Mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trách nhiệm hình sự là một trong những chế định cơ bản, trung tâm và quan trọng nhất của luật hình sự Việt Nam. Tính chất và mức độ thể hiện của các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam như pháp chế, nhân đạo, dân chủ xã hội chủ nghĩa... phụ thuộc chủ yếu vào việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự.
Bộ luật hình sự năm 1999, kế thừa và phát triển Bộ luật hình sự năm 1985, là bước phát triển mới trong việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự tro
165 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1929 | Lượt tải: 4
Tóm tắt tài liệu Chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ng luật hình sự nước ta. Nhiều quy phạm của chế định trách nhiệm hình sự đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho các cơ quan áp dụng pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Tuy nhiên, một số quy phạm của chế định trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự hiện hành, ở các mức độ khác nhau, vẫn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót nhất định. Mặt khác, công tác giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức nên một số quy phạm pháp luật hình sự, trong đó có các quy phạm của chế định trách nhiệm hình sự, còn có những nhận thức không thống nhất, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật trong hoạt động thực tiễn.
Thời gian qua đã có nhiều công trình nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự của các tác giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều nội dung của chế định trách nhiệm hình sự còn có những nhận thức khác nhau. Mặt khác, cùng với sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, nhiều vấn đề của luật hình sự, trong đó có vấn đề trách nhiệm hình sự, cũng luôn vận động và phát triển đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.
Trước tình hình đó, việc nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp để tiếp tục hoàn thiện Bộ luật hình sự hiện hành và giải quyết những vướng mắc của thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự là việc làm cần thiết, không những có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa cả về thực tiễn trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.
Tất cả những điều trên đây là lý do luận chứng để chúng tôi lựa chọn vấn đề "Chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam" làm đề tài nghiên cứu khoa học cho luận án tiến sĩ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Trách nhiệm hình sự là một trong những vấn đề cơ bản, phong phú và phức tạp của luật hình sự nên từ trước đến nay luôn được các nhà luật hình sự trên thế giới và trong nước quan tâm.
ở Liên Xô trước đây đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về vấn đề trách nhiệm hình sự, điển hình là các công trình: "Trách nhiệm hình sự và cơ sở của trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Xô viết" (1963) của Brainhin Ia. M; "Nhân thân người phạm tội và trách nhiệm hình sự" (1968) của Lêikina N. X; "Trách nhiệm hình sự và cấu thành tội phạm" (1974) của Karpusin M. P., Kurlianđxki V. I; "Trách nhiệm hình sự và hình phạt" (1976) của Bagri-Sakhmatôv L. V; "Những vấn đề lý luận của trách nhiệm hình sự" (1982) của Xantalôv A. I. v.v...
ở nước ta, cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về các nội dung liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự. Đáng chú ý là những công trình sau:
- Hoàn thiện các quy phạm về trách nhiệm hình sự - yếu tố cơ bản và quan trọng nhất trong việc bảo vệ con người bằng pháp luật hình sự (Tạp chí Tòa án nhân dân, các số 2, 3, 4/1990); Chế định trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự năm 1999 (Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 4/2000); Trách nhiệm hình sự của pháp nhân: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Tạp chí Tòa án nhân dân, số 3/2000); Những vấn đề lý luận cơ bản về trách nhiệm hình sự, Chuyên khảo thứ hai (trong sách Các nghiên cứu chuyên khảo về Phần chung Luật hình sự, Tập III, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2000) của TSKH Lê Cảm.
- Tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1991; Một số hình thức đặc biệt của tội phạm (trong sách Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994); Cấu thành tội phạm - lý luận và thực tiễn, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2004 của PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa.
- Hoàn thiện chế định cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự (Tạp chí Luật học, số 6/1996); Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự (Tạp chí Luật học, số 5/1997); Về trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt (Tạp chí Luật học, số 4/2002) của TS. Lê Thị Sơn.
- Trách nhiệm hình sự và hình phạt của tập thể tác giả do PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2001.
- Trách nhiệm hình sự và hình phạt của TS. Trương Quang Vinh (trong sách Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2000).
- Trách nhiệm hình sự của PGS.TS Trần Văn Độ (trong sách Giáo trình luật hình sự Việt Nam Phần chung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001)...
Các công trình nghiên cứu khoa học trên đã đưa ra bàn luận và giải quyết nhiều vấn đề bức xúc mà lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đặt ra. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của các công trình này cũng cho thấy, chế định trách nhiệm hình sự mặc dù là một trong những chế định cơ bản, quan trọng nhất của luật hình sự nhưng cũng là một trong những chế định còn nhiều nội dung chưa đạt đến sự đồng thuận và gây tranh luận sôi nổi nhất trong giới khoa học luật hình sự từ trước đến nay.
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
* Mục đích:
Mục đích của luận án là làm sáng tỏ một cách có hệ thống về mặt lý luận những nội dung cơ bản của chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam, xác định những bất cập để đề xuất những giải pháp cụ thể, góp phần tiếp tục hoàn thiện chế định này trong thời gian tới. Đồng thời, luận án cũng nhằm giải quyết một số vướng mắc trong việc áp dụng các quy phạm của chế định trách nhiệm hình sự, góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm ở nước ta hiện nay.
* Nhiệm vụ:
Với mục đích nghiên cứu trên, luận án tập trung vào việc giải quyết những nhiệm vụ sau:
Về mặt lý luận:
Trên cơ sở nghiên cứu sự phát triển của chế định này trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, đồng thời so sánh chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam với chế định trách nhiệm hình sự trong luật hình sự một số nước, làm sáng tỏ bản chất pháp lý của chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam.
Về mặt thực tiễn:
Nghiên cứu việc áp dụng các quy phạm pháp luật của chế định trách nhiệm hình sự trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự nước ta. Trên cơ sở phân tích những thiếu sót, khuyết điểm và những vướng mắc của việc áp dụng pháp luật hình sự liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm góp phần tạo sự nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất.
* Đối tượng nghiên cứu:
Luận án nghiên cứu chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam. Cụ thể là nghiên cứu các vấn đề như: Khái niệm trách nhiệm hình sự; mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự với miễn trách nhiệm hình sự; cơ sở của trách nhiệm hình sự; trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp đặc biệt như: trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong trong tình trạng say; trách nhiệm hình sự của người chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt; trách nhiệm hình sự trong đồng phạm; trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội.
Chế định trách nhiệm hình sự liên quan đến nhiều vấn đề khác của luật hình sự và luật tố tụng hình sự như hình phạt, quyết định hình phạt, các giai đoạn thực hiện tội phạm, đồng phạm, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, các biện pháp ngăn chặn và các biện pháp cưỡng chế hình sự khác... Việc đề cập đến các vấn đề trên của luật hình sự và luật tố tụng hình sự cũng chỉ nhằm giải quyết một cách có hệ thống và làm rõ hơn chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam.
* Phạm vi nghiên cứu:
Luận án nghiên cứu chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam dưới góc độ của luật hình sự. Đồng thời, cũng đề cập đến một số quy phạm của luật tố tụng hình sự nhằm giải quyết nhiệm vụ và đối tượng nghiên cứu.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
Cơ sở lý luận của luận án là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng về Nhà nước, pháp luật, về tội phạm, hình phạt; những thành tựu của các khoa học triết học, lịch sử các học thuyết chính trị và pháp lý, luật hình sự, luật tố tụng hình sự, lôgíc học... Luận án được trình bày trên cơ sở nghiên cứu các văn bản pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các văn bản pháp lý khác; những luận điểm khoa học trong các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước.
Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận án đặc biệt chú trọng các phương pháp nghiên cứu như phương pháp hệ thống, lịch sử, lôgíc, phân tích, so sánh, tổng hợp để chọn lọc kinh nghiệm thực tiễn, tri thức khoa học trong và ngoài nước.
5. Những đóng góp mới của luận án
Đây là luận án tiến sĩ luật học đầu tiên trong khoa học luật hình sự đề cập đến việc nghiên cứu một cách có hệ thống chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam. Luận án đã có một số đóng góp sau đây:
- Phân tích một cách có hệ thống và cố gắng làm rõ những vấn đề cơ bản của chế định trách nhiệm hình sự như: Khái niệm trách nhiệm hình sự; mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự; cơ sở của trách nhiệm hình sự; trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp đặc biệt như: trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong tình trạng say; trách nhiệm hình sự của người chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt; trách nhiệm hình sự trong đồng phạm; trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội theo luật hình sự Việt Nam. Với việc phân tích, lý giải và rút ra một số kết luận khoa học, luận án góp phần xác định cơ sở khoa học cho việc nhận thức chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam được thống nhất, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta.
- Luận án nghiên cứu khái quát việc áp dụng chế định trách nhiệm hình sự trong hoạt động thực tiễn ở nước ta, phân tích một số điểm chưa phù hợp của Bộ luật hình sự và một số vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự liên quan đến việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự, qua đó góp phần đánh giá đúng thực trạng tình hình áp dụng pháp luật hình sự liên quan đến việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự ở nước ta trong thời gian qua. Luận án cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm góp phần giải thích, hướng dẫn áp pháp luật hình sự được thống nhất, đồng thời nêu ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự hiện hành liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm.
6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Những kết quả nghiên cứu của luận án có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng sau:
Về mặt lý luận:
Luận án này là công trình nghiên cứu chuyên khảo đề cập riêng đến việc phân tích có hệ thống những nội dung cơ bản của chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam với những đóng góp về mặt khoa học đã nêu trên.
Về mặt thực tiễn:
Luận án góp phần vào việc xác định đúng đắn nội dung, cơ sở, điều kiện của việc truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm ở nước ta.
Ngoài ra, luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành luật ở nước ta.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm có 3 chương, 8 mục.
Chương 1
Khái niệm trách nhiệm hình sự và mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự với miễn trách nhiệm hình sự
1.1. Khái niệm trách nhiệm hình sự
Trong sách báo cũng như thực tiễn chính trị, pháp lý, thuật ngữ "trách nhiệm" thường được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, trách nhiệm là nghĩa vụ, bổn phận của một người trước người khác, trước xã hội hoặc Nhà nước. Ví dụ, trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ môi trường sống; trách nhiệm của bố mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục con cái v.v... Thứ hai, trách nhiệm là hậu quả bất lợi mà một người phải gánh chịu trước người khác, trước xã hội hoặc Nhà nước do đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ, bổn phận nào đó.
Trách nhiệm pháp lý, trong đó có trách nhiệm hình sự, được dùng theo nghĩa thứ hai. Tuy nhiên, cho đến nay, xung quanh khái niệm trách nhiệm hình sự vẫn còn những quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất: Trách nhiệm hình sự là một loại quan hệ pháp luật giữa Nhà nước và người phạm tội. Trách nhiệm hình sự là nghĩa vụ phải chịu các biện pháp cưỡng chế nhà nước của người phạm tội do việc người đó thực hiện tội phạm. Thời điểm người phạm tội thực hiện tội phạm là thời điểm bắt đầu trách nhiệm hình sự [55, tr. 73], [66, tr. 32], [67, tr. 31-32].
Quan điểm thứ hai: Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của Nhà nước và người phạm tội, được thể hiện ở các biện pháp tác động có tính chất pháp lý hình sự mà luật hình sự quy định, áp dụng đối với người thực hiện tội phạm, bao gồm hình phạt và các biện pháp tác động có tính chất pháp lý hình sự khác không phải hình phạt và được bắt đầu từ khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người [27, tr. 8], [79, tr. 335; 348].
Quan điểm thứ ba: Trách nhiệm hình sự là việc thực hiện chế tài pháp lý hình sự, phát sinh từ khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội [49, tr. 59], [75, tr. 61].
Quan điểm thứ tư: Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc phạm tội, kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự và được thể hiện trước hết ở việc kết án của Tòa án, nhân danh Nhà nước, đối với người phạm tội [13, tr. 124], [20, tr. 91], [32, tr.14], [62, tr. 39-40], [81, tr. 24].
Về vấn đề án tích có thuộc nội dung của trách nhiệm hình sự không, trong khoa học luật hình sự cũng có hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất: án tích không phải là sự thể hiện nội dung của trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự kết thúc từ thời điểm một người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành hình phạt [20, tr. 89], [53, tr. 166], [60, tr. 92], [65, tr. 124], [69, tr. 9], [71, tr. 44], [74, tr. 12].
Quan điểm thứ hai: án tích là một trong những hình thức thể hiện trách nhiệm hình sự. Thời điểm một người được xóa án tích là thời điểm kết thúc của trách nhiệm hình sự [13, tr. 128], [26, tr. 126], [55, tr. 61-62], [80, tr. 30], [88, tr.155], [90, tr. 35-38].
Trước hết, về quan điểm coi trách nhiệm hình sự là nghĩa vụ phải chịu các biện pháp cưỡng chế nhà nước của người phạm tội do việc người đó thực hiện tội phạm và bắt đầu từ thời điểm người phạm tội thực hiện tội phạm.
Về bản chất, nghĩa vụ pháp lý và trách nhiệm pháp lý là khác nhau. Khi đề cập đến nghĩa vụ pháp lý của một người là đề cập đến khả năng người đó có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý, còn khi nói đến trách nhiệm pháp lý của một người chính là nói đến việc thực hiện nghĩa vụ pháp lý của người đó trái với ý chí của họ. Trách nhiệm hình sự, với tính cách là một dạng của trách nhiệm pháp lý, không phải là nghĩa vụ mà một người có thể phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi do việc người đó thực hiện tội phạm mà chính là việc phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi của người phạm tội trước Nhà nước trong tình trạng bị cưỡng chế do việc người đó đã thực hiện tội phạm. Đúng như Bratux X. N. đã viết:
Trách nhiệm - đó không phải là nghĩa vụ phải chịu những hậu quả phát sinh từ sự vi phạm pháp luật mà chính là hậu quả của nó trong tình trạng bị cưỡng chế... Trách nhiệm - đó là nghĩa vụ đã được thực hiện bằng cưỡng chế. Nghĩa vụ thì có thể được thực hiện hoặc không được thực hiện, nhưng khi đã bắt đầu trách nhiệm, nghĩa là khi bộ máy cưỡng chế đã đi vào hoạt động thì người có trách nhiệm không được lựa chọn. Người đó không thể không thực hiện hành vi tạo thành nội dung của nghĩa vụ phải thực hiện [57, tr. 103].
Thời điểm người phạm tội thực hiện tội phạm là thời điểm bắt đầu phát sinh mối quan hệ pháp luật hình sự giữa Nhà nước và người phạm tội. Từ khi đó, Nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết, có quyền buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Người phạm tội có nghĩa vụ phải chịu các biện pháp cưỡng chế, chịu trách nhiệm hình sự do Nhà nước áp dụng. Nhưng nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hình sự của người phạm tội sẽ không được thực hiện trên thực tế nếu tội phạm không bị phát hiện, tội phạm đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự.
Người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Giống với người phải chịu trách nhiệm hình sự, người được miễn trách nhiệm hình sự là người đã thực hiện tội phạm, nghĩa là đã thực hiện hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm được luật hình sự quy định. Từ thời điểm thực hiện tội phạm, người phạm tội có nghĩa vụ phải gánh chịu hậu quả bất lợi là trách nhiệm hình sự, nhưng vì có những căn cứ để được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự, người đó lại được miễn trách nhiệm hình sự. Đối với người được miễn trách nhiệm hình sự, nghĩa vụ phải chịu hậu quả bất lợi đã không trở thành hậu quả bất lợi thực tế mà người đó phải chịu.
Như vậy, trách nhiệm hình sự chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội nhưng không có nghĩa người phạm tội nào cũng đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong nhiều trường hợp, theo quy định của pháp luật hình sự, người phạm tội không bị buộc phải chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, không thể đồng nhất nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hình sự mà một người phải chịu trên thực tế do việc thực hiện tội phạm.
Về quan điểm cho rằng, trách nhiệm hình sự bao gồm các biện pháp tác động có tính chất pháp lý hình sự, bắt đầu từ khi truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo chúng tôi, quan điểm này cũng cần được xem xét lại vì chứa đựng những mâu thuẫn khó giải quyết. Đúng là từ thời điểm khởi tố bị can, nghĩa là thời điểm bắt đầu của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với người phạm tội (thậm chí có những biện pháp cưỡng chế còn được áp dụng đối với một người trước khi người đó có thể bị khởi tố bị can. Ví dụ, biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, tạm giữ). Tuy nhiên, các biện pháp cưỡng chế mà các cơ quan có thẩm quyền áp dụng đối với một người trước khi người đó có thể bị Tòa án kết án bằng bản án kết tội không phải là sự thể hiện nội dung của trách nhiệm hình sự nếu sau đó các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã ra các quyết định như: quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án vì hành vi của bị can không cấu thành tội phạm; quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án vì có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can hoặc Tòa án tuyên bố bị cáo vô tội hoặc tuyên bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự tại phiên tòa.
Nếu như chấp nhận quan điểm cho rằng, trách nhiệm hình sự bắt đầu từ khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người, nghĩa là từ khi khởi tố bị can, thì trong trường hợp này, phải chăng trước khi có bản án mà Tòa án tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với một người, người đó đã phải chịu một phần trách nhiệm hình sự? Điều này khó có thể được coi là phù hợp. Khi nói đến miễn trách nhiệm hình sự là nói đến miễn toàn bộ hậu quả pháp lý thể hiện nội dung của trách nhiệm hình sự mà đáng ra người phạm tội phải chịu trước Nhà nước chứ không phải là miễn một phần trách nhiệm hình sự. Một người đã phải chịu trách nhiệm hình sự thì không thể nói đến miễn trách nhiệm hình sự đối với người đó nữa. Nếu người phạm tội đã phải chịu trách nhiệm hình sự trước khi có bản án của Tòa án, thì Tòa án sẽ không thể nhân danh Nhà nước tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối người đó tại phiên tòa.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nước ta, trước khi bị kết tội, một người có thể đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng những biện pháp ngăn chặn như: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Những biện pháp này được áp dụng nhằm mục đích ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án. Về bản chất, các biện pháp ngăn chặn không phải là sự thể hiện của trách nhiệm hình sự mà chỉ là các biện pháp cưỡng chế có tính chất tố tụng hình sự để ngăn chặn tội phạm, bảo đảm hiệu quả của việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm hình sự sau này (bảo đảm thi hành án). Mặc dù các biện pháp ngăn chặn chỉ có thể được áp dụng đối với người phạm tội, nhưng chúng không phải là hậu quả tất yếu của việc phạm tội. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng có áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với một người hay không không phải là do đã xác định được người đó phạm tội hay không phạm tội mà là ở chỗ có căn cứ để chứng tỏ, nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì người đó có thể sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội hoặc sau này việc thi hành án sẽ gặp khó khăn. Một người đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn vẫn có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu sau đó xác định được có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự đối với người đó. Ngược lại, một người có thể không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu sau đó Tòa án tuyên bản án kết tội đối với người đó và bản án đó có hiệu lực pháp luật. Bản thân thuật ngữ "các biện pháp ngăn chặn" đã nói lên tính chất phòng ngừa của các biện pháp này, đúng như Enhikêev Z. Đ. đã viết: "Các biện pháp ngăn chặn là một phạm trù tố tụng thuần túy, có ý nghĩa phòng ngừa" [61, tr. 64].
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các biện pháp ngăn chặn mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội trước khi có bản án kết tội của Tòa án không có ảnh hưởng gì đến trách nhiệm hình sự mà người phạm tội phải chịu sau đó. Một số biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người phạm tội cũng có thể chuyển thành bộ phận cấu thành của việc thực hiện trách nhiệm hình sự nếu người đã bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn sau đó đã bị Tòa án kết án bằng bản án kết tội có kèm theo việc quyết định một số loại hình phạt nhất định. Theo Điều 31 Bộ luật hình sự, nếu người bị kết án cải tạo không giam giữ đã bị tạm giữ, tạm giam trước khi chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ. Còn theo Điều 33 Bộ luật hình sự, nếu người bị kết án phạt tù có thời hạn đã bị tạm giữ, tạm giam trước khi chấp hành hình phạt tù thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù.
Như vậy, khi người phạm tội bị Tòa án kết tội bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật thì các biện pháp tạm giữ, tạm giam đã áp dụng đối với người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn được chuyển thành một bộ phận cấu thành của việc chấp hành hình phạt, nghĩa là chuyển thành một bộ phận của việc thực hiện trách nhiệm hình sự.
Cũng giống các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp tư pháp cũng có thể được áp dụng đối với người phạm tội trước khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nhưng bản thân việc áp dụng các biện pháp tư pháp không phải bao giờ cũng thuộc nội dung của việc thực hiện trách nhiệm hình sự. Người bị áp dụng biện pháp tư pháp vẫn có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự. Thậm chí, biện pháp tư pháp có thể áp dụng cả đối với người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Ví dụ, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật hình sự, biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh được áp dụng cả đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 44 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội đã bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh mà sau đó bị kết án phạt tù thì "thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù". Điều này chứng tỏ việc thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh của người phạm tội trước khi bị kết án, giống như biện pháp tạm giữ, tạm giam, cũng có thể được chuyển thành một bộ phận của việc thực hiện trách nhiệm hình sự.
Theo khoản 4 Điều 69 Bộ luật hình sự, khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. Thực chất, đây là quy định về việc Tòa án không áp dụng hình phạt mà áp dụng các biện pháp tư pháp thay thế hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong trường hợp này, người chưa thành niên phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, vẫn phải chịu sự lên án của Nhà nước mà Tòa án là người đại diện tuyên bản án kết tội tại phiên tòa (chịu sự kết tội bằng bản án kết tội của Tòa án) và các biện pháp tư pháp do Tòa án áp dụng cũng tạo thành bộ phận cấu thành của việc thực hiện trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, mặc dù theo quy định tại khoản 2 Điều 77 Bộ luật hình sự, người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng thì không bị coi là có án tích.
Về quan điểm coi trách nhiệm hình sự là việc thực hiện chế tài pháp lý hình sự, phát sinh từ khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội.
Quan điểm này thực chất đã thu hẹp nội dung của trách nhiệm hình sự. Như chúng ta đã biết, trong số các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước có tính chất pháp lý hình sự áp dụng đối với người phạm tội thì hình phạt là biện pháp cưỡng chế chủ yếu và nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự và hình phạt là những khái niệm không đồng nhất. Trách nhiệm hình sự là một chế định pháp lý, còn hình phạt chỉ là một trong những biện pháp để thực hiện, để cụ thể hóa trách nhiệm hình sự. Trong Bộ luật hình sự nước ta, thuật ngữ "trách nhiệm hình sự" và "hình phạt" cũng đã được phân biệt qua một số quy định cụ thể. Điều 2 Bộ luật hình sự quy định: "Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự". Đoạn cuối Điều 26 Bộ luật hình sự quy định: "Hình phạt... do Tòa án quyết định". Điều 25 Bộ luật hình sự quy định về "miễn trách nhiệm hình sự", Điều 54 Bộ luật hình sự quy định về "miễn hình phạt". Sự tồn tại của thuật ngữ "miễn hình phạt" cùng với thuật ngữ "miễn trách nhiệm hình sự" trong Bộ luật hình sự cũng đã phản ánh sự không đồng nhất của hai khái niệm trách nhiệm hình sự và hình phạt trong luật hình sự nước ta.
Khái niệm trách nhiệm hình sự là khái niệm rộng hơn khái niệm hình phạt. Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc phạm tội được áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội, còn hình phạt chỉ là một trong những biện pháp cưỡng chế chủ yếu của trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự, theo luật hình sự Việt Nam, đã được phân ra thành hai loại: loại có hình phạt và loại không có hình phạt (miễn hình phạt). Trong trường hợp có hình phạt, trách nhiệm hình sự mà người phạm tội phải chịu trước hết thể hiện ở bản án kết tội kèm theo việc quyết định hình phạt của Tòa án đối với người phạm tội. Người phạm tội không chỉ bị kết tội, "bị coi là có tội" mà còn phải chịu hình phạt do Tòa án quyết định trong bản án kết tội đó. Trong trường hợp miễn hình phạt, trách nhiệm hình sự được thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án mà không có quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Người phạm tội bị Tòa án, nhân danh Nhà nước, kết án vì đã thực hiện hành vi phạm tội. Với bản án kết tội có hiệu lực pháp luật, người phạm tội chính thức "bị coi là có tội" nhưng người đó không bị Tòa án quyết định hình phạt mà được miễn hình phạt.
Vì những lẽ đó, không thể coi trách nhiệm hình sự là việc thực hiện chế tài pháp lý hình sự, phát sinh từ khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội.
Theo quan điểm chúng tôi, để xác định khái niệm trách nhiệm hình sự trước hết phải làm rõ các đặc điểm vốn có của nó.
Đặc điểm thứ nhất: Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi bị luật hình sự coi là tội phạm.
Trách nhiệm hình sự là một loại trách nhiệm pháp lý chỉ có thể được áp dụng đối với người thực hiện hành vi bị luật hình sự coi là tội phạm, nghĩa là việc thực hiện hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được quy định trong luật hình sự. Không có việc thực hiện hành vi bị luật hình sự coi là tội phạm thì không thể có trách nhiệm hình sự.
Trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự, để quy kết hành vi nào đó là tội phạm và buộc người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự, người áp dụng pháp luật phải trên cơ sở đối chiếu hành vi đã thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, chứ không được áp đặt theo ý thức chủ quan, bất chấp những quy định của pháp luật. Nếu trong quá trình áp dụng pháp luật, người áp dụng pháp luật xác định được hành vi của một người thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được Bộ luật hình sự quy định thì mới có thể kết luận hành vi đó là tội phạm và mới có thể buộc người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo luật hình sự nước ta, Bộ luật hình sự là văn bản pháp lý duy nhất quy định hành vi nào đó là tội phạm. Nếu không được quy định trong Bộ luật hình sự thì một hành vi dù nguy hiểm cho xã hội đến đâu cũng không thể bị coi là tội phạm và người thực hiện hành vi không thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tội phạm là hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự. Điều này có nghĩa là các dấu hiệu pháp lý của từng tội phạm cụ thể được quy định ở cả Phần chung và Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Phần chung Bộ luật hình sự không chỉ quy định khái niệm tội phạm mà còn quy định các dấu hiệu có ý nghĩa xác định chung đối với mọi tội phạm như: nội dung của lỗi cố ý và lỗi vô ý, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, vấn đề năng lực trách nhiệm hìn._.h sự, các dấu hiệu của chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và trách nhiệm hình sự của người chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, các dấu hiệu đồng phạm và các loại người đồng phạm, v.v... Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự quy định về các cấu thành tội phạm cụ thể, trong đó xác định các dấu hiệu pháp lý của từng tội phạm cũng như loại và mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội đó.
Theo luật hình sự Việt Nam, tội phạm là hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự. Những vi phạm pháp luật không phải tội phạm, về hình thức, cũng có thể có các dấu hiệu gần giống với tội phạm (cả về khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của hành vi vi phạm). Trong trường hợp này, yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định để phân biệt tội phạm và các vi phạm khác lại là yếu tố tính nguy hiểm (tính chất và mức độ nguy hiểm) cho xã hội của hành vi có đáng kể hay không. Nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội đáng kể thì hành vi đó là tội phạm và người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì hành vi đó chỉ là vi phạm pháp luật và người thực hiện hành vi chỉ có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý khác ngoài trách nhiệm hình sự.
Xác định hành vi thực hiện có tính nguy hiểm cho xã hội đáng kể là yếu tố cần thiết, quan trọng để xác định tội phạm. Trên cơ sở đó buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong quá trình làm luật, nhà làm luật đã cố gắng đưa ra những tiêu chí (dấu hiệu) cụ thể để xác định tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đáng kể của nhiều loại tội phạm, giúp cho các cơ quan áp dụng pháp luật và người áp dụng pháp luật có cơ sở để đánh giá, phân định giữa hành vi đến mức nào là nguy hiểm đáng kể cho xã hội bị coi là tội phạm với hành vi nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, không phải tội phạm. Tuy nhiên, khó có thể quy định được hết các tiêu chí đánh giá cụ thể về tính nguy hiểm cho xã hội đáng kể trong tất cả các loại tội phạm. Trong những trường hợp điều luật quy định về tội phạm cụ thể nào đó mà những tiêu chí để đánh giá về tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đó không cụ thể thì đòi hỏi người áp dụng pháp luật trong quá trình xem xét một hành vi nào đó để kết luận có phải tội phạm hay không phải đánh giá tổng hợp các tình tiết có liên quan.
Ví dụ, trong Điều 136 Bộ luật hình sự về tội cướp giật tài sản, nhà làm luật không quy định những tiêu chí cụ thể làm ranh giới để phân biệt tội cướp giật tài sản với hành vi cướp giật tài sản chỉ là vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, người áp dụng pháp luật phải xem xét tổng hợp các tình tiết có liên quan để kết luận hành vi đó có nguy hiểm đáng kể cho xã hội hay không. Nếu là nguy hiểm đáng kể cho xã hội thì là tội phạm và nếu không có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Nếu hành vi đã thực hiện nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không thể coi hành vi đó là hành vi phạm tội.
Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đã xảy ra những trường hợp do nhận thức không đúng bản chất của hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự coi là tội phạm nên các cơ quan áp dụng pháp luật đã đưa ra truy tố, xét xử cả những hành vi không phải là tội phạm, trong đó có hiện tượng "hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế". Ví dụ: Năm 1996, do cần vốn để xây dựng lò sấy lúa, vợ chồng Nguyễn Thị Vân, Phùng Văn Hiệp đã giao 12.000 m2 đất nông nghiệp cho ông Trương Ngọc Niếu canh tác trong 1 năm để mượn 5 lượng vàng 24K, khi hết hạn ông Niếu sẽ trả lại đất và nhận lại vàng. Đến tháng 4/1997, hai bên gia hạn thêm 1 năm nữa. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Thị Vân đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 12.000m2 thế chấp cho ông Nguyễn Thành Khiêm để vay 45.000.000 đồng với lãi suất 6% một tháng. Do sau một tháng vợ chồng Vân, Hiệp không trả được lãi nên ông Khiêm làm giấy mua bán đất với vợ chồng Vân, Hiệp với giá 54.000.000 đồng và hai bên thỏa thuận trong vòng 1 tháng vợ chồng Vân, Hiệp có quyền trả lại tiền vốn và lãi để nhận lại đất. Sau hơn 1 tháng, vợ chồng Vân, Hiệp không trả được tiền, ông Khiêm đến ủy ban nhân dân làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất thì vợ chồng Vân, Hiệp ngăn cản và cam kết đến ngày 21/6/1977 sẽ trả cho ông Khiêm 63.300.000 đồng (trước đó đã trả 6.900.000 đồng).
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 243 ngày 16/12/1998, Tòa án nhân dân tỉnh C áp dụng điểm c khoản 2 Điều 157, điểm h khoản 1 và khoản 3 Điều 38, khoản 1 Điều 44 Bộ luật hình sự năm 1985, xử phạt Nguyễn Thị Vân 36 tháng tù, Phùng Văn Hiệp 24 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 3 năm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, buộc hai bị cáo phải liên đới bồi thường cho ông Khiêm 70.875.000 đồng.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 763 ngày 25/4/2000 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã giảm hình phạt cho Nguyễn Thị Vân còn 18 tháng tù, giữ nguyên hình phạt đối với Phùng Văn Hiệp.
Tại Quyết định số 59/UBTP-HS ngày 5/9/2002, ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên Nguyễn Thị Vân và Phùng Văn Hiệp không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân với nhận định: Quan hệ giữa vợ chồng Vân, Hiệp với ông Niếu là quan hệ dân sự, hai bên cho nhau vay mượn tài sản, không phải bị cáo thế chấp đất để vay tiền ông Niếu. Vân, Hiệp có quyền dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay tiền ông Khiêm nên Vân, Hiệp không phạm tội lừa đảo (không có hành vi lừa đảo ông Khiêm). Mặt khác, việc thế chấp đất để vay tiền của ông Khiêm chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, chỉ là quan hệ dân sự (nguyên đơn là ông Khiêm và bị đơn là vợ chồng Vân, Hiệp). Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Nguyễn Thị Vân và Phùng Văn Hiệp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân là không đúng pháp luật.
Vụ án trên cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không đánh giá đúng bản chất của quan hệ giữa vợ chồng Vân, Hiệp với ông Niếu và ông Khiêm chỉ là quan hệ dân sự. Vân, Hiệp không có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của ông Khiêm. Bởi vậy, ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuyên Nguyễn Thị Vân và Phùng Văn Hiệp không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân là đúng.
Người thực hiện hành vi chỉ có thể bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Theo Điều 12 Bộ luật hình sự nước ta, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự nước ta đã có trường hợp các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mắc sai lầm, truy tố, xét xử cả người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Ngày 7/6/2001, Cơ quan Công an bắt quả tang Chu Đức Hanh có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ của Hanh các vật dụng có liên quan. Tại Cơ quan điều tra, Hanh khai nhận do nghiện ma túy nên từ tháng 5/2001 đến khi bị bắt, thông qua Đinh Trọng Quý, Hanh đã xuống Bắc Giang mua hêrôin của Nguyễn Thị Thu 5 lần, trong đó có 4 lần mua 200.000 đồng và 1 lần mua 300.000 đồng. Sau khi mua về, Hanh chia nhỏ thành từng gói để sử dụng và bán cho các con nghiện khác tại khu vực bến xe Q, thị xã L. Khi bị Công an bắt, Hanh vừa bán hết 8 gói hêrôin nhỏ.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 14/HSST ngày 31/1/2002, Tòa án nhân dân tỉnh L áp dụng điểm b khoản 2 Điều 194, Điều 41, điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 68, 69 và 74 Bộ luật hình sự, xử phạt Chu Đức Hanh 5 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Ngày 56/2/2002 Chu Đức Hanh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 660 ngày 28/5/2002 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã tuyên Chu Đức Hanh không phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với nhận định: Chu Đức Hanh sinh ngày 4/8/1985, tính đến ngày Hanh phạm tội (ngày 7/6/2001) mới 15 tuổi 10 tháng 3 ngày. Cơ quan Công an bắt quả tang Hanh bán ma túy cho con nghiện đã không thu được ma túy. Trong quá trình điều tra Hanh khai nhận đã nhiều lần bán hêrôin cho các con nghiện với giá từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng 1 gói. Các con nghiện mua hêrôin của Hanh đều khai nhận như trên, nhưng Cơ quan điều tra đã không xác định tổng trọng lượng hêrôin các lần Hanh bán cho các con nghiện là bao nhiêu. Do đó, chỉ đủ cơ sở kết luận hành vi mua bán trái phép chất ma túy của Hanh thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 194 Bộ luật hình sự, có mức hình phạt cao nhất đến 7 năm tù (đây là tội phạm nghiêm trọng). Căn cứ khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự thì Chu Đức Hanh không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại điều khoản này vì khi thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy Hanh chưa đủ 16 tuổi.
Như vậy, sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh L là ở chỗ khi Công an bắt quả tang Hanh mua bán trái phép chất ma túy, Hanh mới có 15 tuổi 10 tháng 3 ngày, Quá trình điều tra, truy tố, xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh L đã không quan tâm làm rõ tổng trọng lượng mua bán trái phép chất ma túy của Hanh là bao nhiêu, có đến 5 gam hêrôin (mức khởi điểm để truy tố theo điểm h khoản 2 Điều 194 Bộ luật hình sự) không? Việc truy tố, xét xử Hanh theo điểm b khoản 2 Điều 194 Bộ luật hình sự (tình tiết phạm tội nhiều lần) là không đúng quy định của pháp luật. Bởi vậy, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội tuyên bố Hanh không phạm tội mua bán trái phép chất ma túy là đúng.
Một người chỉ có thể bị coi là người phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự nếu khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do luật hình quy định họ có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo luật hình sự Việt Nam, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi khi đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (theo Điều 12 Bộ luật hình sự) và không ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (theo Điều 13 Bộ luật hình sự).
Căn cứ quy định của Bộ luật hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, có thể xác định: người có năng lực trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (theo Điều 12 Bộ luật hình sự), có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi ấy.
Điều đáng lưu ý là khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự khi đề cập về khái niệm tội phạm chỉ quy định tội phạm là hành vi "do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện..." chứ không quy định dấu hiệu đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo chúng tôi, khái niệm người có năng lực trách nhiệm hình sự đã bao hàm trong đó dấu hiệu đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự rồi. Bởi vì, chỉ những người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mới có thể là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong lý luận luật hình sự, yếu tố chủ thể của tội phạm thường được xác định là có hai dấu hiệu: đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự. Việc phân biệt này dựa trên lập luận cho rằng, thông thường đạt đến độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là điều kiện để có thể có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi chứ không phải mọi trường hợp đạt đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự đều có các khả năng ấy. Một người đạt đến độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi bị mắc bệnh đến mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì người đó vẫn là người ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.
Người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự phải là người có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm.
Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do người đó thực hiện và đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
Về bản chất, lỗi thể hiện thái độ phủ định chủ quan của chủ thể đối với những đòi hỏi của xã hội. Một người bị coi là có lỗi nếu người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có đủ điều kiện lựa chọn, quyết định hành vi khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Việc coi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có lỗi là một trong những điều kiện bắt buộc để có thể áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người đó xuất phát từ bản chất của lỗi là thái độ phủ định chủ quan của một người trước các yêu cầu và chuẩn mực xã hội và từ mục đích của trách nhiệm hình sự nhằm làm thay đổi thái độ phủ định chủ quan của người phạm tội đối với những đòi hỏi của xã hội, "giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới" (Điều 21 Bộ luật hình sự). Mục đích đó không thể đạt được nếu trách nhiệm hình sự được áp dụng cả đối với người không có lỗi.
Đặc điểm thứ hai: Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của cá nhân người phạm tội.
Theo luật hình sự Việt Nam, trách nhiệm hình sự chỉ có thể là trách nhiệm của cá nhân người đã thực hiện hành vi mà luật hình sự coi là tội phạm. Về nguyên tắc, trách nhiệm hình sự phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm do người phạm tội thực hiện. Mác đã viết:
Nếu như khái niệm tội phạm giả định phải có sự trừng phạt, thì tội phạm thực tế lại giả định phải có một mức độ trừng phạt nhất định. Tội phạm thực tế là có giới hạn. Vì vậy, cả sự trừng phạt phải có giới hạn, dầu chỉ là để cho nó có tính chất thực tế, - nó phải được hạn chế bởi nguyên tắc của pháp luật để trở thành hợp pháp. Vấn đề là ở chỗ làm cho sự trừng phạt trở thành hậu quả thực tế của việc phạm tội. Dưới con mắt của kẻ phạm tội, sự trừng phạt phải là kết quả tất yếu của hành vi của chính người đó - do đó phải là hành vi của chính người đó. Giới hạn của hành vi của y phải là giới hạn của sự trừng phạt [30, tr.169].
Người phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ có thể là người phạm tội, nghĩa là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự coi là tội phạm khi đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực trách nhiệm hình sự và có lỗi (cố ý hoặc vô ý). Trong trường hợp tội phạm được thực hiện dưới hình thức đồng phạm thì từng người đồng phạm cũng phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập. Hình phạt quyết định đối với từng người đồng phạm được quyết định căn cứ vào tính chất đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Cùng với trách nhiệm hình sự của cá nhân, pháp luật hình sự nhiều nước cũng đã quy định cả trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Ví dụ, Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, Phần Lan, Bỉ... Gần đây, Trung Quốc cũng đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự (năm 1997). Việc quy định hay không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật hình sự của các nước phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, chính trị - xã hội và yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của từng nước trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, pháp luật hình sự nước ta mới chỉ thừa nhận trách nhiệm hình sự của cá nhân mà chưa coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp tội phạm do người đại diện pháp nhân thực hiện không chỉ vì lợi ích của cá nhân người đó mà còn vì lợi ích của cả pháp nhân thì trách nhiệm hình sự cũng chỉ có thể áp dụng đối với cá nhân người phạm tội.
Đặc điểm thứ ba: Trách nhiệm hình sự được thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật hình sự quy định.
Trách nhiệm hình sự thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước (thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và người phạm tội. Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc phạm tội, thể hiện trước hết ở việc Tòa án, nhân danh Nhà nước, kết án người phạm tội. Nếu không có bản án kết tội của Tòa án thì không thể nói đến trách nhiệm hình sự đối với một người. Điều 72 Hiến pháp năm 1992 của nước ta đã khẳng định một trong những nguyên tắc quan trọng nhằm bảo vệ các quyền của con người trong hoạt động tư pháp hình sự - nguyên tắc suy đoán vô tội, với nội dung như sau: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Nguyên tắc này cũng đã được ghi nhận tương tự tại Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự.
Bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật là cơ sở pháp lý xác nhận người phạm tội chính thức "bị coi là có tội". Đó chính là hậu quả pháp lý thể hiện một trong những nội dung quan trọng của trách nhiệm hình sự mà người phạm tội phải chịu trước Nhà nước.
Đa số các trường hợp bản án kết tội của Tòa án đối với người phạm tội đi kèm với việc Tòa án quyết định hình phạt đối với người đó. Trong trường hợp này, trách nhiệm hình sự được thể hiện ở bản án kết tội và hình phạt. Trong trường hợp khác, bản án kết tội của Tòa án áp dụng đối với người phạm tội không gắn với việc Tòa án quyết định hình phạt mà gắn với việc Tòa án quyết định miễn hình phạt đối với người đó.
Như vậy, trách nhiệm hình sự có thể có hình phạt và cũng có thể không có hình phạt. Trong trường hợp bản án kết tội của Tòa án có kèm theo quyết định miễn hình phạt đối với người phạm tội thì trách nhiệm hình sự của người phạm tội thể hiện ở việc người phạm tội bị Tòa án, nhân danh Nhà nước kết án bằng bản án kết tội mà không được thể hiện bằng việc người đó phải chịu hình phạt. Trong trường hợp bản án kết tội của Tòa án có kèm theo quyết định hình phạt thì trách nhiệm hình sự không chỉ thể hiện ở bản án kết tội mà còn thể hiện ở loại và mức hình phạt cụ thể mà Tòa án quyết định đối với người phạm tội và dấu hiệu án tích của người đó.
Cơ sở phát sinh trách nhiệm hình sự bắt đầu từ thời điểm người phạm tội thực hiện tội phạm. Từ khi đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng có quyền và nghĩa vụ áp dụng các biện pháp do pháp luật tố tụng hình sự quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tố tụng hình sự được thể hiện ở quyết định khởi tố bị can (Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự), kết luận điều tra và đề nghị truy tố (Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự), quyết định truy tố bằng bản cáo trạng (Điều 166 Bộ luật tố tụng hình sự). Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự không đồng nhất với việc thực hiện trách nhiệm hình sự. Hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tố tụng hình sự chỉ là hoạt động tố tụng nhằm xác định các căn cứ để truy tố người phạm tội ra xét xử tại Tòa án. Thực chất hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự là hoạt động công tố, trong đó vai trò quyết định việc truy tố thuộc về Viện kiểm sát. Còn chức năng xét xử, kết tội người bị truy tố lại thuộc về Tòa án. Trên cơ sở quyết định truy tố của Viện kiểm sát, Tòa án sẽ ra quyết định kết tội hay không kết tội người bị truy tố. Nếu một người không bị Tòa án kết tội bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật thì người đó không thể "bị coi là có tội". Trong trường hợp Tòa án xác định người bị truy tố đã thực hiện hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được luật hình sự quy định nhưng lại có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho người đó theo quy định của Bộ luật hình sự, thì Tòa án sẽ không ra bản án kết tội mà tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Trong trường hợp xét thấy có đủ căn cứ để buộc người phạm tội phải chịu sự lên án của Nhà nước về hành vi phạm tội của mình, Tòa án sẽ ra bản án kết tội đối với người đó. Bản án kết tội của Tòa án đối với một người là kết quả của cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia giải quyết vụ án hình sự. Bản án kết tội của Tòa án thể hiện sự lên án có tính chất phủ định của Nhà nước, mà Tòa án là người đại diện, đối với hành vi phạm tội và người phạm tội. Người phạm tội có thể bị Tòa án kết tội nhưng không phải chịu hình phạt, nếu bản án kết tội gắn với việc Tòa án quyết định miễn hình phạt đối với người bị kết án. Trong trường hợp này Tòa án không quyết định loại hình phạt nhất định đối với người phạm tội.
Trong trường hợp bản án kết tội của Tòa án có quyết định hình phạt đối với người phạm tội thì nội dung của trách nhiệm hình sự mà người phạm tội phải chịu không chỉ thể hiện ở việc người đó bị kết án, bị coi là có tội mà còn thể hiện ở việc người đó bị áp dụng loại hình phạt cụ thể và bị coi là có án tích từ thời điểm bản án kết tội của Tòa án đối với người đó có hiệu lực pháp luật. Như vậy, trong trường hợp này, mức độ trách nhiệm hình sự mà người phạm tội phải chịu đã được cá thể hóa bằng loại và mức hình phạt cụ thể mà Tòa án quyết định đối với người đó, mức độ nặng, nhẹ của trách nhiệm hình sự được thể hiện ở mức độ nặng, nhẹ của loại hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với người bị kết án.
Cùng với bản án kết tội của Tòa án và hình phạt mà Tòa án quyết định đối với người phạm tội, án tích đối với người bị kết án cũng là một trong những hình thức thể hiện nội dung của trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự và các dạng trách nhiệm pháp lý khác có thể có những điểm gần giống nhau về hình thức thể hiện. Ví dụ, trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính đều có hình thức xử lý là cảnh cáo, phạt tiền. Nhưng cảnh cáo, phạt tiền với tính cách là hình phạt hình sự, khác với cảnh cáo, phạt tiền với tính cách là hình thức xử phạt vi phạm hành chính ở chỗ, người bị phạt cảnh cáo, phạt tiền với tính cách là hình phạt hình sự luôn gắn với hậu quả pháp lý là người đó bị coi là có án tích. án tích chỉ có thể được xóa khi đáp ứng những điều kiện do luật định (từ Điều 63 đến Điều 67 Bộ luật hình sự). án tích gắn liền với bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Một người bị coi là còn án tích nghĩa là bản án kết tội đối với người đó vẫn còn hiệu lực pháp luật. Đúng như Iakôvlev A. M. đã viết: "án tích chưa được xóa có nghĩa là bản án vẫn còn hiệu lực cả khi một người đã chấp hành xong hình phạt quyết định đối với người đó" [90, tr. 38]. Trong trường hợp người bị kết án chưa được xóa án tích lại phạm tội mới thì dấu hiệu án tích có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của người đó. Người chưa được xóa án tích lại phạm tội mới có thể bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm (Điều 49 Bộ luật hình sự) và gắn với việc bị coi là tái phạm, tái phạm nguy hiểm, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn những người không có án tích mà phạm tội khi các điều kiện khác giống nhau (người tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm có thể bị áp dụng khung hình phạt tăng nặng của tội phạm đã thực hiện hoặc bị áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự). án tích luôn tồn tại cùng với bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, thể hiện sự lên án của Nhà nước đối với người phạm tội. Nói cách khác, án tích chính là một trong những hình thức thể hiện hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu, một trong những hình thức thể hiện tính nghiêm khắc của trách nhiệm hình sự so với các dạng trách nhiệm pháp lý khác.
Như vậy, theo quan điểm chúng tôi, bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật là cơ sở pháp lý chính thức xác nhận người phạm tội bị coi là có tội. Cùng với bản án kết tội, Tòa án có thể quyết định hình phạt hoặc quyết định miễn hình phạt đối với người phạm tội. Bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật gắn liền với dấu hiệu án tích của người bị kết án (trừ trường hợp người chưa thành niên phạm tội bị Tòa án áp dụng biện pháp tư pháp thay thế hình phạt). Trách nhiệm hình sự luôn gắn liền với bản án kết tội của Tòa án đối với người phạm tội. Trong trường hợp bản án kết tội của Tòa án có kèm theo việc Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội thì trách nhiệm hình sự mà một người phải chịu không chỉ thể hiện ở việc bị kết tội, bị coi là có tội, mà còn thể hiện ở việc người đó bị coi là có án tích, án tích chỉ được xóa khi có những điều kiện do luật định.
Các biện pháp cưỡng chế mà các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội trong quá trình giải quyết vụ án như các biện pháp ngăn chặn: tạm giữ, tạm giam hoặc các biện pháp tư pháp: bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng, nếu được áp dụng đối với người phạm tội mà người đó bị Tòa án kết tội bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật thì cũng được chuyển thành một bộ phận của việc thực hiện trách nhiệm hình sự nếu chúng được tính trừ vào thời gian chấp hành hình phạt của người bị kết án hoặc được áp dụng thay thế hình phạt (biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng).
Đặc điểm thứ tư: Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm trước Nhà nước, kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự, được xác định và thực hiện theo một trình tự, thủ tục đặc biệt do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Việc xác định các căn cứ để có thể áp dụng trách nhiệm hình sự là kết quả của cả một quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng hình sự. Song trách nhiệm hình sự chỉ có thể do Tòa án, nhân danh Nhà nước, áp dụng đối với người phạm tội.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự nước ta, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án, khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện tội phạm thì khởi tố bị can. Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn do Bộ luật tố tụng hình sự quy định như bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nhằm ngăn chặn việc bị can, bị cáo có thể gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; ngăn chặn việc bị can, bị cáo có thể phạm tội mới hoặc ngăn chặn việc bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc có hành vi khác gây cản trở cho việc việc thi hành án. Người đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn vẫn có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu sau đó Cơ quan điều tra quyết định đình chỉ điều tra (Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự), Viện kiểm sát hoặc Tòa án đình chỉ vụ án (Điều 169 và Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự) hoặc tại phiên tòa, Tòa án không kết tội mà tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Các biện pháp ngăn chặn không phải là hậu quả pháp lý tất yếu của việc phạm tội, không phải người phạm tội nào cũng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Toàn bộ quá trình giải quyết vụ án gắn với các quyết định tố tụng như khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quyết định truy tố bị can. Song quá trình giải quyết vụ án cùng với việc áp dụng các biện pháp đó của các cơ quan tiến hành tố tụng không phải là quá trình thực hiện trách nhiệm hình sự mà chỉ là quá trình xác định những điều kiện cần và đủ để có thể truy tố người phạm tội và buộc tội họ trước Tòa án. Chức năng xét xử, kết tội người phạm tội thuộc về Tòa án. Căn cứ vào kết quả của quá trình điều tra và quá trình tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án sẽ ra phán quyết về việc có kết tội người đã bị truy tố hay không. Nếu có đủ cơ sở để kết án người phạm tội, Tòa án sẽ ra bản án kết tội đối với người đó, bản án kết tội của Tòa án chính là sự thể hiện của trách nhiệm hình sự áp dụng đối với người phạm tội. Việc thực hiện trách nhiệm hình sự từ phía Nhà nước và việc phải chịu trách nhiệm hình sự từ phía người phạm tội chỉ bắt đầu khi bản án kết tội của Tòa án đối với bị cáo có hiệu lực pháp luật.
Thời điểm bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật là thời điểm bắt đầu thực hiện trách nhiệm hình sự, người phạm tội chính thức phải chịu trách nhiệm hình sự trước Nhà nước, chính thức "bị coi là có tội". Nếu không có những lý do đặc biệt, người phạm tội sẽ phải chấp hành toàn bộ hình phạt do Tòa án quyết định trong bản án kết tội.
Theo luật hình sự Việt Nam, người được miễn hình phạt vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, chịu sự kết án của Nhà nước mà Tòa án là người đại diện, tuyên trước phiên tòa. Tuy nhiên, sau khi bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trách nhiệm hình sự của người được miễn hình phạt cũng chấm dứt luôn vì, theo quy định của Bộ luật hình sự, người được miễn hình phạt đương nhiên được xóa án tích mà không cần phải trải qua một khoảng thời gian nào. Theo chúng tôi, đây là điều không hợp lý, bởi vì trong trường hợp được miễn hình phạt, trách nhiệm hình sự không được thể hiện ở dấu hiệu án tích, một trong những hình thức thể hiện tính nghiêm khắc hơn của trách nhiệm hình sự so với các dạng trách nhiệm pháp lý khác. Để đảm bảo tính nghiêm khắc của trách nhiệm hình sự và đảm bảo tính đồng bộ trong các biện pháp xử lý, theo chúng tôi, Bộ luật hình sự cần sửa đổi quy định về việc đương nhiên được xoá án tích của người được miễn hình phạt. Theo đó, cần quy định đối với người được miễn hình phạt thì sau khi bản án có hiệu lực pháp luật qua một thời gian nhất định mà người đó không phạm tội mới thì mới được xóa án tích.
Thông thường, bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật sẽ được đem ra thi hành. Song có thể xảy ra trường hợp việc thi hành án không được thực hiện vì hết thời hiệu thi hành bản án (quy định tại Điều 55 Bộ luật hình sự) do những nguyên nhân khác nhau, như cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thi hành án vì sơ suất đã không ra quyết định thi hành án hoặc mặc dù đã có quyết định thi hành án nhưng quyết định đó bị thất lạc hoặc cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành án đã quên không thi hành án và thời hiệu thi hành bản án đã hết. Trong những trường hợp này, người bị kết án không phải chấp hành bản án mà Tòa án đã tuyên.
Trong những trường hợp hết thời hiệu thi hành bản án, mặc dù bản án kết tội của Tòa án có kèm theo việc quyết định hình phạt đối với người bị kết án, nhưng trách nhiệm hình sự của người bị kết án sẽ không được thể hiện ở việc người đó phải chấp hành bản án của Tòa án. Tuy nhiên, việc hết thời hiệu thi hành bản án không có nghĩa là trách nhiệm hình sự đối với người bị kết án đã chấm dứt. Trong trường hợp này, người bị kết án vẫn còn án tích, nghĩa là trách nhiệm hình sự của người đó vẫn còn. án tích đối với ._.ng vào Điều 46 Bộ luật hình sự tình tiết "người phạm tội là người chưa thành niên" với tính cách là một trong những tình tiết giảm nhẹ. Việc bổ sung tình tiết này vào số các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 46 Bộ luật hình sự không chỉ có ý nghĩa tạo cơ sở pháp lý để Tòa án quyết định hình phạt giảm nhẹ hơn đối với người chưa thành niên phạm tội so với hình phạt quyết định đối với người đã thành niên khi các điều kiện khác giống nhau, mà còn có ý nghĩa quan trọng để Tòa án áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Bởi vì, theo Điều 47 Bộ luật hình sự, chỉ khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự, Tòa án mới có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.
Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là xử phạt nhẹ hơn người đã thành niên khi các điều kiện khác giống nhau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội phải là một hình phạt nhẹ. Tại Bản tổng kết thực hiện vận dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong công tác xét xử về hình sự (kèm theo Công văn số 38-NCPL ngày 16/1/1976 của Tòa án nhân dân tối cao) đã nhấn mạnh:
Xử lý người chưa thành niên phạm tội nhẹ hơn không có nghĩa là bao giờ hình phạt đối với người chưa thành niên cũng là một hình phạt nhẹ. Trường hợp phạm tội nghiêm trọng (giết người, cướp của, cầm đầu bọn cao bồi càn quấy, gây rối trật tự trị an một cách nghiêm trọng), nhất là ở lứa tuổi 16-18 mà chỉ tuyên một mức án nhẹ, thậm chí quá nhẹ như một số Tòa án đã làm, là sai đường lối, không đạt một tác dụng thiết thực nào về mặt cải tạo người chưa thành niên phạm tội, cũng như về mặt phòng ngừa, giáo dục chung [45, tr. 114-115].
Thực tiễn xét xử trong những năm gần đây cho thấy, vẫn còn xảy ra một số trường hợp do đánh giá không đúng tính chất và mức độ phạm tội của những người chưa thành niên phạm tội dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý quá nhẹ đối với người chưa thành niên phạm tội, không đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ví dụ: Tối 30/8/2000, Trần Đức Anh, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Tiến Dũng, Đoàn Khắc Thắng và Lê Phú Hạnh, đều là người chưa thành niên ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18, tụ tập ở trước cổng Công ty sữa, thị xã S, tỉnh S. Đến 21 giờ, cháu Hoàng Dạ Thảo, sinh ngày 6/8/1985 đi xe đạp qua. Nguyễn Văn Thanh chạy đuổi theo, nhẩy lên ngồi sau xe đạp cháu Thảo. Trần Đức Anh tiến lại cầm ghi đông xe và cùng Dũng, Thắng, Hạnh kéo cháu Thảo vào trong Công ty sữa. Tại đây, Nguyễn Văn Thanh vật ngửa cháu Thảo, ngồi lên bụng và xé áo cháu. Dũng, Thắng, Hạnh ôm giữ người và chân, tay cháu Thảo để cho Trần Đức Anh cởi quần cháu. Mặc cho cháu Thảo chống cự, kêu khóc, Nguyễn Văn Thanh và Trần Đức Anh đã lần lượt thực hiện hành vi hiếp dâm cháu. Trong lúc đó có người đi xe máy tới. Sợ bị phát hiện, bọn chúng đã bỏ chạy. Giám định kết luận: cháu Thảo bị rách màng trinh ở điểm 6h - 9h và 15h. Tỷ lệ thương tật 25%.
Tại Cáo trạng số 248/HSĐT-TA ngày 23/3/2001, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh S đã truy tố các bị can Trần Đức Anh, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Tiến Dũng, Đoàn Khắc Thắng và Lê Phú Hạnh về tội hiếp dâm trẻ em theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật hình sự.
Bản án hình sự sơ thẩm số 59/HSST ngày 11/5/2001 của Tòa án nhân dân tỉnh S áp dụng khoản 1 Điều 112, Điều 68, Điều 69, Điều 74, Điều 18, Điều 20, điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt các bị cáo đều về tội hiếp dâm trẻ em với mức phạt Trần Đức Anh: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 3 năm; Nguyễn Văn Thanh: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 3 năm; Phạm Tiến Dũng: 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm; Đoàn Khắc Thắng: 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm; Lê Phú Hạnh: 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng.
Trong vụ án này, tính chất và mức độ phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng. Các bị cáo phạm tội hiếp dâm trẻ em với tình tiết "nhiều người hiếp một người" được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự. Viện kiểm sát và Tòa án tỉnh S truy tố, xét xử các bị cáo theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật hình sự là không đúng quy định của pháp luật. Việc xử phạt tù các bị cáo với mức mức án quá nhẹ rồi cho tất cả được hưởng án treo không có tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử vụ án này theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy án sơ thẩm và giao hồ sơ cho Viện kiểm sát tỉnh S để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.
Ngoài hình phạt tù có thời hạn, theo Bộ luật hình sự năm 1999, các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội còn bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
Theo quy định tại Điều 72 Bộ luật hình sự, phạt tiền chỉ có thể được áp dụng là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc tài sản riêng. Điều này cũng có nghĩa là đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi mà không có thu nhập hoặc tài sản riêng thì Tòa án không được áp dụng hình phạt tiền. Mức phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội chỉ được áp dụng trong phạm vi không quá một phần hai mức phạt tiền mà điều luật quy định.
Theo quy định tại Điều 73 Bộ luật hình sự, người chưa thành niên phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ thì không bị khấu trừ thu nhập như người đã thành niên phạm tội và thời hạn cải tạo không giam giữ áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội không được vượt quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.
Một trong những nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là "án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm".
Khái niệm tái phạm, tái phạm nguy hiểm được quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự. Việc quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm trong Bộ luật hình sự thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo luật hình sự Việt Nam, người tái phạm, tái phạm nguy hiểm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn những người phạm tội khác không phải là tái phạm, tái phạm nguy hiểm khi các điều kiện khác giống nhau. Trong một số trường hợp, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm được coi là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng. Trong các trường hợp khác, tái phạm, tái phạm nguy hiểm được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự).
Để xác định trường hợp phạm tội cụ thể nào đó có thuộc trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm hay không, người áp dụng pháp luật phải đối chiếu hành vi thực tế mà người phạm tội đã thực hiện với quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, khi đã xác định được một người phạm tội mà trước đó còn phạm một tội khác khi chưa đủ 16 tuổi thì mặc dù trước đó người phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích và trường hợp phạm tội của họ thỏa mãn điều kiện của tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm được quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự, người đó cũng sẽ không thể bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Với tinh thần đó, khoản 6 Điều 69 Bộ luật hình sự chính là sự thể hiện nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự trong việc xác định trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội.
Các quy định khác của Bộ luật hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, như quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 75), giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 76), xóa án tích (Điều 77), cũng thể hiện nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự khi quy định trách nhiệm hình sự giảm nhẹ hơn của người chưa thành niên phạm tội so với người đã thành niên phạm tội tương ứng.
Kết luận chương 3
Điều 14 Bộ luật hình sự nước ta quy định về trường hợp phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác. Đây là quy định nhằm xác định cơ sở của trách nhiệm hình sự trong trường hợp đặc biệt, trường hợp người phạm tội trong tình trạng say đã mất hết khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Cơ sở để giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là ở chỗ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vào thời điểm tự mình dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn có khả năng nhận thức được việc dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác có thể dẫn đến tình trạng say đến mức mất hết khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình và có khả năng thấy trước trong tình trạng say người đó có thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà người đó vẫn dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác dẫn đến tình trạng say đó và rồi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng "say rượu bệnh lý" phải được coi là một trong những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt là việc thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm của hành vi chuẩn bị phạm tội và cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội chưa đạt do Bộ luật hình sự quy định. Cấu thành tội phạm của hành vi chuẩn bị phạm tội và cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội chưa đạt là tổng hợp các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng được quy định tại các điều, khoản cụ thể Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự với các dấu hiệu của chế định chuẩn bị phạm tội được quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự và các dấu hiệu của chế định phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 18 Bộ luật hình sự.
Các quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa thể hiện được rõ khái niệm chuẩn bị phạm tội với tính cách là một giai đoạn thực hiện tội phạm và vấn đề cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Vì vậy, những nội dung trên cần được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.
Trong lỗi cố ý gián tiếp, giống như lỗi cố ý trực tiếp, người có lỗi cũng đã có ý thức lựa chọn hành vi phạm tội. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra hay không xảy ra hoàn toàn phụ thuộc vào các điều kiện khách quan ngoài ý muốn của người thực hiện hành vi. Do vậy, cùng với việc thừa nhận một số hành vi nguy hiểm cho xã hội do lỗi vô ý chưa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự thì cũng cần phải thừa nhận việc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do lỗi cố ý gián tiếp mặc dù chưa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và các giai đoạn thực hiện tội phạm vẫn có thể có trong các tội phạm thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp.
Để phân hóa trách nhiệm hình sự cụ thể hơn, tạo cơ sở cá thể hóa hình phạt chính xác hơn khi áp dụng pháp luật hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, cần có sự phân hóa trách nhiệm hình sự cụ thể hơn đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt so với tội phạm hoàn thành tương ứng theo nguyên tắc: trong những điều kiện khác tương tự, hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội phải nhẹ hơn hình phạt đối với hành vi phạm tội chưa đạt và hình phạt đối với hành vi phạm tội chưa đạt phải nhẹ hơn hình phạt đối với tội phạm hoàn thành tương ứng.
Điều 20 Bộ luật hình sự hiện hành quy định về đồng phạm. Quy định tại điều luật này kết hợp với các quy định tại điều luật phần các tội phạm của Bộ luật hình sự về từng tội phạm tương ứng là cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đồng phạm. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn những bất cập, chưa bao quát hết được những hành vi, mà khách quan, cần thiết phải xử lý về hình sự, nhất là đối với hành vi xúi giục hoặc giúp sức cho người khác thực hiện tội phạm nhưng không đồng phạm với người đó. Để giải quyết vấn đề cơ sở của trách nhiệm hình sự trong những trường hợp trên, Bộ luật hình sự cần có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bộ luật hình sự nước ta đã có những quy định thể hiện rõ chính sách nhân đạo đặc biệt đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, để có thể cá thể hóa hình phạt chính xác hơn đối với người chưa thành niên phạm tội, Bộ luật hình sự cần có những sửa đổi, bổ sung trong các quy định về quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng phân hóa cụ thể hơn trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội tùy theo các độ tuổi khác nhau, cần quy định mức giảm nhẹ hình phạt của người chưa thành niên phạm tội so với mức hình phạt tối đa và tối thiểu áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội (quy định trong khung hình phạt của tội phạm tương ứng), đồng thời cũng cần bổ sung thêm tình tiết "người phạm tội là người chưa thành niên phạm tội" vào trong số các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 46 Bộ luật hình sự), tạo cơ sở để cá thể hóa hình phạt phù hợp hơn đối với người chưa thành niên phạm tội khi áp dụng pháp luật hình sự.
Kết luận
1. Chế định trách nhiệm hình sự là một trong những chế định cơ bản, quan trọng nhất của luật hình sự. Từ trước đến nay, trong khoa học luật hình sự, chế định trách nhiệm hình sự luôn được các nhà luật hình sự trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu, Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự là một chế định phức tạp, chứa đựng nhiều nội dung phong phú nên còn nhiều nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện. Mặt khác, cùng với sự vận động, phát triển của hệ thống pháp luật nói chung, của pháp luật hình sự nói riêng, những nội dung gắn với việc giải quyết chế định trách nhiệm hình sự cũng luôn luôn vận động, phát triển. Vì vậy, việc nghiên cứu chế định trách nhiệm hình sự luôn là việc làm có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn, không những góp phần vào việc giải thích, hướng dẫn, tạo sự nhận thức và áp dụng đúng đắn các quy phạm pháp luật hình sự liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự mà còn có ý nghĩa góp phần tiếp tục hoàn thiện chế định này trong thời gian tới.
2. Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về trách nhiệm hình sự, song kết quả của các công trình trên cho thấy, nhiều nội dung liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự còn chưa có sự thống nhất về nhận thức, thậm chí chưa có sự thống nhất ngay cả những nội dung cơ bản của trách nhiệm hình sự như: khái niệm trách nhiệm hình sự, thời điểm bắt đầu và kết thúc của trách nhiệm hình sự, cơ sở của trách nhiệm hình sự nói chung, cơ sở của trách nhiệm hình sự trong những trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, đồng phạm, của hành vi phạm tội trong tình trạng say... nói riêng. Trong bản luận án này, chúng tôi đã cố gắng giải quyết một cách có hệ thống những nội dung cơ bản của chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam như: khái niệm trách nhiệm hình sự; mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự; cơ sở của trách nhiệm hình sự; trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp đặc biệt như: Trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong tình trạng say, trách nhiệm hình sự của người chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, trách nhiệm hình sự trong đồng phạm, trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội.
Qua nghiên cứu chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, Bộ luật hình sự năm 1999 đã thể hiện bước phát triển mới trong lĩnh vực lập pháp hình sự, đã giải quyết được một cách khoa học nhiều vấn đề cơ bản của luật hình sự, trong đó có vấn đề trách nhiệm hình sự, nhất là việc phân hóa trách nhiệm hình sự rõ và cụ thể hơn, góp phần tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho các cơ quan áp dụng pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm trong những điều kiện, hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, một số quy phạm của luật hình sự liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự hiện hành còn có những bất cập, thiếu tính đồng bộ và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mặc dù Bộ luật hình sự năm 1999 đã có hiệu lực từ lâu nhưng nhiều quy định của Bộ luật hình sự, trong đó có những quy định về trách nhiệm hình sự, còn có sự nhận thức không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là một trong những lý do dẫn đến tình trạng điều tra, truy tố, xét xử oan, sai và tình trạng bỏ lọt tội phạm còn diễn ra nhiều trong thời gian qua, làm giảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta.
3. Trong luận án này, chúng tôi đã nêu ra một số hạn chế, thiếu sót của Bộ luật hình sự hiện hành trong việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự và đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện. Chúng tôi hy vọng những đề xuất này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, xem xét và giải quyết để khắc phục những hạn chế của Bộ luật hình sự hiện hành, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả cao.
Mặc dù trong luận án này, chúng tôi đã giải quyết được những nội dung cơ bản của chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam, song vấn đề trách nhiệm hình sự là một vấn đề phức tạp nên một số nội dung liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự không tránh khỏi vẫn còn những quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chúng tôi hy vọng những kết quả của luận án này sẽ góp phần làm phong phú thêm tri thức khoa học luật hình sự trong việc giải quyết những vấn đề của luật hình sự, trong đó có vấn đề trách nhiệm hình sự, một trong những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của luật hình sự và hy vọng kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là một trong những nguồn tài liệu góp phần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Bộ luật hình sự trong tương lai.
các công trình của tác giả đã công bố liên quan đến luận án
Phạm Mạnh Hùng (1991), "Về phạm tội lần đầu", Tòa án nhân dân, (11), tr. 17-19.
Phạm Mạnh Hùng (1992), "Về tình tiết người phạm tội tự thú trong luật hình sự Việt Nam", Tòa án nhân dân, (8), tr. 3-6.
Phạm Mạnh Hùng (1993), "Một số ý kiến về miễn trách nhiệm hình sự", Tòa án nhân dân, (2), tr. 13-16.
Phạm Mạnh Hùng (1993), "Về vấn đề đình chỉ vụ án trong tố tụng hình sự", Tòa án nhân dân, (6), tr. 6-9.
Phạm Mạnh Hùng (1995), "Về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội", Tòa án nhân dân, (8), tr. 22-25.
Phạm Mạnh Hùng (1997), "Chế định chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt", Kiểm sát, (10), tr. 10-12.
Phạm Mạnh Hùng (1999), "Vấn đề người chưa thành niên phạm tội trong luật hình sự Việt Nam", Kiểm sát, (4), tr. 21-23.
Phạm Mạnh Hùng (1999), "Bàn thêm về khởi tố theo yêu cầu của người bị hại", Kiểm sát, (9), tr. 27-28.
Phạm Mạnh Hùng (2001), "Vấn đề quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật", Tòa án nhân dân, (3), tr. 13-16.
Phạm Mạnh Hùng (2001), "Hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự về hệ thống hình phạt và quyết định hình phạt", Kiểm sát, (4), tr. 43-46.
Phạm Mạnh Hùng (2002), "Khái niệm trách nhiệm hình sự", Luật học, (1), tr. 1-7.
Phạm Mạnh Hùng (2002), "Hoàn thiện các quy định của luật tố tụng hình sự về đình chỉ điều tra và đình chỉ vụ án", Kiểm sát, (5), tr. 18-21.
Phạm Mạnh Hùng (2002), "Cơ sở của trách nhiệm hình sự", Luật học, (6), tr.16-21.
Phạm Mạnh Hùng (2002), "Hoàn thiện một số quy định của pháp luật có liên quan đến chế định phân loại tội phạm", Kiểm sát, (11), tr. 22-23, 29.
Phạm Mạnh Hùng (2003), "Những bất cập và việc hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về khởi tố theo yêu cầu của người bị hại", Kiểm sát, (1), tr. 32-33.
Phạm Mạnh Hùng (2003), "Hoàn thiện quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và đồng phạm", Nhà nước và pháp luật, (2), tr. 62-69.
Danh mục tài liệu tham khảo
Ph. Ăngghen (1971), Chống Đuy-rinh, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Bản trình bày của Ban soạn thảo Bộ luật hình sự trước Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Phần chung của Bộ luật hình sự (1983).
Bộ hình luật năm 1972 (của chính quyền ngụy Sài Gòn) (1973), Trần Chung xuất bản, Sài Gòn.
Bộ hình luật Việt Nam (1962), Nguyễn Văn Hào xuất bản do sự bảo trợ của Bộ Tư pháp, Sài Gòn.
Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp (được Nghị viện thông qua ngày 22/7/1992, có hiệu lực thi hành ngày 1/3/1994), Bản dịch của Ban dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, Bộ tư pháp.
Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1994), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1985 (1999), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003 (2004), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật hình sự Nhật Bản (1994), Bản dịch của Ban dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, Bộ Tư pháp, Hà Nội.
Bộ luật hình sự Thụy Điển, Hội đồng Nhà nước về phòng ngừa tội phạm, Bộ Tư pháp Thụy Điển.
Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Bản dịch của Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
Lê Cảm (2000), "Những vấn đề lý luận cơ bản về trách nhiệm hình sự", Các nghiên cứu chuyên khảo về Phần chung luật hình sự, Tập III, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Lê Cảm (2001), "Về các dạng miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999", Tòa án nhân dân, (1), tr. 7-10.
Lê Cảm (2001), "Về sáu dạng miễn trách nhiệm hình sự khác (ngoài Điều 25) trong Bộ luật hình sự năm 1999", Dân chủ và pháp luật, (2), tr.2, 7.
Lê Cảm, Nguyễn Ngọc Hòa, Lê Thị Sơn, Trần Quang Tiệp, Trịnh Quốc Toản (2002), "Những vấn đề cơ bản về pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới", Thông tin khoa học pháp lý, (8), Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp.
Nguyễn Ngọc Chí (2001), "Các giai đoạn phạm tội, Chương XII", Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Phần chung, TSKH. Lê Cảm chủ biên, Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chính phủ (2000), Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10 quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
Chính phủ (2000), Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10 quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo.
Trần Văn Độ (2001), "Trách nhiệm hình sự, Chương V", Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), TSKH. Lê Cảm chủ biên, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đinh Bích Hà (1998), "Những điểm sửa đổi và bổ sung mới nhất trong Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", Dân chủ và pháp luật, số chuyên đề về luật hình sự của một số nước trên thế giới, tr. 3-15.
Phạm Hồng Hải (1999), "Pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm hay không?", Luật học, (6), tr. 14-19.
Phạm Hồng Hải (2001), "Về chế định miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự năm 1999", Dân chủ và pháp luật, (12), tr. 2-4.
Nguyễn Ngọc Hòa (1991), Tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Hòa (1994), "Một số hình thức đặc biệt của tội phạm, chương VII", Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Hòa và Lê Thị Sơn (1999), "Thuật ngữ luật hình sự", Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên) (2001), Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Hòa (2004), Cấu thành tội phạm - lý luận và thực tiễn, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2000), Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999.
C. Mác - Ph. Ăngghen (1978), Toàn tập, tập I, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2002), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đỗ Ngọc Quang (1997), Tìm hiểu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Quốc triều hình luật (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Quang Quýnh (1973), Hình luật tổng quát, Nxb Lửa thiêng.
Lê Thị Sơn (1996), "Hoàn thiện chế định cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự", Luật học, (6), tr. 41-46
Lê Thị Sơn (1997), "Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự", Luật học, (5), tr. 17-22.
Lê Thị Sơn (2002), "Về trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt", Luật học, (4), tr. 50-54.
Tâm thần học (1980), Nxb "MIR" M., Nxb Y học Hà Nội, Hà Nội.
Tập luật lệ về tư pháp (1957), Bộ Tư pháp xuất bản, Hà Nội.
Kiều Đình Thụ (1996), Tìm hiểu luật hình sự Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
Kiều Đình Thụ (2001), "Cấu thành tội phạm, Chương VII", Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Phần chung, TSKH Lê Cảm chủ biên, Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Kiều Đình Thụ (2001), "Chủ thể của tội phạm, Chương X", Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Phần chung, TSKH Lê Cảm chủ biên, Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trần Quang Tiệp (2000), Đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tòa án nhân dân tối cao (1975), Tập hệ thống hóa luật lệ về hình sự, Hà Nội.
Tòa án nhân dân tối cao (1979), Hệ thống hóa luật lệ về hình sự, tập II, Hà Nội.
Tòa án nhân dân tối cao (1990), Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng, Hà Nội.
Trường Đại học Luật Hà Nội (1997), Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Phần chung, TS. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Trường Đại học Luật Hà Nội (2001), Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Phần chung, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (1984), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Phần chung, Nxb Pháp lý, Hà Nội.
Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (1992), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Phần chung, TS. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, Nxb Pháp lý, Hà Nội.
Đào Trí úc (chủ biên) (1994), Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý, Bộ tư pháp, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, Phần chung, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Trương Quang Vinh (2000), "Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Chương XII", Giáo trình luật hình sự Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
A.A. Xmiecnốp (1975), Tâm lý học, Tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Tiếng nga
Áàóðốộ-ỉàừỡàũợõ ậ.Â. (1976), ểóợởợõớàÿ ợũõồũủũõồớớợủũỹ ố ớàờàỗàớốồ, ẩỗọàũồởỹủũõợ “Âỷứýộứàÿ ứờợởà”, èốớủờ.
Áðàộớốớ ò.è. (1963), ểóợởợõớàÿ ợũõồũủũõồớớợủũỹ ố ồá ợủớợõàớốÿ õ ẹợõồũủờợỡ úóợởợõớợỡ ùðàõồ, ẩỗọàũồởỹủũõợ “ịðốọốữồủờàÿ ởốũồðàũúðà”, èợủờõà.
Áðàũúủỹ ẹ.Í. (1976), ịðốọốữồủờàÿ ợũõồũủũõồớớợủũỹ ố ỗàờợớớợủũỹ, èợủờõà.
Ãồóồởỹ, ễốởợủợụốÿ ùðàõà (1990), èợủờõà.
Ãồðửồớỗợớ À.À. (1959), ẻỏ ợủớợõàừ úóợởợõớợóợ ỗàờợớợọàũồởỹủũõà ẹợỵỗà ẹẹé ố ủợỵỗớỷừ ðồủùúỏởốờ, èợủờõà.
Ãðốứàớốớ ẽ.ễ. (1974), ẻủớợõàớốÿ ố ùðồọồởỷ ợũõồũủũõồớớợủũố ðồửốọốõốủũợõ, ẹợõồũủờợồ Ãợủúọàðủũõợ ố ẽðàõợ (10).
Åớốờồồõ ầ.Ä. (1978), èồðỷ úóợởợõớợ-ùðợửồủủúàởỹớợóợ ùðồủồữồớốÿ, ẽðàõợõồọồớốồ, (6).
ầàóợðợọớốờợõ Í.ẩ. (1967), ẻ ùðồọồởàừ úóợởợõớợộ ợũõồũủũõồớớợủũố, ẹợõồũủờợồ Ãợủúọàðủũõợ ố ẽðàõợ (7).
ấàðùúứốớ è.ẽ., ấúðởÿớủờốộ Â.ẩ. (1974), ẻũõồũủũõồớớợủũỹ ố ủợủũàõ ùðồủũúùởồớốÿ, ẩỗọàũồởỹủũõợ ịðốọốữồủờàÿ ởốũồðàũúðà, èợủờõà.
ấợõàởồõ è.ẩ. (1960), ẹợúữàủũốồ õ ùðồủũúùởồớốố, ữàủũỹ ùồðõàÿ, ểữồớỷồ ũðúọỷ ẹõồðọởợõủờợóợ ỵðốọốữồủờợóợ ốớủũốũúũà, ề.3 ẹõồðọởợõủờ.
ấợõàởồõ è.ẩ. (1971), ẹợõồũủờợồ úóợởợõớợồ ùðàõợ, ờúðủ ởồờửốộ, Âỷù. 1, Âõồọồớốồ õ úóợởợõớợồ ùðàõợ, ẹõồðọởợõủờ.
ấúðởÿớọủờốộ Â.ẩ. (1965), ểóợởợõớàÿ ợũõồũủũõồớớợủũỹ ố ỡồðỷ ợỏựồủũõồớớợóợ õợỗọồộủũõốÿ, èợủờõà.
ậồộờốớà Í.ẹ. (1968), ậốữớợủũỹ ùðồủũúùớốờà ố úóởợõớàÿ ợũõồũủũõồớớợủũỹ, ẩỗọàũồởỹủõợ ậồớốớóðàọủờợóợ úớốõồðủốũồũà.
èàớỹờợõủờốộ Á.ẹ. (1949), ẽðợỏởồỡà ợũõồũủũõồớớợủũố õ úóợởợõớợỡ ùðàõồ, èợủờõà.
èàðửồõ À.ẩ. (1976), ẽợớÿũốồ ố ủợọồðổàớốồ úóởợõớợộ ợũõồũủũõồớớợủũố, ẽðợỏởồỡà ỏợðỹỏỷ ủ ùðồủũúùớợủũỹỵ, ẻỡủờ.
Íốờốụợðợõ Á.ẹ. (1960), ẻủớợõà úóợởợõớợóợ ỗàờợớợọàũồởỹủũõà ẹợỵỗà ẹẹé ố ủợỗọớỷừ ðồủùúỏởốờ, Âàổớỷộ ýũàù õ ðàỗõốũốố ẹợõồũủờợóợ ùðàõà, èợủờõà.
ẽốợớờợõủờốộ À.À., èồớỹứàóốớ Â.Ä. (1955), ấúðủ ẹợõồũủờợóợ úóợởợõớợóợ ùðàõà, ợủợỏồớớàÿ ữàủũỹ, ề1, èợủờõà.
ẽốợớờợõủờốộ À.À.(1955), ểữồớốồ ợ ùðồủũúùởồớốố ùợ ẹợõồũủờợỡú úóợởợõớợỡú ùðàõú, èợủờõà.
ẽốợớờợõủờốộ À.À.(1967), ẻ ùợớÿũốố úóợởợõớợộ ợũõồũủũõồớớợủũố, ẹợõồũủờợồ óợủúọàðủũõợ ố ùðàõợ (12).
ẽốợớờợõủờốộ À.À., èồớỹứàóốớ Â.Ä. (1970), ấúðủ ẹợõồũủờợóợ úóợởợõớợóợ ùðàõà: Â 6ề, ề.3, èợủờõà.
ẹàỡợựồớờợ ẩ.ẹ., ễàðúờứốớ è.ế. (1971), ẻũõồũủũõồớớợủũỹ ùợ ẹợõồũủờợỡú ỗàờợớợọàũồởỹủũõú, èợủờõà.
ẹàớũàởợõ À.ẩ. (1982), ềồợðồũốữồủờốồ õợùðợủỷ úóợởợõớợộ ợũõồũủũõồớớợủũố, ẩỗọàũồởỹủũõợ ậồớốớóðàọủờợóợ úớốõồðủốũồũà, ậồớốớóðàọ.
ẹàừàðợõ À., ẽðồọởợổồớốÿ ùợ ỗàờợớợọàũồởỹủũõú, ẹợõồũủờàÿ ỵủũốửốÿ (9).
ẹồðóồồõà ề.ậ. (1964), ẻủớợõàớốÿ úóợởợõớợộ ợũõồũủũõồớớợủũố ùợ ẹợõồũủờợỡú úóợởợõớợỡú ùðàõú - úữồớ. ỗàù. ÂÍẩẩẹầ. õỷù. 1, èợủờõà.
ẹởợõàðỹ ùợ úóợởợõớợỡú ùðàõú (1997), ẻũõồũủũõồớớỷộ ðồọàờũợð - ọợờũợð ỵðốọốữồủờốừ ớàúờ ùðợụồủủợð À.Â. Íàúỡợõ, ẩỗọàũồởỹủũõợ ÁÅấ, èợủờõà.
ẹợõồũủờợồ úóợởợõớợồ ùðàõợ, ợỏựàÿ ữàủũỹ (1981), ẽợọ ðồọ. Ã.À. ấðốóồðà, Á.À. ấúðốớợõà, ị.è. ềờàữồõủờợóợ, ẩỗọàũồởỹủũõợ èợủờợõủờợóợ úớốõồðủốũồũà, èợủờõà.
ẹợõồũủờợồ úóợởợõớợồ ùðàõợ, ợỏựàÿ ữàủũỹ (1988), ẽợọ ðồọ. Ã.À. ấðốóồðà, Á.À. ấúðốớợõà, ị.è. ềờàữồõủờợóợ, ẩỗọàũồởỹủũõợ èợủờợõủờợóợ úớốõồðủốũồũà, èợủờõà.
ềðàộớốớ À.Í. (1951), ẹợủũàõ ùðồủũúùởồớốÿ ùợ ẹợõồũủờợỡú úóợởợõớợỡú ùðàõú, èợủờõà.
ềðàộớốớ À.Í. (1957), ẻỏựồồ úữồớốồ ợ ủợủũàõồ ùðồủũúùởồớốÿ, èợủờõà.
ểóợởợõớợồ ùðàõợ, ợỏựàÿ ữàủũỹ (1997), úữồỏớốờ ọởÿ õúỗợõ, ẩỗọàũồởỹủủờàÿ óðúùùà ốớụðà. è- ớợðỡà, èợủờõà.
ểũồõủờốộ Á.ẹ. (1950), Âốớà õ ẹợõồũủờợỡ úóợởợõớợỡ ùðàõồ, èợủờõà.
ểũồõủờốộ Á.ẹ. (1960), Âợùðợủỷ úóợởợõớợóợ ùðàõà õ ùðợồờũồ ỗàờợớà, ẹợõồũủờợồ óợủúọàðủũõợ ố ùðàõợ, (1).
ểũồõủờốộ Á.ẹ. (1961), Íợõỷồ ỡồũợọỷ ỏợðỹỏỷ ủ ùðồủũúùớợủũỹỵ ố ớồờợũợðỷồ õợùðợủỷ úóợởợõớợộ ợũõồũủũõồớớợủũố, ẽðàõợõồọồớốồ.
ểữồỏớốờ úóợởợõớợóợ ùðàõà, ợỏựàÿ ữàủũỹ (1996), ùợọ ðồọ. Àờàọồỡốờà Â.Í. ấúọðÿõửồõà ố ùðợụồủủợðà À.Â. Íàúỡợõà, ẩỗọàũồởỹủũõợ ẹùàðờ, èợủờõà.
ìừốờõàỗồ Â.è. (1951), ẽợớÿũốồ ố ỗớàữồớốồ ủợủũàõà ùðồủũúùởồớốÿ õ ủợõồũủờợỡ ùðàõồ, ẹợõồũủờợồ Ãợủúọàðủũõợ ố ùðàõợ (4).
òờợõởồõ À.è. (1964), Áợðỹỏà ủ ðồửốọốõớợộ ùðồủũúùớợủũỹỵ, èợủờõà.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA2638.doc