MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đất nước ta chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với nhiều nước trên thế giới. Sự vận hành của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang đem lại sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được bạn bè quốc tế đánh
106 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1667 | Lượt tải: 3
Tóm tắt tài liệu Chế định thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
giá cao.
Bên cạnh những mặt tích cực đã nêu ở trên, nền kinh tế thị trường cũng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, trong đó tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Các vụ án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham nhũng, buôn lậu, các tội phạm về ma túy... xảy ra nhiều, với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tình hình trên không những xâm hại tính mạng, sức khỏe của người dân, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, làm thiệt hại đến nền kinh tế đất nước, mà còn thực sự đe dọa phá vỡ chính sách kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, gây ra những hậu quả nặng nề về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thậm chí tình hình tội phạm còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tình báo nước ngoài lợi dụng tiến hành các hoạt động mua chuộc, thu thập tình báo, phá hoại sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước tình hình trên, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã áp dụng các biện pháp có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội và người phạm tội. Tòa án các cấp đã xử phạt tử hình nhiều người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm, phục vụ yêu cầu chính trị chung. Việc thi hành hình phạt tử hình đã được các cơ quan chức năng tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, được dư luận nhân dân đồng tình, đồng thời có tác dụng đề cao sự cần thiết phải áp dụng hình phạt này trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành hình phạt tử hình cũng đã đặt ra nhiều vấn đề vướng mắc đòi hỏi khoa học luật tố tụng hình sự phải nghiên cứu giải quyết như khái niệm thi hành hình phạt tử hình, các hình thức thi hành hình phạt tử hình, việc người bị kết án tử hình xin hiến xác cho khoa học, gia đình người bị kết án xin xác về mai táng theo phong tục, tập quán, sự phân công trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với chính quyền địa phương nơi có pháp trường trong việc quản lý khu vực chôn cất người bị thi hành hình phạt tử hình... Trong khi đó, xét về mặt lý luận, chế định thi hành hình phạt tử hình chưa được quan tâm nghiên cứu một cách thỏa đáng, và xung quanh chế định này, còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài "Chế định thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự Việt Nam", mang tính cấp thiết, không những về lý luận, mà còn là đòi hỏi thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả thi hành hình phạt tử hình ở Việt Nam.
2. Tình hình nghiên cứu
Thi hành hình phạt tử hình là vấn đề quan trọng và nhạy cảm, đã được một số nhà luật học ở trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. TS. Giang Sơn - Văn phòng Chủ tịch nước đã có công trình "Một số vấn đề về thi hành án tử hình" (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9 năm 1996); Tòa án nhân dân tối cao có công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ: "Áp dụng và thi hành hình phạt tử hình - những vấn đề lý luận và thực tiễn" (Tòa án nhân dân tối cao, Hà Nội, 2002); ThS. Vũ Trọng Hách - Học viện Hành chính Quốc gia có công trình: "Nhu cầu hoàn thiện pháp luật về thi hành án hình sự ở nước ta hiện nay" (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5 năm 2002);…
Các công trình nói trên đã đề cập đến các khía cạnh khác nhau về thi hành hình phạt tử hình, nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về chế định hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự, cũng như thực tiễn thi hành hình phạt tử hình ở Việt Nam hiện nay.
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
Mục đích nghiên cứu
Mục đích của luận văn là làm sáng tỏ một cách toàn diện, có hệ thống những vấn đề lý luận về thi hành hình phạt tử hình, phân tích, đánh giá đúng thực trạng những quy định về thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự hiện hành, thực tiễn thi hành hình phạt tử hình, xác định những vướng mắc trong thực tiễn thi hành hình phạt tử hình, để trên cơ sở đó, đề xuất hệ thống các giải pháp nâng cao hiệu quả việc áp dụng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình.
Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
Để đạt được mục đích trên, tác giả luận văn đã đặt ra và giải quyết các nhiệm vụ sau:
- Làm sáng tỏ khái niệm thi hành hình phạt tử hình, các hình thức thi hành hình phạt tử hình.
- Phân tích, làm rõ sự hình thành và phát triển các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình ở Việt Nam.
- Nghiên cứu, làm rõ các quy định của pháp luật về thi hành hình phạt tử hình của một số nước trên thế giới.
- Làm sáng tỏ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình ở nước ta.
- Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả việc áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình.
Đối tượng nghiên cứu của luận văn
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý luận về thi hành hình phạt tử hình, các quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về thi hành hình phạt tử hình và thực tiễn thi hành hình phạt này ở Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu của luận văn
Luận văn nghiên cứu đề tài này dưới góc độ luật tố tụng hình sự.
Về thời gian, luận văn nghiên cứu thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình từ năm 1993 đến năm 2002.
4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận của luận văn là hệ thống quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân, về chính sách đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, về thi hành hình phạt tử hình nói riêng.
Luận văn được thực hiện trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cơ sở thực tiễn của luận văn là các báo cáo chuyên đề thi hành hình phạt tử hình của cơ quan Công an, các báo cáo tổng kết, số liệu của Tòa án nhân dân tối cao về thi hành hình phạt tử hình.
Cơ sở phương pháp luận của luận văn là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong khi thực hiện đề tài, tác giả sử dụng các phương pháp hệ thống, phân tích, tổng hợp, lịch sử, lôgíc, thống kê, so sánh pháp luật, xã hội học để hoàn thành các nhiệm vụ mà tác giả luận văn đã đặt ra.
5. Những đóng góp mới của luận văn
Đây là công trình chuyên khảo đầu tiên trong khoa học pháp lý Việt Nam ở cấp độ luận văn thạc sĩ luật học, nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống về chế định thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình ở Việt Nam. Có thể xem những nội dung sau đây là những đóng góp mới của luận văn:
1. Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về thi hành hình phạt tử hình.
2. Phân tích làm rõ thực trạng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về thi hành hình phạt tử hình và thực tiễn áp dụng ở nước ta.
3. Nghiên cứu, so sánh những quy định của pháp luật tố tụng hình sự của Việt Nam về thi hành hình phạt tử hình với những quy định tương ứng trong pháp luật tố tụng hình sự của một số nước trên thế giới để rút ra những giá trị hợp lý về hoạt động lập pháp tố tụng hình sự.
4. Đề xuất phương hướng nâng cao hiệu quả việc áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Kết quả nghiên cứu và những kiến nghị của luận văn có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, thi hành hình phạt tử hình nói riêng. Thông qua kết quả nghiên cứu và các đề xuất, tác giả mong muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của kho tàng lý luận luật tố tụng hình sự và tổng kết, nghiên cứu thực tiễn thi hành hình phạt tử hình ở Việt Nam. Với việc đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả việc áp dụng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình, tác giả hy vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học cho việc đổi mới tổ chức, bộ máy, bố trí cán bộ các cơ quan có trách nhiệm trong việc thi hành hình phạt tử hình, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.
Vì vậy, luận văn này có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong công tác nghiên cứu, giảng dạy về khoa học pháp lý nói chung, khoa học luật tố tụng hình sự, khoa học kỹ thuật hình sự, tội phạm học nói riêng, cũng như trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên ngành về thi hành hình phạt tử hình thuộc các ngành Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 8 mục.
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH
1.1. KHÁI NIỆM, CÁC HÌNH THỨC THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH VÀ Ý NGHĨA CỦA CHẾ ĐỊNH THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
1.1.1. Khái niệm thi hành hình phạt tử hình
Để có thể đưa ra khái niệm thi hành hình phạt tử hình, trước hết cần làm sáng tỏ khái niệm hình phạt tử hình.
Trong hệ thống hình phạt được quy định trong luật hình sự Việt Nam, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, thể hiện mức độ trừng trị cao nhất của Nhà nước đối với người phạm tội, bởi lẽ nó tước đi quyền sống của người bị kết án, loại bỏ sự tồn tại của người phạm tội khỏi đời sống cộng đồng. Hiện nay, trên thế giới, có hai loại quan điểm trái ngược nhau về hình phạt tử hình:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, để bảo đảm an ninh xã hội, công bằng và công lý, cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; đối với những kẻ khủng bố quốc tế, giết người hàng loạt, thì không thể có biện pháp giáo dục nào có tác dụng, ngoài việc tước đi sự tồn tại của chúng [48, tr. 54].
Quan điểm thứ hai cho rằng, cần phải bỏ hình phạt tử hình, vì sự sống của con người là thiêng liêng nhất mà tạo hóa đã dành cho họ; việc áp dụng hình phạt này là tàn khốc, vô nhân tính, không thể chấp nhận được trong xã hội văn minh. Mặt khác, các cơ quan tố tụng có thể sai lầm khi áp dụng hình phạt này và khi phát hiện ra sai lầm, thì lại không thể khắc phục được, bởi lẽ người đã chết, thì không thể có biện pháp nào có thể khắc phục để họ sống trở lại [48, tr. 54].
Thể hiện hai quan điểm trên, theo số liệu chính thức của Ủy ban về quyền con người của Liên hợp quốc, hiện có 71 quốc gia vẫn duy trì hình phạt tử hình, 15 quốc gia xóa bỏ hình phạt tử hình đối với các tội thông thường, nhưng vẫn duy trì hình phạt tử hình đối với tội giết người; 77 quốc gia hoàn toàn xóa bỏ hình phạt tử hình, 33 quốc gia tuy còn quy định hình phạt tử hình, nhưng không thi hành hình phạt tử hình trên thực tế. Như vậy, 110 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình trên thực tế, chỉ còn 86 quốc gia vẫn duy trì loại hình phạt này. Đáng chú ý, một số quốc gia lớn và đông dân như Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Vương quốc Nhật Bản, Cộng hòa Inđônêxia... vẫn còn duy trì hình phạt này.
Việt Nam là quốc gia vẫn duy trì hình phạt tử hình. Cơ sở lý luận của việc duy trì hình phạt này là: do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của tội phạm đã được thực hiện và những đặc điểm về nhân thân người phạm tội, Nhà nước ta xét thấy không còn khả năng giáo dục, cải tạo họ. Vì vậy, hình phạt tử hình không đặt ra mục đích giáo dục, cải tạo đối với người bị kết án. Việc tước bỏ mạng sống của người bị kết án là nhằm loại bỏ hoàn toàn khả năng thực hiện tội phạm ở họ, đồng thời răn đe mạnh mẽ những người không vững vàng, dễ bước vào con đường phạm tội, ngăn ngừa họ phạm tội, góp phần nâng cao khí thế đấu tranh phòng, chống tội phạm của người dân. Cơ sở thực tiễn của việc duy trì hình phạt tử hình này là thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta cho thấy, địa phương nào hữu khuynh, không áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những kẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với nhiều tình tiết tăng nặng, thì ở đó tình hình tội phạm diễn biến phức tạp cả về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và phong trào quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm không mạnh. Vì vậy, hình phạt tử hình cần được áp dụng đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bị dư luận kịch liệt lên án.
Do những đặc điểm tâm lý, thể chất của người chưa thành niên, phụ nữ có thai và xuất phát từ quan điểm nhân đạo, luật hình sự Việt Nam quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Từ sự phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm hình phạt tử hình như sau: Tử hình là hình phạt đặc biệt, tước bỏ quyền sống của người bị kết án phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Vấn đề tiếp theo cần làm sáng tỏ là khái niệm thi hành án hình sự. "Thi hành" theo Hán Việt Từ điển của tác giả Đào Duy Anh là "đem cái việc đã định sẵn mà làm cho có hiệu quả" [1, tr. 398]; theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, "thi hành" là "làm cho thành, có hiệu lực điều đã được chính thức quyết định" [55, tr. 936]; còn theo Đại từ điển tiếng Việt thì "thi hành" được hiểu là "thực hiện điều đã chính thức quyết định" [59, tr. 1559]. Thi hành bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (Thi hành án) có thể được hiểu theo một cách chung nhất là "việc các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật nhằm đưa bản án, quyết định đó ra thi hành làm cho nó phát huy hiệu lực trên thực tế" [17, tr. 371].
Từ sự phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm thi hành án hình sự như sau: Thi hành án hình sự là việc các các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, các cá nhân có liên quan đưa bản án và quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án ra thi hành làm cho nó phát huy hiệu lực trên thực tế.
Nghiên cứu khái niệm thi hành án hình sự nói trên, có thể rút ra những đặc điểm của nó như sau:
Một là, thi hành án hình sự là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng hình sự, phản ánh kết quả của toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Hai là, mục đích của hình phạt chỉ có thể được thực hiện thông qua thi hành án hình sự. Điều đó có nghĩa, thi hành án hình sự chính là quá trình thực tiễn hóa mục đích của hình phạt. Ngoài ra, thi hành án hình sự còn có mục đích: đưa vào cuộc sống một cách đúng đắn và đầy đủ mọi nội dung của hình phạt đã được Tòa án phán quyết trong bản án, quyết định hình sự, khắc phục hậu quả do chính tội phạm đó gây ra cho xã hội, làm mất khả năng phạm tội của kẻ phạm tội, giáo dục, cải tạo kẻ phạm tội thành người lương thiện và tái hòa nhập cộng đồng người đó thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Ba là, thi hành án hình sự trước hết được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự và do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và công bằng xã hội. Ngoài ra, do thi hành án hình sự thường diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực, cho nên, ngoài các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự, cho nên thi hành án hình sự còn được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật khác như hành chính, dân sự, lao động...
Thi hành hình phạt tử hình là một bộ phận của thi hành án thi hành án hình sự. Từ khái niệm thi hành án hình sự nói trên, có thể đưa ra khái niệm thi hành hình phạt tử hình như sau: Thi hành hình phạt tử hình là hoạt động của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền đưa bản án tử hình của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thực hiện trên thực tế theo những trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Thi hành hình phạt tử hình cũng mang đầy đủ các đặc điểm của thi hành án hình sự, ngoài ra còn có những đặc điểm riêng sau:
Đặc điểm thứ nhất của thi hành hình phạt tử hình là sự thực hiện trên thực tế việc tước đi quyền sống của người phạm tội, do đó cơ quan thi hành án hình sự phải tuân theo những thủ tục hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ. Đây là đặc điểm chủ yếu nhất để có thể phân biệt việc thi hành hình phạt tử hình với thi hành các loại hình phạt, biện pháp tư pháp khác. Ví dụ: trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, cũng như trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, đều đã quy định thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành, trong đó quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục gửi hồ sơ vụ án lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, gửi bản án cho Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thời hạn quy định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; thủ tục xin ân giảm trình lên Chủ tịch nước... Đây là những thủ tục mà đối với việc thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp khác, pháp luật tố tụng hình sự không quy định.
Đặc điểm thứ hai, khác với việc thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp khác, nếu việc thi hành hình phạt tử hình có sai lầm, thì không thể khắc phục được hậu quả. Đặc điểm này bắt nguồn từ bản chất của hình phạt tử hình là tước đi quyền sống của người bị kết án, vì vậy, nếu như thi hành hình phạt tử hình không đúng đối tượng bị kết án, thì sai lầm này không thể khắc phục được.
Đặc điểm thứ ba, việc thi hành hình phạt tử hình không những tước đi sự sống của người bị kết án, mà còn gây ra nỗi đau thương, mất mát lâu dài cho người thân của họ, đồng thời có những tác động tâm lý tiêu cực nhất định lên những cá nhân trực tiếp thực hiện việc thi hành hình phạt tử hình. Đây là đặc điểm chúng ta cần lưu ý khi thực hiện công tác chính trị, tư tưởng đối với người thân của người bị kết án, cũng như đối với số cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tước đi mạng sống của người bị kết án.
1.1.2. Các hình thức thi hành hình phạt tử hình
Hình thức thi hành hình phạt tử hình là cách thức tước bỏ sự sống của người bị kết án tử hình do cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Trong lịch sử tồn tại và phát triển, loài người đã áp dụng rất nhiều hình thức thi hành hình phạt tử hình. Việc lựa chọn hình thức thi hành hình phạt tử hình nào cho phù hợp, phụ thuộc vào các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như chính sách hình sự của mỗi quốc gia. GS.TS người Nga A.Ph. Kixthiacốpxki đã dày công nghiên cứu về những hình thức thi hành hình phạt tử hình trong lịch sử và đưa ra 21 hình thức thi hành hình phạt tử hình chủ yếu đã được loài người áp dụng như sau: 1) treo cổ; 2) chặt đầu; 3) đun người bị kết án trong vạc dầu, nước sôi; 4) dùng bánh xe cán chết; 5) xé xác người bị kết án ra thành các mảnh nhỏ; 6) thiêu chết; 7) chôn sống; 8) bóp cổ hoặc làm cho chết ngạt trong bao tải; 9) lột da người bị kết án cho đến chết; 10) mổ bụng, moi ruột; 11) cho ngồi lên cọc nhọn hoặc dùng cọc nhọn đâm thủng người; 12) đốt cổ họng bằng chì đun sôi; 13) đẩy người bị kết án từ đỉnh núi xuống vực; 14) thắt cổ; 15) voi dày, ngựa xéo; 16) quăng người bị kết án cho hổ, báo ăn thịt; 17) dùng đá ném đến chết; 18) cho người bị kết án chết đói, chết khát; 19) đầu độc chết; 20) dùng gậy đánh chết; 21) xử bắn.
Từ sự thống kê này, GS.TS A.Ph. Kixthiacốpxki đã chia các hình thức thi hành hình phạt tử hình thành hai loại: loại hình thức thi hành hình phạt tử hình bình thường (treo cổ, xử bắn...) và loại hình thức thi hành hình phạt tử hình đặc biệt ngoài việc tước sự sống của người bị kết án, còn có mục đích làm đau đớn một cách thảm khốc cho họ như đun người bị kết án trong vạc dầu, nước sôi, lột da, xé xác... [60, tr. 136].
Hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự của các nước trên thế giới quy định bảy hình thức thi hành hình phạt tử hình.
Hình thức thứ nhất: xử bắn.
Đây là hình thức thi hành hình phạt tử hình mang tính phổ biến nhất. Theo số liệu của Tổ chức Ân xá quốc tế, có 86 quốc gia trên thế giới áp dụng hình thức thi hành hình phạt tử hình này. Việc xử bắn có thể do một người hoặc một nhóm người thi hành. Trường hợp việc xử bắn do một người thi hành, thì người đó dùng súng ngắn, bắn vào đầu người bị kết án ở cự ly ngắn, làm người đó chết ngay. Trường hợp việc xử bắn do một nhóm người thi hành (đội thi hành án), thì cự ly bắn được thực hiện xa hơn. Trong cả hai trường hợp, người bị kết án có thể được bố trí đối diện người thi hành án; riêng ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, người bị kết án được bố trí quay lưng về phía đội thi hành án, vì theo phong tục của nước này, người bị kết án không được nhìn về phía người bắn để hồn ma không thể về trả thù được.
Hình thức thứ hai: treo cổ.
Đây là hình thức thi hành hình phạt tử hình bị Ủy ban Ân xá quốc tế cho là dã man và cần phải bãi bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn có 70 nước trên thế giới áp dụng hình thức này như: Cộng hòa Singpore, Cộng hòa Ấn Độ, Nhật Bản... Ở Nhật Bản, việc thi hành hình phạt tử hình được giữ bí mật tuyệt đối, người bị kết án bị tròng vào cổ chiếc dây được xát xà phòng trơn, đầu bị trùm một tấm vải kín và được đứng trên một chiếc ghế đẩu. Khi được lệnh, người thi hành án hất đổ chiếc ghế và việc thi hành án được coi như đã hoàn tất.
Hình thức thứ ba: chém đầu.
Đây là hình thức thi hành hình phạt tử hình được 6 quốc gia trên thế giới áp dụng. Cách thức chém đầu có hai cách: dùng máy chém hoặc dùng kiếm. Hiện nay, Vương quốc Ảrập Xêút (Saudi Arabia) là quốc gia thường áp dụng hình thức này.
Hình thức thứ tư: ném đá đến chết.
Đây là hình thức thi hành hình phạt tử hình vô nhân đạo nhất hiện nay, trong đó người bị kết án bị chôn, chỉ để hở đầu lên khỏi mặt đất, sau đó bị ném đá cho đến chết. Điều 119 Bộ luật hình sự hồi giáo nước Cộng hòa Iran còn quy định rõ: "Các viên đá không được có kích thước lớn, để người bị kết án không bị chết ngay sau khi ném một, hai viên; đồng thời chúng cũng không được có kích thước nhỏ quá" [60, tr. 142]. Hình thức thi hành hình phạt tử hình này còn được áp dụng ở Cộng hòa Xu Đăng và ở một số nước khu vực Trung Cận Đông.
Hình thức thứ năm: ngồi ghế điện.
Đây là hình thức thi hành hình phạt tử hình bằng cách cho dòng điện chạy qua thân thể người bị kết án, lần đầu được thực hiện vào năm 1888 tại Nữu Ước, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trước khi hành hình 4 tuần lễ, người bị kết án được chuyển đến khu giam giữ đặc biệt, được viết nguyện vọng về nơi chôn cất và tài sản thừa kế. Người ta thử ba lần ghế điện, chuẩn bị dung dịch Amôniác dùng làm chất cách điện, thấm vào một cái đệm để áp vào đầu người bị kết án (bị cạo trọc), chân phải người đó được bôi chất dẫn điện. Người bị kết án bị buộc vào ghế điện. Hai cực điện được đặt vào đầu, chân phải của người bị kết án và dòng điện mạnh 2500 vôn được đóng. Việc cắm điện làm người bị kết án ngất ngay lập tức, nhưng cái chết chỉ xuất hiện sau một thời gian nhất định, trong một số trường hợp, phải sau từ 10 đến 15 phút, người bị kết án mới chết (có trường hợp phải 5 lần cắm điện, người bị kết án mới chết). Ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xảy ra một trường hợp, cho người bị kết án ngồi ghế điện, nhưng không chết, dẫn đến việc Tòa án tối cao phải ra phán quyết rằng, việc thi hành hình phạt tử hình lần thứ hai là không vi phạm Hiến pháp và người bị kết án bị hành quyết lần thứ hai sau một năm [60, tr. 143].
Hình thức thứ sáu: dùng hơi ngạt.
Đây là hình thức thi hành hình phạt tử hình được áp dụng từ cuối những năm 30 thế kỷ 20. Người bị kết án được buộc vào một chiếc ghế trong một phòng được thiết kế hoàn toàn bằng thép. Ở ngực người bị kết án, người ta gắn một ống nghe của bác sĩ và dây cao su dẫn tới phòng bên để bác sĩ theo dõi nhịp tim của người bị kết án. Dưới ghế ngồi của người bị kết án được đặt 16 viên thuốc độc (xianua). Khi cánh cửa thép được đóng lại, người ta cho chạy thiết bị làm những viên thuốc độc được hòa vào dung dịch axit, thuốc độc bốc thành khói, làm ngạt thở người bị kết án, từ đó dẫn đến tim ngừng đập. Hình thức thi hành phạt tử hình này bị coi là phức tạp và khá tốn kém.
Hình thức thứ bảy: tiêm thuốc độc.
Đây là hình thức thi hành hình phạt tử hình, trong đó người bị kết án bị buộc chặt vào một cái cáng, được đưa vào một phòng kín, rồi bị tiêm thuốc độc vào bắp thịt. Hình thức thi hành hình phạt tử hình lần đầu tiên được áp dụng tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào năm 1977. Khi bị tiêm thuốc độc mạnh vào mạch máu, thì người bị kết án sẽ bị chết trong khoảng thời gian từ 32 giây đến 1 phút. Tuy nhiên, cũng đã xảy ra một số trường hợp người bị kết án không chết ngay do dụng cụ truyền chất độc trượt khỏi mạch máu hoặc thuốc độc không đủ mạnh khi pha chế.
Hình thức thi hành hình phạt tử hình này được dư luận coi là "nhân đạo", tiết kiệm hơn cả, được 34 bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và nhiều nước khác trên thế giới áp dụng. Ngày 30-01-2001, Chính phủ Vương quốc Thái Lan đã phê chuẩn đề nghị thi hành hình phạt tử hình bằng tiêm thuốc độc thay vì xử bắn.
1.1.3. Ý nghĩa của chế định thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự Việt Nam
Chế định thi hành hình phạt tử hình lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 của nước ta, có ý nghĩa về mặt lập pháp hết sức to lớn. Nó đánh dấu sự trưởng thành về kỹ thuật lập pháp tố tụng hình sự của nước ta.
Trong chế định thi hành hình phạt tử hình, khái niệm thi hành hình phạt tử hình là khái niệm cơ bản, khái niệm xuất phát, để từ đó xác định các quy phạm khác của chế định thi hành hình phạt tử hình như hình thức thi hành hình phạt tử hình, trình tự, thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành, trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình, thủ tục hoãn thi hành án... Việc nhận thức và áp dụng đúng đắn chế định thi hành hình phạt tử hình trong thực tiễn là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực thi hành án hình sự, nhằm thi hành hình phạt tử hình đúng người, không để xảy ra oan, sai trong lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm này.
Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự nói chung, thi hành hình phạt tử hình nói riêng, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm hiệu quả đạt được của toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự. Vì vậy, việc quy định chế định thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn, vững mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân. Tuy nhiên, việc áp dụng chế định thi hành hình phạt tử hình một cách tùy tiện, không đúng pháp luật, bị coi là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bởi nó xâm phạm quyền được sống là một trong những quyền con người cơ bản, xâm phạm đến tình cảm thiêng liêng của những người thân thích của họ. Những hành vi vi phạm pháp luật về thi hành hình phạt tử hình không những xâm hại hoạt động đúng đắn của các cơ quan bảo vệ pháp luật, xâm hại quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, mà còn làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Do vậy, việc quy định một cách chặt chẽ chế định thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự thể hiện sự tôn trọng quyền con người của Nhà nước ta, bảo đảm sự giám sát của nhân dân, xã hội trong hoạt động thi hành án hình sự nói chung, thi hành hình phạt tử hình nói riêng.
Việc quy định trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự, ngoài ý nghĩa về mặt lập pháp tố tụng hình sự, còn có ý nghĩa nâng cao nhận thức của nhân dân nói chung, cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng về sự cần thiết phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng hình sự trong lĩnh vực thi hành hình phạt tử hình. Mặt khác, việc quy định cụ thể, chi tiết trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình còn giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật nắm vững nội dung, bản chất pháp lý, từ đó áp dụng đúng đắn chế định này, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, động viên quần chúng nhân dân tham gia tích vào cuộc đấu tranh này.
Ngoài ra, chế định thi hành hình phạt tử hình, còn có ý nghĩa là cơ sở pháp lý cho một số ngành khoa học pháp lý có liên quan chặt chẽ với khoa học luật tố tụng hình sự như tội phạm học, tâm lý học tư pháp, khoa học kỹ thuật hình sự... Đối với tội phạm học, chế định thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu về nhân thân người bị kết án tử hình, từ đó tìm ra quy luật phạm tội của những người này. Đối với tâm lý học tư pháp, chế định thi hành hình phạt tử hình có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu đặc điểm tâm lý của người bị kết án tử hình ở giai đoạn xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành, cũng như ở giai đoạn thi hành hình phạt tử hình, nhất là ở thời điểm trước khi thi hành án. Kết quả nghiên cứu đặc điểm tâm lý của những người bị kết án tử hình trong hoạt động thi hành hình phạt tử hình, sẽ là tài liệu quan trọng phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đối với khoa học kỹ thuật hình sự, việc quy định trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, đề xuất các hình thức thi hành hình phạt tử hình tiết kiệm, dễ áp dụng, "nhân đạo" nhất cho phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
1.2. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC QUY ĐỊNH VỀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TRƯỚC KHI BAN HÀNH BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003
1.2.1. Những quy định về thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
Năm 938, sau khi Ngô Quyền lên ngôi, cùng với những hình phạt mang nặng tính chuyên chính bạo lực, Nhà nước phong kiến sử dụng hình phạt tử hình với những cách thức khủng khiếp như là công cụ bảo vệ sự thống trị của giai cấp cầm quyền cũng như nền độc lập của quốc gia.
Dưới thời nhà Đinh, nhà tiền Lê, việc quy định tội phạm và hình phạt đều tùy thuộc vào ý chí của nhà Vua. Đinh Bộ Lĩnh đặt vạc dầu lớn ở sân triều, nuôi hổ giữ trong chuồng và quy ._.định: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn" [18, tr. 305].
Đến thời nhà tiền Lê, hình phạt tử hình còn được thi hành bằng những cách thức tàn bạo hơn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư:
Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy chết, hoặc sai kép hát người nước Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn, dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng... Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết [18, tr. 349].
Dưới thời nhà Lý, Lý Thái Tông cho soạn ra Hình thư, đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta nhưng hiện nay không còn nên chúng ta không biết rõ nội dung các điều luật.
Dưới thời nhà Trần, hình phạt tử hình đối với những người bị ghép tội phản nghịch được thi hành bằng cách: cho voi dầy, lăng trì (cắt từng miếng thịt cho đến chết), chôn sống, bêu đầu (sau khi chém người phạm tội bị chôn xuống đất, chỉ để lộ ra cái đầu, rồi buộc đầu vào một cây tre uốn cong xuống đất để bên cạnh. Khi xử tử, người ta lấy dao sắc chém đầu, đầu người tử tội sẽ bị treo trên cành tre). Việc áp dụng các hình thức thi hành hình phạt tử hình như trên là nhằm bảo vệ chế độ phong kiến khỏi sự xâm hại của những kẻ phản nghịch.
Dưới thời nhà Lê (1428 – 1788), Quốc triều hình luật (Bộ Luật Hồng Đức) - Bộ luật chính thống và quan trọng nhất, đã đề cập đến thi hành hình phạt tử hình tại mục 5 Điều 1 chương danh lệ:
Tử hình có ba bậc: từ tội thắt cổ (giảo), chém, đến tội lăng trì, chia làm ba bậc thắt cổ, chém là một bậc, chém bêu đầu (khiêu) là một bậc, lăng trì là một bậc, tùy theo tội mà tăng giảm.
1. Thắt cổ, chém.
2. Chém bêu đầu.
3. Lăng trì [36, tr. 219].
Điều 680 chương đoán ngục quy định:
Đàn bà phải tội tử hình trở xuống, nếu đang có thai, thì phải để sinh đẻ sau 100 ngày, mới đem hành hình, nếu chưa sinh mà đem hành hình, thì ngục quan bị xử biếm hai tư, ngục lại bị tội đồ làm bản cục đinh. Dù đã sinh rồi nhưng chưa đủ một trăm ngày mà hành hình, thì ngục quan và ngục lại đều bị tội nhẹ hơn tội trên hai bậc. Nếu đã đủ một trăm ngày mà không đem hành hình, thì ngục quan và ngục lại bị tội biếm hoặc tội phạt... [36, tr. 231-232].
Việc quy định thi hành hình phạt tử hình đối với phụ nữ như trên thể hiện tính nhân văn sâu sắc của cha ông chúng ta.
Dưới thời nhà Nguyễn, Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) được khắc in lần đầu năm 1982. Mặc dù chịu ảnh hưởng của luật Thanh Triều khá nặng nề, nhưng nhiều điều luật, trong đó có các điều luật về thi hành hình phạt tử hình vẫn tiếp thu các giá trị lập pháp trong Bộ luật Hồng Đức với một số quy định có tính nhân văn cao hơn. Trong Bộ luật này, tại chương Giải thích ghi rõ: "Các cực hình trong luật nhà Thanh như chu di tam tộc, lăng trì hoàn toàn bị bãi bỏ. Việc thi hành hình phạt tử hình được quy định dưới hai hình thức treo cổ và chém, chém thì thân và đầu mỗi nơi cách biệt, còn treo cổ thì chấm dứt sự sống thân thể còn vẹn toàn" [31, tr. 55].
Dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp chia đất nước ta ra làm ba kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ để dễ bề cai trị. Mỗi kỳ chịu sự cai trị bằng các hệ thống pháp luật khác nhau. Điều 12 Bộ luật hình canh cải có hiệu lực ở Nam kỳ, quy định:
Người nào bị xử tử thì phải bị chém đầu. Thủ phạm bị xử tử về tội giết cha mẹ sẽ bị dẫn đến pháp trường, cho mặc áo vắn, đi chơn không, đầu cho đội khăn chế trắng.
Để nó lên đài xử trong lúc ấy trưởng tòa đọc án xử nó cho nhơn dân nghe, rồi lập tức thi hành cho nó chết. Nếu bà con người bị chém xin xác lại, thì cho nó đem về chôn mà không đặng chôn tử tế [25, tr. 3].
Tại Điều 5, 6, 7, 8 Luật hình An Nam thi hành ở Bắc kỳ quy định:
Tử hình sẽ bị chém ở chỗ công chúng đều biết, chỗ ấy thì do trong án chỉ ra, nếu trong án chưa có chỉ ra, thì sẽ do quan trưởng lý kiêm chức nam án thủ hiến định.
Tử hình nếu không do quan toàn quyền xét ý kiến quan trưởng lý mà phê chuẩn, thì không được thi hành.
Phàm đàn bà con gái bị xử tử hình, mà tự xưng rằng có thai hễ xét ra quả thật thì đợi đến khi sinh đẻ rồi mới thụ hình. Người nào vì tội giết cha mẹ mà bị tử hình, thì chỉ cho mặc một cái áo lót mình, đi chơn không, đầu bịt vải trắng, rồi giải đến chỗ hình trường.
Đem người phạm để chỗ hình trường rồi người thừa phát lại đem án ra đọc trước công chúng. Khi đọc xong, thi hành ngay.
Cái xác người bị tử hình, nếu có người thân tộc đứng xin, sẽ cho nhận lấy mà mai táng, nhưng mà không cho phô trương.
Phàm gặp ngày kỷ niệm nước đại Pháp và những ngày lễ mà luật đại Pháp đã nhận, ngày chủ nhật, và theo như lịch An Nam, đầu năm từ mồng một đến mồng bảy, rằm tháng bảy, rằm tháng tám, ba ngày cuối cùng tháng chạp ngày vạn thọ nước Nam thì không được hành hình [32, tr. 5].
Trong Hoàng Việt hình luật được ban hành năm 1933, có hiệu lực ở Trung kỳ, Điều 6, 7, 8 chương 2 - Những tội danh đại hình, quy định:
Người bị tử hình sẽ bị bắn hoặc chém ở trước công chúng. Còn chỗ hành hình nếu hội đồng thượng thơ không chỉ định, thời quan tỉnh sở tại sẽ định một chỗ ở trong tỉnh mà tội nhân đã phạm pháp. Nếu đàn bà bị tử hình xưng rằng có thai, mà xét ra quả thiệt, thời sau khi sanh đẻ rồi một trăm ngày mới phải thụ hình.
Tội tử hình không đem ra hành hình trong những ngày quốc khánh (đại Pháp) và những ngày lễ mà luật nước đại Pháp Việt Nam đã công nhận, ngày chủ nhựt (cùng ngày lễ vạn thọ, ba ngày trước và ba ngày sau lễ nam giao), tám ngày đầu tháng giêng Việt Nam, ngày mồng 2, mồng 5 tháng 5, ngày rằm, tháng giêng, tháng bảy, tháng tám và tháng mười, ngày mồng một và năm ngày cuối cùng tháng chạp.
Nếu thân nhơn người bị xử tử có xin nhận xác về chôn thời cũng cho, nhưng không được làm đám phô trương và có công chúng dự lễ.
Nghiên cứu quy định trên cho thấy, việc thi hành hình phạt tử hình mặc dù mang bản chất của giai cấp thực dân thống trị sâu sắc, nhưng đã được quy định rất chi tiết, cụ thể, dễ áp dụng. Có thể nói, đây là một trong những giá trị lập pháp mà chúng ta cần quan tâm xem xét.
1.2.2. Những quy định về thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự Việt Nam thời kỳ từ khi Cách mạng tháng Tám thành công cho đến trước khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 ra đời
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đập tan chế độ thực dân phong kiến và các thiết chế pháp luật, đồng thời thiết lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên của Đông Nam Á, cùng với hệ thống pháp luật mới bao gồm: Hiến pháp, các đạo luật, sắc lệnh, nghị định, thông tư. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công ít ngày, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Vì vậy, trong suốt thời kỳ từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp cho đến năm 1954 là thời điểm ký Hiệp định Giơnevơ, Quốc hội ta là Quốc hội kháng chiến, Chính phủ ta là Chính phủ kháng chiến, pháp luật của ta cũng là pháp luật kháng chiến.
Trong thời kỳ này, Nhà nước ta cũng đã quan tâm đến sự điều chỉnh pháp luật việc thi hành hình phạt tử hình. Ngày 31-6-1946, Bộ Tư pháp đã ban hành thông tư số 498, trong đó quy định: "Thi hành hình phạt tử hình từ nay dùng súng thay máy chém" [38, tr. 211]. Quy định về hình thức tử hình này thể hiện bản chất nhân đạo của chế độ mới, khác về chất so với hình thức tử hình dã man dùng máy chém của chế độ thực dân phong kiến. Trong Quy tắc trại giam được ban hành ngày 12-6-1951, đã quy định vấn đề chuẩn bị và kết thúc việc thi hành án tử hình tại Điều 6: "Mỗi khi đưa phạm nhân ra chịu án tử hình, Ban Giám thị phải xét kỹ căn cước để đề phòng nhầm lẫn" và tại Điều 21 quy định: "Khi thi hành xong một án tử hình, Tòa án phải báo cho Ủy ban hành chính sở tại để đăng ký việc tử" [38, tr. 211]. Vấn đề xét ân giảm án tử hình cũng đã được quy định trong Thông tư số 335/TTg ngày 6-7-1954 của Thủ tướng phủ:
Sau khi Tòa án nhân dân đã lên án tử hình, phạm nhân vẫn có quyền đệ đơn lên Chủ tịch nước xin ân giảm.
Đơn xin ân xá, ân giảm do Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu chuyển lên Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp làm tờ trình lên Chủ tịch nước quyết định [38, tr. 213].
Nghiên cứu các văn bản pháp luật quy định việc thi hành hình phạt tử hình trong thời kỳ này, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, pháp luật trong giai đoạn này mang tính chất thời chiến, nhưng cũng đã kịp thời quy định một số vấn đề cơ bản của việc thi hành hình phạt tử hình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thi hành hình phạt tử hình, góp phần vào cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai.
Thứ hai, việc thi hành hình phạt tử hình được quy định trong nhiều văn bản pháp luật dẫn tới khó khăn trong việc thống nhất áp dụng pháp luật. Mặt khác, các văn bản quy định về việc thi hành hình phạt tử hình đều là những văn bản dưới luật do cơ quan hành pháp ban hành, hiệu lực pháp lý không cao.
Thứ ba, nhiều vấn đề về thi hành hình phạt tử hình chưa được pháp luật điều chỉnh như cơ quan chịu trách nhiệm thi hành hình phạt tử hình, trình tự, thủ tục xử bắn tại pháp trường... Đây là những nhược điểm cần được khắc phục trong thời gian tới.
Từ năm 1954 đến năm 1974, việc thi hành án tử hình do các khu, sở, ty Công an phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân ở địa phương thi hành. Ngày 13- 2-1974, Bộ Công an ra Chỉ thị số 138-KC1 quy định cụ thể về công việc chuẩn bị, thủ tục và trình tự những việc làm từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc cuộc thi hành án, những trường hợp cần tạm hoãn thi hành án. Về địa điểm pháp trường, thời gian thi hành án, Chỉ thị quy định:
Tùy trường hợp, pháp trường có thể bố trí gần trại giam, hoặc ở nơi xảy ra vụ án, nhưng nguyên tắc là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhân dân (xa nhà ở của dân, không để dân qua lại khu vực pháp trường)...
Ngày giờ thi hành án, nếu không phải trường hợp cấp bách, thì không nên định vào ngày kỷ niệm, ngày tết và các ngày lễ chính của các tôn giáo, dân tộc [45, tr. 255].
Quy định này hoàn toàn phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc và bảo đảm sự an toàn của nhân dân trong quá trình thi hành hình phạt tử hình.
Về công tác chuẩn bị thi hành án tử hình, Chỉ thị quy định:
Lãnh đạo Khu, Sở, Ty Công an phải thành lập Hội đồng thi hành án tử hình, lập kế hoạch và định ngày, giờ, địa điểm, pháp trường, bố trí lực lượng vũ trang. Thành phần Hội đồng thi hành án tử hình bao gồm:
- Một đại diện của cơ quan Công an (Chánh hoặc Phó giám đốc, Trưởng hoặc Phó ty Công an).
- Một đại diện của Viện kiểm sát nhân dân (Viện trưởng, Viện phó hoặc Ủy viên kiểm sát).
- Một đại diện của Tòa án nhân dân (Chánh án, Phó chánh án hoặc Ủy viên thẩm phán).
- Một bác sĩ pháp y (do Hội đồng giám định pháp y ở địa phương chỉ định).
- Một đại diện của trại giam (Chánh hoặc Phó giám thị).
Người chứng kiến việc thi hành án là một đại diện của Ủy ban hành chính cơ sở nơi bố trí pháp trường. Người này có nhiệm vụ lập giấy khai tử cho kẻ bị áp dụng hình phạt tử hình sau khi bắn.
Trước khi đưa phạm nhân ra pháp trường, cán bộ căn cước của Sở, Ty Công an phải đến trại giam, lập danh chỉ bản mới, đem đối chiếu với danh chỉ bản cũ và các tài liệu khác đầy đủ, chính xác và xác định phạm nhân đó đúng là phạm nhân bị kết án tử hình và đúng là kẻ sắp bị thi hành án trong kế hoạch đã định [45, tr. 256].
Về trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình, Chỉ thị quy định:
4. Sau khi trói tay phạm nhân vào cọc đã trông sẵn, thì đại diện Tòa án nhân dân công bố tóm tắt tội trạng của phạm nhân và đọc phần kết luận trong bản quyết định duyệt án tử hình hoặc quyết định bác đơn xin ân giảm của phạm nhân.
5. Bịt mắt phạm nhân bằng một vải băng đen.
6. Hội đồng thi hành án ra lệnh thì cán bộ chỉ huy lực lượng thi hành án hô đội viên (5 đội viên bắn giỏi được lựa chọn) bắn một loạt súng trường nhằm thẳng vào tim phạm nhân. Để kết thúc việc thi hành án tử hình, cán bộ chỉ huy bắn thêm một phát súng ngắn vào thái dương của phạm nhân.
7. Bác sĩ pháp y khám nghiệm, xác định là phạm nhân đã chết hẳn.
8. Chôn phạm nhân ngay tại gần nơi thi hành án (không cho phép thân nhân xin xác đem về chôn); tại mả có cắm một biển gỗ nhỏ ghi rõ họ, tên tuổi và nguyên quán phạm nhân [45, tr. 257].
Việc không cho phép thân nhân người bị kết án xin xác về chôn trong Chỉ thị số 138-KC1 là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh chiến tranh lúc đó.
Đặc biệt, trong Chỉ thị này quy định rất rõ các trường hợp tạm hoãn thi hành hình phạt tử hình. Đây là những quy định, mặc dù không có trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, nhưng hiện nay vẫn được áp dụng:
- Phạm nhân tự thú những tội phạm nghiêm trọng khác của y mà xét thấy những việc ấy cần điều tra, xác minh thêm để kết luận.
- Phạm nhân tố giác tội phạm của người khác mà xét thấy việc ấy có tính chất nghiêm trọng và việc điều tra, kết luận nhất thiết phải có mặt phạm nhân.
- Phạm nhân kêu oan mà xét thấy việc đó có thể có căn cứ [45, tr. 257].
Trong Bộ luật tố tụng hình sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28/06/1988, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1989. đã được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm: 1990, 1992, 2000, (sau đây gọi tắt là Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988), việc thi hành hình phạt tử hình được quy định tại chương XXV.
Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành được quy định cụ thể tại Điều 228 với những nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc kiểm tra lại bản án tử hình.
Khoản 1 Điều 228 Bộ luật quy định:
Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản sao bản án được gửi ngay lên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong thời gian hai tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản sao bản án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
So sánh với các văn bản quy định về thi hành hình phạt tử hình trước đây, quy định trên đã bãi bỏ chế độ duyệt án tử hình được quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 và bổ sung quy định về trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Thứ hai, về thủ tục gửi đơn xin ân giảm.
Khoản 1 Điều 228 Bộ luật quy định: "Trong thời hạn bảy ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước". So sánh với quy định về thủ tục gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước được quy định tại Thông tư số 335/TTg ngày 6-7-1954 của Thủ tướng phủ, thì thời hạn được quy định rõ ràng, cụ thể hơn.
Thứ ba, về điều kiện thi hành bản án tử hình.
Khoản 2 Điều 228 Bộ luật quy định: "Bản án tử hình được thi hành, nếu không có kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm".
Thủ tục thi hành hình phạt tử hình được quy định tại Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 với những nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, về việc ra quyết định thi hành án và thành lập Hội đồng thi hành án tử hình.
Khoản 1 Điều 229 Bộ luật quy định:
Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án và thành lập Hội đồng thi hành án.
Hội đồng thi hành án gồm đại diện Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an. Hội đồng thi hành án phải kiểm tra căn cước của người bị kết án trước khi thi hành.
So với quy định về việc thành lập Hội đồng thi hành án trong Chỉ thị số 138-KC1, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 đã trao thẩm quyền thành lập Hội đồng thi hành án từ cơ quan Công an sang Tòa án và không quy định bác sĩ pháp y là thành phần bắt buộc của Hội đồng.
Trong trường hợp người bị kết án là phụ nữ thì trước khi ra quyết định thi hành án, Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm phải tổ chức kiểm tra các điều kiện không áp dụng hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự năm 1985. Đây có thể nói là bước tiến bộ về kỹ thuật lập pháp tố tụng hình sự, thể hiện truyền thống nhân đạo, nhân văn và tôn trọng quyền con người, tôn trọng phụ nữ của dân tộc ta.
Thứ hai, về thủ tục trước khi thi hành án.
Khoản 2 Điều 229 Bộ luật quy định: "Trước khi thi hành án, phải giao cho người bị kết án đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và nếu người bị kết án đã có đơn xin ân giảm án tử hình thì giao cho họ đọc bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm". So với quy định tương ứng trong các văn bản trước đây, quy định là một bước tiến về kỹ thuật lập pháp tố tụng hình sự theo hướng bảo đảm dân chủ và chặt chẽ hơn. Việc tống đạt cho phạm nhân (đọc cho phạm nhân) quyết định của Hội đồng toàn thể thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao duyệt án tử hình và quyết định bác đơn xin ân giảm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được thay thế bằng việc giao cho phạm nhân tự đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị và bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Thứ ba, về hình thức thi hành hình phạt tử hình.
Tương tự như quy định tại Thông tư số 498 ngày 31-6-1946 của Bộ Tư pháp, khoản 3 Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 quy định: "Hình phạt tử hình được thi hành bằng xử bắn".
Thứ tư, về các trường hợp hoãn thi hành án tử hình.
Khoản 5 Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 quy định: "Trong trường hợp có tình tiết đặc biệt, Hội đồng thi hành án hoãn thi hành và báo cáo Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao". Tuy nhiên, Bộ luật đã không đưa ra khái niệm thế nào là trường hợp có tình tiết đặc biệt và trên thực tế, các cơ quan có trách nhiệm thi hành án tử hình vẫn áp dụng ba trường hợp được hoãn thi hành án tử hình được quy định tại Chỉ thị số 138-KC1 ngày 13-2-1974 của Bộ Công an.
1.3. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Tử hình là một trong những hình phạt lâu đời nhất trong lịch sử tồn tại và phát triển của loài người, cho nên các nước trên thế giới còn duy trì hình phạt tử hình, đều quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành hình phạt này. Nghiên cứu những quy định về thi hành hình phạt tử hình trong pháp luật tố tụng hình sự của Liên bang Nga, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Nhật Bản... cho thấy, các nước quy định rất khác nhau về vấn đề này.
Về hình thức thi hành hình phạt tử hình, pháp luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho phép lựa chọn các hình thức khác nhau, nhưng phổ biến là hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc. Điều 344 Giải thích của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề chấp hành luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 8-9-1998 quy định:
Việc tử hình được thi hành bằng cách xử bắn hoặc tiêm thuốc.
Nếu chọn phương pháp tiêm thuốc để thi hành án tử hình, thì phải thi hành tại nơi chỉ định hoặc trong trại giam. Trình tự cụ thể, phải dựa theo các quy định của pháp luật.
Nếu chọn các phương pháp khác, ngoài xử bắn, tiêm thuốc ra, để thi hành án tử hình thì trước đó phải báo cáo xin Tòa án nhân dân tối cao phê chuẩn [54, tr. 142].
Khác với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ở Vương quốc Nhật Bản, hình thức thi hành hình phạt tử hình được quy định tại Điều 11 Bộ luật hình sự:
1. Hình phạt tử hình được thi hành bằng cách treo cổ người bị kết án tại nhà tù;
2. Người bị kết án tử hình được giam giữ ở nhà tù cho đến khi hình phạt được thi hành [8, tr. 5-6].
Tương tự như Vương quốc Nhật Bản, ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, hình thức thi hành hình phạt tử hình cũng được quy định tại Bộ luật hình sự. Điều 30 Bộ luật quy định: "Tử hình được thực hiện bằng cách bắn" [6, tr. 9].
Nếu như các nước nói trên không quy định việc thi hành hình phạt tử hình được tiến hành công khai hay không, thì Điều 186 Bộ luật thi hành án hình sự Liên bang Nga quy định cụ thể: "Tử hình được thi hành bằng cách xử bắn không công khai" [61, tr. 640].
Về trình tự gửi đơn xin ân giảm và xét đơn xin ân giảm, giống như pháp luật tố tụng hình sự nước ta, pháp luật thi hành án hình sự Liên bang Nga không quy định thời hạn xét đơn xin ân giảm của Tổng thống. Khoản 2 Điều 184 Bộ luật thi hành án hình sự Liên bang Nga quy định: "Trường hợp người bị kết án tử hình gửi đơn xin ân giảm, bản án tử hình phải hoãn thi hành cho đến khi có quyết định của Tổng thống Liên bang Nga" [61, tr. 640].
Về việc ra quyết định thi hành hình phạt tử hình, khác với quy định của pháp luật tố tụng hình sự nước ta, Điều 475 Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản quy định:
1. Hình phạt tử hình được thi hành theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Tư pháp
2. Lệnh nói tại khoản 1 trên đây được ban hành trong sáu tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy vậy, trong trường hợp có yêu cầu phục hồi quyền kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hoặc yêu cầu tái thẩm hoặc giám đốc thẩm hoặc có đơn hay đề nghị xin ân xá, thì thời hạn để kết thúc thủ tục đó và thời hạn bản án được tuyên đối với các bị cáo sẽ không được tính vào thời hạn nói trên [13, tr. 77].
Trong Bộ luật tố tụng hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, việc ra quyết định thi hành hình phạt tử hình được quy định tại Điều 153: "Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký lệnh thi hành ngay những bản án tử hình do Tòa án nhân dân tối cao xét xử và phê chuẩn" [10, tr. 55].
Về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình, Điều 154 Bộ luật tố tụng hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: "Tòa án nhân dân cấp dưới phải thi hành án tử hình nội trong bảy ngày kể từ khi nhận được lệnh của Tòa án nhân dân tối cao" [10, tr. 56]; Điều 155 quy định: "Trước khi thi hành án tử hình, Tòa án nhân dân phải báo để Viện Kiểm sát nhân dân ngang cấp cử nhân viên đến giám sát việc thi hành" [10, tr. 57]. Khác với quy định này, trong Bộ luật tố tụng hình sự Vương quốc Nhật Bản, việc thi hành hình phạt tử hình được giao cho Viện Công tố. Điều 472 Bộ luật này quy định: "Việc thi hành án do công tố viên của Viện Công tố tương ứng với Tòa án đã ra bản án đó chỉ đạo" [13, tr. 76]; "Hình phạt tử hình sẽ được thi hành với sự có mặt của công tố viên, sĩ quan trợ lý công tố viên, giám thị trại giam hoặc đại diện của giám thị" [13, tr. 77]. Tương tự như quy định này, Điều 186 Bộ luật thi hành án hình sự Liên bang Nga quy định: "Hình phạt tử hình được thi hành với sự có mặt của công tố viên, đại diện trại giam nơi thi hành hình phạt tử hình và bác sĩ" [61, tr. 640].
Về thủ tục lập biên bản việc thi hành hình phạt tử hình, Điều 154 Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định:
Sau khi thi hành xong án tử hình, thư ký phải ghi thành biên bản ngay tại pháp trường, Tòa án nhân dân có thẩm quyền thi hành án tử hình phải báo cáo tình hình thi hành án lên Tòa án nhân dân tối cao.
Sau khi thi hành xong án tử hình, Tòa án nhân dân có thẩm quyền thi hành án tử hình phải báo cho gia đình phạm nhân biết [10, tr. 57].
Điều 478 Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản quy định: "Sĩ quan trợ lý công tố viên tham gia thi hành án tử hình sẽ lập biên bản thi hành án. biên bản đó sẽ do sĩ quan trợ lý công tố viên ký và đóng dấu cùng với chữ ký của công tố viên và giám thị trại giam hoặc đại diện của giám thị trại giam" [13, tr. 77].
Về vấn đề thi thể người bị kết án, pháp luật các nước quy định khác nhau. Có nước không cho phép thân nhân nhận thi thể người bị kết án về chôn cất như Điều 186 Bộ luật thi hành án hình sự Liên bang Nga quy định: "Chính quyền cơ quan nơi thi hành án tử hình có trách nhiệm thông báo về việc thi hành án cho Tòa án đã ra bản án tử hình và thân nhân người bị kết án. Thi thể người bị kết án không được trao trả và nơi chôn cất của người đó cũng không được thông báo" [61, tr. 640]; có nước lại cho phép thân nhân đem thi thể người bị kết án về chôn cất như Điều 347 Giải thích của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề chấp hành luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 8-9-1998 quy định:
Sau khi thi hành án tử hình, Tòa án nhân dân chịu trách nhiệm thi hành án, cần làm các việc sau:
Thông báo cho gia đình tội phạm trong thời hạn nhất định tới nhận thi thể tội phạm, nếu có điều kiện hỏa táng, thì thông báo tới nhận hài cốt. Nếu quá hạn không tới lấy, thì Tòa án thông báo cho đơn vị hữu quan xử lý [57, tr. 142].
Về các trường hợp hoãn thi hành hình phạt tử hình, pháp luật các nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Nhật Bản, Liên bang Nga đều rất quy định cụ thể. Điều 341 Giải thích của Tòa án nhân dân tối cao về một số chấp hành luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 8-9-1998 quy định:
Tòa án nhân dân cấp dưới sau khi nhận lệnh thi hành án tử hình, nếu phát hiện có một trong những tình tiết sau đây, phải ngừng việc thi hành và lập tức báo cáo với Tòa án nhân dân đã phê chuẩn tử hình, để Tòa án nhân dân phê chuẩn tử hình ra quyết định:
1. Trước khi thi hành, phát hiện việc phán quyết có khả năng mắc sai lầm;
2. Trước khi thi hành, tội phạm khai báo sự thật quan trọng hoặc có biểu hiện lập công lớn khác, có thể cần thay đổi phán quyết;
3. Tội phạm đang mang thai [54, tr. 140-141].
Các trường hợp hoãn thi hành hình phạt tử hình được quy định tại Điều 479 Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản:
1. Nếu người bị kết án tử hình đang ở trong tình trạng rối loạn thần kinh thì việc thi hành án sẽ được hoãn theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
2. Nếu phụ nữ bị kết án tử hình đang có thai thì việc thi hành án sẽ được hoãn theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
3. Khi việc thi hành án tử hình đã được hoãn theo quy định tại khoản 1 và 2 trên đây thì hình phạt tử hình sẽ không được thi hành trừ phi có lệnh của Bộ trưởng Bộ Tư pháp được ra sau khi hồi phục tình trạng rối loạn thần kinh hoặc sau khi sinh con.
4. Quy định của khoản 2 Điều 475 được áp dụng với những thay đổi tương ứng, đối với lệnh nói tại khoản 3 trên đây. Trong trường hợp này, "ngày bản án có hiệu lực pháp luật" nói trong điều này có nghĩa là "ngày hồi phục tình trạng rối loạn thần kinh hoặc ngày sau khi sinh con [13, tr. 77].
Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự các nước nói trên về các trường hợp hoãn thi hành hình phạt tử hình là những tài liệu tham khảo có giá trị cho việc nghiên cứu, hoàn thiện chế định thi hành hình phạt tử hình trong luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Chương 2
NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ HIỆN HÀNH VỀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG
2.1. NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ HIỆN HÀNH VỀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH
2.1.1. Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về các cơ quan có nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình
Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, ở nước ta không có cơ quan chuyên trách thi hành hình phạt tử hình, mà nhiệm vụ này được giao cho ba cơ quan, đó là Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Công an.
1- Tòa án nhân dân
Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xét xử và tuyên án tử hình đối với người bị phạm tội (Tòa án cấp tỉnh trở lên). Trong việc thi hành hình phạt tử hình, Tòa án giữ một vai trò hết sức quan trọng. Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: "Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án và thành Hội đồng thi hành án tử hình gồm đại diện Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an". Trong Hội đồng thi hành án, Chánh án hoặc Phó Chánh án hoặc Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, có chức năng chỉ đạo quá trình thi hành án tử hình.
Sau khi Hội đồng thi hành án được thành lập, Chủ tịch Hội đồng thi hành án phải chủ trì công tác chuẩn bị như mời đại diện của các cơ quan là thành viên Hội đồng thi hành án đến họp bàn về kế hoạch, mời bác sĩ giám định pháp y và cử một cán bộ Tòa án làm thư ký Hội đồng thi hành án.
2- Viện Kiểm sát
Viện Kiểm sát có nhiệm vụ thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong toàn bộ hoạt động thi hành hình phạt tử hình, từ kiểm sát nội dung quyết định thi hành bản án tử hình, thành phần Hội đồng thi hành án, kiểm sát việc thực hiện các thủ tục về thi hành án tử hình trong suốt quá trình từ khi tiến hành đến khi kết thúc việc thi hành án nhằm bảo đảm theo đúng quy định tại Điều 258, 259 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Viện Kiểm sát phải cử Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh tham gia Hội đồng thi hành án tử hình. Trong Hội đồng thi hành án tử hình, đại diện Viện Kiểm sát phải thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhằm:
- Bảo đảm việc kiểm tra căn cước của người bị kết án trước khi thi hành án.
- Nếu người bị kết án là phụ nữ thì phải bảo đảm việc kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự năm 1999.
- Bảo đảm cho người bị kết án trước khi thi hành án được đọc các quyết định: quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm (nếu người bị kết án có đơn xin ân giảm án tử hình).
- Bảo đảm thực hiện quyền của người bị kết án được viết thư và gửi đồ vật cho thân nhân (nếu có).
- Bảo đảm việc thi hành hình phạt tử hình được thực hiện bằng hình thức xử bắn.
- Bảo đảm biên bản thi hành hình phạt tử hình phải phản ánh đúng, đầy đủ hoạt động thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm quyết định hoãn thi hành án tử hình của Hội đồng thi hành án (nếu có) có căn cứ đúng pháp luật.
Sau khi kiểm sát thi hành hình phạt tử hình, Viện Kiểm sát thực hiện công tác kiểm sát đó có trách nhiệm báo cáo kết quả thi hành hình phạt tử hình cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời lập hồ sơ kiểm sát thi hành hình phạt tử hình gồm đầy đủ các tài liệu liên quan đến việc thi hành án tử hình để lưu trữ.
3- Cơ quan Công an
Giám đốc hoặc Phó giám đốc Công an tỉnh, thành phố (thường là Phó giám đốc phụ trách Cảnh sát) tham gia Hội đồng thi hành án tử hình theo quy định tại Điều 259 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Sau khi nhận được quyết định thi hành án tử hình, theo quy định tạm thời số 03/BNV ngày 15._.quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người bị kết án đã có đơn xin ân giảm án tử hình thì giao cho họ đọc bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
4. Lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải người bị kết án đến pháp trường, bảo đảm an toàn, trật tự.
5. Sau khi trói tay người bị kết án vào cột đã trồng sẵn, đại diện Tòa án công bố tóm tắt tội trạng của người bị kết án và đọc phần kết luận trong quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người bị kết án đã có đơn xin ân giảm án tử hình thì đọc phần kết luận trong quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
6. Người bị kết án được bịt mắt bằng một vải băng đen. Sau khi Chủ tịch Hội đồng thi hành án ra lệnh, Đội trưởng Đội vũ trang thi hành án hô 5 đội viên bắn một loạt súng trường, nhằm thẳng vào tim người bị kết án. Đội trưởng Đội vũ trang thi hành án bắn thêm một phát súng ngắn vào thái dương người bị kết án.
Trường hợp pháp luật tố tụng hình sự quy định thi hành hình phạt tử hình bằng tiêm thuốc độc, các điểm 4, 5, 6 nói trên được sửa đổi như sau:
Người bị kết án được đưa đến buồng tiêm thuốc độc trong Trại tạm giam. Sau khi bị cột chặt vào giường chuyên dụng, bác sĩ thi hành án tiêm thuốc độc dưới sự chứng kiến của Hội đồng thi hành án.
7. Bác sĩ pháp ý khám nghiệm, xác định là người bị kết án đã chết hẳn.
8. Người bị kết án được chôn gần nơi thi hành án. Chính quyền địa phương nơi đã chôn cất người bị kết án có nghĩa vụ quản lý nghĩa địa, tạo điều kiện để thân nhân của họ được chăm sóc mồ mả, hương khói theo phong tục cổ truyền của dân tộc. Trong trường hợp thân nhân người bị kết án xin xác người bị kết án về mai táng, thì việc giải quyết phải trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, trật tự an toàn xã hội.
9. Lập biên bản về việc thi hành hình phạt tử hình. Biên bản do cơ quan Công an chủ trì, có chữ ký của các thành viên Hội đồng thi hành hình phạt tử hình và đại diện ủy ban nhân dân địa phương nơi thi hành án. Toàn bộ biên bản và hồ sơ thi hành hình phạt tử hình phải được gửi lên Bộ Công an lưu trữ.
10. Sau khi thi hành xong hình phạt tử hình, cơ quan Công an có trách nhiệm báo cho gia đình người bị kết án biết. Trại tạm giam có trách nhiệm trả lại tiền, tài sản lưu ký, đồ dùng cá nhân (nếu có) của người đã bị thi hành án tử hình cho thân nhân hoặc cho người được ủy thác của người đó.
Năm là, cần có quy định về trường hợp người bị kết án tự nguyện xin hiến xác hoặc các bộ phận của cơ thể cho khoa học vì mục đích nhân đạo.
Quyền hiến xác hoặc các bộ phận của cơ thể cho khoa học vì mục đích nhân đạo là quyền nhân thân của công dân đã được đưa vào Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Người bị kết án tử hình mặc dù là người phạm tội đặc biệt nguy hiểm, nhưng họ vẫn là công dân Việt Nam, cho nên trong trường hợp quy định về việc công dân có quyền được hiến xác hoặc các bộ phận của cơ thể được Quốc hội nước ta thông quan, thì nên có quy định tương ứng đối với trường hợp người bị kết án tự nguyện xin hiến xác hoặc các bộ phận của cơ thể cho khoa học vì mục đích nhân đạo.
Sáu là, cần phải quy định rõ ràng, cụ thể về các trường hợp tạm hoãn thi hành hình phạt tử hình.
Việc hoãn thi hành hình phạt tử hình là một quyết định quan trọng của Hội đồng thi hành án tử hình, hoãn thi hành hình phạt tử hình có liên quan đến mạng sống của một con người nhưng đồng thời cũng liên quan đến tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, để Hội đồng thi hành án tử hình hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì những quy định rõ ràng, cụ thể của pháp luật về các căn cứ để hoãn thi hành hình phạt tử hình là điều hết sức cần thiết. Từ những quy định hiện hành có liên quan và thực tiễn áp dụng cho thấy, nội dung của việc tạm hoãn thi hành hình phạt tử hình phải bao gồm:
· Hội đồng thi hành hình phạt tử hình tạm hoãn thi hành hình phạt tử hình khi:
Người bị thi hành hình phạt tử hình tự thú những tội phạm nghiêm trọng khác của y mà xét thấy những việc ấy cần phải điều tra, xác minh thêm để có kết luận;
Người bị thi hành hình phạt tử hình tố giác tội phạm của người khác mà xét thấy những việc đó có tính chất nghiêm trọng và việc điều tra, kết luận nhất thiết phải có mặt bị thi hành hình phạt tử hình;
Người bị thi hành hình phạt tử hình kêu oan mà xét thấy việc đó có thể có căn cứ.
· Hội đồng thi hành hình phạt tử hình không tạm hoãn thi hành hình phạt tử hình khi:
Người bị thi hành hình phạt tử hình kêu oan hoặc khai ra những tội phạm khác của họ mà xét thấy những việc đó không có căn cứ, không quan trọng hoặc đã được các cơ quan công an, Viện kiểm sát, Tòa án xét đến trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử;
Người bị thi hành hình phạt tử hình tố giác tội phạm của người khác mà xét thấy việc điều tra những tội phạm đó không cần phải có mặt người bị thi hành hình phạt tử hình.
Nếu có trường hợp cần phải tạm hoãn thi hành án tử hình thì Giám đốc Công an cấp tỉnh phải đề nghị với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh cùng nhau bàn bạc tập thể trước khi tạm hoãn và phải báo cáo ngay lập tức lên Bộ Công an để đưa ra bàn với lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao xem xét và quyết định.
Việc xây dựng một chương về thi hành hình phạt tử hình trong Bộ luật thi hành án hay xây dựng Pháp lệnh thi hành hình phạt tử hình có nội dung đầy đủ và chính xác sẽ góp phần quan trọng giúp các cơ quan, cá nhân có nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình áp dụng những quy định tương ứng được thống nhất trên thực tế.
3.3.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình
Pháp luật xã hội chủ nghĩa được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo hướng phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhưng mục điều chỉnh của pháp luật được thực hiện thông qua hành vi xử sự của con người của tổ chức xã hội và hoạt động cụ thể của cơ quan nhà nước, trong đó việc xử sự tự giác của công dân theo yêu cầu của pháp luật là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất để đảm bảo cho pháp luật được phát huy hiệu lực. Ý thức pháp luật chính là sự thể hiện thái độ, sự đánh giá của con người về các quy định của pháp luật. Trong thi hành án hình sự, đòi hỏi rất cao ý thức của người bị kết án cũng như ý thức của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền thi hành.
Để những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành án hình sự nói chung, về thi hành hình phạt tử hình nói riêng thực sự đi vào cuộc sống, thì các quy định của nó trước hết phải rõ ràng, dễ hiểu và phải được tuyên truyền phổ biến để người bị kết án, cơ quan có thẩm quyền thi hành án, cũng như người dân được biết, hiểu được theo đúng tinh thần của điều luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đóng một vai trò pháp luật trong việc nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành án hình sự nói chung, về thi hành hình phạt tử hình nói riêng, cần được phổ biến rộng rãi để mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức biết được quyền và nghĩa vụ của mình, đảm bảo cho thi hành án được nhanh chóng và đúng pháp luật. Có thể tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: Đài phát thanh, Vô tuyến truyền hình, báo chí... Giải pháp này vừa giúp cho công tác thi hành án được nhanh chóng vừa có tác dụng răn đe những người có ý định phạm tội trong xã hội.
Cán bộ các cơ quan có nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình phải xác định rõ việc học tập, nghiên cứu để hiểu biết những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành án hình sự nói chung, về thi hành hình phạt tử hình nói riêng, thi hành nghiêm chỉnh pháp luật là trách nhiệm của mình. Cán bộ các cơ quan này phải là những người gương mẫu trong việc giữ gìn kỷ cương, phép nước và góp phần phổ biến giáo dục pháp luật về lĩnh vực này trong nhân dân.
Người bị kết án tử hình cũng cần được phổ biến những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình để họ nắm, thực hiện những quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định đối với họ. Mặt khác, cũng cần phổ biến kịp thời, đầy đủ những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình đến các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để công dân nâng cao ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu, chấp hành pháp luật nói chung.
3.3.3. Giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ có nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình
Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về chiến lược thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã chỉ rõ: "Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong xây dựng Đảng" [21, tr. 56].
Trong thi hành án hình sự nói chung và thi hành hình phạt tử hình nói riêng, công tác tổ chức, cán bộ có vai trò rất quan trọng làm cho bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có được thi hành trên thực tế.
Trước hết, về tổ chức, bộ máy có nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình, trong ba ngành có nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình là Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ Công an mới thành lập Cục Cảnh sát hỗ trợ tư pháp, trong đó có đơn vị chuyên trách được giao nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình. Tuy nhiên, đơn vị này cũng chỉ bao gồm số cán bộ theo dõi tình hình thi hành hình phạt tử hình trong phạm vi toàn quốc, số cán bộ các đội vũ trang thi hành án. Các ngành Tòa án, Viện Kiểm sát chưa có các bộ phận chuyên trách theo dõi thi hành hình phạt tử hình do có khó khăn về biên chế và thi hành hình phạt tử hình cũng không phải là nhiệm vụ mang tính thường xuyên. Theo chúng tôi, nếu hai ngành Tòa án, Viện Kiểm sát không thành lập các bộ phận chuyên sâu về thi hành hình phạt tử hình, thì cũng cần bố trí cán bộ theo dõi vấn đề này trong Văn phòng (đối với ngành Tòa án), trong bộ phận kiểm sát thi hành án (đối với ngành Kiểm sát). Ba ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát phải xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong giữa Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát trong thi hành hình phạt tử hình.
Trong ngành Công an, ngoài lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp có nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình, thì các trại tạm giam của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ giam giữ số người bị kết án tử hình. Trong các trại tạm giam, số lượng người bị kết án tử hình ngày càng tăng, nhất là những người bị kết án về các tội phạm về ma túy (trong năm 2000, số bị cáo bị tuyên án tử hình tăng so với năm 1999: từ 200 bị cáo trong đó có 78 bị cáo bị kết án về các tội phạm về ma túy lên 208 bị cáo, trong đó số bị cáo bị kết án về các tội phạm về ma túy là 87 bị cáo) [48]. Điều đó dẫn đến các trại tạm giam gặp rất nhiều khó khăn trong việc giam giữ. Các buồng giam thì có hạn, nhưng do việc thi hành hình phạt tử hình chậm, nên số lượng người bị kết án tử hình nhiều, do đó các trại tạm giam chật chội, không có các điều kiện về vật chất để thực hiện đúng quy chế tạm giam.
Vì vậy, vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay là tăng cường cơ sở, vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác thi hành hình phạt tử hình. Các trại tạm giam cần được đầu tư xây dựng để có đủ buồng giam dành riêng cho việc giam giữ số người bị kết án tử hình bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ. Mặt khác, kinh phí cho mỗi lần thi hành hình phạt tử hình thường phải từ 3 đến 4 triệu đồng, có vụ lên đến 7 triệu đồng, trong khi đó quy định của ngân sách nhà nước dành cho việc thi hành hình phạt tử hình mỗi lần chỉ được hơn hai triệu đồng. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, tăng thêm kinh phí cho hoạt động thi hành hình phạt tử hình.
Ngoài những vấn đề về tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất kỹ thuật, vấn đề cán bộ có vai trò rất quan trong trong việc nâng cao hiệu quả áp dụng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình. Do tính chất đặc biệt phức tạp, nhạy cảm của thi hành hình phạt tử hình, cho nên cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện công tác này, ngoài những tiêu chuẩn chung của cán bộ thời kỳ đổi mới, phải đáp ứng những yêu cầu sau:
- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, sẵn sàng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Có ý thức tổ chức kỷ luật cao, giữ gìn bí mật trong khi thi hành nhiệm vụ.
- Có tư tưởng vững vàng, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Căn cứ vào những tiêu chuẩn trên, các ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát cần xây dựng những tiêu chuẩn cụ thể cho số cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp thi hành hình phạt tử hình, đồng thời tiến hành các biện pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, tổ chức học tập các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-02-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, nâng cao nhận thức và phẩm chất đảng viên, kiểm điểm nghiêm túc số cán bộ có tư tưởng không vững vàng trong khi thi hành nhiệm vụ.
Thứ hai, trên cơ sở tiêu chí biên chế cán bộ của từng ngành, cần nghiên cứu bố trí cán bộ làm công tác thi hành hình phạt tử hình một cách chặt chẽ. Quy hoạch và đào tạo cán bộ lãnh đạo công tác thi hành hình phạt tử hình phải đáp ứng đúng những tiêu chuẩn nêu trên và tiêu chuẩn do Bộ Nội vụ quy định.
Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực cán bộ có nhiệm vụ thi hành án hình sự nói chung, thi hành hình phạt tử hình nói riêng. Chú trọng bồi dưỡng, phát huy trình độ, tác dụng thi hành nhiệm vụ của số cán bộ mới tuyển làm công tác thi hành hình phạt tử hình.
Thứ tư, coi trọng công tác chính trị, tư tưởng trong số cán bộ được giao nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình, nhất là số cán bộ các Đội vũ trang thi hành án, làm cho số cán bộ này yên tâm công tác, gắn bó với công việc, không vi phạm kỷ luật, quán triệt và chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phải củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong các đơn vị được giao nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình, gắn công tác chuyên môn với công tác chính trị, tư tưởng. Phát động các phong trào thi đua, vận dụng chính sách động viên, khen thưởng, kể cả bằng vật chất lẫn tinh thần đối với từng đơn vị, cá nhân có thành tích trong thi hành hình phạt tử hình. Đồng thời, siết chặt các biện pháp kỷ luật, thi hành kỷ luật đối với số cán bộ dao động về tư tưởng hoặc có sai phạm trong thi hành hình phạt tử hình, bảo đảm lực lượng được giao nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình phải thật sự trong sạch, vững mạnh.
3.3.4. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong thi hành hình phạt tử hình
Thế giới ngày nay đang có xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa, xu hướng này mang tính khách quan, xuất phát từ sự phát triển, tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, một cuộc cách mạng vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước. Sự tác động này đã từng bước xóa đi tư tưởng biệt lập, khép kín mà lâu nay đã trở thành truyền thống ở một số nước.
Trong lĩnh vực thi hành hình phạt tử hình, việc tăng cường hợp tác quốc tế đã trở thành xu thế tất yếu bởi những lý do sau:
- Cùng với xu thế quốc tế hóa đời sống kinh tế, thì xu thế quốc tế hóa hoạt động của bọn phạm tội, nhất là bọn khủng bố quốc tế, cũng đang diễn ra. Vì vậy, việc hợp tác quốc tế với các quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình về thi hành hình phạt tử hình cũng là một trong các biện pháp quan trọng có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Giảm việc áp dụng hình phạt tử hình, nhân đạo hóa việc thi hành hình phạt tử hình đang trở thành xu hướng được hưởng ứng rộng rãi trên thế giới. Cho nên, để nước ta sớm hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, thì việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này để tiếp thu những kinh nghiệm tiên tiến trong việc thi hành hình phạt tử hình là hết sức cần thiết hiện nay.
- Nước ta đã trở thành thành viên của những tổ chức quốc tế như ASEAN, INTERPOL... cho nên, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành hình phạt tử hình, không những là nhu cầu, mà còn là nghĩa vụ của chúng ta.
Cụ thể, trong thi hành hình phạt tử hình, cần tiến hành một số biện pháp sau:
Thứ nhất, phổ biến rộng rãi và tổ chức thực hiện các điều quốc tế, trong đó có các điều ước quốc tế về quyền con người mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập. Chủ động nghiên cứu để ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ngoài, trong đó có quy định về thi hành hình phạt tử hình, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống.
Thứ hai, phải nhận thức đầy đủ những thuận lợi, khó khăn của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác về tư pháp trong trong có hợp tác về thi hành hình phạt tử hình để chủ động triển khai các hoạt động xây dựng và hoàn thiện những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ ba, tiếp tục tranh thủ, vận động thêm các dự án mới, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài, phục vụ việc tìm hiểu kinh nghiệm về thi hành hình phạt tử hình, nghiên cứu, đào tạo cán bộ thi hành hình phạt này, hỗ trợ việc tăng cường năng lực, hiệu quả công tác của các đơn vị được giao nhiệm vụ chuyên trách thi hành hình phạt tử hình thuộc Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Thứ tư, đối với các nước láng giềng như Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Cămpuchia, cần tăng cường trao đổi tình hình, kinh nghiệm về đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, về thi hành hình phạt tử hình nói riêng.
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là nước là áp dụng hình thức thi hành hình phạt tử hình bằng tiêm thuốc độc, cho nên chúng ta cần cử các đoàn cán bộ đi công tác nước này học tập, trao đổi kinh nghiệm để việc thi hành hình phạt tử hình vừa đỡ tốn kém về mặt kinh tế, vừa không gây đau đớn cho người bị kết án.
Đối với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, do quan hệ hữu nghị đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước đã củng cố, phát triển trên một bình diện mới, chúng ta cần giúp đỡ Bạn về biên soạn tài liệu, giáo trình giảng dạy, cử giáo viên sang giúp Bạn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thi hành hình phạt tử hình.
Thứ năm, quản lý chặt chẽ các hoạt động hợp tác quốc tế nói chung, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành hình phạt tử hình nói riêng, kịp thời báo cáo, tham mưu với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các vấn đề phát sinh.
Hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp hình sự nói chung, về thi hành hình phạt tử hình nói riêng phải hướng vào việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước là củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
KẾT LUẬN
1. Trong lịch sử lập pháp tố tụng hình sự Việt Nam, các quy phạm pháp luật về thi hành hình phạt tử hình đã hình thành và phát triển từ lâu đời. Chế định thi hành hình phạt tử hình lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 của nước ta, có ý nghĩa về mặt lập pháp hết sức to lớn. So với các quy định về thi hành án tử hình được ban hành trong các văn bản pháp luật trước đó, việc thi hành án tử hình được điều chỉnh bằng các quy phạm trong Bộ luật tố tụng hình sự là một sự kiện pháp lý quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành về kỹ thuật lập pháp ở nước ta.
Trong chế định thi hành hình phạt tử hình, khái niệm thi hành hình phạt tử hình là khái niệm cơ bản, khái niệm xuất phát, để từ đó xác định các quy phạm khác của chế định thi hành hình phạt tử hình như hình thức thi hành hình phạt tử hình, trình tự, thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành, trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình, thủ tục hoãn thi hành án... Việc nhận thức và áp dụng đúng đắn chế định thi hành hình phạt tử hình trong thực tiễn là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực thi hành án hình sự, nhằm thi hành hình phạt tử hình đúng người, không để xảy ra oan, sai trong lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm này.
2. Tử hình là một hình phạt đặc biệt có nội dung cưỡng chế nghiêm khắc nhất, tước bỏ quyền sống của người bị kết án, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bằng việc thi hành hình phạt tử hình, chúng ta đã loại bỏ người bị kết án ra khỏi đời sống xã hội, Tuy nhiên, tính mạng con người là vốn quý và được pháp luật bảo vệ, do đó việc thi hành hình phạt tử hình đòi hỏi phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, bởi lẽ sai lầm trong việc thi hành hình phạt tử hình không thể khắc phục được.
Trong thời gian qua, công tác thi hành án hình sự nói chung, thi hành hình phạt tử hình nói riêng, đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn trật tự kỷ cương pháp luật và xã hội, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển các quan hệ xã hội lành mạnh. Tuy nhiên, các quy định về thi hành án tử hình cũng đã bộc lộ một số thiếu sót như nhiều vấn đề quy định rất chung chung hoặc chưa được đề cập, dẫn đến khó thống nhất áp dụng pháp luật. Thực tiễn thi hành án tử hình cũng đã đặt ra một số vấn đề vướng mắc cần nghiên cứu giải quyết như: cơ quan chủ trì việc thi hành hình phạt tử hình, pháp trường, kinh phí thi hành hình phạt tử hình, hình thức thi hành án tử hình...
3. Trong thời gian tới, để việc thi hành án tử hình có hiệu quả, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Phải hoàn thiện những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành án hình sự nói chung, thi hành hình phạt tử hình nói riêng, cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cần nghiên cứu ban hành Bộ luật thi hành án, trong đó có chương quy định cụ thể về thi hành hình phạt tử hình hoặc có Pháp lệnh về thi hành hình phạt tử hình.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự nói chung, thi hành án tử hình nói riêng là giải pháp cơ bản, có tính chiến lược nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành án tử hình cần được phổ biến rộng rãi để mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức biết được quyền và nghĩa vụ của mình, đảm bảo cho thi hành án tử hình được nhanh chóng và đúng pháp luật. Có thể tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: Đài phát thanh, Vô tuyến truyền hình, báo chí... Giải pháp này vừa giúp cho công tác thi hành án tử hình được thực hiện đúng pháp luật, vừa có tác dụng răn đe những kẻ có ý định phạm tội trong xã hội.
- Phải kiện toàn tổ chức, bộ máy được giao nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình của cả ba ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực cán bộ có nhiệm vụ thi hành án hình sự nói chung, thi hành hình phạt tử hình nói riêng. Chú trọng bồi dưỡng, phát huy trình độ, tác dụng thi hành nhiệm vụ của số cán bộ mới tuyển làm công tác thi hành hình phạt tử hình. Coi trọng công tác chính trị, tư tưởng đối với số cán bộ được giao nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình, nhất là số cán bộ các Đội vũ trang thi hành án, làm cho số cán bộ này yên tâm công tác, gắn bó với công việc, không vi phạm kỷ luật, quán triệt và chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp hình sự nói chung, về thi hành hình phạt tử hình nói riêng. Hoạt động hợp tác quốc tế về thi hành hình phạt tử hình nói riêng phải hướng vào việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước là củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đào Duy Anh (1932), Hán Việt từ điển, Nxb Lê Văn Tân, Hà Nội.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, số 86, ngày 23-8-2004.
Bộ Công an (1977), Từ điển nghiệp vụ phổ thông, Hà Nội.
Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý (1999), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý (1999), Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự, Nxb Chính trị quốc gia, thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, người dịch Phu Thon Phút Tha Khăn Ty, người hiệu đính, PGS.TS Kiều Đình Thụ.
Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (2002), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật hình sự Nhật Bản, Ban Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, người dịch: Nguyễn Văn Hoàn, người hiệu đính: TS. Uông Chu Lưu.
Bộ luật Hình Việt Nam (1973), Nxb Trần Chung, Sài Gòn.
Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1994), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1988 (2001), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003 (2004), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản (1993), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hà Nội.
Các quy định pháp luật về thi hành án (1998), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Lê Cảm (1999), Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền (một số vấn đề cơ bản của Phần chung), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Lê Cảm - Nguyễn Ngọc Chí (đồng chủ biên) (2004), Cải cách tư pháp ở Việt Nam trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Chí (chủ biên) (2001), Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Các Đại hội Đảng ta, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1994), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội
Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-02-2002 của Bộ Chính trị.
Trần Văn Độ (1998), "Các căn cứ thi hành án", Tòa án nhân dân, (6).
Phan Khắc Giảng (1933), Luật hình giải nghĩa, Nxb Vĩnh Long.
Phạm Hồng Hải (1995), "Một số nét lịch sử phát triển của Luật tố tụng hình sự Việt Nam trong 50 năm qua", Nhà nước và Pháp luật, (3).
Phạm Hồng Hải (2003), Mô hình lý luận Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Vũ Trọng Hách (2002), "Nhu cầu hoàn thiện pháp luật về thi hành án hình sự ở nước ta hiện nay", Nhà nước và Pháp luật, (5).
Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992) (2002), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Hòa (1991), Tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Hoàng Việt luật lệ (1994), tập I, Nxb Văn hóa - Thông tin, thành phố Hồ Chí Minh.
Luật hình An Nam thi hành ở Bắc Kỳ (1935), Tòa Chính trị Đông Dương.
Montesquieu (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục và Khoa luật Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội.
Trần Đình Nhã, "Về đặc trưng cơ bản của hoạt động thi hành án hình sự", Báo cáo tọa đàm "Công tác thi hành án".
Hoàng Ngọc Nhất (2001), "Một số vấn đề cấp bách về thi hành án hình sự", Nhà nước và Pháp luật, (1).
Quốc triều hình luật (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Giang Sơn (1996), "Một số vấn đề về thi hành hình án tử hình trong Luật tố tụng hình sự", Nhà nước và pháp luật, (9).
Tập luật lệ về tư pháp (1957), Bộ Tư pháp xuất bản, Hà Nội.
Trần Đại Thắng (2004), "Một số ý kiến về hình phạt tử hình từ kinh nghiệm của các nước và quy định của pháp luật hình sự Việt Nam", Kiểm sát, (8).
"Thi hành án tử hình bằng phương thức nào" (2002), Báo Tuổi trẻ, số ra thứ 6, ngày 22/3.
Nguyễn Minh Tiến (1999), "Thành lập lực lượng cảnh sát tư pháp một yêu cầu cần thiết và cấp bách", Bảo vệ công lý, (13).
Trần Quang Tiệp (2002), Một số vấn đề về thi hành án hình sự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Trần Quang Tiệp (2003), Lịch sử luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Trần Quang Tiệp (2004), Bảo vệ quyền con người trong luật hình sự, luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Tòa án nhân dân tối cao (1976), Tập hệ thống luật lệ về tố tụng hình sự, Hà Nội.
Tòa án nhân dân tối cao (1995), Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng, Hà Nội.
Tòa án nhân dân tối cao (2002), Áp dụng và thi hành hình phạt tử hình - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Hà Nội.
Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1999, 2000, 2001, Hà Nội.
Nguyễn Trượng (1996), "Thời điểm phát sinh hiệu lực của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị", Tòa án nhân dân, (12).
Trường Đại học Luật Hà Nội (1997), Giáo trình luật tố tụng hình sự, Hà Nội.
Trường Đại học Luật Hà Nội (1999), Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Đào Trí Úc (chủ biên) và các tác giả khác (1993), Mô hình lý luận về Bộ luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Đào Trí Úc (chủ biên) và các tác giả khác (1995), Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (2000), Sổ tay kiểm sát viên hình sự Trung Quốc, tập 2, Hà Nội.
Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (2000), Từ điển tiếng Việt, Hà Nội.
Võ Khánh Vinh (1994), Nguyên tắc công bằng trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư Pháp (1997) Một số vấn đề về phổ biến, giáo dục pháp luật, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1996), Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Nguyễn Như Ý (1998), Đại Từ điển tiếng Việt, Nxb Văn Hóa thông tin, Hà Nội.
TIẾNG NGA (DỊCH RA TIẾNG VIỆT)
A.X. Mikhơlin (2000), Hình phạt cao nhất, lịch sử, hiện tại và tương lai, Nxb Sự nghiệp, Matxcơva.
Tuyển tập các bộ luật của Liên bang Nga (1998), Nxb Phinin, Matxcơva.
TRANG WEB
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA2476.doc