Số 8 - Tháng 6 - 201472
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
Nam Định được coi là cái nôi của hát chầu văn. Đây là loại hình dân ca nghi lễ, được diễn xướng trong
sinh hoạt tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu. Ở
Nam Định có hai lễ hội lớn nổi tiếng trong cả
nước, đó là lễ hội Phủ Giầy (tháng 3 âm lịch) và
lễ hội Đền Trần (tháng 8 âm lịch). Trong hai lễ
hội này và trong sinh hoạt tín ngưỡng của các
đền, phủ ở Nam Định, hát chầu văn là thành tố
không thể thiếu của nghi lễ hầu đồng. Vì thế,
hát chầu văn lo
6 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 349 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Các hình thức diễn xướng chầu văn ở Nam Định, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ại này còn được gọi là chầu văn
hầu đồng hay chầu văn hầu bóng. Ngoài hình
thức này, hát chầu văn ở Nam Định còn được
thực hiện trong nghi lễ thờ Thành hoàng làng,
thờ tổ dòng họ và trong hát thi.
1. Hát chầu văn trong nghi lễ hầu đồng
Các cuộc lên đồng được diễn ra ở các đền,
miếu, phủ trước bệ thờ Thánh. Trên bàn thờ
(trong hậu cung) có ngai đặt bài vị hoặc tượng
Thánh. Phía trên có treo những vật thờ như
nón, lẵng hoa và thường có hai con rắn bằng
vải quấn trên xà.
CÁC HÌNH THỨC DIỄN XƯỚNG CHẦU VĂN
Ở NAM ĐỊNH
TRẦN HẢI MINH
Tóm tắt
Trong quá trình hình thành và phát triển, diễn xướng chầu văn ở Nam Định đã tồn tại dưới 4 hình
thức truyền thống cơ bản là: hát chầu văn trong nghi lễ hầu đồng (hay hầu bóng), hát chầu văn trong
nghi lễ giỗ tổ dòng họ, hát chầu văn trong nghi lễ thờ Thành hoàng làng, thi hát chầu văn.
Hát chầu văn trong nghi lễ hầu đồng là hình thức phổ biến nhất của hát văn (còn gọi là hát chầu
thờ). Hình thức này chủ yếu được thực hiện trong các đền, phủ, nơi thờ tự các thánh trong điện Tứ phủ.
Hình thức thi hát chầu văn có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của hát văn. Vì thế, hình thức này
có những quy định rất chặt chẽ, bài bản. Hát văn trong nghi lễ giỗ tổ dòng họ và trong nghi lễ thờ cúng
Thành hoàng làng là hai hình thức phái sinh của hát văn hầu đồng.
Từ khóa: Chầu văn, diễn xướng chầu văn
Abstract
In the process of formation and development, “chau van” performation in Nam Dinh existed under
the four traditional basic forms are: “Chau van” singing in “Hau Dong” rituals (or mediumship ritual),
“Chau van” singing in rituals of family death anniversary , “chau van” singing in rituals of tutelary god
worship and “chau van” singing competition.
“Chau van” singing in “Hau Dong” rituals is the most common form of Van singing (also called
worship singing). This form is mainly performed in the temple, palace, place of worship of Saints in
sanctuary of Tu phu. “Chau van” singing competition form have special significance for the development
of Van singing. Therefore, this form is stipulated with strict rules, basically. Van singing in rituals of
family death anniversary, in rituals of tutelary god worship are the two derivative forms of Hau Dong
singing.
Keyword: “Chau van”, “Chau van” performation
73Số 8 - Tháng 6 - 2014
NGHỆ THUẬT
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
Phía ngoài hậu cung, ở gian giữa ngôi nhà
chính, có hương án, trên bày các đồ tế tự như
đỉnh, bình hương, giá nến... hai bên là các giá
để cờ quạt, binh khí, theo mỗi chư vị được thờ.
Trước hương án là một bệ xây rộng hơn
chiếc chiếu hoa lớn, cao khoảng 40cm, nơi
diễn ra các cuộc hành lễ, trong đó có lên đồng
và hát văn. Người lên đồng ngồi trên bệ xây,
mặt hướng vào hương án. Từ ngoài cửa trông
vào, bên trái (có nơi là bên phải) bệ thờ là chỗ
dành cho cung văn và những người phụ họa.
Họ ngồi trên chiếu trải lên nền gạch. Phía bên
phải bệ thờ là chỗ của những người giúp việc
hầu bóng, của tín chủ, của các con nhang đệ
tử. Còn xung quanh là những người đứng xem.
Mỗi cuộc hầu đồng dài hay ngắn, không có
một quy định nào bó buộc mà phụ thuộc vào
việc con đồng của tín chủ cầu xin ông Hoàng,
bà Chúa hay vị Thần Thánh nào đó, và được chư
vị phán bảo những vấn đề hệ trọng hay bình
thường. Mỗi cuộc lên đồng, có thể bao gồm từ
một, hai hay ba giá đồng. Mỗi giá đồng, tương
ứng với sự hiện diện của một chư vị Thánh. Có
con đồng chỉ lên một vài giá rồi lại đến người
khác. Nhưng thông thường họ cũng phải ngồi
tới ba giá đồng, bởi vì, khi đã nhập cuộc, họ bị
kích động (điều mà ta quen gọi là máu đồng
bóng), nên không thể dừng lại ở một hay hai
giá đồng.
Trong thực tế, có trường hợp diễn ra những
cuộc ngồi đồng mà không có tín chủ. Khi ấy,
lên đồng được xem là nhu cầu tự thân của con
đồng. Họ ý thức rằng, việc lên đồng là hoàn
toàn cần thiết, vì đã là con cái nhà Thánh thì
phải lên đồng hầu Thánh. Mặt khác, khi ngồi
đồng, họ tìm thấy những giờ phút siêu thoát
khỏi trần tục.
Tham gia cuộc hầu đồng, trước hết, phải kể
đến con đồng chính, là người trần đại diện cho
Thánh. Khi Thánh nhập vào họ thì họ trở thành
Thánh để phán bảo người trần.
Người làm mối liên hệ, giới thiệu giữa người
trần với Thánh và thỉnh Thánh về trần chính là
cung văn. Trong suốt quá trình Thánh đồng
giáng hạ thì người cung văn, bằng tiếng đàn,
giọng hát của mình, sẽ giới thiệu lý lịch, tài
thần thông biến hoá của chư vị Thánh. Cung
văn cũng hát kể về Thánh xuống trần làm việc
quan chấm đồng bắt lính, ban tài, phát lộc hay
chèo đò du ngoạn, múa hát vui chơi...
Khi vào cuộc lên đồng, “thông thường cung
văn sẽ hát bài văn chầu Tứ phủ Công đồng,
tụng ca và thỉnh mời chư vị Thần Thánh về dự
cuộc lễ” (3, tr.48).
Khi lên đồng, bà đồng ngồi khoanh chân
(xếp bằng tròn), đầu trùm khăn đỏ (gọi là khăn
phủ diện), hai tay đặt trên đầu gối giữ hai mép
khăn. Sau khi đảo đồng, là giai đoạn Thánh ốp,
bà đồng sẽ bỏ khăn phủ diện và tay đặt trên
trán, miệng hú để ra hiệu vị nào nhập đồng.
Nếu Tứ phủ nhập đồng thì bà đồng dùng tay
phải để ra hiệu: một ngón trỏ là Mẫu Thượng
Thiên, hai ngón là Mẫu Thượng Ngàn. Nếu các
quan Hoàng nhập đồng thì bà đồng ra hiệu
bằng tay trái, một ngón trỏ là ông Hoàng Cả,
ba ngón là ông Hoàng Ba... Khi đã biết là vị nào
nhập đồng thì cung văn sẽ hát giá văn phù
hợp và người phụ đồng sẽ dâng khăn chầu, áo
ngự của vị ấy. Thánh sẽ lấy hương viết thư phù
rồi đội khăn, mặc áo (có người hầu phụ giúp).
Thư phù là bà đồng cầm một vài nén hương
đốt sẵn, hướng vào đồ vật được dâng lên, vẽ
vào khoảng không những vòng tròn hoặc số
tám, như kiểu viết chữ.
Tiếp theo là Thánh ngự đồng, làm việc: ban
truyền, phán bảo; hoặc múa mồi, múa kiếm
(tuỳ tính cách từng vị); hoặc du ngoạn vui
chơi; rồi đến ban tài phát lộc. Sau đó, Thánh
sẽ thăng đồng bằng cách đặt tay lên trán, ngả
đầu ra sau, có thể hú hoặc không, có khi ngã
ra để báo hiệu sự tỉnh lại rồi vái tạ. Trong quá
trình ấy, mọi người sẽ xúm lại thỉnh, tấu, và
cung văn sẽ vê đàn, trống phách dồn dập, hát
câu Thánh giá hồi cung.
Mỗi cuộc lên đồng tuy có cả một hệ thống
chư vị như Tứ phủ chầu bà, Ngũ vị tôn ông, các
quan Hoàng, các Thánh cô, Thánh cậu, nhưng
không phải cứ lên đồng là phải hầu đủ mấy
mục các bóng thánh. Mặt khác, mỗi con đồng
do vận số mà chỉ ứng với một vài vị nào đó, chứ
không phải là tất cả. “Riêng Đức Thánh Trần và
Liễu Hạnh công chúa, do được thờ phổ biến
Số 8 - Tháng 6 - 201474
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
ở nhiều nơi, nên các cuộc hầu đều có giá văn
này, còn các chư vị khác thì tuỳ từng đền, từng
nơi cũng có hầu” (4, tr.168).
Như vậy, thông qua nghiên cứu diễn xướng
chầu văn trong quan hệ với nghi lễ hầu đồng,
ta thấy: Hát văn hầu Thánh Tứ phủ, chỉ được
tổ chức tại các đền phủ của cộng đồng - gọi là
hát chầu thờ.
Đây là hình thức hát hầu Thánh trực tiếp,
dâng văn, vọng bái thần điện, làm trung gian
kết nối Thánh với người hầu đồng. Hình thức
sinh hoạt này được cố định trong những ngày
lễ tiết quan trọng của tín ngưỡng Tứ Phủ. Tuỳ
theo từng đền phủ, vào lễ giao thừa, lễ thượng
nguyên hay ngày tiệc của Thánh, thủ nhang
đền và cung văn phải sắm sửa lễ vật để dâng
văn chầu thờ.
Theo quy định, hát chầu thờ là trách nhiệm
của người trưởng cung văn các khu vực đền,
phủ. Điều đó thể hiện rằng, chất lượng âm
nhạc hát chầu thờ luôn được coi trọng bởi
cung văn bao giờ cũng là người có năng lực
nghệ thuật cao nhất trong cộng đồng.
Đây là hình thức sinh hoạt phổ biến nhất
của hát văn. Tất nhiên nơi tổ chức phải là điện
thần Tứ phủ trong các đền, phủ của cộng đồng
hoặc các điện thờ tại tư gia. So với những hình
thức sinh hoạt hát văn khác, hát văn hầu đồng
có một số điểm khác biệt quan trọng:
Thứ nhất, trong hát văn, mỗi bản văn được
thể hiện bằng nhiều làn điệu âm nhạc khác
nhau. Do vậy, mỗi bản văn là một liên khúc.
Trong các hình thức sinh hoạt khác của hát
văn, người ta chỉ dâng một bản văn. Riêng
trong sinh hoạt hát hầu đồng, người ta phải
lần lượt dâng nhiều bản văn khác nhau ứng
với các vị Thánh trong điện thần Tứ phủ theo
thứ tự từ cao xuống thấp. Mỗi bản văn ứng với
một vị Thánh - gọi là giá đồng. Mỗi cuộc hầu
đồng (gọi là văn hầu) bao giờ cũng gồm nhiều
giá đồng. Trong đó, một văn hầu bao gồm
những giá đồng nào, hoàn toàn tuỳ thuộc vào
căn số của chân đồng. Giữa các giá đồng, âm
nhạc luôn được kết nối liên tục không ngừng
nghỉ. Giá trước vừa kết thúc, giá sau phải bắt
vào ngay lập tức với giai điệu Kiều bóng - gọi
bóng của vị Thánh tiếp theo. Nếu Ngài không
giáng, chân đồng xua tay ra hiệu, cung văn lại
hát điệu Kiều bóng để mời vị Thánh kế tiếp. Cứ
thế cho đến khi gặp giá nào thánh giáng, chân
đồng tung khăn phủ diện, cung văn sẽ bắt đầu
diễn tấu bản văn mới.
Để chuẩn bị cho văn hầu, từ ngày hôm
trước, ông Thống (thày cúng bản đền) phải
làm lễ Phát tấu, tụng kinh thỉnh mời chư vị
Thánh về chứng giám cho người bắc ghế hầu.
Mở đầu văn hầu, ông Thống phải làm lễ Khao
thỉnh mời công đồng, sơn trang về chứng lễ
trước khi hầu. Tuỳ theo từng điều kiện, người
ta có thể thay lễ Khao thỉnh bằng việc diễn tấu
bản Văn công đồng. Thời xưa, kết thúc một
cuộc hầu đồng, cung văn thường phải dâng
văn chầu để thủ đền lễ tạ.
“Như thế, có thể nói, hát hầu đồng thực sự
là một tác phẩm liên văn - liên khúc, một cuộc
diễn xướng trường thiên của nghệ thuật hát
văn” (2, tr.316). Và, do chuyển tải nhiều bản văn
khác nhau nên đây là hình thức diễn xướng có
số lượng làn điệu lớn nhất. Bên cạnh đó, cũng
có thể nói đây là hình thức diễn xướng mang
tính tổng hợp nhất của nghệ thuật hát văn. Lúc
này, nghệ thuật múa, nghệ thuật sân khấu (hoá
thân nhập đồng) trong sự giao đãi giữa cung
văn với chân đồng, giữa chân đồng với đám
đông con nhang đệ tử được bộc lộ toàn vẹn.
Thứ hai, nếu như trong các hình thức diễn
xướng hát văn khác, cung văn phải hát trọn
vẹn một bản văn thì trong hát văn hầu đồng,
họ thường không nhất thiết phải hát đầy đủ
các văn bản của từng giá đồng. Ở đây, việc ứng
diễn giữa cung văn và chân đồng được đề cao
lên hàng đầu. Tuỳ theo sự hứng khởi tại chỗ
của chân đồng, người cung văn sẽ co giãn bản
văn theo tình huống diễn xướng, thậm chí việc
bỏ hẳn một phần cũng được chấp nhận. Tính
khuôn thước của bài bản và làn điệu thường
bị phá vỡ hoặc cắt đứt. Chẳng hạn, cung văn
có thể điệp câu, điệp từ kéo dài câu văn khi
chân đồng hứng khởi nghe văn; hay có trường
hợp Thánh nấn ná mãi chưa chịu thăng thì
cung văn phải hát thêm văn (có thể hát lại
một đoạn nào đó hoặc ứng tác tại chỗ); hay
75Số 8 - Tháng 6 - 2014
NGHỆ THUẬT
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
trường hợp chưa hát hết bản văn mà Ngài đã
thăng thì cung văn cũng phải tức thời hát câu
kết thúc mỗi giá đồng “Xe loan thánh giá hồi
cung” và diễn tấu phân đoạn chuyển tiếp. Đây
là trường hợp của đa số những ông đồng, bà
đồng không biết nghe văn. Nhưng dù thế nào
thì cung văn cũng phải theo họ. Đó là nguyên
tắc của lễ hầu đồng.
Nhìn chung, diễn xướng chầu văn hầu
đồng ở Nam Định có những đặc điểm sau:
+ Diễn xướng chầu văn hầu đồng ở Nam
Định mang tính quy phạm, bố cục chặt chẽ,
mang tính cổ điển, nặng về tín ngưỡng hơn là
sinh hoạt nghệ thuật.
+ Hình thức hoạt động phong phú, đa
dạng, phát triển cả trong lễ hội ở đền, phủ và
trong lễ thờ Thánh ở tư gia.
+ Diễn xướng chầu văn ở Nam Định đã
tiếp thu ảnh hưởng của dân ca Bắc bộ như
cò lả, trống quân, ca trù, hát xẩm... và của âm
nhạc chèo.
2. Hát chầu văn trong nghi lễ giỗ tổ dòng họ
Trong nghi lễ giỗ tổ dòng họ, hát văn được
dùng để ca ngợi cụ tổ. Hình thức sinh hoạt này
không nằm trong nghi thức của tín ngưỡng Tứ
phủ. Thông thường, khi một dòng họ nào đó
có nhu cầu, họ mời cung văn đến để sửa soạn
một bản văn phù hợp với điển tích của cụ tổ.
Người cung văn sẽ phải nắn vần, sắp điệu để có
được một bản văn hoàn chỉnh. Tiếp đó, trong
ngày giỗ tổ dòng họ, cung văn sẽ đến nhà thờ
tổ họ, dâng bản văn đó dưới hình thức hát thờ.
Tất nhiên, hình thức sinh hoạt này thường chỉ
diễn ra ở những dòng tộc mà con cháu có đời
sống khá giả, đủ điều kiện vật chất để biện lễ.
Bởi lẽ, mỗi bản văn đó trên thực tế đều là một
tác phẩm mới, nằm ngoài hệ thống chầu văn
Tứ phủ. Nó thực sự là một đơn đặt hàng cho
những sáng tạo riêng của người cung văn.
3. Hát chầu văn trong lễ cúng Thành hoàng làng
Trong hình thức này, hát văn được dùng
để ca ngợi đức Thành hoàng làng. Đây cũng là
điểm đáng chú ý bởi nói chung, thành hoàng
làng không thuộc diện Tứ Phủ. Trong dịp lễ
cúng đình, thường người ta tổ chức tế lễ Thành
hoàng trước, sau đó mới dâng bản văn chầu,
ca ngợi ngài. Đây cũng là dịp để người cung
văn sáng tạo một tác phẩm riêng ngoài hệ
thống văn chầu Tứ phủ.
Cũng cần nói thêm rằng, hát văn không
bao giờ được dùng trong nghi thức Phật giáo.
Nếu có chăng thì hát văn chỉ được dùng trong
trường hợp khu biệt tại gian thờ Mẫu riêng.
Đó là những ngôi chùa có cấu trúc bồi ghép
thêm hệ thống thần điện Tứ phủ kiểu dạng
tiền Phật, hậu Mẫu.
4. Thi hát chầu văn
Hình thức hát chầu văn thi được coi là điểm
nhấn quan trọng, biểu hiện tính tổ chức nghề
nghiệp ở tầng bậc cao của nghệ thuật hát
văn. Thi hát văn xưa chỉ được tổ chức ở Hà Nội
và Hải Phòng. Đây được coi là hai trung tâm
quy tụ nhiều bậc tài danh của giới cung văn
nhà nghề. Nam Định là trung tâm lớn của tín
ngưỡng Tứ phủ. Song, hát văn vốn là nghề
kiếm sống của các cung văn. Do đó, đời sống
kinh tế của họ phụ thuộc vào giới con nhang
đệ tử - các ông đồng, bà đồng. Đây là mối quan
hệ hữu cơ in đậm tính thị trường giữa cung
văn và chân đồng - tức mối quan hệ giữa cung
và cầu. Từ bao đời nay, thành phần chủ yếu
của giới các chân đồng thường là tầng lớp tiểu
thương, tiểu chủ - tầng lớp có đời sống kinh tế
cao và khá ổn định trong xã hội. Theo đó việc
ban tài phát lộc của những ông đồng, bà đồng
ở các đô thị lớn bao giờ cũng đạt mức cao nhất
trong các trung tâm tín ngưỡng Tứ phủ. Trong
các cuộc thi ở Hà Nội, Hải Phòng khi đó, giới
cung văn Nam Định tham dự rất đông. Từ sau
cách mạng Tháng Tám (1945), thi hát văn được
tổ chức thường niên ở Phủ Giầy (Nam Định).
Có một quy định bất thành văn trong
nghề, ai tài giỏi thì được giữ nhiều đền. Các
vị chủ nhang đồng ở các đền phải chiêu mộ
những cung văn tài giỏi về làm bởi lẽ “hát
hay, đàn ngọt, phách giòn” luôn là một yếu tố
quan trọng để thu hút các chân đồng. Thông
thường họ lựa chọn những đền phủ nào có
cung văn nổi tiếng để bắc ghế hầu Thánh. Mà
cung văn muốn nổi tiếng thì phải cố chiếm lấy
nhiều giải thi hát văn. Giải thi luôn được coi là
Số 8 - Tháng 6 - 201476
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
“chứng chỉ” danh giá của các nghệ sĩ. Do vậy,
ngày xưa các cuộc thi hát văn thường được tổ
chức hàng năm tại nhiều đền phủ khác nhau.
Các thí sinh có thể thi mỗi năm một lần tại một
đền. Bên cạnh đó, có nhiều thí sinh đã được
giải ở đền này rồi, lại sang đền khác thi tiếp.
Các cụ kể rằng xưa nếu cung văn không thi thì
rất khó hành nghề, ít được mọi người mời vì
không biết tới.
Ban giám khảo cuộc thi hát văn thường
gồm có ba vị, thông thường, đền nào tổ chức
thi thì cung văn trưởng đền ấy phải đứng ra
cầm trịch. Giám khảo là những người am hiểu
Nho học, tinh thông nghề nghiệp. Họ nhất
thiết phải biết lề luật hát văn để soạn thảo
những bản văn thi, trong đó sắp đặt các điệu
hát để sao cho thuận ngón đàn, câu hát và phù
hợp với tính chất từng đoạn văn. Bản văn thi
được viết bằng chữ Hán hoặc Nôm trên giấy
bản, đóng thành nhiều quyển cho các thí sinh
bốc thăm. Phần làn điệu âm nhạc của bản văn
được giám khảo tự sắp đặt sao cho mỗi quyển
một kiểu. Tên làn điệu được ghi bằng mực son
ở bên lề từng đoạn thơ. Có thể gọi đó là sơ đồ
âm nhạc của bản văn thi.
Trong ban giám khảo, thủ nhang đồng và
trưởng cung văn của bản đền là hai vị giám
khảo quan trọng nhất. Họ bao giờ cũng là
người có uy tín, đứng đầu một tổ chức phường
hội trong tín ngưỡng Tứ phủ. Cần phải thấy
rằng người thủ nhang đồng ở đây tuy không
phải là cung văn nhưng là người rất am tường,
sành sỏi về nghệ thuật hát văn. Hai người chia
nhau nhiệm vụ trong ban giám khảo. Một
người chấp bút ghi điểm cho thí sinh, còn
người kia theo dõi quyển văn thi, tay cầm dùi
gõ vào cái kiểng đồng để bắt lỗi. Vị giám khảo
thứ ba thường là một cụ tiên chỉ am hiểu Nho
học tại địa phương. Với nhiệm vụ cầm trống
chầu, vị giám khảo thứ ba này tất phải là người
sành nghe chầu văn. Ông ta sẽ gõ “tùng” vào
mặt trống để điểm câu kết, còn gõ “cắc” vào
tang trống để tính điểm thưởng cho thí sinh.
Điểm cho thí sinh được tính bằng một hình
khuyên (vòng tròn nhỏ) do vị giám khảo chấp
bút vẽ bằng mực son vào tờ bảng điểm. Mỗi
tiếng “cắc” sẽ được một khuyên thưởng.
Nếu thí sinh phạm lỗi, vị giám khảo giữ cái
kiểng sẽ gõ “boong” một tiếng bắt lỗi, vị giám
khảo chấp bút sẽ trừ đi từ ba tới sáu khuyên
thưởng của thí sinh. Các nghệ nhân kể rằng:
Khi nghe tiếng kiểng bắt lỗi, nhiều thí sinh giật
mình toát mồ hôi hột, phải một lúc mới lấy lại
được bình tĩnh. Qua đó chúng ta có thể thấy
được cuộc thi hát văn xưa thật quy củ, chặt chẽ
và nghiêm túc.
Trước các cuộc thi, ban giám khảo dán
bảng thông báo, niêm yết danh mục các tên
huý của thánh bản đền và Thành hoàng làng
sở tại. Theo đó, các thí sinh phải xem xét chuẩn
bị trước. Các từ ngữ phạm húy, cần phải đọc
trại đi. Tiếng đọc trại phải lơ lớ gần với tên húy.
Ví dụ “Sòng Sơn” đọc thành “Sùng San”, “Liễu
Hạnh” đọc thành “Lão Hiện”, “Hưng Đạo” thành
“Hưng Điệu”, “Thuỷ cung” thành “Thoải quan”...
Cách đọc trại tên huý như thế nào hoàn toàn
do bản đền quy định theo một kiểu thống
nhất. Các thí sinh buộc phải tuân thủ, không
được phép sáng tạo theo cách riêng. Trong các
cuộc thi hát văn, phạm huý bị coi là một lỗi rất
nặng. Khi đó, thí sinh dù có hát hay đến mấy
cũng sẽ bị đuổi ngay ra khỏi cuộc thi.
Ở đây, điều đáng lưu ý là quy chuẩn cuộc thi
bắt buộc thí sinh phải vừa đánh đàn nguyệt,
vừa hát. Nó được coi là một trong những chuẩn
mực của một cung văn có đẳng cấp. Còn việc
đánh phách giữ nhịp thì nhờ người thân trong
nghề hoặc cũng có khi nhờ một người bạn thi
cùng giúp đỡ. Theo các nghệ nhân, trong cuộc
thi, vai trò người đánh phách thực ra cũng rất
quan trọng. Bởi thường thì người đánh phách
tỉnh táo hơn thí sinh dự thi nên khi cùng ngồi
nhìn vào bản văn thi, đễn chỗ nào sắp chuyển
làn điệu, họ sẽ dằn tay phách to hơn, “dõng
dạc” hơn nhằm nhắc nhở người hát rằng “sang
lối đấy, sang lối đấy”. Người trong nghề gọi
kỹ thuật đó là “kiệu” người đàn. Bên cạnh đó,
người đánh phách giỏi còn có thể phụ trợ,
kích hoạt, nâng đỡ tiếng đàn, câu hát một
cách đồng điệu bằng nhịp độ và lối phách của
77Số 8 - Tháng 6 - 2014
NGHỆ THUẬT
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
mình. Nói chung, họ phải có được sự gắn kết
với nhau như hình với bóng. Đặc biệt, “theo
quy định, người đánh nhịp cho hát chầu văn
thi chỉ dùng phách và cảnh mà không có trống
ban. Bởi vai trò điểm câu kế trổ lúc này do cụ
tiên chỉ cầm trống chầu đảm nhiệm” (3, tr. 29).
Về mặt thời gian, các cuộc thi hát văn
thường diễn ra vào buổi tối ở đền. Đây được
coi là khoảng thời gian yên tĩnh trong ngày,
tập trung được nhiều người đến xem hơn cả.
Hơn nữa, thi hát văn buổi tối cốt để tạo điều
kiện cho giọng hát của các thí sinh. Bởi đứng
về mặt thời gian sinh học, tính từ chiều tối
đến đêm là khoảng thời gian con người ta
có thể phát huy tối đa chất giọng của mình.
Còn về mặt thời gian trường quy, thường mỗi
thí sinh chỉ được trình diễn bản văn thi trong
một khoảng xác định. ở đây, tuỳ theo độ dài
của từng bản văn mà ban giám khảo đề ra quy
định. Ví dụ, văn Mẫu Thoải là một tiếng mười
lăm phút. Thường cứ hai thí sinh thi là hết một
buổi. Còn lại, tối hôm sau thi tiếp. Do vậy, một
cuộc thi sẽ có thể kéo dài vài ngày. Thời xưa,
người ta thắp hương để tính thời gian. Sau này
có đồng hồ thì để trước mặt thí sinh để họ ước
lượng được thời gian. Nếu thí sinh hát quá giờ
chút ít thì sẽ bị bắt lỗi, còn nếu dôi quá nhiều
thời gian thì bị đánh trượt.
Cũng cần phải thấy rằng ở đây, nếu thí
sinh hát nhanh hơn quy định thì cũng chẳng
sao. Tuy nhiên, các thí sinh thường luôn có xu
hướng diễn tấu dãn nhịp, kéo dài thời gian tối
đa nhằm khoe ngón đàn, giọng hát của mình.
Về mặt nguyên tắc, cứ hát một câu hay, được
thưởng một khuyên, đàn một ngón hay, thêm
một khuyên nữa. Khuyên thưởng được ban
giám khảo tính chung cho cả ngón đàn và
giọng hát. Cứ thế, ai được nhiều khuyên hơn là
người chiến thắng.
Có ba giải thưởng: nhất, nhì, ba. Giải
thưởng thường là một đôi câu đối, một giải
lụa điều hay một món quà tặng, hoặc đơn giản
là một tờ giấy chứng nhận đóng dấu son của
bản đền. Giá trị vật chất ở đây không đáng kể
nhưng cái danh đạt được thì rất lớn, nó được
coi như chứng chỉ hành nghề của các cung
văn trong địa bàn. Mặt khác, cung văn nào đạt
được nhiều giải thì càng được giữ nhiều đền.
Điều đó đồng nghĩa với việc “đông khách”.
Kết thúc mỗi cuộc thi, sau khi xong xuôi tất
cả mọi việc, một vài ngày sau, trưởng cung văn
và chủ nhang phải làm lễ dâng văn chầu để bái
tạ Thánh bản đền.
Có thể nói, không có nơi nào ở Việt Nam,
diễn xướng chầu văn lại phát triển như ở Nam
Định. Nó được phổ biến rộng rãi đến mọi tầng
lớp nhân dân và được đông đảo quần chúng
đón nhận, coi đó là cái “riêng”, là niềm tự hào
của văn hoá Nam Định.
Ngày 27/12/2012, tại Quyết định số 5079/
QĐ-BVHTTDL, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
đã công nhận nghi lễ chầu văn của người Việt
ở Nam Định và Hà Nam là di sản văn hóa phi
vật thể quốc gia.
T.H.M
(ThS, Trường Trung cấp VHNT Nam Định)
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Đức Thịnh (2004), Đạo Mẫu và các hình
thức Saman trong các tộc người Việt và châu Á,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Bùi Đình Thảo, Nguyễn Quang Hải (1996),
Hát chầu văn, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
3. Ngô Đức Thịnh, Phan Đăng Nhật, Phạm Văn
Ty, Tô Đông Hải (1992), Hát văn, Nxb Văn hoá dân
tộc, Hà Nội.
4. Hồ Đức Thọ (2000), Mẫu Liễu sử thi, Nxb Văn
hoá dân tộc, Hà Nội.
5. Hồ Đức Thọ (2003), Huyền tích Thánh mẫu
Liễu Hạnh và di sản văn hoá lễ hội Phủ Giầy, Nxb
Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
Ngày nhận bài: 3 - 1 - 2014
Ngày phản biện, đánh giá: 9 - 5 - 2014
Ngày chấp nhận đăng: 2 - 6 - 2014
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- cac_hinh_thuc_dien_xuong_chau_van_o_nam_dinh.pdf