Chuyên đề Tìm hiểu hoạt động biên tập - Xuất bản sách phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội

LỜI CẢM ƠN Ngay từ những năm đầu là sinh viên Khoa Xuất bản, tôi đã nuôi mơ ước lớn lao đối với bản thân mình, đó là phấn đấu sẽ trở thành một biên tập viên chân chính. Khoá luận này là cơ hội thử sức quan trọng và là động lực mạnh mẽ thôi thúc tôi từng bước đi đến ước mơ ấy. Trong giờ phút này, tôi càng khắc ghi tâm niệm của văn hào Macxim Gorki: “Phải yêu thích công việc của mình. Khi đó lao động dù là lao động nhọc nhằn nhất đi nữa sẽ được nâng lên tới tầm sáng tạo“. Với niềm yêu thích ng

doc80 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1847 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Chuyên đề Tìm hiểu hoạt động biên tập - Xuất bản sách phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hề biên tập và tâm đắc với đề tài “Tìm hiểu hoạt động biên tập - xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội“, Khoá luận của tôi đã đi đến những chặng đường cuối cùng. Nhân dịp này: Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành nhất đến cô giáo - Thạc sĩ Vũ Thuỳ Dương, người đã trực tiếp tận tình chỉ bảo, dẫn dắt và đồng hành cùng tôi trong suốt thời gian thực hiện và hoàn thành Khoá luận! Tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc tới các thầy giáo, cô giáo trong Khoa Xuất bản, những người luôn tâm huyết với nghề đã dạy dỗ tôi và các bạn trong suốt bốn năm học cũng như đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi hoàn thành Khoá luận! Tôi xin chân thành cảm ơn các anh chị biên tập viên trong Nhà xuất bản Lao động – Xã hội đã giúp đỡ tôi trong việc thu thập tài liệu làm Khoá luận! Cuối cùng, gia đình với nguồn động viên đặc biệt và bạn bè cùng những lời góp ý chân thành, đó cũng là những người tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc nhất! Do khả năng và thời gian đều có hạn, Khoá luận không tránh khỏi những hạn chế, tôi rất mong nhận được sự phê bình, góp ý của các thầy cô giáo để Khoá luận được hoàn chỉnh hơn. MỞ ĐẦU I. Lý do chọn đề tài Các Mác, nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đã khẳng định: “Xuất bản là đòn bẩy của văn hoá”. Bản chất hoạt động xuất bản là hoạt động truyền bá xã hội. Vì vậy, trong cơ chế thị trường hiện nay, dù sôi động trong cạnh tranh thương mại và nhanh chóng hoà nhập xu hướng quốc tế hoá nhưng hoạt động xuất bản nước ta vẫn nhấn mạnh vai trò “là đòn bẩy” để đấu tranh chống sự nô dịch văn hoá, lũng đoạn thông tin, để phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mặt khác, Chỉ thị của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” số 42-CT/TW nêu rõ: “Hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưỏng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản trở thành một ngành kinh tế-công nghệ phát triển toàn diện vững chắc”. Như vậy Đảng và Nhà nước đã xác định hoạt động xuất bản là một ngành kinh tế đặc thù. Điều này cũng thể hiện rõ trong điều chỉnh mới của Luật Xuất bản năm 2004. Ngoài vị trí là hoạt động trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng thì hoạt động xuất bản còn bao gồm cả hoạt động kinh doanh các xuất bản phẩm nhằm mục đích sinh lời. Trước những định hướng đổi mới trên, thế giới sách ngày càng tràn ngập với số lượng khổng lồ, nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Điều đó chứng tỏ sách luôn luôn là nhu cầu thiết yếu và là người bạn đồng hành cùng con người. Tuy nhiên thực tế cho thấy không phải ấn phẩm sách nào cũng là “tinh hoa”, là “món ăn tinh thần” bổ ích đối với độc giả. Nhiều khi trong hoạt động sản xuất –kinh doanh xuất bản phẩm, cái cao quý về tư tưởng, cái lợi cho chính trị, cho đời sống tinh thần của xã hội không phải bao giờ cũng đi liền với lợi nhuận kinh tế, nếu không nói giữa chúng thường có mâu thuẫn. Do đó, một số nhà xuất bản vì lấy lợi nhuận làm mục tiêu chính mà vô hình chung đã chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả, làm phương hại đến thẫm mỹ và niềm tin của bạn đọc chân chính. Bernard Grasset trong cuốn Vấn đề văn học giải thích về nghề làm xuất bản của mình, ông đã có một ý kiến rất đáng học hỏi: “Nghề nghiệp của chúng tôi ư? Trước tiên đó là sự can đảm từ chối. Đông đảo công chúng nghiêm túc với việc xuất bản của thời đại chúng ta sẽ buộc tội những người làm xuất bản tạo điều kiện thuận lợi cho sự tràn ngập những cuốn sách tầm thường vì như thế những giá trị thực bị nhấn chìm”. Thời gian gần đây, việc các công ty quảng cáo, truyền thông làm sách chuyên đề đang là một xu hướng phổ biến. Việc liên kết với nhà xuất bản để ra sách chuyên đề không phải là công việc quá khó, cộng thêm sự thiếu giám sát, thẩm định của một số nhà xuất bản là nguyên nhân dẫn đến sự nở rộ hàng loạt sách chuyên đề chất lượng kém. Chúng được quảng cáo rầm rộ, được thiết kế măngsét, makét bìa rất bắt mắt. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như các cuốn sách này ra đúng tôn chỉ, mục đích, góp phần nâng cao nhận thức, đáp ứng nhu cầu lành mạnh của bạn đọc và làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Nghịch lý là ở chỗ, trong khi các cuốn sách kinh điển, hàn lâm giá trị bị lãng quên trên các giá sách thì với loại sách này, lượng người mua, lượng người tìm đọc và bị hấp dẫn không phải là ít. Phải chăng đó là bởi những câu chuyện giật gân, những vụ án ly kỳ đã kích thích tính tò mò, hiếu kỳ của độc giả? Rõ ràng điều này đã phần nào gây ảnh hưởng đến môi trường văn hóa-xã hội, thuần phong mĩ tục, lối sống của độc giả. Có lẽ cần ý thức rằng, bản thảo khi còn trên bàn biên tập mới chỉ là sản phẩm có tính cá nhân, là công trình rất riêng có thể của một tác giả hay một nhóm tác giả nhất định. Nhưng khi bản thảo được biên tập xong và cho phép xuất bản, mặc nhiên tác phẩm (hoặc công trình) đó không còn là sản phẩm các nhân nữa, mà đã trở thành sản phẩm xã hội. Nó có thể tác động một cách tích cực hay tiêu cực tới xã hội. Chính vì lẽ đó, hoạt động biên tập - xuất bản, cụ thể ở đây là công việc biên tập - xuất bản sách chuyên đề cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và khoa học. Vậy thực tế quy trình đó diễn ra như thế nào? Liệu biên tập viên, “bà đỡ tinh thần” đã “đỡ đầu” cho các ấn phẩm ấy được “mẹ tròn con vuông” hay chưa? Hơn nữa, trong thời đại kinh tế thị trường vận động liên tục, xã hội phát triển không ngừng và nhu cầu, thị hiếu của con người ngày càng tăng đã đặt ra quy luật gay gắt đối với hoạt động xuất bản, đó là quy luật đào thải những cái không có giá trị và tôn vinh những giá trị chân chính. Cùng là sách chuyên đề nhưng có tác phẩm với nội dung tư tưởng tốt được bạn đọc ghi nhận, có tác phẩm lại gây nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí tạo phản cảm đối với độc giả. Đó chính là tính hai mặt của thể loại sách chuyên đề. Do vậy việc xem xét các ưu điểm, nhược điểm và tác dụng của loại sách này đối với xã hội cũng cần được chú ý. Thêm vào đó, hiện nay nhiều loại sách tuy đăng ký xuất bản là sách chuyên đề nhưng nội dung đưa các thông tin thời sự, đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, không đúng là sách chuyên đề. Hình thức trình bày lại như tạp chí: có tên toà soạn, đánh số thứ tự theo định kỳ, ghi chức danh tổng biên tập, thư ký toà soạn, địa chỉ gửi bài, hình ảnh quảng cáo giới thiệu sản phẩm và các thông tin ghi trên các loại sách đó không đúng với các quy định của Luật Xuất bản. Việc xuất bản loại ấn phẩm “nhập nhằng” giữa sách và tạp chí này đã vi phạm các quy định của Luật Xuất bản và Luật Báo chí, gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc chấn chỉnh lại hoạt động xuất bản loại sách này cần được thực hiện một cách triệt để. Do đó, việc đưa ra một số kiến nghị cụ thể góp phần nâng cao chất lượng sách chuyên đề là điều cần thiết. Theo guồng quay của xu hướng làm sách chuyên đề, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội cũng tham gia liên kết với Công ty truyền thông Hà Thế trong việc xuất bản loại sách này. Bên cạnh một số ưu điểm nhất định, các ấn phẩm này tồn tại không ít hạn chế, vi phạm. Vì vậy Khoá luận xin đi vào tìm hiểu hoạt động biên tập - xuất bản loại sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội liên kết với Công ty truyền thông Hà Thế trong năm 2006, gồm 17 đầu sách. Vấn đề mà tôi quan tâm là: Hàng loạt những cuốn sách thuộc thể loại sách chuyên đề phóng sự xã hội đem đến cho bạn đọc những giá trị gì? Trong điều kiện nền kinh tế thị trường sôi động và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, người làm sách đã làm sách như thế nào? Và đã là sách, vậy phải làm như thế nào để “Đọc sách là loại đầu tư không ô nhiễm, đồng thời cũng là loại hưởng thụ không ô nhiễm”? Đó cũng chính là những lý do khiến tôi chọn đề tài: “Tìm hiểu hoạt động biên tâp - xuất bản loại sách chuyên đề phóng sự xã hội của nhà xuất bản Lao động - Xã hội” làm Khoá luận tốt nghiệp chuyên ngành Biên tập - xuất bản. II. Tình hình nghiên cứu đề tài Hoạt động xuất bản loại sách chuyên đề phóng sự xã hội trong thời gian gần đây diễn ra khá rầm rộ ở một số nhầ xuất bản và dư luận ít nhiều quan tâm, bàn cãi. Tuy nhiên về phương diện lý luận chưa có đề tài nào nghiên cứu về hoạt động biên tập - xuất bản loại sách này. Trong phạm vi Khoá luận này, tôi sẽ đi sâu vào tìm hiểu hoạt động biên tập - xuất bản loại sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội . III. Mục đích, nhiệm vụ của đề tài Mục đích Bước đầu làm sáng rõ quan niệm về sách chuyên đề phóng sự xã hội và tình hình xuất bản loại sách này trên thị trường xuất bản phẩm hiện nay. Việc nghiên cứu đề tài là sự kiểm nghiệm giữa lý thuyết và thực tế về hoạt động biên tập - xuất bản, từ đó nâng cao nhận thức hơn về công tác biên tập- xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội. Việc xuất bản loại sách chuyên đề phóng sự xã hội đã gây nhiều ý kiến trái chiều nhau về tác dụng của nó cũng như về vấn đề quản lý nhà nước đối với loại ấn phẩm này. Do vậy Khoá luận đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng loại sách này, để nó thực sự trở thành “món ăn” tinh thần bổ ích đối với độc giả và làm phong phú thêm thị trường sách hiện nay. Nhiệm vụ Để đạt được những mục đích nêu trên và nâng cao hiệu quả của Khoá luận, đề tài này đi vào giải quyết một số nhiệm vụ chủ yếu: Tìm hiểu và làm rõ khái niệm sách chuyên đề phóng sự xã hội. Tìm hiểu về từng khâu cụ thể trong quy trình biên tập - xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội. Đưa ra một số nhận xét về loại sách chuyên đề phóng sự xã hội và những kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng loại sách này. IV. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu đề tài Trên cơ sở lý lý luận là Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưỏng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, đề tài dựa vào phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Phương pháp nghiên cứu: trong khi tiến hành đề tài này tôi đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu, cụ thể: phương pháp thống kê, phương pháp tra cứu, phương pháp phân tích-tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp mô tả...trên cơ sở vận dụng những kiến thức được trang bị ở nhà trường, tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau. V. Đối tượng và giới hạn đề tài Đối tượng nghiên cứu của đề tài là: hoạt động biên tập - xuất bản loại sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội. Giới hạn đề tài: trong khuôn khổ đề tài và khả năng cho phép, tôi chỉ xin tìm hiểu những khâu cơ bản của hoạt động biên tập - xuất bản thông qua khảo sát 17 tập sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội liên kết với Công ty truyền thông Hà Thế trong năm 2006. Đó là: Công tác kế hoạch đề tài Công tác cộng tác viên Công tác biên tập Công tác in, phát hành VI. Kết cấu của đề tài Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục minh hoạ thì nội dung đề tài gồm 3 chương: - Chương I: Một số vấn đề lý luận cơ bản về sách chuyên đề phóng sự xã hội - Chương II: Hoạt động biên tập - xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội - Chương III: Nhận xét về sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội và những kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng sách chuyên đề phóng sự xã hội nói chung PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI I. LÝ THUYÊT CHUNG 1. Chuyên đề và Sách chuyên đề “Sách chuyên đề” là một thuật ngữ chuyên ngành thuộc lĩnh vực xuất bản và đã được cuốn Từ điển thuật ngữ Xuất bản – In – Phát hành sách – Thư viện - Bản quyền (Nhiều tác giả, Cục Xuất bản – H.2002) định nghĩa một cách rõ ràng. Tuy nhiên trong thực tế hoạt động xuất bản, khái niệm “sách chuyên đề” còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất cụ thể. Lợi dụng tình trạng này, một số tổ chức tư nhân xin phép xuất bản sách chuyên đề nhưng lại thể hiện dưới hình thức, nội dung của một ấn phẩm báo chí nhằm né tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng. Vì vậy, để xác định rõ hơn về khái niệm này, trước hết cần tìm hiểu nghĩa của từ “chuyên đề” - một đặc điểm để khu biệt sách chuyên đề với các loại sách, tạp chí...khác. Theo Từ điểnTiếng Việt (NXB Từ điển bách khoa), chuyên đề được hiểu là “công trình nghiên cứu tới mức hoàn chỉnh và đến nhiều chi tiết một vấn đề có giới hạn chính xác và thường tương đối hẹp”. Còn Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ do NXB Đà Nẵng ấn hành thì định nghĩa: chuyên đề là “vấn đề chuyên môn có giới hạn, được nghiên cứu riêng”. Xét theo nghĩa đó, định nghĩa “sách chuyên đề” của Từ điển thuật ngữ Xuất bản – In – Phát hành sách – Thư viện - Bản quyền là tương đối rõ ràng: “Sách chuyên đề, loại sách viết nghiên cứu khoa học, khảo cứu riêng về một vấn đề, theo một chuyên ngành khoa học nào đó”. Như vậy, theo quan niệm chính thống thì sách chuyên đề phải là loại sách mang tính hoàn chỉnh, tính cụ thể và tính khoa học. Vậy khái niệm này được hiểu như thế nào? Trước hết, sách chuyên đề là loại sách được thể hiện bằng hai phương thức cơ bản: sách viết nghiên cứu khoa học và sách khảo cứu. Là loại sách viết nghiên cứu khoa học, tức là sách chuyên đề xem xét, tìm hiểu kĩ lưỡng về hệ thống tri thức tích luỹ trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh để từ đó nắm vững vấn đề, giải quyết vấn đề hoặc để rút ra những hiểu biết mới. Là loại sách khảo cứu, tức là sách chuyên đề tìm hiểu vấn đề bằng cách nghiên cứu, đối chiếu với các sách vở, tài liệu cũ. Thứ hai, đối tượng mà sách chuyên đề hướng tới là “một vấn đề, theo một chuyên ngành khoa học nào đó”. Điều đó có nghĩa là: sách chuyên đề hướng tới điều cần được xem xét, nghiên cứu, giải quyết trong một ngành chuyên môn hẹp, chẳng hạn như một ngành khoa học, kỹ thuật hay xã hội nhân văn cụ thể nào đó. Ví dụ: sách chuyên đề Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam của đồng chí Trường Chinh, Về tục ngữ ca dao Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, Cây thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi... Ngoài ra, sách chuyên đề còn được coi là một loại thể của sách khoa học - kỹ thuật. Nó là “tập hợp các bài báo, các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả theo một chủ đề nhất định. Tuy cùng nhằm giải quyết một vấn đề, song các tác giả có thể có những cách tiếp cận, phương pháp, quan điểm khác nhau”. Như vậy, đây là loại sách đòi hỏi nhiều công phu, có thể đa dạng về cách tiếp cận, phương pháp, quan điểm...song phải quán triệt theo một chủ đề, một khuynh hướng tư tưởng nhất định. Với khái niệm chính thống trên, sách chuyên đề được coi là một loại sách mang tính khoa học cao. Tuy nhiên hiện nay, theo nghĩa thông dụng của từ “chuyên đề” là: “đề tài, vấn đề chuyên về một lĩnh vực nào đó, thường cụ thể”(Từ điển Tiếng Việt thông dụng, NXB Giáo dục), sách chuyên đề được phổ cập hoá và được hiểu là sách chuyên về một đề tài, vấn đề thuộc một lĩnh vực nào đó. Ví dụ như sách chuyên đề quảng cáo, sách chuyên đề sức khoẻ, sách chuyên đề ẩm thực, sách chuyên đề an ninh trật tự, sách chuyên đề phóng sự xã hội...Giá trị của nó thể hiện ở việc lựa chọn, trình bày của người làm chuyên đề - tức là tài liệu được chọn lọc đầy đủ và sắp xếp có hệ thống theo logic chủ đề đặt ra. So sánh sách chuyên đề với các loại sách khác: So với sách chuyên khảo: Điểm chung là cả hai đều nghiên cứu, khảo cứu riêng về một vấn đề, theo một chuyên ngành khoa học nào đó. Khác nhau là ở chỗ, nội dung sách chuyên đề có giới hạn chính xác và thường tương đối hẹp; đối tượng đọc cũng tương đối rộng rãi, tuỳ thuộc vào nhu cầu, sự quan tâm của độc giả đối với vấn đề mà sách đề cập. Ngược lại, sách chuyên khảo có nội dung khoa học sâu sắc, hướng vào giải quyết toàn diện, trọn vẹn một vấn đề nào đó của khoa học chuyên ngành, chứa đựng những đóng góp khoa học mới của tác giả; do đó đối tượng của loại sách này là các nhà khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn mà sách đề cập, họ thuộc diện đối tượng hẹp, có trình độ văn hoá, chuyên môn cao. So với sách chuyên luận: Nếu như sách chuyên đề có thể nghiên cứu, khảo cứu riêng về bất cứ vấn đề, chuyên ngành khoa học nào và với mọi đối tượng, mọi trình độ thì trái lại, sách chuyên luận chỉ nghiên cứu riêng lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, đề cập và giải quyết một vấn đề lý luận nào đó, diện phục vụ hẹp, đối tượng phục vụ có trình độ lý luận, văn hoá cao. So sánh sách chuyên đề với các ấn phẩm báo chí: Hiện nay, theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản thì trên thị trường có khoảng 58 loại sách chuyên đề dạng tạp chí, trong đó, vi phạm nổi cộm không dưới 10 ấn phẩm. Điều đó cho thấy sách chuyên đề là một khái niệm còn mang tính chất chung chung, trừu tượng và chưa có tiêu chí rõ ràng, cụ thể, dẫn đến xảy ra hiện tượng tạp chí “núp bóng” sách chuyên đề. Vì vậy cần phải khẳng định, sách chuyên đề không thể là tạp chí, cũng không thể là tập san, đặc san hay nguyệt san... Tạp chí, tập san, đặc san, nguyệt san đều là những dạng khác nhau thuộc loại hình xuất bản phẩm. Tạp chí là “xuất bản phẩm định kỳ, có tính chất chuyên ngành, đăng nhiều bài do nhiều người viết, đóng thành tập, thường có khổ nhỏ hơn báo”. Tập san là “tạp chí nghiệp vụ của một ngành chuyên môn”. Đặc san là “số tạp chí ra đặc biệt, tập trung vào một chủ đề”. Còn nguyệt san là “tập san hoặc tạp chí ra mỗi tháng một kỳ”. Hiện nay có một số nhà xuất bản được phép xuất bản tạp chí, ví dụ như NXB Lao động – Xã hội với tạp chí Cẩm nang mua sắm, NXB Chính trị quốc gia với tạp chí Người đọc sách, NXB Giáo dục với Văn học tuổi trẻ, Toán học tuổi trẻ, NXB Phương Đông với Ẩm thực phương Đông hay NXB Lao động với tạp chí Văn nghệ công nhân...Mặc dù các nhà xuất bản đã tham gia xuất bản tạp chí, tuy nhiên ranh giới giữa sách và tạp chí luôn cần được xác định rõ ràng với những sự khác biệt chính sau đây: Thứ nhất, tính thời hiệu: Tạp chí đòi hỏi phải sát với đời sống xã hội hiện thực, mang tính thòi sự tương đối mạnh; một quyển tạp chí mới xuất bản thì vẫn có quan hệ chặt chẽ với bối cảnh thời đại dương thời, khi đã lỗi thời thì sẽ thể hiện là “cũ kĩ”. Trong khi đó, sách với đặc điểm tương đối ổn định, mang những giá trị bền vững, lâu dài, tính thời sự tương đối yếu. Thứ hai, tính kéo dài liên tục: Tạp chí có thể dùng cùng một tên gọi để xuất bản liên tục không giới hạn thời gian các quyển khác nhau. Xuất bản sách lại không có tính kéo dài, liên tục này. Thứ ba, tính tiết tấu (nhịp nhàng): Thời gian xuất bản tạp chí có yêu cầu về chu kì rất nghiêm ngặt, định kỳ nhịp nhàng, biểu hiện rõ tính tiết tấu, ví dụ như: tạp chí tuần, tạp chí nửa tháng, tạp chí một tháng...Trong khi đó, thời gian xuất bản sách lại không nghiêm ngặt lắm trong các trường hợp bình thường, trừ một số sách xuất bản các tập ra định kỳ. Thứ tư, tính một lần: Tạp chí thường không thể tái bản hoặc in lại. Còn với sách, thời gian tiếp thu hữu hiệu của sách tương đối dài, do đó thường có thể in lại nhiều lần. Thứ năm, tính định hướng độc giả: Tạp chí có đối tượng độc giả xác định rõ ràng, vì vậy có thể sử dụng các biện pháp đặt trước để định hướng phát hành, hình thành đội ngũ độc giả ổn định, bởi vậy thường trở thành phương tiện quảng cáo hữu hiệu, được khách hàng quảng cáo coi trọng. Còn sách tuy có định hướng độc giả của riêng mình nhưng đều phải có quá trình xác nhận của thị trường, do vậy về cơ bản sách không đăng quảng cáo, cho dù là ngẫu nhiên thì hiệu quả tuyên truyền cũng không bằng được tạp chí. Trên đây là một số tìm hiểu về khái niệm sách chuyên đề. Đó là một công việc cần thiết bởi trong hoạt động xuất bản, việc xác định đúng đắn và khoa học thể loại sách ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức, biên tập bản thảo. Và hơn hết, khi hiện nay thuật ngữ “sách chuyên đề” đang bị lợi dụng và lạm dụng thì điều này càng có ý nghĩa quan trọng. Sách chuyên đề cần được trở về đúng nghĩa của nó và đúng “chức danh” mà hoạt động xuất bản đã “giao” cho nó, để thị trường sách ngày càng lành mạnh, hữu ích đối với độc giả. Phóng sự và Phóng sự xã hội Phóng sự: Cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về thể loại phóng sự. Chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu phóng sự qua một số ý kiến tiêu biểu. Hai giáo sư bộ môn Báo chí Trường Đại học Tennesse là Stanny Johnson và Jolian Narit trong cuốn sách Người phóng viên toàn năng cho rằng: “Phóng sự là một bài tường thuật hoặc một bài báo được phát triển và xử lý một cách có tính văn học”. Quan niệm này công nhận phóng sự là một thể tài báo chí có khả năng sử dụng các yếu tố văn học mà chất lượng, giá trị tuỳ thuộc vào nhân cách của người viết. Tuy nhiên, trọng tâm được đặt vào khía cạnh tư tưởng, vào cách xử lý cụ thể tài liệu và sự việc. Người phóng viên phải có khả năng trả lời những câu hỏi sau: Chuyện gì xảy ra? Chuyện ấy có liên quan đến những ai? Chuyện ấy diễn ra vào thời gian nào? Ở đâu? Chuyện ấy diễn ra như thế nào và tại sao lại xảy ra chuyện ấy? Nhà văn, nhà báo Mỹ Mark Twain lại nói: “Phóng sự chỉ là một sự ghi chép máy móc đơn thuần các sự việc chứ không phải là một công việc sáng tạo”. Đây là một cách nhìn phiến diện vì lịch sử phát triển của phóng sự cho thấy thể tài này không chỉ dừng lại ở mức độ ghi chép, tường thuật sự kiện mà nó còn lý giải, tìm kiếm nguyên nhân sự việc cũng như gợi ý hướng giải quyết. Giáo sư Pơrômin, khoa Báo chí Trường Đại học Lomonoxop lại quan niệm: “Phóng sự là một cách đặc biệt để lý luận về một sự việc như sự việc đó diễn ra trước mắt người viết. Tính chất phóng sự là đưa tin về hoạt động của con người nghĩa là trước hết phải nêu được những hoạt động của con người”. Quan niệm này thừa nhận tính sinh động, hấp dẫn trong những thông tin được nêu lên trong phóng sự khiến cho người đọc thấy như được tận mắt chứng kiến sự kiện. Quan niệm này cũng nhấn mạnh đến đối tượng của phóng sự là những hoạt động của con người trong đời sống xã hội, cái hay, cái dở của những hoạt động đó. Giáo trình Nghiệp vụ Báo chí (tập 2, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí Tuyên truyền) nêu định nghĩa: “Phóng sự là một trong những thể tài thông tin quan trọng của báo, có ít nhiều đặc trưng văn học, phản ánh sự kiện xảy ra có thể kết hợp nghị luận, nhằm nêu lên phẩm chất tinh thần của con người và toàn bộ xã hội theo một hệ thống quan điểm và đường lối chính trị nhất định”. Quan niệm này xác định phóng sự là thể tài thông tin quan trọng, gần gũi với văn học. Phóng sự không chỉ đơn thuần miêu tả, tường thuật sự việc mà còn kết hợp với lý lẽ, đánh giá. Các sự kiện được đề cập đến trong phóng sự là những sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội. Trong Từ điển thuật ngữ văn học (NXB Giáo dục), phóng sự được định nghĩa là: “một thể tài thuộc loại hình ký. Phóng sự ghi chép kịp thời những vụ việc nhằm làm sáng tỏ trước công luận một sự kiện, một vấn đề có liên quan đến hoạt động và số phận của một hoặc nhiều người và có ý nghĩa thời sự đối với địa phương hoặc toàn xã hội”. Còn nhà báo Đức Dũng trong Ký Báo chí cho rằng: “Phóng sự là thể loại đứng giữa văn học và báo chí, có khả năng trình bày diễn tả những sự kiện, con người, tình huống, điển hình thông qua cái tôi trần thuật, vừa tỉnh táo, vừa lý trí, vừa cảm xúc, với một bút pháp giàu chất văn học”. Từ những quan niệm trên, có thể tóm lại bằng định nghĩa : Phóng sự là một thể loại báo chí, phản ánh những sự kiện, sự việc, vấn đề đang diễn ra trong hiện thực khách quan có liên quan đến hoạt động và số phận của một hay nhiều người bằng phương pháp miêu tả hay tường thuật, kết hợp nghị luận ở mức độ nhất định. Trong phóng sự, vai trò cái tôi trần thuật – nhân chứng khách quan - rất quan trọng. So sánh phóng sự với một số thể loại báo chí khác: Phóng sự so với tin tức: Tin tức thường đảm nhiệm việc thông tin phản ánh về toàn cục, phóng sự thường phản ánh sâu vào từng trọng điểm. Nếu như xét lượng thông tin hàng ngày, tin đảm nhiệm một lượng thông tin rộng gấp bội so với phóng sự, thì ngược lại phóng sự lại là một trong những phương tiện điểm huyệt quan trọng trong thông tin báo chí. Tin tức chỉ nêu vấn đề, sự kiện, sự việc một cách cô đúc chặt chẽ, ngắn gọn chứ không đi sâu lí giải sự kiện, sự việc đó một cách cặn kẽ và chi tiết. Trong tin không có cái tôi tác giả, còn trong phóng sự cái tôi tác giả lại chiếm vai trò chủ đạo. Tác giả của tin không thể lồng ghép cảm xúc của mình, trong khi đó cảm xúc của tác giả phóng sự lại là yếu tố tạo ra bản sắc riêng cho mỗi phóng sự. Phóng sự so với ghi nhanh: Ghi nhanh có khả năng phản ánh kịp thời và đa diện về những sự kiện nổi bật đang thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên ghi nhanh cũng nặng về trình bày các vấn đề chứ không đi sâu vào phân tích nguyên nhân diễn ra sự kiện, cách giải quyết đối với sự kiện ấy. Với ưu thế của mình, phóng sự thiên về phản ánh những sự kiện, tình huống nổi bật, điển hình trong dòng chủ lưu thực sự của quá trình phát sinh, phát triển. Không chỉ phân tích nguyên nhân, tác giả phóng sự còn cố gắng đề xuất những kết luận, hướng giải quyết trên cơ sở nghiên cứu nghiêm túc, đánh giá bản chất của sự việc hiện tượng. Phóng sự thường xuất hiện trong hoàn cảnh có vấn đề, là thể loại xung kích đáp ứng nhu cầu thông tin mà công chúng đang quan tâm. Phóng sự so với bài phản ánh: Bài phản ánh là dạng bài có sự biến hoá rất linh hoạt để thích ứng với những sự kiện, vấn đề, nhân vật, tình huống...mà nó đề cập tới. Lợi thế của nó là có thể bám sát để phản ánh cuộc sống đa dạng, bộn bề và phức tạp đang hàng ngày hàng giờ biến đổi. Tuy nhiên, do hình thức kết cấu và ngôn ngữ biến đổi quá linh hoạt, thậm chí pha tạp nên dạng bài này ít được sử dụng để phản ánh những sự kiện lớn hoặc những vấn đề đòi hỏi phải trình bày với một văn phong nghiêm túc, lý lẽ chặt chẽ và sự thẩm định sâu sắc. Trong thực tế dạng bài này chỉ được dùng để thông tin về những vấn đề, sự kiện, sự việc...ở cấp độ trung bình. Với ưu thế của mình, phóng sự là thể loại có thể đảm nhận những hạn chế đó của dạng bài phản ánh. Phóng sự xã hội: Phóng sự xã hội là một trong những dạng phóng sự, ví dụ như: phóng sự điều tra, phóng sự tài liệu, phóng sự chân dung, phóng sự du lịch, phóng sự ảnh, phóng sự phản ánh, phóng sự ghi chép, phóng sự đời thường, phóng sự viết tại chỗ, phóng sự phơi-tông( nhiều kì)... Trong quá trình vận động và phát triển, cuộc sống luôn xảy ra hàng loạt những sự việc, sự kiện, vấn đề với những tính chất và tầm quan trọng khác nhau. Chúng có thể trở thành đề tài cho phóng sự xã hội. Vậy, phóng sự xã hội được hiểu là phóng sự có nhiệm vụ phản ánh hiện trạng những sự kiện, sự việc, vấn đề trong đời sống xã hội với toàn bộ dáng vẻ sinh động và phức tạp của chúng. Tất nhiên những sự kiện, sự việc, vấn đề mà nó phản ánh phải tiêu biểu, xác thực, đáp ứng nhu cầu thông tin thời sự, chứa đựng mâu thuẫn hoặc những câu hỏi cần được làm sáng tỏ, gợi lên những vấn đề mà công chúng quan tâm. Điều đó chứng tỏ phóng sự xã hội là dạng phóng sự có đối tượng phản ánh đa dạng, phạm vi phản ánh rộng lớn. Phóng sự xã hội có thể phản ánh từ những vấn đề có tầm bao quát như: vấn đề trẻ em lang thang, vấn đề xoá đói giảm nghèo, vấn đề chống bão lũ ở miền Trung, vấn đề tham nhũng cửa quyền...cho đến những vấn đề có phạm vi nhỏ như: đời sống khó khăn của những người già cô đơn, số phận những cô gái lầm lỡ, khám phá một vụ án lớn... Là một dạng của phóng sự nói chung, phóng sự xã hội cũng bao gồm những đặc điểm cơ bản của phóng sự. Đó là: --- Phóng sự xã hội luôn bám sát các sự thật tiêu biểu chứa đựng mâu thuẫn và trình bày sự thật đó dưới dạng một bức tranh sinh động, nóng bỏng hơi thở của đời sống hiện thực với những con người và sự việc xác thực. Người viết phóng sự không được phép tuỳ tiện bóp méo sự thật, hư cấu, bịa đặt khi tái hiện nó trong tác phẩm của mình. Đồng thời, tác giả phải đặc biệt chú ý đến vấn đề con người, xuất phát từ những khía cạnh con người, ví dụ: hoàn cảnh đáng thương của những nạn nhân trong vụ án, những tấm lòng đồng cảm với nỗi đau, sự thờ ơ đáng lên án của những vô trách nhiệm... --- Phóng sự xã hội có khả năng khám phá, phơi bày, điều trần về những sự thật chứa đựng mâu thuẫn, đi sâu vào những khía cạnh riêng tư và phản ánh chúng từ góc độ con người. Tác phẩm phóng sự có nhiều cấp độ phản ánh: phơi bày hiện trạng, tái tạo các sự việc, sự kiện, quang cảnh, tình huống, vấn đề...và thông qua đó bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc và thậm chí là cả nhân cách của tác giả nhằm giúp người đọc hiểu biết và đánh giá đúng sự kiện. --- Tác phẩm phóng sự xã hội thường có sự xuất hiện trực tiếp của tác giả - nhân vật trần thuật - với cách viết linh hoạt trong bút pháp, giọng điệu và việc sử dụng ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh. --- Về hình thức, phóng sự xã hội thường có dung lượng lớn, dao động trung bình từ 800 đến 1500 chữ. Kết cấu đặc trưng gồm ba phần chủ yếu sau: phần mở đầu (nêu vấn đề, sự kiện), phần minh chứng cho sự tồn tại của vấn đề hoặc sự kiện (tình hình, thực trạng, nguyên nhân), phần kết luận (nhận định, kiến nghị, giải pháp...). Ngoài ra thể loại này còn chú ý đến phần lời dẫn (sapô) và các tít phụ của từng phần nội dung nhỏ. Nói tóm lại, đây là một thể loại đòi hỏi tác giả phải có kiến thức sâu rộng và giác quan nhạy bén để nắm bắt khám phá hiện thực, đồng thời phải có bản lĩnh ngoan cường trong nghề nghiệp, khả năng phân tích thực tế. Phóng sự xã hội không chỉ dừng lại ở mức thông tin cho công chúng về sự việc, sự kiện đang diễn ra trong hiện thực khách quan mà nó còn có trách nhiệm thức tỉnh bạn đọc về những vấn đề cần giải quyết trong cuộc sống. Sách chuyên đề phóng sự xã hội Từ những khái niệm trên, có thể rút ra cách hiểu về sách chuyên đề phóng sự xã hội: Đó là loại sách tập hợp các bài phóng sự xã hội của một hoặc nhiều tác giả theo một chủ đề nhất định, nó góp phần phần ánh hiện trạng xã hội một cách tiêu biểu, xác thực, đáp ứng nhu cầu thông tin thời sự, chứa đựng mâu thuẫn hoặc những câu hỏi cần được làm sáng tỏ, gợi lên những vấn đề mà công chúng quan tâm. Hầu hết những bài phóng sự xã hội trong loại sách chuyên đề này đều đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo mạng...). Trên cơ sở những đặc điểm về nội dung và hình thức của thể loại phóng sự xã hội, chúng ta có thể xác định những tiêu chí cơ bản để thể loại này có thể “góp mặt“ trong loại sách chuyên đề phóng sự xã hội. Những tiêu chí cơ bản: Một là, phóng sự xã hội phản ánh những mâu thuẫn. Phóng sự xã hội có nhiệm vụ phơi bày, điều trần về những sự thật chứa đựng mâu thuẫn trong đời sống. Nói cách khác, phóng sự xã hội chỉ xuất hiện ._.trong bối cảnh khi cuộc sống có nhiều mâu thuẫn. Một sự việc diễn ra suôn sẻ, thuận lợi có thể là đối tượng phản ánh của tin, tường thuật hoặc ghi nhanh...nhưng khó trở thành đối tượng phản ánh của phóng sự xã hội nếu bản thân sự kiện đó không chứa đựng những câu hỏi chưa được trả lời hoặc có nhiều cách trả lời nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Hai là, phóng sự xã hội phản ánh hiện thực dưới dạng một bức tranh vừa khái quát, vừa có những chi tiết cụ thể, sinh động. Yêu cầu về tính khái quát của phóng sự xã hội thực chất là yêu cầu về bối cảnh của sự kiện hay vấn đề mà nó có nhiệm vụ thông tin, phản ánh. Việc tái hiện chi tiết cụ thể cũng đồng thời là quá trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi thể hiện mâu thuẫn trong bối cảnh chung, từ đó tác giả sẽ có được trong tay những chi tiết sống động, có thể gây ấn tượng đối với công chúng. Ba là, tác phẩm phóng sự có sự tham gia của các nhân chứng, trong đó tác giả là nhân chứng có vai trò quan trọng nhất. Sự tham gia của các nhân chứng trong tác phẩm (các ý kiến phát biểu...) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra bản sắc riêng của thể loại. Còn tác giả, với vai trò quan trọng nhất, là người đã trực tiếp chứng kiến một phần hay toàn bộ sự kiện có nhiệm vụ dẫn dắt, liên kết, khâu nối toàn bộ nội dung của tác phẩm. Bốn là, phóng sự xã hội được trình bày bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, bút pháp linh động, giọng điệu linh hoạt vừa để phản ánh hiện thực một cách sinh động, vừa thể hiện được chính mình. Như vậy, thể loại phóng sự xã hội và sách chuyên đề phóng sự xã hội đòi hỏi những tiêu chí rất cao, bởi đây là thể loại khó viết và khó viết hay. Thực tiễn báo chí nước ta hiện nay cho thấy bên cạnh những phóng sự tốt, có hiệu quả tác động mạnh mẽ thì cũng có không ít những tác phẩm viết ra một cách cẩu thả, những “phóng sự“ viết ra để ca ngợi, bốc đồng, những “phóng sự“ bịa đặt nhằm vu khống, bôi nhọ và những “phóng sự“ giật gân, câu khách...Tất nhiên, đó không thể là con đường dẫn tới những phóng sự đích thực. Một thực tế nữa cũng đáng phải suy nghĩ, đó là tình trạng lạm dụng thuật ngữ. Rất nhiều bài báo ghi là “phóng sự“ nhưng thực chất chỉ mới dừng lại ở mức độ là những bài phản ánh. Đó là hậu quả của việc không hiểu biết đầy đủ về những đặc điểm, tiêu chí của thể loại, nói như cách nói của nhà báo Nguyễn Sỹ Đại: “Trên nhiều tờ báo, dường như đã có những lầm lẫn đến mức, hễ cứ gặp bài đề “phóng sự“, tôi cứ gờn gợn như đấy mới chính không phải là phóng sự. Vài mô tả về lễ chùa, chuyện cái cầu thang khu tập thể không ai quét, thậm chí mang báo cáo hoạt động của một ngành về “chế biến“ lại cũng gọi là phóng sự thì e hơi lạm dụng“( Nhìn xuyên sương mù để dự báo đúng, Tạp chí Người làm báo, 9-1996). Trước thực tế phóng sự trên báo chí như vậy, phóng sự xã hội trong sách chuyên đề cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Và vô hình chung, sách chuyên đề trở thành một dạng tái bản không ít các bài “phóng sự“ giật gân, câu khách, viết cẩu thả...và những bài tin, ghi nhanh, bài phản ánh mượn danh “phóng sự xã hội“. Điều đó dẫn đến thái độ hiểu và làm sai lệch về loại sách chuyên đề phóng sự xã hội. Vì vậy, để có thể biên tập - xuất bản được những cuốn sách chuyên đề phóng sự xã hội thực sự mang giá trị và đáp ứng nhu cầu độc giả, chúng ta cần hiểu đúng về loại sách này và các khái niệm liên quan. II. TÌNH HÌNH XUẤT BẢN LOẠI SÁCH CHUYÊN ĐỀ DẠNG TẠP CHÍ VÀ SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY 1. Thực trạng hoạt động xuất bản sách chuyên đề dạng tạp chí và sách chuyên đề phóng sự xã hội trong thời gian gần đây Kể từ năm 2004 khi Luật Xuất bản mới thay thế Luật Xuất bản năm 1993 có hiệu lực, những điểm mới cởi mở của Luật đã có tác động tích cực đến hoạt động xuất bản. Ngành xuất bản nước ta đang dần chuyển động theo hướng năng động và lành mạnh hơn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đọc của đông đảo người dân. Một trong những điểm mới của Luật Xuất bản 2004 là các nhà xuất bản được chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch xuất bản và hoạt động liên kết, tổ chức nhiều đề tài phong phú, xuất bản được nhiều đầu sách có giá trị với lượng phát hành lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh trước sóng gió thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế. Tại điểm 1, điều 20 (chương II), Luật Xuất bản quy định về liên kết trong lĩnh vực xuất bản: “Nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm“. Như vậy Luật Xuất bản đã thừa nhận tư nhân có quyền liên kết cả trong khâu xuất bản gồm: khai thác bản thảo, mua bản quyền, tổ chức biên tập. Sự thừa nhận công khai “danh chính ngôn thuận“ này cùng với những quy định đối tác liên kết phải đồng trách nhiệm với nhà xuất bản đã nâng cao trách nhiệm của đối tượng này đồng thời cũng giúp cho việc quản lý được chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đây là một lực lượng quan trọng cùng các nhà xuất bản tạo nên thị trường xuất bản phẩm phong phú muôn màu. Bên cạnh những tác động tích cực mà Luật Xuất bản 2004 mang lại, trong quá trình thực thi nhiều nhà xuất bản vẫn chưa thích ứng kịp thời với Luật mới, thậm chí còn để xảy ra những sai phạm. Một số người đứng đầu của cơ quan xuất bản chưa nhận thấy hết trách nhiệm của mình đã có lúc chạy theo lợi ích kinh tế mà bỏ qua hiệu quả xã hội đã để lọt ra thị trường những ấn phẩm có nội dung xấu, vô bổ, kém chất lượng. Có nhà xuất bản vẫn còn trì trệ, chưa tận dụng được quyền chủ động mà Luật mới mang lại, đang thua các đối tác ngay trên sân nhà, vô hình chung trở thành nơi bán giấy phép cho tư nhân, điều này dễ khiến nhà xuất bản rơi vào thế bị động và bị thao túng. Gần đây một số nhà xuất bản đã vi phạm Luật Xuất bản và Luật Báo chí, cho ra đời nhiều tạp chí với kiểu đăng kí dưới dạng sách chuyên đề, sách chuyên đề phóng sự xã hội nhiều tập, chưa kể nội dung của những loại ấn phẩm nửa sách, nửa tạp chí này có nhiều điều đáng bàn. Thời điểm tháng 6 năm 2006, trên các quầy sách báo, nhà sách thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một số quyển sách được quảng cáo rầm rộ, được thiết kế măngset, maket bìa rất bắt mắt. Đó là cuốn Phong cách đàn ông, Sức khoẻ và giới tính (NXB Thanh niên), cuốn Đàn ông, trọn bộ ba tập Bí ẩn phòng the phương Đông, Vụ án sợi dây diều (NXB Lao động)...Nhìn qua, độc giả sẽ khó phân biệt được đâu là tạp chí, đâu là những xuất bản phẩm vì cách trình bày đến nội dung bên trong quyển sách giống như những cuốn tạp chí, tuần san khác đang được bày bán trên thị trường. Tạp chí, khi treo trên sạp, những quyển sách này còn “nổi“ hơn các tạp chí. Xem qua các ấn phẩm trên cho thấy các nhà xuất bản đã cho ra nhiều số và phát hành định kỳ hàng tháng ra thị trường. Đọc qua nội dung bên trong của các quyển sách này, người đọc không khỏi giật mình khi có một số bài viết mô tả, minh hoạ quá sâu về lĩnh vực giới tính và quan hệ nam nữ, khi giật những tít bài giật gân, câu khách: Ai nhiều bồ nhí nhất Việt Nam?, Sự thật “trần trụi“ về truyền hình thoát y?, Những bí mật ghê gớm của đàn ông...Không những thế, tại các trang bìa 3,4 của các ấn phẩm này còn đăng quảng cáo các sản phẩm dịch vụ, ví dụ cuốn Đàn ông xuất hiện các mẫu quảng cáo: máy điều hoà, ngân hàng, dịch vụ điện thoại di động...hoặc cuốn Sức khoẻ và giới tính, Phong cách đàn ông quảng cáo nước khoáng, bia... Ngay sau khi các cuốn scáh này có mặt trên thị trường, Sở Văn hoá Thông tin Tp. Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Bộ Văn hoá Thông tin, Cục Xuất bản, Cục Báo chí, Thanh tra Bộ Văn hoá Thông tin phản ánh: Các ấn bản trên có nội dung và hình thức gây ảnh hưởng đến môi trường văn hoá – xã hội, không hợp với thuần phong mĩ tục Việt Nam, kích thích tính tò mò, lối sống tự do, buông thả...Đồng thời khẳng định, việc những ấn phẩm cho đăng quảng cáo ở các trang bìa 3,4 đã vi phạm quy định về quảng cáo của Luật Xuất bản; qua đó kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét nội dung và hình thức các xuất bản phẩm trên và xác định nó là sách hay là tạp chí ra xuất bản định kỳ. Ngày 3.7.2006, Bộ Văn hoá Thông tin, Cục Xuất bản đã có công văn trả lời và yêu cầu hai nhà xuất bản nói trên “Tạm ngưng phát hành các ấn phẩm trên, trong khi chờ các cơ quan chức năng xem xét xử lý không xuất bản các tập tiếp theo“. Trong khi các ấn phẩm trên tạm ngưng phát hành, trên thị trường sách báo lại xuất hiện rất nhiều cuốn “tạp chí“ núp bóng sách chuyên đề với những vi phạm giống trên. Nhìn chung hiện nay có trên 10 ấn phẩm theo kiểu này của nhiều nhà xuất bản được bày bán tràn lan tại các sạp như: Siêu sao quần vợt, bóng đá (phát hành tháng 6.2006, NXB Thể dục Thể thao), Sài Gòn mới, Người đương thời (phát hành tháng 7.2006, NXB Văn ngghệ Tp. Hồ Chí Minh), Đẹp và sức khoẻ (tính đến tháng 7.2006 đã xuất bản đến tập 3, NXB Lao động), Sức khoẻ tiêu dùng và sức khoẻ gia đình (NXB Y học)...Riêng NXB Thanh niên mặc dù vừa bị Cục Xuất bản yêu cầu tạm ngưng phát hành hai ấn phẩm nói trên và đang chờ cơ quan chức năng xem xét xử lý, ngay trong tháng 7.2006 lại cho ra ấn phẩm Sức sống mới mà xem qua cách trình bày có thể nhận thấy 90% là giống tạp chí. Trọn bộ năm tập với cái tên chung Phóng sự xã hội “Phía sau tội ác“ của NXB Văn hoá Thông tin, chỉ nghe tên cuốn sách cũng có thể thấy nội dung mà nó đề cập: Đó là những vụ án ma tuý, mại dâm, những chuyện đâm chém, thanh toán lẫn nhau của các băng nhóm xã hội đen. Sách là tập hợp các phóng sự đã đăng tải trên báo An ninh thủ đô của cùng một tác giả Nguyễn Tuấn. Mặc dù đã có lời giới thiệu ở tập một của nhà xuất bản rằng mục đích của việc xuất bản tập sách này là để bạn đọc hiểu rõ hơn số phận của những con người phía sau những tội ác để cảm thông và chia sẻ, chứ không vì mục đích đăng chuyện giật gân, câu khách, kiếm tiền...Thế nhưng khi đọc, độc giả đều thấy rõ mục đích không phải là như vậy. Chẳng thế mà trong lời tựa, nhà xuất bản đã nhấn mạnh ý “có một số tư liệu lần đầu tiên tác giả công bố“. Xoay quanh đề tài các ngôi sao bóng đá, NXB Văn hoá Sài Gòn có Bóng tối sau hào quang sân cỏ xuất bản tháng 3.2006. Với lời tựa rất câu khách: “Trong giai đoạn bóng đá bị khủng hoảng niềm tin sau chiếc huy chương bạc SeaGames 23 với hàng loạt những sự thật bị cơ quan điều tra lột trần ra từng mảng thì Bóng tối sau hào quang sân cỏ ra đời...Bóng tối sau hào quang sân cỏ chưa khơi hết và chưa khơi đầy đủ những phần chìm của tảng băng nhưng chắc chắn nó đã lột tả được những gì mà lâu nay người ta vẫn cứ che giấu như một vỏ bọc để tung hô về sự lành mạnh của bóng đá Việt Nam“, cuốn sách giật những tít rất giật gân như: Độ và gái; Những mối tình “bệnh hoạn“ ngoài sân cỏ; “Lắc“, hút và những phát hiện chết người nơi đất khách... Hay với cuốn Chuyện tình của các ngôi sao bóng đá (NXB Thông tấn) xuất bản tháng 5.2006 với mục đích cung cấp thêm một khía cạnh về đời sống riêng tư ngoài sân cỏ của các cầu thủ nổi tiếng thế giới như: David Beckham với một loạt sêri Chuyện chưa biết về vợ chồng Beckham, Những cuộc phiêu lưu tình ái của D.Beckham; Ronaldo với Gã trai đa tình, Và con tim đã vui trở lại; Filippo Inzaghi với Rong ruổi chốn tình trường, Tình cũ không rủ cũng tới; Sol Campbell với Ông bố bất đắc dĩ, Phi công trẻ lái máy bay bà già... Thậm chí, có một số quyển sách cóp nhặt tài liệu trên mạng điện tử có đề cập tới những vấn đề chính trị nhạy cảm, có quyển tuyển hàng loạt bài báo phản ánh vụ tiêu cực lớn PMU 18 đang được dư luận quan tâm đã mô tả quá tỉ mỉ sự ăn chơi trác táng của những kẻ thoái hoá biến chất.. dễ gây hiểu lầm trong dư luận nếu như không có định hướng cho người đọc. Thực tế cho thấy, hiện tượng sách chuyên đề dạng tạp chí không phải là vấn đề mới mẻ, cơ quan quản lý đã từng nhiều lần phải “thổi còi“. Năm 2002, Bộ Văn hoá Thông tin đã có văn bản cchấn chỉnh hiện tượng này. Không hề khắt khe, quan điểm chủa Bộ Văn hoá Thông tin là ấn phẩm của nhà xuất bản nào mà được bạn đọc thừa nhận, không chồng chéo nội dung, có đủ điều kiện (cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ biên tập viên, phóng viên...) thì thực hiện các thủ tục trình Bộ Văn hoá Thông tin xem xét cấp phép hoạt động tạp chí. Gần đây nhất, ngày 05 tháng 9 năm 2006, Bộ Văn hoá Thông tin lại có văn bản số 3652/BVHTT-XB về những quy định xuất bản sách chuyên đề dưới dạng tạp chí (văn bản cụ thể xin xem phần phụ lục). Thực tế cũng cho thấy, không phải tất cả các loại sách chuyên đề đều có nội dung câu khách. Thời gian qua đã ghi nhận nhiều cuốn sách có nội dung tư tưởng tốt như: Thời hoa lửa (NXB Trẻ) là tập hợp các chương trình đã phát trên Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu về thế hệ thanh niên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc; Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ của NXB Thông tấn tập hợp các bài viết trên báo Thanh niên làm thức dậy động lực phấn đấu, học tập rèn luyện ở mỗi người Việt Nam, nhất là thể hệ trẻ. Hoặc phóng sự chuyên đề Nến cong và lửa thẳng (NXB Lao động – Xã hội) của tác giả Đỗ Doãn Hoàng - một cây bút phóng sự của báo An ninh thế giới- với nhiều bài viết sâu sắc, nhiều chiều về những vấn đề xã hội đang diễn ra hàng ngày... Như vậy, sách chuyên đề nói chung và sách chuyên đề phóng sự xã hội nói riêng là một “hiện tượng“ khá phức tạp. Để đánh giá chung về “hiện tượng“ này, xin mượn lời ông Lê Văn Đệ - Giám đốc NXB Công an nhân dân- đơn vị có bề dày 15 năm làm sách chuyên đề về đề tài an ninh, trật tự, xã hội: Phải khẳng định những mặt tích cực của loại sách này trong việc giáo dục, răn đe để tránh được các hành vi dẫn đến phạm tội trong đời sống xã hội. Những sơ suất về sách chuyên đề chủ yếu là do giám đốc các nhà xuất bản không kiểm soát được nội dung, nhất là đối với những cuốn sách liên kết với tư nhân...Việc cho ra các loại sách chuyên đề không có định hướng, quản lý tốt về nội dung mà chỉ nhằm mục đích thu lợi thì sẽ gây tác hại đối với xã hội. Thực tế cho thấy, đã có nhiều cuốn sách chuyên đề gây phản cảm cho người đọc, bị dư luận xã hội phê phán. Mặt khác, nhiều loại sách chuyên đề đã vi phạm các quy định của Luật Xuất bản và Luật Báo chí. Cho nên, vấn đề tồn tại hay không tồn tại, hoặc tồn tại dưới hình thức nào các loại sách này cũng cần được cơ quan quản lý Nhà nước xem xét và hướng dẫn các nhà xuất bản thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, vì dù sao đây cũng là một loại ấn phẩm mang lại doanh thu cho các nhà xuất bản. 2. Các yếu tố dẫn đến việc sách chuyên đề phóng sự xã hội trở thành xu hướng để các nhà xuất bản và đơn vị liên kết chạy theo xuất bản hàng loạt Thứ nhất, yếu tố hàng hoá xuất bản phẩm: Xuất bản phẩm là loại sản phẩm mang hình thái kép: vừa là sản phẩm của lĩnh vực sản xuất tinh thần vừa là sản phẩm của lĩnh vực sản xuất vật chất. Do vậy nó cũng chịu sự tác động của các quy luật thị trường. Xét mối quan hệ giữa giá trị và giá cả xuất bản phẩm: Vì nó là hàng hoá đặc thù thuộc lĩnh vực văn hoá tinh thần nên hiệu quả cuối cùng của xuất bản phẩm là nhằm mục tiêu xã hội, lợi nhuận không phải là mục đích cuối cùng của các nhà xuất bản, do vậy giá cả cũng đặc biệt. Ở các nhà xuất bản có một thực tế: lấy mảng đề tài này bù mảng đề tài kia, lấy cuốn sách lợi nhuận cao bù cuốn có lợi nhuận thấp, có những xuất bản phẩm nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị nhưng cũng có những xuất bản phẩm kinh doanh theo cơ chế thị trường để bù lỗ. Ví dụ như theo cách mà Giám đốc NXB Hội nhà văn, ông Nguyễn Phan Hách nói: Bên cạnh những xuất bản phẩm giữ vững định hướng, phục vụ nhiệm vụ chính trị còn phải chú ý đến những loại xuất bản khác. Do vậy nhà xuất bản phân ra các loại “mặt hàng“ như: mặt hàng “đẳng cấp cao“ và mặt hàng phục vụ thị hiếu giải trí của độc giả. Sách chuyên đề phóng sự xã hội là loại xuất bản phẩm mang tính thương mại cao vì: thứ nhất, giá trị (sức lao động của tác giả để tạo nên giá trị đích thực của tác phẩm và lao động của biên tập viên để tạo nên hình hài, giá trị sử dụng của ấn phẩm) không phải bỏ ra nhiều vì nó là dạng sách tập hợp các bài viết đã đăng tải trên báo chí; thứ hai, lợi nhuận thu lại được từ loại sách này lại cao do chi phí bỏ ra ít, tiền tác quyền thấp, lượng bản nhiều, giá cả phải chăng, sức mua lớn. Do vậy, bên cạnh việc các đơn vị làm sách tư nhân liên tiếp tổ chức bản thảo thì các nhà xuất bản cũng “ráo riết“ trong việc “bán“ giấy phép xuất bản. Lợi nhuận mà các nhà xuất bản thu được từ hoạt động này là 5 – 7% lợi nhuận tổng số bản. Đây là một nguồn thu khiến không ít nhà xuất bản dù không có chức năng tổng hợp vẫn cho ra loại sách này. Thứ hai, yếu tố nhu cầu thị trường: Nhu cầu thị trường xuất bản phẩm thể hiện ở hai mặt: ham muốn được thoả mãn về xuất bản phẩm mà thị trường cung cấp và khả năng chi trả, thanh toán của khách hàng. Nhu cầu thị trường rất đa dạng, nó được phân cấp theo mô hình tháp sau: - Thứ 1, là những loại sách dành cho nghiên cứu sâu về tự nhiên, xã hội và nhân văn. - Thứ 2, là những loại sách chuyên ngành. - Thứ 3, là những loại ách phổ thông khoa học, xã hội. - Thứ 4, là những loại sách phổ cập, giáo dục cơ sở, giải trí... Theo mô hình này, sách nghiên cứu sâu, sách chuyên nghành có số lượng ít do nó đòi hỏi trình độ độc giả phải cao. Ngược lại, nhu cầu xuất bản phẩm phổ cập lại lớn nhưng ở trình độ thấp. Sách chuyên đề phóng sự xã hội là loại sách giải trí phổ cập, xuất bản nhiều và nhiều người mua do nó ít chịu ảnh hưởng bởi trình độ văn hoá của độc giả. Mặt khác, nhu cầu thị trường xuất bản phẩm chịu ảnh hưởng của điều kiện xã hội. Trong thời gian gần đây, nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng được báo chí khám phá, phơi bày, điều trần như: cán bộ cao cấp tham nhũng, ăn chơi trác táng, các vụ án lớn, các vụ scandal...Đây là những vấn đề, sự việc được nhiều người quan tâm, do vậy báo chí đi vào khai thác dưới nhiều góc độ, cái nhìn khác nhau. Cùng một sự việc là Nguyễn Việt Tiến – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải bị đưa ra pháp luật, công chúng có thể theo dõi biễn biến cùng một lúc ở nhiều tờ báo như: An ninh thế giới, An ninh thủ đô, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ, Văn hoá hoặc nhiều tờ báo khác. Điều đó cho thấy, nhu cầu được nắm bắt thông tin thời sự của độc giả là vô cùng lớn và đa dạng. Trước xu hướng đó, một số công ty truyền thông đã nhanh chóng nhận biết nhu cầu thị ttrường và cho ra hàng loạt tập sách chuyên đề phóng sự xã hội gắn liền với những vấn đề, sự việc, sự kiện nóng bỏng đang xảy ra. Như vậy xét trên góc độ nào đó, có thể nói sách chuyên đề phóng sự xã hội cũng có tính thời vụ. Nếu tính thời vụ của sách giáo khoa thể hiện ở chỗ nó được đẩy mạnh xuất bản và tiêu thụ chính vào thời điểm các cấp học chuẩn bị khai giảng hay các nhà xuất bản cạnh tranh nhau trong việc xuất bản lịch Blốc là giai đoạn cuối năm, giáp tết...thì sách chuyên đề cũng được các đơn vị truyền thông, các nhà xuất bản “đua nhau“ làm vào thời điểm xã hội có nhiều vấn đề đáng quan tâm và báo chí lên tiếng mạnh mẽ. Do báo chí là phương tiện truyền tải thông tin một cách thời sự, cập nhật nên sách chuyên đề phóng sự xã hội cũng theo đó mà xuất bản một cách nhanh chóng, ồ ạt và mang tính thời sự cao. Thứ ba, yếu tố khách hàng (độc giả): Đó là những người tiêu thụ xuất bản phẩm – là yếu tố cấu thành thị trưòng xuất bản phẩm. Độc giả loại sách này tương đối “dễ tính“ bởi trong khi chất lượng sách nhìn chung không cao mà số đầu sách được xuất bản, số lượng bản được tiêu thị lại lớn. Điều đó cho thấy quy mô độc giả tương đối lơn, không phụ thuộc độ tuổi, ít phụ thuộc vào trình độ văn hoá. Có thể trên tàu xe, tại các nơi công cộng hoặc trong lúc rảnh rỗi độc giả sẽ đọc loại sách này. Điều đó phụ thuộc chủ yếu vào tâm lý của độc giả. Hai loại động cơ chính thúc đẩy độc giả lựa chọn mua loại sách này là động cơ giải trí và động cơ hiếu kỳ, tò mò những cái mới lạ, những thông tin thời sự, giật gân. Thêm vào đó với giá bìa 12.000 đồng loại sách này cũng tạo sức mua dễ dàng. Thứ tư, yếu tố các đơn vị làm sách tư nhân: Hiện nay, giới làm loại sách chuyên đề phóng sự xã hội nói chung có ba loại: Thấp nhất là do một nhóm tư nhân đứng ra tổ chức bài vở, bản thảo, liên kết với các nhà xuất bản đem in và tự phát hành; nhóm cao hơn nữa là có nguồn tài trợ kinh phí trong vài số đầu tiên, sau đó tự làm theo kiểu “lời ăn lỗ chịu“. Hai kiểu này chỉ là cách làm “cò con“, “đánh quả“, ra được số nào hay số ấy. Chỉn chu, kế hoạch chiến lược bài bản, đầu tư về con người và trang thiết bị đầy đủ là các “tạp chí“ do hầu hết các công ty quảng cáo đóng trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh thực hiện, như: Công ty quảng cáo ADPUB liên kết với NXB Thanh niên qua cuốn Phong cách đàn ông, Công ty TNHH Dịch vụ Văn hoá T&C liên kết với NXB Y học qua cuốn Sức khoẻ gia đình...Các đơn vị liên kết này nhằm mục đích thu lợi nhuận từ loại sách mang tính chất thương mại cao, đồng thời cố tình “lách“ Luật Xuất bản và Luật Báo chí, tổ chức làm sách chuyên đề thông qua các nhà xuất bản để làm quảng cáo, thực hiện chiến dịch truyền thông... Nói tóm lại, trong thời gian qua việc các đơn vị liên kết liên tục tổ chức bản thảo sách chuyên đề phóng sự xã hội, việc các nhà xuất bản liên tục “bán“ giấy phép xuất bản và việc độc giả tiêu thụ lượng lớn xuất bản phẩm loại này sẽ là điều đáng mừng nếu nó không vi phạm Luật Xuất bản và Luật Báo chí, không chạy theo xu thế thương mại hoá và thị hiếu tầm thường của độc giả. Cần phải khẳng định rằng, không nên có thành kiến với cụm từ “thương mại hoá“ sản phẩm sách, vì có thương mại hoá ấn phẩm mới đến tay độc giả một cách rộng rãi, văn hoá đọc mới phát triển. Thương mại hoá không đồng nghĩa với việc xuất bản phải bán rẻ tôn chỉ, mục đích của mình, xuất bản phải chiều theo thị hiếu tầm thường của độc giả. Vấn đề là các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết phải có bản lĩnh và cái tâm của người làm sách, các cơ quan quản lý hoạt động xuất bản phải quản lý chặt chẽ và định hướng rõ ràng hơn. CHƯƠNG II: HOẠT ĐỘNG BIÊN TẬP - XUẤT BẢN SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI CỦA NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG Xà HỘI GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG-Xà HỘI VÀ LOẠI SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI CỦA NHÀ XUẤT BẢN Vài nét về Nhà xuất bản Lao động – Xã hội Được thành lập vào ngày 08 tháng 01 năm 1999, Nhà xuất bản Lao động-Xã hội là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Đây là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng, thực hiện việc xuất bản, in và phát hành các ấn phẩm phục vụ cho công tác tư tưởng, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, hướng dẫn thực hiện chính sách, luật pháp của Nhà nước, biểu dương những mô hình tốt, những gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực lao động – thương binh và xã hội. Hiện nay, Nhà xuất bản có hai ban biên tập là: Ban biên tập sách lao động xã hội và Ban biên tập sách giáo trình - dạy nghề. Trước thời điểm tháng 1 năm 2007, Nhà xuất bản còn có Ban biên tập sách liên kết, nay đã sát nhập vào Ban biên tập sách lao động xã hội. Các phòng ban chức năng khác là: Phòng chế bản, Văn phòng, Phòng kế hoạch, Phòng kế toán-tài vụ, Phòng phát hành, Phòng tổ chức-lao động, Phòng quan hệ thị trường, Phòng xuất nhập khẩu. Ngoài ra Nhà xuất bản còn được Ban Tư tưởng – Văn hoá TW, Bộ Văn hoá – Thông tin cấp phép hoạt động cho tạp chí Cẩm nang mua sắm (Quyết định số 80/GP-BVHTT ngày 19/8/2004). Nhiệm vụ chính của Nhà xuất bản Lao động-Xã hội là: Xuất bản sách, tạp chí và các xuất bản phẩm khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội theo quy định của Luật Xuất bản và Luật Báo chí. In sách, báo, tạp chí và các ấn phẩm khác. Phát hành sách và các xuất bản phẩm. Kinh doanh vật tư, thiết bị xuất bản, in, phát hành và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị, dụng cụ dạy nghề. Một số đầu sách tiêu biểu, có giá trị của Nhà xuất bản như: 100 câu hỏi và giải đáp về hợp đồng lao động (Tác giả: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 1999), 55 năm xây dựng và phát triển ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (Tác giả: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 2000), Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Hà Tây (Huy chương đồng 2001), Nghĩa tình đất mỏ (Giải khuyến khích 2002), Tinh hoa quản lý (Tác giả: Viện nghiên cứu và đào tạo về quản lý, 2002), Bộ luật Lao động (song ngữ Việt-Anh, 2003), Từ điển tài chính (Tác giả: Tô Tử Hạ, 2003), Những bài nói của Bác Hồ về công tác Lao động-Thương binh và Xã hội (2004)... Nhà xuất bản xác định định hướng và mục tiêu phát triển là: Bám sát nhiệm vụ chính trị, phục vụ công tác tư tưởng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biểu dương những mô hình tốt, những điển hình tiên tiến về công tác lao động – thương binh – xã hội; nỗ lực có thêm nhiều nhiều xuất bản phẩm có giá trị về tư tưởng, nội dung và đẹp về hình thức nhằm xây dựng thương hiệu Nhà xuất bản ngày càng có uy tín đối với bạn đọc. Khái quát về các tập sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Tính từ tháng 3/2006 đến tháng 4/2007, Nhà xuất bản Lao động-Xã hội đã xuất bản được các loại sách với số lượng như sau: STT LOẠI SÁCH SÔ LƯỢNG ĐẦU SÁCH 1 Sách cấp phép 238 2 Sách luật 220 3 Sách kỹ thuật 110 4 Sách Thăng Long 45 5 Cẩm nang mua sắm và đời sống 40 6 Sách tin học 12 7 Sách Trường ĐH và CĐ Giao thông vận tải, sách hoá chất, sách kinh tế quốc dân 11 8 Sách Trường ĐH, CĐ Lao động-Xã hội 10 Trong tổng số đầu sách được cấp phép, sách chuyên đề phóng sự xã hội gồm 17 tập sau đây: STT TÊN SÁCH THỜI GIAN XB LƯỢNG BẢN 1 Xứ Hàn-Bạn tìm gì(1) Quý I/2006 2000 2 Xứ Hàn-Muôn dặm đường dài(2) Quý II/2006 2000 3 Lọ lem trôi dạt Quý II/2006 3000 4 Sập bẫy mĩ nhân Quý II/2006 6000 5 Tôi đi bán tôi Quý II/2006 3000 6 Dân chơi rỗng ruột Quý II/2006 3000 7 Chân dài và bóng đêm Quý II/2006 3000 8 Sen độc giết người Quý II/2006 3000 9 Thế giới ngầm và Worldcup Quý II/2006 3000 10 Gió bụi hồng quần Quý II/2006 3000 11 Worlcup và chuyện cá độ Quý II/2006 6000 12 Tình yêu thời @ Quý III/2006 6000 13 Nhan sắc phố Quý III/2006 6000 14 Xứ Hàn-Mây giăng(3) Quý III/2006 2000 15 Sòng bạc cuộc đời Quý III/2006 6000 16 Cung đường mãi lộ và những tiêu cực ở PMU18 Quý III/2006 6000 17 Đời tướng cướp Quý III/2006 3000 Từ hai bảng số liệu trên ta thấy: loại sách chuyên đề phóng sự xã hội mà Nhà xuất bản Lao động – Xã hội liên kết xuất bản với Công ty truyền thông Hà Thế liên tục từ quý I dến quý III chiếm số lượng khá lớn: 17 đầu sách, chiếm 7,1% tổng số đầu sách cấp phép, với tổng lượng bản: 66.000 bản.. Đây là bộ sách chuyên đề về phóng sự xã hội, có nội dung phản ánh, phơi bày hiện trạng xã hội với nhiều đề tài khác nhau. Công tác tổ chức bản thảo là do Công ty truyền thông Hà Thế, một đơn vị làm sách tư nhân, thực hiện; Nhà xuất bản Lao động – Xã hội cấp giấy phép xuất bản và tổ chức biên tập hoàn chỉnh bản thảo. Nhìn chung 17 tập sách chủ yếu đề cập những nội dung sau: 1, Điều tra về các tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm, buôn bán phụ nữ trẻ em, cá độ, cờ bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...). 2. Phản ánh các vụ án tiêu cực như: chạy chức, chạy án, tham nhũng, ăn chơi trác táng...của các quan chức nhà nước ( vụ án PMU18, Nguyễn Việt Tiến, vụ việc ở Việt Nam Airlines, Giám đốc Sở Giáo dục Thái Bình nhận hối lộ...). 3. Câu chuyện về giới hoa hậu, người mẫu, diễn viên, ca sỹ...với những cạm bẫy, những vụ scandal... 4. Phản ánh thói đua đòi, ăn chơi, tình yêu, quan hệ giới tính...của một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh niên. 5. Phóng sự về Worldcup và những tiêu cực trong bóng đá và giới cầu thủ. 6. Phóng sự về những số phận bất hạnh trong cuộc sống ( những người bị nhiễm HIV, bị căn bệnh hiểm nghèo, bị bắt cóc, bị lừa lọc và buôn bán làm gái mại dâm...). 7. Mảng truyện ngắn. 8. Mảng tin tức thời sự trong và ngoài nước khai thác từ mạng Internet. 9. Mảng chuyện lạ thế giới đó đây. II. HOẠT ĐỘNG BIÊN TẬP SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI CỦA NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG-Xà HỘI Xuất bản, định nghĩa một cách ngắn gọn, chính là một quá trình tổ chức làm ra các bản thảo sách, nhân chúng thành nhiều bản và dưa tới tay bạn đọc. Đó là một quá trình đồng bộ, kế tiếp nhau theo quy trình chặt chẽ với các công đoạn cụ thể như sau: - Công tác kế hoạch đề tài - Công tác cộng tác viên - Công tác biên tập - Công tác in, phát hành Xuyên suốt các khâu trong quy trình công nghệ ấy là hoạt động nghiệp vụ của nhiều cán bộ, trong đó biên tập viên giữ vai trò quan trọng. Khoá luận xin đi vào tìm hiểu hoạt động biên tập - xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội ở Nhà xuất bản Lao động – Xã hội để cụ thể hoá quy trình này. 1. CÔNG TÁC KẾ HOẠCH ĐỀ TÀI Kế hoạch đề tài là một bản dự kiến khoa học về nhiệm vụ, biện pháp biên tập xuất bản các đề tài với những chỉ tiêu về số lượng, chất lượng và thời hạn cụ thể mà nhà xuất bản cần hoàn thành trong một thời gian nhất định. Công tác kế hoạch đề tài là giai đoạn mở đầu của quy trình xuát bản, tạo “”đầu vào”,”nguyên liệu” cho hoạt động xuất bản. Nó thể hiện vai trò tích cực, chủ động của nhà xuất bản trong việc truyền bá các giá trị văn hoá tinh thần đến với độc giả. Cũng như các nhà xuất bản khác, Nhà xuất bản Lao động – Xã hội cũng có nhiều loại kế hoạch đề tài: kế hoạch xuất bản dài hạn cho 5-10 năm, kế hoạch xuất bản hàng năm, kế hoạch xuất bản đột xuất...với những mảng đề tài khác nhau. Riêng về sách cấp phép, đây là mảng đề tài thuộc kế hoạch B, có số lượng lớn, được thực hiện theo kế hoạch xuất bản hàng năm. 17 cuốn sách chuyên đề phóng sự xã hội được xuất bản ttrong năm 2006 là sản phẩm của sự liên kết xuất bản giữa Nhà xuất bản với Công ty truyền thông Hà Thế, do vậy công tác tổ chức bản thảo cũng có nét khác biệt so với các ấn phẩm do Nhà xuất bản tự tổ chức. Thông thường, việc đề xuất, xây dựng kế hoạch đề tài là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của mỗi biên tập viên và các ban biên tập trong Nhà xuất bản. Tuy nhiên với loại sách cấp phép, đơn vị xin giấy phép xuất bản là người tổ chức bản thảo; tuy Nhà xuất bản không trực tiếp tham gia hoạt động này nhưng có vai trò hỗ trợ trong việc thẩm định, góp ý đề tài, ký duyệt bản thảo. Công ty truyền thông Hà Thế là đơn vị làm sách tư nhân, do nhà văn Võ Thị Xuân Hà đứng ra tổ chức, giám đốc là ông Thế Anh. Với sự đổi mới của Luật Xuất bản, cũng như một số công ty truyền thông khác như: Công ty cổ phần văn hoá và truyền thông Nhã Nam, Công ty truyền thông Đông A, Công ty Võ Thị...,._. hình chung cuốn sách bị thương mại hoá, mang tính chất lá cải. Một bài phóng sự phản ánh cái xấu, khi nó được đăng tải trên trang báo, nằm giữa những mảng tin tức, bài viết đề cập những mặt tích cực của đời sống xã hội thì tính chất của sự phản ánh lại khác, người đọc không bị ngập bởi các tiêu cực mà bài phóng sự nêu lên. Ngược lại, khi những bài phóng sự ấy được tuyển thành một tập sách dày dặn gần hai trăm trang với hàng loạt những vụ án tham nhũng, tội ác giết người, cướp của, thói ăn chơi trác táng...thì lại là một chuyện khác. Việc đẩy quá đà, lạm dụng ấy sẽ tạo tác dụng phản lại, gây tâm lý bi quan trước cuộc sống, thậm chí nó có thể trở thành sự “cổ xuý“ cho mặt trái tràn lan. Chẳng hạn như có quyển tuyển tập hàng loạt bài viết trên báo chí phản ánh vụ tiêu cực lớn PMU18 đag được dư luận quan tâm, đã mô tả quá tỉ mỉ sự ăn chơi trác táng của những kẻ thoái hoá biến chất (Tôi đi bán tôi), hoặc có tập mô tả các ngón nghề, cách ăn chơi sa đoạ...như một sự bày trò, quảng cáo: Kỹ nghệ “mát gần“, Quy trình bán dâm tại khách sạn Amara, Độc chiêu “nghề...thân xác“ (Gió bụi hồng quần)... Hoạt động xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, có tính định hướng tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống cho độc giả. Mọi xuất bản phẩm nói chung và sách chuyên đề phóng sự xã hội nói riêng là hạt nhân nằm trong địa hạt ấy, do đó chúng phải là những sản phẩm có tính định hướng. Hàng loạt tập sách chuyên đề này do không có sự định hướng cụ thể cũng như sự quản lý chặt chẽ của cơ quan xuất bản nên chúng chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả, mang tính câu khách nhằm thu nhiều lợi nhuận nhất. Thứ hai, về thể loại: 17 tập sách thuộc thể loại sách chuyên đề phóng sự xã hội, nhưng liệu đó có thực sự là những cuốn sách đúng thể loại? Mỗi ấn phẩm thuộc những thể loại khác nhau sẽ đem đến cho bạn đọc những giá trị khác nhau. Một phần đó là do đặc trưng của thể loại quy định. Trước hết, đây là dạng sách chuyên đề. Xét theo khái niệm sách chuyên đề như đã tìm hiểu ở chương I, thì các tập sách này không đúng là sách chuyên đề vì nội dung đưa các thông tin thời sự, đề cập nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông tin thời sự là đặc trưng của báo chí bởi thông tin thời sự - hôm nay nó là cái mới, cái nóng hổi, cái được dư luận quan tâm đón đọc thì ngày mai, nó đã trở thành cái cũ, cái lạc hậu và nhường chỗ cho những thông tin thời sự đang phát sinh, tiếp diễn từng ngày trong đời sống. Vì lẽ đó báo chí mới có nhật báo, tuần báo, nguyệt san...Ngược lại, sách chuyên đề là công cụ truyền bá tri thức mang tính chất lâu dài nên việc nó chuyển tải các thông tin thời sự chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định, chỉ đọng lại một ít trong lòng độc giả thì đời sống của sách sẽ rất ngắn ngủi. Mặt khác, những thông tin thời sự đó lại thuộc nhiều lĩnh vực trong đời sống, không chuyên về một đề tài, vấn đề thuộc một lĩnh vực nhất định nào. Trong một tập sách, độc giả có thể tiếp nhận thông tin đủ mọi đề tài: cuộc thi hoa hậu, cảnh sát đánh bạc, tin nhắn sex, học sinh gây án, phá đường dây mại dâm cao cấp, việc đình chỉ Giám đốc Sở Giáo dục Thái Bình, chuyện những người HIV làm lại cuộc đời, thú chơi xe hơi, hàng hiệu, truyện vụ án, các mục “tin thêm“, “thế giới đó đây“... Sau nữa, đây là sách chuyên đề về phóng sự xã hội nhưng qua khảo sát 17 tập sách cho thấy, số lượng bài phóng sự chỉ chiếm phần ít. Đa phần những bài được xếp vào “danh sách“ phóng sự xã hội là những bài “phóng sự một nửa“ – theo cách nói hài hước của nhà báo Đức Dũng, vì chúng chỉ mới đưa ra vấn đề, phản ánh vấn đề chứ chưa vạch rõ được bản chất, chưa đề xuất được những kết luận, hướng giải quyết vấn đề trên cơ sở những nghiên cứu nghiêm túc. Dung lượng bài viết cũng hạn chế. Như vậy, thực chất những bài “phóng sự xã hội“ này chỉ mới dừng lại ở mức độ là các bài phản ánh, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, đưa tin...Điều này sẽ hạn chế tác dụng của tập sách và bản thân độc giả cũng sẽ không thể thoả mãn được những kỳ vọng của mình khi tiếp nhận loại sách này. Thứ ba, về nội dung: Với mảng đề tài phản ánh những tiêu cực trong xã hội nên giữa các tập sách không tránh khỏi sự trùng lặp, chồng chéo về đề tài, làm cho độc giả cảm thấy nhàm chán nếu tiếp nhận cùng một lúc 17 tập sách. Mặt khác, các tập sách này còn tồn tại nhiều bài mang tính chất giải trí vô thưởng vô phạt, thậm chí một số bài mang tính chất dung tục, câu khách, giật gân, thiếu lành mạnh... Thứ tư, về ngôn ngữ, hình ảnh, trang bìa: Về ngôn ngữ, do tâm lý chủ quan xem các bản thảo này đã được đăng báo (tức là đã qua ban biên tập báo) nên trong quá trình biên tập, biên tập viên còn để sót nhiều lỗi về logic-ngữ nghĩa, chính tả...; phía Công ty Hà Thế cũng chưa thực hiện một cách cẩn thận công tác sửa bản in nên sách còn sót lỗi. Chẳng hạn chỉ trong truyện vụ án Người vô danh phá án (Chân dài và bóng đêm) mà tồn tại nhiều lỗi sau: -- Lỗi diễn đạt rườm rà, khó hiểu: “Phía trước của cái đầu người ta đặt tên là mặt thì tròn phụng phưỡn choáng đến ba phần tư diện tích gắn liền với ngực“, “...tâm anh như lửa, phải dằn lòng lắm mới kéo nổi chiếc ghế trước bàn làm việc thả người xuống mà không cần biết có đủ ngồi“... -- Lỗi logic-ngữ nghĩa: Lý giải về từ “bia“(một loại đồ uống), tác giả viết: “Cũng chẳng biết nó xuất hiện trong từ điển khi nào nhưng trước đó có nghĩa...ném đi, thứ dùng để ghi danh, ghi công trạng hoặc là đích để nhắm bắn“ là sai, vi phạm thực tế khách quan (từ “bia“ vốn xuất phát từ cách phát âm của tiếng Anh “beer“, tác giả lý giải như trên là không có căn cứ vì chúng chỉ là các từ đồng âm dị nghĩa). -- Lỗi dùng từ: “kinh nhất là“ (kinh khủng nhất là), “Đôi mắt manh nha“(đôi mắt ranh ma), “hạ nhiệt độ nữa xuống“(hạ nhiệt độ xuống nữa)... -- Lỗi chính tả: một loạt những danh từ chung lại được viết hoa mà biên tập viên bỏ qua: Quan tài, chứng cao Huyết áp và Nhồi máu cơ tim, vì sự “Phát tướng“, Nước, Gió, một loại Bia, cái Mẹt, bộ Comple, thả con Săn sắt bắt con Rô xù... -- Lỗi morat: trân trối (trăn trối), kalo (calo)... Về phần ảnh: với lối minh hoạ chủ yếu là nhằm mục đích câu khách, giật gân, nhiều hình ảnh được sử dụng một cách tuỳ tiện, không những không có tác dụng thông tin gì mà còn tạo phản cảm đối với người đọc, ví dụ như: -- Hình ảnh minh hoạ trong Chân dài và bóng đêm, Nha sắc phố: -- Hình ảnh trong Gió bụi hồng quần: -- Hình ảnh trong Tình yêu thời @ :-- Hình ảnh trong Lọ lem trôi dạt: -- Hình ảnh trong Sòng bạc cuộc đời: -- Hình ảnh trong Thế giới ngầm và Worldcup: -- Hình ảnh trong Sập bẫy mĩ nhân: Dựa theo cách phân loại một bên là ảnh có thông tin, liên quan đên nội dung, một bên là ảnh không có thông tin gì, chỉ đơn thuần mang tính chất minh hoạ, ta có bảng số liệu thống kê sau: STT TÊN SÁCH TỔNG SỐ ẢNH ẢNH CÓ THÔNG TIN ẢNH KHÔNG CÓ THÔNG TIN 1 Chân dài và bóng đêm 38 19 19 2 Cung đường mãi lộ và những tiêu cực ở PMU18 35 20 15 3 Dân chơi rỗng ruột 16 17 19 4 Đời tướng cướp 40 18 22 5 Gió bụi hồng quần 36 8 28 6 Lọ lem trôi dạt 36 19 17 7 Nhan sắc phố 42 27 15 8 Sập bẫy mĩ nhân 45 14 31 9 Sòng bạc cuộc đời 54 26 28 10 Sen độc giết người 25 12 13 11 Thế giới ngầm và Worldcup 42 26 16 12 Tình yêu thời @ 40 7 33 13 Tôi đi bán tôi 32 23 10 14 Worldcup &chuyện cá độ 47 19 28 15 Xứ Hàn-Bạn tìm gì 28 25 3 16 Xứ Hàn-Mây giăng 30 12 18 17 Xứ Hàn-Muôn dặm đường dài 28 15 13 Như vậy nhìn chung chất lượng ảnh còn kém và sử dụng quá nhiều, điều đó làm cho nội dung cuốn sách bị loãng và nhiều khi nó còn phản tác dụng. Về trang bìa: Nhiều ấn phẩm thiết kế trang bìa với hình ảnh quá gợi cảm, mát mẻ, màu sắc loè loẹt, giật tít giật gân, “rẻ tiền“...(xem minh hoạ ở phần phụ lục). Tiểu kết: Hiện nay sách chuyên đề dạng tạp chí nói chung và sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội nói riêng đã đi vào thoái trào. Những ưu điểm cũng không thể khẳng định được vị trí lâu dài của loại sách này trên thị trường sách bởi chúng tồn tại nhiều nhược điểm ảnh hưởng tiêu cực tới văn hoá đọc. Lý giải hiện tượng này có thể là: -- Thứ nhất, nội dung của các tập sách chuyên đề phóng sự xã hội này chủ yếu là thông tin thời sự, nóng bỏng về những vụ việc, vấn đề tiêu cực trong xã hội. Tại thời điểm chúng xảy ra dư luận xã hội hết sức quan tâm và chú ý theo dõi. Tuy nhiên khi những vụ việc, vấn đề nghiêm trọng đã được làm sáng tỏ thì dư luận cũng không còn “nóng“ nữa, nhu cầu thông tin đã được thoả mãn. Nó như một “cơn sốt“ đã hạ nhiệt. Như vậy sách chuyên đề phóng sự xã hội đã thực hiện xong “sứ mệnh“ thông tin và đi vào thoái trào là lẽ đương nhiên. -- Thứ hai, chất lượng ấn phẩm là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn vong của chính nó. Sách chuyên đề phóng sự xã hội chủ yếu là sản phẩm do các đơn vị làm sách tư nhân tổ chức bản thảo, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả nhằm mục đích tối đa hoá lợi nhuận. Nhà xuất bản lại liên tục cấp giấy phép xuát bản mà thiếu sự quản lý chặt chẽ về nội dung, có biểu hiện chạy theo thị trường. Điều đó dẫn đến hệ quả là sách kém chất lượng, không đủ sức sống lâu bền trong lòng độc giả và nhu cầu về loại sách này vì thế mà giảm sút. -- Thứ ba, vấn đề quản lý: Trước những nhược điểm, sai phạm của loại sách này cũng như nhiều ý kiến phê phán của xã hội, Bộ Văn hoá Thông tin đã có văn bản số 3652/BVHTT-XB ra ngày 05 tháng 9 năm 2006 về những quy định xuất bản sách chuyên đề dưới dạng tạp chí. Theo đó Bộ Văn hoá Thông tin sẽ kiểm tra toàn bộ các loại sách chuyên đề dưới dạng tạp chí, xử lý đối với các nhà xuất bản vi phạm. Như vậy những nhà xuất bản có sách chuyên đề dạng tạp chí đã ngừng việc xuất bản các tập tiếp theo. Với Nhà xuất bản Lao động – Xã hội tuy các tập sách chuyên đề phóng sự xã hội không vi phạm lớn về các quy định của Luật Xuất bản và Luật Báo chí về hình thức trình bày nhưng nội dung lại có nhiều vấn đề cần xem xét. Đứng trước công luận, tôn chỉ mục đích của ngành, Luật Xuất bản cũng như trách nhiệm, uy tín của doanh nghiệp, Nhà xuất bản Lao động – Xã hội đã ngừng việc cấp giấy phép xuất bản đối với Công ty Hà Thế trong việc xuất bản các tập sách chuyên đề tiếp theo. Cơ quan chủ quản Nhà xuất bản cũng cẩn trọng, nghiêm túc hơn trong việc xét duyệt kế hoạch xuất bản để đảm bảo việc xuất bản sách của Nhà xuất bản thực hiện đúng quy định của Luật Xuất bản và Luật Báo chí. II. NHỮNG KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI NÓI CHUNG 1. Vấn đề quản lý nhà nước: Trong năm 2006, sách chuyên đề phóng sự xã hội cũng như một số loại sách chuyên đề khác đã được xuất bản một cách ồ ạt. Vấn đề mà các cơ quan quản lý quan tâm là: Sách chuyên đề phóng sự xã hội có nội dung tiêu cực quá đậm đặc, cách đặt tên sách giật gân, câu khách, hình ảnh minh hoạ quá mát mẻ, dễ gây phản cảm. Có nhà xuất bản không có chức năng tổng hợp vẫn cho ra loại sách này. Thêm vào đó, theo quy định của Luật Xuất bản thì các nhà xuất bản phải đăng ký từng tên sách, nhưng một số nhà xuất bản chỉ đăng ký các “tủ sách“, “bộ sách“ chuyên đề. Nhiều tập sách phóng sự xã hội nhập nhằng giữa tạp chí và sách, thực sự gây khó khăn trong công tác quản lý...Có thể nói, đây là vấn đề đã tồn tại hàng chục năm nay trong ngành Xuất bản mà các cơ quan quản lý chưa giải quyết được một cách triệt để. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi các đơn vị làm sách tư nhân lợi dụng sự thông thoáng của Luật Xuất bản để liên kết xuất bản những đầu sách mang tính chất giải trí câu khách, dễ bán thì các cơ quan quản lý nhà nước càng cần phải đẩy mạnh việc xem xét và hướng dẫn các nhà xuất bản thực hiện đúng quy định của Pháp luật. Sách chuyên đề phóng sự xã hội là một khái niệm còn mang tính chất chung chung, chưa có một quy chuẩn cụ thể nào. Điều này dẫn tới sự nở rộ hàng loạt tạp chí “núp bóng“ dưới dạng sách chuyên đề phóng sự xã hội nhằm né tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng. Trong khi các tạp chí đầu tư bài bản, chăm chút nó để gây dựng một thương hiệu, chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước về báo chí thì các “tạp chí“ dạng này lại cho ra đời những sản phẩm “nhái“ kinh doanh trục lợi, phá vỡ tính quy hoạch về báo chí - xuất bản, tạo môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn và chấn chỉnh việc “phá rào“ của các nhà xuất bản trong việc thực hiện sách chuyên đề, xử lý nghiêm minh theo pháp luật những tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời phải quản lý như thế nào để tránh tình trạng không ai quản lý. Vấn đề này Cục Xuất bản và Cục Báo chí cần hợp tác nghiên cứu để đưa ra những phương thức giải quyết và quản lý hiệu quả. Để tránh tình trạng nhập nhằng giữa sách chuyên đề phóng sự xã hội và ấn phẩm thông tin báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải nhanh chóng xây dựng quy chế rõ ràng về nội dung, hình thức sách chuyên đề - cụ thể là sách chuyên đề phóng sự xã hội. Có như vậy sách chuyên đề phóng sự xã hội mới đi đúng định hướng tư tưởng, có tác dụng tích cực đối với đời sống xã hội và là một loại ấn phẩm mang lại doanh thu chính đáng cho các nhà xuất bản. Điều này không phải là dễ dàng, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Xuất bản, Cục Báo chí và Thanh tra Bộ Văn hoá Thông tin...trong việc giám sát thực hiện giấy phép xuất bản. Những tiêu chí mà sách chuyên đề dạng tạp chí nói chung và sách chuyên đề phóng sự xã hội nói riêng cần tuân theo là: -- Sách chuyên đề chỉ được xuất bản khi nội dung tập trung phản ánh đúng chủ đề đã đăng ký trong kế hoạch xuất bản và không được trình bày dưới dạng tạp chí như ghi chức danh tổng biên tập, thư ký toà soạn, số thứ tự của kỳ phát hành, địa chỉ của toà soạn hoặc tên người để liên hệ quảng cáo... -- Chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản tại bìa hai, ba, bốn; không quảng cáo trong ruột sách (trừ sách chuyên về quảng cáo) theo đúng quy định tại Điều 29 Luật Xuất bản. -- Các thông tin ghi trên sách chuyên đề phải thực hiện đúng quy định tại Điều 26 Luật Xuất bản như: bìa một và trang tên sách ghi tên tác giả, tên sách, nhà xuất bản và số thứ tự tập; trang cuối sách ghi tên người chịu trách nhiệm xuất bản, tên người biên tập, tên người trình bày, khuôn khổ, số xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản, số lượng in, tên cơ sở in, ngày nộp lưu chiểu; bìa bốn ghi giá bán lẻ và tên, địa chỉ đối tác liên kết (nếu có). -- Thực hiện đúng quy định tại Điều 20 Luật Xuất bản về liên kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực xuất bản. Đồng thời, các cơ quan chủ quản nhà xuất bản khi xét duyệt kế hoạch xuất bản cần xem xét để đảm bảo việc xuất bản sách chuyên đề của nhà xuất bản trực thuộc thực hiện đúng quy định của Luật Xuất bản và Luật Báo chí. 2. Vấn đề biên tập - xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội ở các nhà xuất bản: Đối với hoạt động xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội: Việc các đơn vị làm sách tư nhân ồ ạt tham gia liên kết xuất bản những đầu sách giải trí câu khách, dễ bán như sách chuyên đề phóng sự xã hội mà không có sự kiểm duyệt chặ chẽ của nhà xuất bản là điều kiện thuận llợi để lọt lưới ra thị trường những ấn phẩm có nội dung xấu, vô bổ, kém chất lượng. Những sơ suất này chủ yếu là do giám đốc các nhà xuất bản không kiểm soát được nội dung, có xu hướng chạy theo lợi nhuận. Điều này cho thấy tính chủ động của các nhà xuất bản chưa cao, dễ rơi vào thế bị động và bị tư nhân thao túng. Do vậy, vấn đề cần đặt ra là các nhà xuất bản cần phải tận dụng được quyền chủ động mà Luật mới mang lại, nhất là quyền chủ động trong lĩnh vực liên kết xuất bản để nâng cao khả năng cạnh tranh trước sóng gió thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế. Điều này có nghĩa là trước hết giám đốc các nhà xuất bản phải tự chịu trách nhiệm về xuất bản phẩm cả ở phương diện nội dung lẫn hình thức. Một thực trạng phổ biến ở các nhà xuất bản đó là việc đăng ký quá nhiều đề tài chồng chéo, trùng lặp, nhất là tủ sách chuyên đề phóng sự xã hội được thực hiện bởi các đơn vị làm sách tư nhân. Thêm vào đó, nội dung, chủ đề của loại sách này lại chủ yếu khai thác mặt trái và các tệ nạn xã hội như tham nhũng, cướp của, giết người, ngoại tình,v.v...quá đậm đặc, gây tâm lý bi quan trước cuộc sống. Do vậy, ngay từ khâu đầu là công tác kế hoạch đề tài các nhà xuất bản cũng cần phải xây dựng định hướng cụ thể dựa trên tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản và lấy lợi ích của bạn đọc chân chính làm mục tiêu hoạt động. Việc xuất bản sách thị trường không có nghĩa là nhà xuất bản chiều theo cách làm sách của một số đơn vị tư nhân, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả để tối đa hoá lợi nhuận từ xuất bản phẩm. Sách chuyên đề phóng sự xã hội là loại sách dễ bán, có lãi nhiều nên các công ty truyền thông ồ ạt tham gia tổ chức bản thảo là lẽ đương nhiên. Tuy vậy các nhà xuất bản không nên vì thế mà cũng ồ ạt cấp giấy phép xuất bản. Đơn vị làm sách tư nhân hiện nay có nhiều loại và làm sách với nhiều mục đích khác nhau. Có đơn vị làm sách chuyên đề theo nhu cầu thị trường, mục đích thu nhiều lợi nhuận. Có đơn vị lại là các công ty quảng cáo, nhà tổ chức các sự kiện quảng bá thương hiệu cho một nhãn hàng nào đó nên mục đích làm sách chuyên đề là để làm quảng cáo, để thực hiện chiến dịch truyền thông...Do vậy các nhà xuất bản trong khi thực hiện liên kết xuất bản cũng cần phải xem xét đối tượng và mục đích làm sách, tránh tình trạng để tư nhân lọt lưới kiểm duyệt của các cơ quan quản lý xuất bản cũng như báo chí. Một số đơn vị tư nhân như: Công ty Cổ phần Văn hoá và truyền thông Nhã Nam, Công ty Đông A...với chiến lược làm ăn lâu dài và bài bản là minh chứng cho việc liên kết có hiệu quả giữa nhà xuất bản và tư nhân. Hiện nay một số nhà xuất bản đã đi sâu đi sát nhu cầu thị trường, chẳng hạn như Nhà xuất bản Lao động – Xã hội có phòng Quan hệ thị trường với nhiệm vụ tìm hiểu, xây dựng chiến lược hoạt động xuất bản phù hợp với thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà xuất bản cần quan tâm đến văn hoá đọc, đến nhu cầu của độc giả, xem xét sự suy giảm diễn ra đối với loại sách nào và loại sách nào tăng lượng bạn đọc. Việc phân tích thị hiếu thẫm mỹ, nhất là nghiên cứu thị hiếu của giới trẻ đối với sách sẽ quan hệ đến việc loại xuất bản phẩm nào “lên ngôi“ trên thị trường sách. Đối với sách chuyên đề phóng sự xã hội, vì độc giả thấy hay, thấy lạ thì mới đọc. Hiện tượng này đặt ra suy nghĩ đối với những người làm sách: Sách chuyên đề phóng sự xã hội tuy bị xã hội lên án và bàn cãi về vấn đề nó nên tồn tại hay không nên tồn tại, hoặc tồn tại dưới hình thức nào...Chúng ta không nên khuyến khích sách chuyên đề phóng sự xã hội xuất bản tràn lan và ồ ạt nếu nó là loại sách thị trường, nhưng chúng ta có quyền yêu cầu các nhà xuất bản nghiêm túc hơn trong việc xây dựng kế hoạch đề tài, trong việc cấp giấy phép xuắt bản để những cuốn sách thực sự chất lượng ra đời, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của những độc giả chân chính. Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản (số 42-CT/TW) đã xác định rõ một trong những nhiệm vụ cụ thể của hoạt động xuất bản là: Bên cạnh việc phấn đấu có nhiều sách, nhiều bài hay, sâu sắc về tổng kết thực tiễn, phổ biến kinh nghiệm hay, tuyên truyền, động viên, biểu dương nhân tố mới, con người mới thì cần “Tiếp tục coi trọng sách, bài viết về đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, phản động, chống tham ô, lãng phí, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống và các thói hư tật xấu, tệ nạn tham nhũng, nhưng phải quan tâm đạt được hiệu quả không những làm cho mọi người căm ghét mà còn nâng cao thêm ý thức trách nhiệm, dũng khí và quyết tâm đấu tranh với những cái sai trái, tiêu cực, hư hỏng đó“. Đây là một động lực để các nhà xuất bản tâm đắc với loại sách này (như Nhà xuất bản Công an nhân dân với bề dày 15 năm làm sách chuyên đề về đề tài an ninh, trật tự xã hội) duy trì và phát triển, nâng cao chất lượng, tạo ra một thương hiệu “đắt giá“ trong lòng bạn đọc. Vậy đứng trước mục đích nâng cao chất lượng sách chuyên đề phóng sự xã hội thì loại sách này cần được thực hiện như thế nào? Việc tái bản các bài báo dưới dạng sách chuyên đề phóng sự xã hội là việc làm cần thiết và khá quen thuộc. Trên đại thể, báo được coi là ấn phẩm phục vụ kịp thời đối với bạn đọc rộng rãi. Ngày hôm sau, tuần lễ sau, hầu hết người đọc đã dẹp lại tờ báo ra từ ngày hôm trước, tuần lễ trước để sử dụng tờ báo mới. Hiện nay khi nhịp sống gấp gáp, khẩn trương thì tuổi thọ của chúng thường là quá ngắn, thậm chí có những tờ báo không xa lạ gì đối với xã hội nói chung nhưng không hề có đời sống cụ thể trong một số bộ phận độc giả. Đối với bạn đọc rộng rãi, báo chí được sử dụng một phần ở thời điểm nó ra đời. Như vậy những bài báo có giá trị lâu dài được xuất bản trong các tập sách, được sách hoá là điều cần thiết. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là hiện nay có nhiều loại sách, bộ sách in lại các bài báo với những giá trị, chất lượng khác nhau. Thậm chí, có loại sách được làm một cách cẩu thả, vội vã, tuỳ tiện bằng cách gom gộp các bài báo lại, sắp xếp có hệ thống ở một mức độ nhất định để phục vụ bạn đọc rộng rãi. Vấn đề đáng bàn là ở chỗ: chúng không sai, không phạm luật nhưng nhạt nhẽo, lạc lõng..Như vậy, đối với những công ty truyền thông – đơn vị tổ chức bản thảo, họ cần phải có lòng tự trọng, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và bạn đọc, bởi xét trên phương diện pháp luật, họ cũng là những người làm sách, là một bộ phận trong ngành xuất bản. Đồng thời, nhà xuất bản phải là “người lính gác“ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, phải nghiêm khắc, đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn đối với những bản thảo có ý định trở thành sản phẩm xã hội. Một xuất bản phẩm là sản phẩm của quá trình liên kết xuất bản thì chất lượng của nó không chỉ phụ thuộc vào phía tổ chức bản thảo, mà còn quan hệ khăng khít với nhà xuất bản, nơi có nhiệm vụ đọc duyệt, cấp giấy phép xuất bản và tổ chức biên tập hoàn thiện bản thảo. Đối với công tác biên tập sách chuyên đề phóng sự xã hội: Không một ấn phẩm sách nào không mang dấu ấn người biên tập. Mà dấu ấn ấy chính là cái tâm và cái tài của người biên tập kết tinh nên. Thế nhưng thực tế cho thấy, không phải ấn phẩm sách nào cũng là “tinh hoa“ của người biên tập kết thành. Đó thực sự là một câu hỏi cần sự giải đáp. Cơ chế thị trường hiện nay tác động mạnh mẽ tới công việc xuất bản sách theo hướng kinh tế. Nhiều sách được xuất bản một cách nhanh chóng vội vã. Về nguyên tắc biên tập vẫn giữ đúng quy trình cơ bản. Nhưng thực tế, biên tập viên không phải do thiếu trình độ chuyên môn khoa học hay trình độ nghiệp vụ cơ bản, mà vì chưa được trang bị lập trường, tư tưởng đầy đủ để có thể có “sự can đảm từ chối“ (Bernard Grasset) những cuốn sách tầm thường, thế nên việc thị trường sách tràn ngập những ấn phẩm sách chuyên đề phóng sự xã hội bị dư luận phê phán là điều không tránh khỏi. Trước thực trạng đó, nhà xuất bản cũng như mỗi biên tập viên cần quán triệt quan điểm mang tính chất xuyên suốt là: “Kinh doanh không phải là mục đích mà là một biện pháp để thực hiện mục đích của hoạt động xuất bản“, để từ đó giám định bản thảo một cách nghiêm túc, tránh chạy theo lợi nhuận trước mắt. Là người “đi bước trước“ trong quá trình làm sách của nhà xuất bản và là độc giả đầu tiên, là người chịu trách nhiệm trước nhà xuất bản đứng đối diện với tác giả, đồng thời là người đứng cùng chỗ với tác giả nhằm tạo ra những tác phẩm có ích đối với độc giả, biên tập viên càg cần nhấn mạnh ý thức tự giác trong tinh thần trách nhiệm đối với công việc biên tập. Trước hết, trong công tác đọc đánh giá và giám định bản thảo sách chuyên đề phóng sự xã hội, biên tập viên cần phải kiên quyết hơn nữa để loại bỏ những bài viết kém chất lượng, nội dung câu khách, giật gân...Trong thời gian tới, khi vấn đề quản lý nhà nước đối với sách chuyên đề phóng sự xã hội đã được thực hiện một cách chặt chẽ và triệt để hơn thì đây là một thuận lợi cho hoạt động biên tập của biên tập viên. Các đơn vị tư nhân sẽ tổ chức bản thảo một cách có chọn lọc hơn và vậy biên tập viên cũng nâng cao ý thức, cẩn trọng và nghiêm túc hơn trong việc đánh giá bản thảo. Đối với những bản thảo sách chuyên đề phóng sự xã hội chất lượng kém sẽ ít có cơ hội được xuất bản hàng loạt như trong năm 2006. Xét về bản chất, sách chuyên đề phóng sự xã hội là bản thảo được tập hợp từ các báo, do đó không ít biên tập viên đã đầu tư chất xám cho một trang bản thảo hết sức nghèo nàn. Thói quen làm việc cẩn trọng, biên tập kỹ càng, sửa từng câu, từng chữ, từng dấu chấm phẩy dường như đã “biến mất“ ở một số biên tập viên, gây ra nhiều sai sót đến mức báo động. Lợi ích kinh tế đã khiến nhiều biên tập viên tung ra thị trường không ít những ấn phẩm kém chất lượng cả về nội dung lẫn ấn loát, làm phương hại đến thẫm mỹ và niềm tin của bạn đọc. Một thực tế cho thấy, dù biên tập viên là xương sống, là hạt nhân của nhà xuất bản song với chế độ lương khoán, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, trong khi bản thảo ít ỏi thì một số nhà xuất bản và biên tập viên cùng chấp nhận “bán“ giấy phép xuất bản và biên tập sơ sài những ấn phẩm như sách chuyên đề phóng sự xã hội. Như vậy một yêu cầu đặt ra là biên tập viên phải biết khai thác, tìm kiếm đề tài, lựa chọn tổ chức bản thảo chứ không chỉ là những người thợ chữ cặm cụi suốt ngày trên bàn viết. Sách chuyên đề phóng sự xã hội không nhất thiết do các đơn vị tư nhân tổ chức bản thảo. Biên tập viên với sự năng động và trách nhiệm nghề nghiệp hoàn toàn có khả năng để tổ chức những bản thảo chất lượng hơn bằng cách nghiên cứu thị trường, thị hiếu độc giả, quy tụ những cộng tác viên có trình độ, uy tín trên cơ sở đảm bảo tác quyền và thực hiện biên tập cẩn trọng, nghiêm túc. Trong cơ chế thi trường hiện nay, những tư duy mới về biên tập, xuất bản sẽ tạo nên sự cân bằng mục đích thích ứng thời đại và nâng cao hiệu quả công tác biên tập, hoạt động xuất bản. KẾT LUẬN Hiện nay thị trường sách xuất hiện những cuốn sách chất lượng kém, nội dung không đạt yêu cầu về vấn đề văn hoá. Nhưng đó chỉ là số ít, còn về cơ bản hoạt động xuất bản Việt Nam vẫn đang ngày càng đi lên và đóng vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội. Đồng chí Đỗ Mười đã từng khẳng định :“Sách, báo là một bộ phận không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của mọi người, mọi dân tộc“. Vậy, đứng trước nhu cầu đa dạng về sách báo của độc giả, các nhà xuất bản càng cần phải nghiêm túc chọn lọc những tinh hoa, giá trị đích thực của nhân loại để cung cấp cho độc giả những “món ăn tinh thần“ cần thiết và bổ ích. Điều đó thiết nghĩ sẽ tạo nên mối quan hệ hài hoà giữa mục tiêu xã hội và mục tiêu kinh doanh, bởi nếu nhà xuất bản chạy theo thị trường mà xa rời mục đích, tôn chỉ của mình thì sẽ bị xã hội đào thải, ngược lại, nếu đáp ứng nhu cầu thị trường một cách có định hướng thì sẽ góp phần tạo dựng nên uy tín và niềm tin vững mạnh trong lòng độc giả. Riêng với biên tập viên, những người lính gác trên mặt trận văn hoá tư tưởng, là “công bộc của nhân dân“ thì càng cần phải nâng cao ý thức nghề nghiệp. Kinh nghiệm sau đây của đồng chí Vũ Cao –Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội (1979-1989) rất đáng để chúng ta quan tâm: “Công tác biên tập rất quan trọng nên các biên tập viên cần làm việc cẩn thận, công tâm. Ta không nên dễ dãi với cuốn sách này mà khắt khe với cuốn khác. Đây là vấn đề phức tạp, nhưng dù phức tạp đến mấy thì cũng phải tìm cách giải quyết thoả đáng“ (Đôi điều suy nghĩ về công tác xuất bản). Ý kiến này rất có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác biên tập sách chuyên đề phóng sự xã hội hiện nay. Vấn đề nâng cao chất lượng loại sách này hơn bao giờ hết cần phải được giải quyết một cách thoả đáng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhà xuất bản, đơn vị làm sách tư nhân và lực lượng biên tập viên. Thông qua việc thực hiện Khoá luận “Tìm hiểu hoạt động biên tâp - xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội“, điều mà tôi học hỏi được không chỉ là cách thức biên tập một loại sách cụ thể cần những thao tác gì, phương pháp ra làm sao...mà quan trọng hơn, đó là bài học về ý thức nghề nghiệp, về sự nghiêm túc, cẩn trọng đối với từng bản thảo. Nghề biên tập là một chức danh cao quý, vậy nên biên tập viên cần lao động xứng đáng với nghề, để ấn tượng của nhà văn Baber cũng như của những cộng tác viên, độc giả chân chính đối với biên tập viên không phải là những “kẻ nguy hiểm“ nữa. LỜI CẢM ƠN 1 MỞ ĐẦU 2 I. Lý do chọn đề tài 2 II. Tình hình nghiên cứu đề tài 5 III. Mục đích, nhiệm vụ của đề tài 5 IV. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu đề tài 6 V. Đối tượng và giới hạn đề tài 6 VI. Kết cấu của đề tài 6 PHẦN NỘI DUNG 7 CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI 7 I. LÝ THUYÊT CHUNG 7 1. Chuyên đề và Sách chuyên đề 7 2. Phóng sự và Phóng sự xã hội 11 3. Sách chuyên đề phóng sự xã hội 15 II. TÌNH HÌNH XUẤT BẢN LOẠI SÁCH CHUYÊN ĐỀ DẠNG TẠP CHÍ VÀ SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY 17 1. Thực trạng hoạt động xuất bản sách chuyên đề dạng tạp chí và sách chuyên đề phóng sự xã hội trong thời gian gần đây 17 2. Các yếu tố dẫn đến việc sách chuyên đề phóng sự xã hội trở thành xu hướng để các nhà xuất bản và đơn vị liên kết chạy theo xuất bản hàng loạt 22 CHƯƠNG II: HOẠT ĐỘNG BIÊN TẬP - XUẤT BẢN SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI CỦA NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG Xà HỘI 26 I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG-Xà HỘI VÀ LOẠI SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI CỦA NHÀ XUẤT BẢN 26 1. Vài nét về Nhà xuất bản Lao động – Xã hội 26 2. Khái quát về các tập sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản 27 II. HOẠT ĐỘNG BIÊN TẬP SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI CỦA NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG-Xà HỘI 29 1. CÔNG TÁC KẾ HOẠCH ĐỀ TÀI 30 2. CÔNG TÁC CỘNG TÁC VIÊN 33 3. CÔNG TÁC BIÊN TẬP 35 3.1. BIÊN TẬP NỘI DUNG 35 3.2. BIÊN TẬP HÌNH THỨC 54 4. CÔNG TÁC PHÁT HÀNH 56 CHƯƠNG III: NHẬN XÉT VỀ SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI CỦA NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG – Xà HỘI VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG LOẠI SÁCH NÀY 58 I. NHẬN XÉT VỀ SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI CỦA NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG – Xà HỘI 58 1. Ưu điểm 58 Thứ tư, về ngôn ngữ, hình ảnh, trang bìa: 63 Tiểu kết: 68 II. NHỮNG KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ Xà HỘI NÓI CHUNG 69 1. Vấn đề quản lý nhà nước: 69 2. Vấn đề biên tập - xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội ở các nhà xuất bản: 71 KẾT LUẬN 76 ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docV0148.doc
Tài liệu liên quan