Tài liệu Quy luật Quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của Lực lượng sản xuất và sự nhận thức, vận dụng vào thời kỳ đổi mới tại Việt Nam: MỤC LỤC
A. Đặt vấn đề……………………………………………………… 2
B. Nội dung………………………………………………………... 3
I. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất – hai mặt thống nhất của nền sản xuất xã hội…………………………………………………….. 3
1. Các khái niệm……………………………………………………..... 3
1.1. Lực lượng sản xuất……………………………………………… 3
1.2. Quan hệ sản xuất………………………………………………... 4
2. Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất………………………………………………… 5
2.1. Lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản ... Ebook Quy luật Quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của Lực lượng sản xuất và sự nhận thức, vận dụng vào thời kỳ đổi mới tại Việt Nam
13 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2983 | Lượt tải: 2
Tóm tắt tài liệu Quy luật Quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của Lực lượng sản xuất và sự nhận thức, vận dụng vào thời kỳ đổi mới tại Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
xuất………………. 5
2.2. Quan hệ sản xuất tác động trở lại lực lượng sản xuất…………... 6
II. Sự vận dụng quy luật đó trong quá trình đổi mới ở Việt Nam…. 7
1. Bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam………………………………… 7
2. Đảng nhận thức và vận dụng quy luật như thế nào?........................... 7
2.1. Nhận thức và vận dụng………….………………………………. 7
2.2. Những thành tựu và hạn chế…………………………………….. 9
2.2.1. Thành tựu……………………………………………………. 9
2.2.2. Hạn chế…………………………………………………… 11
C. Kết luận…………………………………………………………12
Tài liệu tham khảo……………………………………………… 13
PHÂN TÍCH NỘI DUNG, QUY LUẬT QUAN HỆ SẢN XUẤT PHÙ HỢP VỚI TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT. ĐẢNG TA ĐÃ NHẬN THỨC VÀ VẬN DỤNG QUY LUẬT NÀY NHƯ THẾ NÀO TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cho đến nay, con người đã trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội: công xã nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa xã hội. Ứng với mỗi hình thái kinh tế - xã hội đó là những phương thức sản xuất khác nhau. Phương thức sản xuất bao gồm lực lượng sản xuất (LLSX) và quan hệ sản xuất (QHSX). Sự thay thế kế tiếp nhau của các phương thức sản xuất trong lịch sử thể hiện sự phát triển của xã hội loài người từ thấp đến cao. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chứng minh cốt lõi của vấn đề này chính là sự thống nhất biện chứng giữa LLSX ở một trình độ nhất định với QHSX tương ứng. Đó chính là quy luật về sự phù hợp giữa QHSX với tính chất và trình độ phát triển của LLSX.
Từ quan điểm này của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng và Nhà nước đã và đang vận dụng quy luật đó vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời kì đổi mới.
Quy luật QHSX phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của LLSX là một điều kiện tất yếu để phát triển một nền kinh tế. Do vậy, nghiên cứu về quy luật này sẽ giúp sinh viên, đặc biệt là sinh viên khối kinh tế, có những hiểu biết sâu sắc hơn về sự phát triển và quy luật vận động của nền kinh tế; từ đó có thể góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng đất sau này.
Qua tiểu luận này, em xin được phân tích nội dung quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, làm rõ vai trò của việc vân dụng quy luật này trong thời kì đổi mới ở Việt Nam.
Do trình độ nhận thức của bản thân còn hạn chế, đồng thời em chưa có nhiều thời gian tìm tòi nghiên cứu nên bài viết còn nhiều thiếu sót. Em mong muốn nhận được sự chỉ bảo, góp ý của cô để sửa chữa những mặt kiến thức còn yếu, giúp bài viết hoàn thiện hơn.
B. NỘI DUNG
I. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất – hai mặt thống nhất của nền sản xuất xã hội.
1. Các khái niệm:
Với tính cách là phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử, phương thức sản xuất thể hiện cách thức con người thực hiện quá trình sản xuất vật chất ở những giai đoạn lịch sử nhất định của xã hội loài người. Phương thức sản xuất đóng vai trò quyết định đối với tất cả các mặt của đời sống xã hội : Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Phương thức sản xuất do hai mặt kết hợp thành là LLSX và QHSX. Trong đó LLSX là nội dung còn QHSX là hình thức của phương thức sản xuất.
1.1. Lực lượng sản xuất:
LLSX biểu hiện mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên. Nghĩa là trong quá trình sản xuất, bằng các khả năng thực tiễn của mình, con người khai thác giới tự nhiên tạo ra sản phẩm càn thiết cho đời sống.
LLSX là sự kết hợp giữa người lao động và tư liệu sản xuất:
Người lao động là yếu tố đầu tiên, là chủ thể của quá trình sản xuất. Người lao động với sức mạnh và kỹ năng của mình, sử dụng tư liệu lao động, trước hết là công cụ lao động, tác động vào đối tượng lao động để sản xuất ra của cải vật chất.
Tư liệu sản xuất gồm tư liệu lao động và đối tượng lao động:
- Tư liệu lao động gồm công cụ lao động và những phương tiện, vật liệu khác dùng để tăng cường, hỗ trợ cho công cụ lao động tác động tác động lên đối tượng. Tư liệu lao động được coi là cánh tay thứ hai của con người. Nó kéo dài và tăng cường sức mạnh thế giới quan con người. Trong đó, công cụ lao động là yếu tố động nhất đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc biến đổi tự nhiên. Chính sự chuyển đổi cải tiến và hoàn thiện không ngừng của nó đã gây lên những biến đổi sâu sắc trong toàn bộ tư liệu sản xuất.
- Đối tượng lao động là toàn bộ những khách thể tự nhiên hoặc những vật liệu tự nhiên đã được con người làm biến đổi nhưng chưa thành sản phẩm. Dưới sự tác động của con người, chúng có thể biến thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu con người.
Những yếu tố nói trên của LLSX liên hệ chặt chẽ với nhau và chỉ có ở trong sự kết hợp đó chúng mới là LLSX. Còn trong sự tách rời nhau, chúng chỉ là LLSX ở dạng tiềm năng. Trong những yếu tố của lực lượng sản xuất, thì con người lao động giữ vai trò quyết định. Vì con người không những tạo ra LLSX mà còn sử dụng nó.
LLSX được tích luỹ, chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi thế hệ dựa trên những LLSX đã có để tạo ra LLSX mới. Trình độ của LLSX biểu hiện rõ nhất ở công cụ lao động. Và trình độ của công cụ lao động biểu hiện ở năng suất lao động. Nói cách khác, năng suất lao động là thước đo trình độ phát triển của LLSX.
1.2. Quan hệ sản xuất:
Mối quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất được gọi là quan hệ sản xuất. Với tính chất là những quan hệ kinh tế khách quan không phụ thuộc vào ý muốn của con người, quan hệ sản xuất là những quan hệ mang tính vật chất của đời sống xã hội. Quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của lực lượng sản xuất và là cơ sở của đời sống xã hội. QHSX thể hiện ba mặt sau đây:
- Quan hệ giữa người với người đối với việc sở hữu về tư liệu sản xuất.
- Quan hệ giữa người với người đối với việc tổ chức quản lý.
- Quan hệ giữa người với người đối với việc phân phối sản phẩm.
Ba mặt nói trên có quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau. Trong đó, QHSX về sở hữu tư liệu sản xuất có vai trò quyết định đối với những mặt khác trong hệ thống sản xuất xã hội. Bản chất của bất kỳ QHSX nào cũng đều phụ thuộc vào vấn đề những tư liệu sản xuất chủ yếu trong xã hội được giải quyết như thế nào. Người sở hữu tư liệu sản xuất quyết định quá trình tổ chức, phân công lao động, phân phối sản phẩm xã hội vì lợi ích của mình, còn người không sở hữu thì phục tùng sự phân công ấy.
Quan hệ sản xuất do con người tạo ra, song nó được hình thành một cách khách quan không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan, tùy tiện của con người. Để tiến hành sản xuất, con người chẳng những phải quan hệ với tự nhiên mà mà còn phải quan hệ với nhau để trao đổi hoạt động và kết quả lao động, do đó sản xuất bao giờ cũng mang bản chất xã hội. C.Mác viết: "Người ta chỉ sản xuất bằng cách hợp tác với nhau một cách nào đó và trao đổi hoạt động với nhau. Muốn sản xuất được người ta phải để lại mối liên hệ và quan hệ chặt chẽ với nhau và chỉ có trong phạm vi những mối liên hệ và quan hệ đó thì mới có sự tác động của họ vào giới tự nhiên, tức là sản xuất.”
Các hệ thống QHSX ở mỗi giai đoạn lịch sử đều tồn tại trong một phương thức sản xuất nhất định. Hệ thống QHSX thống trị của mỗi hình thái kinh tế-xã hội quyết định tính chất, bộ mặt hình thái kinh tế – xã hội ấy.
2. Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
LLSX và QHSX có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau hình thành nên quy luật về sự phù hợp giữa QHSX với tính chất và trình độ phát triển của LLSX. Quy luật này vạch rõ tính chất phụ thuộc khách quan của QHSX vào sự phát triển của LLSX, đồng thời QHSX cũng tác động trở lại LLSX.
2.1. Lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất
Khuynh hướng chung của sản xuất vật chất là không ngừng biến đổi và phát triển. Sự phát triển đó xét đến cùng là bắt nguồn từ sự biến đổi và phát triển của LLSX, trước hết là công cụ lao động.
Trình độ của LLSX là trình độ phát triển của công cụ lao động, của kỹ thuật, trình độ kinh nghiệm, kỹ năng của người lao động, quy mô sản xuất, trình độ phân công lao động... Trình độ của LLSX gắn với tính chất của nó.
Tính chất của LLSX: Khi sản xuất ở trình độ thấp kém thì lực LLSX có tính chất cá nhân. Khi sản xuất đạt tới trình độ cơ khí hiện đại, phân công lao động xã hội phát triển thì LLSX có tính chất xã hội hóa.
Trong quá trình sản xuất, để lao động bớt nặng nhọc và đạt hiệu quả cao hơn, con người luôn luôn tìm cách cải tiến, hoàn thiện công cụ lao động và chế tạo ra những công cụ lao động mới, tinh xảo hơn, đồng thời kinh nghiệm sản xuất, thói quen lao động, kỷ năng sản xuất, kiến thức khoa học của con người cũng tiến bộ theo.
Như vậy, sự thay đổi của xã hội bao giờ cũng bắt đầu bằng sự thay đổi LLSX. Cùng với sự phát triển của LLSX, QHSX cũng hình thành và biến đổi cho phù hợp với tính chất và trình độ của LLSX . Sự phù hợp đó là động lực làm cho LLSX phát triển mạnh mẽ.
Vậy thế nào là phù hợp?
Để phù hợp với LLSX, QHSX phải tạo được điều kiện sử dụng và kết hợp tối ưu giữa tư liệu sản xuất với người lao động, đồng thời tạo điều kiện thích hợp cho việc kích thích vật chất, tinh thần đối với người lao động.
Nhưng LLSX luôn luôn phát triển còn QHSX có xu hướng tương đối ổn định. Khi LLSX phát triển lên một trình độ mới, QHSX không còn phù hợp với nó nữa, trở thành chướng ngại đối với sự phát triển của nó, tất yếu sẽ nảy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa hai mặt của phương thức sản xuất. Sự phát triển khách quan đó dẫn đến việc QHSX cũ bị đào thải, và được thay thế bằng một QHSX mới phù hợp với tính chất và trình độ mới của LLSX. Chính vì thế xã hội mới phát triển.
Việc xóa bỏ quan hệ sản xuất cũ , thay thế nó bằng quan hệ sản xuất mới cũng có nghĩa là sự diệt vong của một phương thức sản xuất lỗi thời và sự ra đời của phương thức sản xuất mới. Trong xã hội có giai cấp, sự mâu thuẫn đối kháng giữa LLSX mới và QHSX lỗi thời là cơ sở khách quan của cuộc đấu tranh giai cấp, đồng thời cũng là tiền đề tất yếu của các cuộc cách mạng xã hội.
2.2. Quan hệ sản xuất tác động trở lại lực lượng sản xuất
QHSX không chịu sự tác động của LLSX một cách thụ động mà có tác động trở lại đối với LLSX.
QHSX phù hợp với trình độ của LLSX lại trở thành động lực cơ bản thúc đẩy mở đường cho LLSX phát triển bằng cách nó sắp xếp các yếu tố của lực lượng sản xuất đúng vị trí, chức năng của chúng làm cho chúng phát huy được tối đa tính năng, tác dụng.
QHSX không phù hợp với trình độ của LLSX sẽ trở thành xiềng xích trói buộc, kìm hãm sự phát triển của LLSX làm chúng không phát huy được hết tác dụng vốn có. Tuy nhiên, sự kìm hãm đó cũng chỉ có tính chất tạm thời, theo tính tất yếu khách quan, cuối cùng QHSX cũng sẽ phải thay đổi cho phù hợp với tính chất và trình độ của LLSX.
Sở dĩ QHSX có tác động trở lại mạnh mẽ với LLSX là vì nó qui định mục đích của nền sản xuất xã hội, hệ thống quản lý của sản xuất và quản lý xã hội, phương thức phân phối sản phẩm và phần của cải ít hay nhiều mà người lao động được hưởng. Từ đó, nó sẽ tạo ra những điều kiện để kích thích việc cải tiến lao động và kỹ thuật sản xuất, LLSX phát triển.
Thực tiễn đã cho chúng ta thấy rằng LLSX chỉ có thể phát triển khi có một QHSX hợp lý, đồng bộ, phù hợp với nó. QHSX lạc hậu hoặc “tiên tiến” hơn một cách giả tạo cũng sẽ kìm hãm sự phát triển của LLSX. Quy luật về sự phù hợp của QHSX với tính chất và trình độ của LLSX là quy luật chung nhất của sự phát triển xã hội. Sự tác động của quy luật này đã đưa xã hội loài người trải qua các phương thức sản xuất khác nhau. Tuy nhiên không phải bất cứ nước nào cũng nhất thiết phải tuần tự trải qua tất cả các phương thức sản xuất … một số nước có thể bỏ qua hoặc một số phương thức sản xuất để tiến lên phương thức sản xuất mới cao hơn.
II. Đảng nhận thức và vận dụng quy luật này trong quá trình đổi mới ở Việt Nam
1. Bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam
Từ năm 1975, sau khi giành được độc lập và thống nhất đất nước, chúng ta đã đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước thuộc địa nửa phong kiến với LLSX ở trình độ còn thấp và tiềm năng mọi mặt còn non trẻ, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, phát triển trì trệ.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định “… nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa…”. Đất nước ta đang trên đà phát triển, quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá tạo nên tiền đề vật chất xây dựng nền kinh tế dân tộc tự chủ, làm cơ sở vững chắc thực hiện sự phân công và hợp tác kinh tế quốc tế, tạo điều kiện củng cố quốc phòng, an ninh.
Thêm vào đó, Việt Nam đang đứng trước thềm hội nhập với nền kinh tế quốc tế, xu thế toàn cầu hoá kinh tế là xu thế khách quan, hứa hẹn nhiều tiềm năng to lớn cũng như thách thức:
Trở thành thành viên thứ 150 của WTO (07/11/2006)
Thu hút FDI vào Việt Nam vượt mốc 10 tỉ USD(2006)
Tổ chức thành công APEC(16 – 19/11/2006)…
Trong thời gian gần đây, tình trạnh lạm phát ở nước ta có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế, nhưng Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp giải quyết hợp lí, bước đầu đã đem lại kết quả khả quan.
2. Đảng nhận thức và vận dụng quy luật như thế nào?
2.1. Nhận thức và vận dụng quy luật.
Thực tế trong thời gian trước đây, chúng ta đã quá đề cao vai trò của QHSX do quan niệm không đúng về QHSX và LLSX, bỏ xót điều cơ bản là nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một xã hội tiền tư bản chủ nghĩa - bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Chúng ta đã từng quan niệm: “đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, đưa quan hệ sản xuất đi trước, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Thiết lập chế độ công hữu thuần nhất giữa hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể”. Sự phát triển của LLSX trong thời gian qua đã chứng minh quan niệm ấy là sai lầm, và nó gây ra sự mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển LLSX với hình thức kinh tế - xã hội được áp đặt một cách chủ quan trên đất nước ta. Sự mâu thuẫn ấy đem theo nhiều kết quả ngoài ý muốn: nền kinh tế kém phát triển, xã hội nảy sinh nhiều tiêu cực, tệ nạn, trình độ quản lý còn nhiều yếu kém, nhiều vấn đề phát sinh không được giải quyết kịp thời…
Yêu cầu cấp thiết là phải giải quyết đúng đắn mâu thuẫn giữa LLSX – QHSX , từ đó khắc phục khó khăn và tiêu cực của nền kinh tế - xã hội.. Để giải quyết yêu cầu đó, đòi hỏi nước ta phải có một chế độ kinh tế phù hợp, và nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN ra đời. Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần bao gồm: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh nền kinh tế thị trường…; từ đó thúc đẩy LLSX phát triển, tạo điều kiện cho QHSX cộng sản chủ nghĩa phát triển cao hơn nữa.
Đại hội Đảng VI (12/1986) là một mốc thời gian quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình phát triển của đất nước ta: xoá bỏ chế độ bao cấp sản phẩm, bãi bỏ sự cấm đoán phát triển kinh tế thị trường, sự phát triển yếu ớt của đời sống xã hội được thay thế bằng sự hội nhập với thế giới, quan tâm và chú trọng phát triển đời sống của nhân dân…
Đại hội VII (6/1991), Đại hội VIII (6/1996), Đại hội IX (4/2001) đã tiếp tục khẳng định, bổ sung và hoàn thiện các chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế - xã hội: phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần dưới sự quản lí của Nhà nước và theo định hướng XHCN; điều chỉnh cơ cấu các ngành kinh tế; đổi mới cơ chế quản lý; ứng dụng những thành tựu khoa học – kĩ thuật tiên tiến trên thế giới, đổi mới về công cụ lao động và chính sách quản lý kinh tế - xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trong quá trình công nghiệp hoá (CNH) - hiện đại hoá (HĐH) đất nước, chúng ta phải có tiềm lực về kinh tế, con người, trong đó LLSX là yếu tố vô cùng quan trọng. Với tiềm năng lao động lớn nhưng công cụ lao động lại thô sơ lạc hậu, trình độ khoa học – kĩ thuật còn kém phát triển, CNH-HĐH đứng trước khó khăn lớn cần nhanh chóng khắc phục. Đảng ta đã thực hiện một cơ cấu sở hữu hợp quy luật, gắn liền với một cơ cấu thành phần kinh tế hợp lí, đưa đất nứoc ta từng bước thoát khỏi tình trạng khó khăn ấy. Và trong thời cơ cũng như thách thức to lớn hiện nay, đất nước ta đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, mà cốt lõi của sự phát triển ấy là sự phù hợp giữa LLSX và QHSX.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng với những đường lối đúng đắn, mục tiêu CNH-HĐH đất nước đang được nỗ lực thực hiện và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Cùng với nó vẫn là những khó khăn, hạn chế song tương lai phát triển của đất nước vẫn mang nhiều yếu tố khả quan.
2.2 Những thành tựu và hạn chế
2.2.1. Thành tựu
Vận dụng quy luật về sự phù hợp giữa LLSX và QHSX, sau 20 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thành tựu to lớn:
- Nền kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ ngày càng cao. Đầu thập kỉ 90, nền kinh tế liên tục tăng trưởng ổn định và đạt đến đỉnh cao là 9,5% vào năm 1995. Đặc biệt trong kế hoạch 5 năm (1991-1995), ta đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu chủ yếu đưa nước ta thực sự thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển sang thời kì đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Toàn bộ các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1996-2000 và chiến lược 10 năm đều đạt và vượt kế hoạch. GDP trong 10 năm này tăng bình quân 7,56%/năm đến GDP 2000 gấp 2,07% lần năm 1990. Đến năm 2000-2002 tốc độ tăng trưởng đạt ổn định 6,7%; 6,8% và 7,0%.
Nông nghiệp phát triển toàn diện cả trồng trọt và chăn nuôi: Sản lượng lương thực tăng nhanh từ 21,5 triệu tấn (1990) lên 27,5 triệu tấn (1995) và 34,5 triệu tấn (2000), gần 36 triệu tấn (2002), bình quân mỗi năm tăng 1,4 triệu tấn. Tốc độ tăng lương thực bình quân 5%, cao hơn tốc độ tăng dân số (1,8%) nên sản lượng lương thực bình quân đầu người tăng từ 304 kg (1985) lên 364 kg (1995); 444,8 kg (2000) & 450 kg (2002). Việt Nam từ nước thiếu lương thực, đến 1989 trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới. Trong 10 năm 1991 - 2000, bình quân mỗi năm xuất khẩu gạo tăng 7,6%, cao su tăng 12,4%; cà phê tăng 17,7%; rau quả tăng 10,8%; hạt tiêu 24,8%; hạt điều tăng 37,5%. Tổng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Một nền nông nghiệp hàng hoá hình thành gắn với thị trường quốc tế.
Công nghiệp tăng liên tục, bình quân trong thời kì 1991-1995 tăng 13,7%; 1996-2000 tăng 13,2%. Công nghiệp tăng nhanh là do đầu tư lớn của nhà nước trong những năm trước đây cho một số ngành quan trọng như dầu khí, điện, xi măng, thép, giấy, đường… nhưng quan trọng hơn cả là sự đổi mới cơ chế, chính sách quản lý của nhà nước, xoá bỏ bao cấp, nhận vốn đầu tư nước ngoài…
Hệ thống đường giao thông, bưu điện được xây dựng mới và nâng cấp trên khắp mọi miền tổ quốc: quốc lộ 1A, 5, 18, sân bay, bến cảng được nâng cấp và xây dựng. Thương mại và dịch vụ có nhiều khởi sắc.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ: chuyển từ khu vực I (Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản) sang khu vực II (công nghiệp - xây dựng) và khu vực III (dịch vụ), chuyển từ khu vực quốc doanh, hợp tác xã sang đa thành phần và chuyển theo hướng hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm ở 3 miền Bắc- Trung- Nam.
- Đẩy lùi lạm phát: 1986: 774,7%; 1990: 67,4%; 1995: 12,7%; 1997: 3,7%; 1999: 0,1%.
- Kinh tế đối ngoại phát triển nhanh: kim ngạch xuất khẩu 1996: 882,9 triệu USD; 2001: 15,027 tỉ USD; Nhập khẩu: 2,16 tỉ USD (1986); 16,162 tỉ USD (2001).
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) ra ngày 15/11/2007, trong phần về Việt Nam nhận định: tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2007 vẫn vững chắc chủ yếu nhờ nguồn thu từ xuất khẩu phi dầu khí, đầu tư và tiêu dùng tư nhân. GDP tăng 8,3% trong 9 tháng đầu năm 2007, trong đó ngành chế tạo và công nghiệp tăng tương ứng 12,5% và 10,2%. Tăng trưởng nông nghiệp đạt mức 3%, trong đó ngành thủy sản tăng trưởng kỷ lục ở mức 9%. Ngành dịch vụ đạt tỷ lệ tăng trưởng cao trong 9 tháng qua (ở mức 8,5%) nhờ sự phát triển mạnh của ngành bán lẻ, du lịch, giao thông và dịch vụ tài chính. Báo cáo cũng cho biết: cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên 10,2 tỉ đô la năm 2006 và 9,6 tỉ đô la trong 9 tháng đầu năm 2007, tăng 38% so với năm ngoái. Cam kết FDI đã tăng nhanh sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Tỷ lệ giải ngân FDI tăng 20% đến tháng 9/2007, chiếm khoảng 6,8% GDP.
- Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt: lao động có việc tăng tăng nhanh, mỗi năm tạo 1,3 triệu việc làm mới, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 400 USD/năm . Số hộ giàu tăng > 10%; số hộ nghèo giảm 55% (1989) còn 11,4% (2000).
Những thành tựu tăng trưởng và ổn định hoá kinh tế, tình hình xã hội đã được cải thiện rất nhiều. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên giảm mỗi năm 1‰ và giữ mức bình quân 2,1%/ năm, giảm so với thời kỳ trước (2,3%) nhưng vẫn cao hơn mục tiêu đề ra (1,9%). Số người đi học bình quân tính trên 1 vạn dân, tăng từ 1834 người (1990) tăng lên 2171 người (1995).
Tỉ trọng chi cho các lĩnh vực xã hội chiếm từ 24,4 - 28,4% tổng ngân sách nhà nước và có xu hướng tăng lên. Hệ thống y tế được cải thiện, đặc biệt là hệ thống bảo hiểm y tế.
Tình hình nông thôn được cải thiện thêm một bước. Có khoảng 60,2% số xã có điện; 86,4% số xã có đường ô tô, 91,6% số xã có trường phổ thông cơ sở.
Những thành tựu đạt được là kết quả của con đường đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Nó là kết quả của nhận thức đúng đắn qui luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển lực lượng sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
2.2.2. Hạn chế
Do nền kinh tế nước ta chủ yếu vẫn là nông nghiệp, công nghiệp còn nhỏ bé, kết cấu hạ tầng còn kém phát triển, cơ sở vật chất kĩ thuật chưa hoàn toàn tiên tiến. Mặc dù cơ cấu các ngành trong GDP có chuyển dịch rõ rệt nhưng cơ cấu lao động chậm biến đổi. Hiện nay hơn 70% dân số vẫn sống ở nông thôn, lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm hơn 60% tổng số lao động xã hội.
Nền kinh tế có mức tăng trưởng khá nhưng năng suất, chất lượng, hiệu quả còn thấp. Việt Nam vẫn là một trong những nước kém phát triển. Đây là thách thức cực kì to lớn cần phát huy mọi tiềm năng để giải quyết.
Vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế - xã hội còn yếu: khả năng kiềm chế lạm phát còn chưa vững chắc. Ngân sách thu không đủ chi, tỉ lệ bội chi ngân sách còn cao.
Tình trạng bất công xã hội, tham nhũng, buôn lậu, vi phạm kỉ cương vvẫn còn xảy ra. Nạn buôn lậu và tệ quan liêu được coi là quốc nạn, được đưa vào chương trình nghị sự quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Song hiện nay vẫn chưa chống được, thậm chí còn có phần nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn lực tài nguyên và nạn ô nhiễm môi trường cũng gây khó khăn cho quá trình CNH-HĐH ở nước ta.
Hạn chế trong nền kinh tế xã hội nước ta còn nhiều. Nguyên nhân của những yếu kém đó là do hậu quả của nhiều năm trước để lại khi không hiểu rõ mối quan hệ biện chứng giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, sự phù hợp mang tính tất yếu của chúng, đồng thời những bất lợi của tình hình thế giới hiện nay và những khuyết điểm còn mang tính chủ quan duy ý chí trong công tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
C. KẾT LUẬN
Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật phổ biến trong toàn bộ tiến trình lịch sử của nhân loại. Sự thay thế, phát triển của lịch sử nhân loại từ chế độ công xã nguyên thuỷ, qua chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản và đến chủ nghĩa xã hội là do sự tác dộng của hệ thống các quy luật xã hội, trong đó quy luật QHSX phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của LLSX là quy luật cơ bản nhất
Trên thực tế không thể có sự phù hợp tuyệt đối giữa QHSX và LLSX nhưng phải tuỳ theo tình hình thực tế mà chọn giải pháp phù hợp. Đảng và Nhà nước cần phải nhận thức đúng và vận dụng tốt quy luật đó. Sự vận dụng đúng đắn của Đảng và Nhà nước sẽ đem lại thành tựu vô cùng to lớn cho nền kinh tế - xã hội nước ta, hoàn thành tốt mục tiêu phát triển đất nước.
Đổi mới đất nước theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là quyết định phù hợp với lí luận và thực tiễn của Đảng và Nhà nước ta. Những kết quả do cong cuộc đổi mới mang lại có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho CNXH, phát triển mạnh mẽ LLSX, hoàn thiện QHSX XHCN. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cong cuộc đổi mới vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Tìm ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, đưa ra được giải pháp thích hợp đang là vấn đề được Đảng và nhân dân ta quan tâm thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của quá trình đổ mới.
Xây dựng và phát triển đất nước là nhiệm vụ của cả dân tộc. Mỗi người dân phải tự biết mình phải làm gì trong quá trình này thì nước ta mới có thể sớm hoàn thành sự nghiệp CNH-HĐH, sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại có nền sản xuất tiên tiến trên thế giới.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, Giáo trình Triết học Mác – Lênin, Nxb Chính trị quốc gia.
2, Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Nxb Chính trị quốc gia.
3, Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb Chính trị quốc gia.
4, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Chính trị quốc gia.
5, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia.
6, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia.
7, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia.
8, Website tạp chí Đảng Cộng sản:
9, 10, 11, 12,
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 12133.doc