lời mở đầu
Trong nền kinh tế quốc dân, nông nghiệp là một trong những ngành có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là điểm khởi đầu, là nền tảng cho quá trình phát triển kinh tế. Đồng thời nông nghiệp là ngành có liên quan trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống của đại đa số dân cư nước ta...Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày càng được nâng cao thì đòi hỏi về nhu cầu lương thực, thực phẩm ngày càng đa dạng phong phú cả về lượng và chất cũng như về chủng loại (do sự gia tăng
70 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1954 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Định hướng đầu tư phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
dân số, do sự tăng lên của nhu cầu bản thân từng con người). Do vậy, chỉ có một nền nông nghiệp phát triển cao mới có hy vọng đáp ứng được. Ngoài ra nạn đói, nạn ô nhiễm môi trường sinh thái... đang là những vấn đề liên quan trực tiếp đến nông nghiệp nông thôn... và trên thực tế cũng chứng minh rằng, nước nào có nền nông nghiệp phát triển bền vững chắc đều là nước có nền kinh tế phát triển ổn định. Sự phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn cho công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Nông nghiệp nông thôn không chỉ là nơi cung cấp lao động, nguyên liệu và dược liệu cho công nghiệp mà còn là nơi tiêu thụ lớn các sản phẩm của công nghiệp. Chính vì thế, phát triển kinh tế nông nghiệp là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Nó càng quan trọng khi nước ta có hơn 80% dân số sống trong khu vực nông thôn và chủ yếu sinh sống bằng nghề nông.Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp ngày càng phát triển thì cần phải có sự đầu tư thoả đáng. Vì đầu tư là yếu tố quyết định sự phát triển, là chìa khoá sự tăng trưởng của từng ngành, từng quốc gia. Hiện nay, vốn đầu tư được tất cả các quốc gia trên Thế giới quan tâm, vấn đề này cũng rất bức xúc đối với quá trình tăng trưởng và phát triển ở nước ta. Do đó,việc đầu tư sử dụng vốn như thế nào cho hợp lý là rất quan trọng.
Thái Bình là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, sản xuất nông nghiệp có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Cùng với sự biến đổi của nền kinh tế cả nước, trong những năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển toàn diện vững chắc, đạt được những kết quả đáng khích lệ: Sản xuất lương thực tăng trưởng với nhịp độ cao, chăn nuôi phát triển...đã từng bước đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh và có sản phẩm dự trữ, xuất khẩu. Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế như: trồng trọt vẫn trong tình trạng độc canh cây lúa, chăn nuôi vẫn chưa có hướng đi đúng để trở thành một ngành sản xuất chính và các hoạt động dịch vụ nông nghiệp vẫn còn nặng về sản xuất, kinh doanh chưa thực sự thúc đẩy sản xuất phát triển. Hiểu rõ được điều này, trong thời gian qua, Nhà nước và tỉnh đã đầu tư khá thoả đáng nhằm đưa nền kinh tế tỉnh phát triển mạnh hơn nữa trong đó lĩnh vực nông nghiệp cũng được quan tâm đầu tư thoả đáng... nhưng cũng chỉ đạt được phần nào mục tiêu đề ra. Do đó, để nông nghiệp ngày càng phát triển và góp phần quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến lĩnh vực này. Đồng thời phải có những biện pháp nhằm huy động các nguồn vốn khác tăng cường đầu tư cho phát triển nông nghiệp Thái Bình.
Trong thời gian thực tập tại Phòng Nông nghiệp - Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình, qua quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tôi chọn đề tài “Định hướng đầu tư phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình"
Đề tài này tập trung nghiên cứu quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình và các kết quả đạt được của quá trình đầu tư. Đồng thời đưa ra những định hướng giải pháp nhằm thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp tỉnh.
Đề tài được chia làm 3 phần:
Phần I: Cơ sở lý luận.
Phần II: Thực trạng đầu tư ngành nông nghiệp Thái Bình.
Phần III: Định hướng đầu tư phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình - những giải pháp thích hợp.
Do thời gian có hạn và bước đầu làm quen với công tác nghiên cứu, nên chuyên đề này không tránh khỏi những sai sót, em rất mong được sự chỉ bảo của các thầy cô giáo.
Em xin chân thành cảm ơn cô Nguyễn Ngọc Mai cùng các thầy, cô giáo và các cô chú trong Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ em hoàn thành đề tài này./.
Phần I: Cơ sở lý luận
I. Khái niệm, bản chất vai trò của đầu tư.
Một số khái niệm:
Trong lĩnh vực sản xuất vật chất nói chung, hoạt động kinh tế bao giờ cũng gắn liền với việc sử dụng tiền vốn và các nguồn tài nguyên khác nhằm đem lại lợi ích kinh tế xã hội nhất định. Trong nền kinh tế quốc dân, phạm vi một địa phương, một vùng kinh tế, đầu tư là một lĩnh vực hoạt động để tạo ra hoặc đổi mới và duy trì hoạt động của các cơ sở vật chất kỹ thuật thuộc các ngành kinh tế quốc dân nhằm khai thác đầy đủ và hiệu quả các nguồn tài nguyên của đất nước.
- Theo nghĩa chung nhất thì đầu tư được hiểu là sự bỏ ra, sự hy sinh các nguồn lực ở hiện tại nhằm đạt được những kết quả có lợi cho người đầu tư trong tương lai.
+ Các nguồn lực ở hiện tại có thể là tiền, sức lao động, của cải vật chất, trí tuệ...
+ Những kết quả đạt được trong tương lai có thể là lợi nhuận, tạo việc làm, tăng tài sản vật chất (nhà máy, đường xá, cầu cống...), tăng tài sản trí tuệ (trình độ văn hoá, chuyên môn, trình độ quản lý, khoa học kỹ thuật...), tạo ra những công nghệ mới và tạo ra những lợi ích cho nền kinh tế.
2. Bản chất các loại đầu tư trong phạm vi quốc gia:
-Đầu tư tài chính (đầu tư tài sản tài chính) là loại đầu tư trong đó người có tiền bỏ tiền ra cho vay hoặc mua các chứng chỉ có giá để hưởng lãi suất định trước (gửi tiết kiệm, mua trái phiếu Chính phủ) hoặc lãi suất tuỳ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty phát hành .Sự đầu tư dưới hình thức này không tạo ra tài sản mới cho nền kinh tế (nếu không xét đến quan hệ quốc tế trong lĩnh vực này) mà chỉ làm tăng giá trị tài sản tài chính của tổ chức, cá nhân đầu tư. Với sự hoạt động của hình thức đầu tư tài chính, vốn đầu tư được lưu chuyển dễ dàng, khi cần có thể rút ra một cách nhanh chóng (rút tiết kiệm, chuyển nhượng trái phiếu, cổ phiếu cho người khác).Điều đó khuyến khích người có tiền bỏ tiền ra đầu tư. Để giảm độ rủi ro, họ có thể đầu tư vào nhiều nơi, mỗi nơi một ít tiền. Đây là một nguồn cung cấp vốn quan trọng cho đầu tư phát triển.
- Đầu tư thương mại là loại đầu tư trong đó người có tiền bỏ tiền ra để mua hàng hoá và sau đó bán với giá cao hơn nhằm thu lợi nhuận do chênh lệch giá. Loại đầu tư này cũng không tạo ra tài sản mới cho nền kinh tế (nếu không xét đến ngoại thương), mà chỉ làm tăng tài sản tài chính của người đầu tư trong quá trình mua đi bán lại, chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá giữa người bán với người đầu tư và người đầu tư với khách hàng của họ. Tuy nhiên, sự đầu tư ở hình thức này lại có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông của cải vật chất do đầu tư phát triển tạo ra, từ đó thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng thu cho ngân sách, tăng tích luỹ vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ nói riêng và nền sản xuất xã hội nói chung.
- Đầu tư phát triển là loại đầu tư trong đó người có tiền bỏ tiền ra để tiến hành các hoạt động nhằm tạo ra tài sản mới cho nền kinh tế, làm tăng tiềm lực sản xuất kinh doanh và mọi hoạt động xã hội khác, là điều kiện chủ yếu để tạo ra việc làm, nâng cao mọi đời sống của người dân trong xã hội. Đó chính là việc bỏ tiền ra để xây dựng, sửa chữa nhà cửa và các kết cấu hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt chúng trên nền bệ và bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các chi phí thường xuyên gắn liền với sự hoạt động của các tài sản này nhằm duy trì tiềm lực hoạt động của các cơ sở đang tồn tại và tạo tiềm lực mới cho nền kinh tế xã hội.
- Từ các loại khái niệm đầu tư nói trên, có thể thấy đầu tư có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế đất nước nói chung. Đầu tư cho nông nghiệp chính là hoạt động đầu tư nhằm tạo ra và tăng thêm những tài sản vật chất trong nông nghiệp như cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm...); máy móc thiết bị trong nông nghiệp; nâng cao trình độ chuyên môn ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp; tạo ra nhiều loại giống, vật nuôi mới; đầu tư làm tăng nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển mạnh công nghiệp chế biến tạo điều kiện tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản. Vì vậy, đầu tư phát triển nông nghiệp là mang ý nghĩa chiến lược, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
3.Vai trò của đầu tư phát triển:
Qua việc xem xét khái niệm, bản chất của đầu tư phát triển, chúng ta có thể thấy đầu tư phát triển là nhân tố quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế, là chìa khoá tăng trưởng của mọi quốc gia. Vai trò này của đầu tư được thể hiện ở các mặt sau:
3.1. Trên giác độ toàn bộ nền kinh tế đất nước:
Thứ nhất, đầu tư vừa tác động đến tổng cung, vừa tác động đến tổng cầu.
- Về mặt cầu: Đầu tư là một yếu tố chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cầu của toàn bộ nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, đầu tư thường chiếm khoảng 24 - 28% trong cơ cấu tổng cầu của tất cả các nước trên Thế giới. Đối với tổng cầu, tác động của đầu tư là ngắn hạn. Với tổng cung chưa kịp thay đổi, sự tăng lên của đầu tư làm cho tổng cầu tăng, kéo theo sản lượng cân bằng tăng và giá cả các đầu vào của đầu tư tăng .
- Về mặt cung: Khi thành quả của đầu tư phát huy tác dụng, các năng lực mới đi vào hoạt động thì tổng cung, đặc biệt là tổng cung dài hạn tăng lên, kéo theo sản lượng tiềm năng tăng và do đó giá cả sản phẩm giảm đồng thời cho phép tăng tiêu dùng. Tiêu dùng tăng sẽ kích thích sản xuất và sản xuất phát triển là nguồn gốc cơ bản để tăng tích luỹ, phát triển kinh tế xã hội, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống mọi thành viên trong xã hội.
Thứ hai, đầu tư có sự tác động hai mặt đến sự ổn định kinh tế .
Sự tác động không đồng thời về mặt thời gian của đầu tư đối với tổng cầu và đối với tổng cung của nền kinh tế làm cho mỗi sự thay đổi của đầu tư, dù là tăng hay giảm đều cùng một lúc vừa là yếu tố duy trì sự ổn định vừa là yếu tố phá vỡ sự ổn định nền kinh tế của mọi quốc gia.
Khi tăng đầu tư, cầu của các yếu tố đầu tư tăng làm cho giá các hàng hoá liên quan tăng ( giá chi phí vốn, giá công nghệ, lao động, vật tư) đến một mức độ nào đó dẫn đến tình trạng lạm phát. Đến lượt mình, lạm phát làm cho sản xuất đình trệ, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn do tiền lương ngày càng thấp hơn, thâm hụt ngân sách, kinh tế phát triển chậm lại. Mặt khác, tăng đầu tư làm cho cầu của các yếu tố liên quan tăng, sản xuất các ngành này phát triển, thu hút thêm lao động, giảm tình trạng thất nghiệp, nâng cao đời sống người lao động, giảm tệ nạn xã hội. Tất cả các tác động này tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế .
Khi giảm đầu tư cũng dẫn đến tác động hai mặt, nhưng theo chiều hướng ngược lại so với các tác động trên đây. Vì vậy, trong điều hành vĩ mô nền kinh tế, các nhà hoạt động chính sách cần thấy hết những tác động hai mặt này để đưa ra các chính sách nhằm hạn chế các tác động xấu, phát huy tác động tích cực, duy trì được sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế.
Thứ ba, đầu tư tác động đến tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Kết quả nghiên cứu của các nhà kinh tế cho thấy: muốn giữ tốc độ tăng trưởng ở mức trung bình thì tỷ lệ đầu tư phải đạt được từ 15 - 25% so với GDP tuỳ thuộc vào ICOR của mỗi nước.
Nếu ICOR không đổi, mức tăng GDP hoàn toàn phụ thuộc vào vốn đầu tư .
ở các nước phát triển, ICOR thường lớn, từ 5 - 7 do thừa vốn, thiếu lao động, do sử dụng công nghệ hiện đại có giá trị cao. Còn ở các nước chậm phát triển ICOR thấp từ 2 - 3 do thiếu vốn, thừa lao động nên có thể và cần phải sử dụng lao động để thay thế cho vốn, do sử dụng công nghệ kém hiện đại, giá rẻ. Chỉ tiêu ICOR của mỗi nước phụ thuộc vào nhiều nhân tố, thay đổi theo trình độ phát triển kinh tế và cơ chế chính sách trong nước. Kinh nghiệm các nước cho thấy, chỉ tiêu ICOR phụ thuộc mạnh vào cơ cấu kinh tế và hiệu quả đầu tư trong các ngành, các vùng lãnh thổ cũng như phụ thuộc vào hiệu quả của chính sách kinh tế nói chung. Thông thường ICOR trong nông nghiệp thấp hơn ICOR trong công nghiệp, ICOR trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế chủ yếu do tận dụng năng lực sản xuất. Do đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ đầu tư thấp thường dẫn đến tốc độ tăng trưởng thấp.
Thứ tư, sự đầu tư và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế .
Kinh nghiệm của các nước trên Thế giới cho thấy con đường tất yếu có thể tăng trưởng nhanh tốc độ mong muốn (từ 9 - 10%) là tăng cường đầu tư nhằm tạo ra sự phát triển nhanh ở khu vực công nghiệp và dịch vụ. Đối với các ngành nông, lâm, ngư nghiệp do những hạn chế về đất đai và khả năng sinh học, để đạt được tốc độ tăng trưởng từ 5 - 6 % là rất khó khăn. Như vậy, chính sách đầu tư quyết định quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các quốc gia nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh của toàn bộ nền kinh tế .
Về cơ cấu lãnh thổ, đầu tư có tác dụng giải quyết những mất cân đối về phát triển giữa các vùng lãnh thổ, đưa những vùng kém phát triển thoát khỏi tình trạng đói nghèo, phát huy tối đa những lợi thế so sánh về tài nguyên, địa thế, kinh tế, chính trị,... của những vùng có khả năng phát triển nhanh hơn, làm bàn đạp thúc đẩy những vùng khác càng phát triển .
Thứ năm, đầu tư với việc tăng cường khả năng khoa học và công nghệ của đất nước.
Khoa học công nghệ là trung tâm của công nghiệp hoá. Đầu tư là điều kiện tiên quyết của sự phát triển và tăng cường khả năng công nghệ của nước ta hiện nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, trình độ công nghệ của Việt Nam lạc hậu nhiều thế hệ so với Thế giới và khu vực.Do đó, quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không đề ra được một chiến lược phát triển công nghệ nhanh và vững chắc.
Chúng ta đều biết rằng có hai con đường cơ bản để có công nghệ là tự nghiên cứu, phát minh ra công nghệ và nhập công nghệ từ nước ngoài. Dù là tự nghiên cứu hay nhập từ nước ngoài cần phải có tiền, cần phải có vốn đầu tư. Mọi phương án đổi mới công nghệ không gắn với nguồn vốn đầu tư sẽ là những phương án không khả thi.
3.2.Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ:
Đầu tư quyết định sự ra đời, tồn tại và phát triển của mỗi cơ sở.
Đầu tư quyết định sự ra đời của mỗi cơ sở.
Chẳng hạn để tạo dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho sự ra đời của bất kỳ cơ sở nào đều cần phải xây dựng nhà xưởng , cấu trúc hạ tầng, mua sắm và lắp đặt thiết bị máy móc trên nền bệ, tiến hành các công tác xây dựngcơ bản và thực hiện các chi phí khác gắn liền với sự hoạt động trong một chu kỳ của các cơ sở vật chất - kỹ thuật vừa tạo ra. Các hoạt động này chính là hoạt động đầu tư
Đầu tư quyết định sự tồn tại của các cơ sở.
Đối với các cơ sở sản xuất , kinh doanh dịch vụ đang tồn tại : sau một thời gian hoạt động, các cơ sở vạt chất - kỹ thuật của những cơ sở này hao mòn, hư hỏng. Để duy trì được hoạt động bình thường cần tiến hành định kỳ sửa chữa lớn hoặc thay mới các cơ sở vật chất - kỹ thuật đã hư hỏng, hao mòn này hoặc đổi mới với sự phát triển khoa học - kỹ thuật và nhu cầu tiêu dùng của nền sản xuất xã hội, phải mua sắm các trang thiết bị mới thay thế cho các trang thiết bị cũ đã lỗi thời, cũng có nghĩa là phải đầu tư.
Đầu tư quyết định sự phát triển của các đơn vị sản xuất kinh doanh.
Trong nền kinh tế thị trường, để doanh nghiệp ngày càng phát triển, đáp ứng được khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp phải đổi mới sản phẩm, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không ngừng nâng cao trình độ cán bộ công nhân viên của đơn vị trong quá trình sản xuất, đồng thời phải tăng cường khâu tiếp thị... Như vậy, doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận cao và đứng vững trên thị trường . Tất cả các hoạt động trên cũng đều là hoạt động đầu tư .
II . Kết quả và hiệu quả của hoạt động đầu tư .
A . Kết quả của hoạt động đầu tư.
Khái niệm kết quả của hoạt động đầu tư :
Kết quả của hoạt động đầu tư được thể hiện ở khối lượng vốn đầu tư đã được thực hiện, ở các tài sản cố định được huy động hoặc năng lực sản xuất kinh doanh phục vụ tăng thêm.
2 . Các chỉ tiêu phản ánh kết quả hoạt động đầu tư :
2 .1 Khối lượng vốn đầu tư thực hiện.
Khối lượng vốn đầu tư thực hiện là tổng số tiền đã chi để tiến hành các hoạt động của các công cuộc đầu tư, bao gồm các chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng nhà cửa và các cấu trúc hạ tầng, mua sắm thiết bị máy móc, để tiến hành các công tác xây dựng cơ bản và chi phí khác theo quy định của thiết kế dự toán và được ghi trong dự án đầu tư được duyệt.
Đối với từng công cuộc đầu tư khác nhau thì cách tính vốn đầu tư thực hiện sẽ khác nhau.
Đối với những công cuộc đầu tư quy mô lớn, thời gian thực hiện đầu tư dài thì vốn đầu tư được tính là thực hiện khi từng hoạt động hoặc từng giai đoạn của mỗi công cuộc đầu tư đã hoàn thành.
Đối với những công cuộc đầu tư quy mô nhỏ, thời gian thực hiện đầu tư ngắn thì số vốn đã chi được tính vào khối lượng vốn đầu tư thực hiện khi toàn bộ các công việc của quá trình thực hiện đầu tư kết thúc.
Đối với những công cuộc đầu tư do ngân sách tài trợ, để số vốn đã chi được tính vào khối lượng vốn đầu tư thực hiện thì các kết quả của quá trình đầu tư phải đạt các tiêu chuẩn và tính theo phương pháp sau đây:
+ Vốn đầu tư thực hiện của công tác xây dựng được tính theo phương pháp đơn giá. Theo phương pháp này để tính vốn đầu tư thực hiện trước hết phải căn cứ vào bảng đơn giá dự toán quy định của Nhà nước, căn cứ vào khối lượng công tác xây dựng hoàn thành và áp dụng công thức sau đây để tính:
Ivc = ồQxi x Pi + Cin + W
Trong đó:
Ivc: Mức vốn đầu tư thực hiện về xây dựng
ồQxi: Khối lượng công tác xây dựng đã hoàn thành theo đúng quy định
Pi: Đơn giá dự toán
Cin: Phụ phí gồm những chi phí chưa được tính trong đơn giá dự toán.
W: Lãi định mức được nhà nước quy định theo tỷ lệ % với giá thành dự toán hoặc giá trị dự toán của khối lượng.
2 .2.Tài sản cố định huy động và năng lực sản xuất phục vụ tăng thêm.
Tài sản cố định huy động là công trình hay hạng mục công trình, đối tương xây dựng có khả năng phát huy tác dụng độc lập (làm ra sản phẩm, hàng hoá hoặc tiến hành các hoạt động dịch vụ cho xã hội đã được ghi trong dự án đầu tư ) đã kết thúc quá trình xây dựng, mua sắm, đã làm xong thủ tục nghiệm thu sử dụng, có thể đưa vào hoạt động được ngay.
F = Ivb + Ivr - C - Ive
Trong đó:
F: giá trị các tài sản cố định được huy động trong kỳ
Ivb: vốn đầu tư được thực hiện ở các kỳ trước chưa được huy động chuyển sang kỳ nghiên cứu (xây dựng dở dang đầu kỳ).
Ivr: vốn đầu tư được thực hiện ở kỳ nghiên cứu trong kỳ.
C: chi phí trong kỳ không làm tăng giá trị tài sản cố định.
Ive: Vốn đầu tư chưa được huy động chuyển sang kỳ sau (xây dựng dở dang cuối kỳ).
- Năng lực sản xuất phục vụ tăng thêm là khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất phục vụ của các tài sản cố định đã được huy động và sử dụng để sản xuất ra sản phẩm hoặc tiến hành các hoạt động dịch vụ theo quy định được ghi trong dự án đầu tư .
B. hiệu quả của hoạt động đầu tư .
Khái niệm.
1. Hiệu quả tài chính:
Hiệu quả tài chính (Etc) của hoạt động đầu tư là mức độ đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và nâng cao đời sống của người lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên cơ sở vốn đầu tư mà cơ sở đã sử dụng so với các kỳ khác, các cơ sở khác hoặc so với định mức chung.
Các kết quả mà cơ sở thu được do thực hiện đầu tư
Số vốn đầu tư mà cơ sở đã thực hiện để tạo ra các kết quả trên
Etc =
Etc được coi là hiệu quả khi Etc > Etco .
Trong đó, Etco là chỉ tiêu hiệu quả tài chính định mức, hoặc của các kỳ khác mà cơ sở đã đạt được chọn làm cơ sở so sánh, hoặc của đơn vị khác đã đạt tiêu chuẩn là hiệu quả.
Để phản ánh hiệu quả tài chính của hoạt động đầu tư một cách chính xác, người ta phải sử dụng một số chỉ tiêu: IRR, NPV, RR....
2. Hiệu quả kinh tế xã hội .
Hiệu quả kinh tế xã hội của đầu tư là chênh lệch giữa các lợi ích mà nền kinh tế xã hội thu được so với các đóng góp mà nền kinh tế xã hội phải bỏ ra khi thực hiện đầu tư .
Các lợi ích thu được có thể là lợi nhuận, tăng thu cho ngân sách hoặc cũng có thể là số chỗ làm việc, đáp ứng được các mục tiêu chính sách của Nhà nước.
Các chi phí mà xã hội phải gánh chịu như chi phí môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, của cải vật chất, sức lao động...
Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế xã hội .
2.1. Các tiêu chuẩn đánh giá
Để xác định các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế xã hội , phải dựa vào các tiêu chuẩn sau:
Nâng cao mức sống của dân cư để thực hiện gián tiếp qua các số liệu cụ thể về mức gia tăng sản phẩm quốc gia, mức gia tăng tích luỹ vốn, mức gia tăng đầu tư, tốc độ phát triển , tốc độ tăng trưởng.
Phân phối lại thu nhập thể hiện qua sự đóng góp của công cuộc đầu tư vào việc phát triển các vùng kinh tế kém phát triển , nâng cao đời sống của các tầng lớp dân cư.
Gia tăng số lao động có việc làm.
Tăng thu và tiết kiệm ngoại tệ.
Các mục tiêu kế hoạch kinh tế quốc dân khác là:
+ Tận dụng hay khai thác tài nguyên chưa được quan tâm hay mới phát hiện.
+ Phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo.
+ Phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương nghèo, các vùng xa xôi, dân cư thưa thớt nhưng có nhiều triển vọng về tài nguyên để phát triển kinh tế .
2.2. Phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội do thực hiện đầu tư .
Xuất phát từ góc độ nhà đầu tư :
Là các doanh nghiệp, lợi ích kinh tế xã hội của đầu tư được xem xét biệt lập với những tác động của nền kinh tế đối với nó ( như trợ giá đầu vào, bù lỗ đầu ra ... của Nhà nước). Trong trường hợp này, phương pháp được áp dụng là dựa trực tiếp vào số liệu của các báo cáo tài chính của hoạt động đầu tư để tính các chỉ tiêu định lượng như: NPV, IRR, Wi, T,...
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng xem xét các chỉ tiêu định tính sau:
Mức đóng góp cho ngân sách hàng năm của cả đời dự án.
Số chỗ làm việc tăng thêm khi thực hiện đầu tư .
Số làm việc tăng thêm = Số lao động thu hút thêm - Số lao động mất việc
Số ngoại tệ thu được từ hoạt động đầu tư
Số ngoại tệ thực thu = Tổng thu ngoại tệ - Tổng chi ngoại tệ
Mức tăng năng suất lao động và trình độ sản xuất
Mức nâng cao trình độ nghề nghiệp của người lao động và của các cán bộ quản lý.
Tạo thị trường mới và mức độ chiếm lĩnh thị trường.
Các tác động đến môi trường.
Đáp ứng các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đối với các cấp quản lý vĩ mô của Nhà nước, địa phương và của ngành.
M
B
PF = RF x
Khi xem xét hiệu quả kinh tế xã hội của đầu tư phải tính đến mọi chi phí trực tiếp và gián tiếp có liên quan đến việc thực hiện đầu tư, mọi lợi ích trực tiếp và gián tiếp thu được do đầu tư đem lại, đồng thời phải tiến hành điều chỉnh các giá chi phí và lợi ích này theo giá xã hội như giá CIF, FOB, cước phí, thuế... Để điều chỉnh các giá CIF, FOB về tiền nội địa cần sử dụng tỷ giá hối đoái có điều chỉnh.
PF: Tỷ giá hối đoái có điều chỉnh
RF: Tỷ giá hối đoái chính thức
B: Giá trị các khoản thu hữu hình và vô hình bằng tiền trong nước
M: Giá trị các khoản thanh toán hữu hình và vô hình bằng tiền trong nước.
2. 3.Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế xã hội của đầu tư ở tầm vĩ mô.
Các nguyên tắc cần thiết khi xây dựng hệ thống chỉ tiêu:
Để qua các chỉ tiêu có thể đánh giá, nhận xét và rút ra kết luận về tính hiệu quả, cũng như những tồn tại về đầu tư phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình thì việc xây dựng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư phải đảm bảo các yếu tố sau:
- Tính so sánh: các chỉ tiêu phải đảm bảo tính so sánh tức là các chỉ tiêu phải so sánh được giữa năm này với năm khác, vùng này với vùng khác, giữa thời kỳ nghiên cứu và thời kỳ gốc; thời kỳ nghiên cứu và thời kỳ kế hoạch.
Tính hệ thống của các chỉ tiêu: các chỉ tiêu đánh giá phải có chỉ tiêu này bổ sung cho các chỉ têu khác hỗ trợ nhau trong phân tích.
Tính thống nhất trong phương pháp xác định tính toán các chỉ tiêu: tức là các chỉ tiêu phải được xác định theo nguyên tắc nhất định, sử dụng cùng một nguồn số liệu trong tính toán.
Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế xã hội của đầu tư ở tầm vĩ mô.
* Tổng giá trị sản xuất (GO) và tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng thêm do đầu tư.
Tổng giá trị sản xuất (GO) :
Tổng giá trị sản xuất là toàn bộ giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ tạo ra trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm) do lao động trong các ngành của nền kinh tế quốc dân tạo ra.
GO = ồGOi (GOi là tổng giá trị sản xuất ngành i)
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP):
Tổng sản phẩm trong nước là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia, phản ánh toàn bộ kết quả cuối cùng của hoạt động sản xuất kinh doanh trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm) đó là giá trị gia tăng của tất cả các ngành kinh tế trong một vùng lãnh thổ hay một quốc gia.
GDP = ồ GOi - ồ ICi (ICi là chi phí trung gian ngành i)
Từ các công thức trên có thể thấy GDP là một phần của GO. GO là kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh (vì nó vẫn chứa IC), còn GDP có thể nói là kết quả cuối cùng của hoạt động sản xuất .
* Chỉ tiêu suất đầu tư (ICOR):
Vốn đầu tư
Mức tăng GDP
ICOR =
Chỉ tiêu ICOR phản ánh mối quan hệ giữa vốn đầu tư với mức gia tăng GDP. Nếu bỏ qua độ trễ của vốn đầu tư thì chỉ tiêu ICOR được tính:
Qua công thức trên cho ta thấy ICOR là mức vốn đầu tư cần thiết để làm tăng thêm một đơn vị GDP.
* Chỉ tiêu số lao động có việc làm do thực hiện dự án và số lao động có việc làm tính trên một đơn vị giá trị vốn đầu tư .
Số lao động có việc làm ở đây bao gồm số lao động có việc làm trực tiếp và số lao động có việc làm ở dự án liên đới (số lao động có việc làm gián tiếp). Các dự án liên đới là các dự án khác được thực hiện do sự đòi hỏi của dự án đang xem xét.
* Chỉ tiêu mức giá trị gia tăng của mỗi nhóm dân cư (những người làm công ăn lương, những người có vốn hưởng lợi tức, Nhà nước thu thuế...) hoặc vùng lãnh thổ.
Chỉ tiêu này phản ánh tác động điều tiết thu nhập giữa các nhóm dân cư hoặc vùng lãnh thổ.
* Chỉ tiêu tiêu ngoại hối ròng (tiết kiệm ngoại tệ).
Một nhiệm vụ cơ bản khi xem xét lợi ích kinh tế xã hội của dự án là xem xét tác động của dự án đến cán cân thanh toán quốc tế của đất nước. Xác định chỉ tiêu mức tiết kiệm ngoại tệ của dự án cho biết mức độ đóng góp của dự án vào cán cân thanh toán của nền kinh tế đất nước.
* Các chỉ tiêu khả năng cạnh tranh quốc tế.
Chỉ tiêu này cho phép đánh giá khả năng cạnh tranh của sản phẩm do dự án sản xuất ra trên thị trường quốc tế.
* Những tác động khác của dự án:
Những ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng : sự gia tăng năng lực phục vụ của những kết cấu hạ tầng sẵn có, bổ sung năng lực phục vụ mới của kết cấu hạ tầng mới.
Tác động đến môi trường: đây là những ảnh hưởng của các đầu vào, đầu ra của dự án môi trường. Trong các tác động có tác động tích cực, tác động tiêu cực. Nếu có tác động tiêu cực thì phải có giải pháp khắc phục.
Nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, trình độ nghề nghiệp của người lao động, trình độ quản lý của những nhà quản lý, nâng cao năng xuất lao động, nâng cao thu nhập của người lao động.
Những tác động về xã hội , chính trị và kinh tế khác (tận dụng và khai khác tài nguyên chưa được quan tâm hay mới phát hiện, tiếp nhận được các công nghệ mới nhằm hoàn thực hiện cơ cấu sản xuất, những tác động đến các ngành, các lĩnh vực khác; tạo thị trường mới, tham gia vào phân công lao động quốc tế, phát triển các địa phương yếu kém, các vùng xa xôi nhưng có tiềm năng về tài nguyên...).
* Ngoài ra, có thể sử dụng các chỉ tiêu sau để phân tích hiệu quả của các hoạt động đầu tư:
Tỷ lệ GO (hay GDP) so với vốn đầu tư thực hiện
=
GO (hay GDP)
Vốn đầu tư thực hiện
Thứ nhất, chỉ tiêu tỷ lệ GO (hay GDP) so với vốn đầu tư thực hiện của kỳ nghiên cứu so với kỳ gốc:
Chỉ tiêu này phản ánh mối quan hệ giữa kết quả đầu ra (GO hay GDP) so với vốn đầu tư của năm đó hay thời kỳ đó.
ý nghĩa của chỉ tiêu này cho thấy một đồng vốn đầu tư thực hiện (đã thực sự đem vào sản xuất kinh doanh) sẽ tạo ra giá trị đầu ra là bao nhiêu.
Thứ hai, chỉ tiêu tỷ lệ GO ( hay GDP) tăng thêm so với vốn đầu tư tăng thêm:
Tỷ lệ GO (hay GDP) tăng thêm so với vốn đầu tư tăng thêm
=
Giá trị GO (hay GDP) tăng thêm
Vốn đầu tư tăng thêm
Chỉ tiêu này cho thấy một đồng vốn đầu tư tăng thêm làm ra thêm được bao nhiêu giá trị đầu ra (GO hoặc GDP). Chỉ tiêu này lớn chứng tỏ nền kinh tế mạnh, kết quả đầu tư đạt tỷ lệ cao, tạo cơ sở vững chắc cho nền kinh tế.
Thứ ba, chỉ tiêu tỷ lệ GDP/GO
Như đã biết giữa GDP và GO có sự chênh lệch đó là tiêu dùng trung gian IC, do vậy so sánh tương đối giữa GO và GDP cho ta thấy được kết quả thực sự mà đầu tư tạo ra là GDP chênh lệch so với GO. Chỉ tiêu này được xác định qua công thức sau:
Tỷ lệ GDP/GO =
GDP
GO
ý nghĩa: nếu chỉ tiêu tỷ lệ GDP/GO cao điều đó thể hiện IC là nhỏ và giá trị gia tăng là càng lớn. Tức là tỷ lệ GDP/VĐT hay hiệu quả thực sự của vốn đầu tư đem lại càng cao.
Mức vốn đầu tư thực hiện =
Vốn đầu tư thực hiện
Tổng vốn đầu tư
Thứ tư, chỉ tiêu tình hình thực hiện sử dụng vốn đầu tư
ý nghĩa: chỉ tiêu này có thể tính cho từng năm hoặc cho từng thời kỳ, để phản ánh tốc độ thực hiện đầu tư . Nếu tỷ lệ này lớn chứng tỏ một điều là tình trạng tràn lan trong đầu tư được khắc phục.
Trên đây là hệ thống các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả đầu tư của các hoạt động đầu tư . Phân tích các chỉ tiêu này có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ đổi mới, chuyển hướng chiến lược... Dựa vào đó, chúng ta có thể đưa ra những chiến lược đúng đắn, thích hợp về đầu tư vào từng ngành, vùng lãnh thổ. Từ đó, sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế của vùng, lãnh thổ, đất nước.
III. Khái niệm, đặc điểm và vai trò nông nghiệp.
ở hầu hết các quốc gia một hiện tượng có tính quy luật là nông nghiệp luôn chậm phát triển so với công nghiệp và dịch vụ. Có thể thấy sự chênh lệch về sự phát triển giữa hai khu vực trên ở nhiều khía cạnh: mức độ hiện đại hoá, năng suất lao động, mức sống dân cư... Tuy nhiên, ở các quốc gia đó nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế . Hiện tượng này cũng hoàn toàn đúng với nước ta. Với đặc điểm đi lên từ nông nghiệp , sản xuất nông nghiệp đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nó là nền tảng cho quá trình phát triển kinh tế đất nước. Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta đi xem xét khái niệm, đặc điểm và vai trò của nông nghiệp . Từ đó có thể có những nhận thức kỹ hơn để tiến hành thực hiện các chính sách đầu tư phát triển đúng đắn, đạt hiệu quả cần thiết.
Khái niệm về nông nghiệp .
Nông nghiệp theo nghĩa hẹp chỉ có hai ngành: trồng trọt và chăn nuôi. Hiểu theo nghĩa rộng nó bao gồm cả ngành lâm nghiệp và ngư nghiệp.
2.Đặc điểm của nông nghiệp .
2.1 Sản xuất n._.ông nghiệp được tiến hành trên một địa bàn rộng lớn, phức tạp, lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên mang tính khu vực.
Đặc điểm này vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển nông nghiệp . Để nông nghiệp ngày càng phát triển và đóng góp hiệu quả hơn cho nền kinh tế quốc dân thì đòi hỏi trong quá trình tổ chức, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp cần lưu ý các vấn đề có tính kinh tế kỹ thuật sau:
- Tổ chức tốt các cuộc điều tra các nguồn tài nguyên nông - lâm - ngư nghiệp của đất nước cũng như của mỗi vùng để có sự quy hoạch, bố trí các loại cây trồng, các con vật nuôi thích hợp.
- Việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phải được tiến hành phù hợp với đặc điểm sinh học của từng loại cây trồng, từng con vật nuôi, cũng như phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế cụ thể của mỗi vùng.
- Cần có hệ thống chính sách phù hợp với điều kiện từng vùng, khu vực nhất định. Đặc biệt là chính sách ruộng đất, đầu tư và thuế.
2.2 Trong nông nghiệp, ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được.
Đất đai là tư liệu sản xuất, song nó là loại tư liệu sản xuất đặc biệt, không giống các loại tư liệu sản xuất khác. Bởi vì, nó có hạn chế về mặt diện tích, cố định về mặt vị trí và sức sản xuất của nó thì không có giới hạn. Chính vì thế khi sử dụng ruộng đất phải:
Hết sức tiết kiệm, nhất là trong xây dựng cơ bản, trong làm thuỷ lợi và phát triển hệ thống giao thông .
Tích cực mở rộng diện tích đất nông nghiệp bằng khai hoang, tăng vụ. Đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, thâm canh sản xuất, coi thâm canh là con đường chủ yếu phát triển sản xuất nông nghiệp .
Chú trọng bảo vệ đất đai, không ngừng cải tạo đất, làm cho độ phì nhiêu của đất ngày càng tăng.
- Cần thực hiện việc quản lý ruộng đất bằng pháp luật.
. Sản xuất nông nghiệp gắn với cơ chế sống.
Các cây trồng và con vật nuôi với tư cách là tư liệu sản xuất đặc biệt, được tái sản xuất trong nông nghiệp bằng cách sử dụng trực tiếp sản phẩm thu được ở chu trình sản xuất trước làm tư liệu sản xuất ở chu trình sản xuất sau. Bởi vậy, để đảm bảo chất lượng giống cây trồng và con vật nuôi ngày càng tốt hơn đòi hỏi phải:
- Thường xuyên chọn lọc các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện cụ thể của từng vùng sinh thái.
- Tập trung đầu tư, nghiên cứu nhằm tạo ra các giống mới có phẩm chất cao hơn.
2.4. Sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ cao.
Sản xuất nông nghiệp muốn đạt được kết quả cuối cùng, ngoài sự tác động trực tiếp của con người, các cây trồng và con vật nuôi cần phải có thời gian tác động của tự nhiên. Vì vậy, trong sản xuất nông nghiệp, thời gian lao động luôn xen kẽ với thời gian sản xuất. Sự không trùng khớp với thời gian lao động và thời gian sản xuất đã đề ra tính thời vụ trong sản xuất nông nghiệp. Để giảm bớt tính thời vụ trong sản xuất nông nghiệp, cần phải đầu tư mạnh mẽ để giải quyết vấn đề sau:
Thực hiện chuyên môn hoá sản xuất kết hợp với phát triển tổng hợp.
Tạo ra các giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn để có thể làm nhiều vụ trong năm.
Mở mang các ngành nghề, các hoạt động sản xuất kinh doanh khác trong nông thôn để thu hút lao động.
Bố trí cơ cấu cây trồng, con vật nuôi thích hợp để sử dụng tối đa lực lượng lao động và sử dụng có hiệu quả các loại vật tư kỹ thuật.
3. Vai trò của nông nghiệp trong quá trình phát triển nền kinh tế quốc dân.
Nông nghiệp nông thôn là một khái niệm gắn liền với những vùng, những khu vực sinh sống chủ yếu của dân cư, trong đó người sản xuất sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Đồng thời, nông thôn gắn liền với nó những hoạt động xã hội, phong tục tập quán trên một cộng đồng nhất định. Chính vì vậy, nông nghiệp nông thôn luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước bởi đây là nơi cung cấp những sản phẩm thiết yếu cho con người, là nơi quyết định đến vấn đề bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái bền vững.
Trên giác độ tăng trưởng và phát triển kinh tế, sự phát triển vững chắc nông nghiệp nông thôn là nguồn tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hàng loạt các nước trên Thế giới, điểm xuất phát của sự cải cách và phát triển kinh tế đều bắt nguồn từ nông nghiệp nông thôn.
3.1. Nông nghiệp là ngành cung cấp lương thực, thực phẩm - nhu cầu cần thiết cho con người.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng tăng và phát triển đa dạng. Nhưng trước hết, như Mác đã khẳng định, con người trước hết phải có ăn sau đó mới nói đến các hoạt động khác. Rằng nông nghiệp là ngành cung cấp tư liệu sinh hoạt cho con người... và việc sản xuất tư liệu sinh hoạt là điều kiện đầu tiên của sự sống và của mọi lĩnh vực sản xuất nói chung. Đặc điểm này khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng cuẩ nông nghiệp trong việc nâng cao mức sống dân cư, bảo đảm sự ổn định chính trị xã hội của đất nước. Từ đó khẳng định ý nghĩa to lớn của vấn đề lương thực trong chiến lược phát triển nông nghiệp, của năng suất lao động nông nghiệp đối với việc bố trí và phân công lại lao động trong xã hội .
Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với nước ta. Với gần 80% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp đã cung cấp phần lớn tư liệu sinh hoạt cho người dân, đồng thời nó cũng đáp ứng được nhu cầu việc làm cho người lao động. Quan trọng hơn, sản xuất nông nghiệp nước ta đã đóng một vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân.
3. 2. Nông nghiệp nông thôn là thị trường rộng lớn, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Đối với các nước đang phát triển nói chung, nước ta nói riêng, nông nghiệp và nông thôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội và cơ cấu dân cư. Đời sống dân cư ngày càng được nâng cao, cơ cấu kinh tế nông thôn ngày càng đa dạng và đạt tốc độ tăng trưởng cao thì nông nghiệp nông thôn sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ngày càng rộng lớn và ổn định của nền kinh tế quốc dân. Nhờ vào sự phát triển mà nhu cầu của người dân ngày càng tăng, không chỉ tiêu dùng những tư liệu sinh hoạt đơn giản phục vụ cho ăn no mặc ấm, mà nhu cầu ngày càng mở rộng, người ta càng quan tâm đến ăn ngon, mặc đẹp và những phương tiện ngày càng hiện đại phục vụ cho đời sống vật chất cũng như tinh thần. Cùng với quá trình đó, sản xuất nông nghiệp cũng đòi hỏi ngày càng được cơ khí hoá và áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào trong sản xuất. Chính vì vậy, nó không chỉ dừng lại ở đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp mà sản phẩm công nghiệp ngày càng được đòi hỏi nhiều hơn, ngày càng đưa về phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn. Cho nên, nó đã thúc đẩy mạnh mẽ đến sản xuất công nghiệp và phát triển dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ. Qua đó, sẽ giúp cho nền kinh tế quốc dân ngày càng phát triển.
3. 3 Nông nghiệp là ngành cung cấp nguyên liệu để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tạo thêm việc làm cho xã hội.
Đối với các nước đang phát triển nói chung, nước ta nói riêng, nguyên liệu từ đầu vào là bộ phận chủ yếu để phát triển công nghiệp chế biến và nhiều ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Một số loại nông sản, nếu tính trên một đơn vị diện tích, có thể tạo ra số việc làm sau nông nghiệp nhiều hơn hoặc tương đương với việc làm của chính khâu sản xuất ra nông sản ấy. Hơn nữa, thông qua công nghiệp chế biến, giá trị nông sản được tăng lên và đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế. Vấn đề này đã được thể hiện rõ ở nước ta, đó là nông nghiệp đã cung cấp nguyên liệu cho thuỷ, hải sản, cao su, cà phê, mây, tre,... tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp , tiểu thủ công nghiệp và tạo thêm việc làm cho xã hội .
Để thực hiện vai trò này của công nghiệp, đòi hỏi phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt giữa nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Vấn đề cần giải quyết chính là quá trình phân bố sản xuất , quy trình kỹ thuật, mô hình tổ chức và quan hệ về lợi ích kinh tế .
3. 4. Nông nghiệp là ngành cung cấp một khối lượng hàng hoá lớn để xuất khẩu . Từ đó, đã đem lại một nguồn thu ngoại tệ lớn cho nền kinh tế. Nông sản dưới dạng thô hoặc qua chế biến là bộ phận hàng hoá xuất khẩu chủ yếu của hầu hết các nước đang phát triển ở thời kỳ đầu. Theo quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước, tỷ lệ nông sản xuất khẩu nhất là xuất khẩu thô có xu hướng giảm xuống nhưng thường vẫn tăng lên về giá trị tuyệt đối. Vì vậy, trong giai đoạn đầu của sự phát triển , ở nhiều nước nông nghiệp trở thành ngành xuất khẩu chủ yếu tạo ra tích luỹ để tái sản xuất và phát triển nền kinh tế quốc dân.
3. 5. Nông nghiệp là khu vực cung cấp lao động phục vụ công nghiệp và các lĩnh vực hoạt động xã hội khác.
Đây là xu hướng có tính quy luật trong phân công lại lao động xã hội. Tuy vậy, yêu cầu chuyển lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác phụ thuộc vào nhiều nhân tố: trước hết là năng suất lao động nông nghiệp phải không ngừng tăng lên, công nghiệp và dịch vụ ở thành thị ngày càng mở rộng, chất lượng nguồn lao động ở nông thôn phải được nâng cao.
3. 6. Nông nghiệp là ngành có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.
Quá trình phát triển nông nghiệp gắn liền với sử dụng thường xuyên đất đai, nguồn nước, các loại hoá chất,... đồng thời việc trồng và bảo vệ rừng, luân canh cây trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc,...đều có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Phải thấy rằng việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái còn là điều kiện để quá trình tái sản xuất nông nghiệp diễn ra bình thường có hiệu quả .
Từ các đặc điểm và vai trò của nông nghiệp nông thôn, chúng ta có thể thấy rõ nông nghiệp là ngành có liên quan trực tiếp đến việc làm, thu nhập của đại đa số dân cư... Chính vì thế, phát triển kinh tế nông nghiệp là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của nước ta.Và để ngành nông nghiệp ngày càng phát triển thì cần phải có sự đầu tư thoả đáng. Vì đầu tư là yếu tố quyết định sự phát triển, là chìa khoá của sự tăng trưởng từng ngành, cũng như của mỗi quốc gia.
IV. Đặc trưng của đầu tư trong nông nghiệp .
Xuất phát từ đặc điểm của ngành nông nghiệp, đặc trưng của đầu tư trong nông nghiệp được thể hiện như sau:
1. Đầu tư trong nông nghiệp được tiến hành trên một địa bàn rộng lớn, phức tạp và còn lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên.
Khác với các lĩnh vực đầu tư khác, đầu tư trong nông nghiệp để tiến hành sản xuất nông nghiệp, vì vậy, nó được thực hiện trên một địa bàn rộng (như áp dụng tiến bộ về giống cho cả một huyện...). Ngoài ra, việc đầu tư còn lệ thuộc vào đất đai, thời tiết, khí hậu và thuỷ văn của từng vùng. Do vậy, quá trình đầu tư diễn ra rất phức tạp, nó không được dập khuôn mà phải diễn ra theo một quá trình, nó được xuất phát từ việc điều tra các nguồn tài nguyên nông - lâm - ngư nghiệp của đất nước cũng như của mỗi vùng để có sự đầu tư vào nghiên cứu và sử dụng các loại cây trồng, các con vật nuôi thích hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng.
Trong quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật là rất quan trọng, nó quyết định đến việc thành công của việc sản xuất. Nhưng để cơ sở hạ tầng kinh tế này phát huy tác dụng cần phải tiến hành phù hợp với đặc điểm từng cây trồng, từng con vật nuôi, điều đặc biệt quan trọng là phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình kinh tế của từng vùng.
Quá trình đầu tư trên rất phức tạp và khó thực hiện. Vì vậy, để nông nghiệp nông thôn ngày càng phát triển, nông nghiệp cần đưa ra những chính sách thích hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng khu vực nhất định. Đặc biệt là chính sách ruộng đất, chính sách đầu tư và chính sách thuế. Làm được như vậy, chắc chắn nông nghiệp sẽ phát triển nhanh và góp phần to lớn vào quá trình phát triển kinh tế đất nước.
2. Trong nông nghiệp, ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được. Do vậy đầu tư nông nghiệp là đầu tư để cải tạo đất.
Đất đai là điều kiện cần thiết cho tất cả các ngành sản xuất, nhưng nội dung kinh tế của nó lại rất khác nhau. Trong công nghiệp và các ngành kinh tế khác, đất đai chỉ là nền móng để xây dựng các công xưởng trụ sở phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh . Trái lại trong nông nghiệp đát đai là tư liệu sản xuất không thể thay thế được. Đất đai là tư liệu sản xuất nhưng có giới hạn về diện tích, cố định về mặt vị trí mà nhu cầu sản xuất lại không ngừng tăng lên. Do vậy, đầu tư để cải tạo ruộng đất là quá trình vô cùng quan trọng, nó quyết định đến quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống dân cư. Vấn đề đặt ra là đầu tư cải tạo đất như thế nào cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, lãnh thổ. Trong thời gian qua, nước ta đã chú trọng đầu tư mở rộng, cải tạo đất thông qua các biện pháp khai hoang, tăng vụ, đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, thâm canh sản xuất . Không ngừng áp dụng các loại giống mới, có chất lượng cao vào sản xuất, đồng thời sử dụng các loại phân bón vừa có tác dụng nâng cao năng suất cây trồng, vừa có tác dụng cải tạo đất và luôn luôn luân canh sản xuất làm cho độ phì nhiêu của đất ngày càng tăng. Để làm được như vậy, Nhà nước và các hộ dân cư tăng cường đầu tư cho lĩnh vực này, đồng thời có sự hướng dẫn đúng các quy định đã được đề ra trong chính sách ruộng đất. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh lượng hàng hoá xuất khẩu và đời sống nhân dân được nâng cao, Đảng và Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến lĩnh vực này, đồng thời có những biện pháp thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn khác, đặc biệt là nguồn vốn trong dân đầu tư cho cải tạo đất và phát triển nông nghiệp .
3. Đầu tư trong nông nghiệp là quá trình đầu tư phát triển hệ thống giống và chế biến nông sản.
Cây trồng và con vật nuôi - đối tượng sản xuất của nông nghiệp, là những cơ thể sống, chúng sinh trưởng và phát triển theo những quy luật sinh học nhất định. Là những cơ thể sống do đó chúng rất nhạy cảm với môi trường tự nhiên. Mỗi sự thay đổi về thời tiết, khí hậu, về sự chăm sóc của con người đều tác động trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng và đương nhiên là ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của sản xuất . Vì vậy, đặc trưng của đầu tư trong nông nghiệp là đầu tư cho phát triển hệ thống giống. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã đầu tư xây dựng được một số trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống với nhiều loại giống tốt góp phần to lớn cho quá trình sản xuất nông nghiệp đạt kết quả cao. Trong thời gian tới, để ngành nông nghiệp ngày càng phát triển , nhất thiết chúng ta phải tăng cường đầu tư hơn nữa để cải tạo và xây dựng các trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống. Việc làm này không chỉ ở một số nơi mà cần mở rộng ta nhiều nơi, mỗi vùng đặc trưng ít nhất phải có một trung nghiên cứu và sản xuất giống. Ngoài việc nghiên cứu và sản xuất các loại giống mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, cần phải đầu tư hơn nữa để tạo ra các loại giống có phẩm chất tốt nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Có như vậy, quá trình sản xuất nông nghiệp mới đạt kết quả cao, ngành nông nghiệp mới khẳng định được vai trò của mình trong nền kinh tế quốc dân.
Ngoài việc đầu tư phát triển hệ thống giống, đầu tư cho chế biến nông sản cũng vô cùng quan trọng, nó giúp cho các nông sản sau khi thu hoạch được bảo đảm và việc chế biến nông sản làm cho giá trị nông sản hàng hoá được nâng cao, góp phần tăng thu nhập cho người lao động
PHần II: thực trạng đầu tư ngành nông nghiệp Thái Bình.
I. khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình.
1. Đặc điểm, vị trí tỉnh Thái Bình .
Thái Bình là một tỉnh đồng bằng ven biển châu thổ sông Hồng, có toạ độ địa lý là: 20o17 đến 22o44 độ vĩ bắc và 106o06 đến 106o39 kinh độ đông. Phía Đông giáp vịnh Bắc bộ, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Nam Định và Hà Nam, phía Bắc giáp tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng. Từ Tây sang Đông dài 54 km, từ Bắc xuống Nam dài 49 km. Thái Bình ở trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng: Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long và được bao bọc bởi hệ thống sông biển khép kín, có 5 cửa sông lớn (Văn úc, Diêm Điền, Ba Lạt, Trà Lý, Lân) có các sông lớn của miền Bắc như: Sông Hồng 67 km, Sông Luộc 53 km, Sông Hoá 35 km, và phía Đông tiếp giáp vịnh Bắc bộ với chiều dài bờ biển trên 49 km (Thái Thuỵ 21.5 km, Tiền Hải 27.7 km) và tổng số chiều dài đê sông, đê biển là 366 km.
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, bức xạ mặt trời lớn, tạo nên nhiệt độ cao. Nhiệt độ trung bình trong năm là 23 - 24oC, nhiệt độ thấp nhất ở 4oC và cao nhất tới 38 - 39oC. Số giờ nắng trong năm từ 1600 - 1800 giờ. Lượng mưa trung bình hàng năm 1500 - 1900 mm, cao nhất là 2528 mm thấp nhất là 1173mm. Có trận mưa trong vòng 1 - 2 ngày từ 300 - 500 mm nên công tác phòng chống bão lụt được các cấp các ngành trong tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo.
Thái Bình có 105.5 ngàn ha đất nông - lâm nghiệp, thuỷ sản trong đó: diện tích đất nông nghiệp 96.382 ha chiếm 62.67% so với tổng diện tích đất tự nhiên, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản 6.652 ha và diện tích đất lâm nghiệp 2259 ha.
Vị trí địa lý như vậy, đã tạo cho Thái Bình điều kiện thuận lợi là đất đai màu mỡ, bằng phẳng dễ canh tác và hàng năm được phù sa Sông Hồng bồi đắp. Song cũng có mặt khó khăn do chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên hàng năm Thái Bình vẫn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lụt gây ra làm thiệt hại về mùa màng, của cải, công trình kiến trúc và thậm chí cả con người.
Tuy diện tích hẹp và mật độ dân cư đông đúc nhưng đồng ruộng Thái Bình phì nhiêu, xóm làng nối tiếp, giao thông liên lạc thuận tiện, nông dân có truyền thống và kỹ thuật thâm canh lúa nước từ lâu đời và cũng có nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng. Từ xa xưa và đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thái Bình được coi là “kho người, vựa lúa”. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, Thái Bình là một tỉnh trọng điểm về sản xuất lương thực của cả nước.
Xuất phát từ một tỉnh kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, mật độ dân cư đông đúc, bình quân ruộng đất cho một nhân khẩu nông nghiệp thấp nhất so với nhiều tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng, việc đảm bảo đời sống cho toàn dân trong tỉnh và có tích luỹ là một bài toán khó cho các cấp lãnh đạo. Thời gian qua, với sự nỗ lực cố gắng, đồng lòng, nhìn chung tình hình kinh tế xã hội của tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ.
2. Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình 1991 - 2000.
Từ năm 1991 - 2000 là thời kỳ tiếp tục phát huy hiệu quả của công cuộc đổi mới được khởi xướng từ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. cơ sở vật chất của nền kinh tế của tỉnh được tăng cường và ngày càng hoàn thiện, nền kinh tế đã đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2000 gấp hơn 2 lần năm 1990, bình quân hàng năm tăng 7%. Tuy nhiên, trong giai đoạn này thì thời kỳ 1991 - 1995 có kết quả đạt được cao nhất, bình quân hàng năm tăng10,25%, trong đó sc nông nghiệp tăng 5,8%, công nghiệp xây dựng tăng 21%, các ngành dịch vụ tăng 22,8%.m Thời kỳ 1996 - 2000 với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện định hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá nhưng lại có nhiều khó khăn mới xuât hiện như cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trong khu vực, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, sự mất ổn định ở nông thôn kéo dài... Tình hình trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ này chỉ đạt 4,5% hàng năm, trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 2,6%, công nghiệp xây dựng tăng 3,3%, và khu vực dịch vụ tăng 9,4%.
Như vậy mặc dù có những khó khăn xuất hiện trong những năm gần đây, nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng liên tục dù mức độ có khác nhau giữa các thời kỳ, giữa các ngành nghề...
- Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản: Tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2000 đạt 3.893 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994) tăng 52,1%so với năm 1990. Giá trị tổng sản phẩm GDP của khu vực này dự kiến đạt 2.677 tỷ đồng so với năm 1990 tăng 51,49%, bình quân mỗi năm tăng 4,2%. Cả hai ngành trồng trọt và chăn nuôi đều có sự tăng trưởng khá (bình quân mỗi năm sản phẩm trồng trọt tăng 3,8%, chăn nuôi tăng 5,25%). Sự chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp sau 10 năm (1990 - 1999) cho thấy tỷ trọng sản phẩm trồng trọt trong GDP của nông nghiệp từ 85,17% năm 1990 giảm xuống còn 83,84% năm 1999 và sản phẩm chăn nuôi từ 12,56% năm 1990 tăng lên 14,24% năm 1999. Tuy nhiên từ năm 1996 đén nay tốc độ tăng trưởng của khu vực này đạt thấp hơn thời kỳ 1991 -1995; Tổng sản phẩm ngành nông nghiệp, thuỷ sản năm 2000 so với năm 1995 tăng 14,25%, bình quân mỗi năm tăng 2,7%. Nhìn chung sau 10 năm, đến nay nông nghiệp của tỉnh Thái Bình đã có bước tiến khá dài, trong đó nổi bật nhất là kết quả thực hiện chương trình an ninh lương thực và chăn nuôi các đàn gia súc gia cầm và nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản.
- Sản xuất công nghiệp : Đã được tổ chức và sắp xếp lại sản xuất, tăng cường đầu tư mua sắm thiết bị và đổi mới công nghệ ở một số ngành nghề đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ đã tạo cho sản xuất công nghiệp thời kỳ 1991 - 1995 phát triển khá mạnh mẽ. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1995 đạt 960 tỷ đồng tăng 134% so với năm 1990, bình quân hàng năm tăng 18,75%, giá trị tăng thêm năm 1995 đạt 302 tỷ đồng tăng 94.2% so với năm 1990 bình quân hàng năm tăng 14,2%. Thời kỳ 1996 - 2000, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, nhiều cơ sở phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thời kỳ này chậm hơn so vớt các thời kỳ trước. Giá trị sản xuất năm 2000 đạt 1.403 tỷ đồng tăng 46,14% so với năm 1995, bình quân hàng năm tăng 8%. Giá trị tăng thêm năm 2000 đạt 429 tỷ đồng tăng 44,4% bình quân mỗi năm tăng 7,3%. Nhìn chung cả thời kỳ từ 1991 - 2000: Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm tăng 13%. Giá trị tăng thêm năm 2000 gấp 2,8% lần năm 1990, bình quân hàng năm tăng 9,8%. Như vậy, sản xuất công nghiệp của tinh Thái Bình trong 10 năm qua đã có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, nhất là các năm 1991 - 1995. Những năm tiếp theo có một số khó khăn nảy sinh như việc áp dụng thiết bị công nghệ, khả năng đầu tư vốn và sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, tốc độ tăng chậm lại nhưng vẫn giữ được sự tăng trưởng liên tục.
- Tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội 10 năm (1991 - 2000)thực hiện được 6.513 tỷ đồng, trong đó khối lượng vốn đầu tư năm 2000 dự kiến thực hiện trên 961 tỷ đồng gấp 2,1 lần năm 1991 và 1,4 lần năm 1995. Riêng vốn đầu tư thời kỳ 1996 - 2000 đạt 3.589 tỷ đồng tăng 28% so với thời kỳ 1991 -1995. Như vậy, xét trong cả thời kỳ 1991 - 2000, tổng số vốn đầu tư khá lớn và tăng liên tục, bình quân hàng năm tăng 8,6%.
- Các ngành Giao thông vận tải - Bưu điện trong những năm vừa qua cũng được đầu tư khá lớn và phát triển nhanh.
- Công tác xuất nhập khẩu từ năm 1996 đến nay dã có nhiều chuyển biến đáng kể, các mặt hàng và thị trường xuất khẩu đã ổn định hơn. Tổng giá trị hàng xuất khẩu năm 2000 đạt 35 triệu 566 nghìn USD tăng 17 triệu 432 nghìn USD so với năm 1995. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm (1996 - 2000) đạt 136,2 triệu USD. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh hiện nay là gạo tẻ, lợn sữa, hàng mây tre đan, gang tay da, ...
Tổng giá trị hàng nhập khẩu 5 năm qua dự kiến đạt 141,2 triệu USD, trong đó năm 2000 nhập khẩu khoảng 32,6 triệu USD. Những mặt hàng chủ yếu nhập khẩu là thép , bông, men sản xuất gạch, nguyên liệu may mặc,...
- Hoạt động tài chính ngân hàng đã đảm bảo được cân đối thu chi phục vụ tốt cho các mặt công tác của tỉnh.
- Các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao đều có bước phát triển. Công tác giáo dục đã được chú trọng đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất cho công tác giảng dạy và học tập. Đến nay cả tỉnh Thái Bình đã có 295 trường mẫu giáo và 608 trường phổ thông các cấp, lực lượng giáo viên và học sinh cũng tăng lên khá nhiều, chất lượng giảng dạy được nâng lên đáng kể. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ và kế hoạch hoá gia đình đã có nhiều tiến bộ. Các cơ sở vật chất của ngành y tế từ xã đến các trung tâm y tế đều được nâng cấp. Cán bộ ngành y tế cũng tăng lên đáng kể. Có 98,9% số trẻ em dưới 4 tuổi được tiêm chủng đủ loại vác xin, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 33,6%. Các năm qua những bệnh dịch xảy ra đều được dập tắt kịp thời.Công tác khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ, việc quản lý bảo hiểm y tế được chặt chẽ đã giảm bớt khó khăn cho người bệnh.
Tình hình lao động việc làm và đời sống của nhân dân: Kết quả điều tra dân số 1/4/1999 cho thấy số người từ 13 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành KTQD chiếm 69% và số ngươì không có việc làm hoặc thiếu việc chiếm 5,93%. Thời gian qua giải quyết việc làm đối với người lao động đã được các cấp các ngành trong tỉnh quan tâm đúng mức với các biện pháp như đầu tư xây dựng thêm các cả sản xuất dịch vụ, chuyển dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động, cho các hộ vay vốn đầu tư sản xuất, mở rộng ngành nghề...Những chính sách và biện pháp trên đã góp phần giải quyết việc làm và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.
Sự phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua mà tỉnh Thái Bình dã đạt được là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: Bên cạnh sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, ý thức người dân còn có sự đóng góp quan trọng của nguồn vốn ngân sách, các nguồn hỗ trợ chính thức (ODA), xuất nhập khẩu ...
Tuy nhiên ngoài những nét chung, sự phát triển kinh tế xã hội vẫn mang những đặc điểm của một tỉnh mà sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu (56%), điểm xuất phát của sản xuất công nghiệp và dịch vụ rất thấp. Sản xuất nông nghiệp trong những năm qua phát triển ổn định và đat được mục tiêu phấn đấu của tỉnh, nhưng nhìn chung vẫn chưa có những đột phá quan trọng và mới đạt được mục tiêu số lượng bảo đảm an toàn về lương thực nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ ở dạng thô là chủ yếu. Trồng trọt và chăn nuôi vẫn còn mất cân đối. sản xuất công nghiệp và dịch vụ tuy có tốc độ phát triển cao nhưng chưa ổn định. Giá trị hàng hoá xuất khẩu bình quân đầu người mới đạt 19,7 USD dạt thấp hơn tiềm năng hiện có...
Để giải quyết vấn đề trên, tỉnh Thái Bình cần phải có một chính sách đầu tư thoả đáng, hợp lý. Nguồn vốn dùng để đầu tư ngoài nguồn ngân sách ra còn có thể khai thác từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA của các Chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ (NGO), huy động nguồn vốn từ dân.
II. thực trạng đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Thái Bình những năm vừa qua.
1. Tình hình đầu tư nói chung tại tỉnh Thái Bình.
Trong những năm vừa qua, với những chính sách đầu tư được cụ thể hoá, chi tiết hoá và được phân cấp nhỏ quản lý, do vậy mà vai trò về quản lý, huy động vốn của tỉnh Thái Bình nói riêng và 61 tỉnh thành trong cả nước nói chung được nâng cao. Đối với tỉnh Thái Bình, tỉnh đã thực hiện đúng đắn và nghiêm túc các chính sách của Chính phủ về huy động và sử dụng các nguồn vốn đã được huy động. Tỉnh đã cụ thể hoá các chính sách và áp dụng chi tiết sao cho phù hợp với những điều kiện, những hoàn cảnh của tỉnh đặc biệt là những chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như nông - lâm - ngư nghiệp, thuỷ sản ... Đó là những chính sách miễn giảm thuế, giá cả, tín dụng, tiêu thụ... nhằm ngày càng thu hút được nhiều nguồn vốn với số lượng vốn hơn nữa đầu tư trong tỉnh. Tỉnh đã giao nhiệm vụ và chỉ đạo sát sao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt kế hoạch thu hút và sử dụng vốn đầu tư, thực hiện các nhiệm vụ như thẩm định, lập kế hoạch, quản lý dự án... Một vấn đề quan trọng nữa là các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xin thành lập doanh nghiệp , đăng ký kinh doanh, đã được Tỉnh chỉ đạo nhanh chóng, nghiêm túc và đúng quy định. Đồng thời, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết gây nản lòng cho chủ đầu tư. Nhờ vậy, trong những năm qua tỉnh Thái Bình đã thu hút được nhiều nguồn vốn với số lượng đáng kể ( vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn đầu tư từ dân, đặc biệt là vốn đầu tư cuả các doanh nghiệp ngoài quốc doanh...).
Cụ thể các nguồn vốn được thể hiện ở bảng sau:(trang bên)
Theo bảng 1 chúng ta thấy tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình giảm mạnh trong năm 1998 (giảm 112.276 triệu đồng so với năm 1997) nhưng được phục hồi vào năm 1999 (tăng 139.155 triệu đồng so với năm 1998). Cũng theo bảng này, vốn đầu tư các đơn vị do điạ phương quản lý bị giảm mạnh trong năm 1998 và được phục hồi vào năm 1999, cụ
thể là năm 1998 giảm 131.282 triệu đồng so với năm 1997 và năm 1999 tăng 113.803 triệu đồng so với năm 1998. Vốn đầu tư các đơn vị TW trên
lãnh thổ địa phương năm 1997 giảm đáng kể và được tăng dần trong những
Bảng 1:Thực hiện vốn đầu tư XDCB toàn xã hội địa bàn tỉnh Thái Bình.
(Theo giá hiện hành)
Đơn vị tính: Triệu đồng.
1995
1996
1997
1998
1999
Tổng số vốn
681912
670646
679003
566727
705882
A.Các đơn vị do địa phương quản lý
671412
627519
645500
514218
628021
I. Khu vực trong nước
Chia theo nguồn vốn
1. Vốn ngân sách Nhà nước
98791
53867
52504
56348
96239
Trong đó: Nsách TW trợ cấp
61565
30000
58858
2. Vốn tín dụng ưu đãi
16100
27108
12407
25884
28826
3. Vốn đầu tư của các d.nghiệp ngoài q.doanh
47965
21035
115968
29855
30726
4. Vốn đ.tư XDCB của dân
400000
397000
400000
350000
390000
5. Các nguồn vốn khác
108556
125509
64621
52131
82230
II. Khu vực vốn đầu tư nước ngoài
B. Các đơn vị TW trên lãnh thổ địa phương
10500
46127
33503
52509
77861
Vốn ngân sách Nhà nước
10500
45649
33503
52509
69861
Ghi chú: Riêng vốn đầu tư XDCB của dân là số liệu suy rộngtừ điều tra mẫu. Niên giám thống kê 1990 - 1999 Cục thống kê Thái Bình.
năm kế tiếp. Các điều này xảy ra là do vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm mạnh, đồng thời vốn đầu tư XDCB của dân và các nguồn vốn khác cũng giảm. Cụ thể nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh năm 1997 giảm 86.113 triệu đồng so với năm 1998... Như chúng ta đã biết, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu á trong thời gian qua, đã gây nên sự mất ổn định kinh tế trong khu vực và nước ta cũng không tránh khỏi tầm bị ảnh hưởng làm tâm lý chung của người dân Thái Bình không dám tiếp tục bỏ tiền ra đầu tư và ch._.ư. Nó phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được giao của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Do vậy, để thực hiện tốt các công việc được giao và có những quyết định đúng đắn, chính xác về đầu tư đối với mục tiêu đề ra của Nhà nước và tỉnh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư phải có kế hoạch rõ ràng, tiêu chuẩn cần thiết khi lựa chọn, tiếp nhận cán bộ vào làm việc tại Sở, đồng thời phải thường xuyên cử cán bộ đi học hoặc mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức đầu tư cho cán bộ công nhân viên. Tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên tiếp cận kịp thời với những thay đổi thường xuyên của nền kinh tế. Vì sự thay đổi này tác động trực tiếp đến quá trình đầu tư, nó quyết định trẹc tiếp đến số lượng nguồn vốn, vốn, hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.
Khi có những kiến thức cần thiết này, cán bộ công nhân viên của Sở có thể hướng dẫn cụ thể cho chủ đầu tư, cho các cơ sở sản xuất kinh doanh về các lĩnh vực cần đầu tư, quá trình lập dự án và một số kiến thức khác tạo điều kiện cho quá trình đầu tư được diễn ra nhanh chóng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
1. 9. Cung cấp rộng rãi và đầy đủ thông tin định hướng để người đầu tư lựa chọn.
Chúng ta đều biết rằng trong những năm qua mọi người dân đều có thể tự do quyết định đầu tư, song trên thực tế nhiều người có tiền, muốn đầu tư phát triển sản xuất nhưng không biết đầu tư vào đâu hoặc chỉ đầu tư mang tính chất tức thời. Nguyên nhân cơ bản đầu tiên phải tính đến là sự thiếu vắng thông tin về thị trường và định hướng của Nhà nước. Các doanh nghiệp , công ty, tập đoàn lớn có thể tự mình nghiên cứu, dự đoán thị trường trong nước và quốc tế để quyết định lựa chọn hướng đầu tư phát triển. Trái lai các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gia đình không đủ trình độ, khả năng và điều kiện để nghiên cứu dự báo thị trường, nghiên cứu cơ hội đầu tư để chọn lựa. Chính vì vậy, vai trò của Nhà nước là phải chỉ ra cho khu vực này hướng đầu tư kinh doanh, nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai, đồng thời có cơ chế hỗ trợ đầu tư về vốn ban đầu, về khoa học kỹ thuật, thiết bị và công nghệ, nhất là phải có cơ chế bảo hộ với sản phẩm nước ngoài hoặc với các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn có khả năng cạnh tranh.
Các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.
Để các nguồn vốn phát huy tác dụng tối đa phục vụ mục đích của các chủ đầu tư , cần có các biện pháp sau:
2. 1. Chỉ đạo quản lý và giám sát thực hiện.
* Tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu đổi mới về tổ chức và đảm bảo quản lý thống nhất, nghiêm minh các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong nông nghiệp nông thôn nhằm tránh việc các tổ chức quản lý chồng chéo gây lộn xộn, dễ phát sinh tiêu cực.
Đặc biệt là trong quản lý vốn ngân sách Nhà nước. Đặc điểm của nguồn vốn này là cấp phát theo kế hoạch, không phải trả lãi suất, không phải hoàn lại vốn. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn chủ yếu là các dự án có thời gian thu hồi vốn lâu hoặc là không thu hồi được vốn (như đắp đê chống lũ, xây đê...) tỷ suất lợi nhuận mà chủ đầu tư có thể xác định và thu hồi được là rất thấp. Nhưng các dự án này rất quan trọng đối với sinh hoạt và sản xuất của các hộ nông dân, chính vì vậy mà Nhà nước là người đầu tư chính trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn eo hẹp, để tránh tình trạng thất thoát lãng phí vốn đầu tư cần phải tính toán lợi ích kinh tế xã hội của dự án một cách kỹ lưỡng, phải xác định được dự án nào nên ưu tiên đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải thiếu dứt điểm, thời gian hoàn thành lâu gây lãng phí nguồn vốn, kém hiệu quả.
Để công bằng và có hiệu quả, các dự án sử dụng vốn ngân sách có số vốn đầu tư từ triệu trở lên phải tiến hành đấu thầu theo quy định của Chính phủ. Việc đấu thầu phải tuân thủ nghiêm chỉnh theo quy chế đấu tháàu. Trong quá trình thi công phải cử các cán bộ có kinh nghiệm, có trình độ và phẩm chất đạo đức tốt, giám sát thi công và nghiệm thu bảo đảm chất lượng, tiến độ thi công của công trình đúng như trong hợp đồng.
* Trong chỉ đạo cần tránh tư tưởng nóng vội, phải chuẩn bị thực hiện đầu tư một cách kỹ lưỡng để có nhiều phương án mà lựa chọn giải pháp tối ưu, khi làm cần thiết phải có bước đi rõ ràng, có những vấn đề cần được làm thử. Đồng thời, trong chỉ đạo phải tạo được sự nhất trí cao trong lãnh đảotên cơ sở nghị quyết của Thị uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Mọi vấn đề đưa ra phải được sự chuẩn bị chu đáo và phải được thảo luận kỹ.
* Trong quá trình giám sát, Tỉnh cần cử các cán bộ có kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức tốt để thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch, qua đó phát hiện và bổ sung kịp thời những sai sót lệch lạc trong quá trình thực hiện.
2. 2. Đổi mới cơ cấu đầu tư.
Trong điều kiện hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học, cũng như nhu cầu sử dụng con người ngày càng cao. Do vậy, đầu tư trong nông nghiệp nông thôn cần phải đổi mới cơ cấu đầu tư theo hướng giảm đầu tư bề rộng (khai hoang, tăng vụ, phát triển đàn con gia súc, trồng rừng - quảng canh...) tăng đầu tư chiều sâu (thâm canh, khoa học kỹ thuật, chất lượng nông sản... ) và công nghiệp chế biến, bảo quản lương thực thực phẩm, giảm đầu tư cho quốc doanh kém hiệu quả, tăng đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Ưu tiên vùng sản xuất hàng hoá xuất khẩu, kinh tế hộ, phát triển nghành nghề, dịch vụ và thị trường nông thôn. Sở nông nghiệp và nông thôn cần hoàn thành sớm việc lập các dự án phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá :
- Tiến hành đầu tư xây dựng vùng chuyên canh lúa gạo xuất khẩu: xây dựng các cơ sở xay xát chế biến gạo với chất lượng cao kết hợp với việc đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, đổi mới cơ cấu giống lúa nhằm phục vụ theo yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Tiến hành nghiên cứu các giống lúa mới, cây con có chất lượng cao đưa vào sản xuất tạo ra giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích.
Tiến hành trồng các loại cây rau quả: ngô, cà chua, dưa chuột, nấm...vừa phục vụ tiêu dùng cho người và vật nuôi vừa để xuất khẩu.
Đầu tư xây dựng các vùng trồng hoa và cây cảnh đem lại giá trị kinh tế cao. Một số làng xã, hộ gia đình đã thực hiện tốt mô hình này.
Tăng cường xây dựng các nhà máy chế biến nông sản phẩm, dần từng bước đưa công suất chế biến thịt đông lạnh xuất khẩu đạt 5000 tấn/năm; chế biến hải sản xuất khẩu trong 5 năm đưa sản lượng đạt 5000 - 6000tấn/năm
- Phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn theo hướng tăng cường “nạc hoá”, cùng với nó là tiến hành xây dựng đầu tư cho xí nghiệp đông lạnh thay đổi công nghệ nhằm phục vụ xuất khẩu lợn sữa, đem lại giá trị xuất khẩu cao.
Tăng hướng chế biến tổng hợp , thức ăn gia súc để duy trì phát triển đàn gia súc gia cầm. Tập trung chăn nuôi bò thịt bởi tuy không phải sử dụng đến lương thực nhưng lại tạo ra một nguồn thực phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội - bò “lai sin”.
- Thực hiện mạnh mẽ chương trình nuôi trồng thuỷ hải sản, gắn liền với xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng và giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn vùng biển.
Ưu tiên phát triển mạnh mẽ kinh tế biển: Nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến... Tập trung nuôi trồng hải sản ven biển phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mô hình thâm canh, khai thác hết diện tích bãi bồi ven biển, chuyển một phần diện tích nhiễm mặn, đất làm muối hiệu quả thấp sang làm đầm nuôi trồng thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao, tạo đà từng bước xuất khẩu thuỷ, hải sản đông lạnh... Đặc biệt là dự án phát triển đầm nuôi tôm ở vùng cửa sông ven biển theo hướng bán thâm canh và thâm canh, hạn chế nuôi quảng canh.
Trong đầu tư cho thuỷ lợi, cần chuyển trọng tâm sang khai thác, nâng cấp các công trình đã có, hoàn chỉnh hệ thống kênh mương để tăng nhanh hiệu quả tưới tiêu.
Đổi mới phương pháp đầu tư theo hướng tập trung cho các công trình trọng điểm, vùng trọng điểm sản xuất nông sản hàng hoá có chất lượng cao, tỷ trọng hàng hoá lớn, tránh dàn đều. Tăng nguồn vốn cho vay dài hạn đến hộ nông dân, giảm lãi suất cho vay đối với những cây con, để đầu tư phát triển những vùng nghèo, vùng có nhiều khó khăn để thực hiện chủ trương “xoá đói, giảm nghèo”.
2. 3. Biện pháp sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ tín dụng.
Vốn do ngân hàng đầu tư bằng con đường tín dụng - một nguồn vốn không nhỏ, không thể thiếu và cũng không kém phần quan trọng trong các nguồn vốn cho kinh tế phát triển. Vấn đề là làm sao đầu tư vốn phục vụ kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà vẫn đảm bảo kinh doanh của ngành có hiệu quả. Muốn vậy phải thực hiện theo các bước sau:
- Phải xác định những loại hình của kinh tế nông nghiệp và nông thôn mà ngân hàng có thể đầu tư bằng con đường tín dụng. Phải khẳng định răng kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển đa dạng phong phú và theo nhiều chiều hướng khác n1hau.
- Xác định đối tượng, phạm vi đầu tư vốn bằng con đường tín dụng. Đây là vấn đề cốt lõi để đảm bảo đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả kinh tế. Đó là những chi phí cho ngành trồng trọt, chăn nuôi như cây, con giống, chi phí phân bón, thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh, chi phí cho cải tạo đồng ruộng, xây dựng công trình thuỷ lợi, xây dựng chuồng trại, mua sắm, sửa chữa phương tiện máy móc, phương tiện vận tải... Đó là nguyên vật liệu, chi phí nhân công cho gia công chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu, cơ khí. Đó là hàng hoá dịch vụ sản xuất và dịch vụ tiêu dùng của nhân dân.
- Với những đối tượng này có thể đầu tư qua một tổ chức kinh tế như quốc doanh, hợp tác xã hoặc đầu tư qua hộ nông dân sản xuất, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn... Thông qua hai kênh là ngân hàng thương mại và ngân hàng phục vụ người nghèo với thời gian ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn tuỳ theo đối tượng cụ thể.
2. 4. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.
Cơ sở hạ tầng là điều kiện vật chất quan trọng có tính quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn cũng như sự chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Do vậy, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn là vô cùng quan trọng, nó có tác dụng kép: không chỉ là động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn kéo theo sự gia tăng manh và đầu tư nông nghiệp,nông thôn. Khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phải xác định cả lợi ích trước mắt cũng như lợi ích lâu dài. Khi các công trình (trạm giống, cơ sở chế biến, giao thông, thuỷ lợi, điện, nước...) phát huy tác dụng nó sẽ góp phần to lớn trong việc sử dụng vốn đầu tư. Nó có tính chất quyết định đối với việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư khi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất trong nông nghiệp. Nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đồng vốn được sinh lời nhanh và chắc chắn. Từ đó sẽ nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Nhận thức rõ được điều này, tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai đầu tư cho một số công trình trọng điểm để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp nói riêng và các ngành kinh tế nói chung:
Sớm hoàn thành xây dựng cầu Tân Đệ, cầu Vô hối, ttập trung nâng cấp đường 10, quốc lộ 39A, 39B,223 và đường đi Đồng châu.
Cải tạo và nâng cấp mạng lưới đường dây, trạm biến áp, từng bước hoàn chỉnh đảm bảo cấp đủ điện cho phát triển kinh tế đời sống xã hội; xây dựng hệ thống chiếu điện chiếu sáng ở một số thị trấn.
Tiếp tục thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phấn đấu trên 58% dân số nông thôn được dùng nước sạch.Thực hiện dự án cung cấp nước sạch và xử lý nước thải ở Thị xã và một số thị trấn...Tập trung hoàn thành một số công trình thuỷ lợi như:Hệ thống trạm bơm thống nhất, cống Lân 1, cống Đồng cống, nạo vét sông Kiên Giang...
Ngoài ra, trong 5 năm, tỉnh sẽ có kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực sau:
Trạm trại quốc doanh nhà nước
Công trình thuỷ lợi
Nuôi trồng thuỷ sản
Bến cá Diêm Điền và cửa Lân
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Xây dựng cơ sở hạ tầng vùng kinh tế mới
Nước sạch nông thôn.
Với tổng số vốn là 779.800 triệu đồng.
2. 5. Mở rộng thị trường tiêu thụ.
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, một trong những giải pháp khá quan trọng là mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhân tố này góp phần quan trọng vào việc lưu thông hàng hoá, tăng nhanh vòng quay của vốn, giúp cho đồng vốn đem lại hiệu quả cao, lợi nhuận lớn. Trong những năm tới cần có kế hoạch để mở rộng thị trường tiêu thụ như sau:
- Để phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, ngoài biện pháp tự nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường tại chỗ, ngoài ra cần chú ý khai thác thị trường vùng lân cận, từng bước tìm kiếm thị trường nước nhoài thông qua xuất khẩu tại chỗ, xuất khẩu qua biên giới.
- Để tạo thị trường ổn định thúc đẩy sản xuất, trước mắt cần nâng cấp đổi mới công nghệ cho xí nghiệp đông lạnh Thái Bình để giữ thị trường và có giá trị xuất khẩu thịt lợn cao.
- Có kế hoạch đào tạo cho người sản xuất về thị trường, tiếp thị, quảng cáo và các nội dung liên quan khác.
2. 6. áp dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp .
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất cây trồng vật nuôi và tạo súc cạnh tranh trên thị trường, việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất là hết sức cần thiết.
Ngoài việc áp dụng công nghệ sẵn có, cần tập trung ngiên cứu đổi mới công nghệ trên các lĩnh vực sản xuất giống cây, giống con, công nghệ áp dụng vào các khâu trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến, thuỷ lợi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, áp dụng các thành tựu công nghệ sinh học mới trong nông nghiệp nhằm xây dựng một nền nông nghiệp sạch đa dạng và hiệu quả.
Về cơ chế quản lý cần khuyến khích các đơn vị trích vốn tự có phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghiệp, ưu tiên đầu tư cho các đơn vị có dự án đầu tư áp dụng khoa học công nghiệp mới.
Cần có kế hoạch đào tạo về kiến thức cho nông dân tiếp thu thành tựu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Như vậy, nền sản xuất nông nghiệp tỉnh sẽ phát triển đa dạng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.Từ đó sẽ đẩy mạnh quá trình thu hồi vốn và mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.
Cụ thể, cần tập trung triển khai các đề tài nghiên cứu về giống để có bước đột phá và chủ động cung cấp giống cây và giống con có năng suất và giá trị cao; trọng tâm là sản xuất giống lúa lai F1, lợn hướng nạc theo công nghệ PIC, tạo nguyên liệu cho xuất khẩu...
2. 7. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp.
Để phát triển nông nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách liên quan như:chính sách trợ giá giống gốc, chính sách giao đất, chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã, trọng tâm là chiính sách miễn giảm thuế, thuế đất. Để hoàn thiện hệ thống chính sách, cần tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời nhằm tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện.
Bên cạnh chính sách đã ban hành, Nhà nước cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ sản xuất đối với sản xuất nông nghiệp có đặc điểm chu kỳ sản xuất dài, sản phẩm tươi sống khó bảo quản. Do dưới tác động của quy luật cung cầu, tình trạng phá sản phẩm nông nghiệp có thể gây thiệt hại lớn đối với nông dân, ảnh hưởng đến đời sống và gây mất ổn định tới xã hội... Vì vậy, việc ban hành chính sách bảo trợ nông nghiệp là cần thiết.
Việc bảo trợ sản xuất nông nghiệp có thể bằng nhiều hình thức tuỳ theo điều kiện kinh tế ở mỗi thời kỳ, có thể là:
Bảo hộ thông qua giảm giá vật tư, nhuyên nhiên liệu đầu vào.
Bảo hộ đầu ra: bao tiêu sản phẩm, trợ giá nông sản, miễn giảm thuế...
2. 8. Tạo điều kiện phát triển mạnh các loại hình kinh tế trong nông nghiệp nông thôn.
Tổng nông nghiệp hiện tồn tại 3 thành phần kinh tế chủ lực đó là kinh tế hộ gia đình, kinh tế Hợp tác xã, kinh tế quốc doanh. Đầu tư phát triển các loại hình kinh tế này sẽ tạo điều kiện tiền đề cho việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cũng như góp phần củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn giúp cho nông nghiệp và nông thôn ngày càng phát triển.
Thứ nhất, với kinh tế hộ: về lâu dài tiếp tục là thành phần kinh tế chủ lực sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, do tính chất nhỏ lẻ, sản xuất manh mún khó có thể cạnh tranh được với thị trường nhất là khi thị trường nước ta hội nhập với khu vực. Do vậy Nhà nước cần phải hỗ trợ qua hệ thống dịch vụ, khuyến nông và thông tin thị trường, cùng với chương trình tín dụng nông dân được vay vốn tổ chức tiêu thụ nông sản... tạo mọi điều kiện để hộ nông dân chuyển từ dạng phổ biến là sản xuất tự cấp tự túc sang hộ nông dân sản xuất hàng hoá . Giúp cho các hộ gia đình ngày càng giàu lên, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Thứ hai, với kinh tế Hợp tác xã: Cần tiếp tục khuyến khích thành lập mới theo luật Hợp tác xã, đảm bảo cho Hợp tác xã hoạt động thực sự không mang tính chất hình thức. Như vậy, Nhà nước cần hỗ trợ ban đầu bằng con đường tín dụngtrên nguyên tắc giao vốn hoạt động kinh doanh có thời hạn cụ thể. Bằng các nguồn vốn phát triển, Nhà nước hợp tác theo chương trình, mục tiêu cụ thể trên cơ sở đã có quy hoạch phát triển được các cấp phê duyệt. Có thể sử dụng hình thức cho vay vật tư, thiết bị trả chậm nhằm giúp các Hợp tác xã, các hiệp hội của nông dân đầu tư đa dạng hoá sản xuất theo những quy mô hợp lý, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn. Về lâu dài Hợp tác xã phải đóng vai trò chủ chốt trong việc cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tiến tới nhập khẩu trực tiếp. UBND các huyện, thị xã tiến hành phân loại Hợp tác xã để có phương án chuyển đổi phù hợp . Hoạt động của Hợp tác xã chuyển đổi theo mô hình Hợp tác xã dịch vụ (thuỷ nông, bảo vệ thực vật, thú y, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ nông sản, cung cấp vật tư phân bón, hàng tiêu dùng) trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, dân chủ, có thể là trong một hộ vừa tham gia Hợp tác xã, nhưng lại vừa kinh doanh riêng, tư nhân, cá thể.
Thứ ba, thành phần kinh tế quốc doanh: Thời gian tới, kinh tế quốc doanh vẫn có vị trí then chốt trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ. Vấn đề đặt ra là phải phát huy cao hiệu quả của tiền vốn và các nguồn lực khác của khu vực này để đảm bảo đúng vai trò của loại hình kinh tế này trong sản xuất, đồng thời bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong cạnh tranh. Và để đạt được điều này, trong thời gian tới cần tiến hành giải thể hoặc cổ phần hoá với các đơn vị làm ăn thua lỗ, hình thành các doanh nghiệp hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ích sản xuất giống, dịch vụ thuỷ nông, khuyến khích đầu tư thành lập các doanh nghiệp chế biến nông sản và tiêu thụ nông sản phẩm.
2. 9. Mở rộng giáo dục, đào tạo kiến thức phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản.
Đào tạo lại và tuyển chọn mới những cán bộ quản lý và kỹ thuật của các ngành nông, lâm, thuỷ sản và các hoạt động dịch vụ phục vụ, tạo điều kiện cho lực lượng này tiếp thu và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn trong cơ chế thị trường.
Khuyến khích và hỗ trợ những người được đào tạo lại, tự học nghề nâng cao kiến thức cho bản thân...
Đồng thời phải phổ biến kiến thức về nông nghiệp nhất là kiến thức tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật mới cho người dân thông qua các hình thức như mở rộng tập huấn tại chỗ, mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn, phát thanh, truyền hình. Như vậy, người dân sẽ nâng cao được tầm hiểu biết của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, chế biến góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Một số kiến nghị
1. Tổ chức tốt sự phối hợp các ngành các cấp, Trung ương và địa phương trong việc kế hoạch hoá đầu tư và triển khai thực hiện trên toàn địa bàn.
* Hoàn chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, trước hêt chú ý đến quy hoạch các khu trung tâm, quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông, cấp thoát nước...
* Công bố công khai các quy hoạch được duyệt làm cơ sở cho các ngành, địa phương, xây dựng phương án đầu tư theo quy hoạch và tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
* Công bố công khai các lĩnh vực ưu tiên đầu tư, khuyến khích đầu tư.
* Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền tỉnh trong quản lý đầu tư, nhất là đầu tư XDCB trên địa bàn thị xã.
*Quy định cụ thể chế độ thông tin, thông báo, báo cáo về kế hoạch và tình hình tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư trên địa bàn thông qua đầu mối tổng hợp là UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
2. Tổ chức tốt việc huy động các nguồn vốn đầu tư thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển.
* Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ nhằm thu hút mọi nguồn vốn vào đầu tư phát triển và điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo định hướng phát triển kinh tế xã hội:
Cụ thể hoá chính sách khuyến khích đầu tư trên địa bàn, thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với một số ngành, lĩnh vực có sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ lãi suất vay tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.
Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế huy động vốn trên địa bàn tỉnh (đấu thầu quyền sử dụng đất, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước...)
* Phát triển thị trường vốn, kết hợp với cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông các dòng lưu chuyển vốn, nhằm tổ chức sự năng động của vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư của xã hội như mở rộng các hoạt động tín dụng, hiện đại hoá hệ thống ngân hàng; Tạo mọi tiền đề để từng bước hình thành phát triển thị trường chứng khoán.
Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao chất lượng của dự án.
Nghiên cứu thị trường (đối với sản xuất kinh doanh), xác định nhu cầu đầu tư; Xem xét khả năng huy động vốn đầu tư; Tiến hành điều tra kiểm soát, quy hoạch và cắm mốc giới.
Nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức tư vấn; Tăng cường thông tin kinh tế...
Xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên, tập trung đầu tư vốn cho các công trnhf trọng điểm. Thực hiện kế hoạch đầu tư đa ngành, lồng ghép các dự án đầu tư, kết hợp nhiều nguồn vốn để đầu tư cho một dự án.
Cải cách hành chính trong công tác kế hoạch hoá đầu tư, thẩm định, phê duyệt và cấp vốn đầu tư để thực hiện dự án.
Khẩn trương bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp lý về quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn, khắc phục những bất hợp lý hoặc mâu thuẫn giữa các văn bản pháp quy.
Cải cách những thủ tục trong cấp đất, cấp giấy phép xây dựng, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán...
Mạnh dạn hơn nữa trong việc phân cấp thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư.
6. Nâng cao vai trò, năng lực của hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác kế hoạch và đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình.Củng cố hệ thống làm công tác kế hoạch từ trên xuống dưới, Trung ương xuống địa phương, cơ sở. Tăng cường năng lực của các ban dự án.
Kết luận
Nông nghiệp nông thôn là một lĩnh vực có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh Thái Bình - một tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng. Vì vậy, phát triển nông nghiệp nông thôn là rất cần thiết, là chiến lược đúng đắn, hợp lý trong quá trình phát triển kinh tế. Để phát triển nông nghiệp, Thái Bình cần phải có sự đầu tư thoả đáng cho ngành vốn có vị thế và tỷ trọng lớn nhất này. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp nông thôn Thái Bình cũng đã nhận được quan tâm đáng kể và đạt được một số kết quả, thành tựu nhất định. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao đẩy nhanh quá trình đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó để nó phát huy tác dụng cho nền kinh tế. Do đó, việc giải quyết các vấn đề này cũng như các giải pháp đã nêu là vô cùng quan trọng. Nếu thực hiện được như vậy, nguồn vốn đầu tư cho nông thôn nông thôn sẽ được giải quyết và được sử dụng có hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp nông thôn tỉnh Thái Bình ngày càng phát triển, đồng thời góp phần to lớn vào sự phát triển và ổn định nền kinh tế tỉnh, làm cho nền kinh tế tế tỉnh vững chắc, đời sống nhân dân được nâng cao.
Trên đây là toàn bộ bài viết của em về đề tài này. Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn cô Nguyễn Ngọc Mai cùng các cô chú trong Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thái Bình đã giúp đỡ em hoàn thành bài viết./.
Thái Bình tháng 04 năm 2001
Sinh viên: Đặng Việt Hà.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Ngọc Mai: Giáo trình Kinh tế Đầu tư - Nhà xuất bản giáo dục.1998
Niên giám thống kê 1990 - 1999 . Cục thống kê Thái Bình
Dương Quang Diệu: Giáo trình Kinh tế Nông nghiệp - Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà nội. 1996
Nghị quyết của bộ chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp nông thôn - Nhà xuất bản chính trị quốc gia. 1998
Đầu tư trong nông nghiệp thực trạng và triển vọng (Nguyễn Sinh Cúc - Nguyễn Văn Tiêm: Học viện chính trị quốc gia).
6. Báo cáo kế hoạch thực hiện đầu tư (1996 - 2000) và phương hướng đầu tư (2001 - 2005)-Phòng Đầu tư và XDCB Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình.
7. Các tạp chí:
Tạp chí ngân hàng số 13/1998; số 6/ 1998
Tạp chí cộng sản số 1/1999; số 6/1998
Kinh tế và dự báo số 11/1998
Con số và sự kiện số 6/1995; số 12/1998
Tạp chí tài chính số 8/1996
Thời báo kinh tế Việt Nam 98-99; 99-00.
Mục lục
Trang
Lời mở đầu
1
Phần I
Cơ sở lý luận
3
I
Khái niệm, bản chất, vai trò của đầu tư
3
1
Một số khái niệm
3
2
Bản chất các loại đầu tư trong phạm vi Quốc gia
3
3
Vai trò của đầu tư phát triển
4
3.1
Trên giác độ toàn bộ nền kinh tế đất nước
5
3.2
Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ
7
II
Kết quả và hiệu quả của hoạt động đầu tư
8
A
Kết quả của hoạt động đầu tư
8
1
Khái niệm
8
2
Các chỉ tiêu
8
2.1
Khối lượng vốn đầu tư thực hiện
8
2.2
Tài sản cố định huy động và năng lực sản xuất phục vụ tăng thêm
9
B
Hiệu quả của hoạt động đầu tư
10
1
Khái niệm
10
1.1
Hiệu quả tài chính
10
1.2
Hiệu quả kinh tế xã hội
10
2
Các chỉ tiêu
11
2.1
Các tiêu chuẩn đánh giá
11
2.2
Phương pháp đánh giá hiệu quả
11
2.3
Các chỉ tiêu phản ánh tầm vĩ mô
12
III
Khái niêm, đặc điểm và vai trò nông nghiệp
16
1
Khái niệm
16
2
Đặc điểm của nông nghiệp
17
3
Vai trò nông nghiệp trong quá trình phát triển
18
IV
Đặc trưng của đầu tư trong nông nghiệp
21
1
Đầu tư trong nông nghiệp tiến hành trên một địa bàn rộng lớn, phức tạp và còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên
21
2
Đầu tư nông nghiệp để cải tạo đất
22
3
Đầu tư nông nghiệp là quá trình phát triển hệ thống giống
23
Phần II
Thực trạng đầu tư ngành nông nghiệp Thái Bình
24
I
Khái quát về tình hình phát triển kinh tế xã hội Tỉnh
24
1
Đặc điểm, vị trí tỉnh Thái Bình
24
2
Tình hình kinh tế xã hội Tỉnh Thái Bình 1991-2000
25
II
Thực trạng đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn Tỉnh Thái Bình
29
1
Tình hình đầu tư nói chung
29
2
Cơ cấu vốn đầu tư
32
3
Hiệu quả kinh tế xã hội vốn đầu tư nông nghiệp có nhiều nổi bật
33
4
Một số khó khăn
34
III
Những kết quả đầu tư phát triển nông nghiệp thời gian qua tại tỉnh Thái Bình
35
1
Những kết quả đạt được
35
2
Một số kết quả khác
40
3
Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả đầu tư trong nông nghiệp
41
3.1
Giá trị GDP của ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản
41
3.2
Hệ số ICOR
42
3.3
Hiệu quả đầu tư cận biên
42
4
Một số thuận lợi và khó khăn
43
4.1
Những thuận lợi
44
4.2
Một số khó khăn
44
Phần III
Định hướng đầu tư phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình- những giải pháp thích hợp
46
I
Phương hướng kế hoạch 5 năm 2001-2005
46
II
Giải pháp thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư
47
1
Các giải pháp thu hút vốn đầu tư
7
2
Các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư
56
Một số kiến nghị
65
Kết luận
67
Tài liệu tham khảo
68
Bảng 3: Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản.
Đơn vị: triệu đồng
Danh mục
Theo giá so sánh 1994
Theo giá thực tế
1995
1996
1997
1998
1999
1995
1996
1997
1998
1999
Tổng
3393040
3345766
3459623
3617356
3862004
3949558
4216755
3601680
4627787
4583020
I.Nông nghiệp
3179825
3147332
3267684
3383931
3605250
3725641
3940982
3393277
4311220
4262308
1. Trồng trọt
2547644
2478354
2519435
2609639
2821412
2968101
3089242
2517572
3438431
3268752
2. Chăn nuôi
532860
566352
640441
663142
671357
672540
764704
777097
754439
873476
3. Dịch vụ
99321
102626
107808
111150
112481
85000
87036
98608
118350
120080
II. Lâm nghiệp
70477
48146
32993
29589
21494
52309
46834
34061
44534
22983
III. Thuỷ sản
142738
150288
158946
203836
235260
171608
228939
174342
272033
297729
Nguồn: Phòng Nông nghiệp Sở Kế hoạch Đầu tư Thái Bình - Niên giám thống kê 1990-1999
Bảng 4: Lượng tăng tuyệt đối liên hoàn GTSX nông nghiệp và thuỷ sản.
Đơn vị tính: triệu đồng
Danh mục
Theo giá so sánh 1994
Theo giá thực tế
1995
1996
1997
1998
1999
1995
1996
1997
1998
1999
Tổng
3393040
-47274
113857
157733
244648
3949558
267197
-615075
1026107
-44767
I.Nông nghiệp
3179825
-32493
120352
116247
221319
3725641
215341
-547705
917943
-48912
1. Trồng trọt
2547644
-69290
41081
90204
211773
2968101
121141
-571670
920895
-169679
2. Chăn nuôi
532860
33492
74098
22701
8215
672540
92161
12393
-22658
119037
3. Dịch vụ
99321
3305
5182
3342
1331
85000
2036
11572
19742
1730
II. Lâm nghiệp
70477
-22331
-15153
-3404
-8095
52309
-5475
-12773
10473
-21551
III. Thuỷ sản
142738
7550
8658
44890
31424
171608
57331
-54597
97691
25696
Bảng 5: Tốc độ tăng trưởng liên hoàn GTSX nông lâm nghiệp và thuỷ sản.
Đơn vị: %
Danh mục
Theo giá so sánh 1994
Theo giá thực tế
1996
1997
1998
1999
1996
1997
1998
1999
Tổng
-1.39
3.4
4.56
6.76
6.76
-14.59
28.49
-0.97
I.Nông nghiệp
1.02
3.82
3.56
6.54
5.78
-13.89
27.05
-1.13
1. Trồng trọt
-2.72
1.66
3.58
8.12
4.08
-18.5
36.58
-4.93
2. Chăn nuôi
6.28
13.58
3.54
1.24
13.7
1.62
-2.9
15.78
3. Dịch vụ
3.33
5.05
3.10
1.20
2.39
13.3
20.02
1.46
II. Lâm nghiệp
-31.68
-31.47
-10.32
-27.36
-10.29
-27.27
30.75
-48.39
III. Thuỷ sản
55.29
5.76
28.24
15.42
33.4
-23.84
56.03
9.45
Bảng 6: Cơ cấu GTSX nông lâm nghiệp và thuỷ sản.
Đơn vị: %
Danh mục
Theo giá so sánh 1994
1995
1996
1997
1998
1999
Tổng
100.00
100.00
100.00
100.00
100.00
I.Nông nghiệp
93.72
94.07
94.45
93.55
93.35
1. Trồng trọt
75.08
74.07
72.82
72.14
73.06
2. Chăn nuôi
15.7
16.93
18.51
18.34
17.38
3. Dịch vụ
2.93
3.07
3.12
3.07
2.91
II. Lâm nghiệp
2.08
1.44
0.96
0.82
0.56
III. Thuỷ sản
4.2
4.49
4.59
5.63
6.09
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- G0051.doc