Tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam

Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam, một lần nữa, khẳng định: "Con đường đi lên của nước ta là sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa..." [42, tr. 21]. Không phủ định sạch trơn đối với những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chủ nghĩa tư bản, cũng như tránh cái quan niệm giản đơn (mà thực c

doc170 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2920 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hất là siêu hình) về thời kỳ quá độ, Đảng ta đồng thời nhấn mạnh việc cần thiết phải tiếp thu những giá trị hợp lý của nhân loại, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước [42, tr. 21-22]. Để hiện thực hóa phương châm ấy, đưa nó vào trong đời sống, cần phải giải quyết nhiều vấn đề, mà trước hết là về phương diện lý luận; cụ thể là: cần phải xác định cho được, đâu là những giá trị nhân loại phổ biến dưới chủ nghĩa tư bản, một khi trong hiện thực chúng không tồn tại ở dạng thuần khiết, mà hoà tan vào hiện thực tư bản chủ nghĩa. Thứ nữa, nên áp dụng chúng như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, điều kiện vật chất - xã hội của đất nước, nhằm phục vụ mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta theo đuổi. Đây dĩ nhiên là những vấn đề không đơn giản chút nào, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của tập thể các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và cả sự thận trọng chính trị nữa. Nhất là trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động như hiện nay, vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ diễn biến hòa bình từ phía các thế lực thù nghịch đối với chủ nghĩa xã hội. Do đó, xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, là một trong những vấn đề hệ trọng, đòi hỏi sự sáng suốt và cả sự nhạy cảm về chính trị nữa. Đảng ta đã xác định việc xây dựng nhà nước pháp quyền là một tất yếu khách quan trên con đường củng cố và hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa [42, tr. 131-137]. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 mà Đảng đang lãnh đạo nhà nước và nhân dân cùng thảo luận, là bước đi căn bản, tạo đà cho việc thực hiện mục tiêu này. Sở dĩ nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta tiến bộ hơn nhà nước tư sản là vì nó chứa trong bản thân những yếu tố hợp lý của quá khứ nhưng đã nâng chúng lên một trình độ mới, cao hơn về chất. Mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại ngay trong bản thân hiện tại là lôgíc khách quan của sự phát triển lịch sử. Mặc dù xây dựng nhà nước pháp quyền là một tất yếu khách quan trên con đường tạo lập một xã hội, trong đó: dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Nhưng tính tất yếu ấy chỉ được thực hiện thông qua hoạt động có ý thức của con người. Điều đó có nghĩa là, mức độ thành công của công cuộc xây dựng này phụ thuộc đáng kể vào năng lực nhận thức, hành vi sáng tạo, tích cực của chủ thể, mà trước hết là năng lực nhận thức bản chất của nhà nước pháp quyền, những tiêu chí phổ biến của nó. Và thứ nữa là: năng lực thấu hiểu các điều kiện đặc thù của đất nước, cùng những ảnh hưởng của chúng đối với việc tiếp thu những giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, mức độ thành công còn phụ thuộc đáng kể vào khâu vận dụng một cách sáng tạo, và bởi vậy mà đặc thù, những giá trị phổ biến ấy vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. ở đây, việc vận dụng nhuần nhuyễn phép biện chứng giữa tính phổ biến và tính đặc thù, nhằm gạn đục khơi trong, làm cho những giá trị phổ biến ấy trở nên tương thích với trình độ phát triển của đất nước, cũng như đáp ứng được tôn chỉ mục đích của Đảng - là một yêu cầu tất yếu. Chính yêu cầu này đã giữ vai trò là tác nhân trực tiếp, thúc đẩy người viết lựa chọn vấn đề "Tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam" làm đối tượng nghiên cứu của luận án. 2. Tình hình nghiên cứu Hiện nay, việc đẩy mạnh nghiên cứu những vấn đề lý luận về nhà nước pháp quyền và tổng kết kinh nghiệm xây dựng nó trong lịch sử nhân loại, cũng như việc phân tích cụ thể các điều kiện thuận lợi và khó khăn của đất nước, đang là một nhu cầu cấp thiết trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Xác định rõ nhu cầu ấy, Đảng ta đã định hướng nghiên cứu cho các khoa học xã hội là phải tập trung vào vấn đề vừa mang tính khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn chính trị này. Cụ thể là, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 716/TTG, ngày 30 tháng 9 năm 1996, phê duyệt Phương hướng nghiên cứu và danh mục các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về Khoa học Xã hội - Nhân văn giai đoạn 5 năm 1996-2000, đã khẳng định rằng: "Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng" là một trong những nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm. Nhận thức sâu sắc về vai trò của nhà nước pháp quyền như một công cụ hữu hiệu trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật, ngày 12 tháng 11 năm 1996, trong đó chỉ rõ mục đích của luật này là nhằm: "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Luật này cũng đã lường tính đến sự tương thích giữa luật quốc gia và luật quốc tế (Điều 26, mục 7) [23]. Năm 1992, công tác xây dựng pháp luật đã hướng trọng tâm vào việc thông qua Hiến pháp và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Kết quả này đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc đổi mới hệ thống chính trị nước nhà, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Bản thân sự kiện 51 đoàn luật sư đã được thành lập tính đến tháng 7/ 1996, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, đã phản ánh: Nhu cầu giúp đỡ pháp lý của công dân, tổ chức, đóng góp đáng kể trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức góp phần thực hiện nguyên tắc sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân [23]. Sự kiện Quốc hội dự thảo sửa đổi và bổ sung Hiến pháp 1992 theo định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp (15/8/2001) - là một trong những động thái quan trọng của nhà nước trong việc chuyển mình đi lên theo các chuẩn mực phổ biến của nhà nước pháp quyền [30]. Chương trình cấp nhà nước KX-05 về hệ thống chính trị ở nước ta, bước đầu đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước - Các tổ chức xã hội. Tạo tiền đề cho việc đưa ý tưởng nhà nước pháp quyền vào hiện thực. Việc làm rõ hơn đặc điểm của hệ thống chính trị ở nước ta; cơ chế thực hiện quyền lực chính trị; vai trò lãnh đạo của Đảng; các hình thức làm chủ về chính trị của nhân dân thông qua nhà nước và thông qua các tổ chức chính trị, xã hội...; vấn đề phân định và phối hợp giữa các phạm vi quyền lực nhà nước..., đã góp phần đáng kể cho định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Trên cơ sở của định hướng chung đã đạt được, Đề tài KX-01-14 tiến hành giải quyết một cách cụ thể hơn những vấn đề lý luận liên quan trực tiếp đến nhà nước pháp quyền, đến cơ chế vận hành của nó như: thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; nâng cao vị thế của pháp luật trong việc thực hiện quyền của nhân dân; phân quyền giữa bộ phận lập pháp, hành pháp và tư pháp v.v... Bên cạnh những công trình tập thể, các công trình cá nhân về nhà nước pháp quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền ngày một gia tăng, nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn. Có thể nói, xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành. Nó thu hút vào bản thân mình các nhà chính trị học, sử học, luật học, triết học, văn hóa học. ở đây, nhà nước pháp quyền được tiếp cận theo nhiều chiều cạnh khác nhau. Đã xuất hiện những ý kiến khác nhau, đa dạng, đôi khi trái ngược nhau, nhưng rốt cuộc, đều thống nhất với nhau ở mục đích chung là: tất cả những ý kiến đó đều mang nguyện vọng chung là: đóng góp các đề xuất, kế sách, để sao cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta trở nên tối ưu, hợp lý, đáp ứng được lòng dân, ý Đảng. Đại biểu của cách tiếp cận triết học - chính trị phải kể đến GS. Nguyễn Đức Bình; GS.TS Trần Ngọc Hiên; GS. Đoàn Trọng Truyến; Nguyễn Văn Thảo; PGS.TS Trần Xuân Sầm [9]. Bên cạnh đó, các tác giả của nhiều công trình khảo cứu khoa học sâu sắc về nhà nước pháp quyền như: GS. Hồ Văn Thông [163], [164]; GS.TS Phạm Ngọc Quang [134], [135], [136] v.v..., cũng đã để lại dấu ấn đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu này. Theo cách tiếp cận Luật học, có nhiều đại biểu chuyên viết về lĩnh vực này như: GS.TSKH Đào Trí úc [177], [178], [179]; TS. Lê Minh Thông [165], [166]; GS. Nguyễn Văn Niên [123]; GS.TS Hoàng Văn Hảo [65], [66], [67]; PGS.TS Trần Ngọc Đường [50], [51], [52], [53], [54]; TSKH Lê Cảm [13], [14]; PGS.TS Nguyễn Đăng Dung [28], [29] v.v... Từ góc độ sử học và văn hóa học, các tác giả như: TS sử học Vũ Minh Giang [60], [61]; PGS.TS luật học Nguyễn Đăng Dung; các học giả như Đỗ Long; Trần Hiệp; Văn Tạo; tập thể các nhà khoa học thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn [63], [92], [95], [96] v.v.., đã có nhiều đóng góp và mở ra các chiều cạnh đáng suy nghĩ về những thuận lợi cũng như khó khăn của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Tổng quan các tài liệu, trong và ngoài nước, cho thấy, việc xem xét nội dung khái niệm nhà nước pháp quyền trong sự vận động cùng với những biến đổi lịch sử, để từ đó ý thức được rằng: nội dung ấy là cái lịch sử chứ không phải như cái nhất thành bất biến (Ph. Ăngghen) - lại chưa được nghiên cứu một cách thỏa đáng. Chính sự khiếm khuyết như vậy đã lý giải một phần: vì sao xu hướng biến đổi nội dung khái niệm nhà nước pháp quyền, trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa, đối với chúng ta, vẫn còn là vấn đề để nghỏ. Trong khi đó, đối với giới nghiên cứu ngoài nước, đây lại là một lĩnh vực được quan tâm hàng đầu, thu hút nhiều bộ óc lớn của thời đại. Song cũng phải thừa nhận rằng, những thành công đạt được trong địa hạt này không nhiều. Đối với bản thân các nước đang nếm trải những biến động về cấu trúc nhà nước pháp quyền và xã hội công dân, trước áp lực của toàn cầu hóa - mà điển hình là các nước EU, câu trả lời, cho tới nay, vẫn còn nằm trong bóng tối: Việc thử nghiệm mô hình cai trị liên quốc gia vẫn còn trong tình trạng dò dẫm, vừa làm vừa hiệu chỉnh. Đơn giản là vì một nhà nước pháp quyền mà lại vượt ra khuôn khổ quốc gia - dân tộc (nation - state), là điều mà nhân loại chưa có tiền lệ. Thêm vào đó, giới nghiên cứu ở các nước xã hội chủ nghĩa, trước đây, hầu như chỉ chú trọng vào các dấu hiệu của nhà nước pháp quyền mà, chưa thật quan tâm đến việc lý giải đâu là căn nguyên, cội nguồn quy định những dấu hiệu đó. Một khi xã hội công dân - cái nền tảng từ trên đó mọc lên nhà nước pháp quyền hiện vẫn còn là một sự kiện nằm ngoài nhãn quan lý luận về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì những khiếm khuyết như vậy cũng dễ hiểu. Liên quan đến các điều kiện đặc thù của Việt Nam trong việc tiếp thu và cải biến các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền, cũng còn nhiều điều đáng để bàn luận. Chính vì vậy, ở một chừng mực nhất định, luận án cũng mong muốn đóng góp một phần công sức vào những khía cạnh mới mẻ này. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án Mục đích của luận án là khảo sát các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền; cũng như các nét đặc thù của Việt Nam để từ đó nêu bật việc vận dụng phép biện chứng giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay. Xuất phát từ mục đích như vậy, luận án đặt ra nhiệm vụ là: - Tổng kết lịch sử (quá khứ) hình thành khái niệm nhà nước pháp quyền để làm rõ lôgíc phát triển của nó (mạch dẫn xuất từ tư tưởng này sang tư tưởng khác trong lịch sử học thuyết nhà nước pháp quyền). - Tổng kết các quan điểm đương đại xung quanh khái niệm nhà nước pháp quyền; từ đó phân suất ra những tiêu chí phổ biến của nhà nước pháp quyền. - Đặt nội dung khái niệm nhà nước pháp quyền vào bối cảnh toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau nhằm phác họa về xu hướng biến đổi của nó trong tương lai. - Luận chứng việc xây dựng nhà nước pháp quyền là yêu cầu quan trọng của công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay. - Nêu và phân tích một số nét đặc thù nổi trội của Việt Nam liên quan đến việc hấp thụ và chuyển hóa các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền. - Trình bày phép biện chứng giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, thông qua việc phân tích các mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước; giữa cấu trúc nhà nước hiện tại của chúng ta với các tiêu chí phổ biến của nhà nước pháp quyền; giữa nhà nước và xã hội công dân. 4. Cái mới của luận án - Góp phần làm rõ thêm sự biến đổi nội dung khái niệm nhà nước pháp quyền, theo nguyên tắc lịch sử. - Góp phần tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền với xã hội công dân. - Nêu một số đề xuất, kiến nghị và bằng cách đó thể hiện nguyện vọng góp phần vào hoạt động cụ thể hóa định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng. 5. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng các nguyên tắc của phương pháp biện chứng, đặc biệt là nguyên tắc lịch sử, nguyên tắc thống nhất giữa lôgíc và lịch sử... vào việc tập hợp và xử lý các tài liệu. Luận án quán triệt tư tưởng chỉ đạo của quan điểm duy vật về lịch sử, theo cách là: đối xử với đối tượng nghiên cứu như một hiện tượng thuộc kiến trúc thượng tầng. Luận án cũng coi những chỉ đạo mang tính định hướng của Đảng, trong các văn kiện hữu quan, là nguyên tắc để tiến hành triển khai nghiên cứu đối tượng. 6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Với những kết quả bước đầu, và do đó không tránh khỏi còn nhiều khiếm khuyết, người thực hiện hy vọng rằng, luận án có thể được dùng như một tài liệu tham khảo cho những ai quan tâm đến lĩnh vực nhà nước pháp quyền; và ở chừng mực nhất định, có thể đưa lại những gợi ý gián tiếp cho thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận án gồm 3 chương, 8 tiết. Chương 1 Lôgic của sự hình thành và phát triển khái niệm nhà nước pháp quyền Bất kỳ sự vật nào cũng phải trải qua một quá trình phát triển lịch sử, bao gồm sự nảy sinh, hình thành, phát triển và tiêu vong. Đó là chuỗi liên tục và đứt đoạn; nhảy vọt và tiệm tiến... Trong đó, các trạng thái khác nhau về chất nảy sinh kế tiếp nhau, cái nọ được dẫn xuất từ cái kia, theo cách là: cái sau bao giờ cũng phong phú hơn cái trước và bao hàm cái trước dưới dạng vượt bỏ, khiến sự vận động diễn ra theo chiều hướng đi lên, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. "Nếu tất cả đều phát triển, thì điều đó có áp dụng cho những khái niệm và những phạm trù chung nhất của tư duy không?" [93, t. 29; tr. 270-271] - đó là câu hỏi đặt ra cho các nhà triết học trong lịch sử. Và người đầu tiên, luận chứng cho sự vận động và phát triển của khái niệm và phạm trù, chính là F. Hêghen. ở ông, giữa sự phát triển của khái niệm và lịch sử hiện thực, có sự nhất trí cao, vì lịch sử là sự tự hiện thân của lôgic bằng "máu và thịt". Lật lại vấn đề trên quan điểm duy vật - khoa học, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác khẳng định rằng: các khái niệm, phạm trù là sự phản ánh hiện thực khách quan trong sự tự vận động và phát triển, trong đời sống sinh động của nó - dưới hình thái gián tiếp, khái quát lý luận. Bởi vậy những khái niệm và phạm trù không thể đứng im, bất biến, chết cứng; mà trái lại, phải mềm dẻo, năng động, liên hệ với nhau, tràn từ cái nọ sang cái kia, để có thể phản ánh được đời sống sinh động. Sự phản ánh bị quy định bởi cái được phản ánh, do đó sự phát triển của hiện thực quy định sự phát triển của ý niệm, chứ không phải ngược lại, như Hêghen đã nhầm tưởng. Liên quan đến các bình diện khác nhau của sự phát triển, phạm trù/ khái niệm được nhìn nhận từ hai giác độ: phạm trù/ khái niệm lịch sử và tính lịch sử của phạm trù/khái niệm. Phạm trù/ khái niệm lịch sử dùng để chỉ sự phản ánh lôgic về một hiện thực xác định. Nó gắn liền với sự biến đổi của hiện thực ấy và mất đi khi hiện thực ấy chấm dứt. Chẳng hạn, nhà nước là một phạm trù lịch sử, nó sẽ biến mất cùng với sự tiêu vong của các giai cấp trong xã hội. Tư bản là một phạm trù lịch sử; nó chỉ nảy sinh ở một giai đoạn lịch sử nhất định và cũng mất đi khi các điều kiện cho sự chiếm đoạt giá trị thặng dư bị xóa bỏ... Và cố nhiên, trong lịch sử nhận thức nhân loại, bên cạnh những phạm trù như vậy, còn tồn tại những phạm trù, mà sự hiện diện của chúng là xuyên suốt quá trình nhận thức - tức là những phạm trù phổ biến; chẳng hạn như vật chất và ý thức, sản xuất và tiêu dùng, cung và cầu... Nhưng xét về mặt nội hàm thì phạm trù/khái niệm nào cũng mang tính lịch sử. Tính lịch sử của phạm trù/khái niệm thể hiện ở chỗ trong quá trình nảy sinh, phát triển (cùng với hiện thực được nó phản ánh) nội hàm của phạm trù ngày càng trở nên phong phú do dung nạp những tính chất mới, những thuộc tính mới từ hiện thực được nó phản ánh, mà vẫn không bị thu hẹp về mặt ngoại diên. Đây chính là một trong các tính quy định đặc trưng của lôgic biện chứng so với lôgíc hình thức. Hiện nay, khoa học đã phát hiện ra các phản vật chất dưới dạng phản hạt, song không vì thế mà phạm trù vật chất bị thu hẹp về ngoại diên. Ngược lại, nó dung nạp những tính chất mới vào trong nội dung của mình, để trở nên giàu có hơn, cách hiểu về vật chất cũng vì thế mà đa dạng hơn, sâu sắc hơn. Điều này đúng với tất cả các phạm trù khi được xem xét trong sự vận động và phát triển. Liên quan đến tính lịch sử của phạm trù (khái niệm), Hêghen cho rằng: không nên coi sự phát triển của khái niệm (cái phổ biến) như một sự lưu động từ khái niệm này qua khái niệm kia, mà phải hiểu đây là cái quá trình đi từ trừu tượng đến cụ thể. Sự vận động tiệm tiến này có đặc trưng đầu tiên là: nó bắt đầu bằng những tính quy định đơn giản, và những tính quy định tiếp theo ngày càng phong phú và cụ thể hơn. Bởi vì kết quả chứa đựng cái bắt đầu của nó, và sự vận động của cái bắt đầu này đã làm cho nó giàu thêm bởi một tính quy định mới nào đó. Cái phổ biến hợp thành cơ sở, vì thế không nên xem như một sự lưu động nào đó từ một cái khác này sang một cái khác kia...; ở mỗi giai đoạn của sự quy định tiếp theo, cái phổ biến nâng toàn bộ khối nội dung trước kia của nó lên cao hơn, và không những nó không vì sự vận động tiệm tiến lên biện chứng của nó mà mất đi một cái gì, không để lại cái gì sau nó cả, mà nó lại mang theo nó tất cả cái đã thu hoạch được và làm cho nội bộ của nó không ngừng phong phú hơn và cô đặc thêm [93, t. 29; tr. 250-251]. Chính là bằng cách đó, cái phổ biến (khái niệm, phạm trù) thâu tóm vào trong bản thân sự phong phú của cái cá biệt, đơn nhất và đặc thù. Tư tưởng biện chứng ấy được Lênin đánh giá là "một công thức hay tuyệt: "không phải chỉ là cái phổ biến trừu tượng, mà là cái phổ biến bao hàm cả sự phong phú của cái đặc thù, cái cá thể, cái cá biệt" (tất cả sự phong phú của cái đặc thù và cái cá biệt!)!! Très bien [rất hay]" [93, t. 29; tr. 108]. Xuất phát từ quan niệm về tính lịch sử của khái niệm, các nhà kinh điển của triết học Mác đòi hỏi phải nhìn nhận khối nội dung mà khái niệm đó mang, một cách cụ thể, không trừu tượng, gắn liền với từng nấc thang phát triển của hiện thực được nó phản ánh. Như thế có nghĩa là - không nên quan niệm rằng: vì nội dung của khái niệm (phạm trù) mang tính phổ biến nên nội dung ấy là nhất thành bất biến. Đơn cử một thí dụ: mệnh đề "Giết người là hành vi xấu, phi đạo đức, phi pháp..." - được thừa nhận là chân lý. Và sẽ vĩnh viễn là như vậy, chừng nào người ta còn đối xử với chân lý ấy như cái phổ biến trừu tượng, phi lịch sử. Nhưng "chân lý trừu tượng" này, sẽ lập tức biến mất khi người ta đặt nó vào trong một hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, chẳng hạn như trong tình trạng phòng vệ chính đáng được pháp luật quy định. Cũng như vậy, khi tiến hành phân tích những khái niệm như "bóc lột", "kinh tế thị trường"..., và cụ thể trong luận án này là khái niệm "nhà nước pháp quyền", cần phải thấu triệt tính lịch sử của các khái niệm ấy để tránh rơi vào tình trạng: hoặc cố tìm cách luận chứng cho tính tất yếu của chúng trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, bằng các thủ thuật ngôn ngữ; hoặc cố tình cắt gọt hiện thực Việt Nam cho vừa khuôn mẫu khái niệm; hoặc thừa nhận trong thực tiễn nhưng lảng tránh về mặt lý luận. Thật ra, không có gì đáng sợ khi dung nạp những nội dung như: bóc lột, thị trường, sở hữu tư nhân, lãi suất, lợi nhuận, hay nhà nước pháp quyền vào trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, một khi đã hiểu rằng: chúng tuyệt nhiên không phải là những cái phổ biến trừu tượng. Khi gia nhập vào hệ thống quan hệ xã hội mới, những yếu tố này sẽ thay đổi theo cách là: trở thành các bộ phận tòng thuộc của cái chỉnh thể mà chúng gia nhập, đảm nhận chức năng mới vốn trước kia không có, và do đó biến đổi về căn bản nội dung đã có trước đó. Tình hình diễn ra đúng như vậy, khi Mác tiến hành khảo sát kết cấu đương đại của hiện thực - tư bản. Tư bản đã cấu nên cơ thể xã hội của nó từ những yếu tố thuộc những hình thái kinh tế - xã hội tiền tư bản, như lao động làm thuê, hàng hóa tiền tệ, thương nghiệp... Bản thân hệ thống hữu cơ này với tư cách là một tổng thể chỉnh thể, có những tiền đề của mình, và quá trình phát triển của nó theo hướng chỉnh thể chính là thể hiện ở chỗ chi phối tất cả những thành phần trong xã hội hoặc là từ xã hội mà tạo ra những cơ quan mà hệ thống ấy còn thiếu. Bằng cách ấy, trong quá trình phát triển lịch sử, hệ thống chuyển hóa thành chỉnh thể" [103, 46(I), tr. 379-380]. Trên thực tế, tư bản biến địa tô, tiền tệ... (tức là những yếu tố tiền tư bản) - thành các khí quan của mình, phân định "tỷ trọng", chức năng cho chúng; bắt chúng phải phục tùng quy luật vận hành đặc thù của mình. Bởi vậy, không thể nói tiền tệ, địa tô, lao động làm thuê... ở những nơi tư bản thống trị vẫn còn giữ được nội dung nguyên thủy của chúng. Những nội dung ấy có thể trở nên cằn cỗi, hay phát triển lên ở mặt này hay mặt khác, nhưng dẫu sao cũng đã bị biến đổi một cách căn bản. Và việc một xã hội đang xây dựng xã hội chủ nghĩa, biến nhà nước pháp quyền - cái yếu tố đã tồn tại từ trước trong lịch sử - thành "khí quan" của mình, cũng không phải là điều ngoại lệ. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ: phải đối xử với cái "khí quan" ấy như là cái lịch sử, và do đó phạm trù phản ánh nó - như là cái phổ biến mang tính lịch sử. Chính vì coi phạm trù/ khái niệm là cái phổ biến lịch sử, tức là quan niệm về nó như sự phản ánh khái quát và nhất quán lý luận về các nhà nước pháp quyền cụ thể tồn tại trong hiện thực; nên luận án quán triệt cái quan điểm duy vật biện chứng về sự vận động và phát triển của phạm trù/ khái niệm là: xung lực của sự vận động ấy không phải bắt nguồn từ chính bản thân khái niệm, mà từ hiện thực được nó phản ánh. Điều đó có nghĩa là, việc nghiên cứu khái niệm nhà nước pháp quyền trong sự biến đổi của nó, cũng đồng thời là sự tái hiện quá trình phát triển lịch sử của các nhà nước pháp quyền trong hiện thực, chỉ có điều là dưới dạng đã lược bỏ những ngẫu nhiên pha trộn và chỉ còn lại những vòng khâu chính yếu nhất. Đây cũng chính là ưu thế trong nghiên cứu của phương pháp lôgíc so với phương pháp lịch sử - mà Mác và Ănghen vẫn thường nhắc đến. Vả lại, công việc tổng kết, khái quát để đúc rút thành lý luận về nhà nước pháp quyền bằng phương pháp lịch sử, tức là bằng cách tập hợp các tư liệu lịch sử về những nhà nước pháp quyền trong hiện thực để từ đó đối chiếu, so sánh, phân suất ra những dấu hiệu chung, những nét phổ biến - đã được các thế hệ các nhà luật học, chính trị học kế tiếp nhau đảm nhận và đã xuất hiện không ít công trình cá nhân hoặc tập thể trong lĩnh vực này. Với những lý do như vậy, luận án đã nghiêng về sử dụng phương pháp lôgíc. Sự lựa chọn như vậy hoàn toàn phù hợp với dự định mà luận án theo đuổi là: a) Kế thừa các thành quả khoa học mà nhân loại đạt được chứ không có ý định sáng tạo chúng lại một lần nữa; b) Coi những nét phổ biến hợp thành nội dung của nhà nước pháp quyền là đối tượng nghiên cứu trực tiếp, mà không phải là các nhà nước pháp quyền cụ thể như Anh, Mỹ, hay Pháp... Nếu đi theo hướng sau này thì có lẽ phải cần đến một luận án với một tiêu đề khác và với một dung lượng khác - đủ lớn để có thể bao chứa được các tài liệu lịch sử. Nói đúng hơn, đây sẽ là một luận án nghiêng về chuyên ngành lịch sử pháp lý nhiều hơn là triết học; c) Trình bày quá trình tích hợp tuần tự các yếu tố phổ biến cấu thành nội dung khái niệm nhà nước pháp quyền, mà điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc phân tích lịch sử tư tưởng về nhà nước pháp quyền để tìm ra lôgíc phát triển của nó, chứ không thể bằng phương pháp quy nạp kinh nghiệm (phương thức tìm ra các dấu hiệu giống nhau mang tính bề ngoài, lặp lại, bằng cách so sánh trực tiếp nhà nước pháp quyền cụ thể này với nhà nước pháp quyền cụ thể khác). Trên cơ sở quan niệm về cái phổ biến như đã trình bày trước đó, điều mà luận án muốn trình bày ở đây chính là sự làm giàu không ngừng về mặt nội dung của cái phổ biến (mà trong trường hợp này là khái niệm nhà nước pháp quyền, chứ tuyệt nhiên không phải là các nhà nước pháp quyền cụ thể trong hiện thực - những cái đơn nhất). Để làm được điều này thì không thể bỏ qua mối liên hệ lịch sử căn bản; cần phải xem xét mỗi vấn đề trên quan điểm sự vật đó đã xuất hiện như thế nào trong lịch sử; đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào; đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó là gì và dự báo về khuynh hướng phát triển tiếp theo của nó [93, t. 39, tr. 78]. Ba yếu tố cấu thành nguyên tắc lịch sử: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai, sẽ được quán triệt để khảo sát lôgic phát triển của khái niệm nhà nước pháp quyền trong chương 1 này. 1.1. Quá trình hình thành khái niệm nhà nước pháp quyền Ngay từ thời cổ đại, con người đã khát vọng về một đời sống phúc lạc, trong đó, các cá nhân được tự do, bình đẳng và công bằng trong quan hệ với nhau. Khát vọng này đã in dấu vào thi ca, thần thoại, và đặc biệt là tôn giáo. Có thể thấy, hầu hết các tôn giáo, bằng cách biểu đạt khác nhau, đều coi đời sống như vậy là mục đích cuối cùng; mà đối với mục đích đó, bản thân tôn giáo chỉ là phương tiện. Tuy nhiên, con người đã không thỏa mãn với những giả tưởng về tự do, bình đẳng và công bằng. Họ muốn xây dựng ngay trong đời sống trần tục một xã hội hiện thực đáp ứng được khát vọng ấy. Và việc tìm kiếm các phương tiện để xây dựng xã hội mong ước, đã, đang và sẽ còn diễn ra mãi không thôi, theo chiều dài lịch sử. Mặc dù phương Đông là cái nôi văn minh của nhân loại, nhưng xã hội phương Đông lại chuyển dịch trì trệ bởi tính tập quyền của các hình thức tổ chức chính trị - xã hội; bởi sự đan xen lẫn nhau tới độ bất phân giữa các chuẩn thức chính trị, văn hóa, đạo đức và tôn giáo; và bởi tính cố kết cao của các cộng đồng theo huyết thống. Trong Những bài giảng về triết học của lịch sử, khi bàn về lịch sử toàn thế giới như quá trình lột xác và khai nở của ý niệm tự do, F. Hêghen đã coi phương Đông là sự ngưng trệ của ý niệm tự do vì ở đó chỉ có một cá thể được tự do (vua - thiên tử) đứng trên một biển mênh mông các cá thể mất tự do (thần dân) [Xem: 69, tr. 8,111-131]. Có không ít tác giả, đứng từ tầm cao của hiện tại để đánh giá quá khứ của phương Đông, từ đó rút ra kết luận về những giá trị văn hóa mà nó đã đem lại cho sự hình thành lý thuyết về nhà nước pháp quyền. Các nhà sáng lập tư tưởng pháp trị của Trung Hoa Cổ đại như Quản Trọng (khoảng 683-640 tr. CN), Thương Ưởng (khoảng 347 tr. CN), hay Hàn Phi (280-230 tr. CN) thường được viện dẫn để luận chứng cho quan điểm này [137]. Tuy nhiên bản thân sự phát triển lịch sử của các thể chế chính trị trên thế giới cho thấy: những tư tưởng như vậy đã không vận động để hòa mình vào trào lưu hình thành về mặt lý luận cũng như vào trào lưu hiện thực hóa ý niệm nhà nước pháp quyền. Mặc dù, theo nhãn quan đương đại, khuynh hướng đề cao vai trò luật pháp trong cai trị của những tư tưởng ấy có nét tương đồng với ý niệm về nhà nước pháp quyền. Nhà sử học - chính trị người Anh, Paul Kennedy - tác giả của The Rise and Fall of the Great Powers: Economic Change and Military Conflict from 1500 to 2000 (Sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc: Biến động kinh tế và xung đột quân sự từ 1500 đến 2000) cho rằng: các đế chế phương Đông như Trung Quốc, ấn Độ, Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) đã từng là cái nôi của văn minh nhân loại và đã đạt đến độ cường thịnh cao hơn nhiều so với phương Tây, cho tới tận thời điểm 1500. Tuy nhiên, tất cả chúng đều chịu hậu quả của việc có một nhà nước tập quyền chủ trương đồng dạng về tín ngưỡng và lề thói. Tính tập quyền đã làm cho hệ thống chính trị - xã hội - kinh tế trở nên nhất dạng và khép kín. Trong một hệ thống như vậy, đương nhiên là có ít biến động, và do đó mà khó có sự canh tân. Trong khi đó, ở phương Tây, chế độ phong kiến cát cứ phân quyền đã làm cho các nhà nước trở nên nhỏ hơn về quy mô và khả năng tập trung quyền lực để thôn tính lẫn nhau bị giảm thiểu. Điều này dẫn đến tình trạng ganh đua và kình địch lẫn nhau giữa các nhà nước. Chính sự tương tác lẫn nhau đó đã kích thích khoa học và kỹ thuật phục vụ chiến tranh phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, sự phân công lao động tự nhiên giữa các vùng địa lý đã thúc đẩy nhu cầu trao đổi các sản phẩm lao động để hình thành nên các đô thị - những điểm nút trung gian gắn kết các nền kinh tế phong kiến được tổ chức theo lãnh địa lại với nhau. Các tiền đề lịch sử như vậy đã chuẩn bị cho sự bùng nổ nền kinh tế hàng hóa và sau này là sự bùng nổ chủ nghĩa tư bản; để rồi biến phương Tây trở thành ngọn triều trước của lịch sử, kể từ những năm 1500 [189]. Bởi vậy, có thể thấy, tư tưởng về nhà nước pháp quyền - cái tư tưởng đề cao vai trò của luật pháp và ý chí công cộng, chỉ có thể nảy sinh được ở mảnh đất - nơi có sự giao lưu, tương tác, nơi mà mối liên hệ phổ biến và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cá thể, giữa các cộng đồng và quốc gia khác nhau, hiện hữu bằng "máu và thịt" (F. Hêghen). Vì chỉ trong môi trường như vậy mới xuất hiện cái nhu cầu thương lượng, thỏa hiệp và giám sát thỏa hiệp giữa các bên, tức là nhu cầu về khế ước xã hội. Ngược lại, trong một xã hội mà tại đó quyền lực tập trung vào tay một hay một nhóm các cá nhân, thì sẽ không thể có bất kỳ sự thương lượng nào giữa chính quyền với nhân dân, thay vào đó chỉ có bạo lực và sự phục tùng. Lôgic ấy đã giúp lý giải vì sao mặc dù ở phương Đông những tư tưởng như pháp trị, hay "dân vi bang bản" đã tồn tại từ rất sớm, song lại không thể dẫn đến việc h._.ình thành một lý luận về nhà nước pháp quyền. Những tư tưởng đó, về thực chất chỉ là công cụ nô dịch của số ít trên số đông. Đó là một sự giả định lẫn nhau, theo kiểu: vua chăm lo cho thần dân, bởi lẽ, vua không phải là vua khi không có thần dân của mình; pháp luật chỉ là những chuẩn mực bắt buộc đối với tất cả, ngoại trừ người ban phát nó... Do vậy có thể nói, ngay từ ban đầu, các ý tưởng rời rạc hợp thành cái gọi là nhà nước pháp quyền sau này, đã bắt rễ từ cơ sở hiện thực chính trị - xã hội riêng của nó là sự phân quyền đa cực và mối tương tác giữa các cực đó. Và xét trên phương diện lịch sử, nơi hội tụ được sớm nhất những điều kiện vật chất - xã hội nói trên chính là Hy Lạp cổ đại. Vào thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ VI tr. CN, người Hy Lạp đã hoàn tất quá trình định cư dọc theo bán đảo Balcan. Vị trí địa lý này là cửa ngõ của châu Âu thông thương với thế giới: Phía đông nam, bên kia biển Aegean (Êgiê) là trung á - xứ sở của nền văn minh Babylon; phía tây nam, vượt qua biển Địa Trung Hải là nền văn minh Lưỡng Hà của Ai Cập cổ đại - nơi tri thức khoa học như thiên văn, vật lý, toán học đã vươn đến một trình độ khá cao. Những hoạt động thương mại tại các vùng ven Địa Trung Hải đã dẫn theo sự trao đổi tri thức và luồng tri thức này đổ về trung tâm là Hy Lạp. Sự tương tác về kinh tế và văn hóa đã làm nảy sinh các đô thị - nhà nước (City - State) tại khu vực này. Trong số đó, phải kể đến hai trung tâm quyền lực là Mile và Ephexo. Cũng nhờ sự phân tán quyền lực và các mối liên hệ mở, mà sau này - vào thế kỷ thứ V tr. CN, ở Hy Lạp đã hình thành nên các A-ten - những nhà nước dân chủ đầu tiên trên thế giới. Triết học Hy Lạp cổ đại chính là sự phản ánh hiện thực ấy bằng "con mắt trẻ thơ" (Mác) và bằng trí tưởng tượng đầy hoài bão của nhân loại trong buổi bình minh. Trong các học thuyết triết học - chính trị, ý niệm về nhà nước, về dân chủ, về quyền lực và luật pháp, về tự do... đã hiện thân như sự hòa trộn giữa cái hiện có hữu hạn với cái muốn có vô hạn. Chính đặc điểm đó đã tạo ra những giá trị xuyên thời gian của triết học Hy Lạp cổ đại đối với việc hình thành tư tưởng về nhà nước pháp quyền ở giai đoạn cận đại. Vả lại, bản thân tính đa dạng, thậm chí đối lập nhau của các quan niệm, mà những quan niệm ấy vẫn được tồn tại bình đẳng bên nhau - đã toát lên tinh thần dân chủ của Hy Lạp Cổ đại. Và tinh thần ấy đã tìm được sự biểu đạt tập trung nhất trong các học thuyết của những nhà triết học tiêu biểu. Solon (khoảng 638-559 tr. CN) mong muốn xây dựng một nhà nước trên cơ sở một nền dân chủ - thông qua tuyển cử, và hòa nhập quyền lực với luật pháp. Theo như đánh giá của Aristotle (384-322), thì Solon là người đầu tiên đặt nền tảng cho nguyên lý dân chủ (Trong ngôn ngữ của người Hy Lạp cổ đại đã xuất hiện cụm từ: Dé mokratia, trong đó "Démos" là nhân dân, "kratos" là quyền lực. Như vậy, theo nghĩa khởi thủy của nó thì "dân chủ" có nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân. Nói cách khác, dân chủ là một khái niệm để chỉ một chế độ xã hội mà ở đó nhân dân là chủ thể của quyền lực) [192, tr. 220-224]. Còn Democritus (khoảng 460-370 tr. CN) là người đầu tiên luận chứng về tính tất yếu của luật pháp và nhà nước như phương tiện liên kết các cá thể thành cộng đồng - tiền đề cho ý tưởng " khế ước xã hội" ở kỷ nguyên Khai sáng. Socrates (469-399 tr. CN) đòi hỏi tất cả công dân phải phục tùng vô điều kiện các đạo luật của nhà nước. Sau này, Plato (427-347 tr. CN) - học trò của Socrates, tác giả của nhiều tác phẩm về nhà nước và pháp luật, đã phát triển tư tưởng ấy lên thành tính tối cao của luật pháp, vượt lên trên cả những người cầm quyền. Đây là một đặc điểm, mà theo đánh giá chung của giới chuyên môn, là không thể thiếu trong nội dung phạm trù nhà nước pháp quyền. Aristotle (384-322 tr. CN) - người có công rất lớn trong việc luận chứng: bản chất của pháp luật như sự thể hiện công quyền. Khi chia các bộ phận của nhà nước thành: lập pháp, hành pháp và tư pháp, Aristotle cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho ý tưởng về sự phân công quyền lực trong nhà nước. Epicurus (341-270 tr.CN) lấy công bằng làm thước đo quyền lực nhà nước và các đạo luật. Xét từ góc độ hiện đại về nhân quyền, thì nội dung của khái niệm công bằng tự nhiên do ông đưa ra vẫn giữ nguyên giá trị. Những người kế thừa chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) của ông đã thổi hơi thở bình đẳng và tình hữu ái vào đời sống chính trị - xã hội của Hy Lạp, làm dấy lên phong trào đấu tranh vì một nền dân chủ. Có thể nói, những tư tưởng về tính tối cao, về tính nhân văn và lý trí của luật pháp và nhà nước như một tổ chức quyền lực thực thi ý chí công cộng, về nền dân chủ như nền tảng hình thành, nuôi dưỡng nhà nước... đều là nội dung của phạm trù nhà nước pháp quyền, và đều tồn tại trong di sản tinh thần của Hy Lạp cổ đại. Chỉ có điều, ở Hy Lạp cổ đại, những tư tưởng ấy tồn tại trong sự biệt lập với nhau, và tồn tại như những mệnh đề giả định, chưa được luận chứng, chưa có nền móng hiện thực để đối chiếu và so sánh. Cũng giống như việc hàng hóa, tiền tệ, tư bản thương mại, tư bản cho vay... đã tồn tại từ rất lâu trong các nền kinh tế tiền tư bản, nhưng chỉ đến chủ nghĩa tư bản, những yếu tố đó mới liên hợp thành một chỉnh thể và mới mang hình thái phổ biến; và do đó mang một chất - lượng hoàn toàn mới. Bởi vậy, không nên coi những ý tưởng nguyên nghĩa của Hy Lạp cổ đại là những yếu tố cấu thành phạm trù nhà nước pháp quyền. Chúng chỉ là sự chuẩn bị về mặt tinh thần cho sự ra đời của phạm trù này; và để nảy sinh, lịch sử còn phải chuẩn bị cho phạm trù ấy một cơ sở hiện thực chín muồi: sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau phải được xuất hiện dưới hình thái phổ biến trong đời sống xã hội (mối liên hệ phổ biến). Với nhân loại, phương tiện đầu tiên làm xuất hiện trạng thái tương tác và phụ thuộc lẫn nhau, xét về mặt lịch sử - là quá trình hình thành thị trường thế giới. Và người đầu tiên cảm nhận được tác động của quá trình ấy nhưng dưới dạng lộn ngược, giống như trong buồng tối máy ảnh, chính là F. Hêghen. Ông đã coi cái sức mạnh vô hình của thị trường thế giới - cái sức mạnh bắt buộc các cá thể, các quốc gia, các cộng đồng phải phụ thuộc vào nhau và làm cho lịch sử mang tính toàn thế giới - như là sự thống trị của cái thực thể - phổ biến trên các cá thể; hay là sự chi phối của ý niệm tuyệt đối, đối với đời sống nhân loại. Sự hiện diện cùng với thị trường thế giới, và đương nhiên là cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản đã là nguyên nhân khiến nhà nước pháp quyền trong một thời gian dài, bị mặc nhiên thừa nhận như sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản. Nhưng trên thực tế: xét từ cội rễ sâu xa, từ cội nguồn phát sinh, nhà nước pháp quyền là kết quả của biện chứng xã hội, và của sự nhận thức con người về biện chứng ấy. Cách tiếp cận như vậy đối với nhà nước pháp quyền là hoàn toàn có cơ sở khách quan: trong thế kỷ XXI này, thị trường thế giới không còn là cái phương tiện độc nhất làm bộc lộ mối liên hệ phổ biến giữa người với người. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ và thông tin, sự ra đời của nền kinh tế tri thức, nỗi lo chung về sự tồn vong của sinh quyển, về sự bùng nổ dân số thế giới, và về hiệu ứng xuyên biên giới của toàn cầu hóa... Tất thảy những nhân tố đó đều là phương thức biểu đạt một cách trực quan mối liên hệ phổ biến của đời sống con người, nhưng lại không mang tính chất tư sản. Nói đúng ra, chúng mang tính nhân loại. Nhà nước pháp quyền không phải là cái đặc trưng riêng có của xã hội tư sản, mà là một nhu cầu tất yếu, khách quan và phổ biến của bất kỳ xã hội nào khi đã phát triển đến trình độ lấy sự phụ thuộc lẫn nhau của các cá nhân và các xã hội làm phương thức tồn tại. Chế độ phong kiến châu Âu, được Ăngghen mô tả như "đêm trường trung cổ", kéo dài khoảng từ thế kỷ thứ VI đến tận thế kỷ XIV, cho đến khi xuất hiện phong trào Phục hưng mới bước vào khủng hoảng. Đặc trưng của giai đoạn lịch sử này là nền kinh tế tự cung tự cấp khép kín và sự thống trị của tôn giáo trong đời sống chính trị. Mối liên hệ xã hội phổ biến mà nhân loại đã đạt được ở giai đoạn cổ đại, đã phải nhường chỗ cho sự cô lập, phân cắt. Còn xét từ phương diện nhận thức, bức tranh chỉnh thể nhưng khái lược về thế giới đã phải nhường chỗ cho những bộ phận tách rời mang tính chi tiết. Phép biện chứng sơ khai đã phải nhường chỗ cho phép siêu hình và chủ nghĩa kinh viện. Và hoàn toàn tương ứng, các nhà nước dân chủ cổ đại bị các thể chế chính trị mang tính chuyên chế, vương quyền và thần quyền của phong kiến - hạ bệ. Nền dân chủ không thể sống trên mảnh đất siêu hình và tôn giáo, vì ở đó: "... chính trị và luật học, cũng như tất cả các ngành khoa học khác vẫn chỉ là những ngành của khoa học thần học và những nguyên lý thống trị thần học cũng được áp dụng cho chính trị và luật học" [104, t.2; tr. 205-206]. Sự ra đời và phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, đã phá vỡ cấu trúc xã hội khép kín dựa trên nền kinh tế tự cung tự cấp, thay thế các quan hệ dòng tộc bằng những quan hệ phụ thuộc vào các đồ vật phi nhân cách như nhà máy, công xưởng..., do đó, thay thế quyền lãnh đạo cộng đồng của giáo hội bằng quyền lực nhà nước, và biến cộng đồng ấy thành xã hội công dân; một mặt, nhằm mục đích mở đường cho tự do cá nhân để giải phóng sức lao động; mặt khác, mở đường cho khoa học, và làm cho khoa học thật sự trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế. Cuộc chiến tranh Ba mươi năm, kéo dài từ 1618 đến 1648, đã cuốn hầu hết các quốc gia Tây Âu vào cuộc chiến tại Đức. Nhân danh phong trào cải cách tôn giáo của đạo Tin Lành (Protestant Reformation) chống lại các dòng Kitô La Mã (Roman Catholicism), các vương triều phong kiến Tây âu như Đức, áo, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển... đã tiến hành một cuộc cách mạng thực sự: tách nhà nước ra khỏi sự chi phối của giáo hội, và tòa án giáo hội La Mã. Kết quả là hòa ước Westphalian (The Peace of Westphalia) được ký vào 24/10/1648, đã đánh dấu sự cáo chung của thần quyền, đồng thời thừa nhận chủ quyền của các quốc gia phương Tây, cùng với lãnh thổ của chúng mà cho đến nay, về cơ bản, vẫn giữ nguyên trạng. Quá trình thế tục hóa nhà nước là bước khởi đầu quan trọng trên con đường dẫn tới nhà nước pháp quyền của Phương Tây. Tuy nhiên, để hoàn tất thành tựu vĩ đại ấy, phương Tây, mà cụ thể là giai cấp tư sản, còn phải trải qua giai đoạn xây dựng lý luận về một nhà nước thế tục, phù hợp với lý tính và các giá trị nhân bản, đồng thời phải đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là, nhà nước kiểu mới ấy phải được tổ chức sao cho tiềm năng, sức lao động, tính sáng tạo của mỗi cá nhân trong đó được phát huy đến mức tối đa theo hướng phục vụ cho sự bành trướng của tư bản. Muốn được như vậy, trước hết, quần chúng lao động phải có quyền tự do làm chủ thân thể của mình để có thể tự do rời bỏ các điền địa, tự do bán cho tư bản cái thuộc về thân thể của họ là sức lao động. Còn bản thân giai cấp tư sản phải có quyền tự do tư hữu tài sản của mình mà không bị tịch thu hay sung công - điều thường xuyên xảy ra dưới chế độ phong kiến. Tầng lớp trí thức, phải có quyền tự do ý chí, phát biểu chính kiến, đề xuất tư tưởng mới, bất chấp những chân lý tuyệt đối của tôn giáo, nhằm tạo ra các phát minh kích thích sức sản xuất. Và cuối cùng, cả ba thứ quyền tự do ấy phải là điều kiện sẵn có cho tất cả mọi thành viên trong xã hội, một cách không phân biệt đối xử, bình đẳng, bình quyền. Mặc dù trên thực tế, không phải ai cũng hội đủ điều kiện để có thể tận dụng được tất cả các quyền như vậy. Điều này, phụ thuộc vào vị thế giai cấp cũng như cơ chất tâm - sinh lý của cá nhân đó. Nhưng dẫu là hình thức, thì sự bình quyền như vậy cũng đã thể hiện rằng: kể từ nay, sự phát triển nhân cách là không có giới hạn xét từ phương diện khả năng. Diễn đạt quan hệ giữa tính khả năng và tính hiện thực của quyền con người bằng ngôn ngữ pháp lý, Grotius, Hugo (1583-1645) nhà tư tưởng chính trị người Hà Lan, tác giả của nhiều tác phẩm về Luật quốc tế, như: On the Law of War and Peace (1625), The Free Sea (1609)... đã phân các quy phạm pháp luật thành hai hệ thống: Quy phạm tự nhiên và quy phạm thực định. Quy phạm tự nhiên đảm bảo quyền tài sản, quyền thân thể, và mang tính bất biến; còn quy phạm thực định là sự cụ thể hóa của quy phạm tự nhiên trong hoàn cảnh xã hội cụ thể, do đó mang tính khả biến. Theo đó, quy phạm thực định có thể mang nhiều thiếu sót và khiếm khuyết, song về nguyên tắc nó phải thể hiện được tinh thần của quy phạm tự nhiên. Ông còn khẳng định nguồn gốc khế ước xã hội của nhà nước, để từ đó dẫn đến kết luận về nguyên tắc bình đẳng giữa quyền và nghĩa vụ giữa công dân và nhà nước - một trong những nguyên tắc quan trọng của phạm trù nhà nước pháp quyền. Tư tưởng của Grotius, về thực chất, là sự thể hiện tinh thần dân chủ của cuộc cách mạng tư sản Hà Lan (1566-1609). Cách mạng tư sản Anh giữa thế kỷ thứ XVII, cũng để lại dấu ấn đáng kể trên con đường tìm kiếm một phương thức tổ chức quyền lực xã hội phù hợp với lẽ phải và đạo lý con người (nhà nước pháp quyền). Điều này thể hiện rõ trong triết học chính trị của Thomas Hobbes (1588-1679). Tác phẩm Leviathan (1651) (Kẻ quyền uy) của ông đã vạch ra bản chất trấn áp hợp lý của nhà nước trong một môi trường "người với người là chó sói", tự do của người này là nỗi thống khổ của người khác. Bởi vậy, việc các công dân tuân thủ pháp luật do nhà nước ban hành là nhằm đảm bảo cho sự tồn vong của chính họ. Sự kiện con người đi đến chỗ: biết sử dụng luật pháp và cơ quan quyền lực công cộng là nhà nước để kìm nén thú tính cá nhân, nhờ vậy mà có được một đời sống tốt hơn - theo Thomas Hobbes - là một bước chuyển lịch sử của nhân loại từ trạng thái sống theo bản năng thành sống theo lý trí; từ cộng đồng tự nhiên thành xã hội công dân. Tuy nhiên, như một nhân cách trừu tượng có chức năng giám sát và trọng tài, nhà nước dễ dàng tha hóa thành Leviathan (Kẻ quyền uy) đứng trên các cá nhân và hoạt động vì lợi ích của chính nó. Bởi vậy phải có một cơ chế ngăn chặn sự tha hóa đó. Theo John Locke (1632-1704), để làm được điều này cần chia quyền lực nhà nước thành các bộ phận (lập pháp, hành pháp, bang giao quốc tế) sao cho không một người hay một cơ quan nào nắm được toàn bộ. Và điều quan trọng là nhà nước không bao giờ được quên rằng: quyền lực mà nó đang nắm giữ và kể cả bản thân nó nữa đều thuộc về nhân dân. Một cách hợp lý và tất yếu là: nhân dân có quyền xóa bỏ nhà nước, thậm chí bằng con đường bạo lực, một khi nhà nước vi phạm các quyền tự nhiên của họ, nhằm thiết lập một khế ước mới và tương ứng với nó là một nhà nước mới. Cuộc cách mạng tư sản Pháp hơn hẳn cách mạng tư sản Anh về độ dài (từ 1789 cho đến tận 1799); về tính quyết liệt, triệt để; cũng như về quy mô tham dự của các giai tầng trong xã hội. Giai cấp tư sản Pháp đã không liên minh với tầng lớp phong kiến quý tộc tiến bộ, như đã từng xảy ra ở Anh để đi đến một kết cục thỏa hiệp là sự ra đời nhà nước quân chủ lập hiến. Trái lại, nó liên minh trực tiếp với bình dân - tức là quảng đại quần chúng lao động để lật đổ nền quân chủ và sự thống trị của giáo hội. Nhân danh nhân dân, và do đó mang theo nguyện vọng, ý chí của nhân dân, giai cấp tư sản Pháp đứng lên chiến đấu cho những giá trị nhân bản phổ biến. Bình dân, công bằng, bình đẳng, dân quyền, cộng hòa... đã từng là những điệp ngữ trong bầu không khí cách mạng sục sôi ấy. Và ý nghĩa tiến bộ của cuộc cách mạng ấy thật sự đã vượt ra ngoài khuôn khổ ý thức hệ của giai cấp tư sản để mang tầm vóc nhân loại. Điều này đã góp phần lý giải vì sao tất cả những tiêu chí về một thể chế chính trị mới - phi phong kiến, bao gồm: nhà nước, xã hội công dân và mối liên hệ giữa hai bộ phận đó cùng với những giải pháp nhằm tạo dựng nó, đã có trước đó trong lịch sử, đều được kết tập, bổ sung dưới hình thái nhất quán lý luận, trong trào lưu triết học Khai sáng Pháp. Và chính tại mảnh đất triết học này, nội dung khái niệm nhà nước pháp quyền đã được hình thành như một chỉnh thể ở những nét chính yếu nhất. Mặc dù mãi sau này (giữa thế kỷ XIX), việc định danh nội dung ấy mới diễn ra nhờ công lao của các nhà triết học - chính trị Đức là T. K. Welcker và R. Mohl, khi họ tiến hành phân tích nội dung tư tưởng về nhà nước và pháp luật trong các tác phẩm của I. Kant và F. Hêghen [120, tr. 3]. Nhưng cho dù người ta có gọi nó bằng cái tên gì đi chăng nữa, chẳng hạn theo tiếng Đức là Reichstag, hay tiếng Anh là The Rule of Law, tiếng Pháp - L’état de Droit, hoặc tiếng Nga là Provavoie gasudarstvo, thì điều đó cũng không làm thay đổi được bản chất của vấn đề. Người đầu tiên xác định bản chất của nhà nước pháp quyền thông qua việc phân biệt nó với nhà nước chuyên chế là nhà luật học và nhà văn Pháp, Montesquieu Charles Louis de Secondat (1689-1755) - tác giả của Tinh thần pháp luật (The Spirit of Laws (1748)). Ông viết: "Trong chính thể chuyên chế... chỉ một người cai trị, mà không luật lệ gì hết, chỉ theo ý chí và sở thích của hắn ta mà thôi" [156, tr. 47]. Còn nhà nước mới (nhà nước pháp quyền), bất chấp hình thức của nó: là quân chủ hay cộng hòa - đều có chung một bản chất là vận hành trên cơ sở của luật pháp. Hơn thế, pháp luật ấy phải chứa đựng hai tinh thần: tự nhiên (hay nhân bản); và bắt buộc (hay cưỡng chế xã hội). Tinh thần tự nhiên của pháp luật là sự thể hiện các quy luật của tự nhiên trong bản thân nó. "Những loài thông minh cá biệt có thể tự tạo nên quy luật cho nó, nhưng cũng phải thuận theo những quy luật không do nó tạo nên" [111, tr. 40]. Và theo Montesquieu, những quy luật tự nhiên phải được thẩm thấu vào trong luật pháp như là động lực tinh thần dẫn dắt luật pháp. Công bằng chính là một trong những quy luật như vậy: "Trước khi làm ra luật thì đã có những quan hệ về sự công bằng tất yếu rồi" [111, tr. 40]. Sự công bằng tất yếu mang tính tự nhiên được hiểu là: đã là con người thì ai cũng quan tâm đến an ninh thân thể, rỗi sau đó là nhu cầu mưu sinh, tình hữu ái đối với đồng loại, nguyện vọng sống thành xã hội để chia sẻ tri thức... [111, tr. 42-43]. Đối chiếu với Tuyên ngôn độc lập năm 1789 của Hoa Kỳ, có thể thấy Tinh thần pháp luật được tái hiện lại hầu như trọn vẹn: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong các quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Liên quan đến tinh thần cưỡng chế của pháp luật, Tinh thần pháp luật viết: "Con người như một thực thể biết cảm xúc, họ bị lôi cuốn theo hàng nghìn thứ dục vọng, và lúc nào họ cũng có thể quên khuấy đấng tạo hóa sinh ra mình. Thượng đế phải nhắc lại cho họ bằng các luật tôn giáo. Con người trong mọi trường hợp có thể quên khuấy cả bản thân mình, nên các nhà triết học phải nhắc họ bằng các luật của luân lý. Con người sinh ra để sống trong xã hội, nhưng có thể quên mất cả đồng loại, nên các nhà lập pháp phải nhắc họ nhớ đến nghĩa vụ bằng các luật chính trị và dân sự" [111, tr. 41]. Tính cưỡng chế của pháp luật đã chuyển hóa tự do mù quáng của cá thể thành tự do của công dân; tức là thành quyền: được làm tất cả những gì mà luật pháp cho phép; được làm những cái nên làm và không bị ép buộc làm những điều không nên làm. Nội dung tự do của con người đã tìm được hình thức biểu đạt thông qua sự tuân thủ tính tất yếu dưới hình thái pháp luật. Nhưng trong sự vận động của lịch sử, hình thức dễ dàng tha hóa thành nội dung, còn nội dung khi đó chỉ còn là hình thức. Vào thời điểm ấy, các chính thể bắt đầu sa đọa, luật pháp trở thành phương tiện để giới cầm quyền nô dịch quần chúng, còn xã hội công dân sẽ tan rã để thay vào đó là trạng thái vô chính phủ. Chính vì thế phải có phương thức tổ chức quyền lực công cộng sao cho quyền lực ấy không bị lạm dụng bởi các quan chức trong bộ máy nhà nước. Dựa vào những định chế của Anh quốc và kế thừa tư tưởng phân công quyền lực của John Locke, sau khi đã thay quyền bang giao quốc tế ở ông này thành quyền tư pháp, Montesquieu đề xuất một mô hình tổ chức quyền lực nhà nước (mà trên thực tế hầu hết các nhà nước hiện đại đang áp dụng) bao gồm ba bộ phận: Cơ quan Lập pháp, cơ quan Hành pháp và cơ quan Tư pháp; chúng độc lập tương đối trong quan hệ với nhau về chức năng và cùng vận hành trong sự chế ước lẫn nhau. Trong thực tiễn pháp lý hiện đại, những thủ pháp kiềm chế của Hội đồng lập pháp (nghị viện) đối với chính phủ (hành pháp) hay đối với tòa án (tư pháp); và sự kiềm chế theo chiều ngược lại, đã nêu trong Tinh thần pháp luật được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Mô hình tổ chức phân công quyền lực như vậy, theo quan điểm của Montesquieu, là dấu hiệu bản chất để xác định xem một nhà nước nào đó, bất luận nó khoác lên mình hình thức chính thể nào: dân chủ hay quân chủ - có phải là nhà nước phi chuyên chế (tức là nhà nước pháp quyền theo ngôn từ hiện đại) hay không. Luận chứng cho quan điểm này, Montesquieu xuất phát từ khái niệm về tự do chính trị của công dân: đó là sự yên tâm vì mỗi người nghĩ rằng mình được an ninh. Muốn đảm bảo tự do chính trị như vậy thì chính phủ phải làm thế nào để mỗi công dân không phải sợ một công dân khác. Nhưng điều đáng sợ ấy sẽ xảy ra khi quyền lập pháp nhập với quyền hành pháp, hay với quyền tư pháp. Chỉ cần hai trong số đó thâm nhập vào nhau (chứ chưa nói đến trường hợp cả ba) cũng đã đủ tước đoạt quyền tự do của công dân thuộc nhà nước ấy. "Hãy xem người công dân ở nước cộng hòa kia ở trong cảnh ngộ: cơ quan cầm quyền vừa là kẻ thi hành luật vừa tự cho mình là kẻ lập pháp. Họ có thể tàn phá quốc gia bằng những ý chí chung sai lầm của họ. Mà họ còn nắm cả quyền xét xử nữa thì họ có thể đè nát mỗi công dân theo ý muốn của họ" [111, tr. 101]. Như vậy, cái phương thức tổ chức quyền lực công cộng thông qua nhà nước, theo cơ chế phân quyền, về cơ bản, đã được Tinh thần pháp luật định hình. Tuy nhiên cũng phải nhận thấy là Montesquieu hầu như chỉ chú tâm vào công đoạn vận hành của quyền lực công cộng, mà chưa đánh giá đúng mức quá trình hình thành nên quyền lực ấy. Điều đó có nghĩa là giá trị của nền dân chủ, ở một chừng mực nhất định, vẫn bị hạ thấp; và do đó bản chất thuộc về dân của quyền lực ấy bị lu mờ. Chính ở phương diện này, lịch sử đã đưa ra một Rousseau để bổ khuyết. Tác giả của Khế ước xã hội (The Social Contract (1762)) - Rousseau Jean Jacques (1712-1778) mở đầu tác phẩm bất hủ này bằng những dòng như sau: "Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có chăng một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người; và có chăng những luật pháp đúng với nghĩa chân thực của nó" [144, tr. 28]. Vì thực tế đương thời đã cho thấy: "Người ta sinh ra tự do nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích" [144, tr. 29]. Công cuộc tìm kiếm ấy đã dẫn Rousseau quay trở lại cội nguồn của quyền lực, và phát giác ra rằng lực (sức mạnh) không sinh ra quyền; mà cái thứ nhất chỉ trở thành cái thứ hai khi nó hợp pháp [144, tr. 34]. Để có được tính hợp pháp, tức là trở thành quyền lực thì sức mạnh phải là sức mạnh tập thể, được hình thành thông qua sự đóng góp theo thỏa thuận giữa các thành viên, tức là thông qua khế ước xã hội. Trong khế ước xã hội, không một thành viên nào giành được đặc quyền. Mọi người thu về một giá trị tương đương với cái mình đã cống hiến và họ có thêm lực để bảo toàn cái họ có. Mỗi cá nhân tự đặt mình và quyền lực của mình dưới sự điều khiển tối cao của ý chí chung, và mỗi thành viên đều là bộ phận không thể tách rời của cái toàn thể - đó là bản chất của khế ước xã hội. Từ đó có thể suy ra rằng: "Quyền lực tối cao được thiết lập từ những cá thể thành viên hợp lại tạo ra nó, cho nên nó không có và không thể có lợi ích nào trái ngược với các thành viên" [144, tr. 45]. Sự hiện hữu về mặt vật chất của quyền lực tối cao ấy là nhà nước. Xét từ bản chất, quyền lực tối cao là cái không thể từ bỏ được, vì nó là sự thể hiện của ý chí chung; cũng như không thể phân chia được vì bản thân nó là kết quả của sự tổng hợp. Con đường hình thành cũng như duy trì hiệu lực của nó, do đó, chỉ có thể là nền dân chủ. Nền dân chủ thể hiện trước hết ở tính tối cao và tính tổng quát chung của luật cho tất cả mọi người [114, tr. 68-69]. Thứ nữa là ở chỗ dân chúng tuân theo luật pháp là những người làm ra luật [114, tr. 69]. Vì rằng lập pháp là đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện mà sức mạnh tập thể có thể đạt tới [114, tr. 72]. Sau đó là việc chính phủ (cơ quan hành pháp) được hình thành trên cơ sở phổ thông đầu phiếu. Và cuối cùng là sự kiềm chế lẫn nhau của các bộ phận: hành pháp, tư pháp và lập pháp. Như vậy có thể nói, về cơ bản, nội dung của phạm trù nhà nước pháp quyền đã được hình thành trong triết học Khai sáng Pháp. Tuy nhiên nội dung ấy không phải là cái "nhất thành bất biến". Còn rất nhiều yếu tố cấu thành nó vẫn ở dưới dạng "phát triển chưa đầy đủ", mà cụ thể là: bên cạnh tinh thần nhân bản thì vấn đề lý tính của pháp luật cần phải được làm rõ hơn nữa. Cũng tương tự, các học thuyết trước kia thường nhấn mạnh nhân tố nhà nước; sự nhìn nhận pháp luật cũng thiên về quan hệ với nhà nước, còn bản thân vai trò, chức năng của xã hội công dân - cái nền tảng mà nhà nước mọc trên đó và quy định bản chất cũng như hình thức của nhà nước thì vẫn chưa được nhận thức và đánh giá đầy đủ. Những đóng góp đáng kể của Triết học Cổ điển Đức (với các đại biểu vĩ đại như Kant, Hêghen...) cho phạm trù nhà nước pháp quyền chính là ở khía cạnh này. Nội dung của phạm trù nhà nước pháp quyền được trình bày trong một loạt các tác phẩm của Immanuel Kant (1724-1804), như: Metaphysics of Ethics (1797) - Siêu hình học Đạo đức, Critique of Practical Reason (1788) - Phê phán Lý tính thực tiễn, Perpetual Peace (1795) - Hòa bình vĩnh viễn, Critique of Judgment (1790) - Phê phán năng lực phán đoán... Lý luận về pháp luật và nhà nước của triết học Khai sáng, thực tiễn của Cách mạng Pháp, lần đầu tiên được tổng kết và trình bày dưới hình thái lý luận phổ quát, chính là trong triết học của Kant. Bởi vậy, Kant được thừa nhận là một trong những nhà lý luận đầu tiên về nhà nước pháp quyền [62, tr. 210]. Khái niệm quyền tự do, xã hội công dân, tính ước định của nhà nước, nền dân chủ, khu vực công cộng (public sphere)... trong triết học Kant là khởi nguồn cho Chủ nghĩa tự do chính trị (Political Liberalism) ở cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI này. Trong nội dung phạm trù nhà nước pháp quyền, điều mà Kant đặc biệt nhấn mạnh là tính phân quyền của quyền lực công cộng. ông coi đây là dấu hiệu đặc trưng nhất của nhà nước pháp quyền trong hiện thực, vì nó là cơ sở để bảo đảm rằng nhà nước không lạm quyền và xâm hại tự do của công dân. Do bản chất của nhà nước là quyền lực công cộng được tạo ra bởi ý chí chung, có tác dụng điều hòa sự xung đột giữa các tự do cá thể; nên luật pháp do nhà nước ban hành (tất nhiên, trước hết luật ấy phải là kết quả của quá trình lập pháp dân chủ) chỉ dừng lại ở chỗ làm thế nào hạn chế được sự chuyên quyền của người này đối với người khác. Còn luật tối cao đối với mỗi cá thể lại là những chỉ thị đạo đức tiên nghiệm (categorical imperative of morality) tiềm ẩn bên trong lý tính của họ. Bởi vậy nó không mang tính cưỡng chế mà như là sự tự do điều chỉnh bản thân (freedom of self-government), sự tự do tuân thủ tính tất yếu nội tại. Chính vì quan niệm rằng nhà nước chỉ mang tính thứ yếu và ước định trong quan hệ với tự do tuyệt đối của cá thể, nên Kant đã đưa vào nội dung phạm trù nhà nước pháp quyền một thành tố mới: khu vực công cộng (public sphere). Khu vực công cộng theo cách hiểu của Kant cũng như những người theo học phái Kant, là môi trường tại đó các cá thể đơn lẻ hội tụ cùng nhau như những phần tử bình đẳng, cùng có quyền tham dự hội thảo về phúc lợi chung. Sự trỗi dậy của khu vực công cộng là một phản ứng có tính chất phê phán đối với quyền lực tuyệt đối của nhà nước ở thế kỷ XVIII. Nó được dẫn dắt bởi ý tưởng cho rằng xã hội chẳng những cần mà phải được quyền ấn định các yêu sách của mình lên trên cái nhà nước trừu tượng, phi nhân cách đương thời. Khu vực công cộng đóng vai trò là diễn đàn để qua đó công chúng tham dự và giám sát sự thực thi quyền lực của nhà nước. Khu vực công cộng là một khối thống nhất tạo ra môi trường cho sự hình thành và biến đổi của khế ước xã hội. Để khu vực công cộng trở thành một hệ thống mở, cần có các điều kiện như: bất cứ công dân nào đang chịu tác động của các quyết định, cũng có quyền tham dự thảo luận về các quyết định ấy và được phép tìm hiểu những gì mà họ sẽ phải gánh chịu sau khi các quyết định ấy được thông qua; và quyền được tự do bày tỏ quan điểm của mình. Bên cạnh những công lao như phân kỳ lịch sử phát triển của nhà nước và pháp luật, sự phân tích biện chứng mối quan hệ giữa cá thể và cộng đồng trong việc hình thành nhà nước và luật pháp... Hêghen, Georg Wilhelm Friedrich (1770-1831) - nhà biện chứng duy tâm vĩ đại người Đức, tác giả của Triết học pháp quyền, đã phát triển ý niệm về khu vực công cộng của I.Kant lên thành khái niệm xã hội công dân. Mặc dù khái niệm này xuất hiện từ thời cổ đại (Aristotle), nhưng chỉ đến Hêghen nó mới được nhìn nhận như một bộ phận không thể tách rời của nhà nước pháp quyền. Xã hội công dân, theo Hêghen, chỉ ra đời khi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và luật pháp là sự thể hiện ý chí phổ biến. Nó là hình thức liên kết của những cá nhân với những ý chí, nguyện vọng và lợi ích khác nhau trên cơ sở các chế định pháp luật; là trạng thái tồn tại văn minh, có lý trí của con người: tồn tại trên cơ sở cùng tồn tại, phụ thuộc lẫn nhau, liên hệ phổ biến, thống nhất giữa cái đặc thù và cái phổ biến. Chính vì vậy bước chuyển của nhân loại từ cộng đồng tự nhiên (không có nhà nước nói chung) lên xã hội (có nhà nước); và từ xã hội lên xã hội công dân (có nhà nước pháp quyền) - là sự tiệm tiến của nhân loại đến ý niệm tự do. Cố nhiên, khi coi nhà nước quân chủ lập hiến Phổ là hình thái lôgic thuần túy, tuyệt đối của ý niệm tự do, Hêghen đã phản bội lại chính "phép biện chứng có bản tính phê phán cách mạng và không hề biết sợ" (Mác) của ông. Nhưng những giá trị duy lý và nhân bản của khái niệm nhà nước pháp quyền đã không vì sự luận chứng tư biện kiểu philítxơtanh mà ngưng đọng lại. Nó tiếp tục tìm được "chất liệu lịch sử" để thể hiện dưới dạng đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn - đó là cuộc cách mạng tư sản Mỹ (1775-1783). Cuộc cách mạng này đã lật đổ chế độ thực dân Anh để ._.ng 3 Việc nghiên cứu quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, cần bắt đầu từ khâu lãnh đạo của Đảng. Luận án đã cố gắng tập trung vào làm rõ sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước. Trên cơ sở đó, luận án tiếp tục xem xét và đề xuất một số kiến nghị có tính nguyên tắc đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta, theo các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền. Cụ thể là, luận án đề cập đến các xu hướng hoàn thiện tương ứng với từng bộ phận chủ chốt của cấu trúc nhà nước như: Quốc hội, Chính phủ, hệ thống Tư pháp. Đồng thời, luận án cũng đề cập đến việc củng cố và hoàn thiện xã hội công dân trong điều kiện đất nước hiện nay - khi coi đây là cơ sở hình thành, tồn tại và biến đổi của nhà nước pháp quyền. kết luận Quan điểm về tính lịch sử của khái niệm đòi hỏi phải nhìn nhận nội dung khái niệm, một cách cụ thể, không trừu tượng, gắn liền với từng nấc thang phát triển của hiện thực được khái niệm đó phản ánh. Cũng như vậy, khi tiến hành phân tích khái niệm nhà nước pháp quyền, cần phải thấu triệt tính lịch sử của nó. Do đó, việc vận dụng nguyên tắc lịch sử vào khảo sát sự vận động của khái niệm này qua các thang bậc phát triển: Quá khứ - Hiện tại Tương lai, là một nhu cầu tất yếu. Xét từ góc độ chức năng xã hội, nhà nước là hiện thân của quyền lực công cộng. Việc sử dụng quyền lực công cộng như thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu trong quản lý xã hội và nâng cao phúc lợi công dân, nhân danh các giá trị con người là vấn đề không thể giải quyết được một sớm một chiều. Xét trên phương diện này, nhà nước pháp quyền chính là sự tổng kết của lịch sử. Thông qua việc tổng kết lịch sử hiện thực và lịch sử lý luận về nhà nước pháp quyền, có thể thấy: nhà nước pháp quyền nảy sinh ở mảnh đất nơi có sự giao lưu, tương tác, nơi mà mối liên hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cá thể, giữa các cộng đồng và quốc gia khác nhau, trở thành phương thức tồn tại chủ yếu. Xung quanh khái niệm nhà nước pháp quyền hiện nay, còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng có thể thấy, việc phân biệt nhà nước pháp quyền với kiểu nhà nước trong lịch sử đã nhận được sự nhất trí cao của giới nghiên cứu: Nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức quyền lực công cộng. Bởi vậy, về lý thuyết, có thể đề cập đến nhà nước pháp quyền nói chung dưới dạng các nguyên tắc quản lý xã hội mang tính hợp lý và nhân bản mà nhân loại phải trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử mới đạt được; tức là như những giá trị mang tính nhân loại. Những đặc trưng mà hiện nay được thừa nhận là cơ bản - phổ biến trong nội dung của khái niệm này; là: 1. Tính tối cao của pháp luật; 2. Cơ chế phân công quyền lực trong sự chế ước lẫn nhau (hành pháp, lập pháp, tư pháp); 3. Sự hiện diện của một nền dân chủ; 4. Nhân quyền; 5. Nhà nước pháp quyền là nhà nước có năng lực làm tương thích giữa luật nội địa với luật quốc tế. Hiện nay, nhiều yếu tố của nhà nước pháp quyền đã được vận dụng như các nguyên tắc để xây dựng nên các thể chế cai trị liên nhà nước hay quốc tế. Điều đó chứng tỏ rằng: trong điều kiện toàn cầu hóa, khuôn khổ ứng dụng của nhà nước pháp quyền chẳng những không bị thu hẹp mà còn được mở rộng ra bên ngoài phạm vi chủ quyền của từng quốc gia riêng biệt. Sự phụ thuộc lẫn nhau dưới áp lực của toàn cầu hóa là một trong những xu hướng khách quan quy định tính tất yếu của việc xây dựng của việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tính tất yếu còn được quy định bởi nhu cầu quản lý nền kinh tế thị trường trong nước và nhu cầu quản lý và điều tiết xã hội theo hướng phát triển bền vững. Song, việc xây dựng một thể chế chính trị (cho dù có tiến bộ mấy đi chăng nữa), cũng vẫn phải tính đến các điều kiện đặc thù khi thực thi nó. Những đặc thù được luận án chú tâm khai thác là: a) Những đặc thù về truyền thống - văn hóa; và b) Những đặc thù về chính trị, kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn do các đặc thù đó đem lại, luận án tiếp tục xem xét và đề xuất một số kiến nghị có tính nguyên tắc đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta, theo các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền. Cụ thể là, luận án đề cập đến các xu hướng hoàn thiện tương ứng với từng bộ phận chủ chốt của cấu trúc nhà nước như: Quốc hội, Chính phủ, Toàn án - viện kiểm sát. Đồng thời, luận án cũng đề cập đến việc củng cố và hoàn thiện xã hội công dân trong điều kiện đất nước hiện nay - khi coi đây là cơ sở hình thành, tồn tại và biến đổi của nhà nước pháp quyền. Những xu hướng chuyển dịch như vậy, theo luận án, là các bước đi cần thiết để nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta dung nạp vào trong bản thân các phẩm chất ưu việt của nhà nước pháp quyền. Nhờ sự dung nạp này, nhà nước của chúng ta chắc chắn sẽ vận hành tốt hơn nữa, và sẽ đáp ứng được nhiều hơn nữa tôn chỉ: là nhà nước của dân, do dân và vì dân. những công trình của tác giả đã công bố có liên quan đến đề tài luận án Đào Ngọc Tuấn (2001), "ảnh hưởng của thiết chế làng - xã truyền thống đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam", Triết học, (6 (124)), tr. 41-44. Đào Ngọc Tuấn (2001), "Những khuynh hướng biến đổi nhà nước pháp quyền trước áp lực của toàn cầu hóa", Lý luận chính trị, (9), tr. 62-67. Đào Ngọc Tuấn (2001), "Quá trình hình thành phạm trù "Nhà nước pháp quyền" trong lịch sử Triết học trước Mác", Khoa học xã hội, 6 (52), tr. 61-67. 4. Đào Ngọc Tuấn (2002), "Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân", tiểu mục 2, Phần V, trong sách: Vấn đề nhất nguyên chính trị ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 118-139. danh mục Tài liệu tham khảo Như Anh (1996), "Giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới hệ thống chính trị và đổi mới kinh tế", Công tác tư tưởng văn hóa, (6). Ngô Huy Anh (7/2001), "Thấy gì qua thảo luận sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992", Nghiên cứu lập pháp, (6). Vũ Hồng Anh (2001), Về cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta. Sách: Một số vấn đề về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lê Minh Thông (chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Nguyễn Đức Bách (1991), "Mấy vấn đề dân chủ trong hệ thống chính trị ở nước ta dưới góc độ quan hệ giữa các lợi ích", Nghiên cứu lý luận, (5). Baglai M. (1989), "Nhà nước pháp quyền từ tư tưởng đến thực tiễn" Tạp chí Kammunist, (6), (Tiếng Nga). Hoàng Chí Bảo (1992), "Tổng quan về dân chủ và cơ chế thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta: quan điểm, lý luận và phương pháp nghiên cứu", Thông tin lý luận, (9). Báo Nhân Dân, ngày 30-8-1999. Đậu Thế Biểu (1991), "Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị", Tạp chí Cộng sản, (4). Nguyễn Đức Bình, Trần Ngọc Hiên, Đoàn Trọng Truyến, Nguyễn Văn Thảo, Trần Xuân Sầm (đồng chủ biên) (1999), Đổi mới và tăng cường hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Văn Bình (2000), "Một vài suy nghĩ về trách nhiệm của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong việc thi hành Pháp lệnh cán bộ, công chức", Nhà nước và Pháp luật, (8). Bình luận khoa học Hiến pháp 1992 (1992), (Tập thể tác giả), Nxb Sự thật, Hà Nội. Các giá trị và truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (1996), (2 tập), Hà Nội. Lê Cảm (1999), Hoàn thiện Pháp luật hình sự Việt Nam trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Lê Cảm (1997), Học thuyết về Nhà nước pháp quyền và thực tiễn của nó ở Liên bang Nga, Nxb Sáng tạo, Mátxcơva. Cải cách thể chế chính trị (1996), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Colas D. và nhiều tác giả khác (1987), Nhà nước pháp quyền, Paris. Tư liệu dịch của đề tài KX 05.02. "Châu á - Thái Bình Dương tìm kiếm một hình thức hợp tác mới cho thế kỷ XXI" (1998), Thông tin chuyên đề, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội. Mai Đình Chiến (1994) Nhà nước pháp quyền Việt Nam: tính phổ biến và tính đặc thù, Luận văn Thạc sĩ, Hà Nội. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. (1991), Nxb Sự thật, Hà Nội. Chính trị và hệ thống chính trị trong học thuyết Mác - Lênin (1995), Viện Thông tin Khoa học, Viện Mác - Lênin, Hà Nội. "Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phần 3: Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam" (1994), Tập 1: Lý luận về nhà nước, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. "Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phần 3: Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam" (1994), Tập 2: Một số luật cơ bản, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Cơ sở dữ liệu luật Việt Nam - WINLAW 99, Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học. Ngô Huy Cương (7/2001), "Nhà nước pháp quyền với việc xây dựng chính quyền", Nghiên cứu lập pháp, (6). Nguyễn Văn Cường (2001), "Vị trí, vai trò của thủ tục hành chính đối với việc thực hiện quyền xuất, nhập cảnh của công dân", Nhà nước và Pháp luật, (5). "Dân chủ xã hội chủ nghĩa và tự quản nhân dân" (1990), Các học giả Xô viết, Tạp chí Cộng sản, (7). Nguyễn Bá Diễn (2001), "Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế", Nhà nước và Pháp luật, (4). Nguyễn Đăng Dung (7/2001), "Nhà nước pháp quyền - một hình thức tổ chức nhà nước", Nghiên cứu lập pháp, (6). Nguyễn Đăng Dung (2000), Một số vấn đề về Hiến pháp và bộ máy nhà nước, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội. "Dự kiến nội dung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992" (16/8/2001), Báo Nhân Dân. Lê Sỹ Dược (2000), Cải cách bộ máy hành chính cấp Trung ương trong công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. "Đại hội VIII - những tìm tòi và đổi mới", Thông tin chuyên đề, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin - Tư liệu. Đảng cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự Thật, Hà Nội. Đảng cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự Thật, Hà Nội. Đảng cộng sản Việt Nam (1994), Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII), Hà Nội. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Hai, Ban chấp hành Trung ương Khóa VII, Tài liệu lưu hành nội bộ. Đảng Cộng sản Việt Nam (1992), Văn kiện Hội nghị lần thứ Ba Ban chấp hành Trung ương (khóa VII), Hà Nội. Đảng cộng sản Việt Nam (1995), Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương (khóa VII), Hà Nội. Đảng cộng sản Việt Nam (1997), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Hội nghị lần thứ Sáu (lần 2) Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng cộng sản Việt Nam (7/2000), Dự thảo các văn kiện trình Đại hội IX của Đảng, Hà Nội. Đảng cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Minh Đoan (1997), Hiệu quả pháp luật - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đổi mới và tăng cường hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới (1999), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Văn Động (1997), Hoàn thiện mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa nhà nước và công dân trong điều kiện đổi mới ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Văn Động (1996), "Học thuyết về Nhà nước pháp quyền - lịch sử và hiện tại", Luật học, (4). Đuy-mông R. (1990), Một thế giới không thể chấp nhận được, Học viện Nguyễn ái Quốc, Hà Nội. Bùi Xuân Đức (1992), "Về Hiến pháp 1992: Những điểm mới trong tổ chức bộ máy nhà nước ta qua Hiến pháp 1992", Nhà nước và Pháp luật, (2). Bùi Xuân Đức (1992), "Chính phủ trong cơ chế quyền lực nhà nước theo Hiến pháp 1992", Nhà nước và Pháp luật, (3). Trần Ngọc Đường (1992), "Một vài suy nghĩ về cải cách tòa án", Nhà nước và Pháp luật, (1). Trần Ngọc Đường (1994), "Một số suy nghĩ về học thuyết pháp chế xã hội chủ nghĩa trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta", Luật học, (1). Trần Ngọc Đường, Chu Văn Thành (1994), Mối quan hệ pháp lý giữa cá nhân, công dân và nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Trần Ngọc Đường (chủ biên) (1999), Lý luật chung về Nhà nước và Pháp luật, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Trần Ngọc Đường (chủ biên) (2000), Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tập II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Edward S. Herman (2000), Mối đe dọa của toàn cầu hóa, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, TN 2000 - 22. Fukuyama. F. (1998), Vị thế đứng đầu của văn hóa, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, TN 98 - 47. Gendreau Monique Chemillier (9/1999), "Trật tự luật pháp quốc tế, một ảo tưởng", Thông tin tham khảo, Học viện Quan hệ quốc tế. Nguyễn Duy Gia (1994), Nâng cao quyền lực, năng lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, nâng cao hiệu quả của pháp luật, Nxb Lao động, Hà Nội. Nguyễn Duy Gia (1996), Cải cách một bước bộ máy nhà nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Vũ Minh Giang (1993), "Xây dựng lối sống theo pháp luật - nhìn từ góc độ truyền thống", Nhà nước và Pháp luật, (3). Vũ Minh Giang (1996), "Nội dung của truyền thống Việt Nam" Sách: Các giá trị và truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (gồm 2 tập), Hà Nội. Giáo trình triết học Mác - Lênin (1999), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Giáo trình lịch sử các học thuyết chính trị (1995), Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học KHXH và NV, Khoa Luật, Hà Nội. Giới thiệu tác phẩm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước (1999), Khoa xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Phân viện Báo chí - Tuyên truyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hoàng Văn Hảo (1992), "Một vài suy nghĩ về mối quan hệ giữa chính trị với học thuyết về Nhà nước và pháp quyền", Nhà nước và Pháp luật, (1). Hoàng Văn Hảo (1992), "Vấn đề giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân chủ và pháp chế trong quá trình đổi mới ở nước ta", Nhà nước và Pháp luật, (2). Hoàng Văn Hảo (1995), Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước kiểu mới - sự hình thành và phát triển, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đỗ Đức Hạp (1993), "Vai trò của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền", Nghiên cứu lý luận, (6). F. Hêghen (1935), "Những bài giảng về triết học của lịch sử", Toàn tập, (tiếng Nga), T. 8. Matxcơva - Lêningrát. Trần Ngọc Hiên (1995), "Đổi mới sự lãnh đạo kinh tế của Đảng cầm quyền", Thông tin lý luận, (4). Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và 1992) (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hội nghị khoa học - thực tiễn toàn Liên bang "Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" (1991), Thông tin khoa học, (1). Hội thảo: Những thách thức về phương diện pháp lý trước quá trình toàn cầu hóa (10/2000), Nhà Pháp luật Việt - Pháp, khách sạn Dawoo, Hà Nội. Khổng Doãn Hợi (1994), "Bối cảnh vận hành của hệ thống chính trị và sự lãnh đạo của Đảng ta", Thông tin lý luận, (5). Hubbert Vedrine (9/1999), "Nước Pháp đang đối mặt với toàn cầu hóa", Thông tin tham khảo, Học viện Quan hệ Quốc tế. Dương Đăng Huệ (1992), "Về các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay", Nhà nước và Pháp luật, (2). Dương Đăng Huệ (1992), "Một vài biện pháp pháp lý nhằm cải thiện thực trạng pháp luật kinh tế nước ta hiện nay", Nhà nước và Pháp luật, (4). Huntington S. (1995), "Sự đụng độ giữa các nền văn minh", Chuyên đề, (1), Viện Thông tin khoa học xã hội. Đinh Sơn Hùng (6/2001), "Vai trò kinh tế của nhà nước trong hội nhập", Nghiên cứu lập pháp, (5). Phạm Khiêm ích, Hoàng Văn Hảo (chủ biên) (1995), Quyền con người trong thế giới hiện đại, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội. Jean Marie Guehenno (1999), Mỹ hóa toàn cầu hay là toàn cầu hóa nước Mỹ, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, TN 99-112. P. Kenedy (1995) Chuẩn bị cho thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Koudriavtsev V. (1992), "Nhà nước pháp quyền: xã hội và cá nhân", Thông tin lý Khoa học xã hội, (5). Đỗ Quang Khắc (1999), Thực thi quyền lực chính trị của nhân dân lao động trong tiến trình đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, Luận án Tiến sĩ, Hà Nội. Nguyễn Hữu Khiển (1997), "Tính tất yếu kinh tế và chính trị trong việc hình thành và phát triển của Nhà nước pháp quyền", Triết học, (6). Nguyễn Hữu Khiển (1997), "Mười năm một chặng đường của cải cách, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam", Thông tin lý luận, (6). Võ Văn Kiệt (1992), "Các biện pháp cấp bách chống tham nhũng, chống buôn lậu và tiêu pha lãng phí, làm trong sạch bộ máy hành chính nhà nước", Nhà nước và Pháp luật, (3). Kinh tế các nước trong khu vực: kinh nghiệm và xu hướng phát triển (1996), Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội. Phạm Ngọc Kỳ (2000), Về quyền giám sát tối cao của Quốc hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Kỷ yếu hội thảo xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, Tháng 10/1992 và tháng 4/1993. Phan Huy Lê (1996), "Làng xã cổ truyền của người Việt, tiến trình lịch sử và kết cấu kinh tế - xã hội" Sách Các giá trị và truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, gồm 2 tập, Hà Nội. Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (chủ biên) (1996), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay. Tập II, Đề tài KX 07.02. Hà Nội. Lênin V. I. (1976-1981), Toàn tập, tập 1- 55, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. Nguyễn Anh Liên (6/9/1998), "Tôn trọng pháp luật - một phẩm chất quan trọng của Đảng viên", Báo Nhân Dân. Lịch sử các học thuyết chính trị (1995), Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Hà Nội. Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới (1997), Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam (1998), Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. Đỗ Long, Trần Hiệp (1993), Tâm lý cộng đồng làng và di sản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Luật nhà nước Việt Nam (1994), Khoa Luật, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hà Nội. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 12 tháng 11 năm 1996. Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. C. Mác (1977), Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, Nxb Sự thật, Hà Nội. C. Mác - F. Ăngghen, Toàn tập, tập 1- 49. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. C. Mác - F. Ăngghen (1986), Tuyển tập, gồm 6 tập, Nxb Sự thật, Hà Nội. Mahathia Môhamet (1996), "Bàn về những giá trị châu á", Thông tin công tác tư tưởng, (7). Nguyễn Mạnh (1993), "Nhà nước pháp quyền - nhận thức và vận dụng", Nghiên cứu lý luận, (6). Marsencô M. N. (1994), "Những cách diễn giải khác nhau về thuyết phân quyền ở phương Tây", Người đưa tin, Mátxcơva, (4). Tư liệu dịch của Viện Mác-Lênin, ký hiệu R-1012. Mấy vấn đề về quản lý nhà nước và củng cố pháp quyền trong lịch sử Việt Nam (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội. Trần Quang Minh (1992), "Về sửa đổi Hiến pháp 1980: thống nhất và phân định quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp - phương thức thực hiện quyền lực thống nhất của nhân dân", Nhà nước và Pháp luật, (1). Montesquieu S. L. (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Môhamét M. (1994), "Sự mục nát của chế độ dân chủ trên thế giới", Thông tin công tác tư tưởng, (2). Đỗ Mười (1992), Sửa đổi Hiến pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng, Nxb Sự thật, Hà Nội. Đỗ Mười (1992), "Quyền lực nhà nước, quyền lực của nhân dân", Thông tin lý luận, (10). Đỗ Mười (1992), Sửa đổi Hiến pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội. Đỗ Mười (1992), "Phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam thực sự của dân, do dân và vì dân", Nhà nước và Pháp luật, (3). Đỗ Mười (1993), Đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội. Phan Thảo Nguyên (2001), "Các nội dung cơ bản của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của Tổ chức Thương mại Thế giới", Nhà nước và Pháp luật, (7). Nhà nước pháp quyền và xã hội công dân (1991), Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội. Nhesersian B. C. (1989), "Nhà nước pháp quyền: Lịch sử và hiện đại", Các vấn đề triết học (Tiếng Nga), (2). Những đặc trưng cơ bản quan điểm nguyên tắc xây dựng và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, (1993), Tập 1+3, Đề tài KX 05.04, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước và pháp luật (1995), Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Văn Niên (1996), Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Thái Ninh, Hoàng Chí Bảo (1991), Dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, Hà Nội. Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay (1992), 01-NQ/ TW, Hà Nội. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật (1993), Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, Hà Nội. Nguyễn Như Phát (1992), "Pháp luật kinh tế nước ta trong bước chuyển sang kinh tế thị trường", Nhà nước và Pháp luật, (4). Nguyễn Tiến Phồn (2001), Dân chủ và tập trung dân chủ: lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Vũ Thị Phụng (1990), Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Đào Bá Phương (1997), "Một số suy nghĩ về cấu trúc của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực chính trị", Quốc phòng toàn dân, (1). Đỗ Nguyên Phương, Trần Ngọc Đường (1992), Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền, Nxb Sự thật, Hà Nội. Phyllis Bennis (3/2000), "Mỹ đang phá hoại luật pháp quốc tế", Thông tin tham khảo, Học viện Quan hệ Quốc tế. Nguyễn Phan Quang, Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, Ngô Văn Lý, Nguyễn Thành Nam, Phạm Văn Cảnh (1995), Mấy vấn đề về quản lý nhà nước và củng cố pháp quyền trong lịch sử Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Phạm Ngọc Quang (1992), "Quyền lực - một phạm trù cơ bản của chính trị học", Nhà nước và Pháp luật, (4). Phạm Ngọc Quang, Nguyễn Viết Thông (2000), Góp phần tìm hiểu sự phát triển tư duy lãnh đạo của Đảng ta trong công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực chủ yếu, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Phạm Ngọc Quang, Trần Đình Nghiêm (chủ biên) (2001), "Thời kỳ đổi mới và sứ mệnh của Đảng ta", Nghiên cứu văn kiện Đại hội IX của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Lê Minh Quân (1998), Mối quan hệ giữa việc xây dựng nhà nước pháp quyền với sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Luận án Tiến sĩ, Hà Nội. Bùi Thanh Quất (1996), "Suy nghĩ thêm về quyền lực chính trị như một phạm trù khoa học", Triết học, (5). Nguyễn Duy Quý (1992), "Xây dựng nhà nước pháp luật: một số suy nghĩ về vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta", Nhà nước và Pháp luật, (2). Quyền con người - quyền công dân trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam (1993), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trương Hữu Quýnh (1996), "Tìm hiểu những mặt hạn chế và tiêu cực trong di sản truyền thống của dân tộc ta" Sách Các giá trị và truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, gồm 2 tập, Hà Nội. Rosamaria Durand (đại diện UNESCO tại Việt Nam) (10/2000), Văn hóa và phát triển khuôn khổ UNESCO trong bối cảnh những thành tựu của Việt Nam trong quá khứ và tiềm năng tương lai, Tư liệu chuyên đề về hội thảo quốc tế Việt Nam trong thế kỷ XX, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Roscoe Pound (7-1996), Tự do và Hiến pháp, Việt Nam khảo cổ dịch xã. Rousseau J. J. (1992), Khế ước xã hội, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. H. H. Rôn-phơ-lê Hác (1989), "Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa: những ưu điểm và ưu việt của nó", Thông tin lý luận, (9). Severino J. M. (12/2000), "Toàn cầu hóa và khu vực hóa: thách thức và giải pháp cho các quốc gia trong một thế giới hội nhập", Thông tin tham khảo, Học viện Quan hệ quốc tế. Bùi Ngọc Sơn (7/2001), "Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính phủ", Nghiên cứu lập pháp, (6). Đinh Thiện Sơn (1988), "Quan niệm "Nhà nước pháp quyền" trong Hội nghị Liên bang lần thứ 19 Đảng cộng sản Liên Xô", Thông tin khoa học xã hội, (4). Lê Hồng Sơn (2001), "Hội nhập quốc tế trong thương mại dịch vụ: những tác động đối với nghề luật sư và đào tạo luật ở Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật, (6). Stupisin V. Kudriavsev (1990), "Xã hội công dân và nhà nước pháp quyền", Thông tin Khoa học xã hội, (4). "Sự hình thành nhà nước pháp quyền trong Liên bang Nga và chức năng của Viện Kiểm sát" (1994), Thông tin khoa học xã hội, (9). Nguyễn Văn Tài (1995), "Về vấn đề nhà nước pháp quyền và chế độ đa đảng", Tạp chí Cộng sản, (16). Tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001), Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. "Tam quyền phân lập" (1992), Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội. Lê Minh Tâm (1992), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn: xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Luận án PTS. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật, Hà Nội. Lê Hữu Tầng (1993), "Tư tưởng C. Mác về công bằng và bình đẳng trong chủ nghĩa xã hội", Triết học, (2). Nguyễn Xuân Tế (1999), Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Chu Thành (1991), "Khái niệm cơ quan quyền lực nhà nước và chính xác hóa lại vị trí pháp lý của Hội đồng nhân dân các cấp", Nghiên cứu lý luận, (5). Nguyễn Văn Thanh (1996), "Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", Quản lý nhà nước, (5). Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (1997), "Lịch sử các định chế chính trị và pháp quyền Việt Nam", Tập 1: Từ thời đại Hùng Vương đến nhà Hồ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Thái Vĩnh Thắng (2001) "Một số ý kiến về việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan quyền lực Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay", Nhà nước và Pháp luật, (5). Lê Hữu Thể (2001), Về vị trí và chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước đổi mới. Sách: Một số vấn đề về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Lê Minh Thông (chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Hồ Văn Thông (1998) Hệ thống chính trị ở các nước tư bản phát triển hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Văn Thông, "Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay" Sách Đại hội VIII những tìm tòi và đổi mới, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin - Tư liệu. Lê Minh Thông (2000), "Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm quyền con người ở nước ta", Nhà nước và pháp luật, (8). Lê Minh Thông (2001), "Một số vấn đề về hoàn thiện các cơ sở hiến định của tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay", Sách: Một số vấn đề về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lê Minh Thông (chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Đỗ Lai Thúy (1996), "Sự phát triển của ý thức cá nhân qua các mẫu người văn hóa" Sách: Các giá trị và truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, gồm 2 tập, Hà Nội. Thuyết Tam quyền phân lập và bộ máy nhà nước Tư sản (1991), Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội. Đinh Văn Tiến, Nguyễn Thị Ngân (1998), "Một số vấn đề về cải cách thể chế hành chính ở nước ta", Tạp chí Cộng sản, (8). Tìm hiểu về nhà nước pháp quyền (1992), Viện Nhà nước và Pháp luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội. Tóm tắt tranh luận về nhà nước: Các học thuyết về nhà nước và hệ thống quan điểm của phái dân chủ tự do (1993), Nxb Maclillan, Tư liệu dịch của Viện Mác - Lênin, Ký hiệu R-1044. Đặng Hữu Toàn (1994), "Quan niệm của I. Can-tơ về nhà nước pháp quyền", Triết học, (4). Nguyễn Hữu Tri (1997), "Cải cách nền hành chính nhà nước trong mười năm đổi mới", Quản lý nhà nước, (3). Đinh Gia Trinh (1958), Hiến pháp và chế độ chính trị của nước Mỹ, Nxb Sự thật, Hà Nội. Phạm Công Trứ (2001), "Kinh tế tri thức và vai trò của pháp luật lao động trong đào tạo nguồn nhân lực hướng tới nền kinh tế tri thức ở Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật, (7). Phùng Văn Tửu (1999), Xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp luật của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đào Trí úc (chủ biên) (1997), Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam và những vấn đề cấp bách của khoa học về nhà nước và pháp luật, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Đào Trí úc (1997), Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Đào Trí úc (2001), "Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng", Nhà nước và Pháp luật, (7). Vai trò của nhà nước trong kinh tế thị trường (1998), Thông tin chuyên đề, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội. Về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1997), Sách tham khảo. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam (10-1992), Đề tài KX. 05.07. Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. Tài liệu tham khảo tiếng Anh Emma Rothschild. Globalization and Return of History. Foreign Policy, 1999, Summer, No.115. Encarta World English Dictionary. Microsoft Corporation, Developed for Microsoft by Bloomsbury Publishing Plc., 1999. French Declaration of Rights of 1789. Fukuyama. F. The end of history?. The National Interest, Summer 1989. G8 Cologne Communique 1999, Point 2. Microsoft Encata Interactive World Atlas 2000. Microsoft Corporation, 1995-1999, @ & (p). Paul Kennedy. The Rise and Fall of the Great Powers: Economic Change and Military Conflict from 1500 to 2000. New York, 1987. Richard Devetak, Richard Higgott. Justice unbound ? Globalization, states and the transformation of the social bound. International Affairs, Vol.75, No.3, July, 1999. Robert O. Keohane and S. Nye Jr.. Globalization: What’s New? What’s Not? (And so What?). Foreign Policy, No.118, Spring/2000. The Oxford Companion to Politics of The World. New York: Oxford, 1993. The UN Chater 1945. Thomas L. Frierman. Dueling Globalization - DOScapital. Foreign Policy, Fall 1999. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLuan an.doc
  • docBIA-TS.DOC
  • docBia-TT.doc
  • docPhu luc.doc
  • docTom tat.doc
Tài liệu liên quan