Cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng tám

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH BÙI THANH THẢO CÁI ĐẸP TRONG VĂN XUÔI NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN TUÂN TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 5.04.33 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. TRẦN HỮU TÁ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2005 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài: Nguyễn Tuân là một hiện tượng lớn và phức tạp của nền văn học Việt Nam. Từ khi xuất hiện đến nay ông đã giữ một vị trí quan tr

pdf110 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 4598 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng tám, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ọng trên văn đàn và trong lòng độc giả biết bao thế hệ. Nguyễn Tuân để lại cho văn học hiện đại Việt Nam một khối lượng tác phẩm không nhỏ: 4683 trang sách in (theo công trình sưu tầm và biên soạn Nguyễn Tuân toàn tập của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh), chưa kể còn những tác phẩm mà người biên soạn chưa tìm thấy hoặc tìm được nhưng không đầy đủ. Con số 4683 ấy tuy lớn nhưng có thể nó sẽ trở nên vô nghĩa, sẽ không làm nên tên tuổi một Nguyễn Tuân như ta từng biết, nếu không có chất Nguyễn Tuân riêng biệt trong từng tác phẩm, từng trang sách, thậm chí nhiều khi trong từng con chữ. Chất Nguyễn Tuân ấy là tấm thẻ thông hành đặc biệt đưa Nguyễn Tuân vào lòng độc giả hiện tại, giữ ông lại với cả đời sau. Lâu nay, khi nhắc đến Nguyễn Tuân, hầu như chẳng mấy ai phủ nhận ông là một nhà văn tài hoa, uyên bác, một người luôn luôn xê dịch trong niềm say mê của cả cuộc đời mình. Và cũng không ai quên một Nguyễn Tuân tỉ mẩn đi tìm cái đẹp ở khắp mọi phương diện của đời sống, cả đời sống tự nhiên lẫn đời sống con người, để rồi đưa cái đẹp ấy vào những trang văn của mình như một cách trả nợ với chính cuộc đời về những gì đẹp đẽ mà mình đã nhận được. Đó là điều làm chúng tôi ấn tượng nhất khi tìm hiểu văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đó cũng là nguyên nhân thôi thúc chúng tôi đến với đề tài này: Cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Không phải đến bây giờ và cũng không phải đến chúng tôi vấn đề cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân mới được đặt ra, nhiều nhà nghiên cứu phê bình đã tìm hiểu về vấn đề này. Tuy nhiên, bằng niềm say mê và lòng kính trọng văn tài Nguyễn Tuân, cộng với mong muốn có một chút tìm tòi đóng góp cho việc tìm hiểu giá trị mĩ học trong sáng tác Nguyễn Tuân một cách có hệ thống, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài này. Thêm vào đó, xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng bận rộn với quá nhiều công việc, quá nhiều tham vọng, đôi khi không còn có chút thời gian cảm nhận những cái đẹp vẫn kiên trì tồn tại quanh mình, và biết đâu đến một lúc nào đó, ở những góc độ nào đó, con người ta sẽ vì lợi ích riêng mà ngoảnh mặt quay lưng với những giá trị đẹp của cuộc đời. Chúng tôi đến với đề tài này cũng là một cách để hiểu hơn về Nguyễn Tuân, để góp phần đưa cái đẹp trong văn ông đến với mọi người, để có một nốt lặng nghĩ suy về cái đẹp…. 2. Lịch sử vấn đề: Từ khi xuất hiện trên văn đàn đến nay, Nguyễn Tuân đã làm cho giới văn học nghệ thuật tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Lời khen cũng nhiều, tiếng chê cũng lắm. Có người đánh giá văn ông từ chính văn bản tác phẩm, có người nhìn văn ông thông qua con người thực của ông, và có người kết hợp cả hai hướng đó. Có người dành phần lớn cuộc đời mình nghiên cứu về Nguyễn Tuân với tất cả tâm huyết và sự lao động cần cù, có người nghiên cứu một mảng nào đấy trong sự nghiệp Nguyễn Tuân, cũng có người chỉ đánh dấu sự tri âm của mình với Nguyễn Tuân bằng một bài phê bình, về một tác phẩm hoặc bằng một vài cảm nhận ban đầu… Tất cả tạo nên một bề dày cho việc nghiên cứu về nhà văn tài năng này. Ở đây, trong phạm vi đề tài này, chúng tôi không thể trình bày hết tất cả những gì mà giới phê bình trước nay đã nói về Nguyễn Tuân, mà chỉ giới hạn lại ở phạm vi những gì giới phê bình nói về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho chúng tôi trong việc nghiên cứu đề tài này. Trong quyển Luận đề về Nguyễn Tuân [26], nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hưởng có dành một phần không nhỏ cho việc phân tích, nhận định về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, chủ yếu là cái đẹp trong tập Vang bóng một thời. Theo ông, Nguyễn Tuân đã “vừa vẽ lại cái đẹp xưa vừa nói cái đẹp của những nho sĩ cuối mùa tuy buông xuôi bất lực trước thời thế nhưng quyết giữ trọn thiên lương và sự trong sạch của tâm hồn bằng cách thực hiện cái đạo sống của người tài tử với những thú chơi phong lưu tao nhã” [26, 9]. Ở đây, nhà nghiên cứu chủ yếu phân tích một số hình tượng tiêu biểu như nhân vật cô Tú – cậu Chiêu (Ngôi mả cũ), nhân vật trong Chiếc lư đồng mắt cua, đặc biệt là nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù để tìm ra những cái đẹp trong con người cũng như cuộc đời của họ, từ đó khẳng định lòng yêu cái đẹp của Nguyễn Tuân. Về mặt hình thức tác phẩm của Nguyễn Tuân, tác giả nói trên không phân tích nhiều, chỉ chú ý đến cách đặt tên nhân vật trong Vang bóng một thời và cho rằng đó là “những cái tên gợi một nền văn hoá xưa, thanh lịch, nay còn đó, phảng phất hương sen”. Nhìn chung, ở công trình của mình, tác giả Trần Ngọc Hưởng có chú trọng đến cái đẹp trong văn chương của Nguyễn Tuân nhưng đó chưa phải là một cái nhìn toàn diện, thấu đáo, mà chỉ dừng lại ở mức độ phân tích, bình giá một số tác phẩm quen thuộc. Tác giả chưa đưa ra được một kết luận khái quát về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, trong tính toàn diện và thống nhất của nó. Trong công trình Thách thức của sáng tạo – Thách thức của văn hoá, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà có nhắc đến Nguyễn Tuân và sự say mê cái đẹp của ông. Trong bài Bí ẩn của sự say mê cái đẹp, tác giả nhắc đến cái đẹp trong chuyện ăn uống của Nguyễn Tuân, cho rằng “Nguyễn Tuân coi ăn uống không phải chỉ là chuyện thoả mãn nhu cầu đói khát thông thường mà còn là một hành động văn hoá, một cử chỉ thẩm mĩ” [70, 183-184]. Ở đây, chủ yếu tác giả nhắc đến Nguyễn Tuân như một hiện tượng minh chứng cho những vấn đề liên quan đến cái đẹp trong sáng tạo chứ không nhằm đi sâu phân tích cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân nên không thể đòi hỏi ở tác giả một sự cụ thể và đầy đủ được. Dẫu sao đây cũng là một công trình quan trọng đối với chúng tôi trong khi thực hiện đề tài vì nó cung cấp cho chúng tôi những vấn đề lí luận một cách khái quát để từ đó có thể đối chiếu so sánh tìm ra cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân. Công trình Nguyễn Tuân tác phẩm và dư luận cũng có nhiều bài viết về Nguyễn Tuân, ở đây chúng tôi chỉ nêu những bài viết về Nguyễn Tuân trước cách mạng. Tác giả Phan Cự Đệ trong Đọc lại “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân chủ yếu phân tích một số thú chơi của các nhân vật trong tập sách này để khẳng định “Nguyễn Tuân đi vào dĩ vãng với thái độ của một người đi tìm những cảm giác lạ, đi tìm một cái đẹp thuần tuý của nghệ thuật” [57, 187]. Còn tác giả Văn Tâm trong Về truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân cũng có khái quát về cái đẹp trong Vang bóng một thời: “… trừ Khoa thi cuối cùng có tính chất dạo đầu cho loại truyện Yêu ngôn; ngoài ra mười truyện còn lại có thể coi như mười nén tâm hương nguyện cầu cho cái đẹp cổ truyền Việt Nam, đó là: uống đẹp (“Những chiếc ấm đất”, “Chén trà trong sương sớm”), nhắm đẹp (“Hương cuội”), chơi đẹp (“Thả thơ”, “Đánh thơ”, “Đèn đêm thu”), ứng xử đẹp (“Ngôi mả cũ”), hoa tay đẹp (“Trên đỉnh non Tản”), tài nghệ đẹp (“Những kẻ bất đắc chí”) và nhân cách đẹp (“Chữ người tử tù”)” [57, 197] Nguyễn Đình Thi trong bài Người đi tìm cái đẹp, cái thật thì đề cập đến cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân nhưng tiếc là ở đây tác giả không đi vào phân tích hay miêu tả mà chủ yếu là lí giải nguyên nhân khiến Nguyễn Tuân tìm đến cái đẹp (trong xã hội cũ Nguyễn Tuân không tìm cái đẹp trong hiện tại mà phải quay về quá khứ là vì ông không tìm thấy cái đẹp song hành cùng cái thật, còn khi đến với cách mạng thì Nguyễn Tuân thấy cái đẹp bây giờ là cái có thật trong cuộc đời). Trong khi dựng chân dung văn học của các nhà văn (Cây bút, đời người), tác giả Vương Trí Nhàn đã dành những tình cảm ưu ái cho Nguyễn Tuân. Khác với những tác giả khác, Vương Trí Nhàn chú ý nhiều đến hình thức nghệ thuật trong tác phẩm của Nguyễn Tuân. Ông nhận định: “… đây là một trong số ít nhà văn ở ta nhạy cảm về hình thức và có được cách hiểu toàn diện về bản chất cái đẹp trong hình thức nghệ thuật…” [47, 227] Mặc dù không có sự phân tích cụ thể nhưng những nhận định của tác giả về hình thức nghệ thuật trong văn Nguyễn Tuân cũng là một trong những gợi ý quan trọng cho chúng tôi khi tìm hiểu về cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám. Nguyễn Tuân – người đi tìm cái đẹp là công trình tập hợp nhiều bài viết của nhiều tác giả khác nhau viết về Nguyễn Tuân. Mặc dù tên công trình này nêu ra rất rõ phạm vi quan tâm của nó nhưng điều làm chúng tôi thật sự tiếc là nội dung công trình đã không đáp ứng được mong đợi của độc giả. Những bài viết ở đây không chú ý nhiều đến văn Nguyễn Tuân mà chủ yếu là viết về người, về đời Nguyễn Tuân, về những kỉ niệm giữa Nguyễn Tuân với các bạn văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Cho nên, nói đúng ra ở công trình này người tập hợp và biên soạn chỉ mới khẳng định được một Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp trong đời chứ chưa phải là một Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp trong văn, một Nguyễn Tuân luôn khắc khoải vì nhu cầu chuyển tải cái đẹp trong đời nghệ sĩ của mình. Cũng là một công trình tuyển chọn nhiều bài viết về Nguyễn Tuân, quyển Nguyễn Tuân – cây bút tài hoa và độc đáo [44] chú trọng nhiều đến văn nghiệp của Nguyễn Tuân. Trong bài viết Nguyễn Tuân và cái đẹp, tác giả Hà Văn Đức quan tâm đến việc phân tích và lí giải bản chất cũng như động cơ khiến Nguyễn Tuân tìm đến với cái đẹp. Theo tác giả, “đối với Nguyễn Tuân thì cái đẹp chỉ nhằm thoả mãn, đáp ứng những khoái cảm thẩm mĩ của cá nhân”. Và theo ý kiến riêng của chúng tôi, có lẽ tác giả đã nhìn Nguyễn Tuân và những trang văn ông viết về cái đẹp theo một cách khác, cách mà chúng tôi cho là chưa được công bằng lắm với Nguyễn Tuân. Đó là khi tác giả cho rằng tính chất tiêu cực của Vang bóng một thời nằm ở chỗ Nguyễn Tuân đã đề lên thành mẫu mực lối sống của một lớp nhà nho lỗi thời, những người còn lại của tầng lớp thống trị cũ, tuy đã thất thế đầu hàng thực dân nhưng vẫn cố đóng vai quý tộc bằng nghệ thuật hành lạc hơn đời. Có lẽ tác giả đã quá khắt khe khi nhìn nhận vấn đề này. Đúng là những nhà nho kia thuộc lớp người mà thời của họ đã trôi qua nhưng liệu có phải vì thế mà họ không còn được phép gìn giữ những gì mà họ cho là tinh hoa trong lối sống tinh thần xưa kia? Một chén trà sớm, một bữa rượu thạch lan hương, một buổi thả thơ, một chiếc đèn kéo quân cho con cháu vui trung thu, liệu có phải là những thứ chứng tỏ cho hành động cố tình đóng vai quý tộc? Và nếu thế thì ngày nay chúng ta tìm về với nghệ thuật thư pháp, với chiếc đèn kéo quân, chúng ta dạy cho sinh viên biết thế nào là thả thơ, đánh thơ, là chúng ta đang đóng vai quý tộc, đang cố níu kéo thời đã qua chăng? Trong bài viết này, tác giả có những chỗ nhìn nhận xác đáng về Nguyễn Tuân, chẳng hạn nhìn nhận yếu tố dân tộc, lòng tự hào và giá trị thẩm mĩ dân tộc trong những trang viết của Nguyễn Tuân. Còn những điều như chúng tôi vừa nói ở trên có lẽ một phần do ảnh hưởng tất yếu của thời đại nên cái nhìn của nhà nghiên cứu đối với nhà văn còn có phần khe khắt. Trong bài viết “Những chặng đường sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Tuân” – mở đầu quyển Nhà văn trong nhà trường: Nguyễn Tuân, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá cũng có những trang viết khái quát về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, cả trước và sau Cách mạng tháng Tám. Với cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân trước Cách mạng, nhà nghiên cứu nhìn vấn đề ở cả hai mặt: khi Nguyễn Tuân đưa cái đẹp thăng hoa bằng tài năng của mình và cả những lúc dường như ông quá đà khi tìm kiếm cái đẹp cả trong những hành động như Ném bút chì. Nhà nghiên cứu đặc biệt chú trọng đến tinh thần dân tộc của Nguyễn Tuân, yếu tố khiến ông không lạc vào chủ nghĩa duy mỹ thuần tuý, không hoàn toàn “nghệ thuật vị nghệ thuật” [61, 13]. Đó cũng là yếu tố khiến Nguyễn Tuân có những trang viết rất hay về cái đẹp của những giá trị truyền thống của văn hoá dân tộc. Bài viết nói trên đã giúp chúng tôi có được cái nhìn khái quát về sự hiện diện của cái đẹp trong văn chương Nguyễn Tuân, đồng thời có một cái nhìn hết sức khách quan về cả những thành công lẫn những lúc quá đà trên con đường đi tìm cái đẹp của Nguyễn Tuân. Trong số những nhà nghiên cứu về Nguyễn Tuân, chúng ta không thể không nhắc đến tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, người có những tìm tòi, suy ngẫm công phu và kĩ lưỡng. Nhiều công trình, nhiều bài viết của ông về Nguyễn Tuân chứng tỏ ông không chỉ có khả năng cảm thụ mà còn là người có cái nhìn khái quát và hệ thống về sự nghiệp của nhà văn lớn này. Ngoài những bài viết in trong các tập sách, các công trình chung, theo chúng tôi hai công trình đáng giá nhất của tác giả Nguyễn Đăng Mạnh khi viết về Nguyễn Tuân là bộ Nguyễn Tuân toàn tập (gồm Lời giới thiệu do Nguyễn Đăng Mạnh viết và những tác phẩm của Nguyễn Tuân mà tác giả tập hợp được) và quyển Những bài giảng về tác gia văn học trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam, tập I. Công trình thứ hai mà chúng tôi vừa nêu là tập hợp những bài viết của tác giả về Nguyễn Tuân, từ bài khái quát nhất tới bài viết về một tác phẩm cụ thể. Trong hai công trình này, tác giả đã có những nhận xét và lí giải thấu đáo về Nguyễn Tuân – một hiện tượng văn học phức tạp trên văn đàn. Chính vì có cái nhìn khái quát nhưng cũng rất cụ thể cho nên trong những công trình của mình tác giả Nguyễn Đăng Mạnh đã không bỏ qua một vấn đề nổi bật trong văn Nguyễn Tuân: vấn đề cái đẹp. Ông phân tích hai mặt trong quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân: một mặt là biểu hiện duy mỹ, trọng hình thức của một nhà văn ưa đặt nghệ thuật lên trên mọi thứ khác trên đời và một mặt là biểu hiện trọng nhân cách, trọng thiên lương của con người cũng trong văn Nguyễn Tuân. Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua,… là những tác phẩm được tác giả sử dụng nhiều trong quá trình lí giải của mình. Rõ ràng ở đây ông đã làm được điều mà nhiều nhà nghiên cứu khác chưa làm được khi viết về Nguyễn Tuân: tránh cái nhìn một chiều, phiến diện, giữ được thái độ khách quan của người làm khoa học và đặc biệt là cho người đọc thấy được hai mặt của một vấn đề luôn tồn tại song hành trong văn Nguyễn Tuân: yêu cái đẹp hình thức, cái đẹp thanh sắc trong đời nhưng cũng không quên cái đẹp tâm hồn, cái thiên lương lành vững trong mỗi con người. Và trong công trình thứ hai mà chúng tôi nêu ở trên, tác giả Nguyễn Đăng Mạnh đã có sự so sánh giữa cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng tháng Tám, sự so sánh này làm cho người đọc nhận thức được rõ hơn biểu hiện cũng như động cơ khiến cho Nguyễn Tuân có sự thay đổi trong việc thể hiện đề tài yêu thích của mình. Tóm lại, những bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Mạnh đã cho chúng tôi những cơ sở quan trọng trong việc nghiên cứu đề tài này. Tuy nhiên tác giả đã không có một bài viết riêng về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, tất cả những điều chúng tôi trình bày ở trên là sự thu nhặt trong khi đọc những bài viết chung về Nguyễn Tuân. Nhìn chung, những công trình kể trên đều có đề cập đến cái đẹp trong đời và trong văn Nguyễn Tuân dưới nhiều góc độ, nhiều quan niệm khác nhau, tuỳ quan điểm của tác giả, tuỳ mục đích của công trình và tuỳ vào ảnh hưởng của thời đại. Tất cả những điều đó sẽ là cơ sở cần thiết để chúng tôi tiếp cận và tìm hiểu kĩ hơn về cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. 3. Phạm vi nghiên cứu: Về phạm vi tư liệu nghiên cứu, ở đề tài này chúng tôi chỉ giới hạn ở những tác phẩm văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Tuân đồ sộ về khối lượng và phong phú về thể loại, trong đó bên cạnh những sáng tác văn học ông còn có không ít những bài nghiên cứu sắc sảo. Mặt khác, cũng như sự nghiệp của những nhà văn cùng thời trải qua hai đoạn đời trước và sau Cách mạng tháng Tám, sáng tác của Nguyễn Tuân cũng chia thành hai giai đoạn như thế. Tất nhiên về phong cách nói chung thì bao giờ Nguyễn Tuân cũng vẫn là chính mình, vẫn giữ một phong cách riêng biệt không thay đổi nhiều và cũng không lẫn được với ai. Tuy nhiên, xét về giá trị tư tưởng, về cách thể hiện nội dung tư tưởng qua tác phẩm, đặc biệt là xét về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, thì có sự khác nhau không nhỏ giữa hai giai đoạn sáng tác này. Cái đẹp tồn tại trong suốt đời văn Nguyễn Tuân, trong cả những sáng tác trước và sau cách mạng. Có thể giữa hai giai đoạn này những biểu hiện của cái đẹp không giống nhau trong những trang văn Nguyễn Tuân nhưng xét đến cùng đó cũng chỉ là hai giai đoạn của một quá trình, khác nhau nhưng không mâu thuẫn nhau là mấy. Cũng bởi vì cả đời văn, đời người của mình, Nguyễn Tuân luôn là kẻ cần mẫn đi tìm cái đẹp cho mình và cho đời. Tuy nhiên do phạm vi của một đề tài cao học, chúng tôi chỉ giới hạn phạm vi tìm hiểu của mình ở những sáng tác văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Về phạm vi nghiên cứu, cái đẹp trong văn chương là một đề tài lớn hàm chứa trong nó nhiều vấn đề và những vấn đề này được thể hiện không giống nhau ở những nhà văn khác nhau. Do đó, đến với đề tài về cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân, chúng tôi không có tham vọng trình bày tất cả các vấn đề có liên quan mà chỉ giới hạn lại ở hai mặt cụ thể: cái đẹp thể hiện trong nội dung tác phẩm Nguyễn Tuân và cái đẹp của sự hài hoà giữa nội dung và hình thức. Mặt khác, để làm rõ hơn cái đẹp cũng như sự đặc sắc riêng biệt của cái đẹp trong tác phẩm Nguyễn Tuân trước cách mạng, chúng tôi sẽ có sự so sánh đối chiếu giữa tác phẩm của Nguyễn Tuân với tác phẩm của một số nhà văn có cách chọn đề tài gần với Nguyễn Tuân như Lê Văn Trương, Nhất Linh, Thạch Lam, Tô Hoài, Vũ Bằng,… 4. Phương pháp nghiên cứu: Thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng kết hợp một số phương pháp sau: - Phương pháp hệ thống: để xác lập tính nhất quán của việc thể hiện cái đẹp trong tác phẩm của Nguyễn Tuân. Những mặt thể hiện của cái đẹp ở đây không chỉ hiện diện trong một hay một vài tác phẩm cá biệt của Nguyễn Tuân mà nó tồn tại hầu như xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông, đặc biệt là giai đoạn trước cách mạng. - Phương pháp phân tích – so sánh: người viết áp dụng phương pháp này để làm rõ những mặt thể hiện của cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân. Song song với việc phân tích, chúng tôi cố gắng trong khả năng có thể so sánh với những sáng tác của chính Nguyễn Tuân sau cách mạng để thấy sự kế thừa phát huy và so với tác phẩm của một số nhà văn cùng thời hoặc cùng viết về mảng đề tài như Nguyễn Tuân để thấy được nét riêng của ông trong việc thể hiện cái đẹp vào văn xuôi nghệ thuật. - Phương pháp thống kê phân loại: luận văn sử dụng phương pháp này để xử lí tư liệu rút ra từ sáng tác của Nguyễn Tuân, nhằm tìm ra những chứng cứ cụ thể xác đáng cho việc chứng tỏ sự hiện diện của cái đẹp về nhiều mặt trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng, giúp cho việc trình bày vấn đề đảm bảo tính khoa học và tăng tính thuyết phục. 5. Đóng góp của luận văn: Thực hiện đề tài này, người viết không có tham vọng khám phá tất cả mọi khía cạnh xung quanh cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, chỉ hi vọng bằng niềm say mê và kính trọng văn tài Nguyễn Tuân, chúng tôi có thể đóng góp chút ít cho việc nghiên cứu về sự nghiệp của ông: - Trước hết, chúng tôi muốn tiếp xúc với Nguyễn Tuân trên văn bản tác phẩm và những gì mà sự nghiệp văn chương một đời ông để lại. Trong lịch sử phê bình văn học nước ta, dù ít hay nhiều, dù vô tình hay cố ý, vẫn không tránh khỏi hiện tượng nhìn nhà văn và tác phẩm không phải từ góc độ của người thưởng thức và phê bình nghệ thuật mà đôi khi dưới góc độ người làm chính trị, đặt tác phẩm văn học vào quỹ đạo chính trị xã hội và để cho cả nhà văn lẫn tác phẩm xoay tròn trong đó, không có cách nào thoát ra được. Hẳn nhiên tầm tư tưởng của nhà văn và tư tưởng trong tác phẩm là vấn đề đáng quan tâm nhưng trước hết, tác phẩm văn học vẫn là một chỉnh thể nghệ thuật, nó đòi hỏi và xứng đáng được xem xét như một chỉnh thể độc lập tách khỏi những vấn đề phi văn học khác. Và chỉ bằng cách đó, ta mới có thể tìm được giá trị nghệ thuật thực sự của tác phẩm. - Khi tìm hiểu cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân, chúng tôi chú tâm vào xem xét ở hai bình diện: cái đẹp được Nguyễn Tuân miêu tả trong tác phẩm và cái đẹp của bản thân tác phẩm, cái đẹp của sự hài hoà giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. Thực ra tất cả những điều này không phải là mới mẻ hoàn toàn. Như chúng tôi đã trình bày trong phần Lịch sử vấn đề, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đề cập đến cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân nhưng do yêu cầu và mục đích khác nhau của mỗi công trình, mỗi bài viết, cho nên các tác giả chưa giải quyết cặn kẽ vấn đề này. Thực hiện đề tài này, chúng tôi khảo sát toàn bộ văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám để có thể tìm hiểu về cái đẹp trong văn ông một cách hệ thống hơn, mong muốn góp thêm một cách nhìn, cách nghĩ về văn chương và cái đẹp trong văn chương của Nguyễn Tuân. 6. Kết cấu luận văn: Ngoài phần dẫn nhập, kết luận và thư mục tham khảo, luận văn bao gồm ba chương tập trung vào các vấn đề sau: Chương 1: Một số vấn đề chung Chương 2: Cái đẹp nhìn từ góc độ nội dung Chương 3: Cái đẹp của sự hài hoà giữa hình thức và nội dung CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Vài nét về tác giả và tác phẩm: 1.1.1. Vài nét về tác giả: Nguyễn Tuân sinh ngày 10 tháng 07 năm 1910, quê ở làng Mọc (xã Nhân Mục), nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nguyễn Tuân sinh trưởng trong một gia đình nhà nho. Thân sinh ông là cụ Nguyễn An Lan (còn được gọi là ông tú Hải Văn) – một nhà nho tài hoa nhưng sinh phải thời nho học suy vi, đậu khoa thi Hán học cuối cùng nhưng vẫn là nhà nho bất đắc chí như bao lớp nhà nho thời bấy giờ. Có lẽ khí tiết, tài hoa và cả nỗi niềm của cụ ảnh hưởng không nhỏ đến cá tính và văn nghiệp của Nguyễn Tuân sau này. Cuộc đời Nguyễn Tuân trải qua nhiều thăng trầm ngay từ khi còn rất trẻ. Ở tuổi 19, Nguyễn bị đuổi học do tham gia bãi khoá phản đối thái độ coi khinh người Việt của một vài giáo viên Pháp. Và không lâu sau đó, Nguyễn Tuân bị bắt tại Băng Cốc khi cùng bạn bè trốn ra nước ngoài. Sau thời gian bị bắt giam và bị quản thúc ở Thanh Hoá, Nguyễn Tuân làm thư kí ở nhà máy đèn và bắt đầu sáng tác văn học. Trong chiến tranh thế giới lần thứ II, Nguyễn Tuân lại bị bắt đưa đi tập trung ở Vụ Bản – Nho Quan (1941). Hai lần nếm cơm tù và cay đắng nhận ra sự bất lực của bản thân, Nguyễn Tuân càng cảm thấy cô đơn, bế tắc cả trong cuộc sống thường ngày và trong đời sống văn học. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám bùng nổ đã sưởi ấm tâm hồn lạnh lẽo, cô đơn của cả một lớp trí thức tiểu tư sản đương thời, trong đó có Nguyễn Tuân. Ông hăng hái đi theo cách mạng, hăng hái “lột xác” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) để trở thành con người mới – một con người tự do với ngòi bút tự do. Sự hăng hái, chân thành và thuỷ chung với cách mạng đã đưa ông hoà nhập với mọi người, với đời sống và với cuộc kháng chiến của cả dân tộc. Năm 1948, trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc, Nguyễn Tuân được bầu làm Tổng thư kí đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp và hơn hai mươi năm chống Mĩ, Nguyễn Tuân vẫn sống và viết bằng nhiệt huyết của những ngày đầu đến với cách mạng. Làng văn Việt Nam vẫn còn lưu giữ những câu chuyện kể xúc động về sự nhiệt thành và dũng cảm của ông: dám xông vào nơi nóng bỏng nhất, để ghi chép, để viết, để mang lại cho đời những trang văn đẹp và độc đáo. Ngày 28 tháng 07 năm 1987, Nguyễn Tuân qua đời tại Hà Nội ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Cuộc đời một nghệ sĩ ưa xê dịch và xê dịch rất nhiều đã được mở ra và khép lại ngay trên mảnh đất rồng thiêng của Tổ quốc, giữa lòng Hà Nội thương yêu. Năm 1996, Nguyễn Tuân được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh – phần thưởng xứng đáng cho gần năm mươi năm lao động nghệ thuật nghiêm túc với những cống hiến quý giá cho nền văn học dân tộc. Nguyễn Tuân đến với văn học không sớm như một vài hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam, nhưng ông được đánh giá là người có đời văn trọn vẹn hiếm có. Trải qua bước thử nghiệm không thành công ban đầu với thơ và truyện ngắn hiện thực, Nguyễn Tuân sớm nhận ra ưu thế của mình ở thể loại tuỳ bút và ông đã định hình phong cách cũng như khẳng định tài năng ở mảng này. Với 4683 trang in (trong công trình Nguyễn Tuân toàn tập – Sđd) ở cả lĩnh vực sáng tác (với truyện ngắn, tiểu thuyết, tuỳ bút và phóng sự) lẫn lĩnh vực phê bình, dựng chân dung văn học, Nguyễn Tuân thực sự trở thành một trong những tác gia lớn của nền văn học nước nhà. Nhắc đến Nguyễn Tuân, người ta nghĩ ngay đến một con người rất ngông, rất thẳng và cũng rất chân tình, công bằng với mình và với người xung quanh. Nhắc đến Nguyễn Tuân, người ta nhớ đến một phong cách độc đáo với những trang văn giàu sức thuyết phục, với những bài phê bình sắc sảo vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Nhận xét về Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyên Ngọc đã bộc bạch hết sức chân thành: “Sau khi ông mất, ta bỗng nhận ra rằng con người ấy đi qua cuộc đời đã để lại trên mặt đất này một vết hằn sâu biết chừng nào. Ấy hẳn là do bởi sức nặng nhân cách và tài năng của ông, cả hai đều lớn, nhiều khi lớn đến vướng víu, kềnh càng và không phải ai cũng có thể lấy làm dễ chịu.” [51, 532] Có lẽ không chỉ Nguyên Ngọc mà cả chúng ta, những ai yêu văn và quý con người Nguyễn Tuân đều phải công nhận như thế. Nguyễn Tuân thẳng tính, ngông và kiêu bạc lắm. Dĩ nhiên không tránh khỏi có lúc quá đà nhưng đó cũng là do sự thẳng thắn và nhiệt tình của ông. Nói những điều đó là dấu hiệu của một cá tính mạnh mẽ, chắc cũng không phải là chủ quan. Và có lẽ cá tính đặc biệt ấy của Nguyễn Tuân là một yếu tố quan trọng – cùng với tài năng và sự lao động nghiêm túc – tạo nên một nhà văn Nguyễn Tuân với phong cách nghệ thuật độc đáo. 1.1.2. Văn xuôi nghệ thuật trong sự nghiệp của Nguyễn Tuân: Văn xuôi nghệ thuật là một bộ phận thiết yếu làm nên diện mạo của một nền văn học. Nhắc đến văn xuôi nghệ thuật, người ta không thể quên những thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, tuỳ bút,… Nếu căn cứ theo sơ đồ của Jakobson thì có thể chia văn xuôi nghệ thuật ra làm hai loại hình chính: loại hình gắn với chức năng thể hiện và loại hình gắn với chức năng biểu cảm. Ở loại hình thứ nhất, ta có truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết. Ở loại hình thứ hai, tuỳ bút là tiêu biểu nhất - loại này gần như không có cốt truyện, nếu có thì cũng chỉ là cốt truyện tâm lí. Trong các loại hình văn xuôi nghệ thuật nói trên, truyện ngắn – truyện vừa và tiểu thuyết là những thể loại để nhà văn thể hiện vốn sống, quan niệm sống của mình, thái độ của mình trước cuộc sống. Nó đòi hỏi ở nhà văn một vốn sống phong phú, một cái nhìn tinh tế và nhạy cảm trước mọi biến đổi của đời sống xã hội. Còn thể loại tuỳ bút lại khác. Vì là tuỳ bút – tuỳ theo hứng bút mà viết – nên không đòi hỏi cụ thể nhà văn phải thể hiện ý tưởng của mình theo một khuôn mẫu, một diễn biến, một kết cấu nhất định nào. Tuỳ bút lại thuộc vào loại hình gắn với chức năng biểu cảm cho nên mục đích chính của người viết tuỳ bút không phải là phản ánh cuộc sống mà là bày tỏ cảm xúc của mình trước cuộc sống. Có thể nói Nguyễn Tuân là một người đa tài trong lĩnh vực văn chương. Sự nghiệp mà ông để lại thật đồ sộ và phong phú. Trong số 4683 trang in trong Nguyễn Tuân toàn tập, có cả thơ (một vài bài thơ từ thuở ban đầu, khi Nguyễn Tuân mới bắt đầu sáng tác văn chương), truyện ngắn, tiểu thuyết, tuỳ bút, phóng sự, bình ,… thì văn xuôi nghệ thuật chiếm một khối lượng rất lớn trong toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Tuân (khoảng 83,9 %). Trong đó, người đọc đặc biệt nhớ đến Nguyễn Tuân như là một nhà tuỳ bút xuất sắc và hiếm hoi của nền văn học Việt Nam. Nhiều bạn văn cùng thời cũng có chung nhận xét là dường như Nguyễn Tuân sinh ra là để dành cho tuỳ bút, và chung quy cả đời văn của mình, Nguyễn Tuân cũng công nhận là ông chỉ chơi một lối độc tấu. Có lẽ đó cũng là lí do vì sao Nguyễn Tuân thành công rực rỡ với tuỳ bút nhưng lại không được nhắc nhiều với truyện ngắn và tiểu thuyết (trừ Vang bóng một thời). Đọc truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Tuân, người đọc dễ có cảm giác hình như đó không hẳn là truyện ngắn, không hẳn là tiểu thuyết mà trong nó có sự pha lẫn rất đậm của chất tuỳ bút cố hữu ở Nguyễn Tuân. Nói theo một cách nào đó, chất tuỳ bút dường như đã thấm sâu trong máu nhà văn tài năng này và cho dù ông sáng tác thể loại văn chương nào thì nó cũng vẫn ít nhiều chi phối ngòi bút của ông. Và cũng vì Nguyễn Tuân thiên về văn xuôi ở ngôi thứ nhất nên ngay cả trong tiểu thuyết của ông, người đọc vẫn cảm thấy không có một hình bóng nhân vật nào khác ngoài chính bản thân ông – cho dù trong tác phẩm đó ông mang tên là Bạch hay là gì đi nữa, người đọc vẫn nhận ra cái tôi sừng sững không lẫn với ai của ông. Trong khi bàn về văn xuôi, có người nhắc đến cái gọi là văn xuôi ở ngôi thứ nhất. Loại văn xuôi này không phải không có hiện thực nhưng tất cả được nhìn qua lăng kính của người kể chuyện, tất cả thấm đẫm tình cảm chủ quan – hoài niệm – kí ức,… của nhân vật hoặc của người kể chuyện. Ở nước ta, người viết văn xuôi ở ngôi thứ nhất không nhiều. Về truyện ngắn, có thể nhắc đến Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh. Về tuỳ bút, không thể không kể đến Nguyễn Tuân, và sau này là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Như vậy, Nguyễn Tuân là một trong số ít người thành công với văn xuôi ở ngôi thứ nhất, chủ yếu bằng tuỳ bút của mình. Nhìn chung, trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân, văn xuôi nghệ thuật chiếm một vị trí quan trọng cả về số lượng lẫn chất lượng và chủ yếu là văn xuôi ở ngôi thứ nhất. Nhận xét khái quát ban đầu này sẽ giúp cho người viết rất nhiều trong quá trình tìm hiểu cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân. 1.1.3. Một số đặc điểm văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân: 1.1.3.1. Các thể loại chính trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân là tuỳ bút, truyện ngắn và tiểu thuyết – trong đó tuỳ bút và truyện ngắn thành công hơn tiểu thuyết. Có ai đó đã nói rằng mỗi con người trên trái đất này là một quyển sách nếu ta biết cách đọc nó. Điều đó có nghĩa là mỗi người chứa trong mình biết bao điều bí mật, bao điều kì._. lạ mà rất nhiều khi ngay cả bản thân cá thể đó cũng không thể nào lí giải, không thể nào tự khám phá trọn vẹn những gì tiềm ẩn trong mình. Và cuộc đời của mỗi con người suy cho cùng cũng là cuộc hành trình đi tìm chính bản thân mình, phát hiện chính bản thân mình trong lẽ vận động vô cùng của trời đất. May mắn cho những ai đi hết cuộc đời và tìm được chính mình. Điều đó không phải ai cũng làm được và nếu làm được thì cũng không phải dễ dàng. Phải trải qua nhiều thăng trầm, nhiều thất bại, thậm chí lầm lạc trong đời, người ta mới đạt được mục đích đó. Con đường đến với nghệ thuật của các nhà văn cũng vất vả như thế. Có người đi hết đời người – đời văn mới cay đắng nhận ra rằng mình sinh ra không phải để dành cho thể loại mà bấy lâu nay mình vẫn hằng theo đuổi. Có người may mắn hơn, nhận ra chính mình sớm hơn để theo đến trọn đời thể loại mà sau này họ có thể tự hào coi (và được mọi người thừa nhận) là thể loại sở trường của mình. Nguyễn Tuân là một trong số những người như thế. Có không ít người rất lâu sau khi tiếp xúc và yêu văn Nguyễn Tuân mới biết rằng tuỳ bút – thể loại được nhắc gắn liền với tên tuổi Nguyễn Tuân – không phải là lựa chọn ban đầu của ông. Và chắc cũng có rất nhiều người mãi đến khi đọc bộ sách Nguyễn Tuân toàn tập mới biết rằng trước khi đến với văn xuôi, Nguyễn Tuân từng ôm mộng trở thành một nhà thơ (có sáng tác hẳn hoi!). Đó là trải nghiệm của cả một đời người. Từ thơ đến văn xuôi hiện thực và sau cùng là tuỳ bút là cả một quá trình tự khám phá chính mình của Nguyễn Tuân. Thử nghiệm, thất bại, chấp nhận thất bại để khởi đầu lại, bắt đầu một thử nghiệm mới, đó là quá trình của một người nghiêm túc với công việc, có trách nhiệm với chính mình. Có nhiều người cho Nguyễn Tuân là người cố chấp, tự kiêu, tự cao. Nhưng tôi nghĩ chưa hẳn điều đó đúng. Nếu Nguyễn Tuân là người như thế thì chưa chắc gì ông chấp nhận hai lần thất bại để thành công ở lần lựa chọn thứ ba. Nếu ông cố chấp một cách cực đoan thì ông sẽ theo đuổi đến cùng mong ước thành một nhà thơ cho dù thiên hạ có chê bai đến mấy! Và nếu thế thì chúng ta không có được một Nguyễn Tuân như ta từng biết và một Nguyễn Tuân với nhiều điều chúng ta vẫn còn chưa biết! Văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước cách mạng gồm nhiều thể loại và chúng ta có thể xem ông là một người viết văn xuôi thành công. Điều đó không có nghĩa là ông thành công với tất cả các thể loại. Mặc dù mỗi tác phẩm đều in đậm dấu ấn riêng biệt của Nguyễn Tuân, đều mang đậm phong cách sáng tạo nghệ thuật không lẫn với ai, nhưng thực tế Nguyễn Tuân thành công với tuỳ bút và truyện ngắn hơn cả. Nhiều người có chung nhận xét là văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân dù ở thể loại nào cũng đều có chất tuỳ bút. Điều này không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, ở truyện ngắn, có lẽ do dung lượng không nhiều, nhà văn phải đảm bảo một số tình tiết chính làm nên câu chuyện của mình, cho nên chất tuỳ bút nếu có cũng không đến nỗi làm mất đi hoàn toàn chất truyện ngắn. Vì thế, người đọc có thể vẫn trân trọng Thiếu quê hương, Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc,... nhưng cái làm nên sự khâm phục, ngưỡng mộ và thích thú cho họ vẫn là Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua,....Điều này cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc tìm kiếm cái đẹp trong tác phẩm Nguyễn Tuân. Nếu xét về cái đẹp ở cấp độ thứ nhất (theo sự phân định ở trên) thì có lẽ Nguyễn Tuân sẽ không đạt được cái đẹp này ở thể loại tiểu thuyết chăng? Bởi lẽ tác phẩm đã không thành công thì sự hài hoà giữa nội dung và hình thức tác phẩm làm sao có được để đạt đến cái đẹp theo cấp độ thứ nhất như đã nói ở trên? Điều này sẽ xin tiếp tục phân tích trong phần sau. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn dừng lại ở việc khẳng định những thể loại văn xuôi nghệ thuật trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân và những thể loại làm nên tên tuổi của ông trong lòng độc giả lâu nay. 1.1.3.2. Đề tài Nguyễn Tuân thể hiện thường xuyên trong tác phẩm của ông trước cách mạng là quá khứ và xê dịch. Nhiều người cho rằng xê dịch hầu như đã trở thành một “căn bệnh” của Nguyễn Tuân – nhưng chúng tôi cho rằng căn bệnh này hoàn toàn lành mạnh, không di hại gì cho cả tinh thần lẫn thể xác Nguyễn Tuân, mà có khi còn ngược lại. Không phải không có người cho rằng trước cách mạng Nguyễn Tuân cứ xê dịch lang thang không mục đích, sống vô trách nhiệm với đời. Chuyện có trách nhiệm hay không xin hãy khoan bàn đến. Còn chuyện lang thang xê dịch thì đâu cứ gì trước cách mạng, cả đời người và cả đời văn của mình có bao giờ Nguyễn Tuân thôi không xê dịch hay không muốn xê dịch đâu? Vấn đề là ở chỗ: trước cách mạng, Nguyễn Tuân xê dịch và cho ra đời những Thiếu quê hương, Một chuyến đi, Tuỳ bút I, Tuỳ bút II,… còn sau cách mạng, xê dịch lại mang về cho ông Sông Đà, Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình, Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi,… Rõ ràng là hai bên khác nhau về tư tưởng và phần ưu thế nghiêng về những tác phẩm sau cách mạng. Nói như thế không có nghĩa là những gì Nguyễn Tuân viết trước cách mạng đều không đáng giá tí nào về mặt tư tưởng, đều chỉ đơn thuần là sự biểu diễn chữ nghĩa. Chúng tôi sẽ đi sâu hơn vấn đề này trong phần sau. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói đến đề tài trong các sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng. Hầu như trong mỗi tác phẩm của ông đều phảng phất hình ảnh của người lữ thứ, nếu không phải là nhân vật chính thì cũng in hơi hướng đâu đó trong mỗi trang văn. Viết nhiều về xê dịch, có lẽ trước hết bởi bản thân Nguyễn Tuân là một người thích xê dịch. Cả đời mình ông luôn mong muốn được đi nhiều nơi, thăm thú nhiều phong cảnh, gặp gỡ nhiều con người để làm giàu vốn sống, vốn ngôn ngữ (vốn không hề nghèo nàn) của mình. Sau cách mạng, những chuyến đi ấy được xem là thực tế để sáng tác, được lấy làm gương cho văn nghệ sĩ, và thực tế chúng đã mang về cho Nguyễn Tuân nhiều tác phẩm giá trị, chẳng hạn như Sông Đà. Còn trước cách mạng, những chuyến đi không cho người ta thấy rõ được chí lớn của người ra đi, không thấy được ý nghĩa cách mạng tích cực nào trong đó cho nên Nguyễn Tuân và cả những tác phẩm xê dịch thời kì này không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Thế nhưng chúng ta có lẽ nên nhìn nhận tác phẩm khi đặt chúng trong chính bối cảnh mà chúng được khai sinh. Những năm trước cách mạng, trong giới văn nghệ sĩ đâu phải chỉ một mình Nguyễn Tuân chưa hiểu cách mạng, chưa thực sự có tâm huyết cống hiến cho cách mạng. Mà cả trong xã hội cũng thế. Vậy thì đâu thể trách Nguyễn Tuân là người vô trách nhiệm. Nếu Nguyễn Tuân vẫn cứ thấy Thiếu quê hương ngay trong những ngày cả Hà Nội sục sôi trong không khí đánh Mĩ thì quả thật ông mới là người đáng trách. Còn trước 1945, cách mạng hình như chưa phải là một đáp số mà hãy còn là ẩn số đối với nhiều văn nghệ sĩ. Nam Cao cũng phải đến 1945 mới thực sự mang một đôi mắt khác khi nhìn về cách mạng. Vũ Trọng Phụng trước 1945 dẫu có cảm tình với cách mạng cũng chỉ có thể xây dựng được hình ảnh ông già Hải Vân – một người cách mạng theo cách nghĩ của tác giả – nhưng hẳn nhiên bạn đọc không ai có thể hài lòng với ông già cách mạng này nếu không dùng hoàn cảnh lịch sử mà biện minh, mà thông cảm cho nhà văn họ Vũ. Nói như thế để thấy rằng việc Nguyễn Tuân chưa đến với cách mạng ở giai đoạn này không phải là chuyện của cá nhân ông mà là chuyện của cả một thế hệ, một lớp nhà văn trước cách mạng như ông. Không chịu được thực tế xã hội lúc bấy giờ, không thể ngồi yên trong hoàn cảnh đó nhưng cũng chưa đủ mọi điều kiện cần có để làm cách mạng, Nguyễn Tuân xê dịch đời mình và cả văn mình trên khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài, những mong cảnh đẹp và những điều mới lạ dọc đường xê dịch có thể làm nỗi lòng lắng dịu, quên đi những băn khoăn ray rứt trước vận mệnh đất nước. Không phải chỉ trong những tác phẩm viết hẳn về xê dịch như Thiếu quê hương hay Một chuyến đi mà ngay cả trong những tác phẩm viết về quá khứ ta cũng thấy thấp thoáng hình ảnh một người khách giang hồ (như cụ Hồ Viễn trong Ngôi mả cũ, như vợ chồng Phó Sứ – Mộng Liên trong Đánh thơ,…). Từ đề tài này, Nguyễn Tuân đã tạo ra được nhiều hình ảnh đẹp của cả con người lẫn phong cảnh thiên nhiên trong văn chương của mình và cũng chính vì chọn được đề tài phù hợp với thể tuỳ bút nên xê dịch đã góp phần tạo nên thành công của Nguyễn Tuân trong thể loại này, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp theo đúng nghĩa của từ này. Một đề tài quen thuộc khác trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân là đề tài về quá khứ. Đó là quá khứ vàng son của những người phong lưu tài tử, quá khứ của những thú chơi tao nhã mà phần nhiều trong số chúng ngày nay đã mất đi hoặc nếu còn thì cũng đã lạc mất cả hương vị (chữ dùng của Nguyễn Tuân). Hẳn nhiên với mảng đề tài này không ai có thể quên Vang bóng một thời, mười một truyện ngắn đặc sắc viết về một thời đã qua, về những con người của một thời đã qua và về những thú chơi cũng của một thời đã qua. Có lẽ vì thiên về hướng đó nên nhân vật chính trong đa số truyện ngắn của tập truyện này đều là những cụ già, những vị quan về hưu an hưởng tuổi già bên thú điền viên, bên thú chơi lan, bên tách trà với viên kẹo thạch lan hương ngày Tết, bên những người bạn thơ, bên chiếc lồng đèn kéo quân cho con cháu vui trung thu,… Rõ ràng tất cả những điều đó ít nhiều đều đượm hương quá khứ, đều như một nhắc gợi khẽ khàng cho tất cả những ai ít nhiều có nặng lòng với một thời vàng son của văn hoá dân tộc. Và không phải chỉ có Vang bóng một thời mới nhắc đến thời quá khứ nay chỉ còn vang bóng, mà trong tác phẩm của Nguyễn Tuân rải rác đây đó vẫn luôn xuất hiện nhiều hình ảnh gợi nhắc lại quá khứ, đây đó trên con đường xê dịch thỉnh thoảng nhân vật Nguyễn lại bắt gặp một chút hồn văn hoá cổ xưa, chẳng hạn một người con hát tên Cúc mượn một câu Đường thi khắc lên dấu triện tên mình,… Có lẽ, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, khi mà xã hội vàng thau lẫn lộn, khi mà bản thân người nghệ sĩ chưa tìm đến được với ánh sáng cách mạng, thì với người nghệ sĩ từng thấm nhuần cách giáo dục truyền thống như Nguyễn Tuân, quá khứ vàng son của những thú chơi, những con người thanh bạch như là một cứu cánh để tâm hồn ông khỏi rơi vào những truỵ lạc ở đời. Mà không phải chỉ cứu một mình tâm hồn Nguyễn Tuân. Chính giáo sư Hoàng Như Mai, người sống cùng thời và chỉ nhỏ hơn Nguyễn Tuân vài tuổi, từng công nhận rằng chính những tác phẩm viết về quá khứ của Nguyễn Tuân đã giữ tâm hồn những người trẻ như ông khi ấy khỏi rơi vào tội lỗi, giữ cho truyền thống dân tộc không trở thành xa lạ với lớp trẻ khi mà làn sóng văn hoá phương Tây đang tràn ngập vô tội vạ và một phần không nhỏ trong số đó đang đầu độc những tâm hồn người Việt, nhằm làm cho họ quên đi nguồn cội của mình: “Vang bóng một thời” đã đưa bọn lãng tử chúng tôi trở về với dân tộc. Đến với cuốn sách, chúng tôi được mở trí khôn đón nhận bao nhiêu tinh hoa kiến thức văn hoá tinh tế (...). Nguyễn Tuân dạy cho ta nghệ thuật sống để tận hưởng ý vị tinh tuý sâu sắc của cuộc sống - cuộc sống không phải tìm tận đâu xa lạ, chính là cuộc sống của Việt Nam ta. [65, 145] 1.1.3.3. Yếu tố nổi bật xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng là cái đẹp với nhiều dạng thức và phương thức biểu hiện khác nhau. Đây là một đặc điểm khá quan trọng làm nên phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân, làm nên một “Nguyễn Tuân – người đi tìm cái đẹp” trong lòng độc giả trong và ngoài nước. Đây cũng là khía cạnh mà công trình của chúng tôi chọn làm đề tài chính, do đó chúng tôi sẽ làm rõ ý này ở chương 2. 1.1.3.4. Trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân, hình thức nghệ thuật của tác phẩm đặc biệt được quan tâm, trở thành nét độc đáo riêng trong phong cách Nguyễn Tuân. Ông không chỉ coi hình thức là phương tiện chuyển tải nội dung mà còn coi đó là đối tượng của quá trình sáng tạo cái đẹp. Nói cách khác, đối với Nguyễn Tuân, cái đẹp không phải chỉ nằm trong nội dung tư tưởng mà tác phẩm phản ánh, cái đẹp còn nằm trong bản thân tác phẩm, trong hình hài tác phẩm. Điều này cũng nằm trong phạm vi nghiên cứu chính của chúng tôi nên chúng tôi sẽ trình bày kĩ hơn ở chương 3. Như vậy, qua một số khảo sát ở trên, chúng ta thấy rằng văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước cách mạng mang những đặc điểm rõ ràng, cụ thể và đồng thời cũng là riêng biệt cho phong cách của ông. Trong những đặc điểm chung đó, cái đẹp trong nội dung và trong hình thức tác phẩm là một trong những điểm quan trọng làm nên nét đặc biệt độc đáo cho văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước cách mạng. 1.2. Giới thuyết về cái đẹp: 1.2.1. Khái niệm “cái đẹp”: Cái đẹp là một trong những phạm trù cơ bản của mĩ học và cũng là một trong những nhân tố quan trọng hình thành nên thế giới. Có ai đó đã nói rằng, cùng với thế giới, cái đẹp đã hình thành – bất chấp chuyện có ai quan tâm và tôn vinh nó hay không. Điều đó có nghĩa là, ngay từ thuở ban đầu, trong hình thức sơ khai nhất của nó, cái đẹp là những thực thể tồn tại vượt ra ngoài phạm vi kiểm soát và ý muốn của con người. Cái đẹp trong thiên nhiên đã tồn tại như thế cho đến khi con người xuất hiện. Và cũng từ đây, cái đẹp trong vũ trụ đã trở nên phong phú hơn, con người đã biết áp dụng thước đo phù hợp với từng đối tượng để tạo ra cái đẹp làm phong phú thêm cho đời sống của mình. Các nhà mĩ học cho rằng cái đẹp là phạm trù mĩ học xuất hiện sớm nhất và bao giờ nó cũng được coi là chuẩn quan trọng nhất, phổ biến nhất, là điểm tựa trọng tâm để con người đánh giá đời sống về mặt thẩm mĩ. Đời sống thẩm mĩ tuy rất phong phú đa dạng nhưng chủ yếu xoay quanh cái đẹp. Cái đẹp có mặt ở khắp nơi: trong tự nhiên, trong xã hội và trong nghệ thuật. Mặt khác, cái đẹp là cái thường xuyên có mặt trong ý thức con người. Và có một điều quan trọng khác là các phạm trù thẩm mĩ khác như cái xấu, cái cao cả, cái thấp hèn, cái bi, cái hài tuy bản chất có khác cái đẹp nhưng có sự gắn bó mật thiết với cái đẹp, để hiểu bản chất của các phạm trù này ta không thể không dùng cái đẹp như là điểm tựa, không thể không đặt chúng trong mối quan hệ với cái đẹp. Chẳng hạn, cái xấu là cái đối lập với cái đẹp; cái bi là sự thất bại hay cái chết của cái đẹp... Cái đẹp quan trọng đối với từng con người và đối với cả xã hội loài người, thế nhưng, cái đẹp là gì? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất muốn đưa ra một câu trả lời chính xác thì không phải dễ. Về việc tìm kiếm khái niệm của cái đẹp, chúng tôi liên tưởng đến câu trả lời của Saint Augustin về thời gian. Khi có người hỏi ông thời gian là gì, Saint Augustin đã trả lời rằng nếu người đó không hỏi ông thời gian là gì thì ông cơ hồ như hiểu rõ thời gian là gì, thế nhưng khi đối diện với câu hỏi đó thì ông lại đâm ra hoang mang. Có lẽ hỏi cái đẹp là gì cũng tương tự như hỏi thời gian là gì vậy! Cái đẹp không phải là cái siêu hình mà cái đẹp bao giờ cũng cảm đến giác quan con người, giác quan ấy có thể là một trong ngũ quan hoặc là tác động đến “nội quan” trong tâm giới tức là trí tưởng tượng của con người. Cái đẹp có khả năng cuốn hút con người, lôi cuốn người thưởng thức nó một cách mãnh liệt mà không phụ thuộc vào sự chi phối của lí trí mạnh mẽ như các khái niệm khác. Con người ta hễ thấy cái đẹp ở đâu thì tự nhiên muốn nghiêng mình về đó, không nhất thiết phải biết là cái đẹp đó có mang lại lợi ích gì cho bản thân mình hay không. Nói một cách khác, cái đẹp tồn tại trên thế giới là do nhu cầu tự thân của nó, nó cứ đẹp mà không nhất thiết phải gắn với một mục đích nào thì khi con người cảm nhận vẻ đẹp ấy cũng thế, hoàn toàn vô tư. Nhưng nói như thế hoá ra cái đẹp là cái vô ích hay sao? Nó sinh ra không vì mục đích gì, con người ngắm nhìn chiêm ngưỡng thưởng thức nó cũng không nhằm mục đích gì, thế thì nó tồn tại làm gì? Thực ra, ngay trong bản thân cái đẹp đã bao gồm một sự ích lợi cao thượng – đó là nó có khả năng làm thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người, mang đến cho con người một sự hài lòng mãn ý, một khoái lạc thanh cao. Và cũng từ việc cảm nhận cái đẹp ấy, con người sẽ cảm thấy như phẩm cách của mình cao hơn lên, giá trị của mình tăng hơn lên – không phải cao hơn để hãnh tiến, để so đo hay để người khác phải thán phục mà cao hơn lên để thấy mình NGƯỜI hơn. Có lẽ chính vì cái đẹp vừa gần gũi vừa bí ẩn như thế mà trong lịch sử mĩ học đã có rất nhiều quan niệm khác nhau về cái đẹp. Mĩ học duy tâm khách quan – mà đại diện tiêu biểu của nó phải kể đến Platông và Hêghen – không tìm thấy cơ sở của cái đẹp trong các sự vật hiện tượng của thế giới hiện thực, họ lí giải nguồn gốc của nó từ trong thế giới ý niệm. Vì lí do đó mà cái đẹp theo họ là một phạm trù vĩnh cửu, bất biến. Hêghen thì lí giải bản chất cái đẹp như là biểu hiện cảm tính của ý niệm tuyệt đối ở trong nghệ thuật. Vì vậy trong khi đề cao cái đẹp trong nghệ thuật ông đồng thời hạ thấp cái đẹp trong tự nhiên: “…Ngay từ bây giờ đã có thể cho rằng cái đẹp nghệ thuật cao hơn cái đẹp tự nhiên. Vì cái đẹp nghệ thuật là cái đẹp nảy sinh và hai lần nảy sinh từ tinh thần. Tinh thần và những sáng tạo của nó càng cao hơn tự nhiên bao nhiêu thì cái đẹp nghệ thuật càng cao hơn cái đẹp tự nhiên bấy nhiêu.” Và: “Chúng tôi loại trừ cái đẹp trong tự nhiên ngay từ đầu, ra khỏi phạm vi bộ môn khoa học của chúng tôi”. [72, 72] Trong khi đó mĩ học duy tâm chủ quan – mà đại diện là Hume, Lalo, Kant – lại tuyệt đối hoá cái đẹp theo quan niệm chủ quan, tìm nguồn gốc cái đẹp trong ý thức của chủ thể, trong cảm xúc chủ quan của cá nhân. Điều này lí giải vì sao Hume cho rằng “Cái đẹp không phải là phẩm chất tồn tại trong bản thân sự vật, nó tồn tại chủ yếu trong tâm linh người quan sát nó”. Và tương tự như vậy, Kant cũng có một câu nói trở thành quen thuộc với nhiều người: “Cái đẹp không ở trên đôi má hồng của cô thiếu nữ mà ở trong con mắt của kẻ si tình” [72, 73] Nếu làm một phép so sánh giữa quan niệm của hai phái này, chúng ta sẽ thấy rằng trường phái duy tâm chủ quan đã cởi bỏ chiếc áo thần bí mà các nhà duy tâm khách quan khoác lên cái đẹp, đề cao vai trò chủ thể trong khi tìm đến với cái đẹp. Tuy nhiên điều đáng tiếc là đến lượt mình, trường phái duy tâm chủ quan cũng lại quá đà trong khi khẳng định quan điểm của mình, điều đó thể hiện ở chỗ họ tìm mọi cách quy cái đẹp vào ý thức chủ quan của chủ thể, xem đó là nguồn gốc duy nhất của cái đẹp. Nhược điểm này đã được mĩ học duy vật trước Mác khắc phục khi họ chú ý vào phương diện khách quan của cái đẹp. Họ cho rằng cái đẹp là thuộc tính tự nhiên vốn có của sự vật, sự vật tự nó đã đẹp rồi, con người chẳng qua cũng chỉ là kẻ thưởng ngoạn vẻ đẹp ấy một cách bị động mà thôi. Vấn đề này hiện nay cũng đang được đặt lại dưới góc độ khoa học thực nghiệm. Chẳng hạn gần đây trên một tờ báo vốn tên gọi chẳng có gì liên quan đến văn học – tờ An ninh thế giới cuối tháng – lại có một bài viết gợi lại nhiều vấn đề liên quan đến sự lý giải nguồn gốc của cái đẹp. Tác giả của bài viết này dựa trên những thí nghiệm của một số nhà nghiên cứu động thực vật. Những người này cuối cùng đưa ra kết luận là con người chúng ta đã … sai lầm rất nhiều khi lí giải cái đẹp xung quanh ta. Chẳng hạn lâu nay chúng ta vẫn yên tâm rằng bông hoa kia sặc sỡ là do nó muốn tạo sự chú ý đối với các loài ong bướm hoặc các loài sinh vật khác có thể mang lại lợi ích nào đó cho nó (vì cách nghĩ này mà cũng nhiều người tin rằng những loài cây có hoa càng đẹp thì một bộ phận nào đó trên cây đó sẽ càng … độc, bởi có độc nên nó mới dùng hoa đẹp để … dụ kẻ thù hoặc con mồi của nó). Và chúng ta vẫn yên chí rằng nhiều loài chim, thú có bộ lông rất đẹp và cũng rất hay “chải chuốt” bộ lông đẹp ấy là để quyến rũ bạn tình… Thế mà các nhà khoa học đã mang lại cho chúng ta điều gì qua các nghiên cứu của họ? Rằng các loài động thực vật có hình dáng đẹp đẽ không phải nhằm bất kì một mục đích nào như ta gán cho chúng mà đơn giản chỉ là vì để … đẹp mà thôi, một cái đẹp hoàn toàn không vụ lợi! Và điều này cũng có nghĩa là cái đẹp tồn tại bên ngoài ý muốn chủ quan của con người, âm thầm tồn tại cùng với vũ trụ mà không hề quan tâm tới chuyện con người đánh giá thế nào về nó. Ở thế kỉ XIX, Secnưshepski (Tsernưshevski) cho rằng cái đẹp là cuộc sống và “Một thực thể đẹp là thực thể trong đó ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm của chúng ta, một đối tượng đẹp là một đối tượng trong đó cuộc sống được thể hiện hay là nó nhắc ta nghĩ tới cuộc sống” [72, 74]. Như vậy so với các quan điểm duy tâm và duy vật thô sơ trước đó, quan niệm của Secnưshepski về cái đẹp đã tiến một bước dài bởi ông đã rút ra nhiều kết luận quan trọng về bản chất của cái đẹp. Ông khẳng định cái đẹp là một thuộc tính của bản thân hiện thực, chính hiện thực gợi lên trong ta cảm xúc về cái đẹp, cái có giá trị thẩm mĩ; bởi vậy cái đẹp là sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan. Mĩ học Mác – Lênin đã lí giải về bản chất của cái đẹp trên một chất lượng mới. Mĩ học mácxít quan niệm rằng “bản chất của cái đẹp là sự thống nhất biện chứng giữa hai nhân tố khách quan và chủ quan” [72, 76]. Chúng ta thấy rằng mĩ học Mác – Lênin đã khắc phục được những nhược điểm của các nhà duy tâm và duy vật thô sơ trước đó khi quan niệm về cái đẹp. Cái đẹp tồn tại khách quan bên ngoài sự chi phối của con người nhưng cũng không phải hoàn toàn như vậy khi con người đã dần dần biết sáng tạo cái đẹp theo ý muốn chủ quan của mình. Và cũng không thể phủ nhận yếu tố chủ quan của mỗi cá nhân trong khi nhận xét đánh giá về cái đẹp của vạn vật quanh mình. Ông bà ta đã chẳng đúc kết “chín người mười ý” đó sao? Như vậy rõ ràng bản chất của cái đẹp không phải chỉ là yếu tố khách quan, lại càng không phải chỉ phụ thuộc vào chủ quan của người cảm nhận mà nó là sự thống nhất biện chứng của cả hai yếu tố này. Có nhìn nhận như thế chúng ta mới có thể có cái nhìn đúng đắn về cái đẹp và từ đó mới có thể lí giải một cách hợp lí những bí ẩn về cái đẹp mà con người vốn dĩ luôn khao khát tìm hiểu. Cũng trên cơ sở quan niệm mácxít về cái đẹp, Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: “Có thể xem các hiện tượng là đẹp khi với tính toàn vẹn cụ thể cảm tính của chúng thể hiện những giá trị nhân bản, xã hội, do khẳng định giá trị của con người trong thế giới, chứng tỏ sự mở rộng giới hạn tự do của xã hội và con người, thúc đẩy sự phát triển hài hoà của nhân cách, làm nảy sinh và bộc lộ ngày càng đầy đủ những sức mạnh và năng lực của con người.” [14, 34] Nhìn chung, một quan niệm rạch ròi về cái đẹp là rất khó, nếu như không muốn nói là không thể nói lời phán quyết cuối cùng về cái đẹp. Một quan niệm tương đối về cái đẹp, thể hiện được cách tiếp cận về bản chất của nó (dù không đầy đủ) và hướng đến giá trị nhân văn là đã có thể chấp nhận được. Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng quan niệm về cái đẹp theo quan điểm mácxít là hợp lý hơn cả. Cái đẹp phải bao hàm cả cái khách quan và chủ quan, phải bao gồm mối quan hệ biện chứng giữa chúng cũng như hướng đến lợi ích của con người. Quan niệm này sẽ được chúng tôi sử dụng như một cơ sở lý luận để tiếp cận cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước cách mạng. 1.2.2. Các lĩnh vực biểu hiện của cái đẹp: 1.2.2.1. Cái đẹp trong tự nhiên: Cái đẹp trong tự nhiên bao gồm cái đẹp của thế giới tự nhiên vô sinh (sông, núi, biển, trời, trăng,…) và cái đẹp của thế giới hữu sinh (cỏ cây, hoa lá, chim muông, cầm thú, vẻ đẹp hình thể con người,…). Nếu xét về sự phong phú đa dạng thì không có cái đẹp trong lĩnh vực nào có thể so sánh nổi với tự nhiên. Nhìn lại lịch sử quan niệm về cái đẹp, chúng ta thấy rằng trong khi mĩ học duy tâm phủ nhận cái đẹp trong tự nhiên thì trái lại, mĩ học duy vật thừa nhận sự tồn tại khách quan của cái đẹp trong tự nhiên, hơn thế nữa, các nhà mĩ học duy vật còn coi cái đẹp trong tự nhiên là nguồn gốc, là nơi bắt nguồn của mọi cái đẹp. Chính bởi vì thế giới tự nhiên có trước loài người và cái đẹp trong thế giới đó tồn tại một cách khách quan không chịu sự chi phối của con người cho nên ngay từ thuở sơ khai của mình, loài người đã nhờ đến thế giới tự nhiên để có thể hình thành cảm xúc cũng như ý niệm về cái đẹp. Và dần dần, khi con người đã có ý thức về cái đẹp, khi xã hội loài người tiến hoá dần lên, con người lại sáng tạo ra cái đẹp theo tiêu chuẩn và theo mong muốn của mình; nhưng cho đến tận khi ấy thì cái đẹp trong tự nhiên vẫn là một trong những thước đo quan trọng chi phối con người trong khi sáng tạo ra cái đẹp. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà trong bài viết Nơi bắt nguồn của những cái đẹp đã khẳng định thiên nhiên chính là nơi bắt nguồn của cái đẹp. Tác giả lí giải: “Thiên nhiên là nơi bắt nguồn của cái đẹp. Thiên nhiên theo cái nghĩa là toàn bộ thế giới vô cơ và hữu cơ ngoài con người, đã tồn tại trước con người hàng triệu năm. Không có thế giới đó thì sẽ không có cái đẹp, cũng không có cả con người, bởi vì chính con người cũng chỉ là một sản phẩm của tự nhiên, là đỉnh cao nhất trong quá trình phát triển lâu dài của sự sống. Từ thế giới này sẽ nảy sinh ra muôn vàn sự vật và hiện tượng có kết cấu đẹp đẽ, sẽ ra đời con người với cơ thể cân đối, có cùng một tỉ lệ với sự hài hoà của tự nhiên.” [70, 168] Cái đẹp của thiên nhiên xuất hiện trước và nó chính là thước đo để con người sáng tạo ra thiên nhiên thứ hai. Thiên nhiên trở thành nguồn cảm hứng, thành sự “cám dỗ” đối với con người, đặc biệt là người nghệ sĩ. Cho đến bây giờ – có lẽ cả mai sau vẫn thế – vẻ đẹp đa dạng của tự nhiên luôn là đề tài, là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật. Thơ, ca, nhạc, họa,… thời nào mà chẳng có vẻ đẹp của tự nhiên. Những biến thiên của thời cuộc, những thăng trầm của kiếp người, những buồn vui của cuộc sống cũng là đề tài cho nghệ thuật nhưng đến một lúc nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó người nghệ sĩ không tìm thấy niềm an ủi và nguồn cảm hứng từ những đề tài đó nữa thì vẫn chỉ là thiên nhiên luôn dang rộng vòng tay đón họ trở về – một sự trở về với bình yên và hạnh phúc ban sơ. 1.2.2.2. Cái đẹp trong xã hội: Cái đẹp trong xã hội chính là sản phẩm của quá trình hoạt động thực tiễn của con người. Chính vì thế, hoạt động của thế giới loài người càng phong phú bao nhiêu thì cái đẹp trong đời sống xã hội càng đa dạng bấy nhiêu, nó được biểu hiện dưới trăm nghìn vẻ khác nhau. Chung quy lại có thể kể đến các dạng sau: cái đẹp trong những sản phẩm do bàn tay con người tạo ra; cái đẹp trong các hoạt động của con người và cái đẹp của bản thân con người. Ở dạng thứ nhất, cái đẹp tồn tại trong những sản phẩm từ nhỏ nhất đến lớn nhất mà con người tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống, từ cây kim đến công trình kiến trúc đồ sộ đều nằm trong loại này. Dạng thứ hai là cái đẹp tồn tại trong những hoạt động đa dạng của con người: vui chơi giải trí, lao động sản xuất,… Khác với các dạng khác, cái đẹp ở dạng này còn chịu sự chi phối mạnh mẽ của quan điểm chính trị – xã hội – đạo đức. Trong hoạt động giải trí chẳng hạn, loại hình giải trí nào được coi là lành mạnh, là đẹp và loại hình nào không được chấp nhận là đẹp đều do quan điểm trên quyết định, cho dù loại hình không được chấp nhận kia sử dụng phương tiện đẹp đi nữa. Dạng thứ ba là cái đẹp của con người. Ở cái đẹp trong tự nhiên ta cũng bắt gặp cái đẹp của con người nhưng đó chỉ đơn thuần là cái đẹp hình thể bên ngoài, còn ở đây là sự kết hợp hài hoà giữa cái đẹp hình thể bên ngoài với thế giới tinh thần bên trong của con người đó. Cái đẹp trong xã hội không lúc nào tách rời hoạt động thực tiễn vốn rất phong phú đa dạng của con người cho nên trong đời sống thực tế rất nhiều khi chúng ta khó phân biệt, khó nhận ra cái đẹp đang bị trộn lẫn giữa muôn nghìn cái bình thường khác. Nhưng cũng chính sự tồn tại của cái đẹp trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội lại là thước đo trình độ văn minh của xã hội. Vì vậy, dù ở trong hoàn cảnh nào, con người chúng ta vẫn cần nâng niu trân trọng những cái đẹp và không ngừng nỗ lực sáng tạo cái đẹp bởi đó cũng là một cách làm tăng tính người và làm cho đời sống tinh thần của con người ngày càng lành mạnh và phong phú hơn. 1.2.2.3. Cái đẹp trong nghệ thuật: Cái đẹp trong nghệ thuật chính là sự phản ánh cái đẹp trong cuộc sống vào nghệ thuật, vì thế không thể phủ định rằng giữa hai cái đẹp này có mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cái phản ánh và cái được phản ánh. Có thể nói rằng so với cái đẹp trong hai lĩnh vực trên, cái đẹp trong nghệ thuật là cái đẹp điển hình và chính nó là một trong những cái có sức hấp dẫn mãnh liệt đưa con người đến với nghệ thuật. Một khung cảnh bình dị với hình ảnh đàn bò đang thong dong về bản trên con đường núi, xa xa là một làn khói bay lên hoà lẫn trong không trung, chỉ từng đó thôi mà bức ảnh Về bản đã gợi lên biết bao êm đềm của cuộc sống ở làng quê Việt Nam, của đồng bào dân tộc. Và rồi còn biết bao nhiêu cái đẹp điển hình như thế nữa. Một bức ảnh chỉ chụp đôi mắt già nua đăm đắm trông về một phương của người mẹ già. Một câu ca dao tả người tát nước đêm trăng,… Cứ như thế, những hình ảnh quen thuộc trong đời sống thường ngày được người nghệ sĩ đưa vào trong nghệ thuật trở thành những cái đẹp điển hình chứa đựng những nét chủ yếu, bản chất, tiêu biểu cho những cái đẹp cùng loại trong cuộc sống. Bielinski từng thừa nhận: Mãnh lực của nghệ thuật là như vậy: một khuôn mặt tự nó không có gì đặc biệt cả, qua nghệ thuật đã có một ý nghĩa chung, tất cả mọi người đều thấy hay, và con người mà sinh thời không được ai chú ý, nhờ hoạ sĩ với ngòi bút của mình đã mang lại cho người đó một cuộc đời mới, khiến bây giờ bao nhiêu con mắt ngắm nhìn.[72, 86] Những ai ít nhiều yêu thích nghệ thuật chắc từng biết đến bức hoạ nổi tiếng Mona Lisa của danh hoạ Lêôna đờ Vanhxi.Nếu không phải chính nhà danh hoạ đã đưa Mona Lisa vào bức hoạ bất hủ ấy thì nàng dù có xinh đẹp đến mấy cũng chỉ là một thiếu phụ 24 tuổi với nụ cười quyến rũ và bí ẩn. Tuổi 24 của nàng, vẻ xinh đẹp thánh thiện của nàng, cả nụ cười bí ẩn của nàng nữa, đã không còn gì cả trước thời gian. Chỉ còn lại một Mona Lisa bất tử dưới nét vẽ thiên tài của nhà danh hoạ, để b._.ết phục nhiều thú chơi tao nhã của người xưa: thú đánh thơ, thả thơ, thú đọc sách với bạch lạp và hương trầm, thú chơi hoa kiểng, thú đánh đàn, thú ẩm thực,... Dù là với thú chơi nào, ông cũng tiếp cận nó ở phương diện cái đẹp. Những thú chơi ấy chính là cái đẹp của cha ông ngàn xưa để lại nên người chơi nó cũng chính là người sáng tạo, thẩm định, thưởng thức, tôn vinh, gìn giữ và phát huy cái đẹp. Tiếp cận và miêu tả cái đẹp của những thú chơi tao nhã, Nguyễn Tuân nhấn mạnh đến cái đẹp toát ra từ sự hài hoà giữa “trò chơi” và người chơi, tức là sự hài hoà, hoà hợp nội tại giữa thú chơi với nhân cách, thế giới tinh thần của người chơi. Chính sự hài hoà đó là điều kiện để tạo nên cái đẹp có ma lực hấp dẫn người đọc. Song song đó, khi miêu tả tả cái đẹp, Nguyễn Tuân còn có khuynh hướng nhấn mạnh đến tác dụng phục sinh và di dưỡng, thanh lọc tâm hồn con người mà cái đẹp của những thú chơi tao nhã. Ở một góc độ nào đó, khuynh hướng tiếp cận này cho thấy ông không phải là nhà văn chỉ biết “vị nghệ thuật” mà còn là nhà văn “vị nhân sinh”. Điều này đồng thời cũng đặt ra những vấn đề về cách đánh giá giá trị tác phẩm của Nguyễn Tuân trước cách mạng. 4. Nguyễn Tuân quan tâm rất nhiều đến cái đẹp của con người. Cái đẹp của con người trong những trang văn của Nguyễn Tuân trước cách mạng mang những nét độc đáo riêng và có một ý nghĩa nhân sinh rất lớn. Dưới góc độ cái đẹp, Nguyễn Tuân khai thác đề tài này ở hai phương diện: hình sắc bên ngoài và thế giới tinh thần. Với cái đẹp của hình sắc, Nguyễn Tuân cho rằng, trước hết con người chỉ đẹp khi và chỉ khi hình sắc gây được ấn tượng, kích thích giác quan của người thưởng thức. Song song đó, cái đẹp ở đây còn phải phụ thuộc vào cái nhìn của người nghệ sĩ và hoàn cảnh, không gian mà hình sắc đó hiện hữu. Riêng với cái đẹp của thế giới tinh thần con người, nhìn chung Nguyễn Tuân tiếp cận ở khía cạnh nhân cách chứ không phải tính cách. Con người đẹp là bởi vì họ có nhân cách. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù họ thuộc giai cấp, tầng lớp nào thì chính nhân cách giúp họ bứt ra khỏi sự quy định cứng nhắc của hoàn cảnh xã hội để vươn tới cái phần người phổ quát: cái chân, thiện, mỹ. Nhìn chung, Nguyễn Tuân đặt bên cạnh những thú chơi đẹp là những con người đẹp về hình sắc, đẹp cả tâm hồn và đẹp cả thiên lương. Và làm nền cho tất cả những cái đó là một thiên nhiên với vẻ đẹp khi thì hiền lành, bình yên, thanh tịnh, khi thì dữ dội, phóng khoáng. Từ khung nền cho đến con người, sự vật trong tác phẩm đều được Nguyễn Tuân chăm chút từ góc độ cái đẹp với một thái độ trân trọng chân thành. Việc tìm hiểu cái đẹp ở phương diện này đối với văn Nguyễn Tuân sau cách mạng để có cái nhìn toàn diện về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân là rất cần thiết. 5. Là người hiểu rõ mối quan hệ hữu cơ giữa nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn chương, Nguyễn Tuân đã rất chú trọng tới cái đẹp của bản thân tác phẩm để đạt được sự hài hoà giữa cái đẹp của vật chứa và cái đẹp của vật được chứa. Từ từ ngữ, câu văn cho đến giọng điệu, cách thể hiện thời gian,... được ông thể hiện hết sức phù hợp với đề tài, với nội dung miêu tả. Hệ thống từ Hán Việt, vốn văn liệu cổ,... phù hợp với mảng tác phẩm về một thời vang bóng. Hệ thống từ láy, nghệ thuật thể hiện thời gian mới lạ, giọng điệu trữ tình tha thiết phù hợp với những trang viết về xê dịch, những trang đậm chất tuỳ bút của Nguyễn Tuân. Sự hài hoà trên tổng thể và sự tinh tế, tỉ mỉ trong từng chi tiết, từng câu chữ,... đã hoà hợp với nhau để tạo cho tác phẩm văn xuôi nghệ thuật trước cách mạng của Nguyễn Tuân một vẻ đẹp độc đáo, chứa đậm dấu ấn cá tính riêng của ông. Vẻ đẹp hoà hợp và đầy cá tính này có tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong những trang văn của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám hay không, điều đó rất cần được tiếp tục nghiên cứu. 6. Nguyễn Tuân là người viết văn xuôi nghệ thuật thành công không chỉ trước Cách mạng tháng Tám, và thành công không chỉ so với các bạn văn cùng thời. Dù đôi lúc có quá đà hay cực đoan, dù chất tuỳ bút gần như chi phối mọi thể loại văn xuôi của mình, Nguyễn Tuân vẫn luôn là người biết cách làm cho hạn chế của mình trở thành thứ yếu. Một trong những cách đó là nhờ vào cái đẹp, cái đẹp từ giản dị tới phi thường, từ cụ thể có thể tiếp xúc bằng giác quan đến vô hình chỉ có thể lắng sâu cảm nhận, cái đẹp từ trong đời và trên mỗi trang văn. Dường như đối với người nghệ sĩ Nguyễn Tuân, hành trình đến với văn chương cũng là hành trình đi tìm cái đẹp, tôn vinh và lưu giữ cái đẹp cho đời. Có thể khẳng định rằng, một trong những cái làm nên giá trị bất tử cho văn Nguyễn Tuân trước cách mạng chính là cái đẹp. Khát khao tìm kiếm, sáng tạo, thưởng thức và tôn vinh cái đẹp chính là tư tưởng nghệ thuật chính của Nguyễn Tuân trong giai đoạn này. Một vấn đề đặt ra qua luận văn này là trong giai đoạn sau cách mạng, Nguyễn Tuân có tiếp tục đi tìm cái đẹp, lưu giữ và tôn vinh nó để cái đẹp trở thành một tư tưởng nghệ thuật chính trong văn nghiệp của ông hay không? Nghiên cứu toàn diện về cái đẹp trong toàn bộ sự nghiệp văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân sẽ gợi mở nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định lại tư tưởng nghệ thuật và những đóng góp to lớn của Nguyễn Tuân cho nền văn học nước nhà. Chúng tôi hy vọng sẽ làm rõ vấn đề này trong một công trình công phu và toàn diện hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tạ Duy Anh (chủ biên) (1999), Nghệ thuật viết truyện ngắn và ký, NXB Thanh niên, Hà Nội. 2. Vũ Bằng (2002), Miếng ngon Hà Nội và món lạ miền Nam, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội. 3. Vũ Bằng (2000), Tuyển tập Vũ Bằng, tập II, Nxb Văn học, Hà Nội. 4. Trương Chính (1997), Tuyển tập Trương Chính, tập II, NXB Văn học, Hà Nội. 5. Ðức Dũng (1996), Các thể kí báo chí, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội. 6. Lê Văn Dương, Lê Ðình Lục, Lê Hồng Vân (2002), Mĩ học đại cương (Tái bản lần thứ nhất), NXB Giáo dục, Hà Nội. 7. Phan Cự Ðệ, Hà Minh Ðức (1983), Nhà văn Việt Nam (1945-1975), tập II, NXB Ðại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 8. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (1997), Văn học Việt Nam 1900 – 1945, NXB Giáo dục, Hà Nội. 9. Trịnh Bá Ðĩnh, Nguyễn Hữu Sơn (sưu tầm, biên soạn) (1998), Phê bình văn học - tạp chí Tri Tân (1941-1945), NXB Hội nhà văn, Hà Nội. 10. Hà Minh Ðức (1998), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 11. Hà Văn Ðức (1992), Giáo trình văn học Việt Nam 1930-1945, NXB ÐH & THCN, Hà Nội. 12. Hà Văn Đức (2003), “Quan điểm thẩm mỹ qua một số hình tượng nghệ thuật trong tuỳ bút Nguyễn Tuân”, Tạp chí Văn học, số 4 – 2003, tr.8-15 13. Nguyễn Thị Hồng Hà (2003), Đặc trưng tuỳ bút Nguyễn Tuân, Luận án Tiến sĩ, ĐH KHXH & NV TP HCM 14. Lê Bá Hán, Trần Ðình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) (1998), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Ðại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 15. Nguyễn Văn Hạnh, Suy nghĩ về văn học, NXB Văn học, H.1979. 16. Lý Trạch Hậu (2002), Bốn bài giảng mỹ học, Trần Đình Sử và Lê Tẩm dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 17. Ðỗ Ðức Hiểu (1993), Ðổi mới phê bình văn học, NXB KHXH, Hà Nội. 18. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên) (2005), Từ điển văn học, NXB Thế giới. 19. Nguyễn Thái Hoà (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục, Hà Nội. 20. Tô Hoài (1992), Cát bụi chân ai, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội. 21. Tô Hoài (1997), Sổ tay viết văn, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội. 22. Tô Hoài (2000), Chuyện cũ Hà Nội, NXB Hà Nội. 23. Nguyễn Công Hoan (1996), Ðời viết văn của tôi, NXB Văn nghệ, TpHCM. 24. Ðỗ Huy (1984), Cái Ðẹp - Một giá trị, NXB Thông tin lí luận, Hà Nội. 25. Khái Hưng (1991), Nửa chừng xuân, NXB ĐH & THCN, Hà Nội. 26. Trần Ngọc Hưởng (1999), Luận đề về Nguyễn Tuân, NXB Thanh niên, TpHCM. 27. Trần Ðăng Khoa (1999), Chân dung và đối thoại, NXB Thanh niên, TpHCM. 28. Thạch Lam (1995), Hà Nội băm sáu phố phường, NXB Văn học, Hà Nội. 29. Thanh Lãng (1972), Phê bình văn học thế hệ 1932-1945, NXB Khai Trí, Sài Gòn. 30. Nguyễn Hiến Lê (2003), Hương sắc trong vườn văn, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội. 31. Nguyễn Ðăng Mạnh (2000), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam 1930 -1945, NXB ÐHQG, Hà Nội. 32. Nguyễn Ðăng Mạnh (1999), Những bài giảng về tác gia trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam, tập I, NXB ÐHQG, Hà Nội. 33. Nguyễn Ðăng Mạnh (2000), Nhà văn Việt Nam hiện đại - chân dung và phong cách, NXB Trẻ, TpHCM. 34. Nguyễn Ðăng Mạnh (1983), Nhà văn, tư tưởng và phong cách, NXB Văn học, Hà Nội. 35. Nguyễn Ðăng Mạnh (1999), Nguyễn Tuân bàn về văn học nghệ thuật, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội. 36. Nguyễn Ðăng Mạnh (biên soạn và giới thiệu) (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, tập 1, NXB Văn học, Hà Nội. 37. Nguyễn Ðăng Mạnh (biên soạn và giới thiệu) (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, tập 2, NXB Văn học, Hà Nội. 38. Nguyễn Ðăng Mạnh (biên soạn và giới thiệu) (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, tập 3, NXB Văn học, Hà Nội. 39. Nguyễn Ðăng Mạnh (biên soạn và giới thiệu) (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, tập 4, NXB Văn học, Hà Nội. 40. Nguyễn Ðăng Mạnh (biên soạn và giới thiệu) (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, tập 5, NXB Văn học, Hà Nội. 41. Nguyễn Ðăng Mạnh (1994), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB Giáo dục, Hà Nội. 42. M.B.Kharapchenkô (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội. 43. Ngô Minh (2002), Ăn chơi xứ Huế, NXB Thuận Hoá, Huế. 44. Phương Ngân tuyển chọn và biên soạn (2000), Nguyễn Tuân cây bút tài hoa và độc đáo, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội. 45. Vương Trí Nhàn (1998), Sổ tay truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội. 46. Vương Trí Nhàn (2001), Chuyện cũ Hà Nội, NXB Văn học, Hà Nội. 47. Vương Trí Nhàn (2002), Cây bút, đời người (chân dung văn học), NXB Trẻ, TpHCM. 48. Nhiều tác giả (1992), Phê bình bình luận văn học: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, NXB Tổng hợp Khánh Hoà. 49. Nhiều tác giả (1985), Công việc viết văn, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. 50. Nhiều tác giả (1976), Cơ sở lí luận văn học, 3 tập, NXB Giáo dục, Hà Nội. 51. Nhiều tác giả (2000), Nguyễn Tuân về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội. 52. Nhiều tác giả (1984), Từ điển văn học, 2 tập, NXB KHXH, Hà Nội. 53. Nhiều tác giả (1997), Lí luận văn học, ÐHSP TpHCM, TpHCM. 54. Nhiều tác giả (2000), Văn học Việt Nam 1930-1945, NXB Giáo dục, Hà Nội. 55. Nhiều tác giả (1998), Nhà văn Việt Nam thế kỉ XX, tập III, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội. 56. Nhiều tác giả (2002), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Quyển một, tập II, NXB Văn học, Hà Nội. 57. Nhiều tác giả (2002), Nguyễn Tuân tác phẩm và dư luận, NXB Văn học, Hà Nội. 58. Vũ Ngọc Phan (1989), Nhà văn hiện đại, tập I, NXB KHXH, Hà Nội. 59. Trần Ðình Sử (1993), Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Vụ giáo viên, Hà Nội. 60. Trần Ðình Sử (2002), Văn học và thời gian, NXB ÐHQG HN, Hà Nội. 61. Trần Hữu Tá (2000), Nhà văn trong nhà trường: Nguyễn Tuân, NXB Giáo dục. 62. Nguyễn Thành Thi (1999), Ðặc trưng truyện ngắn Thạch Lam, NXB Giáo dục. 63. Nguyễn Thành Thi (2000), Phong cách văn xuôi nghệ thuật Thạch Lam, Luận án tiến sĩ, TpHCM. 64. Nguyễn Tuân (1998), Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập I, NXB Văn học, Hà Nội. 65. Nguyễn Tuân (2001), Vang bóng một thời, NXB Ðồng Nai. 66. Nguyễn Tuân (1986), Chuyện nghề, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội. 67. Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Lê Văn Trương (2002), Ði Tàu đi Tây, NXB Hội nhà văn, Hà Nội. 68. Đoàn Minh Tuấn (2000), Khuôn mặt & tác phẩm, NXB TPHCM. 69. Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận và văn học, NXB Trẻ, TpHCM. 70. Lê Ngọc Trà (2002), Thách thức của sáng tạo - thách thức của văn hoá, NXB Thanh Niên, TpHCM. 71. Lê Ngọc Trà - Lâm Vinh (1984), Ði tìm cái đẹp, NXB TpHCM. 72. Lê Ngọc Trà (chủ biên) - Lâm Vinh - Huỳnh Như Phương (1994), Mỹ học đại cương, NXB Văn hoá thông tin. 73. Lâm Vinh (2000-2001), Nghệ thuật học, Đại học Sư Phạm TPHCM. 74. Vladimir Soloviev (2001), “Bản thể luận của cái đẹp và triết học nghệ thuật”, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1- 2001, tr.153-214. 75. Hoàng Xuân (tuyển chọn) (1997), Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, NXB Văn học, Hà Nội. PHỤ LỤC BẢNG THỐNG KÊ TỪ HÁN VIỆT TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN TUÂN (TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM) Tên tác phẩm Từ Hán Việt Ghi chú Chữ người tử tù tử tù (5 lần), phiếu trát, Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, thơ lại (8 lần), đề lao (4 lần), công văn (4 lần), phản nghịch, danh, ngục tốt (2 lần), nguy hiểm, văn võ, đao phủ, triều đình, quốc gia, án thư (2 lần), ngục quan (8 lần), thái dương, thành phủ (2 lần), tinh tú, thanh âm (2 lần), chính vị, từ biệt, vũ trụ, khuyển ưng, ty tiểu, tàn nhẫn, trọng, nhạc luật, thuần khiết, tâm điền, khí phách, vô tình, biệt đãi, bát phẩm thơ lại, cáo giác, ý tứ, ngục thất, tội hình, phạm nhân (2 lần), phiến loạn, tội án, đồng chí (3 lần), pháp trường (3 lần), phong tục, kiểm điểm, biệt nhỡn, thủ xướng, nguy hiểm, ngạc nhiên, thái độ (2 lần), quản ngục (14 lần), lễ phép (2 lần), ngài, thản nhiên, giam cầm, nghĩa khí, chu tất, lôi đình, báo thù, thủ đoạn, tiểu nhân, thị oai, lĩnh ý, hậu, biệt đãi, bận tâm, bí mật, quan trọng, tiểu lại, mãn nguyện, thánh hiền, sở nguyện, tri kỷ, vật báu, khổ tâm, can đảm, hành hình, ân hận, Hình Bộ Thượng thư, Kinh (2 lần), tâm sự, yên tâm, tử hình, nhất sinh, quyền thế, bộ tứ bình, bức trung đường, biệt nhỡn liên tài, sở thích, cao quý, phụ, lạc khoản, hoài bão, tung hoành, thiên lương, lương thiện, bái lĩnh, tự nhủ, kỷ niệm. 149 lượt từ / 11 trang Bữa rượu máu tiết, phù thuỷ, cấm địa, tự nhủ, khai đao (2 lần), trảm, pháp trường (5 lần), xử trảm, tư thất, Tổng đốc, sung chức, Đổng lý Quân vụ (5 lần), nội thành, bất thần, mạn phép, truyền, bát phẩm (2 lần), tử tù (9 lần), hành hình, quan Công sứ, án trảm, truất, Công sứ (8 lần), quỹ mật, bổng, dưỡng, phận sự, mã tấu, hầu cận, tín bài, tàn nhẫn, thực vật, nhất định, bát phẩm (2 lần), thí nghiệm (2 lần), tự vệ, huyết chiến, thuần, tàn phá, võ sinh, trổ tài, võ đài, công trình, phá hoại, nội cỏ, dinh, thủ quyết, ngũ hành, thị uy, áp giải, đoạn (= chặt), tội nhân, hậu môn, sinh khí, thản nhiên, bát âm, hành quân, binh phục, kim tuyến, phạm thượng, an vị, thông ngôn, lưu trú (2 lần), hành hình, dư đảng, bản chức, phiến loạn, hồng phúc, trị an, định, tạ, trung thành, công cuộc, bảo hộ (2 lần), thiểm chức, nhà nước, bình định, ty chức (2 lần), trung thành, đao phủ, hạ thủ, khai đao (2 lần), viên giám trảm, linh hồn, thể xác, tội nhân, thủ cấp, điều (=đỏ), Lưu trú quan (2 lần), đao phủ, cáo, toà Sứ, thông ngôn, quân quốc, đầu lâu, giải tán, xuất quân bất lợi, tử thi, thủ hiến. 131 lượt từ / 13 trang Về quê Công chức, hành lý (2 lần), hình dung, trung thành, tha phương cầu thực, cố lý, cử động, vô ý thức, vật vô tri, linh hồn, thời khắc, thần trí, nhất định, ân hận, nghĩa địa, du lịch (3 lần), chương trình, nhân tình, tâm hồn, đoạn tuyệt, số phận, cơ hội, tình duyên, văn chương, thân phận, cưu mang, phản chiếu, thế kỷ, tâm tưởng, mỹ mãn, nhất đán, tương lai, dự định, tưởng tượng, hình ảnh, trụ trì, hoà thượng (2 lần), bí mật, kiếp hoá sinh, ngoại quán, Yên Tùng Mặc, kỷ niệm, trần tục, tu hành, tưởng tượng, tái ngộ, thư 84 lượt từ / 10 trang sinh, bần tăng, kinh kệ, chấp, xuất gia, quý khách (3 lần), thần sắc, nhân duyên, vạn nhất, tịch, ký ức, thanh khiết, bạo thiên nghịch địa, tôn thờ, thành kính, giải thoát, tâm tình, sáng kiến, phát minh, cảm động, tầm thường, thất vọng, tốc hành, lữ khách, luân lý, gia đình, không khí, thiếu phụ, phong tục, thú vị, cảm giác (2 lần). Làm lại cuộc đời tạo vật, trung thu (2 lần), thiếu niên, thời tiết, Thiên văn, dĩ vãng, cách mệnh, tinh thần, tôn thờ, ích kỷ, phục hưng, trách nhiệm (2 lần), bí quyết, thời đại, châm ngôn, tương lai, văn chương, nghệ thuật, giá trị, tri thức, tú tài, kinh động, trứ thuật, nhất định (3 lần), chủ quan, linh hồn, điềm, sinh thú, chân tu, tàn nhẫn, tự nhiên, giang hồ (4 lần), long trọng, thông minh, bất hạnh, tẩy trần, thân bằng cố hữu, tửu lượng, khủng hoảng, tâm hồn, tạ lỗi, thái độ, địa chỉ, thảo mộc học, phượng vĩ tùng, vô duyên, đồng thanh, thảo quả, phong lưu, đoàn tụ, hàng hải, điều hoà, truỵ lạc (2 lần), tổ chức, ngũ sắc, lương tâm, nhạc điệu, phóng túng, hình hài, tâm sự, phong sương, ân tình, tư tưởng, lãng mạn, chung thân, bài trí, linh hồn, tam quốc, Gia Cát thừa tướng, tử khí, lãng tử, cổ thụ, giông tố, đạo đức, hung thủ. 83 lượt từ / 11 trang Xác ngọc lam (xuống) chiếu, địa phương (3 lần), đệ dâng, thủ công, bách nghệ (2 lần), mật thiết, văn chương, khoa bảng, sùng thượng, kẻ sĩ (3 lần), (viết) bằng, (viết) sắc, Chu Hồ (3 lần), thủ ấn, thương tiêu (2 lần), triện, thuỷ ấn (2 lần), tạp hoá, đức tính, trinh nữ, tiết đông, sinh khí, thảo mộc (2 lần), thế gian (2 lần), thị trường, thất phu, trọng, Nho phong, chúng nhân, chí sĩ, thích (=khắc), nhẫn tâm, biểu dương, quý tộc, văn mặc, triệu, Kinh (3 lần), Thượng thư, bộ Lễ (3 lần), đức tính, lão thần, thuộc nha, án thư, côn trùng, kẻ thù truyền kiếp, sớ, đệ dâng, Cẩn Tín Viện, cung (= phục vụ), hoàng tộc, triều đình (3 lần), Bộ Công, chỉ (trong chiếu chỉ), trọng dụng, tâu, nguyên quán, Ngự Chỉ, thường niên (2 lần), đệ, nhất định, đình gián, nghị tội, Vạn Thọ, khánh đản, Tưởng lục (2 lần), ân tứ, thôn dã, đặc sủng, ngoại sử, thường nhân, cao sang, tài tuấn, thành đô, hạnh phúc (4 lần), đức, cầm lao, tinh xảo, khiêm tốn, cổ điển, cổ kính, đơn bạc, phóng sự, lão bộc, tổ phụ, lưu, tâm hồn, thiên niên tùng, trung bình, cổ thụ (3 lần), quá ngọ, hương ngư, trung châu (2 lần), đại thụ, hoang vu, bí mật, thổ dân (3 lần), sơn cước (2 lần), quang (2 lần), tạnh, nghệ thuật, cấm khẩu, u hiển, công nhật, thất đảm, thái độ, bẩm tính, sinh vật, nhân loại, quảng đại, nhất định, bất diệt, chí tình, thanh sắc, tự nhiên, cao hứng, giáo phường, phú, khúc, âm luật, cổ phong, bi tráng, khách hiệp, hoang vu, bóng dương, ngàn (=rừng), tình nhân, sơn tràng, thất thanh, khấu đầu, tạ lỗi, tự nhiên, sinh trưởng, lệ châu, đồng bằng (2 lần), sơn thần nữ, vu quy, giai nhân, độc ẩm, tân hôn, tung tích, hình hài, bất tiện, nguy hiểm, triền miên, phương pháp, âm thanh, ái tình, cần lao (3 lần), hỗn mang, huyền diệu, kỷ nguyên, cạnh tranh, hoan lạc, thời gian, sung, chức, Cẩn Tín Viện, Chu Ngũ Lương Hoài Nhân Khúc (3 lần), cách vật trí tri, Sơn Hoàng, bạch thạch (3 lần), định kiến, hạ bạn, quả phụ, tập quán, cư tang, hiển linh, phú quý (2 lần), tột bực, phúc đức, vô địch, điền địa, công tử, danh, thiếu niên, thiếu thời, phong cường, lục tỉnh (2 lần), thương nhân, thị hiếu, cổ, độc nhất vô nhị, thực khách, chủ nhân (2 lần), án mạng, thụ, tự nhủ, ân nhân (3 lần), nhân vật, bảo vật, sự tích, chước thuật, giang khẩu, biệt thự (3 lần), thời tiết, âm tiêu sái, thiếp danh, quý khách, tương tư, tân khách, châu, sương phụ, dạ hội, lương thiện, hiện hình, nhân công, nhà nước, lạc thành, tiệc yến, tàn khách, kỳ dạ hội, đoan 294 lượt từ / 29 trang chính, nguy hiểm, quản gia (2 lần), Miên nhất khí (2 lần), hư linh học, cẩm thạch, thất thanh, vô dụng, địa chỉ, đại tốc (2 lần), thế gia, kim khí, thiên cổ, tử thi, gia nhân, quý nhân, quý vật, nhất định, biển lận, ngũ vị, thi hài, đắc tội, ngọc thạch, thuý ngọc, toàn bích, tạ lễ, tửu đồ, di hài, tuyệt tình, phụ bạc, vô sở bất chí, nô lệ, danh lợi, kỷ niệm, tặng phẩm, bạo phú. Cửa Đại Đại Chiếm hải khẩu, du lịch, lịch sử, tục danh, mệnh danh, hành chính, biến động, thủ hiến (2 lần), dinh, sở tại (2 lần), dân sự, du khách, địa phương, công tử, thất nghiệp, ngạc nhiên, giao mùa, thu hứng, kỹ nghệ, vô danh, hoàng hôn, lữ thứ (2 lần), trường thiên, huyền ảo, ca nhi, lâu đài, xứ sở, tâm hồn, ý định, thuỷ triều, điểm tâm, bất động sản, cơ nghiệp, khởi hành, long diên hương, luỵ, cơ đồ, tạp hoá, phủ phục, thiếu phụ, bất thình lình, thổ âm, Chánh tổng, tầm thường, thanh âm, thính giác, truỵ lạc, cô độc, thập nhị hải khẩu, thừa lương (3 lần), lục địa, biệt thự, tự nhiên (3 lần), khoả thân, thi sĩ, tù trưởng, nhật kỳ, niên thiếu, phong tình, duyên hải, lương thiện, thiếu phụ, sương phụ, thành thị (4 lần), du nhập, hải tần, cứu cánh, phương tiện, trá hình, trưởng giả, quảng cáo, tạo vật, kính trọng, khiêu vũ, khách sạn, cơ khí hoá, vô lễ, ngạo mạn, bộ hành, vận tải, trung cổ, thổ mộ, tài hoa, hành khách, vô danh, tố cáo, địa đầu, thành phố (2 lần), ám sát, vô duyên, cực điểm, lưu đãng, dưỡng nhàn, nhàn sầu, cảm tưởng, thu thập, hành lý, hoài sơn (4 lần), khủng hoảng, lang y, công phạt, quốc sử, tuyệt lương, đại thần, lưu, quán (=quê), giang hồ, ngoạ bệnh. 122 lượt từ / 15 trang Phu nhân họ Bồ Phu nhân (84 lần), Bồ phu nhân (26 lần), sắc, duyên, dáng điệu, thê lương, ý niệm, kiêu hãnh, thanh âm (3 lần), nhân vật, nghiệp chướng, kiêu hãnh, thản nhiên, tự mãn, bất giác, lân cận, thừa trừ, hạn chế, phù sa, thảm kịch, đại khái, tâm sự (2 lần), huy hoàng, mưu thuật, phong tình, nham hiểm, thái độ, linh hồn, thế gian, chinh phục, cầu thân, nhạc sĩ, giai âm, cơ hội, thế tình, thẩm mỹ, cáo phó, yểu tướng, giai nhân, phong lưu, thân nhân, kinh ngạc, bạc mệnh, trang giai nhân tuyệt thế, đại bất hạnh, danh giáo, đắc tội, biển thủ, thú tội (3 lần), truy tố, bội tín (2 lần), lạm dụng (2 lần), hiếu khách (2 lần), xã giao (3 lần), vô ích, vô vị, sám hối, luân lý, ước lệ (2 lần), danh giáo, vô ý, giới hạn, hoan hỉ, kính trọng, thảo mộc học, ngoại ô, niên hiệu, nhất định, Nguyên Tiêu, địa chỉ (2 lần), phong cảnh (2 lần), lịch sự, tái bút, vô cùng, văn minh, tổ chức, cổ thi, trung cổ, khoa học, âm tín, vô cớ, thượng huyền, hạ huyền, giao tiếp, Kinh thành, phân vân, cố viên, diễn trường, biến cố, bất chấp, cung chức, hiện thân, thiếp, Kinh, tri kỷ cố giao, thoát ly, xê dịch, tượng trưng, tự nhiên (2 lần), ngạc nhiên, cô đơn, vị kỷ, biến thiên, viễn du, nghịch biến, gia đạo, vô lý, bất công, tâm thần, hân hạnh, phong thư, viên chức, thâm niên, phóng khoáng, nhất định, đồng liêu, liêu hữu, thất thường, quan tâm, khứ lưu, phận sự, vô tình, ngạo mạn, tủi hổ, đoản đình, trường đình, vô cớ, chân thành, cầu thân, can đảm, đính chính, tự vấn, phân ly, hoài vọng, cơ hội, cần mẫn, tửu hậu trà dư, dụng tình, hạnh phúc, thuần phác, nữ trang, gia đình (2 lần), thuỷ tinh, chủ nhân, thiên nhiên, phụ, dĩ vãng, tảo mộ. 271 lượt từ / 16 trang Loạn âm loạn âm (3 lần), quán (=quê), cáo đình gián (3 lần), vô cùng (2 lần), triều chính, thổ hà (2 lần), trường kỷ, khoa chiêm tinh, linh khiếu, án (án sách), Chu Mặc Lan, tiểu bộc (7 lần), tai biến, nguy hiểm, thánh hiền, bức tứ bình, lãnh hoạn, thiên nhiên, âm thanh, phong cầm, tiết hạ, Thiên Thai, 226 lượt từ / 21 trang thanh âm, huyền bí, tấu, thế giới u linh, thân thể, hiện hình, lễ vật (3 lần), hành hạt, truyền, phân vân, thâm (=đen), quý khách (3 lần), thượng quan, giao long, phẩm phục, triều đình (2 lần), thế gian, kính cẩn (2 lần), lễ độ, tạ lỗi, tiểu lại, cư tang, tử các lệ viên, giáng lâm (2 lần), chỉ giáo, âm phủ (4 lần), dương gian (3 lần), thôn dã, đức hạnh, liêm cẩn, cao khiết, luận đàm, chư sư chư hiền, cổ thư, thất phu, hiển đạt, âm dương, thế huynh (12 lần), đại tập, cử nhân, âm ty, Diêm Vương (4 lần), tư chất, thông minh, sĩ hạnh, kiều lương đạo lộ, đại công tác, hưng công, trùng tu, đình đài, dương thế (2 lần), U Minh, phu (3 lần), khiển trách, giao thông, âm, oan hồn, thác, quyền, khoá, đồng song (3 lần), lĩnh chức, dịch tả, kinh động (2 lần), lĩnh mệnh (2 lần), đức, vạn hạnh, thuỷ trì (2 lần), Hắc Thuỷ, đức tính, văn phòng tứ hữu, chương trình, tuyển phu (2 lần), trình, phu đinh, sổ bộ (2 lần), ân nhân, tu nhân tích đức, số mệnh, tuỳ tòng (2 lần), án (=đóng quân), bất tiện, nhất định (2 lần), liêm chính, khuất tất, gia ơn, thâm tạ, thừa thiên, hành đạo, sắc, phụ, cố nhân (3 lần), âm, luỵ, thừa hành công vụ, gia ơn, đạo bằng hữu, cáo biệt, tiết (=máu), nhà nước, song trúc, lạc vị, tiểu đồng, Tử Đàn Hương, chính trực, nghĩa khí, niệm, tà khí, động tĩnh, bóng dương, thiệt mạng, cung (=cung cấp), bất hạnh, siêu sinh tịnh độ, tự nhủ, bí mật, quỷ thần, khấn, nghiệm, lệ khí, âm phù dương trợ, âm công, nhân tâm, âm thịnh, dương suy, ma quỷ, loạn dương, quá ngọ, sinh khí, vô số, râm, vía, bát nhã, hung thần, chúng sinh cô hồn, vong hồn oan khổ, cô ai tử, cáo biệt, kỷ niệm, hoả lò (2 lần), Chánh Tuyển Quan, Phó Tuyển, thời hạn, hiếu chủ, dáng điệu, ban, từ nan, bổn phận, dật lạc, thượng trung hạ tuần, thỉnh, thiêu thân. BẢNG THỐNG KÊ TỪ LÁY TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN TUÂN (TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM) Tên tác phẩm Từ láy Ghi chú Chữ người tử tù ngờ ngợ, quen quen, nhắc nhỏm, thong thả, tiêng tiếc, phe phẩy, leo lét, nghĩ ngợi, băn khoăn, quạnh quẽ, đều đặn, thưa thớt, thăm thẳm, lốm đốm, nhấp nháy, nhiều nhiều, lép bép, nhăn nheo, lập loè, nhẹ nhõm, lạ lùng (2 lần), lừa lọc, dịu dàng, trong trẻo, xô bồ, thẳng thắn, quay quắt, nghĩ ngợi, sành sỏi, lạnh lùng, lấm tấm, ngạo ngược, hành hạ, gầy gò, khép nép, châm chước, tươm tất, đằng đẵng, mong mỏi, hớt hơ hớt hải, ngập ngừng, ẩm ướt, bừa bãi, chăm chú, lia lịa, khúm núm, gầy gò, run run, buồn bã, đĩnh đạc, trắng trẻo, vuông vắn, tươi tắn, nhem nhuốc, rừng rực, xèo xèo, nghẹo ngào, lần lần, mênh mông. 60 lượt từ / 11 trang Bữa rượu máu Um tùm, ẩm ướt, bừa bộn, âm u, trống trải, thưa thớt, dầm dề, ngổn ngang, im lìm, roạt roạt, loạn lìa, bàn tán, tò mò, mồn một, săn sóc, lộng lẫy, vội vã, khoe khoang, xông xáo, nhẹ nhàng, rườm rà, lia lịa, nhảy nhót (2 lần), gọn gàng, nhanh nhẹn, dần dần, hồi hộp, ngổn ngang, từ từ, vui vẻ, chốc chốc, khẳng kheo, lăm lăm, dữ dội, chậm chạp, im lìm, rụt rè, mồn một, khom khom, chênh chếch, dần dần, lơ lớ, rờn rợn, chăm chú, phì phì, gật gù, thanh thản, ít ít, nhộn nhạo, dữ dội, thì thào. 52 lượt từ / 13 trang Về quê nhộn nhịp, túi bụi, sắm sửa, hồi hộp, gói ghém (2 lần), lẩy bẩy, tha thiết, xinh xắn, vuông vắn, băn khoăn, khoan khoái, bồn chồn, xa xôi, êm đềm, mạnh mẽ, nặng nề, vắng vẻ, ngăn ngắn, cỏn con, láo lếu, dè dặt, nhắc nhỏm, bận bịu, cheo leo, bừa bãi, nhộn nhịp, thiết tha, sung sướng, buồn bã, mênh mông, mất mát, trằn trọc, ầm ĩ, nghẹn ngào, uể oải, hốc hác, phào phào, xoàng xĩnh, ngơ ngác (2 lần), chậm chạp, leo lét, phảng phất, ngượng nghịu, lôi thôi, dữ dội, trân trân, lia lịa, bóng bẩy, lẫn lộn, mộc mạc, lôi thôi, ngắm nghía, khét lẹt, sạch sẽ, dí dỏm, thong thả, ngoan ngoãn, tỉ mỉ, chán nản, bi bô, tủm tỉm. 63 lượt từ / 10 trang Làm lại cuộc đời Tha thiết, tang tóc, hậm hực, dữ dội, thẫn thờ, nặng nề, nhắc nhỏm, khó khăn, nghi ngờ, rẻ rúng, uể oải, sốt sắng, ngoan ngoãn, phá phách, ồn ào, vui vẻ (3 lần), cũ kỹ, căn cơ, phẳng lặng, xám xịt, mê mệt, ngoan ngoãn, thừa thãi, nặng nề, lôi thôi, ấm áp (2 lần), bừng bừng, lặng lẽ, đau đớn, luôn luôn, thỉnh thoảng, đùn đùn, từ từ, tò mò, phất phơ, nóng hôi hổi, võ vàng, khàn khàn, nghẹn ngào, vắng vẻ, gắng gỏi, êm đềm, mãi mãi, loay hoay, lẩm bẩm, lồm ngồm, nằn nì, vẽ vời, hỏi han, thề thốt, đứng đắn (2 lần), thăm thẳm, thiết tha, xinh xinh, uyển chuyển, phảng phất, chán chường, lung lay, lờ mờ, oang oang. 64 lượt từ / 11 trang Cửa Đại Lang thang, chang chang, phiền phức, luôn luôn, nhẹ nhõm, vui vẻ, bỡ ngỡ (2 lần), gay gắt, xa xa, nhá nhem, bồm bộp, êm ả, lù đù, rù rờ, xa xôi, xoàng xĩnh, bùi ngùi, chi chít, nhấp nhô, tò mò, trằn trọc, nhộn nhịp, nhầy nhụa, lập loè, thao láo, từ từ, xầm xì, ngờ nghệch, nghênh ngang, ngộ nghĩnh, hoàn toàn, bỡ ngỡ, phô phang, đích đáng, loong coong, nấn ná, diêm dúa, ỳ ầm, ào ào, lộng lẫy, mộc mạc, quyến luyến, vui vẻ, chốc chốc, êm đềm, ồn ào, cãi cọ, quyến luyến, rỉ rầu, rào rào, rải rác, say sưa, lọc 78 lượt từ / 15 trang cọc, lạch cạch, chốc chốc, từ từ, trệu trạo, lởm chởm, ỳ ạch, cỗi cằn, loã lồ, lộng lẫy, vầy vọc, xọp xẹp, trơ trẽn, kềnh càng, lờ mờ, nhẹ nhàng, cỏn con, phảng phất, nhút nhát, trắng trẻo, lặng lẽ, đứng đắn, cũ kỹ, dặn dò, thiệt thòi. Phu nhân họ Bồ rực rỡ, lạnh lẽo, sáng suốt, táo bạo, tìm tòi, cầu cạnh, lộng lẫy, ấm áp (3 lần), nhún nhường, hồn hậu, miệt mài, mảy may, rờn rợn, dửng dưng, xa xôi, ngài ngại, lạnh lùng, vẩn vơ, nhẩn nha, gan góc, vội vàng, thiết tha, thiệt thòi, thong thả, nhẹ nhàng, rải rác, khó khăn, giấu giếm, phiền phức, ngây ngây, vồn vã, bấp bênh, luôn luôn (2 lần), vờ vĩnh, ngô nghê, lôi thôi, lếu láo, bẽ bàng, dí dỏm, thẳng thắn, nâng niu, cãi cọ. 45 lượt từ / 16 trang Loạn âm Khen khét, gây gấy, nghi ngại, thao thức, sột soạt, đều đều, kẽo kẹt, luôn luôn, vui vẻ, ngà ngà, lả lay, lềnh bềnh, rụt rè, lén lút, tù từ, lạ lùng, khuya khoắt, sang sảng, ngỡ ngàng, phu phen, nhan nhản, xinh xinh, gần gũi, lạnh lẽo, châm chước (2 lần), chăm chú, chong chóng, dềnh dàng, thủng thẳng, rõ rệt, quyến luyến, lanh lẹn, liên miên, nhôn nhao, hớt hải, nhộn nhịp, dõng dạc, dữ dội, lom khom, đều đều, chốc chốc, nao núng, gồng gánh, lổng chổng, lềnh bềnh, rác rưởi, bừa bộn, vẩn vơ, thê thảm, lạnh lẽo, nhan nhản, sền sệt, lung lay, ngổn ngang, bỡ ngỡ, loay hoay, xinh xinh, khuây khoả, e dè, khệ nệ, xong xuôi, đỡ đần, nhẹ nhàng, hốt hoảng, lanh lảnh, lả lay. 67 lượt từ / 21 trang Mê sách Cáu kỉnh, tủm tỉm, mầy mò, vùng vằng, lầu nhầu, mệt mỏi, ngốn ngấu, sù sì, kềnh càng, thoang thoảng, chia lìa, xôm xốp, soạt soạt, vui vẻ, lành lặn, rõ ràng, đều đều, bẽ bàng, mỏi mệt, mờ mờ (2 lần), bóng bẩy, êm ả, đình đám, chán chường, ồn ào (2 lần), thỉnh thoảng, gượng gạo, đưa đẩy, mất mát, rủ rê, nhạt nhẽo, ngầy ngà, đú đởn, khiêu khích, sung sướng, dễ dàng, dễ dãi, đâu đâu, chèo kéo, dễ dãi, luôn luôn, ghê gớm (2 lần), lố lăng, đãi đằng, nhan nhản, lộng lẫy, dễ dãi, dằng dặc, loè loẹt, đàn đúm, ngày ngày, thơ thẩn, ầm ĩ, xôn xao, rập rờn, lốm đốm, giẫy giụa, li ti, nhạt nhạt, ngùi ngùi, óng ánh, trẻ trung, lấm tấm, lẩm bẩm, lúi húi, lờm nhờm, khì khì, vụng về, hoàn toàn, nâng niu, ngày ngày, giữ gìn, giữ gìn, chặt chịa. 78 lượt từ / 13 trang ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA5799.pdf