Lời mở đầu
Vận dụng lý luận của C.Mác vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước Nga, V.I.Lênin đã hoạch định kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. Chính sách kinh tế mới được V.I.Lênin khởi xướng đã đáp ứng được nhu cầu thực hiện kế hoạch đó. Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin đã làm cho nước Nga từ bị tàn phá kiệt quệ trong nội chiến trở nên phát triển nhanh chóng. Nó đã củng cố liên minh giai cấp công nông, tạo tiền đề ban đầu cho việc quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Chính sách kinh tế
15 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1652 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Chính sách kinh tế mới của Lênin (NEP) và sự vận dụng ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
mới có ý nghĩa quốc tế to lớn đối với các nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Thực tế hiện nay nước ta tuy không giống hoàn toàn như nước Nga hồi đầu những năm 20 của thế kỉ XX, nhưng cũng không ít điểm chung, đó là chúng ta cũng đang thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện nền kinh tế hàng hoá, thực hiện Công nghiệp hoá-Hiện đại hoá.
Đảng ta, nhất là từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V đến nay đã thể hiện sự nhận thức và vận dụng quan điểm trong chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin. Để thực hiện thành công mục tiêu, chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đề ra đó, chúng ta không thể không tham khảo kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa đi trước để rút ra lý luận, con đường cho riêng mình. Thực tiến đã chứng minh rằng : Việc vận dụng sáng tạo chính sách kinh tế mới (NEP) của Lênin vào hoàn cảnh nước ta là việc làm cần thiết, kết quả của nó là nền tảng cho chúng ta tực hiện thành công quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nội dung của nó rất phù hợp với điều kiện hiện nay ở nước ta cũng như xu thế chung của thế giới là : hợp tác hoá, da phương hoá, … Do đó, chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin có ý nghĩa thực tiễn to lớn, và việc nghiên cứư đề tài ‘‘Chính sách kinh tế mới của Lênin và sự vận dụng ở Việt Nam’’ là vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Nội dung
I. Cơ sở lý luận : Hoàn cảnh ra đời và nội dung của NEP.
1. Hoàn cảnh ra đời :
Sau cách mạng tháng Mười năm 1917, việc thực hiện kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội của V.I.Lênin bị gián đoạn bởi cuộc nội chiến 1918-1920. Trong thời kỳ này, Lênin đã áp dụng chính sách cộng sản thời chiến. Nội dung cơ bản của chính sách cộng sản thời chiến là trưng thu lương thực của nông dân sau khi dành lại cho họ mức ăn tối thiểu. Đồng thời xoá bỏ quan hệ hàng hoá - tiền tện, xoá bỏ việc tự do mua bán lương thực trên thị trường, thực hiện chế độ cung cấp hiện vật cho quân đội và bộ máy nhà nước. Tuy nhiên khi hoà bình lập lại, chính sách cộng sản thởi chiến không còn thích hợp nữa. Nó trở thành nhân tố kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.Đến cuối năm 1920, đất nước Xôviết chuyển sang giai đoạn xây dựng trong hoà bình từ những điều kiện cực kì khó khăn. Nền kinh tế bị thiệt hại và sa sút nghiêm trọng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Dân số ăn theo chế độ cung cấp của nhà nước ngày càng tăng nhanh trong khi mức cung cấp lương thực ngày càng ít và thấp. Các chỉ tiêu thu mua trưng thu cứ tăng lên, nhưng kết quả cứ giảm xuống. Số lượng giai cấp công nhân đã giảm hơn 1/2, trong đó một bộ phận chuyển về nông thôn. Nông dân ngày càng không bằng lòng vói chính sách của Đảng. Sai lầm trong hoạt động kinh tế gây ra hậu quả nặng nề về chính trị : liên minh công nông đứng trước nguy cơ tan rã, chuyên chính vô sản không được củng cố, vai trò lãnh đạo của Đảng yếu đi. Tình trạng an ninh chính trị và an toàn xã hội ngày càng xấu đi. Đại hội Đảng phải có sự thay đổi cơ bản chính sách kinh tế. Và chính sách kinh tế mới của Lênin ra đời.
2. Nội dung của NEP :
Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a. Chính sách về thuế lương thực :
Theo chính sách này, người nông dân chỉ nộp thuế lương thực với một mức cố định trong nhiều năm. Mức thuế này căn cứ vào điều kiện tự nhiên của đất canh tác. Việc bỏ chế độ trưng thu lương thực bằng việc đặt ra thuế lương thực làm cho mỗi người nông dân ai cũng biết trước số thuế phải nộp và cố gắng sản xuất để vượt mức đó. Việc thay chế độ này cũng tạo cho nông dân quyền tự do lựa chọn hình thức sử dụng ruộng đất, Nhà nước thu thuế dễ dàng, nông dân được khuyến khích sản xuất. Tất cả những cái đó đã tạo điều kiện để tăng cường tích luỹ kinh tế ở nông thôn, là đòn neo mạnh mẽ để khôi phục nông nghiệp sau chiến tranh.
b. Chính sách khôi phục và phát triển sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp thông qua trao đổi sản phẩm giữa nông nghiệp và công nghiệp.
Cơ chế kinh tế hàng hoá này sẽ đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của sản xuất và tiêu dùng của nông dân và xã hội. Thông qua trao đổi hàng hoá thúc đầy quá trình phân công lao động trong nông nghiệp, vừa đi vào chuyên canh vừa phát triển kinh doanh tổng hợp, từ đó khôi phục và phát triển được lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân. Kinh tế hàng hoá là con đường để nhà nước giải quyết vấn đề lương thực một cách vững chắc. Khôi phục và phát triển hàng hoá trong nông nghiệp làm sống động lại các ngành kinh tế và toàn bộ sinh hoạt xã hội ở thành thị và nông thôn.
c. Cơ cấu lại nền sản xuất công nghiệp phù hợp với yêu cầu của nông nghiệp và nông dân.
Một trong những điều kiện để thực hiện trao đổi hàng hoá là cần quỹ hàng công nghiệp có cơ cấu phù hợp với yêu cầu nông thôn. Để thực hiện yêu cầu đó, quán trình khôi phục sản xuất công nghiệp cần theo các hướng sau :
- Khôi phục công nghiệp trên cơ sở kỹ thuật cũ . Đây là một tất yếu khách quan vì điều kiện khó khăn lúc bấy giờ.
- Phạm vi khôi phục sản xuất công nghiệp cân đối với nguồn tài chính, nguyên liệu và nhiên liệu.
-Bước đi của quá trình khoô phục công nghiệp, trước hết là khôi phục công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm là những ngành gắn bó với nông nghiệp về nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
- Chuyển từ cơ chế quản lý tập trung bằng mệnh lệnh sang cơ chế hạch toán kinh tế theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Sử dụng cơ cấu nhiều thành phần trong khôi phục công nghiệp.
d. Tổ chức quá trình lưu thông theo quan điểm mới :
Căn cứ vào thị trường hiện có và tính toán đến các quy luật của nó, chiếm lĩnh thị trường và bằng những biện pháp kinh tế thường xuyên có cân nhắc và đợc xây dựng trên sự kiểm kê chính xác quá trình của thị trờng mà nắm vững việc điều tiết thị trường và lưu thông tiền tệ.
Quan điểm mới của NEP đối với lĩnh vực này phù hợp với yêu cầu chuyển nền kinh tế từ trạng thái hỗn loạn sang quỹ đạo tái sản xuất bình thường, từ phân phối trực tiếp và bao cấp sang kinh tế hàng hoá. Do đó, nội thương trở thành cái mắt xích đặc biệt cần nắm vững trong dây chuyền quản lý, điều tiết hoạt động của nền kinh tế.
e. Ổn định tiền tệ, củng cố nền tài chính Xôviết :
Công tác tài chính được thực hiện qua các biện pháp như kiểm kê và kiểm soát có tác dụng tính toán nhu cầu về tài chính của xí nghiệp. Kiểm soát việc chi tiêu, hạn chế các chi phí cho sản xuất và chi phí cho bộ máy. Nhà nước chủ trương tổ chức tài chính quốc gia, điều tiết giá cả nhằm thiết lập quan hệ kinh tế mới giữa thành thị và nông thôn.
Chính sách tài chính quốc gia thống nhất dựa trên quan điểm tập trung tài chính, tập trung lực lượng của quốc gia cho công cuộc cải cách vì lợi ích của người lao động.
II. Cơ sở thực tiễn : Sự vận dụng thành công chính sách kinh tê mới ở nước Nga Xôviết.
1.Tình hình kinh tế nước Nga Xôviết giai đoạn 1920. Ở giai đoạn này, nền kinh tế nước Nga bị thiệt hại và sa sút nặng nề, biểu hiện cụ thể trên các lĩnh vực sau :
a. Nông nghiệp :
Diện tích gieo trồng, sản lượng ngũ cốc, sản phẩm chăn nuôi đều giảm. Tổng sản lượng nông nghiệp năm 1920 chỉ bằng 60% năm 1913. Dân số là 137 triệu người, bình quân ngũ cốc đầu người năm 1920 là 246 kg, còn trước chiến tranh là 405 kg.
b. Công nghiệp :
Tổng sản lượng công nghiệp năm 1920 so với năm 1917 giảm đi hơn 4 lần. Tỷ trọng sản phẩm công nghiệp trong nền kinh tế năm 1920 là 25%. So với năm 1918, khai thác than đá giảm từ 731 triệu pút xuống 476 triệu pút, đúc gang giảm từ 31,5 triệu pút xuống 7 triệu pút. So với năm 1913, sản xuất đại công nghiệp goảm xuống tới 12,8%, còn công nghiệp giảm xuống tới 44,1%.
c. Giao thông vận tải :
Hệ thống giao thông vận tải bị tàn phá nghiêm trọng, 61% số đầu máy và 28% số toa xe bị phá cùng với 4000 chiếc tàu và các ga kho tàng. So với trước chiến tranh, khối lượng vận chuyển năm 1920 chỉ còn 20%.
d. Tài chính - tín dụng :
Hệ thống tài chính tín dụng lâm vào tình trạng hỗn loạn. Mức dự trữ vàng của ngân hàng giảm sút nghiêm trọng. Khối lượng tiền tệ tăng nhanh đã dẫn đến sự tăng vọt của giá cả. Mức giá trung bình toàn quốc năm 1923 tăng hớn 21 triệu lần so với năm 1913. Do đồng rúp mất giá nhanh nên các địa phương đã tự tạo ra vật ngang giá khác nhau. Đồng thời, xu hướng hiện vật hoá trong nền kinh tế tăng dần lên.
2. Sự áp dụng thành công chính sách kinh tế mới ở nước Nga Xôviết :
Đến cuối năm 1920, nhà nước chỉ sử dụng 1/3 trong tổng số xí nghiệp đã quốc hữu hoá trước kia, số xí nghiệp còn lại thì đóng cửa, tạm ngừng hay cho thuê, tô nhượng. Nhờ thự hiện sự cân đối như vậy nên đã đẩy nhanh việc khôi phục các xí nghiệp tiên tiến, nâng cao công suất sử dụng thiết bị, nâng cao năng suất lao động. Kết qủa trong thời gian 1921 - 1924, tổng sản lượng công nghiệp quốc doanh đã tăng hơn 2 lần, sớm phát huy vai trò của nó trong nền kinh tế
Sau khi chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin ra đời, nhà nước Nga Xôviết tiến hành đổi đơn vị tiền tệ. Lần thứ nhất vào đầu năm 1922, với tỷ lệ 1 rúp mới năm 1922 bằng 10 ngìn rúp cũ. Đến lần thứ 2 vào năm 1923 là 1 rúp bằng 100 rúp năm 1922. Qua 2 lần đổi tiền đã nâng đồng rúp lên 1 triệu lần đồng thời mở rộng phát hành tín phiếu. Bên cạnh việc đổi tiền tháng 10/1922, nhà nước phát hành giấy bạc ngân hàng, gọi là đồng ‘‘checvônet’’được đảm bảo không dưới 25% bằng vàng và bằng ngoại tệ. Đồng ‘‘checvônet’’ nhanh chóng được chấp nhận và có vị trí vững chắc trong lưu thông, bởi vì một mặt nó được bảo đảm bằng vàng, mặt khác nó còn có vật tư và hàng hoá của các tổ chức kinh tế quốc doanh đảm bảo giá trị. Nhờ đó nó trở thành một đồng tiền mạnh, đủ đẩy vàng và ngoại tệ ra khỏi lưu thông; nó trở thành cơ sở tiền tệ ổn đinh làm thứơc đo giá trị cho việc thực hiện hạch toán kinh tế, xác định giá thành giá cả cho việc thanh toán giữa các tổ chức kinh tế với nhau.
Chính sách kinh tế mới của Lênin đã khôi phục được nền kinh tế Xôviết sau chiến tranh. Chỉ trong một thời gian ngắn đã tạo ra một bước phát triển quan trọng biến ‘‘nước Nga đói’’ thành một đất nước có nguồn lương thực dồi dào. Từ đó đã khắc phục được khủng hoảng kinh tế, chính trị, củng cố lòng tin cho nhân dân vào sự thắng lợi tất yếu và bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội theo những nguyên lý mà V.I.Lênin đã vạch ra.
III. Sự vận dụng NEP ở Việt Nam, các phương hướng và giải pháp thực hiện.
1. Thực trạng kinh tế ở Việt Nam.
Sau khi dành được độc lập năm 1945, nước ta phải đương đầu với một nền kinh tế lạc hậu, nông nghiệp yếu kém. Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm diễ ra khắp nơi. Năm 1945 có tới 2 triệu dân chết đói, ruộng đất bị bỏ hoang. Nền tài chính non yếu, nhà nước ta chưa có đồng tiền riêng. Cộng với chế độ quan liêu bao cấp hách dịch cửa quyền trong những năm 1970 - 1080 đã làm cho nền kinh tế nước ta trong mỗi thời kỳ có những khó khăn riêng đòi hỏi phải có sự thay đổi, cải tiến vận dụng các chính sách kinh tế đã được ứng dụng thành công ở các nước Xã hôij chủ nghĩa đi trước.
Qua mỗi giai đoạn, nền kinh tế nước ta có những khó khăn riêng. Chiến tranh chống Mỹ làm cho chúng ta không có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Năm 1975, hoà bình lập lại thì có các chính sách hành chính chưa phù hợp. Nhiều cơ quan nhà nước nhũng nhiễu dân chúng, quan liêu, xa rời nhân dân. Các chính sách kinh tế chỉ tồn tại trên giấy tờ với hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh. Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ thâm hụt vào vốn. Do không thừa nhận các quy luật kinh tế vốn có nên nền kinh tế nước ta trước đổi mới (năm 1986) rất trì trệ, yếu kém. Đó là một nền kinh tế công nông nghiệp lạc hậu, lực lượng sản xuất chưa theo kịp quan hệ sản xuất. Do đó việc áp dụng chính sách kinh tế mới của Lênin đã thành công ở nước Nga - nước có một số điểm giống với Việt Nam - là điều hết sức cần thiết.
2. Vận dụng chính sách kinh tế mới ở Việt Nam :
a. Áp dụng NEP trong giai đoạn 1960 - 1975.
Trong giai đoạn này nước ta tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Công cuộc cải tạo này bao gồm cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân, cải tạo nông nghiệp, cải tạo thủ công nghiệp và cải tạo tiểu thương, trong đó cải tạo nông nghiệp là khâu chính vì nông nghiệp chiếm bộ phận rất quan trọng, nông dân lao động là lực lượng sản xuất lớn. Chúng ta đã dùng con đường hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp cải tạo quan kệ sản xuất với cải tiến kĩ thuật và giáo dục tư tưởng. Con đường hợp tác hoá thủ công nghiệp của ta là thông qua các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã cung tiêu sản xuất và hợp tác xã sản xuất, kết hợp chặt chẽ việc cải tạo quan hệ sản xuất với việc cải tiến sức sản xuất.
Đến cuối năm 1960, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã căn bản được hoàn thành : 85,5% số hộ nông dân đã vào hợp tác xã nông nghiệp theo hình thức thấp và quy mô nhỏ ( 33 ha ruộng đất và 68 hộ một hợp tác xã ), gần 100% số hộ tư sản thuộc diện cải tạo đã được cải tạo; 87,9 % thợ thủ công đi vào con đường làm ăn tập thể; 45,6% số tiểu thương vào hợp tác xã, chuyển được 11.000 người sang sản xuất và một số ít người được tuyển vào làm nhân viên mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán.
Đồng thời trong giai đoạn này, nước ta cũng đang thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nhắm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp hiện đại. Để thực hiện chủ trương trên nhà nước đã dành 48% số vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng công nghiệp, trong đó có tới 78% dành cho công nghiệp nặng. Do đó, trong giai đoạn này giá trị sản lượng công nghiệp và nông nghiệp đều có bước tăng trưởng vượt bậc.
b. Áp dụng NEP vào Việt Nam giai đoạn 1975 - 1986.
Do có sự khủng hoảng của mô hình tập thể hoá nông nghiệp trong giai đoạn 1976 - 1980 nên tháng 1/1981, Ban bí thư trung ương đã ra chỉ thị 100 về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Đây là hình thức quản lý tiến bộ, thích hợp với điều kiện lao động của ta - chủ yếu là lao động thủ công và là hình thức biểu hiện của quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.
Đồng thời với việc củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta còn tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực nông nghiệp ở miền Nam với chủ trương xoá bỏ những tàn dư thực dân và phong kiền về ruộng đất, hợp tác hoá đi đôi với thuỷ lợi hoá và cơ giới hoá.
Trong thời kỳ này, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề phát triển công nghiệp, tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội . Nội dung chính của vấn đề là nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng, kết hợp nông nghiệp và công nghiệp trong một cơ cấu công nông nghiệp hợp lý.
c. Áp dụng NEP từ 1986 đến nay. Phương hướng và giải pháp thực hiện.
Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chính sách kinh tế mới và những tư tưởng cơ bản của Lênin đã được chúng ta nhìn nhận đúng đắn theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mình.
Nước ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước phong kiến với nền nông nghiệp lạc hậu, lực lượng sản xuất yếu kém thì chưa thể xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa lớn mạnh ngay được. Chính vì vậy cần có một thời gian quá độ để xây dựng cơ sở hạ tầng , vật chất kỹ thuật tiên tiên, lực lượng sản xuất tiến bộ. Chính sách kinh tế mới của Lênin là một cơ sở lý luận và là công cụ thực hiện quá độ có vai trò rất quan trọng đã được Đảng ta vận dụng.
Thực tiễn cho thấy rằng, không thể giải quyết được những vấn đề cấp bách trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế bằng các chủ trương, biện pháp dựa trên tư duy kinh tế cũ, mang đầy tính bị động và đối phó với tình hình. Bởi vậy, đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.
Nghị quyết Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng ta khẳng định là phải vận dụng sáng tạo và tiến tục phát triển chủ nghĩa Mac-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng của Lênin về chính sách kinh tế mới.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII một lần nữa khẳng định đường lối đổi mới mà chúng ta đã thực hiện trong 10 năm qua và cụ thể hoá đường lối đó, Đảng đã chỉ rõ xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay là : Thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Lấy việc giải phóng sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là mục tiêu hàng đầu trong việc khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và hình thức tổ chức kinh doanh.
Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan. Vận dụng chính sách kinh tế mới đòi hỏi phải sử dụng đúng đắn quy luật giá trị, quan hệ hàng tiền, tạo hành lang pháp lý, tự do buôn bán và kinh doanh tư nhân trên cơ sở thiết lập sự điều tiết của nhà nước trên cơ sỏ hợp lý. Thêm vào đó, về mặt phương pháp lãnh đạo và quản lý kinh tế, chúng ta dứt khoát từ bỏ con đường mệnh lệnh hành chính, từ bỏ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp dể chuyển sang phương pháp hạch toán kinh tế là chủ yếu, trên cơ sở kết hợp giải quyết một cách có căn cứ lý luận và thực tiễn những vấn đề cấp bách với những vấn đề mang tính chíên lược lâu dài.
Đảng ta đã tiến hành thảo luận dân chủ nghiêm túc trên cơ sở khái quát lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiến và đi đến quyết định thực hiện chủ trương :
- Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã.
Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế hợp tác xã dần dần trở thành nền tảng tạo điều kiện kinh tế pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư, làm ăn kâu dài. Mở rộng các hình thức liên doanh liên kết giữa kinh tế nhà nước với các thành phần kinh tế khác cả trong và ngoài nước.
- Ngoài hình thức kinh tế tư bản nhà nước chúng ta có thể áp dụng quan hệ hàng hoá tiền tệ trong đổi mởi cơ chế quản lý kinh tế, chú ý vận dụng các hình thức quan hệ hàng tiền, thúc đẩy sản xuất hàng hoá nhỏ phát triển và hình thành hệ thống phân công lao động và quan hệ trao đổi sản xuất hàng hoá lớn. Hiện nay lưu thông hàng hoá còn chiếm ưu thế so với sản xuất hàng hoá. Do diểm xuất phát là nền nông nghiệp lạc hậu, kinh tế tự cung tự cấp còn lớn, nên sự phát triển của lưu thông và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hoá là hợp quy luật, phát triển ngoại thương để thúc đẩy kinh tế trong nước là tính quy luật phát triển nước ta.
-Cuối cùng vấn đề vận dụng chính sách kinh tế mới ở nước ta hiện nay là cần phải nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước vững mạnh, có hiệu quả.
Đây cũng là yêu cầu để phát huy năng lực sáng tạo, tính chủ động của quần chúng nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, động viên họ tham gia trực tiếp vào công tác quản lý, về sự khắc phục triệt đểmọi biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu trong các tổ chức Đảng và chính quyền trong những năm thực hiện chính sách kinh tế mới hiện vẫn là cơ sở để chúng ta khẳng định tính đúng đắn của sự kết hợp đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Những tư tưởng đó của Lênin cho thấy rõ, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị có quan hệ biện chứng, có tác động qua lại lần nhau, là tiền đề của nhau. Do đó, ngay từ đầu, giữa chúng phải có sự kết hợp chặt chẽ, trong đó đổi mới kinh tế phải được coi là trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị.
d. Một số thành tựu kinh tế nước ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới :
Sau hơn 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, với 2 kế hoạch 5 năm từ 1986 đến nay, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể như sau :
- Nhịp độ phát triển kinh tế khá nhanh và ổn định. Tính chung trong 5 năm, GDP tăng hàng năm 4,9% (thời kỳ 1986 - 1990) và 8,2% (thời kỳ 1991 - 1995) - kế hoạch đề ra là 5,5 - 6,5%. Cũng trong 5 năm (1991 - 1995) hàng năm nông nghiệp tăng 4,5%, công nghiệp tăng 13,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 20%. Nước ta trở thành nước xuất khâur gạo lớn thứ 2 thế giới.
- Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP đã tăng từ 22,6% (1990) lên 30,3% (1995), tỷ trọng dịch vụ từ 38,6% lên 42,5%, tỷ trọng nông nghiệp đã giảm từ 40,6% (1990) xuống còn 36,2% (1994). Cơ cấu các thành phần kinh tế trong GDP cũng có sự chuyển đổi từ quốc doanh, hợp tác xã sang đa thành phần, nhưng vai trò chủ đạo của kinh té quốc doanh vẫn được tăng cường, tỷ trọng kinh tế quốc doanh trong GDP từ 29,4% (1990) lên 40,4% (1994).
-Kiềm chế và đẩy lùi được nạn siêu lạm phát. Đến nay lạm phát đã được kiềm chế ở mức tương đối ổn định.
Kết luận
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử, là thời kì diễn ra những cải biến cách mạng sâu sắc và toàn diện đòi hỏi chúng ta phải trải qua những bước đi trung gian, quá độ khác nhau. Thực tiễn của hơn 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đã cho chúng ta thấy rõ từ một nước nông nghiệp lạc hậu không thể quá độ thẳng trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta cần thực hiện tốt kinh tế hàng hoá nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thừ nhận các quy luật của hàng hoá tiền tệ, đẩy mạnh hình thức kinh tế hợp tác, kinh tế tư bản nhà nước nhằm thu hút vồn đầu tư của nước ngoài.
Đổi mới tư duy kinh tế, trau dồi chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là vấn đề không kém phần quan trọng. Bài học kinh nghiệm xương máu của việc tiến hành ‘‘công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa’’ trong nhiều năm trước đổi mới cũng cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Chính vì vậy, trong thời đại ngày nay, con đường đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc không thể là con đường nào khác ngoài việc vận dụng và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng của Lênin về chính sách kinh tế mới, nhằm sáng tạo ra nhiều hình thức quá độ, nhiều nấc thang trung gian phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta. Việc vận dụng và phát triển chính sách kinh tế mới một cách sáng tạo cần phải được coi là cơ sở lý luận của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, của giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Danh sách tài liệu tham khảo :
1. Giáo trình Kinh tế chính trị Mac - Lênin, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
2. Bài giảng Kinh tế chính trí của giảng viên : Nguyễn Tiến Long.
3. Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
4. Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng III, V, VIII, IX.
5. Cuốn ‘‘Chính sách kinh tế mới của Lênin. Sự vận dụng ở nước ta’’ của tác giả Trần Ngọc Hiên.
Bộ Giáo dục & Đào tạo
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Tiểu luận
Kinh tế chính trị
Đề tài :
Chính sách kinh tế mới của Lênin và sự vận dụng ở Việt Nam.
Người viết : Võ Thị Mai Linh
Lớp : Tài chính doanh nghiêp B - Khoá : 48
Ngành : Ngân hàng - Tài chính
Người hướng dẫn : Nguyễn Tiến Long.
Hà Nội, 5/2007.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 35867.doc