Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự

MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài Thừa kế là một quan hệ pháp luật phổ biến trong đời sống xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, khi số lượng và giá trị tài sản của cá nhân ngày càng đa dạng, phong phú thì vấn đề thừa kế di sản cũng nảy sinh nhiều dạng tranh chấp. Bộ luật dân sự của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1995 quy định các điều kiện có hiệu lực của di chúc, nhưng việc hiểu và áp dụng những quy định đó trong việc giải quyết phân chia di sản thừa kế theo di chúc tr

doc121 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2869 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ên thực tế còn nhiều bất cập. Những khó khăn thường được thể hiện trong việc xác định phải có những điều kiện gì thì di chúc mới được coi là hợp pháp, điều kiện của người lập di chúc, ý chí của người lập di chúc, nội dung của di chúc và hình thức của di chúc. Trong thực tiễn thì các quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc còn có những cách hiểu khác nhau, dẫn tới việc nhận định và quyết định không giống nhau của một số bản án giải quyết cùng một vụ án tranh chấp về các điều kiện có hiệu lực của di chúc. Do vậy, việc nghiên cứu nhằm làm rõ những quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 là đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của lý luận và thực tiễn. Qua nghiên cứu đề tài, tác giả cũng muốn xác định ý nghĩa của chế định về quyền thừa kế nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng. Với việc nghiên cứu đề tài, tác giả muốn hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc, nhằm mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả điều chỉnh của những quy định này trong Bộ luật dân sự. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Cũng như thừa kế theo pháp luật, thừa kế theo di chúc nói chung và các điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng đã được hầu hết các luật gia, các nhà lập pháp của các nước trên thế giới nghiên cứu. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, Bộ luật dân sự của các nước đều quy định về quyền định đoạt bằng di chúc của chủ sở hữu tài sản nhằm chuyển dịch tài sản của mình cho người khác. Quyền định đoạt bằng di chúc là quyền dân sự được Nhà nước bảo hộ, được ghi nhận trong Hiến pháp của Nhà nước ta và của các nước khác trên thế giới. Ở nước ta, việc nghiên cứu về thừa kế theo di chúc nói chung và nghiên cứu về các điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng đã có từ xa xưa. Chúng ta có thể kể đến nhiều bộ luật như: Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long, Dân luật Bắc kỳ, Dân luật Trung Kỳ... Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, các điều kiện có hiệu lực của di chúc cũng đã được các nhà lập pháp nghiên cứu, nhưng những quy định đó còn đơn giản và chưa đầy đủ. Trong số các loại văn bản này, đáng chú ý là Thông tư số 81-TATC ngày 24-7-1981 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế (đúc kết từ thực tiễn xét xử của ngành Tòa án nhân dân) và Pháp lệnh Thừa kế ngày 10-9-1990. Chỉ khi Bộ luật dân sự năm 1995 được ban hành thì vấn đề các điều kiện có hiệu lực của di chúc mới được quy định rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Bộ luật này, cũng còn nhiều vấn đề cần phải trao đổi. Về kết quả nghiên cứu của các luật gia: Tính đến thời điểm hiện nay cũng đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về thừa kế, nhưng chỉ có một số ít công trình nghiên cứu về thừa kế theo di chúc. Đáng chú ý trong các công trình nghiên cứu này, phải kể đến đề tài: "Thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay" của tiến sĩ Phùng Trung Tập; đề tài: "Thừa kế theo di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam" của tiến sĩ Phạm Văn Tuyết; cuốn sách: "Một số suy nghĩ về thừa kế trong luật dân sự Việt Nam" của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện... Tuy nhiên, những công trình trên không nghiên cứu riêng và có tính hệ thống về các điều kiện có hiệu lực của di chúc. Nhận thức được vấn đề này, tác giả luận văn đã nghiên cứu trong một diện hẹp về các điều kiện có hiệu lực của di chúc để nhằm làm sáng tỏ việc xác định các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005. Với kết quả nghiên cứu của đề tài: "Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự" sẽ giúp các cơ quan lập pháp ban hành các văn bản dưới luật để hoàn thiện những quy định về điều kiện có hiệu lực của di chúc, đồng thời giúp các cơ quan áp dụng pháp luật trong việc nhận thức đúng đắn và toàn diện khi giải quyết những tranh chấp về các điều kiện có hiệu lực của di chúc. 3. Phạm vi nghiên cứu đề tài Nội dung của luận văn không nghiên cứu toàn diện những quy định của pháp luật về thừa kế nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng, mà chỉ tập trung nghiên cứu về các điều kiện có hiệu lực của di chúc được quy định trong Bộ luật dân sự của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1995 và có sự đối chiếu với những quy định tương ứng trong Bộ luật dân sự của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005 (có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2006). Qua đó, tác giả so sánh, đối chiếu với những quy định pháp luật trước khi Bộ luật dân sự được ban hành để làm nổi bật tính hiện đại của những quy định về các điều kiện có hiệu lực của di chúc trong Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005. Mặt khác, đề tài cũng có sự so sánh (ở diện hẹp) về các điều kiện có hiệu lực của di chúc ở các nước như Nhật Bản, Cộng hòa Pháp với Việt Nam để làm nổi bật những nét đặc thù và tính hiện đại của pháp luật Việt Nam quy định về các điều kiện có hiệu lực của di chúc. Trong quá trình nghiên cứu, một số các quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung của đề tài cũng được tìm hiểu như: Năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự, giao dịch dân sự... theo pháp luật dân sự Việt Nam để có sự so sánh, đối chiếu, với mục đích làm nổi bật những quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc. 4. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài - Luận văn nghiên cứu một cách có hệ thống về các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của pháp luật ở Việt Nam. - Luận văn tập trung nghiên cứu có hệ thống và toàn diện từng điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005, hiệu quả điều chỉnh của những quy định pháp luật về các điều kiện đó. Luận văn tìm ra những điểm phù hợp với đời sống xã hội và những điểm cần phải bổ sung các quy định về các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự. - Qua nghiên cứu, tác giả luận văn có những kiến nghị nhằm hoàn thiện một bước những quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc, giúp các nhà lập pháp bổ sung những quy định còn thiếu về các điều kiện có hiệu lực của di chúc để đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của xã hội trong quan hệ thừa kế nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng. 5. Phương pháp nghiên cứu Dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, luận văn sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Bên cạnh đó, những phương pháp khoa học khác như: So sánh, phân tích, tổng hợp, thống kê cũng được sử dụng để giải quyết những vấn đề mà đề tài đã đặt ra. Một số vụ án giải quyết tranh chấp về các điều kiện có hiệu lực của di chúc cũng được sử dụng có chọn lọc để bình luận và các số liệu thống kê của ngành Tòa án nhân dân cũng được tham khảo để việc nghiên cứu được toàn diện và sâu sắc hơn. 6. Kết quả đạt được và những điểm mới của luận văn - Luận văn phân tích có hệ thống những quy định pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc. Qua nghiên cứu, luận văn chỉ ra những quy định phù hợp với quan hệ thừa kế theo di chúc và những điểm còn bất cập về các điều kiện có hiệu lực của di chúc trong Bộ luật dân sự năm 1995, những điểm cần hướng dẫn thực hiện theo Bộ luật dân sự năm 2005. - Kết quả nghiên cứu đề tài, tác giả đã có những điểm mới sau đây: + Đây là đề tài khoa học được nghiên cứu lần đầu tiên ở nước ta ở cấp thạc sĩ luật học. + Luận văn hệ thống hóa được những quy định pháp luật về điều kiện có hiệu lực của di chúc ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay, làm cơ sở để nghiên cứu toàn diện và hệ thống những quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc được quy định trong Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005. + Luận văn chỉ ra những hạn chế, những vấn đề còn thiếu của những quy định pháp luật về điều kiện có hiệu lực của di chúc trong Bộ luật dân sự năm 1995, phân tích những quy định về các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, qua đó có những kiến nghị khoa học nhằm hoàn thiện những quy định pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc trong Bộ luật dân sự năm 2005. + Luận văn chỉ ra được những bất cập trong việc hiểu không đúng các quy định pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc trong việc áp dụng pháp luật, đồng thời có những kiến nghị để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành những văn bản hướng dẫn cần thiết. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 10 mục. Chương 1 KHÁI QUÁT CHUNG VỀ DI CHÚC 1.1. VÀI NÉT VỀ THỪA KẾ VÀ QUYỀN THỪA KẾ Ngay từ khi nhà nước và pháp luật chưa ra đời thì quan hệ thừa kế đã tồn tại như một yếu tố khách quan. Thừa kế với ý nghĩa là một phạm trù kinh tế có mầm mống và xuất hiện ngay trong thời kỳ sơ khai của xã hội loài người. Thừa kế và để lại thừa kế mặc dù chưa được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật, nhưng nó vẫn tồn tại một cách khách quan trong xã hội. Ở thời kỳ này, quan hệ thừa kế dựa trên quan hệ huyết thống và do những phong tục tập quán riêng của từng bộ lạc, thị tộc quyết định. Quan hệ thừa kế là một quan hệ pháp luật xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Khi có tư hữu, nhà nước ra đời, quyền thừa kế được pháp luật quy định, bảo vệ. Mỗi nhà nước khác nhau có hệ thống những quy phạm pháp luật về thừa kế khác nhau. Pháp luật thừa kế thể hiện rõ bản chất giai cấp. Quyền thừa kế với tư cách là một chế định pháp luật, luôn gắn liền với một nhà nước nhất định. Trong chế độ phong kiến và tư bản, giai cấp bóc lột chiếm hữu hầu hết tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội. Các quy định của pháp luật thừa kế phong kiến và tư bản đảm bảo sự chuyển dịch tài sản từ người bóc lột này sang người bóc lột khác. Qua việc chuyển dịch tài sản bằng hình thức thừa kế, giai cấp tư sản, giai cấp phong kiến duy trì sự thống trị cả về chính trị và kinh tế. Bằng công cụ pháp luật nói chung và pháp luật về thừa kế nói riêng, giai cấp bóc lột duy trì sự thống trị xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác qua việc nắm giữ các tư liệu sản xuất, để từ đó nắm giữ thành quả lao động của xã hội. Có thể nhận thấy rằng, bản thân thừa kế không tạo ra quyền thống trị cho giai cấp bóc lột mà nó chỉ duy trì quyền lực đó mà thôi. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tư liệu sản xuất thuộc về nhân dân lao động. Vì vậy, pháp luật thừa kế trước hết đảm bảo cho công dân yên tâm lao động, sản xuất, hưởng thành quả lao động của mình và có quyền để lại thành quả lao động đó cho người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật khi người đó chết. Pháp luật về thừa kế trong chế độ xã hội chủ nghĩa đã động viên, khuyến khích được nhân dân trong việc tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. 1.2. DI CHÚC VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA DI CHÚC 1.2.1. Di chúc Theo quy định tại Điều 649 Bộ luật dân sự năm 1995 và Điều 646 Bộ luật dân sự năm 2005: "Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết". Di chúc chính là phương tiện để phản ánh ý chí của người có tài sản trong việc định đoạt tài sản của họ cho người khác hưởng sau khi người lập di chúc chết. Một người có thể có nhiều bản di chúc định đoạt một loại tài sản và những di chúc này đều thể hiện ý chí tự nguyện của họ, phù hợp với những quy định của pháp luật nhưng không phải tất cả các di chúc trên đều phát sinh hiệu lực mà di chúc có hiệu lực pháp luật là di chúc thể hiện ý chí sau cùng của người lập di chúc. Di chúc thường được thể hiện thông qua một hình thức nhất định. Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 649 Bộ luật dân sự năm 2005), di chúc được thể hiện dưới hai hình thức: Di chúc bằng văn bản và di chúc miệng. Pháp luật chỉ cho phép người lập di chúc miệng trong những trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 654 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2005). Về chữ viết trong di chúc cũng được pháp luật quy định: Đối với người dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình. Với những quy định trên, pháp luật dân sự nước ta đã có những quy định cụ thể về di chúc. Cùng chung sống trên đất nước ta gồm có nhiều dân tộc, nên pháp luật dân sự cũng đã tính đến yếu tố lịch sử, nhận thức… tạo điều kiện cho mọi cá nhân thực hiện quyền lập di chúc, nếu cá nhân đó có năng lực lập di chúc theo luật định. Đối với di chúc bằng văn bản, pháp luật quy định có 4 loại di chúc bằng văn bản: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có chứng thực của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được chứng nhận, chứng thực. Quyền của người lập di chúc được pháp luật quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 1995, bao gồm những quyền sau: - Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; - Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; - Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; - Giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản; - Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. Trong thực tế thì không phải bất cứ người lập di chúc nào cũng thực hiện đúng các quyền được ghi nhận trên, hoặc là sử dụng một phần, hoặc lại sử dụng quá cả phần quyền được pháp luật quy định. Về thực hiện quyền phân định di sản thì người lập di chúc cũng có sự phân định di sản khác nhau: Có di chúc chỉ phân định một phần di sản cho người thừa kế, còn một phần di sản di chúc không nhắc đến. Trên thực tế cũng có những di chúc định đoạt cả phần tài sản của người khác (thường là định đoạt toàn bộ tài sản chung vợ chồng). Trong trường hợp này, di chúc chỉ có hiệu lực một phần tương ứng với di sản của người lập di chúc. Theo quy định của Bộ luật dân sự Pháp thì di chúc có nhiều điểm tương tự như pháp luật dân sự nước ta, được thể hiện: Điều 895 quy định: "Di chúc là một chứng thư theo đó người để lại di chúc định đoạt sau khi chết, một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình, người đó có thể hủy bỏ di chúc" [5]. Điều 967 quy định: "Mọi người đều có thể định đoạt bằng di chúc để lập thừa kế hoặc để di tặng hoặc được gọi bằng bất cứ tên nào khác để thể hiện ý chí của mình" [5]. Điều 969 quy định: "Di chúc có thể viết tay, lập công chứng thư hoặc di chúc bí mật" [5]. Còn Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định di chúc tuy có những đặc trưng riêng, nhưng về cơ bản các quy định cũng tương tự như Bộ luật dân sự của Cộng hòa Pháp. Pháp luật dân sự của Cộng hòa Pháp và pháp luật dân sự Nhật Bản còn có quy định hình thức của di chúc bí mật. Bản chất của di chúc bí mật tương tự như di chúc được lập tại công chứng nhà nước ở nước ta, nhưng có thủ tục chặt chẽ hơn (chúng tôi xin phân tích kỹ hơn ở phần hình thức của di chúc). 1.2.2. Đặc điểm của di chúc Di chúc có những đặc điểm riêng biệt so với các giao dịch dân sự khác ở những điểm sau: Trước hết, di chúc chính là sự thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc. Ý chí đơn phương này được thể hiện qua việc người lập di chúc toàn quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc không phải bàn bạc với bất kỳ ai trong việc định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình (trường hợp lập di chúc chung vợ chồng thực chất thì vẫn là phần tài sản của ai thì người đó có quyền định đoạt). Người lập di chúc không có nghĩa vụ phải trao đổi với những người thừa kế về nội dung di chúc. Người lập di chúc phải tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng ép trong việc lập di chúc. Di chúc thể hiện ý chí của người lập di chúc, không bị sự chi phối nào của người khác. Bằng việc lập di chúc, người để lại di sản đã xác lập một giao dịch dân sự về thừa kế theo di chúc. Ý chí đơn phương của người lập di chúc còn được thể hiện việc người lập di chúc toàn quyền định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình cho bất kỳ ai và có quyền cho ai bao nhiêu phần trăm số tài sản thuộc quyền sở hữu của mình mà không phụ thuộc vào việc người được hưởng thừa kế theo di chúc có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hay thân thích với người lập di chúc. Người lập di chúc có thể cho người này nhiều, người kia ít, hoặc không cho người nào đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Như vậy, nếu như trong tất cả các loại hợp đồng dân sự đều phải thể hiện ý chí của các bên tham gia hợp đồng và các bên đều phải tự nguyện thỏa thuận, bàn bạc, trao đổi..., thì di chúc chỉ thể hiện ý chí của bên lập di chúc. Hợp đồng dân sự chỉ phát sinh hiệu lực khi các bên tham gia hợp đồng thống nhất được những điều khoản ghi nhận trong hợp đồng và cùng nhau ký kết hợp đồng, còn trong di chúc thì không có sự thống nhất giữa người lập di chúc và người được thừa kế theo di chúc. Thực tế đã có nhiều trường hợp người được hưởng thừa kế theo di chúc không thể biết mình có quyền được hưởng di sản theo di chúc vì di chúc chưa được công bố và được cất giữ bí mật. Đối với những di chúc do vợ chồng lập chung, trong đó mặc dù thể hiện ý chí chung của hai người, nhưng thực chất vẫn thể hiện ý chí đơn phương của từng người trong việc định đoạt tài sản chung (ý chí đơn phương của chồng và vợ trùng nhau trong việc định đoạt tài sản chung vợ chồng). Mặt khác, di chúc chung của vợ chồng vẫn chỉ thể hiện ý chí của một bên - bên chuyển giao tài sản. Ý chí đơn phương này là đặc điểm khác biệt của di chúc với các loại giao dịch dân sự khác. Đây không phải chỉ riêng di chúc theo pháp luật dân sự Việt Nam mà pháp luật dân sự của hầu hết các nước thì vấn đề này cũng được quy định rõ như: Bộ luật dân sự của Cộng hòa Pháp, Đức… Đặc điểm thứ hai: Di chúc thể hiện sự định đoạt tài sản của người lập di chúc nhằm chuyển dịch tài sản cho người khác, sau khi người lập di chúc chết. Nếu như các loại hợp đồng dân sự đều thể hiện ý chí thỏa thuận của các chủ thể nhằm chuyển dịch tài sản từ người này sang người khác thì di chúc lại nhằm chuyển dịch tài sản của người đã chết sang cho người còn sống. Người thừa kế theo di chúc phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Thực tế cho thấy không phải bất cứ ai trước khi chết cũng lập di chúc, mà có người trước khi chết họ chỉ để lại những lời dặn dò, ví dụ: Dặn dò các con phải thương yêu nhau, phải cố gắng học tập, tránh xa các thói hư, tật xấu... Với khái niệm về di chúc tại Điều 649 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 646 Bộ luật dân sự năm 2005) thì di chúc phải thể hiện việc chuyển dịch tài sản của người lập di chúc cho người khác sau khi người lập di chúc chết. Vì vậy, nếu như một tài liệu nào đó của người chết để lại mà không hàm chứa nội dung chuyển tài sản cho người khác, thì không thể được coi là di chúc. Pháp luật cho phép công dân có quyền định đoạt tài sản, trong đó có việc để lại di sản thừa kế theo di chúc, nhưng pháp luật cũng chỉ công nhận khi di chúc của công dân đó thỏa mãn những điều kiện nhất định. Trong thực tiễn đã có không ít những di chúc không tuân theo những quy định của pháp luật về hình thức và nội dung, dẫn tới di chúc không được công nhận hoặc chỉ được công nhận một phần. Đặc điểm thứ ba: Di chúc là một loại giao dịch dân sự đặc biệt, chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc chết. Khoản 1 Điều 670 Bộ luật dân sự năm 1995 (khoản 1 Điều 667 Bộ luật dân sự năm 2005) quy định: "Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế" [6], [7]. Về thời điểm mở thừa kế, Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết, thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định theo quy định của pháp luật. Đây là một đặc điểm thể hiện rõ nét sự khác biệt giữa di chúc với các loại giao dịch dân sự khác, ví dụ như hợp đồng dân sự có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác, còn thời điểm có hiệu lực của di chúc lại phụ thuộc vào thời điểm mà người lập di chúc chết hoặc thời điểm mà quyết định của Tòa án tuyên bố người lập di chúc chết có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, việc xác định đúng thời điểm mở thừa kế (thời điểm người lập di chúc chết) có ý nghĩa trong việc xác định thời điểm có hiệu lực của di chúc. Mặt khác, xác định đúng thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định di chúc nào là di chúc có hiệu lực trong trường hợp một người có nhiều di chúc. Di chúc thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc và người lập di chúc có quyền thay đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung di chúc hay hủy bỏ di chúc. Sự thay đổi hay hủy bỏ di chúc có thể được thể hiện dưới hình thức người đó lập di chúc mới ghi nhận về việc thay đổi hay hủy bỏ di chúc, nhưng cũng có thể bằng di chúc mới (mặc dù không nói rằng thay đổi hay hủy bỏ di chúc) người lập di chúc định đoạt tài sản mà nội dung định đoạt khác với di chúc đã viết trước đó. Việc đánh giá hiệu lực của di chúc như vậy dựa theo quy định tại khoản 5 Điều 670 Bộ luật dân sự năm 1995: "Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản, thì chỉ có bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực pháp luật" [6]. Tóm lại, khi người lập di chúc còn sống thì di chúc dù có phù hợp với các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung, thì di chúc cũng chưa phát sinh hiệu lực. Do di chúc chưa phát sinh hiệu lực (khi người lập di chúc chưa chết) nên những người thừa kế theo di chúc chưa có bất kỳ một quyền nào đối với tài sản mà họ sẽ được hưởng. Quyền đối với tài sản vẫn thuộc về người lập di chúc cho đến khi người lập di chúc chết. 1.3 TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ NÓI CHUNG VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA DI CHÚC NÓI RIÊNG Ở VIỆT NAM 1.3.1. Giai đoạn trước năm 1945 Dưới chế độ phong kiến, đời sống của nhân dân ta vô cùng khổ cực vì chế độ sưu cao, thuế nặng. Người nông dân chiếm đại đa số trong xã hội, nhưng bị trói buộc bởi ruộng đất của địa chủ, phong kiến. Giai cấp địa chủ chiếm số ít trong xã hội nhưng lại nắm đa số các tư liệu sản xuất chủ yếu. Nhà nước phong kiến dùng pháp luật trong đó có pháp luật về thừa kế để duy trì và củng cố quyền sở hữu của giai cấp địa chủ đối với ruộng đất từ đời này sang đời khác. Chế độ phong kiến đã tồn tại ở nước ta qua nhiều thế kỷ. Trải qua nhiều triều đại, mỗi Nhà nước phong kiến đều ban hành các văn bản pháp luật để củng cố quyền lực và phục vụ việc quản lý đất nước. Từ xa xưa, các bộ cổ luật của các triều đại phong kiến đã có nhiều quy định cụ thể về thừa kế. Đáng chú ý của thời kỳ phong kiến là: Bộ luật Hồng Đức (năm 1943), Bộ luật Gia Long (năm 1815), Bộ Dân luật Bắc kỳ (năm 1931), Bộ Dân luật Trung kỳ (năm 1936). Ngoài các bộ luật, các nhà nước phong kiến còn ban hành nhiều văn bản như chiếu, chỉ, dụ, lệnh của vua… Trong Bộ luật Hồng Đức hay còn gọi là Quốc triều hình luật hoặc Luật hình triều Lê có quy định tôn trọng ý muốn và quyền quyết định của người có tài sản. Điều 388 Bộ luật Hồng Đức quy định: Cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh em chị em tự chia nhau, thì lấy một phần 20 số ruộng đất làm hương hỏa, giao cho người con trai trưởng giữ, còn thì chia nhau. Phần con của vợ lẽ, nàng hầu, thì phải kém. Nếu đã có lệnh của cha mẹ và chúc thư, thì phải theo đúng, trái thì mất phần mình. Điều 390 Bộ luật Hồng Đức quy định: "Người làm cha mẹ phải liệu tuổi già mà lập sẵn chúc thư…" [11]. Như vậy, Bộ luật Hồng Đức đã quy định quyền lập chúc thư để lại di sản, đặc biệt là những người tuổi cao. Di chúc được lập dưới dạng văn bản gọi là chúc thư. Bộ luật Hồng Đức cũng quy định về hình thức lập di chúc tại Điều 366: "Những người làm chúc thư, văn khế mà không nhờ quan trưởng trong làng viết thay và chứng kiến, thì phải phạt 80 trượng, phạt tiền theo việc nặng nhẹ. Chúc thư văn khế ấy không có giá trị. Nếu biết chữ mà viết lấy thì được" [11]. Như vậy, người có tài sản có thể tự mình viết chúc thư. Nếu người để lại di sản không biết chữ thì chỉ được phép nhờ quan trưởng viết thay, không được nhờ người khác. Nếu nhờ người khác viết hộ di chúc mà không nhờ quan trưởng thì ngoài việc bị phạt, di chúc không có giá trị, di sản được chia theo pháp luật. Vấn đề hình thức lập di chúc trong thời kỳ này đã được coi trọng. Bộ luật Gia Long (hay còn gọi là Hoàng Việt luật lệ) là phiên bản của Bộ luật Mãn Thanh (Trung Quốc). Bộ luật không thừa nhận quyền thừa kế của con gái mà chú trọng đến quyền lợi của con trai, thể hiện rõ việc trọng nam khinh nữ. Bộ luật cũng công nhận vai trò của việc thừa kế theo di chúc, thể hiện tại Điều 388 Bộ luật này quy định: "Nếu có mệnh lệnh của cha mẹ, phải theo đúng. Vi phạm điều này sẽ mất phần" [9]. Bộ Dân luật Bắc kỳ được ban hành bằng một Nghị định của Thống sứ Bắc kỳ ngày 30-3-1931. Bộ luật bao gồm 1.464 điều, được chia làm 4 quyển. Quyển thứ nhất bao gồm 12 thiên quy định về gia đình, chế độ hôn sản và thừa kế, trong đó có 17 điều luật quy định về thừa kế theo di chúc. Nội dung của bộ luật phản ánh được những phong tục, tập quán của người Việt Nam như: Việc thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng truyền thống và đặc trưng của người Việt Nam… Bộ Dân luật Bắc kỳ quy định người lập di chúc có quyền dành một phần di sản để thờ cúng. Việc chăm sóc nuôi dưỡng nhau giữa những người trong cùng một gia đình được coi là bổn phận của đạo đức. Bộ luật quy định con cháu không được phân chia khối tài sản của gia đình khi cha mẹ còn sống nếu không được sự đồng ý của họ. Con cháu của người chết buộc phải nhận di sản của người đó và thay họ thực hiện các nghĩa vụ về tài sản mà họ để lại... Bộ luật còn quy định cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, phải đảm bảo cho cuộc sống lâu dài của con cái nên họ phải để lại tài sản của mình cho những người ở thế hệ sau khi họ chết. Điều 321 Bộ Dân luật Bắc kỳ quy định người vợ không có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản riêng của mình nếu không được người chồng đồng ý. Người cha có thể lập chúc thư để định đoạt tài sản của mình tùy theo ý mình, nhưng phải giữ quyền lợi cho người vợ chính. Người lập chúc thư có thể truất quyền thừa kế của một hay nhiều người trong những người được thừa kế. Việc truất quyền thừa kế phải lập thành văn bản do viên quản lý văn khế lập hoặc do lý trưởng nơi cư trú của người lập chúc thư. Chúc thư phải làm thành văn bản hoặc do viên quản lý văn khế làm ra hoặc có công chứng thị thực. Chúc thư không có viên chức thị thực phải do người lập chúc thư viết lấy và ký tên. Nếu người lập chúc thư đọc để người khác viết thay thì phải có ít nhất hai người đã thành niên làm chứng. Người làm chứng thường là lý trưởng tại nơi trú quán của người lập chúc thư, nếu ở xa không về nơi trú quán được thì chúc thư ấy phải có sự chứng kiến của lý trưởng nơi hiện ở của người lập chúc thư (Điều 326 Dân luật Bắc kỳ). Chúc thư phải ghi rõ ngày, tháng năm lập chúc thư; tên, họ, tuổi, nơi trú quán của người làm chứng. Chúc thư khi đã làm xong thì lý trưởng đọc to cho mọi người cùng nghe rồi lý trưởng, người lập chúc thư, người viết hộ (nếu có) và những người làm chứng cùng ký tên vào văn bản. Có bao nhiêu người được thừa kế thì chúc thư được làm thành bấy nhiêu bản gốc để gửi cho mỗi người thừa kế một bản. Khi người lập chúc thư muốn thay đổi một phần hay toàn bộ chúc thư, thì bản chúc thư sau phải tiến hành đúng những thủ tục trên và phải nêu rõ việc người lập chúc thư thay đổi một phần hay toàn bộ bản chúc thư, nếu không nói rõ thì chỉ những điều khoản nào không hợp hoặc có trái với bản chúc thư sau mới bị bỏ mà thôi. Điều 113 Bộ Dân luật Bắc kỳ quy định: Khi người vợ chết trước, người chồng trở thành chủ sở hữu duy nhất tất cả của cải chung trong đó có cả phần của vợ (tức là tài sản riêng của vợ). Còn nếu chồng chết thì người vợ chỉ có quyền hưởng dụng tài sản riêng của chồng khi không còn người thừa kế nào bên nội, bên ngoại của chồng (Điều 346). Nếu người vợ góa tái giá thì tài sản riêng của chồng phải trả lại nhà chồng, tài sản riêng của vợ được mang theo đi, còn tài sản của vợ chồng thì để lại cho con (Điều 360) [14]. Bộ luật Trung kỳ hay còn gọi là Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ luật gồm 1709 điều, được chia làm 5 quyển. Có thể nói, Bộ luật này hầu như sao chép lại nhiều điều khoản trong Bộ luật Bắc kỳ, ví dụ: Điều 341 Bộ luật Trung kỳ giống Điều 346 Bộ Dân luật Bắc kỳ; Điều 359 Bộ Dân luật Trung kỳ giống Điều 360 Bộ Dân luật Bắc kỳ; Điều 111 Bộ Dân luật Trung kỳ giống Điều 113 Bộ Dân luật Bắc kỳ; Điều 313 Bộ Dân luật Trung kỳ giống Điều 321 Bộ Dân luật Bắc kỳ... [15]. 1.3.2. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1990 Với thắng lợi rực rỡ của Cách mạng tháng Tám, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu một trang sử mới của cách mạng nước ta. Ngay sau khi thành lập, nhà nước non trẻ đã phải đối phó với rất nhiều những khó khăn cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội… Để giữ vững thành quả cách mạng, Nhà nước ta đã có những chính sách vừa mềm dẻo, vừa cương quyết để tập trung quyền lực về tay Nhà nước. Trong thời kỳ này, những vấn đề lớn đều được điều chỉnh bằng các Sắc lệnh, còn những vấn đề thuộc về dân sự thì Nhà nước vẫn cho phép áp dụng các văn bản cũ, nếu nó không trái nguyên tắc vi phạm đến độc lập của Nhà nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa (Sắc lệnh số 90/SL ngày 10-9-1945). Trong quan hệ về thừa kế, Nhà nước ta vẫn cho phép áp dụng các quy định trong các Bộ Dân luật Bắc kỳ, Bộ Dân luật Trung Kỳ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội thì những điều khoản của các Bộ dân luật trở nên lạc hậu. Để xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 97/SL ngày 22-5-1950. Điều 5 của Sắc lệnh quy định: "Chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia đình". Về thừa kế cũng được Sắc lệnh quy định: Con cháu hoặc vợ chồng của người chết cũng không bắt buộc phải nhận thừa kế của người ấy. Khi nhận thừa kế thì các chủ nợ của người chết cũng không có quyền đòi nợ quá số di sản để lại (Điều 10). Trong lúc còn sinh thời người chồng góa hay vợ góa, các con đã thành niên có quyền xin chia phần tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết, sau khi đã thanh toán tài sản chung (Điều 11) [38]. Với những quy định này, tuy còn ở mức độ nhất định nhưng nó đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của pháp luật nói chung và về thừa kế nói riêng so với Bộ dân l._.uật Bắc kỳ và Bộ dân luật Trung kỳ. Sự ra đời của Hiến pháp năm 1959 đã đánh dấu bước trưởng thành lớn của công tác lập pháp nước ta. Quyền thừa kế được Hiến pháp ghi nhận tại Điều 19: "Nhà nước chiểu theo pháp luật để bảo hộ quyền thừa kế về tài sản của công dân" [24]. Đây là một nguyên tắc Hiến định, là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền thừa kế cho công dân. Ngày 29-12-1959 Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Luật Hôn nhân và gia đình, có hiệu lực thi hành từ 13-1-1960 (gọi là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959). Với Luật hôn nhân và gia đình đầu tiên này đã phá bỏ chế độ gia đình phụ quyền của chế độ cũ, đảm bảo chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng. Vợ chồng có quyền bình đẳng trong mọi quyền lợi, trong đó có quyền thừa kế tài sản của nhau; con cái trong và ngoài giá thú cũng được đối xử bình đẳng... [31]. Để thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, Tòa án nhân dân tối cao đã thường xuyên tổng kết công tác xét xử, ban hành nhiều thông tư, hướng dẫn cho Tòa án các địa phương trong việc áp dụng thống nhất pháp luật. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 1964 của ngành Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn việc xét xử của Tòa án cấp dưới trong việc xét xử các vụ án tranh chấp di sản thừa kế. Theo tổng kết này thì có ba hàng thừa kế sau: - Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ góa hay chồng góa; các con đẻ và con nuôi của người chết; bố mẹ mất sức lao động được người để lại di sản nuôi dưỡng. - Hàng thừa kế thứ hai: Bố mẹ còn sức lao động. - Hàng thừa kế thứ ba: Anh chị em ruột và anh chị em nuôi. Ngày 27-8-1968, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư số 594/NCPL hướng dẫn đường lối xét xử các việc tranh chấp thừa kế. Thông tư đã nêu rõ các đặc điểm cơ bản (thực chất là các nguyên tắc) của chế độ thừa kế của nhà nước ta: Nam nữ bình đẳng về quyền thừa kế, người thừa kế được hưởng các quyền tài sản của người chết để lại và phải chịu trách nhiệm thi hành các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong phạm vi giá trị tài sản nhận được, tôn trọng quyền định đoạt bằng di chúc của người có di sản, đồng thời bảo vệ thích đáng quyền lợi của một số người thừa kế theo luật. Thông tư nói rõ: Di sản thừa kế bao gồm không những quyền sở hữu cá nhân về những tài sản mà người chết để lại mà còn gồm cả những quyền tài sản và nghĩa vụ tài sản phát sinh do quan hệ hợp đồng hoặc do việc gây thiệt hại mà người chết để lại. Về thừa kế theo pháp luật, Thông tư đưa ra khái niệm diện thừa kế và hàng thừa kế theo pháp luật, thứ tự hưởng di sản căn cứ vào hàng thừa kế. Diện những người thừa kế theo pháp luật gồm: Vợ góa (vợ cả góa và vợ lẽ góa) hoặc chồng góa, con đẻ và con nuôi, bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh chị em ruột. Như vậy, trong diện những người thừa kế theo pháp luật có thêm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Những người trong diện thừa kế được xếp làm hai hàng thừa kế: Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ góa (vợ cả góa và vợ lẽ góa) hoặc chồng góa, các con đẻ và con nuôi, bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ nuôi. Hàng thừa kế thứ hai: Anh chị em ruột và anh chị em nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Thông tư đã ghi nhận: Anh chị em cùng mẹ khác cha hoặc cùng cha khác mẹ có quan hệ huyết thống với nhau không hoàn toàn nhưng trong nhiều gia đình họ đối xử với nhau thân mật không khác gì anh chị em cùng cha, cùng mẹ. Do đó, cần xác định họ có quyền thừa kế di sản của nhau. Về thừa kế theo di chúc: Thông tư 594 xác nhận quyền tự do định đoạt theo di chúc nhưng không được trái với chính sách và pháp luật hiện hành, không trái với tinh thần đoàn kết, tương trợ trong gia đình và phải bảo đảm đời sống cho vợ hoặc chồng, con vị thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất sức lao động và cha mẹ già yếu, túng thiếu. Do đó, người lập di chúc khi định đoạt tài sản của mình phải giữ một phần tài sản cho những người nói trên. Phần di sản bắt buộc phải dành lại cho những người này nên tính tùy theo tình hình di sản và số người thừa kế cần được bảo vệ quyền lợi, nó không nên quá thấp so với phần di sản mà họ đáng lẽ được hưởng nếu không có di chúc. Trường hợp di chúc không dành phần bắt buộc thích đáng cho những người nói trên thì cần phải điều chỉnh lại. Phần di sản dư ra sau khi đã dành những phần bắt buộc, Tòa án vẫn chiếu theo di chúc để chia cho người thừa kế được chỉ định trong di chúc. Thông tư số 594 ngày 27-8-1968 của Tòa án nhân dân tối cao đã xóa bỏ quan điểm của Dân luật cũ thời Pháp thuộc (Điều 321 Dân luật Bắc kỳ, Điều 313 Hoàng Việt Trung kỳ Hộ luật) về quyền tự do tuyệt đối khi lập di chúc. Đây là vấn đề mới từ thực tiễn xét xử nên ở thời điểm đó Tòa án nhân dân tối cao chưa thể ấn định cụ thể phần di sản bắt buộc này là bao nhiêu [41]. Với thắng lợi to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất năm 1975. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước tháng 7-1976, Nhà nước ta lấy tên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 25-3-1977 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/CP quy định về việc thực hiện thống nhất pháp luật trên cả nước. Kể từ thời điểm này, pháp luật đã được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Tuy nhiên, ở giai đoạn này vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào quy định riêng về thừa kế. Trước sự thay đổi lớn của đất nước, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI đã thông qua bản Hiến pháp (gọi là Hiến pháp 1980) - Hiến pháp đầu tiên trong thời kỳ thống nhất đất nước - là cơ sở nền tảng cho việc phát triển của pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về thừa kế theo di chúc nói riêng. Hiến pháp năm 1980 là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của Nhà nước. Hiến pháp đã quy định về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho việc ban hành các văn bản pháp luật về thừa kế sau này. Điều 27 Hiến pháp năm 1980 quy định: "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ. Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân". Hiến pháp năm 1980 cũng quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, sự bình đẳng giữa nam và nữ, Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt, đối xử giữa các con... Hiến pháp năm 1980 đã quy định đất đai thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch chung, nhằm bảo đảm đất đai được sử dụng hợp lý và tiết kiệm. Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật [25]. Để đảm bảo thống nhất đường lối xét xử, trên cơ sở tổng kết công tác xét xử, đồng thời bổ sung một số vấn đề cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 1980, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 81-TANDTC ngày 24-7-1981 hướng dẫn giải quyết tranh chấp về thừa kế. Ngay từ Phần nguyên tắc chung (Phần I), Thông tư đã quy định về quyền lập di chúc của công dân để định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Nếu không có di chúc thì mới chia thừa kế theo pháp luật, tôn trọng quyền định đoạt bằng di chúc của người có di sản, đồng thời bảo hộ thích đáng quyền lợi của một số người thừa kế theo luật (người thừa kế bắt buộc không phụ thuộc vào nội dung di chúc), phụ nữ và nam giới bình đẳng về quyền lập di chúc, người thừa kế có quyền nhận hay không nhận di sản thừa kế, người nhận thừa kế được hưởng các tài sản và các quyền về tài sản của người chết để lại, đồng thời phải chịu trách nhiệm thi hành các nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại trong phạm vi giá trị tài sản đã nhận được. Thông tư số 81 đã hướng dẫn về việc xác định di sản thừa kế, diện và hàng thừa kế, việc phân chia di sản thừa kế... Đặc biệt, Thông tư đã dành chương IV để hướng dẫn về thừa kế theo di chúc, trong đó quy định rõ về hình thức của di chúc, quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc, nghĩa vụ phải dành lại một phần tài sản cho những người thừa kế bắt buộc của người lập di chúc (hạn chế quyền của người lập di chúc)… Những người thừa kế bắt buộc gồm: Vợ góa hoặc chồng góa, con chưa thành niên hoặc tuy đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, bố mẹ già yếu và túng thiếu. Phần di sản phải dành cho mỗi người thừa kế bắt buộc ít nhất là 2/3 suất của thừa kế theo pháp luật [44]. Ngày 29-12-1986 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 3-1-1987 đã đánh dấu một bước phát triển của pháp luật hôn nhân gia đình nước ta, thay thế cho Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959. Luật hôn nhân và gia đình 1986 có những điều khoản quan trọng đối với những quy định của pháp luật thừa kế. Ví dụ: Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 xác định nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình là cơ sở cho pháp luật thừa kế xác định ai là người thừa kế được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc [32]. Thắng lợi của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã tạo bước ngoặt mới trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp đã bị xóa bỏ, nền kinh tế nhiều thành phần (trong đó có kinh tế tư nhân) đã được pháp luật thừa nhận và khuyến khích phát triển. Ngày 29-12-1987 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Đất đai (gọi là Luật Đất đai năm 1987). Luật Đất đai đã quy định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai và đất đai do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước giao đất cho người sử dụng đất để sử dụng ổn định, lâu dài hoặc tạm thời, có thời hạn. Điều 5 của Luật Đất đai năm 1987 quy định: "Nghiêm cấm việc mua, bán, lấn, chiếm đất đai, phát canh thu tô dưới mọi hình thức, nhận đất được giao mà không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích, tự tiện sử dụng đất nông nghiệp, đất có rừng vào mục đích khác, làm hủy hoại đất đai". Nhà nước bảo đảm cho người sử dụng đất được hưởng những quyền lợi hợp pháp trên đất được giao, kể cả quyền chuyển, nhượng, bán thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất được giao khi không còn sử dụng đất và đất đó được giao cho người khác sử dụng theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định [28]. 1.3.3. Giai đoạn từ năm 1990 đến 1 tháng 7 năm 1996 Để đáp ứng với sự biến động, phát triển không ngừng của xã hội, ngày 30-8-1990 Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh Thừa kế, có hiệu lực từ ngày 10-9-1990. Đây là văn bản pháp luật có hệ thống và ở tầm văn bản pháp lý cao nhất về thừa kế nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng kể từ ngày thành lập nước. Pháp lệnh Thừa kế gồm 38 điều, được chia làm 6 chương, trong đó đã xác định được những nguyên tắc cơ bản về thừa kế, về quyền bình đẳng về thừa kế của công dân. Pháp lệnh Thừa kế đưa ra những khái niệm về: Thời điểm mở thừa kế, địa điểm mở thừa kế, di sản, người thừa kế… Thừa kế theo di chúc được Pháp lệnh quy định tại chương II từ Điều 10 đến Điều 23. Pháp lệnh đã quy định về quyền của người lập di chúc. Theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh thì công dân có quyền lập di chúc để chuyển quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho một hoặc nhiều người trong hoặc ngoài các hàng thừa kế theo pháp luật, cũng như cho Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, phân định tài sản cho người thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của một hoặc nhiều người thừa kế theo pháp luật mà không nhất thiết phải nêu lý do. Người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc đã lập, thay thế di chúc đã lập bằng di chúc khác, hủy bỏ di chúc. Pháp lệnh Thừa kế cũng quy định về di chúc hợp pháp là di chúc do người từ đủ mười tám tuổi trở lên tự nguyện lập trong khi minh mẫn, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật. Di chúc cũng được coi là hợp pháp nếu do người từ đủ mười sáu tuổi trở lên nhưng chưa đủ mười tám tuổi tự nguyện lập trong khi minh mẫn và phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật. Di chúc do công dân Việt Nam lập ở nước ngoài theo pháp luật của nước ngoài, nếu có nội dung không trái với pháp luật Việt Nam cũng được coi là di chúc hợp pháp. Về nội dung của di chúc được Pháp lệnh quy định tại Điều 13: Trong bản di chúc phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập di chúc, họ, tên và nơi thường trú của người lập di chúc, họ, tên người được hưởng di sản, tên cơ quan tổ chức được hưởng di sản… Đặc biệt, Pháp lệnh quy định rõ về việc phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Pháp lệnh quy định về hiệu lực của di chúc viết được cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân chứng thực, di chúc viết được cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng thực, di chúc viết không có chứng thực, xác nhận và di chúc miệng… Pháp lệnh Thừa kế đã quy định cụ thể về những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc tại Điều 20. Theo quy định này thì trong trường hợp không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu như di sản được chia theo pháp luật, thì con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên không đủ khả năng lao động và túng thiếu của người lập di chúc vẫn được hưởng phần di sản bằng ít nhất là hai phần ba suất đó, trừ trường hợp họ là người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Pháp lệnh. Đây là sự kế thừa và pháp điển hóa so với quy định về người thừa kế bắt buộc tại Thông tư số 81-TANDTC ngày 24-7-1981 của Tòa án nhân dân tối cao. Pháp lệnh cũng quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế di chúc, hiệu lực của di chúc, di sản dùng vào việc thờ cúng [35]. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới do sự đổi mới toàn diện của đất nước kể từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, Quốc hội nước ta đã sửa đổi Hiến pháp năm 1980. Hồi 11 giờ 45 phút ngày 15-4-1992 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 11 đã nhất trí thông qua Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định về việc tiếp tục đưa đất nước ta đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với tư tưởng chủ đạo này, trong chương II về chế độ kinh tế, Hiến pháp đã quy định việc đảm bảo tính thống nhất của sự phát triển kinh tế sao cho nền kinh tế được phát triển theo cơ chế thị trường với nhiều thành phần kinh tế khác nhau theo định hướng xã hội chủ nghĩa... Hiến pháp năm 1992 đã quy định về quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, quyền bình đẳng giữa nam và nữ, Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt, đối xử giữa các con. Điều 58 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác... Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân". Hiến pháp năm 1992 quy định về việc Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Để thi hành Hiến pháp năm 1992, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX đã thông qua Luật Đất đai năm 1993, có hiệu lực kể từ 15-10-1993. Kể từ đây, việc "được chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật" của tổ chức và cá nhân theo quy định tại Điều 18 Hiến pháp năm 1992 đã được thể chế hóa. Khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai năm 1993 quy định: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất. Các quyền nói trên chỉ được thực hiện trong thời hạn giao đất và đúng mục đích sử dụng của đất được giao theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật. Điều 76 Luật Đất đai năm 1993 quy định: 1. Cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, sau khi chết thì quyền sử dụng đất của họ được để lại cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật thừa kế. 2. Hộ gia đình được Nhà nước giao đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu trong hộ có thành viên chết thì các thành viên khác trong hộ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất mà Nhà nước đã giao cho hộ. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào thì Nhà nước thu hồi đất. 3. Cá nhân, thành viên của hộ gia đình được giao đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở, sau khi chết, quyền sử dụng đất của họ được để lại cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật thừa kế [29]. Với những quy định trên, quyền sử dụng đất đã được coi là di sản thừa kế. 1.3.4. Giai đoạn từ 1-7-1996 đến nay Với đường lối chính trị, kinh tế đúng đắn được Đảng và Nhà nước ta thể hiện trong Hiến pháp năm 1992, tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đều thay đổi trên mọi bình diện. Vì vậy, trong đời sống dân sự cũng phát sinh nhiều vấn đề mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ. Các văn bản pháp luật dưới nhiều hình thức như: Nghị định, Pháp lệnh, Thông tư, Nghị quyết... chưa đủ bao quát để điều chỉnh một cách rộng khắp các quan hệ dân sự nói chung và vấn đề các điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng. Chính từ thực tiễn đòi hỏi, ngày 28-10-1995, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Bộ luật dân sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi là Bộ luật dân sự năm 1995). Bộ luật dân sự năm 1995 tương đối đồ sộ với 7 phần, 838 điều. Trong mỗi phần được chia làm nhiều chương, mục. Bộ luật có hiệu lực kể từ ngày 1-7-1996 (riêng những quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 về chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực áp dụng kể từ ngày Luật Đất đai 1993 có hiệu lực 15-10-1993). Bộ luật dân sự năm 1995 là công cụ pháp lý thúc đẩy giao lưu dân sự, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ luật góp phần bảo đảm cuộc sống cộng đồng ổn định, lành mạnh, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong nhân dân. Bộ luật đã dành hẳn Phần thứ tư và Chương VI Phần thứ năm để quy định về thừa kế với tổng số 63 điều luật (nếu tính cả 9 điều thuộc chương những quy định chung về chuyển quyền sử dụng đất mà thừa kế quyền sử dụng đất phải áp dụng thì tổng số lên đến 72 điều). Bộ luật đã đưa ra những khái niệm về thời điểm, địa điểm mở thừa kế, người thừa kế, người quản lý di sản, di chúc… Đặc biệt, Bộ luật có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản, người thừa kế, việc từ chối nhận di sản, về những người không được hưởng di sản… Do sự phát triển đất nước, các tranh chấp dân sự diễn ra ngày càng phức tạp, Bộ luật dân sự năm 1995 đã bộc lộ những khiếm khuyết của nó. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI, từ ngày 5-5-2005 đến ngày 14-6-2005 Quốc hội nước ta đã thông qua Bộ luật dân sự năm 2005. Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006. Với 7 phần, 777 điều, Bộ luật dân sự năm 2005 không "đồ sộ" được như Bộ luật dân sự năm 1995, nhưng những quy định về thừa kế có nhiều tiến bộ hơn Bộ luật dân sự năm 1995, đặc biệt về thừa kế quyền sử dụng đất. Về các điều kiện có hiệu lực của di chúc thì những quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 về cơ bản vẫn được Bộ luật dân sự năm 2005 giữ lại và có sự phát triển. KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 Thừa kế theo di chúc là một trong hai hình thức thừa kế được pháp luật quy định. Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển di sản của một người đã chết cho người khác theo sự định đoạt ý chí của người để lại di sản khi còn sống. Trong những trường hợp cụ thể, quyền định đoạt của người lập di chúc được pháp luật thừa nhận toàn bộ, nhưng trong một số trường hợp khác thì quyền tự định đoạt của người lập di chúc lại bị hạn chế. Di chúc là giao dịch dân sự một bên, do vậy di chúc cũng cần phải thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của di chúc. Theo tiến trình phát triển của pháp luật thừa kế, các điều kiện có hiệu lực của di chúc trong mỗi thời kỳ cũng được quy định khác nhau. Nhưng nhìn chung, pháp luật của Nhà nước ta luôn nhằm bảo vệ những quyền dân sự hợp pháp của cá nhân, trong đó có quyền lập di chúc và quyền này ngày càng được pháp luật quy định cụ thể hơn. Với sự ra đời của Bộ luật dân sự năm 1995, các quy định pháp luật về điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng và pháp luật về thừa kế nói chung đã được quy định một cách hệ thống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ luật dân sự năm 1995 đã phát sinh những hạn chế nhất định, đòi hỏi phải có sự khắc phục kịp thời. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI, từ ngày 5-5-2005 đến ngày 14-6-2005, Quốc hội nước ta đã thông qua Bộ luật dân sự năm 2005. Bộ luật dân sự năm 2005 đã có những tiến bộ hơn so với Bộ luật dân sự năm 1995 trong việc quy định về thừa kế nói chung và các điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng. Chương 2 CÁC ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA DI CHÚC 2.1. NGƯỜI LẬP DI CHÚC Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 thì người lập di chúc phải đáp ứng được những điều kiện nhất định thì di chúc mới có hiệu lực. Người lập di chúc phải đảm bảo được những điều kiện sau đây: Điều 650 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 647 Bộ luật dân sự năm 2005) quy định về người lập di chúc: 1- Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. 2- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Như vậy, pháp luật dân sự đã quy định cụ thể về người được lập di chúc. Theo quy định tại các điều luật trên có thể nhận thấy hai yêu cầu về người lập di chúc, đó là: - Yêu cầu về độ tuổi của người lập di chúc. - Yêu cầu về nhận thức của người lập di chúc. 2.1.1. Yêu cầu về độ tuổi của người lập di chúc Pháp luật dân sự quy định chỉ người thành niên mới có quyền lập di chúc, còn người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi muốn lập di chúc phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó. Có quy định trên bởi vì chỉ khi đạt đến một độ tuổi nhất định thì con người mới có đủ nhận thức để điều chỉnh hành vi của mình. Đối với những người đã thành niên, nhưng bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì những người đó không có quyền lập di chúc. Trong trường hợp những người này lập di chúc, thì di chúc đó không phát sinh hiệu lực pháp luật. Bộ luật dân sự năm 1995 quy định về người thành niên: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên (Điều 20). Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp người thành niên đó bị mất năng lực hành vi dân sự và hạn chế năng lực hành vi dân sự. Như vậy, những người thành niên bị mất quyền lập di chúc khi họ là người: - Mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác. - Không thể nhận thức được hành vi của mình. - Không thể điều chỉnh được hành vi của mình [6]. Pháp luật dân sự của Nhà nước ta cũng quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Người mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi mặc dù là người chưa thành niên, nhưng họ có những nhận thức nhất định. Về mặt thực tế thì có người trong số họ đã có tài sản riêng do được thừa kế hoặc được tặng cho, thậm chí có người đã tích lũy từ lao động phù hợp với sức lao động của mình. Để đảm bảo phần nào quyền định đoạt tài sản của họ, pháp luật đã cho phép họ lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ đồng ý. Bàn về quy định này còn có những ý kiến khác nhau do chưa có sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: - Cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý là đồng ý về việc cho phép người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc hay là đồng ý về nội dung di chúc? - Sự đồng ý của cha hoặc mẹ hay là cả cha và mẹ. Trường hợp nào thì cần đến sự đồng ý của người giám hộ? Về vấn đề thứ nhất, chúng tôi cho rằng chỉ là việc đồng ý cho phép người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc vì nếu hiểu là đồng ý với nội dung di chúc thì vô hình chung pháp luật đã can thiệp đến quyền tự định đoạt, đến ý chí tự nguyện của người lập di chúc, trong khi ý chí tự nguyện là một trong những điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp. Với tư cách là người thừa kế hàng thứ nhất theo pháp luật của người con, người cha, người mẹ có thể can thiệp vào nội dung của di chúc, can thiệp vào sự định đoạt của người con nếu được hiểu theo cách việc lập di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được sự đồng ý của cha, mẹ về nội dung di chúc. Và một điều đương nhiên, nếu hiểu cha mẹ phải đồng ý về nội dung di chúc thì đã bao hàm cả việc đồng ý cho lập di chúc. Về vấn đề thứ hai, căn cứ vào cách hành văn của điều luật thì chỉ cần một trong hai người là cha hoặc mẹ đồng ý là đủ, mà không cần thiết phải được sự đồng ý của hai người. Pháp luật dân sự cũng đã quy định rõ ràng về việc giám hộ tại Mục 5 Chương II, Phần thứ nhất Bộ luật dân sự năm 1995. Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan nhà nước (gọi là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (gọi là người được giám hộ). Trong quan hệ pháp luật thừa kế theo di chúc, thì người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi chỉ có quyền lập di chúc khi được sự đồng ý của người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên này không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ hoặc cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu. Một vấn đề cần đặt ra khi nghiên cứu về sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ đối với hành vi lập di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, đó là: Sự đồng ý này phải được thể hiện dưới hình thức như thế nào? Có bắt buộc việc đồng ý phải được thể hiện bằng văn bản riêng hay chỉ cần xác nhận vào di chúc, hay chỉ cần bằng miệng? Sự đồng ý đó có cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hay không? Sự đồng ý được thể hiện trước hay sau khi người chưa thành niên lập di chúc?... Đây là một câu hỏi vì vấn đề này chưa được sự hướng dẫn, giải đáp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 2.1.2. Yêu cầu về nhận thức Kết quả nghiên cứu về y học cho thấy độ tuổi và nhận thức có quan hệ mật thiết với nhau. Con người chỉ khi đạt đến một độ tuổi nhất định thì mới có đủ nhận thức để điều chỉnh được hành vi dân sự của mình (trong đó có hành vi lập di chúc), trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Pháp luật dân sự nước ta quy định người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp họ mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, độ tuổi và khả năng nhận thức là hai tiêu chí để xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Tại khoản 1 Điều 655 Bộ luật dân sự năm 1995 và điểm a, khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định như nhau về nhận thức của người lập di chúc: "Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc…". Tuy nhiên, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt đến mức độ nào? Người lập di chúc có phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc hay không? Nếu người lập di chúc phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc thì cơ quan nào có thẩm quyền giám định? Có cần hay không cần kết quả giám định sức khỏe thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được chứng thực vào di chúc ?... Hiện nay, pháp luật dân sự của nước ta chưa có quy định nào về việc người lập di chúc phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc. Vì vậy, người lập di chúc có thể khám sức khỏe hoặc không khám sức khỏe trước khi lập di chúc. Có một số trường hợp khám sức khỏe thì cơ quan khám sức khỏe cũng không thống nhất: Có trường hợp khám tại trung tâm y tế cấp huyện, tỉnh; nhưng cũng có trường hợp lại đi khám ở các bệnh viện về tâm thần. Trên thực tế người lập di chúc ít khi đi giám định sức khỏe, khám sức khỏe trước khi lập di chúc. Vì vậy, tình trạng sức khỏe của người lập di chúc tại thời điểm lập di chúc không được thể hiện. Khi có tranh chấp xảy ra, bên đương sự nào cho rằng người lập di chúc không đủ sức khỏe, ảnh hưởng đến sự minh mẫn của người lập di chúc trong khi lập di chúc thì họ phải có nghĩa vụ chứng minh. Thực tiễn giải quyết tranh chấp thừa kế tại Tòa án nhân dân cho thấy tình trạng này diễn ra tương đối phổ biến. Bên yêu cầu chia thừa kế theo di chúc có nghĩa vụ xuất trình trước Tòa án các chứng cứ liên quan đến việc người lập di chúc hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc. Ngược lại, bên yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật có nghĩa vụ xuất trình các chứng cứ để chứng minh người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt để bác bỏ yêu cầu chia thừa kế theo di chúc. Về nguyên tắc, tất cả các di chúc đều được coi là do người để lại di sản lập trong lúc minh mẫn, sáng suốt. Vì vậy, đương sự nào cho rằng khi lập di chúc người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt phải có nghĩa vụ chứng minh trước Tòa án có thẩm quyền. Chỉ khi có đầy đủ cơ sở khẳng định người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt như: Kết luận của cơ quan y tế, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án… thì Tòa án có thẩm quyền tuyên bố di chúc vô hiệu. Thông thường, những di chúc được chứng nhận, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ít khi xảy ra tranh chấp về việc người lập di chúc có minh mẫn, sáng suốt hay không. Tranh chấp về việc minh mẫn, sáng suốt của người lập di chúc lại thường xảy ra đối với những di chúc không có chứng nhận, chứng thực. Vì vậy, để hạn chế tranh chấp thì việc lập di chúc có chứng thực, chứng nhận cần được khuyến khích. Quy định ._.ặng lập ngày 20-9-1997. Ông Hùng, bà Diễm, ông Hoàng được đồng thừa hưởng chung di sản của cụ Kiệt và cụ Biết theo di tặng ngày 20-9-1997 gồm toàn bộ nhà đất là di sản của cụ Kiệt và cụ Biết. Ngày 25-11-2002 bà Nguyệt kháng cáo. Bản án phúc thẩm số 48/DSPT ngày 21-4-2003 Tòa án nhân dân tỉnh B đã nhận định: - Đối với tờ truất quyền hưởng di sản của cụ Biết được lập ngày 20-9-1997 với nội dung truất quyền hưởng di sản của vợ chồng, con cái bà Nguyệt, di tặng tài sản cho 3 con của bà Thuyết, nhưng các con bà Thuyết (người được di tặng) đã không thực hiện việc đăng ký theo quy định của pháp luật về tặng cho tài sản là bất động sản theo quy định của Điều 463 Bộ luật dân sự năm 1995 nên giấy này không còn giá trị. - Đối với di chúc ngày 15-9-2000 có chữ ký của cụ Biết, nhưng cụ Biết chỉ ký trước mặt có một nhân chứng là ông Sinh, nên di chúc không phát sinh hiệu lực. - Đối với di chúc ngày 3-1-2001: Ông Nguyễn Văn Thắng là người viết hộ di chúc cho cụ Biết, lại đồng thời là người làm chứng cho di chúc nên không đủ độ tin cậy đối với di chúc. Di chúc không có hiệu lực. Bản án phúc thẩm trên đã phân chia di sản của cụ Kiệt và cụ Biết theo pháp luật. Sau khi nghiên cứu vụ án trên, chúng tôi thấy rằng, việc cụ Biết di tặng toàn bộ nhà đất cho 3 con bà Thuyết là không phù hợp với quy định của Điều 674 Bộ luật dân sự năm 1995. Mặc dù có nhận định chưa chính xác về việc di tặng, nhưng bản án phúc thẩm vẫn không công nhận việc di tặng của cụ Biết là đúng pháp luật. Đối với di chúc ngày 3-1-2001, Bản án phúc thẩm cho rằng, ông Nguyễn Văn Thắng là người viết hộ di chúc thì không được làm chứng cho di chúc là không đúng theo quy định tại Điều 657 Bộ luật dân sự quy định về người làm chứng cho việc lập di chúc. 3.2.5. Di chúc giả Cụ Nguyễn Văn Tam (chết năm 1957) và cụ Phan Thị Dần (chết năm 1983) có 10 con chung gồm các ông, bà: Nguyễn Thị Mạnh, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Tốt, Nguyễn Thị Hấn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Thị Chăm, Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Tấn Tài và Nguyễn Văn Chích. Di sản của cụ Tam và cụ Dần để lại gồm 1 căn nhà trên 502 m2 đất thổ cư, 12 cây dừa, 1 cây gòn, 1 cây bát, 1 tủ đứng, 1 tủ thờ. Năm 1997, khi Nhà nước làm sân vận động có thu hồi 350 m2 đất là di sản của cụ Tam và cụ Dần và đền bù 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Hạnh (nguyên đơn) khai: Cụ Tam và cụ Dần chết, không có di chúc. Ông yêu cầu chia thừa kế. Bà Nguyễn Thị Chăm (bị đơn) cho rằng năm 1993, cụ Dần có di chúc cho bà Chăm toàn bộ nhà đất, nên bà Chăm không đồng ý chia thừa kế. Bản án 201/DSST ngày 10-12-1997 của Tòa án nhân dân thị xã Long Xuyên và bản án số 126/DSPT ngày 3-4-1998 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã hủy di chúc năm 1993 do bà Chăm xuất trình; chia thừa kế theo pháp luật. Như vậy, trong vụ án này, bà Chăm xuất trình di chúc của cụ Dần mà bà Chăm cho rằng cụ Dần đã lập năm 1993. Lời khai và tài liệu do bà Chăm xuất trình mâu thuẫn với sự kiện: Cụ Dần chết năm 1983. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy di chúc do bà Chăm xuất trình là đúng pháp luật vì cụ Dần đã chết năm 1983 thì không thể lập di chúc vào năm 1993. 3.2.6. "Định cho" có được coi là định đoạt tài sản hay không? Cụ Đào Văn Luận và cụ Đinh Thị Mộc là vợ chồng, có 3 con chung là ông Đào Đăng Khoa, ông Đào Đức Bảng và bà Đào Thị Kim Thịnh. Cụ Đinh Thị Mộc chết tháng 1-1995, không có di chúc. Cụ Đào Văn Luận chết tháng 11-1995. Cụ Luận và cụ Mộc để lại một ngôi nhà cấp 4 trên diện tích 1.000 m2 tại tổ 18, phố Minh Hà, Tiên Cát, thành phố V, tỉnh P. Ông Đào Đức Bảng hy sinh năm 1976, có con là Đào Mạnh Phú. Ông Đào Đăng Khoa chết năm 2003, có vợ là bà Hoàng Thị Thanh. Từ khi hai cụ mất, di sản do bà Hoàng Thị Thanh quản lý. Bà Đào Thị Kim Thịnh, anh Đào Mạnh Phú yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà đất của cụ Luận và cụ Mộc. Bà Hoàng Thị Thanh xuất trình bản di chúc do cụ Luận lập năm 1982, có chữ ký của cụ Luận, có 2 người làm chứng. Bà Thanh cho rằng di chúc của cụ Luận cho vợ chồng bà toàn bộ tài sản nên không đồng ý chia thừa kế. Di chúc viết: "… tôi định cho vợ chồng Khoa và Thanh toàn bộ nhà đất". Bản án số 07/DSST ngày 13-1-2004 Tòa án nhân dân thành phố V đã quyết định: Bác di chúc của cụ Luận do bà Thanh xuất trình, chia di sản thừa kế theo pháp luật. Bà Thanh kháng cáo yêu cầu chia thừa kế theo di chúc. Bản án phúc thẩm số 17/DSPT ngày 25-4-2004 Tòa án nhân dân tỉnh P đã nhận định: Bản di chúc của cụ Luận được các bên thừa nhận chữ ký trong di chúc là của cụ Luận, nhưng khi cụ Luận viết di chúc năm 1982 thì cụ Mộc vẫn còn sống. Đến năm 1995 cụ Mộc chết, nhưng cụ Mộc vẫn không hề có ý kiến gì về di chúc này. Mặt khác, mặc dù đã viết di chúc năm 1982, nhưng sau đó cụ Luận đã nhiều lần viết thư đề nghị bà Thịnh thảo hộ cụ bản nháp di chúc khác. Tại các thư này, cụ Luận viết là cụ viết di chúc năm 1982 là để vợ chồng bà Thịnh giữ lấy nhà đất. Như vậy, về hình thức bản di chúc không có chữ ký của cụ Mộc người đồng sở hữu tài sản với cụ Luận. Về nội dung, cụ Luận viết không nhằm mục đích chia di sản. Do vậy, bản di chúc năm 1982 của cụ Luận đã không đúng cả nội dung và hình thức nên không thể thỏa mãn nội dung kháng cáo của bà Thanh được. Bản án phúc thẩm đã y án sơ thẩm. Chúng tôi thấy rằng, bản án phúc thẩm trên lập luận chưa đúng, bởi vì: Dù cụ Mộc không có ý kiến vào di chúc của cụ Luận thì di chúc của cụ Luận cũng có hiệu lực đối với phần di sản của cụ Luận bằng 1/2 tài sản chung vợ chồng. Tuy nhiên, di chúc của cụ Luận mới chỉ "định cho " nên chưa thể coi là cụ Luận đã định đoạt tài sản. Vì vậy, di chúc không phát sinh hiệu lực. 3.2.7. Hiệu lực của di chúc Cụ Nguyễn Thiện Chơn và cụ Võ Thị Thành có hai con là ông Nguyễn Thiện Nhơn và bà Nguyễn Thị Trực đều đang định cư tại Mỹ. Ông Nhơn có con là chị Nguyễn Thị Phương Oanh; bà Trực có con là chị Nguyễn Thị Kim Hoa. Cụ Chơn chết năm 1972, không có di chúc. Năm 1973, cụ Thành phá nhà cũ (của cụ Chơn và cụ Thành), làm nhà mới trên đất của cụ Chơn và cụ Thành. Ngày 28-1-1997 cụ Thành lập di chúc giao toàn bộ tài sản của cụ Chơn và cụ Thành tại ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh T cho chị Oanh gồm: 0,8 ha đất canh tác, 0,42 ha đất màu và một ngôi nhà tổ xây tường lợp ngói cùng một hồ nước mưa. Di chúc của cụ Thành có hai người làm chứng, có xác nhận của Công an ấp và Ủy ban nhân dân xã Thạnh Trị. Cụ Thành chết ngày 30-6-1998. Di sản của hai cụ do chị Hoa quản lý. Chị Oanh xin hưởng toàn bộ di sản thừa kế theo di chúc. Chị Hoa xuất trình hai tài liệu: Một tài liệu ghi ngày 28-3-1997, một tài liệu ghi ngày 28-5-1997 mà chị Hoa cho rằng đó là di chúc của cụ Thành, có nội dung: Cụ Thành để lại toàn bộ tài sản cho hai con là Trực và Nhơn. cả hai tài liệu này đều có 2 nhân chứng xác nhận, có chữ ký ghi là "Thành". Do chị Oanh không công nhận hai tài liệu do chị Hoa xuất trình, nên Tòa án cấp sơ thẩm phải trưng cầu giám định. Tại công văn số 297/ĐN-PC21 ngày 16-6-1999 Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự Công an tỉnh T đã kết luận không đủ yếu tố tiến hành giám định, đề nghị thu thêm mẫu chữ ký của cụ Thành. Tuy nhiên, chị Hoa không thu thêm được mẫu chữ ký. Bản án 16/DSST ngày 6-10-1999 Tòa án nhân dân tỉnh T đã quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Phương Oanh. Công nhận di chúc do cụ Võ Thị Thành lập ngày 28-1-1997 là hợp pháp. Chị Oanh được hưởng toàn bộ di sản. Chị Hoa kháng cáo: Cụ Thành định đoạt cả phần tài sản của cụ Chơn là sai, cụ Thành lập di chúc 28-1-1997 khi cụ Thành đã 96 tuổi, không còn đủ sự minh mẫn, mà chưa có xác nhận của bác sĩ nên di chúc không đủ độ tin cậy. Hơn nữa, sau khi lập di chúc ngày 28-1-1997, cụ Thành còn lập thêm 2 di chúc nữa vào ngày 28-3-1997 và 28-5-1997. Tòa án cấp sơ thẩm công nhận di chúc của cụ Thành ngày 28-1-1997 là sai. Tại quyết định số 14/QĐ-KN ngày 18-10-1999 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T đã kháng nghị bản án sơ thẩm với lý do: Di chúc ngày 28-1-1997 chưa bày tỏ được ý chí của cụ Thành. Sau đó cụ Thành còn lập thêm 2 di chúc nữa vào ngày 28-3-1997 và 28-5-1997, cụ Thành lập di chúc không có y chứng của bác sĩ, di chúc ngày 28-1-1997 của cụ Thành định đoạt cả phần tài sản của cụ Chơn là không đúng. Tại bản án phúc thẩm số 86/DSPT ngày 29-3-2000 Tòa phúc thẩm H đã quyết định: - Bác đơn kháng cáo của chị Nguyễn Thị Kim Hoa và kháng nghị số 14/QĐ-KN ngày 18-10-1999 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T và y án sơ thẩm. Trong vụ án này, nảy sinh các vấn đề cần trao đổi sau: - Trong số 3 di chúc trên, di chúc nào có độ tin cậy: Cụ Thành lập 3 di chúc trong khoảng thời gian 4 tháng, nhưng chỉ có di chúc đầu tiên ngày 28-1-1997 do bà Oanh xuất trình có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, nên đáng tin cậy. Đối với di chúc ngày 28-3-1997 và di chúc ngày 28-5-1997 do bà Hoa xuất trình lại không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bà Oanh lại không công nhận 2 di chúc này. Tòa án cấp sơ thẩm đã giám định và không đủ cơ sở để kết luận có đúng cụ Thành ký vào 2 di chúc này hay không. Vì vậy, hai di chúc này không đủ độ tin cậy. - Hiệu lực pháp luật của di chúc: Tại di chúc ngày 28-1-1997, cụ Thành đã định đoạt toàn bộ tài sản chung của cụ Thành và cụ Chơn (định đoạt cả tài sản của người khác), nên di chúc này chỉ có hiệu lực đối với phần di sản của cụ Thành. Tòa án hai cấp đã công nhận di chúc này có hiệu lực toàn bộ là sai. - Về việc có cần thiết phải có y chứng của bác sĩ hay không: Theo quy định của pháp luật thì chưa có quy định bắt buộc người ở độ tuổi bao nhiêu, trạng thái tinh thần như thế nào, sức khỏe ra sao phải đi khám sức khỏe trước khi lập di chúc. Hơn nữa, nếu phải đi khám sức khỏe thì phải khám tại những cơ sở nào mới được coi là hợp pháp thì pháp luật chưa có quy định. Vì vậy, cụ Thành mặc dù đã 96 tuổi, nhưng việc không có y chứng của bác sĩ trước khi cụ Thành lập di chúc vẫn không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của di chúc. 3.3. HƯỚNG HOÀN THIỆN NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CÁC ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA DI CHÚC 3.3.1. Sự đồng ý của cha, mẹ đối với con từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi cần có trước khi người con lập di chúc, sự đồng ý đó phải bằng văn bản và khi cha mẹ đã đồng ý rồi thì không có quyền thay đổi Do hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ của con từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc về thời điểm đồng ý, hình thức đồng ý và khi đã đồng ý rồi có được thay đổi hay không nên còn có những ý kiến khác nhau trong khoa học pháp lý. Về nguyên tắc thì do chưa có văn bản nào khác ngoài quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 nên cha mẹ có thể đồng ý ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình lập di chúc: Trước, trong, sau khi lập di chúc. Hình thức đồng ý có thể là văn bản riêng, có thể là xác nhận của cha, mẹ, người giám hộ thể hiện sự đồng ý vào di chúc. Tuy nhiên, để đảm bảo quy định này đi vào thực tiễn, đảm bảo quyền tự định đoạt của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc, chúng tôi thấy rằng: Cha mẹ là người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất của người con chưa thành niên (từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi), nên nếu để cha, mẹ có ý kiến sau khi di chúc đã được lập thì sẽ không đảm bảo được tính khách quan trong việc "đồng ý" hay "không đồng ý" của cha, mẹ. Nếu như di chúc có lợi cho người cha hoặc những người khác thì việc để người mẹ đồng ý là việc khó vì người mẹ chỉ cần không đồng ý thì di chúc đương nhiên không có hiệu lực pháp luật. Ngược lại, nếu như di chúc có lợi cho người mẹ và những người khác thì việc để người cha đồng ý là việc khó có thể xảy ra. Tương tự như vậy, đối với người giám hộ thì cũng chỉ khi nội dung di chúc có lợi cho họ thì họ mới đồng ý nếu cho họ có quyền thể hiện sự đồng ý sau khi có di chúc. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn việc đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ phải trước khi người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc. Như đã phân tích trên, thì ý chí của cha, mẹ, người giám hộ có thể thay đổi phụ thuộc vào việc họ được hay không được hưởng thừa kế theo di chúc, nếu được hưởng thì được hưởng nhiều hay ít… Vì vậy, việc đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ phải có trước di chúc. Tuy nhiên, về hình thức thể hiện sự đồng ý có cần thiết bằng văn bản riêng hay chỉ cần cha mẹ ký vào di chúc. Nếu như để cho cha mẹ ký vào di chúc thì đương nhiên khi đó di chúc đã được lập và cha, mẹ đã biết rõ về nội dung di chúc, nên việc để cha mẹ đồng ý là việc khó khăn nếu di chúc không đảm bảo quyền lợi cho cha mẹ. Vì vậy, để đảm bảo quyền định đoạt của người dưới mười lăm tuổi nhưng chưa đến mười tám tuổi lập di chúc, cần quy định sự đồng ý của cha mẹ phải bằng văn bản riêng, có trước khi người con lập di chúc. Khi đã thể hiện sự đồng ý bằng văn bản riêng, thì người đồng ý đó (cha, mẹ hoặc người giám hộ) sẽ có trách nhiệm hơn với ý kiến của mình, tránh tình trạng "khẩu thiệt vô bằng". Một vấn đề nữa cần đặt ra là: Khi đã đồng ý việc lập di chúc và người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã viết di chúc, thì người đã đồng ý (cha, mẹ, người giám hộ) có quyền thay đổi bằng hành vi không đồng ý hay không. Cũng tương tự như phân tích về việc để hạn chế sự can thiệp của người cha, mẹ hoặc người giám hộ vào nội dung của di chúc thì chúng tôi đề nghị cần có quy định: Khi cha, mẹ, người giám hộ đã đồng ý cho người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc và người chưa đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã lập di chúc rồi thì cha, mẹ, người giám hộ không còn quyền thay đổi nữa. Trường hợp cha mẹ, người giám hộ thể hiện sự đồng ý trong hoặc sau khi người từ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc thì đương nhiên được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ xảy ra khi quyền lợi của cha mẹ, người giám hộ được đảm bảo theo di chúc. 3.3.2. Về di chúc miệng Di chúc miệng chỉ phát sinh khi một người không thể lập di chúc bằng văn bản, đó là trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác thì có thể lập di chúc miệng. Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng bị hủy bỏ. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Chúng tôi cho rằng, những quy định trên về di chúc miệng là quá sơ sài, đơn giản. Giả dụ như việc ghi ngày, tháng, năm lập di chúc là một quy định bắt buộc đối với di chúc bằng văn bản được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 656 Bộ luật dân sự thì đối với di chúc miệng cũng không thấy nêu gì về vấn đề này. Chúng tôi cho rằng, khi những người làm chứng ghi lại nội dung của di chúc miệng cũng cần tuân theo các quy định của di chúc bằng văn bản (Điều 653 Bộ luật dân sự năm 2005). Hơn nữa, những người nào được mang di chúc miệng đi chứng nhận, chứng thực hay chỉ những người làm chứng cũng là vấn đề cần quy định. 3.3.3. Về tên gọi của di chúc Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 không quy định di chúc phải có tên gọi như thế nào. Trong thực tiễn đã xuất hiện nhiều di chúc định đoạt tài sản với tên gọi khác nhau: Giấy ủy quyền, lời dặn, tờ tương phân, di chúc… Tuy với nhiều loại tên gọi khác nhau nhưng nội dung của những giấy tờ này đều thể hiện việc chuyển dịch tài sản cho người khác sau khi chết. Nhiều loại giấy tờ đã được cơ quan công chứng, chứng thực. Vậy có nhất thiết phải ghi tiêu đề là "Di chúc" mới được coi là di chúc hay không. Thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân cho thấy: Dù tên tiêu đề là gì, nhưng nội dung chuyển dịch tài sản cho người khác sau khi chết đều được coi là di chúc. Theo Bộ luật dân sự của Cộng hòa Pháp thì bất cứ tên gọi nào thể hiện ý chí của một người nhằm chuyển dịch tài sản cho người khác thì đều gọi là thừa kế hoặc di tặng (Điều 967 Bộ luật dân sự Pháp). Vì vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn về tên gọi tiêu đề của di chúc theo hướng dù có tiêu đề là gì nhưng nội dung nhằm chuyển dịch tài sản cho người khác sau khi chết, phù hợp với Phần thứ tư Bộ luật dân sự năm 2005 thì đều là di chúc, tránh những cách hiểu khác nhau. 3.3.4. Về người viết hộ di chúc Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 không quy định về người viết hộ di chúc phải có những điều kiện gì, những đối tượng nào không được viết hộ di chúc… Vì vậy, việc áp dụng pháp luật có những ý kiến khác nhau như hai ví dụ nêu trên. Chúng tôi cho rằng, người viết hộ di chúc có ý nghĩa quan trọng đến việc thể hiện đúng hay không đúng nội dung của di chúc. Vì vậy, việc quy định những điều kiện đối với người viết hộ di chúc, diện những người được viết hộ di chúc là cần thiết. Tuy nhiên, do Bộ luật dân sự năm 2005 đã được thông qua, nên chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn thực hiện Điều 656 Bộ luật dân sự năm 2005 về người viết hộ di chúc theo hướng: Những người viết hộ di chúc phải đảm bảo các điều kiện như người làm chứng cho di chúc được quy định tại Điều 654 Bộ luật dân sự năm 2005. 3.3.5. Về việc hủy bỏ di chúc Theo quy định tại khoản 3 Điều 662 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: "Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ". Như vậy, pháp luật quy định có một hình thức hủy bỏ di chúc. Từ phân tích ở phần trên, chúng tôi cho rằng, việc quy định trên là chưa dự đoán hết các tình huống xảy ra trên thực tế, ví dụ: Trường hợp người lập di chúc thực hiện hành vi xé, đốt, tiêu hủy di chúc (có lập văn bản xác nhận sự kiện này xảy ra) có được coi là họ đã hủy bỏ di chúc hay không? Hoặc sau khi lập di chúc, người lập di chúc lập văn bản tuyên bố hủy bỏ di chúc, có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có được coi là người lập di chúc đã hủy bỏ di chúc hay không?... Những trường hợp này đều cần phải được coi là người lập di chúc đã hủy bỏ di chúc. Vì vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn cho phù hợp. KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 Những tranh chấp về thừa kế di sản nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng luôn luôn là vấn đề phức tạp do chính nội dung của vụ việc và còn do những quy định của pháp luật về vấn đề này chưa thật triệt để và cũng chưa thật sự phù hợp với đời sống xã hội. Thực trạng giải quyết tranh chấp về hiệu lực của di chúc còn là vấn đề phức tạp, hơn nữa vì nó liên quan đến những điều kiện của di chúc do pháp luật quy định, nhưng không phải bao giờ và khi nào người lập di chúc cũng nhận thức được rõ và cụ thể những quy định của pháp luật về vấn đề này. Hơn nữa, do thời điểm phát sinh hiệu lực của di chúc, mà việc giải quyết những tranh chấp về hiệu lực của di chúc càng trở nên phức tạp hơn. Những tranh chấp phổ biến giữa những người thừa kế được Tòa án nhân dân giải quyết có không ít những tranh chấp liên quan đến hiệu lực của di chúc và phổ biến là về việc hiểu nội dung của di chúc đều là những tranh chấp phức tạp, do những chứng cứ để chứng minh không phải bao giờ cũng xác định được cụ thể và rõ ràng. Những quy định của pháp luật về điều kiện có hiệu lực của di chúc ở mức độ khái quát cao, lại không có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện đã dẫn đến những nhận thức khác nhau giữa những người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong các cơ quan xét xử. Những kiến nghị, đề xuất của tác giả luận văn với mong muốn góp một phần nhỏ bé vào quá trình nhận thức trong việc hoàn thiện pháp luật về thừa kế nói chung và những quy định về điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng. KẾT LUẬN Chế định về quyền thừa kế là một chế định lớn trong Bộ luật dân sự. Chế định này nhằm để điều chỉnh những nguyên tắc chung về quyền thừa kế, về hình thức thừa kế theo di chúc và theo pháp luật, về thời hiệu khởi kiện. Những điều kiện có hiệu lực của di chúc được quy định trong Bộ luật dân sự, như những tư tưởng chỉ đạo và là cơ sở pháp lý có hiệu lực điều chỉnh cao trong việc xác định giá trị pháp lý và hiệu lực pháp luật của di chúc. Những quy định về các điều kiện có hiệu lực của di chúc được quy định trong các văn bản pháp luật trước đây đã dần dần được thay đổi, xây dựng, củng cố, bổ sung theo hướng ngày một hoàn thiện và phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội. Với đề tài: "Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự", tác giả luận văn đã nghiên cứu để làm sáng tỏ về hiệu lực của di chúc theo những quy định trong Bộ luật dân sự. Đề tài luận văn đã được tác giả nghiên cứu và phân tích, có sự so sánh với những quy định tương ứng trong những quy định pháp luật của Cộng hòa Pháp, Nhật Bản, đồng thời cũng có sự so sánh với những quy định tương ứng trong các Bộ luật dân sự của chế độ thực dân - phong kiến ở Việt Nam để nhằm làm nổi bật tính độc lập và hiện đại của pháp luật Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quy định về các điều kiện có hiệu lực của di chúc. Mặt khác, qua nghiên cứu đề tài, tác giả luận văn đã chỉ rõ những quy định của pháp luật nhằm hạn chế quyền tự định đoạt của người lập di chúc trong trường hợp cụ thể, để làm nổi bật tính nhân văn sâu sắc và bản chất nhân đạo của pháp luật thừa kế Việt Nam dưới chế độ mới quy định về những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Thừa kế theo di chúc, những hình thức đa dạng của di chúc, đã được tác giả phân tích, làm rõ để minh chứng cho những quy định cụ thể của pháp luật thừa kế Việt Nam về vấn đề này. Các điều kiện có hiệu lực của di chúc đã được tác giả phân tích, nhận định theo hệ thống những quy định của pháp luật, để qua đó chỉ ra những quy định còn bất cập, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của đời sống xã hội trong thừa kế theo di chúc nói chung và điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng. Đề tài luận văn được nghiên cứu trên cơ sở lý luận và có những viện dẫn thực tế để xác định mức độ phù hợp của pháp luật và hiệu quả điều chỉnh của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc. Những hạn chế của những quy định pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc, thực trạng giải quyết những tranh chấp về thừa kế theo di chúc, về điều kiện có hiệu lực của di chúc đã được tác giả luận văn trình bày có hệ thống, để qua đó nhấn mạnh việc xác định hiệu lực của di chúc là một việc quan trọng và cần thiết. Trên cơ sở những căn cứ, điều kiện xác định tính hiệu lực của di chúc, cũng đồng thời là biện pháp ngăn chặn những hành vi trái pháp luật do lạm dụng quyền dân sự để định đoạt tài sản và hưởng di sản trái đạo đức xã hội. Những kiến nghị trong luận văn đều được dựa trên pháp luật thực định, để qua đó cơ quan lập pháp có cơ sở khoa học trong việc sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật, để những quy định đó ngày càng phù hợp hơn với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Ph. Ăngghen (1961), Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước, Nxb Sự thật, Hà Nội. Bản thuyết minh về Dự thảo Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trần Hữu Biền và Tiến sĩ Đinh Văn Thanh (1995), Hỏi đáp về Pháp luật thừa kế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Bộ dân luật Sài Gòn năm 1972. Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa Pháp (1998), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Bộ luật dân sự năm 1995. Bộ luật dân sự năm 2005. Bộ luật dân sự Nhật Bản (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Bộ luật Gia Long. Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (2000). Bộ luật Hồng Đức. Chính phủ (1998), Nghị định về đăng ký hộ tịch số 83/1998/NĐ-CP, ngày 10-10-1998. Chính phủ (2000), Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Dân luật Bắc kỳ 1932. Dân luật Trung kỳ 1936 (Hoàng Việt Trung kỳ Hộ luật). Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Các Nghị quyết của Trung ương Đảng 1996-1999, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Ngọc Điện (1999), Một số suy nghĩ về thừa kế trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. Nguyễn Ngọc Điện (2001), Bình luận khoa học về thừa kế trong Bộ luật Dân sự, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam (1999), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Giáo trình Luật La Mã (2001), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 1959. Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1992. Trần Đức Linh (1974), Danh từ pháp luật lược giải, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1974. Luật Đất đai năm 1987. Luật Đất đai năm 1993. Luật Đất đai năm 2003. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế. Pháp lệnh thừa kế năm 1990. Quốc hội (2000), Nghị quyết số 35/2000/QH10, ngày 9-6-2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Lê Kim Quế (1994), 90 câu hỏi - đáp pháp luật về thừa kế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Sắc lệnh số 97/SL ngày 22-5-1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Tòa án nhân dân tối cao (1959), Chỉ thị số 772-CT/TATC về việc đình chỉ áp dụng luật lệ của đế quốc và phong kiến. Tòa án nhân dân tối cao (1968), Thông tư số 594-NCPL ngày 27-8 hướng dẫn giải quyết tranh chấp về quyền thừa kế. Tòa án nhân dân tối cao (1974), Thông tư số 15-TATC, ngày 27-9-1974 hướng dẫn xử lý một vài loại tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình. Tòa án nhân dân tối cao (1978), Thông tư số 60-TATC ngày 22-2 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Tòa án nhân dân tối cao (1981), Thông tư số 81-TANDTC ngày 24-7 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế. Tòa án nhân dân tối cao (2001), Báo cáo thống kê của ngành Tòa án nhân dân năm 2000, Hà Nội. Tòa án nhân dân tối cao (2002), Báo cáo thống kê của ngành Tòa án nhân dân năm 2001, Hà Nội. Tòa án nhân dân tối cao (2003), Báo cáo thống kê của ngành Tòa án nhân dân năm 2002, Hà Nội. Tòa án nhân dân tối cao (2004), Báo cáo thống kê của ngành Tòa án nhân dân năm 2003, Hà Nội. Tòa án nhân dân tối cao (2005), Báo cáo thống kê của ngành Tòa án nhân dân năm 2004, Hà Nội. Trường Đại học Luật Hà Nội (2004), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. mở đầu 1 1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài 1 2. Tình hình nghiên cứu đề tài 1 3. Phạm vi nghiên cứu đề tài 3 4. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài 4 5. Phương pháp nghiên cứu 4 6. Kết quả đạt được và những điểm mới của luận văn 4 7. Kết cấu của luận văn 5 Chương 1 6 Khái quát chung về di chúc 6 1.1. Vài nét về thừa kế và quyền thừa kế 6 1.2. Di chúc và đặc điểm của di chúc 7 1.2.1. Di chúc 7 1.2.2. Đặc điểm của di chúc 9 1.3 Tiến trình phát triển của những quy định pháp luật về thừa kế nói chung và các điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng ở Việt Nam 12 1.3.1. Giai đoạn trước năm 1945 12 1.3.2. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1990 16 1.3.3. Giai đoạn từ năm 1990 đến 1 tháng 7 năm 1996 22 1.3.4. Giai đoạn từ 1-7-1996 đến nay 26 Kết luận chương 1 27 Chương 2 29 Các điều kiện có hiệu lực của di chúc 29 2.1. Người lập di chúc 29 2.1.1. Yêu cầu về độ tuổi của người lập di chúc 29 2.1.2. Yêu cầu về nhận thức 32 2.2. ý chí của người lập di chúc 35 2.2.1. Người lập di chúc hoàn toàn tự nguyện 35 2.2.2. Người lập di chúc không bị đe dọa 36 2.2.3. Người lập di chúc không bị lừa dối 39 2.2.4. Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định di sản cho từng người thừa kế 40 2.2.5. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản 42 2.2.6. Quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế di chúc 42 2.2.7. Quyền chỉ định người giữ di chúc 47 2.2.8. Chỉ định người quản lý di sản 48 2.2.9. Chỉ định người phân chia di sản 49 2.2.10. Dành một phần di sản để di tặng 50 2.2.11. Dành một phần tài sản dùng vào việc thờ cúng 52 2.3. Về nội dung của di chúc 53 2.3.1. Ngày, tháng, năm lập di chúc 53 2.3.2. Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc 54 2.3.3. Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản 56 2.3.4. Di sản để lại và nơi có di sản 56 2.3.5. Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ 61 2.4. Về hình thức của di chúc 62 2.4.1 Di chúc bằng văn bản 62 2.4.1.1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng 66 2.4.1.2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng 68 2.4.1.3. Di chúc bằng văn bản có chứng thực của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc chứng nhận của công chứng nhà nước 70 2.4.1.4. Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực 73 2.4.2. Di chúc miệng 78 kết luận chương 2 82 Chương 3 84 Thực trạng giải quyết những tranh chấp về tính hợp pháp của di chúc và hướng hoàn thiện những quy định pháp luật về tính hợp pháp của di chúc 84 3.1. Thực trạng giải quyết những tranh chấp về tính hợp pháp của di chúc tại Tòa án nhân dân 84 3.2. Một số loại tranh chấp về thừa kế theo di chúc cụ thể 88 3.2.1. Tranh chấp về việc hiểu nội dung của di chúc: Cho hay cho sử dụng tài sản 88 3.2.2. Tranh chấp khi một người để lại nhiều di chúc khác nhau 92 3.2.3. Di chúc của người không biết chữ 95 3.2.4. Người làm chứng cho di chúc 98 3.2.5. Di chúc giả 100 3.2.6. "Định cho" có được coi là định đoạt tài sản hay không? 101 3.2.7. Hiệu lực của di chúc 102 3.3. Hướng hoàn thiện những quy định pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc 105 3.3.1. Sự đồng ý của cha, mẹ đối với con từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi cần có trước khi người con lập di chúc, sự đồng ý đó phải bằng văn bản và khi cha mẹ đã đồng ý rồi thì không có quyền thay đổi 105 3.3.2. Về di chúc miệng 106 3.3.3. Về tên gọi của di chúc 107 3.3.4. Về người viết hộ di chúc 108 3.3.5. Về việc hủy bỏ di chúc 108 KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 109 KẾT LUẬN 110 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 112 ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLA2486.doc
Tài liệu liên quan