Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Lâm Đồng hiện nay

MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Phật giáo có mặt ở Việt Nam gần 2000 năm, trải qua nhiều thời kỳ biến động lúc thịnh, suy khác nhau, nhưng đã tự khẳng định như một thành tố không thể tách rời của nền văn hóa dân tộc và trở thành một trong những tôn giáo có sức sống lâu dài tồn tại mãi cho tới ngày nay, đồng thời ảnh hưởng khá sâu rộng trong đời sống của nhân dân ta. Lâm Đồng là một vùng cao nguyên trù phú, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều cảnh quan xinh đẹp nổi tiếng trong và ngoài nước, v

doc125 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 3499 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Lâm Đồng hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ì thế từ lâu đã trở thành nơi thu hút nhiều cư dân ở mọi miền đất nước đến đây sinh sống, lập nghiệp. Khi đến Lâm Đồng, họ mang theo nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống riêng của địa phương mình, góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Lâm Đồng ngày càng phong phú, đa dạng... trong đó có ảnh hưởng không nhỏ của Phật giáo. Những năm gần đây cùng với sự phát triển của xã hội, Phật giáo Lâm Đồng đang có những thay đổi để "thích nghi" với thời đại, xu hướng thế tục hóa ngày càng rõ nét. Đạo đức và một số sinh hoạt Phật giáo mang tính nhân văn đích thực, có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng cuộc sống văn hóa mới, đã có tác dụng tích cực đối với đời sống xã hội. Mặt khác, cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo ra đời là nhằm thực hiện chức năng đền bù hư ảo nhu cầu hạnh phúc của nhân dân trong khi cuộc sống hiện thực ở trần thế còn nhiều khó khăn, may rủi, cùng với tiêu cực xã hội ngày càng nhiều. Mâu thuẫn ấy, cùng với những quan niệm duy tâm tôn giáo đã làm cơ sở nảy sinh những mặt tiêu cực, chi phối tư duy và những hoạt động của con người, gây cản trở đối với sự phát triển xã hội. Hơn nữa, tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng là vấn đề rất nhạy cảm, luôn bị các thế lực thù địch phản động lợi dụng, chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, trong đó nổi bật nhất vẫn là lĩnh vực tư tưởng văn hóa, một trong những mục tiêu trọng điểm của chúng. Để góp phần làm rõ ảnh hưởng của Phật giáo đối với con người Việt Nam trong quá trình phát triển, việc nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Lâm Đồng hiện nay là điều rất cần thiết có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, nó giúp các nhà hoạch định chính sách có cơ sở đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn đối với công tác tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, nhằm phát huy những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp, khắc phục những mặt hạn chế của Phật giáo, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú, lành mạnh ở Lâm Đồng và trong phạm vi cả nước. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với con người Việt Nam nói chung và trên từng khía cạnh của đời sống văn hóa tinh thần nói riêng đã có nhiều công trình nghiên cứu của nhiều tác giả như: Nguyễn Tài Thư (chủ biên) "Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay"; Nguyễn Lang "Việt Nam Phật giáo sử luận"; Đăng Nghiêm Vạn "Đặc điểm tình hình tôn giáo Việt Nam"; Nguyễn Đăng Duy "Phật giáo và văn hóa Việt Nam" ; Lê Hữu Tuấn "Ảnh hưởng của những tư tưởng triết học Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần ở Việt Nam"; Lê Mạnh Thát "Toàn Nhật thiền sư toàn tập"; Trần Văn Giáp "Phật giáo ở Việt Nam từ đầu đến thế kỷ XIII"; Nguyễn Duy Hinh "Tư tưởng Phật giáo Việt Nam". Ở từng khu vực như Bắc Bộ, có tác giả Nguyễn Thị Bảy "Văn hóa Phật giáo và lối sống của người Việt ở Hà Nội và châu thổ Bắc Bộ". Ở Nam Bộ có tác giả Nguyễn Hiền Đức "Lịch sử Phật giáo Đàng trong"; Trần Hồng Liên "Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam". Ở miền Trung có tác giả Phạm Thị Xê "Ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo trong lối sống của người Huế"; Trần Cao Phong "Phật giáo Huế và ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đối với sự hình thành nhân cách con người Huế hiện nay". Ở Lâm Đồng có "Một số vấn đề cơ bản về tôn giáo tỉnh Lâm Đồng và công tác tôn giáo trong tình hình mới từ năm 1995 - 2000", "Lịch sử hình thành và phát triển các tôn giáo ở Lâm Đồng", đề tài khoa học cấp tỉnh của Ban tôn giáo tỉnh Lâm Đồng; "Sự hình thành và phát triển Phật giáo ở Lâm Đồng" của Hoàng Thị Lan, luận văn tốt nghiệp cử nhân. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều khẳng định, qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển ở Việt Nam. Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa tinh thần đối với con người Việt Nam. Các công trình nghiên cứu đó đã đề cập đến Phật giáo trên nhiều góc độ lịch sử, tư tưởng, văn hóa khác nhau, mang tính tổng quát trên phạm vi cả nước, hay từng khu vực. Riêng vấn đề "Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Lâm Đồng hiện nay" cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập đến một cách cụ thể, có hệ thống. Vì vậy, nghiên cứu Phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Lâm Đồng còn là vấn đề mới mẻ và không ít khó khăn, vì vậy đòi hỏi sự nỗ lực nhiều mặt của người viết. 3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của luận văn 3.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích chủ yếu của luận văn là nhận diện Phật giáo Lâm Đồng và trên cơ sở đó phân tích ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Lâm Đồng, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của Phật giáo, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Lâm Đồng ngày càng phong phú, lành mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Khái quát quá trình du nhập và phát triển Phật giáo ở Lâm Đồng. Phân tích ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Lâm Đồng. - Đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của Phật giáo ở Lâm Đồng hiện nay. 3.3. Phạm vi nghiên cứu Đời sống văn hóa tinh thần là một lĩnh vực rộng lớn, luận văn chỉ giới hạn nghiên cứu trong một số lĩnh vực của đời sống văn hóa tinh thần, cụ thể là đạo đức, lối sống và văn hóa nghệ thuật của Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Lâm Đồng. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở lý luận Đề tài được tiến hành dựa trên cơ sở vận dụng các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo, đồng thời, kế thừa một cách có chọn lọc những lý luận thích hợp của các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả có liên quan đến nội dung của luận văn. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở phương pháp luận chung là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, luận văn chú trọng phương pháp lôgic - lịch sử, phương pháp phân tích - tổng hợp. Ngoài ra luận văn còn sử dụng phương pháp khảo sát và tổng kết thực tiễn một số kết quả của các tài liệu điều tra xã hội học để nghiên cứu và trình bày. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận văn Luận văn khái quát được quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo vào Lâm Đồng, nêu được ảnh hưởng của Phật giáo trên một số lĩnh vực đời sống văn hóa tinh thần nhân dân ở Lâm Đồng. Đưa ra được một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt hạn chế của Phật giáo trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Lâm Đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn - Luận văn góp phần xây dựng những luận cứ khoa học nhằm củng cố và hoàn thiện quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình hình hiện nay. - Luận văn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các đề tài nghiên cứu có nội dung liên quan đến Phật giáo, cũng như có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo để giảng dạy về tôn giáo ở các Trường Đại học, Cao đẳng và Trường Chính trị tỉnh. - Ngoài ra luận văn còn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, bồi dưỡng, tập huấn đối với cán bộ làm công tác tôn giáo, công tác vận động quần chúng nói chung và ở Lâm Đồng nói riêng. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn được kết cấu thành 2 chương, 4 tiết. Chương 1 QUÁ TRÌNH DU NHẬP, PHÁT TRIỂN VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN NHÂN DÂN LÂM ĐỒNG 1.1. QUÁ TRÌNH DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO Ở LÂM ĐỒNG Muốn tìm hiểu quá trình hình thành phát triển, cũng như ảnh hưởng của một tôn giáo đối với đời sống xã hội ở một quốc gia, dân tộc hay một địa phương cụ thể, không thể không nghiên cứu những đặc điểm của mảnh đất hiện thực đã nảy sinh ra nó. Đó là điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội. 1.1.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng tôn giáo của sự du nhập Phật giáo vào Lâm Đồng Điều kiện tự nhiên Lâm Đồng là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Ngoài những đặc điểm chung của cao nguyên miền tây nam Trung Bộ, Lâm Đồng còn có những đặc điểm riêng do các điều kiện địa lý và quá trình lịch sử chi phối. Tỉnh Lâm Đồng có diện tích là 10.172 km², chiếm 3,12% diện tích cả nước, gần bằng 1/5 diện tích toàn vùng Tây Nguyên. Nhìn chung trong số các đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay từ đồng bằng Thanh - Nghệ trở vào đồng bằng Sông Cửu Long, Lâm Đồng là tỉnh duy nhất có lãnh thổ nằm trọn trong nội địa của đất nước, không có đường biên giới quốc gia, không có bờ biển [53, tr. 12]. Lâm Đồng gồm có 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện với 135 xã, phường. Thành phố Đà Lạt là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, có thế mạnh phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Quá trình hình thành địa giới hành chính của tỉnh như hiện nay, Lâm Đồng đã trải qua một quá trình lịch sử đầy biến động, nhiều lần thay đổi, đã tách, nhập ở một số thời kỳ khác nhau (năm 1899 toàn quyền P. Doumer cho thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, năm 1950 Ủy ban Kháng chiến liên khu ủy sát nhập 2 tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, năm 1958 Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Lâm Đồng gồm thị xã Đà Lạt và 3 quận Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh Thuận Lâm được thành lập trên cơ sở sát nhập 5 tỉnh cũ gồm: Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy, thành phố Đà Lạt trực thuộc Trung ương. Đầu năm 1976 tỉnh Lâm Đồng (hiện nay) được thành lập trên cơ sở sát nhập Lâm Đồng cũ với Tuyên Đức và Đà Lạt) [53, tr. 17-18]. Phần lớn diện tích Lâm Đồng là rừng núi và cao nguyên, với địa hình mấp mô lượn sóng, thấp dần theo hướng đông bắc - tây nam, tạo nên những bậc thềm dài, rộng ở các độ cao khác nhau từ 2.000 xuống 300m so với mặt nước biển. Cao nguyên Lâm Đồng là nơi đầu nguồn của hệ thống sông, suối đổ về miền Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung. Với độ dốc cao, các dòng chảy trên sơn nguyên đã tạo nên nhiều thác nước, mang đến cho xứ sở này những cảnh đẹp kỳ thú như Pren, Cam Ly, Đatanla, Pongour v.v... những dòng thác này mở ra điều kiện thuận lợi để phát triển thủy điện. Hai nhà máy thủy điện Đanhim (160.000 KW/năm) và Suối Vàng (3.000 KW/năm) đã phục vụ nguồn sáng đến cho thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt và nhiều vùng dân cư khác. Ở đây cũng đã để lại nhiều đầm, hồ, có thể vừa nuôi thả, khai thác thủy sản nước ngọt, vừa kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng như: Hồ Xuân Hương, Hồ Than Thở, Thung lũng Tình yêu [53, tr. 19]. Ở Lâm Đồng có một kiểu khí hậu đặc biệt: khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng cao nguyên, một năm chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Nhìn chung khí hậu Đà Lạt ôn hòa, quanh năm mát mẻ, cùng với nhiều cảnh quan xinh đẹp, nên từ lâu nơi này đã thu hút nhiều du khách đến đây tham quan và nghỉ dưỡng. Đất đai của Lâm Đồng bao gồm nhiều loại: đất đỏ Bazan (200.000ha), đất phù sa màu mỡ để phát triển cây trồng (50.000ha), đất Feralit (710.000ha) để phát triển rừng và trồng cây công nghiệp. Nhờ có đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, Lâm Đồng thích hợp trồng cây công nghiệp (trà, cà phê, dâu tằm), rau quả ôn đới (bắp cải, súp lơ, cà rốt, khoai tây) và các loại cây trái nổi tiếng (hồng, bơ, đào, mận, actichaut) [53, tr, 20]. Ngoài ra, Lâm Đồng còn có những tiềm năng khá lớn về năng lượng và khoáng sản, đặc biệt là tiềm năng thủy điện và trữ lượng Bôxít, Cao lanh... Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội Nếu thiên nhiên Lâm Đồng có một bề dày lịch sử phát triển đã lâu thì lịch sử kinh tế, văn hóa, xã hội nơi đây trái lại rất trẻ, nhưng không kém đặc sắc, có thể chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 1975 trở về trước Năm 1899 người Pháp phát hiện ra vùng đất này, với ý đồ xây dựng một trạm nghỉ dưỡng. Từ đó Lâm Đồng chuyển sang một bộ mặt mới. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng như: đường bộ, đường sắt nối liền các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận v.v... cải tạo, nâng cấp quốc lộ 20; xây dựng nhà ga, sân bay Liên Khương, Cam Ly; xây dựng Thủy điện Đa Nhim, xây dựng một số trường học, trường dạy nghề, lập viện Đại học Đà Lạt, xây dựng lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu khoa học. Có thể coi đây là giai đoạn khai thác và phát triển các ưu thế khí hậu, đất đai, hình thành nền sản xuất hàng hóa đi đôi với phát triển xã hội. Tuy nhiên, trải qua thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ở địa bàn này nổi lên hai vùng kinh tế - xã hội rõ rệt, đó là vùng đang phát triển và vùng lạc hậu. Vùng đang phát triển: bao gồm thành phố Đà Lạt, Thị xã Bảo Lộc và các thị trấn huyện, lỵ như: Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương... khu vực ngoại thị và ven các lộ giao thông chính. Đó là nơi quy tụ của đồng bào Kinh từ nhiều địa phương đến đây làm ăn sinh sống. Đây là vùng mà kinh tế hàng hóa đã có điều kiện để phát triển, giao lưu với các tỉnh lân cận và là đòn bẩy thúc đẩy trồng trọt nông phẩm, chăn nuôi, công nghiệp chế biến và phát triển một số ngành tiểu thủ công nghiệp. Vùng lạc hậu: bao gồm những khu vực miền núi cao hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, ở đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nơi đây vẫn tồn tại phương thức sinh hoạt kinh tế cổ truyền mang tính chất tự cung, tự cấp, dựa vào thiên nhiên là chủ yếu. Phương thức canh tác hầu như dựa vào nông cụ thô sơ, đa chức năng để đốt, phát rừng, chọc tỉa đất làm nương rẫy. Cuộc sống du canh, du cư, nay đây, mai đó, trình độ dân trí thấp, nạn đói xảy ra thường xuyên trong những tháng giáp hạt hàng năm, cộng với giao thông đi lại khó khăn, nên sự giao lưu với những vùng đang phát triển gặp nhiều trở ngại [53, tr, 40-45]. Từ năm 1975 đến nay Sau chiến tranh, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn, vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh và giải quyết vấn đề Fulro; vừa tiếp quản và cải tạo lại nền kinh tế; vừa từng bước xây dựng một nền kinh tế mới. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với ý chí tự lực, tự cường, nhân dân Lâm Đồng đã từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương giàu đẹp. Bước sang thời kỳ đổi mới, Lâm Đồng có nhiều bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế. Thời kỳ 1990 - 1995, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gần 13%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, các tiềm năng thế mạnh được khai thác. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở Lâm Đồng phát triển, xuất nhập khẩu được khuyến khích, hợp tác đầu tư với nước ngoài được mở rộng, đầu tư tăng nhanh, giải quyết việc làm được chú ý; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết [53, tr. 47-48]. Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện trên cơ sở phát huy thế mạnh cây công nghiệp dài ngày; rau, hoa, quả đặc sản phát triển theo hướng đầu tư thâm canh; đất đai được sử dụng có hiệu quả, hình thành nhiều vùng chuyên canh phát triển trên cơ sở bảo vệ tài nguyên và phát triển vốn rừng. Các ngành tiểu, thủ công nghiệp tăng với tốc độ cao, sản phẩm đa dạng, phong phú như hàng thêu lụa, đan len, đồ gỗ. Công nghiệp chế biến đang khẳng định được chỗ đứng của mình và tìm được thị trường tiêu thụ khá ổn định như trà, cà phê, dâu tằm, hạt điều. Dịch vụ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, số lượng du khách trong, ngoài nước đến Lâm Đồng ngày càng tăng, các khu du lịch được chỉnh trang, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Sau hơn 20 năm giải phóng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lâm Đồng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng nền kinh tế với cơ cấu công - nông - lâm - du lịch, kinh tế hàng hóa được được phát triển, bộ mặt Lâm Đồng ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang đẹp đẽ. Các thành phần dân cư và dân tộc hiện có ở Lâm Đồng Hiện nay ở Lâm Đồng song song tồn tại 2 thành phần dân cư. Bao gồm khối dân cư người Kinh, chủ yếu sinh sống tập trung ở địa bàn đang phát triển và khối dân cư dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống trên địa bàn chậm phát triển. Theo số liệu điều tra dân số năm 1999, dân số tỉnh Lâm Đồng là 998.774 người, trong đó có trên 30 dân tộc thiểu số, chiếm 20% dân số toàn tỉnh, bao gồm các dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên như K’ho, Mạ, Chu ru,... Ngoài ra còn có một số dân tộc thiểu số khác ở miền núi phía Bắc đến đây cùng chung sống như Hoa, Tày, Thái, Nùng... [46, tr. 30]. Nhìn chung, các dân tộc - cư dân Lâm Đồng có trình độ phát triển kinh tế,xã hội không đồng đều; ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và sắc thái văn hóa cũng khác nhau, từ đó tạo nên bức tranh tổng thể về đời sống văn hóa tinh thần hết sức phong phú, đa dạng. Phần lớn cư dân Lâm Đồng đều có xuất xứ từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung. Họ đến Lâm Đồng mang theo truyền thống, bản sắc văn hóa của những địa phương đã có độ dày bền vững và những nét cá biệt độc đáo, riêng biệt. Người miền Bắc đến sinh sống ở Lâm Đồng phần lớn là người Hà Nội và các tỉnh xung quanh. Họ đã có một truyền thống văn hiến lâu đời với nhiều nghi lễ, tập tục, phong cách, lối sống riêng biệt. Ngôn ngữ và lối sống của nhóm cư dân này cũng mang vẻ chính thống ở một chừng mực nhất định, nên có ảnh hưởng khá lớn trong đời sống cư dân Lâm Đồng. Với nhiều ưu thế, họ đã có đóng góp tích cực vào việc hình thành đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lâm Đồng. Trong người dân Lâm Đồng hiện nay có thể dễ dàng nhận ra cái tế nhị, nhẹ nhàng, âm sắc giọng nói, thái độ ân cần niềm nở, nhất là sự nhã nhặn, lịch thiệp, trọng lễ nghi... của người Hà Nội nghìn năm văn hiến [52, tr. 41-44]. Người Trị Thiên phần lớn sống bằng nghề làm vườn, công chức, giáo viên và buôn bán nhỏ. Họ vào Lâm Đồng không ồ ạt nhưng liên tục, đều đặn nên hiện nay số người Trị Thiên rất đông. Đa số họ sống ở nội thành xen lẫn với các nhóm cư dân khác. Người Trị Thiên vào Lâm Đồng mang theo phong tục tập quán chịu ảnh hưởng nghi lễ cung đình triều Huế, từ cách ăn mặc, bố trí nhà ở, trang trí nội thất đến ma chay, đình đám, hội hè, cưới hỏi... còn giữ nhiều tập tục cổ truyền. Nhóm người này có tinh thần gia tộc và quê hương mãnh liệt. Ở đâu có người Trị Thiên là ở đó có nhà thờ họ, tế tự, giỗ chạp theo chu kỳ như ở quê cũ. Qua đó thắt chặt mối tình tương thân, tương ái không chỉ giữa những người đồng hương trên quê mới mà còn gắn bó với bà con dòng họ chốn quê nhà. Người Trị Thiên kỹ tính trong làm ăn cũng như trong sinh hoạt, chiếc áo dài, chiếc nón bài thơ là cách điệu chính của người dân Trị Thiên. Đến bây giờ, Huế vẫn là nơi sản xuất và cung cấp nón cho đại bộ phận thiếu nữ Lâm Đồng. Đến chùa Linh Sơn trong ngày lễ Phật giáo, người ta có cảm tưởng như đang ở giữa thành phố Huế. Điều đó nói lên ảnh hưởng văn hóa Trị Thiên khá mạnh đối với đời sống của người dân Lâm Đồng [52, tr. 45-46]. Người Nam - Ngãi - Bình - Phú vào Lâm Đồng rất sớm, họ chủ yếu làm công khai thác tài nguyên và xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố Đà Lạt. Họ định cư trong những ấp dọc theo đường sắt và đường bộ Phan Rang - Đà Lạt. Với truyền thống cần cù chịu thương, chịu khó, họ đã tự lực cánh sinh xây dựng cuộc sống mới. Khác với người Huế, Người Nam - Ngãi - Bình - Phú rất thực tế, không chú ý hình thức. Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, phục sức còn nặng về bền chắc, tiện lợi hơn thẩm mỹ, trưng bày. Xuất thân từ vùng quê có truyền thống cách mạng và tinh thần thượng võ, nhóm người này giàu ý chí, nghị lực và cá tính rất rõ ràng [52, tr. 47-48]. Nói về đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Lâm Đồng hiện nay, không thể bỏ qua sự đóng góp của người Pháp xuất hiện ở thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng, đa số họ là những người văn minh, lịch sự, khác với lính viễn chinh Pháp trong các cuộc càn quét hay những ông chủ thực dân trong các đồn điền, hầm mỏ. Do đó, họ có ảnh hưởng đáng kể đến lối sống người Lâm Đồng. Người Lâm Đồng có đầu óc rộng mở, không bảo thủ, cố chấp. Họ tiếp nhận văn minh, văn hóa Pháp một cách có chọn lọc. Họ loại trừ những biểu hiện của lối sống tha hóa, lai căng, giẫm đạp lên truyền thống dân tộc, đồng thời tiếp nhận những giá trị văn minh, nhân bản, tiến bộ. Điều này giữa hai dân tộc Pháp - Việt có nhiều điểm tương đồng dễ chấp nhận lẫn nhau [52, tr. 49-50]. Về tình hình tín ngưỡng tôn giáo Cùng với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội thì tình hình tín ngưỡng tôn giáo trước và trong khi Phật giáo du nhập vào Lâm Đồng có những nét nổi bật sau: Một là, Có thể nói rằng, trước khi Yersin khám phá ra vùng đất Đà Lạt (Lâm Đồng)1893, cho đến khi thực dân Pháp bắt đầu đầu tư, xây dựng Đà Lạt thành khu du lịch - nghỉ dưỡng thì tín ngưỡng tôn giáo ở Lâm Đồng chủ yếu là của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, vốn là cư dân nông nghiệp và xã hội nguyên sơ. Vì thế tín ngưỡng dân gian ở đây là đa thần nguyên thủy, chủ yếu là tín ngưỡng nông nghiệp, thờ thần lúa (Yang Roi), thần rừng (Yang Bri), thần núi (Yang Bờ nôm), thần lửa (Yang us) v.v... của Người K’Ho, Chu ru, Mạ. Những nghi lễ thờ cúng các vị thần nông nghiệp được tiến hành theo chu kỳ canh tác rẫy hàng năm, nhưng quan trọng nhất vẫn là lễ cúng vào thời kỳ bắt đầu gieo hạt gọi là lễ cúng hồn lúa (Le Yang Tuyt coi) để mong được "phong đăng hòa cốc" và lễ cúng cơm mới (Nôlir Bơơng) diễn ra khoảng một tuần, cúng vào lúc kết thúc mùa thu hoạch trên rẫy nhằm tạ ơn các thần linh đã phù hộ cho một vụ gieo trồng trọn vẹn [46, tr. 70-71]. Ngoài các nghi lễ nông nghiệp còn có các nghi lễ, phong tục được thể hiện trong chu kỳ sống của đời người như vào các dịp cưới, hỏi, sinh đẻ, làm nhà mới, kết nghĩa anh em. Họ tổ chức hiến sinh khi bị ốm đau, bệnh tật, tang ma, thiên tai, hạn hán... Đó cũng là dịp để gia chủ thể hiện tinh thần cộng đồng đối với mọi người: vui, buồn, tối lửa tắt đèn có nhau, cùng nhau lo toan, gánh vác những công việc trọng đại trong đời sống. Đó là những dịp diễn ra nhiều tập tục lạ, nhiều lễ tiết riêng biệt tùy theo từng dân tộc, từng dòng họ, từng buôn làng, rất phức tạp, có cái thật sự là nhân bản, có cái là mê tín dị đoan, lạc hậu. Trong các lễ nghi này, thuần phong mỹ tục có, mà hủ tục cũng có. Do sự tồn tại của chế độ mẫu hệ, vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũng được coi trọng và được phản ánh vào tín ngưỡng dân gian, vì thế có tục thờ mẹ lúa (hay hồn lúa) của người K’Ho, thờ mẹ Hoa (bà mẹ thần bảo vệ trẻ nhỏ) của người Hoa, mẹ cửa (thần trông nhà) của người Nùng. Một quan niệm phổ biến trong xã hội của đồng bào bản địa là "vạn vật hữu linh", mọi sự vật - hiện tượng tồn tại ở thế giới xung quanh đều có hồn và hồn đó linh thiêng. Như vậy, tín ngưỡng dân gian phản ánh trình độ tư duy đồng thời chi phối khá mạnh đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc bản địa từ xa xưa cho đến tận ngày nay. Hai là, ở Lâm Đồng còn có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống phản ánh quan niệm về thế giới tự nhiên và tín ngưỡng của họ. Đây là các lễ nghi với tập quán canh tác nông nghiệp còn mang đậm nét sơ khai. Tiêu biểu như: - Lễ hội Đâm trâu: Một nghi lễ có từ xa xưa, thường diễn ra sau mùa thu hoạch, trùng vào dịp tết đầu xuân, để tạ ơn thần linh. Nghi lễ được tổ chức ngoài trời, kéo dài nhiều ngày, bao gồm nhiều công đoạn công phu, từ việc dựng cây nêu, chuẩn bị ché rượu cần, đến chọn người thể hiện vũ điệu tế thần, cách thức đâm trâu, xẻ thịt... bao giờ cũng phải có dàn cồng chiêng đi cùng, sau ngày lễ này, mọi công việc trong năm mới được thực hiện. - Lễ hội Cồng chiêng: Theo quan niệm của người Tây Nguyên, cồng chiêng là biểu tượng của Thần đất hay mặt trăng; còn trống là biểu hiện cho mặt trời, cho nên lễ hội cồng chiêng ngoài ý nghĩa là một hoạt động văn hóa cộng đồng, nó còn là dịp để con người giao tiếp với thần linh. Ba là, Cùng với tín ngưỡng đa thần nguyên thủy, coi trọng các đấng siêu nhiên, thờ các vị thần nông nghiệp, còn có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ ở người Kinh mà còn có ở người dân tộc thiểu số (Chu ru). Tuy nhiên, thờ cúng tổ tiên (Pơ-khi-mô-cay) ở đây khác hẳn với lễ thờ cúng tổ tiên của người Kinh, việc hành lễ không tùy thuộc vào một ngày tháng nào nhất định, mà nó tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, trong nhà không bài trí bàn thờ hay bài vị. Họ chỉ lập bàn thờ và tiến hành nghi lễ vào một dịp nào đó ngoài nghĩa địa [46, tr. 50]. Có thể nói, nếu loại trừ sự lãng phí, loại trừ yếu tố mê tín, lạc hậu thì chính xã hội truyền thống đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng một cách có văn hóa. Nếu không hiểu thấu đáo, đầy đủ và sâu sắc các phong tục, tập quán tín ngưỡng thì không bao giờ có thể tạo nên được một nếp sống mới vừa văn minh, vừa phù hợp với tâm lý của từng tộc người. Bốn là, Năm 1893 sau khi người Pháp khám phá ra vùng đất Đà Lạt và bắt đầu đầu tư khai thác xây dựng vùng đất mới, quá trình đó đã thu hút nhiều cư dân khắp mọi miền đất nước về Đà Lạt làm ăn, sinh sống tập trung trong đó chủ yếu là người miền Bắc (Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa) và người miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, và Phú Yên) khi ấy Bình Định được xem là trung tâm Phật giáo của Nam trung phần và về địa lý lại rất gần với Đà Lạt. Do vậy, các tăng ni, phật tử đầu tiên đến Lâm Đồng đều là người Bình Định và đó cũng là cơ sở, nền móng để đạo Phật du nhập vào Lâm Đồng. Năm 1920 Phật giáo đã có mặt ở Lâm Đồng [11, tr. 10-12]. Cùng với sự xuất hiện của Phật giáo ở Lâm Đồng thì đạo Công giáo cũng theo chân người Pháp đến đây. Năm 1917, Linh Mục quản lý của Hội thừa sai Pari (Misslion Etrangres de Paris, viết tắt là MFP) tại Viễn Đông là linh mục Nicolas Couvreur đã đến Đà Lạt, mục đích tìm nơi an dưỡng cho các giáo sĩ: Ông đã xây dựng một viện giáo đồ (Saratorium - Presbytere) nay là một phần Nhà thờ Chánh tòa. Năm 1920 thành lập Giáo sở tại Đà Lạt - Lâm Đồng, bổ nhiệm linh mục Frediric Sidat phụ trách [11, tr. 15-16]. Năm 1932, đạo Tin Lành "hệ phái Hội Liên hiệp truyền giáo phúc âm" (The Chistian and Missionary Alliance) viết tắt là CMA, được truyền vào các tỉnh Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng). Năm 1933, vợ chồng Mục sư Jackson người Pháp (quốc tịch Mỹ) đến truyền đạo và bắt đầu xây dựng hệ thống đạo Tin lành tại tỉnh Đồng Nai Thượng (nay là Lâm Đồng) [11, tr. 17-20]. Năm 1938, đạo Cao Đài được truyền vào Lâm Đồng. Tòa Thánh Tây Ninh cử giáo sư Trần Ngọc Quê ở Nam Bộ về làm Khâm Châu phụ trách tỉnh đạo Lâm Đồng và ông Lễ Sanh Ngọc Cao Thanh làm Tộc đạo đầu tiên tại Thánh thất Đa Phước, Trại mát Đà Lạt [11, tr. 21-25]. Theo chân cư dân người Kinh lên Lâm Đồng, ngoài tín ngưỡng bản địa, và sự du nhập của một số tôn giáo lớn trên thế giới (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài) còn có cả phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Kinh. Trong đó nổi bật là thờ cúng tổ tiên. Đối với người dân Việt Nam nói chung, người dân Lâm Đồng nói riêng chết chưa phải là đã hết. Tổ tiên luôn ở gần người sống, "tự tại" trên bàn thờ của mỗi gia đình, động viên, trợ giúp con cháu trong cuộc sống thường nhật. Vì vậy, tín ngưỡng này được hầu hết mọi người dân Lâm Đồng thực hiện. Mặt khác, cư dân Lâm Đồng đa số là người xa quê hương, vì vậy, thờ cúng tổ tiên được coi trọng để bày tỏ tình cảm của gia đình, con cháu đối với tổ tiên và những người đã khuất, mong tổ tiên phù hộ, và che chở cho con cháu được mọi điều tốt lành nơi quê mới, qua đó, gắn bó, nhớ về cội nguồn của mình. Ngoài ra, trong thôn, xóm, nơi đâu cũng có các đền, chùa, miếu thờ thần Hoàng; miếu thờ các vị thần bảo hộ cho cộng đồng, thờ những người có công khai phá đất đai. Trong nhà thường thờ thổ công, thổ địa, thờ thần tài để được an khang, thịnh vượng. Có thể nói tín ngưỡng tôn giáo trước và trong khi Phật giáo du nhập đã phát triển tương đối mạnh, hình thức phong phú, đa dạng đáp ứng được nhu cầu tâm linh của cộng đồng cư dân Lâm Đồng. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của xã hội, nhận thức con người cũng ngày càng được nâng lên. Thế nhưng, những tín ngưỡng thô sơ đó không thỏa mãn được nhu cầu nhận thức và tâm lý của con người đã phát triển. Người dân Lâm Đồng ngày càng muốn hiểu biết ý nghĩa cuộc sống của mình, muốn biết sự sinh thành của mình, muốn biết quan hệ nhân quả trong cuộc đời, muốn có cái nhìn về mình phù hợp hơn với sự vận động của con người trong hiện thực... Phật giáo với lý thuyết: khổ, tập, diệt, đạo, nghiệp, vô thường, vô ngã... đã đáp ứng được phần nào yêu cầu đó. Phật giáo do đó đã thay thế được các tín ngưỡng cổ truyền và trở thành tôn giáo lớn ở Lâm Đồng, phát triển ngày càng mạnh, thu hút được nhiều tín đồ theo đạo. 1.1.2. Quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo ở Lâm Đồng Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, do Thái tử Tất Đạt Đa sáng lập. Qua hơn 2000 năm tồn tại và phát triển, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo lớn, phát triển rộng khắp trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ đầu Công nguyên, đến thế kỷ thứ II đã có vị trí đáng kể trong tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa tinh thần ở Phủ Luy Lâu, Thuận Thành (Bắc Ninh). Với tư tưởng bình đẳng, bác ái, cứu khổ, cứu nạn... Phật giáo thực sự gần gũi với tín ngưỡng, văn hóa truyền thống của cư dân Việt Nam nên dễ dàng được cư dân Việt Nam chấp nhận. Cùng với quá trình du nhập và lan tỏa của Phật giáo trên khắp mọi miền đất nước. Phật giáo cũng đã được du nhập vào Lâm Đồng. Tuy nhiên quá trình du nhập và phát triển Phật giáo vào Lâm Đồng có những nét đặc thù riêng, do hoàn cảnh lịch sử xã hội lúc bấy giờ quy định, mà trước hết là do các đợt di cư của người Kinh lên Lâm Đồng. Sự du nhập theo các đợt di cư của người Kinh Từ nửa thế kỷ XV trở về trước, vùng đất Lâm Đồng nằm trong địa phận nước Nam Bàn. Theo "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn nó là phần lớn Tây Nguyên ngày nay. Năm 1471, sau khi đánh Chiêm Thành, Lê Thánh Tông phong vua nước Nam Bàn là Nam Bàn Vương, năm 1558, Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp phía nam, Chúa Nguyễn mới coi Tây Nguyên là một phiên quốc, cứ 3 năm 1 lần phải cống nộp. Dưới triều Nguyễn, lãnh thổ Lâm Đồng là thuộc quốc của triều đình và 1867 (Đinh Mão) vẫn chưa có sự khai khẩn lớn ở Tây Nguyên. Ý định dùng Tây Nguyên làm chỗ dựa chống giặc của triều Nguyễn ._.nảy ra khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), năm 1869 Tây Nguyên được đề nghị làm căn cứ kháng chiến lâu dài, nhưng trên thực tế Lâm Đồng vẫn chưa có hoạt động khai khẩn gì lớn [46, tr. 35-40]. Đợt di dân thứ nhất của người Việt bắt đầu khi toàn quyền Pháp có chủ trương thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, xây dựng Đà Lạt làm nơi nghỉ mát (1899). Luồng người di cư lớn này nhằm có đủ lao động để mở mang đường sá (ôtô Phan rang - Đà Lạt), xây dựng cơ sở hạ tầng điện nước, công sở, chợ, bệnh viện, trường học... ngoài ra lao động người Kinh còn cần để khai thác các đồn điền trồng chè, rau quả. Nổi bật trong đợt di dân này là di chuyển một số nhóm người Nghệ Tĩnh, Hà Đông vào do Nhà nước tổ chức. Còn lại chủ yếu là người lao động miền Trung (Quảng Ngãi. Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên) vào kiếm việc làm, lúc đầu là thời vụ, sau là định cư lập nghiệp lâu dài. Ngoài ra còn một số ít là công chức Nhà nước, từ năm 1940 trở về sau một số hộ giàu có nên đặt cơ sở nghỉ dưỡng tại đây. Đến năm 1945, người Kinh mới tập trung nhiều ở vùng Đà Lạt, Đơn Dương, một số ít ở Bảo Lộc, Di Linh, ven quốc lộ 20. Từ năm 1945 đến 1954, sự di dân đến Lâm Đồng bị hạn chế hơn [46, tr. 42-47]. Cùng với đợt di cư này, Phật giáo được cư dân người Kinh (là tăng ni, tín đồ đạo Phật) gốc Bình Định mang theo lên Đà Lạt (Lâm Đồng). Mặt khác do yêu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhóm cư dân này nên Phật giáo đến Lâm Đồng đã có điều kiện để tồn tại và bén rễ. Đây được xem là giai đoạn đặt nền móng, bắt đầu xây dựng cơ sở chùa chiền để Phật giáo phát triển. Đợt di dân thứ hai (từ năm 1954 - 1975). Trong giai đoạn này, một đợt di dân ồ ạt đã diễn ra trong năm đầu, chủ yếu là người Bắc ở các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa... và một ít ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Phần lớn trong họ là giáo dân và những người bị mua chuộc được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa "tổ chức di dân tập thể". Họ đến ở những địa bàn được chuẩn bị trước và hình thành nên những vùng tập trung kinh tế mới như: Thanh Bình (Đức Trọng), Nam Sơn (Tùng Nghĩa). Đợt di dân người Bắc đến đây chấm dứt vì ranh giới vĩ tuyến 17. Các năm tiếp theo là sự di dân tự do, chủ yếu là người ven biển miền Trung từ Quảng Trị trở vào. Một số trong họ là do lánh nạn, một số khác mưu cầu một cuộc sống bảo đảm hơn. Thời kỳ này, do đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế hàng hóa, do đó, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của cư dân có nhiều thay đổi ổn định và khang trang hơn. Chính vì sự phát triển ấy mà Phật giáo càng có điều kiện bám chân vững chắc ở Lâm Đồng [46, tr. 48-60]. Đợt di dân thứ ba (từ năm 1975 đến nay). Động lực chính của đợt di dân này là chiến lược điều chỉnh lao động ở miền Bắc, miền Trung, nhằm mở rộng phát triển vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ. Trong những năm đầu, cuộc di dân này khá lớn và có tổ chức. Nguồn dân đến Lâm Đồng chủ yếu là người Hà Nội vào định cư tập trung ở Lâm Hà. Người Hà Đông, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế vào các huyện Cát Tiên, Đạtẻh, Đạhuoai, Người Nam Hà, Nam Định vào định cư tập trung ở Di Linh - Lâm Đồng. Đồng thời có sự điều chỉnh cư dân cũ trong nội bộ tỉnh, như giãn dân Đà Lạt vào vùng kinh tế mới Tà In (Đức Trọng), Tân Châu (Di Linh). Sau đợt này, việc di dân có tổ chức giảm đi, chỉ còn các đợt nhỏ, lẻ tẻ theo quy hoạch. Thay vào đó, gần chục năm lại đây là phong trào di dân tự do, chủ yếu là người miền núi phía Bắc vào ở xen kẽ với các cộng đồng dân cư có trước, hoặc đi sâu khai phá các vùng đất mới chưa có người ở để làm ăn [46, tr. 79-82]. Trong đợt di dân này Phật giáo có phát triển nhưng không đáng kể. Như vậy, quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo ở Lâm Đồng là do nhiều nguyên nhân tác động, nhưng trong đó có sự tác động và ảnh hưởng không nhỏ của quá trình di dân từ nhiều miền quê đến đây. Cùng với sự di dân và định cư của người Kinh ở Lâm Đồng, đạo Phật càng có điều kiện du nhập và phát triển. Từ năm 1920 trở đi, do ảnh hưởng của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc, nước ta cũng xuất hiện phong trào chấn hưng Phật giáo. Lúc đó ở mỗi miền đều có Hội phật học. Đặc biệt ở miền Trung, số lượng tín đồ Phật giáo khá đông, do đó, cùng với quá trình di dân vào Lâm Đồng những người này đã mang theo tín ngưỡng Phật giáo đến những vùng xa xôi của Lâm Đồng mà trước kia chưa hề có. Nhưng thời ấy, việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo của tín đồ bị hạn chế, vì lúc bấy giờ ở đây chưa có chùa chiền và tăng, ni, cho nên yêu cầu bức thiết lúc đó họ phải xây dựng nhanh chóng một số cơ sở tu viện, chùa chiền. Năm 1921, Hội Phật học miền Trung đã cử hòa thượng Thích Nhơn Thứ, người Bình Định vào Đà Lạt lập nên một cái "Am" nhỏ ở khu vực số 4, đường Hai Bà Trưng - Đà Lạt. Ban đầu "Am" chỉ lợp tôn, vách ván, dài 10m, rộng 6m. Qua nhiều năm đóng góp của bà con phật tử, đến năm 1923 hòa thượng Thích Nhơn Thứ đã cho trùng tu, sửa chữa "Am" này thành một ngôi chùa khang trang, rộng rãi. Ngày 27/9/1938 chùa được vua Bảo Đại sắc phong là "Sắc Tứ Linh Quang tự" còn gọi là chùa Linh Quang, nay được gọi là Tổ Đình. Đây là ngôi chùa được xây dựng đầu tiên tại Đà Lạt [11, tr. 11-12]. Năm 1923 ở Đơn Dương - Lâm Đồng đã xây dựng một ngôi chùa tại thị trấn Dran có tên "Chùa Giác Nguyên", ngôi chùa này được Vua Bảo Đại phong là "Tứ Giác Nguyên Tự". Cùng với việc xây dựng chùa Linh Quang, và chùa Giác Nguyên, năm 1936, Bà Từ Cung (Đoàn Huy Thái hậu Hoàng Thị Cúc mẹ của Vua Bảo Đại) cũng cho xây dựng chùa Linh Sơn. Lúc bấy giờ, bà Từ Cung từ Đà Lạt về Huế, đã đề nghị với Giáo hội Tăng Già Trung Phần xây dựng một ngôi chùa tại Lang Biang để nơi rừng thiêng nước độc này thêm một cảnh trí tôn nghiêm. Được sự chấp nhận của Hội Tăng Già Trung Phần, hòa thượng Thích Trí Thủ (lúc bấy giờ ở Huế) đã lên Đà Lạt lập chùa. Chùa được khởi công xây dựng năm 1936, cho đến năm 1940 thì hoàn thành với sự đóng góp to lớn của bà con phật tử. Ngày nay, chùa nằm ở (phường 2) Đà Lạt - Lâm Đồng, được gọi là chùa Linh Sơn. Năm 1940, một số cư dân gốc Nghệ Tĩnh đến Đà Lạt. Để đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng tôn giáo, bà con phật tử đã cùng nhau quyên góp xây dựng một ngôi chùa mang tên chùa Linh Giác (phường 8) Đà Lạt - Lâm Đồng [11, tr. 11]. Năm 1944, do chưa có ni tự (chùa tu của phái nữ) nên Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng đã đồng ý cho xây dựng chùa Sư Nữ tại Đà Lạt - Lâm Đồng (gọi là chùa Linh Phong) và đã mời Ni sư Thích Nữ Từ Hương ở chùa Diệu Ấn (Quảng Nam - Đà Nẵng) vào trụ trì chùa. Năm 1948, chùa được xây dựng xong [11, tr. 13]. Như vậy, chùa Linh Quang, Linh Sơn, Linh Giác và Linh Phong là những ngôi chùa có sớm nhất ở Đà Lạt - Lâm Đồng. Từ khi đạo Phật được du nhập vào đây và cùng với việc xây dựng cơ sở chùa chiền, thì các Thiền sư cũng lần lượt xuất hiện ở Đà Lạt để truyền đạo và phụ trách Phật giáo ở Lâm Đồng. Tuy nhiên thời gian đầu số tu sĩ rất ít (năm 1950 số tăng ni ở Đà Lạt không quá 10 người), nhưng càng về sau do đạo Phật ngày càng phát triển mạnh, nên số lượng chùa chiền và tăng ni, phật tử cũng tăng lên rất nhiều. Địa bàn hoạt động của đạo Phật đã mở rộng, không chỉ tập trung ở thành phố Đà Lạt mà còn ở các huyện, thị trong Tỉnh, như ở huyện Đơn Dương có chùa Giác Nguyên, ở huyện Di Linh có chùa Linh Thắng do Thượng tọa Thích Chánh Thiện trụ trì, ở huyện Bảo Lộc có chùa Phước Huệ do Đại Đức Thích Đường Hạnh trụ trì [11, tr. 15]. Là một tôn giáo mới xuất hiện vào những năm 20 của thế kỷ XX, nhưng Phật giáo Lâm Đồng đã tồn tại và phát triển trong một môi trường khá thuận lợi, đó là những cư dân từ các nơi khác lên đây để lập nghiệp. Do sống trong cảnh xa quê hương, làng xóm, ai ai cũng cần có chỗ dựa tinh thần để an ủi mình trong cuộc sống khó khăn vất vả. Với tư tưởng nhân ái, kêu gọi thương yêu con người, Phật giáo đã có mặt đúng lúc, đáp ứng được nhu cầu tinh thần mà họ đang khao khát. Vì vậy, ngay từ đầu nó được đông đảo người dân Lâm Đồng tin theo. Khác với các tôn giáo khác, khi truyền đạo có tính tổ chức chặt chẽ, thâm nhập vào từng gia đình và bằng mọi hình thức, kể cả tác động về chính trị và kinh tế để thuyết phục người dân theo đạo, thì đạo Phật lại được truyền vào bằng tinh thần giác ngộ và tự nguyện của bà con, bằng các chuẩn mực về đạo đức, lối sống để lôi cuốn mọi người theo đạo. Điều đó thực sự là một nét đặc biệt trong quá trình du nhập Phật giáo vào Lâm Đồng. Cho dù mỗi tín đồ Phật giáo ở Lâm Đồng đến với đạo Phật có thể bằng nhiều tâm thức khác nhau và với nhiều mục đích khác nhau phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện sống của từng người, nhưng tưụ chung lại là vì lòng nhân ái, vị tha, thương người của đạo Phật. Thời gian Phật giáo du nhập và phát triển ở Lâm Đồng cũng là lúc người Pháp tập trung xây dựng thành phố Đà Lạt thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng. Lúc này thực dân Pháp cũng đã tích cực ủng hộ công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ người Pháp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Thiên Chúa Giáo hoạt động. Còn Phật giáo mặc dù không được ủng hộ, nhưng Phật giáo vẫn phát triển và ngày càng hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng - dân tộc, gắn bó cuộc đời của mỗi người dân nơi đất khách, quê người. Vì thế, càng bị các tôn giáo khác chèn ép thì lòng tin tưởng của tín đồ lại càng mạnh. Tuy mới được du nhập và chưa có hệ thống tổ chức từ tỉnh đến huyện nhưng Phật giáo vẫn phát triển với số lượng tín đồ ngày càng đông. Cho đến nay, Phật giáo Lâm Đồng sau hơn 80 năm tồn tại và phát triển đã trở thành một tôn giáo lớn nhất ở địa phương, với số lượng tín đồ 300.000 người, chiếm 37% dân số toàn tỉnh (trong khi đó, Thiên Chúa giáo có 183.000 người, chiếm 22,59%, Tin Lành 41.000 người chiếm 5,09%; Cao Đài 13.538 người chiếm 1,67%). Mật độ tín đồ Phật giáo phân bổ không đồng đều, tập trung phần lớn ở Đà Lạt và Bảo Lộc, mỗi nơi khoảng 7 vạn, còn rải rác các huyện nơi nào cũng có từ 1.000 đến 10.000 người [10, tr. 3]. Về cơ sở thờ tự: trong toàn tỉnh có 145 ngôi chùa lớn, nhỏ, 18 tịnh xá, 27 tịnh thất, 15 niệm Phật đường, 2 tu viện, (Thiền Viện Trúc Lâm và Trường Cơ bản Phật học). Về tổ chức: Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng (Văn phòng đặt tại chùa Linh Sơn - Đà Lạt - Lâm Đồng) có 30 thành viên, do Hòa Thượng Thích Từ Mãn làm trưởng ban. Giúp việc cho Ban trị sự có các ban chuyên trách như Hoằng Pháp, nghi lễ, tiểu ban gia đình phật tử... Ở các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt có Ban đại diện Phật giáo từ 5 - 6 thành viên. Ở mỗi chùa, tịnh xá, tịnh thất nằm trong hệ thống tổ chức giáo hội phần lớn có tăng ni, cư sĩ trụ trì [10, tr. 4]. Về đội ngũ chức sắc: Có 3 hòa thượng, 19 Thượng tọa, 181 Đại đức, 3 Ni sư trưởng, 18 Ni sư, 608 Ni cô. Về đội ngũ tu sinh: Trường Cơ bản Phật học đã đào tạo được 2 khóa, khóa 1 có 78 tăng ni, khóa 2 có 171 tăng ni (tăng 68, ni 103). Đồng thời tổ chức lập Đại giới đàn thụ giới cho 409 cư sĩ từ Sadi và Sadini trở lên [10, tr. 3]. Tình hình hoạt động của Phật giáo được duy trì, củng cố và phát triển mạnh, nhất là ở những nơi trung tâm như thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc, Di Linh. Ở đó giáo lý được biên soạn cẩn thận, các nhà sư có tâm huyết với lý tưởng vì đạo pháp, đã hướng dẫn và đóng vai trò tích cực trong công tác truyền giáo. Tỉnh Hội đã đặc biệt chú ý vấn đề tăng sự, việc tổ chức giới đàn, an cư kiết hạ cho tăng ni được tổ chức theo định kỳ. Ngoài ra hoạt động gia đình phật tử được tổ chức với quy mô lớn, Đoàn sinh gia đình phật tử ở Lâm Đồng đã trải qua thời gian hoạt động gần 28 năm (1948-1975) với những hoạt động thu hút nhiều con em phật tử tham gia với số lượng khá đông. Đến năm 1974 có khoảng 3.000 đoàn sinh gia nhập tổ chức gia đình phật tử [10, tr. 3-5]. Với một lịch sử tồn tại lâu dài như thế, Phật giáo đã trở nên gần gũi và thân thuộc với mọi người. Đặc biệt trong quá trình lịch sử của đất nước, Phật giáo Lâm Đồng luôn gắn bó với dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong quá trình đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay. Nhìn chung, hơn 20 năm kể từ khi nước nhà được thống nhất, tình hình Phật giáo Lâm Đồng cơ bản phát triển có nhiều thuận lợi, trong giáo hội và chức sắc phần lớn thể hiện được sự thống nhất, đoàn kết, vừa chăm lo xây dựng việc đạo, vừa tạo mối quan hệ với đời, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Ở đây không có biểu hiện chống đối, hoặc công khai kích động quần chúng gây mất ổn định chính trị - xã hội. Tình hình đó góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, tham gia vào các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính những việc làm trên đã tô thêm lịch sử của Giáo hội Phật giáo Lâm Đồng, thể hiện trong phương châm hành động đó là: "Đạo pháp - Dân tộc - Xã hội chủ nghĩa" của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra. Tuy nhiên ngoài những thuận lợi cơ bản nêu trên, Phật giáo Lâm Đồng cũng còn có những khó khăn nhất định. Đó là, hệ thống tổ chức Giáo hội từ tỉnh đến cơ sở chưa chặt chẽ, một số chức sắc trụ trì ở các chùa trong tỉnh có quan điểm không rõ ràng, tư tưởng lừng chừng, một số phần tử lợi dụng tôn giáo để hoạt động thiếu lành mạnh, đặc biệt, trong Ban trị sự có một vài cá nhân tuy chưa lộ diện nhưng vẫn ngấm ngầm hoạt động, ủng hộ nhóm Huyền Quang, đứng đằng sau chỉ đạo việc tổ chức sinh hoạt gia đình phật tử bất hợp pháp. Hoạt động của gia đình phật tử do một số người cực đoan cầm đầu ngày càng lộ rõ thái độ đối lập với đường hướng hoạt động gia đình phật tử của Giáo hội và đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Hiện nay ở Lâm Đồng có khoảng 48 gia đình phật tử, 500 huynh trưởng mới và cũ, trên 3.000 đoàn sinh, trong đó phần đông là thanh thiếu niên học sinh và giáo viên, có mặt tại 11 huyện, thành phố, thị xã thường xuyên tổ chức sinh hoạt lén lút, in ấn tài liệu, mở các lớp đào tạo huynh trưởng và đoàn sinh [11, tr. 13-14]. Điều đó đã gây nên tình trạng không ổn định ở địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý, tổ chức sinh hoạt gia đình phật tử của tỉnh tạo ra sự hoang mang, dao động trong đồng bào phật tử đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo. Ngoài ra, dưới danh nghĩa lễ nghi tôn giáo, nhất là vào những dịp Tết, những ngày lễ lớn, một số chùa trong tỉnh đã tổ chức những nghi lễ kéo dài 2-3 ngày, thậm chí có vài nơi tổ chức xin xăm, bói toán, biến những nơi này thành nơi cúng bái tạp nham - hoặc hành nghề "mê tín dị đoan", gây ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân Lâm Đồng. Một số đặc điểm của Phật giáo Lâm Đồng Như vậy, nhìn lại lịch sử Phật giáo Lâm Đồng kể từ ngày đầu du nhập cho đến nay, ta thấy Phật giáo Lâm Đồng luôn hòa mình vào phong trào đấu tranh của cả dân tộc. Ngày nay, Phật giáo Lâm Đồng lại đang cùng cả nước bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình tồn tại và phát triển, Phật giáo Lâm Đồng cũng đã tạo cho mình những đặc điểm riêng biệt, theo chúng tôi có thể khái quát một số đặc điểm đó như sau: Đặc điểm thứ nhất: Phật giáo Lâm Đồng mang đậm sắc thái Phật giáo miền Trung (chủ yếu là Phật giáo Huế, Bình Định), do đó về hình thức và nội dung giáo lý Phật giáo Lâm Đồng hòa quyện ba yếu tố Thiền - Tịnh - Mật, nhưng chủ yếu và đậm nét hơn cả vẫn là sự kết hợp giữa Thiền Tông và Tịnh Độ tông. Trong đó về mặt tư tưởng, Thiền tông đóng vai trò quan trọng, về cách thức tu hành Tịnh độ tông là chủ yếu. Yếu tố Mật giáo cũng có nhưng không đậm nét mà chỉ tồn tại một cách mờ nhạt. Đặc điểm thứ hai: Hầu hết tín đồ Phật giáo Lâm Đồng vì mưu sinh mới lên Lâm Đồng lập nghiệp, họ chủ yếu là nông dân, trình độ dân trí thấp, hiểu biết phật pháp rất hạn chế, do đó ảnh hưởng của các lễ nghi, tập tục Phật giáo rất nặng nề. Đặc điểm thứ ba: Phật giáo thâm nhập và bám rễ vào Lâm Đồng tập trung chủ yếu ở các vùng trung tâm thành phố, huyện, thị và ven quốc lộ 20, tín đồ chủ yếu là người Việt, còn với người bản địa (dân tộc thiểu số) Phật giáo hầu như chưa thâm nhập vào được, thực tế này do một số nguyên nhân sau. Một là, do hệ thống giáo lý, kinh sách lễ nghi của Phật giáo rườm rà, khó hiểu, hơn nữa lại chưa có người biên dịch, chú giải để cho đồng bào dân tộc hiểu, vì thế, không phù hợp với phong tục tập quán, trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc. Hai là, do đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, nên điều kiện để giao lưu tiếp xúc với người Kinh còn gặp nhiều khó khăn, điều đó ảnh hưởng không ít đến quá trình truyền đạo. Ba là, đối với người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng thì Giàng (Trời) là tất cả chi phối linh hồn và cuộc sống của họ, vì thế nên họ cảm nhận Chúa gần hơn Phật, bởi lẽ quan niệm Giàng (Trời) của người dân tộc Lâm Đồng giống Chúa ở trên trời. Bốn là, do cách thức truyền giáo của đạo Phật theo kiểu hòa bình, mang tính chất tự giác là chính,mặt khác các chức sắc trong Phật giáo chưa thực sự chú ý quan tâm phát triển tín đồ trong vùng đồng bào dân tộc bởi lẽ số lượng người dân tộc quá ít, lại sống không tập trung. Những đặc điểm trên đây như là những điểm nhấn trong toàn bộ bức tranh đa sắc của Phật giáo Lâm Đồng. Nó có ý nghĩa cho việc lý giải về sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống mọi mặt của người dân Lâm Đồng, đặc biệt là từ phương diện tinh thần. Đồng thời, nếu có thể nói thêm, đó là việc nó giúp cho các cơ quan quản lý về tôn giáo, về văn hóa, tư tưởng của địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp đặc thù đối với Phật giáo Lâm Đồng trong chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 1.2. ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN NHÂN DÂN LÂM ĐỒNG HIỆN NAY Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lâm Đồng, chúng ta không thể không tìm hiểu toàn bộ nội dung cơ bản của giáo lý Phật giáo, cũng như những sinh hoạt Phật giáo đã, ảnh hưởng đến người dân Lâm Đồng. Đồng thời từ ảnh hưởng đó cần phải thấy rõ về ý nghĩa tích cực cũng như tiêu cực của nó ra sao đối với người dân Lâm Đồng. Giống như các tôn giáo khác, Phật giáo cũng bao gồm giáo lý và sinh hoạt tín ngưỡng. Giáo lý là một hệ thống các quan điểm về thế giới và con người, về cách thức tu luyện, sinh hoạt tín ngưỡng là những hành vi, những nghi lễ cần phải thực hiện để đạt tới ước nguyện. Tất cả đều có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của các tín đồ. Giáo lý Phật giáo là một hệ thống đồ sộ, tập trung trong tam tạng kinh điển (Kinh tạng, Luận tạng, Luật tạng) với nhiều nội dung đa dạng, sâu sắc về thế giới, về xã hội, về con người, về những giới luật cần phải theo, và những giải nghĩa, những luận bàn cần phải biết. Thế giới quan Phật giáo là một hệ thống gồm các lý thuyết về nhân duyên, nhân quả, về vô thường, vô ngã, về nghiệp báo luân hồi v.v... Mỗi thuyết đó đều chứa đựng một nội dung biện chứng về thế giới, đó là: Thuyết Nhân duyên cho rằng, nhân duyên hòa hợp tạo nên tất cả, nhân duyên không hòa hợp thì sự vật tan rã. Trong đó nhân là cái sinh ra quả, duyên là điều kiện để nhân trở thành quả, quả lại nhờ duyên để sinh ra nhân khác. Thuyết Nhân quả lại cho rằng, mọi hoạt động của con người (thân, khẩu, ý) đều để lại một kết quả nhất định, nhân nào quả nấy, gieo nhân lành gặp quả thiện hay gieo gió thì gặt bão. Tùy thuộc vào việc con người tạo ra nguyên nhân thế nào mà họ được nhận quả tương xứng. Nhà Phật gọi đó là nghiệp báo. Nghiệp báo được xem là kết quả của hoạt động con người (thân, khẩu, ý) mà tất yếu họ phải gánh chịu (có thể trong hiện tại hoặc tương lai). Khi con người còn tạo ra nghiệp dữ, nghiệp ác, họ phải lệ thuộc trong vòng "Sinh tử luân hồi". Vì vậy, muốn thoát khỏi vòng sinh tử phải tích tập đủ nghiệp thiện, lúc đó một cảnh giới an lạc sẽ hiện ra, đó là niết bàn. Như vậy, thuyết Nhân duyên, Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi của nhà Phật cho thấy sợi dây liên hệ tất yếu giữa nhân và quả, giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai. Mối liên hệ này không chỉ là sự tưởng tượng mà còn là sự thực được quan sát, khái quát nâng lên từ thế giới xung quanh con người. Thuyết Vô thường của nhà Phật lại cho rằng, không có cái gì là thường hằng, là còn mãi, trái lại mọi sự vật và hiện tượng đều vận động, biến đổi không ngừng, cái nào cũng đang trong tình trạng chuyển sang cái khác với mình. Với con người là sinh - lão - bệnh - tử, với thế giới sinh vật là sinh - trụ - dị - diệt, với vũ trụ là thành - trụ - hoặc - không. Vì vậy, trước mắt con người, tạo vật luôn là dòng biến hoại liên tục. Theo nghĩa đó, sự tồn tại của sự vật là giả, tạm, hư, huyễn, không chân thực. Vì muôn vật tuân theo luật "vô thường" nên không có "tự ngã", ngược lại chỉ có "vô ngã", tức là không có cái ta, cái thực thể nào hết, bởi vì cái đó là do những cái khác tạo thành và tự nó cũng đã chuyển thành cái khác với nó. Ngay con người về thực chất nhờ nhân duyên mà có, đó là sự kết hợp của ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức). Một khi 5 yếu tố kia biến hoại thì con người cũng không còn. Nhân sinh quan Phật giáo là một hệ thống gồm các quan điểm về con người, đời người. Đó là một trong những nội dung rất cơ bản của giáo lý Phật giáo khi lý giải về con người, là học thuyết về "khổ" và con đường "cứu khổ", thể hiện trong 4 nguyên lý thần diệu cơ bản gọi là "Tứ diệu đế": Khổ đế, Tập đế, Diệu đế, Đạo đế [6, tr. 19]. Khổ đế: Là chân lý nói về sự khổ của đời người. Phật giáo cho rằng đời người là bể khổ. Con người từ lúc sinh ra cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay không có gì ngoài đau khổ: sinh, lão, bệnh, tử đều là khổ, mong ước mà không đạt (cầu bất đắc) là khổ, phải sống với người mà mình không thích (oán tăng hội) là khổ, phải xa lìa người mà mình yêu thương (ái biệt ly) là khổ... khổ đau là vô tận và tuyệt đối. Cuộc đời ngoài khổ đau không còn tồn tại nào khác, ngay cả cái chết cũng không phải chấm dứt sự khổ, mà là tiếp tục sự khổ mới, Phật ví sự khổ của con người bằng hình ảnh: "Nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước biển" [23, tr. 12]. Nhưng khái niệm về khổ của Phật giáo không phải là một xúc cảm bi quan hay oán đời mà là một thực tế thuộc "đối tượng nhận thức", một thực tại khách quan cần có sự hiểu biết đúng đắn để tìm ra nguồn gốc và tìm ra "Con đường diệt khổ". Giáo lý Phật giáo cho rằng "khổ ẩn tàng trong mỗi quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh, trong mối quan hệ giữa con người với quy luật của tự nhiên, xã hội, "khổ" là vì sự ham muốn của chúng ta đi ngược lại những quy luật của thực tại hiện hữu và ý chí của chúng ta bị cản trở, và Tứ diệu đế thực chất không phải là chân lý về "khổ đau" mà thực chất là nguyên lý con đường diệt khổ, con đường bát chính đạo. Tập đế: Là nguyên nhân của đau khổ. Phật giáo giải thích nguyên nhân sâu xa của sự đau khổ, phiền não là do "thập nhị nhân duyên", tức là 12 nhân duyên tạo ra chu trình khép kín trong mỗi con người gồm: Vô minh - hành - thức - danh sắc - lục nhập - xúc - thụ - ái - thủ- hữu - sinh - lão tử [6, tr. 19]. Thập nhị nhân duyên nối tiếp nhau liên tục, nó có quan hệ mật thiết với nhau, cái này làm nhân, làm duyên cho cái kia, cái này là quả của cái trước, đồng thời là nhân cho cái sau. Trong 12 nhân duyên đó Phật giáo cho rằng vô minh và ái dục là hai nguyên nhân chủ yếu gây ra đau khổ cho con người. Do vô minh con người không nhận thức được thực tướng, bản chất của thế giới và của chính con người, cho nên sinh ra vọng tâm, chấp ngã, cho rằng có cái ta trường tồn và trên hết, từ đó sinh ra vị kỷ tham lam, dục vọng và có những hành động tương ứng, những hành động đó tạo ra nghiệp. Do tạo nghiệp, đặc biệt là nghiệp ác, mà con người phải chịu đau khổ không dứt ra khỏi vòng luân hồi sinh tử. Như vậy do mê hoặc, tối tăm mà sinh ra nghiệp, vì tạo nghiệp nên phải chịu quả khổ. Quá trình hoặc - nghiệp - quả (khổ) diễn đi, diễn lại mãi, không chỉ trong một đời người, mà trong nhiều đời, nhiều kiếp. Nói cách khác là khi nào còn tham dục thì còn hành, còn nghiệp, và do đó còn luân hồi sinh tử. Diệt đế: Cho rằng, tất cả mọi nỗi khổ đau, bất hạnh của con người có thể chấm dứt được bằng cách tiêu diệt hết nguyên nhân đau khổ nói trên khi nào diệt trừ vô minh loại bỏ duyên ái thì hoạt động của ngũ uẩn mới dừng lại, khi ấy mới hết luân hồi sinh tử, lúc đó sẽ sống một cuộc sống an vui, hạnh phúc. Đạo đế: Chỉ ra con đường để diệt khổ, giải thoát khỏi kiếp sinh tử luân hồi để đến cõi niết bàn. Muốn diệt khổ không còn đường nào khác là phải tu dưỡng để được giải thoát bằng cách lấy trí tuệ diệt trừ vô minh. Phật giáo đặt ra nhiều phép tu tập thực tiễn, trong đó quan trọng hơn cả là tu theo "Bát chính đạo" tức là theo con đường tu hành chân chính đó là: Chính ngữ - Chính nghiệp - Chính tịnh tiến - Chính mệnh - Chính niệm - Chính định - Chính tri kiến - Chính tư duy và "Tam học" gồm: Giới - Định - Tuệ là tiến trình tu hành để đạt đến giác ngộ và cuối cùng là "Lục độ": Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tịnh tiến, Thiền định, Trí tuệ [6, tr. 21]. Như vậy, "Tứ diệu đế" là bốn chân lý thiêng liêng cho thấy đời người là khổ và khổ đó là do các quá trình diễn ra trong bản thân con người sinh, lão, bệnh, tử, do ham sướng (dục vọng), do không sáng suốt (vô minh) đến nỗi rơi vào vòng luân hồi. Người theo đạo Phật muốn khỏi khổ, hết khổ, thì phải diệt dục, từ bỏ ham muốn, từ bỏ mọi sự quyến rũ của cuộc sống để sống yên tĩnh, đi vào cõi hư vô tịch diệt (niết bàn). Phật giáo còn đưa ra "ngũ giới"," thập thiện" đó là những điều răn cấm, những quy định giúp con người trên đường tu hành tránh lỗi lầm, trở nên trong sạch. Phật giáo chỉ rõ, tất cả mọi chúng sinh, không phân biệt sang, hèn, giàu, nghèo, đều có thể giải thoát, trở thành Phật, vì Phật và chúng sinh đều có "Phật tính". Bản thân phật cũng thừa nhận mình không phải là thần thánh, mà chỉ là người đã giác ngộ, giải thoát. Phật tuyên bố "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành" [6, tr. 23]. Phật giáo cho rằng sự giác ngộ, giải thoát là công việc của chúng sinh. Cho nên, mỗi chúng sinh phải không ngừng tu dưỡng thân tâm, đoạn trừ vô minh, tham dục, thiền định, giữ giới để cho trí tuệ được bừng sáng và nó sẽ dẫn dắt chúng sinh đến cõi niết bàn cực lạc. Mặc dù khẳng định mọi chúng sinh đều có thể giải thoát khỏi bể khổ, nhưng Phật cũng chỉ rõ giải thoát là công việc do chính mỗi chúng sinh tự thực hiện. Quá trình đạt đến sự giác ngộ, giải thoát nhanh hay chậm của mỗi chúng sinh là do sự rèn luyện, tu tập của mỗi người quyết định, nếu ai rèn luyện tu dưỡng tốt thì nhanh chóng giác ngộ, giải thoát. Phật dạy "Hãy tự mình là ngọn đèn soi sáng cho mình, hãy tự tạo cho mình một chỗ nương tựa và đừng nương tựa vào ai khác ngoài bản thân mình" [6, tr. 24]. Với một hệ thống các quan điểm về con người, đời người thể hiện trong bốn nguyên lý cơ bản, gọi là "Tứ diệu đế". Toàn bộ nhân sinh quan Phật giáo có thể nói gọn lại là một học thuyết về " khổ và con đường cứu khổ". Học thuyết này được xem là chân lý cao cả và thiêng liêng nhất không chỉ dành riêng cho những người xuất gia, tu hành, mà ở từng mức độ khác nhau nó đều có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của mỗi con người Việt Nam nói chung, người dân Lâm Đồng nói riêng. Toàn bộ tinh thần giáo lý của đạo Phật có thể cô đọng trong 4 câu kệ: " Không làm các điều ác Vâng làm các hạnh lành Giữ tâm ý trong sạch là lời chư Phật dạy" [57, tr. 49]. Gần một thế kỷ tồn tại và phát triển, có thể nói Phật giáo Lâm Đồng đã ngày càng phát triển và có ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nhưng rõ nét nhất là trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lâm Đồng. Vậy văn hóa tinh thần là gì. Văn hóa là một khái niệm có nội dung rất phong phú và phức tạp, đã có nhiều cách tiếp cận nội hàm khái niệm văn hóa, và vì thế, có nhiều định nghĩa khác nhau, tùy theo góc độ của từng lĩnh vực nghiên cứu. Tuy nhiên dù được hiểu theo nghĩa nào, được nhìn nhận từ góc độ nào, thì văn hóa cũng đều gắn với con người và trình độ phát triển của con người, trong quá trình tiến hóa của lịch sử, tất cả điều đó có thể tựu chung lại ở những nội dung cốt lõi đó là: tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống con người và phương thức, cách thức mà con người tồn tại. Khi nói về ý nghĩa của văn hóa, từ năm 1942, Hồ Chí Minh viết: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, giáo dục, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương tiện sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa [25, tr. 431]. Vậy văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Hay trong bài phát biểu khai mạc, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói: "Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước" [55, tr. 6]. Từ những nội dung cốt lõi và khái niệm đặc trưng nêu trên, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, theo chúng tôi văn hóa có thể hiểu là toàn bộ giá trị vật chất và giá trị tinh thần, do loài người sáng tạo ra được thể hiện trong các phương thức tổ chức đời sống và hoạt động của con người nhằm thỏa mãn những nhu cầu của cuộc sống. Từ góc độ tiếp cận khái niệm trên, có thể hiểu văn hóa tinh thần là tổng thể các giá trị tinh thần, do hoạt động trí óc của con người sáng tạo ra, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Với tính cách là một hệ thống, đời sống văn hóa tinh thần được cấu thành bởi các yếu tố chính trị, nghệ thuật, đạo đức, triết học, khoa học, tôn giáo v.v... Văn hóa tinh thần còn bao gồm cả ngôn ngữ, lối sống, phong tục, tập quán, những thể chế và thiết chế văn hóa để đảm bảo cho quá trình sản xuất, bảo quản, phổ biến, trao đổi và tiêu dùng các giá trị tinh thần. Các yếu tố văn hóa tinh thần rộng hơn các hình thái ý thức xã hội. Song, với tư cách là hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội nó góp phần tạo nên bộ mặt tinh thần của xã hội và tác động tích cực trở lại đối với tồn tại xã hội. Vì vậy, các hình thái ý thức xã hội giữ vai trò trung tâm của văn hóa tinh thần. Tuy nhiên do phạm vi nghiên cứu của luận văn, nên việc nghiên ._.triển khai của cấp ủy Đảng, nhất là cấp cơ sở, phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng lực lượng nòng cốt, lực lượng chính trị trong các Tôn giáo là vấn đề quyết định sự thắng lợi của công tác Tôn giáo. Khi giải quyết các vụ việc về Tôn giáo hoặc có liên quan đến Tôn giáo phải tính toán hợp lý các yếu tố đối nội, đối ngoại, đảm bảo đúng người, đúng việc, phải tuyên truyền để quần chúng tín đồ đồng tình, ủng hộ, tránh những sơ hở vô hình chung tạo điều kiện cho kẻ địch, bọn phản động xuyên tạc, kích động chống Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, điều đó đòi hỏi bộ máy quản lý Nhà nước đối với các hoạt động Tôn giáo phải được củng cố và hoàn thiện đáp ứng với nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về Tôn giáo và quy định cụ thể của các địa phương cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của các địa phương là rất cần thiết. Đó là căn cứ chủ yếu cho việc giải quyết các vấn đề Tôn giáo, tránh tùy tiện, áp đặt chủ quan hoặc không thống nhất giữa ngành, cơ quan chức năng sẽ gây nên hậu quả xấu khó lường. Hiện nay, quản lý Nhà nước đối với hoạt động Tôn giáo ở Lâm Đồng chưa chặt chẽ, thiếu tập trung, hiệu lực thấp, hiệu quả còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi còn có thái độ cứng nhắc, chưa thoát khỏi mặc cảm cũ hoặc những định kiến do tư duy cũ để lại, làm cho tín đồ các Tôn giáo thiếu tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Tôn giáo, tạo sơ hở cho kẻ địch và bọn phản động tuyên truyền "cộng sản chống Tôn giáo". Tập hợp kích động quần chúng thực hiện "diễn biến hòa bình" chống lại cách mạng nước ta. Có lúc, có nơi lại biểu hiện buông lỏng quản lý, giải quyết các vụ việc, công việc về Tôn giáo hoặc có liên quan đến Tôn giáo một cách xuôi chiều cho xong việc, thiếu cân nhắc thận trọng, không lường hết được hậu quả xấu, cũng là sơ hở cho những hoạt động lợi dụng Tôn giáo lấn lướt chính quyền, ngấm ngầm chống phá cách mạng. Một biểu hiện nữa do thiếu hiểu biết về Tôn giáo, nhận thức không đầy đủ về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với Tôn giáo nên tránh giải quyết các vụ việc về Tôn giáo hoặc có liên quan đến Tôn giáo, dây dưa kéo dài hoặc đùn đẩy lên cấp trên, không làm hết chức năng, thẩm quyền được giao, cũng gây ra những tác hại không kém các biểu hiện cứng nhắc hoặc buông lỏng. Trong công tác tôn giáo hiện nay ở Lâm Đồng, vấn đề nổi cộm là việc tôn tạo, sửa chữa, xây dựng các cơ sở thờ tự, chùa chiền, đình, miếu, am cốc cho phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng và quy hoạch cảnh quan của mỗi vùng. Việc cho phép xây dựng cơ sở thờ tự phải tính đến môi trường văn hóa, giao lưu, hội nhập của đồng bào có đạo, kiến trúc phải phù hợp với các truyền thống văn hóa của địa phương, của cả dân tộc và quỹ đất đai của địa phương. Bởi lẽ, công trình kiến trúc tôn giáo là nơi sinh hoạt Tôn giáo, đồng thời cũng là cảnh quan văn hóa. Thực tế tình hình xây dựng, sửa chữa không đúng với bản vẽ thiết kế hoặc trái phép còn diễn ra như chùa Tâm Ấn, Thiền Lâm - Đà Lạt, Đức Trọng, Di Linh. Do đó cần khắc phục khuynh hướng phát triển một cách tự phát, hạn chế việc phát triển các cơ sở Tôn giáo ở những nơi chưa quy hoạch nhất là vùng nông thôn, đưa các hoạt động giáo dục, y tế, sản xuất, dịch vụ ra khỏi các cơ sở thờ tự. Quản lý các hoạt động hội đoàn của Phật giáo theo đúng quy định của pháp luật. Chấn chỉnh lại việc cho phép xuất bản các văn hóa phẩm, đồ dùng việc đạo có liên quan đến mê tín, nhất là vàng mã, sách bói toán. Tăng cường quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực lưu hành ấn phẩm, băng hình có liên quan đến Tôn giáo Phật giáo. Thực tế, một số chùa ở Lâm Đồng đều có phát hành băng hình có liên quan đến chùa của mình, việc đúc tượng, thỉnh tượng một cách tự do, tràn lan, không theo sự quản lý của Nhà nước, vì vậy dẫn đến tình trạng "am", "miếu" xuất hiện ngày càng nhiều, ở đâu có tượng Phật là ở đó có người thờ cúng. Kiểm tra chặt chẽ việc đúc tượng, thỉnh tượng Phật, vẽ tranh, ảnh hoặc phục chế lại các sự kiện có liên quan đến những nhân vật lịch sử, chính trị phức tạp của một số Tôn giáo (trong đó có Phật giáo). Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo ngành Văn hóa thông tin khẩn trương lập hồ sơ và đưa vào quản lý các di tích văn hóa của các cơ sở Tôn giáo hiện có trong tỉnh, nhất là các công trình kiến trúc văn hóa Tôn giáo để trình Nhà nước xem xét công bố, xếp hạng và tổ chức quản lý theo quy định đối với các danh lam thắng cảnh (Phật giáo) của địa phương. Thường xuyên động viên biểu dương những nơi làm tốt, nhắc nhở những nơi làm chưa tốt, nhất là phải có kế hoạch, biện pháp đấu tranh phê phán xử lý hành chính, hoặc bằng pháp luật khi cần thiết đối với những kẻ lợi dụng các cơ sở thờ tự Tôn giáo để thực hiện các hình thức mê tín dị đoan, nâng cao trách nhiệm của Giáo hội, các chức sắc và tín đồ có đạo tự giác xây dựng môi trường văn hóa Tôn giáo - tín ngưỡng lành mạnh. Đảng ta đã chỉ rõ: Nội dung cốt lõi của công tác Tôn giáo là công tác vận động quần chúng, quần chúng là nguồn sức mạnh làm nên sự nghiệp cách mạng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Khi quần chúng đã ủng hộ, đã tin theo nhất định thắng lợi. Bác Hồ đã dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Chính sách đúng bằng mấy mà dân không hiểu, dân không tin thì cũng là vô nghĩa. Đặc điểm của quần chúng tín đồ Phật giáo có ưu điểm là có tâm thiện, gắn bó với dân tộc, ủng hộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng có hạn chế là đại đa số trình độ dân trí rất thấp, không những hạn chế về nhận thức xã hội mà hạn chế cả về Phật pháp rất dễ sa đà vào con đường mê tín hoặc cả tin dễ bị kích động. Làm cho quần chúng tín đồ tự giác vạch mặt, tố cáo những phần tử lợi dụng tín ngưỡng chống lại chính quyền. Cần phát huy phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc trong quần chúng tín đồ. Vạch trần bọn đội lốt tín đồ còn ẩn nấp trong tôn giáo bằng chính sự cảnh giác của họ. Trên lĩnh vực này, Đảng bộ Lâm Đồng thực hiện phương châm "lấy dân làm gốc" phát động và dựa vào lực lượng quần chúng là chính. Qua đấu tranh đã thu hút được những kết quả đáng kể, như phát hiện trường hợp Trương Thành Tâm tu trái phép, có những hoạt động gây ảnh hưởng xấu trong giới tăng, ni, phật tử Lâm Đồng và sau đó đã đưa ra xử trước toàn thể quần chúng nhân dân. Việc làm đó đã thu hút hàng trăm người đến dự, đồng tình ủng hộ. Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, và các tổ chức xã hội phải tuyên truyền, giải thích cho tăng, ni, phật tử hiểu đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về Tôn giáo, đây là công việc đòi hỏi phải kiên trì, khéo léo vận dụng các hình thức linh hoạt phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Thực tế ở Lâm Đồng hiện nay ảnh hưởng của các đoàn thể, nhân dân với tín đồ Phật giáo rất mờ nhạt, việc xây dựng cốt cán trong Tăng ni, phật tử hầu như mới chỉ bắt đầu, một mặt do nhận thức về Tôn giáo về đường lối, chính sách Tôn giáo của Đảng và Nhà nước, của cán bộ, các đoàn thể quá yếu, mặt khác sự chỉ đạo của đoàn thể cấp trên hầu như còn rất hạn chế, vẫn còn chung chung, chưa có những chuyên đề cụ thể, giải pháp hữu hiệu. Các cơ quan chuyên trách làm công tác tôn giáo cần chủ động phối hợp với giáo hội trong việc giải quyết xem xét các nhu cầu chính đáng của tăng, ni phật tử, đối với các sinh hoạt Phật giáo. Tạo mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa chính quyền với các tổ chức Giáo hội Phật giáo, trong công tác này, việc xây dựng lực lượng nòng cốt, cộng tác viên là rất quan trọng, Cần chú ý có chủ trương, chính sách, phát triển đảng viên trong Phật giáo, xây dựng đội ngũ cộng tác viên đáng tin cậy để tập hợp lực lượng có lợi cho ta, đồng thời nắm bắt và phản ánh kịp thời tình hình trong nội bộ các tổ chức Giáo hội Phật giáo, trong tín đồ giúp cho lãnh đạo có hướng chủ động, ngăn chặn và có hướng giải quyết kịp thời những vụ việc có thể xảy ra. Tranh thủ sự đồng tình của những người có uy tín đối với quần chúng tín đồ. Công việc này có ý nghĩa rất lớn góp phần thắng lợi trong việc thực hiện đấu tranh chống bọn xấu lợi dụng Phật giáo. Ba mặt của một vấn đề công tác Tôn giáo: Sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật và công tác vận động quần chúng có mối quan hệ khăng khít, biện chứng với nhau, là một thể thống nhất đưa đến sự thành công hay thất bại của công tác này. Vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ mất đi khi sự quản lý Nhà nước lỏng lẻo, công tác vận động quần chúng yếu kém, nếu quần chúng không hiểu Đảng, không tin Đảng, không phục tùng Nhà nước và ngược lại khi quần chúng tin ở đường lối lãnh đạo của Đảng thì pháp luật được thực hiện một cách tự giác, vai trò lãnh đạo của Đảng được đề cao, mọi sự chống phá của kẻ địch được nhân dân phát hiện, ngăn chặn và chính nhân dân là người đấu tranh chống lại âm mưu của kẻ địch. Năm là, thường xuyên đào tạo, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của công tác Tôn giáo hiện nay Nhìn vào đời sống vật chất, tinh thần của nước ta nói chung và Lâm Đồng những năm gần đây, chúng ta nhận thấy các sinh hoạt Tôn giáo được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, phong phú, đa dạng. Riêng Phật giáo số người theo ngày một đông không phân biệt tầng lớp, lứa tuổi, thành phần nghề nghiệp, số gia đình phật tử ngày càng gia tăng, hoạt động tích cực. Các lễ hội Phật giáo và sinh hoạt Phật giáo, được tổ chức long trọng, ngày càng có vị trí lớn trong đời sống tinh thần của nhân dân, số xuất gia đi tu ngày một nhiều và được đào tạo ngày càng cơ bản ở các trường Phật học hoặc kèm cặp tại nơi thờ tự, kinh sách Phật giáo được xuất bản và lưu hành ngày càng rộng rãi. Việc xây sửa nơi thờ tự, mua bán tượng Phật, đúc chuông có sự gia tăng nhảy vọt... Đồng thời, các vụ việc vi phạm các quy định của Nhà nước về hoạt động Tôn giáo như xây dựng nơi thờ tự không xin phép, hoặc xây quá phạm vi cho phép, mua bán, vận chuyển đồ thờ tự, in ấn, phát hành kinh sách bừa bãi, tu chui, thụ giới chui vẫn xảy ra, việc rước sách ồn ào gây ách tắc giao thông, làm mất trật tự công cộng vẫn còn... Những vi phạm quy định trên đây một phần do người trụ trì nơi thờ tự (tăng, ni, ban hộ tự), tín đồ cố ý làm trái, nhưng đại đa số những vi phạm là do không được hướng dẫn cụ thể, các thủ tục xin phép còn rườm rà "ngâm lâu" không được giải quyết, công tác quản lý của các cơ quan chức năng lỏng lẻo, thiếu thống nhất và suy cho cùng là do đội ngũ cán bộ làm công tác Tôn giáo hiện tại mỏng về số lượng, yếu kém về chất lượng, chủ yếu là làm kiêm nhiệm, chưa được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về Tôn giáo, nhất là các Tôn giáo cụ thể, chưa nắm vững đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định cụ thể của các ngành chức năng và địa phương về các hoạt động Tôn giáo. Hiện nay ở Lâm Đồng đội ngũ làm công tác tôn giáo còn quá ít (ở Ban Tôn giáo tỉnh có 4 đồng chí chuyên trách trong đó có 01 trung cấp, 03 đại học) nhưng hầu hết lại không được đào tạo theo chuyên môn công tác, mà rút từ các ngành nghề khác qua. Cấp huyện, thị xã thì hầu như không có chủ yếu là kiêm nhiệm. Ở Lâm Đồng hiện nay ngoài Ban Tôn giáo tỉnh, Ban Dân vận Ủy ban mặt trận Tổ quốc, Công an tỉnh có bộ phận cán bộ chuyên trách theo dõi công tác Tôn giáo, còn các cơ quan chức năng khác như Địa chính, Văn hóa, các cơ quan báo chí, tuyên truyền, các đoàn thể nhân dân... hầu như không có cán bộ theo dõi công tác Tôn giáo, nếu có chỉ là kiêm nhiệm, công tác Tôn giáo coi như làm thêm, khi cần có báo cáo về công tác Tôn giáo thì đi lấy số liệu ở các cơ quan khác, không mấy khi đề xuất được chủ trương, giải pháp gì thuộc lĩnh vực phụ trách liên quan đến Tôn giáo. Ở cấp huyện và xã thì tình trạng càng trở nên trầm trọng, không những không có cán bộ chuyên trách mà còn tùy hứng phân công, nơi thì giao cho Công an phụ trách, nơi thì do Ban Dân vận quản lý, nơi thì do Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện giúp việc... Như vậy không thể tránh khỏi sự thiếu thống nhất trong nhìn nhận, đánh giá và đề xuất giải quyết xử lý các công việc về Tôn giáo và liên quan đến Tôn giáo và do đó không thể có sự đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác Tôn giáo được. Còn ở cấp xã thì chủ yếu là do đồng chí Phó Chủ tịch - Trưởng Công an xã phụ trách. Do vậy, việc giải quyết thường cứng nhắc, thiếu tính vận động, thuyết phục và tùy hứng trong quá trình giải quyết, xử lý các nội dung công tác cụ thể. Đã đến lúc cần thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có cả số kiêm nhiệm làm công tác Tôn giáo những kiến thức cơ bản về Tôn giáo và đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về công tác Tôn giáo. Mặt khác cần quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác Tôn giáo một cách đồng bộ ở các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Kết hợp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên để giải quyết đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trước mắt với quy hoạch đào tạo chính quy các hệ trung cấp, cử nhân, sau đại học, đáp ứng công tác cán bộ về Tôn giáo lâu dài. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta: công tác Tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, có như vậy mới đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra. Vấn đề đặt ra đối với công tác cán bộ ở Lâm Đồng phải coi trọng việc xây dựng và từng bước củng cố tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo chuyên trách, hình thành mạng lưới cán bộ đó đến tận cơ sở. Đội ngũ cán bộ đó không chỉ có kinh nghiệm bản lĩnh trong hoạt động thực tiễn về công tác quần chúng, không những đòi hỏi có lòng nhiệt tình, tận tụy với công việc mà còn phải được trang bị các kiến thức cơ bản về luật pháp, chính trị học, xã hội học, tâm lý học, đặc biệt, là các kiến thức chuyên sâu về tổ chức, giáo lý, giáo luật của từng tôn giáo cụ thể. Bởi lẽ làm công tác tôn giáo là một công việc đầy phức tạp mà không am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ tôn giáo, sự ràng buộc vào kinh nghiệm sẵn có, không nhạy bén nắm bắt diễn biến đang thay đổi trong đời sống của các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng thì rút cuộc, chính họ sẽ làm ảnh hưởng uy tín của Đảng và Nhà nước trước con mắt của quần chúng có đạo. Thực tiễn ở Lâm Đồng trong những năm qua cho thấy các vụ việc "lộn xộn" do các cá nhân và các tổ chức Phật giáo gây ra, nếu đội ngũ cán bộ của chúng ta có trình độ, có bản lĩnh vững vàng thì sẽ ngăn chặn và giải quyết một cách thuyết phục, được lòng dân. Ngược lại có những vụ việc đơn giản, nhỏ hẹp nhưng cán bộ của chúng ta trực tiếp xử lý nóng vội, thiếu bình tĩnh sẽ dẫn đến những diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng xấu trong quần chúng nhân dân. Trong điều kiện đặc thù của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Lâm Đồng nói riêng đòi hỏi cán bộ làm công tác tôn giáo không chỉ nhạy cảm về phương diện chính trị mà còn có sự am hiểu sâu sắc về tâm lý, đạo đức, văn hóa xã hội v.v... không chỉ nắm vững các kiến thức phổ biến mà còn phải hiểu khá cặn kẽ các đặc thù. Trước mắt, để có đội ngũ cán bộ đảm đương được công tác tôn giáo, Đảng và Nhà nước vừa phải đào tạo cấp tốc, ngắn hạn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đương chức, đồng thời có kế hoạch đào tạo chuyên sâu chuẩn bị cho lâu dài. Với đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo phải có một bằng Đại học chuyên ngành. Trên cơ sở đó phấn đấu đến năm 2005 bắt đầu nâng cao trình độ của một bộ phận đồng chí có khả năng và tâm đắc với công việc lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Bên cạnh đó cũng nên có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức căn bản về công tác tôn giáo cho cán bộ chính quyền cơ sở, là cấp hành chính trực tiếp giải quyết công việc nảy sinh hàng ngày với quần chúng. Cùng với việc đào tạo cán bộ, Đảng và Nhà nước cần có sự phân cấp quản lý và xây dựng quy chế phối hợp hành động với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Tôn giáo, cũng như chính sách ưu đãi đối với các cán bộ làm công tác Tôn giáo. Các cơ quan chuyên trách làm công tác Tôn giáo và chính quyền cần chủ động phối hợp với Giáo hội trong việc giải quyết xem xét các nhu cầu chính đáng của tăng, ni, phật tử trong các sinh hoạt Phật giáo, tạo một quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức Giáo hội Phật giáo trong công tác này. Việc xây dựng nòng cốt, cộng tác viên là rất quan trọng cần phải chú ý. Có chủ trương, chính sách phát triển đảng viên trong Phật giáo, xây dựng đội ngũ cộng tác viên đáng tin cậy để tập hợp lực lượng có lợi cho ta, đồng thời nắm bắt và phản ánh kịp thời tình hình nội bộ các tổ chức Giáo hội Phật giáo, trong tín đồ giúp cho lãnh đạo có hướng chủ động ngăn chặn, giải quyết kịp thời những vụ việc có thể xảy ra. Tóm lại: Để góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần ở Lâm Đồng ngày càng lành mạnh, tiến bộ, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những giải pháp trên đây là vô cùng cần thiết. Trong đó, có những giải pháp cần tiến hành trước mắt, nhưng cũng có những giải pháp cần phải giải quyết lâu dài, gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thực hiện các giải pháp đó đòi hỏi phải có thời gian và điều kiện thích hợp. Mọi sự nôn nóng đều không mang lại kết quả tốt đẹp, làm mất đi và làm tổn thương đến mối quan hệ đạo - đời, vi phạm chính sách Tôn giáo mà Đảng và Nhà nước ta đề ra. KẾT LUẬN Hơn 80 năm kể từ ngày du nhập, một thời gian chưa phải là dài so với bề dày lịch sử của Phật giáo cả nước, nhưng Phật giáo Lâm Đồng đã có một thế đứng chân khá vững chắc, một môi trường phát triển khá thuận lợi. Trong quá trình tồn tại và phát triển, trải qua biết bao thăng trầm và biến đổi theo sự biến đổi của lịch sử dân tộc. Phật giáo đã ảnh hưởng khá sâu đậm đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lâm Đồng đặc biệt là trên các lĩnh vực đạo đức, lối sống và văn hóa nghệ thuật. Phật giáo Lâm Đồng để lại một hệ thống những giá trị nhân bản có ích cho việc rèn luyện con người. Đó là đạo lý sống nhân ái, vị tha, hướng thiện, có tình, có nghĩa, là nếp sống cần cù, giản dị, chịu thương, chịu khó, yêu thương, đùm bọc nhau trong cuộc sống. Tất cả những điều đó đều giúp cho con người hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ. Đồng thời trong quá trình đó, Phật giáo cũng đã để lại trong lòng người dân Lâm Đồng biết bao tiếng nói văn hóa, đó là những lễ nghi, những phong tục, tập quán, lối ứng xử giao tiếp thẩm mỹ và những công trình kiến trúc chùa chiền có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lâm Đồng ngày càng phong phú, lành mạnh... Tuy nhiên, Phật giáo cũng không tránh khỏi hạn chế nhất định trong nhận thức, trong tư duy, nếp nghĩ của người dân Lâm Đồng. Nó đã phần nào níu kéo sự năng động sáng tạo, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Những mặt tiêu cực này là miếng đất khá thuận lợi, rất dễ bị các phần tử hành nghề mê tín, dị đoan, những kẻ cơ hội lợi dụng để kinh doanh, kiếm tiền và đặc biệt là sơ hở để các thế lực thù địch phản động trong và ngoài nước, trong và ngoài tôn giáo chống phá cách mạng, chống phá công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực trên đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lâm Đồng. Dự báo trong tương lai, Phật giáo nói chung, Phật giáo Lâm Đồng nói riêng sẽ còn tiếp tục tồn tại và phát triển trong một thời gian lâu dài. Tình hình diễn biến có thể theo nhiều chiều cạnh khác nhau, nhưng điều có thể khẳng định là Phật giáo vẫn còn chức năng xã hội cần thiết, đáp ứng nhu cầu tinh thần cho một bộ phận nhân dân. Nhận thức được điều đó, đặt đúng vị trí của nó trong đời sống xã hội của dân tộc, phát huy mặt tích cực, đấu tranh, khắc phục dần những mặt tiêu cực của Phật giáo là yêu cầu khách quan của sự phát triển văn hóa, phát triển xã hội nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Điều đó trong Chỉ thị về "Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới" ngày 2/7/1998 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: "Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích, phát huy... mọi hành vi gây tổn hại đến các giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa của dân tộc... đều bị xử lý theo pháp luật". Để làm tốt nhiệm vụ đó,cần phải có thời gian, đồng thời phải phát huy sức mạnh của các cấp, các ngành chức năng và đặc biệt là sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ gắn tín ngưỡng Phật giáo với quá trình xây dựng và phát triển mọi mặt của đời sống xã hội ở địa phương. Tránh tình trạng nôn nóng, chủ quan trong nhận thức và trong thực tiễn hành động, gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ giữa "đạo" và "đời". Với tính cách là một tôn giáo, một học thuyết đạo đức, Phật giáo sẽ còn tồn tại lâu dài với dân tộc. Nhưng một vấn đề có thể thấy trước rằng nếu Phật giáo biết phát huy những giá trị trong lý thuyết của mình thì nó vẫn giữ được vị trí xứng đáng trong tâm hồn người Việt Nam, cũng như người dân Lâm Đồng trong hiện tại và tương lai, ngược lại, nếu chỉ biết đáp ứng những tâm lý thiển cận của con người thì không bao lâu nó sẽ bị thời đại vượt qua. Trình độ nhận thức ngày nay rất nhạy cảm để sàng lọc, giữ lấy, hoặc loại bỏ những gì là giá trị và lạc hậu của các học thuyết, các tín ngưỡng, trong đó có Phật giáo. Văn hóa là những giá trị còn lại sau sự sàng lọc công bằng của thời gian. Phật giáo vào Lâm Đồng nhanh chóng hòa chung với tâm lý, tư tưởng, văn hóa tinh thần của người dân Lâm Đồng và suốt chiều dài lịch sử đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hiện tại Phật giáo vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong tương lai, nếu biết hạn chế dần những mặt tiêu cực, chúng ta tin rằng, Phật giáo Lâm Đồng sẽ còn tiếp tục có những đóng góp hơn nữa trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. TÀI LIỆU THAM KHẢO Ban chấp hành Trung ương (15/6/1998), Thông báo 145 TB/TW kết luận của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác tôn giáo trong tình hình mới. Ban chỉ đạo tổng kết NQ 24/TW (30/2/1998), Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 24 NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VI) về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Phương hướng công tác tôn giáo thời kỳ mới. Ban dân vận tỉnh Lâm Đồng (13/2/1998), Báo cáo sơ kết việc thực hiện công văn số 166/CV - TU của Ban thường vụ tỉnh ủy về quản lý sinh hoạt gia đình phật tử thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ban dân vận tỉnh Lâm Đồng (12/5/1999), Báo cáo tình hình và công tác tôn giáo tỉnh Lâm Đồng thời gian qua. Ban tôn giáo Chính phủ (1991), Thông tư 01, TT - TGCP, Hà Nội. Ban tôn giáo Chính phủ (1993), Một số tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội. Ban tôn giáo Chính phủ (1995), Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội. Ban tôn giáo Chính phủ (7/10/1997), Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị định số 69/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Ban tôn giáo Chính phủ (2000), Các văn bản pháp luật quan hệ đến tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. Ban tôn giáo Lâm Đồng (2000), Báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm. Ban tôn giáo Lâm Đồng (1997), Lịch sử hình thành và phát triển các tôn giáo ở Lâm Đồng, Đề tài khoa học cấp Tỉnh. Ban tôn giáo Lâm Đồng (1995), Một số vấn đề cơ bản về tôn giáo tỉnh Lâm Đồng và công tác tôn giáo trong tình hình mới, Đề tài khoa học cấp tỉnh. Báo nhân dân ngày 25-3-1951. Nguyễn Thị Bảy (1997), Văn hóa Phật giáo và lối sống của người Việt ở Hà Nội và châu thổ Bắc Bộ, Nxb Văn hóa tư tưởng, Hà Nội. Bộ môn khoa học Về Tín ngưỡng và tôn giáo (1997), Đặc điểm cơ bản của một số tôn giáo lớn ở Việt Nam, Hà Nội. Các Mác (1997), Góp phần phê phán pháp quyền của Hê-Ghen, Nxb Sự Thật, Hà Nội. Các Mác - Ph. Ăngghen (1980), Toàn tập, tập 1, Nxb Sự Thật, Hà Nội. Thích Minh Châu (1993), Năm giới một nếp sống lành mạnh, an lạc, hạnh phúc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thiền viện Vạn Hạnh xuất bản. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Hà Nội. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo đàng trong, Nxb thành phố Hồ Chí Minh. Trần Văn Giáp (1932), "Phật giáo ở Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII", Tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ thuộc Pháp, tập 32, Hà Nội. Trần Văn Giàu (1993), Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb thành phố Hồ Chí Minh. Thanh Hương (1949), Trí - tuệ - Phật, Tân Việt ấn hành, Hà Nội. Thái Hoàng (1993), "Về tín ngưỡng và mê tín", Báo Hà Nội mới, ngày 3/4. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự Thật, Hà Nội. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh, Về tín ngưỡng tôn giáo, Tập 5, Nxb Khoa học xã hội. Đặng Thu Nga (2000), Ảnh hưởng của đạo cao đài đối với đời sống tinh thần nhân dân Tây Ninh, Luận văn thạc sĩ triết học. Trần Quang Nhiếp (1998), "Tư tưởng đạo đức lối sống những vấn đề then chốt của văn hóa", Tạp chí Cộng sản, (20). Thích Thánh Nghiêm (1991), Phật giáo chánh tín, Huyền Chân dịch, Viện nghiên cứu Phật học, Hà Nội. V.I. Lênin (1979), Toàn tập, Tập 12, Nxb Tiến Bộ, Maxcơva. Phân viện Đà Nẵng (1999), Đặc điểm xu hướng vận động của Phật giáo ở miền Trung và một số kiến nghị về chính sách đối với Phật giáo trong giai đoạn hiện nay, Đề tài khoa học. Trần Cao Phong (1999), Phật giáo Huế và ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đến sự hình thành nhân cách con người Huế, Luận văn thạc sĩ triết học. Tỉnh ủy Lâm Đồng (1997), Báo cáo tổng kết công tác đấu tranh giải quyết Fulrô, góp phần củng cố xây dựng toàn diện vùng dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng (1975 - 1997). Tỉnh ủy Lâm Đồng (15/5/1997), Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 24/NQ-TU của Bộ Chính trị (khóa VI) về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Tỉnh ủy Lâm Đồng (21/11/1998), Chỉ thị 37/CP-TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Tỉnh ủy Lâm Đồng (12/10/1999), Báo cáo công tác xây dựng củng cố tổ chức cơ sở Đảng và công tác phát triển Đảng viên là người có đạo ở địa bàn có đông đồng bào theo đạo. Tỉnh ủy Lâm Đồng (6/1/2000), Kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở vùng có đồng bào theo đạo và công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Tỉnh ủy Lâm Đồng (1996), Văn kiện Đại hội VII Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI. Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Tài Thư, (1993), "Phật giáo với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện nay". Tạp chí Triết học, (4). Nguyễn Tài Thư, (chủ biên) (1997), Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Tài Thư (1998), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Lê Hữu Tuấn (1998), Ảnh hưởng của những tư tưởng triết học Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ triết học, Hà Nội. Trần Sỹ Thứ (1999), Dân tộc và dân cư Lâm Đồng, Nxb Thống kê. Thích Thanh Từ (1995), Phật giáo với dân tộc, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm Thông tin tư liệu, Học viện CTQG Hồ Chí Minh (1996), Tôn giáo tín ngưỡng hiện nay, Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp thiết, Hà Nội. Trương Trổ (Chủ biên) (1993), Đà Lạt - Thành phố cao nguyên, Nxb thành phố Hồ Chí Minh. Phạm Thị Xê (1996), Ảnh hưởng của tư tưởng triết học Phật giáo trong lối sống người Huế hiện nay, Luận văn thạc sĩ triết học. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt (1993), Đà Lạt - Thành phố cao nguyên, Nxb thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt (2000), Đà Lạt - Điểm hẹn năm 2000, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng (1989), Những kết quả nghiên cứu kinh tế - xã hội Lâm Đồng. Đặng Nguyên Vạn (chủ biên) (1998), Về tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 BCH TW khóa VIII (1998), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Viện Hồ Chí Minh (1993), Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh (tập 2), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1995), Đạo đức học Phật giáo, Nxb thành phố Hồ Chí Minh. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2000), Tạp chí Nghiên cứu Phật học, (3). Viện Thông tin khoa học, Bộ môn khoa học Về Tín ngưỡng tôn giáo (1997), Những đặc điểm cơ bản của một số tôn giáo lớn ở Việt Nam, Hà Nội. Viện Triết học (1998), Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Hà Nội. PHỤ LỤC Phụ lục 1 THỐNG KÊ ĐẢNG VIÊN LÀ NGƯỜI CÓ ĐẠO TỈNH LÂM ĐỒNG - NĂM 2000 Đơn vị tính: người STT Đơn vị Tổng số Đảng viên Phật giáo Công giáo Tin lành Cao đài Ghi chú 1 Đơn Dương 43 12 23 4 4 2 Lâm Hà 42 9 28 1 4 3 Bảo Lộc 72 36 34 2 4 Lạc Dương 45 13 32 5 Đức Trọng 33 3 17 13 6 Đạ Hoai 19 15 4 7 Dạ Tẻh 38 28 9 1 8 Cát Tiên 15 8 9 Di Linh 23 23 10 Bảo Lâm 16 16 11 Đà Lạt 25 21 3 1 12 Dân chính 27 24 3 13 Doanh nghiệp 10 2 8 Cộng 408 157 189 50 12 (Nguồn: Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng) Phụ lục 5 TỔNG HỢP CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC, NƠI THỜ TỰ CÁC TÔN GIÁO TỈNH LÂM ĐỒNG - ĐẾN NĂM 2000 I. Phật giáo: 1. Chức sắc: 972 người Trong đó: Hòa thượng 3 người Thượng tọa 19 người Đại đức 121 người Ni sư trưởng 3 người Ni sư 18 người Ni cô 608 người Tu sĩ 20 người 2. Chức việc: - Số ban hộ tự: 15 - Số người: 132 3. Nơi thờ tự: Tổng số: 114 Trong đó: Chùa: 80 Thiền viện: 01 Tịnh Xá: 18 Niệm phật đường: 15 II. Công giáo 1. Chức sắc: Tổng số 718 người Trong đó: Giám mục 1 người Linh mục dòng 45 người Linh mục triều 88 người Tu sỹ 575 người 2. Chức việc: - Ban hành giáo xứ 59 Số người tham gia 232 - Ban hành giáo họ 39 Số người tham gia 117 3. Nơi thờ tự: Tổng số: 138 Trong đó: Tòa giám mục 1 - Nhà thờ: 78 - Nhà nguyện: 20 - Tu viện: 19 - Đền thánh: 10 III. Tin lành 1. Chức sắc: Tổng số 126 người Trong đó: Mục sư 32 người Giảng sư và Truyền đạo sinh 94 người 2. Chức việc: Tổng số ban chấp sự hội thánh: 46 Số người tham gia: 182 3. Nơi thờ tự: Nhà thờ 47 IV. Cao đài 1. Chức sắc: Tổng số 38 người Trong đó: - Giáo sư 2 người - Giáo hữu 2 người - Lễ sanh 34 người 2. Chức việc: Số ban cai quản thánh thất: 15 Số người tham gia: 133 3. Nơi thờ tự: Thánh thất, điện thờ: 12 (Nguồn:Ban Tôn giáo tỉnh Lâm Đồng) ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLVTS0098.DOC
  • docBAIBAO1.DOC
  • docBB3.DOC
  • docDANGBA1.DOC
  • docDANGBA2.DOC
  • docMUCLUC.DOC
  • docPHULUC1.DOC
Tài liệu liên quan