốt cho việc thay đổi cách thức làm ăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để không ngừng tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, tăng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác cho bà con nông dân.
Đổi mới hình thức đào tạo của trường trung cấp nông nghiệp, tập trung vào đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, kỹ năng quản lý kinh doanh cho các chủ trang trại, giành phần thích đáng vốn khuyến nông để hướng dẫn, tập huấn cho nông dân.
Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng là quá trình phân công lao động xã hội, phân bố lại dân cư giữa các ngành, các vùng. Sự phân công lại lao động chủ yếu diễn ra trong nội bộ ngành trồng trọt và chăn nuôi, giảm bớt số lao động nông nghiệp trên cơ sở tăng năng suất lao động, chuyển lao động sang công nghiệp và dịch vụ; giảm lao động trồng cây lương thực chuyển sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và những cây trồng có giá trị kinh tế cao; giảm lao động trong trồng trọt và tăng lao động trong chăn nuôi. Cùng với quá trình đó sẽ tác động tích cực tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp và dịch vụ, số lao động từ ngành nông nghiệp dôi ra là nguồn phục vụ cho ngành công nghiệp và dịch vụ.
Do đó, cần phải chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp nông thôn theo hướng; đưa một phần lao động nông nghiệp sang làm nghề phi nông nghiệp giải quyết việc làm cho lao động lúc nông nhàn. Xây dựng kết cấu hạ tầng, hình thành các cơ sở công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến trong nông thôn; thương mại- dịch vụ ở các thị trấn, thị tứ; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, sản xuất với thị trường, hình thành sự liên kết chặt chẽ nông - công nghiệp - dịch vụ - thị trường.
Các huyện, các xã trong tỉnh cần phải phát triển các ngành: Chế biến đồ gỗ dân dụng, nghề đan, nghề cơ khí, nghề chế biến các sản phẩm nông nghiệp như làm bún, bánh, xay xát gạo, sấy hành tỏi... Sản xuất gạch đất nung, ươm tơ kéo sợi, nghề sản xuất gốm sứ. Từ năm 2005- 2010 phải chuyển được 20 - 25% lao động trồng trọt, chăn nuôi sang các nghề kể trên.
Ngoài ra, vấn đề có tính đột phá ở Thái Bình là thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh với các ngành nghề chế biến nông sản phẩm, sản xuất công nghiệp nhẹ (may, dệt, giầy da), phấn đấu đến năm 2010 thu hút 200.000 lao động. Phấn đấu đến 2020 số lao động trong sản xuất nông nghiệp chỉ còn 33%.
Tóm lại, định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở Thái Bình là giảm diện tích lúa chuyển sang cây, con có giá trị gia tăng cao; coi trọng cây mầu, rau quả và cây công nghiệp ngắn ngày; giảm đàn trâu, tăng đàn bò, lợn và gia cầm; phát triển nuôi thủy sản theo quy mô lớn; xây dựng một số trung tâm chế biến hàng xuất khẩu.
Theo phương hướng trên cần phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới, nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; thực hiện dồn điền đổi thửa, hợp tác sản xuất, phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp; đẩy nhanh việc đào tạo nghề cho nông dân, gắn đào tạo với sử dụng.
kết luận
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo huớng sản xuất hàng hoá nói riêng là một trong những nội dung và định hướng chủ yếu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước ta trong những năm đầu của thế kỷ 21.
Thái Bình là một tỉnh nghèo, kinh tế thuần nông, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn lạc hậu chưa chuyển dịch kịp thời theo sự biến động nhanh của nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản xuất hàng hoá phát triển chưa mạnh, chất lượng thấp, giá thành sản phẩm còn cao, khối lượng hàng hoá nhỏ bé, sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Vì vậy, chuyển đổi cơ cấu hợp lý phù hợp với nhu cầu thị trường, để xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập và làm giàu cho các hộ nông dân trong tỉnh là mối quan tâm hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Nhận thức được tầm quan trọng đó trong những năm qua, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhờ đó đã gặt hái được những thành công nhất định trên mặt trận sản xuất nông nghiệp: Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Thái Bình có sự chuyển dịch mạnh theo hướng giảm tỷ lệ trồng trọt tăng tỷ lệ chăn nuôi, năng suất và sản lượng lúa tăng, việc bố trí, sắp xếp, thay đổi cơ cấu diện tích cây trồng, mùa vụ hợp lý, nuôi trồng và khai thác thủy sản trong những năm qua phát triển khá; Cơ cấu giá trị sản lượng và cơ cấu lao động theo ngành kinh tế ở Thái Bình chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Sản phẩm nông nghiệp đã tạo nguyên liệu cho một số nhà máy chế biến đi vào sản xuất ổn định tăng nguồn thu nhập trên địa bàn, mối quan hệ qua lại tác động lẫn nhau giữa nông nghiệp và công nghiệp được gắn kết chặt chẽ hơn, tạo động lực cho nhau cùng phát triển.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa ở Thái Bình còn nhiều mặt hạn chế. Đó là: Trong hơn 1 triệu tấn lương thực sản xuất hàng năm thì sản lượng thóc chiếm đến 97% và trong trồng trọt thì sản lượng lương thực vẫn chiếm đến gần 70%. Tốc độ chuyển đổi cơ cấu còn chậm, tuy đã có sự đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhưng sản lượng ít, chất lượng thấp, chủ yếu mới chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, chưa hình thành được những vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn, có giá trị cao, chưa xác định rõ ngành nghề mũi nhọn và đâu là bước đột phá. Năng suất cây trồng vật nuôi nhìn chung còn thấp, sức cạnh tranh thấp, năng lực chế biến yếu kém, nông dân phải tự tiêu thụ lấy sản phẩm ở dạng nguyên liệu thô, nên giá trị gia tăng không cao và sản phẩm hàng hóa chưa vươn ra được thị trường ngoài tỉnh và nước ngoài. Một số nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp còn thiếu nguyên liệu, song chưa có cơ chế chính sách phù hợp nên giá cả thường không ổn định, khi được mùa, sản phẩm nhiều thì giá cả lại hạ, nhiều khi còn bị ép cấp, ép giá, gây tâm lý chán nản cho người sản xuất. Chăn nuôi chủ yếu vẫn là tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, chưa hình thành được những khu chăn nuôi tập trung, giá thành sản phẩm cao; nhu cầu thức ăn gia súc lớn nhưng sản xuất thức ăn gia súc ở trong tỉnh quy mô nhỏ, chất lượng thấp, giá đắt việc dùng thức ăn gia súc công nghiệp chưa phổ biến. Do đó tỷ trọng giá trị sản phẩm chăn nuôi trong nông nghiệp còn thấp. ứng dụng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm. Công tác quản lý nhà nước về con giống, thức ăn, thú y, vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm còn yếu, thiếu lực lượng và trang thiết bị kỹ thuật. Hoạt động khuyến nông còn ít, tập huấn kỹ thuật chưa nhiều, chưa chú ý đến huấn luyện kỹ năng quản lý kinh doanh cho các hộ và các chủ trang trại, gia trại. Diện tích nuôi trồng thủy sản ngày càng được mở rộng nhưng mới khai thác được 60% tiềm năng; phương thức nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh, kết cấu hạ tầng của các vùng nuôi thủy sản tập trung, do vậy còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đối tượng thủy sản nuôi trồng.
Để đạt được mục tiêu của các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian tới tỉnh Thái Bình phải sử dụng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó cần tập trung chủ yếu những giải pháp như: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; thực hiện dồn điền đổi thửa, hợp tác sản xuất, phát triển kinh tế trang trại; có chính sách khuyến khích huy động vốn đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến, chú ý đảm bảo sự đồng bộ giữa các nhà máy, vùng nguyên liệu để tiết kiệm chi phí vận chuyển, giảm tỷ lệ hao hụt; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp; đẩy nhanh việc đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực.
Những giải pháp trọng yếu trên vừa có ý nghĩa thực tiễn trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế, từng bước xoá được đói, giảm được nghèo nâng cao đời sống của nhân dân; xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; cùng cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội- con đường duy nhất đúng đắn mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; phấn đấu thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Danh mục tài liệu tham khảo
Nguyễn Đăng Bằng (2001), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn Bắc Trung bộ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nguyễn Sinh Cúc (2002), "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn", Tạp chí Cộng sản.
Nguyễn Sinh Cúc (2002), "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long", Tạp chí Cộng sản, (32).
Nguyễn Sinh Cúc (2004), "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5", Tạp chí Con số và sự kiện.
Cục thống kê Thái Bình (1997), Niên giám thống kê 1997, Thái Bình.
Cục thống kê Thái Bình (2001), Niên giám thống kê 2001, Thái Bình.
Cục thống kê Thái Bình (2002), Hệ thống số liệu về kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản của Thái Bình tháng 12/2002.
Cục thống kê Thái Bình( 2005), Niên giám thống kê 2005, Thái Bình.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng bộ tỉnh Thái Bình (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh Thái Bình lần thứ XVI, Thái Bình.
Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng bộ tỉnh Thái Bình (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh Thái Bình lần thứ XVII, Thái Bình.
V.I.Lênin (1974), Toàn tập, Tập 1, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva.
V.I.Lênin (1976), Toàn tập, Tập 3, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva.
C.Mác (1964), Góp phần phê phán kinh tế chính trị học, Nxb Sự thật, Hà Nội.
C.Mác - Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, Tập 24, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
C.Mác và Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, Tập 25, phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn từ nay đến năm 2010, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nhâm Gia Quân (2002), "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở tỉnh Thái Bình", Tạp chí Cộng sản, (3).
Sở Lao động Thương binh Xã hội- Cục thống kê Thái Bình (2005), Kết quả điều tra lao động- việc làm ở Thái Bình 2001- 2004.
Lê Quốc Sử (2001), Chuyển dịch cơ cấu và xu hướng phát triển của kinh tế nông nghiệp Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ thế kỷ XX đến thế kỷ XXI trong "thời đại kinh tế tri thức", Nxb Thống kê.
Nguyễn Thị Minh Tâm (2003), "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn", Tạp chí Tài chính.
Đỗ Phú Thọ (2003), "Chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong ngành thủy sản. Sự thành công và những khó khăn, thách thức", Báo Quân đội nhân dân, (6).
Nguyễn Văn Tiêm (2002), "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cần thực hiện ngay từ hộ gia đình nông dân", Tạp chí Nông thôn mới, (9).
Tỉnh uỷ Thái Bình (2001), Nghị quyết của Thường vụ tỉnh ủy Thái Bình về phát triển ngành nghề và làng nghề; về phát triển kinh tế biển; về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp.
Tỉnh uỷ Thái Bình (2001), Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật, nuôi trong nông nghiệp.
Thanh Toàn (1992-2002), "Về công cuộc cải tổ cơ cấu kinh tế ở Nga trong 10 năm qua (1992 - 2002)", Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới.
Bùi Sỹ Trùy (2003), Nông nghiệp nông thôn Thái Bình - Thực trạng và giải pháp, Nxb Thống kê, Hà Nội.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình (2001), Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình (2001), Báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện nghị quyết 04- NQ/TU của tỉnh uỷ Thái Bình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình- Sở Thuỷ sản (2001), Kế hoạchphát triển ngành thuỷ sản Thái Bình giai đoạn 2001- 2010.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình (2006), Báo cáo kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ Thái Bình về phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2006- 2010.
ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2005), Báo cáo tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ năm 2001 đến 2005.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2005), Báo cáo kết quả hoạt động của trang trại và định hướng phát triển kinh tế trang trại ở Thái Bình.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA2679.doc