Tài liệu Ảnh hưởng của lượng phân bón N, P, K khác nhau đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng giống lúa N46 vụ Xuân 2008 tại Gia Lâm - Hà Nội: ... Ebook Ảnh hưởng của lượng phân bón N, P, K khác nhau đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng giống lúa N46 vụ Xuân 2008 tại Gia Lâm - Hà Nội
133 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 9297 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Ảnh hưởng của lượng phân bón N, P, K khác nhau đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng giống lúa N46 vụ Xuân 2008 tại Gia Lâm - Hà Nội, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1. MỞ ĐẦU
1.1. Đặt vất đề
Cây lúa (Oryza sativa L.) là một trong những cây trồng cung cấp nguồn lương thực quan trọng nhất cho sự sống của loài người. Cùng với các cây lương thực khác, cây lúa được thực tế sản xuất hết sức quan tâm, vì vậy nó được trồng phổ biến trên thế giới với 40% dân số sử dụng lúa gạo làm lương thực chính và ảnh hưởng đến đời sống của ít nhất 65% dân số thế giới.
Trong kỹ thuật thâm canh tăng năng suất cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng, việc không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật như giống, phân bón, bảo vệ thực vật, thuỷ lợi... đã làm tăng năng suất lúa không ngừng. Trong các yếu tố đó, phân bón là yếu tố vô cùng quan trọng đối với năng suất, phẩm chất lúa. Theo tính toán, tuỳ từng chân đất, loại cây trồng và vùng sinh thái, phân bón đóng góp từ 30-40% tổng sản lượng cây trồng, nhờ có bón phân mà năng suất, sản lượng cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng tăng cao liên tục. Trong các loại phân bón khoáng, các yếu tố dinh dưỡng đa lượng đạm (N), lân (P) và Kali (K) được xếp ở vị trí hàng đầu, đó là những yếu tố quyết định đến năng suất cây trồng, phẩm chất nông sản. Vì vậy việc nghiên cứu bón phân khoáng cho lúa đã được thực hiện từ lâu ở nhiều nước trên thế giới cũng như trong nước.
Các nghiên cứu về phân bón cho lúa ở nhiều vùng và nhiều vụ khác nhau đã khẳng định: lượng dinh dưỡng N, P, K cây lúa hút để tạo ra 1 tấn thóc trung bình là 22,2 kgN, 7,1 kgP2O5 và 31,6 kgK2O (theo Trung tâm thông tin Khoa học kỹ thuật Hoá chất (1998) - dẫn theo Nguyễn Như Hà [17].
Với giống lúa mới chọn tạo thì 3 nguyên tố dinh dưỡng N, P, K là các nguyên tố đa lượng chủ yếu và cơ bản nhất mà các công trình nghiên cứu đều đề cập tới. Riêng giống lúa N46 mới được chọn tạo, là giống lúa thuần có đặc tính chịu thâm canh cao, cho năng suất và chất lượng khá đang được sản xuất quan tâm nhưng chưa được nghiên cứu về liều lượng phân bón hợp lý. Hàng loạt các vấn đề cần giải quyết là: lượng bón N, P, K là bao nhiêu, bón như thế nào với chân đất gì để đạt năng suất tối ưu là vấn đề cần nghiên cứu.
Chính vì vậy, trong phạm vi đề tài này chúng tôi tiến hành nghiên cứu: "Ảnh hưởng của lượng phân bón N, P, K khác nhau đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng giống lúa N46 vụ Xuân 2008 tại Gia Lâm - Hà Nội".
1.2. Mục đích và yêu cầu:
* Mục đích nghiên cứu
- Xác định mức bón phân khoáng đa lượng N, P, K thích hợp cho giống lúa N46 ở vụ Xuân năm 2008 trên đất phù sa sông Hồng - Gia Lâm, Hà Nội.
* Yêu cầu của đề tài
- Thực hiện đúng quy trình trồng trọt theo hướng dẫn của tác giả giống lúa N46.
- Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón N, P, K ở các mức bón khác nhau đến các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển, chống chịu sâu bệnh, năng suất và chất lượng đối với giống lúa N46.
- Xác định được liều lượng phân bón thích hợp với giống N46 trên vùng đất Gia Lâm - Hà Nội nhằm đạt được năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất.
2. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
2.1. Cơ sở lý luận
Theo Bùi Huy Đáp (1980) [12] thì trong lịch sử phát triển nông nghiệp của mỗi quốc gia trên thế giới đã, đang và sẽ trải qua các hình thức phát triển nông nghiệp và sử dụng phân bón gồm:
- Nền nông nghiệp cổ điển: Là hái lượm (không trồng trọt) nên không đáp ứng được nhu cầu sống của con người khi dân số ngày càng tăng.
- Nền nông nghiệp hữu cơ: Là dựa vào chăn nuôi để lấy phân và trồng cây phân xanh, tận dụng tàn dư thực vật, không dùng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, dựa vào vi sinh vật sống trong đất và điều kiện phát triển vi sinh vật đất cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Kinh nghiệm ở Việt Nam: Để đạt năng suất lúa 5 tấn/ha cần phải cung cấp từ 100 – 120 kg N/ha. Vì vậy nếu chỉ bằng phân chuồng hoặc phân hữu cơ thì phải bón 30 tấn mới đủ lượng đạm. Như vậy, rất khó khăn trong việc chuẩn bị đủ lượng phân hữu cơ. Theo Bùi Huy Đáp (1980) [12] nếu dựa vào chăn nuôi thì lượng thóc sản xuất được 5 tấn/ha, vừa đủ nuôi đàn lợn để có 30 tấn phân chuồng. Theo Võ Minh Kha (1996) [19]: “Nếu chỉ dựa vào tàn dư thực vật để bón cho cây trồng thì phải dùng tàn dư thực vật của 6 – 20 ha mới có đủ dinh dưỡng cung cấp cho 1ha thâm canh”. Vì vậy, nền nông nghiệp này cũng không thể đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm ngày càng tăng với yêu cầu của con người.
Theo Võ Minh Kha ( 1996) [19]: thì nền nông nghiệp hữu cơ tuy có làm độ phì của đất suy giảm chậm hơn nhưng nhìn tổng thể thì độ phì của đất vẫn bị suy giảm đáng kể. Kết quả thử nghiệm sau 30 năm của FAO cho thấy: “Nếu tận dụng hết phân chuồng và tàn dư thực vật trong một trang trại để bón ruộng mà không bón phân hoá học, năng suất cây trồng giảm ít nhất là 30%, đất bị suy kiệt dinh dưỡng nghiêm trọng, một số cây giống mới (giống lai) cần có một lượng phân bón thích hợp thì mới đạt được năng suất tối đa".
Phân bón là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần vào việc nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng và chất lượng của sản phẩm. Đúng như nhận định của Yang (1999) [55] và (1998) [56]: “Không có phân hoá học, nông nghiệp thế giới không thể nào trong 50 năm qua sản lượng tăng gấp 4 lần và trở thành một trong các yếu tố cơ bản của sự tăng mức sống ở các nước văn minh”. Có thể tham khảo qua các số liệu sau về vấn đề này:
Bảng 2.1. Lượng dinh dưỡng cây lúa cần để tạo ra 1 tấn thóc
Yếu tố dinh dưỡng
(kg)
Lượng dinh dưỡng cần để tạo ra 1 tấn thóc (kg)
Tổng cộng
Hạt
Rơm rạ
N
22.2
14.6
7.6
P2O5
7.1
6.0
1.1
K2O
31.6
3.2
28.4
CaO
3.9
0.1
3.8
MgO
4.0
2.3
1.7
S
0.9
0.6
0.3
(Nguồn: Trung tâm TTKHKT hoá chất 1998-Dẫn theo Nguyễn Như Hà [17])
Cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa đặc điểm của giống, biện pháp kỹ thuật, điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu...với mức bón và loại phân bón - Nguyễn Hữu Tề và cs (1997) [32], thì: những giống thấp cây bón lượng đạm nhiều hơn giống cao cây; giống có bông to và hạt to bón phân nhiều hơn giống có bông nhỏ và hạt nhỏ; giống có thân to và dầy sẽ chịu được lượng phân bón cao, khi bón nhiều sẽ khó bị đổ. Lúa vụ Xuân (nhiệt độ thấp) bón nhiều phân hơn lúa vụ Mùa (nhiệt độ cao). Trồng lúa dùng làm giống thì bón nhiều phân để hạt mẩy, nảy mầm khoẻ, sức sống cao. Giống lúa đẻ nhánh ít, thời gian đẻ nhánh kết thúc sớm thì bón nhiều phân đạm vào giai đoạn đầu để thúc đẻ nhánh. Những giống đẻ lai rai thì bón tập trung ở thời kỳ đầu giai đoạn đẻ nhánh để lúa đẻ tập trung. Những giống có lá to, dài và mỏng, bón ít đạm hơn giống có lá ngắn, hẹp, bản lá dầy và xanh đậm. Dạng cây xoè không nên bón nhiều phân vì không cấy được dầy và diện tích lá lớn che khuất lẫn nhau. Giống chống chịu sâu bệnh kém không nên bón quá nhiều phân.
Đất là tài nguyên quý giá, là tư liệu sản xuất không thể thiếu của nhà nông, nhưng đất có thể bị suy kiệt đến mức độ không thể sản xuất được nữa nếu chúng ta không quan tâm đến bón phân cho cây trồng. Trong quá trình sử dụng có những yếu tố dinh dưỡng cây trồng lấy đi không cần bù đắp trở lại vì hàm lượng của chúng quá nhiều trong đất. Đất có thể bị suy kiệt dần nếu chỉ quan tâm trả lại các chất dinh dưỡng mà cây trồng lấy đi theo sản phẩm thu hoạch.
2.2. Tình hình sản xuất lúa gạo trên Thế giới và Việt Nam
2.2.1. Tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trên Thế giới
Lúa là cây trồng có nguồn gốc nhiệt đới và có khả năng thích ứng rộng với nhiều vùng khí hậu. Trên thế giới lúa được gieo trồng ở trên 110 nước khác nhau và tập trung nhiều nhất ở các nước thuộc Châu Á. Trong 25 nước sản xuất chủ yếu thì 17 nước thuộc khu vực Châu Á chiếm 91% diện tích, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có sản lượng lúa chiếm 55% tổng sản lượng lúa trên thế giới (Nguyễn Hữu Tề và cs, 1997) [32]. Theo thống kê của FAO năm 2006 thì diện tích đất trồng lúa liên tục tăng từ 149,49 triệu ha năm 1995 lên 156,94 triệu ha năm 1999. Nhưng sau đó lại giảm dần và đến năm 2005 còn 153,51 triệu ha. Diện tích giảm nhưng năng suất lúa không ngừng tăng từ 38,67 tạ/ha năm 2000 lên 40,4 tạ/ha năm 2005. Từ đó dẫn tới tổng sản lượng lúa gạo trên thế giới tăng từ 598,5 triệu tấn năm 2000 lên 614,5 triệu tấn năm 2005.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, cho đến nay lúa vẫn là cây lương thực được con người sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất. Chính vì vậy, tổng sản lượng lúa trong vòng 30 năm qua đã tăng lên gấp hơn 2 lần: từ 257 triệu tấn năm 1965 lên tới 535 triệu tấn năm 1994. Cùng với nó, diện tích trồng lúa cũng tăng lên đáng kể, năm 1970 diện tích trồng lúa toàn thế giới là 134.390 triệu ha, đến năm 1994 con số này đã lên tới 146.452 triệu ha. Trong đó, các nước Châu Á vẫn giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo…[41].
Đầu năm 2008, Thế giới đối đầu với cuộc khủng hoảng lương thực, giá gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục 1060 – 1100 USD/tấn. Giá lương thực, thực phẩm tăng đe dọa 100 triệu người. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Sự gia tăng dân số Thế giới, cùng lúc gây áp lực đến một loạt các tài nguyên: đất, nước, dầu mỏ. Thêm nữa, một số nước trên Thế giới như Phillipin chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp từ lương thực sang nhiên liệu sinh học. Đến cuối tháng 5, đầu tháng 6/2008, giá gạo giảm mạnh còn 860 – 900 USD/tấn do dự báo sản lượng ngũ cốc ở châu Á nơi cung cấp lương thực lớn tăng.
2.2.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở Việt Nam
Nước ta có địa bàn trải dài 15 độ vĩ từ Bắc vào Nam hình thành hai vựa lúa khổng lồ là Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằn Sông Cửu Long. Cây lúa là cây trồng chính trong hệ thống sản xuất nông nghiệp của nước ta. Nhờ việc đưa giống mới, tăng diện tích và áp dụng các biện pháp ký thuật trong thâm canh, chúng ta từ một nước thiếu ăn phải nhập khẩu gạo đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên Thế giới như ngày nay.
Những năm gần đây diện tích trồng lúa ở nước ta dần bị thu hẹp, từ 7666,3 nghìn ha năm 2000 xuống còn 7201,0 nghìn ha năm 2007. Nguyên nhân do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản và trồng một số cây có giá trị kinh tế cao hơn. Một phần đất trồng lúa bị cắt sang mục đích phi nông nghiệp trong quá trình đô thị hoá nông nghiệp nông thôn.
Bảng 2.2. Diện tích, năng suất và sản lượng lúa ở nước ta 2000 – 2007
Năm
Diện tích
(nghìn ha)
Năng suất
(tạ/ha)
Sản lượng
(triệu tấn)
2000
2001
2002
2003
2004
2005
2006
2007
7666,3
7492,7
7504,3
7452,2
7445,3
7329,2
7324,8
7201,0
42,4
42,9
45,9
46,4
48,6
48,9
48,9
49,8
32,53
32,11
34,44
34,57
36,15
35,83
35,85
35,87
(Niên giám thống kê 2007)
Mặc dù diện tích lúa bị thu hẹp nhưng năng suất lúa lại tăng đáng kể (năng suất lúa năm 2004; 2005; 2006 lần lượt là 48,6; 48,9; 48,9 tạ/ha). Năng suất lúa năm 2007 cao hơn các năm trước (đạt 101,8% so với năm 2006), do ứng dụng các giống lúa năng suất cao vào sản xuất và đầu tư phân bón, khoa học kỹ thuật.
Tính đến trung tuần tháng 3 năm 2008, cả nước đã gieo cấy được 2911,3 nghìn ha lúa Đông Xuân bằng 99,1% so với cùng kỳ năm 2007. Đầu vụ gặp rét đậm, rét hại cộng với việc giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng đã khiến cho bà con nông dân gặp nhiều khó khăn, nhưng theo dự báo năm nay sẽ được mùa lúa. Tính đến trung tuần tháng 5/2008 các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1835,5 nghìn ha lúa Đông Xuân, năng suất ước tính đạt 61,1 tạ/ha bằng 101,7%, sản lượng đạt 11,5 triệu tấn bằng 105,8% so với cùng kỳ năm 2007 (Báo cáo sơ kết sản xuất 6 tháng đầu năm 2008 - Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Năm 2008, cả nước phấn đấu đạt 4 triệu tấn gạo xuất khẩu. Theo Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm 2008, nước ta đã xuất khẩu được 1,674 triệu tấn gạo, trị giá 816 triệu USD, tăng 19,2% về sản lượng và 81% về giá trị. Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước sau cuộc khủng hoảng lương thực đầu năm 2008.
2.3. Tình hình nghiên cứu phân bón trên thế giới và ở Việt nam
2.3.1. Tình hình nghiên cứu phân bón trên thế giới:
Theo Patrich (1968) [49] và cộng sự, Kobayashi (1995) [46]: Khi nghiên cứu khả năng cạnh tranh của 2 giống lúa Hokuriki 52 và Yamakogame cho biết: phản ứng với điều kiện phân bón khác nhau cho thấy cây có tính thích ứng cao trong điều kiện tự nhiên ít phân và tăng số lượng cây con ở mỗi đối tượng, trong khi đó các giống cạnh tranh yếu bị thất bại nghiêm trọng trong điều kiện trồng trọt bình thường, điều đó có nghĩa là giống khoẻ (Hokuriki 52) sẽ làm hại nhiều cho giống yếu (Yamakogame) khi có đủ phân bón.
Theo Shi – 1986 [53] và cộng sự cho rằng: phân bón có tác dụng thúc đẩy hoạt động quang hợp. Kết quả nghiên cứu các giống lúa Indica có phản ứng với phân bón là tăng diện tích lá lớn hơn so với giống lúa Japonica nhưng lại phản ứng yếu hơn khi hàm lượng phân bón tăng. Khi bàn về năng suất tác giả cho biết: năng suất là kết quả của những giống có phản ứng tốt với phân bón và biện pháp kỹ thuật. Ở vùng ôn đới, giống Japonica thường cho năng suất cao vì nó phản ứng tốt với phân bón.
Theo kết quả nghiên cứu của Sinclair – 1989 [52]: Hiệu suất bón đạm cho lúa rất khác nhau: 1kg N cho từ 3,1 – 23 kg thóc.
Các công trình nghiên cứu của De Datta – 1989 [45], Koyama – 1981 [47], Sinclair – 1989 [52], Vlek – 1986 [54] về đặc điểm bón phân cho các giống lúa đều đi đến kết luận: Giống mới yêu cầu về phân bón nhất là lân cao hơn giống cũ. Bón lân làm tăng khả năng hút đạm và kali. Là cơ sở để tăng năng suất cây trồng. Để đánh giá khả năng cung cấp lân của đất cho cây trồng, người ta dựa vào hàm lượng lân tổng số, phân lân bón cho lúa có hiệu quả đứng thứ 2 sau đạm, nhưng trong một vài trường hợp, ở những đất nghèo màu thì phân lân lại làm tăng năng suất nhiều hơn đạm. Tuy nhiên bón phân lân cùng với đạm là điều kiện tốt để phát huy hiệu quả cao của phân lân. Khi cây bị thiếu lân cây non có bộ lá hẹp, thường bị cuộn lại, sức đẻ nhánh giảm và đẻ muộn, giai đoạn đẻ nhánh kéo dài. Ở thời kỳ lúa đẻ nhánh và tròn mình phân lân có ảnh hưởng tốt đối với cây lúa, nó làm cho trọng lượng của phần trên mặt đất của cây lúa tăng khá lớn, sau đó đến thời kỳ chín mức tăng của trọng lượng thân cây giảm. Ở những chân đất tương đối phì nhiêu, hiệu quả của phân lân đối với năng suất lúa không lớn. Bón lân làm cho lúa cứng cây và tăng khả năng chống đổ.
Theo Yang – 1999 [55]: ở nhiều nước trên thế giới thường hay bón phân chuồng và phân ủ cho lúa để làm tăng độ phì nhiêu cho đất như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia và các nước vùng Đông Nam Á. Trong thời gian gần đây phân khoáng đã được dùng phổ biến và phân chuồng được dùng bón lót làm tăng năng suất lúa và tăng hiệu quả của phân khoáng. Thí nghiệm của Ying – 1998 [56] cho thấy: sự tích luỹ đạm, lân và kali ở các cơ quan trên mặt đất của cây lúa không kết thúc ở thời kỳ trỗ mà còn được tích luỹ tiếp ở các giai đoạn tiếp theo của cây.
Theo Sarker – 2002 [51] khi nghiên cứu ảnh hưởng lâu dài của lân đối với lúa được đánh giá: “Hiệu suất của lân đối với hạt ở giai đoạn đầu cao hơn giai đoạn cuối và lượng lân hút ở giai đoạn đầu chủ yếu phân phối ở các cơ quan sinh trưởng. Do đó, phải bón lót để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây lúa”.
2.3.2. Tình hình nghiên cứu phân bón ở Việt Nam
Phân bón có từ rất lâu đời cùng với sự ra đời của nền nông nghiệp và bắt đầu bằng việc sử dụng các loại phân hữu cơ. Từ trước Công Nguyên con người đã quan tâm đến việc bón phân hữu cơ cho ruộng, ở Trung Quốc đã biết bón phân xanh và phân bón đã được bắt đầu sử dụng từ các phân của động vật và mở rộng ra các loại phân hữu cơ khác - Bùi Đình Dinh [11].
Nông dân Việt Nam đã dùng phân hữu cơ từ rất lâu đời, từ việc phát nương làm rẫy, đốt rơm rạ trên nương để lại lớp tro rồi chọc lỗ bỏ hạt. Việc cày vặn ngả dạ (làm dầm) mục đích để rơm rạ được ủ nát thành phân ngay tại ruộng, người nông dân đã biết tận dụng ngay tại chỗ nguồn phân bón kết hợp với thu gom phân trâu bò, tro bếp... để bón ruộng [12].
Khi nghiên cứu ảnh hưởng của phân đạm đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, Bùi Huy Đáp cho biết: “Phân hoá học cung cấp từ 1/3 đến 1/2 lượng phân đạm cho lúa”. Những năm gần đây việc bón phân chuồng cho lúa không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cây nên con người đã sử dụng phân đạm hoá học để bón. Mỗi giống lúa khác nhau cần một lượng phân bón nhất định vào các thời kỳ cây đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ và giảm dần khi lúa đứng cái [13].
Theo Lê Văn Căn (1964) [4], ở đất phù sa Sông Hồng nếu bón đơn thuần phân đạm mà không kết hợp với phân lân và kali vẫn phát huy được hiệu quả của phân đạm, lượng phân lân và kali bón thêm không làm tăng năng suất đáng kể, nhưng nếu cứ bón liên tục sau 3 – 4 năm thì việc phối hợp bón lân và kali sẽ làm tăng năng suất rõ rệt trên tất cả các loại đất. Phân đạm là nguyên tố dinh dưỡng cần thiết nhất nên việc sử dụng phân đạm đã làm tăng năng suất rất lớn. Tuy nhiên phân đạm có thể tạo lập độ phì nhiêu cho đất nên khi sử dụng không cân đối giữa đạm với nguyên tố khác sẽ làm suy thoái đất. Qua nghiên cứu về phân bón cho thấy: ở Việt Nam, trên đất phèn nếu không bón lân, cây trồng chỉ hút được 40 – 50 kg N/ha, nếu bón lân cây trồng sẽ hút 120 – 130 kg N/ha. Do vậy, để đảm bảo đất không bị suy thoái thì về nguyên tắc phải bón trả lại cho đất một lượng dinh dưỡng tương tự lượng dinh dưỡng mà cây trồng đã lấy đi. Tuy nhiên, việc bón phân cho cây trồng lại không chỉ hoàn toàn dựa vào dinh dưỡng cây trồng hút từ đất và phân bón, mà phải dựa vào lượng dinh dưỡng dự trữ trong đất và khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây.
Lúa yêu cầu đạm ngay từ lúc nảy mầm và gần như đến cuối cùng của thời kỳ sinh trưởng sinh thực. Tỷ lệ đạm trong cây so với trọng lượng chất khô ở các thời kỳ như sau: thời kỳ mạ 1,54%, đẻ nhánh 3,65%, làm đòng 3.06%, cuối làm đòng 1,95%, trổ bông 1,17% và chín 0,4% [4].
Đối với nhiều loại đất, ngay từ đầu cần phải bón đạm kết hợp với lân mới cho năng suất cao. Cũng theo nghiên cứu của Lê Văn Căn (1964) [4]: Sự tích luỹ đạm, lân, kali ở các cơ quan trên mặt đất không kết thúc ở thời kỳ trỗ mà còn được tiến hành ở giai đoạn tiếp theo của cây. Tuy nhiên, từ khi cây bắt đầu đẻ nhánh đến làm đòng, cây lúa phản ứng mạnh với dinh dưỡng N, K2O ở mức độ cao.
Theo Đào Thế Tuấn – 1970 [38], trong thí nghiệm 3 vụ liền ở đất phù sa Sông Hồng đã rút ra kết luận: “Vụ lúa chiêm cũng như vụ lúa mùa, chia đạm ra bón nhiều lần để bón thúc đẻ nhánh, nếu bón tập trung vào thời kỳ đầu đẻ nhánh thì số nhánh tăng lên rất nhiều về sau lụi đi cũng nhiều và thiếu dinh dưỡng. Nếu bón tập trung vào cuối thời kỳ đẻ nhánh thì số nhánh lụi đi ít nhưng tổng số nhánh cũng ít vì vậy cần chú ý cả ai mặt. Trong trường hợp đạm bón tương đối ít thì nên bón tập trung vào thời kỳ đẻ nhánh rộ.
Theo các công trình đã nghiên cứu, muốn đạt năng suất 50 tạ/ha/vụ cần bón 100 – 120 kg N/ha. Lượng đạm này lấy từ các loại phân vô cơ và hữu cơ bón cho lúa.
Cây lúa cần đạm ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng, nhưng chủ yếu bón vào thời kỳ bón lót, bón thúc khi đẻ nhánh và bón khi lúa bước vào thời kỳ đòng. Tuỳ theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa mà bón, khi bón phải dựa vào thời tiết, khí hậu, mùa vụ. Cần tập trung lượng đạm vào thời kỳ đẻ nhánh vì đây là thời kỳ khủng hoảng đạm lớn nhất của cây lúa. Nếu bón đạm tập trung vào thời kỳ đẻ nhánh sẽ kích thích cây lúa đẻ nhiều và tập trung, do đó số nhánh hữu hiệu tăng lên. Đây chính là yếu tố quyết định năng suất của lúa [9].
Hầu hết các công trình nghiên cứu cho thấy: Nếu chỉ bón đơn độc đạm cho cây lúa thì cây sinh trưởng quá mạnh và chỉ đạt được năng suất khá trong vài vụ đầu, dần dần năng suất sẽ bị giảm, nếu bón kết hợp với lân và kali thì cây lúa sinh trưởng cân đối, cho năng suất cao và ổn định. Trong bón phân, phương pháp bón cũng rất quan trọng. Cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong khi bón phân thì hiệu quả mới cao, cây lúa mới hút được dinh dưỡng tối đa - theo Phạm Tiến Hoàng (1996) [18], Phạm Văn Cường – 2004 [44], Phạm Quang Duy – 2004 [50].
Theo Bùi Huy Đáp (1980) [12]: Lân được hút chậm hơn đạm trong thời kỳ dinh dưỡng đầu và được hút nhanh từ khi phân hoá đòng đến lúa vươn lóng. Phần lớn lân trong gạo là tích luỹ trong thân và lá trước khi trỗ rồi chuyển về bông vì sau khi trỗ lúa thường không hút nhiều lân nữa, Khi bón quá nhiều lân, đất sẽ giữ lân lại, do đó ruộng ít bị xẩy ra hiện tượng thừa lân. Ruộng lúa ngập nước sẽ làm tăng độ dễ tiêu của lân, tăng hiệu quả của phân bón cho cây lúa. Cây lúa hút lân trong suốt thời kỳ sinh trưởng vì vậy có thể bón lót hết lượng lân dành cho cả vụ.
Theo Nguyễn Vi (1974) [39], khi bón phân lân với lượng không cao và không bón đạm sẽ xúc tiến quá trình đẻ nhánh ban đầu nhưng lại kìm hãm quá trình đẻ nhánh về sau. Vì vậy, khi bón phân lân đơn độc, số nhánh không tăng mà lại lụi đi nhiều, do đó cần bón kết hợp đạm, lân và kali.
2.4. Một số kết quả nghiên cứu phân bón trên thế giới và ở Việt Nam
2.4.1. Một số kết quả nghiên cứu phân bón trên thế giới
Các thí nghiệm của Patrick – 1968 [49] đều cho thấy kali có vai trò quan trọng trong giai đoạn trước và sau làm đòng, thiếu kali ở giai đoạn này năng suất lúa giảm mạnh.
Theo Koyama – 1981 [47], Sarker - 2002 [51]: “Đạm là yếu tố xúc tiến quá trình đẻ nhánh của cây, lượng đạm càng cao thì lúa đẻ nhánh càng nhiều, tốc độ đẻ nhánh lớn nhưng lụi đi cũng nhiều”.
Trên thế giới, vai trò của kali đã được nghiên cứu và khẳng định. Theo Gia-côp khi nghiên cứu về vai trò của kali cho thấy: cường độ quang hợp càng mạnh khi hàm lượng kali trong tế bào càng lớn. Song muốn có cường độ quang hợp cao cần phải có đủ ánh sáng. Khi thiếu kali nồng độ sắt trong tế bào hạ thấp, quá trình tổng hợp tinh bột, protein chậm… Do quá trình sinh trưởng chậm lại, nếu thiếu kali sẽ làm giảm sự tổng hợp tinh bột và các hợp chất cấu tạo lên màng tế bào như xenlulô, làm độ cứng của thân - dẫn theo Broadlent [42].
Theo quan điểm của Koyama – 1981 [47]: Kali xúc tiến tổng hợp đạm trong cây. Thiếu kali cây lúa dễ bị bệnh tiêm lửa, đạo ôn, thối rễ, bạc lá, thân cây yếu dễ bị đổ. Lúa được bón đầy đủ kali, lá chuyển màu xanh vàng, lá dài hơn và trỗ sớm hơn 2 – 3 ngày. Kali có tác dụng làm tăng số nhánh hữu hiệu, tăng chiều cao cây, bông dài hơn và phẩm chất hạt tốt hơn.
Theo Shi M.S và Deng.J.Y - 1986 [53] khi nghiên cứu về kali cho thấy: kali là nguyên tố dinh dưỡng không đáp ứng được nhu cầu của cây trồng so với Ca và Mg, kali ở trong đất lại chứa ở dạng khó tiêu nên cây trồng khó hút, do đó nhu cầu của cây lúa về bón kali cần nhiều hơn so với Ca và Mg.
Kết quả nghiên cứu của Sinclair – 1989 [52] lúa hút kali vào thời kỳ đẻ nhánh có tác dụng làm tăng số bông, số hạt, ở thời kỳ làm đòng làm tăng số hạt và tăng trọng lượng nghìn hạt. Vì vậy, thiếu kali ở giai đoạn này làm năng suất giảm mạnh. Đây cũng là cơ sở cho biện pháp kỹ thuật bón kali.
Thí nghiệm của Kobayashi – 1995 [46] cho thấy: khi bón đủ kali, giai đoạn từ bắt đầu đẻ nhánh đến phân hoá đòng có tốc độ hút kali cao nhất sau đó giảm. Bón kali khi lúa phân hoá đòng có thể làm tăng số hạt trên bông.
Theo Ying – 1998 [56] khi nghiên cứu về đặc điểm dinh dưỡng, kỹ thuật bón phân cho lúa lai năng suất cao ở Bắc Kinh cho thấy: Đối với lúa ngắn ngày, giai đoạn trỗ cây lúa hút 43,1% lượng kali và tổng lượng kali cần để đạt năng suất cao là 217,7kg/ha. Còn đối với lúa dài ngày, cây hút lượng kali tương đối đều ở các giai đoạn sinh trưởng, giai đoạn lúa trỗ bông hút 31,9% và tổng lượng cần là 263,75 kg/ha. Tác giả cho thấy, bón kali ở giai đoạn khác nhau cũng cho hiệu quả khác nhau.
Theo Yang – 1999 [55], kali đẩy mạnh sự đồng hoá cácbon của cây lúa, xúc tiến việc chuyển hoá và vận chuyển sản phẩm quang hợp. Thiếu kali hoạt động của sắt bị ảnh hưởng, do đó ảnh hưởng tới quang hợp dẫn đến lá bị vàng. Bón đủ kali, diệp lục và các sắc tố đều tăng (tuy nhiên, kali không phải là thành phần của sắc tố), việc hình thành gluxit được đẩy mạnh, trọng lượng lá tăng, kali tham gia vào quá trình chuyển hoá đường thành gluco. Khi đủ kali thì tỷ lệ saccaroza và tinh bột đều cao.
Khi nghiên cứu về vai trò của kali, Yoshinaga (2001) [48] cho biết ở đất trũng ít khi bị thiếu kali. Hàm lượng kali thấp hoặc thiếu kali thường đi kèm với ngộ độc sắt trong đất đỏ, chua, phèn…
Theo kết quả nghiên cứu của Sarker – 2002 [51] từ khi cây bắt đầu bén rễ đến cuối đẻ nhánh, đối với vụ sớm và vụ muộn đều hút một lượng kali tương đối như nhau. Từ khi phân hoá đòng đến lúc bắt đầu trỗ, cây lúa hút kali nhiều nhất và sau đó lại giảm, nhưng từ khi trỗ đến thời kỳ hạt chắc và chín thì tỷ lệ hút kali ở vụ muộn lại cao hơn vụ sớm.
Cũng theo kết quả nghiên cứu của Sarker – 2002 [51]: ở giai đoạn đầu hiệu suất của kali cao sau đó giảm dần và đến giai đoạn cuối lại cao. Do lúa cần lượng kali lớn nên cần bón kali bổ sung đến giai đoạn trỗ, đặc biệt ở giai đoạn hình thành hạt là rất cần thiết.
2.4.2. Một số kết quả nghiên cứu phân bón ở Việt Nam
Cây lúa gắn bó từ lâu đời với nhân dân ta. Vấn đề nghiên cứu về phân bón cho cây lúa từ lâu đã được mọi người quan tâm và đạt được những thành tựu đáng kể. Kali không những ảnh hưởng tới năng suất mà còn ảnh hưởng tới chất lượng nông sản:
Theo Lê Văn Căn (1964) [4]: Nếu cứ bón đơn thuần đạm thì sau 3 – 4 vụ việc phối hợp bón lân và kali sẽ làm tăng năng suất một cách đáng kể. Cũng theo tác giả khi bón một lượng đạm lớn là 50 – 60 kg, nhất là các giống lúa mới thì hiện tượng thiếu kali xảy ra chủ yếu là khô đầu lá và hạt bị lép. Nếu bón kali trên nền đạm cao kết hợp kỹ thuật bón lót và bón thúc kali lúc lúa sắp đứng cái sẽ cho hiệu quá tốt hơn rất nhiều. Tại hội nghị khoa học về nghiên cứu phân bón toàn miền Bắc tháng 12/1959 tổng kết nhìn chung đất Việt Nam giàu kali và sự phục hồi kali khá nhanh chóng. Trừ đất bạc màu nghèo kali còn các loại đất khác hiệu suất sử dụng kali 3 – 5 kg thóc/1kg K2O.
Khi cây lúa được bón đủ đạm thì nhu cầu tất cả các chất dinh dưỡng khác như lân và kali đều tăng - Nguyễn Hữu Tề và cs (1997) [32]. Theo Bùi Huy Đáp [13] , đạm là yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng suất lúa, cây có đủ đạm thì các yếu tố khác mới phát huy hết được tác dụng.
Hiện nay ở Việt Nam, bón phân kali đã cho mùa màng bội thu, có trường hợp vượt cả đạm và lân. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Bộ (2003) [1] cho thấy: Bội thu do có đạm và lân trên đất phù sa là 11,7 tạ/ha trên đất bạc màu với lượng tương tự chỉ cho 1,2 tạ/ha. Nguyên nhân ở đây là do trong đất phù sa giàu kali, cây trồng khi đã đủ đạm và lân tự cân đối nhu cầu về kali trong đất nên có bón thêm kali bội thu không cao. Ngược lại trên đất bạc màu dự trữ kali ít nếu không bổ sung kali từ phân bón thì cây trồng không sử dụng đạm được dẫn đến năng suất thấp. Từ kết quả trên ông đưa ra khuyến cáo, trên đất phù sa nếu bón dưới 150 N + 4 tấn phân chuồng thì bón kali không có hiệu quả, xong nếu lượng bón trên 12 kg đạm/sào Bắc Bộ thì nhất thiết phải bón kali. Trên đất bạc màu, nếu không bón kali chỉ nên bón tối đa 7 – 9 kg đạm/sào Bắc Bộ.
Theo Phạm Văn Cường (2005) [8] trong giai đoạn từ đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ, hàm lượng đạm trong thân lá luôn cao, sau đó giảm dần. Như vậy, cần bón tập trung đạm vào giai đoạn này.
Khi cây lúa được cung cấp lân thoả đáng sẽ tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển tốt, tăng khả năng chống hạn, tạo điều kiện cho sinh trưởng, phát triển, thúc đẩy sự chín của hạt và cuối cùng là tăng năng suất lúa - Nguyến Hữu Tề (2004) [33].
Đào Thế Tuấn, 1963 [37] cho biết: bón lân có ảnh hưởng đến phẩm chất hạt giống rõ rệt, làm tăng trọng lượng nghìn hạt, tăng tỉ lệ lân trong hạt, tăng số hạt trên bông và cuối cùng là cho năng suất lúa cao hơn.
Bùi Huy Đáp, 1980 [12] cho rằng: lân có vai trò quan trọng đối với quá trình tổng hợp đường, tinh bột trong cây lúa và có ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất.
Theo Vũ Hữu Yêm, 1995 [40], cây non rất mẫn cảm với việc thiếu lân. Thiếu lân trong thời kỳ cây non cho hiệu quả rất xấu, sau này dù có bón nhiều lân thì cây cũng trỗ không đều hoặc không thoát. Do vậy, cần bón đủ lân ngay từ giai đoạn đầu và bón lót phân lân là rất có hiệu quả.
Kali là một trong ba yếu tố quan trọng cần thiết cho cây trồng. Khác với đạm và lân, kali không phải là phần tử cơ cấu của các sinh chất chính nhưng kali cũng rất cần cho quá trình tổng hợp protit, cần thiết khi cây tổng hợp đường thành tinh bột, thông qua ảnh hưởng đến quá trình quang hợp mà xúc tiến sự hình thành gluxit, hydratcacbon tổng số và sự vận chuyển các chất vào cơ quan dự trữ - Bùi Huy Đáp (1980) [12].
Cây lúa cần kali trong suốt thời kỳ sinh trưởng và cần kali nhiều hơn các yếu tố dinh dưỡng khác: gấp 1.5 lần so với đạm , gấp 3.5 lần so với lân (Vũ Hữu Yêm - 1995) [40]. Thiếu kali lá có màu xanh đậm, cây thấp, lúa trỗ sớm hơn, năng suất giảm. Thiếu kali quá trình tổng hợp protein bị trở ngại, đạm amin và đạm hoà tan trong cây tăng lên, sức chống chịu của cây bị giảm - Phạm Thị Láng (1996) [20].
Võ Minh Kha (1996) [19] khi nghiên cứu quan hệ giữa năng suất với lượng kali bón cho thấy: hiệu lực của kali còn phụ thuộc rất lớn vào năng suất, trên đất phù sa Sông Hồng khi năng suất dưới 2.5 tấn/ha hiệu lực của kali thường không rõ; năng suất từ 2,5 – 4,5 tấn/ha, bón 20 – 30 kg K2O có hiệu lực rõ; năng suất lớn hơn 4,5 tấn/ha nhất thiết phải bón kali.
Cũng theo Võ Minh Kha [19], trên ruộng lúa năng suất 8 tấn/ha số lượng kali lấy đi trong hạt thóc khoảng 40 – 45 K2O. Nếu vùi trả lại rơm rạ và bón 10 tấn phân chuồng thì sự thâm hụt về kali không lớn, vì vậy nước tưới có thể là nguồn kali chính cho lúa. Hàm lượng kali trong nước tưới đạt 40ppm có thể đáp ứng nhu cầu kali cho lúa ở mức năng suất 10 tấn/ha.
Nguyễn Như Hà 1998 [16] đưa ra kết luận: khi năng suất lúa vượt trên 5 tấn/ha (vụ mùa) và trên 6 tấn/ha (vụ xuân), lượng kali cây hút vượt quá khả năng tối đa của đất có thể cung cấp, nhất thiết phải bón kali sẽ có hiệu quả cao.
Khi nghiên cứu về lúa lai các nhà khoa học Trung Quốc kết luận rằng: “ Với cùng một mức năng suất, lúa lai hấp thu lượng đạm và lân thấp hơn lúa thuần, ở mức 75 tạ/ha lúa lai hấp thu thấp hơn lúa thuần 4,8% về đạm, hấp thu P2O5 thấp hơn 18,2% nhưng hấp thu K2O cao hơn 4,5 % - dẫn theo Trần Thúc Sơn, (1999) [30].
Thực tế sản xuất đã có nhiều khuyến cáo về mức bón phân kali cho lúa. Ở Việt Nam liều lượng phân kali khuyến cáo sử dụng cho lúa ở Đồng bằng sông Hồng còn chưa được thống nhất, thường dao động từ 60 – 120 K2O/ha đối với lúa thường, 90 – 120 K2O/ha đối với lúa lai, tùy theo mức độ đạm bón và lượng phân chuồng được sử dụng - Nguyến Văn Luật (1998) [22], Nguyễn Văn Bộ (2003) [3], Võ Minh Kha (1996) [19].
Như vậy muốn tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là cây lúa thì cần phải có một lượng phân bón thích hợp trên từng loại đất. Phải biết phối hợp cân đối giữa các loại phân bón theo đúng tỷ lệ để cho hiệu quả kinh tế cao nhất.
2.5. Tình hình sử dụng phân bón trên thế giới và ở Việt Nam
2.5.1. Tình hình sử dụng phân bón trên thế giới
Bảng 2.3. Các nước thâm canh phân bón cao nhất trên thế giới
(kg N,._. P2O5, K2O/ha đất canh tác kể cả cây lưu niên)
TT
Nước
1980/1981
1990/1991
1997/1998
TB Thế giới
82
92
91
1
Hà Lan
826
615
536
2
Băng Đảo
541
554
501
3
Hàn Quốc
366
434
471
4
Bỉ-Luxumboug
577
492
408
5
Costa Rica
145
213
402
6
Nhật Bản
372
400
352
7
Moritus
249
262
344
8
Liên hiệp Anh
294
356
328
9
Ai cập
271
364
306
10
Israel
192
235
274
Nguồn: FAO Fertilizer Yearbook Vol. 48 - 1998
Theo FAO Fertilizer Yearbook [57]: Trong thời gian từ 1990 đến 1998 việc sử dụng phân bón ở Châu Phi ít biến động, tăng giảm không đáng kể; so với 1990, lượng phân bón năm 1998 giảm 1,4%. Việc dùng phân ở Châu Phi rất không đều nhau, có nước bón rất cao đã bắt đầu giảm xuống (Algerie), có nước trong những năm 1960 không bón phân nhưng đến thập kỷ 80 vào cuộc rất nhanh (Saudi Arabica), năm 1990 nước này bón trên 500kg NPK/ha.
Châu Âu đến thời kỳ 1996-1998 lượng phân bón đi vào ổn định, so với thời kỳ 1990 giảm 5,3%. Bắc Mỹ thì tăng đều nhưng không nhiều, so với năm 1990 thì niên độ 1997-1998 tăng 7,3%. Tăng mạnh là các nước khu vực đang phát triển: Châu Đại Dương tăng 91%. Nam Mỹ tăng 64,5%, Châu Á tăng 27,8%.
2.5.2. Tình hình sử dụng phân bón ở Việt Nam
Trong những năm gần đây Việt Nam là nước sử dụng phân bón tương đối cao so với những năm trước đây, một mặt do vốn đầu tư ngày càng cao, mặt khác do người dân tiếp thu và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trong thâm canh. Theo Vũ Hữu Yêm, 1995 [40], Việt Nam hiện đang là một trong 20 quốc gia sử dụng phân bón cao nhất thế giới.
Bảng 2.4. Nhu cầu và cân đối phân bón ở Việt Nam đến năm 2020
ĐVT: nghìn tấn
Các loại phân bón
Năm
2005
2010
2015
2020
Urê
Tổng số
1.900
2.100
2.100
2.100
Sản xuất trong nước
750
1.600
1.800
2.100
Nhập khẩu
1150
500
300
0.0
KCL
Tổng số
500
500
500
500
Sản xuất trong nước
0
0
0
0
Nhập khẩu
500
500
500
500
Nguồn: Phòng Quản lý đất và phân bón, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5/2007
Theo Nguyễn Văn Bộ, 2003 [3]: mỗi năm nước ta sử dụng 1.202.140 tấn đạm, 456.000 tấn lân và 402.000 tấn kali, trong đó sản xuất lúa chiếm 62%. Điều kiện khí hậu ở nước ta còn gặp nhiều bất lợi, mặt khác kỹ thuật bón phân của người dân chua cao nên mới chỉ phát huy được 30% hiệu quả đối với đạm và 50% hiệu quả đối với lân và kali. Tuy nhiên hiệu quả của việc bón phân đối với cây trồng tương đối cao, vì vậy người dân ngày càng mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong tương lai, nước ta vẫn là nước sử dụng một lượng phân bón rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù chủ yếu vẫn phải nhập khẩu phân bón.
2.6. Vai trò của phân bón đối với cây trồng
Theo Bùi Đình Dinh (1998) [10], (1999) [11] trong thực tiễn, năng suất cây trồng còn quá thấp so với tiềm năng năng suất sinh vật của chúng. Nếu năng suất lúa ở mức 43,3 tạ/ha, so với các giống đang sử dụng thì chỉ đạt 30 – 40%. Muốn đưa năng suất cây trồng lên nữa thì biện pháp sử dụng phân bón là hữu hiệu nhất. Theo Bùi Huy Đáp (1999) [13] đối với sản xuất nông nghiệp thì phân bón được coi là vật tư quan trọng. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nhất nước, Nhì phân, Tam cần, Tứ giống”. Câu ca dao trên cha ông ta khẳng định rằng từ thời xưa đã coi phân bón trong sản xuất nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng để tăng năng suất cây trồng. Trong những năm gần đây, ngoài vai trò của giống mới đưa năng suất lên cao còn có tác dụng bổ trợ của phân bón. Việc ra đời của phân bón hoá học trong sản xuất nông nghiệp đã làm tăng năng suất cây trồng ở các nước Tây Âu, tăng 50% so với năng suất đồng ruộng luân canh cây bộ đậu. Đến thời kỳ 1970 – 1985 năng suất lại tăng gấp đôi so với năng suất đồng ruộng trước đại chiến thế giới lần thứ nhất - theo Bùi Huy Đáp (1980) [12] và Trương Đích (2002) [15].
Trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX phân bón đóng vai trò vào tăng năng suất nông nghiệp toàn cầu khoảng 50% (FAO 1984) - dẫn theo Nguyễn Văn Bộ (1998) [1]. Theo Patrick – (1968) [49] phân bón đóng vai trò tăng năng suất nông nghiệp trong thập kỷ 80 vừa qua ở khu vực Châu Á, Thái Bình Dương là 75%. Theo Võ Minh Kha thì ước tính của Patrick trên đây cũng cho thấy mức đầu tư phân bón cao, bón hợp lý sẽ cho năng suất cao. Theo tổ chức FAO thì nhờ kỹ thuật canh tác cải tiến, trong đó chủ yếu là tăng cường sử dụng phân bón hoá học mà năng suất cây trồng nông nghiệp đã tăng 2 – 3 lần trong vòng 60 năm - Nguyễn Văn Bộ (1998) [1].
Theo Nguyễn Văn Bộ (1998) [2], ở Việt Nam, năng suất cây lúa đã tăng từ 12,1 tạ/ha (1930) lên 31,7 tạ/ha (1990), tăng 2,6 lần . Năng suất lúa ở Nhật, Triều Tiên, Italia, Tây Ban Nha đạt năng suất bình quân 40 – 50 tạ/ha là nhờ có bón trung bình từ 200 – 300 kg/ha chất dinh dưỡng nguyên chất trở lên. Trước năm 1930 ở Pháp năng suất lúa mì là 19,2 tạ/ha, sau những năm 1970 tại đây là 42 tạ/ha. Như vậy: “Không có phân hoá học, nông nghiệp trong vòng 50 năm qua không thể tăng năng suất gấp 4 lần. Theo Bùi Đình Dinh – 1999 [11], sử dụng phân bón có tác dụng sâu xa đến cân bằng dinh dưỡng trong đất, đóng vai trò quyết định tương lai nền văn minh của loài người.
Thực tiễn trong sản xuất cho thấy nếu cây trồng không có phân bón thì không thể cho năng suất cao. Theo Nguyễn Văn Luật (2001) [23] thì phân bón có khả năng tăng năng suất từ 25 – 50% so với đối chứng với không bón phân.
2.7. Vai trò của phân bón đối với cây lúa
Cũng như các loại cây trồng khác, cây lúa cần dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển. Các yếu tố dinh dưỡng đa lượng như đạm, lân, kali cần thiết cho cây lúa trong toàn bộ đời sống của nó, số lượng chênh lệch nhau tương đối nhiều tuỳ thuộc vào giống, đất đai, khí hậu, chế độ canh tác và cách bón phân. Khả năng cung cấp chất dinh dưỡng của đất là nhân tố quyết định việc cần bón nguyên tố nào, số lượng bao nhiêu cho cây. Những năm gần đây do diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, các biện pháp canh tác chưa hợp lý nên đã dẫn đến hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất làm giảm độ màu mỡ của đất nhanh chóng, đặc biệt là ở vùng đồi núi. Do vậy để đảm bảo năng suất lúa cần phải hiểu rõ tính chất của đất. Hiện nay nhờ thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chọn lọc và chọn tạo giống, cho nên các giống lúa mới chịu thâm canh, năng suất, chất lượng cao hơn các giống lúa cũ đã được đưa vào sản xuất. Vì vậy dựa vào đặc điểm của giống để cung cấp phân bón cho lúa là cần thiết. Tuy nhiên các giống lúa có thời gian sinh trưởng khác nhau thì xác định thời kỳ bón, lượng phân bón cũng khác nhau - Cục Khuyến nông và Khuyến lâm – 1998 [6], Nguyễn Văn Đặng – 1995 [14], Võ Minh Kha – 1996 [19].
2.7.1. Nhu cầu về đạm của cây lúa
Đạm là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng, là thành phần cơ bản của protein. Đạm nằm trong nhiều hợp chất cơ bản cần thiết cho sự phát triển của cây như diệp lục và các enzym. Các bazơ có đạm, thành phần cơ bản của axit Nuclêic trong các AND, ARN của nhân bào, nơi chứa các thông tin di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp protein. Do vậy đạm là một yếu tố cơ bản của quá trình đồng hoá cácbon, kích thích sự phát triển của bộ rễ, ảnh hưởng tích cực đến việc hút các yếu tố dinh dưỡng khác. Cây trồng được bón đủ đạm lá có màu xanh tươi, sinh trưởng khỏe và cho năng suất cao, tuy nhiên trong sản xuất không nên bón thừa đạm (theo Nguyễn Thị Lẫm – 1994 [21], Trần Thúc Sơn – 1999 [29], [30], [31]).
Lúa là cây trồng rất mẫn cảm với việc bón đạm. Nếu giai đoạn đẻ nhánh mà thiếu đạm sẽ làm năng suất lúa giảm do đẻ nhánh ít, dẫn đến số bông ít. Nếu bón không đủ đạm cây lúa sinh trưởng chậm, thấp cây, đẻ nhánh kém, phiến lá nhỏ, lá sớm chuyển thành màu vàng, đòng nhỏ, từ đó làm cho năng suất giảm. Nếu bón thừa đạm lại làm cho cây lúa có lá to, dài, phiến lá mỏng, dễ bị sâu bệnh, dễ lốp đổ, đẻ nhánh vô hiệu nhiều; ngoài ra chiều cao cây phát triển mạnh, trỗ muộn, năng suất giảm. Theo Lê Văn Tiềm (1974) [34], (1986) [35] nghiên cứu về sự cân đối đạm trong đất lúa: cây lúa được bón đủ đạm thì nhu cầu tất cả các chất dinh dưỡng khác như lân và kali đều tăng. Theo Bùi Huy Đáp [12], đạm là yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng suất lúa, cây có đủ đạm thì các yếu tố khác mới phát huy hết được tác dụng.
Theo Đỗ Thị Tho – 2004 [36], Broadlent – 1979 [42], Cuong Pham Van – 2004 [43] đạm đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của cây lúa, giữ vị trí quan trọng trong việc tăng năng suất. Trong các vật chất khô của cây trồng có từ 1 – 5% đạm tổng số. Người ta thấy trong các bộ phận non của cây hàm lượng đạm nhiều hơn trong các bộ phận già, đạm có trong các protit, các acid nucleic của các cơ quan trong cây.
Theo Nguyễn Như Hà [17]: đạm có vai trò quan trọng trong việc phát triển bộ rễ, thân, lá, chiều cao và đẻ nhánh của cây lúa. Việc cung cấp đạm đủ và đúng lúc làm cho lúa vừa đẻ nhánh nhanh lại tập trung, tạo được nhiều dảnh hữu hiệu, là yếu tố cấu thành năng suất có vai trò quan trọng nhất đối với năng suất lúa. Đạm còn có vai trò quan trọng trong việc hình thành đòng và các yếu tố cấu thành năng suất khác: số hạt trên bông, trọng lượng 1000 hạt và tỷ lệ hạt chắc. Đạm còn làm tăng hàm lượng protein trong gạo nên làm tăng chất lượng gạo. Lượng đạm cần thiết để tạo ra 1 tấn thóc từ 17 đến 25 kgN, trung bình cần 22,2 kgN. Ở các mức năng suất cao, lượng đạm cần thiết để tạo ra một tấn thóc càng cao.
2.7.2. Nhu cầu về lân của cây lúa
Theo Lê Văn Căn – 1964 [4] thì lân là một trong những chất cần thiết cho quá trình trao đổi chất của cây, lân có mặt trong các chất hữu cơ quan trọng nhất đối với cây. Các hợp chất này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phân chia tế bào qua quá trình trao đổi chất béo, protein, cụ thể là Glyxerophotphat, ATP, ADN, ARN, có vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp và hô hấp của cây. Lân làm tăng khả năng hút đạm cho cây và hấp phụ Fe làm giảm nồng độ Fe trong đất, có thể làm giảm nồng độ độc trong đất. Theo Sinclair – 1989 [52] trong thời kỳ chín của cây lúa hàm lượng lân vô cơ giảm nhanh và hoạt động của enzym photphorilara tăng đến 16 ngày sau khi thụ tinh của hạt sau đó giảm xuống. Từ đó ta có thể thấy lân là một thành phần dinh dưỡng rất cần thiết đối với cây trồng.
Theo Nguyễn Xuân Cự – 1992 [7], Nguyễn Ngọc Nông – 1995 [25], Võ Đình Quang – 1999 [26] lân là thành phần chủ yếu của acid nucleic, là chất chủ yếu của nhân tế bào, trong vật chất khô của cây có chứa hàm lượng lân từ 0.1 - 0.5%. Lân có mối quan hệ chặt chẽ với sự hình thành diệp lục, protein và sự di chuyển tinh bột. Cây lúa hút lân mạnh hơn so với các loại cây trồng cạn. Cùng với đạm, lân xúc tiến sự phát triển của bộ rễ và tăng số nhánh đẻ, đồng thời cũng làm cho lúa trỗ và chín sớm hơn.
Theo Nguyễn Như Hà [17], lân có vai trò quan trọng trong thời gian sinh trưởng đầu của cây lúa, xúc tiến sự phát triển của bộ rễ và số dảnh lúa, ảnh hưởng tới tốc độ đẻ nhánh của cây lúa. Lân còn làm cho lúa trỗ bông đều, chín sớm hơn, tăng năng suất và phẩm chất hạt. Để tạo ra 1 tấn thóc cây lúa cần hút khoảng 7,1kg P2O5, trong đó tích luỹ chủ yếu vào hạt. Cây lúa hút lân mạnh nhất vào thời kỳ đẻ nhánh và thời kỳ làm đòng, nhưng xét về cường độ thì cây lúa hút lân mạnh nhất vào thời kỳ đẻ nhánh.
Theo Mai Văn Quyền – 2002 [27], Nguyễn Tử Siêm – 1996 [28], Nguyễn Như Hà [17], Kobayshi – 1995 [46] thiếu lân lá có màu xanh đậm, phiển lá nhỏ, hẹp, mềm, yếu, mép lá có màu vàng, thân mềm, dễ đổ. Thiếu lân ở thời kỳ đẻ nhánh làm cho lúa đẻ ít, tỷ lệ nhánh hữu hiệu thấp, thời kỳ trỗ và chín kéo dài nên hạt lép nhiều hơn, độ dinh dưỡng hạt thấp, bông nhỏ và năng suất không cao. Lân đối với lúa là một yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng một cách rõ rệt.
2.7.3. Nhu cầu về kali của cây lúa
Theo Nguyễn Vi, Trần Khải – 1974 [39] thì kali được cây hút dưới dạng ion K+, kali được hút nhiều như đạm, nếu thừa kali lúa bị hại. Vai trò của kali là xúc tiến sự di chuyển của các chất đồng hoá và gluxit trong cây vì vậy nếu lúa thiếu kali thì hàm lượng tinh bột trong hạt sẽ giảm, hàm lượng đạm sẽ tăng. Trong điều kiện thời tiết xấu, trời âm u, ánh sáng yếu thì kali có vai trò như ánh sáng mặt trời, xúc tiến sự hình thành gluxit, cho nên để chống rét cho mạ xuân ở miền Bắc người ta thường bón một lượng kali. Ngoài những vai trò như trên, kali còn cần thiết cho sự tổng hợp prôtein, có quan hệ mật thiết với quá trình phân chia tế bào, cho nên ở gần đỉnh sinh trưởng của cây hàm lượng kali tương đối nhiều. Kali còn làm cho sự di động của sắt (Fe) trong cây được tốt do đó ảnh hưởng gián tiếp đến quá trình hô hấp của cây.
Theo Nguyễn Như Hà (2006) [17]: kali có ảnh hưởng rõ đến sự phân chia tế bào và phát triển của bộ rễ lúa trong điều kiện ngập nước nên có ảnh hưởng rõ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Kali có ảnh hưởng lớn đến quá trình quang hợp, tổng hợp các chất gluxit, ngoài ra còn tham gia vào quá trình tổng hợp protein ở trong cây lúa, nhất là trong điều kiện ánh sáng yếu. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới các yếu tố cấu thành năng suất như: số hạt, tỷ lệ hạt chắc, trọng lượng 1000 hạt. Vì vậy kali là yếu tố dinh dưỡng có ảnh hưởng rõ tới năng suất và chất lượng lúa. Kali còn thúc đẩy hình thành linine, xelulo làm cho cây cứng cáp hơn, chống đổ và chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Cây lúa thiếu kali ít ảnh hưởng đến đẻ nhánh nhưng làm cây lúa thấp, có lá hẹp, mềm yếu và rũ xuống, hàm lượng diệp lục thấp, màu xanh tối. Khi thiếu kali, mặt phiến lá của những lá phía dưới có những đốm màu nâu đỏ, lá khô dần từ dưới lên trên. Lúa thiếu kali dễ bị lốp đổ, sâu bệnh dễ tấn công (nhất là khi được cung cấp nhiều đạm), số hạt ít, nhiều hạt xanh, hạt lép và hạt bạc bụng, phẩm chất gạo giảm. Để tạo ra 1 tấn thóc trung bình cây lúa hút 31,6 kg K2O, trong đó chủ yếu tích luỹ trong rơm rạ 28,4 kg.
2.8. Phương pháp bón phân cho lúa
2.8.1 Các loại và dạng phân bón sử dụng cho lúa
Lúa là cây trồng có phản ứng cao với phân khoáng nên bón các yếu tố dinh dưỡng đa lượng cho lúa có hiệu quả cao. Trong thâm canh lúa, bón phân hữu cơ chủ yếu nhằm ổn định hàm lượng mùn cho đất, cho nên có thể sử dụng các loại phân hữu cơ khác nhau, kể cả rơm rạ sau khi thu hoạch.
Các loại phân đạm thích hợp cho lúa là phân đạm sunfat amôn (SA), urê. Urê đang trở thành dạng phân đạm phổ biến đối với lúa nước vì có tỷ lệ đạm cao, lại rất thích hợp để bón trên các loại đất lúa thoái hoá. Phân đạm có chứa gốc nitrat có thể dùng để bón thúc ở thời kỳ đòng, đặc biệt hiệu quả khi bón trên đất chua mặn.
Đất chua trồng lúa, bón phân lân nung chảy thường cho kết quả ngang phân supe lân hay có thể cao hơn do trong điều kiện ngập nước cũng dễ cung cấp cho lúa mà lại ít bị rửa trôi và còn cung cấp cả Silic, là yếu tố dinh dưỡng có nhu cầu cao ở cây lúa. Tuy nhiên nếu cần bón thúc lân và trồng lúa trên đất nghèo lưu huỳnh (đất bạc màu bón ít phân hữu cơ) thì phải dùng phân lân supe.
Loại phân kali thích hợp bón cho lúa là kali clorua (KCl), kali sunphát (K2SO4). Gần đây, các loại phân NPK phối trộn với các tỷ lệ khác nhau được sử dụng ngày càng phổ biến, đặc biệt là sử dụng các loại phân chuyên dùng cho lúa, phù hợp với điều kiện của từng vùng đất trồng, với nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.
Ngoài ra, còn thường sử dụng các loại phân NPK, đặc biệt tốt là các loại phân chuyên dùng cho lúa, phù hợp với điều kiện của từng vùng đất.
2.8.2 Lượng phân bón cho lúa ở các vùng trồng lúa chính
Liều lượng phân chuồng thường bón 7-10 tấn/ha, vụ mùa nên bón nhiều hơn. Liều lượng phân đạm, lân, kali bón cho lúa phụ thuộc vào năng suất dự tính cần đạt được, tuỳ thuộc đặc điểm của giống, loại hình cây, độ phì của đất, lượng rơm rạ, tàn dư thực vật, còn lại của các vụ trước, các điều kiện khí hậu (mùa vụ) và khả năng cân đối với các loại phân khác. Giống năng suất cao cần bón nhiều hơn so với các giống lúa thường, lúa địa phương, lúa vụ xuân thường bón nhiều hơn lúa vụ mùa, trồng lúa trên đất có độ phì cao cần giảm lượng phân bón.
Do hệ số sử dụng phân đạm của cây lúa không cao nên lượng đạm cần bón phải cao hơn nhiều so với nhu cầu. Tuỳ theo chân đất, mùa vụ, giống lúa, hiện nay lượng đạm bón thường dao động từ 60-160 kg/ha. Với trình độ thâm canh hiện tại, để đạt năng suất 5 tấn/ha thường bón 80-120 kg/ha. Tuy nhiên, trên đất có độ phì trung bình, để đạt năng suất 6 tấn thóc/ha cần bón 160 kg N/ha. Trên đất phù sa sông Hồng, để đạt năng suất trên 7 tấn/ha cần bón 180-200 kg N/ha. Các nước có năng suất lúa bình quân cao trên thế giới (5-7 tấn thóc/ha) thường bón 150-200 kg N/ha.
Lượng phân lân bón cho lúa dao động từ 30-100 kg P2O5, thường bón 60 kg P2O5/ha. Đối với đất xám bạc màu có thể bón 80 - 90 kg P2O5/ha, đất phèn có thể bón 90 - 150 kg P2O5/ha - Nguyễn Hữu Nghĩa (1996) [24].
Lượng phân kali bón cho lúa phụ thuộc chủ yếu vào mức năng suất và khả năng cung cấp kali của đất. Các mức bón trong thâm canh lúa trung bình là 30-90 kg K2O/ha, và mức bón trong thâm canh lúa cao là 100-150 kg K2O/ha, trong đó kali của phân chuồng và rơm rạ có hiệu suất không kém kali trong phân hóa học. Trên đất phù sa sông Hồng khi đã bón 8-10 tấn phân chuồng/ha thì chỉ nên bón 30-90 kg/ha phân kali khoáng, ngay cả trong điều kiện thâm canh lúa cao - Nguyễn Như Hà (1999) [16].
Bảng 2.5. Lượng phân bón cho lúa
Vùng
Vụ
Giống
Lượng bón (kg/ha)
N
P2O5
K2O
Các tỉnh
Phía Bắc
Đông xuân
Thuần
90-120
60-80
40-60
Lúa lai
140-160
80-100
60-100
Mùa
Thuần
80-100
40-60
30-50
Lúa lai
120-140
60-80
60-100
Địa phương
60-80
30-50
30-50
Các tỉnh
Miền Trung
Đông xuân
Thuần
100-120
40-60
40-60
Lúa lai
140-160
80-100
80-100
Hè thu
Thuần
80-100
50-70
40-60
Lúa lai
120-140
80-100
80-100
Các tỉnh
Phía Nam
Đông xuân
Thuần
100-120
40-60
30-40
Xuân hè
Thuần
100-120
50-70
30-40
Hè thu
Thuần
90-110
60-80
30-40
Mùa
Thuần
80-100
40-60
30-50
Địa phương
60-80
40-60
30-40
Nguồn: Nguyễn Xuân Trường - Dẫn theo Nguyễn Như Hà 2006
2.8.3 Phương pháp bón phân cho lúa
Thời kỳ bón đạm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và năng suất lúa. Thời kỳ bón đạm phụ thuộc vào đặc điểm giống lúa, mùa vụ, thành phần cơ giới đất và trình độ thâm canh. Không thể có một hướng dẫn chung về thời kỳ bón đạm cho tất cả các giống, mùa vụ và đất trồng. Bón đạm sớm tạo nhiều bông, bón đạm muộn tăng hạt là chủ yếu, bón đạm vào giai đoạn đòng làm tăng tỷ lệ protein trong hạt. Thời kỳ bón phân đạm cho lúa thường gồm: bón lót và bón thúc đẻ nhánh, thúc đòng, ngoài ra có thể có bón nuôi hạt.
* Bón phân lót cho lúa
Theo quy trình bón phân cho lúa hiện nay, phân chuồng thường được bón khi làm đất lần đầu; toàn bộ lượng phân lân và khoảng 1/3 lượng kali cùng với 1/3 lượng phân đạm bón trước khi bừa lần cuối.
Cây lúa hút khá nhiều lân trong các giai đoạn sinh trưởng đầu và giai đoạn cây con, lúa thường bị thiếu hụt lân, do vậy phân lân cần được bón lót toàn bộ hoặc bón lót một lượng lớn kết hợp bón thúc sớm. Phân lân nên bón rải đều trên mặt ruộng trước khi cầy bừa lần cuối để gieo cấy.
Nên bón lót nhiều phân kali trong các trường hợp sau: trồng giống đẻ nhánh nhiều hay giống ngắn ngày, lúa có hiện tượng bị ngộ độc sắt, đất có khả năng hấp thu cao hay thiếu kali, mưa nhiều, ngập nước sâu, khí hậu lạnh. Trong thực tiễn lượng phân kali có thể được chia ra bón thúc làm nhiều lần, lúa là cây có yêu cầu cung cấp kali vào giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đầu làm đòng.
Thường dành 1/3-1/2 tổng lượng N để bón lót cho cây lúa, tỷ lệ phân dùng để bón lót tuỳ thuộc vào tính chất đất, độ sâu cày bừa, điều kiện khí hậu, thời gian sinh trưởng của lúa. Cần bón lót nhiều đạm hơn khi cấy bằng mạ già, các giống lúa ngắn ngày, lúa chét (lúa mọc lại từ gốc rạ).
* Bón thúc đẻ nhánh
Bón thúc đẻ nhánh cho lúa thường bón bằng phân đạm hay phối hợp thêm với một phần phân lân (nếu còn chưa bón lót hết). Thời gian bón thúc đẻ nhánh vào khoảng 18-20 ngày sau gieo hoặc sau khi lúa bén rễ và hồi xanh, vào khoảng 10-20 ngày sau cấy (tuỳ thuộc mùa vụ) khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh.
Trên đất phèn và đất quá chua, khả năng cố định lân của đất rất mạnh thì bón thúc lân ở dạng lân nung chảy cho lúa là cần thiết vì vừa nhằm hạ phèn và độc tố trong đất, vừa cung cấp dinh dưỡng lân cho lúa. Việc kết hợp bón lót và thúc một phần phân lân hoà tan trong nước cho lúa làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Khi bón thúc nên dùng các dạng lân dạng hạt để tránh bám dính gây cháy lá.
Thường dành 1/2 đến 2/3 lượng N còn lại để bón thúc đẻ nhánh nhằm làm cho lúa đẻ nhánh nhanh, tập trung và cũng để giảm lượng phân lót, tránh mất đạm. Cần bón thúc đẻ nhánh nhiều đạm cho lúa trong các trường hợp: cấy giống dài ngày hay đẻ nhánh nhiều, mật độ gieo hoặc cấy cao, nhiệt độ khi gieo cấy cao.
Đối với những giống lúa cực ngắn, lúa mùa cần phải bón thúc đẻ nhánh sớm hơn, còn đối với giống dài ngày, lúa xuân có thể bón thúc muộn hơn, do thời kỳ sinh trưởng đầu của cây lúa bị kéo dài.
Bón thúc đạm cho lúa tốt nhất là bón sau khi rút nước ruộng do có thể làm tăng gấp đôi hiệu lực của phân bón so với ruộng có nhiều nước. Không nên rút nước quá 1 ngày trước khi bón thúc vì việc rút nước trong một thời gian dài thúc đẩy cỏ dại phát triển và làm mất đạm, đồng thời ruộng sau khi bón phân phải được đưa nước vào ngay sau một ngày bón đạm. Dùng máy trừ cỏ có trục quay để trộn lẫn phân đạm vào đất cũng tăng được hiệu lực của phân đạm, đặc biệt là khi bón thúc sớm và cấy sâu.
* Bón thúc đòng
Bón thúc đòng cho lúa thường sử dụng phối hợp phần phân đạm và kali còn lại nhằm tiếp tục cung cấp đạm cho lúa để tạo được bông lúa to, có nhiều hạt chắc, nâng cao hệ số kinh tế cho cây lúa, đạt năng suất cao. Bón thúc đòng tốt nhất là bón sau khi phân hoá đòng vào khoảng 40-45 ngày sau khi cấy, trước trỗ 20-25 ngày.
Khi bón ít đạm, thì bón thúc đòng là một kỹ thuật quan trọng để nâng cao hiệu suất phân đạm và là thời kỳ bón đạm có hiệu quả nhất. Những giống đẻ nhánh ít, bông to, năng suất dựa vào số hạt trên bông thì cần phải chú trọng vào đợt bón đón đòng và nuôi hạt để tạo được bông to, nhiều hạt chắc, đạt năng suất cao.
Bón lót càng nhiều, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng tốt ngay từ đầu thì thời gian bón đòng càng muộn và ít. Đối với các giống lúa mùa có thời gian sinh trưởng dài (150 - 180 ngày), cần bón thúc đòng muộn hơn. Cần dùng mắt đánh giá tình hình sinh trưởng và màu sắc lá trong thời kỳ đẻ rộ để phán đoán nhu cầu bón thúc đòng. Gần đây phương pháp so màu lá lúa dùng bản so màu lá lúa đang được sử dụng ngày càng phổ biến, nhất là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khi bón lót với lượng phân bón nhiều cũng có thể không cần bón thúc đẻ nhánh, mà chỉ cần bón ở thời kỳ đòng. Bón đủ phân lót và thúc đẻ nhánh có thể không bón phân đón đòng. Hiện nay trong chiến lược “ba giảm ba tăng” người ta căn cứ vào màu lá lúa để quyết định việc bón thúc phân đạm cho lúa. Ngoài ra cũng có thể dựa vào việc chuẩn đoán lá để xác định nhu cầu bón phân cho lúa.
Nên dùng phân kali bón thúc đòng cho lúa trong các trường hợp: giống đẻ nhánh từ trung bình đến ít hay giống dài ngày, gieo cấy thưa; đất có điện thế oxy hoá khử rất cao, thành phần cơ giới rất nhẹ, hay trên đất phèn (thiếu lân và ngộ độc sắt), đất kiềm (thiếu kẽm), lân bị đất cố định hay mưa nhiều [48].
* Bón nuôi hạt
Sau khi lúa trỗ hoàn toàn có thể bón nuôi hạt bằng cách phun phân bón lá 1-2 lần nhằm làm tăng số hạt chắc, tăng năng suất. Đây là thời kỳ bón phân có hiệu quả rõ khi trồng lúa trên đất thành phần cơ giới nhẹ, có khả năng cung cấp dinh dưỡng và giữ phân kém.
2.9. Vấn đề bón phân cân đối cho cây lúa
Trong thực tiễn sản xuất, bón phân cân đối là bón cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ, cân đối giữa các yếu tố dinh dưỡng khoáng để vừa đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho cây đạt năng suất cao phẩm chất tốt với hiệu quả phân bón cao vừa ổn định và làm tăng hàm lượng dinh dưỡng và mùn trong đất. Bón phân cân đối cho cây trồng là cung cấp cho cây trồng đúng các chất dinh dưỡng cần thiết, đủ về liều lượng, với tỷ lệ thích hợp, thời gian bón hợp lý cho từng đối tượng, đất và mùa vụ cụ thể để đảm bảo năng suất, phẩm chất cây trồng cao, hiệu quả phân bón cao đồng thời không gây hại với môi trường.
Bón phân cân đối phải tuân thủ các định luật, các yếu tố chi phối đến việc bón phân cân đối.
- Định luật trả lại: Để đất khỏi bị kiệt quệ cần trả lại cho đất các yếu tố dinh dưỡng mà cây trồng lấy đi theo sản phẩm thu hoạch, cũng như các yếu tố bị mất trong quá trình bay hơi, rửa trôi.
Tuy nhiên trong thực tế có những yếu tố dinh dưỡng cây trồng lấy đi nhưng không cần trả lại vì hàm lượng của chúng có quá nhiều trong đất.
- Định luật tối thiểu: Bón phân theo yếu tố có hàm lượng dễ tiêu ít nhất trong đất so với yêu cầu của cây.
- Định luật bón phân cân đối: Bằng phân bón con người phải trả lại tất cả mọi sự mất cân bằng các nguyên tố khoáng có trong đất để tạo cho cây trồng có năng suất cao với chất lượng sinh học cao.
Muốn xây dựng được một chế độ bón phân cân đối phải dựa trên cơ sở hiểu biết sinh lý cây trồng, kết hợp phân tích đất, phân tích cây cũng như năng suất, dinh dưỡng lấy đi theo sản phẩm thu hoạch, khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng từ đất và lượng phân bón vào. Cùng với sự tăng năng suất thì lượng hút tất cả các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết cũng gia tăng theo, do đó đòi hỏi phải bón phân lân cân đối theo mức năng suất của cây. Tác hại của việc bón phân không cân đối cho lúa là làm giảm năng suất lúa và chất lượng gạo, đồng thời còn làm nguy hại tới môi trường.
Bón phân cân đối sẽ làm tăng hiệu lực của các loại phân bón và làm tăng năng suất lúa. Theo Lê Văn Căn (1968) [5] trên đất phù sa phải bón phân kali đi đôi với lượng phân đạm hoá học thì mới tăng cường được hiệu lực của phân kali. Nếu tỷ lệ bón N/K mất cân đối dẫn đến việc năng suất thấp, còn khi bón đầy đủ K sẽ làm tỷ lệ N:P:K cân đối hơn do vậy năng suất tăng lên.
Để định lượng được phân bón cân đối, ngoài những căn cứ nêu trên còn cần phải quan tâm điều chỉnh tuỳ thuộc điều kiện cụ thể. Như trong mùa mưa (vụ mùa, hè thu) thì lượng phân đạm bón ít hơn trong vụ đông xuân, bón thúc sớm hơn. Trong điều kiện hàm lượng kali trong nước tưới cao thì có thể giảm lượng phân kali bón. Nếu là những loại đất nhẹ (như đất cát, xám, bạc màu…) cần tăng lượng kali bón. Trên đất phèn (chua mặn) thì cần phải bón nhiều lân hơn do đất này nghèo lân, có sự cố định sắt, nhôm di động. Về kỹ thuật bón, với phân hữu cơ thì nên bón lót và bón 1 lần còn phân vô cơ thì cần chia nhỏ làm nhiều lần bón.
Như vậy việc bón phân cân đối có vai trò vô cùng quan trọng, nó không những làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng mà còn làm tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, duy trì hoặc cải tạo độ phì đất lâu bền, tránh phương hại đến môi trường sinh thái. Sử dụng phân bón cân đối hợp lý sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu, xúc tiến tác động tương hỗ và loại trừ các tác động đối kháng ra khỏi hệ thống trồng trọt. Bón phân cân đối cũng là sự cần thiết để giữ vững năng suất và lợi nhuận tối ưu đồng thời tiết kiệm phân bón và bảo vệ môi trường.
3. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Vật liệu, địa điểm và thời gian nghiên cứu
3.1.1. Vật liệu nghiên cứu
- Giống: Thí nghiệm được tiến hành trên giống lúa N46, là giống lúa thuần do Bộ môn Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chọn tạo. N46 có thời gian sinh trưởng trung ngày, chất lượng khá, khả năng đẻ nhánh khoẻ, chịu phân bón, chống chịu sâu bệnh và cho năng suất khá cao.
- Phân bón: sử dụng phân urê, supe lân và kali clorua.
3.1.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu
Địa điểm: Thí nghiệm được bố trí tại khu thí nghiệm đồng ruộng, khoa Nông học, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
Thời gian: Thí nghiệm được thực hiện ở vụ Đông Xuân từ tháng 1 – 6 năm 2008.
3.2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu
3.2.1. Yếu tố thí nghiệm và công thức thí nghiệm
- Yếu tố thí nghiệm là các mức bón đạm, lân, kali khác nhau.
- Công thức thí nghiệm: tiến hành 3 thí nghiệm:
+ Thí nghiệm 1: Bón các mức đạm: N0, N1, N2, N3, N4 tương ứng với 0, 80, 100, 120, 140 kgN/ha, trên nền 90 P2O5 và 60 K2O (N0 làm đối chứng).
+ Thí Nghiệm 2: Bón các mức lân: P0, P1, P2, P3, P4 tương ứng với 0, 60, 75, 90, 105 kgP2O5/ha, trên nền 120 N và 60 K2O (P0 làm đối chứng).
+ Thí nghiệm 3: Bón các mức ka li: K0, K1, K2, K3, K4 tương ứng với 0, 60, 75, 90, 105 kgK2O/ha, trên nền 120 N và 90 P2O5 (K0 làm đối chứng).
3.2.2. Phương pháp bố trí thí nghiệm
- Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB).
- Số lần nhắc lại: 3 lần.
- Tổng số ô thí nghiệm: 45 ô. Diện tích 1 ô: 20 m2 (4m x 5m).
Tổng diện tích thí nghiệm (chưa kể dải bảo vệ): 900 m2.
Sơ đồ thí nghiệm:
Bắc
Đông
Tây
I
K2
K4
K1
K0
K3
II
K4
K1
K3
K2
K0
III
K1
K0
K2
K3
K4
I
P4
P1
P3
P0
P2
II
P2
P0
P4
P3
P1
III
P3
P2
P1
P4
P0
I
N2
N1
N3
N0
N4
II
N3
N0
N4
N1
N2
III
N4
N3
N0
N2
N1
Nam
3.2.3. Điều kiện thí nghiệm
- Đất đai: thí nghiệm tiến hành trên đất phù sa sông Hồng không được bồi đắp hàng năm, đất gieo cấy 2 vụ lúa, không trồng cây vụ đông (kết quả phân tích đất tại Phụ lục 2).
- Mạ: ngày gieo mạ 05/01/2008; ngày cấy 07/03/2008; tuổi mạ 62 ngày (có 5 – 6 lá).
- Cách cấy: cấy 1 dảnh/khóm; mật độ cấy 45 khóm/m2;
- Phương pháp bón phân: bón lót toàn bộ phân lân và 30% N. Thúc lần 1 khi lúa bén rễ hồi xanh (10 ngày sau cấy) 50% N và 50% K2O. Bón thúc đòng và nuôi đòng (trước trỗ 20 ngày) với số phân còn lại (20% N và 50% K).
3.3. Các chỉ tiêu theo dõi
3.3.1. Thời gian sinh trưởng
- Thời gian từ gieo đến nhổ cấy;
- Thời gian từ cấy - bắt đầu đẻ nhánh;
- Thời gian bắt đầu đẻ nhánh - kết thúc đẻ nhánh;
- Thời gian từ kết thúc đẻ nhánh - trỗ;
- Thời gian từ trỗ - chín;
- Tổng thời gian sinh trưởng (được tính bằng ngày).
3.3.2. Các chỉ tiêu theo dõi
a) Giai đoạn mạ
Đánh giá mạ trước khi cấy theo các chỉ tiêu: Tuổi mạ khi cấy (ngày), số lá, chiều cao cây mạ (cm), sức sống của mạ (theo 10 TCN 558-2002).
b) Giai đoạn từ cấy – thu hoạch
*) Các chỉ tiêu sinh trưởng
Theo dõi 10 khóm/ô thí nghiệm theo đường chéo 5 điểm (mỗi điểm 2 khóm), 5 ngày tiến hành đo đếm 1 lần.
- Chiều cao cây: đo từ mặt đất đến mút lá hoặc mút bông cao nhất (cm).
- Số nhánh/khóm.
- Số lá/thân chính: đếm số lá bằng phương phá._.EIN 15 8.6433 0.41527 0.44310 5.1 0.5159 0.6987
%GAOLAT 15 79.200 7.4476 2.2115 2.8 0.1388 0.0000
%GAOSAT 15 69.400 5.4617 2.1390 3.1 0.8499 0.0001
GAONGUYE 15 87.700 4.1689 4.9611 5.7 0.9699 0.5240
2. KẾT QUẢ XỬ LÝ ANOVA CỦA P
TABLE OF MEANS FOR FACTORIAL EFFECTS FILE CAOCAYP 12/12/ 8 23:50
------------------------------------------------------------------ :PAGE 10
Anh huong cua P den chieu cao cay, so nhanh de, so la N46
MEANS FOR EFFECT CT$
-------------------------------------------------------------------------------
CT$ NOS CAO2TSC CAONHANH CCCC NHANH2T
P0 3 39.9333 70.2167 103.700 1.60000
P1 3 39.0833 68.6000 101.567 1.56667
P2 3 41.2000 68.6500 103.300 1.60000
P3 3 41.9000 70.9500 103.033 1.93333
P4 3 40.3333 71.0167 103.833 1.80000
SE(N= 3) 1.47870 2.02373 0.815236 0.778174E-01
5%LSD 8DF 4.82188 6.59919 2.65840 0.253755
CT$ NOS KTDN BHH LA2TSC LAKTDN
P0 3 5.63333 4.03333 5.25667 10.7100
P1 3 4.83333 4.06667 5.05000 10.3200
P2 3 5.06667 4.16667 5.18000 10.5433
P3 3 5.66667 4.36667 5.26333 10.5233
P4 3 5.40000 4.40000 5.21333 10.2900
SE(N= 3) 0.124052 0.714920E-01 0.127917 0.319346
5%LSD 8DF 1.035760 0.703128 0.417125 1.04135
CT$ NOS LADONG
P0 3 15.1467
P1 3 14.5500
P2 3 14.6567
P3 3 14.7267
P4 3 14.3600
SE(N= 3) 0.339023
5%LSD 8DF 1.10552
-------------------------------------------------------------------------------
MEANS FOR EFFECT NL
-------------------------------------------------------------------------------
NL NOS CAO2TSC CAONHANH CCCC NHANH2T
1 5 40.0600 70.2000 102.620 1.74000
2 5 40.2300 70.1300 105.060 1.72000
3 5 41.1800 69.3300 101.580 1.64000
SE(N= 5) 1.14539 1.56758 0.631479 0.602771E-01
5%LSD 8DF 3.73501 5.11171 2.05919 0.196558
NL NOS KTDN BHH LA2TSC LAKTDN
1 5 5.24000 4.38000 4.93000 10.2060
2 5 5.42000 4.30000 5.33600 10.8420
3 5 5.40000 4.32000 5.31200 10.3840
SE(N= 5) 0.960902E-01 0.553775E-01 0.990842E-01 0.247364
5%LSD 8DF 0.313340 0.180580 0.323103 0.806629
NL NOS LADONG
1 5 14.3800
2 5 15.1500
3 5 14.5340
SE(N= 5) 0.262606
5%LSD 8DF 0.856332
-------------------------------------------------------------------------------
ANALYSIS OF VARIANCE SUMMARY TABLE FILE CAOCAYP 12/12/ 8 23:50
------------------------------------------------------------------ :PAGE 11
Anh huong cua P den chieu cao cay, so nhanh, so la N46
F-PROBABLIITY VALUES FOR EACH EFFECT IN THE MODEL. SECTION - 1
VARIATE GRAND MEAN STANDARD DEVIATION C OF V |CT$ |NL |
(N= 15) -------------------- SD/MEAN | | |
NO. BASED ON BASED ON % | | |
OBS. TOTAL SS RESID SS | | |
CAO2TSC 15 40.490 2.2446 2.5612 6.3 0.7068 0.7667
CAONHANH 15 69.887 2.8999 3.5052 5.0 0.8389 0.9098
CCCC 15 103.09 2.0308 1.4120 1.4 0.3682 0.0126
NHANH2T 15 1.7000 0.18516 0.13478 7.9 0.0400 0.4973
KTDN 15 5.3533 0.25598 0.21486 4.0 0.1313 0.3940
BHH 15 4.3333 0.20237 0.12383 2.9 0.0102 0.5932
LA2TSC 15 5.1927 0.26749 0.22156 4.3 0.7657 0.0344
LAKTDN 15 10.477 0.52682 0.55312 5.3 0.8729 0.2322
LADONG 15 14.688 0.62319 0.58721 4.0 0.5928 0.1510
T
ABLE OF MEANS FOR FACTORIAL EFFECTS FILE HSQH 13/12/ 8 0:34
------------------------------------------------------------------ :PAGE 11
Anh huong cua P den LAI, DM, toc do tich luy chat kho va HSQH thuan N46
MEANS FOR EFFECT CT$
-------------------------------------------------------------------------------
CT$ NOS LAINHANH LAITRO LAISAP DMNHANH
P0 3 2.29667 3.93667 3.46667 5.82333
P1 3 2.53000 4.08333 3.42000 6.41000
P2 3 2.58000 4.08333 3.50667 6.25667
P3 3 2.54667 4.16000 3.69333 6.25667
P4 3 2.50667 4.10667 3.58333 6.34667
SE(N= 3) 0.726751E-01 0.109016 0.107662 0.237716
5%LSD 8DF 0.236986 0.355490 0.351075 0.775168
CT$ NOS DMTRO DMSAP TICHLUY T.LUYSAP
P0 3 19.2900 26.5000 18.9375 16.2225
P1 3 20.1333 27.2667 19.2984 16.0500
P2 3 20.4900 28.2000 20.0156 17.3475
P3 3 20.7567 28.6000 20.3906 17.6475
P4 3 20.4233 27.7333 19.7953 16.4475
SE(N= 3) 0.536825 0.549141 0.897724 0.405021
5%LSD 8DF 1.75053 1.79069 2.92739 1.32073
CT$ NOS HSQHT HSQHSAP
P0 3 6.09699 4.41691
P1 3 5.84369 4.27777
P2 3 6.00674 4.58627
P3 3 6.08284 4.49926
P4 3 5.98746 4.28161
SE(N= 3) 0.314060 0.166395
5%LSD 8DF 1.02412 0.542596
-------------------------------------------------------------------------------
MEANS FOR EFFECT NL
-------------------------------------------------------------------------------
NL NOS LAINHANH LAITRO LAISAP DMNHANH
1 5 2.49200 4.19200 3.76200 6.41400
2 5 2.55000 3.94600 3.37000 6.15400
3 5 2.43400 4.08400 3.47000 6.08800
SE(N= 5) 0.562939E-01 0.844433E-01 0.833946E-01 0.184134
5%LSD 8DF 0.183569 0.275361 0.271941 0.600442
NL NOS DMTRO DMSAP TICHLUY T.LUYSAP
1 5 20.2360 27.6600 19.4372 16.7040
2 5 20.4000 28.0000 20.0334 17.1000
3 5 20.0200 27.3200 19.5919 16.4250
SE(N= 5) 0.415823 0.425363 0.695374 0.313728
5%LSD 8DF 1.35596 1.38707 2.26754 1.02303
NL NOS HSQHT HSQHSAP
1 5 5.81735 4.20152
2 5 6.18281 4.68210
3 5 6.01048 4.35348
SE(N= 5) 0.243270 0.128889
5%LSD 8DF 0.793279 0.420293
-------------------------------------------------------------------------------
ANALYSIS OF VARIANCE SUMMARY TABLE FILE HSQH 13/12/ 8 0:34
------------------------------------------------------------------ :PAGE 12
Anh huong cua P den LAI, DM, toc do tich luy chat kho va HSQH thuan N46
F-PROBABLIITY VALUES FOR EACH EFFECT IN THE MODEL. SECTION - 1
VARIATE GRAND MEAN STANDARD DEVIATION C OF V |CT$ |NL |
(N= 15) -------------------- SD/MEAN | | |
NO. BASED ON BASED ON % | | |
OBS. TOTAL SS RESID SS | | |
LAINHANH 15 2.4920 0.14929 0.12588 5.1 0.1363 0.3917
LAITRO 15 4.0740 0.19268 0.18882 4.6 0.6884 0.1803
LAISAP 15 3.5340 0.24369 0.18648 5.3 0.4642 0.0260
DMNHANH 15 6.2187 0.40442 0.41174 6.6 0.4896 0.4554
DMTRO 15 20.219 0.89057 0.92981 4.6 0.4174 0.8159
DMSAP 15 27.660 1.0835 0.95114 3.4 0.1560 0.5565
TICHLUY 15 19.687 1.3170 1.5549 7.9 0.7968 0.8251
T.LUYSAP 15 16.743 0.89257 0.70152 4.2 0.0822 0.3598
HSQHT 15 6.0035 0.44913 0.54397 9.1 0.9753 0.5934
HSQHSAP 15 4.4124 0.32590 0.28820 6.5 0.6387 0.0749
TABLE OF MEANS FOR FACTORIAL EFFECTS FILE NSP 2/12/ 8 12:54
------------------------------------------------------------------ :PAGE 8
Anh huong cua P den cac yeu to cau thanh NS va NS giong lua N46
MEANS FOR EFFECT CT$
-------------------------------------------------------------------------------
CT$ NOS SOBONG S.HAT/BO TLCHAC
P0 3 181.347 162.226 91.1033
P1 3 183.150 158.307 93.1800
P2 3 187.650 157.314 92.7100
P3 3 196.633 150.513 93.7700
P4 3 197.467 152.283 92.2267
SE(N= 3) 4.32030 2.96821 0.956641
5%LSD 8DF 12.0881 9.67905 3.11951
CT$ NOS M1000 NSLT NNTT
P0 3 24.8333 66.4700 57.9000
P1 3 25.0667 67.7267 58.2000
P2 3 25.0333 68.5433 58.3333
P3 3 25.1000 69.7467 58.9333
P4 3 25.0667 69.5067 57.5667
SE(N= 3) 0.862814E-01 2.23480 1.32122
5%LSD 8DF 0.281355 7.28747 4.30835
-------------------------------------------------------------------------------
MEANS FOR EFFECT NL
-------------------------------------------------------------------------------
NL NOS SOBONG S.HAT/BO TLCHAC
1 5 191.690 160.994 93.9600
2 5 187.492 153.513 91.8960
3 5 188.566 153.878 92.1380
SE(N= 5) 3.34649 2.29917 0.741011
5%LSD 8DF 10.9126 7.49736 2.41636
NL NOS M1000 NSLT NNTT
1 5 25.0000 71.0480 59.8400
2 5 24.9800 64.6320 58.1800
3 5 25.0800 69.5160 56.5400
SE(N= 5) 0.668333E-01 1.73107 1.02341
5%LSD 8DF 0.217937 5.64485 3.33723
-------------------------------------------------------------------------------
ANALYSIS OF VARIANCE SUMMARY TABLE FILE NSP 2/12/ 8 12:54
------------------------------------------------------------------ :PAGE 9
Anh huong cua P den cac yeu to cau thanh NS va NS giong lua N46
F-PROBABLIITY VALUES FOR EACH EFFECT IN THE MODEL. SECTION - 1
VARIATE GRAND MEAN STANDARD DEVIATION C OF V |CT$ |NL |
(N= 15) -------------------- SD/MEAN | | |
NO. BASED ON BASED ON % | | |
OBS. TOTAL SS RESID SS | | |
SOBONG 15 189.25 9.1351 7.4830 4.0 0.0867 0.6715
S.HAT/BO 15 156.13 6.8573 5.1411 3.3 0.1213 0.0863
TLCHAC 15 95.998 1.5828 1.6570 1.7 0.8524 0.2366
M1000 15 25.020 0.15675 0.14944 0.6 0.2797 0.5623
NSLT 15 68.399 4.2582 3.8708 5.7 0.8295 0.0705
NNTT 15 58.187 2.2718 2.2884 3.9 0.9555 0.1341
TABLE OF MEANS FOR FACTORIAL EFFECTS FILE NSSVH 3/11/ 8 18:16
------------------------------------------------------------------ :PAGE 5
Anh huong cua lieu luong P den NSSH va he so kinh te cua N46
MEANS FOR EFFECT CT$
-------------------------------------------------------------------------------
CT$ NOS KLCAY KLHAT NSSH KKTE
P0 3 14.2167 14.7700 28.9867 0.510000
P1 3 15.7067 15.0500 30.7567 0.490000
P2 3 15.3267 15.2300 30.5567 0.500000
P3 3 14.7300 15.5000 30.2300 0.513333
P4 3 16.4133 15.4467 31.8600 0.486667
SE(N= 3) 0.951222 0.474785 1.29985 0.124052E-01
5%LSD 8DF 3.10184 1.54823 4.23869 0.054521
-------------------------------------------------------------------------------
MEANS FOR EFFECT NL
-------------------------------------------------------------------------------
NL NOS KLCAY KLHAT NSSVH KKTE
1 5 16.0620 15.6680 31.7300 0.495000
2 5 14.4980 14.4840 28.9820 0.502000
3 5 15.2760 15.4460 30.7220 0.503000
SE(N= 5) 0.736814 0.367767 1.00686 0.960902E-02
5%LSD 8DF 2.40267 1.19925 3.28328 0.113340
-------------------------------------------------------------------------------
ANALYSIS OF VARIANCE SUMMARY TABLE FILE NSSVH 3/11/ 8 18:16
------------------------------------------------------------------ :PAGE 6
Anh huong cua lieu luong P den NSSH va he so kinh te cua N46
F-PROBABLIITY VALUES FOR EACH EFFECT IN THE MODEL. SECTION - 1
VARIATE GRAND MEAN STANDARD DEVIATION C OF V |CT$ |NL |
(N= 15) -------------------- SD/MEAN | | |
NO. BASED ON BASED ON % | | |
OBS. TOTAL SS RESID SS | | |
KLCAY 15 15.279 1.6155 1.6476 10.8 0.5581 0.3720
KLHAT 15 15.199 0.8639 0.82235 5.4 0.8058 0.1103
NSSH 15 30.478 2.2790 2.2514 7.4 0.6545 0.2098
KKTE 15 0.5000 0.1991 0.2148 4.3 0.5068 0.8192
TABLE OF MEANS FOR FACTORIAL EFFECTS FILE CLGAO 22/10/ 8 9:51
------------------------------------------------------------------ :PAGE 6
Anh huong cua lieu luong P den chat luong gao N46
MEANS FOR EFFECT CT$
-------------------------------------------------------------------------------
CT$ NOS AMYLOSE PROTEIN %GAOLAT %GAOSAT
P0 3 19.5000 8.43333 78.5000 67.7000
P1 3 20.4500 8.70000 79.8333 68.2000
P2 3 20.9500 8.85000 79.3333 68.8000
P3 3 20.9600 9.05000 80.0667 70.2000
P4 3 21.1300 8.81667 81.5333 70.5000
SE(N= 3) 0.190385 0.361786 2.70353 2.69462
5%LSD 8DF 0.620828 1.17975 8.81593 8.78690
CT$ NOS GAONGUYE
P0 3 86.3000
P1 3 87.8000
P2 3 88.5333
P3 3 88.2333
P4 3 88.5333
SE(N= 3) 3.36457
5%LSD 8DF 10.9715
-------------------------------------------------------------------------------
MEANS FOR EFFECT NL
-------------------------------------------------------------------------------
NL NOS AMYLOSE PROTEIN %GAOLAT %GAOSAT
1 5 20.7240 8.85000 79.8600 69.0800
2 5 21.6360 8.85000 82.9800 72.7200
3 5 19.4340 8.61000 76.7200 65.4400
SE(N= 5) 0.147472 0.280238 2.09414 2.08725
5%LSD 8DF 0.480891 0.913828 6.82879 6.80630
NL NOS GAONGUYE
1 5 89.5200
2 5 87.6600
3 5 86.4600
SE(N= 5) 2.60618
5%LSD 8DF 8.49850
-------------------------------------------------------------------------------
ANALYSIS OF VARIANCE SUMMARY TABLE FILE CLGAO 22/10/ 8 9:51
------------------------------------------------------------------ :PAGE 7
Anh huong cua lieu luong P den chat luong gao N46
F-PROBABLIITY VALUES FOR EACH EFFECT IN THE MODEL. SECTION - 1
VARIATE GRAND MEAN STANDARD DEVIATION C OF V |CT$ |NL |
(N= 15) -------------------- SD/MEAN | | |
NO. BASED ON BASED ON % | | |
OBS. TOTAL SS RESID SS | | |
AMYLOSE 15 20.598 1.1467 0.32976 1.6 0.0020 0.0000
PROTEIN 15 8.7700 0.53110 0.62663 7.1 0.8099 0.7904
%GAOLAT 15 79.853 4.5379 4.6826 5.9 0.9456 0.1687
%GAOSAT 15 69.080 4.8170 4.6672 6.8 0.9255 0.1034
GAONGUYE 15 87.880 4.6744 5.8276 6.6 0.9845 0.7181
3. KẾT QUẢ XỬ LÝ ANOVA CỦA K
TABLE OF MEANS FOR FACTORIAL EFFECTS FILE CAOCAYIR 13/12/ 8 1:36
------------------------------------------------------------------ :PAGE 10
Anh huong cua K den chieu cao cay, so nhanh, so la N46
MEANS FOR EFFECT CT$
-------------------------------------------------------------------------------
CT$ NOS CAO2TSC CAONHANH CCCC NHANH2TS
K0 3 38.1333 67.3667 105.767 1.60000
K1 3 39.1167 68.4833 104.430 1.66667
K2 3 40.3000 71.0667 104.867 1.73333
K3 3 38.5500 67.6667 103.233 1.70000
K4 3 39.7000 70.2333 104.567 1.70000
SE(N= 3) 1.30324 1.44057 1.17224 0.662487E-01
5%LSD 8DF 4.24973 4.69756 3.82255 0.216030
CT$ NOS KTDN BHH LA2TSC LANHANH
K0 3 4.80000 4.00000 5.63333 11.3767
K1 3 5.13333 3.93333 5.49667 10.8567
K2 3 5.20000 4.20000 5.28667 10.5533
K3 3 5.00000 4.26667 5.19000 10.6300
K4 3 4.96667 3.93333 5.42333 10.9067
SE(N= 3) 0.365681 0.271006 0.266817 0.394798
5%LSD 8DF 1.19245 0.883724 0.870062 1.28740
CT$ NOS LADONG
K0 3 15.6867
K1 3 14.8833
K2 3 14.8300
K3 3 14.9600
K4 3 15.0800
SE(N= 3) 0.379779
5%LSD 8DF 1.23842
-------------------------------------------------------------------------------
MEANS FOR EFFECT NL
-------------------------------------------------------------------------------
NL NOS CAO2TSC CAONHANH CCCC NHANH2TS
1 5 39.5100 69.7500 102.610 1.36000
2 5 39.4700 69.1600 104.340 1.48000
3 5 38.5000 67.9800 104.680 1.26000
SE(N= 5) 1.00948 1.11586 0.908011 0.191398
5%LSD 8DF 3.29183 3.63871 2.96093 0.624131
NL NOS KTDN BHH LA2TSC LANHANH
1 5 5.08000 4.10000 5.57400 10.9820
2 5 5.22000 4.08000 5.44200 11.0140
3 5 4.70000 4.02000 5.20200 10.5980
SE(N= 5) 0.283255 0.209921 0.206675 0.305809
5%LSD 8DF 0.923666 0.684530 0.673947 0.997213
NL NOS LADONG
1 5 15.1980
2 5 15.2740
3 5 14.7920
SE(N= 5) 0.294176
5%LSD 8DF 0.959277
-------------------------------------------------------------------------------
ANALYSIS OF VARIANCE SUMMARY TABLE FILE CAOCAYIR 13/12/ 8 1:36
------------------------------------------------------------------ :PAGE 11
Anh huong cua K den chieu cao cay, so nhanh, so la N46
F-PROBABLIITY VALUES FOR EACH EFFECT IN THE MODEL. SECTION - 1
VARIATE GRAND MEAN STANDARD DEVIATION C OF V |CT$ |NL |
(N= 15) -------------------- SD/MEAN | | |
NO. BASED ON BASED ON % | | |
OBS. TOTAL SS RESID SS | | |
CAO2TSC 15 39.160 1.9474 2.2573 5.8 0.7752 0.7371
CAONHANH 15 68.963 2.5273 2.4951 3.6 0.3593 0.5501
CCCC 15 103.88 2.4975 2.0304 2.0 0.1209 0.2810
NHANH2TS 15 1.3667 0.36580 0.42798 8.3 0.8104 0.7304
KTDN 15 5.0000 0.55162 0.63338 12.7 0.9278 0.4456
BHH 15 4.0667 0.38483 0.46940 11.5 0.8488 0.9619
LA2TSC 15 5.4060 0.41641 0.46214 8.5 0.7879 0.4721
LANHANH 15 10.865 0.62818 0.68381 6.3 0.6340 0.5892
LADONG 15 15.088 0.63150 0.65780 4.4 0.5393 0.4951
TABLE OF MEANS FOR FACTORIAL EFFECTS FILE HSQH 13/12/ 8 2: 2
------------------------------------------------------------------ :PAGE 11
Anh huong cua K den LAI, DM, tich luy chat kho va HSQH thuan cua N46
MEANS FOR EFFECT CT$
-------------------------------------------------------------------------------
CT$ NOS LAINHANH LAITRO LAISAP DMNHANH
K0 3 2.03333 4.52333 4.03333 5.05667
K1 3 2.28000 4.57000 3.40000 5.90000
K2 3 2.65333 4.77667 3.33333 5.83333
K3 3 2.55000 4.89333 3.26667 5.28667
K4 3 2.57333 4.88000 3.26667 5.79000
SE(N= 3) 0.133460 0.689887E-01 0.200278 0.243816
5%LSD 8DF 0.435201 0.224965 0.653085 0.795058
CT$ NOS DMTRO DMSAP TICHLUY T.LUYSAP
K0 3 18.6000 26.8667 19.0453 18.6000
K1 3 19.8333 27.6000 19.5938 17.4750
K2 3 21.1333 28.4333 21.5156 16.4250
K3 3 20.2000 27.6000 20.9719 16.6500
K4 3 20.3333 27.8000 20.4516 16.8000
SE(N= 3) 0.813532 0.609690 1.03115 0.741704
5%LSD 8DF 2.85284 1.98814 3.36248 2.41862
CT$ NOS HSQHT HSQHSAP
K0 3 5.81123 4.35382
K1 3 5.73791 4.37845
K2 3 5.78777 4.05582
K3 3 5.64140 4.08057
K4 3 5.49043 4.12669
SE(N= 3) 0.324760 0.150532
5%LSD 8DF 1.05901 0.490869
-------------------------------------------------------------------------------
MEANS FOR EFFECT NL
-------------------------------------------------------------------------------
NL NOS LAINHANH LAITRO LAISAP DMNHANH
1 5 2.41400 4.75400 3.56000 5.32600
2 5 2.50000 4.73200 3.58000 5.99400
3 5 2.34000 4.70000 3.24000 5.40000
SE(N= 5) 0.103378 0.534384E-01 0.155134 0.188859
5%LSD 8DF 0.337105 0.174257 0.505877 0.615850
NL NOS DMTRO DMSAP TICHLUY T.LUYSAP
1 5 20.2600 28.0400 21.0009 17.5050
2 5 20.0800 27.8000 19.8084 17.3700
3 5 19.7200 27.1400 20.1375 16.6950
SE(N= 5) 0.630159 0.472264 0.798726 0.574521
5%LSD 8DF 2.05488 1.54001 2.60456 1.87346
NL NOS HSQHT HSQHSAP
1 5 5.87300 4.21100
2 5 5.47561 4.17341
3 5 5.73263 4.21280
SE(N= 5) 0.251558 0.116601
5%LSD 8DF 0.820305 0.380226
-------------------------------------------------------------------------------
ANALYSIS OF VARIANCE SUMMARY TABLE FILE HSQH 13/12/ 8 2: 2
------------------------------------------------------------------ :PAGE 12
Anh huong cua K den LAI, DM, tich luy chat kho va HSQH thuan cua N46
F-PROBABLIITY VALUES FOR EACH EFFECT IN THE MODEL. SECTION - 1
VARIATE GRAND MEAN STANDARD DEVIATION C OF V |CT$ |NL |
(N= 15) -------------------- SD/MEAN | | |
NO. BASED ON BASED ON % | | |
OBS. TOTAL SS RESID SS | | |
LAINHANH 15 2.4180 0.30278 0.23116 9.6 0.0545 0.5755
LAITRO 15 4.7287 0.18527 0.11949 2.5 0.0142 0.7805
LAISAP 15 3.4600 0.43061 0.34689 10.0 0.1131 0.2773
DMNHANH 15 5.5733 0.56561 0.42230 7.6 0.1357 0.0701
DMTRO 15 20.020 1.3863 1.4091 7.0 0.3501 0.8310
DMSAP 15 27.660 1.0301 1.0560 3.8 0.5363 0.4203
TICHLUY 15 20.316 1.7193 1.7860 8.8 0.4861 0.5782
T.LUYSAP 15 17.190 1.3197 1.2847 7.5 0.3146 0.5904
HSQHT 15 5.6937 0.47385 0.56250 9.9 0.9492 0.5551
HSQHSAP 15 4.1991 0.24445 0.26073 6.2 0.4367 0.9649
TABLE OF MEANS FOR FACTORIAL EFFECTS FILE NSK 2/12/ 8 13:29
------------------------------------------------------------------ :PAGE 8
Anh huong cua K den cac yeu to cau thanh NS va NS lua N46
MEANS FOR EFFECT CT$
-------------------------------------------------------------------------------
CT$ NOS SOBONG S.HAT/BO TLCHAC
K0 3 180.033 166.219 89.8000
K1 3 175.500 167.209 91.7833
K2 3 188.800 155.007 93.4500
K3 3 192.800 155.210 92.1000
K4 3 176.467 164.778 92.1333
SE(N= 3) 5.69155 8.77802 2.59344
5%LSD 8DF 18.5596 16.6242 8.45694
CT$ NOS M1000 NSLT NNTT
K0 3 24.9333 67.0467 58.0667
K1 3 25.0667 67.5900 58.7000
K2 3 25.0333 68.5933 60.2667
K3 3 25.1000 69.1500 59.9000
K4 3 25.1000 67.4000 58.2000
SE(N= 3) 0.936899E-01 3.89591 2.98097
5%LSD 8DF 0.305513 12.7042 9.72063
-------------------------------------------------------------------------------
MEANS FOR EFFECT NL
-------------------------------------------------------------------------------
NL NOS SOBONG S.HAT/BO TLCHAC
1 5 182.740 162.756 89.6400
2 5 185.420 166.942 91.6600
3 5 180.000 155.355 94.2600
SE(N= 5) 4.40865 6.79943 2.00887
5%LSD 8DF 14.3762 22.1722 6.55071
NL NOS M1000 NSLT NNTT
1 5 25.1400 67.2440 59.1200
2 5 24.9800 71.1460 60.8800
3 5 25.0200 65.4780 57.0800
SE(N= 5) 0.725719E-01 3.01776 2.30905
5%LSD 8DF 0.236650 9.84061 7.52957
-------------------------------------------------------------------------------
ANALYSIS OF VARIANCE SUMMARY TABLE FILE NSK 2/12/ 8 13:29
------------------------------------------------------------------ :PAGE 9
Anh huong cua K den cac yeu to cau thanh NS va NS lua N46
F-PROBABLIITY VALUES FOR EACH EFFECT IN THE MODEL. SECTION - 1
VARIATE GRAND MEAN STANDARD DEVIATION C OF V |CT$ |NL |
(N= 15) -------------------- SD/MEAN | | |
NO. BASED ON BASED ON % | | |
OBS. TOTAL SS RESID SS | | |
SOBONG 15 182.72 10.563 9.8581 5.4 0.2163 0.7003
S.HAT/BO 15 161.68 13.719 15.204 9.4 0.7534 0.5084
TLCHAC 15 91.853 4.1039 4.4920 4.9 0.8968 0.3180
M1000 15 25.047 0.15523 0.16228 0.6 0.7100 0.3211
NSLT 15 67.956 5.7178 6.7479 9.9 0.9917 0.4379
NNTT 15 59.027 4.3216 5.1632 8.7 0.9716 0.5379
TABLE OF MEANS FOR FACTORIAL EFFECTS FILE NSSH 3/11/ 8 8:40
------------------------------------------------------------------ :PAGE 5
Anh huong cua lieu luong K den NSSH va he so kinh te N46
MEANS FOR EFFECT CT$
-------------------------------------------------------------------------------
CT$ NOS KLCAY KLHAT NSSH KKTE
K0 3 15.4278 14.2533 29.6811 0.478114
K1 3 14.3912 15.0200 29.4112 0.510204
K2 3 14.0194 15.2400 29.2594 0.518771
K3 3 14.1531 15.3667 29.5198 0.522033
K4 3 14.3263 14.9767 29.3029 0.511945
SE(N= 3) 0.213897 0.803990 0.675325 0.160208E-01
5%LSD 8DF 0.697496 2.62173 2.20217 0.062242
-------------------------------------------------------------------------------
MEANS FOR EFFECT NL
-------------------------------------------------------------------------------
NL NOS KLCAY KLHAT NSSH KKTE
1 5 14.4104 14.9420 29.3524 0.508000
2 5 14.6399 15.6220 30.2619 0.516000
3 5 14.3403 14.3500 28.6903 0.500000
SE(N= 5) 0.165684 0.622768 0.523105 0.124097E-01
5%LSD 8DF 0.540278 2.03078 1.70579 0.040466
-------------------------------------------------------------------------------
ANALYSIS OF VARIANCE SUMMARY TABLE FILE NSSVH 3/11/ 8 8:40
------------------------------------------------------------------ :PAGE 6
Anh huong cua lieu luong K den NSSH va he so kinh te N46
F-PROBABLIITY VALUES FOR EACH EFFECT IN THE MODEL. SECTION - 1
VARIATE GRAND MEAN STANDARD DEVIATION C OF V |CT$ |NL |
(N= 15) -------------------- SD/MEAN | | |
NO. BASED ON BASED ON % | | |
OBS. TOTAL SS RESID SS | | |
KLCAY 15 14.464 0.6027 0.37048 2.6 0.0113 0.4484
KLHAT 15 14.971 1.2480 1.3926 9.3 0.8771 0.3970
NSSH 15 29.435 1.1187 1.1697 4.0 0.9884 0.1642
KKTE 15 0.5080 0.2678 0.27749 5.5 0.4393 0.6770
TABLE OF MEANS FOR FACTORIAL EFFECTS FILE CLGAO 22/10/ 8 8:55
------------------------------------------------------------------ :PAGE 6
Anh huong cua lieu luong K den chat luong gao N46
MEANS FOR EFFECT CT$
-------------------------------------------------------------------------------
CT$ NOS AMYLOSE PROTEIN %GAOLAT %GAOSAT
K0 3 19.7667 8.48333 76.6333 66.7333
K1 3 20.0833 8.73333 77.1667 67.7000
K2 3 20.3833 8.71667 78.0667 67.8333
K3 3 20.0000 8.80000 76.8000 66.8000
K4 3 19.9733 8.76667 77.0000 66.4667
SE(N= 3) 0.218691 0.380770 0.985195 0.805880
5%LSD 8DF 0.713128 1.24165 3.21262 2.62789
CT$ NOS GAONGUYE
K0 3 87.2333
K1 3 88.4667
K2 3 89.2000
K3 3 88.5667
K4 3 88.5000
SE(N= 3) 3.56087
5%LSD 8DF 11.6116
-------------------------------------------------------------------------------
MEANS FOR EFFECT NL
-------------------------------------------------------------------------------
NL NOS AMYLOSE PROTEIN %GAOLAT %GAOSAT
1 5 19.8540 8.78000 76.3200 65.0400
2 5 21.5600 8.73000 83.0200 73.7400
3 5 18.7100 8.59000 72.0600 62.5400
SE(N= 5) 0.169397 0.294944 0.763129 0.624232
5%LSD 8DF 0.552387 0.961781 2.48849 2.03556
NL NOS GAONGUYE
1 5 90.2800
2 5 88.3200
3 5 86.5800
SE(N= 5) 2.75824
5%LSD 8DF 8.99433
-------------------------------------------------------------------------------
ANALYSIS OF VARIANCE SUMMARY TABLE FILE CLGAO 22/10/ 8 8:55
------------------------------------------------------------------ :PAGE 7
Anh huong cua lieu luong K den chat luong gao N46
F-PROBABLIITY VALUES FOR EACH EFFECT IN THE MODEL. SECTION - 1
VARIATE GRAND MEAN STANDARD DEVIATION C OF V |CT$ |NL |
(N= 15) -------------------- SD/MEAN | | |
NO. BASED ON BASED ON % | | |
OBS. TOTAL SS RESID SS | | |
AMYLOSE 15 20.041 1.2626 0.37878 1.9 0.4409 0.0000
PROTEIN 15 8.7000 0.51858 0.65951 7.6 0.9735 0.8954
%GAOLAT 15 77.133 4.8720 1.7064 2.2 0.8556 0.0001
%GAOSAT 15 67.107 5.1115 1.3958 2.1 0.6834 0.0000
GAONGUYE 15 88.393 4.9621 6.1676 7.0 0.9941 0.6563
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG NGHIỆP HÀ NỘI
---------------------------
HOÀNG VĂN HỒNG
ẢNH HƯỞNG CỦA LƯỢNG PHÂN BÓN N, P, K KHÁC NHAU ĐẾN SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN, NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG GIỐNG LÚA N46 VỤ XUÂN 2008 TẠI GIA LÂM - HÀ NỘI
LUẬN VĂN THẠC SĨ NÔNG NGHIỆP
Chuyên ngành: Trồng trọt
Mã số: 62.60.01
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. PHAN HỮU TÔN
HÀ NỘI - 2008
Lêi cam ®oan
T«i xin cam ®oan r»ng c¸c sè liÖu, kÕt qu¶ nªu trong luËn v¨n lµ hoµn toµn trung thùc vµ cha tõng ®îc sö dông ®Ó b¶o vÖ mét häc vÞ nµo.
Trong qu¸ tr×nh thùc hiÖn vµ hoµn thiÖn luËn v¨n, mäi sù gióp ®ì ®Òu ®· ®îc c¶m ¬n, c¸c th«ng tin trÝch dÉn sö dông trong luËn v¨n ®Òu ®îc ghi râ nguån gèc.
Hµ Néi, ngµy th¸ng n¨m 2008
T¸c gi¶
Hoµng V¨n Hång
Lêi c¶m ¬n
Trong suèt qu¸ tr×nh thùc hiÖn ®Ò tµi vµ hoµn thµnh b¶n luËn v¨n nµy, t«i ®· nhËn ®îc sù gióp ®ì tËn t×nh cña c¬ quan, thÇy gi¸o híng dÉn, c¸c thÇy c« gi¸o, gia ®×nh cïng b¹n bÌ ®ång nghiÖp.
Tríc tiªn t«i xin bµy tá lßng biÕt ¬n s©u s¾c tíi PGS.TS. Phan H÷u T«n, ngêi ®· tËn t×nh híng dÉn, gióp ®ì t«i trong suèt qu¸ tr×nh thùc hiÖn ®Ò tµi vµ hoµn thµnh luËn v¨n tèt nghiÖp.
Xin tr©n träng c¶m ¬n c¸c thÇy c« gi¸o trong Bé m«n C«ng nghÖ sinh häc, Ban chñ nhiÖm Khoa N«ng häc, Ban L·nh ®¹o vµ tËp thÓ c¸n bé Khoa Sau §¹i hoc, Ban Gi¸m hiÖu Trêng §¹i häc N«ng NghiÖp Hµ Néi, ®· gióp ®ì t«i rÊt nhiÒu trong qu¸ tr×nh häc tËp vµ nghiªn cøu.
Cuèi cïng t«i xin ch©n thµnh c¶m ¬n c¸c b¹n bÌ, ®ång nghiÖp, cïng toµn thÓ gia ®×nh ®· t¹o ®iÒu kiÖn thuËn lîi, ®éng viªn gióp ®ì t«i trong suèt qu¸ tr×nh häc tËp, nghiªn cøu vµ hoµn thµnh b¶n luËn v¨n nµy.
Hµ Néi, ngµy th¸ng n¨m 2008
T¸c gi¶
Hoµng V¨n Hång
MỤC LỤC
Lời cam đoan i
Lời cảm ơn ii
Mục lục iii
Danh mục bảng vi
Danh mục đồ thị viii
DANH MỤC BẢNG
STT
Tên bảng
Trang
2.1. Lượng dinh dưỡng cây lúa cần để tạo ra 1 tấn thóc 4
2.2. Diện tích, năng suất và sản lượng lúa ở nước ta 2000 – 2007 7
2.3. Các nước thâm canh phân bón cao nhất trên thế giới 18
2.4. Nhu cầu và cân đối phân bón ở Việt Nam đến năm 2020 19
2.5. Lượng phân bón cho lúa 27
4.1. Ảnh hưởng của đạm đến thời gian các giai đoạn sinh trưởng giống N46 38
4.2. Ảnh hưởng của đạm đến chiều cao cây, số nhánh, số lá qua các giai đoạn sinh trưởng 39
4.3. Ảnh hưởng của đạm đến chỉ số diện tích lá (LAI) và khối lượng chất khô tích luỹ (DM) 41
4.4. Ảnh hưởng của đạm đến tốc độ tích luỹ chất khô và hiệu suất quang hợp thuần 43
4.5. Ảnh hưởng của đạm đến khả năng nhiễm sâu, bệnh hại trên N46 45
4.6. Ảnh hưởng của đạm đến năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất 46
4.7. Năng suất tích lũy và hiệu suất sử dụng đạm của N46 47
4.8. Ảnh hưởng của đạm bón đến năng suất sinh học và hệ số kinh tế 48
4.9. Ảnh hưởng của đạm đến 1 số chỉ tiêu chất lượng gạo N46 49
4.10. So sánh năng suất giữa các mức đạm bón với giống N46 50
4.11. Ảnh hưởng của lân đến thời gian các giai đoạn sinh trưởng giống N46 57
4.12. Ảnh hưởng của mức lân bón đến chiều cao cây, số nhánh, số lá qua các giai đoạn sinh trưởng 58
4.13. Ảnh hưởng của mức lân bón đến chỉ số diện tích lá (LAI) và khối lượng chất khô tích luỹ 59
4.14. Ảnh hưởng của các mức lân đến tốc độ tích luỹ chất khô và hiệu suất quang hợp thuần 60
4.15. Ảnh hưởng của mức lân bón đến sâu bệnh hại 61
4.16. Ảnh hưởng của mức lân bón đến các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất: 62
4.17. Năng suất tích lũy và hiệu suất bón lân của N46 64
4.18. Ảnh hưởng của lân đến năng suất sinh học và hệ số kinh tế 64
4.19. Ảnh hưởng của mức lân bón đến 1 số chỉ tiêu chất lượng gạo N46 65
4.20. So sánh năng suất lúa N46 giữa các mức bón lân 66
4.21. Ảnh hưởng của mức kali bón đến thời gian các giai đoạn sinh trưởng giống N46 72
4.22. Ảnh hưởng của mức kali bón đến tăng trưởng chiều cao cây, số nhánh, số lá 73
4.23. Ảnh hưởng của mức kali bón đến chỉ số diện tích lá (LAI) và tích luỹ chất khô 74
4.24. Ảnh hưởng của mức kali bón đến tốc độ tích luỹ chất khô và hiệu suất quang hợp thuần 75
4.25. Ảnh hưởng của kali đến tình hình sâu, bệnh hại 76
4.26. Ảnh hưởng của mức kali bón đến các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất 77
4.27. Năng suất tích lũy và hiệu suất sử dụng kali của N46 78
4.28. Ảnh hưởng của mức kali bón đến năng suất sinh học và hệ số kinh tế 79
4.29. Ảnh hưởng của kali đến 1 số chỉ tiêu chất lượng gạo N46 80
4.30. So sánh năng suất lúa N46 giữa các mức bón K 81
4.31. Phân tích chi phí trội ở các mức đầu tư phân bón với giống lúa N46 vụ xuân 2008 83
DANH MỤC ĐỒ THỊ
STT
Tên đồ thị
Trang
4.1. Tương quan giữa chỉ số diện tích lá với năng suất thực thu 51
4.2. Tương quan giữa khối lượng chất khô với năng suất thực thu 53
4.3. Tương quan giữa các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất 55
4.4. Tương quan giữa hàm lượng amylose và protein với năng suất 56
4.5. Tương quan giữa chỉ số diện tích lá ở các giai đoạn sinh trưởng với năng suất thực thu 67
4.6. Tương quan giữa khối lượng chất khô ở các giai đoạn sinh trưởng với năng suất thực thu 69
4.7. Tương quan giữa các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất thực thu 70
4.8. Tương quan giữa hàm lượng amylose và protein với năng suất thực thu 71
4.9. Tương quan giữa chỉ số diện tích lá ở các giai đoạn sinh trưởng với năng suất thực thu 82
4.10. Tương quan giữa khối lượng chất khô ở các giai đoạn sinh trưởng với năng suất thực thu 83
4.11. Tương quan giữa các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất thực thu 83
4.12. Tương quan giữa hàm lượng amylose và protein với năng suất thực thu 83
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- CHTT001.doc